Mến Chúa và yêu người

Mến Chúa và yêu người

Nhóm Sađốc chất vấn Chúa về sự sống lại đã bị Chúa bẻ gẫy không dám hỏi nữa. Nghe vậy bọn biệt phái muốn tấn công lại, cho nên một nhà thông luật đã đưa ra vấn đề để thử Chúa: Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất. Luật Do Thái gồm cả thảy 613 điều được chia thành 248 điều phải làm và 365 điều phải tránh. Đồng thời có những điều nặng và những điều nhẹ. Phạm những điều nhẹ thì chịu phạt đền tội, còn phạm những điều nặng, có thể bị án tử hình. Các nhà thông luật thường tranh luận với nhau xem điều luật nào quan trọng nhất.

Trước vấn nạn được đưa ra, Chúa Giêsu đã trả lời một cách rõ ràng và xác đáng: Ngươi hãy kính mến Chúa hết lòng. Đó là giới răn quan trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là yãy yêu thương anh em như chính mình. Chúa đem điều luật yêu người đặt ngang hàng với luật mến Chúa, đó là điểm đặc sắc trong những lời giảng của Người.

Lời xác quyết của Chúa thật minh bạch. Đi theo chiều hướng ấy, các tông đồ cũng nhấn mạnh, chẳng hạn thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Rồi thánh Phaolô cũng căn dặn: Anh em hãy mặc lấy đức ái, đó là giềng mối của sự trọn lành. Như vậy mến Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình, đó là đỉnh cao của sự thánh thiện và đó cũng là việc chúng ta cần thực hiện trong cuộc sống trần gian.

Nên thánh không phải là làm phép lạ, vì có vị thánh suốt đời chẳng làm một phép lạ nào cả. Nên thánh cũng không phải là không phạm tội bao giờ, vì có nhiều vị thánh đã sa ngã nặng nề như thánh Phaolô, thánh Augustinô. Nên thánh cũng không phải chỉ là ăn chay đánh tội, thức khuya dậy sớm, làm mòn mỏi thân xác. Thực hiện được những hy sinh to lớn ấy là điều đáng khen, đáng ca ngợi, nhưng không phải là điều cốt yếu của sự thánh thiện. Nên thánh cũng không hệ tại việc đọc kinh dài, xem lễ rước lễ hằng ngày và cầu nguyện lâu giờ. Những việc đạo đức này thật tốt, song chỉ là những phương tiện giúp chúng ta nên thánh chứ không phải là bản chất của sự thánh thiện.

Vì thế, sự thánh thiện cốt tại lòng mến Chúa và yêu người. Bất kỳ những gì, dù nhỏ bé, kín đáo, tầm thường đến đâu, song được làm vì lòng mến Chúa và yêu người, thì nó sẽ trở nên thánh thiện cho chúng ta. Bởi vậy, thánh Augustinô đã nói: Ama et fac quod vis, hãy yêu mến rồi làm gì cũng được.

Rất tiếc có những người đã uổng công xây căn nhà đạo đức thánh thiện của mình không đúng cách vì không có được lòng mến Chúa yêu người làm nền tảng, cho nên không bao lâu chiếc mặt nạ đạo đức bị rớt xuống, và họ chỉ là những kẻ giả hình, gian dối mà thôi. Chúa không kể thời gian lâu mau. Chúa không xét việc làm to nhỏ. Chúa không coi việc làm vất vả hay nhẹ nhàng, nhưng Chúa đo mọi hành vi chúng ta làm bằng tình yêu, Người dùng mức độ tình yêu để đánh giá và ấn định công trạng đời sống chúng ta. Bởi đó, yêu nhiều là làm nhiều, và làm nên công nghiệp của mình trước mặt Thiên Chúa.

Sưu tầm

Tình yêu là lẽ sống

Tình yêu là lẽ sống

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Đã có lần Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận từng nói với Bill Gate rằng: "Sự văn minh đích thực là không để ai ở lại phía sau". Và Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng nói: "Sự văn minh đích thực là phục vụ sự sống". Thế nhưng, "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Một thế giới quá chênh lệch giầu nghèo. Một thế giới quá đề cao đồng tiền mà quên cả lương tri con người. Một thế giới lấy kinh tế làm đầu nên đã làm đảo lộn biết bao thuần phong mỹ tục, và những giá trị đạo đức truyền thống của các tiền nhân. Khoa học tiến bộ, nhưng đạo đức và phong hoá xuống cấp trầm trọng. Sự tiến bộ của khoa học dường như đang giúp sức cho sự dữ gia tăng. Khoa học tiến bộ đang phục vụ cho văn hoá sự chết hơn là phục vụ cho văn hoá sự sống. Người ta tìm muôn nghìn cách thức để lừa đảo, gian manh và truỵ lạc. Đứng trước viễn cảnh đen tối của xã hội hôm nay, Sĩ Phu Bắc Hà đã đúc kết thành bốn câu thơ:

Nhân phẩm từ đây giảm giá rồi

Chỉ còn lương thực tăng giá thôi

Lương tâm bán rẻ hơn lương thực

Chân lý chân giò một giá thôi!

Một thế giới thượng vàng hạ cám đã làm lệch đi rất nhiều những giá trị của cuộc sống. Một thế giới xem ra những nghĩa cử yêu thương thật hiếm hoi. Đó chính là một thách đố cho người ky-tô hữu chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám sống triệt để giới răn mến Chúa yêu người giữa một xã hội loại trừ Thiên Chúa và thiếu thốn tình người hay không? Liệu rằng chúng ta có dám chịu thiệt thòi để người khác hưởng thụ trên lòng quảng đại của chúng ta hay không? Liệu rằng chúng ta có dám yêu người khi mà người ta đang chơi xấu, đang lợi dụng, đang làm hại chúng ta? Đây là một thách đố và cũng là đòi hỏi triệt để, vì căn tính của người môn đệ Chúa là "yêu mến tha nhân như chính mình". Vì tình yêu là lẽ sống, là hơi thở của người ky-tô hữu. Không có tình yêu thì sức sống của người tín hữu đã không còn. Không có lòng quảng đại thì không còn là nhân chứng cho Tin mừng Nước Trời của Chúa. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà trong lòng vẫn còn thù ghét anh em của mình. Chúng ta phải vượt lên trên lòng ích kỷ, sự hẹp hòi của nhân thế để làm chứng cho một tình yêu nhân ái, bao dung và vị tha.

Đây chính là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tinh yêu tinh ròng đến nỗi "dám chết cho người mình yêu". Ngài đã chọn thập tự giá làm biểu tượng cho tình yêu tự hiến của mình. Với thanh dọc, Chúa chấp nhận cực hình để tôn vinh Chúa Cha. Với thanh ngang, Ngài muốn ôm trọn nhân loại trong tình thương của Chúa. Người ky-tô cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu khi chúng ta sống tôn vinh Chúa Cha, và yêu mến anh em như chính mình.

Chính tình yêu đó sẽ giúp chúng ta vượt thắng những tham lam bất chính, những thói hại người hại đời để tìm tư lợi riêng cho bản thân mà người đời vẫn đang sống. Có thể là người, chúng ta cần địa vị, cần danh vọng nhưng vì lòng yêu mến Chúa chúng ta không thể bán rẻ lương tậm, không làm hại đồng loại. Có thể chúng ta cũng cần của cải để sinh sống, nhưng vì Chúa, chúng ta biết sống quảng đại để mua lấy hạnh phúc Nước Trời. Có thể đồng loại, vẫn mưu toan làm hại chúng ta, nhưng vì Chúa chúng ta nhịn nhục và nhẫn nại với nhau trong yêu thương và tha thứ.

Như vậy, chỉ có ở trong tình yêu Chúa, chúng ta mới dám sống yêu thương đồng loại như chính mình. Chính nhờ tình yêu Chúa, sẽ giúp chúng ta trao ban sự sống sung mãn cho nhân thế qua những nghĩa cử yêu thương, bác ái và vị tha. Chính tình yêu đối với Chúa, sẽ giúp chúng ta sống nhân ái và bao dung với tha nhân là hình ảnh của Ngài.

Ước gì giữa một thế giới đang băng hoại về tình người, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của yêu thương, để sưởi ấm cho những ai đang cô đơn, thất vọng vì thiếu vắng tình thương, sự cảm thông và nâng đỡ của anh em. Ước gì giữa một thế giới đang bán rẻ lương tri, người ky-tô hữu hãy biết sống tôn trọng lẫn nhau, biết sống cho tình người cao quý, hơn là những của cải vật chất tầm thường. Ước gì người ky-tô hữu chúng ta, đừng vì danh lợi thú mà đánh mất nhân phẩm con người là hình ảnh Thiên Chúa. Ước gì giữa một xã hội mà chân lý bị vùi giập, chúng ta dám sống cho sự thật, cho dẫu rằng, có bị nghi kỵ, hiểu lầm, kết án và tẩy chay. Giữa một thế giới mà người ta có thể nhân danh quyền lợi của mình để giết hại người khác một cách phi nhân, ác đức, đặc biệt là các thai nhi vô tội, chúng ta hãy sống theo gương Thầy Giêsu dám chết cho người minh yêu, dám sống mình vì mọi người, và dám trở nên mọi sự cho mọi người như Thầy Giêsu.

Nguyện xin Chúa là tình yêu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim yêu thương của Chúa. Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Nên giống Chúa

Nên giống Chúa

Việc xảy ra trong một hầu quốc gần bờ sông Rhin nước Pháp. Vua của lãnh thổ này vừa qua đời. Sau một thời gian đất nước loạn lạc và chinh chiến, dân chúng chán cảnh chiến tranh và đòi một người kế vị yêu chuộng hòa bình. Nhưng các quan trong triều có trách nhiệm chọn người kế vị lại bối rối, khó xử, vì vị vua mới qua đời có để lại hai đứa bé còn nằm trong nôi, và đứa nào cũng dễ thương hết. Làm thế nào biết được em nào sẽ là con người yêu chuộng hoà bình?

Lúc đó, một vị quan có trách nhiệm lựa chọn đưa ra ý kiến là hãy quan sát kỹ hai em đang nằm ngủ trong nôi như hai thên thần, ông thấy em bé thứ nhất ngủ mà tay mở ra trong khi đứa thứ hai nắm chặt tay lại. Không do dự, ông chọn ngay đứa thứ nhất, và sử đã ghi lại rằng đó là vị hoàng tử đầy từ tâm và nhân ái dịu hiền.
 
Đây là hình ảnh kỳ diệu của Chúa Giêsu dịu hiền và tốt lành, là vua và là trung tâm của mỗi tâm hồn. Ngài xuống thế, lúc ở trong máng cỏ cũng như khi ở trên cây thập giá, Ngài đưa tay ra trong dáng điệu đón nhận.
 
Mỗi người trong chúng ta đã được Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài có lý trí, có trí khôn để hiểu biết và có tâm tình để yêu mến. Cái hình ảnh ấy, con người mang trong mình tự khi được thụ thai trong lòng mẹ, con người có những đức tính giống Thiên Chúa, hay đúng hơn, có những khả năng để trở nên giống Thiên Chúa. Nếu mỗi ngày biết trau dồi phát triển thêm, thì con người càng trở nên gống Chúa hơn, và người đời sẽ nhận ra giống hình ảnh Chúa nơi chúng ta, như cử chỉ em bé trong câu chuyện nói lên đời sống em.
 
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặt câu hỏi: hình này là hình ảnh của ai đây? Câu ấy có thể là câu một Chúa muốn đặt ra cho chúng ta chăng? Ngoài những đức tinh, những khả năng tự nhiên của bản tính loài người, linh hồn thiêng liêng, lý trí và ý chí, những cái ta nhận được khi thụ thai, những cái làm ta nên giống Thiên Chúa một phần nào, Chúa còn in vào trong tâm hồn chúng ta, trao cho chúng ta nhiều hình ảnh khác nữa.
 
Lúc chịu phép rửa tội, Chúa đã in vào trong tâm hồn chúng ta một hình ảnh con Chúa, hình ảnh Chúa Kitô, một hình ảnh thật tốt, không thể tẩy xóa đi được, nhưng chưa được rõ lắm. Không những chúng ta có bổn phận tô điểm bức ảnh ấy cho thêm rõ ràng, cho thêm tươi đẹp… nghĩa là chúng ta phải làm thế nào để người khác trông vào nơi chúng ta là hình ảnh của Chúa, họ phải cảm thấy sự đáng mến đáng quí trọng của Ngài, nếu không, chúng ta chỉ là bức hí họa của Chúa.
 
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn bảo nhóm biệt phái Do thái: “Cái gì của Xêda và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”. Câu trả lời này của Chúa bao hàm nhiệm vụ trần thế và thiêng liêng của chúng ta. Thánh Phaolô đã dạy: “Những gì ta nợ ai, thì phải trả cho người ấy. Hãy nộp thuế cho kẻ có quyền thu thuế hay trả công cho kẻ có quyền lấy công, hãy sợ kẻ đang sợ, hãy kính kẻ đáng kính” (Roma 13,7). Những cái đó là những món nợ vật chất và tinh thần. Chúng ta phải thanh toán tất cả những món nợ ấy với những ai có quyền đói hỏi ở nơi ta.
 
Nhưng không phải chúng ta chỉ nợ nhau, nợ loài người mà thôi mà còn nợ cả Thiên Chúa nữa. Thi hành việc bác ái cho tha nhân chính là trả nợ cho Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Những gì làm cho họ “là” làm cho chính Ngài”. (Mt 25,40)
 
Mong rằng: chúng ta sẽ mang lại cho Chúa hình ảnh mà Ngài đã trao cho chúng ta khi được thụ thai cũng như khi chúng ta chịu phép rửa tội. Và không những chỉ một hình ảnh y nguyên như lúc chúng ta nhận được nơi tay Chúa mà còn phải là một hình ảnh tươi đẹp gấp bội nữa, bởi vì chúng ta cần phải tô điểm thêm nữa.
 
Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

Y phục xứng kỳ đức

Y phục xứng kỳ đức

Tin mừng hôm nay là sự nối kết của hai dụ ngôn “hai người con” và “các tá điền sát nhân” thành một đề tài giáo huấn về tính phổ quát của ơn cứu độ, con người cần phải thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện, phải cố gắng không những vào số những người được gọi, mà còn phải vào số những người được chọn nữa, bởi lẽ gọi thì nhiều mà chọn thì ít.

1. Tính phổ quát của ơn cứu độ
 
Câu chuyện Tin mừng gồm hai phần rõ rệt. Nhà vua mời thực khách dự tiệc cưới của hoàng tử (câu 1-10) và người khách không mặc y phục lễ cưới (câu 11-14).

a. Điều khó hiểu
 
– Thái độ của khách mời: Bình thường khi được các bậc vị vọng mời dự tiệc, khách được mời sẽ rất hãnh diện. Ở đây nhà vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử. Vậy mà các khách được mời đều từ chối. Thánh Mátthêu ghi lại hai lý do: “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán“. Thánh Luca thì ghi tới ba lý do: “Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,18-19). Họ khước từ vì lo làm ăn và hưởng thụ cá nhân. Họ bận rộn, mải mê kiếm sống, không còn giờ cho tình người.Một số khách được mời nóng nảy quá khích, đã không dự tiệc vua mời còn bắt đầy tớ của vua, đánh đập, sỉ nhục và giết chết.

– Hành động của ông vua: Ông mời khách đến mấy lần, mời đi mời lại, năn nỉ họ tham dự. Ông còn tỏ ra hào phóng là thu nạp mọi người, bất luận tốt xấu, giàu nghèo.Thế nhưng, khi thấy một thực khách không mặc y phục lễ cưới ông ra lệnh trói chân tay, bỏ vào nơi tối tăm bên ngoài mà khóc lóc nghiến răng. Người đọc cảm thấy thật khó hiểu: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo lễ mà mặc?

b. Ý nghĩa dụ ngôn
 
Nên nhớ, đây là một dụ ngôn nằm trong chuỗi ba dụ ngôn theo cùng một chủ đề mà Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục Do thái khi họ đến chất vấn Người về thẩm quyền của Người (x. Mt 21,23). Hai Chúa Nhật trước qua hai dụ ngôn “hai người con” (21,28-32) và “cáctá điền sát nhân” (21,33-43). Dụ ngôn “tiệc cưới” (22,1-14) là câu trả lời cho những thái độ của các thượng tế và pharisiêu.Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời trước tiên cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ chối vì chuộng những giá trị trần gian hơn; Thiên Chúa lại ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, tượng trưng cho cách sống. Những người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.

2. Được mời dự tiệc là niềm vinh dự và là hạnh phúc
 

Người Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài để chuẩn bị ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng họ đã từ chối đặc ân. Họ thờ ơ, không đếm xỉa gì đến lời mời gọi dự tiệc cưới : người thì đi thăm trại, kẻ thì đi buôn, người khác thì bắt đầy tớ nhục mạ và giết đi…

Con người có thái độ thờ ơ, lãnh đạm và coi thường như thế bởi vì họ không yêu mến Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa. Nếu yêu thương, tôn trọng người chủ tiệc thì chắc chắn cho dù có vướng bận đến đâu họ cũng sẵn sàng sắp xếp công việc, thời gian để đi dự tiệc. Được mời là một vinh dự, nhưng đáp lời mời là biểu lộ tình cảm của bản thân dành cho gia chủ. Cũng thế, Thiên Chúa mời gọi con người vào hưởng hạnh phúc Nước Trời là do tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, còn đáp lời mời này để hân hoan tiến vào Nước Chúa là lời đáp trả tình yêu của con người với Thiên Chúa.

Thiên Chúa mời con người đến tham dự tiệc cưới. Tiệc cưới là tiệc vui tươi, chúc mừng tình yêu của cô dâu chú rễ. Chúa Giêsu là chàng rễ, Giáo hội là cô dâu. Thiên Chúa đã mời gọi các Kitô hữu đền bàn tiệc để chia sẽ niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài (GLCG # 1384).

Được mời và đón nhận lời mời là một biểu lộ của tình yêu từ hai phía, Thiên Chúa và con người dành cho nhau. Thế nhưng, trong cuộc sống Kitô hữu ngày hôm nay, thái độ từ chối Thiên Chúa, thờ ơ với lời mời gọi của Ngài vẫn còn tiếp diễn nơi nhiều người.

Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Những người không tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật.

Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh họat xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự Thánh Lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, để khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.

Là Kitô hữu, chúng ta cần xét mình về thái độ của bản thân trước những lời mời gọi dấn thân vì Nước Trời, vì tha nhân của Chúa. Đừng lấy lý do tôi quá bận rộn với công việc làm, với gia đình mà không dành giờ cho Thiên Chúa, không dành giờ cho Nước Trời, không dành giờ lo đến linh hồn mình. Bận rộn chỉ là bình phong che đậy những lười biếng, những ích kỷ. Đừng hỏi tôi có bận hay không, nhưng hãy hỏi tôi có muốn hay không? Vì lòng muốn sẽ thắng vượt mọi trở ngại, mọi toan tính.

Thánh lễ chính là tiệc cưới Nước Trời mà Thiên Chúa thiết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Vậy chúng ta hãy dẹp bỏ đi mọi lo toan của công việc, mọi vướng bận của cuộc sống đời thường để hân hoan tiến đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Sau khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.

3. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới
 
Muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ mà còn phải mặc y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng cung cách sống đạo,trang phục bằng những đức tính và tinh thần của Ðức Kitô. Là người Kitô hữu, cần sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu mới được vào Nước Trời. Ân sủng không chỉ là một quà tặng mà còn là một trách nhiệm phải chu toàn.

Chiếc áo cưới vào dự tiệc Nước Trời chính là ơn Thánh tẩy của Bí tích Rửa Tội. Ngày chịu phép rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu được nhắn nhủ: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.”

Mỗi một Kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là chiếc áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con cái Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời.

Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật. Như thế, chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải tâm hồn, một tâm hồn trong sạch, một tấm lòng bác ái yêu thương và một đức tin vững mạnh.

Đành rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc cũng chứng tỏ cho người khác thấy phần nào con người của mình. Khi đến thăm gia đình của người bạn với quần áo lịch sự, chứng tỏ rằng chúng ta kính trọng người bạn đó. Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, chúng ta mặc y phục đẹp nhất của mình, chứng tỏ mình kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng anh chị trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng đối với chính bản thân mình.

Quần áo bề ngoài xã hội như vậy, nhưng còn y phục của tinh thần và linh hồn nữa. Mỗi lần đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi. Y phục của lòng tin, cậy, mến. Y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa.

Y phục phải xứng với kỳ đức. Chiếc áo cưới của Kitô hữu không được dệt bằng lụa là gấm vóc, không được mua từ hàng hiệu đắt tiền nhưng chính là lòng khiêm hạ, lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa, lòng mến đối với mọi người.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen (Thánh Augustinô).

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Thiên Chúa ban cho chúng ta các đặc sủng khác nhau để mưu ích cho tất cả mọi người

Thiên Chúa ban cho chúng ta các đặc sủng khác nhau để mưu ích cho tất cả mọi người

Thiên Chúa ban cho Giáo Hội tràn đầy các ơn của Chúa Thánh Thần và các đặc sủng khác nhau để sinh ích lợi cho tất cả mọi người, để cho toàn cộng đoàn kitô lớn lên hài hòa trong đức tin và tình yêu của Người như một thân thể duy nhất của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 1-10-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Tham dự buổi tiếp kiến đã có hàng ngàn nhóm hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và châu Âu, trong đó có phái đoàn 90 người Việt Nam ở Houston do cha Nguyễn Ngọc Thụ hướng dẫn. Cũng có các đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu như Côte d'Ivoire, Camerun, Nam Phi, Namibia; hay từ Á châu như Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Sri Lanka; hoặc từ châu Mỹ Latinh như Argentina, Mêhicô, Costa Rica, El Salvador, Paraguay, Colombia, Perù, Chile, Brasil, và từ Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý: ”Các đặc sủng: khác biệt trong hiệp nhất”. Ngài nói: Ngay từ đầu Chúa đã làm tràn đầy Giáo Hội với các ơn của Thần Khí Ngài, và như thế khiến cho Giáo Hội luôn sống động và phong phú. Trong các ơn đó có vài ơn đặc biệt quý báu cho việc xây dựng và con đường của cộng đoàn kitô: đó là các đặc sủng. Vậy trong bài giáo lý hôm nay chúng ta muốn tìm hiểu đặc sủng là gì? Làm sao nhận ra nó và đón nhận nó? Và nhất là sự kiện trong Giáo Hội có nhiều đặc sủng khác nhau và sự khác biệt và đa diện đó của các đặc sủng bị coi là điều tốt đẹp hay là một vấn đề.

Trong ngôn ngữ chung, khi nói tới ”đặc sủng” người ta thường hiểu nó là một tài năng, một sự khéo léo tự nhiên. Vì thế, đứng trước một người đặc biệt tài giỏi và hấp dẫn người ta thường nói: ”Đó là một người có đặc sủng”. ”Nó có nghĩa là gì?”. ”Tôi không biết, nhưng họ là người đặc sủng”. Chúng ta nói như vậy. Tuy không biết nhưng chúng ta nói như thế: ”Đó là một người đặc sủng”.

Tuy nhiên, trong viễn tượng kitô, thì đặc sủng cao hơn một đức tính cá nhân, một bẩm tính mà người ta có thể có; đặc sủng là một ơn thánh, một ơn do Thiên Chúa Cha rộng ban, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần. Và nó là một ơn được ban cho ai đó không phải vì họ giỏi hơn những người khác hay xứng đáng hơn, nhưng đó là một món qùa Thiên Chúa ban cho, để với chính sự nhưng không và tình yêu thương họ có thể dùng để phục vụ toàn cộng đoàn, cho thiện ích của tất cả mọi người. Một cách nhân loại thì người ta nói như thế này: Thiên Chúa ban cho đặc tính này, đặc sủng kia cho người này nhưng không phải cho cá nhân họ, mà là để phục vụ toàn cộng đoàn.

Hôm nay trước khi ra quảng trường tôi đã tiếp kiến biết bao nhiêu trẻ em tàn tật trong đại thính đường Phaolô VI, đông lắm. Có một hiệp hội tận hiến cho việc săn sóc các trẻ em này: là cái gì vậy? Hiệp hội này, các người nam nữ này có đặc sủng săn sóc các trẻ em tàn tật. Đó là một đặc sủng.

Cần phải nhấn mạnh ngay một điều quan trọng là sự kiện một người không thể tự mình hiểu mình có một đặc sủng hay không và đặc sủng nào. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe có người nói: ”Tôi có phẩm chất này, tôi biết hát hay lắm”, và không ai có can đảm nói với họ: ”Tốt hơn là bạn nên im đi, bởi vì bạn hành hạ tất cả chúng tôi khi bạn hát!” Không ai có thể nói tôi có đặc sủng này. Chính bên trong cộng đoàn nảy nở ra các ơn mà Thiên Chúa Cha ban tràn đầy cho chúng ta. Và chính trong lòng cộng đoàn mà người ta học và nhận ra các đặc sủng như là một dấu chỉ tình yêu thương của Người đối với mọi con cái Người. Vì thế thật là tốt, nếu từng người trong chúng ta tự hỏi: ”Chúa có khơi dậy nơi tôi đặc sủng nào không, trong ơn thánh của Thần Khí Người, và các anh em tôi trong cộng đoàn kitô đã nhận biết ra và khích lệ? Và tôi đã có cung cách hành xử như thế nào đối với đặc sủng đó: tôi có sống quảng đại bằng cách dùng nó để phục vụ mọi người hay không, hay tôi lơ là với nó và cuối cùng quên nó? Hay nó lại trở thành cớ cho tôi kiêu ngạo, đến độ luôn luôn than vãn về người khác và yêu sách rằng trong cộng đoàn người ta phải làm theo kiểu của tôi?” Đó là các câu hỏi mà chúng ta phải đưa ra. Nếu có một đặc sủng trong tôi, nếu đặc sủng đó được Giáo Hội thừa nhận, và nếu tôi có bằng lòng với đặc sủng đó hay tôi hơi ghen tương các đặc sủng của người khác và muốn có đặc sủng đó… Không, đặc sủng là một ơn. Chỉ có Thiên Chúa mới ban tặng cho mà thôi.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đẹp nhất là khám phá ra biết bao nhiêu đặc sủng khác nhau và biết bao ơn của Thần Khí, mà Thiên Chúa Cha đã ban tràn đầy cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha giải thích sự khác biệt của các đặc sủng như sau:

Điều này không được coi như là một lý do của sự lẫn lộn, khó chịu: tất cả là các món qùa Thiên Chúa Cha tặng ban cho cộng đoàn kitô, dể nó có thể lớn lên hài hoà, trong đức tin và tình yêu của Người, như một thân thể duy nhất, thân mình của Chúa Kitô. Cùng Thần Khí, Đấng ban sự khác biệt của các đặc sủng, làm thành sự hiệp nhất của Giáo Hội: cùng Thần Khí. Do đó, đứng trước sự đa diện này của các đặc sủng, con tim chúng ta phải rộng mở cho niềm vui và phải nghĩ: ”Đẹp biết bao! Biết bao nhiêu ơn khác nhau, bởi vì chúng ta tất cả đều là con cái Thiên Chúa và đều được yêu thương một cách duy nhất”.

Vì vậy, khốn cho chúng ta nếu các ơn này trở thành lý do của ghen tương và chia rẽ! Như thánh tông đồ Phaolô nhắc nhớ trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô chương 12, mọi đặc sủng đều quan trọng dưới mắt Thiên Chúa, đồng thời không có ai là không thể thay thế được. Điều này có nghĩa là trong cộng đoàn kitô chúng ta cần nhau, và mỗi ơn nhận lãnh được thể hiện tràn đầy, khi được chia sẻ với các anh em khác, cho thiện ích của tất cả mọi người. Đó là Giáo Hội! Và khi Giáo Hội, trong sự đa diện của các đặc sủng, được diễn tả ra trong sự hiệp thông, thì không thể sai lầm: đó là vẻ đẹp và sức mạnh của ý thức đức tin, của ý nghĩa siêu nhiên của đức tin, do Chúa Thánh Thần ban để chúng ta tất cả cùng nhau bước vào trọng tâm của Tin Mừng và học đi theo Chúa Giêsu trong cuộc sống.

Hôm nay Giáo Hội mừng nhớ thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu. Chị thánh qua đời năm 24 tuổi và đã rất yêu thương Giáo Hội, muốn làm thừa sai, muốn có mọi đặc sủng và nói: ”Không, tôi muốn làm cái này cái nọ”, và muốn có mọi đặc sủng. Chị đã cầu nguyện và cảm thấy đặc sủng của mình là tình yêu và đã nói câu hay đẹp này: ”Trong lòng Giáo Hội con sẽ là tình yêu”. Và đặc sủng này tất cả chúng ta đều có: đó là khả năng yêu thương. Hôm nay chúng ta hãy xin thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu khả năng yêu thương Giáo Hội biết bao này, yêu thương Giáo Hội nhiều và chấp nhận mọi đặc sủng với tình yêu thương của con cái Giáo Hội, của Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật.

Các bạn thân mến, đó là điều Chúa xin chúng ta hôm nay: nhận biết các đặc sủng với niềm vui và lòng biết ơn, các đặc sủng mà Chúa phân phát trong cộng đoàn, và dấn thân cho nhau, theo các sứ vụ và phục vụ mà chúng ta được mời gọi. Như thế Giáo Hội lớn lên với ơn thánh của Chúa và trong mọi thời và mọi nơi, trở thành dấu chỉ đáng tin cậy và là chứng tá sống động cho tình yêu của Thiên Chúa.

Chào các tín hữu nói tiếng Đức Đức Thanh Cha nhắc cho họ biết tháng Mười là tháng Mân Côi. Ngài mời gọi mọi người suy gẫm cuộc sống và công trình của Chúa Kitô với đôi mắt của Mẹ Maria. Ngài nói: anh chị em hãy lần hạt Mân Côi và như thế đồng hành với công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình.

Trong tiếng Tây Ban Nha ngài đã đặc biệt chào Đức Cha Javier Echevarría. Giám hạt Opus Dei và tín hữu về tham dự lễ phong chân phước cho Đức Cha Alvaro del Portillo. Ngài xin gương sáng của chân phước trợ giúp họ quảng đại đáp trả lại lời Thiên Chúa mời gọi sống thánh thiện, làm việc tông đồ trong cuộc sống thường ngày, phục vụ Giáo Hội và toàn nhân loại.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha cầu mong tình yêu mà thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu có đối với Giáo Hội là giáo huấn cho cuộc sống thiêng liêng của họ. Ngài cầu chúc các anh chị em bệnh nhân dùng lời cầu nguyện như dụng cụ đương đầu với những lúc khổ đau khó khăn nhất. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng cuộc sống hôn nhân trên sự tôn trọng và lòng chung thủy với nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Thái độ vâng phục

Thái độ vâng phục

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Thomas Mertin mồ côi cha mẹ lúc lên mười sáu tuổi, hai mươi tuổi ông theo Đảng Cộng Sản, lúc hai mươi ba tuổi thì trở lại đạo Kitô, hai mươi bốn tuổi làm phóng viên cho tuần báo New York, sau khi nghỉ phóng viên đến hai mươi sáu tuổi từ bỏ mọi sự cuốn gói đi theo Chúa.

Thomas Mertin đến ở nhà Dòng Kentucky và trở thành tu sĩ sống đời chiêm niệm. Trong tập sách tự thuật về "Cuộc Đời Của Mình", Thomas mô tả lại những bước đầu tiên của cuộc trở lại như sau:

Lúc đó tôi vừa mới xong trung học và đang dùng xe lửa để đi thăm khắp nơi Âu Châu với một cuộc sống khá phung phí. Một hôm nằm trong khách sạn, tôi chợt ý thức về những tội lỗi của mình, tất cả mọi sự qua đi thật nhanh. Tôi như được soi sáng để nhìn biết sự khốn cùng của tâm hồn tôi. Tôi nhất định thoát ra khỏi hoàn cảnh này, khỏi những ồn ào và lần đầu tiên Thomas Mertin đã ý thức là mình đã có kinh nghiệm cầu nguyện, cầu nguyện để xin Thiên Chúa giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc.

Bài Phúc Âm hôm nay xem ra như người con thứ nhất nói không đi rồi lại đi, anh ta có một thái độ thay đổi cách tự động máy móc. Nhưng trong thực tế, trong đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta, cần phải có thời gian cùng với những lời cầu nguyện, xin Chúa thương nâng đỡ chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi hoàn cảnh hiện tại là đang sống trong tội lỗi, đam mê của xác thịt. Mỗi người cần phải ăn năn trở lại, cần phải thưa vâng với Lời Chúa mời gọi, vì không ai có thể nói là mình đã hoàn toàn thưa vâng với Chúa.

Mỗi người đều cảm thấy nhiều khó khăn làm mình khó trở lại, khó chấp nhận với hoàn cảnh hiện tại của mình, cảm thấy trống vắng và muốn thay đổi, cảm thấy có một sự không ổn nào đó trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Đó là bước đầu tiên của tiến trình trở lại cùng Chúa. Rồi một biến cố nào đó đánh động và mở ra một quyết định, một bất ngờ như Thomas Mertin đang ở trong khách sạn, bất ngờ cảm thấy sự khốn cùng của mình và muốn vượt ra khỏi sự khốn cùng ấy.

Nói theo ngôn ngữ thần học thì đây là giây phút của ân sủng đánh động, mời gọi chúng ta trở về với Ngài để đời sống chúng ta được ăn khớp với lời dạy của Chúa. Cuối cùng cần phải có một quyết định cụ thể để thực hiện một việc làm theo hướng đi mới. Mỗi ngày chúng ta cần cầu nguyện nhiều và tiếp xúc thân mật với Chúa để xin Chúa ban ơn soi sáng cho chúng ta có một quyết định dứt khoát theo đúng hướng đi mà Chúa muốn chúng ta tiến bước. Hơn nữa, mỗi ngày chúng ta cần trở về với Chúa và thưa với Chúa "Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa".

Xin Chúa soi sáng giúp con nhận ra thánh ý Chúa trong những việc làm hàng ngày, trong những biến cố xảy ra trong đời sống của con và xin Chúa ban cho con được ơn can đảm chu toàn đến cùng, xin Chúa gìn giữ mỗi người trong đức tin mà chúng con tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

Veritas Radio

Đức Thánh Cha lên án lạm dụng danh Thiên Chúa để giết người

Đức Thánh Cha lên án lạm dụng danh Thiên Chúa để giết người

TIRANA. ĐTC Phanxicô mạnh mẽ lên án những kẻ lạm dụng danh Thiên Chúa để giết người và gọi đó là hành động phạm thánh trầm trọng nhất.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo ở Albani tại trụ sở Đại Học Công Giáo ”Đức Bà chỉ bảo đàng lành”, ở Tirana, thủ đô Albani, chiều chúa nhật 21-9-2014.

Tham dự cuộc gặp gỡ có 6 Cộng đoàn tôn giáo chính ở Albani, gồm Hồi giáo, Huynh đoàn Hồi giáo Bektashi, Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành và Do thái giáo. Mỗi vị lãnh đạo có 3, 4 người tháp tùng. Ngoài ra có các GM Công Giáo Albani và các vị trong đoàn tùy tùng của ĐTC.

Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ, ĐTC bày tỏ lòng tôn trọng sâu xa đối với các vị lãnh đạo và các cộng đồng tôn giáo ở Albani. Ngài nhắc đến lời ĐTC Gioan Phaolô 2 đã nói khi viếng thăm Albani hồi năm 1993: ”Tự do tôn giáo là một thành trì chống lại mọi chế độ độc đoán và là một đóng góp quyết định cho tình huynh đệ của nhân loại.. Tự do tôn giáo chân thực tránh mọi cám dỗ có thái độ bất bao dung và phe phái, trái lại, thăng tiến những thái độ đối thoại tôn trọng và xây dựng” (Sứ điệp gửi quốc dân Albani ngày 25-4-1993).

ĐTC nói: ”Chúng ta không thể không nhìn nhận rằng sự bất bao dung đối với những ngừơi có xác tín tôn giáo khác với xác tín của mình là một kẻ thù nguy hiểm, ngày nay đang biểu lộ tại nhiều miền trên thế giới. Trong tư cách là tín hữu, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác để tôn giáo và luân lý đạo đức mà chúng ta đang sống với xác tín và hăng say làm chứng luôn được biểu lộ qua những thái độ xứng đáng với mầu nhiệm mà chúng ta muốn tôn kính, quyết liệt loại bỏ – như điều không chân thật, vì không xứng đáng với Thiên Chúa và con người, – tất cả mọi hình thức lạm dụng tôn giáo một cách sai trái. Tôn giáo chân chính là nguồn an bình chứ không phải là nguồn sinh ra bạo lực! Không ai có thể sử dụng danh Thiên Chúa để phạm những hành vi bạo lực! Giết người nhân danh Thiên Chúa là một tội phạm thánh trầm trọng! Kỳ thị nhân danh Thiên Chúa là điều vô nhân đạo”. ĐTC nói đến hai thái độ đặc biệt hữu ích để thăng tiến quyền tự do căn bản là tự do tôn giáo:

”Thứ nhất là nhìn nơi mỗi người nam nữ, kể cả những người không thuộc truyền thống tôn giáo của mình, không phải như những người cạnh tranh, và càng không phải là kẻ thù, nhưng như những anh chị em. Ai chắc chắn về xác tín tôn giáo của mình thì không cần phải áp đặt, tạo sức ép trên người khác: họ biết rằng chân lý có sức mạnh riêng lan tỏa ra. Xét cho cùng tất cả chúng ta là những người lữ hành trên mặt đất này, và trong hành trình của chúng ta, trong khi chúng ta khao khát sự thật và vĩnh cửu, chúng ta không sống như những thực tại độc lập và tự mãn, và càng không phải như những cá nhân hoặc nhóm quốc gia, văn hóa và tôn giáo, nhưng chúng ta lệ thuộc nhau, chúng ta được ủy thác cho sự chăm sóc của nhau. Mỗi truyền thống tôn giáo, từ bên trong của mình, phải làm sao để ý đến sự hiện hữu của người khác.

