Hệ thống đèn điện mới chiếu sáng đền thờ thánh Phêrô

Hệ thống đèn điện mới chiếu sáng đền thờ thánh Phêrô

Hệ thống điện chiếu sáng mới của đền thờ thánh Phêrô sẽ được chính thức thắp sáng vào ngày 25/01/2019, nhưng vào Thánh lễ đêm Giáng sinh 24/12 năm nay, hệ thống sẽ được thử nghiệm trước.

Hệ thống đèn điện bên trong đền thờ được công ty công nghệ cao OSRAM, với sự cộng tác của Dịch vụ Kỹ thuật của Phủ Thống đốc thành Vatican, tái thiết kế.

Dự án kéo dài 2 năm, bao gồm việc lắp đặt 780 bộ đèn, sử dụng hơn 100.000 đèn LED. Toàn bộ hệ thống tiết kiệm được 90% năng lượng. Trong quá trình lắp đặt, 20 kilômét dây cáp được sử dụng và 700 đèn LED đặc biệt cũng được lắp đặt ở độ cao đến 136 mét.

Nhờ hệ thống điện mới này, vẻ đẹp kinh ngạc của đền thờ sẽ làm hài lòng du khách hơn bao giờ hết. Công nghệ đèn LED tiên tiến của công ty OSRAM sẽ chiếu đến các vòm cao nhất và mang đến vẻ đẹp trọn vẹn cho những kiệt tác mà cho đến nay vẫn chưa thể nhìn thấy.

Như thế, sau các dự án chiếu sáng Nhà nguyện Sixtine, các phòng tranh Raphael và quảng trường thánh Phêrô, hệ thống chiếu sáng của đền thờ thánh Phêrô cũng đang hoàn tất.

Hồng Thủy

Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

Chúc mừng ĐTC Phanxicô tròn 82 tuổi

ĐTC Phanxicô sinh ngày 12/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina, với tên gọi Jorge Mario Bergoglio. Ngài là con của một gia đình di dân người Ý gốc miền Piemonte. Khi còn trẻ, cậu bé Jorge muốn sẽ trở thành một người bán thịt. Jorge cũng có đam mê ca hát, niềm đam mê xuất phát từ thói quen nghe chương trình ca nhạc nhẹ trên radio mỗi ngày. Ngay từ thời niên thiếu, cậu Jorge đã được cha dạy về tầm quan trọng của lao động. Học nhiều nghề khác nhau và cậu Jorge đã tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học.

Ơn gọi

Nhưng điều quan trọng nhất trong cuộc đời của cậu Jorge chính là đức tin, được người bà Rosa Margherita Vassallo nuôi dưỡng, và chính đức tin này đã làm nảy sinh ơn gọi của cậu Jorge.

Năm 1958, cậu Jorge gia nhập chủng viện và sau đó chọn vào nhà Tập của dòng Tên. Trong thời gian này, thầy Jorge bị viêm phổi nặng và nhờ sơ Cornelia Caraglio, một ý tá, đã thuyết phục bác sĩ sử dụng đúng liều kháng sinh, mà thầy Jorge được cứu sống.

Linh mục

Năm 1968, thầy Jorge được lãnh nhận thiên chức linh mục. Trong ngày đó, bà của cha Jorge đã trao cho cha Jorge một lá thư và vị linh mục trẻ đã giữ trong sách nguyện của mình; trong lá thư đó bà của cha nói với tất cả các cháu: “Chúng ta đã có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc. Nhưng nếu một ngày mà nỗi đau, bệnh tật hay việc mất một người thân yêu khiến cho các cháu bị thất vọng, các cháu hãy nhớ rằng một hơi thở trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, nơi có vị tử đạo vĩ đại và mạnh mẽ nhất, và một cái nhìn về Mẹ Maria, người đã đứng dưới chân thập giá, có thể ban xuống sự xoa dịu trên các vết thương sâu thẳm và đau đớn nhất.”

Giám mục Buenos Aires

Năm 1973, cha Jorge được bổ nhiệm làm giám tỉnh dòng tên ở Argentina. Năm 1991, cha được tấn phong Giám mục và ngày 28/02/1998, Đức cha Jorge Bergoglio được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Buenos Aires, Giáo chủ Argentina.

Trong Công nghị Hồng y ngày 21/02/2001, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức cha Jorge Bergoglio làm Hồng y

Kế vị thánh Phêrô

Sau khi ĐGH Biển đức XVI từ chức, trong mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng, vào ngày 13/03/2013, các Hồng y đã chọn ĐHY Bergoglio làm Giáo hoàng.

Vào ngày 19/02/2017, trong lần viếng thăm một giáo xứ ở Roma, một cậu bé đã hỏi ĐTC Phanxicô tại sao ngài được bầu làm Giáo hoàng, ngài trả lời: “Người được chọn làm Giáo hoàng không nhất thiết phải là người thông minh nhất. Nhưng là người mà Thiên Chúa muốn chọn vào thời điểm đó của Giáo hội.”

ĐTC Phanxicô đã giải thích lý do ngài chọn tên hiệu Giáo hoàng là Phanxicô; ngài đã nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi, “con người của sự nghèo khó, con người của hòa bình, con người yêu thương và bảo vệ thụ tạo”.

Lời chúc mừng của Hội đồng Giám mục Ý

Trong ngày sinh nhật lần thứ 83, ĐTC Phanxicô nhận được nhiều lời chúc mừng. Hội đồng Giám mục Ý đã gửi sứ điệp chúc mừng đến ĐTC, trong đó có lời chúc: “Kính thưa ĐTC, trong ngày lễ hôm nay, chúng con xin chúc ĐTC cảm thấy  lòng biết ơn của toàn Giáo hội và cảm nhận sự phong phú vô cùng mà Ân sủng khơi dậy trong thời đại chúng ta. ĐTC đã không ngừng yêu cầu chúng con cầu nguyện cho ĐTC và đó là món quà quý giá nhất mà chúng con bảo đảm với ĐTC, nhân danh tất cả cộng đoàn Giáo hội ở Ý.

Lời chúc mừng của Tổng thống Ý

Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, nhân danh toàn thể nhân dân Ý, cũng gửi sứ điệp chúc mừng ĐTC Phanxicô. Trước hết ông Mattarella đề cao lời ĐTC mời gọi các dân tộc đối diện với các thách thức ngày nay cách can đảm và công bình, tìm kiếm đối thoại và cảm thông để xoa dịu các vết thương xã hội và đưa các dân tộc đến hòa giải. Ông cũng biết ơn sự quan tâm của ĐTC dành cho nước Ý, đặc biệt trong biến cố tuyên thánh cho ĐGH Phaolô VI.

Trong sứ điệp, Tổng thống Ý viết: “Với lòng biết ơn, trong những tuần tới đây, hàng triệu người nam nữ, các tín hữu cũng như những người không phải là tín hữu, hướng về Roma và lắng nghe những lời của ngài, là những lời mang thông điệp về niềm hy vọng phổ quát và mời gọi là chứng tá xác thực hơn về các giá trị tinh thần và đạo đức chứa đựng trong lễ Giáng sinh.”

“Ad multos annos”, “cầu chúc ĐTC sống lâu”. Đó là lời cầu chúc của Tổng thống Ý. Ông cũng gửi đến ĐTC những lời chúc mừng lễ Giáng sinh tốt đẹp và những lời bày tỏ sự quan tâm cao nhất và tình cảm chân thành của tất cả người dân Ý.

Bánh sinh nhật: ĐTC và giới trẻ

Như truyền thống, tiệm bánh ngọt và kem Hedera ở đường Borgo Pio, đã làm một cái bánh mừng sinh nhật ĐTC Phanxicô.

Ông chủ tiệm bánh, Francesco Ceravolo, và các nhân viên của mình không chỉ đơn giản làm một cái bánh mừng ĐTC nhưng còn là một sứ điệp, như mỗi năm.

Ngọc Yến, Vatican

ĐTC Phanxicô: Niềm vui sẽ tràn đầy nếu tâm hồn chúng ta ở trong Chúa

ĐTC Phanxicô: Niềm vui sẽ tràn đầy nếu tâm hồn chúng ta ở trong Chúa

Thiên Chúa ở với chúng ta, đây là nguồn mạch của niềm vui

Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng này, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui mừng Hãy lắng nghe cho rõ: Hãy vui lên. Với những lời này, Tiên tri Xôphônia hướng đến phần bé nhỏ dân Israel: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn" (Xp 3,14). Cư dân của thành thánh được kêu mời hãy vui mừng vì Chúa đã rút lại lời kết án dân (c.15). Chúa đã tha thứ, Ngài không muốn trừng phạt! Do đó, dân thành không còn có lý do phải buồn rầu và nản chí, nhưng tất cả mang lại một lòng biết ơn vui mừng đối với Thiên Chúa, Đấng luôn muốn chuộc lại và cứu độ dân mà Ngài yêu thương. Và tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài không ngừng, tình yêu này có thể so sánh với sự dịu dàng của người cha dành cho con cái, của chàng rể dành cho cô dâu, như Xôphônia nói: "Vì ngươi, Người hân hoan vui sướng. Với ngươi, Người làm mới lại Tình Yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui"(c.17). Như vậy Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật của niềm vui, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, trước lễ Giáng Sinh.

Lời kêu gọi của vị ngôn sứ thích hợp đặc biệt trong thời gian chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, bởi vì nó áp dụng cho Chúa Giêsu, Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta: sự hiện diện của Người là nguồn vui. Thực vậy, Xôphônia công bố: "Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi”; và rồi ngôn sứ nhắc lại: "Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi" (c. 5,17). Thông điệp này tìm thấy ý nghĩa đầy đủ của nó trong thời điểm Truyền tin cho Đức Maria, được thánh sử Luca thuật lại. Những lời mà thiên thần Gabriel chào Đức Trinh nữ như tiếng vang của những lời tiên tri: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng trinh nữ " (Lc 1, 28). Trong một ngôi làng hẻo lánh ở Galilê, nơi trái tim của một thiểu nữ chưa được mọi người biết đến, Thiên Chúa đã thắp lên tia sáng hạnh phúc cho cả thế giới. Và hôm nay, lời loan báo tương tự được gửi đến Giáo hội, Giáo hội được kêu gọi đón nhận Tin Mừng để Tin Mừng trở nên xác thịt, cuộc sống cụ thể: "Hãy vui mừng, hỡi cộng đoàn Kitô nhỏ bé, nghèo nàn và khiêm nhường nhưng xinh đẹp trong mắt Ta bởi vì các con ước muốn mãnh liệt Vương quốc Ta, các con khao khát công lý, kiên nhẫn dệt hòa bình, không theo kẻ quyền thế nhưng trung thành ở bên cạnh người nghèo. Và vì vậy các con không sợ bất cứ điều gì ngoài một tâm hồn luôn hân hoan". Nếu chúng ta bước đi như thế trong sự hiện diện của Thiên Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ luôn vui tươi. Niềm vui dâng cao, khi niềm vui tràn đầy sự khiêm tốn mỗi ngày, đó là hòa bình. Hòa bình là niềm vui bé nhỏ, nhưng đó là niềm vui đích thực.

Hạnh phúc vì Chúa không bao giờ từ chối chúng ta

Thánh Phaolô hôm nay cũng mời gọi chúng ta đừng lo lắng về bất cứ điều gì, nhưng trong mọi hoàn cảnh hãy trình bày những ước vọng, những nhu cầu, lo lắng lên cùng Chúa, “bằng kinh nguyện và cầu xin" (Phil 4,6).

Ý thức rằng trong những khó khăn, chúng ta luôn có thể hướng về Chúa, và Ngài không bao giờ từ chối những lời khẩn cầu của chúng ta, đây là một lý do tuyệt vời cho niềm vui. Không có sự lo lắng, sự sợ hãi nào sẽ có thể lấy khỏi chúng ta sự thanh thản đến từ việc nhận biết rằng Thiên Chúa luôn yêu thương hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Ngay cả giữa những khó khăn và đau khổ, sự chắc chắn này nuôi dưỡng hy vọng và sự can đảm.

Mùa Vọng, thời gian hoán cải

Nhưng để đón nhận lời mời của Chúa đến niềm vui, chúng ta cần phải là những người sẵn sàng đặt câu hỏi cho chính mình. Cũng giống như những người sau khi nghe lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, đã hỏi thánh nhân: "Chúng tôi phải làm gì?" (Lc 3,10). Câu hỏi này là bước đầu tiên trong hành trình hoán cải mà chúng ta được mời gọi thực hiện trong Mùa Vọng này. Mỗi người hãy tự hỏi: tôi phải làm gì? Nhỏ bé thôi nhưng “Tôi phải làm gì?” Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta mở rộng lòng mình với Thiên Chúa, Đấng đang đến, để Ngài làm tràn ngập cả cuộc đời chúng ta với niềm vui.

Ngọc Yến, Vatican

Đức Thánh Cha mời người nghèo bữa cơm trưa mừng Chúa Giáng Sinh

Đức Thánh Cha mời người nghèo bữa cơm trưa mừng Chúa Giáng Sinh

Bữa ăn do các vận động viên Olympic của Tập đoàn Thể Thao Ngọn lửa Vàng (Fiamme gialle) khoản đãi, và được tổ chức tại trung tâm thể thao Cảnh Sát Tài Chính Italia ở Castelporziano, gần bờ biển.

Chính các vận động viên sẽ nấu ăn, phục vụ bàn ăn và tặng quà cho các vị khách, chia sẻ với họ một ngày Lễ đầy niềm vui trong bầu khí vui tươi gia đình. Các vận động viên làm tất cả điều này với một chủ đích tình cảm đặc biệt dành cho Đức Thánh cha nhân dịp sinh nhật lần thứ 82 vào thứ hai ngày 17/12/2018.

Với sáng kiến này đội Điền kinh Vatican, đại diện Tòa Thánh muốn làm sống lại lời kêu gọi của Đức Thánh cha Phanxicô; đó là sống tinh thần Giáng Sinh trong tình liên đới và sự quan tâm cụ thể đến những người thiếu thốn nhất. Và đây là một chứng từ của lòng bác ái và tình huynh đệ thông qua ngôn ngữ thể thao, mà tự bản chất cho thấy sự tôn trọng phẩm giá của những người bé nhỏ.

Tình liên đới là đặc điểm của hoạt động thể thao của đội Điền kinh Vatican: vào tháng 5, các vận động viên đã cùng 250 người nghèo tham dự các cuộc thi điền kinh quốc tế tại sân vận động Olympic và chào đón hai người di dân và hai thanh niên khuyết tật vào đội. Dọc theo đường phố trên hành trình cuộc đua họ cũng phân phát các bức hình trên đó có "lời cầu nguyện của vận động viên Marathon", được dịch ra 37 ngôn ngữ, trong khi ở các thành phố lớn, từ Rôma đến Florence và Valencia, họ quảng bá "Thánh lễ Marathon" vào đêm Chúa nhật trước cuộc thi. Các vận động viên nhận thức rằng đội Điền kinh Vatican là một hiệp hội, nhưng trước hết họ ước muốn trở thành một kiểu làm chứng "ra đi", như Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục.

Ngọc Yến, Vatican

ĐTC Phanxicô: “Này con đây” nghĩa là tín thác nơi Chúa mỗi ngày

ĐTC Phanxicô: "Này con đây" nghĩa là tín thác nơi Chúa mỗi ngày

Tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC tại Quảng trường Thánh Phêrô có khoảng 20 ngàn tín hữu và khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc truyền tin cho Đức Maria, đặc biệt là lời thưa của Mẹ: ”Eccomi”, Này con đây!

Lời thưa của Adam và lời thưa của Mẹ Maria

ĐTC bắt đầu bài huấn dụ bằng việc so sánh lời thưa với Thiên Chúa của Adam trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Sáng thế và lời thưa của Đức Mẹ trong bài Tin mừng theo thánh Luca. Trong bài đọc thứ nhất, có một con người ngay từ ban đầu nói không với Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng thì chính Đức Mẹ Maria, vào buổi Truyền tin, đã thưa vâng với Thiên Chúa. Trong cả hai bài đọc, chính Thiên Chúa tìm kiếm con người. Nhưng trong trường hợp thứ nhất, Thiên Chúa đến với Adam, sau khi ông đã phạm tội, và hỏi ông: “Ngươi đang ở đâu?” (St 3,9) và ông đáp lại: “Tôi đang ẩn trốn” (c.10). Ngược lại, trong trường hợp thứ hai, Thiên Chúa đến với Mẹ Maria, tinh tuyền vô tội, và Mẹ đã thưa với Chúa: “Này con là tôi tớ Chúa” (Lc, 1,38). Lời thưa “này con đây” trái ngược với câu đáp “tôi đang ẩn trốn”. Thưa “Này con đây” là mở lòng mình ra với Chúa, trong khi tội lỗi thì đóng lại, khép kín, làm cho người ta cô đơn với chính mình.

Mỗi ngày bắt đầu với lời thưa “này con đây”…

 “Này con đây” là từ khóa của cuộc sống. Nó đánh dấu sự chuyển đổi từ cuộc sống theo chiều ngang, quy hướng về chính mình và các nhu cầu của mình, đến một cuộc sống theo chiều dọc, hướng đến Thiên Chúa. “Này con đây” là sẵn sàng với Chúa, đó là phương dược chữa lành sự ích kỷ, là thuốc giải cho một cuộc sống bất mãn, trong đó người ta luôn thiếu một cái gì đó. “Này con đây” là cách chữa trị chống lại sự già nua của tội lỗi, là cách trị liệu để giữ được sự trẻ trung nội tâm. “Này con đây” là tin rằng Thiên Chúa thì hơn cái tôi của tôi. Đó là chọn đặt cược vào Chúa, ngoan ngoãn trước những bất ngờ Chúa đưa đến. Vì vậy, thưa “Này con  đây” với Thiên Chúa là lời ngợi khen lớn lao nhất mà chúng ta có thể thưa với Người. Tại sao chúng ta không bắt đầu những ngày sống của mình như thế? Thật là đẹp khi mỗi sáng chúng ta nói: “Lạy Chúa, này con đây, ngày hôm nay xin thánh ý Chúa được thể hiện trong con”. Chúng ta sẽ thưa điều này trong Kinh Truyền Tin, nhưng bây giờ chúng ta đã có thể cùng nhau lặp lại: “Lạy Chúa, này con đây, ngày hôm nay xin thánh ý Chúa được thể hiện trong con”.

Cám dỗ nguyên thủy: đừng tin vào Thiên Chúa

Mẹ Maria nói với Sứ Thần Chúa: “Xin xảy ra cho con theo lời Ngài.” Mẹ không nói: “Xin xảy ra như ý con”, nhưng “theo ý Ngài”. Mẹ không đặt giới hạn cho Chúa. Mẹ không suy nghĩ: “tôi dành cho Người một ít, tôi làm nhanh nhanh và rồi tôi làm điều tôi muốn.” Không! Mẹ Maria không chỉ yêu Chúa khi sự việc xảy ra hợp ý Mẹ. Mẹ sống tín thác vào Chúa trong tất cả và vì tất cả. Đây là bí quyết của cuộc sống. Tất cả những ai tín thác vào Chúa trong tất cả thì có thể thực hiện được. Thật ra Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta thưa với Người như Adam đã thưa: “Tôi sợ hãi và tôi đã ẩn trốn. Thiên Chúa là Cha, người cha hiền lành nhất trong các người cha, và mong muốn các con tin tưởng nơi mình. Ngược lại, đã bao nhiêu lần chúng ta nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta nghĩ rằng Người có thể gửi đến cho chúng ta những thử thách, lấy đi sự tự do của chúng ta, bỏ rơi chúng ta. Nhưng đây là một sự lừa dối khủng khiếp, là sự cám dỗ từ nguyên thủy, cám dỗ của ma quỷ: đừng tín thác nơi Chúa. Mẹ Maria vượt qua cám dỗ đầu tiên này với lời thưa “này con đây”. Và hôm nay chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của Đức Mẹ, sinh ra và sống không tội lỗi, luôn ngoan ngoãn và trong sáng đối với Thiên Chúa.

Không để tâm đến những đồn đoán nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa

ĐTC khẳng định rằng không thể nói là cuộc sống của Mẹ thật dễ dàng. Việc ở cùng Thiên Chúa không giúp giải quyết các vấn đề cách kỳ diệu như ảo thuật. Đoạn kết của Tin mừng hôm nay nhắc: “Thiên Thần từ biệt bà” (c. 38). Từ biệt: một động từ mạnh mẽ. Thiên thần để Đức Trinh nữ một mình trong tình cảnh khó khăn. Đức Mẹ biết là Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa theo cách thức đặc biệt nhưng thiên thần không giải thích điều này với những người khác. Và các rắc rối xuất hiện ngay lập tức: chúng ta nghĩ đến những trường hợp không hợp luật lệ, đến sự khó chịu đau khổ của thánh Giuse, đến những kế hoạch sống bị hủy bỏ, đến những điều mà thiên hạ có thể nói…

Cách giải quyết của Mẹ Maria là đặt niềm tin nơi Thiên Chúa trước những vấn đề. Thiên thần đã giã từ Mẹ, nhưng Mẹ tin rằng Thiên Chúa ở với Mẹ và trong Mẹ. Và Mẹ tin tưởng tín thác. Và chắc chắn rằng với Chúa, ngay cả trong cách thức không được chờ đợi, mọi sự sẽ tốt đẹp. Đây là thái độ khôn ngoan: không sống dựa trên các vấn đề – một vấn đề kết thúc thì người ta sẽ đưa ra một vấn đề khác – nhưng tín thác vào Thiên Chúa và phó thác mọi sự cho Người: “này con đây!”. Chúng ta cầu xin Mẹ Vô nhiễm ơn để sống như thế.

Hồng Thủy, Vatican

ĐTC tiếp kiến 120 tu sĩ dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

ĐTC tiếp kiến 120 tu sĩ dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

Ngài đưa lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-12-2018, dành cho 120 tu sĩ thuộc dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi, nhân dịp kỷ niệm 800 năm thành lập dòng.

Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

Dòng được thánh Phêrô Nolasco thành lập ngày 10-8 năm 1218 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, với mục đích giải thoát các tín hữu Kitô bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ. Ngoài 3 lời khấn thông thường, các tu sĩ của dòng còn có lời khấn thứ 4 là dấn thân thay thế bằng chính bản thân những tù nhân có nguy cơ chối bỏ đức tin. Do mục đích này, đây là dòng giáo dân và có tính chất quân sự. Nhưng từ đầu thế kỷ 14, thành phần giáo sĩ trong dòng chiếm đa số và các Bề trên Tổng quyền được chọn trong số các LM.

Sau khi nạn nô lệ không còn nữa, các tu sĩ của dòng chuyên về việc giảng dạy và tông đồ truyền giáo. Sau Công đồng chung Vatican 2, dòng mở lại các hoạt động chống những hình thức nô lệ mới về chính trị, xã hội và tâm lý. Theo niên giám Tòa Thánh 2018, dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi có 659 tu sĩ trong đó 520 vị là linh mục, thuộc 158 nhà. Nhánh nhặt phép của dòng này chỉ có 35 tu sĩ thuộc 8 nhà.

Đề cao giá trị và tính chất thời sự đoàn sủng của dòng

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tính chất thời sự trong đoàn sủng của dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi và ngài nói: ”Gia đình dòng, những người thánh hiến và giáo dân, cần để cho tinh thần sáng tạo của Thiên Chúa soi sáng, cả khi điều này đòi ta phải từ bỏ những khuôn mẫu riêng của mình, được thêm vào đoàn sủng nguyên thủy qua dòng thời gian”.

ĐTC giải thích rằng ”Tín thác nơi Chúa có nghĩa là hiến thân cho Chúa không chút dè dặt; không phải chỉ cho đi những gì là vật chất và dư thừa, nhưng còn dâng hiến tất cả những gì chúng ta coi như của riêng, cả những sở thích và ý kiến riêng của mình. Sự dâng hiến cuộc sống không phải là điều tùy ý, nhưng là kết quả của một tâm hồn đã được tình thương của Thiên Chúa đánh động”.

Tránh sa chước cám dỗ tìm kiếm tư lợi và địa vị

”Tôi xin anh em đừng để mình bị sa vào chước cám dỗ coi sự hy sinh và hiến thân của Chúa như một sự đầu tư để mưu tư lợi cho mình, để đạt được địa vị hoặc được cuộc sống an ninh! Không phải vậy! Hãy cố gắng làm cho sự dâng hiến và hy sinh nhắm phụng sự Thiên Chúa và con người, sống niềm vui Phúc âm qua đoàn sủng cứu chuộc của dòng anh em.”

3 thứ kẻ thù

ĐTC cảnh giác rằng ngày nay cũng như trong lịch sử, Kitô hữu bị đe dọa vì 3 thứ kẻ thù: thế gian, ma quỉ và xác thịt. Đây không phải là những gì thuộc về quá khứ, nhưng là thực tại ngày nay. Những nguy hiểm này nhiều khi ngụy trang và chúng ta không nhận diện được chúng, nhưng hậu quả của chúng thật là hiển nhiên, nó mê hoặc lương tâm và tạo nên sự tê liệt tinh thần, dẫn tới cái chết nội tâm”.

”Chúng ta cũng phải chú ý để khỏi rơi vào tình trạng không còn đời sống thiêng liêng sinh động nữa. Chúng ta hãy đề phòng tinh thần thế tục, dưới hình thức tinh vi, lẻn vào đời sống chúng ta, làm tiêu tán vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu ban đầu đối với Chúa trong tâm hồn chúng ta” (Rei 6-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC Phanxicô: Học cầu nguyện từ Chúa Giêsu

ĐTC Phanxicô: Học cầu nguyện từ Chúa Giêsu

Trong buổi tiếp kiến chung dành cho khoảng 10 ngàn tín hữu vào sáng thứ tư 05/12, ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý mới về “Kinh Lạy Cha”. Kinh Lạy Cha xuất phát từ đời sống cầu nguyện của chính Chúa Giêsu và Chúa đã dạy cho các môn đệ.

Chúa Giêsu là người cầu nguyện

Các Tin mừng trình bày cho chúng ta những bức chân dung rất sống động của Chúa Giêsu: như một con người cầu nguyện. Dù cho những khẩn cấp của sứ vụ và các nhu cầu khẩn thiết của dân chúng đang kêu cầu Người cứu giúp, Chúa Giêsu cảm thấy cần tách mình ra khỏi họ, sống trong cô tịnh và cầu nguyện.

Tin mừng thánh Marco thuật lại với chúng ta về chi tiết này ngay từ trang đầu nói về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (x. 1,35). Ngày khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu tại Caphácnaum đã kết thúc cách thành công. Khi mặt trời lặn, nhiều người đau yếu đã tìm đến nơi Chúa Giêsu đang ở: Đấng Cứu Thế giảng dạy và chữa lành. Những lời tiên tri xưa kia và các chờ mong của dân chúng đang đau khổ được thực hiện: Chúa Giêsu là Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa giải phóng. Nhưng đám đông đó vẫn chỉ là một số nhỏ so với nhiều đám đông khác sẽ tụ họp xung quanh vị ngôn sứ của Nadarét; đôi khi là đám đông ở bờ biển và Chúa Giêsu ở trung tâm của tất cả, là niềm mong chờ của dân chúng, là chung cục của niềm hy vọng của Israel.

Đấng Cứu Thế đúng nghĩa, không gắn chặt với dân chúng

Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không để mình bị bó buộc; Người không trở thành con tin của những mong đợi của những người đã chọn Người làm lãnh đạo. Có một nguy hiểm đối với những người lãnh đạo, đó là quá gắn chặt với dân chúng, không giữ khoảng cách. Chúa Giêsu nhận ra điều này và không trở thành con tin của dân chúng. Từ đêm đầu tiên ở Caphácnaum, Chúa Giêsu đã chứng tỏ mình là một Đấng Cứu Thế đúng nghĩa. Khi đêm gần qua, khi mà bình minh đang bắt đầu ló dạng, các môn đệ vẫn đang tìm kiếm Chúa nhưng vẫn không thể tìm thấy Người. Cuối cùng, Phêrô tìm thấy Người ở một nơi vắng vẻ, hoàn toàn đắm mình trong cầu nguyện. Ông nói với Chúa Giêsu: “Tất cả mọi người đang tìm Thầy!” (Mc. 1,37). Câu than vãn cho thấy sự thành công được mọi người nhìn nhận, chứng cứ của sự thành công tốt đẹp của một sứ vụ.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng Người phải đi nơi khác; không phải là dân chúng tìm kiếm Người nhưng trên hết, chính Người sẽ đi tìm kiếm họ. Đối với Chúa, không được bén rễ ở một nơi nhưng cần tiếp tục là một người hành hương trên những nẻo đường xứ Galilê (cc. 38-39). Và cũng là người hành hương về với Chúa Cha, nghĩa là bằng cầu nguyện. Trong hành trình cầu nguyện. Tất cả xảy ra trong một đêm cầu nguyện.

Cầu nguyện hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu

Trong một số trang Kinh thánh, dường như việc Chúa Giêsu cầu nguyện, sự gắn bó thân mật của Người với Chúa Cha hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu; ví dụ trong đêm ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Bức tranh cuối cùng về cuộc hành trình của Chúa Giêsu (chắc chắn là giờ phút khó khăn nhất trong số những điều Chúa Giêsu đã làm cho đến nay) dường như được thấy rõ nghĩa trong việc Chúa Giêsu liên tục lắng nghe Chúa Cha. Chắc chắn đó là một lời cầu nguyện không dễ dàng, thật ra là một cơn hấp hối thật sự, hổn hển như các vận động viên trong cuộc thi, nhưng là một lời cầu nguyện có thể nâng đỡ cuộc hành trình thập giá.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện

Chúa Giêsu đã cầu nguyện sốt sắng trong những buổi cầu nguyện chung khi chia sẻ phụng vụ với dân của Người nhưng Người tìm những nơi để suy tư, tách biệt khỏi cơn lốc của thế giới, những nơi cho phép đi vào sâu thẳm của linh hồn mình: Người là vị tiên tri biết những hòn đá của sa mạc và trèo lên núi cao. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu, trước khi thở hơi cuối cùng trên thập giá, là các lời của các thánh vịnh, nghĩa là những lời cầu nguyện của người Do thái: Người cầu nguyện bằng những kinh nguyện mà mẹ đã dạy cho Người.

Chúa Giêsu là thầy dạy cầu nguyện

Chúa Giêsu đã cầu nguyện như mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, trong cách thế cầu nguyện của Người, có một điều mầu nhiệm, một điều gì đó mà chắc chắn các môn đệ của Người đã nhìn thấy, do đó họ xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Họ thấy Chúa cầu nguyện và họ muốn học cầu nguyện như Người. Và Chúa Giêsu không từ chối lời cầu xin của họ, Người không ghen tương nếu các môn đệ có mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha, nhưng Người đã đến chính là để giới thiệu với chúng ta mối tương quan này. Và như thế Chúa đã trở thành thầy dạy cầu nguyện của các môn đệ, và chắc chắn Người cũng muốn là thầy dạy cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Cả chúng ta cũng phải cầu xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Luôn phải học cầu nguyện!

Ngay cả nếu dường như chúng ta đã cầu nguyện từ nhiều năm, chúng ta luôn phải học cầu nguyện! Lời cầu nguyện của con người, khao khát này nảy sinh cách tự nhiên từ linh hồn con người, có lẽ là một trong những bí ẩn sâu xa nhất của vũ trụ. Và chúng ta thậm chí không biết nếu những lời cầu nguyện mà chúng ta thưa với Chúa có thực sự là những điều mà Người muốn nghe chúng ta thưa không.

Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe

Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy những lời cầu nguyện không xứng hợp, cuối cùng bị Thiên Chúa từ chối: chỉ cần nhớ dụ ngôn của người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Chỉ người thu thuế từ đền thờ trở về nhà được nên công chính, vì người Pha-ri-sêu kiêu ngạo và thích được dân chúng thấy mình cầu nguyện và họ giả vờ cầu nguyện: trái tim của họ thì lạnh giá. Và Chúa Giêsu nói: người này không được nên công chính, "vì ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 18,14). Bước đầu tiên để cầu nguyện là khiêm nhường, đến với Chúa Cha và thưa: “Nhưng, thưa Cha…”, đến với Đức Mẹ: “Nhưng, xin Mẹ nhìn con, con là đứa tội lỗi, con yếu đuối, con xấu xa…”. Nhưng chúng ta luôn bắt đầu với sự khiêm nhường và Chúa lắng nghe chúng ta. Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe.

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”

Vì thế, khi bắt đầu loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, điều đẹp nhất và thích hợp nhất mà tất cả chúng ta phải làm đó là lập lại lời cầu xin của các môn đệ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”. Chắc chắn Chúa sẽ không để cho lời cầu xin của chúng ta rơi vào trong hư không.

Hồng Thủy

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

Không có thông cáo chính thức nào được công bố sau khóa họp. Nhưng theo mạng thông tin Vatican Insider, đã có 2 bài tường trình mở đầu do ĐHY Angelo Becciu, nguyên là Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh trong 7 năm trời và nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh; tiếp đến là bài của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican.

Thặng dư trong nhân sự

Cụ thể, khóa họp bàn về vai trò của hơn 4,500 nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, trong đó có các giáo dân, tu sĩ nam nữ và linh mục, tỷ lệ khác nhau, ví dụ trong số 2 ngàn nhân viên tùy thuộc Phủ Thống Đốc Vatican, 90% là giáo dân.

Giảm chi

Trong cuộc họp, các vị hữu trách bàn về việc giảm bớt chi phí, giới hạn việc thu nhận nhân viên mới để thay thế các nhân viên về hưu, những nhu cầu mới do việc gộp các cơ quan Tòa Thánh trong các năm gần đây, có những trường hợp cần các nhân viên mới, chuyên môn hơn và biết sinh ngữ.

Tiêu chuẩn rõ ràng khi thu nhận nhân viên mới

Quan tâm của ĐTC là, ngoài sự minh bạch, công bằng và những tiêu chuẩn rõ ràng để thu nhận nhân viên, còn phải quan tâm đến việc săn sóc mục vụ và tinh thần cho những người phục vụ tại Tòa Thánh, đồng hành thích hợp trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Giới hạn thời gian phục vụ của LM ở Vatican

Về các linh mục, nhất là các vị trẻ, các vị được mời gọi thi hành các hoạt động mục vụ tại các giáo xứ ở Roma vào cuối tuần. Ngoài ra, cũng có đề nghị ưu tiên dành cho việc ký hợp đồng 5 năm, có thể gia hạn, đối với các LM đến từ các giáo phận, để không giữ các vị ở lâu trong giáo triều, và tối đa là 10 năm. Nhờ điều kiện này, các GM có thể dễ dàng hơn trong việc gửi linh mục thuộc quyền đến phục vụ tại giáo triều Roma. (Vatican Insider 27-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Sơ Cecylia sinh ngày 25/03/1908, với tên gọi Maria Roszak, tại tỉnh Kielczewo, ở miền trung tây Balan. Sau khi tốt nghiệp trường thương mại ở tuổi 21, sơ gia nhập đan viện dòng Đaminh "On Gródek” ở Krakow.

Năm 1938, sơ Cecylia cùng với một nhóm nữ tu đi đến Vilnius (hiện nay là Lituania) với ý định thành lập một đan viện ở đó. Nhưng thế chiến thứ hai bùng nổ và các chị không thể thực hiện điều này.

Trong thời gian Vilnius bị Sô viết và Đức chiếm đóng, sơ Cecylia và các nữ tu đã che dấu 17 người Do thái tại tu viện của mình dù sẽ gặp nguy hiểm. Dù có sự khác biệt giữa các nữ tu và nhóm Do thái thuộc phong trào Do thái Zion, nhưng họ đã tạo được mối liên hệ thân thiết. Các chiến binh Do thái tìm được nơi trú ẩn an toàn sau các bức tường tu viện. Họ lao động vùng với các nữ tu trên các cánh đồng và tiếp tục hoạt động chính trị của họ.

Sau khi tu viện bị đóng cửa vào năm 1943, các nữ tu cũng bị giải tán. Sơ Cecylia trở về Krakow. Năm 1947, sơ cùng với các nữ tu Đaminh trở về nhà mẹ và phục vụ trong các công việc khác nhau.

Năm 101 tuổi, sơ Cecylia phải phẫu thuật hông và đầu gối nhưng sơ vẫn tham gia vào các hoạt động hàng ngày, trong đó có việc cầu nguyện chung với các nữ tu và thăm viếng các nữ tu bệnh nhân.

Ngày 25/03/2018, sơ mừng sinh nhận 110 tuổi và sơ qua đời 8 tháng sau đó, ngày 16-11-2018.

Hồng Thủy, Vatican

Ban chuẩn bị cuộc họp các Chủ tịch HĐGM về lạm dụng tính dục

Ban chuẩn bị cuộc họp các Chủ tịch HĐGM về lạm dụng tính dục

Các thành viên ban tổ chức

 Thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 23-11-2018 cho biết trong số các thành viên ban tổ chức có ĐHY Blase Cupich, TGM giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, ĐHY Oswald Gracias, TGM Bombay, Chủ tịch HĐGM Ấn độ, Đức TGM Charles Scicluna, TGM Malta, kiêm Đồng Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin và cha Hans Zollner dòng Tên, Chủ tịch Trung Tâm bảo vệ trẻ vị thành niên thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma và cũng là thành viên Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.

 Khoảng 180 người tham dự khóa họp

 Tham dự cuộc họp vào tháng 2 năm 2019 với sự hiện diện của ĐTC, sẽ có khoảng 180 người gồm các vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các lãnh đạo Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các vị Tổng trưởng các Bộ giáo lý đức tin, Bộ Đông phương, GM, truyền giáo, giáo sĩ, Đời Tu, Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, các vị Chủ tịch các HĐGM trên thế giới, và đại diện của Hiệp Hội các Bề trên tổng quyền các dòng nam và dòng nữ.

 Trong công cuộc chuẩn bị cuộc gặp gỡ này, sẽ có sự cộng tác của 2 nữ Phó Tổng thư ký của Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, và một vài nạn nhân đã bị giáo sĩ lạm dụng. (Rei 23-11-2018)

 Phỏng vấn cha Hans Zollner

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Cha Hans Zollner cho biết một trong các công tác của ban tổ chức là chuẩn bị các tài liệu căn bản cho các tham dự viên để có thể đặt cuộc họp vào tháng 2 tới đây trong hành trình đã được thực hiện cho đến nay.

 Diễn tiến khóa họp các Chủ tịch HĐGM

 Cơ cấu tổ chức trù định trong khóa họp có một cuộc trao đổi tự do đồng thời cũng có những lúc cầu nguyện và suy tư, phân tích và đề nghị. Theo Cha Zollner, để khóa họp này được kết quả, điều quan trọng là cần tiến hành ngay giai đoạn tham khảo ý kiến. ”Việc tổ chức kỷ lưỡng cho cuộc gặp gỡ sẽ giúp liên kết các yếu tố như phân tích, ý thức, xấu hổ, thống hối, cầu nguyện, phân định về những hành động cần đưa ra, và những quyết định cần thực hiện trong công lý và chân lý”.

 Tham khảo ý kiến nạn nhân và chuyên gia

 Theo Cha Zollner, việc tham khảo ý kiến của các nạn nhân, các nhóm chuyên gia, giáo dân, những người thuộc giới văn hóa, cũng là điều quan trọng. Trong lãnh vực này, Ban tổ chức sẽ làm việc chung với Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em” (Rei 23-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-11-2018 dành cho 7 ngàn tham dự viên Đại hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo, kết thúc vào chúa nhật hôm nay, 25-11-2018 sau 3 ngày tiến hành ở Roma.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao tầm quan trọng của thánh nhạc và thánh ca trong phụng vụ, ĐTC nói: ”Âm nhạc và thánh ca của anh chị em là một dụng cụ đích thực để loan báo Tin Mừng, theo mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, đánh động tâm hồn con người, và anh chị em giúp cho việc cử hành các bí tích, nhất là Thánh Lễ, làm cho tín hữu cảm nghiệm được vẻ đẹp của Thiên Đàng. Anh chị em đừng bao giờ ngừng lại trong sự dấn thân quan trọng như thế đối với đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.. 

Đừng phô trương cá nhân

ĐTC cũng cảnh giác các ca viên ”đừng rơi vào cám dỗ muốn trở thành những người nắm vai chính, tỏ ra mình là quan trọng, mà làm sự dấn thân của anh chị em bị lu mờ và làm giảm bớt sự tham gia tích cực của dân chúng vào việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho dân Chúa không được hát với anh chị em và làm chứng về một kinh nguyện của Giáo Hội và cộng đoàn”.

Đừng giảm bớt các hình thức lòng đạo đức bình dân

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc nhở các ca viên đừng làm giảm giá trị của những hình thức khác biểu lộ lòng đạo đức bình dân, như các lễ bổn mạng, các cuộc rước, các điệu vũ và các bài ca đạo của dân chúng, vì đó cũng là một gia sản lòng đạo đức đích thực cần được đề cao giá trị và nâng đỡ, vì đó cũng là một hành động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn Giáo Hội”.

Chương trình kế tiếp của Đại hội

Ban chiều cùng ngày 24-11-2018, từ lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc của các ca đoàn để kính thánh nữ Cecilia. Trên sân khấu sẽ có hơn 600 ca viên và 70 nhạc công, họ sẽ ca hát vùng với hơn 8 ngàn ca viên khác trong đại thính đường.

Sáng chúa nhật 25-11, lúc 10 giờ, Đức TGM Rino Fisichella, sẽ chủ sự thánh lễ với phần thánh ca do các viên đảm trách. (Rei 24-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Người Công giáo Cali muốn dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ

Người Công giáo California muốn dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ

Vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 08/12 tới đây, tại một số giáo xứ trên toàn tiểu bang California sẽ họp nhau cầu nguyện từ giữa trưa đến 2 giờ trưa. Chương trình dự kiến có Thánh lễ được cử hành giữa trưa, sau đó là cuộc đi bộ đến địa điểm được chuẩn bị trước. Tại địa điểm này, các tín hữu sẽ đọc kinh Mân Côi và các kinh nguyện thánh hiến đặc biệt.

Những người tổ chức nỗ lực này cầu xin Mẹ Maria giúp chiến đấu chống lại những sự ác luân lý đang phổ biến tại tiểu bang. Chương trình này có địa chỉ trang web: www.consecratecalifornia.com, trên đó có danh sách các giáo xứ đăng ký tham gia vào chiến dịch này.

Một trong những kinh nguyện có trên trang web là kinh cầu xin được thoát khỏi hình phạt dành cho linh hồn chúng ta, điều xứng với các tội giết thai nhi, bệnh nhân, người già yếu, người không được mong muốn chào đời và các bạo lực, xâm phạm tính dục, ma túy, vv. Lời kinh này cũng xin Mẹ Maria gìn giữ khỏi các thiên tai và chiến tranh, cũng như giúp chiến thắng nền văn hóa chết chóc và mang Thiên Chúa và ý niệm về gia đình trở lại trong cuộc sống.

Chiến dịch dâng hiến bang California do Angelo Libutti, một cư dân ở Glendale khởi xướng, một cựu chiến binh của ngành công nghiệp điện ảnh. Năm ngoái, trong khi đnag cầu nguyện trước Thánh Thể sau một ngày làm việc căng thẳng, vì bị các đồng nghiệp phê bình dữ dội vì ông đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sự sống của mình.

Cá nhân ông Libutti đã dâng mình cho Đức Mẹ và ông đã trải nghiệm những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của ông. Ông cảm thấy việc dâng hiến toàn tiểu bang là cách chữa khỏi sự vô luân, tục hóa và hận thù đối với các giá trị truyền thống ở California. Tháng 12 năm ngoái là lần dâng hiến California đầu tiên và năm nay sẽ là lần thứ hai.

Trong lần dâng hiến năm ngoái và chuẩn bị năm nay, ông Libutti được sự hiệp tâm của các tín hữu. Ông cũng đã trình bày với hai vị tổng giám mục tại bang California, Đức tổng GM Los Angeles và Đức tổng GM San Francisco. Ông hy vọng chương trinh sẽ được các ngài đồng thuận.

Cha Jay Bananal của giáo xứ thánh Pio X ở Chula Vista nhận thấy việc dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ là một điều đáng làm. Cha nói: “Có nhiều thành phố và nơi chốn ở bang mang các tên chứng tỏ nền tảng Kitô giáo của bang này. Nhưng thật buồn là một số luật lệ xấu đã được bang thông qua trong những năm gần đây làm thương tổn đến các gia đình, gây lại cho người già và các thai nhi. Hy vọng rằng việc dâng hiến tiểu bang xinh đẹp của chúng ta một lần nữa cho Chúa, qua Đức Mẹ, các tín hữu Công giáo California có thể hiệp nhau cầu xin lòng thương xót của Chúa trên chúng ta và bàn tay hướng dẫn của Người dẫn đưa chúng ta, đặc biệt các nhà làm luật, trong đường ngay nẻo chính.”

Hồng Thủy, Vatican

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama

Lời “Xin Vâng” Can Đảm và Quảng Đại

Những lời của Đức Maria là một tiếng “Xin vâng” đầy can đảm và quảng đại. Đó là lời đáp trả xác quyết của một người đã hiểu được bí quyết của ơn gọi: ra khỏi mình và đặt mình phục vụ tha nhân. Cuộc sống của chúng ta chỉ tìm được ý nghĩa trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Sức mạnh của người trẻ

Nhiều người trẻ, cả những tín hữu lẫn người vô tín, sau khi kết thúc một giai đoạn học tập của mình, cảm thấy muốn làm một điều gì đó cho những người đang gặp đau khổ. Đó là sức mạnh nơi người trẻ, sức mạnh mà tất cả các bạn đều có. Đó là sức mạnh có thể thay đổi thế giới. Sức mạnh này là “cuộc cách mạng” có thể đánh bại “cường quyền” đang lộng hành trên trái đất này. Đó là ”cuộc cách mạng” của sự phục vụ.

Thái độ lắng nghe… như Đức Maria

 Đặt mình phục vụ người thân cận không chỉ là sẵn sàng hành động, mà còn là đặt mình đối thoại với Thiên Chúa với thái độ lắng nghe, như Đức Maria đã làm. Mẹ đã lắng nghe điều sứ thần nói với mình và sau đó Mẹ đã đáp lời. Chính trong tương quan với Thiên Chúa trong thinh lặng nội tâm, chúng ta khám phá ra căn tính của chúng mình và ơn gọi mà Thiên Chúa kêu mời chúng ta. Ơn gọi này được biểu lộ dưới nhiều hình thức: trong đời sống hôn nhân, thánh hiến, linh mục… Nhưng ơn gọi không có nơi chủ nghĩa cá nhân. Ơn gọi không tồn tại nơi một người sống theo chủ nghĩa cá nhân. Tất cả những hình thức ấy là những cách thức theo Chúa Giêsu. Điều quan trọng là khám phá xem Chúa đang chờ đợi gì nơi chúng ta và can đảm thưa “xin vâng”.

Bước đầu tiên hướng tới cuộc đời hạnh phúc

Mẹ Maria là một người nữ hạnh phúc, bởi Mẹ đã quảng đại đáp lời Thiên Chúa và mở lòng trước kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình. Những đề nghị Thiên Chúa dành cho chúng ta, như điều Người đã dành cho Mẹ Maria, không phải để dập tắt những ước mơ, nhưng để khơi lên những khao khát. Những lời mời gọi ấy làm cho đời sống chúng ta trổ sinh hoa trái, đem đến những nụ cười, và làm cho nhiều tâm hồn hân hoan. Thưa ”xin vâng” cách xác quyết đối với Thiên Chúa là bước đầu tiên để được hạnh phúc và làm cho nhiều người hạnh phúc.

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con?”

Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm bước vào nơi sâu thẳm tâm hồn mình, và hỏi Thiên Chúa: Chúa muốn gì nơi con? Các bạn hãy để Chúa nói với các bạn, và các bạn sẽ thấy cuộc đời mình được biến đổi và tràn đầy niềm vui.

Chúc các bạn có một hành trình tốt đẹp hướng về Panama

Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang đến gần, Cha mời gọi các bạn hãy chuẩn bị cho biến cố này, bằng cách theo dõi và tham gia vào tất cả mọi sáng kiến đang được thực hiện. Những việc ấy sẽ giúp các bạn tiến về mục tiêu ấy.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với các bạn trong cuộc lữ hành này. Và ước gì tấm gương của Mẹ thúc đẩy các bạn can đảm và quảng đại đáp lời.

Chúc các bạn thượng lộ bình an tiến về Panama!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Mong sớm gặp lại các bạn.

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21/11, ĐTC Phanxicô đã giải thích về các lệnh truyền cuối cùng trong Mười Giới răn: chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người. Ngài nhấn mạnh rằng những lời cuối cùng của Mười Điều răn không chỉ là những lời kết thúc bản văn nhưng nó hoàn tất cuộc hành trình xuyên suốt Mười Giới răn, khi đi đến trọng tâm của tất cả những gì Mười Giới răn dạy chúng ta. Hai lệnh truyền cuối cùng này không phải là một nội dung mới được thêm vào, vì các chỉ dẫn “chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người” đã tiềm ẩn trong các giới răn chớ ngoại tình và chớ trộm cắp.

Gốc rễ của tội lỗi là các ham muốn xấu

 

ĐTC giải thích ý nghĩa của hai giới răn này, ngài nói: tất cả các lệnh truyền đều nhắm chỉ ra ranh giới của cuộc sống, giới hạn mà nếu vượt qua nó thì con người hủy hoại chính mình và tha nhân của mình, làm hư hoại mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Những lời cuối cùng của Mười Giới răn nhấn mạnh rằng mọi sự vi phạmđều phát sinh từ một gốc rễ chung là “các mong muốn gian ác.”

Theo ĐTC, mọi tội lỗi xuất phát từ ham muốn xấu. Ham muốn đó lay động trái tim con người và người ta bị cuốn vào cơn sóng đó và vi phạm giới luật. Nó không phải là một vi phạm bình thường mà là vi phạm luật pháp: khi vi phạm giới luật, người ta làm thương tổn chính mình và người khác.

Cần giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa

ĐTC nhắc rằng trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,21-23).

Do đó chúng ta hiểu rằng tất cả hành trình của Mười Giới răn sẽ không có ích lợi gì nếu không đạt đến mức độ trái tim con người. Mười Giới răn nói một cách rõ ràng và sâu sắc về điểm này: điểm đến của hành trình là trái tim con người. Nếu trái tim không được tự do thì những điều khác không giúp được gì. Đây là một thách đố: Giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa. Những giới luật của Chúa có thể bị giảm nhẹ đến mức chỉ còn là bề mặt đẹp đẽ của một cuộc sống mà thật ra chỉ còn là nô lệ chứ không phải là con cái. Đàng sau chiếc mặt nạ giả hình của sự đúng đắn làm cho người ta ngộp thở thường có che đậy điều gì đó xấu xa và không được giải quyết.

Hai giới răn cuối giúp nhận ra sự nghèo khó thiêng liêng

ĐTC nhắc nhở chúng ta phải để cho mình được các giới răn về ước muốn này lột đi lớp mặt nạ, để  chúng có thể chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo khó của chúng ta và dẫn chúng ta đến một sự khiêm hạ thánh thiện. Mỗi người chúng ta tự hỏi. nhưng những ao ước xấu xa nào thường xuất hiện nơi tôi? Ganh tị, tham lam, nói hành? Tất cả những điều này xuất phát từ trong lòng tôi. Con người cần sự khiêm nhường được chúc phúc này: nhờ sự khiêm hạ này con người khám phá ra rằng tự mình không thể giải phóng chính mình, mà với sự khiêm hạ này, con người kêu lên cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Thánh Phaolô đã giải thích điều này một cách tuyệt với khi nói đến giới răn đừng ham muốn (x. Rm 7,7-24).

Để sửa mình, cần có ơn Chúa Thánh Thần

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nhấn mạnh đến ơn Chúa Thánh Thần trong việc hoán cải sửa mình vì thật là vô ích khi nghĩ rằng mình có thể tự sửa mình. Cũng thật vô ích khi nghĩ rằng mình có thể thanh tẩy con tim của mình bằng nỗ lực to lớn theo ý chí của mình. Cần cởi mở mình ra trong tương quan với Thiên Chúa, trong sự thật và trong tự do: chỉ như thế những mệt mỏi của chúng ta mới có thể sinh kết quả, bởi vì chúng ta có thể tiến bước khi có Chúa Thánh Thần.

Giới luật đưa con người đến với chân lý – nhận ra sự nghèo khó của mình

ĐTC giải thích về vai trò của các giới luật như sau: Luật lệ thánh kinh không phải để khiến cho con người ảo tưởng rằng chỉ cần vâng lời cách triệt để, từng chữ thì có thể được hưởng ơn cứu độ nhân tạo mà sẽ không thể đạt được bằng cách khác. Giới luật là để đưa con người đến với chân lý, tức là sự nghèo khó của mình, một sự nghèo khó chân thật và của cá nhân, được mở ra trước lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng biến đổi và canh tân chúng ta. Chỉ mình Thiên Chúa có thể canh tân con tim chúng ta miễn là chúng ta mở lòng ra với Người; đó là điều kiện duy nhất: Chúa làm tất cả nhưng chúng ta phải mở lòng ra với Người.

Những lời cuối cùng của Mười Giới răn dạy chúng ta nhận biết mình là những người hành khất, những kẻ ăn mày; nó giúp chúng ta đặt mình trước sự hỗn loạn của con tim mình, để thôi sống cách cá nhân ích kỷ và để trở thành những người nghèo trong tinh thần, những người nghèo thật sự bên cạnh Chúa Cha khi để cho mình được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần dạy dỗ. Chúa Thánh Thần là thầy dạy chúng ta: chúng ta hãy để cho Người giúp chúng ta. Chúng ta là những người ăn mày, chúng ta xin ơn nhận ra điều này.

Thông cảm và thương xót vì chính mình đã được xót thương

ĐTC kết thúc bài giáo lý bằng những lời trong Tám mối Phúc thật: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (MT 5,3). Đúng thế. Phúc cho những ai thôi lừa dối mình khi tin rằng mình có thể được cứu độ nhờ sự yếu đuối mà không cần lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể chữa lành. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành được con tim. Phúc cho những ai nhận ra những ước muốn xấu của mình và với con tim thống hối và khiêm nhường, họ không đứng trước Thiên Chúa và tha nhân như những người công chính, nhưng như các tội nhân. Điều thánh Phêro thưa với Chúa Giêsu thật hay: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Thật là đẹp lời cầu nguyện này: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Đây là những người biết có sự thương cảm, lòng thương xót với người khác bởi vì chính họ đã trải nghiệm điều đó.

Cầu nguyện cho các nữ tu chiêm niệm

Trong lời chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường, ĐTC cũng nhắc rằng hôm nay phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ Maria dâng mình vào Đền thánh, chúng ta cử hành ngày “Vì đời sống cầu nguyện”, được dành để nhớ đến các cộng đoàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận tiện hơn lúc nào hết để tạ ơn Chúa về món quà bao nhiêu người. trong các đan viện cũng như những nơi ẩn tu, dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong thinh lặng và trong sự ẩn mình. ĐTC mời gọi của toàn thể Giáo hội đừng quên yêu thương, gần gũi và trợ giúp cả về vật chất cho các cộng đoàn đan tu.

Hồng Thủy – Vatican

ĐTC tiếp Đại Hội Đồng Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem

ĐTC tiếp Đại Hội Đồng Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem

Trong buổi tiếp kiến sáng 16-11-2018, dành cho Đại Hội đồng Hội hiệp sĩ Thánh Mộ, ĐTC nhiệt liệt cám ơn và khích lệ Hội tiếp tục dấn thân trợ giúp Giáo Hội tại Thánh Địa, cũng như săn sóc giúp đỡ người nghèo.

Đại hội đồng nhóm 5 năm một lần và hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY thủ lãnh Keith Michael O'Brien, Đức TGM Pizzaballa, Giám quản tông tòa Tòa Thượng Phụ Công giáo la tinh ở Jerusalem và khoảng 130 thành viên của Hội, trong đó có hơn 30 thủ lãnh của các chi hội tại hơn 30 nước trên thế giới.

 Cám ơn các hoạt động của hội Hiệp Sĩ

 Lên tiếng trong dịp này ĐTC chúc mừng sự gia tăng các Hiệp sĩ Thánh mộ tại hơn 30 quốc gia và cám ơn Hội tiếp tục hỗ trợ các công tác mục vụ và văn hóa tại Thánh Địa, cũng như quan tâm trợ giúp những ngừơi tị nạn tại miền này. Ngoài ra Hội cũng giúp huấn luyện y tế cho tất cả những nhân viên từ thiện không phân biệt tôn giáo, qua đó Hội dọn đường cho sự nhìn nhận các giá trị Kitô, thăng tiến đối thoại liên tôn và sự tôn trọng cảm thông đối với nhau.

 Quan tậm huấn luyện cho các hội viên

 Ngoài ra, ĐTC nhắc nhở các vị hữu trách của Hội hiệp sĩ quan tâm tăng cường việc huấn luyện về tôn giáo cho các thành viên, để có có quan hệ vững chắc với Chúa Giêsu, nhất là trong kinh nguyện, suy niệm Kinh Thánh và đào sâu đạo lý của Giáo Hội. Ngài nói: ”Điều quan trọng là không nên quên rằng mục tiêu chính của Hội hiệp sĩ Thánh Mộ hệ tại sự tăng trưởng tinh thần của các thành viên. Vì thế, bất cứ sự thành công nào trong các sáng kiến của anh chị em không thể tách rời khỏi các chương trình huấn luyện thích hợp về tôn giáo cho mỗi hiệp sĩ nam nữ”.

 Bênh vực các tín hữu Kitô bị bách hại

 ĐTC không quên nhắc đến tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô bị bách hại và bị giết, con số ngày càng gia tăng. Ngài nói: ”Ngoài cuộc tử đạo của họ bằng máu, cũng có cuộc tử đạo ”trắng” như xảy ra tại các nước dân chủ, khi tự do tôn giáo bị giới hạn. Tôi khuyên nhủ anh chị em, cùng với sự cứu giúp vật chất cho dân chúng bị thử thách cam go, hãy thêm lời cầu nguyện, liên tục cầu xin Đức Mẹ mà anh chị em tôn kính dưới tước hiệu Đức Mẹ Palestine. Người là Mẹ ân cần và là ơn phù trợ các tín hữu Kitô, Mẹ xin được sức mạnh và an ủi trong đau khổ cho các tín hữu ấy” (Rei 16-11-2018)

 ĐTC tiếp kiến Tổng Thống Israel

VATICAN. Tòa Thánh cầu mong chính quyền Israel và các cộng đồng Công Giáo tại nước này đạt được những thỏa thuận thích đáng, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine mở lại các cuộc thương thuyết với nhau.

Tòa Thánh bày tỏ lập trường trên đây nhân dịp lần thứ 2 ĐTC tiếp kiến tổng thống Israel, Ông Reuven Rivlin, sáng ngày 15-11 vừa qua tại Vatican.

Thông cáo của Tòa Thánh cho biết sau khi gặp ĐTC, tổng thống đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Quan hệ ngoại giao tích cực Israel và Tòa Thánh

Trong các cuộc hội kiến thân mật, diễn ra nhân dịp sắp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Israel, hai bên nhắc đến quan hệ tích cực giữa Tòa Thánh và Israel, và về chính quyền Israel với cộng đồng Công Giáo địa phương, Tòa Thánh cầu mong hai bên đạt tới những thỏa thuận thích hợp về các vấn đề liên hệ với nhau.

Kêu gọi kiến tạo sự tín nhiệm nhau

Ngoài ra, Tòa Thánh cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc kiến tạo sự tín nhiệm nhau hơn để mở lại các cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine hầu đạt tới một hiệp định tôn trọng các khát vọng hợp pháp của hai dân tộc. Tiếp đến, hai bên cũng nói về vấn đề thành Jerusalem trong chiều kích tôn giáo và nhân bản đối với người Do thái, Kitô và Hồi giáo, cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn căn tính và ơn gọi của Thành Hòa bình này.

Kêu gọi đối thoại giữa các tôn giáo

Sau cùng, Tòa Thánh nói về tình trạng chính trị và xã hội trong vùng, vốn chịu nhiều cuộc xung đột và hậu quả là những cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong bối cảnh đó, Tòa Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại giữa các cộng đồng tôn giáo để bảo đảm sự sống chung hòa bình và ổn định. (Rei 15-11-2018)

Tổng thống Israel cám ơn ĐTC

Báo chí Israel cho biết trong cuộc hội kiến, Tổng thống Reuven Rivlin cám ơn ĐTC và Tòa Thánh vì sự hỗ trợ chống lại nạn bài Do thái.

Tổng thống nói với ĐTC: ”Sự quyết liệt lên án của ngài chống những hành vi bài Do thái và việc ngài gọi những hành động đó là phản Kitô chính là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến bài trừ trào lưu ấy”.

Tranh chấp về thuế khóa giữa Giáo Hội và nhà nước địa phương

Tổng thống Israel cũng đề cập đến sự tranh chấp giữa chính quyền thành phố Jerusalem và Giáo Hội về vấn đề thuế địa phương. Ông nói: ”Nhà nước Israel hoàn toàn tôn trọng tự do phụng tự của mọi tôn giáo tại các nơi thánh”.

Hồi tháng 2 năm nay, bất chấp qui luật Status Quo từ trước đến nay, chính quyền thành Jerusalem loan báo ý định đánh thuế các tài sản của các Giáo Hội Kitô không phải là nơi thờ phượng. Cụ thể là chính quyền sẽ bắt đầu thu 650 triệu đồng Shekel tiền thuế đánh trên 887 tài sản của các Giáo Hội. Chính quyền thành Jerusalem đã hoãn lại việc thu thuế này cho đến tháng 2 vì chính quyền quốc gia không cho phép.

Biện pháp trên đây đã bị các Giáo Hội Kitô phản đối và đã quyết định đóng cửa Đền Thờ Mộ Thánh (Jerusalem Post 15-11-2018)

G. Trần Đức Anh OP

ĐGH tiếp Giáo Hoàng Học Viện Piô Mỹ châu la tinh

ĐGH tiếp Giáo Hoàng Học Viện Piô Mỹ châu la tinh

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-11-2018, dành cho 100 người gồm ban giám đốc và các LM sinh viên Giáo Hoàng Học Viện Piô Mỹ châu la tinh ở Roma. Học viện này được thành lập cách đây 160 năm (1858) theo lệnh của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô 9 và hiện do các cha dòng Tên phụ trách.

Hiệp thông với cộng đoàn linh mục

Trong bài huấn dụ, ĐTC cảnh giác rằng ”Một linh mục trong giáo xứ, trong giáo phận của mình, có thể làm được nhiều việc, và đó là điều tốt, nhưng cũng có nguy cơ bị kiệt sức, bị cô lập và co cụm vào mình. Vì thế cảm thấy mình là thành phần của một cộng đoàn linh mục, trong đó mỗi người đều quan trọng, sẽ khơi dậy và khích lệ những tiến trình và năng động có thể vượt lên trên thời gian. Cảm thức như thế có thể làm bùng lên và kích thích những năng lực truyền giáo được đổi mới, thăng tiến một thuyết nhân bản hợp với tinh thần Tin Mừng, có khả năng trở thành trí tuệ và sức mạnh thu hút người khác trong đại lục Mỹ châu la tinh của chúng ta. Nếu không có cảm thức mình thuộc về cộng đoàn và làm việc sát cánh với nhau, thì chúng ta sẽ bị phân tán, trở nên suy yếu, và khiến cho bao nhiêu anh chị em chúng ta bị mất sức mạnh, ánh sáng, sự an ủi và tình bạn với chúa Giêsu Kitô và một cộng đồng đức tin.. Và thế là dần dần vô tình chúng ta sẽ tạo nên một Mỹ châu trong đó có Thiên Chúa mà không có Giáo Hội, có Giáo Hội mà không có Chúa Kitô, có Chúa Kitô mà không có con người” (bài giảng 11-11-2016 tại Santa Marta).

Chia sẻ cuộc sống của dân

Cũng trong chiều hướng này, ĐTC nhắn nhủ các LM Mỹ châu la tinh đặc biệt chia sẻ, cảm thông với đời sống của dân chúng, lắng nghe những lo âu của họ, vui mừng với những người hạnh phúc, khóc với những người khóc, và cầu nguyện cho các tín hữu được ủy thác cho sự săn sóc của mình” (Rei 15-11-2018)

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC tiếp kiến 400 thành viên Phong trào Tông đồ người mù

ĐTC tiếp kiến 400 thành viên Phong trào Tông đồ người mù

Trong buổi tiếp kiến 400 thành viên Phong trào Tông đồ người mù, sáng 17-11-2018, ĐTC ca ngợi các hoạt động của phong trào này và khích lệ họ tiếp tục liên đới và giúp đỡ những người khuyết tật khác.

Phong trào Tông đồ người mù do bà Maria Motta, người Italia sinh tại Argentina, thành lập cách đây 90 năm, trong đó có cả các thành viên mù và không mù.

 Hướng đi của Phong trào

 ĐTC nhận xét rằng nhờ sự kiện này, Phong trào không co cụm vào bản thân và những vấn đề liên quan đến tình trạng bị mù. Bà Maria Motta muốn huấn luyện những người tự lập, có khả năng làm chứng về đức tin qua chính tình trạng khuyết tật của mình. ”Ngày nay anh chị em đoàn kết chặt chẽ với nhau, người mù và không mù, cùng liên kết trong một hành trình duy nhất chia sẻ và thăng tiến những người bị khuyết tật.

 Theo ĐTC, ”Thật là một niềm vui cho cộng đoàn Giáo Hội khi được biết, ngày nay, như những môn đệ thừa sai đích thực của Tin Mừng, anh chị em cởi mở đối với các nhu cầu của những ngừơi nghèo túng và đau khổ hơn trên thế giới. Thay vì co cụm vào bản thân và thân phận tàn tật của mình, anh chị em can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Ta khát và các con đã cho ta ăn.. Ta trần trụi và các con đã cho ta mặc, Ta đau ốm và các con đã đến viếng thăm Ta” (Xc Mt 25,35-36)..

 Giữ vai chính trong việc loan báo Tin Mừng

 ĐTC giải thích rằng: ”Sự dấn thân cụ thể của anh chị em giúp đỡ và hỗ trợ người nghèo làm cho anh chị em trở thành những người giữ vai chính trong công trình loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội đang thực hiện theo nhịp độ của những người nghèo. Thực vậy tất cả chúng ta đều được mời gọi khám phá Chúa Kitô nơi người nghèo, lên tiếng thay cho họ trong các chính nghĩa của họ, nhưng cũng để trở thành những người bạn, lắng nghe, cảm thông họ, đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta qua họ” (E.G 198) (Rei 17-11-20180

G. Trần Đức Anh OP

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

ĐGH tiếp phái đoàn Đức Thượng Phụ Assira Đông Phương

Giáo Hội Assira Đông Phương cũng có tên là Giáo Hội Nestorio là Giáo Hội chỉ công nhận 2 công đồng chung đầu tiên và hiện nay có khoảng 323 ngàn tín hữu thuộc 19 giáo phận ở Trung Đông nhiều nước trên thế giới.

Đây là lần thứ 2 ĐTC gặp Đức Thượng Phụ Gewargis III, lần đầu hồi tháng 7 năm nay tại buổi cầu nguyện của các vị Thượng Phụ Đông Phương tại thành phố Bari để cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và Trung Đông.

Cám ơn Chúa vì thành quả đối thoại

Trong lời chào mừng Đức Thượng Phụ Giáo Hội Assira, ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì thành quả của Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Giáo hội Assisi. Giai đoạn 2 mới kết thúc với việc ký kết tuyên ngôn chung về ”đời sống bí tích”. ĐTC nói:

”Tôi cầu nguyện để công việc của Ủy ban đối thoại có thể tiếp tục và trong những ngày này đã bắt đầu giai đoạn thứ 3 nghiên cứu đối thoại về Giáo Hội học. Ước gì các hoạt động này giúp chúng ta tiến thêm một bước đường, tiến đến mục tiêu rất đáng mong ước là chúng ta có thể cử hành Hy Tế của Chúa trên cùng một bàn thờ”.

ĐTC không quên bày tỏ tình liên đới với những đau khổ mà bao nhiêu tín hữu Giáo hội Assira Đông Phương đã phải chịu tại các nước ở Trung Đông, nạn nhân của bạo lực khiến họ nhiều khi phải rời bỏ vĩnh viễn quê hương của họ.

Cầu nguyện chung

Sau cuộc hội kiến riêng, ĐTC và Đức Thượng Phụ cùng với đoàn tùy tùng, cũng như với các thành viên Ủy ban đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội, đã cầu nguyện chung tại Nguyện đường Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) tại Dinh Tông Tòa, rồi hai vị đã ký vào một tuyên ngôn chung.

Tuyên ngôn chung

Trong văn kiện này, hai vị Giáo Chủ dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hai Giáo Hội ngày càng xích lại gần nhau, đặc biệt từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Roma hồi năm 1984 giữa hai Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Mar Dinkha IV, từ đó cuộc đối thoại thần học và đối thoại trong tình thương và sự thật đã mang lại nhiều thành quả. “Chúng tôi cầu nguyện và hy vọng cuộc đối thoại thần học có thể giúp cho hành trình hiệp nhất trở nên dễ dàng hơn để một ngày kia hai bên có thể cùng cử hành thánh lễ.”

Chia sẻ những đau khổ của anh chị em ở Trung Đông

Nhắc đến những đau khổ mà các anh chị em Kitô hữu phải chịu tại Trung Đông, nhất là tại Irak và Siria, hai vị Giáo Chủ nhận định rằng ”hằng tram ngàn người vô tội, nam nữ, trẻ em đã chịu đau khổ rất sức lớn lao vì những xung đột bạo lực mà không gì có thể biện minh được. Chiến tranh và bách hại gia tăng sự xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi những phần đất mà các cộng đồng tôn giáo đã từng sống sát cánh với nhau.”

”Giữa những đau khổ ấy, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy các anh chị em đi theo con đường thập giá của Chúa Kitô, trong niềm hiệp thông với Chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta nhờ thập giá của Ngài.. Đứng trước những tình cảnh ấy, chúng tôi liên kết với các anh chị em bị bách hại, lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói. Cùng nhau chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thoa dịu những đau khổ và giúp họ tìm được những con đường để bắt đầu một cuco sống mới.”

Kêu gọi cộng đồng quốc tế

Sau cùng hai vị Giáo Chủ kêu gọi cộng đồng quốc tế thi hành một giải pháp chính trị nhìn nhận các quyền lợi và nghĩa vụ của các mỗi người. ”Quyền tối thượng của luật pháp, trong đó có sự tôn trọng tự do tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật dựa trên nguyên tắc quyền công dân, bất luận họ thuộc chủng tộc hoặc tôn giáo nào, chính là một nguên tắc cơ bản để thiết lập và bảo tồn sự sống chung bền vững và phúc lợi giữa các dân tộc và các cộng đồng ở Trung Đông” (Rei 9-11-2018).

Giuse Trần Đức Anh, OP

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Công bố đề tài Ngày Hòa Bình thế giới: 1-1-2019

Một đoạn bình luận ngắn được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến trong dịp này khẳng định rằng:

 Bình luận

 ”Trách nhiệm chính trị là điều thuộc về mỗi công dân và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản. Sứ mạng này hệ tại bảo tồn luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các tác nhân trong xã hội, giữa các thế hệ và các nền văn hóa. Không có hòa bình nếu không có sự tín nhiệm nhau. Và lòng tín nhiệm đòi điều kiện đầu tiên là tôn trọng lời đã cam kết. Sự dấn thân chính trị, – vốn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của đức bác ái – bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của đời sống và của trái đất, những người trẻ và bé nhỏ nhất, trong niềm khao khát của họ được viên mãn.

 Sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ tăng ý thức cộng đoàn

 Như thánh Gioan 23 đã nhắc nhở trong thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris, 1963), khi một người được tôn trọng trong các quyền của họ, thì nơi họ cũng nảy sinh cảm thức về nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền của người khác. Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người làm gia tăng ý thức mình thuộc về cùng một cộng đồng, với tha nhân và với Thiên Chúa (Xc ivi, 45). Vì thế chúng ta được kêu gọi mang đến và loan báo hòa bình như một tin vui về một tương lai trong đó mỗi người được tôn trọng trong phẩm giá và các quyền của họ”.

 Ngày 1 tháng 1 năm 2019 này, Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 51 đã được cử hành với chủ đề ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình” (Rei 6-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

ĐGH tiếp phái đoàn Rabbi Do thái vùng Caucaso

Đoàn 25 vị Rabbi đến từ miền Causaso, đặc biệt là từ cộng hòa Daghestan và những vùng ở mạn bắc nước Azerbaigian, và thuộc Hội đồng thế giới những người Do thái trên núi. Họ đến thăm ĐGH lần đầu tiên.

 Tầm quan trọng của việc tưởng niệm

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc tưởng niệm quá khứ, đặc biệt là cuộc diệt chủng Do thái. Ngài nói: ”Nếu không có một ký ức sinh động thì sẽ không có tương lai, vì nếu chúng ta không học từ những trang đen nhất trong lịch sử để khỏi rơi vào cùng những sai lầm, thì phẩm giá con người sẽ chỉ là những chữ chết”.

 Cùng với biến cố Shoa, ĐTC nhắc đến hai biến cố đau thương: ngày 16-10 vừa qua là kỷ niệm 75 năm cuộc bố ráp tại Ghetto Do Thái ở Roma, Đức quốc xã bắt những người Do thái tại đây để đưa tới các trại tập trung. Và trong vài ngày nữa, 9-11, là kỷ niệm 80 năm biến cố gọi là ”đêm pha lê”, rất nhiều nơi thờ phượng của người Do thái bị Đức quốc xã phá hủy với ý đồ loại khỏi tâm hồn cá nhân và của một dân tộc một điều tuyệt đối bất khả xâm phạm là sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa”.

 Tái lên án trào lưu bài Do thái

 ĐTC cũng lên án trào lưu bài Do thái vẫn còn và ngài nhắc lại rằng một Kitô hữu không thể là người bài Do thái. Chúng ta có cùng căn cội chung. Ngài không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của tình thân hữu giữa người Do thái và Kitô, một tình huynh đệ ăn rễ sâu nơi lịch sử cứu độ, được cụ thể hóa trong sự quan tâm đối với nhau.

 ĐTC nói: ”Cùng với anh em, tôi muốn cảm tạ Đấng ban mọi ơn lành vì món quà tình bạn của chúng ta, được đẩy mạnh và cũng là động cơ cuộc đối thoại giữa chúng ta” (Rei 5-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP