Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường huấn luyện truyền giáo

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường huấn luyện truyền giáo

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường huấn luyện truyền giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 170 tham dự viên Hội nghị các vị Giám đốc toàn quốc Hội giáo hoàng truyền giáo, sáng ngày 4-6-2016, ĐTC kêu gọi tăng cường việc huấn luyện và thường huấn về tinh thần truyền giáo.

 Hội nghị vừa kết thúc sau 1 tuần lễ nhóm họp tại Roma. Có một đại diện của Giáo Hội Việt Nam là cha Ngô Quang Tuyên.

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc nhở các vị Giám đốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo không phải chỉ chu toàn một công tác quan trọng là quyên góp và phân phối các trợ giúp kinh tế cho bao nhiêu giáo phận và các tín hữu Kitô đang cần, nhưng còn phải quan tâm chu toàn công tác quảng đại thường huấn về việc truyền giáo. Việc truyền giáo này cần được mọi tín hữu, giáo dân, mục tử, các Giáo Hội kỳ cựu và các Giáo Hội trẻ, chu toàn. ĐTC cũng nói rằng:

 ”Các Giáo Hội mới được thiết lập gần đây, được anh em trợ giúp trong việc thường huấn về truyền giáo, có thể thông truyền sự hăng say của niềm tin trẻ trung, chứng tá về niềm hy vọng Kitô, cho các Giáo Hội kỳ cựu, nhiều khi trở nên nặng nề vì lịch sử của mình và có phần mệt mỏi. Chứng tá hy vọng ấy được nâng đỡ bằng sự can đảm chịu tử đạo đáng cảm phục”.

 ĐTC cũng nhắc đến kỷ niệm 100 năm thành lập Liên hiệp Truyền giáo do chân phước LM Paolo Manna. Ngài cầu mong lòng nhiệt thành truyền giáo của chân phước tiếp tục nung nấu, làm say mê, đổi với, suy nghĩ lại và cải tổ việc phục vụ mà Hội Liên hiệp Truyền Giáo được kêu gọi cống hiến cho toàn thể Giáo Hội. (SD 4-6-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Như thánh Thomas Becket, các Linh mục đừng thỏa hiệp

Như thánh Thomas Becket, các Linh mục đừng thỏa hiệp

Đức Hồng y Vincent Nichols

Hôm qua, ngày 3/6, trong bài giảng trong Thánh lễ nhân ngày năm Thánh dành cho các Linh mục tại nhà thờ Đức Maria Nữ vương các Tông đồ ở Montagnola, Roma, Đức Hồng y Vincent Nichols đã khuyến khích các Linh mục kiên vững trong sứ vụ của mình dù cho có những hoàn cảnh thất vọng.

Đức Hồng y nói: “Một Linh mục mà luôn luôn than phiền về những vấn đề của mình, về việc thiếu thời gian, thiếu tiền bạc, về những người đồng hành, về Giám mục, là một “phản chứng”. Đúng là có khó khăn, nhưng có lòng trung thành, có sự phục sinh, nguồn mạch thật sự của niềm hy vọng, niềm vui và sự kiên trì bền đỗ hàng ngày của chúng ta”.

Đức Hồng y cũng nói đến thánh Thomas Becket như mẫu gương kháng cự của Giáo hội chống lại cường quyền và vô đạo đức. Ngài nói, thánh Thomas là một linh hứng cho các Linh mục. Thánh Thomas đặt trọng tâm vào Chúa Ki-tô, thước đo và động lực duy nhất của mọi lời nói và hành động. Đây cũng là trọng tâm của chúng ta. Khi thánh nhân biết là sự thỏa hiệp không còn là một con đường có thể chấp nhận, và đã dẫn đến quyết định kịch tính là từ nơi lưu đầy trở về nhiệm sở dù thấy những nguy hiểm cho sự sống của mình. Đức Hồng y cảnh giác: “Đối với chúng ta, những nguy hiểm ít mạnh mẽ hơn. Chúng bò lên chúng ta khi chúng ta từ từ thỏa hiệp và mất đi căn tính độc đáo của chúng ta và cùng với nó, mất đi sức mạnh của chứng tá mà chúng ta đang làm.”

Đức Hồng y nhắc đến ngôi mộ của thánh Thomas đã trở thành nơi của những hòa giải kỳ diệu, Đức Hồng y cầu nguyện để sứ vụ Linh mục sẽ có đặc điểm là “phấn đấu cho sự hòa giải của các bên xung đột” và ngài nói: “dĩ nhiên điều này chỉ có thể có nguồn gốc của nó trong sự thương xót nhân từ của Thiên Chúa, một sự thương xót mà chúng ta biết, đó là Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi đổ tràn trên chúng ta ngay cả khi chúng ta trở nên mệt mỏi kiếm tìm nó …. và điều này chỉ có thể có nguồn gốc của nó trong sự thương xót nhân từ của Thiên Chúa được đổ ra trong Bí tích Hòa giải. (Catholic Herald 4/6/2016)

Hồng Thủy OP

Linh mục Luis Dli, cha giải tội giàu lòng thương xót

Linh mục Luis Dli, cha giải tội giàu lòng thương xót

Linh mục giải tội

Có một Linh mục được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến nhiều lần như là mẫu gương của lòng thương xót. Ngài đề cập đến vị Linh mục này lần đầu tiên trong buổi gặp các cha xứ của giáo phận Roma vào ngày 6 tháng 3 năm 2014. Một ít tháng sau, Đức Thánh Cha lại nhắc đến Linh mục này trong bài giảng trong lễ truyền chức Linh mục ngày 11 tháng 5 năm 2014. Ngài lại nói đến cha lần nữa trong cuốn sách thuật lại cuộc phỏng vấn của ngài tựa đề “Tên của Thiên Chúa là Lòng Thương xót”, và trong Thánh lễ với các Linh mục dòng Capuchino vào tháng 2 năm nay, Đức Thánh Cha lại nhắc đến Linh mục này.

Đức Thánh Cha kể: “Tôi nhớ đến một Linh mục giải tội, là một cha dòng Capuchino phục vụ ở Buenos Aires, thủ đô Achentina. Một lần, cha ấy đến gặp và muốn nói chuyện với tôi. Cha ấy nói: ‘con cần sự giúp đỡ của Đức Hồng y (khi ấy Đức Thánh Cha Phanxicô đang là Hồng y Tổng giám mục tổng giáo phận thủ đô Buenos Aires). Luôn luôn có rất nhiều người đến xưng tội với con; đủ mọi hạng người, những người khiêm nhường cũng như người thiếu khiêm nhường, cũng như nhiều Linh mục…. Con đã tha tội cho rất nhiều người và thỉnh thoảng con lo lắng vì con đã tha quá nhiều’. Chúng tôi đã nói về lòng thương xót và tôi hỏi cha ấy là cha đã làm gì khi cha cảm thấy bối rối như thế. Cha ấy đã trả lời: ‘con đến trước nhà Tạm Thánh Thể trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ của chúng con và con nói với Chúa Giê-su: Chúa ơi xin tha tội cho con vì con đã tha tội quá nhiều. Nhưng chính Chúa đã làm gương xấu cho con!’ Tôi không bao giờ quên câu chuyện này. Khi một Linh mục cảm thấy được sự thương xót này ngày trên chính da thịt mình thì Linh mục ấy có thể trao ban sự thương xót cho người khác”.

Vị Linh mục dòng Capuchino mà Đức Thánh Cha Phanxicô kể đến chính là Cha Luis Dli, 89 tuổi. Cha đã dùng hết thời gian của mình để ngồi tòa giải tội ở trong một khu phố ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Trong một cuộc phỏng vấn, được hỏi tại sao cha trả lời Đức hồng y Bergoglio như Đức Thánh Cha đã kể, cha Luis trả lời là cha đã rất tin tưởng Đức hồng y Bergoglio và một lần Đức hồng y đã bảo cha: hãy tha thứ! Hãy tha thứ! Điều quan trọng là tha thứ! Và cha đã trả lời Đức hồng y như Đức Thánh Cha đã kể lại. Chúa Giê-su làm gương xấu vì Chúa tha thứ tất cả; Chúa không bao giờ đẩy ai ra xa Ngài. Đức hồng y Bergoglio, là Đức Thánh Cha bây giờ, đã bị ấn tượng với câu trả lời này. Ngài biết cha Luis ngồi giải tội nhiều giờ sáng chiều. Nhiều lần ngài đã khuyên các Linh mục đến xưng tội với cha Luis khi họ gặp những vấn đề. Cha đã lắng nghe họ và đã trở thành bạn với nhiều người trong số họ. Đến với cha họ được lắng nghe và cảm thấy tốt hơn về tinh thần cũng như về mục vụ. Cha Luis chia sẻ thêm: cha cám ơn Đức Thánh Cha đã đặt tin tưởng nơi cha dù cha không xứng đáng. Cha không phải là một Linh mục hay tu sĩ học cao và có bằng cấp, nhưng cuộc sống đã dạy cho cha rất nhiều; cuộc sống đã ghi dấu trên cha vì cha sinh ra trong sự nghèo khó và cha cảm thấy cha nên luôn luôn trao ban lời thương xót, sự giúp đỡ và gần gũi với những ai đến với cha. Không ai phải bỏ đi với ý nghĩ là họ không được hiểu hay họ bị hất hủi khinh bỉ.

Với kinh nghiệm của một Linh mục 89 tuổi đã dành cả cuộc đời để giải tội, Cha Luis khuyên các Linh mục như sau: Tôi không có gì khác để nói ngoài điều Đức Thánh Cha nói, vì tôi cảm và sống nó. Lòng thương xót, sự thông hiểu, dành cuộc đời mình để lắng nghe, hiểu và thử đặt mình trong “đôi giày” của người khác để hiểu những gì đang diễn ra. Chúng ta, các Linh mục không nên giải tội như những vị công chức: “tôi ban cho họ ơn tha tội”, thế là xong, nhưng trái lai, tôi tin là chúng tôi cần tỏ sự gần gũi và đặc biệt đối  xử tốt với họ, vì thường có những người không biết xưng tội là gì. Hãy nói với họ: “đừng sợ! Đừng lo lắng! Tất cả những gì bạn cần làm khi xưng tội là mong muốn được trở nên tốt hơn”. Chúng ta hãy quên họ thường pham tội thế nào hay với ai hay điều gì, vì những điều này dường như đẩy họ ra xa chúng ta. Và công việc của tôi là mang con người đến gần Thiên Chúa, gần Chúa Giê-su hơn.

Còn đối với những tội nhân đến xưng tội, cha Luis thường khuyên họ đừng sợ. Cha thường trình bày hình ảnh người cha nhân từ ôm chầm đứa con hoang đàng. Họ thường hỏi cha là Thiên Chúa sẽ tha thứ cho con không. Cha nói với họ: Thiên Chúa ôm lấy chúng ta, Ngài chăm sóc, yêu thương và đồng hành với bạn. Thiên Chúa đến để tha thứ chứ không để xử phạt. Người từ trời xuống để ở với chúng ta vậy tại sao chúng ta có thể sợ hãi Thiên Chúa! (Vatican Insider 09/05/16)

Hồng Thủy OP

ĐTC cử hành Thánh lễ ngày Năm Thánh cho các linh mục

ĐTC cử hành Thánh lễ ngày Năm Thánh cho các linh mục

ĐTC cử hành thánh lễ cho các linh mục

VATICAN. ĐTC mời gọi các linh mục hăng say đi tìm chiên lạc và tận tụy săn sóc đoàn chiên được giao phó cho mình, noi gương vị Mục Tử Nhân Lành.

Đó là nội dung bài giảng thánh lễ ĐTC cử hành lúc gần 9 giờ rưỡi sáng thứ sáu 3-6-2016, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày Thánh Hóa các linh mục, tại Quảng trường thánh Phêrô, để kết thúc 3 ngày Năm Thánh dành cho các linh mục và chủng sinh.

Đồng tế với ĐTC có hơn 20 Hồng Y, 50 GM và khoảng 5 ngàn linh mục đến từ các nơi, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC nêu bật liên hệ giữa Trái Tim của Chúa Giêsu vị Mục Tử nhân lành với con tim của các linh mục. Ngài cũng đưa ra những lời nhắn nhủ thực hành: linh mục cần luôn luôn tìm kiếm Chúa, hăng say đi tìm các con chiên lạc để dẫn về đoàn chiên Chúa, và sau cùng là bí quyết niềm vui của linh mục. ĐTC nói:

”Khi cử hành Ngày Năm Thánh của các LM trong lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chú tâm vào con tim, tức là nội tâm, những căn cội vững chắc nhất của đời sống, chú ý đến nòng cốt các tình cảm, nói tắt một lời là chú tâm đến trung tâm của con người. Và hôm nay, chúng ta hướng nhìn hai con tim: Trái Tim của Mục Tử nhân lành và trái tim của chúng ta như mục tử.

Trái Tim của vị Mục Tử Nhân Lành không phải chỉ là con tim có lòng thương xót chúng ta, nhưng là chính lòng thương xót. Tại đó, tình yêu của Chúa Cha chiếu tỏa rạng người; tại đó, với tất cả những giới hạn và tội lỗi của tôi, tôi nếm hưởng niềm chắc chắn mình được chọn và yêu thương. Khi nhìn Trái Tim ấy, tôi đổi mới tình đầu của tôi: nhớ lại khi Chúa đã đánh động tôi trong tâm hồn và gọi tôi theo Ngài, niềm vui được thả lưới cuộc đời theo Lời Chúa (Xc Lc 5,5).

Trái Tim vị Mục Tử nhân lành nói với chúng ta rằng tình yêu của Chúa không có giới hạn, không mệt mỏi và không bao giờ đầu hàng. Tại đó chúng ta thấy Chúa liên tục hiến mình, không giới hạn; tại đó chúng ta tìm được nguồn mạch tình yêu trung tín và dịu dàng, để cho chúng ta được tự do và làm cho chúng ta được tự do; tại đó chúng ta tái khám phá thấy Chúa Giêsu yêu thương chúng ta cho đến cùng” (Ga 13,1), nhưng không bao giờ áp đặt.

Trái tim vị Mục Tử Nhân lành hướng về chúng ta, đặc biệt nhắm đến những người còn ở xa cách hơn; tại đó kim địa bàn của Ngài liên tục hướng về, tại đó Ngài biểu lộ sự yếu đuối của một tình yêu đặc thù vì muốn đạt tới mọi người và không ai bị hư mất.

Đứng trước Trái Tim Chúa Giêsu, nảy sinh một câu hỏi căn bản về đời sống linh mục của chúng ta: con tim của tôi hướng về đâu? Sứ vụ thường đầy những sáng kiến khác nhau, hướng về nhiều mặt trận: từ việc huấn giáo cho đến phụng vụ, bác ái, những dấn thân mục vụ và cả hành chánh nữa. Giữa bao nhiêu hoạt động, vẫn luôn có một câu hỏi: con tim của tôi gắn chặt vào đâu, hướng về đâu, đâu là kho tàng mà tôi tìm kiếm? Vì – Chúa Giêsu đã nói – kho tàng của ngươi ở đâu, thì con tim của ngươi ở đó” (Mt 5,21). Có những yếu đuối trong tất cả chúng ta, cả tội lỗi. Nhưng chúng ta hãy đi sâu hơn, đến tận cội rễ: đâu là căn cội những yếu đuối của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, nghĩa là đâu chính là cái ”kho tàng” làm cho chúng ta xa Chúa?”

Có hai kho tàng không thể thay thế được của Trái Tim Chúa Giêsu: Chúa Cha và chúng ta. Hằng ngày Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha và gặp gỡ dân chúng. Cả con tim mục tử của Chúa Kitô cũng chỉ có 2 chiều hướng: Chúa và dân chúng. Con tim của linh mục là một con tim bị tình yêu Chúa đâm thâu qua; vì thế LM không còn nhìn bản thân mình, nhưng hướng về Thiên Chúa và anh em. Đó không còn là một ”con tim chạy nhẩy”, để cho mình bị thu hút vì những gợi ý nhất thời hoặc chạy đây chạy đó tìm kiếm sự đồng thuận hoặc những thỏa mãn bé nhỏ; trái lại đó là một con tim kiên vững trong Chúa, được Thánh Linh thu hút, cởi mở và sẵn sàng đối với anh chị em mình.

Đi vào cụ thể hơn, ĐTC nói:

Để giúp con tim chúng ta nồng cháy tình bác ái của Chúa Giêsu vị Mục Tử nhân lành, chúng ta có thể luyện tập biến 3 hành động này làm của mình, như được các bài đọc hôm nay gợi ý cho chúng ta, đó là tìm kiếm, hội nhập và vui mừng.

 

Trước tiên là tìm kiếm. Ngôn sứ Ezechiele nhắc nhở chúng ta rằng chính Thiên Chúa tìm kiếm các con chiên của Ngài (34,11.16). Phúc Âm nói: Ngài ”đi tìm con chiên lạc” (Lc 15,4), không kinh hãi vì những rủi ro; không do dự phiêu lưu ra ngoài những cánh đồng cỏ và ngoài giờ làm việc. Không hoãn lại sự tìm kiếm, không nghĩ rằng ”hôm nay tôi đã thi hành bổn phận rồi, tôi sẽ làm tiếp ngày mai”, nhưng làm việc ngay, dấn thân ngay vào công việc: con tim LM không an nghỉ bao lâu chưa tìm được con chiên lạc duy nhất. Sau khi tìm được chiên ấy, người mục tử quên mệt nhọc và vác chiên lên vai và rất hài lòng.

Đó là con tim của người tìm kiếm: đó là một con tim không tư hữu hóa thời gian và không gian, không muốn hăng say bảo vệ sự yên hàn hợp pháp của mình, không bao giờ đòi cho mình không bị làm phiền. Người mục tử theo con tim của Thiên Chúa không bảo vệ sự thoải mái của mình, không bận tâm bảo vệ thanh danh, trái lại, không sợ những lời phê bình, sẵn sàng chấp nhận rủi ro miễn là noi gương Chúa.

Người mục tử theo Chúa Giêsu có một tâm hồn tự do để tự bỏ những gì thuộc về mình, không sống tính toán những gì mình có và những giờ phục vụ của mình: không phải là một kế toán viên tinh thần, nhưng là một người Samaritano nhân lành tìm kiếm những người đang cần. Đó là một mục tử, chứ không phải là một thanh tra đoàn chiên, và dành cho sứ mạng không phải 50 hay 60%, nhưng hết mình. Khi đi tìm kiếm, và tìm thấy vì đã chấp nhận rủi ro, không dừng lại sau những thất vọng, và không đầu hàng trong những mệt mỏi; đó là người ngoan cố thi hành điều thiện, được sự gan lỳ của Chúa xức dầu để không ai bị lạc. Vì thế LM không những giữ cho cánh cửa mở rộng, nhưng còn ra đi tìm kiếm những người không muốn bước qua cửa. Như mỗi Kitô hữu tốt lành, và như tấm gương cho mỗi Kitô hữu, LM luôn luôn ra khỏi mình. Trọng tâm con tim của mục tử ở ngoài mình: không bị thu hút bởi cái tôi, nhưng bởi Thiên Chúa và loài người chúng ta.

Thứ hai là hội nhập. Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của Ngài, Ngài hiến mạng sống vì họ và không ai là người xa lạ với Ngài (Xc Ga 10,11-14). Đoàn chiên chính là gia đình và cuộc sống của Ngài. Ngài không phải là thủ lãnh mà đoàn chiên khiếp sợ, nhưng là Mục Tử đồng hành với chiên và gọi đích danh từng con (Xc Ga 10,3-4). Ngài muốn tập họp các chiên chưa ở với Ngài (Xc 10,16).

Cũng vậy đối với linh mục của Chúa Kitô: LM được xức dầu cho dân, không phải để chọn lựa dự phóng của mình, nhưng để ở gần những người dân cụ thể mà Thiên Chúa, qua Giáo Hội, đã ủy thác cho linh mục. Không ai bị loại trừ khỏi tâm hồn của mục tử, khỏi kinh nguyện và nụ cười của linh mục. Với cái nhìn yêu thương và con tim của người cha, linh mục đón nhận, hội nhập và khi phải sửa chữa, LM luôn hành động để đến gần; không coi rẻ một ai, nhưng luôn sẵn sàng chịu bẩn tay. Là thừa tác viên hiệp thông mà LM cử hành và sống, LM không chờ đợi những lời chào hay những lời khen ngợi của người khác, nhưng là người đầu tiên giơ tay ra, loại bỏ những lời nói hành nói xấu, những xét đoán và độc dược. Linh mục kiên nhẫn lắng nghe những vấn đề và tháp tùng những bước đi của con người, ban phát ơn tha thứ của Chúa với lòng cảm thông quảng đại. LM không trách mắng người rời bỏ hoặc lạc đường, nhưng luôn sẵn sàng giúp họ tái hội nhập và giàn xếp những tranh tụng.

Sau cùng là vui mừng. Thiên Chúa ”đầy vui tươi” (Lc 15,5): niềm vui của Ngài nảy sinh từ sự tha thứ, từ cuộc sống được tái sinh, từ người con được tái thở hít không khí gia đình. Niềm vui của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành không phải là niềm vui cho mình, nhưng là một niềm vui cho tha nhân và với tha nhân. Niềm vui đích thực của tình yêu. Đây cũng là niềm vui của linh mục. LM được biến đổi nhờ lòng thương xót mà LM ban phát nhưng không. Trong kinh nguyện, linh mục khám phá sự an ủi của Thiên Chúa và cảm nghiệm rằng không gì mạnh hơn tình yêu Chúa. Vì thế, linh mục thanh thản trong nội tâm, và hạnh phúc vì được làm máng chuyển lòng thương xót, đưa con người xích lại gần Trái Tim của Thiên Chúa. Buồn sầu đối với linh mục là điều thường tình, nhưng chỉ là điều chóng qua; sự cứng cỏi là điều xa lạ đối với linh mục, vì linh mục là mục tử theo Con tim dịu hiền của Thiên Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng:

Các linh mục thân mến, trong thánh lễ, mỗi người chúng ta tìm được căn tính mục tử của chúng ta. Mỗi lần chúng ta có thể thực sự biến những lời này thành lời của chúng ta: ”Này là mình Thầy dâng hiến vì các con”. Đó chính là ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, những lời, qua đó một cách nào đó, chúng ta có thể lập lại những lời hứa khi chúng ta chịu chức. Tôi cám ơn anh em vì sự đồng ý, bao nhiêu là lời thưa ”xin vâng” âm thầm hằng ngày mà chỉ có Chúa biết. Tôi cám ơn vì sự ”đồng ý” hiến mình hiệp với Chúa Giêsu: đây chính là nguồn mạch tinh tuyền niềm vui của chúng ta.

Trong phần rước lễ, 250 LM đồng tế đã đảm nhận phần phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu hiện diện.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ với bài thánh ca: Lạy Nữ Vương.

G. Trần Đức Anh OP

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha: Đừng bao giờ bỏ rơi người già nua, bệnh tật

Ý cầu nguyện tháng Sáu Cầu nguyện cho người cao tuổi, người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn.

VATICAN. “Đừng bao giờ bỏ rơi những người già nua ốm yếu. Hãy kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới.” Đức Thánh Cha đã tha thiết mời gọi như trên trong đoạn video ý chỉ cầu nguyện tháng Sáu. Ngài chia sẻ rằng:  

“Trong các thành phố, những người già nua, ốm yếu thường bị bỏ rơi.

Chúng ta có thể làm ngơ trước vấn đề này không?

Các thành phố của chúng ta trước hết phải nổi bật về tình liên đới, không chỉ trong việc giúp đỡ những ai túng thiếu, mà còn ở việc có trách nhiệm với nhau, và kiến tạo nên một nền văn hóa gặp gỡ.

Anh chị em có hiệp ý với cha trong lời cầu nguyện này không?

Xin cho những người cao tuổi, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người cô đơn, ngay trong các thành phố lớn trên thế giới, tìm được nhiều dịp để gặp gỡ và liên đới.”

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục (2)

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục 1

ROMA. Hôm 2-6-2016, ĐTC Phanxicô đã trình bày 3 bài suy niệm tĩnh tâm dành cho các LM quốc tế nhân Ngày Năm Thánh dành cho các LM và chủng sinh.

 Trước tiên tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba. Sau phần dẫn nhập, ĐTC nói về đề tài ”Từ sự xa cách đến việc mừng lễ”. Trong số hàng ngàn tham dự viên cũng có một số Hồng Y và Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

 Bài thứ hai lúc 12 giờ trưa tại Đền Thờ Đức Bà Cả với chủ đề ”Người đón nhận lòng thương xót”. Sau cùng vào lúc 4 giờ chiều ở Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ĐTC nói về đề tài: các hoạt động từ bi thương xót, về thể lý và tinh thần.

 Cả ba bài suy niệm của ĐTC xoay quanh các khía cạnh khác nhau của lòng thương xót, qua đó ngài dựa nhiều trên linh đạo của thánh Ignatio Loyola Thánh Tổ dòng Tên. Mỗi bài dài khoảng 45 phút.

 Trong số các ý tưởng được ĐTC trình bày, có lời ngài cảnh giác rằng: ”Nếu các cơ cấu của chúng ta không được sống và được sử dụng để nhận lãnh nhiều hơn lòng thương xót của Thiên Chúa và trở nên từ bi hơn đối tha nhân, thì chúng có thể biến thành một cái gì rất khác biệt và đưa tới hậu quả ngược lại điều chúng ta mong muốn”.

 ĐTC nhấn mạnh tấm gương của các thánh trong việc cảm thấy cần lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng trưng dẫn ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, và nhắc lại rằng ”Chính ĐHY Văn Thuận, đã nói rằng trong tù, Chúa đã dạy ngài biết phân biệt những ”điều thuộc về Thiên Chúa”, mà ĐHY đã tận tụy thi hành trong cuộc đời khi còn là một LM và GM được tự do, khác với chính Thiên Chúa, mà ĐHY tận tụy phục vụ trong lúc bị tù” (Xc Cinque pani e due pesci [5 chiếc bánh và 2 con cá], San Paolo 1997).

 ĐTC trách cứ những cha giải tội thiếu kiên nhẫn và trách móc các hối nhân! ”Anh em đừng làm như vậy!.. Trái lại điều làm tôi cảm động là sự xưng tội của các linh mục, họ xưng tội của mình và lắng nghe tội của những người xưng tội”.

 ĐTC cũng nhắn nhủ các linh mục đừng bao giờ coi những người khác chỉ là ”một vụ”, ”một trường hợp”. ”Đối với chúng ta họ luôn luôn là một người.

 ĐTC nhận xét rằng ”Hầu như tất cả các vị đại thánh đều là những người nhiều tội lỗi”. Như để chứng minh điều này, ngài nhắc lại trường hợp thánh Phêrô, đã từng chối Chúa ba lần, và đã từng bị thánh Phaolô sửa sai, nhưng người tội lỗi ấy đã được Chúa chọn làm giáo hoàng!” ”Trong việc thực thi lòng thương xót chữa lành sự ác của người khác, không ai tốt lành hơn để chữa lành tha nhân cho bằng người luôn giữ nguyên kinh nghiệm về bản thân mình đã từng được Chúa xót thương. Chúng ta thấy rằng trong số những người làm việc để bài trừ sự nghiện ngập, những người đã cai nghiện được, thường là những người hiểu rõ hơn, cảm thông hơn và giúp đỡ, biết xin những người khác. Cũng vậy cha giải tội tốt nhất thường là người biết xưng tội đúng đắn nhất”.

 Trong bài cuối cùng, ĐTC trình bày những suy tư về những công việc từ bi thương xót về tinh thần cũng như về thể xác, trong đó ngài cũng nói đến tòa giải tội, và chiều kích xã hội của các công việc từ bi bác ái (SD 26-2-16)

 G. Trần Đức Anh OP

Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim cho người khiêm nhường

Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim cho người khiêm nhường

ĐTC chào nữ văn sĩ Veronica Cantero Buroni, người Argentina, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-6-2016

Kiêu căng làm hỏng mọi hành động tốt, khiến cho lời cầu nguyện thành trống rỗng và làm cho chúng ta xa cách với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong khi khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được Chúa nâng lên và sống kinh nghiệm lòng thương xót đổ đầy vào con tim chúng ta. Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim Ngài cho ngưòi khiêm nhường.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Thứ tư trước chúng ta đã lắng nghe dụ ngôn ông thẩm phán và bà goá liên quan tới sự cần thiết phải kiên trì cầu nguyện. Hôm nay, với một dụ ngôn khác, Chúa Giêsu muốn dậy cho chúng ta biết đâu là thái độ đúng đắn để cầu nguyện và khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa Cha: phải cầu nguyện như thế nào. Một thái độ đúng đắn giúp cầu nguyện. Đó là dụ ngôn người pharisêu và người thu thuế.

Cả hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện, nhưng hành động trong các cách thức rất khác nhau và được các hiệu quả khác nhau. Ông pharisêu đứng cầu nguyện (c.11) và dùng nhiều lời. Lời cầu nguyện của ông đúng là một lời cầu nguyện tạ ơn hướng tới Thiên Chúa, nhưng trong thực tế là một khoe khoang công đức của ông, với ý thức sự cao vượt đối với các người khác, bị coi như “trộm cướp, bất công, ngoại tình”, và ông cho biết người khác ở đó là “tên thu thuế” (c.11). Nhưng vấn đề chính là ở đây: ông pharisêu cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng thật ra là ông nhìn vào chính mình. Ông cầu nguyện với chính ông.” Thay vì có Chúa trước mắt thì ông có một tấm gương. Tuy ở trong đền thờ, ông không cảm thấy cần phủ phục trước sự oai nghiêm của Thiên Chúa. Ông đứng và cảm thấy chắc chắn, làm như thể ông là chủ nhân của đền thờ! Ông liệt kê các việc tốt lành đã làm được: ông là người không thể trách cứ vào đâu được, tuân giữ Lề Luật hơn điều cần thiết, “ăn chay tuần hai lần” và trả thuế thập phân cho tất cả những gì ông có.

Sau cùng, hơn là cầu nguyện ông pharisêu hài lòng với việc tuân giữ các điều luật. Thế nhưng thái độ và các lời nói của ông xa cung cách nói năng và hành xử của Thiên Chúa, là Đấng yêu thương tất cả mọi người và không khinh rẻ các người tội lỗi. Ông này khinh rẻ các người tội lỗi, cả khi ông ghi nhận người khác ở đó. Sau cùng, ông pharisêu tự coi mình là công chính, lại lơ là với giới răn quan trọng nhất là tình yêu thương đối Thiên Chúa và tha nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC giải thích:

Như vậy tự hỏi chúng ta cầu nguyện bao nhiêu chưa đủ, cũng phải tự vấn xem chúng ta cầu nguyện ra sao, hay tốt hơn con tim của chúng ta như thế nào: thật quan trọng duyệt xét nó, để lượng định các tư tưởng, các tâm tình và nhổ tận gốc rễ sự kiêu căng và giả hình. Nhưng tôi xin hỏi: Có thể cầu nguyện với sự kiêu căng không? Không. Có thể cầu nguyện với sự giả hình không? Không. Chúng ta chỉ phải cầu nguyện trước Thiên Chúa như chúng ta là mà thôi. Nhưng ông này đã cầu nguyện với sự kiêu căng và giả hình.

Chúng ta tất cả đều bị tóm giữ bởi nhịp sống  quay cuồng, thường bị thống trị bởi các cảm xúc, các ồn ào và lẫn lộn. Cần phải học tìm lại con đường hướng về con tim, tái chiếm giá trị của sự thân tình và thinh lặng, bởi vì chính ở đó Thiên Chúa gặp gỡ và nói với chúng ta. Chỉ từ đó, tới phiên mình chúng ta mới có thể gặp gỡ tha nhân và nói chuyện với họ. Ông pharisêu  đã tiến tới đền thờ, tự tin, nhưng lại không nhận ra là ông đã lạc mất con đường của trái tim.

Người thu thuế trái lại – kẻ khác – tự trình diện trong đền thờ, nhưng cũng không dám hướng mắt lên trời, mà đấm ngực” (c. 13), Lời cầu của ông rất ngắn gọn: nó không dài như lời cầu của ông pharisêu: “Ôi, lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Không có gì hơn. “Ôi, lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Lời nguyện thật đẹp. Chúng ta có thể lập lại ba lần, tất cả cùng nhau nhé? Nào hãy nói: “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Thật ra, các người thu thuế được gọi như thế, bị coi như  những người ô uế, tùng phục các kẻ  thống trị ngoại quốc, bị dân chúng coi là xấu xa, và thường bị xếp hạng với những người tội lỗi. Dụ ngôn dậy rằng người ta công chính hay tội lỗi không bởi sụ tuỳ thuộc xã hội, nhưng do kiểu tương quan với Thiên Chúa và kiểu tương quan với các anh em khác. Các cử chỉ sám hối và ít lời đơn sơ của ông thu thuế chứng minh cho ý thức của ông liên quan tới tình trạng khốn cùng của ông. Lời cầu của ông nòng cốt. Ông hành động như người khiêm tốn, chỉ chắc chắn mình là một kẻ có tội cần sự thương hại. Nếu ông pharisêu không xin gì, bởi vì ông có tất cả, thì ông thu thuế chỉ có thể ăn mày lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi. Điều này đẹp phải không? Ăn mày lòng thương xót của Thiên  Chúa.

Khi trình diện với “đôi bàn tay trắng”, với con tim trần trụi và nhận mình là kẻ tội lỗi, người thu thuế cho tất cả chúng ta thấy điều kiện cần thiết để nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau cùng chính ông, bị khinh rẻ như vậy, lại trở thành hình ảnh của tín hữu đích thật.

Chúa Giêsu kết luận dụ ngôn với một phán quyết: “Tôi bảo anh em: người này nghĩa là ông thu thuế – khác với ông kia, trở về nhà mình được nên công chính, bời vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (c. 14). Trong hai người này ai là người thối nát? Ông pharisêu. Ông pharisêu chính là hình ảnh của người thối nát giả bộ cầu nguyện, nhưng chỉ thành công trong việc khoe khoang chính mình trước một tấm gương. Ông là người thối nát nhưng giả vờ cầu nguyện. Như thế trong cuộc sống ai tin mình công chính, phán xét các người khác và khinh rẻ họ, là người thối nát, và là người giả hình. Sự kiêu căng làm hỏng mọi hành động tốt, khiến cho lời cầu nguyện thành trống rỗng và làm cho chúng ta xa cách với Thiên Chúa và với tha nhân.

Nếu Thiên Chúa ưa thích sự khiêm nhường thì không phải là để hạ nhục chúng ta: sự khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được Chúa nâng lên và sống kinh nghiệm lòng thương xót đổ đầy vào con tim trống rỗng của chúng ta. Nếu lời cầu nguyện của kẻ kiêu căng không đạt tới trái tim của Thiên Chúa, thì sự khiêm nhường của kẻ bần cùng mở toang nó ra. Thiên Chúa có một sự yếu đuối: đó là sự yếu đuối đối với những kẻ khiêm nhường. Trước một con tim khiêm nhường,  Thiên Chúa mở rộng con tim Ngài một cách hoàn toàn. Và sự khiêm hạ này Đức Trinh Nữ Maria diễn tả trong bài thánh thi Magnificat: “Người đã nhìn đến phận hèn của nữ tỳ Người … đời nọ sang đời kia lòng thương xót Người đối với những kẻ kính sợ Người” (Lc 1,48-50. Xin Mẹ giúp chúng ta cầu nguyện với con tim khiêm tốn. Chúng ta hãy lập lại ba lần nữa lời cầu hay đẹp này: “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” Ba lần: “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương trong số 60.000 tín hữu và du khách hiện diện, đặc biệt các tín hữu đến từ nhiều giáo phận Pháp, như tín hữu giáo phận Bayonne do ĐGM sở tại hướng dẫn. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Ailen, Ecốt, Na Uy, Thụy Điển, Việt Nam, Tung Quốc, Indonesia, Philippines, Nigeria, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc Năm Thánh là thời điểm ơn thánh và canh tân tinh thần cho từng người và từng gia đình.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài chào các linh mục giáo phận Wuerzburg do ĐGM sở tại hướng dẫn.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào  học sinh và giáo viên trường Eça de Queiros, tín hữu giáo xứ Lapa và và tín hữu giáo phận Paraná bên Brasil. Ngài nhắc cho mọi nguời biết lời cầu nguyệnn rộng mở của con tim cho Thiên Chúa và mời gọi chúng ta đi ra ngoài gặp gỡ tha nhân, đặc biệt các anh chị em đang chiu thử thách và đem đến cho họ sự ủi an, ánh sáng và niềm hy vọng.

Trong các nhóm nói tiếng A Rập ĐTC chào một nhóm tín hữu Maronit đến từ Hoa Kỳ. Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói  ngài hiệp ý với giới trẻ họp nhau tại Lednica trong tinh thần tín thác cuộc sống cho Chúa, với đúc tin mà cha ông họ đã lãnh nhân cách đây 1050 năm. Ngài cầu chúc họ luôn biết lập lại mỗi ngày tiếng Amen với Chúa.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các nhóm đến từ nhiều giáo phận khác nhau, cũng như nhóm các tham dự viên khóa học do Bộ Phong Thánh tổ chức. Ngài khích lệ mọi người sống khiêm tốn, phổ biến lòng thương xót Chúa cho những người chung quanh và thăng tiến trong các giáo phận và dòng tu các án phong chân phước và phong thánh, lòng hăng say sống đức tin và tình thần truyền giáo và nên thánh.

Thứ sáu tới đây là lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt nhân dịp tĩnh tâm Năm Thánh của các linh mục và chủng sinh, ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện trong suốt tháng này và nâng đỡ gần gũi các linh mục để các vị là hình ảnh Thánh Tâm thương xót của Chúa. Ngài khích lệ giới trẻ biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực cho cuộc sống thiêng liêng. Với anh chị em đau yếu ngài xin họ kết hiệp các khổ đau của họ với các khô đau của Chúa. Ngài cũng nhắn nhủ các đôi tân hôn năng đến với Thánh Thể để cho cuộc sống gia đình được tình yêu của Thánh Tâm Chúa đánh động.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Toàn câu có gần 50 triệu nô lệ, 60% ở Á châu

Toàn câu có gần 50 triệu nô lệ, 60% ở Á châu

Nô lệ trẻ em

Sydney – Hôm nay, Walk Free Foundation, một tổ chức bác ái do vợ chồng tỷ phú Andrew và Nicole Forrest thành lập, đã công bố số liệu thống kê về các nô lệ "thời hiện đại" toàn cầu. Trên thế giới hiện có ít nhất 45.8 triệu nô lệ; 2/3 trong số các nô lệ nam nữ, già trẻ này nằm ở vùng châu Á Thái bình dương. Á châu có số nô lệ đông nhất, khoảng 26.6 triệu – chiếm 58% tổng số nô lệ toàn cầu. Đó là số liệu do Global Slavery Index 2016 cung cấp.

Trong số 167 quốc gia, 5 quốc gia thuộc Á châu đứng đầu về số nô lệ tính theo phần trăm dân số, đó là: Bắc Triều tiên, Uzbekistan, Campuchia, Ấn độ và Qatar. Ở Bắc Triều tiên, nơi mạng lưới lao động cưỡng bức  ngày càng trở thành một phần của hệ thống sản xuất quốc gia. Đồng thời, hàng ngàn phụ nữ Bắc Triều tiên bị bán sang Trung quốc để làm vợ hay nô lệ tình dục. Ít nhất 4.37% dân nước này phải làm nô lệ. Ở Uzbekistan thì chính quyền buộc dân chúng thu hoạch bông vải mỗi năm. Cũng có khoảng 1.36% trên tổng số 2.3 triệu dân Qatar phải làm nô lê, đa số trong ngành công nghiêp xây dựng. Phần lớn các nô lệ nhập cư này đến từ Ấn độ, Nepal, Philippines, Sri Lanka và Bangladesh.

Nhưng nếu tính về số lượng thì các nước sau đây đứng đầu:  Ấn độ, Trung quốc, Pakistan, Bangladesh và Uzbekistan. Ấn độ đứng đầu với 18 triệu 350 ngàn người sống như nô lệ, rồi đến Trung quốc với 3,39 triệu, Pakistan có 2.13 triệu và Uzbekistan có 1.23 triệu. Nhiều nước đã dùng chế độ nô lệ cho hệ thống lao công rẻ tiền để sản xuất các sản phẩm cho thị trường ở Âu châu, Nhật, Bắc Mỹ và Úc.

Thống kê cho thấy tình trạng ở Hồng kông còn tồi tệ hơn Trung quốc, vì họ có ít chính sách bảo vệ những người ít tự vệ như phụ nữ, trẻ em hay nhập cư, khỏi trở thành nô lệ. Thậm chí người ta nghi ngờ là chính quyền có chính sách làm cho chế độ nô lệ dễ dàng hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, có 3 lý do nuôi dưỡng ngành kinh doanh nô lệ: việc tìm kiếm giá thành sản phẩm thấp hơn; các tổ chức buôn nô lệ; và sự bóc lột con người bởi con người.

Theo Andrew Forrest, luật cấm nô lệ chống lại 3 yếu tố này, nhưng cũng đòi hỏi cộng đồng kinh doanh một sự trong sáng hơn về nơi chốn và cách thức tạo ra các sản phẩm mà họ bán. Có một cam kết quan trọng khác cũng là trách nhiệm của mỗi người: từ bỏ việc tiêu thụ được thúc đẩy bởi các sản phẩm với giá thành rẻ. (Asia News 31/5/2016)

Hồng Thủy OP

Làn sóng mới chống Công giáo ở Pháp và Bỉ

Làn sóng mới chống Công giáo ở Pháp và Bỉ

martigues-ste-madeleine church

Paris, Pháp – Trong những tuần lễ này, các tín hữu Công giáo ở Bỉ và Pháp đã phải chịu đựng những bạo lực và tấn kích như đốt các nhà thờ, tấn công Linh mục, phạm thánh nhà Tạm, nơi đặt Thánh Thể, và hơn 100 trang mạng internet bị tấn công.

Trong tập san định kỳ “La Provence”, cha Benoît Delabre kể rằng cách đây 2 tuần, bàn thờ của nhà thờ thánh Madeleine-de-l'Île ở Martigue, khoảng 800 cây số về phía nam của Paris, bị đốt cháy. Cũng may là bàn thờ bằng đá cẩm thạch nên ngọn lửa không cháy lan và nhà thờ không bị thiêu hủy. Cha cũng cho biết hôm 15/5, một người lạ đã xúc phạm nhà Tạm trong nhà thờ ở Jonquières, cũng trong vùng Martigue. Còn hôm Chúa nhật vừa qua, chính cha Delabre đã bị một người đàn ông tấn công khi cha bắt giữ ông ta ở cửa nhà thờ vì ông ta dường như đang cố lấy trộm đồ vật.

Gaby Charroux, thị trưởng của Martigues nói là trộm cắp tại các nhà thờ ở Pháp rất thường xuyên và hứa là cảnh sát sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công.

Báo La Croix thuật lại là trong tháng 4, hơn 100 trang mạng internet của các nhà thờ và nhà dòng bị tấn công bởi các tin tặc chiến binh thánh chiến người Tunisi; họ tự gọi mình là nhóm Fallaga.

Ở Bỉ, chiều ngày 24/5, 2 vụ hỏa hoạn làm thiệt hại đáng kể nhà thờ có từ thế kỷ 16 ở Mont-Sainte-Geneviève. Vụ đầu tiên bắt đầu từ phòng thánh trong khi vụ thứ 2 bắt đầu từ mái nhà thờ. Các cảnh sát ở Hainut, 37 dặm về phía đôn gnam thủ đô Brussel đang truy tìm thủ phạm. (CNA 2/6/2016)

Hồng Thủy OP

Một phụ nữ Kitô giáo bị đánh đòn theo luật Hồi giáo

Một phụ nữ Kitô giáo bị đánh đòn theo luật Hồi giáo

Bị đánh đòn theo luật sharia Hồi giáo

Banda Aceh, Indonesia – Lần đầu tiên một phụ nữ người Indonesia không phải Hồi giáo bị phạt đánh đòn theo những điều luật của luật Hồi giáo sharia, ở tỉnh Aceh, miền bắc của đảo Sumatra.

Remita Sinaga, một phụ nữ 60 tuổi, theo đạo Tin lành, đã bị phạt đánh đòn ở thành phố Takengon thuộc tỉnh Aceh. Phụ nữ này đã bị buộc tội bởi một tòa án Hồi giáo vì bán rượu, sau khi cảnh sát tịch thu 50 chai rượu từ cửa hàng của bà. Sinaga đã bị đánh đòn 30 roi.

Ở Aceh, luật sharia áp dụng cho các tín hữu Hồi giáo nhưng những người không phải Hồi giáo có thể chọn theo luật này. Một số quan chức địa phương cho biết người phụ nữ này đã tình nguyện chọn bị đánh đòn vì cô nghĩ hình phạt khác sẽ nặng hơn như bị giam tù một thời gian. Vào năm 2015, chính quyền Indonesia đã cấm các cửa tiệm nhỏ bán rượu.

Vào năm 2002, để xoa dịu sự nổi dậy của những người đòi độc lập chính quyền trung ương đã cho phép tỉnh Aceh, nơi phần lớn trong tổng số 4.7 triệu cư dân là Hồi giáo, một chế độ "tự trị đặc biệt”. Bộ luật Hồi giáo mới được tỉnh này chuẩn y vào năm 2014 và áp dụng vào tháng 10/ 2015. Bộ luật phạt những ai có quan hệ tính dục ngoài hôn nhân, những người uống hay bán rượu, cờ bạc. Theo tổ chức phi chính phủ “Kontras”, một tổ chức bảo vệ và phát triển nhân quyền, “việc đánh đòn là một hình phạt phi nhân và là một hình thức bạo hành mà không nên được cho phép ở Indonesia (Agenzia Fides 2/6/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

VATICAN. Thứ năm 2-6-2016, ĐTC sẽ giảng tĩnh tâm cho hơn 6 ngàn LM và chủng sinh về Roma dự Ngày Năm Thánh từ ngày 1 đến 3-6-2016.

– Trong ngày đầu tiên, thứ tư 1-6, các tham dự viên tập họp từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại 3 thánh đường ở Roma, gần khu vực Vatican (San Salvatore in Lauro, Santa Maria in Vallicella, và San Giovanni dei Fiorentini). Tại đây họ có thể lãnh nhận bí tích hòa giải, chầu Mình Thánh Chúa, và tiến qua Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô.

Phần thứ hai trong ngày đầu tiên này, có những bài huấn giáo về lòng thương xót do các giám mục trình bày, và sau đó có thánh lễ đồng tế tại một số thánh đường theo 7 ngôn ngữ khác nhau, đó là tiếng Pháp, Anh, Ý, Ba Lan, Bồ đào nha, Tây Ban Nha và Đức.

– Trong ngày 2-6, ĐTC sẽ lần lượt trình bày 3 bài suy niệm tại 3 Vương cung thánh đường nơi các LM và chủng sinh tụ họp: lúc 10 giờ, rồi 12 giờ và sau cùng vào lúc 4 giờ chiều. Các bài suy niệm này sẽ được Trung Tâm truyền hình Vatican trực tiếp truyền đi trên toàn thế giới qua Internet, hoặc có những đài truyền đi biến cố này.

Ngày này sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế lúc 5 giờ rưỡi chiều, tùy theo các ngôn ngữ khác nhau.

– Sau cùng, thứ sáu 3-6, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là Ngày Thánh Hóa linh mục, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các GM và LM tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9 giờ rưỡi sáng. (SD 30-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Phụ nữ Công giáo Bangladesh có 6 con đi tu được giải thưởng “người mẹ gương mẫu”

Phụ nữ Công giáo Bangladesh có 6 con đi tu được giải thưởng “người mẹ gương mẫu”

Josephine Corraya family

Dhaka, Bangladesh – Josephine Corraya, 82 tuổi, bà mẹ Công giáo của 10 người con, đã được phát ngôn viên của quốc hội Bangladesh trao giải thưởng “người mẹ gương mẫu”.

Là một phụ nữ gương mẫu, yêu thương và ân cần, đã nuôi dạy các con và bảo đảm cho các con một nền giáo dục tốt.  Bà Josephine đến từ giáo xứ Rangamitia thuộc giáo phận Dhaka; chồng của bà Josephine đã qua đời khi các con còn rất nhỏ và bà đã nuôi các con trong sự nghèo khổ.  6 trong 10 người con của bà đã dâng mình cho Chúa: 3 người con cha trở thành Linh mục và 3 người con gái là những nữ tu.

Abul Kalam Azad, một người Hồi giáo, là chủ tịch của tổ chức tài trợ cho giải thưởng đã khẳng định: “chúng tôi trao giải thưởng này cho bà Josephine vì bà đã hoàn thành một công việc tuyệt vời trong việc nuôi dạy 10 người con của mình. Bà đã hy sinh lơn lao để bảo đảm cho các con có một sự giáo dục để chúng có thể phục vụ xã hội của chúng ta”.

Joel Rebeiro, con thứ 9 của bà, đang làm việc cho tổ chức Caritas, thuật lại: “Mẹ của chúng tôi đã giáo dục chúng tôi cách đặc biệt.Mẹ đưa chúng tôi đi dự lễ mọi buổi sáng, rồi chúng tôi làm việc nhà, học hành và đến trường. Mẹ dạy chúng tôi đạo đức và lòng kính trọng người cao tuổi.”

Người con thứ 10 của bà, cha Bulbul kể: “ngay cả nếu chúng tôi gặp khó khăn về tiền bạc, mẹ chúng tôi đã lao động và trả được tiền học cho chúng tôi”. Cha cho biết mẹ mình là một phụ nữ đơn sơ và luôn luôn tích cực trong các điều liên quan đến Giáo hội. Cha không thể nhớ được có lần nào mà mẹ mình nói xấu về các Linh mục hay nữ tu. Bà đã khuyến khích các con vào chủng viện”.

Bà Josephine rất cảm kích về giaỉ thưởng, bà nói: “Tôi nghĩ là Thiên Chúa toàn năng đã chúc phúc cho gia đình đông đúc của tôi. Tôi luôn là một tín hữu đơn sơ và tôi đã nuôi dạy các con theo giáo huấn của Chúa Giê-su. Trong những ngày cuối của đời tôi, tôi cảm tạ Thiên Chúa bởi vì tôi là một phụ nữ hạnh phúc”. (Asia News 01/06/1016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Đức giáo hoàng với Scholas Occurentes

Vatican – Sau khi trở thành Đức Giáo Hoàng đầu tiên là tác giả của một cuốn sách cho giới trẻ vào đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả của một cuốn sách khác sắp được phát hành, dựa trên các câu trả lời của ngài cho các câu hỏi của giới trẻ đặt ra cho ngài trên một trang web.

Trong cuộc họp mặt quốc tế của các lãnh đạo của tổ chức Scholas Occurentes, nhà báo và tác giả Tiziana Lupi đã giải thích là cuốn sách mới nhắm mở ra một cánh cửa đối thoại với giới trẻ. Scholas Occurentes là tổ chức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập vào tháng 8/2013 như sáng kiến để khuyến khích sự hội nhập xã hội và văn hóa của gặp gỡ qua kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. Tác giả Lupi cũng cho biết:việc xuât bản đã kết hợp những nỗ lực của tổ chức Scholas trong việc tạo nên một diễn đàn kỹ thuật mới “cho phép các bạn trẻ khắp thế giới, thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo, đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà không bị lọc lựa”. Bình thường chỉ các nhà báo đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng, nhưng lần này các bạn trẻ có thể làm điều này qua trang web: new page “Ask Pope Francis” (đây là đường link trực tiếp: http://askpopefrancis.scholasoccurrentes.org/pope-francis-en-gb/). Chắc chắn là sẽ có rất nhiều câu hỏi được gửi đến Đức Giáo Hoàng nên chỉ có những câu thật sự xuất phát từ trái tim sẽ được chọn in trong sách. Cuốn sách này có thể được phát hành khoảng tháng 10 hay 11 năm nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các tham dự viên trong buổi họp hôm qua, 29 tháng 5. Sau khi nghe chứng từ đầy nước mắt của một thiếu nữ Mexico có cha mẹ đã chia tay, bị ngược đãi khi đến Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng được cho biết là một chiến dịch chống ngược đãi do tổ chức Scholas đưa ra với hashtag “#nosotrossomosunicos”, nghĩa là “chúng ta là duy nhất”.

Sau chứng từ của em gái người Mexico, 12 bạn trẻ trên mạng Youtube đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm sao để xây dựng một thế giới tốt hơn, đa dạng và hòa đồng. Đức Giáo Hoàng trả lời là mỗi người phải nhận ra căn tính cá nhân của họ. Ngài giải thích là sẽ không có tương lai nếu một người thiếu một căn tính rõ ràng. Nếu muốn sự ngược đãi được ngừng lại thì chúng ta phải bỏ sự tấn công lại sau lưng; “ngược đãi là một sự tấn kích che dấu một sự tàn ác sâu sắc.” “Thế giới tàn ác. Chiến tranh là những tượng đài của sự tàn ác”, Đức Giáo Hoàng nói như thế và lấy từ trong túi ra một tấm ảnh mà một nữ tu ở châu Phi đã gửi cho ngài. Cho những tham dự viên xem tấm ảnh và Đức Giáo Hoàng than phiền: làm sao người ta có thể vẽ những hình ảnh ghê tởm như hình một em bé bị cắt cổ và em khác bị chặt đầu.

Đức Giáo Hoàng giải thích: nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta phải loại bỏ mọi hình thức tàn ác. Thay vì tấn kích, chúng ta phải đạt được khả năng lắng nghe người khác và đối thoại, hơn là tranh luận. Ngài nói với các người hiện diện: “đừng sợ đối thoại” bởi vì với đối thoại “mọi người đều chiến thắng, không có ai thua cuộc”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: thế giới hôm nay cần giảm bớt mức độ tấn kích; nó cần sự khoan dịu, cần lắng nghe, cần bước đi với nhau. Vì thiếu những thái độ này nên đã có những tàn ác. (CAN 29/5/2016)

Hồng Thủy OP

Giáo hội Mông cổ sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên vào tháng 8 tới đây

Giáo hội Mông cổ sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên vào tháng 8 tới đây

Deacon Joseph Enkh-Baatar

Ulan Bato, Mông cổ – Cha Prosper Mbumba, thuộc dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria, thừa sai người Công gô tại Mông cổ nói với hãng tin Fides: “chúng tôi sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên, đó là Joseph Enkh, sẽ được Đức cha Wenceslao Padilla, Phủ doãn Tông tòa của Ulan Bato truyền chức vào ngày 28/8/2016. Sự kiện này có một tầm quan trọng đặc biệt cho giáo hội non trẻ được tái lập vào năm 1992 và hiện nay chỉ có hơn 1000 người được rửa tội. Việc phong chức Linh mục của một người bản xứ sẽ khơi dậy nơi người dân Mông cổ lòng nhiệt thành và ý nghĩa thuộc về một Giáo hội vốn từ lâu bị xem như là ngoại bang.”

Thầy Joseph Enkh được nhận chức phó tế vào ngày 11/12/2014 ở Nam Hàn nơi thầy được đào tạo và trở về Mông cổ tháng 1 vừa qua. Từ đó đến nay thầy tiếp tục phát triển kinh nghiệm mục vụ qua việc phục vụ trong các giáo xứ khác nhau của Mông cổ, nơi hiện tại có khoảng 20 nhà truyền giáo và 50 nữ tu của 12 Hội dòng hoạt đông trong 6 giáo xứ.

Cha Prosper cũng cho Fides biết là việc chuẩn bị cho lễ phong chức đang được chuẩn bị về mọi mặt. Các Ki-tô hữu cầu nguyện rất nhiều cho vị Linh mục tương lai của họ và các giáo xứ đang phát động các buổi học hỏi gíao lý để giúp cho dân chúng hiểu hơn về sứ vụ Linh mục. Trong mọi nhà thờ của Mông cổ đều có làm tuần 9 ngày cầu nguyện cho lễ phong chức. Nhiều tín hữu viết thư bày tỏ các suy nghĩ và chờ đợi của họ về vị Linh mục tương lai. Họ cho cha biết họ hãnh diện về ơn gọi của cha và họ tin tưởng về sự hiện diện của cha và công việc của cha. Cha Prosper kết luận: “Chúng tôi cám ơn Chúa về hồng ân này và về sự nhiệt thành này. Chúng tôi cầu nguyện để có một sự tuôn tràn mới của Thần Khí trên đất nước này”. (Agenzia Fides 1/6/2016)

Hồng Thủy OP

 

Thánh lễ của Đức Thánh Cha nhân ngày Năm Thánh cho các phó tế

Thánh lễ của Đức Thánh Cha nhân ngày Năm Thánh cho các phó tế

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các phó tế chu toàn chức năng phục vụ, quên mình và luôn sẵn sàng, hiền dịu và không câu nệ thời khóa biểu.

Thánh lễ của Đức Thánh Cha nhân ngày Năm Thánh cho các phó tếNgài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng chúa nhật 29-5-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân Ngày Năm Thánh của các phó tế vĩnh viễn.

Tham dự thánh lễ có khoảng 30 ngàn người, trong đó có hơn 2 ngàn thầy phó tế trong phẩm phục phụng vụ, ngồi hai bên lễ đài, và có 250 phó tế đặc trách việc phân phát Mình Thánh Chúa ở khu vực vốn dành cho ca đoàn. Từ Hoa Kỳ có hơn 15 phó tế vĩnh viễn người Việt, cùng với phu nhân và nhiều thân hữu tháp tùng, tổng cộng khoảng hơn 70 người. Đồng tế với ĐTC có 12 Hồng Y và Giám Mục cùng với khoảng 50 LM.

Các lời nguyện và bài đọc được lấy từ chúa nhật thứ 9 thường niên, vì tại Vatican, lễ kính Mình Thánh Chúa đã được cử hành hôm thứ năm, 26-5 vừa qua.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn chức năng phục vụ của các phó tế và các điều kiện để thi hành nhiệm vụ này. Ngài nói:

”Tôi tớ Đức Kitô” (Gl 1,10). Chúng ta đã nghe thành ngữ này, thánh Phaolô thường dùng để mô tả mình, khi viết cho các tín hữu thành Galát. Đầu lá thư, ngài tự giới thiệu là ”tông đồ” do thánh ý Chúa Giêsu (Xc Gl 1,1). Hai từ ngữ, 'tông đồ và tôi tớ', đi chung với nhau, không bao giờ có thể tách biệt nhau; đó là hai mặt của cùng một mềđai: ai loan báo Chúa Giêsu thì được kêu gọi phục vụ và ai phục vụ thì loan báo Chúa Giêsu.

Chúa đã tỏ cho chúng ta điều đó trước tiên: Ngài là Lời của Chúa Cha, là người mang tin vui cho chúng ta (Is 61,1). Chính Ngài là tin vui (Xc Lc 4,18), đã trở nên tôi tớ chúng ta (Pl 2,7). ”Ngài trở nên người phục vụ (diacono) mọi người”, như một Giáo Phụ đã viết (Policarpo, Ad Phil. V,2). Như Chúa đã làm, những người được kêu gọi trở thành người loan báo cũng được mời gọi làm như vậy. Các môn đệ của Chúa Giêsu không thể đi con đường khác với con đường của Thầy, nếu họ muốn loan báo thì cũng phải noi gương Chúa như thánh Phaolô đã làm, nghĩa là mong ước trở nên người tôi tớ phục vụ. Nói khác đi, nếu loan báo Tin Mừng là sứ mạng được ủy thác cho mỗi Kitô hữu khi chịu phép rửa tội, thì phục vụ chính là cách thức sống sứ vụ, là cách duy nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu. Họ là một chứng nhân làm như Chúa: là người phục vụ anh chị em mình, không mỏi mệt vì Chúa Kitô khiêm hạ, không mệt mỏi vì đời sống Kitô là một đời sống phục vụ.

ĐTC đặt câu hỏi: Bắt đầu từ đâu để trở thành ”những người tôi tớ tốt lành và trung tín” (Xc Mt 25,21)? Như bước đầu tiên, chúng ta được mời gọi hãy sống sẵn sàng. Người tôi tớ hằng ngày học cách từ bỏ thái độ muốn thu xếp mọi sự cho mình và tự quyết định như mình muốn. Mỗi sáng họ tập luyện hiến mạng sống, nghĩ rằng mỗi ngày không phải là của mình, nhưng cần phải sống ngày ấy như một sự giao nạp chính mình. Thực vậy, người phục vụ không phải là người giữ chặt thời gian riêng cho mình, trái lại họ từ bỏ không trở thành chủ nhân ông ngày của mình. Họ biết rằng thời gian mình sống không thuộc về mình, nhưng là một hồng ân lãnh nhận từ Thiên Chúa để cống hiến cho tha nhân: chỉ như thế họ mới có thể mang lại hoa trái thực sự. Người phục vụ không phải là đầy tớ chương trình hành động mà họ thiết định, nhưng với tâm hồn ngoan ngoãn, họ sẵn sàng đối với những gì không được đề ra trong chương trình: họ sẵn sàng đối với người anh em, và cởi mở đối với những gì bất ngờ, chẳng bao giờ thiếu và thường là sự bất ngờ của Thiên Chúa. Người phục vụ biết mở cửa thời gian và không gian của mình cho người ở cạnh và cả những người gõ cửa ngoài giờ, dù phải hy sinh, gián đoạn điều họ thích hoặc sự nghỉ ngơi mà họ đáng được hưởng. Người phục vụ không giữ chặt thời khóa biểu. Tôi cảm thấy đau lòng khi thấy thời khóa biểu trong các giáo xứ, từ giờ này đến giờ này. Và rồi chẳng có cánh cửa mở rộng, không có linh mục, không có phó tế, cũng chẳng có giáo dân đón tiếp.. Thật là điều đau lòng. Hãy có can đảm coi nhẹ thời khóa biểu. Vì thế, các phó tế thân mến, khi sống thái độ sẵn sàng, việc phục vụ của anh em sẽ không có sự tính toán hơn thiệt và được phong phú theo tinh thần Phúc Âm.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:

”Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói với chúng ta về việc phục vụ, trình bày cho chúng ta 2 người đầy tớ, từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học quí giá: người đầy tớ của quan bách quân, được Chúa Giêsu chữa lành, và chính quan bách quân ấy, phục vụ hoàng đế. Những lời của ông nói với Chúa Giêsu, để Ngài khỏi mất công đến nhà ông, thật là gây ngạc nhiên và thường trái ngược với kinh nguyện của chúng ta: ”Lạy Chúa, xin đừng mất công! Con không đáng Chúa ngự vào nhà con” (Lc 7,,6); ”Con không thấy mình xứng đáng được đến cùng Chúa” (v.7); ”cả tôi cũng ở thân phận bề dưới” (v.8). Đứng trước những lời này, Chúa Giêsu tỏ ra ngưỡng mộ. Ngài cảm kích vì lòng khiêm tốn sâu xa của quan bách quân, sự dịu dàng hiền từ của ông. Sự hiền từ là một trong những nhân đức của các phó tế. Khi phó tế hiền từ, thì thầy là người phục vụ, và không chơi trò bắt chước các linh mục.. Đứng trước vấn đề đang làm ông bận tâm, lẽ ra ông có thể hành động một cách khác và đòi được nghe lời, dùng quyền uy của mình; lẽ ra ông có thể nài nỉ, nhấn mạnh và thậm chí có thể buộc Chúa Giêsu đến nhà ông. Trái lại, ông trở nên bé nhỏ, kín đáo, không lên giọng, không muốn làm phiền. Có lẽ vô tình, ông đã hành động theo kiểu của Thiên Chúa, là ”Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Thực vậy, Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu Ngài hạ mình đến độ phục vụ chúng ta: Ngài kiên nhẫn, từ nhân, luôn mau mắn và sẵn sàng đối với chúng ta, chịu đau khổ vì những lầm lỗi của chúng ta và tìm cách giúp đỡ, làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Đây cũng là những nét hiền lành và khiêm tốt trong việc phục vụ theo tinh thần Kitô, đó là ”bắt chước Thiên Chúa trong việc phục vụ tha nhân: đón nhận họ với lòng yêu thương kiên nhẫn, cảm thông họ mà không mệt mỏi, làm cho họ cảm thấy được đón nhận, thoải mái, trong cộng đoàn Giáo Hội, nơi mà người cai quản không phải là người lớn, nhưng là người phục vụ (Xc Lc 22,26). Vì thế, hỡi các phó tế, trong sự dịu dàng, ơn gọi của các thầy là người phục vụ bác ái được trưởng thành”

ĐTC cũng nhận xét rằng:

”Sau thánh Phaolô Tông Đồ và viên bách quân, trong các bài đọc hôm nay, có một người tôi tớ thứ ba, đó là người được Chúa Giêsu chữa lành. Trong trình thuật có kể rằng người đầy tớ ấy rất được chủ thương và lúc ấy đang bị bệnh, ta không biết đó là bệnh nặng hay không (v. 2). Một cách nào đó chúng ta cũng có thể nhận ra mình nơi người đầy tớ ấy. Mỗi người chúng ta cũng rất được Thiên Chúa thương yêu, được Chúa chọn, và được kêu gọi phục vụ, nhưng trước tiên cần được chữa lành trong nội tâm. Để có thể phục vụ, chúng ta cần sức khỏe tâm hồn, một con tim được Thiên Chúa chữa lành, cảm thấy được tha thứ, và không khép kín, cũng chẳng cứng cỏi.. Mỗi ngày chúng ta nên cầu nguyện để được ơn này, xin Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, trở nên giống Chúa, Đấng không ”gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” (Xc Ga 15,,15). Các phó tế thân mến, anh em có thể cầu xin mỗi ngày ơn này trong kinh nguyện, trong kinh nguyện nơi mà anh em trình bày những vất vả, những bất trắc, những mệt mỏi, và hy vọng: một kinh nguyện chân thành, trình bày cuộc sống cho Chúa, và mang Chúa vào trong cuộc sống. Và khi phục vụ bàn tiệc Thánh Thể, nơi anh em sẽ tìm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng hiến mình cho chúng ta, để anh em có thể hiến mình cho tha nhân.

Trong số 5 ý nguyện được xướng lên trong phần lời nguyện phổ quát sau kinh Tin Kính, cũng có 1 ý nguyện tiếng Việt được thày phó tế Giuse Nguyễn Sĩ Bạch thuộc tổng giáo phận Galveston Houston, Texas.

Trong phần dâng lễ vật, có 3 phó tế vĩnh viễn cùng với phu nhân và con cái đã mang bánh rượu cho ĐTC..

Kinh truyền tin

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 20 phút và kết thúc lúc gần 12 giờ. ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin ngay lúc đó. Lúc này số người hiện diện tại Quảng trường tăng lên 50 ngàn người. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đặc biệt chào thăm các thày Phó tế đến từ Italia và các nước khác. Ngài nói:

Cám ơn sự hiện diện của anh em hôm nay, nhất là sự hiện diện của anh em trong Giáo Hội!

Tôi chào thăm tất cả các tín hữu hành hương, cách riêng hiệp hội Âu Châu những người bảo vệ lịch sử, những người tham gia Con đường Tha thứ do phong trào thánh Celestino cổ võ..

Ngoài ra tôi cũng nhắc đến Ngày Toàn Quốc Thoa dịu, nhắm giúp đỡ con người sống trọn giai đoạn chót của cuộc sống trần thế; tôi cũng nhắc đến cuộc hành hương truyền thống ngày hôm nay ở Ba Lan tại Đền thánh Đức Mẹ Piekary: Xin Đức Mẹ từ bi nâng đỡ các gia đình và người trẻ đang tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia.

Sau cùng, ĐTC nhắc thêm rằng ngày 1-6 tới đây, nhân Ngày Thế Giới các trẻ em, các cộng đoàn Kitô ở Siria, công giáo cũng như chính thống giáo, cùng đặc biệt cầu nguyện với nhau cho hòa bình, và những người nắm vai chính trong ngày cầu nguyện này là các trẻ em.. Các trẻ em Siria mời gọi các trẻ em thế giới hãy hiệp ý với các em để cầu nguyện cho hòa bình.

Chúng ta hãy khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ Maria cho các ý nguyện đó, đồng thời chúng ta phó thác cho mẹ cuộc sống và sứ vụ của tất cả các phó tế trên thế giới.

 G. Trần Đức Anh OP

Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Deacon Bill Reichmuth offers communion at the Carmel Mission Basilica in California

VATICAN: Hàng ngàn phó tế vĩnh viễn và gia đình đã từ nhiều nước trên thế giới tuốn về Roma để cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót trong các ngày 27-29 tháng 5.

Đề tài của ba ngày hành hương là “Phó tế, gương mặt của Lòng Thương Xót cho việc thăng tiến công tác truyền giáo mới”. Các phó tế và gia đình thân nhân cùng nhau cầu nguyện, nghe diễn thuyết, thảo luận và chia sẻ tại nhiều nhà thờ theo các ngôn ngữ khác nhau hay với phần dịch thuật tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Đề tài ngày thứ hai là “Phó tế. Được kêu gọi là người phân phát của tình bác ái trong cộng đoàn kitô”. Các phó tế cũng có dịp lãnh bí tích Hoà Giải, bước qua Cửa Thánh. Cuộc hành hương cử hành Năm Thánh của các Phó tế sẽ kết thúc với thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành sáng Chúa Nhật hôm nay lúc 10 giờ rưỡi trước thềm đền thờ Thánh Phêrô.

Cuộc hành hương được tổ chức nhân dịp mừng 50 năm Công Đồng Chung Vaticăng II tái lập chức Phó tễ vĩnh viễn trong Giáo Hội như được nói tới trong Hiến chế về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân số 29. Theo thống kê năm 2013 tổng số các Phó tế trên thế giới là hơn 43,000, tức gia tăng 29% so với năm 2005. Âu châu có 14,000, Mỹ châu 28,000, tức chiếm 97,6% tổng số Phó tế trên thế giới.  Trong các Giáo Hội khác các Phó tế chưa được hiểu biết và đánh giá đúng đắn. Vì thế đậy là dịp giúp đào sâu tầm quan trọng của các Phó tế trong cuộc sống và các sinh hoạt đa diện của Giáo Hội (SD 27-5-2016)

Linh Tiến Khải

ĐTC tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

ĐTC tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

ĐTC Phanxicô đón tiếp 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa

VATICAN: Trưa hôm qua (28-5) ĐTC Phanxicô đã ra nhà ga xe lửa trong nội thành Vatican đón tiếp 400 trẻ em vùng Calabria đến thăm Toà Thánh.

Chuyến xe lửa trẻ em năm nay có khẩu hiệu là “Đuợc các làn sóng đưa đi”, do sáng kiến “Sân Dân Ngoại” của Hội Đồng Toà Thánh Văn Hoá tổ chức. 400 trẻ em nói trên đến từ các trường khác nhau vùng Calabria nam Italia, là nơi có đông người di cư tỵ nạn cặp bến. Linh Mục Laurent Mazas, giám đốc điều hành Sân của dân ngoại,  cho biết chuyến xe lửa năm ngoái gồm con cái của các cha mẹ bị tù. Năm nay nó gồm phân nửa trẻ em Ý phân nửa trẻ em con của những người di cư tỵ nạn đã trở thành bạn của nhau trong các trường học. Hằng năm Bộ Hoả Xa Italia dành cho cha một chuyến xe lửa miễn phí chở các trẻ em về Vatican đi về trong một ngày. Truớc chuyến đi các em đã được chuẩn bị tinh thần và sư phạm để hiểu biết ý nghĩa của các chuyến xe lửa viếng thăm này.

Đón tiếp các em tại nhà ga xe lửa trong nội thành Vaticăng cũng có các trẻ em thuộc Dàn nhạc thiếu nhi “Bốn bài ca” tình Palermo, và Hiệp hội “Thể thao vô biên giới”. Cha Mazas cho biết lần trước cha đã hỏi ĐTC “Thưa ĐTC chúng ta làm thêm một chuyến xe lửa nữa chăng?” Ngài đã tươi cười trả lời: “Ồ có chứ, tôi thích nó, tôi thích nó”. Và lần này cũng có 400 trẻ em được ĐTC tiếp đón tại nhà ga Vatican. Ngoài việc gặp gỡ ĐTC các em cũng được hướng dẫn viếng thăm quốc gia thành phố Vaticăng, cầu nguyện bước qua Cửa Thánh để lãnh ơn Toàn Xã, và viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô (SD 27.28-5-2016)

Linh Tiến Khải

Chân phước Stanislaus Papczynski mời gọi “suy gẫm Lòng thương xót của Thiên Chúa”

Chân phước Stanislaus Papczynski mời gọi “suy gẫm Lòng thương xót của Thiên Chúa”

Stanislaus Papczynski

Vácsava, Ba lan – Chân phước Stanislaus Papczynski, đấng sẽ được phong thánh vào ngày 5/6 tới đây tại Roma, mời gọi chúng ta “suy gẫm về Lòng thương xót của Thiên Chúa”, các Đức giám mục Ba lan đã phát biểu như thế trong một lá thư mục vụ được đọc trong các nhà thờ vào cuối tuần vừa qua. Chân phước Stanislaus Papczynski sáng lập dòng nam đầu tiên ở Ba lan – dòng Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội. Hiện nay dòng có hơn 500 Linh mục hiện diện ở 19 quốc gia, thúc đẩy công bằng xã hội và cầu cho các người hấp hối.

Chân phước Stanislaus Papczynski sinh ra trong một gia đình thợ hàn ở Podegrodzie, miền nam của vùng Beskidy, Ba lan. Sau khi được giáo dục ở trường các cha dòng Tên, Stanislaus Papczynski đã gia nhập dòng Piarist gốc Tây ban nha vào năm 1654 và trở thành thành viên Ba lan đầu tiên. Stanislaus Papczynski được thụ phong Linh mục năm 1661 và 9 năm sau, cha Stanislaus Papczynski rời dòng Piarist vì theo cha dòng này thiếu nghiêm nhặt, và năm 1673 cha thành lập một nhà tĩnh tâm cho dòng Đức Mẹ mới của cha với sứ vụ cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ vô nhiễm và cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.

Trong lá thư mục vụ, các Giám mục Ba lan nói là chân phước Stanislaus Papczynski đã chỉ rằng “con đường đến ơn cứu độ không đóng lại với bất cứ tội nhân nào sẵn lòng thống hối”. Cha Stanislaus Papczynski đã lập dòng trong thời kỳ Ba lan chìm trong chiến tranh, đói khát và bịnh tật, sau khi cha nhận ra là nhiều người Ba lan, kể cả quân lính, chết mà không được chuẩn bị để gặp Thiên Chúa. Các Đức cha cũng nhận định: “cha Stanislaus Papczynski chỉ cho thấy tình yêu là thần khí, ánh sáng và sự sống của mọi trật tự và cộng đoàn xã hội, và không có một người khốn khó nào bị bỏ cho chết mà không được trợ giúp.” Cha Stanislaus Papczynski đã lập các phòng khám bịnh và nơi cư trú cho những người “thất vong, bị bỏ rơi và đối xử bất công” và để chống lại chứng nghiện rượu tràn lan trong thế kỷ 17. Cha Stanislaus Papczynski nhấn mạnh là tình yêu của Thiên Chúa luôn đi trước và vượt trên tội lỗi của chúng ta. (CNS 27/5/2016)

Hồng Thủy OP

 

Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Một thánh lễ ở Armenia

Erevan, Armenia – Giáo Hội Armenia chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô  như thế nào? Tình hình của quốc gia này hiện tại thế nào? Trước cuộc viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Krikor Badichac, phó giám đốc của Học viện Giáo hoàng Armenia đã cung cấp vài thông tin để giúp hiểu về Armenia và có thể theo dõi tốt hơn cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại đây từ ngày 24-26/6/2016.

Cho đến cuối năm 1992, cộng đoàn Công giáo Armenia được nhìn nhận ở Armenia với những luật lệ căn bản về nhân quyền; rồi từ năm 2000 Giáo hội công giáo Armenia được nhìn nhận và từ đó họ có thể bắt đầu vai trò xã hội của họ. Cha Badichac nhận xét là từ góc độ xã hội, Giáo hội công giáo Armenia là một thực thể sinh động, hoạt động chính yếu qua các công việc hỗ trợ của 3 tổ chức: Hội bác ái Armenia, bịnh viện Gioan Phaolô II – bịnh viện do Thánh Giáo Hoàng tặng cho nước này và các nữ tu do Mẹ Têrêsa sáng lập năm 1989 – sau khi cuộc động đất khủng khiếp tàn phá Armenia. Cha cho biết vai trò quan trọng của các nữ tu: các chị chăm sóc các trẻ em sơ sinh bị bịnh nặng; những trẻ em này đang chờ chết và các chị chăm sóc các em trong nhà tương trợ của các chị.

Cha còn kể về một hội dòng quan trọng khác, đó là dòng các nữ tu Đức Mẹ vô nhiễm Armenia. Được thành lập năm 1846 ở Costantinopoli với mục đích chăm lo giáo dục, hội dòng dấn thân đặc biệt cho các trẻ em nữ nghèo Armenia.  Các chi đã giúp các em trong kỳ diệt chủng Armenia, an ủi và trợ giúp các gia đình gặp khó khăn và gửi 400 bé gái mồ cội đến dinh thự Giáo hoàng Pio XII ở Castel Gandolfo. Với việc Armenia  được độc lập vào năm 1991, giấc mơ của các nữ tu Armenia được thực hiện và mở ra một lãnh vực rộng lớn cho các nữ tu theo đuổi hoạt động của mình trong nhiều công việc: mỗi năm các chị tổ chức 1 trại hè với mục đích là giúp tạo một bầu khí hiểu biết và mang lại niềm vui cho 800 trẻ em mồ côi từ 8-14 tuổi đến từ khắp Armenia; trại hè này cũng dạy giáo lý, chơi thể thao, xây dựng tình huynh đệ để cố gẵng làm giảm bớt những ảnh hưởng nặng nề của sự nghèo khổ trong cuộc sống của các em. Các nữ tu cũng có một trung tâm giáo dục, một trung tâm giáo dục xã hội mà chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có vài phút viếng thăm.

Cha Badichah khẳng định là đức tin vẫn còn sống động ở Armenia, các người già kể lại trong nước mắt các kỷ ức  kinh khủng của quá khứ nhưng họ cám ơn Chúa vì những ân huệ mà Giáo hội nhận lãnh, với niềm tin vào tương lai của con cháu họ.

Về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, cha Badichah nghĩ đó là một cuộc hành hương về nguồn cội đức tin vì  dân tộc Armenia là dân tộc đầu tiên đón nhận Ki-tô giáo như quốc giáo vào năm 301. Do đó, đây là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến quốc gia Ki-tô giáo đàu tiên và là một cuộc viếng thăm có tính chất đại kết. (ACI 27/5/2016)

Hồng Thủy OP

ĐTC tiếp kiến tổng thống Costa Rica

ĐTC tiếp kiến tổng thống Costa Rica

ĐTC Phanxicô tiếp kiến tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solis Rivera

VATICAN: Sáng ngày 27 tháng 5 vừa qua ĐTC đã tiếp kiến tổng thống Costa Rica, ông Luis Guillermo  Solis Rivera.

hông cáo Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc hội kiến thân tình hai bên đã đề cập tới các tương quan tốt đẹp giữa Toà Thánh và nước Costa Rica, cũng như việc chính quyền đánh giá cao phần đóng góp của Giáo Hội cho dân nước này, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, sức khỏe và thăng tiến các giá trị nhân bản và tinh thần, cũng như trong các hoạt động bác ái. Ngoài ra, cũng có một số vấn đề được bàn đến như việc bảo vệ sự sống con người, nạn di cư và buôn bán ma tuý. Sau cùng là vài vấn đề vùng miền và quốc tế.

Sau khi hội kiến với ĐTC tổng thống Costa Rica đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và ĐTGM ngoại trưởng Paul Richard Gallagher (SD 27-5-2016)

Linh Tiến Khải