Nén bạc

Nén bạc

Ngày xưa, triết gia Platô (427–347 BC, trước công nguyên) người Hy Lạp đã đưa ra một thí dụ điển hình giúp chúng ta kiến tạo những điều ưu tiên trong cuộc đời. Hãy tưởng tượng cuộc đời như một hình tam giác lớn; xếp đặt tất cả những điều coi là quan trọng dọc theo cạnh đáy của hình tam giác. Rồi bắt đầu di chuyển những điều ưu tiên hơn lên trên. Khi chúng ta di chuyển chúng lên trên như vậy, cạnh đáy của hình tam giác càng thu hẹp nhỏ lại để đưa những điều quan trọng hơn lên trên đỉnh của hình tam giác. Chúng ta sẽ đặt những điều ít quan trọng nằm ở phía dưới và sẽ giữ lấy những điều coi như quan trọng hơn ở trên. Sau cùng, khi chúng ta đạt tới đỉnh của hình tam giác, chỉ còn một chỗ duy nhất mà thôi. Kết quả là, chúng ta sẽ tự hỏi chính mình, “Cái gì quan trọng nhất trong cuộc đời, ở trên tất cả mọi sự?” Câu trả lời, dĩ nhiên là sống hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là đầu tư cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Qua dụ ngôn những nén bạc trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tin tưởng trao ban cho mỗi người một cuộc sống, một khả năng, một kho tàng để chúng ta phát triển trở nên phong phú bằng cách sẵn lòng đầu tư khả năng của mình vào chương trình và mục đích của Ngài.

Thiên Chúa muốn chúng ta chấp nhận hy sinh cho chương trình của Ngài. Ngài muốn hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta.

Một vị vua kia có ba người con trai, mỗi người với những tài năng riêng của mình. Người thứ nhất có tài trồng cây ăn trái. Người thứ hai chăn nuôi cừu. Và người thứ ba kéo đàn vĩ cầm (violin) rất hay. Một hôm nhà vua phải đi ra khỏi nước một thời gian lâu dài. Trước khi ra đi, vua gọi ba người con lại và căn dặn rằng vua tin tưởng nơi họ làm cho dân chúng hài lòng trong lúc vua vắng mặt.

Lúc đầu mọi sự rất tốt đẹp. Nhưng rồi mùa đông tới, một mùa đông lạnh giá chưa từng có. Không còn đủ củi cho dân chúng sưởi. Người con thứ nhất phải đối diện với một quyết định vô cùng khó khăn, có nên để dân chúng chặt một số cây ăn trái làm củi sưởi không? Khi nhìn thấy dân chúng run rẩy trong giá buốt, cuối cùng người anh cũng phải cho phép họ làm.

Người con thứ hai cũng đã phải đối diện với một quyết định khó khăn. Dân chúng khan hiếm lương thực để ăn trong mùa đông. Anh có nên cho phép họ giết đàn cừu yêu quý của mình làm lương thực không? Khi nhìn thấy trẻ con than khóc vì đói, anh đau lòng và để cho họ giết đàn cừu làm lương thực ăn qua mùa đông.

Dân chúng đã có củi để sưởi và thịt cừu để ăn trên bàn. Tuy nhiên mùa đông khắc nghiệt vẫn cứ tiếp tục kéo dài. Tinh thần của họ trở nên chán nản, không ai có thể làm cho họ vui vẻ, phấn khởi lên được. Dân chúng tìm kiếm đến người con thứ ba biết kéo đàn vĩ cầm, nhưng anh từ chối không muốn chơi đàn cho họ nghe. Cuối cùng tình thế trở nên tuyệt vọng, nhiều người đã bỏ xứ, dọn đi nơi khác.

Đến một ngày, nhà vua trở về nước. Ông vô cùng buồn bã vì thấy rằng nhiều người đã bỏ nước ra đi. Ông gọi ba người con lại để tường trình xem chuyện gì đã xẩy ra. Người con thứ nhất nói, “Thưa cha, con hy vọng rằng cha sẽ không giận con, nhưng mùa đông đã quá lạnh và con đã cho phép dân chúng chặt cây ăn trái xuống làm củi để sưởi”. Người con thứ hai nói “Thưa cha, hy vọng rằng cha cũng sẽ không giận con vì khi lương thực khan hiếm, con cho phép dân chúng làm thịt bầy cừu của con”.

Nghe vậy, nhà vua thay vì giận dữ, đã ôm lấy hai người con, hãnh diện và hài lòng về họ. Rồi người con thứ ba tiến đến với cây đàn vĩ cầm trên tay và thưa, “Thưa cha, con đã không thể nào chơi đàn nổi vì cha đã không có mặt ở đây để thưởng thức những tiếng đàn đó, hơn nữa dân chúng cũng đang chịu khổ vì đói lạnh, làm sao vui được!”

Bấy giờ người cha mới nói rằng “Hỡi con, hãy kéo đàn cho cha nghe vì bây giờ lòng cha buồn rầu tan nát”. Người con cầm cây đàn vĩ cầm lên kéo, nhưng tự cảm thấy rằng những ngón tay của mình đã trở nên cứng nhắc vì bỏ lâu không thực tập. Dù cố gắng hết sức, anh cũng không thể nào nhúc nhích được những ngón tay. Sau đó người cha nói, “Con đã có thể làm cho dân chúng phấn khởi lên bằng tiếng nhạc của con, nhưng con đã từ chối không làm. Nếu xứ sở này đã mất đi một nửa số dân, đó là lỗi tại con. Nhưng bây giờ chính con cũng không còn có thể chơi đàn được nữa. Đó chính là hình phạt cho con vậy”.

Để sống một cách phong phú hơn chúng ta phải biết sử dụng tài năng đã đón nhận từ Thiên Chúa. Trong dụ ngôn những nén bạc, ba người đầy tớ được trao ban những nén bạc. Một nén bạc tương đương với 15 năm lương của một người lao động suốt ảc ngày. Trong Anh ngữ nén bạc được dịch là “talent”, lại còn có nghĩa là tài năng thiên phú tự nhiên trong các sinh hoạt sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc, thi phú… Tài năng tự nhiên có thể được hiểu rộng rãi hơn gồm những ơn lành chúng ta đã đón nhận từ Thiên Chúa, đặc biệt là đức tin, sức khoẻ, kiến thức và những cơ hội may mắn… Những tài năng này đã được ban cho chúng ta không phải để cất dấu, làm mai một đi, nhưng phải được đầu tư để làm cho chúng sinh hoa kết quả.

Sưu tầm

Đám cưới vĩ đại

Đám cưới vĩ đại

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là đám cưới của Alexandre Đại đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.

Khi quyết định cưới một người Á Châu, dĩ nhiên, Alexandre theo tiếng gọi của con tim. Nhưng qua cuộc hôn nhân này, ông muốn biểu tỏ ý muốn thống nhất tất cả lãnh thổ đã được chinh phục từ Đông sang Tây. Ông cũng hy vọng có được một người con nối dõi với hai dòng máu Đông Tây để thống nhất hai phần đất của địa cầu.

Đám cưới được cử hành trong vòng bảy ngày, bảy đêm. Nơi nơi đều có yến tiệc. Và để tăng thêm phần long trọng, Alexandre đã cho tổ chức những cuộc tranh tài thể thao: Thế vận hội đã được khai sinh từ đó. Chính Đại đế là người đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc. Thông thường Hoàng đế trao tặng những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng người được coi là đoạt nhiều giải nhất trong cuộc thi thế vận hội đầu tiên ấy chỉ nhận được một cành lá chiến thắng. Alexandre Đại đế giải thích như sau: Chỉ có vinh quang mới có thể tưởng thưởng được người xuất sắc nhất.

Thưa anh chị em,

Có một hôn lễ còn vĩ đại gấp bội so với hôn lễ của Alexandre Đại đế với Công chúa Roxane: đó là hôn lễ của Trời và Đất, của Thiên Chúa với nhân loại. Đây là hôn nhân mà loài người đã chờ đợi từ khi có mặt trên trái đất. Hôn lễ ấy đã diễn ra qua biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Tất cả nhân loại đều được mời đến dự tiệc cưới vĩ đại này. Trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã sánh ví tiệc cưới nầy với tiệc cưới của một nhà Vua tổ chức cho Hoàng Tử. Chỉ có một điều khác biệt là những khách được mời -những khách quý đầu tiên- đã tỏ ra hết sức khinh thường và hung dữ đối với các sứ giả của Nhà Vua. Họ không những đã chối lời mời mà còn nhục mạ và sát hại những người được Nhà Vua phái tới.

Bài học mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho thính giả thời của Ngài, tức là Dân Israel, một dân tộc ngay từ đầu đã được Thiên Chúa mời gọi làm dân tuyển chọn của Ngài- làm những người khách mời đặc biệt vào dự Tiệc Nước Chúa- Nhưng đến khi Chúa Giêsu đến loan báo ngày mở tiệc và mời gọi họ thì họ lại từ chối. Vì thế, các khách được mời đầu tiên này sẽ được thay thế bằng bất cứ ai- người tốt cũng như kẻ xấu- gặp được ở các ngã đường. Dân Israel đã từ chối lời mời gọi gia nhập Nước Chúa sẽ được thay thế bằng lời các dân tộc khác, cả những người ngoại giáo và tội lỗi, những người thu thuế và các cô gái điếm.

Anh chị em thân mến,

Dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia mà Chúa Giêsu đã kể lại luôn có giá trị đối với thính giả ngày xưa cũng như ngày nay. Là Kitô hữu, chúng ta là những khách được mời dự tiệc Nước Trời. Thiên Chúa là Đấng đã mời gọi chúng ta “do lòng từ bi của Ngài, chứ không do công trạng nào của chúng ta”. Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta một điều kiện- cũng là vinh dự của chúng ta là con người có lý trí và tự do- đó là đáp trả lời mời gọi yêu thương quảng đại của Ngài.

Trong các khách được mời dự tiệc cưới, chúng ta là những khách được mời cuối cùng để thay thế vào chỗ những khách đặc biệt được mời từ đầu mà đã chối lời mời của Chúa. Qua các thời đại, Thiên Chúa vẫn sai các sứ giả của Ngài đi qua mọi nẻo đường thế giới, mời gọi mọi người vào phòng tiệc, bất cứ họ là ai, tốt hay xấu. Thiên Chúa không loại bỏ ai, chính chúng ta tự loại mình. Nhưng không phải cứ vào phòng tiệc là được dự tiệc đâu, còn cần phải có áo cưới nữa, nếu không sẽ bị tống cổ ra ngoài. Nói cách khác, không phải cứ ghi tên vào sổ Rửa Tội, là người Công Giáo, là người có đạo, là được vào Nước Trời đâu. Cần phải sống đời sống kitô hữu, phải tin, yêu và theo Chúa Kitô nữa.

Dụ ngôn cho thấy, cuối cùng phòng tiệc đầy khách, gồm đủ hạng người. Cũng thế, Giáo Hội ngày càng đông, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới. Nhưng Giáo Hội không phải là quán cơm bình dân, ai vào cũng được, không một chút điều kiện tối thiểu. Đành rằng Chúa rất thương người có tội và Giáo Hội của Ngài đầy tội nhân hơn là vị thánh. Nhưng dù sao, muốn vào Giáo Hội, Chúa cũng đòi hỏi có một ước muốn trở lại chân thật, “một chiếc áo trắng Rửa Tội”, “mặc lấy con người mới, được Thiên Chúa tạo dựng và tái sinh trong công chính và thánh thiện”.

Phải, thưa anh chị em, Giáo Hội là một “Bữa Tiệc của người tội lỗi”, nhưng là những người tội lỗi tin tưởng vào Chúa Kitô và ơn cứu độ Ngài đem đến. Tình thương đòi hỏi tình thương đáp đền, mới xứng đáng dự vào bữa tiệc tình thương.

Anh chị em thân mến,

Thánh lễ là một bữa tiệc của Chúa. Giáo Hội là tập thể những người được mời dự tiệc, không phân biệt giai cấp giàu nghèo, màu da, ngôn ngữ. Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là những món ăn “có chất lượng”. Áo cưới trong trắng Chúa đã ban cho chúng ta trong bí tích Rửa Tội và Giải Tội là điều kiện xứng đáng dự Tiệc Thánh này. Và Tiệc Thánh hôm nay bảo đảm cho việc dự tiệc cưới trong Nước Trời mai sau.

Albania là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau

Albania là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau

Albania, vùng đất của các vị tử đạo, là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần với Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường thánh Phêrô ngày 24-9-2014. Trong các đoàn hành hương cũng có đoàn hành hương 37 tín hữu Canada do cha Trần Trung Dung dòng Đa Minh hướng dẫn và một số tín hữu đến từ các nước Âu châu.

Như quý vị đã biết Đức Thánh Cha Phanxicô mới công dụ mục vụ tại Albania hôm Chúa Nhật 21-9-2014, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng của ngài. Đức Thánh Cha cảm tạ Thiên Chúa đã cho ngài viếng thăm dân nước Albania để biểu lộ sự gần gũi của ngài và của toàn thể Giáo Hội. Ngài cám ơn Hội Đồng Giám Mục Albania, các linh mục, tu sĩ nam nữ, các giới chức đạo đời và tất cả những ai đã cộng tác vào việc tổ chức chuyến viếng thăm để mọi sự xảy ra tốt đẹp. Đề cập đến lý do chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha nói:

Chuyến viếng thăm đã nảy sinh từ ước muốn đi đến một nước đang sống một kinh nghiệm chung sống hòa bình giữa các thành phần tôn giáo khác nhau, sau khi đã bị đàn áp lâu dài bởi một chế độ vô thần và vô nhân. Đối với tôi xem ra là điều quan trọng khích lệ dân nước Albania trên con đường này, để nó kiên trì tiếp tục con đường đó và đào sâu mọi mặt cho thiện ích chung. Vì vậy trung tâm điểm của chuyến viếng thăm đã là cuộc gặp gỡ liên tôn, nơi đó tôi đã có thể hài lòng nhận thấy rằng sự chung sống hòa bình và phong phú giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau không phải chỉ là điều đáng cầu chúc, nhưng một cách cụ thể là điều khả thể và làm được. Đây là một cuộc đối thoại đích thật và phong phú, khước từ chủ trương tương đối và chú ý tới căn tính của từng người. Thật thế, điều chung cho các biểu lộ tôn giáo khác nhau là con đường cuộc sống, thiện chí thực thi sự thiện cho tha nhân, mà không từ chối và giảm thiểu các căn tính của mình.

Cuộc gặp gỡ với các linh mục, các người sống đời thánh hiến, các chủng sinh và các phong trào giáo dân đã là dịp đặc biệt cảm động để tưởng niệm và nhớ ơn nhiều vị tử đạo của đức tin. Nhờ sự hiện diện của vài người cao niên đã sống trên da thịt mình các bách hại kinh khủng, được vang vọng lên đức tin của biết bao chứng nhân anh dũng của quá khứ, là những người đã theo Chúa Kitô cho tới các hậu quả tột cùng. Chính từ sự kết hiệp thân tình này với Chúa Giêsu, từ tương quan tình yêu với Người đã nảy sinh ra sức mạnh đối với họ cũng như đối với mọi vị tử đạo, giúp đương đầu với các biến cố đớn đau dẫn đưa họ tới chỗ tử đạo. Cả ngày nay cũng như hôm qua, sức mạnh của Giáo Hội không đến từ các khả năng tổ chức hay từ các cơ cấu, tuy đây cũng là những điều cần thiết. Sức mạnh của chúng ta là tình yêu của Chúa Kitô! Một sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn, và gợi hứng cho hoạt động tông đồ để cống hiến cho tất cả mọi người lòng tốt, sự tha thứ, và như thế chứng minh cho thấy lòng xót thương của Thiên Chúa.

Khi đi dọc con đường chính từ phi trường dẫn đến quảng trường trung ương thành phố Tirana, tôi đã có thể nhận ra chân dung của 40 linh mục đã bị sát hại trong thời độc tài cộng sản và hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Đức Thánh Cha nói về các linh mục ấy như sau:

Các vị thêm vào con số hàng trăm tu sĩ, tín hữu kitô và hồi giáo đã bị ám sát, tra tấn, bỏ tù và đầy ải chỉ vì đã tin nơi Thiên Chúa. Đó là các năm đen tối, trong đó tự do tôn giáo đã bị san bằng, và việc tin nơi Thiên Chúa bị cấm ngặt; hàng ngàn nhà thờ Kitô và đền thờ hồi giáo đã bị phá hủy, biến thành các nhà kho và phòng chiếu bóng quảng bá ý thức hệ mác xít; các sách tôn giáo bị đốt, và người ta cấm các cha mẹ đặt các tên tôn giáo của cha ông cho con cái. Kỷ niệm các biến cố thê thảm này là điều nòng cốt đối với tương lai của một dân tộc. Ký ức về các vị tử đạo đã kháng cự trong niềm tin bảo đảm cho số phận của dân nước Albania; bởi vì máu đã không đổ ra vô ích, nhưng là một hạt giống sẽ đem lại hoa trái hòa bình và cộng tác huynh đệ.

Thật thế, ngày nay Albania không chỉ là một thí dụ sự tái sinh của Giáo Hội, nhưng cũng là gương mẫu của sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo nữa. Vì thế các vị tử đạo đã không phải là những kẻ bại trận, nhưng là những người chiến thắng: trong chứng tá anh hùng của họ rạng ngời lên quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn an ủi dân Người, bằng cách mở ra các con đường mới và các chân trời của niềm hy vọng.

Sứ điệp hy vọng này, dựa trên niềm tin nơi Chúa Kitô và trên ký ức của quá khứ, tôi đã tín thác cho toàn dân Albania, mà tôi thấy hứng khởi và tươi vui trong các nơi gặp gỡ và các buổi cử hành, cũng như trên đường phố thủ đô Tirana. Tôi đã khích lệ mọi người kín múc các năng lực luôn mới mẻ từ Chúa Phục Sinh, để có thể là men Tin Mừng trong xã hội và dấn thân như đã xảy ra, trong các sinh hoạt bác ái và giáo dục.

Một lần nữa tôi xin cảm ơn Chúa vì với chuyến viếng thăm này Người đã cho tôi gặp một dân tộc can đảm và mạnh mẽ, đã không để cho mình bị khổ đau bẻ gẫy. Tôi tái mời gọi các anh chị em Albani can đảm làm việc thiện để xây dựng hiện tại và tương lai cho đất nước và cho Âu châu. Tôi tín thác các hoa trái chuyến viếng thăm của tôi cho Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành được tôn kính tại Đền thánh Scutari, để Mẹ tiếp tục hướng dẫn con đường của dân tộc tử đạo này. Ước chi kinh nghiệm khó khăn của qúa khứ luôn đâm rễ sâu trong việc rộng mở cho tha nhân, đặc biệt cho các người yếu đuối nhất, và khiến cho nó trở thành tác nhân của năng động bác ái cần thiết trong bối cảnh xã hội văn hóa hiện nay.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng như các nhóm tín hữu đến từ Á châu như Trung quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, hay từ Phi châu như Kenya, hoặc từ châu Mỹ Latinh như Porto Ricco, Mêhicô, Ecuador, El Salvador, Costa Rica, Uruguay, Argentina, Brasil.

Chào các tín hữu đến từ vùng Trung Đông ngài khích lệ họ luôn là các chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và của sự thật, của hòa giải và sự hiệp nhất, chứng nhân của công lý, hòa bình và tình bác ái.

Nhắc tới các nạn nhân bệnh dịch Ebola tại nhiều nước Phi châu ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho họ. Ngài cũng cầu mong cộng đồng quốc tế trợ giúp người dân các nước này để làm vơi dịu các nỗi khổ đau của họ. Ngài đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các anh chị em này.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ngài chào các Tiểu Đệ Chúa Giêsu và các Thừa sai Đức Tin đang họp tổng tu nghị tai Roma, cũng như các tham dự viên Khóa đào tạo do Trung tâm linh hoạt truyền giáo tổ chức và các thành viên của Phong trào Cho một thế giới mới.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết thứ ba vừa qua Giáo Hội kính nhớ thánh Giáo Hoàng Lino. Ngài đã sống trong thời có các cuộc bách hại gắt gao các kitô hữu. Ngài cầu chúc gương yêu thương Giáo Hội của thánh nhân linh hứng cho cuộc sống tinh thần của từng người, giúp tập can đảm đương đầu với các lúc khó khăn thử thách, xác tín rằng Chúa không bao giờ để cho con cái Người thiếu sự đỡ nâng và ơn thánh.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân

Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân

Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật và nói: Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay giới thiệu đề tài sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu: nghĩa là tôi phải sửa lỗi một kitô hữu khác như thế nào, khi anh ta làm một điều không tốt. Chúa Giêsu dậy chúng ta rằng nếu người anh em kitô của tôi pham một lỗi chống lại tôi, xúc phạm đến tôi, tôi phải dùng lòng bác ái đối với người đó, và trước hết nói chuyện với họ một cách cá nhân, bằng cách giải thích cho họ rằng điều họ đã nói hay đã làm không tốt. Và nếu người anh em đó không nghe tôi thì sao? Chúa Giêsu gợi ý một sự can thiệp tiệm tiến: trước hết trở lại nói chuyện với họ với hai hay ba người, để họ ý thức hơn về lỗi lầm họ đã làm. Nếu mặc dù thế họ không đón nhận lời khích lệ, thì phải nói với cộng đoàn; nếu người ấy cũng không nghe cả cộng đoàn nữa, thì phải làm cho họ nhận thức được sự bẻ gẫy và xa cách, mà chính họ đã gây ra, khiến cho sự hiệp thông với các anh em khác trong đức tin bị giảm thiểu đi. Các chặng của lộ trình này cho thấy Chúa xin cộng đoàn của Người đồng hành với kẻ lầm lỗi để họ đừng hư mất. Trước hết cần phải tránh sự ồn ào của tin tức và sự bép xép của cộng đoàn – đó là điều đầu tiên phải tránh – ”Hãy đi và sửa lỗi người anh em, con với nó mà thôi” (c. 15). Thái độ là sự tế nhị, cẩn trọng, khiêm tốn, chú ý đối với người đã phạm một lỗi, bằng cách tránh các lời nói có thể gây thương tích và giết chết người anh em. Bởi vì anh chị em biết, các lời nói có thể giết người! Đức Thánh Cha minh giải điều này như sau:

Khi tôi nói xấu nói hành, khi tôi có một lời chỉ trích bất công, khi tôi ”lột da” một người anh em với cái lưỡi của tôi, đó là giết chết danh dự của người khác. Chúng ta phải để ý tới điều này. Đồng thời sư kín đáo nói chuyện với người đó một mình không có mục đích làm nhục người có tội một cách vô ích. Nói chuyện giữa hai người, không ai nhận thấy và tất cả kết thúc. Chính dưới ánh sáng của đòi buộc này mà chúng ta cũng hiểu được các loạt can thiệp tiếp theo, dự kiến sự tham dự của vài chứng nhân, và rồi cả cộng đoàn nữa. Mục đích là giúp người anh em ý thức được điều họ đã làm, và với lỗi lầm của họ, họ đã không chỉ xúc phạm tới một người khác, mà xúc phạm tới tất cả mọi người. Nhưng cũng là để giúp chúng ta giải thoát mình khỏi sự giận dữ hay oán hận, chỉ gây đau đớn; nỗi cay đắng của con tim đem lại sự giận dữ và đau xót, và khiến cho chúng ta chửi rủa và gây hấn. Thật rất xấu, thấy ra khỏi miệng một kitô hữu một lời chửi rủa hay một gây hấn. Thật là xấu! Hiểu chưa? Không có chửi rủa nhé! Chửi rủa không phải là kitô. Anh chị em hiểu chưa?

Tiếp tực bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thật ra, trước mặt Thiên Chúa chúng ta tất cả là những người tội lỗi cần được tha thứ. Tất cả. Thật vậy Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán. Việc sửa lỗi huynh đệ là một khía cạnh của tình yêu thương và sự hiệp thông, phải ngự trị trong cộng đoàn kitô; nó là một phục vụ mà chúng ta có thể và phải làm cho nhau. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Sửa lỗi người anh em là một phục vụ, và nó chỉ có thể và hữu hiệu, nếu mỗi người thừa nhận mình là kẻ có tội, cần được ơn tha thứ của Chúa. Cùng ý thức đó giúp tôi nhận biết sai lầm của người khác, nhưng trước đó nữa nó nhắc cho tôi biết rằng rằng tôi đã sai sai lầm, và sai lầm biết bao nhiêu lần. Chính vì thế vào đầu mỗi Thánh Lễ chúng ta được mời gọi thừa nhận trước mặt Chúa chúng ta là kẻ có tội, bằng cách diễn tả ra bằng các lời nói và các cử chỉ sự thống hối chân thành của con tim. Và chúng ta nói: ”Xin thương xót con, lậy Chúa. Con là kẻ có tội! Lậy Thiên Chúa Toàn Năng, con xưng thú các tội lỗi của con”. Chứ chúng ta không nói: ”Lậy Chúa xin thương xót cái ông bện cạnh con đây, hay cái bà kia, là những kẻ tội lỗi”. Không. ”Xin thương xót con!” Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi và cần sự tha thứ của Chúa. Chính Chúa Thánh Thần nói với thần trí chúng ta, và làm cho chúng ta nhận biết các lỗi lầm của chúng ta dưới ánh sáng lời Chúa Giêsu. Và cũng chính Chúa Giêsu mới gọi chúng ta tất cả, thánh thiện và tội lỗi, đếm bàn tiệc của Ngài, bằng cách quy tụ chúng ta từ mọi ngã tư đường, từ các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống (x. Mt 22,9-10). Và trong số các điều kiện chung cho các người tham dự buổi cử hành thánh thể, có hai điều nền tảng, hai điều kiện để đi tham dự Thánh Lễ: chúng ta tất cả là người tội lỗi, và Thiên Chúa ban lòng thương xót của Ngài cho tất cả mọi người. Đó là hai điều kiện mở toang cửa cho chung ta vào dự Thánh Lễ cách tốt đẹp. Chúng ta phải luôn nhớ điều ấy trước khi đi sửa lỗi người anh em. Chúng ta hãy xin tất cả những điều này qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, mà ngày mai chúng ta mừng sinh nhật của Mẹ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho cuộc ngương chiến và đối thoại liên quan tới Ucraina, trong cái luận lý của sự gặp gỡ, có thể tiếp tục và đem lại nhiều hoa trái, mặc dù có các tin tức đau buồn. Ngài cầu mong cuộc ngưng chiến có thể thoa dịu nỗi khổ đau của dân chúng và góp phần mang lại hòa bình lâu bền. Ngài cũng hiệp ý với các Giám Mục Lesotho lên án mọi hành động bạo lưc và kêu gọi tái lập hòa bình trong công lý và tình huynh đệ cho vùng đất này.

Đức Thánh Cha cũng khích lệ 30 thiện nguyện viện của Hội Hồng Thập Tự Italia sang trợ giúp người tỵ nạn tại Dohuk gần Erbil bên Iraq. Ngài chúc lành cho họ và tất cả những ai tìm cách trợ giúp một cách cụ thể các anh chị em bị bách hại và đàn áp này.

Sau khi chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau Đức Thánh Cha nhắc lại cho mọi người biết thứ hai hôm nay là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Khi có mẹ mừng lễ sinh nhật, thì con cái chào và chúc mừng mẹ. Ngay từ sáng nay ngài xin mọi người chào và chúc mừng Mẹ Maria và đoc một Kinh Kính Mừng với trọn con tim. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho ngài nữa.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Theo Thầy Giêsu

Theo Thầy Giêsu

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

 Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

 Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

 Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

 Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

 Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại, nhiều khi phải chịu mất trước, rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự, nếu họ mất vì Thầy Giêsu, thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

 Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải "đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo". Theo Thầy không phải để vinh thân phì gia. Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha. Thầy là sự thật giải thoát muôn dân. Muốn theo Thầy, không những phải "từ bỏ chính mình", tức là "tư tưởng của loài người", mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai. Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá. Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát. Muốn theo Thầy "anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1).

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường từ bỏ.

Từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ, thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó, cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác. (sợi chỉ đỏ).

Làm môn đệ Thầy Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải "từ bỏ mình". Cái phần "mình" được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần "Chúa" được gia tăng bấy nhiêu. "Từ bỏ mình" hoàn toàn thì sẽ trở thành "Kitô khác" hoàn toàn.

Như thế, từ bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường sự sống

 Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết, mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục, mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ, mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

 Theo Thầy Giêsu, các môn đệ bị người đời chê là khờ dại vì sống từ bỏ và vác thập giá hàng ngày. Thế nhưng họ vui mừng sống một nghịch lý căn bản "mất mạng sống mình vì Thầy". Con người ta cứ tưởng rằng, chiếm hữu càng nhiều thì càng làm cho mình giàu có thêm. Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống. Nhiều người đánh đổi mạng sống để có của cải vật chất. Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian. Nhưng "nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?" (Mt 16,26). Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là "mất mạng sống mình vì Thầy" (Mt 16,25). Như thế, phải chăng Thầy có sức thu hút khiến người ta không thể cưỡng lại được? Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên: "Lạy Ðức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng" (Gr 20,7). Thầy có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để "ngày thứ ba sẽ chỗi dậy" (Mt 16,21) từ cõi chết. Cả thế giới cũng không đem lại sự sống. Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ "tìm được mạng sống ấy" (Mt 16,25), vì Thầy là "sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25). Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ vì Thầy là "con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).

 Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất, mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại, để được tương lai. Mất đời này, để được đời sau. Mất phàm tục, để được thần thiêng. Mất tạm bợ, để được vĩnh cửu.

 Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

 Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

Cầu nguyện

"Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen." (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine

Cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine

Một số nhận định của nữ ca sĩ Noa người Israel

Một tháng chiến tranh trong vùng Gaza giữa quân đội Israel và lực lượng Kamas đã khiến cho hơn 2,100 người thiệt mạng, đa số là thường dân Palestine, hàng chục ngàn người bị thương, 20,000 người không còn nhà cửa và hơn 200,000 người phải tản cư lánh nạn. Cảnh hoang tàn đổ nát xảy ra khắp nơi đặc biệt là tại mạn bắc dải Gaza, nơi đã bị quân đội Israel liên tục bỏ bom, oanh kích và bắn trọng pháo nhằm phá hủy các đường hầm của lực lượng Hamas. Cuộc ngưng bắn 72 giờ đồng hồ xem ra đã được hai bên tôn trọng. Nhưng các cuộc hóa đàm do Ai Cập làm trung gian vẫn bế tắc, không có tiến triển cụ thể nào, và đã thất bại, vì không bên nào tin tưởng và nhượng bộ bên nào.

Trong các ngày qua nữ ca sĩ Noa, người Israel, đang trình diễn bên Italia đã đưa ra một số nhận định liên quan tới cuộc xung đột vũ trang nói trên.

Bà Noa tên thật là Akhinoam Nini, sinh tại Tel Aviv trong một gia đình do thái Yemen, bị bó buộc phải chạy trốn vì sự thù nghịch sau biến cố thành lập nước Israel. Noa cùng gia đình sang sống bên New York, nơi thân phụ là giáo sư đại học đã tìm được việc làm. Năm 17 tuổi Noa bị khủng hoảng căn tính trầm trọng, vì nàng thấy mình ”không phải là người da trắng cũng không phải là người da đen”. Cô về Israel, đi quân dịch 2 năm, và sống rất cô đơn giữa các thiếu nữ khác nói tiếng Do thái mà cô không hiểu. Noa gặp bắc sĩ nhi khoa Asher Barak, rồi lập gia đình với ông và có ba người con.

Năm 1991 Noa bất đầu bước vào nghề ca sĩ và mau chóng gặt hái nhiều thành công, vì giọng hát rất truyền cảm và nội dung các bài ca diễn tả các ước mơ, các khổ đau, chiến tranh, nạn khủng bố và các niềm hy vọng của các dân tộc vùng Trung Đông. Nhiều Album nhạc của bà theo nhau chào đời. Bà được mời đi trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới, và được các cha dòng Phanxicô mời hát trong các ”đại nhạc hội hòa bình” tại Assisi, cùng với nữ ca sĩ người Palestine có quốc tịch Israel là Mira Awad. Năm 2001 bà đươc giải thưởng ”Nghệ sĩ của hòa bình”. Năm 2006 bà được ba giải thưởng. Tiếp đến có thêm ba giải thưởng khác vào năm 2007, 2009 và 2012. Năm nay bà Noa vừa cho ra CD mới tựa đề ”Tình yêu là thuốc chữa”. Bà là ca sĩ Do thái không chỉ nổi tiếng hát hay và là nghệ sĩ dấn thân thăng tiến hòa bình xã hội, đặc biệt là sự chung sống giữa mọi dân tộc và mọi tôn giáo, nhưng bà còn nổi tiếng là một nghệ sĩ ”cứng rắn”, dám can đảm thẳng thắn nói lên những cảm nghĩ của mình liên quan tới các vấn đề chính trị, luân lý, xã hội, mà không xu thời và không sợ dư luận.

Theo bà Noa ”cả hai dân tộc Israel và Palestine đều đã bị các người lãnh đạo phản bội. Và cả hai dân tộc đang phải trả giá mắc mỏ cho sự ngạo mạn, ngu đần và tham lam của họ. Tại khắp nơi người Israel và người Palestine đã đánh mất đi mục tiêu đích thật, sự tiếp cận với lý do bầu họ lên hàng lãnh đạo”.

Hỏi: Thưa bà Noa, tựa đề CD mới ”Tình yêu là thuốc chữa” có phải là một sáo ngữ hay không, hay là một sự thật?

Đáp: Vâng, xem ra nó là môt sáo ngữ, nhưng trên thực tế nó lại là sự thật. Tôi nghĩ tới tất cả những người đã sống tình yêu thương và biết tới mãnh lực lớn lao của nó. Nhưng họ cũng biết cuộc sống khó khăn chừng nào, nếu người ta đánh mất tình yêu thương. Như thế tình yêu thương đi theo cả hai chiều: nó có thể là suối nguồn của khổ đau to lớn, nhưng cũng là suối nguồn của sức mạnh, sự ủi an và chữa lành vĩ đại. Chồng tôi là một bác sĩ nhi khoa mà tôi đã lập gia đình với anh ấy từ 22 năm nay, vì thế tôi hiểu biết thế giới y khoa từ gần. Chúng tôi nói rằng chúng tôi làm việc trong cùng lãnh vực: một người chữa lành thân xác, một người chữa lành linh hồn, và tôi thực sự tin rằng âm nhạc có năng lực chữa lành tâm hồn, nếu nhà nghệ sĩ có ý đó.

Hỏi: Bà đã kể cho chúng tôi nghe dấn thân không mỏi mệt và can đảm tranh đấu cho hòa bình, đặc biệt là tại Israel, dấn thân mà trong các tuần qua cũng đã khiến cho bà gặp không ít khó khăn. Bà cảm thấy thế nào, khi kiểu diễn tả nghệ thuật cũng phải trả giá cho một cuộc chiến không kiểm soát được nữa?

Đáp: Tôi tìm hy vọng hai điều. Trước hết tôi là một người, một công dân của thế giới. Tôi có các trách nhiệm chiến đấu cho những gì tôi tin tưởng, nói chúng lên một cách rõ ràng, bởi vì tôi có một tiếng nói và tôi sống trong một nước dân chủ. Tôi có một tiếng nói mà tôi có thể gióng lên, và tôi luôn luôn làm đối với những gì tôi tin tưởng. Thế rồi, tôi cũng cho rằng các nghệ sĩ, nói chung, phải là các người lãnh đạo xã hội. Có một sự khác biệt giữa nghệ sĩ và người giúp vui. Những người giúp vui có nhiệm vụ làm cho người ta lo ra, nghĩa là làm dịu sự việc, còn nghệ sĩ là một người khác. Nghệ sĩ phải là người đi sâu vào trong linh hồn và tâm trí con người, và phải phục vụ Thiên Chúa qua âm nhạc, chứ không phải phục vụ ông chúa tiền bạc hay danh vọng. Nghệ sĩ phải là một người lãnh đạo, nhất là khi liên quan tới các quyền con người, và phải đào tạo một dư luận rõ ràng và cởi mở. Tôi tin rằng nghệ thuật có sức mạnh nối kết con người với nhau trên một bình diện cao hơn, đôi khi tôi nghĩ tới đường bay của một con chim. Khi một con chim bay cao, thì không trông thấy các ranh giới giữa các nước và không trông thấy sự khác biệt của mầu da, hay sự khác biệt của các tôn giáo, nhưng chỉ trông thấy tấm thảm vô cùng xinh đẹp của các điều này chung với nhau, và tạo thành một sự hài hòa điều mà chúng ta gọi là trái đất của chúng ta.

Và xét rằng chúng ta tất cả đều là thành phần của trái đất này, chúng ta phải thử làm trên một bình diện cao hơn như con chim, thử tạo ra sự hài hòa ấy. Các nghệ sĩ có khả thể thực hiện viễn tượng này, và trách nhiệm của họ là kéo con người lên cao, nâng nó dậy, chứ không hạ nó xuống thấp. Đôi khi có một giá phải trả cho điều này, và tôi không chỉ nghĩ tới các phạm trù thành công thương mại thôi. Nếu họ nói tôi phải câm miệng để được thành công, thì tôi sẽ khước từ thành công, chứ tôi sẽ không thể nào thinh lặng được.

Hỏi: Bà không sợ trở thành người không được dân chúng ưa thích ngưỡng mộ hay sao?

Đáp: Tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời tiêu cực từ một vài người, bên Israel và ngoài nước Israel, nhưng tôi cũng đã nhận được rất nhiều tình yêu thương và nâng đỡ đến độ không tin nổi. Và tôi biết rằng đối với vài người thì tôi là ma qủy, và đối với những người khác thì tôi là một nữ anh hùng. Tôi nghĩ rằng thật là quan trọng điều những người khác nghĩ về tôi và về công danh của tôi, nhưng điều thật sự quan trọng là tính nhân bản của chúng ta. Tôi cho rằng mọi người phải góp phần vào một loại làn sóng đẩy đưa xã hội của chúng ta tới một bến bờ tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng một trong những điều nguy hiểm nhất có thể xảy ra cho con người đó là trở thành vô cảm, như bị đánh thuốc mê… khi họ nói: ”có qúa nhiều quyền lực lớn hơn tôi, không thể làm gì được…” Tôi không nhớ triết gia nào đó đã nói rằng: ”… để xảy ra một tai ương lớn, không cần các người gian ác làm một cái gì đó, mà chỉ cần các người tốt không làm gì cả”.

Hỏi: Xin bà minh xác thêm vai trò của nhà nghệ sĩ.

Đáp: Đó là tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp, và lôi kéo con người tới nghệ thuật. Ngoài ra, tôi còn luôn nói rằng có vài người trong số các nghệ sĩ lớn nhất trong lịch sử chết nghèo, trong các điều kiện đáng thương. Đã không có ai nhận ra họ, nếu không phải là nhiều năm sau khi họ qua đời. Tôi không tin rằng nhà nghệ sĩ phải thức dậy ban sáng với các lời nịnh hót và các thừa nhận. Điều duy nhất mà họ phải làm, trái lại, là đòi hỏi nơi chính mình một mức độ diễn tả cao hơn.

Hỏi: Bà nghĩ sao về cuộc xung đột gia tăng giữa người Israel và người Palestine?

Đáp: Chúng tôi đang phải trả giá cho sự ngạo mạn, ngu đần và sự tham lam của các người lãnh đạo chúng tôi, ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ rằng ở khắp mọi nơi người Israel cũng như người Palestin và các người khác đã đánh mất đi mục tiêu đích thật, hay sự tiếp cận với lý do của việc lựa chọn họ. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, và có lẽ của các vị lãnh đạo tôn giáo nhiều hơn, đó là tạo ra các hoàn cảnh, trong đó sự sống, chứ không phải cái chết, được coi là thánh thiêng, bất khả xâm phạm. Và đây không phải là sự thành công. Như vậy riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy bị phản bội bởi các người lãnh đạo của tôi, và tôi hoàn toàn xác tín rắng các người Palestine cũng cảm thấy bị phản bội như vậy. Tôi tin rằng trong giai đoạn lịch sử này phải có một loại nổi loạn của xã hội dân sự. Thật thế, nếu nó tùy thuộc nơi tôi, thì sẽ có hàng triệu người xuống đường biểu tình, như đã xảy ra với ông Gandhi, và nói rằng: ”Đủ rồi. Chúng tôi đã qúa chán ngấy với cảnh cãi lộn giữa các đảng phái, với các lời cáo buộc nhau liên tục. Đủ rồi với thái độ tự phụ”. Một trong những vấn đề chính trong vùng của chúng tôi là người ta nói tới sự thật tuyệt đối, công lý tuyệt đối… Tôi thì tôi không tin vào các sự thật tuyệt đối… Chúng ta phải ngặn chặn loại hùng biện này lại.

Hỏi: Trên liên mạng người ta có thể tìm thấy đầy các bài viết, các video chứng minh tất cả và chống lại tất cả. Bà có thể chọn một quan điểm và minh chứng cho nó. Và như thế thì đâu là ý nghĩa của sự thật?

Đáp: Trái lại, chúng tôi phải nghĩ một cách đơn sơ rằng chúng tôi liên lụy tới các người khác. Chúng tôi phải thôi nhìn về đàng sau, nó không giúp gì cả. Trong lúc này đây phải hiểu rằng chỉ có đối thoại với các người chúng tôi không ưa sẽ giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề của chúng tôi, người Isrel cũng như người Palestine phải ý thức được điều này. Chúng tôi phải làm điều này bắng cách mỗi bên thừa nhận các quyền lợi của người khác. Còn hơn thế nữa chúng tôi phải nghĩ tới các bổn phận của chúng tôi. Người ta cứ luôn kêu lên: quyền của chúng tôi, quyền của chúng tôi! Chúng quan trọng, chắc chắn rồi. Nhưng đâu là các bổn phận của bạn? Như là người các bổn phận của bạn là phải lo lắng cho tha nhân, không chỉ luôn luôn nghĩ tới chính mình. Bạn hãy lo lắng cho người khác, và người khác sẽ lo lắng cho bạn. Cả hai dân tộc Israel và Palestine đều ước muốn vun trồng sự lớn lên về trí thức. Tôi tin rằng yếu tố này là một trong các điều đẹp nhất, mà chúng tôi chia sẻ với nhau, và tôi tuyệt đối xác tín rằng chúng tôi có thể chung sống bên cạnh nhau.

Cách đây 20 năm kinh nghiệm trình diễn trước Đức Gioan Phaolô II đã thay đổi đời tôi, và nó đã gợi hứng cho tôi mờ lăng kính ra cho thế giới, như xảy ra với một bức hình. Nó đã cho phép tôi đi từ chiều kích chiếc vi âm bé nhỏ các bài ca của tôi tới chiều kích to lớn cho phép vòng tay của bạn ôm được nhiều người hơn, nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa hơn trong một thế giới sâu thẳm. Tôi đầy tràn lòng biết ơn đối với Đức Gioan Phaolô II vì đã mời tôi. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên một phụ nữ do thái hát trước mặt ngài. Gương mặt của ngài vẫn in sâu trong tôi. Tôi đã rất hài lòng và nghĩ ngay rằng ngài là típ người lãnh đạo mà chúng ta cầu mong có được trên thế giới này. Chính vì vậy mà trong cuốn ”Album Tình yêu là thuốc chữa” có bốn bài ca dành cho cuộc đời của Đức Karol Wojitila, là người đã cứu sống vài người do thái trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, trong đó có bài ”Ngội sao nhỏ”, là cố gắng đầu tiên của tôi viết về cuộc diệt chủng Do thái.

Hỏi: Thế bà coi Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào?

Đáp: Tôi trân qúy nhất là sự khiêm tốn và đơn sơ của ngài. Các con người của Thiên Chúa có thể tìm ra một thứ ngôn ngữ chung, nếu họ muốn. Đây là một thách đố lớn và tôi hy vọng là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ hướng dẫn Giáo Hội công giáo trong chiều hướng này. Thiên Chúa phải là dụng cụ của tình yêu thương, tình bạn, tình liên đới và sự ủi an, chứ không phải của thù hận và chiến tranh. Các giới lãnh đạo tôn giáo càng tin vào điều này bao nhiêu, thì họ càng nói lên điều đó một cách công khai bấy nhiêu, và chúng ta lại càng có nhiều hy vọng hơn cho hòa bình bấy nhiêu. Đây là một trách nhiệm rất lớn lao!

Thế rồi còn có việc hòa giải gia đình với công ăn việc làm, các giá trị gia đình rất mạnh mẽ giúp cộng đoàn nhỏ này hiệp nhất và tình yêu luôn luôn trợ giúp. Tuy nhiên, tôi cũng có vài khuyết điểm là không kiên nhẫn và bốc đồng.

Hỏi: Thưa bà Noa, có điều gì làm bà tức giận không?

Đáp: Đó là khi người ta đánh gía các sự vật hoặc là đen hoặc là trắng. Nó không chỉ khiến tôi tức giận, mà còn làm cho tôi buồn nữa. Khi tôi coi các sự vật một cách mù quáng, một cách triệt để như vây, thì tôi trở thành hoàn toàn mù trước tha nhân. Và như thế là tôi bắt đầu vô nhân hóa người khác. Từ đó bước đi dẫn tới bạo lực kinh hoàng sẽ rất là ngắn. Cần phải coi chừng, hết sức coi chừng!

(6-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tình hình Giáo Hội tại Á châu, đặc biệt tại Nam Hàn

Tình hình Giáo Hội tại Á châu, đặc biệt tại Nam Hàn

Một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia đình, của Linh Mục Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh

Sáng 13-8-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô lên đường công du Nam Hàn để tham dự Đại hội giới trẻ Á châu, và chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Cách đây 4 năm Giáo Hội Nam Hàn đã nhóm Hội nghị giáo dân Á châu tại Seoul, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu phái đoàn của 19 nước trong vùng, thành viên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, và phái đoàn của 37 hiệp hội, phong trào và cộng đoàn giáo dân được Tòa Thánh chấp nhận. Hội nghị đã diễn ra trong các ngày 31 tháng 8 đến mùng 5 tháng 9 năm 2010 về đề tái: ”Loan báo Chúa Giêsu Kitô tai Á châu ngày nay”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tich Hội Đồng Toà Thánh về giáo dân, của cha Bernardo Cervellera, thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh, về tình hình Giáo Hội tại Nam Hàn.

Tuy bài phỏng vấn đã được thực hiện trong bối cảnh hội nghị cách đây 4 năm, nhưng nó vẫn còn rất thời sự. Vì thế chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Đức Hồng Y Rylko, của cha Cervellera và ông đại sứ Nam Hàn, nhân chuyến viếng Đức Thánh Cha viếng thăm Nam Hàn bắt đầu từ ngày 13-8-2014.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, giữa hội nghị giáo dân Á châu năm 1994 và hội nghị năm 2010 có khoảng cách là 16 năm. Trong khoảng thời gian này thế giới giáo dân Á châu đã có các thay đổi nào?

Đáp: Nếu chúng ta chú ý quan sát cuộc sống của Giáo Hội tại Á châu trong khoảng thời gian này, chúng ta có thể trông thấy Giáo Hội tại Á châu đầy nhiệt huyết truyền giáo như thế nào, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thử thách. Đây là một Giáo Hội hằng năm có sức tăng trưởng 4-5% và có thể tự hào về hàng ngũ các Thánh, nhất là các vị tử đạo, trong đó có không ít giáo dân nam nữ. Dĩ nhiên, tại Á châu Giáo Hội là một thiểu số, nhưng không phải là một thiểu số nhút nhát. Thật thế, chúng ta đang đứng trước một Giáo Hội đầy tràn sức sinh động và được linh hoạt bởi niềm hy vọng lớn nảy sinh từ đức tin.

Hỏi: Đâu là các điểm khó khăn của công tác rao truyền Tin Mừng tại Á châu ngày nay, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, như nhiều phái đoàn tham dự Hội nghị đã nêu lên, đó là hiện tượng phong trào tôn giáo cuồng tín ngày càng lan tràn và áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với sự tự do tôn giáo tại nhiều nước á châu. Thế rồi cũng không thiếu các trường hợp kỳ thị, và có cả các cuộc bách hại tôn giáo đích thật nữa. Vì thế Á châu lại có các vị tử đạo. Rất nhiều kitô hữu Á châu sống trong lo sợ, bởi vì họ bị đe dọa, sách nhiễu và bách hại.

Các Giám Mục của một vài nước Á châu đã tố cáo hiện tương đau buồn của một sự ”mất máu sự hiện diện kitô”. Hội nghị lần này là một đip quan phòng để bầy tỏ tình liên đới và sự hiệp thông đức tin của chúng tôi đối với các anh chị em đó. Ngoài ra, đối với nhiều tham dự viên, hội nghị này là một cung cấp dưỡng khí tốt lành, một ơn của niềm hy vọng, cho thấy Giáo Hội hoàn vũ đồng hành với các Giáo Hội tại Á châu.

Có một thách đố khác nữa đó là sự gặp gỡ với các truyền thống tôn giáo lớn của Á châu. Sự gặp gỡ này tạo ra nguy cơ phổ biến của một tâm thức tương đối hóa và trộn lẫn tôn giáo, làm sai lạc ý nghĩa của việc rao truyền Tin Mừng. Chẳng hạn như người ta hướng tới chỗ san bằng sứ mệnh truyền giáo, coi nó như là một cuộc đối thoại mơ hồ, bên trong đó mọi lập trường đều như nhau. Người ta hướng tới chỗ giản lược việc rao truyền Tin Mừng thành một công tác thăng tiến nhân bản đơn thuần. Sau cùng, sự toàn cầu hóa cũng đem tới Á châu não trạng hậu tân tiến, khước từ Thiên Chúa và các trào lưu này ảnh hướng trên hàng ngũ giáo dân công giáo tại Á châu. Tất cả các thách đố này chứng minh cho thấy sự cấp thiết của một việc đào tạo nghiêm chỉnh, của một chương trình khai tâm kitô sâu xa hơn cho các anh chị em muốn gia nhập Giáo Hội, trong các giáo xứ cũng như trong các hiệp hội giáo dân.

Tuy nhiên, cuộc sống của Giáo Hội tại Á chậu không chỉ có các vấn đề và các thách đố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Giáo Hội tại Á châu sinh động, lớn lên và ngày càng truyền giáo hơn. Đây là lý do khiến cho mọi tham dự viên đều vui sướng.

Hỏi: Liên quan tới cuộc đối thoại liên tôn, anh chị em giáo dân nắm giữ vai trò nào trong một môi trường như môi trường Á châu, trong đó có hiện tượng tôn giáo cuồng tín gia tăng, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong lãnh vực này phần đóng góp của anh chị em giáo dân không thể thiếu được. Họ ở hàng tiền đạo, dấn thân trong môi trường sống của họ, trong một ”cuộc đối thoại của cuộc sống thường ngày”. Chứng tá của tình bác ái tin mừng, có khả năng nghiêng mình trên mọi nỗi khổ đau của con người một cách vô vị lợi – một cách độc lập với sự tùy thuộc tôn giáo – và thái độ rộng mở cho sự cộng tác xây dựng công ích của các cộng đoàn địa phương có thể là các phép lạ đích thật. Trong hội nghị chúng tôi đã nghe rất nhiều chứng từ về điều này. Thật đáng nêu bật điều này: đó là không có sự chống đối giữa việc loan báo Chúa Kitô và việc đối thoại với các tôn giáo khác. Cần phải duy trì sự liên lạc giữa hai yếu tố này, nhưng đồng thời cũng phải phân biệt, không lẫn lộn và không lèo lái chúng, cũng như coi chúng như nhau, có thể thay thế nhau được.

Hỏi: Như vậy có thế nói là Hội nghị đã đạt các thành qủa tốt?

Đáp: Vâng. Nó đã là một ơn lớn lao cho toàn thể Giáo Hội sống và rao truyền Tin Mừng tại Á châu. Tôi tin rằng mọi tham dự viên đã mạnh mẽ trong hy vọng, được phong phú tình yêu hơn đối với Giáo Hội địa phương, và dấn thân hơn trong việc truyền giáo. Nhiều người đã khám phá ra vẻ đẹp là tín hữu kitô. Và hội nghị cần được tiếp tục trong cuộc sống của mọi tham dự viên.

** Sau đây là vài nhận định của cha Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews.

Hỏi: Thưa cha, cha có nhận xét gì về lịch sử của Giáo Hội tại Á châu?

Đáp: Tôi tin rằng trong lịch sử của nó Giáo Hội tại Á châu đã là một trong các Giáo Hội bị bách hại gắt gao nhất. Có lẽ Giáo Hội tại Á châu đã có nhiều vị tử đạo hơn tất cả các Giáo Hội khác cộng lại với nhau. Ngay cả ngày nay tại nhiều nước khác nhau vẫn không có tự do tôn giáo. Trong số 10 quốc gia bóp nghẹt tự do tôn giáo, ít nhất có 8 nước Á châu. Điều này có nghĩa là có rất nhiều đau khổ và hạn chế. Vẫn còn có các vị tử đạo tại Á châu, nếu chúng ta nghĩ tới các vụ tàn sát trong bang Orissa bên Ấn Độ, tới các tín hữu kitô bị bỏ tù bên Trung quốc, tại Bắc Hàn, và nhiều nước khác. Như thế còn có nhiều tử đạo và rất nhiều khó khăn.

Hỏi: Tại nhiều nước Á châu như Philippines, Nam Hàn và Ấn Độ, sự hiện diện của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông rất ý nghĩa. Các Giáo Hội địa phương di chuyển như thế nào để lôi cuốn giáo dân vào việc sử dụng các phương tiện truyền thông, thưa cha?

Đáp: Chính trong các nước mà qúy vị vừa kể tên, có các kinh nghiệm rất lớn như các nhật báo và các đài phát thanh. Đó đây cũng có kinh nghiệm về truyền hình nữa, nhưng truyền hình rất mắc mỏ, và như thế như là một thiểu số Giáo Hội tại Á châu không có khả năng chịu nổi các chi phí to lớn như vậy. Tuy nhiên, trong mọi môi trường đều có các giáo dân làm việc. Vị linh mục đưa ra các chỉ dẫn và trao ban giá trị tinh thần cho chương trình. Nhưng chính các giáo dân điều hành các phương tiện truyền thông cho việc rao truyền Tin Mừng.

Hỏi: Thưa cha, phụ nữ và người trẻ nắm giữ vai trò nào cho tương lai của Giáo Hội tại Á châu?

Đáp: Đôi khi đối với tôi Giáo Hội tại Á châu xem ra hơi ”giáo sĩ”, bởi vì có sự kính trọng đối với quyền bính, vì thế người ta tôn trọng linh mục, giám mục như ”quyền bính thánh thiêng”. Điều này tùy thuộc các quan niệm tôn giáo hiện diện tại Á châu. Hội nghị muốn thúc đẩy một sự cộng tác giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, và như thế theo tôi, phụ nữ và người trẻ có một cơ may lớn. Thật ra, hiện nay việc rao truyền Tin Mừng được giao cho giới trẻ làm giữa các bạn trẻ cùng trang lứa với họ, trong các trường học hay đại học, với hàng xóm, và cả trong các chức vụ giữa lòng xã hội nữa.

Hỏi: Trong bối cảnh này, các Ngày quốc tế giới trẻ có giá trị nền tảng trên bình diện quốc gia và quốc tế, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Bởi vì các Ngày quốc tế giới trẻ là dịp giúp khám phá ra tính cách đại đồng của Giáo Hội. Nghĩa là Giáo Hội không chỉ là một gia đình gắn liền với một quốc gia, một chủng tộc hay một nền văn hóa mà thôi, nhưng còn là cái gì vượt quá mọi nền văn hóa và ôm trọn toàn thế giới nữa. Các Ngày quốc tế giới trẻ hấp dẫn đối với giới trẻ Á châu. Và thường khi trong các ngày này nhiều người trẻ quyết định theo Chúa trong ơn gọi đời thánh hiến.

** Sau cùng là nhận định của ông Thomas Hong Soon Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh.

Hỏi: Thưa ông đại sứ, có khoảng trống nào được dành cho giáo dân Nam Hàn ngày nay hay không?

Đáp: Giáo dân Đại Hàn rất hãnh diện về lịch sử Giáo Hội của họ, bởi vì chính họ đã là những người thành lập nó. Nhưng chính ơn thánh Chúa đã hướng dẫn chúng tôi tới con đường cứu độ này. Vì thế giáo dân Đại Hàn tìm cách làm chứng tá cho Chúa một cách tốt đẹp nhất trong cuộc sống thường ngày, luôn luôn trong sự hiệp thông với các linh mục và các tu sĩ nam nữ để phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng một cách tốt đẹp hơn.

Hỏi: Đề tài đối thoại, là một khía cạnh quan trọng tại Á châu, chiếm chỗ nào trong hội nghị, trong các thời điểm khó khăn này đối với Giáo Hội tại nhiều nước, nơi các bạo lực chống Kitô giáo gia tăng một cách thê thảm: tôi nghĩ tới Pakistan hay Ấn Độ?

Đáp: Ngày nay tại Á châu đối thoại quan trọng và cần thiết, nhất là để thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau. Nó vô cùng quan trọng đối với việc thăng tiến hòa bình. Vì thế đối với chúng tôi đối thoại không gì khác hơn là một hình thức rao truyền Tin Mừng.

(SD 4-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Xin cứu tôi

Xin cứu tôi

Bài học của Phêrô bước đi trên biển đến với Chúa, và khi nghi ngờ sợ hãi ông đã bị chìm xuống cũng là bài học đức tin cho tất cả mọi người Kitô hữu. Khi nào không tập trung nhìn thẳng vào Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào những đối tượng khác, chúng ta sẽ bị khủng hoảng.

Một nam tu sĩ trong tu hội của Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến than phiền với mẹ về luật lệ của một vị bề trên đã ban ra, mà ông cảm thấy rằng nó đã cản trở việc mục vụ của ông. “Ơn gọi của tôi là làm việc cho những người cùi”, ông nói với Mẹ Têrêsa, “tôi muốn sống cho những người cùi”. Mẹ Têrêsa nhìn thẳng vào mắt vị tu sĩ một lúc rồi mỉm cười và nhẹ nhàng nói:“Thưa sư huynh, ơn gọi của sư huynh không phải là làm việc cho những người cùi, nhưng ơn gọi của sư huynh là thuộc về Chúa Kitô”.

Khi nào chúng ta không nhìn thẳng lên trời, không nhìn vào những điểm tích cực và lạc quan mà chỉ nhìn xuống, nhìn vào những hoàn cảnh đe dọa xung quanh, vào điều tiêu cực với lòng bi quan yếm thế, chúng ta sẽ bắt đầu chìm xuống.

Cha Mark Link đã dùng câu chuyện sau đây để minh họa cho điều này. Một con tàu đang gối sóng trên đại dương. Những cơn gió mạnh thổi ngược vào những cánh buồm làm chúng có thể bị rách bươm. Một chàng thủy thủ trẻ được lệnh phải trèo lên cột những cánh buồm lại. Anh chưa bao giờ trèo lên cột buồm chính vào thời tiết khắc nghiệt như vậy bao giờ. Anh bắt đầu trèo, và dường như muốn tụt xuống vì sự gầm thét của gió bão làm cho anh quá sợ hãi khi nhìn xuống. Trong kinh hoàng, anh tê cóng người lại, không thể leo lên hay tụt xuống được. Hoảng sợ anh la to:“Tôi sẽ ngã. Tôi sẽ ngã”. Viên chỉ huy hét lên thật lớn trong cơn gầm thét của bão tố:“Hãy nhìn lên!Hãy nhìn lên sẽ không bị ngã!” “Người đâu mà kém tin vậy!Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31)

Khi vượt biên đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đã học thêm được hai từ Anh ngữ mới:“boat people and land people”, người đến bằng đường biển đã được Cao Uy Liên Hiệp Quốc áp dụng chính sách tị nạn cho đi định cư dễ dàng hơn. Sau khi vượt biên bằng đường bộ sang Campuchia, tôi đã xuống tàu vượt qua Vịnh Thái Lan. Con tàu chúng tôi sử dụng chỉ là chiếc tàu chở hàng nông sản trên dòng sông Cửu Long, chứ không phải chiếc tàu đánh cá ngoài biển khơi. Nó nhỏ bé và mong manh giống như chiếc lá trôi trên mặt đại dương bao la. Vào một đêm giông bão, trời tối đen như mực, ghé tai vào mạn thuyền có thể nghe tiếng gió kêu rít bên ngoài. Con thuyền cũ kỹ và bé nhỏ cố gắng trồi lên trên những ngọn sóng cao rồi lại lao đầu xuống vực thẳm đen tối. Sóng đập vào mạn thuyền kêu răng rắc. Mọi người trong thuyền chỉ còn nhắm mắt, bịt tai và cầu xin Thiên Chúa cùng Mẹ Maria cho qua được cơn khủng khiếp này. Bây giờ nghĩ lại kinh nghiệm này, tôi có cảm nghiệm giống như Phêrô. Ở trên một chiếc thuyền mỏng manh trôi trên biển cả, có khác nào Phêrô bước đi trên nước. Một kinh nghiệm vô cùng sợ hãi nhưng cũng tràn đầy ơn phúc!Tôi đã được cứu thoát là nhờ niềm tin và ơn phúc. Nếu bây giờ lập lại biến cố này, tôi sợ rằng sẽ chìm, vì sợ hãi đã càng ngày càng lớn và niềm tin lại suy yếu dần. Tôi đã nghi ngờ giống như Phêrô. Và chắc chắn cũng sẽ chìm giống như Phêrô!Trong lúc các môn đệ cần đến Chúa Giêsu, Ngài đã đến với họ. Khi có gió ngược và cuộc đời trở nên trắc trở khó khăn, Chúa Giêsu đã ở đó để giúp đỡ. Ngay khi chúng ta cần đến Ngài, Ngài đã ở ngay đó để giải cứu chúng ta.