Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Jakarta – Để hỗ trợ nạn nhân buôn người ở tòa án, 19 nữ tu Indonesia, một chủng sinh dòng Phanxicô, một phụ nữ Hồi giáo và một mục sư Tin Lành đã tham gia một hội thảo về các vấn đề pháp lý. Hội nghị chuyên đề diễn ra tại East Jakarta từ ngày 15 đến 18 tháng 5, với sự hiện diện của các chuyên gia pháp lý.

Trong nhiều năm các nữ tu thuộc nhiều hội dòng khác nhau đã dấn thân vào cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính cản trở công việc của họ là không thể tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự tại các phòng xử án, do thiếu trình độ chuyên môn cần thiết. Sơ Kristina Fransiska nói với Asia News rằng nhờ hội thảo, những người tham gia có thể hiểu được những đặc quyền nào để họ có quyền hiện diện hợp pháp tại phiên tòa.

Sơ Kristina nói: “Vì chúng tôi muốn chăm sóc nạn nhân buôn người, chúng tôi muốn tham gia tranh luậnở mỗi vụ án”. Nữ tu là một chuyên gia pháp lý chuyên nghiệp và là cựu giáo sư của đại học Công giáo Widya Karya ở Malang. Sơ nói tiếp: "Trong nhiều năm chúng tôi đã bị ngăn không cho tham gia tại những phiên tòa như thế này. Điều này là một nỗi đau".

Các chuyên gia của Human Rights for Women trình bày những vấn đề mà sẽ được đem ra thảo luận. Sơ Kristina khẳng định: "Mục đích là để có một nhận thức chung và các quy trình vận hành chuẩn khi chúng tôi phải đối phó với các vấn đề liên quan đến nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và công nhân dưới độ tuổi tối thiểu. Trong những năm gần đây, những người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ". Một số chủ đề được thảo luận là: sự khác biệt về giới trong các vấn đề tình dục; quyền con người đối với phụ nữ; các phong trào, nhóm và cộng đồng để bảo vệ phẩm giá con người; dịch vụ công cho nạn nhân; quy trình và phương pháp tư vấn; xác định các trường hợp, thủ phạm và nạn nhân; thẩm định pháp lý và các kỹ năng khác.

Trong số các nữ tu tham gia tại các buổi làm việc có sơ Vincent Pmy, một chuyên gia pháp lý, đã nhận bằng cử nhân tại đại học quốc gia Diponegoro của Semarang. Sơ nói: "Hội thảo nhằm tạo ra một bầu không khí mới cho phép công việc của chúng tôi đạt được kết quả tốt hơn. Hy vọng rằng các nữ tu tham gia vào sứ vụ đặc biệt này có thể làm hết sức mình cho các phiên tòa tại tòa án".  (Asia News 25-5-2018)

Ngọc Yến

 

Giáo hội Công giáo Phi châu chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới

Giáo hội Công giáo Phi châu chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới

Vài tháng trước khi Thượng hội đồng Giám mục thế giới về “Người trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi”, Giáo hội tại Phi châu đã tổ chức các cuộc gặp gỡ để nâng cao nhận thức và thu thập ý kiến của người trẻ. Tại nhiều nước ở châu lục này, các phong trào và tuyên úy giới trẻ đã tích cực hoạt động để chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng 10 năm nay.

Vấn đề lớn của Togo là vấn đề thông tin.

Tại Togo, các phong trào giới trẻ và tuyên úy nhiều giáo phận đã thực hiện nhiều hoạt động thông tin và nâng cao nhận thức về sự kiện nay. Tuy thế, nhiều người trẻ tuổi không được biết nhiều về sự kiện lớn này. Trong số những người trẻ được báo La Croix Africa phỏng vấn, có một số bạn chỉ trích Giáo hội không nỗ lực trong việc thông tin về Thượng Hội đồng. Clotilde, một bạn trẻ Công giáo sống tại Lomé than thở: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi không thông tin cho các tín hữu đầy đủ về thượng hội đồng về giới trẻ.” Nhưng Ủy ban Điều hành Thanh niên Công giáo tiến hành (Ccacj) khẳng định rằng có một ủy ban đặc biệt, bao gồm các phong trào giới trẻ của các giáo xứ khác nhau, đang làm việc để giúp các người trẻ tham gia tốt hơn vào việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, đặc biệt là qua các câu trả lời thực hiện trên mạng internet. Anh Fabrice Folly-Aziamagnon Chủ tịch Hội Ủy ban Điều hành của Thanh niên Công giáo tiến hành miền Lomé, chia sẻ rằng các câu trả lời cho bản câu hỏi của Thượng hội đồng sẽ được thu thập, xử lý và gửi đến ban thư ký của Thượng Hội Đồng trước tháng 12. Anh cũng cho biết thêm rằng các hoạt động khác nhau đang được lên kế hoạch cho năm tổ chức Thượng hội đồng. Anh nhắc đến, cách đặc biệt, một diễn đàn gồm mười hai phiên được tổ chức trong ba năm, từ năm 2018, về các chủ đề về học thuyết xã hội của Giáo hội.

Mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ Benin là công việc làm

Tại Benin, một quốc gia khác ở Phi châu, công việc làm là mối quan tâm  hàng đầu của giới trẻ nước này. Thượng hội đồng về giới trẻ tạo nên phản ứng kép, tương phản, giữa những người trẻ tuổi. Cha Hippolyte Johnson, tuyên úy giới  trẻ của Giáo phận Lokossa, ở phía Tây Nam Benin, ghi nhận rằng về một phương diện, một số người trẻ tuổi hài lòng, “vì đó là cơ hội để họ trình bày những hoàn cảnh mà họ sống.” Mặt khác, cha nhận thấy rằng những người trẻ tuổi có ấn tượng rằng “không ai quan tâm đến họ.” Cédric Lichéou, tổng thư ký hội giới trẻ sinh viên Kitô giáo, 27 tuổi, khẳng định điều này, cô nói: “Những người trẻ tuổi dành thời gian tham gia vào các phong trào giáo xứ, nhưng các linh mục dường như không quan tâm đến phúc lợi xã hội của họ. Chúng tôi nghĩ Thượng hội đồng là cơ hội để tìm ra các giải pháp cho vấn đề.”

Theo lời cha Benoît Luquiau, tuyên úy giới trẻ Bénin, một vấn đề khác được người trẻ liên tục nêu lên, đó là công việc làm. Cha nói: “Những kỳ vọng mà người trẻ quan tâm hơn hết chính là những kỳ vọng về công việc làm và sự hỗ trợ trong đời sống tinh thần.” Còn cha Ludovic Gnansounou của giáo phận Dassa, ở trung tâm Benin, nhận đinh rằng những người trẻ, “họ đang tìm điều gì đó cụ thể; đó là việc làm.” Jérôme Acakpo, 34 tuổi, phụ trách văn phòng điều phối chung của thanh thiếu niên Cotonou, đồng ý với ý kiến của các cha tuyên úy về tình cảnh của giới trẻ. Anh cũng nói thêm rằng việc tìm kiếm công việc làm đẩy những người trẻ rời khỏi Giáo hội và gia nhập những hệ phái tôn giáo cung cấp cho họ những ảo ảnh.

Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Bờ biển Ngà mời gọi người trẻ cộng tác với Giáo hội

Giới trẻ tại Côte d’Ivoire, Bờ biển Ngà, được mời gọi thông truyền niềm hy vọng và ước vọng của họ. Ngày 4 tháng 3 vừa qua, trong một cuộc hành hương với sự tham dự của 35 ngàn bạn trẻ, Đức Sứ thần Tòa Thánh Joseph Spiteri đã ngỏ lời với họ: “Nếu những người trẻ cộng tác với chúng tôi, chúng tôi sẽ hiểu vai trò của các bạn trong Giáo hội tốt hơn. Chúng ta phải cầu nguyện cho các Giám mục của chúng ta, để Chúa Thánh Thần giúp các ngài hiểu tốt hơn vài trò của các ngài và vị trí của người trẻ trong Giáo hội.” Cha Lawrence Eugène Awouondji, tuyên úy giới trẻ giáo phận ở Abidjan cho biết rằng các vị lãnh đạo Giáo hội đang tổ chức để cố gắng đưa các bạn trẻ tham gia vào Thượng hội đồng này, là kỳ Thượng hội đồng rất quan trọng đối với các bạn trẻ trên toàn thế giới. Cha cho biết Bờ biền Ngà cũng có một phái đoàn hiện diện tại khóa họp tiền Thường hội đồng và vào chính kỳ Thượng hội đồng vào tháng 10.

Hội nghị quốc tế tại Dakar, Senegal

Để giúp các bạn trẻ Senegal chuẩn bị cho Thượng hội đồng về giới trẻ, các nữ tu dòng Đức Mẹ Vô nhiễm ở Castres đã tổ chức một hội nghị quốc tế tại Dakar vào 2 ngày, 26-27 tháng 1 vừa qua. Hàng trăm bạn trẻ đã họp nhau để nghe Đức Tổng Giám mục Benjamin Ndiaye của Dakar và Đức Sứ thần Tòa Thánh Michael Banach ở Senegal nói về Thượng hội đồng. Sau đó, các bản tóm kết các buổi nói chuyện đã được trao cho vị đại diện của Đức Thánh Cha mang về Roma. Những điều tổng kết này cũng được trao cho các phong trào giới trẻ và đại diện của họ, để những điều này có thể được thực hiện tại các tổ chức của Giáo hội.

Giới trẻ Congo cầu nguyện và suy tư về sự tham dự và đóng góp cộng tác của họ vào đời sống Giáo hội

Tại Cộng hòa dân chủ Congo, các bạn trẻ được mời gọi tham dự một ngày cầu nguyện và suy tư về Thượng hội đồng vào ngày 10 tháng 3. Đáp lại lời mời của Ủy ban về Tông đồ Giáo dân của Hội đồng Giám mục, các bạn trẻ từ các gíao phận đã đến và thảo luận về sự tham dự và đóng góp cộng tác của họ vào đời sống Giáo hội. Vào cuối ngày họp mặt, cha Father Zéphyrin Ligopi, Tổng thư ký Ủy ban về Tông đồ Giáo dân của Hội đồng Giám mục, đã chia sẻ với các bạn trẻ: “Chúng tôi muốn ở bên các bạn trẻ để cầu nguyện và trò chuyện với họ, để cố gắng tìm ra những con đường và cách thức mới để biết và giải đáp những thao thức chờ đợi của Giáo hội.” Cha khẳng định ngày họp mặt là cơ hội tốt để nhìn thấy những người trẻ của chúng ta đang sống kinh nghiệm năm Thượng hội đồng như thế nào. Cha Joachim Ntete, tuyên úy giới trẻ Công giáo toàn quốc mời gọi các bạn trẻ hãy thực hiện theo khả năng của họ về chủ đề của Thượng hội đồng và hãy loan báo cho người khác biết về nó. (La Croix Africa)

Hồng Thủy

Ngôi nhà của nữ tu Lucy Kurien, nơi đón tiếp và trợ giúp các nạn nhân của bạo lực ở Ấn Độ

Ngôi nhà của nữ tu Lucy Kurien, nơi đón tiếp và trợ giúp các nạn nhân của bạo lực ở Ấn Độ

«Mục đích của Maher – “Nhà của Mẹ” là tạo ra một xã hội không cần đến Maher». Đây là những lời ngắn gọn nhưng đây đủ của một tu sĩ Dòng Tên Francis D'Sa khi giới thiệu công việc của sơ Lucy Kurien, người đã thiết lập  ở Ấn Độ từ năm 1997 một ngôi nhà với mục đích trợ giúp các phụ nữ bị lạm dụng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lịch sử Ấn Độ đã từ lâu nói về những hoàn cảnh đau thương của các phụ nữ Ấn Độ: bị thiêu sống, bị tạt axit, bị hãm hiếp ở mọi lứa tuổi và sau đó bị bỏ rơi trên đường phố, bị bỏ đói đến chết, bị tra tấn hay bị giết từ người chồng vì lý do của hồi môn, bị bán làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ… Người ta vẫn còn nhớ lại câu chuyện thương tâm của một bé gái mới tám tháng tuổi bị một người họ hàng cưỡng hiếp và trường hợp của một người vợ trong lúc ngủ đã bị người chồng lừa dối lấy đi một quả thật; cô chỉ phát hiện được điều này khi tỉnh dậy, quả thận đã bị lấy để bán  ở chợ đen như một  vật trao đổi vì đã không nộp của hồi môn. Đó là những hình ảnh làm cho hoàn cảnh thật ảm đạm, những tội ác này lại thường diễn ra dưới mắt những đứa trẻ trong gia đinh, gây những hậu quả nghiêm trọng về sự phát triển cho chúng.

Theo Indu Prakash Singh, tác giả của nhiều cuốn sách viết về tình trạng phụ nữ ở Châu Á;  ở Ấn Độ hiện nay dường như có hai hệ thống pháp luật song song, một cho phái nam và một cho phái nữ. Nhà nghiên cứu cho biết các dữ liệu rất khó tìm, nhưng thực tế cho thấy những vụ giết người vì của hồi môn đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Trên 90 phần trăm các vụ bạo hành phụ nữ và trẻ em  được ghi nhận là do tai nạn gia đình, 5 phần trăm là do tự tử, chỉ có 5 phần trăm còn lại được cho là nguyên nhân của một vụ giết người.

Một số phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các tội ác này đã có cơ hội gặp sơ Lucy. Người ta có thể đọc được câu chuyện của họ qua cuốn sách có tựa đề Women Healing Women: A Model of Hope for Oppressed Women Everywhere (Hohm Press, 2009) giới thiệu những công việc thiết thực, hữu ích của người nữ tu Công giáo này, người mà ngày nay vẫn còn đi khắp thế giới để làm chứng cho sứ vụ của mình. Ví dụ người ta đọc được câu chuyện về một cô dâu trẻ bị bố chồng hãm hiếp. Cô tuyệt vọng trở về với gia đình của mình. Đáp lại, cha của chính cô yêu cầu cô tự sát vì không muốn nghe điều ô nhục này. Cô dâu trẻ đã được cứu. Trên thực tế, những trường hợp may mắn như vậy rất ít, còn hàng ngàn trường hợp như vậy không được biết đến.

Sơ Lucy sinh năm 1956 tại ngôi làng nhỏ Kolayad ở Kerala, cha mẹ cô là mẫu gương tuyệt vời, là động lực cho sự nhiệt tâm thi hành sứ vụ tông đồ của cô. Chính cô nói: "Tôi mang ơn cha mẹ tôi rất nhiều. Cha mẹ là món quà tuyệt vời, là mẫu gương cho cuộc sống của tôi. Tình yêu của cha mẹ mà tôi nhận được, đó là món quà mà tôi cũng muốn trao ban lại cho người khác". Gia đình Lucy thuộc về đẳng cấp Bà la môn, giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ, nhưng ngay từ nhỏ bố mẹ cô dạy con mình biết chia sẻ những gì họ có với những người nghèo khổ. Năm hai mươi tuổi Lucy vào Dòng Sisters of the Cross; quyết định này theo cô không đơn giản, bởi vì cô đã có một công việc ổn định ở Mumbai, cô không muốn từ bỏ tự do, bao gồm cả tự do kinh tế. Tuy nhiên, lời mời gọi của Thiên Chúa và người nghèo lại có sức quyến rũ đối với cô hơn.

Trở thành nữ tu, trong hơn hai thập kỉ, cùng với các Kitô hữu, người Hồi giáo, người Hindu và các nữ tu thuộc các Hội dòng khác, sơ Lucy đã quản lý Maher (có nghĩa là "Nhà của Mẹ"), là nơi trú ngụ cho các phụ nữ và trẻ em thuộc mọi giai cấp và tôn giáo bị bạo hành, ngược đãi.

Maher – "Nhà của Mẹ" được khai sinh vào ngày 2 tháng 2 năm 1997 do sơ Lucy và Cha Francis D'Sa, một linh mục dòng Tên. Trong cùng ngày ngay lập tức có hai phụ nữ bị ngược đãi được đón tiếp. Ban đầu người dân trong làng không chấp nhận sự hiện diện của ngôi nhà này, nhưng rồi với sự kiên nhẫn và sự tử tế họ đã vui vẻ đón nhận.

“Nhà của Mẹ” mở cửa 24 giờ một ngày trong cả năm. Các phụ nữ đến với ngôi nhà này họ không chỉ được đón tiếp như một nơi tạm trú, mà còn được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật. Nếu có thể, mục tiêu cuối cùng của các thiện nguyện viên là khôi phục những phụ nữ bị thương và bị ngược đãi này trở lại với môi trường xã hội. Hơn nữa, trung tâm còn quan tâm theo dõi và hỗ trợ sau khi những người này đã được ổn định và rời khỏi trung tâm.

Có rất nhiều hoạt động mà “Nhà của mẹ” thực hiện trong nỗ lực phục hồi nhân phẩm và tự do cho phụ nữ. Nhiều người trong số họ bị tổn thương đến nỗi họ không còn nhớ mình là ai nữa. Chính vì thế những người đến đây  được đón tiếp và chăm sóc như những người con trong gia đình.

Mấu chốt thành công của "Nhà của Mẹ"  là một nhóm phụ nữ chăm sóc những phụ nữ khác. Trên thực tế, nhiều người làm việc ở đó đã là nạn nhân, bây giờ họ lại tiếp tục giúp đỡ những nạn nhân khác.

Với sự quan tâm rất lớn đến từng chi tiết, "Nhà của Mẹ"  hoạt động không đơn lẻ, nhưng có sự phối hợp cộng tác chặt chẽ với cộng đồng xung quanh. Ra đời trên thực tế là nơi trú ngụ của phụ nữ bị ngược đãi, cộng đồng đã mở rộng vùng hoạt động để giải quyết các vấn đề kinh tế khẩn cấp, các vấn đề về sinh thái, hỗ trợ cho các làng lân cận, giúp đỡ những người ở xa, cố gắng xóa việc phân chia giai cấp trong xã hội.

Muốn tóm tắt sứ mệnh của Maher – “Nhà của mẹ” và của sơ Lucy một cách đầy đủ, chúng ta có thể nói về việc “chữa lành và hòa giải”. Tính đặc thù của công việc được thực hiện trên thực tế nằm ở khả năng cung cấp các câu trả lời thiết thực và thực tiễn cho những bất công to lớn mà người Ấn gặp phải, trở thành nguồn hy vọng cho phụ nữ và trẻ em bị đánh, hãm hiếp, làm nhục, nạn nhân của việc khai thác và giết người, bị áp bức trên khắp thế giới. Ngôi nhà của sơ Lucy thực sự là “Ngôi nhà của mẹ” cho phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi. (L’osservatore Romano 14 -3- 2018)

Ngọc Yến

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ vọng Phục Sinh và rửa tội cho 8 dự tòng

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ vọng Phục Sinh và rửa tội cho 8 dự tòng

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 31-3-2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 8 dự tòng, gồm 4 người Ý, và những người còn lại đến từ Albani, Peru, Nigeria và Hoa Kỳ. Người lớn nhất 52 tuổi và người trẻ nhất 28 tuổi. Đặc biệt có anh John Francesco Ogah 32 tuổi (1986) người Nigeria, được báo chí coi là ”anh hùng di dân”.

 Ngày 26-9-2017, một tên bất lương người Ý, đã dùng một dao bầu uy hiếp người giữ két bán hàng trong chi nhánh siêu thị Carrefour Express ở khu Casalina ngoại ô Roma và cướp được 400 Euro. Ogah lúc đó ăn xin từ 6 tháng trước đó trước siêu thị, anh ta đã dùng tay không đánh ngã tên cướp. Sau khi tên cướp bị bắt, anh Orah lẫn trốn ngay vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Nhưng máy thu hình của siêu thị thu cảnh tượng đó. Cảnh sát bắt tên cướp và hắn bị kết án 4 năm tù, còn anh Ogah được bộ chỉ huy hiến binh tỉnh Roma đề nghị và được chính quyền cấp giấy cư trú hợp pháp, rồi tìm được việc làm ổn định như một người coi kho cho hội Chữ Thập đỏ. Anh mong ước được ĐTC rửa tội và ước nguyện này được thành tựu đêm vọng Phục Sinh, 31-3-2018 và được đại úy hiến binh ở Roma Casalina đỡ đầu. Anh nhận tên thánh là Francesco.

 Đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 45 GM và 300 linh mục trước sự tham dự của khoảng 8 ngàn tín hữu. Như thường lệ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô, từ tiền đường đền thờ tiến lên bàn thờ.

 Trong bài giảng, ĐTC phân tích thái độ im lặng của các môn đệ trước những bất công mà Thày mình phải chịu và nghĩ rằng mình không thể làm được gì để vượt thắng bao nhiêu bất công. Ngài nhắc nhở ý nghĩa việc cử hành lễ Phục sinh của Chúa và nói rằng: ”Cử hành lễ Phục Sinh có nghĩa là tái tin rằng Thiên Chúa đang đột nhập và không ngừng đột nhập trong lịch sử của chúng ta, thách thức những chủ thuyết duy định mệnh của chúng ta, đồng nhất hóa và làm tê liệt. Cử hành lễ Phục Sinh là để cho Chúa Giêsu chiến thắng thái độ nhát đảm bao nhiêu lần vây bủa chúng ta và chôn vùi mọi thứ hy vọng”.

 ”Tảng đá lấp mộ đã bị gạt sang một bên, các phụ nữ đến viếng mộ đã góp phần của họ và giờ đây lời mời lại gửi đến anh chị em và tôi: lời mời gọi hãy phá vỡ thói quen lập đi lập lại, canh tân cuộc sống chúng ta, những chọn lựa và cuộc sống chúng ta. Lời mời gọi được gửi đến chúng ta nơi chúng ta đang sống và hoạt động. Chúng ta có muốn tham dự vào lời loan báo sự sống hay tiếp tục câm nín trước các biến cố?” (Rei 31-3-2018)

 G. Trần Đức Anh OP 

Các Giám Mục Việt Nam đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha

Các Giám Mục Việt Nam đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha

VATICAN. Lúc 7 giờ sáng 8-3-2018, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với 32 GM Việt Nam tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

Trong thánh lễ ĐTC không giảng, nhưng mọi người đặc biệt cầu nguyện cho linh hồn Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc.

 

Theo dự kiến, Lễ cầu hồn cho Đức Cố TGM có thể sẽ được ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chủ sự tại nhà nguyện Ngai Tòa (Cattedra) cùng với các GM và LM Việt Nam trong Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 10-3-2018, nơi các GM Việt Nam đã cử hành thánh lễ đầu tiên sáng ngày 3-3-2018 trong tuần lễ hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Cho đến lúc này, người ta chưa rõ linh cữu của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc có hiện diện trong thánh lễ như các GM Việt Nam mong muốn hay không. Trong khi đó, thủ tục đang được tiến hành để đưa linh cữu của ngài về Việt Nam an táng.

Mặt khác, sáng 8-3-2018, HĐGM Việt Nam đã chia thành 3 nhóm để thăm một số cơ quan Tòa Thánh:

– Nhóm thứ I do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm trưởng đoàn thăm Bộ Truyền Thông và Hội đồng đối thoại liên tôn.

– Nhóm thứ II (lẽ ra do Đức TGM Sàigòn hướng dẫn) thăm Bộ giáo sĩ, Bộ giáo lý đức tin và Bộ giáo dục Công Giáo.

– Nhóm thứ III do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, hướng dẫn thăm Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, Bộ các dòng tu, và Bộ Giáo dân và Gia đình.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma

ROMA. ĐTC nhắn nhủ các LM hãy chọn cho mình một vị hướng dẫn khôn ngoan và kinh nghiệm trong cuộc sống và sứ vụ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ theo truyền thống với hàng giáo sĩ Roma, sáng thứ năm 15-2-2018 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Đa số các LM hiện diện là các cha sở.

Đến nơi vào lúc 10 giờ rưỡi, ĐTC đã cùng các linh mục cử hành buổi thống hối tập thể và sau đó ngài giải tội cho nhiều linh mục.

Trong cuộc đối thoại tiếp đó, ĐTC đã trả lời các câu hỏi do 3 LM nêu lên về cách thức sống sứ vụ: bắt đầu là một LM trẻ, rồi đến 1 LM trung tuổi và sau cùng là một LM cao niên.

Với mỗi lứa tuổi, ĐTC đều đưa ra những nhận định và lời khuyên thực tế: ngài nói: ”các LM hãy tìm kiến một vị hướng dẫn khi còn trẻ ở ở tuổi trung niên, và cũng hãy sẵn sàng làm người hướng dẫn khi ở tuổi cao niên.”

ĐTC nói đến những rủi ro và tiềm năng của mỗi lứa tuổi. Với các LM trẻ, ngài khuyên không nên quá để ý đến những hoàn cảnh của cuộc sống, nhưng hãy kiến tạo cho mình một lối sống, một đường lối hợp với mình để thi hành sứ vụ. LM là người độc thân nhưng không thể sống một mình, cần có một người hướng dẫn giúp mình phân định trong thời kỳ phong phú của đời sống linh mục.

Với những LM ở lứa tuổi 40, 50, ĐTC ví tuổi này của LM giống như một người chồng đã qua thời kỳ yêu đương và cảm xúc của người trẻ. Cũng vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, ở lứa tuổi này càng cần có người hướng dẫn để phân định, cần cầu nguyện nhiều hơn, vì tiến bước một mình là điều nguy hiểm. Đó là lúc ta thấy các con cái thiêng liêng tăng trưởng, nhưng sự phong phú của mình bắt đầu suy giảm. Điều quan trọng là không chùn bước, không chiều theo nhiều cám dỗ ở tuổi này.

Với các LM trên 50 tuổi, và có nhiều năm sứ vụ, ĐTC nhận xét rằng đây là thời kỳ khôn ngoan trong đó các LM được kêu gọi cống hiến sự dễ thương dễ mến và sẵn sàng, kể cả bằng nụ cừơi. Cần làm sao để các tín hữu đến xưng tội với một LM cao niên, không cảm thấy sợ hãi, nhưng thấy đó là một người niềm nở tiếp đón.

ĐTC xác tín rằng các LM cao niên vẫn còn có thể làm nhiều việc, nhất là việc mục vụ bằng tai, nghĩa là lắng nghe, gần gũi những người đau khổ, bày tỏ lòng cảm thương đối với họ. Đó là thời kỳ tha thứ vô điều kiện. Ngài cũng mời gọi các LM cao nhiên hãy đối thoại với các LM trẻ và giúp họ tìm ra những căn cội mà thế hệ ngày nay đang cần.

Sau cùng, ĐTC cũng nói về tương quan giữa LM và con người, xã hội ngày nay. Ngài nói: ”cần phải nhìn thực tại như nó đang xảy ra, vì thực tại luôn tiềm ẩn một cái gì cao cả. Nhìn thực tại nhưng không sợ thực tại. Có những lối cư xử không hợp luân lý, mà chúng ta không quen nhận thấy, nhưng đó là những thách đố, và cũng có những thực tại tốt đẹp”.

Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC đã về đại chủng viện gần đó của giáo phận Roma để dùng bữa với các chủng sinh (Rei 15-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

VATICAN. ĐTC đã ban hành tự sắc qui định về việc từ chức vì lý do tuổi tác của các chức sắc Giáo Hội do ĐGH bổ nhiệm.

Tự sắc mang tựa đề ”Học giã từ” (Imparare a congedarsi) được công bố hôm 15-2-2018, trong đó sau phần dẫn nhập, ĐTC qui định rằng:

Điều 1 – Khi tròn 75 tuổi, các GM giáo phận và các vị tương đương, cũng như các GM Phó và Phụ tá, hoặc GM hiệu tòa với trách vụ mục vụ đặc biệt, được mời đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.1)

Điều 2 – Khi tròn 75 tuổi, các vị thủ lãnh cơ quan Tòa Thánh không phải là Hồng Y, các Bề trên cấp cao của giáo triều Roma và các GM thi hành các chức vụ khác thuộc Tòa Thánh, không ngưng chức ngay lập tức, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.2)

Điều 3. – Cũng vậy, các Đại diện Tòa Thánh không chấm dứt nhiệm vụ ngay lập tức khi tròn 75 tuổi, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art 3)

Điều 4 để có hiệu lực, việc từ chức nói ở các điều trên đây phải được ĐGH chấp thuận, ngài quyết định sau khi cứu xét các hoàn cảnh cụ thể. (art 4)

Điều 5 – Sau khi đệ đơn từ chức, chức vụ nói ở 3 điều trên đây được coi là được gia hạn cho đến khi việc chấp nhận đơn từ chức hoặc kéo dài được thông báo cho đương sự, trong thời gian được xác định hoặc không xác định, trái với những gì được qui định trong khoản giáo luật số 189 triệt 3.

Trong phần dẫn nhập trước đó, ĐTC giải thích rằng nếu một vị ”được yêu cầu một cách ngoại lệ tiếp tục việc phục vụ trong một thời gian dài hơn, điều này bao hàm vị ấy quảng đại từ bỏ những dự phóng mới riêng của mình. Tình trạng này không được coi là một đặc ân, một chiến thắng cá nhân, hoặc một ân huệ do việc chấp nhận sự bó buộc vì tình bạn hay vì sự gần gũi, và cũng chẳng phải là một sự thưởng công vì đã làm việc hữu hiệu. Mỗi sự gia hạn chỉ có thể hiểu vì những lý do liên hệ tới công ích của Giáo Hội”.

Các qui luật trên đây được đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” và có hiệu lực từ ngày đăng trên báo này, và sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh. (Rei 16-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Tro, khai mạc mùa chay

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Tro, khai mạc mùa chay

ROMA. Chiều thứ tư lễ tro 14-2-2018, ĐTC đã chủ sự thánh lễ khai mạc mùa chay thánh, với nghi thức xức tro tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma.

Từ Vatican ĐTC đã đến Nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức, và từ đây lúc 4 giờ rưỡi ngài chủ sự cuộc rước thống hối tới đền thờ Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Roma.

Đi trong đoàn rước với ĐTC, có hàng chục HY, GM, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Bề trên Tổng quyền của 2 dòng liên hệ. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị đại diện Hội Hiệp sĩ Malta có trụ sở trung ương gần đó.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC cảnh giác các tín hữu trước cám dỗ gieo rắc sự nghi kỵ, bất tín nhiệm, đứng trước những đau khổ và bất định của người khác. Sự thiếu tin tưởng, dửng dưng và thái độ cam chịu: chính ma quỉ làm linh hồn của các tín hữu bị tê liệt và không còn nhạy cảm nữa.

 ĐTC mời gọi các tín hữu, trong mùa chay, mùa thuận tiện này, hãy dừng lại, nhìn và trở về:

 – Dừng lại trong cuộc sống xô bồ, đầy xáo trộn, không còn thời giờ cho gia đình, bạn hữu, con cái, ông bà nội ngoại… Dừng lại trước xu hướng muốn kiểm soát mọi sự, muốn biết tất cả, tàn phá tất cả, nó nảy sinh từ sự quên lòng biết ơn vì hồng ân sự sống và bao nhiêu điều tốt lành đã nhận được.

 – Hãy nhìn những dấu hiệu giữ cho ngọn lửa đức tin và đức cậy được luôn sinh động, ngăn cản không để đức ái bị tắt lịm; hãy nhìn khuôn mặt của gia đình, của bao nhiêu khuôn mặt những người đang gọi hỏi chúng ta, những mầm mống tình thương và sự sống luôn hiện hữu giữa những tính toán nhỏ nhen và ích kỷ của chúng ta.. Hãy nhìn và chiêm ngắm Đấng là Tình Thương bị đóng đanh, ngày nay từ trên Thánh Giá tiếp tục mang lại hy vọng..

 – Sau cùng hãy trở về Nhà Cha đừng sợ hãi và để cho tâm hồn mình được Ngài đánh động, hãy trở về không chút sợ hãi để cảm nghiệm sự dịu dàng chữa lành và hòa giải của Thiên Chúa!

Trong nghi thức sau bài giảng, ĐHY Jozef Tomko, 94 tuổi người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng y và một số tín hữu, trong khi 12 LM Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện. (SD 14-2-2018)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 22

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 22

VATICAN. Chiều 2-2-2018, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến lần thứ 22, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 5 giờ 30, có ĐHY João Aviz de Braz, người Brazil, Tổng Trưởng Bộ các dòng tu, Đức TGM Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, dòng Phanxicô Tây Ban Nha, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các LM dòng, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và đi rước tiến lên bàn thờ, do 50 tu sĩ nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến, đảm trách.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc nhở các tu sĩ cảnh giác trước cuộc sống nhộn nhịp dồn dập ngày nay, nó làm cho chúng ta khép kín bao nhiêu cánh cửa gặp gỡ, thường vì sợ hãi tha nhân. Ngài nói: ”Trong đời sống thánh hiến không được như vậy; người anh, người chị mà Thiên Chúa ban cho tôi, chính là thành phần lịch sử của tôi, là những hồng ân cần gìn giữ. Đừng nhìn màn hình điện thoại di động hơn là đôi mắt của người anh em, hoặc cắm nhìn vào các chương trình của chúng ta hơn là vào Chúa. Vì khi những dự án, kỹ thuật và các cơ cấu được đặt ở trung tâm, thì đời sống thánh hiến sẽ không còn thu hút và không thông truyền nữa; nó không triển nở vì quên đi cội rễ của nó”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng đời sống thánh hiến nảy sinh và tái nảy sinh từ cuộc gặp gỡ và noi gương Chúa Giêsu thanh bần, khiết tịnh và vâng phục: Trong khi cuộc sống thế giới tìm cách chiếm hữu, thì đời sống thánh hiến từ bỏ giàu sang của cải chóng qua để ôm lấy Đấng trường tồn. Đời sống trần thế theo đuổi khoái lạc và ước muốn của cái tôi, đời sống thánh hiến giải thlai tình cảm khỏi mọi chiếm hữu để yêu mến trọn vẹn Thiên Chúa và tha nhân. Cuộc sống trần thế bị thúc đẩy làm những gì nó muốn, còn đời sống thánh hiến chọn vâng phục khiêm hạ như tự do lớn hơn. Trong khi cuộc sống trần thế sớm để cho đôi tay và con tim chúng ta trống rỗng, thì đời sống theo Chúa Giêsu làm đầy an bình cho đến cùng, như trong Tin Mừng, nơi những người già hạnh phúc đi tới cuối đời với Chúa, giữa những bàn tay và niềm vui của con tim.” (Rei 2-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất Kitô

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25-1-2018, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ ngày 18-1-2018 với chủ đề là câu trích từ sách Xuất Hành (15,6) ”Lạy Chúa, cánh tay Chúa vinh hiển hùng mạnh”.

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM Bernard Ntahoturi, tân đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo ở Roma. Ngoài ra có hàng chuc sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC đã nói đến sự kiện các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, đều có chung một bí tích rửa tội và ngài khẳng định rằng: Khi chúng ta tuyên bố nhìn nhận phép rửa của các tín hữu Kitô thuộc các truyền thống khác, chúng ta tuyên xưng rằng cả họ cũng lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa và ơn thánh của Chúa hoạt động trong họ. Chúng ta đón nhận việc phụng tự của họ như biểu hiện chân thành sự chúc tụng Chúa vì những gì Chúa thực hiện. Vì thế chúng ta muốn cùng nhau cầu nguyện, liên kết tiếng nói của chúng ta, và cả khi những dị biệt chia cách chúng ta, chúng ta nhìn nhận mình thuộc về dân được cứu thoát, thuộc cùng một gia đình anh chị em được Chúa Cha duy nhất yêu thương.

ĐTC cũng nhắc đến sự kiện Dân Chúa được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, qua Biển Đỏ và tiến qua sa mạc về Đất Hứa, trải qua bao khó khăn trong hành trình. Ngài nói: ”Cả các tín hữu Kitô ngày nay cũng gặp nhiều khó khăn, bị bao nhiêu sa mạc tinh thần vây quanh, làm cho hy vọng và niềm vui của họ bị khô héo. Ngoài ra có bao nhiêu nguy hiểm trầm trọng, đe dọa sinh mạng của họ: bao nhiêu Kitô hữu ngày nay bị bách hại vì danh Chua Giêsu! Bao nhiêu máu đã đổ ra, dù họ thuộc các hệ phái Kitô khác nhau, họ cùng trở thành những chứng nhân đức tin, thành các vị tử đạo, liên kết với nhau trong ơn của bí tích rửa tội. Cùng với nhiều người bạn thuộc các truyền thống tôn giáo khác, các tín hữu Kitô ngày nay đang đương đầu với những thách đố hạ giá nhân phẩm: họ phải trốn chạy trước những tình trạng xung đột và lầm than, cũng như những thứ nô lệ tân thời; chịu cực khổ và đói khát, trong một thế giới ngày càng giàu các phương tiện, nhưng lại nghèo tình thương, trong đó những chênh lệch ngày càng gia tăng. Nhưng cũng như người Israel trong cuộc Xuất Hành, các tín hữu Kitô đang được kêu gọi cùng nhau bảo tồn ký tức về những gì Thiên chúa đã làm cho họ. Phục hồi ký ức đó, chúng ta có thể nâng đỡ nhau và đương đầu với mọi thách đố với lòng can đảm và hy vọng, được võ trang bằng Chúa Giêsu và sức mạnh dịu dàng Tin Mừng của Chúa.“

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này (SD 25-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Canh thức cầu nguyện vì sự sống tại thủ đô Washington

Canh thức cầu nguyện vì sự sống tại thủ đô Washington

Buổi canh thức cầu nguyện toàn quốc vì sự sống sẽ được tổ chức từ chiều thứ năm 18/01 đến sáng thứ sáu 19/01, tại đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Trên 20 ngàn tín hữu hành hương khắp Hoa kỳ sẽ cầu nguyện cho việc chấm dứt phá thai, trước cuộc tuần hành hàng năm vì sự sống.

Buổi canh thức đánh dấu 45 năm Tòa án tối cao Hoa kỳ ra phán quyết Roe v. Wade và Doe v. Bolton vào năm 1973, cho phép phá thai trong 9 tháng của thai kỳ. Từ khi những quyết định này ra đời, trên 58 triệu vụ phá thai đã được thực hiện hợp pháp tại Hoa kỳ.

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Chủ tịch Ủy ban hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ sẽ chủ sự và giảng trong Thánh lễ có các Hồng y, Giám mục và Linh mục cùng đồng tế tại nhà thờ tầng trên từ 5.30 – 7.30 chiều. Buổi canh thức sẽ tiếp tục suốt đêm tại tầng hầm với việc xưng tội, Kinh Mân Côi cho sự sống, cầu nguyện theo nghi thức Byzantin và giờ thánh do các chủng sinh hướng dẫn từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

Deirdre McQuade, trợ lý giám đốc truyền thông ủng hộ sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ cho biết rằng năm nay các tín hữu sẽ có một món quà tinh thần đặc biệt. Các tín hữu có thể được nhận ơn toàn xá với các điều kiện như thường lệ khi tham gia vào giờ canh thức toàn quốc vì sự sống hay các cử hành thánh xung quanh cuộc tuần hành vì sự sống.

Các tín hữu khắp nước được mời gọi tương trợ với các giám mục trong tuần 9 ngày ủng hộ sự sống, từ 18-26/01. McQuade nói: “Hy vọng các lời cầu nguyện của chúng ta, cùng với các hành động yêu thương, giúp xây dựng một nền văn hóa yêu quý mọi sự sống con người.”

Vào ngày Tuần hành vì sự sống, thứ 6,19/01, sẽ có chầu Thánh Thể tại nhà thờ hầm của đền thánh Đức Mẹ vào lúc 6 giờ sáng với giờ kinh sáng và phép lành. Thánh lễ kết thúc buổi canh thức sẽ  được Đức cha Edward Burns  của Dallas cử hành vào lúc 7.30 sáng tại nhà thờ tầng trên.

Buổi canh thức cầu nguyện toàn quốc được văn phòng hoạt động ủng hộ sự sống của hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đền thánh Đức Mẹ quốc gia , đại học Công giáo Hoa kỳ đồng tổ chức. (Sismografo 13/01/2018)

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

VATICAN. Hôm 26-12-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết giống như mọi năm, ngày 21-12 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đến Đan viện Mẹ Giáo Hội ở Nội thành Vatican để chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 nhân dịp lễ Giáng Sinh.

 Hai vị đã gặp gỡ và trao đổi với nhau nửa tiếng đồng hồ.

 Đức Biển Đức 16 năm nay 90 tuổi và sẽ tròn 91 tuổi vào tháng 4-2018.

 Mặt khác, ký giả Peter Seewald người Đức, mới viếng thăm Đức Biển Đức 16 và kể với báo Kurier số ra ngày 24-12-2017 ở Áo rằng ”sức khỏe của Đức nguyên Giáo Hoàng thoạt nhìn có vẻ không tốt: Hồi tháng 10, ngài bị ngã và bị thương nhẹ ở mặt. Vết thương nay đã lành. Việc đi đứng của ngài ngày càng khó khăn. Ngài nói nhỏ, nhưng vẫn rất tỉnh táo và chăm chú, vui tính và khôi hài”.

 Hồi năm ngoái, ký giả Seewald đã xuất bản cuốn sách mới phỏng vấn Đức Biển Đức 16 với tựa đề ”Những cuộc nói chuyện cuối cùng” (Letzte Gaspraeche) (KNA 26-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Liên hiệp các tạp chí Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Liên hiệp các tạp chí Italia

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-12-2017 dành cho giới báo chí Italia, ĐTC kêu gọi thông tin chính xác, và tránh xu hướng tìm kiếm những tin tức giật gân, thiếu kiểm chứng.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có các thành viên Hiệp Hội các tạp chí Italia (USPI) và Liên đoàn các tuần báo Công Giáo Italia. Họ đại diện cho khoảng 3 ngàn báo chí đủ loại, từ báo in trên giấy cho đến những báo trực tuyến.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tầm quan trọng của các cơ quan thông tin này, và sứ mạng quan trọng của các ký giả là thông tin chính xác, cống hiến cho mọi người những tin tức xác thực bao nhiêu có thể. Ngài nói: ”Tiếng nói tự do và trách nhiệm của anh chị em là điều rất quan trọng cho sự tăng trưởng của bất kỳ xã hội nào muốn là dân chủ, để đảm bảo một sự liên tục trao đổi các ý tưởng và thảo luận hữu ích dựa trên các dữ kiện có thực và được thuật lại chính xác”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Trong thời đại chúng ta thường bị lo lắng vì vận tốc, vì ước muốn truyền đi những tin giật gân, mà ít để ý đến sự chính xác và đầy đủ, bị cảm xúc hướng dẫn thay vì những suy tư chín chắn, người ta cảm thấy sự cần thiết của thông tin đáng tin cậy với những dữ kiện và tin tức được kiểm chứng, không nhắm gây ngạc nhiên và cảm xúc, nhưng chủ ý làm tăng trưởng nơi các độc giả một ý thức lành mạnh phê bình, giúp họ đặt những câu hỏi thích hợp và đạt tới những kết luận có lý chứng”.

ĐTC nhắc nhở các ký giả tránh những chiến dịch tuyên truyền lèo lái thực tại và dư luận, tạo nên những hỏa mù báo chí vô ích.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến Liên đoàn các tuần báo Công Giáo Italia đang kỷ niệm 50 năm thành lập. Ngài đề cao các tuần báo của các giáo phận có thể là những dụng cụ hữu ích để loan báo Tin Mừng, một môi trường trong đó đời sống của giáo phậncó thể được diễn tả hữu hiệu và các thành phần khác nhau của Giáo Hội có thễ dễ dàng đối thoại và đả thông với nhau.

ĐTC nói: ”Làm việc trong tuần báo giáo phận có nghĩa là đồng cảm đặc biệt với Giáo Hội địa phương, sống sự gần gũi với dân chúng tại thành phố và các làng mạc, nhất là đọc các biến cố dưới ánh sáng Tin Mừng và Giáo huấn của Giáo Hội. Những yếu tố này có thể là địa bàn hương dẫn đặc biệt cách làm báo, thông truyền các tin tức và trình bày các ý kiến” (Rei 16-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Hồng Y Louis Marie Ling, tân Đại diện Tông Tòa Viên Chăn (Vạn Tượng)

Đức Hồng Y Louis Marie Ling, tân Đại diện Tông Tòa Viên Chăn (Vạn Tượng)

VATICAN. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Louis Marie Ling Mangkhanekkhoun, làm tân Đại diện Tông Tòa thủ đô Vạn Tượng của Lào, kế nhiệm Đức Cha Jean Khamsé Vithavong O.M.I, 75 tuổi, về hưu.

Cho đến nay, ĐHY Louis Marie Ling là Đại diện Tông Tòa Paksé. Ngài thuộc Tu Hội Thánh Ý Thiên Chúa (IVD, Istituto Voluntas Dei), năm nay 73 tuổi (1944), thụ phong linh mục năm 1972 và làm GM tại Paksé từ 17 năm nay. Hạt đại diện Tông Tòa này có 15,120 tín hữu Công Giáo với 6 LM giáo phận và 1 LM dòng. Ngày 28-6 năm nay, Đức Cha Louis Marie Ling được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội tại Lào.

Hạt đại diện Tông Tòa Vạn Tượng hiện có 15,473 tín hữu Công Giáo theo niên giám năm nay của Tòa Thánh. Tại đây có 23 giáo xứ, nhưng chỉ có 1 LM giáo phận và 7 LM dòng. Giáo Hội Công Giáo tại Lào hiện có khoảng 45 ngàn tín hữu (Rei 16-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp 250 nữ tu dòng thánh Cabrini

Đức Thánh Cha tiếp 250 nữ tu dòng thánh Cabrini

VATICAN. ĐTC khuyến khích các nữ tu thừa sai Thánh Tâm tiếp tục hăng say giúp đỡ người di dân, theo gương Mẹ Sáng lập là thánh Francesca Cabrini.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-12-2017 dành cho 250 nữ tu dòng Thừa sai Thánh Tâm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thánh sáng lập Francesca Cabrini qua đời, ngày 17-12 năm 1917.

ĐTC nhận xét rằng thánh nữ Cabrini đã vượt đại dương 24 lần để giúp đỡ những người di dân tại Mỹ châu, và không biết mệt mỏi, thánh nữ đi tới tận vùng trường sơn Andes và cả Argentina. Trong cuộc du hành cuối cùng, Mẹ qua đời đột ngột tại thành Chicago, Hoa Kỳ.

Ngài nói: ”Thánh nữ Cabrini là một thừa sai đích thực, lớn lên theo gương thánh Phanxicô Xavie, vị tiên phong truyền giáo tại Đông Phương, và muốn đến vùng đó để loan báo Tin Mừng. Nhưng sự nhìn xa trông rộng của ĐGH Lêô 13 đã khuyên thánh nữ nghĩ đến hàng ngàn, ngàn người xuất cư vì đói, vì thiếu công ăn việc làm, vì thiếu viễn tượng tương lai, phải xuống tàu sang Mỹ châu, mong ước tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

ĐTC nhận xét rằng ”Sao bao nhiêu năm, thực tại những người di dân mà thánh nữ Francesca Cabrini hiến thân phục vụ, nay đã biến đổi và trở nên thời sự hơn bao giờ hết. Những khuôn mặt mới, người nam, người nữ và trẻ em, đang đứng trước mắt chúng ta và chờ mong được thấy trên đường đi của họ những bàn tay và tâm hồn đón tiếp họ như Mẹ Cabrini. Chị em có trách nhiệm trung thành với sứ mạng của Thánh Sáng Lập. Đoàn sủng của thánh nữ có tính chất thời sự hơn bao giờ hết, vì những người di dân, tuy đang cần những luật lệ tốt, các chương trình phát triển, tổ chức, nhưng họ cũng luôn cần được tình thương, tình bạn, sự gần gũi trong tình người, nhưng họ cũng cần được lắng nghe, được nhìn tận mắt, được đồng hành; họ đang cần Thiên Chúa, được gặp trong tình thương nhưng không của một phụ nữ, với tâm hồn thánh hiến, trở thành người chị và người mẹ của họ”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nói với các nữ tu thừa sai Thánh Tâm rằng:

”Xin Chúa luôn canh tân nơi chị em cái nhìn chăm chú và từ bi đối với những người nghèo sống trong các thành thị và tại các quốc gia chúng ta. Mẹ Cabrini đã có can đảm nhìn tận mắt các trẻ em mồ côi được ủy thác cho Mẹ, những người trẻ không có công ăn việc làm, bị cám dỗ phạm pháp, những người nam nữ bị bóc lột bằng những công việc khiêm hạ nhất; vì thế, ngày hôm nay, chúng ta ở đây để cảm tạ Thiên Chúa vì sự thánh thiện của Mẹ Cabrini. Nơi mỗi người anh chị em, Mẹ đã có khả năng nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô, và với thiên tài, Mẹ có khả năng đặt tất cả những tài năng Chúa ban để mưu ích lợi (Xc Mt 25,14-23).

Sau cùng, ĐTC đề cao lòng sùng mộ của thánh nữ Cabrini đối với Thánh Tâm Chúa: ”Từng bước một, cuộc sống của Thánh Nữ hoàn toàn hướng về việc an ủi và làm cho mọi người nhận biét và yêu mến Thánh Tâm Chúa.”

Và ĐTC kết luận rằng: ”Dịp kỷ niệm quan trọng này mạnh mẽ nhắc nhở cho tất cả chúng ta về sự cần thiết của một đức tin biến đón nhận thời điểm ân phuc mình đang sống. Dù khó khăn đến đâu đi nữa, Mẹ Cabrini nói với chúng ta rằng chúng ta phải làm như Mẹ: có khả năng đón nhận những dấu chỉ thời đại chúng ta, đọc chúng dưới ánh sáng lời Chúa và sống các dấu chỉ ấy đến độ mang lại một câu trả lời đi tới tâm hồn của mỗi người” (Rei 9-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Tín hữu Bangladesh dùng mọi phương tiện di chuyển để đến với ĐGH Phanxicô

Tín hữu Bangladesh dùng mọi phương tiện di chuyển để đến với ĐGH Phanxicô

Dhaka, Bangladesh – “Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô là một phúc lành thật sự cho chúng tôi. Đức tin của chúng tôi sẽ được củng cố, Chúng tôi nôn nóng để có thể thấy hay nhìn lắng nghe ngài và trên hết để  cầu nguyện với ngài.” Đó là lời của Shuvro Purification, 18 tuổi, đến từ thành phố Rajshahi, đông bắc Bangladesh, tu sinh của dòng Thánh giá ở thủ đô Dhaka.

Cùng với Shuvro Purification, có khoảng 20 thanh niên cùng lứa tuổi, đang là tu sinh của dòng Thánh giá. Tất cả cùng háo hức với chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Shorob Costa, 17 tuổi, chia sẻ là mình “vui mừng xúc động đến không ngủ được.” Sáng nay Costa tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành tại Công viên Suhrawardy, có lẽ là sự kiện được cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Bangladesh, với 384 ngàn trong số 170 triệu dân, chờ đợi nhất.

Đã có khoảng 100 ngàn tín hữu tham dự Thánh lễ Đức Thánh Cha truyền chức Linh mục cho 16 phó tế. Nhiều người trong các tín hữu đã chuẩn bị cho Thánh lễ này từ rất lâu trước đó. Thầy Prodip Placid Gomes, giám đốc trường thánh Gregorio nói: “Chúng tôi làm việc hàng tuần lễ để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng, không chỉ về phương diện vật chất  mà cả tinh thần.” Thầy cho biết là 95% trong số 3500 học sinh không phải là Công giáo; đây là một dấu chỉ của hòa hợp mà Đức Thánh Cha sẽ nhấn mạnh trong sứ điệp của ngài.”

Để tham dự Thánh lễ ở công viên Suhrawardy và nghe những lời của Đức Thánh Cha, các tín hữu đã dùng mọi phương tiện, và đến từ mọi nơi trên nước Bangladesh. Có những giáo xứ tổ chức các chuyến xe buýt để đến Dhaka, nhưng phần lớn tự đi đến Dhaka; người đi xe lửa, kẻ đi xe buýt, ai khá giả hơn thì đi bằng máy bay. Họ dùng bất cứ phương tiện nào có thể để đến Dahka để nhìn thấy và cầu nguyện với Đức Thánh Cha. Sorna Dajel, một tín hữu Công giáo ở Chittagong chia sẻ: “Tôi mong mỏi đón tiếp Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho ngài, để ngài đến nơi bình an khỏe mạnh. Chuyến viếng thăm của ngài sẽ làm cho chúng tôi hiệp nhất hơn. Và làm cho việc chung sống liên tôn dễ dàng hơn.” (Agenzia Fides 1/12/2017)

Hồng Thủy

 

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15-1 đến 22-1 năm tới, 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13-11 vừa qua,

– ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15-1 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

Sáng thứ ba, 16-1, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, ĐTC sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các GM Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, ĐTC viếng với tư cách riêng Đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các LM cùng dòng tại đây.

Sáng thứ tư, 17-1, ĐTC sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Đền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

– Sáng thứ năm, 18-1, ĐTC sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

Sáng thứ sáu, 19-1, ĐTC sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

Sáng thứ bẩy, 20-1, ĐTC sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, ĐTC chủ sự buổi phụng vụ kính Đức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

Sáng chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Đền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt cách thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các GM Chile tại tòa TGM địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và ĐTC đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ hai, 22-1 năm 2018 (Rei 13-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên – những người đã phục vụ Giáo hội

Đến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên – những người đã phục vụ Giáo hội

Hôm 03/11, Đức hồng y Theodore E. McCarrick, nguyên giám mục thủ đô Washington, đã được nhận giải thưởng thánh Katharine Drexel do tổ chức Trợ giúp tu sĩ cao niên (SOAR) trao. Giải thưởng này vinh danh các cá nhân và tổ chức có đóng góp đáng kể cho Giáo hội Công giáo, đặc biệt cho các tu sĩ nam nữ Hoa kỳ.

Phát biểu trong buổi lễ, Đức hồng y McCarrick đã ghi nhận công ơn của các tu sĩ trong việc giáo dục các thế hệ trẻ và chăm sóc người nghèo khổ, đau bệnh và di dân. Đức hồng y chía sẻ rằng ngài được các nữ tu, rồi các tu sĩ dòng Tên dạy dỗ. Ngài làm chứng về sự phục vụ của các tu sĩ đối với những người khốn khổ. Hiện nay Đức hồng y sống tại nhà hưu dưỡng Jeanne Jugan ở Washington, do các nữ tu dòng Tiểu Muội Người nghèo điều hành với lòng hiếu khách và nhân từ. Đức hồng y nói rằng chúng ta không bao giờ có thể cám ơn các tu sĩ nam nữ cho đủ vì đời sống phục vụ của họ. Ngài nhắc rằng qua sự phục vụ họ đã đưa Chúa Kitô đến với người dân và làm “điều lớn lao cũng như điều bé nhỏ” cho người khác.

ĐHY Donald W. Wuerl, hiện là Giám mục Washington cũng cám ơn các cộng đoàn tu sĩ, không chỉ về việc giáo dục các thế hệ học sinh biết đọc biết viết, dạy họ phân biệt tốt xấu, nhưng còn thành lập những trường học, bệnh viện và cơ sở bác ái Công giáo đầu tiên trong các cộng đoàn trên toàn quốc.

Nữ tu Kathleen Lunsmann dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria và là chủ tịch SOAR, cám ơn moi người đã trợ giúp cho hoạt động của nhóm. Sơ cho biết, trong năm 2017, SOAR đã giúp 1,2 triệu đô la cho 70 cộng đoàn dòng tu khắp Hoa kỳ, để sửa chữa các hệ thống báo cháy, nhà tắm và mua các giường đặc biệt cho các tu sĩ cao niên. Sơ chia sẻ: “Hơn bao giờ hết, các dòng tu nam nữ hiện nay thật sự cần sự giúp đõ của chúng ta trong việc chăm sóc cho các tu  sĩ cao niên." Sau các trận bão Harvey, Irma and Maria vừa qua, SOAR cũng giúp 45000 đô la cứu trợ khẩn cấp cho các dòng trong vùng bị thiệt hại vì thiên tai.

Jane Sullivan Roberts, đối tác của một công ty luật ở Washington được trao giải thưởng thánh Elizabeth Seton – giải thưởng trao cho những người nổi bật về vai trò lãnh đạo và quảng đại trong cộng đoàn Công giáo theo tinh thần của thánh Elizabeth. Roberts kể rằng chính mình cũng được các nữ tu dòng Dâng mình ở tiểu học và học trung học ở trường các nữ tu dòng Thương xót. Các nữ tu đã dạy Roberts cách cầu nguyện và suy nghĩ. Các nữ tu gieo trồng các chân lý vững chắc, Thiên Chúa tốt lành và yêu bà và có kế hoạch cho đời bà và chúng ta đều là con Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Robert lưu ý rằng các tu sĩ nam nữ đã làm việc với một khoản trợ cấp và bây giờ chi phí cho hưu dưỡng và chăm sóc sức khỏe gia tăng, do đó chúng ta cần phổ biến sự việc là bây giờ đến lượt chúng ta giúp đỡ họ. (CNS 10/11/2017)

Hồng Thủy

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tu hội đời

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tu hội đời

VATICAN. ĐTC kêu gọi các thành viên các tu hội đời hãy mang vào trần thế, vào những hoàn cảnh mình sinh sống, lời đã lắng nghe từ Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự Hội nghị các tu hội đời Italia, nhóm tại Học Viện Augustinianum ở Roma trong hai ngày 28 và 29-10-2017 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tông hiến ”Provida Mater Ecclesiae” (Mẹ quan phòng của Giáo Hội), do ĐGH Piô 12 ban hành về các tu hội đời. Chủ đề của Hội nghị là ”Đi xa hơn và ở giữa. Các tu hội đời: những chuyện say mê và ngôn sứ cho Thiên Chúa và thế giới”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhắc đến tính chất ”cách mạng” trong hình thức mới của đời thánh hiến: các giáo dân và linh mục giáo phận được kêu gọi sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời trong cuộc sống thường nhật hoặc trong sứ vụ mục vụ. Ngài viết: ”Ngày nay, anh chị em được kêu gọi trở thành những người khiêm tốn và hăng say mang ý nghĩa của thế giới và lịch sử, trong Chúa Kitô và trong Thánh Linh của Người. Sự kiện anh chị em ở giữa đời không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại thần học, giúp anh em chú ý, nhìn, nghe, đồng cảm, chia sẻ niềm vui và trực giác những nhu cầu”.

ĐTC gợi ý với các thành viên tu hội đợi 5 thái độ tinh thần giúp tiến bước trong hành trình ơn gọi đặc thù của mình, đó là:

– Cầu nguyện để kết hiệp với Thiên Chúa; gần gũi với tâm hồn và lắng nghe tiếng Chúa; – Biết phân định những điều thiết yếu với những điều phụ thuộc; làm cho sự khôn ngoan trở nên nhạy bén bằng cách vun trồng nó ngày qua ngày, giúp nhìn thấy đâu là những trách nhiệm cần lãnh nhận và đâu là những công tác ưu tiên. – Chia sẻ số phận của mỗi người nam nữ, dù những biến cố của thế giới bi thảm và đen tối, vẫn không bỏ mặc cho số phận của thế giới, như Chúa Giêsu và cùng với Chúa yêu thương đến cùng.

– Với ơn Chúa, mang lại can đảm, không bao giờ mất niềm tín thác, biết nhìn điều tốt trong mọi sự.

– Sau cùng là có thiện cảm với thế giới và con người.

Hội nghị các tu hội đời Italia đã kết thúc với thánh lễ lúc 1 giờ trưa chúa nhật 29-10 do ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và tu hội đời chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trên thế giới hiện nay có 193 tu hội đời với tổng cộng gần 32,400 thành viên (Rei 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 bị ngã

Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 bị ngã

VATICAN. Mặc dù bị trượt ngã trong tuần trước đây tại Đan viện Mẹ Giáo Hội (Mater Ecclesiae) ở Vatican, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 vẫn ”khỏe mạnh và đầy hài hước”.

Trên đây là lời Đức Cha Stefan Oster, GM giáo phận Passau bên Đức, viết trên Facebook của ngài và kể lại cuộc gặp gỡ thân mật với Đức Biển Đức 16 ngày 26-10-2016, kèm theo một số hình ảnh.

Đức Cha Oster viết: ”Mặc dù ĐGH Biển Đức bị bầm ở mắt sau khi bị ngã cách đây một tuần, nhưng ngài vẫn gặp chúng tôi, ngài khỏe mạnh, tươi cười và sáng suốt, nhắc lại nhiều kỷ niệm lớn nhỏ về những người từ giáo phận của ngài và của chúng tôi”.

Đức GM giáo phận Passau đã cùng với ký giả Peter Seewald đến thăm ĐGH Biển Đức 16 ở Vatican để trao cho ngài cuốn sách mới tựa đề ”Benedikt XVI. Der Deutsche Papst. Sein Leben in Texten ung Bildern” (Đức Biển Đức 16. Vị Giáo Hoàng người Đức. Đời sống của ngài qua văn bản và hình ảnh). Sách này được ấn hành trong những ngày này do Nhà xuất bản Koesel ở Munich. Ký giả Seewald và giáo phận Passau đứng tên là người xuất bản. (KNA 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP