Giáo Hội Hàn quốc và Phủ doãn Tông tòa Mông cổ ký hiệp ước cộng tác truyền giáo

Giáo Hội Hàn quốc và Phủ doãn Tông tòa Mông cổ ký hiệp ước cộng tác truyền giáo

COREA-MONGOLIA

Mông cổ – Phủ doãn Tông tòa Ulanbato – Mông cổ và Tổng giáo phận Seoul – Hàn quốc đã ký một hiệp ước phát triển việc cộng tác truyền giáo và thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội tại Mông cổ.

Hãng tin đã Fides đưa tin về việc ký kết Thông cáo giữa Tổ chức Giáo dục Công giáo của Tổng giáo phận Seoul do Đức cha phụ tá Benedict Son Hee-Song đại diện và Phủ doãn Tông Tòa do Đức cha Wenceslao Padilla đại diện; hai bên cũng ký kết một số nội dung về các hoạt động truyền giáo, đào tạo Linh mục và ủng hộ tài chính.

Theo hiệp ước, trong vòng 3 năm tới, tổ chức Giáo dục của tổng Giáo phận Seoul sẽ tài trợ một triệu Mỹ kim cho các hoạt động mục vụ của Phủ doãn Tông tòa Ulanbato. Thêm vào đó, để giúp đỡ cho việc đào tạo các Linh mục tương lai, các chủng sinh tương lai của Mông cổ sẽ được học ở Chủng viện Thần học Seoul.

Một phần khác của hiệp ước là sự hợp tác giữa bịnh viện Đức Maria ở Seoul và bịnh viện trung ương đầu tiên của Hàn quốc: nhờ vào hệ thống y tế tiên tiến đang được sử dụng tại Hàn Quốc, những phương pháp như cấy ghép tế bào gốc và phẫu thuật bằng robot dự kiến sẽ được giới thiệu.

Đức cha Son Hee-Song nói với hãng tin Fides là ngài bày tỏ sự kính trọng sâu sắc và đánh giá cao dành cho Đức Cha Padilla và tất cả các nhà truyền giáo ở Mông cổ, những người đã tận hiến đời mình cho việc loan bào Tin mừng trong hoàn cảnh khó khăn như thế. Chính Giáo hội Công giáo ở Hàn quốc cũng bị bách hại trong lịch sử. Đó là một trong những lý do tại sao Giáo hội Hàn quốc quyết đinh trợ giúp, trong khả năng có thể, cho sự phát triển của Giáo Hội Mông cổ.” Về phần mình, Đức cha Padilla đã đáp lời: “Chúng tôi được khuyến khích bởi sự trợ giúp của Hàn quốc. Tất cả anh chị em là một chúc lành cho Giáo hội tại Mông cổ: hiệp ước này mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng lớn lao”.

Theo luật pháp hiện hành, Giáo hội Mông cổ không có tính cách pháp nhân, nhưng là một tổ chức phi lợi nhuận; họ không có bất cứ một thu nhập nào, ngay cả bổng lễ, và do đó không thể tự chu cấp cho mình. Các hoạt động truyền giáo được quy định chặt chẽ. Do đó, tất cả các thừa sai được gửi đến Mông cổ nhận trợ giúp từ các Hội dòng của họ hay từ ngân quỹ quyên được từ các giáo phận khác.

Trong vòng 20 năm qua, Giáo hội Công giáo Hàn quốc đã trợ giúp tài chính 320 triệu won (đơn vị tiền tệ Hàn quốc) cho Mông cổ và tiếp tục gửi các bác sĩ tình nguyện. Căn bản của hiệp ước vừa ký đã được bắt đầu vào năm 2013, khi Đức cha Padilla thăm Hàn quốc. Phó tế Giuse Enkh Batata, người sẽ trở thành Linh mục Mông cổ đầu tiên vào ngày 28/8 tới đây, đã được đào tạo 7 năm tại Hàn quốc, thông qua sự hợp tác này. (Agenzia Fides 07/06/2016)

Hồng Thủy OP

Vừa gian ác tham lam lại vừa ngu

Vừa gian ác tham lam lại vừa ngu

Protest Dead fish in Viet Nam 1Courtesy picture

Từ đầu tháng tư và nhất là đầu tháng 5 vừa qua nạn ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam đã khiến cho cá và hải sản chết hàng loạt, kể cả các loại cá sống sâu dưới đáy biển. Thật ra nạn cá chết trôi giạt vào bờ đã được ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh phát hiện ngày mùng 6 tháng 4.  Những ngày sau đó nạn cá chết lan dần xuống bờ biền Quảng Bình, Quảng Trị và Huế.

Ngày 22 tháng 4 một người dân lặn biển là ông Nguyễn Xuân Thành đã tìm thấy đường ống thải hóa chất dưới đáy biển. Ông cho báo Thanh niên biết là đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có mầu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngừi thì cảm thấy nghẹt thở. Ngày 24 tháng 4 giáo sư Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường thuộc đại học công nghiệp thành phố Sài Gòn cho đài BBC Luân Đôn biết những loại chất làm cho cá và thuỷ sản chết nhanh và nhiều như vậy thuộc loại vô cùng độc hại, và dòng hải lưu đã khiến cho các chất độc từ Hà Tĩnh lan nhanh về Quảng Bình, Quảng Trị và Huế. Chỉ trừ một số chất làm sạch nước, chống khuẩn, còn lại các chất chống gỉ, chống ăn mòn, khử trùng, trung hoà vv.. đều gây độc. Các thành phần giầu kim loại nặng, rất giầu hóa chất mạch vòng và chất điện tử tự do đều gây độc kinh khủng . Chúng có thể tạo ra các hợp chất cơ kim rất bền trong nước và rất khó giải độc.

Protest Dead fish in Viet NamCourtesy picture

Ngày 27 tháng 4 ngư dân Đã Nẵng cũng thấy cá chết hàng loạt giạt vào bờ.

Ống cống thải các chất cực độc nói trên thuộc Công ty gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh của tập đoàn Formosa Đài Loan, được thành lập năm 2008 và hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh. Ba chủ đầu tư chiến lược của công ty Formosa Hà Tĩnh là Tổng công ty thép Đài Loan chiếm 25% cổ phần, Công ty Plastics Group Formosa, con của Công ty hoá chất dầu hoả Formosa chiếm 70% và Tập đoàn thép của Nhật Bản chiếm 5%. Các công ty này đầu tư 10.5 tỷ mỹ kim và tạo công ăn việc làm cho gần 6,500 nhân công.

Tuy chứng cớ đã rành rành, nhưng Công ty gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn khẳng định họ không gây ô nhiễm môi trường biển. Và ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường còn khẳng định rằng Công ty Formosa được nhà nước cho phép xả thải.

Thật ra ngay từ tháng 12 năm 2015 đã xảy ra hiện tượng ngao sò chết tại Hà Tĩnh. Mãi cho tới khi cá bắt đầu chết hàng loạt người ta mới chú ý. Khoảng cách từ Đà Nẵng tới mũi Cà Mau là 1,242 cây số. Chỉ trong vòng 6 tuần toàn bờ biển Việt Nam sẽ trở thành bờ biển chết.

Ngày mùng 8 tháng 4 lực lượng tuần tra biên phòng Quảng Bình đã chận bắt 6 tầu đánh cá Trung quốc đột nhập sâu bờ biển Việt Nam, chỉ cách Nhật Lệ tỉnh Đồng Hới 19 hải lý về phía đông. Các ngư dân này đều bất hợp tác và đa số là tầu trinh sát giả dạng ngư phủ.

Cũng vào đầu tháng 5 người dân sống gần đảo Pag-asa thuộc vùng biển phía tây của Philippines cũng chứng kiến hàng hàng lớp lớp các loài sinh vật biển chết, trôi giạt đầy bờ. Như thế, cùng thời điểm Công ty Formosa Hà Tĩnh bất ngờ đẩy mạnh việc xả hàng tấn chất độc ra biển cũng là lúc nhiều tầu Trung Quốc giả dạng như dân nhưng có vũ trang được lệnh xâm nhập và bỏ các chất độc hại xuống vùng biển tranh chấp, nhằm tiêu diệt người dân các nước vùng Đông Nam Á, bắt đầu với Việt Nam và Philippines.

Vì lợi nhuận 10.5 tỷ mỹ kim nhà nước cộng sản Hà Nội đã khiến cho toàn bờ biển Việt Nam biến thành biển chết, kéo theo các hậu quả vô cùng thảm khốc. Sẽ có hàng chục triệu người mất công ăn việc làm và sẽ chết đói. Toàn bộ thu nhập đánh bắt, nuôi trồng và xuất cảng hải sản đem về hàng mấy chục tỷ mỹ kim hàng năm sẽ bị mất trắng. Thế rồi với nạn ô nhiễm môi trường biển và hải sản ngành du lịch hàng năm đem lại mấy chục tỷ mỹ kim cũng sẽ khựng lại. Toàn dân Việt Nam sẽ bị ngộ độc vì thực phẩm và nước biển ô nhiễm. Hàng chục triệu trẻ em sinh ra sẽ là các quái thai, tàn tật, dị dạng, tạo ra một xã hội gồm hàng triệu trẻ em tàn tật.

Khi nhìn vào tình hình của đất nước, ai cũng dễ dàng nhận ra Trung  Quốc đang bức tử Việt Nam, với hai gọng kìm siết họng 90 triệu con dân nước Việt. Gọng kìm phiá Đông là các căn cứ quân sự và tầu chiến ở Hải Nam, Hoàng Sa và Trường Sa và hàng ngàn tầu đánh cá vũ trang bắn phá, huỷ hoại và xua đuổi tầu đánh cá của ngư phủ Việt Nam. Rồi giờ đây là chiến thuật xả các chất độc hại để giết dân Việt Nam.

Gọng kìm thứ hai ở phía Tây là ngăn chặn dòng chảy của sông Mêkông với hàng chục đập thuỷ điện lực, khiến cho miền nam Tây nguyên và cả miền Tây Việt Nam đang bị hạn hán, mất mùa và biến đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, trở thành khô cằn và nhiễm mặn nặng nề.

Protest dead fish in VN 1Courtesy picture

Nhưng lưỡi mác mổ bụng dân Việt là các đội quân kinh tế, gồm cả quân đội, ngày càng đông đảo không giấy tờ tràn sang trồng rừng, xây nhà máy, đường sá, cầu cống, xe lửa, khai thác bau xít, xây cảng, xây các vùng tự trị, lập khu dân cư với các hàng quán cửa hiệu Tầu, lấy phụ nữ Việt, đẻ con mang họ Tầu. Người Tầu nắm chặt mọi hoạt động kinh tế, đời sống của dân Việt từ Bắc chí Nam với hàng trăm nhà máy thuỷ điện, sắt thép , xi măng, phân bón, cơ khí phụ thuộc trang thiết bị Tầu, do các công ty Tầu nắm. Buôn bán thực phẩm, thịt và rau quả độc hại cũng nằm trong tay Tầu. Các thứ nguyên liệu xuất cảng vài, da, tơ lụa cũng do Tầu nắm chặt và định giá.

Thế là vì gian ác, tham lam và ngu dốt, 19 uỷ viên Bộ chính trị, 200 Uỷ viên trung ương, 500 đại biểu Quốc Hội và hơn 3 triệu đảng viên cộng sản đã bán đứng Việt Nam cho Tầu Cộng, để cho tập đoàn cộng sản Bắc Kinh sai khiến như nô lệ và bức tử nhân dân Việt Nam.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Phúc trình hoạt động 2015 của Ngân hàng Vatican

Phúc trình hoạt động 2015 của Ngân hàng Vatican

Vatican Bank

VATICAN. Trong năm 2015, Viện Giáo Vụ hay cũng quen gọi là 'Ngân Hàng Vatican' lời được 16 triệu 100 ngàn Euro.

Theo phúc trình 2015 công bố hôm 12-5-2016, số vốn của Viện giáo vụ hiện nay là 645 triệu Euro. Kết quả hoạt động năm ngoái của Viện này là 42 triệu 800 ngàn Euro so với 104 triệu rưỡi Euro trong năm 2014 trước đó. Số tiền lời trong năm 2014 trước đó là 69.3 triệu Euro. Ông Tổng giám đốc Gian Franco Mammi giải thích sự suy giảm này là do khủng hoảng kinh tế.

Viện Giáo Vụ tiếp tục thực thi chính sách minh bạch và trong thời gian qua đã đóng 4,935 tài khoản không hợp tiêu chuẩn mới của Viện này. Hiện nay số khách hàng của Ngân Hàng Vatican là gần 15 ngàn (14,801) trong đó có các cơ quan đại diện của Tòa Thánh, các dòng tu, giáo phận, các tổ chức Công Giáo, giáo sĩ, nhân viên Tòa Thánh và ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Tổng cộng 75% khách hàng của ngân hàng này có cư trú tại Italia và Vatican, 15% ở Âu Châu và 10% ở các nơi khác trên thế giới.

Trong cuộc viếng thăm trụ sở Viện Giáo Vụ ngày 24-11 năm ngoái, ĐTC nhấn mạnh điều này là Viện phải ”tôn trọng các nguyên tắc luân lý đạo đức không thể thương thảo đối với Giáo Hội, Tòa Thánh và ĐGH”. Ngoài ra hoạt động của Viện Giáo Vụ phải tôn trọng bản chất đặc thù của Viện nay, hòa hợp hiệu năng hoạt động và bản chất mục vụ là điều cốt yếu trong mọi hoạt động” (SD 12-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Triển lãm “Con đường ngay chính”

Triển lãm “Con đường ngay chính”

ĐHY Rino Fisichella tại San_Lorenzo

Roma – Hôm qua, 28 /4, lúc 11 giờ, tại trung tâm Thánh Lorenzo đã khai mạc triển lãm “‘La Buona Strada’ / The right way – (Con đường ngay chính). Những chứng tá về lòng Thương Xót của Chúa Cha.” Mục đích của cuộc triển lãm là giới thiệu các chứng nhân về Lòng Thương Xót của Chúa Cha, những người sẽ chỉ cho chúng ta con đường tốt lành để nên thánh.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng và Matteo Truffelli, Chủ tịch Công giáo Tiến hành Italia đã cắt băng khai mạc buổi triển lãm.

Có hơn 50 chứng nhân được trình bày trong cuộc triển lãm, trong đó có chân phước Pier Giorgio Frassati, được Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định như tấm gương cho ngày Quốc tế giới trẻ tại Cracovia tháng 7 tới đây, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã khánh thành trung tâm Thánh Lorenzo vào năm 1983,  trước khi các ngày Quốc tế giới trẻ bắt đầu.

Sứ điệp của triển lãm này là một lời mời gọi: học hỏi các chứng nhân, các thánh, các chân phước, các vị đáng kính, các tôi tớ của Thiên Chúa được tôn kính trong Giáo hội; nhận ra vô vàn chứng nhân trong các giáo phận của chúng ta, những người đã và đang hoạt động âm thầm trong cuộc sống hàng ngày; đề cao sự phong phú của lựa chọn tham gia vào việc học hỏi này như “trường học dạy thánh thiện” để cùng nhau bước đi trên những con đường của thế giới.

Cuộc triển lãm được thực hiện bởi Hiệp hội Công giáo Tiến hành Italia, Caristas Italia, Diễn đàn quốc tế của Công giáo Tiến hành và tổ chức Công giáo Tiến hành “Trường học của sự Thánh thiện” Pio XI với sự bảo trợ của Ủy ban Năm Thánh Lòng Thương Xót, bao gồm 25 tấm bảng với 3 ngôn ngữ (Italia, Anh và Tây ban nha). Triển lãm nhắm đến tất cả khách hành hương trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, đặc biệt là giới trẻ.

Triển lãm sẽ được ghi vào trong lịch các sự kiện Năm Thánh, sẽ mở cửa từ ngày 2/5-20/112016, từ 11-17 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu; tháng 8 sẽ đóng cửa. (ACI 27/4/2016)

Hồng Thủy

Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

pakistani-christians-protesting

Kasur – Tình trạng bắt cóc các thiếu nữ Ki-tô giáo, cưỡng bách cải sang đạo Hồi và buộc kết hôn với người Hồi giáo tiếp tục xảy ra tại Kasur, Pakistan.

Ông Sarwar Masih đã cầu cứu luật sư Sardar Mushtaq Gill, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – một tổ chức giúp đỡ các Ki-tô hữu, nạn nhân của các hình thức lạm dụng, giúp con gái ông là Laveeza Bibi.

Laveeza Bibi, 23 tuổi, bị hai người Hồi giáo bắt cóc tại nhà của cha mẹ mình ở vùng Kasur, Punjab vào ngày 14/4 vừa qua. Hai kẻ bắt cóc có trang bị súng, đe dọa cha mẹ cô gái và mang cô đi. Một trong hai người bắt cóc là Muhammad Talib đã cưỡng bức cô phải kết hôn với hắn.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Masih ngay lập tức đến đồn cảnh sát địa phương, nhưng cảnh sát tỏ ra lưỡng lự ghi nhận đây là một khiếu nại chính thức. Chỉ sau khi phỏng vấn thêm hai nhân chứng, cảnh sát mới có lệnh triệu tập Talib.

Luật sư Gill cho hãng tin Fides biết, chỉ trong tháng 4 này, riêng vùng Kasur đã có 5 thiếu nữ bị bắt cóc, bị cải sang đạo Hồi và bị bắt buộc kết hôn với các kẻ bắt cóc hành hạ mình. Những cô gái bị từ chối hoàn toàn sự bảo vệ của luật pháp về quyền cá nhân”.

Hiện tượng này tiếp diễn ở một mức độ không thể chấp nhận được với khoảng 1000 trường hợp được ghi nhận hàng năm và rất nhiều trường hợp không được ghi nhận.  Tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – sẽ tiếp tục hành động và gây ý thức về sự phân biệt đối xử và bạo lực xảy ra ở Pakistan, đặc biệt là đối với các phụ nữ của các tôn giáo thiểu số Ki-tô và Ấn giáo, những người dễ bị tổn thương và không tự vệ, đối tượng của bạo lực thường không  bị trừng phạt. (Agenzia Fides 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Một phụ nữ Công giáo Burundi nhận giải thưởng Aurora

Một phụ nữ Công giáo Burundi nhận giải thưởng Aurora

Bà Testo lancio nhận giải thưởng Aurora

Yerevan, Armenia – Ngày 24 tháng4 vừa qua, giải thưởng Aurora, một giải thưởng nhìn nhận công việc của một cá nhân về việc phát triển các quyền con người, đã được trao cho Marguerite Barankitse, 59 tuổi, một phụ nữ Công giáo người Burundi, người đã cung cấp nơi ăn ở cho hàng ngàn trẻ em mồ côi trong cuộc nội chiến ở Burundi vào đầu những năm 1990.

Khi chiến tranh bùng phát, Bà Testo lancio  đã che giấu các gia đình là mục tiêu của cuộc thanh trừng và chăm sóc cấc trẻ em mồ côi. Bà đã nhận những lời đe dọa nguy hiểm đến tính mạng vì những lời phê bình và quy trách nhiệm cho chính quyền về bạo lực xảy ra. Cuối cùng bà đã phải chạy sang nước láng giềng Rwanda để tị nạn. Tai đây bà tiếp tục cứu vớt hàng ngàn sinh mạng nhờ công việc bác ái giúp đỡ những người đang chạy trốn khỏi các cuộc chiến.

Nhiều người thân và bạn bè của bà đã bị giết trong cuộc chiến trang ở Burundi. Bà nói với Hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ: họ bị giết ngay trước mắt bà, nhưng là một người Công giáo, bà có đức tin và tiếp tục nghe sứ điệp của Chúa Giê-su: ‘Đừng sợ! Ta ở với con.’ Bà cho biết, nếu Thiên Chúa không ở cùng bà, có lẽ bà sẽ cố giữ mạng sống của bà.

Bà kêu gọi: “như là một gia đình nhân loại, chúng ta cần ủng hộ người khác, và nói ‘không bao giờ xảy ra nữa!’ Không còn những nhà độc tài áp bức dân chúng và nhận tiền bạc và vũ khí từ các cộng đồng quốc tế. Làm sao mà trong thế kỷ 21 vẫn tồn tại những bạo chúa này? Chúng ta phải lượng định cách chính xác.”

Trong buổi lễ trao giải thưởng, diễn viên George Clooney đã nói: “Giải thưởng tối nay tôn vinh sự anh hùng và can đảm mà nhiều người trong chúng ta có thể thực hiện trong cuộc sống của chúng ta… Nhìn nhận sự can đảm, dấn thân và hy sinh của bà Marguerite Barankitse, tôi hy vọng là bà có thể giúp cho mỗi người chúng ta suy nghĩ về những điều mình có thể làm để đứng lên nhân danh những người mà quyền của họ bị vi phạm và những người cần sự tương trợ của của chúng ta nhất.”

Bà Barankitse sẽ được nhận 100 ngàn mỹ kim để phát triển quỹ bác ái của bà và một triệu mỹ kim được tặng cho 3 tổ chức khác do bà đề nghị. (catholic News Service/Catholic Herald 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

World-GDP-2016-global-growth-Economist

NEW YORK: Toà Thánh kêu gọi thăng tiến một nền tài chánh quốc tế có tinh thần trách nhiệm và ý thức luân lý để loại trừ tình trạng bất bình đẳng xã hội và phát huy một việc phát triển có thể chịu đựng nổi.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp về phát triển có thể chịu đựng nổi do Liên Hiệp quốc triệu tập tại New York hôm 21 tháng 4 vừa qua.

ĐHY nhắc lại lời ĐTC Phanxicô phát biểu trong chuyến viếng thăm Liên Hiệp  Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, và quy chiếu chương trình nghị sự năm 2030 liên quan tới sự Phát triển có thể chịu đựng nổi. Nó là một dấu chỉ hy vọng quan trọng. Nhưng hy vọng này chỉ có thể thành sự thực, nếu chương trình được thi hành một cách thật sự, liêm chính và hữu hiệu. Nó đòi hỏi việc tài trợ công cộng cũng như nỗ lực tài trợ và đầu tư cá nhân. Lý do vì nó liên quan tới thiện ích của căn nhà chung, mà mọi giới phải góp phần săn sóc theo các tiêu chuẩn luân lý đạo đức xã hội. Các hoạt động tài chánh vô trách nhiệm luân lý tạo ra các bất bình đẳng xã hội. Như Đức Phaolo VI đã khẳng định trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc” phát triển là tên gọi mới của hoà bình. Hoà bình là điều kiện và môi trường cần thiết cho mọi phát triển đích thực và lâu bền (SD 22-4-2016).

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha kêu gọi lạc quyên giúp Ukraine

Đức Thánh Cha kêu gọi lạc quyên giúp Ukraine

Đức Thánh Cha kêu gọi lạc quyên giúp Ukraine

LVOV. Tình hình dân chúng tại Ukraine ngày càng bi thảm khiến ĐTC phải lên tiếng kêu gọi lạc quyên trong các nhà thờ ở Âu Châu vào chúa nhật 24-4 tới đây để cứu trợ.

Ngoài ra, một sứ điệp liên đới của ĐTC cũng được Đức TGM Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, mang đến và công bố trong thánh lễ chúa nhật phục sinh cử hành tại miền Donetsk ở mạn đông Ukraine.

Trong số những người cần được trợ giúp có 800 ngàn người sống dọc theo con đường phân chia khu vực do chính phủ Ucraina kiểm soát và 2 triệu 700 ngàn người trong những vùng ở ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Có nửa triệu người rất cần được trợ giúp về lương thực.

Nhu cầu trong lãnh vực y tế cũng rất lớn, nhất là các phụ nữ có thai và sinh con, trong khi nguy cơ lan tràn bệnh Sida và lao phổi rất trầm trọng, thiếu thuốc mê và insulin cho người bị bệnh tiểu đường. Nhiều cuộc giải phẫu được thực hiện mà không có thuốc mê.

1 triệu 300 ngàn người có nguy cơ không được nước trong lành để uống, trong khi khí đốt và điện thường bị cúp. 2 triệu 300 ngàn người thiếu thuốc men và săn sóc y tế. Có 200 ngàn trẻ em tị nạn trong những vùng ở Ucraina ngoài khu vực có xung đột.

Các tín hữu Công Giáo chiếm 10% dân số ở Cộng hòa Ukraine, và tuy là thiểu số bé nhỏ trong những vùng xung đột, họ có những cơ cấu hiệu năng và động viên để trợ giúp những người túng thiếu.

Đức Thánh Cha kêu gọi

Trưa chúa nhật 3-4-2016, vào cuối thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đặc biệt nhắc đến các dân tộc đang khao khát sự hòa giải và hòa bình hơn ai khác, nhất là những người đang chịu hậu quả của bạo lực ở Ucraina: những người ở lại trong những vùng bị xáo trộn vì các hành vi thù nghịch làm cho nhiều ngàn người chết và hơn 1 triệu người phải đi lánh nạn vì tình trạng trầm trọng kéo dài. Trong số những người bị liên hệ có những người già và trẻ em. ĐTC nói:

”Ngoài việc liên lỷ nghĩ đến họ và tháp tùng họ bằng lời cầu nguyện, tôi cảm thấy cần quyết định cổ võ một sự trợ giúp nhân đạo cho họ. Với mục đích ấy, sẽ có một cuộc lạc quyên đặc biệt trong tất cả các nhà thờ Công Giáo ở Âu Châu chúa nhật 24-4 tới đây. Tôi mời gọi tất cả các tín hữu hiệp với sáng kiến này với sự đóng góp quảng đại. Cử chỉ bác ái này không những thoa dịu những đau khổ về vật chất, nhưng còn muốn bày tỏ sự gần gủi và liên đới của tôi và của toàn thể Giáo Hội. Tôi nồng nhiệt cầu mong cử chỉ này có thể mau lẹ thăng tiến hòa bình và tôn trọng công pháp ở phần đất đã bị thử thách đau thương rất nhiều như thế”.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, là cơ quan bác ái của ĐTC, sẽ phối hợp và quản lý ngân khoản lạc quyên được để giúp đỡ dân chúng và người tị nạn Ukraine. (SD 3-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Giáo Hoàng phá kỷ lục Instagram

Đức Giáo Hoàng phá kỷ lục Instagram

Hình Instagram ĐTC Francis

Vatican – Với một cú nhấp chuột đơn giản gia nhập Instagram, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhanh chóng lập kỷ lục với một triệu người “theo dõi”.

 

Ngày 19 tháng 3 vừa qua, ngày lễ Thánh Giuse, kỷ niệm 3 năm ngày chính thức khai mạc triều đại Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở tài khoản Instagram với tên "Franciscus". Chỉ sau 12 giờ đăng ký, tài khoản này đã đánh dấu  số người theo dõi lên đến con số triệu. Theo Stephanie Noon, phát ngôn viên của Instagram, đây là tài khoản gia tăng nhanh nhất của mạng này. Kỷ lục này trước đây được giữ bởi ngôi sao bóng đá David Beckham. Gia nhập Instagram, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn bước vào một cộng đồng trẻ hơn và nhiều complimentary hơn trên Twitter.

 

Theo nghiên cứu hàng năm "Twiplomacy” của công ty Burson Marsteller, trong 3 năm hoạt động của Twitter, Đức Thánh Cha Phanxicô, qua tài khoản @Pontifex bằng 9 ngôn ngữ của ngài, được đánh giá trên Twitter là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới. Tông thống Barack Obama có nhiều người theo dõi hơn, nhưng số trung bình "retweet" (chia sẻ lai các đăng tải) và tỷ lệ "favorite" thì cao hơn tài khoản của tổng thống Barack Obama gấp 8 lần.

 

Tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có cùng sự thu hút như thế. 17 photo và 2 video clip được đăng vào ngày 31 tháng 3 đã có trung bình 212,200 người "likes" và 6299 ý kiến cho mỗi cái. Các photo trên tài khoản "Franciscus" được báo Osservatore Romano chụp, và các nhân viên của “Bộ truyền thông” đăng lên.

 

Đức ông Dario Vigano, giám đốc của Bộ này nói với đài Vatican: “Ý tưởng thuật lại một triều đại Giáo hoàng qua các hình ảnh để những ai muốn đồng hành hay muốn biết về chức vị Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô nhập vào những cử chỉ dịu dàng và thương xót của ngài”.

 

Trong khi tài khoản @Pontifex trên twitter, được bắt đầu bởi Đức nguyên giáo hoàng Biển đức XVI vào năm 2012, là tài khoản thể chế, của các Giáo hoàng, thì tên tài khoản Instagram "Franciscus" được chọn có tính cá nhân hơn. Trang chia sẻ hình ảnh dùng các ký hiệu biểu tượng, và ngay lập tức gợi lên gương mặt, nụ cười và các tư thế của ngài.

 

Greg Burke, phó giám đốc phòng báo chí Tòa thánh cho biết, trên Instagram đa số là hình ảnh, vì thế nó là cách thức hiệu quả để phổ biến sứ điệp nhân từ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu người ta nhìn vào điện thoai của mình 150 lần một ngày, thì tốt cho họ nếu thấy những điều sâu sắc hơn là thấy các hình ảnh về thức ăn.”

 

Sau khi giảm xuống một số ngày, số lượng bình luận tăng vọt vào ngày 29 tháng 3 khi Vatican đăng tải một video clip với hashtags (viết với ký hiệu # trên twitter, có nghĩa là từ khóa) nhân từ, thương xót và Công giáo. Video bắt đầu với hình ảnh Đức Thánh Cha chúc lành cho một phụ nữ có thai, những hình ảnh những em bé lấy chiếc mũ trắng của ngài, và có hình ảnh ngài và Đức nguyên giáo hoàng Biển đức XVI chào nhau. Có trên 6300 bình luận bị thu hút đặc biệt bởi vẻ đẹp của các cử chỉ và bày tỏ lòng nhiệt tình với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cha Antonio Spadaro, dòng Tên, nói: “Video và sự phổ biến của nó cho thấy một cử chỉ yêu thương thì rõ ràng hơn lời nói về tình yêu.” Cha cũng khẳng định là Đức Thánh Cha đã có mặt trên Instagram từ giây phút được bầu làm Giáo hoàng qua các hình ảnh được chia sẻ bởi những người đã nhìn thấy ngài ở Rome và khắp thế giới. Thật vậy, như CNN đã tường thuật vào tháng 3, theo Instagram, chuyến viếng thăm Hoa kỳ của Đức Thánh Cha hồi mùa thu 2015 đã tạo nên 21 triệu đăng tải, yêu thích và bình luận từ 9 triệu người. (Catholic News Service  01/04/2016).

Hồng Thủy OP

 

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

VATICAN. Tông Huấn của ĐTC Phanxicô ”Amoris laetitia” (Niềm vui Yêu Thương) sẽ được công bố ngày thứ sáu 8-4-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Tông huấn đúc kết thành quả của hai Thượng HĐGM thế giới về gia đình: khóa đặc biệt tháng 10-2014 và khóa thường lệ thứ 14 tháng 10-2015.

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo có:

– ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới,

– ĐHY Christoph Schoenborn, OP, TGM giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo

– Đôi vợ chồng: Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli.

 Trong cuộc họp báo có thông dịch trực tiếp bằng tiếng Ý, Anh và Tây Ban Nha

 Ngoài ra, có thể theo dõi Video trực tiếp từ mạng của Đài Vatican: http://player.rv

 G. Trần Đức Anh OP

Sơ thảo chương trình viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan

Sơ thảo chương trình viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan

Logo chuyến viếng thăm của ĐTC sắp tới

VARSAVA. Sơ thảo chương trình viếng thăm của ĐTC tại Ba Lan từ ngày 27 đến 31-7 năm nay đã được giới thiệu tại thủ đô Varsava hôm 12-3 vừa qua.

ĐTC đến viếng thăm nước này nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 sẽ tiến hành tại Cracovia vào cuối tháng 7 tới đây.

Ngày thứ tư, 27-7, ĐTC sẽ đến phi trường Cracovia-Balice, gặp gỡ Tổng thống và các GM Ba Lan. Ban chiều tối ngài sẽ xuất hiện tại bao lơn tòa TGM Cracovia, nơi Đức Gioan Phaolô 2 thường dùng để nói chuyện với các bạn trẻ.

Thứ năm, 28-7, ĐTC sẽ đến Đền thánh Đức Mẹ Czestochowa, Nữ Vương Ba Lan, cách Cracovia 140 cây số, và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Đen. Tiếp đó ngài sẽ cử hành thánh lễ nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Ba Lan lãnh nhận bí tích rửa tội.

Sáng thứ sáu, 29-7, ĐTC sẽ viếng thăm trại tập trung Auschwitz-Birkenau và ban chiều ngài chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể với các bạn trẻ ở quảng trường Cracovia.

Thứ bẩy, 30-7, ĐTC sẽ hành hương Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót ở Lagiewski, ngoại ô thành Cracovia. Theo dự kiến, ngài sẽ bước qua Cửa Năm Thánh tại đây, và viếng mộ thánh nữ Faustina Kowalska tại nhà nguyện gần Đền Thánh. Tiếp đến, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với các LM, tu sĩ và chủng sinh. Tại Đền Thánh, ngài cũng sẽ ban phép giải tội cho một số bạn trẻ rồi dùng bữa trưa với một số đại diện của họ.

Tối thứ bẩy cùng ngày, ĐTC sẽ chủ sự buổi canh thức với các bạn trẻ và sáng chúa nhật hôm sau, cũng tại cánh đồng này, ngài sẽ cử hành thánh lễ bế mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ với nghi thức sai các bạn trẻ ra đi.

Ban chiều cùng ngày, ĐTC gặp những người thiện nguyện, ban tổ chức và các ân nhân đã cộng tác vào việc tổ chức Ngày Quốc Tế giới trẻ, trước khi ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma.

Tại Roma, Phòng báo chí Tòa Thánh chưa công bố chương trình chính thức cuộc viếng thăm của ĐTC nhưng chỉ mới xác nhận ngài sẽ viếng thăm Ba Lan từ ngày 27 đến 31-7 năm nay (SD 12-3-2016)

Trại tập trung Auschwitz

Mặt khác, ban giám đốc trại tập trung Auschwitz-Birkenau đã quyết định dành riêng những ngày từ 20 đến 28-7 và từ ngày 1 đến 3-8 năm nay cho các bạn trẻ dự ngày Quốc Tế giới trẻ muốn thăm viếng trại tập trung này.

Trại Auschwitz-Birkenau cách Cracovia khoảng 65 cây số và là nơi Đức quốc xã đã tiêu diệt hơn 1 triệu người, trong đó đa số là người Do thái, phần còn lại là người Ba Lan, người du mục, và tù nhân chiến tranh người Nga.

Trong số các tù nhân, có 2 người đã được phong hiển thánh, đó là cha Maximiliano Kolbe, dòng Phanxicô viện tu người Ba Lan, và thánh nữ Edith Stein, một nữ triết gia Do thái ở Đức trở lại Công Giáo và trở thành một nữ Đan sĩ dòng Cát Minh.

Năm 2015 có 1 triệu 720 ngàn người, đa số là người trẻ, đến viếng thăm trại tập trung này, một con số kỷ lục. Trong số người thăm viếng vừa nói có 425 ngàn người từ Ba Lan, 220 ngàn từ Anh quốc và 141 ngàn từ Hoa Kỳ. (CNS 12-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông Phương

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo ukraine Đông Phương

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ucraina Đông Phương

VATICAN. ĐTC chân thành cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương vì lòng trung thành và ngài tái liên đới với Giáo Hội này giữa những khó khăn hiện nay.

Trong sứ điệp ngày 5-3-2016 gửi đến Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ukraine Đông phương, với trụ sở ở thành Kiev, ĐTC nhắc lại biến cố đau thương cách đây 70 năm Giáo Hội này bị giải tán với một công nghị ngụy tạo và ép xáp nhập vào Chính Thống Nga. Ngài viết:

”Khi nhớ lại những biến cố ấy, chúng ta cúi đầu với lòng biết ơn trước những người, – dù phải trả giá đau thương và thậm chí đến độ tử đạo, – qua dòng thời gian đã làm chứng tá đức tin được sống với lòng tận tụy trong Giáo Hội của mình và trong niềm hiệp thông kiên vững với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Đồng thời với đôi mắt được đức tin soi sáng, chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, đặt mọi niềm hy vọng nơi Chúa, chứ không phải nơi công lý phàm nhân. Chính Chúa là nguồn mạch đích thực niềm tín thác của chúng ta trong hiện tại và tương lai, với niềm xác tín chúng ta được kêu gọi loan báo Tin Mừng kể cả giữa bất kỳ đau khổ và khó khăn nào”.

ĐTC Phanxicô viết thêm rằng: ”Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm vì lòng trung thành của anh chị em và khích lệ anh chị em trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi về niềm hy vọng làm cho cuộc sống chúng ta và của mọi anh chị em quanh chúng ta trở nên rạng ngời hơn. Tôi cũng tái bày tỏ tình liên đới với các vị mục tử và tín hữu vì những gì họ đang làm trong thời đại khó khăn hiện nay, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do những đau buồn vì chiến tranh, để thoa dịu những đau khổ của dân chúng và để tìm kiếm những con đường hòa bình cho đất nước Ukraine yêu quí”.

Thông cáo của các Giám Mục Ukraine

Các GM Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tái bày tỏ tình hiệp thông với ĐTC và xin ngài cùng với cộng đồng quốc tế giúp chấm dứt chiến tranh tại miền đông Ukraine.

Hồi thượng tuần tháng 3-2016,Hội đồng thường trực của Giáo Hội Công Giáo Ukraine gồm 6 GM đã nhóm họp tại Roma và được ĐTC tiếp kiến sáng ngày 5-3. Trong thông báo công bố sau đó, Hội đồng cho biết khóa họp này diễn ra nhân dịp kỷ niệm 70 năm Nhà nước Liên Xô tổ chức công nghị ngụy tạo từ mùng 8 đến 10-3 năm 1946 để giải tán Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương, sau đó Nhà nước cầm tù tất cả các GM, hàng trăm LM và hàng chục ngàn tín hữu, giao tài sản của Giáo Hội này cho Giáo Hội Chính Thống Moscow sử dụng. Tuyên ngôn của các GM có đoạn viết:

”Chúng tôi tái khẳng định rằng không một chế độ độc tài nào có thể phá vỡ tình hiệp thông của chúng tôi với Tòa Thánh và với Giáo Hội hoàn vũ”.

Các GM cũng tố giác Nga xâm lăng Ukraine và thi hành cuộc chiến tranh tại miền Đông Nga, gây đau khổ cho hàng chục triệu người vô tội. Giáo Hội lên án những hành vi tàn ác, bắt cóc, cầm tù và tra tấn các công dân Ukraine ở miền Donbas và Crimea, nhất là những lạm dụng chống các cộng đoàn tôn giáo, các nhóm chủng tộc, nhất là nhóm Hồi giáo Tartar và vi phạm dân quyền cũng như nhân phẩm của hàng triệu người.

Thông cáo nói thêm rằng ”Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ đông phương không ngừng cầu nguyện và thăng tiến hòa bình, và ngày hôm nay, ban lãnh đạo Giáo Hội này kêu gọi ĐTC và thế giới hãy giúp chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo do sự xâm lăng của Nga ở Ucraina gây ra. Cuộc chiến tranh hỗn hợp (hybrid) hiện nay – không được thế giới chú ý – làm thương tổn trực tiếp 5 triệu người. Nó đã làm cho 10 ngàn người chết, hàng chục ngàn người bịt hương nặng, hơn 2 triệu người không còn gia cư. Những phương thế mưu mô của cuộc chiến hỗn hợp này mang lại những chấn thương cho hàng trăm ngàn người và gây thiệt hại vô biên về kinh tế xã hội. Nhiều cơ cấu hạ tầng công nghiệp của Ucraina bị phá hủy và đồng tiền Ucraina bị mất giá 2 phần 3 khiến cho toàn bộ 45 triệu dân trở nên nghèo hơn. Căn tính của Ukraine không ngừng bị vu khống bằng những chiến dịch tuyên truyền quốc tế được tài trợ hùng hậu”.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương lớn nhất trong số 22 Giáo Hội Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh và hiện có khoảng 5 triệu tín hữu ở Ukraine và nước ngoài (SD 5-3-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp các linh mục Roma

Đức Thánh Cha gặp các linh mục Roma

Đức Thánh Cha gặp các linh mục Roma

ROMA. Sáng thứ năm, 11-2, ĐTC Phanxicô đã đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả, xin Đức Mẹ phù hộ trước khi lên đường viếng thăm mục vụ tại Cuba và Mexico từ ngày 12 đến hết ngày 17-2-2016.

Đã hơn 20 lần ĐTC đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma (Salus Populi Romani), tại Đền Thờ Đức Bà Cả, nhất là trước và sau khi viếng thăm tại nước ngoài.

Sau khi cầu nguyện, ngài đến Đền thờ Thánh Gioan Laterano để gặp các linh mục giáo phận Roma đang tỉnh tâm mùa chay tại đây và đã giải tội cho một vài linh mục.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, giải thích rằng cuộc gặp gỡ tĩnh tâm của hàng giáo sĩ Roma có tính chất ”thống hối”, để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha và để có thể trở thành những thừa tác viên của lòng thương xót tại các cộng đoàn liên hệ được ủy cho các linh mục coi sóc. Hướng dẫn cuộc gặp gỡ tĩnh tâm là Đức Ông Angelo De Donatis, đặc trách việc thường huấn cho hàng giáo sĩ Roma.

Trong dịp gặp gỡ và tĩnh tâm này, các linh mục đã tự đóng góp để hỗ trợ Caritas Roma.

Sau cùng, ĐHY Vallini cho biết ĐTC đã tặng các linh mục giáo phận Roma cuốn sách phỏng vấn ngài, ”Tên của Thiên Chúa là lòng thương xót”.

Giáo phận Roma có có 2 triệu 366 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 334 giáo xứ, với 1,574 linh mục triều và 3,260 linh mục dòng, 22.775 nữ tu (SD 11-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

VATICAN. Sáng ngày 20-1-2015, ĐTC đã tiếp kiến các GM hai nước Sudan và Nam Sudan, nhân dịp các vị về Roma tĩnh tâm và nhóm họp chung.

Cuộc tiếp kiến diễn ra trước khi ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolo 6. Ngài lắng nghe các GM trình bày tình hình hai nước, nhất là nhu cầu hòa bình ở miền nam đang bị nội chiến, và tình trạng thiếu ơn gọi ở miền bắc, và đưa ra những đề nghị hướng dẫn. Các GM tái mời ĐTC đến thăm Sudan. Ngài cho biết là sẵn sàng và mong muốn, nhưng nói thêm rằng ”Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa”.

Các GM hai nước Sudan đã tham dự cuộc tĩnh tâm từ 12 đến 18-1 do Bộ truyền giáo thu xếp, và sau đó đã nhóm họp chung, cùng với ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Fernando Filoni, cũng như các vị trách nhiệm tại Bộ này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Lukudo Loro, TGM giáo phận Juba, Chủ tịch HĐGM Sudan, cho biết các GM đã thảo luận với Bộ Truyền giáo về vấn đề có nên tiếp tục để nguyên HĐGM Sudan bao gồm các GM hai nước, hoặc là tách thành 2 HĐGM. Ngoài ra có vấn đề hiện nay có 4, 5 giáo phận ở Sudan không có GM, và có nhu cầu thiết lập thêm các giáo phận mới. Sau cùng là vấn đề tài trợ hàng giáo sĩ: Giáo Hội địa phương không đủ khả năng cung cấp phương tiện sinh sống và hoạt động cho các LM.

Ở Sudan có ít tín hữu Công Giáo và chỉ có 2 giáo phận là Khartum và El Obeid, với 1 triệu 100 ngàn tín hữu trên tổng số 35 triệu dân, còn tại Nam Sudan có đông tín hữu Công Giáo hơn, gồm 7 giáo phận với 3 triệu tín hữu trên tổng số 8 triệu dân cư. (SD 20-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp

Đức Thánh Cha kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp

Đức Thánh Cha kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp

DAVOS. ĐTC Phanxicô kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp nghĩ đến người nghèo trong cuộc ”cách mạng công nghệ thứ tư”.

Lời kêu gọi được ngài đưa ra trong sứ điệp gửi Diễn Đàn Kinh tế thế giới tiến hành từ hôm 20-1 đến 23-1 tới đây tại Davos bên Thụy Sĩ, với chủ đề ”Nắm vững cuộc cách mạng công nghệ thứ tư”. Tham dự diễn đàn có hơn 2,500 nhân vật chính trị và kinh tế thuộc hàng quan trọng nhất đến từ các nước trên thế giới.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã trao Sứ điệp của ĐTC cho vị sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn này là Giáo Sứ Klaus Schwab.

ĐTC nhấn mạnh tới một khía cạnh tiêu cực của Cuộc cách mạng công nghệ thứ 4, đó là giảm bớt công ăn việc làm do sự gia tăng sử dụng các Robot tối tân và các nguyên do khác. Những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy hiện có hàng trăm triệu người thất nghiệp trên thế giới. ”Sự tài chánh hóa và kỹ thuật hóa các nền kinh tế quốc gia và hoàn vũ đã tạo nên những thay đổi sâu rộng trong lãnh vực công việc làm. Giảm bớt những cơ hội tìm được việc làm xứng đáng và nhiều lợi ích, cùng với sự giảm bớt bảo hiểm an sinh xã hội, đang gây lo âu, làm gia tăng sự chênh lệch và nghèo đói ở nhiều quốc gia”.

Trước tình trạng đó, ĐTC kêu gọi đề ra những kiểu mẫu doanh nghiệp mới, trong khi phát triển những kỹ thuật tân tiến, làm sao để có thể sử dụng các kỹ thuật đó để kiến tạo công việc làm xứng đáng cho mọi người, nâng đỡ và củng cố các quyền lợi xã hội và bảo vệ môi sinh. Con người phải hướng dẫn sự phát triển công nghệ mà không để cho nó thống trị mình!”

ĐTC viết thêm rằng: ”Một lần nữa tôi kêu gọi tất cả quí vị: ”Đừng quên người nghèo!”. Đó là thách đố thứ nhất mà quí vị đang có trước mặt trong tư cách là những người lãnh đạo trong thế giới doanh nghiệp. ”Ai có những phương tiện để sống một đời sống xưng đáng, thay vì bận tâm lo kiếm những đặc ân, cần phải tìm cách giúp đỡ những người nghèo nhất để họ có được những điều kiện sống tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt là qua sự phát huy tiềm năng của họ về mặt nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội” (Diễn văn trước các vị lãnh đạo và ngoại giao đoàn, Bangui, 29-11-2015)

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Chúng ta đừng bao giờ để cho nền văn hóa sung túc làm cho chúng ta không còn nhạy cảm, và không còn khả năng cảm thương trước tiếng kêu đau khổ của tha nhân, đến độ chúng ta không còn khóc nữa trước thảm cảnh của người khác, cũng như không quan tâm săn sóc họ, như thể tất cả những điều ấy không phải là trách nhiệm của chúng ta, không liên hệ tới chúng ta” (Evangelii gaudium, 54).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Qua các phương thế đối thoại ưu tiên, Diễn Đàn kinh tế thế giới có thể trở thành một Diễn đàn bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên, và để đạt tới một sự tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn và có tính chất toàn diện hơn” (Laudato sí, 112), với sự để ý cần phải có đối với những mục tiêu môi sinh và gia tăng nỗ lực tối đa để đạt tới mục tiêu xóa bỏ nghèo đói như đã được ấn định trong chương trình hành động từ nay tới năm 2030 về sự phát triển dài hạn và Hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu” (SD 20-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Đức sắp thăm Việt Nam

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Đức sắp thăm Việt Nam

ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 8 đến 17-1-201

MUNICH. ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 8 đến 17-1-2016.

Thông cáo của HĐGM Đức công bố ngày 29-12-2015 cho biết, trong cuộc viếng thăm tại ”CHXHCN Việt Nam ở Đông Nam Á, ĐHY Marx muốn tìm hiểu về một Giáo hội đang lớn mạnh trong một tình trạng khó khăn”. ĐHY sẽ dừng lại tại thủ đô Hà Nội, giáo phận Vinh ở miền Trung, và SàiGòn, thủ đô kinh tế của Việt Nam.

Trong 10 ngày viếng thăm, ĐHY Marx sẽ gặp gỡ ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, và Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh, cũng là Chủ tịch Ủy ban GM Việt Nam về Công lý và Hòa bình. Ngoài ra, ĐHY cũng có cuộc gặp gỡ và trao đổi tại Đại sứ quán Đức.

ĐHY Reinhard Marx năm nay 62 tuổi, sinh ngày 21-9-1953, nguyên là GM Trier, giáo phận cổ kính nhất của Đức, trước khi được ĐTC Biển Đức 16 thuyên chuyển về Munich ngày 30-11-2007 và thăng Hồng Y ngày 20-11-2010, lúc ấy ngài là vị trẻ nhất trong Hồng y đoàn. ĐHY được coi là người được ĐTC Phanxicô đặc biệt tín nhiệm. Ngài là thành viên Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều Roma và cũng là Chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa thánh, gồm 8 HY và 7 giáo dân, có nhiệm vụ giám sát các hoạt động kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh. Ngoài ra, ĐHY cũng là chủ tịch Ủy ban GM Liên hiệu Âu Châu gọi tắt là Comece.

Trong số khoảng 90 triệu dân tại Việt Nam, có từ 6 đến 7% là tín hữu Công Giáo thuộc 26 giáo phận, tương đương với 7% dân số toàn quốc và là Giáo Hội Kitô lớn nhất tại Việt Nam.

Trong hai khóa họp hồi trung tuần tháng 4 và tháng 9 năm nay, HĐGM Việt Nam đã bàn tới việc mời và chuẩn bị đón ĐHY Marx đến viếng thăm (KNA 29-12-2105)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Triều Roma

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Triều Roma

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Triều Roma

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến giáo triều Roma sáng ngày 21-12-2015, ĐTC đã liệt kê một danh sách 12 cặp đức tính cần thiết cho những người phục vụ trong giáo triều và tất cả những người làm cho sự thánh hiến hoặc việc phục vụ của họ dành cho Giáo Hội được phong phú.

Các HY, GM và các chức sắc cấp cao của Tòa Thánh đến chúc mừng ĐTC nhân dịp lễ giáng sinh và năm mới. ĐTC nhắc lại rằng trong dịp gặp gỡ năm ngoái, ngài đã nói đến 15 thứ bệnh và cám dỗ có thể xảy ra cho mỗi Kitô hữu, mỗi giáo triều hay giáo phủ, các cộng đoàn, dòng tu, giáo xứ và phong trào Giáo Hội. Các thứ bệnh đó đòi phải phòng ngừa, cảnh giác, chữa trị và đôi khi có những can thiệp đau thương và kéo dài. Một vài thứ bệnh đó, rất tiếc là đã xảy ra trong năm nay, gây đau khổ không ít cho toàn thể thân mình và làm tổn thương bao nhiêu linh hồn”.

ĐTC cũng nói thêm rằng: ”Thật là một bất công rất lớn nếu không biểu lộ lòng biết ơn sâu đạm và khích lệ đúng phép đối với tất cả những người lành mạnh và lương thiện đang tận tụy làm việc, với lòng trung thành và khả năng chuyên môn, cống hiến cho Giáo Hội và người kế vị Thánh Phêrô, sự an ủi, liên đới, vâng phục cũng như kinh nguyện quảng đại của họ”.

Rồi ĐTC lần lượt liệt kê và giải thích các đức tính mà những người phục vụ tại Tòa Thánh và Giáo Hội cần phải đó. Ngài cũng kêu gọi các vị Tổng trưởng, Chủ tịch và các Bề trên hãy đào sâu thêm và bổ túc các đức tính này cho các cơ quan liên hệ thuộc quyền.

Trong số các đức tính đó có: tinh thần truyền giáo và mục vụ (1), khả năng thích hợp và tinh tế (2), linh đạo và tình người (3), gương mẫu và trung thành (4), hợp lý và dễ mến (5), thận trọng và cương quyết (6), bác ái và sự thật (7), lương thiện và trưởng thành (8), tôn trọng và khiêm tốn (9), quảng đại và quan tâm (10), can đảm và mau mắn, đáng tín nhiệm và điều độ (12).

ĐTC nhận xét rằng tất cả các đức tính trên đây có thể là một sự vắn tắt về lòng thương xót, và trong phần kết luận, ngài nói:

”Lòng thương xót không phải là một tình cảm chóng qua, nhưng là tổng hợp Tin Mừng, là sự chọn lựa của người muốn có những tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu, của người muốn nghiêm túc bước theo Chúa, Đấng yêu cầu chúng ta: ”Các con hãy có lòng thương xót như Cha các con” (Lc 6,36, Xc 5,48).

Vì vậy, ”Ước gì lòng thương xót hướng dẫn những bước đường của chúng ta, soi sáng các cuộc cải tổ và những quyết định của chúng ta. Ước gì lòng thương xót là cột trụ nâng đỡ hoạt động của chúng ta, dạy chúng ta khi nào chúng ta phải tiến bước và khi nào chúng ta phải bước lui..” (SD 21-12-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐHY Parolin phê bình các cuộc tấn công chống Giáo Hội

ĐHY Parolin phê bình các cuộc tấn công chống Giáo Hội

Đức Hồng Y Parolin

VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, phê bình các cuộc tấn công ”cuồng điên” của một số cơ quan truyền thông chống Giáo Hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Amedeo Lomonaco hôm 10-11-2015, về vụ mới đây hai cuốn sách đăng tải những tài liệu mật của Tòa Thánh bị lấy trộm, quen gọi là ”Vatileak 2” và chương trình cải tổ của ĐTC Phanxicô, ĐHY Parolin nói: ”Nếu chúng ta đọc báo chí, chúng ta thấy những cuộc tấn công ấy có lẽ thiếu hợp lý, ít suy nghĩ, đầy cảm xúc, nếu không muốn nói là ”cuồng điên” (isterici). Có một câu tục ngữ nói rằng: Chúa biết viết thẳng những đường cong. Chắc chắn, tôi không tin rằng những cuộc tấn công ấy có thiện ý tốt. Đó là những cuộc tấn công Giáo Hội. Chúng có thể được diễn ra hoặc biến thành một điều tốt nếu chúng ta cũng biết đón nhận chúng với tinh thần hoán cải và trở về với Tin Mừng như Chúa yêu cầu chúng ta. Tôi sẽ tìm cách đón nhận khía cạnh này vì tất cả chúng ta đều luôn luôn cần sự hoán cải”.

Về những đối kháng mà ĐTC nói là gặp phải trong chương trình của ngài cải tổ giáo triều và Giáo Hội, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận xét rằng: ”Thay đổi sự việc luôn luôn là điều khó khăn vì tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn tiếp tục ở trong sự yên hàn, trong sự quen thuộc hàng ngày đều đều của chúng ta. Theo chiều hướng này cần vượt thắng những đối kháng. Định nghĩa những đối kháng đó là điều tự nhiên thì quá nhẹ, nhưng định nghĩa chúng là bệnh hoạn thì quá nặng. Đó là những đối kháng có thực. Tôi nghĩ rằng cần đương đầu với những đối kháng ấy trong tinh thần xây dựng, để chúng được biến đổi. Tôi tin rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề này là biến đổi những đối kháng bình thường đứng trước những thay đổi thành những dụng cụ để cải tổ. Và tất cả chúng ta đều muốn có sự cải tiến. Sự cải tiến ấy chính ĐTC đã yêu cầu cần thực hiện cho giáo triều Roma”.

Mặt khác, hôm 10-11-2015, cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, lại phải lên tiếng cải chính những tin ”thất thiệt” của một số báo chí Italia cho rằng trong khuôn khổ các cuộc điều tra tại Vatican, một số Hồng Y hoặc giám chức cũng bị hỏi cung trong những ngày qua. Cha Lombardi gọi những tin này là ”Hoàn toàn sai lầm, không có căn cứ nào cả”.

Cha Lombardi cũng bác bỏ một số thông tin về ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican: báo chí nói rằng ĐHY Bertello đã tiếp xúc với chính quyền Italia, về vấn đề thất thoát các tài liệu. LM giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh nói: ”Những tin này cũng hoàn toàn là sai” (SD 10-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Giám Mục Vĩnh Long và Kontum

Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Giám Mục Vĩnh Long và Kontum

Hai tân Giám mục Nguyễn Hùng Vị và Huỳnh Văn Hai

VATICAN. Hôm 7-10-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm 2 tân GM giáo phận Vĩnh Long và Kontum:

Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai làm Giám Mục chính tòa Vĩnh Long, cho đến nay ngài là Phó Giám Đốc kiêm Giáo sư Triết Học tại Đại chủng viện Cần Thơ.

ĐTC cũng nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức GM giáo phận Kontum, Micae Hoàng Đức Oanh, và bổ nhiệm Cha Luy Gonzaga Nguyễn Hùng Vị làm tân GM chính tòa Kontum.

Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai năm nay 61 tuổi, sinh ngày 18-5 năm 1954 tại Bến Tre, giáo phận Vĩnh Long, gia nhập tiểu chủng viện tại đây năm 1966 và vài năm sau đó lên Đại chủng viện Xuân Bích cũng tại Vĩnh Long.

Năm 1978, vì hoàn cảnh chính trị xã hội, thầy Phêrô Hai trở về gia đình. Mãi 13 năm sau đó, thầy mới được trở lại Đại chủng viện Vĩnh Long để hoàn tất học trình, rồi thụ phong Linh mục ngày 31-8 năm 1994 khi đã 40 tuổi.

Sau khi thụ phong, cha Phêrô Hai được gửi đi học tại Đại học Công Giáo Paris bên Pháp trong 10 năm, đã đậu tiến sĩ triết học.

Trở về nước năm 2004, cha Phêrô Hai đặc trách về ơn gọi trong giáo phận Vĩnh Long trong 4 năm, rồi từ năm 2008, cha làm giáo sư triết tại Đại chủng viện Cần thơ và Sàigòn.

Từ năm 2012, cha kiêm nhiệm chức vụ Phó Giám Đốc Đại chủng viện Cần Thơ.

Giáo phận Vĩnh Long hiện có 199.404 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 4 triệu dân cư, với 209 giáo xứ, 205 Linh Mục (trong đó có 26 LM dòng), 43 tu huynh, 732 nữ tu và 78 đại chủng sinh. Giáo phận này trống tòa từ 2 năm qua, sau khi Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân qua đời đột ngột ngày 17-8-2013.

Đức Cha Nguyễn Hùng Vị năm nay 63 tuổi, sinh ngày 18-8-1952 tại Hà Nội, theo học tại tiểu chủng viện Kontum trong 5 năm, từ 1963 đến 1968, rồi tại tiểu chủng viện Đà Lạt từ năm 1969 đến 1973. Sau đó thầy Nguyễn Hùng Vị theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô 10 Đà Lạt trong 4 năm, từ 1973 đến 1977. Trong khi chờ đợi Nhà Nước chấp thuận cho chịu chức Linh Mục, thầy Luy Vị phục vụ trong 13 năm trời tại giáo xứ Bình Cang, giáo phận Nha Trang, rồi thụ phong Linh Mục ngày 7 tháng 4 năm 1990 tại Nha Trang khi được 38 tuổi, và vẫn thuộc giáo phận Kontum.

Sau khi thụ phong, Cha Nguyễn Hùng Vị làm cha phó Bình Cang thêm 3 năm (1990-1993) trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc tiểu chủng viện Kontum ở Sàigòn. Sau 13 năm (1993-2006), cha được gửi đi học tại Đại học Công Giáo Paris từ năm 2006. Năm 2008, cha Vị đậu cử nhân phụng vụ và trở về nước, làm thư ký tòa Giám Mục Kontum một năm (2008-2009) trước khi được bổ nhiệm làm cha sở Giáo Xứ Phương Nghĩa.

 Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh năm nay 77 tuổi (23-10-1938), thụ phong Linh Mục năm 1968 và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục ngày 24-6 năm 2003.

 Giáo phận Kontum hiện có 300649 tín hữu Công Giáo trên tổng số 1 triệu 775 ngàn 200 dân cư, gồm 88 giáo xứ với 169 linh mục, trong đo có 50 Linh mục dòng, 15 tu huynh và 462 nữ tu, cùng với 79 đại chủng sinh (SD 7-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐHY PETER TURKSON KÊU GỌI XÂY DỰNG MỘT MÔ THỨC PHÁT TRIỂN THỰC TẾ ĐA CHIẾU KÍCH

ĐHY PETER TURKSON KÊU GỌI XÂY DỰNG MỘT MÔ THỨC PHÁT TRIỂN THỰC TẾ ĐA CHIẾU KÍCH

ĐHY Peter Turkson

MILANO: ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, kêu gọi xây dựng một mô thức phát triền thực tế bao gồm nhiều chiều kích khác nhau.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài thuyết trình tại Hội chợ quốc tế EXPO 2015 ở Milano, bắc Italia ngày 12 tháng 9 vừa qua. Ngài khẳng định rằng trên nhiều khía cạnh có thể định nghĩa Hội chợ quốc tế EXPO là một ảo tưởng, vì nó là một nơi nhân tạo, tưởng tượng, được dự phóng và xây dựng với hai mục đích: cho phép toàn thế giới giới thiệu mình qua mẫu tự thực phẩm, thúc đẩy nhân loại đặt các nghi vấn nền tảng liên quan tới sự sống còn và hạnh phúc của mình. Tại hội chợ quốc tế người ta có thể khâm phục óc sáng tạo phong phú liên quan tới các sản phẩm, cũng như nếm hưởng được sự khác biệt và giầu có của nền văn hóa. Trong lịch sử của mình con người đã tìm ra biết bao nhiêu phương thức để chế biến các sản phẩm thiên nhiên thành lương thực, và soạn thảo cả một loạt các thực hành trình bầy ý nghĩa sâu xa nhân chủng học của việc ăn uống. Hội chợ quốc tế chứng minh cho thấy trí thông minh của con người, khả năng hiểu biết các luật lệ thiên nhiên, và sử dụng nó để biến đổi thực tại trở thành nơi có thế ở và sống được hơn. Các đại hội, các buổi thảo luận và hội học là bằng chứng sự phong phú của cuộc gặp gỡ giữa các tư tưởng và quan điểm.

Tuy nhiên, cũng trong Hội chợ quốc tế người ta nhận ra sự khác biệt, xa cách, bất bình đẳng và sự gian ác nữa. Vì không phải mọi người đều có thể hưởng nhờ sự phong phú của việc tạo dựng và các sản phẩm ngoại thường do tài khéo của con người làm ra. Chỉ cần nhìn vào vài con số thống kê do ĐTGM Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp  Quốc, đưa ra trong các cuộc thảo luận về các mục tiêu phát triển ngày 23 tháng 4 năm nay, thì đủ hiểu: Các tiến triển đạt được trong hai thập niên qua giúp 660 triệu người ra khỏi cảnh nghèo túng, nhưng các con số do Ngân Hàng Thế  Giới đưa ra cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để loại bỏ nạn nghèo: vì hiện nay trên thế giới còn có 1,2 tỷ người không có điện, 870 triệu người thiếu dinh dưỡng, 780 triệu người không có nước trong lành để uống. Đây là điều ĐTC Phanxicô gọi là “cái mâu thuẫn của sự dồi dào”: có thực phẩm cho mọi người, nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể ăn, trong khi sự phung phí, loại bỏ, tiêu thụ qúa đáng, và dùng thực phẩm cho các mục đích khác hiển nhiên trước mắt chúng ta. Làm sao  trong một thế giới có khả năng đạt biết bao nhiêu kết qủa, mà lại còn có nhiều người nghèo như thế, mà không loại trừ được nghèo đói và thiếu dinh dưỡng?

Tiếp đến ĐHY Turkson duyệt qua tình hình thế giới, và khẳng định rằng các đường lối chính trị phát triển mà thế giới đang theo đuổi, là cuộc chiến chống lại người nghèo, vì con người, phẩm giá và các quyền của nó bị loại bỏ, không còn là trung tâm của các phát triển kinh tế, kỹ thuật và tài chánh nữa, mà thay vào đó là tiền bạc và các lợi nhuận. Các mục tiêu và đường lối chính trị phát triển phải dùng để chống nghèo túng, chứ không phải để loại trừ người nghèo. Lộ trình phát triển mà nhân loạị đã theo trong hai thế kỷ qua có mục đích cải tiến các điều kiện sống và giải phóng con người khỏi đói khát và nghèo túng. Nhưng nó dựa trên một ý tưởng sai lầm cho rằng các tài nguyên của trái đất vô hạn, và các hệ thống môi sinh có thể tái sinh vô tận, cho phép phát triển vô giới hạn. Thảm cảnh ô nhiễm môi sinh chứng minh cho thấy ngược lại.

Mô thức duy kỹ thuật khiến cho người ta có hai ảo tưởng: cho rằng kinh tế có thể phát triển vô giới hạn, và có thể tìm ra một giải pháp thuần túy kỹ thuật cho mọi vấn đề. Sự tin tưởng thái quá vào kỹ thuật dẫn đưa tới chỗ đánh giá thấp sự phức tạp của các vấn đề, và không biết tới tầm quan trọng của tương quan giữa các khía cạnh khác nhau của thực tại. Ngoài ra, còn có một giản lược  nữa đó là chủ trương tức thời, nhấn mạnh thái quá trên các kết qủa ngắn hạn hay rất ngắn hạn. Nó ghi dấu trên kinh tế tài chánh chỉ nhắm tới lợi nhuận tức khắc tối đa, và cả trên chính trị nhằm tìm sự đồng thuận hơn là tìm công ích.

Chính vì thế cần phải đổi hướng để xây dựng một mô thức phát triển thực tế đa chiều kích: môi sinh, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa liên đới giữa các thế hệ và vùng miền, nhắm thăng tiến cuộc sống thường ngày của mọi người và thăng tiến công ích (SD 12-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio