Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

VATICAN. Hôm 24-4-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cảnh giác giới báo chí đừng rút ra những hệ luận thổi phồng về cú điện thoại mục vụ của ĐTC.

Trong những ngày qua, báo chí ở Argentina cho biết ĐTC gọi điện cho một phụ nữ ly dị tái hôn ở nước này và cho bà được xưng tội rước lễ. Tin này được báo chí các nước đăng lại.

Trong thông cáo công bố ngày 24-4-2014, cha Lombardi nói rằng ”có nhiều cú điện thoại đã xảy ra trong khuôn khổ các quan hệ mục vụ riêng của ĐGH Phanxicô. Những cú điện thoại như thế tuyệt đối không phải là những hoạt động công cộng của ĐGH, nên không nên chờ đợi những thông tin hoặc bình luận từ phía phòng báo chí Tòa Thánh.”

”Bởi vậy, những điều đã được phổ biến về vấn đề này, rút khỏi khuôn khổ những quan hệ riêng, và sự phóng đại của các cơ quan truyền thông sau đó, không đáng tin cậy và là nguồn mạch gây ra những hiểu lầm và hoang mang.

”Vì vậy cần tránh rút từ vụ này những hệ luận liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội.

Tin về việc ĐGH bảo rằng việc cho người ly dị tái hôn rước lễ lại làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này bùng lên, nhất là trong viễn tượng Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay.

Hồi tháng 9-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phải cải chính tin cho rằng ĐGH Phanxicô điện thoại cho một thanh niên đồng tính luyến ái người Pháp, để trả lời thư trong đó anh ta nói rằng mình bị giằng co giữa đức tin và xu hướng đồng tính luyến ái của anh. (Apic 24-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Dòng La San – Họp Tổng Công Hội lần thứ 45

Dòng La San – Họp Tổng Công Hội lần thứ 45

Dòng La San: Họp Tổng Công Hội lần thứ 45.

Roma (WHÐ 23-04-2014) – 88 sư huynh đại biểu thuộc các Tỉnh dòng La San (Dòng Anh Em Trường Kitô Giáo) tại 80 quốc gia trên khắp thế giới đã quy tụ về Roma để tham dự Tổng Công Hội lần thứ 45 của Dòng, diễn ra từ 22 tháng 04 đến 08 tháng 06 năm 2014 với chủ đề "Công trình này của Chúa cũng là công trình của anh em" ("This work of God is also yours").

Tham dự Tổng Công Hội này, các Công hội viên sẽ:

– lượng giá đời sống của Dòng và việc thực thi sứ mạng La San trong 7 năm qua, kể từ Tổng Công Hội lần trước (2007);

– duyệt lại Luật Dòng;

– bầu chọn Bề Trên Tổng Quyền mới cùng với Hội đồng Cố Vấn Trung Ương (Bề trên Tổng quyền La San hiện nay là sư huynh Álvaro Rodríguez Echeverría, người Costa Rica);

– định hướng sứ mạng La San trong những năm sắp tới.

Tính đến cuối năm 2013, Dòng La San trên thế giới có 1,003 trường học, với 4,288 Sư Huynh trong 699 cộng đoàn. Riêng tại Việt Nam, Dòng La San đã có mặt từ năm 1866. Năm 1896 Tỉnh Dòng Sài Gòn được thành lập và từ năm 1975 đổi tên thành Tỉnh dòng La San Việt Nam. Hiện nay Dòng La San Việt Nam có 93 tu sĩ trong 18 cộng đoàn hoạt động ở 7 giáo phận.

 

Minh Ðức – HĐGMVN

Khó xử về vụ căn hộ sang trọng của Hồng y Bertone

Khó xử về vụ căn hộ sang trọng của Hồng y Bertone

Hồng-y-Bertone

Hồng y người Italy sẽ dọn vào ở trong một căn hộ rộng 6500 sqare foot (600 mét vuông) tại Vatican trong bối cảnh trái ngược với lời kêu gọi về một “Giáo hội nghèo” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhật báo La Repubblica đưa tin hôm Chủ Nhật.

Hồng y Tarcisio Bertone là cựu Tổng trưởng Quốc vụ khanh Toà Thánh, tương đương chức thủ tướng của các quốc gia và bài báo cho biết, việc dọn vào ở trong một căn hộ sang trọng làm dấy lên điều khó xử khi Đức Phanxicô hối thúc các giáo sĩ cần phải sống khiêm hạ hơn.

Căn hộ còn có một sân thượng rộng 100 mét vuông, sát bên cạnh nhà khách St Martha, nơi Đức Phanxicô chọn làm nhà ở khi ngài từ chối sống trong biệt thự dành riêng cho các giáo hoàng.

Tờ La Repubblica cho biết căn hộ của Hồng y Bertone rộng gấp 10 lần căn hộ Đức Phanxicô đang ở và theo kế hoạch sẽ dọn vào đầu mùa hè này sau khi công tác xây dựng mở rộng hoàn tất.

Bản tin cho biết căn nhà bao gồm một căn hộ rộng 400 mét vuông trước đây là nơi sinh sống của người đứng đầu lực lượng hiến binh dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và một căn hộ khoảng 200 mét vuông từng là nơi ở của một Đức ông Vatican.

Thời gian Hồng y Bertone làm Tổng trưởng Quốc vụ khanh dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã gây nhiều chia rẽ nghiêm trọng tại bộ máy quản trị Vatican và các giáo sĩ cao cấp đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng bãi nhiệm ông.

Ông bị chỉ trích là quá độc đoán và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chính trị nhếch nhác của Italy.

Ngay trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bãi nhiệm ông tháng Mười năm ngoái, Hồng y Bertone nói rằng ông là nạn nhân “những con sâu mọt” của hệ thống Vatican.

Tháng qua, Đức Phanxicô chấp thuận đơn xin từ chức của giám mục Limburg, Đức, người có nhiều tai tiếng vì lối sống xa hoa.

Giám mục Franz-Peter Terbartz-van Elst được giới truyền thông gắn biệt hiệu là “giám mục xa hoa” bị chỉ trích về nơi ở chính thức của mình gồm có cả bảo tàng, hội trường, nhà nguyện và những căn hộ riêng.

Dự án có giá trị 5.5 triệu euro nhưng chi phí đã tăng vọt lên 31 triệu euro (43 triệu USD), tất cả đều sử dụng nguồn thu từ thuế tôn giáo tại Đức.

Nguồn AFP

UCANEWS VN

Tại sao tìm Đấng Sống trong những gì mau tàn phai và chết đi?

Tại sao tìm Đấng Sống trong những gì mau tàn phai và chết đi?

Lời cảnh báo ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 90,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần 23-4-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong những ngày này nhiều tín hữu đã tuốn về Roma để chờ tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật 27-4-2014. Thứ tư 23-4-2014 cũng là lễ thánh Giorgio bổn mạng của Đức Thánh Cha. Các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh giới thiệu các nhóm hành hương đã nhân danh mọi người chúc mừng lễ Bổn Mạng Đức Thánh Cha.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến trong các ngày này chúng ta cử hành mầu nhiệm vĩ đại sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong niềm vui vượt qua. Đó là một niềm vui đích thật, sâu xa, dựa trên sự chắc chắn Chúa Kitô phục sinh không chết nữa, nhưng sống và hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới. Sự chắc chắn ấy ngự trị trong con tim của các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh đó, khi các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu và các thiên thần nói với họ: ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa các lời này như sau:

Các lời này giống như một hòn đá mốc lịch sử; nhưng chúng cũng là một ”hòn đá làm vấp ngã”, nếu chúng ta không rộng mở cho Tin Mừng, nếu chúng ta nghĩ rằng một Giêsu chết ít gây khó chịu hơn một Giêsu sống! Trái lại, biết bao nhiêu lần trên con đường thường ngày chúng ta cần nghe nói với chúng ta: ”Sao bạn lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Biết bao nhiêu lần chúng ta cần nghe các lời này để được cứu thoát khỏi các tình trạng khó khăn hay tuyệt vọng.

Chúng ta cần các lời đó, khi chúng ta khép kín trong bất cứ hình thức ích kỷ hay tự mãn nào; khi chúng ta để cho mình bị quyến rũ bởi các quyền lực trần gian và các sự vật của trần gian này mà quên Thiên Chúa và tha nhân; khi chúng ta đặt các niềm hy vọng nơi các phù du trần tục, nơi tiền bạc, nơi thành công. Khi đó lời Chúa nói với chúng ta: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Tại sao con tìm ở đó cái không thể cho con sự sống? Phải! Có lẽ nó sẽ cho con sự vui vẻ trong một phút, một ngày, một tuần, một tháng… Rồi sau đó? ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Câu này phải vào trong tim của chúng ta và chúng ta phải lập lại nó. Chúng ta hãy lập lại nó ba lần nhé? Chúng ta có cố gắng không? Tất cả nào: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” To hơn: ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” ”Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Hôm nay khi về nhà, chúng ta hãy nói lên câu đó trong con tim trong thinh lặng, hãy tự hỏi mình câu đó: ”Tại sao trong cuộc sống tôi lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Làm điều đó sẽ đem lại thiện ích cho chúng ta.

Nhưng không dễ rộng mở cho Chúa Giêsu. Nếu chúng ta lắng nghe, chúng ta có thể rộng mở mình cho Đấng trao ban sự sống, cho Đấng có thể ban cho chúng ta niềm hy vọng đích thật. Trong mùa phục sinh này, chúng ta hãy để cho mình lại được kinh ngạc vì cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh, và sống vì vẻ đẹp và sự phong phú trong sự hiện diện của Người.

Nhưng không dễ dàng. Không phải là điều tính trước việc chấp nhận sự sống của Đấng Phục Sinh và sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Tin Mừng cho chúng ta thấy các phản ứng của tông đồ Tôma, của Maria Madalena và của các môn đệ. Toma đặt ra một điều kiện cho lòng tin, ông xin được sờ mó vào sự hiển nhiên là các vết thương. Bà Maria Madalena thì khóc, bà thấy Chúa nhưng không nhận ra Người, bà chỉ ý thức được đó là Chúa Giêsu khi nghe Người gọi tên bà. Các môn đệ làng Emmaus, bị trầm cảm và với các tâm tình của sự thất bại, đi tới chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu bằng cách để cho người bộ hành bí ẩn đồng hành với họ. Mỗi người bởi các con đường khác nhau! Họ tìm Đấng sống giữa các người chết và chính Chúa sửa chữa lộ trình.

Còn tôi, tôi làm gì? Đâu là lộ trình tôi theo để gặp gỡ Chúa Kitô sống và phục sinh? ”Sao lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Người sẽ luôn luôn ở gần chúng ta để sửa lại lộ trình, nếu chúng ta đã sai. ”Tại sao tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) Câu hỏi này làm cho chúng ta thắng vượt cám đỗ nhìn lại đàng sau, nhìn vào những gì của ngày hôm qua, và thúc đẩy chúng ta hướng tới tương lai.

Chúa Giêsu không ở trong mồ, Người là Đấng đã sống lại, Đấng Sống, Đấng luôn canh tân thân thể Người là Giáo Hội, và làm cho nó bước đi bằng cách kéo lôi nó đến với Người. ”Hôm qua” là mồ của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, mồ của sự thật và của công lý; ”hôm nay” là sự phục sinh vĩnh cửu mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta tiến tới, bằng cách trao ban cho chúng ta sự tự do đích thật.

Hôm nay câu hỏi này cũng được đặt ra với chúng ta. Bạn, tại sao bạn tìm giữa các kẻ chết Đấng sống, và bạn tự khép kín trong chính mình sau một thất bại và bạn không còn sức để cầu nguyện nữa? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng sống, bạn là người cảm thấy cô đơn, bị các bạn bè bỏ rơi và có lẽ bị cả Thiên Chúa bỏ rơi nữa? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng Sống, bạn là người đã mất niềm hy vọng và cảm thấy bị tội lỗi của bạn cầm tù? Tại sao tìm giữa các kẻ chết Đấng Sống, bạn là người ngưỡng mộ vẻ đẹp, sự toàn thiện tinh thần, công lý, hòa bình?

Chúng ta cần nghe lập lại và nhắc nhở nhau lời cảnh báo của thiên thần! Lời cảnh báo này ”Tại sao các ngươi tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân. Chúng ta hãy lập lại câu hỏi đó! ”Tại sao các ngươi lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Anh chị em hãy coi, Người sống, Người ở với chúng ta! Đừng đi tới biết bao nhiêu nấm mồ mà ngày hôm nay chúng hứa hẹn với bạn điều gì đó, vẻ đẹp, nhưng rồi không cho bạn cái gì hết! Người sống! Chúng ta đừng tìm ở giữa các người chết Đấng sống.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Ngoài các nhóm hành hương của các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, còn có các đoàn đến từ các nước Mexico, Costa Rica, Colombia, Argentina và Brazil. Ngài đã đặc biệt chào các tân Phó tế trường Ai Len, thân nhân và bạn bè của các vị.

Ngài cũng cám ơn tất cả các trẻ em, giới trẻ, người già, các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và tu sĩ, cũng như các hiệp hội và phong trào đã gửi lời mừng lễ Phục Sinh, bầy tỏ lòng trìu mến và gần gũi đối với ngài. Đức Thánh Cha xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài và việc phục vụ Giáo Hội của ngài.

Đức Thánh Cha cũng cho mọi người biết Chúa Nhật tới tại Alba có lễ phong Chân phước cho linh mục Giuseppe Girotti, dòng Đa Minh, bị Đức Quốc Xã thù ghét đức tin giết trong trại tập trung Dachau. Ngài cầu mong chứng tá kitô anh hùng và cuộc tử đạo của cha có thể khơi dậy ước muốn ngày càng gắn bó với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người hơn.

Chào các bạn trẻ ngài cầu mong họ luôn sống đức tin với nhiều hăng say và xác tín rằng chỉ có Chúa Giêsu mới cho phép mọi người đạt hạnh phúc đích thực và lâu bền thôi. Đức Thánh Cha khích lệ các người đau yếu tìm được sự ủi an cho các khổ đau của họ nơi Chúa Kitô phục sinh. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới sống hôn nhân trong sự gắn bó với Chúa Kitô và các giáo huấn của Tin Mừng.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải- Vatican Radio

Phỏng vấn ông Marco Roncalli, chắt của Đức Gioan XXIII

Phỏng vấn ông Marco Roncalli, chắt của Đức Gioan XXIII

Chúa Nhật 27-4-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Giữa những người tham dự có bà con thân nhân của Đức Gioan XXIII, trong đó có ông Marco Roncalli, chắt của thánh Giáo Hoàng.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông. Marco Roncalli là nhà báo kiêm văn sĩ và là tác giả cuốn sách tựa đề ”Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII”, liên quan tới cuộc sống và tương quan của Đức Gioan XXIII với châu Mỹ Latinh.

Hỏi: Thưa ông Marco, đâu là nét nổi bật trong gương mặt của Đức Gioan XXIII, ”Vị Giáo Hoàng tốt lành”?

Đáp: Trước hết là sợi chỉ dẫn đường xuyên suốt lộ trình cuộc sống nhân bản và tinh thần của Đức Roncalli, là ngưỡng vọng liên tục sự thánh thiện mà chúng tôi đã chứng minh với các tài liệu. Có thể nói rằng nó lộ hiện từ năm này sang năm khác, tháng này qua tháng khác, mùa này sang mùa khác trong một bức thư, một trang nhật ký, một văn bản hay một ghi chú…

Nhưng chúng tôi cũng tìm ra ý thức rằng sự thánh thiện giả thiết thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, để cho Thiên Chúa uốn nắn. Thế rồi chắc chắn là nó đã được tóm tắt trong các đề nghị thiên thần tỏa thoát ra từ cuốn ”Nhật ký tâm hồn” của ngài. Trong đó đã có dấu ấn đầu tiên là khẩu hiệu ngài chọn khi làm Giám Mục: đó là ”Obedientia et Pax Vâng lời và hòa bình”. Tôi tin rằng chính tại đây cần nhấn mạnh rằng đoạn này đã là tột đỉnh ý nghĩa toàn vẹn của cuộc tôn phong hiển thánh này: đó là sự gắn bó hoàn toàn với Tin Mừng, ý muốn sống trong sự thánh thiện, tìm kiếm nó như mục đích có thể đạt được, mà không coi nó là điều qúa xa vời. Phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa cũng có nghĩa là rồi Thiên Chúa cho phép đạt các mục tiêu ấy, mà tự chúng trong quan niệm của Đức Roncalli, không phải là điều gì siêu phàm, nhưng ở tầm tay của tất cả mọi người, khi một người dấn thân hoàn toàn, nhưng cũng để cho Thiên Chúa uốn nắn.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tôn phong hiển thánh cho Đức Roncalli và Đức Wojtila cùng một trật. Đây có phải là một sự lựa chọn chính xác không?

Đáp: Đây là điều đã xảy ra với chính Đức Gioan Phaolô II hồi năm 2.000. Ngài đã tôn phong Chân phước Đức Pio IX và Đức Gioan XXIII cùng một lần. Lần này Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Có vài nhà bình luận lịch sử nói tới một loại cân bằng. Nhưng mà cân bằng trong nghĩa nào? Ý niệm về sự thánh thiện cũng có thể tới với chúng ta qua các nhậy cảm rất khác nhau. Bởi vì thật là vô ích chối cãi rằng hai vị Giáo Hoàng có hai kiểu sống, hai nhậy cảm và có lẽ cả hai cung cách sống sự thánh thiện khác nhau. Nơi Đức Gioan Phaolô II chiều kích thần bí xem ra được nhấn nạnh hơn, có lẽ được vun trồng trong tương quan của ngài với Thiên Chúa. Nơi Đức Roncalli có lẽ hiển nhiên hơn sự chồng lên nhau giữa chiều kích riêng tư và chiều kích công cộng. Dầu sao đi nữa trong cả hai trường hợp chắc chắn có cùng sự trung thành với Tin Mừng.

Hỏi: Ngay trong các ngày đầu tiên triều đại của Đức Gioan XXIII đã có các dấu chỉ khác nhau của sự mới mẻ, khiến cho nhiều quan sát viên kinh ngạc, có đúng thế không, thưa ông?

Đáp: Vâng, đã có các dấu chỉ rất mạnh mẽ: chẳng hạn như từ sự bình thường hóa giáo triều cho tới việc nới rộng con số các Hồng Y với Công Nghị tấn phong Hồng Y mới, là điều đã không được làm từ lâu. Và cả điều này nữa cũng lập tức trao ban một dấu chỉ mới rất mạnh, từ gương mặt của Đức Giovanni Battista Montini. Nhưng rồi tôi nghĩ tới các hình ảnh rất mạnh mẽ in sâu trong tâm trí của những người đã trông thấy chúng hồi đó, hay của những người đọc lại chúng ngày nay. Chẳng hạn như sự kiện Đức Gioan XXIII đến thăm các trẻ em trong nhà thương nhi đồng Chúa Hài Đồng Giêsu và các bệnh nhân trong các nhà thương ở Roma. Tôi nghĩ tới cuộc viếng thăm các tù nhân nhà tù Regina Coeli ngày lễ thánh Stefano, cũng như buổi lễ nhận nhà thờ chính tòa Gioan Laterano. Đức Gioan XXIII đã trở lại đây vào cuối tháng 11 năm 1958, khi ngài đến thăm đại chủng viện nơi ngài đã theo học.

Những gì ngài nói buông với các trẻ em giúp lễ cũng rất hay. Ngài không chỉ nhắc tới các năm đào tạo mà cũng nhắc tới các chủng sinh, và nói rằng ngài bối rối khi nghe người ta gọi ngài là ”Đức Thánh Cha”. Rồi ngài kết luận: ”Các con hãy cầu xin Chúa cho cha để Người ban cho cha ơn thánh thiện mà người ta gán cho cha. Bởi vì nói tới hay tin vào sự thánh thiện là một chuyện, còn có sống thánh không lại là chuyện khác”.

Hỏi: Thưa ông Marco, chúng ta cũng nhớ là ngày 25 tháng giêng năm 1959 khi Đức Gioan XXIII loan báo tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành rằng ngài muốn triệu tập Công Đồng Chung, chúng ta đang ở trong một thời đại lịch sử, trong đó các thần học gia tin rằng thời đại của Công Đồng phải được coi như là khép lại hoàn toàn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Bề ngoài cùng với ý nghĩ đó còn có định nghĩa về sự không thể sai lầm của Giáo Hoàng nữa. Có cần phải khiến cho 2.800 nghị phụ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Roma không? Trái lại, đây chính là sức mạnh và lòng can đảm của Đức Gioan XXIII, khi đưa ra quyết định ngoại thường có tính cách cá nhân này, bởi vì ngài đã hỏi ý kiến của một vài cộng sự viên lập tức, chứ không đưa ra chương trình nghiên cứu dự án Công Đồng cách sâu rộng như bao Giáo Hoàng trước ngài đã làm. Ngài cũng đã cảm thấy được linh hứng và được củng cố bởi Đức Hồng Y Tardini và những vị khác. Việc Ngài loan báo triệu tập Công Đồng gây kinh ngạc và khiến cho nhiều Hồng Y câm nín khi nghe loan báo ngày 25 tháng Giêng năm 1959. Rồi từ đó trở đi, như qúy vị đã rõ, đó là con đường chuẩn bị, dài hơn thời gian họp Công Đồng, với các thời điểm quan trọng, với các sứ điệp qua đài phát thanh, qua đó Đức Gioan XXIII thực sự mời gọi toàn thể Giáo Hội suy tư về chính mình và trách nhiệm của mình đối với con người, và có thái độ sống mới. Chỉ cần nhớ tới vài câu của bài diễn văn nổi tiếng ”Gaudet Mater Ecclesia”, khi Công Đồng khai mở sau thời gian chuẩn bị. Tôi chỉ xin trích một câu thôi, điều này nhấn mạnh rằng Giáo Hội ưa thích dùng phương thuốc của lòng thương xót, là một từ khác nữa trong các từ rất thường được dùng trở lại trong các ngày đó.

Hỏi: Liên quan tới châu Mỹ Latinh đâu đã là âu lo đầu tiên của Đức Gioan XXIII đối với vai trò của Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh?

Đáp: Âu lo của ngài cũng là những âu lo đối với các vùng khác của đại lục này: đó là nền hòa bình, hạnh phúc tinh thần và vật chất. Đương nhiên là trong ý thức Châu Mỹ Latinh là một vùng đất có nhiều nguy cơ vì chính sách cai trị của các chính quyền địa phương, và cũng vì sợ rằng với Cuba các nước này có thể chịu cùng số phận như thế. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng Đức Cha Antonio Samorè, hồi đó là Thư ký phân bộ ngoại vụ Phủ Quốc Vụ Khanh, đã tham dự nhiều phiên họp của các đại diện các Hội Đồng Giám Mục Bắc và Nam Mỹ, và đã nghĩ ra các hình thức cộng tác mới trong công tác tông đồ. Và không phải là bí mật gì việc đôi khi ngài đã phải vất vả ”dung hòa” lập trường chiến thuật liên quan tới Châu Mỹ Latinh đối với các vị khác của Phủ Quốc Vụ KHanh Tòa Thánh. Và công việc phải làm bên Châu Mỹ Latinh thì bao la: ngày 24 tháng Giêng Đức Gioan XXIII viết trong nhật ký: ”Buổi tiếp kiến Đức Cha Samorè sáng nay đã cảm hóa và đưa tôi vào trong công việc rộng rãi đối với Châu Mỹ Latinh mà Phủ Quốc Vụ Khanh chú ý”. Ngày 13 tháng 8 năm 1962 Đức Thánh Cha Gioan XXIII cũng còn ghi: ”Đã tiếp: Đức Hồng Y Giám Quản xác nhận với tôi sự hài lòng của người đối với dự án tòa giám quản Laterrano. Đức Cha Samorè là người thường có cái nhìn về các điều kiện chính trị tôn giáo trong các nước khác trên thế giới, cách riêng Châu Mỹ Latinh. Đức Cha Luigi Centoz, Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba, đã rất là hay, giờ đây được nâng lên hàng Phó nhiếp chính của Giáo Hội công giáo Roma, khi trống ngôi Giáo Hoàng. Tôi đã cám ơn người rất nhiều về công việc phục vụ quý báu tại Cuba, nơi người đã vượt quá mọi chờ mong”.

Hỏi: Thưa ông, vào năm 1960 Đức Gioan XXIII đã gửi một sứ điệp lịch sử đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha cho Brasil nhân dịp lễ khánh thành thủ đô Brasilia. Đức Gioan XXIII đã học ngôn ngữ của ông Camões là nhà thơ lớn nhất người Bồ Đào Nha, và ngài đã có các chú ý đặc biệt nào đối với Brasil?

Đáp: Brasil quốc gia mênh mông có thủ đô đã được Đức Gioan XXIII chào mừng. Nhưng trước đó ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1959 vài nhà ngoại giao Brasil đã được ngài tiếp kiến. Ghi chú đầu tiên liên quan tới Brasil là ngày 21 tháng 7 năm 1959, khi Đức Gioan XXIII tiếp thủ tướng Nhật Nobosuke Kishi và ngài đã viết: ”Nhật Bản là quốc gia lớn đối với các lợi lộc của Nước Chúa Kitô: siêu dân số gây ấn tượng và di cư không lay chuyển. Brasil hầu như là quốc gia mênh mông duy nhất có khả năng nhận điều mà Nhật Bản không thể chứa đựng”… Rồi ngày 31 tháng 7 năm 1959 Đức Gioan XXIII tiếp Bộ trưởng Hải quân Brasil, Đô đốc Jorge Do Passo Mattoso Maia, phu nhân và đoàn tùy tùng. Ngày 7 tháng 9 Đức Cha Armando Lombardi Sứ Thần Tòa Thánh tại Brasil được Đức Gioan XXIII tiếp kiến. Ngày mùng 2 tháng Giêng năm 1960 đại sứ các nước Bolivia, Haiti, Venezuela cùng đại sứ Brasil đến gặp Đức Gioan XXIII, Và Đức Thánh Cha ghi trong nhật ký: ”Đại sứ Bolivia xin một Hồng Y cho nước mình”. Đây là điều sẽ được thực hiện dưới thời Đức Phaolô VI.

Ngài cũng dành mấy hàng cho Brasil trong nhật ký ngày 21 tháng 4 năm 1960: ”Hôm nay lễ Giáng Sinh tại Roma và là ngày khánh thành thủ đô Brasilia, thủ đô thứ ba của quốc gia mênh mông này, nơi có hơn 60 triệu tín hữu công giáo. Tối vừa qua tôi đã gửi một sứ điệp chúc mừng và phép lành bằng tiếng Bồ Đào Nha. Đại sứ Ribeiro Briggs Moacyr, trưa hôm nay sẽ đến đọc cho tôi nghe một sứ điệp đặc biệt của tổng thống, bầy tỏ lòng kính trọng Giáo Hoàng và Giáo Hội công giáo nhân danh quốc gia này. Tôi đã mời ông đại sứ cùng tôi đọc kinh Truyền Tin trong sự hiệp thông và cầu phúc lành của trời cao cho toàn nước Brasil”. Còn có một ghi chú khác ngày 1 tháng 8 năm 1960: ”Ôi, bầu trời tại một vài phần trên thế giới đen tối chừng nào! Và có biết bao bất an cho Hội Thánh! Chủ thuyết cộng sản tiếp tục sự len lỏi tai hại của nó: từ Brasil có các tin tức đớn đau liên quan tới vài Giám Mục hoạt động cho sự ly giáo”. Đó là vụ Đức Cha Carlos Duarte Costa, Giám Mục giáo phận Botacatù, bị vạ tuyệt thông năm 1964 vì đã thành lập ”Giáo Hội công giáo tông truyền Brasil”, bằng cách truyền chức bất hợp pháp 15 Giám Mục và một số linh mục. Mục sư tin lành Salomon Ferraz cũng đi theo và được phong Giám Mục, nhưng sau này sẽ thành lập một giáo phái riêng rẽ. Nhưng cuộc ly giáo thứ hai này được giải quyết êm thắm, khi Đức Cha Ferraz trở về với Giáo Hội công giáo tháng 12 năm 1959 và chức giám mục được thừa nhận. Tiếp theo đó nhật ký của Đức Gioan XXIII nhắc tới các cuộc gặp gỡ với các Giám Mục và giới chức ngoại giao đến từ Brasil.

(SD 18-4-2014; RG 21-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II LÀ CÁC NGƯỜI CÔNG CHÍNH

ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II LÀ CÁC NGƯỜI CÔNG CHÍNH

ROMA: Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II là các người công chính và việc tưởng niệm các vị là một phúc lành cho tất cả chúng ta.

Ông Elio Toaff, nguyên Rabbi trưởng Roma, đã khẳng định như trên liên quan tới lễ phong hiển thánh cho hai vị Giáo Hoàng lớn của Giáo Hội Công Giáo vào ngày 27-4-2014 tại Roma. Rabbi Toaff còn nhớ Dịp lễ Vượt Qua năm 1987 Đức Gioan Phaolô II đã viết thư cho ông để bầy tỏ các ước mong dấn thân của các tín hữu kitô và do thái cùng nhau tiến bước trên con đường của sự tự do, niềm tin, hy vọng và tươi vui trong tim và luôn nhớ rằng con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Sách Talmud có nói rằng mỗi thế hệ đều biết tới 36 người công chính, và số phận của con người tùy thuộc nơi cung cách sống của họ, vì họ đem theo trong mình sự hiện diện của Thiên Chúa hơn những người khác. Họ công chính vì đã tận hiến cuộc đời phục vụ tha nhân và vinh quang của Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II là người công chính vì các cử chỉ của ngài đã viếng thăm hội đường do thái ở Roma, traị tập trung Auschwitz và bức tường phía tây ở Giêrusalem.

Chúng là các cử chỉ can đảm cương quyết làm thành cột mốc lịch sử diễn tả lòng trìu mến chân thành của ngài và sự cảm thông đối với dân Israel cũng như đền bù đối với các khổ đau và các sai lầm trong dòng lich sử đối với dân Do thái, đạt tột đỉnh với nạn diệt chủng Shoah.

Trung tâm Simon Wiesenthal, là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất của người Do thái, cũng phổ biến bài viết ca ngợi Đức Gioan XXIII như là sức mạnh linh hoạt Công Đồng Chung Vatican II và thay đổi kiểu tín hữu công giáo nhìn các tôn giáo khác, đặc biệt là Do thái giáo. Rabbi Yizsac Adlerstein, giám đốc văn phòng liên tôn của trung tâm, ghi nhận rằng tài liệu Nostra Aetate về liên tôn của Công Đồng đã chấm dứt hàng thế kỷ bài Do thái giáo, và khiến cho tương quan giữa các tín hữu kitô và do thái ở trên bình diện tôn trong lẫn nhau. Trong khi rabbi Abraham Cooper, đồng giám đốc trung tâm, nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử viếng thăm Hội đường Do thái Roma, ôm hôn rabbi Elio Toaff và gọi tín hữu do thái là ”các người anh cả” của kitô hữu.

Ngoài ra Đức Gioan Phaolô II đã chinh phục trái tim của người Do thái, khi quyết định thiết lập ngoại giao với nước Israel và nhét lời cầu của ngài vào Bức Tường Khóc khi viếng thăm Giêrusalem, qua đó ngài công nhận máu của các thế hệ do thái đã đổ ra vì Kitô giáo và cầu xin ơn tha thứ. Đây là cử chỉ sẽ không bao giờ bị lãng quên (SD 19-4-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

HÃY TỎA SÁNG TIN MỪNG PHỤC SINH TRONG CUNG CÁCH SỐNG THƯỜNG NGÀY

HÃY TỎA SÁNG TIN MỪNG PHỤC SINH TRONG CUNG CÁCH SỐNG THƯỜNG NGÀY

VATICAN: Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa thứ hai tuần Bát Nhật Phục Sinh 21-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người giãi tỏa ánh sáng Tin Mừng Phục Sinh trong cung cách sống thường ngày.

Ngài nói: ”Cristos anèsti! Alethos anèsti. Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã sống lại thật!”. Trong tuần này chúng ta có thể tiếp tục chúc mừng lễ Phục Sinh nhau, như thể là một ngày duy nhất. Đây là ngày vĩ đại Chúa đã làm ra. Tâm tình nổi bật lộ ra từ các trình thuật phúc âm phục sinh là niềm vui tràn đầy kinh ngạc… Chúng ta hãy để cho kinh nghiệm in sâu trong Tin Mừng này cũng được diễn tả ra trong con tim và tỏ hiện trong cuộc sống. Chúng ta hãy để cho sự kinh ngạc tươi vui của Chúa Nhật Phục Sinh giãi tỏa ra trong tư tưởng, cái nhìn, trong các thái độ, cử chỉ và lời nói… Đây không phải là sự ngụy trang, nhưng là điều đến từ một con tim chìm ngập trong suối nguồn của của niềm vui, như niềm vui của bà Maria Madalena than khóc việc mất Chúa và không tin vào mắt mình, khi thấy Người đã sống lại. Ai sống kinh nghiệm này thì trở thành chứng nhân của sự Phục Sinh, bởi vì trong một nghĩa nào đó chính họ đã sống lại. Vì vậy họ có khả năng đem một ”tia ánh sáng” của Chúa Phục Sinh tới các hoàn cảnh khác nhau của con người: trong các hoàn cảnh hạnh phúc bằng cách khiến cho chúng tươi đẹp hơn và giữ gìn chúng khỏi sự ích kỷ; trong các hoàn cảnh khổ đau họ đem đến sự thanh thản và niềm hy vọng.

Trong tuần này thật là điều thiện ích, khi nghĩ tới niềm vui của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Như nỗi khổ đau của Mẹ đã sâu đậm tới đâm thấu linh hồn Mẹ, niềm vui của Mẹ đã sâu kín và các môn đệ có thể kín múc từ đó. Vì đã đi ngang qua kinh nghiệm cái chết và sự phục sinh của Con Mẹ trong lòng tin như là việc diễn tả tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa, con tim của Đức Maria đã trở thành suối nguồn an bình, ủi an, hy vọng, thương xót. Tất cả mọi đặc quyền của Mẹ chúng ta bắt nguồn từ đây, từ việc tham dự vào lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Mẹ đã chết với Người; Mẹ đã sống lại với Người. Từ thứ sáu cho tới sáng Chúa Nhật Mẹ đã không mất niềm hy vọng: chúng ta đã chiêm ngưỡng Mẹ sầu bi, nhưng đồng thời chúng ta cũng chiêm ngưỡng Mẹ tràn đầy hy vọng. Vì thế Mẹ là Mẹ của tất cả mọi môn đệ, là Mẹ của Giáo Hội.

Chúng ta hãy xin với Mẹ là chứng nhân thinh lặng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, dẫn đưa chúng ta vào trong niềm vui phục sinh, bằng cách đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong mùa Phục Sinh thay cho kinh Truyền Tin.

Sau khi đọc kinh và ban phép lành tòa thánh cho tín hữu, Đức Thánh Cha chào tín hữu Italia cũng như các tín hữu hành hương đến từ các nơi khác trên thế giới. Ngài cầu chúc từng người sống ngày Thứ hai của Thiên thần trong tươi vui thanh thản, là ngày kéo dài niềm vui lễ Phục Sinh của Chúa Kitô (SD 214-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

LỄ PHỤC SINH TẠI GIÊRUSALEM: LỜI MỜI GỌI VUI LÊN

LỄ PHỤC SINH TẠI GIÊRUSALEM: LỜI MỜI GỌI VUI LÊN

GIÊRUSALEM: Lễ Phục Sinh tại Giêrusalem đã do Đức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal cử hành lúc 6 giờ 30 sáng thứ bẩy vừa qua tại vương cung thánh đường Phục Sinh ở Giêrusalem. Năm nay ngày lễ trùng với lễ Phục Sinh của Giáo Hội chính thống.

Linh mục Frédéric Manns, giáo sư Thánh Kinh tại Học viện kinh thánh Phanxicô ở Giêrusalem, cho biết khi vừa vào vương cung thánh đường, người ta đã ngửi thấy mùi dầu thơm xức trên phiến đá liệm xác Chúa Giêsu. Nó nhắc nhớ ơn gọi của kitô hữu là đem theo mình mùi thơm của Chúa Kitô. Chúng ta gọi là nhà thờ Thánh Mộ, nhưng anh em kitô hy lạp đông phương gọi là nhà thờ Chúa Sống Lại. Từ Mồ Chúa nảy sinh ra ánh sáng và từ đó vị Giám Mục công bố Tin Mừng của Chúa, chỗi dậy từ sự chết. Rồi Giáo Hội suy niệm tất cả các việc kỳ diệu của Chúa bằng cách đọc lại Thánh Kinh, với bẩy bài đọc. Tiếp đến các thành phần được tái sinh được mời gọi tiến tới Bàn Tiệc Thánh của Chúa. Chúa phục sinh trao ban sự sống và ơn Thánh Thần. Chúng ta đã hiện thực mầu nhiệm này trong việc cử hành bí tích Thánh Thể. Và như thế chúng ta có tất cả ba yếu tố của giáo lý kitô: Chúa Kitô đã chết cho chúng ta; Chúa Kitô sống lại cho ơn công chính hóa của chúng ta; Chúa Kitô tha các tội lỗi chúng ta trong bí tích Rửa Rội.

Điều đẹp nhất trong phụng vụ cử hành tại Giêrusalem đó là từ Mộ Thánh nảy sinh ra ánh sáng mới. Theo truyền thống có từ thời bà Eugenia hành hương Thánh Địa hồi thế kỷ thứ IV, chính Đức Giám Mục chứ không phải Phó tế, công bố Tin Mừng của Chúa trước nhà nguyện Sống Lại. Biểu tượng ánh sáng rất quan trọng: nó nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng, con người được mặc lấy ánh sáng và chúng ta tất cả phải là con cái sự sáng.

Sứ điệp được trình bầy rõ ràng trong bài Thánh Thi ”Exultet Hãy vui lên” ôn lại các chặng chính của lịch sử cứu độ. Sứ điệp nền tảng là các phụ nữ đã nhận được sứ điệp đem tin vui phục sinh cho các Tông Đồ. Truyền thống giáo phụ gọi họ là các ”nữ tông đồ của các Tông Đồ”. Như thế ơn gọi của các phụ nữ là những người mang hương thơm của Chúa Kitô. Sứ điệp của Tin Mừng: đó là Chúa sẽ đi trước đến Galilea, là vùng đất của dân ngoại, vùng đất của thế giới tục hóa, nơi chúng ta sống và nhận sứ điệp sự sống mạnh hơn cái chết. Tại Giêrusalem cũng như trong toàn vùng Trung Đông còn có biết bao nhiêu khổ đau, nhưng dưới ánh sáng của lễ Phục Sinh các đau khổ đó của con người được biến đổi. Sứ điệp phục sinh: đó là Thiên Chúa tạo dựng một trời mới, một đất mới và một con người mới (RG 19-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Nấm mồ vỡ nát

Nấm mồ vỡ nát

Chiều thứ sáu Chúa tử nạn, màu tang tóc phủ kín khắp không gian. Mây u ám như trùm lên nhân gian lên một nỗi buồn đau sầu tủi. Bóng tối bao phủ trái đất in mờ bóng ba cây thập giá trên nền trời đen thẳm. Theo lối nhìn bình thường ở đời, cái chết của Đức Giêsu là một thất bại lớn. Thập giá là một tủi nhục đến tột cùng.

Đức Giêsu đã an nghỉ trong mộ. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn ngôi mộ khác. Thân xác Người nằm trong mộ như hạt lúa ủ trong lòng đất. Có ai nghe được tiếng hạt giống cựa mình? Có ai thấy được một mầm non đang nhú?

Trước khi rời nghĩa trang, các phụ nữ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thầy dấu yêu của họ. Mong mau hết ngày hưu lễ, họ sẽ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị. Đêm dài quá! Họ chỉ mong trời mau sáng. Họ thấp thỏm không ngủ được. Họ chỉ nghĩ đến ngôi mộ, với xác thân của Thầy nằm đó.

Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ rồi. Các Thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62),  và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Cận vệ đền thờ nghĩ rằng, dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Đấng Chịu Đóng Đinh?

Giêsu người thành Nagiarét đã yên nghĩ trong mồ sâu. Tảng đá đã lấp cửa mồ. Nỗi lo sợ và niềm đau xót đã giam hãm các môn đệ trong các căn phòng đóng kín. Hãy yên nghỉ và quên đi những đau khổ. Hãy quên đi những oan kiên và tất tưởi của phận người. Hãy quên đi những tiếng la ó, những lời thóa mạ và bản án bất công. Hãy quên đi những tiếng búa nặng nề trên những đinh nhọn xuyên thấu tay chân. Hãy quên đi cơn hấp hối kinh hoàng. Và hãy quên đi đồi Golgotha loang máu chiều tử nạn thê lương.

Câu chuyện tưởng đã ngũ yên, người đời sẽ mau quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới Giêsu Nagiarét nữa…

  1. Nấm mồ mở toang

Vậy mà, khi ngày Sabat chấm dứt, vào rạng sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna và một số phụ nữ đang âm thầm lặng lẽ dưới sương mai, gió sớm se lạnh, hối hả bước đi, lòng trí chỉ còn những kỷ niệm xót xa đắng đót. Họ vội vã chạy ra mồ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thầy.

Đến cửa mồ, họ phát hiện ngôi mộ mở toang, trống rỗng, và thân xác Thầy yêu quý đã không còn trong đó nữa. Dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ. Họ hết sức sững sờ khi thấy mồ trống, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thầy. Họ nghĩ lại mất Thầy lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười Hai. Họ xúc động và âu lo: "Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu".

Các môn đệ đã hoang mang sợ hãi, nay càng thêm hốt hoảng khi nghe tin này. Phêrô và Gioan cũng bị lôi cuốn và muốn tìm ra sự thật. Cả hai bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng Gioan chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Phêrô cũng vừa tới nơi. Tảng đá niêm mồ đã trở thành thử thách đầu tiên đối với niềm tin các môn đệ vào Thầy Giêsu. Trông thấy tảng đá lăn qua một bên, cả ba người đã có thể nhận ra dấu chỉ Chúa đã sống lại. Cả ba đều hụt hẫng, chưa thể thấu đạt những lời Chúa đã báo trước.

  1. Thấy và tin

Tuy Phêrô, Gioan và Mađalêna chưa nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ tảng đá lấp cửa mồ, nhưng những trải nghiệm thân tình sống với Thầy đã thôi thúc họ tìm hiểu cặn kẽ những gì vừa xảy đến sáng nay.

Gioan cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất. Rồi Phêrô bước hẳn vào trong mồ. Cả hai đều thấy “Những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi”. Đây là một dấu hiệu mang nhiều ý nghĩa: Thầy đã chỗi dậy, tự mình gỡ và xếp ngay ngắn các băng vải liệm và khăn băng đầu. Chỉ có người đang sống mới làm những việc tỉ mỉ đó. Thầy không còn chết nữa. Thầy đang sống. Thầy đã đánh bại sự chết và bước ra khỏi nấm mồ rồi. Gioan “đã thấy và đã tin”. Không như khi nhìn thấy tảng đá lăn qua một bên, lần này Gioan tin Thầy đã sống lại. Lời tuyên xưng “đã thấy và đã tin”.  diễn đạt quá trình từ “thấy” đến gắn bó trọn vẹn niềm tin vào Đấng Phục Sinh.Gioan đã thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Ngay giây phút thấy cũng là lúc Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: "Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Ga 2,19). Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy" (Mt 12,40). Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: "Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại" (Lc 18,31-33). Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: "Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay… Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê" (Mt 26,31-32)…Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

  1. Ánh sáng bừng tỏa

Từ ngôi mồ trống, ánh sáng Phục sinh bừng toả. Sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Nấm mồ bằng đá nặng nề đã vỡ tan như vỏ trứng. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an. Tảng đá lấp mộ làm sao niêm giữ được Người! Nấm mồ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Đức Giêsu dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi sống trường sinh.

Mặt Trời Công Chính đã Phục Sinh. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát đắng cay. Tin mừng đã lau khô đôi mắt ngấn lệ khóc lóc tiếc thương của các môn đệ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Chúa đã chỗi dậy từ chính nơi đã được mai táng. Ánh sáng tràn ngập. Niềm hy vọng lớn lao đã được bắt đầu từ chính nơi hôm qua còn đầy đau thương tuyệt vọng.Từ đây các môn đệ bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.

  1. Chúa đã sống lại thật! Allêluia!

Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ. Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại.

Chúa Giêsu Phục Sinh. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã trở thành niềm tin và sức sống mãnh liệt cho nhân loại hơn hai ngàn năm qua. Phục Sinh là một biến cố làm nên lịch sử, và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin Phục Sinh và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin Phục Sinh. Giáo Hội làm chứng bằng tình yêu và sự xác tín dọc dài dòng lịch sử.

Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối? Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân? Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã đem theo những đau khổ của loài người đi về miền hạnh phúc. Ngài đưa cuộc sống trần gian hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Kitô đã sống lại. Từ nay thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là biểu tượng của vinh quang. Chúa Kitô đã sống lại, cái chết không còn là ngõ cụt mà là cánh cửa mở về đời sống mới. Chúa Kitô đã sống lại, Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chúng ta cũng được hưởng vinh quang với Ngài. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.

Phục Sinh là biến cố lạ thường, chưa từng có bao giờ trong lịch sử nhân loại. Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm Tình Yêu cứu độ. Những chứng nhân đâu tiên của Chúa Phục Sinh cũng là những chứng nhân Tình Yêu.Các môn đệ, bằng các cảm nghiệm bản thân đã tin vào sự Phục Sinh của Thầy mình. Cảm nghiệm thì mỗi người mỗi cách. Mỗi người đều có một kinh nghiệm về đức tin vào Chúa Giêsu một cách khác nhau.

Có người được Chúa ban cho một tình yêu mạnh mẽ như Gioan, cho dù phải sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ vững niềm tin. Người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ “thấy cái tối thiểu”, tuy nhiên lại luôn“tin tối đa”.Tình yêu bồi bổ niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.

Có người được Chúa ban cho những kinh nghiệm như Phêrô: yêu mến Thầy nồng nàn, nhưng hay nóng vội, quá tin tưởng vào sức mình; khi gặp những hoàn cảnh khó khăn thì lại trở nên nhát đảm, không dám bày tỏ niềm tin của mình. Nhưng một khi được gặp lại Chúa Phục Sinh, niềm tin đã trở thành như núi đá, không gì có thể lay chuyển được. Sẵn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho đức tin.

Có người được Chúa ban cho một niềm tin đơn sơ như những người phụ nữ đạo đức. Họ chẳng cần lý luận, chỉ cần yêu mến Chúa và cảm nhận được lòng Chúa yêu thương. Họ sẵn sàng cho đi tất cả và chỉ mong được ở bên cạnh Thầy tôn kính.

Mỗi người có một cách thế tiếp cận niềm tin và biểu lộ đức tin; nhưng tất cả đều có một điểm chung là họ yêu mến Chúa và sẵn sàng làm chứng bằng cuộc sống và cả mạng sống của mình.

Hãy hát lên khúc hát Allêluia với những nột nhạc tin yêu và hy vọng. Hãy sống niềm vui Phục Sinh giữa đời và hãy làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng một đời sống chan hòa bình an và yêu thương.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

RAO TRUYỀN ƠN PHỤC SINH

RAO TRUYỀN ƠN PHỤC SINH

Sau, ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng.

Còn đâu niềm vui khi được ở bên người Thầy yêu dấu. Còn đâu an ủi khi thấy những người đói khát được ăn no, người bệnh tật được chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại. Còn đâu niềm hy vọng tràn trề khi chứng kiến ma quỷ bị xua đuổi.

Tất cả đã chìm vào quá khứ. Giờ đây sự ác đã chiến thắng, sự dữ đã thống trị. Cả một bầu trời tang tóc phủ trùm trên những người tin Chúa. Tâm hồn các ngài như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của các ngài như cùng bị chôn táng trong mộ với người Thầy yêu quý.

Giữa lúc ấy, Chúa sống lại khải hoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh đã khiến cuộc đời các ngài thay đổi tận gốc rễ.

Khi tảng đá lấp cửa mộ tung ra cũng là lúc tâm hồn các ngài thoát khỏi màn đêm vây phủ. Khi gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn các ngài bừng lên sức sống mới. Máu chảy rần rần. Tim đập rộn ràng. Mắt sáng. Miệng tươi.

Các ngài như người đã chết nay sống lại. Chúa Giêsu đã Phục Sinh tâm hồn các ngài. Sự sống mới của Chúa đã tràn vào các ngài. Ơn Phục Sinh đã được ban cho các ngài. Sự sợ hãi đã trở thành mạnh dạn. Sự yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ. Sự thất vọng đã biến thành hy vọng. Nỗi sầu khổ đã biến thành niềm vui.

Cảm nghiệm ơn Phục Sinh rồi, các môn đệ không còn có thể ngồi yên trong căn phòng đóng kín cửa nữa. Các ngài mở tung cửa, hăng hái ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh chia sẻ cho mọi người. Các ngài muốn vực dậy những mảnh đời đang chết dần mòn. Các ngài muốn phục hồi những tâm hồn đang héo úa. Các ngài muốn thế giới biến đổi trong một đời sống mới, tươi vui, hạnh phúc, dồi dào hơn.

Hôm nay Chúa muốn cho tất cả mọi người chúng ta, noi gương các Thánh Tông đồ, tiếp nối công việc của Chúa, đem ơn Phục Sinh đến với mọi người.

Có những người đang chết dần mòn vì không đủ cơm ăn áo mặc. Có những cuộc đời tàn lụi đi vì bệnh hoạn tật nguyền. Có những tấm thân gầy mòn vì lao lực vất vả. Có những cuộc đời trẻ thơ bị giam kín trong tăm tối thất học, nghèo nàn. Tất cả đang đợi chờ được Phục Sinh.
Có những tâm hồn đang ủ rũ vì buồn phiền. Có những mạch máu như ngừng chảy vì đau khổ. Có những trái tim đang tan nát vì bị phản bội. Có những cuộc đời cay đắng vì thất bại. Có những tương lai bị chôn kín trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.

Nhất là có những tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi. Có những linh hồn đang tự huỷ hoại trong đam mê tiền bạc, quyền lợi, danh vọng. Có những niềm tin héo úa vì lạc hướng. Có những đời sống đang rỉ máu vì chia rẽ bất hoà. Có những cuộc đời đang chao đảo vì gặp khó khăn thử thách. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.

Đem Tin Mừng Phục Sinh đó là giúp cuộc đời anh em thoát khỏi những bế tắc, giúp cho linh hồn anh em được sống cao thượng và khôi phục niềm tin yêu của anh em vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.

Tuy nhiên, để có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi người, bản thân ta cần được Phục Sinh trước.

Trong chính bản thân ta cũng đang chất chứa những mầm mống chết chóc đó là những tội lỗi, đam mê, dục vọng. Trong chính bản thân ta cũng đang ấp ủ những lực lượng tàn phá đó là thói kiêu căng, ích kỷ, chia rẽ, bất hoà, tham lam, bất công. Trong chính bản thân ta đức tin đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang lụi tàn.

Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Bạn có nhận thấy những lực lượng sự chết đang ở trong lòng người bạn không? Bạn có muốn loại trừ chúng không?
2. Bạn có thấy ơn Phục Sinh là cần thiết không?
3. Bạn có sẵn sàng đem ơn Phục Sinh cho mọi người không?
4. Tuần này, bạn sẽ sống mầu nhiệm Chúa Phục Sinh thế nào?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Tình yêu dẫn đến đức tin

Tình yêu dẫn đến đức tin

Trong Tin Mừng Chúa Nhật Phúc Sinh, thánh Gioan kể lại cho chúng ta câu chuyện 3 người đi tìm Chúa: Maria Mađalêna, Gioan và Phêrô.

Khi đọc đoạn Phúc Âm đó, chắc chắn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng tất cả 3 người đều đến mồ, đều thấy cùng một sự kiện mồ trống và khăn liệm, nhưng chỉ có mỗi mình Gioan là tin Chúa Giêsu đã sống lại. Thánh Gioan đã viết về chính mình rằng: "Ông thấy và ông đã tin".

Để hiểu rõ câu chuyện, chúng ta hãy trở lại chương 16. Sau khi Chúa Giêsu chết, người Do Thái đến xin Philatô cho hạ xác những người đóng đinh xuống vì họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày thứ bảy, ngày sabbat, nhất là ngày sabbat trong lễ Vượt Qua của họ.
Phép tắc, thủ tục xong, xác Chúa được hạ xuống. Theo phong tục người Do Thái, họ tính bắt đầu ngày mới từ lúc mặt trời lặn.

Maria Mađalêna và các môn đệ có mặt lo hối hả để chôn xác Chúa cho xong và ra về trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật tôn giáo vì ngày sabbat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi.

Chúng ta cũng nên biết qua cách liệm xác của người Do Thái. Cách liệm xác của họ là rửa xác, ướp thuốc thơm và gói lại bằng tấm vải trắng, lấy băng quấn lại từ đầu đến chân như người ta băng bó vết thương, xong xuôi đâu đó đem đặt xác vào trong hang huyệt đục sẵn trong đá và lấy tảng đá to đậy cửa hang lại.

Vì hối hả nên Maria Mađalêna về nhà nhận thấy mình không cẩn thận đủ đối với Thầy Giêsu của mình và nóng lòng chờ đến sau ngày thứ bảy. Vào ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa nhật, bà đem thuốc thơm đến mồ để ướp xác lại. Khi đến nơi bà thấy mồ trống, cửa đã được đẩy ra và Thầy không còn trong đó nên vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Gioan là thanh niên trai trẻ chạy nhanh hơn Phêrô nên ra đến mồ trước. Đến nơi Gioan chỉ đứng ngoài khom người nhìn vào chờ Phêrô đến, cả hai cùng vào mồ, họ đều thấy dây băng liệm và vải liệm, nhưng Gioan thú thực trong lòng ông đã tin Chúa sống lại. Phân tích tâm lý của 3 nhân vật, chúng ta sẽ thấy tại sao?

Đối với Maria Mađalêna, bà đến mồ chỉ mong để ướp xác Thầy lại cho chu đáo hơn. Bà cầm thuốc thơm trong tay và đầu óc chỉ nghĩ đến thân thể đã nằm yên bất động. Nói tắt một lời: Bà đến mồ chỉ để tìm xác chết. Một tâm trạng như thế, thấy mồ trống không, bà khó có thể nhận ra tức thì Chúa Giêsu đã sống lại.

Còn Phêrô, ông đã sợ hãi. Ông đã chối Thầy của mình trong giờ phút Thầy bị hành hạ nhục nhã vì ông sợ bị liên lụy. Thầy đã chết và nằm yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là xin đừng có gì rắc rối xảy ra nữa, xin được hai chữ "bình yên". Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác này. Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo âu trong đầu. Ông lo nhóm nào đó sau khi giết Thầy lại tìm cách phá rối các tông đồ để kết án họ và xử tử họ nữa chăng. Ông là trưởng nhóm, vậy ông chạy đến mồ để quan sát những gì đã xảy ra. Vậy ông chạy đến mồ mà trong lòng chỉ lo nghĩ đến việc tại sao thế này, tại sao thế nọ để tìm cách đối phó. Với tâm trạng đó, Phêrô khó có thể nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại.

Phần Gioan, ông yêu thương Chúa Giêsu và ông biết rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ông. Trong Phúc Âm, khi ông viết một điều gì có đề cập đến mình trong đó, thánh Gioan luôn dùng kiểu nói "người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến". Thánh Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu thật sự, tình yêu mến đó đã thể hiện ra bên ngoài, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã theo chân Chúa Giêsu trên con đường thập giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thánh giá cho đến giờ phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa nhau. Thánh Gioan luôn nhớ lại lời giảng dạy của Thầy trong lòng và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với cái nhìn đó, Gioan đã nhận ra dễ dàng sự kiện sống lại. Ông đã thấy và ông đã tin.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Tình yêu dẫn đến đức tin. Những lo âu trần gian như lo lắng của Maria Mađalêna đi tìm xác chết không vượt lên được. Những suy tư, lý luận lo âu của Phêrô đã không đưa đến đâu. Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu của thánh Gioan đã đưa ông nhanh chóng đến đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta cùng tìm Chúa, chúng ta có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của mọi biến cố trong cuộc đời mình nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng trí mình luôn tiến trên con đường tình yêu Chúa.

Veritas Radio

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần

Cả bốn Tin Mừng đều đồng ý về điểm lịch sử này. Đó là biến cố Phục sinh xảy ra vào hôm sau ngày Sabát, hôm sau ngày Lễ Vượt qua của người Do Thái. Là người rất nhạy cảm với các biểu tượng, Gioan cho rằng, "ngày thứ nhất" trên đây gợi lên một thế giới mới đang khởi đầu; một cuộc tạo dựng mới, một tuần lễ sáng thế mới.

Đau khổ và cái chết là những chứng cớ hiển nhiên chống lại sự hiện diện của Thiên Chúa: Làm sao lại xảy ra việc Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới đầy bất hạnh như thế?

Vấn nạn đó không thể trả lời được, nếu ta phủ nhận biến cố Phục sinh. Các giáo phụ cũng như những người quen suy niệm Kinh Thánh, đều nghĩ rằng, Thiên Chúa có thể không bao giờ "dựng nên" công cuộc sáng tạo đầu tiên (mọi tạo vật đều phải chết), nếu Người đã không tiên liệu từ thuở đời đời công cuộc sáng tạo thứ hai của Người, nhờ đó sẽ không còn sự chết, cũng không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21,4).

Lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ
Bốn Tin Mừng đều nhất trí về sự kiện lịch sử trên. Đó là các phụ nữ là những người đầu tiên đã khám phá ra “biến cố". Là người ở trong cuộc, Gioan đặc biệt quan tâm tới một người phụ nữ, chị Maria Mácđala. Ông gán cho chị là Người đã được Đức Giêsu hiện ra đầu tiên (Ga 20,11-18).

Thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến

Chị ta "chạy". Chi tiết này rất có ý nghĩa.

Chị chưa gặp Đức Giêsu. Chị chưa tin. Chị mới chỉ đứng trước sự kiện ngôi mộ mở ngỏ! Đó là điều bất thường. Chị không ngờ được việc đó. Chị cảm thấy hốt hoảng. Chị chạy đi báo tin cho các vị có trách nhiệm. Ở đoạn văn trên, ta nên ghi nhận một tên gọi đặc biệt được gán cho "môn đệ" không nêu rõ danh tánh: "Người môn đệ Đức Giêsu thương mến". Truyền thống vẫn thừa nhận Gioan, tác giả của trình thuật trên, là chính người môn đệ đó. Ngoài ra, trong nhóm Mười Hai, không phải là không có sự ghen tị, vì Gioan vẫn thường được Đức Giêsu quan tâm cách hết sức đặc biệt. Chi tiết này cũng rất quan trọng. Ta nên ghi nhận điều đó.

Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu

Lúc này, chị mới chỉ đưa ra giả thuyết: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ. Người ta không giải thích sự kiện theo lý trí: Vì quá mong ước Người sống lại, nên không tránh khỏi một ảo giác. Đúng ra, tất cả các bản văn đều nói ngược lại.

Rõ ràng, trình thuật trên được kể lại để giúp ta cảm thấy rằng, sự kiện ngôi mộ trống không là một bằng chứng, tự nó có khả năng khiến ta tin. Tuy nhiên, ngôi mộ trống kỳ diệu đó là một đối tượng đòi hỏi ta phải thắc mắc. Chỉ vỏn vẹn trong một trang, mà từ "ngôi mộ” được nhắc tới bảy lần! Cho đến lúc này, mới chỉ có thế!

Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước

Gioan nhớ lại, ông đang ở đó. Nhưng giải thích chi tiết hơn, chỉ nguyên dựa vào sự kiện chưa đủ. Còn một yếu tố khác Gioan nhận ra một biểu tượng: Phêrô có thể tự để cho kẻ khác vượt qua mình, để cho các môn đệ hăng say hơn đi trước ông. Và đó không phải là trường hợp duy nhất Gioan đã đi trước Phêrô (Ga 13,24; 18,12-16; 21,20-23). Nhưng tại sao ở đây lại nhấn mạnh đến điểm bấtthường này?

Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.

Cách dịch sát nhất bản văn Hy Lạp, do Gioan đã mục kích và viết lại có thể như sau: "ông nhìn thấy băng vải bung ra, và khăn quấn đầu Ngài, không tuột ra cùng với băng vải, nhưng được cuốn lại riêng biệt, đặt đúng chỗ của nó”.

Tóm lại, không có bàn tay bên ngoài nào đã tham dự vào. Chỉ thấy thân xác đã biến mất, và những khăn liệm tuột bung ra tại chỗ. Gioan cũng ghi nhận rằng, khăn quấn đầu (đó là thứ băng vải quấn chung quanh đầu để giữ quai hàm, theo như tập quán tẩm liệm của người Do thái) vẫn còn ở đó, được cuốn lại đặt đúng chỗ, bên trong băng vải.

Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào
Gioan nhấn mạnh: chính ông cũng bước vào!
Đó không thể là một chi tiết không quan trọng, không ý nghĩa.
Ông đã thấy và đã tin.
Phêrô vẫn chưa hiểu gì. Khi thuật lại cảnh Phêrô đến thăm mộ, Luca nói rõ ràng, ông ta chỉ chứng kiến, nhưng trở về nhà rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu gì hết” (Lc 24,12).
Maria Mácđala đã giải thích theo kiểu nhân loại: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ".
Phêrô thì không hiểu gì hết.
Còn Gioan sáng suốt hơn, "ông đã thấy và đã tin".
Vây ông đã thấy những gì?
Ông đã chứng kiến cũng một sự việc như Phêrô, nhưng Phêrô không biết giải thích.

Để tin, cần phải có đôi mắt của tâm hồn. Cần những con mắt của tình yêu. Giờ đây chúng ta mới hiểu rõ, tại sao Gioan lại nói đến "người môn đệ Đức Giêsu thương mến". Vì tình yêu này mà Gioan đã chạy nhanh hơn! Vì tình yêu này mà ông là người đầu tiên đã tin sau này, trên bờ hồ Galilê, chính "người môn đệ Đức Giêsu thương mến" sẽ nhận ra Đức Giêsu trước Phêrô (Ga 21,7).

Ở đây chúng ta lại nhận thấy tình yêu luôn tác động tới đức tin. Những người nắm giữ quyền bính trong Giáo hội chưa hẳn đã có đặc ân này. Thay vì ganh tị nhau "quyền bính", trong Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những người đi tiên phong "trong tình yêu”. Đó là điều quan trọng hơn cả.

Ông đã thấy và đã tin.

Đối với Gioan, sự kiện khăn liệm được sắp xếp gọn gàng là một dấu chỉ còn ý nghĩa hơn ngôi mộ trống. Khi vừa nhìn thấy "băng vải tuột ra” và "khăn quấn đầu vẫn ở nguyên tại chỗ", nhờ một thứ trực giác soi sáng, ông đã nhận ra ngay rằng, Người đã không thể dùng tay chân mà di động thân xác ra khỏi mộ, nhưng chỉ có thể Người đã hết hiện hữu cách thể lý bên trong những khăn băng tẩm liệm vẫn còn y nguyên.
Thế mà những dấu chỉ đó đã không nói lên điều gì với Phêrô.

Dấu chỉ không có khả năng "trao ban đức tin" cho một ai. Dấu chỉ không tuyệt đối thúc ép ta. Cần phải vượt qua “cái thấy được”, để đi tới "điều tin nhận". Chính Đức Giêsu sắp tuyên bố: "Phúc thay những người không thấy mà tin" (Ga 20,29). Như thế, Gioan đã tỏ ra là một môn đệ tuyệt vời: Ông tin, dù không thấy.

Đức tin cũng tương tự như những thực tại thâm sâu của con người. Chúng ta không bao giờ thấy được tình yêu mà những người yêu chúng ta. Chúng ta chỉ nhận được những dấu hiệu của tình yêu. đó. Do đó, những dấu chỉ trên đây chỉ thông tỏ ý nghĩa cho những ai biết đoán nhận ra chúng. Một cử chỉ, một lời nói, một sự vật là những cử chỉ còn hàm hồ, bấp bênh! Chúng cần phải được giải thích, nhưng không phải là không có nguy cơ sai lầm: "Sự việc đó muốn nói với tôi điều gì đây? Tôi cần phải hiểu cử chỉ đó thế nào?" Đó là điều rất cảm động trong mọi cuộc gặp gỡ của con người. Cuộc gặp mặt nào cũng đòi buộc những kẻ tham dự phải ở trong tình trạng cởi mở và quan tâm chú ý. Tất cả chúng ta đâu có kinh nghiệm chua xót, vì đã ra một dấu hiệu mà không được hiểu biết, đã phát biểu một lời mà không được đón nhận, đã làm một cử chỉ mà người ta giải thích sai. Hai người cần phải yêu thương nhau hết tình thì sứ điệp trao đổi mới được nhận biết trọn vẹn ý nghĩa.
Vì thế, sự kiện “mộ trống" và "những khăn liệm được sắp xếp gọn gàng”, chỉ những ai yêu nhiều, mới có thể hiểu được.

Ta cũng cần hiểu các bí tích, như những dấu chỉ giống thế.

Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết

Đúng hơn, ta nên dịch câu trên như sau: "Các ông không hiểu Kinh Thánh nói rằng, Ngài phải Phục sinh kẻ chết".

Thực vậy, các sự kiện chưa đủ! "Ngôi mộ trống" chỉ là một dấu chỉ đối với Gioan, trước khi ông gặp Đức Giêsu trong những lần hiện ra, bởi vì ông đã để cho Thánh Thần lay chuyển, mạc khải cho ông ý nghĩa của dấu chỉ. Trước những chứng cớ ông ghi nhận, Gioan còn biết nhớ lại những đoạn Kinh Thánh của Đức Giêsu đã trích dẫn cho các ông (Hs 6,2; Tv 2,7; Gn 2,I).

Ta cũng nên hành xử như thế, trước những biến cố của đời sống. Chúng ta chỉ có thể hiểu sâu sắc các biến cố đó, nếu ta làm sáng tỏ chúng, nhờ việc luôn suy niệm Lời Chúa, trong Thánh Thần.

Chính tình yêu làm cho ta hiểu rõ chân lý: Muốn tin, cần phải yêu mến.

Noel Quesson

Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới

Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới

Xin Chúa phục sinh ban hòa giải, hòa bình hòa hợp cho các vùng có xung khắc chiến tranh và bạo lực trên thế giới

Đó là lời cầu Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong buổi đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và thế giới trưa Chúa Nhật 20-4-2014.

Trước đó lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô, đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới. Quảng trường thánh Phêrô đầy kín tín hữu. Những ai không tìm ra chỗ phải theo dõi thánh lễ tại quảng trường Pio XII và đại lộ Hòa Giải. Thánh lễ đã được trực tiếp truyền đi trên các hệ thống truyền hình âu châu và quốc tế. Trong số các người tham dự thánh lễ, ngoài các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục hiên diên tại Roma, có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Thềm Đền Thờ thánh Phêrô được trang hoàng bằng 35,000 cây cảnh và nhiều loại hoa khác nhau, trong đó có 12,000 hoa Tulip mầu đỏ, vàmg, da cam, trắng, hồng và tím; 6,000 hoa Thủy tiên nhiều mầu, và 2,500 huệ dạ hương. Ngoài ra còn có 8,000 hoa Thủy tiên vàng. Chung quanh bàn thờ có 2,500 bông hồng trắng. Tất cả đều được trồng bên Hòa Lan cho dịp này, và do nhóm 30 chuyên viên Hòa Lan trưng bầy dưới sự điều động của ông Charles van der Voort, em ruột của ông Nic van der Voort, và sự cộng tác của các nhân viên làm vườn của quốc gia thành phố Vaticăng.

Truyền thống tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng trong dịp lễ Phục Sinh và buổi đọc sứ điệp và ban Phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới đã do các nhà trồng hoa Hòa Lan bắt đầu năm 1986. Năm 1985 chuyên viên trồng hoa Nic van der Voort đã xin sang Roma để trang hoàng hoa trong lễ phong Chân phước cho linh mục Titus Brandsma người Hòa Lan. Ông đã nảy sinh ra sáng kiến tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng và gửi phái đoàn chuyên viên sang trưng bầy hoa vào năm sau đó. Và truyền thống tốt đẹp này đã dươc duy trì trong 29 năm qua.

Sau lời chào mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thấn mến, chúng ta hãy khẩn nài phước lành của Thiên Chúa Cha chúng ta, để lễ nghi rảy nước này làm sống dậy trong chúng ta ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta đã được dìm mình trong cái chết cứu độ của Chúa hầu sống lại với Người trong cuộc sống vĩnh cửu. Ca đoàn Sistina đã hát thánh ca ”Tôi đã thấy nước vọt ra từ đền thánh của Thiên Chúa”.

Các bài sách Thánh đã được đọc trong tiếng Tây Ban Nha và Anh. Thánh vịnh và Tin Mừng đã được hát và công bố bằng tiếng Latinh và Hy lạp. Năm nay lễ Phục Sinh của Giáo Hội Tây Phương trùng ngày với lễ Phục Sinh của Giáo Hội Đông Phương, nên sau phần công bố Tin Mừng băng tiếng Hy lạp, ca đoàn đông phương đã hát các câu thánh ca của phụng vụ Bisantin, xưa kia vẫn được hát trước Đức Giáo Hoàng trong ngày lễ Phục Sinh.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Hindi, Pháp, Hoa, Đức, và Đại Hàn cầu cho các nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và gia đình nhân loại. Xin Chúa phục sinh hiện diện và nâng đỡ Giáo Hội; xin cho mọi thụ tạo và mọi người biết tôn thờ Chúa, đặc biệt xin cho các niềm hy vọng của các dân tộc được hiện thực; cho con người biết chấm dứt các ích kỷ, tham lam chiếm hữu và chay theo quyền bính kiêu căng; xin Chúa thoa dịu các vết thương của khổ đau, nghèo đói, âu lo và cô đơn; xin Chúa xót thương các con cái Người bị ghi dấu bởi sự giòn mỏng và tội lỗi và cho họ được tràn xầy lòng thương xót của Người. Một trăm năm mươi Linh Mục đã cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Sau thánh lễ xe díp đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng để chào tín hữu. Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

Đội cận vệ Thụy sĩ và đại diện các lực lượng binh chủng Italia đã dàn hàng chào danh dự, và ban quân nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và Italia.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha đã duyệt qua các tình hình căng thẳng, khổ đau và nóng bỏng hiện nay trên thế giới. Mở đầu sứ điệp ngài chúc mừng lễ mọi người và nói: Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em lễ Phục Sinh tốt lành thánh thiện! ”Chúa Kitô đã sống lại, anh chị em hãy đến và hãy nhìn xem!” Lời thiên thần loan báo cho các phụ nữ vang lên trong Giáo Hội tản mác khắp thế giới: ”Này các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu chịu đóng đanh. Người không ở đây. Người đã sống lại… hãy đến và nhìn xem nơi Người đã nằm” (Mt 28,5-6). Đức Thánh Cha nói:

Đó là tột đỉnh của Phúc Âm, là Tin Mừng tuyệt diệu: Đức Giêsu đấng bị đóng đinh đã sống lại! Biến cố này là nền tảng đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, Kitô giáo sẽ mất đi giá trị của nó; toàn sứ mệnh của Giáo Hội sẽ mất sự thúc đẩy, bởi vì chính từ đó nó đã khởi hành và luôn luôn tái khởi hành. Sứ điệp mà tín hữu kitô đem đến cho thế giới là điều này: Đức Giêsu Tình yêu nhập thể đã chết trên thập giá vì tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho người sống lại và đã đặt Người làm Chúa của sự sống và sự chết. Nơi Đức Giêsu, Tình Yêu đã chiến thắng thù hận, lòng thương xót đã chiến thắng tội lỗi, sự thiện chiến thắng sự dữ, chân lý chiến thắng dối trá, sự sống chiến thắng sự chết. Vì thế chúng ta nói với tất cả mọi người: ”Hãy đến và hãy xem!”. Trong mọi trạng huống của con người, bị ghi dấu bới sự giòn mỏng, tội lỗi và cái chết, Tin Mừng không chỉ là một lời nói, nhưng là một chứng tá tình yêu nhưng không và trung thành: đó là ra khỏi chính mình để đi gặp gỡ tha nhân, đó là gần gũi những ai bị thương tích bởi cuộc sống, chia sẻ với người thiếu thốn những gì cần thiết, ở lại bên cạnh người đau yếu, già cả hay bị loại trừ… ”Hãy đến và hãy xem!”: Tình Yêu mạnh hơn, Tình Yêu trao ban sự sống, tình yêu làm nở hoa niềm hy vọng trong sa mạc. Với niềm vui chắc chắn này trong tim hôm nay chúng con hướng lên Ngài, lậy Chúa phục sinh! Xin hãy giúp chúng con tìm Chúa để tất cả có thể gặp gỡ Chúa, biết rằng chúng con có một người Cha và không cảm thấymồ côi, rằng chúng con có thỂ yêu Chúa và thờ phượng Chúa.

Xin hãy giúp chúng con đánh bại nạn đói đang trở thành trầm trọng hơn bởi các xung khắc và các phung phí vô biên mà chúng con là đồng lõa. Xin làm cho chúng con có khả năng che chở những người không được bênh đỡ, nhất là các trẻ em, phụ nữ người già, đôi khi trở thành đối tượng của khai thác bóc lột và bỏ rơi. Xin làm cho chúng con có thể săn sóc các anh chị em bị bệnh dịch abola bên Guinea Conacry, Sierra Leone và Liberia, cũng như các người bị biết bao nhiêu bệnh tật khác đang lan tràn vì không được săn sóc và vì nghèo túng cùng cực. Xin an ủi những ai hôm nay không thể cử hành lễ Phục sinh với người thân vì bị giật mất khỏi tình yêu thương của họ một cách bất công, cũng như nhiều người, các linh mục tu sĩ và giáo dân bị bắt cóc tại nhiều nơi trên thế giới. Xin an ủi những người đã rời bỏ quê hương để di cư tới các nơi mà họ có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, để sống cuộc đời mình với phẩm giá, và nhiều khi để tự do tuyên xưng đức tin. Đức Thánh nói thêm trong lời cầu dâng lên Chúa phục sinh:

Lạy Chúa Giêsu vinh hiển, chúng con xin Chúa chấm dứt mọi chiến tranh, mọi thù nghịch lớn nhỏ, cũ mới! Chúng con đặc biệt khẩn nài Chúa cho dân nước Siria thân yêu để tất cả những ai phải khổ đau vì các hậu qủa của cuộc xung đột có thể nhận được các trợ giúp nhân đạo cần thiết, và để các phe phái liên hệ không sử dụng bạo lực để giao rắc chết chóc nữa, nhất là chống lại người dân vô tội, nhưng táo bạo thương thuyết hòa bình, được chờ đợi qúa lâu rồi! Chúng con xin Chúa an ủi các nạn nhân của các cuộc chiến huynh đệ tương tàn bên Irak, và nâng đỡ các niềm hy vọng được dấy lên bởi việc tái thương thuyết giữa người Israel và người Palestin. Chúng con nài xin Chúa chấm dứt các xung đột tại Cộng hòa Trung Phi và và ngưng các vụ khủng bố trong vài vùng của nước Nigeria và các bạo lực bên Nam Sudan. Chúng con xin cho các tâm hồn hướng tới sự hòa giải và hòa hợp huynh đệ bên Venezuela. Vì sự Phục Sinh của Chúa, mà năm nay chúng con cùng nhau cử hành với các Giáo Hội theo lịch Giuliano, chúng con xin Chúa soi sáng và gợi hứng cho các sáng kiến hòa giải bên Ukraine, để tất cả các phe phái liên hệ, được cộng đoàn quốc tế trợ giúp, làm tất cả mọi nỗ lực hầu ngăn cản bạo lực và xây dựng tương lai đất nước trong tinh thần hiệp nhất và đối thoại. Cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất, lậy Chúa, chúng con cầu xin: Chúa là Đấng đã chiến thắng sự chết, xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, xin ban cho chúng con hòa bình của Chúa! ”Chúa đã sống lai. Hãy đến và xem! Anh chị em thân mến, xin chúc mừng lễ Phục Sinh anh chị em.

Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, đẳng trưởng phó tế đã báo cho mọi người biết Đức Thánh Cha ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới, cho tất cả những ai theo dõi lễ nghi trên đài phát thanh truyền hình. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha trường thọ để dẫn dắt Giáo Hội và ban hòa bình và hiệp nhất cho Giáo Hội và toàn thế giới.

Đức Thánh Cha đã đọc công thức ban phép lành toàn xá: xin hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô mà chúng ta tin tưởng nơi quyền năng của các vị, bầu cử cho chúng ta bên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Thánh Trinh Nữ Maria, tổng lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Tẩy Giả, các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót và tha thứ tội lỗi cho tín hữu và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa họ tới cuộc sống vĩnh cửu. Ngài nói thêm: Xin Thiên Chúa toàn năng và từ bi ban cho anh chị em ơn toàn xá, tha thứ mọi tội lỗi của anh chị em, ban cho anh chị em một thời gian sám hối đích thật và phong phú, một con tim luôn sẵn sàng và sửa đổi cuộc sống, ơn thánh và sự ủi an của Chúa Thánh Thần và sự kiên trì sau cùng trong các việc thiện.
Tiếp đến Đức Thánh Chã ban phép lành cho mọi người.

Sau phép lành toàn xá Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến. một lần nữa tôi xin chúc lễ Phục Sinh tốt lành tất cả anh chị em đến từ nhiều nơi trên thế giới hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài cũng gửi lời mừng lễ tới tất cả những ai theo dõi buổi đọc sứ điệp qua các phương tiện truyền thông. Xin anh chị em đem lời loan báo tới các gia đình và cộng đoàn của anh chị em tin vui Chúa Kitô, sự bình an và niếm hy vọng của chúng ta, đã sống lại. Xin cám ơn sự hiện diện, lời cầu nguyện và chứng tá đức tin của anh chị em. Ngài cũng cám ơn các hiệp hội trồng hoa Hòa Lan đã tặng các hoa rất đẹp cho buổi lễ, rồi nói: xin chúc tất cả mọi người một lễ Phục Sinh tươi vui an lành.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Trở về Galilea, nguồn gốc ơn gọi của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu và lộ trình đức tin.

Trở về Galilea, nguồn gốc ơn gọi của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu và lộ trình đức tin.

VATICAN: Sứ điệp Phục Sinh là trở về Galilea, nguồn gốc ơn gọi của cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu và lộ trình đức tin. Về Galilea có nghĩa là tái khám phá ra bí tích Rửa Tội của chúng ta như suối nguồn sống động, kín múc nghị lực mới từ cội nguồn đức tin và niềm hy vọng kitô của chúng ta. Trở lại Galilea trước hết có nghĩa là trở về điểm nóng bỏng, nơi hồng ân của Thiên Chúa đã đánh động chúng ta ở đầu lộ trình đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ vọng Phục Sinh do ngài cử hành lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 19-4-2014. Trong thánh ngài đã ban bí tích Rửa tội cho 10 tân tòng trong đó có một người đàn ông Việt Nam.

Tham dự Thánh lễ có 10,000 tín hữu và du khách hành hương. Thánh lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép và rước nến Phục Sinh. Tiếp đến là phần phụng vụ Lời Chúa với ba bài đọc Thánh Kinh Cựu Ước liên quan tới việc tạo dựng con người, biến cố ông Môshê dẫn dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ và sự kiện Thiên Chúa sẽ đổ Thần Khí của Ngài xuống và ban cho dân Do thái một con tim mới. Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma nói về phép rửa và cuộc sống mới Chúa Kitô ban cho tín hữu, sau khi con người cũ đã chết và được mai táng với Chúa Kitô. Phúc Âm kể lại biến cố các phụ nữ ra mồ viếng xác Chúa, thấy mồ trống, gặp thiên thần loan báo Chúa đã sống lại và các bà vội vã về báo tin cho các môn đệ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, các niềm hy vọng tắt ngúm. Nhưng giờ đây tin các phụ nữ báo cho họ, tuy không tin được, nhưng đã như một tia sáng chiếu trong bóng tối. Chúa đã sống lại như Người đã báo trước. Và hai lần lệnh truyền đi Galilea gặp Người. Galilea là nơi họ được kêu gọi và mọi sự bắt đầu. Trên bờ hồ Galilea Chúa Giêsu đã đi qua và kêu gọi họ, khi họ đang vá lưới. Và họ đã bỏ tất cả đều theo Người (X, Mt 4,18-22). Trở về Galilea có nghĩa là đọc lại tất cả từ thập giá và vinh quang. Đọc lại tất cả: sự giảng dậy, các phép lạ, cộng đoàn mới, các hăng say và vào ngũ cho tới sự phản bội. Đọc lại tất cả từ cuối là một khởi đầu từ cử chỉ tình yêu tột đỉnh ấy của Chúa.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: đối với từng người chúng ta cũng có một ”Galilea” ở nguồn gốc lộ trình với Chúa Giêsu. Về Galilea có nghĩa là tái khám phá ra bí tích Rửa Tội của chúng ta như suối nguồn sống động, kín múc nghị lực mới từ cội nguồn đức tin và niềm hy vọng kitô của chúng ta. Trở lại Galilea trước hết có nghĩa là trở về điểm nóng bỏng, nơi hồng ân của Thiên Chúa đã đánh động chúng ta ở đầu lộ trình đức tin. Chính từ tia lửa đó tôi có thể thắp lên ngọn lửa ngày nay, để mỗi ngày đem hơi ấm và ánh sáng tới cho các anh chị em khác. Từ tia sáng đó chúng ta thắp lên một niềm vui khiêm tốn, một niềm vui không xúc phạm đến sự đau khổ và tuyệt vọng, một niềm vui tốt lành và hiền dịu.

Trong cuộc sống kitô sau bí tích Rửa Tội, cũng có một ”Galilea” hiện sinh hơn: đó là kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã gọi tôi theo Người và tham dự vào sứ mệnh của Người. Trong nghĩa đó trở lại Galilea có nghĩa là giữ gìn trong tim ký ức sống động của lời kêu gọi ấy, khi Chúa Giêsu đi ngang qua con đường đời sống của tôi, đã nhìn tôi với lòng thương xót và đã xin tôi đi theo Người; có nghĩa là thu hồi ký ức thời điểm trong đó đôi mắt Người gặp gỡ đôi mắt của tôi, thời điểm trong đó Người đã làm cho tôi cảm nhận được rằng Người yêu tôi. Hôm nay trong đêm thánh này mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi: Galilea của tôi là gì, ở đâu, tôi có nhớ không hay tôi đã quên nó rồi? Tôi đã đi theo các con đường khiến tôi quên nó. Lạy Chúa, xin giúp con: hãy nói cho con biết đâu là Galilea của con; Chúa biết không, con muốn trở lại đó để gặp Chúa và để cho lòng thương xót của Chúa ôm con. Tin Mừng Phục Sinh thật rõ ràng: cần trở lại đó để trông thấy Chúa Giêsu phục sinh, và trở thành chứng nhân sự sống lại của Người. Đây không phải là một việc trở lại đàng sau, không phải là sự nuối tiếc. Nó là việc trở lại tình yêu ban đầu để nhận lấy ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã thắp lên trên thế giới và đem đến cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất, ”Galilea của dân ngoại” (Mt 4,15; Is 8,23): chân trời của Chúa Phục Sinh, chân trời của Giáo Hội; ước mong gặp gỡ mãnh liệt… Chúng ta hãy lên đường!” (SD 19-4-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

VATICAN. Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 18-4-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma với sự tham dự của hơn 40 ngàn người.

Nghi thức này được hơn 50 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực Colosseo và trên đường Fori Imperiali để các tín hữu ở xa có thể theo dõi buổi lễ.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt các tín hữu khác, bắt đầu là một chủ xí nghiệp và một công nhân, 2 người ngoại quốc, hai người thuộc cộng đoàn cai nghiện, hai người vô gia cư, một gia đình, hai phụ nữ, hai bệnh nhân, ba trẻ em, hai người già, hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Thánh Địa, hai nữ tu.

Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, TGM giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Ngài nguyên là một công nhân trước đi đi tu và thụ phong LM năm 1978, rồi làm tuyên úy nhà tù lâu năm.

Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức TGM Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, chính trị bế tắc, khủng hoảng kinh tế, nạn nghiện ngập ma túy và rượu, nạn tra tấn, lòng ích kỷ, sợ hãi và thất vọng vì những thất bại, nạn cho vay lãi quá cao. Đức TGM cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, và di dân và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.

Tuy nhiên, các bài suy niệm của Đức TGM Brigantini cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đứng về phía những người bị tổn thương và bị lạm dụng, Chúa Kitô chịu treo trên thập giá để cứu chuộc mọi tội nhân.

Trong lời kết thúc buổi đi Đàng Thánh Giá, ĐTC khẳng định rằng: ”Sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng là tình thương, lòng từ bi và tha thứ.. Thiên Chúa đã đặt trên thập giá của Chúa Giêsu tất cả gánh nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả những bất công do mỗi Cain gây ra chống lại em mình, tất cả sự cay đắng do sự phản bội của Giuđa và Phêrô, tất cả sự kiêu kỳ của những kẻ cường quyền, tất cả sự kiêu hãnh của những bạn bè giả dối. Đó là một thập giá nặng nề, như đêm khuya của những người bị bỏ rơi, nặng nề như cái chết của những người thân yêu, thập giá ấy nặng nề vì gồm tóm trọn vẹn sự xấu xa của điều ác”.

”Nhưng đó cũng là một Thánh Giá vinh hiển như bình minh sau một đêm dài, vì tượng trưng tất cả tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn những gian ác và phản bội của chúng ta. Trong Thánh Giá, chúng ta thấy sự quái đản của con người, khi họ để cho sự ác hướng dẫn; nhưng chúng ta cũng thấy lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, Đấng không đối xử với chúng ta theo tội lỗi của ta, nhưng theo lượng từ bi của Ngài. Đứng trước Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy, hầu như chạm thấy sự kiện chúng ta được yêu thương dường nào; đứng trước Thánh Giá, chúng ta cảm thấy mình là ”con cái” chứ không phải là những ”đồ vật” hoặc đối tượng, như thánh Grerogio Nazianzeno đã quả quyết khi thân thưa với Chúa Kitô qua lời kinh này: ”Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chúa, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tàn lụi rồi. Con sinh ra và cảm thấy tiêu tán. Con ăn, ngủ, nghỉ và bước đi, con ngã bệnh và khỏi bệnh. Bao nhiêu ham hố và hành hạ vậy bủa tấn công con, con chết và thân xác trở thành tro bụi như xác thú vật, chúng không có tội. Nhưng con có gì hơn chúng? Chẳng có gì hơn, nếu không có Chúa. Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chía, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tiêu đời rồi”.

ĐTC nói tiếp: ”Lạy Chúa Giêsu của chúng con, xin hướng dẫn chúng con từ Thánh Giá đến phục sinh, xin dạy chúng con rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng chính là tình thương, lòng từ bi và tha thứ. Lạy Chúa Kitô, xin giúp chúng con tái thốt lên: ”Hôm qua tôi đã bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô; hôm nay tôi được vinh hiển với Ngài. Hôm qua tôi đã chết với Ngài, hôm nay tôi sống với Ngài. Hôm qua tôi đã bị chôn táng với Ngài, hôm nay tôi sống lại với Ngài. Sau cùng, tất cả chúng ta cùng nhớ đến các bệnh nhân, nhớ đến tất cả những người bị bỏ rơi dưới gánh nặng của thập giá, để họ tìm được trong thử thách của thập giá sức mạnh của hy vọng, niềm hy vọng phục sinh và tình thương của Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô

Đức Thánh Cha chủ sự lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 18-4-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, hàng chục Hồng Y và nhiều GM tại Tòa Thánh.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài ”Trong số họ cũng có Giuđa, kẻ phản bội”. Cha phân tích các nguyên do sâu xa khiến Giuda phản bội bán Thầy, mặc dù ông đã được chọn từ đầu và thuộc vào số 12 Tông Đồ. Các sách Tin Mừng đều đồng thanh nói về một động lực rất trần tục khiến Giuda phản bội như thế, đó là tiền bạc. Đề nghị của ông với các trưởng tế thật là rõ ràng: ”Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các trưởng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc” (Mt 26,15).

Chúa Giêsu đã nói: ”Không ai có thể làm tôi hai chủ: các con không thể phụng sự Thiên Chúa và tiền bạc” (Mt 6,24). Tiền bạc chính là ”vị thần hữu hình”, khác với Thiên Chúa chân thực là Đấng vô hình. Kinh thánh dạy rằng ”Tất cả đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói rằng ”Tất cả đều có thể đối với người có tiền”. Kinh Thánh cũng dạy rằng ”Sự gắn bó với tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Đằng sau mỗi tai ương của xã hội chúng ta, có tiền bạc, hay ít là 'cũng' có tiền bạc… Điều gì ở đàng sau việc buôn bán ma túy đang hủy hoại bao nhiêu sinh mạng, nạn khai thác mại dâm, hiện tượng các tổ chức bất lương mafia khác nhau, nạn tham ô chính trị, sự sản xuất và buôn bán vó khí, và thậm chí cả điều kinh khủng bà bán các cơ phận lấy từ các trẻ em? Và phải chăng cuộc khủng hoảng tài chánh mà thế giới đã trải qua và đất nước này còn đang trải qua, phần lớn cũng vì sự ham hố tiền bạc của một số người? Giuđa đã bắt đầu bằng cách rút lén một số tiền từ quĩ chung. Sự kiện ấy chẳng nói gì với một số người quản lý công quĩ sao?

 

Cha Cantalamessa cũng nhắc lại lời Chúa Giêsu cảnh giác trong dụ ngôn về người giàu có lo tích trữ của cải và cảm thấy nhờ đó ông ta được bảo đảm trong phần còn lại của cuộc sống: ”Hỡi kẻ ngu dại, chính đêm hôm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, và những gì ngươi đã chuẩn bị sẽ thuộc về ai?” (Lc 12,20).

Và Vị Giảng thuyết tại Phủ Giáo Hoàng khẳng định rằng: ”sự phản bội của Giuđa vẫn còn tiếp tục trong lịch sử và người bị phản bội vẫn luôn là Chúa Giêsu. Giuda đã bán Đầu, và các đồ đệ của hắn thì bán thân mình, vì những người nghèo là chi thể của Chúa Kitô. ”Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

Người ta cũng có thể phản bội Chúa Giêsu vì những bù đắp không phải là 30 đồng bạc: vợ chồng phản bội nhau, thừa tác viên của Chúa bất trung với bậc của mình, hoặc chăn dắt đoàn chiên để mưu lợi cho mình. Kẻ nào phản bội lương tâm thì cũng phản bội Chúa Giêsu..

Trong phần kết của bài giảng, Cha Cantalamessa cảnh giác mọi người đừng quyết đoán về số phận một người nào bị Chúa luận phạt. ”Giáo Hội cam kết với chúng ta rằng một người được phong thánh đang ở trong hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn ai là người đang ở trong hỏa ngục”.

Cha nhắc nhở các tín hữu “hãy gieo mình vào vòng tay rộng mở của Đấng Chịu Đóng Đinh” trong niềm tín thác. Phêrô và Giuđa đều phản bội Chúa, nhưng có một sự khác biệt: Phêrô đã tín thác nơi lượng từ bi của Chúa Kitô, còn Giuda thì không! Tội lớn nhất của Giuđa không phải là đã phản bội Chúa Giêsu, nhưng vì đã nghi ngờ lòng từ bi của Chúa”. Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa, người hơn người kém, trong sự phản bội, thì chúng ta đừng bắt chước ông ta trong sự thiếu tín thác nơi sự tha thứ. Có một bí tích trong đó chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng từ bi của Chúa Kitô, đó chính là bí tích hòa giải”.

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. Hàng chục LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. (SD 18-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ và rửa chân cho người khuyết tật

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ và rửa chân cho người khuyết tật

Pope washed feet for handicap

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ 5 tuần thánh, 17-4-2014, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân cho những người khuyết tật thuộc hội chân phước Gnocchi ở Roma.

Đây là một trung tâm phục hồi tên là ”Đức Mẹ Chúa Quan Phòng” do hội Chân Phước LM Gnocchi thủ đắc và bắt đầu hoạt động từ 10 năm nay. Trung tâm có tổng cộng 150 giường chuyên săn sóc và giúp phục hồi những người khuyết tật.

ĐTC cử hành thánh lễ tại Nhà thờ của Trung tâm với sự tham dự của khoảng 500 tín hữu, gồm những người khuyết tật, cùng với thân nhân và các nhân viên của Trung Tâm, đặc biệt là Đức Ông Angelo Bazzari, chủ tịch của Hội Chân phước LM Gnocchi và cha tuyên úy của Trung Tâm, Pasquale Schiavulli.

Trong thánh lễ, ngài đã rửa chân cho 12 người khuyết tật tuổi từ 16 đến 86 tuổi, trong đó có 3 người ngoại quốc, đặc biệt là một người Hồi giáo Libia 75 tuổi, bị bệnh xáo trộn nặng về thần kinh. Họ được chọn đại diện cho 29 trung tâm của Hội thiện này ở Italia.

Trong bài giảng ứng khẩu, ĐTC nhắc đến sự kiện Chúa Giêsu đã trở nên người tôi tớ và gia sản Chúa để lại cho chúng ta là ”hãy trở thành những người phục vụ lẫn nhau” trong tình yêu thương.

Ngài nói: ”Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ giã từ, và để lại cho chúng ta một gia sản: Người là Thiên Chúa và đã trở nên người tôi tớ, người phục vụ chúng ta. Và gia sản của Người là: cả các con cũng phải trở thành những người phục vụ nhau. Chúa đã đi con đường đó vì tình yêu: cả anh chị em cũng phải yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu thương. Đó là gia sản Chúa Giêsu để lại cho chúng ta”.

ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng việc rửa chân là một cử chị tượng trưng: ”Những người nô lệ vẫn làm điều ấy, những người phục vụ rửa chân cho các thực khách, cho người đến dùng bữa, vì thời ấy đường đi là đường đất bụi và khi vào nhà người ta cần phải rửa chân.. Vì thế, ngày hôm nay, Giáo Hội, khi tưởng niệm bữa tiệc ly, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, cũng làm cử chỉ rửa chân, nhắc nhớ cho chúng ta cũng phải phục vụ nhau”.

ĐTC nhắn nhủ mọi người, trong thâm tâm, hãy nghĩ đến người khác và đến tình yêu thương mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có đối với nhau, và chúng ta cũng hãy nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể phục vụ tha nhân một cách tốt đẹp hơn, vì đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện”.

Sau bài giảng, ĐTC đã cởi áo lễ, rửa và hôn chân 12 người khuyết tật như Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ. Bầu không khí thật cảm động, trong lúc đó ca đoàn gồm những người khách và những người thiện nguyện của Trung Tâm hát các bài thánh ca về tình bác ái.

Trong số những người được rửa chân, có Osvaldinho, 16 tuổi, người Capo Verde, nguồn trên ghế lăn vì bị thương khi nhào xuống biển mùa hè năm qua; hai cụ già Pietro và Angelica 86 tuổi; anh Walter bị hiệu chứng down; bà Giordana bị tứ chi bất toại, v.v.

Sau thánh lễ, ĐTC còn bắt tay chào thăm nhiều ngừơi ở trung tâm và khích lệ họ. Ngài cám ơn mọi người vì sự tiếp đón, vì thiện chí, kiên nhẫn, tin tưởng, vì chứng tá và niềm hy vọng: ”Xin Chúa Phục Sinh viếng thăm, an ủi và ở cùng anh chị em”.

Thánh lễ chiều thứ 5 tuần thánh năm 2013, ĐTC Phanxicô đã cử hành tại một Nhà tù thiếu niên ở Roma và rửa chân cho 12 tù nhân nam nữ kể cả những người không Công Giáo (SD 17-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ làm phép dầu

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ làm phép dầu

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các linh mục sống niềm vui được xức dầu để phục vụ, và sống tinh thần thanh bần, trung thành và vâng phục.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu sáng thứ năm Tuần Thánh 17-4-2014 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có 24 Hồng Y, hơn 30 GM và khoảng 1 ngàn linh mục, trước sự hiện diện của 7 ngàn tín hữu.
Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.
Trong bài giảng sau bài Tin Mừng (xin xem phần lớn toàn văn bài giảng của ngài dưới đây), ĐTC đã diễn giảng về đề tài ”Được xức dầu hoan lạc để xức bằng dầu hoan lạc”. Ngài nói: ”Thiên Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô, Ngài xức bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và lãnh nhận hồng ân cao cả này: niềm vui, niềm hoan lạc linh mục.”

ĐTC trình bày 3 đặc tính đầy ý nghĩa trong niềm vui linh mục: đó là một niềm vui xức dầu cho chúng ta – không làm cho chúng ta trở thành yểu điệu, khoe khoang và tự phụ-; đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui thừa sai, chiếu tỏa cho và thu hút tất cả mọi người.

Đặc biệt về đặc tính thứ ba này, ĐTC nói: ”Niềm vui của linh mục được đặt trong quan hệ thân mật với dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì đó là một niềm vui có đặc tính truyền giáo cao độ. Việc xức dầu cho linh mục là để xức dầu dân thánh trung thành của Thiên Chúa: để rửa tội và thêm sức, để săn sóc và thánh hiến, để chúc lành, để an ủi và loan báo Tin Mừng.

ĐTC nhận xét rằng: niềm vui của LM được chính đoàn chiên của mình bảo tồn”. Cả trong những lúc buồn sầu, khi mọi sự dường như trở nên u tối và sự cô lập choáng váng cám dỗ chúng ta, trong những lúc lãnh đạm và chán nản mà nhiều khi chúng ta gặp phải trong đời linh mục – và tôi cũng đã trải qua những lúc như thế-, cả trong những lúc ấy, dân Chúa có khả năng bảo tồn niềm vui, có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.”

ĐTC cũng nhắc đến 3 yếu tố canh giữ và bảo vệ niềm vui của LM, đó là thanh bần, trung thành và vâng phục. Sau cùng, ngài đặc biệt cầu cho các bạn trẻ đón nhận tiếng Chúa gọi, các tân linh mục, các LM đứng tuổi và các vị cao niên. Ngài nói: ”Xin Chúa gìn giữ sự sâu xa và sự trưởng thành khôn ngoan của niềm vui nơi những linh mục đứng tuổi. Chúng ta hãy biết cầu nguyện như ngôn sứ Neemia: niềm vui của Chúa là sức mạnh của tôi (Xc Ne 8,10).”

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma), cũng gọi là dầu hương thảo.

Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Đầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”, rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật”. Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn đệ trong Thiên Chúa.
Thánh lễ làm phép dầu kéo dài 1 giờ 45 phút.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

”Anh em thân mến trong chức linh mục! Ngày thứ năm Tuần Thánh hôm nay, ngày mà Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta đến tột cùng (Xc Ga 13,1), chúng ta tưởng niệm ngày hạnh phúc Chúa lập chức linh mục và ngày chúng ta chịu chức linh mục. Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô, Ngài xức bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và lãnh nhận hồng ân cao cả này: niềm vui, niềm hoan lạc linh mục. Niềm vui của chức linh mục là một thiện ích quí giá không những cho đương sự nhưng còn cho toàn thể dân trung thành của Thiên Chúa: dân trung thành mà linh mục được kêu gọi đến giữa họ để được xức dầu và được sai đi để xức dầu cho dân.

Được xức dầu hoan lạc để xức bằng dầu hoan lạc

Niềm vui linh mục có nguồn mạch từ Tình Thương của Chúa Cha và Chúa muốn rằng niềm vui của Tình Thương này ở ”trong chúng ta” và ”được viên mãn” (Ga 15,11). Tôi vui mừng nghĩ đến niềm vui khi chiêm ngắm Đức Mẹ: Đức Maria, ”người Mẹ của Tin Mừng sinh động, là nguồn vui cho những người bé nhỏ” (Tông huấn 'Niềm Vui Phúc âm', 288) và tôi tin là chúng ta không nói quá khi khẳng định rằng linh mục là một người rất bé nhỏ: hồng ân cao cả vô biên được ban cho chúng ta để thi hành sứ vụ, xếp chúng ta vào số những người bé nhỏ nhất trong loài người. Linh mục là người nghèo nàn nhất trong nhân loại nếu Chúa Giêsu không làm cho linh mục được phong phú nhờ cái nghèo của Ngài; linh mục là người đầy tớ vô ích nhất nếu Chúa Giêsu không kiên nhẫn giáo huấn như Ngài đã làm với thánh Phêrô; linh mục là người yếu thế nhất trong số các Kitô hữu nếu vị Mục Tử Nhân Lành không củng cố linh mục giữa đoàn chiên. Không ai bé nhỏ hơn một linh mục bị bỏ mặc cho sức riêng của mình; vì thế kinh nguyện của chúng ta để chống lại mưu chước của ma quỉ chính là kinh nguyện của Mẹ chúng ta: tôi là linh mục vì, trong lượng nhân lành của Ngài, Chúa đã nhìn đến sự bé nhỏ của tôi (XcLc 1,48). Và từ sự bé nhỏ ấy chúng ta đón nhận niềm vui của mình.

Tôi tìm thấy 3 đặc tính đầy ý nghĩa trong niềm vui linh mục của chúng ta: đó là một niềm vui xức dầu cho chúng ta (không làm cho chúng ta trở thành yểu điệu, khoe khoang và tự phụ), đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui thừa sai, chiếu tỏa cho và thu hút tất cả mọi người, bắt đầu ngược lại, từ những người xa xăm nhất.

– Một niềm vui xức dầu chúng ta. Nghĩa là sự xức dầu ấy thấu nhập tận thâm tâm chúng ta, uốn nắn con tim chúng ta và củng cố bằng bí tích. Các dấu hiệu phụng vụ lễ truyền chức nói với chúng ta về một ước muốn từ mẫu mà Giáo Hội muốn chuyển đạt và thông truyền tất cả những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta: cử chỉ đặt tay, xức dầu hương thảo, mặc phẩm phục thánh, tham gia ngay vào việc truyền phép đầu tiên.. Ơn thánh làm cho chúng ta được tràn đầy và lan tỏa toàn vẹn, dồi dào và sung mãn nơi mỗi linh mục. Được xức dầu đến tận xương tủy.. và niềm vui của chúng ta, trào ra từ nội tâm, chính là âm vang của sự xức dầu ấy.

Một niềm vui không thể bị hư hỏng. Hồng ân toàn vẹn mà không ai có thể tước mất hoặc thêm thắt, chính là nguồn mạch không ngừng mang lại niềm vui: một niềm vui không thể hư mất, mà Chúa đã hứa là không ai có thể tước đoạt (Xc Ga 16,22). Niềm vui ấy có thể 'ngái ngủ' hoặc bị tội lỗi hoặc những lo lắng bận bịu của cuộc sống bóp nghẹt, nhưng xét cho cùng niềm vui ấy vẫn còn nguyên vẹn như than hồng dưới lớp tro, luôn luôn có thể được khơi dậy. Lời nhắn nhủ của thánh Phaolo với Timothê vẫn luôn có tính chất thời sự: Cha nhắc nhở con hãy khơi dậy ngọn lửa hồng ân của Thiên Chúa trong con do việc đặt tay của cha (Xc 1 Tm 1,6).

  • Một niềm vui thừa sai. Đặc tính thứ ba này tôi muốn chia sẻ và nhấn mạnh một cách đặc biệt: niềm vui của linh mục được đặt trong quan hệ thân mật với dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì đó là một niềm vui có đặc tính truyền giáo cao độ. Việc xức dầu cho linh mục là để xức dầu dân thánh trung thành của Thiên Chúa: để rửa tội và thêm sức, để săn sóc và thánh hiến, để chúc lành, để an ủi và loan báo Tin Mừng.

Và vì là một niềm vui có ảnh hưởng khi vị mục tử ở giữa đoàn chiên – (kể cả trong kinh nguyện thinh lặng, vị mục tử thờ lạy Chúa Cha giữa đoàn chiên của mình)- là một ”niềm vui được chính đoàn chiên của mình bảo tồn”. Cả trong những lúc buồn sầu, khi mọi sự dường như trở nên u tối và sự cô lập choáng váng cám dỗ chúng ta, trong những lúc lãnh đạm và chán nản mà nhiều khi chúng ta gặp phải trong đời linh mục (và tôi cũng đã trải qua những lúc như thế), cả trong những lúc ấy, dân Chúa có khả năng bảo tồn niềm vui, có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.

”Niềm vui được đoàn chiên bảo tồn” và cũng canh giữ nhờ 3 người em quây quần, bảo vệ và bênh đỡ: người em khó nghèo, người em trung thành và người em vâng phục.

Niềm vui linh mục là một niềm vui có ngưi em là đức thanh bần. Linh mục nghèo niềm vui phàm tục: linh mục đã từ bỏ rất nhiều! Linh mục là người đã cho tha nhân rất nhiều, và vì nghèo, nên linh mục phải xin niềm vui ấy từ Chúa và từ dân trung thành của Chúa. Linh mục không được tự ban cho mình niềm vui ấy. Chúng ta biết rằng dân của chúng ta thật là quảng đại trong việc biết ơn các linh mục vì những cử chỉ ban phúc lành bé nhỏ nhất, đặc biệt là các bí tích. Khi nói về cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, nhiều người không để ý rằng căn tính ấy giả thiết phải có sự thuộc về ai. Sẽ không có căn tính – và vì thế không có niềm vui sống – nếu không có thái độ tích cực thuộc về dân trung thành của Chúa (Xc ”Niềm vui Phúc Âm”, 268). Linh mục nào tự phụ mình tìm được căn tính linh mục bằng cách nhìn vào nội tâm của mình mà thôi, thì có thể sẽ không tìm được điều gì khác ngoài những dấu hiệu bảo ”hãy ra ngoài”: ra khỏi chính con người của bạn, hãy ra ngoài để đi tìm Thiên Chúa trong sự thờ lạy, hãy ra ngoài và trao cho dân điều đã được ủy thác cho bạn, và dân của bạn sẽ lo liệu cho bạn cảm thấy và nếm hưởng bạn là ai, bạn tên là gì, đâu là căn tính của bạn, và dân sẽ làm cho bạn vui mừng gấp trăm lần như Chúa đã hứa cho các tôi tớ của Ngài. Nếu bạn không ra khỏi chính mình, thì dầu sẽ bị ôi và việc xức dầu không thể mang lại kết quả phong phú. Ra khỏi chính mình đòi phải từ bỏ mình, và bao hàm sự thanh bần.

Niềm vui linh mục là một niềm vui có em là lòng trung thành. Không phải theo nghĩa tất cả chúng ta sẽ trở nên ”không vết tỳ ố” (Ước gì chúng ta được như vậy nhờ ơn Chúa!) vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng đúng hơn theo nghĩa một sự trung thành luôn mới mẻ đối với vị Hôn Thê duy nhất là Giáo Hội. Đây chính là chìa khóa của sự phong phú. Các con cái tinh thần mà Chúa ban cho mỗi linh mục, những người mà linh mục rửa tội, những gia đình mà ngài chúc lành và giúp họ tiến bước, những bệnh nhân mà linh mục nâng đỡ, những người trẻ mà linh mục dạy giáo lý và huấn luyện, những người già mà linh mục cứu giúp .. họ là ”vị Hôn Thê” mà linh mục vui mừng đối xử như người yêu ưu tiên và duy nhất và luôn luôn chung thủy. Đó là Giáo Hội sinh động, với tên tuổi, mà linh mục chăm sóc trong giáo xứ hoặc trong sứ vụ được ủy thác, chính Giáo Hội ấy mang lại niềm vui cho linh mục khi linh mục trung thành, khi linh mục làm tất cả những gì phải làm và bỏ đi tất cả những gì phải bỏ miễn là ở lại giữa đoàn chiên mà Chúa đã ủy thác cho linh mục: ”Hãy chăn dắt các chiên của Thầy” (Ga 21,16.17).

  • Niềm vui linh mục là niềm vui có ngưi em là đức vâng phục. Có thể nói đó là vâng phục Giáo Hội theo phẩm trật được ban cho chúng ta không những trong lãnh vực bên ngoài nhất của đức vâng phục: giáo xứ mà chúng ta được gửi đến, các năng quyền của sứ vụ, trách vụ đặc thù.. cả sự kết hiệp với Thiên Chúa Cha, từ đó nảy sinh mọi tình phụ tử. Cả sự vâng phục Giáo Hội trong việc phục vụ: sẵn sàng và mau mắn phục vụ tất cả mọi người, luôn luôn và theo thể thức tốt đẹp hơn, theo hình ảnh ”Đức Mẹ sẵn sàng (Xc Lc 1,39) chạy đến giúp đỡ bà chị họ và quan tâm đến cả việc bếp núc ở tiệc cưới Cana trong đó rượu bị thiếu. Sự sẵn sàng của linh mục làm cho Giáo Hội trở thành căn nhà có những cánh cửa mở rộng, là nơi mương náu cho những người tội lỗi, là tổ ấm cho những người sống ở đường phố, là nhà săn sóc các bệnh nhân, nơi cắm trại cho người trẻ, là nơi học giáo lý cho các trẻ em lớp xưng tội rước lễ lần đầu.. Nơi nào dân Chúa có ước mong hoặc nhu cầu, nơi ấy có linh mục biết lắng nghe, và cảm thấy một mệnh lệnh yêu thương của Chúa Kitô, Đấng sai linh mục đến đáp ứng, với lòng từ bi, những nhu cầu hoặc nâng đỡ những ước muốn tốt lành với lòng bác ái sáng tạo.

Người được gọi hãy biết rằng trong thế giới này có một niềm vui chân thành và viên mãn: niềm vui được đón nhận nơi dân mà linh mục yêu thương và để được sai đến với họ như người ban phát các hồng ân và sự an ủi của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành duy nhất, đầy lòng từ bi thương xót đối với mọi người bé nhỏ và bị gạt ra ngoài lề trên trái đất này, những người vất vả và bị đè nén như những con chiên không người chăn dắt; Vị Mục Tử ấy đã muốn cho nhiều người được tham gia sứ vụ của Ngài để ở lại và hoạt động như chính Ngài trong các linh mục, để mưu ích cho dân Ngài.

Trong ngày thứ năm của chức linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho nhiều người trẻ khám phá thấy một tâm hồn nồng nhiệt khiến họ có được một niềm vui bừng cháy vừa khi một người can đảm mau mắn và vui mừng đáp lại tiếng Chúa gọi.

Trong ngày Thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu bảo tồn ánh mắt vui mừng của các tân linh mục, họ ra đi để tận tụy phục vụ thế giới này, để bị tiêu hao giữa dân trung thành của Thiên Chúa, xin Chúa cho các linh mục ấy vui mừng dọn bài giảng đầu tiên, thánh lễ mở tay, cử hành bí tích rửa tội đầu tiên, giải tội lần đầu tiên… Đó là niềm vui được kinh ngạc chia sẻ kho tàng Phúc Âm lần đầu tiên trong tư cách là những người được xức dầu và cảm thấy rằng đối lại, dân trung thành xức dầu cho linh mục theo một thể thức khác: họ cúi đầu xin linh mục chúc lành cho họ, xiết tay linh mục, đưa con cái họ đến gần linh mục và xin đặt tay trên chúng.. Xin Chúa giữ gìn nơi các linh mục trẻ niềm vui được khởi hành, làm mọi sự như điều mới mẻ, niềm vui tiêu hao cuộc sống vì Chúa.

Trong ngày thứ năm linh mục này, tôi cầu xin Chúa củng cố niềm vui linh mục nơi những ngưi đã thi hành sứ vụ này trong nhiều năm trời. Niềm vui ấy không biến mất khỏi đôi mắt, đậu trên vai của những người đang vác gánh nặng của sứ vụ, những linh mục đã bắt mạch công việc, đang dồn toàn lực và tái võ trang: ”họ đổi không khí” như các thể tháo gia vẫn nói. Xin Chúa gìn giữ sự sâu xa và sự trưởng thành khôn ngoan của niềm vui nơi những linh mục đứng tuổi. Chúng ta hãy biết cầu nguyện như ngôn sứ Neemia: niềm vui của Chúa là sức mạnh của tôi (Xc Ne 8,10).

Sau cùng, trong ngày thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho niềm vui của các linh mục cao niên, lành mạnh hay yếu đau, được chiếu tỏa rạng ngời. Đó là niềm vui của Thập Giá, xuất phát từ ý thức mình có một kho tàng không thể hư nát trong một bình sành dễ bị vỡ. Chúng ta hãy biết an vui trong bất kỳ nơi nào, cảm thấy niềm vui về sự vĩnh cửu trong sự mau qua của thời gian (Guardini). Họ hãy cảm thấy niềm vui vì được chuyển ngọn đuốc cho người kế tiếp, niềm vui được thấy cảc con cái của các con cái lớn lên, và cảm nghiệm những lời hứa, trong nụ cười và dịu dàng, trong đó niềm hy vọng không làm thất vọng.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio