Thượng Hội Đồng Giám Mục và vấn đề những người ly dị tái hôn

Thượng Hội Đồng Giám Mục và vấn đề những người ly dị tái hôn

Thượng Hội Đồng Giám Mục về vấn đề gia đình ly dị tái hôn

VATICAN. Trong các phiên khoáng đại vừa qua của Thượng HĐGM thứ 14 về gia đình, vấn đề cho những người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích chiếm một phần lớn các bài phát biểu của các nghị phụ.

 Ví dụ trong phiên khoáng đại thứ 9, chiều ngày 14-10-2015, có những nghị phụ nói rằng trong một số trường hợp có thể cho những người ly dị tái hôn được lãnh các bí tích, cụ thể là xưng tội rước lễ, nếu họ ý thức mình sống trong tội lỗi và có ý chí không phạm tội nữa. Nhưng điều này có thể tiến hành theo 3 tiêu chuẩn: trước tiên là phân định từng trường hợp, thứ hai là cặp ly dị tái hôn phải có cung cách hành xử gương mẫu; sau cùng là chỉ lãnh nhận các bí tích trong những buổi cử hành đặc biệt quan trọng.

 Một số nghị phụ khác tái khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Kitô không đến để chữa người lành, nhưng là người bệnh: vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ, vì họ là thành phần của Giáo Hội và chi thể của Chúa Kitô, vì thế hậu quả dĩ nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể.

 Một số vị khác đề nghị đừng giải thích giáo luật một cách cứng nhắc thái quá, đồng thời yêu cầu những người ly dị tái hôn đừng gây gương mù gương xấu. Vì nhiều khi người ta quên rằng ”Thánh Thể trước tiên có giá trị cứu độ cho linh hồn con người”. Từ đó các nghị phụ mong ước có một nền mục vụ thích hợp, có khả năng củng cố chứ không làm suy yếu đạo lý, khởi hành từ tiền đề chân lý là cuộc gặp gỡ với Con người Chúa Kitô và nếu nói về các bí tích như phương tiện duy nhất để lãnh nhận ân thánh thì sẽ khó đến gần những người đã cảm nghiệm một sự thất bại hoặc với người không tin. Nhưng điều quan trọng là Giáo Hội đừng tạo nên những ảo tưởng.

 Trong cuộc họp báo trưa ngày 15-10-2015, Cha Manuel Dorantes, cộng tác viên tiếng Tây Ban Nha, của cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, kể lại một sự kiện cảm động: một em bé lên rước lễ lần đầu, đã cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra làm đôi và chia cho ba của em, lý do vì ông không được rước lễ vì là người ly dị tái hôn.

 Đức TGM Stanislaw Gadecki, TGM giáo phận Poznan, Chủ tịch HĐGM Ba Lan, nói rằng HĐGM Ba Lan tái khẳng định giả thuyết cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, nếu họ tiếp tục sống trong tình trạng này, chiếu theo tông huấn Familiaris consortio về gia đình do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1984. Đức TGM nói rằng ”Những người ly dị tái khôn không bị vạ tuyệt thông, và có nhiều cách thức tham gia vào đời sống Giáo hội. Ngài nhìn nhận rằng nhiều khi họ là những người có ước muốn được rước lễ, mạnh hơn những ai có thể rước lễ”.

 Về phần một nghị phụ người Mêhicô, ngài cho biết Thượng HĐGM không bao giờ có ý đi tới những quyết định về vấn đề cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, nhưng chỉ đệ trình ĐTC những suy tư và quan điểm của mình để ngài quyết định.

 Các vấn đề khác

 Có những nghị phụ nói về sự cần thiết phải chuẩn bị hôn nhân một cách thích hợp cho những người trẻ, đặc biệt để ý tới đức tin của họ, vì sự thiếu đức tin cho thế làm cho hôn phối vô hiệu. Sự huấn luyện thích hợp về hôn phối sẽ tránh được nạn ly dị đang thịnh hành.

 Trong phiên họp khoáng đại thứ 8 vào ban sáng ngày 14-10-2015, trước sự hiện diện của 264 nghị phụ, một vài vị cũng đã đề cập đến sự thiếu đức tin có thể là nguyên nhân làm cho việc kết hôn bất thành.

 Có nghị phụ yêu cầu rằng trong việc tháp tùng những người trẻ chuẩn bị kết hôn, cần tránh những ngôn ngữ học đường như ”những khóa học tiền hôn nhân”. Nên thay tế bằng một sự đồng hành liên tục trong thời gian, theo dõi các gia đình trong mỗi giai đoạn, kể cả sau khi đã kết hôn.

 Trong bối cảnh này, các nghị phụ cũng nói về sự dòn mỏng của các gia đình, nhất là những gia đình bị sức ép chứ không tự ý chọn lựa. Ngoài ra không nên chỉ nói về sự phù hợp với đạo lý nhưng tháp tùng các gia đình bị thương hướng về tương lai, không nghiêm khắc phán đoán nhưng gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong thực hành, cần có cái nhìn của người Samaritano nhân dành, trông thấy, đón tiếp, chữa lành và hội nhập, tiến hành không phải bằng cách áp đặt, nhưng bằng sự thu hút, nghĩa là qua chứng tá một cuộc sống khiêm tốn, đơn sơ, với kinh nguyện. Xét cho cùng, viễn tượng dịu dàng có thể là giải pháp cho bao nhiêu tình trạng lo âu.

 Giáo dục người trẻ

 Trong phiên khoáng đại thứ 11, chiều thứ năm, 15-10-2015, có sự hiện diện của ĐTC và 249 nghị phụ.

 Các bài phát biểu trong dịp này đề cập đến sự chuẩn bị thích hợp cho những người sắp kết hôn, hiểu như một hành trình đức tin dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Tiến trình này cũng phải bao gồm việc giáo dục về tính dục, ngày nay có nhiều thiếu sót. Thực vậy, tại các trường công lập, trong việc giáo dục về tình dục có hiện tượng tầm thường hóa các hoạt động này, và thu hẹp vào việc sử dụng các phương tiện ngừa thai.

 Theo các nghị phụ, nền giáo dục tính dục tại nhiều nơi thiếu một quan niệm Kitô về tính dục và tình yêu, và không sợ nói về sự khiết tịnh và giá trị của đức tính này.

 Một số bài phát biểu khác đề cập đến việc nhận con nuôi và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ phẩm giá của trẻ vị thành niên và các quyền của cha mẹ tự nhiên, đồng thời khích lệ nền văn hóa tiếp đón và hội nhập.

 Về vấn đề sinh sản, các nghị phụ lưu ý về những thuốc phá thai và những nguy hiểm của chúng, nhiều khi ít được biết đến, cũng như những kỹ năng thụ thai nhân tạo, thường được đề nghị với mục đích kinh tế hơn là trị liệu. Trong lãnh vực này có nhiều sự thông tin sai trái không những cho các cặp vợ chồng nhưng cả nơi các linh mục. Vì thế Giáo Hội cần trở thành điểm tham chiếu vững chắc về luân lý, và có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia đa ngành, biết rõ vấn đề son sẻ của các đôi vợ chồng theo luân lý Công Giáo. (SD 16-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thượng Hội Đồng Giám Mục nhóm phiên khoáng đại thứ 6 và 7

Thượng Hội Đồng Giám Mục nhóm phiên khoáng đại thứ 6 và 7

Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày thứ 6 và 7

VATICAN. Thứ bẩy 10-10-2015, Thượng HĐGM đã dành hai phiên khoáng đại thứ 6 và thứ 7, sáng và chiều để lắng nghe các nghị phụ phát biểu ý kiến về phần hai của Tài liệu làm việc.

Phần này mang tựa đề ”Sự phân định ơn gọi gia đình”, và đề cập tới những khía cạnh như: Chúa Giêsu và gia đình: đặc tính bất khả phân ly như hồng ân và nghĩa vụ; gia đình hình ảnh Chúa Ba Ngôi, chiều kích truyền giáo của gia đình; đặc tính bất khả phân ly của hôn phối va niềm vui sống chung, lòng từ bi thương xót đối với các gia đình bị thương: sứ mạng của Giáo Hội, v.v.

Sau hai phiên khoáng đại thứ bẩy hôm qua, chúa nhật hôm nay, 11-10, các nghị phụ được nghỉ, và trong hai ngày thứ hai và thứ ba này, các vị lại nhóm trong các nhóm nhỏ để thảo luận về phần 2 của Tài liệu làm việc.

Phúc trình của 13 nhóm

Sáng thứ sáu vừa qua, 9-10, các đại diện 13 nhóm nghị phụ đã trình bày kết quả các cuộc thảo luận nhóm về khía cạnh lắng nghe các thách đố về gia đình, tức là phần đầu của Tài liệu làm việc và đã đưa ra hơn 200 đề nghị sửa chữa phần đầu của Tài liệu này, cũng như những điểm mới cần nhấn mạnh.

– Qua phúc trình của các nhóm, người ta thấy một số nhận xét nổi bật như: phần trình bày của tài liệu làm việc nhấn mạnh nhiều quá tới những khía cạnh tiêu cực mà các gia đình ngày nay đang gặp phải, và nhiều nghị phụ đề nghị làm nổi bật hơn vẻ đẹp và sức sinh động của gia đình, bớt nói về các cuộc khủng hoảng, nhưng nói nhiều hơn về hy vọng.

 – Một nhận xét nổi bật thứ hai liên quan đến việc mục vụ gia đình: sở dĩ gia đình ngày nay bị khủng hoảng, có lẽ vì trong Giáo Hội đã có những thiếu sót trong việc giáo dục về đức tin. Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia đình ngày nay, vì đã có những tư tưởng hầu như ”như thời trung cổ” đối với gia đình, không phù hợp với thực tại, quá nhấn mạnh về luật lệ, qui tắc, và thiếu một cái nhìn toàn diện.

– Có vài nhóm nghị phụ nhận xét rằng lối đề cập vấn đề như trong phần I của tài liệu làm việc có tính chất quy hướng về Âu Châu, đặt nặng quá nhiều các khía cạnh tây phương, lối trình bày như thế ít thu hút và cũng có phần lộn xộn, nhất là trong việc xác định mình muốn nói với ai. Vì thế, các nghị phụ ấy muốn văn kiện chung kết của Thượng HĐGM có tính chất ”tươi mát”, rõ ràng, đơn sơ hơn, không có tính chất chuyên môn, nhưng dễ hiểu đối với tất cả mọi người”.

– Một số nhóm yêu cầu đào sâu phần trình bày lý thuyết về giống (gender Theory), đang được các thế lực quốc tế cổ võ hoặc áp đặt trong các hệ thống giáo dục tại các nước, và lý thuyết này đe dọa tương lai của hôn nhân và gia đình, vì cho rằng sự khác biệt nam nữ chỉ là kết quả của văn hóa, phong tục và giáo dục, chứ không có nền tảng sinh lý tự nhiên nào.

Nhiều nghị phụ kêu gọi tăng cường việc mục vụ cho người di dân và tị nạn, với những hệ lụy đối với đời sống gia đình của họ. Cũng vậy, cần quan tâm hơn tới những người già cả và tàn tật, các trẻ em bị cưỡng bách lao động hoặc xung vào quân ngũ.

– Nhóm tiếng Pháp thứ hai, do ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, điều hợp, đề nghị có sự can thiệp của Huấn quyền Hội Thánh để làm cho vấn đề gia đình sáng tỏ hơn về mặt thần học và giáo luật.

Nhóm thứ hai tiếng Anh, đề nghị làm sao để mỗi Giáo Hội địa phương tìm cách xác định những hoàn cảnh của những gia đình ở ngoài lề xã hội và đáp ứng về mục vụ. Nhóm nghị phụ tiếng Đức cũng nêu bật điều này là làm sao trong văn kiện chung kết của Thượng HĐGM có sự tôn trọng những đặc tù và khác biệt về văn hóa giữa lòng Giáo Hội vì cần có một phân tích và phán đoán khác nhau.

Có một số nhóm nhận xét rằng 3 tuần lễ Thượng HĐGM là thời gian quá ngắn, không đủ để cứu xét tất cả các vấn đề được nêu lên. Ngoài ra, có những nghị phụ đặt câu hỏi: không biết những cuộc thảo luận hoặc những đề nghị của mỗi nhóm, có được Ủy ban soạn văn kiện chung kết để ý tới hay không. Hoặc như Đức Cha Jean-Paul Vesco OP, người Pháp, GM giáo phận Oran bên Algérie, vốn ủng hộ việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ, kêu gọi cần làm sao để Công nghị GM thế giới này không rơi vào tình trạng ”trái núi đẻ ra con chuột”! (SD 9-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những người công chính

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những người công chính

ĐTC at Martha Chapel

Thiên Chúa chẳng hề bỏ rơi những người công chính; còn kẻ gian ác giống như người xa lạ, tên của chúng sẽ không bao giờ được nhắc đến trên Thiên Quốc. Đây là giáo huấn mà Đức Thánh Cha đã đúc kết từ những bài đọc trong thánh lễ sáng hôm qua, thứ năm ngày 08.10, tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha đặt vấn đề: “Có một người mẹ dũng cảm sống với chồng và ba đứa con. Chị chưa tròn 40 tuổi nhưng lại mang trên mình một cục bướu. Căn bệnh quái ác ấy buộc chị suốt ngày phải ở trên giường, chẳng thể đi đâu. Tại sao chuyện này lại xảy ra? Một cụ bà đạo đức, hằng ngày cầu nguyện liên lỉ trước nhan Thiên Chúa với những lời chân thật xuất phát từ con tim, nhưng con trai của cụ lại bị mafia giết chết. Tại sao chuyện này lại xảy ra với cụ?”

Tại sao những điều tốt lành lại đến với những kẻ độc ác, xấu xa?

Lời của Đức Thánh Cha trong nhà nguyện Marta hôm ấy làm vang vọng một câu hỏi nhức nhối, tựa như lưỡi dao sắc cắt vào những suy tư của rất nhiều người, đặc biệt là những người có sự xác tín và niềm tin được bén rễ sâu xa, nhưng lại bị lung lay bởi những bi kịch xảy ra trong cuộc sống. Vấn nạn đặt ra là: Tại sao phải sống công chính? Việc phụng thờ Thiên Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, có ích lợi chi không? Trong khi kẻ kiêu ngạo và làm điều gian ác lại được thịnh đạt. Họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì.

Đức Thánh Cha nói: “Nhiều lần chúng ra đã nhận thấy rằng những kẻ gian ác, chuyên làm điều xấu xa, nhưng cuộc sống của họ lại rất phát đạt: Họ hạnh phúc và có tất cả những gì họ muốn, chẳng hề thiếu thốn chi. Tại sao Thiên Chúa lại để điều này xảy ra? Tại sao một kẻ hỗn láo, xấc xược chẳng hề màng tới Thiên Chúa và người khác, nói khác đi là một kẻ bất chính và xấu xa, nhưng mọi sự trong cuộc sống của hắn ta đều thuận lợi? Tại sao hắn có tất cả những gì hắn muốn; còn chúng ta là những người muốn làm điều tốt, lại toàn gặp những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống?”

Thiên Chúa săn sóc những người công chính

Đức Thánh Cha trích Thánh Vịnh nhằm đưa ra một câu trả lời cho vấn nạn nêu trên. Thánh Vịnh nói: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (TV 1, 1-2).

Đức Thánh Cha giải thích: “Ngay bây giờ, có thể chúng ta không nhìn thấy hoa trái của những người công chính đang gặp đau khổ, bất hạnh; không thấy được hoa trái của những người đang trung kiên vác thập giá. Cũng vậy, trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, hoa trái của việc Con Thiên Chúa chịu khổ hình, vác thập giá cũng đâu có thấy được. Những đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu cũng đâu được nhận ra. Nhưng tất cả những gì Ngài thực hiện đều trở nên tốt đẹp. Chúng ta có biết Thánh Vịnh nói gì về những kẻ gian ác, kẻ mà chúng ta nghĩ rằng luôn gặp những điều may mắn, tốt lành không? Thật ra, kết cục của những ai gian ác chẳng hề tốt đẹp: ‘Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong’ (Tv 1, 4.6).”

Chỉ duy nhất một tính từ

Đức Thánh Cha lấy ý tưởng từ dụ ngôn anh Lazzaro nghèo khó trong Tin Mừng để nhấn mạnh rằng sự diệt vong là kết cục của những kẻ gian ác. Dụ ngôn ấy là một biểu tượng về sự đau khổ mà người gặp phải không hề kêu la, trốn chạy. Ông phú hộ giàu có, yến tiệc say xưa đã từ chối bố thí cho anh Lazzaro ngay cả những mẩu vụn bánh rớt xuống bàn của ông.

Thật đáng tò mò là ông phú hộ ấy không hề được nhắc đến tên. Nhưng chỉ có một tính từ nói về ông: giàu có. Trong Cuốn Sổ Ghi Nhớ được viết trước nhan Thiên Chúa, không hề có tên của những kẻ gian ác. Kẻ gian ác không có tên, nhưng chỉ có những tính từ để chỉ đặc điểm. Trái lại, tất cả những ai đang cố gắng đi trên đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa, sẽ được ở cùng với Chúa Con, Đấng có tước hiệu là: Giêsu – Đấng Cứu Độ. Đây là một tước hiệu thật khó để có thể hiểu thấu và giải thích rõ ràng khi đứng trước những thánh đố của thập giá và tất cả những đau khổ mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta. (SD 08-10-2015)

Vũ Đức Anh Phương

Đức Thánh Cha chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM 14

Đức Thánh Cha chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM 14

ĐTC trong buổi họp đầu tiên Thượng HĐGM tại Vatican

VATICAN. Sáng thứ hai, 5-10, ĐTC Phanxicô đã khai mạc phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM thế giới 14 về ”ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”.

Phiên họp bắt đầu với kinh giờ ba trước sự hiện diện của 258 nghị phụ. Trên bàn chủ tọa, ngồi quanh ĐTC còn có 4 vị HY Chủ tịch thừa ủy, ĐHY Tổng thư ký, ĐHY Tổng tường trình viên, và Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt.

Thay mặt ĐTC điều hành phiên họp là ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris bên Pháp.

Huấn dụ của ĐTC

Trong lời khai mạc phiên họp, ĐTC nói: ”Như chúng ta biết, Thượng HĐGM là một sự đồng hành trong tinh thần đoàn thể và công nghị, can đảm chấp nhận sự biểu lộ chân lý trong tự do (parresía), lòng nhiệt mục vụ và đạo lý, sự khôn ngoan, thẳng thắn, luôn nghĩ đến thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình, và qui luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn.”

”Tôi muốn nhắc nhở rằng Thượng HĐGM không phải là một hội nghị, một phòng để nói, hay là một quốc hội, một nghị viện, nơi mà người ta thỏa thuận với nhau. Trái lại, Thượng HĐGM là một sự biểu hiện Giáo Hội, nghĩa là Giáo Hội đồng hành để đọc thực tại với con mắt đức tin, và với con tim của Thiên Chúa; Thượng HĐGM là Giáo Hội tự hỏi mình về sự trung thành với kho tàng đức tin, kho tàng này, đối với Giáo Hội, không phải là một bảo tàng viện để xem và càng không phải là một bảo tàng viện cần bảo tồn, nhưng là một nguồn mạch sinh động nơi mà Giáo Hội giải khát, và soi sáng kho tàng sự sống.”

”Thượng HĐGM nhất thiết phải tiến hành trong lòng Giáo Hội và trong dân thánh của Thiên Chúa, mà chúng ta là thành phần, trong tư cách là mục tử, tức là người phục vụ. Ngoài ra Thượng HĐGM là một không gian được bảo vệ, trong đó Giáo Hội cảm nghiệm hoạt động của Chúa Thánh Linh. Trong Thượng HĐGM, Chúa Thánh Linh nói qua ngôn ngữ của tất cả những người để cho Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng luôn gây ngạc nhiên, vị Thiên Chúa tỏ mình ra cho những người bé mọn những điều mà Ngài giấu kín đối với những kẻ khôn ngoan và trí thức; vị Thiên Chúa đã lập nên luật lệ và ngày thứ bẩy vì con người chứ không ngược lại; Người bỏ 99 con chiên để tìm con chiên lạc; Ngời luôn luôn lớn hơn những tiêu chuẩn luận lý và những tính toán của chúng ta”.

ĐTC nói tiếp: ”Nhưng chúng ta cũng hãy nhớ rằng Thượng HĐGM chỉ có thể là một không gian hoạt động của Chúa Thánh Linh nếu chúng ta những than dự viên có lòng can đảm tông đồ, lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng và cầu nguyện tín thác: lòng can đảm tông đồ không để cho mình sợ hãi đứng trước những cám dỗ của thế giới, không dập tắt nơi tâm hồn con người ánh sáng chân lý, thay thế nó bằng những tia sáng bé nhỏ và nhất thời, và cáng không sợ hãi đứng trước con tim chai đá của một số người, tuy có thiện ý, nhưng làm cho người người xa lìa Thiên Chúa; lòng can đảm tông đồ mang sự sống và không biết cuộc sống Kitô của chúng ta thành một bảo tàng viện những kỷ niệm; lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng biết từ bỏ những hiệp ước riêng và những thành kiến, để lắng nghe các anh em giám mục và làm cho mình được đầy tràn Thiên Chúa, lòng khiêm tốn đưa tới sự chỉ tay không phải chống người khác, để xét đoán họ, nhưng để giơ ta ra với họ, nâng họ trỗi dây và không bao giờ cảm thấy mình ở trên họ”.

”Sự cầu nguyện tín thác là hoạt động của tâm hồn khi ta cởi mở đối với Thiên Chúa, khi ta làm cho tất cả những tiếng đồn của chúng ta im bặt để lắng nghe tiếng nói dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng nói trong thinh lặng. Nếu không lắng nghe Thiên Chúa, thì những lời của chúng ta chỉ là những lời không làm mãn nguyện và vô ích. Nếu không để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn, thì tất cả những quyết định của chúng ta chỉ là những đồ trang trí thay vì tuyên dương Tin Mừng thì lại che đậy và giấu kín Tin Mừng.”

ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, như tôi đã nói, Thượng HĐGM không phải là một nghị viện nơi mà để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương thuyết, kết ước với nhau hoặc nhượng bộ nhau, nhưng phương pháp duy nhất của Thượng HĐGM là cởi mở đối với Chúa Thánh Linh với lòng can đảm tông đồ, với lòng khiêm tốn theo tinh thần Phúc Âm, và với lời cầu nguyện tín thác, để chính Chúa hướng dẫn chúng ta, soi sáng và đặt trước mắt chúng ta, không phải những ý kiến cá nhân, nhưng là niềm tin nơi Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn quyền Hội Thánh, thiện ích của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn.”

ĐTC không quên cám ơn ĐHY Tổng thư ký và tất cả các chức sắc, các cộng tác viên của Thượng HĐGM,các nghị phụ, các đại biểu anh em, và mọi thành phần khác. Sau cùng ngài đặc biệt cám ơn các ký giả hiện diện cũng như các ký giả theo dõi từ xa vì sự tham gia và quan tâm.

Phát biểu của ĐHY Tổng thư ký

Tiếp đến ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, lên tiếng. Ngài cám ơn ĐTC vì đã muốn ủy thác cho Thượng HĐGM một đề tài quan trọng, là gia đình, không những có liên quan tới các tín hữu Công Giáo mà thôi, nhưng tất cả các tín hữu Kitô và toàn thể nhân loại, chính vì thế gia đình ở trung tâm sứ mạng mục vụ của Giáo Hội.

ĐHY chào thăm tất cả các tham dự viên và cho biết tổng cộng Thượng HĐGM lần này có 270 nghị phụ chia làm 3 thành phần gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ, 183 vị được bầu lên 45 vị do ĐTC bổ nhiệm. Các nghị phụ do chức vụ gồm 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tiếp đến là vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng HĐGM. Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Xét về chức vụ của các nghị phụ có 74 Hồng Y, 6 Thượng Phụ, 1 TGM trưởng, 72 TGM, 102 GM, 2 cha sở và 13 cha dòng.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 18 đôi vợ chồng tham dự công nghị này.

Tổng số những người có quyền lên tiếng trong Thượng HĐGM lần này là 318 người gồm các nghị phụ, các Đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em và các dự thính viên.

ĐHY Baldisseri cũng nhắc lại rằng: Vì Thượng HĐGM hành động ”với Phêrô và dưới Phêrô” (cum Petro et sub Petro), là thủ lãnh và là người canh giữ đoàn chiên duy nhất của Chúa Kitô, nên công nghị GM này cũng là một sự biểu lộ đặc thù sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo được xây dựng trên nền tảng của các tông đồ, trong đó Simon Phêrô là đá tảng (Xc Mt 16,18), môn đệ được Thầy tuyển chọn để ”củng cố các anh em trong đức tin duy nhất” (Xc Lc 22,32).

ĐHY Tổng thư ký cũng nói đến hành trình dài của Thượng HĐGM về gia đình từ khóa họp đặc biệt hồi năm ngoái đến khóa họp thường lệ hiện nay. Mục đích chúng ta theo đuổi là ”Loan báo với niềm vui và lòng xác tín 'tin mừng” về gia đình'.

ĐHY Baldisseri gợi lại các giai đoạn mà Thượng HĐGM về gia đình đã trải qua, từ việc quyết định đề tài, đến việc soạn tài liệu đề cương để chuẩn bị, tham khảo ý kiến và soạn tài liệu làm việc. Trước đó là việc bổ nhiệm các chức sắc cho công nghị GM thế giới này. ĐTC đã quyết định bổ nhiệm thêm một vị Chủ tịch thừa ủy thứ tư là ĐHY Wilfried Napier, dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban ở Nam Phi.

Về phương pháp tiến hành khóa họp hiện nay, ĐHY Baldisseri cho biết Thượng HĐGM tiến hành theo 3 giai đoạn dựa theo 3 phần của tài liệu làm việc. Việc phát biểu của các nghị phụ cũng diễn ra theo sự phân chia như thế và tổng cộng có 18 phiên họp khoáng đại, 13 phiên họp nhóm được phân chia theo các ngôn ngữ, Ngoài ra, khi không có phiên họp nhóm. mỗi ngày từ 6 đến 7 giờ chiều có phần phát biểu tự do.

Sở dĩ có thay đổi trên đây vì các nghị phụ đã yêu cầu đề cao giá trị của các cuộc thảo luận nhóm, trong có có sự tham dự tích cực hơn vào cuộc trao đổi, sự đối chiếu trực tiếp và tức thời giữa các nghị phụ cùng một ngôn ngữ, và trong các phiên họp nhóm, các dự thính viên và đại biểu các Giáo Hội Kitô Anh em có thể lên tiếng.

Về Ủy ban soạn bản tường trình chung kết, ĐHY Baldisseri cho biết ĐTC đã bổ nhiệm một Ủy ban soạn Bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM, đứng đầu là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest bên Hungari, Tổng tường trình viên của Công nghị GM này và có 9 thành viên, đứng đầu là Đức Cha Bruno Forte, TGM Chieti-Vasto (Italia), Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 14.

Ủy ban theo dõi và đúc kết mỗi phần của khóa họp. Bản tường trình chung kết sẽ được bỏ phiếu vào sáng thứ bẩy 24-10 rồi đệ lên ĐTC để tùy ngài quyết định.

Bản tường trình các cuộc hội thảo nhóm về 3 phần của công nghị sẽ được công bố và trong 3 tuần lễ nhóm họp, sẽ có những cuộc họp báo ngắn để tường trình cho giới báo chí về Thượng HĐGM. Có một số nghị phụ sẽ tham dự các cuộc họp báo này. Các nghị phụ được tự do thông tin cho giới báo chí theo sự suy xét và trách nhiệm của mình.

ĐHY Baldisseri nhắc lại điều ĐTC nhiều lần nhấn mạnh, theo đó Thượng HĐGM phải là một ”không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể hoạt động trong đó, và để các nghị phụ được tự do bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và tự do”.

Phát biểu của ĐHY Tổng tường trình viên

Bài tường trình của ĐHY Baldisseri kết thúc lúc 10 giờ rưỡi. ĐTC và các nghị phụ được 30 phút giải lao và tái nhóm lúc 11 giờ, để nghe ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom- Budapest, Hungari, Tổng tường trình viên, đã đọc một bản tường trình dẫn nhập, dựa trên 3 phần của tài liệu làm việc, cũng là 3 đề tài cho 3 giai đoạn thảo luận trong Thượng HĐGM lần này là:

Thứ 1. Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, nn.6-36)

Thứ 2. Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, nn.37-38)

và sau cùng là Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, nn.69-147).

ĐHY lần lượt quảng diễn nội chung của ba phần trên đây, dựa theo đó, các nghị phụ và các dự thính viên, các đại biểu anh em sẽ trình bày ý kiến, trong các phiên khoáng đại cũng như trong các cuộc thảo luận nhóm được phân chia tùy theo ngôn ngữ.

Sau bài của ĐHY Erdoe, các nghị phụ đã nghe một dự thính viên phát biểu, trước khi đến lượt các nghị phụ lên tiếng cho đến khi phiên họp thứ I kết thúc lúc 12 giờ rưỡi.

Các nghị phụ tiếp tục phát biểu cả trong phiên khoáng đại thứ hai vào ban chiều từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ. Trong phiên này, có phần phát biểu tự do từ lúc 6 đến 7 giờ tối.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Họp báo của ĐHY Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo của ĐHY Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục

Họp báo của ĐHY tổng thư ký thượng hội đồng giám mục

VATICAN. Trong Thượng HĐGM thế giới bắt đầu từ ngày 4-10-2015, mỗi nghị phụ được chỉ phát biểu tối đa 3 phút trong phiên khoáng đại, nhưng có quyền nói nhiều hơn trong các cuộc hội thảo nhóm và trao đổi tự do.

Trên đây là một trong những điểm mới mẻ trong phương pháp tiến hành Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình, sẽ khai diễn chúa nhật ngày 4-10-2015, với thánh lễ trọng thể do ĐTC chủ sự lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Thành phần tham dự

Trong cuộc họp báo sáng ngày 2-10-2015 tại Vatican, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết có 270 người tham dự Công nghị GM thế giới lần này, chia làm 3 thành phần gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ, 183 vị được bầu lên (trong đó có Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Phó Xuân Lộc. Hai vị được các GM VN bầu lên), 45 vị do ĐTC bổ nhiệm. Các nghị phụ do chức vụ gồm 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tiếp đến là vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng HĐGM. Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Xét về chức vụ của các nghị phụ có 74 Hồng Y, 6 Thượng Phụ, 1 TGM trưởng, 72 TGM, 102 GM, 2 cha sở và 13 cha dòng.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 18 đôi vợ chồng tham dự công nghị này.

Tổng số những người có quyền lên tiếng trong Thượng HĐGM lần này là 318 người gồm các nghị phụ, các Đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em và các dự thính viên.

Phương pháp tiến hành

ĐHY Baldisseri cho biết Thượng HĐGM tiến hành theo 3 giai đoạn dựa theo 3 phần của tài liệu làm việc. Việc phát biểu của các nghị phụ cũng diễn ra theo sự phân chia như thế và tổng cộng có 18 phiên họp khoáng đại, 13 phiên họp nhóm được phân chia theo các ngôn ngữ, Ngoài ra, mỗi ngày từ 6 đến 7 giờ chiều có phần phát biểu tự do.

Sở dĩ có thay đổi trên đây vì các nghị phụ đã yêu cầu đề cao giá trị của các cuộc thảo luận nhóm, trong có có sự tham dự tích cực hơn vào cuộc trao đổi, sự đối chiếu trực tiếp và tức thời giữa các nghị phụ cùng một ngôn ngữ, và trong các phiên họp nhóm, các dự thính viên và đại biểu các Giáo Hội Kitô Anh em có thể lên tiếng.

 3 đề tài cho 3 giai đoạn thảo luận trong Thượng HĐGM lần này là:

 1. Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, nn.6-36)

 2. Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, nn.37-38)

 3. Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, nn.69-147).

 Ủy ban soạn bản tường trình chung kết

 ĐTC đã bổ nhiệm một Ủy ban soạn Bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM, đứng đầu là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest bên Hungari, Tổng tường trình viên của Công nghị GM này và có 9 thành viên, đứng đầu là Đức Cha Bruno Forte, TGM Chieti-Vasto (Italia), Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 14.

Ủy ban theo dõi và đúc kết mỗi phần của khóa họp. Bản tường trình chung kết sẽ được bỏ phiếu vào sáng thứ bẩy 24-10 rồi đệ lên ĐTC để tùy ngài quyết định.

Bản tường trình các cuộc hội thảo nhóm về 3 phần của công nghị sẽ được công bố và trong 3 tuần lễ nhóm họp, sẽ có những cuộc họp báo ngắn để tường trình cho giới báo chí về Thượng HĐGM. Có một số nghị phụ sẽ tham dự các cuộc họp báo này. Các nghị phụ được tự do thông tin cho giới báo chí theo sự suy xét và trách nhiệm của mình.

ĐHY Baldisseri nhắc lại điều ĐTC nhiều lần nhấn mạnh, theo đó Thượng HĐGM phải là một ”không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể hoạt động trong đó, và để các nghị phụ được tự do bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và tự do”.

Sau cùng, chiều tối thứ bẩy 3-10 này, ĐTC sẽ chủ sự buổi canh thức tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Thượng HĐGM về gia đình. Hiện diện tại buổi cầu nguyện có các nghị phụ, các tham dự viên khác của công nghị GM thế giới nà, và các tín hữu, theo sáng kiến của HĐGM Italia là cơ quan mời các gia đình, các phong vào và hội đoàn của Giáo Hội đến dự. (SD 2-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hài cốt thánh Têrêsa và song thân được trưng dịp Thượng HĐGM

Hài cốt thánh Têrêsa và song thân được trưng dịp Thượng HĐGM

Song thân của Thánh Teresa

ROMA. Suốt trong thời gian Thượng HĐGM thế giới sắp tới về gia đình, hài cốt thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và song thân sẽ được trưng bày tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma cho các tín hữu kính viếng.

Hôm 30-9-2015, Cha Antonio Sangalli, dòng Cát Minh, Phó Thỉnh nguyện viên án phong thánh cho song thân thánh Têrêsa, cho biết hài cốt 3 vị thánh sẽ được đặt tại Nhà nguyện Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma (Salus Populi Romani) ở Đền thờ Đức Bà Cả, từ ngày 4 đến 25-10 là thời gian nhóm Thượng HĐGM thế giới thứ 14 về gia đình.

Song thân của thánh nữ Têrêsa, ông bà chân phước Louis Martin và Zélie Guérin, sẽ được ĐTC Phanxicô tôn phong hiển thánh sáng chúa nhật 18-10-2015, đầu thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, một đôi vợ chồng không tử đạo, được phong hiển thánh cùng nhau. Thật là một ý nghĩa lớn khi ĐTC phong hiển thánh cho hai vị trong khuôn khổ Thượng HĐGM về gia đình.

Cha Sangalli nói: ”Ông bà Louis và Zélie đã chứng tỏ bằng cuộc sống rằng tình yêu vợ chồng là một dụng cụ nên thánh, là con đường dẫn đến sự thánh thiện được hai người cùng nhau thực hiện. Theo tôi, đây là yếu tố quan trọng nhất để lượng định giá đình ngày nay. Có một nhu cầu rất lớn về một linh đạo đơn sơ được thực hiện trong đời sống thường nhật”.

Cả việc trưng bày thánh tích các vị thánh ấy ở Đền thờ Đức Bà Cả cũng có một ý nghĩa đặc biệt, vì trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma mà ĐTC Phanxicô rất tôn kính, ngài đã cầu xin Đức Mẹ ban nhiều thành quả cho Thượng HĐGM này và cho tất cả các gia đình trên thế giới”.

Các tín hữu có thể kính viếng thánh tích trong giờ mở cửa bình thường của Đền thờ Đức Bà Cả, mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối (SD 30-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phỏng vấn ĐHY Parolin về chuyến công du của ĐTC tại Cuba và Hoa Kỳ

Phỏng vấn ĐHY Parolin về chuyến công du của ĐTC tại Cuba và Hoa Kỳ

ĐHY Pietro Parolin 1

VATICAN: Vẫn liên quan tới chuyến công du Cuba và Hoa Ký, ngày 17-9 ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh,  đã dành cho đài truyền hình Vaticăng một cuộc phỏng vấn liên quan tới hai quốc gia này.

Ngài cho biết Tòa Thánh đã luôn luôn chống lại quyết định cấm vận của chính quyền Hoa Kỳ dối với Cuba, vì nó chỉ gây ra các khó khăn và đau khổ cho người dân Cuba. Trong các đại hội của Liên Hiệp Quốc Toà Thánh đã luôn luôn ủng hộ việc yêu cầu Hoa Kỳ thu hồi lệnh cấm vận Cuba. Giờ đây hy vọng việc bỏ cấm vận cũng đem lại tiến triển kinh tế và việc rộng mở lơn hơn cho sự tự do và các quyền con người và sự triển nở cho các khía cạnh nền tảng trong cuộc sống của người dân Cuba và các dân tộc.

Việc viếng thăm đền thánh Đức Bà Bác Ái Mỏ Đồng có tầm quan trọng lớn, vì lòng sùng kính của các dân tộc châu Mỹ Latinh đối với Đức Mẹ nói chúng, và đối với người dân Cuba nói riêng. Vì Đức Mẹ đã đồng hành với tín hữu Cuba trong mọi thăng trầm cuộc sống, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn gian khổ nhất. Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng đã trở thành biểu tượng của lịch sử dân nước Cuba.

Sự kiện ĐTC từ Cuba vào Hoa Kỳ nhắc nhớ cho toàn dân Mỹ biết họ cũng đã là những người di cư và Hoa Kỳ là một quốc gia của người di cư với một truyền thống dài của sự quảng đại, tiếp đón, liên đới huynh đệ và hội nhập. Đây là một nền tảng tốt giúp tìm ra các giải pháp cho hiện tượng di cư tỵ nạn trên thế giới hiện nay.

Lễ phong thánh cho chân phước Junipero Serra, một trong những vị sáng lập ra đất nước Hoa Kỳ, thừa sai và bổn mạng của ngưòi Mỹ nói tiếng Tây Bn Nha,  sẽ là dịp để ĐTC đề cập tới sứ mệnh rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng và phần đóng góp quan trọng của các anh chị em gốc Mỹ Latinh cho quốc gia này.

Việc phát biểu trước Quốc Hội Mỹ sẽ là dịp ĐTC đề cập đến vấn đề môi sinh, bản chất siêu việt của con người, từ đó nảy sinh ra phẩm giá và các  quyền căn bản của con người, nhất là quyền sống và tự do tôn giáo. Và chắc chắn ĐTC sẽ kêu gọi thay đổi kiểu sống để là những người bảo vệ thiên nhiên,  chứ không phải là những người thống trị và tấn công thụ tạo.

Khi tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình DTC chắc chắn sẽ nêu bật vẻ đẹp và sứ mệnh cao quý của gia đình, cũng như các khó khăn và thách đố mà gia đình phải đương đầu trên thế giới hiện nay và mời gọi toàn Giáo Hội loan báo Tin Mừng của gia đình và trợ giúp các gia đình chu toàn nhiệm vụ quan trọng không thể thay thế được này (SD 17-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi mỗi giáo xứ đón nhận 1 gia đình tị nạn

Đức Thánh Cha kêu gọi mỗi giáo xứ đón nhận 1 gia đình tị nạn

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 6-9-2015, ĐTC Phanxicô kêu gọi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, đan viện, đền thánh ở Âu Châu hãy đón nhận một gia đình tị nạn, như giáo phận Roma và cả Vatican cũng làm.

Trong bài huấn dụ ngắn trước hơn 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 23 thường niên, thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa người câm điếc, ”biểu tượng của một người không tín ngưỡng hành trình tiến về đức tin”, và sau khi ban phép lành ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây.

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (Mc 7,31-37) kể lại Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc, một biến cố lạ lùng chứng tỏ cách thức Chúa Giêsu tái lập sự đả thông trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Phép lạ này diễn ra trong khung cảnh vùng Thập Tỉnh, nghĩa là ngay trong vùng đất của dân ngoại; vì thế người câm điếc ấy được dẫn đến Chúa Giêsu tượng trưng cho người không tín ngưỡng đang thực hiện một hành trình tiến về đức tin. Thực vậy, bệnh điếc của anh ta biểu lộ sự thiếu khả năng lắng nghe và hiểu không những lời con người, nhưng cả Lời Chúa nữa. Và thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng ”Đức tin nảy sinh từ sự lắng nghe lời giảng” (Rm 10,17).

Điều đầu tiên mà Chúa Giêsu làm, là đưa người ấy ra xa khỏi đám đông: Chúa không muốn quảng cáo cử chỉ Ngài sắp thực hiện, và cũng chẳng muốn lời của Ngài bị lấn át vì những tiếng ồn ào huyên náo truyện trò của khung cảnh chung quanh. Lời mà Chúa Kitô thông truyền cho chúng ta cần sự thinh lặng để được lắng nghe như Lời chữa lành, hòa giải, tái lập sự cảm thông”.

Rồi có hai cử chỉ của Chúa Giêsu được làm nổi bật: Ngài động chạm đến đôi tai và lưỡi của người bị ”bế tắc” trong sự đả thông, và Ngài khẩn cầu phép lạ từ trên cao, từ Chúa Cha; vì thế Ngài ngước mắt lên trời và truyền: 'Hãy mở ra!”. Và tai người điếc mở ra, giây ràng buộc lưỡi của anh cũng được tháo cải và anh bắt đầu nói đúng (cfr v.35).

ĐTC nói: ”giáo huấn mà chúng ta rút ra từ giai thoại này là ”Thiên Chúa không khép kín nơi mình, nhưng cởi mở và đả thông với nhân loại. Trong lượng từ bi vô biên của Ngài, Ngài vượt lên trên vực thẳm của sự khác biệt vô biên giữa Ngài và chúng ta, và đến gặp chúng ta. Để thực hiện sự đả thông ấy với con người, Thiên Chúa đã làm người: đối với Chúa, nói qua lề luật và ngôn sứ mà thôi vẫn chưa đủ, Ngài còn hiện diện nơi người Con của Ngài là Lời nhập thể làm người. Chúa Giêsu là nhà ”đại bắc cầu”, kiến tạo nơi mình chiếc cầu lớn của tình hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha.

Nhưng bài Tin Mừng này cũng nói về chúng ta: ”Nhiều khi chúng ta co cụm và khép kín vào mình, và chúng ta tạo ra bao nhiêu hòn đảo không tới được và đầy chướng khí. Thậm chí các quan hệ sơ đẳng nhất giữa con người đôi khi cũng tạo nên những thực tại không có khả năng cởi mở đối với nhau: vợ chồng khép kín với nhau, gia đình, các nhóm giáo xứ, và cả đất nước cũng khép kín.. và điều này không phải là của Thiên Chúa. Nó là của chúng ta, là tội lỗi của chúng ta”.

 ”Nơi căn cội đời sống Kitô của chúng ta, trong phép rửa tội, có cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu: ”Effata! Hãy mở ra!”. Và phép lạ được hoàn thành: chúng ta được chữa lành khỏi bệnh điếc của ích kỷ, và bệnh câm của sự khép kín và tội lỗi, và chúng ta được tháp nhập vào đại gia đình của Giáo hội; chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và thông truyền Lời Chúa cho những người không bao giờ được nghe, hoặc cho những người đã quên lãng hay chôn vùi Lời ấy dưới những gai góc của lo âu và lừa đảo của thế gian.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Thánh là người phụ nữ lắng nghe và vui mừng làm chứng, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm tuyên xưng niềm tin của chúng ta và thông truyền những kỳ công của Chúa cho những người chúng ta gặp trên đường đời”.

Kêu gọi

Sau khi ban phép lành, ĐTC nói thêm rằng:

”Anh chị em thân mến, người ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các việc làm của chúng ta, như cuộc sống của chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta mà chúng ta tưởng niệm ngày qua đời hôm 5-9 này.

Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành ”những người thân cận của những ngừơi bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể. Nếu chỉ nói ”Can đảm lên, hãy kiên nhẫn!..” mà thôi thì chưa đủ. Niềm hy vọng Kitô có sức phấn đấu, với sự kiên trì của người đang tiến về một mục tiêu chắc chắn. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thành ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Roma của tôi.

Tôi ngỏ lời với các anh em GM Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: ”Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

Cả hai giáo xứ ở Vatican cũng sẽ đón nhận 2 gia đình tị nạn trong những ngày này.

ĐTC cũng nói bằng tiếng Tây Ban nha để kêu gọi hòa bình giữa hai nước Venezuela và Colombia. Ngài nói:

”Trong những ngàynày, các GM Venezuela và Colombia đã nhóm họp để cùng cứu xét tình cảnh đau thương xảy ra ở biên giới hai nước. Tôi thấy trong cuộc gặp gỡ này một dấu hiệu hy vọng rõ ràng. Tôi mời gọi tất cả, đặc biệt là hai dân tộc yêu quí, Venezuela và Colombia, hãy cầu nguyện để với tinh thần liên đới và huynh đệ, có thể khắc phục những khó khăn hiện nay”.

ĐTC cũng nhắc lại sự kiện:

”Hôm qua, ở thành Girona bên Tây Ban Nha, có 3 nữ tu được tôn phong chân phước, Fidelia Oller, Giuseppa Monrabal và Feconda Margenat, thuộc dòng thánh Giuse ở Girona, bị giết vì lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội. Mặc dù bị ngăm đe dọa nạt, các phụ nữ ấy vẫn can đảm ở lại nhiệm sở để săn sóc các bệnh nhân trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Ước gì chứng tá anh dũng của các chị, cho đến độ đổ máu đào, mang lại sức mạnh và hy vọng cho bao nhiêu người ngày nay đang bị bách hại vì đức tin Kitô. Và chúng ta biết rằng họ rất đông đảo.

Sau cùng, ĐTC chào thăm các nhóm tín hữu hành hương, và ngài đặc biệt nghĩ đến các cuộc tranh tài thể thao Phi châu lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Brazzaville, thủ đô Congo, từ hai ngày nay với sự tham dự của hàng ngàn vận động viên thuộc đại lục này. Tôi cầu chúc đại lễ thể thao này góp phần vào hòa bình, tình huynh đệ và sự phát triển tất cả các nước Phi châu. Chúng ta hãy chào thăm những người Phi châu đang tham dự Vận hội thể thao thứ 11 này.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện. Một con tim có tình yêu thương đối với Thiên Chúa biến thành lời cầu nguyện cả một tư tưởng không lời, hay một lời khẩn cầu trước một ảnh tượng thánh hay một nụ hôn gửi về phía nhà thờ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ Hoa Kỳ và Canada, có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Âu châu như Pháp, Đức, Áo, Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, cũng có các nhóm tín hữu đến từ Trung Quốc, Dubai, Nigeria, hay từ Mỹ Latinh như Brazil.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý thời giờ cầu nguyện trong gia đình. Đề cập đến lời than thông thường nhất liên quan tới việc cầu nguyện ĐTC nói:

Lời than thông thường nhất của các kitô hữu liên quan tới thời giờ là: “Con muốn cầu nguyện nhiều hơn… con muốn làm điều đó, nhưng con thiếu giờ”. Sự khó chịu này chắc chắn là thành thật, bởi vì trái tim con người luôn luôn kiếm tìm lời cầu nguyện, cả khi không biết nó. Và nếu nó không tìm ra lời cầu nguyện, nó không có sự bình an.  Nhưng để gặp nhau, cần phải vun trồng trong con tim một tình yêu “nồng cháy” đối với Thiên  Chúa, một tình yêu trìu mến.

Chúng ta có thể tự đặt cho mình một câu hỏi rất đơn sơ. Tin nơi Thiên Chúa với tất cả con tim, tốt rồi, hy vọng rằng Chúa trợ giúp chúng ta trong các khó khăn, tốt rồi, cảm thấy có bổn phận phải cám ơn Chúa, tốt rồi. Tất cả đều chính đáng. Nhưng chúng ta có yêu Chúa một chút không? Tư tưởng về Thiên Chúa có làm cho chúng ta cảm động không, có khiến chúng ta ngạc nhiên không, có làm cho chúng ta hiền dịu không?

Chúng ta hãy nhớ tới công thức của giới răn lớn nâng đỡ mọi giới răn khác: “Con hãy yêu Chúa Thiên Chúa của con với hết con tim, hết linh hồn và sức lực con” (Đnl 6,5, x. Mt 22,37). Công thức dùng ngôn ngữ mạnh mẽ của tình yêu, bằng cách đổ dồn nó về cho Thiên Chúa. Đó, tất cả tinh thần của lời cầu nguyện trước hết là ở đây. Và nếu nó ở đây, thì nó chiếm hữu tất cả thời gian và không bao giờ ra khói đó nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Chúng ta có thành công nghĩ tới Thiên Chúa như cái vuốt ve giữ gìn chúng ta sống, mà trước đó không có gì không? Một cái vuốt ve mà không gì, kể cả cái chết, có thể tách rời chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nghĩ Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã làm ra mọi sư, là vị Thẩm Phán kiểm soát mọi hành động của chúng ta? Dĩ nhiên tất cả đều đúng. Nhưng chỉ khi Thiên  Chúa là sự trìu mến của tất cả mọi trìu mến của chúng ta, ý nghĩa của các lời này mới tràn đầy. Khi đó chúng ta cảm thấy hạnh phúc và cũng hơi xấu hổ một chút, bởi vì Ngài nghĩ tới chúng ta và nhất là yêu thương chúng ta. Đây lại không phải là điều hay đẹp sao? Ngài đã có thể làm cho mình được nhận biết một cách đơn sơ như Đấng Tối Cao, ban các giới răn và chờ đợi các kết quả thôi. Nhưng Thiên Chúa đã và đang làm hơn điều này, một cách vô tận.

Nếu lòng trìu mến đối với Thiên Chúa không thắp lên ngon lửa, tinh thần cầu nguyện không suởi ấm thời gian. Chúng ta cũng có thể thêm “nhiều lời” như dân ngoại làm, như Chúa Giêsu nói; hay cả đến trình bầy các lễ nghi của chúng ta “như các  người Pharisêu làm” (x. Mt 6,5.7). Rồi ĐTC miêu tả một con tim có Chúa ngự trị như sau:

Một con tim được ở bởi sự trìu mến đối với Thiên Chúa, nó biến thành lời cầu nguyện cả môt tư tưởng không lời, hay một khẩn cầu trước ảnh tuợng thánh, hoặc một nụ hôn gửi tới nhà thờ. Thật đẹp biết bao khi các bà mẹ dậy cho các con nhỏ gửi một cái hôn tới cho Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Trong lúc đó trái tim của các trẻ em biến thành nơi cầu nguyện. Và đây là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên xin ơn này cho từng người trong chúng ta! Thần Khí của Thiên Chúa có kiểu đặc biệt nói trong con tim chúng ta “Abba Cha ơi” như Chúa Giêsu nói, một kiểu mà chúng ta sẽ không bao giờ một mình tìm ra được (x. Gl 4,6). Ơn này của Chúa Thánh Thần  chính trong gia đình mà chúng ta học xin và đánh giá cao. Nếu bạn học nó với cùng sự tự phát, mà bạn học gọi “mẹ “ hay “cha”, bạn đã học được luôn mãi. Khi điều này xảy ra, thòi gian của toàn cuộc sống gia đình bị lôi cuốn vào cung lòng tình yêu của Thiên Chúa và tự động tìm ra giờ cầu nguyện.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta biết thời giờ của gia đình là một thời giờ phức tạp và đầy sinh hoạt, bận rộn và lo lắng. Nó luôn luôn ít, và không bao giờ đủ. Ai có một gia đình thì mau chóng học giải quyết một phương trình mà cả các nhà toán học giỏi  nhất cũng không giải được: trong vòng 24 giờ người ta làm cho nó thành gấp đôi. Có những người cha và người mẹ đáng lãnh giải Nobel về diều này!

Tinh thần cầu nguyện trả lại thời giờ cho Thiên Chúa, nó ra khỏi nỗi ám ảnh của một cuộc sống luôn luôn thiếu thời giờ, tìm lại được niềm an bình của các việc cần thiết, và khám ra niềm vui  của các món quà không chờ đợi. Hai chị em Marta và Maria, mà Phúc Âm nói tới,  là những người hướng dẫn tốt trong việc này. Họ học được từ Thiên Chúa sự hài hòa của các tiết nhịp gia đình: vẻ đẹp của các ngày lễ, sự thanh thản của công việc làm, tinh thần cầu nguyện (x. Lc 10,38-42). Cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu mà họ rất yêu mến đã là ngày lễ của họ. Tuy nhiên, một ngày kia Marta học biết rằng sự hiếu khách, tuy quan trọng, nhưng không là tất cả, nhưng lắng nghe Chúa, như Maria đã làm, đã là điều thực sự nòng cốt, là phần nhất của thời gian. Lời cầu nguyện vọt lên từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Tin Mừng, từ chỗ tin tưởng nơi lời Chúa. Trong gia đình có sự tin tưởng này không? Chúng ta có sách Phúc Âm trong nhà không? Chúng ta có thỉnh thoảng mở ra để đọc chung với nhau không? Chúng ta có suy gẫm trong khi lần hạt Mân Côi không? Tin Mừng được đọc và suy gẫm trong gia đình giống như bánh ngon dưỡng nuôi con tim của mọi người. Vào ban sáng và ban chiều, khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, hãy tập cũng nhau đọc một lời cầu nguyện rất đơn sơ: đó là Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Ngài đã đến nhà của Marta, Maria và Ladarô vậy.

Trong lời cầu nguyện của gia đình, trong những lúc mạnh khỏe cũng như trong những lúc khó khăn, chúng ta hãy tín thác nơi nhau, mỗi người được gìn giữ bởi tình yêu của Thiên Chúa.

ĐTC đã kêu gọi tín hữu Roma và du khách hành hương tham dự “Ngày quốc tế cầu nguyện cho việc săn sóc thụ tạo” mùng 1 tháng 9 tới đây. Ngài nói: Trong niềm hiệp thông với các anh em chính thống và với mọi người thiên chí, chúng ta muốn cống hiến phần đóng góp của chúng ta cho việc thắng vượt cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang sống.

Trên toàn thế giới trong các thực tại khác nhau của các Giáo Hội địa phương người ta đã đề ra các sáng kiến thích hợp cầu nguyện và suy tư  để làm cho Ngày này trở thành một thời điểm mạnh mẽ nhằm có các kiểu sống trung thực.

Với các Giám Mục, linh mục, các người sống đời thánh hiến và tín hữu giáo dân của các cơ quan trung ương Tòa Thánh chúng ta sẽ gặp nhau trong đền thờ thánh Phêrô lúc 17 giờ cho buổi cử hành Lời Chúa, mà ngay từ bầy giơ tôi mời tín hữu Roma cũng như du khách hành hương và những ai muốn, cùng tham dự.

ĐTC đã chào các nhóm hành hương và cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố đức tin và giúp họ đồng cảm với Giáo Hội. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho gia đình.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu dòng Thánh Nhan và các nữ tu Preziosine tỉnh Monza, cả hai dòng đang tham dự tổng tu nghị, cũng như các thành viên Tu hội đời Gia đình Phan sinh nhỏ”.

Ngài nhắc cho mọi người biết hôm nay lễ nhớ thánh nữ Monica, mẹ của thánh Agostino. Chúng ta hãy phó thác các đôi tân hôn và cha mẹ kitô cho lời bầu cử của hai thánh, để họ noi gương các ngài đồng hành với con cái qua gương sống và lời cầu nguyện. Ngài cũng phó thác cho các vị các anh chị em đau yếu và những người cần ủi an và chú ý. Ngài cầu mong các bạn trẻ noi gương thánh Agostino hướng tới Chân Lý và tình Yêu tràn đầy.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hành trình đức tin

Hành trình đức tin

Đức tin là một con đường: con đường dẫn ta tới Chúa. Đây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết. Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó là những khi niềm tin dâng đầy. Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng đức tin sẽ phải trải qua những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá. Ta gặp khó khăn thử thách. Ta gặp đau khổ thất bại. Ta không tìm đâu ra lối thoát. Ta như chìm trong đêm tối mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối. Đó là khi niềm tin bị thử thách, bị nghiêng ngả chao đảo. Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Ta muốn bỏ cuộc, rẽ sang đường khác. Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, thoải mái hơn.

Đó là trường hợp của những người Do Thái và một số môn đệ hôm nay.

Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái. Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.

Thế mà hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, đám đông đã bỏ Chúa. Một số môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi. Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Đức tin gặp thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách. Họ đã thất vọng bỏ cuộc. Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín. Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Đức tin phải trải qua thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực. Chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.

Giữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phêrô đã đại diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Đức Kitô. Dù chưa hiểu những điều Đức Giêsu nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người. Thế mới gọi là tin. Vì chưa thấy nên mới cần tin. Đã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa. Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý. Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nuớc, các ông hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người. Đó là hai khía cạnh trái ngược của niềm tin. Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong đêm tối. Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin. Nhưng màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại. Chính vì thế mà niềm tin mới có giá trị và cần thiết.

Lời tuyên xưng của thánh Phêrô lại càng có giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa. Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các Tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.

Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo. Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản ta. Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách như thế, ta hãy nhớ đên những lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Niềm tin tuyên xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa. Sự trung tín vượt qua được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.

Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai. Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Đã có khi nào bạn cảm thấy niềm tin chao đảo, lung lay? Bạn đã làm gì để vượt qua những giờ phút khó khăn đó?

2- Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Bạn có xác tín điều đó không?

3- Sau khi những khó khăn qua đi, bạn nhìn thấy tất cả đều là ơn Chúa. Bạn có kinh nghiệm đó không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Minh xác của Ban Tổ Chức về việc qua Cửa Năm Thánh

Minh xác của Ban Tổ Chức về việc qua Cửa Năm Thánh

Cua Nam Thanh

VATICAN. Ngoại trừ trường hợp Đền thờ Thánh Phêrô, không cần đăng ký trước để đi qua Cửa Năm Thánh ở 3 Đền thờ khác: Thánh Gioan Laterano, Đức Bà Cả và Phaolô ngoại thành.

Trên đây là minh xác của Ban Tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót, thuộc Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, trong thông cáo ngày 20-8 vừa qua.

Về việc đi qua Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, thông cáo cho biết:

1. Để giúp các tín hữu thực hiện một cuộc hành hương ngắn tiến về Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô, Ban tổ chức dự trù một lộ trình đi bộ dành riêng cho các tín hữu lữ hành: bắt đầu từ Lâu Đài Thiên Thần (Castel Sant'Angelo), đi qua đường Hòa Giải, quảng trường Piô 12 và quảng trường Thánh Phêrô để đi vào Cửa Năm Thánh. Vì có đông người nên tín hữu được tha thiết khuyên thông báo việc mình tới Roma và thời gian muốn thực hiện cuộc hành hương như vậy.

2. Để tránh những chờ đợi vô ích và để tạo điều kiện tháp tùng tinh thần khi tiến qua Cửa Năm Thánh, điều quan trọng là các nhóm có tổ chức hãy lo liên lạc với Văn phòng Tổ chức, qua phân bộ ”Registrazione pellegrini” (Đăng ký tín hữu hành hương” ở trang mạng chính thức của Năm Thánh (www.im.va) sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2015.

3. Sau khi đăng ký trên mạng ấy, ngoài việc ghi tên dự các Biến Cố Lớn, có thể chọn ngày giờ phỏng chừng để đi qua Cửa Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô.

4. Văn phòng tổ chức sẽ xác nhận đơn xin đăng ký và cho biết thời khóa biểu tốt nhất nên trình diện để bắt đầu lộ trình (từ Lâu Đài Thiên Thần) tiến về Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô. Phương thức này giúp giảm bớt tối đa sự chờ đợi, đồng thời bảo đảm bầu không khí cầu nguyện và tịnh niệm khi hành hương đi bộ tiến về Cửa Năm Thánh.

5. Có thể đăng ký theo nhóm hoặc cá nhân tín hữu hành hương. Nên thực hiện việc đăng ký duy nhất, kể cả cho một nhóm nhỏ không có tổ chức, hoặc một nhóm gia đình, để có thể đi chung với nhau trong cùng một thời điểm.

6. Để có thêm thông tin, và đối với những tín hữu không đăng ký trước trên mạng, thì chúng tôi mời họ đến ”Trung Tâm tiếp đón khách hành hương” ở số 7 đường Hòa Giải (Via della Conciliazione) sắp được mở cửa. Tại đây có những người thiện nguyện giúp thực hiện cuộc hành hương vào lúc thuận tiện nhất.

Tất cả 4 Đền thờ Giáo Hoàng ở Roma đều có một ban cứu cấp, do những người thiện nguyện phục vụ. Ngoài ra có những người thiện nguyện giúp đỡ những người khuyết tật.

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Bánh Thánh Thể

Bánh Thánh Thể

Bài đọc 1 trích sách Châm Ngôn: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế”. Theo lời sách Châm Ngôn, bánh và rượu đây là Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan được “thiên cách hóa” như chính Thiên Chúa: “đừng ngây thơ dại ngờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết”.

Tin Mừng thánh Gioan chương 6 cho thấy Chúa Giêsu Kitô chính là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống, “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.

Trang Tin Mừng hôm nay là đỉnh cao của mạc khải Đức Khôn Ngoan Nhập Thể trở thành Bánh Thánh Thể.

Chúa Giêsu khẳng định: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do thái phản ứng và tranh luận sôi nổi: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.

Chúa Giêsu giải thích và khẳng định thêm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”.

Chúa Giêsu cho biết hiệu năng khi “ăn thịt và uống máu” là được kết hiệp mật thiết với Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.

Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu năng của Manna mới: “Tổ tiên các ngươi đã ăn mana và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.

Những lời Chúa Giêsu giảng dạy mạc khải rõ ràng về Bí Tích Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể được Chúa tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum.

Bí Tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong Tiệc Ly: “Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán:Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. (Mt 26,26-29).

Bí Tích Thánh Thể được Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh” (Lc 24,13-35).

Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.

Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.

Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.

Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.

Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một tấm bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cor10,17). Như thế bàn tiệc Thánh Thể là nguồn mạch của yêu thương, cảm thông và hiệp nhất.

Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy "khoảng cách" giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên "công hiệu", làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay "biến thể". Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép:

– "Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

– "Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

– "Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: "Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống…" (Mt 25, 35- 36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x.simonhoadalat.com, Tặng phẩm Thần Linh, ĐGM Bùi Văn Đọc).

Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một…” (Ga 3, 16) và Con Một là Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.

Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.

Trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên các tín hữu: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”, đồng thời: “Hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời gian hiện tại…hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa…hãy thấm nhuần Thần Khí”. Ý Thiên Chúa muốn chúng ta sống yêu thương như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương.

Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Ngày lễ là món quà quý báu Thiên Chúa ban cho gia đình nhân loại

Ngày lễ là món quà quý báu Thiên Chúa ban cho gia đình nhân loại

ĐTC an ủi trẻ em

Chính Thiên Chúa đã tạo ra ngày lễ và ban tặng nó cho toàn gia đình nhân loại, để con người biết có cái nhìn yêu thương và biết ơn đối với công việc được làm cách tốt đẹp, và ý thức  mình là chủ, chứ không phải là nô lệ của lao động. Nô lệ lao động là chống lại Thiên Chúa và phẩm giá con người.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ ngài đã nói về tiết nhịp cuộc sống trong gia đình bao gồm ngày lễ, lao động và cầu nguyện. Trước hết là ngày lễ. Chúng ta phải nói ngay rằng nó là một sáng chế của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ kết thúc trình thuật tạo dựng trong sách Sáng Thế viết rằng: “Ngày thứ bẩy Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì trong ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2,2-3). Chính Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết sự quan trọng phải dành một thời gian để chiêm ngưỡng và nếm hưởng điều đã được thi hành tốt trong công việc làm. Tôi nói tới việc làm, dĩ nhiên không phải chỉ trong nghĩa của nghề nghiệp và việc làm chuyên môn, mà trong nghĩa rộng rãi hơn: mọi hoạt động qua đó các người nam nữ có thể cộng tác với công trình sáng tạo của Thiên Chúa. ĐTC minh xác ý nghĩa ngày lễ như sau:

Như thế ngày lễ không phải là sự ươn lười  ngồi trong ghế bành, hay cái say sưa của một việc trốn tránh dại dột. Ngày lễ trưóc hết là một cái nhìn đầy tình yêu thương và biết ơn trên công việc đã đuợc làm tốt đẹp. Nó là thời gian để nhìn con cái hay cháu chắt đang lớn lên và nghĩ: thật đẹp biết bao! Nó là thời gian để chúng ta nhìn nhà cửa của mình, nhìn các bạn bè mà chúng ta cho trú ngụ, nhìn cộng đoàn chung quanh chúng ta và nghĩ: thật là điều tốt đẹp biết bao! Thiên Chúa đã làm như vậy. Và Ngài tiếp tục làm như thế, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn tạo dựng, cả trong lúc này nữa!

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói : có thể xảy ra là một ngày lễ đến trong các hoàn cảnh khó khăn hay đau đớn, và người ta cử hành nó với «cổ họng tắc nghẽn”. Tuy nhiên, cả trong những trường hợp này nữa, chúng ta xin Thiên Chúa sức mạnh để đừng làm nó trống trỗng hoàn toàn. Anh chị em là cha mẹ, anh chị em biết rõ điều này: biết bao lần, vì yêu thương con cái, anh chị em có khả năng nuốt xuống các phiền muộn để cho chúng sống ngày lễ tốt đẹp, để chúng nếm hưởng ý nghĩa tốt lành của cuộc sống! Có biết bao nhiêu tình yêu thương trong đó!

Cả trong môi trường của việc làm đôi khi – không giảm sút với các bổn phận – chúng ta biết “để cho thấm nhập” vài biểu lộ của ngày lễ mừng: một ngày sinh nhật, một đám cưới, một đứa bé mới sinh, cũng như một giã từ hay một mới tới…. nó quan trọng. Đó các thời điểm của tình gia đình trong guồng máy của việc sản xuất: nó tốt cho chúng ta!

Nhưng thời gian đích thật của ngày lễ làm ngưng công việc chuyên môn, và nó thánh thiêng, bởi vì nó nhắc cho con người nam nữ biết rằng họ đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, là Đấng không nô lệ công việc nhưng là Chủ, và như thế cả chúng ta nữa chúng ta không bao giờ phải là nô lệ công việc làm, nhưng là các “chủ nhân”. Có một  luật cho điều này, một luật liên quan tới tất cả mọi người, không trừ ai! ĐTC ghi nhận sự thật mâu thuẫn trong xã hội ngày nay như sau:

Nhưng trái lại chúng ta biết rằng có hàng triệu người nam nữ và cả trẻ em nữa là nô lệ của việc làm! Điều này chống lại Thiên Chúa và chống lại phẩm giá con người. Sự ám ảnh của lợi nhuận kinh tế và chủ trương duy hiệu năng của kỹ thuật gây nguy hiểm cho các tiết nhịp nhân bản của cuộc sống. Thời giờ nghỉ ngơi, nhất là nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật, được chỉ định cho chúng ta để chúng ta có thể hưởng nếm cái không thể sản xuất và không thể tiêu thụ, không thể mua, cũng không thể bán. Nhưng trái lại, chúng ta thấy rằng ý thức hệ của lợi nhuận và tiêu thụ muốn ăn sống cả ngày lễ nữa: cả ngày lễ đôi khi cũng bị giản lược vào một “vụ làm ăn”, một kiểu để làm tiền và để tiêu tiền. Nhưng chúng ta làm việc cho điều này à? Cái ham hố của việc tiêu thụ bao gồm việc phung phí, là một vi rút xấu khiến cho cuối cùng chúng ta mệt mỏi hơn trước. Nó làm hại cho công việc đích thực và  hao mòn cuộc sống. Các tiết nhịp vô luật lệ của ngày lễ gây ra các nạn nhân, thường là người trẻ.

Sau cùng thời gian ngày lễ thánh thiêng, bởi vì Thiên Chúa ở trong đó một cách đặc biệt. Bí tích Thánh Thể Chúa Nhật đem lại cho ngày lễ  tất cả ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô: sự hiện diện của Ngài, tình yêu của Ngài, hy tế của Ngài, việc biến chúng ta trở thành cộng đoàn, sự kiện Ngài ở với chúng ta… Và như vậy mỗi thực tại  nhận được ý nghĩa tràn đầy của nó: công việc làm, gia đình, các niềm vui và các mệt nhọc của mỗi ngày, cả nỗi khổ đau và cái chết nữa; tất cả đều được biến đổi bởi ơn thánh của Chúa Kitô.

Gia đình được trang bị một khả năng chuyên môn ngoại thường để hiểu, hướng dẫn và nâng đỡ giá trị đích thật của thời điểm ngày lễ, và cách riêng của ngày Chúa Nhật. Chắc chắn không phải là một trường hợp nếu các ngày lễ trong đó có chỗ cho toàn gia đình lại là những lễ thành công nhất!

Chính cuộc sống gia đình, đưọc nhìn với con mắt đức tin, xuất hiện tốt đẹp hơn các mệt nhọc chúng ta phải chịu. Nó xuất hiện như một tuyệt tác của sự đơn sơ, xinh đẹp bởi vì không giả tạo, không giả dối, nhưng có khả năng bao gồm mọi khía cạnh của cuộc sống thật. Nó xuất hiện như một điều “rất tốt”, như Thiên Chúa đã nói sau khi tạo dựng người nam và người nữ (St 1,31). Ngày lễ là một món qua qúy báu Thiên Chúa đã ban cho gia đình nhân loại: chúng ta đừng làm nó hư hỏng đi!

ĐTC đã chào nhiều nhóm hành hương hiện diện, trong đó có nhóm bạn trẻ Pháp thuộc hiệp hội Claire Amitié, các đoàn hành hương đến từ Zimbabwe, Philippines, Trinidad và Tobago. Ngài chúc các gia đình  cử hành tình yêu và lòng thương xót Chúa mọi ngày và là dấu chỉ sự hiện diện liên lỉ của Chúa trong thế giới này.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói thứ bẩy tới đây là lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời. Trong dịp này nhiều tín hữu Ba Lan được các linh mục tu sĩ nam nữ hướng dẫn đi hành hương Đền thánh Đức Bà Jasna Gora để kính viếng Mẹ và xin Mẹ bầu cử cho các ý chỉ của từng người. Tôi xin hiệp ý với cuộc hành hương của anh chị em ở đền thánh cũng như ở đây trong lời cầu nguyện cho anh chị em và gia đình của anh chị em.

Trong số các đoàn hành hương Italia ĐTC chào các nữ tu dòng thánh nữ Marta đang họp tổng tu nghị và khích lệ các chị tiếp tục tươi vui dấn thân phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo, và noi gương đấng sáng lập là chân phưóc Tommaso Reggio, người thường nói: “Lòng bác ái có cánh dưới chân, các con hãy bay tới nơi nào sự nghèo khó của người nghèo nhất xin điều đó”. Ngài cũng chào các tham dự viên Trại hè quốc tế của hiêp hội Giới trẻ “Giorgio La Pira” và các tham dự viên đại hội “Luân lý đạo đức và nền Dân chủ”. Ngài cũng chào các nữ tu dòng Đức Bà Thiên Chúa Tình Yêu đang họp tu nghị. ĐTC chúc các chị canh tân dấn thân sống linh đạo tông đồ phục vụ.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ ba vừa qua Giáo Hội kính nhớ thánh nữ Clara thành Assisi, mẫu gương rạng rỡ của người trẻ biết sống can đảm và quảng đại  gắn bó với Chúa Kitô. Ngài thúc giục các bạn trẻ noi gương thánh nữ đáp trả lại lời mời gọi của Chúa. Ngài khích lệ các người đau yếu kết hiệp với Chúa Kitô mỗi ngày trong khổ đau để mưu cầu ơn cứu độ cho mọi người. Sau cũng ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn luôn là tông đồ tình yêu trong gia đình họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Các kitô hữu đã ly dị và tái hôn không bị dứt phép thông công

Các kitô hữu đã ly dị và tái hôn không bị dứt phép thông công

Các người đã ly dị và tái hôn không bị dứt phép thông công và tuyệt đối  không bị đối xử như vậy: họ luôn là thành phần của Giáo Hội. Mọi kitô hữu và nhất là các gia đình kitô đều được mời gọi noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, cộng tác với Ngài để săn sóc các gia đình bị thương tích ấy, bằng cách đồng hành với họ trên con đường đức tin của cộng đoàn.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Mở dầu bài huấn dụ ĐTC nói: lần trước chúng ta đã đề cập đến các gia đình bị thương tích vì sự không hiểu biết của các cặp vợ chồng, hôm nay chúng ta chú ý tới một thực tại khác: đó là làm sao săn sóc họ, sau thất bại không thể chuyển đảo đuợc của mối dây hôn nhân họ đã tái lập gia đình. ĐTC nói:

Giáo Hội biết rõ rằng một tình trạng như thế trái ngược với Bí tích kitô. Tuy nhiên cái nhìn là thầy dạy của Giáo Hội luôn kín múc từ một con tim hiền mẫu; một con tim đuợc linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, luôn luôn kiếm tìm thiện ích và vẻ đẹp của con người.  Vì thế Giáo Hội cảm thấy có bổn phận , “vì tình yêu đối với sự thật”, phải phân định các tình hình”. Thánh Gioan Phaolô II  đã diễn tả như thế trong Tông huấn về Gia Đình “Familiaris consortio” (s. 84) bằng cách đưa ra thí dụ sự khác biệt giữa người chịu sự phân ly đối với người đã gây ra việc phân lý đó. Cần phải có sự phân định này.

 Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thế rồi nếu chúng ta cũng nhìn các môi dây liên kết mới này với con mắt của các đứa con nhỏ, và các trẻ nhỏ nhìn với con của trẻ em, chúng ta lại còn thấy hơn nữa sự cấp bách của việc phát triển trong các cộng đoàn của chúng ta một sự tiếp đón thực sự đối với những người sống các tình trạng này. Họ là những người đau khổ nhất, trong các tình trạng ấy.

Vì thế thật là quan trọng, kiểu sống, ngôn từ, các thái độ của cộng doàn luôn luôn chú ý tới các anh chị em này, bắt đầu từ các trẻ nhỏ. Ngoàỉ ra, làm sao chúng ta có thể  nhắn nhủ các cha mẹ này làm tất cả nhũng gì có thể để giáo dục con cái họ sống đời kitô bằng cách nêu gương sống một đức tin xác tín và thực hành  cho con cái họ, nếu chúng ta giữ họ xa cách với cuộc sống của cộng đoàn, như thể là họ bị dứt phép thông công? Phải làm sao để đừng chất thêm các gánh nặng khác trên các gánh nặng mà con cái đã phải mang trong các tình trạng này! Rất tiếc con số các trẻ em và người trẻ này thật là rất lớn. Thật quan trọng là chúng cảm nhận Giáo Hội như một bà mẹ chú ý tới tất cả mọi người, luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và gặp gỡ.

Thật ra trong các thập niên này Giáo Hội đã không vô cảm cũng không lười biếng. Nhờ việc đào sâu nhiệm vụ của các Chủ Chăn, được các vị Tiền Nhiệm của tôi hướng dẫn và xác nhận, đã lớn lên rất nhiều ý thức cần phải có một sự tiếp đón huynh đệ, trong tình yêu thương đối với các tín hữu đã đuợc rửa tội đã thiết lập một cuộc sống chung mới sau thất bại của hôn nhân bí tích. Thật ra, các anh chị em này không bị dứt phép thông công, họ không bị dứt phép thông công, và tuyệt đối không bị đối xử như thế: họ luôn luôn là thành phần của Giáo Hội.

ĐTC Biển Đức XVI đã can thiệp vào vấn đề này, bằng cách khích lệ một sự phân định chú ý và một việc đồng hành mục vụ khôn ngoan, vì biết rằng không có các “thí dụ như đơn thuốc” (Diễn văn tại Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới lần thứ VII, Milano 2-6-2012, câu trả lời 5).  Và ĐTC minh xác thêm thái độ Giáo Hội cần có như sau:

Từ đó có việc lập đi lập lại lời mời gọi các Chủ Chăn bày tỏ công khai và trung thực sự sẵn sàng của cộng đoàn tiếp đón họ và khích lệ họ, để họ sống và luôn ngày càng phát triển sự tuỳ thuộc của họ vào Chúa Kitô và Giáo Hội bằng lời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, tham dự phụng vụ, giáo dục con cái sống đời Kitô, bác ái và phục  vụ người nghèo, dấn thân cho công lý và hòa bình.

Hình ảnh kinh thánh về vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10.11-18) tóm tắt sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã nhận được từ Thiên Chúa Cha: đó là trao ban sự sống cho đoàn chiên. Thái độ đó cũng là một mô thức cho Giáo Hội, tiếp đón con cái mình như một bà mẹ ban sự sống mình cho chúng. “Giáo Hội được mời gọi luôn luôn là căn nhà rộng mở của Thiên Chúa Cha… Không có chuyện đóng cửa! Không có chuyện đóng cửa! Tất cả mọi người đều có thể tham dự trong một cách thức nào đó vào cuộc sống giáo hội, tất cả đều có thể là thành phần của cộng đoàn. Giáo Hội… là nhà cha, nơi có chỗ cho từng người với cuộc sống nhọc nhằn của mình” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, s. 47).

Cũng thế, tất cả mọi Ktô hữu đều được mời gọi noi gương Vị Mục Tử Nhân Lành. Nhất là các gia đình kitô có thể cộng tác vói Ngài bằng cách lo lắng cho các gia đình bị thương tích, bằng cách đồng hành với họ trong cuộc sống đức tin của cộng đoàn. Mỗi người hãy làm phần mình trong việc nhận lấy thái độ của Vị Mục Tử Nhân Lành, là Đấng biết từng con chiên một và không loại trừ con nào hết khỏi tình yêu thương vô biên của Ngai.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng như từ các nước Nam Phi, Trung Quốc, và cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố họ trong tình yêu đối với Chúa Kitô, đồng thời là các chứng nhân của Ngài đặc biệt cho các gia đình cảm thấy xa Giáo Hội.

Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC chào đặc biệt các nữ tu dòng thánh nữ Elizabeth và tất cả những người sống đời thánh hiến, đang lợi dụng mùa hè để tĩnh tâm và đào sâu mối dây liên hệ với Chúa Kitô và dấn thân trong cộng đoàn Giáo Hội. Ngài xin Chúa Thánh Thần ban cho họ các ơn cần thiết cho sú mệnh họ đã nhận lãnh.

Với các nhóm hành hương Italia ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên đại hội quốc tế giới trẻ hướng về Assisi, các bạn trẻ Đại nhạc hội dân gian các ca đoàn, hiệp hội liên đới với dân tộc Saharawi.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người nhớ hôm qua là lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả, nơi có tôn kính Ảnh Đức Bà là ơn cứu rỗi của dân Roma. Ngài nhắn nhủ người trẻ cầu khẩn Mẹ để cảm nhận được tình yêu dịu dàng của Mẹ; người đau yếu cầu xin Mẹ trong những lúc vác thập giá và khổ đau để được nâng đỡ; và các đôi tân hôn chiêm ngưỡng Mẹ như mô thức con đường của đời sống hôn nhân, tận hiến và chung thủy.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GM PERU KÊU GỌI DIỆT TRỪ NẠN GIAN THAM HỐI LỘ VÀ NGHÈO ĐÓI

CÁC GM PERU KÊU GỌI DIỆT TRỪ NẠN GIAN THAM HỐI LỘ VÀ NGHÈO ĐÓI

LIMA: Các Giám Mục Peru kêu gọi chính quyền và toàn dân cương quyết tiêu diệt nạn gian tham hối lộ và nghèo đói.

Các GM Perù đã đưa ra lời kêu gọi trên đây nhân Ngày lễ quốc gia 28-29 tháng 7. Trong sứ điệp công bố ngày 26 tháng 7 Ban Thường Vụ HĐGM khẳng định rằng: Chúng ta có bổn phận nhổ tận gốc rễ các kẻ thù lớn của tự do: đó là bạo lực,  gian tham hối lộ, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội và dốt nát. Có một tương lai đầy hứa hẹn được mở ra cho Perù, nhưng lại bị  lu mờ bởi thiếu đồng thuận và hiệp nhất, bởi vì nếu người ta bỏ ra một bên các quyền lợi đích thật của quốc gia, thì người ta cho thấy một hình ảnh luân lý xấu xa. Trước các bất bình và không hài lòng của nhân dân đối với cung cách cai trị của hàng lãnh đạo chính trị, chính quyền phải nhớ rằng mình có bổn phận cai quản đất nước với lòng khiêm tốn và yêu thương người dân, vì “chính trị là một trong những hình thức cao cả nhất của bác ái phục vu công ích.”

Các GM nhấn mạnh giá trị sự sống của con người, là gốc rễ của mọi niềm hy vọng; và điều này chỉ có thể được xây dựng bởi dấn thân hằng ngày trong việc làm, trong óc sáng tạo, sự liêm chính, tình liên đới, đức tin và tình yêu thương huynh đệ. Gia đình Peru là tế bào nền tảng của quốc gia và là điểm tham chiếu của các giá trị của đất nưóc, mà chính quyền có bổn phận phải bảo vệ. Xã hội của chúng ta phải là hoa trái của các gia trị, mà chúng ta đã lãnh nhận từ  gia đình như là món quà quý của Thiên Chúa; các gia trị mà chúng ta phải giữ gìn và thăng tiến, không chỉ như các hành động cá nhân, mà cả trong kinh nghiệm xã hội nữa.

Trong số nhiều thách đố của thế giới hiện nay có các hình thức tư tưởng mới, sự phát triển kỹ thuật, nền an ninh cho dân và ý thức môi sinh. Giáo Hội Peru mời gọi mọi người mở rộng tâm trí dể đương đầu với các thực tại mới này, bằng cách lấy bản vị con người làm trung tâm, tôn trọng che chở và thăng tiến nó. Sứ điệp của các GM cũng ca ngợi sự khác biệt, vẻ đẹp và sự tốt lành của trái đất, mà Thiên Chúa đã quảng đại trao ban cho nhân loại. Thế giới không phải là vấn đề cần giải quyết, mà là một mầu nhiệm mừng, mà chúng cần chiêm ngưỡng trong tươi vui và chúc tụng.

Sau cùng, các GM nhắc lại điệp khúc của quốc ca Peru khẩn nài “tự do luôn mãi”, mà quốc gia đã chinh phục được với biến cố nảy sinh cách đây 194 năm. Tự do là ơn cao trọng Thiên Chúa ban, khi được đức tin và Lời Chúa soi sáng, nó giúp chúng ta sống một cách ý thức, có tinh thần trách nhiệm và liên đới để tiến bước trong nỗ lực xây dựng một Peru này càng công bằng và huynh đệ hơn.

Như mọi năm Thánh lễ Tạ Ơn được ĐHY Juan Luí Cipriani, Giáo chủ Peru, chủ sự trong nhà thờ chính tòa Lima với sự hiện diện của tổng thống, đại diện chính quyền và nhiều giới chức lãnh đạo dân sự và quân sự (SD 26-7-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi công nghệ khai thác quặng mỏ

Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi công nghệ khai thác quặng mỏ

VATICAN. ĐTC kêu gọi các giới hữu trách công nghệ khai thác mỏ hãy cải tổ toàn diện, nhất là tại các nước nghèo nhất, để tôn trọng quyền lợi của các cộng đoàn địa phương và bảo vệ môi trường.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chào mừng các tham dự viên cuộc hội thảo quốc tế đang tại Vatican từ ngày 17 đến 19-7-2015 về chủ đề ”Giáo Hội và các quặng mỏ”: hiệp với Thiên Chúa chúng ta lắng nghe một tiếng kêu.

Sứ điệp của ĐTC được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, là cơ quan tổ chức cuộc hội thảo, tuyên đọc trong buổi khai mạc sáng ngày 17-7 vừa qua. ĐTC viết:

”Anh chị em đã muốn họp nhau ở Roma trong ngày suy tư này liên quan đến một đoạn trong Tông Huấn ”Niềm vui Phúc Âm” (nn.187-190) để làm vang vọng tiếng kêu của nhiều cá nhân, gia đình và cộng đoàn, đang chịu đau khổ trực tiếp hoặc gián tiếp, vì những hậu quả tiêu cực của các hoạt động khai thác quặng mỏ. Một tiếng kêu cho những vùng đất bị mất; một tiếng kêu vì sự khai thác tài nguyên phong phú từ lòng đất, nhưng không mang lại sự sung túc cho dân chúng địa phương, khiến họ tiếp tục ở trong tình trạng nghèo khổ; một tiếng kêu đau thương phản ứng lại bạo lực, những đe dọa và tham nhũng; một tiếng kêu phẫn nộ và kêu cứu vì những vi phạm các quyền con người, bị chà đạp trắng trợn hoặc kín đáo, liên quan đến sức khỏe của dân chúng, các điều kiện làm việc, và nhiều khi làm nô lệ và nạn buôn người, nuôi dưỡng hiện tượng mại dâm thê thảm; một tiếng kêu đau buồn và bất lực vì sự ô nhiễm nước, không khí và đất; một tiếng kêu không được cảm thông vì không có những tiến trình bao gồm và nâng đỡ từ phía các chính quyền dân sự, địa phương và quốc gia, là những người có nghĩa vụ cơ bản phải thăng tiến công ích”.

ĐTC cũng khẳng định rằng ”Toàn bộ lãnh vực khai thác mỏ chắc chắn được kêu gọi thực hiện một sự thay đổi toàn bộ mô hình của mình để cải tiến tình trạng tại nhiều nước. Có thể cộng tác vào công trình này có các chính quyền của những nước nguyên quán của các công ty liên quốc và những nước nơi các công ty ấy hoạt động, các giới chủ xí nghiệp và những nhà đầu tư, các chính quyền địa phương canh chừng hoạt động khai thác mỏ quặng, các công nhân và các đại diện của họ, các chuỗi cung ứng quốc tế với những người trung gian khác nhau, những người tiêu thụ hàng hóa đối tượng của các hoạt động khai thác khoáng sản. Tất cả những người ấy được kêu gọi hãy có một thái độ được linh hoạt nhờ sự kiện chúng ta họp thành một gia đình nhân loại duy nhất, ”tất cả có liên hệ với nhau, và sự chăm sóc đích thực cho chính cuộc sống chúng ta cũng như các quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là điều không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung thành đối với người khác” (ibid. 70) (SD 17-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thư Đức Thánh Cha nhân dịp 200 năm Sinh Nhật Thánh Bosco

Thư Đức Thánh Cha nhân dịp 200 năm Sinh Nhật Thánh Bosco

ĐTC và cha giám tỉnh dòng Don Bosco

VATICAN. ĐTC cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban thánh Gioan Bosco như một hồng ân cho Giáo Hội và ngài khích lệ các con cái thánh nhân sống những đặc tính thiết yếu trong gia sản tinh thần của thánh Bosco.

Trên đây là nội dung thư ĐTC gửi đại gia đình dòng Salesien, qua trung gian cha Ángel Fernandez Artime, Bề trên Tổng quyền dòng Salesien Don Bosco, nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật của thánh Tổ Phụ.

Thư của ĐTC đề ngày 24-6-2015 và được công bố hôm 16-7-2015 tại Roma, qua đó ngài viết: ”Chúng ta có thể tóm tắt những khía cạnh nổi bật của thánh Bosco: Người sống sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa với niềm hăng say đối với phần rỗi các linh hồn và thực thi lòng trung thành với Thiên Chúa và giới trẻ trong cùng một cử chỉ yêu thương. Những thái độ này khiến thánh nhân ”đi ra ngoài” và thực hiện những quyết định can đảm: chọn lựa tận tụy săn sóc giới trẻ nghèo, với ý hướng thực thi một phong trào rộng lớn của người nghèo cho người nghèo; và thánh nhân chọn lựa nới rộng việc phục vụ ấy vượt lên trên các ranh giới ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, nhờ lòng hăng say truyền giáo không biết mệt mỏi”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Ngày nay gia đình dòng Salesien cũng đang cởi mở hướng về những biên cương mới trong lãnh vực giáo dục và truyền giáo, tiến bước trên những con đường các phương tiện truyền thông xã hội mới mẻ và con đường giáo dục liên văn hóa nơi các dân tộc thuộc các tôn giáo khác nhau, hoặc tại các nước đang trên đường phát triển, hoặc tại những nơi di dân. Những thách đố ở Torino hồi thế kỷ thứ 19 nay đang mặc chiều kích hoàn cầu, như sự tôn thờ tiền bạc, bất công sinh ra bạo lực, chế độ thực dân ý thức hệ và những thách đố văn hóa gắn liền với bối cảnh thành thị. Một số khía cạnh có liên hệ trực tiếp đối với thế hệ người trẻ, như sự phổ biến Internet, và qua đó đang gọi hỏi các con cái nam nữ của Thánh Bosco: anh chị em được kêu gọi làm việc, cứu xét những nguồn năng lực mà Chúa Thánh Linh khơi dậy trong hoàn cảnh khủng hoảng, cùng với những vết thương”.

ĐTC nhắc nhở cho gia đình dòng Salesien hãy làm cho tinh thần sáng tạo theo đoàn sủng của mình được tái triển nở trong và ngoài các cơ sở giáo dục của dòng, với lòng tận tụy tông đồ, đặt mình trên những con đường của người trẻ, nhất là những người trẻ ở các khu vực ngoại ô.

Sau cùng, ĐTC kết luận rằng ”xin Thánh Bosco giúp anh chị em không làm cho những khát vọng sâu xa của người trẻ bị thất vọng: nhu cầu sống, cởi mở, vui tươi, tự do, tương lai, ước muốn cộng tác vào công trình xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, vào việc phát triển mọi dân tộc, bảo vệ thiên nhiên và các môi trường của đời sống” (SD 16-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP Vatican Radio

 

Tường thuật chuyến ĐTC công du Ecuador, Bolivia và Paraguay

Tường thuật chuyến ĐTC công du Ecuador, Bolivia và Paraguay

ĐTC dâng hoa cho Đức Mẹ El Quinche

Tường thuật chuyến viếng thăm mục vụ ba nước Ecuador, Bolivia và Paraguay

** Trong các sinh hoạt ngày thứ ba viếng thăm Ecuador còn có hai cuộc gặp gỡ khác vào ban chiều: đó là cuộc gặp gỡ giới sinh viên học sinh tại Đại học công giáo Ecuador và với các đại diện giới dân sự.

Sau khi dùng bữa trưa và nghỉ ngơi tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh lúc sau 16 giờ ĐTC đã đi xe papamobil tới Đại học giáo hoàng công giáo Ecuador cách đó 3 cây số. Hai bên đường đã có rất đông tín hữu chào đón ĐTC.

Đại học giáo hoàng công giáo Ecuador được thành lập năm 1946 thuộc tổng giáo phận Quito do các cha Dòng Tên điều khiển. Đại học gồm 14 học viện và phân khoa gồm Kiến trúc, Quản trị, Sư phạm, Khoa học, Triết học, Thần học, Khoa học nhân văn, Truyền thông, Văn chương, Kinh tế, Y tá, Kỹ sư, Luật, Y khoa, Sinh học, Trợ giúp xã hội. Có tất cả 30.000 sinh viên.

Vào thời thực dân Giáo Hội đã thành lập Đại học San Fulgencio do các cha dòng Agostino điều khiển; đại học thánh Gregorio do các cha dòng Tên điều khiển cho tới khi các vị bị trục xuất; và đại học San Tomas do các cha dòng Đa Minh điều khiển.

ĐTC đã được viện trưởng César Fabián Carrasco Castro tiếp đón trong khuôn viên đại học có chỗ cho 5.000 người. Sau lời chào của ĐC Alfredo José Espinoza Mateus, GM Loja và là chủ tịch Ủy ban giáo dục và văn hóa của HĐGM Ecuador, các sinh viên học sinh đã tặng qùa cho ĐTC. Tiếp đến mọi người đã nghe chứng từ của một nữ sinh viên, một giáo sư và viện trưởng đại học.

Ngỏ lời trong dịp này ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống và lệnh Thiên Chúa truyền cho con người phải vun trồng và giữ gìn thụ tạo. ĐTC nói:

Thiên Chúa không chỉ ban cho con người sự sống, nhưng cũng ban cho con người trái đất, thụ tạo. Ngài không chỉ ban cho con người một người bạn đường và các khả thể vô tận. Nhưng Ngài cũng đưa ra một lời mời gọi, và trao ban cho con người một sứ mệnh nữa. Ngài mời gọi họ tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và nói: hãy vun trồng! Ta ban cho con các hạt giống, trái đất, nước, mặt trời, Ta ban cho con đôi bàn tay và tay của anh em con. Nó cũng là của con. Nó là một món quà, một ơn, một sự cống hiến. Nó không phải là cái gì được chiếm hữu, được mua.  Nó đi trước chúng ta và sẽ tiếp nối chúng ta… Thụ tạo là một ơn phải được chia sẻ. Nó là không gian Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng với chúng ta, để xây dựng một “chúng ta”. Thế giới, lịch sử, thời gian là nơi chúng ta đi xây dựng chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với trái đất. Cuộc sống của chúng ta luôn dấu ẩn lời mời gọi này, một lời mời gọi ít nhiều ý thức nhưng tồn tại luôn mãi. Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận một điểm đặc biệt. Trong trình thuật của sách Sáng Thế, cùng với từ “vun trồng” Thiên Chúa nói ngay một lời khác “giữ gìn”, chăm sóc. Từ này được hiểu nhờ từ kia. Một bàn tay giơ ra cho một bàn tay khác. Ai không vun trồng thì không chăm sóc, ai không chăm sóc thì không vun trồng. Chúng ta không chỉ được mời gọi là phần của công trình sáng tạo bằng cách vun trồng nó, làm cho nó lớn lên, phát triển nó, nhưng chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc, che chở, giữ gìn nó nữa. Ngày nay lời mời gọi này càng mạnh mẽ hơn nữa. Không phải chỉ như là một lời nhắn nhủ, nhưng như là một đòi buộc nảy sinh từ “sự dữ mà chúng ta đã gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dùng các tài nguyên Thiên Chúa đã đặt để trong trái đất. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chúng ta là chủ và là kẻ thống trị, được phép cướp bóc nó, vì thế giữa các người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất có trái đất của chúng ta bị áp bức và tàn phá” (Laudato sì, 2).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Có một tương quan giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của mẹ đất, giữa sự hiện hữu của chúng ta và ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. “Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên cùng nhau trở nên đồi tệ, và chúng ta không thể đương đầu với sự suy đồi môi sinh một cách thích hợp, nếu không chú ý tới các lý do có tương quan với sự suy đồi nhân bản và xã hội” (ibid., 48). Nhưng chúng cũng nâng đỡ nhau và có thể thay đổi hình dạng. Đó là một tuơng quan giữ gìn một khả thể của sự rộng mở, thay đổi, của sự sống cũng như của tàn phá và chết chóc.

Có một điều chắc chắn: đó là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng lại với thực tại của mình, với các anh em mình, với mẹ đất. Chúng ta không được phép không biết điều đang xảy ra chung quanh chúng ta, làm như thể là các tình trạng xác định không hiện hữu hay không liên quan gì tói thực tại của chúng ta. Một lần nữa câu Thiên Chúa hỏi lại vang lên: “Em ngươi đâu?”. Tôi tự hỏi không biết câu trả lời của chúng ta có tiếp tục là “Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9).

Trong bối cảnh đại học này, sẽ rất đẹp nếu chúng ta tự vấn liên quan tới nền giáo dục của chúng ta trước trái đất đang kêu lên tới trời. Các trường học của chúng ta là một vườn ương cây, một khả thể, là đất phì nhiêu mà chúng ta phải chăm sóc, kích thích, và che chở. Đất phì nhiều khát sự sống.

Cùng anh chị em là các giáo sư tôi tự hỏi: Anh chị em có thức tỉnh trên các sinh viên học sinh bằng cách trợ giúp họ phát triển một óc phê bình, một tinh thần tự do có khả năng chăm sóc thế giới ngày nay hay không? Một tinh thần có khả năng tìm ra các câu trả lời mới cho nhiều thách đố mà xã hội ngày nay đưa ra hay không? Anh chị em có khả năng khích lệ họ đừng không biết tới thực tại bao quanh họ hay không? Làm thế nào để bước vào trong các chương trình khác nhau của đại học hay trong các lãnh vực khác nhau của công việc giáo dục cuộc sống chung quanh chúng ta với các đòi hỏi, các vấn nạn và các cật vấn của nó? Chúng ta làm nảy sinh ra và đồng hành với cuộc thảo luận xây dựng này  việc đối thoại sinh tử cho một thế giới nhân bản hơn như thế nào?

Tiếp đến ĐTC khẳng định như sau:

Có một suy tư lôi cuốn tất cả chúng ta: các gia đình, học đường và nhà giáo, đó là làm thế nào để người trẻ đừng đồng hóa bằng biếu đại học với địa vị cao hơn, với tiền bạc và uy tín xã hội. Chúng ta làm thế  nào để giúp họ nhận diện việc chuẩn bị này như dấu chỉ của một trách nhiệm lớn hơn đối với các vấn đề  ngày nay, tôn trọng và săn sóc người nghèo, tôn trọng việc cứu vãn môi sinh. Và với các  các bạn trẻ thân mến, là hiện tại và tương lại của Ecuador, là hạt giống biến đổi của xã hội này, tôi muốn tự hỏi: các bạn có biết thời gian học hành các bạn có không phải chỉ là một quyền lợi mà cũng là một đặc ân không? Biết bao nhiêu bạn bè, quen và không quen, muốn có một chỗ trong nơi này, mà vì các hoàn cảnh khác nhau đã không có được? Việc học hành của chúng ta giúp liên đới với họ trong mức độ nào?

Các cộng đoàn giáo dục có một vai trò sinh động, nòng cốt trong việc xây dựng xã hội và nền văn hóa. Phân tích, miêu tả thực tại thôi không đủ, cần phải trao ban sự sống cho các môi trường, nơi chốn nghiên cứu đích thật, cho các thảo luận làm nảy sinh ra các giải pháp cho các vấn đề hiện hữu đặc biệt ngày nay.

Trước sự toàn cầu hóa của mô thức kỹ thuật hướng tới chỗ tin rằng mỗi chiếm hữu quyền lực là tiến bộ, gia tăng an ninh, hữu ích, hạnh phúc, sức sống, gia trị tràn đầy, làm như thể thực tại, thiện ích và sự thật phát sinh một cách tự phát từ chính quyền lực của kỹ thuật và kinh tế” (Laudato si’, 105), chúng ta được hỏi một cách cấp thiết mau chóng suy tư, tìm tòi, thảo luận về tình trạng của chúng ta hiện nay. Chúng ta muốn và yêu sách cho con cháu chúng ta loại văn hóa nào đây? Trái đất này mà chúng ta đã nhận như gia tài, như một ơn, một món quà, chúng ta muốn để lại nó như thế nào? Chúng ta muốn in các chỉ dẫn nào trên cuộc sống? “Chúng ta đi qua trái đất này với mục đích nào? Chúng ta đến trên trái đất này với mục tiêu nào? Chúng ta làm việc và chiến đấu cho mục đích nào? (ibid., 160). Các sáng kiến cá nhân luôn luôn tốt và nền tảng, nhưng chúng ta phải nhìn thực tại một cách tổng quát, có trật tự  và không rời rạc, đưa ra các vấn nạn bao gồm tất cả mọi người. Như là đại học, như là các cơ cấu, các giáo sư và sinh viên cuộc sống thách đố các bạn trả lời cho câu hỏi này: tại sao chúng ta cần trái đất này? Người anh em con ở đâu? Ước chi Chúa Thánh Thần linh hứng và đồng hành với các bạn và ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để chu toàn sứ mạng giáo dục này.

Sau khi từ giã giới trí thức lúc 6 giờ chiều ĐTC đã đi xe đến nhà thờ thánh Phanxicô cách đó 4 cây số để gặp gỡ các đại diện giới dân sự trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, doanh thương kỹ nghệ và nông nghiệp, cũng như các tổ chức thiện nguyện và đại diện của các thổ dân Amazzonia.

Nhà thờ thánh Phanxicô là nhà thờ cổ kính nhất trong toàn Châu Mỹ Latinh, được khởi công xây năm 1536, ba năm sau ngày thành lập thủ đô Quito, và hoàn thành năm 1680. Toàn bộ kiến trúc nghệ thuật rất phong phú vì cũng chứa đựng 3.500 tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái Quito và một thư viện vào bậc nhất của các cha Phanxicô.

Sau lời chào của ĐC Luis Cabrera Herrera, TGM Cuenca, Chủ tịch Ủy ban giáo dân của HĐGM Ecuador, đã có phần chia sẻ chứng từ của ba giáo dân: ông Francisco Jarrin, đại diện Hiệp hội các doanh thương kitô, bà Lidia Marlene Arcos Miranda, doanh thương tỉnh Ambato, và bà Imelda Caicedo Vega, giáo lý viên 85 tuổi, dậy giáo lý cho dân quê tỉnh Los Rios từ 60 năm qua. Họ đã nói lên các ưu tư, các khó khăn và thách đố của cuộc sống đức tin trong môi trường xã hội ngày nay. Dàn nhạc Sunamune gồm các người trẻ tàn tật và bị bệnh khờ cũng đã trình tấu chào mừng ĐTC.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khích lệ mọi người dấn thân xây dựng một xã hội bao gồm sự hiện diện và tham gia của mọi thành phần xã hội, chiến thắng ích kỷ và nền văn hóa gạt bỏ. Xã hội hãy học nơi gia đình để không ai bị loại bỏ ra ngoài. Trong gia đình con người nhận được các giá trị nền tảng của tình yêu thương, tình huynh đệ và sự tôn trọng lẫn nhau, được diễn tả ra bằng các giá trị xã hội nòng cốt là sự nhưng không, tình liên đới và sự phụ đới.

Trong tương quan xã hội, hay trong lãnh vực chính trị, nhiều khi người ta dựa trên sự đối đầu, trên việc gạt bỏ. Nhưng xã hội phải là một gia đình, gồm cha mẹ, con cái, anh chị em, trong đó khi gặp khó khăn, người ta tương trợ nhau, trong đó nỗi đau đớn của một người là nỗi đau của tất cả. Trong gia đình tất cả mọi người đều góp phần vào chương trình chung, tất cả đều làm việc cho lọi ích chung, nhưng không hủy bỏ cá nhân. Trái lại, họ nâng đỡ và thăng tiến cá nhân. Và ĐTC cầu mong người ta có thể nhìn đối thủ chính trị, và người hàng xóm với đôi mắt mà chúng ta nhìn người thân của mình trong gia đình.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đưa ra câu hỏi: Chúng ta có yêu thương quê hương đất nước, cộng đoàn mà chúng ta đang tìm xây dựng không? Nếu yêu thương thật, thì phải yêu thương bằng việc làm nhiều hơn là bằng lời nói. Trong lãnh vực xã hội sự nhưng không không phải là một bổ túc, nhưng là một đòi buộc cần thiết của công lý. Cái mà chúng ta là và có đã được ban cho chúng ta để phục vụ tha nhân. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho nó sinh hoa trái trong các công việc lành.

Các tài nguyên được chỉ định cho tất cả mọi người, vì thế khi một người chiếm làm của riêng, là việc hợp pháp, thì một quyền sai áp luôn luôn đè nặng trên chúng. Hướng tới các anh chị em thổ dân đến từ vùng Amazzonia ĐTC nêu bật rằng việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên dư đật tại Ecuador không được tìm lợi nhuận tức khắc. Là người giữ gìn sự phong phú mà chúng ta đã lãnh nhận phải khiến cho chúng ta dấn thân với toàn hội và với các thế hệ tương lai. Có những nơi cần phải được săn sóc đặc biệt vì tầm quan trọng khổng lồ của chúng đối với hệ thống sinh thái thế giới. Liên quan tới tình liên đới ĐTC khẳng định như sau:

Từ tình liên đới sống trong gia đình nảy sinh tình liên đới trong xã hội. Nó không hệ tại việc cho những người cần được giúp đỡ, nhưng là có trách nhiệm đối với nhau. Nếu chúng ta trông thấy nơi tha nhân một người anh em, thì không ai có thể bị loại bỏ, bị tách rời.

Các điều khoản và luật lệ cũng như các dự án của cộng đoàn dân sự phải tìm kiếm sự bao gồm, để tạo thuận tiện cho các không gian đối thoại, gặp gỡ, và như thế để lui vào ký ức đau đớn bất cứ loại đàn áp, kiểm soát vô giới hạn và lấy mất đi sự tự do nào. Hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi cống hiến các khả thể thực thụ  cho các công dân, nhất là cho giới trẻ, bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Tới đây ĐTC đã ứng khẩu và mạnh mẽ tố cáo nền văn hóa gạt bỏ gây thương tích cho người trẻ và người già với các hậu quả kinh khủng dẫn đưa tới các vụ tự tử. Tình trạng này thuận lợi cho các kẻ phục vụ sự ích kỷ, thần tiền bạc ở trung tâm của một hệ thống đè bẹp tất cả chúng ta.

Sau cùng ĐTC đã đề cập tới sự phụ đới và nói : Khi nhận biết những gì là hay đẹp nơi người khác, cả với các hạn hẹp của họ, chúng ta thấy sự phong phú định tính sự khác biệt  và giá trị của việc bổ túc. Các con người, các nhóm có quyền thành toàn lộ trình của mình, cả khi điều này có đưa tới các sai lầm đi nữa. Đối thoại là điều cần thiết để đạt sự thật, không thể bị áp đặt, nhưng được tìm kiếm với lòng chân thành và óc phê bình. Trong việc tôn trọng sự tự do, xã hội dân sự được mời gọi thăng tiến mọi người và mọi tác nhân xã hội để họ nhận lãnh vai trò của họ và góp phần chuyên môn vào công ích. Trong một nền dân chủ được tham gia mọi lực lượng xã hội phải là tác nhân. Cả Giáo Hội cũng muốn cộng tác vào việc tìm kiếm công ích, với các hoạt động xã hội, giáo dục của mình bằng cách thăng tiến các gia trị luân lý đạo đức và tinh thần, vì Giáo Hội là dấu chỉ ngôn sứ đem lại ánh sáng và niềm hy vọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người cần được trợ giúp nhất. Và ĐTC kết luận : Có nhiều người hỏi tại sao tôi hay nói tới các người cần được trợ giúp, những người bị gạt bỏ, bị loại ra bên lề xã hội nhiều như thế. Một cách đơn sơ bởi vì thực tại này và câu trả lời cho thực tại này là trọng tâm của Tin Mừng.

Sau khi từ giã các đại diện thế giới dân sự, ĐTC đã đi xe đến thăm nhà thờ của dòng Tên cách đó một cây số. Nhóm tu sĩ dòng Tên đầu tiên đến Quito năm 1586. Năm 1602 cha Nicolas Duran Mastrilli, giám đốc tiên khởi của Trường dòng Tên đến Quito mang theo sơ đồ nhà thờ. Nhà thờ này được xây bởi kiến trúc sư Domenico Zampilli cũng là kiến trúc sư đã xây nhà thờ Chúa Giêsu của dòng Tên ở Roma. Tiếp đến có hai kiến trúc sư khác tới tiếp tục việc xây cất, và nhà thờ đã hoàn thành năm 1765. Tháp chuông bị sập trong trận động đất năm 1859, đuợc xây lại nhưng lại bị sập trong trận động đất năm 1868 và không bao giờ được tái thiết. Nhà thờ bị hư hại trong trận động đất năm 1987 và việc trùng tu hoàn tất năm 2005.

Trong nhà thờ này có tượng Đức Mẹ Sầu Bi với trái tim bị 7 lưỡi gươm đâm thâu. Vào năm 1906 Ecuador tuyên bố tính cách đời của nhà nước, cấm các biến cố tôn giáo và tịch thu các tài sản của Giáo Hội. Ngày 20 tháng 4 cùng năm xảy ra phép lạ Đức Mẹ Sầu Bi. 35 sinh viên dòng Tên đã trông thấy mắt Đức Mẹ chuyển động trong nhà cơm trường San Gabriel. Phép lạ được thừa nhận ngày 31 tháng 5 năm 1907. Và kể từ đó trường San Gabriel trở thành trung tâm thánh mẫu. Hằng năm tượng Đức Mẹ được rước trong toàn nước.

Sau khi viếng thăm nhà thờ ĐTC đã về Toà Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ 3 viếng thăm Ecuador.

Ngày thứ tư mùng 8 tháng 7 ĐTC đã chỉ có hai sinh hoạt : thăm viện dưỡng lão do các nữ tu Thừa Sai Bác Ái trông coi, và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ chủng sinh tại đền thánh Đức Bà El Quinche. Trung tâm Đức Bà El Quinche đưọc xây năm 1928 và được tuyên bố là trung tâm thánh mẫu quốc gia năm 1985. Tượng Đức Bà el Quinche bằng gỗ trắc bá cao 60 cm, do ông Don Diego de Robles thuộc trường phái Quito tạc năm 1586, theo lời xin của các thổ dân Lumbici. Vì các thổ dân không có tiền trả công, nên nhà điêu khắc nhường tượng lại cho các thổ dân Oyacachi muốn có bức tượng này vì giống hình Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với họ.

Sau khi dâng thánh lễ riêng lúc 7 giờ rưỡi và điểm tâm, ĐTC đã từ giã Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đi xe đến nhà dưỡng lão tại Tumbaco là một vùng phụ cận cách xa Quito 21 cây số.

Ngài đã được nữ tu bề trên và 10 nữ tu tiếp đón. ĐTC đã gặp các cụ già trong sân nhà dưỡng lão, bắt tay và hỏi chuyện từng người.

Sau khi từ biệt các cụ lúc 10 giờ ĐTC đi xe đến đền thánh Đức Bà El Quinche cách đó 27 cây số. Đã có hàng chục ngàn người quy tụ về đây để chào đón ngài. Khi xe vào thành phố tín hữu đứng hai bên đường đã tung hoa chào mừng ĐTC trong một bầu khí lễ hội tươi vui. Mui chiếc xe papamobil đầy cánh hoa hồng. ĐTC đã được linh mục quản đốc đền thánh tiếp đón tại thềm đền thờ và đưa vào trong để ĐTC dâng hoa kính Đức Mẹ. Ngài đã đứng cầu nguyện một lát trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Tiếp đến ĐTC đã vào nhà dòng và viết vào sổ lưu niệm lời cầu sau đây : « Lạy Me là Đức Trinh Nữ đền thánh  Quinche, xin chăm sóc nhân dân Ecuador. Họ là con cái Mẹ, Mẹ ơi » Ký tên Phanxicô Giáo Hoàng.

Tiếp đến ĐTC đã ra khán đài bên ngoài đền thánh để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh. Sau lời chào mừng của ĐC Celmo Lazzari, đặc trách những người sống đời thánh hiến của HĐGM Ecuador, đã có phần chứng từ của cha Silvino Mina, thuộc Toà Giám quản tông toà Esmeraldes và nữ tu Marisol Sandoval dòng Agostino.

ĐTC đã không đọc diễn văn dọn sẵn nhưng ứng khẩu. Ngài cám ơn các linh mục tu sĩ và chủng sinh đã quảng đại đáp lại lời kêu mời của Chúa dấn thân trong các hoạt động khác nhau lo cho dân Chúa. Ngài khích lệ mọi người sống thân tình với Chúa, biết săn sóc sức khoẻ thể lý, nhưng nhất là săn sóc sức khỏe tinh thần và đời sống thiêng liêng, không bị bệnh lão hóa tinh thần, luôn biết tin yêu phó thác, cậy dựa vào ơn thánh Chúa, ý thức mình là người phục vụ, và tận dụng các tài khéo Chúa ban cho công tác rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa lòng trần gian, tránh bệnh lão hóa tinh thần và khuynh hướng tìm chức tước. Vì không phải là người làm thuê ăn lương, nên công tác mục vụ phải nhưng không. Đừng để người ta trả tiền cho ơn thánh.

Trong diễn văn dọn sẵn ĐTC phó thác cho trái tim Mẹ Sầu Bi người già, người bệnh và mọi cuộc gặp gỡ trong chuyến công du của ngài. Ngài cũng để tất cả mọi thành phần dân Chúa trong con tim của những người sống đời thánh hiến. Dựa trên trình thuật Đức Mẹ dang mình vào đền thánh, ĐTC rút tỉa ra vài suy tư và áp dụng vào đời sống thánh hiến. Trước hết ơn gọi thánh hiến là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban. Ngài tuyển chọn và sai chúng ta đi. Sự kiện này giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm lấy mình làm điểm tham chiếu, vì chúng ta không thuộc về mình nữa, và ơn gọi xin chúng ta  từ bỏ mọi ích kỷ, tìm lợi lộc vật chất hay bù trừ tình cảm. Chúng ta là những người phục vụ, chứ không phải là lính đánh thuê, không phải đến để đuợc hầu hạ nhưng để phục vụ, hoàn toàn không dính bén, không gậy, không bị, không chạy theo vinh quang giả tạo và tinh thần thế tục, xa lánh các tham vọng, các lợi lộc thấp hèn ích kỷ, các chú ý tới mình một cách thái quá.

Cũng như quyền bính của các Tông Đồ các ơn chúng ta nhận được là để canh tân và xây dựng Giáo Hội. Không khước từ chia sẻ, cho đi và khép kín trong tiện nghi dễ dãi, biết là suối mát bổ dưỡng, đặc biệt cho những người bị tội lỗi, thất vọng và thù hận đè bẹp.

Điểm thứ hai là sự kiên trì. Cũng như Mẹ Maria đã không quay lại đàng sau, nhưng cương quyết tiến vào đền thánh, người sống đời thánh hiến cũng phải kiên trì trong sứ mệnh, không lang thang tìm nơi dễ dãi tiện nghi hơn, kiên trì cả khi có gặp đêm đen và lạc lối hay nguy hiểm, vì biết rằng dân thánh Chúa đồng hành với chúng ta, những người thân thương và Giáo Hội đồng hành và đỡ nâng chúng ta. Cần tiến buớc trong hiệp nhất, tương trợ lẫn nhau và sống tươi vui vì được sống trong nhà Chúa, tham dự cuộc sống thân tình với Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến cho mọi ngưòi. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với các dân tộc Mỹ châu la tinh, vun trồng, linh họat và giáo dục lòng đạo đức bình dân, để tín hữu biết biểu lộ đức tin với ngôn ngữ và kiểu cách riêng của họ, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ để Giáo Hội là căn nhà chung cho mọi người, một Giáo Hội ra đi, một Giáo Hội tới gần và thích ứng để không xa cách con người, một Giáo Hội ra khỏi tiện nghi dễ dãi của mình và có can đảm tới với mọi vùng ngoại biên cần đến ánh sáng Tin Mừng.

ĐTC đã ban phép lành và từ giã mọi người để ra phi trường lấy máy bay sang thủ đô La Paz của Bolivia, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm ba nước Eucador, Bolivia và Paraguay.

Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra tại phi trường rất long trọng. Tổng thống và phu nhân đứng hai bên ĐTC trên bục trải thảm đỏ. Ban nhạc và ban vũ thiếu nhi đã cử hành quốc thiều Vaticang và quốc thiều Ecuador. ĐTC đã bắt tay từ biệt các Giám Mục và nhiều bộ trưởng chính phủ. Khi tiến tới chân máy bay ĐTC đã dừng lại bắt tay và ôm hôn các trẻ em cầm cờ toà thánh đứng hai bên. Các em ùa đến vây quanh ngài và vô cùng sung sướng. Trước khi lên máy bay ĐTC đã ôm hôn tổng thống và bắt tay phu nhân rồi cầm lấy chiếc cặp da của ngài. Ngài đã quay lại lần cuối chào từ biệt mọi người trước khi bước vào trong máy bay.

Chiếc boeing 737 của hãng hàng không Bolivia đã cất cánh lúc sau 12 giờ trưa và đến La Paz sau 3 giờ 15 phút bay. Chúng tôi sẽ tường thuật lễ nghi tiếp đón ĐTC tại La Paz và thánh lễ ĐTC chủ sự sáng thứ năm 9-7 để khai mạc Đại Hội Thánh Thể Bolivia tại quảng trường Chúa Kitô Cúu Thế tại Santa Cruz trong các buổi phát ngày mai.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sứ điệp Tòa Thánh nhân Ngày Thế giới về du lịch

Sứ điệp Tòa Thánh nhân Ngày Thế giới về du lịch

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động kêu gọi tận dụng rất nhiều cơ hội do ngành du lịch mang lại để thăng tiến cuộc sống con người.

Trên đây là nội dung sứ điệp do Hội đồng công bố ngày 2-7-2015, nhân Ngày Thế giới về du lịch sẽ được cử hành vào ngày 27-9 tới đây với chủ đề ”Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội”.

Trong sứ điệp, ĐHY Chủ tịch Antonio Maria Vegliò, và vị Tổng thư ký là Đức Cha Joseph Kalathiparampil người Ấn độ, liệt kê bao nhiêu cơ hội mà ngành du lịch mang lại cho cuộc sống con người và nhận xét rằng: hồi năm 2012, đã có một tỷ du khách quốc tế và con số này tiếp tục gia tăng, dự kiến vào năm 2030 tới đây, sẽ lên tới 2 tỷ người, đó là không kể số du khách trong ngành du lịch ở địa phương.

Ngày thế giới về du lịch là dịp để chúng ta quan tâm đến những cơ hội và thách đố do các con số thống kê ấy gợi lên. Những thách đố ấy có liên hệ đến các du khích, các xí nghiệp, chính quyền, các cộng đồng địa phương và cả Giáo Hội nữa.

Trong số những cơ may mà sự gia tăng ngành du lịch mang lại, Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh nói đến cơ may cho sự tiến bộ, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Gia tăng du lích, đặc biệt là với những hình thức trách nhiệm nhất, sẽ giúp tiến về tương lai, vững mạnh về đặc tích, lịch sử và văn hóa của mình. Sự gia tăng lợi tức và thang tiến gia sản đặc thù giúp thức tỉnh niềm hãnh diện và tự tín củng cố phẩm giá của cộng đoàn tiếp đón..

Đối với Giáo Hội, ngành du lịch gia tăng cũng có nghĩa là gia tăng những cơ hội cho sứ mạng truyền giảng Tin Mừng, và là dịp để giáo dục các tín hữu về cách sống thời gian rảnh rỗi.

Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội và các tổ chức phải luôn cảnh giác để tránh cho một tỷ cơ hội trở thành một tỷ những rủi ro nguy hiểm, bằng cách cộng tác trong việc bảo tồn phẩm giá con người, các quyền của người lao động, căn tính văn hóa, tôn trọng môi trường.. Giữa ngành du lịch và môi trường có một sự lệ thuộc sâu xa với nhau. Lãnh vực du lịch tận dụng những phong phú thiên nhiên và văn hóa, có thể tăng tiến sự bảo trì, hoặc trái lại có thể gây ra sự phá hủy. Trong tương quan ấy, Thông điệp Laudato sì của ĐTC Phanxicô là một người đồng hành tốt” (SD 2-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Trong gia đình tất cả đều gắn liền với nhau. Vì thế mọi lời nói việc làm và thiếu sót của cha mẹ đều gây ra các thương tích trong tâm hồn con cái, và để lại các hậu qủa trầm trọng trong cuộc sống của chúng. Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết trong suốt cuộc đời.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong số hàng trăm đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng có các phái đoàn đến từ các nước Australia, Indonesia, Nhật Bản và một phái đoàn 40 người đến từ Việt Nam. Ngoài ra cũng có các đoàn hành  hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Brasil.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý các vết thương trong cuộc sống chung của gia đình. Ngài nói : thật là điều xấu, khi trong gia đình người ta làm cho nhau đau khổ. Chúng ta biết là không có lịch sử gia đình nào mà lại không có các thời gian, trong đó sự thân tình của các trìu mến bị xúc phạm bởi thái độ sống của các thành phần trong gia đình. ĐTC giải thích điểm này như sau :

Các lời nói, các hành động và các thiếu sót, thay vì diễn tả tình yêu thương, thì lại lấy mất đi, hay tệ hại hơn, gây khổ đau cho tình yêu thương. Khi các vết thương này còn có thể sửa chữa được, chúng bị lơ là, trở nên trầm trọng và biến thành các ưu quyền, sự thù nghịch và khinh rẻ. Và lúc đó chúng có thể trở thành các xâu xé sâu đậm, chia rẽ vợ chồng, và dẫn đưa tới chỗ tìm ở nơi khác sự cảm thông, nâng đỡ và an ủi. Nhưng thường khi các “nâng đỡ” ấy không nghĩ tới hạnh phúc của gia đình.

Sự trống rỗng tình yêu hôn nhân làm lan tràn sự oán hận trong các tương quan. Và thường khi sự tan vỡ đổ ập trên con cái. Con cái, đó là điểm tôi muốn đề cập tới một chút. Mặc dù sự nhậy cảm của chúng ta bề ngoài xem ra đã tiến triển, và mọi phân tích tâm lý tinh tế của chúng ta, tôi tự hỏi chúng ta cũng có đang gây mê đối với các vết thương trong tâm hồn các trẻ em hay không. Người ta càng tìm cách bù trừ bằng quà cáp và bánh ngọt bao nhiêu, thì lại càng đánh mất đi ý thức về các vết thương  của tâm  hồn – đau đớn và sâu đậm hơn – bấy nhiêu. Chúng ta nói nhiều về các thái độ hỗn loạn, về sức khỏe tâm thần, vể hạnh phúc của trẻ em, sự lo âu của cha mẹ và con cái… Nhưng chúng ta có còn biết vết thương của tâm hồn là cái gì không? Chúng ta cảm thấy sức nặng của quả núi đè bẹp tâm hồn một trẻ em, trong các gia đình, trong đó người ta đối xử tàn tệ với nhau và làm cho nhau đau khổ, cho tới chỗ bẻ gẫy mối dây liên kết của sự chung thuỷ hôn nhân? Các lựa chọn của chúng ta có sức nặng nào trên tâm hồn của các trẻ em? Có sức nặng nào trong các lựa chọn của chúng ta – các lựa chọn sai lầm chẳng hạn, có sức nặng biết bao nhiêu trên tâm hồn của các trẻ em?

Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết suốt cả cuộc đời.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Trong gia đình tất cả đều gắn bó với nhau: khi tâm hồn của trẻ em bị thương tích tại một điểm nào đó, thì sự nhiễm trùng lan sang mọi nguời. Và khi một người đàn ông và một người đàn bà dấn thân để trở nên “một thân thể duy nhất” và thành lập một gia đình, nghĩ tới các đòi hỏi riêng của họ liên quan tới sự tự do và tưởng thưởng một cách ám ảnh, thì sự lệch lạc này tấn kích con tim và cuôc sống của con cái một cách sâu đậm. Biết bao lần các trẻ em lẩn trốn để khóc một mình… Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Chồng vợ là một thịt xác duy nhất. Nhưng các thụ tạo của họ là thịt xác của thịt xác họ. Nếu chúng ta nghĩ tới sự cứng rắn mà Chúa Giêsu dùng để cảnh cáo người lớn đừng gây gương mù gương xấu cho các trẻ em, như đã nghe trong đoạn Tin Mừng (x. Mt 18,6), thì chúng ta cũng có thể hiểu một cách dễ dàng hơn lời nói của Ngài liên quan tới trách nhiệm trầm trọng phải gìn giữ mối dây hôn nhân khai mào gia đình nhân loại (x, Mt 19,1-9). Khi người nam và người nữ đã trở nên một thịt xác duy nhất, thì mọi vết thương và các bỏ rơi của người cha hay người mẹ ghi đậm dấu vết trên thịt xác sống động của con cái họ.

Đàng khác, cũng đúng thật là có những trường hợp, trong đó sự chia ly không thế tránh được. Đôi khi nó có thể trớ thành cần thiết trên bình diện luân lý, khi người ta tìm lấy khỏi người phối ngẫu yếu duối hơn, những đứa con còn bé khỏi các vết thương trầm trọng hơn, bị gây ra bởi ưu quyền và bạo lực, sự nhục nhã và khai thác bóc lột, sự xa lạ và thờ ơ.

Nhưng cám ơn Chúa không thiếu những người được nâng đỡ bởi đức tin và tình yêu thương đối với con cái, làm chứng cho sự chung thủy của họ đối với mối dây ràng buộc mà họ đã tin, dù xem ra không thể làm nó sống lại được. Tuy nhiên, không phải mọi nguời ly thân đều cảm thấy ơn gọi này. Không phải ai cũng thừa nhận  trong thinh lặng một tiếng gọi của Chúa hướng tới họ. Chung quanh chúng ta chúng ta tìm thấy các gia đình khác nhau trong những hoàn cảnh bất bình thường. Tôi không thích từ này và chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi? Làm sao trợ giúp các gia đình? Làm thế nào để đồng hành với chúng? Làm thế nào để đồng hành với các gia đình để con cái không trở thành con tin của cha hay mẹ?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin lớn lao để nhìn thực tại với cái nhìn của Thiên Chúa; và một tình bác ái lớn lao để đem con người tới gần trái tim thuơng xót của Chúa.

ĐTC đã chào một nhóm thành viên phong trào Đức tin và Ánh sáng Pháp. Ngài khích lệ các anh chị em tàn tật  ý thức mình rất quý báu đối với Giáo Hội.

Chào các đoàn hành hương Đức ngài xin Chúa chữa lành các vết thương trong gia đình và biến chúng thành các chứng nhân lòng thuơng xót và tình yêu của Chúa. Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người nhớ tới mùa hè như thời gian Chúa ban cho để cho thân xác và tinh thần được nghỉ ngơi, cũng như để củng cố các tương quan giữa gia đình, với bạn bè và với Thiên Chúa; không quên tham dự thánh lễ Chúa Nhật và làm việc bác ái trọ giúp người túng thiếu.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ sinh nhật thánh Gioan Baotixita. Ngài xin thánh nhân giúp các bạn trẻ  noi gương thánh nhân biết can đảm lựa chọn  sự thiện. Ngài cầu mong sự mạnh mẽ của thánh nhân trợ lực các anh chị em đau yếu vác thánh giá khổ đau kết hiệp với Chúa, và củng cố tình yêu của các đôi tân hôn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio