Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh từ chức

Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh từ chức

VATICAN. Hôm 21-3-2018, Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh, Đức Ông Dario Viganò, đã đệ đơn từ chức và được ĐTC chấp nhận.

 Đức Ông Viganò người Italia, sinh tại Brazil, năm nay 55 tuổi, tác giả của nhiều bài báo và sách về tương quan giữa điện ảnh và thế giới Công Giáo, và nguyên là giáo sư về truyền thông xã hội tại Đại học Giáo Hoàng Laterano, và đại học tư về các nghiên cứu xã hội (LUISS) ở Roma. Năm 2013, Đức Ông được ĐTC bổ làm Giám đốc trung tâm truyền hình Vatican. 2 năm sau đó, tháng 6 năm 2015, rong chương trình cải tổ giáo triều Roma, Đức Ông Viganò được bổ làm Bộ trưởng Bộ truyền thông, bao gồm 9 cơ quan truyền thông của Tòa Thánh như Báo Quan sát viên Roma, Đài Phát thanh Vatican, Trung Tâm truyền hình Vatican, Nhà in và nhà xuất bản Vatican, Văn Phòng Hình Ảnh, và Phòng báo chí Tòa Thánh, tổng cộng khoảng 700 người và trở thành cơ quan đông nhân viên nhất của Tòa Thánh (ví dụ Bộ giáo lý đức tin chỉ có 35 nhân viên).

 Vụ từ chức của Đức Ông Viganò theo sau những tranh luận và phê bình trong những ngày trước đó. Hôm 15-3-2018, Đức Ông Viganò giới thiệu bộ 11 cuốn sách nhỏ do các nhà thần học tên tuổi viết về ”nền thần học của ĐTC Phanxicô”. Trong buổi giới thiệu, Đức ông có đọc lá thư của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 phê bình những người cho rằng ĐTC Phanxicô chỉ là một người mục vụ thực dụng chứ không có nền thần học, và ngài cũng phê bình những người cho rằng ngài (DGH Biển Đức) là nhà thần học nhưng thiếu mục vụ..

 Khi trình bày lá thư đó, Đức Ông Viganò giấu phần lá thư trong đó Đức Biển Đức 16 cho biết ngài không viết thư giới thiệu bộ sách 11 cuốn như Đức Ông thỉnh cầu vì không có giờ, yếu sức, và có việc khác phải làm, và ngài cũng đặc biệt ngạc nhiên vì trong số 11 tác giả bộ sách đó có 2 giáo sư người Đức, đặc biệt là giáo sư Huenemann, là người đã mạnh mẽ phê bình, chống đối huấn quyền của ĐTC Gioan Phaolô 2 và của chính ngài: giáo sư này đã ký tên vào tuyên ngôn các nhà thần học ở Koeln, và thành lập Hội thần học Âu Châu, chủ trương đòi Giáo Hội phải cởi mở về các vấn đề luân lý tính dục, truyền chức LM cho phụ nữ, công nhận hôn nhân đồng phái, truyền chức LM cho những người có gia đình, v.v.

 Phản ứng của giới báo chí thật mạnh mẽ về những sự kiện này và và họ phê bình Đức Ông Viganò tạo nên ”Fake news”, trái với tinh thần Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2017.

 Trong thư từ chức đệ lên ĐTC, Đức Ông Viganò xin ”rút lui” với lý do là để công trình cải tổ ngành truyền thông Vatican do ĐTC đề ra khỏi bị thương tổn vì những vụ trên đây.

 Trong thư trả lời nhận đơn từ chức, ĐTC Phanxicô đã cám ơn Đức ông Viganò và bổ nhiệm ngài làm ”assesssore” của Bộ truyền thông để phụ giúp vị Bộ trưởng mới.

 Thông cáo của Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC bổ nhiệm Đức Ông Lucio Ruiz, người Argentina, Tổng thư ký Bộ Truyền thông, tạm thời điều khiển Bộ này cho đến khi ngài bổ nhiệm vị Bộ trưởng mới.

 G. Trần Đức Anh OP 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 18-3-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 18-3-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 18-3-2018 với 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để sinh ra nhiều hoa trái thiêng liêng.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 5 mùa chay, thuật lại lời Chúa báo trước về cuộc khổ nạn Ngài sẽ phải chịu và mời gọi các tín hữu hãy biết nhìn thập giá của Chúa. Ngài nói:

”Tin Mừng hôm nay (Gioan 12,20-33) kể lại một giai thoại xảy ra trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng diễn ra tại Jerusalem, nơi Chúa đến nhân dịp lễ Vượt Qua của người Do thái. Cũng có một số người Hy Lạp đến đây dự lễ này; đó là những người được tâm tình tôn giáo thúc đẩy, họ bị thu hút vì niềm tin của dân Do thái và, sau khi nghe nói về vị đại ngôn sứ, họ đến gần Philiphê, một trong 12 tông đồ và họ nói với ông: ”Chúng tôi muốn thấy ngài Giêsu” (v.21). Thánh Gioan nêu bật câu này, qui trọng tâm vào động từ ”thấy”, trong ngữ vựng của thánh sử, từ này có nghĩa đi xa hơn những vẻ bề ngoài, để đón nhận mầu nhiệm của một người”. Động từ ”thấy” mà thánh sử dùng đi đến tận con tim, đến thẳm sâu của con người”.

”Phản ứng của Chúa Giêsu thật là gây ngạc nhiên. Chúa không trả lời ưng thuận hay từ chối, nhưng nói: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (v.23). Những lời này, thoạt nghe có vẻ như Chúa làm ngơ đối với câu hỏi của những người Hy Lạp ấy, nhưng thực tế câu ấy trả lời thực sự cho họ, vì ai muốn biết Chúa Giêsu thì phải nhìn thập giá, nơi biểu lộ vinh quang của Ngài. Nhìn vào bên trong thập giá. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn thập giá, không phải là một đồ trang sức hoặc một đồ phụ tùng của y phục – nhiều khi bị lạm dụng! – nhưng là một dấu hiệu tôn giáo để chiêm ngắm và hiểu. Trong hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh có biểu lộ mầu nhiệm cái chết của Con Thiên Chúa như một cử chỉ yêu thương tột độ, là nguồn mạch sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại thuộc mọi thời đại”. ”Trong những vết thương của Chúa chúng ta được chữa lành.

ĐTC nói tiếp: Ta có thể nghĩ: ”Tôi nhìn Thập giá như thế nào? như một tác phẩm nghệ thuật để xem thập giá ấy có đẹp hay không, hoặc tôi nhìn thấy mầu nhiệm, tìm bên trong, cho đến tận trái tim của Chúa?. Tôi nhìn mầu nhiệm Thiên Chúa bị tiêu diệt đến độ chết như một người nô lệ, một kẻ phạm pháp?”. Anh chị em đừng quên điều này: khi nhìn thập giá, hãy nhìn bên trong. Có một cách sùng mộ rất đẹp là đọc Kinh Lạy Cha cho mỗi vết thương của Chúa; khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta tìm cách đi vào bên trong, qua các vết thương của Chúa Giêsu, đi vào con tim của Chúa. Tại đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan về mầu nhiệm Chúa Kitô, sự khôn ngoan cao cả của thập giá”.

Và để giải thích ý nghĩa sự chết và sống lại của Ngài, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh và Ngài nói: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; trái lại nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (v.24). Chúa muốn làm cho ta hiểu rằng biến cố tột cùng của ngài – chết và sống lại – là một cử chỉ phong phú, mang lại hoa trái cho nhiều người. Những vết thương của Chúa đã chữa lành chúng ta. Như thế Chúa ví mình với hạt lúa chết đi trong lòng đất sinh ra sự sống mới. Với cuộc nhập thể, Chúa Giêsu đến trần thế; nhưng điều ấy không đủ: Chúa còn phải chết, để cứu chuộc loài người khỏi sự nô lệ tội lỗi và ban cho họ cuộc đời sống mới được hòa giải trong tình thương”. Tôi đã nói là ”để cứu chuộc loài người”, nhưng, để cứu chuộc bạn, tôi, tất cả chúng ta, Chúa đã trả giá ấy. Đó là mầu nhiệm Chúa Kitô. Bạn hãy đi tới các vết thương của Chúa, đi vào, chiêm ngắm, nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng từ bên trong.

ĐTC nhận xét rằng: ”Năng động hạt lúa, được hoàn thành trong Chúa Giêsu, cũng phải thể hiện nơi chúng ta là các môn đệ của Ngài: chúng ta được kêu gọi chấp nhận luật vượt qua làm của mình: luật đánh mất sự sống để nhận lại được sự sống ấy mới mẻ và vĩnh cửu. Mất sự sống có nghĩa là gì? trở thành hạt lúa có nghĩa là gì? Thưa có nghĩa là bớt nghĩ đến mình, đến tư lợi, và biết ”nhìn” và đáp ứng những nhu cầu của tha nhân, nhất là những người rốt cùng. Vui mừng thực hiện những công việc bác ái đối với những người đang đau khổ nơi thể xác và tinh thần chính là cách thức chân thực nhất để sống Tin Mừng, là nền tảng cần thiết để các cộng đoàn chúng ta được tăng trưởng trong tình huynh đệ và trong sự đón nhận nhau. Tôi muốn nhìn Chúa Giêsu, nhưng thấy ngài từ bên trong. Đi vào những vết thương của Chúa, chiêm ngắm tình thương của trái tim Chúa đối với bạn, với tôi, với tất cả mọi người”.

 Và ĐTC kết luận rằng:

”Xin Đức Trinh Nữ Maria là người đã luôn nhìn trái tim Con của Mẹ, từ hang đá máng ở Bethelem cho đến thập giá trên đồi Can vê, giúp chúng gặp và nhận ra Chúa như Chúa muốn, để chúng ta có thể sống, được Chúa soi sáng, và mang lại những hoa trái công lý và hòa bình cho thế giới.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương, đặc biệt những người đến từ Cộng hòa Slovak, từ Madrid Tây Ban Nha, các nhóm giáo dân đến từ một số nơi ở Italia, Hiệp hội dân ca Italia. ĐTC cũng nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài thực hiện hôm thứ bẩy vừa qua (17-3) tại làng Pietrelcina và San Giovanni Rotondo, các nơi của Cha Thánh Piô, và nói: ”Tôi chào thăm và cám ơn các cộng đoàn giáo phận Benevento và Manfredina, các GM Đức Cha Accrocca và Castoro, các tu sĩ nam nữ, các tín hữu và chính quyền; Tôi cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt và tôi mang tất cả trong tim, đặc biệt các bệnh nhân tại Nhà Thoa Dịu đau khổ, những người già và người trẻ. Tôi cám ơn tất cả vì đã chuẩn bị cuộc viếng thăm mà tôi sẽ không quên. Xin Cha Piô chúc lành cho tất cả mọi người.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha hành hương Cha Pio: San Giovanni Rotondo

Đức Thánh Cha hành hương Cha Pio: San Giovanni Rotondo

SAN GIOVANNI ROTONDO. Lúc 9 giờ rưỡi sáng ngày 17-3-2018, ĐTC Phanxicô đã đến thị trấn San Giovanni Rotondo, gặp gỡ các trẻ em bị ung thư và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Trong số các công trình Cha Piô để lại nơi đây có Nhà Thoa dịu đau khổ, nay là một nhà thương tối tân nhất ở miền nam Italia với 1.200 giường bệnh, gồm rất nhiều khu khác nhau.

Đến San Giovanni Rotondo lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã được giáo quyền, chính quyền, cũng như các cha dòng Capuchino tiếp đón và liền đó ngài đến thăm khu điều trị trẻ em bị ung thu tại bệnh viện Nhà Thoa dịu đau khổ gần đó. ĐTC đã ân cần hỏi thăm và khích lệ hơn 20 em bị ung thư, cùng với cha mẹ các em.

Và lúc gần 11 giờ, ĐTC đã viếng Đền thánh Đức Mẹ Ân Phúc. Tại đây, cha Bề trên tổng quyền và cha giám tỉnh dòng Capucino, Thánh Thiên Thần và Thánh Piô, đã tiếp đón, hướng dẫn ngài kính viếng di hài Cha Thánh Piô và Thánh Giá các dấu thánh giữ tại Đền thánh này.

Cử hành thánh lễ

Lúc 11 giờ 30 ĐTC bắt đầu cử hành thánh lễ ngoài trời cho khoảng 30 ngàn tín hữu từ các nơi tựu về, trong đó có 300 bệnh nhân được sự giúp đỡ của tổ chức Unitalsi chuyên giúp đưa các bệnh nhân đi hành hương. Đặc biệt cũng có một phái đoàn tín hữu gốc Ý từ Argentina.

Đồng tế với ĐTC có Đức TGM Michelle Castoro của giáo phận Manfredonia sở tại cùng với 3 GM, Cha Bề Trên Tổng quyền dòng Capuchino và khoảng 100 LM dòng Capuchino và thuộc tổng giáo phận Manfredonia sở tại.

Bài giảng

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc trong thánh lễ, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu qua 3 lời: cầu nguyện, bé nhỏ, khôn ngoan.

Ngài nêu cao cách thức của Chúa Giêsu khi cầu nguyện, đối thoại như con thảo với Chúa Cha, và Cha Piô cũng thường nhắn nhủ các con cái: ”Hỡi các con, hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mõi” (Parole al 2o convegno internazionale dei gruppi di preghiera, 5-5-1966). ĐTC nói:

Chúng ta hãy tự hỏi: kinh nguyện của chúng ta có giống kinh nguyện của Chúa Giêsu hay không, hoặc đó chỉ là những lời kêu cứu khẩn cấp thỉnh thoảng xảy ra? Hoặc chúng ta hiểu kinh nguyện như những liều thuốc an thần cần sử dụng đều đặn để được lắng dịu tinh thần, chống lại sự căng thẳng? Không phải vậy, kinh nguyện là một cử chỉ yêu thương, là ở với Chúa, là trình bày cho Chúa cuộc sống của thế giới: đó là công việc từ bi thương xót tinh thần không thể thiếu được. Và nếu chúng ta không phó thác các anh chị em và những tình cảnh cho Chúa, thì ai sẽ làm? .. Vì thế Cha Piô đã để lại cho chúng ta các nhóm cầu nguyện. Cha nói với họ: ”Chính kinh nguyện là sức mạnh của tất cả các tâm hồn tốt lành được liên kết với nhau, kinh nguyện ấy làm chuyển động thế giới, đổi mới các lương tâm […] chữa lành những người bệnh, thánh hóa công việc, nâng cao sự săn sóc sức khỏe, mang lại sức mạnh tinh thần [..], làm lan tỏa nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa trên những yếu nhược và kiệt lực”.

Lời thứ hai là ”bé nhỏ”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì đã tỏ lộ những mầu nhiệm nước Chúa cho những người bé nhỏ. Đây là những người không tự mãn, tự phụ, những người có con tim khiêm tốn và cởi mở, thanh bần và túng thiếu, thấy mình cần phải cầu nguyện và để cho mình được đồng hành. Con tim của những người bé nhỏ giống như ăng ten bắt được tín hiệu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa tìm cách tiếp xúc với tất cả mọi người, nhưng ai coi mình là người lớn, thì tạo nên một sự nhiễu sóng trầm trọng; khi người ta tự mãn, thì chẳng còn chỗ cho Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa yêu thương hơn những người bé nhỏ, và tỏ mình ra cho họ..

Lời sau cùng là sự khôn ngoan, như bài đọc thứ I theo sách ngôn sứ Giêrêmia (9,22) “Người khôn ngoan đừng tự phụ vì sự khôn ngoan của mình, kẻ mạnh đừng hãnh diện vì sức mạnh của mình”. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại có những tài năng lớn lao và sức mạnh chân thực không hệ tại quyền lực… Khí giới khôn ngoan duy nhất và không thể chiến bại chính là đức bác ái được đức tin linh hoạt, vì đức bác ái có năng lực giải trừ sức mạnh của sự ác. Thánh Piô đã chiến đấu chống sự ác trong trọn cuộc đời và đã chiến đấu một cách khôn ngoan, như Chúa, nghĩa là với lòng khiêm tốn, vâng phục, với thập giá, dâng hiến đau khổ vì tình yêu. Tất cả đều cảm phục Cha về điều đó, nhưng ít người bắt chước cha… Thánh Piô đã dâng hiến cuộc sống và vô số những đau khổ để giúp các anh chị em gặp gỡ Chúa. Và phương thế quan trọng để gặp Chúa chính là phép giải tội, bí tích hòa giải. Chính nơi bí tích này mà một cuộc sống khôn ngoan, được yêu thương và tha thứ, được khởi sự và tái khởi sự, chính nơi bí tích này bắt đầu sự chữa lành tâm hồn. Cha Piô là tôn đồ của tòa giải tội. Ngày nay ngài cũng mời gọi chúng ta đến bí tích này.

Sau thánh lễ ĐTC còn chào thăm chính quyền và một số đại diện tín hữu trước khi đi ra bãi đậu trực thăng lúc 1 giờ trưa để đáp trực thăng về Roma lúc 2 giờ.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng Đồng thánh Egidio ở Roma

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng Đồng thánh Egidio ở Roma

ROMA. ĐTC khích lệ các thành viên Cộng đồng thánh Egidio tiếp tục góp phần ”hoàn cầu hóa tình liên đới, tìm thấy trong Kinh Thánh nguồn mạch lòng thương xót đối với người nghèo và những người bị thương tổn trong cuộc sống và bị thương vì chiến tranh”.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây chiều chúa nhật 11-3-2018, trong cuộc viếng thăm trụ sở trung ương Cộng đồng thánh Egidio ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập cộng đồng này.

Hàng ngàn người đã đón tiếp ĐTC dưới trời mưa ở quảng trường trước Vương cung thánh đường Đức Mẹ ở khu Trastevere.

Cộng đồng thánh Egidio được thành lập do sáng kiến của Ông Andrea Riccardi, nay là một giáo sư sử học và từng làm Bộ trưởng. Khi còn là một học sinh trung học, giữa lúc giới trẻ sinh viên học sinh ở Âu Châu nổi loạn hồi năm 1968, ông đã tụ tập một các bạn học ở khu vực Trastevere ở Roma, để học hỏi Kinh Thánh và thực hành các công tác bác ái, đặc biệt giúp đỡ những người nhập cư. Ngày nay, Cộng đồng thánh Egidio lớn mạnh, có gần 70 ngàn thành viên tại hơn 70 nước trên thế giới, hoạt động bác ái, liên tôn và xây dựng hòa bình. Cộng đồng đã giúp tái lập hòa bình tại Mozambique hồi năm 1992, chấm dứt nội chiến đẫm máu tại đây.

Đến nơi, sau khi chào thăm những người ở Quảng trường, ĐTC tiến vào thánh đường để gặp gỡ mọi người, các thành viên cộng đồng thánh Egidio và đại diện các tầng lớp dân nghèo, và những người di dân, tị nạn được cộng đồng giúp đỡ. Hiện diện trong dịp này cũng có 2 GM xuất thân từ cộng đồng và một số GM khác.

Huấn dụ

Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa. Sau bài giảng của cha sở địa phương, 4 người đã trình bày chứng từ với ĐTC, trong đó có một thiếu niên 15 tuổi người Palestine ở Siria đến Italia qua hành lang nhân đạo. Sau đó cũng có chứng từ của giáo sư Andrea Riccardi người sáng lập cộng đoàn.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Chúa. Ngài nói: Lời Chúa đã ”bảo vệ anh chị em trong quá khứ chống lại những cám dỗ của ý thức hệ và ngày nay đang giải thoát anh chị em khỏi sự đe dọa của sợ hãi.” Vì thế tôi khuyên nhủ anh chị em hãy yêu mến và siêng năng đọc Lời Chúa. Mỗi người sẽ tìm thấy trong đó nguồn mạch của lòng thương xót đối với người nghèo, những người bị thương vì cuộc sống và vì chiến tranh”.

ĐTC cũng nhắc nhở về nghĩa vụ kiến tạo một công trình hoàn cầu hóa tình liên đới và tinh thần. Ngài nói: ”Tương lai của thế giới hoàn cầu hóa là sống chung với nhau, lý tưởng này đòi phải dấn thân xây dựng những nhịp cầu, mở ngỏ cuộc đối thoại, và tiếp tục gặp gỡ nhau.. Mỗi người được thay đổi chính con tim của mình, có cái nhìn từ bi đối với tha nhân, và trở thành người xây dựng hòa bình, thành ngôn sứ của lòng thương xót”.

Một cách cụ thể, ĐTC nhắn nhủ rằng ”Anh chị em hãy tiếp tục ở cạnh các trẻ em ở ngoại ô với trường hòa bình mà tôi đã viếng thăm; hãy tiếp tục ở cạnh người già, nhiều khi bị gạt bỏ, nhưng họ là những người bạn đối với anh chị em. Hãy tiếp tục mở những hành lang nhân đạo mới cho những người tị nạn chiến tranh và đói khổ. Người nghèo chính là kho báu đối với anh chị em!” (Rei 11-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Kitô hữu hân hoàn vì đuợc Thiên Chúa yêu thường cứu rỗi

Kitô hữu hân hoàn vì đuợc Thiên Chúa yêu thường cứu rỗi

Cả khi trông thấy các hạn hẹp, dòn mỏng yếu đuối và tội lỗi của mình chúng ta cũng không bao giờ được chán nản ngã lòng. Thiên Chúa ở gần bên chúng ta, Chúa Giêsu ở trên thập giá để chữa lành chúng ta. Hãy nắm lầy tay Chúa, hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đanh và tiến tới.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11-3-2018 tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Trong Chúa Nhật thứ tư này của Mùa Chay cũng gọi là Chúa Nhật “laetare”, nghĩa là “hãy vui lên” vì ca nhập lễ mời gọi chúng ta vui lên như thế: “Hỡi Giêrusalem, hãy vui lên… – như vậy đây là một lời mời gọi hân hoan – Hãy reo hò và mừng vui, hỡi các ngươi là những kẻ đã ưu phiền”. Đâu là lý do của niềm vui này? Lý do là tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, như Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta: “Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16). Các lời này đã được Chúa Giêsu nói lên trong cuộc gặp gỡ với ông Nicodemo, tóm gọn một đề tài trung tâm của lời loan báo kitô; cả khi tình hình xem ra có tuyệt vọng đi nữa, Thiên Chúa can thiệp và cống hiến cho con người ơn cứu độ và niềm vui. Thật thế, Thiên Chúa không đứng riêng ra, nhưng bước vào trong lịch sử của nhân loại, Ngài “xen mình vào” cuộc sống chúng ta, Ngài bước vào để linh hoạt nó với ơn thánh và cứu rỗi nó.

Chúng ta được mời gọi lắng nghe lời loan báo này, bằng cách đẩy lui cám dỗ cho mình là chắc chắn, muốn hành động một mình không có Thiên Chúa, bằng cách đòi cho mình một sự tự do tuyệt đối khỏi Ngài và khỏi Lời Ngài. Khi chúng ta tìm lại được lòng can đảm nhận biết điều chúng ta là – cần phải có can đảm cho điều này – chúng ta nhận ra mình là những người được mời gọi tính sổ với sự dòn mỏng và các hạn hẹp của chúng ta. Khi đó có thể xảy ra là chúng ta bị âu lo, sợ hãi cho ngày mai, sợ hãi bệnh tật và cái chết. Điều này giải thích tại sao có nhiều người khi tìm một lối thoát, đôi khi lại rơi vào các ngõ tắt nguy hiểm, chẳng hạn như vào con đường hầm của ma tuý hay mê tín dị đoan hoặc các lễ nghi tàn phá của ma thuật. Thật là tốt, khi thừa nhận các hạn hẹp, các dòn mỏng của mình, chúng ta phải hiểu biết chúng, nhưng không phải để tuyệt vọng, mà là để dâng chúng lên cho  Chúa ; và Ngài giúp chúng ta trong con đường chữa lành, Ngài cầm tay chúng ta và không bao giờ bỏ chúng ta một mình, không bao giờ! Thiên Chúa ở với chúng ta, và vì thế tôi vui mừng, hôm nay chúng ta hân hoan: “Hãy vui lên hỡi Giêrusalem” Ngài nói, bởi vì Thiên Chúa ở với chúng ta.

Và chúng ta có niềm hy vọng đích thật và lớn lao nơi Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót, là Đấng đã ban Con Ngài cho chúng ta để cứu rỗi chúng ta, và đó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta cũng có biết bao nhiêu buồn sầu, nhưng khi chúng ta là các kitô hữu đích thực, thì có niềm hy vọng là một niềm vui bé nhỏ lớn lên và trao ban an ninh cho bạn. Chúng ta không được chán nản ngã lòng, khi trông thấy các hạn hẹp, các tội lỗi, các yếu đuối của mình: Thiên Chúa ở gần, Chúa Giêsu ở trên thập giá để chữa lành chúng ta. Đó là tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đinh và tự nhủ: “Thiên Chúa yêu tôi”. Đúng thật là có các hẹn hẹp, các yếu đuối, các tội lỗi này, nhưng Thiên Chúa lớn lao hơn các cạn hẹp, các yếu đuối và các tội lỗi. ĐTC nhắn nhủ mọi người như sau:

Anh chị em đừng quên điều này: Thiên Chúa lớn lao hơn các yếu đuối, các bất trung, các tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta hãy nắm lấy tay Chúa, hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đanh và hãy tiến tới.

Ước chi Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên  Chúa yêu thương.  Xin Mẹ ở gần bên chúng ta trong những lúc chúng ta cảm thấy cô đơn, khi chúng ta bị cám dỗ đầu hàng các khó khăn của cuộc sống. Xin Mẹ thông truyền cho chúng ta các tâm tình của Chúa Giêsu Con Mẹ, để con đường muà Chay của chúng ta trở thành kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu Italia và các du khách hành hương nước ngoài, đặc biệt các nhóm tín hữu Agropoli, Padova, Troina, Foggia và Caltanisetta, cũng như giới trẻ giáo xữ thánh Antôn thành Padova tại Serra di Pepe.

Ngài cũng chào cộng đoàn Brasil ở Roma, các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức Tivoli có ĐGM tháp tùng, các bạn trẻ Avigliano và Saronno. Ngài đặc biệt chào các sinh viên nhiều nước đang tham dự cuộc hội thảo “Vatican Hackathon” do Bộ Truyền Thông tổ chức. ĐTC nói: thật là đẹp khi dùng trí thông minh Chúa ban để phục vụ sự thật và những ai cần được trợ giúp. ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha cử hành nghi thức thống hối mùa chay

Đức Thánh Cha cử hành nghi thức thống hối mùa chay

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều ngày 9-3-2018, ĐTC đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải.

Tham dự nghi thức này cũng có hai HY, 3 GM, hàng trăm cha giải tội đeo dây các phép màu tím và khoảng 5 ngàn tín hữu.

Sau bài đọc trích từ Tin Mừng theo thánh Marco (26,69-75), thuật lại sự tích Phêrô chối Chúa 3 lần, rồi khi nghe tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước, và ông ra ngoài khóc ròng.

Bài giảng

Trong bài giảng, ĐTC nhắc nhở mọi người ”tội lỗi làm cho chúng ta xa Chúa, nhưng điều này không có nghĩa là Chúa xa chúng ta.. Ơn thánh của Chúa tiếp tục hoạt động trong chúng ta để làm cho niềm hy vọng càng mạnh mẽ hơn theo đó chúng ta sẽ không bao giờ thiếu tình thương của Chúa, dù bất kỳ tội nào chúng ta có thể đã phạm khi phủ nhận sự hiện hữu của Chúa trong đời sống chúng ta”.

”Chính niềm hy vọng này thúc đẩy chúng ta ý thức sự lạc hướng thường xảy ra trong đời sống chúng ta như đã xảy ra cho Phêrô, trong trình thuật chúng ta vừa nghe.. Phêrô đã muốn dạy Thày mình, đã muốn đi trước Thầy, trái lại chính Chúa sắp chết cho Phêrô, và Phêrô đã không hiểu điều này, ông không muốn hiểu”.

“Giờ đây Phêrô đối diện với tình thương của Chúa và sau cùng ông hiểu rằng chính Chúa yêu thương ông và xin ông để cho mình được yêu mến.. Giờ đây chúng ta hẫy cầu xin Chúa ơn được hiểu sự cao cả của tình yêu Chúa, tình yêu xóa bỏ mọi tội lỗi chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được tình yêu thanh tẩy để nhìn nhận tình thương chân thực!”

Sau bài giảng là phần xét mình riêng, rồi chính ĐTC cũng đi xưng tội trong 3 phút với một linh mục, trước khi ngài giải tội cho một số hối nhân.

Trong lúc ấy hàng chục LM, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với các LM thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của ĐTC.

24 giờ cho Chúa

Các nghi thức trên đây là phần đầu của sáng kiến ”24 giờ cho Chúa”, với chủ đề là ”Cùng với ĐTC Phanxicô 24 giờ trên toàn thế giới để sống Lòng Thương Xót của Chúa.”

Đây là lần thứ 5 sáng kiến này được cử hành, theo sự đề xướng của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, với mục đích đặt ở trung tâm tầm quan trọng của việc cầu nguyện, Chầu Mình Thánh Chúa và lãnh nhận hồng ân bí tích hòa giải, một cơ hội được mở rộng cho tất cả mọi người. (SD 9-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cha giải tội

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cha giải tội

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các cha giải tội hãy trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa và trở thành người biết lắng nghe.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ sáu 9-3-2018 dành cho 640 LM trẻ, phó tế và chủng sinh ở những năm cuối vừa kết thúc khóa học về tòa trong do Tòa Ân giải tối cao tổ chức.

ĐTC nói: ”Cha giải tội không phải là nguồn mạch lòng thương xót nhưng là một dụng cụ không thể thiếu được của lòng thương xót. Ý thức về điều này sẽ giúp chúng ta thận trọng để tránh nguy cơ trở thành chủ nhân của các lương tâm, nhất là trong tương quan với người trẻ, là những người dễ bị ảnh hưởng. Nhớ mình là và chỉ là dụng của hòa giải chính là điều kiện đầu tiên để có thái độ khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Linh, Đấng bảo đảm một nỗ lực phân định chân chính”.

Tiếp đến, ”LM phải là người biết lắng nghe những câu hỏi trước khi trả lời. Thật là một thái độ sai lầm khi trả lời trước khi lắng nghe những câu hỏi của người trẻ và nếu cần hãy tìm cách giúp họ nêu lên những câu hỏi đích thực. Cha giải tội được kêu gọi trở thành người lắng nghe: nghe hối nhân và lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh. Khi thực sự lắng nghe người anh em trong cuộc trao đổi trong khuôn khổ bí tích, tức là chúng ta lắng nghe chính Chúa Giêsu, nghèo và khiêm tốn; khi lắng nghe Thánh Linh, chúng ta đặt mình trong tư thế chăm chú vâng phục, chúng ta trở thành những người lắng nghe Lời Chúa và vì thế, chúng ta mang lại một sự phục vụ lớn hơn cho những hối nhân trẻ: chúng ta đặt họ tiếp xúc với chính Chúa Giêsu”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các cha giải tội hãy giúp người trẻ biết phân định về ơn gọi của họ. Một người trẻ phải có thể nghe tiếng Chúa hoặc trong lương tâm của họ hoặc qua sự lắng nghe Lời Chúa. Trên con đường quan trọng này, điều quan trọng là người trẻ được nâng đỡ nhờ sự đồng hành khôn ngoan của cha giải tội, khi cần vị ấy có thể trở thành cha linh hướng của người trẻ theo lời họ xin. (Rei 9-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Các Giám Mục Việt Nam đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha

Các Giám Mục Việt Nam đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha

VATICAN. Lúc 7 giờ sáng 8-3-2018, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với 32 GM Việt Nam tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

Trong thánh lễ ĐTC không giảng, nhưng mọi người đặc biệt cầu nguyện cho linh hồn Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc.

 

Theo dự kiến, Lễ cầu hồn cho Đức Cố TGM có thể sẽ được ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chủ sự tại nhà nguyện Ngai Tòa (Cattedra) cùng với các GM và LM Việt Nam trong Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 10-3-2018, nơi các GM Việt Nam đã cử hành thánh lễ đầu tiên sáng ngày 3-3-2018 trong tuần lễ hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Cho đến lúc này, người ta chưa rõ linh cữu của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc có hiện diện trong thánh lễ như các GM Việt Nam mong muốn hay không. Trong khi đó, thủ tục đang được tiến hành để đưa linh cữu của ngài về Việt Nam an táng.

Mặt khác, sáng 8-3-2018, HĐGM Việt Nam đã chia thành 3 nhóm để thăm một số cơ quan Tòa Thánh:

– Nhóm thứ I do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm trưởng đoàn thăm Bộ Truyền Thông và Hội đồng đối thoại liên tôn.

– Nhóm thứ II (lẽ ra do Đức TGM Sàigòn hướng dẫn) thăm Bộ giáo sĩ, Bộ giáo lý đức tin và Bộ giáo dục Công Giáo.

– Nhóm thứ III do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, hướng dẫn thăm Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, Bộ các dòng tu, và Bộ Giáo dân và Gia đình.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Ủy Hội Công Giáo quốc tế về di dân

Đức Thánh Cha tiếp Ủy Hội Công Giáo quốc tế về di dân

VATICAN. ĐTC khích lệ Ủy Hội Công Giáo quốc tế về di dân tiếp tục sứ mạng bênh đỡ những người di dân và tị nạn, giúp giải thoát những người bị biến thành nô lệ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 8-3, dành cho 130 thành viên Ủy hội Công Giáo quốc tế về di dân (International Catholic Migration) tham dự khóa họp toàn thể tại Roma trong những ngày này, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Njue, TGM giáo phận Nairobi, Kenya.

Cơ quan này được thành lập năm 1951 và hiện có trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ. Ủy hội có sứ mạng bênh vực những người di dân, tị nạn, những người tản cư nội địa, nạn nhân của nạn buôn người, những người di dân, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc và quốc tịch. Thành viên của Ủy hội là các đại diện của các HĐGM trên thế giới.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Tôi cầu mong Ủy Hội của anh chị em tiếp tục công tác linh hoạt các Giáo Hội địa phương xả thân cứu giúp những người bị bó buộc phải rời bỏ quê hương, và quá nhiều khi họ là những nạn nhân bị lường gạt, bạo hành, và lạm dụng đủ loại. Nhờ kinh nghiệm khôn lường, thu thập được sau bao nhiêu năm làm việc, Ủy hội có thể trợ giúp quí giá cho các HĐGM và các giáo dân đang tìm cách tổ chức hữu hiệu hơn để đáp ứng thách đố của thời đại này”.

ĐTC cũng ca ngợi sự tham gia của Ủy hội Công giáo quốc tế về di dân vào tiến trình do cộng đồng quốc tế khởi xướng nhắm tiến tới một hiệp ước hoàn cầu về người tị nạn, và một hiệp ước khác nhắm tới một sự di cư chắc chắn, có thứ tự và hợp pháp. ĐTC nói: Công việc chưa kết thúc. Cùng nhau chúng ta phải khuyến khích các nước thỏa thuận với nhau về những câu trả lời thích hợp và hữu hiệu nhất đối với những thách đố do các hiện tượng di cư đề ra. Chúng ta có thể thi hành điều đó dựa trên các nguyên tắc căn bản của đạo lý xã hội Công Giáo. Chúng ta cũng phải làm sao để những hiệp định đó được thực thi đúng đắn, qua những quyết tâm cụ thể và được nhiều người chia sẻ” (Rei 8-3-2018).

G. Trần Đức Anh OP

Lời Nguyện Thánh Thể dậy chúng ta biến cuộc sống thành việc tạ ơn

Lời Nguyện Thánh Thể dậy chúng ta biến cuộc sống thành việc tạ ơn

** Lời Nguyện Thánh Thể dậy chúng ta vun trồng ba thái độ sống không thể thiếu nơi các môn đệ của Chúa Giêsu: thứ nhất là “học biết cảm tạ luôn luôn và ở khắp mọi nơi” chứ không phải chỉ trong vài trường hợp khi mọi sự xuôi chảy; thứ hai biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà của tình yêu thương, tự do và nhưng không; và thứ ba xây dựng sự hiệp thông cụ thể trong Giáo Hội với tất cả mọi người.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hứu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Số tín hữu còn lại đã theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình trong đền thờ thánh Phêrô và đã được ĐTC đến chào và ban phép lành sau đó.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời Nguyện Thánh Thể. Ngài nói: sau khi kết thúc phần dâng bánh rượu bắt đầu Lời Nguyện Thánh Thể, trao ban phẩm chất cho việc cử hành Thánh Lễ và làm thành thời điểm chính hướng tới việc Hiệp Lễ thánh. Nó tương ứng với điều chính Chúa Giêsu đã làm khi ngồi bàn với các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Cuối Cùng, khi Ngài “tạ ơn trên bánh rồi trên chén rượu”, như thánh Phaolô viết trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô chương 11 mà chúng ta vừa nghe: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." (1 Cr 11,23-25);x. Mt 26,27; Mc 14,23; Lc 22,17.19; 1 Cr 11,24): việc tạ ơn của Ngài sống trở lại trong mỗi Thánh Lễ và kết hiệp chúng ta với hy lễ cứu độ của Chúa. ĐTC giải thích Lời Nguyện Thánh Thể như sau:

Trong Lời Nguyện long trọng này – Lời Nguyện Thánh Thể long trọng –  Giáo Hội diễn tả điều thành toàn, khi cử hành Thánh Thể và lý do cử hành hay hiệp thông với Chúa Kitô, thực sự hiện diện trong bánh và rượu được thánh hiến. Sau khi mời dân chúng nâng tâm hồn lên Chúa và cảm tạ Ngài, vị linh mục lớn tiếng đọc Lời Nguyện nhân danh tất cả mọi người hiện diện, bằng cách hướng lên Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. “Ý nghĩa của Lời Nguyện này là toàn cộng đoàn tín hữu hiệp nhất với Chúa Kitô trong việc ngợi khen các công trình vĩ đại của Thiên Chúa và trong việc dâng hy lễ” (TTSLR, 78). Và để kết hiệp thì cần phải hiểu. Và chính vì thế Giáo Hội đã muốn cử hành trong ngôn ngữ mà dân chúng hiểu, để họ kết hiệp với lời chúc tụng này và với lời nguyện lớn lao này cùng với vị linh mục. Thật thế, “hy lễ của Chúa Kitô và hy lễ Thánh Thể là một lễ tế duy nhất” (GLCG, 1367). Như nhau.

** Trong Sách Lễ có nhiều công thức Lời Nguyện Thánh Thể khác nhau, nhưng tất cả đều gồm các yếu tố đặc thù, mà giờ đây tôi muốn nhắc lại (x. TTSLR, 79; GLCG, 1352-1354). Tất cả đều rất hay đẹp. Trước hết có Kinh Tiền Tụng là một hành động tạ ơn vì những ơn của Chúa , đặc biệt vì việc gửi Con của Ngài đến như Đấng Cứu Thế. Kinh Tiền Tụng kết thúc bởi lời tung hô “Thánh”, thường được hát: thật là hay đẹp hát lời tung hô “Thánh”: “Thánh, Thánh, Chúa là Thánh”. Thật là đẹp hát lên lời kinh “Thánh”. Toàn cộng đoàn hợp tiếng với các Thiên Thần và các Thánh để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa.

Thế rồi có lời khẩn nài Thần Khí để Ngài thánh hiến bánh rượu với quyền năng của Ngài. Chúng ta khẩn nài Thần Khí để Ngài tới và trong bánh và rượu có Chúa Giêsu. Hành động của Chúa Thánh Thần và sự hữu hiệu của chính các lời của Chúa Kitô do linh mục đọc lên, thực sự khiến cho Mình và Máu Chúa Kitô, hy tế của Ngài dâng trên thập giá một lần cho tất cả,  hiện diện dưới hình bánh và rượu (GLCG, 1375). Và liên quan tới điều này Chúa Giêsu đã rất rõ ràng. Lúc đầu chúng ta đã nghe thánh Phaolô kể lại các lời của Chúa Giêsu: “Này là mình Thầy, này là máu Thầy”. “Này là máu Thầy, này là mình Thầy”. Chính Chúa Giêsu đã nói lên điều này. Chúng ta không đuợc có các tư tưởng lạ lùng: “Mà làm sao một sự vật lại… “ Đó là mình Chúa Giêsu. Đức tin kết thúc ở đó phải không? Đức tin đến trợ giúp chúng ta tin: một cử chỉ của đức tin, nhưng là mình và máu Chúa Giêsu. Đó là “mầu nhiệm đức tin” như chúng ta nói sau khi truyền phép. Vị linh mục nói: “Đây là mầu nhiệm đức tin” và chúng ta hát một lời tung hô.

Khi cử hành việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa, trong khi chờ đợi ngày Ngài trở lại trong vinh quang, Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha hy tế giao hoà trời và đất: dâng hiến tế phục sinh của Chúa Kitô bằng cách dâng chính mình với Ngài và xin được trở nên “một thân mình và một tinh thần trong Chúa Kitô”, nhờ Chúa Thánh Thần (NTT III; SC 48; TTSLR 79f). Giáo Hội muốn hiệp nhất với Chúa Kitô và trở thành một thân thể và một tinh thần với Chúa.

Đó là ơn thánh và hoa trái của sự Hiệp Thông bí tích: chúng ta được nuôi dưỡng bởi Mình Chúa Kitô để trở nên Thân Mình sống động của Ngài hôm nay trong thế giới, khi ăn Mình Ngài.

** Mầu nhiệm hiệp thông là đó, Giáo Hội hiệp nhất với của lễ của Chúa Kitô và nhờ sự bầu cử của Ngài và dưới ánh sáng đó, “trong các nghĩa trang kitô cổ hay hang toại đạo Giáo Hội thường được diễn tả như một phụ nữ giang tay – Giáo Hội cầu nguyện với cử chỉ như thế này ĐTC giang tay lên – trong thái độ cầu nguyện. Giáo Hội cầu nguyện. Thật là đẹp nghĩ rằng Giáo Hội cầu nguyện. Có một văn bản trong sách Công Vụ các Tông Đồ nói rằng khi thánh Phêrô bị tù trong ngục, cộng đoàn kitô “không ngừng cầu nguyện cho ngài”. Giáo Hội cầu nguyện, Giáo Hội đang cầu nguyện. Và khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ là để làm điều này: Giáo Hội cầu nguyện. Như Chúa Kitô đã giang tay trên thập giá, cũng thế nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, Giáo Hội cũng dâng hiến chính mình và bầu cử cho tất cả mọi người” (GLCG, 1368). ĐTC giải thích tiếp Lời Nguyện Thánh Thể như sau:

Lời Nguyện Thánh Thể xin Thiên Chúa đón nhận mọi con cái Ngài trong sự hoàn thiện của tình yêu, hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và Giám Mục, được nhắc tên, là dấu chỉ mà chúng ta cử hành trong sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ và với Giáo Hội địa phương. Như của lễ lời khẩn cầu được trình bầy lên Thiên  Chúa cho tất cả mọi thành phần của Giáo Hội, còn sống cũng như đã chết, trong sự chờ đợi của niềm hy vọng được chia sẻ  gia tài vĩnh cửu trên trời, với Đức Trinh Nữ Maria (x. GLCG, 1369-1371). Không có ai và không có gì bị lãng quên trong Lời Nguyện Thánh Thể, nhưng mọi sự đều được dẫn tới với Thiên Chúa, như công thức vinh danh kết thúc nhắc nhớ.

Không có ai bị quên. Và nếu tôi có ai đó, cha mẹ, bạn bè đang cần giúp đỡ, hay đã từ đời này bước vào đời sau, tôi có thể kể tên họ trong lúc này, trong nội tâm, trong thinh lặng hay viết tên họ để đọc lên. “Nhưng mà thưa cha con phải trả bao nhiêu tiền để tên con được đọc lên?” “Không có gì hết” Anh chị em đã hiểu chưa? Không phải trả gì hết! Thánh lễ không phải trả tiền. Thánh Lễ là hy tế của Chúa Kitô, hy tế nhưng không. Ơn cứu độ là nhưng không. Nếu bạn muốn dâng cúng thì hãy dâng cúng, nhưng không trả tiền Thánh Lễ. Hiểu điều này thật là quan trọng.

Công thức được cô đọng của lời nguyện này, có lẽ chúng ta cảm thấy nó một cách xa xôi, nhưng nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của nó, thì khi đó chắc chắn chúng ta sẽ tham dự một cách tốt đẹp hơn. Thật ra nó diễn tả tất cả những gì chúng ta thành toàn trong việc cử hành thánh thể: Ngoài ra, nó dậy chúng ta biết vun trồng ba thái độ sống không thể thiếu nơi các môn đệ của Chúa Giêsu. Ba thái độ: thứ nhất là “học biết cảm tạ luôn luôn và ở khắp mọi nơi” , chứ không phải chỉ trong vài trường hợp khi mọi sự xuôi chảy; thứ hai biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà của tình yêu thương, tự do và nhưng không; và thứ ba xây dựng sự hiệp thông cụ thể trong Giáo Hội với tất cả mọi người. Như vậy, Lời Nguyện trung tâm này của Thánh Lễ giáo dục chúng ta từ từ biến toàn cuộc sống chúng ta trở thành một việc cừ hành “thánh thể”, nghĩa là một hành động tạ ơn.

** ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới này có buổi hát kinh chiều tại đền thờ thánh Phêrô trong ngày 24 giờ cho Chúa, và cầu mong cửa mọi nhà thờ rộng mở cho tín hữu chầu Mình Thánh Chúa, lãnh bí tích Hoà Giải, sống kinh nghiệm lòng thương xót Chúa để chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh.

Ngài cũng gửi lời chào giới chức chính quyền, uỷ ban tổ chức và các lực sĩ tham dự Đại hội hậu điền kinh mùa đông tại Pyeongchang bên Nam Hàn. ĐTC nói: điều này cho thấy thể thao thể dục có thể tiến tới chỗ xây các cây cầu giữa các nước đang xung đột, và góp phần hữu hiệu vào việc tạo dựng các viễn tượng hoà bình giữa các dân tộc như thế nào. Các cuộc chơi thế vận làm chứng cho thấy qua thể thao người ta có thể vượt thắng các tàn tật của mình ra sao. Tất cả mọi lực sĩ điền kinh đều là các mẫu gương của lòng can đảm, sự kiên trì, không để bị chiến thắng bởi các hạn hẹp của mình. Thể thao là một trường học lớn của việc bao gồm, cũng như linh hứng cho cuộc sống riêng tư và dấn thân biến đổi xã hội.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm đến từ Pháp và Bỉ ngài chào các bạn trẻ trường công giáo Stanislas Paris. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Liatuania, Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong các nhóm Đức ĐTC đặc biệt chào phái đoàn các thẩm phán Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đặc biệt nhóm Castro Marim. Ngài cầu mong Mùa Chay giúp mọi người sống Thánh Lễ sâu đậm hơn, làm sao để cuộc sống của mình trở thành việc cử hành thánh thể tức hành động tạ ơn. ĐTC dâng mọi người cho Chúa và xin Chúa ban cho tín hữu được nhiều ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để họ chiến thắng các thất bại, bi quan và bước vào ngưỡng cửa hy vọng với Chúa Kitô phục sinh.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan đặc biệt các bạn trẻ thiện nguyện của tổ chức Caritas Ba Lan cùng với các bạn trẻ Siria, ngài cầu chúc muà Chay dẫn họ tới gần Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì ơn tình yêu của Ngài và tìm chia sẻ nó bằng cách biến cuộc đời mình trở thành một món quà tự do và nhưng không cho tha nhân.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các linh mục giáo sư Thần học truyền giáo, các Tiểu Muội Chúa Quan Phòng, các nữ tu Phan Sinh Thánh Tâm và nhóm Tổ Ấm, cũng như phái đoàn “Ngọn đuốc Biển Đức” do ĐTGM Renato Boccardo hướng dẫn, học sinh các trường Italia, cũng như nhiều thành viên các hiệp hội bác ái.

Với các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu chúc Mùa Chay chỉ cho họ con đường hy vọng phải theo. Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ biết hoán cải thật sự, tái khám phá Lời Chúa và được thanh tẩy khỏi tội lỗi để phục vụ Chúa trong tha nhân theo khả năng của mỗi người.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người. 

Linh Tiến Khải

Phụng vụ Thánh Thể dậy tín hữu hiến dâng toàn cuộc sống cho Thiên Chúa

Phụng vụ Thánh Thể dậy tín hữu hiến dâng toàn cuộc sống cho Thiên Chúa

 

** Phụng vụ Thánh Thể dạy chúng ta tinh thần tu đức  hiến dâng chính mình và toàn cuộc sống với các vui buồn khổ đau mệt nhọc cho Thiên Chúa, noi gương cuộc hy tế của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá.

ĐTC đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần hôm 28-2 trong đại thính đường Phaolô VI. Có mấy ngàn tín hữu khác không tỉm ra chỗ đã tụ à theo dõi buổi tiếp kiến qua truyền hính trong đền thờ thánh Phêrô. Sau đó ĐTC đã qua chào và ban phép lành cho họ.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ ĐTC nói: Tiếp theo Phụng vụ Lời Chúa – mà tôi đã dừng lại trong các bài giáo lý trước – là phần khác của Thánh Lễ: đó là Phụng Vụ Thánh Thể. Ngài giải thích ý nghĩa phần này như sau:

Trong phụng vụ Thánh Thể, qua các dấu chỉ thánh, Giáo Hội liên tục làm cho Hy Tế của giao ước mới đã được đóng ấn bởi  Chúa Giêsu trên Thập Giá, hiện diện (x. SC, 47). Đó đã là bàn thờ kitô đầu tiên, bàn thờ của Thập Giá, và khi chúng ta tới gần bàn thờ để cử hành Thánh Lễ, ký ức cuả chúng ta đến với bàn thờ của Thập Giá, nơi hiến tế dầu tiên đã được cử hành.

Trong Thánh Lễ vị linh mục diễn tả Chúa Kitô hoàn thánh điều mà chính Chúa đã làm và tín thác cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: ngài cầm lấy bánh và chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Các con hãy cầm lấy, hãy ăn… hãy uống: này là mình Thầy… này là chén máu Thầy. Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.

Vâng lệnh truyền của Chúa Giêsu Giáo Hội đã xếp đặt Phụng vụ Thánh Thể vào các lúc tương đương với các lời và các cử chỉ Chúa thành toàn buổi chiều trước cuộc Khổ Nạn. Như thế đây là việc chuẩn bị các cuả lễ bánh và rượu đem lên bàn thờ, nghĩa là các yếu tố mà Chúa Kitô đã cầm lấy trong tay Ngài. Trong Lời Nguyện Thánh Thể chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc và các của lễ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Tiếp theo là việc bẻ Bánh và Hiệp lễ, qua đó chúng ta sống trở lại kinh nghiệm của các Tông Đồ đã nhận lấy các lễ vật thánh thể từ chính tay của Chúa Kitô (x. Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 72).

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: như vậy việc chuẩn bị các của lễ tương ứng với cử chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu là “cầm lấy bành và chén rượu”. Đó là phần đầu của Phụng Vụ Thánh Thể. Thật là hay việc các giáo dân dâng bánh và rượu lên vị linh mục, bởi vì chúng có nghĩa là của lễ thiêng liêng của Giáo Hội được tụ họp ở đó để cử hành bí tích Thánh Thể. Thật là hay đẹp, khi chính các tín hữu đem bánh rượu lên bàn thờ. Tuy ngày nay các giáo dân không còn đem chính bánh và rượu được dùng cho Phụng Vụ như xưa kia nữa, nhưng nghi thức dâng lễ vật giữ nguyên giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó” (ibid, 73). Và liên quan tới điều này thật là ý nghĩa, khi truyền chức cho một tân linh mục Đức Giám Mục trao bánh và rượu cho vị này và nói: “Hãy nhận lấy các lễ vật của dân thánh cho hy tế thánh thể” (Trật tư.., 73) (Sách Lễ Roma – Truyền chức các giám mục, linh muc và phó tế). Dân Thiên Chúa mang lễ vật, bánh và rượu, lễ vật vĩ đại cho Thánh Lễ! Nghĩa là trung tâm của Thánh Lễ là bàn thờ, và bàn thờ là Chúa Kitô; cần phải luôn luôn nhìn bàn thờ là trung tâm của Thánh Lễ.

Như vậy trong “hoa quả của trái đất và lao công của con người” được dâng lên dấn thân của các tín hữu vâng lời Chúa dậy, biến chính mình thành “một hiến tế đẹp lòng Thiên Chúa Cha Toàn Năng”, “ cho thiện ích của toàn Hội Thánh”. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

Như vậy cuộc sống của tín hữu, sự khổ đau, lời cầu nguyện, công việc làm của họ được hiệp nhất với Chúa Kitô và cuộc dâng hiến hoàn toàn của họ và như thế chúng chiếm hữu được một giá trị mới” (GLGHCG 1368).

** Chắc chắn rồi của lễ của chúng ta ít ỏi, nhưng Chúa Kitô cần sự ít ỏi đó.  Chúa xin chúng ta ỉt và Ngài cho chúng ta biết bao nhiêu. Chúa xin chúng ta ít. Chúa xin chúng ta thiện chí trong cuộc sống thường ngày, Chúa xin chúng ta có con tim rộng mở. Chúa xin chúng ta ý muốn trở thành tốt lành hơn để tiếp nhận Ngài vào trong chính chúng ta trong Thánh Thể. Chúa xin chúng ta các lễ vật biểu tượng này sẽ trở thành Minh và Máu ngài. Việc xông hương là một hình ảnh diễn tả sự chuyển động dâng hiến của lời cầu này. Hương được lửa đốt cháy toả ra một mùi thơm bay lên cao: xông hương các lễ vật, như làm trong các ngày lễ, xông hương thánh giá, bàn thờ, vị linh mục và dân tư tế biểu lộ một cách hữu hình mối dây dâng hiến hiệp nhất tất cả các thực tại này với hiến tế của Chúa Kitô (x. Trật tự.. 75). Và xin đừng quên: có bàn thờ là Chúa Kitô, và luôn luôn quy chiếu về bàn thờ dầu tiên là Thập Giá, và trên bàn thờ là Chúa kitô chúng ta đem dâng của lễ ít ỏi của chúng ta, bánh và rượu sẽ trờ thành cái biết bao là chính Chúa Giêsu, Đấng tự ban mình cho chúng ta.

Và tất cả những điều này cũng là những gì lời cầu trên lễ vật diễn tả. Trong lời cầu này vị linh mục xin Thiên Chúa chấp nhận các của lễ Giáo Hội dâng lên Ngài, bằng cách khẩn nài hoa trái của việc trao đổi tuyệt vời giữa sự nghèo nàn của chúng ta và sự phong phú của Thiên Chúa. Trong bánh và rượu chúng ta dâng lên Ngài của lễ cuộc đời chúng ta, để nó được Chúa Thánh Thần biến đổi trong hiến tế của Chúa Kitô, và với Ngài trở nên một lễ vật thiêng liêng duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Trong khi kết thúc việc chuẩn bị các của lễ, chúng ta sẵn sàng cho Lời Nguyện Thánh Thể (x. ibid. 77).

Tinh thần tu đức của việc dâng tiến chính mình, mà thời điểm này của Thánh Lễ dậy chúng ta, có thể soi sáng cho các ngày sống của chúng ta, cũng như cho các tương quan của chúng ta với tha nhân và những việc chúng ta làm, các khổ đau chúng ta gặp, và trợ giúp chúng ta xây dựng kinh thành trần thế dưới ánh sáng của Tin Mừng.

 

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp và cầu chúc họ gia tăng cuộc sống tinh thần mỗi ngày bằng cách hiến dâng toàn cuộc sống cho Chúa như khi dâng lễ vật trong Thánh Lễ. Chào các nhóm hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Anh, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Slovac và Hoa Kỳ, ngài cầu chúc mùa Chay là thời điểm ơn thánh giúp họ và gia đình canh tân tinh thần.

Chào các đoàn hành hương nói Tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC  cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố niềm tin của họ nơi Chúa Giêsu Kitô, và góp phần xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.

Với các nhóm Ba Lan ngài cầu mong mùa Chay là thời gian giúp họ suy tư, hoán cải và canh tân cuộc sống tinh thần, bằng cách suy gẫm các chặng đàng Thánh Giá, bài Ai ca mùa chay và các bài giảng tĩnh tâm để củng cố đức tin và mối dây ràng buộc với Chúa Kitô, cũng như rộng mở con tim cho tha nhân cần được giúp đỡ.

Trong số các nhóm Ý ngài đặc biệt chào nhóm các nữ tu Salesien tham dự tổng tu nghị, các sư huynh Lasan và các thành viên phong trào Tổ Ấm, cũng như nhiều nhóm tín hữu các giáo phận do các Giám Mục hướng dẫn, và sinh viên học sinh nhiều trường khác nhau. Ngài cầu chúc mọi người sống đức tin như việc phục vụ tha nhân.

Chào các bạn trẻ ĐTC cầu mong mùa Chay là dịp giúp họ củng cố đời sống đức tin, thi hành việc ăn chay hãm mình để biết tự chủ hơn. Ngài cầu chúc các anh chị em đau yếu biết tín thác các khổ đau cho Chúa và cảm nhận được sự gần gũi của Chúa. Với các đôi tân hôn ngài cầu chúc họ sống ơn gọi hôn nhân trong tình bác ái đối với các nhu cầu của tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Ly Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Kinh truyền tin 25 tháng 02: Biến hình giúp hiểu mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu

Kinh truyền tin 25 tháng 02: Biến hình giúp hiểu mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 25-2-2018 với 30 ngàn tín hữu hành hương, ĐTC diễn giải biến cố Chúa hiển dung và ngài đặc biệt kêu gọi ngưng bắn tại Siria.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh tại quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 2 mùa chay, thuật lại việc Chúa hiển dung trước 3 môn đệ trên núi theo trình thuật của Tin Mừng theo thánh Marco (9,2-10):

 Bài huấn dụ của ĐTC

“Tin Mừng hôm nay, chúa nhật thứ hai Mùa Chay, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng cuộc hiển dung của Chúa Giêsu (Xc Mc 9,2-10). Giai thoại này cần được nối với những gì xảy ra 6 ngày trước đó, khi Chúa Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ biết tại Jerusalem Ngài sẽ phải ”chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ lão, các trưởng tế và các luật sĩ phủ nhận, bị giết và ngày thứ 3 sẽ sống lại” (Mc 8,31). Lời loan báo này đã làm cho Phêrô và toàn nhóm môn đệ bị khủng hoảng, Phêrô đã phủ nhận ý tưởng theo đó Chúa Giêsu bị các thủ lãnh của dân phủ nhận và rồi bị giết. Thực vậy, các môn đệ trông đợi một Đức Messia quyền năng, mạnh mẽ, thống trị, thế mà Chúa Giêsu lại tự giới thiệu mình như một người đầy tớ khiêm hạ, hiền lành của Thiên Chúa, đầy tớ của con người, sẽ phải hy sinh mạng sống, tiến qua con đường bách hại, đau khổ và cái chết. Làm sao có thể theo Một Bậc Thầy và một Đức Messia mà cuộc sống trần thế của Người kết thúc như thế? Các môn đệ nghĩ như vậy. Và câu trả lời đến từ cuộc hiển dung. Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là gì? Đó là một sự hiện ra phục sinh được xảy ra trước.

Chúa Giêsu mang 3 môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo, lên ”một núi cao” (Mc 9,2) và tại đó, Ngài tỏ cho họ thấy vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Thiên Chúa. Biến cố này giúp các môn đệ đương đầu vững hơn với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu một cách tích cực, không bị đảo lộn. Các môn đệ đã thấy điều mà sau cuộc khổ nạn sẽ xảy ra, và qua đó Chúa chuẩn bị các môn đệ. Cuộc hiển dung của Chúa giúp các môn đệ vả cả chúng ta hiểu rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là một mầu nhiệm về sự đau khổ, nhưng nhất là một hồng ân tình thương vô biên của Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi làm cho chúng ta hiểu rõ hơn sự phục sinh của Ngài. Thực vậy, để hiểu các biến cố ấy, cần biết trước rằng Đấng đang chịu đau khổ và được vinh quang không phải chỉ là một người, nhưng là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta qua tình yêu trung tín của Ngài cho đến chết. Qua đó Chúa Cha lập lại lời tuyên bố về Chúa Con, đã xảy ra bên bờ sông Giordan sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và Chúa Cha nhắn nhủ: ”Các ngươi hãy nghe lời Ngài!” (v.7). Các môn đệ được kêu gọi theo Thầy trong niềm tín thác và hy vọng, dù cái chết của Chúa; thiên tính của Chúa Giêsu phải được biểu lộ trên thập giá, chính trong cái chết của Ngài theo thể thức ấy, đến độ thánh sử Marco đặt trong miệng viên bách quân quan lời tuyên xưng đức tin: ”Quả thực người này là Con Thiên Chúa”! (15,39)

Và ĐTC kết luận rằng: ”Giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, một thụ tạo nhân trần được hiển dung trong nội tâm nhờ ơn Thánh của Chúa Kitô,. Chúng ta hãy tín thác cho sự phù giúp của Mẹ để tiếp tục hành trình mùa chay trong tin tưởng và quảng đại.”

Kêu gọi hòa bình cho Siria

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC khẩn thiết kêu gọi ngưng các xung đột tại Siria, để các đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới các nạn nhân, di tản những người bị thương và bệnh nhân. Ngài nói:

”Tôi nghĩ đến quốc gia Siria yêu quí và bị tàn phá, nơi mà chiến tranh đang gia tăng, nhất là tại miền Ghouta ở mạn đông. Tháng hai này là một trong những tháng bạo lực nhất trong 7 năm xung đột: hàng trăm, hàng ngàn thường dân trở thành nạn nhân, các trẻ em, phụ nữ, người già; cả các nhà thương cũng bị; dân chúng không kiếm được lương thực để ăn… Tất cả những điều ấy thật là vô nhân đạo. Không thể bài trừ sự ác bằng một sự ác khác. Và chiến tranh là một sự ác. Vì thế, tôi tha thiết kêu gọi tức khắc ngưng bạo lực, để các đồ cứu trợ nhân đạo – lương thực thuóc men – được đưa tới và di tản những người bị thương và các bệnh nhân. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để điều này được diễn ra tức khắc”.

ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương từ Roma, Italia và nhiều nước, đặc biệt là từ thành Spis bên Slovak. Ngài cũng nhắc đến các đại diện đài truyền hình của giáo phận Prato bắc Italia cùng với ĐGM giáo phận, các bạn trẻ chịu phép thêm sức và các thiếu niên tuyên xưng đức tin đến từ một số nơi ở Italia…

Viếng thăm giáo xứ

Lúc 4 giờ chiều hôm 25-2-2018, ĐTC đã đến viếng thăm giáo xứ Thánh Gelasio I Giáo Hoàng, ở mạn Đông bắc Roma. Đây là giáo xứ thứ 16 được ngài viếng thăm trong vòng 5 năm qua, từ khi được bầu làm GM giáo phận Roma.

Giáo xứ này được thành lập cách đây 46 năm, và hiện có 7,500 giáo dân do 2 LM thuộc tu hội gia đình Truyền Giáo ”Giáo Hội – Thế giới”, coi sóc, và cũng có một LM sinh viên người Tây Ban Nha phụ giúp.

Tại giáo xứ, ĐTC 4 giờ chiều, ngài lần lượt gặp gỡ các trẻ em, những người dự lớp giáo lý, và các em tham gia sinh hoạt giáo xứ, các gia dình, các bệnh nhân và người già, sau cùng là các nhân viên trung tâm Caritas của giáo xứ, thường giúp đỡ khoảng 250 người nghèo, phân phát quần áo và các thùng thực phẩm vào những ngày thứ năm. Ngoài ra, quán phát chẩn của giáo xứ cung cấp các bữa ăn sáng và ăn trưa cho hơn 50 người.

ĐTC cũng chào thăm gặp hai thanh niên 18 và 25 tuổi người Gambia bên Phi châu, được giáo xứ đón tiếp và giúp đỡ. Đặc biệt ngài gặp các thân nhân của gái Giulia Rinaldo, một trong những nạn nhân bị thiệt mạng hồi tháng 8 năm 2016 ở miền trung Roma. Em Giulia 11 tuổi đã lấy thân mình làm khiên thuẫn che chở em gái Giorgia 4 tuổi và nhờ đó cứu em khỏi cảnh bị nhà sụp ở làng Pescara del Tronto.

Sau các cuộc gặp gỡ đó, ĐTC giải tội cho một số giáo dân, trước khi bắt đầu cử hành thánh lễ lúc 6 giờ chiều. Đồng tế với ngài trong dịp này có Đức TGM giám quản Roma Angelo De Donatis, Đức Cha Phụ tá khu vực phía bắc Roma, cha sở và cha phó và một số LM thuộc quận thứ 11 ở Roma.

G. Trần Đức Anh OP

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2018

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2018

VATICAN. ĐTC mời gọi các bạn trẻ phân định để vượt thắng các nỗi lo sợ, tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa và tình mẫu tử của Mẹ Maria.

Đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm 22-2-2018, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào chúa nhật lễ lá, 25-3 tới đây, với chủ đề là lời Sứ Thần Chúa ”Hỡi Maria đừng sợ, vì Bà đã được ơn nơi Thiên Chúa” (Lc 1,39).

ĐTC nhận xét rằng ”Ngày nay bao nhiêu người trẻ có những nỗ lo sợ khác nhau, nhiều người có cảm tưởng mình phải sống khác với những gì trong thực tế, vì thế họ thấy cần phải thích ứng với kiểu mẫu giả tạo, sửa sang hình ảnh của mình, nấp sau những mặt nạ và căn tính giả tạo..”

ĐTC viết: “Trong những lúc nghi nan và lo sợ trong tâm hồn, cần phải có sự phân định, nhận ra và gọi đích danh nỗi sợ hãi của mình”. Trong sự phân định như thế cần tín thác nơi lòng từ nhân và tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tín thác nơi Chúa.

Trong tiến trình này, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ hãy nhìn lên tấm gương của Mẹ Maria: Thiên Chúa đã gọi đích danh Mẹ, Chúa cũng quan tâm và gọi đích danh mỗi người chúng ta, chứng tỏ phẩm giá cao cả của chúng ta trước Thiên Chúa.

Mẹ Maria không sợ hãi vì Mẹ đã được ơn phúc nơi Thiên Chúa. Cả chúng ta cũng được ơn thánh của Thiên Chúa nâng đỡ. ”Sự hiện diện liên tục của ơn Thánh Chúa khích lệ chúng ta tín thác, đón nhận ơn gọi Chúa dành cho chúng ta, ơn gọi đòi chúng ta phải dấn thân trung thành và canh tân lòng trung thành ấy mọi ngày..

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tôi mời gọi các bạn hãy chiêm ngắm tình thương của Mẹ Maria: một tình yêu ân cần chăm sóc, năng động, cụ thể. Một tình yêu đầy táo bạo và hoàn toàn hướng về sự hiến thân. Một Giáo Hội được thấm nhiễm những đức tin ấy của Mẹ Maria sẽ luôn luôn là một Giáo Hội đi ra ngoài, đi xa hơn những giới hạn và biên cương của mình để làm cho ơn thánh đã nhận lãnh được lan tỏa, trào ra bên ngoài”.

Bộ giáo dân

Trong thông cáo công bố hôm 22-2-2018, Bộ giáo dân, gia đình và sự sống cho biết trên đây là nội dung sứ điệp thứ 2 ĐTC Phanxicô gửi giới trẻ trong hành trình chuẩn bị Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ, sẽ tiến hành tại Panama từ 22 đến 27-1-2019. Ngài muốn các bạn trẻ được Đức Mẹ Maria đồng hành trong hành trình thiêng liêng ấy. Năm ngoái, 2017, Sứ điệp qui trong tâm vào lời Mẹ Maria trong kinh Magnificat: ”Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49). Năm tới, sứ điệp sẽ có chủ đề là câu trả lời của Mẹ Maria với Sứ Thần Chúa: ”Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy ra cho tôi theo lời Sứ Thần” (Lc 1,38).

Chủ đề 3 năm xoay quanh Mẹ Maria trong tiến trình Ngày Quốc Tế giới trẻ nói lên ước muốn của ĐTC Phanxicô cống hiến cho người trẻ toàn thế giới một cái nhìn hướng thần về đời sống của họ. Ngài viết ”Thực vậy, điều tôi quan tâm là làm sao các bạn trẻ tiến bước, không những chỉ nhớ lại quá khứ, nhưng còn có can đảm trong hiện tại và hy vọng đối với tương lai” (Sứ điệp Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2017). Hành trình này liên kết với hành trình của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 sẽ tiến hành tại Roma vào tháng 10 năm nay về đề tài ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Chủ đề này mời gọi suy tư về thực tại các thế hệ trẻ đang sống, về đời sống đức tin của họ và cách thức trong đó họ đi tới những quyết định căn bản, hình thành tương lai của họ và của nhân loại. (Rei 22-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ quốc tế

Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ quốc tế

VATICAN. ĐTC khuyến khích các nghệ sĩ tận dụng tài năng Chúa ban để phục vụ vẻ đẹp của phẩm chất cuộc sống con người, sự hoà hợp của họ với môi trường, gặp gỡ và tương trợ nhau.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24-2-2018, dành cho 40 tham dự viên Hội nghị của tổ chức ”Phục vụ thẩm mỹ”, Diaconia della bellezza, một tổo chức được thành lập cách đây 6 năm (2012) để bắc một nhịp cầu giữa các nghệ sĩ và Thiên Chúa, giúp họ trở thành những chứng nhân về vẻ đẹp của Chúa. Thành phần của tổ chức này gồm các nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư hoặc điện ảnh gia, nhà điêu khắc, tài tử và vũ viên.. Tổ chức này xoay quanh 5 cột trụ chính là cầu nguyện, làm chứng tá, huấn luyện, liên đới, kiến tạo nhà nghệ sĩ và các biến cố.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến ĐTC đề cao tầm quan trọng của nghệ thuật và ngài nói: ”Những hồng ân mà anh chị em đã nhận cũng là một trách nhiệm và là một sứ vụ đối với mỗi người trong anh chị em. Thực vậy, anh chị em được yêu cầu làm việc mà không để cho mình vị thống trị vì sự tìm kiếm hư danh hoặc nổi tiếng dễ dàng, và càng không phải vì tính toán nhỏ nhen cho tư lợi… Qua những năng khiếu và kín múc nơi các nguồn mạch của linh đạo Kitô, anh chị em được kêu gọi đề nghị một cách thức khác để hiểu phẩm chất cuộc sống và khích lệ một lối sống theo tinh thần ngôn sứ, chiêm niệm, có khả năng vui mừng sâu đậm mà không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ. Anh chị em được kêu gọi phục vụ công trình sáng tạo và bảo vệ những ốc đảo thẩm mỹ trong cách thành thị của chúng ta, quá nhiều khi bị xi-măng hóa và vô hồn”.

Trong những ngày này, các nghệ sĩ quốc tế, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Robert Le Gall người Pháp, đã tham dự hội nghị ở Roma từ ngày 18 đến 25-2-2018. Thánh lễ khai mạc ngày 18-2, lễ kính chân phước họa sĩ Fra Angelico dòng Đa Minh, do Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng chủ sự, tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ trên đồi Minerva, bổn mạng của các nghệ sĩ. Tại nhà thờ này có mộ của chân phước Angelico (Rei 24-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke

Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke

VATICAN. ĐTC đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Peter Ebere Okpaleke, GM giáo phận Ahiara, Nigeria, bên Phi châu, sau 6 năm không thể thi hành sứ vụ vì sự chống đối của hàng giáo sĩ địa phương không cùng bộ tộc.

Hôm 19-2-2018, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke và bổ nhiệm Đức Cha Lucius Iwejuru Ugorji, GM giáo phận Umuahia gần đó làm Giám quản tông tòa, với tất cả năng quyền của một vị bản quyền.

Đức Cha Okpaleke năm nay 55 tuổi (1963) được ĐGH Biển Đức 16 bổ nhiệm làm GM giáo phận Ahiara hồi tháng 12 năm 2012 và, sau nhiều khó khăn, đã thụ phong GM vào tháng 5 năm 2013, tuy nhiên ngài không thể về nhận giáo phận được vì hàng giáo sĩ địa phương không cùng bộ tộc Mbaise và không chấp nhận ngài. Giáo phận này có 422 ngàn tín hữu Công Giáo với 73 giáo xứ và 124 LM, nổi tiếng là có nhiều ơn gọi.

Tình trạng bế tắc kéo dài hơn 4 năm trời. Hồi tháng 6 năm ngoái, ĐTC ra lệnh tối hậu cho các LM thuộc giáo phận Ahiara: trong vòng 30 ngày, các LM không vâng lệnh ngài và chấp nhận Đức Cha Okpaleke, thì sẽ bị ngưng chức (xem hình ĐTC tiếp phái đoàn GM Nigeria hồi năm 2017 về Đức Cha Okpaleke). Tuy nhiên tình trạng vẫn bế tắc và thứ hai 19-2 vừa qua, có thông báo về việc ĐTC chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke.

Thông cáo của Bộ truyền giáo cho biết trong tháng 6 và tháng 7 năm ngoái (2017), ĐTC Phanxicô đã nhận được 200 lá thư của các LM thuộc giáo phận Ahiara bày tỏ vâng phục và trung thành. Tuy nhiên, một số LM bày tỏ khó khăn về tâm lý trong việc cộng tác với Đức Cha Okpaleke sau những năm xung đột vừa qua. Xét vì lòng thống hối của các LM, ĐTC không muốn ra hình phạt theo giáo luật và ngài ủy cho Bộ truyền giáo viết thư trả lời cho từng LM; Bộ truyền giáo đã nhắn nhủ mỗi linh mục hãy suy nghĩ về thiệt hại nặng nề gây ra cho Giáo Hội của Chúa Kitô và mong muốn rằng trong tương lai không bao giờ họ tái diễn những hành động vô lý chống đối một vị GM được ĐTC bổ nhiệm hợp pháp; Bộ cũng yêu cầu hàng giáo sĩ hãy thi hành những cử chỉ tha thứ và hòa giải đối với Đức GM.

Bộ truyền giáo

Thông cáo của Bộ truyền giáo cũng cho biết: ĐTC biết ơn tất cả những LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân đã bày tỏ sự gần gũi với Đức Cha Okpaleke và nâng đỡ Người bằng kinh nguyện. Ngài cũng cám ơn các GM trong HĐGM Nigeria đã nâng đỡ Đức Cha Okpaleka, đặc biệt là ĐHY John Onaiyekan vì đã đảm nhiệm chức vụ Giám quản Tông tòa giáo phận Ahiara trong những năm qua, Đức TGM Ignatius Kaigama, Chủ tịch HĐGM Nigeria…

Bộ cũng nói rằng hiện thời ĐTC không có ý bổ nhiệm một GM mới cho giáo phận Ahiara, nhưng ngài tiếp tục quan tâm đặc biệt đối với giáo phận này, bằng cách mời gọi giáo phận hãy cộng tác với Đức Cha Lucius Ugorji, GM giáo phận Umuahia, tân giám quản Tông Tòa giáo phận Ahiara.

ĐTC cầu nguyện và đồng hành trong giai đoạn mới của giáo phận này, và cầu mong rằng với vị tân Giám quản Tông Tòa, đời sống Giáo Hội được hồi phục và không bao giờ xảy ra những hành động làm thương tổn Thân Mình của Chúa Kitô.

Mặt khác, Đức cha Okpaleke cũng công bố thư mục vụ ngày 14-2-2018 gửi các tín hữu giáo phận Ahiara để thông báo việc từ chức. Ngài kể lại rằng cho đến nay không một đại diện hợp pháp nào của Giáo Hội Công Giáo đã được đến nhà thờ chính tòa và tòa GM của giáo phận Ahiara.. Thái độ của các LM và tín hữu từ chối việc bổ nhiệm này, theo ý Đức Cha, chính là từ khước không để Chúa Thánh Linh hoạt động, và càng không chấp nhận vị GM đã chọn khẩu hiệu GM: ”Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”.

Thư của Đức Cha Okpaleke có đoạn viết: ”Ý thức tất cả điều nói trên, tôi đi đến xác tín rằng nếu tiếp tục làm GM Ahiara thì không có lợi ích cho Giáo Hội.. Tôi không nghĩ rằng việc tông đồ của tôi sẽ hữu hiệu tại một giáo phận, nơi mà một số LM và giáo dân không sẵn sàng đối với tôi. Vì thế, vì thiện ích của Giáo Hội và của giáo phận Ahiara cách riêng, tôi đã khiêm tốn xin ĐTC chấp nhận đơn từ chức của tôi như GM giáo phận Ahiara. Tôi thi hành việc làm này, nghĩ tới ích lợi của tất cả các tín hữu ở Ahiara, nhất là những ngươi vẫn trung thành với Giáo Hội, tại một giáo phận địa phương đang bị một số LM kiểm soát..” (Rei, Fides 19-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Mùa Chay là thời gián hoán cải và tin vào Tin Mừng

Mùa Chay là thời gián hoán cải và tin vào Tin Mừng

Mùa Chay là thời gian sám hối hoán cải và tin vào Tin Mừng

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật thứ I mùa Chay hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói trong Chúa Nhật thứ I Mùa Chay này Phúc Âm nhắc chúng ta nhớ tới các đề tài cám dỗ, hoán cải và Tin Mừng. Thánh sử Marco viết: “Thần Khí thúc đẩy Chúa Giêsu vào trong sa mạc và Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày, bị Satan cám dỗ” (Mr 1,12-13). Chúa Giêsu vào trong sa mạc để chuẩn bị cho sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Ngài không cần hoán cải, nhưng như là người, Ngài phải trải qua thử thách này, cho chính Ngài để vâng lời Thiên Chúa Cha, cũng như cho chúng ta để ban cho chúng ta ơn chiến thắng các cám dỗ. ĐTC giải thích như sau:

Việc chuẩn bị này hệ tại chỗ chiến đấu chống lại thần dữ, nghĩa là chống lại ma quỷ. Đối với chúng ta cũng thế mùa Chay là một thời gian của “hấp hối tinh thần”, của chiến dấu thiêng liêng : chúng ta được mời gọi đối đầu với Kẻ Dữ qua lời cầu nguyện để có khả năng chiến thắng nó trong cuộc sống thường ngày, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta biết, rất tiếc sự dữ hoạt động trong cuộc sống chúng ta và chung quanh chúng ta, nơi biểu lộ các bạo lực, khước từ tha nhân, các khép kín, chiến tranh và bất công. Tất cả những điều này là công việc của kẻ dữ, của sự dữ.

Ngay sau các cám dỗ trong sa mạc, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Phúc Âm, nghĩa là Tin Mừng. Đó là từ thứ hai. Từ thứ nhất là cám dỗ; từ thứ hai là Tin Mừng. Và Tin Mừng này đòi hỏi nơi con người sự hoán cải – từ thứ ba – và lòng tin. Chúa loan báo: “thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần” , rồi Ngài hướng lời mời gọi: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (c. 15), nghĩa là hãy tin vào Tin Mừng này là Nước Thiên Chúa đã gần.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: trong cuộc sống chúng ta  luôn luôn cần hoán cải – mọi ngày – và Giáo Hội khiến cho chúng ta cầu nguyện cho điều này. Thật thế, chúng ta không bao giờ hướng tới Thiên Chúa đủ, và chúng ta phải liên tục hướng tâm trí chúng ta về Ngài. Để làm điều này cần có can đảm đẩy lui mọi sự khiến cho chúng ta lệch đường: các giá trị giả dối lừa đảo chúng ta bằng cách lừa dối lôi kéo tính ích kỷ của chúng ta. Trái lại, chúng ta phải tín thác nơi Chúa, tín thác nơi lòng lành của Ngài và nơi chương trình tình yêu Ngài có đối với từng người trong chúng ta. ĐTC định nghĩa thêm mùa Chay như sau:

Mùa Chay là thời gian sám hối, đúng, nhưng không phải là một mùa buồn  sầu. Nó là  một thời gian của thống hối, nhưng không phải là thời gian sầu, muộn,  của tang chế. Nó là một dấn thân tươi vui và nghiêm chỉnh để lột bỏ chúng ta khỏi ích kỷ, khỏi con người cũ của chúng ta, và canh tân theo ơn thánh bí tích Rửa Tội của chúng ta.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực: thật là vô ích khi chúng ta mất thời giờ tìm nó ở nơi khác, nơi các giầu sang, thú vui, quyền lực, sự nghiệp… Nước Thiên Chúa là việc thực hiện tất cả các khát vọng của chúng ta, bởi vì nó cũng đồng thờì là sự cứu rỗi của con người và vinh quang của Thiên  Chúa. Trong ngày Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay này chúng ta được mời gọi chú ý lắng nghe và tiếp nhận lời mời gọi này của Chúa Giêsu để hoán cải và tin vào Tin Mừng. Chúng ta được khích lệ dấn thân bắt đầu con đường hướng về lễ Phục Sinh, để luôn luôn đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, là Đấng muốn biến đổi thế giới thành một vương quốc của công lý, hoà bình và tình huynh đệ .

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta sống mùa Chay này trong việc trung thành với Lời Chúa và với lời cầu nguyện liên lỉ, như Chúa Giêsu đã làm trong sa mạc.

Đây không phải là điều không làm được! Đó là sống các ngày đời với ước mong tiếp nhận tình yêu đến từ Thiên Chúa và muốn biến đổi cuộc sống chúng ta và toàn thế giới.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC báo cho mọi người biết trong một tháng nữa trong các ngày từ 19 tới 24 tháng 3 sẽ có 300 bạn trẻ toàn thế giới về Roma tham dự một cuộc họp để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10. Vì thế tôi mạnh mẽ ước mong rằng tất cả các bạn trẻ  có thể là nhân vật chính của việc chuẩn bị này. Vì vậy các bạn trẻ có thể can thiệp trên liên mạng theo các nhóm tiếng nói do các bạn trẻ khác phối hợp. Sự đóng góp của các nhóm trên mạng sẽ được kết hợp với đóng góp của cuộc họp tại Roma. Các bạn trẻ thân mến các bạn có thể tìm thấy các thông tin trên trang Web của Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tôi cám ơn sự đóng góp của các bạn giúp cùng tiến bước.

ĐTC đã chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, các nhóm giáo xứ, hiệp hội và mọi tín hữu hành hương đến từ nhiều nơi trong nước Italia cũng như từ các nước khác: từ Murcia, Vannes, Varsava và Bratislava, Erba, Vignole, Fontaneto d’ Agogna, Silvi và Troina cũng như Baggio Milano và Melito Porto Salvo.

Bắt đầu mùa Chay là một con đường của hoán cải và chiến đấu chống lại sự dữ, tôi muốn đặc biệt cầu chúc các anh chị em tù nhân: anh chị em tù nhân thân mến tôi khích lệ từng người trong anh chị em sống thời gian chay tịnh này như dip hoà giải và canh tân cuộc sống của mình dưới cái nhìn thương xót của Chúa. Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ.

Tôi xin mọi người nhớ cầu nguyện cho tôi và cho các cộng sự viên của Toà Thánh bắt đầu tuần tĩnh tâm chiều nay. Xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Sardegna

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Sardegna

VATICAN. ĐTC mời gọi các chủng sinh thuộc miền Sardegna hãy chuẩn bị để trở thành các ”LM của dân và cho dân chúng”.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17-2-2018 dành cho ban Giám đốc, Giảng Huấn và các chủng sinh Đại chủng viện miền Sardegna ở Italia, tổng cộng là 80 người, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đại chủng viện này dành cho 10 giáo phận tại đảo Sardegna.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói với các chủng sinh: ”Sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần của nhiều người ngày nay càng làm cho điều mà từ xưa đến nay vẫn được yêu cầu, đó là các mục tử phải quan tâm đến người nghèo, có khả năng ở với họ, nhờ một lối sống đơn sơ, để người nghèo cảm thấy các thánh đường của chúng ta trước tiên là nhà của họ. Tôi khuyến khích các thầy ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị trở thành các LM của dân và cho dân, chứ không phải là những người thống trị đoàn chiên được ủy thác cho các thầy” (Xc 1 Pr 5,3), nhưng là những người phục vụ. Giáo Hội rất cần những người của Chúa, biết nhìn điều cốt yếu, sống điều độ và trong sáng, không hoài tưởng quá khứ, nhưng có khả năng nhìn về đằng trước theo truyền thống lành mạnh của Giáo Hội”.

ĐTC cũng nhắc nhở các vị đào tạo ở chủng viện về vai trò chủ yếu của các vị, vì chất lượng của linh mục phần lớn tùy thuộc sự dấn thân của các vị có trách nhiệm đào đạo. Các vị ấy được kêu gọi hoạt động ngay chính và khôn ngoan để phát triển nhân cách lời nói đi đôi với việc làm và quân bình, có khả năng đảm nhận sứ vụ linh mục một cách hữu hiệu và chu toàn trong tinh thần trách nhiệm” (Rei 17-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Hội Pro Petri Sede giúp Đức Thánh Cha 300 ngàn Euro

Hội Pro Petri Sede giúp Đức Thánh Cha 300 ngàn Euro

VATICAN. Sáng 16-2-2018, ĐTC đã tiếp kiến 50 người đại diện Hội ”Pro Petri Sede” (Phò Tòa Thánh Phêrô), từ Vương quốc Bỉ, đến trao cho ngài ngân khoản hỗ trợ các công việc bác ái của Tòa Thánh.

 Ngân khoản này là 300 ngàn Euro được Hội quyên góp trong năm 2016.

 ĐTC nhiệt liệt cám ơn sự trợ giúp của Hội, đồng thời ngài đề cao giá trị của việc làm phúc bác ái và nói rằng: ”Đứng trước nhận định về một thế giới đầy dửng dưng, bạo lực, ích kỷ và bi quan, chúng ta nên tự hỏi xem phải chăng ngày nay thế giới đang thiếu tình bác ái, nơi các tâm hồn và trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân? Đó cũng là câu hỏi mà tôi nêu lên trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay: Phải chăng đức bác ái đã tắt lịm trong tâm hồn chúng ta? Nhìn thẳng vào thực tại thật là điều bõ công, và nên sử dụng các phương thế mà chính Thiên Chúa ban cho giáo hội”.

Trong chiều hướng này, ĐTC nhấn mạnh 3 phương thế là cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí: ”Cầu nguyện đặt chúng ta trên con đường sự thật về bản thân chúng ta và về Thiên Chúa; chay tỉnh giúp chúng ta chia sẻ tình trạng của bao nhiêu người đang đương đầu với những hành hạ của nạn đói và làm cho chúng ta quan tâm hơn đến tha nhân. Việc làm phúc là một cơ hội được chúc phúc để cộng tác với Chúa Quan Phòng, hầu mưu ích cho những người con của Chúa. Tôi mời gọi anh chị em hãy biến việc làm phúc thành một lối sống và kiên trì trong việc trợ giúp cụ thể cho những người túng thiếu. Sự dấn thân này ngày càng đòi anh chị em, ngoài trợ giúp vật chất, còn cần quan tâm cống hiến tình người, giúp người được hỗ trợ cảm thấy được đón nhân, cống hiến sự tôn trọng và tình huynh đệ, mà nếu không có những yếu tố này không ai tìm lại được can đảm và tái hy vọng nơi tương lai”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhắc đến Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ vào tháng 10 năm nay và ngài nhận định: ”Công nghị Giám Mục này sẽ giúp khơi dậy ơn gọi LM và tu sĩ tại các quốc gia của anh chị em”.

3 nước Bỉ – Hòa Lan- Lục Xâm Bảo (Benelux) đang thiếu ơn gọi trầm trọng. Năm 1960 tại Bỉ có hơn 10 ngàn LM, nhưng năm 2015 chỉ còn 3 ngàn LM. Ngoài ra trong số 100 chủng sinh hồi năm 2015 tại 3 nước này, thì có hơn 40 thầy là người nước ngoài (Rei 16-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma

ROMA. ĐTC nhắn nhủ các LM hãy chọn cho mình một vị hướng dẫn khôn ngoan và kinh nghiệm trong cuộc sống và sứ vụ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ theo truyền thống với hàng giáo sĩ Roma, sáng thứ năm 15-2-2018 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Đa số các LM hiện diện là các cha sở.

Đến nơi vào lúc 10 giờ rưỡi, ĐTC đã cùng các linh mục cử hành buổi thống hối tập thể và sau đó ngài giải tội cho nhiều linh mục.

Trong cuộc đối thoại tiếp đó, ĐTC đã trả lời các câu hỏi do 3 LM nêu lên về cách thức sống sứ vụ: bắt đầu là một LM trẻ, rồi đến 1 LM trung tuổi và sau cùng là một LM cao niên.

Với mỗi lứa tuổi, ĐTC đều đưa ra những nhận định và lời khuyên thực tế: ngài nói: ”các LM hãy tìm kiến một vị hướng dẫn khi còn trẻ ở ở tuổi trung niên, và cũng hãy sẵn sàng làm người hướng dẫn khi ở tuổi cao niên.”

ĐTC nói đến những rủi ro và tiềm năng của mỗi lứa tuổi. Với các LM trẻ, ngài khuyên không nên quá để ý đến những hoàn cảnh của cuộc sống, nhưng hãy kiến tạo cho mình một lối sống, một đường lối hợp với mình để thi hành sứ vụ. LM là người độc thân nhưng không thể sống một mình, cần có một người hướng dẫn giúp mình phân định trong thời kỳ phong phú của đời sống linh mục.

Với những LM ở lứa tuổi 40, 50, ĐTC ví tuổi này của LM giống như một người chồng đã qua thời kỳ yêu đương và cảm xúc của người trẻ. Cũng vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, ở lứa tuổi này càng cần có người hướng dẫn để phân định, cần cầu nguyện nhiều hơn, vì tiến bước một mình là điều nguy hiểm. Đó là lúc ta thấy các con cái thiêng liêng tăng trưởng, nhưng sự phong phú của mình bắt đầu suy giảm. Điều quan trọng là không chùn bước, không chiều theo nhiều cám dỗ ở tuổi này.

Với các LM trên 50 tuổi, và có nhiều năm sứ vụ, ĐTC nhận xét rằng đây là thời kỳ khôn ngoan trong đó các LM được kêu gọi cống hiến sự dễ thương dễ mến và sẵn sàng, kể cả bằng nụ cừơi. Cần làm sao để các tín hữu đến xưng tội với một LM cao niên, không cảm thấy sợ hãi, nhưng thấy đó là một người niềm nở tiếp đón.

ĐTC xác tín rằng các LM cao niên vẫn còn có thể làm nhiều việc, nhất là việc mục vụ bằng tai, nghĩa là lắng nghe, gần gũi những người đau khổ, bày tỏ lòng cảm thương đối với họ. Đó là thời kỳ tha thứ vô điều kiện. Ngài cũng mời gọi các LM cao nhiên hãy đối thoại với các LM trẻ và giúp họ tìm ra những căn cội mà thế hệ ngày nay đang cần.

Sau cùng, ĐTC cũng nói về tương quan giữa LM và con người, xã hội ngày nay. Ngài nói: ”cần phải nhìn thực tại như nó đang xảy ra, vì thực tại luôn tiềm ẩn một cái gì cao cả. Nhìn thực tại nhưng không sợ thực tại. Có những lối cư xử không hợp luân lý, mà chúng ta không quen nhận thấy, nhưng đó là những thách đố, và cũng có những thực tại tốt đẹp”.

Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC đã về đại chủng viện gần đó của giáo phận Roma để dùng bữa với các chủng sinh (Rei 15-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

VATICAN. ĐTC đã ban hành tự sắc qui định về việc từ chức vì lý do tuổi tác của các chức sắc Giáo Hội do ĐGH bổ nhiệm.

Tự sắc mang tựa đề ”Học giã từ” (Imparare a congedarsi) được công bố hôm 15-2-2018, trong đó sau phần dẫn nhập, ĐTC qui định rằng:

Điều 1 – Khi tròn 75 tuổi, các GM giáo phận và các vị tương đương, cũng như các GM Phó và Phụ tá, hoặc GM hiệu tòa với trách vụ mục vụ đặc biệt, được mời đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.1)

Điều 2 – Khi tròn 75 tuổi, các vị thủ lãnh cơ quan Tòa Thánh không phải là Hồng Y, các Bề trên cấp cao của giáo triều Roma và các GM thi hành các chức vụ khác thuộc Tòa Thánh, không ngưng chức ngay lập tức, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.2)

Điều 3. – Cũng vậy, các Đại diện Tòa Thánh không chấm dứt nhiệm vụ ngay lập tức khi tròn 75 tuổi, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art 3)

Điều 4 để có hiệu lực, việc từ chức nói ở các điều trên đây phải được ĐGH chấp thuận, ngài quyết định sau khi cứu xét các hoàn cảnh cụ thể. (art 4)

Điều 5 – Sau khi đệ đơn từ chức, chức vụ nói ở 3 điều trên đây được coi là được gia hạn cho đến khi việc chấp nhận đơn từ chức hoặc kéo dài được thông báo cho đương sự, trong thời gian được xác định hoặc không xác định, trái với những gì được qui định trong khoản giáo luật số 189 triệt 3.

Trong phần dẫn nhập trước đó, ĐTC giải thích rằng nếu một vị ”được yêu cầu một cách ngoại lệ tiếp tục việc phục vụ trong một thời gian dài hơn, điều này bao hàm vị ấy quảng đại từ bỏ những dự phóng mới riêng của mình. Tình trạng này không được coi là một đặc ân, một chiến thắng cá nhân, hoặc một ân huệ do việc chấp nhận sự bó buộc vì tình bạn hay vì sự gần gũi, và cũng chẳng phải là một sự thưởng công vì đã làm việc hữu hiệu. Mỗi sự gia hạn chỉ có thể hiểu vì những lý do liên hệ tới công ích của Giáo Hội”.

Các qui luật trên đây được đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” và có hiệu lực từ ngày đăng trên báo này, và sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh. (Rei 16-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP