Giáo hội đang cần những vị thánh và những vị tử đạo của ngày hôm nay

Giáo hội đang cần những vị thánh và những vị tử đạo của ngày hôm nay

VATICAN. Họ là những vị thánh và là những vị tử đạo của cuộc sống thường ngày trong thời đại hôm nay. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, họ giúp Giáo hội không ngừng tiến lên qua những lời chứng mạnh mẽ và can đảm về Chúa Giêsu Phục Sinh. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 07.04, tại nguyện đường Thánh Marta.

Kitô hữu là người có một đời sống chứng tá

Bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ thuật lại lòng can đảm của Phê-rô. Sau khi chữa lành cho người bại liệt, Phê-rô đã công bố về sự phục sinh của Đức Giêsu trước Thượng Hội Đồng. Khi nghe những lời ấy, họ giận điên lên và muốn giết ông cùng các Tông Đồ. Mặc dù họ ngăn cấm không được giảng dạy về danh Đức Giêsu nhưng Phê-rô vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng, vì phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Một Phê-rô can đảm như thế hoàn toàn khác với Phê-rô nhút nhát trong tối thứ Sáu Tuần Thánh, lúc ấy ông đầy sợ hãi đến nỗi đã chối thầy đến ba lần. Bây giờ, Phê-rô đã trở thành một chứng nhân can trường. Như vậy, những chứng nhân Kitô giáo bước đi trên cùng một quan lộ với Đức Giêsu, thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Cách này hay cách khác, Kitô hữu là người có một đời sống chứng tá cho sự thật.

Sự thống nhất giữa đời sống với những gì chúng ta đã thấy và đã nghe thực sự là khởi điểm của lời chứng. Nhưng có một nét đặc biệt nơi lời chứng tá Kitô giáo. Bởi vì lời chứng ấy không chỉ là làm chứng nhưng luôn có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là chúng ta làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh và khía cạnh thứ hai chính là Chúa Thánh Thần. Không có Thần Khí thì cũng không có lời chứng về Đức Kitô. Lời chứng và chính đời sống Kitô giáo là một ân sủng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhờ Thần Khí.

Những vị tử đạo ngày nay

Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể là chứng nhân. Chứng nhân là người đồng nhất mình với những gì mình nói, mình làm và với những gì mình đã được nhận lãnh, đó chính là Chúa Thánh Thần. Đây chính là sự can trường Kitô giáo và đây cũng chính là một chứng tá. Chúng ta có rất nhiều chứng tá của các vị tử đạo ngày nay. Họ là những người bị đánh đuổi và phải trốn chạy khỏi quê hương đất nước. Họ bị cắt cổ, bị bách hại, bị giết chết. Và họ đã can đảm tuyên xưng Đức Giêsu cho đến những hơi thở cuối cùng. Chúng ta cũng có chứng tá của rất nhiều Kitô hữu ngày nay. Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt nhưng họ vẫn mạnh mẽ xác tín rằng: ‘Tôi không làm việc này. Tôi không thể làm điều xấu cho người khác. Tôi không thể gian dối. Tôi không thể sống một cuộc sống nửa vời hai mặt. Tôi phải làm chứng.’ Lời chứng đó chính là dám nói những gì mà với đức tin, họ đã được thấy và được nghe. Hay nói khác đi, với Thần Khí, Đấng mà họ đã được lãnh nhận như quà tặng của Thiên Chúa, họ mạnh mẽ làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh.

Những vị thánh trong đời sống hằng ngày

Trong những giai đoạn lịch sử khó khăn, người ta thường nghe nói rằng: ‘Tổ quốc đang cần những anh hùng.’ Điều này rất đúng và hoàn toàn chính đáng. Nhưng tôi tự hỏi: ‘Giáo hội ngày hôm nay đang cần điều gì?’ Xin thưa: ‘Giáo hội đang cần những chứng nhân, đang cần những vị tử đạo.’ Giáo hội đang cần những chứng nhân, tức là những vị thánh, những vị thánh trong cuộc sống thường ngày. Họ là những người có một đời sống minh bạch, thống nhất với những gì họ nói, họ làm. Và họ sẵn sàng là những chứng nhân cho đến tận cùng, kể cả phải chết. Đây chính là những giọt máu sống động của Giáo hội. Đây cũng chính là những người giúp Giáo hội không ngừng tiến lên phía trước. Họ là những chứng nhân dám mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu đã phục sinh và Ngài đang sống. Họ đã làm chứng bằng chính đời sống tốt lành, thống nhất của mình, nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà họ đã được lãnh nhận như một quà tặng của Thiên Chúa.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha kêu gọi Công giáo và Methodist chứng tá bác ái

Đức Thánh Cha kêu gọi Công giáo và Methodist chứng tá bác ái

Đức Thánh Cha kêu gọi Công giáo và Tin Lành Methodist làm chứng tá bác ái

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Methodist làm chứng tá chung về bác ái cụ thể, và giúp đỡ lẫn nhau.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7-4-2016, dành cho phái đoàn Hội đồng Methodist thế giới, Methodist Âu Châu và Anh quốc, dưới sự hướng dẫn của ĐGM Oliveira và Mục Sư Powell. Phái đoàn đến Roma nhân dịp khánh thành Văn phòng Đại kết Methodist tại đây.

Trong lời chào mừng, ĐTC gọi việc thành lập văn phòng này là một dấu chỉ tăng cường quan hệ đại kết giữa Công Giáo và Methodist cũng như ước muốn chung vượt thắng những chướng ngại còn cản trở sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai bên. Ngài cũng nhắc đến công cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Methodist trong gần 50 năm qua và văn kiện chung đang được chuẩn bị và sẽ được công bố vào cuối năm nay với tựa đề ”Ơn gọi nên thánh”.

ĐTC nhận xét rằng các tín hữu Công Giáo và Methodist có thể học hỏi nhau nhiều điều về ý nghĩa và cách thức sống sự thánh thiện. ”Tất cả chúng ta phải làm hết sức để các thành phần các giáo xứ của chúng ta gặp gỡ nhau thường xuyên, biết nhau qua những trao đổi đầy khích lệ và khuyến khích nhau trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và ơn thánh của Người'.

ĐTC nhắc lại lời Mục Sư John Wesley, người khai sáng Tin Lành Methodist, trong thư gửi tín hữu Công Giáo Roma, viết rằng: các tín hữu Công Giáo và Methodist được kêu gọi giúp đỡ nhau trong bất kỳ điều gì .. dẫn đến Nước Chúa… Tuy chúng ta chưa thể suy nghĩ giống nhau trong mọi sự, nhưng ít là chúng ta có thể yêu thương giống nhau”.

ĐTC nói: ”Đúng vậy, chúng ta chưa thể nghĩ giống nhau trong mọi sự, và về những vấn đề liên quan đến các thừa tác vị thánh chứng và luân lý đạo đức vẫn còn nhiều công việc phải làm. Nhưng không có điều nào trong số những dị biệt ấy là chướng ngại cản trở, không cho chúng ta yêu thương giống nhau và làm chứng tá chung trước mặt thế giới. Đời sống chúng ta trong sự thánh thiện phải luôn bao gồm một việc phục vụ bác ái đối với thế giới; Công Giáo và Methodist phải cùng nhau dấn thân làm chứng vụ thể, trong nhiều lãnh vực, về lòng yêu mến đối với Chúa Kitô. Thực vậy, khi chúng ta cùng nhau phục vụ những người ở trong tình cảnh túng thiếu, thì tình hiệp thông của chúng ta gia tăng”.

Tin Lành Methodist hay cũng gọi là Phong trào Giám Lý do Mục Sư Anh Giáo John Wesley thành lập và tách rời khỏi Anh giáo từ năm 1784 và dần dần lan rộng ra các nơi trên thế giới. Tại Italia, giáo hội này chỉ có 7 ngàn tín đồ và hợp chung với Giáo Hội Tin Lành Valdesi thành một cộng đoàn với tổng cộng 45 ngàn tín hữu.

Hội đồng Methodist thế giới được thành lập năm 1881 qui tụ 80 hệ phái tại 133 quốc gia với khoảng 80 triệu tín đồ (SD 7-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Kitô hữu sống sự hòa hợp của Thần Khí chứ không phải sự yên ổn do thỏa hiệp

Kitô hữu sống sự hòa hợp của Thần Khí chứ không phải sự yên ổn do thỏa hiệp

Thánh lễ sáng thứ ba, 06.04

VATICAN. “Không thể lẫn lộn sự hòa hợp ngự trị trong cộng đoàn Kitô hữu, là hoa trái của Thần Khí, với sự ‘yên ổn’ có được do dàn xếp, thương lượng thường che đậy đi những xung đột và chia rẽ bên trong. Một cộng đoàn được hợp nhất trong Đức Kitô cũng là một cộng đoàn tràn đầy sức mạnh và can đảm.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 05.04, tại nguyện đường thánh Marta.

Một lòng một ý, không ai phải thiếu thốn, mỗi người được phân phát tùy theo nhu cầu. Đó là bức tranh mà sách Công vụ Tông Đồ miêu tả lại. Từ bức tranh ấy, xuất hiện một từ có thể tổng hợp tất cả những tình cảm và lối sống của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, đó là: hòa hợp.

Tiền bạc – kẻ thù gây chia rẽ

Chúng ta có thể đồng thuận với nhau một tình trạng hòa bình nhất định nào đó. Nhưng sự hòa hợp là một ân sủng nội tâm chỉ có Chúa Thánh Thần mới thực hiện được. Và những cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã sống trong sự hòa hợp đó chứ không phải tình trạng yên ổn do thỏa hiệp. Có hai dấu hiệu của sự hòa hợp: không ai phải thiếu thốn và mọi sự đều là của chung. Điều ấy có nghĩa là gì? Họ sống với nhau chỉ có một lòng một ý, không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Thật sự không ai trong số họ phải thiếu thốn. Sự hòa hợp đích thực của Chúa Thánh Thần lại có một sự liên hệ trái ngược rất mạnh mẽ với tiền bạc: tiền chính là kẻ thù của sự hòa hợp, tiền là sự quy kỷ. Vì thế, dấu hiệu của sự hòa hợp là mọi người biết cho đi tất cả những gì mình có, vì họ không còn thiếu thốn nữa.

Sự yên ổn do thỏa hiệp – một tình trạng mong manh

Sách Công vụ Tông Đồ kể lại rằng ông Banaba đã bán tất cả vườn tược của mình, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Nhưng ngay sau đó, câu chuyện thuật lại một chi tiết khác có phần trái ngược với lúc đầu. Chi tiết này không được nhắc đến trong bài đọc một hôm nay: Có một người tên là Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Hai ông bà giả vờ đã đưa tất cả số tiền cho các Tông Đồ, nhưng thật ra là giữ lại một phần tiền. Chọn lựa này đã khiến họ phải trả một giá rất cay đắng là cái chết. Thiên Chúa và tiền bạc là hai ông chủ mà những người tôi tớ phục vụ không được lẫn lộn. Và như thế, cũng rất có nguy cơ, người ta sẽ nhầm lẫn hòa hợp với sự yên ổn chóng qua do thỏa hiệp.

Một cộng đoàn có thể rất yên ổn, tốt đẹp; mọi sự đều suôn sẻ nhưng không hề có hòa hợp. Thật vậy, có lần tôi đã nghe được từ một vị Giám mục một điều khá lý thú: ‘Trong giáo phận, tình hình rất yên ắng. Nhưng nếu bạn chỉ cần đụng vào vấn đề này; vâng, chỉ cần đụng vào vấn đề này thôi, thì ngay lập tức chiến tranh sẽ bùng nổ.’ Đúng là một sự hòa hợp do thỏa hiệp! Và đó không phải là sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần. Chúng ta gọi đó là sự hòa hợp giả tạo, giống như trường hợp của ông Khanania và vợ là bà Xaphira với tất cả những gì mà họ đã làm.

Thần Khí và ơn can đảm

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng việc mời gọi mọi người cùng đọc lại sách Công vụ Tông Đồ về những Kitô hữu sơ khai và đời sống chung của họ: “Sẽ thật tốt nếu chúng ta biết cách để làm chứng tá trong những môi trường mà chúng ta đang sống. Sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta lòng quảng đại để không giữ bất cứ gì làm của riêng, cho dù có thiếu thốn. Sự hòa hợp ấy ban cho chúng ta một thái độ thứ hai: ‘Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng’. Điều này có nghĩa là các ông được ơn can đảm. Khi có sự hòa hợp trong Giáo hội, trong cộng đoàn thì sẽ có sự can đảm, can đảm để làm chứng về Thiên Chúa Phục Sinh.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Một cộng đoàn Phanxicô mới được thành lập ở Smyrna

Một cộng đoàn Phanxicô mới được thành lập ở Smyrna

Cha M. Perry dòng Phanxicô

Istanbul –  “Làm chứng cho Tin Mừng bằng cách thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn và đối thoại văn hóa theo phương pháp và tấm gương của thánh Phanxicô thành Assisi”, là tinh thần mà các tu sĩ Phanxicô dõi theo khi thành lập một cộng đoàn mới ở Smyrna, thuộc trung đông của Thổ nhĩ kỳ. Ban tổng cố vấn của dòng Anh em Hèn mọn, thường được gọi là Phanxicô, đã cho hãng tin Fides biết là Bề trên Tổng quyền, cha Michael A. Perry và Ban tổng cố vấn đã quyết định thành lập một cộng đoàn mới ở Smyrna để đồng hành với cộng đoàn hiện tại ở Istanbul. Cộng đoàn mới này là một cộng đoàn  quốc tế, bao gồm các tu sĩ đến từ mọi ngõ ngách của thế giới.

Ý tưởng thành lập cộng đoàn quốc tế này của cha Hermann Schalück, cựu Bề trên Tổng quyền của Dòng, đã xuất hiện trong chuyến viếng thăm Đức Bartholomew I. Vài năm sau, một cộng đoàn đầu tiên hoạt động cho đối thoại đại kết và liên tôn được xây dựng ở Istanbul. Nó làm chứng cho một cách sống loan báo Tin mừng, thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn, hiệp thông với Giáo hội địa phương và cung cấp một hoạt động huấn luyện trường kỳ cho Dòng. 12 năm đã qua và bây giờ một cộng đoàn thứ hai xuất hiện.

Các tu sĩ Phanxicô ở Istanbul giải thích là “chiều kích rao giảng Tin mừng được sống chính yếu trong việc phát triển đối thoại đại kết và liên tôn. Những hoạt động thường niên bao gồm tuần cầu nguyện cho hiệp nhất, trao đổi và viếng thăm các anh em Hồi giáo trong tháng Ramadan, một khóa thường huấn về đối thoại đại kết và liên tôn đã được tổ chức 12 lần, một buổi họp mặt cầu nguyện theo tinh thần Assisi, cũng như các hoạt động khác tại Giáo hội địa phương. (Agenzia Fides 06/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Thánh Cha Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

Đức Thánh Cha Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

Đức Thánh Cha Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

Ottawa, Ontario – Đức Tổng Giám Mục Luigi Bonazzi, sứ thần Tòa Thánh tại Canada cho biết là Đức Thánh Cha Phanxicô đang xem xét lời mời thăm  Canada, nơi mà các thổ dân mong đợi Ngài sẽ xin lỗi về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc điều hành các trường nội trú của người bản địa.

Vào năm ngoái, Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada được thiết lập để điều tra những điều đã xảy ra trong các trường nội trú do chính phủ tài trợ, được điều hành bởi các tổ chức của các Giáo hội, trong đó Giáo hội Công giáo điều hành khoảng 60% số trường này. Nhiệm vụ của ủy ban là đưa ra một thu thập các thảm kịch của các trường nội trú dành cho người bản địa và kiểm tra hậu quả của chính sách kéo dài 130 năm đã phân chia 150 ngàn trẻ em bản địa khỏi gia đình của các em. Ủy ban hy vọng sẽ tạo dựng sự hòa giải giữa các thổ dân và phần còn lại của Canada. Ủy ban đã đưa ra 94 mời gọi hành động. Một trong số này là Đức Thánh Cha sẽ xin lỗi, ngay tại đất nước Canada, về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc điều hành các trường nội trú của người bản địa.

Marie Wilson, một thành viên của ủy ban, đã nói trong cuộc họp báo ở Ottawa ngày 20 tháng 3 rằng: “chúng tôi đã nghe nhiều người sống sót nói : ‘Giáo hội của tôi không xin lỗi tôi.’” Được hỏi là lời xin lỗi của Đức Thánh Cha có đủ không, bà nói: “Tôi chắc chắn là không đủ. Nó chỉ là một sự chuyển tiến thôi. Không có một điều gì là hoàn hảo cho mọi người, nhưng chúng tôi phải tiếp tục cố gắng.” Bà cũng nhận là nhiều Giám mục và các tổ chức Công giáo đã xin lỗi trong nhiều năm qua, nhưng 7000 nhân chứng làm chứng trước ủy ban Sự thật và Hòa giải là họ muốn một lời đáp của toàn thể. Bởi vì Giáo hội Công giáo ở Canada bao gồm nhiều giáo phận và thực thể, một đáp trả duy nhất của Công giáo là không thể.

Cựu thủ tướng Canada cũng đã thảo luận với Đức Thánh Cha Phanxicô  về vấn đề này khi ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô   tại Vatican vào năm ngoái. Chủ tịch quốc gia của Hiệp hội các thổ dân đã yêu cầu ông nêu vấn đề này với Đức Thánh Cha và yêu cầu ngài xin lỗi công khai.

Đáp lại lời mời gọi trong báo cáo của ủy ban Sự thật và Hòa giải, Hội đồng Giám mục Canada đã đưa ra một tài liệu, trong đó vạch ra các bước để hướng dẫn các Giám mục Công giáo sửa lại những sai lầm của quá khứ bằng một “dấn thân cụ thể để chữa lành những bất công kéo dài”. Các bước này bao gồm những cố gắng để đảm bảo là các tổ chức Công giáo trình bày một lịch sử chân thật về cuộc gặp gỡ với người bản địa, và các tác hại của việc bỏ qua hay coi nhẹ các điều ước.

Tài liệu cũng bao gồm việc thành lập các hoạt động tương tác với các cộng đồng bản địa, là phần của đối thoại hiệp nhất và liên tôn; hành động để cải tiến các dịch vụ y tế toàn diện; khuyến khích một phương thế phục hồi công lý để chống lại tỷ lệ bị bắt giam cao nơi các cộng đồng này; ủng hộ các cuộc điều tra quốc gia về số phụ nữ bản địa mất tích và bị giết; giúp đỡ các cộng đồng người bản địa xây dựng các chương trình giáo dục để phát triển văn hóa và kinh nghiệm của họ; và các Giám mục và các lãnh đạo Công giáo kêu gọi các giáo dân suy tư về tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân bản địa để tuyên ngôn được ủng hộ và thực hiên. Các Giám mục nói là không có vấn đề trong việc tái khẳng định sự ủng hộ của họ về tuyên ngôn của Liên Hợp quốc. Các ngài  tuyên bố rằng: “tinh thần của tuyên ngôn này chỉ ra một con đường tiến tới hòa giải giữa người bản địa và những người không phải là bản địa ở Canada.” Hội đồng Giám mục cũng ra một tài liệu bác bỏ những ý niệm và nguyên tắc bất hợp pháp phản ánh trong học thuyết khám phá của thế kỷ 15. Học thuyết này đã được dùng để biện minh cho việc chiếm đất của người dân bản địa từ cuộc định cư ởBắc Mỹ của người châu Âu. (Catholic News Service 05/04/2016

Hồng Thủy OP

Kitô hữu sống sự hòa hợp của Thần Khí chứ không phải sự yên ổn do thỏa hiệp

Kitô hữu sống sự hòa hợp của Thần Khí chứ không phải sự yên ổn do thỏa hiệp

Thánh lễ sáng thứ ba, 06.04

VATICAN. “Không thể lẫn lộn sự hòa hợp ngự trị trong cộng đoàn Kitô hữu, là hoa trái của Thần Khí, với sự ‘yên ổn’ có được do dàn xếp, thương lượng thường che đậy đi những xung đột và chia rẽ bên trong. Một cộng đoàn được hợp nhất trong Đức Kitô cũng là một cộng đoàn tràn đầy sức mạnh và can đảm.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 05 tháng 04, tại nguyện đường thánh Martha.

Một lòng một ý, không ai phải thiếu thốn, mỗi người được phân phát tùy theo nhu cầu. Đó là bức tranh mà sách Công vụ Tông Đồ miêu tả lại. Từ bức tranh ấy, xuất hiện một từ có thể tổng hợp tất cả những tình cảm và lối sống của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, đó là: hòa hợp.

Tiền bạc – kẻ thù gây chia rẽ

Chúng ta có thể đồng thuận với nhau một tình trạng hòa bình nhất định nào đó. Nhưng sự hòa hợp là một ân sủng nội tâm chỉ có Chúa Thánh Thần mới thực hiện được. Và những cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã sống trong sự hòa hợp đó chứ không phải tình trạng yên ổn do thỏa hiệp. Có hai dấu hiệu của sự hòa hợp: không ai phải thiếu thốn và mọi sự đều là của chung. Điều ấy có nghĩa là gì? Họ sống với nhau chỉ có một lòng một ý, không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Thật sự không ai trong số họ phải thiếu thốn. Sự hòa hợp đích thực của Chúa Thánh Thần lại có một sự liên hệ trái ngược rất mạnh mẽ với tiền bạc: tiền chính là kẻ thù của sự hòa hợp, tiền là sự quy kỷ. Vì thế, dấu hiệu của sự hòa hợp là mọi người biết cho đi tất cả những gì mình có, vì họ không còn thiếu thốn nữa.

Sự yên ổn do thỏa hiệp – một tình trạng mong manh

Sách Công vụ Tông Đồ kể lại rằng ông Banaba đã bán tất cả vườn tược của mình, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Nhưng ngay sau đó, câu chuyện thuật lại một chi tiết khác có phần trái ngược với lúc đầu. Chi tiết này không được nhắc đến trong bài đọc một hôm nay: Có một người tên là Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Hai ông bà giả vờ đã đưa tất cả số tiền cho các Tông Đồ, nhưng thật ra là giữ lại một phần tiền. Chọn lựa này đã khiến họ phải trả một giá rất cay đắng là cái chết. Thiên Chúa và tiền bạc là hai ông chủ mà những người tôi tớ phục vụ không được lẫn lộn. Và như thế, cũng rất có nguy cơ, người ta sẽ nhầm lẫn hòa hợp với sự yên ổn chóng qua do thỏa hiệp.

Một cộng đoàn có thể rất yên ổn, tốt đẹp; mọi sự đều suôn sẻ nhưng không hề có hòa hợp. Thật vậy, có lần tôi đã nghe được từ một vị Giám mục một điều khá lý thú: ‘Trong giáo phận, tình hình rất yên ắng. Nhưng nếu bạn chỉ cần đụng vào vấn đề này; vâng, chỉ cần đụng vào vấn đề này thôi, thì ngay lập tức chiến tranh sẽ bùng nổ.’ Đúng là một sự hòa hợp do thỏa hiệp! Và đó không phải là sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần. Chúng ta gọi đó là sự hòa hợp giả tạo, giống như trường hợp của ông Khanania và vợ là bà Xaphira với tất cả những gì mà họ đã làm.

Thần Khí và ơn can đảm

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng việc mời gọi mọi người cùng đọc lại sách Công vụ Tông Đồ về những Kitô hữu sơ khai và đời sống chung của họ: “Sẽ thật tốt nếu chúng ta biết cách để làm chứng tá trong những môi trường mà chúng ta đang sống. Sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta lòng quảng đại để không giữ bất cứ gì làm của riêng, cho dù có thiếu thốn. Sự hòa hợp ấy ban cho chúng ta một thái độ thứ hai: ‘Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng’. Điều này có nghĩa là các ông được ơn can đảm. Khi có sự hòa hợp trong Giáo hội, trong cộng đoàn thì sẽ có sự can đảm, can đảm để làm chứng về Thiên Chúa Phục Sinh.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha kêu gọi lạc quyên giúp Ukraine

Đức Thánh Cha kêu gọi lạc quyên giúp Ukraine

Đức Thánh Cha kêu gọi lạc quyên giúp Ukraine

LVOV. Tình hình dân chúng tại Ukraine ngày càng bi thảm khiến ĐTC phải lên tiếng kêu gọi lạc quyên trong các nhà thờ ở Âu Châu vào chúa nhật 24-4 tới đây để cứu trợ.

Ngoài ra, một sứ điệp liên đới của ĐTC cũng được Đức TGM Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, mang đến và công bố trong thánh lễ chúa nhật phục sinh cử hành tại miền Donetsk ở mạn đông Ukraine.

Trong số những người cần được trợ giúp có 800 ngàn người sống dọc theo con đường phân chia khu vực do chính phủ Ucraina kiểm soát và 2 triệu 700 ngàn người trong những vùng ở ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Có nửa triệu người rất cần được trợ giúp về lương thực.

Nhu cầu trong lãnh vực y tế cũng rất lớn, nhất là các phụ nữ có thai và sinh con, trong khi nguy cơ lan tràn bệnh Sida và lao phổi rất trầm trọng, thiếu thuốc mê và insulin cho người bị bệnh tiểu đường. Nhiều cuộc giải phẫu được thực hiện mà không có thuốc mê.

1 triệu 300 ngàn người có nguy cơ không được nước trong lành để uống, trong khi khí đốt và điện thường bị cúp. 2 triệu 300 ngàn người thiếu thuốc men và săn sóc y tế. Có 200 ngàn trẻ em tị nạn trong những vùng ở Ucraina ngoài khu vực có xung đột.

Các tín hữu Công Giáo chiếm 10% dân số ở Cộng hòa Ukraine, và tuy là thiểu số bé nhỏ trong những vùng xung đột, họ có những cơ cấu hiệu năng và động viên để trợ giúp những người túng thiếu.

Đức Thánh Cha kêu gọi

Trưa chúa nhật 3-4-2016, vào cuối thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đặc biệt nhắc đến các dân tộc đang khao khát sự hòa giải và hòa bình hơn ai khác, nhất là những người đang chịu hậu quả của bạo lực ở Ucraina: những người ở lại trong những vùng bị xáo trộn vì các hành vi thù nghịch làm cho nhiều ngàn người chết và hơn 1 triệu người phải đi lánh nạn vì tình trạng trầm trọng kéo dài. Trong số những người bị liên hệ có những người già và trẻ em. ĐTC nói:

”Ngoài việc liên lỷ nghĩ đến họ và tháp tùng họ bằng lời cầu nguyện, tôi cảm thấy cần quyết định cổ võ một sự trợ giúp nhân đạo cho họ. Với mục đích ấy, sẽ có một cuộc lạc quyên đặc biệt trong tất cả các nhà thờ Công Giáo ở Âu Châu chúa nhật 24-4 tới đây. Tôi mời gọi tất cả các tín hữu hiệp với sáng kiến này với sự đóng góp quảng đại. Cử chỉ bác ái này không những thoa dịu những đau khổ về vật chất, nhưng còn muốn bày tỏ sự gần gủi và liên đới của tôi và của toàn thể Giáo Hội. Tôi nồng nhiệt cầu mong cử chỉ này có thể mau lẹ thăng tiến hòa bình và tôn trọng công pháp ở phần đất đã bị thử thách đau thương rất nhiều như thế”.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, là cơ quan bác ái của ĐTC, sẽ phối hợp và quản lý ngân khoản lạc quyên được để giúp đỡ dân chúng và người tị nạn Ukraine. (SD 3-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Kitô hữu là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’

Kitô hữu là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’

Thánh lễ Truyền Tin, thứ hai, 04.04.2016

VATICAN. “Hãy tự hỏi mình xem liệu tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay là người luôn quay mặt giả điếc làm không thèm trả lời.” Đây là một trong những thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng thánh lễ sáng hôm nay, thứ 2, ngày 04.04, tại nguyện đường Thánh Marta. Đây là thánh lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha tại nguyện đường này sau thời gian nghỉ lễ Phục Sinh. Khởi đi từ Lễ Truyền Tin hôm nay, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: “Chính tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria đã mở ra cách cửa dẫn đến tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu.”

Áp-ra-ham đã vâng phục Thiên Chúa, đã thưa tiếng ‘vâng’ trước lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng rời bỏ vùng đất bấy lâu nay đã sống để lên đường đi đến nơi ông không hề biết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng của mình vào ‘chuỗi dây của những tiếng xin vâng’, được bắt đầu với Áp-ra-ham. Khi đề cập trến biến cố Truyền Tin, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng căn tính của con người, ngay cả của những người thời cổ xưa như Áp-ra-ham và Mô-sê, chính là biết đáp tiếng ‘xin vâng’ trước sự kỳ vọng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghĩ đến Isaia, khi Thiên Chúa sai ông đi nói chuyện với dân chúng, dường như ông đã do dự và trả lời rằng ‘môi miệng ông ô uế’.

Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria mở ra cánh cửa để dẫn tới tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu

Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng của Isaia và ông đã thưa ‘xin vâng’. Điều này cũng xảy ra với tiên tri Giê-rê-mia khi ông nhận thấy mình không biết ăn nói, nhưng sau đó ông đã đáp ‘‘xin vâng’’ với Thiên Chúa. Ngày hôm nay, tin Mừng nói với chúng ta điểm cuối cùng của chuỗi dây ‘xin vâng’ ấy, được bắt đầu từ một tiếng ‘xin vâng’ khác: đó chính là tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria. Với tiếng ‘xin vâng’ này, Thiên Chúa không chỉ còn là ghé mắt nhìn đến Dân Người, hay bước đi đồng hành với Dân Người nữa, nhưng Thiên Chúa đã thực sự trở nên một người trong chúng ta và mang lấy thân xác phàm nhân. Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria đã mở ra cánh cửa dẫn tới tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu: ‘Con đến để thực thi ý Chúa.’ Đức Giêsu đã cùng với tiếng ‘xin vâng’ này bước trọn cuộc hành trình dương thế, đến tận cây Thánh Giá. Trong giây phút sắp phải chịu khổ hình, Đức Giêsu đã xin Cha cất chén đắng đi. Nhưng ngay lập tức, Ngài cũng thưa tiếng ‘xin vâng’, ‘một theo ý Cha, đừng theo ý con. Như vậy, nơi Đức Giêsu, có tiếng ‘‘xin vâng’’ của Thiên Chúa. Chính Ngài là hiện thân của sự vâng phục.

Trong tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria, có tiếng 'xin vâng' của tất cả lịch sử cứu độ

Hôm nay là một ngày tuyệt đẹp để chúng ra cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường ‘xin vâng’, và cũng là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ, phản tỉnh về đời sống của mình. Tất cả chúng ta, trong những ngày sống, cần phải nói ‘xin vâng’ hoặc ‘từ chối’, và đôi khi chúng ta nói ‘vâng’ hoặc nhiều lần chúng ta cúi thấp đầu xuống lẩn trốn như Adam và Eva, để không nói ‘từ chối’ khi phải làm điều gì đó ta không hiểu được. Điều chúng ta không hiểu là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi. Hôm nay là ngày lễ ‘xin vâng’. Trong tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria, có tiếng ‘xin vâng’ của tất cả lịch sử cứu độ, và từ đó, tiếng ‘xin vâng’ cuối cùng của con người và của Thiên Chúa đã bắt đầu.

Chúng ta có là những người ‘xin vâng’

Với tiếng ‘vâng’ từ thủa ban đầu, Thiên Chúa đã tác tạo vũ trụ và con người. Đó là một công trình tạo dựng tuyệt đẹp. Và ngày hôm nay, cũng với tiếng ‘xin vâng’, Thiên Chúa đã tái tạo vũ trụ và tất cả chúng ta thành những thụ đạo đẹp đẽ nhất. Tiếng ‘xin vâng’ của Thiên Chúa, Đấng đã thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta không ngừng tiến lên phía trước trong Đức Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và cũng để tự tra vấn mình: Tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay chỉ biết nói ‘từ chối’, hay  tôi là người giả điếc làm ngơ không thèm trả lời? Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để bước đi trên con đường của những người biết thưa tiếng ‘xin vâng’.

Sau bài giảng, các nữ tu Dòng Thánh Vinh Sơn đã lặp lại lời khấn. Các sơ cũng là những người phục vụ tại Nhà trọ Thánh Marta. Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các sơ thực hiện việc nhắc lại lời khấn đều đặn mỗi năm. Thánh Vinh Sơn rất khôn ngoan khi ngài biết bằng sứ vụ mà các sơ đảm nhận khó khăn vất vả. Bởi vậy, ngài muốn con cái của mình phải nhắc lại nhữnglời khấn hứa ấy hằng năm.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Các trẻ em truyền giáo giảng giải Tin mừng cho các bạn ở Adaba

Các trẻ em truyền giáo giảng giải Tin mừng cho các bạn ở Adaba

Các trẻ em truyền giáo Adaba

Adaba – Ở Etiopia vẫn còn là mùa Chay. Các công việc chuẩn bị cho lễ Phục sinh vẫn đang được tiếp tục, giống như các hoạt động của các cộng đoàn Công giáo nhỏ ở Oromia. Năm nay các Giáo hội Ki-tô theo lich Giuliano sẽ cử hành lễ Phục sinh 5 tuần sau các Giáo hội theo lịch Gregoriano, ví dụ như Công giáo Latin.

Một nhóm nhỏ các thanh thiếu niên của cộng đoàn Adaba, thuộc Phủ doãn Tông tòa Robe vẫn tiếp tục tiếp bước trên con đường truyền giáo của mình với hy vọng và lòng nhiệt thành. Được hướng dẫn bởi một Linh mục của “Hồng ân đức tin”, từ gần một năm nay, các em đã trở thành những nhà truyền giáo thật sự và cùng với vị Linh mục này, các em cũng bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho cả cộng đoàn Herero cách Adaba khoảng vài cây số.

Các nhà truyền giáo nhỏ mang theo những cuốn sách giáo lý nhỏ với những hình ảnh để giảng  giải cho các bạn bè của mình những điều được viết trong giáo lý. Vị linh mục hướng dẫn cho biết: “Chúa nhật mùng 3 tháng 4 hôm qua, chúng tôi đã chở các em bằng 4 chiếc xe từ Adaba và Dodola đến Kofale để cử hành Năm thánh Lòng Thương xót. Sau đó chúng tôi đã cử hành Thánh lễ và dùng bữa trưa với nhau.” Cha nói thêm: “hiện giờ có khoảng 40 trẻ em và thiếu niên đang ở Herero và các em đang kết bạn với nhau. Mọi người không biết ngay cả các em thuộc tôn giáo nào, phần lớn là Chính thống giáo. Tuy nhiên các em là những nhà truyền giáo trẻ em nhiệt thành. (Agenzia Fides 4/4/2016)

Hồng Thủy OP

 

Sự phủ quyết của chính quyền bangVirginia đe dọa luật tự do tôn giáo

Sự phủ quyết của chính quyền bangVirginia đe dọa luật tự do tôn giáo

Richmond – Việc phủ quyết dự luật tự do tôn giáo có nghĩa là những nhóm, dựa trên đức tin, ủng hộ hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, sẽ không có sự bảo vệ cần thiết.

Ngày 30 tháng 3 vừa qua, các Hội đồng Công giáo bang Virginia đã bày tỏ sự thất vọng bởi quyết định của chính quyền bang Virginia. Hội đồng nói: “Sự phủ quyết này đe dọa phá hủy truyền thống lâu đời từ thời Thomas Jefferson, là ủng hộ tự do tôn giáo của các cộng đoàn đức tin.”

Dự luật tự do tôn giáo trên cấm bang Virginia xử phạt các nhóm tôn giáo hành xử theo niềm tin chân thành rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Dự luật này đã được thông qua bởi Hạ viện với số phiếu 59 -38 và Thượng viện với số phiếu 21-19. Dự luật này bảo đảm các chức sắc và tổ chức tôn giáo không bị xử phạt bởi chính quyền. Dự luật cũng bảo vệ các cá nhân và tổ chức khỏi trách nhiệm dân sự.

Thống đốc Terry McAuliffe, thuộc đảng Dân chủ, đã phủ quyết đạo luật trên chương trình phát thanh trực tiếp, tuyên bố rằng việc ký đạo luật “sẽ làm cho Virginia không chào đón các cặp hôn nhân đồng tính trong khi tạo nên một cảm giác sợ hãi và bắt bớ giữa các cộng đoàn tôn giáo của chúng tôi”. Ông cũng trưng ra sự phản đối của các lãnh đạo công ty, cho là điều này xấu cho các doanh nghiệp. Nhưng hội đồng Công giáo nói là đạo luật không áp dụng cho các doanh nghiệp, nhưng chỉ khẳng định quyền của các tổ chức tôn giáo được theo niềm tin tôn giáo của họ. Hội đồng Công giáo cũng cáo buộc phủ quyết của thống đốc Terry McAuliffe gạt ra ngoài lề các tín hữu, những người tin vào chân lý vượt thời gian của hôn nhân. Tuyên bố của hội đồng là “luật pháp nên bảo đảm việc tiếp cận công bằng các nguồn lực quốc gia cho các chức sắc và các tổ chức tôn giáo, bao gồm các tổ chức từ thiện và trường học. Hôn nhân là định chế đầu tiên, được viết bằng luật tự nhiên và tồn tại trước bất kỳ chính quyền hay tôn giáo nào,  và là giữa một người nam và người nữ. Nhìn nhận và tôn vinh định chế này không phải là kỳ thị, nhưng dùng đức tin của con người chống lại họ thì chắc chắn là kỳ thị.”

Nghị sĩ Charles W. Carrico ủng hộ đạo luật, ông cho là sẽ có những vụ kiện chống lại các Giáo hội. Ông nói: “Tôi nghĩ là hiện giờ khắp nước đang có một khuynh hướng thúc đẩy niềm tin đồng tính, và tôi nghĩ anh chị em thấy khuynh hướng đó đang xảy ra trên quy mô rộng lớn.” Theo Associated Press, cơ quan lập pháp Virginia có thể hủy bỏ quyền phủ quyết, nhưng điều này khó có thể xảy ra.

Các đạo luật về tự do tôn giáo khác cũng gặp những sự chống đối đáng kể trong những năm gần đây. Thống đốc đảng Cộng hòa Nathan Deal đã phủ quyết một dự luật bảo vệ tự do tôn giáo được đề xuất. Ở vài bang và ở thủ đô Washington, những luật mới và các quyết định tài trợ đã đóng lại đối với các cơ quan nhận con nuôi của Công giáo với lý do là Công giáo không cho các cặp đồng tính nhận các trẻ em. Vài trường học Công giáo cũng trở thành mục tiêu của các vụ kiện từ các nhân viên bị sa thải vì vi phạm các chuẩn mực đạo đức về luân lý tình dục.

Các quỹ tài trợ giàu có như Ford Foundation, Arcus Foundation và quỹ Evelyn và Walter Haas Jr. đã đổ hàng triệu USD vào các nhóm pháp luật, các dự án trường học về luật và các nhóm hoạt động để chống lại sự bảo vệ tự do tôn giáo. (Catholic News Agency 04/04/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức kính Lòng Chúa Thương Xót

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức kính Lòng Chúa Thương Xót

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức cầu nguyện kính Lòng Thương Xót

VATICAN. Lúc 6 giờ chiều 2-4-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp áp lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa.

Hôm 2-4 cũng là lễ giỗ lần thứ 11 Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 qua đời. Tham dự buổi canh thức có đông đảo tín hữu từ các nơi.

Trước khi ĐTC tới Quảng trường, từ lúc 4 giờ rưỡi chiều, các tham dự viên đã sinh hoạt với các bài thánh ca, chứng từ, và hoạt cảnh, qua 3 hiệp xoay quanh chủ đề: Lòng Thương Xót, kho tàng của Giáo Hội, Lòng thương xót, nguồn mạch Hy Vọng, và sau cùng là các chứng nhân hy vọng.

ĐTC tiến vào Quảng trường lúc 6 giờ và chính thức bắt đầu buổi canh thức qua 5 giai đoạn: mỗi giai đoạn gồm một bài đọc sách thánh, và một bài suy niệm rồi các ý chỉ cầu nguyện, sau đó là lời nguyện do ĐTC tuyên đọc. Giai đoạn thứ 5 gồm bài đọc từ cách ngôn sứ Isaia, một đoạn trong nhật ký của Thánh nữ Faustina Kowalska, sau cùng là bài Tin Mừng theo thánh Gioan (20,19-31) thuật lại sự tích Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ và bảo thánh Tomasô cứng lòng tin xỏ ngón tay vào cạnh sườn và các lỗ đinh của Ngài.

Bài Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa và tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong mạc khải của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Lật qua các trang Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng lòng thương xót trước tiên là sự gần gũi của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Một sự gần gũi được biểu lộ chủ yếu qua sự giúp đỡ và bảo vệ. Đó là sự gần gũi của một người cha và một người mẹ được phản ánh như một hình ảnh đẹp được ngôn sứ Osea trình bày (11,4).

ĐTC khẳng định rằng: ”Trong Chúa Giêsu, không những chúng ta đụng chạm cụ thể đến lòng thương xót của Chúa Cha, nhưng còn được thúc đẩy để chính chúng ta trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa. Nói về lòng thương xót, có thể là dễ, nhưng trở thành những chứng nhân về lòng thương xót, là điều đòi nhiều cố gắng hơn”.

ĐTC cũng nhắc đến bao nhiêu khuôn mặt Lòng thương xót của Chúa! Lòng thương xót này được biểu lộ cho chúng ta như sự gần gũi và dịu dàng, nhưng cũng được biểu lộ qua sự cảm thương và chia sẻ, như an ủi và tha thứ. Ai nhận được nhiều, thì cũng được kêu gọi cống hiến và chia sẻ nhiều hơn; không thể giữ riêng cho mình mà thôi.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, lòng thương xót không bao giờ có thể để cho chúng ta ở yên. Chính tình thương của Chúa Kitô làm cho chúng ta ”bất an”, bao lâu chúng ta chưa đạt tới mục đích; lòng thương xót thúc đẩy chúng ta ôm lấy và xiết quanh chúng ta, làm cho nhiều người đang cần lòng thương xót được can dự vào để mọi người được hòa giải với Chúa Cha (Xc 2 Cr 5,14-20). Chúng ta không được sợ hãi, chính tình thương đi tới chúng ta và thúc đẩy chúng ta can dự, để vượt qua chính mình, để chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những người anh chị em chúng ta' (SD 2-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Lòng thương xót của Thiên Chúa không mệt mỏi trước các con tim khép kín

Lòng thương xót của Thiên Chúa không mệt mỏi trước các con tim khép kín

ĐTC Phanxicô chào tín hữu sau Thánh Lễ Chúa Nhật Lòng Thương Xót 3-4-2016

Thánh lễ và Kinh Lạy Nữ Vưong Thiên Đàng Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót

Lúc 10 giờ rưỡi sáng hôm qua Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, đã có hơn 80,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại thềm Đền Thờ Thánh Phêrô. Thứ bẩy vừa qua cũng là ngày kỷ niệm 11 năm Đức Gioan Phaolô II qua đời chiều tối trước lễ Lòng Chúa Thương Xót.

Cùng đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 40 Giám Mục và 500 Linh Mục. Một số trong các vị hướng dẫn tín hữu về Roma hành hương Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Giảng trong thánh lễ ĐTC đã mời gọi mọi người đừng bao giờ mệt mỏi kín múc lòng thương xót nơi Thiên Chúa Cha và đem nó đến cho toàn thế giới, sống thương xót và phổ biến sức mạnh của Tin Mừng khắp nơi.

Mở đầu bài giảng ngài nói:

Tin Mừng là cuốn sách của lòng thương xót của Thiên Chúa, cần đọc đi đọc lại, bởi vì những gì Chúa Giêsu đã nói và làm diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Nhưng không phải tất cả đều đã được viết; Tin Mừng Lòng Thương Xót là môt cuốn sách rộng mở, nơi được tiếp tục viết các dấu chỉ của các môn đệ Chúa Kitô, các cử chỉ cụ thể của tình yêu là chứng tá tốt đẹp nhất của lòng thương xót. Chúng ta tất cả đều được mời gọi trở thành những người viết sống động của Tin Mừng, trở thành những người đem Tin Mừng tới cho mọi người nam nữ ngày nay. Chúng ta có thể làm điều đó, khi thực hiện các công việc của lòng thương xót thể lý và tinh thần, là kiểu sống của cuộc đời kitô. Qua các cử chỉ đơn sơ và mạnh mẽ, đôi khi vô hình đó, chúng ta có thế thăm viếng những người có nhu cầu, bằng cách đem đến cho họ sự dịu hiền và ủi an của Thiên Chúa. Và như thế chúng ta tiếp tục điều Chúa Giêsu đã làm trong ngày Phục Sinh, khi Ngài đổ vào con tim các môn đệ đang sợ hãi lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, và ban cho các vị Chúa Thánh Thần, tha thứ tội lỗi và trao ban niềm vui.

Tuy nhiên, trong trình thuật Phúc Âm chúng ta cũng tìm thấy sự mâu thuẫn hiển nhiên: một đàng là sự sợ hãi của các môn đệ đóng kín cửa nhà; đàng khác là sứ mệnh đến từ Chúa Giêsu, là Đấng gửi họ vào lòng thế giới để loan báo ơn tha thứ. Sự mâu thuẫn này cũng có thể có nơi chúng ta, một cuộc chiến nội tâm giữa sự đóng kín con tim và lời mời gọi của tình yêu mở rộng cửa và đi ra khỏi chính mình. Chúa Kitô, Đấng vì tình yêu, đã vào qua các cửa đóng kín của tội lỗi, cái chết và âm phủ, cũng ước ao vào từng người trong chúng ta để mở toang các cánh cửa đóng kín của con tim chúng ta. Với sự phục sinh Ngài đã chiến thắng sự sợ hãi giam cầm chúng ta, Ngài muốn mở toang các cánh cửa đóng kín của chúng ta và gửi chúng ta ra đi. Con đường, mà vị Thầy phục sinh chỉ cho chúng ta, chỉ có một chiều: ra khỏi chính mình để làm chứng cho sức mạnh chữa lành của tình yêu, mà Ngài đã chinh phục cho chúng ta. Chúng ta thường thấy trước mắt một nhân loại bị thương tích và sợ hãi, một nhân loại mang trên mình các vết thương của khổ đau và không chắc chắn. Trước tiếng kêu đau đớn của lòng thương xót và hoà bình, hôm nay chúng ta cũng cảm thấy lời mời gọi được hướng tới từng người trong chúng ta, mời gọi tin tưởng nơi Chúa Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (c. 21).

Tiếp tục bài giảng ĐTC khẳng định thêm như sau:

Mọi tật nguyền có thể tìm thấy sự cứu giúp hữu hiệu nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật thế, lòng thương xót của Ngài không ngừng lại ở xa: Ngài ước ao đến gặp gỡ tất cả mọi nghèo nàn và giải thoát khỏi biết bao hình thức nô lệ, gây khổ đau cho thế giới chúng ta. Ngài muốn tới với các vết thương của từng người, để chữa lành chúng. Là các tông đồ của lòng thương xót có nghĩa là sờ mó và vuốt ve các vết thương ngày nay cũng hiện diện trên thân xác và trong tâm hồn của biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta. Khi săn sóc các vết thương đó, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu, chúng ta khiến cho Ngài hiện diện  sống động, chúng ta cho phép các người khác sờ mó được lòng thương xót của Ngài với bàn tay và nhận biết Ngài là “Chúa và Thiên Chúa” (c. 28) như tông đồ Toma đã làm. Và đó là sứ mệnh được uỷ thác cho chúng ta. Có biết bao nhiêu người xin được lắng nghe và cảm thông! Tin Mừng của lòng thương xót cần loan báo và viết ra trong cuộc sống, tìm kiếm những người có con tim kiên nhẫn và rộng mở, tìm “các người samaritano nhân hậu” biết cảm thương và im lặng trước mầu nhiệm của người anh chị em. Nó đòi hỏi các phục vụ quảng đại và tươi vui yêu thương một cách nhưng không, mà không đòi hỏi bất cứ gì đổi lại.

“Bình an cho các con” là lời chào Chúa Kitô đem đến cho các môn đệ Ngài, đó cũng là lời chào mà con người thời đại chúng ta chờ đợi. Đây không phải là một hoà bình được thương thuyết, không phải là việc ngưng cái gì đó không ổn; Nó là hoà bình của Chúa, hoà bình đến từ con tim của Đấng Phục Sinh, hoà bình đã chiến thắng tội lỗi, cái chết và sự sợ hãi. Đó là hoà bình không chia rẽ, nhưng hiệp nhất; đó là hoà bình không để cho cô đơn, nhưng làm cho cảm thấy được lắng nghe và yêu thương; đó là hoà bình kéo dài trong đau khổ và làm cho hy vọng nở hoa. Như trong ngày Phục sinh, hoà bình này nảy sinh và tái sinh luôn mãi từ sự tha thứ của Thiên Chúa, cất đi nỗi sợ hãi khỏi con tim. Là những người đem hoà bình của Chúa là sứ mệnh Giáo Hội giao cho chúng ta trong ngày lễ Phục Sinh. Chúng ta đã sinh ra trong Chúa Kitô như là dụng cụ của hòa giải, để đem tới cho tất cả mọi người sự tha thứ của Thiên Chúa Cha, để vén mở gương mặt chỉ có tinh yêu của Ngài trong các dấu chỉ của lòng thương xót.

Trong thánh vịnh chúng ta đã công bố “Tinh yêu Ngài tồn tại luôn mãi” (Tc 117, 2). Đúng thế, lòng thương xót của Thiên Chúa vĩnh cửu, không kết thúc, không cạn kiệt, không đầu hàng trước các khép kín, và không bao giờ mệt mỏi. Trong cái luôn mãi đó chúng ta tìm thấy sự nâng đỡ trong những lúc thử thách và yếu đuối, bởi vì chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta: Ngài luôn mãi ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì tình yêu cao cả mà chúng ta không thể hiểu được như thế. Chúng ta hãy xin ơn không bao giờ mệt mỏi kín múc lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và đem nó tới cho thế giới; chúng ta hãy xin cho chính chúng ta biết thương xót và phổ biến khắp nơi sức mạnh của Tin Mừng.

Các lời nguyện giáo dân đã được tuyên đọc trong các thứ tiếng Ý, Tầu, Tây Ban Nha, Hindi và Bồ Đào Nha. 250 linh mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Càng lúc tín hữu tiến về quảng trường càng đông: lúc gần 12 giờ trưa đã lên tới hơn 120.000. Ngỏ lời với mọi người trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC nói:

Trong ngày này là trung tâm của Năm Lòng Thương Xót, tôi nghĩ tới tất cả các dân tộc đang khao khát hoà giải và hoà bình. Một cách đặc biệt tôi  nghĩ tới thảm cảnh của người đau khổ vì các hậu qủa của bạo lực bên Ucraina: tới những người còn ở lại trong các vùng đất bị liên lụy bởi các thù nghịch khiến cho nhiều ngàn người chết và hơn một triệu người bị bó buộc rời bỏ các vùng đất ấy vì tình hình  nghiêm trọng kéo dài. Bị liên lụy nhất là người già và trẻ em. Ngoài việc đồng hành với họ bằng tư tưởng và lời cầu nguyện liên lỉ, tôi đã quyết định phát dộng một sự trợ giúp nhân đạo cho họ. Để đạt mục đích ấy sẽ có một cuộc lạc quyên đặc biệt trong tất cả mọi nhà thờ công giáo toàn  Âu châu ngày Chúa Nhật 24 tháng 4. Tôi mời gọi tín hữu hiệp nhất với sáng kiến này của Giáo Hoàng bằng một đóng góp quảng đại. Cử chỉ bác ái này, ngoài việc làm vơi nhẹ các nỗi khổ đau vật chất, cũng muốn bầy tỏ sự gần gũi và tình liên đới của riêng tôi và của toàn thể Giáo Hội đối với Ucraina. Tôi nhiệt liệt cầu mong nó có thể giúp mau chóng thăng tiến hoà bình và việc tôn trọng quyền lợi của vùng đất bị thử thách biết bao này.

Và trong khi cầu nguyện cho hoà bình, chúng ta cũng hãy nhớ rằng ngày mai là Ngày Quốc Tế bài mìn chống người. Có quá nhiều người tiếp tục hị giết hay bị tàn tật vì các vũ khí khủng khiếp này, và có các người nam nữ can đảm liều mạng để gỡ mìn của các vùng đất bị gài mìn. Chúng ta hãy canh tân dấn thân cho một thế giới không có mìn chống người nữa.

Sau cùng tôi gởi lời chào tới tất cả anh chị em đã tham dự buổi cử hành này, cách riêng các nhóm vun trồng lịnh đạo Lòng Thương Xót. Chúng ta hãy cùng nhau hướng lời cầu nguyện tới Mẹ chúng ta.

ĐTC đã cùng mọi người hát Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, tiêp đến ngài ban phép lanh toà thánh cho tất cả. Sau thánh lễ ĐTC đã chào các Hông Y, một số linh mục đồng tế, và đi xe díp quanh quảng trường để chào tín hữu.

Linh Tiến Khải

Đức Giáo Hoàng phá kỷ lục Instagram

Đức Giáo Hoàng phá kỷ lục Instagram

Hình Instagram ĐTC Francis

Vatican – Với một cú nhấp chuột đơn giản gia nhập Instagram, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhanh chóng lập kỷ lục với một triệu người “theo dõi”.

 

Ngày 19 tháng 3 vừa qua, ngày lễ Thánh Giuse, kỷ niệm 3 năm ngày chính thức khai mạc triều đại Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở tài khoản Instagram với tên "Franciscus". Chỉ sau 12 giờ đăng ký, tài khoản này đã đánh dấu  số người theo dõi lên đến con số triệu. Theo Stephanie Noon, phát ngôn viên của Instagram, đây là tài khoản gia tăng nhanh nhất của mạng này. Kỷ lục này trước đây được giữ bởi ngôi sao bóng đá David Beckham. Gia nhập Instagram, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn bước vào một cộng đồng trẻ hơn và nhiều complimentary hơn trên Twitter.

 

Theo nghiên cứu hàng năm "Twiplomacy” của công ty Burson Marsteller, trong 3 năm hoạt động của Twitter, Đức Thánh Cha Phanxicô, qua tài khoản @Pontifex bằng 9 ngôn ngữ của ngài, được đánh giá trên Twitter là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới. Tông thống Barack Obama có nhiều người theo dõi hơn, nhưng số trung bình "retweet" (chia sẻ lai các đăng tải) và tỷ lệ "favorite" thì cao hơn tài khoản của tổng thống Barack Obama gấp 8 lần.

 

Tài khoản Instagram của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có cùng sự thu hút như thế. 17 photo và 2 video clip được đăng vào ngày 31 tháng 3 đã có trung bình 212,200 người "likes" và 6299 ý kiến cho mỗi cái. Các photo trên tài khoản "Franciscus" được báo Osservatore Romano chụp, và các nhân viên của “Bộ truyền thông” đăng lên.

 

Đức ông Dario Vigano, giám đốc của Bộ này nói với đài Vatican: “Ý tưởng thuật lại một triều đại Giáo hoàng qua các hình ảnh để những ai muốn đồng hành hay muốn biết về chức vị Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô nhập vào những cử chỉ dịu dàng và thương xót của ngài”.

 

Trong khi tài khoản @Pontifex trên twitter, được bắt đầu bởi Đức nguyên giáo hoàng Biển đức XVI vào năm 2012, là tài khoản thể chế, của các Giáo hoàng, thì tên tài khoản Instagram "Franciscus" được chọn có tính cá nhân hơn. Trang chia sẻ hình ảnh dùng các ký hiệu biểu tượng, và ngay lập tức gợi lên gương mặt, nụ cười và các tư thế của ngài.

 

Greg Burke, phó giám đốc phòng báo chí Tòa thánh cho biết, trên Instagram đa số là hình ảnh, vì thế nó là cách thức hiệu quả để phổ biến sứ điệp nhân từ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu người ta nhìn vào điện thoai của mình 150 lần một ngày, thì tốt cho họ nếu thấy những điều sâu sắc hơn là thấy các hình ảnh về thức ăn.”

 

Sau khi giảm xuống một số ngày, số lượng bình luận tăng vọt vào ngày 29 tháng 3 khi Vatican đăng tải một video clip với hashtags (viết với ký hiệu # trên twitter, có nghĩa là từ khóa) nhân từ, thương xót và Công giáo. Video bắt đầu với hình ảnh Đức Thánh Cha chúc lành cho một phụ nữ có thai, những hình ảnh những em bé lấy chiếc mũ trắng của ngài, và có hình ảnh ngài và Đức nguyên giáo hoàng Biển đức XVI chào nhau. Có trên 6300 bình luận bị thu hút đặc biệt bởi vẻ đẹp của các cử chỉ và bày tỏ lòng nhiệt tình với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cha Antonio Spadaro, dòng Tên, nói: “Video và sự phổ biến của nó cho thấy một cử chỉ yêu thương thì rõ ràng hơn lời nói về tình yêu.” Cha cũng khẳng định là Đức Thánh Cha đã có mặt trên Instagram từ giây phút được bầu làm Giáo hoàng qua các hình ảnh được chia sẻ bởi những người đã nhìn thấy ngài ở Rome và khắp thế giới. Thật vậy, như CNN đã tường thuật vào tháng 3, theo Instagram, chuyến viếng thăm Hoa kỳ của Đức Thánh Cha hồi mùa thu 2015 đã tạo nên 21 triệu đăng tải, yêu thích và bình luận từ 9 triệu người. (Catholic News Service  01/04/2016).

Hồng Thủy OP

 

Xe Fiat 500L Đức Giáo Hoàng đã dùng bán được 300,000 Mỹ kim

Xe Fiat 500L Đức Giáo Hoàng đã dùng bán được 300,000 Mỹ kim

Xe Fiat 500L Đức Giáo Hoàng

NEW YORK. Chiếc xe con hiệu Fiat 500L ĐTC Phanxicô đã dùng trong cuộc viếng thăm ở New York, Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm ngoái, đã được bán đấu giá với 300 ngàn Mỹ kim (265,000 Euro).

Xe này bình thường trị giá 24,695 Mỹ kim (khoảng 22 ngàn Euro).

Việc bán đấu giá này để giúp người nghèo và do mạng Charitybuzz.com tổ chức trực tuyến với sự cộng tác của tổng giáo phận New York. Hạn chót để trả giá là vào lúc 9 giờ tối ngày 31-3-2016 giờ địa phương.

 ĐHY Timothy Dolan, TGM New York, sẽ gặp người thắng cuộc bán đấu giá và làm phép chiếc xe này. Số tiền thu được sẽ được dùng để hỗ trợ các trường Công Giáo, các Hội bác ái Công Giáo, Cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ và Hội Công Giáo hỗ trợ miền Trung Đông.

Tổ chức Charitybuzz.com là cơ quan đầu tiên chuyên tổ chức bán đấu giá làm việc nghĩa. 80% lợi tức thu được được dùng để hỗ trợ các dự án từ thiện trên thế giới. Cho đến nay tổ chức này đã quyên được hơn 165 ngàn mỹ kim cho chính nghĩa bác ái.

Trong cuộc bán đấu giá chiếc xe Fiat tương tự ĐTC đã dùng khi viếng thăm thành phố Philadelhia, giá cao nhất đạt được là 82 ngàn mỹ kim (73,000 Euro) (KNA 1-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

An ninh cho khách hành hương ngày quốc tế giới trẻ tại Ba Lan

An ninh cho khách hành hương ngày quốc tế giới trẻ tại Ba Lan

Logo Thế giới trẻ tại Ba Lan

Ban tổ chức ngày quốc tế giới trẻ ở  Hoa kỳ và Ba lan tiếp tục liên lạc với các quan chức ngoại giao và an ninh của các quốc gia này để bảo đảm rằng các khách hành hương sẽ được an toàn trong ngày hội giới trẻ vào cuối tháng 7 năm nay,

Paul Jarzembowski, điều phối viên và trợ lý giám đốc của phân ban giới trẻ và thanh niên của hội đồng Giám mục Hoa kỳ cho biết, an ninh dự kiến sẽ được thắt chặt ở Krakow, Ba lan, nơi sẽ diễn ra đại hội giới trẻ thế giới, vì chính quyền của cả hai quốc gia sẽ thực hiện những biện pháp để ngăn chặn những sự cố đe dọa các du khách.

Paul Jarzembowski nói với Catholic News Service, những thông tin hiện tại cho thấy là không có đe dọa cho việc tổ chức được ấn định vào ngày 26 đến 31 tháng 7 năm nay. Ông nói: “Gia đình của các khách hành hương có thể an tâm là chúng tôi thường xuyên liên lạc với Bộ ngoại giao, các ban tổ chức ở Krakow và tòa đại sứ Ba lan ở Hoa kỳ.” Ông cũng nói thêm là các khách hành hương, nếu họ cảnh giác, ý thức và cập nhật tình hình an ninh, có thể an tâm rằng Hoa kỳ và đặc biệt là Ba lan, đang làm mọi việc có thể để bảo đảm sự an toàn của các khách hành hương.”

Dự kiến là sẽ có khoảng 2 triệu người tham gia đai hội giới trẻ lần quốc tế lần thứ 14 để cử hành đức tin Công giáo. Hội đồng Giám mục Hoa kỳ sẽ điều hành một trang webinar vào lúc 2 giờ chiều giờ địa phương ngày 14 tháng 4, là trang web trên đó sẽ truyền đi các buổi học hỏi, thảo luận trực tiếp sự an toàn và tình hình an ninh. Văn phòng của Paul Jarzembowski cũng dành 1 phần của trang web ngày giới trẻ thế giới cho vấn đề an toàn và an ninh, trong đó trình bày chi tiết việc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đang cộng tác với các tổ chức khác để nói về những lo lắng về an ninh và cho những lời khuyên về việc chuẩn bị chuyến đi, bao gồm những biện pháp thông thường mà các du khách có thể chuẩn bị trước các chuyến đi ra nước ngoài. Tin tức cập nhật có thể truy cập trên trang Facebook và Twitter ở địa chỉ @WYDUSA.

Về phần mình, là nước chủ nhà, Ba lan đang đi đầu trong việc sắp xếp an ninh và các cơ quan hành pháp địa phương cộng tác với lực lượng quân đội Ba lan hàng tháng trời để tổ chức cho dòng du khách sẽ đến Ba lan.

Paul Jarzembowski nói: “chúng tôi không muốn để sự sợ hãi dẫn dắt những gì chúng tôi làm cho ngày quốc tế giới trẻ.” Nhắc lại lời kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô vào các ngày quốc tế giới trẻ các năm 1980 và 1990, khi những cuộc tấn công bởi nhũng kẻ quá khích đã tạo nên những lo lắng như hiện nay, Paul Jarzembowski nói: “Chúng tôi tiếp tục gặp nhau và sẽ cầu nguyện cho hòa bình, cũng như tiếp tục can đảm bước ra và làm như thế.” (Catholic News Service 29/03/2016)

Hồng Thủy OP

Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

ROMA. Chiều 31-3-2016, Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về lòng Thương Xót đã khai diễn tại Roma và kéo dài cho đến chúa nhật 3-4 tới đây.

Đại hội tiến dành dưới sự phối hợp của ĐHY Christoph Schoenborn, O.P, TGM giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo, và Cha Patrice Chocholsko, Giám đốc Đền thánh Gioan Maria Vianney, ở Ars bên Pháp. Hai vị là Chủ tịch và Tổng thư ký các Hội nghị thế giới về tông đồ lòng thương xót.

Tham dự Đại Hội cũng có các đoàn đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả những người Hồi giáo, đạo Sikh và Phật giáo.

Đại hội diễn ra tại Vương cung thánh đường thánh Andrea della Valle, cách Vatican 1 cây số, và có chủ đề là ”Lòng thương xót và chính trị tại Âu Châu”, với chứng từ về hệ thống các ”thị trấn lòng thương xót” trên thế giới. Đặc biệt có một chứng nhân nổi bật được trình bày là Vị Tôi Tớ Chúa Robert Schuman (1886-1963), nguyên là thủ tướng Pháp và là một trong những người đã khởi xướng Liên hiệp Âu Châu và Hội đồng Âu Châu. Cha Joseph Jos, phó thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho vị Tôi Tớ Chúa này, thuyết trình về đề tài ”Robert Schuman và lòng thương xót chính trị tại Âu Châu”, một chủ đề rất thời sự hiện nay, giữa lúc Âu Châu đang phải giải quyết vấn đề di dân và tị nạn.

ĐHY Schoenborn nói rằng: ”Nguy cơ hiện nay là mỗi nước co cụm vào những ranh giới của mình, và những hàng rào, những bức tường được tái lập. Âu Châu đang sống trong thời điểm khó khăn và Giáo Hội có thể góp phần giữa cho đại lục này được thống nhất. Tình bác ái có thể lướt thắng sợ hãi và những trào lưu mới quốc gia chủ nghĩa mà người ta tưởng là những điều đã thuộc về quá khứ”.

Trong Đại Hội cũng có một bài lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa, với chủ đề ”Lòng thương xót”.

Các tham dự viên sẽ dự buổi canh thức cầu nguyện với ĐTC lúc 6 giờ chiều thứ bẩy 2-4-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô và thánh lễ ngài chủ sự lúc 10 giờ sáng chúa nhật tới đây, 3-4, lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Trong số các nhóm tín hữu tham dự đặc biệt có 500 thành viên của Phong trào ”Huynh đoàn Tông Đồ lòng Chúa Thương Xót”. Phong trào này được thành lập cách đây 20 năm do một thiếu niên 13 tuổi, nay là Linh mục Pasqualino di Dio, thuộc giáo phận Piađđa Armerina. Các thành viên Phong trào này sống ơn gọi bí tích rửa tội, phục vụ Giáo Hội, làm chứng cho mọi người về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống qua thái độ tín thác đối với Thiên Chúa và từ bi đối với tha nhân.

Hiện nay tại Italia, phòng trào này khởi xướng và duy trì nhiều hoạt động từ thiện bác ái, trợ giúp người nghèo cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Các đại hội thế giới về lòng thương xót đã được khởi xướng sau khi ĐTC Gioan Phaolô 2 qua đời năm 2005, người đã thành lập lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Đại hội đầu tiên tiến hành tại Roma năm 2008, rồi tại Cracovia năm 2011, tiếp đến là Bogotà Colombia năm 2014. Đại hội lần tới đây sẽ tiến hành tại Manila Philippines vào tháng giêng năm tới, 2017 (RG Fr. 30-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Lòng thưong xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

Lòng thưong xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

ĐTC Phanxicô hôn các trẻ em trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-3-2016

Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

Chúng ta tất cả đều cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa giải thoát khỏi sự dữ, tội lỗi và cái chết. Dù chúng ta có lỗi phạm gì đi nữa, thì lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với ĐTC sáng thứ tư hôm qua.  ĐTC đã kết thúc các suy tư về lòng thương xót trong Cựu Ước với thánh vịnh 51, là lời cầu sám hối xưng thú lỗi lầm và xin tha tội, trong đó người cầu nguyện để cho tình yêu của Chúa thanh tẩy và trở thành một thụ tạo mới, có khả năng vâng lời, có tinh thần vững mạnh và chúc tụng chân thành.

Tựa đề do truyền thống do thái cổ xưa đặt cho thánh vịnh ám chỉ vua Đavít và tội nhà vua phạm với bà Betsabea,vợ ông Urigia người Híttít. Chúng ta biết rõ chuyện của vua Đavít, được Thiên Chúa kều gọi chăn dắt và hướng dẫn dân trên các con đường tuân phục Lề Luật của Chúa, nhưng nhà vua đã phản bội sứ mệnh của mình, và sau khi đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabea, ông đã sát hại chồng bà. Thật là tội xấu xa! Ngôn sứ Nathan đã vén mở tội của vua và giúp vua nhận ra lỗi lầm. Đây là lúc giao hoà với Thiên Chúa trong việc xưng thú tội lỗi của mình. Chính ở đây vua Đavít đã khiêm tốn và cao cả! ĐTC nói:

Ai cầu nguyện với Thánh vịnh này được mời gọi có cùng các tâm tình sám hối và tin tưởng nơi Thiên Chúa mà vua Đavít đã có khi ông nhìn lại mình,  và tuy là vua, ông đã hạ mình xuống mà không sợ xưng thú tội lỗi và cho Chúa thấy sự bần cùng của ông, nhưng xác tín về lòng thương xót của Ngài. Và điều vua đã làm không phải là một tội nhỏ, một lời nói dối nhỏ: ông đã là một kẻ ngoại tình và giết người!

Thánh vịnh bắt đầu với các lời khẩn nài sau đây:

“ Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,

 tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,3-4).

Lời khẩn nài hướng tới Thiên Chúa của lòng thương xót, để được thúc đẩy bởi một tình yêu lớn lao như tình yêu của một người cha người mẹ, Ngài thương xót, nghĩa là ban ơn thánh, cho thấy ân huệ của Ngài với lòng tốt và sự cảm thông. Đó là một lời kêu than đau đớn lên Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhiều hình ảnh rất linh động được sử dụng: xoá bỏ, rửa sạch con, làm cho con được tinh tuyền. Trong lời cầu này nhu cầu đích thật của con người được biểu lộ: điều duy nhất mà chúng ta thật sự cần có trong cuộc sống đó là được tha thứ, được giải thoát khỏi sự dữ và các hậu quả chết chóc của nó. Rất tiếc cuộc sống khiến cho chúng ta kinh nghiệm biết bao lần các tình trạng này; và còn hơn thế nữa trong các tình trạng đó chúng ta phải tín thác nơi lòng thương xót. ĐTC nhấn mạnh lòng thương xót Chúa như sau:

Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta! “Thưa cha, con không biết nói sao, con đã phạm biết bao nhiêu tội, mà là những tội nặng!” Thiên Chúa cáo cả hơn tất cả những tội mà chúng ta có thể phạm. Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có cùng nhau nói lên điểu này không? Tất cả cùng nhau: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Một lần nữa: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Một lần nữa: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Và tình yêu của Ngài là một dại dương trong đó chúng ta có thể dìm mình mà không sợ hãi bị chìm nghỉm: đối với Thiên Chúa tha thứ có nghĩa là trao ban cho chúng ta sự chắc chắn rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Bất cứ gì chúng ta có thể trách cứ chính mình, Ngài vẫn luôn luôn cao cả hơn tất cả (Gr 3,20), bởi vì Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta.

Trong nghĩa này ai cầu nguyện với Thánh vịnh này tìm kiếm sự tha thứ, xưng thú tội lỗi mình, nhưng khi thừa nhận nó họ cử hành công lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thế rồi ông còn xin ơn thánh và lòng thương xót nữa. Tác giả thánh vịnh tín thác nơi lòng lành của Thiên Chúa, ông biết rằng ơn tha thứ của Chúa vô cùng hữu hiệu, bởi vì nó tạo ra điều nó nói. Nó không che dấu tội lỗi nhưng huỷ diện và xóa bỏ tội lỗi; Ngài xóa bỏ tận gốc rễ, không phải như người ta làm trong tiệm giặt, khi chúng ta đem quần áo tới và họ tẩy các vết bẩn. Không! Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi chúng ta tận gốc rễ, xóa bỏ tât cả! Vì thế người sám hối lại trở nên trong trắng, mọi vết nhơ bị loại bỏ và giờ đây họ trắng hơn tuyết không bị ô nhiễm. Tất cả chúng ta là những người tội lỗi. Điều này đúng có phải không? Nếu có ai trong anh chị em không cảm thấy mình là người tội lỗi, thì giơ tay lên… Không có ai hết! Tất cả chúng ta đều tội lỗi.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta những kẻ tội lỗi, với ơn tha thứ, chúng ta trở nên các thụ tạo mới, tràn đầy thần khí và niềm vui. Giờ đây một thực tại mới bắt đầu cho chúng ta: một con tim mới, một tinh thần mới, một cuộc sống mới. Chúng ta những người tội lỗi đã được tha thứ, chúng ta đã đón nhận ơn thánh Chúa, chúng ta cũng có thể dậy cho người khác đừng phạm tội nữa. “Nhưng mà thưa cha, con yếu đuối, con ngã, con ngã”. “Nhưng nếu bạn ngã,  thì hãy đứng lên! Đứng lên!”. Khi một đứa bé ngã, nó làm gì?” Nó giơ tay cho mẹ cho cha để kéo nó đứng lên. Chúng ta cũng hãy làm như thế! Nếu bạn ngã vì yếu đuối trong tội lỗi thì hãy giơ tay lên: Chúa cầm lấy nó và sẽ giúp bạn đứng lên. Đó là phẩm giá sự tha thứ của Thiên  Chúa! Phẩm giá trao ban cho chúng ta sự tha thứ của Thiên Chúa là phẩm giá đứng lên, luôn luôn đứng lên, bởi vì Ngài đã tạo dựng người nam và người nữ để họ đứng thẳng.

Tác giả thánh vịnh nói: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một

tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ… Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.” ( Tv 51,12.15).

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, ơn tha thứ của Thiên Chúa là điều mà chúng ta tất cả cần đến và là dấu chỉ lớn lao nhất lòng thương xót của Ngài. Một ơn mà mỗi một người tội lỗi được tha thứ được mời gọi chia sẻ với mọi anh chị em mình gặp gỡ. Tất cả những ai mà Chúa đặt để bên cạnh chúng ta, các người thân trong gia đình, bạn bè, bạn cùng làm việc, tín hữu giáo xứ… tất cả như chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật là đẹp được tha thứ, nhưng bạn, nếu bạn muốn được tha thứ,  thì đến lượt mình cũng hãy thứ tha. Hãy thứ tha!

Xin Chúa cho chúng ta, qua lời bầu cử của mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót, là các chứng nhân của sự tha thứ, thanh tẩy con tim và biến đổi cuộc sống.

Hôm qua đã có rất nhiều đoàn hành hương do các Giám Mục giáo phận hướng dẫn về Roma mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. ĐTC đã chào các nhóm đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Luxembourg, Anh quốc, Ireland, Na Uy, Đức, trong đó có nhóm tín hữu giáo phận Regensburg do ĐC Rudolf Vordeholzer hướng dẫn, và các tín hữu  Hoà Lan trong đó có nhóm các đại chủng sinh giáo phận Rolduc, do ĐC Franz Wiertz hướng dẫn. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Nigeria, Australia, Indonesia, Pakistan và Hoa Kỳ.

Trong các đoàn hành hương Tây Ban Nha có nhóm tín hữu giáo phận Barbastro-Monzón do ĐC Angel Javier Perez Pueyo hướng dẫn, và đoàn hành hương giáo phận León do ĐC Julián López Martín hướng dẫn.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Croat, Bosni Erzegovina, đặc biệt nhóm các liinh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân tổng giáo phận Rijeka do ĐC Ivan Devci chướng dẫn,  cũng như các đoàn hành hương Ba Lan.

Ngài chúc mừng lễ Phục Sinh tất cả và cầu mong chuyến hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố niềm tin và lòng trung thành của mọi người với Chúa Kitô, để ai nấy tươi vui làm chứng cho lòng thương xót Chúa trong môi trường cuộc sống thường ngày.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào nhóm các tân Phó tế Dòng Tên mới được truyền chức chiều thứ ba vừa qua, trong đó có thầy Agostino Nguyễn Thái Hiệp, cũng nhu các bề trên và thân nhân; các nhóm bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ các giáo phận Milano, Cremona, Ravenna- Cervia, Bari; các nữ tu dòng Phan Sinh thừa sai kết thúc Tổng tu nghị. Ngài cầu chúc chuyền hành hương Roma đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ĐTC xin mọi người nhìn lên Chúa phục sinh, Đấng đã chiến thắng cái chết để hiểu giá trị cuộc sống và khổ đau như dịp quý báu của ơn cứu độ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

VATICAN. Tông Huấn của ĐTC Phanxicô ”Amoris laetitia” (Niềm vui Yêu Thương) sẽ được công bố ngày thứ sáu 8-4-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Tông huấn đúc kết thành quả của hai Thượng HĐGM thế giới về gia đình: khóa đặc biệt tháng 10-2014 và khóa thường lệ thứ 14 tháng 10-2015.

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo có:

– ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới,

– ĐHY Christoph Schoenborn, OP, TGM giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo

– Đôi vợ chồng: Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli.

 Trong cuộc họp báo có thông dịch trực tiếp bằng tiếng Ý, Anh và Tây Ban Nha

 Ngoài ra, có thể theo dõi Video trực tiếp từ mạng của Đài Vatican: http://player.rv

 G. Trần Đức Anh OP