Giáo sĩ Do Thái và lãnh đạo Hồi giáo cùng Đức Giáo Hoàng công du Đất Thánh

Giáo sĩ Do Thái và lãnh đạo Hồi giáo cùng Đức Giáo Hoàng công du Đất Thánh

Một giáo sĩ Do Thái và một nhà lãnh đạo Hồi giáo sẽ cùng tham gia với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến thăm Đất Thánh sắp đến. Đây là lần đầu một phái đoàn chính thức của giáo hoàng có các thành viên của các tôn giáo khác, Vatican cho biết hôm thứ Năm.

Hai người bạn và cộng tác viên lâu năm của Đức Phanxicô từ những ngày ngài còn là tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires, là vị giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka và Omar Abboud, nhà lãnh đạo cộng đoàn Hồi giáo Argentina, có mặt trong phái đoàn chính thức chuyến thăm Jordan, Bờ Tây, Israel từ ngày 24-26 tháng 5.

Phát ngôn viên Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết sự hiện diện của hai vị này trong phái đoàn là một “điều hoàn toàn mới lạ” mà Đức Phanxicô rất mong muốn cho thấy điều hoàn toàn “bình thường” khi có các bạn bè thuộc niềm tin tôn giáo khác.

Giáo sĩ Skorka và Đức Hồng Y Jorge Mario-Bergoglio trước đây đã cùng viết cuốn “Trên Trời và Dưới Đất”, nhằm tìm hiểu các khía cạnh của Do Thái giáo và Công giáo về nhiều vấn đề. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hồi giáo Abboud là người đối thoại Hồi giáo chính của Hồng y Bergoglio tại giáo phận Buenos Aires và gần đây tham gia chuyến thăm liên tôn giáo tại các điểm dừng chân chính trong chuyến thăm sắp đến của Đức Phanxicô.

Mục đích chính trong suốt chuyến thăm của Đức Phanxicô là kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử đến Jerusalem của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của giáo hoàng.

Trong chuyến công du năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô đã gặp các lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính Thống giáo trên thế giới, Đức Thượng Phụ Đại kết Athenagoras, kết thúc hàng trăm năm bất hoà giữa người Công giáo và Chính Thống giáo. Đức Phanxicô cũng sẽ gặp Đức Thượng Phụ Đại kết hiện nay, Đức Bartholomew I, bốn lần khác nhau trong chuyến thăm ba ngày. Điểm nổi bật là cùng cầu nguyện tại nhà thờ Mộ Thánh, một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của Kitô giáo nơi các tín hữu tin rằng Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và phục sinh.

Cha Lombardi nói rằng buổi cầu nguyện chung bản thân là một “sự kiện lịch sử” vì cả ba cộng đoàn Kitô cùng chia sẻ một giáo hội, Chính Thống Hy Lạp, Công giáo La Mã và Armenia cùng lúc cầu nguyện chung.

Các buổi cầu nguyện tại nhà thờ cổ thường riêng biệt, mỗi cộng đoàn thường bảo vệ một lãnh địa riêng và chương trình cầu nguyện riêng.

Nguồn: NY Daily News/AP

Trích từ UCANEWS VN

Comments are closed.