Đan viện Biển đức Buckfast ở Anh kỷ niệm 1000 năm thành lập

Đan viện Biển đức Buckfast ở Anh kỷ niệm 1000 năm thành lập

Plymouth, Anh quốc – Năm 2018 tới đây, đan viện Buckfast, một trong những đan viện lịch sử của Anh sẽ kỷ niệm 1000 năm thành lập. Đó là ví dụ thật ý nghĩa về sự đóng góp của đời sống đan tu cho xã hội giữa thế giới thay đổi nhanh chóng.

Đan viện được thành lập năm 1018, triều đại vua Cnut và được trao cho các tu sĩ dòng Biển đức. Nhưng chỉ hơn 100 năm sau, vào năm 1147, đan viện trở thành đan viện của dòng Xitô, là dòng được thành lập năm 1098, bởi một nhóm tu sĩ Biển đức muốn sống luật thánh Biển đức nghiêm nhặt hơn, muốn sống cuộc sống  đơn sơ hơn.

Khoảng thế kỷ 15, dòng đã sở hữu nhiều đất đai và tiếp tục điều hành một nhà từ thiện và trường học, đồng thời trợ giúp các giáo xứ trong vùng. Nhưng vào năm 1539, trong quá trình giải thể các tu viện để cố tình tịch thu tài sản của các tổ chức tôn giáo trong thời Cải cách Anh, vua Henri VIII đã đóng cửa tu viện. Đan viện bị bỏ trống, cướp bóc và hư hại. Trong vòng 300 năm, không có đan sĩ nào ở đan viện. Qua nhiều lần đổi chủ, cuối cùng  đan viện thuộc về James Gale. Sau đó ông đã quyết định bán đan viện, nhưng muốn nó được trở về lại với một cộng đoàn tu trì.

6 tuần sau khi được rao bán, các đan sĩ Biển đức đã mua lại đan viện. Đây là nhóm đan sĩ bị lưu đày từ Pháp và họ đã đến Ai len. Năm 1882, sau khi sở hữu đan viện, họ bắt đầu tiến trình tu sửa cơ sở. Đan viện được thánh hiến vào năm 1932.

Hiện nay đan viện không chỉ là địa điểm tinh thần ở vùng Devon cho các du khách và những người muốn đến đây để cầu nguyện, nhưng còn có những sinh hoạt khác. Các tu sĩ điều hành trường Đức Maria, một trung tâm loan báo Tin mừng và một trung tâm hội nghị lớn dành cho các cuộc hội họp và tĩnh tâm.

Công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm được bắt đầu từ 10 năm nay. Viện phụ David Charlesworth chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ chú ý đến môi trường vật chất của đan viện, nhưng chúng tôi còn đánh giá lại đời sống tinh thần của chúng tôi.” Trong khi các đan sĩ có những cuộc tĩnh tâm, suy niềm, thì cơ sở của đan viện cũng được làm sạch và tu bổ.

Các cử hành phụng vụ sẽ được tổ chức; có 3 Thánh lễ chính được cử hành trong năm. Thánh lễ đầu tiên vào ngày 24/05 nhân lễ Đức Bà Buckfast; đây  là dịp cử hành của giáo phận. Ngày 11/07, lễ thánh Biển đức, tại đan viện sẽ có buổi hát Kinh Chiều với sự tham dự của các thành phần dân sự và Giáo hội Anh giáo. Ngày kỷ niệm thánh hiến đan viện 25/08 Thánh lễ được cử hành với sự tham dự của các nhân viên của giáo xứ đan viện và gia đình của họ. Viện phụ tổng quyền Gregory Polan từ Rome sẽ đến cử hành Thánh lễ vào ngày 27/10.

Hiện tại đan viện có 120 nhân viên, nhưng chỉ có 15 đan sĩ. Nhưng theo viện phụ Charlesworth, “sức sống chứng tá của  cộng đoàn đan viện không dựa trên số tuổi hay số thành viên nhưng trên cách sống đời đan tu của họ.” Viện phụ hy vọng rằng trong tương lại, đan viện Buckfast có thể phục vụ cụ thể cho sứ vụ của Giáo hội dựa trên sự đón tiếp lấy Chúa Kitô làm trung tâm, cụ thể là đón tiếp các khánh hành hương đến đan viện. Ngài cũng khẳng định rằng đời sống đan tu tự nó là cách thức các đan sĩ tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô và của Giáo hội và nó trình bày dấu chỉ rõ ràng về bản chất của đời sống Kitô hữu.” Dù sống tách biệt nhưng không có nghĩa là các tu sĩ không hoạt động và người ta không cảm thấy sự hiện diện của họ, vì cuộc sống đan tu với đời sống khổ hạnh và cầu nguyện mang tầm quan trọng Tin mừng, là thái độ và cách ứng xử trình bày đức tin của chúng ta khi gặp gỡ mỗi ngừoi trên thế giới. Đan viện là nới những người khách được hướng thượng và tìm thấy bình an. Cơ hội trao ban bình an, niềm vui và sự canh tân là cách thức quan trọng để loan báo Tin mừng, đặc biệt giữa một nhịp sống bận rộn và thường căng thẳng. (CNA 18/10/2017)

Hồng Thủy

Đức Ông Phêrô Nguyễn Đức Tiến Qua Đời

Đức Ông Phêrô Nguyễn Đức Tiến Qua Đời

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng tôi trân trọng kính báo: Đức Ông Phêrô Nguyễn Đức Tiến, cựu Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, đã an nghỉ trong Chúa lúc 2:56 sáng ngày thứ Bảy, 14 tháng 10 năm 2017, tại tư gia ở Thành Phố Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi. Đức Ông Nguyễn Đức Tiến đã phục vụ trong chức vụ Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo hơn 13 năm, và một trong những đóng góp đáng kể của ngài là đã cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân Việt Nam tại Giáo Phận Orange xây dựng lên Trung Tâm Công Giáo hiện nay, tọa lạc tại góc đường Harbor và Westminster, Thành Phố Santa Ana. “Đức Ông Nguyễn Đức Tiến đã để lại một tấm gương hy sinh và tận tụy của một vị chủ chăn trong suốt một chiều dài lớn mạnh của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Giáo Phận Orange,” theo lời Linh Mục Trần Văn Kiểm, hiện là Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam.

Đức Ông Tiến sinh ngày 14 tháng 7 năm 1930 tại Làng Đông Khê, Giáo Xứ Cao Mộc, Tỉnh Thái Bình. Năm 12 tuổi, ngài theo học tại tiểu chủng viện Mỹ Đức, Thái Bình, cho đến năm 1949. Sau đó tiếp tục tu học tại đại chủng viện Thánh Alberto, Nam Định, từ năm 1949 – 1954. Năm 1954, ngài được Đức Giám Mục giáo phận cho tu học tại viện Đại Học Quốc Tế thuộc Dòng Đa Minh tại Hồng Kông. Năm 1958, ngài trở về nước và được bổ nhiệm dạy học tại chủng viện Tân Tạo, Phan Rang.

Ngày 10 tháng 5 năm 1960, ngài được Đức Giám Mục Piquet Lợi phong chức linh mục và phục vụ cho Giáo Phận Nha Trang. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm Phó Hiệu Trưởng và dạy học tại trường Trung Học Trương Vĩnh Ký cho tới năm 1975. Trong thời gian này, Ngài theo học và tốt nghiệp Cử Nhân Ngành Địa Lý và Cao Học Ngành Sử Học tại Đại Học Đà Lạt.

Sau biến cố 1975, ngài vượt biên qua Thái Lan, định cư tại Syracuse, New York, và phục vụ cho giáo phận nơi đây cho đến năm 1979 trước khi chuyển về phục vụ tại Giáo Phận Orange cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2001. Ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao ban tước vị Đức Ông năm 1990.

Các nghi lễ an táng sẽ được bắt đầu với Thánh Lễ tại Trung Tâm Công Giáo vào lúc 9:00 sáng thứ Tư, ngày 18 tháng 10. Sau đó linh cữu sẽ được quàn tại TTCG suốt ngày thứ Tư, từ 9:00 giờ sáng đến 9:00 giờ tối. Vào lúc 6:00 giờ chiều cùng ngày sẽ có thêm một Thánh Lễ được cử hành cũng tại TTCG. Sang ngày thứ Năm, 19 tháng 10, linh cữu sẽ được quàn tại Nhà Thờ St. Barbara từ 3:00 chiều và sau đó sẽ là Thánh Lễ Vọng An Táng vào lúc 6:00 cũng tại Nhà Thờ St. Barbara.

Thánh lễ An Táng sẽ được cử hành tại Nhà Thờ St. Barbara lúc 10:00 sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng 10, và sau đó linh cữu sẽ được an nghỉ tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Cemetery). Các cộng đoàn, đoàn thể muốn thực hiện các giờ đọc kinh cầu nguyện, xin liên lạc với Linh mục Phạm Ngọc Hùng ở số điện thoại (714) 721-5625.

 

Đức Thánh Cha viếng thăm tổ chức Lương nông quốc tế (FAO)

Đức Thánh Cha viếng thăm tổ chức Lương nông quốc tế (FAO)

VATICAN. ĐTC kêu gọi khắc phục các cuộc xung đột và sự thay đổi khí hậu trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh lương thực trên thế giới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng ngày 16-10-2017 trong cuộc viếng thăm Tổ chức lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ở Roma, nhân ngày Thế giới về lương thực.

FAO hiện có 194 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia đóng góp tùy theo khả năng của mình. Với các ngân khoản này, FAO hoạt động cho các nước thành viên. Một số quốc gia đóng góp thêm để nâng đỡ các dự án tại chỗ.

ĐGH Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 viếng thăm tổ chức Fao. Vị đầu tiên là Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô 6 ngày 16-11 năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức quốc tế này. ĐGH Biển Đức 16 đã đến thăm tổ chức Fao hồi tháng 11 năm 2012 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực.

Khi tới tổ chức FAO, ĐTC đã làm phép pho tượng bằng cẩm thạch diễn tả hai trẻ em: một em tên là Aylan tị nạn người Siria chết đuối trước bãi biển Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 năm 2015 và một em đang khóc. Tượng cao 75 phân, dài hơn 1 mét 7 và rộng 1 mét 2, nạng 9 tạ do Tòa Thánh thuê tạc để tặng cho tổ chức FAO.

Diễn văn của ĐTC

Trong bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nhắc đến những thành tựu của những cố gắng cho đến nay trong việc chống nạn đói và giải quyết nạn thiếu lương thực, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến thách đố đang được đề ra cho cộng đồng quốc tế và nói rằng:

”Bối cảnh những tương quan quốc tế cho thấy khả năng ngày càng gia tăng trong việc mang lại câu trả lời cho những mong đợi của gia đình nhân loại, cũng như những đóng góp của khoa học và kỹ thuật, nghiên cứu và đề ra các giải pháp thích hợp. Tuy nhiên những thành tựu này chưa thành công trong việc xóa bỏ tình trạng bị loại trừ của một phần lớn dân chúng thế giới: họ là nạn nhân của nạn suy dinh dưỡng, chiến tranh, thay đổi khí hậu. Bao nhiêu người thiếu công ăn việc làm và những thiện ích cơ bản và buộc lòng phải rời bỏ quê hương, chịu bao nhiêu hình thức bóc lột kinh khủng.”

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Chúng ta chỉ có thể bàn đến tương quan giữa nạn đói và di cư nếu đi tới căn cội của vấn đề. Về khía cạnh này, các nghiên cứu do LHQ thực hiện, cũng như bao nhiêu nghiên cứu do các tổ chức của xã hội dân sự, đều đồng ý ở điểm này là có hai chướng ngại chính cần khắc phục: đó là các cuộc xung đột và những thay đổi khí hậu.

Làm sao khắc phục các xung đột? Công pháp quốc tế chỉ cho chúng ta những phương thế để phòng ngừa và giải quyết các xung đột một cách mau lẹ, bằng cách tránh nạn hán đừng xảy ra và kéo dài, và sự phá hủy các tế bào xã hội. Chúng ta hãy nghĩ đến các dân tộc bị tàn hại vì chiến tranh đã kéo dài từ nhiều thập niên, và lẽ ra những xung đột ấy có thể tránh được hoặc ít là hạn chế, nhưng trái lại chúng làm lan tràn các hậu quả tàn khốc trong đó có tình trạng bấp bênh về lương thực và nhiều người phải di tản. Cần có thiện chí và đối thoại để ngăn chặn các xung đột và sự dấn thân hoàn toàn nhắm tới một sự dần dần và có hệ thống giải trừ võ trang như Hiến chương LHQ đã dự trù, cũng như để sửa chữa tai ương là nạn buôn bán võ khí. Tố giác sự kiện các cuộc xung đột võ trang làm cho hàng triệu người bị đói và suy dinh dưỡng có ích gì nếu không thực hiện một cách hữu hiệu những công tác kiến tạo hòa bình và giải trừ võ trang?

– Về những thay đổi khí hậu, chúng ta thấy hậu quả của nó mỗi ngày. Nhờ những kiến thức khoa học, chúng ta biết cách thức đối phó với các vấn đề, và cộng đồng quốc tế đã đề ra những văn kiện pháp lý cần thiết, ví dụ Hiệp định Paris, mà rất tiếc là một số nước đang từ bỏ. Dầu vậy, người ta thấy tái xuất hiện thái độ cẩu thả thờ ơ đối với những quân bình mong manh của các hệ thống môi sinh, chủ chương lèo lái và kiểm soát các tài nguyên hạn hẹp của trái đất, sự ham hố lợi lộc. Vì thế, cần cố gằng cổ võ một sự đồng thuận cụ thể và thực tiễn nếu chúng ta muốn tránh các hậu quả bi thảm hơn, sẽ tiếp tục đổ xuống trên những người nghèo nhất và vô phương thế tự vệ. Chúng ta được kêu gọi đề nghị một lối sống, trong việc sử dụng các tài nguyên, các tiêu chuẩn sản xuất, cho đến sự tiêu thụ, liên quan đến các lương thực, khiến cho sự thất thoát gia tăng. Chúng ta không thể trấn an mình và nói rằng “những người khác sẽ làm thay chúng ta”.

”Tôi nghĩ những điều đó là điều tiên quyết đối với bất kỳ diễn văn nghiêm túc nào về an ninh lương thực, trong tương quan với hiện tượng di cư. Hiển nhiên là chiến tranh và những thay đổi khí hậu gây ra nghèo đói, nhưng chúng ta cần tránh trình bày nó như một thứ bệnh bất trị. Những dự đoán gần đây do các chuyên gia của quí vị đề ra cho biết sẽ có sự gia tăng sản xuất ngũ cốc, làm gia tăng đáng kể số dự trữ của thế giới. Sự kiện này mang lại cho chúng ta hy vọng và chỉ cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta làm việc và quan tâm tới những nhu cầu, tránh nạn đầu cơ, thì sẽ đạt được những kết quả. Thực vậy, lương thực thường bị bỏ mặc cho nạn đầu cơ, người ta chỉ đo lương chúng theo mức độ lợi nhuận kinh tế của các nhà đại sản xuất, hoặc trong tương quan với dự báo về mức tiêu thụ, chứ không theo những nhu cầu thực sự của con người.. Vì thế, người ta tạo điều kiện cho các xung đột và những phung phí, làm tăng số người nghèo trên thế giới, họ phải tìm kiếm tương lai xa lãnh thổ nguyên quán của họ.”

Trong việc đề ra những đường hướng để giải quyết những thách đố trên đây, ĐTC nói:

”Tôi tự hỏi và cũng đặt câu hỏi cho quí vị: Phải chăng là điều thái quá khi du nhập vào ngôn ngữ cộng tác quốc tế những từ ngữ như tình thương, cùng với đặc tính nhưng không, đối xử bình đẳng, liên đới, nền văn hóa trao tặng, tình huynh đệ, từ bi thương xót? Những từ này thực sự diễn tả nội dung thực tế của từ ”nhân đạo”, rất được sử dụng trong các hoạt động quốc tế. Yêu thương anh chị em, đề ra sáng kiến mà không mong đợi được đáp lại, đó là nguyên tắc Tin Mừng chủ yếu cũng có trong lối diễn tả của nhiều nền văn hóa và tôn giáo, trở thành nguyên tắc nhân đạo, trong ngôn ngữ của những tương quan quốc tế. Cần làm sao để ngành ngoại giao và các tổ chức đa phương nuôi dưỡng và điều hợp khả năng yêu thương này, vì đó là con đường tốt nhất bảo đảm không những an ninh lương thực, nhưng cả an ninh của con người trong chiều kích hoàn cầu. Chúng ta không thể chỉ thực hiện điều mà những người khác đang làm, và không chỉ giới hạn vào lòng thương xót, vì lòng thương xót chỉ giới hạn vào những cứu trợ cấp thiết, trong khi đó tình thương gợi hứng cho công lý và là điều thiết yếu để thực hiện một trật tự xã hội công chính giữa các thực tại khác nhau, mong muốn có sự gặp gỡ nhau. Yêu thương có nghĩa là góp phần để mỗi nước gia tăng sản xuất và đạt tới sự tự túc về lương thực. Yêu thương được biểu lộ qua việc nghĩ đến những kiểu mẫu mới trong việc phát triển và tiêu thụ, và chấp nhận những chính sách không làm cho tình trạng dân chúng kém phát triển trợ nên đồi tệ hơn, và gia tăng sự lệ thuộc ngoại viện của họ. Yêu thương có nghĩa là không tiếp tục phân chia gia đình nhân loại thành những người sống dư thừa và những người thiếu thốn những điều cần thiết nhất”.

Trong phần kết luận, ĐTC kêu gọi đại diện các nước: ”Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu của bao nhiêu anh chị em chúng ta bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ: ”Tôi đói, tôi là người ngoại quốc, tôi trần trụi, tôi yếu đau, tôi bị giam giữ trong một trại tị nạn”. Đó là một lời thỉnh cầu công lý, chứ không phải là một lời kêu xin hoặc là một tiếng kêu cấp thiết. Cần làm sao để ở mọi cấp độ có sự đối thoại rộng rãi và chân thành để tìm ra những giải pháp tốt đẹp nhất và đạt tới một quan hệ mới giữa các tác nhân khác nhau trên trường quốc tế, mang tinh thần trách nhiệm hỗ tương, liên đới và hiệp thông”.

G. Trần Đức Anh OP

Phật tử và Kitô hữu Myanmar chờ đợi Đức Giáo hoàng Phanxicô viếng thăm

Phật tử và Kitô hữu Myanmar chờ đợi Đức Giáo hoàng Phanxicô viếng thăm

Yangon, Myanmar – Các Phật tử và Kitô hữu ở Myanmar đang nôn nóng chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ ngày 27-30/11/2017. Từ hôm 12/10, trước nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm ở Yangon treo tấm bảng lớn với hình Đức Giáo hoàng, thông báo chuyến viếng thăm của ngài cũng như chào mừng ngài đến Myanmar.

Zarni Saya, một tín hữu Công giáo trẻ thuộc giáo phận Pathein tạ ơn Chúa và biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về chuyến viếng thăm sắp tới tại quốc gia phần lớn theo Phật giáo. Anh hy vọng sự hiện diện của Đức Thánh Cha có thể giúp cho việc thăng tiến hòa bình và hòa giải. Saya nói: “Đề tài được Đức Thánh Cha chọn như đường hướng của chuyến viếng thăm, hòa bình và hòa giải, có ý nghĩa cho cả đất nước. Trong quá khứ, xã hội Myanmar đã đau khổ nhiều. Ngày nay người ta ghi nhận sự cởi mở rộng rãi trên toàn quốc về tự do và hy vọng, dù có nhiều thách thức mà đất nước đang đối mặt, bao gồm vấn đề tế nhị về người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine.”

Đối với một tu sĩ Phật giáo Sucitta, “sự hiện diện của Đức Giáo hoàng sẽ truyền tải thiện ý đến mọi người. Xã hội nói chung có thể tìm ra con đường đổi mới.”

Esther Byu, nguyên tổng thư ký điều hành của Ủy ban phụ nữ của tổ chức đại kết Cộng đồng Kitô giáo ở Á châu nói thêm: “Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng là dấu chỉ sự quan tâm của Thiên Chúa với dân tộc đã chịu nhiều đau khổ trong các thập niên qua. Tôi chắc chắc rằng ngài sẽ khuyến khích tất cả cộng tác với nhau cho sự thịnh vượng và phát triển.

Đối với các tín hữu Tin lành trẻ tuổi, chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô là một chúc lành cho tất cả. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng chứng tỏ sự cởi mở rất nhiều của Myanmar so với trước đây. Chuyến viếng thăm này cũng hướng sự chú ý của thế giới đến Myanmar và họ muốn biết hơn về quốc gia và dân chúng Myanmar. Theo Patrick Loo Tone, chủ tịch Hội đồng các Giáo hội ở Myanmar, “nhiều người dân Myanmar không biết nhiều đến các Kitô hữu. Với việc Đức Giáo hoàng đến nước này, cả trong và ngoài nước, ngừoi dân quan tâm, muốn biết đến tình hình và những lo âu của họ. chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng mở ra một cánh cửa cho tất cả.” Myanmar có 51 triệu dân và phần lớn theo Phật giáo. Theo số liệu năm 2016, số Kitô hữu chiếm 6,3% dân số nước này, với 700 ngàn tín hữu Công giáo tại 16 giáo phận. (Fides/Asia News 16/10/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha tôn phong 35 tân hiển thánh

Đức Thánh Cha tôn phong 35 tân hiển thánh

VATICAN. Từ chúa nhật 15-10-2017, Giáo Hội đã có thêm 35 vị hiển thánh: 33 thánh tử đạo và 2 thánh hiển tu.

Đó là 3 thiếu niên tử đạo đầu tiên tại Mêhicô vào năm 1526, tiếp đến là 2 LM: Cha Anrê de Soveral, Cha Ambrosio Francesco Ferro và 28 giáo dân tử đạo tại Brazil năm 1645. Rồi đến hai chân phước hiển tu: Cha Angelo D'Acri dòng Capuchino người Italia và Cha Cha Manuel Míguez González dòng Scolopi người Tây Ban Nha.

ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong thánh từ lúc 10 giờ 15 tại Quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 30 chục ngàn tín hữu, trong đó có hơn 600 người đến từ bang Tlaxcala quê hương của 3 thiếu niên tử đạo người Mexico. Ngoài ra có các phái đoàn chính phủ 4 nước: Brazil, Mexico, Tây Ban Nha và Italia.

4 bức tranh lớn của 4 nhóm các vị được treo ở mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có hơn 60 HY, GM, đặc biệt từ các giáo phận và dòng tu liên hệ với các vị tử đạo. Ngoài ra có hơn 600 linh mục.

Đầu thánh lễ, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 4 vị thỉnh nguyện viên của 4 án phong thánh, tiến lên trước ĐTC để xin ngài phong thánh cho 35 vị chân phước. Rồi ngài tóm lược tiểu sử của các vị.

30 thánh tử đạo Brazil

Công cuộc truyền giáo tại Bang Rio Grande do Norte ở miền duyên hải đông bắc Brazil được khởi sự hồi năm 1597 do các thừa sai dòng Tên và các linh mục giáo phận, đến từ Bồ đào nha. Các vị bắt đầu bằng việc giảng dạy giáo lý cho các thổ dân bản xứ và thành lập các cộng đoàn Công Giáo đầu tiên.

