Giáo Hội sắp có thêm 6 vị Hiển Thánh mới

Giáo Hội sắp có thêm 6 vị Hiển Thánh mới

VATICAN. Sáng 12-6-2014, ĐTC đã nhóm Công nghị Hồng Y và quyết định sẽ tôn phong hiển thánh cho 6 vị chân phước vào ngày 23-11 năm nay, Lễ Chúa Kitô Vua.

Đứng đầu danh sách là chân phước Giovanni Antonio Farina (1803-1888) GM giáo phận Vicenza, bắc Italia, sáng lập dòng các nữ tu giáo viên thánh Dorotea Nữ Tử Thánh Tâm.

Tiếp đến là chân phước LM Kuriakose Elias Chavara (1805-1871), đồng sáng lập và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm, sinh tại bang Kerala nam Ấn độ năm 1805 và qua đời năm 1871 và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 8-2-1986 tại thành phố Kottayam, Ấn độ, trong cuộc viếng thăm của ngài tại nước này.

Thứ ba là Chân phước Ludovico Casoria (1814-1885), LM thuộc dòng Phanxicô, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Elizabeth.

Thứ tư là chân phước Nicola da Longobardi (1649-1709), tu sĩ dòng Hèn Mọn (Minimi).

Thứ năm là nữ chân phước Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm (1877-1952), người Ấn độ, thuộc dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô.

Sau cùng là chân phước Amato Ronconi, thuộc dòng Ba Phanxicô, sáng lập bệnh viện hành hương nghèo ở Saludecio, nay là Dưỡng Đường Hội Chân Phước Amato Ronconi.

Xét về quốc tịch có 4 vị người Italia và 2 vị người Ấn độ, 3 vị đã sáng lập dòng tu, một nữ tu và một giáo dân.

Công nghị Hồng y diễn ra lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba (SD 12-6-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới 2014

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới 2014

VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu mong giải bóng đá thế giới tại Brazil trở thành lễ hội liên đới giữa các dân tộc, cơ hội đối thoại, cảm thông và làm cho con người thêm phong phú.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp Video truyền đi tối ngày 11-6-2014 nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới tại Brazil.

ĐTC khẳng định rằng: ”Thể thao không phải chỉ là một hình thức tiêu khiển, nhưng đặc biệt nó là một dụng cụ thể thông truyền các giá trị thăng tiến thiện ích của con người và giúp kiến tạo một xã hội an bình và huynh đệ hơn. Chúng ta nghĩ đến sự lương thiện, kiên trì, tình thân hữu, sự chia sẻ, và liên đới. Thực vậy, bóng đá gợi lên nhiều giá trị và thái độ quan trọng không những tại sân bóng, nhưng cả trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cụ thể hơn là trong việc xây dựng hòa bình. Thể thao là một trường hòa bình, dạy chúng ta xây dựng hòa bình”.

ĐTC nhấn mạnh 3 bài học về việc thực hành thể thao, ba khía cạnh thiết yếu để bênh vực chính nghĩa hòa bình, đó là cần phải tập luyện, chơi đẹp và tôn trọng đối thủ.

Ngài giải thích rằng: ”trước tiên thể thao dạy chúng ta điều này: để thắng thì cần phải tập luyện. Qua việc thực hành thể thao, chúng có thể thấy đó là hình ảnh cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc đời cần phải chiến đấu, phải tập luyện, dấn thân để đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần thể thao gợi lại cho chúng ta hình ảnh những hy sinh cần thiết để tăng trưởng trong các nhân đức tạo nên cá tính mỗi người. Nếu để cải tiến một người, cần phải tập luyện khẩn trương và liên tục, thì cần phải dấn thân nhiều hơn để đạt tới cuộc gặp gỡ và hòa bình và giữa các dân tộc được ”cải tiến”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Bóng đá có thể và phải là một trường huấn luyện về một nền văn hóa gặp gỡ” mang lại sự hài hòa và an bình giữa các dân tộc. Ở đây bài học thứ hai trong việc thực hành thể thao giúp đỡ chúng ta: chúng ta học cách chơi đẹp trong bóng đá. Để chơi trong đội banh của mình thì trước tiên cần phải ý đến ích lợi của nhóm chứ không phải nghĩ đến mình. Để thắng, cần phải vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ và mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bất bao dung và lợi dụng con người. Thái độ cá nhân chủ nghĩa trong bóng đá là một chướng ngại cản trở chiến thắng của đội bóng; cũng chúng ta theo cá nhân chủ nghĩa trong cuộc sống, cố tính không biết đến những người chung quanh, thì toàn thể xã hội sẽ bị thiệt thòi”.

Bài học sau cùng mà thể thao mang lại để giúp đạt tới hòa bình là phải tôn trọng đối phương. Bí quyết của chiến thắng trên sân banh và cả trong cuộc sống, hệ tại biệt tôn trọng người đồng đội của mình cũng như đối phương. Không ai có thể chiến thắng một mình trên sân banh cũng như trong cuộc đời. Ước gì không ai tự cô lập mình và cảm thấy bị loại ra ngoài! (SD 12-6-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondonbo và Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio

Chiều ngày 28-5-2014 một nhóm người vũ trang, có lẽ là cựu phiến quân hồi giáo Seleka, đã dùng lựu đạn tấn công nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui, khiến cho ít nhất 17 người chết kể cả một linh mục.

Tin địa phương nói số nạn nhân khoảng 40 người. Ngày 30-5-2014 hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bangui để phản đối và lên án vụ khủng bố đã man này, đồng thời để phản đối các lực lượng quốc tế, tuy ở gần đó nhưng đã can thiệp chậm trễ. Vị linh mục bị thiệt mạng là cha Paul Emile Nzale, 76 tuổi. Cha đang thăm người tỵ nạn trong giáo xứ. Người ta cũng cho biết là đã có một số tín hữu bị nhóm phiến quân hồi bắt làm con tin.

Trung Phi rộng gần 623 ngàn cây số vuông, có khoảng 5 triệu dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau, hơn 80% theo Kitô giáo gồm 51,4% Tin Lành 28,9% Công Giáo, 15% hồi giáo và 9.6% theo đạo thờ vật linh. Từ năm 2012 lực lượng Seleka gồm các phiến quân hồi nổi lên tiến chiếm miền bắc và miền trung và từ năm 2013 đánh chiếm thủ đô Bangui và lên nắm quyền. Các lực lượng dân quân kitô quy tụ thành phong trào Chống Balaka đánh nhau với lực lượng Seleka, khiến cho nội chiến kéo dài tại Trung Phi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondobo về tình hình Trung Phi hiện nay.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các binh sĩ lực lượng phiến quân Seleka lại tấn công và gieo chết chóc cho các kitô hữu như thế?

Đáp: Tin khủng bố sát hại này thật là buồn và trầm trọng. Ban đầu chúng tôi đã dấn thân nói rằng cuộc xung khắc này là chính trị, chứ không phải là cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Nhưng sự kiện cố ý tấn công một họ đạo như vậy làm cho chúng tôi lo sợ, bởi vì nó là một dữ kiện mạnh mẽ để nói rằng cuộc xung đột đang ngày càng trở thành tôn giáo nhiều hơn. Và điều này cũng giúp chúng tôi nói rằng các tôn giáo chúng tôi phải tỉnh táo mở mắt, để không bị lèo lái bởi các nhà chính trị, bởi vì chỉ cần lơ là một chút là rơi vào cạm bẫy này. Dân tộc này đã luôn luôn chung sống với nhau với các tôn giáo khác nhau hiện diện tại đây, và vì thế ngày hôm nay chúng tôi không thể bắt đầu gây chiến với nhau được. Tuy nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng và tỉnh thức để tránh tất cả các cạm bẫy này. Tôi xin lập lại, với điều đã xảy ra, chỉ cần một chút thôi là lại nảy sinh ra sự báo thù trong trái tim con người.

Hỏi: Theo cha thì tại sao lại xảy ra cuộc tấn công này?

Đáp: Tôi không có một tư tưởng rõ ràng về các lý do chính xác của vụ tấn công. Nhưng cần nói rằng giáo xứ Đức Bà Fatima này nằm trong một vùng rất gần một khu phố, nơi đã có lời đồn thổi rằng vài phiến quân đã len lỏi vào và tập trung tại đây. Và như thế một giáo xứ rất ngoại ô là một vùng hơi nóng bỏng. Do đó chỉ cần một chút là xảy ra các vụ tấn công loại này.

Hỏi: Giáo Hội nằm giữ vai trò nào trong tình trạng hiện nay tại Trung Phi? Và các giáo xứ trong thủ đô Bangui hiện đang làm gì, một cách đặc biệt để trợ giúp dân chúng?

Đáp: Kể từ khi cuộc xung khắc bắt đầu, Giáo Hội công giáo đã luôn luôn làm rất nhiều để trợ giúp dân chúng. Giáo Hội công giáo ủng hộ hòa bình. Vì thế họ đạo Đức Bà Fatima, cũng như tất cả các họ đạo khác trong thủ đô Bangui, đã trở thành nơi tiếp đón. Tất cả những người không cảm thấy an ninh đã tìm được nơi trú ẩn trong nhà thờ này: đó là sự kiện quan trọng. Mọi họ đạo của chúng tôi đều tiếp đón rất nhiều người. Nhưng các nhà thờ không được bảo vệ. Và tiện đây tôi xin kêu gọi các cơ quan quốc tế để họ mở mắt nhìn một họ đạo yểm trợ hòa bình tiếp đón biết bao nhiêu người tỵ nạn, mà lại không được bảo vệ, thì đây không phải là điều bình thường. Do đó trong số các nạn nhân, ngoài đa số là tín hữu kitô, cũng có những người không kitô. Họ đã bỏ khu phố của họ để đến trú ẩn nơi đây vì không cảm thấy an ninh.

Hỏi: Xem ra tình hình tại Trung Phi lắng dịu hơn một chút có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Các tin tức cuối cùng cho biết như thế. Tại Trung Phi nói chung tình hình không yên ổn. Nhưng tại thủ đô thì đã có nhiều kiểm soát hơn một chút, trong nghĩa các sinh hoạt đã bắt đầu trở lại, nghĩa là cuộc sống bắt đầu trở lại trong thủ đô Bangui. Đó là các tin mới nhất. Tuy nhiên, điều này giúp hiểu rằng còn có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Dân chúng trong thủ đô Bangui đã mất hy vọng rồi hay sao thưa cha?

Đáp: Người dân đã không hoàn toàn mất hy vọng, nhưng họ có một chút nghi ngờ. Nói một cách nhân loại thì họ có mất hy vọng. Dĩ nhiên là sự sợ hãi lại nảy nở trong con tim người ta. Tôi tin rằng ngày nay khó đi lang thang trong các khu phố này của thủ đô hay ra khỏi nhà. Chắc chắn là người ta lo sợ. Vì không có an ninh. Nhưng chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải đi tới hòa bình thôi.

Hỏi: Các nhóm quân bảo hòa liên hiệp quốc đã làm những gì, và có thể làm những gì trong tình trạng này, thưa cha?

Đáp: Nói thật ra, họ đã có thể can thiệp nhanh nhất có thể. Từ các tin tức mà tôi đã nhận được các toán quân đó ở cách xa chỗ xảy ra khủng bố ngót một cây số. Họ đã được liên lạc, nhưng họ đã mất hàng giờ hàng giờ để can thiệp. Nếu ho đã can thiệp trước, thì tôi tin rằng đã có thể tránh được được tình hình tồi tệ này.

Tiếp theo đây là một số nhận định của Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio, và là người quen biết cha Nzale.

Hỏi: Thưa cha Yakanda, cha Paul Emile Nzale là người như thế nào?

Đáp: Cha là một người tốt lành, sống gần gũi dân chúng và là người không sợ hãi ai. Cha đang thăm các gia đình tỵ nạn trong giáo xứ thì bị bắn.

Hỏi: Cha có kỷ niệm nào với cha Nzale hay không?

Đáp: Chính cha Nzale đã dậy tôi giảng. Ngài đã đậy tội sống với dân chúng. Khi tôi còn là chủng sinh tôi đã biết cha tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi và ngài đã hướng dẫn tôi từ từ cho tới khi tôi làm linh mục cách đây 18 năm.

Hỏi: Cha có nhớ vài lời khuyên hay vài lời nói của ngài hay không?

Đáp: Có chứ. Ngài khuyên tôi kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng bao giờ chán nản ngã lòng và luôn luôn hy vọng: ngài lập đi lập lại các lời khuyên này.

Hỏi: Nghĩa là cha Nzale đã luôn luộn sống giữa dân chúng và đã được người dân rất thương mến?

Đáp: Vâng, ngài đã luôn luôn sống giữa người dân và được dân chúng trong thủ đô Bangui rất thương mến.

Hỏi: Vậy bây giờ dân chúng thủ đô ra sao?

Đáp: Người dân sống trong sợ hãi. Trong thành phố không có điện, nhưng có cuộc tổng đình công bãi thị. Dân chúng khua đĩa inh ỏi để phản đối.

Hỏi: Cha có hy vọng gì không?

Đáp: Tôi hy vọng người ta thôi bạo lực. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi làm một cái gì đó để tìm lại được hòa bình, bởi vì Trung Phi đã là một quốc gia luôn luôn sống trong hòa bình. Chỉ từ 15 năm qua ma qủy đã tỉnh thức: ma qủy chia rẽ đã tỉnh thức và gieo tai họa. Chúng tôi khÔng thành công trong việc ngăn chặn hận thù và sự căng thẳng này.

Hỏi: Cũng có các vụ phản đối lực lượng bảo hòa đã không mau chóng can thiệp, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Các binh sĩ ở cách họ đạo không xa và có các phương tiện tạo dựng hòa bình. Nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra tại đó mà họ đã không hành động.

Hỏi: Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Có. Chúng tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nhắm mắt và để cho dân chúng Trung Phi biến mất khỏi bản đồ địa lý thế giới. Ước chi họ hành động và yểm trợ người dân Trung Phi. Dân Trung Phi chỉ muốn có hòa bình, chỉ muốn sống. Xem ra người dân nước này bị bỏ rơi cho số phận của họ. Điều này không đúng! Xin cộng đồng quốc tế hãy can thiệp và làm một cái gì đó để nâng đỡ những người dân vô tội đang phải chết này!

(RG 29.30-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Tài liệu mật tiết lộ cuộc bầu chọn Thánh Piô X

Tài liệu mật tiết lộ cuộc bầu chọn Thánh Piô X

John Bingham cho The Telegraph

pius x

Một cuộc bỏ phiếu bí mật đã thay đổi quá trình bầu chọn giáo hoàng và đặt một con người trên con đường nên thánh.

Nhưng một bộ tài liệu về bầu chọn giáo hoàng hiếm thấy, được mang lén ra khỏi Mật Tuyển viện năm 1903, giải thích rõ Đức Hồng y Giusppe Melchiorre Sarto, hiện nay là Thánh Piô X, gần như chắc chắn không được lên ngôi giáo hoàng nếu không có sự can thiệp chính trị và sự lập lờ trong giáo luật bị quên lãng lâu nay.

Trong tài liệu, đem bán đấu giá tại London vào thứ Năm, có một biên bản ghi lại kết quả từ khi bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu chọn giáo hoàng vào tháng 8-1903 cho thấy Đức Hồng y Mariano Rampolla del Tindaro là ứng viên được ái mộ nhất, hơn xa mọi ứng viên.

Nhưng Đức Hồng y Rampolla, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo hoàng trước là Đức Lêô XIII, bị Hoàng đế Áo-Hungary Franz Joseph phản đối dựa trên quyền Jus exclusivae, vốn cho phép một nhóm vua chúa được chọn thuộc Giáo hội Công giáo La mã có quyền bác bỏ bất kỳ vị giáo hoàng tương lai nào mà họ không chấp thuận.

Quyền này chỉ được dùng một vài lần trong lịch sử, cho phép nhà vua hay hoàng hậu của Tây Ban Nha, Pháp, Thánh chế La mã hay hoàng đế Áo-Hungary chỉ định một hồng y thực hiện quyền phủ quyết của họ kèm theo hướng dẫn can thiệp nếu người mà họ phản đối chuẩn bị được bầu chọn.

Mặc dù Đức Hồng y Sarto hưởng lợi từ động thái này, vì nó giúp ngài lên ngôi giáo hoàng, có sự tổn thương vì sự can thiệp này, và ngài đích thân bãi bỏ quyền Jus exclusivae.

Tài liệu sẽ do Fraser’s Autograph bán tại nhà đấu giá Dreweatts & Bloomsbury ở London, trong đó có một bản kiểm phiếu viết tay từ vòng bỏ phiếu lần hai cho thấy Đức Hồng y Rampolla có được sự ủng hộ của 29 trong số 61 hồng y có mặt trong Nguyện đường Sistine, con số này chưa chiếm được đa số phiếu.

Trong khi đó Đức Hồng y Sarto chỉ có 10 phiếu. Nhưng sau khi Đức Hồng y Rampolla bị bác bỏ, ngài lại được bầu làm giáo hoàng trong vòng bỏ phiếu thứ bảy.

Ngài qua đời tháng 8-1914, ngay sau khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, và được tôn phong thánh 40 năm sau đó.

Không ai biết chính xác lý do tại sao hoàng đế này phản đối Đức Hồng y Rampolla nhưng ngài được xem là một nhà cải cách Vatican và người ta nghĩ rằng ngài được xem là quá tự do đối với Franz Joseph. Trái lại, Đức Piô X là một người theo chủ nghĩa truyền thống được tưởng nhớ vì lên án chủ nghĩa tân thời.

Quy định của Mật Tuyển viện cấm các hồng y tiết lộ chi tiết cuộc bầu cử và theo truyền thống các tài liệu này được đốt trong một cái lò đặc biệt bốc lên khói đen nếu chưa có kết quả bầu cử và khói trắng khi đã bầu được tân giáo hoàng.

Nhưng các tài liệu đem bán đấu giá này được Đức Hồng y Domenico Svampa, Tổng Giám Mục của Bologna lúc đó, cất giữ.

Ngoài bản kiểm phiếu, còn có một lá phiếu kèm theo thông báo được Đức Hồng y Svampa ký tên trên mặt trái khẳng định ngài đã bỏ phiếu cho Đức Hồng y Sarto. Tài liệu này sau đó được một nhà báo người Ý sưu tầm.

“Có thể Đức Hồng y Svampa cất giữ lá phiếu có viết thông báo trên đó để làm bằng chứng ngài bỏ phiếu bầu Đức Hồng y Sarto không phải là vì tuân theo lệnh phủ quyết của hoàng đế nhưng là quyết định ngài tự đưa ra ngay từ đầu mật tuyển viện”, nhà bán đấu giá giải thích.

“Có thể là một động thái chính trị tốt vì Đức Hồng y Sarto đã trở thành Giáo Hoàng”.

Nguồn: The Telegraph

Trích từ UCANEWS VN

Buổi cầu nguyện cho hòa bình do ĐTC Phanxicô triệu tập tại Vatican

Buổi cầu nguyện cho hòa bình do ĐTC Phanxicô triệu tập tại Vatican

Pope host Shimon Peres, Abbas

VATICAN. Chiều chúa nhật 8-6-2014 là một ngày lịch sử trong hơn 60 năm chiến tranh giữa người Israel và Palestine: lần đầu tiên hai vị tổng thống của hai dân tộc này gặp gỡ nhau trong một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông và thế giới.

Cuộc gặp gỡ cầu nguyện hòa bình này diễn ra theo lời mời của ĐTC Phanxicô ngày 25-5 năm nay trong cuộc viếng thăm của ngài tại Bethlehem của Palestine và tại Tel Aviv của Israel.

Hai tổng thống Shimon Peres và Mahmoud Abbas, cũng gọi là Abu Mazen, đã nhận lời mời và ĐTC cũng mời Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantiple bên Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là đứng đầu của các vị Thượng Phụ Chính Thống.

Đức Thượng Phụ Bartolomaios có mặt tại Vatican từ chiều thứ bẩy 7-6, còn hai vị Tổng thống đã đến Vatican chiều chúa nhật và được ĐTC tiếp và hội kiến riêng tại Nhà Trọ thánh Marta nơi ngài cư ngụ. Lúc gần 7 giờ, Đức Thượng Phụ đến chào hai vị Tổng thống và cả 4 vị cùng đi xe minibus ra sân cỏ hình tam giác trong vườn Vatican cạnh Trụ sở Hàn lâm viện khoa học của Tòa Thánh và Bảo tàng viện Vatican. Sân cỏ có hai hàng cây cao ở hai bên.

Tại đây đã có 3 phái đoàn của 2 vị Tổng thống và của ĐTC chờ sẵn, mỗi đoàn gồm từ 15 đến 20 vị. Trong 20 vị thuộc đoàn của ĐTC, ngoài Đức Thượng Phụ Bartolomaios là khách mời, còn có ĐHY quốc vụ khanh Parolin, các vị HY chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đối thoại liên tôn, hiệp nhất các tín hữu Kitô, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công Giáo Đông Phương, cha Pizzaballah, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa và cũng là người phối hợp chính của buổi cầu nguyện này. Ngoài ra, còn có một ban nhạc gồm 5 người, một số là người Do thái, chơi các nhạc khí giúp suy niệm giữa các bài đọc và các lời khẩn cầu hòa bình.

Chương trình cầu nguyện diễn ra lần lượt theo thứ tự: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, với phần âm nhạc, kinh nguyện, suy tư và khẩn cầu hòa bình. Cả ba đều theo cùng một cơ cấu: trước tiên là ca ngợi Thiên Chúa Đấng sáng tạo và ban cho con người công trình tạo dựng của ngài, tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa, tiếp đến là lời khẩn cầu ơn tha thứ vì những tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân, đã không cư xử với nhau như anh chị em con của cùng một cha, và sau cùng là khẩn cầu Thiên Chúa ban bình an cho Thánh Địa, cho Trung Đông và thế giới.

PHÁT BIỂU
Trong phần cuối, hai vị Tổng thống lần lượt lên tiếng và nói lên những lời nguyện cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình. Tổng thống Shimon Peres gọi việc ĐTC Phanxicô mời gọi thực hiện buổi khẩn cầu hòa bình này là một lời mời đặc biệt và ông nói với ĐTC: ”Trong cuộc viếng thăm lịch sử của ngài tại Thánh Địa, ngài đã làm cho chúng tôi cảm động vì tâm hồn nồng nhiệt, các ý hướng chân thành, sự khiêm tốn và nhã nhặn. Ngài đã đánh động tâm hồn dân chúng, không phân biệt tín ngưỡng và quốc tịch. Ngài như một người xây dựng những nhịp cầu huynh đệ và hòa bình. Tất cả chúng tôi đều cần những gợi hứng của ngài”. Và tổng thống nói thêm rằng; ”Khi tôi còn là một thiếu niên 9 tuổi, tôi đã nhớ đến chiến tranh! Không bao giờ nữa, không bao giờ nữa!”

Tổng thống Abu Mazen, trong lời phát biểu cũng cám ơn ĐTC vì lời mời và cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại Thánh Địa, đặc biệt là tại thành thánh Jerusalem và Bethlehem của chúng tôi, và Tổng Thống dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện: xin cho sự thật, hòa bình và công lý được thể hiện tại quê hương Palestine của con, trong vùng và trên toàn thế giới. Lạy Chúa con khẩn cầu, xin Chúa làm cho tương lai dân tộc chúng con được thịnh vượng và đầy hứa hẹn, với tự do của một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Lạy Chúa, xin ban cho vùng chúng con và dân tộc trong vùng này được an ninh, được cứu thoát và được ổn định. Xin Chúa cứu thành thánh Jerusalem được chúc phúc của chúng con”. Tổng thống cũng nhắc lại lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: ”Nếu hòa bình được thực hiện tại Jerusalem thì hòa bình cũng sẽ được chứng thực trên toàn thế giới”.

PHÁT BIỂU VÀ KINH NGUYỆN CỦA ĐTC

Về phần ĐTC, trong bài phát biểu và kinh nguyện, ngài nói:

Kính thưa hai vị Tổng Thống, Đức Thượng Phụ và anh chị em!

Tôi rất vui mừng chào quí vị và tôi đáp lại quí vị cũng như các phái đoàn tháp tùng quí vị sự tiếp đón nồng nhiệt mà quí vị đã dành cho tôi trong cuộc hành hương mới đây tại Thánh Địa.

”Tôi thành tâm cám ơn quí vị đã nhận lời mời đến đây để cùng nhau khẩn cầu Thiên Chúa hồng ân hòa bình. Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ này là một con đường tìm kiếm những gì nối kết, để vượt thắng những gì gây chia rẽ.

Và tôi cám ơn Đức Thượng Phụ, Bartolomeo, người Anh đáng kính đã đến đây để cùng với tôi đón tiếp các vị khách quí này. Sự tham dự của Đức Thượng Phụ là một món quà lớn, một sự nâng đỡ quí giá và là chứng tá về con đường mà chúng ta đang thực hiện với tư cách là Kitô hữu để tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn.

Thưa nhị vị Tổng Thống, sự hiện diện của quí vị là một dấu chỉ lớn nói lên tình huynh đệ quí vị đang thực thi trong tư cách là con cháu Abraham, và biểu lộ cụ thể lòng tín thác nơi Thiên Chúa, là Chủ Tể của lịch sử, ngày hôm nay Cúa đang nhìn chúng ta như anh em với nhau và ước muốn dẫn đưa chúng trên những con đường của Ngài.

Cuộc gặp gỡ này của chúng ta, khẩn cầu hòa bình cho Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới được tháp tùng bằng lời cầu nguyện của rất nhiều người, thuộc các nền văn hóa, tổ quốc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau: những ngừơi đã cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này và giờ đây họ liên kết với chúng ta trong cùng một lời khẩn cầu. Đây là một cuộc gặp gỡ đáp ứng ước muốn nồng nhiệt của bao nhiêu người đang khao khát hòa bình và mơ ước một thế giới trong đó mọi người nam nữ có thể sống như anh chị em với nhau chứ không phải như đối thủ hoặc kẻ thù.

Thưa nhị vị Tổng Thống, thế giới là một gia sản mà chúng ta đã nhận lãnh từ tiền nhân: đúng vậy, nhưng đó cũng là một của mượn của con cháu chúng ta: những ngừơi con đã mỏi mệt và kiệt lực vì những cuộc xung đột và mong ước đạt tới bình minh hòa bình; những ngừơi con đang yêu cầu chúng ta phá đổ những bức tường thù hận và tiến bước trên con đường đối thoại và hòa bình để tình thương và tình thân hữu chiến thắng.

Nhiều người, rất tiếc là quá nhiều người con ấy đã ngã gục như nạn nhân vô tội của chiến tranh và bạo lực, họ như những cây đầy sức sống bị nhổ bỏ. Nghĩa vụ của chúng ta là làm sao để sự hy sinh của họ không vô ích. Việc tưởng niệm họ đổ tràn trong chúng ta lòng can đảm hòa bình, sức mạnh kiên trì trong đối thoại với bất kỳ giá nào, sự kiên nhẫn kết dệt mỗi ngày những đường chỉ ngày càng vững mạnh để dệt lên một cuộc sống chung hòa bình trong sự tôn trọng nhau và an bình, để làm vinh danh Thiên CHúa và mưu ích cho mọi người.

Lịch sử dạy chúng ta rằng sức riêng của chúng ta vẫn không đủ. Hơn một lần chúng ta đến gần hòa bình, nhưng ma quỉ bằng nhiều phương thế, đã ngăn cản được hòa bình. Vì thế, chúng ta ở đây, là vì chúng ta biết và tin rằng chúng ta cần ơn phù trợ của Thiên Chúa, Chúng ta không từ khước trách nhiệm của mình, nhưng chúng ta cầu khẩn Thiên Chúa như một hành vi trách nhiệm tối cao, đứng trước lương tâm chúng ta và trước dân tộc chúng ta. Chúng ta đã nghe một lời kêu gọi, và chúng ta phải đáp lại: lời kêu gọi phá vỡ cái vòng lẩn quẩn bạo lực và oán thù, phá vỡ nó bằng một lời duy nhất, đó là ”người anh em”. Nhưng để nói lời này, tất cả chúng ta phải hướng cái nhìn lên Trời, nhìn nhận mình là con cái của người Cha duy nhất.

Trong Thánh Linh của Chúa Giêsu Kitô, tôi dâng lên Chúa Cha, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, người con của Thánh Địa và là Mẹ chúng ta.

Và ĐTC dâng lời khẩn nguyện:

”Lạy Thiên Chúa hòa bình, xin lắng nghe lời khẩn nguyện của chúng con!

”Bao nhiêu lần và trong bao nhiêu năm, chúng con đã cố gắng giải quyết các cuộc xung đột bằng sức riêng của chúng con và kể cả bằng võ khí: bao nhiêu thời điểm đố kỵ và tăm tối: bao nhiêu máu đã đổ ra; bao nhiêu sinh mạng bị đốn ngã; bao nhiêu hy vọng bị chôn vùi.. Nhưng những nỗ lực của chúng con vô ích. Giờ đây, lạy Chúa, xin giúp chúng con! Xin ban hòa bình cho chúng con, xin dạy chúng con hòa bình, xin Chúa hướng dẫn chúng con tiến về hòa bình. Xin mở mắt và tâm trí chúng con và ban cho chúng con niềm can đảm nói rằng: ”Không bao giờ chiến tranh nữa!”; với chiến tranh tất cả bị hủy hoại!” Xin đổ tràn trong chúng con lòng can đảm thực thi những cử chỉ cụ thể để kiến tạo hòa bình, lạy Chúa, là Thiên Chúa của Abraham và của các Ngôn Sứ, Thiên Chúa Tình Thương Đấng đã tạo dựng chúng con và kêu gọi chúng con sống với nhau như anh em, xin ban cho chúng con khả năng từ nhân nhìn mọi anh chị em chúng con gặp trên đường. Xin làm cho chúng con sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu của các công dân chúng con, yêu cầu chúng con biết các võ khí của mình thành những dụng cụ hòa bình, biến sự sợ hải thành tín nhiệm và những căng thẳng của chúng con thành tha thứ. Xin giữ cho ngọn lửa hy vọng trong chúng con được luôn cháy sáng để kiên nhẫn bền chí thực hiện những chọn lựa đối thoại và hòa giải để hòa bình sau cùng được chiến thắng. Và từ tâm lòng mỗi người, ước gì những lời này bị khai trừ: chia rẽ, oán thù, chiến tranh! Lạy Chúa, xin giải giáo miệng lưỡi và đôi tay chúng con, xin đổi mới tâm trí chúng con để lời làm cho chúng con gặp gỡ nhau luôn luôn là lời ”anh em” và lối sống của chúng con trở thành: shalom, hòa bình, salam! Amen.

Cuối buổi cử hành dài 1 tiếng rưỡi, ĐTC, 2 Tổng Thống và Đức Thượng Phụ đứng cạnh nhau và các phái đoàn tiến qua để chào các vị.

Bốn vị cũng cùng nhau trồng một cây Olive để lưu niệm, trước khi tiến vào trụ sở Hàn lâm viện khoa học Tòa Thánh cạnh đó, để gặp gỡ riêng.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Pope Francis celebrates Pentacost mass 06-08-2014

VATICAN. ĐTC Phanxicô giải thích cho các tín hữu về 3 hoạt động của Chúa Thánh Linh đối với các tín hữu: dạy dỗ, nhắc nhớ và làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa và tha nhân.

Trên đây là nội dung bài giảng của ĐTC trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, sáng chúa nhật 8-6-2014 tại Đền thờ Thánh Phêrô, cùng với 90 Hồng Y, GM và 200 LM đồng tế, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Bài giảng của ĐTC

”Tất cả được tràn đầy Chúa Thánh Thần” Cv 2,4).

Khi nói với các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói rằng sau khi rời khỏi thế giới này, Ngài sẽ gửi đến họ hồng ân của Chúa Cha, tức là Thánh Linh (Xc Ga 15,26). Lời hứa này được thể hiện mạnh mẽ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Linh ngự xuống trên các môn đệ tụ họp tại Nhà Tiệc Ly. Sự đổ tràn Thánh Linh ấy, tuy là ngoại thường, nhưng không phải là xảy ra một lần duy nhất và giới hạn vào lúc ấy, nhưng là một biến cố đã và vẫn còn được tái diễn. Chúa Kitô vinh hiển ở bên hữu Chúa Cha tiếp tục thực hiện lời hứa, gửi đến Giáo Hội Thánh Linh ban sự sống, Người dạy dỗ, nhắc nhớ và làm cho chúng ta nói.

– Chúa Thánh Linh dạy dỗ chúng ta, Người là Thầy nội tâm. Người hướng dẫn chúng ta trên đường ngay nẻo chính qua những hoàn cảnh của cuộc sống. Người chỉ đường cho chúng ta. Trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, Kitô giáo được gọi là ”con đường”, là ”đạo” (Xc Cv 9,2) và chính Chúa Giêsu là Đường. Chúa Thánh Linh dạy chúng ta bước theo Chúa Giêsu, tiến bước theo vết của Ngài. Thánh Linh là thầy dậy cuộc sống hơn là thầy dậy đạo lý. Và thuộc về cuộc sống chắc chắn cũng có sự hiểu biết, kiến thức, nhưng trong một chân trời rộng lớn và hòa hợp hơn của đời sống Kitô.

Chúa Thánh Linh nhắc nhớ chúng ta, Người nhắc nhở chúng ta về tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói. Đó là ký ức sinh động của Giáo Hội. Và trong khi nhắc nhở chúng ta, Người làm cho chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu.
ĐTC giải thích rằng:

”Việc nhắc nhớ này trong Thánh Linh và nhờ Thánh Linh không thu hẹp vào một sự kiện ký ức, và là một khía cạnh thiết yếu trong sự hiện diện của Chúa Kitô nơi chúng ta và trong Giáo Hội. Thánh Thần chân lý và tình thương nhắc nhớ chúng ta về tất cả những gì Chúa Kitô đã nói, làm cho chúng ta ngày càng đi sâu vào trọn vẹn ý nghĩa những lời của Chúa. Điều này đòi chúng ta phải đáp lại: hễ chúng ta càng quảng đại đáp lại, thì lời Chúa Giêsu càng trở thành sự sống trong chúng ta, trở thành những thái độ, chọn lựa, cử chỉ, chứng tá. Nói tóm lại, Chúa Thánh Linh nhắc nhớ chúng ta về giới răn yêu thương, và kêu gọi chúng ta hãy sống giới răn ấy.
Một Kitô hữu không có ký ức thì không phải là một Kitô hữu chân chính: họ là một người nam nữ tù nhân của thời điểm hiện tại, không biết biến lịch sử của mình thành kho tàng, không biết đọc và sống lịch sử ấy như lịch sử cứu độ. Trái lại, với ơn phù trợ của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể giải thích những soi sáng nội tâm và những biến cố của cuộc sống dưới ánh sáng lời Chúa Giêsu. Và như thế sự khôn ngoan của ký ức, sự khôn ngoan của con tim, sẽ tăng trưởng trong chúng ta và đó là một hồng ân của Thánh Linh. Xin Chúa Thánh Linh hồi sinh trong tất cả chúng ta ký ức Kitô giáo!

”Chúa Thánh Linh dạy dỗ chúng ta, nhắc nhớ cho chúng ta – và một điểm khác nữa, Người làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa và với con người. Kinh nguyện là một hồng ân chúng ta nhận được nhưng không; đó là cuộc đối thoại với Chúa trong Thánh Linh, là Đấng cầu nguyện trong chúng ta và để chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa, gọi Chúa là Cha, là Ba, là Abba (Xc Rm 8,15; Gl 4,4); và điều này không phải chỉ là ”một kiểu nói”, nhưng là thực tại, chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa. ”Thực vậy, tất cả những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, thì họ là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).

Và Thánh Linh làm cho chúng ta nói với con người trong cuộc đối thoại huynh đệ. Người giúp chúng ta nói với tha nhân, nhìn nhận họ là anh chị em; diễn tả với tinh thần thân hữu, dịu dàng, hiểu những lo âu và hy vọng, buồn sầu và vui mừng của tha nhân. Nhưng Chúa Thánh Linh cũng làm cho chúng ta nói với con người như ngôn sứ, nghĩa là biến chúng ta thành những ”máng” khiêm tốn và ngoan ngoãn chuyển Lời Chúa. Lời ngôn sứ được thực hiện trong sự thẳng thắn, để công khai chứng tỏ những mâu thuẫn và bất công nhưng luôn luôn với sự dịu dàng và ý hướng xây dựng. Được Thánh Thần tình thương thấu nhập, chúng ta có thể là dấu hiệu và là dụng cụ của Thiên Chúa, Đấng yêu thương, phục vụ và trao ban sự sống.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Nói tóm lại, Chúa Thánh Linh dạy chúng ta con đường, nhắc nhớ và giải thích cho chúng ta Lời Chúa Giêsu; Người làm cho chúng ta cầu nguyện và gọi Thiên Chúa là Cha, làm cho chúng ta nói với con người trong cuộc đối thoại huynh đệ và như ngôn sứ.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi các môn đệ ”được tràn đầy Thánh Linh”, Giáo Hội được chịu phép rửa, được sinh ra ”để đi ra”, ”khởi hành” để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông Đồ: họ không được rời xa khỏi thành Jerusalem trước khi lãnh nhận từ trên cao Sức Mạnh của Chúa Thánh Linh (Xc Cv 1,4.8). Không có Người thì không có sứ vụ truyền giáo, không có việc loan báo Tin Mừng. Vì thế cùng với Giáo Hội chúng ta hãy kêu cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân, đã có 5 ý nguyện được xướng lên lần lượt bằng tiếng Aramaico là ngôn ngữ Chúa Giêsu đã dùng xưa kia, tiếng Pháp, Ucraina, Anh và Hoa: Cầu cho Giáo Hội: Xin Chúa Thánh Linh làm cho Giáo Hội ngày càng trở thành cộng đoàn từ bi và tha thứ và dẫn đưa mọi người đến niềm hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa; cầu cho ĐTC và tất cả những người rao giảng Tin Mừng: Xin Chúa Thánh Linh giữ gìn cuộc sống của các vị được hoàn toàn giống hy tế mà các vị dâng tiến và với chân lý mà các vị loan báo; cầu cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất và các nhà cầm quyền: Xin Chúa Thánh Linh khơi lên những người có khả năng tiến bướctrên con đường cam go và cao cả đối thoại, công lý và hòa giải; cầu cho những người nghèo khổ và cô đơn: Xin Chúa Thánh Linh mở cửa hy vọng cho những người bị thương tích trong thân thể và tinh thần, khơi dậy nơi mọi người những tâm tình và thái độ bác ái chân chính; cầu cho các thừa sai: Xin Chúa Thánh Linh là nguồn mạch mọi sứ vụ trong Giáo Hội, làm cho những người được kêu gọi loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng về Chúa Phục Sinh được vững mạnh và quảng đại.

Trong phần rước lễ có 70 LM đồng tế thi hành nhiệm vụ phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu hiện diện.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi và nửa tiếng sau đó, vào lúc đúng ngọ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ của căn hộ Giáo Hoàng để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với khoảng 50 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp.

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, ĐTC tiếp tục diễn giải về ý nghĩa biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống:

”Anh chị em thân mến, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tưởng niệm việc Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trên các Tông Đồ tụ họp tại Nhà Tiệc Ly. Cũng như Lễ Phục Sinh là một biến cố xảy ra trong lễ của Do thái giáo và được viên mãn lạ lùng, sách Tông Đồ công vụ mô tả các dấu hiệu và thành quả ngoại thường của việc đổ tràn ơn Thánh Linh: gió thổi mạnh và những hình lưỡi lửa; sợ hãi biến mất và nhường chỗ cho can đảm: ngôn ngữ không còn bị ràng buộc và tất cả mọi người đều hiểu lời loan báo. Nơi nào Thánh Linh của Thiên Chúa đến, thì tất cả được tái sinh và biến đổi. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh dấu sự khai sinh Giáo Hội và Giáo Hội xuất hiện công khai; có hai nét làm cho chúng ta chú ý: đó là một Giáo Hội gây ngạc nhiên và làm lúng túng.

”Một yếu tố cơ bản của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là sự ngạc nhiên. Chẳng ai mong đợi nơi các môn đệ điều gì nữa: sau khi Chúa Giêsu chịu chết, họ là một nhóm nhỏ chẳng có gì đáng kể, họ là những người mồ côi thất bại với Thầy họ. Trái lại xảy ra một biến cố bất ngờ làm cho mọi người ngỡ ngàng: dân chúng bối rối ngạc nhiên vì mỗi người nghe các môn đệ nói trong ngôn ngữ của họ, kể lại những kỳ công của Thiên Chúa (Xc Cv 2,6-7.11). Giáo hội sinh ra trong ngày Lễ Hiện Xuống là một cộng đoàn làm cho người ta kinh ngạc, vì với sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Giáo Hội loan báo một sứ điệp mới – là sự phục sinh của Chúa Kitô – với một ngôn ngữ mới – ngôn ngữ đại đồng của tình thương. Các môn đệ được quyền năng từ trên cao, can đảm và thẳng thắn nói với tự do của Chúa Thánh Linh.

Vì thế Giáo Hội được kêu gọi luôn luôn là Giáo Hội: có khả năng gây ngạc nhiên khi loan báo cho mọi người rằng Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết, vòng tay của Thiên Chúa luôn mở rộng, Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để chữa lành và tha thứ cho chúng ta. Chính vì sứ mạng này, Chúa Giêsu phục sinh đã ban Thần Trí của Ngài cho Giáo Hội.

Ở Jerusalem có những người muốn các môn đệ của Chúa Giêsu bị sợ hãi ngăn chặn và khép kín trong nhà để khỏi gây phiền toái. Trái lại, Chúa phục sinh thúc đẩy họ vào thế giới: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Giáo Hội của lễ Hiện Xuống là một Giáo Hội không cam chịu là một cái gì vô thưởng vô phạt, hoặc là một thứ đồ trang trí. Trái lại đó là một Giáo Hội không do dự đi ra ngoài, gặp gỡ dân chúng, để loan báo sứ điệp đã được Chúa ủy thác cho họ, cho dù sứ điệp ấy làm phiền phức và làm cho các lương tâm bất an. Giáo Hội nảy sinh là duy nhất và phố quát, với căn tính rõ ràng, nhưng cởi mở, một Giáo Hội bao gồm cả thế giới, nhưng không nắm bắt thế giới, như vòng cung của Quảng trường này: hai vòng tay mở rộng để đón nhận, chứ không khép kín để giữ lại.

”Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, trong buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần trong Nhà Tiệc Ly, cùng với các môn đệ. Nơi Mẹ, sức mạnh của Chúa Thánh Linh đã thực hiện những việc cao cả (Lc 1,49). Xin Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Chuộc và là Mẹ Giáo Hội, chuyển cầu để hồng ân của Chúa Thánh Linh tái đổ tràn trên Giáo Hội và thế giới.

”Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương, từ Roma và các nơi, các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn và từng tín hữu từ Italia và các nước khác.

Ngài cũng thông báo: Như anh chị em đã biết, chiều tối hôm nay, tại Vatican, Tổng thống Israel và Palestine sẽ hiệp với tôi và Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, Bartolomaios, để cầu xin Chúa ban hồng ân hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới. Tôi muốn cám ơn tất cả những người, cá nhân và cộng đoàn, đã va đang cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này, và sẽ hiệp ý cầu nguyện với chúng tôi. Xin cám anh chị em và cầu chúc một chúa nhật tốt đẹp..

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh cha chỉ trích các đôi vợ chồng không muốn có con

Đức Thánh cha chỉ trích các đôi vợ chồng không muốn có con

Carol Glatz cho Catholic News Service

-

Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định “văn hóa sung túc” và an nhàn đã khiến cho các đôi vợ chồng nghĩ rằng cuộc sống thảnh thơi, đi du lịch khắp thế giới và có nhà nghỉ mát tốt hơn có con.

Ngài nói các đôi vợ chồng nên nhìn vào cách Chúa Giêsu yêu thương Giáo hội để biết cách trung thành, kiên trì và có kết quả tốt trong ơn gọi của mình.

Khoảng 15 đôi vợ chồng kỷ niệm 25 năm, 50 năm và 60 năm thành hôn đã tham dự Thánh lễ sáng do Đức Thánh cha cử hành hôm 2-6 tại Domus Sanctae Marthae, nơi ở của ngài.

Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô nói trung thành, kiên trì và có kết quả tốt là ba đặc tính trong tình yêu Chúa dành cho Giáo hội và cũng là ba trụ cột trong hôn nhân Kitô giáo.

Như Giáo hội sinh hoa kết quả khi cho ra những người con mới trong Đức Kitô thông qua Bí tích Rửa tội, hôn nhân cũng nên tiếp nhận cuộc sống mới, Đức Thánh cha nói trong bài giảng lễ, theo bản tin của Đài Phát thanh Vatican.

“Trong hôn nhân, kết quả này đôi khi có thể bị thử thách, khi chưa có con hay khi đau bệnh”, ngài nói.

Các đôi vợ chồng không thể có con hay mất con vẫn có thể trông mong nơi Đức Giêsu và “múc lấy nguồn sức mạnh từ kết quả Chúa Giêsu có được với Giáo hội”.

Tuy nhiên, “có những việc Chúa Giêsu không thích”, ngài nói, chẳng hạn như các đôi vợ chồng “không muốn có con, không muốn có kết quả tốt đẹp”.

Đức Thánh cha khẳng định “văn hóa sung túc này” khiến cho những người đã kết hôn cố ý không muốn có con.

Ngài nói văn hóa an nhàn “khiến chúng ta tin rằng không có con thì tốt hơn! Như thế bạn mới có thể thấy thế giới, đi nghỉ mát, bạn có thể có căn nhà lý tưởng ở miền quê, bạn sẽ thảnh thơi”.

Người ta nghĩ tốt hơn hay thoải mái hơn “khi nuôi một con chó con, hai con mèo và dành tình yêu cho hai con mèo và con chó con. Như vậy đúng hay không? Bạn đã chứng kiến điều này chưa?” ngài hỏi cộng đoàn.

“Và cuối cùng, cuộc hôn nhân này sẽ kết thúc trong tuổi già cô đơn, trong sự cay đắng của cảnh hiu quạnh”.

Đức Thánh cha nói Chúa Giêsu luôn trung thành với Giáo hội, “cô dâu của Ngài: xinh đẹp, thánh thiện, tội lỗi nhưng tình yêu của Ngài vẫn không thay đổi”.

Chúa Giêsu luôn trung thành, ngay cả với những người phạm tội và từ chối Ngài; và “lòng trung thành này giống như ngọn đèn” soi sáng hôn nhân, cho thấy “sự trung thành của tình yêu” trông như thế nào, ngài nói.

Ngoài luôn trung thành ra, tình yêu còn phải “luôn kiên trì”, ngài nói.

Như Chúa Giêsu tha thứ cho Giáo hội, vợ chồng cũng phải xin tha thứ cho nhau để “tình yêu vợ chồng có thể sống mãi”, ngài nói. “kiên trì trong tình yêu” phải bền bỉ trong lúc vui cũng như lúc buồn, “khi có vấn đề, vấn đề với con cái, vấn đề tiền bạc và những vấn đề khác”.

“Tình yêu bền vững, kiên trì, luôn tìm cách giải quyết mọi chuyện để cứu gia đình”, ngài nói.

UCANEWS VN

Chết hóc vì khúc xương bò khổng lồ dài ngàn dặm

Chết hóc vì khúc xương bò khổng lồ dài ngàn dặm

Trong các tuần qua biến cố Trung Cộng đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong lãnh hải của Việt Nam, để thăm dò khoan dầu, khinh thường công pháp quốc tế về Biển, đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối trong và mgoài nước. Cùng với dàn khoan di động khổng lồ là 80 tầu vũ trang, tầu quân sự và máy bay hộ tống vào vùng biển của Việt Nam.

china_vietnam_sprat

Vụ này cũng đã khiến cho nhiều nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ cùng các giới chức chính trị các quốc gia trong vùng Đông Nam Á tố cáo Trung Quốc có các hành động khiêu khích và nguy hiểm. Còn chính quyền Bắc Kinh và báo chí Tầu cộng thì cũng gân cổ lên cãi là Biển Đông thuộc Trung Quốc và tố cáo Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản có các hành động khiêu khích gây căng thẳng. Bắc Kinh đặc biệt cay cú với Nhật Bản, vì thủ tướng Shinzo Abe đã lập đi lập lại nhiều lần rằng tất cả mọi quốc gia phải tôn trọng Luật Biển quốc tế liên quan tới các vùng lãnh thổ. Trong bài phát biểu tại hội nghị đối thoại về an ninh Á châu Shangri-la 13, nhóm tại Singapore, thủ tướng Nhật Bản đã tuyên chiến pháp lý và thách thức Trung Quốc đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế. Trong khi Philippines thì đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế liên quan tới vụ Trung Quốc chiếm bãi Scarbourough ngay sát bờ biển Philippines. Thủ tướng Abe cũng tuyên bố Nhật đồng ý viện trợ cho Philippines 10 tầu tuần tra phục vụ ở Biển Đông, cho Indonesia 3 tầu và thúc đẩy việc cung cấp tầu tuần tra cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là Nhật Bản đang hình thành liên minh pháp lý để chống lại thái độ hung hăng xấc xược bất chấp công pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trong Hội nghị Shangri-la thường niên lần thứ 13 nhóm tại Singapore về An ninh khu vực Á châu ngày 31-5-2014 Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc có những vi phạm, đặc biệt chống lại Philippines và Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ không ngồi im nhìn Bắc Kinh gây bất ổn ở Biển Đông và hiếp đáp Việt Nam và Philippines. Ông Vương Quản Trung, trưởng phái đoàn Trung Quốc, lên án Nhật Bản và Hoa Kỳ khiêu kích Trung Quốc.

Trước đó ngày mùng 9-5-2014 ông Benjamin Cardin đã cùng 5 Thượng nghị sĩ Mỹ của Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ ra tuyên ngôn chung khẳng định rằng việc Trung Quốc mang dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam là thực tại đáng lo ngại. Ngày 28-5-2014 trong buổi tiềp thượng nghị sĩ Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đông Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn Hoa Kỳ lên tiếng phản đối hành động ngang ngược phi pháp của Trung Quốc. Ông cho biết Việt Nam muốn cùng Mỹ tiếp tục nỗ lực phát triển sâu rộng hơn nữa các quan hệ hơp tác trên các lãnh vực, vì lợi ích thiết thực và vì sự phát triển chung của cả hai nước. Việt Nam sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với Hoa Kỳ về các lãnh vực hợp tác cũng như những vần đề mà cả hai bên cùng quan tâm.

Thượng nghị sĩ Cardin cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn nặng nề luật pháp quốc tế, Công Ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gây bất ổn và đe dọa trực tiếp nền hòa bình, sự ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Bô trưởng quốc phòng Úc David Johnston cũng ủng hộ lập trường của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Cảnh lời qua tiếng lại với Trung Quốc và tình hình căng thẳng tại Biển Đông lên cao có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến, mà không ai biết kết qủa sẽ ra sao.

Nhật báo Arirang của Hàn quốc số ra ngày 23-5-2014 cho biết Trung Cộng đã đem 300,000 quân tới gần biên giới Việt Nam. Tờ Thời báo Đài Loan thì cho biết tỉnh Quảng Đông đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam cũng đã tăng cường và chuyển quân tới gần biên giới Trung Quốc.

Biển Đông nổi sóng chỉ vì mỏ dầu lửa và khí đốt khổng lồ nằm bên dưới và do vị trí chiến lược của nó nằm giữa Ấn Độ dương và Thái Bình Dương.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, chuyên viên Tổng cục địa chất Việt Nam, khu vực Biển Đông là một trong các tuyến hàng hải quan trọng và đông tàu bè qua lại nhất thế giới. Hàng năm hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyện bằng tầu biển của thế giới tiếp tục hành trình qua Biển Đông, sau khi đã vượt các eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Lượng tầu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Đông nhiều hơn 3 lần số tàu chở dầu qua kênh đào Suez, và hơn 5 lần số tầu chở dầu qua kênh đào Panama.

Riêng về số lượng dầu và khí đốt dự trữ tại Biển Đông Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho rằng chỉ có 2.5 tỷ thùng. Nhưng đây là con số Trung tâm khảo cứu địa chất Hoa Kỳ ước tính dựa trên các khảo sát gần ven biển của các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó Bộ tài nguyên địa chất Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biến Đông vào khoảng 17.7 tỷ tấn, so với 13 tỷ của Kuweit. Vì thế Trung Quốc gọi Biển Đông là ”Vịnh Ba Tư thứ hai”.

Tổng trữ lượng dự báo địa chất dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 3 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt khoảng 1,000 tỷ mét khối. Ngoài ra, vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Biển Đông rộng 1,460,000 cây số vuông còn có nguồn lợi thủy sản khổng lồ nữa. Có hơn 2,000 loại cá trong đó có 130 loại có giá trị kinh tế rất cao. Tất cả là các lý do khiến cho Trung Quốc dang rất thèm khát tài nguyên đã vẽ bản đồ Lưỡi Bò bất chấp công pháp quốc tế, và quyết ăn cướp cho bằng được kho tàng khổng lổ này. Nhưng trước các phản kháng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia Đông Nam Á cái lưỡi bò ấy đang trở thành ”khúc xương khổng lồ dài ngàn dặm”, mà miệng Trung Quốc cho dù có gian giảo và to đến mấy đi nữa, cũng sẽ không thể nào nuốt trôi được. Trái lại có nguy cơ chết hóc nữa là đàng khác.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Nữ tu Cristina thắng giải chung kết của “giọng ca của Ý”

Nữ tu Cristina thắng giải chung kết của “giọng ca của Ý”

Sister Cristina wins the voice of ItalySoeur Cám ơn Chúa cho thắng giải

Một nữ tu trẻ, những người đã trở thành một nổi bật trên Internet sau khi xuất hiện trên chương trình The Voice of Italy, đã giành được giải nhất của cuộc thi tài năng trên truyền hình với số phiếu 62 %.

Soeur Cristina Scuccia, trong bộ đồ tu màu đen và với một cây thánh giá trên cổ, đã cảm tạ Thiên Chúa vì ban sự chiến thắng đến cho soeur.

Hồi tháng Ba vừa qua, với bài hát No One của Alicia Keys mà soeur trình bày, tính đến nay nhận được hơn 50 triệu lượt xem trên YouTube.

Soeur Cristina, 25 tuổi cho biết soeur tin rằng bài hát của thể hiện "vẻ đẹp của Thiên Chúa".

"Sự hiện diện của tôi ở đây không phải là với tôi, đó là nhờ vào mọi người ngồi chung quanh trên các bậc thang!" đây là lời nói của Soeur sau khi được tuyên bố thắng giải của chương trình.

"Tôi không ở đây để bắt đầu một sự nghiệp nhưng vì tôi muốn truyền đạt một thông điệp."

Soeur Cristina nói thêm rằng, tiếp theo lời gọi của Đức Giáo Hoàng Francis, Giáo Hội Công Giáo phải gần gũi hơn với tất cả mọi người bình thường. Sau đó Sr. đọc kinh Lạy Cha trên sân khấu.

Phát biểu trước giải chung kết trực tiếp hôm thứ Năm, Soeur xin dành đến cho  "khao khát niềm vui, tình yêu, cho một thông điệp đó là tốt đẹp và tinh khiết".

Soeur Cristina, hiện tu tại một dòng tại thành phố Milan, Soeur cho biết rất hạnh phúc sẽ trở lại ca hát với các trẻ em trong nhà nguyện.

Đầu tiên Soeur gây được sự chú ý cho ban giám khảo trong một buổi thử giọng mù trong giai đoạn đầu của cuộc thi vào tháng Ba.

Khi họ phát hiện ra lựa chọn đáng ngạc nhiên của họ, Soeur nói: "Tôi có một món quà và tôi đưa nó cho bạn."

Không biết những giải thưởng sau này là gì, một hợp đồng thu âm của công ty Universal, điều này có thể bị ảnh hưởng đến đời sống tu hành của Soeur. Nhưng Soeur đã cho biết “bất cứ nơi nào Chúa muốn” thì Soeur vẫn tiếp tục hát.

Trích từ AFP – Thái Trọng

 

Soeur Cristina tuyên bố thắng giải

 

Bài ca Soeur Cristina trình bày trong ngày thi chung kết

Đón nhận

Đón nhận

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Các bài đọc thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống xoay quanh hai chủ đề chính: Thứ nhất tường thuật biến cố lịch sử việc Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên các tông đồ như lời Chúa Giêsu đã hứa biến đổi con người yếu đuối của các ngài thành những kẻ hiểu biết và phân phát mầu nhiệm Thiên Chúa. Và ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa thiêng liêng đi liền với biến cố lịch sử, một biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúa Thánh Thần là linh hồn của đời sống Kitô hữu trong nhiệm thể duy nhất của Chúa Kitô.

Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống vào ngày lễ Ngũ tuần của người Do thái, 50 ngày sau lễ Vượt qua. Người Do thái mừng lễ Giao ước, nhắc lai giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Thiên Chúa đã chọn, và mỗi thành phần của dân Chúa chọn cam kết sống trung thành với giao ước này. Chúa Giêsu đến để thiết lập giao ước mới bằng chính Máu của Ngài trên thập giá, và qua việc chọn ngày lễ Ngũ tuần để thực hiện biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên các tông đồ, Chúa Giêsu muốn cho các ngài hiểu rằng, từ nay, Giáo Hội được khai sinh và cũng từ Giao ước mới này mỗi tín hữu được mời gọi sống đời sống mới, một cuộc sống làm chứng cho Chúa Kitô.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, mỗi người chúng ta được mời gọi dấn thân thực hành và nhớ lại Giao ước mới đã được Chúa Giêsu Kitô thực hiện cho mỗi người chúng ta. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội, hướng dẫn Giáo Hội trải qua các thời đại vẫn phát triển, vẫn trung thành, mặc dù đôi khi còn những sa ngã, những sai lầm, những tội lỗi làm cho một số người xa lìa Giao ước mới.

Biến cố lịch sử Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên các tông đồ không những chỉ có chiều kích thiêng liêng canh tân cá nhân mà thôi, nhưng còn mang chiều kích Giáo Hội nữa. Đó là liên kết mọi kẻ tin Chúa mà lãnh nhận Thánh Thần trong một cộng đoàn, một thân thể, sống liên đới với nhau như bài đọc II nhắc lại cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng là một cộng đoàn có tổ chức, có người lãnh đạo, chịu trách nhiệm thừa hành quyền lãnh nhận từ Chúa, như được nhấn mạnh nơi bài Phúc âm: Chúa Giêsu đến ban bình an, đổi mới các tông đồ rồi trao quyền cho họ: “Chúng con hãy nhận lãnh Thánh Thần, chúng con tha tội cho ai thì tội người đó được tha, chúng con cầm tội ai thì tội người đó bị cầm buộc”.

Các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và đồng thời chia sẻ quyền bính tha tội của Chúa, sống bên cạnh Chúa, thực hiện những phép lạ để chứng minh quyền tha tội của Ngài, nên khi nghe lời Chúa phán, các tông đồ hiểu rõ hơn ai hết những lời này có nghĩa gì? Các ngài được biến đổi để trở thành những kẻ tiếp tục sứ mạng của Chúa: “Hãy ra đi rao giảng cho mọi dân nước những gì Thầy đã truyền cho chúng con, dạy họ tuân giữ những gì Thầy truyền và rửa tội cho họ”.

Mỗi thành phần trong Giáo Hội đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, nhưng trong những cấp bậc khác nhau qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, Bí tích Truyền Chức thánh trở thành thừa tác viên thánh của Chúa. Mỗi người chúng ta đều đã được canh tân, được biến đổi để chu toàn những trách vụ khác nhau nhưng cùng một Thánh Thần.

Ước chi ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống mời gọi mỗi người chúng ta trở về với ơn gọi nguyên thủy của mình, trở về với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, canh tân đời sống cá nhân và chu toàn sứ mạng trong sự hiệp nhất và hiệp thông với Nhiệm thể Chúa Kitô. Xin Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn cuộc đời chúng ta, để giúp chúng ta thực hiện thánh ý Chúa một cách trọn vẹn và tốt đẹp hơn.

Veritas Radio

ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG ĐỔI MỚI

ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG ĐỔI MỚI

Qua bài trích sách Công Vụ Tông Đồ, ta thấy Đức Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới.

Ngài đã đổi mới trí khôn các Tông đồ. Các Tông đồ là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều. Nhưng các ngài không hiểu. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.

Ngài đã đổi mới ý chí các Tông đồ. Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Các ngài đã chối Chúa. Các ngài đã ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bị đe doạ, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa, ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.

Ngài đã đổi mới trái tim các Tông đồ. Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao. Mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những tái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành trái tim yêu thương.

Đời sống ta có quá nhiều yếu đuối. Trí khôn ta u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa. Ý chí ta bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa. Trái tim ta nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục. Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta. Để ta thấu hiểu Lời Chúa, thấu hiểu thánh ý Chúa muốn trong đời. Để ta mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa trong đời sống và để trái tim ta được thanh luyện luôn quảng đại cho đi, dâng hiến.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Đức Chúa Thánh Thần đã đổi mới các thánh Tông đồ như thế nào?

2. Trong tôi còn những gì xưa cũ cần đổi mới?

3. Ai cũng có nhu cầu đổi mới nhà cửa, đời sống vật chất. Bạn có thấy nhu cầu đổi mới tâm hồn không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Hãy nhận lấy Thánh Thần.

Hãy nhận lấy Thánh Thần.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó: "Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?". Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới" (Cv 19,1-2).

Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần, nhưng có thể Ngài vẫn là Đấng xa lạ với ta.

Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp, nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.

Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài đã làm một việc quan trọng, đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.

"Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19).

"Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15).

Trong Tin Mừng hôm nay, Đấng phục sinh nói với các môn đệ: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21)

Đức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình. Chỉ có một sứ mạng duy nhất là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha. Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.

Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này? Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?

Sức sống ở nơi hơi thở.

Đức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình, hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ.

Khi được trao ban Thánh Thần, họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.

Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.

Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa, và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.

Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3), và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).

Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.

Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội.

Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung.

Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.

Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ. Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Đức Kitô.

Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội; không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ.

Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt, nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân, nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài, thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Bạn có thấy Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ bạn trong cuộc sống hàng ngày không? Ngài có hoạt động trong nhóm của bạn không?

2. Trong thế giới hôm nay, thế giới gồm cỏ lùng và luau, bạn có thấy hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả của Chúa Thánh Thần không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin Ngài hãy đến như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.

Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con.

Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con chiếu sáng Giáo Hội, chiếu sáng thế giới, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.

 

CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG TÁC SINH

 CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG TÁC SINH

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay đến vai trò của Ngài là Đấng soi sáng, thánh hóa, đổi mới, Đấng ban sự bình an, niềm vui, can đảm, khôn ngoan, lo liệu, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Chúa…

Như vậy, Ngài là hồn sống, hơi thở của Giáo Hội. Không có Ngài, Giáo Hội như mất đi sức sống, sinh động và trở nên trống rống. Đức Thượng phụ Athenagoras, Giáo chủ Constantinople đã nói: “Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ. Tin Mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo Hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.
 
Để làm sáng tỏ vai trò của Chúa Thánh Thần, các bài đọc trong thánh lễ hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về Ngài.

1. Vài trò của Chúa Thánh Thần qua ba bài đọc

Khởi đi từ bài đọc I trích trong sách Cv 2, 1-11, tác giả cho thấy: đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ vẫn đang tụ họp quanh Đức Maria để cầu nguyện liên lỉ và chờ mong điều Đức Giêsu đã hứa trước đó. Và, đúng như lời Đức Giêsu đã loan báo, Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa để hiện xuống trên Đức Mẹ và các môn đệ. Như một sự tác sinh, lập tức, tất cả được tràn đầy Thánh Thần.

Ngay sau đó, như một đặc ân của Chúa Thánh Thần, các môn đệ từ một người ít học, nhà quê, nhát đảm, sợ sệt, nay trở nên thông thái và nói được những tiếng mới lạ, khiến mọi người đổ về hành hương đền thờ Giêrusalem nhân dịp lễ Ngũ Tuần đều nghe các môn đệ nói được tiếng bản xứ của mình. Cứ thế, các ông tiếp tục can đảm, hăng say ra đi mọi nơi để loan báo và làm chứng về Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại để cứu độ nhân loại.

Sang bài đọc II, 1Cr 12,3b-7.12-13, thánh Phaolô nhắc đến đặc sủng của Chúa Thánh Thần được ban xuống cho mỗi người tùy theo nhu cầu của họ. Tuy nhiên, sự đa dạng của ơn Chúa Thánh Thần trên mỗi người là khác nhau, nhưng đều chung quy một điểm, đó là hiệp nhất trong đa dạng để phục vụ cho Lời của Đức Giêsu hầu sinh ích cho cộng đoàn tín hữu.

Qua bài đọc này, thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô phải luôn hiệp nhất trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, để cùng nhau xây dựng nhiệm thể Đức Kitô trong mầu nhiệm thân thể Ngài là Hội Thánh.

Sang bài Tin Mừng, Ga 20,19-23, thánh Gioan làm toát lên sứ mạng được sai đi rao giảng Tin Mừng của các môn đệ; đồng thời, ngài cũng cho thấy căn nguyên sự sống và hoạt động của các môn đệ là do Chúa Thánh Thần.

Thật thế, sau khi ban bình an cho các ông, ngay lập tức, Đức Giêsu đã trao ban cho các ông Chúa Thánh Thần và kèm theo là quyền tha tội. Tại sao thế? Thưa! Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Đấng đổi mới và nguồn mọi sự bình an. Khi con người nhận được ân sủng của Ngài và khi tội lỗi được tẩy xóa, thì ắt được bình an, chan chứa niềm vui và hy vọng.

Như vậy, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chính là ngày Giáo Hội được khai sinh, và cũng là ngày Giáo Hội lên đường để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình.

Hiểu như thế, thì ngày lễ hôm nay cũng là ngày lễ Hiện Xuống nơi mỗi người chúng ta. Bởi vì: nếu xưa kia các môn đệ đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng như thế nào, thì hôm nay, mỗi tín hữu cũng đón nhận cùng một Chúa Thánh Thần và cùng một sứ vụ như các ngài khi xưa.

2. Sứ mạng của Giáo Hội hôm nay
 
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, tiếp theo, qua Bí Tích Thêm Sức, mỗi người đón nhận Ngài cách dồi dào, phong phú để thi hành chức năng Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế cách triệt để hơn trong vai trò là thành phần chi thể trong thân thể mầu nhiệm Giáo Hội, có Đức Giêsu là Đầu.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, là dịp mời gọi mỗi người chúng ta nêu cao ý thức về sự tinh tuyền, trong trắng của ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, để tâm hồn chúng ta trở về tình trạng: “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, hầu sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Hôm nay cũng là dịp để chúng ta làm mới lại đặc sủng của Chúa Thánh Thần ngày lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, qua đó, chúng ta hiểu được Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa và can đảm, sẵn sàng loan báo cũng như làm chứng cho Lời Chúa.

Khi đón nhận và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ loại bỏ được những thứ mà thánh Phaolô cho là hành động do xác thịt như: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,19-21). Khi loại trừ được những thứ đó, chúng ta sẽ lãnh nhận được những hoa trái của Chúa Thánh Thần như: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23).

Đạt được điều đó, mỗi người chúng ta sẽ là khí cụ hữu dụng của Chúa Thánh Thần trên và trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội hôm nay.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến vì chúng con cần Ngài. Amen.
 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Thượng Phụ Aram I

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Thượng Phụ Aram I

VATICAN. ĐTC liên đới với những đau khổ, thử thách của dân tộc Arménia, đồng thời kêu gọi các tín hữu Kitô Trung Đông tiếp tục tin tưởng và hy vọng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 5-6-2014, dành cho phái đoàn của Đức Thượng Phụ Aram I, Giáo chủ Arménia Tông Truyền Cilicia, có tòa gần Beirut, Lebanon, đến viếng thăm Tòa Thánh.

Lên tiếng trong dịp này ĐTC đề cao những dấn thân của Đức Thượng Phụ Aram I cho chính nghĩa hiệp nhất các tín hữu Kitô trong chức vụ Chủ tịch Ủy ban trung ương Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, cũng như trong cuộc đối thoại thần học giữa các Giáo Hội Chính Thống Đông phương và Công Giáo.

ĐTC cũng nhắc đến lịch sử đau thương của dân tộc Armenia và Giáo Hội Tông truyền Armenia bị bó buộc trở thành một dân tộc lữ hành, chịu bách hại và tử đạo, để lại những vết thương sâu đậm trong tâm hồn của mọi người Armenia. ĐTC nói: ”Chúng ta phải nhìn và tôn kính các vết thương ấy như những vết thương của chính thân mình Chúa Kitô. Chính vì thế, các vết thương đó cũng là nguyên nhân niềm hy vọng và tín thác không lay chuyển nơi lòng từ bi quan phòng của Chúa Cha”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Các anh chị em Kitô tại Trung Đông, cũng đang cần niềm tín thác và hy vọng như thế, đặc biệt những người đang sống tại những vùng tan hoang vì xung đột và bạo lực. Cả các tín hữu Kitô chúng ta cũng cần niềm tín thác và hy vọng ấy, dù chúng ta không phải đương đầu với những khó khăn, nhưng nhiều khi chúng ta có nguy cơ bị lạc mất trong sa mạc của sự dửng dưng và quên Chúa, hoặc sống trong xung đột giữa anh chị em hay ngã gục trong các trận chiến nội tâm chống lại tội lỗi. Trong tư cách là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải học cách khiêm tôn vác đỡ gánh nặng cho, giúp nhau ngày càng trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, trở thành Kitô hữu tốt đẹp hơn”.

Trước đó, trong lời chào ĐTC, Đức Thượng Phụ Aram đã nói đến cuộc diệt chủng dân tộc Arménai và cuộc lưu đày dân tộc này dưới thời đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915. Ngài chào mừng cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô tại Thánh Địa và sự khích lệ dành cho các tín hữu Kitô toàn vùng.

Sau buổi tiếp kiến, ĐTC và phái đoàn của Đức Thượng Phụ Aram I đã cầu nguyện chung tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc ở trong dinh Tông Tòa, bằng tiếng Ý, Arménia và tiếng Anh (SD 5-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha kêu gọi nâng đỡ dân du mục

Đức Thánh Cha kêu gọi nâng đỡ dân du mục

VATICAN. ĐTC khích lệ Giáo Hội cũng như các tổ chức quốc gia và quốc tế nâng đỡ những người du mục thường phải sống ngoài lề xã hội và chịu nhiều kỳ thị.

Trên đây là nội dung bài diễn văn của ĐTC trong cuộc gặp gỡ sáng ngày 5 tháng 6-2014 với 70 tham dự viên hội nghị thế giới về Giáo Hội và người du mục do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động triệu tập. Trong số các tham dự viên có nhiều GM đặc trách và các vị Giám đốc toàn quốc mục vụ người du mục, thuộc các HĐGM trên thế giới. Hội nghị có chủ đề là ”Giáo Hội và người du mục: loan báo Tin Mừng trong các môi trường bên lề xã hội”. ĐTC nhận xét rằng ”Những người du mục thường ở ngoài lề xã hội và nhiều khi họ bị người ta nhìn với cắp mắt đố kỵ và ngờ vực; họ ít tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội ở địa phương.”

Theo ĐTC, trong số những nguyên nhân tạo nên những tình trạng lầm than trong xã hội ngày nay nơi một phần dân chúng, người ta phải kể đến sự thiếu thốn các cơ cấu giáo dục để huấn luyện về văn hóa và nghề nghiệp, ít được săn sóc về y tế, bị kỳ thị trong thị trường công ăn việc làm và thiếu nhà ở xứng đáng. Tuy những tai ương này có thể xảy ra cho mọi người, nhưng các nhóm yếu thế nhất thường dễ trở thành nạn nhân của những hình thức nô lệ mới. Đó là những người ít được bảo vệ, và bị rơi vào cạm bẫy của nạn bóc lột, và những hình thức lạm dụng khác, bị bó buộc làm nghề hành khất. Những người du mục thuộc vào số những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt khi họ không được trợ giúp để hội nhập và thăng tiến con người trong các chiều kích khác nhau của cuộc sống xã hội.

Trước tình trạng trên đây, ĐTC khuyến khích Giáo Hội tiếp tục dấn thân và cả các cơ cấu quốc gia và quốc tế cần gia tăng nỗ lực qua các dự án và các biện pháp nhắm cải tiến chất lượng cuộc sống của người du mục. Ngài nói: Về tình trạng của người du mục trên thế giới, ngày nay hơn bao giờ hết cần đề ra các phương pháp tiếp cận mới trong lãnh vực dân sự, văn hóa và xã hội, cũng như trong kế hoạch mục vụ của Giáo Hội, để đương đầu với những thách đố nảy sinh từ những hình thức mới mẻ trong việc bách hại, đàn áp và nhiều khi cả những hình thức nô lệ nữa” (SD 5-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ơn Đạo Đức ám chỉ sự tùy thuộc Thiên Chúa trao ban ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta

Ơn Đạo Đức ám chỉ sự tùy thuộc Thiên Chúa trao ban ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta

Ơn Đạo Đức không đồng nghĩa với việc thương cảm ai đó, thương hại tha nhân, nhưng ám chỉ sự tùy thuộc của chúng ta nơi Thiên Chúa và mối dây sâu xa nối kết chúng ta với Người, một mối dây ràng buộc trao ban ý nghĩa cho toàn cuộc sống chúng ta và duy trì chúng ta vững mạnh, trong sự hiệp thông với Người, cả trong những lúc khó khăn và chao đảo nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 5,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư ngày 5 tháng 6-2014. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích một ơn khác Chúa Thành Thần ban cho tín hữu: đó là ơn Đạo Đức. Đức Thánh Cha nói ơn này hay bị hiểu lầm hay được xem xét một cách hời hợt bề ngoài, nhưng thật ra nó đụng chạm tới căn tính và cuộc sống kitô của chúng ta. Và Đức Thánh Cha minh giải ơn Đạo Đức như sau:

Cần làm cho rõ nghĩa ngay là ơn này không đồng nghĩa với việc thương cảm ai đó, thương hại tha nhân, nhưng ám chỉ sự tùy thuộc của chúng ta nơi Thiên Chúa và mối dây sâu xa nối kết chúng ta với Người, một mối dây ràng buộc trao ban ý nghĩa cho toàn cuộc sống chúng ta và duy trì chúng ta vững mạnh, trong sự hiệp thông với Người, cả trong những lúc khó khăn và chao đảo nhất.

Mối dây này không được hiểu như là một bổn phận hay một áp đặt. Trái lại đây là một tương quan được sống với con tim: đó là tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa, do Chúa Giêsu ban cho chúng ta, một tình bạn thay đổi cuộc sống và làm cho chúng ta được tràn ngập sự hăng say và niềm vui. Vì thế ơn Đạo Đức trước hết khơi dậy nơi chúng ta lòng biết ơn và lời ngợi khen. Thật ra đó là lý do và là ý nghĩa đích thật nhất của sự sùng kính và thờ phượng của chúng ta. Khi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận thức được sự hiện diện của Chúa và tất cả tình yêu của Ngài đối với chúng ta, Người sưởi ấm con tim và dẫn đưa chúng ta tới lời cầu nguyện và việc cử hành một cách tự nhiên. Như vậy, Đạo Đức đồng nghĩa với tinh thần tôn giáo đích thực, tin cậy con thảo nơi Thiên Chúa, có khả năng cầu khẩn Người với tình yêu thương và sự đơn sơ, là thái độ của những người khiêm nhường trong lòng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: nếu ơn Đạo Đức làm cho chúng ta lớn lên trong tương quan và trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và đưa chúng ta tới chỗ sống như con cái Người, thì đồng thời nó cũng giúp chúng ta đổ tràn tình yêu này trên các người khác và thừa nhận họ như anh chị em. Khi đó chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi các tâm tình đạo đức – không phải duy đạo đức! – đối với người ở gần chúng ta, và những người mà chúng ta gặp gỡ thường ngày. Tại sao tôi lại nói không phải là duy đạo đức? Bởi vì có vài người nghĩ rằng có đạo đức là nhắm mắt, có gương mặt như trong hình các thánh. Và cũng giả bộ là một vị thánh. Nhưng mà đó đâu có phải là ơn Đạo Đức. Trong vùng Piemonte chúng tôi nói là ”mugna quacia” ”làm mặt thánh”. Nhưng mà đó không phải là ơn Đạo đức. Rồi Đức Thánh Cha giải thích thêm hiệu qủa của ơn đạo đức như sau:

Chúng ta sẽ thực sự có khả năng vui với người vui, khóc với người khóc, gần gũi ai cô đơn hay âu lo, sửa đổi ai ở trong lầm lạc, an ủi người sầu khổ, tiếp đón và cứu giúp người cần được trợ giúp.

Có một dây nối kết rất chặt chẽ giữa ơn Đạo Đức và sự khiêm nhu. Ơn Đạo Đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta khiến cho chúng ta hiềm dịu, làm cho chúng ta an bình, kiên nhẫn, sống trong hòa bình với Thiên Chúa và phục vụ người khác với sự hiền dịu.

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, trong thư gửi tín hữu Roma tông đồ Phaolô khẳng định rằng: ”Qủa vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ”Abba, Cha ơi!” (Rm 8,14-15). Chúng ta hãy xin Chúa cho ơn Thần Khí của Người có thể chiến thắng sự sợ hãi và các bất an của chúng ta, chiến thắng cả tính âu lo, mất kiên nhẫn của chúng ta nữa, và có thể khiến cho chúng ta trở thành các chứng nhân tươi vui của Thiên Chúa và tình yêu Người. Khi thờ lậy Chúa trong sự thật và trong việc phục vụ tha nhân, với lòng hiền dịu và nụ cười, mà Chúa Thánh Thần luôn ban cho chúng ta trong niềm vui. Ước gì Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta tất cả ơn Đạo Đức đó.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, cũng như các tín hữu Zimbabawe, Mexico, Guatemela, Argentina, Cộng hòa Dominicana, Angola và Brazil. Ngài khích lệ mọi người hãy xin Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn để sống đời chứng nhân cho tình yêu Chúa.

Ngài đặc biệt gửi lời chào các bạn trẻ Ba Lan tụ tập tại Lednica, là suối nguồn rửa tội của nước Ba Lan, để canh tân sự gắn bó của họ với Chúa Kitô và Giáo Hội. Năm nay họ muốn đào sâu chức làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu và trong Người chức làm con của tất cả những ai qua Bí tích Rửa Tội, tham dự vào cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Người. Các bạn trẻ muốn duy tư về ý nghĩa thế nào là con Thiên Chúa và sống kinh nghiệm tình yêu của Người. Các bạn ước ao sống tình yêu đó để làm chứng cho nó trước mặt người khác. Ơn làm con của chúng ta là sự trung thành, lòng biết ơn và tham dự. Đó là sự trung thành với tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đã yêu thương chúng ta trước, đã dựng nên chúng ta và ban Đức Giêsu Kitô là Con Một Người cho chúng ta. Đó là lòng biết ơn đối với lòng thương xót hiền phụ của Người, là niềm vui mở đôi mắt và con tim cho hiện tại, lòng tốt và vẻ đẹp của các anh chị em khác. Đó là sự tham dự và tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha nói thêm trong lời chào các bạn trẻ Ba Lan: Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm! Hãy hăng say đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa như các người con ưu tuyển! Hãy tin tưởng trả lời khi trở về với Cha từ nhân như những người con hoang đàng. Hãy luôn tươi vui vì ơn là con Thiên Chúa và đem niềm vui đó vào trong thế giới.

Ước chi thánh Gioan Phaolô II là người đã cùng các con bắt đầu con đường này tại Lednica cách đây 18 năm, hướng dẫn và bầu cử cho các con được mọi ơn thánh cần thiết, để cuộc sống trẻ trung của các con được tràn đầy và quảng đại. Cha xin phó thác các con cho Đức Trinh Nữ Maria và ban phép lành cho các con.

Đức Thánh Cha cũng chào đoàn tín hữu giáo phận Como do Đức Cha Coletti hướng dẫn về Roma cảm tạ Thiên Chúa vì lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII. Ngài cũng chào nữ tu của mấy dòng đang họp Tổng tu nghị tại Roma, cũng như các quân nhân và các lực sĩ trẻ của cuộc hành hương Macerata-Loreto với ”đuốc hòa bình” được hai Giám Mục giáo phận Giuliodori và Vercerrica hướng dẫn. Ngài cầu chúc cho cuộc hành hương canh tân dấn thân của họ cho hòa bình và tình huynh đệ.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ĐTC nhắc cho biết Giáo Hội đang chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngài kêu gọi người trẻ dành chỗ cho Chúa Thánh Thần trong cuộc sống. Ngài xin Chúa Thánh Thần ban tràn đầy ơn mạnh mẽ và đạo đức cho các anh chị em bệnh tật và chúc các cặp vợ chồng mới cưới đặc biệt những cặp đang tham dự đại hội do phong trào Tổ Ấm bảo trợ, năng khẩn cầu Chúa Thánh Thần trong cuộc đời hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Phong Trào Canh Tân trong Thánh Linh

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Phong Trào Canh Tân trong Thánh Linh

Pope visit National Convocation of the Renwal of the Spirit

VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao thiện ích của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh làm cho Giáo Hội và ngài khích lệ các thành viên đoàn kết, say mê Lời Chúa và loan báo Tin Mừng.

Chiều chúa nhật 1-6-2014, ĐTC Phanxicô đã đến Sân vận động Olimpic ở Roma để gặp gỡ 52 ngàn thành viên Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, phân bộ Italia, nhân dịp họ nhóm Đại hội toàn quốc lần thứ 37 từ 10 giờ rưỡi sáng ngày mùng 1 cho đến chiều ngày 2-6-2014.

Trong số các tham dự viên có 47 ngàn người đến từ các nhóm và các cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh, hơn 1300 người thiện nguyện dấn thân, 1 ngàn linh mục, 150 chủng sinh, 350 nữ tu, 3 ngàn trẻ em và thiếu niên.

Tham dự và phát biểu trong Đại hội này cũng có Ông Salvatore Martinez, Chủ tịch Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, ĐhY Angelo Comastri, Tổng đại diện của ĐTC tại thành Vatican, ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, ĐHY Rylko, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, và Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng, cùng với nhiều nhân vật khác.

Tại đại hội, có các phần cầu nguyện Chúa Thánh Linh, hát thánh ca, hoạt cạnh, thuyết trình, thánh lễ, trình bày chứng từ trong bầu không khí rất hân hoan và sốt sắng.

Lúc 5 giờ chiều chúa nhật, ĐTC đã đến Sân vận động, ngài đi bộ vòng quanh thao trường để chào mọi người, giữa làn sóng các tiếng vỗ tay vui mừng của cử tọa, trước khi tiến lên lễ đài, nơi có 1.200 chỗ dành riêng cho các khách mời, và các chức sắc.

Huấn từ của ĐTC

Lên tiếng sau các phần trình bày chứng từ, ĐTC đã ứng khẩu nói với mọi người rằng:

”Tôi cám ơn Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, Hội đồng trung ương (ICCRS) và Huynh Đoàn Công Giáo (Catholic Fraternity) vì cuộc gặp gỡ này với anh chị em mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui… Anh chị em phát sinh từ ý muốn của Chúa Thánh Linh như ”một dòng thác ơn thánh trong Giáo Hội và cho Giáo Hội”. Định nghĩa phong trào của anh chị em là: ”một dòng thác ơn thánh.”

Hồng ân đầu tiên của Chúa Thánh Linh là gì? Thưa đó là sự hiến dâng chính mình, là tình yêu và làm cho bạn yêu mến Chúa Giêsu. Và tình yêu này thay đổi cuộc sống. Vì thế người ta nói là ”Tái sinh để sống trong Thánh Linh”. Chúa Giêsu đã nói với Ông Nicôđêmô như thế. Anh chị em đã lãnh nhận hồng ân cao cả gồm nhiều đoàn sủng, sự khách biêt đưa tới sự hòa hợp trong Thánh Linh, phục vụ Giáo Hội.

”Khi tôi nghĩ đến Anh chị em là những người thuộc Phong trào Thánh Linh, tôi nghĩ đến chính hình ảnh của Giáo Hội, nhưng đặc biệt là tôi nghĩ đến một ban nhạc đại hợp xướng, trong đó mỗi nhạc khí khác với nhạc khi khác, và cả các âm thánh cũng khác nhau, nhưng tất cả đều cần thiết để đó sự hòa âm. Thánh Phaolô nói với chúng ta như vậy trong chương 12 của thư thứ I gửi tín hữu Corinto. Vì thế, giống như trong một ban nhạc, không người nào trong Phong trào Canh tân trong Thánh Linh có thể nghĩ mình quan trọng hơn hoặc lớn hơn người xác! Xin đừng như vậy. Vì khi một người nào trong anh chị em tưởng mình quan trọng hơn người khác hoặc lớn hơn người khác, thì nạn dịch bắt đầu! Không ai có thể nói: ”Tôi là đầu”. Anh chị em, cũng như toàn thể Giáo Hội, chỉ có một đầu, một Chúa, đó là Chúa Giêsu! Xin anh chị em hãy lập lại với tôi: ai là đầu của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh? Thưa là Chúa Giêsu! Và chúng ta có thể nói điều này với quyền năng mà Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta, vì không ai có thể nói ”Đức Giêsu là Chúa” nếu không có Chúa Thánh Linh.

“Có lẽ anh chị em đã biết – vì tin tức truyền đi mau lẹ – trong những năm đầu tiên của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tại Buenos Aires, tôi không thích những người thuộc phong trào này lắm. Tôi nói về họ: 'Họ có vẻ như một trường vũ điệu samba!” Tôi không đồng ý về cách họ cầu nguyện và bao nhiêu điều mới xảy ra trong Giáo Hội. Sau đó, tôi bắt đầu biết họ và sau cùng tôi hiểu thiện ích mà Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh làm cho Giáo Hội. Và lịch sử này, bằt đầu từ ”trường vũ điệu Samba” và kết thúc một cách đặc biệt: nghĩa là vài tháng trước khi tham dự mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng, tôi đã được HĐGM Argentina bổ nhiệm làm tổng tuyên úy Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tại nước tôi.

Sức mạnh phục vụ

”Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh là một sức mạnh to lớn phục vụ việc loan báo Tin Mừng, trong niềm vui của Chúa Thánh Linh. Anh chị em đã lãnh nhận Chúa Thánh Linh làm cho anh chị em khám phá tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả các con cái Chúa và tình yêu đối với Lời Chúa. Trong những năm đầu tiên người ta nói những người thuộc Phong trào Thánh Linh luôn mang một cuốn Kinh Thánh, cuốn Tân Ước. Anh chị em còn làm như vậy ngày nay nữa không? Đám đông đáp: Có!

ĐTC tiếp: ”Tôi không chắc chắn lắm! Nếu không mang, thì Anh chị em hãy trở lại với tình yêu ban đầu, luôn mang trong túi, trong sắc, Lời Chúa! Và đọc một đoạn ngắn. Luôn luôn với Lời Chúa.”

”Anh chị em là Dân Chúa, Dân thuộc Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, hãy chú ý đừng đánh mất tự do mà Chúa Thánh Linh đã ban cho chúng ta! Nguy hiểm đối với Phong trào này, như cha Raniero Cantalamessa yêu quí của chúng ta thường nói: đó là nguy cơ tổ chức thái quá.

Đúng vậy, anh chị em cần có tổ chức, nhưng đừng đánh mất ơn để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa! ”Tuy nhiên không có tự do nào lớn hơn là tự do để cho mình được Thánh Linh mang đi, từ bỏ sự tính toán và kiểm soát tất cả, để cho Chúa soi sáng, dìu dắt, hướng dẫn, thúc đẩy chúng ta tới nơi Ngài muốn. Chúa biết rõ điều gì cần thiết trong mỗi thời đài và mỗi lúc. Điều này được gọi là được phong phú một cách huyền nhiệm” (Tông Huấn ”Niềm vui Phúc âm, 280)

Một nguy hiểm khác là trở thành những người ”kiểm soát” ơn thánh của Chúa. Bao nhiêu lần, những vị trách nhiệm, – tôi thích danh từ “những người phục vụ” hơn – của một vài nhóm hoặc vài cộng đoàn có thể vô tình trở thành những người quản trị ơn thánh, quyết định xem ai có thể nhận kinh nguyện phú Thánh Linh hoặc nhận phép rửa trong Thánh Linh, và ai là ngừơi không thể nhận. Nếu có vài người làm như thế, tôi xin các anh chị em ấy đừng làm như vậy nữa. Anh chị em là những người phân phát ơn Chúa, chứ không phải là những người kiểm soát! Đừng làm các nhân viên hải quan đối với Chúa Thánh Linh!

Trong các văn kiện làm tại Malines, anh chị em có một chỉ nam, một hành trình chắc chắn để không lạc đường. Văn kiện đầu tiên là ”Đường hướng thần học và mục vụ”, văn kiện thứ hai là: ”Canh tân trong Thánh Linh và đại kết” do chính ĐHY Suenens biên soạn, một vị đã giữ vai trò chính trong Công Đồng chung Vatican 2. Văn kiện thứ ba là ”Canh tân trong Thánh Linh và phục vụ con người” do ĐHY Suenes và Đức Cha Helder Camara soạn.

Đò là hành trình của anh chị em trong việc loan báo Tin Mừng, đại kết linh đạo, chăm sóc người nghèo và những người túng thiếu, đón tiếp những người bị gạt ra ngoài lề. Tất cả những điều đó dựa trên căn bản sự thờ lạy. Nền tảng của Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh là tôn thờ Thiên Chúa!

Mong đợi của ĐTC nơi Phong trào

”Người ta yêu cầu tôi nói với Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh xem đâu là điều Giáo Hoàng mong đợi anh chị em?

– Điều đầu tiên là hoán cải, trở về với lòng yêu mến Chúa Giêsu có sức thay đổi đời sống và biến Kitô hữu thành một chứng nhân Tình Yêu Thiên Chúa. Giáo Hội chờ đợi chứng tá cuộc sống Kitô như thế và Chúa Thánh Linh giúp chúng ta sống hợp với Tin Mừng để nên thánh.

– Tôi mong đợi anh chị em chia sẻ với mọi người, trong Giáo Hội, ơn phép rửa trong Thánh Linh, như đọc trong sách Tông đồ công vụ.

– Tôi mong đợi anh chị em truyền giáo bằng Lời Chúa, loan báo Chúa Giêsu hằng sống và yêu mến tất cả mọi người.

– Anh chị em hãy nêu chứng tá đại kết linh đạo cho tất cả những anh chị em thuộc các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô khác, cũng tin nơi Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế.

– Tôi mong anh chị em tiếp tục hiệp nhất trong tình yêu mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải có đối với tất cả mọi người, và hiệp nhất trong việc cầu nguyện với Chúa Thánh Linh để tiến tới sự hiệp nhất này là điều cần thiết để loan báo Tin Mừng nhân danh Chúa Giêsu. Anh chị em hãy nhớ rằng ”Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh tự bản chất có đặc tính đại kết Kitô.. Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh Công Giáo vui mừng vì những gì Chúa Thánh Linh đang thực hiện trong các Giáo Hội khác” (1 Maline 5,3).

– Anh chị em hãy đến gần người nghèo, người túng thiếu, để động chạm đến thân mình bị thương của Chúa Giêsu. Xin vui lòng đến gần họ.

– Hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh vì sự hiệp nhất đến từ Chúa Thánh Linh và nảy sinh từ sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự chia rẽ đến từ ma quỉ. Hãy tránh những cuộc tranh đấu nội bộ, giữa anh chị em không được có những điều như thế…

– Anh chị thân mến, hãy nhớ, hãy thờ lạy Thiên CHúa là Chúa. Đây chính là nền tảng. Hãy thờ lạy Thiên Chúa, tìm kiếm sự thánh thiện trong cuộc sống mới nơi Chúa Thánh Linh. Hãy trở thành những người phân phát ơn thánh Chúa, tránh nguy hiểm tổ chức thái quá.

– Anh chị em hãy đi ra ngoài đường để loan báo Tin Mừng. Hãy nhớ rằng Giáo Hội sinh ra khi đi ra ngoài, vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần. Hãy đến gần người nghèo, nơi họ anh chị em hãy động chạm đến những vết thương của thân mình Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Thánh Linh hướng dẫn, với thứ tự do ấy, và đừng đóng khung Chúa Thánh Linh!

”Hỡi tất cả các thành viên Phong trào Canh Tân trong Thánh Linh trên thế giới, tôi chờ đợi tất cả anh chị em, để cùng với ĐGH mừng năm đại kỷ niệm vào Lễ Hiện Xuống năm 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đại Hội Đức Mẹ La Vang 2014

Đại Hội Đức Mẹ La Vang 2014

Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Seatle 2014

Seattle, Washington State: Đại Hội Đức Mẹ La Vang 2014 được tổ chức tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CTTĐVN), thuộc Tổng Giáo Phận Seattle từ Thứ Sáu ngày 30  đến Thứ Bảy ngày 31 tháng 5 năm 2014 bởi Liên Đoàn Công Giáo Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Giáo Xứ CTTĐVN và Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, Thánh Tượng Đức Mẹ La Vang do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) tặng Liên Đoàn Công Giáo đến Miền Tây Bắc Hoa Kỳ.

Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Seatle 05-30-2014

Liên Đoàn hân hoan chào đón Đức Cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, Chủ Tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng, trực thuộc HĐGMVN đã đến chủ tế và thuyết giảng Thánh Lễ Khai Mạc – Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào Ngày Thứ Sáu; Thánh Lễ bế mạc Kính Trọng Thể Đức Mẹ La Vang vào Chiều Thứ Bảy. Cùng Đồng tế với Ngài, có Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch LĐCGVNHK, Lm Peter Võ Sơn, Tổng Thư Ký, Lm Joseph Đồng Minh Quang, Đặc Trách Giới Trẻ của Liên Đoàn, Lm Peter Phan Thế Lực, Chủ Tịch Miền Tây Hoa Kỳ, và quý Cha trong Liên Đoàn Công Giáo. Sau Thánh Lễ tối Thứ Sáu, Đức Cha Alphongsô giảng thuyết theo chủ đề Đức Me La Vang: Nhân Chứng Tin Mừng.

Xem hình: https://www.flickr.com/photos/106122636@N07/sets/72157644537706367/

Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí chủ tế Thánh Lễ Kính Trọng Thể Đức Mẹ Đi Viếng Bà Thánh Isave vào sáng Thứ Bảy; Thuyết giảng: Lm Joachim Đào Xuân Thành, Chánh Xứ Giáo Xứ CTTĐVN.

Đại Hội Đức Mẹ La Vang được chào đón quý Cha, quý Sơ, quý Thầy, quý Ông Bà và Anh Chị Em ở nhiều Tiểu Bang Hoa  Kỳ; và quý Cha thuyết trình : Lm Joseph Đồng Minh Quang, Lm Vincent Nguyễn Đình Truyền, Lm Nguyễn Thảo, S.J., Lm Phạm Hoàng Trung.

Chúng con chân thành cám ơn rất nhiều đến Cha Dominic Nguyễn Anh Tuấn, Chủ Tịch Miền Tây Bắc Hoa Kỳ, Cha Joachim Đào Xuân Thành, Hội Đồng Giáo Xứ và các Ban Ngành Đoàn Thể, Ca Đoàn của Giáo Xứ CTTĐVN và quý Cộng Đoàn Giáo Xứ trong Tổng Giáo Phận Seattle và Miền Tây Bắc Hoa Kỳ; quý Đức Ông và quý Cha, quý Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ, quý Ông Bà và Anh Chị Em đã cầu nguyện, đóng góp công sức và tài chánh để việc tổ chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang được tốt đẹp. Qua lời chuyện cầu của Đức Mẹ La Vang, và Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Bổng Mạng Liên Đoàn Công Giáo, xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta để tiếp tục sống và loan báo Tin Mừng.

Lm Peter Võ Sơn

Trích từ Liên Đoàn Công Giáo Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô: Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn ra đi

Đức Thánh Cha Phanxicô: Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn ra đi

VATICAN. Trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 6, gần một trăm ngàn tín hữu hành hương đã về Quảng Trường Thánh Phêrô để nghe bài giáo huấn của Đức Thánh Cha, đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và nhận phép lành từ ngài.

Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đã triển khai ý tưởng về ngy lễ Chúa Thăng Thiên. Ngài nhấn mạnh đến việc “ra đi” của người môn đệ Chúa. Đây là lệnh truyền chứ không phải là chọn lựa. Mọi người, mọi cộng đoàn, mọi dòng tu đều phải ra đi để làm chứng cho Chúa. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng triển khai một ý tưởng khác là nhờ những thương tích của Đức Giêsu, chúng ta đã được tha thứ mọi tội lỗi. Đức Giêsu về trời nhưng Ngài không rời bỏ chúng ta, Ngài vẫn hiện diện với chúng ta qua Giáo Hội. Ngài vẫn đồng hành với chúng ta, dù chúng ta không thấy Người.

Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của ngài:

“Xin chào anh chị em,

Ngày hôm nay, ở Ý và ở nhiều nước khác mừng lễ Chúa Thăng Thiên, việc này xảy ra bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh. Giêsu xa rời các môn đệ và thế giới (X. Cv 1,2.9). Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật lại lệnh truyền của Đức Giêsu dành cho các môn đệ: lời mời gọi hãy ra đi, hãy lên đường để loan báo cho muôn dân biết thông điệp cứu độ (x. Mt 28,16-20). "Ra đi", hay đúng hơn là "lên đường" trở thành từ khóa của ngày lễ hôm nay: Đức Giêsu khởi hành tiến về với Cha và ra lệnh cho các môn đệ khởi hành tiến về thế giới.

Đức Giêsu lên đường, thăng thiên, nghĩa là trở về với Cha, Đấng đã sai Ngài xuống thế. Ngài đã hoàn thành việc của mình và bây giờ Ngài trở về cùng cha. Nhưng ở đây không gợi lên cho chúng ta sự xa cách, vì Ngài vẫn luôn ở cùng chúng ta, theo một dạng thức khác. Với sự thăng thiên của mình, Chúa Phục Sinh đã thu hút cái nhìn của các tông đồ – và của cả chúng ta nữa – về tầm cao của Thiên Đàng để cho chúng ta thấy cùng đích của hành trình của chúng ta là chính Chúa Cha. Chính Ngài cũng đã từng nói rằng Ngài ra đi là để dọn chỗ cho chúng ta ở trên Thiên Đàng. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn hiện diện ở đây và hoạt động nơi những biến cố của lịch sử con người với quyền năng và ân sủng của Thánh Thần Ngài; Ngài ở cạnh mỗi người chúng ta, dù chúng ta không thế tỏ tường bằng mắt, nhưng có Ngài ở đó! Ngài đồng hành với chúng ta, hướng dẫn chúng ta, cầm tay chúng ta và nâng chúng ta dậy mỗi khi chúng ta vấp ngã. Đức Giêsu phục sinh ở kề bên những Kitô hữu bị bắt bớ và bị phân biệt đối xử; ngài ở gần tất cả chúng ta, hôm nay, ngài hiện diện ở đây, nơi quảng trường này; Thiên Chúa luôn ở với chúng ta! Anh chị em có tin đều này không? Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nói lớn lên: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Khi trở về Trời, Đức Giêsu mang đến với Chúa Cha một món quà. Món quà nào vậy? Những thương tích của Ngài. Thân thể của Ngài hết sức tuyệt đẹp, không có những vết thâm tím, không có những đau vết đau từ đòn roi, nhưng còn lại những thương tích. Khi ngài về với Chúa Cha, Ngài sẽ chỉ cho Chúa Cha thấy những thương tích ấy và Ngài nói với Chúa Cha rằng: "Cha ơi, Cha nhìn này, đây là giá phải trả cho ơn tha thứ mà Cha đã ban". Khi Chúa Cha nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta, không phải vì chúng ta tốt lành, nhưng vì Đức Giêsu đã trả thay cho chúng ta. Nhìn đến những thương tích của Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ động lòng thương yêu. Đây là điều mà Đức Giêsu làm trên Thiên Đàng hôm nay: cho Chúa Cha thấy giá phải trả cho ơn tha thứ, đó chính là những thương tích của Ngài. Chúa Cha luôn luôn tha thứ, vì Người nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Người nhìn thấy tội lỗi chúng ta và Người tha thứ tất cả.

Nhưng Đức Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta qua Giáo Hội mà Ngài đã sai đi để nới rộng sứ mạng. Lời cuối cùng Đức Giêsu nói với các môn đệ là lệnh truyền hãy ra đi: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân tr thành môn đệ Thầy" (Mt 28,19). Đây chính xác là một lệnh truyền, không phải là một chọn lựa! Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn "ra đi", "lên đường". Giáo Hội đưc khai sinh đ ra đi. Anh chị em có thể hỏi tôi: thế thì những cộng đoàn trong đan viện thì sao? Vâng, những cộng đoàn này "ra đi" bằng lời cầu nguyện, bằng con tim mở ra với thế giới, với những chân trời của Thiên Chúa. Thế còn những ngưi già, người bệnh thì sao? Họ cũng vậy, họ ra đi bằng lời cầu nguyện và kết hiệp với những thương tích ca Đức Giêsu.

Đc Giêsu đã nói với các môn đ đưc sai đi rằng: "Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (v.20). Không có Đức Giêsu, tự sức chúng ta, chúng ta không thể làm gì được! Trong hoạt đng tông đồ, sức mạnh của chúng ta, nguồn lực của chúng ta, cơ cấu của chúng ta không đủ, dù là rất cần thiết. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần Ngài, công việc của chúng ta, dù được tổ chức tốt, cũng sẽ không thể sinh hiệu quả. Vì thế, chúng ta hãy ra đi để nói cho mọi người biết Đức Giêsu là ai.

Cùng với Đc Giêsu, Đức Maria, mẹ chúng ta, luôn đồng hành với chúng ta. Bây giờ, Mẹ đã ở trong nhà Cha, Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, và chúng ta hãy khẩn cầu cùng Mẹ trong lúc này; như Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta, Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, cũng đồng hành với chúng ta.”

Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha gợi nhắc với mọi người về ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã Hội hôm nay, với chủ đề: Truyền thông hướng đến phục vụ nền văn hóa gặp gỡ. Ngài chia sẻ rằng các phương tiện truyền thông xã hội có thể phục vụ cho cảm thức hiệp nhất của gia đình nhân loại, sự liên đới và dấn thân để nhân phẩm con người được tôn trọng. Ngài xin mọi người hãy cầu nguyện để việc truyền thông trong mọi hình thức có thể giúp cho việc gặp gỡ giữa con người, cộng đồng, quốc gia; một cuộc gặp gỡ đặt nền tảng trên sự tôn trọng và lắng nghe nhau.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc đến một vị vừa được phong Chân Phước ở Collevalenza, rồi Ngài gửi lời chào đến tất cả các khách hành hương đang có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

Lời Chúa

Lời Chúa

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Nơi mục tựa ngắn của một tập sách do chính mình viết có tựa đề: "Biết Và Không Biết Về Thiên Chúa". Tác giả Đức Hồng Y Sacrunez, một triết gia và cũng là một thần học gia nổi tiếng của thập niên 60 đã trình bày niềm xác tín của mình như sau:

"Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa, mọi kinh nghiệm tốt xấu, tích cực hay tiêu cực đều đưa con người đến việc đặt vấn đề về Thiên Chúa. Con người không thể loại bỏ hay quên hẳn Thiên Chúa được, con người vẫn nói về Thiên Chúa, nhưng khi nói rồi con người cảm thấy lời nói của mình về Ngài như không có ý nghĩa gì cả, lời nói đó trở thành như một sự im lặng to lớn."

Từ nhận định trên đây Đức Hồng Y rút ra hai điểm kết luận ngắn rất quan trọng:

Thứ nhất, con người cần trân trọng quí mến những lời nói, tuy là của con người nhưng đã được Thiên Chúa sử dụng để mạc khải chính Mình cho con người.

Thứ hai, để lời nói của mình về Thiên Chúa có được chút giá trị nào đó, diễn tả thực thể Thiên Chúa thì con người cần có cảm nghiệm về Thiên Chúa.

Chúng ta ghi nhận là các Tông Đồ ngày xưa đã thực hiện hai điều căn bản này. Họ trân trọng, quí mến lời Chúa giảng dạy. Họ trung thành thông truyền, không xuyên tạc và các ngài là những kẻ có kinh nghiệm trực tiếp về Chúa trước khi ra đi rao giảng cho kẻ khác.

Chúa đã gọi các Tông Đồ để các ngài sống bên cạnh Chúa trong suốt thời gian Chúa giảng dạy, đến độ tác giả của thư thứ nhất Thánh Gioan và truyền thống cho là thánh Gioan Tông Đồ, một trong mười hai Tông Đồ đã sống bên cạnh Chúa trong suốt cuộc đời rao giảng, tác giả thư thứ nhất thánh Gioan đã viết ngay đầu thư như sau: "Những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe, đã chạm đến về Ngôi Lời Hằng Sống, về Con Thiên Chúa, chúng tôi loan truyền lại cho anh chị em."

Mừng Lễ Chúa Lên Trời hôm nay, chúng ta được mời gọi như các Tông Đồ ngày xưa, tiếp tục công việc của Chúa. Trước khi lên trời, Chúa đã ra lệnh cho các Tông Đồ: "Mọi quyền hành trên Trời, dưới đất, được trao ban cho Thầy, chúng con hãy ra đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Giảng dạy và tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế."

Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa. Chúng ta, những đồ đệ của Chúa không thể nào không chia sẻ về Chúa cho anh chị em, không những bằng lời nói mà còn bằng những việc làm. Nhưng để làm chứng nhân cho Chúa thì hai điều kiện căn bản mà Đức Hồng Y đã nhắc cho chúng ta là trân trọng, quí mến những lời nói của Chúa, đây là những lời mà Con Thiên Chúa Nhập Thể đã nói cho con người biết về mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cần trân trọng, quí mến Lời đó. Những Lời đó và cũng là những Lời mà Con Thiên Chúa đã chọn để mạc khải Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cần trân trọng những Lời đó.

Điểm thứ hai, chúng ta cần sống trực tiếp có cảm nghiệm về Chúa, sống với Chúa trước để có thể làm chứng cho Chúa: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế." Trân trọng tuân giữ lời rao giảng và duy trì kinh nghiệm khi gặp Chúa, sống với Chúa qua đời sống cầu nguyện, việc cử hành Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thánh Thể là phương thế để Chúa hiện diện, để Chúa thực hiện điều Ngài đã quả quyết: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế."

Chúng ta không nên có thái độ vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, kể Chúa như kẻ ra đi đã khuất mắt không còn hiện diện trên trần gian này nữa, để chúng ta được tự do gây xáo trộn, tự do phá bỏ mọi giá trị. Chúa Lên Trời là một biến cố khai mạc giai đoạn mới, giai đoạn của một sự hiện diện mới và của sự dấn thân mới của mỗi người chúng ta để làm chứng cho Chúa. Chúng ta cần sống với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và trân trọng tuân giữ Lời Chúa để trở thành những chứng nhân của Chúa.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được thực hiện điều này và cho chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.

Veritas Radio