Các Giám Mục Venezuela kêu gọi thăng vượt cuộc khủng hoảng

Các Giám Mục Venezuela kêu gọi thăng vượt cuộc khủng hoảng

CARACAS: Các Giám Mục Venezuela khẩn thiết kêu gọi chính quyền và phe đối lập tận dụng các phương thế hợp hiến giúp ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế xã hội hiện nay, để đừng khiến cho cuộc sống của dân chúng thiếu thốn khổ sở hơn.

ĐC Diego Rafael Padrón Sánchez, TGM Cumaná, Chủ tịch HĐGM Venezuela, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong diễn văn khai mạc đại hội khoáng đại lần thư 106 của HĐGM Venezuela hôm mùng 7 tháng 7 vừa qua.  ĐC nói: “Hệ thống cai trị chúng ta đã kiệt quệ rồi, và các vị lãnh đạo hiện nay chứng minh cho thấy sự bất lực của họ trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Các lợi lộc của chính quyền không phải là các lợi lộc của quốc gia.” Từ vài tháng nay Venezuela đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế trầm trọng. Chính quyền bất lực trong việc cung cấp thực phẩm và thuốc men cho dân. Đã thế chính quyền lại không cho phép các trợ giúp nhân đạo vào Venezuela, đặc biệt là thuốc men và các dụng cụ y tế. Các nhà thuốc, nhà thương và trung tâm y tế công cộng thiếu tới 90% thuốc men. Việc thiếu khả năng lãnh đạo cộng thêm với đán áp bạo lực đối với người dân và thiếu các câu trả lời nghiêm chình và ổn định khiến cho cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn.

Cuộc nổi loạn xã hội hồi tháng 2 năm 1989 vẫn còn sống động trong ký ức mọi người: dân chúng đã phẫn uất tấn công các hàng quán và đập phá các phương tiện di chuyển công cộng để phản đối chính quyền tăng giá vé xe. Cuộc phản đối ấy hoàn toàn vô nghĩa so sánh với tình trạng khủng hoảng hiện nay. Hai thành phố Cumana và Tucupita đã phải sống các hậu qủa chính trị kinh tế và xã hội sai lầm và thái độ thờ ơ của chính quyền. Một chính quyền mà không thành công trong việc triệt hạ cuộc chiến kinh tế mà mình cho rằng mình la nạn nhân, cũng không thể cung cấp thực phẩm và thuốc men cho dân, lại còn không cho phép các tổ chức tôn giáo hay xã hội có thể nhận các trợ giúp nhân đạo để xoa dịu nỗi khổ của dân, thì hoàn toàn thiếu uy tín luân lý cân thiết để kêu cầu đối thoại và hoà bình. Trong 18 năm qua mặc dầu đất nước có các tài nguyên mênh mông, chính quyền đã không thành công trong việc kiểm soát và khống chế được nạn tội phạm, cũng không bảo đảm nền hoà bình và sự an lành cho dân, mà chỉ biết đàn áp. Đàn áp không thôi không phải là con đường dẫn đến hoà bình.

** ĐC chủ tịch HĐGM Venezuela nhấn mạnh rằng chính quyền cần phái đối thoại, nhưng để được như thế phải biết thừa nhận tình trạng nghiêm trọng trong mọi lãnh vực cuộc sống quốc gia và cho thấy ý chí muốn thay đổi. Gia tăng quyền cho quân đội sẽ không giải quyết được các vấn đề luân lý và xã hội. Âu lo cho quyền bính và muốn bám víu vào nó không biện minh cho bất cử hành động hay đường lối chính trị nào, nhằm giải thích cho người dân Venezuela rằng họ đang đứng trước một ngã rẽ luân lý, bởi vỉ không thể chấp nhận đuợc rằng cuộc sống con người nhượng chỗ cho việc thần thánh hóa ý thức hệ chính trị.

Trước tình hình này người dân có quyền lựa chọn số phận của mình. Hỏi ý kiến và thực thi ý muốn của dân là một bổn phận luân lý, không thể bị bất cứ quyền bính nào lấn át. Cuộc trưng cần dân ý để thu hồi nhiệm kỳ của tổng thống Maduro đã bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng 12 năm ngoái. Nhưng nền dân chủ của Venezuela đã bị bẻ gẫy, bởi vì kẻ có bổn phận lắng nghe và đối thoại với tất cả mọi giai tầng xã hôi đang không làm điều ấy, trái lại còn hướng tới chỗ loại trừ và không biết tới bổn phận này.

ĐC chủ tịch HĐGM Venezuela kêu gọi chính quyền và phe đối lập tránh cho cuộc sống của người dân tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và tránh rơi vào một cơn lốc xoáy của thù hận và chết chóc, khi còn có các phương tiện hiến pháp cống hiến cho quốc gia một lối thoát hợp pháp giúp ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay (SD 9-7-2016).

Vatican Radio

Đức tin sinh hoa trái qua các công việc lành

Đức tin sinh hoa trái qua các công việc lành

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 10-7-2016

Chính qua các công việc tốt lành chúng ta làm cho tha nhân với tình yêu thương và niềm vui, đức tin của chúng ta nảy mầm và đem lại hoa trái.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô dưới trời nắng 35 độ C của mùa hè Roma.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa dụ ngôn “Người Samaritano nhân hậu” như kể trong chương 10 Phúc Âm thành Luca. Ngài nói:

Trong trình thuật đơn sơ và kích thích của nó dụ ngôn chỉ cho thấy một  kiểu sống, mà trọng tâm không phải là chính chúng ta mà là các người khác, với các khó khăn của họ, mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời và họ gọi hỏi chúng ta. Những người khác gọi hỏi chúng ta; và khi họ không gọi hỏi chúng ta, thì có cái gì đó không ổn; có cái gì đó không là kitô trong con tim ấy. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này trong cuộc đối thoại với một tiến sĩ luật, liên quan tới giới răn hai chiều cho phép bước vào cuộc sống đời đời: yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu mến tha nhân như chính mình (cc.25-28). “Đúng, ông tiến sĩ luật trả lời, nhưng xin cho tôi biết ai là người thân cận của tôi? (c. 29). Cả chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: ai là người thân cận của tôi? Ai là người tôi phải yêu mến như chính tôi? Cha mẹ tôi? Bạn bè tôi? Các người đồng hương với tôi? Các người có cùng tôn giáo với tôi? Ai là người thân cận của tôi?

Và Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn này. Có một người kia, từ Giêrusalem xuống Giêricô, đã bị cướp tấn công, hành hung và bỏ rơi. Trên con đường đó trước hết có một tư tế đi qua, rồi một lêvi, là những người tuy trông thấy người bị thương, nhưng không dừng lại và đi thẳng (cc.31.32). Rồi có một người Samaritano đi ngang qua, nghĩa là một dân thành Samaria, và như là người Samaritano họ bị người do thái khinh bỉ, bởi vì họ không tuân giữ tôn giáo thật; nhưng trái lại, chính ông ta là người “cảm thương”, khi trông thấy kẻ bị nạn tội nghiệp ấy. Ông tới gần, băng bó các vết thương… đem tới một quán trọ và lo lắng cho người ấy” (cc. 33-34); và ngày hôm sau ông ta phó thác người ấy cho chủ quán trọ săn sóc, trả tiền cho chủ quán và nói rằng ông cũng sẽ trả mọi sự còn lại (c. 35).

Tới đây Chúa Giêsu quay qua hỏi vị tiến sĩ luật: “Ai trong ba người – vị tư tế, thầy lêvi, người samaritano – đối với ông là ngưòi thân cận của kẻ đã bị rơi vào tay bọn cướp?” Và dĩ nhiên là người thông minh ông ấy trả lời: “Đó là người đã cảm thương anh ta?” (cc. 36-37), Trong cách thế đó Chúa Giêsu đã lật ngược hoàn toàn viễn tượng ban đầu của vị tiến sĩ luật – và cũng là của chúng ta ! -: tôi không được lên danh sách các người khác để quyết định ai là người thân cận của tôi – tuỳ thuộc tôi có là, hay không là người thân cận của người tôi gặp và cần được giúp đỡ, cả khi có là người xa lạ hay thù nghịch. Và Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy đi và làm như vậy” (c. 37). Thật là bài học đẹp! Và Chúa Giêsu lập lại với từng người trong chúng ta: “Con hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Làm các việc lành, chứ không chỉ nói các lời bay trong gió mà thôi. Tôi nghĩ tới một bài hát: “Lời nói, lời nói, lời nói”. Không, hãy làm, hãy làm. Và ĐTC khẳng định:

Chính qua các việc lành chúng ta làm cho người thân cận với tình yêu thương và niềm vui mà đức của chúng ta nẩy mầm và sinh hoa trái. Chúng ta hãy tự hỏi – mỗi người hãy tự trả lời trong tim – chúng ta hãy tự hỏi: đức tin của chúng ta có phong phú không? Đức tin của chúng ta có sản xuất các việc tốt lành không? Hay nó cằn cỗi và vì thế chết hơn là sống? Tôi có tới gần không hay chỉ đi qua bên cạnh? Tôi có thuộc số những người tuyển lựa người ta theo sở thích riêng không? Thật là tốt đặt ra các câu hỏi này cho chính chúng ta, và đặt ra thường xuyên, bởi vì sau cùng chúng ta sẽ bị phán xử dựa trên các công việc của lòng thương xót. Chúa sẽ có thể nói với chúng ta: “Còn con, con có nhớ lần ấy trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô không? Người dở sống dở chết đó đã là Cha? Con có nhớ không? Đứa trẻ đói khát đó đã là Cha. Con có nhớ không? Người di cư, mà biết bao người muốn đuổi đi đó, đã là Cha. Các ông bà nôji ngoại  cô đơn, bị bỏ rơi trong các nhà hữu dưỡng đó đã là Cha. Người đau yếu cô đơn trong nhà thương không có ai đến thăm đó đã là Cha.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta bước đi trên con đường của tình yêu thương, tình yêu thương quảng đại đối với nhũng người khác, con đường của người samaritano nhân lành. Xin Mẹ giúp chúng ta sống giới răn chính yếy mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta. Và đây là con đường để bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà thánh cho mọi người.

Sau phép lành ĐTC đã nhắc tới “Ngày Chúa Nhật của Biển” nhằm ủng hộ việc săn sóc mục vụ cho người sống trên biển, Ngài nói: Tôi khích lệ các thuỷ thủ và các ngư phủ trong công việc làm của họ thường cam go và nguy hiểm, cũng như các linh muc tuyên uý và các thiện nguyện viên trong công việc phục vụ quý báu của họ. Xin Mẹ Maria là Sao Biển canh chừng trên anh chị em.

Ngài cũng đã chào nhiều đoàn hành hương, đặc biệt nhóm tín hữu Porto Rico, nhóm tín hữu Ba Lan hành hương đi bộ từ Cracovia sang Roma. ĐTC khen họ thật là giỏi! Ngài cũng gửi lời chào đoàn tín hữu do Radio Maria tổ chức hành hương đền thánh Đức Bà Czéstochowa lần thứ 25 bên Ba Lan. ĐTC cũng chào một nhóm tín hữu Argentina hiện diện ồn áo náo nhiệt; các gia đình giáo phận Adria Rovigo, Limbiate và cộng đoàn thừa sai Gioan Phaolo II. Ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật nóng, và xin tất cả đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

ĐTC gần gũi toàn dân Argentina trong dịp kỷ niệm 200 năm độc lập

ĐTC gần gũi toàn dân Argentina trong dịp kỷ niệm 200 năm độc lập

Pope and Argentina flag

VATICAN: ĐTC Phanxicô bày  tỏ sự gần gũi, liên đới và lởi cầu nguyện của ngài với và cho toàn dân Argentina nhân dịp nước này kỷ niêm 200 năm độc lập.

ĐTC đã khẳng định như trên trong thư gửi cho ĐC José Maria Arancedo, Chủ tịch HĐGM Argentina, nhân kỷ niệm 200 năm độc lập ngày mùng 9 tháng 7 hôm qua.  ĐTC nói ngài đặc biệt gần gũi những ai đau khổ; người bệnh,  người sống trong cảnh nghèo nàn, người bị tù, người cô đơn, người không công ăn việc làm, người chịu mọi loại thiếu thốn, các nạn nhân của nạn buôn người và khai thác bóc lột, các trẻ vị thành niên nạn nhân của lạm dụng và biết bao người trẻ khổ đau vì nạn nghiện ma tuý. Họ là những người con bị đâm thâu nhất của quê hương.

ĐTC nhắc lại các bài học trong trường dậy học sinh yêu Mẹ quê hương và tinh thần ái quốc. Đối với người không có lương tri người ta thường nói “Người này có thể bán mẹ mình lắm”. Nhưng chúng ta biết là không thể bán mẹ, kể cả Mẹ quê hương, Lễ kỷ niệm 200 năm con đường cùa một Quê hương trong các ước mong và ngưỡng vọng tình huynh đệ, dự phóng vượt các biên giới để hướng tới một Quê hương vĩ đại mà San Martin và Bolivar đã mơ ước. ĐTC khích lệ mọi người cầu nguyện xin Chúa giữ gìn nó, khiến cho nó mạnh mẽ hơn, huynh đệ hơn và bảo vệ nó khỏi mọi loại thực dân. Ngài cũng xin các thế hệ già, là ký ức của quốc gia và lịch sử, thắng vượt nền văn hóa gạt bỏ, có can đảm mơ mộng. Ngài xin người trẻ đừng sống trong sự bất động bàn giấy, nhưng biết chấp nhận các đề nghị sống anh hùng, có óc sáng tạo và tiên tri những điều cao cả.  Khi đó quê hương sẽ tự do. ĐTC xin Thiên Chúa chúc lành cho quê hương Argentina và gìn giữ nó trên lộ trình tiến tới qua lời bầu cử của Đức Bà Luján (SD 8-7-2016).

Linh Tiến Khải

 

ĐTC công bố Tự sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh

ĐTC công bố Tự sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh

ĐTC công bố Tự Sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh

VATICAN: Sáng ngày 9 tháng 7,  ĐTC đã cho công bố Tự sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh của Toà Thánh.

Tự sắc đã được ký ngày mùng 4 tháng 7 bổ túc cho việc cải tố các cơ quan đặc trách viêc kiểm soát, canh chừng và điều hành các tài sản của Toà Thánh. Mở đầu Tự Sắc ĐTC viết: “Các tài sản tạm thời mà Giáo Hội sở hữu được chỉ định cho viêc theo đuổi các mục đích của Giáo Hội là việc thờ phượng, trợ giúp hàng giáo sĩ, làm việc tông đồ và các công tác bác ái, đặc biệt trong việc phục vụ người nghèo. Vì thế, Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm phải rất chú ý để việc quản trị các tài nguyên kinh tế luôn phục vụ các mục đích này. Vì lý do đó Toà Thánh đặc biệt lưu tâm sự canh chừng việc quản trị tài sản của mình. Để đạt mục đích ấy ngày 24 tháng hai năm 2014 với Tự sắc “Fidelis dispensator et prudens” tôi đã thành lập 3 cơ quan mới là : Hội đồng kinh tế, Văn phòng thư ký Kinh tế và Văn phòng Tổng giám sát, bằng cách thiết định các nhiệm vụ chuyên biệt của tùng cơ quan. Tiếp theo đó ngày 22 tháng 2 năm 2015 tôi đã phê chuẩn thử nghiệm các Quy chế của các cơ quan nói trên.

Kinh nghiệm thực thi các Quy chế này đã minh nhiên việc cần thiết can thiệp liên quan tới việc giải thích đúng đắn và áp dụng cụ thể, dưới ánh sáng các nhiệm vụ nền tảng đã thiết định trong tự sắc Fidelis dispensator et prudens. Đặc biệt cần đề ra các đường nét rõ ràng hơn liên quan tới các lãnh vực hoạt động liên hệ giữa Văn phòng thư ký Kinh tế và việc Quản trị Tài sản của Toà Thánh, kiểu tiến hành và phối hợp của chúng với nhau.

Với lá thư này, bằng cách minh xác những gì đã thiết định và thay đổi những gì cần tu chính, tôi có ý nêu bật việc chỉ dẫn nền tảng cần tách rời một cách rõ ràng, không thể lẫn lộn việc quản trị trực tiếp tài sản khỏi việc kiểm soát và canh chừng trên hoạt động quản trị.

Tiếp đến ĐTC đã xác định việc cần thiết tách biệt các nhiệm vụ giữa việc quản trị Tài sản của Toà Thánh và Văn phòng thư ký kinh tế, trong nghĩa là cơ quan thứ nhất quản trị các tài sản và điều hành tài chánh; trong khi cơ quan thứ hai kiểm soát và canh chừng trên hoạt động quản trị và điều hành.  Phần còn lại của Tự Sắc liệt kê ra các nhiệm vụ của hai cơ quan này. ĐTC cho biết ngài huỷ bỏ khoản 17 của Quy chế Văn phòng thư ký Kinh tế. Ngài tín thác việc thực thi cho các Bề trên của các cơ quan liên hệ. Các vấn đề nảy sinh sẽ tuỳ thuộc các quyết định của một vị đặc sứ của ĐTC và các cộng sự viên. ĐTC truyền thi hành tất cả những gì đã thiết định và công bố trên báo Quan sát viên Roma, trước khi được công bố trong sưu tập các tài liệu Tông Toà  (SD 9-7-2016)

Linh Tiến Khải

Bộ Phong Thánh công bố các sặc lệnh liên quan tới 9 Tân chân phước và 6 Đấng đáng kính

Bộ Phong Thánh công bố các sặc lệnh liên quan tới 9 Tân chân phước và 6 Đấng đáng kính

congreg-logo

VATICAN: Sáng mùng 8 tháng 7 vừa qua ĐTC đã tiếp ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và cho phép công bố các sắc lệnh liên quan tới 9 tân Chân phước và 6 Đấng đáng kính.

Sắc lệnh thứ nhất nhìn nhận phép lạ nhờ lời bầu cử của Đấng đáng kính Luigi Antonio Rosa Ormières, Linh mục sáng lập dòng các Nữ Tu Thiên Thần Bản Mệnh, sinh năm 1809 qua đời năm 1890.

Sắc lệnh thứ hai nhìn nhận cái chết tử đạo của các vị Tôi tớ Chúa Antonio Arribas Hortiguela và 6 bạn, Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bị giết vì đức tin ngày 29 tháng 9 năm 1936. Sắc lệnh thứ ba nhìn nhận cái chết tử đạo của vị Tôi tớ Chúa Giuseppe Mayr-Nusser, giáo dân bị giết vì đức tin ngày 24 tháng hai năm 1945. Sáu sắc  lệnh khác nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các vị Tôi tớ Chúa: Alfonso Gallegos dòng các tu sĩ Agostino Recolletti, Giám Mục phụ tá giáo phận Sacramento, sinh năm 1931 qua đời năm 1991; Raffaele Sánchez García, Linh mục giáo phận, sinh năm 1911 qua đời năm 1973; Andrea Filomeno García Acosta, giáo dân dòng Anh em hèn mọn, sinh năm 1800 qua đời năm 1853; Giuseppe Marchetti, Linh mục dòng các Thừa Sai thánh Carlo, sinh năm 1869 qua đời năm 1896; Giacomo Viale, Linh mục dòng Anh em hèn mọn, cha sở Bordigherra, sinh năm 1820 qua đời năm 1912; Maria Pia Thánh Giá, sáng lập dòng các Nữ Tu chịu đóng đinh chầu Thánh Thể, sinh năm 1847 qua đời năm 1919.

Trong số các tân chân phước nổi bật nhất là chân phước Giuseppe Mayr-Nusser cha gia đình, chết vì bị bắt buộc gia nhập lực lượng mật vụ Đức quốc xã, nhưng từ chối thề vâng lời Hitler. Vì thế ông bị gửi tới trại tập trung Dachau, bị chết vì mệt và bị hành hạ trong khi di chuyển. Trong khi 7 chân phước thừa sai người Tây Ban Nha bị giết ngày 29 tháng 9 năm 1936 trong thời nội chiến Tây Ban Nha. Còn cha Luigi Antonio Rosa Ormières là nhà giáo dục, đặc biệt của dân nghèo (SD 8-7-2016)

Linh Tiến Khải

Toà Án Vatican phán quyết chung kết vê vụ Vatileaks 2

Toà Án Vatican phán quyết chung kết vê vụ Vatileaks 2

Vatileak 2 final

VATICAN: Sau 21 phiên xử, chiều ngày mùng 7-7 vừa qua Toà án quốc gia thành Vatican đã phán quyết chung kết liên quan tới vụ Vatileaks 2.

Thẩm phán đoàn đã kết án Đức Ông Angel Lucio Vallejo Balda, người Tây Ban Nha, Thư ký Sở Kinh tế Toà Thánh, 18 tháng tù vì tội lấy và chuyển tài liệu mật của Toà Thánh cho hai nhà báo Ý. Bà Francesca Immacolata Chaouqui, người Ý, đồng loã trong vụ này, bị kết án 10 tháng tù.  

Hai nhà báo đã dùng các tài liệu để phát hành sách hồi mùa thu năm ngoái là Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi, được tha bổng, vì Toà án quốc gia thành Vatican không trực tiếp có thẩm quyền pháp lý trên hai người.

Trong thông cáo phổ biến sau đó cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí  Toà Thánh, cho biết Hệ thống tư pháp Toà Thánh đã phải xử vụ này, vì trong các năm qua nó đã đưọc phát triển để đối phó với các đòi hỏi chống lại tình trạng bất hợp pháp trong nhiều lãnh vực. Ngoài ra cũng là để chứng minh cho thấy ý chí cương quyết chống lại các hậu quả không đúng đắn do các căng thẳng và tranh cãi nội bộ gây ra, và từ ít lâu nay bị phản ánh  trên các phương tiện truyền thông bên ngoài có đuợc tin tức vì do sự không kín đáo hay các rò rỉ. Điều này tạo ra vòng tròn và bối cảnh mập mờ tiêu cực giữa các thảo luận nội bộ và các phóng lại bên ngoài qua các phương tiện truyền thông, với các hâu quả tiêu cực trên dư luận công cộng có quyền được thông tin một cách khách quan và thanh thản.

Để hiểu biết và lượng định các khiá cạnh khác nhau của tình trạng này thật là điều đúng đắn can đảm đương đầu với chiều kích vai trò và trách nhiệm của các nhà báo trong lãnh vực này, mặc dù có các tranh luận liên quan tới quyền tự do báo chí, là quyền cần bảo vệ, nhưng nó cũng  có các giới hạn cần tôn trọng, nếu có các thiện ích quan trọng khác cần bênh vực; và thật là đúng đắn kiểm thực xem điểu này có xảy ra hay không. Như đã lập lại nhiều lần, đây không phải là một vụ xử án chống lại quyền tự do báo chí.

Cả Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, tuy chưa có luật hiện hành, nhưng cũng đã cho rằng công lý loài người phải được thi hành đối với ông quản gia của ngài cho tới khi có phán quyết. Cũng thế, giờ đây, cả khi việc phát tán tài liệu liên quan tới một giáo sĩ quan trọng, sẽ là điều không đúng đắn, nếu đối xử một cách khác.

Vụ xử án đã đưọc thực thi với ý chí hoàn toàn tôn trọng các luật lệ, các thủ tục, các đòi buộc quyền lợi và biện hộ của các bị can. Với các thẩm phán và trạng sư chuyên nghiệp và với các cuộc thảo luận công khai trong sáng. Đã có các chứng tá uy tín được lắng nghe bên trong và bên ngoài, và thời gian vụ xử cũng ngắn gọn.

Phán quyết đã được Thẩm phán đoàn đưa ra trong sự độc lập hoàn toàn, với thái độ công bằng  và độ lượng, theo tinh thần của việc canh tân luật hình sự do ĐGH Phaolo VI đề ra năm 1969. Như tất cả những người đã theo dõi vụ xử có thể hiểu một cách dễ dàng, cuộc tranh luận đã có một vai trò nền tảng trong việc đưa ra phán quyết của Thẩm phán đoàn, không dựa trên các lập trường có sẵn, và đạt được các phán xử đáng vui mừng. Các lý do của phán quyết sẽ được đệ trình và cho biết trong các tuần tới. Giờ đây có ba ngày để các bị can có thể kháng cáo.

Tuy có nỗi buồn mà mọi vi phạm và hậu quả của vụ xử án gây ra, nhưng cầu mong rằng người ta có thể rút tiả ra các kết luận và các suy tư hữu ích để phòng ngừa việc lập lại các tình trạng tương tự trong tương lai (SD 7-7-2016)

Linh Tiến Khải

Người nghèo là kho tàng của Giáo Hội

Người nghèo là kho tàng của Giáo Hội

ĐTC Phanxicô tiếp phái đoàn người nghèo các giáo phận Pháp hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót ngày 6-7-2016

VATICAN: Anh chị em ở trong tim Giáo Hội và anh chị em cho phép chúng tôi gặp gỡ Chúa Giêsu, vì toàn cuộc sống của anh chị em nói về Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến đoàn hành hương 200 người nghèo thuộc các giáo phận Pháp lúc 9 giờ sáng hôm qua (6-7) trong đại thính đường Phaolô VI. ĐTC nói: dù hoàn cảnh, lịch sử và gánh nặng của anh chị em thế nào đi nữa, thì chính Chúa Giêsu tụ họp chúng ta;  Ngài tiếp đón từng người như họ là, và trong Ngài chúng ta tất cả là anh chị em với nhau, con của cùng một Thiên Chúa Cha. Với  các vị đồng hành với anh chị em, anh chị em làm chứng cho tình huynh đệ, yêu thương trợ giúp nhau, tạo điều kiện cho nhau đi hành hương, và anh chị em trao ban chính Chúa Giêsu cho họ và cho tôi. Vì Chúa Giêsu đã muốn chia sẻ điều kiện của anh chị em, vì yêu thương, Ngài đã trở thành một người trong anh chị em: bị người khác khinh rẻ, quên lãng, một người không là gì cả. Nhưng Giáo Hội yêu thương và ưa thích điều Chúa Giêsu đã yêu thương và ưa thích.  Giáo Hội sẽ không an lòng cho tới khi nào không tới với tất cả những người  sống kinh nghiệm bị khước từ, loại bỏ và không có giá trị đối với người khác.

ĐTC cũng cám ơn các người đồng hành với đoàn hành hương người nghèo vì tất cả những gì họ đã làm để giúp các anh chị em này về hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Họ đã trung thành với lý tưởng của cha Giuseppe Wresinski, chia sẻ cụ thể điều kiện sống của dân nghèo, chứ không yêu thương trong lý thuyết. Các lý thuyết trừu tượng dẫn đưa tới các ý thức hệ và các ý thức hệ dẫn đưa chúng ta tới chỗ chối bỏ rằng Thiên Chúa đã làm người như chúng ta. Cuộc sống chia sẻ với người nghèo biến đổi và hoán cải chúng ta. Anh chị em đã bước vào cuộc sống và sự thất vọng của người nghèo và đã dấy lên một cộng đoàn tái trao ban cho họ một cuộc sống, một căn cước, một phẩm giá. Và Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp giúp tái khám phá và sống chiều kích liên đới, huynh đề, trợ giúp và nâng đỡ nhau. Anh chị em hãy duy trì lòng can đảm giữa các âu lo, duy trì niềm vui và hy vọng. Ước chi ngọn lửa ấy đừng tắt ngấm nơi anh chị em.

ĐTC đã phó thác cho các anh chị em nghèo một sứ mạng: đó là cầu nguyện cho ơn hoán cải của tất cả những ai là nguyên nhân tình trạng sống nghèo túng của họ, để xin ơn hoàn cải cho họ; cầu nguyện cho biết bao nhiêu người giầu ăn mặc sang trọng, mở tiệc tưng bừng, nhưng không nhận ra biết bao nhiêu Ladarô nghèo trước cửa nhà thèm một chút thức ăn thừa từ bàn của họ. Cầu nguyện cho các tư tế, các lêvi tránh né và ngoảnh mặt đi qua, không cứu giúp người bị nạn dở sống dở chết. Cầu nguyện cho họ và cho biết bao nhiêu người khác dính líu tới cảnh nghèo túng và khổ đau của ho, mỉm cười với họ từ thâm tâm, cầu mong sự lành cho họ và xin  Chúa Giêsu hoán cải họ. Nếu anh chị em làm điều đó, tôi bảo đảm với anh chị em là sẽ có niềm vui lớn trong Giáo Hội, trong tim anh chị em và trong nước Pháp thân yêu (SD 6-7-2016)

Vatican Radio

Đức Thánh Cha khuyến khích chiến dịch hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha khuyến khích chiến dịch hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha khuyến khích chiến dịch hòa bình cho Syria

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích chiến dịch của Caritas cho hòa bình tại Siria đồng thời lên án sự tài trợ võ khí nuôi chiến tranh tại đây.

Trong sứ điệp Video phổ biến hôm 5-7-2016, ĐTC bày tỏ đau buồn vì chiến tranh tại Siria nay đã bước sang năm thứ 5. ”Đó là một tình trạng đau khổ khôn tả, nạn nhân là những người dân Syria phải sống dưới bom đạn hoặc tìm đường trốn chạy ra nước ngoài: bỏ lại nhà cửa và mọi sự..” ĐTC nói: ”Tôi cũng nghĩ đến các cộng đoàn Kitô mà tôi hoàn toàn hỗ trợ vì những kỳ thị mà họ đang phải chịu”.

”Tôi muốn ngỏ lời với tất cả các tín hữu và những người, cùng với Caritas, đang dấn thân trong việc xây dựng một xã hội công chính hơn. Trong khi dân chúng chịu đau khổ, thì số lượng tiền bạc không thể tưởng tượng nổi được chi phí cho việc cung cấp võ khí cho những người đang đánh nhau. Và một số nước cung cấp các võ khí ấy, cũng thuộc vào số những nước nói về hòa bình. Làm sao ta có thể tin những người tay phải thì vuốt ve bạn, còn tay trái thì đánh bạn”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi khuyến khích tất cả mọi người, người lớn và người trẻ, hãy hăng hãi sống Năm Lòng Thương Xót này để khắc phục sự dửng dưng lãnh đạo và mạnh mẽ tuyên bố rằng hòa bình ở Syria là điều có thể!”

”Tôi mời gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Syria và cho nhân dân nước này nhân dịp những buổi canh thức cầu nguyện, các sáng kiến gây ý thức nơi các nhóm, trong các giáo xứ và các cộng đoàn, để phổ biến một sứ điệp hòa bình, hiệp nhất và hy vọng”.

”Kèm theo lời cầu nguyện là những hoạt động cho hòa bình – ĐTC nói – Tôi mời gọi anh chị em hãy ngỏ lời với những người can dự vào các cuộc hòa đàm để họ coi trọng các hiệp định và dấn thân làm sao để các đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới cho các nạn nhân một cách dễ dàng.

”Tất cả phải nhìn nhận rằng không có một giải pháp quân sự cho Syria, nhưng chỉ có một giải pháp chính trị. Vì thế cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ các cuộc hòa đàm, tiến tới việc thiết lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy liên kết mọi nỗ lực, trên mọi cấp độ, để hòa bình trở thanh điều có thể trên đất nước Siria yêu quí. Đây sẽ là một ví dụ hùng hồn về lòng thương xót và tình yêu được sống thực sể mưu ích cho toàn thể cộng đồng quốc tế” (SD 5-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 14 Thường Niên

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 14 Thường Niên

Buổi Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Trưa Chúa Nhật 14 Thường Niên

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật, ngày 03.07, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mỗi người chúng ta hãy biết nài xin sự giúp sức của Thiên Chúa trước cánh đồng lúa chính vàng, và chính mỗi người chúng ta cũng phải trở nên những người thợ trong cánh đồng lúa ấy để loan báo Tin Mừng đến cho hết thảy mọi người.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Bài đọc Tin Mừng ngày hôm nay, trích từ chương thứ 10 Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc, 1-12.17-20), giúp chúng ta hiểu sự cần thiết của việc kêu cầu Thiên Chúa: ‘Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về ‘(Câu 2). Những người thợ mà Đức Giêsu nói đến chính là những thừa sai của Triều Đại Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã kêu gọi và sai ‘cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến’ (Câu 1). Nhiệm vụ của các thừa sai là loan truyền thông điệp cứu độ đến tất cả mọi người. Không chỉ những nhà truyền giáo ở những nơi xa xôi, nhưng chính chúng ta cũng là những thừa sai, những người nói những lời tốt lành về ơn cứu độ. Đây chính là món quà mà Đức Giêsu đã ban tặng cho chúng ta với Thần Khí. Lời loan báo ấy là: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’ (Câu 9). Thực vậy, Đức Giêsu đã mang Thiên Chúa đến gần với chúng ta, Thiên Chúa đã trở nên một người như chúng ta; trong Đức Giêsu, Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta, tình yêu thương xót của Người chiến thắng tội lỗi và đau khổ của chúng ta.

Đây là Tin Mừng mà những ‘người thợ’ phải mang đến cho tất cả mọi người: một thông điệp của sự hy vọng và của sự ủi an, của hòa bình và của lòng bác ái. Đức Giêsu, khi sai các môn đệ đi trước vào các thành thị và làng mạc, đã căn dặn các ông: ‘Trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này.”… Hãy chữa trị những người đau yếu trong thành’ (Câu 5.9). Tất cả những điều này có nghĩa là Triều Đại Thiên Chúa được xây dựng từng ngày từng ngày và làm trổ sinh trên trái đất này những hoa trái của sự hoán cải, của sự thanh tẩy, của tình yêu và của sự ủi gian giữa người với người. Thật là đẹp biết bao khi người ta biết xây dựng mỗi ngày Triệu Đại Thiên Chúa. Dựng xây chứ không phá hủy.

Người môn đệ của Đức Giêsu phải thực hiện sứ vụ này với một tinh thần như thế nào? Trước hết, anh phải ý thức về thực tại khó khăn và đôi khi cả sự thù địch đang chờ đợi anh phía trước. Thật vậy, Đức Giêsu đã nói: ‘Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bày sói’ (Câu 3). Sự thù địch bao giờ cũng là khởi đầu của những bách hại, vì Đức Giêsu biết rằng sứ vụ luôn bị cản trở bởi những hành động chống phá của ma quỷ. Vì thế, người thợ của Tin Mừng phải nỗ lực để được tự do, thoát khỏi những điều kiện nhân loại trong mọi hình thức, tức là không mang theo bao bị, túi tiền, giầy dép (Câu 4) như Đức Giêsu đã căn dặn, để chỉ tín thác vào quyền năng của Thập Giá Đức Kitô mà thôi. Điều này có nghĩa là người môn đệ phải loại bỏ mọi động cơ liên quan đến hư danh cá nhân ngõ hầu có thể trở thành khí cụ khiêm nhường của ơn cứu độ đã được thực hiện bởi sự hiến tế của Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.

Trở thành những Kitô hữu như thế là một sứ mạng tuyệt vời dành cho hết mọi người, không trừ một ai; điều này đòi hỏi rất nhiều lòng quảng đại, trên hết là có cái nhìn và một tâm hồn hướng thượng để nài xin sự giúp sức của Thiên Chúa. Chúng ta đang cần rất nhiều những Kitô hữu biết làm chứng cho Tin Mừng với niềm vui tươi trong cuộc sống hằng ngày. Các môn đệ, sau khi được Đức Giêsu sai đi, đã trở về trong vui tươi hớn hở (Câu 17). Khi chúng ta được sai đi như các môn đệ, tâm hồn chúng ta cũng ngập tràn niềm vui. Sự diễn tả này làm tôi nghĩ đến niềm vui trong Giáo hội. Mẹ Giáo hội mừng vui khi con cái mình được nhận lãnh Tin Mừng nhờ sự cống hiến, dấn thân của biết bao nhiêu người trong việc rao giảng: các linh mục, các cha xứ tốt lành, các nữ tu, các tu sĩ, các thừa sai, các nhà truyền giáo. Và giờ đây, tôi nhận thấy một câu hỏi đang dấy lên trong lòng là: Liệu có bao nhiêu bạn trẻ đang hiện diện nơi đây, trong quảng trường này, nghe thấy lời mời gọi của Thiên Chúa bước đi theo Ngài? Các bạn trẻ thân mến, các con đừng sợ hãi. Hãy cảm đảm và mang đến cho người khác ngọn đuốc cháy sáng của lòng nhiệt huyết tông đồ đã được để lại bởi gương mẫu của các môn đệ.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, với sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, để trong Giáo Hội, đừng bao giờ thiếu những tâm hồn quảng đại, luôn lao tác làm việc nhằm mang đến cho mọi người tình yêu và sự hiền lành của Cha trên trời.

Chào mừng và mời gọi

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác. Đức Thánh Cha cũng đặc biệt chào mừng các nhóm, các đoàn thể đang tề tề tựu nơi đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin này.  

Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngài cảm thấy niềm hạnh phúc xâu xa vì thứ tư tới đây, toàn thể Giáo hội sẽ mừng lễ thánh nữ Maria Goretti, một thánh nữ tử vì đạo. Trước lúc chết, thánh nữ sẵn lòng tha thứ cho kẻ đã sát hại mình.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội ”Cùng nhau cho Âu Châu”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội ”Cùng nhau cho Âu Châu”

Cùng nhau cho Âu Châu

VATICAN. ĐTC tố giác hiện tượng nhiều loại bức tường được dựng lên tại Âu Châu và ngài kêu gọi can đảm thay đổi, tận dụng gia sản phong phú của mình.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video ĐTC gửi các tham dự viên Đại hội ”Cùng nhau cho Âu Châu” lần thứ 4 tiến hành tại thành phố Munich nam Đức từ 30-6 đến 2-7-2016.

Đại Hội này qui tụ nhiều hoạt động của các Cộng đoàn và Phong trào Giáo Hội Công Giáo, và của các tín hữu Kitô khác nhắm bênh vực gia đình, bảo vệ sự sống và thiên nhiên, cổ võ một nền kinh tế công chính, liên đới với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, hòa giải và hòa bình, thiện ích của các thành thị và tình liên đới tại Âu Châu.

Trong sứ điệp được công bố tại Quảng trường Karlplatz ở trung tâm thành Munich, ĐTC nhận xét rằng: ”Ngoài một số bức tường hữu hình, còn có nhiều bức tường vô hình đang được củng cố thêm, chúng nhắm chia rẽ đại lục Âu Châu này. Những bức tường được dựng lên trong tâm hồn con người. Những bức tường sợ hãi và gây hấn, thiếu cảm thông đối với những người có nguồn gốc và xác tín tôn giáo khác. Những bức tường ích kỷ chính trị và kinh tế, không tôn trọng sự sống và phẩm giá của mỗi người”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Âu châu đang ở trong một thế giới phức tạp và chuyển động mạnh mẽ, ngày càng hoàn cầu hóa nhiều hơn, và vì thế ngày càng bớt qui vào Âu Châu. Nếu chúng ta nhận thực các vấn đề lớn lao ấy, chúng ta phải có can đảm nói: chúng ta đang cần một thay đổi! Âu Châu được kêu gọi suy nghĩ và tự hỏi xem gia sản vô biên của mình, chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, đang thuộc về một viện bảo tàng, hay vẫn còn có khả năng gợi hứng một nền văn hóa và trao tặng kho tàng của mình cho toàn thể nhân loại”.   Trong những ngày hội họp vừa qua, có sự tham dự của nhiều nhân vật như ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình, ĐHY Kasper, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY LLuis Martinez Sistach, nguyên TGM giáo phận Barcelona Tây Ban Nha, cùng một số HY khác. Đặc biệt cũng có sự hiện diện của Mục Sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ. Ngoài ra có các thủ lãnh và thành viên nhiều Cộng đoàn và Phong trào của Giáo Hội. Có 36 cuộc thảo luận bàn tròn và diễn đàn giúp trao đổi kinh nghiệm và viễn tượng liên quan đến Âu Châu.

ĐTC nói với họ: ”Anh chị em là các cộng đoàn và phong trào Kitô nảy sinh ở Âu Châu, anh chị em mang nhiều đoàn sủng, hồng ân Chúa ban. ”Cùng nhau cho Âu Châu” là một sức mạnh liên kết, với mục tiêu rõ ràng là diễn tả các giá tri căn bản của Kitô giáo thành những câu trả lời cụ thể cho những thách đố mà một đại lục đang khủng hoảng gặp phải.”

”Lối sống của anh chị em dựa trên tình thương yêu nhau, sống với tinh thần quyết liệt của Tin Mừng. Một nền văn hóa hỗ tương có nghĩa là đối chiếu, quí chuộng nhau, đón nhận và nâng đỡ nhau. Nó có nghĩa là đề cao giá trị của những đoàn sủng khác nhau, để qui hướng tất cả vào sự hiệp nhất và làm cho nền văn hóa ấy được phong phú. Sự hiện diện của Chúa Kitô giữa anh chị em, trong sáng và cụ thể, là chứng tá làm cho người khác tin”.

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng: ”Nếu toàn thể Âu Châu muốn là một gia đình các dân nước thì cần đặt con người ở trung tâm, cần cởi mở và có tinh thần hiếu khách, tiếp tục thực hiện những hình thức cộng tác không những về kinh tế, nhưng cả về mặt xã hội và văn hóa nữa” (SD 2-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha sẽ viếng trại Auschwitz trong thinh lặng

Đức Thánh Cha sẽ viếng trại Auschwitz trong thinh lặng

Trại Auschwitz

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm trại tập trung Auschwitz Birkenau bên Ba Lan vào ngày 25 tháng 7 tới đây, trong thinh lặng và cầu nguyện, sẽ không có diễn văn nào nhân dịp này.

Hôm 30-6-2016, cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh xác nhận sự thay đổi trên đây. Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 29-6 trước đó, ĐTC sẽ đọc một bài diễn văn tại đài tưởng niệm ở trại Birkenau giống như Đức Gioan Phaolô 2 và Đức Biển Đức 16 đã làm. Nhưng nay, có sự thay đổi như vừa nói.

Trên chuyến bay từ Armenia về Roma hôm 26-6-2016, Cha Lombardi đã ám chỉ đến sự thay đổi đó và ĐTC trả lời. Ngài nói: ”Hồi năm 2014, khi viếng nghĩa trang quân đội Redipuglia ở miền bắc Italia, nhân kỷ niệm 100 năm thế chiến thứ I bùng nổ, tôi đã bước đi trong thinh lặng giữa các ngôi mộ. Rồi sau đó, trong thánh lễ, tôi đã giảng, nhưng đây là chuyện khác. Cũng vậy tôi muốn đến chỗ kinh hoàng tại Auschwitz Berkenau, không có diễn văn, cũng chẳng có đám đông, chỉ một vài người cần thiết. Một mình đi vào, cầu nguyện, và xin Chúa ban cho tôi ơn được khóc”.

Cha Lombardi giải thích rằng sự im lặng của ĐTC Phanxicô không có nghĩa là ngài không có gì để nói về sự kinh hoàng của cuộc diệt chủng Do thái, điều quan trọng là tưởng niệm và cần phải tiếp tục bài trừ nạn bài Do thái. Chẳng hạn ngày 17-1 năm nay, khi viếng Hội đường Do thái ở Roma, ĐTC nói:

 ”Quá khứ phải là một bài học cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.. Cuộc diệt chủng Do thái dạy chúng ta rằng sự cảnh giác tối đa luôn luôn là điều cần thiết để mau lẹ can thiệp bảo vệ phẩm giá con người và hòa bình”. (CNS 30-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Sách mới về nội dung cuộc phỏng vấn với Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức

Sách mới về nội dung cuộc phỏng vấn với Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức

Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức

Vatican – Nội dung cuộc một cuộc phỏng vấn của ký giả Peter Seewald với Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI sẽ được xuất bản trong một cuốn sách tiếng Đức có tựa đề: “Letzte Gespräche” (Các cuộc đối thoại cuối cùng) vào tháng 9 tới đây, theo nhật báo “Corriere della Sera” của Italia.

Nhật báo “Corriere della Sera” cũng cho biết cuốn sách nói về việc Đức nguyên Giáo hoàng biết đến một “nhóm đồng tính quyền lực” trong Vatican và ngài đã có thể dẹp tan quyền lực của họ; việc ngài giữ một cuốn nhật ký trong suốt triều Giáo hoàng của ngài nhưng ngài muốn đốt nó đi dù là các nhà lịch sử sẽ có thể tìm thấy nó có giá trị; sự ngạc nhiên của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu chọn và niềm vui của ngài khi thấy cách Đức tân Giáo hoàng cầu nguyện trước công chúng và có thể giao tiếp với đám đông; việc ngài nói về những điều giống và khác nhau giữa ngài và Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Trên trang web của mình, nhà xuất bản tiếng Đức Droemer Knaur cho biết Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI nói về những ưu tiên trong triều đại Giáo hoàng của ngài, về VatiLeaks, về Đức Giáo hoàng Phanxicô và các vấn đề gây tranh cãi về chức Giáo hoàng của mình. Ngài thảo luận những thử thách mà Giáo hội Công giáo đang đối mặt, nhưng cũng nhìn lại những kỷ niệm của gia đình và những sự kiện trong cuộc đời mình.

Khi còn là Hồng Y, Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức cũng đã có các cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi cùng tác giả Seewald và nội dung đã được xuất bản trong 2 cuốn sách: “Muối Đất” (xuất bản tiếng Đức năm 1996) và “Thiên Chúa và Thế Giới” (xuất bản tiếng Đức năm 2000). Sau khi được chọn làm Giáo Hoàng, ngài và cùng tác giả Seewald đã phát hành cuốn sách “Ánh Sáng Thế Gian” vào năm 2010. (CNS/CNA 1/7/2016)

Hồng Thủy Op