Những năm sau đó, có những người Pháp và Hòa Lan đổ bộ lên vùng này với chủ ý chiếm đoạt những nơi mà người Bồ đào nha đến lập cư trước đó. Người Hòa Lan thành công trong ý định này vào năm 1630. Họ là những người theo Tin Lành Cải cách của Calvin và có các mục sư đi kèm. Họ giới hạn tự do tôn giáo tại một vùng trong đó cho đến bấy giờ, các tín hữu Công Giáo được tự do hành đạo. Vì thế, trong thực tế với sự chiếm đóng của người Hòa Lan, các tín hữu Công giáo tại bang Rio Grande do Norte bắt đầu bị bách hại.

Hồi đó tại bang này chỉ có hai giáo xứ: tại Cunháu, có Giáo xứ Đức Mẹ Thanh Tẩy do cha André Soveral coi sóc, nguyên thuộc dòng Tên; tiếp đến tại Natal có giáo xứ Đức Mẹ Dâng Mình do cha Ambrosio Francisco Ferro làm cha sở.

Cả hai xứ đạo đều là nạn nhân của cuộc bách hại cam go do người Tin Lành Calvin gây ra: các tín hữu tại xứ Cunhau bị giết hại ngày chúa nhật 16-7 năm 1645 cùng với cha sở André Soreval, 73 tuổi. Trong nhà thờ hôm đó có gần 70 giáo dân dự lễ. Phần lớn họ là nông dân, làm việc trong đồn điền trống mía. Vừa sau khi cha truyền phép, một toán lính Hòa Lan cùng với các thổ dân thuộc bộ lạc Tapuias võ trang tràn vào nhà thờ và tấn công dã man các tín hữu đang dự lễ. Cha Soreval buộc phải ngưng thánh lễ và cùng với các tín hữu hiện diện đọc kinh của những người hấp hối. Tất cả các thổ dân đều bị giết, ngoại trừ 5 tín hữu người Bồ đào nha bị bắt làm con tin. Trong số 60 người bị giết, người ta chỉ biết tên cha sở Soreval và một giáo dân Domingos Carvallo.

Tại giáo xứ Natal, cha sở Ambrosio và các giáo dân hay tin thảm sát, đã tìm cách chạy trốn, nhưng bị người tin lành bắt và đưa tới Uraxu, bị cắt chặt thân thể và để cho chết dần chết mòn. Lúc đó là tháng 10 cùng năm 1645. Thi thể họ bị bỏ mặc cho mưa gió và thú dữ. Số người bị giết ít nhất là 28 người.

3 thiếu niên tử đạo tại Mexico

Ba thánh thiếu niên Mexico tử đạo năm 1527 và 1529 ở Tlaxcala là Cristoforo, Antonio và Gioan. Hoa quả đầu mùa của công cuộc truyền giáo ở Mỹ châu. Hai vị đầu tiên thuộc dòng dõi quí tộc, thân phụ là hai tù trưởng, còn Gioan là đầy tớ của Antonio.

Các thừa sai dòng Phanxicô và Đa Minh đến truyền giáo tại miền Tlaxcala. Các thổ dân ở đó thờ các thần minh và thường có những vụ sát tế người cho cac thần. Các thừa sai dùng cả các phương pháp quyết liệt như phá hủy các đền thờ và thần tượng ngoại giáo. Việc làm này đưa tới phản ứng của phần lớn thổ dân địa phương, và họ trút bỏ sự thịnh nộ trên 3 thiếu niên Cristoforo, Antonio và Gioan.

Cristoforo sinh năm 1514, và con trai cưng và cũng là người sẽ nối nghiệp tù trưởng Axcotecatl. Chẳng bao lâu, Cristoforo cũng theo gương của ba người anh em khác, đến học trường của các thừa sai Phanxicô từ năm 1524. Cristoforo theo học giáo lý và tự nguyện xin chịu phép rửa tội, và nhận tên thánh là Cristoforo. Và trong thời gian ngắn sau đó cậu trở thành tông đồ truyền bá Tin Mừng cho những người thân trong gia đình và những người quen biết.

Cristoforo đề nghị với thân phụ và xin ông theo đạo, từ bỏ những tật xấu, nhất là tật say rượu. Nhưng ông không quan tâm gì đến những lời khuyên của con, và thế là Cristoforo đập vỡ các thần tượng trong nhà. Cậu bị cha cảnh cáo và tha thứ nhiều lần. Nhưng khi thấy con tái diễn nhiều lần những hành động như thế, người cha quyết định giết con.

Ông lập kế gọi các con từ trường của các cha Phanxicô về nhà. Trong khi các anh em của Cristoforo vào nhà thì ông nắm lấy tóc của cậu bé và vật cậu xuống đất, rồi lấy chân đá và dùng gậy để đánh con, làm cho chân tay của cậu bị gẫy. Khi thấy Cristoforo, tuy đau đớn, nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện, ông quăng con vào đống lửa đang cháy. Vài ngày sau, cả mẹ của Cristoforo cũng bị giết vì đã toan tính bảo vệ cậu con.

Người cha âm thầm chôn xác Cristoforo trong một gian phòng trong nhà. Một nhân chứng cho biết sau đó ông ta bị kết án tử hình vì tội ác đó, có lẽ là do những người Tây Ban Nha trừng phạt. Vụ này xảy ra hồi năm 1527 và bấy giờ Cristoforo mới được 13 tuổi.

Hai vị tử đạo Antonio và Gioan; sinh khoảng năm 1516. Antonio là cháu và là người thừa kế của tù trưởng địa phương, còn Gioan là đầy tớ của Antonio. Cả hai đều theo học tại trường của các cha dòng Phanxicô. Theo lời thỉnh cầu của một thừa sai dòng Đa Minh, Antonio và Gioan xung phong đi làm thông ngôn giúp các thừa sai thu thập các thần tượng.

Một hôm, Antonio vào nhà và Gioan đứng ngoài cửa, một số thổ dân giận dữ, võ trang gậy gộc, tiến đến gần. Họ đánh Gioan mạnh đến độ cậu chết ngay tại chỗ. Antonio chạy lại bênh đỡ và nói với những kẻ hành hung: ”Tại sao các ông lại đánh bạn của tôi, cậu ta đâu có tội gì? Chính tôi mới là người thu thập các tượng, vì đó là ma quỉ chứ chẳng phải là thần minh”. Các thổ dân cũng dùng gậy đánh Antonio cho đến chết.

Thi hài của Antonio và Gioan bị họ vứt xuống một rãnh gần Dacalco. Cha Bernardino dòng Đa Minh thu lượm hai thi hài và đưa về Tepeaca để an táng trong một nhà nguyện.

Thánh linh mục Angelo D'Acri

Thánh Angelo sinh năm 1669 trong một gia đình nghèo ở Acri, gia nhập dòng Capuchino và thụ phong Linh mục năm 1700 khi được 31 tuổi. Cha hăng say thi hành công tác giảng thuyết, đảm nhận các tuần đại phúc, ở miền Calabria và các nơi khác ở miền nam Italia.

Bất cứ nơi nào có cha giảng thuyết, người dân tuốn đến đông đảo lắng nghe rồi xếp hàng chờ được xưng tội với cha. Cha sẵn sàng ngồi tòa giải tội, kiên nhẫn nghe lời thú tội của từng tội nhân thuộc mọi lứa tuổi và mọi đẳng cấp xã hội để giải hòa họ với Thiên Chúa.

Mặc dù tính tình rất khiêm tốn, không hề muốn những chức vụ cao trọng, cha Angelo cũng từng phải đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong dòng như bề trên tỉnh dòng, cha giám tập, tổng kinh lược của dòng trong nhiều năm.

Sau gần 40 năm nhiệt thành hoạt động tông đồ, cha Angelo D'Acri kiệt lực qua đời ngày 30.10.1739 tại Acri, hưởng thọ 70 tuổi.

Ngay sau khi qua đời, từ nhiều nơi ở vùng Calabria và miền Nam Italia, người dân đã bắt đầu tôn kính cha như một vị thánh.

Thánh Manuel Míguel González

Cha Manuel Míguez González sinh cách đây 186 năm, tại tỉnh Orense bên Tây Ban Nha, năm 1831.

Khi được 19 tuổi, Manuel Míguez gia nhập dòng các cha Scolopi và nhận tên dòng là Faustino Nhập Thể và thụ phong linh mục năm 1857.

Cha Faustino được cử đi dạy học tại các trường của dòng, trước tiên tại Tây Ban Nha, rồi sang Cuba. Cha cũng nghiên cứu về dược thảo và chữa bệnh cho dân chúng và nổi tiếng trong lãnh vực này.

Năm 1872, cha được yêu cầu phân tích nước uống ở thành phố Sanlúcar và cha nhận lời. Cha nghĩ đó là phương thức để thoa dịu đau khổ của dân chúng, và cha cảm thấy mình là người của dân chúng và cho dân chúng.

Trong gần 50 năm trời dạy học, cha Faustino vẫn luôn tìm cách sống và hoạt động âm thầm, không tìm kiếm sự chú ý của người khác, và tận tụy giáo dục giúp đỡ các học sinh và người trẻ với một sự nhạy cảm đặc biệt, tôn trọng và quí mến. Cha biết rõ mỗi học sinh và cảm thấy được kêu gọi trở thành người đồng hành và người bạn, người thầy và là người hướng đạo của các em trên con đường giúp các em thành đạt.

Trong thời gian ấy, cha Faustino Míguez nhận thấy tình trạng dốt nát và bị gạt ra ngoài lề của các phụ nữ ở Sanlúcar. Họ không được theo học ở các trường tiểu học. Từ đó cha thấy rằng cần phải hướng dẫn họ từ tuổi thơ ấu để có thể thực sự thăng tiến nhân bản cho họ. Cha bắt đầu săn sóc một số trẻ nữ, dạy giáo lý cho các em với sự cộng tác của một vài phụ nữ. Nhóm này về sau trở thành dòng các nữ tu Chúa Mục Tử, với mục đích giáo dục các trẻ nữ nghèo, theo tinh thần và phương pháp của thánh Giuse Calasanzio.

Dòng được bản quyền giáo phận phê chuẩn và sau cùng được ĐGH Piô 11 phê chuẩn hiến pháp chung kết vào năm 1922. Năm sau đó các nữ tu đầu tiên được gửi đi truyền giáo ở Phi châu và Mỹ châu.

Ngoài các hoạt động giáo dục và y tế, cha Faustino còn viết nhiều sách, với ngôn từ đơn sơ, góp phần phổ biến khoa học. Cha không quên nghĩa vụ linh mục, dành nhiều thời giờ cho việc giải tội và linh hướng cho nhiều người. Cha qua đời tại Getafe ngày 8-3 năm 1925, thọ 94 tuổi.

Tôn phong hiển thánh

Tiếp lời ĐHY Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, ĐTC mời gọi mọi người cầu xin ơn phù trợ của Mẹ Maria và các Thánh.

Sau đó ĐTC đã đọc công thức lấy quyền Tông Đồ truyền ghi tên 35 vị chân phước vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội truyền tôn kính các vị như những vị thánh.

Cộng đoàn hát mừng chúc tụng Chúa, cùng với kinh Vinh Danh, trong khi thánh tích của các vị tử đạo được rước lên bàn thờ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha  

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng về dụ ngôn Nước Thiên Chúa như Tiệc Cưới (xc Mt 22,1-14). Ngài nhận xét rằng: ”Nhân vật chính là hoàng tử, là vị hôn phu, qua đó ta dễ nhận thấy đó là Chúa Giêsu. Nhưng trong dụ ngôn không hề nói đến hôn thê, mà nói đến nhiều khách mời, được mong muốn và chờ đợi. Chính họ là người mặc áo cưới. Những khách mời ấy là tất cả chúng ta, vì Chúa muốn ”cử hành hôn lễ” với mỗi người chúng ta. Các hôn lễ khai mào cuộc hiệp thông trọn cuộc sống: đó là điều chính Thiên Chúa muốn với mỗi ngừơi chúng ta. Vì thế, tương quan của chúng ta với Chúa, không thể chỉ là tương quan của những thần dân sùng kính nhà vua, những người đầy tớ trung tín với chủ, hoặc tương quan của các học sinh chuyên cần đối với Thầy, nhưng trước hết là tương quan của hôn thê được yêu mến với hôn phu của mình. Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta, tìm kiếm và mời chúng ta, và Ngài không chỉ hài lòng nếu chúng ta chu toàn các bổn phận tốt và tuân giữ các giới luật của Ngài, nhưng Chúa muốn có một cuộc hiệp thông cuộc sống thực sự với Ngài, một tương quan đối thoại, tín thác và tha thứ”.

Sau khi khai triển một số khía cạnh của tương quan phu phụ của tín hữu với Thiên Chúa, đặc biệt là sự kiện nhiều người từ khước lời mời của Thiên Chúa và chỉ quan tâm tới những lợi ích riêng tư của họ, ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Có một khía cạnh chót mà Tin Mừng nhấn mạnh, đó là áo của các khách mời, là điều không thể thiếu được. Thực vậy, không phải chỉ thưa nhận lời mời là đủ, nhưng còn cần phải mặc áo, cần có ”tập quán” sống tình yêu mỗi ngày. Vì không thể nói ”Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà không sống và thực thi ý Chúa (Xc Mt 7,21). Chúng ta cần mặc lấy tình thương của Chúa mỗi ngày, canh tân mỗi ngày sự chọn lựa theo Chúa. Các Thánh được tôn phong hôm nay, nhất là bao nhiêu vị Tử Đạo, chỉ cho thấy con đường ấy. Các vị không phải chỉ thưa bằng lời nói ”xin vâng” với tính yêu, và trong một thời gian ngắn, nhưng bằng cuộc sống và cho đến cùng. Áo hằng ngày của các ngài là tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu điên rồ khiến Chúa yêu thương chúng ta đến cùng, để lại tha thứ và áo của Ngài cho kẻ đã đóng đinh Ngài. Cả chúng ta cũng đã nhận lãnh áo trắng khi rửa tội, áo cưới với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh anh chị chúng ta, ơn chọn lựa và mặc áo ấy hằng ngày và giữ cho áo này thanh sạch. Bằng cách nào? Trước tiên bằng cách đi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa mà không sợ hãi: đó là bước quyết liệt để đi vào phòng hôn lễ, để cử hành lễ tình yêu với Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha thông báo Thượng HĐGM Amazzonia vào năm 2019

Đức Thánh Cha thông báo Thượng HĐGM Amazzonia vào năm 2019

VATICAN. Cuối thánh lễ tôn phong 35 hiển thánh mới, trưa chúa nhật 15-10-2017, ĐTC Phanxicô thông báo quyết định triệu tập một Thượng HĐGM Đặc Biệt về miền Liên Amazzonia ở Mỹ châu la tinh vào tháng 10 năm 2019 nhóm tại Roma.

Ngài cho biết đã đi đến quyết định trên đây là để đáp lại mong ước của một số HĐGM Mỹ châu la tinh và tiếng nói của các vị Chủ Chăn và tín hữu ở các nơi khác trên thế giới. ”Mục đích chính việc triệu tập này là để tìm ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng cho phần Dân Chúa, nhất là cho các thổ dân, thường bị quên lãng và không có viễn tượng một tương lai thanh thản, cũng vì cuộc khủng hoảng rừng cây Amazzonia, là buồng phổi có tầm quan trọng chủ yếu đối với trái đất chúng ta. Xin Các Thánh mới cầu bầu cho biến cố này của Giáo Hội, để trong niềm tôn trọng vẻ đẹp thiên nhiên, mọi dân tộc trên trái đất chúc tụng Thiên Chúa, là Chúa Tể Vũ Trụ và được Chúa soi sáng, họ sẽ tiến bước trên các con đường công lý và hòa bình.”

Miền Amazzonia rộng khoảng 6,5 triệu cây số vuông, nằm trên lãnh thổ 9 nước ở Mỹ châu la tinh, chiếm khoảng 5% diện tích trái đất. Vùng này có khoảng 60 ngàn loại cây cỏ, 1 ngàn loại chim và hơn 300 loại động vật có vú. Amazzonia đang bị đặc biệt đe dọa vì vấn đề nuôi bò.

Trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2007, Amazzonia ở Brazil bị nạn phá rừng, bình quân mỗi năm 19,368 cây số vuông, từ là trong 7 năm vừa nói có hơn 154,212 cây số vuông rừng bị phá hủy, một diện tích tương đương với nước Hy Lạp.

Brazil đứng thứ 4 trên thế giới vì lượng thán khí phát ra. Nạn phá rừng và thay đổi việc sử dụng đất rừng là nguyên nhân gây ra 75% số thán khí từ Brazil phát ra, trong số này 59% là do nạn phá và cháy rừng.

Nguyên nhân chính là vì Brazil nuôi nhiều bò để gia tăng xuất khẩu thịt.

Cùng với nạn phá rừng, nhiều bộ lạc thổ dân tại Amazzonia bị đe dọa môi trường sinh sống và tại nhiều nơi các thổ dân bị giết trong các cuộc đụng độ với những thành phần muốn chiếm đất thổ dân để khai thác quặng mỏ. Giáo hội Công Giáo Brazil, qua Ủy ban mục vụ thổ dân, đã rất nhiều lần lên tiếng tố giác tệ nạn này (Rei 15-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đan Lồng Đèn

Đan Lồng Đèn

Vót tre ngồi đan chiếc lồng đèn.
Dù cho vất vã với tay ngang.
Cũng ráng ra công làm cho đẹp.
Cháu có đèn,dự hội trăng rằm.
Ông ơi! Sao không mua cho cháu.
Khỏi nhọc công Ông, mệt mỏi tay.
Ông cười, vuốt tóc, nói nghe nè.
Ông muốn tự tay làm cho cháu .
Đa dạng hàng bán hiệu của Tàu.
Kể cháu nghe,tre Ông vót làm đèn.
Còn là vũ khí chống xâm lăng.
Tre già thân lớn làm cọc nhọn.
Đâm thủng tàu địch, thắng vẻ vang.
Vào năm chín trăm ba mươi tám.
Ngô Quyền Tướng dẫn binh vào trận.
Bạch Đằng Giang, cọc nhọn dự phần.
Mưu lược, dùng binh, lòng dũng cảm.
Đuổi giặc Tàu, sử sách ghi ơn.
Tuổi thơ của cháu đẹp như trăng.
Hồn nhiên cứ giữ, nhưng ghi nhớ.
Công ơn của những bậc tiền nhân.
Dựng nước, bây giờ mình giữ nước.
Thế hệ này, và nối tiếp mai sau.
Giữ gìn bờ cỏi, Cha Ông dựng.
Mới xứng danh con cháu Lạc-Hồng.

HOA TÔN (Tháng 9 Mùa Trung-Thu)

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 11 ngàn người thuộc Gia Đình Vinh Sơn

Đức Thánh Cha tiếp kiến 11 ngàn người thuộc Gia Đình Vinh Sơn

VATICAN. ĐTC mời gọi đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô tiếp tục con đường của Thánh Nhân và ngài đề nghị họ thể hiện qua 3 hành động: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 14-10-2017, tại Quảng trường thanh Phêrô dành cho hơn 11 ngàn người thuộc đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô, từ các 99 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, về Roma tham dự diễn đàn trong 3 ngày qua, nhân kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của Thánh Vinh Sơn.

ĐTC đã tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô lúc 12 giờ trưa và tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người. Khi lên đến lễ đài ở thềm Đền thờ Thánh Phêrô, ngài dừng lại để tôn kính Hài Cốt Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Trong lời chào mừng ĐTC, Cha Mavric Tomaz, Bề trên Tổng Quyền dòng Lazzariste, chính thích thông báo thành lập ”Liên minh hoàn cầu cho những người vô gia cư” và lễ hội Phim Vinh Sơn.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: ”Thánh Vinh Sơn đã tạo nên một đà tiến bác ái kéo dài qua các thế kỷ. Ngày hôm nay, tôi muốn khích lệ anh chị em tiếp tục hành trình ấy, và đề nghị với anh chị em 3 động từ đơn sơ mà tôi thấy là rất quan trọng đối với tinh thần Vinh Sơn, và cho đời sống Kitô nói chung, đó là: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

Trước hết là Thờ Lạy. Thánh Vinh Sơn thường mời gọi các môn đệ vun trồng đời sống nội tâm và chuyên chăm cầu nguyện có sức thanh tẩy và mở rộng tâm hồn. Đối với Thánh Nhân, cầu nguyện là điều thiết yếu, là địa bàn của mỗi ngày, như cẩm nang của cuộc sống… Theo Thánh Vinh Sơn, cầu nguyện là dừng lại trước Thiên Chúa để ở với Người, phó thác và tận tình đối với Chúa. Đó là kinh nguyện tinh tuyền nhất, dành chỗ cho Chúa và chúc tụng Chúa, tín thác nơi Chúa.

Tiếp đến là đón tiếp. Trở thành những người hiếu khách, sẵn sàng, quen tận tụy với người khác. Như Thiên Chúa cư xử với chúng ta, cả chúng ta cũng phải xử như vậy với tha nhân. Đón tiếp có nghĩa là điều chỉnh lại cái tôi của mình, sửa sai cách suy tư và hiểu rằng cuộc sống không phải là tài sản riêng của tôi và thời gian không thuộc về tôi. Đó là một sự từ từ rời bỏ tất cả những gì là của tôi: thời gian, sự nghỉ ngơi, các quyền và chương trình của tôi. Ai đón tiếp thì từ bỏ cái tôi và đi vào trong cuộc sống của tha nhân và của chúng ta”.

ĐTC nói thêm rằng: Kitô hữu đón tiếp là một người thực sự của Giáo Hội, vì Giáo Hội là người Mẹ đón tiếp và đồng hành với cuộc sống. Như một ngừơi con giống mẹ, mang những sắc thái của mẹ, Kitô hữu cũng mang những nét của Giáo Hội. Người đón tiếp là người trở thành người con trung tín đích thực của Giáo Hội, người không than trách thì kiến tạo sự hòa hợp và hiện thông, và với lòng quảng đại họ gieo vãi hòa bình, dù không được đáp trả”.

Động từ sau cùng là ra đi. ĐTC nói: ”Tình yêu có đặc tính năng động, ra khỏi bản thân mình. Người yêu thương thì không ngồi trên ghế bành mà nhìn, chờ đợi cho tình hình thế giới được cải tiến, nhưng với lòng hăng say và đơn sơ, họ đứng lên và ra đi. Thánh Vinh Sơn đã nói chí lý: ”Ơn gọi của chúng ta là ra đi, không phải trong một giáo xứ và cũng chẳng phải trong một giáo phận, nhưng là toàn trái đất, để làm cho tâm hồn con người nồng cháy, làm điều mà Con Thiên Chúa đã làm: Chúa đã đến trong thế giới để mang lửa để làm cho tình yêu của Ngài nồng cháy. Ơn gọi này có giá trị đối với tất cả mọi người. Nó đặt cho mỗi người những câu hỏi: Tôi có ra đi gặp tha nhân, như Chúa muốn hay không. Tôi tôi đến, tôi có mang theo lửa tình thương hay tôi khép kín để sưởi mình trước lò sưởi của tôi mà thôi?”.

Trước khi rời quảng trường, ĐTC còn nồng nhiệt bắt tay chào ông Tajani, Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu.

Ban sáng, từ lúc 9 giờ, tại Quảng trường thánh Phêrô, mọi người hiện diện đã tham dự buổi sinh hoạt với các chứng từ, âm nhạc, ca hát và cầu nguyện trước Hài Cốt Thánh Vinh Sơn. Phần âm nhạc và ca hát do ca đoàn Gen Xanh và nhiều ban nhạc, ca đoàn khác. (Rei 14-10-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kỷ niệm 100 năm Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Đức Thánh Cha kỷ niệm 100 năm Bộ các Giáo Hội Đông Phương

ROMA. ĐTC mời gọi các tín hữu tiếp tục tín thác vào Chúa, qua kinh nguyện, giữa những khó khăn của cuộc sống.

Ngài đưa ra lời mời gọi này trong bài giảng thánh lễ lúc quá 10 giờ sáng 12-10-2017, tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Giáo Hoàng Học Viện Đông Phương gần đó.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Đức TGM Tổng thư ký và Cha Bề trên Tổng quyền dòng Tên cùng với cha Viện trưởng của Học Viện Đông phương. Ngoài ra có 24 HY, 6 Thượng Phụ và TGM Trưởng, 12 GM và 60 LM giáo sư.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến sự kiện ĐGH Biển Đức 15 thiết lập 2 cơ quan vừa nói vào năm 1917 giữa lúc thế chiến thứ I đang hoành hành. ”Ngày nay cũng vậy, chúng ta có thể nói đang có một thế chiến khác, thế chiến từng mảnh. Và chúng ta thấy bao nhiêu anh chị em Kitô chúng ta thuộc các Giáo Hội Đông phương đang bị bách hại thê thảm và các tín hữu sống thuộc các Giáo Hội này ở hải ngoại ngày càng lo âu. Từ đó nảy sinh bao nhiêu câu hỏi ”tại sao như vậy” giống như bài đọc thứ I hôm nay trích từ sách ngôn sứ Malakia (3,13-20a). Nhiều người than thách Chúa khi thấy những kẻ ác được thành công, thịnh vượng, mà không bị trừng phạt, từ đó người ta đặt câu hỏi: phụng tự Thiên Chúa có ích gì đâu?”

Cũng sách ngôn sứ Malakia xác quyết: Thiên Chúa không quên con cái Ngài, Ngài nhớ đến những kẻ công chính và những người đau khổ, dù bị áp bức họ vẫn không ngừng tín thác nơi Chúa.

ĐTC nói: Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng có một cách đánh động ký ức của Thiên Chúa, đó là kinh nguyện của chúng ta. Khi cầu nguyện cần có lòng can đảm của đức tin, tín thác rằng Chúa lắng nghe chúng ta, can đảm gõ cửa. Chúa nói với chúng ta rằng ”Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ thì sẽ mở cửa cho” (Lc 11,10).

Và ĐTC kết luận rằng ”chúng ta hãy học cách gõ cửa tâm hồn của Thiên Chúa, hãy học cách làm như thế một cách can đảm. Ước gì kinh nguyện can đảm này cũng soi sáng và nuôi dưỡng việc phục vụ của anh chị em trong Giáo Hội”

Thăm Giáo Hoàng Học Viện Đông Phương

Trước khi dâng thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả, ĐTC đã viếng thăm Giáo Hoàng Học Viện Đông phương từ lúc 9 giờ sáng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập.

Học viện này được ĐGH Biển Đức 15 thành lập năm 1917, cùng năm với Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Năm 1922, Đức Piô 11 ủy thác cho dòng Tên việc điều khiển và giảng dạy tại đây. Cơ sở giáo dục này là một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy cao đẳng, nhắm mục đích phổ biến Kitô giáo Đông phương. Mỗi năm có từ 350 đến 400 sinh viên, thường là các LM và tu sĩ, thuộc hai phân khoa là các khoa học Giáo Hội Đông phương và phân khoa giáo luật đông phương. 15% các sinh viên là tín hữu Chính thống giáo.

Từ khi thành lập đến nay, có 200 giáo sư, trong đó 50% thuộc dòng Tên, đã giảng dạy tại Học viện này, và 6500 người tốt nghiệp. Trong số các cựu sinh viên có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, đứng đầu chính thống giáo.

Đến nơi, ĐTC đã được các vị lãnh đạo của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các Hồng Y và Thượng Phụ, TGM Trưởng chào đón và trao đổi. Sau đó tại khuôn viên Học Viện, ĐTC đã làm phép một cây trắc bá trước sự hiện diện của đông đảo các sinh viên. Sau đó tại Đại thính đường của Học Viện, ĐTC chào thăm các ân nhân và gặp gỡ Cộng đồng các Cha dòng Tên phục vụ tại đây.

Sứ điệp của ĐTC

Trong dịp này, ĐTC đã trao cho ĐHY Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và cũng là Chưởng Ấn Giáo Hoàng Học Viên Đông phương, một sứ điệp, trong đó sau khi nhắc lại quá trình khai sinh và phát triển của Học Viện này trong một thế kỷ qua, ĐTC mời gọi các giáo sư tại đây dành ưu tiên cho việc nghiên cứu khoa học, theo gương các vị tiền nhiệm, đã nổi bật trong việc soạn và ấn hành các tác phẩm với những đóng góp quan trọng về phụng vụ, linh đạo, khảo cổ và giáo luật..

ĐTC cũng mời gọi Học viện Đông Phương giúp toàn thể Cộng đoàn Giáo Hội khả năng lắng nghe cuộc sống và suy tư thần học, để nâng đỡ cuộc sống và hành trình của họ. Học viện có nhiệm vụ giúp các anh chị em chúng ta củng cố đức tin trước những thách đố lớn lao họ phải đương đầu. Học viện được kêu gọi trở thành nơi thuận tiện cho việc huấn luyện những người nam nữ, các chủng sinh, LM và giáo dân, để họ có thể nói lên lý do niềm hy vọng đang linh hoạt và nâng đỡ họ” (1 Pr 3,15), và có khả năng cộng tác vào sứ mạng hòa giải của Chúa Kitô. (Xc 2 Cr 5,18).

Nhắc đến tình trạng nhiều sinh viên tại các Học viện Đông phương ở Roma theo học tại các Đại học và Phân khoa trong đó họ không luôn luôn nhận được một nền huấn luyện hoàn toàn phù hợp với các truyền thống của họ, ĐTC mời gọi Học Viện Đông Phương hãy suy tư xem có thể làm gì để bổ túc những thiếu sót đó.

Sau cùng, ĐTC mời gọi dòng Tên, ngoài sứ vụ đang thi hành tại Đại Học Gregoriana và Học Viện Kinh Thánh, cần làm sao bảo đảm cho Giáo Hoàng Học Viện Đông phương một con số ổn định các nhà đào tạo Dòng Tên để hỗ trợ hoạt động của Học Viện này. Theo sư phạm của thánh Ignatio, và sử dụng sự phân định cộng đoàn phong phú, các phần tử của cộng đoàn, – nhà dòng cũng như Học Viện -, biết tìm ra những hình thức thích hợp nhất để huấn luyện các sinh viên mà các Giáo Hội ủy thác cho dòng chăm sóc, biết nghiên cứu nghiêm túc và đáp dứng các nhu cầu mục vụ của Giáo Hội liên hệ.

Sau cuộc gặp gỡ ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả gần đó để cử hành thánh lễ (Rei 12-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu đừng bao giờ rời bỏ xâu chuỗi Mân Côi và hãy siêng năng đọc kinh này như Đức Mẹ Fatima nhắn nhủ.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây hôm 13-10-2017 trong sứ điệp Video gửi các tín hữu tham dự buổi lễ kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Sứ điệp được chiếu trên màn hình tại nhiều phòng ở Đền thánh Đức Mẹ Fatima trong cuộc hành hương quốc tế.

ĐTC nói: ”Tôi để lại cho anh em một lời khuyên: đừng bao giờ rời bỏ tràng hạt, hãy đọc kinh Mân Côi như Đức Mẹ yêu cầu… Đừng bao giờ rời bỏ Mẹ; như một người con nhỏ cạnh mẹ và cảm thấy được an ninh, cạnh Đức Mẹ chúng ta cũng cảm thấy an ninh, đó là sự bảo đảm của chúng ta”.

Ngài ca ngợi tất cả những người đã tham dự lễ bế mạc 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và ngài nói thêm rằng: ”Trong tâm hồn, tôi vẫn còn những kỷ niệm về cuộc hành hương tại Fatima. Phúc lành mà Đức Trinh Nữ Maria muốn ban cho tôi, tôi cũng muốn nhường lại cho Giáo Hội trong ngày hôm ấy”.

ĐTC khích lệ tất cả các tín hữu: ”Anh chị em đừng sợ, Thiên Chúa tốt lành hơn mọi lầm than của chúng ta, Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều”.

Đức Cha António Marto, GM giáo phận Leiria-Fátima, cho biết sứ điệp của ĐTC đã được thu hình trong buổi tiếp kiến riêng dành cho các vị lãnh đạo giáo phận này ngày 30-9 năm nay, và ngài cảm ơn ĐTC vì cử chỉ này.

Khi ban phép lành cho các tín hữu cuối sứ điệp, ĐTC đã rút trong túi áo ngài xâu chuỗi Mân Côi và ngài mong ước cho các tín hữu cũng luôn mang trong mình (Ecclesia 13-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Tổng giáo phận San Francisco được thánh hiến cho Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ

Tổng giáo phận San Francisco được thánh hiến cho Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ

 “Trái tim Đức Maria là cửa thiên đàng”, Đức tổng giám mục Salvatore J. Cordileone đã nói với hàng ngàn tín hữu hành hương đứng chật kín trong nhà thờ Đức Maria như thế hôm 07/10, trong lễ thánh hiến tổng giáo phận San Francisco cho Trái tim vô nhiễm Đức Maria.

Khoảng 8 giờ sáng, giáo dân từ các giáo xứ trên toàn tổng giáo phận  tiến vào nhà thờ và các mầu nhiệm Mân côi mùa vui chung với nhau. Hơn 1500 tín hữu hành hương từ các giáo xứ thuộc miền truyền giáo do cha Moises Agudo của xứ thánh Phêrô đã đi bộ đến. Lúc 10 giờ, đức tổng giám mục Cordileone và vài chục linh mục đã cử hành Thánh lễ.

Trong bài giảng, đức tổng giám mục Cordileone nói rằng khía cạnh siêu nhiên của Fatima đã bao phủ sứ điệp mà Đức Mẹ trao cho chúng ta. Đức cha nói: “Cả 100 năm nay chúng ta đã làm ngơ trước sứ điệp Fatima. Thế kỷ kế tiếp có thể khác biệt hoàn toàn với thế kỷ trước đó, nhưng chỉ khi chúng ta lắng nghe sứ điệp và thực hành các mệnh lệnh.”

Đức cha Cordileone nói rằng như Mẹ Maria có một vai trò trong việc làm mẹ Con Thiên Chúa, Mẹ cũng có vai trò đặc biệt trong việc sinh ra mỗi người chúng ta trong cuộc sống trong con của Mẹ. Ngài nói chúng ta cần người nâng chúng ta dậy và đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu trong các bí tích, trong lời Người, bởi vì chúng ta quá yếu để có thể đến với Người bằng sức chúng ta. Trong sự hiện diện của người mẹ, Đức Maria ở đó để chuyển cầu cho chúng ta.

Đức cha Cordileone cũng nhắc lại 3 công thức của hòa bình và ơn cứu độ: lần hạt Mân côi hàng ngày, giữ ngày thứ sáu như việc đền tội và siêng năng xưng tội, và tham gia việc chầu Thánh Thể.

Đức cha liên kết chiến tranh, diệt chủng và bách hại Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số với bạo lực súng đạn, phá thai, giết người êm dịu, nghiện ngập và suy đồi luân lý là hậu quả của căn bệnh tinh thần thờ phượng chính mình thay vì thờ Chúa. Ngài nói rằng chỉ có vũ khí tinh thần mới có thể chữa lành căn bệnh tinh thần ở gốc rễ của những đau khổ tinh thần và thể lý trong thế giới hôm nay. Ngài nói: “Đã đến lúc từ bỏ qua một bên sự kích động và đáp lại các mệnh lệnh của Mẹ Fatima.”

Sau Thánh lễ, các tín hữu đã cùng đức tổng giám mục Cordileone rước kiệu Đức Mẹ từ nhà thờ chính tòa qua các đường phố lân cận và đọc kinh Lòng Chúa Thương xót. Sau khi rước tượng Đức Mẹ về lại nhà thờ, đức cha đã đọc Kinh Thánh hiến. Đức cha cầu nguyện: “Nữ vương hòa bình, xin cầu cho chúng con. Xin ban cho thế giới hòa bình mà tất cả chúng con chờ mong.” (CNS 13/10/2017)

Hồng Thủy

 

Lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi của chân phước Bartolo Longo – Tông đồ Mân Côi

Lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi của chân phước Bartolo Longo – Tông đồ Mân Côi

Cách đây gần 2000 năm, ngọn núi lửa Vesuvius ở miền nam Italia đã phun trào và chôn vùi toàn bộ thành phố Pompei dưới lớp tro tàn. Thành phố Pompei hiện đại ngày nay được thành lập năm 1891 và chân phước Bartolo Longo được xem là vị sáng lập của thành phố sau khi ngài ra lệnh xây dựng đền thành Đức Trinh nữ Mân côi của thành phố. Trong đền thánh Đức Mẹ Pompei có bức tranh phép lạ Đức Mẹ Mân côi mà cha Alberto Radente – cha giải tội của chân phước Longo – đã cho ngài.

Chân phước Bartolo Longo sinh ngày 10 tháng 2 năm 1841, trong một gia đình Công giáo sùng đạo ở tỉnh Brindisi, Italia. Năm 1863, Longo đến Napoli để hoàn tất chương trình luật. Tại đây, qua các bạn học và giáo sư, Longo đến với thế giới quỷ thần và hoàn toàn xa lìa đức tin. Đây cũng chính là thời gian Giáo hội Công giáo gặp phải sự chống đối của những người theo chủ nghĩa quốc gia, đấu tranh cho sự hiệp nhất của Italia và xem Đức giáo hoàng là thù nghịch với mục đích của họ. Longo đã tham gia vào một phong trào thờ Satan và cuối cùng tuyên bố mình được thụ phong để làm một linh mục của Satan. Tuy thế, sau thời gian chiến đấu với những lo lắng, dằn vặt, thất vọng và ngay cả việc nhiều lần có ý định tự tử, một giáo sư đại học cùng thành phố với Longo đã khuyên anh rời bỏ phái Satan và giới thiệu Longo đến với cha giải tội Radente, một linh mục dòng Đaminh. Dưới sự hướng dẫn của cha Radente, Longo bắt đầu cầu nguyện đọc kinh Mân côi và trở lại với Kitô giáo.

Longo đã dành cả tâm hồn và thân xác cho tôn giáo và việc bác ái. Longo có lòng yêu mến đặc biệt kinh Mân côi, đã gia nhập dòng Ba Đaminh vào năm 1871 và hoạt động cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ, đặc biệt là việc đọc kinh Mân Côi nhắm phục hồi đức tin cho dân thành Pompei. Một ngày kia, cảm thấy nghi ngờ trong lòng, Longo tự hỏi phải làm gì để được cứu độ. Longo đã nghe một tiếng nói: “Nếu con truyền bá Kinh Mân côi, con sẽ được cứu độ.” Longo hiểu được ơn gọi của mình. Longo đã xây một nhà nguyện nhỏ kính Đức Mẹ.

Ngày 13 tháng 11 năm 1875, Longo nhân được bức tranh phép lạ Đức Mẹ Mân côi mà cha giải tội Radente tặng. Longo được treo trong đền thánh Đức Mẹ Mân côi ở Pompei được trường phái Luca Giordano thực hiện vào thế kỷ 17. Bức tranh vẽ Đức Maria ngồi trên một ngai, đang bế trẻ Giêsu và trao chuỗi Mân côi cho hai thánh Đaminh và Catarina thành Siena, đang ở trước ngai của Đức Mẹ. Một vài tháng sau khi Longo nhận được bức tranh cha Radente gửi tặng thì các phép lạ bắt đầu xảy ra. Ban đầu nó là một bức tranh cũ, bị sờn rách. Sau khi tìm được tài trợ để phục hồi bức tranh, Longo đã trưng bày cho công chúng xem. Phép lạ đầu tiên đã xảy ra cùng ngày này. Một bé gái 12 tuổi tên Clorinda Lucarelli, bị động kinh, đã được bình phục hoàn toàn, dù các bác sĩ danh tiếng lúc bấy giờ nghĩ là không thể chữa lành được.

Longo đã nhiệt thành cỗ võ việc sùng kính Đức Trinh nữ Maria, mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Mẹ để Mẹ đổ tràn lòng thương xót của Mẹ cho các con cái. Nhiều người trên toàn thế giới đã nhận được ơn từ lòng thương xót của Mẹ Maria và đã dâng tặng các phẩm vật để xây dựng đền thánh mới. Longo qua đời năm 1926 tại Pompei và được Thánh Giáo hoàng phong chân phước vào năm 1980. Longo được biết đến với danh hiệu “Tông đồ Kinh Mân côi.” Những lời cuối cùng của chân phước Longo là ao ước nhìn thấy Mẹ Maria – Đấng đã cứu ngài và cứu ngài khỏi nanh vuốt của Satan.

Ngày nay hàng ngày, nhiều tín hữu hành hương đến Pompei cảm nghiệm tình yêu của Đức Trinh nữ như chân phước Longo đã cảm nghiệm. Đức Mẹ cũng nói với chúng ta: “Nếu muốn được cứu độ, hãy loan truyền Kinh Mân Côi. (CNA 03/03/2015) 

Hồng Thủy

ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 11 tháng 10-2017

ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 11 tháng 10-2017

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 30 ngàn tín hữu sáng ngày 11-10-2017, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu tin tưởng và hy vọng chờ đợi Chúa, mặc dù gặp phải những khó khăn trong cuộc sống thường nhật.  

Trong số những người hiện diện có 60 Hồng Y, Giám Mục và các chức sắc khác đang tham dự khóa họp toàn thể của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bộ này. 10 thừa sai dòng Ngôi Lời, 20 nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ..

Lúc gần 9 giờ 20, ngài đi xe mui trần tiến vào quảng trường và dành 20 phút tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Đặc biệt trong số những người hiện diện cũng có một số người Việt Nam.

Lên tới lễ đài ĐTC bắt tay chào và cám ơn khoảng 10 LM thông dịch viên có nhiệm vụ diễn giải những gì ngài nói qua các sinh ngữ.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Luca (12,35-38.40) ghi lại Lời Chúa dạy các môn đệ hãy tỉnh thức, luôn sẵn sàng, chờ đợi chủ về nhà.. Các con hãu sẵn sàng vì Con Người sẽ đến vào giờ các con không ngờ!”

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài ”sự chờ đợi tỉnh thức”. Đây là bài thứ 36 trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

”Hôm nay tôi muốn nói về chiều kích của hy vọng là sự chờ đợi tỉnh thức. Đề tài tỉnh thức là một trong những sợi chỉ dẫn đường của Tân Ước. Chúa Giêsu giảng dạy các môn đệ: ”Các con hãy sẵn sàng, với áo được thắt ở lưng và cầm đèn sáng; các con hãy làm như những người đang chờ đợi chủ mình về nhà sau tiệc cưới, làm sao để khi chủ về và gõ cửa thì mở cửa ngay” (Lc 12,35-36). Trong thời ấy, sau khi Chúa Giêsu sống lại, có những lúc thanh thản và những lúc lo âu, liên tục kế tiếp nhau, các tín hữu Kitô không bao giờ thoải mái. Tin Mừng nhắc nhở họ hãy làm như những đầy tớ không bao giờ đi ngủ cho đến khi chủ về. Thế giới này đòi tinh thần trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta đón nhận trọn trách nhiệm ấy với lòng yêu mến. Chúa Giêsu muốn rằng cuộc sống chúng ta là cần cù làm việc, và không bao giờ ngừng cảnh giác, để đón nhận mỗi ngày mới Chúa ban cho chúng ta với lòng biết ơn và kinh ngạc. Mỗi sáng là một trang giấy trắng trên đó Kitô hữu bắt đầu viết với những công việc lành. Chúng ta đã được cứu độ nhờ sự cứu chuộc của Chúa Giêsu, nhưng giờ đây chúng ta chờ đợi sự tỏ lộ viên mãn vương quyền của Chúa: khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người (Xc 1 Cr 15,28). Các tín hữu Kitô tin rằng không có gì chắc chắn hơn là ”cuộc hẹn ấy”. Và khi ngày ấy đến, các tín hữu Kitô chúng ta muốn giống như những người đầy tớ đã trải qua đêm khuya, áo thắt lưng và tay cầm đèn sáng: cần phải sẵn sàng đối với ơn cứu độ đang tới, sẵn sàng gặp gỡ Chúa.

Kitô hữu không được dựng nên để sống trong buồn chán, nhưng để kiên nhẫn. Họ biết rằng cả trong cuộc sống đều đều mỗi ngày giống nhau có chứa ẩn một mầu nhiệm ân phúc. Có những người với lòng kiên trì của tình yêu trở thành như những giếng nước tưới gội sa mạc. Không gì xảy ra vô ích và không có tình trạng nào trong đó Kitô hữu bị hoàn toàn miễn nhiễm đối với tình thương. Không đêm đen nào dài đến độ làm quên đi niềm vui của bình minh. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, thì cái lạnh lẽo của những lúc khó khăn sẽ không làm cho chúng ta bị tê liệt, và cả khi toàn thế giới rao giảng chống lại hy vọng, họ nói rằng tương lai chỉ mang lại những đám mây đen, thì Kitô hữu vẫn biết rằng trong tương lai ấy có sự trở lại của Chúa Kitô. Khi nào điều này xảy ra, không ai biết được, nhưng khi nghĩ rằng vào cuối lịch sử của chúng ta, có Chúa Giêsu Từ Nhân, nên chỉ cần tín thác và đừng nguyền rủa cuộc sống. Tất cả sẽ được cứu thoát.

ĐTC nói tiếp:

”Chúng ta sẽ đau khổ, sẽ có những lúc khiến chúng ta giận dữ, phẫn nộ, nhưng nhớ đến Chúa Kitô dịu dàng và quyền năng sẽ đánh tán cám dỗ nghĩ rằng cuộc sống này là một sai lầm.

 Sau khi nhận biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm gì khác hơn là nhìn lịch sử với lòng tín thác và hy vọng. Chúa Giêsu như một căn nhà và chúng ta ở trong đó, và từ cửa sổ của nhà ấy, chúng ta nhìn thế giới. Vì thế, chúng ta đừng khép kín vào mình, đừng tư lự tiếc nuối một quá khứ có vẻ là vàng son, nhưng chúng ta luôn nhìn về đường trước, nhìn về một tương lai không phải chỉ là công trình của tay chúng ta, nhưng trước tiên đó là một mối quan tâm liên lỷ của Chúa QuanPhòng. Tất cả những gì là mờ đục, một ngày kia sẽ trở thành ánh sáng.

Thiên Chúa không phủ nhận chính mình. Thánh ý ngài đối với chúng ta không phải là mây mù, nhưng là một dự phóng cứu độ rõ rệt: ”Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu thoát và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Vì thế, chúng ta đừng chiều theo dòng thời gian với thái độ bi quan, như thế lịch sử là một chiếc xe hỏa bị mất tay lái. Thái độ cam chịu không phải là một nhân đức Kitô giáo. Thái độ nhún vai hoặc cúi gập đầu trước một định mệnh có vẻ không thể tránh nổi, đó không phải là thái độ của Kitô hữu.

Ai mang lại hy vọng cho thế giới thì không bao giờ là một người tháo thứ. Chúa Giêsu nhắn nhủ đừng chờ đợi Ngài mà không làm gì: ”Phúc cho những đầy tớ khi chủ về mà ông thấy người ấy còn tỉnh thức” (Lc 12.37). Không có người xây dựng hòa bình nào mà không hy sinh an bình cá nhân, đảm trách những vấn đề của người khác.

Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta hãy lập lại lời khẩn cầu của các môn đệ đầu tiên, trong tiếng Aramaico, họ nói ”Maranatha”, Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22.20). Đó là điệp khúc của mỗi cuộc sống Kitô: trong thế giới này, chúng ta không cần gì khác ngoài sự âu yếu của Chúa Kitô. Phúc dường nào nếu, trong kinh nguyện, trong những ngày khó khăn của cuộc sống, chúng ta nghe tiếng Chúa đáp lại và trấn an chúng ta: ”Này đây, Ta sắp tới” (Kh 22,7).

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các LM thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các sinh ngữ khác nhau cùng với những lời chào thăm và nhắn nhủ của ĐTC.

Trong lời chào bằng tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Pháp, Thụy Sĩ, Canada, và Cộng hòa Trung Phi. Ngài nói: ”Ước gì ký ức về Chúa Kitô dịu dàng và quyền năng giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong hy vọng và chăm chú lắng nghe Lời Chúa”.

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Anh, ĐTC đặc biệt chào những tín hữu sẽ cử hành Ngày Thế giới thị giác cử hành ngày 12-10 này. Và ngài nói: ”Tôi cam đoan gần gũi và cầu nguyện cho những người bị mù hoặc kém mắt. Tôi cầu xin ơn Chúa đổ xuống trên anh chị em và thân quyến, để anh chị em luôn kiên vững trong hy vọng và tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta.

Ngỏ lời bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào thăm ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cùng với các thành viên của Bộ nhóm họp tại Roma nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bộ này. Ngài nói: ”Tôi phó thác công việc của anh em cho lời chuyển cầu của thánh Gioan 23 mà hôm nay chúng ta kính nhớ trong phụng vụ, để Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông ophương tiếp tục quảng đại phục vụ Đông phương Công Giáo.”

ĐTC không quên chào thăm các đôi vợ chồng mới cưới, các bạn trẻ và các bệnh nhân. Ngài nói: ”Tháng 10 là tháng truyền giáo trong đó chúng ta được mời gọi cầu xin Đức Mẹ là Mẹ các xứ truyền giáo. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy trở thành thừa sai của Chúa Kitô trong môi trường của các con với lòng từ bi và dịu dàng. Và xin anh chị em bệnh nhân hãy dâng những đau khổ của mình để cầu cho sự hoán cải của những người xa lìa, những người dửng dưng.”

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nhắc kỷ niệm 100 Đức Mẹ Fatima

Đức Thánh Cha nhắc kỷ niệm 100 Đức Mẹ Fatima

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 11-10-2017, ĐTC nhắc đến việc kết thúc kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và mời gọi các tín hữu siêng năng đọc kinh Mân Côi cầu cho hòa bình.

ĐTC nói:

”Thứ sáu tới đây, 13-10, sẽ kết thúc năm kỷ niệm 100 năm các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima. Với cái nhìn hướng lên Mẹ của Chúa và là Nữ Vương Các Xứ Truyền giáo, tôi mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt trong tháng 10 này, hãy đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ước gì kinh nguyện có thể đánh động các tâm hồn nổi loạn nhất, để những bạo lực có thể bì trục xuất khỏi tâm hồn, lời nói và những cử chỉ của họ, và kiến tạo cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. Không gì là không có thể, nếu chúng ta hướng lên Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả mọi người đều có thể trở thành những người xây dựng hòa bình” (Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 1-1-2017).

”Cùng ngày 13-10 tới đây, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai. Tôi tái tha thiết kêu gọi bảo tồn thiên nhiên qua thái độ ngày càng chú ý bảo vệ và chămsóc môi trường. Vì thế, tôi khích lệ các tổ chức và những người có trách nhiệm công cộng và xã hội ngày càng thăng tiến một nền văn hóa nhắm mục tiêu giảm bớt những nguy cơ và rủi ro thiên tai. Những hành động cụ thể, nhắm nghiên cứu và bảo vệ căn nhà chung, có thể giảm bớt dần dần những nguy hiểm đối với những người dân dễ bị tổn thương nhất.”

G. Trần Đức Anh OP

ĐC Martin: thù nghịch giữa các niềm tin Kitô là nguồn gốc của “xì căng đan”

ĐC Martin: thù nghịch giữa các niềm tin Kitô là nguồn gốc của “xì căng đan”

Khi người ta ở ngoài nhìn vào, “đặc biệt là hòn đảo Ailen này, người ta thấy lịch sử của chia rẽ và giáo phái, sự bất bao dung, những lời buộc tội lẫn nhau, và sự thù địch công khai trong gia đình Kitô giáo. Đó là một “xì căng đan”. Đức tổng giám mục Eamon Martin, Giáo chủ Giáo hội Công giáo Ai len, đã nhận định như thế trong bài phát biểu về chủ đề “hòa giải Cải cách” tại nhà thờ chính tòa thánh Patrick của Giáo hội Ai len.

Đức tổng giám mục Martin đến thuyết trình ở Armagh theo lời mời của đức tổng giám mục Richard Clarke của Giáo hội Anh giáo Ai len và mục sư nhà thờ chính tòa Gregory Dunstan. Đức cha Martin đã nhấn mạnh đến sự cần thiết hòa giải giữa các niềm tin Kitô và sự hiệp nhất trong các vấn đề đạo đức luân lý quan trọng.

Đức cha Martin nhận định rằng vai trò của tôn giáo và đức tin trong xã hội Ailen, Bắc và Nam, đã thay đổi nhanh chóng rõ rệt do ảnh hưởng của trào lưu tục hóa và có thể thấy rõ trong việc giảm sút số người tham dự Thánh lễ và các ơn gọi phục vụ. Càng ngày càng nhiều người sống như không có Chúa hay không có niềm tin tôn giáo. Ngài tin rằng các truyền thống Kitô giáo khác nhau được kêu mời liên kết những nỗ lực từ niềm hy vọng chắc chắn cho thế giới.

Đức cha kêu gọi các Kitô hữu trình bày cho thế giới xác tín chắc chắn của Kitô giáo về sự thánh thiêng của sự sống con người cũng như phẩm giá của họ, về tính trung tâm của gia đình, sự liên đới và cần thiết phân bố đều các tài nguyên trên thế giới, về một xã hội được đánh dấu bởi hòa bình, công bình và chăm sóc cho tất cả, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất. Ngài giải thích rằng để làm như thế, cần tìm ra những cách thức mới để trình bày quan điểm chắc chắn và chân thành của chúng ta cùng với những quan điểm của các niềm tin khác và những người không có tín ngưỡng, trong cuộc đối thoại về các vấn đề và giá trị quan trọng. Nếu chúng ta cùng nhau thực hiện điều này và ở nơi có thể, tất cả chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng ta có tiếng nói đoàn kết về các vấn đề đạo đức quan trọng của thời đại chúng ta.

Đức cha Martin cũng nhắc đến chuyến viếng thăm Lund, Thụy điển, của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 10 năm ngoái. Đó là giây phút lịch sử, vui mừng và ngạc nhiên. Đức cha ngạc nhiên vì Đức Giáo hoàng được mời và cũng ngạc nhiên vì Đức Giáo hoàng đã nhận lời. Đức cha cũng cám ơn lời mời của đức tổng giám mục Richard Clarke và mục sư chánh sở nhà thờ chính tòa Gregory Dunstan.

Đức cha nhận định rằng các sự kiện ở Lund vào năm ngoái khuyến khích tất cả chúng ta tìm những con đường hòa giải Cải cách. Theo đức cha, điều này có thể được thực hiện qua tình bạn cá nhân và sự tin tưởng giúp xây nhịp cầu và hòa giải Cải cách, qua cuộc gặp gỡ Chúa Kitô trong Thánh kinh và cầu nguyện được chia sẻ cho nhau và bằng cách tăng cường chia sẻ các chứng nhân Kitô giáo trên đảo Ai len này.

Những lời kêu gọi của đức cha Eamon Martin được xướng lên trong bối cảnh có âm mưu khuấy động chiến tranh tôn giáo ở Bắc Ai len. Chính quyền Bắc Ai len cho biết một nhóm bán quân sự thuộc phái Tin Lành Bắc Ai len đứng đằng sau những đe dọa buộc bốn gia đình Công Giáo phải bỏ nhà chạy trốn. (Sismografo 08/10/2017)

Hồng Thủy

Áo thun có hình Đức Giáo hoàng “siêu sao”

Áo thun có hình Đức Giáo hoàng “siêu sao”

“Superpope” là tác phẩm của nghệ sĩ người Roma Mauro Pallotta. Năm 2014, trên các bức tường của các hẻm nhỏ của đường Borgo Pio, hình ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô “siêu anh hùng” bay vọt lên để mang các giá trị Kitô giáo cho thế giới lần đầu tiên xuất hiện, nhưng các hình ảnh này bị xóa ngay lập tức. Nhưng bây giờ, hình ảnh này đã chính thức trở thành biểu tượng chính thức của một sáng kiến trực tiếp để tài trợ cho chương trình “Đồng tiền thánh Phêrô” và do đó là các công trình bác ái của chính Đức Giáo hoàng.

Đức ông Edoardo Viganò, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Vatican giải thích rằng một áo T-shirt chính thức với hình ảnh này được bán trên trang web: www. superpope.it và số tiền thu được sẽ được dùng để tài trợ cho các hoạt động bác ái của Đức Giáo hoàng. Trên lưng áo sẽ có các câu nói của Đức Giáo hoàng, câu đầu tiên là : “Lòng thương xót là đặc tính đầu tiên của Thiên Chúa. Là tên của Thiên Chúa.”

Chiếc áo thun được trình bày cho công chúng nhân dịp “Romics, la Fiera del Fumetto di Roma” và đã nhận được nhiều yêu mến. Đức ông Viganò giải thích về sự thành công này: “Trong một bối cảnh thế giới mà mọi thứ đều bị la hét, mọi thứ đều màu xám, mọi thứ đều bị nổi giận, hình ảnh khiến bạn mỉm cười và mang lại một chút lòng tốt thì thực sự là thuốc giải độc cho nền văn hoá của la hét và yêu sách.” Đức ông Viganò cũng giải thích cho những ai nghĩ là hình ảnh này là sự bôi nhọ con người Đức Giáo hoàng: “tự căn bản, Đức giáo hoàng Phanxicô, ngay từ giây phút đầu đã giới thiệu mình như một mục tử, một sự hướng dẫn cần lời cầu nguyện của dân chúng, để Thiên Chúa có thể chúc phúc cho ngài. Ngài đã ngay lập tức chọn hình ảnh gần gũi với dân chúng….” (RV 09/10/2017)

Hồng Thủy

Thiên Chúa không báo thù nhưng xót thương

Thiên Chúa không báo thù nhưng xót thương

VATICAN. Trưa Chúa nhật 08.10.2017 trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật nói về lòng trung tín và xót thương của Thiên Chúa, cho dù con người tội lỗi và phản bội. Đức Thánh Cha nói:

Con người phản bội

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa nhật hôm nay kể cho chúng ta nghe dụ ngôn về những người làm thuê vườn nho cho ông chủ (Mt 21,33-43). Để kiểm chứng lòng trung thành của các tá điền, ông chủ đã trao cho họ vườn nho, để họ chăm sóc, bảo vệ và làm sinh lợi hoa màu. Khi vụ mùa đến, ông chủ sai các đầy tớ đến thu hoạch. Nhưng các tá điền muốn chiếm lấy vườn nho và hoa màu. Họ đánh người này, giết người nọ. Ông chủ tỏ ra kiên nhẫn và tiếp tục sai các người khác đến với những kẻ thuê vườn nho, và kết cục vẫn tệ hại như thế. Cuối cùng, ông chủ quyết định sai chính con trai của mình đến, nhưng bọn tá điền đã giết đứa con thừa tự ấy để mong chiếm lấy gia tài.

Thiên Chúa không báo thù

Dụ ngôn này trách cứ cách đối xử mà dân đã làm với các ngôn sứ trong lịch sử của Israel. Đây cũng là câu chuyện của chúng ta trong giao ước Thiên Chúa muốn thiết lập với loài người. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta tham gia giao ước ấy. Dụ ngôn này cũng là câu chuyện tình yêu, có khoảnh khắc tích cực diễn tả cách phản ứng khi đứng trước sự phản bội. Để hiểu cách hành xử của Thiên Chúa Cha trước những kẻ từ chối tình yêu của Ngài, chúng ta hãy nghe câu hỏi được đặt ra: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì với bọn tá điền?” (c.40). Câu hỏi này nhấn mạnh rằng, dù Thiên Chúa thất vọng trước tội ác của con người, nhưng đó vẫn chưa phải là câu trả lời cuối cùng. Đây là sự vĩ đại của Thiên Chúa: cho dù con người phản bội, cho dù con người sai lầm, cho dù con người tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn một lòng giữ giao ước, Thiên Chúa không tìm cách báo thù!

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không trả thù! Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Ngài không trả thù, nhưng chờ đợi chúng ta để tha thứ, để cứu vớt chúng ta. Nhờ tảng đá bị loại bỏ, nhờ Chúa Kitô, Thiên Chúa cứu chúng ta, cho dù chúng ta yếu đuối và tội lỗi. Thiên Chúa tiếp tục sản xuất ra rượu mới từ vườn nho của Ngài. Rượu mới ấy là lòng thương xót. Rượu mới của Thiên Chúa là lòng từ bi xót thương. Đứng trước sức mạnh và lòng từ nhân của Chúa, chỉ có một điều ngăn trở chúng ta, đó là lòng ngạo mạn và hay xét đoán, ngay cả đôi khi biến thành bạo lực! Khi đối diện với sự cứng lòng của những kẻ đang nghe, Chúa Giêsu đã nói cách mạnh mẽ rằng: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (c. 43).

Ra đi sinh nhiều hoa trái

Trước lời mời gọi của Chúa, mời gọi chúng ta trở thành vườn nho của Chúa, chúng ta cần đáp lại bằng đời sống sinh nhiều hoa trái. Tính khẩn thiết của hành vi đáp lại ấy giúp chúng ta hiểu được đức tin Kitô cách mới mẻ và tinh tuyền. Đức tin ấy không phải là một bộ những quy luật luân lý, nhưng trên hết, đó là tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu, diễn tả nơi những gì Chúa đã làm và tiếp tục làm cho con người. Đó là lời mời gọi đi vào câu chuyện tình yêu, trở thành trái nho tươi đẹp tốt lành cởi mở, sinh ích lợi và hy vọng cho mọi người. Một trái nho khép kín có thể bị biến thành trái nho hoang dại và cũng có thể nảy sinh những trái nho dại khác. Chúng ta cũng được mời gọi ra khỏi vườn nho của mình, để đặt mình vào việc phục vụ những anh chị em không giống chúng ta, để chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích nhau trở thành vườn nho của Chúa trong mọi hoàn cảnh, cho dù có những hoàn cảnh xa xôi và khó khăn nhất.

Anh chị em thân mến! Xin Đức Maria rất thánh cầu thay nguyện giúp chúng ta, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt tại các vùng ngoại biên của xã hội, tại những vườn nho mà Chúa đã trồng, để sinh ích lợi cho mọi người, và để mang lại “rượu mới” là lòng Chúa xót thương.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp tân Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về sự sống

Đức Thánh Cha tiếp tân Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về sự sống

VATICAN. ĐTC mời gọi Hàn lâm viện Tòa Thánh đương đầu với những thách đố mới do các kỹ thuật mới về sinh học đề ra cho cuộc sống con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 5-10-2017 dành cho các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống nhóm khóa họp toàn thể đầu tiên từ ngày 5 đến 8-10-2017 tại Vatican. Theo qui chế mới, Hàn lâm viện này có 45 thành viên thực thụ, 4 thành viên danh dự và 87 thành viên thông tín, 13 nhà nghiên cứu trẻ, tất cả đến từ nhiều quốc gia.

Chủ đề khóa họp là ”Đồng hành với sự sống. Những trách nhiệm mới trong thời đại kỹ thuật”. ĐTC nhận xét rằng tiềm năng của các kỹ thuật sinh học ngày nay để cho người ta thực hiện những lèo lái sự sống trước đây không thể tưởng tượng được và nó cũng đề ra những câu hỏi kinh khủng.

Trong diễn văn, ĐTC khẳng định rằng ”Điều cấp thiết là tăng cường việc nghiên cứu và đối chiếu về những hậu quả của sự tiến hóa trên đây trong xã hội theo nghĩa chuyên môn, để đưa ra một tổng hợp nhân loại học tương ứng với thách đố lớn lao của thời đại này”.

Trong số nhiều lãnh vực thách đố được ĐTC đề cập tới mà Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống được kêu gọi đương đầu, có những giải thích tiêu vực về sự khác biệt phái tính nam nữ, làm thương tổn đến phẩm giá con người. Nhưng thực tế hiện nay người ta muốn xóa bỏ sự khác biệt phái tính nam nữ, bằng cách đề ra những kỹ thuật và phương pháp thực hành để làm cho sự khác biệt phái tính không còn là điều quan trọng đối với sự phát triển con người và đối với những tương quan giữa con người với nhau. ĐTC cảnh giác rằng ”ảo tưởng 'trung tính' (neutro) sẽ loại bỏ phẩm giá con người có những cơ cấu phái tính khác nhau, và loại trừ phẩm chất truyền sinh của con người. Sự lèo lái sinh học và tâm lý về sự khác biệt phái tính có nguy cơ loại trừ nguồn nghị lực nuôi dưỡng sự liên minh giữa người nam và người nữ, và làm cho liên minh ấy có đặc tính sáng tạo và phong phú” (Rei 5-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Kỷ niệm 80 năm các tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được in

Kỷ niệm 80 năm các tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được in

Cracovia – Tháng 10/1937, tại Cracovia, Chúa Giêsu đã truyền cho sơ Faustina, nay là thánh Faustina, tôn vinh giờ Ngài “chịu nạn”, 3 giờ chiều, giờ mà chính Chúa Giêsu gọi là “giờ của lòng thương xót lớn lao cho toàn thế giới”. Chúa Giêsu cũng nói: “Trong giờ đó, ơn cứu độ được thực hiện cho toàn thế giới, lòng thương xót chiến thắng sự xét xử.”

80 năm sau, lúc 15 giờ ngày 28/09 vừa qua, ngày kỉ niệm chân phước Michał Sopoćko – cha giải tội của sơ Faustina – dân chúng đã lần hạt Lòng Chúa Thương xót trên nhiều đường phố của Balan. Đây là sáng kiến của phong trầo “Chiếu tỏa Lòng Chúa Thương xót”, một phong trào được thành lập cách đây 10 năm. Dân chúng đọc kinh Lòng Thương xót trên các nẻo đường, các ngả tư, tại Balan cũng như trên thế giới, tại các nơi công cộng và mời gọi khách đi đường cùng cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong thư gửi đức giám mục giáo phận Lodz cho biết ngài cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện. Năm nay, các người tham dự buổi đọc kinh cầu nguyện cho chính mình, cho những người thân yêu của họ, cho quê hương, cho Giáo hội và cho thế giới, đặc biệt cho các Kitô hữu bị bách hại và cho những kẻ bách hại.

Chương trình cầu nguyện năm nay còn có một chiều kích đặc biệt khác, đó là 80 năm trước, vào ngày 27/09, tại nhà in J. Cebulski, số 22 đường Szewska, thành phố Cracovia, 22 hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên, với dòng chữ: “Giêsu, con tín thác vào Chúa”, đã được in trước sự hiện diện của sơ Faustina.

Trong nghi thức đặt bảng kỷ niệm nhà in này, Mẹ tổng quyền của dòng Đức Bà Lòng Thương xót Petra Kowalczyk đã nhắc rằng thánh Faustina đã nhìn thấy Chúa Giêsu như được vẽ trong các hình ảnh tại đan viện ở Płock. Sau đó thánh nữ đã theo dõi việc vẽ Chúa Giêsu ở Vilnius và cuối cùng, với sự kiểm soát của thánh Faustina, các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót  đầu tiên đã được in. Ngày nay hình ảnh này là một trong những hình ảnh đạo được phổ biến nhất trên thế giới.

Đức tổng giám mục Cracovia – Đức cha Marek Jędraszewski – nhấn mạnh rằng nghi thức cầu nguyện và đặt bản kỷ niệm nhà in hôm nay là một bước trong việc tuyên bố sự thật về Lòng Chúa Thương xót đã được bắt đầu với việc in các hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót. Ngài cũng nhấn mạnh nghi thức này được cử hành vào dịp kỷ niệm 9 năm cha Michał Sopoćko – linh hướng và giải tội của sơ Faustina – được phong chân phước.

Cha Sopoćko là vị tông đồ đầu tiên của Lòng Chúa Thương xót; cha đã xuất bản các tác phẩm về Lòng Chúa Thương xót, tìm cách để thiết lập ngày lễ Lòng Chúa Thương xót, đóng góp vào việc vẽ hình ảnh Chúa Giêsu Lòng Thương xót đầu tiên và đồng sáng lập một hội dòng. Năm 2004, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức của cha. Tháng 12/2007, Đức Biển đức XVI đã chứng nhận phép lạ qua lời chuyển cầu của cha Sopoćko. Ngày 28/09/2008, lễ phong chân phước cho cha đã được cử hành tại đền thành Lòng Chúa Thương xót ở Białystok. (ACI 05/10/2017)

Hồng Thủy

(Thi Thuy le)

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia, qua ủy ban trợ giúp bác ái, đã tài trợ 30 triệu 432 ngàn euro, cho các dự án bác ái tại các nước thuộc thế giới thứ ba. Ủy ban bác ái này đã họp ở Roma cách đây hai tuần và chấp thuận các hoạt động trợ giúp và phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á, vùng Cận đông, Đông âu và châu đại dương.

Trong số các dự án được tài trợ, có việc xây dựng một bệnh viện ở khu Temeke của Tanzania. Bệnh viện này được xây để đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết đa dạng của dân địa phương khi họ phải trải qua đoạn đường cả 30 cây số để đến bệnh viện gần nhất. Nhiều người đã chết trên đường di chuyển. Nguy hiểm càng gia tăng đối với phụ nữ sắp sinh con.

Tại Trung phi, một khu trường học được xây dựng cho các học sinh vùng nông thôn, thuộc tổng giáo phận Bangui. Còn tại Haiti, nơi bị thiệt hại nặng nề do bão Matthew, dự án sẽ trợ giúp kinh tế, xã hội, môi trường cho 500 đơn vị gia đình. Kế hoạch tài trợ nhắm đến nhiều phương diện, để hoạt động lại mạch sản xuất bị gián đoạn bởi thiên tai, thành lập một quỹ tín dụng nhỏ, thu hồi nước bị ô nhiễm, sửa chữa nhà bị hư hỏng, mua cây giống và dụng cụ nông nghiệp để xây dựng các đồn điền (cây ăn quả, cây lấy gỗ) đã bị phá hủy.

Trong 19 chương trình tài trợ cho Á châu có chương trình xây dựng nơi cư trú cho người không nhà ở Pakistan và chống lại tệ nạn nô lệ và lao động trẻ em. Tại vùng Cận đông, một dự án nhắm tái hội nhập những người nghiện ngập ở Libăng vào xã hội. (REI 02/10/2017)

Hồng Thủy