Đức Thánh Cha gặp gỡ Công nghị Giáo Hội Công Giáo Canđê

Đức Thánh Cha gặp gỡ Công nghị Giáo Hội Công Giáo Canđê

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến công nghị 20 GM Công giáo Canđê hôm 5-1-2017, ĐTC cổ võ các vị cộng tác với nhiều thành phần khác để giúp phục hồi và tái thiết cuộc sống các tín hữu sau chiến tranh.

Các GM Công Giáo Canđê, quốc nội và hải ngoại, nhóm họp tại Roma trong những ngày này dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến các vấn đề được các GM bàn đến như sự cưỡng bách xuất cư của nhiều tín hữu Kitô, việc tái thiết các làng mạc và việc hồi hương, xác định luật riêng của Giáo hội Canđê, vấn đề phụng vụ và ơn gọi.

Ngài nói: ”Tôi khuyên anh em nỗ lực không biết mệt mỏi như những người tiến tạo tình hiệp nhất, nhất là giữa anh em với nhau, và với các vị mục tử của các Giáo hội khác, tạo điều kiện dễ dàng cho việc đối thoại và cộng tác giữa mọi tác nhân của đời sống công cộng, để góp phần giúp người di tản hồi hương, và chữa lành những chia rẽ, đối nghịch giữa những người anh em với nhau… Anh em hãy kiên vững trong ý hướng và đừng nản chí trước những khó khăn còn tồn đọng, mặc dù đã có nhiều điều được thực hiện trong việc tái thiết ở Bình nguyên Ninive”.

ĐTC đặc biệt nhắc nhở các GM Công Giáo Canđê tránh nhận vào chủng viện những người không được Chúa kêu gọi, cần cứu xét kỹ lưỡng ơn gọi của những người trẻ và kiểm chứng sự chân thực của các ơn gọi ấy”. (Rei 5-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh nghiệm thiêng liêng của Jeannie Gaffigan sau khi mổ khối u trong đầu

Kinh nghiệm thiêng liêng của Jeannie Gaffigan sau khi mổ khối u trong đầu

Jeannie Gaffigan là một nữ kịch sĩ, nhà sản xuất và viết kich bản nổi tiếng người Mỹ, và cũng là vợ của kịch sĩ Jim Gaffigan. Năm 2016, bà được nhận giải thưởng Christopher, là giải thưởng dành cho các nhà sản xuất, đạo diễn và tác giả các sách, hình ảnh, và chương trình truyền hình đặc biệt, khẳng định giá trị cao nhất của tinh thần con người. Hồi đầu năm nay (2017), trong một lần đưa 5 đứa con đi gặp bác sĩ nhi khoa, bà Jeannie đã khám phá ra mình có một khối u to bằng quả táo, bao quanh các tế bào não. Thay vì suy sụp hoàn toàn, bà Jeannie đã lập tức chạy đến với Chúa và thưa với Ngài: “Con đang cần Chúa giúp đỡ. Chúa phải hướng dẫn con qua khó khăn này vì con không biết mình phải làm gì … và con còn nhiều việc phải làm cho Chúa.” Từ lúc đó, bà tiếp tục sống với đức tin và niềm tín thác.

Bà Jeannie kể lại trong cuộc một phỏng vấn; bà đã chịu đựng những cơn đau đầu và chóng mặt, bị mất cân bằng và thậm chí mất thính giác. Bà tưởng đó là những triệu chứng dị ứng khi giao mùa. Khi biết một bên tai của bà Jeannie không thể nghe được, một bác sĩ nhi khoa đã khám cho bà, nhưng không thể tìm thấy cái gì rõ ràng. Bác sĩ này đã gửi Jeannie đến gặp chuyên gia Tai Mũi Họng, nhưng bác sĩ này cũng không tìm ra nguyên nhân khiến Jeannie bị điếc một bên tai. Bà Jeanni được khuyên đi chụp cắt lớp và cuối cùng họ khám phá ra bà có một khối u lớn trong đầu, có thể đã phát triển từ cả năm rồi. Dù khối u lớn, nhưng may mắn đó là khối u lành tính, nếu không, ung thư với cỡ lớn như thế có thể giết chết bà Jeannie ngay lập tức. Nhưng khối u đó vẫn cần được giải quyết, nếu không nó có thể khiến bà bị liệt vì đè chèn lên não của bà. Đó là lúc bà Jeannie xin Chúa hướng dẫn và bà đã tìm được hướng đi đúng đắn. Vào Tuần Thánh, tháng 4 năm nay (2017), bà Jeannie đã xin một người bà con, một chiến binh cầu nguyện thật sự, bắt đầu làm những tuần cầu nguyện cho mình.

Lúc đó, các bác sĩ giải phẫu thần kinh mà bà Jeannie liên hệ đều kín lịch hẹn cho mãi đến tháng 5. Bà Jeannie gọi cho một chuyên gia thần kinh, là người bạn thời thơ ấu của bà, để xin ý kiến. Sau khi nhận được các bản sao chụp não của bà, ông cho biết là bà cần đến phòng phẫu thuật sớm bao nhiêu có thể. Bà Jeannie và chồng đã đến khoa phẫu thuật thần kinh bệnh viện Mount Sinai và được bác sĩ nổi tiếng Joshua Bederson khám. Vào thứ sáu Tuần Thánh, Jeannie đã được chụp não; các bác sĩ đã có bản đồ não của bà và họ đã làm một cuộc giải phẫu ảo về cách xử lý khối u và các dây thần kinh xung quanh nó. Sau đó họ nói với bà Jeannie: “Bà có thứ bảy và Chúa nhật phục sinh với gia đình. Ngày thứ hai, bà sẽ được phẫu thuật.”

Cuộc phẫu thuật 9 tiếng đã kết thúc tốt đẹp, nhưng thời gian hồi phục xảy ra các khó khăn. Cổ họng của bà Jeannie bị liệt tạm thời và cần có ống ôxy để thở, cũng như ống nối đưa thức ăn vào bao tử. Bà phải hút nước bọt của chính mình vì cơ quan chức năng thở và nuốt không làm việc, vì vậy bà bị viêm phổi cấp đe dọa đến mạng sống. Sau đoạn đường hồi phục dài 4 tháng, bà Jeannie cảm nghiệm không gì khác hơn là một phép lạ. Bà chia sẻ: “Tôi đã có những người đạo đức mạnh mẽ nhất trên thế giới cầu nguyện cho tôi… Tôi đã thấy phần tích cực của nhân loại vào lúc mà tôi cảm thấy môi trường của đất nước chúng ta là thứ đang bị chia cắt. Tôi thấy những con ngươi có niềm tin khác nhau và ý hướng chính trị khác nhau là những người tốt và tôi đã có lại ý thức về sức mạnh của cầu nguyện chuyển cầu và ý thức lại mục đích của tôi sống trên trái đất này và cho các con của tôi. Tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Chúa trong những ngày thực sự đen tối ở trong bệnh viện. Không có gì để nghi ngờ là bàn tay của Chúa ở với tôi trên mỗi bước đường.”

Jeannie cũng nhìn thấy sự hiện diện của Chúa qua những sự việc khác. Đức hồng y Dolan đã điện thoại thăm Jeanni khi ngài đang ở Lộ đức; Đức hồng y nói với Jeannie là ngài đã cầu nguyện cho bà, và điều này rất có ý nghĩa với bà vì bà. Vào ngày Jeanni dự định xuất việc, bác sĩ yêu cầu cần có một y tá đi cùng về nhà và sắp đặt các dụng cụ y khoa mà bà cần ở nhà. Các bác sĩ lo lắng hơn khi Jeanni bị một cơn họ vào ngày hôm trước và làm cho ống thở tụt ra khỏi cuống họng. Và thật may, sơ Mary Doolittle, một ý tá và cũng là một người bạn thân của Jeannie đến thăm bà và đã đồng ý làm các việc bác sĩ yêu cầu.

“Thắp lên một ngọn nến thì tốt hơn là nguyền rủa bóng đêm”, đó là những lời khắc trên huân chương Christopher bà Jeannie đã nhận được. Giờ đây những lời đó có một ý nghĩa mới với bà. Bà kết luận: “Tôi luôn biết là người được cho nhiều thì được chờ đợi phải sinh lợi nhiều hơn và nếu tôi được Chúa ban cho bất cứ món quà nào, tôi cần sử dụng nó. Tôi luôn biết điều đó trong công việc của tôi, nhưng bây giờ, cần phải thực hành những điều dường như nhỏ bé hơn, giống như là đốt lên một ngọn nến, tốt hơn là những mục đích tham vọng to lớn là làm để thay đổi thế giới. Ngay lúc này, tôi đang thấy rõ rằng các con của tôi, các công việc của tôi ngay trước mặt tôi. Việc nhìn thấy điều Chúa đặt trước mặt chúng ta và chọn lựa Ngài ban cho chúng ta là điều quan trọng. Mọi người cần nhận ra điều này bởi vì sẽ không cần có một khối u não thì mới nhận ra điều này. Chúng ta tất cả cần được chữa lành. Hãy tìm kiếm những cơ hội để đốt lên những ngọn nến đó, ngày cả khi nó không phải là điều to lớn đầy tham vọng. Tất cả chúng ta đều muốn đốt lên 1000 ngọn nến, nhưng có một ngọn nến ngay trước mặt bạn mà Chúa đưa cho bạn. Hãy mở mắt bạn, nhìn vào nó và thắp nó sáng lên.” (Aleteia 12/09/2017)

Hồng Thủy

Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi Mỹ và Bắc Triều Tiên đấu dịu

Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi Mỹ và Bắc Triều Tiên đấu dịu

NEW YORK. Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Paul Gallagher, kêu gọi các nước ”đấu dịu” trước hiểm họa chiến tranh có thể xảy ra giữa Mỹ và Bắc Triều tiên.

Trong bài tham luận hôm 25-9-2017 trong khuôn khổ Đại hội đồng thứ 72 của LHQ ở New York, Đức TGM Gallagher nhắc lại lời kêu gọi của ĐGH Piô 12 gửi đến mọi quốc gia trước khi thế chiến thứ 2 bùng nổ: ”Con đường công lý được thăng tiến nhờ sức mạnh của lý trí chứ không phải bằng sức mạnh của võ khí… Nguy hiểm đang gần kề, nhưng vẫn còn thời gian… không gì bị mất mát với hòa bình. Trái lại với chiến tranh, mọi sự bị mất mát. Ước gì các dân nước tái hiểu nhau và trở lại các cuộc thương thuyết. Nhờ thương thuyết với thiện chí và tôn trọng các quyền của nhau, họ sẽ nhận thức rằng những cuộc thương thuyết chân thành và tích cực không bao giờ loại trừ một thành công trong danh dự”.

Ngoại trưởng Tòa Thánh nói rằng, trong bối cảnh đó, Tòa Thánh ủng hộ tất cả những sáng kiến giúp thi hành các nghĩa vụ do hiệp ước mà các vị quốc trưởng đã ký kết tại LHQ năm 2005 về trách nhiệm bảo vệ dân chúng khỏi nạn diệt chủng, các tội ác chiến tranh, thanh lọc chủng tộc và các tội ác chống lại nhân loại”.

Đức TGM Gallagher nhấn mạnh rằng: ”Các nước lớn và những nước có truyền thống mạnh mẽ hơn trong việc tôn trọng các quyền con người, cần phải là những nước đầu tiên đưa ra những sáng kiến quảng đại ủng hộ hòa bình. Cần sử dụng mọi phương thế ngoại giao và chính trị trong việc thương thuyết, làm trung gian, để ngăn chặn những điều khôn tả.

Ngoại trưởng Tòa Thánh không nêu đích danh Hoa Kỳ và Bắc Triều tiên, nhưng ai cũng hiểu điều ngài muốn nói trong tình trạng căng thẳng hiện nay giữa hai nước (Rei 26-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

VATICAN. ĐTC kêu gọi nhân dân Colombia trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải, đi bước đầu trong việc bắc những nhịp cầu và kiến tạo tình huynh đệ.

Lời kêu gọi trên đây được ĐTC đưa ra trong sứ điệp Video gửi toàn dân Colombia phổ biến hôm 4-9-2017, trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của ngài tại nước này từ ngày mai, mùng 6 đến hết mùng 10-9 tới đây.

Sau khi cám ơn tổng thống, các GM và mọi người đã tích cực góp phần vào việc chuẩn bị chuyến viếng thăm, ĐTC nhắc đến chủ đề cuộc tông du của ngài là ”Chúng ta hãy đi bước đầu” và nhận xét rằng:

”Chủ đề này nhắc nhở chúng ta luôn luôn cần đi bước đầu trong bất kỳ hoạt động và dự phóng nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta trở thành những người đầu tiên yêu mến, bắc cầu và xây dựng tình huynh đệ. Đi bước đầu khích lệ chúng ta hãy đi ra gặp gỡ tha nhân, giơ tay và trao đổi dấu chỉ hòa bình. Hòa bình là điều mà Colombia hoạt động từ lâu để đạt tới. Một nền hòa bình ổn định, lâu bền, để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh chị em, chứ không phải như kẻ thù. Hòa bình nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là con cái của cùng Cha, Đấng yêu thương và an ủi chúng ta”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Thế giới ngày nay đang cần những vị cố vấn hòa bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được kêu gọi thi hành nghĩa vụ này, để thăng tiến hòa giải với Chúa và với anh chị em, và cả sự hòa giải với môi trường là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách bừa bãi”.

”Ước gì cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm huynh đệ đối với mỗi người trong anh chị em và họ cảm thấy niềm an ủi và dịu dàng của Chúa”.

Hôm 31-8-2017, Đức Ông Fabio Suescún Mutis, trưởng ban tổ chức chuyến viếng thăm của ĐTC tại Colombia, đã tuyên bố với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh rằng: ”Colombia đã sẵn sàng đón tiếp ĐTC Phanxicô. Tôi rất vui mừng có thể nói các thành phố liên hệ đã hoàn tất các khía cạnh tổ chức và chỉ còn thiếu vài chi tiết nhỏ. Đối với chúng tôi đây là thời điểm hồng phúc làm cho chúng tôi mơ ước có thể biến đổi sâu rộng đất nước của chúng tôi và đi bước đầu tiến về tương lai. ĐTC là một nhà thừa sai về hòa giải và chúng tôi đang chuẩn bị cởi mở tâm hồn. Sự hiện diện của ngài sẽ giúp chúng tôi khám phá rằng chúng tôi có thể đoàn kết với nhau như một quốc gia và tái nhìn nhau với đôi mắt hy vọng và từ bi thương xót”. (Rei 4-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 2-9-2017), dành cho 20 vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc, ĐTC đề cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trước nhiều thách đố xã hội.

Đức Cha Kim Hỷ Trung (Kim Hee-jong), TGM giáo phận Quang Châu, Chủ tịch HĐGM Hà Quốc, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng chung Vatican 2, qua đó ”Giáo hội khuyến khích các con cái mình, với sự thận trọng và bác ái ..] nhìn nhận, bảo tồn và làm thăng tiến các giá trị tinh thần, luân lý và xã hội nơi họ” (n.2). Thực vậy, đối thoại liên tôn gồm những tiếp xúc, gặp gỡ và cộng tác, đó là một công tác quí giá và làm đẹp lòng Thiên Chúa, một thác đố nhắm thiện ích chung và hòa bình”.

ĐTC nhắc đến hai điều kiện để thực thi đối thoại liên tôn là cởi mở và tôn trọng nhau. Cởi mở là nồng nhiệt và chân thành; tôn trọng nhau vừa là điều kiện và củng là mục đích của đối thoại liên tôn: thực vậy, chính khi tôn trọng quyền sống, sự toàn vẹn thể lý và các quyền tự do căn bản như tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và ngôn luận mà người ta đặt nền tảng cho việc xây dựng hòa bình mà mỗi ngừơi chúng ta đều được kêu gọi cầu nguyện và hành động”.

ĐTC cũng nói với các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc rằng ”Thế giới đang nhìn chúng ta, và khuyến khích chúng ta cộng tác với nhau và với mọi người thiện chí. Họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời và dấn thân chung về những vấn đề khác nhau như phẩm giá thánh thiêng của con người, nạn nghèo đói mà quá nhiều dân tộc phải chịu, sự từ khước bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm xúc phạm đến danh Thiên Chúa và lòng đạo đức của con ngươi, nạn tham ô nuôi dưỡng bất công, sự suy thoái luân lý, khủng hoảng gia đình, kinh tế, môi sinh và sau cùng là làm băng hoại cả niềm hy vọng”.

Sau cùng, ĐTC khích lệ các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc hoạt động, đồng hành với những tiến trình mang lại sự thiện và hòa giải cho tất cả mọi người. Ngài nói: Chúng ta được kêu gọi trở thanh những người công bố hòa bình, loan báo và thể hiện một lối sống bất bạo động, bằng những lời nói tránh gây sợ hãi và bằng những cử chỉ chống lại những lời cổ võ oán thù”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Ý trước khi lên đường về Roma, Đức TGM Kim Hỷ Trung cho biết phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo xin ĐGH cầu nguyện cho dân tộc Hàn quốc và trợ giúp để đạt tới sự thống nhất hai miền Bán đảo Triều Tiên.

ĐGH Phanxicô đã từng gặp các vị lãnh đạo tôn giáo của Hàn Quốc trong cuộc viếng thăm của ngài tại đây hồi trung tuần tháng 8 năm 2014 (Rei 2-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Cầu nguyện cho các giáo xứ

Cầu nguyện cho các giáo xứ

Trong tháng 9 tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các giáo xứ, để được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, chúng là các nơi hiệp thông đức tin và làm chứng cho tình bác ái.

Có lẽ không có tôn giáo nào trên thế giới có các cấu trúc chặt chẽ và sinh động như Giáo Hội Công Giáo, trong đó giáo xứ là đơn vị nhỏ nòng cốt. Trên bình diện toàn cầu Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh Giáo Hội, với Hồng Y Đoàn, gồm một số Hồng Y làm Tổng trưởng các Bộ và cơ quan trung ương Toà Thánh cộng tác với Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội công giáo hoàn vũ. Các Hồng Y khác là cố vấn của các cơ quan trung ương. Ngoài ra từ thời Đức Phanxicô còn có Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn cho việc cải tổ các cơ quan trung ương Toà Thánh. Thế rồi còn có Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới để bàn về các vấn đề quan trọng trong Giáo Hội và đóng góp ý kiến cho Đức Giáo Hoàng. Trên bình diện quốc gia, mỗi nước có một Hội Đồng Giám Mục bao gồm các Giám Mục chủ chăn của mọi giáo phận, với Ban Thường Vụ gồm vị chủ tịch, các phó chủ tịch và chủ tịch nhiều uỷ ban khác nhau đặc trách các công việc của Giáo Hội địa phương. Nhiều giáo phận họp thành một giáo tỉnh. Chẳng hạn Giáo Hội Việt Nam hiện có ba giáo tỉnh là Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Mỗi giáo phận đều có Cha chính giáo phận và hội đồng linh mục cộng tác với Đức Giám Mục trong việc điều hành giáo phận. Mỗi giáo phận  bao gồm nhiều giáo xứ, có khi lên đến mấy trăm khi đó là giáo phận lớn như Xuân Lộc và Sài Gòn.  Nhiều giáo xứ họp thành một giáo hạt có cha hạt trưởng, và mỗi giáo xứ có một cha xứ. Giáo xứ lớn có nhiều nhu cầu và sinh  hoạt đôi khi có thêm   một hay nhiều cha phó. Khi có nhân lực dồi dào nhiều giáo xứ lớn có tới mấy cha phó đặc trách nhiều lãnh vực khác nhau như mục vụ các hội đoàn, mục vụ gia đình, mục vụ giới trẻ vv… Mỗi giáo xứ đều có hội đồng mục vụ gồm một số anh chị em giáo dân được bầu lên để giúp cha xứ trong việc tổ chức cuộc sống giáo đoàn.

Ở những nơi đâu quyền tự do tôn giáo được tôn trọng Giáo Hội còn có nhiều cơ sở hoạt động khác nữa như các nhà trẻ, các trường trung tiểu học, nhà thương, trạm phát thuốc, nhà dưỡng lão, viện cô nhi, nhà khuyết tật, trung tâm bác ái, trung tâm cai nghiện, trung tâm huấn nghệ, trung tâm dành cho các bà mẹ độc thân, cư xá sinh viên học sinh vv… Tất cả đều do các linh mục, tu sĩ các dòng tu, các hiệp hội đời thánh hiến và anh chị em giáo dân thiện nguyện hoặc thuộc các hiệp hội và hội đoàn khác nhau điều khiển dưới sự hướng dẫn của cha xứ và hội đồng mục vụ. Mỗi giáo xứ cũng thường có nhiều hội đoàn khác nhau, mỗi hội đoàn đều có các mục đích riêng với các đặc sủng riêng: chẳng hạn như hội các Bà mẹ công giáo, hội Đạo binh Đức Mẹ Legio Mariae, hội Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hội Mân Côi, hội Tôn Vương gia đình, hội Thiếu nhi Thánh Thể, hội Hùng tâm dũng chí, hội Hướng đạo sinh công giáo, hội Thăng tiến hôn nhân, hội hát, hội giúp lễ, hội dâng hoa, hội trống, hội trắc, hội kèn, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, hội gia đình trẻ, hội Thanh sinh công, đoàn thanh niên công giáo, đoàn thanh nữ công giáo, hội sinh viên công giáo, hội quân nhân công giáo vv…

Mục đích của tất cả mọi hội đoàn là khích lệ cuộc sống đạo của tín hữu thuộc mọi lứa tuổi, liên đới chia sẻ với nhau mỗi người tuỳ theo sở thích, nhu cầu và lãnh vực sinh hoạt tinh thần thiêng liêng mình ưa chuộng. Cũng còn có những hội như hội đọc kinh cho những người đã qua đời, hội thăm viếng người già và các bệnh nhân, khuyên nhủ những người khô khan nguội lạnh sống bê tha và xa Chúa. Nhiều sinh hoạt này cũng thường xuyên được các thành viên hội Đạo binh Đức Mẹ chia nhau đảm trách gọi là đi làm công tác tông đồ.

Hội đọc kinh Tôn Vương gia đình gồm nhiều nhóm gia đình quy tụ lại với nhau và đến nhà nhau đọc kinh mỗi thứ sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hội Mân Côi cũng thế. Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến từng gia đình một và trong suốt tuần các gia đình khác đến tụ tập đọc kinh lần hạt kính Đức Mẹ. Sau đó ăn bành, uống trà, chía sẻ trao đổi kinh nghiệm sống và các tin tức với nhau, để liên đới an ủi khích lệ nhau. Các nhóm chia sẻ Lời Chúa thì thường xuyên gặp gỡ nhau trong các cơ sở của giáo xứ hay tại tư gia của các thành viên để hát thánh ca, đọc, suy niệm Thánh Kinh và chia sẻ các suy tư và kinh nghiệm sống với nhau dựa trên sứ điệp Lời Chúa.

Mỗi một  hội doàn đều có các sinh hoạt riêng theo tôn chỉ và mục đích của hội. Nhưng tất cả đều nhắm mục đích khích lệ nhau sống đạo và nâng đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày rất thường khi cả trên bình diện chía sẻ vật chất cho nhau, đặc biệt đối với các thành viên có hoàn cảnh sống khó khăn. Cũng thường xảy ra là trong các lần sinh hoạt như thế các thành viên giúp nhau giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, kể cả giới thiệu và kiếm công ăn việc làm cho nhau, hay cho nhau công ăn việc làm.

Một trong các thí dụ khuyến khích nhau sống đạo đó là gương của các em thành viên hội Thiếu Nhi Thánh Thể, trong các thập niên 1950-1970 trong miền nam. Mỗi sáng các đội trưởng đội phó thức dậy rất sớm và đến từng nhà các đội viên để gọi nhau đi tham dự Thánh Lễ hay đi đọc kinh. Tinh thần sống đạo đó được cổ võ ngay từ ngày còn bé khiến cho các em sau này lớn lên có được nhiều ý thức và thói quen sống đạo và khi lớn hơn nữa tham gia tích cực vào cuộc sống và các sinh hoạt của giáo xứ.

Quả thế, chính các hội đoàn và các sinh hoạt đa diện của các nhóm và các hiệp hội làm thành sức sinh động của một giáo xứ và ảnh hưởng trên cuộc sống của mọi thành phần giáo xứ. Mỗi khi cần tổ chức các sinh hoạt lớn trên bình diện giáo xứ hay giáo phận, như trong các trường hợp xảy ra tai ương thiên nhiên cần cứu trợ các nạn nhân, thì Đức Giám Mục và các cha xứ huy động nhân lực từ các hội đoàn trong các giáo xứ. Và các cuộc quyên góp liên đới cứu trợ đã luôn luôn thành công.

Tình hình xã hội tục hoá tiêu thụ hưởng thụ làn tràn khắp nơi trên thế giới hiện nay có thể đã khiến cho các cơ cấu và sinh hoạt này trong các giáo xứ suy yếu nhiều. Nhưng cũng chính vì thế trong tháng 9 tới đây ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các giáo xứ, để được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, chúng là các nơi hiệp thông đức tin và làm chứng cho tình bác ái.

Linh Tiến Khải

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar

VATICAN. Hình huy hiệu là một trái tim. Căn bản chung của Kitô giáo và Phật giáo là Tình yêu. Chính ý niệm này tạo nên sự tôn trọng và đón nhận nhau giữa các tín hữu Kitô và Phật tử.

Sợi dây làm thành hình trái tim là hai lá cờ: cờ Vatican màu vàng và trắng, màu cờ Myanmar màu vàng, xanh trái cây và đỏ.

Bản đồ Myanmar màu được vẽ màu với một cầu vồng. Nó nói lên sự đa chủng tộc tại Myanmar: nước này có 8 bộ tộc chính và 135 nhóm chủng tộc với những ngôn ngữ, thổ âm và văn hóa khác nhau.

Hình Đức Thánh Cha với một chim bồ câu có ý nói ĐTC là sứ giả hòa bình.

”Yêu thương và Hòa bình”, đó là khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC. Hòa Bình Kitô dựa trên Tình Yêu. Không thể có hòa mình mà không có tình yêu. Tình Yêu mà dân tộc Myanmar yêu chuộng nhất, sẽ dọnđ ường cho hòa bình. Cuộc viếng thăm của ĐTC là để cổ võ Tình Thương và Hòa bình tại Myanmar.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Moscow. Hôm 21-8-2017, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gặp gỡ và thảo luận với Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Thông cáo của tòa Thượng Phụ cho biết hai vị đã trao đổi về cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay và tình trạng bi thảm của các tín hữu Kitô tại Trung Đông. Nhận xét về việc có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, hai vị đã đồng ý về sự kiện trước tiên cần loại trừ nạn khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria, và chỉ sau khi đạt được hòa bình tại nước này, người ta mới có thể xác định tương lai chính trị của đất nước.

Một đề tài nóng bỏng khác là vấn đề Ukraine và tự do tôn giáo tại nước này. Quốc hội Ukraine đang chuẩn bị một số đạo luật trong thực tế kỳ thị vị thế của Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Ngoài Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Moscow, còn có Chính Thống Ukraine tự ý tách rời khỏi Chính Thống Nga do Đức Thượng Phụ Filaret cai quản, và không được Chính Thống thế giới công nhận. Sau cùng là một Giáo Hội Chính Thống gốc hải ngoại, trở về Ukraine sau khi nước này tìm lại tự do sau khi nhà nước Liên Xô sụp đổ.

Đức TGM Hilarion bày tỏ sự bất mãn về những lời tuyên bố có tính cách chính trị của các đại diện Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, nhưng đồng thời Đức TGM cũng nhìn nhận sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các tín hữu Chính Thống.

Thông cáo của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cho biết hai vị lãnh đạo Tòa Thánh và Chính Thống Nga đều xác tín rằng chính trị không được xen mình vào đời sống Giáo Hội, và các Giáo Hội Kitô tại Ukraine được kêu gọi giữ một vai trò kiến tạo hòa bình, cộng tác với nhau để tái lập sự hòa hợp dân sự tại Ukraine.

Về vấn đề Syria và tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông có sự đồng ý hoàn toàn với nhau giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, nhưng không có sự đồng ý như vậy về vấn đề Ukraine.

Thứ ba hôm qua, 22-8, ĐHY Parolin gặp gỡ và làm việc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, và ban chiều, ĐHY viếng thăm Đức Thượng Phụ Chính Thống Kirill ở Moscow.

Thứ tư 23-8, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ đến Sochi để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. (Asia News 22-8-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Kỷ niệm 100 năm thư ĐGH Biển Đức XV gửi hàng lãnh đạo các quôc gia lâm chiến

Kỷ niệm 100 năm thư ĐGH Biển Đức XV gửi hàng lãnh đạo các quôc gia lâm chiến

Cách đây 100 năm ngày mùng 1 tháng 8 năm 1917 ĐGH Biển Đức XV đã gửi quốc trưởng các nước tham gia Đệ nhất thế chiến một bức thư tựa đề “Thư gửi các vị lãnh đạo các dân tộc lâm chiến”, trong đó ngài mạnh mẽ lên án chiến tranh và định nghĩa thế chiến thứ nhất là “một tai ương vô ích”. Đây là một tài liệu quan trọng nhất trong số các tài liệu công bố trong hơn bốn năm chiến tranh máu lửa tàn khốc, khiến cho hơn 16 triệu người chết, trong đó có khoảng 9 triệu binh sĩ của mọi nước tham chiến và hơn 20 triệu người bị thương và tàn tật suốt đời.

Chính trong bầu khí chiến tranh ấy, Đức Biển Đức XV đã được bầu làm Giáo Hoàng ngày mùng 3 tháng 9 năm 1914, một tháng sau khi Đệ nhất thế chiến bùng nổ, sau ba ngày họp mật nghị với sự tham dự các Hồng Y chia thành hai phe rõ rệt: một bên là 6 Hồng  Y người Pháp, 2 vị người Anh, 1 vị người Ai len và 1 vị người Bỉ; bên kia là 4 vị người Áo Hungari và 2 vị người Đức.

Trong bầu khí cuồng loạn của chủ thuyết duy quốc gia đầu độc tâm trí của các vị lãnh đạo chính trị, nhà văn, nhà thơ và giới trí thức thời bấy giờ, các lời kêu gọi ngưng chiến của Đức Biển Đức XV chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.

Và chính việc Toà Thánh chọn lựa thái độ không thiên vị giữa các phe phái lâm chiến như con đường chính của Giáo Hội hồi thế kỷ thứ XIX đã khiến cho Toà Thánh Vaticăng bị cô lập hóa một cách thê thảm và bị chống đối, tuy ngày nay nó được xem như là một lập trường khôn ngoan và nhìn xa thấy rộng. Đức Biển Đức XV và ĐHY Pietro Gasparri, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, đã làm tất cả những gì có thể để giữ cho Italia đứng ngoài vòng, không tham gia thế chiến. Nhưng không phải chỉ có các giới chức chính trị, xã hội và trí thức, mà cả các HĐGM, hàng giáo sĩ, tu  sĩ và giáo dân thời bấy giờ, cũng đều ủng hộ các chính quyền của mình tham chiến. Ngay trong hàng ngũ các Hồng Y cũng xảy ra chia rẽ.

** Lập trường không thiên vị đã khiến cho Đức Biển Đức XV mạnh mẽ lên án thế chiến thứ nhất, và trong sứ điệp gửi ngày 28 tháng 7 năm 1915 nhân kỷ niệm một năm thế chiến thứ nhất bùng nổ, ngài gọi nó là “cuộc tàn sát rùng rợn từ một năm qua đã lấy mất danh dự của Âu châu”. Đây cũng là những lời ngài sẽ lập lại hai năm sau đó. Với một trực giác ngôn sứ Đức Biển Đức XV khẳng định rằng chiến tranh sẽ là “sự tự tử của Âu châu”. Đây là kiểu nói ngài đã sử dụng nhiều lần, như trong thư gửi ĐHY Pompilj ngày mùng 4 tháng 3 năm 1916, và trong thư gửi ĐHY Pietro Gasparri ngày mùng 5 tháng 5 năm 1917, cũng như trong diễn văn đọc trước Hồng Y đoàn ngày 24 tháng 12 năm 1917.

Tương lai sẽ chứng minh cho sự thật này, khi Âu châu bắt đầu xuống dốc, mất đi vai trò trung tâm của mình, trước sự đi lên của các dân tộc khác, và thế đứng bá quyền của Mỹ. Nhưng xem ra đã chỉ có Toà Thánh là nhận ra ngay lập tức sức lan tràn không thể kiểm soát nổi của sự say mê duy quốc gia quá khích này. Đã không có ai chú ý tới các nhục nhã mà các quốc gia lâm chiến áp đặt lên nhau, gây ra các thù hận và oán ghét, trước sau gì cũng sẽ bùng nổ trong các xung đột mới. Sự nhục nhã mà nước Đức đã gây ra cho Pháp  trong năm 1870 đã là một bài học không dậy được ai hết. Nhưng đây là điều Đức Biển Đức XV đã nhận ra và cảnh cáo một cách khôn ngoan trong Tông huấn công bố ngày 28 tháng 7 năm 1915 khi viết: “Các quốc gia không chết: bị hạ nhục và đàn áp, chúng run rẩy mang ách được áp đặt trên chúng, bằng cách chuẩn bị sự phản công, và bằng cách thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một gia tài của thù hận và báo oán”. Ước muốn rửa hận ấy tiêm độc dược vào lòng xã hội và bầu khí chung của Âu châu, và trong vài trường hợp lan tràn xa hơn đệ nhị thế chiến.

Toà Thánh đã làm hết cách để giữ cho Italia ở ngoài vòng chiến, bằng cách gửi Đức Ông Eugenio Pacelli, Sứ thần tương lai bên Đức, sang Vienne để thuyết phục hoàng đế nước  Áo nhượng vùng Trentino cho Italia, nhưng mọi sự hoàn toàn vô ích. Áo không muốn nhượng, và Italia muốn chiến tranh. Đường lối chính trị hoà bình của Toà Thánh và của Đức Biển Đức XV thất bại. Các nỗ lực của Toà Thánh gia tăng trong năm 1917, khi Hoa Kỳ gia nhập thế chiến, Nga hoàng từ chức, và chế độ quân phiệt Đức quốc thắng thế tại Berlin, các vụng về của hoàng đế Carlo I, các dấu hiệu mệt mỏi và suy sụp của đạo  binh các nước lâm chiến, và các hiểm nguy của khuynh hướng xã hội chủ nghĩa triệt để đã khiến cho Đức Biển Đức XV và ĐHY Gasparri từ chỗ làm trung gian thinh lặng bước sang đề nghị hoà bình cụ thể. Đây là lý do của bức thư “gửi hàng lãnh đạo các quốc gia lâm chiến” được gửi một cách trực tiếp hay gián tiếp qua ngã ngoại giao  tới mọi chính quyền các nước tham gia đệ nhất thế chiến.

** Sau đây là nội dung bức thư Đức Biển Đức XV công bố ngày 1 tháng 8 năm 1917, tức cách đây đúng 100 năm.

Mở đầu thư ĐGH Biển Đức XV nêu bật đường hướng chính trị “hoàn toàn không thiên vị” của Toà Thánh và của Giáo Hội công giáo, ngay từ khi thế chiến bắt đầu, phù hợp với địa vị là cha chung của mọi người và yêu thương mọi con cái như  nhau “không phân biệt quốc tịch cũng như tôn giáo”. Ngài cũng nhắc lại mọi sáng kiến đã đưa ra giúp hoà giải các phe lâm chiến sau 3 năm chết chóc đẫm máu và tàn phá, khiến cho Âu châu có nguy cơ đi tới một cuộc tự tử đích thật” . Tuy đã không bỏ qua khả thể nào, và không ngừng khích lệ các dân tộc và các chính quyền lâm chiến tái trở lại là anh em với nhau, nhưng rất tiếc tất cả mọi cố gắng của Toà Thánh đã vô ích. Ngay cuối năm thứ nhất Toà Thánh đã tha thiết khích lệ và kêu gọi cũng như đề ra con đường phải theo  để đạt tới một nền hoà bình ổn định và xứng đáng cho tất cả mọi người, nhưng rất tiếc lời kêu gọi đã không được lắng nghe: chiến tranh đã tiếp diễn thêm hai năm nữa với tất cả các kinh hoàng của nó: lan tràn ra trên đất liền, trên biển khơi, và cả trên không trung nữa, khiến cho các thành phố, làng mạc và dân chúng vô tội phải sống cảnh tang thương và chết chóc. Chẳng lẽ thế giới văn minh này phải trở thành cánh đồng chết hay sao? Chẳng lẽ Âu châu vinh quang tươi nở phong phú lại bị đảo lộn bởi một sự điên loạn đại đồng biến thành vực thẳm và đi tới một việc tự tử đích thật hay sao?

 

Không vì các đường lối chính trị đặc biệt nào, cũng không phải vì sự gợi ý hay lợi lộc của các phe phái lâm chiến nào, nhưng chỉ vì ý thức bổn phận của vị cha chung của các tín hữu, Toà Thánh lại lên tiếng kêu gọi hoà bình và lập lại lời kêu gọi nồng nhiệt các vị nắm trong tay vận mệnh các quốc gia dân tộc, đưa ra các đề nghị cụ thể hơn và mời gọi các chính quyền và dân tộc lâm chiến thỏa hiệp với nhau trên các điểm sau đây để đạt một nền hoà bình công bằng và lâu dài.

Điểm nền tảng là phải thay thế sức mạnh vật chất của vũ khí bằng sức mạnh luân lý của quyền lợi. Vì thế cần có một thoả hiệp công bằng giữa tất cả mọi phiá  trong việc giảm thiểu đồng loạt các vũ khí, theo các điều lệ và bảo đảm cần thiết định trong mức độ cần thiết, nhằm duy trì trật tự công cộng trong từng quốc gia, bằng cách chấp nhận cơ cấu trọng tài có nhiệm vụ bảo hoà theo các điều lệ cần cùng nhau đưa ra và các trừng phạt chống lại quốc gia nào vi phạm và đặt để các vấn đề quốc tế cho sự phân xử hay chấp nhận quyết định của việc phân xử đó.

Ngoài ra cần phải tái mở các đường giao thông và bảo đảm việc tự do đi lại của các dân tộc. Điều này sẽ loại trừ nhiều lý do xung khắc và mở ra cho mọi người các nguồn phong phú và tiến bộ mới.

Liên quan tới các thiệt hai và chi phí chiến tranh cần có điều lệ tổng quát tha nợ hoàn toàn cho nhau. Điều này được biện minh bởi các lợi ích vô biên của việc giải trừ võ trang. Nhất là thật vô lý tiếp tục cuộc tàn sát chỉ vì các lý do thuộc trật tự kinh tế. Tuy nhiên, các thoả hiệp hoà bình này với các lợi thế vô cùng phát sinh từ đó sẽ không thể thực hiện được, nếu không trả lại cho nhau các vùng đất đã chiếm hiện nay. Từ phía Đức phải rút lui toàn bộ khỏi nước Bỉ, bảo đảm sự độc lập hoàn toàn của nó trên bình diện chính trị, quân sự và kinh tế trước bất cứ cường quốc nào khác, cũng như rút lui khỏi đất Pháp. Từ phiá đối lập cũng phải trả lại cho Đức các vùng đất của họ. Liên quan tới các vấn đề tranh chấp đất đai giữa Italia và Áo, giữa Đức và Pháp, vì các lợi ích to lớn của một nền hoà bình lâu dài, các phiá liên hệ cần duyệt xét với tinh thần hoà giải, chú ý tới các khát vọng của các dân tộc, trong mức độ công bằng và có thể, và phối hợp các lợi lộc riêng với các lợi lộc chung của gia đình nhân loại.

Tinh thần bình đẳng và công bằng đó cũng phải hướng dẫn việc xem xét tất cả các vấn đề đất đai và chính trị khác liên quan tới Armenia, các quốc gia vùng Balcan và các nước thuộc vương quốc Ba Lan xưa kia, mà các truyền thống lịch sử cao quý và các khổ đau phải chịu đặc biệt trong cuộc chiến này, phải có được cảm tình của các quốc gia khác.

** Kết luận thư gửi hàng lãnh đạo các quốc gia lâm chiến Đức Biển Đức XV khẳng đinh rằng đó là các nền tảng quan trọng đối với tương lại của các dân tộc. Chúng cho phép không lập lại các xung khắc tương tự nữa, và chuẩn bị giải pháp cho vấn đề kinh tế vô cùng quan trọng đối với tương lai và hạnh phúc vật chất của tất cả mọi quốc gia lâm chiến. Toà Thánh hy vọng rằng các đề nghị này sẽ được chấp thuận để chấm dứt mau chóng chừng nào có thể các chống đối kinh khủng này, mà mỗi ngày qua đi đều cho thấy nó là một tai ương vô ích. Ngoài ra tất cả đều thừa nhận  rằng danh dự của quân đội được cứu thoát phía bên này cũng như phía bên kia. Vì thế xin hãy lắng nghe lời cầu xin của chúng tôi, xin hãy tiếp nhận lời mời gọi hiền phụ mà chúng tôi gửi tới quý vị nhân danh Chúa Cứu Thế, Hoàng Tử Hoà Bình. Xin hãy nghĩ tới trách nhiệm vô cùng nặng nề của quý vị trước mặt Thiên  Chúa và loài người. Từ các quyết định của quý vị tuỳ thuộc sự thanh bình và niềm vui của biết bao nhiêu gia đình, cuộc sống của hàng ngàn người trẻ, và chính hạnh phúc của các dân tộc mà quý vị có quyền tuyệt đối mang lại. Xin Chúa gợi hứng cho quý vị có các quyết định phù hợp với ý muốn rất thánh của Ngài, và khiến cho quý vị xứng đáng với lời khen ngợi của hiện tại và bảo đảm cho quý vị tên gọi là những người tạo dựng hoà bình bên các thế hệ tương lai.

Về phần chúng tôi, trong khi sốt sắng hiệp nhất trong lời cầu nguyện và trong hãm mình với mọi linh hồn tín hữu ngưỡng vọng hoà bình, chúng tôi khẩn nài Thiên Chúa ban cho quý vị ánh sáng và cố vấn.

Nhưng rất tiếc mọi lời kêu gọi và  nỗ lực của Đức Biển Đức XV và Toà Thánh đã không đem lại kết quả nào. Đệ nhất thế chiến đã tiếp tục với các hậu quả thê thảm của nó trên các dân tộc kitô Âu châu. Những đổ vỡ, chết chóc, tàn phá thương đau đã hằn sâu trong con tim của các dân tộc lâm chiến, và sẽ là các lý do của thế chiến thứ hai, khiến cho hơn 71 triệu người chết trong đó có hơn 22,5 triệu binh sĩ, và hơn 48, 5 triệu thường dân.

Với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ nhiều năm qua, với các tai ương thiên nhiên và nạn khủng bố phá hoại cũng như khuynh hướng ái quốc quá khích và cuộc nổi dậy của hằng trăm nhóm phiến quân hồi vũ trang đó đây trên thế giới, với bầu khí căng thẳng giữa các quốc gia, đặc biệt là giấc mộng chế tạo các vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, các tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc, Hoà Kỳ, Nhật Bản, Úc Ấn Độ và các quốc gia vùng Đông Nam Á, các trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Âu châu đối với Liên Bang Nga, chúng ta bắt buộc phải tự hỏi liệu thế giới có thoát khỏi Đệ Tam Thế Chiến và chiến tranh nguyên tử hay không?

Linh Tiến Khải

Sự quan tâm của Toà Thánh đối với Đông Âu và Đông Phương

Sự quan tâm của Toà Thánh đối với Đông Âu và Đông Phương

Nội dung bài phỏng vấn ĐHY Pietrro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, về sự quan tâm của Toà Thánh đối với Đông Âu và Đông Phương  

Sau hai chuyến viếng thăm Bielorussia năm 2015 và Ucraina năm 2016, vào cuối tháng 8 tới đây ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh sẽ viếng thăm Nga. Qua các chuyến viếng thăm này Toà Thánh khẳng định sự chú ý của mình đối với Đông Âu và các thế quân bình mới nảy sinh sau khi đế quốc Liên Xô sụp đổ và đặc biệt là nước Nga. Đó là điều chúng ta đã nhận ra trong các sứ điệp mà ĐTC Phanxicô đã gửi cho tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều dịp khác nhau, và trên một bình diện khác không kém ảnh hưởng, là bình diện đối thoại đại kết kể từ cuộc gặp gỡ giữa Giám Mục Roma với Đức Thượng Phụ Mátscơva Kirill I tại thủ đô La Habana của Cuba hồi năm ngoái 2016.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đã dành cho nhật báo “Mặt trời 24 giờ” về vấn đề này.

Hỏi: Thưa ĐHY chuyến viếng thăm của ĐHY được tháp vào lộ trình này như thế nào?

Đáp: Sự chú ý của Toà Thánh đối với Đông Âu không phải mới có ngày nay, nhưng đã có từ lâu đời rồi và đã không thuyên giảm, kể cả trong những năm đen tối nhất. Toà Thánh đã luôn luôn coi là quan trọng các tương quan với  Đông Âu và với nước Nga trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Có hai biến cố ý nghĩa thật đáng nhớ nhưng ít người biết tới. Trong chuyến viếng thăm Roma hồi năm 1845 Nga hoàng Nicola I đã hội kiến với ĐGH Gregorio XVI hai lần.

Hai năm sau Nga hoàng đã ký một thỏa hiệp với Đức Pio XI. Các Giáo Hội địa phương đã sát cánh với các dân tộc của mình cả trong những lúc thê thảm nhất  của các cuộc bách hại. Không phải chỉ có sự kiện nó gần biên giới Âu châu khiến cho Đông Phương quan trọng, mà cả địa vị lịch sử của nó trong bối cảnh của nền văn minh , của nền văn hoá và niềm tin kitô của nó nữa. Có người nhận xét rẳng khi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tưởng tượng một Âu châu trải dài từ Đại Tây Dương tới vùng Ural, ngài đã không nghĩ tới một “chủ trương bành trướng tây âu, nhưng nghĩ tới một sự gần gũi hiệp nhất hơn của toàn đại lục.

Hỏi: Sau các năm khó khăn tiếp nối sự sụp đổ của Liên Xô, ngày nay chúng ta đang chứng kiến việc Matscơva trở lại chính trường quốc tế. Đây là một việc trở lại hiếu chiến. Chỉ cần nghĩ tới Ucraina và Siria thì đủ biết. ĐHY nghĩ thế nào?

Đáp: Đương nhiên là đã có một giai đoạn không chắc chắn liên quan tới lập trường của nước Nga đối với nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tôi không nghĩ rằng có thể nói là quốc gia này cả trong những lúc khó khăn nhất, đã ra khỏi sân khấu quốc tế. Ngày nay người ta thường nhấn mạnh trên các khác biệt giữa các nước tây âu và Nga, làm như thể chúng là hai thế giới khác biệt, mỗi bên với các giá trị riêng, lợi lộc, sự kiêu hãnh quốc gia hay liên quốc gia của mình, và cả đến một quan niệm về quyền quốc tế chống lại các nước khác nữa. Trong một bối cảnh như thế thách đố là việc góp phần hiểu biết nhau hơn giữa các nước có nguy cơ trình diện mình như hai cực đối kháng nhau.

Cố gắng tìm hiểu nhau không có nghĩa là bên này nhượng bộ lập trường của bên kia, nhưng có nghĩa là một cuộc đối thoại kiên nhẫn, xây dựng và tôn trọng. Cuộc đối thoại này càng quan trọng hơn liên quan tới nguồn gốc của các cuộc xung đột thường xuyên xảy ra và liên quan tới các vấn đề có nguy cơ gây ra việc gia tăng căng thẳng. Trong nghĩa đó vấn đề hoà bình và tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng  khác nhau đang xảy ra phải được đặt lên trên bất cứ lợi lộc quốc gia hay thiên vị nào. Ở đây không thể có các kẻ thắng người thua. Nhân nhượng trên các lợi lộc riêng rẽ là một trong các đặc tính trong thời trở lại của các khuynh hướng quốc gia này khiến cho người ta không nhìn thấy khả thể của một tai ương có thể xảy ra. Tôi xác tín rằng nhấn mạnh trên điểm này thuộc sứ mệnh của Toà Thánh.

Hỏi: Liên quan tới các xung đột đang xảy ra ĐTC Phanxicô đã mạnh mẽ nhắc tới việc sử dụng đồi bại tôn giáo, khi Ngài phát biểu trước Quốc Hội Hoa Kỳ, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Vâng, đúng thế. ĐTC đã nói rằng thế giới chúng ta luôn ngày càng là một nơi của các xung khắc bạo lực, thù hận và bạo lực tàn ác, bị vi phạm nhân danh cả Thiên Chúa và tôn giáo nữa và ngài nói tiếp: Chúng ta biết rằng không có tôn giáo nào được miễn khỏi các hình thức lừa dối cá nhân hay quá khích ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặc biệt chú ý tới mọi hình thức cuồng tín tôn giáo cũng như mọi thứ khác. Cần có một thế quân bình tế nhị để chống lại bạo lực nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ, hay một hệ thống kinh tế, trong khi đồng thời phải cứu vãn tự do tôn giáo, tự do trí thức và các quyền tự do cá nhân. Nó là một sự quân bình khó khăn trong đó cũng có việc bảo vệ các cộng đoàn kitô và mọi cộng đoàn có nguy cơ bị thù hận đảo lộn.

Hỏi: Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ĐTC Phanxicô và các lời ngài phát biểu trước Quốc Hội giờ đây được đọc lại, với chính quyền mới, ĐHY có thấy rằng xem ra chúng xa vời không?

Đáp: Cần có thời gian để phán đoán. Không thể vội vã được. Một chính quyền mới, khác và đặc biệt như vậy, và không phải chỉ vì các lý do chính trị, các biến cố xảy ra lần đầu tiên, sẽ cần thời gian để tìm ra thế quân bình của nó. Mọi phán đoán vội vã, cả khi có thể gây kinh ngạc việc phơi bầy của sự không chắc chắn. Chúng tôi cầu mong Hoa Kỳ và các tác nhân khác của sân khấu quốc tế không xa rời trách nhiệm quốc tế của họ liên quan tới các đề tài khác nhau mà họ đã thực thi cho tới nay trong lịch sử. Chúng tôi đặc biệt nghĩ tới các thách đố mới của khí hậu: giảm việc hâm nóng trái đất có nghĩa là cứu vãn căn nhà chung trong đó chúng ta sống, và giảm thiểu ngay lập tức các bất bình đẳng và cảnh nghèo túng mà việc hâm nóng trái đất tiếp tục gây ra. Chúng tôi cũng nghĩ tới các cuộc xung đột đang xảy ra nữa.

Hỏi: ĐHY không sợ rằng sự lo lắng của Giáo Hội đối với nền hoà bình duới con mắt và trong lỗ tai của nhiều người trở thành giảm thiểu hay cả hùng biện trước vấn đề sự hữu hiệu của nó hay sao?

Đáp: Ngoại giao của Giáo Hội  công giáo là một ngoại giao của hoà bình. Nó không có các lợi lộc quyền bính: chính trị, kinh tế hay ý thức hệ. Chính vì vậy nên nó có thể trình bầy với sự tự do lớn hơn cho các người này biết các lý do của các người khác, và tố cáo cho từng bên biết các nguy hiểm mà một quan niệm tự quy chiếu có thể có đối với tất cả mọi người.

Chuyến viếng thăm Bielorussia đã được làm vào thời các nước tây âu cấm vận, và chuyến viếng thăm Ucraina đã được thực hiện khi đang có chiến tranh.  Chuyến viếng thăm này đã là dịp để đem tình liên đới của Giáo Hội và của ĐTC đến cho toàn dân Ucraina bị lôi cuốn vào cuộc xung đột. Và để cho mọi người đều thấy, chúng tôi đã tới gần vùng Donbass, có đầy người tỵ nạn, bằng cách sử dụng tình liên đới với các nạn nhân của bạo lực mà không hỏi căn tính địa lý hay chính trị của họ.

ĐTC Phanxicô đã mở ra con đường với việc thăng tiến một cuộc thu nhận các trợ giúp của các Giáo Hội Âu châu và với phần đóng góp nhiều của riêng ngài. Nếu người ta bênh vực nhân phẩm của tất cả mọi người, chứ không phải chống lại ai đó, thì khi ấy một con đường khác là điều có thể.

Toà Thánh không tìm kiếm gì cho chính mình cả. Toà Thánh không hiện diện khi nơi này khi nơi khác để không mất đi phần nào hết. Cố gắng của Toà Thánh là một cố gắng khó khăn nói một cách nhân loại, nhưng lại không thể khước từ trên bình diện tin mừng, để cho các thế giới gần nhau trở lại,  đối thoại với nhau và ngừng xâu xé nhau vì thù hận trước khi xâu xé nhau vì bom đạn.

Hỏi: Thưa ĐHY Quốc Vụ Khanh, trong điều này ĐTC Phanxicô tiếp tục một truyền thống đã nổi lên trong thế kỷ XX và được củng cố từ thời ĐTC Gioan XXIII: sự ngoại giao của các cử chỉ, các dấu hiệu gần gũi chú ý trước hết tới phẩm giá của người đối thoại, có phải vậy không?

Đáp: Chúng tôi không chỉ là các lời nói, nhưng cũng là các cử chỉ nữa. Các hành động của chúng tôi cụ thể, nhất là khi các lời nói xem ra không có hiệu quả, bởi vì chúng đã bị soi mòn hay không thể nghe được nữa. Có một ngôn ngữ đại đồng bao gồm trong các cử chỉ: Giáo Hội học nó mỗi ngày từ việc loan báo Tin Mừng có thể trợ giúp ngừng lại, và thay đổi một hướng đi sai lầm, trong những lúc khó khăn. Viễn tượng của chúng tôi chỉ có thể là viễn tượng đã được ngôn sứ Isaia nhắc tới và được Phúc Âm lấy lại: “Trong việc trả tự do cho người bị áp bức”, và “bẻ gẫy mọi gông cùm”, “chia sẻ bánh ăn với người đói, rước vào nhà những người bần cùng không nhà cửa.. không lơ là với những người cùng nhà” (Is 58,6-7). Điều quan trọng là việc chữa lành, giải thoát, luôn luôn tái xây dựng con người từ các tình trạng cụ thể của họ. Vì thế chúng ta phải có các cử chỉ cụ thể, các dấu chỉ rằng chúng ở ngọn nguồn của khả thể chung sống cùng nhau. Có các cử chỉ và xin các cử chỉ.

Hỏi: Nếu chúng ta nhìn vào các biểu tượng, thì khi đó cả từ một quan điểm chính trị, cũng nổi lên vài biểu tượng có ý nghĩa tới độ rộng mở cho niềm hy vọng, tới độ bắt đầu từ các biến cố buồn thương. Chẳng hạn ĐHY không thấy rằng đám táng của ông Kohl có thể được coi như các đám táng âu châu đầu tiên của một vị lãnh đạo âu châu hay sao?

Đáp: Ông Kohl đã có công lịch sử tin vào lý tưởng âu châu như lý tưởng chính trị cụ thể. Biến cố bức tường Berlini sụp đổ và việc tái hiệp nhất nước Đức đối với ông đã không chỉ là một vấn đề nội bộ của nước Đức và lịch sử thảm khốc của nó, nhưng là dấu chỉ của sự phát triển  của Âu châu trong đó một nước lớn như nước Đức đã có thể hoạt động một cách hợp pháp và phong phú. Không phải là một Âu châu bị đức hoá, nhưng là một nước Đức được âu châu hoá. Ông Kohl đã hiểu  rằng cả việc sát nhập âu châu trong một mức độ nào đó cũng đã là con đẻ của nền chính trị hai khối Đông Tây. Và khi hai khối được vượt thắng Âu châu phải hiện hữu như là chủ thể chính trị chứ không phải chỉ như chủ thể kinh tế mà thôi. Ngày nay người ta thường có cảm tưởng rằng ý tưởng Âu châu xem ra trở lại sau một thời gian dài của phản ứng chống âu châu trong dư luận công cộng và chiến thắng của ý tưởng này của các vị lãnh đạo trong các quốc gia khác nhau đã ngưng khá sớm. Nó đã có một sự hăng hái ngắn, như dụng cụ hơn là lý tưởng.

Nguy cơ đó là ngưòi ta dừng lại nơi việc sử dụng Âu châu trong chià khoá quốc gia. Như thể là nhiều người nói rằng sau thí dụ Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu thì tốt hơn là nên ở trong căn nhà chung âu châu, mỗi người tuỳ theo ý của mình. Khuynh hướng duy quốc gia, kể cả việc trở lại  như việc khởi đầu có các gốc rễ riêng trong cuộc khủng hoảng văn hoá và tôn giáo của Âu châu và rốt cuộc nó khiến cho Âu châu trống rỗng các giá trị và các lý lẽ của mình. Âu châu có một trách nhiệm không thể thay thế được. Và khi nó tỏ ra thờ ơ, như trong trường hợp đối với hiện tượng di cư, thì nó khước từ thiện ích có thể có.

Hỏi: Chúng ta hãy hướng sang Đông Phương: từ Việt Nam cho tới Trung Quốc. Viễn Đông có một con đường đối thoại của nó với Giáo Hội hay không?

Đáp: Viễn Đông là một vùng của thế giới khá rộng, phức tạp và khác nhau. Từ bao thế kỷ qua phần đất rộng rãi đó của nhân loại đã tiếp xúc với Kitô giáo và hậu quả với Giáo Hội công giáo, nhờ các con đường và các hình thức riêng biệt khác nhau từ nước này sang nước khác. Các tiếp xúc văn hoá và tôn giáo cổ xưa với thế giới á châu ngày nay cũng cống hiến nhiều điểm quan trọng cho cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hoá. Chỉ cần nghĩ tới các tiếp xúc đã xảy ra bên Ấn Độ nơi các kitô hữu đầu tiên, hay với đế quốc trung gian qua con đường tơ lụa hay các tiếp xúc với các khám phá địa lý của các thế kỷ XV và XVI cho tới các tiếp xúc với Nhật Bản và Philippines. Chắc chắn so sánh với quá khứ ngày nay có các thách đố mới đang chờ các câu trả lời chưa từng có và sáng tạo, nhưng nói cho cùng mục đích của Giáo Hội vẫn luôn luôn như thế và nó thuộc bản chất mục vụ: đem Thiên Chúa đến cho con người và đem con người đến với Thiên  Chúa. Trong cụ thể Giáo Hội công giáo xin được bảo đảm quyền tự do tuyên xưng đức tin lợi ích cho tất cả mọi người và cho sự hoà hợp của xã hội. Các tín hữu công giáo ước mong sống đức tin trong thanh bình tại các quốc gia của họ như là các công dân tốt, dấn thân cho việc phát triển tích cực cộng đoàn quốc gia.

Trong khung cảnh đó tôi nghĩ cần tiếp nhận con đường đối thoại đã bắt đầu từ lâu với các chính quyền của các nước trong vùng, trong đó có Cộng hoà nhân dân Trung Quốc. Cuộc đối thoại tự nó đã là một sự kiện tích cực rồi, mở ra cho cuộc gặp gỡ  và làm cho sự tin tưởng lớn lên. Chúng tôi đương đầu với nó với tinh thần của một khuynh hướng thực tiễn lành mạnh, vì biết rằng các số phận của nhân loại truớc hết nằm trong tay Thiên Chúa.

Linh Tiến Khải

Ngày giới trẻ Á châu bên Indonesia

Ngày giới trẻ Á châu bên Indonesia

YOGYAKARTA: Hôm nay 30 tháng 7 hai ngàn bạn trẻ tới từ 21 nước Á châu sẽ bắt đầu tham dự Ngày giới trẻ Á châu kéo dài cho tới ngày mùng 9 tháng 8 bên Indonesia.

Ngày giới trẻ Á châu có đề tài: “Giới trẻ Á châu tươi vui: Sống Tin Mừng trong châu Á đa văn hoá” do Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu tổ chức lấy hứng từ Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đo thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng hồi năm 1985. Ngày quốc tế giới trẻ Á châu lần đầu tiên đã được tổ chức tại Hua Hin bên Thái Lan năm 1999. Sau đó ngày này được tổ chức cách quãng 2, 3 hay 5 năm một lần. Năm 2014 nó đã được tở chức tại Daejon bên Nam Hàn với sự tham dự của ĐTC Phanxicô.

Trong các ngày từ 30 tháng 7 tới mùng 2 tháng 8 các phái đoàn bạn trẻ sẽ được 11 trên 37 giáo phận tiếp đón. Đây là dịp để các bạn trẻ gặp gỡ trao đổi và học biết cuộc sống trong các giáo phận Indonesia. Sau đó từ mùng 2 tới mùng 6 tháng 8 các bạn trẻ tham dự chương trình chung tại Yogyakarta trong giáo phận Semarang với nhiều sinh hoạt khác nhau: thánh lễ, học hỏi giáo lý, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chứng từ, chầu Mình Thánh Chúa, xưng tội,  sinh hoạt nhóm, triển lãm, trình diễn văn nghê, nghệ thuật văn hoá. Ba ngày từ mùng 6 tới mùng 9 là cuộc gặp gỡ của giới trẻ thừa tác.

Cha Deepak, thư ký văn phòng giới trẻ của HĐGM Ấn Độ, cho biết phái đoàn Ấn gồm 84 bạn trẻ đến từ nhiều giáo phận khác nhau. Các bạn tới giáo phận Palembang và Pontiniak. Trong các màn giới thiệu văn hoá các bạn sẽ  trình diễn văn hoá vùng Tây và vùng Goa, cũng như trình diễn 10 phút nhạc cảnh ( REI 26-7-2017)

Linh Tiến Khải

 

Người trẻ Ấn Độ chia sẻ đức tin tại Đại hội Giới trẻ

Người trẻ Ấn Độ chia sẻ đức tin tại Đại hội Giới trẻ

Người trẻ Công giáo Ấn Độ sẽ lên đường tham dự Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ 7 tại Indonesia hy vọng sự kiện này sẽ làm mới quan điểm của họ về đức tin.

Cha Deepak K.J. Thomas, thư ký điều hành Ủy ban Giới trẻ của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ, cho biết phái đoàn Ấn Độ có 84 người trẻ sẽ tham dự Đại hội Giới trẻ Á châu tại Yogyakarta từ ngày 2-6/8.

Họ sẽ cùng với khoảng 3.000 người trẻ đến từ 26 quốc gia châu Á đến thành phố của Indonesia tham dự đại hội với chủ đề “Giới trẻ Á châu hân hoan sống Phúc Âm tại châu Á đa văn hóa”.

Tham dự viên Ấn Độ chủ yếu là lãnh đạo giới trẻ và nhận thức được “những gì đang xảy ra trong Giáo hội, cơ cấu và cách hoạt động của Giáo hội”, cha Thomas nói.

“Tương tác với các bạn trẻ khác về vai trò của họ trong Giáo hội, cách làm việc và trao đổi về những kinh nghiệm này sẽ hữu ích cho đời sống của họ”.

Thành viên phái đoàn Ấn Độ đến từ các vùng khác nhau là do các giáo phận tuyển chọn. Tất cả sẽ tự lo chi phí, theo cha Thomas.

Leon Pereira, phó chủ tịch Phong trào Giới trẻ Công giáo Ấn Độ, cho biết ông có tên trong danh sách 12 người được giáo phận Vasai ở miền tây Ấn Độ chọn đi tham dự sự kiện này, và họ mong muốn gặp gỡ các bạn trẻ Công giáo đến từ các nước khác.

“Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau – vai trò của họ trong Giáo hội, cách cầu nguyện và văn hóa sẽ khác. Tương tác với họ, tôi chắc chắn sẽ củng cố đức tin, đời sống cầu nguyện và vai trò của chúng tôi trong xã hội”.

Pereira, 24 tuổi, cho biết thêm anh đang mong muốn hiểu được người Công giáo đến từ các nước khác hành đạo như thế nào.

Jenny Joy, 26 tuổi, đến từ tổng giáo phận Delhi, nói bản thân người Ấn Độ đến từ các vùng khác nhau cũng là “một trải nghiệm” vì “chúng ta khác nhau về thói quen ăn uống, văn hóa và ngôn ngữ”.

Joy cho biết tính đa dạng của Ấn Độ sẽ tạo thách thức cho phái đoàn khi kể lại toàn bộ câu chuyện của họ.

“Hoàn cảnh sống, văn hóa và ngôn ngữ của Kitô hữu Ấn Độ đến từ các vùng khác nhau rất đa dạng, khiến cho việc khái quát hóa tình hình của Kitô hữu Ấn Độ khá khó khăn”, chị nói.

Tại Đại hội Giới trẻ Á châu này, phái đoàn Ấn Độ sẽ trình diễn âm nhạc và các vũ điệu trong 10 phút.

Chương trình Đại hội Giới trẻ Á châu bao gồm 3 ngày sinh hoạt tại các gia đình trong 11 giáo phận, 3 ngày tham gia chương trình chính và một ngày họp mặt thừa tác viên giới trẻ.

UCANEWS

Nhờ lòng kiên nhẫn chờ đợi, cỏ lùng có thể trở thành sản phẩm tốt

Nhờ lòng kiên nhẫn chờ đợi, cỏ lùng có thể trở thành sản phẩm tốt

Qua dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa Chúa Giêsu dậy chúng ta biết quan sát thực tại và có một cái nhìn khác đối với thế giới, học hiểu các thời điểm của Thiên Chúa và có được chính cái nhìn của Ngài. Ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim con nguời. Nhưng nhờ ảnh hưởng tốt lành của sự âu lo chờ đợi  điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là viễn tượng của sự hoán cải và niềm hy vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 23.07.2017 tại quảng trường thánh Phêrô.

Quảng diễn bài Phúc Âm Chúa Nhật kể lại dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa, minh giải vấn đề sự dữ trong thế giới và nêu bật lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa (Mt 13,24-30.36-43) ĐTC nói: Thiên Chúa kiên nhẫn biết bao! Mỗi người trong chúng ta cũng có thể nói: Thiên Chúa kiên nhẫn với tôi chừng nào! Trình thuật Phúc Âm cho thấy hai tác nhân đối chọi nhau. Một đàng là ông chủ ruộng diễn tả Thiên Chúa là Đấng đã gieo hạt giống tốt, đàng khác là Satan, kẻ thù gieo vãi cỏ xấu.

Với thời gian qua đi cỏ lùng cũng mọc giữa lúa. Trước sự kiện này ông chủ và các đầy tớ có các thái độ khác nhau. Các đầy tớ muốn can thiệp nhổ cỏ lùng; nhưng ông chủ lo lắng trước nhất cho số phận của lúa phản đối và nói: “Đừng để xảy ra là khi nhổ cỏ lùng các anh cũng nhổ cả lúa” (c. 29). ĐTC giải thích:

Với hình ảnh này Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng trong thế giới này sự thiện và sự dữ  giao thoa với nhau tới độ không thể tách rời chúng ra được và nhổ hết sự dữ. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều này, và Ngài sẽ làm nó vào ngày phán xử sau hết. Với các không rõ ràng và tính cách phức tạp của nó tình hình hiện nay là cánh đồng của sự tự do, cánh đồng sự tự do của các kitô hữu, trong đó hoàn thành việc phân định giữa sự thiện và sự dữ thật khó khăn.

Và trong cánh đồng ấy, với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và trong sự quan phòng của Ngài, đây là việc nối liền hai thái độ xem ra mâu thuẫn nhau: sự cuơng quyết và lòng nhẫn nại. Sự cương quyết là ý muốn là hạt giống tốt, là điều tất cả mọi người chúng ta đều muốn – chúng ta tất cả muốn điều này – với tất cả các sức mạnh của nó và vì thế tránh xa kẻ dữ và các quyến rũ của nó. Sự nhẫn nại có nghĩa là thích một Giáo Hội là men trong bột hơn, một Giáo Hội không sợ hãi bẩn tay bằng cách giặt quần áo của con cái mình hơn là một Giáo Hội của “những nguời trong trắng”, yêu sách phán xử trước thời gian xem ai ở trong Nước Thiên Chúa, ai không.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Chúa là Sự Khôn Ngoan nhập thể, hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng sự thiện và sự dữ không thể được nhận diện với các vùng đất xác định hay các nhóm người xác định. Những người này tốt, những người kia xấu. Ngài nói với chúng ta rằng đường ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim mỗi một người, đi qua con tim của từng người trong chúng ta, nghĩa là chúng ta tất cả đều là người tội lỗi. Tôi muốn hỏi anh chị em: Ai không là người tội lỗi, xin hãy giơ tay lên!  Không có ai hết, bởi vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi. Với cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi, và ban cho chúng ta ơn bước đi trong một cuộc sống mới; nhưng với bí tích Rửa Tội Ngài cũng đã ban cho chúng ta bí tích Giải Tội, bởi vì chúng ta luôn luôn cần được tha thứ khỏi các tội lỗi của chúng ta. Chỉ luôn luôn nhìn sự dữ ở bên ngoài chúng ta có nghĩa là không muốn thừa nhận tội lỗi ở bên trong chúng ta.

Thế rồi Chúa Giêsu dậy chúng ta một kiểu nhìn cánh đồng thế giới và quan sát thực tại khác. Chúng ta được mời gọi học biết các thời điểm của Thiên Chúa – không phải thời điểm của chúng ta –  và học có cả cái nhìn của Thiên Chúa nữa: nhờ ảnh hưởng tốt của một sự âu lo chờ đợi  điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là thực tại của việc hoán cải. Đó là viễn tượng của niềm hy vọng!

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết tiếp nhận trong thực tại bao quanh chúng ta không chỉ sự bẩn thỉu và sự dữ, mà cả sự thiện và vẻ đẹp nữa; lột mặt nạ công việc của Satan, nhưng nhất là tín thác nơi hành động của Thiên Chúa, là Đấng khiến cho lịch sử được phong phú.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu gọi hoà bình cho Thánh Địa. Ngài nói: tôi âu lo theo dõi các căng thẳng trầm trọng và các bạo lực xảy ra trong các ngày này tại Giêrusalem. Tôi cảm thấy cần phải lên tiếng tha thiết kêu gọi hoà hoãn và đối thoại. Tôi mời gọi anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện, để Chúa gợi hứng cho tất cả mọi quyết định hoà giải và hoà bình.

Tiếp đến ngài cũng chào nhiều nhóm hiện diện trong đó có các tín hữu Ailen, các nữ tu Phan Sinh Elisabết Bigie, ca đoàn Enna, giới trẻ Casamassima đã đến làm việc thiện nguyện tại Roma, các người trẻ tham dự “Trại hè con người thế giới” dấn thân làm chứng cho niềm vui Tin Mừng trong các vùng ngoại biên của nhiều đại lục khác nhau.

Sau cùng ngài xin mọi người nhớ cầu nguyện cho ngài và  chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tuơi vui an bình.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha cổ võ văn hóa gặp gỡ

Đức Thánh Cha cổ võ văn hóa gặp gỡ

VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ thực thi một nền văn hóa gặp gỡ trong thế giới này, để khỏi sống với nhau như kẻ thù.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video ngài gửi đến cuộc gặp gỡ của Hội Scholas Occurentes tổ chức tại Đại học Do thái ở Jerusalem, kết thúc chiều ngày 5-7-2017 sau 3 ngày tiến hành với sự tham dự của 70 bạn trẻ Israel, Palestine và các nước khác, cùng với 70 giáo sư thuộc 41 đại học. Tham dự cuộc gặp gỡ này cũng có Đức TGM Antonio Vincenzo Zani, Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo, và Viện trưởng đại học Do thái ở Jerusalem, giáo sứ Menahem Ben Sasson.

Trong sứ điệp ĐTC nhận xét rằng thế giới này rất cần một nền văn hóa gặp gỡ, vì nhiều khi người ta xây những bức tường ngăn cách, rốt cuộc chỉ làm cho ác mộng trở nên tệ hại hơn, đó là sống với nhau như kẻ thù.

ĐTC ca ngợi các tham dự viên cuộc gặp gỡ, trong những ngày qua, từ những dị biệt, đã đạt tới sự hiệp nhất với nhau. Ngài nói: ”Không ai dạy các bạn, chính các bạn đã dấn thân nhìn nhau tận mắt. Cuộc gặp gỡ này của hệ thống Scholas dạy rằng cần kiến tạo một bối cảnh hy vọng để các giấc mơ được tăng trưởng và chia sẻ với nhau, trở thành cơ hội kiến tạo một phương thức mới để sống”.

Tổ chức Scholas Occurentes, các trường gặp gỡ nhau, là một mạng các trường học nảy sinh ở Buenos Aires khi ĐTC Phanxicô còn là TGM tại đây, và hiện nay tổ chức này liên kết hơn 400 ngàn trường học trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, nhắm đến sự gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, bắc những nhịp cầu.. Tổ chức này trở thành một Hội Giáo Hoàng và có trụ sở ở Vatican (RG 5-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha kêu gọi Mỹ La Tinh đối phó với nạn xuất cư

Đức Thánh Cha kêu gọi Mỹ La Tinh đối phó với nạn xuất cư

VATICAN. ĐTC kêu gọi các nước Mỹ châu la tinh hiệp sức với nhau để đối phó với hiện tượng xuất cư ngày càng gia tăng tại đại lục này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 30-6-2017 dành cho 200 thành viên Hội quốc tế Italia – Mỹ la tinh, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập hội này với mục đích tương trợ giữa các nước thành viên.

Trong số các vấn đề được ĐTC đề cập đến trong bài diễn văn, ngài đặc biệt nói rằng ”Mỹ châu la tinh cần hiệp sức để đối phó với hiện tượng xuất cư; phần lớn các nguyên nhân gây nên hiện tượng này lẽ ra phải được đương đầu từ lâu, nhưng không bao giờ quá trễ. Xuất cư là điều vẫn có, nhưng trong những năm gần đây nó gia tăng chưa từng thấy. Vì nhu cầu, dân chúng bị thúc đẩy ra đi tìm những ”ốc đảo mới”, nơi mà họ có thể đạt được sự ổn định hơn và một công ăn việc làm đảm bảo cuộc sống xứng đáng hơn”.

ĐTC nhận xét rằng ”trong sự tìm kiếm ấy, nhiều người bị vi phạm các quyền của mình, nhiều trẻ em và người trẻ trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị bóc lột hoặc rơi vào mạng lưới của các tổ chức bất lương và bạo lực. Xuất cư cũng làm thảm trạng làm gia đình bị phân tán: con cái xa cách cha mẹ, họ xa lìa nguyên quán, và cả các chính phủ và các nước cũng chia rẽ đứng trước thực tại này. Cần có một chính sách chung, cộng tác với nhau để đối phó với hiện tượng này. Vấn đề ở đây không phải làm tìm kiếm những người có tội và tránh trách nhiệm, nhưng tất cả đều được kêu gọi làm việc có phối hợp và chung với nhau” (SD 30-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

ĐHY Ling: Sự khó nghèo, đau khổ và bách hại là sức mạnh của Giáo hội

ĐHY Ling: Sự khó nghèo, đau khổ và bách hại là sức mạnh của Giáo hội

Ngày 21/05 vừa qua, vào cuối buổi đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh cha Phanxicô đã công bố tên của 5 vị sẽ được tấn phong Hồng y  trong công nghị Hồng y diễn ra ngày 28/06. Nhiều bất ngờ và bàn tán xôn xao trên báo chí khắp nơi vì những tên tuổi mà có lẽ ít ai nghĩ đến. Trong số 5 vị được xướng danh, có một vị người Lào; đó là đức hồng y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, giám quản tông tòa Paksé.

Ngày 16 và 17/06, khoảng 350 tín hữu Công giáo gốc Hmong, Kmhmu, Lao e Karen đã họp nhau ở Belleville, bang Illinois, Hoa kỳ, để nhắc nhớ và kỷ niệm cuộc đời của 17 vị tử đạo người Lào. Đức hồng y tân cử Louis-Marie Ling lúc đó cũng tham dự và ngài đã chia sẻ về việc ngài được chọn làm Hồng y và về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Lào.

Đức hồng y Ling cho biết chính ngài cũng bất ngờ khi biết mình được bổ nhiệm làm hồng y và niềm vui của toàn thế giới với việc bổ nhiệm này. Về lý do ngài được bổ nhiệm, Đức hồng y Ling chia sẻ là trong cuộc viếng thăm ad limina của các giám mục Lào và gặp Đức giáo hoàng Phanxicô hôm 26/01 năm nay, Đức Phanxicô nói với các ngài: “sức mạnh của Giáo hội ở nơi các Giáo hội địa phương và cách đặc biệt, trong các Giáo hội nhỏ bé, yếu ớt và bị bách hại. Đây là xương sống của Giáo hội hoàn vũ.” Trong Thánh lễ đồng tế với các Giám mục Lào, Đức Phanxicô lại nhắc lại điều này. Đức hồng y Ling hiểu rằng sức mạnh của Giáo hội đến từ sự kiên nhẫn, kiên trung và ý muốn đón nhận thực tế của đức tin. Điều này làm cho ngài suy nghĩ rằng sự khó nghèo, đau khổ và bách hại của Giáo hội Lào là 3 cột trụ củng cố sức mạnh cho Giáo hội.

Giáo hội Công giáo Lào có khoảng 45 ngàn tín hữu, chiếm chưa đến 1% trong tổng số 6,4 triệu dân, có 20 linh mục và 98 tu sĩ trong 218 giáo xứ. Đức hồng y Ling định nghĩa Giáo hội Lào là một giáo hội thơ bé, sống lời loan báo đầu tiên, hướng đến trước hết các thổ và những người theo thuyết duy linh. Giáo hội này đã chịu bách hại và làm chứng cho đức tin của mình giữa muôn ngàn nghịch cảnh.

Sau khi đảng cộng sản Pathet Lào lên nắm quyền, các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất và các tín hữu bị bách hại. Các linh mục và tu sĩ bị giam tù hay gửi đến các trại cải tạo. Chính Đức hồng y Ling cũng bị giam tù 3 năm vì lý do “rao truyền Chúa Kitô”. Ngài đã chấp nhận điều này thay vì sợ hãi như lúc ban đầu.

Ngày nay Lào đang mở ra với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên dù những cải cách kinh tế, Lào vẫn còn nghèo và dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài. Chính quyền kiểm soát nghiêm nhặt về tôn giáo và truyền thông. Những khó khăn trong quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước, như việc cấm giảng dạy về Giáo hội, có thể thấy rõ nơi các chính quyền địa phương và dân chúng. Mỗi địa phương có chính sách tự do tôn giáo khác nhau. Các linh mục có thể đi làm lễ các nơi, tại các làng có giáo xứ hay nhà thờ. Tuy nhiên, sẽ có vấn đề nếu chúng ta xây một nhà thờ. Có thể là dễ dàng ở nơi này nhưng lại khó khăn ở nơi khác.

Việc bổ nhiệm vị hồng y đầu tiên của Lào, đối với cộng đoàn địa phương, là niềm hy vọng cho sự phát triển của quan hệ giữa Vatican và chính quyền Viên chăn. Đức hồng y Ling cho biết là trong các nước Đông nam á,c hỉ có Lào chưa có quan hệ ngoại giáo với Tòa Thánh. Ngài đang cố gắng để thay đổi lối suy nghĩ của chính quyền, để thuyết phục họ rằng Giáo hội không phải là kẻ thù của chính quyền, nhưng là bạn. Nếu cả 2 phía cùng làm việc chung với nhau thì tương lai sẽ tốt hơn. (Asia News 28/06/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Chính Thống Constantinople

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Chính Thống Constantinople

VATICAN. ĐTC cổ võ Giáo Hội Chính Thống Constantinople và Công Giáo tiếp tục hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa hai Giáo Hội.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople đến Roma dự lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ bổn mạng Giáo Hội Roma, 29-6-2017. Phái đoàn do Đức TGM Job của giáo phận Telmessos hướng dẫn. Ngài cũng là đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng ”sự trao đổi phái đoàn giữa Giáo Hội Roma và Chính Thống Constantinople nhân dịp lễ bổn mạng của hai bên gia tăng nơi chúng ta ước muốn tái lập trọn vẹn sự hiệp nhất giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, điều mà chúng ta đã nếm hưởng trước trong cuộc gặp gỡ huynh đệ, trong kinh nguyện chung và trong việc cùng nhau phục vụ Tin Mừng.”

ĐTC cũng nhắc đến ”kỷ niệm cách đây 50 năm, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đến viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople hồi tháng 7 năm 1967, và cuộc viếng thăm của Đức Thượng Phụ Athenagoras tại Roma vào tháng 10 tiếp đó. Tấm gương của các vị mục tử can đảm và sáng suốt, được động lực duy nhất là tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa thúc đẩy, khích lệ chúng ta tiếp tục hành trình tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn. Cách đây 50 năm, hai cuộc viếng thăm ấy là những biến cố khơi dậy niềm hy vọng bao la và sự phấn khởi nơi các tín hữu của Giáo Hội Roma và Constantinople, góp phần đưa đến quyết định gởi các phái đoàn đến dự các lễ bổn mạng của nhau, điều mà chúng ta đang tiếp tục làm ngày nay”.

Sau cùng, ĐTC nói đến khóa họp sắp tới của tiểu ban phối hợp thuộc Ủy ban Hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Giáo hội Công Giáo và Chính thống, do Đức TGM Job và ĐHY Kurt Koch đồng chủ tọa. Ngài nói: ”Tôi cầu mong cuộc họp này trong tinh thần thiêng liêng lắng nghe ý Chúa và trong sự ý thức mạnh mẽ về hành trình mà nhiều tín hữu Công Giáo và Chính Thống tại nhiều nơi đã cùng nhau thực hiện, được kết quả dồi dào cho tương lai cuộc đối thoại thần học” (SD 27-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Lòng can đảm của Echeverria – hy sinh bảo vệ một người trong vụ khủng bố

Lòng can đảm của Echeverria – hy sinh bảo vệ một người trong vụ khủng bố

Manchester, Anh quốc – Chính phủ Tây ban nha đã vinh danh Ignacio Echeverria, một tín hữu Công giáo đã hy sinh mạng sống khi bảo vệ một phụ nữ bị bọn khủng bố đâm.

Ignacio Echeverria, 39 tuổi, công dân Tây ban nha, là một trong số 8 nạn nhân của 3 tên khủng bố tấn công tại Luân đôn ngày 03/06 vừa qua.

Ngày hôm đó, Echeverria đang trên đường trở về sau khi chơi trượt ván ở công viên và anh chứng kiến một tên khủng bố không ngừng đâm một phụ nữ. Echeverria đã dùng tấm ván trượt của mình làm vũ khí chống lại tên khủng bố trước khi anh bị đâm chết.

Chính phủ Tây ban nha khẳng định rằng gia đình và bạn bè của Echeverria không đơn độc trong nỗi đau của họ và nước Tây ban nha ở bên họ, chia sẻ tình cảm và sự đau buồn của họ và liên kết với họ trong thời khắc khủng khiếp này.

Trong thông cáo, chính phủ Tây ban nha cũng đề cao hành động của Echeverria là sự biểu trưng của tình liên đời cho tất cả chúng ta thấy. Thông cáo trên trang web của chính phủ hôm 07/06 viết: “Sự anh hung của anh khi bảo vệ một người không phương thế tự vệ nhắc lại điều cần thiết là đoàn kết với nhau trước tai họa khủng bố, đối mặt với những người mà ngôn ngữ chỉ là bạo lực và khủng bố.

Echeverria đến làm việc ở Luân đôn từ cách đây một năm. Anh là cháu của cố giám mục Antonio Hornedo Correa. Các bạn của anh cho biết anh là một tín hữu đạo đức. Anh không bao giờ bỏ lễ ngày Chúa nhật. Anh cũng là thành viên của một nhóm Công giáo trẻ gặp nhau hàng tuần ở Madrid. Anh là người can đảm, yêu chuộng công bình và mong muốn bảo vệ người yếu thế nhất. (CNS 08/06/2014)

Hồng Thủy

 

Trong thời khắc đen tối nhất của cuộc sống thì nên làm gì?

Trong thời khắc đen tối nhất của cuộc sống thì nên làm gì?

Ngay cả trong những thời khắc đen tối, buồn thảm và đau thương nhất, ngay cả khi bị lăng mạ sỉ nhục cáo gian, vẫn chọn con đường của cầu nguyện của kiên nhẫn và đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa; chứ không chạy theo trò lừa dối của những thứ phù vân. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Từng trải những đau khổ tột cùng

Đừng để cho mình bị đánh lừa bởi cái hào nhoáng bề ngoài của những thứ phù vân, nhưng hãy để cho lòng mình biết mở ra đón nhận niềm vui đến từ Thiên Chúa, biết tạ ơn Ngài vì những ơn lành, vì ơn chữa lành mà Ngài ban cho chúng ta.

Bài đọc trích sách Tobia kể lại câu chuyện rất đời thường. Ông Tobit chuyên làm việc lành phúc đức là đi chôn xác kẻ chết. Nhưng rồi ông bị mù, và có lần do vợ chồng chưa hiểu ý nhau, mà bà vợ đã la mắng ông Tobit rằng: ông coi, ông làm việc lành mà giờ lại bị mù như thế. Ông Tobit có con trai là Tobia. Vợ của Tobia là Sara. Cô Sara cũng chịu nhiều đau khổ, vì bị mang tiếng là sát chồng. Vì thực sự trước khi lấy Tobia, cô Sara đã có nhiều đời chồng, các người chồng ấy đều chết, nhưng lý do không phải do Sara. Như thế, cả ông Tobit và con dâu là Sara đều phải chịu nhiều thử thách và bị sỉ nhục, nhưng cả hai đều đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Chỉ biết cầu nguyện, kiên nhẫn và hy vọng

Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm từng trải những thời khắc khó khăn cùng cực. Có thể kinh nghiệm ấy chưa phải là tột độ, nhưng cũng đủ để chúng ta biết được kinh nghiệm ấy có cảm giác thế nào, thế nào là bóng tối, là đau buồn, là khó khăn, chúng ta biết những điều ấy.

Khi đối diện với sự khủng hoảng, cô Sara từng nghĩ: nếu tôi treo cổ tự tử thì tôi sẽ làm cho cha mẹ đau khổ. Cô đã dừng lại và cầu nguyện. Khi gặp cay đắng, ông Tobit nói: đây là cuộc sống của tôi, nào chúng ta hãy tiến bước, tiến bước trong cầu nguyện và cầu nguyện. Đó là thái độ có thể cứu chúng ta trong những đêm đen: thái độ cầu nguyện. Cả cô Sara và ông Tobit đều đau khổ nhưng biết kiên nhẫn trong cầu nguyện, vì hy vọng Thiên Chúa sẽ lắng nghe, vì hy vọng rồi đây mình sẽ có thể vượt qua những khổ đau ấy. Những khi buồn bã chán nản và đen tối nhất, đừng quên: cầu nguyện, kiên nhẫn và hy vọng.

Lời nguyện tạ ơn

Câu chuyện trong sách Tobia kết thúc có hậu, nhưng không phải như những cái kết của tiểu thuyết. Sau thời gian chịu thử thách và đau khổ, Thiên Chúa đã lắng nghe họ, đã chữa lành họ, và các vị ấy cảm tạ Thiên Chúa, mở rộng tâm hồn với lời nguyện tạ ơn.

Trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, chúng ta có biết nhận diện những chuyển động khác nhau trong tâm hồn hay không. Làm như thế để nhận biết những thời điểm khó khăn thách đố, để biết cầu nguyện, biết kiên nhẫn và một chút hy vọng. Làm như thế, để tránh bị rơi vào sự trống rỗng hư vô, để trong cầu nguyện chúng ta biết rằng có Chúa luôn đồng hành và Ngài sẽ sớm ban niềm vui cho chúng ta. Cô Sara đã sống điều ấy. Cô không tự vẫn, nhưng biết cầu nguyện. Tobit cũng thế, ông chờ đợi trong cầu nguyện và hy vọng Chúa sẽ cứu. Và rồi Thiên Chúa đã cứu cô Sara, Thiên Chúa cũng cứu ông Tobit.

Dịp cuối tuần này, chúng ta hãy đọc sách Tobia, hãy nài xin ân sủng của Thiên Chúa, để biết cách sống trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, để biết cách sống trong những thời điểm tươi sáng, để không bị lừa gạt bởi những thứ phù vân hư không.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức với hơn 50 ngàn tín hữu

Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức với hơn 50 ngàn tín hữu

ROMA. Trong buổi canh thức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, ĐTC kêu gọi tất cả các tín hữu Kitô đoàn kết để chứng tỏ cho thế giới thấy hòa bình là điều có thể.

Buổi canh thức diễn ra áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chiều ngày 3-6-2017 tại Circo Massimo, ở Roma, một khu vực xưa kia là trường đua ngựa thời đế quốc La Mã và cũng là nơi máu các vị tử đạo đổ ra. Địa điểm hành lễ được mở cửa từ lúc 1 giờ trưa, trên lễ đài có biểu ngữ lớn: ”Gesù è il Signore”, và các sinh ngữ khác: Đức Giêsu là Chúa, và bên dưới, trước lễ đài, có một khu vực dành cho một nhóm người nghèo do Đức TGM Konrad Krajewski, Chánh Sở từ thiện của ĐTC, hướng dẫn. Trong số hơn 50 ngàn tín hữu hiện diện cũng có hàng ngàn người gồm các thủ lãnh và thành viên phong trào Thánh Linh trong Tin Lành, các Giáo Hội Pentecostal.

Buổi buổi cầu nguyện bắt đầu với nghi thức khai mạc lúc 4 giờ chiều: sau lời chào mừng của bà Michelle Moran, Chủ tịch Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh và Ông Gilberto Barbosa, Chủ tịch Phong trào Cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh ở Brazil, cộng đoàn tiến hành với phần chúc tụng, thờ lạy, nghe chứng từ và suy tư về hoạt động của Chúa Thánh Linh liên quan đến ơn gọi, gia đình, chữa lành và rao giảng Tin Mừng.

Sau khi ĐTC đến nơi và tiến lên lễ đài, buổi canh thức bắt đầu lúc gần 6 giờ chiều. Mọi người lắng nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 17 câu 21 đến 23, tiếp đến là bài suy niệm của Cha Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng. Sau đó là suy niệm của ĐTC.

Suy niệm của ĐTC

Đi từ hai đoạn Tông Đồ Công Vụ (1,4-5; 2,1-4), ĐTC ví cộng đoàn tham dự buổi canh thức đến từ hơn 120 quốc gia giống như nhà Tiệc Ly lộ thiên: ”Nhiều người đến từ các nơi trên thế giới và Chúa Thánh Linh qui tụ chúng ta để thiết lập những tương quan thân hữu huynh đệ, khích lệ chúng ta trên con đường tiến về hiệp nhất, hiệp nhất để thi hành sứ mạng: không phải để dừng lại, nhưng để ra đi công bố Đức Giêsu là Chúa, để cùng nhau loan báo tình thương của Chúa Cha đối với tất cả mọi con cài! Để loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước! Để chứng tỏ rằng hòa bình là điều có thể!”

Nhưng ĐTC nhận xét rằng ”chúng ta không thể loan báo hòa bình là có thể nếu chúng ta không sống hòa bình với nhau, nếu chúng ta nhấn mạnh những khác biệt, nếu chúng ta gây chiến với nhau, làm như thế chúng ta không thể loan báo hòa bình”.

Ngài nhìn nhận có những khác biệt giữa các tín hữu Kitô, nhưng cần làm sao để những khác biệt đó trở thành ”những dị biệt được hòa giải”: Có những khác biệt về ngôn ngữ, (như cộng đoàn Kitô ngày lễ Ngũ Tuần), nhưng Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta hệu sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu trong ngôn ngữ riêng chúng ta”.

ĐTC xác nhận Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, được khai sinh cách đây 50 năm, không phải để khởi đầu một tổ chức, một định chế, nhưng là một dòng ơn thánh, một trào lưu ơn thánh… Một công trình đại kết vì Thánh Linh kiến tạo hiệp nhất và cùng một Thánh Linh gợi hứng để Phong trào canh tân trong Thánh Linh là đại kết”.

Trong bài suy niệm, ĐTC cũng nhắc đến phong trào đại kết bằng máu. Bao nhiêu Kitô hữu bị giết vì họ là tín hữu Kitô. Những kẻ sát hại họ, trước khi giết, không hỏi họ là chính thống, công giáo, tin lành, Luther hay Calviniste? Họ hỏi; ngươi có phải là Kitô hữu hay không! Khi tín hữu ấy khẳng định, và họ bị cắt cổ ngay. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn thời kỳ đầu. Đó là phong trào đại kết bằng máu. Tại nhiều nơi trên thế giới, máu các tín hữu Kitô đang đổ ra! Ngày nay hơn bao giờ hết, sự hiệp nhất của các Kitô hữu, được hiệp nhất nhờ hoạt động của Thánh Linh, trong kinh nguyện và trong hoạt động giúp những người yếu thế nhất. Đồng hành và cộng tác. Yêu thương nhau. Cùng nhau giải thích những khác biệt, thỏa thuận, nhưng đồng hành! Nếu chúng ta dừng lại, không tiến bước nữa, sẽ không bao giờ chúng ta thỏa thuận với nhau. Sở dĩ như vậy vì Thánh Linh muốn chúng ta tiến bước”.

Buổi canh thức tiếp tục với thánh vịnh thống hối 50, kinh nguyện xin ơn tha thứ vì những tội chia rẽ do cha Cantalamessa và mục sư Traettino hướng dẫn.

Buổi canh thức kết thúc với kinh nguyện xin ơn Phép rửa của Chúa Thánh Linh.

G. Trần Đức Anh OP