Đức Thánh Cha cổ võ hòa giải tại Burundi

Đức Thánh Cha cổ võ hòa giải tại Burundi

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ Giáo Hội tại Burundi tiếp tục cổ võ hòa giải trước tình trạng quá nhiều khi nhân dân nước này bị chia rẽ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài huấn dụ trao cho 10 GM thuộc 8 Giáo phận tại nước Burundi trong buổi tiếp kiến sáng 5-5-2014, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Ám chỉ đến cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bộ tộc Tutsi và Hutu làm cho hàng trăm ngàn người chết, ĐTC viết: “Đất nước anh em, trong quá khứ gần đây, đã trải qua những xung đột kinh khủng, và dân tộc Burundi, quá nhiều khi còn bị chia rẽ, với những vết thương sâu đậm chưa được hàn gắn. Chỉ có một sự hoán cải nội tâm chân thực, trở về cùng Phúc Âm, mới có thể làm cho con người hướng chiều về tình yêu thương huynh đệ và tha thứ, vì ”tùy theo mức độ Thiên Chúa ngự trị được giữa chúng ta như thế nào thì đời sống xã hội mới là một không gian huynh đệ, công lý và hòa bình, phẩm giá cho tất cả mọi người” (Evangelii gaudium, 180). Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng theo chiều sâu vẫn là quan tâm số một của anh em..”

Đi vào chi tiết hơn, ĐTC khẳng định rằng các LM là những chứng nhân đầu tiên được mời gọi sống sự hoán cảnh chân thực như thế. Ngài khuyến khích các GM đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo các chủng sinh mà Chúa ban dồi dào cho Giáo Hội tại Burundi và chủng viện thứ 4 vừa được khánh thành tại đây.

Ngài nói: ”Trong sứ vụ linh mục, không thể có sự trổi vượt của khía cạnh quản trị hành chánh trên khía cạnh mục vụ, và không thể có một sự bí tích hóa mà không có một hình thức Tin Mừng hóa” (Evang. gaudium 63).

ĐTC nhận xét rằng: ”Ơn gọi ngày nay thật là mong manh và người trẻ cần được quan tâm tháp tùng trong hành trì ơn gọi của họ. Họ phải được những nhà đào tạo LM thực là những gương sống về niềm vui và sự trọn lành linh mục, biết gần gũi các chủng sinh, chia sẻ cuộc sống của họ, thực sự biết lắng nghe họ để có thể hướng dẫn họ tốt đẹp hơn. Chỉ như thế mới có thể phân định đúng đắn và tránh được những sai lầm”.

ĐTC không quên nhắc nhở các GM đào sâu việc huấn luyện giáo dân, và đặc biệt là củng cố sự cộng tác của giáo dân qua các phong trào và hội đoàn với các công tác xã hội. Ngài viết: ”Nên không ngừng tăng cường sự cộng tác quí giá và không thể thiếu được giữa các lực lượng khác nhau trong Giáo Hội, với tinh thần liên đới và chia sẻ, làm sao để dân Chúa nói chung tại Burundi là nhà truyền giáo”.

Burundi chỉ rộng gần 28 ngàn câu số vuông với 8 triệu 750 ngàn dân cư trong đó 81% là người Hutu và 16% thuộc bộ tộc Tutsi. 67% dân số là tín hữu Công Giáo, tương đương với gần 6 triệu người. Cuộc nội chiến giữa người Tutsi và Hutu đã xảy ra hồi năm 1996, và Đức TGM Joachim Ruhuna của Tổng giáo phận Gitega bị giết. (SD 5-5-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ Giáo hội tại Sri Lanka tiếp tục đối thoại và hòa giải

Đức Thánh Cha cổ võ Giáo hội tại Sri Lanka tiếp tục đối thoại và hòa giải

VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ Giáo Hội tại Sri Lanka tiếp tục dấn thân trong hành trình đối thoại và hòa giải đất nước sau cuộc nội chiến đau thương.

Sáng ngày 3-5-2014 Ngài đã tiếp kiến 14 GM thuộc HĐGM Sri Lanka, nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Chủ tịch Malcolm Ranjith, TGM giáo phận thủ đô Colombo.

Trong bài huấn dụ trao cho các vị tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến ơn gọi của Kitô hữu là trở thành men giữa lòng nhân loại, công bố và mang ơn cứu độ của Chúa vào thế giới, thường bị hoang hoang mất hướng đi và cần được khích lệ (Evangelii Gaudium 114). Ngài nhận xét rằng: ”Sri Lanka đang đặc biệt cần men ấy. Sau nhiều năm xung đột và đổ máu, chiến tranh đã chấm dứt tại đất nước anh em và bình minh hy vọng mới đang ló rạng.. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều phải làm để thăng tiến hòa giải, tôn trọng nhân quyền của mọi người và khắc phục những căng thẳng về chủng tộc còn tồn đọng.”

Cùng với các GM Sri Lanka, ĐTC khẳng định rằng ”các tín hữu Công Giáo tại nước này muốn cùng với mọi thành phần khác trong xã hội, góp phần vào việc hòa giải và tái thiết. Sự đóng góp này là thăng tiến tình đoàn kết và hiệp nhất.. Giáo Hội ở một vị thế đặc biệt có thể mang lại một hình ảnh sống động về sự hiệp nhất trong đức tin, với các tín hữu thuộc sắc tộc Singalais và Tamil trong các cộng đoàn của mình. Trong các giáo xứ và trường học, trong các chương trình xã hội và các tổ chức khác của Giáo Hội, người Singalais và Tamil có những cơ hội sống, học hành, làm việc và thờ phượng chung”.

ĐTC cũng khích lệ các hoạt động từ thiện bác ái của Giáo Hội như một đóng góp quan trọng cho sự tái phát triển… Giáo Hội tại Sri Lanka cũng quảng đại phục vụ trong các lãnh vực giáo dục, săn sóc sức khỏe, nâng đỡ người nghèo.. Sứ vụ của anh em và các hoạt động nâng đỡ người nghèo phải bao gồm mọi thành phần trong xã hội, vì ”không thể loại trừ bạo lực, bao lâu còn có tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội và giữa con người với nhau” (Evangelii Gaudium 59).

Trong bài huấn dụ, ĐTC cổ võ việc đối thoại liên tôn và đại kết, thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín đồ các tôn giáo và giữa các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, và làm cho nhau được phong phú. ĐTC viết” ”Giáo Hội tại Sri Lanka phải kiên trì trong việc tìm kiếm những người đối tác phục vụ hòa bình và đối thoại. Những hành vi dọa nạt, cũng xảy ra đối với Cộng đồng Công Giáo càng thúc đẩy anh em phải củng cố dân chúng trong niềm tin của họ”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các GM Sri Lanka tích cực nâng đỡ hàng giáo sĩ và tu sĩ, cũng như đẩy mạnh việc săn sóc mục vụ cho các gia đình. Ngài viết: ”Khi nâng đỡ tình yêu và lòng chung thủy của vợ chồng với nhau, chúng ta giúp các tín hữu sống ơn gọi của họ trong tự do và vui tươi và chúng ta mở ra cho các thế hệ mới sự sống của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Những cố gắng của anh em trong việc nâng đỡ gia đình không những trợ giúp Giáo Hội, nhưng còn giúp đỡ xã hội Sri Lanka nói chung, đặc biệt là những cố gắng hòa giải và hiệp nhất”.
Sri Lanka hiện có hơn 20 triệu dân cư, trong đó 70% là tín hữu Phật giáo; 9% là Kitô hữu trong đó có 1 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo (SD 3-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tường thuật thánh lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Tường thuật thánh lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các Hồng Y, Giám Mục, LM và giáo dân đến từ các nước.

Chúa nhật 27-4-2014 thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là ”Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ, Đức Phanxicô và Đức Biển Đức 16.

Buổi lễ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô được sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại khu vực Đền Thờ và vùng phụ cận, không kể hàng chục ngàn người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ được bố trí tại một số nơi ở Roma, cũng như tại Quảng trường trước Nhà Thờ chính tòa Milano, cách Roma khoảng 500 cây số. Theo đô trưởng Roma, Ông Ignazio Marino, hàng tỷ khán thính giả trên thế giới cũng theo dõi buổi lễ đặc biệt này qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Trên thềm Đền thờ, bên trái lễ đài từ dưới nhìn lên, được dành cho 150 Hồng Y và 700 Giám Mục, còn bên phải được dành cho các vị Quốc trưởng, thủ tướng, các quan chức và đại sứ thuộc 120 phái đoàn chính thức của các nước và nhiều cơ quan quốc tế, các đại diện tôn giáo, Chính Thống, Anh giáo, và cả Hồi giáo.

Hàng ngàn tín hữu đã qua đêm tại khu vực cạnh Quảng trường Thánh Phêrô, để lúc gần 6 giờ sáng, vừa khi được phép, họ tiến ngay vào khu vực dự lễ. Bầu trời Roma mây dầy, nhưng phần lớn thời gian không có mưa, nên tránh được nhiều vụ cảm nắng.

Video Thánh Lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng

Sơ lược tiểu sử hai vị tân Hiển Thánh
– Đức Giáo Hoàng Gioan 23
Đức Gioan 23 tên đời là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25.11.1881 tại Bergamo, Bắc Italia, trong một gia đình 13 người con, Angelo là người thứ tư. Bé Angelo đã được rửa tội ngay ngày chào đời và đã sống thời thơ ấu trong bầu khí Đức Tin mạnh mẽ của gia đình và giáo xứ. Sau khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức và rước lễ lần đầu năm 1889, Angelo gia nhập chủng viện Bergamo và theo học tại đây cho đến hết năm thần học thứ hai. Cũng trong thời gian này thầy bắt đầu viết một loạt nhật ký thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời, sau này được xuất bản với tựa đề Nhật ký của linh hồn. Từ năm 1901 đến 1905, thầy học tại đại chủng viện Roma và trong thời gian này, đã chu toàn bổn phận quân dịch bắt buộc. Ngày 10.08.1904, thầy Angelo Roncalli thụ phong linh mục tại nhà thờ Thánh Maria trên núi thánh ở quảng trường Nhân Dân trung tâm Roma. Nhiệm vụ đầu tiên của cha Roncalli là thư ký cho Đức Cha Giacomo Radini Tedeschi, tân GM Bergamo, tháp tùng Đức Cha trong các chuyến công du, phụ tá ngài trong mọi hoạt động mục vụ đồng thời, giảng dạy các bộ môn giáo sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện giáo phận. Trong thế chiến thứ nhất, cha Roncalli bị tổng động viên tái nhập ngũ trong ngành quân y rồi tuyên úy các bệnh viện hậu phương. Sau thế chiến cha mở nhà sinh viên và được chỉ định làm linh hương chủng viện vào năm 1919.

Từ năm 1921, bắt đầu giai đoạn 2 trong đời cha Roncalli: giai đoạn phục vụ Tòa Thánh. ĐGH Benedetto XV gọi cha về bộ Truyền Giáo và 4 năm sau đó, 1925, Đức Pio XI chỉ định cha làm Kinh Lược tông tòa Bulgari và nâng cha lên hàng GM. Mười năm sau, Đức Cha được chỉ định làm Đại Diện Tông Tòa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Những năm làm việc tại những môi trường thật khó khăn này đã giúp Đức Cha thu thập những kinh nghiệm hay đẹp, nhưng cũng đã làm cho Đức Cha chịu nhiều hiểu lầm đau khổ. Trong thời thế chiến thứ hai, Đức Cha đã cứu được nhiều người Do Thái nhờ tư cách ngoại giao. Năm 1953, Đức Cha Roncalli được nâng lên hàng HY và 5 năm sau đó, khi ĐGH Pio XII qua đời, HY đoàn đã bầu ĐHY Roncalli vào nhiệm vụ chủ chăn giáo hội hoàn vũ với tên gọi là Gioan 23. Suốt triều đại giáo hoàng của Ngài, Đức Gioan 23 đã được toàn thế giới yêu mến, xem là hình ảnh đích thật nhất của một chủ chăn nhân lành, đơn sơ nhưng can đảm, hiền hòa những đầy sáng kiến, nổi bật nhất là quyết định triệu tập Công Đồng chung Vatican II. ĐGH Gioan 23 qua đời chiều ngày 03.06.1963. Ngài được Đức Gioan Phaolo 2 tôn phong chân phước ngày 03.09 năm tháng 2000 tại quảng trường Thánh Phêrô.

– Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2

Karol Jozef Wojtyla sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice bên Ba Lan. Tuổi thơ của Karol mang nhiều tang tóc. Bà mẹ Emilia qua đời năm 1929, Karol vừa lên 9 tuổi, Năm 1932, đến lượt người anh trai bác sĩ Edmund và năm 1941, Karol mồ côi cha. Năm lên 9 tuổi, Karol được rước lễ lần đầu và lãnh bí tích thêm sức năm 18 tuổi. Năm 1938, sau khi hoàn tất bậc trung học tại Wadowice, Karol ghi danh vào trường đại học Jagellonica tại Cracovia. Năm sau 1939, quân Đức quốc xã xâm lăng đóng cửa các trường đạo học Ba Lan. Karol phải đi làm công nhân trong một xưởng đẽo đá rồi trong hãng hóa học Solvay để sống và để tránh khỏi bị lưu đày sang Đức. Đồng thời Karol cũng phát triển tài năng kịch nghệ bẩm sinh. Giữa bao nhiêu khó khăn cấm cản của quê hương Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng, Karol khám phá ra ơn gọi tu trì và quyết định xin theo các khóa huấn luyện đào tạo linh mục lén lút tại Cracovia, do ĐTGM Adam Stefan Sapieha điều động.

Chiến tranh chấm dứt, thầy Karol tiếp tục việc học tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học đại học Jagellonica cho đến khi thụ phong linh mục ngày 01.11.1946. Sau đó cha được gửi sang Roma tiếp tục học tiến sĩ thần học. Năm 1948, cha trở về quê hương làm phụ tá trong các giáo xứ phụ cận Cracovia, linh hướng sinh viên, giảng dạy các bộ môn thần học luân lý đạo đức tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học Lublino. Tháng 7 năm 1958, ĐGH Pio XII chỉ định cha làm GM phụ tá Cracovia. Tháng giêng năm 1964, Đức Cha Wojtyla được ĐTC Phaolo VI chỉ định làm TGM Cracovia và 3 năm sau đó, 1967, nâng lên hàng HY. ĐC tham gia các hoạt động của Công đồng chung Vatican 2, cộng tác vào việc soạn thảo hiến chế Vui Mừng và hy vọng. Khuôn mặt và hoạt động của ĐC nổi bật lên trong môi trường Giáo hội Ba Lan đang nằm trong kềm kẹp của xã hội cộng sản bấy giờ.

Ngày 16.10.1978, ĐHY Wojtyla được HY đoàn bầu lên làm Giáo Hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolo 2 và chính thức nhậm chức ngày 22 tháng 10 sau đó. Ngày 13.05.1981, ĐGH Gioan Phaolo 2 đã bị mưu sát nhưng thoát chết nhờ bàn tay che chở của hiền mẫu Maria. Ngài đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình và ý thức là đã được ban cho một cuộc sống mới, người đã miệt mài hoạt đông phục vụ không biết mỏi mệt. Chưa có vị Giáo Hoàng nào đã viếng thăm gặp gỡ với tín hữu nhiều như Đức Gioan Phaolo 2. Ngài qua đời lúc 21 giờ 37 ngày 02.04.2005 tại dinh tông tòa trong nội thành Vatican. Lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo 2 đã được vị kế nhiệm là ĐGH Benedetto XVI, từng là cộng sự viên của ngài trong nhiều năm trời, chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô ngày 01.05.2011.

Thánh Lễ

Lúc quá 9 giờ 30, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tiến vào địa điểm hành lễ, giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Ngài ngồi ở ghế đầu dành cho các Hồng Y, phía sau đã có 700 GM trong phẩm phục đồng tế ngồi sẵn.

Các tín hữu cũng cảm động vỗ tay như vậy khi tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, và phu nhân đến chào ngài, khi đến khu vực dành cho các vị nguyên thủ quốc gia.

10 giờ kém 5 phút, trong khi ca đoàn và mọi người hát kinh cầu các thánh, đoàn 150 Hồng Y đồng tế bắt đầu tiến từ bên trong đền thờ Thánh Phêrô tiến ra lễ đài, đi trước là các vị Thượng Phụ và TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. Đi sau cùng là ĐTC Phanxicô. Ngài xông hương bàn thờ xong và tiến lại chào vị tiền nhiệm Biển Đức 16 của ngài, trước khi tiến đến bái kính tượng Đức Mẹ và đến ngai tòa.

Nghi thức phong hiển thánh bắt đầu với 3 lần ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên hai chân phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 vào Sổ Bộ các thánh. Sau lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin Thiên Chúa toàn năng nhờ Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh điều mà chúng ta sắp thực hiện. Sau lời thỉnh cầu thứ hai, ĐTC mời gọi cộng đoàn hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Linh. Sau lời xin thứ 3 của ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ĐTC đã tuyên đọc công thức phong thánh:

”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 là Hiển Thánh, và chúng tôi ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo (Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa), trong khi đó, thánh tích của hai vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ. Thánh tích của Đức Gioan 23 là một mảnh da của Người, và của Đức Gioan Phaolô 2 là một ống nhỏ đựng máu của thánh nhân.

Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về việc Thánh Tôma tông đồ được Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi động chạm đến những vế thương để tin và đừng cứng lòng nữa. ĐTC nói đến lòng can đảm của hai vị thánh Giáo Hoàng không hổ thẹn về những vết thương của Chúa, ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh trong việc hướng dẫn Dân Chúa, và ĐTC đặc biệt cầu xin Đức Gioan Phaolô 2, vị Giáo Hoàng của gia đình, hướng dẫn hành trình của Thượng Hội đồng GM về gia đình.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

”Nơi trọng tâm chúa nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.

”Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài. 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

”Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: ”Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).

”Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn. Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một ”niềm hy vọng sinh động”, cùng với một ”niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.

”Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ bi, trong đơn sơ và huynh đệ.

”Và đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican 2 đã có trước mắt. Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian 2, Đức Gioan 23 đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh.

”Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng HĐGM về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng HĐGM này, Giáo hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương”.

Lời nguyện phổ quát và chào thăm

Trong phần lời nguyện phổ quát bằng 5 thứ tiếng Tây Ban Nha, Arập, Anh, Hoa, và Pháp, cộng đoàn đã cầu xin Chúa cho vẻ đẹp của đời sống mới luôn rạng ngời trong Giáo Hội và cho mỗi người nhận biết Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống; cầu xin Chúa Cha đổ Thần Trí trên các tội nhân và những người lầm lạc trong tâm hồn và trong đêm tối được gặp Chúa Phục Sinh; cầu cho những người mới được tái sinh nhờ ơn thánh của các nhiệm tích Vượt Qua được Chúa giữ gìn trong sự thánh thiện và qua hoạt động của họ, mọi người thấy được công việc của Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống. Ý nguyện thứ tư: nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan 23, xin Chúa Cha lôi kéo tư tưởng và quyết định của các vị thủ lãnh các dân nước ra khỏi cái vòng oán thù và bạo lực, và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống chiến thắng trong các quan hệ của con người với nhau. Sau cùng, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Phaolô 2, xin Chúa Cha luôn khơi lên nơi những người thuộc giới văn hóa, khoa học và chính quyền lòng say mê bênh vực phẩm giá con người và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống được phụng sự nơi mỗi người.

Trong phần rước lễ, 70 phó tế đã mang Minh Máu Thánh đến cho các HY, GM đồng tế, trong khi 700 LM và phó tế khác phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu tại Quảng trường cũng như tại đường Hòa giải.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự phần đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài nồng nhiệt chào thăm và cám ơn các Hồng Y, đông đảo các GM và LM đến từ các nơi trên thế giới. Ngài cũng cám ơn các phái đoàn chính thức đến từ bao nhiêu nước, đến đây để tôn kính hai vị Giáo Hoàng đã góp phần không thể xóa nhòa cho chính nghĩa phát triển các dân tộc và hòa bình. Ngài không quên cám ơn chính quyền Italia về sự cộng tác quí giá, cũng như thân ái chào thăm các tín hữu thuộc giáo phận Bergamo và Cracovia nguyên quán của hai vị Giáo Hoàng và tất cả các tín hữu tham dự trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thống thánh lễ phong thánh này.

Thánh lễ kéo dài 2 giờ 10 phút và kết thúc lúc 12 giờ 10. ĐTC đặc biệt chào thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trước khi chào các vị trưởng phái đoàn của các nước.

G. Trần Đức Anh OP, Mai Anh

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Nam Phi đương đầu với các thách đố gia đình

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Nam Phi đương đầu với các thách đố gia đình

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 25-4-2014, dành cho 28 GM thuộc 3 nước miền nam Phi châu, ĐTC Phanxicô nhiệt liệt khích lệ các vị đương đầu với các thách đố về gia đình, sự giảm sút con số Linh Mục, và tình trạng luân lý sa sút.

Các GM thuộc 3 nước Nam Phi, Botswana và Zwaziland, họp thành một HĐGM miền nam Phi châu và các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ bằng tiếng Anh trao cho các GM, ĐTC nhắc đến một số thách đố mục vụ nghiêm trọng mà các GM miền nam Phi châu đã trình bày cho ngài, ví dụ: các gia đình Công Giáo có ít con cái hơn, và điều này cũng ảnh hưởng trên con số ơn gọi LM và tu trì. Một số tín hữu Công Giáo chạy theo các nhóm giáo phái khác; các phụ nữ phá thai chịu nhiều âm hưởng và chấn thương do hành động này, tỷ lệ ly dị cao, kể cả nơi các gia đình Kitô, và các trẻ em thường lớn lên trong môi trường gia đình thiếu ổn định; ngoài ra còn có nạn bạo hành gia tăng chống phụ nữ và trẻ em.

ĐTC tái khẳng định tính chất thánh thiêng và bất khả phân ly của hôn nhân Kitô, hôn nhân này thường bị tan vỡ do sức ép kinh khủng đến từ thế giới trần tục, vì thế phải đào sâu đạo lý rõ ràng và nâng đỡ chứng tá của các cặp vợ chồng dấn thân. ĐTC viết: ”Hôn nhân Kitô là một giao ước yêu thương trọn đời giữa một người nam và một người nữ; hôn nhân này đòi những hy sinh đích thực để tránh những ý niệm ảo tưởng về tự do tính dục và thăng tiến sự chung thủy trong hôn nhân”.

ĐTC cũng đề cập đến mối quan tâm của các GM miền Nam Phi Châu trước sự sa sút của luân lý Công Giáo nơi tín hữu, trong đó có cả cám dỗ ngày càng mạnh chiều theo sự bất lương. Ngài viết: ”Đây là một vấn đề mà anh em đã nói đến trong tinh thần ngôn sứ qua tuyên ngôn mục vụ về nạn tham ô hối lộ. Như anh em đã nêu rõ: ”Tham ô là ăn cắp của người nghèo, làm thương tổn những người dễ bị tổn thương nhất, gây hại cho toàn thể cộng đoàn.. phá hủy sự lòng tín nhiệm của chúng ta”.

Trước tình trạng đó, Cộng đoàn Kitô được kêu gọi sống phù hợp với niềm tin, làm chứng về các nhân đức lương thiện và thanh liêm, để chúng ta có thể đứng trước mặt Chúa và những người láng giềng của chúng ta với đôi tay và tâm hồn thanh sạch (Cư. Tv 24,4), như men Tin Mừng trong đời sống xã hội.

Cộng hòa Nam Phi rộng gần 4 lần Việt Nam với hơn 1 triệu 220 ngàn cây số vuông và trong số hơn 51 triệu dân có 8% là tín hữu Công Giáo. Cộng hòa Botswana rộng gần 600 ngàn cây số vuông, nhưng dân số chỉ có hơn 2 triệu người, trong đó 5% là tín hữu Công Giáo. Sau cùng nước Swaziland chỉ có 1 triệu 400 ngàn dân cư trên một lãnh thổ rộng hơn 17 ngàn cây số vuông nằm gọn trong lãnh thổ của Nam Phi. Tại nước này cũng có 5% dân số là tín hữu Công Giáo (SD 25-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha mời gọi làm chứng về niềm vui phục sinh

Đức Thánh Cha mời gọi làm chứng về niềm vui phục sinh

ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu làm chứng về niềm vui được gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng chiều ngày 24-4-2014 tại Nhà thờ thánh Ignatio Loyola của dòng Tên ở Roma, nhân lễ tạ ơn phong thánh San José de Anchieta, vị tông đồ của Brazil.

Hiện diện trong thánh lễ có 9 Hồng Y, 30 GM, đông đảo các tu sĩ dòng Tên, và các tín hữu, đặc biệt là người Brazil.

Thánh Anchieta thuộc dòng Tên, từ Tây Ban Nha, đến truyền giáo tại Brazil từ năm 19 tuổi đến khi qua đời năm 1586 lúc mới 52 tuổi đời.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến sự tích người bất toại ngồi ăn xin ở cửa đền thờ, nhưng khi được chữa lành, ông ta đã chúc tụng Thiên Chúa và niềm vui của ông lây sang người khác. Đứng trước biến cố đó, dân chúng kinh ngạc chạy đến, và khi ấy thánh Phêrô đã loan báo sứ điệp cứu độ cho họ. ĐTC nói: ”Niềm vui vì được gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, niềm vui làm chúng ta sợ không dám đón nhận, niềm vui ấy hay lây sang người khác, và chính niềm vui ấy làm cho Giáo Hội tăng trưởng. Giáo Hội lớn mạnh không phải bằng những hoạt động chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự thu hút. Chứng tá này của Giáo Hội nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và rồi được biến thành lời loan báo. Không có niềm vui ấy, thì ta không thể thành lập một Giáo Hội, một cộng đoàn. Đó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa”.

ĐTC cũng nhắc đến tấm gương của thánh San José de Anchieta, người đã hiến thân loan báo Tin Mừng nơi các thổ dân Brazil. Thánh nhân biết thông truyền điều mà Người đã cảm nghiệm về Chúa, điều mà Chúa đã thông ban cho thánh nhân trong những lần linh thao.. Thánh nhân đã có niềm vui lớn lao dường nào..”

ĐTC cũng nói rằng thánh de Anchieta đã sáng tác một bài ca rất hai dâng kính Đức Mẹ, gợi hứng từ thánh ca của Isaia đoạn 52, sánh ví người loan báo Tin Mừng như sứ giả loan báo hòa bình. ĐTC cầu xin Mẹ Maria, Ngừơi đã không sợ niềm vui, tháp tùng tất cả các tín hữu trong cuộc lữ hành, mời gọi mọi người hãy đứng dậy, từ bỏ sự bất toại của mình, để cùng nhau bước vào an bình và niềm vui mà Chúa Phục Sinh hứa cho chúng ta” (RG 24-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

VATICAN. Hôm 24-4-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cảnh giác giới báo chí đừng rút ra những hệ luận thổi phồng về cú điện thoại mục vụ của ĐTC.

Trong những ngày qua, báo chí ở Argentina cho biết ĐTC gọi điện cho một phụ nữ ly dị tái hôn ở nước này và cho bà được xưng tội rước lễ. Tin này được báo chí các nước đăng lại.

Trong thông cáo công bố ngày 24-4-2014, cha Lombardi nói rằng ”có nhiều cú điện thoại đã xảy ra trong khuôn khổ các quan hệ mục vụ riêng của ĐGH Phanxicô. Những cú điện thoại như thế tuyệt đối không phải là những hoạt động công cộng của ĐGH, nên không nên chờ đợi những thông tin hoặc bình luận từ phía phòng báo chí Tòa Thánh.”

”Bởi vậy, những điều đã được phổ biến về vấn đề này, rút khỏi khuôn khổ những quan hệ riêng, và sự phóng đại của các cơ quan truyền thông sau đó, không đáng tin cậy và là nguồn mạch gây ra những hiểu lầm và hoang mang.

”Vì vậy cần tránh rút từ vụ này những hệ luận liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội.

Tin về việc ĐGH bảo rằng việc cho người ly dị tái hôn rước lễ lại làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này bùng lên, nhất là trong viễn tượng Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay.

Hồi tháng 9-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phải cải chính tin cho rằng ĐGH Phanxicô điện thoại cho một thanh niên đồng tính luyến ái người Pháp, để trả lời thư trong đó anh ta nói rằng mình bị giằng co giữa đức tin và xu hướng đồng tính luyến ái của anh. (Apic 24-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

Hơn 40 ngàn người tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể với Đức Thánh Cha

VATICAN. Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 18-4-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma với sự tham dự của hơn 40 ngàn người.

Nghi thức này được hơn 50 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực Colosseo và trên đường Fori Imperiali để các tín hữu ở xa có thể theo dõi buổi lễ.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt các tín hữu khác, bắt đầu là một chủ xí nghiệp và một công nhân, 2 người ngoại quốc, hai người thuộc cộng đoàn cai nghiện, hai người vô gia cư, một gia đình, hai phụ nữ, hai bệnh nhân, ba trẻ em, hai người già, hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Thánh Địa, hai nữ tu.

Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, TGM giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Ngài nguyên là một công nhân trước đi đi tu và thụ phong LM năm 1978, rồi làm tuyên úy nhà tù lâu năm.

Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức TGM Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, chính trị bế tắc, khủng hoảng kinh tế, nạn nghiện ngập ma túy và rượu, nạn tra tấn, lòng ích kỷ, sợ hãi và thất vọng vì những thất bại, nạn cho vay lãi quá cao. Đức TGM cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, và di dân và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.

Tuy nhiên, các bài suy niệm của Đức TGM Brigantini cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đứng về phía những người bị tổn thương và bị lạm dụng, Chúa Kitô chịu treo trên thập giá để cứu chuộc mọi tội nhân.

Trong lời kết thúc buổi đi Đàng Thánh Giá, ĐTC khẳng định rằng: ”Sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng là tình thương, lòng từ bi và tha thứ.. Thiên Chúa đã đặt trên thập giá của Chúa Giêsu tất cả gánh nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả những bất công do mỗi Cain gây ra chống lại em mình, tất cả sự cay đắng do sự phản bội của Giuđa và Phêrô, tất cả sự kiêu kỳ của những kẻ cường quyền, tất cả sự kiêu hãnh của những bạn bè giả dối. Đó là một thập giá nặng nề, như đêm khuya của những người bị bỏ rơi, nặng nề như cái chết của những người thân yêu, thập giá ấy nặng nề vì gồm tóm trọn vẹn sự xấu xa của điều ác”.

”Nhưng đó cũng là một Thánh Giá vinh hiển như bình minh sau một đêm dài, vì tượng trưng tất cả tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn những gian ác và phản bội của chúng ta. Trong Thánh Giá, chúng ta thấy sự quái đản của con người, khi họ để cho sự ác hướng dẫn; nhưng chúng ta cũng thấy lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, Đấng không đối xử với chúng ta theo tội lỗi của ta, nhưng theo lượng từ bi của Ngài. Đứng trước Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy, hầu như chạm thấy sự kiện chúng ta được yêu thương dường nào; đứng trước Thánh Giá, chúng ta cảm thấy mình là ”con cái” chứ không phải là những ”đồ vật” hoặc đối tượng, như thánh Grerogio Nazianzeno đã quả quyết khi thân thưa với Chúa Kitô qua lời kinh này: ”Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chúa, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tàn lụi rồi. Con sinh ra và cảm thấy tiêu tán. Con ăn, ngủ, nghỉ và bước đi, con ngã bệnh và khỏi bệnh. Bao nhiêu ham hố và hành hạ vậy bủa tấn công con, con chết và thân xác trở thành tro bụi như xác thú vật, chúng không có tội. Nhưng con có gì hơn chúng? Chẳng có gì hơn, nếu không có Chúa. Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chía, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tiêu đời rồi”.

ĐTC nói tiếp: ”Lạy Chúa Giêsu của chúng con, xin hướng dẫn chúng con từ Thánh Giá đến phục sinh, xin dạy chúng con rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng chính là tình thương, lòng từ bi và tha thứ. Lạy Chúa Kitô, xin giúp chúng con tái thốt lên: ”Hôm qua tôi đã bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô; hôm nay tôi được vinh hiển với Ngài. Hôm qua tôi đã chết với Ngài, hôm nay tôi sống với Ngài. Hôm qua tôi đã bị chôn táng với Ngài, hôm nay tôi sống lại với Ngài. Sau cùng, tất cả chúng ta cùng nhớ đến các bệnh nhân, nhớ đến tất cả những người bị bỏ rơi dưới gánh nặng của thập giá, để họ tìm được trong thử thách của thập giá sức mạnh của hy vọng, niềm hy vọng phục sinh và tình thương của Thiên Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ và rửa chân cho người khuyết tật

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ và rửa chân cho người khuyết tật

Pope washed feet for handicap

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ 5 tuần thánh, 17-4-2014, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân cho những người khuyết tật thuộc hội chân phước Gnocchi ở Roma.

Đây là một trung tâm phục hồi tên là ”Đức Mẹ Chúa Quan Phòng” do hội Chân Phước LM Gnocchi thủ đắc và bắt đầu hoạt động từ 10 năm nay. Trung tâm có tổng cộng 150 giường chuyên săn sóc và giúp phục hồi những người khuyết tật.

ĐTC cử hành thánh lễ tại Nhà thờ của Trung tâm với sự tham dự của khoảng 500 tín hữu, gồm những người khuyết tật, cùng với thân nhân và các nhân viên của Trung Tâm, đặc biệt là Đức Ông Angelo Bazzari, chủ tịch của Hội Chân phước LM Gnocchi và cha tuyên úy của Trung Tâm, Pasquale Schiavulli.

Trong thánh lễ, ngài đã rửa chân cho 12 người khuyết tật tuổi từ 16 đến 86 tuổi, trong đó có 3 người ngoại quốc, đặc biệt là một người Hồi giáo Libia 75 tuổi, bị bệnh xáo trộn nặng về thần kinh. Họ được chọn đại diện cho 29 trung tâm của Hội thiện này ở Italia.

Trong bài giảng ứng khẩu, ĐTC nhắc đến sự kiện Chúa Giêsu đã trở nên người tôi tớ và gia sản Chúa để lại cho chúng ta là ”hãy trở thành những người phục vụ lẫn nhau” trong tình yêu thương.

Ngài nói: ”Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ giã từ, và để lại cho chúng ta một gia sản: Người là Thiên Chúa và đã trở nên người tôi tớ, người phục vụ chúng ta. Và gia sản của Người là: cả các con cũng phải trở thành những người phục vụ nhau. Chúa đã đi con đường đó vì tình yêu: cả anh chị em cũng phải yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu thương. Đó là gia sản Chúa Giêsu để lại cho chúng ta”.

ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng việc rửa chân là một cử chị tượng trưng: ”Những người nô lệ vẫn làm điều ấy, những người phục vụ rửa chân cho các thực khách, cho người đến dùng bữa, vì thời ấy đường đi là đường đất bụi và khi vào nhà người ta cần phải rửa chân.. Vì thế, ngày hôm nay, Giáo Hội, khi tưởng niệm bữa tiệc ly, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, cũng làm cử chỉ rửa chân, nhắc nhớ cho chúng ta cũng phải phục vụ nhau”.

ĐTC nhắn nhủ mọi người, trong thâm tâm, hãy nghĩ đến người khác và đến tình yêu thương mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có đối với nhau, và chúng ta cũng hãy nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể phục vụ tha nhân một cách tốt đẹp hơn, vì đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện”.

Sau bài giảng, ĐTC đã cởi áo lễ, rửa và hôn chân 12 người khuyết tật như Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ. Bầu không khí thật cảm động, trong lúc đó ca đoàn gồm những người khách và những người thiện nguyện của Trung Tâm hát các bài thánh ca về tình bác ái.

Trong số những người được rửa chân, có Osvaldinho, 16 tuổi, người Capo Verde, nguồn trên ghế lăn vì bị thương khi nhào xuống biển mùa hè năm qua; hai cụ già Pietro và Angelica 86 tuổi; anh Walter bị hiệu chứng down; bà Giordana bị tứ chi bất toại, v.v.

Sau thánh lễ, ĐTC còn bắt tay chào thăm nhiều ngừơi ở trung tâm và khích lệ họ. Ngài cám ơn mọi người vì sự tiếp đón, vì thiện chí, kiên nhẫn, tin tưởng, vì chứng tá và niềm hy vọng: ”Xin Chúa Phục Sinh viếng thăm, an ủi và ở cùng anh chị em”.

Thánh lễ chiều thứ 5 tuần thánh năm 2013, ĐTC Phanxicô đã cử hành tại một Nhà tù thiếu niên ở Roma và rửa chân cho 12 tù nhân nam nữ kể cả những người không Công Giáo (SD 17-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ làm phép dầu

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ làm phép dầu

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các linh mục sống niềm vui được xức dầu để phục vụ, và sống tinh thần thanh bần, trung thành và vâng phục.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu sáng thứ năm Tuần Thánh 17-4-2014 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có 24 Hồng Y, hơn 30 GM và khoảng 1 ngàn linh mục, trước sự hiện diện của 7 ngàn tín hữu.
Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.
Trong bài giảng sau bài Tin Mừng (xin xem phần lớn toàn văn bài giảng của ngài dưới đây), ĐTC đã diễn giảng về đề tài ”Được xức dầu hoan lạc để xức bằng dầu hoan lạc”. Ngài nói: ”Thiên Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô, Ngài xức bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và lãnh nhận hồng ân cao cả này: niềm vui, niềm hoan lạc linh mục.”

ĐTC trình bày 3 đặc tính đầy ý nghĩa trong niềm vui linh mục: đó là một niềm vui xức dầu cho chúng ta – không làm cho chúng ta trở thành yểu điệu, khoe khoang và tự phụ-; đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui thừa sai, chiếu tỏa cho và thu hút tất cả mọi người.

Đặc biệt về đặc tính thứ ba này, ĐTC nói: ”Niềm vui của linh mục được đặt trong quan hệ thân mật với dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì đó là một niềm vui có đặc tính truyền giáo cao độ. Việc xức dầu cho linh mục là để xức dầu dân thánh trung thành của Thiên Chúa: để rửa tội và thêm sức, để săn sóc và thánh hiến, để chúc lành, để an ủi và loan báo Tin Mừng.

ĐTC nhận xét rằng: niềm vui của LM được chính đoàn chiên của mình bảo tồn”. Cả trong những lúc buồn sầu, khi mọi sự dường như trở nên u tối và sự cô lập choáng váng cám dỗ chúng ta, trong những lúc lãnh đạm và chán nản mà nhiều khi chúng ta gặp phải trong đời linh mục – và tôi cũng đã trải qua những lúc như thế-, cả trong những lúc ấy, dân Chúa có khả năng bảo tồn niềm vui, có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.”

ĐTC cũng nhắc đến 3 yếu tố canh giữ và bảo vệ niềm vui của LM, đó là thanh bần, trung thành và vâng phục. Sau cùng, ngài đặc biệt cầu cho các bạn trẻ đón nhận tiếng Chúa gọi, các tân linh mục, các LM đứng tuổi và các vị cao niên. Ngài nói: ”Xin Chúa gìn giữ sự sâu xa và sự trưởng thành khôn ngoan của niềm vui nơi những linh mục đứng tuổi. Chúng ta hãy biết cầu nguyện như ngôn sứ Neemia: niềm vui của Chúa là sức mạnh của tôi (Xc Ne 8,10).”

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma), cũng gọi là dầu hương thảo.

Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Đầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”, rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật”. Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn đệ trong Thiên Chúa.
Thánh lễ làm phép dầu kéo dài 1 giờ 45 phút.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

”Anh em thân mến trong chức linh mục! Ngày thứ năm Tuần Thánh hôm nay, ngày mà Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta đến tột cùng (Xc Ga 13,1), chúng ta tưởng niệm ngày hạnh phúc Chúa lập chức linh mục và ngày chúng ta chịu chức linh mục. Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô, Ngài xức bằng dầu hoan lạc và việc xức dầu này mời gọi chúng ta hãy đón lấy và lãnh nhận hồng ân cao cả này: niềm vui, niềm hoan lạc linh mục. Niềm vui của chức linh mục là một thiện ích quí giá không những cho đương sự nhưng còn cho toàn thể dân trung thành của Thiên Chúa: dân trung thành mà linh mục được kêu gọi đến giữa họ để được xức dầu và được sai đi để xức dầu cho dân.

Được xức dầu hoan lạc để xức bằng dầu hoan lạc

Niềm vui linh mục có nguồn mạch từ Tình Thương của Chúa Cha và Chúa muốn rằng niềm vui của Tình Thương này ở ”trong chúng ta” và ”được viên mãn” (Ga 15,11). Tôi vui mừng nghĩ đến niềm vui khi chiêm ngắm Đức Mẹ: Đức Maria, ”người Mẹ của Tin Mừng sinh động, là nguồn vui cho những người bé nhỏ” (Tông huấn 'Niềm Vui Phúc âm', 288) và tôi tin là chúng ta không nói quá khi khẳng định rằng linh mục là một người rất bé nhỏ: hồng ân cao cả vô biên được ban cho chúng ta để thi hành sứ vụ, xếp chúng ta vào số những người bé nhỏ nhất trong loài người. Linh mục là người nghèo nàn nhất trong nhân loại nếu Chúa Giêsu không làm cho linh mục được phong phú nhờ cái nghèo của Ngài; linh mục là người đầy tớ vô ích nhất nếu Chúa Giêsu không kiên nhẫn giáo huấn như Ngài đã làm với thánh Phêrô; linh mục là người yếu thế nhất trong số các Kitô hữu nếu vị Mục Tử Nhân Lành không củng cố linh mục giữa đoàn chiên. Không ai bé nhỏ hơn một linh mục bị bỏ mặc cho sức riêng của mình; vì thế kinh nguyện của chúng ta để chống lại mưu chước của ma quỉ chính là kinh nguyện của Mẹ chúng ta: tôi là linh mục vì, trong lượng nhân lành của Ngài, Chúa đã nhìn đến sự bé nhỏ của tôi (XcLc 1,48). Và từ sự bé nhỏ ấy chúng ta đón nhận niềm vui của mình.

Tôi tìm thấy 3 đặc tính đầy ý nghĩa trong niềm vui linh mục của chúng ta: đó là một niềm vui xức dầu cho chúng ta (không làm cho chúng ta trở thành yểu điệu, khoe khoang và tự phụ), đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui thừa sai, chiếu tỏa cho và thu hút tất cả mọi người, bắt đầu ngược lại, từ những người xa xăm nhất.

– Một niềm vui xức dầu chúng ta. Nghĩa là sự xức dầu ấy thấu nhập tận thâm tâm chúng ta, uốn nắn con tim chúng ta và củng cố bằng bí tích. Các dấu hiệu phụng vụ lễ truyền chức nói với chúng ta về một ước muốn từ mẫu mà Giáo Hội muốn chuyển đạt và thông truyền tất cả những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta: cử chỉ đặt tay, xức dầu hương thảo, mặc phẩm phục thánh, tham gia ngay vào việc truyền phép đầu tiên.. Ơn thánh làm cho chúng ta được tràn đầy và lan tỏa toàn vẹn, dồi dào và sung mãn nơi mỗi linh mục. Được xức dầu đến tận xương tủy.. và niềm vui của chúng ta, trào ra từ nội tâm, chính là âm vang của sự xức dầu ấy.

Một niềm vui không thể bị hư hỏng. Hồng ân toàn vẹn mà không ai có thể tước mất hoặc thêm thắt, chính là nguồn mạch không ngừng mang lại niềm vui: một niềm vui không thể hư mất, mà Chúa đã hứa là không ai có thể tước đoạt (Xc Ga 16,22). Niềm vui ấy có thể 'ngái ngủ' hoặc bị tội lỗi hoặc những lo lắng bận bịu của cuộc sống bóp nghẹt, nhưng xét cho cùng niềm vui ấy vẫn còn nguyên vẹn như than hồng dưới lớp tro, luôn luôn có thể được khơi dậy. Lời nhắn nhủ của thánh Phaolo với Timothê vẫn luôn có tính chất thời sự: Cha nhắc nhở con hãy khơi dậy ngọn lửa hồng ân của Thiên Chúa trong con do việc đặt tay của cha (Xc 1 Tm 1,6).

  • Một niềm vui thừa sai. Đặc tính thứ ba này tôi muốn chia sẻ và nhấn mạnh một cách đặc biệt: niềm vui của linh mục được đặt trong quan hệ thân mật với dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì đó là một niềm vui có đặc tính truyền giáo cao độ. Việc xức dầu cho linh mục là để xức dầu dân thánh trung thành của Thiên Chúa: để rửa tội và thêm sức, để săn sóc và thánh hiến, để chúc lành, để an ủi và loan báo Tin Mừng.

Và vì là một niềm vui có ảnh hưởng khi vị mục tử ở giữa đoàn chiên – (kể cả trong kinh nguyện thinh lặng, vị mục tử thờ lạy Chúa Cha giữa đoàn chiên của mình)- là một ”niềm vui được chính đoàn chiên của mình bảo tồn”. Cả trong những lúc buồn sầu, khi mọi sự dường như trở nên u tối và sự cô lập choáng váng cám dỗ chúng ta, trong những lúc lãnh đạm và chán nản mà nhiều khi chúng ta gặp phải trong đời linh mục (và tôi cũng đã trải qua những lúc như thế), cả trong những lúc ấy, dân Chúa có khả năng bảo tồn niềm vui, có khả năng bảo vệ linh mục, an ủi, giúp linh mục cởi mở con tim và tìm lại được một niềm vui.

”Niềm vui được đoàn chiên bảo tồn” và cũng canh giữ nhờ 3 người em quây quần, bảo vệ và bênh đỡ: người em khó nghèo, người em trung thành và người em vâng phục.

Niềm vui linh mục là một niềm vui có ngưi em là đức thanh bần. Linh mục nghèo niềm vui phàm tục: linh mục đã từ bỏ rất nhiều! Linh mục là người đã cho tha nhân rất nhiều, và vì nghèo, nên linh mục phải xin niềm vui ấy từ Chúa và từ dân trung thành của Chúa. Linh mục không được tự ban cho mình niềm vui ấy. Chúng ta biết rằng dân của chúng ta thật là quảng đại trong việc biết ơn các linh mục vì những cử chỉ ban phúc lành bé nhỏ nhất, đặc biệt là các bí tích. Khi nói về cuộc khủng hoảng căn tính linh mục, nhiều người không để ý rằng căn tính ấy giả thiết phải có sự thuộc về ai. Sẽ không có căn tính – và vì thế không có niềm vui sống – nếu không có thái độ tích cực thuộc về dân trung thành của Chúa (Xc ”Niềm vui Phúc Âm”, 268). Linh mục nào tự phụ mình tìm được căn tính linh mục bằng cách nhìn vào nội tâm của mình mà thôi, thì có thể sẽ không tìm được điều gì khác ngoài những dấu hiệu bảo ”hãy ra ngoài”: ra khỏi chính con người của bạn, hãy ra ngoài để đi tìm Thiên Chúa trong sự thờ lạy, hãy ra ngoài và trao cho dân điều đã được ủy thác cho bạn, và dân của bạn sẽ lo liệu cho bạn cảm thấy và nếm hưởng bạn là ai, bạn tên là gì, đâu là căn tính của bạn, và dân sẽ làm cho bạn vui mừng gấp trăm lần như Chúa đã hứa cho các tôi tớ của Ngài. Nếu bạn không ra khỏi chính mình, thì dầu sẽ bị ôi và việc xức dầu không thể mang lại kết quả phong phú. Ra khỏi chính mình đòi phải từ bỏ mình, và bao hàm sự thanh bần.

Niềm vui linh mục là một niềm vui có em là lòng trung thành. Không phải theo nghĩa tất cả chúng ta sẽ trở nên ”không vết tỳ ố” (Ước gì chúng ta được như vậy nhờ ơn Chúa!) vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng đúng hơn theo nghĩa một sự trung thành luôn mới mẻ đối với vị Hôn Thê duy nhất là Giáo Hội. Đây chính là chìa khóa của sự phong phú. Các con cái tinh thần mà Chúa ban cho mỗi linh mục, những người mà linh mục rửa tội, những gia đình mà ngài chúc lành và giúp họ tiến bước, những bệnh nhân mà linh mục nâng đỡ, những người trẻ mà linh mục dạy giáo lý và huấn luyện, những người già mà linh mục cứu giúp .. họ là ”vị Hôn Thê” mà linh mục vui mừng đối xử như người yêu ưu tiên và duy nhất và luôn luôn chung thủy. Đó là Giáo Hội sinh động, với tên tuổi, mà linh mục chăm sóc trong giáo xứ hoặc trong sứ vụ được ủy thác, chính Giáo Hội ấy mang lại niềm vui cho linh mục khi linh mục trung thành, khi linh mục làm tất cả những gì phải làm và bỏ đi tất cả những gì phải bỏ miễn là ở lại giữa đoàn chiên mà Chúa đã ủy thác cho linh mục: ”Hãy chăn dắt các chiên của Thầy” (Ga 21,16.17).

  • Niềm vui linh mục là niềm vui có ngưi em là đức vâng phục. Có thể nói đó là vâng phục Giáo Hội theo phẩm trật được ban cho chúng ta không những trong lãnh vực bên ngoài nhất của đức vâng phục: giáo xứ mà chúng ta được gửi đến, các năng quyền của sứ vụ, trách vụ đặc thù.. cả sự kết hiệp với Thiên Chúa Cha, từ đó nảy sinh mọi tình phụ tử. Cả sự vâng phục Giáo Hội trong việc phục vụ: sẵn sàng và mau mắn phục vụ tất cả mọi người, luôn luôn và theo thể thức tốt đẹp hơn, theo hình ảnh ”Đức Mẹ sẵn sàng (Xc Lc 1,39) chạy đến giúp đỡ bà chị họ và quan tâm đến cả việc bếp núc ở tiệc cưới Cana trong đó rượu bị thiếu. Sự sẵn sàng của linh mục làm cho Giáo Hội trở thành căn nhà có những cánh cửa mở rộng, là nơi mương náu cho những người tội lỗi, là tổ ấm cho những người sống ở đường phố, là nhà săn sóc các bệnh nhân, nơi cắm trại cho người trẻ, là nơi học giáo lý cho các trẻ em lớp xưng tội rước lễ lần đầu.. Nơi nào dân Chúa có ước mong hoặc nhu cầu, nơi ấy có linh mục biết lắng nghe, và cảm thấy một mệnh lệnh yêu thương của Chúa Kitô, Đấng sai linh mục đến đáp ứng, với lòng từ bi, những nhu cầu hoặc nâng đỡ những ước muốn tốt lành với lòng bác ái sáng tạo.

Người được gọi hãy biết rằng trong thế giới này có một niềm vui chân thành và viên mãn: niềm vui được đón nhận nơi dân mà linh mục yêu thương và để được sai đến với họ như người ban phát các hồng ân và sự an ủi của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành duy nhất, đầy lòng từ bi thương xót đối với mọi người bé nhỏ và bị gạt ra ngoài lề trên trái đất này, những người vất vả và bị đè nén như những con chiên không người chăn dắt; Vị Mục Tử ấy đã muốn cho nhiều người được tham gia sứ vụ của Ngài để ở lại và hoạt động như chính Ngài trong các linh mục, để mưu ích cho dân Ngài.

Trong ngày thứ năm của chức linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho nhiều người trẻ khám phá thấy một tâm hồn nồng nhiệt khiến họ có được một niềm vui bừng cháy vừa khi một người can đảm mau mắn và vui mừng đáp lại tiếng Chúa gọi.

Trong ngày Thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu bảo tồn ánh mắt vui mừng của các tân linh mục, họ ra đi để tận tụy phục vụ thế giới này, để bị tiêu hao giữa dân trung thành của Thiên Chúa, xin Chúa cho các linh mục ấy vui mừng dọn bài giảng đầu tiên, thánh lễ mở tay, cử hành bí tích rửa tội đầu tiên, giải tội lần đầu tiên… Đó là niềm vui được kinh ngạc chia sẻ kho tàng Phúc Âm lần đầu tiên trong tư cách là những người được xức dầu và cảm thấy rằng đối lại, dân trung thành xức dầu cho linh mục theo một thể thức khác: họ cúi đầu xin linh mục chúc lành cho họ, xiết tay linh mục, đưa con cái họ đến gần linh mục và xin đặt tay trên chúng.. Xin Chúa giữ gìn nơi các linh mục trẻ niềm vui được khởi hành, làm mọi sự như điều mới mẻ, niềm vui tiêu hao cuộc sống vì Chúa.

Trong ngày thứ năm linh mục này, tôi cầu xin Chúa củng cố niềm vui linh mục nơi những ngưi đã thi hành sứ vụ này trong nhiều năm trời. Niềm vui ấy không biến mất khỏi đôi mắt, đậu trên vai của những người đang vác gánh nặng của sứ vụ, những linh mục đã bắt mạch công việc, đang dồn toàn lực và tái võ trang: ”họ đổi không khí” như các thể tháo gia vẫn nói. Xin Chúa gìn giữ sự sâu xa và sự trưởng thành khôn ngoan của niềm vui nơi những linh mục đứng tuổi. Chúng ta hãy biết cầu nguyện như ngôn sứ Neemia: niềm vui của Chúa là sức mạnh của tôi (Xc Ne 8,10).

Sau cùng, trong ngày thứ năm linh mục này, tôi xin Chúa Giêsu làm cho niềm vui của các linh mục cao niên, lành mạnh hay yếu đau, được chiếu tỏa rạng ngời. Đó là niềm vui của Thập Giá, xuất phát từ ý thức mình có một kho tàng không thể hư nát trong một bình sành dễ bị vỡ. Chúng ta hãy biết an vui trong bất kỳ nơi nào, cảm thấy niềm vui về sự vĩnh cửu trong sự mau qua của thời gian (Guardini). Họ hãy cảm thấy niềm vui vì được chuyển ngọn đuốc cho người kế tiếp, niềm vui được thấy cảc con cái của các con cái lớn lên, và cảm nghiệm những lời hứa, trong nụ cười và dịu dàng, trong đó niềm hy vọng không làm thất vọng.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các chủng sinh

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các chủng sinh

VATICAN. ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các đại chủng sinh chủng viện liên giáo phận Leoniano đừng chuẩn bị để trở thành công chức, nhưng thành những mục tử theo hình ảnh của Chúa Chiên Lành.

Ngài đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14-4-2014, dành cho 100 người thuộc cộng đoàn Học viện Giáo Hoàng Leoniano, ở miền nam Roma. Cơ sở đào tạo LM này do ĐGH Leo 13 thành lập năm 1897 như một Học viện cho các giáo sĩ tuyển chọn từ vùng quê Roma, rồi trải qua nhiều thăng trầm và nay là chủng viện cho các giáo phận phụ cận Roma và mạn nam miền Lazio. Có một số chủng sinh đã đi bộ hành hương đến dự buổi tiếp kiến của ĐTC. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có một số GM vùng Lazio và các LM thuộc ban giám đốc và giảng huấn của chủng viện.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: ”Các chủng sinh quí mến, các thầy không chuẩn bị để thi hành một nghề, hoặc trở thành những nhân viên của một xí nghiệp hoặc một cơ quan hành chánh. Tôi nhắn nhủ các thầy đừng rơi vào tình trạng đó. Các thầy đang trở thành những mục tử theo hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành, để giống như Chúa và ở giữa đoàn chiên trong cương vị của Chúa, để chăn dắt các chiên”.

ĐTC nhận xét rằng đó thực là một lý tưởng cao cả, một công trình của Chúa Thánh Linh, với sự cộng tác của chúng ta. ”Vấn đề ở đây là khiêm tốn hiến dâng bản thân, như đất sét cần được nào nặn, để người thợ nặn là Thiên Chúa, nhào nắn đất sét ấy với nước và lửa, với Lời Chúa và Thánh Linh. Vấn đề ở đây là thi hành điều thánh Phaolô đã nói: ”Không phải tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chỉ như thế ta mới trở thành phó tế và linh mục của Giáo Hội; chỉ như thế ta mới có thể chăn dắt dân Chúa và hướng dẫn họ, không phải trên những nẻo đường của chúng ta, nhưng trên con đường của Chúa Kitô, hay đúng hơn trên Con đường là chính Chúa Giêsu”.

ĐTC giải thích thêm rằng: Cố gắng trở thành mục tử giống Chúa, ”có nghĩa là suy gẫm Tin Mừng hằng ngày, để thông truyền Tin Mừng bằng cuộc sống và lời giảng; có nghĩa là cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa trong bí tích hòa giải, để trở thành những thừa tác viên quảng đại và từ bi; có nghĩa là nuôi sống mình trong tin yêu bằng Thánh Thể, để nuôi dân Kitô bằng Thánh Thể; có nghĩa là trở thành những con người cầu nguyện, trở thành tiếng nói của Chúa Kitô, chúc tụng Chúa Cha và liên tục chuyển cầu cho anh chị em mình” (Dt 7,25).

Sau cùng ĐTC cảnh giác rằng: ”Nếu các thầy không sẵn sàng theo con đường ầy, với những thái độ và kinh nghiệm như thế, thì tốt hơn hãy can đảm tìm con đường khác. Trong Giáo Hội có nhiều cách thức để làm chứng tá Kitô. Trong việc theo Chúa Giêsu Kitô như thừa tác viên của Chúa, không có chỗ cho sự tầm thường, sự tầm thường này luôn đưa tới sự lợi dụng dân thánh của Chúa để mưu tư lợi cho mình”. (SD 14-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ bênh vực quyền sống

Đức Thánh Cha cổ võ bênh vực quyền sống

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-4-2014, dành cho 470 đại biểu của Phong trào Italia bênh vực sự sống, ĐTC tái bênh vực quyền sống và tố giác sự tách biệt giữa kinh tế và luân lý.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ông Carlo Casini, Đại biểu quốc hội Italia và là Chủ tịch Phong trào bênh vực sự sống tại nước này, cùng với các vị chủ tịch các trung tâm trợ giúp sự sống ở Italia.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng ”sự sống con người là thánh thiêng. Mỗi dân quyền đều dựa trên sự nhìn nhận quyền đầu tiên và cơ bản là quyền sống. Quyền này không bị tùy thuộc một điều kiện nào, về chất lượng, kinh tế, và càng không tùy thuộc điều kiện ý thức hệ. ”Vì thế, cũng như giới răn 'chớ giết người' đặt giới hạn rõ ràng để đảm bảo giá trị sự sống con người, thì ngày nay chúng ta cũng phải chống lại thứ kinh tế loại trừ và bất công”. Nền kinh tế này giết người.. nếu người ta coi con người tự nó là một sản phẩm tiêu thụ, có thể dùng rồi vứt bỏ đi. Như thế chúng ta mở màn cho một nền văn hóa loại bỏ, và thậm chí còn thăng tiến nền văn hóa ấy nữa” (Evang. gaudium, 53). Và như thế cả sự sống cũng bị gạt bỏ”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Một trong những rủi ro lớn nhất thời đại chúng ta đang gặp phải là sự tách biệt giữa kinh tế và luân lý, giữa những khả thể do thị trường với mọi kỹ thuật tân tiến mang lại và những qui luật luân lý đạo đức sơ đẳng của bản tính con người, ngày càng bị lơ là. Vì thế, cần tái khẳng định sự cương quyết chống lại mọi sự trực tiếp vi phạm sự sống, nhất là sự sống của những người vô tội và vô phương thế tự vệ, và thai nhi còn ở trong lòng mẹ là người vô tội.”

ĐTC đã ứng khẩu kể lại một giai thoại xảy ra cách đây nhiều năm: ”Một bác sĩ kia đã đến gặp tôi. Ông mang theo một gói và nói: 'Thưa cha, con muốn để lại cái này cho cha. Đây là những dụng cụ mà con đã dùng để phá thai. Con đã tìm được Chúa, con đã hối hận, và giờ đây con chiến cấu cho sự sống! Và ông trao cho tôi những dụng cụ đó. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bác sĩ ấy!” (SD 11-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 bác sĩ tham dự Hội nghị về giải phẫu ung thư

Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 bác sĩ tham dự Hội nghị về giải phẫu ung thư

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 120 bác sĩ tham dự Hội nghị về giải phẫu ung thư, sáng hôm 12-4-2014, ĐTC kêu gọi chú ý đến con người toàn diện và có tinh thần chia sẻ huynh đệ với các bệnh nhân.

Hội nghị do Đại học La Sapienza ở Roma cùng với bệnh viện thánh Andrea tổ chức.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao vai trò của các bác sĩ như một sự dấn thân có giá trị cao cả, để mang lại câu trả lời cho những mong đợi và hy vọng của nhiều bệnh nhân trên toàn thế giới. Và ngài nói:

”Để có thể nói về sức khỏe trọn vẹn, cần để ý rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, gồm thể xác và tinh thần. Hai yếu tố này có thể phân biệt, nhưng không tách rời nhau, vì con người là đơn nhất. Vì thế, cả bệnh tật, kinh nghiệm đau khổ, không phải chỉ liên quan đến chiều kích thân xác, nhưng liên hệ tới con người toàn diện.”

ĐTC nhận xét rằng ”cần có một sự chăm sóc chữa trị toàn diện, cứu xét trong người trong toàn bộ và liên kết sự chữa trị y khoa với sự nâng đỡ nhân bản, tâm lý và xã hội, tháp tùng tinh thần và nâng đỡ thân nhân người bệnh. Vì vậy, điều tối cần thiết là các nhân viên y tế ”được hướng dẫn nhờ một quan niệm nhân bản toàn diện về bệnh tật và biết thực hiện một lối tiếp cận thực sự là nhân bản đối với bệnh nhân đang chịu đau khổ” (Gioan Phaolô 2, Tự sắc Dolentium hominum, 11-2-1985).

ĐTC cũng nhắc đến Tuần Thánh bắt đầu với cao điểm là Tam Nhật Thánh cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Ngài nói: ”Chỉ có Chúa Kitô mang lại ý nghĩa cho cái cớ vấp phạm là sự đau khổ của người vô tội. Anh chị em cũng có thể nhìn lên Chúa chịu đóng đanh và sống lại, khi chu toàn công việc hằng ngày. Dưới thân thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng gặp người Mẹ đau khổ của Chúa. Người là Mẹ của toàn thể nhân loại và luôn gần gũi những người con đau yếu bệnh tật của Mẹ” (SD 12-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha cổ võ các dự án chống bắt trẻ em lao động nô lệ và đi lính

Đức Thánh Cha cổ võ các dự án chống bắt trẻ em lao động nô lệ và đi lính

VATICAN. Sáng ngày 11-4-2014, ĐTC đã tiếp kiến các đại diện của Văn Phòng Công Giáo quốc tế về trẻ em, gọi tắt là BICE, và ngài đặc biệt chống lại tệ nạn bắt trẻ em lao động như nô lệ và phải đi lính.

ĐTC nhắc lại sự kiện Văn phòng Bice được thành lập sau khi ĐGH Piô 12 lên tiếng bênh vực trẻ em hậu thế chiến thứ 2. Từ đó tổ chức này luôn dấn thân thăng các quyền của trẻ em và góp phần vào Hiệp ước của LHQ cách đây 25 năm về việc bảo vệ các quyền của trẻ em.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng: ”Ngày nay, điều quan trọng là tiếp tục thi hành các dự án chống lại tệ nạn trẻ em phải lao động như nô lệ, trẻ em bị xung vào quân ngũ và mọi thứ bạo hành chống trẻ vị thành niên. Nói một cách tích cực, cần tái khẳng định quyền của trẻ em được lớn lên trong một gia đình, với cha với mẹ có khả năng kiến tại một môi trường thích hợp cho sự phát triển và sự trưởng thành tình cảm của các em”.

ĐTC nói thêm rằng ”Những điều trên đây đồng thời cũng bao gồm quyền của các cha mẹ được giáo dục con em mình về luân lý và tôn giáo. Và về vấn đề này tôi muốn bày tỏ sự phủ nhận của tôi đối với mọi sự thí nghiệm giáo dục trên trẻ em. Không thể thí nghiệm trên trẻ em và người trẻ. Những kinh hoàng trong việc lèo giáo dục như chúng ta đã thấy trong các chế độ độc tài giệt chủng hồi thế kỷ 20, vẫn chưa biến mất; chúng còn có tính chất thời sự dưới những bộ áo và đề nghị hác nhau, dưới chiêu bài tân tiến, chúng thúc đẩy các trẻ em và người trẻ tiến bước trên con đường độc tài của ”tư tưởng duy nhất”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”Làm việc cho các nhân quyền đòi phải luôn giữa cho việc huấn luyện về nhân loại học được sinh động, được chuẩn bị kỹ lưỡng về thực tại con người, và biết trả lời cho những vấn đề và thách đố do các nền văn hóa hiện đại đề ra, cũng như não trạng được phổ biến qua các phương tiện truyền thông. Đối với anh chị em, vấn đề ở đây là cống hiến cho các vị lãnh đạo và nhân viên một sự thường huấn về nhân loại học trẻ em, vì các quyền lợi và nghĩa vụ có nền tảng nơi nền nhân lại học ấy và việc đề ra các dự án giáo dục cũng lệ thuộc vào đó”.

ĐTC cũng nhân danh toàn thể Giáo Hội xin lỗi vì những vụ vi phạm các quyền của trẻ em cho một số linh mục gây ra, những vụ lạm dụng tính dục trẻ em. ”Giáo Hội ý thức về những thiệt hại này. Đó là một lỗi bản thân và luân lý .. nhưng họ là những người của Giáo Hội. Và chúng tôi không muốn thối lui trong những biện pháp xử lý vấn đề này và hình phạt phải được đề ra. Trái lại, tôi tin rằng chúng ta phải rất mạnh mẽ, vì đối với các trẻ em không được đùa giỡn” (SD 11-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp các giáo sư và sinh viên các Đại học Dòng Tên ở Roma

Đức Thánh Cha tiếp các giáo sư và sinh viên các Đại học Dòng Tên ở Roma

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 10-4-2014 dành cho các giáo sư và sinh viên thuộc các đại học của Dòng Tên ở Roma, ĐTC kêu gọi hãy liên kết chặt chẽ việc học hành nghiên cứu với đời sống thiêng liêng.

Khoảng 2 ngàn người, gồm các ban giám đốc, giáo sư, sinh viên và các nhân viên thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, Thánh Kinh Học viện, và Giáo Hoàng học viện Đông Phương, là 3 cơ sở giáo dục cao đẳng thuộc Dòng Tên hoặc được Tòa Thánh ủy thác cho dòng điều khiển. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, một số HY, GM, Cha Nicolas SJ, Bề trên Tổng quyền dòng Tên, các vị viện trưởng của 3 Đại học.

Sau khi đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng của các cơ sở giáo dục này tọa lạc tại Roma, nơi gìn giữ ký ức về các Tông Đồ và các vị tử đạo, ĐTC nhấn mạnh đến tương quan giữa việc học hành nghiên cứu và đời sống thiêng liêng, đồng thời khẳng định rằng ”Sự dấn thân của anh chị em về mặt trí thức, giảng dạy và nghiên cứu, học hành, và trong việc huấn luyện tổng quát, càng được phong phú và hữu hiệu nếu được linh hoạt nhờ lòng yêu mến đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, nhờ tương quan vững chắc và hòa hợp hơn giữa việc học và cầu nguyện.

”Một thách đố của thời đại chúng ta ngày nay là thông truyền kiến thức và cung cấp một chìa khóa giúp hiểu biết sinh động, chứ không phải chồng chất những ý niệm không có liên hệ gì với nhau.”

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Nhà thần học nào tự mãn với tư tưởng đầy đủ và đóng kín của mình, là một nhà thần học xoàng. Nhà thần học và triết học tốt có một tư tưởng không đầy đủ nhưng luôn cởi mở đối với sự cao cả của Thiên Chúa và của chân lý, luôn phát triển, theo qui luật của thánh Vincent de Lérins: được củng cố qua năm tháng, được mở rộng qua thời gian, và được đào sâu hơn với tuổi tác” (Commonitorium primun, 23: PL 50, 668). Nhà thần học nào không cầu nguyện và không thờ lạy Thiên Chúa thì rốt cục sẽ chìm sâu trong thái độ tự yêu đáng kinh tởm”.

Cũng trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói đến đặc tính Giáo Hội của các đại học Giáo Hoàng và khẳng định rằng:

”Mục đích việc học hành nghiên cứu trong mỗi đại học Giáo Hoàng là Giáo Hội. Việc nghiên cứu và học hành phải được hội nhập vào đời sống bản thân và cộng đoàn, với sự dấn thân truyền giáo, tình bác ái huynh đệ và chia sẻ với người nghèo, chăm sóc đời sống nội tâm với Chúa. Các học viện của anh chị em không phải là những cái máy để sản suất các thần học gia và triết gia; đó là những cộng đoàn trong đó ta tăng trưởng và sự tăng trưởng diễn ra trong gia đình”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Trong gia đình đại học có đoàn sủng cai trị được ủy thác cho các Bề trên, có đoàn sủng phục vụ của các nhân viên không giảng huấn là điều không thể thiếu được để kiến tạo bầu không khí gia đình trong đời sống thường nhật, và cũng để tạo nên một thái độ nhân bản và khôn ngoan cụ thể, làm cho các sinh viên ngày nay trở thành những người có khả năng xây dựng nhân loại, thông truyền chân lý trong chiều kích con người, biết rằng nếu thiếu lòng từ nhân và vẻ đẹp thuộc về một gia đình làm việc, thì rốt cuộc họ sẽ trở thành một nhà trí thức bất tài, một nhà đạo đức không có lòng tốt, một nhà tư tưởng thiểu vẻ đẹp huy hoàng, và chỉ được trang điểm bằng những thái độ vụ hình thức mà thôi.” (SD 10-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tái lên án nạn buôn người

Đức Thánh Cha tái lên án nạn buôn người

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái lên án nạn buôn người và ngài khích lệ mọi nỗ lực thuộc các ngành khác nhau nhắm chống lại tội ác này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ sáng 10-4-2014 với 120 tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 2 về nạn buôn người tiến hành tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học ở nội thành Vatican trong hai ngày 9 và 10-4-2014 với sự tham dự của 50 chuyên gia đến từ hơn 20 quốc gia, trong số này có các giới chức cảnh sát quốc tế, các giáo sĩ, tu sĩ và các chuyên gia về các hoạt động nhân đạo.

ĐTC nói: ”Nạn buôn người là một vết thương trong thân thể nhân loại ngày nay, một vết thương trong thân mình của Chúa Kitô. Đó là một tội ác chống lại nhân loại. Sự kiện chúng ta họp nhau ở đây để liên kết những nỗ lực của chúng ta, có nghĩa là chúng ta muốn các chiến lược và thẩm quyền được tháp tùng và củng bố bằng sự cảm thông từ bi theo tinh thần Tin Mừng, và bằng sự gần gũi với những người nam nữ nạn nhân của tệ nạn này”.

ĐTC nhắc đến sự kiện tại hội nghị có nhiều quan chức cảnh sát quốc tế cùng với các nhân viên về các hoạt động nhân đạo: một bên nhắm thi hành luật pháp nghiêm túc, một bên có nghĩa vụ chính yếu là tiếp đón, trao tặng hơi ấm của tình người và giúp các nạn nhân phục hồi, hai khía cảnh này có thể và phải đi song đôi với nhau. Đối thoại và đối chiếu từ hai lối tiếp cận bổ túc cho nhau như vậy là điều rất quan trọng. Vì thế các cuộc gặp gỡ như thế này rất hữu ích và cần thiết”

Có khoảng 2 triệu 400 ngàn nạn nhân của tệ nạn này trên thế giới, mang lại 32 tỷ mỹ kim cho những kẻ bất lương. Hội nghị được triệu tập do sáng kiến của HĐGM Anh quốc, nhắm mục đích góp phần loại trừ nạn buôn người, tăng cường sự cộng tác quốc tế trong ý hướng này.

Trong phiên họp hôm 10-4-2014, một số nạn nhân đã trình bày chứng từ tại Hội nghị (SD 10-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương: 9-4-2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương: 9-4-2014

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 9-4-2014, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về các ơn của Chúa Thánh Linh.

Trong số hàng trăm nhóm hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm đến từ Italia, gồm các học sinh, các tín hữu từ các giáo xứ, và hiệp hội, đặc biệt có 300 sĩ quan và thủy quân Italia, 800 người thuộc hội đồng toàn quốc Italia các chuyên gia công nghệ, một đoàn hành hương 1 ngàn người nhân dịp kỷ niệm 400 năm sinh nhật của ĐGH Innocenzo XII. Từ nước ngoài có 50 người tham dự cuộc thi tuyển do Tòa Đại diện Đức Thượng phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, 30 người thuộc Liên hiệp quốc tế Cộng đoàn ”Arche” (Con tàu Noe); từ nước Pháp có nhiều nhóm học sinh và tín hữu các giáo xứ. Từ nước Đức có gần 100 nhóm từ các giáo xứ và giáo phận khác nhau.

ĐTC đã tiến vào quảng trường lúc 9 giờ 45 trên để tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, ngài hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài, giơ tay cho các tín hữu bắt hoặc chạm đến. Gặp một người bạn quen, ngài yêu cầu xe dừng lại gọi người ấy lên xe để ngài chào thăm.

Khi ĐTC lên tới lễ đài, mọi người đã nghe các LM tại Tòa Thánh đọc bằng 5 thứ tiếng đoạn thư thứ I của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Corinto nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, khác biệt với sự khôn ngoan của người trần, và trong bài huấn giáo tiếp đó, ĐTC đã trình bày về ơn khôn ngoan.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về các ơn của Chúa Thánh Linh. Anh chị em biết Thánh Linh chính là linh hồn, là nhựa sống của Giáo Hội và của mỗi tín hữu Kitô: Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa làm cho tâm hồn chúng ta trở thành nơi ở của Ngài và hiệp thông với chúng ta. Chúa Thánh Linh luôn ở với chúng ta, luôn ở trong chúng ta, Ngài ở trong tâm hồn chúng ta.

”Chính Thánh Linh là ”hồng ân tuyệt hảo của Thiên Chúa” (Xc Ga 4,10), là món quà của Thiên Chúa và Chúa thông ban cho những ai đón nhận Ngài những hồng ân thiêng liêng khác nhau. Giáo Hội xác định 7 ơn, một con số biểu tượng, nói lên sự sung mãn, trọn hảo; đó là những ơn chúng ta học biết khi chuẩn bị chịu phép Thêm Sức và chúng ta cầu khẩn trong kinh nguyện cổ kính gọi là ”Ca tiếp liên về Chúa Thánh Linh”, đó là: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa.

1. ”Vậy Ơn đầu tiên của Thánh Linh, theo danh sách này là ơn khôn ngoan. Nhưng đây không phải chỉ là sự khôn ngoan của con người, thành quả của kiến thức và kinh nghiệm. Trong Kinh Thánh có kể rằng khi Salomon được đăng quang làm vua Israel, Thiên Chúa đã hỏi ông xem ông muốn Ngài ban ân nào. Salomon không xin của cải, thành công, danh tiếng hoặc được sống lâu và hạnh phúc, nhưng ông xin được ”một tâm hồn ngoan ngoãn, biết phân biệt thiện ác” (1 V 3,9). Vì thế, ơn khôn ngoan chính là ơn có thể nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa, đó là nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh, các các vấn đề, nhìn mọi sự với đôi mắt của Chúa. Đó là khôn ngoan. Đôi khi chúng ta nhìn sự việc theo sở thích của mình hoặc theo tình trạng tâm hồn của mình – yêu, ghét, ghen tương.. – đó không phải là nhìn đôi mắt của Thiên Chúa. Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Linh ở trong chúng ta để chúng ta nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa.

2. Vì thế, ơn khôn ngoan không phải chỉ nảy sinh từ trí thông minh hoặc từ kiến thức mà chúng ta có thể có, nhưng từ cuộc sống thân mật với Thiên Chúa, như con cái đối với Cha. Và khi chúng ta có quan hệ như thế, Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta ơn khôn ngoan. Khi chúng ta hiệp thông với Chúa, Thánh Linh như thể biến đổi con tim chúng ta và làm cho chúng ta nhận thấy sức nóng và sự yêu thương đặc biệt của Ngài.

3. ”Chúa Thánh Linh làm cho mỗi Kitô hữu trở nên ”khôn ngoan”. Nhưng điều này không phải theo nghĩa là họ có câu trả lời cho mọi sự, biết mọi sự; người khôn ngoan theo nghĩa của Thiên Chúa không như vậy, nhưng có nghĩa là họ biết về Thiên Chúa, biết Chúa hành động như thế nào, biết khi nào một điều là của Thiên Chúa, điều gì là không, biết sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho tâm hồn chúng ta. Tâm hồn người khôn ngoan, theo nghĩa này, có hương vị của Thiên Chúa. Và điều quan trọng là cộng các cộng đoàn Kitô của chúng ta, có những tín hữu Kitô như thế! Tất cả những gì nơi họ đều nói về Thiên Chúa và trở thành một dấu chỉ đẹp đẽ và sinh động về sự hiện diện của Chúa và tình thương của Ngài. Và điều này chúng ta không thể tự ban cho mình, đó là một ơn Chúa ban cho những người ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh. Và chúng ta có Chúa Thánh Linh trong tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể lắng nghe Ngài hoặc không nghe. Nếu chúng ta lắng nghe Thánh Linh, thì Ngài sẽ dạy chúng ta con đường khôn ngoan, ban cho chúng ta ơn khôn ngoan là nhìn với đôi mắt của Chúa, nghe với đôi tại của Chúa, yêu thương với con tim của Chúa, phán đoán mọi sự với phán đoán của Chúa. Đó là sự khôn ngoan mà Chúa Thánh Linh tặng cho chúng ta, và tất cả chúng ta đều có thể được, chỉ cần xin Thánh Linh ban ơn ấy. Nhưng anh chị em thử nghĩ xem: một bà mẹ ở nhà, với con cái, đứa thì làm điều này nhưng lại nghĩ điều khác, tội nghiệp bà mẹ chạy chỗ này sang chỗ khác, với những vấn đề của con cái. Và khi bà mẹ mệt, quở mắng con cái, đó có phải là khôn ngoan không? La mắng con cái có phải là khôn ngoan không? Không, trái lại, khi một bà mẹ ẵm con, và khiển trách dịu dàng và nói: ”Con không nên làm như thế” và kiên nhẫn giải thích cho con, đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa

”Đúng vậy, đó là điều mà Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta trong cuộc sống. Và rồi trong hôn nhân, ví dụ hai vợ chống cãi nhau, rồi không nhìn nhau nữa, hoặc có nhìn thì nhìn với khuôn mặt nhăn nhó, đó có phải là khôn ngoan của Thiên Chúa không? Không, trái lại, nếu họ nói: ”sóng gió qua rồi, chúng ta hãy làm hòa với nhau” và họ tiếp tục sống trong an bình, đó chính là sự khôn ngoan, là ơn khôn ngoan. Đó không phải là điều ta học, nhưng là một món quà của Chúa Thánh Linh. Vì thế, chúng ta phải xin Chúa ban Thánh Linh cho chúng ta và ban ơn khôn ngoan, ơn của THiên Chúa dạy chúng ta nhìn với đôi mắt của Thiên Chúa, cảm thấy với con tim của Thiên Chúa, nói bằng những lời của Thiên Chúa. Và thế là với sự khôn ngoan này, chúng ta tiến bước, xây dựng gia đình, Giáo hội và tất cả chúng ta được thánh hóa. Ngày hôm nay, chúng ta hãy xin ơn khôn ngoan, hãy xin ơn này với Mẹ Maria là tòa Đấng Khôn ngoan: xin Mẹ ban cho chúng ta ơn này.

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan, cũng như dịch những lời chào thăm của ĐTC.

Trong phần chào thăm này, ĐTC đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ đến từ Pháp, Bỉ và Luxembourg. Ngài nhắn nhủ họ đừng là những Kitô hữu nguội lạnh, nhưng làm sao để cuộc sống của mình ngày càng có hương vị Phúc Âm, hương thơn của Chúa Kitô, để thông truyền cho tha nhân sự dịu dàng và tình thương của Chúa.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC chào thăm những người đến từ Anh quốc, Thụy điển, Na uy, Phần Lan, Philippines, Zimbabwe, Australia và Hoa Kỳ. Ngài cầu khẩn Chúa ban các ơn Thánh Linh trên tất cả các tín hữu hiện diện và gia đình họ, để cử hành Tuần Thánh đang đến gần với nhiều thành quả.

Với các tín hữu nói tiếng Á-rập, ĐTC đặc biệt chào thăm những người đến từ Trung đông, nhất là Đức cha Giacinto Marcuzzo, Đại diện Đức Thượng Phụ latinh đặc trách miền Israel, cùng với một số linh hoạt viên Kinh thánh tháp tùng.
Trước khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC đã lên án vụ sát hại LM dòng Tên Frans van der Lugt, 75 tuổi, tại Syria và tái kêu gọi hòa bình cho nước này.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC nhắc đến phái đoàn hải quân Italia và thân nhân các binh sĩ đang thi hành sứ vụ ở nước ngoài hiện diện tại buổi tiếp kiến. Ngài nói: Ước gì cuộc hành hương tại Tòa Thánh Phêrô giúp anh chị em vun trồng ơn khôn ngoan mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban.

Sau cùng, với các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới ĐTC nhắn nhủ rằng: “Chúng ta đang sống thời điểm ơn thánh là mùa chay, các bạn trẻ thân mến, các con đừng mệt mỏi trong việc cầu xin ơn tha thứ của Chúa trong phép giải tội! Hỡi các bệnh nhân, hãy liên kết những đau khổ của anh chị em với đau khổ thập giá của Chúa Kitô, và hỡi anh chị em tân hôn, hãy thi đua nhau trong sự tha thứ và giúp đỡ lẫn nhau.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Syria

VATICAN. ĐTC lên án vụ sát hại LM dòng Tên tại Syria và tái kêu gọi hòa bình cho nước này.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng 9-4-2014 dành cho hơn 60 ngàn tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Thứ hai vừa qua (7-4) tại thành phố Homs bên Syria, Cha Frans van der Lugt, một người anh em cùng dòng Tên với tôi người Hòa Lan, 75 tuổi, đã bị sát hại. Cha đến Syria cách đây gần 50 năm, và luôn làm điều thiện cho tất cả mọi người, một cách nhưng không và với lòng yêu thương, và vì thế, cha được các tín hữu Kitô và Hồi giáo thương mến và quí trọng”.

”Sự kiện cha bị sát hại tàn bạo khiến tôi rất đau buồn và làm cho tôi càng nghĩ đến bao nhiêu người đang chịu đau khổ và chết chóc tại đất nước đau thương ấy, từ quá lâu bị làm mồi cho một cuộc xung đột đẫm máu, tiếp tục gây ra chết chóc và tàn phá. Tôi cũng nghĩ đến nhiều người bị bắt cóc, Kitô hữu cũng như tín hữu Hồi giáo, người Syria và các nước khác, trong đó có các GM và LM. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để họ sớm được trở về với những người thân yêu, với gia đình và cộng đoàn của họ”.

”Tôi thành tâm mời tất cả anh chị em hãy hiệp ý cầu nguyện với tôi cho hòa bình tại Syria và trong vùng này, và tôi tái tha thiêt kêu gọi các vị hữu trách Siria và cộng đồng quốc tế: làm sao để võ khí im tiếng, chấm dứt bạo lực! Đừng chiến tranh nữa! Đừng tàn phá nữa! Hãy tôn trọng công pháp nhân đạo, và chăm sóc dân chúng đang cần được giúp đỡ về nhân đạo, và hãy đạt tới hòa bình bằng đối thoại và hòa giải” (SD 9-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục nước Tanzania

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục nước Tanzania

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các GM Tanzania làm cho tinh thần truyền giáo thấm nhiễm vào mọi hoạt động của Giáo Hội tại nước này.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7-4-2014 dành cho 30 GM Tanzania, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ Hai Thánh Tông đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ trao cho các vị tại buổi tiếp kiến chung, ĐTC viết: ”Dựa trên lòng nhiệt thành và hy sinh của các vị truyền giáo đầu tiên, anh em cần luôn luôn duy trì và phát huy sứ mạng truyền giáo này, để Tin Mừng có thể ngày càng thấm nhập vào mọi hoạt động tông đồ và chiếu tỏa ánh sáng trên mọi lãnh vực của xã hội Tanzania, nhờ đó một trang mới mẻ và sinh động trong lịch sử truyền giáo huy hoàng tại đất nước anh em có thể được viết lên”.

ĐTC cũng nhắc nhở việc truyền giáo được thực hiện qua nhiều công tác mục vụ giáo xứ, trong phụng vụ, lãnh nhận các bí tích, giáo dục, các sáng kiến săn sóc sức khỏe, huấn giáo và đặc biệt là chứng tá cuộc sống của các tín hữu Kitô. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các LM qua sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản đoàn chiên Chúa. Cần có những linh mục thánh thiện, được huấn luyện tốt và nhiệt thành..

ĐTC kêu gọi các GM Tanzania làm sao để các LM có thể chu toàn hơn nữa sứ vụ LM trong niềm trung thành với những lời hứa đã làm khi chịu chức.. Việc thường huấn cũng phải tiếp tục được thi hành. Ngài viết: ”Chỉ nhờ sự hoán cải hằng ngày và tăng trưởng trong đức ái mục tử, các LM mới trưởng thành như những người có thể thực thi sự canh tân tinh thần và sự hiệp nhất giửa các tín hữu Kitô trong giáo xứ thuộc quyền, và như Chúa Giêsu, tập hợp dân thuộc mọi bộ tộc và ngôn ngữ (Kh 7,9) để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa Cha”.

ĐTC ca ngợi công việc của các giáo lý viên trong Giáo Hội Công Giáo tại Tanzania. Ngài mời gọi các GM làm sao để các giáo lý viên nam nữ được hiểu biết đầy đủ về đạo lý của Giáo Hội, để giúp họ không những đương đầu với những thách đố do sự mê tín, các giáo phái tấn kích và trào lưu tục hóa, nhưng nhất là để họ có thể chia sẻ vẻ đẹp và sự phong hú của đức tin Công Giáo cho tha nhân, đặc biệt là giới trẻ”.

Sau cùng ĐTC cổ võ các GM Tanzania tăng cường việc mục vụ gia đình và ngài khẳng định rằng: ”Qua việc cổ võ cầu nguyện, sự chung thủy trong hôn nhân, nhất phu nhất phu và khiêm tốn phục vụ nhau trong gia đình, Giáo Hội tiếp tục đóng góp quan trọng cho an sinh xã hội của Tanzania. Sự đóng góp này, cùng với việc tông đồ giáo dục và sức khỏe, chắc chắn sẽ đóng góp lớn và sự ổn định và tiến bộ của đất nước anh em”.

Tanzania rộng hơn 945 ngàn cây số vuông với gần 45 triệu dân cư trong số này hơn 40% là tín hữu Kitô và 35% là tín hữu Hồi giáo. Số tín hữu Công Giáo là 13 triệu 600 ngàn tín hữu thuộc 5 tổng giáo phận và 29 giáo phận (SD 7-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha duy trì ”Ngân hàng Vatican”

Đức Thánh Cha duy trì ”Ngân hàng Vatican”

VATICAN. ĐTC quyết định duy trì viện giáo vụ (IOR), quen gọi là ngân hàng Vatican, đồng thời chỉ thị viện này tiếp tục tuân hành các qui luật về sự minh bạch, về việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong thông cáo công bố ngày 7-4-2014, ĐTC phê chuẩn một đề nghị về tương lai viện giáo vụ, tái khẳng định sứ mạng quan trọng của viện này để mưu ích cho Giáo Hội Công Giáo, Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

Đề nghị này do các cơ quan liên hệ của Tòa Thánh đệ trình. trong đó có hai Ủy ban Tòa Thánh nghiên cứu và đề ra hướng đi cho cơ cấu kinh tế và quản trị của Tòa Thánh, Ủy ban Hồng y về viện giáo vụ cũng như Hội đồng giám sát viện này.

ĐTC quyết định rằng Viện giáo vụ sẽ tiếp tục phục vụ một cách khôn ngoan thận trọng và cung cấp các dịch vụ tài chánh chuyên biệt cho Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới; viện này cũng giúp ĐTC trong sứ mạng chủ chăn Giáo Hội hoàn vụ, hỗ trợ các tổ chức và những người cộng tác trong sứ vụ của ngài.

Các hoạt động của viện giáo vụ sẽ tiếp tục ở dưới sự giám sát thường xuyên của thẩm quyền thông tin tài chánh (AIF) là cơ quan thẩm quyền trong lãnh vực của Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican”.

ĐTC cũng qui định rằng các vị hữu trách của Viện giáo vụ, đứng đầu là ông chủ tịch Ernst von Freyberg, người Đức, sẽ hoàn tất kế hoạch để đảm bảo cho viện này có thể chu toàn sứ mạng như thành phần của các cơ cấu mới về tài chánh của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Kế hoạch này sẽ phải đệ trình Hồi giáo các Hồng y trợ giúp ĐGH, cũng như Hội đồng kinh tế gồm 8 Hồng Y và 7 chuyên gia giáo dân. (SD 7-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

70 ngàn tín hữu đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 6 tháng 4-2014

70 ngàn tín hữu đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 6 tháng 4-2014

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi ”ngôi mộ” tội lỗi với các nết xấu kiêu ngạo, ích kỷ của mình.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-4-2014 với khoảng 70 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong dịp này, ngài đã quảng diễn bài Phúc Âm thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazaro đã chết 3 ngày được sống lại. Cuối buổi đọc kinh, ngài đã tặng sách Phúc Âm bỏ túi cho mọi người và khuyến khích họ mang theo người để thỉnh thoảng đọc một đoạn.

Bài huấn dụ của ĐTC

”Tin Mừng chúa nhật thứ 5 mùa chay này thuật lại cho chúng ta cuộc sống lại của ông Lazaro. Đây là tột đỉnh các dấu lạ Chúa Giêsu làm: đó là một cử chỉ quá lớn, quá hiển nhiên là của Thiên Chúa, nên không thể nào được các đại tư tế dung thứ; sau khi hay biết sự kiện ấy, họ quyết định giết Chúa Giêsu (Xc Ga 11,53). Khi Chúa Giêsu đến nơi thì Lazaro đã chết 3 ngày rồi, và Ngài nói với hai bà chị của ông là Marta và Maria, những lời được ghi khắc mãi mãi trong ký ức của cộng đoàn Kitô: ”Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống; và ai sống mà tin Thầy, thì sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25). Theo lời Chúa, chúng ta tin rằng sự sống của người tin Chúa Giêsu và tuân giữ giới răn của Người, sau khi chết sẽ được biến đổi thành một sự sống mới, sung mãn và bất tử. Như Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác của Ngài, nhưng không trở lại đời sống trần thế, cả chúng ta cũng sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác sẽ được biến đổi trong thân thể vinh quang. Chúa đang đợi chúng ta nơi Chúa Cha, và sức mạnh của Chúa Thánh Linh, Đấng đã làm cho Ngài sống lại, cũng sẽ làm cho những người kết hiệp với Chúa được sống lại.

ĐTC nói tiếp:

”Đứng trước mộ đóng kín của người bạn, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: ”Lazaro, hãy ra ngoài!”. Người chết bước ra, chân tay còn quấn băng, và mặt quấn khăn liệm (vv.43-44). Tiếng kêu truyền lệnh này được gửi đến mỗi người; đó là tiếng nói của Đấng là chủ tể sự sống và Ngài muốn tất cả được sự sống dồi dào (Ga 10,10). Chúa Kitô không cam chịu những ngôi mộ mà chúng ta kiến tạo bằng những chọn lựa sự ác và chết chóc mà chúng ta đưa ra. Chúa mời gọi chúng ta, hầu như ngài truyền cho chúng ta hãy ra khỏi mộ mà tội lỗi dìm sâu chúng ta trong đó. Chúa quyết liệt gọi chúng ta hãy ra khỏi tăm tối của nhà tù giam hãm chúng ta, ra khỏi sự hài lòng về một cuộc sống giả tạo, ích kỷ, tầm thường.

”Hãy ra ngoài!” Chúng ta hãy để cho mình được nắm bắt bằng những lời mà Chúa Giêsu lập lại với mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy để cho mình được giải thoát khỏi những băng cuộn của tính kiêu ngạo. Sự sống lại của chúng ta bắt đầu từ đây, nghĩa là khi chúng ta quyết định vâng lệnh Chúa Giêsu, đi tới nơi ánh sáng và sự sống; khi những mặt nạ rơi khỏi mặt chúng ta và chúng ta tìm lại được can đảm của khuôn mặt nguyên thủy, khuôn mặt được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa.

Cử chỉ của Chúa Giêsu làm cho Lazaro sống lại chúng ta chứng tỏ điều mà sức mạnh của ơn thánh Chúa có thể đi tới, điều mà cuộc hoán cải của chúng ta đi tới, đó là không có giới hạn cho lòng thương xót của Chúa được trao tặng cho hết mọi người! Chúa luôn sẵn sàng nâng bia mộ các tội lỗi chúng ta, những điều khiến chúng ta bị tách rời khỏi Chúa vốn là ánh sáng của những người sống.”

Chào thăm và kêu gọi
Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc lại rằng ngày thứ hai 7-4 này ở Ruanda có cuộc tưởng niệm 20 năm bắt đầu cuộc diệt chủng chống người Tutsi hồi năm 1994. ”Trong dịp này tôi muốn bày tỏ sự gần gũi hiền phụ với nhân dân Ruanda, khuyến khích họ, quyết tâm và trong hy vọng, hãy tiếp tục tiến trình hòa giải, đã bắt đầu biểu lộ thành quả, và hãy dấn thân tái thiết đất nước về mặt nhân sự và tinh thần. Tôi nói với tất cả mọi người: Anh chị em đừng sợ! Trên đá tảng Tin Mừng anh chị em hãy xây dựng xã hội của mình trên tình thương và hòa hợp, vì chỉ như thế mới tạo ra một nền hòa bình lâu bền. Tôi khẩn cầu sự bảo trợ của Đức Mẹ Kibeho trên toàn thể đất nước Ruanda yêu quí.”

ĐTC chào thăm tất cả các tín hữu hành hương hiện diện và nhắc đến kỷ niệm 5 năm động đất tại thành phố L'Aquila và vùng phụ cận ở miền trung Italia. Ngài nói:

”Trong lúc này chúng ta hãy hiệp với cộng đoàn ấy đã chịu nhiều đau khổ và đang còn chịu đau khổ, chiến đấu và hy vọng, với lòng tín thác nơi Thiên Chúa và Đức Mẹ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân: Ước gì họ sống mãi trong an bình của Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hành trình phục sinh của dân thành L'Aquila; tình liên đới và tái sinh tinh thần là sức mạnh của tái thiết vật chất. Chúng ta cũng hãy cầu cho các nạn nhân virus Ebola bộc phát ở Guinea và các nước láng giềng. Xin Chúa nâng đỡ những cố gắng bài trừ khởi đầu dịch này và đảm bảo sự săn sóc và trợ giúp những người túng quẫn.

Tặng sách Phúc Âm
Và giờ đây tôi muốn làm một cử chỉ đơn sơ. Trong những chúa nhật trước đây, tôi đã đề nghị mang một sách Tin Mừng nhỏ,mang trong mình trong ngày, để có thể thường đọc. Và tôi đã nghĩ đến truyền thống kỳ cựu của Giáo Hội, trong mùa chay, giao Tin Mừng cho các dự tòng, cho những người đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội. Và hôm nay tôi muốn tặng anh chị em ở Quảng trường sách Tin Mừng bỏ túi này như một dấu chỉ. Sách sẽ được tặng miễn phí, hãy lấy và mang theo mình và đọc mỗi ngày, chính Chúa nói với anh chị em! và tôi nói với anh chị em: anh chị em đã nhận miễn phí thì hãy cho miễn phí. Đổi lại với món quà này, hãy làm một hành vi bác ái, một cử chỉ yêu thương nhưng không. Ngày nay ta có thể đọc Tin Mừng với bao nhiêu phương tiện kỹ thuật. Ta có thể mang theo mình sách Kinh Thánh toàn bộ trong một điện thoại di động, trong một tablet. Điều quan trọng là đọc Lời Chúa, với tất cả các phương tiện và đón nhận Lời Chúa với con tim rộng mở. Vì hạt giống tốt sinh hoa kết trái.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio