Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Nomadelfia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Nomadelfia

duc-thanh-cha-tiep-kien-cong-doan-nomadelfia

VATICAN. ĐTC ca ngợi và khích lệ cộng đoàn Nomadelfia trong cuộc sống huynh đệ và nêu gương cho xã hội trong việc săn sóc các trẻ em và người già.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy, 17-12-2016, dành cho 300 người thuộc cộng đoàn Nomadelfia. Từ này, trong tiếg Hy Lạp có nghĩa là ”luật huynh đệ”. Cộng đoàn Nomadelfia do cha Zenon Saltini (+1981) sáng lập tại một khu vực thuộc tỉnh Grossetto, cách Roma gần 200 cây số về hướng bắc. Tại đó các gia đình sống trong những căn nhà nhỏ, nhưng sinh hoạt trong căn nhà chung, cùng với 3, 4 gia đình, trong tinh thần huynh đệ, đùm bọc lẫn nhau. Người già trở thành ông bà nội của tất cả các trẻ em trong nhóm. Con cái cũng được các bà mẹ săn sóc chung khi một bà mẹ phải vắng mặt. Công việc ở Nomadelfia được quản trị trong tinh thần huynh đệ, không có người chủ hay nhân viên và loại trừ mọi hình thức đầu tư hay bóc lột. Mỗi người đặt những gì mình làm làm của chung, và nhận được theo công bằng và tiết độ những gì mình cần để sống. Tiền bạc không lưu hành trong cộng đoàn.

Trong bài huấn dụ sau khi nghe chứng từ trình bày về cuộc sống ở cộng đoàn Nomadelfia, ĐTC nhận xét rằng ”Cha Zeno Saltini, vị sáng lập của anh chị em đã theo đuổi đối tượng mang hạt giống tốt của Tin Mừng vào những thửa đất khô cằn nhất. Và cha đã thành công. Cộng đồng Nomadelfia của anh chị em là một bằng chứng. Cha Zeno ngày nay đối với chúng ta như một mẫu gương về người môn đệ trung thành của Chúa Giêsu, noi gương Thày Chí Thánh, cúi mình trên những đau khổ của những người yếu ớt, nghèo nàn nhất, trở thành chứng nhân về lòng bác ái vô tận.

ĐTC nói thêm rằng:

”Ước gì lòng can đảm và sự kiên trì của cha Zenon hướng dẫn sự dấn thân hằng ngày của anh chị em để làm cho những hạt giống sự thiện sinh hoa kết trái dồi dào mà cha đã gieo vãi quảng đại, được lòng hăng say theo tinh thần Tin Mừng và lòng yêu mến Giáo Hội thúc đẩy”.

”Gia đình tinh thần của anh chị em đặc biệt gắn liền với đời sống huynh đệ, được biểu lộ đặc thù qua việc đón tiếp các trẻ em và săn sóc người già. Tôi khuyến khích anh chị em nêu gương cho xã hội về sự ân cần và dịu hiền rất quan trọng như thế. Các trẻ em và người già là tương lai của các dân tộc: các trẻ em là tương lai vì các em sẽ tiếp tục lịch sử, còn người già là tương lai vì họ thông truyền kinh nghiệm và sự khôn ngoan từ cuộc sống của họ. Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc vun trồng và nuôi dưỡng cuộc đối thoại như vậy giữa các thế hệ, biến đức tin của anh chị em thành ngôi sao dẫn đường và biến Lời Chúa thành bài học chính yếu cần hấp thụ và sống cụ thể trong cuộc sống thường nhật” (SD 17-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp Nhà Thương Nhi Đồng của Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp Nhà Thương Nhi Đồng của Tòa Thánh

duc-thanh-cha-tiep-kien-cong-doan-nha-thuong-nhi-dong-cua-toa-thanh

VATICAN. Sáng 15-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến Cộng đoàn Nhà thương Gesù Bambino, Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện duy nhất thuộc quyền sở hữu của Tòa Thánh.

Được ngồi hàng đầu trong Đại thính đường Phaolô 6 só 150 trẻ em bệnh nhân đến từ Italia và 15 nước khác, trong đó có 15 em đến từ Cộng hòa Trung Phi được ĐHY Dieudonné Nzapalainga, TGM giáo phận Bangui thủ đô của nước này hướng dẫn đến đây.

Trong số 7 ngàn người hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các bác sĩ, y tá, các nhân viên khác, những người thiện nguyện, các gia đình và các bệnh nhân.

Lịch sử và hoạt động của Nhà Thương Chúa Hài Đồng Giêsu

Bệnh Viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu được thành lập năm 1869 như bệnh viện nhi đồng đầu tiên ở Italia do sáng kiến của gia đình quận công Salviati, theo kiểu mẫu Bệnh viện Nhi đồng ở Paris. Năm 1924, gia đình Salviati đã tặng nhà thương này cho Tòa Thánh và từ đó trở thành bệnh viện của ĐGH.

Năm 1985, Bệnh viện này được nhìn nhận như một viện điều trị và săn sóc có tính chất khoa học (IRCCS), ngoài việc chữa trị các bệnh nhân, còn có hoạt động nghiên cứu khẩn trương. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp quốc tế (JCI) chứng thực nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện nổi bật về việc tiếp đón, săn sóc và chữa trị các em bệnh nhân.

Năm 2014, Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu khánh thành các phòng thí nghiệm nghiên cứu mới, trải rộng trên diện tích 5 ngàn mét vuông, được trang bị với những kỹ thuật tân tiến nhất để nghiên cứu về di truyền học và các tế bào. Một cuộc đầu tư hạ tầng cơ cấu và kỹ thuật quan trọng, trù định bên trong các cơ sở của Nhà thương một phân bộ dược khoa (Cell Factory) hoàn toàn chuyên về việc cung cấp rộng lớn các phương pháp điều trị tân tiến.

Ngày nay, Bệnh viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện đa khoa và là trung tâm nghiên cứu bệnh nhi đồng lớn nhất ở Âu Châu với hơn 2500 nhân viên, được liên kết với các trung tâm lớn trên thế giới trong lãnh vực này, là điểm tham chiếu về sức khỏe trẻ em và thiếu niên đến từ toàn Italia và nước ngoài. Đối với Italia, bệnh viện này là trụ sở của Orphanet, là cơ sở dữ liệu (database) lớn nhất thế giới về các bệnh hiếm, có 39 nước tham gia cơ sở này.

Việc săn sóc sức khỏe của Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu được tiến hành tại 4 trung tâm nhập viện và điều trị: trước tiên là trụ sở nguyên thủy trên đồi Gianicolo cạnh Đại chủng viện Bắc Mỹ và không xa đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo; tiếp đến là trụ sở mới gần Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma; thứ ba là trụ sở ở Palidoro cách Roma khoảng 30 cây số, và sau cùng là Santa Marinella, cách Roma 75 cây số về hướng bắc. Cả hai trung tâm này ở gần bờ biển. Tổng cộng trong 4 cơ sở vừa nói có 607 giường trên một diện tích 500 ngàn mét vuông. Mỗi năm bệnh viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng có 27 ngàn vụ nhập viện, 26 ngàn vụ giải phẫu, 70 ngàn vụ chữa trị trong ngày (Day Hospital), 78 ngàn trường hợp cấp cứu, và 1 triệu 600 ngàn vụ chẩn bệnh. Thực là những con số đáng kể trên bình diện Âu Châu. Trong số các bệnh nhân trẻ em được điều trị có 30% đến từ các vùng ngoài Roma và Lazio, và 13% khác đến từ nước ngoài.

Cộng tác quốc tế

Bệnh viện Chúa Hài Đồng hiện diện trên bình diện quốc tế với những căn thiệp cộng tác với những nước đang lên: tại Giordani, Kampuchia, Việt Nam, Ethiopia và Cộng Hòa Trung Phi có những dự án cộng tác với các trung tâm lâm sàng và phẫu thuật ở địa phương về việc huấn luyện, y khoa nhi đong cơ bản, chỉnh hình, thần kinh và phẫu thuật chuyên ngành. Trong khi đó với nước Nga, Macedonia, Ucraina, Venezuela, Liban, Palestine, Kosovo, Camerun và Algérie, Bệnh viện Chúa Hài Đồng có những dự án chuyên ngành cấp cao liên quan đến việc huấn luyện thường trú và trợ giúp lâm sàng phẫu thuật ở Roma cho những trường hợp nặng nhất. Sự dấn thân của Bệnh viện này với các nước xa xăm như thế không có nghĩa là quên thành Roma. Tại đây, Bệnh viện Nhi đồng của T có một đơn vị y tế lưu động dành cho các giáo xứ và các khu phố nghèo nhất.

Bệnh viện Nhi Đồng đảm nhận việc chữa trị trong tất cả các ngành y khoa chuyên biệt. Ghép cơ phận, các bệnh di truyền và chuyển hóa (metaboliche), bệnh tim và phẫu thuật tim mạch, thần kinh học, ung thư và huyết học, phục hồi chức năng. Đó là những lãnhvực điều trị và nghiên cứu rất xuất sắc. Đặc biệt Bệnh viện Chúa Hài Đồng là trung tâm ở Âu Châu có khả năng đáp ứng tất cả những đòi hỏi về ngành ghép cơ phận cho nhi đồng: tim, tủy, giác mạc, kể cả hoạt động ghép gan và thận, nguyên trong năm 2015 có 326 vụ ghép cơ phận. Năm 2010, có cuộc ghép tim nhân tạo trường kỳ đầu tiên trong lồng ngực được thực hiện cho một em bé tại Bệnh viện Nhi Đồng này. Ngoài các hoạt động chữa trị, Bệnh viện còn có dịch vụ tiếp đón các gia đình, đặc biệt những gia đình đến từ ngoài vùng Lazio, và theo đuổi tiến trình trị liệu lâu dài. Với sự trợ giúp của một hệ thống các hiệp hội, tổ chức, các khách sạn, Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu đã đảm bảo việc trú ngụ miễn phí cho khoảng 3,500 gia đình, với tổng cộng hơn 88 ngàn đêm mỗi năm.

Buổi tiếp kiến

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Bà Mariella Enoc, Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu, đã chính thức cám ơn ĐTC vì đã cho phép sử dụng bãi đáp trực thăng trong Nội thành Vatican dành cho những trường hợp khẩn cấp. Từ khi khởi động chương trình này, đã có 80 trường hợp chuyên chở khẩn cấp các em bệnh nhân, với sự cộng tác của sở Hiến binh Vatican, Sở y tế Vatican và sở xe cứu thương Ares 118 của Italia.

Tiếp lời bà Enoc, một nữ y tá, Valentina Vanzi, một nhân viên trợ tá Ông Dino Pantaleoni, một sinh viên ngành y tá Luca Adriani, sau cùng là một nữ bệnh nhân Serana Antonucci, lần lượt trình bày hoạt động của mình và nêu vài câu hỏi xin ĐTC giải đáp.

Trong bài nói chuyện, ngài đã trả lời cho các câu hỏi đó, và nói rằng:

”Valentina, câu hỏi của bà về các trẻ em đau khổ thật là một câu hỏi lớn lao và khó khăn, tôi không có một câu trả lời, nhưng tôi nghĩ tốt hơn nên bỏ ngỏ câu hỏi này. Cả Chúa Giêsu cũng không đưa ra câu trả lời bằng lời nói. Đứng trước một vài trường hợp xảy ra bấy giờ, tức là những người vô tội đã chịu đau khổ trong những hoàn cảnh đau thương, Chúa Giêsu không đưa ra một bài giảng, một diễn văn lý thuyết. Chắc chắn là Ngài có thể làm, nhưng Ngài không làm. Khi sống giữa chúng ta, Chúa không giải thích tại sao ta đau khổ. Trái lại Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường để mang lại ý nghĩa cho kinh nghiệm đau khổ của con người: Chúa không giải thích tại sao người ta đau khổ, nhưng khi chịu đựng đau khổ với tình yêu thương, Chúa chỉ cho chúng ta thấy Ngài chịu đau khổ cho ai. Chúa đã hiến mạng sống vì chúng ta và qua món quà đó, món quà rất quí giá đối với Ngài, Chúa đã cứu thoát chúng ta. Và ai theo Chúa Giêsu thì cũng làm như vậy: thay vì tìm hiểu tại sao, thì họ sống mỗi ngày cho người nào đó.

Bà Valentina thật là yêu sách và cũng xin một liều thuốc cho người đang chịu đau khổ. Thật là một yêu cầu đẹp đẽ; tôi chỉ nói một điều nhỏ thôi, đó là chúng ta có thể học nơi các trẻ em: khám phá mỗi ngày giá trị của lòng biết ơn, biết nói ”cám ơn”. Chúng ta dạy điều đó cho các trẻ em nhưng rồi nhiều khi những người lớn chúng ta lại không làm. Nói cám ơn, chỉ vì chúng ta đứng trước một người, đó là một liều thuốc làm cho niềm hy vọng khỏi bị giảm bớt, lạnh lẽo, và đó là một thứ bệnh hay lây. Nói lời cám ơn sẽ nuôi dương hy vọng, niềm hy vọng trong đó chúng ta được cứu rỗi, như thánh Phaolô đã nói (Xc Rm 8,24). Niềm hy vọng chính là nhiên liệu cho đời sống Kitô, làm cho chúng ta tiến bước mỗi ngày. Vì thế, thật là đẹp khi sống như người biết ơn, như con cái Thiên Chúa, đơn sơ và vui mừng, bé nhỏ và vui tươi.

Trả lời anh Luca hỏi đâu là nhãn hiệu của công xưởng là nhà thương ”Chúa Hài Đồng Giêsu” ngoài những khả năng chuyên môn cần thiết. ĐTC đáp: Với những người trẻ Kitô như anh Luca, sau khi học hành bắt đầu đối diện với thế giới công việc, một thế giới phải được mở ra cho người trẻ, chứ không phải cho thị trường, tôi khuyên hai yếu tố này. Trước tiên là giữ cho những giấc mơ của mình được sinh động. Đừng bao giờ làm cho những giấc mơ ấy bị tê liệt! Chúng ta sẽ nghe đọc trong bài Tin Mừng Chúa nhật tới đây, chính Thiên Chúa đôi khi thông báo qua những giấc mơ, nhưng nhất là Chúa mời gọi chúng ta thực hành những giấc mơ lớn, dù khó khăn. Chúa thúc đẩy chúng ta đừng ngừng làm điều thiện, đừng bao giờ dập tắt ước muốn sống những dự án to lớn. Tôi thích nghĩ rằng chính Chúa cũng có những giấc mơ, cả trong lúc này, cho mỗi người chúng ta. Một cuộc sống không có mơ ước thì không xứng đáng với Thiên Chúa, một cuộc sống mệt mỏi và cam chịu, không hài lòng, thì người ta sống vất vưởng, không phấn khởi, sống cho qua ngày vậy thôi.

Tôi nói thêm yếu tố thứ hai này là sau những giấc mơ, còn cần phải có sự trao tặng. Bà Serena đã là làm chứng cho chúng ta về sức mạnh của người trao tặng, cho đi. Xét cho cùng, người ta có thể sống theo hai đối tượng: một là đặt sở hữu lên trên sự cho đi. Ta có thể làm việc và nghĩ trước tiên tới sự kiếm tiền, hoặc là tìm cách cố gắng hết sức để mưu ích cho tha nhân. Khi ấy công việc, tuy có đủ loại khó khăn, nó trở thành một sự đóng góp vào công ích, nhiều khi cho một sứ mạng. Và chúng ta luôn đứng trước hai ngã đường: một là làm cái gì để mưu ích cho tôi, để đạt thành công, để được nổi tiếng; hai là đi theo trực giác phục vụ, trao ban và yêu thương. Nhiều khi hai điều này trộn lẫn với nhau, nhưng luôn luôn phải nhận ra điều nào chiếm chỗ thứ nhất. Mỗi sáng ta có thể nói: bây giờ tôi phải đi đến nơi đó, làm việc này, gặp người kia, đương đầu với các vấn đề, nhưng tôi muốn sống ngày hôm nay như Chúa muốn: không phải như một gánh nặng, nhưng như một hồng ân. Nay đến lượt tôi phải làm một chút điều thiện, để mang Chúa Giêsu, để làm chứng không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Mỗi ngày ta có thể ra khỏi nhà với một tâm hồn khép kín vào mình, hay là với mộp tâm hồn cởi mở, sẵn sàng gặp gỡ và trao ban. Thật là niềm vui lớn khi sống với một con tim cởi mở, hơn là một con tim khép kín. Các con có đồng ý không.

Tôi cầu chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh sống với một con tim cởi mở, giữa tinh thần tươi đẹp như thế của gia đình. Cám ơn Anh chị em thật nhiều.

G. Trần Đức Anh OP

 

6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh trình ủy nhiệm thư

6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh trình ủy nhiệm thư

6-tan-dai-su-canh-toa-thanh-trinh-uy-nhiem-thu

VATICAN. Sáng 15-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến các Đại sứ mới của 6 quốc gia cạnh Tòa Thánh, và ngài đề cao giá trị của bất bạo động như một lối sống chính trị.

6 vị Đại sứ thuộc các nước Burundi, Quần đảo Fiji, Maurice, Moldavia, Thụy Điển và Tunisi, đến trình thư ủy nhiệm lên ĐTC.

Trong lời chào mừng, ĐTC nhắc đến kỷ niệm 50 năm Đức Phaolô 6 thiết lập Ngày Hòa Bình Thế giới, và chủ đề ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 50 vào ngày 1-1-2017 là: ”Bất bạo động, một đường lối chính trị phục vụ hòa bình”.

ĐTC khẳng định rằng ”Bất bạo động là một thí dụ tiêu biểu về giá trị phổ quát tìm thấy nơi Tin Mừng của Chúa Kitô sự viên mãn và cũng là điều thuộc về các truyền thống tinh thần cao quí và cổ kính. Trong một thế giới như ngày nay, một thế giới phải chịu nhiều chiến tranh và xung đột, và bạo lực lan tràn dưới nhiều hình thức trong cuộc sống thường nhật, sự chọn lựa bất bạo đông như một lối sống ngày càng trở thành một yêu sách trách nhiệm trên mọi bình diện, từ việc giáo dục gia đình, cho tới sự dấn thân xã hội và dân sự, các hoạt động chính trị và các quan hệ quốc tế. Trong mọi trường hợp, vấn đề ở đây là loại bỏ bạo lực như một phương thế để giải quyết các xung đột, trái lại cần giải quyết chúng bằng đối thoại và thương thuyết”.

ĐTC cũng xác quyết rằng ”bất bạo động không hề đồng nghĩa với sự yếu đuối và thụ động, trái lại, nó đòi phải có một sức mạnh nội tâm, can đảm và khả năng đương đầu với những vấn đề và những xung đột, với tâm trí lương thiện, thực sự tìm kiếm công ích trước tiên và hơn mọi tư lợi phe phái, dù là ý thức hệ, kinh tế hay chính trị”. (SD 15-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu hành hương: 14-12-2016

Đức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu hành hương: 14-12-2016

duc-thanh-cha-dtc-tiep-kien-chung-cac-tin-huu-hanh-huong-14-12-2016

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 8 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 14-12-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa ban niềm hy vọng, dù sống trong hoàn cảnh tối tăm và khó khăn.

 Buổi tiếp kiến đại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican bắt đầu với phần lắng nghe đoạn sách ngôn sứ Isaia, đoạn 52, câu 7, 9 và 10: Đẹp thay bước chân trên núi của sứ giả loan báo hòa bình.

 Bài huấn giáo

 Trong bài huấn giáo, ĐTC đã trình bày đề tài ”niềm hy vọng Kitô” Ngài nói:

 ”Chúng ta đang đến gần lễ Giáng Sinh, và ngôn sứ Isaia một lần nữa giúp chúng ta cởi mở đối với niềm hy vọng bằng cách đón nhận Tin Mừng về ơn cứu độ đã đến.

 Chương 52 của sách Isaia bắt đầu bằng lời mời gọi Jerusalem hãy tỉnh dậy, phủi bụi bặm và vứt bỏ xiềng xích và mặc y phục đẹp đẽ nhất, vì Chúa đã đến để giải thoát dân Ngài (vv.1-3). Và thêm rằng: ”Dân Ta sẽ nhận biết danh Ta, sẽ hiểu trong ngày Ta nói: Này Ta đây!” (v.6).

 Tương ứng với lời ”Này Ta đây” của Chúa tóm tắt trọn vẹn ý muốn cứu độ của Ngài, ý muốn đến gần chúng ta, có bài ca vui mừng của Jerusalem, theo lời mời của Ngôn Sứ. Đó là một thời điểm lịch sử rất quan trọng, là sự chấm dứt cuộc lưu đày ở Babilone, là cơ hội để Israel tìm lại Thiên Chúa, và trong niềm tin, tìm lại chính mình. Chúa trở nên gần gũi, và ”đoàn dân nhỏ còn lại”, những người đã kháng cự được trong đức tin vào thời lưu đày, đã trải qua cuộc khủng hoảng mà tiếp tục tin và hy vọng, kể cả giữa tối tăm, đoàn người nhỏ bé ấy có thể thấy những kỳ công của Thiên Chúa.

 Đến đây, ngôn sứ thêm vào một bài ca vui mừng:

 ”Đẹp thay trên núi những bước chân của sứ giả loan báo hòa bình, sứ giả của Tin Mừng loan báo ơn cứu độ, nói với Sion: ”Thiên Chúa của ngươi hiển trị” […].. Hỡi những đổ vỡ của Jerusalem, hãy cùng nhau bừng lên những bài ca vui mừng, vì Chúa đã an ủi dân Ngài, đã cứu chuộc Jerusalem. Chúa đã giang cánh tay thánh của Ngài trước mọi dân nước; mọi biên cương của trái đất sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 52,7.9-10).

 ĐTC giải thích rằng: ”Những lời này của ngôn sứ Isaia, mà chúng ta muốn suy niệm ở đây, ám chỉ đến phép lạ hòa bình, và trình bày một cách rất đặc biệt, đặt cái nhìn không phải trên người sứ giả, nhưng trên đôi chân của họ đang chạy nhanh: ”Đẹp thay trên núi những bước chân của sứ giả..”

 Dường như đó là vị hôn phu trong sách Diểm Ca đang chạy đến người yêu của mình: ”Này đây, chàng đến, chạy nhảy trên núi, nhảy qua các ngọn đồi” (Dc 2,8). Người sứ giả hòa bình cũng chạy như thế, loan báo tin vui giải thoát, ơn cứu độ, và công bố rằng Thiên Chúa đang hiển trị.

 Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài và không để mình bị sự ác đánh bại, vì Ngài trung tín, và ơn sủng của Ngài lớn hơn tội lỗi. Điều này có nghĩa là ”Thiên Chúa đang hiển trị”; đó là những lời tin tưởng nơi một vị Chúa với quyền năng Ngài cúi mình xuống trên nhân loại để trao ban lòng thương xót và giải thoát con người khỏi những gì làm biến thái hình ảnh tươi đẹp của Thiên Chúa nơi họ. Và sự viên mãn của bao nhiêu yêu thương chính là Nước được Chúa Giêsu thiết lập, Nước tha thứ và an bình mà chúng ta cử hành với lễ Giáng Sinh và được thể hiện chung kết trong lễ Phục Sinh. Và niềm vui đẹp nhất của lễ Giáng Sinh là niềm vui an bình nội tâm: Chúa đã xóa bỏ các tội lỗi của tôi, Chúa đã tha thứ cho tôi, Chúa đã thương xót tôi và đã đến cứu độ tôi. Đó là niềm vui Giáng Sinh.

 ĐTC nói thêm rằng: Anh chị em thân mến, đó chính là những lý do khiến chúng ta hy vọng,. Khi tất cả mọi sự dường như chấm dứt, khi đứng trước bao nhiêu thực tại tiêu cực, đức tin trở nên khó khăn và có cám dỗ nói rằng không còn gì có ý nghĩa nữa, trái lại đây là tin vui được những bước chân mau lẹ mang tới: Thiên Chúa đang đến để thực hiện cái gì mới mẻ, để thiết lập nước hòa bình; Thiên Chúa đã giang cánh tay của Ngài, và đến để mang tự do và an ủi. Sự ác sẽ không chiến thắng mãi mãi, có một chấm dứt đau khổ. Tuyệt vọng bị khắc phục.

 Cả chúng ta cũng được yêu cầu hãy thức dậy, như thành Jerusalem, theo lời mời mà ngôn sứ gửi tới họ; chúng ta được kêu gọi trở thành những người nam nữ hy vọng, bằng cách cộng tác với Nước Chúa đang đến, Nước ánh sáng và dành cho tất cả mọi người. Thật là buồn dường nào khi thấy một Kitô hữu mất hy vọng, một tín hữu Kitô không có khả năng nhìn những chân trời hy vọng và trước con tim họ chỉ có một bức tường. Nhưng Thiên Chúa đang phá hủy những bức tường đó bằng sự tha thứ! Vì thế chúng ta cầu xin Chúa hằng ngày ban cho chúng ta niềm hy vọng, ban hy vọng cho tất cả mọi người, niềm hy vọng nảy sinh khi chúng ta thấy Thiên Chúa trong hang đá Bethlehem.

 Sứ điệp Tin Mừng được ủy thác cho chúng ta thật là cấp thiết, cả chúng ta cũng phải chạy nhanh như sứ giả trên núi, vì thế giới không thể chờ đợi, nhân loại đang đói khát công lý, sự thật và an bình.

 Và khi thấy Chúa Hài Nhi ở Bethlehem, những người bé nhỏ của thế giới sẽ biết rằng lời hứa được ứng nghiệm, sứ điệp được thực hiện. Nơi Hài nhi vừa mới sinh, cần mọi sự, được bọc trong tã và đặt trong máng cỏ, có chứa đựng tất cả quyền năng của Thiên Chúa Đấng cứu độ. Cần phải mở rộng con tim cho bao nhiêu điều bé nhỏ, bao nhiêu việc diệu kỳ. Đó là sự kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang chuẩn bị, với niềm hy vọng, trong mùa Vọng này. Đó là một sự ngạc nhiên về một vị Thiên Chúa hài nhi, một Thiên Chúa nghèo, một Thiên Chúa yếu đuối, một Thiên Chúa từ bỏ sự cao cả vĩ đại của Ngài để trở nên gần gũi mỗi người chúng ta.

 Chào thăm và nhắn nhủ

 Sau bài giáo lý dài bằng tiếng ý, các LM tại Tòa Thánh lần lượt tóm tắt bài huấn giáo của ĐTC bằng các sinh ngữ chính, bắt đầu là tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Ba Lan, Arập.. Các vị đều đại diện mọi người chúc mừng ĐTC nhân dịp sinh nhật thứ 80 của ngài vào ngày thứ bẩy 17-12 tới đây.

 Các vị cũng dịch những lời chào thăm và nhắn nhủ của ĐTC gửi đến mỗi nhóm sinh ngữ. Với các tín hữu Pháp thoại, ngài mời gọi họ, khi đứng trước hang đá máng cỏ, hãy để cho Thiên Chúa đánh động, Đấng vì chúng ta đã trở nên Hài Nhi, từ bỏ sự vĩ đại của Ngài đến gần mỗi người chúng ta.

 Với các tín hữu nói tiếng Arập, ĐTC nhắn nhủ rằng: ”Anh chị em thân mến, Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết: Tôi không thể sợ một Thiên Chúa, vì tôi, đã trở nên bé nhỏ như vậy..”. Chúng ta hãy cởi mở tâm hồn cho sự bé nhỏ, và diệu kỳ này và để cho Thiên Chúa hài nhi làm cho ngạc nhiên. Ngài trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta!

 Sau cùng, khi chào thăm các tín hữu bằng tiếng Ý, ĐTC đăc biệt chào đớn 36 tân linh mục của dòng Đạo Binh Chúa Kitô và thân nhân của các vị, cũng như các chủng sinh của giáo phận Brescia, bắc Italia. Ngài nói: ”Tôi cầu chúc anh em có thể sống thiên chức linh mục của anh em trong sự chân thực, trong tinh thần phục vụ và có khả năng làm trung gian giữa ơn thánh của Chúa và sự dòn mỏng của thân phận con người.”

 ĐTC cũng chào thăm và cám ơn các tín hữu ở Petrignano Assisi đã trao tặng hang đá nghệ thuật, cám ơn các binh sĩ đã dấn thân trong các cuộc hành quân ”đường lộ an ninh” trong dịp Năm Thánh vừa qua. ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài nhắc nhở rằng: ”Hôm nay phụng vụ kính nhớ thánh Gioan Thánh Giá, vị mục tử nhiệt thành và tiến sĩ thần bí của Giáo Hội. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy suy niệm về sự cao cả của tình yêu Chúa Giêsu Đấng đã giáng sinh và chết vì chúng ta; Hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, anh chị em hãy dịu dàng đón nhận thánh giá của mình trong niềm kết hiệp với Chúa Giêsu để cầu cho kẻ có tội được hoán cải; và hỡi anh chị em tân hôn quí mến, hãy dành chỗ cho việc cầu nguyện, nhất là trong Mùa Vọng này, để cuộc sống vợ chồng của anh chị em trở thành con đường trọn lành theo tinh thần Kitô giáo.

 G. Trần Đức Anh OP

Người Kitô hữu mở đường cho Chúa Giêsu bằng đời sống chứng tá

Người Kitô hữu mở đường cho Chúa Giêsu bằng đời sống chứng tá

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-16-12-2016

Người Kitô hữu nhận thấy thánh Gioan Tẩy Giả là chứng tá khiêm nhường cho Chúa Giêsu. Thánh nhân đã trở nên nhỏ đi, để cho Chúa lớn lên, để giới thiệu Con Thiên Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Gioan Tẩy Giả làm chứng về Chúa Giêsu

Trong những ngày này, Tin Mừng giúp chúng ta tập trung vào chân dung của Gioan Tẩy Giả. Ông là chứng nhân cho Chúa Giêsu. Ơn gọi của ông là làm chứng cho Chúa, là giới thiệu Chúa cho mọi người, là ngọn đèn cháy sáng.

Ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng, làm chứng cho ánh sáng. Ông là tiếng kêu. Chính ông nói: Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Ông là tiếng kêu, là tiếng nói làm chứng cho Lời của Thiên Chúa, cho Ngôi Lời Thiên Chúa. Ông chỉ là tiếng kêu. Ông rao giảng về ơn sám hối và làm phép rửa để giúp mọi người sám hối. Ông nói cách rõ ràng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng mạnh hơn tôi, và tôi không đáng để cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa.”

Sự khiêm tốn của Gioan là khuôn mẫu cho người tín hữu

Gioan thật vĩ đại, vĩ đại vì ông rất khiêm tốn. Ông cho thấy Người quan trọng là Chúa Giêsu chứ không phải ông. Khi dân chúng và các luật sĩ hỏi: Ông có phải là Đấng Cứu Thế không? Ông trả lời rõ ràng: Tôi không phải.

Lời chứng của ông rất mạnh mẽ và xác quyết, không có chút gì là hư danh. Tiếng nói của ông dập tắt sức mạnh của kiêu hãnh. Tiếng nói ấy mở cánh cửa cho lời chứng khác. Đó là lời chứng từ chính Chúa Cha. Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ta có lời chứng còn mạnh hơn cả lời chứng của Gioan, đó là lời chứng từ Chúa Cha.” Và Gioan đã mở cánh cửa cho lời chứng này. Ông Gioan đã nghe thấy tiếng nói từ Chúa Cha về Chúa Giêsu rằng: “Này là Con của Ta”. Thật tuyệt vời là sau khi mở cánh cửa, Gioan đã luôn lùi sang một bên. Đó là con đường khiêm tốn của ông. Cuối đời, ông chết trong tù, bị Hêrôđê chặt đầu chỉ vì vua chiều theo ý thích của bà mẹ dâm đãng xúi giục đứa con gái.

Người Kitô hữu mở đường cho Chúa bằng chính cuộc sống

Hôm nay thật là một ngày đẹp để chúng ta tự hỏi về đời sống Kitô của chính mình. Đời sống chúng ta có mở đường cho Chúa Giêsu không. Nếu đời sống có đầy những cử chỉ tốt đẹp ấy, chúng ta hãy dâng lên Chúa. Chúng ta hãy tiếp bước để làm chứng cho Chúa Giêsu, giống như thánh Gioan đã làm. Thánh nhân đã làm chứng tuyệt vời và ngài trợ giúp chúng ta trên bước đường chứng tá.

Tứ Quyết SJ

20 tín hữu Công giáo Ấn độ bị đánh dã man khi hát Thánh ca Giáng sinh

20 tín hữu Công giáo Ấn độ bị đánh dã man khi hát Thánh ca Giáng sinh

20-carol-singing

Banswara, Ấn độ – Một nhóm tín hữu Công giáo đã bị đánh đập dã man và bị cáo buộc thực hành các cuộc cưỡng bức cải đạo vì hát Thánh ca Giáng sinh tại tư gia.

Sự việc xảy ra tại làng Tikariya, gần thành phố  Banswara thuộc bang Rajasthan, Ấn độ. Các giáo dân thuộc giáo xứ thánh Phêrô và Phaolô, giáo phận Udaipur. Trong số nạn nhân cũng có cha sở của giáo xứ là cha Stephen Rawat. Cha Rawat cho biết là cha không có thù oán với ai.

Như hàng năm, giáo xứ tổ chức hánh thánh ca Giáng sinh tại các gia đình Công giáo. Năm nay nhóm có 20 người, gồm 3 nữ tu, các phụ nữ và trẻ em. Họ bắt đầu hoạt động này từ hôm 11/12, nhưng đến ngày 14/12 thì xảy ra vụ đánh đập này. Khoảng 30 kẻ vũ trang với gậy gộc đã xông vào nhóm khi các tín hữu đang đi về xe của họ sau buổi cử hành. 3 nữ tu may mắn thoát nạn vì họ vẫn còn ở trong nhà; các trẻ em cũng trốn thoát được.

8 tín hữu bị đánh đập nặng nề bởi những kẻ tấn công hô to khẩu hiệu “Chiến thắng cho Mẹ Ấn độ”. (Asia News 15/12/2016)

Hồng Thủy

Người mục tử nói lên sự thật

Người mục tử nói lên sự thật

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-15-12-2016

Các mục tử nói lên sự thật, đó là bước đầu, phần còn lại Chúa sẽ lo. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài tập trung bài giảng vào ông Gioan Tẩy Giả.

Ông Gioan can đảm nói lên sự thật

Ông Gioan rao giảng rất mạnh mẽ. Ông nói những tật xấu của người Pharisêu, của các luật sĩ, các kinh sư. Ông Gioan không nói: “Anh em thân mến, hãy cư xử tử tế!” Nhưng ông chỉ thẳng vào họ mà nói: “Nòi rắn độc kia!” Ông nói cách rất đơn giản và thẳng thắn, không có chút gì là úp mở. Ông phải nói thế, bởi vì họ đến để kiểm tra, để thách đố, để đứng nhìn, chứ không bao giờ mở lòng sám hối. Họ mang dáng dấp lươn lẹo của loài rắn. Khi nói như thế, Gioan mạo hiểm với cuộc sống, nhưng ông vẫn trung thành sống lối sống ấy. Sau đó, khi nói với vua Hêrôđê, ông Gioan cũng nói thẳng vào mặt: “Vua là kẻ ngoại tình, vua không được phép sống ngoại tình như thế!”

Phải đối mặt! Để cụ thể hơn, ví dụ trong bài giảng lễ Chúa Nhật, vị linh mục nói: “Giữa anh chị em có một số người là nòi rắn độc, có nhiều người sống ngoại tình”. Chắc chắn sau đó, Đức giám mục giáo phận sẽ nhận được những lá đơn nói rằng: “Cha ấy đã xúc phạm chúng con.” Đó là xúc phạm. Nhưng tại sao? Bởi vì đó là trung thành với sứ mạng nói lên sự thật.

Ông Gioan trong đêm tối của ơn gọi

Mặc dù Gioan rất mạnh mẽ và kiên vững trong ơn gọi mà Thiên Chúa ủy thác, nhưng ông cũng có những giây phút đêm tối, có những lúc nghi ngờ. Ngay cả sau khi ông làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt toàn dân, rằng Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Vậy mà, khi ở trong tù, ông nghi ngờ, ông sai các môn đệ của ông đi hỏi Chúa Giêsu xem có đúng Người là Đấng Kitô không, là Đấng phải đến không.

Những con người vĩ đại như ông vẫn có khả năng nghi ngờ, và điều ấy thật đẹp. Họ chắc chắn về ơn gọi, nhưng mỗi khi Chúa tỏ cho họ thấy con đường mới, thì họ bước vào con đường ấy với những nghi ngờ. Nghi ngờ ví như “điều ấy hình như không mang tính chính thống, hình như có gì đó sai lạc, hình như đây không phải là Đấng Mesia mà tôi mong đợi.” Có khả năng nghi ngờ như thế, chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại của Gioan.

Xin ơn nghi ngờ như ông Gioan

Chúng ta hãy xin thánh Gioan Tiền Hô chuyển cầu cùng Chúa, để ban cho chúng ta ơn can đảm khi thực thi sứ mạng mục tử, để chúng ta luôn luôn nói sự thật với tình thương của người mục tử, để chúng ta đón nhận mọi người và những gì nhỏ bé mà mọi người trao tặng. Đó là bước khởi đầu. Phần còn lại, chính Chúa sẽ làm. Thậm chí, chúng ta cũng xin ơn nghi ngờ như Gioan đã nghi ngờ. Điều gì làm cho Gioan vĩ đại! Gioan là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời, và vì thế mà ông vĩ đại, ông trợ giúp chúng ta trên con đường theo bước chân của Chúa.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

duc-thanh-cha-cu-hanh-thanh-le-kinh-duc-me-guadalupe

VATICAN. Lúc 6 giờ chiều ngày 12-12-2016, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng của Mỹ châu.

Đây là lần thứ ba ngài cử hành lễ này tại Roma. Đầu thánh lễ có nghi thức rước cờ của các nước Mỹ châu tiến lên gần bàn thờ. Hiện diện tại buổi lễ và đồng tế với ĐTC có đông đảo các HY, GM và LM. Phần lớn thánh lễ được cử hành bằng tiếng Tây Ban nha, nhưng cũng có tiếng Bồ đào nha và la tinh. Có nhiều thánh ca bằng các thổ ngữ chính ở Nam Mỹ được trình bày trong buổi lễ như tiếng Quechua, Nahuatl và Mapuche.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã đề cao niềm tin phục vụ của Mẹ Maria: ”Mẹ là hình ảnh gương mẫu của người môn đệ, người phụ nữ tin tưởng và cầu nguyện, biết đồng hành và khích lệ niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta trong các giai đoạn khác nhau mà chúng ta trải qua”.

Trong bối cảnh đó, ĐTC mời gọi các tín hữu học nơi Mẹ Maria niềm tin mạnh mẽ và phục vụ. Ngài nhắc đến bối cảnh xã hội đầy vấn đề và nhận xét rằng:

”Xã hội mà chúng ta đang kiến tạo cho con cháu ngày càng bị ghi đậm vì những dấu hiệu chia rẽ và phân tán, gạt ra ngoài lề, nhất là những người gặp khó khăn trong việc đạt tới điều tối thiểu để sống xứng đáng. Đó là một xã hội thích hãnh diện vì những tiến bộ khoa học và kỹ thuật của mình, nhưng lại trở nên mù quáng và thiếu nhạy cảm trước hàng ngàn khuôn mặt bị lùi lại đằng sau trong hành trình, bị loại bỏ vì sự kiêu ngạo mù quáng của một số ít người. Đó là một xã hội rốt cuộc sẽ tạo nên một nền văn hóa ảo tưởng, bất mãn và thất vọng nơi bao nhiêu anh chị em chúng ta..

ĐTC nói thêm rằng: ”Vô tình, dường như chúng ta quen sống trong một xã hội không còn tin tưởng với tất cả những gì đi kèm cho hiện tại và nhất là tương lai chung ta; sự thiếu tin tưởng dần dần sinh ra những trạng thái ươn lười và phân tán.”

ĐTC nhắc đến thảm trạng hàng ngàn trẻ em và người trẻ ở Nam Mỹ ăn xin và ngủ tại các nhà ga xe lửa, trong hầm xe điện ngầm hoặc ngủ tại bất kỳ nơi nào họ tìm được chỗ. Những trẻ em và người trẻ bị bóc lột trong các công việc lậu hoặc bị bó buộc phải xin tiền ở các ngã tư đường phố, lau kiếng xe và các em cảm thấy trên xe hỏa cuộc đời, không có chỗ cho các em. Và bao nhiêu gia đình đau thương vì thấy con cái mình trở thành nạn nhân của các con buôn sự chết.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”đứng trước tất cả những tình cảnh ấy, tất cả chúng ta phải nói như bà Elisabet: ”Phúc cho người đã tin, và học hỏi nơi niềm tin mạnh mẽ với tinh thần phục vụ vốn đã và đang là đặc tính của Mẹ chúng ta.. Nơi nào có người mẹ, thì luôn có sự hiện diện và hương vị gia đình. Nơi nào có người mẹ, thì các anh chị em tuy có thể cãi lộn, tranh luận với nhau, nhưng cảm thức hiệp nhất luôn trổi vượt. (SD 12-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thống Syria

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thống Syria

duc-thanh-cha-gui-thu-cho-tong-thong-syria

VATICAN. Trong thư gửi đến Tổng thống Bashar al Assad của Syria ĐTC Phanxciô kêu gọi tổng thống và cộng đồng quốc tế chấm dứt bạo lực và tìm một giải pháp ôn hòa cho cuộc xung đột tại nước này.

Thư của ĐTC đã được ĐHY Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, đích thân trao cho tổng thống Assad hôm 12-12-2016.

Trong thư ĐTC cũng lên án mọi hình thức cực đoan và khủng bố, bất kỳ đến từ phía nào. Ngài cũng xin Tổng thống Syria đảm bảo sao cho công pháp quốc tế về nhân đạo được hoàn toàn tôn trọng, liên quan đến việc bảo vệ các thường dân và để cho các đồ cứu trợ được đưa tới cho các nạn nhân.

ĐTC viết thư cho Tổng thống Assad giữa lúc quân đội chính phủ Syria đã giải phóng được 96% khu vực phía đông của thành phố Aleppo từ lâu bị các lực lượng phiến quân chiếm đóng, và với sự hỗ trợ của không lực Nga, quân đội Syria đã đánh đuổi được lực lượng Hồi giáo IS sau khi 5 ngàn quân của nhóm này chiếm được một phần khu ngoại ô của cổ thành Palmira. (RG 12-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới

Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới

cong-bo-su-diep-duc-thanh-cha-nhan-ngay-hoa-binh-the-gioi

VATICAN. Hôm 12-12-2016, Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa Bình thế giới 1-1 năm 2017 đã được công bố với đề tài: ”Bất bạo động: một kiểu chính sách hòa bình”.

Đây là Sứ điệp hòa bình thế giới thứ 50 của các vị Giáo Hoàng. Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều quốc gia và đại lục, nạn khủng bố, tội phạm, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được.. (2)

ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan vỡ thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người (Mc 7,21).. (3).

ĐTC nhận xét rằng ”bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau […] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ với mục đích giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. (4)

ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. .. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. (5)

ĐTC xác quyết: ”việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình trong Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phục, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính” (6).

”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. (SD 12-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Daniel Maria Piras, từ thanh niên nghiện ngập trở thành tu sĩ Phanxicô

Daniel Maria Piras, từ thanh niên nghiện ngập trở thành tu sĩ Phanxicô

cac-tu-si-dong-phanxico

Daniel Maria Piras là một thầy dòng Phanxicô trẻ thuộc tỉnh dòng Umbria, nước Ý. Ơn gọi tu trì của thầy Daniel là câu chuyện được đánh dấu bởi đau khổ, đức tin và quyền năng của Thiên Chúa. Nó là câu chuyện của Tin Mừng: Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại. Người yêu tôi và trao ban chính Người cho tôi. Thầy Marie kể lại cuộc đời mình:

“Ngày từ khi tôi còn là một đứa bé, vì những khó khăn về tài chính, gia đình tôi đã có những khó khăn trong các mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa cha mẹ của tôi. Khi học xong trung học đệ nhất cấp, tôi bắt đầu làm việc cùng với cha ở công ty xây dựng của ông. Đồng thời, để chạy trốn khỏi những vấn đề phức tạp của gia đình mình, tôi bắt đầu làm bạn với những người xấu: để theo kịp họ, tôi bắt đầu uống rượu, dùng ma túy. Tôi cũng dùng ma túy để quên đi nỗi đau trong trái tim mình.

Năm lên 16, tôi đã bị nghiện ngập. 7 năm trời, tôi không thể thoát ra được sự đeo đẳng của ma túy. Biết mình đang phạm một lỗi lầm, nhưng tôi đã rơi vào cái vòng tội lỗi và không thể thoát ra. Tôi quá thiếu ý chí và ngay cả nếu muốn thoát ra khỏi nó, tôi nhận ra là đã quá trễ và thiếu kiên quyết. Tôi đã nói chuyện với các nhà tâm lý và cố dùng thuốc để cai nghiện, nhưng kết quả không được bao nhiêu.

Lúc đầu tôi cố dấu những khó khăn của mình, nhưng rồi tình trạng tồi tệ hơn và cha mẹ tôi cũng biết được những gì đang xảy ra với tôi. Mẹ của tôi đã khuyến khích tôi. Bà ở bên cạnh và vẫn yêu thương tôi như lúc trước. Trước đây mẹ của tôi cũng đã rời bỏ nhà thờ, nhưng trong những năm gần đây, vì mối quan hệ đau khổ với cha tôi, bà đã quay lại nhà thờ và đón nhận thánh giá của bà… Sau khi bị mất việc, cha tôi rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Mẹ tôi tìm được sự an ủi và được một nhóm bạn cầu nguyện kinh Mân côi chia sẻ nỗi đau. Vì vậy Đức Maria đã dẫn bà trở lại với con trai của bà: bà tìm được trong cầu nguyện, trong Lời Chúa và trong các bí tích sức mạnh chịu đựng nỗi đau. Bà đã quyết định ở bên cạnh chồng và yêu thương ông dù cho mọi chuyện đã xảy ra. Bà đã ôm lấy thánh giá mà Chúa muốn bà vác. Điều này đã cho phép Chúa mang ơn cứu độ của Người đến cho gia đình chúng tôi và làm cho mọi sự trở nên mới mẻ. 

Tình yêu của mẹ tôi đã thay đổi cha tôi và cuộc sống của bà cũng hướng người em gái của tôi vào hành trình đức tin, đó là nữ tu Chiara the Redeemed. Sau khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Kitô, một ngày kia khi đến thăm đan viện của các nữ tu Clara, em gái tôi đã nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi đi theo Người trong ơn gọi đặc biệt này. Tháng 10 năm 2005, Chiara đã gia nhập đan viện. Vào lúc đó, tôi đang trải qua kinh nghiệm về sự chết, nhưng chứng từ của mẹ và em gái tôi đã dẫn tôi trở về với chính mình và cầu xin cứu giúp. Tôi bắt đầu gọi tên Chúa Giêsu!

Một điều không thể tưởng tượng đã xảy ra… Từ 25-26 tháng 11 năm 2006 có một Hội nghị về Canh tân trong Thánh Linh được tổ chức tại Sardinia. Mẹ tôi rủ tôi cùng đi và tôi đã đi với bà. Tôi hy vọng Chúa sẽ giúp tôi thoát khỏi tình cảnh của mình, nhưng tôi rất yếu đuối. Câu 14 của Thánh vịnh 107: “Người đưa họ ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt và đập tan xiềng xích gông cùm” được suy tư trong Hội nghị. Tôi bị đánh động bởi bài giáo lý do một Linh mục dòng Phanxicô giảng. Cứ giống như là tôi đã kể cho cha nghe cuộc đời tôi… cha đang kể lại những kinh nghiệm của tôi… Cha giải thích, cách thức mà sự dữ đã dùng những quyến rũ của thế gian để làm cho người ta tưởng chúng là hạnh phúc thật, để rồi tìm cách tiêu diệt thân xác của chúng ta – đền thờ của Chúa Thánh Thần, nơi cư ngụ của Thiên Chúa, nơi chúng ta có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa.

Trong giờ cầu nguyện chúng tôi xin Chúa Giêsu giải thoát con người khỏi sự dữ. Ngay bên cạnh tôi có một phụ nữ khoảng 50 tuổi, bà bắt đầu kêu la như một đứa trẻ mới sinh, rồi bà bắt đầu nói với một giọng rất ghê mà không thể hiều được. Dường như Chúa đang nói với tôi:” Ta bảo con rằng sự dữ là một sự thật trong cuộc sống … bây giờ con thấy nó hiện diện chưa?” Tôi đã quyết định đi gặp Linh mục điều hành cuộc họp và khiêm tốn, vì tôi luôn kiêu ngạo cho là mình có thể tự giải quyết mọi việc. Tôi xin cha cầu nguyện và kể với cha: “Con là một người nghiện ngập và đã rơi xuống tận đáy vực, con không biết làm sao để thoát ra. Xin cầu cùng Chúa Giêsu cho con.” Cha đã mời tôi cầu xin Chúa Giêsu, rồi chúc lành cho tôi và tôi trở về chỗ của mình.

Sau đó một Linh mục rước kiệu Mình Thánh. Chúa Giêsu đã đi ngang qua tôi … tôi cảm thấy trong tôi một ước muốn đi đến chạm vào Người. Tôi đã đứng lên và chạm vào Người và trở lại chỗ của mình. Sau đó vị Linh mục cầu xin Chúa Thánh Thần và yêu cầu đọc Lời chúa, đó là câu từ sách ngôn sứ Daniel: “Bởi Người là vị Thần hằng sống và tồn tại muôn đời; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, quyền thống trị của Người vô cùng vô tận. Người giải thoát, gìn giữ, Người làm dấu lạ và điềm thiêng, trên trời cùng dưới đất. Người đã cứu Ðaniel khỏi móng vuốt sư tử.” Tôi nghe những lời này đang nói với tôi, tôi đã khóc và bắt đầu cảm thấy có điều mới mẻ trong linh hồn tôi. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đây là hoạt động của Chúa Thánh Thần được thực hiện bời Lời sự sống. Chứng kiến những điều xảy ra, mẹ tôi đến nói với tôi: “Mẹ nghĩ Chúa đã nói với con và chữa lành cho con, bởi vì những điều Lời Chúa nói, được thực hiện.” Bà bảo tôi không dùng thuốc cai nghiện vào ngày hôm sau và tôi nghe lời bà. Những ngày sau đó tôi nhận ra là tôi không có những triệu chứng của người cai nghiện nữa, tôi đã hoàn toàn được chữa lành…

Sau khi được chữa lành, một tu sĩ mà tôi đã gặp trong ngày em gái tôi nhận tu phục đã liên lạc với tôi. Sau khi tôi kể với thầy Chúa đã can thiệp vào đời tôi như thế nào, thấy ấy mời tôi đến Assisi, đầu tiền là vào dịp đầu Năm mới cùng với rất nhiều bạn trẻ khắp nước Ý, rồi sau đó tham gia vào một khóa học ơn gọi. Chính tại khóa học này tôi đã nghe đoạn Tin mừng nói về người đàn bà bị băng huyết. Tôi cũng bị thu hút bởi cách sống, lòng nhân từ, niềm vui và sự hiểu biết được chiếu tỏa nơi các tu sĩ … như Đức Phanxicô nói qua lời của Đức Biển đức XVI: “Đời sống tu trì nên thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội bằng sự thu hút lôi cuốn.” Vẻ đẹp này, và niềm ao ước mãnh liệt đã hướng dẫn tôi nhận ra, với sự giúp đỡ của vị linh hướng, Thiên Chía đang gọi tôi đi theo Người theo cách sống của Thánh Phanxicô Assisi và các con cái thánh nhân. Trong vòng hai năm sau đó, sau những kinh nghiệm khác mà tôi trải qua, niềm ao ước trao phó đời mình trong tay Chúa đã lớn lên và tôi gia nhập tu viện năm 2008.

Thầy Daniel muốn nhắn những người gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống: những đau khổ trong gia đình chúng ta có giá trị giáo dục: được đón nhận trong đức tin, nó chuẩn bị con tim chúng ta tiếp nhận Mầu nhiệm. Chúng ta cần gần các người trẻ để giúp họ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương, và chúng ta cần giải thích cho họ sự trống rỗng trong trái tim họ, ao sước hạnh phúc và viên mãn của họ, chỉ có thể được làm đầy bằng mối liên hệ với Chúa Giêsu. Chỉ có Người nói với họ: “Ta đã đến để họ được sống và sống dồi dào. Ta đến niềm vui của họ được trọn vẹn.” (Aleteia 14/11/2015)

Hồng Thủy

 

Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-13-12-2016

Tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu và tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các mục tử rằng, đừng trở thành những nhà trí thức tôn giáo theo kiểu rời xa Mặc khải của Thiên Chúa.

Luật lệ của các thượng tế không đến từ Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ lão trong dân. Chúa tập trung vào vai trò của họ. Họ có thẩm quyền về luật pháp, về luân lý, về tôn giáo. Họ quyết định mọi sự. Anna và Caipha đã xét xử Chúa Giêsu. Các thượng tế và giới lãnh đạo quyết định giết anh Lazarô. Họ cũng thương lượng với Giuđa về giá cả để bán Chúa Giêsu. Họ cho thấy sự kiêu ngạo, độc tài của họ và hậu quả là người dân phải chịu đựng.

Họ khai thác luật lệ. Các điều luật lên tới con số 500. Họ thiết lập mọi sự, mọi thứ! Họ làm nên luật lệ một cách rất khoa học, bởi vị họ là những nhà thông thái, vì họ hiểu biết rất nhiều. Họ thực thi những điều ấy, hay là không? Có một luật mà họ không nhớ. Họ quên mất điều răn đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho tổ phụ Abraham: “Bước đi trong sự hiện diện của Chúa và không chê trách được điều gì.” Họ không bước đi, mà luôn khẳng định ý kiến của mình. Và họ không phải là không đáng trách!

Người dân bị quên lãng

Họ quên đi Mười điều răn Chúa trao cho Môsê. Họ chỉ biết luật do họ làm ra một cách tỉ mỉ tinh tế với những nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ hủy bỏ luật pháp của Thiên Chúa. Nạn nhân của họ chính là người dân, những người nghèo, người bé nhỏ, người tin tưởng nơi Thiên Chúa, những người bị loại trừ. Ngay cả có những người ăn năn sám hối mà chưa thực thi những điều luật, thì cũng bị đau khổ bởi những bất công.

Giuđa là kẻ phản bội. Ông phạm trọng tội! Đúng thế. Nhưng sau đó Tin Mừng nói: ông hối hận, ông trả lại những đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục. Còn họ, họ đã làm gì? Có thể họ nói: “Nhưng anh là bạn của chúng tôi. Đừng lo… Chúng tôi có quyền tha thứ tất cả cho anh!” Không có điều ấy! Họ nói với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa bị bỏ lại một mình và ông bỏ đi! Giuđa nghèo hèn khốn khổ, đã sám hối, nhưng không được các mục tử là chính các thượng tế và kỳ mục chấp nhận. Họ đã quên mất vai trò mục tử. Họ là những trí thức tôn giáo, là những người cầm quyền, là những người dạy giáo lý cho dân chúng bằng sự học thức của họ, chứ không bằng mặc khải của Thiên Chúa.

Ai được vào Nước Thiên Chúa

Ngay cả ngày nay, trong Giáo hội, vẫn còn tinh thần của một thứ “giáo sĩ trị”. Những vị giáo sĩ ấy luôn cảm thấy mình hơn người và xa lánh người dân. Các vị ấy không còn giờ để lắng nghe người nghèo, lắng nghe người đau khổ, người bị tù đày, người bệnh tật.  

Điều tệ hại của thứ gọi là “giáo sĩ trị” vẫn tồn tại và xuất hiện những phiên bản mới. Nhưng những con người phải chịu đựng điều ấy thì luôn là những người nghèo, những người bé nhỏ và những người chờ đợi ngày Chúa đến. Thiên Chúa là Cha luôn tìm mọi cách để đến với chúng ta: Ngài đã sai Con của Ngài đến. Chúng ta đang mong chờ trong niềm vui hoan hỉ. Chúa Con đến với những người đau bệnh, người nghèo khó, người bị loại trừ, những người thu thuế và kẻ tội lỗi, ngay cả những cô gái điếm. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người đang bị quyến rũ bởi tinh thần "giáo sĩ trị", giống như Chúa đã nói với các thượng tế và kỹ lão rằng: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

Tứ Quyết SJ

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

cac-tre-em-tai-mot-trai-ti-nan-o-mien-bac-thu-do-athens

Vatican – Sau hai ngày nhóm họp về vấn đề khủng hoảng tị nạn, hôm thứ 7, 10/12/2016, các thị trưởng châu Âu đã ra thông cáo kêu gọi thành lập một “Mạng lưới các Thị trưởng” để giúp giải quyết các vấn đề của các thành phố trên châu lục này.

Thông cáo có đoạn viết: “Mạng lưới mới này phải chú trọng đến cuộc gặp gỡ nhân bản và dựa trên một tầm nhìn tiến bộ về liên văn hóa, với sự tham dự tích cực của xã hội dân sự và các truyền thống tôn giáo, nơi mà sự bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm, tự do, công bằng, tích hợp và hòa bình phải thắng vượt các cuộc tranh luận về định kiến của chúng ta.”

Khoảng 80 thị trưởng đã họp nhau tại Vatican, văn phòng chính của Học viện Khoa học và Khoa học xã hội, từ ngày 9-10/12/2016, trong đại hội thượng đỉnh với chủ đề “Châu Âu: những người tị nạn là anh chị em của chúng ta.” (RV 11/12/2016)

Hồng Thủy

Giáo Hội Lào có các vị tử đạo đầu tiên

Giáo Hội Lào có các vị tử đạo đầu tiên

cac-thua-sai-dong-hien-si-me-vo-nhiem-tu-dao-tai-lao

 

Vạn Tượng – Ngày 11/12/2016 đánh dấu một bước lịch sử của Giáo hội Công giáo tại Lào. Tại nhà thờ chánh tòa tại thủ đô Vạn Tượng đã diễn ra Thánh lễ trọng thể tôn phong chân phước cho 17 vị chân phước tử đạo, bao gồm các thừa sai người ngoại quốc và giáo dân Lào.

17 vị chân phước bị giết trong thời gian từ 1954-1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lào. 5 vị thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), những thừa sai đầu tiên mang Tin mừng đến Lào vào năm 1885. 6 vị thuộc dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm, trong số đó có vị thừa sai trẻ người Ý là Mario Borzaga, bị giết vào năm 1960 khi mới 27 tuổi, cùng với Paolo Thoj Xyooj, một giáo lý viên người Lào. Trong số các vị tử đạo Lào có cha Joseph Thao Tien, Linh mục đầu tiên gốc Lào, bị giết năm 1954 cùng với 4 giáo lý viên thổ dân.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa cùng ngày 11/12, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng “sự trung thành anh dũng của các vị tử đạo với Chúa Kitô có thể là sự khích lệ và gương mẫu cho các nhà truyền giáo và đặc biệt cho các giáo lý viên, những người thực hiện hoạt động tông đồ quý giá và không thể thay thế được tại các miền đất truyền giáo mà toàn thể Giáo hội biết ơn họ.”

Thánh lễ có sự tham dự của một số Hồng Y, Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ Lào, Campuchia, Việt nam và các nước lân cận, cũng như các thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris và dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm và một số nhân vật chính quyền dân sự.

Đức Hồng Y Orlando Quevedo, người Philippines, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã đọc sứ điệp với phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha, trong đó ngài đề cao các vị tử đạo là những anh hùng và lịch sử của họ được loan truyền cho các thế hệ trẻ biết.

Trong bầu khí cởi mở, Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, sứ thần Tòa thánh tại Bangkok và đại diện tông tòa tai Myanmar và Lào đã bày tỏ lòng biết ơn với chính quyền và hy vọng trong tương lai gần, Lào có thể thắt chặt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh.

Cộng đoàn Công giáo Lào có khoảng 60 ngàn giáo dân, chiếm 1% trên tổng số 6 triệu dân, thuộc 4 hạt đại diện tông tòa và có khoảng 20 Linh mục phục vụ.

Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện tông tòa ở Paksé, nhận định “việc cử hành Thánh lễ là giây phút hiệp thông tràn đầy với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ, trong một năm thật sự đầy ân phúc.” (Agenzia Fides 12/12/2016) 

Hồng Thủy

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 11.12.2016: Mừng vui lên!

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 11.12.2016: Mừng vui lên!

doc-kinh-truyen-tin-voi-duc-thanh-cha-11-12-2016

Trưa Chúa Nhật III Mùa Vọng ngày 11.12.2016, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài mời gọi mọi người hãy vui lên trong Chúa.

Mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Cha chào tất cả anh chị em! Chúc mọi người một ngày tốt lành!

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Nhật III mùa Vọng, được ghi dấu bằng lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến!” (Pl 4:4-5). Đây không phải là kiểu niềm vui hời hợt, cũng không phải là loại niềm vui nhất thời chỉ mang tính cảm xúc, không phải niềm vui trong việc mua bán tiêu dùng. Không. Đây là niềm vui đích thực, và chúng ta được mời gọi để tái khám phá hương vị của loại niềm vui này, thứ hương vị của niềm vui chân thực. Đó là loại niềm vui chạm đến tâm hồn sâu thẳm của chúng ta. Nơi đó, chúng ta đang đợi chờ Chúa Kitô, Đấng mang lại ơn cứu độ cho thế giới, Đấng mà Thiên Chúa sai đến, Đấng đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bêlem.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu và nghiệm được loại niềm vui này. Ngôn sứ Isaia nói về cảnh hoang mạc khô cằn, bàn tay rời rã, đầu gối mỏi mòn, người bị mù bị điếc bị câm (Is 35:1-6a.10). Bức tranh buồn thảm này nói về một định mệnh vắng bóng Thiên Chúa.

Nhưng cuối cùng, sự cứu rỗi đã được công bố. Ngôn sứ Isaia nói: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa đến… Ngài đến để cứu độ anh em”. Từ đó, ngay lập tức, mọi sự biến đổi: hoa nở trên sa mạc, niềm vui tràn ngập tâm hồn. Những dấu chỉ mà Isaia công bố, đã trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã trả lời cho những người được Gioan Tẩy Giả sai đến. Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại” (Mt 11:5). Những lời ấy, những việc làm ấy minh chứng cho ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử để giải phóng chúng ta khỏi ách tội lỗi. Ngài ở giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta, chữa lành những thương tích của chúng ta, băng bó vết thương và ban cho chúng ta sự sống mới. Niềm vui là kết quả của hành vi cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta được mời gọi để tham dự vào niềm vui này, niềm vui hân hoan này… Nhưng nếu một Kitô hữu mà không vui, thì có gì đó không còn là Kitô hữu nữa! Niềm vui này sâu xa trong tâm hồn và đem lại cho ta sự can đảm tiến về phía trước. Chúa đến, Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc cả trong lẫn ngoài. Ngài đã cho chúng ta thấy con đường của trung tín, kiên nhẫn và bền lòng, vì khi Ngài trở lại, niềm vui của chúng ta sẽ thành toàn.

Giáng Sinh đang đến gần, các dấu chỉ của Giáng Sinh hiển hiện trên các con phố và ngay tại quảng trường này. Những dấu hiệu bên ngoài mời gọi chúng ta mở lòng đón Chúa, Đấng luôn đến và gõ cửa nhà chúng ta, gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúng ta được mời gọi để nhận ra những bước chân của Ngài nơi những anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người yếu đuối và thiếu thốn.

Hôm nay chúng ta được mời gọi để vui mừng vì Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, và chúng ta chia sẻ niềm vui này với tha nhân, trao tặng niềm vui hy vọng cho người nghèo khổ, người ốm đau và những ai bất hạnh. Lạy Đức Nữ Trinh Maria, nữ tỳ của Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trong cầu nguyện, và với đầy lòng cảm thông, biết phục vụ Ngài nơi những chị em chúng con, xin cho con biết sẵn sàng đón mừng Giáng Sinh và chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Giêsu.  

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện

Anh chị em thân mến!

Hằng ngày, Cha đặc biệt gần gũi với người dân thành Aleppo trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng, Aleppo là thành phố với những con người, đó là những gia đình, những trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… Thật đáng tiếc là chúng ta đã trở nên quá quen với chiến tranh, với sự tàn phá, nhưng chúng ta không được quên rằng, Syria là một quốc gia theo đúng nghĩa với lịch sử, văn hóa và đức tin. Chúng ta không thể chấp nhận rằng, chiến tranh tàn phá tất cả những điều ấy. Cha kêu mời sự dấn thân của mọi người, để có thể chọn lựa nói không với hủy diệt, để tiến tới hòa bình cho người dân Aleppo và Syria.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn nhân trong một số vụ tấn công khủng bố tàn bạo vài giờ gần đây tại một số quốc gia. Tại một số nơi, bạo lực gây ra chết chóc phá hủy, và chỉ có một câu trả lời là: đức tin nơi Thiên Chúa và sự hiệp nhất trong các giá trị nhân văn. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với người anh em thân mến là Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội Chính Thống Coptic và cộng đoàn dân Chúa của Ngài, để cầu nguyện cho những người bị chết và bị thương.

Hôm nay, tại Vientiane Lào, có lễ phong chân phước cho cha Mario Borzaga, linh mục truyền giáo dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho người giáo lý viên Paul Thoj Xyooj, và 14 bạn tử đạo. Các ngài đã trung thành với Chúa Kitô một cách anh hùng. Tấm gương của các ngài khích lệ chúng ta trên đường truyền giáo, đặc biệt là những người giáo lý viên với sứ mệnh tông đồ không thể thay thế. Giáo Hội biết ơn tất cả những con người ấy. Chúng ta thấy rằng: các giáo lý viên đã làm rất nhiều, và những việc làm ấy thật đẹp! Là một giáo lý viên, đó là một điều thật đẹp. Cha mời mọi người vỗ tràng pháo tay dành tặng cho các giáo lý viên!

Đức Thánh Cha chào thăm mọi người hiện diện

Cha gửi lời chào thăm với đầy lòng mến, tới tất cả anh chị em, là những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau. Đầu tiên, Cha chào thăm các con là những em bé và người trẻ của Roma. Các con thân mến, khi các con cầu nguyện trước hang đá, hãy cầu xin Hài Nhi Giêsu giúp mọi người có được lòng mến Chúa và yêu người. Hãy nhớ cầu nguyện cho Cha nữa. Cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con.

Cha chào thăm các giáo sư của Đại học Công giáo Sydney, mọi người trong dàn hợp xướng Mosteiro de Grijó ở Bồ Đào Nha, các anh chị em đến từ Barbianello và Campobasso.

Cha cầu chúc mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha. 

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp Cộng đoàn Đại chủng viện miền Puglia

Đức Thánh Cha tiếp Cộng đoàn Đại chủng viện miền Puglia

duc-thanh-cha-tiep-cong-doan-dai-chung-vien-mien-puglia

VATICAN. Sáng 10-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến Cộng đoàn đại chủng viện Piô 11 của miền Puglia, nam Italia, và ngài nhắn nhủ các chủng sinh tăng cường cảm thức mình thuộc về Chúa, về Giáo Hội và về Nước Chúa.

Trong số 310 người người hiện diện tại buổi tiếp kiến, ngoài ban giám đốc, ban giảng huấn và các chủng sinh còn có các GM thuộc các giáo phận ở miền Puglia.

ĐTC mời gọi các chúng sinh vượt lên trên cám dỗ chỉ quan tâm đến mình, đó là một cám dỗ nguy hiểm nhất: ”Không phải mọi sự bắt đầu với tôi và chấm dứt với tôi, tôi có thể và phải nhìn xa hơn chính tôi, đến độ nhận thức vẻ đẹp và chiều sâu của mầu nhiệm bao quanh tôi, của cuộc sống vượt lên trên tôi, của niềm tin nơi Thiên Chúa nâng đỡ mọi sự, mọi người và cả tôi”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng linh mục phải là một con người có tương quan. Ngài nói: ”Việc xây dựng cộng đoàn mà một ngày kia các thày phải hướng dẫn trong tư cách là linh mục, bắt đầu trong đời sống thường nhật ở chủng viện, giữa các thầy với nhau, cũng như với những người các thầy gặp trong cuộc sống. Các thầy đừng nghĩ mình khác những người đồng lứa, đừng coi mình tốt hơn những người trẻ khác, hãy học ở với tất cả mọi người, đừng sợ xắn tay áo và hoạt động”.

 ĐTC cũng nhắc nhở các chủng sinh rằng ”Nơi mà quan hệ với Chúa Kitô được tăng trưởng chính la kinh nguyện, và thành quả chín mùi của kinh nguyện luôn luôn là bác ái” (SD 10-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

duc-thanh-cha-de-cao-tam-quan-trong-cua-nong-thon

VATICAN. ĐTC đề cao tầm quan trọng của nông thôn và kêu gọi thực thi tinh thần liên đới để giải quyết các vấn đề của giới nhà nông.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-12-2016, dành cho 60 tham dự viên khóa họp của Hiệp hội Công Giáo quốc tế của giới nông thôn, gọi tắt là ICRA.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến những vấn đề của giới nông thôn là thiếu các cơ cấu công quyền, sự thủ đắc bất công đất đai và tước đoạt sự sản xuất của những sở hữu chủ hợp pháp, những phương pháp đầu cơ bất chính và sự thiếu chính sách chuyên biệt trên bình diện quốc gia và quốc tế. ĐTC cũng tố giác rằng khi nhìn thế giới nông thôn ngày nay, người ta thấy chiều kích thị trường chiếm quyền tối thượng và hướng dẫn mọi hành động và quyết định! Vì thế người ta hy sinh nhịp sống canh nông với những lúc làm việc và nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần và sự chăm sóc gia đình. Đời sống canh nông bị coi như chỉ có một giá trị thấp.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC kêu gọi nhìn nhận ý nghĩa con người, chiều kích gia đình và xã hội, cảm thức liên đới, như những giá trị thiết yếu, kể cả trong những tình trạng chậm tiến và nghèo đói. Cần phải gia tăng tinh thần nhân đạo, nhất là đề ra những chọn lựa can đảm và luôn cập nhật khả năng chuyên môn, để cộng tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế trong việc đề nghị các kỹ năng và giải quyết các vấn đề, luôn luôn theo tiêu chuẩn nhân đạo. (SD 10-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân hang đá và thông Giáng Sinh

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân hang đá và thông Giáng Sinh

cay-thong-noel-tai-vatican-2016

VATICAN. Sáng 9-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn các ân nhân đã tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong số 1,500 người hiện diện tại buổi tiếp kiến có phái đoàn tỉnh Trento bắc Italia và nước Malta cùng với một số em bé đã thực hiện các quả châu trang trí cây thông. Trong đoàn Trento cũng có những người thuộc Hiệp hội rừng Logorai đã dành cây thông đỏ cao 25 mét, 90 tuổi, cho Tòa Thánh và nhiều cây thông nhỏ khác để trang trí ở nội thành Vatican.

ĐTC đặc biệt nhắc đến hang đá máng có do nghệ sĩ Manwel Grech người Malta thực hiện, diễn tả phong cảnh Mata và được bổ túc bằng thánh giá truyền thống của Malta cũng như con thuyền luzzu tiêu biểu của nước này, nhắc nhớ thực tại di dân đau thương trên những con thuyền vượt biên sang Italia, gợi lại cuộc tị nạn của hài nhi Giêsu.

ĐTC nói rằng: ”Những người viếng hang đá này sẽ được mời gọi tái khám phá giá trị biểu tượng của tác phẩm, là một sứ điệp huynh đệ, chia sẻ, đón tiếp và liên đới. Cả các hang đá được trưng bày tại các nhà thờ, các tư gia và bao nhiêu nơi công cộng cũng là một lời mời gọi dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong xã hội, vị Thiên Chúa ẩn nấp trong khuôn mặt của bao nhiêu người ở trong tình cảnh cơ cực, nghèo đói và sầu muộn'.

ĐTC cũng nhắc đến ý nghĩa cây thông giáng sinh, với quang cảnh tươi đẹp ”là một lời mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa và tôn trọng thiên nhiên, là công trình của tay Chúa. Tất cả chúng ta được kêu gọi đến gần thiên nhiên trong tâm tình kinh ngạc chiêm ngưỡng”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”hang đá và cây thông họp thành một sứ điệp hy vọng và yêu thương, giúp kiến tạo bầu không khí giáng sinh thuận lợi để sống trong niềm tin mầu nhiệm giáng trần của Đấng Cứu Thế, đến trần gian trong sự đơn sơ và dịu dàng.”

Tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều 9-12-2016, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô và được trưng bày cho đến ngày 8-1-2017, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, kết thúc mùa Giáng Sinh.

G. Trần Đức Anh OP

Tỷ lệ yêu kính Đức Giáo Hoàng gia tăng nơi tín hữu Công giáo Hoa kỳ

Tỷ lệ yêu kính Đức Giáo Hoàng gia tăng nơi tín hữu Công giáo Hoa kỳ

duc-giao-hoang-phanxico-bong-tre-em

St. Leo, Fla. – Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy sự yêukính Đức Giáo hoàng Phanxicô giảm đôi chút nơi những người Mỹ trưởng thành nhưng lại gia tăng nơi các tín hữu Công giáo, so với một năm trước đây.

Cuộc bình chọn do viện thăm dò của đại học St. Leo thuộc bang Florida thực hiện, lấy ý kiến của 1001 người về mức độ yêu thích đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, từ rất yêu thích, đến hơi yêu thích, đến hơi không thích hay không thích tí nào.

Sự nổi tiếng của Đức Giáo hoàng hơi giảm, từ 65.5% vào tháng 9 xuống còn 62.6% vào tháng 11. Đối với tín hữu Công giáo trưởng thành, mức độ yêu thích ngài tăng từ 84.2% lên 85.8% so với 2 tháng trước. Marc Pugliese, trợ giảng giáo sư thần học và tôn giáo tại đại học St Leo nghĩ là sự gia tăng này có lẽ xuất phát từ sự quan tâm đến Đức Giáo hoàng khi Năm Thánh Lòng thương xót sắp kết thúc.

Tỷ lệ yêu thích Đức Giáo hoàng cao nhất là vào tháng 9 năm 2015, ngay sau khi ngài viếng thăm Hoa kỳ. Giáo sư Pugliese cho rằng vì từ tháng 9/2016, Đức Giáo hoàng không có nhiều hoạt động công khai nên mức độ yêu thích ngài giảm sút đôi chút nơi dân chúng cách chung. (CNS 09/12/2016)

Hồng Thủy

Sự cứng nhắc và tinh thần thế gian là thảm họa cho các linh mục

Sự cứng nhắc và tinh thần thế gian là thảm họa cho các linh mục

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-09-12-2016

Các linh mục là những người làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa, chứ không làm trung gian cho những bận tâm của riêng mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài tập trung vào những cám dỗ gây nguy hiểm cho đời phục vụ của các linh mục.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về những người luôn bất mãn. Ngày nay có những Kitô hữu cũng thế, họ không bao giờ thỏa mãn, không hiểu được những gì Chúa dạy, không hiểu được mặc khải của Tin Mừng. Cũng thế, có nhiều linh mục không bao giờ thỏa mãn, mà luôn đi tìm những dự án mới, vì lòng các vị ấy ở xa đường lối của Chúa Giêsu. Do đó, các vị than phiền và sống cách khổ sở.

Các linh mục làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa  

Chúa Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta phải đi theo con đường của Đấng trung gian là Chúa Giêsu. Trong đời thường, có những người làm trung gian, đó là họ làm một nghề và nhận lại thù lao cho nghề ấy. Nhưng ở đây, người trung gian có nghĩa hoàn toàn khác.

Vị trung gian cần hy sinh chính bản thân mình để có thể nối kết con người với Đấng ban sự sống. Cái giá phải trả chính là toàn cuộc sống, là cả mạng sống, với tất cả sự cực nhọc, với công việc phục vụ và rất nhiều thứ khác. Đây chính là trường hợp của các linh mục coi xứ. Các vị sống như thế, để có thể kết nối với đoàn chiên, kết nối với người dân, và để dẫn đưa họ đến với Chúa Giêsu. Khi làm Đấng trung gian, Chúa Giêsu hoàn toàn trút bỏ chính mình, hoàn toàn khiêm nhường đến độ trở ra như không. Thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê (2:7-8) nói rất rõ về điều này: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang… Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Đây chính là con đường của Chúa, con đường của hy sinh và khiêm nhường đến tận cùng, của việc tự vét cạn chính mình, tự làm rỗng chính mình, tự hóa ra không.

Sự cứng nhắc dẫn đến việc xa lánh người dân

Một linh mục đích thực, là người trung gian và rất gần gũi với dân chúng. Vị linh mục ấy không làm việc để rồi được nhận lại cái gì đó theo kiểu một quan chức.  

Thế nhưng, có những vị trung gian thích đi dạo quanh để được người ta nhìn thấy và tán thưởng. Để làm cho mình trở thành quan trọng, vị linh mục ấy đi theo con đường của cứng nhắc và xa lánh người dân. Vị ấy không biết đến nỗi khổ của con người. Vị ấy đánh mất những gì đã được hấp thụ nơi gia đình, nơi cha mẹ, nơi ông bà và anh chị em… Khi cứng nhắc như thế, các vị ấy chất gánh nặng lên người dân mà trong khi mình chẳng làm gì. Các vị nói với dân Chúa rằng: không thể thế này, không thể thế kia… Có nhiều người dân muốn tìm một chút an ủi, một chút hiểu biết, thế mà bị gạt đi.

Vị linh mục tốt cười vui với trẻ thơ

Khi xét mình, người linh mục có thể tự hỏi: Hôm nay tôi là một người trung gian của Chúa hay tôi chỉ là một quan chức? Tôi có sống phục vụ tha nhân không? Một vị linh mục tốt, thì có khả năng quan tâm, có khả năng vui chơi và mỉm cười với trẻ thơ… Vị ấy biết cách để gần gũi những gì là bé nhỏ, với những con người bé nhỏ. Có những vị luôn buồn rầu với vẻ mặt nghiêm trọng và sa sầm nét mặt, nhưng nếu là người trung gian của Chúa, vị linh mục tốt sẽ có những nụ cười, có sự thân thiện, sự thấu hiểu và lòng cảm thông.

Có ba vị thánh là mẫu gương cho đời linh mục. Thứ nhất, thánh Policarpo giữ vững ơn gọi và đi lên giàn để chịu thiêu sống. Khi lửa cháy lên, các tín hữu xung quanh ngửi thấy mùi bánh mì. Ngài đã kết thúc cuộc đời của người trung gian của Chúa và trở thành “bánh cho các tín hữu”. Thứ hai, thánh Phanxicô Xaviê chết đang khi tuổi còn trẻ. Ngài chết trên bãi biển trong khi vẫn hướng về Trung Hoa, nơi ngài ao ước đi tới. Thứ ba, thánh Phaolô Tre Fontane bị lính bắt và giải đi ngay từ sáng sớm. Ngài biết rằng có một số người trong cộng đoàn Kitô hữu đã phản bội. Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Đó là ba mẫu gương mà chúng ta tìm thấy về cuộc đời của một linh mục. Đó là cái kết của người linh mục, của vị trung gian của Thiên Chúa, cái kết trên thập giá.

Tứ Quyết SJ