Giáo hội sẽ có thêm 1 vị thánh, 14 chân phước và 2 đấng đáng kính

Giáo hội sẽ có thêm 1 vị thánh, 14 chân phước và 2 đấng đáng kính

Sáng 15.01 vừa qua, trong buổi tiếp kiến ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Tuyên Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận phép lạ liên quan đến chân phước Margarita Bays, nhìn nhận các cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen và 13 nữ tu cùng dòng; và nhìn nhận các nhân đức anh hùng của hai tôi tớ Chúa là nữ tu Anna Kaworek và nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos.

1 tân hiển thánh

Trước hết, ĐTC chính thức nhìn nhận một phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của chân phước trinh nữ Margarita Bays, dòng Ba Phanxicô. Đây là phép lạ cần thiết để chân phước được tuyên phong hiển thánh. Chân phước Margarita Bays sinh năm 1815 tại La Pierraz, Thụy sĩ, trong một gia đình nông dân. Chị làm thợ may tại nhà, và tuy chăm chỉ làm hết sức mình để đáp ứng nhiều nhu cầu của những người hàng xóm, chị không bao giờ lơ là việc cầu nguyện. Trong cuộc chiến văn hóa, chị đã ủng hộ báo chí Công giáo. Nhưng biến cố thay đổi chị triệt để chính là ơn được mang các dấu thánh. Sau đó, chị lại được lành bệnh ung thư ruột một cách lạ kỳ vào tháng 08.1854, trong khi ĐGH Pio IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Chị Margarita Bays qua đời ngày năm 1879 và được tuyên phong chân phước vào năm 1995.

14 tân chân phước

Trong sắc lệnh thứ hai, ĐTC nhìn nhận cuộc tử đạo của nữ tu Maria del Carmen, bề trên tổng quyền, và 13 nữ tu cùng dòng Phanxicô Đức Mẹ thu thai. Các chị đã bị giết tại Tây ban nha vào năm 1936 vì sự thù oán đức tin. Với sắc lệnh này, các chị sẽ được tuyên phong chân phước.

2 Đấng đáng kính

Trong 2 sắc lệnh tiếp theo, ĐTC nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 2 vị Tôi tớ Chúa. Thứ nhất là nữ tu Anna Kaworek, đồng sáng lập dòng các nữ tu tổng lãnh thiên thần Micae, sinh tại Biedrzychowice, Balan, năm 1872 và qua đời năm 1936; thứ hai là nữ tu Maria Soledad Sanjurjo Santos, dòng Các Nữ tỳ Đức Maria phục vụ bệnh nhân, sinh tại Puerto Rico năm 1892 và qua đời năm 1973. (REI 15.01.2019)

Hồng Thủy – Vatican

ĐTC sẽ khai mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất

ĐTC sẽ khai mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất

Hằng năm, ĐTC vẫn chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma vào ngày 25-1, lễ Thánh Phaolô trở lại. Nhưng năm nay, ngài bận viếng thăm tại Panama từ ngày 23 đến 27-1 tới đây, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34, nên ngài chủ sự kinh chiều khai mạc.

100 năm lịch sử

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô đã có từ hơn 100 năm nay do sáng kiến của Mục Sư Anh Giáo Paul Wattson, sau này trở thành một LM Công Giáo. Từ 50 năm nay, chủ đề và các văn bản Kinh Thánh dùng trong Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất Kitô do một nhóm làm việc chung thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Ủy ban Đức tin và Hiến Chế thuộc Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève cùng soạn thảo (KNA 8-1-2019)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

Thành phố Rakovski, Bungari, chuẩn bị đón tiếp ĐTC Phanxicô

Thành phố Rakovski, Bungari, chuẩn bị đón tiếp ĐTC Phanxicô

ĐTC sẽ đi trực thăng đến thành phố Rakovski ở miền Plovdiv, thành phố có khoảng 30 ngàn dân. Dự kiến là sẽ có khoảng 50 ngàn người tham dự Thánh lễ, trong số đó có rất nhiều người đến từ các vùng khác của Bungari.

40 em rước lễ lần đầu

Cha Mladen, cha sở giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giê-su thuật lại rằng tất cả các thiếu nhi 7 và 8 tuổi rất nhiệt tình và nôn nóng được gặp ĐTC. Cha cũng cho biết rằng các em đang chuẩn bị quà tặng cho ĐTC nhưng không muốn tiết lộ các chi tiết khác.

Các công việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ĐTC đang tiến hành thuận lợi. Cha Dimitar sẽ đến Vatican vào ngày 12/01 để nhận những hướng dẫn chi tiết về chuyến viếng thăm của ĐGH, đặc biệt để quyết định bài hát nào sẽ được hát, về thời gian cử hành Thánh lễ và các chi tiết đặc biệt khác cần thiết cho việc chuẩn bị sự kiện.

Sự kiện duy nhất  xảy ra một lần trong đời

Thị trưởng thành phố Rakovski, ông Paul Gudzherov, cũng cho biết mình rất nhiệt tình và vui mừng có thể đón tiếp ĐTC Phanxicô. Ông nói: “Chúng tôi đang hăng hái chuẩn bị. Đối với chúng tôi, đây là một sự kiện đặc biệt, duy nhất, thường chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời của các thành phố và người dân”.

Thành phố Rakovski được chia thành ba quận – Generale Nikolaevo, Sekirovo và Parchevich – và có cộng đoàn Công giáo lớn nhất nước Bungari. Ông thị trưởng cho biết là nhờ sự trợ giúp của chính quyền nhà nước, các đường phố, quảng trường, vườn hoa, đường đi bộ và ánh sáng đang được xây dựng và sửa chữa; các việc này sẽ sẵn sàng để đón tiếp ĐTC Phanxicô. Thành phố đã bắt đầu công việc chuẩn bị từ năm ngoái khi chuyến viếng thăm Bungari của ĐTC được xác định và lên kế hoạch chi tiết.

ĐTC Phanxicô sẽ thăm Bungari từ ngày 05-07/05 năm nay.

Hồng Thủy

Bổ nhiệm Giám đốc tạm thời của phòng Báo chí Tòa Thánh

Bổ nhiệm Giám đốc tạm thời của phòng Báo chí Tòa Thánh

Ngày 31/12/2018, ĐTC Phanxicô đã nhận đơn từ chức của tiến sĩ Greg Burke, cho đến nay là Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, và của nữ tiến sĩ Paloma García Ovejero, cho đến nay là Phó Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh. Đồng thời ĐTC đã bổ nhiệm tiến sĩ Alessandro Gisotti, hiện là Điều phối viên về  Truyền thông Xã hội của Bộ Truyền Thông Vatican, làm Giám đốc tạm thời của Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Tiểu sử

Ông Alessandro Gisotti, 44 tuổi, sinh tại Roma, đã kết hôn và có hai người con. Ông tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại đại học Sapienza của Roma vào năm 1999 và hiện là nhà báo chuyên nghiệp. Sau một thời gian làm việc tại Văn phòng Thông tin của Liên hiệp quốc ở Roma, vào năm 2000, ông bắt đầu làm biên tập viên của Radio Vatican.

Từ năm 2011-2016, ông Gisotti là phó giám đốc biên tập của đài phát thanh của Tòa thánh. Ông đã theo dõi các hoạt động của 3 vị Giáo hoàng cuối cùng ở Roma và trong các chuyến tông du quốc tế và tại Ý. Từ năm 2017 ông được bổ nhiệm làm điều phối viên của Ủy ban Truyền thông Xã hội của Bộ Truyền Thông Vatican.

Ông Gisotti cũng đã dạy về báo chí tại Học viện Massimo của dòng Tên tại Roma và Lý thuyết và Kỹ thuật Báo chí tại đại học Laterano. Ông đã xuất bản một số bài báo và nghiên cứu về truyền thông của Giáo hội, đặc biệt là cuốn “Mười Điều răn của Truyền thông tốt theo ĐGH Phanxicô”, xuất bản vào năm 2016, do ĐHY Luis Antonio Tagle viết lời tựa.

Tuyên ngôn của Bộ trưởng Bộ Truyền thông Vatican

Tôi biết được quyết định của ông Greg Burke và bà Paloma García Ovejero, và sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng Phanxicô về việc từ chức của họ. Trong vài tháng làm việc cùng nhau, tôi có thể đánh giá cao sự chuyên nghiệp, tính nhân bản và đức tin của họ. Do đó, tôi cám ơn họ vì sự cống hiến mà họ đã thực hiện công việc của họ cho đến nay. Hôm nay, đối mặt với sự lựa chọn tự do của họ, tôi chỉ có thể tôn trọng quyết định mà họ đã đưa ra. Ông Greg và bà Paloma (được người tiền nhiệm của tôi, Đức ông Dario Edoardo Viganò chọn) là Giám đốc đầu tiên và Phó Giám đốc đầu tiên của Phòng Báo chí Tòa Thánh sau khi bắt đầu việc cải cách hệ thống thông tin của Tòa Thánh mà ĐTC đã quyết định. Sự dấn thân có ý nghĩa của họ đối với hành trình cải tổ mà ngày nay – theo chính họ – để hoàn thành cần có một sự chuyển giao nhân sự nhanh chóng, trong tinh thần phục vụ Giáo hội mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Chính với tinh thần phục vụ và trung thành với ĐTC này mà chính tôi sẽ sẽ tiến hành con đường phức tạp của cuộc cải cách quan trọng này. Năm đang đến đầy những sự kiện quan trọng, nó đòi hỏi nỗ lực truyền thông tối đa. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng ông Alessandro Gisotti, cho đến nay phụ trách về Truyền thông Xã hội của Bộ Truyền Thông và đã từng là phó biên tập chương trình của Radio Vatican, sẽ biết hướng dẫn Phòng Báo Chí Tòa Thánh tạm thời trong thời gian chờ đợi sự bổ nhiệm chính thức mới.

Tuyên ngôn của ông Alessandro Gisotti

“Tôi cám ơn Đức Thánh Cha về sự tin tưởng được đặt trong một thời điểm tế nhị đối với Bộ Truyền thông của Tòa Thánh. Tôi hoàn toàn sẵn sàng theo sự lãnh đạo của Bộ trưởng Ruffini. Đối với ông Greg Burke và bà Paloma G. Ovejero, tôi có mối liên hệ tôn trọng và tình bạn. Tôi liên kết với ông Bộ trưởng trong việc cám ơn họ đã điều hành Phòng Báo Chí trong 2,5 năm qua. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đượ ủy thác cho tôi cách tốt nhất mà khả năng tôi có thể làm, với tinh thần phục vụ Giáo hội và ĐGH mà tôi đã có hân hạnh học hỏi khi ở bên cạnh cha Federico Lombardi gần 20 năm. Tôi biết rõ rằng nhiệm vụ của tôi, trong thời gian tạm thời, đặc biệt khó khăn nhưng tôi được an ủi khi biết giá trị to lớn của các đồng nghiệp của tôi trong Phòng Báo chí, mà trong nhiều trường hợp tôi có thể đánh giá cao sự chuyên nghiệp và cống hiến của họ.”

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2018

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2018

Thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành, bắt đầu lúc 21 giờ 30 tối ngày 24-12-2001, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu ngồi chật Đền Thờ Thánh Phêrô, trong đó có nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Đồng tế với ngài có đông đảo các Hồng Y, GM và và hằng trăm linh mục.

 12 em bé dâng hoa

 Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều mầu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Nhi. 12 em bé, được chọn từ 5 nước: Italia, Trung Quốc, Panama, Cộng hòa Dân Chủ Congo, Rumani và Nhật Bản, đã đặt các bó hoa cạnh ảnh tượng Chúa Hài Đồng.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng, ĐTC đi từ sự kiện nguyên ngữ từ ”Bethlehem” có nghĩa là ”nhà bánh” và ngài nhắc đến sự kiện Chúa đến trong ”Nhà Bánh” để trở nên lương thực hằng ngày cho chúng ta, để ban sự sống cho nhân loại. ”Trong lễ Giáng Sinh, chúng ta đón nhận Chúa Giêsu là Bánh bởi trời giáng thế: đó là lương thực không bao giờ bị hư, và làm cho chúng ta nếm hưởng từ bây giờ cuộc sống đời đời.”

 Vai trò những người chăn súc vật

 Bethlehem cũng là thành của Vua Đavit, người đã được Thiên Chúa chọn trong lúc chăn đoàn vật để làm người hướng dẫn cai quản Dân Chúa. Ngày Chúa giáng sinh trong thành của Vua Đavít, những người đón nhận Chúa Giêsu Hài Đồng chính là những người chăn súc vật. Được Sứ thần Chúa báo tin, họ mau lẹ lên đường đến gặp Con Vua Đavít giáng sinh.

 Noi gương tỉnh thức của các mục tử

 “Những người chăn chiên ở Bethlehem cũng nói với chúng ta về cách thức đi gặp Chúa. Họ tỉnh thức trong đêm: họ không ngủ, nhưng làm điều Chúa Giêsu sẽ yêu cầu nhiều lần: ”hãy tỉnh thức” (Mt 25,13). Họ canh thức, chờ đợi tỉnh thức trong đêm đen; và Thiên Chúa ”bao phủ họ bằng ánh sáng” (Lc 2,9). Điều này cũng được áp dụng cho chúng ta. Cuộc sống của chúng ta cũng có thể là một sự chờ đợi, cả trong những đêm đen của các vấn đề, chúng ta tín thác vào Chúa và mong ước Ngài; khi ấy ta sẽ nhận được ánh sáng của Chúa..”

 Vượt thắng ích kỷ, trần tục và tiêu thụ

 ”Vậy chúng ta hãy đi đến tận Bethlehem” (Lc 2,15).. Con đường ngày nay là con đường lên dốc: cần phải vượt qua cái đỉnh ích kỷ, không được trượt chân rơi vào những hố rãnh cảu tinh thần trần tục và trào lưu duy tiêu thụ.”

 Lời nguyện của ĐTC

 ”Lạy Chúa, con muốn đến Bethlehem, vì tại đó Chúa đang đợi con. Và tại đó con thấy rằng Chúa được đặt trong máng cỏ, Chúa là bánh cho cuộc đời con. Con cần hương thơm dịu dàng của tình yêu Chúa để đến lượt con, con cũng trở thành bánh được bẻ ra cho thế giới. Xin Chúa vác con lên vai như Mục Tử Nhân Lành: được Chúa yêu thương, con cũng có thể yêu mến và giúp đỡ các anh chị em của con. Khi ấy sẽ là lễ Giáng Sinh, khi con có thể nói với Chúa: ”Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa” (Xc Ga 21,17)

 Sau khi ban phép lành cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện có giếng rửa tội. (SD 24-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

ĐTC Phanxicô sinh ngày 12/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina, với tên gọi Jorge Mario Bergoglio. Ngài là con của một gia đình di dân người Ý gốc miền Piemonte. Khi còn trẻ, cậu bé Jorge muốn sẽ trở thành một người bán thịt. Jorge cũng có đam mê ca hát, niềm đam mê xuất phát từ thói quen nghe chương trình ca nhạc nhẹ trên radio mỗi ngày. Ngay từ thời niên thiếu, cậu Jorge đã được cha dạy về tầm quan trọng của lao động. Học nhiều nghề khác nhau và cậu Jorge đã tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học.

Ơn gọi

Nhưng điều quan trọng nhất trong cuộc đời của cậu Jorge chính là đức tin, được người bà Rosa Margherita Vassallo nuôi dưỡng, và chính đức tin này đã làm nảy sinh ơn gọi của cậu Jorge.

Năm 1958, cậu Jorge gia nhập chủng viện và sau đó chọn vào nhà Tập của dòng Tên. Trong thời gian này, thầy Jorge bị viêm phổi nặng và nhờ sơ Cornelia Caraglio, một ý tá, đã thuyết phục bác sĩ sử dụng đúng liều kháng sinh, mà thầy Jorge được cứu sống.

Linh mục

Năm 1968, thầy Jorge được lãnh nhận thiên chức linh mục. Trong ngày đó, bà của cha Jorge đã trao cho cha Jorge một lá thư và vị linh mục trẻ đã giữ trong sách nguyện của mình; trong lá thư đó bà của cha nói với tất cả các cháu: “Chúng ta đã có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc. Nhưng nếu một ngày mà nỗi đau, bệnh tật hay việc mất một người thân yêu khiến cho các cháu bị thất vọng, các cháu hãy nhớ rằng một hơi thở trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, nơi có vị tử đạo vĩ đại và mạnh mẽ nhất, và một cái nhìn về Mẹ Maria, người đã đứng dưới chân thập giá, có thể ban xuống sự xoa dịu trên các vết thương sâu thẳm và đau đớn nhất.”

Giám mục Buenos Aires

Năm 1973, cha Jorge được bổ nhiệm làm giám tỉnh dòng tên ở Argentina. Năm 1991, cha được tấn phong Giám mục và ngày 28/02/1998, Đức cha Jorge Bergoglio được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Buenos Aires, Giáo chủ Argentina.

Trong Công nghị Hồng y ngày 21/02/2001, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức cha Jorge Bergoglio làm Hồng y

Kế vị thánh Phêrô

Sau khi ĐGH Biển đức XVI từ chức, trong mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng, vào ngày 13/03/2013, các Hồng y đã chọn ĐHY Bergoglio làm Giáo hoàng.

Vào ngày 19/02/2017, trong lần viếng thăm một giáo xứ ở Roma, một cậu bé đã hỏi ĐTC Phanxicô tại sao ngài được bầu làm Giáo hoàng, ngài trả lời: “Người được chọn làm Giáo hoàng không nhất thiết phải là người thông minh nhất. Nhưng là người mà Thiên Chúa muốn chọn vào thời điểm đó của Giáo hội.”

ĐTC Phanxicô đã giải thích lý do ngài chọn tên hiệu Giáo hoàng là Phanxicô; ngài đã nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi, “con người của sự nghèo khó, con người của hòa bình, con người yêu thương và bảo vệ thụ tạo”.

Lời chúc mừng của Hội đồng Giám mục Ý

Trong ngày sinh nhật lần thứ 83, ĐTC Phanxicô nhận được nhiều lời chúc mừng. Hội đồng Giám mục Ý đã gửi sứ điệp chúc mừng đến ĐTC, trong đó có lời chúc: “Kính thưa ĐTC, trong ngày lễ hôm nay, chúng con xin chúc ĐTC cảm thấy  lòng biết ơn của toàn Giáo hội và cảm nhận sự phong phú vô cùng mà Ân sủng khơi dậy trong thời đại chúng ta. ĐTC đã không ngừng yêu cầu chúng con cầu nguyện cho ĐTC và đó là món quà quý giá nhất mà chúng con bảo đảm với ĐTC, nhân danh tất cả cộng đoàn Giáo hội ở Ý.

Lời chúc mừng của Tổng thống Ý

Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, nhân danh toàn thể nhân dân Ý, cũng gửi sứ điệp chúc mừng ĐTC Phanxicô. Trước hết ông Mattarella đề cao lời ĐTC mời gọi các dân tộc đối diện với các thách thức ngày nay cách can đảm và công bình, tìm kiếm đối thoại và cảm thông để xoa dịu các vết thương xã hội và đưa các dân tộc đến hòa giải. Ông cũng biết ơn sự quan tâm của ĐTC dành cho nước Ý, đặc biệt trong biến cố tuyên thánh cho ĐGH Phaolô VI.

Trong sứ điệp, Tổng thống Ý viết: “Với lòng biết ơn, trong những tuần tới đây, hàng triệu người nam nữ, các tín hữu cũng như những người không phải là tín hữu, hướng về Roma và lắng nghe những lời của ngài, là những lời mang thông điệp về niềm hy vọng phổ quát và mời gọi là chứng tá xác thực hơn về các giá trị tinh thần và đạo đức chứa đựng trong lễ Giáng sinh.”

“Ad multos annos”, “cầu chúc ĐTC sống lâu”. Đó là lời cầu chúc của Tổng thống Ý. Ông cũng gửi đến ĐTC những lời chúc mừng lễ Giáng sinh tốt đẹp và những lời bày tỏ sự quan tâm cao nhất và tình cảm chân thành của tất cả người dân Ý.

Bánh sinh nhật: ĐTC và giới trẻ

Như truyền thống, tiệm bánh ngọt và kem Hedera ở đường Borgo Pio, đã làm một cái bánh mừng sinh nhật ĐTC Phanxicô.

Ông chủ tiệm bánh, Francesco Ceravolo, và các nhân viên của mình không chỉ đơn giản làm một cái bánh mừng ĐTC nhưng còn là một sứ điệp, như mỗi năm.

Ngọc Yến, Vatican

ĐTC Phanxicô gặp các thiếu nhi của Phòng Khám bệnh thánh Martha

ĐTC Phanxicô gặp các thiếu nhi của Phòng Khám bệnh thánh Martha

Sáng Chúa nhật 16/12, tại đại thính đường Phaolô VI, ĐTC Phanxicô đã gặp các thiếu nhi và các nhân viên của Phòng Khám bệnh thánh Marta. ĐTC đã chúc mừng Giáng sinh mọi người và các em bé đã mừng sinh nhật ĐTC.

“Làm việc với các trẻ em thật không dễ dàng” nhưng nó dạy chúng ta rằng “để hiểu được thực tại cuộc sống, cần hạ mình xuống, giống như chúng ta cúi xuống để hôn một em bé. Các trẻ em dạy chúng ta điều này. Những người kiêu căng tự mãn không thể hiểu được cuộc sống vì họ không thể hạ mình xuống.”

Đó là lời chia sẻ của ĐTC Phanxicô với các nữ tu dòng thánh Vinh sơn, với các tình nguyện viên của Phòng Khám bệnh thánh Marta, cũng như với cha mẹ và các em bé được cơ sở này trợ giúp.

Khả năng hạ mình xuống

Trong lời cám ơn các bác sĩ cũng như các nữ tu làm việc tại Phòng Khám bệnh thánh Marta, ĐTC nhận xét rằng chúng ta nói nhiều điều với các trẻ em nhưng lời dạy quan trọng nhất là hạ mình xuống.  ĐTC nói: Cúi xuống, hạ mình xuống, hãy khiêm nhường và như thế bạn học hiểu cuộc sống và hiểu con người. Và tất cả anh chị em có khả năng hạ mình xuống: cám ơn anh chị em nhiều về điều này.”

Bánh ngọt mừng sinh nhật ĐTC

Khi đi vào đại thính đường Phaolô VI, ĐTC đã chào từng em một của Phòng Khám bệnh và ngồi xuống trên bậc thềm với các em.

Các em đã đón tiếp ĐTC với những bài hát chúc mừng, một bài vũ Giáng sinh và một chiếc bánh lớn mừng sinh nhật thứ 83 của ĐTC vào ngày 17/12 hôm nay. ĐTC đã nói đùa rằng hy vọng là không có ai bị bội thực vì chiếc bánh to như thế.

ĐTC mời gọi mọi người tự hỏi xem Mẹ Maria sẽ làm gì nếu Chúa Giêsu Hài đồng, trong thời gian Giáng sinh, bị cảm cúm hay bị lạnh. Ngài nói: “Cha không chắc là ở Nazarét hay Ai cập có phòng khám bệnh hay không, nhưng cha chắc chắn rằng nếu Đức Mẹ ở Roma thì Mẹ sẽ đưa Chúa vào Phòng khám bệnh này, chắc chắn như thế.”

ĐTC đã nghe một vài em thiếu nhi và hai bà mẹ đến từ Pêru và Marốc trình bày chứng từ. Sau đó ngài đã mừng lễ Giáng sinh tất cả mọi người, tặng cho các em những chiếc vớ đầy những viên kẹo sôcôla nhỏ và chào các gia đình và các nhân viên trước khi từ giã họ.

Phòng Khám bệnh thánh Marta là cơ sở chăm sóc các trẻ sơ sinh đau bệnh. Cơ sở này cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho trẻ em gặp khó khăn, từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo.

Hồng Thủy, Vatican

ĐTC tiếp kiến các ân nhân giúp Hang Đá và Thông Giáng Sinh

ĐTC tiếp kiến các ân nhân giúp Hang Đá và Thông Giáng Sinh

Cây thông đỏ cao 21 mét, đường kính 50 mét, được đốn từ miền Pordenone, bắc Italia và hang đá giáng sinh bằng cát nén từ miền Jesolo do tòa Thượng Phụ thành Venezia, đông bắc Italia, tài trợ và thực hiện.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các ân nhân, các nghệ sĩ cũng như chào thăm chính quyền và đại diện các tổ chức đã góp phần tặng thông cho Tòa Thánh và thực hiện hang đá. Ngài cũng nói rằng:

Ý nghĩa cây thông Giáng Sinh

”Cây thông và hang đá là hai dấu hiệu không ngừng thu hút chúng ta, nói với chúng ta về Giáng Sinh và giúp chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa làm người để gần gũi với mỗi người chúng ta. Cây thông giáng sinh với các ngọn đèn sáng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, là ánh sáng tâm hồn xua tan bóng đêm thù nghịch và dành chỗ cho tha thứ.

”Cây thông đỏ được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô năm nay đến từ rừng Cansiglio, cao hơn 20 mét, gợi ý cho chúng ta suy tư: nó tượng trưng Thiên Chúa, qua sự giáng sinh của Chúa Giêsu, Ngài hạ mình xuống với con người để nâng họ lên với Ngài, vượt lên trên những mây mù của ích kỷ và tội lỗi. Con Thiên Chúa nhận lấy thân phận phàm nhân để lôi kéo họ đến với Ngài và làm cho họ được tham dự vào bản tính thần linh không thể hư nát của Ngài.

 Ý nghĩa hang đá bằng cát

Nhắc đến hang đá làm bằng cát, ĐTC nhận định rằng cát, một vật liệu nghèo, nhắc nhớ chúng ta về sự đơn sơ, bé nhỏ qua đó Thiên Chúa tỏ mình ra với sự giáng sinh của Chúa Giêsu trong tình trạng bấp bênh ở Bethlehem. Sự bé nhỏ ấy có vẻ mâu thuẫn với thiên tính, nhưng sự bé nhỏ ấy là tự do. Người bé nhỏ theo nghĩa Tin Mừng, không những nhẹ nhàng, nhưng còn là người tự do đối với mọi thứ đam mê muốn xuất hiện và tự phụ về những thành công. Như trẻ thơ, họ biểu lộ và cử động một cách tự nhiên. Tất cả chúng ta được mời gọi trở nên tự do trước Thiên Chúa, có tự do của một trẻ em trước cha của mình”.

Chuẩn bị Hang đá ”Sand Nativity”

Hang đá được gọi là ”Sand Nativity” (Cảnh Giáng Sinh bằng cát) được thực hiện với 1,300 mét khối cát từ Jesolo, nặng 700 tấn, do 4 nhà điêu khắc người Mỹ (Richard Varano), Nga (Ilya Filimontsev), Hòa Lan (Susanne Ruseler) và Tiệp (Rodovan Ziuny) đảm trách.

Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị một khối cát hình kim tự tháp tại Quảng trường Thánh Phêrô, sau khi làm những thùng cát nén trong đó. Tiếp đến người ta dựng lều bảo vệ. Rồi các nghệ sĩ bắt đầu giai đoạn đoạn khắc đẽo. Sau cùng là giai đoạn tổ điểm hoàn tất.

Khánh thành

Cũng tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày 7-12, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch phủ Thống đốc thành Vatican, Đức Thượng Phụ Moraglia của thành Venezia, chính quyền và giáo quyền các miền liên hệ và đông đảo các tín hữu. (Rei 7-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Hoạt động bác ái của ĐTC ”Chiều thứ sáu”

Hoạt động bác ái của ĐTC ”Chiều thứ sáu”

Cùng đi với ĐTC có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Thăm ”Nhà thân hữu thiện nguyện”

Nơi đầu tiên tên là ”Casa Amica Onlus” (Nhà Thân Hữu Thiện Nguyện), được thành lập cách năm 2016 ở phía nam Roma, để đón tiếp các bệnh nhân và thân nhân từ nơi xa, cho họ trú ngụ trong thời gian họ đến Roma để chữa bệnh, đặc biệt tại Bệnh viện đại học đa khoa ”Campus Bio-Medico”, Viện quốc gia Ung Bướu ”Hoàng hậu Elena”, và bệnh viện nhi đồng Chúa Hài Đồng Giêsu của Tòa Thánh.

Đến nơi ĐTC đã chào thăm các em bệnh nhân và cha mẹ các em, họ không được báo trước nên rất kinh ngạc. Ngài nói chuyện với mọi người, nghe hai em 13 và 11 tuổi, một em bị ung thư, và 1 em bị bệnh máu, kể lại tình trạng của họ. Trước khi giã từ, ĐTC để lại cho mọi người hình ảnh kỷ niệm và một số món quà cho các gia đình.

Viếng thăm cộng đoàn trị liệu và phục hồi

Sau đó ĐTC đã đến cộng đoàn trị liệu và phục hồi tên là ”Il Ponte et l'Albero” (Cầu và Cây), tọa lạc cạnh cây cầu thứ 7 ở khu phố bình dân Laurentino, cũng thuộc mạn nam Roma. Tại đây có 12 người trẻ có vấn đề tâm thần đang được chữa trị. Các em đã sống trong những hoàn cảnh gia đình không tạo cơ hội cho tình trạng các em được cải tiến.

Cách đây ít lâu, các em đã viết thư cho ĐTC, kể lại những khó khăn trong đời sống thường nhật vì tình trạng tâm thần khó khăn của các em, cũng như những cố gắng các em theo đuổi theo sự chăm sóc cảu các bác sĩ để được cải tiến. Các em cũng xin ĐTC đến thăm.

Đến nơi, ĐTC đã ngồi nói chuyện với các em và mọi người, trả lời những câu hỏi của các em. Ngài cũng nghe bác sĩ Paolo Stievano về tâm lý tại trung tâm này trình bày về những vấn đề tâm lý nặng của các em, và những cố gắng chữa trị.

Trước khi trở về Vatican, ĐTC đã để lại một món quà là chiếc bánh ngọt Panettone nặng 10 kýlô nhân dịp lễ Giáng Sinh sắp đến gần (Rei 7-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

Nói về chủ đề tham nhũng trong buổi phát sóng thứ 7 trong chương trình “Ave Maria”, ĐTC nói rằng nếu tôi nói đó không phải là kẻ tội lỗi thì tôi sẽ là kẻ tham nhũng hơn.”

Những kẻ tham nhũng

ĐTC nói: “Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng bởi vì họ bán đi người mẹ, bán đi sự thuộc về dân tộc, thuộc về gia đình. Họ chỉ tìm lợi ích kinh tế, trí tuệ và chính trị của riêng họ. Họ chọn lựa cách ích kỷ, tôi có thể nói nó thuộc về satan. Họ đóng cánh cửa từ bênt rong và Mẹ Maria không thể vào được. Họ không để cho người mẹ đi vào.” ĐTC giải thích: “Vì thế, họ khép kín chính mình, họ không cần một người mẹ, không cần người cha, không cần thuộc về dân tộc, quốc gia, hay gia đình. Họ sống trong chủ nghĩa cá nhân và cha của thứ này, kẻ dạy cho họ điều này, chính là ma quỷ.”

ĐTC cầu nguyện rằng “cầu cho có một trận động đất có thể lay chuyển họ đến mức họ nhận ra rằng thế giới không này không được bắt đầu với họ và sẽ không kết thúc với họ.”

Mẹ Maria đón nhận tất cả

Tuy nhiên, Đức Mẹ đón chào tất cả. ĐTC giải thích thêm về điều này, ngài nói: “Đức Maria đồng hành với chúng ta là những kẻ tội lỗi, mỗi người với tội lỗi của mình và cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi chúng ta. Chúng ta phải nói với Mẹ Maria: ‘Con là kẻ tội lỗi, nhưng xin Mẹ gìn giữ con.’ Và Đức Mẹ gìn giữ chúng ta”.

ĐTC minh chứng điều này bằng câu chuyện về tuổi thơ của ngài. Ngài kể: “Mẹ của tôi, khi nói với 5 đứa con chúng tôi, bà nói: ‘Các con của tôi giống như các ngón tay của bàn tay: tất cả đều khác nhau, nhưng nếu một ngón tay của tôi bị thương thì nó cũng đau như thể một ngón tay khác bị thương.”

Hồng Thủy, Vatican

ĐGH tiếp Giáo Hoàng Học Viện Piô Mỹ châu la tinh

ĐGH tiếp Giáo Hoàng Học Viện Piô Mỹ châu la tinh

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-11-2018, dành cho 100 người gồm ban giám đốc và các LM sinh viên Giáo Hoàng Học Viện Piô Mỹ châu la tinh ở Roma. Học viện này được thành lập cách đây 160 năm (1858) theo lệnh của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô 9 và hiện do các cha dòng Tên phụ trách.

Hiệp thông với cộng đoàn linh mục

Trong bài huấn dụ, ĐTC cảnh giác rằng ”Một linh mục trong giáo xứ, trong giáo phận của mình, có thể làm được nhiều việc, và đó là điều tốt, nhưng cũng có nguy cơ bị kiệt sức, bị cô lập và co cụm vào mình. Vì thế cảm thấy mình là thành phần của một cộng đoàn linh mục, trong đó mỗi người đều quan trọng, sẽ khơi dậy và khích lệ những tiến trình và năng động có thể vượt lên trên thời gian. Cảm thức như thế có thể làm bùng lên và kích thích những năng lực truyền giáo được đổi mới, thăng tiến một thuyết nhân bản hợp với tinh thần Tin Mừng, có khả năng trở thành trí tuệ và sức mạnh thu hút người khác trong đại lục Mỹ châu la tinh của chúng ta. Nếu không có cảm thức mình thuộc về cộng đoàn và làm việc sát cánh với nhau, thì chúng ta sẽ bị phân tán, trở nên suy yếu, và khiến cho bao nhiêu anh chị em chúng ta bị mất sức mạnh, ánh sáng, sự an ủi và tình bạn với chúa Giêsu Kitô và một cộng đồng đức tin.. Và thế là dần dần vô tình chúng ta sẽ tạo nên một Mỹ châu trong đó có Thiên Chúa mà không có Giáo Hội, có Giáo Hội mà không có Chúa Kitô, có Chúa Kitô mà không có con người” (bài giảng 11-11-2016 tại Santa Marta).

Chia sẻ cuộc sống của dân

Cũng trong chiều hướng này, ĐTC nhắn nhủ các LM Mỹ châu la tinh đặc biệt chia sẻ, cảm thông với đời sống của dân chúng, lắng nghe những lo âu của họ, vui mừng với những người hạnh phúc, khóc với những người khóc, và cầu nguyện cho các tín hữu được ủy thác cho sự săn sóc của mình” (Rei 15-11-2018)

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC tiếp kiến 400 thành viên Phong trào Tông đồ người mù

ĐTC tiếp kiến 400 thành viên Phong trào Tông đồ người mù

Trong buổi tiếp kiến 400 thành viên Phong trào Tông đồ người mù, sáng 17-11-2018, ĐTC ca ngợi các hoạt động của phong trào này và khích lệ họ tiếp tục liên đới và giúp đỡ những người khuyết tật khác.

Phong trào Tông đồ người mù do bà Maria Motta, người Italia sinh tại Argentina, thành lập cách đây 90 năm, trong đó có cả các thành viên mù và không mù.

 Hướng đi của Phong trào

 ĐTC nhận xét rằng nhờ sự kiện này, Phong trào không co cụm vào bản thân và những vấn đề liên quan đến tình trạng bị mù. Bà Maria Motta muốn huấn luyện những người tự lập, có khả năng làm chứng về đức tin qua chính tình trạng khuyết tật của mình. ”Ngày nay anh chị em đoàn kết chặt chẽ với nhau, người mù và không mù, cùng liên kết trong một hành trình duy nhất chia sẻ và thăng tiến những người bị khuyết tật.

 Theo ĐTC, ”Thật là một niềm vui cho cộng đoàn Giáo Hội khi được biết, ngày nay, như những môn đệ thừa sai đích thực của Tin Mừng, anh chị em cởi mở đối với các nhu cầu của những ngừơi nghèo túng và đau khổ hơn trên thế giới. Thay vì co cụm vào bản thân và thân phận tàn tật của mình, anh chị em can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Ta khát và các con đã cho ta ăn.. Ta trần trụi và các con đã cho ta mặc, Ta đau ốm và các con đã đến viếng thăm Ta” (Xc Mt 25,35-36)..

 Giữ vai chính trong việc loan báo Tin Mừng

 ĐTC giải thích rằng: ”Sự dấn thân cụ thể của anh chị em giúp đỡ và hỗ trợ người nghèo làm cho anh chị em trở thành những người giữ vai chính trong công trình loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội đang thực hiện theo nhịp độ của những người nghèo. Thực vậy tất cả chúng ta đều được mời gọi khám phá Chúa Kitô nơi người nghèo, lên tiếng thay cho họ trong các chính nghĩa của họ, nhưng cũng để trở thành những người bạn, lắng nghe, cảm thông họ, đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta qua họ” (E.G 198) (Rei 17-11-20180

G. Trần Đức Anh OP

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

Giáo Hội Assira Đông Phương cũng có tên là Giáo Hội Nestorio là Giáo Hội chỉ công nhận 2 công đồng chung đầu tiên và hiện nay có khoảng 323 ngàn tín hữu thuộc 19 giáo phận ở Trung Đông nhiều nước trên thế giới.

Đây là lần thứ 2 ĐTC gặp Đức Thượng Phụ Gewargis III, lần đầu hồi tháng 7 năm nay tại buổi cầu nguyện của các vị Thượng Phụ Đông Phương tại thành phố Bari để cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và Trung Đông.

Cám ơn Chúa vì thành quả đối thoại

Trong lời chào mừng Đức Thượng Phụ Giáo Hội Assira, ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì thành quả của Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Giáo hội Assisi. Giai đoạn 2 mới kết thúc với việc ký kết tuyên ngôn chung về ”đời sống bí tích”. ĐTC nói:

”Tôi cầu nguyện để công việc của Ủy ban đối thoại có thể tiếp tục và trong những ngày này đã bắt đầu giai đoạn thứ 3 nghiên cứu đối thoại về Giáo Hội học. Ước gì các hoạt động này giúp chúng ta tiến thêm một bước đường, tiến đến mục tiêu rất đáng mong ước là chúng ta có thể cử hành Hy Tế của Chúa trên cùng một bàn thờ”.

ĐTC không quên bày tỏ tình liên đới với những đau khổ mà bao nhiêu tín hữu Giáo hội Assira Đông Phương đã phải chịu tại các nước ở Trung Đông, nạn nhân của bạo lực khiến họ nhiều khi phải rời bỏ vĩnh viễn quê hương của họ.

Cầu nguyện chung

Sau cuộc hội kiến riêng, ĐTC và Đức Thượng Phụ cùng với đoàn tùy tùng, cũng như với các thành viên Ủy ban đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội, đã cầu nguyện chung tại Nguyện đường Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) tại Dinh Tông Tòa, rồi hai vị đã ký vào một tuyên ngôn chung.

Tuyên ngôn chung

Trong văn kiện này, hai vị Giáo Chủ dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hai Giáo Hội ngày càng xích lại gần nhau, đặc biệt từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Roma hồi năm 1984 giữa hai Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV, từ đó cuộc đối thoại thần học và đối thoại trong tình thương và sự thật đã mang lại nhiều thành quả. “Chúng tôi cầu nguyện và hy vọng cuộc đối thoại thần học có thể giúp cho hành trình hiệp nhất trở nên dễ dàng hơn để một ngày kia hai bên có thể cùng cử hành thánh lễ.”

Chia sẻ những đau khổ của anh chị em ở Trung Đông

Nhắc đến những đau khổ mà các anh chị em Kitô hữu phải chịu tại Trung Đông, nhất là tại Irak và Siria, hai vị Giáo Chủ nhận định rằng ”hằng tram ngàn người vô tội, nam nữ, trẻ em đã chịu đau khổ rất sức lớn lao vì những xung đột bạo lực mà không gì có thể biện minh được. Chiến tranh và bách hại gia tăng sự xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi những phần đất mà các cộng đồng tôn giáo đã từng sống sát cánh với nhau.”

”Giữa những đau khổ ấy, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy các anh chị em đi theo con đường thập giá của Chúa Kitô, trong niềm hiệp thông với Chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta nhờ thập giá của Ngài.. Đứng trước những tình cảnh ấy, chúng tôi liên kết với các anh chị em bị bách hại, lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói. Cùng nhau chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thoa dịu những đau khổ và giúp họ tìm được những con đường để bắt đầu một cuco sống mới.”

Kêu gọi cộng đồng quốc tế

Sau cùng hai vị Giáo Chủ kêu gọi cộng đồng quốc tế thi hành một giải pháp chính trị nhìn nhận các quyền lợi và nghĩa vụ của các mỗi người. ”Quyền tối thượng của luật pháp, trong đó có sự tôn trọng tự do tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật dựa trên nguyên tắc quyền công dân, bất luận họ thuộc chủng tộc hoặc tôn giáo nào, chính là một nguên tắc cơ bản để thiết lập và bảo tồn sự sống chung bền vững và phúc lợi giữa các dân tộc và các cộng đồng ở Trung Đông” (Rei 9-11-2018).

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

Đoàn 25 vị Rabbi đến từ miền Causaso, đặc biệt là từ cộng hòa Daghestan và những vùng ở mạn bắc nước Azerbaigian, và thuộc Hội đồng thế giới những người Do thái trên núi. Họ đến thăm ĐGH lần đầu tiên.

 Tầm quan trọng của việc tưởng niệm

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc tưởng niệm quá khứ, đặc biệt là cuộc diệt chủng Do thái. Ngài nói: ”Nếu không có một ký ức sinh động thì sẽ không có tương lai, vì nếu chúng ta không học từ những trang đen nhất trong lịch sử để khỏi rơi vào cùng những sai lầm, thì phẩm giá con người sẽ chỉ là những chữ chết”.

 Cùng với biến cố Shoa, ĐTC nhắc đến hai biến cố đau thương: ngày 16-10 vừa qua là kỷ niệm 75 năm cuộc bố ráp tại Ghetto Do Thái ở Roma, Đức quốc xã bắt những người Do thái tại đây để đưa tới các trại tập trung. Và trong vài ngày nữa, 9-11, là kỷ niệm 80 năm biến cố gọi là ”đêm pha lê”, rất nhiều nơi thờ phượng của người Do thái bị Đức quốc xã phá hủy với ý đồ loại khỏi tâm hồn cá nhân và của một dân tộc một điều tuyệt đối bất khả xâm phạm là sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa”.

 Tái lên án trào lưu bài Do thái

 ĐTC cũng lên án trào lưu bài Do thái vẫn còn và ngài nhắc lại rằng một Kitô hữu không thể là người bài Do thái. Chúng ta có cùng căn cội chung. Ngài không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của tình thân hữu giữa người Do thái và Kitô, một tình huynh đệ ăn rễ sâu nơi lịch sử cứu độ, được cụ thể hóa trong sự quan tâm đối với nhau.

 ĐTC nói: ”Cùng với anh em, tôi muốn cảm tạ Đấng ban mọi ơn lành vì món quà tình bạn của chúng ta, được đẩy mạnh và cũng là động cơ cuộc đối thoại giữa chúng ta” (Rei 5-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH khích lệ HĐGM Pháp kiên trì chống nạn lạm dụng tính dục

ĐGH khích lệ HĐGM Pháp kiên trì chống nạn lạm dụng tính dục

Lập trường trên đây của ĐTC đã được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ngài gửi đến các GM Pháp, nhóm đại hội mùa thu tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức từ ngày 3 đến 8-11-2018.

 ĐTC hy vọng có những chính sách cụ thể

 Sứ điệp có đoạn viết: ”Trong một bối cảnh khó khăn, vì lỗi nặng của một vài phần tử của Giáo Hội, ĐTC gửi đến anh em những lời khuyến khích trên đây và ngài cầu mong rằng việc đón tiếp và lắng nghe các nạn nhân bị lạm dụng có thể củng cố quyết tâm của anh em trong việc thi hành chính sách ”tuyệt đối không dung thứ” và trong các hoạt động của anh em, để mỗi tín hữu cảm thấy đang dấn thân trong việc biến đổi Giáo Hội và xã hội mà chúng ta rất cần”.

 Nhìn nhận những công trình đã thực hiện

 ĐHY Parolin viết thêm rằng: ”ĐTC muốn cùng với anh em để cảm tạ Chúa vì tất cả những gì Giáo Hội tại Pháp đã thực hiện để đồng hành và loan báo Tin Mừng cho người trẻ, đặc biệt trong ngành giáo dục Công Giáo.. Sau cùng ngài khích lệ anh em thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ giữa lòng xã hội Pháp..”

 Trước đó, trong phần đầu của sứ điệp, ĐHY Quốc vụ khanh cho biết ĐTC đặc biệt cầu nguyện và bày tỏ sự gần gũi với các GM Pháp.

 Đặc biệt trong khóa họp những ngày này có 8 nạn nhân những vụ lạm dụng được các GM Pháp mời trình bày chứng từ và trao đổi, để góp phần đề ra những biện pháp cụ thể. (Rei 6-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino

ĐTC viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy nhớ đến những người quá cố, đồng thời hy vọng gặp gỡ Đấng ban sự sống cho chúng ta, và trong hành trình tiến về thiên quốc, chúng ta có những ngọn đèn chỉ đường là các Mối Phúc Thật.

Trên đây là ý chính bài giảng ứng khẩu ngắn của ĐTC trong thánh lễ chiều ngày 2-11 vừa qua, Lễ Các Linh Hồn, trong cuộc viếng thăm tại nghĩa trang Laurentino ở mạn nam Roma.

 Viếng mộ các thai nhi bị phá

 Khi đến nghĩa trang vào lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC đã dừng lại viếng thăm và cầu nguyện tại khu an táng các trẻ em và cả những thai nhi bị phá. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng và đặt bó hoa hồng trắng trên một ngôi mộ, rồi chào thăm một số thân nhân các em.

 Tiếp đến, ĐTC lên xe đi tới trước nhà nguyện Chúa Giêsu Phục Sinh để cử hành thánh lễ cùng với ĐHY Giám quản Angelo De Donatis, Đức Cha Paolo Lojudice, GM phụ tá đặc trách khu vực phía nam Roma, và  hàng chục LM, trước sự hiện diện của khoảng 1 ngàn tín hữu.

 Tưởng nhớ quá khứ

 Trong bài giảng, ĐTC nói: ”Việc tưởng nhớ làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không lẻ loi, nhưng là một dân tộc, một dân tộc có lịch sử, có quá khứ, có cuộc sống. Chúng ta nhớ đến bao nhiêu người đã chia sẻ với chúng ta một hành trình, và họ đang ở đây… Hôm nay là ngày tưởng niệm, ký ức đưa chúng ta về căn cội, cội rễ của chúng ta, của dân tộc chúng ta”.

 Hướng về hy vọng

 ĐTC nói thêm rằng: ”Ký ức cũng là hy vọng cuộc gặp gỡ và tình thương của Đấng đã ban sự sống cho chúng ta. Hy vọng trời mới đất mới, như bài đọc thứ 2 trong thánh lễ hôm nay nói đến, hy vọng một Jerusalem thiên quốc.. Và giữa tưởng niệm và hy vọng có chiều kích thứ ba là hiện tại, con đường chúng ta bước đi mỗi ngày, với sự trợ giúp của ngọn đèn sáng tốt lành là các Mối Phúc Thật”. ĐTC nói:

 Sống các Mối Phúc Thật

 “Đây là những ánh sáng giúp ta không trệch đường! Đó chính là các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Các Mối Phúc ấy: hiền lành, tinh thần thanh bần, công lý, lòng thương xót, tâm hồn thanh khiết.. chính là những ánh sáng soi dẫn để chúng ta khỏi lạc đường. Đó chính là hiện tại của chúng ta” (Rei 2-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH chủ lễ cầu hồn cho các HY và GM qua đời năm qua

ĐGH chủ lễ cầu hồn cho các HY và GM qua đời năm qua

Lúc 11 giờ 30 sáng thứ bẩy, 3-11-2018, ĐTC đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các 9 HY và 154 GM trên thế giới đã qua đời trong vòng 12 tháng qua, trong đó có 2 GM Việt Nam.

Đó là Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương, nguyên GM phụ tá giáo phận Orange, bang California, Hoa Kỳ qua đời ngày 6 tháng 12 năm 2017, hưởng thọ 77 tuổi (1940-2017). Tiếp đến là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, qua đời đột ngột ngày 6-3 năm nay, trong cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, hưởng thọ 74 tuổi.

 Đồng tế với ĐTC có gần 40 HY ở Roma, trước sự tham dự của hàng ngàn tín hữu.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, dựa vào bài Tin Mừng về 5 trinh nữ khôn ngoan và 5 trinh nữ khờ dại đi đón chàng rể, ĐTC mời gọi các tín hữu luôn hướng về cuộc gặp gỡ với Vị Hôn Phu thiên quốc, xa tránh những hào nhoáng của thế gian và được tiêu hao trong sự phục vụ.

Ngài nói: ”Cuộc sống là một hành trình đi ra ngoài, hướng về vị hôn phu, đó là thời gian được ban cho chúng ta để tăng trường trong tình yêu. Sống là một cuộc chuẩn bị hằng ngày cho hôn lễ, một lễ đính hôn trọng thể. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có sống như một người chuẩn bị cuộc gặp gỡ với Vị Hôn Phu không? Trong tất cả các hoạt động, trong sứ vụ của chúng ta, đều có một ý tưởng liên kết tất cả, đó là sự chờ đợi Hôn Phu.”

Đừng tìm cách phô trương

Từ sự kiện, các trinh nữ khôn ngoan đã chuẩn bị dầu để đi đón chàng rể, ĐTC ghi nhận đặc tính đầu tiên của dầu này là không ”phô trương”, nhưng kín đáo; nếu không có dầu này thì không có ánh sáng. Ngài nói: ”Điều mà thế gian tìm kiếm và phô trương – danh dự, quyền lực, dáng vẻ bề ngoài, vinh quang, sẽ qua đi mà chẳng để lại vết tích gì. Xa tránh những hào nhoáng của thế gian là điều thiết yếu để chuẩn bị lên trời. Cần từ khước thư văn hóa ”trang điểm” dạy phải chăm sóc những vẻ bề ngoài. Trái lại cần thanh tẩy và giữ gìn con tim, con người nội tâm, vốn là điều quí giá trước mắt Thiên Chúa”.

Sẵn sàng tiêu hao trong sứ mạng phục vụ

ĐTC cũng nhấn mạnh một khía cạnh khác của dầu là để mình tiêu hao. Chỉ khi thiêu đốt mình, thì dầu mới chiếu sáng. Cũng vậy đối với cuộc sống: nó chỉ làm lan tỏa ánh sáng, nếu nó tiêu hao đi, nếu quên mình trong việc phục vụ.. Việc phục vụ đòi hy sinh, tiêu hao bản thân, nhưng trong sứ vụ của chúng ta, ai không sống để phục vụ thì chẳng có ích gì. Ai quá giữ gìn cuộc sống của mình thì sẽ mất nó.”

Chuẩn bị cuộc gặp gỡ với Vị Hôn Phu

Đặc tính thứ ba của dầu trong bài Tin Mừng là chuẩn bị. ĐTC nói: ”Dầu phải được chuẩn bị kịp thời và mang theo mình (Xc vv.4.7).. Nay là thời gian chuẩn bị: trong lúc hiện tại, ngày qua ngày, tình yêu cần được nuôi dưỡng. ”Chúng ta hãy cầu xin ơn canh tân hằng ngày mối tình đầu của chúng ta với Chúa (Xc Kh 2,4), đừng để cho tình yêu ấy bị tàn phai. Cám dỗ lớn nhất là trở nên ”phẳng lỳ' trong một cuộc sống không có tình yêu, giống như một chiếc bình rỗng, như một ngọn đèn đã tắt.”

ĐTC cảnh giác rằng ”Nếu chúng ta không đầu tư trong tình yêu, thì cuộc sống sẽ tắt ngúm. Những người được kêu gọi tham dự hôn lễ với Thiên Chúa không thể sống thoải mái trong một cuộc sống định cư, phẳng lỳ và chỉ có chiều ngang, không còn đà tiến, chỉ tìm những thoải mái bé nhỏ, theo đuổi những vinh dự phù du” (Rei 3-11-2018)

 

ĐTC chủ sự kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

ĐTC chủ sự kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

 ĐTC nói: ”Khi chúng ta hát kinh ”Thánh, Thánh, Thánh” trong thánh lễ, chúng ta không chỉ nghĩ đến các thánh, nhưng chúng ta cũng hãy làm điều mà các vị đã làm: Lúc ấy, trong thánh lễ, chúng ta kết hiệp với các thánh hơn bao giờ hết..

Hiện diện tại buổi đọc kinh  dưới trời mưa có khoảng 2 ngàn tín hữu. 

”Các thánh ở cửa bên cạnh”

”Và chúng ta kết hiệp với các thánh, không những các vị nổi tiếng, có tên trong lịch, nhưng cả những vị thánh ”ở cửa bên cạnh”, những người thân, và người chúng ta quen biết, và giờ đây họ thuộc đoàn ngũ rất đông đảo các thánh. Hôm nay chính là đại lễ gia đình. Các thánh gần gũi chúng ta, đúng hơn, họ là anh chị em chân thực nhất của chúng ta”..

”Các thánh mời gọi chung ta tiến bước trên con đường hạnh phúc như được Tin Mừng hôm nay chỉ dẫn, Tin Mừng rất đẹp và được biết đến: Phúc cho người có tinh thần thanh bần, Phúc cho người hiền lành.. Phúc cho người có tâm hồn thanh khiết, v.v..( Xc Mt 5,3-8).. Tin Mừng dạy ngược lại với quan niệm của người đời..!

Sống các Mối Phúc thật

Và ĐTC nhấn mạnh rằng ”Ngày hôm nay, các thánh, những anh chị em của chúng ta hãy tái nghe bài Tin Mừng thật đẹp này và mang ra thực hành, tiến bước trên con đường các Mối Phúc. Đây không phải là làm những việc ngoại thường, nhưng là hằng ngày đi theo con đường này dẫn chúng ta lên trời cao, trong gia đình, ở nhà. Ngày hôm nay, chúng ta thấy trước tương lai của chúng ta và vui mừng vì mục đích chúng ta sinh ra: chúng ta sinh ra để không bao giờ chết nữa, để hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa! Chúa khích lệ chúng ta và Ngài nói với những người đi theo con đường các Mối Phúc: ”Các con hãy vui mừng và hân hoan, vì phần thưởng của các con thật lớn lao trên trời” (Mt 5,12)

Chào thăm các tham dự viên cuộc chạy đua

Sau kinh Truyền Tin và phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên cuộc chạy đua Lễ Các Thánh, do Hội ”Các Sứ Mạng Don Bosco” đề xướng để mang lại một chiều kích đại lễ bình dân cho ngày lễ kính Các Thánh.

Đây là lần thứ 11 Hội ”Don Bosco trên thế giới” tổ chức cuộc chạy đua vào lễ Các Thánh. Mặc dù trời mưa cả ngày, các tham dự viên chạy 10 cây số qua các đường phố ở Trung tâm Roma, khởi hành từ Đền thờ Thánh Phêrô và trở về đây. Mục đích lần này là để hỗ trợ dự án giúp các thiếu nữ bị bán làm nô lệ ở Ghana.

Thông báo cuộc viếng thăm nghĩa trang

Sau cùng, ĐTC thông báo chiều ngày 2-11-2018, Lễ Các Linh Hồn, ngài sẽ viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino, rộng 21 hécta, cách Vatican hơn 15 cây số về hướng nam và là nghĩa trang lớn thứ 3 ở Roma. Ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em đồng hành với tôi bằng kinh nguyện trong ngày cầu nguyện cho những người đã đi trước chúng ta trong đức tin và đang an nghỉ” (Rei 1-11-2018)

Sau cùng, ĐTC thông báo chiều ngày 2-11-2018, Lễ Các Linh Hồn, ngài sẽ viếng thăm và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang Laurentino, rộng 21 hécta, cách Vatican hơn 15 cây số về hướng nam và là nghĩa trang lớn thứ 3 ở Roma. Ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em đồng hành với tôi bằng kinh nguyện trong ngày cầu nguyện cho những người đã đi trước chúng ta trong đức tin và đang an nghỉ” (Rei 1-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH lên án vụ giết người Do thái ở Pittsburg

ĐGH lên án vụ giết người Do thái ở Pittsburg

Hôm thứ bẩy vừa qua 27-10, một người Mỹ 46 tuổi đã đột nhập dùng súng AK-47 và nhiều súng ngắn khác bắn loạn xạ vào những người Do thái đến cầu nguyện tại Hội đường tên là ”Cây Sự Sống” (Tree of Life) làm cho 11 người, thủ chết, 6 người khác bị thương trong đó có 4 nhân viên cảnh sát. Thủ phạm đã bị bắt. Hắn đã hô to khi thi hành vụ sát nhân: ”Tôi muốn giết tất cả mọi người Do thái!”

 ĐTC chia buồn và lên án bạo lực

 Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 28-10 vừa qua với 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

 ”Tôi bày tỏ sự gần gũi với thành phố Pittsburg ở Mỹ, và đặc biệt là với cộng đoàn Do thái, bị thương tổn hôm 27-10 vì một cuộc khủng bố kinh khủng tại Hội đường Do thái. Xin Đấng Tối cao đón nhận những người quá cố vào trong an bình của Chúa, an ủi gia đình họ và nâng đỡ những người bị thương. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều bị thương tổn hành vi bạo lực vô nhân đạo này. Xin Chúa giúp chúng ta dập tắt ngọn lửa oán thù đang lớn lên trong các xã hội chúng ta, củng cố ý thức nhân đạo, tôn trọng sự sống, các giá trị luân lý và dân sự, và sự kính sợ Thiên Chúa là Tình Thương và là Cha của mọi người”.

 ĐHY Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ

 ĐHY DiNardo, TGM Galveston-Houston, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cũng đã bày tỏ liên đới với các nạn nhân và các cộng đoàn Do Thái, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ đối phó với tệ nạn dùng súng giết người (Rei 28-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thứ 15 về giới trẻ

Thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thứ 15 về giới trẻ

Đồng tế với ĐTC có các nghị phụ, trong đó có 50 Hồng Y, 6 vị Thượng Phụ, phần lớn còn lại là các GM đại biểu của các HĐGM cùng với một số LM, trong đó có 10 vị do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và 10 vị do ĐTC bổ nhiệm. Hơn 40 dự thính viên ngồi tại những hàng ghế gần bàn thờ.

 Bài đọc thứ I bằng tiếng Anh trích từ sách Ngôn Sứ Giêrêmia (31,7-9) do anh Cao Hữu Minh Trí, dự thính viên thuộc giáo phận Sàigòn, tuyên đọc.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào trình thuật Tin Mừng theo thánh Marco về việc Chúa Giêsu chữa lành anh Bartimeo bị mù bẩm sinh, ĐTC đã rút ra 3 bài học từ thái độ của Chúa Giêsu, đó là lắng nghe, trở nên gần gũi và làm chứng, để áp dụng vào hành trình Thượng HĐGM vừa chấm dứt và hành trình tiếp sau đó.

 Lắng nghe

 Trước hết Chúa Giêsu đã lắng nghe tiếng kêu của anh mù Bartimeo nằm một mình bên vệ đường, không được yêu thương, bị bỏ rơi. Anh ta mù và không có ai nghe anh. Chúa Giêsu lắng nghe tiếng kêu của anh. Và khi gặp anh, Ngài để anh ta nói và anh đã xin cho mình được thấy. ĐTC nói:

 Đó bước đầu tiên để giúp hành trình đức tin là lắng nghe. Đó là tông đồ bằng tai: lắng nghe trước khi nói.

 Trái lại, nhiều người ở với Chúa Giêsu đã khiển tránh anh Bartimeo để anh im đi (Xc v.48). Đối với các môn đệ này, kẻ túng quẫn là người gây xáo trộn trên đường, một sự bất ngờ xảy trong chương trình định trước. Họ thích thời kỳ của họ hơn là thời kỳ của Thầy, thích lời nói của họ hơn là nghe người khác.. Trái lại, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của người cầu cứu không phải là điều làm phiền, cản trở bước đường, nhưng là một yêu cầu sinh tử. Đối với chúng ta, thật là quan trọng dường nào khi lắng nghe cuộc sống! Các con của Cha trên trời lắng nghe anh em mình: không nghe những chuyện tầm phào vô ích, nhưng nghe những nhu cầu của tha nhân…

 Trong chiều hướng trên đây, ĐTC đã nhân danh tất cả những người lớn xin lỗi những người trẻ vì – ngài nói – nhiều khi ”chúng tôi đã không lắng nghe các bạn.. Trong tư cách là Giáo Hội của Chúa Giêsu, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu thương, xác tín chắc chắn về hai điều: thứ I, cuộc sống của các bạn là quí giá đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu thương người trẻ; thứ hai cuộc sống của các bạn là quí giá đối với chúng tôi, cần thiết để tiến bước”.

 Đồng hành trong đức tin

 Sau khi lắng nghe, bước thứ hai là để đồng hành trong đức tin là trở nên gần gũi. Chúa Giêsu hỏi anh mù: Anh muốn gì? Anh muốn tôi làm gì cho anh? Làm chứ không phải chỉ nói mà thôi. Chúa đặt mình trong tư thế của Bartimeo, không xa cách những mong đợi của anh. Đó là cách thức hành động của Thiên Chúa; đích thân can dự trong tình yêu thương đặc biệt đối với mỗi người. Trong cách hành động của Ngài, Ngài thông truyền sứ điệp, và nhờ đó đức tin nảy mầm trong cuộc sống… đức tin là sự sống. Chúng ta không thể là những người duy đạo lý hoặc duy hành động; chúng ta được kêu gọi thi hành công việc của Chúa cho thế giới của Thiên Chúa, trong sự gần gũi, gắn bó với Chúa, hiệp thông giữa chúng ta, gần gũi các anh chị em..

 Làm chứng

  ”Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy nhìn các môn đệ gọi anh mù Bartimeo: họ không đến gặp anh đang ăn xin, với một đồng tiền nhỏ hoặc ban cho anh những lời khuyên; họ đến nhân danh Chúa Giêsu, nói với anh ba lời của Chúa: ”Can đảm lên, hãy đứng lên, Người gọi anh kìa!” (v.49).

 ĐTC giải thích: ”Chờ đợi những người anh em đang tìm kiếm đến gõ cửa của chúng ta, đó không phải là điều hợp với tinh thần Kitô; chúng ta phải đi đến gặp họ, không mang bản thân chúng ta, nhưng mang Chúa Giêsu. Chúa sai chúng ta, như những môn đệ ấy, nhân danh Chúa khích lệ và nâng đỡ dậy. Chúa sai chúng ta nói với mỗi người: ”Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho Ngài yêu thương bạn”. Bao nhiêu lần thay vì mang sứ điệp giải thoát ấy, chúng ta đã mang chính mình, mang những công thức, những nhãn hiệu trong Giáo Hội! Bao nhiêu lần thay vì đón nhận lời Chúa, chúng ta coi những ý tưởng của chúng ta là Lời Chúa! Bao nhiêu lần dân chúng cảm thấy gánh nặng của các cơ cấu tổ chức của chúng ta hơn là sự hiện diện thân hữu của Chúa Giêsu! Thế là chúng ta trở thành một tổ chức phi chính phủ, không phải là cộng đoàn những người được cứu độ sống niềm vui của Chúa”.

 Lời cám ơn của ĐTC

 Trong phần kết của bài giảng, ĐTC cám ơn tất cả những người đã tham dự vào cuộc đồng hành với nhau, cám ơn vì chứng tá của mọi người. Ngài nói: ”Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông và thẳng thắn, với ước muốn phụng sự Thiên Chúa và dân của Ngài. Xin Chúa chúc lành cho những bước đường của chúng ta để chúng ta có thể lắng nghe những người trẻ, trở nên gần gũi và làm chứng cho họ niềm vui cuộc sống của chúng ta là Chúa Giêsu. (Rei 28-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP