Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

VATICAN. ĐTC mạnh mẽ cổ võ sự gia tăng năng lượng đồng thời tôn trọng môi trường.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-6-2018 dành cho các vị lãnh đạo, các nhà đầu tư và các chuyên gia tham dự cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican trong hai ngày mùng 8 và 9-6 về đề tài ”sự chuyển tiếp năng lượng cho căn nhà chung của chúng ta”. Cuộc Hội thảo do Hàn lâm viên khoa học Tòa thánh tổ chức.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện.

 Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến sự gia tăng nhu cầu về năng lượng trên thế giới. Hơn 1 tỷ người nghèo chưa có điện. Tuy nhiên, ĐTC nói – chất lượng của không khí, mực nước biển, số lượng nước ngọt của trái đất, khí hậu và sự quân bình của hệ thống sinh thái, – không thể bị thiệt hại vì cách thức con người thỏa mãn cơn khát năng lượng của mình, với những chênh lệch nặng nề. Để thỏa mãn cơn khát ấy, không thể gia tăng sự khao khát nước, hoặc tăng sự nghèo đói và loại trừ trong xã hội. Nhu cầu cần có năng lượng gia tăng để làm cho máy hoạt động không thể được thỏa mãn bằng cách làm ô nhiễm không khí chúng ta thở hít..

 Trong bối cảnh trên đây, ĐTC khẳng định rằng ”Cần tìm ra một chiến lược hoàn cầu dài hạn, mang lại an ninh năng lượng và tạo điều kiện cho sự ổn định kinh tế, bảo vệ sức khỏe và môi trường, thăng tiến sự phát triển nhân bản toàn diện, ấn định những nghĩa vụ chính xác để đương đầu với vấn đề thay đổi khí hậu”.

 ĐTC cũng than phiền vì người ta tiếp tục tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu hỏa làm ô nhiễm môi trường mặc dù có Hiệp định đã ký kết tại Paris năm 2015 về việc làm giảm nhiệt độ trái đất. ”Viễn tượng đang mong ước có năng lượng cho tất cả mọi người không thể đưa tới cái vòng lẩn quyễn ngày càng có sự thay đổi khí hậu trầm trọng, làm gia tăng nhiệt độ trái đất, và những điều kiện cam go của môi trường, gia tăng mức độ nghèo đói.

 ĐTC kêu gọi thực thi tình liên đới trong nhân loại với ý thức tất cả họp thành một gia đình nhân loại duy nhất và có liên hệ mật thiết với nhau.

Cũng nên nói rằng danh sách các tham dự viên không được công bố, nhưng theo mạng tin The Tablet ở Anh quốc, có giới lãnh đạo công ty dầu hỏa Anh quốc, British Petroleum (BP), hãng Exxon Mobel của Mỹ, cũng như quỹ đầu tư lớn nhất thế giới tên là BlackRock.

Đề tài cuộc hội thảo nhắc đến một chương trong thông điệp Laudato sì của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ căn nhà chung là trái đất. Sinh hoạt này diễn ra 10 ngày trước kỷ niệm 3 năm công bố thông điệp nổi tiếng này về môi sinh. Thông điệp cũng sẽ là đề tài của một hội nghị quốc tế cỡ lớn diễn ra trong hai ngày mùng 5 và 6-7 tới đây. Trong đoạn số 165 của Thông điệp, ĐTC khẳng định rằng ”Kỹ thuật dựa trên các nhiên liệu phiến thạch rất ô nhiễm, nhất là than đá, và cả dầu hỏa, cũng như khí đốt, cần được mau lẹ dần dần thay thế”.

ĐTC Phanxicô coi cuộc chiến chống sự hâm nóng trái đất và khí hậu là một trong những hoạt động trong triều đại giáo hoàng của ngài,và ngài đặc biệt ủng hộ hiệp định Paris về khí hậu do Liên Hợp Quốc triệu tập hồi năm 2015, quen gọi là COP21. Mục đích Hội nghị là giới hạn sự hâm nóng trái đất giữa 1 độ rưỡi đến 2 độ từ nay cho đến năm 2100 (Rei 9-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Công bố tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM Amazzonia

Công bố tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM Amazzonia

VATICAN. Hôm 8-6-2018, Tòa Thánh đã công bố Tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM đặc biệt về miền Amazzonia bên Nam Mỹ, sẽ nhóm vào tháng 10 năm tới, 2019, tại Roma.

Văn kiện mang tựa đề ”Amazzonia: những hành trình mới đối với Giáo Hội và để đạt tới một nền môi sinh toàn diện”.

Văn kiện dài 17 trang chữ nhỏ, ngoài phần nhập đề, được chia làm 3 phần theo phương pháp: nhìn, phân định (phán đoán) và hành động. Sau cùng có phần các câu hỏi để tham khảo ý kiến các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo đông phương, và các cơ quan khác của Tòa Thánh và Giáo Hội.

Phần I nhìn căn tính và tiếng kêu của miền Amazzonia hiện nay, phần II Phân định và hướng tới một sự hoán cải mục vụ và môi sinh, sau cùng Phần III đề nghị những hành động: những con đường mới cho Giáo Hội có khuôn mặt của miền Amazzonia.

Dựa theo các bản trả lời từ các nơi gửi về Roma, một tài liệu làm việc sẽ được soạn thảo và dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại Công nghị GM.

Tài liệu chuẩn bị trên đây được trình bày trong cuộc họp báo sáng hôm qua (8-6) tại Phòng báo chí Tòa Thánh do ĐHY Lorenzo Baldisseri Tổng thư ký Thượng HĐGM, cùng với Đức Cha Phó Tổng thư ký và LM Paolo Mora, nhân viên của Văn phòng này.

ĐHY cho biết cả một số đại diện thổ dân sẽ tham dự Thượng HĐGM trong tư cách là dự thính viên, theo quí chế của Thượng HĐGM. Họ có thể lên tiếng nhất là trong các phiên họp nhóm, nhưng khôn gcó quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, sẽ không có sự hiện diện của các chính quyền hay đảng phái, vì Thượng HĐGM không phải là nơi dành cho họ. (Rei 8-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Dublin, Ailen – Vào thứ 6, 08/06, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhiều đền thánh Đức Mẹ tại hơn 50 quốc gia sẽ tham gia chương trình đọc Kinh Mân côi 24 giờ, để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục.

Trong một thông cáo, WorldPriest (Linh mục thế giới), một hoạt động tông đồ nhắm liên kết các linh mục và giáo dân bằng lời cầu nguyện, tổ chức sự kiện này, viết: “Đây là một cơ hội cho chúng ta hướng tâm lòng lên Chúa để cầu nguyện cho các linh mục trong sứ vụ của họ.”

Tổ chức WorldPriest cho biết: “Mỗi đền thánh tham dự sự kiện đọc một mầu nhiệm đặc biệt của chuỗi Mân Côi trong 30 phút trong ngày để cám ơn Chúa về các linh mục và cầu xin Chúa bảo vệ các ngài và xin Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục, chăm sóc các ngài trong tình yêu thương của Mẹ.”

Chương trình đọc kinh Mân Côi này được WorldPriest bắt đầu cách đây 9 năm. Sẽ có hơn 150 đền thánh Đức Mẹ và giáo xứ, bao gồm 35 đền thánh tại Hoa kỳ, sẽ tham dự chương trình đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho linh mục vào thứ sáu lễ Thánh Tâm năm nay.

Theo lịch trình, mỗi nửa giờ trong suốt cả ngày, mỗi đền thánh sẽ cầu nguyện một mầu nhiệm Mân Côi, và cùng xin Đức Mẹ trong suốt 24 giờ. Tổ chức WorldPriest cho biết: “Đến nửa đêm ngày 08/06/2018, toàn thế giới sẽ được bao bọc bởi lời cầu nguyện cho các linh mục vào Ngày Cầu nguyện Kinh Mân Côi hàng năm này. Những người không thể tham dự việc cầu nguyện tại các đền thánh được mời gọi đọc kinh Mân côi cách cá nhân hay theo nhóm.”

Tổ chức WorldPriest giải thích rằng Kinh Mân Côi được đọc để cầu nguyện cho các linh mục; xin cho sứ vụ linh mục của các ngài được chúc lành với ơn Chúa, qua lời cầu nguyện của chúng ta; xin cho, qua sự hiệp thông cầu nguyện trên toàn thế giới, các linh mục cảm nghiệm được sự biết ơn và nâng đỡ của chúng ta; và cuối cùng xin cho các linh mục kiên vững trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội của Người và chăm sóc đoàn chiên của Chúa, đưa họ đến những đồng cỏ an lành trong Nước Chúa.

WorldPriest được doanh nhân Marion Mulhall thành lập vào năm 2003, đáp lại lời kêu gọi Đức Giáo hoàng về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc thánh hóa các linh mục. Tổ chức này hoạt động để hỗ trợ và thăng tiến phẩm giá và món quà của chức linh mục qua những nỗ lực như chương trình đọc kinh Mân Côi toàn thế giới. (CNA 06/06/2018)

Hồng Thủy

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện diện tại cộng đồng Shipibo-Konibo, ở huyện Yarinacocha, thuộc tỉnh Ucayali của Peru từ 41 năm qua. Sự hiện diện của các nữ tu cho toàn bộ người Shipibo-Konibo và đặc biệt cho các gia đình để hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.

Các nữ tu giao tiếp và cử hành các nghi lễ phụng vụ bằng ngôn ngữ Shipibo. Sơ Amparo Zaragoza Castello, một trong ba nữ tu đang hiện diện cùng với họ nói: “Đối với chúng tôi, tầm nhìn của họ đối với thế giới – thậm chí ngay cả khi chúng tôi không hoàn toàn biết nó – chưa bao giờ là một vấn đề khi nói đến việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì ngay từ đầu chúng tôi đã cố gắng tôn trọng và hội nhập văn hóa của họ theo những chỉ dẫn của Công đồng Vatican II; đồng thời bắt đầu từ việc hội nhập văn hóa, chúng tôi chia sẻ và công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu”.

Nói về công việc truyền giáo của mình, nữ tu Zaragoza cho biết rằng điều này “đòi hỏi những khoảnh khắc mạnh mẽ của việc từ chối đối với chúng tôi, chứ không phải bởi những người mà chúng tôi cùng đồng hành, nhưng từ các cá nhân và xã hội, mà trong nhiều năm, đã cố gắng sở hữu sự phong phú về văn hóa và những nguồn tài nguyên của lãnh thổ”.

Là một phần trong sự dấn thân truyền giáo của mình, Hội dòng khuyến khích các quyền của những người Shipobo-konibo, giúp họ bảo vệ lãnh thổ của họ và cố gắng nghiên cứu về luật bảo vệ họ. Sơ Zaragoza nhấn mạnh rằng các nữ tu luôn cố gắng ghi nhớ những gì Tông Huấn Evangelii Nuntiandi nói ở số 31: “Giữa việc Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người, tức phát triển và giải phóng, có những mối liên hệ sâu xa thực sự. Liên hệ có tính cách nhân văn, bởi vì con người cần được Phúc Âm hóa không phải là một hữu thể trừu tượng nhưng gắn liền với những vấn đề xã hội và kinh tế. Liên hệ có tính cách thần học, bởi vì chúng ta không thể tách rời bình diện Sáng tạo khỏi bình diện Cứu chuộc; thật thế, ơn cứu chuộc cũng đạt tới những hoàn cảnh rất cụ thể của sự bất công cần phải chấm dứt và sự công bình phải tái lập. Bác ái là liên hệ tiêu biểu nhất của Tin Mừng: Thực vậy, làm sao có thể loan truyền điều răn mới mà không làm phát triển sự lớn mạnh đích thực của con người trong công lý và hòa bình? Cần phải nhắc lại rằng không thể chấp nhận quan niệm cho rằng: “Việc Phúc Âm hóa có thể hoặc phải khinh thường những vấn đề hết sức quan trọng và sôi nổi nhất hiện nay, liên quan đến công lý, giải phóng, phát triển và hòa bình trong thế giới. Nếu để tình trạng đó xảy ra, tức là không biết đến giáo lý Tin Mừng về tình yêu đối với tha nhân đang đau khổ hoặc thiếu thốn”.

Chính vì vậy sơ Zaragoza khẳng định: “Do đó, việc loan báo Tin Mừng và việc hình thành của cộng đồng Kitô hữu phải luôn luôn đi kèm với việc giúp đỡ cho các cuộc đấu tranh của họ, trên tất cả để được công nhận cá nhân và như một nhóm sở hữu trái đất, ghi nhớ rằng vai trò của chúng tôi là cùng đi và tư vấn cho họ, không chỉ đạo họ”.

Một trong những thách thức chính phải đối diện với tư cách là người truyền giáo, theo nữ tu Tây Ban Nha, là "biết cách tránh cú sốc văn hóa, nhưng để đảm bảo rằng có thể làm giàu lẫn nhau và từ đây nảy sinh một cái gì đó mới và phong phú cho cả hai nền văn hóa".

Người dân Shipibo-Konibo thuộc một trong 12 dân tộc bản địa có mặt tại khu vực rừng Peru. Hiện nay, nhóm  này có hơn 30 nghìn người, phân bố trên 226 cộng đồng, họ sống chủ yếu trên bờ sông Ucayali. Họ là một trong những dân tộc lâu đời nhất của khu vực của Amazon Peru. Văn hóa bản địa của họ được thể hiện trong việc áp dụng các thực hành, nguyên tắc tư tưởng và triết học được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng các quy tắc của cuộc sống và kiến thức truyền thống, cùng với kỷ luật nghiêm ngặt cho tất cả các gia tộc. Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân làm thay đổi lối sống và sự tồn tại của người dân. Họ bắt đầu bị phân biệt chủng tộc và bóc lột tài nguyên thiên nhiên bừa bãi và trở thành nô lệ. Đã có những mâu thuẫn sắc tộc để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự sống còn và sự thống trị của các vùng lãnh thổ do các dân tộc khác nhau ở Amazon tạo ra.

Các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Tên là những nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên tiếp xúc với cộng đồng này trong thời kỳ thuộc địa. Và ngày nay sự hiện diện của các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu thực sự là một điều cần thiết cho việc hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.(Agenzia Fides 03/5/2018)

Ngọc Yến

Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

** Các hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần ban khiến cho tín hữu trở thành ơn cho tha nhân , rộng mở họ cho cộng đoàn. Vì thế không được nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, hay kháng cự lại Làn Gió thổi chúng ta bước đi trong tự do và đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái đưa chúng ta tới chỗ hao mòn cuộc đời vì Thiên Chúa và vì tha nhân.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gơ chung hàng tuần sáng thứ tư. Trong số các nhóm hiện diện cũng có ba phái đoàn người Việt đến từ Úc, Mỹ và Việt Nam.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích  các hiệu quả mà ơn của Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu giúp họ làm cho các hiệu quả đó lớn lên, và giúp họ trở thành ơn cho tha nhân trong cộng đoàn. Ngài nói: đó là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nhớ rằng khi vị Giám Mục xức dầu cho chúng ta ngài nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần được ban cho con”. Ơn đó của Chúa Thánh Thần vào trong chúng ta – đó là Thần Khí – và sinh hoa trái, để rồi chúng ta cũng có thể ban nó cho tha nhân. Luôn luôn nhận lãnh để cho đi: không bao giờ nhận và có các sự vật bên trong, làm như thể linh hồn là một nhà kho. Không: luôn luôn nhận lấy và cho đi. Các ơn của Thiên Chúa được nhận lãnh để trao ban cho người khác. Đó là cuộc sống kitô. Như vậy đó chính là ơn của Chúa Thánh Thần – thúc đầy ra khỏi trung tâm cái tôi của chúng ta – “tất cả là cho chúng ta?”: không phải – nhưng là để mở rộng cho cái “chúng ta” của cộng đoàn. Nhận để cho đi. Chúng ta không ở trong trung tâm: chúng ta là một dụng cụ của ơn đó cho người khác.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Khi bổ túc nơi các tín hữu đã được rửa tội việc giống Chúa Ki tô, bí tích Thêm Sức kết hiệp họ một cách mạnh mẽ như chi thể sống động vào thân mình mầu nhiệm của Giáo Hội (x. Lễ nghi Thêm Sức, s.25). Sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới tiến hành qua phần đóng góp của tất cả những ai là thành phần. Có vài người nghĩ rằng trong Giáo Hội có các ông chủ: là Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, rồi mới tới  thợ là các người khác. Không phải thế. Giáo Hội là tất cả chúng ta, tất cả chúng ta. Và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm cho nhau nên thánh, lo lắng cho nhau. Giáo Hội là “chúng ta” tất cả. Mỗi người có công việc của mình trong Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội là tất cả.

** Thật thế, chúng ta phải nghĩ tới Giáo Hội như một cơ phận sống động, bao gồm các bản vị mà chúng ta biết và cùng đồng hành, chứ không phải như một thực tại trừu tượng và xa vời. Không, Giáo Hội là chúng ta đang tiến bước, Giáo Hội là chúng ta hôm nay đang ở trong quảng trường này. Chúng ta là Giáo Hội, tất cả mọi người. Bí tích Thêm Sức cột buộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cột buộc tất cả chúng ta, sống rải rác trên toàn trái đất, nhưng lôi cuốn các người được thêm sức vào trong cuộc sống của Giáo Hội địa phương mà họ là thành phần, với Giám Mục là thủ lãnh và là người kế vị các Tông Đồ.

Chính vì vậy Giám Mục là vị thừa tác đầu tiên của Bí Tích Thêm Sức (x. LG, 26), bởi vì ngài đưa người được thêm sức vào trong Giáo Hội.

Sự kiện đó là trong Giáo Hội Latinh bí tích này bình  thường được Đức Giám Mục ban, nó minh nhiên “hiệu quả của nó là kết hiệp những người lãnh nhận nó một cách chặt chẽ hơn với Giáo Hội, với các nguồn gốc tông đồ và sứ mệnh làm chứng cho Chúa Kitô của nó” (GLCG, 1313).

Ý nghĩa của việc sát nhập vào Giáo Hội được nêu bật bởi dấu chỉ hòa bình kết thúc lễ nghi thêm sức. Thật vậy, vị Giám Mục nói với từng người đã được thêm sức: “Bình an cho con”. Nó khiến chúng ta nhớ tới lời Chúa chào các môn đệ vào chiều ngày Phục Sinh, tràn đầy Chúa Thánh  Thần (x. Ga 20,19-23), như chúng ta dã nghe – các lời này soi sáng một cử chỉ “diễn tả sự hiệp thông giáo hội với vị Giám Mục và với các tín hữu khác” (x. GLCG, 1301).

ĐTC giải thích việc trao ban bình an sau lễ nghi ban bí tích Thêm Sức như sau:

Trong bí tích Thêm Sức, chúng ta nhận lấy Chúa Thánh thần và sự bình an: sự bình an mà chúng ta phải trao ban cho các người khác. Chúng ta hãy nghĩ xem: mỗi người hãy nghĩ tới cộng đoàn giáo xứ của mình, chẳng hạn. Có lễ nghi ban phép Thêm Sức, và chúng ta trao ban bình an cho nhau: Đức Giám Mục trao ban bình an cho người đã được thêm sức, và trong Thánh Lễ chúng ta trao ban bình an cho nhau. Chúng ta ra về và bắt đầu nói xấu người khác. Chúng ta bắt đầu các bép xép. Và các bép xép là các cuộc chiến. Điều này không được!

** Nếu chúng ta đã nhận dấu chỉ của sự bình an với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải là những người nam nữ của hòa bình – chứ không phải ra đi tới đó với cái lưỡi và phá hủy hòa bình mà Thần Khí đã tạo dựng. Tội nghiệp Chúa Thánh Thần và công việc Ngài làm với chúng ta, với thói quen bép xép này… Anh chị em hãy nghĩ kỹ đi: bép xép không phải là công việc của Chúa Thánh Thần. Nó không phải là một công việc của sự hiệp nhất của Giáo Hội. Bép xép phá hủy điều Thiên Chúa làm. Vì thế  cho tôi xin đi: hãy ngưng bép xép! Anh chị em có đồng ý hay không? Có hay là không? Đó.

Bí Tích Thêm Sức được lãnh nhận một lần mà thôi, nhưng năng động tinh thần do dầu thánh dấy lên thì kéo dài trong thời gian. Chúng ta sẽ không bao giờ chu toàn được lệnh truyền dãi tỏa ra khắp nơi hương thơm của một cuộc sống thánh thiện, được linih hứng bởi sự đơn sơ hấp dẫn của Phúc Âm.

Không ai lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cho chính mình, chúng ta đã nói phải không? Đó là một ơn không phải để giữ trong nhà kho bên trong, mà là để cho đi luôn luôn cho tất cả mọi người, để cộng tác vào việc lớn lên thiêng liêng của người khác. Chỉ như thế, khi rộng mở và ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân, chúng ta mới có thể thực sự lớn lên, chứ không chỉ có ảo tưởng lớn lên. Những gì chúng ta nhận được như ơn của Thiên  Chúa thật ra phải được trao ban – ơn nhận được để cho đi – để nó phong phú, chứ không phải để bị chôn vùi vì các sợ hãi ích kỷ, như dụ ngôn nén bạc đã dậy (x. Mt 25,14-30). Cả hạt giống cũng thế, khi chúng ta có hạt giống trong tay, không phải để nó ở đó, cất nó trong tủ, nhưng là để gieo vãi nó. Toàn cuộc sống phải được gieo vãi để sinh bông hạt, để nhân nhiều lên. Ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta phải trao ban cho cộng đoàn.

Tôi khuyến khích các người đã được thêm sức đừng nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, đừng kháng cự lại Đấng là Gió thổi để thúc đẩy chúng ta bước đi trong tự do, đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái khiến cho chúng ta hao mòn cuộc sống vì Chúa và vì các anh em khác. Xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta lòng can đảm tông đồ thông truyền Phúc Âm, với các việc làm và lời nói, thông truyền cho những ai chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Với các công việc làm và lời nói, nhưng lời nói tốt lành, lời nói xây dựng. Không phải các bép xép phá hoại. Xin làm ơn, khi anh chị em đi ra khỏi nhà thờ, hãy nghĩ tới sự bình an đã nhận lãnh để trao ban cho người khác: chứ không phải để phá hủy nó với việc bép xép. Xin anh chị em đừng quên điều đó!

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong số các đoàn nói tiếng Pháp ngài chào tín hữu các giáo phận Saint Claude do ĐC Jordy hướng dẫn, đoàn hành hương giáo phận Valleyfield Canada do ĐC Simard hướng dẫn, hiệp hội hai Trái Tim Tình Yêu do ĐC Rivière, GM Autun hướng dẫn, cũng như ca đoàn Armeni.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Ailen, Na Uy, Nigera, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Giêsu Kitô ban niềm vui và sự an bình cho họ và gia đình họ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các nhóm tín hữu Brasil đến từ Ourinhos, Goiania, Bauru và Venancio Aires. Ngài khích lệ mọi người năng kêu cầu Chúa Thánh Thần để được hướng dẫn và trợ giúp trong nhiệm vụ làm chứng nhân cho Tin Mừng.

Chào các tín hữu nói tiếng A Rập ĐTC khích lệ họ đừng sợ hãi cống hiến những gì nhận được từ Chúa Thánh Thần cho tha nhân, qua chứng tá và hương thơm thánh thiện của cuộc sống kitô hầu giúp mọi người biết sống chia sẻ và xa lánh ích kỷ.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khuyến khích họ để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần thấm nhuần và giải thoát khỏi sự yếu đuối của tính ích kỷ, lười biếng và kiêu ngạo, để là các chứng nhân đích thực Tin Mừng của  Chúa Kitô.

Trong số đông đảo các nhóm hành hương Italia ngài đặc biệt chào các sư huynh La San, tín hữu các giáo xứ và các đoàn hành hương giáo phận Macerata và Loreto do các ĐC Nazzareno Marconi và Giancarlo Vecerrica hướng dẫn.

ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới đây là lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: Ngài mời gọi tất cả cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa trong suốt tháng 6 này để xin Chúa gần gũi, nâng đỡ, trợ giúp các linh mục để các vị là hình ảnh Trái Tim tràn đầy tình yêu và lòng thương xót Chúa.

ĐTC khích lệ người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực và nước uống  tinh thần cho cuộc sống để được biến đổi trở thành các thụ tạo mới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế

VATICAN. ĐTC kêu gọi các bác sĩ Công Giáo đừng trở thành những người chỉ thi hành ý muốn của bệnh nhân hoặc những đòi hỏi của chế độ y tế nơi mình làm việc.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28-5-2018, dành cho phái đoàn 22 bác sĩ lãnh đạo Liên hiệp quốc tế các bác sĩ Công Giáo đến gặp ĐTC trước khi Hội nghị lần thứ 25 của Liên hiệp sẽ tiến hành tại Zagreb thủ đô Croát từ ngày 30-5 đến 2-6-2018 về đề tài: “Tính chất thánh thiêng của sự sống và nghề y sĩ: từ thông điệp 'Sự sống con người' (Humanae vitae) đến thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ thiên nhiên”.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi lòng trung thành của Liên hiệp quốc tế các bác sĩ Công Giáo đối với Giáo huấn của Giáo Hội và ngài nói: ”Anh chị em được kêu gọi khẳng định vị thế trung tâm của bệnh nhân như nhân vị và phẩm giá với các quyền bất khả nhượng của họ, đứng đầu là quyền sống. Cần chống lại xu hướng hạ giá người bệnh thành một chiếc máy cần sửa chữa, không tôn trọng các nguyên tắc luân lý, và khai thác những người yếu thế nhất, loại bỏ những gì không đáp ứng ý thức hệ hiệu năng và lợi lộc. Sự bảo vệ chiều kích nhân vị của bệnh nhân là điều thiết yếu và nhân bản hóa y khoa.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Anh chị em hãy dấn thân cả trong những cuộc thảo luật liên quan đến các luật lệ về các vấn đề luân lý tế nhị như phá thai, sự kết thúc mạng sống con người và y khoa về hệ di truyền. Anh chị em hãy dấn thân cả trong việc bảo vệ tự do lương tâm của các bác sĩ và các nhân viên y tế. Một điều không thể chấp nhận được, đó là vai trò của anh chị em bị thu hẹp thành người chỉ thi hành ý muốn của bệnh nhân hoặc những đòi hò của hệ thống y tế, nơi anh chị em làm việc”.

Liên hiệp các bác sĩ Công Giáo được thành lập năm 1966 với mục đích thăng tiến hoạt động y tế và xã hội phù hợp với Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và nâng đỡ tinh thần và luân lý cho các thành viên để họ biết khẳng định đức tin trong khi thi hành nghề nghiệp y khoa và mang các nguyên tắc luân lý đạo đức Kitô vào việc nghiên cứu khoa học.

Liên hiệp hiện qui tụ 53 hiệp hội toàn quốc các bác sĩ Công Giáo tại 66 quốc gia, trong số này có 25 nước Âu Châu và 13 nước Á châu. (Rei 28-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa trưa chúa nhật 27-5-2018, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Phi châu được hòa bình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh với hàng chục ngàn tín hữu dưới trời nắng chang chang, ĐTC nói:

Hôm nay, chúa nhật sau lễ Hiện Xuống, chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi rất thánh, một lễ để chiêm ngắm và chúc tụng mầu nhiệm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là duy nhất trong sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, để kinh ngạc kính mừng Thiên Chúa là Tình Thương luôn luôn mới mẻ, Đấng ban nhưng không cho chúng ta sự sống của Ngài và yêu cầu chúng ta phổ biến sự sống ấy trong thế giới.

Các bài đọc Thánh lễ hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không muốn mạc khải cho chúng ta thấy Ngài hiện hữu cho bằng Ngài là ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, yêu thương chúng ta, quan tâm đến lịch sử riêng của chúng ta và chăm sóc mỗi người chúng ta, bắt đầu từ những người nhỏ bé và túng thiếu nhất. Ngài là ”Thiên Chúa ở trên các tầng trời” nhưng cũng ở ”dưới đất này” (Xc Đnl 4,39). Vì thế chúng ta không tin nơi một thực tại xa xăm, dửng dưng, nhưng tin nơi Đấng là Tình Thương đã tạo dựng vũ trụ và sinh ra một dân tộc, đã nhập thể làm người, chịu chết và sống lại vì chúng ta, và trong tư cách là Thánh Thần, Ngài biến đổi mọi sự và đưa tới sự sung mãn.

ĐTC nhận xét rằng:

”Thánh Phaolô (Xc Rm 8,14-17), đã đích thân cảm nghiệm sự biến đổi này do Thiên Chúa Tình Thương thực hiện, Chúa thông cho chúng ta ước muốn được gọi là Cha, hay đúng hơn là ”Ba ơi!”, với niềm tín thác trọn vẹn của một đứa bé phó thác trong vòng tay của người đã trao ban sự sống cho em. Chúa Thánh Linh, như Thánh Tông Đồ đã nhắc nhở, hành động trong chúng ta đến độ Chúa Giêsu Kitô không bị thu hẹp thành một nhân vật quá khứ, nhưng chúng ta cảm thấy Ngài ở gần chúng ta, là người đồng thời và chúng ta cảm nghiệm được niềm vui là con cái mà Thiên Chúa yêu thương. Sau cùng, trong Bài Tin Mừng, Chúa Phục Sinh đã hứa ở lại với chúng ta mãi mãi: ”Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và chính nhờ sự hiện diện ấy và nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa, chúng ta có thể thanh thản chu toàn sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, sứ mạng loan báo và làm chứng cho mọi người về Tin Mừng của Chúa và mở rộng tình hiệp thông với Chúa và niềm vui từ đó mà ra. Khi đồng hành với chúng ta, Thiên Chúa làm cho chúng ta được tràn đầy niềm vui và có thể nói, niềm vui là ngôn ngữ đầu tiên của Kitô hữu.”

Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi làm cho chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm một Thiên Chúa không ngừng sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, luôn luôn bằng tình yêu và vì tình yêu, và mọi loài thụ tạo đón nhận Ngài thì được phản ánh một tia sáng vẻ đẹp của Ngài, lòng từ nhân và chân lý của Ngài. Từ ngàn đời, Chúa đã chọn đồng hành với nhân loại và họp thành một dân tộc là phúc lành cho mọi dân nước và mỗi người, không loại trừ ai. Kitô hữu không phải là một người cô lập, nhưng họ thuộc về một dân tộc, dân tộc mà Thiên Chúa hình thành. Không thể là Kitô hữu nếu không thuộc về Dân Chúa và không có tình hiệp thông như vậy. Chúng ta là một dân tộc: Dân Thiên Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng:

“Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chu toàn trong vui tươi sứ mạng làm chứng cho thế giới đang khao khát tình thương, làm chứng rằng ý nghĩa cuộc sống chính là một tình yêu vô biên, tình yêu cụ thể của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy vừa qua 26-5 tại thành phố Piacenza, bắc Italia, Nữ Tu Leonella Sgorbati (1940-2006), thuộc dòng thừa sai Đức Mẹ An Ủi, bị giết vì sự oán ghét đức tin tại Modagiscio thủ đô Somalia năm 2006. Cuộc sống của Chị vì Tin Mừng và phục vụ người nghèo, cũng như cuộc tử đạo của Chị là một bảo chứng niềm hy vọng cho Phi Châu và toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Phi châu và được hòa bình tại đó.

Sau khi đọc một kinh Kính Mừng với tất cả mọi người, ĐTC khẩn cầu: ”Xin Đức Mẹ Phi Châu cầu cho chúng con”.

 Rồi ĐTC đã chào thăm và nhắc đến tên của một số nhóm tín hữu hành hương, đặc biệt là Ca đoàn Sappada và ca đoàn của các thiếu niênở Vezza d'Alba, bắc Italia. Ngài cũng chào thăm các tín hữu hành hương người Ba Lan và chúc lành cho các tham dự viên cuộc đại hành hương ở Đền Thánh Đức Mẹ Piekari Slaskie.

 ĐTC nói thêm rằng ”Nhân dịp Ngày Thoa Dịu”, tôi chào thăm những người tụ họp tại Bệnh viện Đa Khoa Gemelli ở Roma để thăng tiến tình liên đới với những người bị bệnh nặng. Tôi nhắn nhủ tất cả hãy nhìn nhận những nhu cầu, kể cả về mặt tinh thần, của các bệnh nhân và với lòng dịu dàng, hãy ở gần họ.

Cũng nên nói thêm rằng Chân Phước Leonella tục danh là Rosa Sgorbati, sinh năm 1940 tại Gazzalo, gần Piacenza. Năm 23 tuổi (1963) chị gia nhập dòng các nữ tu Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi. 3 năm sau đó, chị được khấn dòng với tên là Leonella và được gửi sang Anh quốc học y tá. Sau khi khấn trọn đời năm 1972, Chị gửi đi truyền giáo tại Kenya bên Phi châu. Tại đây chị lần lượt phục vụ tại 3 nhà thương. Năm 1983, chị học cao đẳng về ngành y tá và trở thành huấn luyện viên chính tại trường y tá tại nhà thương Nkutu, ở thành phố Meru. Chị từng làm Bề trên miền của các nữ tu thừa sai Đức Mẹ An Ủi ở Kenya.

Năm 2001, chị Leonella bắt đầu đi lại giữa hai nước Kenya và Somalia, quốc gia bị nội chiến. Tại thủ đô Mogadiscio của nước này, chị thành lập một trung tâm huấn luyện các y tá và nữ hộ sinh người Somalia.

Ngày 17-9 năm 2006, vào khoảng giữa trưa, trên đường về nhà sau khi dạy học ở nhà thương, chị Leonella bị bắn 7 phát đạn, khiến chị bị thương nặng. Người Hồi giáo là ông Mohamed Mahmud tháp tùng chị, bị tử thương vì đạn.

Chị Leonella được chở vào nhà thương để cứu cấp, nhưng quá trễ. Chị trút hơi thở cuối cùng, miệng còn thì thào câu: ”Tha thứ, tha thứ, tha thứ”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

VATICAN. Sáng hôm qua (25-5), ĐTC đã tiếp kiến 6 ngàn người gồm ban chỉ huy và các nhân viên sở cảnh sát quốc gia ở Roma và ban lãnh đạo trung ương của ngành y tế, cùng với các thân nhân của họ.

 

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đề cao vai trò của gia đình trong đời sống con người, quốc gia và xã hội. Gia đình giúp chúng ta vượt thắng những thực tại cay đắng, những đau khổ và kinh nghiệm về sự ác: Chính trong gia đình, trong niềm hiệp thông sự sống và tình thương, mà chúng ta có thể vượt thắng những thực tại đó. Chính trong gia đình mà đức tin được thông truyền.

 

ĐTC cũng đề cao vai trò của Giáo Hội như người Mẹ giúp các tín hữu vượt thắng những căng thẳng. Ngài nói: ”Noi gương Chúa Giêsu, cả Giáo Hội, trong hành trình thường nhật, cũng trải qua những lo âu và căng thẳng của các gia đình, những xung đột giữa các thế hệ, những bạo lực trong gia đình, những khó khăn kinh tế và công ăn việc làm bấp bênh.. Được Thánh Linh hướng dẫn, Giáo Hội gần gũi các gia đình như người bạn đồng hành, nhất là các gia đình đang trải qua khủng hoảng, hoặc sống trong đau thương, để chỉ dẫn cho các gia đình mục tiêu chung cục, nơi mà sự chết và đau khổ sẽ vĩnh viễn tan biến”.

 

ĐTC cũng nhận xét rằng, trong tư cách là các nhân viên cảnh sát, ”anh chị em cũng liên tục cảm nghiệm trong công việc, trong các cuộc điều tra hoặc trên đường phố, những thực tại đau thương. Chính kinh nghiệm gia đình cũng giúp anh chị em trong lãnh vực này, vì gia đình mang lại sự quân bình con người, sự khôn ngoan và các giá trị tham chiếu. Một gia đình tốt cũng thông truyền các giá trị công dân, giáo dục, giúp cảm thấy mỗi ngừơi là thành phần của một xã hội và cư xử như những công dân lương thiện và trung thành”. (Rei 25-5-2018)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Bí Tích Thêm sức cho tín hữu được tràn đầy Thánh Thần

Bí Tích Thêm sức cho tín hữu được tràn đầy Thánh Thần

** Nếu trong Bí Tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần dìm chúng ta trong Chúa Kitô, thì trong Bí Tích Thêm Sức Chúa Kitô làm cho chúng ta được tràn đầy Thần Khí của Ngài, bằng cách thánh hiến chúng ta thành các chứng nhân của Ngài, tham dự vào cùng nguyên lý sự sống và sứ mệnh theo chương trình của Thiên Chúa Cha trên trời.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai nhóm Việt Nam: nhóm 51 tín hữu Sydney Australlia với cha trưởng đoàn và cha linh hướng, nhóm 13 linh mục và 3 giáo dân Thái Bình.

Trong bài huấn dụ ĐTC giải thích ý nghĩa của Bí Tích Thêm Sức và vai trò của  Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của kitô hữu bằng cách khai triển ý nghĩa trình thuật Phúc Âm thánh Luca chương 4 viết rằng: “ Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lc 4,16-18). ĐTC nói: sau các bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội, các ngày tiếp theo lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống này  mời gọi chúng ta suy tư về chứng tá, mà Thần Khí dấy lên nơi các người đã được rửa tội, bằng cách chuyển động cuộc sống của họ, mở ra cho thiện ích của những người khác. Chúa Giêsu đã trao phó cho các môn đệ của Ngài một sứ mệnh lớn lao: “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,13-16). Đây là các hình ảnh khiến nghĩ tới cung cách hành xử của chúng ta, vì thiếu hay quá nhiều muối khiến cho thức ăn không ngon, cũng như thiếu hay quá nhiều ánh sáng ngăn cản chúng ta trông thấy. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Chỉ có Thần Khí của Chúa Kitô mới có thể thực sự khiến cho chúng ta trở thành muối trao ban hương vị và giữ cho khỏi hư thối, và trao ban ánh sáng chiếu soi thế giới. Đó là ơn chúng ta nhận được trong Bí Tích Thêm Sức, mà tôi muốn cùng anh chị em dừng lại suy tư. Gọi là “Thêm Sức” bởi vì nó xác nhận Bí Tích Rửa Tội và củng cố ơn thánh của nó (x. GLCG, 1289); cũng như “Xức Dầu Thánh”, từ sự kiện Thần Khí qua việc xức dầu “crisma” là dầu ô liu trộn với mùi thơm đã được Giám Mục thánh hiến – Cresima Cristo là từ quy chiếu Chúa Kitô, Đấng đã được xức dầu của Thánh Thần.

Tái sinh vào cuộc sống thiên linh trong Bí Tích Rửa Tội là bước đầu tiên; cần phải có cung cách hành xử như con cái Thiên  Chúa nữa, hay đồng hình dạng với Chúa Kitô hoạt động trong Giáo Hội, bằng cách lôi cuốn chúng ta vào trong sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Việc xức dầu của Thánh Thần lo liệu cho việc ấy: “không có sức mạnh của Ngài, không có gì trong con người cả” (Ca tiếp liên lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống). Không có sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta không thể làm được gì: chính Thần Khí trao ban cho chúng ta sức mạnh tiến lên.

Như toàn cuộc sống của Chúa Giêsu đã được linh hoạt bởi Thần Khí,  cũng thế cuộc sống của Giáo Hội và của mọi chi thể Giáo Hội đều ở dưới sự hướng dẫn của cùng Thần Khí ấy.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Được Đức Trinh Nữ thụ thai bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu bắt đầu sứ mệnh của Ngài sau khi ra khỏi nước sông Giordan, được thánh hiến bởi Thần Khí ngự xuống trên Ngài (X. Mc 1,10; Ga 1,32): thật là đẹp! Chúa Giêsu tự giới thiệu như thế nào, đâu là thẻ căn cước của Chúa Giêsu trong hội đường Nadarét? Chúng ta hãy lắng nghe Ngài làm như thế nào: điều này thật là rõ ràng. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).  Chúa Giêsu tự giới thiệu trong hội đường làng mình như Đấng được xức dầu, Đấng đã được Thần Khí xức dầu.

Chúa Giê su tràn đầy Thánh Thần và là suối nguồn của Thần Khí được Thiên Chúa Cha hứa ban (x. Ga 15,26; Lc 24,49; Cv 1,8; 2,23). Thực ra, buổi chiều ngày lễ Vượt Qua Chúa Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và nói với họ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22); và trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sức mạnh của Thần Khí xuống trên các Tông Đồ trong hình thái ngoại thường (x. Cv 2,1-4), như chúng ta biết. ĐTC giải thích hơi thở ấy của Chúa Kitô như sau:

** “Hơi thở” của Chúa Ki tô Phục Sinh khiến cho phổi của Giáo Hội tràn đầy sự sống; và thật vậy, miệng các môn đệ “được tràn đầy Thánh Thần” mở ra để loan báo cho tất cả mọi người các công trình vĩ đại của Thiên Chúa (x. Cv 2,1-11).

Đối với Giáo Hội lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống – mà chúng ta đã cử hành hôm Chúa Nhật vừa qua – là điều mà việc xức dầu của Thần Khí đã nhận được tại sông Giordan đối với Chúa Kitô, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là sự thúc đẩy truyền giáo làm hao mòn cuộc sống cho việc thánh hóa loài người, để vinh danh Thiên Chúa. Nếu trong mọi bí tích Thần Khí hoạt động, thì một cách đặc biệt trong Bí Tích Thêm Sức “các tín hữu nhận được Ơn Thánh Thần” (Phaolo VI, Hiến chế Divinae consortium naturae).

Chính trong lúc xức dầu, Giám Mục nói lời này: “Hãy nhận lấy Thánh Thần được ban cho con như là ơn”: Thánh Thần đây là ơn lớn lao của Thiên Chúa. Và chúng ta tất cả đều có Thần Khí trong mình. Thần Khí ở trong tim chúng ta, trong linh hồn chúng ta. Chính Thần Khí hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống để chúng ta trở nên muối đúng đắn và ánh sáng đúng đắn của loài người.

Nếu trong Bí Tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần dìm chúng ta trong Chúa Kitô, thì trong Bí Tích Thêm Sức Chúa Ki tô làm cho chúng ta được tràn đầy Thần Khí của Ngài, bằng cách thánh hiến chúng ta thành các chứng nhân của Ngài, tham dự vào cùng nguyên lý sự sống và sứ mệnh theo chương trình của Thiên Chúa Cha trên trời. Chứng tá của các người đã được thêm sức biểu lộ việc nhận Thánh Thần và sự ngoan ngoãn đối với sự linh hứng sáng tạo của Ngài. Tôi tự hỏi: Làm sao người ra thấy rằng chúng ta đã lãnh nhận Ơn Thần Khí? Nếu chúng ta làm các cộng việc của Thần Khí, nếu chúng ta nói lên các lời do Thần Khí dậy bảo (X. 1 Cr 2,13). Chứng tá kitô hệ tại chỗ chỉ làm và làm tất cả những gì Thần Khí Chúa Ki tô xin chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh để chu toàn nó.

** ĐTC đã chào nhiều nhóm hiện diện đến từ Pháp, Gabon, Canada và các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các thành viên Dân quân Chúa Ki tô, và các bạn trẻ Neuilly, Châteaubriant và Paris. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, vùng Galles, Ailen, Ấn Độ, Philippines, Nga, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt là các nữ tu Feliciane sửa soạn họp Tổng tu nghị. Ngài xin Chúa Thánh Thần đổ đầy tràn ơn thánh trên họ.

Với nhiều nhóm bạn trẻ Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và các nước châu Mỹ Latinh ngài xin Đức Mẹ giúp mọi người biết sống ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần để biết là các chứng nhân của sự thánh thiện và tình yêu thương dấn thân cho thiện ích của tha nhân.

Chào các nhóm đến từ vùng Trung Đông ngài xin  Chúa Thánh Thần dậy cho họ biết sống khôn ngoan và chân thật như môn đệ của Chúa.

Trong các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào phái đoàn của tổ chức trồng và bảo vệ rừng cây quốc gia Ba Lan. Họ đã đem theo 100 cây sồi, nhân kỷ niệm 100 năm Ba Lan độc lập, để tặng trồng tại Italia như dấu chỉ việc bảo vệ thụ tạo. ĐTC nói: “Như tôi đã viết trong thông điệp Laudato si “thật rất cao quý nhận lấy trách nhiệm lo lắng cho thụ tạo với các hành động nhỏ bé thường ngày, và thật là tuyệt diệu nền giáo dục có khả năng huy động chúng trao ban hình thái cho một kiểu sống. Giáo dục trách nhiệm đối với môi sinh có thể khích lệ nhiều cung cách hành xử khác nhau có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với môi sinh… Tất cả những điều đó là phần của óc sáng tạo quảng đại và xứng đáng cho thấy điều tốt đẹp nhất của con người”

Trong các nhóm Ucraina, ĐTC đặc biệt chào đoàn hành hương quân nhân quốc tế Lộ Đức lần thứ 60. Ngài xin Chúa chữa lành các vết thương do chiến tranh  gây ra và ban hòa bình cho Ucraina.

Với các nhóm Ý ĐTC chào các tham dự viên Tổng tu nghị dòng các tu huynh Thánh Tâm, và các cộng sự viên Paolini, câu lạc bộ Clericus, tín hữu nhiều giáo xứ các giáo phận khác nhau, các nhóm sinh viên học sinh trường Đức Bà Phù Hộ Roma, phân khoa kỹ sư dân sự và kỹ nghệ đại học La Saienza Roma và các nhân viên cứu hỏa thiện nguyện tỉnh Bondeno.

Chào các người trẻ, anh chị em bệnh nhân và các đội tân hôn ĐTC phó thác họ cho Mẹ Thiên Chúa và khích lệ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 5 và cùng nhau khẩn nài mẹ can thiệp xin Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới được hòa bình và thương xót.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thánh tích (thi hài) thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được đưa đến Bergamo

Thánh tích (thi hài) thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được đưa đến Bergamo

Nhân kỷ niệm 60 năm thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được bầu làm Giáo hoàng, sáng sớm hôm qua, 24/06/2018, hòm kiếng chứa thi hài của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã được đưa ra khỏi đền thơ thánh Phêrô ở Vatican đi đến giáo phận Bergamo và làng quê Sotto il Monte.

Bergamo là giáo phận nơi thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã phục vụ trong 40 năm đầu tiên; còn Sotto il Monte là nơi thánh nhân đã chào đời ngày 25/11/1881.

Trong nghi thức di chuyển thi hài thánh Giáo hoàng diễn ra tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Hồng y trưởng đẳng linh mục Angelo Comastri, chủ sự nghi thức, đã nhắc đến tình yêu của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đối với nơi sinh của ngài, nơi ngài đã “hít thở đức tin trong gương mẫu tuyệt vời của cha mẹ ngài.” Đức Hồng y Comastri nói tiếp: “Hôm nay, thánh Gioan XXIII thực hiện chuyến hành hương của lòng biết ơn và phúc lành về mảnh đất nơi ngài sinh ra, nơi ngài được trở thành Kitô hữu và nơi ngài đã trưởng thành trong ơn gọi linh mục.” Đức Hồng y cũng nhấn mạnh đến hương thơm của Thiên Chúa của thánh Gioan XXIII, niềm hy vọng ngài đã gieo trồng bằng việc giúp các tín hữu trở thành khí cụ bình an trong gia đình và nơi xã hội.

Sau nghi thức tại đền thờ, hòm chứa thi hài của thánh Giáo hoàng bắt đầu chuyến du hành kéo dài 18 ngày. Đây là một sự kiện, món quà đặc biệt của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trước đây, vào năm 1959, chính Đức Giáo hoàng Gioan XXIII cũng đã cho phép đưa thi hài của thánh Giáo hoàng Pio X về thành phố Venezia.

Chuyến thánh du tại những nơi khác nhau sẽ cho phép nhiều tín hữu được sống những thời khắc cầu nguyện và kính viếng, bắt đầu từ 15:30 giờ chiều 24/05, khi thi hài ngài được các hội đoàn và tín hữu đón tiếp tại trung tâm của Bergamo. Đầu tiên thi hài ngài sẽ dừng lại tại nhà tù ở đường Gleno để ghi nhớ cuộc thăm viếng tù nhân tại Regina Coeli của thánh Giáo hoàng. Sau đó thánh tích của ngài được đưa đến chủng viện và vào lúc 21 giờ tối, hòm đựng thi hài ngài sẽ được đón rước trọng thể vào nhà thờ chính tòa để cử hành buổi canh thức. (Vatican News 24/05/2018)

Hồng Thủy

 

Chúa Thánh Thần có thần lực biến đổi lòng người và thay đổi thực tại

Chúa Thánh Thần có thần lực biến đổi lòng người và thay đổi thực tại

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 20.05.2018 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần là cơn gió mạnh, là Thần Lực của Thiên Chúa. Ngài có sức biến đổi lòng người, biến đổi thực tại. Chúng ta hãy biết căng buồm con thuyền cuộc đời để đón lấy cơn gió là Thần Khí. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:   

Anh chị em thân mến!

Trong phụng vụ Lời Chúa, bài đọc một diễn tả, cuộc Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần như “tiếng gió mạnh thổi đến” (Cv 2:2). Hình ảnh này cho thấy điều gì? Cơn gió mạnh làm cho ta nghĩ đến một sức mạnh to lớn, nhưng không chỉ có thế, không chỉ tự cơn gió là mạnh, nhưng cơn gió ấy còn có sức thay đổi thực tại. Thực tế, cơn gió mang tới sự thay đổi: làm ấm áp khi trời lạnh giá, làm mát mẻ khi trời nóng bức, đem mưa tới khi trời khô hạn… Chúa Thánh Thần cũng thế, tuy ở một cấp độ khác, Ngài là Đấng có thần lực để thay đổi thế giới. Bài ca tiếp liên nhắc chúng ta nhớ rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi tuyệt vời, là Đấng chở che dịu hiền. Vì thế mà chúng ta thân thưa với Ngài: Xin chữa lành vết thương của chúng con, xin gia tăng sức mạnh, xin tưới gội chỗ khô hạn, xin tẩy rửa bợn nhơ tội lỗi. Chúa Thánh Thần đi vào từng hoàn cảnh và biến đổi chúng. Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn, thay đổi các tình huống.

Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn

Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy” (Cv 1:8). Và đã xảy ra đúng như thế. Các môn đệ lúc đầu đầy sợ hãi, họp nhau trong phòng với cánh cửa đóng kín. Điều ấy xảy ra ngay cả khi Chúa đã Phục Sinh. Nhưng sau đó, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến đổi. Và đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng rằng: các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa (Ga 15:27). Từ đó, các môn đệ không còn do dự, không còn sợ hãi, nhưng đầy can đảm. Bắt đầu từ Gierusalem, các môn đệ đi tới tận cùng trái đất. Khi Chúa Giêsu còn ở với các ông, các ông hãy còn nhút nhát, nhưng khi Chúa Giêsu đi và sai Chúa Thánh Thần đến, Thần Khí đã biến đổi tâm hồn các ông, làm cho các ông đầy mạnh mẽ.

Thần Khí giải phóng các môn đệ khỏi xích xiềng sợ hãi. Chúa Thánh Thần khơi lên trong tâm hồn các ông lòng quảng đại đầy tràn. Chúa Thánh Thần mở những tâm hồn khép kín, thúc đẩy lòng người biết lên đường phục vụ. Ngài đẩy lui lòng tự mãn và mở ra hướng đi mới. Ngài giúp ấp ủ những ước mơ mới. Điều đó có nghĩa là biến đổi các tâm hồn. Người đời hứa hẹn thay đổi này nọ, tạo nên những khởi đầu mới, những thay đổi phi thường; nhưng kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, chẳng có ai trên trái đất này có thể thay đổi thực tại để hoàn toàn làm thỏa mãn lòng người. Thế nhưng, sự thay đổi, sự biến đổi mà Chúa Thánh Thần mang lại thì khác. Sự thay đổi ở đây không phải là cuộc cách mạng đảo lộn cuộc sống quanh ta, nhưng là biến đổi tâm hồn ta. Cuộc biến đổi này không giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của các vấn đề, nhưng làm cho chúng ta tự do để có thể đối diện với các vấn đề ấy. Sự biến đổi ấy không đến với chúng ta để giải quyết vấn đề một lần cho tất cả, nhưng làm cho chúng ta tự tin, can đảm và không biết mệt mỏi trong cuộc sống. Chúa Thánh Thần giữ cho tâm hồn chúng ta luôn trẻ trung. Tuổi trẻ, dù ta có cố gắng níu kéo cách nào, thì sớm hay muộn tuổi trẻ cũng sẽ trôi đi. Nhưng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ngăn chặn sự lão hóa, không phải là lão hóa thể lý mà là lão hóa nội tâm. Cách nào mà Chúa Thánh Thần làm được điều ấy? Đó là bằng cách đổi mới tâm hồn chúng ta, bằng cách tha thứ cho các tội nhân. Ở đây có sự thay đổi rất lớn: từ thân phận tội lỗi, Ngài làm cho chúng ta trở nên công chính và như thế là thay đổi tất cả. Từ thân phận nô lệ cho tội lỗi, chúng ta được trở nên những người con yêu dấu, từ kẻ bất xứng trở nên người xứng đáng, từ chỗ thất vọng chuyển sang tràn đầy hy vọng. Với tác động của Chúa Thánh Thần, niềm vui được tái sinh và bình an tràn ngập tâm hồn chúng ta.

Hôm nay chúng ta hãy học biết những gì phải làm, khi chúng ta cần những thay đổi thực sự trong cuộc sống. Ai trong chúng ta không cần những thay đổi? Nhất là khi cuộc đời đầy u ám, khi ta mệt mỏi với những gánh nặng, khi ta chịu áp lực với đầy yếu đuối, những lúc khó khăn mà ta khó lòng có thể tiếp tục và dường như không thể yêu thương. Trong những lúc ấy, chúng ta cần một sức bật mạnh mẽ: đó là Chúa Thánh Thần, là quyền năng của Thiên Chúa. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Thật tốt lành làm sao khi mỗi ngày chúng ta có thể cảm nhận được sức bật mạnh mẽ ấy trong cuộc đời mình! Mỗi sáng khi thức dậy, hãy thưa lên: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin ngự vào tâm hồn con, ngự vào ngày sống của con!”.

Chúa Thánh Thần biến đổi các hoàn cảnh

Chúa Thánh Thần không chỉ biến đổi các tâm hồn, mà Ngài còn biến đổi các hoàn cảnh. Giống như việc gió thổi đến mọi nơi, và ngay cả thâm nhập vào những hoàn cảnh khó lòng có thể tượng tưởng được. Trong sách Tông đồ Công vụ, chúng ta bị thu hút bởi chuỗi sự kiện kinh ngạc tuyệt vời. Đây là cuốn sách ta cần đọc, và nhân vật chính của cuốn sách, không ai khác là chính Chúa Thánh Thần. Khi các môn đệ nhận thấy có ít hy vọng nhất, thì Chúa Thánh Thần sai các ông đi vào dân ngoại. Ngài mở ra những con đường mới, ví dụ như trường hợp của thầy phó tế Philipphe. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Philipphe đi con đường sa mạc từ Gierusalem đến Gaza. Dọc đường, Philipphe giảng cho viên quan và rửa tội cho viên quan. Sau đó Thần Khí đưa Philipphe đến Azotus, rồi đến Cesarea, đến những hoàn cảnh mới để loan truyền sự mới mẻ của Thiên Chúa. Điều tương tự cũng xảy ra với thánh Phaolô. Thánh nhân “bị Thánh Linh bắt buộc” (Cv 20:22) ra đi, đi xa để mang Tin Mừng đến cho muôn dân xa lạ. Nơi nào có Chúa Thánh Thần, nơi ấy luôn có gì đó diễn ra; nơi nào Thần Khí thổi đến, nơi ấy không bao giờ lặng im.

Trong đời sống cộng đoàn, khi chúng ta trải qua kinh nghiệm vô nghĩa nào đó, chúng ta thích yên ổn và tĩnh lặng, hơn là điều mới mẻ đến từ Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu xấu. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cố trú ẩn để tránh cơn gió là Thần Khí. Khi chúng ta sống theo kiểu tự đủ và khép kín trong nhà mình, thì đó là dấu hiệu không tốt. Gió là Thần Khí đang thổi, nhưng chúng ta là con thuyền lại hạ cánh buồm xuống. Cho dù như thế, chúng ta vẫn thường thấy Chúa Thánh Thần làm việc thật kỳ diệu! Rất thường khi, ngay giữa thời ảm đạm nhất, thì Thần Khí vẫn nâng dậy những gì thánh thiêng nổi bật nhất! Ngài là linh hồn của Hội Thánh. Ngài khơi dậy niềm hy vọng tươi mới, đổ đầy niềm vui ngập tràn, làm phát sinh nhiều hoa trái, và làm cho sự sống mới nảy sinh. Trong một gia đình, khi có một người con chào đời, người con ấy làm cho lịch trình của gia đình trở nên rối loạn, em bé làm chúng ta mất ăn mất ngủ, nhưng em bé cũng mang lại niềm vui và đổi mới cuộc sống chúng ta, thúc đẩy chúng ta mở rộng trong tình yêu mến. Cũng thế, Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội sự trẻ trung của “thời thơ ấu”. Từ thời này qua thời kia, Chúa Thánh Thần tiếp tục trao tặng sức sống mới. Ngài hồi sinh tình yêu đầu đời của chúng ta. Ngài nhắc Giáo hội nhớ rằng, dù trải qua lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng Giáo hội vẫn luôn là cô dâu trẻ trung mà Thiên Chúa hết mực yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi chào đón Chúa Thánh Thần vào cuộc đời mình, và xin ơn Ngài trước mọi việc chúng ta làm: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!”.

 

Sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm

 

Chúa Thánh Thần sẽ mang đến sức mạnh biến đổi của Ngài, một sức mạnh độc nhất vô nhị, một sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm. Là sức mạnh quy tâm, bởi vì sức mạnh ấy hoạt động nơi trung tâm, nơi sâu thẳm trong trái tim ta. Sức mạnh ấy mang đến hiệp nhất và đẩy lùi chia rẽ, mang đến bình an và đẩy lùi phiền não, mang đến sức mạnh và đẩy lùi cám dỗ. Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ điều này, khi ngài viết rằng: hoa trái của Thần Khí là niềm vui, bình an, trung tín, tự chủ (Gl 5:22). Chúa Thánh Thần ban cho ta tình thân gắn bó với Chúa, ban sức mạnh nội tâm để ta tiếp tục tiến bước. Là sức mạnh ly tâm, bởi vì đó là lực đẩy để đi ra ngoài. Thần Khí ở trong chúng ta, để đẩy chúng ta đi ra các vùng ngoại biên, để đẩy chúng ta đi ra mọi vùng ngoại vi của nhân loại. Ngài cho chúng ta thấy gương mặt Thiên Chúa, Ngài cũng mở tâm hồn chúng ta trước các anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Ngài sai chúng ta đi và làm cho chúng ta trở thành chứng nhân. Ngài đổ vào lòng chúng ta đầy tình yêu, lòng từ nhân, lòng quảng đại, sự dịu hiền. Chỉ trong Thần Khí là Đấng An Ủi, chúng ta mới có thể nói được những lời sống động và chân thực để khích lệ tha nhân. Những ai sống nhờ Thần Khí thì sống trong mình mối giằng co thiêng liêng này: vừa thấy mình bị kéo về phía Thiên Chúa vừa thấy mình bị kéo về phía nhân loại.

 

Chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lối sống như thế. Xin Chúa Thánh Thần, là cơn gió mạnh mẽ của Thiên Chúa, thổi vào chúng ta, thổi vào tâm hồn ta, và làm cho ta biết thở ra sự dịu hiền của Chúa Cha! Xin Thần Khí thổi vào Giáo Hội và làm cho Giáo Hội đi đến tận cùng trái đất. Xin Ngài thổi vào thế giới sự nồng ấm của hòa bình, sự tươi mới dễ thương của niềm hy vọng. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến biến đổi chúng con và đổi mới mặt địa cầu. Amen.

 

Tứ Quyết SJ

 

 

Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện

Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện

Vatican. Chúa nhật 20.05.2018, trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc nhớ về ơn gọi nên thánh trong bí tích Thánh Tẩy, ơn gọi làm chứng nhân cho Chúa trong bí tích Thêm Sức. Ngài nhấn mạnh: Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện. Sau khi đọc Kinh, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông, và Venezuela, cầu nguyện cho ngày thế giới truyền giáo. Đặc biệt, Đức Thánh Cha bất ngờ công bố danh sách tên 14 Đức Hồng Y sẽ được tấn phong sắp tới.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Mùa Phục Sinh có trung tâm là cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Trọng này làm chúng ta nhớ lại và sống lại sức mạnh tràn đầy mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống trên các Tông Đồ và các môn đệ, khi các ngài quy tụ cầu nguyện cùng với Mẹ Maria (Cv 2:1-11). Kể từ ngày đó, lịch sử về sự thánh thiện Kitô giáo có khởi đầu, bởi vì chính Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện, và việc nên thánh không phải là đặc ân cho một nhóm nhỏ, nhưng là ơn gọi cho tất cả chúng ta.

Với bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được mời gọi tham dự vào cùng một sự sống thánh thiêng của Chúa Kitô. Với bí tích Thêm Sức, chúng ta trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô giữa lòng thế giới. “Chúa Thánh Thần tuôn đổ sự thánh thiện ở mọi nơi và trên mọi người trong dân thánh trung thành của Thiên Chúa” (Gaudete et exsultate, 6). Công đồng Vaticano II  nói: “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ tất cả mọi người, nhưng không chỉ với từng cá nhân riêng lẻ, mà còn bằng cách quy tụ họ trong một dân tộc, để họ tái nhận biết Ngài trong chân lý và phục vụ Ngài trong sự thánh thiện” (Ánh sáng muôn dân, 9).

Qua các ngôn sứ thời Cựu ước, Chúa đã công bố với toàn dân về kế hoạch của Ngài. Qua ngôn sứ Edekiel, Chúa nói: “Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành… Các ngươi sẽ là dân của Ta, còn Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36:27-28). Qua miệng ngôn sứ Gioen, Chúa nói: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ… Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên các tôi tớ nam nữ… Bấy giờ, tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu độ” (Ge 3:1-2.5). Tất cả những lời tiên tri này được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.

Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần ấy, cho đến tận cùng thời gian, sự thánh thiện được viên mãn trong Chúa Kitô, sự thánh thiện ấy được trao ban cho tất cả những ai biết mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn theo hướng dẫn của Ngài. Khi biết làm như thế, chúng ta được dẫn đi trên con đường hoàn thiện, giúp chúng ta sống xứng đáng với Chúa và có được niềm vui trọn vẹn. Chúa Thánh Thần đi vào trong lòng ta, để đẩy lui sự khô khan, mở ra hy vọng, giúp ta trưởng thành trong tình thân với Thiên Chúa và với người lân cận. Chính Thánh Phaolô đã nói: “Hoa trái của Thần Khí là tình yêu mến, là vui tươi, bình an, nhẫn nhịn, bao dung, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5:22).

Chúng ta nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria chở che và làm mới lại Lễ Hiện Xuống trong Hội Thánh, để chúng ta có thể trao tặng niềm vui và trở thành chứng nhân cho Tin Mừng. Xin Mẹ giúp chúng ta thấm nhuần ao ước nên thánh để chúng ta biết ca tụng vinh quang Thiên Chúa (Gaudete et exsultate, 177).

Đức Thánh Cha chào thăm

Anh chị em thân mến!

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đưa chúng ta nhìn về Gierusalem. Hôm qua tại Thành Thánh có cuộc canh thức cầu nguyện cho hòa bình. Đây là đất thánh của các tín hữu Dothái, Kitô giáo và Hồi giáo. Hôm nay chúng ta tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần để tiếp tục có những cử chỉ và thiện chí đối thoại và hòa giải tại Đất Thánh và Trung Đông.

Tôi muốn dành dịp đặc biệt này để cầu nguyện cho Venezuela yêu quý. Xin Chúa Thánh Thần ban cho dân nước Venezuela ơn khôn ngoan, để mọi người biết tìm kiếm con đường hòa bình và hợp nhất.

Biến cố lễ Ngũ Tuần đánh dấu khởi nguồn của sứ mạng phổ quát trong Hội Thánh. Đó là lý do mà hôm nay Thông điệp cho Ngày thế giới Truyền giáo được xuất bản. Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em là khách hành hương đến từ Italia và từ các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Tứ Quyết SJ

Sứ điệp Đức Thánh Cha về Ngày Thế Giới truyền giáo

Sứ điệp Đức Thánh Cha về Ngày Thế Giới truyền giáo

VATICAN. ĐTC mời gọi giới trẻ dấn thân trong sứ mạng mang Tin Mừng cho tất cả mọi người, cho đến ”tận cùng trái đất”.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế Giới truyền giáo được công bố hôm 19-5-2018, để chuẩn bị cho Ngày này sẽ được cử hành vào chúa nhật 21-10 năm nay, giữa lúc Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ tiến hành tại Roma. Vì thế Chủ đề được ĐTC chọn cho Ngày Thế giới này là ”Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.

ĐTC nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Ngài viết: ”Sứ mạng thông truyền đức tin, trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội, diễn ra qua sự ”hay lây” của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa được tìm lại và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng”.

Nhắc đến lời Chúa dạy các môn đệ hãy mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất, ĐTC giải thích rằng ”Những môi trường con người, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện bí tích của Giáo Hội chính là những khu ngoại ô tột cùng, ”những bờ cõi của trái đất: mà các môn đệ thừa sai được gửi đến từ khi Chúa Giêsu Phục Sinh, với niềm xác tín có Chúa luôn ở với chúng ta (Mt 28,20; Cv 1,8). Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại hệ tại điều đó.

ĐTC giải thích thêm rằng ”Khu vực ngoại ô tiêu điều nhất của nhân loại đang cần Chúa Kitô chính là sự dửng dưng đối với đức tin hoặc thậm chí đó là sự oán ghét chống lại đời sống sung mãn trong Chúa. Mỗi sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, mỗi sự kỳ thị chống lại các anh chị em luôn luôn là hậu quả của sự từ chối Thiên Chúa và tình thương của Ngài”.

ĐTC nói với các bạn trẻ rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (Xc Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối vơi một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình” (Rei 19-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Gương sống của Thánh Rita thành Cascia được bốn phụ nữ ngày nay noi theo

Gương sống của Thánh Rita thành Cascia được bốn phụ nữ ngày nay noi theo

Phục vụ người thân cận, kiên trì, khiêm nhường và can đảm ôm lấy chính thập giá của mình: đó là 4 nhân đức nổi trội của thánh nữ Rita đã thực hành trong cuộc sống thường ngày. Để vinh danh các phụ nữ, những người cũng đã một cách nào đó sống theo mẫu gương của Thánh Rita, nghĩa là can đảm thực hành những điều mà mọi người cho là không thể; vào ngày 21-5 tại Cascia bốn phụ nữ sẽ được sự Công nhận quốc tế dành riêng cho những “trường hợp không thể”.

Cuộc đời và câu chuyện của nữ tu Augustinô ngày nay vẫn còn được suy tư. Là phụ nữ, vợ, mẹ, góa, nữ đan sĩ, bị kỳ thị, Thánh nữ Riata đã sống từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày đưa vào thực hành các giá trị của việc đón tiếp, bác ái, đối thoại và tha thứ.

Những phụ nữ với các nhân đức của Thánh Rita

Năm nay, các nhân đức của thánh Rita đã được công nhận nơi Emanuela Disarò và Daniela Burigotto – các phụ nữ của Gloria Trevisan và Marco Gottardi, hai vị hôn thê đã chết trong ngọn lửa của Tháp Grenfell ở London – vì đã đón nhận thập giá, tìm sức mạnh trong đức tin; Soňa Vancaková của Košice (Slovakia) vì đã chiến đấu và tin cho đến cùng giá trị của gia đình, được hiểu đó là những kinh nghiệm khó khăn của gia đình trong sự giúp đỡ cụ thể và nâng đỡ những gia đình khác cũng đang có hoàn cảnh khó khăn; Giuseppina Ceccaroni của Gualdo Cattaneo (Perugia), vì đã phải đối mặt với những trở ngại của cuộc sống, tìm sức mạnh trong đức tin và phục vụ người khác. Bốn "phụ nữ của Rita" sẽ đón nhận sự Công nhận từ bề trên Hội dòng Augustinô, cha Alejandro Moral Antón vào lúc 5:30 g chiều, tại nhà thờ Thánh Rita. Sự vinh danh sẽ được viết trên một tấm da vào trao cho các phụ nữ.

Lần thứ 60, sự kết hợp của đức tin và hòa bình: Cascia-Košice

Vào đêm trước của ngày phụng vụ kính nhớ vị thánh của Roccaporena, lúc 6.30 chiều, dự kiến sẽ có cử hành tưởng nhớ ngày Qua đời của thánh nữ, trong khi đó vào lúc 9:30 g chiều, Ngọn đuốc Hòa bình sẽ đến, biểu tượng của sự Kết hợp đức tin và hòa bình mà mỗi năm kết nối Cascia với một thành phố khác nhân danh thánh Rita. Năm nay, lần thứ 60 của sáng kiến, thành phố được kết nghĩa là Košice, ở Slovakia, nơi có cộng đoàn tu sĩ Augustinô và nơi vào ngày 8 tháng 5 một nhà thờ được dâng kính cho Thánh Rita.

Truyền thống làm phép hoa hồng vào ngày lễ Thánh Rita

Ngày 22 tháng 5, đỉnh cao của lễ Thánh Rita, sẽ có thánh lễ trọng thể mừng Thánh nữ tại sân nhà thờ. Năm nay, vào lúc 11:00 giờ thánh lễ sẽ được ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh chủ tế. Cuối Thánh lễ sẽ có lời nguyện với Thánh Rita và truyền thống làm phép hoa hồng, biểu tượng của thánh nữ, được giữ lại hoặc trao cho một người cần sự an ủi. (Rei 19-5-2018)

Ngọc Yến

Đức Thánh Cha họp với các Giám Mục Chile để tìm giải pháp

Đức Thánh Cha họp với các Giám Mục Chile để tìm giải phá

VATICAN. Thứ ba 15-5-2018, ĐTC bắt đầu nhóm họp trong 3 ngày với các GM Chile để cùng tìm kiếm những thay đổi thích hợp cho Giáo Hội tại Chile sau những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên tại nước này.

Cuộc họp sẽ kéo dài đến ngày 17-5 tới đây với sự tham dự của 31 GM chính tòa và phụ tá, 2 GM về hưu của Chile. Hiện diện với ĐTC cũng có ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ GM và cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ Châu la tinh.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh, công bố hôm 12-5-2018 nói rằng: ”Đối tượng của tiến trình ”công nghị dài” này là cùng nhau phân định, trước mặt Chúa, trách nhiệm của tất cả và từng người, trong những vết thương tàn hại này, và nghiên cứu những thay đổi thích hợp và lâu dài, nhắm ngăn cản sự tái diễn những hành vi luôn đáng lên án.

”Điều cơ bản là tái lập sự tín nhiệm nơi Giáo Hội, qua những vị mục tử tốt lành, bằng đời sống, chứng tỏ mình đã nhận ra tiếng Vị Chúa Chiên lành và biết đồng hành với những đau khổ của các nạn nhân, và quyết liệt hành động không biết mệt mỏi để phòng ngừa các lạm dụng”.

ĐTC cám ơn sự sẵn sàng của các anh em Giám Mục Chile trong việc ngoan ngoãn và khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Linh, và ngài tái mời gọi Dân Chúa ở nước này tiếp tục cầu nguyện để có sự hoán cải của tất cả mọi người”.

Sau cùng, thông cáo cho biết ĐTC sẽ không công bố tuyên ngôn nào trong và sau cuộc gặp gỡ, diễn ra trong sự hoàn toàn kín đáo.

 Từ lâu Giáo Hội Công Giáo tại Chile đã bị rúng động vì vụ LM Fernando Karadima lạm dụng nhiều trẻ vị thành viên, và LM này đã bị lên án tù chung thân.

Có sự bao che và che đậy của nhiều chức sắc trong Giáo Hội tại đây đối với LM này. Một trong các cộng tác viên của LM này là Juan Barros hiện là GM giáo phận Orsono, bị cáo là đã biết những vụ lạm dụng của cha Karadima mà giữ im lặng. Đức Cha Barros luôn phủ nhận những lời cáo buộc đó và 2 lần xin ĐTC cho từ chức, nhưng Người vẫn luôn tin và bênh vực vị GM này. Sự kiện bùng nổ to hơn nhất là trong dịp ĐTC viếng thăm Chile hồi tháng giêng năm nay.

Trước những phản ứng rất tiêu cực, ĐTC đã cử Đức TGM Charles Scicluna người Malta với sự trợ giúp của 1 LM thuộc Bộ giáo lý đức tin, đến gặp các nạn nhân của cha Karadima ở New York và tại Chile. Ngày 20-3 vừa qua, Đức TGM đã trao cho ĐTC tập hồ sơ gồm 2,300 trang thu thập 64 chứng từ của các nạn nhân, trình bày những dữ kiện, nhất là bao nhiêu sự kiện đau thương mà cho đến nay khong ai trong hàng giáo phẩm Công Giáo ở Chile muốn nghe. Thư của ĐTC gửi các GM Chile có đoạn viết:

”Tôi đã phạm những sai lầm trầm trọng trong việc thẩm định và nhận xét về tình trạng, nhất là vì thiếu thông tin chân thực và quân bình. Ngay từ bây giờ tôi xin lỗi tất cả những người mà tôi đã làm thương tổn và hy vọng có thể đích thân xin lỗi trong những tuần lễ tới đây, trong những cuộc gặp gỡ các đại diện của những người đã làm chứng”.

ĐTC cũng khiêm tốn xin sự cộng tác và giúp đỡ của các GM Chile trong việc phân định những biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần đề ra để tái lập sự hiệp thông trong Giáo Hội tại Chile, với mục đích chữa lành gương mù gương xấu bao nhiêu có thể và tái lập công lý. Trong thư ngày 11-4 vừa qua, Ngài viết:

”Tôi mời tất cả các GM Chile đến Roma để thảo luận về những điều phải làm, và ngay từ bây giờ tôi xin Giáo Hội tại Chile cầu nguyện”. (Rei 12-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC ca ngợi các hoạt động bác ái của Câu lạc bộ Thánh Phêrô

ĐTC ca ngợi các hoạt động bác ái của Câu lạc bộ Thánh Phêrô

VATICAN: ĐTC Phanxicô ca ngợi các hoạt động bác ái của Câu lạc bộ Thánh Phêrô đối với các anh chị em nghèo túng là thân mình bị thương tích của Chúa Kitô.

Ngài đã đưa ra lời khen ngợi này trong buổi tiếp các thành viên Câu lạc bộ thánh Phêrô sáng ngày 12 tháng 5. Từ biết bao năm qua câu lạc bộ đã là một cành phong phú của “cây nho bác bác ái” trong vườn nho Roma, khi nhận ra gương mặt của Chúa Kitô nơi người nghèo. ĐTC nói: Anh chị em là các thừa sai can đảm của lòng bác ái Kitô, không mệt mỏi làm chứng cho lòng thương xót và nhân lành của Thiên Chúa, và trở thành dụng cụ ủi an cho biết bao nhiêu người dòn mỏng và tuyệt vọng, noi gương biết bao nhiêu vị thánh của tình bác ái trong lịch sử Giáo Hội. Công tác tông đồ của anh chị em là dịp và là dụng cụ giúp đáp trả lại lời Chúa mời gọi nên thánh. Qua các sinh hoạt bác ái anh chị em cho phép ơn thánh của Bí tích rửa tội đem lại hoa trái trên con đường nên thánh.

ĐTC cũng cám ơn Đồng tiền thánh Phêrô, mà các thành viên thu góp trong mọi nhà thờ, như dấu chỉ việc tham dự và lưu tâm của Giám Mục Roma đối với người nghèo túng. ĐTC phó thác các gia đình và  sứ mệnh của họ cho sự che chở của Đức Bà ơn cứu rỗi của dân Roma và hai thánh Phêrô Phaolô. Ngài xin họ tiếp tục yểm trợ sứ vụ mục tử của ngài với lời cầu nguyện (REI 12-5-2018)

Linh Tiến Khải

ĐTC khích lệ củng cố liên hệ tình bạn giửa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống Tchèque Slovacchia

ĐTC khích lệ củng cố liên hệ tình bạn giửa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống Tchèque Slovacchia

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống củng cố các liên hệ tinh thần và tình bạn để gia tăng việc chung xây hiệp nhất, noi gương hai thánh Cirillo và Metodio vượt thắng các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô và các truyền thống khác biệt.

ĐTC đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp Đức Thượng Phụ  Rastislav của Giáo Hội chính thống Tcheque Sloavacchia sáng 11 tháng 5 vừa qua. Ngài cảm tạ Chúa vì các mối dây liên lạc tinh thần hiệp nhất khuyến khích theo đuổi việc xây dựng cho nhau và tìm về hiệp nhất. Mộ của hai thánh Cirillo và Meetodio Tông đồ các dân tộc Slave trong vương cung thánh đường thánh Clemente ở Roma là một trong các chứng tích liên hệ tinh thần ấy. Hai thánh đã đem các thách tích của thánh Clemente, một trong các vị Giám Mục Roma tiên khởi, chết khi bị đi đầy dưới thời hoàng đế Traiano, từ Salonicco về cho ĐGH Adriano II. Cử chỉ của hai vị cho thấy gia tài chung của sự thánh thiện với chứng tích tử đạo của biết bao nhiêu vị kitô hữu  như thánh Clemente đã trung thành với Chúa Giê su, hay như các kitô hữu bị chế độ vô thần bách hại tại các nước đông âu trong đó có Tcheque và Slovacchia.  Cả ngày nay nữa các khổ đau của biết bao nhiêu anh chị em kitô bị bách hại vì Tin Mừng là lời mời gọi cấp bách  kiếm tìm một sự hiệp nhất lớn hơn.

** Điểm thứ hai có thể rút tỉa từ chứng tá của hai thánh Cirillo và Metodio là tương quan giữa việc rao truyền Tin Mừng và nền văn hóa. Là các người theo truyền thống Bisantin hai anh em thánh thiện này đã táo bạo dịch Phúc Âm ra thứ tiếng mà các dân tộc Slave vùng Moravia có thể hiểu được. Được Đức Gioan Phaolo II nâng làm đồng bổn mạng Âu châu hai thánh cũng là gương mẫu cho công việc rao truyền Tin Mừng ngày nay.  Để loan báo Chúa Kitô tái khẳng định các lược đồ quá khứ thôi không đủ, cần phải lắng nghe Thánh Linh luôn gợi hứng cho các con đường mới mẻ can đảm loan báo Chúa cho con người thời nay. Đây là điều Chúa cũng làm tại các nước ngày nay bị tục hóa và thờ ơ với tôn giáo.

Điểm thứ ba có thể học hỏi nơi thánh Cirillo và Metodio là việc thắng vượt các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô, các nền văn hóa và các truyền thống khác nhau. Trong nghĩa này hai vị đã là những người tiên phong đích thực của phong trào đại kết (Gioan Phaolo II, Slavorum Apostoli, 14). Hai thánh nhắc cho chúng ta biết rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, mà là hòa giải các khác biệt trong Chúa Thánh Thần. Các ngài khích lệ chúng ta sống sự khác biệt ấy trong sự hiệp thông, và không bao giờ mất cản đảm trên con đường tiến về hiệp nhất toàn vẹn.

ĐTC vui mừng về sự tham dự của Giáo Hội chính thống Tcheque và Slovacchia vào Ủy ban đối thoại hỗn hợp thần học công giáo chính thống. Ngài gửi lời chào thăm mọi tín hữu chính thống thuộc quyền Đức Thượng Phụ và xin Chúa cho hai Giáo Hội mau đạt sự hiệp nhất trọn vẹn qua lời bầu cử của hai thánh Cirillo và Metodio (REI 11-5-2018)

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Nomadelfia

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Nomadelfia

GROSSETTO. Sáng 10-5-2018, ĐTC đã dành 5 tiếng đồng hồ để viếng thăm hai cộng đoàn đặc biệt thuộc giáo phận Grossetto và Fiesole ở miền trung Italia: đó là Nomadelfia và Loppiano.

Nomadelfia, có nghĩa là ”Luật huynh đệ” được Cha Zeno Saltini thành lập cách đây 70 năm, qui tụ những người sống theo kiểu mẫu các cộng đoàn Kitô tiên khởi như được mô tả trong sách Tông Đồ công vụ (4,32): ”Đông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau, và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng tất cả được để làm của chung”.

Tại Nomadelfia hiện nay, một khu vực rộng 4 cây số vuông, các gia đình sống trong những căn nhà nhỏ, nhưng sinh hoạt trong căn nhà chung, cùng với 3, 4 gia đình, trong tinh thần huynh đệ, đùm bọc lẫn nhau. Người già trở thành ông bà nội của tất cả các trẻ em trong nhóm. Con cái cũng được các bà mẹ săn sóc chung khi một bà mẹ phải vắng mặt.

ĐTC đã đáp trực thăng đến Nomadelphia lúc quá 8 giờ sáng. Sau khi viếng mộ vị sáng lập là cha Zeno Saltini, ngài tiến về khu vực trung tâm nơi có khoảng 4 ngàn người đã tụ tập và dành cho ngài một cuộc tiếp đón thật nồng nhiệt.

Tại Hội trường bên trong có hơn 300 thành viên của Cộng đoàn và nhiều quan khách chờ sẵn ngài. ĐTC chào thăm trước tiên những người già yếu và khuyết tật. Trong số những người hiện diện, có nhiều phụ nữ gọi là ”các bà mẹ theo ơn gọi”, họ từ khước lập gia đình, để đón nhận săn sóc các em trẻ khác như con cái mình.

Sau lời chào mừng của ông Francesco Matterazzo, Chủ tịch Cộng đoàn, ĐTC và mọi người đã xem các trẻ em và người trẻ trình bày những hoạt cảnh về những nét nổi bật trong cuộc đời và lịch sử của cộng đoàn Nomadelfia.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ, ĐTC mô tả Nomadelphia, Cộng đoàn luật huynh đệ, là một ”thực tại có tính chất ngôn sứ, nhắm thực hiện một nền văn minh mới, thực thi Tin Mừng như một hình thức cuộc sống tốt đẹp”. Ngài nói:

”Cha Zeno đã hiểu rằng ngôn ngữ duy nhất mà những người đang sống trong tình cảnh khó khăn cơ cực hiểu được, đó là ngôn ngữ tình thương. Vì thế cha đã biết tìm ra một hình thức xã hội đặc biệt, trong đó không có chỗ cho sự cô lập hoặc cô đơn, nhưng theo nguyên tắc cộng tác giữa các gia đình khác nhau, tại đây các thành viên nhìn nhận nhau là anh chị em trong đức tin”.

Trong số những nét đặc thù của Nomadelphia, ĐTC nói: ”Tôi cũng muốn nhấn mạnh một dấu chỉ ngôn sứ khác, có tình nhân đạo rất lớn của cộng đoàn này, đó là sự quan tâm thương mến đối với những người già, cả khi họ không còn sức khỏe tốt, họ tiếp tục ở lại trong gia đình và được anh chị em trong toàn cộng đoàn nâng đỡ. Anh chị em hãy tiếp tục con đường này, thể hiện kiểu mẫu tình huynh đệ, kể cả qua những công việc và dấu chỉ cụ thể, trong nhiều bối cảnh mà đức bác ái Tin Mừng kêu gọi anh chị em, nhưng luôn luôn giữ tinh thần của Cha Zeno, muốn một cộng đoàn Nomadelphia ”nhẹ nhàng” và chỉ có những cơ cấu nòng cốt. Đứng trước một thế giới nhiều khi thù nghịch đối với các lý tưởng được Chúa Kitô rao giảng, anh chị em đừng do du đáp lại bằng chứng tá vui tươi và thanh thản trong cuộc sống chúng ta theo Tin Mừng”.

 

Và ĐTC nhắn nhủ rằng: ”Anh chị em hãy tiếp tục lối sống này, tín thác nơi sức mạnh của Tin Mừng và Chúa Thánh Linh, qua chứng tá Kitô trong sáng của anh chị em”. (Rei 10-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm trung tâm Loppiano của Phong trào Tổ Ấm

Đức Thánh Cha viếng thăm trung tâm Loppiano của Phong trào Tổ Ấm

LOPPIANO. ĐTC đề cao đoàn sủng hiệp nhất của Phong trào Tổ Ấm, ngài khích lệ các hoạt động huấn luyện của Trung Tâm Loppiano và mời gọi các thành viên Phong trào trung thành với truyền thống trong tinh thần sáng tạo.

Trên đây là những ý tưởng nổi bật trong cuộc gặp gỡ và đối thoại của ĐTC với các thành viên Trung Tâm Loppiano sáng 10-5-2018 sau khi ngài viếng thăm Cộng đoàn Nomadelfia.

Loppiano, cách Roma khoảng 250 cây số, là cơ sở đầu tiên trong số 25 trung tâm lớn của Phong trào Focolare (Tổ Ấm), trên thế giới. Trung tâm này, gọi là Mariapoli, thị trấn của Mẹ Maria, được chị Chiara Lubich, vị sáng lập Phong trào Tổ Ấm, thành lập cách đây 54 năm (1964), và hiện nay có khoảng 850 dân cư thuộc 65 quốc gia, sống trên lãnh thổ rộng 200 hecta, kể cả khu vực phụ cận. Trong số này có một nửa thường trú, còn những người khác là những người đến tham dự các khóa huấn luyện tại 10 trường quốc tế tại đây, trong thời gian lưu trú từ 6 đến 18 tháng.

Đến Loppiano sau nửa giờ bay trực thăng từ Nomadelphia, ĐTC đã vào cầu nguyện tại Nguyện đường Mẹ Thiên Chúa (Maria Theotokos), và trước khi gặp chung tổng cộng gồm 6 ngàn người ở khu vực trước nguyện đường. Hiện diện trong dịp này còn có hàng chục GM, một số nhà sư Phật Giáo, và cũng có một vài người Việt Nam trong y phục cổ truyền.

Sau lời chào mừng của chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm, ĐTC đã và trả lời 3 câu hỏi được nêu lên.

Ngài gợi lại lai lịch của trung tâm Loppiano theo ý hướng của Chị Chiara Lubich: lấy hứng từ Đan viện Biển Đức Einsiedeln bên Thụy Sĩ, chị quan niệm đây là một ”thị trấn” trong đó có nhiều sinh hoạt khác nhau, một hình thức sống mới mẻ theo tinh thần Công đồng chung Vatican 2 và đi từ đoàn sủng hiệp nhất, trong đó con tim ở trong Thánh Thể, nguồn mạch sự hiệp nhất và đời sống mới, và như một gia đình trong đó tất cả đều nhìn nhận mình là con của một Cha duy nhất, đều dấn thân sống giới răn yêu thương đối với nhau. Đây không phải là một thị trấn để sống yên hàn trong đó bên ngoài thế giới, nhưng để ra ngoài, gặp gỡ, săn sóc, gieo vãi men Tin Mừng vào đấu bột xã hội, đặc biệt tại những nơi đang có nghèo đói, đau khổ, thử thách, tìm kiếm và nghi ngờ.

ĐTC nói: ”Đoàn sủng hiệp nhất là một sự kích thích theo sự quan phòng của Chúa, một trợ lực mạnh mẽ để sống sự thần bí theo tinh thần Tin Mừng, nghĩa là cùng nhau tiến bước trong lịch sử thời nay, đồng lòng hiệp ý với nhau (Cv 4,32). Loppiano được kêu gọi trở thành lý tưởng đó và với lòng tín thác, thực tiễn, cố gắng ngày càng trở nên như vậy. Đó là điều thiết yếu và cần luôn tái khởi hành từ điều đó.”

Trong một câu trả lời khác, ĐTC nhận xét rằng: ”Thật là một phong phú lớn vì tại Loppiano này có tất cả những trung tâm huấn luyện. Tôi đề nghị anh chị em hãy mang lại cho các trung tâm này một đà tiến mới, mở ra những chân trời rộng lớn hơn và tiến ra các biên cương. Đặc biệt điều thiết yếu là liên kết các dự phóng liên quan cụ thể đến các trẻ em, người trẻ, các gia đình và những người thuộc các ơn gọi khác nhau.

”Ngoài ra, điều quan trọng là tại Loppiano này có một trung tâm đại học, dành cho những người theo đuổi mục tiêu xây dựng một nền văn hóa hiệp nhất.

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng ”Thách đố lớn anh chị em cần đương đầu là thách đố trung thành trong tinh thần sáng tạo: nghĩa là trung thành với ý hướng nguyên thủy và cùng nhau cởi mở đón nhận hơi thở của Chúa Thánh Linh, can đảm bắt đầu những con đường mới mà Chúa soi sáng cho. Chính Chúa, chứ không phải cảm thức tốt, khả năng thực tiễn và cái nhìn luôn hạn hẹp của chúng ta. Để nhận ra và bước theo Thánh Linh, cần thực thi sự phân định cộng đồng, nghĩa là họp nhau, quanh Chúa Giêsu Phục Sinh, để lắng nghe điều mà Thánh Linh nói với chúng ta ngày hôm nay trong tư cách là cộng đồng Kitô (Xc Kh 2,7) và để cùng nhau khám phá, trong bầu không khí ấy, tiếng gọi mà Thiên Chúa cho chúng ta nghe được trong hoàn cảnh lịch sử qua đó, chúng ta sống Tin Mừng.

ĐTC nói thêm rằng: ”Cần lắng nghe tiếng Chúa cho đến khi cùng với Ngài chúng ta nghe được tiếng kêu của Dân, và cần lắng nghe Dân cho đến độ hấp thụ được ý mà Chúa gọi chúng ta thi hành. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải là những người chiêm niệm Lời Chúa và đồng thời là những người chiêm niệm Dân Chúa”

 

Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC đã chào thăm một đoàn đại diện của trung tâm, rồi lúc quá 11 giờ rưỡi, ngài đáp trực thăng để trở về Roma vào ban trưa cùng ngày (Rei 10-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Cuộc sống mới qua Bí Tích Rửa Tội cho tín hữu tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô

Cuộc sống mới qua Bí Tích Rửa Tội cho tín hữu tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô

** Qua Bí Tích Rửa Tội tín hữu được tái sinh vào cuộc sống vĩnh cửu, sống ơn gọi hiệp nhất với Chúa Kitô trong Hội Thánh và tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Ngài luôn mãi.

ĐTC đã nói như trên với 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội. Ngài nói: Giáo lý về bí tích Rửa Tội đưa chúng ta tới lễ nghi trung tâm là rửa tội – nghĩa là dìm mình – trong Mầu Nhiệm phục sinh của Chúa Kitô (GLCG 1239). Ý nghĩa cử chỉ này đã được thánh Phaolô  nhắc cho kitô hữu Roma biết, trước hết bằng cách hỏi họ như sau: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm mình vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người để như Chúa Kitô đã phục sinh từ những kẻ đã chết chúng ta cũng có thể bước đi trong cuộc sống mới” (Rm 6,3-4). Bi Tích Rửa Tội mở ra cho chúng ta cánh cửa vào cuộc sống phục sinh, chứ không phải một cuộc sống trần tục. Một cuộc sống theo Chúa Giêsu. ĐTC giải thích như sau:

Giếng rửa tội là nơi, trong đó chúng ta làm lễ Vượt Qua với Chúa Kitô! Con người cũ đã bị chôn vùi với các đam mê lừa dối của nó (x. Ep 4,22), để tái sinh một thụ tạo mới (x. 2 Cr 5,17). Trong các bài giáo lý được gán cho thánh Cirillo thành Giêrusalem điều xảy ra trong nước rửa tội được giải thích cho các người mới được thanh tẩy như sau – Giải thích này của thánh Cirillo rất hay đẹp: “Chính trong lúc anh chị em chết đi và sinh ra, cùng làn sóng cứu rỗi trở thành mồ và mẹ cho anh chị em” (s. 20 Mistagogica 2,4-6; PG 33, 1079-1082).

** Việc tái sinh của con người mới đòi buộc con người bị hư hỏng vì tội lỗi phải trở thành tro bụi. Các hình ảnh của nấm mồ và lòng mẹ quy chiếu giếng rửa tội thật ra khá sâu đậm giúp diễn tả điều cao cả xảy ra qua các cử chỉ đơn sơ của Bí Tích Rửa Tội. Tôi thích trích bản khắc ở nhà nguyện rửa tội cổ xưa của đền thờ Laterano, trên đó người ta đọc được kiểu diễn tả bằng tiếng la tinh được gán cho ĐGH Sisto III như sau: “Mẹ Giáo Hội sinh ra một cách đồng trinh qua nước các người con mình được thụ thai bởi hơi thở của Thiên Chúa. Hỡi những ai được tái sinh bởi giếng này, hãy hy vọng nước trời” Thật là đẹp: Giáo Hội cho chúng ta sinh ra, Giáo Hội là cung lòng, là mẹ chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội.

Nếu cha mẹ chúng ta đã sinh chúng ta vào cuộc sống trần gian, thì Giáo Hội đã sinh ra chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta đã trở nên con cái trong Đức Giêsu Con của Ngài (x. Rm 8,15; Gl 4,5-7). Cả trên từng người trong chúng ta đã được tái sinh bởi nước và bởi Thánh Thần, Thiên  Chúa Cha trên trời cũng làm vang lên với tình yêu vô biên tiếng Ngài nói rằng: “Con là con yêu dấu của Ta” (x. Mt 3,17). Tiếng nói hiền phụ này, tai không thể nhận ra được, nhưng có thể nghe được bởi con tim của người tin, đồng hành với chúng ta suốt đời, không bao giờ bỏ chúng ta.

Trong suốt cuộc đời Thiên Chúa Cha nói với chúng ta: “Con là con trai yêu của Ta, con là con gái yêu của Ta”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao nhiêu, như một Ngươi Cha và Ngài không bỏ chúng ta một mình. Điều này từ lúc Rửa Tội.

Được tái sinh làm con Thiên Chúa chúng ta là con luôn mãi! Thật thế, bí tích Rửa Tội không được lập lại, bởi vì nó in một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa nhòa được: “Dấu ấn đó không bị xóa bỏ bởi bất cứ tội lỗi nào, tuy tội lỗi ngăn cản Bí Tích Rửa Tội đem lại hoa trái cứu độ” (GLCG 1272).

Dấu ấn của Bí Tich Rửa Tội không bao giờ bị mất! “Nhưng mà thưa cha, nếu một người trở thành một tên cướp, trong số những tên cướp khét tiếng nhất, giết người, phạm các tội bât công, dấu ấn đó có mất không?” Không. Xấu hổ cho người làm các điều ấy là con Thiên Chúa, nhưng dấu ấn không mất đi. Anh ta tiếp tục là con Thiên Chúa, chống lại Thiên  Chúa nhưng  Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài. Anh chị em đã hiểu điều cuối cùng này chưa? Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài.

** Chúng ta có cùng nhau lập lại điều này không? “Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài”. Mọi người cùng lập lại nhưng hơi nhỏ nên ĐTC nói: Mạnh hơn một chút đi! Hoặc là tôi điếc hay tôi đã không hiểu. Tín hữu lập lại to hơn: Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài”. ĐTC nói: “Ừ, như vậy là tốt.”

Tiếp tục bài huấn đụ ĐTC nói thêm như sau:

Được sát nhập vào Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, như thế những người được thanh tẩy được đồng hình dạng với Ngài, là “trưởng tử của một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Qua hoạt động của Chúa Thánh Thần Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy, thánh hóa, làm cho nên công chính, để làm cho nhiều người trở thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1 Cr 6,11; 12,13). Việc xức dầu thánh diễn tả điều ấy, nó là “dấu chỉ của chức tư tế vương giả của người được rửa tội và của việc tháp nhập vào cộng đoàn dân Chúa” (Lễ nghi rửa tội trẻ em, s. 18,3). Vì vậy vị linh mục xức dầu thánh trên đầu mỗi người được rửa tội, sau khi đọc các lời giải thích ý nghĩa của nó như sau: “Chính Thiên  Chúa thánh hiến với dầu cứu độ, để khi được tháp nhập vào Chúa Kitô là tư tế, vua và ngôn sứ, anh chị em luôn là chi thể của thân mình Ngài cho cuộc sống vĩnh cửu” (ibid., s. 71).

Anh chị em thân mến, tất cả ơn gọi kitô là ở đây: sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Hội Thánh, tham dự vào chính sự thánh hiến để chu toàn cùng sứ mệnh, trong thế giới này bằng cách đem lại hoa trái tồn tại luôn mãi. Thật vậy, được linh hoạt bởi Thần Khí duy nhất toàn dân Chúa tham dự vào các chức vụ của Chúa Giêsu Kitô “Tư Tế, Vua và Ngôn Sứ” và gánh vác các trách nhiệm của sứ mệnh và việc phục vụ phát xuất từ đó (CCC, 783-786). Tham dự vào chức tư tế vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là làm cho mình trở thành một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1) bằng cách làm chứng cho Ngài qua một cuộc sống đức tin, đức mến (x. LG 12), và phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giêsu (x. Mt 20,25-28; Ga 13,13-17).

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đến từ Pháp và Canada cũng như các nhóm đến từ Anh quốc, Phần Lan, Indonesia, Philipines, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt nhóm các “tiểu nông dân” Ý đến từ nhiều nước khác nhau. Ngài cám ơn họ đã góp phần nuôi sống người dân trên thế giới, và khích lệ mọi người đừng quên sống ơn gọi thánh tẩy biến cuộc đời mình trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào các Hiệp Sĩ Thánh Mộ thuộc phân bộ thánh Hildegarde và các nữ tu Chúa Cứu Thế mừng 25 năm khấn dòng. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đặc biệt các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế và gia đình Phan Sinh Brasil cũng như các thành viên Học viện phát triển xã hội Lisboa. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố con tim giúp họ đồng cảm với Giáo Hội và kiên trì noi gương Mẹ Maria cộng tác với các chương trình cứu rỗi của Chúa.

Chào các nhóm hành hương đến từ vùng Trung Đông ĐTC khích lệ họ siêng năng lần Hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 5 này để đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và trên toàn thế giới.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nhắc tới lễ kính thánh Stanislao Giám Mục tử đạo Bổn Mạng Ba Lan, và khuyến khích họ noi gương can đảm của thánh nhân bảo vệ Tin Mừng, các giá trị luân lý đạo đức và phẩm giá của mỗi một người trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Trong các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên tổng tu nghị dòng các nữ tu Đức Bà Mercede, các nữ tử thừa sai núi Sọ, các nữ tu Phan Sinh tôi tớ Chúa Giêsu Hài Đồng, cộng đoàn giới trẻ Don Bosco Roma, các giáo xứ, các thành viên hiệp hội Giáo dân lòng Chúa Thương Xót, các nhóm sinh viên học sinh Civitanova Marche, Firenze và Gioia del Colle. Ngài cầu chúc mọi người luôn hăng say làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong môi trường cuộc sống thường ngày.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc nhớ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi trong tháng 5 kính Đức Mẹ, và noi gương Mẹ tiếp nhận các mầu nhiệm của Chúa Kitô trong cuộc sống và là món quà tình yêu cho tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã két thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải