Sống sót sau trận động đất đã thay đổi cuộc đời của Pompeo Barbieri

Sống sót sau trận động đất đã thay đổi cuộc đời của Pompeo Barbieri

Roma – Chiều thứ 7, 08/04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, chuẩn bị cho ngày Giới trẻ Quốc tế lần thứ 32, được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa nhật Lễ Lá 09/04/2017.

Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ là thế giới cần các bạn lên đường vội vã, những người có ơn gọi cảm thấy rằng cuộc sống trao cho họ một sứ vụ”: “Thế giới có thể thay đổi chỉ khi người trẻ lên đường!” Ngài cũng nói rằng Giáo hội cần thêm mùa xuân và mùa xuân là mùa của người trẻ.

Trong buổi canh thức này, các bạn trẻ cũng được nghe chứng từ của Pompeo Barbieri, đến từ miền Puglia. Pompeo đã thuật lại thay đổi trong cuộc đời của mình kể từ trận động đất ngày 31/10/2002.

“Ngày 31/10/2002, giống như mọi buổi sáng, tôi thức dậy và đi đến trường. Luc đó tôi được 8 tuổi. Ngày hôm đó, cô giáo Carmela đang giảng cho chúng tôi về góc độ, dạy chúng tôi vẽ một cái ly trên một tờ giấy. Rồi cuối cùng chúng tôi sẽ nghỉ giải lao.

Nhưng ngược lại, vào lúc 11 giờ 33 phút, một cơn động đất mạnh làm rung chuyển tất cả. Họ nói nó kéo dài 60 giây, nhưng đối với tôi nó giống như vô tận. Lớp chúng tôi bị đổ vùi. Trong phút chốc, chúng tôi bị chôn vùi dưới một đống gạch. Tôi ở gần cửa ra vào và tôi thấy bức tường đổ xuống trên tôi. Tôi cảm thấy sức nặng đè lên mình. Gần tôi là bạn Angelo đang kêu cứu. Tôi thì không. Tôi im lặng bởi vì nghĩ điều đang xảy ra với chúng tôi thì cũng đang xảy ra với tất cả, trên khắp thế giới. Do đó, kêu cứu chả ích lợ gì, vì theo tôi, không có ai có thể cứu chúng tôi.

Tôi không biết mình bị ở đó bao lâu. Tôi biết là những người  lính cứu hỏa đã kéo tôi ra ngoài và tôi tỉnh lại trong nhà thương. Sự sống của tôi nằm trong vòng nguy hiểm suốt 3 tháng trời, cho đến tháng 1. Chỉ sau đó, cha mẹ tôi mới kể cho tôi biết cô giáo và 27 bạn học của tôi đã chết trong trận động đất đó. Các bạn của tôi bị chết ở trường của tôi. Trong số các bạn học cũng có người anh em họ của tôi.

Suốt một tuần lễ, tôi không nói năng, không ăn uống gì. Tôi cảm thấy bị phản bội và bị thương tổn bởi những gì xảy ra. Tôi sống sót, trong khi họ thì không còn … tại sao?”

Sau những thất vọng, tôi hiểu rằng tôi phải hành động, tôi phải xem mình may mắn bởi vì còn sống, tôi phải sống cho cả những người không thể sống. Và như thế, ngay cả khi họ chuyển tôi đến Imola và nói với tôi là tôi sẽ không thể đi lại được nữa, tôi đối diện với điều này một cách can đảm hơn.

Khi đó tôi 8 tuổi chiếc xe lăn trở thành một đồ chơi đối với tôi, gần như là một chiếc máy điều khiểm từ xa. Các bác sĩ bảo tôi đi bơi và thay vì sợ hãi, bơi lội đã trở thành một đam mê thật sự. Tóm lại, dường như tất cả được đặt vào guồng máy hoạt động trở lại. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn và tôi cảm thấy mình không thể bị tấn công.

Nhưng ngược lại, 10 năm sau, một thử thách mói. Khi được 18 tuổi, một vấn đề khác xảy ra và tôi buộc phải được lọc máu. Vào giây phút đó, tôi cảm thấy bị lạc hướng và nghĩ rằng nó không công bằng, bởi vì sau những gì tôi đã chịu trong quá khứ, tôi đáng được hưởng một đặc ân cho cuộc sống, do đó không thể xảy ra cho tôi thêm điều xấu nào nữa. Tôi muốn la lên với Chúa: ‘Tại sao Chúa đã cứu con khi con 8 tuổi để rồi con phải chịu đau khổ thêm nữa?’

Ngược lai, cuộc đời không giống như thế và luôn làm cho bạn ngạc nhiên. Và ngay cả khi lần đó tôi may mắn vì cha tôi đã cho tôi thận của ông.

Đối với điều này, tôi sẽ không thay đổi điều gì trong cuộc sống của tôi và của thảm kịch đó. Tôi chỉ muốn là các bạn của tôi còn sống ở đây, chỉ điều này.

Đối với phần còn lại, đau khổ đó, chiếc xe lăn đó, dạy tôi nhìn thấy vẻ đẹp trong những điều nhỏ bé và nhắc tôi mỗi ngày về sự may mắn mà tôi có. Và mỗi ngày chúng dạy tôi vượt qua những thời khắc thất vọng và cám ơn Chúa về điều tôi có: gia đình tôi, các bạn của tôi và cả niềm đam mê bơi lội của tôi, nhờ nó mà ngày nay tôi có một ước mơ: tham dự thế vận hội dành cho người tàn tật.

Trận động đất đó đã thay đổi cuộc sống của tôi và của rất nhiều người ở San Giuliano, nhưng từ ngày đó, tôi không còn sợ hãi tương lai và những gì mà cuộc sống dành cho tôi.” (Sismografo 08/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

VATICAN. Ngày 8-4-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Đà Lạt.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh năm nay 62 tuổi, sinh ngày 12-8 năm 1955 tại Cần Thơ, theo học tại Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt từ năm 1973 đến 1977, rồi học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô 10 Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 29-5 năm 1994 thuộc giáo phận Đà Lạt.

Sau 9 năm làm cha phó tại xứ Tân Hóa, Bảo Lọc, Cha Nguyễn Văn Mạnh du học Roma từ 2003 đến 2009 và đậu tiến sĩ giáo luật tại Giáo Hoàng Đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo. Trở về nước năm 2009, cha Đaminh Mạnh làm Đại diện tư pháp tại giáo phận Đà Lạt.

Giáo phận này hiện có 377,500 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 1 triệu 250 ngàn dân cư, với 96 giáo xứ, 290 linh mục (166 triều và 124 dòng), 275 tu huynh và 932 nữ tu. Ngoài ra, giáo phận có 76 đại chủng sinh.

Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh phụ giúp Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 72 tuổi, và đương nhiên kế nhiệm ngài khi giáo phận trống tòa (SD 8-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Thêm một linh mục Mexico bị tội phạm giết

Thêm một linh mục Mexico bị tội phạm giết

Thành phố Mêhicô – Cha Felipe Carrillo Altamirano bị giết hôm Chúa nhật 26/03 vừa qua tại El Nayar, giám hạt Jesús María del Nayar, bang Nayarit; cha rõ ràng là nạn nhân của cuộc tấn công cướp của.

 

Trong thông cáo về cái chết của cha Felipe, Hội đồng Giám mục Mêhicô nhấn mạnh rằng một lần nữa, một linh mục Công giáo đã bị tội phạm tấn công. Đồng thời các Giám mục cũng bày tỏ lời chia buồn với gia đình nạn nhân và đức cha José de Jesús González Hernández, giám mục Nayar.

Cha Felipe là linh mục thứ hai bị giết từ đầu năm nay. Trước đo, hồi đầu tháng 1, cha Joaquin Hernandez Sifuentes, giáo phận Saltillo, đã bị giết.

Thông cáo của các Giám mục nói về sự kiện đau buồn này: “Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta sức mạnh để tranh đấu cho việc xây dựng một thế giới hòa giải và hòa bình, công bằng và huynh đệ. Chết không phải là kết thúc của thông điệp tình yêu, mà Đấng Cứu Thế mang lại cho chúng ta, nhưng là sự viên mãn của cuộc sống. Với chức linh mục của mình, Cha Felipe đã thể hiện những điều chắc chắn này, những điều mang lại cho chúng ta đức tin.”

Giám hạt El Nayar thuộc bang Nayarit, là một trong 20 huyện của thuộc  bang này. Tại giám hạt này có 11 linh mục giáo phận đang hoạt động (2 linh mục người thổ dân), 14 linh mục dòng và 10 tu sĩ Phanxicô không phải là linh mục và 30 nữ tu. (Agenzia Fides, 28/03/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha thăm khu phố nghèo tại Milano

Đức Thánh Cha thăm khu phố nghèo tại Milano

MILANO. ĐTC đã viếng thăm khu phố nghèo ở Milano sáng ngày 25-3-2017 mở đầu cho cuộc thăm viếng dài 12 tiếng tại Milano, giáo phận lớn nhất tại Âu Châu.

Giáo phận này có từ thời các tông đồ và trở thành tổng giáo phận hồi thế kỷ thứ 4, với thánh Ambrosio tiến sĩ Hội Thánh và sau đó nổi bật với thánh Carlo Borromeo hồi thế kỷ 16. Ngày nay, tại đây có hơn 5 triệu tín hữu Công giáo, thuộc 1.108 giáo xứ, với gần 2,700 LM triều và dòng.

Milano hiện thời cũng là thủ đô kinh tế của Italia. Lẽ ra ĐTC đã đến viếng thăm giáo phận này hồi năm ngoái, nhưng cuộc viếng thăm bị hoãn lại vì Năm Thánh Lòng Thương Xót.

ĐTC bắt đầu cuộc thăm tại khu phố nghèo, rồi đến nhà thờ chính tòa với mộ của thánh Ambrosio, thánh Carlo Borromeo, gặp gỡ các linh mục tu sĩ, trước đọc kinh truyền tin với các tín hữu. Sau đó ngài đến thăm nhà tù, dùng bữa với các tù nhân. Ban chiều, ngài cử hành thánh lễ tại công viên Monza, cách trung tâm Milano 18 cây số, lúc 3 giờ chiều với khoảng 700 ngàn tín hữu. Hoạt động cuối cùng của ĐTC là cuộc gặp gỡ với 80 ngàn thiếu niên đã và sắp chịu phép thêm sức tại sân thể thao Meazza-San Siro.

Thăm khu phố ”Các nhà trắng”

Đến Milano sau 1 giờ bay từ phi trường Fiumicino ở Roma, ĐTC đã tới khu phố nghèo ở mạn đông bắc Milano, quen gọi là ”những căn nhà trắng” ở đường Salamone. Ban đầu đây là nhà những căn nhà nhỏ được xây hồi thập niên 1930 cho những người thất nghiệp do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929. Đến thập niên 1970, các căn nhà này trở nên quá tồi tàn và nên được phá đi để xây thành một khu chung cư 9 lầu với 477 căn hộ. 60% dân tại khu này là người Ý, phần còn lại là những người ngoại quốc, người du mục, và cũng có nhiều người Hồi giáo.

Đến khu nhà trắng vào lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã hàng ngàn người tụ tập tại đây nồng nhiệt tiếp đón. Ngài dừng lại chào thăm các anh chị em bệnh nhân ngồi trên ghế lăn, trước khi tiến lên bục cao, trước tiếng hát chào mừng của dân chúng. Một thiếu nữ đã dâng tặng ĐTC một dây stola, cũng gọi là giây các phép, do một hợp tác xã địa phương dệt và may, và một em bé tặng ngài bức ảnh Đức Mẹ thánh Galdino.

Chào thăm các tín hữu

Lên tiếng chào thăm mọi người hiện diện, ĐTC nói:

”Tôi cám ơn anh chị em vì hai món quà anh chị em tặng tôi: thứ I là dây stola, một dấu hiệu tiêu biểu của linh mục, cứ chỉ này đánh động tôi đặc biệt vì nhắc nhớ cho tôi rằng tôi đến đây giữa anh chị em như một linh mục, tôi đi vào Milano như linh mục…

”Dây stola này càng quí giá vì không phải anh chị em mua, nhưng một số người trong anh chị em ở đây đã dệt và thêu. Dây stola nhắc nhớ rằng linh mục Kitô được chọn giữa dân và phục vụ dân. Chức linh mục của tôi cũng như cha sở và các linh mục ở đây là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng được hình thành nhờ dân chúng, với niềm tin, với những vất vả, kinh nguyện và nước mắt của dân.

ĐTC cũng nói đến ảnh Đức Mẹ được tu bổ và tặng cho ngài. Ngài nhắc nhở các tín hữu về sự ân cần của Mẹ Maria đi gặp gỡ và săn sóc, giúp đỡ bà chị họ Elisabeth. Đó cũng là sự ân cần của Giáo Hội, không ở lại trung tâm, nhưng đi gặp gỡ mọi người ở khu ngoại ô, gặp cả những người không Kitô và không tín ngưỡng. Giáo Hội mang Chúa Giêsu đến cho mọi người, Đấng là tình thương của Thiên Chúa làm người, mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta và cứu khỏi sự ác.

Thăm 3 gia đình

Sau khi ban phép lành cho tất cả mọi người, ĐTC còn chào thăm các em bé chờ đợi ngài từ sáng sớm rồi ngài đặc biệt đi gặp 3 gia đình trong căn hộ của họ. Trước tiên là ông bà Stefano Pasquale và Dorotea Falcone 59 và 57 tuổi, cư ngụ ở lầu 4 từ lâu năm. Khi còn trẻ ông Stefano nghiện rượu và bị chứng động kinh, rồi dần dần cơ thể suy tàn và bị liệt giường từ 4 năm nay. Vợ ông là bà Dori tận tụy săn sóc chồng trong mọi sự, kể cả ngày đêm. Cuộc viếng thăm của ĐTC tại nhà bà là một niềm vui vô biên đối với bà trong tình cảnh đau thương.

Gia đình thứ hai gốc Maroc là Ông bà Mihoual Abdel Karim và Tardane Hanane ở lầu hai cùng với 3 người con: 17, 10 và 6 tuổi. Ông Karim đến Italia cách đây 28 năm và vợ ông đến nước này 20 năm về trước. Ông Karim làm việc trong một hãng chế thuốc và hai vợ chồng ở khu nhà trắng này từ 9 năm nay. Cùng với 1 gia đình hồi giáo khác, gia đình Ông Karim tỏ chức lớp dạy tiếng Arập trong giáo xứ thánh Galdino ở địa phương cho các phụ nữ Hồi giáo. Họ là những người Hồi giáo trung thành và cởi mở, có tinh thần cộng tác, và rất vui mừng được đón tiếp ĐTC ghé thăm gia đình họ.

Gia đình sau cùng được ĐTC ghé thăm là bà Oneta Nuccio 82 tuổi và bà Agogini Adele, 81 tuổi, thành hôn với nhau cách đây 61 năm và có một người con gái là Giovanna 51 tuổi. Ông Nuccio làm nghề phát thư trong nhiều năm trời. Gia đình ở lầu hai trong khu nhà. Hai ông bà cụ rất chăm chỉ tham dự thánh lễ qua truyền hình và thường được rước lễ. Bà Adele hầu như mù và Ông Nuccio bị một bướu ung ở cổ cách đây 11 năm (2006). Nhờ xạ trị (radioterapia) bướu ung biến mất một phần, nhưng hiện nay ông có vấn đề lớn về phổi và người ta sợ rằng ung thư sẽ di căn. Ông bà rất vui mừng được đón tiếp ĐTC với niềm tin đơn sơ và sâu xa.

Sau khi viếng thăm 3 gia đình, ĐTC lên đường tiến về Nhà thờ chính tòa ở trung tâm Milano để gặp gỡ các LM, phó tế, và tu sĩ nam nữ của giáo phận.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem có nguy cơ bị sụp đổ

Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem có nguy cơ bị sụp đổ

Giêrusalem – Nhóm các nhà khảo cổ và chuyên viên vừa kết thúc việc tu sửa Edicola/Edicule – nhà nguyện bên trong đền thờ Mộ Thánh, trên mộ Chúa Giêsu, lên tiếng báo động rằng nếu không có những can thiệp thích đáng để gia cố nền móng không chắc chắn của đền thờ Mộ Thánh thì nó có nguy cơ bị sụp đổ.

Nhà khảo cổ người Hy lạp Antonia Moropoulou, giáo sư trường kỹ thuật quốc gia Athen và điều phối viên kỹ thuật của chương trình tu bổ Edicola mới hoàn tất khẳng định rằng toàn bộ kiến trúc của Nhà thờ Mộ Thánh có thể bị đe dọa bởi sự sụp lún đáng kể của tòa nhà. Và nếu khả năng này trở thành hiện thực thì nó không phải là một quá trình hư hỏng từ từ, nhưng sẽ sụp đổ đột ngột.

Các giả thuyết báo động được đưa ra khi các nghiên cứu và khảo sát được thực hiện trên Mộ Thánh bởi đội ngũ chuyên gia chịu trách nhiệm phục hồi Edicola.

Các nghiên cứu cho thấy toàn bộ tòa nhà được xây dựng trên khu đổ nát còn sót lại của những nhà thờ trước đó. Mặt đất bên dưới nền móng hiện tại bao gồm các đống đổ nát, đan xen bởi các đường hầm cổ xưa.

Việc gia cố đền thờ Mộ Thánh có chi phí được ước tính khoảng 6 triệu euro (6,5 triệu đô la); nó cũng khó khăn phức tạp vì tầm quan trọng khảo cổ của vật liệu bên dưới tòa nhà hiện thời. Tòa Thánh đã cam kết tài trợ 500 ngàn đô la cho dự án.

Đền thờ Mộ Thánh được hoàng đế Costantino xây dựng trên nền của một đền thờ thời đế quốc Roma, bị tàn phá phần nào bởi những người Ba tư vào thế kỷ thứ VII, rồi bởi người Fatimidi vào năm 1009. Nhà thờ được xây dựng lại vào giữa thế kỷ XI. (Fides 24/03/2017)

Hồng Thủy

Ngày Giáo hội Italia tưởng niệm các thừa sai tử đạo

Ngày Giáo hội Italia tưởng niệm các thừa sai tử đạo

Từ năm 1990-2016, có 1.112 vị mục tử cũng như các nhà truyền giáo Công giáo bị giết. Trong năm 2016, có 28 vị; tăng 6 vị so với năm 2015. Năm nay là năm thứ 8 liên tiếp, số vị tử đạo tại Mỹ châu chiếm đa số (12 vị). Bên cạnh đó, số nữ tu bị giết hại cũng gia tăng, gấp đôi so với năm 2015.

Trong năm 2016, có 14 Linh mục, 9 nữ tu, 1 chủng sinh, và 4 giáo dân bị sát hại. Ở châu Phi có 8 vị, châu Á 7 vị, châu Âu 1 linh mục.

Các vị bị giết năm 2016 được công chúng châu Âu biết đên nhiều là cha Jacques Hamel, 84 tuổi, bị giết khi đang dâng Thánh lễ ở Paris vào ngày 27/07/2016; 4 nữ tu dòng Thừa sai bác ái bị giết ở Yemen bởi một người vũ trang tấn công nhà dưỡng lão và khuyết tật của các sơ.

Tất cả 28 vị được tưởng nhớ trong Ngày tưởng nhớ các thừa sai tử đạo lần thứ XXV của Giáo hội Italia. Ngày này được cử hành vào ngày 24/03 hàng năm.

Ngày 24/03 được chọn để tưởng nhớ các vị tử đạo cũng là ngày chân phước Oscar Arnulfo Romero, Tổng giám mục San Salvador bị giết khi đang cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa (năm 1980). Đề tài của ngày cử hành năm nay là “Các con đừng sợ!”

Phần lớn các vị bị sát hại do hậu quả các vụ trộm cắp hoặc cướp bóc, trong bối cảnh bạo lực và nghèo khổ về kinh tế và văn hóa. Các vị thường bi giết hại bởi chính những người các vị giúp đỡ, như cha René Wayne Robert, 71 tuổi, bị giết tại Mỹ ngày 10/04/2016, bởi một thanh niên có vấn đề về tâm lý. 20 năm trước đó, cha đã viết trong di chúc: “Đừng kết án tử hình thủ phạm giết tôi”; cha Joao Paulo Nolli, người Brazil, bị 3 thanh niên nghiện ngập mà cha cho đi nhờ xe giết hại sau khi đã cướp tất cả mọi thứ.

Đôi khi các vị bị sát hại vì dấn thân cho công lý và nhân quyền. Cha Vincent Machozi, dòng Đức Mẹ lên trời, bị binh lính giết tại Congo vì đã lên án các nhóm vũ trang tham gia buôn bán trái phép khoáng sản coltan.

Có vị bị giết vì đòi tiền chuộc như cha John Adeyi, tổng đại diện giáo phận Otukpo, Nigeria, xác của ngài được tìm thấy ngày 22/06, 2 tháng sau khi bị bắt cóc, dù gia đình ngài đã trả số tiền bọn bắt cóc yêu cầu.

9 nữ tu bị giết là những nhà hoạt động bác ái. Sơ Isabel Solá Matas, 51 tuổi, người Tây ban nha, truyền giáo ở Haiti từ nhiều năm, kẻ cướp đã giết sơ khi sơ đang lái xe chỉ để cướp giỏ xách của sơ. Sơ Margaret Held và sơ Paula Merril, cả hai đều 68 tuổi, bị đâm chết tại nhà ở Durant, bang Mississipi. Sơ Veronica Rackova, 58 tuổi, người Slovak, nhận được cuộc gội cấp cứu từ trung tâm ý tế mà sơ điều hành ở Nam Sudan. Khi trở về, sơ đã bị các quân lính sát hại. Elias Abiad chết dưới làn bom đạn ở Aleppo, Syria. Một kế toán và một tài xế chuyên chở tiền lương cho các giáo viên đã bị giết ở Congo. (SIR 24/03/2017)

Hồng Thủy

Cha Quinn, tông đồ của cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu ở Brooklyn

Cha Quinn, tông đồ của cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu ở Brooklyn

“Tháng lịch sử của người da đen”, còn được biết với tên “tháng lịch sử của người Mỹ gốc Phi châu”  được cử hành vào tháng 2 hàng năm tại Canada và Hoa kỳ, để tưởng nhớ những nhân vật và sự kiện quan trọng của người Phi châu ở ngoài châu lục này. Vào năm 1926, “tuần lịch sử của người đen” được thành lập và sau đó được mở rộng thành “Tháng Lịch sử của người da đen” vào năm 1969 và được cử hành lần đầu tiên ở Kent State vào tháng 2 năm 1970. Năm 1976, nhân kỷ niệm 200 năm lập quốc của Hợp chủng quốc, tức là Hoa kỳ, “Tháng lịch sử của người da đen” được chính quyền Hoa kỳ chính thức nhìn nhận. Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Hoa kỳ, có những người đã dấn thân bênh vực và giúp đỡ những người gốc Phi, và cha Bernard J. Quinn là một trong những nhân vật đã gây ảnh hưởng nhiều trên đời sống của cộng đồng những người gốc Phi.

Cha Bernard J. Quinn, thụ phong Linh mục năm 1912, đã chống lại suy nghĩ của người cùng thời với cha, làm mọi sự với hết khả năng của mình để chiến đấu cho sự bình đẳng sắc tộc. Cha Quinn đã đến gặp đức cha Charles Edward McDonnell của giáo phận Brooklyn lúc bấy giờ và xin đức cha mở một sứ vụ tông đồ cho người da đen, vì cha thấy rằng trong khi Giáo hội đang dấn thân giải quyết các nhu cầu của người nhập cư châu Ấu thì người Mỹ gốc Phi châu lai bị bỏ qua. Đức cha McDonnell, đang quá lo lắng cho sự bùng nổ của thế chiến thứ nhất, nên đã từ chối yêu cầu của cha Quinn. Đức cha cần số đông các linh mục hoạt động như các linh hướng ở nước ngoài, nên một hoạt động tông đồ mới trong giáo phận không nằm trong chương trình của ngài. Cha Quinn đã đáp lại chương trình của đức cha, trở thành linh hướng, đồng hành với kế hoach của đức cha. Cha được gửi đến trợ giúp một binh đoàn ở Pháp, và cha đã được gặp một người bạn mới, đó là thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, hay còn gọi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cha Quinn được gửi đến Alençon, nơi sinh của thánh Têrêsa và sau khi đọc cuốn tự thuật “Chuyện một tâm hồn” của thánh nữ, cha đã yêu mến ngài. Cha đã có cơ hội đến thăm ngôi nhà của thánh nữ và dâng Thánh lễ tại đó vào ngày 2 tháng 1 năm 1919, sinh nhật của thánh nữ. Đó là một đặc ân đối với cha, vì cha là linh mục đầu tiên dâng Thánh lễ tại đây.

Trở về lại giáo phận ở Hoa kỳ, cha Quinn lại xin đức cha mở hoạt động tông đồ cho người Mỹ gốc Phi. Cuối cùng cha đã được phép của đức cha, thành lập một giáo xứ mới cho các tín hữu người Mỹ gốc Phi ở Brooklyn. Cha đã tìm được một nhà thờ Tin lành cũ, tu sửa lại và làm phép và dâng kính thánh Phêrô Claver vào ngày 26 tháng 2 năm 1922. Cha đã phó thác cộng đoàn của mình cho thánh nữ Têrêsa Hài đồng và sau đó cha thành lập Nhà Quan Phòng Bông Hoa nhỏ để giúp đỡ các trẻ em mồ côi người Mỹ gốc Phi. Mỗi tuần, giáo xứ của cha tổ chức các buổi cầu nguyện tuần 7 ngày kính thánh Têrêsa. Mỗi thứ hai, khoảng 10 ngàn người mộ đạo tham dự vào tuần 7 ngày. Cha Quinn đã chứng kiến những phép lạ chữa lành, cả linh hồn và thể xác trong những tuần kính thánh Têrêsa này.

Những nỗ lực của cha Quinn giúp đỡ cho cộng đoàn người Mỹ gốc Phi đã bị nhóm Ku Klux Klan, gọi tắt là 3K, một hội kín ủng hộ thuyết thượng đẳng của người da trắng, chống sự bình đẳng của người da đen, chú ý. Họ đã đốt viện mồ côi của cha hai lần trong cùng một năm. Nhưng điều này không ngăn cản được cha Quinn; cha đã xây dựng lại cô nhi viện bằng gạch và bêtông. Khi cha nhận những lời dọa giết, cha nói với các giáo dân: “Cha tình nguyện đổ đến giọt máu cuối cùng cho người cuối cùng trong anh em.” Nhìn thấy những thành công của giáo xứ đầu tiên, cha Quinn đã thành lập thêm một cộng đoàn thứ hai, đó là cộng đoàn thánh Biển đức thành Moor ở Jamaica, Queens.

Cha Quinn qua đời ngày 7 tháng 4 năm 1940 sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư. Hàng ngàn người đã tham dự lễ an táng của cha. Công trình của cha để lại vẫn hoạt động đến ngày hôm nay. Theo Thời báo New York, viện mồ côi của cha vẫn là nền tảng hoạt động của chương trinh “Bông Hoa nhỏ cho Trẻ em và Gia đình” của giáo phận New York, với các hoạt động phục vụ trong vùng Queens, ở Brooklyn và Long Island. Năm 2010, Đức cha Nicholas DiMarzio của giáo phận Brooklyn đã mở án phong thánh cho cha Quinn và đã mở cuộc điều tra về cuộc đời của ngài. Cha Quinn trở thành gương mẫu và người cầu khẩn cho nước Mỹ trong giai đoạn đất nước cần được chữa lành những vết thương do những chia rẽ sắc tộc gây nên. (Aleteia.it 21/02/2017)

Hồng Thủy

 

Án phong thánh cho một Linh mục Hoa kỳ, từ Tin lành trở lại Công giáo

Án phong thánh cho một Linh mục Hoa kỳ, từ Tin lành trở lại Công giáo

New York – Hồ sơ phong thánh của Cha Paul Wattson, một Linh mục trở lại từ Tin lành, sáng lập Hội dòng thánh Phanxicô đền tội, sắp kết thúc ở cấp giáo phận.

Cha Wattson sinh năm 1863 và được thụ phong linh mục trong Giáo hội Tin lành Episcopal vào năm 1886. Cha cùng với nữ tu Lurana White của Tin lành Episcopal thành lập Hội dòng thánh Phanxicô đền tội ở Garrison, New York. Hội dòng gồm có các tu huynh và các nữ tu, những người muốn cổ võ sự hiệp nhất Kitô giáo. Khi cha Wattson trở lại Công giáo vào năm 1909, và được thụ phong Linh mục năm 1910, Hội dòng này cũng chuyển thành công giáo. Cha Wattson qua đời năm 1940, hưởng thọ 77 tuổi.

Cha Wattson đã tổ chức lần đầu tiên tuần cầu nguyện cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất  trên đỉnh núi ở Garrison và ngày nay nó đã trở thành một phong trào toàn cầu. Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô hữu hiện nay được tổ chức vào từ 18-25/01 hàng năm.

Hôm 09/03, tổng giáo phận New York đã kết thúc cuộc điều tra phong thánh kéo dài 18 tháng. Các bản viết của cha Wattson cũng như các bài viết về cha được thu thập lại, đóng gói, bọc lại và đóng dấu của Đức Hồng Y Timothy Dolan.

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đồng ý việc mở án phong chân phước cho cha Wattson vào tháng 11/2014 và án điều tra chính thức được mở vào tháng 09/2015 tại trung tâm Công giáo New York. (CNS 20/03/2017)

Hồng Thủy

Phỏng vấn cha Raniero Cantalamessa thuyết giảng viên của Phủ Giáo Hoàng

Phỏng vấn cha Raniero Cantalamessa thuyết giảng viên của Phủ Giáo Hoàng

Ngày thứ sáu mùng 10 tháng 3 vừa qua cha Raniero Cantalamessa, dòng Capucino, thuyết giảng viên của Phủ Giáo Hoàng, đã bắt đầu các bài giảng Mùa Chay cho các nhân viên Toà Thánh trong nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế ở nội thành Vaticăng. Đề tài năm nay là “Không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12,3).

Cha Raniero Cantalamessa sinh năm 1934. Năm 1946 chú bé Raniero gia nhập dòng Capucino. Một số người biết tính tình lanh lợi nghịch ngội của cậu đánh cá với nhau là thế nào chú bé cũng chỉ ở được vài tuần là bỏ dòng. Nhưng chú bé đã trung thành với ơn gọi tu sĩ, và sau này viết lại rằng: “Từ năm 13 tuổi tôi đã nghe được tiếng gọi của Chúa và với một sự rõ ràng đến nỗi tôi đã không bao giờ nghi ngờ trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời tôi: đó là một ơn ngoại thường. Từ đó trở đi cuộc đời tôi đã tràn đầy “thanh thản, an bình và niềm vui nhờ một tương quan cả nhân, bạn hữu, liên tục, đơn sơ và thân tình với Chúa Giêsu”. Năm 1958 thầy Raniero được thụ phong Linh Mục trong vương cung thánh đường Loreto, nơi cha bắt đầu chức thừa tác của mình. Tiếp đến Cha Raniero lấy bằng tiến sĩ thần học tại đại học Fribourg bên Thuỵ Sĩ, và năm 1969 cha lấy thêm bằng tiến sĩ văn chương tại đại học Thánh Tâm Milano.

Việc yêu thích văn chương cổ điển khiến cho cha học tiếng Hy Lạp và Latinh để đọc Phúc Âm và các Giáo Phụ. Cha cũng đọc nhiều tác phẩm của các văn sĩ, tư tưởng gia và các thi sĩ tân thời. Tiếp đến cha là giáo sư dạy môn Lịch sử nguồn gốc kitô tại phân khoa văn chương của đại học công giáo Milano, bắc Italia, rồi sau đó trở thành phân khoa trưởng phân khoa Khoa học tôn giáo.

Từ năm 1975 tới 1981 cha cũng đã là thành viên của Uỷ ban thần học quốc tế. Năm 1979 cha bỏ dậy học để chú tâm vào thừa tác Lời Chúa, và đầu năm 1980 cha đuợc chỉ định là thuyết giảng  viên của Phủ giáo Hoàng, với nhiệm vụ giảng vào mỗi ngày thứ sáu Mùa Vọng và Mùa Chay trước Đức Giáo Hoàng và các nhân viên cơ quan trung ương của Toà Thánh. Đây là nhiệm vụ cha đã chu toàn trong suốt triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Vào tháng 4 năm 2005 trong Mật nghị Hồng Y bầu Đức Biển Đức XVI cha đã là một trong hai vị giảng thuyết ngỏ lời với các Hồng Y.

** Cha tiếp tục là thuyết giảng viên dưới thời Đức Biển Đức XVI đồng thời cũng tổ chức các tuần tĩnh tâm đó đây trên thế giới. Chẳng hạn năm 2010 cha đã giảng tĩnh tâm cho 4.000 linh mục và 100 Giám Mục bên Philippines.

Từ năm 1982 theo gương cha Mariano, cha Cantalamessa bắt đầu xuất hiện trên kênh 1 của đài truyền hình Italia để chú giải Phúc Âm. Trong các năm 1995-2009 cha đã hướng dẫn mục “Các lý do hy vọng” bên trong chương trình văn hóa tôn giáo “Theo hình ảnh Ngài”, và khai sinh ra điều được định nghĩa là “Giáo xứ lớn nhất Italia”, bao gồm hàng triệu tín hữu theo dõi các buổi nói chuyện của cha bên trong và bên ngoài Italia, và hàng hàng lớp lớp các người liên lạc thư tín với cha.

Hiện nay cha Canltalamessa cử hành thánh lễ Chúa Nhật ngoài trời cho mọi người tại một đan viện cũ của dòng Capucino, trở thành trụ sở của một cộng đoàn các nữ tu dòng kín ở Cittaducale trong tỉnh Rieti trung nam Italia. Đây cũng là nơi cha thường  về sống đời cầu nguyện chiêm niệm. 

Cha Cantalamessa đã là tác giả của 40 cuốn sách, đa số là suy niệm và diễn giải Lời Chúa, cuốn cuối cùng tựa đề “Gương mặt của Lòng Thương Xót, xuất bản năm 2015; “Hai lá phổi. Một hơi thở duy nhất” năm 2015; “Mầu nhiệm hiển dung” 2010;  “Từ Tin Mừng tới cuộc sống” năm 2009; “Mầu Nhiệm Phục Sinh” năm 2009; “Quyền năng của thập giá” 2 cuốn năm 1999-2009; “Cuộc sống trong Chúa Kitô. Sứ điệp tinh thần của thư gửi tín hữu Roma” năm 2008; “Lời ngài làm cho con sống” năm 2008; “Sức mạnh của tinh thần” năm 2008; “Đức Giêsu thành Nadarét giữa lịch sử và đức tin” năm 2009; “Từ Kerygma tới tín lý. Nghiên cứu về Kitô học của các Giáo Phụ” năm 2006; “Đức tin chiến thắng thế giới. Loan báo Chúa Kitô cho thế giới ngày nay” năm 2006; “Yêu thương Giáo Hội” năm 2003; “Chiêm ngưỡng Thiên Chúa Ba Ngôi” năm 2002. Bên cạnh đó là một loạt sách về mầu nhiệm phục sinh, các nhân đức, cái chết,  Mẹ Maria vv.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn cha về đề tài tĩnh tâm năm nay được khai triển trong năm ngày thứ sáu mùng 10, 17, 24, 31 tháng ba, và mùng 7 tháng tư.

Hỏi: Thưa cha, ở trung tâm các bài giảng tĩnh tâm năm nay sẽ có Chúa Thánh Thần, tại sao vậy?

Đáp: Có hai lý do đã thúc đẩy tôi dành các bài giảng cho Mùa Vọng năm vừa qua và Mùa Chay năm nay cho con người và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lý do thứ nhất là để nêu bật điều mà tôi coi là sự mới mẻ đích thực của thời hậu Công Đồng, nghĩa là một ý thức rõ ràng hơn về chỗ đứng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và trong nền thần học của Giáo Hội. Lý do thứ hai, ít đại đồng hơn nhưng cũng quan trọng, đó là năm 2017 là kỷ niệm 50 năm hoạt động của Phong trào canh tân đặc sủng Thánh Linh trong Giáo Hội công giáo, là phong trào đã lôi cuốn hàng chục triệu tín hữu trên toàn thế giới, là kỷ niệm mà ĐTC Phanxicô mong ước được cử hành một cách đặc biệt long trọng và rộng mở đích thực, vào lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tới đây.

Hỏi: Có bao nhiêu chỗ sẽ được dành cho thời sự trong các bài suy niệm thưa cha?

Đáp: Nếu hiểu “thời sự” trong nghĩa quy chiếu các tình trạng hay biến cố đang xảy ra, tôi sợ là có ít điều thời sự trong các bài giảng của tôi. Nhưng theo ý tôi, “thời sự” không chỉ là “điều đang xảy ra”, và nó không đồng nghĩa với “mới đây”. Các điều thời sự nhất là những gì vĩnh cửu, nghĩa là những điều đụng chạm tới con người trong nhân tố sâu thẳm cuộc sống của nó, trong mọi thời đại và trong mọi nền văn hóa. Đó cũng chính là sự phân biệt giữa “cấp thiết” và “quan trọng”. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ đặt cái “cấp thiết” trước cái “quan trọng”, đặt cái mới đây trước cái vĩnh cửu. Đó là một khuynh hướng mà tiết nhịp dồn dập của truyền thông và nhu cầu mới lạ của truyền thông khiến trờ thành sắc nhọn một cách đặc biệt hơn nữa.

Có cái gì quan trọng và thời sự hơn đối với một tín hữu, và hơn thế nữa đối với mỗi một người nam nữ, hơn là biết xem cuộc sống có một ý nghĩa hay không, cái chết có phải là kết thúc mọi sự hay không, hay trái lại nó là khởi đầu của cuộc sống đích thực? Giờ đây mầu nhiệm vượt qua  cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô mà tôi tự hứa là đọc lại dưới ánh sáng việc tái khám phá Chúa Thánh Thần, và là câu trả lời duy nhất cho các vấn đề như thế. Sự khác biệt giữa việc thời sự này và thời sự truyền thông tin tức cũng giống như giữa người dùng thời gian để nhìn hinh vẽ mà sóng để lại trên bãi cát, và bị làn sóng tiếp theo xoá đi mất – và người hướng mắt nhìn biển trong cái mênh mông của nó.

Hỏi: Đối với con người ngày nay hiểu biết sự thật có nghĩa là gì thưa cha?

Đáp: Câu trả lời xem ra bị đơn giản hoá thái quá, nhưng câu trả lời duy nhất mà kitô hữu có thể đưa ra đó là việc hiểu biết sự thật toàn vẹn hay sự thật duy nhất có giá trị là hiểu biết Chúa Kitô. Hai bài giảng đầu tiên sẽ trình bầy đề tài này: hiểu biết Chúa Kitô là ai; không phải chỉ đã là ai, mà là ai đối với tôi và đối với thế giới ngày nay. Archimede, người đã chế ra đòn bẩy  đã kêu lên: “Bạn hãy cho tôi một điểm tựa, và tôi sẽ nâng thế giới lên”. Ai tin vào thiên tính của Chúa Kitô là một người đã tìm ra điểm tựa không thể nào sụp đổ được trong cuộc sống.

Hỏi: Thưa cha, trong các xã hội của chúng ta có còn chỗ cho Chúa Thánh Thần hay không?

Đáp: Chúa Thánh Thần không phải là một ý tưởng, hay một trừu tượng, Ngài là thực tại hồi hộp nhất mà ta có thể nghĩ ra. Không phải vô tình và Thánh Kinh nói tới Thánh Thần như là gió, lửa, nước, hương thơm, bồ câu. Thi hào Goethe đã trông thấy trong kinh “Lậy Đấng sáng tạo, xin hãy đến” thánh thi tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, một “lời khẩn nài thiên tài, Đấng nói một cách quyền năng với tất cả những người có thần trí và tâm hồn vĩ đại”. Chính ông đã làm một bản dịch rất hay bằng tiếng Đức, và muốn rằng nó được hát mỗi ngày Chúa Nhật trong nhà ông.

Chúng ta đang sống trong một nền văn minh tuyệt đối bị thống trị bởi kỹ thuật. Người ta giả thiết tới một máy vi tính có thể suy nghĩ, nhưng đã không có ai nghĩ tới một máy vi tính có thể yêu thương. Chúa Thánh Thần Đấng là tình yêu  trong trạng thái tinh tuyền và là suối nguồn của mọi tình yêu – là Đấng duy nhất có thể đổ tràn đầy một linh hồn vào trong nhân loại khô cằn này của chúng ta.

(Oss. Rom 10-3-2017)

Linh Tiến Khải

Các linh mục, tu sĩ đang đối diện với bạo lực ở Congo

Các linh mục, tu sĩ đang đối diện với bạo lực ở Congo

Washington D.C. – Theo sau những nỗ lực mới đây về việc làm trung gian giữa chính quyền và các lãnh tụ chính trị đối lập, các linh mục và tu sĩ ở Cộng hòa dân chủ Congo đang phải đối mặt với bạo lực dữ dội trên khắp đất nước.

Theo tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, đang có những cuộc tấn công vào các nhà thờ và tu viện của người Công giáo; cụ thể, một tu viện dòng Cát minh và một nhà thờ do các tu sĩ Đaminh coi sóc đã bị cướp phá vào cuối tháng 2 vừa qua.

Đức Hồng y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng giám mục của Kinshasa chia sẻ rằng các vụ tấn công làm cho người ta tin rằng Giáo hội Công giáo là mục tiêu có chủ đích của các cuộc tấn công nhắm phá hoạt sứ mệnh hòa bình và hòa giải của Giáo hội. Đức Hồng y và các Giám mục lên án các hành động bạo lực đang dìm quốc gia vào cuộc hỗn loạn không thể nói lên lời.

Sau khi tổng thống Joseph Kabila từ chối kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, đảng đối lập của tổng thống và các tuyên bố về khủng hoảng hiến pháp đã xảy ra. Từ đó, hội đồng Giám mục đã giúp làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình mà có thể tổ chức một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Nhưng đã có những sự kiện khiến cho thỏa thuận hòa bình không được thực hiện. Các cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào cuối năm 2017.

Đức Hồng y Monswengwo kêu goi: “Các chính trị gia phải nhận biết cách khiêm nhường, trước quốc gia và cộng đồng quốc tế, các khunh hướng chính trị của họ và sự thiếu đạo đức của các quyết định phục vụ cho chính mình của họ.”

Vào tháng 3, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Theo Crux, 25 chủng sinh ở Maole phải di tản bằng trực thăng  sau khi các nhóm vũ trang tấn công chủng viện.

Bạo lực đang đe dọa ngừoi Công giáo. Cha Richard Kitenge, giám đốc chủng viện kể với hãng thông tấn Pháp: “Họ phá hủy cách hệ thống các cửa dẫn tới các phòng và phá hủy mọi thứ. Họ vào phòng các giáo sư và đốt các vật dụng.”

Mới đây, Giáo hội cũng dẫn đầu những chiến dịch chống tham nhũng. Sự ác cảm với Giáo hội vượt ra bên ngoài các bức tường nhà thờ hay tu viện. Cha Julien Wato, ở nhà thờ thánh Đaminh bị cướp phá hôm tháng 2 tuyên bố: “Trên đường phố, những đe dọa chống lại Giáo hội không phải là bất thường.

Gần một nửa trong 67,5 triệu dân số của Congo là Công giáo. Trước đó, gần 6 triệu người chết trong cuộc xung đột chuyển giao quyền lực quốc gia trong các năm 1996-2003. (CAN 17/03/2017)

Hồng Thủy

Người phụ nữ Gypsy đầu tiên được phong chân phước

Người phụ nữ Gypsy đầu tiên được phong chân phước

Oxford – Emilia Fernandez Rodriguez, một phụ nữ trẻ 23 tuổi, làm nghề làm giỏ và thất học, qua đời ở trong tù sau khi sinh con, sẽ là phụ nữ Gypsy đầu tiên được Giáo hội Công giáo phong chân phước. Cô thuộc vào số 115 vị tử đạo (95 linh mục và 20 giáo dân) trong cuộc nội chiến Tây ban nha (từ năm 1936-1939) sẽ được phong chân phước trong Thánh lễ tại giáo phận Almeria, Tây ban nha, vào ngày 25/03 tới đây.

Tháng 7 năm 1938, dù là đang mang thai, Emilia Fernandez Rodriguez bị kết án 6 năm tù vì đã cố che dấu chồng của mình khỏi bị động viên bởi lực lượng bán quân sự của đảng Cộng hòa sau khi họ chiếm Tijola và đóng cửa nhà thờ.

Ở trong tù, Emilia được một người bạn tù dạy cho cầu nguyện. Sau đó, trong cuộc hỏi cung, cô đã không chịu phản bội người dạy giáo lý cho mình nên đã bị đày vào phòng biệt giam và bỏ đói tại nhà tù Gachas Coloras ở Almeria. Sau khi sinh đứa con gái, Emilia bị bỏ cho chết một mình, không được chú ý giúp đỡ.

Trong lá thư mục vụ, Đức cha Aldolfo Gonzalez Montes của Almeria nói rằng các vị tử đạo là nhóm người mà những kẻ bách hại muốn loại trừ khỏi xã hội và họ đã tuyên xưng đức tin mà những kẻ này muốn trừ tiệt. Các vị tử đạo phải chịu chết vì danh Chúa Kitô và vì Tin mừng, bởi vì họ là các linh mục, tu sĩ, hay giáo dân, những người tuyên xưng và thực hành đức tin mà không có bạo lực.

Trong số các vị tử đạo có cha Jose Alvarez-Benavides de la Torre, nguyên là cha sở nhà thờ chánh tòa, bị bắn và ném xuống giếng sau khi bi kết tội dấu tiền và vũ khí.

Vị tử đạo lớn tuổi nhất là cha Luis Eduardo Lopez Gascon, 81 tuổi, dòng Passionist, đã phục vụ tại Mêhicô. Cha bị bắt tại giáo xứ Adra khi những người Cộng hòa lục soát nhà xứ và buộc ca phải nuốt tràng chuỗi Mân côi. Cha qua đời ở trong tù.

Vị trẻ nhất là Luis Quintas Duran, 18 tuổi, bị bắn vào cổ khi anh không chịu từ bỏ đức tin. Vào những năm 1950, quân nhân đã bắn anh Luis đã đến xin gia đình anh tha thứ. Jose Quintas Duran, anh của Luis, một sinh viên y khoa, bị chôn sống sau khi bị bắt đào huyệt cho chính mình. Anh Jose cũng được phong chân phước.

Hơn 6800 linh mục, tu sĩ Công giáo, 12% trong tổng số linh mục tu sĩ Tây ban nha, bị giết trong cuộc nội chiến sau khi chính quyền cánh tả Popular Front phát động chiến dịch chống giáo sĩ, bao gồm việc pham thánh và đốt phá hàng ngàn nhà thờ, tu viện và đan viện.

Lần phong chân phước vào ngày 25/03 sẽ là lần thứ 22 kể từ năm 1987 các vị tử đạo thời nội chiến được tôn phong. 1584 vị đã được phong chân phước và 11 vị được phong thánh. (CNS 17/03/2017)

Hồng Thủy

Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng (Bắc hàn)

Kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận Bình Nhưỡng (Bắc Hàn)

Seoul – Năm 2017 này, giáo phận Công giáo Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập. Nhân dịp này, tổng giáo phận Seoul đã tổ chức các sáng kiến như Thánh lễ đặc biệt và một cuộc triển lãm các hình chụp.

Thánh lễ sẽ được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Seul vào ngày 18/03 tới đây và được dâng với ý chỉ cầu cho tất cả tín hữu Công giáo ở Bắc Hàn, đặc biệt những người đã sống trong 90 năm này ở Bình Nhưỡng và những người đã hy sinh mạng sống vì đức tin.

Thánh lễ sẽ do Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng giám mục Seoul và giám quản tông tòa của Bình Nhưỡng, chủ sự; cũng có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục

Victor Yoon-hee Gong, sinh tại Bình nhưỡng; Đức Tổng giám mục Osvaldo Padilla, sứ thần Tòa Thánh tại Hàn quốc, cha Matthew Hwang In-Guk, đại diện Giám mục của Bình Nhưỡng và cha Gerard Hammond, thừa sai thuộc Hội Maryknoll, vẫn còn tham gia vào các hoạt động hợp tác với Bắc Hàn

Ngoài các tín hữu tham dự Thánh lễ, có thể có sự tham dự của các Hội đoàn và dòng tu đã trợ giúp giáo phận Bình nhưỡng như Hộ thừa sai Paris, các cha Maryknoll, các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres và các nữ tu dòng Đức Mẹ Hằng Cứu giúp.

Trong Thánh lễ, một bức tranh vẽ 24 vị tử đạo của Bình nhưỡng do cha Jerome Chang Keung-sole vẽ sẽ được đặt trước bàn thờ. Cha Chang Keung-sole cũng là thư ký điều hành của nhóm các linh mục sinh tại Bình Nhưỡng và là cựu giám đốc của Ủy ban hòa giải dân tộc Hàn quốc.

Trong số 24 vị tử đạo, có đức cha Francesco Borgia Hong Yong-ho, nạn nhân của chế độ Bắc Hàn vào năm 1949, hiện nay được gộp vào nhóm các vị tân tử đạo Hàn Quốc (tất cả 214 vị, gồm có Giám mục, Linh mục và giáo dân) đang trong tiến trình phong chân phước.

Cuộc triển lãm các hình chụp trưng bày hình ảnh đời sống của giáo xứ Bình Nhưỡng được chụp giữa các năm 1920 và 1950. Chủ đề của cuộc triển lãm là: “Anh em hãy đứng lên, chúng ta đi Mt 26,46)”. Trong lời giới thiệu cuộc triển lãm, Đức Hồng Y Yeom nói: “Thời gian trôi qua, những kỷ niệm của chúng ta về các tín hữu Công giáo đã sống ở Bắc hàn có khuynh hướng mất đi. Những gì chúng ta thấy nơi các tấm hình này ngày nay không còn có ở Bắc Hàn nữa. Cử hành kỷ niệm 90 năm thành lập giáo phận quan trọng đối với chúng ta để làm sống lại ký ức và không quên những anh em đã được rửa tội ở Bình nhưỡng, những người đã chiến đấu cho đến cùng để gìn giữ đức tin Công giáo của họ.” 

 

Cậu bé 8 tuổi, “nhờ các thiên thần”, đã nâng chiếc xe để cứu người bố bị đè

Cậu bé 8 tuổi, “nhờ các thiên thần”, đã nâng chiếc xe để cứu người bố bị đè

Ngày 30 tháng 7 năm 2016, chú bé J.T. Parker, 8 tuổi cùng với anh trai Mason 17 tuổi của mình phụ giúp cha của họ là ông Stephen sửa xe trong hiên nhà ở thành phố Sugar, bang Idaho, Hoa kỳ. Chẳng may, vài phút sau khi Mason bị đứt tay và đi vào nhà, chỉ còn chú bé J.T.  bên cạnh bố, ông Stephen bị chiếc xe đè lên người. Chú bé J.T. đã nhanh nhẹn lấy cây sắt và tìm cách nâng chiếc xe lên. Cậu bé J.T.  nghĩ là mình không thể làm được những vẫn thử. Còn ông bố Stephen thì không thể cử động được, vì ông bị đè chặt. Ông biết là tất cả chỉ nhờ vào cậu bé J.T. nhưng cũng nghĩ: “Nó không làm được điều gì. Nó không thể nâng chiếc xe lên…”.

Thế nhưng cậu bé J.T. đã nâng được chiếc xe lên, sau đó cậu chạy đi tìm anh Mason và Mason đã gọi số 911, số cấp cứu. Ông Stephen chỉ bị gãy 13 cái xương sườn, còn các cơ quan nội tạng của ông không bị tổn thương gì. Theo ông Stephen, đó là một phép lạ.

Một tuần sau đó, cha mẹ của bé J.T. đã quay một video và yêu cầu bé thử nâng chiếc xe lên lại, nhưng mà bé không thể làm nổi. J.T. được hỏi đã nghĩ gì vào ngày xảy ra tai nạn và lấy đâu ra sức mạnh để làm đieèu này, J.T. trả lời cách đơn giản: “Các thiên thần.”

Hội Chữ Thập đỏ Idaho đã chọn J.T. là một trong những “anh hùng thật sự của miền Đông Idaho” năm 2017. Jodi, mẹ của J.T, khẳng định: “Tất cả sự kiện này là một phép lạ. Không còn cách nào khác để miêu tả nó. Không có cách nào mà một đứa bé có thể làm điều mà J.T. đã làm. Tôi nghĩ chúng tôi có trách nhiệm nói với dân chúng rằng thật sự có các phép lạ.” (Aleteia.it 09/03/2017)

Hồng Thủy

 

Buổi cử hành đại kết dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh

Buổi cử hành đại kết dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh

Ngày 22/03 tới đây, một buổi phụng vụ đại kết sẽ được cử hành tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Chúa Giêsu.

Ngay chính giữa nhà thờ Mộ Thánh là Edicule (tiếng Anh và tiếng Pháp gọi giống nhau). Đây là một cấu trúc được xây, bao phủ quanh Mộ Chúa Giêsu.

Sau 9 tháng thực hiện việc trùng tu, các Giáo hội Công giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni Tông truyền – coi sóc  đền thờ thánh Anatasio – đã cùng nhau quyết định rằng các khách hành hương và du khách sẽ có thể thăm viếng Mộ Chúa Giêsu, sau khi các giàn giáo bao quanh được tháo gỡ.

Antonia Mariopoulou, kỹ sư của Học viện bách nghệ của Athen và điều hợp viên khoa học của công trình chia sẻ: “9 tháng trùng tu đã được đánh dấu bởi những thời khắc lịch sử. Đầu tiên là việc mở Mộ Chúa Giêsu vào tháng 10 – lần đầu tiên sau 200 năm – và là lần thứ 3 trong lịch sử.”  Bà nói tiếp: “Chúng tôi đã thấy một lớp đá cẩm thạch và dưới đó, một lớp đá cẩm thạch khác màu xám, bị phủ bởi bị đất. Với sự cho phép của 3 cộng đoàn Kitô giám quản, chúng tôi đã đào lớp đất này lên. Chúng tôi đã tìm thấy, chứ không phải là khám phá ra, một phiến đá được chạm khắc và chúng tôi đã hiểu chính ở đây, một ai đó được chôn cất, ở đây, xác của Chúa Giêsu được đặt ở đây.”

Cấu trúc Edicule bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 1809-1810, là công trình xây dựng cuối cùng sau công trinh thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ chứa xác Chúa Giêsu, sau khi được hạ xuống khỏi thập giá. Kiến trúc nhanh chóng có những dấu hiệu không chắc chắn; sự thay đổi của vữa, thời tiết, khói nến hay hơi thở của số đông du khách và khách hành hương đã làm cho công trình thêm suy yếu.

Trong 9 tháng, các chuyên gia và nhân công đã làm việc hết mình, ngày cũng như đêm, làm một công việc tỉ mỉ và phục hồi tinh tế. Edicule đã bị tháo dỡ hoàn toàn; tẩy sạch, gia cố, được xây dựng lại như ban đầu. Chỉ những mảnh không thể phục hồi mới bị thay thế. (RV 27/02/2017)

Hồng Thủy

Các phép lạ mới và ít được biết đến của cha Thánh Piô

Các phép lạ mới và ít được biết đến của cha Thánh Piô

“Cha Piô”, tên gọi đơn giản nhưng thân thuộc mà tín hữu khắp nơi trên thế giới dùng để gọi cha Thánh Piô thành Pietrelcina. Cha Piô sinh ngày 25 tháng 5 năm 1887, với tên Francesco Forgione, trong một gia đình Công giáo đạo hạnh ở Pietrelcina, Italia. Vào năm 15 tuổi, cha gia nhập dòng capuchinô và trở thành Linh mục. Trong suốt cuộc đời, cha Piô được biết đến như là một nhà huyền bí, được mang 5 dấu thánh của Chúa Giêsu trong suốt 50 năm – các vết thương ở chân tay và cạnh sườn như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Nhiều phép lạ và dấu lạ đã được thực hiện bởi cha Piô như các vụ chữa lành, đọc được nội tâm, bay lên và thậm chí xuất hiện ở hai nơi khác nhau trong cùng thời gian. Ngài là một trong những vị thánh vẫn đang thực hiện nhiều phép lạ trong Giáo hội cho đến ngày nay, cho những ai xin ngài khấn cầu.

Còn cha John Paul Zeller là một thừa sai dòng Phanxicô Ngôi lời vĩnh cửu và là một thừa sai Lòng thương xót đến từ thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama, Hoa kỳ. Cha đang giữ một thánh tích hạng nhât của cha Piô và đã tận mắt chứng kiến những lần chữa lành qua lời cầu bầu của cha Piô với thánh tích cầm trên tay. Đối với cha Zeller, cha Piô là một vị thánh bầu cử rất quyền thế. Cha Zeller kể lại rằng ban đầu cha không có lòng kính mến đặc biệt đối với cha Piô. Cha luôn tưởng tượng ra cha Piô rất là nghiêm khắc và sợ xin ngài cầu bầu vì sợ cha Piô cũng nghiêm khắc với cha. Nhưng vào năm 2004, sau khi cha Pio được Thánh Giao hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh, cha Zeller đã hành hương đến thành phố San Giovanni Rotondo, nơi cha Pio đã phục vụ trong thánh chức Linh mục phần lớn thời gian ở đó, và lòng yêu kính đối với cha thánh Piô đã gia tăng từ đó. Cha Zeller đột nhiên cảm thấy mình có mối liên hệ với cha Piô, vì thánh nhân đã chọn ngài chứ không phải ngài chọn thánh nhân. Giờ đây cha nhận ra cha Piô thật sự là một tu sĩ vui vẻ. Cha nghĩ là cha Piô có vẻ nghiêm khắc là vì “thánh nhân biết khi nào người ta không ăn năn hoán cải.” Người ta nói là Cha Piô có thể ngửi được mùi của tội. Cha lo lắng cho ơn cứu độ của các linh hồn và mang lòng thương xót và tha thứ của Chúa đến cho các linh hồn của dân chúng.

Sau khi học biết về cuộc đời của cha Piô, cha Zeller được đánh động và lấy hết can đảm để xin các bề trên tu viện ở San Giovanni cho cha một thánh tích của cha Piô. Cha bề trên đã đồng ý và tặng cho cha Zeller không chỉ một, nhưng tới hai mảnh băng thấm máu mà cha Piô buộc quanh vết thương của các dấu thánh. Sau khi nhận được thánh tích của cha Piô, cha đã tặng cho cộng đoàn của cha, được Mẹ Angelica, người sáng lập mạng lưới truyền  hình Công giáo thành lập và được phép giữ cho mình thánh tích còn lại. Cha mang thánh tích này theo minh mọi lúc. Là giám đốc hành hương của trung tâm Mạng lưới truyền hình Lời vĩnh cửu, cha có nhiều cơ hội cầu nguyện với nhiều người. Cha cầu nguyện với các tín hữu hành hương và có những trường hợp, theo cha, có sự chữa lành nhờ lời cầu bầu của cha Piô.

Một trường hợp xảy ra vào gần giữa năm ngoái (2016), trong một buổi cử hành chữa lành ở đền thánh Thánh Thể ở Hanceville vào ngày lễ Đức Mẹ Fatima, khi cha và 2 Linh mục khác đã dùng hai băng vải thánh tích của cha Pio để cầu nguyện trên dân chúng. Khi họ đang cầu nguyện, một phụ nữ bị đau thần kinh tọa tiến lên và cha đã cầu nguyện cho bà. Sau đó, phụ nữ này trở lại và cho cha biết là sau khi trở về chỗ ngồi, cơn đau của bà đã biến mất. Một trường hợp khác, không lâu sau khi nhận được thánh tích, cha Zeller đang trò chuyện với vài người bạn thì nhận ra đứa con gái 12 tuổi của một người bạn đang đau đớn vì bị viêm tai và dường như không thể lành. Cha Zeller hỏi đứa bé xem ngài có thể cầu nguyện trên cô với thánh tích không. Cô bé trả lời được. Cha Zeller cho người mẹ và cô gái thấy thánh tích. Khi cha vừa đặt thánh tích đụng tai của cô gái và bắt đầu cầu nguyện, cô bé trượt khỏi tay cha và ngã xuống đất. Cha Zeller không kịp đỡ cô bé vì nghĩ có chuyện gì xảy ra với cô. Khi cha đang lo sợ thì mẹ cô bé rất bình tĩnh, bà tin đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhưng từ lúc đó cô bé không còn bị viêm tai nữa. Một trường hợp của một phụ nữ bị bệnh tim đã 40 năm cũng được chữa lành sau khi được cha đặt thánh tích của cha Pio trên bà và cầu nguyện. Cha Zeller nhấn mạnh rằng không phải là cha, nhưng việc chữa lành là nhờ lời cầu bầu của cha thánh Piô. (CNA 22/09/2016)

Hồng Thủy

Nữ tu Đaminh cao niên nhất qua đời ở tuổi 110

Nữ tu Đaminh cao niên nhất qua đời ở tuổi 110

Paris – Giáo phận Aire-et-Dax, Pháp, thông báo rằng nữ tu Marie Bernardette, nữ tu Đaminh cao niên nhất, đã từ trần hôm 13/02 vừa qua, tại đan viện ở tỉnh Dax, hưởng thọ 110 tuổi. Thánh lễ an tang sẽ được tổ chức tại nhà nguyện của đan viện.

Sơ Bernardette sinh ngày 05/01/1907 tại Orsanco, một làng nhỏ ở xứ Basque, nước Pháp, trong gia đình có 12 người con. 3 người chị em khác của sơ cũng là nữ tu. Hôm ngày 05/01 vừa qua, sơ đã mừng sinh nhật thứ 110. Nếu còn sống, sơ sẽ kỷ niệm 90 năm khấn dòng vào ngày 18/04. Sơ đã sống qua hai cuộc chiến tranh thế giới và dưới thời của 10 vị Giáo hoàng.

Trong một bài báo của tạp chí Công giáo Pháp La Croix, nữ tu viện trưởng cho biết công việc của sơ Bernadette cũng thay đổi theo tuổi tác của sơ. Khi sơ không còn làm những công việc nhà nữa, sơ làm các tràng hat. Và khi sơ không thể làm tràng hạt được nữa, sơ đọc kinh Mân côi mỗi ngày bằng tiếng Pháp, Latinh và ngôn ngữ xứ Basque. Sơ cầu nguyệ nhiều cho Đức Giáo hoàng, cho ơn goi và cho hội dòng.

Hôm 20/02, nữ tu Candila Bellotti thuộc dòng Phục vụ bệnh nhân ở Lucca, Italia, cũng đã mừng sinh nhật thứ 110 và trở thành nữ tu cao niên nhất thế giới. (CAN 21/02/2017)

Hồng Thủy

 

Sơ Candida Bellotti, nữ tu cao niên nhất thế giới, mừng sinh nhật thứ 110

Sơ Candida Bellotti, nữ tu cao niên nhất thế giới, mừng sinh nhật thứ 110

Lucca, Italia – Ngày 20/02 vừa qua, nữ tu Candida Bellotti, dòng Phục vụ bệnh nhân của thánh Camillo de Lellis đã mừng sinh nhật thứ 110. Sơ Bellotti là nữ tu cao tuổi nhất  trên thế giới còn sống và đã sống dưới thời của 10 vị Giáo hoàng.

Lễ mừng sinh nhật thứ 110 của sơ Bellotti được tổ chức với sự tham dự của Đức Giám mục Italo Castellani của giáo phận Lucca, các nữ tu cùng dòng và một số phóng viên đến phỏng vấn sơ nhân dịp đặc biệt này.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng gửi một sứ điệp chúc mừng như sau: “Gửi đến sơ Candida Bellotti đáng kính mến, nữ tu dòng Phục vụ bệnh nhân, người với lòng biết ơn Thiên Chúa cử hành sinh nhật thứ 110. Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự trong tinh thần vào niềm vui chung trong dịp vui mừng và gửi đến những lời chúc mừng nồng nhiệt và ấm áp.”

Sơ Candida Bellotti sinh tại Quinzano, tỉnh Verona ngày 20/02/1907. Từ những năm 1930, sơ đã là y tá chuyên nghiệp tại các thành phố khác nhau ở Italia, đồng thời cũng tham gia vào việc huấn luyện các nữ tu trẻ. Từ năm 2000, sơ sống ởthành phố Lucca, tại nhà Mẹ của dòng.

Dù tuổi cao nhưng sơ Bellotti vẫn minh mẫn và năng động, về thể lý cũng như tinh thần, đặc biệt là sơ rất có khiếu hài hước, và điều này giúp sơ đối diện với khó khăn trong cuộc sống với nụ cười trên môi.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, sơ cho biết ơn gọi tu trì của sơ được gieo trồng trong một gia đình Kitô giáo. Sơ đã hành nghề may vá nhưng sơ hiểu con đường của mình là con đường khác, và sơ đã tiếp tục gieo trồng hạt giống và rồi ơn gọi đã nảy sinh.

Lời khuyên của sơ cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, là “Yêu thương, yêu thương, yêu thương thêm nữa. Với niềm vui!” Sơ cũng kêu mời họ “hãy tin tưởng vào tương lai, và dấn thân hết sức để thực hiện những mong ước của các bạn.” (ACI 20/02/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha tiếp dòng Giáo Sĩ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm

Đức Thánh Cha tiếp dòng Giáo Sĩ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm

VATICAN. ĐTC khuyến khích các tu sĩ dòng Giáo Sĩ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, gọi tắt là M.I.C., tiếp tục dấn thân phục vụ người nghèo.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-2-2017 dành cho 40 thành viên tổng tu nghị của dòng này, do thánh Stanislao Papczynski, người Ba Lan, sáng lập hồi thế kỷ 17 và được ĐTC Phanxicô tôn phong hiển thánh ngày 5-6-2016 ở Roma. Dòng MIC hiện có 456 tu sĩ phục vụ tại 61 nhà ở nhiều quốc gia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở các tu sĩ trung thành với đoàn sủng của thánh Stanislao Papczynski vị sáng lập và đồng thời nói rằng: ”Chứng tá Kitô cũng đòi anh em dấn thân với và cho người nghèo, sự dấn thân này vốn là đặc điểm của dòng anh em ngay từ đầu. Tôi khích lệ anh em hãy duy trì sinh động truyền thống phục vụ những người nghèo và khiêm hạ, qua việc loan báo Tin Mừng với ngôn ngữ dễ hiểu đối với họ, và với những hoạt động từ bi bác ái, cầu nguyện cho những người quá cố”.

ĐTC nhận xét rằng ”Thách đố lớn về việc hội nhập văn hóa ngày nay đòi anh em loan báo Tin Mừng bằng những ngôn ngữ và cách thức dễ hiểu đối với con ngừơi thời đại, đang ở trong những tiến trình biến đổi mau lẹ về mặt xã hội và văn hóa. Dòng anh em vốn hãnh diện vì có lịch sử dài, được viết lên bằng những chứng nhân can đảm của Chúa Kitô và của Tin Mừng. Theo đường hướng ấy, anh em ngày nay được kêu gọi tiến bước với lòng nhiệt thành được đổi mới, để dấn thân trên những con đường tông đồ và những biên cương truyền giáo, vơi tinh thần tự do của các ngôn sứ và sự phân định khôn ngoan, cộng tác chặt chẽ với các GM và các thành phần khác trong cộng đồng Giáo Hội” (SD 18-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Giáo hội Mông cổ chuẩn bị kỷ niệm 25 năm tái sinh

Giáo hội Mông cổ chuẩn bị kỷ niệm 25 năm tái sinh

Ulan bato – Hiện nay, có hơn 50 thừa sai và tu sĩ của 14 quốc gia trên thế giới đang truyền giáo tại Mông cổ.

Nói với hãng tin Fides hôm 02/02, cha Prosp Mbumba, thừa sai người Congo, đang truyền giáo tại Mông cổ, nói rằng: các thừa sai dâng tặng chính cuộc sống của họ cho Mông cổ; họ trung thành với ơn gọi gieo trồng mối liên hệ sâu thẳm với Chúa và trao tặng chính mình cho tha nhân. Nhờ sự phục vụ của các thừa sai và tu sĩ, Giáo hội Mông cổ sẽ sớm có thể chính thức có 3 giáo xứ.

Hôm 02/02, ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh và cũng là ngày Đời sống thánh hiến, Đức cha Wenceslao Padilla, giám quản Tông tòa của Ulan bato, đã nói với các tu sĩ hiện diện tại Phủ doãn tông tòa rằng “đó là một cơ hội để suy tư về ơn gọi thánh hiến của chúng ta, để nhìn lại nội tâm của mình và đi lại con đường của mình.

Nữ tu Nirmala, người Ấn độ, thuộc dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria, đã hoạt động tại Mông cổ hơn 10 năm, cũng đã chia sẻ rằng: “Đời sống thánh hiến nghĩa là có mối liên hệ với Chúa, mối liên hệ hàm ý sự dâng hiến bản thân. Mối tương quan với Chúa, đời sống cộng đoàn và sứ vụ ở trọng tâm của đặc sủng của chúng ta, là những yếu tố cấu tạo nên đời thánh hiến.” Chị mời gọi các thừa sai hiện diện ở Mông cổ trung thành sống một cuộc sống xứng đáng với ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận. Chị cũng nhấn mạnh: “Chỉ trong cách thế này, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể tìm được âm vang trong cuộc sống chúng ta: đời tu cổ võ sự phát triển trong Giáo hội bởi sự thu hút.”

Chị cũng nhắc rằng năm vừa qua Giáo hội tại Mông cổ được mạnh hơn với việc một Linh mục bản xứ được thụ phong Linh mục và năm 2017 này, Giáo hội chuẩn bị mừng 25 năm truyền giáo. Chị cho biết Giáo hội Mông cổ hiện có hơn một ngàn người Mông cổ được rửa tội và hàng trăm dự tòng đến từ 3 giáo xứ và 3 điểm truyền giáo. 3 điểm truyền giáo sẽ được nâng lên thành giáo xứ trong dịp kỷ niệm 25 năm Giáo hội được tái thành lập tại đây. Chị nhận định “đây là dấu hiệu chúc lành của Thiên Chúa, Đấng yêu thương dân tộc Mông cổ.” (Agenzia Fides 3/2/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Ngày Đời Sống Thánh Hiến

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Ngày Đời Sống Thánh Hiến

VATICAN. Chiều ngày, 2-2-2017, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 31, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô và kêu gọi các tu sĩ tránh cám dỗ tìm cách ”sinh tồn”,

Đồng tế với ĐTC có ĐHY João Aviz de Braz, người Brazil, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, Đức TGM Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, dòng Phanxicô, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các LM dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và đi rước tiến lên bàn thờ, do 50 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến, đảm trách.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, sau khi bình luận bài ca hy vọng của cụ già Simeon và nữ ngôn sứ Anna tín thác nơi lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa không đánh lừa, niềm hy vọng nơi Ngài không làm chúng ta thất vọng, Chúa đến gặp gỡ dân Ngài, ĐTC nhận xét rằng:

”Thái độ ấy làm cho chúng ta được phong phú, nhất là giữ gìn chúng ta khỏi một cám dỗ có thể làm cho đời sống thánh hiến của chúng ta trở nên khô cằn, son sẻ, đó là ”cám dỗ sinh tồn”. Đó là một tai ương có thể dần dần lẻn vào và ở lại trong chúng ta. Thái độ sinh tồn làm cho chúng ta phản ứng chống lại thay đổi, sợ sệt, dần dần âm thầm khép kín mình trong nhà, trong các khuôn khổ của mình. Nó phóng dội chúng ta về đằng sau, vào những cử chỉ vinh quang, nhưng thuộc về quá khứ, thay vì khơi lên tinh thần sáng tạo ngôn sứ, xuất phát từ những giấc mơ của các vị sáng lập dòng của chúng ta, nó làm cho chúng ta tìm những con đường tắt để trốn chạy những thách đố đang gõ cửa nơi chúng ta”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Tâm lý sống còn tước đoạt sức mạnh các đoàn sủng của chúng ta vì nó làm cho chúng ta thuần hóa các đoàn sủng ấy, làm cho các đoàn sủng vừa tầm tay chúng ta, nhưng không còn sức mạnh sáng tạo để chúng ta làm bùng lên.. Cám dỗ sinh tồn khiến chúng ta quên đi ơn thánh, làm cho chúng ta trở thành những nhà chuyên nghiệp về thánh thiêng chứ không phải là những người cha, người mẹ, người anh em của niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi loan báo”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tất cả chúng ta đều ý thức về sự biến đổi đa văn hóa chúng ta đang trải qua, không ai nghi ngờ về điều đó. Vì thế, điều quan trọng là những người thánh hiến phải được tháp nhập với Chúa Giêsu trong cuộc sống, trong trọng tâm của những biến đổi lớn. Sứ mạng, theo mỗi đoàn sủng riêng, là nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được sai đi để trở thành men làm cho khối lượng cụ thể này được dậy men. Dĩ nhiên là có thể có những ”bột” tốt hơn, nhưng Chúa mời gọi chúng ta hãy làm dậy men ở đây và trong lúc này, với những thách đố được đề ra cho chúng ta. Không phải với thái độ tự vệ, để cho sợ hãi thúc đẩy, nhưng là tra tay cầm cầy, tìm cách làm cho hạt giống được tăng trưởng giữa những cỏ lùng cỏ dại.. Đặt Chúa Giêsu ở giữa dân Ngài có nghĩa là có một con tim chiêm niệm, có khả năng nhìn nhận cách thức Chúa bước đi qua những nẻo đường trong thành thị chúng ta, nơi đất nước chúng ta, trong các khu phố của chúng ta. Đặt Chúa Giêsu ở giữa dân ngài có nghĩa là đảm trách và muốn giúp vác đỡ thánh giá của anh chị em chúng ta, muốn động chạm đến các vết thương của Chúa Giêsu trong các vết thương của thế giới, đang bị thương và khao khát, cầu mong được sống lại”…. (SD 2-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP