Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2018

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2018

Thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành, bắt đầu lúc 21 giờ 30 tối ngày 24-12-2001, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu ngồi chật Đền Thờ Thánh Phêrô, trong đó có nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Đồng tế với ngài có đông đảo các Hồng Y, GM và và hằng trăm linh mục.

 12 em bé dâng hoa

 Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều mầu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Nhi. 12 em bé, được chọn từ 5 nước: Italia, Trung Quốc, Panama, Cộng hòa Dân Chủ Congo, Rumani và Nhật Bản, đã đặt các bó hoa cạnh ảnh tượng Chúa Hài Đồng.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng, ĐTC đi từ sự kiện nguyên ngữ từ ”Bethlehem” có nghĩa là ”nhà bánh” và ngài nhắc đến sự kiện Chúa đến trong ”Nhà Bánh” để trở nên lương thực hằng ngày cho chúng ta, để ban sự sống cho nhân loại. ”Trong lễ Giáng Sinh, chúng ta đón nhận Chúa Giêsu là Bánh bởi trời giáng thế: đó là lương thực không bao giờ bị hư, và làm cho chúng ta nếm hưởng từ bây giờ cuộc sống đời đời.”

 Vai trò những người chăn súc vật

 Bethlehem cũng là thành của Vua Đavit, người đã được Thiên Chúa chọn trong lúc chăn đoàn vật để làm người hướng dẫn cai quản Dân Chúa. Ngày Chúa giáng sinh trong thành của Vua Đavít, những người đón nhận Chúa Giêsu Hài Đồng chính là những người chăn súc vật. Được Sứ thần Chúa báo tin, họ mau lẹ lên đường đến gặp Con Vua Đavít giáng sinh.

 Noi gương tỉnh thức của các mục tử

 “Những người chăn chiên ở Bethlehem cũng nói với chúng ta về cách thức đi gặp Chúa. Họ tỉnh thức trong đêm: họ không ngủ, nhưng làm điều Chúa Giêsu sẽ yêu cầu nhiều lần: ”hãy tỉnh thức” (Mt 25,13). Họ canh thức, chờ đợi tỉnh thức trong đêm đen; và Thiên Chúa ”bao phủ họ bằng ánh sáng” (Lc 2,9). Điều này cũng được áp dụng cho chúng ta. Cuộc sống của chúng ta cũng có thể là một sự chờ đợi, cả trong những đêm đen của các vấn đề, chúng ta tín thác vào Chúa và mong ước Ngài; khi ấy ta sẽ nhận được ánh sáng của Chúa..”

 Vượt thắng ích kỷ, trần tục và tiêu thụ

 ”Vậy chúng ta hãy đi đến tận Bethlehem” (Lc 2,15).. Con đường ngày nay là con đường lên dốc: cần phải vượt qua cái đỉnh ích kỷ, không được trượt chân rơi vào những hố rãnh cảu tinh thần trần tục và trào lưu duy tiêu thụ.”

 Lời nguyện của ĐTC

 ”Lạy Chúa, con muốn đến Bethlehem, vì tại đó Chúa đang đợi con. Và tại đó con thấy rằng Chúa được đặt trong máng cỏ, Chúa là bánh cho cuộc đời con. Con cần hương thơm dịu dàng của tình yêu Chúa để đến lượt con, con cũng trở thành bánh được bẻ ra cho thế giới. Xin Chúa vác con lên vai như Mục Tử Nhân Lành: được Chúa yêu thương, con cũng có thể yêu mến và giúp đỡ các anh chị em của con. Khi ấy sẽ là lễ Giáng Sinh, khi con có thể nói với Chúa: ”Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa” (Xc Ga 21,17)

 Sau khi ban phép lành cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện có giếng rửa tội. (SD 24-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Mặc áo cưới

Mặc áo cưới

Với tình thương yêu, Thiên Chúa dọn tiệc mời.

Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.

Đó là một tình yêu nhưng không.

Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.

Đó là tình yêu chia sẻ.

Thiên Chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người còn mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một mặc lấy bản tình loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng thần thánh trên trời.

Chẳng có gì có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

Tôi phải mặc áo cưới tới dự.

Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.

Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng. Nâng lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.

Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa.

Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24).

Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Hằng ngày Chúa vẫn mời gọi tôi đến dự tiệc Thánh Thể, tôi có mau mắn đáp lời hay tôi thường từ chối?

2) Mặc áo cưới là theo Chúa quyết liệt, không nửa vời tôi theo đạo nhưng tôi có thực hành Lời Chúa không?

3) Bạn phải làm những gì để được coi là “mặc áo cưới”?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt