Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

pakistani-christians-protesting

Kasur – Tình trạng bắt cóc các thiếu nữ Ki-tô giáo, cưỡng bách cải sang đạo Hồi và buộc kết hôn với người Hồi giáo tiếp tục xảy ra tại Kasur, Pakistan.

Ông Sarwar Masih đã cầu cứu luật sư Sardar Mushtaq Gill, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – một tổ chức giúp đỡ các Ki-tô hữu, nạn nhân của các hình thức lạm dụng, giúp con gái ông là Laveeza Bibi.

Laveeza Bibi, 23 tuổi, bị hai người Hồi giáo bắt cóc tại nhà của cha mẹ mình ở vùng Kasur, Punjab vào ngày 14/4 vừa qua. Hai kẻ bắt cóc có trang bị súng, đe dọa cha mẹ cô gái và mang cô đi. Một trong hai người bắt cóc là Muhammad Talib đã cưỡng bức cô phải kết hôn với hắn.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Masih ngay lập tức đến đồn cảnh sát địa phương, nhưng cảnh sát tỏ ra lưỡng lự ghi nhận đây là một khiếu nại chính thức. Chỉ sau khi phỏng vấn thêm hai nhân chứng, cảnh sát mới có lệnh triệu tập Talib.

Luật sư Gill cho hãng tin Fides biết, chỉ trong tháng 4 này, riêng vùng Kasur đã có 5 thiếu nữ bị bắt cóc, bị cải sang đạo Hồi và bị bắt buộc kết hôn với các kẻ bắt cóc hành hạ mình. Những cô gái bị từ chối hoàn toàn sự bảo vệ của luật pháp về quyền cá nhân”.

Hiện tượng này tiếp diễn ở một mức độ không thể chấp nhận được với khoảng 1000 trường hợp được ghi nhận hàng năm và rất nhiều trường hợp không được ghi nhận.  Tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – sẽ tiếp tục hành động và gây ý thức về sự phân biệt đối xử và bạo lực xảy ra ở Pakistan, đặc biệt là đối với các phụ nữ của các tôn giáo thiểu số Ki-tô và Ấn giáo, những người dễ bị tổn thương và không tự vệ, đối tượng của bạo lực thường không  bị trừng phạt. (Agenzia Fides 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Ki-tô hữu Hồng Kông tuần hành chống phá hủy Thánh giá

Ki-tô hữu Hồng Kông tuần hành chống phá hủy Thánh giá

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân

Hồng Kông – Một nhóm Ki-tô hữu do Đức Hồng Y Trần Nhật Quân dẫn đầu đã yêu cầu chính quyền Trung quốc ngừng việc phá hủy các Thánh giá ở lục địa Trung hoa và thả các lãnh đạo tôn giáo đang bị cầm tù.

Cuộc tuần hành phản đối do Học viện Công giáo Hồng Kông, Ủy ban Công lý Hòa bình của Hội đồng Giám mục  Vùng và các Ki-tô hữu tổ chức đã diễn ra trước Văn phòng đại diện của chính quyền Trung quốc ở Hồng Kông. Những người tham gia đã hô vang “tôn trọng tự do tôn giáo” trong khi đặt hoa để tưởng niệm những người đã chết để khẳng định quyền tự do này ở Trung Hoa.

Nhóm tuần hành đã nhắc cho những người hiện diện là từ cuối năm 2013, khi chiến dịch này bắt đầu bởi lãnh đạo đảng ở Chiết giang chống lại các biểu tượng Ki-tô giáo, đã có 2000 Thánh giá bị tháo bỏ hoặc phá hủy. Bên cạnh đó, đoàn biểu tình cũng yêu cầu chính quyền trung ương Bắc Kinh thả tự do cho các mục sư và các Linh mục bị cầm tù vì đã chống lại việc phá hủy Thánh giá.

Đức Hồng Y nguyên Giám mục Hồng Kông bày tỏ lo lắng là chiến dịch này có thể sẽ lan đến Hồng Kông. Ngài nói: “Sự tự do chúng ta có ở đây ngày càng ít hơn. Chúng ta cần phải nói, phải tố cáo những gì đang xảy ra vì có thể cả chúng ta cũng có thể phải chịu các chiến dịch chống Kitô giáo lây lan từ Trung Hoa đại lục.” Theo ngài, việc tố cáo sự thiếu tự do tôn giáo cũng là một nghĩa vụ luân lý.

Cuộc tuần hành của Hồng Kông xảy ra một ngày sau cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một đại diện của Mặt trận thống nhất (quy tụ tất cả các nhóm xã hội “không Cộng sản” của Trung Quốc hiện đại). Trong cuộc thảo luận, ông Tập nhấn mạnh các nhóm tôn giáo phải vâng theo Đảng: “Họ phải gắn bó với quyền lãnh đạo của Đảng. Đồng thời các đảng viên phải vô thần và theo chủ nghĩa Mác-xít: các đảng viên phải là những người canh giữ chống lại các sự xâm nhập từ nước ngoài, có thể đến qua các con đường tôn giáo, chống lại sự lãnh đạo của đảng.” (Asia News 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha chống trào lưu duy giáo sĩ

Đức Thánh Cha chống trào lưu duy giáo sĩ

Đức Thánh Cha chống trào lưu duy giáo sĩ

 

VATICAN. ĐTC kêu gọi bài trừ nạn duy giáo sĩ đồng thời thăng tiến lòng đạo đức bình dân ở Mỹ châu la tinh.

Trên đây là nội dung thư ĐTC gửi đến ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM kiêm chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh. Trong thư ngài nhắc đến khóa họp toàn thể của Ủy ban này từ ngày 1 đến 4-3-2016 tại Vatican về đề tài ”Sự dấn thân không thể thiếu được của giáo dân trong đời sống công cộng ở các nước Mỹ châu la tinh”. Ngài đã tiếp các tham dự viên ngày 4-3-2016 vào cuối khóa họp.

 ĐTC cho biết lá thư của ngài là một sự tiếp tục suy tư về đề tài đã được bàn đến trong khóa họp của Ủy ban, qua đó sau khi đề cao ơn gọi của giáo dân là Dân Thánh của Thiên Chúa, ngài đặc biệt nhắc đến những nguy hiểm và tai hại của trào lưu duy giáo sĩ ở Mỹ châu la tinh. ĐTC viết:

”Thái độ duy giáo sĩ không những hủy bỏ nhân cách của các tín hữu Kitô nhưng còn nhắm giảm bớt và hạ giá ơn thánh của bí tích rửa tội mà Chúa Thánh Linh đã đặt trong tâm hồn những người dân của chúng ta. Thái độ duy giáo sĩ biến giáo dân trở thành những người thừa hành, giới hạn những sáng kiến và cố gắng táo bạo cần thiết để cho để mang Tin Mừng cho mọi lãnh vực hoạt động xã hội, nhất là lãnh vực chính trị. Trào lưu duy giáo sĩ dần dần làm tắt lịm ngọn lửa ngôn sứ mà toàn thể Giáo Hội được kêu gọi làm chứng tá trong tâm hồn dân Chúa..”.

ĐTC đặc biệt đề cao ”việc mục vụ bình dân”, cũng gọi là lòng đạo đức bình dân. Trong tông huấn ”Loan báo Tin Mừng” (Evangelii nuntiandi), ĐGH Phaolô 6 nhận xét rằng: ”Lòng đạo đức bình dân chắc chắn có những giới hạn. Nó thường bị nhiều hình thức tôn giáo lệch lạc xâm nhập, nhưng nếu được hướng dẫn đúng đắn, nhất là qua khoa sư phạm về việc loan báo Tin Mừng, thì lòng đạo đức bình dân rất phong phú về giá trị. Nó biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ có những người đơn sơ và người nghèo mới có thể nhận biết được, làm cho họ có khả năng quảng đại và hy sinh đến mức độ anh hùng..”.

Sau cùng ĐTC kêu gọi các vị Chủ Chăn của Giáo Hội ở Mỹ châu la tinh hãy khuyến khích, đồng hành và cổ võ những sáng kiến và các nỗ lực của giáo dân dấn thân trong đời sống công cộng, nhắm duy trì niềm hy vọng và đức tin sinh động trong một thế giới đầy mâu thuẫn, nhất là cho những người nghèo nhất, và với những người nghèo nhất. Điều này có nghĩa là các vị Chủ Chăn cần dấn thân giữa dân, với dân, nâng đỡ đức tin và hy vọng của họ” (SD 26-4-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khích lệ sáng kiến ”biến sa mạc thành rừng cây”

Đức Thánh Cha khích lệ sáng kiến ”biến sa mạc thành rừng cây”

Đức Thánh Cha khích lệ sáng kiến biến sa mạc thành rừng cây

ROMA. ĐTC Phanxicô khích lệ sáng kiến ”biến sa mạc thành rừng cây” do Phong trào Focolari (Tổ Ấm), và ”Ngày Trái Đất” (Earth Day) ở Italia đề xướng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm bất ngờ lúc 5 giờ chiều chúa nhật 24-4-2016 tại Công viên Borghese ở Roma, nơi có ”Làng cho trái đất” do Phong trào Focolari và Earth Day Italia thiết lập trong 4 ngày qua. Ngôi làng đặc biệt này muốn trình bày khuôn mặt âm thầm của Thành Roma, hằng ngày kiến tạo những mạng liên đới, đối thoại liên tôn, cuộc sống chung, ít được các cơ quan truyền thông nói tới, nhưng chủ đích là trở thành những viên gạch nhỏ xây dựng nền văn minh.

Khi đến nơi, ĐTC đã được 3.500 người hiện diện đón tiếp và ban nhạc ”Gen Xanh” của người trẻ Focolari chào mừng, cùng với chị Maria Voce và cha Jesus Morán, Chủ tịch và đồng Chủ tịch Phong trào Focolari.

Lên tiếng trong dịu này, ĐTC cám ơn tất cả những người cộng tác vào sáng kiến này và nói: ”Anh chị em là những người đang hoạt động để sa mạc thành rừng cây, anh chị em dấn thân trên nhiều bình diện trong xã hội: từ sự gần gũi các tù nhân cho đến cuộc chiến chống nạn cờ bạc…

ĐTC đặc biệt đề cao sự nhưng không và nhận xét rằng “Trong thế giới này, dường như nếu bạn không trả tiền thì không thể sống được. Nơi trung tâm của thế giới có thần tiền bạc: ai không đến gần để thờ lạy thần này thì rốt cuộc bị lâm vào nghèo đói, bệnh tật và bị bóc lột”.

ĐTC không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tha thứ. Ngài nói: ”Tâm tình cay đắng, oán hận, làm cho chúng ta xa nhau. Cần luôn luôn xây dựng, với ý thức rằng tất cả chúng ta đều có những điều để tha thứ cho nhau, tất cả chúng ta đều phải làm cộng tác với nhau, tôn trọng nhau, và nhờ đó chúng ta sẽ thấy phép lạ này, đó là một sa mạc trở thành rừng cây”.

Trước đó, Ông Pierluigi Sassi, chủ tịch tổ chức Ngày Trái Đất Italia, đã trình bày về những hoạt động nhắm giáo dục về môi trường, đối thoại liên tôn, giúp đỡ các thiếu niên không có người tháp tùng, và một kinh nghiệm Âu Châu về dự án Erasmus dành cho các sinh viên (RG 24-4-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Một phụ nữ Công giáo Burundi nhận giải thưởng Aurora

Một phụ nữ Công giáo Burundi nhận giải thưởng Aurora

Bà Testo lancio nhận giải thưởng Aurora

Yerevan, Armenia – Ngày 24 tháng4 vừa qua, giải thưởng Aurora, một giải thưởng nhìn nhận công việc của một cá nhân về việc phát triển các quyền con người, đã được trao cho Marguerite Barankitse, 59 tuổi, một phụ nữ Công giáo người Burundi, người đã cung cấp nơi ăn ở cho hàng ngàn trẻ em mồ côi trong cuộc nội chiến ở Burundi vào đầu những năm 1990.

Khi chiến tranh bùng phát, Bà Testo lancio  đã che giấu các gia đình là mục tiêu của cuộc thanh trừng và chăm sóc cấc trẻ em mồ côi. Bà đã nhận những lời đe dọa nguy hiểm đến tính mạng vì những lời phê bình và quy trách nhiệm cho chính quyền về bạo lực xảy ra. Cuối cùng bà đã phải chạy sang nước láng giềng Rwanda để tị nạn. Tai đây bà tiếp tục cứu vớt hàng ngàn sinh mạng nhờ công việc bác ái giúp đỡ những người đang chạy trốn khỏi các cuộc chiến.

Nhiều người thân và bạn bè của bà đã bị giết trong cuộc chiến trang ở Burundi. Bà nói với Hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ: họ bị giết ngay trước mắt bà, nhưng là một người Công giáo, bà có đức tin và tiếp tục nghe sứ điệp của Chúa Giê-su: ‘Đừng sợ! Ta ở với con.’ Bà cho biết, nếu Thiên Chúa không ở cùng bà, có lẽ bà sẽ cố giữ mạng sống của bà.

Bà kêu gọi: “như là một gia đình nhân loại, chúng ta cần ủng hộ người khác, và nói ‘không bao giờ xảy ra nữa!’ Không còn những nhà độc tài áp bức dân chúng và nhận tiền bạc và vũ khí từ các cộng đồng quốc tế. Làm sao mà trong thế kỷ 21 vẫn tồn tại những bạo chúa này? Chúng ta phải lượng định cách chính xác.”

Trong buổi lễ trao giải thưởng, diễn viên George Clooney đã nói: “Giải thưởng tối nay tôn vinh sự anh hùng và can đảm mà nhiều người trong chúng ta có thể thực hiện trong cuộc sống của chúng ta… Nhìn nhận sự can đảm, dấn thân và hy sinh của bà Marguerite Barankitse, tôi hy vọng là bà có thể giúp cho mỗi người chúng ta suy nghĩ về những điều mình có thể làm để đứng lên nhân danh những người mà quyền của họ bị vi phạm và những người cần sự tương trợ của của chúng ta nhất.”

Bà Barankitse sẽ được nhận 100 ngàn mỹ kim để phát triển quỹ bác ái của bà và một triệu mỹ kim được tặng cho 3 tổ chức khác do bà đề nghị. (catholic News Service/Catholic Herald 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Có con tim yêu thương, tự do, rộng mở dể là môn đệ Chúa Giêsu

Có con tim yêu thương, tự do, rộng mở dể là môn đệ Chúa Giêsu

Thánh lễ Ngày Năm Thánh Giới Trẻ sáng Chúa Nhật 24-4-2016

Có con tim yêu thương, tự do, rộng mở để là môn đệ Chúa Giêsu

ĐTC khích lệ người trẻ có con tim yêu thưong và tự do để hướng tới các lý tuởng cao đẹp. Vì tình yêu là “thẻ căn cước” của kitô hữu, là “tải liệu” duy nhất  có giá trị cần liên tục gia hạn để được nhận biết là môn đệ của Chúa Giêsu.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong bài giảng thánh lễ cho Ngày Năm Thánh Giới Trẻ cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 24 tháng 4 hôm qua.

Từ mấy ngày qua hơn 70,000 bạn trẻ tuổi từ 13 tới 16 từ Italia và nhiều nước trên thế giới đã tuôn về Roma hành hương Năm Thánh. Các bạn trẻ được 203 giáo xứ Roma tiếp đón, và đã theo dõi các buổi học giáo lý theo các thứ tiếng tại nhiều nhà thờ khác nhau trong thủ đô Giáo Hội. Chiều thứ bẩy đã có hàng trăm Linh Mục ban bí tích Hoà Giải cho họ tại quảng trường thánh Phêrô. Chính ĐTC Phanxicô cũng đã giải tội cho 16 bạn trẻ. Tiếp đến vào ban tối các bạn trẻ đã tham dự đại nhạc hội tại sân vận động Olimpic Roma với các chứng từ, hoạt cảnh và các màn trình diễn của nhiều ca sĩ nổi tiếng.

Ngay từ 8 giờ sáng Chúa Nhật quảng trường thánh Phêrô đã đông đặc các bạn trẻ, tín hữu và du khách hành hương. Đảm trách thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh còn có ca đoàn Mater Ecclesiae và ca đoàn Anh giáo.

Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC có 20 Hồng Y, 50 Giám Mục, và 950 Linh Mục. Phần lời nguyện giáo dân đã được các bạn trẻ tuyên đọc trong các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và tiếng Hoa. 180 Linh mục đã giúp ĐTC cho các bạn trẻ và tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa điều răn yêu thương Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ. Ngài nói:

 “Từ điều này mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Các thanh thiếu niên nam nữ thân mến, thật lớn lao biết bao trách nhiệm mà Chúa tín thác cho chúng ta hôm nay! Nó nói với chúng ta rằng thiên hạ sẽ nhận biết các môn đệ của Chúa Giêsu từ cách họ yêu thương nhau. Nói cách khác, tình yêu là “thẻ căn cước” của kitô hữu, là “tải liệu” duy nhất  có giá trị để được nhận biết là môn đệ của Chúa Giêsu. Nếu tài liệu này hết hạn, và ta không gia hạn nó liên tục, thì chúng ta không là các chứng nhân của Chúa nữa.  Vì vậy cha hỏi các con: các con có muốn tiếp nhận lời Chúa Giêsu mời gọi là môn đệ của Ngài không? Các con có muốn là bạn trung thành của Ngài không? Bạn thật của Chúa Giêsu được phân biệt một cách nòng cốt bởi tình yêu cụ thể rạng ngời trong cuộc sống của mình. Các con có muốn sống tình yêu này mà Chúa ban cho chúng ta không ? – Các bạn trẻ thưa có – Thế thì chúng ta hãy tìm đến học trường của Ngài, là một trường sự sống để học yêu thương.

Trước hết yêu thương là điều xinh đẹp, là con đường để hạnh phúc. Tuy nhiên, nó không dễ dàng, nó đòi hỏi dấn thân, nó khiến cho ta mệt nhọc. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới khi mình nhận được một món qua. Điều này làm cho chúng ta hạnh phúc. Nhưng để chuẩn bị món qua đó các người quảng đại đã phải dành thời giờ và dấn thân, và như vậy họ cũng tặng chúng ta một chút cái gì đó của chính con người họ, một cái gì mà họ đã biết lấy đi của họ. Chúng ta cũng hãy nghĩ tới món quà mà cha mẹ và các linh hoạt viên của các con đã làm, bằng cách cho phép các con đến Roma tham dự Ngày Năm Thánh dành cho các con. Các vị đã phải lên chương trình, tổ chức, chuẩn bị mọi sự cho các con, và điều này khiến cho các vi vui, cả khi các vị có phải khước từ một chuyến du hành cho chính mình. Thật thế, yêu thương có nghĩa là cho đi, không phải chỉ một cái gì là vật chất, nhưng một cái gì của chính mình: thời giờ, tình bạn và các khả năng của mình.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Chúng ta hãy nhìn lên Chúa là Đấng không thể thắng vượt được trong sự quảng đại. Chúng ta nhận từ Ngài biết bao ơn, và mỗi ngày đáng lý ra chúng ta phải cám ơn Ngài… Cha muốn hỏi các con: các con có cám ơn Chúa mỗi ngày không? Cả khi nếu chúng tra quên, thì Chúa không quên ban cho chúng ta mỗi ngày một ơn đặc biệt. Đó không phải là một món quà vật chất cần giữ trong tay và sử dụng, nhưng là một món quà lớn lao hơn nữa, cho cuộc sống. Ngài cho chúng ta tình bạn trung thành của Ngài và sẽ không bao giờ lấy đi. Cả khi con làm cho Ngài thất vọng, và xa rời Ngài, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục yêu thương con và gần gũi con, tin tưởng nơi con hơn là chính con tin nơi mình. Và điều này thật quan trọng biết bao! Vì sự đe dọa chính ngăn cản lớn lên một cách tốt đẹp, đó là khi không có ai chú ý đến con, khi con cảm thấy mình bị bỏ ra một bên. Trái lại Chúa luôn luôn ở với con, và hài lòng ở với con.  Cũng như Ngài đã làm với các môn đệ trẻ của Ngài, Ngài nhìn vào mắt con và mời con theo Ngài, “ra khơi” và “thả lưới”, tin tưởng nơi lời Ngài, nghĩa là bỏ vào cuộc chơi các tài năng của con trong cuộc sống, cùng với Ngài, mà không sợ hãi. Chúa Giêsu chờ đợi nơi con một câu trả lời, Ngài chờ đợi tiếng “vâng” của con.

Các thanh thiếu niên thân mến, vào tuổi của các con, các con cảm thấy nổi lên trong mình ước muốn yêu và nhận tình yêu thương. Nếu các con đến học trường của Ngài, Chúa sẽ dậy các con khiến cho lòng trìu mến và sự dịu hiện trở thành đẹp hơn nữa. Ngài sẽ đặt để trong tim các con một ý hướng tốt lành, ý hướng yêu thương mà không chiếm hữu: yêu thương các bản vị mà không muốn họ là của riêng mình, nhưng để cho họ tự do. Thật vậy, luôn luôn có cám dỗ làm ô nhiễm tình yêu với yêu sách bản năng chiếm lấy, có được điều mình thích. Nền văn hóa duy tiêu thụ cũng củng cố khuynh hướng này. Nhưng mọi sự, nếu ta siết chặt quá, thì bị hỏng, bị hư hại: và ta thất vọng với cái trống rỗng bên trong. Nếu các con lắng nghe tiếng Chúa, Ngài sẽ vén mở cho các con bí quyết của sự hiền dịu: lo lắng cho người khác có nghiã là tôn trọng họ, giữ gìn họ và chờ đợi họ.

ĐTC nói thêm trong bài giảng thánh lễ Ngày Năm Thánh giới trẻ: Trong các năm này các con cũng cảm thấy một ước ao tự do lớn lao. Nhiều người sẽ nói với các con rằng tự do có nghĩa là làm điều mình muốn. Nhưng ở đây phải biết nói không. Tự do không luôn luôn có thể là làm điều hợp với tôi: điều này khiến cho ta bị khép kín, xa cách và ngăn cản chúng ta là các người bạn cởi mở và chân thành. Khi tôi khỏe thì mọi sự đều trôi chảy là điều không đúng đâu. ĐTC định nghĩa sự tự do như sau:

Sự tự do, trái lại, là ơn có thể lựa chọn sự thiện: ai lựa chọn sự thiện kẻ ấy tự do, ai tìm điều đẹp lòng Thiên Chúa, cả khi nó vất vả đi nữa, người ấy tự do. Chỉ với các lựa chọn can đảm và mạnh mẽ người ta mới thực hiện được các giấc mộng cao cả nhất, các giấc mộng đáng để cho chúng ta tiêu hao cuộc sống. Các con đừng hài lòng với sự tầm thường xoàng xĩnh, “sống vật vờ” đứng ngồi thoải mái. Đừng tín thác nơi kẻ làm cho các con lo ra khỏi sự giầu có đích thực, là chính các con, bằng cách nói với các con rằng cuộc đời chỉ đẹp khi có nhiều sự. Hãy coi chừng kẻ muốn làm cho các con tin rằng các con chỉ có giá trị khi đeo mặt nạ làm ra vẻ mạnh mẽ, như các anh hùng trong phim ảnh, hay khi các con mặc quần áo hàng hiệu mới nhất. Hạnh phúc của các con vô giá và không thể mua bán. Nó không phải là một chương trình “app” mà người ta chuyển vào điện thoại cầm tay. Nó cũng không phải là phiên bản cập nhật nhất có thể giúp các con trở thành tự do hay lớn lao trong tình yêu.

Vì tình yêu là món qua tự do của người có con tim rộng mở. Nó là một trách nhiệm đẹp kéo dài suốt đời. Nó là dấn thân thường ngày của người biết thực hiện các giấc mộng cao cả! Tình yêu được dưỡng nuôi bằng sự tin tưởng, kính trọng và tha thứ. Tình yêu không được hiện thực vì ta nói về nó, nhưng khi ta sống nó: nó không phải là một bài thơ êm dịu cần học thuộc lòng, mà là một lựa chọn cuộc sống cần thực hành! Chúng ta có thể lớn lên trong tình yêu như thế nào? Bí quyết vẫn là Chúa: Chúa Giêsu trao ban chính Ngài cho chúng ta trong Thánh Lễ, Ngài cống hiến sự tha thứ và niềm an bình cho chúng ta trong bí tích Giải Tội. Chính tại đó chúng ta học tiếp nhận Tình Yêu của Ngài, biến nó thành của chúng ta, và thông chuyền nó trong thế giới. Và khi yêu thương xem ra nặng nề, khi khó nói không với điều sai lầm, các con hãy nhìn lên thập giá Chúa Giêsu, ôm lấy nó và không rời tay Chúa dẫn các con tới với tha nhân và nâng các con dậy, khi các con ngã. Tè ngã là điều có thể xảy ra, nhưng phải đứng dậy.

Cha biết các con có khả năng có các cử chỉ của tình bạn và lòng tốt lớn lao. Các con được mời gọi xây dựng tương lai: cùng với những người khác và cho người khác, không bao giờ chống lại ai khác! Các con sẽ làm những điều tuyệt diệu, nếu các con tự chuẩn bị ngay từ bây giờ, bằng cách sống tràn đầy tuổi trẻ giầu ơn lành như thế của các con, mà không sợ hãi mệt nhọc. Hãy làm như các tay vô địch thể thao đạt các đích điểm bằng cách khiêm tốn kiên trì luyện tập mỗi ngày.  Chương trình hằng ngày của các con hãy là các công việc của lòng thương xót. Hãy luyện tập với lòng hăng say để trở thành các tay vô địch của cuộc sống, các tay vô địch của tình yêu! Như thế các con sẽ được nhận biết như là các môn đệ của Chúa Giêsu. Và cha bảo đảm với các con rằng niềm vui của các con sẽ tràn đầy. 

Trước khi hát kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã đặc biệt chào các bạn trẻ. Ngài nói: các con đã từ Italia và nhiều nơi trên thế giới đến để sống những giờ phút của đức tin và sự chia sẻ huynh đệ. Cha cám ơn các con về chứng tá tươi vui và ồn ào của các con. Hãy can đảm tiến bước!

Hôm qua tại Burgos bên Tây Ban Nha đã được tôn phong chân phước linh mục Valentin Palencia Marquina và 4 bạn tử đạo, bị giết vì đức tin trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì các chứng nhân can đảm này, và qua lời bầu cử của các vị chúng ta hãy khẩn nài Chúa giải thoát thế giới khỏi mọi bạo lực.

Tôi luôn luôn âu lo vì các anh em giám mục, linh mục, tu sĩ công giáo và chính thống đã bị bắt cóc từ lâu bên Syria. Xin Thiên Chúa từ nhân đánh động con tim của những người bắt cóc, và ban cho các anh em của chúng ta được tự do sớm chừng nào có thể, để các vị có thể trở về các cộng đoàn của mình. Vì thế tôi mời gọi tất cả cầu nguyện và chúng ta cũng không quên tất cả những ai bị bắt cóc trên thế giới. Chúng ta hãy phó thác tất cả các khát vọng và niềm hy vọng của chúng ta cho sự bầu cử của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót.

Tiếp đến là Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Sau thánh lễ ĐTC đã bắt tay chào và nói chuyện với các linh mục, và một số đại diện giới trẻ, rồi ngài đã đi xe Jeep quanh các lối giữa quảng trường chào ngưởi trẻ, tín hữu và du khách hành hương hiện diện.

Linh Tiến Khải

Hành trình ơn gọi của nữ tu Clare Crockett

Hành trình ơn gọi của nữ tu Clare Crockett

Sister Clare Crokette

Trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra tại Ecuador hôm thứ 7, 16/4 vừa qua làm cho hơn 400 người chết, khoảng 3000 người bị thương và 1700 người bị mất tích. Trong số những người thiệt mạng có nữ tu Clare Crockett, 33 tuổi và 5 em thỉnh sinh thuộc Hội dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ở Playa Prieta.

Clare Crockett là cư dân của thành phố Derry, Bắc Ái nhĩ lan, gia nhập dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ngày 11 tháng 8 năm 2001, khi được 18 tuổi và được diễm phúc khấn trọn đời ngày 8 tháng 9 năm 2010. Chị là người đã lồng tiếng cho nhân vật Lucy trong loạt phim thiếu nhi “Hi Lucy” được chiếu trên mạng truyền hình Lời Vĩnh cửu từ nhiều năm nay. Chị được miêu tả như siêu sao, là viên kim cương của gia đình và là người có khả năng làm cho gian phòng sáng lên với những năng khiếu Chúa ban. Chị có khả năng hài hước mang đến nụ cười cho nhiều người. Chị đã sáng tác nhiều bài hát và xem đây là cách giúp đem nhiều người đến với Chúa, giúp cho họ gặp được Chúa. Chị đã dâng hiến đời mình để đến với các trẻ em và những người trẻ. Chị đã chết như cách chị sống: quên mình giúp đỡ người khác. Vào ngày Chúa nhật vừa qua, khi chị đang dạy đàn guitar cho các trẻ em thì trận động đất xảy ra. Chị cố gắng đưa các em đến nơi trú ẩn nhưng tòa nhà đã sập đè trên chị và các em. Sau đây là chứng từ của chị về hành trình ơn gọi của mình.

“Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo. Tôi từ một phần nhỏ của cái thế giơi được gọi là Derry nằm ở Bắc Ái nhĩ lan. Nơi tôi lớn lên, “Công giáo” và “Tin lành” là những từ ngữ chính trị. Lớn lên trong một gia đình Công giáo không nhất thiết là bạn tham dự Thánh lễ hàng ngày hay có những đào tạo về đức tin Công giáo. Những người Công giáo muốn xây dựng một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Tin lành và ngược lại, những người Tin lành không muốn một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Công giáo. Công giáo đối với tôi nghĩa là những điều này. Thiên Chúa không có vai trò gì trong cuộc sống của tôi. Trong một xã hội mà sự thù ghét thống trị thì không có chỗ cho Thiên Chúa.

Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã muốn trở thành diễn viên. Khi tôi khoảng 15 tuổi, tôi đã tham gia vào một công ty diễn xuất và có người quản lý. Tôi là người giới thiệu cho một vài chương trình truyền hình, tôi viết kịch bản, diễn xuất trong nhiều vở kịch, đạt các giải thưởng, và khi lên 18 tôi đã có một vai nhỏ trong một cuốn phim. Tôi rất thích hội hè. Các ngày cuối tuần, kể từ khi tôi 16, 17 tuổi, là những ngày say sưa với bạn bè. Tôi tiêu tốn nhiều tiền vào rượu chè và thuốc lá.

Một ngày kia, một người bạn gọi tôi: “Clare, bạn có muốn đi Tây ban nha không?” Tôi nghĩ: một chuyến đi không mất tiền đến Tây ban nha, 10 ngày hội hè dưới ánh mặt trời ở Tây ban nha, dĩ nhiên là tôi muốn đi. Bạn tôi nói với tôi là các người tham dự sẽ gặp nhau vào tuần sau đó. Ngày hẹn găp đến và tôi đã đi đến nơi hẹn. Đi vào phòng, tôi thấy toàn những người khoảng 40 và 50 tuổi, trên tay đang cầm chuỗi Mân côi. Tôi hỏi họ: “Các cô sẽ đi Tây ban nha à?” Tôi hỏi họ và sợ là họ sẽ trả lời điều mà chỉ sau 3 giây tất cả trả lời một cách nhiệt tình: “đúng vậy, chúng tôi sẽ đi hành hương”. Tôi muốn trốn khỏi họ nhưng vì tên tôi đã có trên vé nên tôi phải đi. Bây giờ tôi nhận thấy cách mà Đức Mẹ dùng để mang tôi trở về nhà, về với Mẹ và con của Mẹ.

Sister Clare Crokette serves at Ecuador

Cuộc hành hương rơi vào Tuần Thánh, được tổ chức trong một đan viện thế kỷ 16, không hoàn toàn như những điều tôi nghĩ về Tây ban nha. Chúng tôi đã tham dự cuộc gặp gỡ Tuần Thánh với một nhóm gọi là “Gia đình của Mẹ” và tôi không thích thú lắm. Tuy nhiên, chính trong cuộc hành hương nàỳ mà Thiên Chúa ban cho tôi ơn nhận ra là Người đã chết cho tôi trên Thánh giá. Sau khi nhận ơn này, tôi biết là mình phải thay đổi. Tôi tự hỏi mình: “Nếu Người đã làm điều này cho tôi, tôi phải làm gì cho Người?”

Thật là dễ dàng để nói với Thiên Chúa: “con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn con làm” khi bạn đang tĩnh tâm hay đang cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa, nhưng khi bạn “xuống núi” thì điều này không còn dễ dàng nữa. Các nữ tu đã mời tôi cùng với họ và các bạn nữ khác đi hành hương đến Ý. Tôi đã tham gia và dù cho thái độ hời hợt bên ngoài của tôi, Thiên Chúa đã nói với tôi rõ ràng: Người muốn tôi sống như các nữ tu trong sự khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Tôi đã trả lời Người một cách ngay lập tức: “Con không thể là một nữ tu. Con không thể bỏ uống rượu, hút thuốc, hội hè, nghề nghiệp và gia đình của con”. Một điều không thể nghi ngờ là nếu Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta làm điều gì, Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và ân sủng để thực hiện. Không có sự trợ giúp của Người tôi không thể làm những điều phải làm để đáp lại lời mời gọi của Người và theo Người.

Sau khi tôi nhận ra điều Chúa đang gọi tôi làm, Người đã ban cho tôi một ơn lớn lao khi tôi đang tham gia một cuốn phim ở Anh. Tôi thấy rằng dù dường như tôi có mọi thứ, trong thực tế tôi chẳng cò gì. Tôi cảm thấy một sự trống rỗng to lớn khi tôi ngồi trên giường ngủ của khách sạn. Những điều tôi muôn tôi đã đạt được nhưng tôi vẫn không hạnh phúc. Tôi biết tôi chỉ thực sự hạnh phúc khi làm điều Chúa muốn tôi làm. Tôi biết là tôi phải bỏ mọi sự và theo Người. Tôi biết rõ ràng là Người đang yêu cầu tôi tín thác vào Người, đặt cuộc sống của tôi ở trong tay Người và tin.

Tôi bây giờ rất hạnh phúc được thánh hiến trong dòng các nữ tu Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ. Tôi không bao giờ thôi ngạc nhiên về cách Chúa hoạt động trong các linh hồn, cách Người biến đổi cuộc sống của một người và làm chủ trái tim người ấy. Tôi cám ơn Chúa đã kiên nhẫn đối với tôi và vẫn tiếp tục thêm nữa. Tôi không hỏi Người tại sao Người đã chọn tôi, tôi chỉ đón nhận nó. Tôi hoàn toàn tùy thuộc vào Người và Mẹ Rất Thánh của chúng ta và tôi xin Người và Mẹ ban cho tôi được ơn trở thành bất cứ điều gì các Ngài muốn tôi là.” (EWTN, CNA 19/4)

Hồng Thủy OP

ĐTC khích lệ phong trào Canh Tân Đắc Sủng Thánh Linh mừng 39 năm thành lập

ĐTC khích lệ phong trào Canh Tân Đắc Sủng Thánh Linh mừng 39 năm thành lập

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung thứ tư 20-4-2016

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ các thành viên phong trào Canh tân đặc sủng Thánh Linh dấn thân làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa qua các hoạt động hòa giải và phục vụ tha nhân.

ĐTC đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong điện tín, do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, gửi ĐC Francesco Lambiasi GM Rimini, nơi Phong trào tổ chức mừng kỷ niệm 39 năm thành lập. ĐTC cầu mong cuộc gặp gỡ kỷ niệm này khơi dậy nơi các thành viên phong trào các quyết tâm phục vụ và làm chứng cho tình yêu cứu rỗi và sự dịu hiền của Chúa Kitô đối với mọi người. Ngài cũng ca ngợi sáng kiến của phong trào có khẩu hiệu là “Các căn lều của lòng thương xót” nhằm mục thực hiện các mục đích này.

ĐHY Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về giáo dân cũng gửi sứ điệp chúc mừng và cầu mong phong trào tiếp tục loan báo Tin Mừng Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ và dân nghèo còn chưa biết tới sự dịu hiền của Thiên Chúa. ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia, cũng gửi sứ điệp chúc mừng phong trào. Ngài khẳng định rằng trong thế giới hiện nay khao khát sự thật và hiệp thông, trong bối cảnh xã hội đề cao dáng vẻ bề ngoài và cá nhân, không tin tưởng nhau và thiếu chiều kích cộng đoàn, linh đạo của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh chứng minh cho thấy chỉ khi nắm tay nhau tiến bước, con người mới lớn lên trong lòng tin và xây dựng một xã hội công bằng và nhân bản hơn. Các điều này hướng chúng ta tới giá trị của gia đình, là cộng đoàn đầu tiên của con người và là Giáo Hội tại gia, có giá trị vô cùng quan trọng đối với cộng đoàn Kitô và toàn xã hội.

Trong sứ điệp của mình ĐTGM Rino Fisichella,  Chủ tịch Hội Đồng  Toà Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng khích lệ các thành viên phong trào tiếp tục lộ trình của họ không luôn đuợc hiểu biết, nhưng là con đường nên thánh, mà mọi kitô hữu đều được mời gọi tiến bước, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh công giáo nảy sinh tại Pittsburg bên Hoa Kỳ năm 1967, hiện nay lan tràn khắp nơi và có hàng chục triệu thành viên trên thế giới (SD 22-4-2016)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha giải tội cho 16 thiếu niên

Đức Thánh Cha giải tội cho 16 thiếu niên

Đức Thánh Cha giải tội

Roma – Bầu không khí lễ hội đang diễn ra tại Roma, đặc biệt là đường Hòa giải với 72 ngàn thiếu niên từ 13 đến 16 tuổi, trong đó có khoảng 1000 em ngoài nước Ý, về Roma để tham dự cuộc hành hương quốc tế nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương xót. Các em được các giáo xứ vùng Roma và hơn 200 cộng đoàn đáp lời kêu gọi của Ủy ban Giới trẻ giáo phận Roma tiếp đón.

Trong chương trình sáng thứ bảy hôm nay 23/4, các em đã tham gia cuộc rước thống hối từ đền thờ Thiên thần, qua đường Hòa giải và đi qua cửa Thánh đền thờ Thánh Phê-rô. Trong ngày hôm nay các Linh mục cũng giải tội cho các em như một phần của chương trình cử hành Năm Thánh.

Một tòa giải tội đặc biệt, rộng lớn, được tổ chức dưới bầu trời mát mẻ của Roma. Đã có khoảng 150 Linh mục giải tội tại các địa điểm ở quảng trường Thánh Phê-rô và các khu vực xung quanh. Các Linh mục và các người xưng tôi ngồi trên những chiếc ghế được đặt cạnh nhau dọc theo các hàng cột của quảng trường.

Trong ngày lễ thánh George, bổn mạng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cho các em một món qua đặc biệt. Đó là sự xuất hiện bất ngờ của ngài để giải tội cho một số em. Ngài đã giải tội cho 16 bạn trẻ từ lúc 11.30 đến 12.45.

Trong sứ điệp đăng trên Twitter sáng nay, Đức Thánh Cha đã viết: “Các thiếu niên nam nữ yêu quý, tên của các con được viết trên trời, trong trái tim yêu thương của Chúa Cha. Các con hãy can đảm lội ngược dòng!”

Chiều tối nay các em sẽ tham dự lễ hội tại sân vận động Olympic của thành phố Roma với các ca sĩ và nghe các chứng từ. Sáng Chúa nhật ngày mai, các em sẽ tham dự Thánh lễ do  Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế. (Sedoc 23/4/2016)

Hồng Thủy OP

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

World-GDP-2016-global-growth-Economist

NEW YORK: Toà Thánh kêu gọi thăng tiến một nền tài chánh quốc tế có tinh thần trách nhiệm và ý thức luân lý để loại trừ tình trạng bất bình đẳng xã hội và phát huy một việc phát triển có thể chịu đựng nổi.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp về phát triển có thể chịu đựng nổi do Liên Hiệp quốc triệu tập tại New York hôm 21 tháng 4 vừa qua.

ĐHY nhắc lại lời ĐTC Phanxicô phát biểu trong chuyến viếng thăm Liên Hiệp  Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, và quy chiếu chương trình nghị sự năm 2030 liên quan tới sự Phát triển có thể chịu đựng nổi. Nó là một dấu chỉ hy vọng quan trọng. Nhưng hy vọng này chỉ có thể thành sự thực, nếu chương trình được thi hành một cách thật sự, liêm chính và hữu hiệu. Nó đòi hỏi việc tài trợ công cộng cũng như nỗ lực tài trợ và đầu tư cá nhân. Lý do vì nó liên quan tới thiện ích của căn nhà chung, mà mọi giới phải góp phần săn sóc theo các tiêu chuẩn luân lý đạo đức xã hội. Các hoạt động tài chánh vô trách nhiệm luân lý tạo ra các bất bình đẳng xã hội. Như Đức Phaolo VI đã khẳng định trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc” phát triển là tên gọi mới của hoà bình. Hoà bình là điều kiện và môi trường cần thiết cho mọi phát triển đích thực và lâu bền (SD 22-4-2016).

Linh Tiến Khải

 

Vai trò quan trọng của gia đình trong cuộc chiến chống ma túy

Vai trò quan trọng của gia đình trong cuộc chiến chống ma túy

drugs-in-the-family

NEW YORK: Gia đình nắm giữ một vai trò nền tảng trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng ma tuý.

 

ĐTGM Bernarrdito Auza, Phát ngôn viên Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã khẳng định như trên trong bài phát biểu hôm 21 tháng 4 vừa qua trong phiên họp đặc biệt nhóm tại New York trong những ngày này. Mục đích phiên họp là xác định hướng đi tổng quát và các đường lối chính trị ưu tiên trên thế giới liên quan tới vấn đề ma tuý cho các thập niên tới đây. Trong bài phát biểu ĐTGM Auza nêu bật lập trường của Toà Thánh chống lại việc hợp thức hóa sử dụng ma tuý, trái lại cần phải đương đầu với các vấn đề khiến cho người ta rơi vào cám dỗ sử dụng ma tuý. Toà Thánh không bao giờ nhấn mạnh đủ về vai trò nòng cốt của gia đình trong các chiến thuật giúp phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và tái hội nhập người nghiện ma tuý vào cuộc sống xã hội. Các trẻ em được săn sóc thường cũng được giáo dục nói không với ma tuý. Nhưng rất tiếc trong các gia đình hiệp nhất, người ta cũng có thể trở thành nạn nhân của ma tuý.  Cả những người này cũng cần được nâng đỡ và các chữa trị từ phía các gia đình và cộng đoàn.   Trong nghĩa này không được để trên cùng một bình diện các người sử dụng ma tuý, các tay buôn bán ma tuý và các người phân phát ma tuý. Vì không phải mọi hành động liên quan tới mà tuý đều trầm trọng như nhau, và một kiểu trả lời không cân xứng không giúp phục hồi người nghiện ma tuý. Ngày nay ma tuý và các tai hại nó gây ra là một vấn đề   quốc tế, vì thế cần phải có sự cộng tác quốc tế đề ra một chiến thuật toàn vẹn và quân bình chống lại tệ nạn này (SD 22-4-2016)

 

Linh Tiến Khải

Là chứng nhân của Chúa Ki-tô sẽ chiếm được trái tim nhiều người

Là chứng nhân của Chúa Ki-tô sẽ chiếm được trái tim nhiều người

Đức Tân giám mục Shorot Francis Gomes

Dhaka, Bangladesh – Hôm qua, 22/4, Tổng giáo phận Dhaka đã tổ chức Thánh lễ tấn phong Giám mục cho Đức cha Shorot Francis Gomes, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận vào tháng 2. Thánh lễ có sự tham dự của 2 Tổng giám mục, 6 Giám mục, 100 Linh mục và khoảng 6000 giáo dân. Đức Tổng giám mục của Tổng giáo phận Dhaka đã khẳng định trong bài giảng: “Thiên Chúa toàn năng đã chọn Đức cha làm Giám mục của Dhaka. Sứ vụ của Đức Cha là rao giảng Tin Mừng và chăm sóc cộng đoàn của Đức Cha. Bây giờ Đức cha có thẩm quyền nhưng không phải là người thống trị dân chúng.”

Đức Tân giám mục 51 tuổi. Ngài sinh tại Hasnabad, thuộc tổng giáo phận Dhaka, trong một gia đinh đạo đức. Cha mẹ ngài tham dự Thánh lễ mỗi ngày và đọc kinh Mân Côi mỗi chiều. Gương đưc tin của cha mẹ đã ảnh hưởng tốt trên các con cái: Đức cha và 2 người chị em gái đã dâng mình cho Chúa. Trước đó ngài là tổng đại diện của giáo phận Sylhet và đã làm việc 7 năm với các gia đình trong tư cách là thành viên Giáo hội của phong trào “Hội ngộ hôn nhân thế giới” Bangladesh (Worldwide Marriage Encounter Bangladesh). Đức cha nói với hãng tin Á châu là kinh nghiệm đã có trong những năm này giúp ngài lắng nghe các vấn đề của gia đình, các câu hỏi liên quan đến đời sống hôn nhân và sự cần thiết đối với các đôi hôn nhân để tạo nên những quan hệ lành mạnh và sống một cuộc sống hạnh phúc.”

Đức cha nói thêm rằng: cách duy nhất để sống thanh bình là loại bỏ tất cả những sự thiếu hiểu biết đưa đến tranh chấp. Ngài cũng muốn áp dụng điều này trong mối liên hệ với đại đa số người Hồi giáo tại Bangladesh: “Cộng đồng Công giáo chỉ chiếm 0,4% dân số. Chúng tôi biết là chúng tôi phải tôn trọng tất cả các tôn giáo và các nhóm chủng tộc đông đảo ở Bangladesh. Chúng tôi có có cơ hội lớn để loan truyền Tin Mừng cho họ. Chúng tôi phải là những tấm gương yêu thương cho những người có niềm tin khác với chúng tôi, bởi vì tình yêu cho những người xung quang thì đang bị giảm sút trong khi sức mạnh sự ác đang gia tăng.” Đức cha nhận định: “nếu chúng ta là chứng nhân của Chúa Ki-tô bằng cách sống hàng ngày, bằng công việc và lòng thương xót của chúng ta, chúng ta có thể chiếm được nhiều trái tim của người Banglasdesh”

Đức cha cũng sẽ giúp ích cho Tổng giáo phận với kinh nghiêm của vị giám đốc tiểu chủng viện, nơi Đức cha đã dạy giáo lý, cầu nguyện và các giá trị luân lý, đã giúp biện phân ơn gọi tu trì và hiểu biết về trách nhiệm và công việc của Linh mục. (Asia News 22/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Quyết định phân tách nghi lễ hôn phôi dân sự và tôn giáo của Giám mục Na-uy

Quyết định phân tách nghi lễ hôn phôi dân sự và tôn giáo của Giám mục Na-uy

Giám mục Oslo

Vác-sa-va, Ba-lan – Trong một cuộc nói chuyện dành cho hãng Thông tấn Công giáo Hoa kỳ ngày hôm qua, 21/4, Đức Cha Bernt Eidsvig, Giám mục giáo phận Oslo cho biết: hàng giáo sĩ của Na-uy sẽ không chủ sự các lễ cưới dân sự nữa, sau khi Công nghị của các lãnh đạo Giáo hội Tin lành Luther đã bỏ phiếu tiến hành chấp nhận hôn nhân đồng tính ở Na-uy. Quyết định này được chấp nhận với đa số phiếu trong cuộc họp hàng năm của Giáo hội Tin lành Luther. Trước đó vào năm 2014, một đề nghị tương tự đã bị Công nghị từ chối.

Ở một số quốc gia, Hôn phối được cử hành bởi các lãnh đạo Giáo hội theo nghi thức tôn giáo được nhìn nhận có giá trị dân sự.

Đức Cha Bernt Eidsvig cho biết là ngài sẽ phải xin phép Tòa Thánh, và nói thêm: “Rõ ràng là chúng tôi phải phân biệt hôn nhân trong Giáo hội Công giáo khác với các hôn nhân khác…. Đây là một vấn đề phụng vụ, vì vậy nó không phản ánh những thay đổi rộng lớn hơn trong các giá trị luân lý của xã hội chúng ta. Nhưng bây giờ các chính trị gia có thể tấn kích các Giáo hội chống lại các cuộc hôn nhân này. Vì vậy chọn lựa tốt nhất cho chúng tôi là ngưng chủ sự các lễ cưới nhân danh nhà nước.” Các mục sư Tin lành chống lại hôn nhân đồng tính sẽ được phép không tham gia.

Đức cha nói rằng người Công giáo Na-uy hy vọng duy trì mối quan hệ tốt với Giáo hôi Tịn lành Luther, nhưng hi vọng họ sẽ vẫn suy nghĩ lại việc này.

Đức cha cũng cho biết nhiều người Na-uy vẫn phản đối mạnh mẽ hôn nhân đồng tính, đã được nhà nước Na-uy hợp pháp hóa từ năm 2009, còn các Giáo hôi Tịn lành Luther ở Âu châu, Á châu và Mỹ châu La-tinh cũng kết án mạnh mẽ quyết định của Công nghị.

Đức cha bày tỏ: “Phản ứng của tôi là đau buồn và thất vọng, và chúng tôi không thể thấy trước những hậu quả lâu dài cho quan hệ liên giáo hội ở đây.

Đức cha Eidsvig và ba lãnh đạo Tin lành Na-uy đã gửi một tuyên ngôn đến nhật báo Norway’s Vart, tuyên bố rằng: hôn nhân đồng tính không chỉ xúc phạm cách hiểu của Ki-tô giáo về hôn nhân nhưng cả quan niệm lich sử và phổ quát của hôn nhân. Tuyên ngôn nói rằng: việc đề nghị phân tách các nghi thức dân sự và tôn giáo sẽ bảo vệ các Giáo hội khác khỏi những áp lực gia tăng của việc thánh hiến các đôi đồng tính.

Công giáo chỉ là một thiểu số trong số 5,2 triệu dân của Na-uy. (Catholic News Service 21/04/2016)

Hồng Thủy OP

Sự hiện diện của các nữ tu Đaminh giữa những người di tản Iraq

Sự hiện diện của các nữ tu Đaminh giữa những người di tản Iraq

Nữ tu dòng Đa Minh tại Iraq

Năm 2014, quân đội Nhà nước Hồi giáo đã tràn vào khắp vùng đồng bằng Ninive của Iraq. Hàng ngàn Ki-tô hữu đã phải đi lánh nạn ở những vùng đất do người Kurd kiểm soát. Các Ki-tô hữu tiếp tục chờ đợi trong các trại tị nạn chật cứng người và đối diện với một tương lai bất định. Điều duy nhất chắc chắn đối với họ là dù cho bất cứ điều gì xảy ra, các nữ tu Đaminh sẽ vẫn luôn ở bên cạnh họ. “Chúng tôi không bao giờ rời bỏ người dân của chúng tôi. Dù cho họ đi bất cứ nơi đâu, chúng tôi sẽ đi với họ.” Chị Luma Khudher, một thành viên của Hội dòng các nữ tu Đaminh thánh Catarina Siena ở Iraq đã nói như thế.

Hội dòng các nữ tu Đaminh thánh Catarina Siena được thành lập ở Mosul, Iraq vào cuối thế kỷ 19. Qua nhiều thập kỷ, các chị điều hành các trường học và các trạm y tế trên khắp lãnh thổ Iraq. Năm 2003 khi quân đội Mỹ tấn công vào Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, các cơ sở của các chị trở thành nơi cư trú cho các gia đình di tản vì chiến tranh. Năm 2014, khi bị Nhà nước Hồi giáo đuổi ra khỏi Mosul, các nữ tu đã đến Qaraqosh, nơi họ được bảo đảm là các chiến binh Kurd sẽ bảo vệ thành phố. Nhưng các chiến binh Kurd này đã bị đánh bật và các chị cũng ở trong số những người chạy nạn.

Hàng ngàn người Iraq chạy nạn đổ vào Irbil và các cùng khác, nhưng chính quyền trung ương của người Kurd không thể giúp họ được nhiều vì nguồn kinh tế thu được từ dầu hỏa bị suy giảm khi công nghệ dầu hỏa đang có nguy cơ bị sụp đổ. Chính quyền trung ương của Iraq thì ở tận Baghdad và họ cũng không quan tâm lắm đến các Ki-tô hữu và các nhóm thiểu số khác. Giáo Hội Công giáo Iraq đã dấn thân kêu gọi sự tài trợ từ khắp thế giới, nhưng cũng không cải thiện được tình hình bao nhiêu. Trong tình cảnh bi thảm này, sự hiện diện của các nữ tu Đaminh đã  mang lại hy vọng cho những người tị nạn.

Chính các nữ tu cũng bị sốc trước tình cảnh hiện tại nhưng các chị đã cố gắng can đảm để an ủi những người khác. Chị Tổng phụ trách Maria đề nghị các chị bắt đầu từ sữa và tả lót. Các chị đi đến các trại khác nhau và phân phát tả lót và sữa; tả lót trở thành chăn và sữa là thực phẩm. Các chị đã trở thành các nhà quản lý đồ viện trợ cho cộng đồng người di tản. Ông Michel Constantin, giám đốc địa phương của Hiệp hội Phúc lợi Công giáo vùng Cận  Đông cho biết: “Các nữ tu có mặt ở mọi nơi. Khi chúng tôi hỏi về nhu cầu của các người di tản, không ai có thể trả lời như người có thẩm quyền, trừ các nữ tu.” Ông cũng cho biết có một lỗ hỗng trong Giáo hội địa phương vì họ không được chuẩn bị để đối phó với tình huống này. Các nữ tu có kinh nghiệm hơn; họ đã tham gia vào công tác xã hội với các trạm y tế, trường học và trại trẻ mồ côi, và họ đã tiếp xúc trực tiếp với dân chúng. Theo ông, cũng có nhũng Hội dòng khác nhưng các nữ tu Đaminh thì thống nhất. Các chị nói: có một nhu cầu và chúng tôi làm việc ngày đêm để giải quyết.

Các nữ tu rất hy sinh, không bao giờ than vãn về điều kiện sống khổ cực của họ. Một số chị lớn tuổi đã chết trong những tháng đầu khó khăn ở Erbil. Các chị không bao giờ nói về nhu cầu của mình nhưng chỉ nói về nhu cầu của dân chúng. Các chị mở rộng hoạt động y tế của mình, thêm vào những trạm y tế lưu động để giúp các người tị nạn đang sống ở những vùng xa. Các chị mở các trường học và các trường mầm non dạy bằng tiếng Ả rập và Aramai cho các người di tản.

Chị Khudher cho biết trung tâm công việc của các chị là lắng nghe người khác và Chúa Thánh Thần. Các chị chia từng 2 người đi đến các trại và lắng nghe dân chúng chia sẻ về những điều họ đối diện hàng ngày. Phần lớn vấn đề của họ là nhà cửa, trường học cho con cái họ. Các chị tìm được sức mạnh trong việc giữ đời sống thiêng liêng. Chị cho biết các chị không bao giờ ngừng việc cầu nguyện hàng ngày. Từ khi các chị đến Erbil, các chị tham dự Thánh lễ và giờ Kinh sáng, lần hạt ban trưa và giờ Kinh chiều.

Khi các chị được trở về lại Qaraqosh và Mosul thì nền tảng thiêng liêng này sẽ giúp cho các chị và những người di tản trong việc giao tiếp với những người Hồi giáo đã cộng tác với Nhà nước Hồi giáo. Chị thú nhận các chị cũng là những con người chứ không phải các thánh. Các chị rất giận dữ khi những người được các chị giúp đỡ, chữa bệnh và giáo dục lại quay lại chống các chị. Nhưng chị nói: “khi chúng tôi trở về, những người này đến bệnh viện của chúng tôi, tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ không điều trị cho họ. Chúng tôi chỉ thực hành những điều Chúa Giê-su dạy: tha thứ cho kẻ thù, yêu kẻ thù.Nó thật khó khi nghĩ về nó nhưng tôi nghĩ dân chúng sẽ thực hành điều này. Chúng tôi không chỉ cầu nguyện rồi không thi hành những điều Chúa Giê-su bảo chúng tôi làm.” (Catholic News Service 20/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Caritas Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Caritas Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Caritas Italia

VATICAN. ĐTC cổ võ các tổ chức Caritas Italia chu toàn công tác giúp mỗi tín hữu trở thành những chủ thể bác ái và gần gũi những anh chị em nghèo khổ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21-4, dành cho 700 tham dự viên Hội nghị toàn quốc lần thứ 38 của Caritas các giáo phận Italia, vừa kết thúc khóa họp tại Sacrofano dưới quyền chủ tọa của ĐHY chủ tịch Francesco Montenegro, TGM giáo phận Agrigento.

Lên tiếng trong dịp này ĐTC nói: ”Đứng trước những thách đố và mâu thuẫn thời nay, Caritas có nhiệm vụ khó khăn nhưng cơ bản, đó là làm sao để dịch vụ bác ái trở thành quyết tâm của mỗi người chúng ta, nghĩa là làm sao để toàn thể cộng đoàn Kitô trở thành những chủ thể thi hành bác ái. Vì thế, đối tượng chính trong cuộc sống và hoạt động của anh chị em là khích lệ và linh hoạt để toàn thể cộng đoàn tăng trưởng trong tình bác ái và luôn tìm ra những con đường mởi mẻ để gần gũi người nghèo hơn, có khả năng đọc và đương đầu với những tình trạng đang đè nặng trên hằng triệu anh chị em chúng ta ở Italia, Âu Châu và thế giới”.

 ĐTC nói thêm rằng: ”Đứng trước những thách đố hoàn cầu đang gieo rắc sợ hãi, bất công, những vụ đầu cơ tài chánh và cả lương thực nữa, sự suy thoái môi trường, và chiến tranh, cùng với công việc hằng ngày tại chỗ, cũng cần thi hành quyết tâm giáo dục về sự gặp gỡ trong tinh thần và huynh đệ giữa các nền văn hóa và văn minh, và chăm sóc thiên nhiên”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng khuyến khích các Caritas giáo phận ở Italia luôn tìm cách đi đến tận các nguyên nhân gây ra nghèo đói và nỗ lực loại trừ chúng: nỗ lực phòng ngừa tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, ảnh hưởng trên những cơ cấu gây ra bất công, hoạt động chống mọi thứ cơ cấu tội lỗi. Để đạt mục tiêu ấy, cần giáo dục mỗi cá nhân và các nhóm về lối sống có ý thức, để tất cả mọi người thực sự cảm thấy có tinh thần trách nhiệm đối với mọi người.. Tiến trình này cần phải bắt đầu ngay từ Caritas giáo xứ.

ĐTC không quên nhắc nhở các Caritas quan tâm đến những ngừơi di dân. Hiện tượng này cần được xử lý bằng những chính sách sáng suốt, nhắm đến sự hội nhập giữa những người nước ngoài và các công dân Italia.

Sau cùng ĐTC khẳng định rằng ”chứng tá bác ái trở nên chân thực và đáng tin cậy khi chúng ta dấn thân trong mọi lúc và cả trong mọi quan hệ của cuộc sống: chiếc nôi và nhà của chứng tá bác ái chính là gia đình, là Giáo Hội tại gia. Gia đình, theo bản chất, chính là ”Caritas” vì chính Thiên Chúa đã thực hiện như vậy: linh hồn của gia đình và sứ mạng của gia đình chính là tình thương… Những câu trả lời đầy đủ nhất cho mọi khó khăn có thể được chính các gia đình cống hiến, những gia đình biết vượt lên trên cám dỗ liên đới ngắn ngủi và nhất thời, để chọn lựa cộng tác với nhau và với mọi dịch vụ khác ở địa phương, sẵn sàng thi hành các công tác phục vụ hằng ngày. (SD 21-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Hãy nhớ đến Thầy

Hãy nhớ đến Thầy

Thánh lễ sáng thứ Năm, 21.04, tại nguyện đường Thánh Martha

VATICAN. “Kitô hữu là người, trong đời sống của mình, luôn ghi nhớ những cách thức và hoàn cảnh mà Thiên Chúa đã tỏ lộ ra. Chính việc ghi nhớ ấy sẽ củng cố hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu.” Đây là suy tư chính yếu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, 21.04, tại nguyện đường Thánh Martha.

Đức tin là một hành trình mà khi hoàn tất cuộc hành trình ấy, người ta phải luôn ghi nhớ những giai đoạn đã từng trải qua. Ghi nhớ những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt cuộc hành trình cũng như những thách đố, khó khăn, vì Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta và không hề e sợ trước những tội lỗi xấu xa của chúng ta.

Hãy ghi nhớ Thiên Chúa đã cứu chuộc

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô xoay quanh bài đọc một, thuật lại việc ông Phao-lô vào hội đường ở An-ti-ô-khi-a trong ngày sa-bát và bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Ồng đã khởi đi từ khi một dân được tuyển chọn ngang qua Áp-ra-ham và Mô-sê, từ Ai-cập và Miền Đất Hứa cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện. Lời rao giảng mang đậm tính lịch sử này của Phao-lô có một ý nghĩa nền tảng hết sức quan trọng, vì nó gợi nhắc lại những thời khắc nổi bật và những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của nhân loại.

Đức Thánh Cha nói: “Hãy nhìn lại quá khứ để thấy Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta như thế nào. Chúng ta hãy bước đi với trọn cả tâm trí trên con đường đong đầy những kỷ niệm và đến với Giêsu. Chính Đức Giêsu, trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời – tối thứ 5 và thứ 6 Tuần Thánh – đã trao ban cho chúng ta Mình và Máu của Ngài. Đức Giêsu nói: ‘Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’ Tưởng nhớ Đức Giêsu. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta như thế nào.

Thiên Chúa tôn trọng chúng ta

Giáo hội gọi Bí Tích Thánh Thể là ‘tưởng niệm’, cũng như trong Kinh Thánh, sách Đệ Nhị Luật được gọi là ‘sách tưởng nhớ của dân tộc Ít-ra-en’. Phần chúng ta, chúng ta cũng làm như thế trong đời sống cá nhân của mình, vì mỗi người chúng ta đã bước đi trên một con đường được Thiên Chúa đồng hành, có lúc gần gũi Thiên Chúa hoặc có những khi lại cách xa Ngài.

Thật là tốt cho tâm hồn Kitô hữu, nếu tôi biết ghi nhớ con đường của tôi, con đường của chính tôi: Thiên Chúa đã dẫn tôi đến đây như thế nào, Thiên Chúa đã cầm tay tôi mà dẫn dắt ra sao. Nhưng có nhiều lần tôi đã nói với Chúa: ‘Không, tránh xa con đi! Con không muốn!’ Thiên Chúa tôn trọng. Ngài trân trọng chọn lựa của ta. Nhưng để ghi nhớ, chúng ta phải nhớ về chính cuộc sống, chính chặng đường hành trình của chúng ta. Chúng ra phải tiếp tục điều này và hãy làm thường xuyên. Chính trong thời khắc đó, Thiên Chúa đã ban cho ta ân sủng và chúng ta thưa rằng: ‘Trong chặng đường vừa qua, con đã làm điều này, đã làm điều kia… Chúa đã đồng hành với con….’ Và như thế chúng ta sẽ tiến tới một cuộc gặp gỡ mới, một cuộc gặp gỡ đong đầy lòng biết ơn.

Nhớ về những điều tốt đẹp

Từ chính trái tim, phải nảy sinh một lời cảm tạ với Giêsu, Đấng đã không bao giờ mệt mỏi khi đồng hành với chúng ta trong suốt chiều dài của lịch sử cuộc đời. Có nhiều lần chúng ta đã đóng sập cánh cửa trước mặt Ngài. Đã bao nhiêu lần chúng ta giả vờ không trông thấy Ngài, không tin rằng Ngài đang ở với chúng ta. Đã bao nhiêu lần chúng ta từ chối ơn cứu chuộc mà Ngài mang đến … Nhưng Ngài vẫn ở đó chờ đợi chúng ta.

Những ký ức sẽ mang chúng ta đến gần Thiên Chúa. Nhớ về những việc tốt lành mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Qua hành động tái tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta điều còn cao vượt hơn tình trạng huy hoàng xưa kia mà A-đam đã có trong lần tạo dựng thứ nhất. Bởi vậy, tôi khuyên anh chị em điều này, rất đơn giản: Hãy ghi nhớ! Hãy nhớ lại xem cuộc đời của tôi đã như thế nào, một ngày sống hôm nay của tôi ra sao và một năm vừa qua của tôi như thế nào? Hãy nhớ lại tương quan của tôi với Chúa. Hãy nhớ lại những điều tốt đẹp, cao cả mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Các Thừa sai trẻ của Lòng thương xót

Các Thừa sai trẻ của Lòng thương xót

ĐTC dâng kinh thánh Năm Thánh Lòng Thương xót

Seoul– Với sứ mạng giúp đỡ các bạn đồng trang lứa trong những hoàn cảnh sống, những khó khăn nhân bản, khó khăn trong học hành, khó khăn về vật chất và tinh thần, một nhóm bạn trẻ trung học của Seoul được gọi là những Thừa sai của Lòng thương xót. Đây là sáng kiến của phân bộ ơn gọi và giới trẻ của giáo phận Seoul, như là phương cách để khuyến khích và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm nơi các người trẻ trong Năm Thánh này.

Nhóm này gồm có 35 đại diện của tổ chức giới trẻ Công giáo tiến hành và 13 đại biểu từ phong trào giới trẻ sinh viên Công giáo  Hàn quốc. Họ sẽ nhận bài sai từ Đức Cha Phê-rô Chung Soon-taek để trở thành các Thừa sai trẻ của Lòng Thương xót và sẽ thực hành sứ vụ của mình trong Năm Thánh ở những nơi họ đang sống: gia đình, trường học, bạn bè.

Cha Stê-pha-nô Kim Sung-hoon, trưởng ban Giới trẻ nhận xét: “Các bạn trẻ sẽ là gương mẫu về đức tin cho các bạn của mình. Chúng tôi tin rằng có một sự khác biệt giữa những lời giảng thuyết của một Linh mục và những lời mà một người bạn có thể nói.” Cha cũng giải thích, sứ vụ quan trọng nhất của các bạn trẻ này là chính mình sẽ hoán cải và  mang niềm vui của Tin Mừng cho các bạn gần gũi mình.

Các Thừa sai trẻ  của Lòng thương xót hứa đọc Tin Mừng và cầu nguyện mỗi ngày, nâng đỡ, an ủi và giúp đỡ các bạn trong những tình cảnh khó khăn. (PA) (Agenzia Fides 21/4/2016)

Hồng Thủy OP

Chúa Giêsu không sợ bị ô uế bởi người tội lỗi cần đưọc chữa lành

Chúa Giêsu không sợ bị ô uế bởi người tội lỗi cần đưọc chữa lành

ĐTC Phanxicô chào tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-4-2016

Lời Chúa dạy chúng ta phân biệt tội lỗi với kẻ có tội: không được hạ mình giàn xếp với tội lỗi, trong khi những người tội lỗi, nghĩa là tất cả chúng ta, đều giống những người đau yếu cần được săn sóc; và để săn sóc họ thì bác sĩ cần đến gần họ, viếng thăm họ và đụng tới họ. Và dĩ nhiên để được khỏi người bệnh phải thừa nhận mình cần đến thầy thuốc.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã tiếp tục khai triển đề tài lòng thương xót dựa trên câu chuyện thánh sử Luca kể trong chương 7. Một lần kia Chúa Giêsu được một người biệt phái tên là Simone mời tới dự tiệc tại nhà ông. Trong khi họ dùng bữa, thì có một phụ nữ tội lỗi, mà cả thành phố đều biết tiếng, đến khóc trên chân Chúa Giêsu, lấy tóc lau chân Ngài rồi hôn và xức dầu thơm chân Chúa. Ông biệt phái Simone mời Chúa Giêsu đến nhà ông vì đã nghe nói về Chúa như một vị ngôn sứ lớn. Nhận xét gương mặt của hai nhân vật trong câu chuyện ĐTC nói:

Nổi bật sự so sánh giữa hai gương mặt: gương mặt của ông Simone, người nhiệt thành phục vụ Lề Luật, và gương mặt của người đàn bà tội lỗi. Trong khi người thứ nhất phán xét các người khác dựa trên các vẻ bề ngoài, thì người thứ hai chân thành diễn tả con tim của mình với các cử chỉ. Tuy là người đã mời Chúa Giêsu nhưng ông Simone không muốn bị liên lụy và để cho cuộc sống của ông bị lôi cuốn với vị Thầy; người phụ nữ trái lại, hoàn toàn tín thác nơi Chúa với tình yêu và sự tôn kính.

Ông biệt phái không nhận thức rằng Chúa Giêsu để cho mình bị các người tội lỗi làm ô uế. Ông nghĩ rằng nếu Ngài thực sự là một ngôn sứ, thì phải nhận ra các người tội lỗi và giữ họ ở xa để không bị ô uế, làm như thể họ là những người phong cùi. Đây là thái độ chuyên biệt của một kiểu hiểu tôn giáo và nó được viện lý bởi sự kiện Thiên Chúa và tội lỗi triệt để chống đối nhau. Nhưng Lời Chúa dạy chúng ta phân biệt tội lỗi với kẻ có tội: không được hạ mình giàn xếp với tội lỗi, trong khi những người tội lỗi, nghĩa là tất cả chúng ta, đều giống những người đau yếu cần được săn sóc; và để săn sóc họ thì bác sĩ cần đến gần họ, viếng thăm họ và đụng chạm tới họ. Và dĩ nhiên để được khỏi người bệnh phải thừa nhận mình cần đến thầy thuốc.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Giữa người biệt phái và phụ nữ tội lỗi, Chúa Giêsu đứng về phía người đàn bà tội lỗi. Tự do khỏi mọi thành kiến ngăn cản lòng thương xót tự diễn tả, Ngài để cho bà làm. Ngài, Đấng Thánh của Thiên Chúa, để cho bà sờ mó, mà không sợ bị bà làm ô uế. Chúa Giêsu tự do vì Ngài gần Thiên Chúa là Cha thương xót. Và sự gần gũi Thiên Chúa là Cha thương xót đó trao ban cho Chúa Giêsu sự tự do.

ĐTC giải thích thái độ của Chúa Giêsu như sau:

Còn hơn thế nữa, khi bước vào trong tương quan với người phự nữ tội lỗi, Chúa Giêsu chấm dứt tình trạng cô lập, mà sự phán xét không thương xót của ông biệt phái và của các người đồng hương đã khai thác bà – họ kết án bà: “Các tội của con đã được tha” (c.48). Người phụ nữ giờ đây có thể ra đi “bằng an”. Chúa đã trông thấy đức tin và sự hoán cải chân thành của bà, vì thế Ngài tuyên bố trước mặt tất cả mọi người: “Lòng tin của con đã cứu con” (c. 50). Một đàng cái giả hình của vị tiến sĩ luật, đàng khác là sự chân thành, lòng khiêm nhường và đức tin của người đàn bà. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, nhưng biết bao lần chúng ta rơi vào cám dỗ của sự giả hình, tìn rằng mình tốt lành hơn những người khác và chúng ta nói: “Hãy nhìn tội của bạn…” Trái lại chúng ta tất cả đều phải nhìn tội lỗi của mình, các sa ngã, các sai lầm của mình và nhìn lên Chúa. Đó là con đường của sự cứu rỗi: tương quan giữa “tôi” kẻ tội lỗi và Chúa. Nếu tôi cảm thấy mình công chính, thì không có tương quan này.

Đến đây một sự ngạc nhiên lớn hơn nữa tấn công tất cả mọi người cùng dự tiệc: “Ông này là ai mà cũng có quyền tha tội?” (c. 49). Chúa Giêsu không đưa ra một câu trả lời rõ ràng, nhưng sự hoán cải của người phụ nữ tội lỗi ở trước mắt tất cả mọi người, và chứng minh cho thấy nơi Ngài rạng ngời lên quyền năng lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng biến đổi các con tim.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Người đàn bà tội lỗi dậy cho chúng ta biết  mối dây liên kết giữa đức tin, tình yêu và lòng biết ơn. Bà đã được tha “nhiều tội” và vì thế bà yêu nhiều, “trái lại ai được tha ít thì yêu ít” (c. 47). Cả chính ông Simone cũng phải thừa nhận rằng người được tha nhiều hơn thì yêu nhiều hơn. Thiên Chúa đã đóng kín tất cả trong cùng một mầu nhiệm lòng thương xót; và từ tình yêu luôn luôn đi trước chúng ta này, chúng ta tất cả đều học biết yêu thương. Như thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta trong thư gửi tín hữu Êphêxô: “Trong Đức Kitô, nhờ máu người đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo ân sủng phong phú của Người. Người đã đổ nó ra phong phú trên chúng ta” (Ep 1,7-8). Trong văn bản này, từ “ân sủng” đồng nghĩa với từ thương xót, và được nói là “phong phú”, nghĩa là vượt qúa mọi chờ mong của chúng ta, để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy biết ơn vì đức tin, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì tình yêu của Ngài lớn lao, và chúng ta không đáng được! Chúng ta hãy để cho tình yêu của Chúa Kitô đổ trên chúng ta: người môn đệ kín múc nơi tình yêu ấy và xây dựng trên đó; mỗi người trong chúng ta có thể được dưỡng nuôi bằng tình yêu này. Như thế trong tình yêu biết ơn này, tới lượt mình, chúng ta đổ trên các anh chị em khác, trong nhà của chúng ta, trong gia đình, trong xã hội ta thông truyền cho tất cả mọi người lòng thương xót của Chúa.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào nhóm các Phó tế giáo phận Mans, và các trẻ em giúp lễ giáo phận Périgueux, do các Giám Mục hướng dẫn hành hương Roma; chủng viện Ars và nhóm Niềm vui Tin Mừng Grenoble, cũng như nhiều tín hữu đến từ Bỉ. Ngài cầu mong mọi người biết noi gương Chúa Giêsu từ nhân tiếp  nhận nhau với lòng thương xót.

Chào các nhóm nói tiếng Anh đến từ Croatia, Na Uy, Thuỵ Điển, Australia, Singapore, Đài Loan, Philippines và Hoa Kỳ, ĐTC xin Chúa phục sinh chúc lành cho họ và gia đình họ.

Trong số các đoàn hành huơng nói tiếng Đức ĐTC chào các chủng sinh đại chủng viện liên giáo phận Sankt Lambert ở Burg Lantershofen, cũng như các thành viên và thân hữu tổ chức Ecclesia Mundi. Ngài chúc mọi người biết đáp trả lại tình yêu của Chúa với tình yêu để biến đổi thế giới.

Chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC đã xin mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân động đất tại Ecuador trong lúc đớn đau này.

Trong các đoàn hành hương nói tiếng Bồ Đào Nha ngài chào tín hữu cộng đoàn Obra de Maria và cầu mong mọi người lớn lên trong tình bạn với Chúa Giêsu và làm chứng tá cho lòng thương xót Chúa.

ĐTC cũng chào các tín hữu Ucraina và Bielosussia tham dự đại hội quốc tế kỷ niệm 30 năm ngày nổ lò nguyên tử Chernobyl. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân và cám ơn những người đã cứu giúp họ, cũng như tất cả các sáng kiến nhằm thoa dịu các khổ đau và các thiệt hại do vụ nổ gây ra.

ĐTC cũng kêu gọi cầu nguyện và trợ giúp nhân dân Ukraine đang đau khổ vì chiến tranh và bị thế giới lãng quên. Ngài nhắc lại sáng kiến đề nghị lạc quyên trên toàn Âu châu vào ngày Chúa Nhật 24 tháng 4 này để trợ giúp Ucraina và cám ơn trước về sự đóng góp quảng đại của mọi người.

Ngoài ra ĐTC cũng chào phái đoàn hành hương Nga thuộc giáo phận thánh Clemente Saratov, do ĐGM Clemens Pickel hướng dẫn.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương do các Giám Mục giáo phận hướng dẫn và cầu chúc họ làm chứng cho lòng thương xót Chúa cũng như phát huy tinh thần  truyền giáo trong các cộng đoàn giáo xứ. Bên cạnh đó ngài cũng chào các bác sĩ tham dự đại hội âu châu về “liệu pháp chống đau và các săn sóc công hiệu khác”, các nữ tu thuộc Liên hiệp các bề trên tổng quyền dòng nữ Italia, các thành viên phong trào tông đồ và tổ chức “Giúp sống” tỉnh Terni.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ năm là lễ nhớ thánh Anselmo thành Aosta, GM tiến sĩ Giáo Hội. Xin gương sống của thánh nhân thúc đẩy các bạn trẻ trông thấy nơi Chúa Giêsu từ nhân vị Thầy của cuộc đời họ; xin thánh nhân bầu cử cho người đau yếu trong những lúc khổ đau được thanh thản và bình an trong mầu nhiệm thập giá; và xin cho giáo lý cùng lời giảng dạy của thánh nhân giúp các đôi tân hôn trở thành các nhà giáo dục con cái họ biết sống khôn ngoan.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Những Ki-Tô hữu “Mồ côi”

Những Kitô hữu "mồ côi"

Thánh lễ sáng thứ ba, 19.04, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. “Một Kitô hữu không để Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Giêsu là một Kitô hữu sống trong cảnh mồ côi.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, 19.04, tại nguyện đường Thánh Marta. Một trái tim rộng mở với Thiên Chúa chính là khả năng biết chấp nhận những điều mới mẻ mà Thần Khí mang đến.

Khi thấy những phép lạ, điềm thiêng và những lời nói chưa được nghe đến bao giờ, người Do-thái đã nghi ngờ: ‘Ông có phải là Đấng Kitô không?’ Như thế, Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng khởi đi từ sự hoài nghi không có gì lay chuyển được của người Do-thái đối với Đức Giêsu.

Thiên Chúa Cha lôi cuốn những tâm hồn

 ‘Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.’ Đây là câu hỏi mà các kinh sư và người Pha-ri-sêu đặt ra nhiều lần và trong những cách thức khác nhau, vì họ có con tim mù tối. Một sự mù tối của đức tin là điều mà Đức Giêsu sẽ cắt nghĩa cho những kẻ đang lắng nghe: ‘Các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.’ Thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa là một ơn huệ trọng đại, nhưng điều ấy cần một trái tim luôn biết sẵn sàng và ứng trực.

‘Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.’ Phải chăng những con chiên này đã học biết cách theo Đức Giêsu và sau đó chúng đã tin vào Ngài? Xin thưa là không. Nhưng ‘Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả.’ Như vậy, không phải tự sức những con chiên nhưng chính Thiên Chúa Cha đã ban đàn chiên cho Vị Mục Tử. Và chính Chúa Cha đã thu hút, lôi cuốn con tim của những con chiên ấy đến với Đức Giêsu.

Trẻ mồ côi

Sự chai đá nơi tâm hồn của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những người đã xem thấy những việc Đức Giêsu đã làm nhưng lại từ chối nhận Ngài là Đấng Mesia, là một tấn kịch kéo dài cho đến tận đồi Canve. Nhưng chuyện còn tiếp tục tiếp diễn cho đến khi Chúa phục sinh, lúc những người lính canh mồ bị ép buộc phải thừa nhận rằng các môn đệ đã đến trộm xác Chúa trong khi họ ngủ thiếp đi. Lời chứng của những người đã được xem thấy Chúa Phục Sinh không làm lay chuyển được tâm hồn những người khăng khăng chối từ tin tưởng. Và điều này dẫn đến hệ quả là: họ giống như những trẻ mồ côi vì họ đã chối từ chính Cha của họ.

Những vị tiến sĩ luật và người Pha-ri-sêu có một trái tim khép kín. Họ nhận thấy rằng họ là Cha của chính mình. Nhưng nếu như vậy, hóa ra họ là những trẻ mồ côi, vì đã chối từ và không có bất kỳ một tương quan nào với Chúa Cha. Mặc dù họ có nhắc tới những người cha: Áp-ra-ham và các tổ phụ, nhưng chỉ như là những hình ảnh thuộc quá khứ xa xôi; còn thực tế tự đáy lòng, họ là những trẻ mồ côi, sống trong tình trạng côi cút và không để tâm hồn mình được lôi cuốn bởi Chúa Cha. Đây chính là nỗi bi kịch của những người có tâm hồn khép kín.

Hãy để mình được lôi cuốn đến với Giêsu

Tin tức đã lan đến Giê-ru-sa-lem là có rất nhiều người ngoại đã mở lòng mình ra với đức tin nhờ lời rao giảng của các môn đệ, ở tận những nơi xa xôi như miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Tin ấy đã khiến các môn đệ lo lắng, nhưng điều ấy cũng có nghĩa là người ta đã có một trái tim rộng mở với Thiên Chúa. Trái tim rộng mở ấy giống như của Ba-na-ba khi ông được sai đến An-ti-ô-khi-a để chứng thực những tin đồn đại. Ông đã mừng rỡ vì có nhiều người đã tin và trở lại cùng Chúa, trong số đó có rất nhiều dân ngoại. Với con tim rộng mở, Ba-na-ba đã dám chấp nhận những điều mới mẻ, đã biết mở lòng ra để Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Đức Giêsu.

Đức Giêsu mời gọi chúng ra trở nên những môn đệ của Ngài. Nhưng để được như thế, chúng ta phải để cho Thiên Chúa hấp dẫn và lôi cuốn mình.  Lời nguyện xin khiêm tốn của một người con mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa: ‘Lạy Cha, xin kéo con đến gần với Giêsu. Xin giúp con hiểu biết về Đức Giêsu hơn.’ Và như thế, Thiên Chúa Cha sẽ gởi Thần Khí đến giúp mở rộng tâm hồn chúng ta và mang chúng ta đến với Giêsu. Một Kitô hữu không để cho Thiên Chúa Cha kéo mình đến gần với Giêsu là một Kitô hữu sống trong tình cảnh mồ côi. Phần chúng ta, chúng ta có một Người Cha, nên chúng ta không hề côi cút.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đài phun nước Trevi ở Roma được “nhuộm đỏ”, nhìn nhận các vị tử đạo

Đài phun nước Trevi ở Roma được “nhuộm đỏ”, nhìn nhận các vị tử đạo

Đài phun nước Trevi

Roma – Ngày 29 tháng 4 tới đây, đài phun nước Trevi, một trong những địa điểm tiêu biểu và thu hút đông đảo khách du lịch nhất của Roma sẽ được “nhuộm” đỏ để nhìn nhận việc các tín hữu Kitô dâng hiến mạng sống vì đức tin.

Sự kiện được tổ chức bởi tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nhằm kêu gọi sự chú ý đến thảm kịch bách hại chống lại các Kitô hữu.

Trên trang web của mình, tổ chức nói rằng họ hy vọng sáng kiến này sẽ là “khởi đầu của một hành động cụ thể và kéo dài ở mọi nơi để những người bị bách hại của thế kỷ 21 sớm có thể được hưởng quyền tự do tôn giáo.” Tổ chức cũng nói thêm rằng: “việc vi phạm có hệ thống quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là của các Kitô hữu phải là những vấn đề chính trong các cuộc tranh luận công cộng.”

Iraq và Syria là 2 nước mà các Kitô hữu bị bắt bớ mạnh mẽ bởi sự giết hại, bắt làm nô lệ và đuổi ra khỏi nơi cư trú do  nhà nước Hồi giáo thực hiện, các tín hữu ở Nigieria cũng bị nhóm Hồi giáo Boko Haram tấn công, trong khi ở một vài nước như Bắc Hàn, Kitô giáo là bất hợp pháp.

Nhiều tổ chức đã tham dự sáng kiến này như: Hiệp thông và Tự do, Caritas Ý, phong trào công nhân Công giáo, phong trào Focolare và các tổ chức bảo vệ sự sống.

Vào ngày 7/4 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói về các vị tử đạo thời nay. Ngài nói: “Chính chứng nhân của các vị tử đạo ngày nay – rất nhiều – bị đuổi ra khỏi quê hương đất nước, bị cắt cổ, bắt bớ: họ đã can đảm tuyên xưng Đức Giê ngay cả sẽ bị chết.” (Catholic News Agency 20/4/2016)

Hồng Thủy OP