Người Công giáo Việt Nam không thờ ơ với tình hình của đất nước

Người Công giáo Việt Nam không thờ ơ với tình hình của đất nước

bởi Ðoàn Xuân Lộc

Trước những hành động gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông trong những ngày qua, có thể nói người Việt Nam – dù ở đâu, thuộc thành phần, địa vị nào trong xã hội – đều hướng lòng về Biển Đông, đều nghĩ và lo cho an nguy Đất nước, vận mệnh Dân tộc.

Người Công giáo Việt Nam cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.

Hôm 09/05/2014, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã có Bản lên tiếng về tình hình Biển Đông, do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn và Chủ tịch HĐGM Việt Nam – ký.

Mở đầu, Bản lên tiếng đã nhắc lại việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại – trong đó có cả tàu quân sự – vào xâm chiếm, hoạt động trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam và cho tàu quân sự tấn công các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam.

HĐGM coi đó là những “hành vi khiêu khích và leo thang nghiêm trọng với ý đồ rõ ràng thực hiện từng bước kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, bất chấp các nguyên tắc ứng xử Quốc tế mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Qui tắc ứng xử trên Biển Đông.”

Theo HĐGM “tình hình này có nguy cơ đưa đến chiến tranh rất cao.”

'Ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng'

Vì “quan ngại trước tình hình căng thẳng và nguy hiểm” ấy và với trách nhiệm của mình, các HĐGM đã nêu bốn điểm.

Trước hết, Bản lên tiếng nhấn mạnh: “Giáo hội Công giáo luôn kiên trì lập trường xây dựng hoà bình, phản đối chiến tranh. Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả.”

Vì thế, theo HĐGM Việt Nam: “Mọi tranh chấp hiện nay cần phải kiên trì với đường lối đối thoại; loại trừ tất cả mọi hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù của đôi bên.”

Tuy vậy, khi kêu gọi đối thoại, tránh khiêu khích, hận thù đôi bên, Bản lên tiếng đã yêu cầu: “Chính quyền Trung Quốc phải ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng này.”

Với Chính phủ Việt Nam, HĐGM Việt Nam cho rằng: “Tuy phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột, nhưng phải có lập trường kiên định, lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc.”

Dù viết rất ngắn gọn, các Giám mục Việt Nam đã chỉ ra một hướng đi mới – hay ít ra khác với đường lối, phương châm “bốn tốt” và “16 chữ vàng” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi – trong quan hệ với Trung Quốc.

Đó là “lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước” khi tương giao với Trung Quốc.

Vì theo Hội đồng Giám mục Việt Nam, “Những thoả ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi nhiều cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy”.

‘Biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc’

Hai điểm còn lại trong Bản lên tiếng đề cập đến việc người Công giáo Việt Nam nên làm gì trong hoàn cảnh này.

Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Đây là lúc người Công giáo Việt Nam cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI: 'Là người công giáo tốt cũng là công dân tốt.' Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai."

Vì vậy, các Giám mục Việt Nam mời gọi: "Người Công giáo chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương, đất nước và với tất cả lương tâm của mình tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.”

Cụ thể, bắt chước sáng kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô – người đã kêu gọi con cái mình và những ai thành tâm thiện chí dành ngày 7/9/2013 để cầu nguyện cho hoà bình ở Syria – Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam."

Trong ngày đó, mọi người được mời gọi: “Sám hối, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm, để góp phần nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tàu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát, hải giám Việt Nam bị thương.”

Ngoài Bản lên tiếng này, từ lâu các Giám mục Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông – đặc biệt là kể từ mấy năm nay khi Trung Quốc càng ngày càng có nhiều hành động gây hấn, lấn chiếm ở Biển Đông.

Và một người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho “Công lý và hòa bình” ở Biển Đông là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGM Việt Nam.

Ngài cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Dưới sự hướng dẫn, chủ trì của ngài, Câu lạc bộ này đã tổ chức một buổi tọa đàm về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” vào năm 2009 – khi tàu Trung Quốc ngang ngược vào Biển Đông đánh đuổi, đàn áp các ngư dân Việt Nam.

Cách đây hơn một tháng – trước khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-891 vào hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam – ngài đã dành cho trang Lam Hồng, một trang chuyên về niềm tin, văn hóa, giáo dục của Giáo phận Vinh, một cuộc phỏng vấn về đề tài “Xông lý và hòa bình trên Biển Đông.”

Với những hành động hung hăng, ngang ngược gần đây của Trung Quốc, Ban biên tập trang Lam Hồng đã đưa bài phỏng vấn lên mạng hôm 09/05/2014.

Trong cuộc phỏng vấn ấy, Đức cha Hợp đã cho biết dù gặp nhiều khó khăn khi tổ chức, tọa đàm đó cũng được diễn ra và sau đó được giấy phép để xuất bản cuốn “Biển Đông và hải đảo Việt Nam.”

Vào năm 2011, Câu lạc bộ dự tính tổ chức một tọa đàm về “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” nhưng vì phải đối diện với nhiều áp lực Ban tổ chức đã hủy bỏ tọa đàm đó. Tuy vậy, ngài cho biết, theo ước nguyện của một số người, Ban tổ chức đã cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” với tính cách là lưu hành nội bộ.

Khi được hỏi đâu là động lực duy khiến ngài và Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông”, ngài chia sẻ: “Động lực duy nhất đó là lòng yêu nước và cố gắng để làm sáng tỏ một vấn đề mà lúc đó cũng như ngày hôm nay đang là vấn đề nhạy cảm, đó là hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông – một biển mà có chiều dài lịch sử là biển của Việt Nam”.

Vì vậy, mục đích của việc tổ chức buổi tọa đàm và cho xuất bản cuốn sách ấy là “đòi công lý và hòa bình cho vùng biển của Việt Nam, vùng lãnh hải của Việt Nam."

Khi được hỏi về việc Việt Nam – bao gồm các học giả, trí thức và chính quyền – đã làm đủ những gì cần phải làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình chưa, Đức cha Hợp đã trả lời là: “Nhìn lại lịch sử của Dân tộc, những gì cha ông chúng ta đã làm thì chúng ta phải xấu hổ vì những gì chúng ta chưa làm và không làm trong giai đoạn hiện nay.”

Đặc biệt ngài không hiểu tại sao nhà cầm quyền Việt Nam đáng lẽ ra là phải tạo cơ hội để cho các nhà nghiên cứu, các nhà trí thức xuất bản những bài viết, những cuốn sách nói về giá trị lịch sử của Trường Sa và Hoàng Sa, lại “phản ứng rất bạo lực đối với những người muốn chứng tỏ rằng Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.

‘Con có một Tổ quốc’

Nói đến lời mời gọi biểu lộ lòng yêu nước của Hội đồng Giám mục Việt Nam, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một bài thơ, một bài hát – hay đúng hơn một cảm nhận cá nhân – rất quen thuộc với nhiều người Công giáo, đặc biệt là giới trẻ Công giáo Việt Nam, và được nhắc đến hay đăng tải nhiều trên các trang mạng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào HD-981 vào trong vùng biển của Việt Nam.

Đó là bài “Con có một Tổ quốc” của Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận – người từng giữ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh – trong đó có đoạn:

“Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.”

Và:

“Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.”

Ngài viết những cảm nhận này ngày 8/12/1975 khi bị quản thúc ở Cây Vông, Phú Khánh – cũng là lúc ngài phải sống xa địa phận, con cái của mình, khi phải đối diện với một hoàn cảnh rất cô đơn, nếu không muốn nói là rất tuyệt vọng.

Nhưng dù sống trong một hoàn cảnh như thế, ngài vẫn nghĩ tới Quê hương, Đất nước, Tổ quốc. Vì được viết trong một hoàn cảnh đó – viết để tự nhắc nhở mình cũng như bao thế hệ sau luôn biết yêu Quê hương, Đất nước – bài “Con có một Tổ quốc” mang một ý nghĩa rất đặc biệt và thực sự đã được nhiều người quý mến, đón nhận.

Cụ thể, bài thơ này đã được một số người – như Linh mục Ðỗ Bá Công – phổ nhạc và được những ca sỹ nổi tiếng như KL trình bày rất hay và truyền cảm.

 
Trích từ VOA

Ơn sức mạnh giúp tín hữu trung thành với Chúa cả trong các khó khăn đau đớn, và hy sinh mạng sống vì Chúa và Tin Mừng

Ơn sức mạnh giúp tín hữu trung thành với Chúa cả trong các khó khăn đau đớn, và hy sinh mạng sống vì Chúa và Tin Mừng

Ơn sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban giúp tín hữu trung thành làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Người, cả khi phải sống trong các tình trạng khó khăn thử thách đớn đau cùng cực và hy sinh chính mạng sống mình nữa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 14-5-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp Đức, Áo, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, còn có các nhóm đến từ nhiều nước Á châu như Ấn độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia và Việt Nam là đoàn hành hương giáo phận Vinh. Từ Châu Mỹ Latinh có các nhóm hành hương Mêhicô, Ecuador, Venezuela, Chilê, Argentina và Brasil.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ơn sức mạnh hay ơn hùng dũng. Ngài nói: Anh chị em thân mến, chúng ta đã duyệt xét ba ơn đầu tiên của Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan, ơn thông hiểu và ơn cố vấn hay khuyên nhủ. Hôm nay chúng ta nghĩ tới điều Chúa làm: Người luôn đến để nâng đỡ chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta, và điều này làm thành một ơn đặc biệt là ơn sức mạnh.

Với ơn sức mạnh Chúa Thánh Thần giải tỏa thửa đất con tim của chúng ta khỏi trạng thái hôn mê, khỏi các bất ổn và mọi sợ hãi có thể ngăn cản nó, để cho Lời Chúa được thực hành một cách đích thật và tươi vui. Ơn sức mạnh này thật là một sự trợ giúp đích thực, trao ban sức mạnh cho chúng ta và cũng giải thoát chúng ta khỏi biết bao ngăn cản.

Có một dụ ngôn, do chính Chúa Giêsu đã kể, giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của ơn hùng dũng. Đó là dụ ngôn người gieo giống ra đi gieo hạt. Tuy nhiên không phải mọi hạt đều đem lại kết qủa. Hạt rơi trên đường bị chim ăn mất; hạt rơi trên đất nhiều đá sỏi hay giữa bụi gai, nẩy mầm nhưng bị mặt trời làm khô héo hay bị gai bóp nghẹt. Chỉ có hạt rơi vào đất tốt có thể lớn lên và đơm bông hạt (x. Mc 4,3-9; Mt 13,3-9; Lc 8,4-8). Như chính Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ Người hiểu, người gieo giống là Thiên Chúa Cha là Đấng gieo vãi hạt giống Lời Người một cách tràn đầy. Tuy nhiên hạt giống thường gặp phải sự khô cằn của con tim chúng ta, và cả khi được tiếp nhận nó có nguy cơ không sinh sản.

Xảy ra là có những lúc khó khăn và các tình trạng cùng cực, trong đó ơn sức mạnh được biểu lộ ra một cách ngoại thường, gương mẫu. Đó là trường hợp của những người phải đương đầu với các kinh nghiệm khó khăn và đau đớn, đảo lộn cuộc sống của họ và của những người thân thương của họ. Giáo Hội rạng ngời chứng tá của biết bao nhiêu anh chị em không ngần ngại hiến mạng sống mình, miễn là trung thành với Chúa và Tin Mừng của Người. Nghĩ tới các kitô hữu bị bách hại vì đức tin Đức Thánh Cha nói:

Cả ngày nay nữa cũng không thiếu các kitô hữu tại nhiều phần trên thế giới tiếp tục cử hành và làm chứng cho đức tin của mình, với xác tín sâu thẳm và sự thanh thản, và họ kháng cự cả khi biết rằng phải trả một giá cao hơn cho điều đó. Cả chúng ta tất cả, chúng ta biết có người đã sống các tình trạng khó khăn và gặp biết bao đau khổ. Chúng ta hãy nghĩ tới các người nam nữ có một cuộc sống khó khăn, tranh đấu để đưa gia đình tiến tới, giáo dục con cái. Họ làm điều đó vì có thần khí sức mạnh giúp họ. Có biết bao nhiêu người mà chúng ta không biết tên nhưng họ vinh danh dân tộc của chúng ta, vinh danh Giáo Hội, bởi vì họ mạnh mẽ: mạnh mẽ trong việc đưa cuộc sống gia đình, công việc làm và đức tin tiến tới. Các anh chị em đó là thánh, thánh hàng ngày, thánh dấu ẩn giữa chúng ta. Họ có ơn sức mạnh để sống bổn phận là cha, là mẹ, là anh chị em, là công dân. Chúng ta có biết bao nhiêu vị thánh như thế. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì các kitô hữu có sự thánh thiện dấu ẩn đó, nhưng chính Chúa Thánh Thần ở bên trong đưa họ tiến tới! Thật là tốt cho chúng ta, khi nghĩ tới các anh chị em đó. Nếu họ có thể làm được, tại sao tôi lại không thể làm được? Và hãy xin Chúa cho chúng ta ơn sức mạnh.

Sự kiện ấy luôn dấy lên nơi chúng ta một cảm xúc sâu xa, và không thể giải thích nó trên bình diện nhân loại, nếu không phải là do hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng tuôn đổ sức mạnh và sự tin tưởng cả trong những trạng huống khó khăn nhất trong cuộc sống chúng ta.

Chúng ta đừng nghĩ rằng ơn sức mạnh chỉ cần thiết trong những dịp hay tình trạng đặc biệt. Ơn này phải làm thành nốt chính cuộc sống kitô của chúng ta, trong cuộc sống thường ngày. Như tôi đã nói trong mọi ngày của cuộc sống thường ngày của chúng ta, chúng ta phải mạnh mẽ, chúng ta cần sự mạnh mẽ, để có thể đưa cuộc sống, gia đình và đức tin của chúng ta tiến tới.

Tông đồ Phaolô đã nói một câu mà chúng ta nên nghe: ”Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Trong cuộc sống thường ngày, khi các khó khăn đến chúng ta hãy nhớ: ”Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Chúa trao ban sức mạnh, luôn luôn, không thiếu. Chúa không thử thách chúng ta qúa sức chịu đựng của chúng ta. Người luôn ở với chúng ta. ”Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”

Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ để cho sự lười biếng hay tệ hơn sự chán nản cầm giữ chúng ta, nhất là trước các mệt nhọc và thử thách của cuộc sống. Trong các trường hợp đó chúng ta đừng mất tinh thần, nhưng hãy khẩn nài Chúa Thánh Thần, để với ơn sức mạnh Người có thể làm vơi nhẹ con tim của chúng ta và thông ban cho cuộc sống và việc theo Chúa Giêsu của chúng ta một sức mạnh mới và lòng hăng say.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc họ có những ngày hành hương tươi vui và bổ ích. Chào các Nữ tử dòng thánh Camillo đang họp tổng tu nghị ngài chúc các chị là dấu chỉ tươi vui của tình yêu Chúa giữa những người đau khổ. Chào các tham dự viên cuộc hành hương do Hiệp hội ”Công trình nhỏ của Chúa Cứu Thế” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập là cha Arturo d'Onofrio, Đức Thánh Cha cầu mong họ là các dụng cụ của hòa bình và hòa giải trong mọi tình trạng sống và môi trường. Ngài cũng chào các nhóm của tổ chức chuyên chở bệnh nhân hành hương Lộ Đức thuộc nhiều tỉnh khác nhau, và chúc họ luôn biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần bằng cách khiến cho nó hoạt động trong cuộc sống cho thiện ích.

Đức Thánh Cha cũng chào phái đoàn các tín hữu đảo Sardegna do các Giám Mục và chính quyền hướng dẫn về Roma hành hương để đáp lại chuyến viếng thăm của ngài trên đảo này. Ngài cũng chào đoàn đại biểu của tổ chức gọi là ”Vùng đất của lửa và chất độc” vùng Campania nam Italia, là nơi xảy ra nhiều cuộc hỏa hoạn đốt các thùng rác và chôn lén các hóa chất độc hại bị cấm, khiến cho rất nhiều người dân bị chết vì bệnh ung thư. Ngài tỏ tình liên đới với họ và cầu mong phẩm giá con người và các quyền sức khỏe luôn luôn được đặt trước mọi lợi lộc khác.

Sau cùng chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài xin Mẹ Maria, mà Giáo Hội biệt kính trong tháng 5 này, là thầy dậy sự dịu hiền và tình yêu cho các bạn trẻ, đỡ nâng người đau yếu trong những lúc khó khăn nhất của cô đơn và đau khổ. Ngài cũng xin Mẹ là gương mẫu cho các cặp vợ chồng mới cưới trong việc sống hiệp nhất và hòa thuận trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Biển Đông và Giáo hội Công giáo: Phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp

Biển Đông và Giáo hội Công giáo: Phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp

Đức Cha Nguyễn Thái Hợp ra mắt sách tại Philadelphia 05-11-2014

 

Đức Giám mục giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đang có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ. Ngày 11/5 ông giới thiệu quyển sách Công lý và Hòa bình trên biển Đông tại thành phố Philadelphia. Kính Hòa có cuộc trao đổi với ông về đề tài biển Đông và Giáo hội Công giáo Việt nam.

Hòa bình và Công lý ở Biển Đông

Kính Hòa: Dạ thưa kính chào đức cha, đầu tiên KH xin cảm ơn Đức Cha đã giành cho Đài ACTD buổi phỏng vấn này.

Câu hỏi đầu tiên: Trong tình hình hiện thời như Đức Cha cũng biết là đang có những biến chuyển mới ở Biển Đông, và Đức Cha đã có cho ra mắt quyển sách HBVCL ở Biển Đông, thưa Đức Cha xin Đức Cha cho biết làm  thế nào để có được cả hai điều hòa bình và công lý ở Biển Đông?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Xin chân thành cảm ơn anh KH và các thính giả của ĐACTD, tôi rất vui mừng là có sự trùng hợp đặc biệt mà tôi có mặt ở đây để nói chuyện về đề tài bức xúc đối với người dân VN. Nói về quyển sách HBVCL. Đó là kết quả cuộc tọa đàm dự định tổ chức năm 2011, nhưng ở thời điểm đó chúng tôi cũng như tất cả những người băn khoăn với đề tài Biển Đông gặp khó khăn, khó khăn từ phía nhà cầm quyền đối với những người cộng tác, đối với những người chủ trương. Tuy nhiên sau đó theo yêu cầu của nhiều anh em, chúng tôi đã phát hành cuốn sách đó, lưu hành nội bộ, tức là chỉ phát hành rất ít cho một số anh em để họ sử dụng; và từ năm ngoái một số anh em trong phong trào giáo dân đã muốn cho phát hành cuốn sách đó ở bình diện rộng lớn hơn, ở Hoa Kỳ này; do đó hôm nay tôi đến HK để tham dự lễ hội Đức mẹ La vang ở Houston, sau đó tôi sang đây để phát hành cuốn sách đó tại Houston, DC, Philadelphia và một số nơi k hác…

Đề tài của cuốn sách là nói lên tham vọng của TQ đối với Biển Đông, chủ trương đường lưỡi bò của TQ, chủ trương bị rất nhiều người phản đối, nhưng TQ với thâm mưu và ý đồ vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương đó theo tính cách tằm ăn giông, theo kiểu vết dầu loang và theo nhiều chuyên viên mà anh cũng đã nhận  thấy đó, thì TQ đã lựa chọn một thời điểm rất là thích hợp khi mà VN đang hồ hởi mừng chiến thắng ĐB, rồi mừng 30/04 và khi mà HK cũng đang vướng bận với những dễn biến tại Ukraina, thì TQ đã cho giàn khoan 981 vào Biển Đông, vào vùng lãnh thổ VN. Sự kiện đó đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho nhà cầm quyền VN và đặc biệt là cho người VN trong và ngoài nước.

Kính Hòa: Thưa Đức Cha, trong quyển sách đó Đức Cha đưa ra những gợi ý nào, có chuyên chở những ý kiến gì cho người đọc trong vấn đề công lý và hòa bình?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Cuốn sách đó đã viết cách đây 3 năm, 3-4 năm, và chúng tôi đã bắt đầu thảo luận vấn đề Biển Đông từ năm 2008-2009. Năm 2009 là lần đầu tiên câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình tổ chức tọa đàm về Biển Đông và hải đảo VN thì cũng đã nghĩ tới vấn đề Biển Đông, vì đã nghĩ tới vấn đề lãnh thổ VN theo công ước quốc tế về luật biển. Cũng như trong bối cảnh hôm nay thì lãnh thổ VN không chỉ tính trên đất liền, và nói chung nó có thể lớn gấp ba lần lãnh thổ mà chúng ta….. và trước áp lực “đường lưỡi bò” thì lãnh thổ VN sẽ bị giới hạn, và hôm nay chúng ta đang thấy điều lo sợ đó đang trở thành hiện thực.

Và một trong những ý tưởng mà anh em trao đổi là cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, chứ không thể tiếp tục đối thoại song phương với TQ. Chính cái kiểu đối thoại song phương của 2 nhà nước đã đưa VN vào thế bí  như hiện nay, và thảm họa mất nước, mất dần lãnh thổ là điều chúng ta đang nhìn thấy trước mắt. Vì nghĩ như vậy nên chúng tôi cho rằng cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, VN cần phải đưa vấn đề Biển Đông, đưa câu chuyện giàn khoan, câu chuyện Hoàng sa-Trường Sa, chuyện “đường lưỡi bò”… ra trước quốc tế và LHQ như Philippines đã làm, để nhờ trọng tài quốc tế phân xử.

Kính Hòa: Thế thì trong biến chuyển vừa qua, như Đức Cha cũng biết, cách đây vài tiếng đồng hồ là ông TT VN NTD đã lên tiếng rất mạnh mẽ tại HNTĐ ASEAN tại Miến Điện, vậy thì theo Đức Cha đây có phải là bước đầu tiên mà VN đưa vấn đề Biển Đông ra quốc tế không ạ?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện giàn khoan 981 sẽ giúp chính quyền VN nhìn lại chính sách của họ trong thời gian qua. Nhân dịp này cũng xin cảm ơn các bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong phạm vi khả năng và quyền hạn của họ đã chiến đấu bảo vệ lãnh thổ; nhưng cũng mong rằng chính quyền nên có một chính sách nhất quán hơn mới có thể cứu vãn được biên giới và lãnh thổ VN. Trước đây Thủ tướng NTD cũng có những tuyên bố về vấn đề Biển Đông, chúng tôi đã có trích dẫn những tuyên bố đó đưa vào quyển sách; những tuyên bố đó cũng được nhiều người hoan nghênh.

Nhưng rồi cũng đâu lại vào đó, và cuối cùng chúng ta phải đối đầu với một thực trạng là nhà nước vẫn có một chính sách quá ôn hòa mà một số người đã gọi là “hèn” đối với TQ; trong khi đó bạo lực và quá bạo lực đối với dân, nhất là đối với những người đã lên tiếng phản đối TQ. Tại sao lại làm như vậy?! Hy vọng vụ giàn khoan 981 sẽ là một thực tế, một thực tế đau lòng, nhưng hy vọng là thực tế ấy sẽ giúp chính quyền nhìn ra sự thật, để không còn tin tưởng vào nơi 16 chữ vàng để đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái và ý thức hệ; ngõ hầu tạo được miền tin nơi những ngưới VN trong và ngoài nước.

Tôi không phải là chính trị gia, nhưng tôi nghĩ rằng để đưa được người VN, dân tộc VN ra khỏi bước ngoặt quan trọng và thê thảm hiện nay thì cần phải có sự đoàn kết của  những người VN trong cũng như ngoài nước, những người VN thuộc những chính  kiến, đảng phái và tôn giáo khác nhau. Đã có người gọi đó là một Hội nghị Diên Hồng mới.

Tình hình sinh hoạt tôn giáo trong nước

 

Kính Hòa: Xin cám ơn Đức Cha trong phần nói chuyện về đề tài Biển Đông. Xin Đức Cha giành cho chúng tôi thêm vài phút để chuyển qua một đề tài khác. Và cũng như mọi người VN trên thế giới đã theo dõi thời sự đều biết đến câu chuyện xảy ra năm ngoái ở giáo xứ Mỹ Yên, đều biết rằng Đức Cha là người đứng đầu sóng ngọn gió. Thế thì gần một năm sau thì Đức Cha có thể cho biết tình hình sinh hoạt tôn giáo nói chung, và ở giáo xứ Vinh giáo phận mà Đức Cha phụ trách hiện nay như thế nào?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Cách đây ít lâu có người đặt câu hỏi cho chúng tôi là tình hình giáo hội công giáo ở VN như thế nào: là xấu, tốt, hay trung bình.

Thật là khó lòng diễn tả một tình hình phức tạp chỉ với một trong ba chữ là xấu tốt hay trung bình, nhưng nếu phải lựa chọn, hay nếu phải xếp hạng thì đúng hơn, thì tôi nghĩ là trung bình, hay đúng hơn là trung bình thấp, tùy theo cái nhìn, tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi.

Riêng đối với giáo phận chúng tôi thì tôi có đặt câu hỏi với một số quan chức VN là tại sao có xảy ra vụ Mỹ Yên, hay nếu hỏi một cách da diết hơn thì câu hỏi là anh có ý đồ gì khi đưa ra vụ Mỹ Yên thì tại sao phải huy dộng đến  hơn 1 ngàn cảnh sát cơ động có trang bị hơi cay và chó nghiệp vụ, tại sao huy động cả quân đội có vũ trang để đến đó là cuối cùng chỉ thực sự đối diện với mấy chục người dân tay không chứ cũng chả có gậy gộc súng ống gì cả. Cái đó là do nghe nói giáo dân Mỹ Yên đã chuẩn bị vũ trang để khởi nghĩa… cuối cùng thành ra cũng chỉ như đánh nhau với gió. Tôi cũng đã băn khoăn đặt câu hỏi tại sao.

Từ ngày đó đến hôm nay chúng tôi vẫn đối thoại, hai bên vẫn có những cuộc gặp gỡ và cuối cùng cũng có hai người giáo dân Mỹ Yên được trả tự do trước thời hạn, tức là được về mừng lễ giáng sinh với gia đình. Có một quan chức đã bảo tôi xin giám mục làm sao để dân chúng đừng có lên đón họ như những chiến sĩ vinh quang trở về, mà cứ để cho họ về âm thầm thôi, thì tôi cũng thấy là không cần thiết phải làm như vậy, nên hai người đó đã được về nhà một cách âm thầm. Nhưng sau đó bà con đã tổ chức lễ hội ba ngày liền để mừng họ. Ước mong rằng trong tương lai sẽ không có những chuyện như vậy xảy ra nữa, trong thế kỷ 21.

Kính Hòa: Thưa Đức Cha theo cách đánh giá của Đức Cha thì hiện nay tình hình hoạt động của giáo hội công giáo VN là ở mức trung bình, hay thấp hơn trung bình một chút. Vậy theo Đức Cha thì trong tương lai có thể làm gì để cho tình hình nó khá hơn ạ?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vấn đề đó không phải chỉ lệ thuộc vài giáo hội mà thôi, mà điều đó thì nhà cầm quyền cũng phải nghĩ đến tiến trình đó, để thực hiện những quyền con người, những hiệp ước mà nhà cầm quyền đã từng ký, mà mới đây như anh cũng biết là VN đã được đề nghị đưa vào Hội dồng Nhân quyền LHQ. Đó là một vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm, làm sao để người ta có thể tin tưởng là VN là thành viên, và có ứng xử đúng tư cách là thành viên, chứ như trong  thười gian qua thì VN đã có quá nhiều chuyện xảy ra, và có lẽ công an có quá nhiều  quyền như trong thời gian vừa qua thì có lẽ đó là điều lệ thuộc rất nhiều vào chính quyền, vào những quyết định và ứng xử của họ.

Chúng tôi cầu mong đất nước được an bình hơn, người Việt sẽ đoàn kết với nhau hơnđể có thể đối phó với ngoại xâm, nạn ngoại xâm mà VN đã phải đối đầu suốt chiều dài lịch sử là nước phương Bắc, do cái tham vọng ngàn đời của họ, tham vọng Đại Hán. Để như vậy cần phải động viên tất cả năng lực, đoàn kết, nhất trí của mọi người.

Kính Hòa: Dạ thưa Đức Cha vừa nhắc tới chuyện là tình hình sắp tới nếu muốn tốt hơn thì có phần lệ thuộc vào chính quyền thì có vẻ như là chính quyền VN hiện nay vẫn e ngại những tổ chức giáo hội nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Làm thế nào để họ không e ngại điều đó nữa?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi cũng không thể trả lời anh câu hỏi đó vì xưa nay chúng tôi vẫn luôn mơ tới điều mà ĐGH Biển Đức 16 đã nói, đó là người công giáo tốt cũng là  người công dân tốt. Tất cả tín hữu công giáo VN đang cố gắng làm người giáo dân tốt, và là người công dân tốt. Người công dân tốt là người bận rộn và lo lắng cho vận mệnh đất nước, chính vì vậy trong một số bài viết chúng tôi có nêu rõ chúng tôi không đồng ý với quan điểm đồng hóa đất nước với một chế độ chính trị, cũng không thể nói yêu nước là yêu CNXH.

Bởi vì nhìn lại lịch sử dân tộc qua các triều đại, từ đời Ngô, đời Đinh, đời Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… cho tới chế độ hiện tại, thì tất cả các triều đại đó, chế độ đó cũng phải tới lúc chuyển giao cho triều đại khác, chế độ khác. Nhưng mà đất nước chúng ta vẫn còn đấy, và không ai có quyền đồng hóa một chiều dài lịch sử của dân tộc với một thể chế chính trị…. và chúng tôi đều mong muốn giáo dân tốt cũng là công dân tốt, nên vì vậy Hội đồng Giám mục VN trong văn thư vừa rồi đã thể hiện sự băn khoăn trước tình hình Biển Đông và dân  tộc đã yêu cầu nhà cầm quyền đừng đồng hóa đất nước với chế độ, và yêu cầu nhà cầm quyền nên xét lại mối tương quan giữa VN với TQ vì mối tương quan đó đang gây tác hại cho đất nước trong giai đoạn hiệntại.

Kính Hòa: Xin chân thành cảm ơn Đức Cha đã dành cho ĐACTD cuộc nói chuyện này.

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Tôi xin cảm ơn anh KH, cảm ơn Ban Giám Đốc ĐACTD, và cảm ơn quý bạn nghe đài.

Trích từ RFA

Nam Phi kỷ niệm 20 năm chấm dứt chế độ kỳ thị chủng tộc

Nam Phi kỷ niệm 20 năm chấm dứt chế độ kỳ thị chủng tộc

Phỏng vấn Đức Hồng Y Wilfrid Fox Napier, Tổng Giám Mục Durban

Cách đây 20 năm ngày 27 tháng 4 năm 1994 nhân dân Nam Phi đã hân hoan tham dự cuộc bầu cử tự do dân chủ đầu tiên trong lịch sử của mình, chấm dứt chế độ kỳ thị phân biệt chủng tộc bất công và hổ nhục kéo dài nửa thế kỷ. Ông Nelson Mandla, người tù của các chính quyền kỳ thị chủng tộc, đã được bầu làm tổng thống dân cử đầu tiên của một Nam Phi mới.

Cộng hòa Nam Phi rộng gần 1 triệu 220 ngàn cây số vuông, có hơn 50 triệu dân, bao gồm nhiều nhóm chủng tộc khác nhau. Người da đen Bantu chiếm 73% và chia thành 9 nhóm: Zulu 23%, Xhosa 18%, Sotho 16%, Tswana 7%, Tsonga 4%, Swazi 2,5%, Venda 2%, Ndebele 1,5% và Pedi 1%. Người da trắng chiếm 13% tổng số dân và chia thành ba nhóm: Boeri hay Afrikaner 6,5%, Anglosasson 5,5%, nhóm thứ ba gồm những người gốc Bồ Đào Nha, Đức và Italia chiếm 1%. Nhóm gốc Á châu chiếm 3% tổng số dân và bao gồm hai nhóm: Ấn Độ 2,5% và Tàu 0,5%. Nhóm lai giống chiếm 9% tổng số dân. Người Boscimani và Ottentotti chiếm 0,1%.

Trên bình diện tôn giáo 35% người dân Nam Phi theo Tin lành. Số tín hữu Công giáo được 10%, tín hữu Anh giáo 10%. Tín hữu Methodist, Luther và các Giáo Hội Kitô khác chiếm 30%. Hồi giáo chiếm 1,5%, Ấn giáo chiếm 1,2%, Do thái 0,3%, Phật giáo và đạo thờ vật linh 12%, người vô thần hay vô ngộ chiếm 14,8%. Về ngôn ngữ người dân Nam Phi nói 11 thứ tiếng khác nhau.

Trên bình diện nhân chủng Nam Phi, nhất là vùng Transvaal, chắc hẳn là chiếc nôi của nhân loại, vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của người Australopitechi, Homo habilis, Homo erectus, và Homo sapiens.

Cách đây 10,000 năm Nam Phi có hai nhóm dân du mục là người Boscimani và Khoikhoi hay Ottentotti sinh sống về nghề săn bắn và hái trái. Tiếp đến giữa thế kỷ thứ III-V có thêm các nhóm Bantu.

Năm 1487 một nhà thám hiểm Bồ Đào Nha vượt ”Mũi hy vọng” mở đường biển sang Ấn Độ. Nhưng chính các thương gia Hòa Lan đã thành lập cứ điểm thương mại sau này là thành phố Cap. Và cũng từ đó phong trào thuộc địa gồm người của vài nước Âu châu bắt đầu, rồi trở thành một cộng đoàn tự trị phát triển một nền văn hóa và một thứ tiếng nói riêng là Afrikaans. Họ cũng được gọi là người Boeri trong tiếng Hòa Lan có nghĩa là ”nông dân”.

Vào thế kỷ XVIII người Anh chiếm thành phố Cap. Vào giữa thế kỷ XIX người Boeri bị người Anh áp bức đi cư về mạn bắc và thành lập các cộng hòa Boeri nhỏ. Cuối thế kỷ XIX và trong thế kỷ XX đã xảy ra một loạt các trận đụng độ đẫm máu giữa người Boeri được chủng tộc Zulu hộ thuẫn và người Anh được hai nhóm Xhosa và Swasi yểm trợ. Phe Anh chiến thắng, và năm 1902 họ hiệp nhất mọi miền Nam Phi, rồi năm 1910 trở thành Liên Hiệp Nam Phi.

Sau Đệ Nhi Thế Chiến đảng Quốc Gia thắng cử lên cầm quyền và bắt đầu thi hành chế độ Apartheid kỳ thị phân biệt chủng tộc, cấm người da đen không được theo học các trường dành cho người da trắng, cũng như lui tới tất cả mọi nơi dành cho các sinh hoat của người da trắng. Chính quyền da trắng kỳ thị Nam Phi thành lập các vùng gọi là Bantustan, để cô lập hóa người da đen. Các vùng này chiếm 13% tổng số diện tích Nam Phi. Những người da đen tiếp tục sống trong các vùng của người da trắng, khoảng 50% tất cả, từ từ mất các quyền dân sự. Chính sách Apartheid kỳ thị này khiến cho Liên Hiệp Quốc năm 1973 đã phải tuyên bố nó là tội phạm chống lại nhân loại. Nhưng các nghị quyết cấm vận kinh tế từ năm 1962 chống lại Nam Phi đã không có kết qủa, vì luôn luôn bị Hoa Kỳ bỏ phiếu chống. Lý do vì Nam Phi cung cấp Uranium và nhiều quặng mỏ khác cho Hoa Kỳ. Chế độ kỳ thị chủng tộc kèo dài mãi cho đến năm 1991, khi chính phủ của tổng thống Frederik de Klerk bắt đầu chương trình cải tổ quốc gia, hủy bỏ chế độ kỳ thị, trả tự do cho ông Nelson Mandela thuộc đảng Quốc Đại, và mời ông tham gia trong chính quyền. Ngày 17 tháng 4 năm 1994 trong cuộc tổng tuyển cử tự do dân chủ đầu tiên ông Nelson Mandela đã được bầu làm tổng thống Nam Phi.

Tuy Nam Phi rất giầu tài nguyên nhưng đa số dân, đặc biệt người da đen, vẫn phải sống trong cảnh nghèo túng, không có điện nước, và cũng chưa được hưởng các săn sóc y tế giáo dục đúng mức phải có. Dân nghèo sống trong các vùng ngoại ô vẫn chưa là các công dân với mọi quyền của họ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Wilfrid Fox Napier, Tổng Giám Mục Durban, về biến cố đáng ghi nhớ này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y nghĩ gì về biến cố kỷ niệm lịch sử này?

Đáp: Đó đã là một thời điểm đặc biệt đối với chúng tôi. ”Phi châu tốt đẹp hơn” đã là kiểu chuyển tiếp xảy ra tại Nam Phi. Cách thế duy nhất trong đó tôi có thể nghĩ tới chúng tôi đó là ”Phi châu tốt đẹp hơn”. Nam Phi là quốc gia duy nhất, nơi người ta chờ đợi sự thay đổi từ một chế độ sang một chế độ khác xảy ra trong vất vả mệt nhọc, nhưng lại là nơi việc chuyển tiếp xảy ra một cách nhẹ nhàng nhất. Và chúng tôi biết ơn Thiên Chúa, bởi vì tôi biết rằng có rất nhiều người dân thường đã cầu nguyện, cách riêng trong ngày thứ năm. Các phụ nữ đã chọn ngày thứ năm như ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Nam Phi. Và tôi cho rằng chính nhờ các lời cầu nguyện ấy mà sự thay đổi đã xảy ra một cách êm thắm như vậy.

Hỏi: Ngày nay 20 năm sau các thay đổi ấy, đâu là các niềm hy vọng Đức Hồng Y có đối với các cuộc bầu cử tới đây?

Đáp: Tôi hy vọng rằng người dân, trong một cách thức nào đó, đã trưởng thành khá để biết rằng lá phiếu của họ là lá phiếu bầu kín. Nó qúy báu và tùy họ muốn bỏ phiếu cho ai thì bỏ. Họ không được để cho mình bị đe dọa bởi những người nói: ”Một cách nào đó thế nào chúng tôi sẽ biết qúy vị bỏ phiếu cho ai”. Hy vọng thứ hai của tôi là những người phải bỏ phiếu làm điều đó không phải vì những lý do truyền thống – ”Tôi đã luôn luôn bỏ phiếu cho đảng này” – nhưng phải tự hỏi ”Cái gì sẽ duy trì được công ích nhất và một cách hữu hiệu nhất?” Đây phải là tiêu chuẩn mà người đi bầu phải theo, khi họ bỏ phiều.

Hỏi: Đức Hồng Y đã về Roma để viếng mộ hai thánh Phêrô Phaolo và thăm Tòa Thánh cách đây ít ngày. Đức Hồng Y đem theo những gì trong các lời của Đức Thánh Cha, sau khi gặp gỡ ngài?

Đáp: Tôi nghĩ là chúng tôi phải sao chụp toàn văn bản và phân phát cho tất cả mọi người để tất cả mọi người đều biết những gì Đức Thánh Cha đã nói. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi cũng phải thêm cái gì đó của chính mình: đâu đã là các kinh nghiệm của chúng tôi trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, được ngồi gần ngài, nói chuyện với ngài, trao đổi vài ý kiến với ngài và có cảm tưởng sâu đậm rằng Đức Giáo Hoàng không coi mình như là người ở ngoài hay ở bên trên các Giám Mục, nhưng là một trong các Giám Mục. Ý thức của ngài về tính cách giám mục đoàn là một thực tại sống động. Ngài đã gây kinh ngạc, khi nói với chúng tôi: “Chúng ta là anh em và tôi cần anh em biết điều này và điều này”, các vấn đề rất nghiêm trọng. Và đó đã là một khích lệ biết bao! Vì thế ngài là Giáo Hoàng, ngài có vấn đề này và biết rằng cả chúng tôi cũng có vấn đề đó và muốn chia sẻ nó với chúng tôi. Trong sự chia sẻ ngài rất cởi mở, bởi vì chúng tôi trả lời ngài về kiểu phải đương đầu với vấn đề như thế nào.

Hỏi: Xem ra Đức Thánh Cha Phanxicô chú ý tới mọi tình hình mà ngài tiếp cận. Trong diễn văn ngài đã đề cập tới biết bao nhiêu vấn đề: ngài đã nói tới nạn gian tham hối lộ, tới trẻ mồ côi vì bệnh liệt kháng AIDS vv… có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Đức Thánh Cha đã đề cập tới tất cả các vấn đề đó. Tôi có cảm tưởng – bởi vì tôi đã đọc và lắng nghe diễn văn – tôi có cảm tưởng ngài đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề trong mọi trường hợp. ”Đây là chính xác nơi chúng ta đang đứng”, ngài biết nó là chuyện gì. Tôi biết rằng ngài sẽ cầu nguyện cho chúng tôi, sẽ giúp chúng tôi, và nếu chúng tôi có cần một lời khuyên, thì ngài sẽ cho chúng tôi một lời khuyên…

Hỏi: Đức Hồng Y đã nhắc tới Ngày cầu nguyện cho hòa bình Nam Phi trước các cuộc bầu cử hồi năm 1994. Năm nay có xảy ra điều tương tự như cách đây 20 năm không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có. Chúa Nhật 27 tháng 4 vừa qua là Ngày cầu nguyện cho Nam Phi, để tái trao ban sức mạnh cho điều đã xảy ra cách đây 20 năm, khi chúng tôi đang ở trong cuộc khủng hoảng và khám phá ra rằng cách thế duy nhất giúp ra khỏi cuộc khủng hoảng đó đối với chúng tôi đó là Thiên Chúa, bằng mọi cách và phải có Người hiện diện giữa chúng tôi. Ngày cầu nguyện hồi đó đã là ngày 27 tháng 4, ngày kỷ niệm sự thay đổi. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi cũng sống cùng điều đó. Và tôi tin rằng Thiên Chúa lắng nghe các lời cầu ấy, bởi vì Ngài biết là chúng đến từ con tim, từ những người nói: ”Chúng ta hãy cầu nguyện, bởi vì chúng ta cần có Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta”, chứ không phải để được một phép lạ. Chúng tôi cần có Thiên Chúa trong cuộc sống chúng tôi.

(RG 29-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cầu nguyện cho các tu sĩ

Cầu nguyện cho các tu sĩ

Để cứu đệ con người, Thiên Chúa đã phải hạ giới làm người, sống như con người, là một con người trọn vẹn. Cuộc đời tại thế của Người kết thúc bằng cái chết nhục nhã trên thập giá. Dù đã phục sinh, nhưng Ngôi Lời Nhập Thể biết rằng Ngài không thể suốt đời suốt kiếp sống kề bên con người một cách nhãn tiền và hữu hình được. Sẽ đến lúc Ngài phải ra đi và đồng hành bên con người theo một cách thức khác. Thế nên, trong quảng thời gian còn ở dương thế, Ngài đã mời gọi một số người đến với mình, ở với mình, nghe những lời giáo huấn của mình, để sau này Ngài có thể sai họ đi, tiếp nối bước chân và sứ mạng cứu thế của Người.

Ai cũng được mời gọi bước theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Ngài, nhưng có một số người được Giêsu mời gọi theo một cách thức khác để ở với Ngài riêng tư hơn. Họ chưa hẳn là những con người xuất chúng hay lỗi lạc. Cũng chưa hẳn họ là người thánh thiện hơn, hiền hòa hơn, dễ thương hơn những người khác. Có khi họ cũng bồng bột như Phêrô, nóng nảy như Giacobe, cuồng nhiệt như Phaolo. Nhưng tiếng gọi đến với họ thật bất ngờ, khiến nhiều khi bản thân họ cũng không thể nghĩ tới. Tiếng gọi ấy nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, êm dịu nhưng cuốn hút tâm hồn, khiến họ cứ luôn nghĩ về nó mãi không thôi. Họ cũng là những con người bình thường như bao người khác, vẫn là những người nam người nữ muốn được ăn sung mặc sướng, muốn có một tổ ấm cho riêng mình, muốn được ấp ôm chiều chuộng, muốn được sở hữu ai đó làm của riêng, muốn sống một đời tự do tự tại, thỏa mãn những sở thích của mình. Nhưng bỗng dưng, một lời mời gọi lạ kỳ nào đó xuất hiện trong lòng, vào một phút bất chợt nào đấy, lôi kéo họ đến việc từ bỏ tất cả, chỉ để đi tìm một sự thân mật riêng tư với một mình Giêsu và phục vụ tất cả những con người khác.

Đi tu là chọn lựa tự do của một cá nhân, nhưng đó không phải là một chọn lựa do sở thích con người thúc đẩy. Tiên vàn, nó xuất phát do một lời mời tự cõi trời vọng xuống trong tâm hồn người được chọn. Giỏi giang, thánh thiện, tài năng… không phải là tiêu chí tối cần của một đời sống tu. Ngay cả bản thân người đi tu cũng không hiểu tại sao mình được chọn, mà không phải là ai khác nổi trội hơn mình. Ơn gọi dâng hiến, đích thực là một ơn ban, một qua tặng nhưng không của Chúa, không phải là cái mà con người có thể sở đắc bằng khả năng của mình.

Có những tu sĩ một đời khuôn mình trong dòng kín, làm bạn với những câu kinh, những bài thánh ca ngợi khen Chúa. Họ lấy những công việc chân tay tầm thường nhỏ bé làm niềm vui. Có người xông pha trên những biên cương xa lắc, đối mặt với những sóng gió dặm trường, gặp gỡ những con người ở phía chân trời xa xôi, ngôn ngữ khác, văn hóa khác, có khi tính mạng cũng chẳng được đảm bảo ngày mai. Có người sáng tối trò chuyện, nâng đỡ những bệnh nhân đang sắp sửa bước vào cõi chết. Sự hiện diện, sự săn sóc, những lời hỏi han, dù có thể không làm người ta lành bệnh, nhưng cũng đủ để các bệnh nhân ấy nở một nụ cười tươi trước khi lìa thế. Hành trình xuôi ngược vượt non cao, băng rừng sâu, qua biển lớn, để mang Tin Mừng đến cho người khác là điều mà các tu sĩ dần trở thành thân quen. Nơi đâu vắng niềm vui, họ thắp lên hy vọng. Nơi đâu đang tăm tối, họ nhóm lửa yêu thương. Họ đi khắp tứ phương thiên hạ, mang trong tim hình bóng của Giêsu, để sưởi ấm lòng người. Họ cứ mãi bước đi, và chỉ dừng lại khi đôi chân không còn đi được nữa.

Dù được chọn lựa cách đặc biệt, nhưng các tu sĩ vẫn là những con người bình thường với biết bao những yếu đuổi, mong manh như bao người khác. Có những mỏi mệt đâu ai biết. Có những phút cô đơn đến vô chừng. Có những chán chường không ai thấu. Có những lắng lo như gào xé con tim. Người tu sĩ phải sống giữa căng thẳng: chân thì đạp đất mà đầu thì hướng về trời cao, cũng muốn được yêu thương nhưng không được phép nắm giữ, cũng muốn được sở hữu nhưng lại không thể thỏa mãn cho bản thân. Họ sống trong thế gian nhưng lại không được để thế gian thống trị mình. Biết bao hiểm nguy và cám dỗ đang rình rập các tu sĩ, lôi kéo họ đến chỗ phản bội lời thề hứa đã có với Chúa, xúi giục hãy bỏ thập giá Đức Kitô xuống giữa đường.

Chúng ta hãy dành ít phút cầu nguyện cho các tu sĩ. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh của Thánh Thần để họ luôn ý thức về ơn gọi cao quý mà họ đã và đang lãnh nhận. Xin cho họ biết tìm đến với Giêsu để nương ẩn những khi thấy trong lòng bất an. Xin cho họ đừng bao giờ tìm bù trừ trong đời dâng hiến, nhưng hãy biết thánh hóa tất cả những hy sinh và thiệt thòi của mình. Xin cho họ biết dành phần hơn cho người khác, biết mỗi ngày nhỏ lại, chịu tiêu hao đi để ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô được bừng cháy trên trần thế này.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Pray for Priest

Các chứng nhân can đảm bảo vệ phẩm giá và quyền của người tỵ nạn tại Mexico

Các chứng nhân can đảm bảo vệ phẩm giá và quyền của người tỵ nạn tại Mexico

Từ nhiều thập niên qua Mexico là trạm dừng chân của dân nghèo các nước châu Mỹ Latinh tìm đường qua Hoa Kỳ. Số người này là cả một đạo binh ngày càng gia tăng, mà không ai biết chính xác là bao nhiêu, vì đã không bao giờ có các thống kê chính thức. Và người ta cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm thống kê. Rất thường khi những con người khốn khổ này không biết và không ý thức được các hiểm nguy luôn rình chờ họ trên con đường tìm thoát cảnh bần cùng đi tìm một chân trời sống tốt đẹp hơn.

Dọc con đường đi tìm cuộc sống mới này có các băng đảng tội phạm, buôn bán ma túy, buôn người, buôn cơ phận người, khai thác tình dục, buôn bán mại dân và khai thác lao động. Trên con đường đi tìm đất hứa Hoa Kỳ hàng ngàn người dân các nước Châu Mỹ La tinh, nam giới, phụ nữ, người trẻ và trẻ em đã trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm này. Chúng bắt cóc để đòi tiền chuộc, hay đòi các số tiển khổng lồ để đưa họ từ đất nước quê hương họ sang Hoa Kỳ. Hàng năm số tiền làm ăn được trên mạng sống và da thịt của những người di cư này lên tới 50 triệu mỹ kim. Mọi thành phần tham dự đều kiếm chác được ít nhiều từ đám di cư béo bở đó, kể cả các giới chức chính quyền Mêhicô đồng lõa với các tổ chức tội phạm. Và con số các nạn nhân bị chết hay mất tích lên tới hàng ngàn hay hàng chục ngàn, không ai biết rõ được, và cũng không thể cung cấp con số chính xác.

Tuy nhiên, bên cạnh các anh chị em khốn khổ này cũng có những người can đảm đương đầu với các đe dọa, kể cả cái chết, để bênh vực phẩm giá cũng như các quyền lợi của họ và trợ giúp họ. Cách thức thông thường nhất là các nhà trọ và trung tâm tiếp đón. Các anh chị em này cũng biết các nguy hiểm chờ đón mình, nhưng không có gì có thể ngăn cản họ trợ giúp tha nhân.

Ngày mùng 1-4-2014, noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm người tị nan tại đảo Lampedusa, các Giám Mục Hoa Kỳ đã hành hương tới Nogales trong bang Arizona giáp giới với Mexico, để dâng thánh lễ tưởng niệm tất cả các nạn nhân di cư bị chết từ năm 1998 đến nay, và để nhấn mạnh sự cần thiết cải tổ hệ thống di cư tại Hoa Kỳ.

Nogales là vùng bị cắt làm hai bởi bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Một phần của vùng này nằm bên Arizona, phần kia nằm trong vùng Sonora của Mêhicô. Chính từ đây mỗi ngày có hàng chục người Mêhicô tìm cách lén lút sang Hoa Kỳ. Thánh lễ nhằm tưởng niệm hơn 6,000 người di cư Honduras, El Salvador, Guatemala và Mêhicô đã chết trong sa mạc vì muốn vượt biên qua Hoa Kỳ để trốn chạy cuộc sống nghèo khó và bạo lực trên quê hương họ. Các Giám Mục Hoa Kỳ đã mạnh mẽ tố cáo sự thờ ơ đối với tệ nạn này. Các vị khẳng định rằng không biết tới nỗi khổ đau và các người di cư bị chết là một sự xấu hổ cho cả nước.

Buổi lễ tưởng niệm này nhắm mục đích lôi kéo sự chú ý của mọi người đối với các hậu qủa nhân bản của một hệ thống di cư suy sụp như hệ thống hiện nay của Hoa Kỳ, cũng như nhấn mạnh sự kiện cần phải thông qua dự luật cải tổ về di cư của tổng thống Obama, cho phép hợp thức hóa khoảng 11 triệu người di cư bất hợp pháp hiện đang sống trên đất Hoa Kỳ. Luật này vẫn bị ngăn chặn bởi phe chống đối thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội, và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã hơn một lần bầy tỏ lập trường.

Làn sóng di cư vẫn tiếp tục, vì các anh chị em đến từ Châu Mỹ Latinh trốn chạy các tình trạng bạo lực tột độ, và đối với họ các bạo lực mà họ gặp phải tại Mêhicô cũng như các nguy hiểm tìm thấy trong việc vượt qua bức tường biên giới không là gì cả. Họ không có lý do nào để trở lại đàng sau. Trong rất nhiều trường hợp, bên cạnh tình trạng bạo lực là cảnh nghèo nàn tuyệt đối, nhất là đối với những người đến từ Honduras, là nước có một tình trạng kinh tế ngày càng tồi tệ đặc biệt sau vụ đảo chánh.

Tại Nogales cũng như tại nhiều nơi khác mỗi ngày người ta đều tìm thấy tử thi của các người di cư, và càng ngày càng có nhiều trẻ em vị thành niên. Con số các trẻ em vị thành niên di cư không có người lớn đi kèm cũng ngày càng gia tăng trong vùng biên giới. Con số này đang gia tăng tại miền bắc Mêhicô và các em đến từ các nước Trung Mỹ Latinh. Nghiêm trọng hơn nữa là sự kiện các em đến một mình không có các tay buôn người dẫn dắt. Các em đi từng nhóm ba bốn em và mới chỉ có 9-10 tuổi cho tới 16-17 tuổi. Và đương nhiên là trên đường đi các em tìm thấy các hiểm nguy y như các hiểm nguy của người lớn vậy, nghĩa là bị bắt cóc, bị tra tấn, đối với các bé gái thì có nguy cơ bị lọt vào trong mạng lưới khai thác tình dục. Thế rồi còn các có trẻ em bị bắt ở lại trong các trại được thành lập cho mục đích này, trong khi cha mẹ các em bị gửi trả về nước. Và thế là các em bị tách rời khỏi gia đình, và gia đình các em không biết các em ở đâu và những gì xảy ra cho các em.

Bà Valentina Valfrè, thuộc tổ chức phi chính quyền ”Soleterre”, là tổ chức đi tiên phong trong việc bênh vực các quyền của người di cư bên Mêhicô cho biết, hằng năm có 400,000 người thuộc nhiều nước châu Mỹ Latinh vượt biên giới Mêhicô để sang Hoa Kỳ. Thêm vào đó là hàng chục ngàn người Mêhicô đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn bên Mỹ. Có nhiều yếu tố khiến cho các chuyên viên lo ngại cho an ninh của họ: trước hết là hoạt động của các tổ chức tội phạm. Càng ngày chúng càng bắt cóc người di cư một cách chớp nhoáng, trong một ngày hoặc nhiều ngày, có khi là từ 50 tới 70 người.

Trong các lần bị bắt cóc như thế, họ phải chịu mọi vi phạm: các phụ nữ bị hãm hiếp, nam giới bị tra tấn và chúng tìm cách làm tiền, bằng cách bắt buộc họ gọi điện thoại cho thân nhân gửi tiền chuộc để được trả tự do. Điều tệ hại nhất là có sự đồng lõa của chính quyền địa phương, bắt đầu từ chính những nhân viên của văn phòng di cư, cho tới các cảnh sát và các binh sĩ có trách nhiệm trong các vụ bắt cóc, vì họ đồng ý và ăn chia với các tổ chức tội phạm. Các nhân viên này báo cho các nhóm tội phạm biết sự hiện diện của người di cư để chúng có thể bắt cóc họ.

Trong số những người liều mình bênh vực và trợ giúp người di cư có tu huynh Tomàs Gonzàles Castillo, dòng Phanxicô. Thầy hoạt động trong vùng Tenosique gần biến giới Guatemala và được gọi là ”Thầy Bão tố”. Đây là một trong những vùng nguy hiểm nhất và là trạm dừng chân đầu tiên tại Mêhicô đối với các anh chị em thuộc các nước nam và trung châu Mỹ Latinh hướng tới Hoa Kỳ. Đây là một lộ trình do tổ chức ”Zetas” kiểm soát. Từ nhiều năm nay thầy Tomàs đã mạnh mẽ tố cáo các vụ bắt cóc, tống tiền, buôn người và đã bị dọa giết nhiếu lần, nhưng thầy vẫn tiếp tục trợ giúp các anh chị em di cư.

Thầy cho biết con số người di cư không giảm bớt, trái lại còn gia tăng trong toàn vùng. Hiện nay có nhiều người tới từ các nước vùng Trung châu Mỹ Latinh như Honduras và El Salvador. Họ xin tỵ nạn bên Mexico, vì tình hình bạo lực rất mạnh trên quê hương của họ. Có các trẻ em trai gái và người trẻ ra đi một mình, và con số trẻ vị thành niên gia tăng rất nhiều. Có cả các phụ nữ nữa. Và đương nhiên họ là các nạn nhân dễ bị thương tích nhất của bạo lực tại Mêhicô. Một phu nữ có thể bị hãm hiếp nhiều lần trong suốt lộ trình di cư. Nếu là trẻ em vị thành niên nhất là bé gái, thì có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị bắt làm việc, hay trở thành nô lệ tình dục hay bị khai thác cho bất cứ công việc nào khác.

Nữ tu Leticia Gutierrez, dòng Scalabrini, cũng đã trở thành điểm tham chiếu cho các người di cư và là người bênh vực các quyền của họ. Chị đã dấn thân xây được 66 nơi trú ẩn mới cho họ. Mỗi cố gắng của chị đều nhằm tạo ra và củng cố một mạng lưới của những người bênh vực các quyền con người, của người di cư bên Mêhicô. Theo chị có giải pháp cho vấn đề này. Trước hết các chính quyền phải đương đầu với vấn đề của người di cư trong cách thế khác nhau. Nếu có một sự di chuyển hàng hóa tự do trong thương mại, thì cũng có một sự di chuyển tự do đối với con người. Điều này có thể được vì các người di cư phải bỏ quê hương do nghèo đói, bần cùng và ít cơ may phát triển đối với tương lai. Các chính quyền phải lo lắng cho vấn đề di cư một cách khác nhau. Không thể tiếp tục giết người di cư được và mang trên vai gánh nặng lương tâm liên quan tới cái chết của họ ngày càng nhiều hơn. Mỗi ngày đều có người chết vì chính sách hạn chế nhận người di cư.

Hiện nay có sự đàn áp trong các đường lối chính trị liên quan tới di cư trên bình diện toàn cầu. Chúng ta trông thấy điều này bên Âu châu, tại Hoa Kỳ. Chẳng hạn có hai điều kiện của việc cải tổ di cư bên Hoa Kỳ: thứ nhất là nới rộng bừc tường an ninh do chính phủ Hoa Kỳ xây dọc biên giới giữa Mêhicô và Hoa Kỳ; thứ hai gia tăng hàng ngàn cảnh sát biên phòng. Nhưng đây là một sự thụt lùi. Cần có một giải pháp toàn diện rõ ràng. Chị Leticia cho biết đã bị các tổ chức tội phạm đe dọa giết nhiều lần, giống như thầy Tomàs. Những người bảo vệ quyền của các anh chị em di cư không phải là các anh hùng hay siêu nhân, mà chỉ là người bình thường thực tế đã quyết định hiến dâng đời mình cho việc bênh vực những nạn nhân yếu đuối cần được trợ giúp, vì trông thấy nơi họ Chúa Giêsu đau khổ và để không phản bội nhân loại. Do đó họ tiến tới và muốn hiến mạng sống cho các anh chị em di cư. Chị nói: dĩ nhiên đó là việc khó khăn và chúng tôi cũng sợ hãi, vì là người. Có mệt nhọc, khóc than, nước mắt và máu, nhưng chúng tôi phải tiến tới vì Chúa Kitô và vì tình bác ái. Chúng tôi tiến tới vì muốn sự công bằng. Chúng tôi muốn truy nã những kẻ đang gây ra thiệt hại trong chính quyền và những kẻ cho phép các bất công và khổ đau này xảy ra.

Khi nhìn thấy người khác bị ám sát chúng tôi không để bạn khoanh tay làm ngơ. Tất cả nhừng người dấn thân bênh vực và che chở các người di cư hành động vì đức tin và tình huynh đệ. Chúng tôi không thể để cho các anh chị em di cư bị giết và để cho mình bị bịt miệng. Chúng tôi không thể tiếp tục chịu đựng họ giết nhân loại nơi các anh chị em di cư này.

(RG 23-3-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hãy cầu nguyện cho ơn gọi và giúp các chủ chăn thành mục tử nhân lành

Hãy cầu nguyện cho ơn gọi và giúp các chủ chăn thành mục tử nhân lành

Anh chị em hãy cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, cho tất cả các chủ chăn và giúp các vị trở thành mục tử nhân lành biết trao ban sữa ơn thánh, giáo lý và sự hướng dẫn cho anh chị em.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 11-5-2014.

Hôm qua là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành cũng là Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi. Mở đầu bài huấn du ngài nói: Anh chi em thân mến, trong Chúa Nhật thứ IV mùa phục sinh thánh Gioan giới thiệu với chúng ta hình ảnh của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Khi chiêm ngưỡng trang này của Phúc Âm, chúng ta có thể hiểu kiểu tương quan mà Chúa Giêsu có đối với các môn đệ Người: một tương quan dựa trên lòng hiền dịu, tình yêu thương, hiểu biết nhau và dựa trên lời hứa của một ơn không thể đo lường được: lời hứa ban cuộc sống dồi dào. Chúa Giêsu nói: ”Ta đến để chúng có sự sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tương quan đó là mô thức của các liên hệ giữa các kitô hữu và liên hệ giữa con người với nhau.

Ngày nay cũng như vào thời của Chúa Giêsu, có nhiều người tự đề nghị mình là chủ chăn của cuộc sống chúng ta, nhưng chỉ có Chúa Phục Sinh là Mục Tử đích thật duy nhất, là Đấng ban cho chúng ta sự sống tràn đầy. Tôi mời gọi tất cả mọi người tin tưởng nơi Chúa là Đấng hướng dẫn chúng ta. Người không chỉ hướng dẫn mà còn đồng hành và tiến bước với chúng ta nữa. Chúng ta hãy lắng nghe Lời Người với tâm trí rộng mở, để dưỡng nuôi đức tin của chúng ta, để soi sáng lương tâm chúng ta và đi theo các giáo huấn của Tin Mừng. Rồi Đức Thánh Cha xin tín hữu cầu nguyện cho hàng giáo sĩ như sau:

Trong ngày Chúa Nhật này chúng ta hãy cầu nguyện cho các Chủ Chăn, cho tất cả các Giám Mục, gồm cả Giám Mục Roma nữa, và cho tất cả các linh mục. Cho tất cả. Cách đặc biệt chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân linh mục của giáo phận Roma, mà tôi vừa mới truyền chức cho trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Xin gửi một lời chào tới 13 linh mục. Xin Chúa giúp chúng ta luôn trung thành với Thầy Giêsu và là những người hướng đạo khôn ngoan, được soi sáng của dân Chúa được ủy thác cho chúng ta. Tôi cũng xin anh chị em giúp chúng tôi trở thành các mục tử tốt. Có một lần tôi đã đọc được một điều rất hay đẹp cho biết dân Chúa trợ giúp các Giám Mục và các Linh Mục thành các chủ chăn tốt như thế nào. Đó là bút tích của thánh Cesario thành Arles, một trong các Giáo Phụ thuộc các thế kỷ đầu của Giáo Hội. Thánh nhân giải thích dân Chúa phải giúp chủ chăn như thế nào và đưa ra thí dụ này: ”Khi con bê đói, thì nó sà vào vú mẹ nó để bú. Nhưng con bò cái xem ra không cho con bú ngay, mà giữ sữa lại cho chính mình. Vậy con bê làm sao? Nó cứ dí mõm vào vú mẹ nó để nún sữa. Đây là hình ảnh thật đẹp! Thánh nhân nói: Anh chị em cũng phải làm như vậy với các chủ chăn, luôn luôn gõ vào cửa của các ngài, gõ vào con tim của các ngài, để các ngài cho anh chị em sữa giáo lý, sữa ơn thánh và sữa của sự hướng dẫn”. Tôi xin anh chị em hãy quấy rầy các chủ chăn, quầy rầy tất cả chúng tôi là các chủ chăn, để chúng tôi có thể cho anh chị em sữa của ơn thánh, của giáo lý và sự hướng dẫn. Hãy quấy rầy! Hãy nhớ tới hình ảnh đẹp này của con bê con quấy rầy mẹ nó thế nào để mẹ nó cho nó bú sữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Noi gương Chúa Giêsu mỗi chủ chăn ”đôi khi đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng – đôi lần mục tử phải đi trước – những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gữi đơn sơ và lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 31) Ước chi tất cả mọi chủ chăn được như thế! Nhưng anh chị em phải quầy rầy các chủ chăn, để các vị trao ban sự hướng dẫn, giáo lý và ơn thánh cho anh chị em.

Trong Chúa Nhật Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi này, trong sứ điệp năm nay tôi đã nhác rằng: ”Mỗi một ơn gọi đòi hỏi phải ra khỏi chính mình để tập trung cuộc sống vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Người” (s. 2). Vì thế lời mời gọi theo Chúa Giêsu cũng đồng thời hứng khởi và dấn thân. Để thực hiện nó, cần phải bước sâu vào tình bạn với Chúa để có thể sống nhờ Người và cho Người. Rồi Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện để cả ngày nay nữa, có nhìều người trẻ nghe tiếng Chúa luôn có nguy cơ bị bóp nghẹt bởi biết bao nhiêu tiếng nói khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho giới trẻ: biết đâu trong quảng trường này có ai đó nghe tiếng Chúa gọi làm linh mục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bạn trẻ đó, nếu họ ở đây, và cho tất cả mọi người trẻ được mời gọi.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt là Phong trào Tân dự tòng trong ngày Chúa Nhật này loan báo Chúa Giêsu phục sinh tại 100 quảng trường ở Roma, và trong biết bao nhiêu thành phố khác trên thế giới. Xin Chúa ban cho anh chị em niềm vui của Tin Mừng. Anh chi em giỏi lắm, cứ tiến bước!

Ngài cũng đã chào các trẻ em mới rước lễ lần đầu và mới chịu phép Thêm Sức. Đặc biệt Đức Thánh Cha đã chào và chúc mừng các bà mẹ trong ngày Chúa Nhật hiền mẫu. Ngài nói: Hôm nay tôi mời anh chị em hãy nhớ tới các bà mẹ và cầu nguyện cho tất cả mọi bà mẹ. Chúng ta hãy chào các bà mẹ. Chúng ta hãy phó thác các bà mẹ của chúng ta và tất cả mọi bà mẹ cho Mẹ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, và Đức Thánh Cha đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho các bà mẹ. Xong ngài nói thêm: Xin chào các bà mẹ nhé, một lời chào nồng nhiệt!

Trước đó vào lúc 9.30 sáng Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 13 phó tế, gồm 5 thầy người Ý, 1 thầy người Đức, 1 thầy người Venezuela, 1 thầy Chile, 1 thầy Ecuador, 1 thầy Brasil, 1 thầy Nam Hàn, 1 thầy Pakistan và 1 thầy Việt Nam là thầy Phaolô Nguyễn Thiên Tạo thuộc giáo phận Vinh. Cùng tham dự thánh lễ với 10.000 giáo dân có thân nhân của các tiến chức, nhân viên tòa đại sứ; từ Việt Nam có mấy linh mục thuộc giáo phận Vinh.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã xin các tiến chức đừng bao giờ mệt mỏi thương xót, nhưng luôn có khả năng tha thứ. Các Linh Mục không phải là ”chủ nhân của giáo lý”, nhưng là những người trung thành với giáo lý.

Ngài năn nỉ các tân linh mục: ”Ở đây cha muốn dừng lại, và xin các con, vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô: đừng bao giờ mệt mỏi thương xót! Các con hãy có khả nẳng tha thứ như Chúa, là Đấng không đến để lên án, nhưng để tha thứ! Các con hãy thương xót thật nhiều! Và nếu có áy náy vì là những linh mục qúa tha thứ, thỉ hãy nhớ đến vi linh mục thánh kia đến trước Nhà Tạm và thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, nếu con đã tha thứ nhiều qúa. Nhưng mà chính Chúa đã làm gương xấu cho con đấy chứ!” Cha nói thật với các con, cha đau lòng lắm, khi thấy giáo dân không đến xưng tội vì họ bị quất bằng gậy, bị la mắng trong tòa giải tội. Thật là xấu. Ho đã cảm thấy cửa nhà thờ đóng sầm trước mặt họ. Cha xin các con, chớ làm như vậy! Thương xót! Thương xót! Mục Tử Nhận Lành vào qua cửa, và cửa của lòng xót thương là các vết thương của Chúa: nếu các con không bước vào chức thừa tác của các con qua các vết thướng của Chúa, thì các con sẽ không phải là các mục tử tốt lành”. Các linh mục phải là những người rao giảng Tin Mừng, chủ chăn của dân Thiên Chúa, chủ sự các sinh hoạt phụng tự, đặc biệt là cử hành hiến tế của Chúa, dậy dỗ giáo lý. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tiến chức: Vậy giáo lý của các con hãy là lương thực cho dân Chúa. Giáo lý của Chúa chứ không phải của các con, và các con phải trung thành vớ giào lý ấy. Đối với tìn hữu các con hãy là niềm vui và sự đỡ nâng của Chúa Kitô, hương thơm cuộc sống của các con, bởi vì với lời nói và gương sống các con xây ngôi nhà của Thiên chúa là Giáo Hội. Hãy kiên trì đọc và suy niệm Thánh Kinh, hãy dậy điều đã học trong đức tin và sống điều mình đậy. Hãy hiệp thông con thảo với Giám Mục và hiệp nhất các tìn hữu trong một gia đình duy nhất và dẫn đưa họ tời với Thiên Chúa Cha, qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Hãy luôm có trước mắt gương của vị Mục Tử Nhân Lành, tới không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và cứu vớt những gì đã hư mất.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ được tôn phong Chân Phước

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ được tôn phong Chân Phước

Pope Paul VI

Hôm nay thứ Bảy 10-05-2014, Toà Thánh Vatican công bố: Đức giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn việc ban hành sắc lệnh về án phong Chân phước cho vị tiền nhiệm của ngài là Đức giáo hoàng Phaolô VI.

Chiều thứ Sáu 09-05, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, và cho phép Bộ này được ban hành Sắc lệnh công nhận Phép lạ do lời chuyển cầu của Đấng Đáng Kính Phaolô VI (Giovanni Battista Montini), Giáo hoàng; sinh ngày 26 tháng 09 năm 1897 tại Concesio (Italia) và qua đời ngày 06 tháng 08 năm 1978 tại Castel Gandolfo (Italia).

Lễ tôn phong chân phước dự kiến ​​diễn ra ngày 19 tháng Mười năm 2014, vào lúc bế mạc Đại hội chung ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI , người đã thực hiện hiện đại hóa Giáo Hội Công Giáo La Mã tuyên bố lệnh cấm ngừa thai nhân tạo đã tiến một bước gần hơn cho việc phong thánh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận chính thức là một phép lạ .

Một ngày sau khi chính thức xác nhận của ĐTC Phanxicô. Phép lạ này liên quan đến một việc sinh con  nguy hiểm ở California.  Phong Chân Phước là bước cuối cùng trước khi chính thức có thể phong Thánh .

Cơ sở truyền thông Ý đã thông báo rằng phép lạ là của một cậu bé được sinh ra khỏe mạnh ở California mặc dù chẩn đoán bị vở bàng quang vào năm 2001 và không có chất ối lỏng. Người mẹ đã từ chối phá thai và cầu nguyện với ĐứcThánh Cha Phaolô VI do sự khuyến khích của một Sơ. Em bé được sinh ra sớm hơn một tháng và hiện nay là một thanh niên khỏe mạnh.

Ngoài ra, Sắc lệnh nói trên cũng công nhận:

– Phép lạ do lời chuyển cầu của Đấng Đáng Kính Luigi Caburlotto, linh mục giáo phận, người sáng lập Viện các Nữ tử Thánh Giuse; sinh ngày 07 tháng 06 năm 1817 tại Venezia (Italia) và qua đời tại đây ngày 09 tháng 07 năm 1897;

– Các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Giacomo Abbondo, linh mục giáo phận; sinh ngày 27 tháng 08 năm 1720 tại Salomino (Italia) và qua đời ngày 09 tháng 02 năm 1788 tại Tronzano (Italia);

– Các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Giacinto Alegre Pujals, linh mục Dòng Tên; sinh ngày 24 tháng 12 năm 1874 tại Terrassa (Tây Ban Nha) và qua đời ngày 10 tháng 12 năm 1930 tại Barcelona (Tây Ban Nha);

– Các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Carla Barbara Colchen Carré de Malberg, người mẹ gia đình, vị sáng lập Hiệp hội các Nữ tử Thánh Phanxicô Salêsiô; sinh ngày 08 tháng 04 năm 1829 tại Metz (Pháp), và qua đời ngày 28 tháng 01 năm 1891 tại Lorry-les-Metz (Pháp).

Vatican Radio

 



 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 ngàn người thuộc giới học đường Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 ngàn người thuộc giới học đường Italia

VATICAN. Chiều ngày 10-5-2014, ĐTC đã gặp gỡ 200 ngàn người gồm các vị lãnh đạo, giáo chức và các học sinh các trường tại Italia, đặc biệt là các trường Công Giáo.

Tham dự cuộc gặp gỡ này tại Quảng trường thánh Phêrô cũng có ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, Chủ tịch HĐGM Italia và bà bộ trưởng giáo dục Stefania Giannini, cùng với các thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành Italia, các nhân viên mục vụ học đường, gia đình và giới trẻ. Họ đứng đầy Quảng trường Thánh Phêrô và dọc theo đường Hòa Giải cho đến tận bờ sông Tevere.

Cuộc gặp gỡ do HĐGM Italia tổ chức trong khuôn khổ chương trình gọi là ”Giáo Hội bênh vực các trường học”.

ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, Chủ tịch HĐGM Italia, tuyên bố rằng đã đến lúc đặt lại ở trung tâm những gì quan trọng nhất, trong số các trường học đáng được đặc biệt quan tâm, vì nếu chúng ta không đầu tư vào lãnh lực này thì một nước rất khó phục hồi sự tăng trưởng. Một xã hội không dành năng lực kinh tế, nhất là các năng lực nhân sự cho trường học, nghĩa là cho việc huấn luyện và canh tân, thì rốt cuộc sẽ bị lỡ cơ hội phục hồi”.

Chương trình gặp gỡ bắt đầu lúc 3 giờ chiều với phần sinh hoạt của các học sinh và sau đó, lúc 4 giờ 15 phút chiều, ĐTC tiến vào quảng trường, đi xe Jeep để chào thăm mọi người trước khi chính thức bắt đầu cuộc gặp gỡ từ lúc 5 giờ đến 6 giờ rưỡi chiều.

Cuộc gặp gỡ xen lẫn các bài chia sẻ, các bài ca, chứng từ và trong bài huấn dụ, ĐTC bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp gỡ như một lễ hội của học đường. Ngài nói:

”Chúng ta biết rõ có những vấn đề và những điều không ổn. Nhưng anh chị em ở đây, chúng ta ở đây vì chúng ta yêu mến học đường. Tôi nói là ”chúng tôi” vì tôi cũng yêu mến học đường, tôi đã yêu mến trường học như học sinh, sinh viên và như là giáo chức. Tiếp đến như Giám Mục. Trong giáo phận Buenos Aires, tôi thường gặp giới học đường và ngày nay tôi cám ơn anh chị em vì đã chuẩn bị cuộc gặp gỡ này, cho toàn thể Italia.

ĐTC cũng giải thích rằng: ”đi đến trường học có nghĩa là cởi mở tâm trí đối với thực tại, trong sự phong phú của các khía cạnh, các chiều kích. Đây là điều thật đẹp! Trong những năm đầu tiên, ta học 360 độ, rồi dần dần ta đào sâu một hướng đi rồi dần dần chuyên môn. Nếu một người học cách học, thì sẽ luôn luôn là một người cởi mở đối vpơi thực tại! Đó là điều mà một nhà đại giáo dục người Italia đã dạy, đó là cha Lorenzo Milani.

”ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các giáo chức hãy luôn cởi mở đối với thực tại, với tâm trí luôn cởi mở để học hỏi! Đúng vậy, nếu một giáo chức không cởi mở để học hỏi, thì không phải là một nhà giáo tốt, không hay, và các học sinh đánh hơi thấy ngay. Các học sinh bị thu hút vì những giáo sư có một tư tưởng cởi mở, luôn tìm kiếm những gì hơn nữa, và làm cho các học sinh cũng được lây nhiễm thái độ ấy. Đó là động lực đầu tiên khiến tôi yêu mến học đường.

”Một lý do khác nữa, đó là học đường là nơi gặp gỡ: gặp gỡ bạn bè, giáo chức và các nhân viên trợ giúp. Các phụ huynh gặp giáo dục, hiệu trưởng gặc các gia đình, v.v. Đó là điều căn bản trong tuổi tăng trưởng, như một sự bổ túc cho gia đình… Trường học làm cho chúng ta gặp gỡ những người khác chúng ta, về tuổi tác, văn hóa, nguồn gốc.. Trường học là xã hội đầu tiên hội nhập và bổ túc gia đình. Gia đình và học đường không bao giờ được đối nghịch nhau!

”Sau nữa, tôi yêu mến trường học vì trường dạy chúng ta về chân, thiện, mỹ. Giáo dục không thể trung lập. Hoặc nó tích cực hoặc tiêu cực, hoặc nó làm phong phú hoặc làm nghèo nàn. Sứ mạng của gia đình là phát triển chân, thiện, Mỹ. Điều này diễn ra qua một con đường phong phú, được họp thành nhờ bao nhiêu yếu tố. Vì thế, có bao nhiêu môn học! Vì sự phát triển là thành quả của nhiều yếu tố cùng tác động và kích thức trí tuệ, lương tâm, tình cảm, thân xác, v.v.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khuyến khích các doanh nhân Công Giáo

Đức Thánh Cha khuyến khích các doanh nhân Công Giáo

VATICAN. ĐTC khuyến khích các doanh nhân Công Giáo làm chứng về các giá trị Tin Mừng trong môi trường kinh tế và xã hội ngày này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 10-5-2014, dành cho 400 tham dự viên khóa hội thảo của tổ chức ”Centesimus Annus”, Thông điệp Năm Thứ 100 của Đức Gioan Phaolô 2.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi chủ đề của khóa họp là tình liên đới. Ngài nhận định rằng ”trong chế độ kinh tế ngày nay và não trạng từ đó mà ra, danh từ ”liên đới” trở thành điều làm cho người ta khó chịu. Cuộc khủng hoảng những năm gần đây có những nguyên nhân sâu xa về luân lý đạo đức, và nó càng làm cho người ta dị ứng đối với những từ như liên đới, phân phối công bằng các tài nguyên, ưu tiên cho lao công. Chính vì thế, người ta không đạt được hoặc không muốn nghiên cứu thực sự vấn đề làm thế nào để các giá trị luân lý đạo đức có thể trở thành những giá trị kinh tế cụ thể, nghĩa là có thể khơi lên những năng động tốt đẹp trong việc sản xuất, trong lao động, thương mai, và cả tài chánh nữa”.

ĐTC cũng nói rằng doanh nhân Công Giáo được mời gọi luôn đối chiếu Tin Mừng với thực tại mình hoạt động trong đó, và Tin Mừng đòi phải đặt con người và công ích lên hàng đầu, thi hành phận sự của mình làm sao để có những cơ hội công ăn việc làm, lao công đứng đáng. Dĩ nhiên họ không thể thi hành công tác này một cách đơn độc, nhưng cộng tác với những người khác, cùng chia sẻ căn bản luân lý đạo đức và tìm cách mở rộng mạng lưới của mình bao nhiêu có thể”. (SD 10-5-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha gặp gỡ các thành viên tu hội đời ở Italia

Đức Thánh Cha gặp gỡ các thành viên tu hội đời ở Italia

VATICAN. Sáng ngày 10-5-2014, ĐTC đã tiếp kiến 200 thành viên thuộc Hội đồng các tu hội đời ở Italia. Ngài khuyến khích sự dấn thân làm chứng tá Phúc Âm trong các môi trường của đời sống thường nhật.

ĐTC nhận xét rằng: ”Do ơn gọi, anh chị em là những giáo dân và linh mục như những người khác và giữa những người khác. Anh chị em sống cuộc sống bình thường, không có những dấu hiệu bên ngoài, không có sự nâng đỡ của đời sống cộng đoàn, không thi hành việc tông đồ có tổ chức hữu hình hoặc những công việc đặc thù. Anh chị em chỉ dồi dào kinh nghiệm về sự bao gồm của tình yêu Chúa và nhờ đó anh chị em có khả năng nhân biết và chia sẻ những cơ cực của cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau, làm cho chúng được dậy men nhờ ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng”.

ĐTC cũng đề cao ơn gọi và sứ mạng của các thành viên các tu hội đời, cứu vớt thế giới từ bên trong. Trong ý hướng đó ngài khuyến khích họ quan tâm tới con người và những khát vọng sâu xa nhất của họ, gần gũi với con người, những vết thương, những khắc khoải và nhu cầu của họ như người Samaritano đi gần qua, thấy và động lòng thương.

ĐTC nói: ”Năng động mà ơn gọi của anh chị em đòi hỏi cũng là đến gần mỗi người và trở nên tha nhân của mỗi người mà anh chị em gặp; vì việc sống giữa đời của anh chị em không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại hướng thần, kêu gọi anh chị em trở thành người ý thức, quan tâm, biết ý thức, nhậnthấy và động chạm đến thân mình của người anh em..Nếu điều ấy không xảy ra, thì anh chị em cần cấp thiết hoán cải!” (SD 10-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chủ chăn

Chủ chăn

Chủ chăn đi trước và đoàn chiên theo sau.

Một trong những việc người chủ chăn thường phải làm, đó là đi trước để tìm đường nẻo bảo đảm và an toàn cho đoàn chiên yên hàn theo sau.

Người chủ chăn cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không? Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Người chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có cỏ dại nào cần nhổ.

Người chăn chiên ở Do Thái không dễ dàng như người chăn trâu chăn bò ở Việt Nam, vì đất nước họ có quá nhiều sỏi đá và cát nóng. Nhất là vào mùa hè, người chủ chăn phải dành hết thời giờ ban ngày để phấn đấu kiếm của ăn cho đoàn chiên.

Từ đó chúng ta đi vào đời sống riêng tư. Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được sự dẫn dắt của Chúa, có bao giờ chúng ta nhận ra Chúa hằng đi trước mặt chúng ta hay không? Biết bao nhiêu biến cố đã xảy đến trong cuộc đời và bàn tay Chúa đã dẫn dắt chúng ta vượt qua một cách bình an mà ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa hay biết.

Đã bao nhiêu lần chúng ta thất bại trắng tay mà rồi tới ngày hôm nay vẫn chưa phải chết đói. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp phải những cảnh lo âu, nhưng rồi lại được tai qua nạn khỏi. Chúng ta có biết rằng đó là bàn tay nhân từ của Chúa đã chăm sóc chúng ta hay không?

Xét mình lại, chúng ta thấy mình không xứng đáng để được hưởng những ơn huệ to lớn đó mà Chúa đã ban, và chỉ ban riêng cho chúng ta mà thôi.

Chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp của vua Đavid. Từ khi còn là một cậu bé chăn chiên đến khi lên làm vua, đã phải đương đầu với biết bao nhiêu khó khăn. Một mình tay không đánh nhau với sư tử, chiến đấu với Goliat, có lúc ông ở kề bên tử lộ nhưng Chúa kéo ông ra khỏi. Sau này nhớ lại ông mới thấy Chúa đã chăm sóc cho ông quá nhiều và ông đã viết lên thánh vịnh 23:

– Ngài dẫn dắt tôi qua những nẻo đường ngay chính.

Phải, Ngài muốn chúng ta làm những điều tốt lành. Nếu tuân theo, chúng ta sẽ không bao giờ bị lầm lạc và hối tiếc. Thế nhưng đôi khi vì thiển cận, vì những hào nhoáng bên ngoài, chúng ta không thấy được đường nẻo của Chúa, chúng ta chống đối Ngài và làm Ngài buồn lòng.

Có những khi càng xa Chúa, Chúa càng để chúng ta bị thất bại cay đắng. Trong trường hợp ấy, người con Chúa phải biết nhận ra mình đã dại dột đi theo ý riêng và phải sớm lo trở về cùng Chúa qua tâm tình ăn năn thống hối. Còn nếu chúng ta sống công chính mà lại gặp phải buồn khổ, thì hãy bình tĩnh vì Thiên Chúa đang tinh luyện chúng ta, đang cần sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta.

Hẳn rằng giờ đây trong chúng ta có những người đang bị ngọn sóng khổ đau vùi dập. Trước mắt là màu đen của tang chế, màu tím của bệnh tật. Không biết ngày mai sẽ ra sao? Nào cơm ăn áo mặc, nào tương lai sự nghiệp, nào con cái.

Xin hãy đặt trót niềm tin tưởng vào Chúa, Người chủ chăn tốt lành, Ngài sẽ lo liệu tất cả nếu chúng ta nương cậy nơi Ngài như một con chiên bé nhỏ. Chúa biết chúng ta không đủ sức đạp đổ những khó khăn, như vậy Chúa bảo chúng ta hãy đứng vào bày chiên của Ngài, để thấy được Ngài thực sự là chủ chăn đã hiến mạng sống vì con chiên để nhờ đó con chiên được sống và sống dồi dào hơn.

Sưu tầm

Tiếng gọi yêu thương

Tiếng gọi yêu thương

Một vị mục sư trung thành, đạo đức, đang đau nặng. Anh en tín đồ quì cạnh giường bệnh, cầu xin Chúa cứu chữa cho ông. Họ nhắc với Chúa rằng ông coi sóc bầy chiên của Người rất tận tâm và họ lập đi lập lại câu này:”Chúa biết không mục sư yêu mến Ngài biết bao!”.

Nghe vậy vị mục sư bèn xoay qua phía họ mà nói:

– Xin anh em đừng cầu nguyện như thế. Khi Maria và Matta sai người đi mời Đức Giêsu, thì họ không nói “Lạy Chúa, này kẻ yêu Chúa” nhưng nói: “Lạy Chúa, này kẻ Chúa yêu đang bị đau nặng”. Tôi được yên ủi chẳng phải vì tôi yêu Chúa cách bất toàn, nhưng vì Chúa yêu tôi cách trọn vẹn.

Nhiều khi chúng ta tưởng mình yêu Chúa nhưng chính Chúa mới là người yêu chúng ta trước, yêu vô điều kiện, và yêu không bến bờ.

Đức Giêsu chính là mục tử tốt lành, Người luôn yêu thương đàn chiên, và yêu từng con chiên một. Chính Người yêu thương chăm sóc đàn chiên nên các con chiên mới được ăn trên đồng cỏ xanh, uống bên dòng suối mát. Chính Người lưu tâm bảo vệ đàn chiên, nên các con chiên mới an toàn khỏi kẻ băt trộm, khỏi nanh sói dữ.

Nếu Người đã nói:”Tôi biết các chiên tôi”, thì phải hiểu là Người biết rõ chúng ta cần những gì cho linh hồn và thể xác, nên đừng băn khoăn xao xuyến. Hãy tin tưởng ở nơi Người.

Nếu Người đã nói:”Chiên tôi thì nghe tiếng tôi”, là Người muốn chúng ta chỉ lắng nghe duy nhất tiếng gọi yêu thương của Người. Đừng nghe theo một tiếng gọi nào khác. Nó có tên là ma quỉ, thế gian và xác thịt.

Nếu Người đã nói:”Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, là Người muốn chúng ta được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Người. Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.Chúng ta cần cho có nhiều tâm hồn quảng đại, biết dấn thân vô điều kiện, và phục vụ vô vị lợi cho đàn chiên Chúa. Vì đàn chiên không thể thiếu chủ chiên.

Chúng ta cần cổ vũ cho ơn gọi linh mục và tu sĩ bằng cách khích lệ tinh thần và hỗ trợ tài chánh cho các mầm non ơn thiên triệu trong Giáo phận và Giáo xứ của mình.Chúng ta cần tích cực dạy cho con cháu biết lắng nghe lời Chúa, chuyên tâm cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ, và quan tâm phục vụ người mhèo. Nhờ vùng đất màu mỡ này mà ơn gọi linh mục và tu sĩ sẽ nảy sinh.

Lạy Chúa, Chúa là mục tử tốt lành, xin dẫn dắt chúng con đi trên nẻo đường của Chúa, để chúng con được no thỏa ân tình của Ngài.

Xin ban cho chúng con những chủ chiên nhân lành, chỉ biết say mê Chúa và say mê con người, chỉ biết yêu thương, phục vụ, và chăm lo cho đàn chiên Chúa, để chia sẻ với Chúa nỗi bận tâm về một đàn chiên “được sống và sống dồi dào”.

Sưu tầm

 

Chúa Chiên Lành

Chúa Chiên Lành

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Hôm nay là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Từ hơn ba mươi năm nay, cứ đến mỗi Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh, Giáo Hội dành riêng một ngày để kêu gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho ơn kêu gọi. Nói đến việc cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ, thì có lẽ chúng ta nghĩ đến tình trạng hiện nay tại hầu hết các nước Tây Phương càng lúc càng có nhiều chủng viện phải đóng cửa, nhiều Dòng tu trống vắng, số linh mục và tu sĩ già nua thì càng gia tăng. Thế nhưng nói đến cầu nguyện cho ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ tại Việt Nam của chúng ta, thì chắc chắn ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến không biết bao nhiêu chủng sinh phải chờ đợi có khi từ hơn hai mươi năm qua mà vẫn chưa được chịu chức. Không biết bao nhiêu người vì lý lịch mà không được nhận vào danh sách chủng sinh, không biết bao nhiêu người phải tu chui tu nhủi.

Giáo Hội tại Việt Nam của chúng ta quả thật không thiếu ơn gọi, Giáo Hội chỉ thiếu tự do để cho các sinh hoạt tôn giáo được bình thường, để cho cánh cửa các chủng viện và Dòng tu được mở rộng, để cho sự phục vụ không bị giới hạn. Như vậy đối với chúng ta ngày hôm nay, cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ thiết yếu là cầu nguyện cho tự do tôn giáo được nhìn nhận và tôn trọng một cách đầy đủ, để Giáo Hội qua các linh mục và tu sĩ được quyền phục vụ theo cung cách của Chúa Giêsu.

Chiếm độc quyền phục vụ là một điều bất công, phục vụ mà không theo Chúa Giêsu thì cũng chỉ là trò lừa bịp mà thôi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi cách phục vụ đó là trộm cướp. Chúng ta hiểu được giọng điệu gay gắt của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, nếu đặt vào trong bối cảnh toàn bộ bài diễn văn, thánh Gioan tác giả của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu đã lên tiếng trước đám đông nhân ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ của người Do Thái, đây là Lễ tưởng niệm cuộc kháng chiến và chiến thắng vẻ vang của anh em nhà Macabê chống lại đế quốc Hy-Lạp vào thế kỷ II trước Công nguyên. Nhiều người lợi dụng dịp này để hô hào dân chúng đứng lên chống lại sự cai trị của đế quốc La-Mã, nhưng những người biệt phái lại bắt lấy cơ hội để xúi giục dân chúng chống lại Chúa Giêsu.

Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đã đọc bài diễn văn về người mục tử nhân lành và đồng thời tố cáo các hành động mà Ngài gọi là trộm cướp của những người biệt phái. Quả thực, những người biệt phái cũng hô hào phục vụ và canh tân, nhưng như Chúa Giêsu đã điểm mặt là họ chỉ chất lên vai người dân không biết bao nhiêu là gánh nặng còn chính họ thì không lay đến ngón tay.

Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Muốn đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên thì người ta sẽ đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi vào khác đều là lối đi của quân trộm cướp. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Ngài đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Ngài, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Ngài thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.

Cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho Giáo Hội Việt Nam luôn được sống theo cung cách phục vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin cho các Giáo Xứ và các gia đình Việt Nam biết sống tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, ngõ hầu trở thành mảnh đất phì nhiêu trổ sinh nhiều ơn gọi phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Amen.

Veritas Radio

Mục tử nhân lành

Mục tử nhân lành

Câu hỏi gợi ý:

1) Đức Giêsu nói: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử”. Từ câu này, ta có thể suy ra phong cách của người mục tử chân chính phải như thế nào?

2) Người mục tử chân chính phải có đức tính cốt yếu nào khiến mục tử khác hẳn kẻ chăn chiên thuê hay bọn trộm cắp chiên?

3) Qua bài Tin Mừng này, Đức Giêsu muốn nói với chính bạn điều gì? Ngài muốn bạn làm gì và có thái độ nào đối với Ngài?

Suy tư gợi ý:

1) Người mục tử trong nếp sống của người Do Thái xưa

Để hiểu được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trở về với nếp sống của người Do Thái thời Đức Giêsu. Thời ấy, chiên được nuôi theo bầy hàng trăm con tại những đồng cỏ xanh. Mục tử hay người chăn chiên đi theo bầy chiên và cùng sống với chiên ngày này qua ngày khác. Ban ngày, mục tử dẫn đàn chiên đi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để chiên ăn cỏ. Ban đêm, để tránh trộm cướp hay thú hoang, và để tránh mưa tránh rét, mục tử đưa chiên vào một nơi an toàn được gọi là “ràn chiên”, thường là một hang đá hay một khu đất trống có hàng rào bằng đá hoặc bằng cây bao quanh. Người chăn chiên ngủ ngay trong ràn chiên để bảo vệ chiên, và thường ở ngay cửa ràn. Mục tử và đàn chiên vì thế gắn bó với nhau rất mật thiết. Mục tử chỉ biết có chiên của mình, và chiên cũng chỉ biết và chỉ đi theo mục tử của mình, không chịu theo bất kỳ ai khác.

2) Ý tứ của Đức Giêsu khi nói dụ ngôn này

Đức Giêsu nói dụ ngôn này với người Pharisiêu, sau khi đối chất với họ về việc Ngài chữa lành người mù từ thuở mới sinh (Ga 9). Nên nhớ: những người Pharisiêu là những người lãnh đạo tinh thần trong Do Thái giáo, tức đóng vai trò mục tử đối với đàn chiên. Qua dụ ngôn này, Ngài muốn cho họ thay hai thái độ trái nghịch nhau giữa Ngài và họ trong cách đối xử với dân chúng hay các tín đồ tôn giáo. Sự trái nghịch nhau đó được thể hiện qua cách ứng xử với người mù bẩm sinh.

* Cách ứng xử của người Pharisiêu:

Khi thấy người mù được chữa lành, thay vì mừng cho anh ta đã thoát khỏi điều bất hạnh vô cùng lớn lao, những người Pharisiêu lại có một thái độ thù nghịch và bực tức. Họ tỏ ra không có một chút tình yêu, lòng thương xót hay sự cảm thông nào đối với người mù được Đức Giêsu chữa lành. Trái lại, họ đã dùng lề luật để bắt bẻ vị ân nhân đã chữa lành bệnh cho anh ta, đồng thời gây khó dễ cho anh và gia đình anh vì việc được chữa lành ấy. Đối với dân chúng, họ không giống như người mục tử đích thực đối với đàn chiên, mà giống như người chăn chiên thuê. Kẻ chăn chiên thuê không yêu thương gì chiên, vì chiên không phải là của hắn (x. Ga 10,12-13).

Vì thế, trong tôn giáo, những người Pharisiêu lợi dụng chức vụ lãnh đạo, hướng dẫn để ăn trên ngồi trốc, đè đầu đè cổ dân chúng (x. Mt 23,5-6). Họ giảng dạy toàn những điều tốt nhưng chỉ để cho dân chúng làm chứ không phải họ làm (x. Mt 23,2-3). Họ giảng dạy điều tốt vì chức vụ họ đòi buộc phải làm như vậy, chứ không phải vì lòng yêu mến sự thiện mà giảng dạy. Đức Giêsu đã tố cáo việc họ lợi dụng tôn giáo để bóc lột người nghèo, người cô thân cô thế trong xã hội (23,4.14). Nhưng họ vẫn muốn được mọi người tôn trọng, ca tụng, suy tôn, nên phải giả bộ đạo đức, phải làm những việc tốt để khoa trương (23,5), và muốn mọi người gọi mình là “Rabbi” hay “Thầy” (23,6).

* Cách ứng xử của Đức Giêsu

Đức Giêsu có một thái độ khác hẳn, một thái độ nhân từ đầy yêu thương đối với mọi người, được thể hiện một cách cụ thể trong việc Ngài chữa lành người mù. Ngài sống và hành động vì tình yêu chứ không vì lề luật. Tình yêu và lòng thương xót của Ngài đã thúc bách Ngài bất chấp luật sa bát, bất chấp sự phản đối và bực tức của người Pharisiêu về việc lỗi luật của Ngài, bất chấp những hậu quả rất bất lợi có thể xảy đến cho Ngài. Ngài sẵn sàng hy sinh bản thân để xoa dịu đau khổ, để làm mọi người hạnh phúc.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn cho người Pharisiêu thấy thái độ của họ đối với dân chúng, với các tín đồ tôn giáo mà họ dẫn dắt chẳng khác gì thái độ của kẻ trộm cướp, của kẻ chăn thuê đối với đàn chiên: chỉ muốn lợi dụng đàn chiên chứ không hề yêu thương chúng. Còn thái độ của Ngài mới là thái độ người mục tử đích thật: Ngài yêu thương đàn chiên đến nỗi sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11). Nhưng rất tiếc là “họ không hiểu những điều Người nói với họ”.

3. Mục tử nhân lành (mục tử thật) và kẻ trộm cướp (mục tử giả)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt mục tử và kẻ trộm cướp. Mục tử thì đi vào ràn chiên bằng cửa ràn, nghĩa là với phong thái “đường đường chính chính”. Còn kẻ trộm hay kẻ cướp thì không qua cửa nhưng trèo qua lối khác mà vào, với phong thái lén lút, giả dối, không đàng hoàng. Mà cửa ràn chiên, theo bài Tin Mừng hôm nay, lại cũng chính là Đức Giêsu: “Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Vậy để là mục tử đích thật, người mục tử phải qua Đức Giêsu mà đến với đàn chiên, nghĩa là phải là người yêu mến Thiên Chúa, và phục vụ đàn chiên vì Ngài, không vì một động lực nào khác.

Thật vậy, đã là mục tử chân chính thì tư tưởng, lời nói, hành động lúc nào cũng phải bộc lộ được tính “quang minh chính đại”, hay “đường đường chính chính”, luôn luôn thẳng thắn, trung thực, đáng tin. Người mục tử chân chính ít ra phải là một người quân tử. Nếu tư tưởng, lời nói và hành động như một kẻ tiểu nhân, thích quanh co, lén lút, dối trá, sợ sự thật… thì không xứng đáng làm mục tử. Hơn thế nữa, người mục tử chân chính phải có một tình yêu to tát, để có thể hy sinh đến tận cùng cho những người mà mình lãnh đạo, hướng dẫn.

Đương nhiên để thực hiện ý định của mình, kẻ trộm cướp – những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử – phải giả làm mục tử. Hắn tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình. Nhưng chiên “không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”, không cảm nhận được tình thương của hắn. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên “khi thấy sói đến, hắn bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11) “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10,10).

4. Đức Giêsu là mục tử tốt lành

Ngoài mục đích đối chất với bọn Pharisiêu, Đức Giêsu còn dùng hình ảnh rất quen thuộc ấy đối với người Do Thái để diễn tả sự yêu thương gắn bó giữa Ngài và chúng ta, những kẻ theo Ngài. Như mục tử tốt lành yêu thương và chăm sóc chiên mình thế nào, Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng ta như vậy. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng hình ảnh người mục tử với đàn chiên để diễn tả tương quan giữa Đấng Mê-si-a và dân của Ngài: “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó là tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng” (Ed 34,23). Ngài chính là người mục tử được Thánh Vịnh mô tả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23).

Vì thế, khi ý thức được Đức Giêsu luôn chăm sóc mình như người mục tử tốt lành chăm sóc đàn chiên, người Ki-tô hữu có thể hết sức an tâm trước tất cả mọi giông tố, thử thách trong cuộc đời. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương vô biên và chân thật của Ngài, và an tâm phó thác mọi sự cho Ngài, kể cả mạng sống, hạnh phúc của mình. Nhờ đó cuộc đời ta luôn luôn bình an, vui tươi, hạnh phúc, và Tin Mừng chúng ta rao giảng mới đúng là tin mừng đích thực (=tin thật sự đem lại vui mừng!)

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con nhận thức được tình thương vô bờ và quyền năng vô biên của Cha, của Đức Giêsu, để con có thể hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho Cha, cho Đức Giêsu. Nhờ đó, con luôn luôn bình an, hạnh phúc bất chấp cuộc đời có sóng gió đến đâu. Vì con luôn luôn tin tưởng rằng, con được một bàn tay quyền uy và yêu thương bảo vệ. Mọi biến cố xảy ra, dù thế nào, cuối cùng đều ích lợi cho con. Amen.

JNK

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Tổng Thượng Phụ Arméni Tông Truyền

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Tổng Thượng Phụ Arméni Tông Truyền

VATICAN. Trong buổi gặp gỡ Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Arméni Tông Truyền sáng ngày 8-5-2014, ĐTC đề cao đau khổ là hạt giống sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Đức Tổng Thượng Phụ Karekin hướng dẫn một phái đoàn đến viếng thăm Tòa Thánh từ ngày 7 đến 9-5-2014.

Ngỏ lời trong buổi gặp gỡ, ĐTC nhắc đến bao đau khổ mà Giáo Hội và dân tộc Arméni đã phải chịu qua dòng lịch sử và ngài khẳng định rằng: ”Những đau khổ mà các tín hữu Kitô đã chịu trong những thập niên gần đây đã mang lại một sự đóng góp duy nhất và vô giá cho chính nghĩa hiệp nhất các môn đệ của Chúa Kitô. Như trong Giáo Hội xưa kia, máu các vị tử đạo đã trở thành hạt giống sinh ra các tín hữu mới, ngày nay máu của nhiều Kitô hữu cũng trở thành hạt giống hiệp nhất. Phong trào đại kết qua đau khổ và tử đạo là một lời nhắc nhở mạnh mẽ hãy tiến bước theo con đường hòa giải giữa các Giáo Hội, với quyết tâm và tín thác nơi hoạt động của Chúa Thánh Linh. Chúng ta nghĩa vụ phải đi theo con đường huynh đệ ấy cũng vì lòng biết ơn phải có đối với sự đau khổ của bao nhiêu anh chị em chúng ta, sự đau khổ cứu độ vì được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”.

ĐTC cũng cám ơn Đức Tổng Thượng Phụ Karekin vì đã tích cực nâng đỡ cuộc đối thoại đại kết, đặc biệt là công việc của Ủy ban chung đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, và vì đã đóng góp phần quan trọng do các đại diện của tòa Tổng Thượng Phụ Giáo Hội Arméni Tông truyền”.

Sau cuộc trao đổi diễn văn tại buổi gặp gỡ đến phần trao đổi quà tặng và ĐTC cũng như Đức Tổng Thượng Phụ cùng hai phái đoàn đã cầu nguyện chung tại Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) tại Dinh Tông Tòa.

Đức Tổng Thượng Phụ được bầu làm thủ lãnh tối cao thứ 132 của Giáo Hội Arméni tông truyền hồi năm 1999.

Giáo Hội này được thánh Gregorio vị soi sáng thành lập cách đây hơn 1.700 năm và hiện có khoảng 6 triệu tín hữu, với bao gồm hai tòa Tổng Thượng Phụ và 2 tòa Thượng Phụ ở Jerusalem và Costantinople thuộc Tòa Tổng thượng phủ Eechmiadzin ở Cộng hòa Arméni về những vấn đề tinh thần.

Đức Tổng thượng phụ Karekin II đã thăm Tòa Thánh hồi năm thánh 2000, và năm sau đó, Đức Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm Đức Tổng thượng phụ ở Arméni. Ngài trở lại Roma để dự lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Gần đây ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 hồi năm 2008 và 2012, cũng như đã có mặt trong lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC Phanxicô.

Trong dịp viếng thăm Tòa Thánh lần này, ngài cũng gặp Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và một số cơ quan trung ương Tòa Thánh, viếng mộ thánh Phêrô Tông Đồ, cầu nguyện trước tượng thánh Gregorio vị soi sáng ở khuôn viên phía bắc của Đền Thờ thánh Phêrô. (SD 8-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lễ Phục Sinh tại Thánh Địa và bên Philippines

Lễ Phục Sinh tại Thánh Địa và bên Philippines

Phỏng vấn Đức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal và Linh Mục Sebastiano D'Ambra, thừa sai PIME

”Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là việc can thiệp của Thiên Chúa Cha, ở nơi đâu niềm hy vọng của con người bị tan vỡ”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư Tuần Thánh 16-4-2014. Các lời này cũng vang vọng mạnh mẽ tại Thánh Địa, tại các nơi ghi dấu sự hiện diện và bước chân của Chúa Giêsu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hòa bình. Sáng thứ Bẩy Tuần Thánh tại Giêrusalem đã xảy ra các vụ đụng độ giữa người Palestine và người Do thái trên sân Đền thờ hồi giáo. Đã có 16 người bị bắt giữ. Mặc dù có các căng thẳng nhưng lễ Phục Sinh đã được Đức Thượng Phụ Latinh Fouad Twal cử hành với sự tham dự của đông đảo các tín hữu và du khách hành hương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Thượng Phụ về ý nghĩa của lễ Phục Sinh cử hành trong vương cung thánh đường Sống Lại bao trùm Mộ thánh và Đồi Canvê.

Hỏi: Thưa Đức Thượng Phụ, năm nay lễ Phục Sinh của Giáo Hội công giáo trùng ngày với lễ của Giáo Hội chính thống. Nó có ý nghĩa gì trong viễn tượng chuyến công du Thánh Địa của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 5 tới đây?

Đáp: Như mọi lễ Phục Sinh, đây là lễ Phục Sinh đẹp nhất trên thế giới và tôi hy vọng rằng nó sẽ giúp chúng tôi có một bước nhảy về phẩm để có hòa bình hơn, tình yêu hơn và sự trung thành với Chúa hơn. Đó là một lễ Vượt Qua, một sự Phục Sinh, một sự vượt qua, từ tình trạng này sang tình trạng khác: chúng tôi hy vọng sau đó sẽ có bác ái hơn, công bằng hơn và nhiều cộng tác hơn giữa tất cả mọi phía. Thế rồi năm nay có thêm một yếu tố nữa, chúng tôi tất cả cùng cử hành lễ Vượt Qua: các anh em Do thái cử hành lễ của họ, các anh em Chính thống và các tín hữu Công Giáo. Đây là ước mong của Chúa, di chúc của Người và cũng là ước mong của biết bao nhiêu kitô hữu. Tôi hy vọng là với biến cố Đức Thánh Cha đến Thánh Địa, ý muốn đó, ước mong tạo ra hiệp thông hơn, hiệp nhất hơn, cộng tác hơn luôn luôn lớn hơn trong con tim của các tín hữu.

Hỏi: Lời mời gọi của lễ Phục Sinh là lời mời gọi hy vong vô biên nơi Thiên Chúa, là Đấng rộng mở ra con đường giữa nỗi khổ đau của chúng ta. Đâu là nỗi khổ đau của Thánh Địa, thưa Đức Thượng Phụ?

Đáp: Các khổ đau của chúng tôi nhiều biết bao nhiêu. Đã hơn một lần tôi gọi Giáo Hội tại đây là ”Giáo Hội của núi Sọ” vì tình hình chính trị hiện nay, vì sự chiếm đóng quân sự của người Do thái đã kéo dài từ 66 năm qua. Mặc dù có các can thiệp, các cuộc gặp gỡ, các lời hứa hẹn, các nghị quyết, chúng tôi vẫn còn ở trong tình trạng chính trị này. Nó khó khăn đến độ ảnh hưởng trên cả tình hình kinh tế của dân chúng: có biết bao nhiêu người bị bó buộc phải di cư, phải bỏ Thánh Địa. Trong số các người này có biết bao nhiêu người trẻ đã học hành. Tôi định nghĩa nó là ”một mất máu nhân lực” vô tận. Chúng tôi có biết bao nhiêu vấn đề. Chúng tôi không thể quên tình hình bên Giordania với một triệu người tị nạn Siri với các gia đình, thanh thiếu niên, các bà mẹ, các phụ nữ các trẻ em và người già cả. Cùng với các tổ chức nhân đạo khác Giáo Hội làm tất cả những gì có thể để trợ giúp họ, nhưng tình hình rất là thê thảm. Nhưng mà Giáo Hội của chúng tôi cũng là Giáo Hội của sự Phục Sinh, của niềm hy vọng, của niềm vui sống, loan báo tin Mừng, làm việc, tiếp đón, cộng tác và luôn luôn hy vọng.

Hỏi: Trong Mùa Chay năm nay Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng Chúa Kitô đã trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta được giầu có với sự nghèo nàn của Người. Đâu là sứ điệp Phục Sinh của Thánh Địa cho tất cả mọi kitô hữu, thưa Đức Thượng Phụ?

Đáp: Chúng tôi muốn có một nền hòa bình cho tất cả mọi người; chúng tôi sống nghèo nàn, hy vọng, tươi vui và tự do. Chúng tôi nghèo nàn trong tất cả mọi nghĩa! Chúng tôi đã luôn luôn kêu gọi hòa bình cho Thánh Địa, chúng tôi muốn có hòa bình. Tuy nhiên, không có một hòa bình cho một dân tộc mà lại không có hòa bình cho dân tộc khác. Tôi cầu chúc hòa bình cho tất cả mọi người dân sống tại Thánh Địa: do thái, hồi giáo hay kitô. Chúng tôi hy vọng rằng với sự Phục Sinh và lễ Vượt Qua này Chúa ban cho chúng tôi điều chúng tôi cầu chúc: hòa bình, thanh thản, và yên hàn cho tất cả mọi người, và sự tin tưởng lẫn nhau, là điều đang thiếu trong lúc này.

** Từ Thánh Địa chúng ta bước sang Philippines, là quốc gia công giáo hàng đầu của châu Á. Lễ Phục Sinh năm nay có một ý nghĩa đặc biệt sau sự tàn phá của trận bão Hayan hồi tháng 11 năm 2013 khiến cho hơn 6.000 người chết, 30.000 bị thương và hàng chục ngàn người tản mác, với các thiệt hại không thể tính toán được, nhất là trong vùng Visayas. Tại miền nam vùng này là đảo Mindanao, nơi mới đây đã có cuộc ký kết thỏa hiệp hòa bình giữa lực lượng phiến quân Mặt trận giải phóng hồi giáo và chính quyền Phi, để chấm dứt 40 năm chiến tranh du kích nhằm tách rời Mindanao khỏi Philippines. Trên đảo này có Linh Mục Sebastiano D'Ambra, thừa sai Ý thuộc Hiệp Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, là người đã làm việc tại đây từ 35 năm qua, và là người sáng lập ra Phong trao đối thoại liên tôn ”Silsilah”.

Hỏi: Thưa cha D'Ambra, lễ Phục Sinh năm nay tại Philippines đã như thế nào?

Đáp: Hôm nay tại Philippines lễ Phục Sinh là một lễ tươi vui, cả khi rất tiếc là đã có tai ương kinh khủng trong các tháng qua. Người dân vẫn còn đau khổ. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, đặc biệt tại Zamboanga dân chúng đi rước kiệu ngoài đường phố cũng đã nghĩ tới chiến tranh đã xảy ra trong vùng đất này. Vì thế các khổ đau của Chúa Giêsu được hiệp nhất với các khổ đau của dân chúng.

Hỏi: Thưa cha, đây cũng là lễ Phục Sinh đầu tiên sau các tàn phá của trận bão Hayan, đã khiến cho Philippines ngã qụy. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho các nạn nhân và gửi đóng góp cứu trợ cho dân chúng bị nạn. Tình hình các vùng bị bão ra sao rồi?

Đáp: Dân chúng từ từ sinh hoạt trở lại. Rất tiếc đó là các tai ương trầm trọng vươt qúa mọi dự đoán, và vì thế có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Tại Manila ngày thứ Sáu Tuần Thánh đã có cuộc đi đàng Thánh Giá khẩn cầu an ninh và chở che cho khỏi các tai ương thiên nhiên, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy, và đó là đề tài đã được đưa ra không phải chỉ trong thủ đô Manila mà trên toàn nước Philippines, bởi vì người ta còn ngửi được trong không khí mùi của các tai ương này. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh có truyền thống cử hành Bẩy Lời của Chúa: nhiều người đã minh nhiên nỗi khổ đau của dân chúng và nỗi khổ đau của Chúa Giêsu.

Hỏi: Tại Mindanao tín hữu cũng cử hành như vậy hay sao thưa cha?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tại Mindanao, và đặc biệt tại Zamboanga, nơi tôi đang sống, đã có cuộc chiến với biết bao nhiêu người chết, và hàng trăm ngàn người phải di tản. Hôm nay tôi cũng đi trợ giúp các anh chị em này. Ở đây thực tại khác nhau hơn, bởi vì dân chúng theo Hồi giáo và Kitô giáo. Người Hồi không biết lễ Phục Sinh là gì, họ biết là lễ vì các kitô hữu cử hành nó. Vì vậy kitô hữu chúng tôi phải chiếu sáng lên niềm hy vọng của Chúa Kitô Phục Sinh, là Chúa Kitô của tình yêu, là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.

Hỏi: Liên quan tới Mindanao hồi tháng 3 vừa qua chính quyền Philipines đã ký thỏa hiệp hòa bình với Mặt trận giải phóng Moro hồi giáo. Thỏa hiệp đã đem lại những gì thưa cha?

Đáp: Nó đã đem lại một dấu chỉ hy vọng, nhưng con đường còn dài, bởi vì có các khó khăn trong việc tôn trọng nó giữa các nhóm hồi khác nhau. Nhưng chính phủ đang làm tất cả những gì có thể để thỏa hiệp này được các phe khác nhau tuân hành.

Hỏi: Cha đặc trách về đối thoại liên tôn. Dấn thân này ra sao bên Philippines?

Đáp: Đây là dấn thân tôi đã làm từ 30 năm nay. Thật thế, trong hai tuần nữa chúng tôi sẽ mừng kỷ niệm 30 năm thành lập phong trào ”Silsilah”, để một lần nữa nói rằng đối thoại phải được xây dựng trên tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

Hỏi: Vào lễ Phục Sinh Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin mọi người tiếp nhận ơn lòng thương xót của Thiên Chúa. Đâu là lời cha cầu chúc cho dân nước Philippines?

Đáp: Lời cầu chúc đó là người ta thực sự thắng vượt được các xung đột và biết nhìn nhận nhau như anh chị em. Thật vậy, như thế chúng tôi sẽ bắt đầu một giai đoạn xây dựng một nhà nguyện mới. Thánh giá của nhà nguyện sẽ đươc làm bằng hai mảnh gỗ lượm được trong vùng đã có chiến tranh. Tôi sẽ viết trên đó câu này: ”Lạy Chúa xin tha thứ”.

(RG 27-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ơn cố vấn giúp chúng ta sống theo ý muốn của Thiên Chúa

Ơn cố vấn giúp chúng ta sống theo ý muốn của Thiên Chúa

Với ơn cố vấn Chúa Thánh Thần khiến cho chúng ta nhậy cảm đối với tiếng nói của Người và hướng dẫn các tư tưởng, tâm tình và các ý muốn của chúng ta theo con tim của Thiên Chúa. Đồng thời Người luôn luôn đưa chúng ta tới chỗ ngày càng hướng cái nhìn nội tâm về Chúa Giêsu, như mẫu gương kiểu hành xử và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha và với các anh chị em khác.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 70,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 7-5-2014. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu có các đoàn hành hương Nam Hàn, Philippines, Trung quốc, Ấn độ. Từ Châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mexico, Guatemala, Colombia, Perù, Uruguay, Venezuela, Argentina và Brasil.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ơn Cố vấn. Ngài nói: chúng ta vừa mới nghe qua thánh vịnh ”Chúa khuyên nhủ tôi, Chúa nói với tôi trong nội tâm”. Đây là một ơn khác nữa của Chúa Thánh Thần: ơn khuyên nhủ. Chúng ta biết thật quan trọng biết bao, khi trong các lúc tế nhị nhất của cuộc sống có thể dựa trên các gợi ý của những người khôn ngoan yêu thương chúng ta. Ngài giải thích ơn cố vấn hay khuyên nhủ như sau:

Qua ơn Cố vấn chính Thiên Chúa soi sáng tâm trí chúng ta với Thần Khí của Người, để làm cho chúng ta hiểu kiểu nói và hành xử đúng đắn và con đường phải theo. Tuy nhiên chúng ta phải tự hỏi: ơn này hoạt động một cách cụ thể như thế nào trong chúng ta và trong cuộc sống chúng ta? Và chúng ta có thể lắng nghe Người và theo Người như thế nào?

Trong lúc chúng ta tiếp nhận Chúa Thánh Thần và để cho Người ở trong con tim chúng ta, Người bắt đầu khiến cho chúng ta nhậy cảm đối với tiếng nói của Người và hướng dẫn các tư tưởng, tâm tình và các ý muốn của chúng ta theo con tim của Thiên Chúa. Đồng thời Người luôn luôn đưa chúng ta tới chỗ ngày càng hướng cái nhìn nội tâm về Chúa Giêsu, như mẫu gương kiểu hành xử và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha và với các anh chị em khác. Khi đó sự khuyên nhủ là ơn, qua đó Thần Khí khiến cho lương tâm của chúng ta có khả năng làm một lựa chọn cụ thể trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, theo cái luận lý của Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người.

Trong cách thế này Thần Khí làm cho chúng ta lớn lên trong nhân đức cẩn trọng, phát xuất từ lời khuyên nhủ. Trong viễn tượng Tin Mừng, cẩn trọng không chỉ có nghĩa đơn sơ là chú ý, thận trọng… Trái lại nó có nghĩa là không rơi vào ích kỷ và kiểu nhìn riêng tư các sự vật, trong ý thức rằng hạnh phúc của chúng ta là điều Thiên Chúa Cha ước muốn cho chúng ta và làm cho chúng ta giống Chúa Giêsu Con Người. Và ý thức nội tâm này được Chúa Thánh Thần gợi lên trong chúng ta, qua ơn cố vấn.

Rồi Đức Thánh cha đưa ra câu hỏi: như thế chúng ta có thể biến ơn đó thành kho tàng của chúng ta như thế nào? Làm sao chúng ta có thể ngoan ngoãn đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần? Và ngài trả lời như sau:

Điều kiện nòng cốt đó là lời cầu nguyện. Chúng ta luôn luôn trở lại trên lời cầu nguyện phải không? Lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện, cầu nguyện quan trọng biết bao! Cầu nguyện với các kinh mà chúng ta tất cả biết từ khi còn bé, nhưng cũng cầu nguyện với các lời riêng của chúng ta. Cầu nguyện với Chúa: Xin Chúa giúp con, xin khuyên bảo con, con phải làm gì bây giờ?

Và với lời cầu nguyện chúng ta dành khoảng trống để Thần Khí đến giúp chúng ta trong lúc đó, khuyên nhủ chúng ta về điều mà chúng ta tất cả phải làm. Cầu nguyện, đừng bao giờ quên cầu nguyện. Đừng bao giờ. Đâu có ai nhận ra là chúng ta cầu nguyện trên xe bus, trên đường đi đâu: chúng ta cầu nguyện trong thinh lặng, với con tim, chúng ta hãy lợi dụng những lúc đó để cầu nguyện. Cầu nguyện để Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn cố vấn.

Trong sự thân tình với Thiên Chúa và trong việc lắng nghe Lời Người, từ từ chúng ta bỏ ra một bên cái luận lý cá nhân, nhiều lần bị điều khiển bởi các khép kín, các thành kiến và các tham vọng của chúng ta. Trái lại chúng ta học hỏi Chúa: đâu là ước muốn của Chúa? đâu là ý muốn của Chúa? Cái gì làm hài lòng Chúa? Trong cách thế này chín mùi trong chúng ta một sự đồng thuận sâu xa, hầu như đồng bản chất trong Thần Khí, mà người ta cảm nghiệm được các lời Chúa Giêsu nói được thánh Mátthêu ghi lại trong Phúc Âm là thật biết bao: ”Các con đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó Thiên Chúa sẽ cho các con biết phải nói gì; thật vậy không phải chính các con nói, mà là Thần Khí của Cha các con nói trong các con” (Mt 10,19-20). Chính Thần Khí khuyên bảo chúng ta, nhưng chúng ta phải dành chỗ cho Thần Khí để Người cho chúng ta các lời khuyên và dành chỗ cho việc cầu nguyện, cầu nguyện để Người đến và trợ giúp chúng ta luôn.

Và như tất cả các ơn khác của Chúa Thánh Thần, ơn cố vấn cũng làm thành một kho tàng đối với toàn thể cộng đoàn kitô. Chúa không nói với chúng ta trong sâu thẳm của con tim. Ngài nói với chúng ta nhưng không phải chỉ ở đó, mà cũng nói qua tiếng nói và chứng tá của các anh chị em khác nữa. Đây thật là một ơn trọng đại có thể gặp thấy nơi những người nam nữ có đức tin. Những người mà, nhất là trong các chặng phức tạp và quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta, họ giúp chúng ta có ánh sáng trong tim và nhận biết ý muốn của Chúa. Tôi nhớ có một lần tôi ngồi trong tòa giải tội tại đền thánh Đức Bà Lujan, giáo phận của Đức Giám Mục đang ngồi đàng kia, trong hàng dài có một thanh niên tân thời, với các vết xâm đầy tay, đầy mình. Anh ta đến để kể cho tôi nghe những gì xảy ra cho anh ta. Đó đã là một vấn đề lớn, khó khăn. Vậy bạn làm sao? Tôi hỏi. Con đã kể cho mẹ con nghe và mẹ con nói: ”Hãy đến với Đức Mẹ và Đức Mẹ sẽ nói cho con biết con phải làm gì”. Đó, một người đàn bà có ơn cố vấn. Bà không biết phải ra khỏi vấn đề của cậu con ra sao, nhưng đã chỉ đúng đường: Hãy đến với Đức Mẹ và Đức Mẹ sẽ nói cho con biết. Đó là ơn khuyên nhủ. Bà không nói, nhưng, cái này… bà để cho Thần Khí nói. Người đàn bà khiêm tốn, đơn sơ đó đã cho người con một lời khuyên thật nhất, đẹp nhất, bởi vì người thanh niên đó đã nói với tôi: ”Con đã nhìn lên Đức Mẹ, và con cảm thấy con phải làm cái này, cái này, cái này”. Tôi đã chẳng phải nói gì cả. Tất cả là bà mẹ, Đức Bà và chàng thanh niên. Đó là ơn khuyên nhủ. Hỡi các bà mẹ, chị em có ơn đó, hãy xin ơn này cho con cái của chị em: ơn khuyên nhủ con cái.

Đó là một ơn của Thiên Chúa cố vấn, trong một cộng đoàn phải xảy ra điều này: đó là phải tương trợ lẫn nhau trong lòng tin và soi sáng cho nhau trong Thánh Thần, làm sao để cuộc sống chúng ta luôn ở trong tay Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta và biết điều gì tốt nhất cho chúng ta.

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Các bạn thân mến, thánh vịnh 16 mời gọi chúng ta cầu nguyện với các lời này: ”Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên chẳng nao núng bao giờ” (Tv 16,7-8). Ước chi Thần Khí luôn có thể đổ tràn đầy con tim chúng ta xác tín này và làm cho chúng ta được tràn đầy sự ủi an và niềm bình an của Người như thế!

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc mọi người có cuộc hành hương Roma sốt sắng bổ ích. Chào các tín hữu Ba Lan ngài nói: Chúa Nhật vừa qua tôi đã thăm cộng đoàn Ba Lan tại nhà thờ thánh Stanislao ở Roma. Tôi đã nói rằng chúng ta bắt đầu con đường tiến tới cuộc gặp gỡ bên Ba Lan vào Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nếu Chúa muốn, sẽ diễn ra bên Ba Lan năm 2016. Chúng ta hãy cùng nhau bước đi, hiệp nhất trong tình yêu và trong lời cầu nguyện, theo lời mời của thánh Gioan Phaolô II luôn luôn tươi trẻ trong Chúa Thánh Thần.

Với các tín hữu Italia ngài đặc biệt chào đoàn hành hương do các cha dòng Ơn gọi tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm đấng sáng lập thụ phong Linh Mục; các tín hữu và bệnh nhân của dòng ”Đức Mẹ Các nhà bác ái”; các tù nhân Viterbo; các thiện nguyện viên của Tổ chức Hồng Thập Tự mừng 150 năm thành lập; Trung tâm Don Guanella tỉnh Napoli nhân dịp mừng 50 năm thành lập; cũng như thân nhân của các bạn trẻ đang cai ma túy tại trung tâm San Patrignano. Đức Thánh Cha nói ngài hiệp ý với họ và nói không với bất cứ loại ma túy nào. Ngài mời mọi người nói to lên: ”Không với bất cứ loại ma túy nào”.

Đức Thánh Cha cũng chào đoàn hành hương của Liên hiệp thương mại ASCOM tỉnh Padova bắc Italia và khích lệ họ can đảm trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Ngài cầu mong chuyến viếng mộ hai thánh Tông Đồ gia tăng nơi tất cả mọi người niềm vui của lễ Phục Sinh, được biểu lộ ra cả trong các công việc bác ái cụ thể.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở mọi người ngày thứ năm 8-5-2014 Giáo Hội dâng lên Đức Bà Mân Côi Pompei lời ”Khẩn nài”. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ chủ sự nghi lễ này. Tôi mời gọi mọi người khẩn nài sự bầu cử của Đức Maria để Chúa ban sự thương xót và hòa bình cho Giáo Hội và cho toàn thế giới.

Sau cùng Đức Thánh Cha phó thác cho Đức Mẹ giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, và mời gọi tất cả mọi người đánh giá cao việc lần hạt Mân Côi trong tháng 5 kính Đức Mẹ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ hòa giải tại Burundi

Đức Thánh Cha cổ võ hòa giải tại Burundi

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ Giáo Hội tại Burundi tiếp tục cổ võ hòa giải trước tình trạng quá nhiều khi nhân dân nước này bị chia rẽ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài huấn dụ trao cho 10 GM thuộc 8 Giáo phận tại nước Burundi trong buổi tiếp kiến sáng 5-5-2014, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Ám chỉ đến cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bộ tộc Tutsi và Hutu làm cho hàng trăm ngàn người chết, ĐTC viết: “Đất nước anh em, trong quá khứ gần đây, đã trải qua những xung đột kinh khủng, và dân tộc Burundi, quá nhiều khi còn bị chia rẽ, với những vết thương sâu đậm chưa được hàn gắn. Chỉ có một sự hoán cải nội tâm chân thực, trở về cùng Phúc Âm, mới có thể làm cho con người hướng chiều về tình yêu thương huynh đệ và tha thứ, vì ”tùy theo mức độ Thiên Chúa ngự trị được giữa chúng ta như thế nào thì đời sống xã hội mới là một không gian huynh đệ, công lý và hòa bình, phẩm giá cho tất cả mọi người” (Evangelii gaudium, 180). Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng theo chiều sâu vẫn là quan tâm số một của anh em..”

Đi vào chi tiết hơn, ĐTC khẳng định rằng các LM là những chứng nhân đầu tiên được mời gọi sống sự hoán cảnh chân thực như thế. Ngài khuyến khích các GM đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo các chủng sinh mà Chúa ban dồi dào cho Giáo Hội tại Burundi và chủng viện thứ 4 vừa được khánh thành tại đây.

Ngài nói: ”Trong sứ vụ linh mục, không thể có sự trổi vượt của khía cạnh quản trị hành chánh trên khía cạnh mục vụ, và không thể có một sự bí tích hóa mà không có một hình thức Tin Mừng hóa” (Evang. gaudium 63).

ĐTC nhận xét rằng: ”Ơn gọi ngày nay thật là mong manh và người trẻ cần được quan tâm tháp tùng trong hành trì ơn gọi của họ. Họ phải được những nhà đào tạo LM thực là những gương sống về niềm vui và sự trọn lành linh mục, biết gần gũi các chủng sinh, chia sẻ cuộc sống của họ, thực sự biết lắng nghe họ để có thể hướng dẫn họ tốt đẹp hơn. Chỉ như thế mới có thể phân định đúng đắn và tránh được những sai lầm”.

ĐTC không quên nhắc nhở các GM đào sâu việc huấn luyện giáo dân, và đặc biệt là củng cố sự cộng tác của giáo dân qua các phong trào và hội đoàn với các công tác xã hội. Ngài viết: ”Nên không ngừng tăng cường sự cộng tác quí giá và không thể thiếu được giữa các lực lượng khác nhau trong Giáo Hội, với tinh thần liên đới và chia sẻ, làm sao để dân Chúa nói chung tại Burundi là nhà truyền giáo”.

Burundi chỉ rộng gần 28 ngàn câu số vuông với 8 triệu 750 ngàn dân cư trong đó 81% là người Hutu và 16% thuộc bộ tộc Tutsi. 67% dân số là tín hữu Công Giáo, tương đương với gần 6 triệu người. Cuộc nội chiến giữa người Tutsi và Hutu đã xảy ra hồi năm 1996, và Đức TGM Joachim Ruhuna của Tổng giáo phận Gitega bị giết. (SD 5-5-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui

Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui

Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui Xin anh chị em nhớ kỹ điều đó! Khi bạn buồn sầu, hãy đọc Lời chúa! Khi bạn nản lòng, hày cầm lấy Lời Chúa, hãy đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và rước lễ và tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trện với hơn 80,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 4-5-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Nhắc lại bài Phúc Âm trong phụng vụ Chúa Nhật hôm qua kể lại biến cố hai mộn đệ buồn sầu chán nản bỏ Giệrsualem để về Emmaus, dọc đường họ gặp Chúa Kitô phủc sinh, nhưng không nhận ra Người, Đức Thánh Cha nói:

Khi trông thấy họ buồn sầu như thế, trước hết Người giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh. Như thế Người đốt cháy lên một ngọn lửa hy vọng trong con tim họ. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời người ở lại với họ chiều hôm đó. Chúa Giệsu chấp nhận và cùng họ vào nhà. Và khi ngồi vào bản Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Sau khi được soi sáng bởi Lời Chúa, họ đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh trong việc bẻ bánh, dấu chỉ mới sự hiện diện của Người. Và ngay lập tức họ cảm thấy cần phải trờ về Giêrusalem, để kể lại cho các môn đệ khác kinh nghiệm này của họ, rằng họ đã gặp Chúa Giêsu sống và đã nhận ra Người trong cử chỉ bẻ bánh.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Con đường về làng Emmaus như thế trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là các yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Cả chúng ta nữa cũng thường đến với Thánh Lễ Chúa Nhật với các lo lắng khó khăn và thất vọng… Đôi khi cuộc sống đả thương chúng ta và chúng ta ra đi buồn sầu hướng về ”làng Emmaus” của chúng ta, quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta rời xa Thiên Chúa. Nhưng Phung vụ Lời Chúa tiếp đón chúng ta: Chúa Giêsu giải thich Thánh Kinh cho chúng ta và tái thắp lên trong con tin chúng ta hơi ấm của đức tin và đức cậy, và trong việc rước lễ Người ban cho chúng ta sức mạnh. Lời Chúa, Thánh Thể: mỗi ngày hãy đọc một đoạn Phúc Âm, Xin anh chị em hãy nhớ kỹ điều này: mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm và hãy rước lễ các ngày Chúa Nhật, hãy nhận lấy Chúa Giêsu. Đã xảy ra như thế với các môn đệ làng Emmaus: họ đã lãnh nhận Lời Chúa, đã chia sẻ việc bẻ bánh, và từ những người buồn sầu và thất bại họ đã trở thành những người tươi vui. Anh chị em thân mến, Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Xin anh chị em nhớ kỹ điều đó! Khi bạn buồn sầu, hãy đọc Lời chúa! Khi bạn nản lòng, hày cầm lấy Lời Chúa, hãy đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và rước lễ, tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu! Lời Chúa, Thánh Thể làm cho chúng ta tràn ngập niềm vui.

Nhờ lời bầu cử của Đức Maria Rất Thánh, chúng ta hãy cầu nguyện để khi sống kinh nghiệm của các môn đệ làng Emmaus, đặc biệt trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, mỗi một kitô hữu tái khám phá ra ơn gặp gỡ biến đổi với Chúa phục sinh, là Đấng luôn ở với chúng ta. Luôn có Lời Chúa định hướng cho chúng ta sau các lạc lối, và qua các mệt nhọc và thất vọng của chúng ta luôn có một Tấm Bánh được bẻ ra giúp chúng ta tiến tới trên con đường cuộc sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình cho Ukraine. Ngài nói: Anh chị em thân mến tôi muốn mời gọi anh chị em tín thác cho Đức Mẹ tình hình tại Ukraine, nơi không ngừng có các căng thẳng. Tình hình nghiệm trọng. Cùng với anh chị em tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của các ngày này, xin Chúa đổ tràn đầy trong các con tim các tâm tình hòa bình và huynh đệ.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các người đã qua đời vì trận đất lở lớn trên một ngôi làng bên Afghanistan cách đậy hai hôm, Xin Thiên Chúa Toàn Năng, là Đấng biết tên của từng người, tiếp nhận tất cả trong sự bình an của Người và cho những người còn sống sức mạnh tiến tới, với sự trợ giúp của những ai nỗ lực thoa xịu nỗi khổ đau của họ.

Hôm qua cũng là Ngày quốc gia Đại học Thánh Tâm với đề tài ”Cùng giới trẻ tác nhân của tương lai”. Đức Thánh Cha nhìn xuong quảng trường và hỏi: Hộm nay ở đây có bao nhiêu bạn trẻ? Các con là các tác nhân của tương lai. Các con đã bước vào tương lai, bước vào lịch sử. Tôi cầu nguyện cho đại học lớn này để nó trung thành với sứ mạng ban đầu và được cập nhất với thế giới hiện nay. Nếu Chúa muốn tôi sẽ đến thăm Phân khoa Y khoa và Giải phẫu và Nhà thương Bách khoa Gemelli nhận dịp mừng 50 năm thành lập và thuộc Đại học công giáo Thánh Tâm.

Đức Thánh Cha cũng đã chào các bạn trẻ hành hương với khẩu hiệu ”Công đồng người trẻ” cùng tín hữu Parma có Đức Giám Mục sở tại hướng dẫn. Ngài khích lệ họ tiến bước. Ngài cũng chào Hiệp hội ”Meter” và cám ơn hoạt động của họ từ hai mươi năm qua dấn thân chống lại mọi lạm dụng trẻ vị thành niên. Hôm qua cũng là Ngày tuần hành bảo vệ sự sống, đã có nhiều giáo xứ và hiệp hội cầm biểu ngữ đến tham dư buổi đọc kinh tại quảng trường. Ngài khích lệ họ tiếp tục công việc tốt lành này.

Ban sáng trước đó lúc 9 giờ rưỡi Đức Thánh Cha đã đi thăm giáo xứ thánh Stanislao, là nhà thờ của tín hữu Ba Lan ở Roma và chủ sự thánh lễ cho giáo dân.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Một tuần sau lễ tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Giaon Phaolô II, chúng ta tụ tập nhau trong nhà thờ này của tín hữu Ba Lan ở Roma, để tạ ơn Chúa về ơn của vị thánh Giám Mục của Roma, người con của Quốc gia anh chị em. Trong nhà thờ này người đã tới hơn 80 lần. Người đã luôn luôn đến đây trong các thời điểm khác nhau của cuộc đời người và cuộc sống của dân nước Ba Lan. Trong những lúc buồn sầu và suy yếu, khi mọi sự xem ra đã mất, người đã không mất đi niềm hy vọng, bởi vì đức tin và hiềm hy vọng của người được gắn chặt nơi Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,21). Và như thế người đã là đá tảng cho cộng đoàn này, là nơi người cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, chuẩn bị và ban các Bi Tích, tiếp đón những người cần sư giúp đỡ, ca hát, mừng lễ và từ đây người khởi hành hướng về các vùng ngoại ô Roma…

Anh chị em là thành phần của một dân tộc đã bị thử thách rất nhiều trong lịch sử. Dân tộc Ba Lan biết rõ rằng để bước vào trong vinh quang cần phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá (x. Lc 24,26). Như là người con xứng đáng của quê hương anh chị em thánh Gioan Phaolô II đã đi theo con đường đó. Người đã đi theo một cách gương mãu bằng cách nhận từ Thiên Chúa sự lột bỏ hoàn toàn. Áp dụng vào bài Phúc Âm Đức Thánh Cha nói: Chúng ta là khách lữ hành chứ không phải những người lang thang. Hai môn đệ trên đừường về làng Emmaus đã lang thang, nhưng khi trở lại Giêrusalem họ là các chứng nhân của niềm hy vọng là Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng có thể trở thành các ”khách đi đường đã sống lại”, nều chúng ta để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt chúng ta cho đức tin và dưỡng nuôi chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái. Cả chúng ta cũng có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, và sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio