Tượng Chúa chịu nạn ở Santiago bị một số sinh viên phá hủy

Tượng Chúa chịu nạn ở Santiago bị một số sinh viên phá hủy

Tượng Chúa bị đập vỡ tại Santiago Chile

Santiago, Chilê – Hôm qua các học sinh và sinh viên của trường trung học và đại học ở thủ đô Chilê đã biểu tình yêu cầu những thay đổi trong luật hiện hành về giáo dục công ở nước này. Cuộc biểu tình do Liên hiệp sinh viên Chilê tổ chức với sự tham dự của khoảng 150 ngàn sinh viên. Vào cuối cuộc tuần hành ôn hòa, một nhóm thanh niên bịt mặt đã xông vào nhà thờ Gratitud Nacional ở trung tâm thủ đô Santiago; họ đã phá cửa và mang tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh ra – cao khoảng 3 mét – và đập vỡ tượng trên con đường chính của thành phố.

Điều phối viên quốc gia của Liên hiệp sinh viên quốc gia đã lên án hành động phạm thánh này. Theo tin gửi đến hãng tin Fides, điều phối viên nói: sự việc này không phải là đại diện cho lập trường của phong trào sinh viên. Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ mới được chọn đã tuyên bố trong ngày đầu làm việc của mình: “Tôi muốn nhân danh chính quyền lên án những hành động như thế, bất kể đó là nơi thờ phượng của tôn giáo nào, trong trường hợp này là của Giáo hội Công giáo. Những gì chúng ta thấy là một triệu chứng rất đáng lo ngại về những gì một số người đến để làm ở đất nước chúng ta”.

Đức cha Luis Fernando Ramos Pérez., Giám mục Phụ tá của Santiago bày tỏ: “Đây là một tình trạng rất đau lòng đối với chúng tôi. Một ảnh tượng tôn giáo có giá trị rất lớn đối với chúng tôi đã bị phá hủy và chúng tôi không muốn điều này sẽ xảy ra ở đất nước chúng ta”. (Fides 10/6/2016)

Hồng Thủy Op  

 

Đức tin của Giáo Hội nảy sinh từ đám cưới tại làng Cana

Đức tin của Giáo Hội nảy sinh từ đám cưới tại làng Cana

ĐTC chụp hình với các thành viên hiệp hội di cư Thánh Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8-6-2016

Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một  Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.

Kính thưa quý vị thính giả ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Sau lời chào ĐTC đã chúc mừng và cám ơn chứng tá của một nhóm các cặp vợ chồng mừng 50 năm ngày cưới. Đó thật là rượu ngon của gia đình. Ngài cầu mong các đôi tân hôn và giới trẻ ngày nay học  được chứng tá trung thành gắn bó ấy của họ trong cuộc sống hôn nhân.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm trong tiệc cưới làng Cana. Thánh sử Gioan gọi các phép lạ của Chúa là “các dấu chỉ”. Chúa Giêsu không làm các phép lạ để dấy lên sự kỳ diệu, nhưng để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha. Và dấu chỉ đầu tiên thánh Gioan kể lại được thực hiện tại làng Cana. Nó là “một loại cửa vào”, trong đó khắc ghi các lời và kiểu diễn tả soi sáng toàn mầu nhiệm của Chúa Kitô và rộng mở con tim của các môn đệ cho đức tin. Trong phần dẫn nhập chúng ta tìm thấy kiểu nói “Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người” (c. 2). Những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi theo Ngài, Ngài đã cột buộc họ vào mình trong một cộng đoàn, và giờ đây tất cả họ được mời dự tiệc cuới như một gia đình duy nhất. ĐTC giải thích thêm ý nghĩa của dấu chỉ tại tiệc cưói làng Cana như sau:

Khi khai mào sứ vụ công khai trong tiệc cưới làng Cana, Chúa Giêsu tự biểu lộ như phu quân của dân Thiên Chúa, đã được các ngôn sứ loan báo, và vén mở cho chúng ta thấy chiều sâu của tương quan kết hiệp chúng ta với Ngài: đó là một Giao ước mới của tình yêu. Ở nền tảng đức tin của chúng ta có cái gì? Một cử chỉ lòng thương xót, qua đó Chúa Giêsu đã cột buộc chúng ta vào Ngài. Và cuộc sống kitô là câu trả lời cho tình yêu đó; nó như là lịch sử của hai người si mê nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, tìm nhau, kiếm ra nhau, cử hành và yêu thương nhau: y như hai người yêu trong sách Diễm Ca. Tất cả những gì còn lại là hiệu quả của của tương quan này. Giáo Hội là gia đình của Chúa Giêsu, trong đó Ngài đổ xuống tình yêu của Ngài; và đó là tình yêu mà Giáo Hội giữ gìn và muốn trao ban cho tất cả chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong bối cảnh của Giao Ước chúng ta cũng hiểu sự quan sát của Đức Mẹ: “Họ không có rượu” (c. 3) Làm sao có thể cử hành đám cưới và mừng lễ, nếu thiếu điều các ngôn sứ chỉ cho thấy như là một yếu tố tiêu biểu của tiệc cứu thế (x. Am 9,13-14; Ge 2,24; Is 25,6)? Đó là một lễ cưới trong đó thiếu rượu; đôi tân hôn cảm thấy xấu hổ vì điều này. Anh chị em hãy tưởng tượng coi, kết thúc một lễ cưới bằng cách uống trà: Sẽ là một xấu hổ. Rượi cần cho lễ cưới. Khi biến đổi nước trong các vại dùng cho lễ nghi thanh tẩy của người Do thái (c. 6), Chúa Giêsu hoàn thành một dấu chỉ hùng hồn: biến Lề Luật của ông Môshê thành Tin Mừng đem lại niềm vui. Như thánh Gioan đã nói ở một chỗ khác: “Lề Luật đã đuợc ban qua ông Môshê, còn ân sủng và sự thật đến qua Đức Giêsu Kitô” ( Ga 1,17).

Các lời của Mẹ Maria nói với gia nhân đội triều thiên cho khung cảnh đám cưới Cana: “Người bảo gì, hãy cứ làm như thế” (c. 5). Thật là lạ, đây là các lời nói cuối cùng của Mẹ được các Phúc Âm kể lại: đó là gia tài Mẹ để lại cho tất cả chúng ta. Cả ngày nay nữa Đức Mẹ cũng nói với tất cả chúng ta: “Ngài bảo bất cứ điều gì – Chúa Giêsu nói với các con bất cứ điều gì, hãy làm điều đó”. Đó là gia tài Mẹ để lại cho chúng ta: Thật là đẹp!

Đây là một kiểu diễn tả nhắc nhớ công thức đức tin được dân Israel dùng tại núi Sinai để đáp trả lại giao ước: “Tất cả những gì Chúa đã nói, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19,8). Và thật vậy ở Cana các đầy tớ đã vâng lời. Chúa Giêsu nói với họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Và họ đổ nước đầy tới miệng các chum. Ngài lại nói với họ:: “Hãy đem cho người chủ tiệc. Và họ đem tới cho ông” (cc.7-8). ĐTC giải thích ý nghĩa việc này như sau:

Trong tiệc cưới này Giao Ước mới thực sự được ký kết và sứ mệnh mới được uỷ thác cho các người phục vụ Chúa, nghĩa là cho tất cả chúng ta: “Người bảo bất cứ gì, thì hãy làm điều đó”. Phục vụ Chúa có nghĩa là lắng nghe và thực thi Lời Ngài. Đó là lời nhắn nhủ đơn sơ nhưng nòng cốt của Mẹ Chúa Giêsu, và là chương trình sống của kitô hữu. Đối với từng người trong chúng ta kín múc nơi vại nước có nghĩa là  tín thác nơi Lời của Thiên Chúa để sống kinh nghiệm sự hữu hiệu của nó trong cuộc sống. Khi đó cùng với chủ tiệc là người đã nếm nước biến thành rượu, cả chúng ta nữa cũng có thể kêu lên: “Anh đã giữ ruợu ngon cho đến bây giờ” (c. 10). Phải,  Chúa tiếp tục giữ rượu ngon cho ơn cứu rỗi của chúng ta, cũng như Ngài tiếp tục làm cho nó vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa.

Câu kết thúc trình thuật vang lên như một lời phán xử: “Tại Cana vùng Galilêa đây là khởi đầu các dấu chỉ được Chúa Giêsu thành toàn: Ngài biểu lộ vinh quang của Ngài và các môn đệ tin nơi Ngài” (c. 11). Đám cưới làng Cana hơn rất nhiều một trình thuật đơn sơ phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như là một chiếc hộp quý nó giữ gìn bí mật con người của Ngài và mục đích việc Ngài đến: vị Phu Quân được chờ đợi khởi sự tiệc cưới được thành toàn trong Mầu nhiệm phục sinh. Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một  Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp, trong đó có một nhóm tín hữu Việt Nam Paris, nhóm tín hữu giáo phận Besançon, do ĐGM sở tại hướng dẫn, Liên hiệp quốc tế Hội thánh Vinh Sơn de Paoli, các chủng sinh chủng viện Prado Lyon, cũng như các tín hữu Bỉ, Thụy Sĩ và Canada. Ngài cầu chúc mọi người biết lắng nghe tiếng Chúa, yêu Chúa và sống tươi vui.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Êcốt, Hòa Lan, Trung Quốc,  Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hoa Kỳ.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào các linh mục mừng ngân khánh chịu chức thuộc tổng giáo phận Paderbonn, và nhiều sinh viên học sinh Đức. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương sốt sắng và bổ ích.

Ngỏ lời với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC cầu chúc họ lãnh nhận đuợc ơn thánh từ Thánh Tâm Chúa, đáp trả lại tình yêu của Ngài và biết sống thuơng xót nhau. Với các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Curitiba và nhóm các thẩm phán  Brasil, ĐTC khích lệ họ làm chứng cho Tin Mừng thương xót và tươi vui của Chúa Giêsu. Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC xin họ nhớ tới kinh nghiệm của đám cười làng Cana, khi gặp phải các khó khăn âu lo buồn phiền trong cuộc sống. Mẹ Maria luôn luôn hiện diện để cầu bầu cho họ và trợ giúp họ để đừng bao giờ đánh mất đi niềm tin nơi Chúa và sự chở che của Ngài.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Slovac, đặc biệt các nhân viên y tế trung tâm cao niên Thánh Luca tỉnh Kosice. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố đức tin và giứp họ quảng đại làm chứng cho Chúa.

Trong số các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào tín hữu giáo phận Asti, các lực sĩ và ngưởi trẻ giáo phận Macerata Loreto với “cây đuốc hoà bình”, do các GM sở tại hướng dẫn, cũng như Hiệp hội di cư thánh Phanxicô giáo phận Siena, làng cứu giúp trẻ em Ostuni và hiệp hội Unitalsi vùng Toscana, Hiệp hội quốc tế các đại học Lasalle, các đai biểu hiệp hội thánh Vinh Sơn và các cha dòng Trắng đang họp tổng tu nghị. Ngài cầu chúc họ trung thành với các đặc sủng riêng. ĐTC cũng chào Tổ chức Công giáo tiến hành Italia tái phát động chiến dịch cầu nguyện “Một phút cho hòa bình”. Ngài cầu mong cuộc gặp gỡ với Người Kế Vị Thánh Phêrô củng cố sự gắn bó của họ với Giáo Hội.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắn nhủ mọi người sốt sắng cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Đức Mẹ trong tháng 6 này để biết sống yêu thương tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Giáo Hội Hàn quốc và Phủ doãn Tông tòa Mông cổ ký hiệp ước cộng tác truyền giáo

Giáo Hội Hàn quốc và Phủ doãn Tông tòa Mông cổ ký hiệp ước cộng tác truyền giáo

COREA-MONGOLIA

Mông cổ – Phủ doãn Tông tòa Ulanbato – Mông cổ và Tổng giáo phận Seoul – Hàn quốc đã ký một hiệp ước phát triển việc cộng tác truyền giáo và thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội tại Mông cổ.

Hãng tin đã Fides đưa tin về việc ký kết Thông cáo giữa Tổ chức Giáo dục Công giáo của Tổng giáo phận Seoul do Đức cha phụ tá Benedict Son Hee-Song đại diện và Phủ doãn Tông Tòa do Đức cha Wenceslao Padilla đại diện; hai bên cũng ký kết một số nội dung về các hoạt động truyền giáo, đào tạo Linh mục và ủng hộ tài chính.

Theo hiệp ước, trong vòng 3 năm tới, tổ chức Giáo dục của tổng Giáo phận Seoul sẽ tài trợ một triệu Mỹ kim cho các hoạt động mục vụ của Phủ doãn Tông tòa Ulanbato. Thêm vào đó, để giúp đỡ cho việc đào tạo các Linh mục tương lai, các chủng sinh tương lai của Mông cổ sẽ được học ở Chủng viện Thần học Seoul.

Một phần khác của hiệp ước là sự hợp tác giữa bịnh viện Đức Maria ở Seoul và bịnh viện trung ương đầu tiên của Hàn quốc: nhờ vào hệ thống y tế tiên tiến đang được sử dụng tại Hàn Quốc, những phương pháp như cấy ghép tế bào gốc và phẫu thuật bằng robot dự kiến sẽ được giới thiệu.

Đức cha Son Hee-Song nói với hãng tin Fides là ngài bày tỏ sự kính trọng sâu sắc và đánh giá cao dành cho Đức Cha Padilla và tất cả các nhà truyền giáo ở Mông cổ, những người đã tận hiến đời mình cho việc loan bào Tin mừng trong hoàn cảnh khó khăn như thế. Chính Giáo hội Công giáo ở Hàn quốc cũng bị bách hại trong lịch sử. Đó là một trong những lý do tại sao Giáo hội Hàn quốc quyết đinh trợ giúp, trong khả năng có thể, cho sự phát triển của Giáo Hội Mông cổ.” Về phần mình, Đức cha Padilla đã đáp lời: “Chúng tôi được khuyến khích bởi sự trợ giúp của Hàn quốc. Tất cả anh chị em là một chúc lành cho Giáo hội tại Mông cổ: hiệp ước này mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng lớn lao”.

Theo luật pháp hiện hành, Giáo hội Mông cổ không có tính cách pháp nhân, nhưng là một tổ chức phi lợi nhuận; họ không có bất cứ một thu nhập nào, ngay cả bổng lễ, và do đó không thể tự chu cấp cho mình. Các hoạt động truyền giáo được quy định chặt chẽ. Do đó, tất cả các thừa sai được gửi đến Mông cổ nhận trợ giúp từ các Hội dòng của họ hay từ ngân quỹ quyên được từ các giáo phận khác.

Trong vòng 20 năm qua, Giáo hội Công giáo Hàn quốc đã trợ giúp tài chính 320 triệu won (đơn vị tiền tệ Hàn quốc) cho Mông cổ và tiếp tục gửi các bác sĩ tình nguyện. Căn bản của hiệp ước vừa ký đã được bắt đầu vào năm 2013, khi Đức cha Padilla thăm Hàn quốc. Phó tế Giuse Enkh Batata, người sẽ trở thành Linh mục Mông cổ đầu tiên vào ngày 28/8 tới đây, đã được đào tạo 7 năm tại Hàn quốc, thông qua sự hợp tác này. (Agenzia Fides 07/06/2016)

Hồng Thủy OP

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo

ISTANBUL. Viễn tượng nhóm họp Công đồng Liên Chính Thống giáo từ chúa nhật 19-6 tới 27-6-2016 tại đảo Creta bên Hy Lạp tiếp tục gặp khó khăn.

Trong tuần lễ trước đây, Giáo Hội Chính Thống Bulgari cho biết sẽ không tham dự Công đồng này nếu một số vấn đề tranh luận không được làm sáng tỏ trước, và vì thế Giáo Hội này kêu gọi hoãn lại việc nhóm họp Công đồng. Cả Giáo Hội Chính Thống Giorgia cũng có lập trường tương tự.

Hôm 6-6-2016, sau phiên họp đặc biệt, Tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo ở Constantinople, Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, đã thông cáo bác bỏ yêu cầu của Giáo Hội Chính Thống Bulgari và nói rằng sau hơn 50 năm chuẩn bị, Công đồng này sẽ tiến hành như đã định, vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 19-6 (theo lịch Giuliano).

Mục đích khóa họp thượng đỉnh này tại Creta là một sự thỏa thuận của Chính Thống giáo về đường hướng tương lai của mình. ”Tòa Thượng Phụ chung, có trách nhiệm chính đối với việc bảo tồn sự hiệp

nhất của Chính Thống giáo, kêu gọi tất cả hãy tận dụng cơ hội này và đến tham dự.

Thông cáo cũng có đoạn viết: ”Thật là ngạc nghiên và ngỡ ngàng, một vài Giáo Hội trong số 14 Giáo Hội Chính Thống đã tuyên bố lập trường của mình. Qui luật của Giáo Hội không cho phép xét lại kế hoạch Công đồng đã được đề ra. Tuy nhiên tại Creta, còn có thể thay đổi các dự thảo văn kiện. Các phái đoàn sẽ trình bày các đề nghị của mình”.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga mạnh mẽ phê bình lập trường của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tổng LM Andrej Nowokiow ở Mascơva tuyên bố với hãng thông tấn Tass của Nga hôm 7-6 rằng: ”Tôi e ngại rằng thái độ độc tài như thế của Tòa Thượng Phụ Constantinople là một toan tính buộc những người khác phải thay đổi ý kiến. Hiển nhiên Constantinople muốn có quyền lực vô giới hạn trong thế giới Chính Thống giáo, và hành động ”như thể một thứ giáo hoàng ở đông phương”, và như thế là đe dọa thành quả của Công đồng.

Thánh Hội đồng Chính Thống Nga đã yêu cầu Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập một phiên họp tiền công đồng, trước ngày 10-6 này để cứu xét xem có thể nhóm Công đồng trong thời hạn dự trù hay không. Theo Chính Thống Nga, dù một Giáo Hội thành viên không tham dự, thì đó cũng là một chướng ngại không thể vượt qua đối với việc thực hiện một đại Công đồng của Chính Thống giáo.

Trước sự từ khước của Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập phiên họp vừa nói, hôm 8-6-2016, Đức TGM Hilarion Alfeyev, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, cho biết Thánh Hội đồng của Giáo Hội này nhóm họp khẩn cấp để quyết định có nên tham dự Công đồng liên Chính Thống giáo hay không. Đức TGM nói: ”Chúng tôi vẫn luôn nói rằng các quyết định của Công đồng phải được sự đồng thuận thì mới được công bố. Chúng tôi tin rằng sự đồng thuận bao hàm không những sự đồng ý của những người hiện diện nhưng cả những người khác vắng mặt nữa. Sự đồng thuận phải có nghĩa là ý kiến đồng nhất của tất cả các Giáo hội Chính Thống. Nếu một Giáo Hội vắng mặt, thì chúng tôi nghĩ điều này có nghĩa là không có sự đồng thuận” (KNA 7-6-2016, Asia News 8-6-2016).

Mặt khác, Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện vào thứ bẩy 11-6 tới đây để bày tỏ sự gần gũi tinh thần với Chính Thống giáo. Buổi cầu nguyện sẽ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. (Apic 6-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự lễ phong thánh cho hai chân phước Papczynski và Hasselblad sáng Chúa Nhật 6-6-2016

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ phong hiển thánh cho chân phước linh mục Stanislao Chúa Giêsu Maria Papczynski, người Ba Lan, và nữ Chân phước Maria Elisabetta Hesselblad, người Thụy Điển, cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật hôm qua trước thềm đền thờ thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với ĐTC có  470 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn hướng dẫn, ca đoàn giáo phận Concorida Podenone, ca đoàn Goteborg và ca đoàn Bro Chamber.

Tham dự thánh lễ cũng có giới chức đạo đời của hai nước Ba Lan và Thụy Điển, gồm tổng thống Ba Lan, Bộ trưởng văn hóa và tôn giáo và đại sứ của hai nước, cũng như hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương, trong đó cũng có một số linh mục tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Roma, và vài vị đến từ Thụy Điển.

Sau lời chào đầu lễ cộng đoàn đã hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Tiếp đến ĐHY Angelo Amato, Tổng trường Bộ Phong Thánh, xin ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh và ngài đọc tiểu sử của hai vị.

Chân phước Stanislao Giêsu Maria Papczynski sinh năm 1631 tại Podegrodzie, trong tổng giáo phận Cracovia, bên Ba Lan. Sau thời gian huấn luyện, Stanislao gia nhập dòng các cha Scolopi, rồi được thụ phong Linh Mục. Cha nổi tiếng là bậc thầy của khoa hùng biện và giảng thuyết, cũng như là cha giải tội, đặc biệt là của Đức Sứ Thần Toà Thánh Antonio Pignatelli, sau này sẽ là ĐGH Innocenzo XII, và của vua Gioan III Sobieski. Cha viết cuốn Templum Dei Misticum Đền thờ thần bí của Thiên Chúa, trong đó cha trình bầy chương trình cuộc sống thiêng liêng, nhất là cho giáo dân, vì cha xác tin rằng họ cũng được mời gọi nên thánh.

Năm 1670 cha Papczynski ra khỏi dòng Scolopi với phép chuẩn, và thành lập một dòng mới với tên gọi là “Tu sĩ thánh mẫu của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, với đặc sủng phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt cho các nạn nhân chiến tranh và dịch hạch, và trợ giúp mục vụ cho các cha sở.

Với phép của ĐC Stefano Wierzbowski, GM Poznan, cha lui về tịch liêu Korabiew, xây nhà đầu tiên của dòng và viết Hiến pháp. Tiếp đến cha sống tại một nhà thờ nhỏ gọi là “Nhà tiệc ly của Chúa tại Giêsusalem mới, nay là Gora Kalwaria, cùng với các anh em cùng dòng hoạt động tông đồ và bác ái, trợ giúp dân nghèo vùng quê.

Cha Stanislao đã về Roma để xin Toà Thánh chấp nhận dòng và dòng đã được Toà Thánh chấp nhận năm 1699. Giai đoạn cuối cùng cuộc đời cha bị ghi dấu bởi bệnh tật. Và cha đã qua đời trong hương thơm thánh thiện ngày 17 tháng 9 năm 1701 và được an táng trong nhà thờ Tiệc Ly tai Gora Kalwaria. Cha đã được ĐTC Biển Đức XVI phong Chân phước ngày 16 tháng 9 năm 2007.

Chị Maria Elisabetta Hesselblad sinh tại Faglavik bên Thuỵ Điển ngày mùng 4 tháng 6 năm 1870. Ngày từ ngày còn bé, khi nghe lời Chúa liên quan tới một chuồng chiên và một mục tử duy nhất, cô đã bắt đầu tuy tư về sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Năm lên 18 tuổi để giúp gia đình chị Maria Elisabetta  di cư sang Mỹ tìm việc làm. Chính trong môi trường mới này chị tiếp xúc với các tín hữu công giáo, và bắt đầu con đường tiến tới gần Giáo Hội  và lãnh nhận bí tích Rửa Tội năm 1902. Vì một tật bệnh đã có từ hồi còn nhỏ nay trở lại, chị hầu như gần chết, và ước mong qua đời tại Nhà thánh nữ Brigida ở Roma. Vì thế chị sang Roma và chính tại đây chị đã cảm nhận được ơn gọi sống đời tu trì, xin gia nhập và khấn trong dòng Brigida.  Tại Roma chị Maria Elisabetta nhận 3 ứng sinh người Anh và cùng với các chị này bắt  đầu thành lập một dòng mới lấy tên là dòng Chúa Cứu Thế Rất Thánh của thánh nữ Brigida. Được linh hứng bởi một tinh thần truyền giáo mãnh liệt và nồng nhiệt đối với sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, chị quảng đại phục vụ và trợ giúp dân nghèo trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và đã được các chính quyền và dân chúng ghi ơn. Chị qua đời tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1957. Trong Năm Thánh 2000 chị đã được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước. Mới đây ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận các phép lạ nhờ lời bầu cử của hai chân phước. Hồi tháng 3 năm nay ĐTC đã họp  công nghị các Hông Y và quyết định tôn hai vị lên hàng hiển thánh.

Sau lời nguyện của ĐTC cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh. Tiếp đến ĐTC đã đọc công thức ghi tên hai chân phước vào trong sổ bộ các thánh. Thánh tích của hai vị đã được rước lên đặt trên bệ cao bên trái bàn thờ, và được Phó tế xông hương. ĐHY Amato đã cám ơn ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh.

Thánh lễ đã  tiếp tục với kinh Vinh danh và phần phụng Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất bằng tiếng Anh, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Ba Lan. Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp.

 

Giảng trong thánh lễ ĐTC  đã quảng diễn ý nghĩa  các bài đọc Chúa Nhật thứ 10 thường niên năm C kể lại phép lạ ngôn sứ Elia đã làm để cho con bà goá thành Sarepta hồi sinh, và  phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho anh con trai bà goá thành Naim sống lại. Ngài nói: Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe tuyên đọc dẫn chúng ta tới biến cố chính của đức tin: đó là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Đó là Tin Mừng của hy vọng vọt lên từ Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giãi toả từ gương mặt Ngài, vén mở Thiên Chúa Cha Đấng an ủi của người sầu khổ. Lời ấy mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, để quyền năng sự phục sinh của Ngài được tỏ hiện nơi chúng ta. ĐTC giải thích thêm như sau:

Thật vậy, trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô có câu trả lời của Thiên Chúa cho tiếng kêu âu lo và đôi khi giận dữ, mà kinh nghiệm của khổ đau và cái chết dấy lên trong chúng ta. Đây không phải là trốn chạy Thập giá, nhưng ở lại đó, như Trinh Nữ Mẹ đã làm, Mẹ là Đấng, khi cùng chịu khổ đau với Chúa Giêsu, đã nhận được ơn hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Đây cũng đã là kinh nghiệm của hai chân phước Stanislao Giêsu Maria và Maria Elisabetta Hesselblad, mà hôm nay chúng ta tôn phong lên hàng hiển thánh: hai vị đã kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và nơi các vị đã tỏ lộ quyền năng sự phục sinh của Ngài.

Bài đọc thứ nhất và Phúc Âm của của Chúa Nhật hôm nay giới thiệu với chúng ta hai dấu chỉ lạ lùng của sự sống lại, dấu chỉ thứ nhất do ngôn sứ Elia làm, dấu chỉ thứ hai do Chúa Giêsu làm. Trong cả hai trường hợp, người chết là hai con trai rất trẻ của hai bà goá được hồi sinh và trả lại cho mẹ họ.

Người đàn bà Sarepta, là phụ nữ không do thái, nhưng đã tiếp đón ngôn sứ Elia vào nhà; bà nổi giận với ngôn sứ và với Thiên Chúa, bởi vì chính trong lúc ngôn sứ là khách trọ nhà bà, thì đứa con trai của bà bị đau và tắt thở trên tay bà. Khi đó ngôn sứ Elia nói với bà: “Hãy đưa con bà cho tôi” (1 V 17,19). Đây là từ chià khóa: nó diễn tả thái độ của Thiên Chúa trước cái chết của chúng ta, trong mọi hình thái của nó; ngôn sứ không nói: “Hãy giữ lấy nó và tự liệu lấy” nhưng nói: “Hãy đưa nó cho tôi”. Thật vậy ngôn sứ đã bế đứa bé, đưa nó lên phòng bên trên, và ở đó một mình “chiến đấu với Thiên Chúa” trong lời cầu nguyện,  bằng cách đặt để Thiên Chúa trước sự vô lý của cái chết. Và Chúa đã lắng nghe lời cầu của ngôn sứ Elia, bởi vì chính Ngài là Thiên Chúa nói và hành động qua ông. Chính Ngài, qua miệng ngôn sứ, đã nói với người đàn bà: “Đưa con bà cho tôi”. Và bây giờ chính ngôn sứ trả lại đứa con sống cho bà mẹ.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Sự dịu hiền của Thiên Chúa được mạc khải tràn đầy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng (Lc 7,11-17) Chúa Giêsu cho thấy Ngài rất cảm thương bà góa thành Naim ở Galilêa, đang đi theo đứa con trai duy nhất còn thanh xuân ra mộ. Nhưng Chúa Giêsu tới gần, đụng vào cáng, chặn đoàn người đưa đám lại, và chắc chắn đã vuốt ve gương mặt đầy nước mắt của bà mẹ đáng thương ấy. Ngài nói với bà: “Đừng khóc” (Lc 7,13) như thể nói với bà: “Hãy cho tôi con bà”. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta Thật thế, thanh niên ấy tỉnh dậy như thể từ một giấc ngủ sâu,  và bắt đầu nói. Và Chúa Giêsu trả cậu lại cho mẹ cậu” (c.15). Ngài không phải là một nhà ảo thuật! Ngài là sự dịu hiền của Thiên Chúa nhập thể, nơi Ngài hoạt động sự cảm thương vô biên của Thiên Chúa Cha.

Cũng là một loại phục sinh sự sống lại của tông đồ Phaolô, từ kẻ thù nghịch và bách hại tàn bạo các kitô hữu đã trở thành chứng nhân và người loan báo Tin Mừng (x. Gl 1,13-17). Sự thay đổi triệt để này đã không phải là công trình của thánh nhân, mà là ơn lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã chọn thánh nhân và kêu gọi thánh nhân với ơn của Chúa, và muốn mạc khải trong thánh nhân Con của Ngài, để thánh nhân loan báo Chúa giữa muôn dân (cc. 15-16). Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa Cha đã hài lòng mạc khải Con của Ngài, không phải chỉ cho thánh nhân, nghĩa là hầu như in trong con người, thịt xác và tinh thần của thánh nhân, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, tông đồ sẽ không chỉ là một sứ giả, mà trước hết là một chứng nhân. Áp dụng vào cuộc sống chúng ta ĐTC nói:

Và cả với những người tội lỗi, từng người một, Chúa Giêsu không ngừng làm rạng ngời lên chiến thắng của ơn thánh trao ban sự sống. Ngài nói với Mẹ Giáo Hội: “Hãy cho ta các con ngươi”, là chúng ta tất cả. Ngài nhận lấy trên Ngài các tội lỗi của chúng ta, Ngài cất chúng đi và trao ban chúng ta sống cho chính Giáo Hội. Và điều này xảy ra trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Ngày hôm nay Giáo Hội cho chúng ta thấy hai người con là chứng nhân gương mẫu của mầu nhiệm phục sinh này. Cả hai đều có thể ca hát đời đời, với các lời của tác giả Thánh vịnh: “Ngài đã thay đổi tiếng than van của con thành vũ điệu. Ôi Chúa, lậy Thiên Chúa của con, con sẽ tạ ơn Ngài luôn mãi” (Tv 30,12). Và chúng ta tất cả hãy hiệp tiếng nói rằng: “Con sẽ chúc tụng Chúa, vì Ngài đã nâng con dậy”.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bồ Đào Nhà, Ý và Hoa. Các lễ vật đã được một gia đình 5 gồm cha mẹ với 3 con và 3 nữ tu dâng lên ĐTC.

Hàng chục linh mục đã giứp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người ĐTC đã ngỏ lời chào và đăc biệt cám ơn các phái đoàn chính thức của hai nưóc đã đến tham dự thánh lễ tôn phong hiển thánh cho hai người con Ba Lan và Thụy Điển. Ngài Xin Chúa chúc lành cho hai quốc gia nhờ lời bầu cử của các vị. ĐTC cũng chào và cám ơn các nhóm hành hương Italia và các nước khác cũng như tín hữu đến từ Estonia, giáo phận Bologna và các ban nhạc.

Ngài mời mọi người hướng tới Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ luôn hưóng dẫn trên con đường nên thánh và xây dựng công lý và hòa bình mỗi ngày.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải 

Bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý vụ lạm dụng

Bãi chức giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý vụ lạm dụng

Bãi chức các giám mục và bề trên dòng lơ là xử lý những vụ lạm dụng

VATICAN. ĐTC Phanxicô ban hành qui luật bãi chức các GM và các Bề trên cấp cao các dòng tu lơ là, bỏ quên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc những người lớn dễ bị tổn thương.

 Qui luật trên đây được trình bày trong Tông Thư Tự Sắc ”Như một người mẹ yêu thương” (Come una madre amorevole), công bố hôm 4-6 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-9-2016.

 ĐTC nhắc lại rằng giáo luật đã dự trù việc bãi chức vụ trong Giáo Hội các GM giáo phận và những người tương đương vì những lý do hệ trọng. Nay qua Tông thư này, ngài xác định rằng trong số các nguyên do hệ trọng ấy, có cả việc lơ là của các GM trong việc thi hành chức vụ, đặc biệt liên quan đến những vụ lạm dụng tính dục trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương, như đã dự trù trong các tự sắc ”Bảo vệ sự thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum Sanctitatis Tutela) do Thánh Gioan Phaolô 2 ban hành và Đức Biển Đức 16 tu chính.

 Tông thư tự sắc của ĐTC gồm 5 điều khoản, trong đó có qui định rằng:

 – GM giáo phận hoặc tương đương chỉ có thể bị cách chức nếu thiếu sót một cách khách quan trầm trọng đối với nghĩa vụ phải cần mẫn mà chức vụ đòi hỏi (1,2). Trong trường hợp những vụ lạm dụng tính dục trẻ em hoặc người lớn dễ bị tổn thương, chỉ cần sự thiếu sót ấy có tính chất trầm trọng (1,3). Các Bề trên cấp cao của các dòng tu và tu đoàn tông đồ thuộc quyền tòa thánh, cũng được đồng hóa với GM giáo phận trong những trường hợp này (1,4).

 Khi có những dấu hiệu nghiêm trọng về sự thiếu sót như vừa nói, thì bộ có thẩm quyền của Tòa Thánh sẽ khởi sự điều tra, báo cho đương sự và cho họ khả năng cung cấp các văn kiện và chứng từ (2,1). GM có thể được tự biện hộ theo các phương thế luật dự trù (2,2).

 Nếu thấy nên cách chức Giám Mục, thì Bộ sẽ sớm công bố sắc lệnh cách chức (4,1), hoặc khuyên đương sự đệ đơn từ chức lên ĐTC trong thời hạn 15 ngày, nếu GM không trả lời trong thời hạn dự trù, thì Bộ công bố sắc lệnh cách chức (4,2)

 Quyết định của Bộ phải được ĐTC phê chuẩn một cách đặc biệt. Trước khi quyết định chung kết, ĐTC sẽ được một ban luật gia trợ giúp.

 G. Trần Đức Anh OP

Thành lập và qui chế bộ giáo dân, gia đình và sự sống

Thành lập và qui chế bộ giáo dân, gia đình và sự sống

Công bố việc thành lập và qui chế bộ giáo dân, gia đình và sự sống

VATICAN. Hôm 4-6-2016, ĐTC đã cho công bố việc thành lập và qui chế thử nghiệm của Bộ (dicastero) giáo dân, gia đình và sự sống, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9 tới đây.

Việc thành lập này do Hội đồng các Hồng Y cố vấn đề nghị, theo đó từ ngày 1-9 năm nay, Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và gia đình sẽ được gộp vào trong Bộ mới, và hai hội đồng này bị bãi bỏ. Các điều khoản về hai Hội đồng (131-134, 139-141) trong Tông hiến Mục Tử Nhân Lành (Pastor Bonus, 28-6-1988) liên quan tới hai cơ quan này cũng bị bãi bỏ).

Qui chế của Bộ mới gồm 13 điều khoản, theo đó Bộ này có thẩm quyền trong những vấn đề thuộc quyền Tòa Thánh trong việc thăng tiến sự sống và tông đò giáo dân, chăm sóc mục vụ gia đình và sứ mạng của gia đình, theo ý định của Thiên Chúa, và bảo vệ, hỗ trợ sự sống con người (Đ.1)

Bộ giáo dân, gia đình và sự sống do một vị Bộ trưởng điều khiển với sự trợ giúp của một Tổng thư ký, có thể là giáo dân, và có 3 Phó tổng thư ký giáo dân, với một số viên chức thích hợp, giáo sĩ và giáo dân, được chọn bao nhiêu có thể từ những vùng khác nhau trên thế giới, theo qui luật hiện hành của các cơ quan trung ương Tòa Thánh (Đ.2, 1). Bộ được chi làm 3 phân bộ: giáo dân, gia đình và sự sống, mỗi phân bộ do một phó Tổng thư ký đứng đầu.

Bộ có các thành viên, trong đó có giáo dân nam nữ, độc thân hoặc có gia đình, dấn thân trong các lãnh vực hoạt động khác nhau, và đến từ các miền khác nhau trên thế giới, phản ánh đặc tính hoàn vũ của XX (Đ.3,1). Bộ các cố vấn (3,1) và theo tất cả các qui luật được thiết định cho các cơ quan trung ương Tòa Thánh (3,3).

Bộ cổ võ và tổ chức các hội nghị quốc tế và các sáng kiến khác thuộc về tông đồ giáo dân, hôn nhân và thực tại gia đình và sự sống trong lãnh vực Giáo Hội, cũng như có liên quan đến thân phận con người và xã hội của hàng giáo dân, gia đình và sự sống con người trong lãnh vực xã hội.

Các điều khoản khoản kế tiếp tục Qui chế lần lượt nói về các nhiệm vụ riêng của mỗi phân bộ: giáo dân, gia đình và sự sống.

Điều thứ 13 khẳng định rằng Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống được gắn liền với Bộ này.. Bộ sử dụng thẩm quyền của Hàn lâm viện trong những vấn đề và các đề tài như việc sinh sản trách nhiệm, bảo vệ sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết, tự nhiên; các hiệp hội và tổ chức giúp phụ nữ và gia đình đón nhận và bảo vệ hồng ân sự sống, đặc biệt trong những trường hợp mang thai khó khăn, và phòng ngừa biện pháp phá thai..

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

Đức Thánh Cha cổ võ chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội

VATICAN. ĐTC khuyến khích các pháp quan thi hành công lý chống nạn buôn người và các tệ nạn xã hội khác, đồng thời ngài cảnh giác chống cám dỗ tham nhũng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 3-6-2016, trong buổi gặp gỡ hơn 150 thẩm phán và các quan chức tư pháp của nhiều quốc gia, tham dự hội nghị do Hàn lâm viên Tòa Thánh về các khoa xã hội tổ chức tại Vatican trong hai ngày mùng 3 và 4-6-2016.

 ĐTC đề cập đến các vấn đề được ngài quan tâm từ lâu như nạn buôn người, những hình thức mới của nạn nô lệ như cưỡng bách lao động, mại dâm, buôn bán cơ phận người để ghép, buôn bán ma túy và các tổ chức bất lương. Ngài đề cao vai trò không thể thay thế của các vị thẩm phán trong lãnh vực này và nhấn mạnh rằng và các thẩm phán phải được tự do, không phải chịu sức ép của các chính phủ, các tổ chức tư nhân, và nhất là được tự do đối với các cơ cấu tội lỗi, các tổ chức tội phạm tạo áp lực và xe dọa.

ĐTC nói: ”Tất cả chúng ta đều biết những chế riễu đối với ngành tư pháp công lý bị bịt mắt và bịt miệng. Nạn tham ô hối lộ là một trong những vấn đề thời sự lớn hiện nay, làm suy yếu nền dân chủ và công lý”.

Trong diễn văn, ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác với LHQ để thực hiện dự án hợp với tinh thần nhân bản và Kitô, đó là giải thoát nhân loại khỏi nạn buôn người và các tổ chức tội phạm. Ngài cũng cổ võ sự hợp lực giữa các thẩm phán và chuyên gia, thành lập một liên mạng giữa họ với nhau để trao đổi kinh nghiệm, giúp bài trừ những hình thức mới của nạn nô lệ.

Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến vai trò của Giáo Hội: ”Giáo Hội phải dấn thân để trung thành với con người, và càng phải làm hơn nữa, nếu ta xét tới những tình trạng trong đó có những tai gương và đau khổ thê thảm nhất.. Giáo Hội không thể chiều theo châm ngôn không muốn Giáo Hội xen mình vào chính trị. ĐTC nói: ”Giáo Hội phải xen mình vào nền chính trị cao cả, vì như ĐGH Phaolô 6 đã nói, chính trị là một trong những hình thức bác ái cao cả nhất” (RG 4-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường huấn luyện truyền giáo

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường huấn luyện truyền giáo

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường huấn luyện truyền giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 170 tham dự viên Hội nghị các vị Giám đốc toàn quốc Hội giáo hoàng truyền giáo, sáng ngày 4-6-2016, ĐTC kêu gọi tăng cường việc huấn luyện và thường huấn về tinh thần truyền giáo.

 Hội nghị vừa kết thúc sau 1 tuần lễ nhóm họp tại Roma. Có một đại diện của Giáo Hội Việt Nam là cha Ngô Quang Tuyên.

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc nhở các vị Giám đốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo không phải chỉ chu toàn một công tác quan trọng là quyên góp và phân phối các trợ giúp kinh tế cho bao nhiêu giáo phận và các tín hữu Kitô đang cần, nhưng còn phải quan tâm chu toàn công tác quảng đại thường huấn về việc truyền giáo. Việc truyền giáo này cần được mọi tín hữu, giáo dân, mục tử, các Giáo Hội kỳ cựu và các Giáo Hội trẻ, chu toàn. ĐTC cũng nói rằng:

 ”Các Giáo Hội mới được thiết lập gần đây, được anh em trợ giúp trong việc thường huấn về truyền giáo, có thể thông truyền sự hăng say của niềm tin trẻ trung, chứng tá về niềm hy vọng Kitô, cho các Giáo Hội kỳ cựu, nhiều khi trở nên nặng nề vì lịch sử của mình và có phần mệt mỏi. Chứng tá hy vọng ấy được nâng đỡ bằng sự can đảm chịu tử đạo đáng cảm phục”.

 ĐTC cũng nhắc đến kỷ niệm 100 năm thành lập Liên hiệp Truyền giáo do chân phước LM Paolo Manna. Ngài cầu mong lòng nhiệt thành truyền giáo của chân phước tiếp tục nung nấu, làm say mê, đổi với, suy nghĩ lại và cải tổ việc phục vụ mà Hội Liên hiệp Truyền Giáo được kêu gọi cống hiến cho toàn thể Giáo Hội. (SD 4-6-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Như thánh Thomas Becket, các Linh mục đừng thỏa hiệp

Như thánh Thomas Becket, các Linh mục đừng thỏa hiệp

Đức Hồng y Vincent Nichols

Hôm qua, ngày 3/6, trong bài giảng trong Thánh lễ nhân ngày năm Thánh dành cho các Linh mục tại nhà thờ Đức Maria Nữ vương các Tông đồ ở Montagnola, Roma, Đức Hồng y Vincent Nichols đã khuyến khích các Linh mục kiên vững trong sứ vụ của mình dù cho có những hoàn cảnh thất vọng.

Đức Hồng y nói: “Một Linh mục mà luôn luôn than phiền về những vấn đề của mình, về việc thiếu thời gian, thiếu tiền bạc, về những người đồng hành, về Giám mục, là một “phản chứng”. Đúng là có khó khăn, nhưng có lòng trung thành, có sự phục sinh, nguồn mạch thật sự của niềm hy vọng, niềm vui và sự kiên trì bền đỗ hàng ngày của chúng ta”.

Đức Hồng y cũng nói đến thánh Thomas Becket như mẫu gương kháng cự của Giáo hội chống lại cường quyền và vô đạo đức. Ngài nói, thánh Thomas là một linh hứng cho các Linh mục. Thánh Thomas đặt trọng tâm vào Chúa Ki-tô, thước đo và động lực duy nhất của mọi lời nói và hành động. Đây cũng là trọng tâm của chúng ta. Khi thánh nhân biết là sự thỏa hiệp không còn là một con đường có thể chấp nhận, và đã dẫn đến quyết định kịch tính là từ nơi lưu đầy trở về nhiệm sở dù thấy những nguy hiểm cho sự sống của mình. Đức Hồng y cảnh giác: “Đối với chúng ta, những nguy hiểm ít mạnh mẽ hơn. Chúng bò lên chúng ta khi chúng ta từ từ thỏa hiệp và mất đi căn tính độc đáo của chúng ta và cùng với nó, mất đi sức mạnh của chứng tá mà chúng ta đang làm.”

Đức Hồng y nhắc đến ngôi mộ của thánh Thomas đã trở thành nơi của những hòa giải kỳ diệu, Đức Hồng y cầu nguyện để sứ vụ Linh mục sẽ có đặc điểm là “phấn đấu cho sự hòa giải của các bên xung đột” và ngài nói: “dĩ nhiên điều này chỉ có thể có nguồn gốc của nó trong sự thương xót nhân từ của Thiên Chúa, một sự thương xót mà chúng ta biết, đó là Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi đổ tràn trên chúng ta ngay cả khi chúng ta trở nên mệt mỏi kiếm tìm nó …. và điều này chỉ có thể có nguồn gốc của nó trong sự thương xót nhân từ của Thiên Chúa được đổ ra trong Bí tích Hòa giải. (Catholic Herald 4/6/2016)

Hồng Thủy OP

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện tháng Sáu Cầu nguyện cho người cao tuổi, người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn.

VATICAN. “Đừng bao giờ bỏ rơi những người già nua ốm yếu. Hãy kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới.” Đức Thánh Cha đã tha thiết mời gọi như trên trong đoạn video ý chỉ cầu nguyện tháng Sáu. Ngài chia sẻ rằng:  

“Trong các thành phố, những người già nua, ốm yếu thường bị bỏ rơi.

Chúng ta có thể làm ngơ trước vấn đề này không?

Các thành phố của chúng ta trước hết phải nổi bật về tình liên đới, không chỉ trong việc giúp đỡ những ai túng thiếu, mà còn ở việc có trách nhiệm với nhau, và kiến tạo nên một nền văn hóa gặp gỡ.

Anh chị em có hiệp ý với cha trong lời cầu nguyện này không?

Xin cho những người cao tuổi, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn, ngay trong các thành phố lớn trên thế giới, tìm được nhiều dịp để gặp gỡ và liên đới.”

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục (2)

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục 1

ROMA. Hôm 2-6-2016, ĐTC Phanxicô đã trình bày 3 bài suy niệm tĩnh tâm dành cho các LM quốc tế nhân Ngày Năm Thánh dành cho các LM và chủng sinh.

 Trước tiên tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba. Sau phần dẫn nhập, ĐTC nói về đề tài ”Từ sự xa cách đến việc mừng lễ”. Trong số hàng ngàn tham dự viên cũng có một số Hồng Y và Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

 Bài thứ hai lúc 12 giờ trưa tại Đền Thờ Đức Bà Cả với chủ đề ”Người đón nhận lòng thương xót”. Sau cùng vào lúc 4 giờ chiều ở Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ĐTC nói về đề tài: các hoạt động từ bi thương xót, về thể lý và tinh thần.

 Cả ba bài suy niệm của ĐTC xoay quanh các khía cạnh khác nhau của lòng thương xót, qua đó ngài dựa nhiều trên linh đạo của thánh Ignatio Loyola Thánh Tổ dòng Tên. Mỗi bài dài khoảng 45 phút.

 Trong số các ý tưởng được ĐTC trình bày, có lời ngài cảnh giác rằng: ”Nếu các cơ cấu của chúng ta không được sống và được sử dụng để nhận lãnh nhiều hơn lòng thương xót của Thiên Chúa và trở nên từ bi hơn đối tha nhân, thì chúng có thể biến thành một cái gì rất khác biệt và đưa tới hậu quả ngược lại điều chúng ta mong muốn”.

 ĐTC nhấn mạnh tấm gương của các thánh trong việc cảm thấy cần lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng trưng dẫn ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, và nhắc lại rằng ”Chính ĐHY Văn Thuận, đã nói rằng trong tù, Chúa đã dạy ngài biết phân biệt những ”điều thuộc về Thiên Chúa”, mà ĐHY đã tận tụy thi hành trong cuộc đời khi còn là một LM và GM được tự do, khác với chính Thiên Chúa, mà ĐHY tận tụy phục vụ trong lúc bị tù” (Xc Cinque pani e due pesci [5 chiếc bánh và 2 con cá], San Paolo 1997).

 ĐTC trách cứ những cha giải tội thiếu kiên nhẫn và trách móc các hối nhân! ”Anh em đừng làm như vậy!.. Trái lại điều làm tôi cảm động là sự xưng tội của các linh mục, họ xưng tội của mình và lắng nghe tội của những người xưng tội”.

 ĐTC cũng nhắn nhủ các linh mục đừng bao giờ coi những người khác chỉ là ”một vụ”, ”một trường hợp”. ”Đối với chúng ta họ luôn luôn là một người.

 ĐTC nhận xét rằng ”Hầu như tất cả các vị đại thánh đều là những người nhiều tội lỗi”. Như để chứng minh điều này, ngài nhắc lại trường hợp thánh Phêrô, đã từng chối Chúa ba lần, và đã từng bị thánh Phaolô sửa sai, nhưng người tội lỗi ấy đã được Chúa chọn làm giáo hoàng!” ”Trong việc thực thi lòng thương xót chữa lành sự ác của người khác, không ai tốt lành hơn để chữa lành tha nhân cho bằng người luôn giữ nguyên kinh nghiệm về bản thân mình đã từng được Chúa xót thương. Chúng ta thấy rằng trong số những người làm việc để bài trừ sự nghiện ngập, những người đã cai nghiện được, thường là những người hiểu rõ hơn, cảm thông hơn và giúp đỡ, biết xin những người khác. Cũng vậy cha giải tội tốt nhất thường là người biết xưng tội đúng đắn nhất”.

 Trong bài cuối cùng, ĐTC trình bày những suy tư về những công việc từ bi thương xót về tinh thần cũng như về thể xác, trong đó ngài cũng nói đến tòa giải tội, và chiều kích xã hội của các công việc từ bi bác ái (SD 26-2-16)

 G. Trần Đức Anh OP

Toàn câu có gần 50 triệu nô lệ, 60% ở Á châu

Toàn câu có gần 50 triệu nô lệ, 60% ở Á châu

Nô lệ trẻ em

Sydney – Hôm nay, Walk Free Foundation, một tổ chức bác ái do vợ chồng tỷ phú Andrew và Nicole Forrest thành lập, đã công bố số liệu thống kê về các nô lệ "thời hiện đại" toàn cầu. Trên thế giới hiện có ít nhất 45.8 triệu nô lệ; 2/3 trong số các nô lệ nam nữ, già trẻ này nằm ở vùng châu Á Thái bình dương. Á châu có số nô lệ đông nhất, khoảng 26.6 triệu – chiếm 58% tổng số nô lệ toàn cầu. Đó là số liệu do Global Slavery Index 2016 cung cấp.

Trong số 167 quốc gia, 5 quốc gia thuộc Á châu đứng đầu về số nô lệ tính theo phần trăm dân số, đó là: Bắc Triều tiên, Uzbekistan, Campuchia, Ấn độ và Qatar. Ở Bắc Triều tiên, nơi mạng lưới lao động cưỡng bức  ngày càng trở thành một phần của hệ thống sản xuất quốc gia. Đồng thời, hàng ngàn phụ nữ Bắc Triều tiên bị bán sang Trung quốc để làm vợ hay nô lệ tình dục. Ít nhất 4.37% dân nước này phải làm nô lệ. Ở Uzbekistan thì chính quyền buộc dân chúng thu hoạch bông vải mỗi năm. Cũng có khoảng 1.36% trên tổng số 2.3 triệu dân Qatar phải làm nô lê, đa số trong ngành công nghiêp xây dựng. Phần lớn các nô lệ nhập cư này đến từ Ấn độ, Nepal, Philippines, Sri Lanka và Bangladesh.

Nhưng nếu tính về số lượng thì các nước sau đây đứng đầu:  Ấn độ, Trung quốc, Pakistan, Bangladesh và Uzbekistan. Ấn độ đứng đầu với 18 triệu 350 ngàn người sống như nô lệ, rồi đến Trung quốc với 3,39 triệu, Pakistan có 2.13 triệu và Uzbekistan có 1.23 triệu. Nhiều nước đã dùng chế độ nô lệ cho hệ thống lao công rẻ tiền để sản xuất các sản phẩm cho thị trường ở Âu châu, Nhật, Bắc Mỹ và Úc.

Thống kê cho thấy tình trạng ở Hồng kông còn tồi tệ hơn Trung quốc, vì họ có ít chính sách bảo vệ những người ít tự vệ như phụ nữ, trẻ em hay nhập cư, khỏi trở thành nô lệ. Thậm chí người ta nghi ngờ là chính quyền có chính sách làm cho chế độ nô lệ dễ dàng hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, có 3 lý do nuôi dưỡng ngành kinh doanh nô lệ: việc tìm kiếm giá thành sản phẩm thấp hơn; các tổ chức buôn nô lệ; và sự bóc lột con người bởi con người.

Theo Andrew Forrest, luật cấm nô lệ chống lại 3 yếu tố này, nhưng cũng đòi hỏi cộng đồng kinh doanh một sự trong sáng hơn về nơi chốn và cách thức tạo ra các sản phẩm mà họ bán. Có một cam kết quan trọng khác cũng là trách nhiệm của mỗi người: từ bỏ việc tiêu thụ được thúc đẩy bởi các sản phẩm với giá thành rẻ. (Asia News 31/5/2016)

Hồng Thủy OP

Làn sóng mới chống Công giáo ở Pháp và Bỉ

Làn sóng mới chống Công giáo ở Pháp và Bỉ

martigues-ste-madeleine church

Paris, Pháp – Trong những tuần lễ này, các tín hữu Công giáo ở Bỉ và Pháp đã phải chịu đựng những bạo lực và tấn kích như đốt các nhà thờ, tấn công Linh mục, phạm thánh nhà Tạm, nơi đặt Thánh Thể, và hơn 100 trang mạng internet bị tấn công.

Trong tập san định kỳ “La Provence”, cha Benoît Delabre kể rằng cách đây 2 tuần, bàn thờ của nhà thờ thánh Madeleine-de-l'Île ở Martigue, khoảng 800 cây số về phía nam của Paris, bị đốt cháy. Cũng may là bàn thờ bằng đá cẩm thạch nên ngọn lửa không cháy lan và nhà thờ không bị thiêu hủy. Cha cũng cho biết hôm 15/5, một người lạ đã xúc phạm nhà Tạm trong nhà thờ ở Jonquières, cũng trong vùng Martigue. Còn hôm Chúa nhật vừa qua, chính cha Delabre đã bị một người đàn ông tấn công khi cha bắt giữ ông ta ở cửa nhà thờ vì ông ta dường như đang cố lấy trộm đồ vật.

Gaby Charroux, thị trưởng của Martigues nói là trộm cắp tại các nhà thờ ở Pháp rất thường xuyên và hứa là cảnh sát sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công.

Báo La Croix thuật lại là trong tháng 4, hơn 100 trang mạng internet của các nhà thờ và nhà dòng bị tấn công bởi các tin tặc chiến binh thánh chiến người Tunisi; họ tự gọi mình là nhóm Fallaga.

Ở Bỉ, chiều ngày 24/5, 2 vụ hỏa hoạn làm thiệt hại đáng kể nhà thờ có từ thế kỷ 16 ở Mont-Sainte-Geneviève. Vụ đầu tiên bắt đầu từ phòng thánh trong khi vụ thứ 2 bắt đầu từ mái nhà thờ. Các cảnh sát ở Hainut, 37 dặm về phía đôn gnam thủ đô Brussel đang truy tìm thủ phạm. (CNA 2/6/2016)

Hồng Thủy OP

Phụ nữ Công giáo Bangladesh có 6 con đi tu được giải thưởng “người mẹ gương mẫu”

Phụ nữ Công giáo Bangladesh có 6 con đi tu được giải thưởng “người mẹ gương mẫu”

Josephine Corraya family

Dhaka, Bangladesh – Josephine Corraya, 82 tuổi, bà mẹ Công giáo của 10 người con, đã được phát ngôn viên của quốc hội Bangladesh trao giải thưởng “người mẹ gương mẫu”.

Là một phụ nữ gương mẫu, yêu thương và ân cần, đã nuôi dạy các con và bảo đảm cho các con một nền giáo dục tốt.  Bà Josephine đến từ giáo xứ Rangamitia thuộc giáo phận Dhaka; chồng của bà Josephine đã qua đời khi các con còn rất nhỏ và bà đã nuôi các con trong sự nghèo khổ.  6 trong 10 người con của bà đã dâng mình cho Chúa: 3 người con cha trở thành Linh mục và 3 người con gái là những nữ tu.

Abul Kalam Azad, một người Hồi giáo, là chủ tịch của tổ chức tài trợ cho giải thưởng đã khẳng định: “chúng tôi trao giải thưởng này cho bà Josephine vì bà đã hoàn thành một công việc tuyệt vời trong việc nuôi dạy 10 người con của mình. Bà đã hy sinh lơn lao để bảo đảm cho các con có một sự giáo dục để chúng có thể phục vụ xã hội của chúng ta”.

Joel Rebeiro, con thứ 9 của bà, đang làm việc cho tổ chức Caritas, thuật lại: “Mẹ của chúng tôi đã giáo dục chúng tôi cách đặc biệt.Mẹ đưa chúng tôi đi dự lễ mọi buổi sáng, rồi chúng tôi làm việc nhà, học hành và đến trường. Mẹ dạy chúng tôi đạo đức và lòng kính trọng người cao tuổi.”

Người con thứ 10 của bà, cha Bulbul kể: “ngay cả nếu chúng tôi gặp khó khăn về tiền bạc, mẹ chúng tôi đã lao động và trả được tiền học cho chúng tôi”. Cha cho biết mẹ mình là một phụ nữ đơn sơ và luôn luôn tích cực trong các điều liên quan đến Giáo hội. Cha không thể nhớ được có lần nào mà mẹ mình nói xấu về các Linh mục hay nữ tu. Bà đã khuyến khích các con vào chủng viện”.

Bà Josephine rất cảm kích về giaỉ thưởng, bà nói: “Tôi nghĩ là Thiên Chúa toàn năng đã chúc phúc cho gia đình đông đúc của tôi. Tôi luôn là một tín hữu đơn sơ và tôi đã nuôi dạy các con theo giáo huấn của Chúa Giê-su. Trong những ngày cuối của đời tôi, tôi cảm tạ Thiên Chúa bởi vì tôi là một phụ nữ hạnh phúc”. (Asia News 01/06/1016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Đức giáo hoàng với Scholas Occurentes

Vatican – Sau khi trở thành Đức Giáo Hoàng đầu tiên là tác giả của một cuốn sách cho giới trẻ vào đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả của một cuốn sách khác sắp được phát hành, dựa trên các câu trả lời của ngài cho các câu hỏi của giới trẻ đặt ra cho ngài trên một trang web.

Trong cuộc họp mặt quốc tế của các lãnh đạo của tổ chức Scholas Occurentes, nhà báo và tác giả Tiziana Lupi đã giải thích là cuốn sách mới nhắm mở ra một cánh cửa đối thoại với giới trẻ. Scholas Occurentes là tổ chức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập vào tháng 8/2013 như sáng kiến để khuyến khích sự hội nhập xã hội và văn hóa của gặp gỡ qua kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. Tác giả Lupi cũng cho biết:việc xuât bản đã kết hợp những nỗ lực của tổ chức Scholas trong việc tạo nên một diễn đàn kỹ thuật mới “cho phép các bạn trẻ khắp thế giới, thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo, đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà không bị lọc lựa”. Bình thường chỉ các nhà báo đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng, nhưng lần này các bạn trẻ có thể làm điều này qua trang web: new page “Ask Pope Francis” (đây là đường link trực tiếp: http://askpopefrancis.scholasoccurrentes.org/pope-francis-en-gb/). Chắc chắn là sẽ có rất nhiều câu hỏi được gửi đến Đức Giáo Hoàng nên chỉ có những câu thật sự xuất phát từ trái tim sẽ được chọn in trong sách. Cuốn sách này có thể được phát hành khoảng tháng 10 hay 11 năm nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các tham dự viên trong buổi họp hôm qua, 29 tháng 5. Sau khi nghe chứng từ đầy nước mắt của một thiếu nữ Mexico có cha mẹ đã chia tay, bị ngược đãi khi đến Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng được cho biết là một chiến dịch chống ngược đãi do tổ chức Scholas đưa ra với hashtag “#nosotrossomosunicos”, nghĩa là “chúng ta là duy nhất”.

Sau chứng từ của em gái người Mexico, 12 bạn trẻ trên mạng Youtube đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm sao để xây dựng một thế giới tốt hơn, đa dạng và hòa đồng. Đức Giáo Hoàng trả lời là mỗi người phải nhận ra căn tính cá nhân của họ. Ngài giải thích là sẽ không có tương lai nếu một người thiếu một căn tính rõ ràng. Nếu muốn sự ngược đãi được ngừng lại thì chúng ta phải bỏ sự tấn công lại sau lưng; “ngược đãi là một sự tấn kích che dấu một sự tàn ác sâu sắc.” “Thế giới tàn ác. Chiến tranh là những tượng đài của sự tàn ác”, Đức Giáo Hoàng nói như thế và lấy từ trong túi ra một tấm ảnh mà một nữ tu ở châu Phi đã gửi cho ngài. Cho những tham dự viên xem tấm ảnh và Đức Giáo Hoàng than phiền: làm sao người ta có thể vẽ những hình ảnh ghê tởm như hình một em bé bị cắt cổ và em khác bị chặt đầu.

Đức Giáo Hoàng giải thích: nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta phải loại bỏ mọi hình thức tàn ác. Thay vì tấn kích, chúng ta phải đạt được khả năng lắng nghe người khác và đối thoại, hơn là tranh luận. Ngài nói với các người hiện diện: “đừng sợ đối thoại” bởi vì với đối thoại “mọi người đều chiến thắng, không có ai thua cuộc”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: thế giới hôm nay cần giảm bớt mức độ tấn kích; nó cần sự khoan dịu, cần lắng nghe, cần bước đi với nhau. Vì thiếu những thái độ này nên đã có những tàn ác. (CAN 29/5/2016)

Hồng Thủy OP

Giáo hội Mông cổ sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên vào tháng 8 tới đây

Giáo hội Mông cổ sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên vào tháng 8 tới đây

Deacon Joseph Enkh-Baatar

Ulan Bato, Mông cổ – Cha Prosper Mbumba, thuộc dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria, thừa sai người Công gô tại Mông cổ nói với hãng tin Fides: “chúng tôi sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên, đó là Joseph Enkh, sẽ được Đức cha Wenceslao Padilla, Phủ doãn Tông tòa của Ulan Bato truyền chức vào ngày 28/8/2016. Sự kiện này có một tầm quan trọng đặc biệt cho giáo hội non trẻ được tái lập vào năm 1992 và hiện nay chỉ có hơn 1000 người được rửa tội. Việc phong chức Linh mục của một người bản xứ sẽ khơi dậy nơi người dân Mông cổ lòng nhiệt thành và ý nghĩa thuộc về một Giáo hội vốn từ lâu bị xem như là ngoại bang.”

Thầy Joseph Enkh được nhận chức phó tế vào ngày 11/12/2014 ở Nam Hàn nơi thầy được đào tạo và trở về Mông cổ tháng 1 vừa qua. Từ đó đến nay thầy tiếp tục phát triển kinh nghiệm mục vụ qua việc phục vụ trong các giáo xứ khác nhau của Mông cổ, nơi hiện tại có khoảng 20 nhà truyền giáo và 50 nữ tu của 12 Hội dòng hoạt đông trong 6 giáo xứ.

Cha Prosper cũng cho Fides biết là việc chuẩn bị cho lễ phong chức đang được chuẩn bị về mọi mặt. Các Ki-tô hữu cầu nguyện rất nhiều cho vị Linh mục tương lai của họ và các giáo xứ đang phát động các buổi học hỏi gíao lý để giúp cho dân chúng hiểu hơn về sứ vụ Linh mục. Trong mọi nhà thờ của Mông cổ đều có làm tuần 9 ngày cầu nguyện cho lễ phong chức. Nhiều tín hữu viết thư bày tỏ các suy nghĩ và chờ đợi của họ về vị Linh mục tương lai. Họ cho cha biết họ hãnh diện về ơn gọi của cha và họ tin tưởng về sự hiện diện của cha và công việc của cha. Cha Prosper kết luận: “Chúng tôi cám ơn Chúa về hồng ân này và về sự nhiệt thành này. Chúng tôi cầu nguyện để có một sự tuôn tràn mới của Thần Khí trên đất nước này”. (Agenzia Fides 1/6/2016)

Hồng Thủy OP

 

Thánh lễ của Đức Thánh Cha nhân ngày Năm Thánh cho các phó tế

Thánh lễ của Đức Thánh Cha nhân ngày Năm Thánh cho các phó tế

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các phó tế chu toàn chức năng phục vụ, quên mình và luôn sẵn sàng, hiền dịu và không câu nệ thời khóa biểu.

Thánh lễ của Đức Thánh Cha nhân ngày Năm Thánh cho các phó tếNgài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng chúa nhật 29-5-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân Ngày Năm Thánh của các phó tế vĩnh viễn.

Tham dự thánh lễ có khoảng 30 ngàn người, trong đó có hơn 2 ngàn thầy phó tế trong phẩm phục phụng vụ, ngồi hai bên lễ đài, và có 250 phó tế đặc trách việc phân phát Mình Thánh Chúa ở khu vực vốn dành cho ca đoàn. Từ Hoa Kỳ có hơn 15 phó tế vĩnh viễn người Việt, cùng với phu nhân và nhiều thân hữu tháp tùng, tổng cộng khoảng hơn 70 người. Đồng tế với ĐTC có 12 Hồng Y và Giám Mục cùng với khoảng 50 LM.

Các lời nguyện và bài đọc được lấy từ chúa nhật thứ 9 thường niên, vì tại Vatican, lễ kính Mình Thánh Chúa đã được cử hành hôm thứ năm, 26-5 vừa qua.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn chức năng phục vụ của các phó tế và các điều kiện để thi hành nhiệm vụ này. Ngài nói:

”Tôi tớ Đức Kitô” (Gl 1,10). Chúng ta đã nghe thành ngữ này, thánh Phaolô thường dùng để mô tả mình, khi viết cho các tín hữu thành Galát. Đầu lá thư, ngài tự giới thiệu là ”tông đồ” do thánh ý Chúa Giêsu (Xc Gl 1,1). Hai từ ngữ, 'tông đồ và tôi tớ', đi chung với nhau, không bao giờ có thể tách biệt nhau; đó là hai mặt của cùng một mềđai: ai loan báo Chúa Giêsu thì được kêu gọi phục vụ và ai phục vụ thì loan báo Chúa Giêsu.

Chúa đã tỏ cho chúng ta điều đó trước tiên: Ngài là Lời của Chúa Cha, là người mang tin vui cho chúng ta (Is 61,1). Chính Ngài là tin vui (Xc Lc 4,18), đã trở nên tôi tớ chúng ta (Pl 2,7). ”Ngài trở nên người phục vụ (diacono) mọi người”, như một Giáo Phụ đã viết (Policarpo, Ad Phil. V,2). Như Chúa đã làm, những người được kêu gọi trở thành người loan báo cũng được mời gọi làm như vậy. Các môn đệ của Chúa Giêsu không thể đi con đường khác với con đường của Thầy, nếu họ muốn loan báo thì cũng phải noi gương Chúa như thánh Phaolô đã làm, nghĩa là mong ước trở nên người tôi tớ phục vụ. Nói khác đi, nếu loan báo Tin Mừng là sứ mạng được ủy thác cho mỗi Kitô hữu khi chịu phép rửa tội, thì phục vụ chính là cách thức sống sứ vụ, là cách duy nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu. Họ là một chứng nhân làm như Chúa: là người phục vụ anh chị em mình, không mỏi mệt vì Chúa Kitô khiêm hạ, không mệt mỏi vì đời sống Kitô là một đời sống phục vụ.

ĐTC đặt câu hỏi: Bắt đầu từ đâu để trở thành ”những người tôi tớ tốt lành và trung tín” (Xc Mt 25,21)? Như bước đầu tiên, chúng ta được mời gọi hãy sống sẵn sàng. Người tôi tớ hằng ngày học cách từ bỏ thái độ muốn thu xếp mọi sự cho mình và tự quyết định như mình muốn. Mỗi sáng họ tập luyện hiến mạng sống, nghĩ rằng mỗi ngày không phải là của mình, nhưng cần phải sống ngày ấy như một sự giao nạp chính mình. Thực vậy, người phục vụ không phải là người giữ chặt thời gian riêng cho mình, trái lại họ từ bỏ không trở thành chủ nhân ông ngày của mình. Họ biết rằng thời gian mình sống không thuộc về mình, nhưng là một hồng ân lãnh nhận từ Thiên Chúa để cống hiến cho tha nhân: chỉ như thế họ mới có thể mang lại hoa trái thực sự. Người phục vụ không phải là đầy tớ chương trình hành động mà họ thiết định, nhưng với tâm hồn ngoan ngoãn, họ sẵn sàng đối với những gì không được đề ra trong chương trình: họ sẵn sàng đối với người anh em, và cởi mở đối với những gì bất ngờ, chẳng bao giờ thiếu và thường là sự bất ngờ của Thiên Chúa. Người phục vụ biết mở cửa thời gian và không gian của mình cho người ở cạnh và cả những người gõ cửa ngoài giờ, dù phải hy sinh, gián đoạn điều họ thích hoặc sự nghỉ ngơi mà họ đáng được hưởng. Người phục vụ không giữ chặt thời khóa biểu. Tôi cảm thấy đau lòng khi thấy thời khóa biểu trong các giáo xứ, từ giờ này đến giờ này. Và rồi chẳng có cánh cửa mở rộng, không có linh mục, không có phó tế, cũng chẳng có giáo dân đón tiếp.. Thật là điều đau lòng. Hãy có can đảm coi nhẹ thời khóa biểu. Vì thế, các phó tế thân mến, khi sống thái độ sẵn sàng, việc phục vụ của anh em sẽ không có sự tính toán hơn thiệt và được phong phú theo tinh thần Phúc Âm.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:

”Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về việc phục vụ, trình bày cho chúng ta 2 người đầy tớ, từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học quí giá: người đầy tớ của quan bách quân, được Chúa Giêsu chữa lành, và chính quan bách quân ấy, phục vụ hoàng đế. Những lời của ông nói với Chúa Giêsu, để Ngài khỏi mất công đến nhà ông, thật là gây ngạc nhiên và thường trái ngược với kinh nguyện của chúng ta: ”Lạy Chúa, xin đừng mất công! Con không đáng Chúa ngự vào nhà con” (Lc 7,,6); ”Con không thấy mình xứng đáng được đến cùng Chúa” (v.7); ”cả tôi cũng ở thân phận bề dưới” (v.8). Đứng trước những lời này, Chúa Giêsu tỏ ra ngưỡng mộ. Ngài cảm kích vì lòng khiêm tốn sâu xa của quan bách quân, sự dịu dàng hiền từ của ông. Sự hiền từ là một trong những nhân đức của các phó tế. Khi phó tế hiền từ, thì thầy là người phục vụ, và không chơi trò bắt chước các linh mục.. Đứng trước vấn đề đang làm ông bận tâm, lẽ ra ông có thể hành động một cách khác và đòi được nghe lời, dùng quyền uy của mình; lẽ ra ông có thể nài nỉ, nhấn mạnh và thậm chí có thể buộc Chúa Giêsu đến nhà ông. Trái lại, ông trở nên bé nhỏ, kín đáo, không lên giọng, không muốn làm phiền. Có lẽ vô tình, ông đã hành động theo kiểu của Thiên Chúa, là ”Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Thực vậy, Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu Ngài hạ mình đến độ phục vụ chúng ta: Ngài kiên nhẫn, từ nhân, luôn mau mắn và sẵn sàng đối với chúng ta, chịu đau khổ vì những lầm lỗi của chúng ta và tìm cách giúp đỡ, làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Đây cũng là những nét hiền lành và khiêm tốt trong việc phục vụ theo tinh thần Kitô, đó là ”bắt chước Thiên Chúa trong việc phục vụ tha nhân: đón nhận họ với lòng yêu thương kiên nhẫn, cảm thông họ mà không mệt mỏi, làm cho họ cảm thấy được đón nhận, thoải mái, trong cộng đoàn Giáo Hội, nơi mà người cai quản không phải là người lớn, nhưng là người phục vụ (Xc Lc 22,26). Vì thế, hỡi các phó tế, trong sự dịu dàng, ơn gọi của các thầy là người phục vụ bác ái được trưởng thành”

ĐTC cũng nhận xét rằng:

”Sau thánh Phaolô Tông Đồ và viên bách quân, trong các bài đọc hôm nay, có một người tôi tớ thứ ba, đó là người được Chúa Giêsu chữa lành. Trong trình thuật có kể rằng người đầy tớ ấy rất được chủ thương và lúc ấy đang bị bệnh, ta không biết đó là bệnh nặng hay không (v. 2). Một cách nào đó chúng ta cũng có thể nhận ra mình nơi người đầy tớ ấy. Mỗi người chúng ta cũng rất được Thiên Chúa thương yêu, được Chúa chọn, và được kêu gọi phục vụ, nhưng trước tiên cần được chữa lành trong nội tâm. Để có thể phục vụ, chúng ta cần sức khỏe tâm hồn, một con tim được Thiên Chúa chữa lành, cảm thấy được tha thứ, và không khép kín, cũng chẳng cứng cỏi.. Mỗi ngày chúng ta nên cầu nguyện để được ơn này, xin Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, trở nên giống Chúa, Đấng không ”gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” (Xc Ga 15,,15). Các phó tế thân mến, anh em có thể cầu xin mỗi ngày ơn này trong kinh nguyện, trong kinh nguyện nơi mà anh em trình bày những vất vả, những bất trắc, những mệt mỏi, và hy vọng: một kinh nguyện chân thành, trình bày cuộc sống cho Chúa, và mang Chúa vào trong cuộc sống. Và khi phục vụ bàn tiệc Thánh Thể, nơi anh em sẽ tìm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng hiến mình cho chúng ta, để anh em có thể hiến mình cho tha nhân.

Trong số 5 ý nguyện được xướng lên trong phần lời nguyện phổ quát sau kinh Tin Kính, cũng có 1 ý nguyện tiếng Việt được thày phó tế Giuse Nguyễn Sĩ Bạch thuộc tổng giáo phận Galveston Houston, Texas.

Trong phần dâng lễ vật, có 3 phó tế vĩnh viễn cùng với phu nhân và con cái đã mang bánh rượu cho ĐTC..

Kinh truyền tin

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 20 phút và kết thúc lúc gần 12 giờ. ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin ngay lúc đó. Lúc này số người hiện diện tại Quảng trường tăng lên 50 ngàn người. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đặc biệt chào thăm các thày Phó tế đến từ Italia và các nước khác. Ngài nói:

Cám ơn sự hiện diện của anh em hôm nay, nhất là sự hiện diện của anh em trong Giáo Hội!

Tôi chào thăm tất cả các tín hữu hành hương, cách riêng hiệp hội Âu Châu những người bảo vệ lịch sử, những người tham gia Con đường Tha thứ do phong trào thánh Celestino cổ võ..

Ngoài ra tôi cũng nhắc đến Ngày Toàn Quốc Thoa dịu, nhắm giúp đỡ con người sống trọn giai đoạn chót của cuộc sống trần thế; tôi cũng nhắc đến cuộc hành hương truyền thống ngày hôm nay ở Ba Lan tại Đền thánh Đức Mẹ Piekary: Xin Đức Mẹ từ bi nâng đỡ các gia đình và người trẻ đang tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia.

Sau cùng, ĐTC nhắc thêm rằng ngày 1-6 tới đây, nhân Ngày Thế Giới các trẻ em, các cộng đoàn Kitô ở Siria, công giáo cũng như chính thống giáo, cùng đặc biệt cầu nguyện với nhau cho hòa bình, và những người nắm vai chính trong ngày cầu nguyện này là các trẻ em.. Các trẻ em Siria mời gọi các trẻ em thế giới hãy hiệp ý với các em để cầu nguyện cho hòa bình.

Chúng ta hãy khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ Maria cho các ý nguyện đó, đồng thời chúng ta phó thác cho mẹ cuộc sống và sứ vụ của tất cả các phó tế trên thế giới.

 G. Trần Đức Anh OP

Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Deacon Bill Reichmuth offers communion at the Carmel Mission Basilica in California

VATICAN: Hàng ngàn phó tế vĩnh viễn và gia đình đã từ nhiều nước trên thế giới tuốn về Roma để cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót trong các ngày 27-29 tháng 5.

Đề tài của ba ngày hành hương là “Phó tế, gương mặt của Lòng Thương Xót cho việc thăng tiến công tác truyền giáo mới”. Các phó tế và gia đình thân nhân cùng nhau cầu nguyện, nghe diễn thuyết, thảo luận và chia sẻ tại nhiều nhà thờ theo các ngôn ngữ khác nhau hay với phần dịch thuật tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Đề tài ngày thứ hai là “Phó tế. Được kêu gọi là người phân phát của tình bác ái trong cộng đoàn kitô”. Các phó tế cũng có dịp lãnh bí tích Hoà Giải, bước qua Cửa Thánh. Cuộc hành hương cử hành Năm Thánh của các Phó tế sẽ kết thúc với thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành sáng Chúa Nhật hôm nay lúc 10 giờ rưỡi trước thềm đền thờ Thánh Phêrô.

Cuộc hành hương được tổ chức nhân dịp mừng 50 năm Công Đồng Chung Vaticăng II tái lập chức Phó tễ vĩnh viễn trong Giáo Hội như được nói tới trong Hiến chế về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân số 29. Theo thống kê năm 2013 tổng số các Phó tế trên thế giới là hơn 43,000, tức gia tăng 29% so với năm 2005. Âu châu có 14,000, Mỹ châu 28,000, tức chiếm 97,6% tổng số Phó tế trên thế giới.  Trong các Giáo Hội khác các Phó tế chưa được hiểu biết và đánh giá đúng đắn. Vì thế đậy là dịp giúp đào sâu tầm quan trọng của các Phó tế trong cuộc sống và các sinh hoạt đa diện của Giáo Hội (SD 27-5-2016)

Linh Tiến Khải

ĐTC tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

ĐTC tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

ĐTC Phanxicô đón tiếp 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa

VATICAN: Trưa hôm qua (28-5) ĐTC Phanxicô đã ra nhà ga xe lửa trong nội thành Vatican đón tiếp 400 trẻ em vùng Calabria đến thăm Toà Thánh.

Chuyến xe lửa trẻ em năm nay có khẩu hiệu là “Đuợc các làn sóng đưa đi”, do sáng kiến “Sân Dân Ngoại” của Hội Đồng Toà Thánh Văn Hoá tổ chức. 400 trẻ em nói trên đến từ các trường khác nhau vùng Calabria nam Italia, là nơi có đông người di cư tỵ nạn cặp bến. Linh Mục Laurent Mazas, giám đốc điều hành Sân của dân ngoại,  cho biết chuyến xe lửa năm ngoái gồm con cái của các cha mẹ bị tù. Năm nay nó gồm phân nửa trẻ em Ý phân nửa trẻ em con của những người di cư tỵ nạn đã trở thành bạn của nhau trong các trường học. Hằng năm Bộ Hoả Xa Italia dành cho cha một chuyến xe lửa miễn phí chở các trẻ em về Vatican đi về trong một ngày. Truớc chuyến đi các em đã được chuẩn bị tinh thần và sư phạm để hiểu biết ý nghĩa của các chuyến xe lửa viếng thăm này.

Đón tiếp các em tại nhà ga xe lửa trong nội thành Vaticăng cũng có các trẻ em thuộc Dàn nhạc thiếu nhi “Bốn bài ca” tình Palermo, và Hiệp hội “Thể thao vô biên giới”. Cha Mazas cho biết lần trước cha đã hỏi ĐTC “Thưa ĐTC chúng ta làm thêm một chuyến xe lửa nữa chăng?” Ngài đã tươi cười trả lời: “Ồ có chứ, tôi thích nó, tôi thích nó”. Và lần này cũng có 400 trẻ em được ĐTC tiếp đón tại nhà ga Vatican. Ngoài việc gặp gỡ ĐTC các em cũng được hướng dẫn viếng thăm quốc gia thành phố Vaticăng, cầu nguyện bước qua Cửa Thánh để lãnh ơn Toàn Xã, và viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô (SD 27.28-5-2016)

Linh Tiến Khải