Chủ tịch Hội Đồng GM Bắc Âu: Hiệp nhất Kitô còn xa

Chủ tịch Hội Đồng GM Bắc Âu: Hiệp nhất Kitô còn xa

HAMBURG. Chủ tịch HĐGM Bắc Âu, Đức Cha Czeslaw Kozon, tuyên bố rằng viễn tượng hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Tin Lành vẫn còn xa.

Đức Cha Kozon, cũng là GM giáo phận Copenhagen ở Đan Mạch. Trong thời gian gần đây, trước sự cởi mở của ĐTC Phanxicô, nhiều người Tin Lành và cả HĐGM Đức nghĩ rằng hai khối Giáo Hội sắp được hiệp nhất với nhau.

Tuy nhiên, tuyên bố hôm 5-4-2017 bên lề Đại hội mùa xuân của HĐGM Bắc Âu, nhóm tại thành phố Hamburg Bắc Đức, Đức cha Kozon nói: ”Tôi tin rằng vẫn còn thời gian rất dài trước khi tiến tới một sự hiệp nhất”.

Đặc biệt về phía những người Tin Lành Luther ở Bắc Âu, Đức cha Kozon thấy có một sự nghi ngờ lớn về viễn tượng hiệp nhất. Nhiều người Tin Lành tại các nước này đã đặt hy vọng rất nhiều nơi cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thụy Điển hồi cuối tháng 10 năm ngoái, nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther, khai sáng Giáo Hội Tin Lành, nhưng rồi họ thấy những mong đợi của họ không được mãn nguyện. Chẳng hạn họ không thấy Tin Lành và Công Giáo được rước lễ chung.”

Đức Cha Kozon nói: ”Cho đến khi hai bên có thể rước lễ chung, cần phải làm sáng tỏ một số điều.. Đồng thời tôi cũng có thể hiểu rằng các Giáo Hội Tin Lành không thể phủ nhận căn tính của họ một sớm một chiều”.

Theo Đức cha, có thể nghĩ đến một sự hiệp nhất theo kiểu các Giáo Hội Anh Giáo với nhau, nghĩa là các Giáo Hội Tin Lành có thể hiệp nhất với Giáo Hội CôngGiáo mà vẫn giữ nguyên truyền thống của họ.

HĐGM Bắc Âu bao gồm 5 nước là Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần lan và đảo Islande, với tổng cộng 340 ngàn tín hữu Công Giáo trong đó có nhiều người nhập cư (KNA 6-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Xét đoán người khác làm tâm hồn mình ra hư hỏng

Xét đoán người khác làm tâm hồn mình ra hư hỏng

Chúa Giêsu nhìn con người với ánh mắt đầy tình thương mến, và đó là cách Chúa kiện toàn lề luật. Chúa mời gọi chúng ta thay vì xét đoán thì hãy thứ tha. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Thẩm phán làm chứng gian

Bài Tin Mừng kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Nhưng Chúa nói với những kẻ kết án chị rằng: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ ném đá trước đi!” Còn trong bài đọc trích sách ngôn sứ Daniel, chị Susana bị hai vị kỳ lão đểu giả vu khống tội ngoại tình. Nếu không nghe theo hai vị kỳ lão, thì chị sẽ bị họ vu cáo trước lề luật và chị sẽ bị ném đá chết. Trong hoàn cảnh bất công đau đớn ấy, chị Susana can đảm chọn sống đẹp lòng Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết oan, chứ không đời nào chị chịu phạm tội với hai lão ấy.

Ngày nay luôn có những thẩm phán xấu xa và hư hỏng như hai kỳ lão trong câu chuyện về chị Susana. Tại sao tội lỗi lại đi vào con người? Bởi vì tội lỗi là thế, là vì tôi phạm tội, là vì tôi không trung thành với Chúa; nhưng tôi cần cố gắng để không phạm thêm nữa, để không tái phạm nữa, hay ít ra tôi cũng biết rằng những điều đó là không tốt. Thế nhưng, cái tệ hại là ở chỗ, tội lỗi cứ đi vào từng chút từng chút, dần dần đến độ choán hết tâm trí và ngay cả không còn chỗ để thở nữa.

Tâm hồn luật sĩ ra hư hỏng

Trong câu chuyện về chị Susana, chị bị kết án tử vì những kẻ làm chứng gian. Chúa Giêsu cũng bị kết án tử bằng những lời chứng gian dối. Những kẻ làm chứng gian ấy là các luật sĩ các kỳ lão các thượng tế. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, người phụ nữ thực sự đã phạm tội ngoại tình, vậy các luật sĩ phạm tội gì? Đó là họ đã để cho tâm hồn họ ra hư hỏng.

Trước cảnh người phụ nữ ngoại tình bị tố cáo, Chúa Giêsu chỉ nói vài lời. Chúa nói với những kẻ kết án chị rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném chị này trước đi!” Chúa nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu, chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” Đó là cách Chúa kiện toàn lề luật. Đó chính là luật viên mãn. Còn các luật sĩ và người biệt phái trong vụ này, họ đã để cho tâm trí ra hư hỏng. Họ có đầy ắp luật lệ trong tâm trí, đến độ không còn chỗ cho lòng thương xót.

Đừng xét đoán! Hãy có lòng xót thương!

Cả chúng ta nữa, trong tâm hồn mình, chúng ta có xét đoán người khác không? Tâm hồn chúng ta có bị ra hư hỏng không? Có hay không? Hãy dừng lại! Đừng xét đoán! Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu vì Ngài là Đấng luôn có cái nhìn đầy tình thương mến, luôn phán đoán đầy lòng thương xót. Chúa nói: “Ta cũng không lên án con đâu! Hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Tứ Quyết SJ

Tóm lược phần đầu của Thông điệp Populorum progressio

Tóm lược phần đầu của Thông điệp Populorum progressio

Cách đây 50 năm ngày 26 tháng 3 năm 1967 ĐGH Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Populorum progressio – Tiến bộ các dân tộc”, đề ra các đường hướng mới cho xã hội, trong đó có tình liên đới như dụng cụ cai trị các dân nước. Thông điệp đã ghi dấu một cuộc cách mạng thường được gọi là “cuộc cách mạng Montini”. Ngay từ năm 1963 Đức Phaolô VI đã bắt đầu thu thập các tài liệu rộng rãi liên quan tới “Sự phát triển kinh tế, xã hội, luân lý. Chất liệu nghiên cứu cho một thông điệp về các nguyên tắc luân lý của sự phát triển”. Việc soạn thảo Thông điệp như thế đã kéo dài nhiều năm, và sử dụng tất cả các bản tường trình của các vị Sứ Thần Tòa Thánh, các thư từ và tài liệu của các Giám Mục, phần đóng góp của các thần học gia, kinh tế gia và chính trị gia. Tài liệu  đã được soạn thảo 7 lần liên tiếp, lần đầu tiên vào tháng 9 năm 1964 cho tới văn bản chung kết vào tháng 2 năm 1967, và được công bố ngày 26 tháng 3 cùng năm.

Thông điệp gồm 87 số từ phần dẫn nhập cho tới lời kêu gọi kết thúc. Phần nhập đề khẳng định rằng “vấn đề xã hội là vấn đề luân lý”. Phần I của Thông điệp đề cập tới mục đích thông điệp nhắm tới là thăng tiến một sự phát triển toàn diện cho con người, tại khắp nơi trên thế giới này. Nó duyệt qua một số các dữ kiện giải thích tại sao lại cần phát triển con người toàn diện. Tiếp đến là tương quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công việc cần thực hiện trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Sau đây là một vài nét chính yếu.

Trong phần dẫn nhập Đức Phaolô VI ghi nhận rằng sau Công Đồng Chung Vatican II Giáo Hội ý thức rõ ràng hơn về các đòi buộc của Tin Mừng trong việc phục vụ con người, đặc biệt các dân tộc từ bao lâu nay đang phải sống dưới gánh nặng của nghèo đói, bần cùng, tật bệnh và dốt nát mà không được hưởng các hoa trái của nền văn minh nhân loại. Vấn đề xã hội có chiều kích luân lý sâu rộng, và các dân tộc nghèo đói gọi hỏi các dân tộc sung túc. Đây đã là lý do khiến cho Tòa Thánh thành lập Hội Đồng Công Lý và Hòa bình để thăng tiến sự phát triển của các dân tộc nghèo nhất. Dưới ánh sáng Tin Mừng Giáo Hội đề xướng một sự phát triển toàn diện cho con người, cho mọi người tại khắp nơi trên trái đất này. Thật thế, con người sống tại bất cứ đâu trên trái đất này cũng đều khát khao có được một cuộc sống bảo đảm, có công ăn việc làm ổn định, được giáo dục, được săn sóc sức khỏe, có các quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, được góp phần tràn đầy vào các trách nhiệm lo cho công ích, thoát khỏi mọi hoàn cảnh bần cùng, bị áp bức bất công và có được các điều kiện sống xứng đáng với con người hơn. Một số các tình trạng này đã có thể là hậu quả của các chế độ thực dân, hay của các cơ cấu xã hội thối nát.

** Tuy chúng có các hậu quả xấu xa, nhưng một số các cơ cấu các chế độ thực dân để lại cũng hữu ích cho các dân tộc địa phương, nhất là việc chống lại mù chữ dốt nát, bệnh tật, cũng như trong lãnh vực thông thương và cải tiến các điều kiện sống. Tuy nhiên, thực tại kinh tế tân tiến cũng tạo ra tình trạng mất quân bình, và hố sâu cách biệt giữa người giầu và người nghèo ngày càng gia tăng. Tại các quốc gia nghèo, giới nông dân ngày càng ý thức được các bất công họ phải gánh chịu. Tiến trình độc lập quốc gia khiến cho dân chúng muốn sống kinh nghiệm các quyền từ do cá nhân, chính trị, xã hội, kinh tế.

Ngoài ra còn có sự va chạm giữa các nền văn minh truyền thống và nền văn minh kỹ nghệ tân tiến. Các thế hệ già vẫn bám víu vào các giá trị truyền thống, trong khi các thế hệ trẻ hướng tới các mới mẻ và coi chúng là chướng ngại vô ích cần loại bỏ. Nguy cơ chạy theo các chủ trương cứu thế hứa hẹn ảo tưởng, các phản ứng bạo động và nổi dậy có thể đẩy đưa các dân tộc rơi vào các ý thức hệ độc tài là một vấn đề nghiêm trọng.

Thật ra, ngay từ lúc khởi đầu Giáo Hội  đã luôn luôn lưu tâm tới việc phát triển toàn diện cho con người, noi gương Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đến để phục vụ. Đó cũng là điều được hàng hàng lớp lớp các thế hệ thừa sai thực thi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong lãnh vực phát triển văn hóa. Tuy hai lãnh vực đạo đời khác nhau, nhưng Giáo Hội ước mong trợ giúp con người và mọi dân tộc đáp ứng các khát vọng chính đáng của họ bằng cách cống hiến cho các dân tộc một quan niệm toàn cầu về con người và về nhân loại. Vì thế sự phát triển phải bao gồm mọi chiều kích cuộc sống con người, chứ không phải chỉ trên bình diện kinh tế. Thiên Chúa tạo dựng con người có trí thông minh và sự tự do, vì thế con người có trách nhiệm đối với sự phát triển cũng như ơn cứu rỗi và sự thành công hay thất bại của chính mình. Con người có bổn phận phát triển mọi tài năng và khả thể của mình để là người hơn theo ý định của Đấng Tạo Hoá. Tuy nhiên, toàn cộng đoàn xã hội và nhân loại trong đó con người sống cũng có bổn phận tạo mọi thuận tiện cho sự phát triển này với các cơ cấu cần thiết thích hợp. Tình liên đới đại đồng cũng là một bổn phận. Tuy nhiên, việc chiếm hữu các của cải có thể dẫn đưa con người tới sự ham hố, bị cám dỗ ngày càng muốn có nhiều của cải và quyền lực hơn. Tính hà tiện của các cá nhân và các quốc gia có thể lây sang các người có ít của cải cũng như người giầu, và dấy lên một chủ trương duy vật bóp nghẹt con người. Khi đó tâm trí con người trở thành chai cứng, khép kín và con người không còn gặp nhau trong tình bạn nữa, nhưng chia rẽ và chống đối nhau vì lợi lộc. Hà tiện là hình thái hiển nhiên nhất của tình trạng kém mở mang luân lý.

Việc phát triển đòi buộc phải có thêm nhiều chuyên viên kỹ thuật, nhưng cũng cần có nhiều tư tưởng gia có khả năng suy tư để tìm ra một nền nhân bản mới, cho phép con người tìm lại chính mình và tiếp nhận các gia trị cao hơn của tình yêu thương, tình bạn, của lời cầu nguyện và việc chiêm niệm, là những giá trị giúp con người đạt các điều kiện nhân bản hơn. Do đó cần làm sao để loại bỏ tất cả những gì khiến cho con người ít là người hơn như: sự thiếu thốn các điều kiện vật chất tối thiểu cho cuộc sống, các cơ cấu đàn áp, lạm dụng quyền bính, khai thác bóc lột nhân công, và mọi hình thức bất công xã hội khác. Phải thăng tiến các điều kiện giúp cuộc sống con người được nhân bản hơn như chiến thắng các tai ương xã hội, thăng tiến sự hiểu biết, văn hóa giáo dục và tôn trọng nhân phẩm, cộng tác lo cho công ích, phát huy hoà bình và thừa nhận các giá trị siêu việt, Thiên Chúa và niềm tin.

** Trong số các công tác phải làm để thực hiện việc phát triển toàn diện cho con người có ý thức tài nguyên thiên nhiên được ban cho tất cả mọi người. Cần sử dụng chúng thế nào để cung cấp cho mọi người các phương tiện sinh sống. Mọi nguời và mọi dân tộc đều phải được hưởng các lợi ích của chúng theo các luật lệ công bằng. Tư sản là một quyền, nhưng nó không được gây thiệt hại cho công ích. Công ích đôi khi cũng đòi buộc việc truất hữu, cấm chuyển vốn ra ngoài từ những người có lợi tức cao phát xuất từ các nguồn lợi và sinh hoạt quốc gia, vì chuyển vốn như thế là gây thiệt hại cho đất nước.

Việc kỹ nghệ hoá cần thiết cho sức tăng trưởng kinh tế là dấu chỉ của sự phát triển. Nó thúc đẩy con người khám phá, tìm tòi, sáng chế. Nhưng các điều kiện mới của xã hội làm nảy sinh ra một hệ thống coi lợi nhuận như động lực nòng cốt của việc phát triển kinh tế, dẫn đưa tới chủ thuyết tự do không kìm hãm và chế độ độc tài, mà Đức Piô XI gọi là “đế quốc quốc tế của tiền bạc”, là nguồn gốc của biết bao nhiêu khổ đau và bất công, cũng như các cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên thế giới này.

Công việc làm trong mọi hình thái khác nhau của nó khiến cho con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hiệp nhất các ý chí, và làm cho các tâm hồn xích lại gần nhau. Nhưng nó cũng có thể biến con người thành nô lệ, vì hứa bẹn tiền bạc, thụ hưởng và quyền lực mời gọi ích kỷ hay nổi loạn. Vì thế cần cấp bách trả lại phẩm giá cho người lao động, và tái lập thế quân bình giữa các tầng lớp xã hội với các cuộc cải cách nông nghiệp và kỹ nghệ được chuẩn bị kỹ lưỡng để đừng tạo ra các đau khổ và bần cùng mới.

Trong những trường hợp bất công, trong đó toàn dân phải sống trong các điều kiện tuỳ thuộc không thể thăng tiến văn hoá và tham gia vào đời sống xã hội chính trị, thì cám dỗ dùng bạo lực để thay đổi rất lớn. Ngoại trừ trường hợp của một chế độ độc tài hiển nhiên kéo dài chà đạp các quyền nền tảng của con người và gây thiệt hại cho đất nước, cách mạnh bạo lực là nguồn gốc của các bất công, các mất quân bình và các đổ vỡ  mới. Cần phải can đảm dẹp bỏ và chiến thắng các bất công. Việc  phát triển đòi hỏi các thay đổi bạo dạn, các canh tân sâu rộng và các chương trình khích lệ, kích thích, phối hợp, trợ giúp, và hội nhập hoạt động của các cá nhân và các tổ chức trung gian làm sao để tránh nguy cơ của việc tập thể hoá toàn diện chối bỏ các quyền tự do của con người. Mọi chương trình đều phải nhắm phục vụ con người, giảm bất công, chống lại kỳ thị, giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ, và thăng tiến vật chất, tinh thần, luân lý, tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế và kỹ thuật chỉ có ý nghĩa khi chúng phục vụ và thăng tiến con người toàn diện. Cần phải tránh các sai lầm của chủ thuyết tự do và của các nước kỹ nghệ phát triển trong quá khứ.

** Vì sư tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự phát triển xã hội nên cần phát huy giáo dục, chống nạn mù chữ dốt nát, đào tạo các chuyên viên cho mọi ngành nghề và lãnh vực cuộc sống xã hội. Tiếp đến phải thăng tiến gia đình là môi trường xã hội đầu tiên giúp con người phát triển toàn diện và quân bình. Cần cải tổ các cơ cấu xã hội cũ rích và cứng nhắc tại các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Gia đình tự nhiên một vợ một chồng ổn định theo chương trình của Thiên Chúa và được Kitô giáo thánh hóa phải là nơi gặp gỡ của các thế hệ trợ giúp  nhau có được sự khôn ngoan lớn hơn và hài hoà các quyền của các bản vị với các đòi buộc của cuộc sống xã hội.

Việc dân số gia tăng nhanh chóng tạo ra các khó khăn mới cho sự phát triển, vì thế người ta bị cám dỗ ngăn chặn dân số gia tăng với các biện pháp triệt để. Các giới hữu trách xã hội phải lựa chọn các biện pháp phù hợp với các đòi hỏi luân lý, và các cha mẹ là những người có quyền quyết định số con họ muốn cho chào đời, theo lương tâm của họ.

Bên cạnh cơ cấu gia đình việc phát triển cũng cần tới các tổ chức chuyên môn giúp giáo dục, đào tạo, gia tăng ý thức về công ích và các bổn phận của từng thành phần xã hội. Một đa nguyên tổ chức hoạt động xã hội chuyên nghiệp và nghiệp đoàn có thể chấp nhận được, khi nó bảo vệ tự do và các quyền con người, Kitô hữu không thể chấp nhận triết thuyết duy vật vô thần không tôn trọng tôn giáo, tự do và phẩm giá con người.

Ngoài các tổ chức nghề nghiệp cũng cần có các cơ cấu văn hoá. Tương lai thế giới sẽ gặp nguy hiểm, nếu xã hội không có các người khôn ngoan. Các tổ chức văn hoá bảo đảm cho cuộc sống con người có các biểu lộ  cao hơn trong các lãnh vực nghệ thuật , trí thức và tôn giáo của cuộc sống tinh thần.

Các dân tộc nghèo phải đề phòng kiểu mẫu phát triển mà các nước kỹ nghệ giầu đề nghị chỉ nhằm chiếm hữu sự sung túc vật chất. Cần biết lựa chọn các thiện ích đích thật. Để có thể phát triển đích thực cần thăng tiến một nền nhân bản toàn cầu giúp phát triển con người toàn vẹn và thăng tiến tất cả mọi người, rộng mở cho Đấng Tuyệt Đối. Vì con người chỉ thực hiện chính mình, khi siêu thăng chính mình.

Linh Tiến Khải

Tổ chức Công giáo giúp đỡ tù nhân ở Ấn độ

Tổ chức Công giáo giúp đỡ tù nhân ở Ấn độ

Bangalore, Ấn độ – “Chúng tôi mời các bạn phải sống một năm như một tình nguyện viên hoặc làm việc toàn thời gian trong cộng đồng của chúng tôi.” Đó là lời mời gọi của tổ chức Prison Ministry India (Pmi), một tổ chức Công giáo của Karnataka, từ hơn 30 năm nay, an ủi các tù nhân trong các nhà tù trên toàn Ấn độ.

Cha Sebastian Vadkumpadan, điều hợp viên toàn quốc của tổ chức giải thích: “Gần 400 ngàn người sống mòn mỏi không có tình yêu, hy vọng và sự giúp đỡ trong 1.382 trại tạm giam trên cả nước. Prison Ministry India mang lại cơ hội để các trại này được cải cách từ bên trong và bên ngoài, trong một tiến trình tái nhập cho các tù nhân.”

Sáng kiến này được bắt đầu từ năm ngoái, trong bối cảnh nhiều hoạt động từ bị được thực hiện trong Năm Thánh Lòng thương xót.

Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, trong lễ Tiệc Ly, Đức cha Kuriakose Bharanikulangara, tổng Giám mục của Faridabad đã rửa chân cho 12 tù nhân. Vào cuối buổi phụng vụ, một tù nhân khác đã hỏi ngài: “Thưa đức cha, cha có thể rửa chân cho cả con không?” Thật là một yêu cầu gây ngạc nhiên, nhưng đức cha đã vui lòng thực hiện yêu cầu của tù nhân này, người bị kết án vì những lời cáo gian.

Đức ông Peter Remigius, chủ tịch của Prison Ministry India khẳng định: “Chúng ta cần đi tìm kiếm tù nhân thứ 13, sẵn sàng nhận sự nâng đỡ và trợgiúp của chúng ta. Có thể là họ không sẵn sàng đón tiếp chúng ta, nhưng chúng ta luôn có một không gian yêu thương dành cho họ.”

Nhờ sự trợ giúp của các giáo phận, các dòng tu, các tổ chức giáo hội, hồi năm ngoái, hàng trăm tù nhân đã được trả tự do.

Ghi danh tham dự vào hoạt động của Prison Ministry India bắt đầu từ 21/04 tới. Thời gian huấn luyện từ 8-23/05. trong hai tuần lễ này, những người tham dự sẽ được học hỏi “để tỏ lòng cảm thông thật sự và chăm sóc các anh chị em đang sống đàng sau những song sắt.” Người ta cũng có thể đóng góp những trợ giúp về tài chánh cho hiệp hội. (Asia News 28/03/2017)

Hồng Thủy

Thờ ơ với người nghèo thì rơi vào đường tội lỗi

Thờ ơ với người nghèo thì rơi vào đường tội lỗi

Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để mình bị rơi vào đường tội lỗi, dẫn đến kết cục như ông phú hộ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ai sống trong giàu có mà không nhìn thấy người nghèo khó, thì đang rơi vào đường tội lỗi

Khi một người chỉ sống trong môi trường khép kín của mình, chỉ hít thở trong không gian của riêng mình, trong tài sản của riêng mình, trong sự hài lòng đầy hư ảo của hư danh, để rồi cảm thấy an toàn và chỉ tin vào chính bản thân, thì khi đó người ấy đánh mất phương hướng, đánh mất định hướng, mất la bàn và không biết xác định các ranh giới. Đó là những gì đã xảy ra với ông nhà giàu trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay. Ông chỉ biết sống cho riêng mình. Ông không thèm quan tâm và không biết đến người nghèo Lazaro trước cửa nhà ông.

Ông ta biết người nghèo đó là ai. Ông ta biết. Bởi vì sau đó, khi chịu cực hình trong hỏa ngục, ông kêu xin với Tổ phụ Abraham rằng: “Xin sai anh Lazaro…”. Thế đó, ông phú hộ biết có người nghèo trước cửa nhà mình, ông cũng biết rõ tên của người ấy là Lazaro, nhưng ông không quan tâm. Ông ta có phải là kẻ tội lỗi không? Có. Nhưng một tội nhân có thể hoán cải, có thể nài xin ơn tha thứ và Chúa sẽ thứ tha. Thế nhưng tâm hồn ông ta khép kín và dẫn ông tới chỗ chết mà không thể quay đầu. Vấn đề ở chỗ: ông ta biết những đau khổ của người nghèo, nhưng ông lại cứ sống trong cái hạnh phúc của ông và không cần quan tâm. Vấn đề là ông không nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, ông không thấy mình cần hoán cải.

Chúng ta cảm thấy gì trong tâm hồn, khi nhìn những người vô gia cư trên đường phố?

Bạn sẽ cảm thấy gì trong lòng khi đi trên đường phố và thấy những người vô gia cư, thấy những đứa trẻ ăn xin… Có thể bạn nói: nhưng có những kẻ ăn cắp. Và rồi bạn tiếp tục bước đi, và bạn làm như thế? Những người không nhà cửa, người nghèo, người bị bỏ rơi, ngay cả có những người ăn mặc lịch sự nhưng họ không nhà cửa, vì họ không có tiền thuê nhà, vì họ không có công ăn việc làm… Những con người ấy là ai đối với tôi?

Phải chăng những con người ấy cũng chỉ là một phần của cảnh quan thành phố, giống như một bức tượng, như trạm xe buýt, như bưu điện? Phải chăng điều ấy là bình thường? Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận khi tự nhủ lòng rằng: Có những điều như thế, nhưng mà cuộc sống là thế thôi… rồi tiếp tục ăn uống, mà không có một chút cảm thấy lỗi lầm, và rồi tiếp tục bước đi. Cung cách ấy, con đường ấy chẳng hề tốt lành.

Nếu tôi ăn năn trở lại, chứ không chỉ khép kín

Từ những gì tôi nghe, những gì tôi thấy trên các tin tức, ví như có quả bom rơi xuống một bệnh viện và nhiều trẻ em bị chết, nhiều người nghèo bị chết, có thể tôi dâng một lời cầu nguyện và rồi tôi tiếp tục sống như thể chẳng có gì xảy ra? Hãy ghi khắc trong tim chúng ta, câu chuyện đầy kịch tính của anh Lazaro.

Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đoái nhìn tâm hồn con, để con nhận thấy đường sai lỗi của con. Vì một tội nhân, nếu sám hối, thì sẽ trở lại; nhưng nếu là kẻ dửng dưng vô cảm thì là quá khó, vì khi ấy là tự đóng kín nơi bản thân. Lạy Chúa, này là trái tim con, xin cho con biết được đường đi và trên con đường ấy, con có thể vững bước.

Tứ Quyết SJ

Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng (Bắc hàn)

Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng (Bắc Hàn)

Seoul – Năm 2017 này, giáo phận Công giáo Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập. Nhân dịp này, tổng giáo phận Seoul đã tổ chức các sáng kiến như Thánh lễ đặc biệt và một cuộc triển lãm các hình chụp.

Thánh lễ sẽ được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Seul vào ngày 18/03 tới đây và được dâng với ý chỉ cầu cho tất cả tín hữu Công giáo ở Bắc Hàn, đặc biệt những người đã sống trong 90 năm này ở Bình Nhưỡng và những người đã hy sinh mạng sống vì đức tin.

Thánh lễ sẽ do Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng giám mục Seoul và giám quản tông tòa của Bình Nhưỡng, chủ sự; cũng có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục

Victor Yoon-hee Gong, sinh tại Bình nhưỡng; Đức Tổng giám mục Osvaldo Padilla, sứ thần Tòa Thánh tại Hàn quốc, cha Matthew Hwang In-Guk, đại diện Giám mục của Bình Nhưỡng và cha Gerard Hammond, thừa sai thuộc Hội Maryknoll, vẫn còn tham gia vào các hoạt động hợp tác với Bắc Hàn

Ngoài các tín hữu tham dự Thánh lễ, có thể có sự tham dự của các Hội đoàn và dòng tu đã trợ giúp giáo phận Bình nhưỡng như Hộ thừa sai Paris, các cha Maryknoll, các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres và các nữ tu dòng Đức Mẹ Hằng Cứu giúp.

Trong Thánh lễ, một bức tranh vẽ 24 vị tử đạo của Bình nhưỡng do cha Jerome Chang Keung-sole vẽ sẽ được đặt trước bàn thờ. Cha Chang Keung-sole cũng là thư ký điều hành của nhóm các linh mục sinh tại Bình Nhưỡng và là cựu giám đốc của Ủy ban hòa giải dân tộc Hàn quốc.

Trong số 24 vị tử đạo, có đức cha Francesco Borgia Hong Yong-ho, nạn nhân của chế độ Bắc Hàn vào năm 1949, hiện nay được gộp vào nhóm các vị tân tử đạo Hàn Quốc (tất cả 214 vị, gồm có Giám mục, Linh mục và giáo dân) đang trong tiến trình phong chân phước.

Cuộc triển lãm các hình chụp trưng bày hình ảnh đời sống của giáo xứ Bình Nhưỡng được chụp giữa các năm 1920 và 1950. Chủ đề của cuộc triển lãm là: “Anh em hãy đứng lên, chúng ta đi Mt 26,46)”. Trong lời giới thiệu cuộc triển lãm, Đức Hồng Y Yeom nói: “Thời gian trôi qua, những kỷ niệm của chúng ta về các tín hữu Công giáo đã sống ở Bắc hàn có khuynh hướng mất đi. Những gì chúng ta thấy nơi các tấm hình này ngày nay không còn có ở Bắc Hàn nữa. Cử hành kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận quan trọng đối với chúng ta để làm sống lại ký ức và không quên những anh em đã được rửa tội ở Bình nhưỡng, những người đã chiến đấu cho đến cùng để gìn giữ đức tin Công giáo của họ.” 

 

Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản, có lòng thương xót

Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản, có lòng thương xót

Ngày 13/03/2017 là tròn 4 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Vị Giáo hoàng “đến từ cùng tân của thế giới” đã chiếm được trái tim của các tín hữu khi nói về lòng thương xót và chú ý đến những người cùng đinh nhất.

Nhà báo Michele Raviart đã phỏng vấn một số tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa nhật 12/03 về những kỉ niệm và ấn tượng họ có về Đức Phanxicô.

– Tôi có một kỷ niệm tuyệt vời, khi ngài, một tân Giáo hoàng, đã nói: “Quý ông bà anh chị em, buona sera (lời chào vào ban chiều của người Italia). Ngài đã đặt mình cùng giai tầng với mọi người khác. Điều đánh động tôi chính là sự đơn sơ, cởi mở của ngài đối với người nghèo.

– Đức Giáo hoàng đến từ nơi rất xa, từ miền đất xa xôi ở Argentina. Rồi tên của ngài, cách đặc biệt, gợi nhớ đến thánh Phanxicô. Điều đầu tiên mà tôi thích, đó là ngài muốn đến ở nhà Santa Marta (thay vì ở trong dinh tông tòa như các vị Giáo hoàng tiền nhiệm), đó là một điều thật đẹp. Ngài là một Giáo hoàng tốt lành, nhắc tôi hơi nhớ đến Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

– Tôi nhớ rất rõ bài diễn văn trong ngày khai mạc sứ vụ Giáo hoàng, khi mà Đức Phanxicô lúc đó, đối với chúng ta, chưa là ai cả, và ngay tức khắc bằng bài diễn văn đầu tiên, ngài đã chiếm được trái tim của chúng ta. Và điều này ngày càng được gia tăng và được khẳng định.

Ký giả Raviart hỏi các tín hữu, trong 4 năm qua, bài diễn văn, hay cuộc tông du, hoặc cử chỉ nào của Đức Phanxicô đã ghi ấn tượng với họ.

– Thật lòng đối với tôi, lòng tốt lành của ngài đánh động tôi. Theo tôi, Đức Giáo hoàng sẽ để cho các người trẻ, 100 năm nữa, một cử chỉ không thể lấp đầy.

– Lòng thương xót, lòng thương xót của Đức Giáo hoàng đối với tất cả, không có sự phân biệt.

– Nhìn thấy ngài sử dụng một chiếc xe hơi nhỏ rẻ tiền, thấy sự đơn giản của ngài, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn đẹp nhất đối với tôi, ngài thực sự là một người của gia đình.

– Điều đánh động tôi là bữa tối Giáng sinh: ngài mở cửa các nhà cho những người nghèo. Ngài gần chúng ta, rất gần chúng ta.

– Mọi Chúa nhật tôi đều lắng nghe (giờ Kinh Truyền Tin) và cố gắng ở nhà vào giữa trưa, bởi vì tất cả điều ngài nói rất đơn giản nhưng là thật và có hiệu quả .

– Ngài là một con người vĩ đại, trong đó có việc ngài đã giúp cho nước Mỹ và Cuba xích lại gần nhau.

– Tôi bị đánh động và điều đánh động tôi là tất cả điều ngàu làm từ ngày đầu tiên cho đến nay.

Câu hỏi cuối cùng của ký giả Raviart: Bạn mong ước điều gì trong thời gian còn lại của triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô?

– Chúng tôi hy vọng ngài vẫn còn ở với chúng ta thật lâu và tiếp tục ý tưởng về tình huynh đệ này.

– Cầu mong là triều đại Giáo hoàng của ngài kéo dài thật lâu và dân chúng hiểu là ngài mong có sự tốt lành trên thế giới và sự giản đơn.

– Cầu mong ngài không đi xa, không bao giờ, không bao giờ! Đức Giáo hoàng này sẽ sống 1000 năm! (RV 12/03/2017)

Hồng Thủy

Sơ Lizzy Chakkalakal xây dựng 54 cơ sở cho những người nghèo ở Kochi, Ấn độ

Sơ Lizzy Chakkalakal xây dựng 54 cơ sở cho những người nghèo ở Kochi, Ấn độ

“Tình yêu đam mê Chúa Giêsu đã thúc đẩy tôi lập các nhà để đón nhận người nghèo,” sơ Lizzy Chakkalakal, một nữ tu dòng Phan sinh Thừa sai Đức Maria, hội dòng đã hiện diện ở Ấn độ từ đầu những năm 1900, chia sẻ về động lực đã thúc đẩy sơ thành lập các cơ sở đón tiếp người nghèo ở thành phố Kochi, bang Kerala, Ấn độ. Sơ Lizzy, 47 tuổi, phụ trách một tu viện của dòng, nơi có trường nữ trung học Đức Mẹ. Vào năm 2012, sơ Lizzy đã bắt đầu xây dựng cơ sở đầu tiên, được gọi là “House Challenge”, để làm nơi cư ngụ cho những người nghèo của thành phố Kochi. Đến hôm nay, nhờ sự dấn thân với lòng thương xót dành cho người nghèo, sơ đã xây dựng được 54 cơ sở.

Qua chương trình “House Challenge” – xây dựng nhà cho người nghèo – sơ Lizzy có thể làm được điều gì đó cụ thể cho gia đình các học sinh của sơ, những người sống trong những điều kiện khốn khổ. Ước mơ của sơ Lizzy là được làm việc toàn thời gian cho các hoạt động xã hội, nhưng sơ lại được chọn làm giáo viên dạy học. Một trong những thói quen của sơ sau giờ giảng dạy là đi thăm viếng các gia đình của các học sinh. Trong những lần thăm viếng gặp gỡ này, sơ nhận thấy rằng nhiều gia đình sống trong những nơi cư trú không an toàn và không xứng hợp với con người, còn phần lớn phụ huynh của các học sinh bị ảnh hưởng bởi việc nghiện ma túy và nghiện rượu. Những người bị thương tổn nhất chính là các trẻ em và phụ nữ. Khi chứng kiến những cảnh đời khốn khó này, sơ Lizzy đã nảy ra sáng kiến thành lập cơ sở đầu tiên làm nơi cư trú cho họ. Ban đầu cơ sở này chỉ đơn giản là sự chia sẻ các vật dụng và công cụ chung giữa các người nghèo với nhau. Dần dần các ngôi nhà này được xây dựng thành những nơi cư trú thật sự. Những người nghèo cần được giúp đỡ chỗ ở là do chính quyền bang đề nghị; họ chọn các gia đình khó khăn nghèo khổ nhất.

Tại thành phố Kochi, sơ Lizzy trở thành tên được nhắc đến nhiều. Nhờ sự cộng tác của các học sinh, giáo viên, các giáo dân Công giáo, và ngay cả những người bình thường nhưng có lòng tốt, sơ có thể cung cấp nơi trú ngụ cho tất cả những ai cần có chỗ ở. Các cơ sở sơ thành lập đón tiếp mọi người, không phân biệt là họ thuộc tôn giáo nào hay họ đang sống theo truyền thống văn hóa nào.

Chính Chúa Giêsu là linh hồn của các công việc của sơ Lizzy. Sơ chia sẻ: “Nguồn động lực của cuộc sống và công việc của tôi chính là Chúa Giêsu. Xây dựng cơ sở đón tiếp người nghèo là cách thức tôi tỏ cho họ thấy tình yêu, sự quan tâm và tương trợ. Giáo hội ở đây để đem lại niềm hy vọng và bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người nghèo khổ vất vả. Chúng tôi đang làm hết sức, hết khả năng của mình vì tình yêu dành cho họ.” Sơ Lizzy nhấn mạnh đến các ưu tiên trong sứ vụ của các tu sĩ Phan sinh là hoạt động cho công bằng xã hội, nhân quyền, sự phát triển tinh thần. Vì lý do này, hội dòng của sơ đã hoạt động để phát triển công bằng, phẩm giá con người, sự hòa hợp và hiệp thông giữa dân chúng và các cộng đoàn  – nguyên tắc căn bản của việc mục vụ xã hội. Sơ khẳng định: “Các giá trị Tin mừng và các việc làm của Chúa Giêsu không phải là những điều trừu tượng, nhưng là những diễn tả sống động và là cuộc sống được trao ban. Do đó, những điều này phải được sống và diễn tả bằng hành động cụ thể. Công việc xây dựng nhà cửa cho người nghèo của chúng tôi và các hoạt động truyền giáo khác đều đi theo đường hướng này. Như thế chúng tôi loan truyền tình yêu, hòa bình, sự chăm sóc, nỗi lo âu và lòng thương xót cho tha nhân.”

Ngày nay, nhờ sự dâng cúng giúp đỡ của các cá nhân, các nhân vật nổi tiếng và các giáo xứ, nhiều nơi cư trú được xây dựng cho những người nghèo. Nhưng theo sơ Lizzy, điều quan trọng nhất là “đã phát sinh một nền văn hóa chia sẻ và sự chăm sóc qua lại giữa những cư dân địa phương.” (Asia News 21/02/2017)

Hồng Thủy

 

Giới trẻ Nepal: Cộng sản đã thất bại. Chúng ta hãy trở về với tình yêu Chúa

Giới trẻ Nepal: Cộng sản đã thất bại. Chúng ta hãy trở về với tình yêu Chúa

Kathmandu, Nepal – Tại Nepal, “nhiều lãnh đạo áp đặt đạo lý cộng sản, đưa con người rời xa Thiên Chúa. Nhưng sự sai lệch này không đưa đến việc thành lập của cộng sản cũng không đưa đến ân sủng của Thiên Chúa. Đã đến thời điểm chúng ta trở lại với đức tin, như Đức giáo hoàng Phanxicô nói”. Đó là lời của Dipen Poudel, lãnh đạo sinh viên của đảng cộng sản Nepal, nhận định về sứ điệp Mùa Chay của Đức giáo hoàng Phanxicô.

Nhiều người trẻ Nepal đã đọc được sứ điệp được phổ biến tuần trước. Nhiều lãnh đạo giới trẻ, Công giáo cũng như các tôn giáo khác, bày tỏ sự phấn khởi của họ bởi những lời của Đức giáo hoàng, mời gọi mọi người đổi mới tinh thần và hướng đến hành trình hoán cải thật sự.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết: “Mùa Chay là thời gian thuận tiện để đào sâu đời sống tinh thần qua những phương thế thánh thiện mà Giáo hội ban cho chúng ta: chay tịnh, cầu nguyện và bố thí.” Ngài cũng khẳng đình rằng “thời gian chuẩn bị lễ Phục sinh là “thời gian thuận tiện để biến đổi trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô sống động trong lời của Người, trong cac bí tích và nơi người lân cận.” Nhắc đến dụ ngôn người phú hộ giàu có và người hành khất Lazzaro, ngài nhấn mạnh rằng: “mỗi sự sống mà chúng ta gập gỡ là một hồng ân và đáng được đón tiếp, kính trọng và yêu thương.”

Kishor Shrestha, chủ tịch của phong trào sinh viên Công giáo quốc tế nhận đinh: “Sự gia tăng nỗi thất vọng tinh thần và khoảng cách giữa giàu và nghèo giải thích cho lý do nhiều người trẻ thất vọng và tham gia vào các hoạt động tội pham.” Theo Shrestha, mội người trẻ phải có trách nhiệm với quốc gia và chịu trách nhiệm về sự chia rẽ của dân tộc bởi sự bất ổn chính trị, sự nghèo khổ, thất nghiệp, bất công trong việc sở hữu tài nguyên.”

Khi các sinh viên thảo luận cách thế giúp cho giới trẻ lãnh trách nhiệm, vài công viên không Công giáo đã đề cập đến sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo hoàng. Theo họ, sứ điệp có thể áp dụng hoàn hảo trong bối cảnh của Nepal. Lãnh đạo sinh viên đảng cộng sản đồng ý và nói: “Sứ điệp thật sự soi sáng và tất cả chúng ta phải đem ra thực hành. Sự phân cách tinh thần là một trong những nguyên nhân căn bản của các vấn đề giữa giới trẻ và người lớn.”

Urmila Basyal, nữ sinh viên liên kết với đảng quốc hội Nepal tin rằng “hàng ngàn người trẻ sai lầm nhân danh cộng sản. Khi chúng ta thăm viếng các nhà thờ và đọc Tin mừng, chúng ta khám phá ra ân sủng của Thiên Chúa là điều cần thiết để xây dựng một xã hội tốt hơn. Cùng với vài người bạn, tôi thăm một nhà thờ Công giáo, biết được ý nghĩa của lời Chúa đối với cuộc sống của một người. Tôi và các bạn của tôi muốn đón nhận ân sủng của Chúa và hoán cải. Cô kết luận: “Bình an và một cuộc sống tốt đẹp hơn bắt đầu khi người ta nhận ra tầm quan trọng của Thiên Chúa với việc giữ các giới răn của Người.” Asia News 01/03/2017)

Hồng Thủy 

Sự xấu hổ tốt lành giúp chiến thắng cám dỗ tham vọng

Sự xấu hổ tốt lành giúp chiến thắng cám dỗ tham vọng

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, đó là sự xấu hổ tốt lành, để chúng ta có thể đối diện với cơn cám dỗ của những tham vọng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Cám dỗ tham vọng giữa các môn đệ, trong các giáo xứ

Có một loại cám dỗ được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi các môn đệ đi trên đường, các ông bàn luận xem, trong các ông, ai là người lớn nhất. Nhưng họ lặng thinh khi Thầy Giêsu hỏi xem họ đang bàn với nhau về chuyện gì. Các ông lặng thinh vì các ông cảm thấy xấu hổ về cuộc luận bàn ấy.

Các ông là những người tốt. Các ông muốn theo Chúa, muốn phục vụ Chúa. Nhưng các ông không biết rằng, con đường phục vụ của Chúa quả là không hề dễ dàng. Con đường ấy không giống kiểu gia nhập một tổ chức nào đó, không như kiểu tổ chức từ thiện, nó cũng không phải chỉ là để làm điều gì đó tốt, nó là điều gì đó khác. Và điều ấy làm cho các ông sợ. Thế là có cám dỗ của thế gian. Từ xưa đến nay, trong Giáo hội, cám dỗ này đã có và sẽ tiếp tục có. Chúng ta thử nghĩ về những cuộc tranh chấp trong xứ đạo. Người ta nói: tôi muốn trở thành chủ tịch của hiệp hội này, tôi muốn lên chức một chút, ai là người lớn nhất ở đây, ai quan trọng nhất trong xứ đạo này… tôi quan trọng hơn vì tôi đã làm cái này… Và ở đó có chuỗi tội lỗi nối tiếp nhau.

Cám dỗ tham vọng giữa các linh mục, giữa hàng giám mục

Chính chúng ta là các linh mục, chúng ta phải xấu hổ mà thừa nhận rằng, đôi khi chúng ta nói: “Tôi muốn giáo xứ như thế này… Tôi muốn thế kia…”. Và bao nhiêu điều tương tự. Nhưng Chúa có ở đó không! Những điều ấy không phải là con đường của Chúa. Những điều ấy là con đường của phù vân, của hư danh, của thế gian.

Ngay cả giữa hàng giám mục cũng xảy ra điều tương tự: thế gian đầy những cám dỗ. Nhiều lần, có vị nói: “Tôi ở giáo phận này, hãy nhìn xem điều gì là quan trọng nhất, và tôi đã xoay chuyển… vâng, tạo nên ảnh hưởng này nọ, tạo áp lực kia đó, đưa đẩy vào đúng thời điểm ấy để đạt tới điều đó…”. Nhưng Chúa có ở đó không!

Xin ơn sống đơn sơ như trẻ thơ

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để xấu hổ, khi chúng ta nhận thấy mình đang bị cám dỗ theo con đường của thế gian. Vì Chúa Giêsu đã đảo lộn trật tự: ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Và Chúa đã đặt một em bé ở giữa, vì tất cả chúng ta đều dễ rơi vào cám dỗ tham vọng của thế gian là luôn muốn cảm thấy hơn người.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để xấu hổ, một sự xấu hổ tốt lành, một sự xấu hổ thánh thiêng, để chúng ta có thể tìm thấy bản thân trong hoàn cảnh của mình, giữa những cám dỗ, để chúng ta có thể xấu hổ thưa lên: “Con đã có thể nghĩ như thế sao? Khi con thấy Chúa ở trên thập giá…”. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn đơn sơ của trẻ thơ, để chúng ta hiểu được con đường phục vụ khiêm nhường.

Tứ Quyết SJ

Lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon ở Osaka, Nhật bản

Lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon ở Osaka, Nhật bản

Osaka – Sáng nay, 07/02/2017, Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon (1552-1615), chân phước tử đạo người Nhật.

Chân phước Ukon, được biết với danh hiệu “samurai của Chúa Kitô”, thuộc dòng dõi quý tộc và là võ sĩ đạo Nhật bản trong thời gian các cuộc bách hại “tôn giáo Tây phương”. Ngài đã chọn con đường bị sỉ nhục và sống lưu vong hơn là từ bỏ đức tin Kitô giáo, chấp nhận mất tất cả tài sản, chức nghiệp, địa vị xã hội, danh dự và sự kính trọng, trở thành người vô gia cư và buộc phải sống lưu vong. Cuối cùng Ukon đã cùng với gia đình và 300 Kitô hữu Nhật bản chạy trốn sang Manila và qua đời ngày 04/02/1615.

Trong bài giảng, sau khi suy tư về sự tử đạo và nền văn minh Kitô giáo của tình yêu, Đức Hồng y Amato đã nhắc nhớ rằng Giáo hội tại Nhật bản đã được chúc lành với chứng tá rạng ngời của nhiều vị tử đạo và chính chân phước Ukon là một chứng nhânphi thường của đức tin Kitô giáo trong những thời gian khó khăn, của chống đối và bách hại.”

Đức Hồng y cũng nhắc lại cuộc đời của tân chân phước và hoạt động của người cỗ vũ Tin mừng không mệ mỏi ở Nhật bản. Đức Hồng y miêu tả các nét nổi bật của chân phước: “Được giáo dục về danh dự và lòng trung thành, một chiến binh thật sự của Chúa Kitô, không phải với các thứ vũ khí mà ngài là chuyên viên, nhưng bằng lời nói và gương mẫu.”

Đức Hồng y kêu gọi, cũng như chân phước Ukon, đừng xem Tin mừng là điều xa lạ với văn hóa Nhật bản. Nhưng như các thừa sai dòng Tên, ngài tránh những tranh cải biện hộ. Ngài sống đức tin của mình và sống đức tin như người Nhật bản, làm cho các truyền thống của nền văn hóa của mình được phát triển.

Đức Hồng y kết luận: “Việc phong chân phước cho Ukon là một hạt giống mà Chúa Quan phòng gieo vãi ở Nhật và trên thế giới. Gương mãu của vị chân phước thúc đẩy tất cả chúng ta sống đời sống đức tin và trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.” (Asia News 07/02/2017)

Hồng Thủy

 

Ngày quốc tế giới trẻ Panama và Thượng hội đồng thế giới về người trẻ

Ngày quốc tế giới trẻ Panama và Thượng hội đồng thế giới về người trẻ

Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về người trẻ: Phỏng vấn ĐHY Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, và ĐC Giancarlo Bregantini, TGM Campobasso-Boiano

Ngày 20 tháng giêng vừa qua ĐC José Domingo Ulloa Mendieta, TGM giáo phận Thành phố Panama, đã mở cuộc họp báo và cho biết Ngày Quốc Tế Giới Trẻ  lần thứ 34 sẽ tiến hành tại Thành phố Panama trong các ngày từ 22 đến 27 tháng giêng năm 2019. ĐC cũng nói rằng vì lý do khí hậu tuy thời gian đó không phải là kỳ nghỉ tại nhiều nước, nhưng hy vọng đó không phải chướng ngại cản trở các bạn trẻ tới tham dự để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, từ tay Mẹ Maria và dưới sự hướng dẫn của Người kế vị thánh Phêrô.

Trước đây ĐTGM đã cho biết là muà hè ở bắc bán cầu là mùa mưa ở Panama.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Kevin Farrell Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống về Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama, và ĐC Giancarlo Bregantini, TGM Campobasso-Boiano, về Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ.

Trước hết là ĐHY Farrell. Trong các ngày từ mùng 5 tới mùng 8 tháng 12 năm 2016  ĐHY đã đến Panama tham dự các cuộc họp chuẩn bị.

Hỏi: Thưa ĐHY Farrell, trong các ngày từ 22 đến 27 tháng giêng năm 2019 Ngày quốc tế giới trẻ sẽ diễn ra bên Panama, trong dấu chỉ của Mẹ Maria. Đây có phải là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ có đề tài về Đức Mẹ không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Ngày quốc tế giới trẻ lần tới tại Panama trong các ngày 22 đến 27 tháng giêng năm 2019 sẽ là trong dấu chỉ của Mẹ Maria. Đây là lần đầu tiên lộ trình ba năm của Ngày quốc tế giới trẻ sẽ đạt tột đỉnh với việc cử hành Ngày quốc tế giới trẻ, có đề tài về Đức Mẹ. Mục đích là nhấn mạnh sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa trong cuộc sống của người trẻ, nhất là trong đức tin và lòng sùng mộ của các dân tộc Trung Mỹ.

Hỏi: Các HGĐM Trung Mỹ có mạnh mẽ ủng hộ Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama không thưa ĐHY?Và lý do tại sao?

Đáp: Có. Các HĐGM Trung Mỹ châu ủng hộ việc đề nghị Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama. Và đây là một nét nổi bật khác nữa của Ngày quốc tế giới trẻ. Và lộ trình chuẩn bị lôi cuốn cả các lực lượng của Giáo Hội cũng như của các xã hội tại Trung Mỹ. Lý do vì Panama có vị thế quan trọng, bởi vì chính tại đây Tin Mừng đã vào Mỹ châu. Và giáo phận La Antiqua đã được thành lập năm 1513 là giáo phận đầu tiên tại Mỹ châu.

Hỏi: Thưa ĐHY, Ngày quốc tế giới trẻ 2019 có là dịp giúp suy tư về hiện tượng di cư tỵ nạn hay không, và sứ điệp của nó có được nới rộng cho cả các tôn giáo khác nữa  không?

Đáp: Ngày quốc tế giới trẻ 2019 sẽ không chỉ là một dịp để kỷ niệm, mà cũng là dip để nhìn vào thực tại, qua ống kính ưu tiên của một nơi chốn là trung tâm của biết bao nhiêu lộ trình di cư từ nam lên bắc. Trong thời gian này là thời gian người ta nói nhiều tới người di cư, điểm hẹn tại Panama được đề nghị như là lúc suy tư về một trong các hiện tuợng với các mặt trái xã hội có ý nghĩa nhất  đối với các người nam nữ của thời đại chúng ta.

Tôi cũng đã tiếp nhận tích cực ý tưởng mời các bạn trẻ thuộc các tôn giáo khác thám dự để nới rộng ý nghĩa và sứ điệp  của Ngày quốc tế giới trẻ. Thực ra đây là điều đã luôn luôn được làm, vì tất cả các bạn trẻ kitô đều được mời gọi tham dự Ngày quốc tế giới trẻ, nhưng trong một thực tại như Trung Mỹ nó lại còn có một ý nghĩa lớn hơn nữa, bởi vì nó có thể là một câu trả lời của Giáo Hội công giáo cho các thách đố được đặt ra, đặc biệt bởi khuynh hướng chiêu dụ tín đồ từ phiá các giáo phái.

Hỏi: Thưa ĐHY, đây là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ được triệu tập vào tháng giêng có phải thế không?

Đáp: Không, đây không phải là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ được triệu tập vào tháng giêng. Nó đã xảy ra một lần với Ngày quốc tế giới trẻ trại Manila, và là Ngày quốc tế giới trẻ có số tham dự kỷ lục nhất. Tôi ý thức được các khó khăn mà giới trẻ âu châu có thể gặp phải, vì họ đang phải học, cũng như người trẻ Hoa Kỳ, nhất là các sinh viên đại học, vì đó là thời gian họ phải dấn thân học tập rất bận rộn. Nhưng trong trường hợp này, đặc biệt có các lý do thời tiết và khí hậu, xét vì tại Panama tháng giêng là tháng có ít mưa nhất.

Tiếp theo đây là bài phỏng vấn ĐC Giancarlo Bregantini, TGM Campobasso-Boiano, về Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ.

Hỏi: Thưa ĐC Bregantini, tiếp theo sau Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình là Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về người trẻ. Nó có thể là một đà tiến mới cho toàn thể Giáo Hội hay không?

Đáp: Trước hết tôi hy vọng rằng ba vấn đề lớn mà người trẻ đang phải sống hiện nay được tiếp nhận. Thứ nhất là nhu cầu lớn của chức làm cha: cần phải tái chiếm lại gương mặt của Thánh Giuse. Ngài đã được đặt bên cạnh Chúa Giêsu, một Giêsu thiếu niên. Vấn đề thứ hai mà THĐGM này phài tiếp nhận đó là sự bấp bênh của người trẻ, và không phải chỉ ở “bên trong” là các vấn đề liên quan tới đức tin, bởi vì đức tin của người trẻ thường bị khủng hoảng vì họ không có công ăn việc làm. Và sự bấp bênh không chỉ là thất nghiệp, mà cả đối với người trẻ có việc làm không thích hợp nữa. Vấn đề thứ ba đó làTHĐGM phải giúp giới trẻ can đảm  hơn trong các lựa chọn ơn gọi, tái phát huy vẻ đẹp là linh mục tu sĩ, nghĩa là trao ban cho Giáo Hội sự nồng nhiệt, sự hăng say, để có thể có một câu trả lời thích hợp trên bình diện ơn gọi, sau một thời gian phân định dài. Điểm thứ nhất, nguời trẻ xin chúng ta đồng hành với họ; điềm thứ hai phải là sự đồng hành của Chúa Giêsu, là Đấng đã làm việc cho tới năm 30 tuổi và cũng ở trong tình trạng bấp bênh của một xưởng mộc. Điểm thứ ba là sự hăng say: giáo Hội Italia và giáo Hội thế giới phải có nhiệt huyết hơn, sốt sắng hơn, đam mê hơn, phải có khả năng sống Niềm vui Phúc Âm hơn.

Hỏi: Thưa ĐC, trong thư ĐTC gửi cho giới trẻ toàn thế giới, chính trong dịp công bố tài liệu này ĐC đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội muốn lắng nghe người trẻ, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Vấn đề là đồng hành với người trẻ, lại càng khó khăn hơn nữa việc ở bên cạnh họ, không để cho họ mất đi. Thế rồi nhất là, như trong các cuộc thảo luận cũng đã có trong các giáo phận, cần thiết là đừng vất đi các năm của sự bấp bênh, nhưng là các năm trong đó chúng ta phải giúp họ  đọc lại Phúc Âm với con mắt của sự bấp bênh. Chẳng hạn các Phúc Thật, dưới ánh sáng của sự bấp bênh, xem ra càng phúc âm hơn. Khi đó sự bấp bênh không còn là tuổi mất đi nữa, nhưng là một tuổi của sự hoán cải của toàn thể Giáo Hội; bởi vi tôi không thể đồng hành với giới trẻ, nếu tôi là linh mục có cuộc sống ổn định: tôi là linh mục trẻ tôi có lương của tôi và bạn là người trẻ làm việc trong một thực tại bấp bênh, bạn không có gì khi chiều đến,  vì họ không trả lương cho bạn… Đó là lý do tại sao để ở bên cạnh người trẻ, để đồng hành với họ, người lớn chúng ta – Giáo Hội – phải hoán cải: giới trẻ là một khiêu khích thánh thiện tích cực đối với chúng ta. Vì thế nó không được là một Thượng Hội Đồng Giám Mục trong đó giới trẻ là “đối tượng”, mà trong đó họ phải là “chủ thể” lôi cuốn cả chúng ta thay đổi. Khi lắng nghe sự bấp bênh của giới trẻ, các linh mục trở thành trung thực hơn, các nữ tu trở thành trung thực hơn, nghèo nàn hơn, các thực tại đan tu trở thành cởi mở hơn. Đó là điều tôi mơ ước cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ.

Hỏi: Thưa ĐC, Giáo Hội thành công tới mức nào trong việc hiểu biết giới trẻ, để lắng nghe họ và để đồng hành với họ? Cũng có một đề tài  về việc canh tân ngôn ngữ nữa, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Cần phải học từ ĐTC Phanxicô. Bình thường sức mạnh của ngài không ở trong một thứ ngôn ngữ trau truốt, nhưng ở trong một ngôn ngữ chân thực, trong đó bạn trông thấy điều ngài nói với bạn là điều ngài đã sống, đã nội tâm hoá, đã đau khổ…

Hỏi: ĐC đã luôn luôn rất hiện diện trong cuộc sống của người trẻ. Họ đã trao ban cho ĐC những gì? Giới trẻ có thể trao ban gì cho Giáo Hội?

Đáp: Tôi đã học được từ người trẻ rất nhiều trong các trường học, và đây là một trong các điểm nóng mà chúng ta phải tái chiếm. Nghĩa là các linh mục phải gần gũi học đường. Cần phải chế tạo ra một sự hiện diện mới mẻ. Tại sao bạn lại không thể là một tuyên uý trường học? Nghĩa là một linh mục lưu tâm tới một trường học lớn có 500 học sinh: theo dõi chúng, dành cho chúng mỗi tuần một hai ngày ban sáng – hãy tái khám phá ra sự khôn ngoan của cha Milani, không phải “làm gì” ở trường học nhưng là là “dậy học” như thế nào. Theo tôi đó là một trong các không gian cần phải làm việc. Học đường vẫn còn là môt không gian rộng mở: với các cách thức khác nhau, không phải như là giáo sư của môn tôn giáo nữa, nhưng như là việc đồng hành đào tạo của một linh mục trong vùng theo dõi một trường học.

(Oss. Rom 23.24-1-2017)

Linh Tiến Khải

 

Cha Patricio Hileman và việc chầu Thánh Thể liên tục suốt ngày đêm

Cha Patricio Hileman và việc chầu Thánh Thể liên tục suốt ngày đêm

Cha Patricio Hileman, phụ trách việc thành lập các nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ngày đêm tại châu Mỹ Latinh, đã chia sẻ chứng từ cảm động về niềm tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể của cậu bé Diego, 8 tuổi, người Mêhicô.

Câu chuyện xảy ra tại Mérida, thành phố thủ phủ của bang Yucatán, nước Mêhicô, trong nhà nguyện đầu tiên mà các thừa sai dòng Đức Bà Thánh Thể đã xây dựng trong thành phố, để dành cho việc chầu Thánh Thể liên tục suốt ngày đêm. Trong một buổi nói chuyện của mình, cha Hileman đã nói: “Chúa Giêsu đã mời gọi các bạn hữu của mình tham dự vào giờ Thánh. Chúa Giêsu nói với họ: ‘Các con không thể thức với Thầy một giờ sao?’ Người đã nói với họ 3 lần và trời sáng.” Cậu bé Diego đã nghe cha nói rằng: “Chúa Giêsu sẽ chúc lành thêm cả trăm lần cho những ai sẵn sàng canh thức lúc rạng đông.” Nghe được những lời của vị Linh mục như thế, cậu bé Diego đã quyết định thực hiện việc canh thức chầu Thánh Thể lúc 3 giờ sáng. Việc dậy sớm của Diego đã làm cho mẹ cậu thức dậy và cậu đã giải thích cho mẹ biết mục đích cụ thể của mình: “Con muốn rằng cha của con sẽ không uống rượu và sẽ không đánh đâp mẹ nữa và rồi chúng ta không còn đói nghèo nữa.”

Trong tuần lễ đầu tiên, chính mẹ của bé Diego là người đã cùng đồng hành với em đi đến nhà nguyện để chầu Thánh Thể vào lúc rạng đông. Sang tuần lễ thứ hai, Diego đã rủ cả cha của mình cùng đi chầu Thánh Thể. Một tháng sau khi bắt đầu chầu Thánh Thể, cha của Diego đã làm chứng về những kinh nghiệm về tình yêu của Chúa Giêsu và về việc ông đã được chữa lành và tiếp sau đó, chính trong những giờ chầu Thánh này ông đã yêu thương lại vợ của mình. Ông đã không còn nhậu nhẹt rượu chè, không còn cãi mắng với vợ nữa và gia đình ông cũng không còn nghèo khổ. Chính nhờ đức tin của một đứa bé chỉ vừa 8 tuổi mà cả gia đình đã được chữa lành khỏi những tình cảnh khốn khổ trước đó.

Câu chuyện nhỏ trên chỉ là một trong những chứng tá hoán cải khác nhau mà cha Hileman đã chứng kiến trong các nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ngày đêm. Cha chia sẻ: “Điều răn thứ nhất của việc chầu Thánh Thể liên tục là để cho mình được Chúa Giêsu ôm choàng lấy. Đây là nơi chúng tôi học nghỉ ngơi trong tái tim Chúa Giêsu. Chỉ có mình Người mới có thể ban cho chúng ra sự ôm ấp linh hồn này.”

Cha Hileman nhớ lại, sáng kiến này được bắt đầu từ năm 1993 ở Siviglia, Tây ban nha, sau khi Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ long ao ước rằng “mỗi giáo xứ trên thế giới có thể có nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ngày đêm, nơi Chúa Giêsu được tỏ hiện ra trong Thánh Thể, trong một nhà Tạm, được thờ kính trang trọng ngày đêm không ngừng.” Cha Hileman còn cho biết chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chầu Thánh Thể 6 giờ mỗi ngày. Ngài viết các tài liệu trước Thánh Thể và mỗi tuần một lần ngài chầu Thánh Thể suốt cả đêm. Theo cha Hileman, đây chính là điều bí mật của các thánh, là điều bí mật của Giáo hội: được tập trung và liên kết với Chúa Kitô.

Từ hơn 13 năm nay cha Hileman được trao sứ vụ truyền giáo ở châu Mỹ Latinh, nơi đã có 950 nhà nguyện chầu Thánh Thể ngày đêm. Mêhicô là nước dẫn đầu với hơn 650 nhà nguyện. Cha Hileman nhấn mạnh: “Chúa Giêsu mà chúng ta đang thờ lạy và yêu mến chính là Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để có thể luôn luôn yêu mến bí tích Thánh Thể nhiều hơn nữa.”

Maria Eugenia Verderau, một người từ 7 năm nay đã chầu Thánh Thể vào một giờ cố định của tuần lễ tại một nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ở Chilê cũng chia sẻ: “Thánh Thể giúp lớn lên trong đức tin rất nhiều, Thánh Thể giúp tôi hiểu vị trí của tôi đối với Thiên Chúa, giống như con gái của một người cha, người chỉ muốn điều tốt cho tôi, niềm hạnh phúc thật sự của tôi. Chúng tôi sống những ngày sống khó khăn, từ sáng sớm đến chiều hôm. Dành một tí thời gian để chầu Thánh Thể là một quà tặng, ban cho chúng tôi sự thanh thản, là một không gian để suy nghĩ, cám ơn, để đặt mọi sự vào đúng chỗ và dâng lên cho Chúa.” (Aleteia .it 17/01/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma

Đức Thánh Cha tiếp Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma

VATICAN. ĐTC kêu gọi tăng cường việc huấn luyện chuẩn bị hôn phối và đồng hành với các đôi tân hôn để họ sống đời sống hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 21-1-2017 dành cho đoàn thẩm phán và các nhân viên của tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới. Tòa này có hơn 20 vị thẩm phán quốc tế, chuyên cứu xét các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, từ cấp 2 trở lên.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói đến mối liên hệ mật thiết giữa đức tin và hôn nhân, giữa tình yêu và chân lý, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã nói: ”Nếu tình yêu không có tương quan với chân lý, thì nó sẽ chịu những thay đổi của tình cảm và sẽ không vượt qua được những thử thách của thời gian.. Chỉ khi nào dựa trên chân lý thì tình yêu mới kéo dài trong thời gian, vượt thắng những thứ phù du nhất thời và tiếp tục kiên vững để nâng đỡ cuộc hành trình chung”.

Từ tiền đề trên đây, ĐTC nhận xét rằng ”sự thiếu sót các giá trị tôn giáo và đức tin có ảnh hưởng cả tới sự ưng thuận kết hôn. Kinh nghiệm về đức tin của những người xin kết hôn theo Kitô giáo rất khác nhau.. người thì tích cực tham gia vào đời sống giáo xứ, có đời sống cầu nguyện nhiệt thành, trái lại có những người chỉ có những tâm tình mơ hồ về tôn giáo, nhiều khi xa lìa hoặc thiếu sót về đức tin”.

Đứng trước tình trạng đó, ĐTC kêu gọi tìm ra những phương dược thích hợp: ”trước tiên cần có hành trình chuẩn bị hôn phối thích hợp, giúp các đôi vợ chồng tương lai đón nhận và nếm hưởng ân thánh, vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu chân thực, tình yêu được Chúa Giêsu cứu chuộc. Cộng đồng Kitô được kêu gọi nồng nhiệt loan báo Tin Mừng cho những người chuẩn bị kết hôn.. Cần coi tiến trình chuẩn bị hôn phối như một cơ hội thích hợp để loan báo Tin Mừng cho người lớn, và nhiều khi cho những người xa lạ với đức tin”.

Như phương dược thứ hai, ĐTC kêu gọi giúp các đôi tân hôn. Ngài nói: ”Cần can đảm và với tinh thần sáng tạo đề ra một dự án huấn luyện cho các đôi vợ chồng trẻ, với những sáng kiến giúp họ ngày càng ý thức về bí tích họ đã nhận lãmh. Vấn đề ở đây là khuyến khích họ cứu xét những khía cạnh khác nhau của đời sống lứa đôi thường nhật, là dấu chỉ và là dụng cụ tình yêu của Thiên Chúa..

ĐTC nói thêm rằng: ”Cộng đồng Kitô được kêu gọi đón nhận, đồng hành và giúp đỡ các đôi vợ chồng trẻ, cống hiến những cơ hội và phương thế thích hợp bắt đầu việc tham dự thánh lễ Chúa nhật, để chăm sóc đời sống thiêng liêng trong gia đình, cũng như trong khuôn khổ chương trình mục vụ tại xứ đạo hoặc trong các hội đoàn.. Nhiều khi các đôi vợ chồng trẻ bị bỏ mặc một mình, chỉ vì họ ít xuất hiện trong giáo xứ, hoặc nhất là sau khi họ sinh con.. Nhưng chính trong những lúc đầu tiên ấy của đời sống gia đình, cần phải bảo đảm cho họ sự gần gũi và nâng đỡ mạnh mẽ về tình thần, cả trong việc giáo dục con cái..” (SD 21-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Osaka – Ngày 7/2 tới đây, nghi lễ trọng thể phong chân phước cho Justo Takayama Ukon (1552-1615), được gọi là “võ sĩ samurai của Chúa Kitô”, một nhân vật được yêu quý của Giáo hội Nhật bản, sẽ được cử hành tại Osaka.

Đức cha Isao Kikuchi của Giáo phận Niigata và chủ tịch cơ quan bác ái của Nhật nói với hãng tin Fides là thời gian cử hành Thánh lễ đã chính thức được Tòa Thánh và hội đồng Giám mục Nhật đồng ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh phong chân phước vào tháng 1/2016 và Giáo hội Nhật bản đã chuẩn bị cho sự kiện này suốt một năm qua. Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh sẽ chủ sự Thánh lễ. Thánh lễ sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình ở Nhật bản.

Trong tất cả 42 thánh và 393 chân phước Nhật bản, tất cả đều tử vì đạo, thì Takayama là một nhân vật đặc biệt. Đó là một giaó dân, một chính trị gia, một quân nhân, một võ sĩ samurai, đã không được tôn vinh trên bàn thờ vì bị giết mà vì đã chọn con đường theo Chúa Kitô, nghèo khó, vâng phục và chịu đóng đinh. Ukon đã từ bỏ địa vị cấp cao trong xã hội, sự thượng lưu và giàu có để trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng.

Sinh ra trong một gia đình địa chủ, Ukon trở lại Kitô giáo lúc 12 tuổi, liên lạc với các thừa sai dòng Tên và theo bước người cha của mình. Được thánh Phanxicô Xaviê loan truyền đến Nhật bản vào năm 1549, Tin mừng Chúa Kitô đã nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Nhưng khi Toyotomi Hideyoshi lên nắm quyền ông cấm việc thực hành Kitô giáo. Tất cả các địa chủ lớn đều vâng lệnh, chỉ trừ Ukon. Ông sẽ mất tài sản, chức nghiệp, địa vị xã hội, danh dự và sự kính trọng. Ông sẽ trở thành một người vô gia cư và phải sống lưu vong. Cùng với 300 Kitô hữu Công giáo Nhật bản khác, Ukon đào tẩu đến Manila, và chỉ 40 ngày sau khi đến đây, ông ngã bệnh và qua đời ngày 4/2/1615.

Từ thế kỷ XVII, các tín hữu Nhật bản đã loan truyền sự thánh thiện của Ukon nhưng chính sách cô lập của quốc gia đã ngăn cản các nhà điều tra giáo luật thu thập các chứng cứ cần thiết để tuyên thánh. Đến năm 1965, các Giám mục Nhật bản mới tiếp tục lại hồ sơ và cùng nhau thúc đẩy quá trình phong chân phước.

Một bộ phim tài liệu về cuộc đời của Ukon đã được thực hiện với tựa đề “Ukon võ sĩ Samurai: con đường của gươm giáo, con đường của thập giá” với sự bảo trợ của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa , sự cộng tác của Tòa đại sứ Nhật bản cạnh Tòa Thánh, của Hội đồng Giám mục Nhật bản, của dòng Tên ở Italia, của "Trentino Film Commission”. 

Logo được chọn cho lễ phong chân phước được thiết kế bởi nữ tu M. Ester Kitazume, với 7 ngôi sao tròn dấu hiệu của dòng họ Takayama, với thánh giá và 3 cái nhẫn ở khung hình nền. 7 ngôi sao chỉ về gia đình của Ukon nhưng cũng là 7 phép bí tích và 7 ơn Chúa Thánh Thần. Thánh giá là dấu chỉ của sự trao tặng sự sống của Ukon. (Fides 20/1/2017)

Hồng Thủy

Cha Adday vượt đường dài chăm sóc cho người Iraq tị nạn tại Thổ nhĩ kỳ

Cha Adday vượt đường dài chăm sóc cho người Iraq tị nạn tại Thổ nhĩ kỳ

Giữa tiếng nhạc thánh ca sốt sắng và hương trầm tỏa nghi ngút, trong bầu không khí tràn đầy vẻ thánh thiêng và tôn kính, cha Remzi Diril, được biết với tên “cha Adday”, một tay cầm chén Máu Thánh và dĩa đựng Mình Thánh, từ từ di chuyển đến từng người, trao Thánh Thể cho hết người này đến người kia. Thánh lễ không được cử hành trong một nhà thờ, nhưng là trong một căn hộ chung cư ở Kirsehir, một thành phố nhỏ ở miền Trung Thổ Nhĩ kỳ, nơi người Hồi giáo chiếm đa số.

Là Linh mục duy nhất thuộc Giáo hội Công giáo Canđê hoạt động mục vụ ở Thổ Nhĩ kỳ, cha Adday đã trở thành một Linh mục du hành, một chiến binh đường phố, mỗi năm cha đi hàng ngàn dặm đường để đến các nơi chăm sóc đoàn chiên của mình, cộng đoàn Kitô hữu người Iraq tị nạn ở Thổ Nhĩ kỳ với khoảng 40 ngàn tín hữu. Từ khi được thụ phong Linh mục cách đây 2 năm, cha Adday, 34 tuổi, đã rửa tội cho hơn 200 trẻ em, làm phép hôn phối cho hơn 20 đôi và ban các nghi thức cho hơn 30 người hâp hối. Năm ngoái cha đã chuẩn bị cho hơn 150 em rước lễ lần đầu, còn năm nay con số các em được lãnh nhận Thánh Thể lần đầu cũng đã lên đến hơn 100 em.

Cha Adday thường di chuyển trên các chuyến bay giá rẻ vì Giáo hội không thể hoàn lại tiền vé máy bay cho cha. Chỉ trừ một số ít trường hợp, như khi cha đến cử hành các ngày lễ hội tôn giáo, thì cha hay các gia đình cha thăm viếng sẽ trả tiền vé. Cha đi đến tận các gia đình để thăm hay cử hành các nghi lễ vì như thế sẽ đỡ tốn kém hơn là cả một gia đình 10 người đi đến tận Istanbul, nơi cư ngụ chính của cha.

Thường khi đến một nơi, cha nhờ vào một mạng lưới trợ giúp, họ nối kết cha với các cộng đoàn Kitô hữu Iraq địa phương. Ví dụ, cha bay chuyến bay giá rẻ từ Istanbul đến Nevsehir, một thành phố ở miền trung Thổ Nhĩ kỳ, rồi từ đó cha đi xe buýt thêm gần 100 cây số để đến Kirsehir, nơi cha sẽ gặp gia đình một tín hữu. Cha đã đến đây lần thứ 8, cha nói: “Đây là gia đình của tôi ở Kirsehir. Ở mỗi thành phố, tôi có một gia đình. Đôi khi có hơn một gia đình.” Vợ chồng tín hữu này giữ vai trò liên lạc cho cha Adday. Sau khi đã đón tiếp cha đến căn hộ chung cư của họ và mời cha một ít nước trà và bánh ngọt, họ bắt đầu gọi điện thoại. Họ rất quen thuộc với 225 gia đình người Iraq ở tại thành phố và họ đang nối kết cuộc hành trình của vị Linh mục.

Miền đất Kirsehir này giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử Kitô giáo. Các Kitô hữu tiên khởi đã đến đây để trốn tránh cuộc bách hại của đế quốc Roma. Ngày nay, các di tích của các thánh đường do các tín hữu xưa kia xây vẫn còn được viếng thăm. Tuy vậy, không có nhà thờ Công giáo nào hoạt động trong vùng. Do đó, khi cha Adday đến thăm, cha cử hành Thánh lễ tại các gia đình như các Kitô hữu tiên khởi đã làm. Nếu thuê một phòng hội để cử hành Thánh lễ thì sẽ tốn khoảng 900 đô la; số tiền đó tốt hơn là để chi trả cho phí tổn để có thể thăm nhiều gia đình hơn. Thường có khoảng 10 gia đình được mời dự lễ, với khoảng 30 thành viên. Các Thánh lễ tại các nhóm nhỏ mang lại những kinh nghiệm khác với Thánh lễ trong một nhà thờ. Cha Adday chia sẻ: “Thánh lễ tại gia đình giống như một gia đình. Người cha và các con cái chia sẻ vinh quang của Chúa. Nó khác như là  xem một cuốn phim trong một rạp chiếu phim và xem ở gia đình.” Sau Thánh lễ, cha Adday thăm một phụ nữ Iraq bị ung thư. Con gái của bà vừa khóc vừa mở cửa phòng ngủ, lo lắng về sức khỏe của người mẹ. Sức khỏe của bệnh nhân hết sức mỏng manh yếu đuối; cha Adday cầu nguyện một vài phút, rồi cha xức dầu thánh cho bà.

Rất nhiều người trong số những người cha Adday đến thăm, đã sống vài năm trời ở Thô nhĩ kỳ trong khi chờ đợi đơn xin tị nạn đến các nước như Úc, Canada và Hoa kỳ được chấp thuận. Thời gian chờ đợi thường kéo dài và thời gian chờ đợi bấp bênh như thế này sinh ra nhiều vấn đề thể lý cũng như tâm lý đối với họ. Cha Adday hiểu là những người tị nạn này cần sự trợ giúp thiêng liêng. Họ cần một Linh mục. Họ muốn Giáo hội ở với họ. Cha biết là cha không thể giúp cho họ về vật chất nhưng cha có thể cho họ thời gian và niềm hy vọng. Cha nói: “Khi bạn để đàn chiên của bạn ở trên núi, bạn không thể biết điều gì sẽ xảy ra với chúng, nhưng khi bạn ở với chúng thì khác. Bạn có thể chỉ cho chúng nơi nào có nước, nơi nào là chỗ bình an để trú ngụ. Những người tị nạn giống như những đứa con nhỏ chờ đợi cha của chúng.”

Sau hai ngày một đêm bận rộn ở Kirsehir, cha Adday chuẩn bị trở lại Istanbul. Cha đã cử hành 5 Thánh lễ và thăm viếng nhiều gia đình nhưng cha không cảm thấy mệt mỏi. Cha hy vọng là những lần viếng thăm của cha giúp họ thêm vững mạnh về tinh thần và gần gũi với Giáo hội và đức tin của họ vào Chúa Giêsu được làm mới thêm. Mọi Kitô hữu cần phải làm mới lại đời sống thiêng liêng. Cha cũng hy vọng trao cho ho niềm hy vọng và nhắc nhở họ rằng Chúa làm những phép lạ và do đó họ cần tin tưởng. Cha nói với giáo dân hãy để Chúa làm những công việc cho họ. Người là Cha chúng ta và Người muốn điều tốt nhất cho chúng ta. (CNS 28/11/2016)

Hồng Thủy

Yurek, người vô gia cư được chữa lành nhờ Đức cha Sorrentino của Assisi

Yurek, người vô gia cư được chữa lành nhờ Đức cha Sorrentino của Assisi

Buổi chiều ngày khai mạc Năm Thánh Lòng thương xót, khí hậu ở thành phố Assisi rất lạnh. Khi Đức cha Domenico Sorrentino, Giám mục của Giáo phận đang trên đường từ nhà thờ thánh Rufino trở về Tòa Giám mục, một nữ tu đã đưa ngài đến chỗ của Yurek, một người Ba lan vô gia cư 60 tuổi. Yurek không có gia đình thân thuộc, ông sống lang thang trên đường phố Assisi từ vài năm nay. Niềm vui của ông là rượu; ông say rượu từ sáng sớm cho đến chiều tối. Tất cả dân thành phố Assisi hầu như đều biết ông, đặc biệt là các nhân viên cứu hộ là những người mà dân chúng thường gọi đến, khi họ thấy ông Yurek say rượu nằm nửa sống nửa chết trên đường phố.

Khi Đức cha Sorrentino tìm thấy Yurek, như mọi ngày, ông đang say rượu, nằm trên đất lạnh lẽo và có nguy cơ là sẽ bị chết cóng vào trời đêm giá rét. Đức cha Sorrentino nhận ra đây là một tình huống khó khăn phức tạp, nhưng ngài không muốn tháo lui, từ chối giúp ông Yurek. Và quả thật, không hề dễ dàng để đưa ông về tòa giám mục. Ban đầu ông Yurek cự tuyệt, từ chối không muốn đi theo Đức cha, vì ông đã quen với đời sống lang thang, làm bạn với rượu chè. Nhưng cuối cùng Đức cha đã thuyết phục được Yurek và đưa ông về tòa giám mục với mình. Sau đó Đức cha đã gửi ông đến trung tâm tiếp nhận của Caritas.

Chính nhờ cuộc gặp gỡ với vị Giám mục này mà cuộc đời của người vô gia cư Yurek được cứu vớt. Thời gian đầu thật là khó khăn để giúp Yurek. Ông ta cứ tiếp tục uống rượu và cơ thể ông ngày thêm suy nhược. Nếu mà người ta cố gắng lấy rượu đi và không cho ông uống nữa thì ông sẽ bỏ đi, vì ông không thể sống mà không được uống rượu. Sau nhiều lần nhập viện và sức khỏe có vấn đề trầm trọng, được các y tá và các nhân viên tình nguyện của Caritas trợ giúp, bệnh nghiện rượu của ông đã chấm dứt. Người ta cũng sợ là ông sẽ bị nghiện lại, nhưng phép lạ đã xảy ra. Từ ngày đó trở đi, ông không còn đụng đến rượu nữa. Mỗi ngày ông thức dậy sớm và bắt đầu quét dọn sạch sẽ ngôi vườn của trung tâm Caritas cách cẩn thận. Trước đó, ngay cả việc vệ sinh cá nhân ông cũng chẳng thèm quan tâm, nhưng bây giờ ông vệ sinh cá nhân và căn phòng của ông luôn luôn sạch sẽ ngăn nắp. Ông cũng đặt hai cái ghế và một cái bàn nhỏ để tiếp đón những người đến thăm ông. Tất cả những người đã biết ông trước đây và bây giờ khi nhìn thấy ông, họ không thể tin vào mắt của mình. Ông bây giờ đã trở thành một người đàn ông khác,sạch sẽ, lịch sự và vui tươi.

Việc cai nghiện thành công và thay đổi cuộc sống của Yurek quả thật là một phép lạ của Năm Thánh Lòng thương xót, như Đức cha Sorrentino nhìn nhận. Ngài mời gọi mọi người cám ơn Chúa về sự cứu sống này. Nhiều bệnh nhân đã đến bệnh viện và trung tâm Caritas, nhưng họ cũng nhận nhiều rủi ro trong việc cai nghiện. Sau câu chuyện cai nghiện thành công và đổi đời  của Yurek, có một bài học luân lý căn bản; đó là chỉ khi được đụng chạm đến sâu thẳm, con người mới có thể đứng dậy và bắt đầu hướng về tương lai. Như cha Stefano Tondelli, phó giám đốc Caritas giáo phận Assisi nhận định: “Có lẽ Yurek cảm thấy được yêu thương, tìm được một chiếc giường để ngã lưng mỗi ngày, những điều này giúp cho ông có động lực để sống, để biết chăm sóc bản thân và thoát khỏi sự tuyệt vọng mà có lẽ đã đẩy ông vào con đường ngập chìm trong rượu chè. Chính Đức cha Sorrentino cũng nhìn nhận răng, ông Yurek là niềm vui Chúa ban cho cộng đoàn, đó là được nhìn thấy hoa trái bé nhỏ nhưng lớn lao của niềm hy vọng tình yêu.

Mới đây ông Yurek đã được Đức cha Sorrentino mời đến ăn trưa cùng với cộng đoàn các nữ tu và cha Tondelli. Như thế, sau 3 thiếu nữ người Nigeria, Đức cha cũng đã mở cánh cổng nhà ngài để đón tiếp người bạn Yurek này. (Aleteia.it  28/11/2016)

Hồng Thủy

 

Đức Hồng Y Tagle của Manila sẽ rửa tội cho 400 trẻ em nghèo

Đức Hồng Y Tagle của Manila sẽ rửa tội cho 400 trẻ em nghèo

Manila – Ngày 14/01 tới đây, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, sẽ cùng với cha Matthieu Dauchez, giám đốc điều hành quỹ Tulay Ng Kabataan (TNK) và 10 Linh mục khác rửa tội cho 400 trẻ em từ các khu ổ chuột của thành phố Manila. Đức Hồng Y Tagle thỉnh thoảng cũng dành thời gian cho các trẻ em đang được TNK chăm sóc.

Cha Dauchez nói: “Thật là khó để mang các trẻ em bị thương tổn đến gần với Chúa, nhưng ngược lại, thật dễ dàng mang Thiên Chúa đến với các em qua các bí tích.”

Elise Cruse, người điều hành thông tin liên lạc của quỹ TNK, cho biết, TNK đang giúp các gia đình nghèo có thể tiếp cận không chỉ với những trợ giúp vật chất nhưng cả sự nuôi dưỡng tinh thần nhờ các bí tích. Cruse giải thích: “Các gia đình đang sống trong các khu ổ chuột và trên đường phố của thành phố Manila không chỉ dễ gặp nguy hiểm và đe dọa, nhưng họ còn không được lãnh nhận bí tích suốt thời gian dài. Chúng tôi nhận thấy rằng các gia đình nghèo khổ nghĩ là họ không thể đến lãnh nhận bí tích vì sự nghèo khổ của họ. Họ nghĩ là họ phải trả phí tổn, dù các bí tích được trao ban hoàn toàn nhưng không.” Cô cho biết thêm là những người nghèo còn không biết họ phải làm gì và làm như thế nào. TNK và RCAM nhắm thay đổi điều này bằng cách giúp cho nhiều trẻ em được rửa tội.

TNK giúp các trẻ em đường phố từ năm 1998. Mỗi năm có 1300 trẻ em được tiếp đón trong 24 trung tâm. Trong 18 năm qua, hàng ngàn trẻ em đã rời bỏ cuộc sống đường phố. (CBCP News)

Hồng Thủy

Phỏng vấn cha tân Bề trên tổng quyền dòng Tên Arturo Sosa

Phỏng vấn cha tân Bề trên tổng quyền dòng Tên Arturo Sosa

Ngày 18 tháng 10 năm vừa qua Tổng tu nghị Dòng Tên đã bầu cha Arturo Sosa Abascal người Venezuela làm Bề trên tổng quyền thứ 30 của Dòng. Cha Sosa sinh năm 1948, khấn trọn năm 1982, đã từng là cố vấn và đại diện cho các nhà và các cơ sở liên giám tỉnh của dòng tại Roma.

Hỏi: Thưa cha, cha có thể cho biết thân thế của cha, cha đã trở thánh linh mục dòng tên như thế nào, và từ vài tháng nay cha là Bề trên tổng quyền của Dòng.

Đáp: Để biết tôi là ai thì chỉ cần chú ý tới hai nguồn hiện tại là gia đình tôi và trường của dòng Tên tại Caracas, nơi tôi đã theo học từ bậc tiểu học cho tới trung học, là đủ, nghĩa là từ khi tôi lên 5 tuổi cho  catới khi 17 tuổi. Gia đình tôi đã sinh sống tại Venezuela từ ba đời, nhưng ông ngoại tôi là người gốc vùng Santander bên Tây Ban Nha, di cư sang châu Mỹ Latinh. Chúng tôi có 6 anh em, tôi là anh cả. Sau đó là đến hai em gái, một em trai hiện sống bên Hoa Kỳ và hai em gái kế. Tất cả các em gái đều sống tại Venezuela. Gia đình tôi là một gia đình thực hành đạo, có một bà dì nữ tu, và một ông anh họ tu sĩ dòng Tên. Chính trong gia đình mà tôi đã học cầu nguyện và rộng mở cho người khác. Ngay từ ngày còn bé cha tôi thường cho tôi đi theo trong các cuộc du hành của ông trên toàn nước Venezuela. Ông là trạng sư,  kinh tế gia và là một thương gia buớc vào làm chính trị. Ông đã là bộ trưởng tài chánh trong vòng một năm trong chính phủ chuyển tiếp, sau khi chế độ độc tài của tổng thống Marcos  Perez Jiménes cáo chung. Hầu như trong suốt thế kỷ XIX Venezuela đã trải qua các chính quyền độc tài, và trong thập niên 1950 dấn thân của cha tôi là tạo ra các không gian dân chủ. Và trong gia đình tôi đã học biết rằng không ai có thể tự cứu thoát một mình. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, thì phải góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc của quốc gia.

Hỏi: Và nguồn khác mà cha nhắc tới trên đây là gì, thưa cha?

Đáp: Nó cũng quan trọng như nguồn thứ nhất vậy. Tại trường thánh Ignazio, nơi tôi đã theo học hầu như 13 năm, từ năm 1953 cho tới năm 1966, đã có rất đông các tu sĩ dòng Tên trẻ, và chúng tôi ở trường từ sáng cho tới chiều, từ thứ hai cho tới thứ bẩy. Sau tuần học các tu sĩ dẫn chúng tôi đi thăm các nhà thương hay đi dạo ngoài đồng quê để tiếp xúc với các nông dân. Tôi nhớ tới các năm này như một môi trường rất là sáng tạo. Tôi cũng đã là thành viên của một hiệp hội thánh mẫu, và hồi đó thú thật là tôi chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục và bóng rổ rất dở. Sau khi mãn trung học tôi đã cảm thấy là để góp phần tốt hơn cho thiện ích của tất cả mọi người  tôi phải gia nhập dòng Tên. Và thế là ngày 14 tháng 9 năm 1966, ít ngày trước khi lên 18 tuổi, tôi đã xin nhập dòng.

Hỏi: Như vậy các năm huấn luyện đã ra sao và các năm sau đó cha đã làm gì?

Đáp: Việc chuẩn bị tôi ấy à? Đó là việc đào tạo huấn luyện của dòng Tên theo các chặng: các năm nhà tập, chương trình học triết học và thần học tại đại học công giáo Andres Bello trong thủ đô Caracas, rồi một thời gian tại Trung tâm Gumilla do các tu sĩ dòng Tên điều khiển nhằm trợ giúp các hợp tác xã tiết kiệm và tín dụng tại miền trung Venezuela, rồi theo học thần học tại Roma trong trường Chúa Giêsu và đại học giáo hoàng Gregoriana giữa các năm 1974-1977, là năm tôi được thụ phong Linh Mục. Nhưng tôi đã trở về Venezuela để học bổ túc về thần học, trong khi tôi dọn luân án tiến sĩ về các khoa học chính trị tại đại học chính của thủ đô Caracas. Đây là môn tôi đã dậy tại trung tâm Gumilla cũng như tại đại học Andres Bello, đặc biệt là lịch sử các tư tưởng. Trong gần 20 năm tôi cũng đã là giám đốc nguyệt san “Sic” của dòng Tên. Từ năm 1996 tới 2004 tôi đã là bề trên giám tỉnh của dòng tại Venezuela, và sau cùng là viện trưởng đại học công giáo Táchira từ năm 2004 cho tới năm 2014. Năm 2014 cha Bề trên tổng quyền đã gọi tôi về Roma để đặc trách các nhà quốc tế của dòng, nơi có 400 tu  sĩ dòng Tên làm việc dưới quyền của ngài.

Hỏi: Thưa Cha, sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử của dòng một linh mục không phải ngưòi âu châu được bầu làm Bề trên tổng quyền có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây chắc chắn là hoa trái của sự thay đổi đang xảy ra trong toàn Giáo Hội, và là một dấu chỉ của tính cách công giáo của nó, cũng như trong biến cố bầu Đức Bergoglio làm Giáo Hoàng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một dữ kiện lịch sử rất quan trọng, không thể chối cãi được: đó chính là tinh thần truyền giáo quảng đại của Âu châu đã cho phép điều này, và tạo thuận tiện cho việc hội nhập văn hoá, là nét đặc thù của các tu sĩ dòng Tên và của các cứ điểm truyền giáo do các tu sĩ điều khiển. Tiến trình này đã kéo dài một thế kỷ rưỡi, và ngày nay đã đưa dòng tới chỗ là một thực tại đa văn hóa, nhập thể vào trong hàng chục nền văn hóa khác nhau, để giúp con người và các xã hội trở thành nhân bản hơn, bằng cách chỉ cho thấy Chúa Giêsu Kitô, dung nhan của Thiên Chúa. Đây là một sự phong phú khổng lồ đối với các tu sĩ dòng Tên và tất cả mọi Giáo Hội. Chẳng hạn như Giáo Hội châu mỹ latinh là một Giáo Hội rất sinh động, nhưng thường bị trình bầy một cách bất công, bị san bằng trên nền thần học giải phóng, là nền thần học cũng hay bị giới thiệu một cách chế nhạo như là mác xít: đây là một trung gian của đức tin kitô, mà tôi đã định nghĩa là không thể được, trong một bài viết hồi thập niên 1970.

Hỏi: Thưa cha, sức khoẻ của dòng Tên hiện nay ra sao? Nó đã mất đi phân nửa các tu sĩ so với nửa thế kỷ trước, chỉ còn lại vài trăm thầy, mà trước đây đông hơn nhiều. Và việc đào tạo hiện như thế nào?

Đáp: Số tu sĩ không phải là một tiêu chuẩn để phán đoán sức khỏe của các tu sĩ dòng Tên: ngay từ đầu thánh Ignazio đã nói tới “một hội dòng tối thiểu”. Chúng tôi thích phẩm chất hơn, và không có nghi ngờ là sự nghiêm ngặt  của việc đào  tạo của chúng tôi ngày nay còn lớn hơn xưa kia rất nhiều. Chắc chắn rồi, tôi không chối cuộc khủng hoảng mạnh mà chúng trôi đang trải qua bên Âu châu và bên Hoa Kỳ, chính yếu là vì phong trào tục hóa và cuộc khủng hoàng dân số. Việc đào tạo hàn lâm và tinh thần thiêng liêng phải chú ý tới sự kiện có nhiều chuyên viên gia nhập dòng. Và môi trường đào tạo cũng khác xưa rất nhiều, và mở rộng ra trong lãnh vực tâm lý, các khoa học xã hội, các lãnh vực khoa học. Cả đối với việc nâng cao trình độ văn hóa chung cũng cần phải thổi không khí  vào các tu sĩ, xưa kia vốn rất đông. Và tôi phải hãnh diện nói rằng ơn gọi của tôi là nhờ các tu sĩ rất nhiều, nhờ các tu sĩ giáo tập, giáo sư, cũng như nhờ các tu sĩ trẻ chưa là linh mục. Rất nhiều lần tôi câm nín trước kinh nghiệm về Thiên Chúa của các anh em này, là các tu huynh không linh mục. Tôi đặc biệt nhớ tới một thầy suốt đời làm việc trong một nông trại chăn nuôi gia súc: thầy đã là một người chiêm niệm. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hình thức lý tưởng của dòng Tên là  hình thức của các tu sĩ khấn, tức các tu sĩ đã tới lời khấn thứ bốn, ngày nay chiếm đa số, so với các trợ sĩ không khấn nó, và so với các tu sĩ kinh viện, đang còn trong thời kỳ đào tạo, và với các tu huynh.

Hỏi: Thưa cha tại sao dòng Tên lại không có nhánh nữ vậy?

Đáp: Đã có rất nhiều nữ tu, và họ là các nữ tu đã lấy hứng từ tinh thần tu đức của thánh Ignazio, họ chia sẻ tinh thần tu đức đó. Và tôi muốn nói thêm rằng không có phụ nữ thì một cách đơn thuần sẽ không thể nghĩ tới sứ mệnh của dòng Tên được. Đàng khác, ở nguồn gốc của các tu sĩ dòng Tên đã có một nhóm những người nam đã đuợc truyền chức quyết định sống một kiểu thánh hiến mới: cùng nhau sống như là các bạn đường và phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

Hỏi: Nghĩa là một dòng nảy sinh để đứng ở hàng tiền đạo tại các vùng biên giới. Thế ngày nay dòng đang ở đâu và di chuyển như thế nào? Đâu là các biên giới của dòng Tên hiện nay thưa cha Bề trên tổng quyền?

Đáp: Chúng tôi là các thừa sai và các biên giới, như trong suốt lịch sử của dòng chúng tôi cho thấy, thì nhiều lắm: giáo dục, truyền thống cũng như bình dân, phục vụ người di cư tỵ nạn, hoạt động trong lãnh vực rất rộng lớn của việc tranh đấu cho công bằng xã hội,  và đào tạo dấn thân chính trị. Cùng với cuộc sống tu sĩ đây là một trong các đam mê của tôi: đó là chiến đấu và chiêm niệm, để dùng lại kiểu nói của vài thập niên trước.

Hỏi: Các tu sĩ dòng Tên có còn là các người đào tạo và các vị linh hướng nữa không, thưa cha?

Đáp: Có chứ. Ngày nay hơn bao giờ hết. Hiện nay việc phục vụ cuộc sống thiêng liêng này đã gia tăng các phương cách, các nơi chốn và con người. Các cuộc tĩnh tâm theo tinh thần của thánh Ignazio kéo dài một tháng hay cả một tuần không còn có thể làm nữa vì các tiết nhịp của cuộc sống thời đại. Và người ra đề nghị các hình thức khác trong cuộc sống thường ngày, có thể kéo dài tám hay chín tháng. Và giảng giải không phải chỉ có các tu sĩ dòng Tên và còn có nhiều người khác nữa, nữ giáo dân cũng như các nữ tu, nam giới và nữ giới. Sau Công Đồng Chung Vatican II, là một ơn sủng Chúa ban, chúng tôi nhậy cảm hơn rất nhiều đối với sự khác biệt của các ơn gọi và các ơn đến từ Thiên Chúa.

(Oss. Rom 21-12-2016)

Linh Tiến Khải

Noi gương tổ phụ Abraham biết nhìn cuộc sống với đôi mắt đức tin

Noi gương tổ phụ Abraham biết nhìn cuộc sống với đôi mắt đức tin

dtc-phanxico-cho-con-ket-cua-ganh-xiec-liana-orfei-dau-tren-tay-trong-buoi-tiep-kien-sang-thu-tu-28-12-2016

Để tin thác phải biết nhìn với con mắt đức tin như tổ phụ Abraham đã tin vào điều không thể được, và hy vọng vượt quá các lý luận của con người, của sự khôn ngoan, cẩn trọng của thế gian,và điều thường được coi là lẽ phải. 

ĐTC Phanxicô nói như trên với 8,000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư trong đại thính đường Phaolô VI. Hôm thứ tư 28-12 cũng là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2016.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài “Tổ phụ Abraham, cha của lòng tin và niềm hy vọng”. Ngài nói: Trong thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô nhắc cho chúng ta biết gương mặt của tổ phụ Abraham, để chỉ cho chúng ta con đường của lòng tin và niềm hy vọng. Thánh nhân viết về tổ phụ như sau: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4,18). “Vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng”: điều này khó phải không? Điều này mạnh mẽ: không có niềm hy vọng, nhưng tôi vẫn hy vọng. Tổ phụ Abraham của chúng ta là như thế.

Thánh Phaolô đang quy chiếu niềm tin qua đó tổ phụ Abraham tin vào lời Thiên Chúa hứa ban cho ông một người con trai. Đó đã thật là việc tín thác hy vọng “chống lại mọi hy vọng”, vì điều Chúa đang báo cho ông biết không thể thật được, bởi ông đã già và vợ ông thì không sinh sản – ông như gần trăm tuổi và vợ ông không sinh con. Bà không thành công… Nhưng Thiên Chúá đã nói điều đó và ông tin. Đã không có hy vọng trên bình diện nhân loại, vì ông đã già và vợ thì hiếm muộn: nhưng ông tin.

Khi tin tưỏng nơi lời hứa, tổ phụ Abraham lên đường, chấp nhận rời bỏ quê hương của mình và trở thành người ngoại kiều, hy vọng nơi người con không thể có mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông, mặc dù lòng dạ ba Sara đã như là chết.

ĐTC giải thích lòng tin của tổ phụ Abraham như sau:

** Abraham tin, lòng tin của ông mở ra cho một niềm hy vọng xem ra vô lý; nó là khả năng vượt quá các lý luận loài người, vuợt quá sư khôn ngoan và cẩn trọng của thế gian, vượt quá điều bình thường được coi là lẽ phải, để tin vào điều không thể được. Niềm hy vọng mở ra cho các chân trời mới, khiến cho có khả năng mơ mộng điều không thể tưởng tượng được. Niềm hy vọng khiến cho có khả năng bước vào trong cái tối tăm của một tương lai không chắc chắn để bước đi trong ánh sáng. Đức cậy thật là đẹp; nó cho chúng ta biết bao sức mạnh để bước đi trong đời.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Nhưng đó là một con đường khó khăn. Và đến lúc, cả đối với Abraham nữa, đến lúc của cuộc khủng hoảng của chán nản. Ông đã bỏ nhà cửa, đất đai, bạn bè.. tất cả. Ông đã ra đi tới một xứ sở Thiên Chúa đã chỉ cho ông; thời gian qua đi. Vào thời đó làm một cuộc du hành không giống như ngày nay với máy bay – chỉ trong vòng 12, 15 giờ – nhưng hồi đó cần hàng tháng hàng năm – nhưng người con trai không tới, lòng dạ bà Sara vẫn đóng kín không sinh con.

Và tổ phụ Abraham, tôi không nói là mất kiên nhẫn, nhưng thở than với Chúa. Và chúng ta học được điều này nơi tổ phụ Abraham: thở than với Chúa là một kiểu cầu nguyện. Đôi khi giải tội tôi nghe nói: “Con đã than van với Chúa”, và tôi trả lời “Không, con cứ than van đi, Ngài là cha”. Và đây là một kiểu cầu nguyện: hãy thở than với Chúa. Điều này tốt. Abraham than thở với Chúa và nói: “Lậy Chúa,  con ra đi mà không có con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát." (Ông Eliede là người quản lý mọi sự). Ông Áp-ram nói thêm: "Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con." Và đây có lời Chúa phán với ông rằng: "Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi." Rồi Người đưa ông ra ngoài, hướng dẫn ông và nói: "Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không." Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! " Abraham một lần nữa tin, và vì thế, Chúa kể ông là người công chính.” (St 15,2-6).

Cảnh này xảy ra ban đêm, bên ngoài trời tối, nhưng trong con tim của Abraham cũng có tối tăm, nản lòng và khó khăn trong việc tiếp tục hy vọng vào một cái gì không thể được. Tổ phụ đã quá cao niên, xem ra không còn thời giờ cho một người con nữa và một người đầy tớ sẽ thay thế thừa hưởng tất cả.

** Abraham đang nói chuyện với Chúa,  cả khi Ngài hiện diện ở đó và nói chuyện với ông, nhưng xem ra Ngài xa xôi, như thể là không trung thành với lời Ngài nữa. Abraham cảm thấy cô đơn, già nua và mệt mỏi, cái chết gần kề. Làm sao để tiếp tục tín thác đây?

Tuy nhiên, sự thở than của ông đã  là một hình thức của lòng tin, là một lời cầu nguyện rồi. Mặc dù tất cả,  Abraham tiếp tục tin nơi Thiên Chúa và hy vọng rằng còn có cái gì đó có thể xảy ra. Nếu không, thì tại sao lại gọi hỏi Chúa, thở than với Ngài, nhắc cho Ngài nhớ tới các lời hứa?

Và ĐTC giải thích lòng tin như sau:

Lòng tin không chỉ là sự thinh lặng chấp nhận tất cả không đối đáp, niềm hy vọng không phải là sự chắc chắn đặt bạn vào trong an ninh không nghi ngờ và lưỡng lự. Có biết bao lần, hy vọng là tối tăm; nhưng chính ở đó hy vọng đưa bạn tiến tới. Tin cũng có nghĩa là chiến đấu với Thiên Chúa, cho Ngài thấy nỗi cay đắng của chúng ta, không giả bộ đạo đức. “Con đã tức giận với Thiên Chúa và con đã nói điều này, điều này, điều này…” “Nhưng mà Ngài là cha, Ngài đã hiểu con: hãy đi bằng an! Có sự can đảm này! Đó là niềm hy vọng. Và hy vọng cũng là không sợ hãi trông thấy thực tại như nó là, và chấp nhận các mâu thuẫn.

Như vậy Abraham hướng tới Thiên Chúa để Ngài giúp ông tiếp tục hy vọng. Thật là lạ lùng! Ông không xin một đứa con trai. Ông xin: “Xin giứp con tiếp tục hy vọng”, lời xin có niềm hy vọng. Và Chúa trả lời bằng cách nhấn mạnh lời hứa xem ra không thật của Ngài: không phải một đầy tớ thừa tự ông, nhưng chính một người con trai, do Abraham sinh ra. Không có gì thay đổi từ phía Thiên  Chúa. Ngài tiếp tục nêu bật điều đã nói và không cống hiến các điểm tựa cho Abraham, để ông cảm thấy được bảo đảm. Sự chắc chắn duy nhất của ông là tín thác nơi lời nói của Chúa và tiếp tục hy vọng.

Và dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho Abraham là một lời yêu cầu tiếp tục tin và hy vọng: “Hãy nhìn trời và đếm các vì sao… Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5). Lại một lời húa nữa, và một cái gì đó phải chờ đợi cho tương lai. Thiên Chúa đem Abraham ra ngoài lều, thật ra là ra khỏi các quan niệm hạn hẹp của ông, và chỉ cho ông thấy các vì sao. Để tin, cần phải biết nhìn với các con mắt của đức tin; không phải chỉ là các vì sao mà tất cả mọi ngưòi đều có thể nhìn thấy, nhưng đối với Abraham chúng phải trở thành dấu chỉ sự trung thành của Thiên Chúa. Đó là đức tin, đó là con đường của niềm hy vọng mà mỗi người phải đi. Nếu đối với cả chúng ta nữa chỉ còn lại khả thể duy nhất là nhìn các vì sao, thì khi đó là lúc tín thác nơi Thiên Chúa. Không có gì đẹp hơn. Niềm hy vọng không gây thất vọng.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau và chúc mọi người một năm mới thánh thiện và hạnh phúc.

Chào các  nhóm nói tiếng Pháp ngài mời gọi họ tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành Chúa đã ban cho trong năm sắp kêt thúc này. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm hy vọng nơi các lời Chúa hứa, vững vàng trong đức tin và luôn biết chú ý tới nhu cầu của các anh chị em khác.

Chào các nhóm nói tiếng Anh ngài cầu chúc họ và gia đình giữ gìn niềm vui giáng sinh, và gặp gỡ Chúa nhập thể sống gần gũi con người trong lời cầu nguyện.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và cầu chúc mọi người không sợ hãi tiến bước trong tương lai với ánh sáng và phúc lành của Chúa trong năm mới.

Ngài cám ơn các tín hữu Ba Lan đã chúc mừng lễ và cầu nguyện cho ngài.

Chào các nhóm nói tiếng Ý ĐTC cám ơn các nam nữ nghệ sĩ đoàn xiệc Liana Orfei đã biểu diễn giúp vui mọi người. Vẻ đẹp bao giờ cũng đưa tới gần Thiên Chúa. Ngài cũng chào tín hữu vùng Supino và San’ Andrea delle Fratte ở Roma đem theo hình Mề đai phép lạ, sẽ được trưng bầy trong đền thờ thánh Phêrô cho mọi người kính viếng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nói lễ các thánh anh hài giúp mọi người sống vững mạnh niềm tin và ngắm nhìn Chúa Hài Nhi tự hiến mình cho nhân loại. Ước chi các bạn trẻ biết lớn lên như Chúa, tuân phục cha mẹ và sẵn sàng hiểu biết và sống theo ý Chúa;

ước chi các bệnh nhân hiểu ý nghĩa và giá trị của khổ đau; các đôi tân hôn duy trì tình yêu và sự tận hiến trong việc xây dựng gia đình và đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hoà với nhau.

Buổi tiếp kiến cuối cùng trong năm 2016 kết  thúc với kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh  Tiến Khải