Mùa Chay là con đường của niềm hy vọng

Mùa Chay là con đường của niềm hy vọng

Mùa Chay là thời gian ăn chay hãm mình để sống lại với Chúa Kitô, để canh tân căn tính được rửa tội của chúng ta, nghĩa là tái sinh từ “bên trên”, từ tình yêu của Thiên Chúa. Mùa chay là  lộ trình của hy vọng, là dấu chỉ bí tích của sự hoán cải, đòi hỏi nhiều dấn thân.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng 1-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã dựa trên trình thuật ơn gọi của ông Môshê như kể trong chương 3 sách Xuất Hành để khai triển đề tài “mùa Chay như con đường của niềm hy vọng”.

Ngài nói: Thật thế viễn tượng này trở thành hiển nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng mùa Chay đã được Giáo Hội thành lập như thời gian chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, và vì vậy tất cả ý nghĩa của thời gian 40 ngày này nhận lấy ánh sáng từ mầu nhiệm vượt qua mà nó hướng tới. Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta ra khỏi các tối tăm của mình, và tiến bước tới với Ngài là Ánh Sáng. ĐTC định nghĩa mùa Chay như sau:

Mùa Chay là một con đường hướng về Chúa Giêsu Phục Sinh, một giai đoạn của sám hối, hãm mình nhưng không phải là mục đích cho chính nó, nhưng là nhắm làm cho chúng ta chỗi dậy với Chúa Kitô, canh tân căn cước là tín hữu được rửa tội của chúng ta, nghĩa là tái sinh từ “trên cao”, từ tình yêu của Thiên Chúa ( Ga 3,3). Đó chính là tại sao muà Chay, tự bản chất của nó, lại là thời gian của niềm hy vọng.

** Để hiểu rõ hơn nó là gì chúng ta phải quy chiếu kinh nghiệm nền tảng cuộc xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập, như được Thánh Kinh kể trong sách Xuất Hành. Điểm khởi hành là điều kiện nô lệ bên Ai Cập, sự áp bức, các lao động cưỡng bách. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài và lời hứa của Ngài: Ngài kêu gọi ông Môshê, và với canh tay uy quyền mạnh mẽ, Ngài cho dân Israel ra khỏi Ai Cập và hướng dẫn họ đi qua sa mạc tiến về miền Đất của tự do. Trên con đường từ nô lệ sang tự do đó, Chúa ban cho dân Israel luật lệ để giáo dục họ yêu Ngài là Chúa duy nhất, và yêu thương nhau như anh em.

Thánh Kinh cho thấy rằng cuộc xuất hành dài và vất vả, nó kéo dài một cách biểu tượng 40 năm, nghĩa là thời gian cuộc sống của một thế hệ. Một thế hệ mà trước các thử thách của lộ trình, đã luôn luôn bị cám dỗ tiếc nuối Ai Cập và trở lại đàng sau. Cả chúng ta tất cả cũng biết cái cám dỗ trở lại đàng sau. Nhưng Chúa luôn trung thành, và dân đáng thương ấy được hướng dẫn bởi ông Môshê đi tới Đất hứa. Tất cả con đường này đã thành toàn trong hy vọng: hy vọng đạt tới Đất hứa và chính trong nghĩa này nó là một cuộc “xuất hành”, một cuộc đi ra khỏi nô lệ tới tự do. Và đối với tất cả chúng ta 40 ngày này cũng là một đi ra khỏi nô lệ, khỏi tội lỗi để đến với tự do, để gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh.

Mỗi bước đi, mỗi mệt nhọc, mỗi thử thách, mỗi té ngã, và mỗi đứng dậy, tất cả chỉ có nghĩa bên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, là Đấng muốn sự sống cho dân Ngài chứ không phải cái chết, niềm vui chứ không phải khổ đau.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

** Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu là cuộc xuất hành của Ngài, qua đó Ngài đã mở ra cho chúng ta con đường để đạt tới cuộc sống tràn đầy, vĩnh cửu và hạnh phúc. Để mở ra con đường này, việc vượt qua này, Chúa Giêsu đã phải tự lột bỏ vinh quanh của Ngài, hạ mình, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Việc mở đường cho chúng ta đã khiến cho Ngài phải đổ tất cả máu mình ra, và nhờ Ngài chúng ta được cứu thoát khỏi nô lệ tội lỗi. Nhưng điều này không có nghĩa là  Ngài đã làm tất cả, và chúng ta không phải làm gì hết, rằng Ngài đã đi qua thập giá và chúng ta “đi vào thiên đàng bằng xe”. Không phải thế đâu. Sự cứu rỗi của chúng ta chắc chắn là ơn của Ngài, bởi vì là một lịch sử của tình yêu, nó đòi hỏi tiếng “có” của chúng ta và sự tham dự của chúng ta vào tình yêu của Ngài , như Mẹ Maria chứng minh cho chúng ta thấy, và sau Mẹ là tất cả các Thánh.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: mùa Chay sống cái năng động đó: Chúa Kitô đi trước chúng ta với cuộc xuất hành của Ngài, và chúng ta đi qua sa mạc nhờ Ngài và theo sau Ngài. Ngài bị cám dỗ vì chúng ta và đã chiến thắng Tên Cám Dỗ cho chúng ta, nhưng cả chúng ta nữa cũng phải cùng Ngài đương đầu với các cám dỗ  và thắng vượt chúng.  Ngài cho chúng ta nước của Thần Khí Ngài, và chúng ta phải kín múc lấy từ suối nguồn của Ngài và uống, trong các Bí Tích, trong lời cầu nguyện, trong sự thờ lậy. Ngài là ánh sáng chiến thắng bóng tối, và chúng ta được đòi hỏi dưỡng nuôi ngọn lửa nhỏ đã được tín thác cho chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội.

Trong nghĩa đó, mùa Chay là “dấu chỉ bí tích sự hoán cải của chúng ta” (Sách lễ Roma, Lời nguyện Chúa Nhật I mùa Chay); ai đi trên con đường mùa Chay, thì luôn luôn ở trên con đường con của sự hoán cải, của con đường từ nô lệ sang tự do, cần canh tân luôn luôn. Một con đường chắc chắn dấn thân, như đúng đắn phải là như thế, bởi vì tình yêu luôn luôn đòi hỏi dấn thân, nhưng là một con đường tràn đầy hy vọng. Tôi còn nói hơn thế nữa: sự xuất hành mùa chay là con đường trên đó chính niềm hy vọng được thành hình. Sự mệt nhọc đi qua sa mạc – mọi thử thách, các cám dỗ, các vỡ mông, các ảo tưởng – tất cả có giá trị rèn luyện một niềm hy vọng mạnh mẽ, vững vàng, theo mô thức niềm hy vọng của Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng giữa các tối tăm của cuộc khổ nạn và cái chết của Con Mẹ vẫn tiếp tục tin và hy vọng vào sự phục sinh của Ngài, vào chiến thắng của  tình yêu Thiên Chúa . Với con tim rộng mở cho chân trời này, hôm nay chúng ta hãy bước vào trong mùa Chay. Cảm thấy mình là thành phần của dân Thiên Chúa chúng ta hãy tươi vui bắt đầu con đường hy vọng này.

. ** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ đến từ Paris, Pignan, Saint Cloud, cũng như các tín hữu đến từ Thụy Sĩ và Bỉ. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Nam Hàn, Hoa Kỳ và các nước nói tiếng Anh khác, cũng như các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước châu Mỹ Latinh. ĐTC khích lệ mọi người sống Mùa Chay tươi vui trong tình bác ái đối với các anh chị em túng thiếu nghèo khổ. Chỉ như thế tín hữu mới thực sự cảm thấy mình là thành phần dân Chúa và anh chị em trong cùng một nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Ngài cũng cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố họ trong niềm hy vọng vào tình yêu thương của Thiên Chúa là mối dây nối kết tất cả trong đại gia đình của Thiên  Chúa là Giáo Hội, cũng như trong gia đình của từng người và trong toàn xã hội.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài nói lễ Tro nhắc cho mọi người nhớ tới sự mỏng giòn của cuộc sống con người và của thế giới. Nó thôi thúc chúng ta nhìn vào giáo huấn của Chúa Giêsu, hoán cải tin vào Tin Mừng và hoà giải với Thiên  Chúa và với nhau.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào hội « Bạn của con tim » tỉnh Altamura, các học sinh các tỉnh Civitavecchia, Legnano, Cislago, Thiene và Cefalù, cũng như sinh viên học viện du lịch Livia Bottardi Roma, và trường kitô hoà lan Meppel. Ngài cầu mong cuộc gặp gỡ đầu mùa Chay khơi dậy nơi họ nỗ lực canh tân tinh thần bằng cách tham dự vào các buổi cử hành mùa chay và các chiến dịch quyên góp bác ái để trợ giứp các anh chị em nghèo túng đó đây trên thế giới.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ngài xin Chúa chỉ cho họ con đường hy vọng và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong việc hoán cải đích thực, thanh tẩy tội lỗi và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Giáo hoàng trả lời phỏng vấn của tạp chí Sneaker của “người vô gia cư”

Đức Giáo hoàng trả lời phỏng vấn của tạp chí Sneaker của “người vô gia cư”

Tạp chí “Scarp de’ tenis” (Sneaker) số ra ngày 28/02 hôm nay, có đăng cuộc phỏng vấn Đức Giáo hoàng về nhiều vấn đề. “Scarp de’ tenis” là tạp chí tiếng Ý do những người vô gia cư điều hành.

Tạp chí “Scarp de’ tenis” cũng hoạt động như một dự án xã hội, với phần lớn ban điều hành là người vô gia cư, bị đau khổ bởi những hoàn cảnh khó khăn cá nhân hay những hình thức kỳ thị loại trừ của xã hội. Tạp chí cũng là nguồn thu nhập chính của phần lớn cộng tác viên.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích những sáng kiến mới đây để giúp người tị nạn, như là cung cấp nơi trú ngụ trong Vatican. Ngài đã giải thích cho thấy sáng kiến đón tiếp người vô gia cư đã được các giáo xứ ở Roma tham gia nhiệt tình thế nào. Ngài cho biết có hai giáo xứ ở Vatican đều nhận người Syria và nhiều giáo xứ ở roma cũng đã trả tiền nhà cho các gia đình nghèo khổ suốt một năm.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo hoàng thường nói đến ý tưởng đi bằng chiếc giày của người khác. Theo ngài, đi bằng giày người khác là cách để mình thoát ra khỏi sự ích kỷ, vì chúng ta học hiểu biết những tình cảnh khó khăn. Ngài khẳng định rằng lời nói không thì chưa đủ, nhưng sự vĩ đại là đi bằng đôi giày của người khác. Ngài chia sẻ: “Tôi thường gặp một người, sau khi đã tìm sự an ủi nơi các Kitô hữu, có thể là một giáo dân, một Linh mục, một nữ tu hay Giám mục, họ nói với tôi là ‘họ lắng nghe tôi nhưng họ không hiểu tôi.’”

Đức Giáo hoàng cũng nói đùa về thái độ của dân chúng về việc cho tiền những người sống trên đường phố. Ngài kể là nhiều người quyết định không cho tiền, vì họ chỉ dùng nó để uống rượu. Nhưng Đức Giáo hoàng nói đùa: “Ly rượu là điều hạnh phúc duy nhất của họ trong cuộc sống!”

Nói về lòng quảng đại, Đức Giáo hoàng kể một câu chuyện thời ngài còn ở Buenos Aires, về bà mẹ có 5 đứa con. Khi người cha đang đi làm, còn cả nhà đang ăn trưa, thì một người vô gia cư đến xin ăn. Thay vì dạy các con lấy phần ăn để dành cho người cha để cho người hành khất, bà mẹ dạy các con cho một ít phần ăn của chúng. Và Đức Giáo hoàng khẳng định: “Nếu chúng ta muốn cho, chúng ta phải cho những gì là của chúng ta!”

Nói về vấn đề giới hạn số người tị nạn và di cư, đầu tiên Đức Giáo hoàng nhắc các độc giả của ngài rằng nhiều người trong số những người đang đến đất nước chúng ta là những người chạy trốn khỏi chiến tranh và đói kém. Tất cả chúng ta ở trên thế giới này là một phần của tình cảnh này và cần tìm cách giúp những người xung quanh chúng ta.

Ngài nói đến 13 người tị nạn đến từ đảo Lesbos và đã hòa nhập tốt vào xã hội, các trẻ em được đi học và các phụ huynh tìm được việc làm. Theo ngài, đó là gương mẫu cho người nhập cư muốn hòa nhập vào và đóng góp cho quốc gia mới và đạt được ước mơ.

Đức Giáo hoàng nhắc đến Thụy điển, quốc gia có gần 10% dân số là người nhập cư, để minh chứng cho vấn đề nhập cư. Trong những năm dưới chế độ độc tài ở Argentina, ngài đã thường nhìn đến Thụy điển như là ví dụ tích cực cho sự hội nhập. (RV 28/02/2017)

Hồng Thủy

Buổi cử hành đại kết dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh

Buổi cử hành đại kết dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh

Ngày 22/03 tới đây, một buổi phụng vụ đại kết sẽ được cử hành tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Chúa Giêsu.

Ngay chính giữa nhà thờ Mộ Thánh là Edicule (tiếng Anh và tiếng Pháp gọi giống nhau). Đây là một cấu trúc được xây, bao phủ quanh Mộ Chúa Giêsu.

Sau 9 tháng thực hiện việc trùng tu, các Giáo hội Công giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni Tông truyền – coi sóc  đền thờ thánh Anatasio – đã cùng nhau quyết định rằng các khách hành hương và du khách sẽ có thể thăm viếng Mộ Chúa Giêsu, sau khi các giàn giáo bao quanh được tháo gỡ.

Antonia Mariopoulou, kỹ sư của Học viện bách nghệ của Athen và điều hợp viên khoa học của công trình chia sẻ: “9 tháng trùng tu đã được đánh dấu bởi những thời khắc lịch sử. Đầu tiên là việc mở Mộ Chúa Giêsu vào tháng 10 – lần đầu tiên sau 200 năm – và là lần thứ 3 trong lịch sử.”  Bà nói tiếp: “Chúng tôi đã thấy một lớp đá cẩm thạch và dưới đó, một lớp đá cẩm thạch khác màu xám, bị phủ bởi bị đất. Với sự cho phép của 3 cộng đoàn Kitô giám quản, chúng tôi đã đào lớp đất này lên. Chúng tôi đã tìm thấy, chứ không phải là khám phá ra, một phiến đá được chạm khắc và chúng tôi đã hiểu chính ở đây, một ai đó được chôn cất, ở đây, xác của Chúa Giêsu được đặt ở đây.”

Cấu trúc Edicule bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 1809-1810, là công trình xây dựng cuối cùng sau công trinh thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ chứa xác Chúa Giêsu, sau khi được hạ xuống khỏi thập giá. Kiến trúc nhanh chóng có những dấu hiệu không chắc chắn; sự thay đổi của vữa, thời tiết, khói nến hay hơi thở của số đông du khách và khách hành hương đã làm cho công trình thêm suy yếu.

Trong 9 tháng, các chuyên gia và nhân công đã làm việc hết mình, ngày cũng như đêm, làm một công việc tỉ mỉ và phục hồi tinh tế. Edicule đã bị tháo dỡ hoàn toàn; tẩy sạch, gia cố, được xây dựng lại như ban đầu. Chỉ những mảnh không thể phục hồi mới bị thay thế. (RV 27/02/2017)

Hồng Thủy

Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo

Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo

Thiên Chúa là Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn và lòng can đảm.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dư buổi đọc kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 26—2-2017.

Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm, trong đó Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ đừng lo lắng cho của ăn, thức uống hay áo mặc, nhưng hãy biết tín thác nơi tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa và tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Ngài nói:

Trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6,24-34) là một lời nhắc nhở  mạnh mẽ tín thác nơi Thiên Chúa; xin đừng quên: tín thác nới Thiên Chúa. Ngài  là Đấng săn sóc các sinh vật trong thụ tạo. Ngài dự phòng thực phẩm cho mọi thú vật, và lo lắng cho bông huệ và cỏ của cánh đồng (cc.26-28); cái nhìn quảng đại và hiền phụ của Ngài canh thức mỗi ngày trên cuộc sống chúng ta. Cuộc sống qua đi dưới nỗi khổ tâm của biết bao âu lo, có nguy cơ lấy mất đi sự thanh thản và thế quân bình, nhưng nỗi âu lo này thường khi vô ích, vì nó không thay đổi được dòng chảy của các biến cố. Chúa Giêsu tha thiết khích lệ chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai (cc.25.28.31), bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng trên tất cả có một người Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn, một cách can đảm. Và tôi can đảm, bởi vì tôi tín thác nơi Cha tôi là Đấng lo lắng cho tát cả và Ngài yêu thương tôi.

Thiên Chúa không phải là một bản vị xa vắng và vô danh: Ngài là nơi ẩn náu của chúng ta, là suối nguồn thanh thản của chúng ta, là sự bình an của chúng ta. Ngài là đá tảng cứu rỗi của chúng ta, mà chúng ta có thể bám lấy trong sự chắc chắn không rơi; ai bám chặt vào Thiên Chúa thì không bao giờ ngã! Ngài là sự bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ luôn rình rập. Đối với chúng ta Thiên Chúa là người bạn lớn, là đồng minh, là cha, nhưng chúng ta không luôn luôn ý thức được điều đó. Chúng ta không ý thức rằng chúng ta có một người bạn, một đồng minh, một người cha yêu thương chúng ta, và   chúng ta thích cậy dựa trên các thiện ích tức thì có thể sờ mó được, cậy dựa trên các của cải không cần thiết, mà quên đi và đôi khi từ chối, thiện ích tối cao, nghĩa là tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa. Cảm thấy Ngài là Cha, trong thời đại mồ côi này thật là quan trọng! Trong thế giới mồ côi này, cảm thấy Ngài là Cha.

Chúng ta xa rời tình yêu của Thiên  Chúa, khi chúng ta đi tìm kiếm một cách ám ảnh các của cải và giầu sang trần gian, và như vậy cho thấy một tình yêu thái quá đối với các thực tại này.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng  cái tìm kiếm vất vả này là ảo tưởng và là lý do của sự bất hạnh. Và Ngài ban cho các môn đệ một luật sống nền tảng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (c. 33). Đây là việc thực hiện chương trình Chúa Giêsu đã loan báo trong Diễn Văn trên Núi, tín thác nơi Thiên Chúa là Đấng không gây thất vọng; biết bao nhiêu người bạn hay biết bao nhiêu người mà chúng ta tin là bạn, đã làm chúng ta thất vọng. Thiên Chúa không bao giờ gây thất vọng! Phải  hoạt động như là các quản lý trung thành các của cải mà Ngài đã ban cho chúng ta, kể cả các của cải trần gian; nhưng không quá mức cần thiết, làm như thể cả sự cứu rỗi của chúng ta, chỉ tuỳ thuộc nơi chúng ta mà thôi. Thái độ tin mừng này đòi hỏi một sự lựa chọn rõ ràng, mà văn bản hôm nay chỉ cho chúng ta với sự chính xác: “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của” (c. 24). Hoặc là Chúa, hoặc là các thần tượng  hấp dẫn nhưng là ảo tưởng. Sự lựa chọn này, mà chúng ta được mời gọi làm, ảnh hưởng trên biết bao cử chỉ, chương trình và dấn thân của chúng ta. Nó là một sự lựa chọn phải làm một cách rõ ràng và liên tục canh tân, bởi vì các cám dỗ giảm thiểu tất cả vào tiền bạc, thú vui và quyền bính theo đuổi chúng ta. Có biết bao cám dỗ đối với điều này.

Trong khi tôn vinh các thần tượng này đưa tới các kết quả có thể sờ mó được, nhưng cũng mau qua, thì lựa chọn cho Thiên Chúa và Nước của Ngài không luôn luôn cho thấy các kết quả một cách tức khắc. Nó là một quyết định, mà ta lấy trong niềm hy vọng và để cho Thiên Chúa thực hiện tràn đầy  nó. Niềm hy vọng kitô hướng tới việc thành toàn tương lai lời hứa của Thiên Chúa, và không dừng lại trước bất cứ khó khăn nào, bởi vì nó được xây dựng trên lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ suy giảm. Ngài trung thành, Ngài là một nguời cha trung thành, một người bạn trung thành, một đồng minh trung thành.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tín thác nơi tình yêu thương và lòng lành cua Thiên Chúa Cha trên trời, và sống trong Ngài và với Ngài. Đó là giả thiết giúp thắng vượt các khổ não và đối nghịch của cuộc sống, và cả các bách hại nữa, như chứng tá của biết bao anh chị em của chúng tac chứng minh cho thấy.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép làn toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, trong đó có các đoàn hành hương đến từ nhiều giáo phận Italia và nhiều nước khác, như Varsava Ba Lan, Ciudad Real bên Tây Ban Nha.

Ngài chào nhóm hành hương nhân “Ngày của các bệnh hiếm” được cử hành ngày thứ hai hôm nay. ĐTC nói: Xin cám ơn, xin cám ơn anh chị em về tất cả nhũng gì anh chi em làm. Xin cám ơn và cầu chúc các bệnh nhân và gia đình họ được trợ giúp trong lộ trình khó khăn trên bình diện y khoa và luật pháp.

Linh Tiến Khải

Các phép lạ mới và ít được biết đến của cha Thánh Piô

Các phép lạ mới và ít được biết đến của cha Thánh Piô

“Cha Piô”, tên gọi đơn giản nhưng thân thuộc mà tín hữu khắp nơi trên thế giới dùng để gọi cha Thánh Piô thành Pietrelcina. Cha Piô sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887, với tên Francesco Forgione, trong một gia đình Công giáo đạo hạnh ở Pietrelcina, Italia. Vào năm 15 tuổi, cha gia nhập dòng capuchinô và trở thành Linh mục. Trong suốt cuộc đời, cha Piô được biết đến như là một nhà huyền bí, được mang 5 dấu thánh của Chúa Giêsu trong suốt 50 năm – các vết thương ở chân tay và cạnh sườn như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Nhiều phép lạ và dấu lạ đã được thực hiện bởi cha Piô như các vụ chữa lành, đọc được nội tâm, bay lên và thậm chí xuất hiện ở hai nơi khác nhau trong cùng thời gian. Ngài là một trong những vị thánh vẫn đang thực hiện nhiều phép lạ trong Giáo hội cho đến ngày nay, cho những ai xin ngài khấn cầu.

Còn cha John Paul Zeller là một thừa sai dòng Phanxicô Ngôi lời vĩnh cửu và là một thừa sai Lòng thương xót đến từ thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama, Hoa kỳ. Cha đang giữ một thánh tích hạng nhât của cha Piô và đã tận mắt chứng kiến những lần chữa lành qua lời cầu bầu của cha Piô với thánh tích cầm trên tay. Đối với cha Zeller, cha Piô là một vị thánh bầu cử rất quyền thế. Cha Zeller kể lại rằng ban đầu cha không có lòng kính mến đặc biệt đối với cha Piô. Cha luôn tưởng tượng ra cha Piô rất là nghiêm khắc và sợ xin ngài cầu bầu vì sợ cha Piô cũng nghiêm khắc với cha. Nhưng vào năm 2004, sau khi cha Pio được Thánh Giao hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh, cha Zeller đã hành hương đến thành phố San Giovanni Rotondo, nơi cha Pio đã phục vụ trong thánh chức Linh mục phần lớn thời gian ở đó, và lòng yêu kính đối với cha thánh Piô đã gia tăng từ đó. Cha Zeller đột nhiên cảm thấy mình có mối liên hệ với cha Piô, vì thánh nhân đã chọn ngài chứ không phải ngài chọn thánh nhân. Giờ đây cha nhận ra cha Piô thật sự là một tu sĩ vui vẻ. Cha nghĩ là cha Piô có vẻ nghiêm khắc là vì “thánh nhân biết khi nào người ta không ăn năn hoán cải.” Người ta nói là Cha Piô có thể ngửi được mùi của tội. Cha lo lắng cho ơn cứu độ của các linh hồn và mang lòng thương xót và tha thứ của Chúa đến cho các linh hồn của dân chúng.

Sau khi học biết về cuộc đời của cha Piô, cha Zeller được đánh động và lấy hết can đảm để xin các bề trên tu viện ở San Giovanni cho cha một thánh tích của cha Piô. Cha bề trên đã đồng ý và tặng cho cha Zeller không chỉ một, nhưng tới hai mảnh băng thấm máu mà cha Piô buộc quanh vết thương của các dấu thánh. Sau khi nhận được thánh tích của cha Piô, cha đã tặng cho cộng đoàn của cha, được Mẹ Angelica, người sáng lập mạng lưới truyền  hình Công giáo thành lập và được phép giữ cho mình thánh tích còn lại. Cha mang thánh tích này theo minh mọi lúc. Là giám đốc hành hương của trung tâm Mạng lưới truyền hình Lời vĩnh cửu, cha có nhiều cơ hội cầu nguyện với nhiều người. Cha cầu nguyện với các tín hữu hành hương và có những trường hợp, theo cha, có sự chữa lành nhờ lời cầu bầu của cha Piô.

Một trường hợp xảy ra vào gần giữa năm ngoái (2016), trong một buổi cử hành chữa lành ở đền thánh Thánh Thể ở Hanceville vào ngày lễ Đức Mẹ Fatima, khi cha và 2 Linh mục khác đã dùng hai băng vải thánh tích của cha Pio để cầu nguyện trên dân chúng. Khi họ đang cầu nguyện, một phụ nữ bị đau thần kinh tọa tiến lên và cha đã cầu nguyện cho bà. Sau đó, phụ nữ này trở lại và cho cha biết là sau khi trở về chỗ ngồi, cơn đau của bà đã biến mất. Một trường hợp khác, không lâu sau khi nhận được thánh tích, cha Zeller đang trò chuyện với vài người bạn thì nhận ra đứa con gái 12 tuổi của một người bạn đang đau đớn vì bị viêm tai và dường như không thể lành. Cha Zeller hỏi đứa bé xem ngài có thể cầu nguyện trên cô với thánh tích không. Cô bé trả lời được. Cha Zeller cho người mẹ và cô gái thấy thánh tích. Khi cha vừa đặt thánh tích đụng tai của cô gái và bắt đầu cầu nguyện, cô bé trượt khỏi tay cha và ngã xuống đất. Cha Zeller không kịp đỡ cô bé vì nghĩ có chuyện gì xảy ra với cô. Khi cha đang lo sợ thì mẹ cô bé rất bình tĩnh, bà tin đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhưng từ lúc đó cô bé không còn bị viêm tai nữa. Một trường hợp của một phụ nữ bị bệnh tim đã 40 năm cũng được chữa lành sau khi được cha đặt thánh tích của cha Pio trên bà và cầu nguyện. Cha Zeller nhấn mạnh rằng không phải là cha, nhưng việc chữa lành là nhờ lời cầu bầu của cha thánh Piô. (CNA 22/09/2016)

Hồng Thủy

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka

Vatican – Sáng thứ tư 22/02, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp gia đình của 9 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra ngày 01/07/2016, tại một quán café ở thành phố Dhaka, thủ đô của Bangladesh.

Có 28 người thiệt mạng trong cuộc khủng bố, bao gồm 6 tay súng và 2 sĩ quan cảnh sát. Phần lớn trong số 20 nạn nhân là người Italia và Nhật; có một người Ấn độ và một người Mỹ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp 36 thành viên thân nhân của 9 nạn nhân người Italia. Ngài đã ôm chào và an ủi các gia đình. Ngài nói: “Thật là dễ để đi con đường từ yêu thương dẫn đến thù hận, trong khi thật khó để làm điều ngược lại: từ sự cay đắng hận thù đến yêu thương.”

Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Anh chị em bị để lại trong giận dữ, cay đắng và ước muốn trở lại, nhưng anh chị em đã dấn thân, với nỗi đau trong lòng, trên con đường yêu thương để xây dựng và giúp đỡ người dân Bangladesh, đặc biệt những người trẻ để họ có thể học biết: đây là gieo trồng bình an và tôi cám ơn anh chị em, nó là một gương mẫu cho tôi.”

Đức cha Valentino Di Cerbo của Alife-Caiazzo cũng hiện diện ở buổi gặp gỡ và đã trình bày với Đức Giáo hoàng về cuộc sống của 9 nạn nhân. Trong buổi gặp gỡ này, Đức Giáo hoàng cũng được tặng 9 cây ô liu nhỏ với tên của các nạn nhân được viết trên hình của con chim bồ câu gắn vào cây.

Thân nhân của nạn nhân cũng chia sẻ với Đức Giáo hoàng về những dự án đặc biệt họ đang thực hiện sau cuộc khủng bố như cách thức để tôn vinh những người thân của họ: một người anh của một nạn nhân sẽ đến Dhaka cùng với tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” và một gia đình khác giúp xây một nhà thờ trong một tỉnh nhỏ ở miền nam Bangladesh. Một dự án khác là cung cấp học bổng cho các người trẻ ở Bangladesh.

Sau vụ khủng bố vào hè năm ngoái, Đức Giáo hoàng cũng đã gửi thư chia buồn và lên án hành động dã man như một xúc phạm chống lại Thiên Chúa và nhân loại. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 03/07/2016, ngài kêu gọi cầu nguyện cho những kẻ mù quáng vì hận thù được hoán cải và đã cùng mọi người đọc kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Có thông tin loan truyền rằng Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Bangladesh trong năm 2017 này. Đức Hồng Y Patrick D’Rozario, Hồng y tiên khởi của quốc gia này nói rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một sự kiện vĩ đại đối với toàn Giáo hội tại đay, đặc biệt đối với sự hòa hợp tôn giáo…Đức Hồng y nói: “Đức Thánh Cha là một guru (vị thầy) tinh thần” và dự đoán cuộc viếng thăm của ngài sẽ phát triển đời sống tinh thần và sự hiệp thông của toàn dân.

Tại Bangladesh, Hồi giáo là tôn giáo chính. Thống kê năm 2013 cho thấy có tới 89% dân số là người Hồi, với chỉ 10% dân số theo Ấn giáo và Kitô hữu và Phật tử chiếm chưa tới 1% dân số. (CNA 22/02/2017)

Hồng Thủy

Hãy từ bỏ lối sống hai mặt

Hãy từ bỏ lối sống hai mặt

Đừng gây ra những cú sốc với lối sống hai mặt, đừng gây cớ vấp phạm cho những người bé nhỏ, vì những điều ấy hủy hoại cuộc sống; và đừng trì hoãn việc hoán cải. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Sống hai mặt là gì?

Trong bài Tin Mừng, Chúa nói đến chuyện thà “chặt tay, móc mắt” và đừng “gây cớ vấp phạm cho những người bé nhỏ”. Điều ấy có nghĩa là hãy sống ngay thẳng đơn thành và tin tưởng Thiên Chúa. Vì gây cớ vấp phạm có nghĩa là đang phá hủy.

Sống hai mặt là gì? Gây cớ vấp phạm, có nghĩa là nói một đàng làm một nẻo, là sống kiểu hai mặt, là sống hai mặt. Lối sống hai mặt là thế này. Một mặt, tôi nói tôi là người Công giáo, tôi luôn đi Lễ, tôi tham gia hiệp hội này hội đoàn kia. Mặt khác, đời sống của tôi thì không Công giáo chút nào, vì tôi trả lương bất công cho nhân viên, tôi chơi bẩn khi kinh doanh, tôi khai thác con người, tôi rửa tiền… Đó là cuộc sống hai mặt. Và nhiều người Công giáo là như vậy. Đó là những thứ chướng tai gai mắt. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe giữa chúng ta nơi các góc phố hoặc nhiều nơi khác rằng, là người Công giáo mà sống tệ thế, chẳng thà là người vô thần. Thế đó, những cú sốc ấy, những vụ bê bối ấy có sức mạnh hủy hoại. Những thứ đó hủy hoại bạn. Chúng ta thấy nhan nhản những vụ bê bối trên báo chí, thậm chí là những vụ lớn. Những thứ tệ hại đó đang ra sức phá hủy.

Chúa nói gì với kẻ sống hai mặt?

Có ví dụ về công ty lớn đang trên bờ phá sản. Các nhà hữu trách muốn tránh một cuộc đình công chính đáng, nhưng họ lại không làm tốt việc này, và họ muốn nói chuyện với giới lãnh đạo của công ty. Những ngày sau đó, người dân không có tiền để chi trả cho các nhu cầu hàng ngày vì họ không nhận được tiền lương. Trong khi đó, người có trách nhiệm giải quyết vụ việc, là một người Công giáo, lại thản nhiên thực hiện kỳ nghỉ trên bãi biển vùng Trung Đông. Thế đấy! Đó là một vụ bê bối, đó là lối sống hai mặt.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về những người sống hai mặt thế này: “Khi bạn đến Cửa Thiên Đàng, gõ cửa và nói: Con đây, lạy Chúa!” Nhưng Ta sẽ nói: “Ta không biết ngươi. Ta không nhớ ngươi.”. Người ấy có thể nói tiếp: “Con đã đi nhà thờ, con đã tham gia hội đoàn đó, con đã làm điều ấy… Chúa không nhớ sao?”. Chúa đáp lại: “Ừ. Ta nhớ. Ta nhớ tất cả những gì tệ hại, tất cả những gì ngươi ăn cắp từ người nghèo. Ta không biết ngươi.”. Thế đó, Chúa Giêsu sẽ trả lời như thế cho những kẻ sống hai mặt.

Xin ơn mau mắn hoán cải

Thật là tốt cho tất cả chúng ta, cho mỗi người chúng ta, là hôm nay nghĩ về điều gì đó mang tính hai mặt trong cuộc sống chúng ta, những gì xem ra là công bằng, những gì có vẻ như là người tín hữu tốt, có vẻ là người Công giáo tốt, nhưng thực tế lại khác. Nếu có cái gì đó còn là kiểu sống hai mặt, nếu tôi còn quá tự tin theo kiểu: “Chúa sẽ tha thứ tất cả cho tôi, nhưng tôi vẫn tiếp tục hai mặt”. Nếu có điều gì đó để tôi nói: “Vâng, điều ấy thật không tốt, tôi sẽ thay đổi, sẽ hoán cải, nhưng không phải là hôm nay, để ngày mai”. Nếu chúng ta vẫn còn nghĩ như thế, thì hãy ngẫm suy Lời Chúa ngày hôm nay, để cảm thấy rằng, khó mà có Chúa trong những thứ ấy. Vì lối sống hai mặt chỉ ra sức hủy hoại mà thôi.

Tứ Quyết SJ

Niềm hy vọng Kitô giúp nhìn mọi sự với đôi mắt của Chúa Kitô phục sinh

Niềm hy vọng Kitô giúp nhìn mọi sự với đôi mắt của Chúa Kitô phục sinh

Thụ tạo là một ơn tuyệt vời Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để qua đó chúng ta có thể bước vào tương quan với Ngài, nhận ra trong đó dấu ấn chương trình tình yêu của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta cộng tác thực hiện nó trong từng ngày sống. Chính vì thế Kitô hữu không sống ngoài thế giới, nhưng biết nhìn mọi sự với con mắt của Chúa Kitô phục sinh, biết nhận ra trong họ và nơi những gì bao quanh họ các dấu chỉ của sự dữ, ích kỷ và tội lỗi làm sai lạc mọi sự, biết lắng nghe các rên siết và liên đới với người khổ đau, than khóc, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và cảm thấy tuyệt vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với gần 20.000 tín hữu và du khách hành huơng tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 22-2-2017.

Trong bài huấn dụ ngài đã quảng diễn ý nghĩa chương 2 các câu 22 tới 26 thư thánh Phalô gửi tín hữu Roma và nói: Chúng ta thường bị cám dỗ nghĩ rằng thụ tạo là tư sản của chúng ta, một chiếm hữu mà chúng ta muốn khai thác tuỳ thích và không phải trả lẽ với bất cứ ai khác. Nhưng văn bản chúng ta vừa nghe cho biết không phải như vậy. ĐTC giải thích như sau.

Tông đồ Phaolô, trái lại, nhắc nhớ chúng ta rằng thụ tạo là một ơn tuyệt diệu mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta, để chúng ta có thể bước vào trong tương quan với Ngài, nhận ra trong đó dấu ấn chương trình tình yêu của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta cộng tác thực hiện nó trong từng ngày sống.

Tuy nhiên, khi để cho ích kỷ cầm giữ, con người làm hư hỏng cả những điều xinh đẹp nhất được tín thác cho nó. Và điều này cũng đã xảy ra với thụ tạo. Chúng ta hãy nghĩ  tới nước. Nước là một vật rất đẹp và quan trọng: Nước trao ban sự sống, giúp chúng ta trong mọi sự, nhưng để khai thác các quặng mỏ, người ta làm cho nước ô nhiễm như thế nào, người là làm bẩn thụ tạo và tàn phá thụ tạo. Đây chỉ là một thí dụ thôi. Có biết bao nhiêu thí dụ khác nữa.

** Với kinh nghiệm thê thảm của tội lỗi, sự hiệp thông với Thiên Chúa bị bẻ gẫy, chúng ta làm hư thối thụ tạo, biến nó thành nô lệ, và bắt nó quy phục sự hư nát của chúng ta. Và rất tiếc hậu quả của tất cả những điều này ở trước mắt chúng ta một cách thê thảm mỗi ngày. Khi bẻ gẫy sự hiệp thông với Thiên Chúa, con người đánh mất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ của chính mình, và rốt cục làm biến dạng mọi sự quanh mình. Và ở đâu trước kia quy chiếu về Thiên Chúa Cha Tạo Hoá và tình yêu thương vô tận của Ngài, thì giờ đây nó mang dấu chỉ buồn sầu và hoang tàn của sự kiêu căng và lòng tham của con người. Sự kiêu căng của con người khai thác thụ tạo, tàn phá thụ tạo.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Tuy nhiên, Chúa không để chúng ta một mình và cả trong khung cảnh hoang tàn này Ngài cũng cống hiến cho chúng ta một viễn tượng của sự giải thoát mới, của ơn cứu độ đại đồng. Và đó là điều thánh Phaolô tươi vui minh nhiên, bằng cách mời gọi chúng tra lắng nghe các tiếng rên siết của toàn thụ tạo. Các tiếng rên siết của toàn thụ tạo… Kiểu nói mạnh mẽ. Thật thế, nếu chúng ta chú ý, tất cả chung quanh  chúng ta đều rên siết: chính thụ tạo rên siết, chúng ta la người rên siết và Thần Khí rên siết trong chúng ta, trong con tim chúng ta.

Nhưng các tiếng rên siết này không phải là một than van khô cằn, không an ủi mà – như thánh Tông Đồ nói  – là các rên siết của một phụ nữ sinh con. Chúng là các rên siết của người khổ đau, nhưng biết là mình sắp cho ra đời một sự sống mới. Và trong trường hợp của chúng ta thật đúng như thế. Chúng ta còn đang chiến đấu với các hậu của của tội lỗi, và chung quanh chúng ta tất cả đều còn mang dấu vết của các lao nhọc, các thiếu sót, các khép kín của chúng ta. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta cũng biết rằng mình đã được Chúa cứu thoát, và chúng ta đã được chiêm ngưỡng và nếm hưởng trước trong chúng ta và trong tất cả những gì bao quanh chúng ta các dấu chỉ của sự Phục Sinh, của Lễ Vượt Qua, làm một việc tạo dựng mới.  ĐTC giải thích thêm như sau:

** Đây là nội dung niềm hy vọng của chúng ta. Kitô hữu không sống ngoài thế giới, nhưng biết nhận ra trong cuộc sống mình và trong tất cả những gì bao quanh các dấu chỉ của sự dữ, của ích kỷ và của tội lỗi. Họ liên đới với ai đau khổ, khóc than, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và cảm thấy tuyệt vọng… Tuy nhiên đồng thời kitô hữu cũng đã học đọc hiểu tất cả những điều này với con mắt của sự Vượt Qua, với con mắt của Chúa Kitô Phục Sinh. Và khi đó họ biết rằng chúng ta đang sống thời gian chờ đợi, thời gian của một ngưỡng vọng vượt quá hiện tại, thời gian của sự thành toàn. Trong hy vọng chúng ta biết rằng Chúa muốn chữa lành một cách vĩnh viễn với lòng thương xót các con tim bị thương và bị hạ nhục, và tất cả những gì mà con người đã làm vẩn đục trong sự gian ác của nó, và rằng trong thế giới này Chúa làm nảy sinh ra một thế giới mới và một nhân loại mới, sau cùng được hoà giải trong tình yêu của Ngài.

Có biết bao lần chúng ta kitô hữu chúng ta bị cám dỗ bởi vỡ mộng, bởi yếm thế… Đôi khi chúng ta để cho mình rơi vào chỗ than van vô ích, hay không lời và cũng không biết xin điều gì, hy vọng điều gì… Nhưng một lần nữa Chúa Thánh Thần, là hơi thở của niềm hy vọng,  đến trợ giúp chúng ta. Ngài duy trì sống động tiếng rên siết và chờ đợi của con tim chúng ta. Thần Khí giúp chúng ta vượt qua các vẻ bề ngoài tiêu cực của hiện tại và vén mở cho chúng ta giờ đây trời mới và đất mới, mà Chúa đang chuẩn bị cho nhân loại.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là tín hữu giáo phận Le Mans do ĐC Yves Le Saux, GM sở tại hướng dẫn, các trẻ em giúp lễ giáo phận Metz, do ĐC Jean Christophe Lagleize hướng dẫn, cũng như tín hữu và người trẻ các giáo xứ Pháp và Canada. Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trên mọi nẻo đường đời và củng cố niềm hy vọng của họ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Na Uy, Ấn Độ và Hoa Kỳ, và cầu chúc họ được hưởng lòng thương xót và bình an của Chúa để họ cộng tác giữ gìn thụ tạo và trợ giúp nhau.

** Chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức ĐTC nhắc cho mọi người biết năm nay là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Là Mẹ của niềm hy vọng Mẹ mời gọi chúng ta hướng cái nhìn về ơn cứu rỗi, về một thế giới mới và một nhân loại mới.

Chào  các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngài khích lệ mọi người kiên trì xin Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc sống để biết nhìn xa hơn các vẻ bề ngoài tiêu cực của cuộc sống hiện nay và hy vọng nhìn trời mới đất mới. Xin lễ kính Ngai toà thánh Phêrô trao ban can đảm cho họ để biết vác thập giá của cuộc sống thường ngày và sống thánh thiện.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào phái đoàn “Ngọn đuốc hoà bình Biển Đức” do ĐC Renato Boccardo, TGM Spoletto hướng dẫn cùng với Đức Viện Phụ Montecassino Donato Ogliari, và Đức Viên Phụ Subiaco Mauro Meacci. Ngài mời gọi mọi người thăng tiến nền văn hóa hoà bình trong mọi môi trường sống.

Ngoài ra, cũng có các tham dự viên cuộc biểu tình chống lại nạn người trẻ chế diễu sách nhiễu bạn học của giáo phận Palestrina, do ĐC Domenico Sigallini hướng dẫn, thành viên “Hiệp hội Tầu biển Sophia” chuyên hoạt động giúp tránh các tai nạn trong biển Địa Trung Hải, các nam nữ nghệ sĩ đoàn xiệc Rony Rollers và cám ơn các màn biểu diễn của họ. Họ tạo ra vẻ đẹp và vẻ đẹp đưa chúng ta tới Thiên Chúa. Làm xiệc cũng là một con đường dẫn tới Thiên Chúa. Anh chị em hãy tiếp tục làm ra vẻ đẹp và sinh ích cho tất cả chúng tôi. Xin cám ơn anh chị em.

Sau cùng chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi nguời biết hôm qua là lễ kính Ngai toà thánh Phêrô Tông Đồ, là ngày hiệp thông đặc biệt của tín hữu với Người Kế Vị thánh nhân. ĐTC khích lệ các bạn trẻ củng cố lời cầu nguyện của họ cho sứ vụ Phêrô của ngài; ngài cám ơn các bệnh nhân đã dâng hy sinh khổ đau cho việc xây dựng Giáo Hội, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cuới biết xây dựng gia đình trên chính tình yêu nối kết Chúa Giêsu với Giáo Hội Ngài

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp các nạn nhân bị đói tại Nam Sudan

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp các nạn nhân bị đói tại Nam Sudan

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu về nạn đói tại Nam Sudan vốn bị nội chiến từ lâu.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô sáng hôm qua (22-2), ĐTC nói:

”Những tin tức đau thương từ Nam Sudan vốn chịu đau khổ đang gây kinh hoàng đặc biệt: tại đây ngoài cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, còn có thêm cuộc khủng hoảng trầm trọng về lương thực, lên án tử cho hàng triệu người vì đói, trong đó có nhiều trẻ em.

”Trong lúc này, hơn bao giờ hết cần có sự quyết tâm của tất cả mọi người, không dừng lại ở những lời tuyên bố mà thôi, nhưng còn cụ thể hóa bằng những trợ giúp lương thực và để cho các đồ cứu trợ ấy được đưa tới cho dân chúng đang chịu đau khổ. Xin Chúa nâng đỡ các anh chị em chúng ta và những người đang hoạt động để giúp đỡ họ”.

Chính phủ Nam Sudan và các cơ quan LHQ tuyên bố có hơn 100 ngàn người đang chịu đói. Họ cũng cho biết 1 triệu người khác đang bị nạn đói đe dọa. Các tổ chức quốc tế cũng tố giác chính phủ Nam Sudan ngăn chặn hoặc hạn chế việc chuyên chở đồ cứu trợ cho dân bị đói, mặc dù Nhà Nước tại đây nhiều lần hứa sẽ cho các tổ chức nhân đạo tự do đưa các đồ cứu trợ đến giúp các nạn nhân.

Cho đến nay hằng chục ngàn người đã bị thiệt mạng trong cuộc nội chiến bùng nổ hồi tháng 12 năm 2013 và dân tiếp tục chết mặc dù có hiệp đình hòa bình giữa chính phủ và phiến quân hồi năm 2015. Hơn 1 triệu 500 ngàn người đã tị nạn khỏi Nam Sudan (SD 22-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Nữ tu Đaminh cao niên nhất qua đời ở tuổi 110

Nữ tu Đaminh cao niên nhất qua đời ở tuổi 110

Paris – Giáo phận Aire-et-Dax, Pháp, thông báo rằng nữ tu Marie Bernardette, nữ tu Đaminh cao niên nhất, đã từ trần hôm 13/02 vừa qua, tại đan viện ở tỉnh Dax, hưởng thọ 110 tuổi. Thánh lễ an tang sẽ được tổ chức tại nhà nguyện của đan viện.

Sơ Bernardette sinh ngày 05/01/1907 tại Orsanco, một làng nhỏ ở xứ Basque, nước Pháp, trong gia đình có 12 người con. 3 người chị em khác của sơ cũng là nữ tu. Hôm ngày 05/01 vừa qua, sơ đã mừng sinh nhật thứ 110. Nếu còn sống, sơ sẽ kỷ niệm 90 năm khấn dòng vào ngày 18/04. Sơ đã sống qua hai cuộc chiến tranh thế giới và dưới thời của 10 vị Giáo hoàng.

Trong một bài báo của tạp chí Công giáo Pháp La Croix, nữ tu viện trưởng cho biết công việc của sơ Bernadette cũng thay đổi theo tuổi tác của sơ. Khi sơ không còn làm những công việc nhà nữa, sơ làm các tràng hat. Và khi sơ không thể làm tràng hạt được nữa, sơ đọc kinh Mân côi mỗi ngày bằng tiếng Pháp, Latinh và ngôn ngữ xứ Basque. Sơ cầu nguyệ nhiều cho Đức Giáo hoàng, cho ơn goi và cho hội dòng.

Hôm 20/02, nữ tu Candila Bellotti thuộc dòng Phục vụ bệnh nhân ở Lucca, Italia, cũng đã mừng sinh nhật thứ 110 và trở thành nữ tu cao niên nhất thế giới. (CAN 21/02/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến di dân

Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến di dân

VATICAN. ĐTC tái kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2017 dành cho 250 tham dự viên Diễn đàn quốc tế về chủ đề ”Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM Silvano Tomasi, cựu quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức LHQ ở Genève, và tiến sĩ Hans-Gert Poettering người Đức, nguyên chủ tịch Nghị viện Âu Châu, ĐTC nhắc đến hiện tượng rộng lớn di dân và tị nạn trên thế giới ngày nay, và ngài tóm tắt thái độ mà cộng đồng chính trị, xã hội dân sự và Giáo Hội cần có trước những thách đố cấp thiết do hiện tượng này đề ra, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di dân và tị nạn.

ĐTC nói: ”Đối với những người trốn chạy chiến tranh và bách hại kinh khủng, nhiều khi bị rơi vào nanh vuốt của các tổ chức tội phạm vô lương tâm, cần mở những hành lang nhân đạo có thể đi qua và an toàn. Một sự tiếp đón trong tinh thần trách nhiệm và xứng đáng dành cho các anh chị em này bắt đầu trước hết bằng cách thu xếp cho họ những không gian thích hợp và xứng đáng”.

ĐTC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những người di dân tị nạn dễ bị tổn thương nhất chống lại sự khai thác, bóc lột, lạm dụng và bạo hành.. đồng thời giúp thăng tiến các quyền lợi của họ như những nhân vị, bảo đảm cho họ những điều kiện cần thiết. Ngài nhắc nhở rằng sự thăng tiến nhân bản cho người di dân và gia đình họ bắt đầu từ những cộng đoàn nguyên quán. Tại đó ngoài quyền xuất cư, còn phải bảo đảm cho họ quyền không phải xuất cư, nghĩa là quyền tìm được nơi quê hương của mình những điều kiện để có cuộc sống xứng đáng.

Sau cùng, ĐTC nói: ”cần giúp những người di dân và tị nạn hội nhập vào xã hội nơi họ được đón tiếp. Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa hoặc bị xáp nhập, nhưng là một tiến trình hai chiều, dựa trên sự nhìn nhận hỗ tương sự phong phú về văn hóa của tha nhân, đồng thời tránh nguy cơ sống co cụm như trong những ghetto.

ĐTC cũng khẳng định rằng liên kết 4 động từ nói trên, ngày nay chính là một nghĩa vụ đối với các anh chị em chúng ta vì những lý do khác nhau, phải rời quê hương của họ. Đó là nghĩa vụ theo đức công bằng, văn minh và liên đới.

 Ngài nói: ”không còn có thể bênh vực những chênh lệch không thể chấp nhận được về kinh tế, ngăn cản việc thực thi nguyên tắc mọi của tài nguyên trái đất là để dùng chung cho tất cả mọi người… Không thể chấp nhận một nhóm nhỏ kiểm soát tái nguyên của nửa thế giới.”

ĐTC nói: ”Đứng trước những thảm trạng ghi đậm trên cuộc sống của bao nhiêu người di dân và tị nạn – chiến tranh, bách hại, lạm dụng, bạo lực, chết chóc – chúng ta không thể không có những tâm tình cảm thông tự nhiên và liên đới. ”Em ngươi ở đâu?” (Xc St 4,9): câu hỏi này Thiên Chúa đặt ra cho con người từ thủa n nguyên thủy, có liên quan tới chúng ta, đặc biệt là đối với những anh chị em di dân.. ”Đó không phải là câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tôi cho tôi, cho anh, và cho mỗi người chúng ta” (SD 21-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Thêm một tân Linh mục được truyền chức tại Mông cổ

Thêm một tân Linh mục được truyền chức tại Mông cổ

Ulan Bato – Ngày 19/02 vừa qua, cộng đoàn dân Chúa Mông cổ vui mừng cử hành lễ truyền chức Linh mục cho thầy phó tế Bernard Kambala, thuộc dòng Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria (CICM) tại nhà thờ chánh tòa hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở Ulan Bato. Tháng 8 năm 2016, Giáo hội Mông cổ đã có vị Linh mục  đầu tiên người Mông cổ.

Đức cha Wenceslao Padilla, dòng CICM, giám quản Tông tòa, nói với hãng tin Fides: “Họ là những ân huệ, đảm bảo cho tương lai của Giáo hội Mông cổ.

Trong sứ điệp mừng Năm mới, Đức cha Padilla đã viết: “Năm 2017 hứa hẹn là niềm vui to lớn đối với chúng ta: Ngân khánh của Giáo hội Công giáo Mông cổ (1992-2017) va hai tân Linh mục – phó tế Bernard Kambala Muana, dòng CICM và phó tế Antonius Werun, dòng Salêdiêng.” Đức cha nhận định rằng các Linh mục và thừa sai này sẽ đem lại nhựa sống mới cho cộng đoàn Giáo hội.

Phó tế Bernard Kambala, gốc Congo, gia nhập dòng CICM năm 2005. Sau 3 năm học triết và một năm tập viện ở Kinshasa (Congo), thầy Kambala tiếp tục học thần học ở Ngoya, Camerun cho đến năm 2013. Năm 2014, thầy đến Mông cổ, học tiếng Mông cổ, và văn hóa địa phương. Thấy thi hành mục vụ tại nhà thờ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở Ulan Bato, dấn thân đặc biệt vào mục vụ giới trẻ. Từ tháng 1 năm nay, thầy bắt đầu xuất bản bài suy niêm Lời Chúa hàng ngày bằng tiếng Mông cổ, được giáo dân yêu thích.

Cha Kambala chọn lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma làm khẩu hiệu Linh mục: Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi (Rm 5,8).

Có hơn 50 nhà thừa sai và tu sĩ của 14 quốc gia hiện diện tại Mông cổ. Cộng đoàn Công giáo có hơn 1000 người Mông cổ đã được rửa tội và hàng trăm dự tòng tại 6 giáo xứ và 3 điểm truyền giáo – sẽ được nâng lên hàng giáo xứ trong dịp kỷ niệm 25 năm Giáo hội Mông cổ. (Agenzia Fides 21/02/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha: cầu nguyện như phương thế tha thứ cho kẻ thù

Đức Thánh Cha: cầu nguyện như phương thế tha thứ cho kẻ thù

ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện như phương thế thực thi lời Chúa Giêsu dạy phải tha thứ cho kẻ thù.

 Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng thánh lễ kết thúc cuộc viếng thăm dài 3 tiếng rưỡi tại Giáo Xứ thánh Maria Josefa Thánh Tâm Chúa Giêsu ở khu vực Ponte di Nona, mạn đông Roma, chiều chúa nhật 19-2-2017. Giáo xứ này có 20 ngàn dân cư trong đó có nhiều người nghèo và người thất nghiệp.

 Trong bài giảng thánh lễ bắt đầu lúc 5 giờ 15 phút chiều, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (Mt 5,38-48) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy ”nên thánh như Cha các con trên trời là Đấng Thánh, và hãy tha thứ cầu nguyện cho những người bách hại các con”. Ngài nói: ”Tôi đề nghị anh chị em hãy bắt đầu từ điều nhỏ. Tất cả chúng ta đều có kẻ thù; tất cả chúng ta đều biết người này người kia nói xấu mình, hoặc oán ghét mình… Tôi gợi ý với anh chị em: hãy dành một phút hướng về Chúa và nói: ”Người này người kia là con Chúa, xin Chúa thay lòng đổi dạ họ. Xin Chúa chúc lành cho họ”. Hành động này gọi là cầu nguyện cho những người không thích các con, cầu nguyện cho kẻ thù.. Có lẽ oán hận vẫn còn trong chúng ta, nhưng chúng ta đang cố gắng đi theo con đường của Chúa là Đấng nhân lành, từ bi, thánh thiện, trọn hảo”.

 Trước thánh lễ, ĐTC đã dành thời giờ để gặp gỡ các tầng lớp khác nhau trong giáo xứ, bắt đầu là các em thiếu nhi và trả lời câu hỏi do các em nêu lên và giải tội cho 4 giáo dân (SD 19-2-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Pháp cấm các trang mạng phò sinh nhưng không “công khai tuyên bố” phò sinh

Pháp cấm các trang mạng phò sinh nhưng không “công khai tuyên bố” phò sinh

Các người phò sự sống tìm cách ảnh hương đến quyết định phá thai của phụ nữ có thể bị phạt tù 2 năm.

Hôm chiều thứ 5, 16/02/2017, Quốc hội Pháp, với đa số thuộc đảng xã hội, đã thông qua đạo luật cấm những trang mạng không công khai mình phò sự sống nhưng tìm cách thuyết phục phụ nữ bỏ ý định phá thai. Tội phạm mới này có thể bị phạt tù 2 năm hoặc phạt tiền 30 ngàn euro.

Laurence Rossignol, bộ trưởng về quyền phụ nữ nói rằng những người phò sự sống vẫn được tự do lên tiếng chống lại việc phá thai, miễn là họ công khai tuyên bố mình là ai, mình làm gì và mình muốn gì.

Luật của Pháp đã ngăn cản những người phò sinh biểu tình bên ngoài các cơ sở phá thai. Những người ủng hộ dự luật mới cho rằng chiến thuật phò sự sống đã hoạt động trên mạng internet và phải bị dừng lại.

Đức Tổng Giám mục Georges Pontier của Marseille, chủ tịch hội đồng Giám mục Pháp đã viết thư cho Tổng thống Francois Hollande để bày tỏ lo ngại về dự luật. Ngài kêu gọi Tổng thống đừng cho phép thông qua dự luật này. Ngài gọi nó là một “vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ”.

Hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Paris để phản đối chống lại luật này. Các người biểu tình mang theo biểu ngữ viết: “Bảo vệ người yếu đuối thì thật sự mạnh mẽ.” (Catholic Herald 17/02/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp dòng Giáo Sĩ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm

Đức Thánh Cha tiếp dòng Giáo Sĩ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm

VATICAN. ĐTC khuyến khích các tu sĩ dòng Giáo Sĩ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, gọi tắt là M.I.C., tiếp tục dấn thân phục vụ người nghèo.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-2-2017 dành cho 40 thành viên tổng tu nghị của dòng này, do thánh Stanislao Papczynski, người Ba Lan, sáng lập hồi thế kỷ 17 và được ĐTC Phanxicô tôn phong hiển thánh ngày 5-6-2016 ở Roma. Dòng MIC hiện có 456 tu sĩ phục vụ tại 61 nhà ở nhiều quốc gia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở các tu sĩ trung thành với đoàn sủng của thánh Stanislao Papczynski vị sáng lập và đồng thời nói rằng: ”Chứng tá Kitô cũng đòi anh em dấn thân với và cho người nghèo, sự dấn thân này vốn là đặc điểm của dòng anh em ngay từ đầu. Tôi khích lệ anh em hãy duy trì sinh động truyền thống phục vụ những người nghèo và khiêm hạ, qua việc loan báo Tin Mừng với ngôn ngữ dễ hiểu đối với họ, và với những hoạt động từ bi bác ái, cầu nguyện cho những người quá cố”.

ĐTC nhận xét rằng ”Thách đố lớn về việc hội nhập văn hóa ngày nay đòi anh em loan báo Tin Mừng bằng những ngôn ngữ và cách thức dễ hiểu đối với con ngừơi thời đại, đang ở trong những tiến trình biến đổi mau lẹ về mặt xã hội và văn hóa. Dòng anh em vốn hãnh diện vì có lịch sử dài, được viết lên bằng những chứng nhân can đảm của Chúa Kitô và của Tin Mừng. Theo đường hướng ấy, anh em ngày nay được kêu gọi tiến bước với lòng nhiệt thành được đổi mới, để dấn thân trên những con đường tông đồ và những biên cương truyền giáo, vơi tinh thần tự do của các ngôn sứ và sự phân định khôn ngoan, cộng tác chặt chẽ với các GM và các thành phần khác trong cộng đồng Giáo Hội” (SD 18-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha viếng thăm Đại Học Roma 3

Đức Thánh Cha viếng thăm Đại Học Roma 3

ROMA. Sáng ngày 17-2-2017, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm Đại học Roma 3 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Đây là lần đầu tiên ngài viếng thăm một đại học đời ở Roma.

Roma 3 là đại học trẻ nhất nhưng lớn thứ 2 tại thủ đô Italia với 40 ngàn sinh viên, tọa lạc gần Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Đại học có 12 khoa gồm kinh tế, triết học, truyền thông và kịch nghệ, luật khoa, kỹ sư, ngôn ngữ, văn chương và văn hóa nước ngoài, toán và vật lý, khoa học; khoa đào đạo, khoa chính trị, điều khiển xí nghiệp, và sau cùng là nhân văn. Ngoài ra Đại học có hai trường là kinh tế và nghiên cứu xí nghiệp; Văn chương triết học ngôn ngữ.

Đến nơi vào lúc 10 giờ, ĐTC đã được Giáo sư Viện trưởng, và ban lãnh đạo đại học, các giáo sư tiếp đón cùng với đông đảo sinh viên. Ngài đã chào thăm các sinh viên và nhân viên đứng dọc theo các lối đi.

Tại khuôn viên Đại học, sau lời chào mừng của Giáo sư viện trưởng, Ông Mario Panizza, có 4 sinh viên đặt câu hỏi với ĐTC trong đó có bà Nour Essa, 31 tuổi, người Siria, cùng với chồng con tị nạn tới đảo Lesbo, Hy Lạp, nơi ĐTC đã viếng thăm hồi tháng 4 năm ngoái, 2016. Bà thuộc vào số 12 người tị nạn được ĐTC đưa về Italia trên cùng chuyến bay. Bà Nour Essa đã tốt nghiệp canh nông ở Siria và cao học về tiểu sinh vật học (Microbiologa) ở Pháp. Bà đã được học bổng của nội vụ Italia, và đang học năm thứ 3 về sinh vật học tại đại học Roma 3.

ĐTC đã ứng khẩu trả lời câu hỏi của các sinh viên, nhưng ngài vẫn cho công bố bài diễn văn đã suy nghĩ và dọn sẵn để trả lời thắc mắc được nêu lên, trong đó ngài nhắc đến những vấn đề do các sinh viên nêu lên, đặc biệt là bạo lực lan tràn trong thế giới ngày ngày nay: với những cuộc xung đột tại nhiều miền trên thế giới, đe dọa tương lai của toàn thể các thế hệ.

Trong bối cảnh này, ĐTC tố giác công nghệ sản xuất khí giới. Ngài nói ”Từ nhiều thập niên, người ta nói về giải trừ võ trang, và đề ra những tiến trình quan trọng theo chiều hướng này, nhưng tiếc là mặc dù bao nhiêu diễn văn và cam kết, nhiều nước đang gia tăng chi phí cho việc trang bị võ khí. Đó thực là một sự mâu thuẫn gương mù, trong một thế giới đang còn chiến đấu chống nạn nói và bệnh tật.

Tuy nhiên, ĐTC kêu gọi các sinh viên đừng nản chí và mất tin tưởng. Ngài nói: ”Đặc biệt các bạn là những người trẻ, các bạn không thể để cho mình thiếu hy vọng, hy vọng là thành phần của chính các bạn. Khi thiếu hy vọng, thì thực tế là thiếu sự sống, và lúc đó nhiều người đi tìm cuộc sống lừa đảo do những kẻ bán hư vô đề ra. Những kẻ ấy bán những thứ chỉ tạo nên hạnh phúc nhất thời và chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng thực tế chúng dẫn vào những ngõ cụt, không có tương lai. Bom đạn phá hủy thân xác, sự nghiện ngập phá hủy tâm trí, linh hồn và cả thân xác nữa”.   ĐTC cũng nói đến kỹ nghệ cờ bạc lan tràn và ngài xác tín rằng các đại học có thể đóng góp nhiều vào việc nghiên cứu để phòng ngừa và chống lại nạn mê cờ bạc”

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại đại học Roma kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. (SD 17-2-2017)  

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha khuyến khích các tham dự viên thế vận đặc biệt

Đức Thánh Cha khuyến khích các tham dự viên thế vận đặc biệt

VATICAN. ĐTC đề cao những ích lợi của thể thao và khích lệ các vận động viên tham dự Thế vận Olimpic đặc biệt vào tháng 3 tới đây tại miền Stiria bên Áo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-2-2017, dành cho phái đoàn 40 người thuộc thế vận hội này, dưới sự hướng dẫn của Đức GM giáo phận Graz-Seckau và Ông Chủ tịch Thế vận Olimpic đặc biệt của Áo.

Thế vận Olimpic đặc biệt mùa đông sẽ diễn ra tại miền Stiria bên Áo từ ngày 14 đến 25-3 tới đây với sự tham dự của khoảng 3 ngàn vận động viên thuộc 30 bộ môn đến từ gần 170 nước trên thế giới, trong đó cũng có những người khuyết tật trí thức.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến lời tuyên thệ của mỗi vận động viên thế vận Olimpic đặc biệt là ”Tôi có thể thắng, nhưng nếu tôi không thành công, thì tôi vẫn có thể cố gắng hết sức mình”. Và ngài khẳng định rằng hoạt động thể thao mưu ích lợi cho thân thể, tinh thần và giúp các bạn cải tiến chất lượng cuộc sống của các bạn. Sự chuẩn bị liên lỷ cũng đòi phải vất vả, hy sinh, làm cho các bạn tăng trưởng trong sự kiên nhẫn và bền chí, mang lại cho các bạn sức mạnh và lòng can đảm, thủ đắc và phát huy những khả năng vốn tiềm ẩn.

ĐTC cũng khẳng định rằng ”thể thao giúp chúng ta phổ biến nền văn hóa gặp gỡ và liên đới, cùng nhau, các vận động viên và những người trợ giúp chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng không có chướng ngại hoặc hàng rào nào mà không thể vượt qua được. Các bạn là dấu chỉ hy vọng cho những người dấn thân xây dựng một xã hội bao gồm hơn. Mỗi sự sống đều là quí giá, mỗi người là một hồng ân, và sự bao gồm mọi người làm cho mỗi cộng đoàn và mỗi xã hội được thêm phong phú” (SD 16-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Các Giám mục Hoa kỳ kêu gọi Tổng thống Trump bảo vệ tự do tôn giáo

Các Giám mục Hoa kỳ kêu gọi Tổng thống Trump bảo vệ tự do tôn giáo

Washington – Ngày 16/02, các vị lãnh đạo Công giáo tại Hoa kỳ đã đưa ra một tuyên ngôn, trong đó các vị hy vọng về việc Tổng thống Trump đang xem xét đưa ra sắc lệnh bảo vệ tự do tôn giáo. Các ngài nói là họ sẽ biết ơn nếu Tổng thống thực hiện lời hứa là chính quyền của ông sẽ “làm mọi việc trong quyền hạn của mình để bảo vệ tự do tôn giáo.”

Tuyên ngôn được đưa ra bởi Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York – chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sự sống, Đức Tổng Timothy M. Dolan của Philadelphia –  chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống gia đình và Giới trẻ, Đức Tổng William E. Lori của Baltimore – chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, Đức cha Frank J. Dewane của Venice bang Florida – chủ tịch Ủy ban Công lý và phát triển con người.

Tuyên ngôn có đoạn viết: “Như là các Kitô hữu, mục đích của chúng tôi là sống và phục vụ những người khác như Chúa dạy. Tổng thống Trump có thể bảo đảm rằng chúng tôi không bị áp lực từ công chúng.”

Các Giám mục nhận định rằng sắc lệnh sẽ thực hiện việc bảo vệ tự do tôn giáo mạnh mẽ trên toàn chính quyền liên bang, trong nhiều lãnh vực đã bị suy yếu bởi chính quyền trước đó, chẳng hạn như bảo hiểm sức khỏe, nhận con nuôi, miễn thuế, và các tài trợ và hợp đồng của chính phủ. Sắc lệnh cũng phục hồi lại mối liên hệ thật sự của chính quyền liên bang với bản tu chính lần thứ nhất, với các luật bảo vệ lương tâm và tự do tôn giáo sẽ cho phép chúng ta tiếp tục phục vụ những người Mỹ khốn cùng nhất.

Các Giám mục kêu gọi Tổng thống Trump giữ lời hứa và chấm dứt các đạo luật của chính quyền liên bang, cưỡng bức các tín đồ làm những chọn lựa không thể. Các ngài nói: “Chúng tôi cũng như những người chúng tôi chăm sóc và phục vụ sẽ biết ơn nếu Tổng thống tiếp tục bước đi tích cực này, cho phép mọi công dân Mỹ có thể thực hành đức tin của họ mà không bị phạt nặng nề bởi chính quyền liên bang.”

Tuyên ngôn cũng nói rằng việc sửa chữa cấp thời đối với các mối đe dọa chống lại tự do tôn giáo là cần thiết và không có nó, sự tự do phục vụ người khác của Giáo hội sẽ vẫn gặp nguy hiểm và xung đột giữa cộng đồng đức tin và chính quyền liên bang sẽ tiếp tục.

Hôm cuối tháng 1 vừa qua, một bản nháp của sắc lệnh với tên gọi “Thành lập kế hoạch toàn chính phủ để tôn trọng tự do tôn giáo” bị rò rỉ ra ngoài. Các Giám mục Công giáo đã gửi một lá thư cho các tín hữu Công giáo trên mạng internet để gửi đến Tổng thống, yêu cầu ông ký sắc lệnh bảo vệ tự do tôn giáo, sau khi bản nháp bị rò rỉ ra ngoài. (CNS 17/02/2016)

Hồng Thủy

 

Niềm hy vọng kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa

Niềm hy vọng kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa

Niềm hy vọng kitô vững vàng và không gây thất vọng, vì nó dựa trên chính tình yêu trung thành và chắc chắn mà Thiên Chúa có đối với từng nguời trong chúng ta, chứ không dựa trên điều chúng ta có thể làm hay có thể là, hoặc có thể tin.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 15-02-2017 trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài niềm hy vọng không gây thất vọng, dựa trên đoạn kinh thánh trích từ chương 5 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma, trong đó thánh nhân khẳng định là kitô hữu chúng ta tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa, và cũng tự hào khi gặp gian truân.

ĐTC nói: ngay từ khi còn bé chúng ta đã được dậy rằng khoe khoang không phải là điều tốt đẹp. Trong nước tôi những người khoe khoang người ta goi là “các con công”. Và đúng thế, vì khoe khoang điều mình là hay có, ngoài việc kiêu căng nó còn là việc thiếu tôn trọng đối với những người khác, đặc biệt đối với những người kém may mắn hơn chúng ta. Tuy nhiên, trong thư gửi tín hữu Roma Tông đồ Phaolô khiến chúng ta ngạc nhiên, vì hai lần ngài khích lệ chúng ta khoe khoang. Như vậy, khoe khoang cái gì là đúng? Bởi vì nếu ngài khích lệ tự hào, thì có cái gì đúng để tự hào. Và làm sao nào làm được điều này mà không xúc phạm, không loại trừ ai đó? ĐTC nói:

** Trong trường hợp đầu tiên chúng ta được mời gọi  khoe khoang về ơn thánh dồi dào, trong đó chúng ta được thấm nhuần trong Đức Giêsu Kitô, qua lòng tin. Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta học đọc hiểu mọi sự với ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận ra rằng tất cả là ơn thánh! Tất cả là quà tặng. Thật vậy, nếu chúng ta chú ý hành động – trong lịch sử cũng như trong cuộc sống chúng ta – chúng ta không cô đơn, nhưng trước hết có Thiên Chúa hành động. Chính Ngài là nhân vật tuyệt đối, là Đấng tạo dựng mọi sự như một ơn của tình yêu thương, là Đấng dệt chương trình cứu độ của Ngài, và đưa nó tới chỗ thành toàn cho chúng ta, qua Đức Giêsu Con Ngài. Chúng ta được mời gọi nhận biết tất cả điều này, tiếp nhận nó với lòng tri ân, và biến nó trở thành lý do chúc tụng, ngợi khen và niềm vui. Nếu chúng ta làm điều này, chúng ta ở trong bình an với Thiên Chúa, và sống kinh nghiệm sự tự do. Và sự bình an ấy trải dài ra trong tất cả mọi môi trường và mọi tương quan trong cuộc sống chúng ta: chúng ta bình an với chính mình, chúng ta bình an trong gia đình, trong cộng đoàn, trong nơi làm việc, và với những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên đường đời.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: tuy nhiên, thánh Phaolô còn khích lệ chúng ta khoe khoang trong khốn khó nữa. Điều này không dễ mà hiểu được. Nó khó hiểu hơn đối với chúng ta, và có thể xem ra không dính dáng gì tới điều kiện hòa bình vừa miêu tả. Thật ra sự bình an mà Chúa cống hiến và bảo đảm cho cho chúng ta không được hiểu như là vắng bóng lo lắng, vỡ mộng, thiếu sót, và các lý do khổ đau. Nếu đã là như thế, thì trong trường hợp chúng ta thành công ở trong an bình, lúc đó sẽ mau kết thúc  và chúng ta sẽ rơi vào sự chán nản không thể tránh được. ĐTC giải thích niềm an bình như sau:

Trái lại, niềm an bình nảy sinh từ đức tin là một ơn: nó là ơn thánh kinh nghiệm rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, Ngài không bỏ chúng ta cô đơn, dù chỉ một chút trong cuộc sống chúng ta. Và điều này, như thánh Tông Đồ khẳng định, làm nảy sinh ra lòng kiên nhẫn, bởi vì chúng ta biết rằng cả trong những lúc gay go và đảo lộn nhất lòng thương xót và lòng lành của Chúa lớn lao hơn mọi sự, và không gì có thể giật thoát chúng ta khỏi bàn tay của Chúa và sự hiệp thông với Ngài.

** Đó là lý do giải thích tại sao niềm hy vọng kitô lại vững vàng, đó là lý do tại sao nó không gây thất vọng. Nó không bao giờ gây thất vọng. Niềm hy vọng không gây thất vọng! Nó không dựa trên điều chúng ta có hay chúng ta là, cũng không dựa trên điều chúng ta có thể tin. Nền tảng của nó, nghĩa là nền tảng của niềm hy vọng kitô, là điều trung thành nhất và chắc chắn nhất có thể có, tức là tình yêu mà chính Thiên Chúa dành để cho từng người trong chúng ta. Thật dễ nói: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta tất cả đều nói điều này. Nhưng anh chị em hãy nghĩ coi: mỗi người trong chúng ta có khả năng nói rằng: tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương tôi không? Thật không dễ nói đâu. Nhưng mà nó đúng. Thật là một bài tập tốt tự nói với chính mình: Thiên Chúa yêu tôi. Đó chính là gốc rễ sự chắc chắn của chúng ta, gốc rễ niềm hy vọng của chúng ta. Và Chúa đã đổ tràn đầy trong con tim chúng ta Thần Khí, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa, như tác nhân, như người bảo đảm, chính bởi vì Ngài có thể dưỡng nuôi trong chúng ta niềm tin và duy trì sống động niềm hy vọng ấy. Và sự chắc chắn này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. “Nhưng trong lúc xấu xa này?” – Thiên  Chúa yêu thương tôi. “Và tôi là người đã làm điều xấu xa và ác độc này?” – Thiên Chúa yêu thương tôi. Sự chắc chắn này không ai có thể lấy mất đi khỏi chúng ta. Chúng ta phải lập lại nó như lời cầu nguyện: Thiên Chúa yêu thương tôi. Tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương tôi. Tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương tôi.

Giờ đây chúng ta hiểu tại sao Tông Đồ Phaolô khích lệ chúng ta luôn luôn hãnh diện về điều này. Tôi tự hào về tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa yêu thương tôi. Niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta không chia rẽ chúng ta với những người khác, lại càng không đưa chúng ta tới chỗ làm mất uy tín họ, hay gạt bỏ họ ngoài lề. Trái lại, đây là một ơn ngoại thường mà chúng ta được mời gọi làm kênh dẫn truyền tới mọi người, với lòng khiêm tốn và đơn sơ. Khi đó sự khoe khoang lớn nhất của chúng ta sẽ là có một Thiên Chúa là Cha, là Đấng không có các ưu tiên, không loại trừ ai hết, nhưng mở rộng cửa nhà  cho tất cả mọi người như con cái Ngài , bắt đầu từ những người sau cùng và xa nhất; để như là con cái của Ngài chúng ta   học an ủi và nâng đỡ nhau. Và xin anh chị em đừng quên: niềm hy vong không gây thất vọng.

** ĐTC đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, đặc biệt các người trẻ thuộc nhiều giáo xứ Pháp và Thụy Sĩ. Ngài xin Chúa Thánh Thần mở rộng con tim mọi người cho tình yêu, mà qua Chúa Giêsu Kitô Thiên Chúa đã đổ tràn đầy, để trở thành các chứng nhân hy vọng cho tất cả mọi người.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Anh Quốc, Đan Mạch,  Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha trong đó có các đại chủng sinh và ban giám đốc đại chủng viện Orihuela Alicante do ĐC Murghi hướng dẫn.

Ngài cũng chào các nhóm nói tiếng Đức đặc biệt là nhóm các cha sở công giáo và mục sư tin lành vùng Kaernten do ĐGM Alois Schwarz hướng dẫn. Ngài cầu mong các vị là các con kênh chuyển ơn thánh Chúa đến cho tất cả mọi người. 

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC nhắc tới lễ kính hai thánh Cirillo và Metodio đồng Bổn Mạng Âu châu, là những người đã mang Tin Mừng tới cho các dân tộc Slave. Các ngài nhắc nhớ chúng ta về việc cần thiết duy trì sự hiệp nhất đức tin, truyền thống, nền văn hóa kitô và sống Tin Mừng mỗi ngày.

Trong số các nhóm Italia ĐTC chào các thành viên hiệp hội “Không ai bị loại trừ” tỉnh Taranto nam Italia. Ngài khích lệ họ luôn thăng tiến một nền văn hoá bao gồm, chú ý tới những người cô đơn và vô gia cư. ĐTC cũng chào ca đoàn Prealpi Villapedergnano- Erbusco và ca đoàn thiếu nhi Note Ascendenti. Các em đã hát lâu chào mừng ĐTC. Sau khi nghe các em hát ĐTC nói: Khi muốn một điều thì cũng phải làm như thế. Chúng ta phải làm như thế với lời cầu nguyện, khi chúng ta xin  Chúa điều gì đó: năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ… đó là một thí dụ đẹp, một thí dụ đẹp của lời cầu nguyện. Xin cám ơn chúng con. Tôi cầu chúc cuộc gặp gỡ này khơi dậy nơi từng người các quyết tâm mới giúp sống chứng tá kitô trong gia đình và ngoài xã hội.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho biết hôm thứ ba Giáo Hội đã mừng kính lễ hai thánh Cirillo và Metodio đồng Bổn Mạng Âu châu. Xin cho gương sáng của các ngài giúp giới trẻ trở thành môn đệ thừa sai trong mọi môi trường; xin lòng kiên trì của các ngài nâng đỡ các anh chị em yếu đau biết để họ biết dâng các khổ đau cho ơn hoán cải của những ai sống xa Chúa; và xin cho tình yêu của các ngài đối với Chúa soi sáng các cặp vợ chồng mới cưới để họ  lấy Tin Mừng của Chúa làm luật nền tảng của cuộc sống gia đình

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC Ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Hồng Y Bangkok gửi sứ điệp đến Đức tân Tăng thống Phật giáo Thái lan

Đức Hồng Y Bangkok gửi sứ điệp đến Đức tân Tăng thống Phật giáo Thái lan

Bangkok – Các tín hữu Công giáo Thái lan “sẵn sàng cộng tác” với các tín hữu Phật giáo và tín đồ các tôn giáo khác hiện diện tại Thái lan, để “xây dựng hòa bình và ổn định cho quốc gia”, qua việc “đối thoại, như anh chị em”. Đức Hồng y Francis Xavier Kriengsak Kovidhavanij, Tổng giám mục Bangkok, chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái lan, đã nhấn mạnh điều này trong sứ điệp gửi đến Đức Tăng Thống mới của Phật giáo nguyên thủy.

Chiều hôm qua, trong cuộc nói chuyện tại đền thờ Ratchabophit Sathit Maha Simaram, Đức Hồng y dẫn đầu phái đoàn Giám mục, nhân danh các Giám mục và tín hữu Công giáo Thái lan, gửi đến Đức Tăng Thống Umporn Umparow sứ điệp chúc mừng. Đền thờ Ratchabophit Sathit Maha Simaram cũng là nơi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gặp vị Tăng thống Phật giáo thứ 18, Somdej Phra Ariyawongsagatanana, vào ngày 10/05/1984, trong chuyến tông du Á châu.

Trong sứ điệp chúc mừng, Đức Hồng y cũng nói đến mục đích cuối cùng là “chung sống hòa bình” để Thái lan trở thành một gương mẫu cho các dân tộc khác.” Đức Hồng y cũng cầu xin Thiên Chúa ban sự khôn ngoan tràn đầy và sức khỏe dồi dào cho Đức Tăng Thống để ngài “hướng dẫn Phật giáo ở Thái lan đến sự tăng trưởng liên tục.”

Ngày 07/02 vừa qua, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nhân danh vua Rama X, bổ nhiệm Đức tân Tăng thống Phật giáo Thái. Đức Hồng y Kovidhavanij khẳng định “niềm vui của tất cả tín hữu Công giáo về sự chọn lựa vị Tăng thống mới này, người được ngưỡng mộ bởi cách cử xử đáng khen ngợi, bởi thái độ khiêm tốn và tôn trọng mà ngay cả tín đồ các tôn giáo khác cũng đánh giá cao.

Đức Hồng y kết luận rằng nhờ sự lãnh đạo khôn ngoan của các quốc vương Thái lan, từ 5 thế kỷ qua, các Kitô hữu có thể hưởng cuộc sống hạnh phúc cùng với các anh chị em Phật giáo.

Tại Thái lan, Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất với 93,6% dân số, với phần lớn thuộc ngành. 4,6% dân số theo Hồi giáo, và Kitô hữu chiếm khoảng 1% dân số. (Asia News 15/02/2017)

Hồng Thủy