”Thái độ thứ hai là dấn thân bênh vực công ích. Mỗi lần sự gắn bó với truyền thống tôn giáo của mình làm nảy mầm một sự phục vụ xác tín hơn, quảng đại hơn, vô vị lợi hơn cho toàn thể xã hội, thì có một sự thực thi đích thực và phát huy tự do tôn giáo. Như thế tự do này không phải chỉ là một không gian tự lập được đòi hỏi một cách chính đáng, nhưng như một tiềm năng làm cho gia đình nhân loại được phong phú nhờ sự dần dần thực thi tự do tôn giáo. Càng phục vụ tha nhân, ta càng tự do! Chúng ta hãy nhìn chung quanh: bao nhiêu nhu cầu của người nghèo, xã hội chúng ta còn phải tìm ra những con đường tiến tới công bằng xã hội rộng lớn hơn, hướng tới sự phát triển kinh tế bao gồm mọi người! Tâm hồn con người cần phải để ý đến ý nghĩa sâu xa của những kinh nghiệm cuộc sống và phục hồi hy vọng dường nào! Trong lãnh vực hoạt động này, những người nam nữ được hướng dẫn nhờ các giá trị thuộc truyền thống tôn giáo của mình có thể cống hiến quan trọng, một sự đóng góp không thể thay thế được. Đây là môi trường đặc biệt phong phú cho việc đối thoại liên tôn.

Sau cùng, ĐTC còn nhấn mạnh nguyên tắc: ”không thể đối thoại nếu không khởi hành từ chính căn tính của mình. Không có căn tính thì không thể có đối thoại. Chẳng vậy đó chỉ là một thứ đối thoại ảo tưởng, đối thoại trên không khí, chẳng mang lại ích lợi gì. Mỗi người chúng ta có căn tính tôn giáo và phải trung thành với căn tính ấy.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Thánh Giá Chúa là nguồn phúc vinh

Thánh Giá Chúa là nguồn phúc vinh

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Ngày 14 tháng 9, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa với niềm vui vì được cứu độ. Ngày hôm nay, Thánh Giá được trình bày cho các tín hữu không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để tự hào và không có khóc lóc. Lễ này khởi đi từ hai sự kiện lớn là khánh thành là cung hiến đền thờ Calvario và Mộ Thánh ở Thánh Địa do bà Helena, mẹ vua Constantin (khoảng năm 270, 280 đến 337), hoàng đế Roma cho xây cất năm 335. Ngày 14 tháng 9 còn là ngày mừng vì tìm được Thánh Giá thực vào 14 tháng 9 năm 326.

Cuộc chiến thắng của người Kitô giáo trước quân Ba Tư vào thế kỷ thứ VII, giúp tìm lại Thánh Giá Chúa và cung nghinh về Giêrusalem là sự kiện thứ hai. Từ đó, ở Giêrusalem có lễ Suy Tôn Thánh Giá vào ngày 14 tháng 9. Tuy nhiên với dòng thời gian, lễ này có một ý nghĩa riêng, vì được cử hành với niềm vui của mầu nhiệm Thánh Giá, một khí cụ man rợ và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, được Đức Kitô dùng để cứu độ thế gian.

Điều này được phản ánh trong các bài đọc. Thánh Phaolô coi Thánh Giá là động lực lớn lao để «tán dương» Đức Kitô: «Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang» (Pl 2, 8 -11). Thánh Gioan lại đề cập đến Thập Giá là khí cụ để cứu độ con người: «Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời» (Ga 3, 14).

Như thế, Thánh Giá là Niềm Hy Vọng độc nhất trong Vinh Quang toàn thắng của Đức Kitô, Thánh Giá ban tặng cho nhân loại ơn sủng và ơn tha thứ. Nên «chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta» (Ca nhập lễ).

Giáo hội cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, nhờ Đấng bị đóng đinh, chúng ta được đưa về trời cao, vứt bỏ sau lưng tội lỗi thế gian để đạt tới sự thiện trên trời. Chúng ta hát mừng Chúa sống lại hiển vinh, vì bởi cây Thánh Giá niêm hân hoan tràn ngập khắp địa cầu. Còn hạnh phúc nào hơn từ cây Thánh Giá; vì chính nhờ cây Thánh Giá, nguồn vinh phúc, ơn cứu độ chúng ta được phục hồi. Thật vậy, nếu không có cây Thánh Giá, Đức Kitô đã không bị đóng đinh, sự sống đã không bị treo lên gỗ giá, máu và nước, nguồn suối trường sinh đã không chảy ra từ cành sườn để rửa sạch tội lỗi thế nhân, bộ mặt kẻ tội lỗi đã không bị lột trần, chúng ta sẽ không được tự do và không được hưởng nhờ ơn phúc từ cây sự sống. Nếu như không có Thánh Giá, thiên đàng không được mở, sự chết không bị chôn vùi, mọi thủ đoạn của hỏa ngục sẽ không được phơi bày ra. Thánh Giá thật cao cả và quí giá biết bao. Cao cả, vì Đức Kitô đã chiến thằng khải hoàn trước mọi đau khổ, Thánh Giá phát sinh sự thiện với biết bao kỳ công. Quí giá, vì Thánh Giá vừa là sự khổ đau vừa là khí giáp của Thiên Chúa. Là khổ đau, vì chính nhờ cây thánh giá Đức Giêsu đã hoàn toàn chịu chết ; là khí giáp, vì ma quỉ đã bị tổn thương và đánh bại, sự chết đã bị Đức Giêsu tiêu diệt vĩnh viễn; cửa Hỏa ngục bị đập tan và Thánh Giá trở nên ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Giá được gọi là vinh quang của Đức Kitô, và tán dương Người. Chúng ta nhìn thấy nơi Thánh Giá, chén của ao ước và tất cả mọi khổ đau mà Đức Kitô đã phải chịu vì chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian. Amen.

Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta sống thương xót là nòng cốt Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô

Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta sống thương xót là nòng cốt Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô

Giáo Hội là mẹ dạy chúng ta sống điều nòng cốt trong Tin Mừng của Chúa Giêsu: đó là lòng thương xót, làm các việc lành phúc đức để cải tiến thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần 10-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội. Giáo Hội là mẹ làm cho chúng ta lớn lên với ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa, chỉ cho chúng ta con đường cứu độ và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Nhưng Giáo Hội cũng là mẹ giáo dục chúng ta làm các việc của lòng thương xót. Một nhà giáo dục tốt chỉ cho thấy điều nòng cốt, không lạc trong các chi tiết, nhưng muốn thông truyền điều thực sự quan trọng để con cái hay học trò tìm ra ý nghĩa và niềm vui sống.

Và điều nòng cốt, theo Phúc Âm, là lòng thương xót. Chính Chúa Giêsu nói một cách rõ ràng, khi tóm tắt giáo huấn của Người cho các môn đệ: ”Các con hãy thương xót, như Cha các con ở trên trời là Đấng xót thương” (Lc 6,36). Có thể là kitô hữu mà không thương xót không? Không. Tín hữu kitô phải là người thương xót, bởi vì đó là trọng tâm của Tin Mừng. Và trung thành với giáo huấn này, Giáo Hội chỉ có thể lập lại cùng điều ấy với con cái mình: ”Các con hãy thương xót”, như Thiên Chúa Cha và như Chúa Giêsu đã thương xót.

Và khi đó Giáo Hội hành xử như Chúa Giêsu. Giáo Hội không cho các bài học lý thuyết về tình yêu thương, về lòng thương xót. Không phổ biến trên thế giới một triết lý, một con đường khôn ngoan… Chắc chắn rồi, Kitô giáo cũng là tất cả những điều này, nhưng như là kết qủa, như là phản ánh. Như Chúa Giêsu mẹ Giáo Hội dậy với gương sáng và các lời nói dùng để minh giải ý nghĩa các cử chỉ của mình.

Mẹ Giáo hội dậy chúng ta cho kẻ đói khát ăn uống, cho người trần truồng quần áo mặc, Và Giáo Hội làm sao? Giáo Hội làm với gương của biết bao nhiêu thánh nam nữ đã thực thi điều đó một cách gương mẫu; Giáo Hội cũng làm với gương sáng của biết bao nhiêu người cha người mẹ, dậy con cái mình rằng điều chúng ta dư thừa là sự cần thiết cho người túng thiếu. Đây là điều quan trọng cần biết. Trong các gia đình kitô đơn sơ nhất luật hiếu khách đã luôn luôn là thánh thiêng: không bao giờ thiếu một đĩa thức ăn và một giường nghỉ cho người cần được giúp đỡ.

Một lần kia, một bà mẹ ở trong giáo phận khác đã kể cho tôi nghe bà đã muốn dậy ba đứa con bà và nói với chúng giúp cho kẻ đói ăn. Một hôm nọ người cha đi làm việc, bà và ba đứa con 7, 5 và 4 tuổi đang ăn trưa, thì nghe tiếng gõ cửa. Có một ông xin ăn. Bà nói ông đợi một chút, rồi vào nói với các con: ”Có một ông xin ăn, chúng ta làm gì bây giờ?” ”Chúng ta cho ông ăn đi mẹ, chúng ta cho ông ăn”. Mỗi đứa bé có một miếng bí tết và khoai tây chiên trong đĩa. ”Chúng ta lấy một nửa thức ăn của mỗi con và chúng ta cho ông phân nửa miếng bí tết của mỗi con”. ”Ồ không mẹ, như vậy đâu có được!”. ”Con phải làm như vậy, và cho đi một nửa của con”. Bà mẹ đã dậy các con cho kẻ đói ăn như vậy. Đây là thí dụ rất đẹp đã giúp tôi rất nhiều. ”Con đâu có thừa gì đâu”. ”Hãy cho phần của con”. Mẹ Giáo Hội cũng dậy chúng ta như vậy đấy. Và các bà, biết bao nhiêu bà mẹ hiện diện ở đây, chị em biết phải làm gì để dậy con cái chị em, để chúng chia sẻ những gì của riêng chúng với người cần được giúp đỡ.

Mẹ Giáo Hội dậy ở gần người đau yếu. Biết bao nhiêu thánh nam nữ đã phục vụ Chúa Giêsu theo kiểu mẫu này! Và biết bao nhiêu người đơn sơ nam nữ mỗi ngày thực hành việc thương xót này trong một phòng nhà thương, hay trong một nhà hưu dưỡng, hoặc trong chính nhà mình, khi giúp đỡ một người đau yếu. Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta ở gần người bị tù. ”Ồ thưa cha, anh ta nguy hiểm lắm, anh ta là người xấu”. Nhưng mà mỗi người trong chúng ta có khả năng… Xin anh chị em nghe rõ điều này: mỗi người trong chúng ta đều có khả năng làm cùng điều mà người đàn ông hay người đàn bà đó trong tù đã làm. Tất cả chúng ta đều có khả năng phạm tội và làm cùng điều đó, sai lầm trong cuộc sống. Họ không xấu hơn bạn và tôi đâu!

Lòng thương xót vượt mọi bức tường, mọi rào cản và đưa bạn tới chỗ luôn luôn tìm kiếm gương mặt của con người. Và lòng thương xót thay đổi con tim và cuộc sống có thể làm cho một người tái sinh và cho phép họ tái hội nhập vào xã hội.

Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta ở gần ai bị bỏ rơi và chết cô đơn. Đó là điều Chân phước Têrêxa đã làm trên các đường phố tại Calcutta; đó là điều mà biết bao nhiêu kitô hữu đã làm, họ không sợ hãi nắm tay một người đang rời bỏ thế giới này. Và ở đây cũng thế, lòng thương xót trao ban hòa bình cho người ra đi và cho người ở lại, bằng cách làm cho chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn cái chết, và khi ở trong Người cả sự tách rời cuối cùng cũng là một ”tái ngộ”. Chân phước Têrêxa đã hiểu rõ điều này. Người ta đã nói với mẹ: ”Thưa mẹ, điều này là mất thời giờ”. Tìm người hấp hối trên đường phố, người mà chuột cống đã bắt đầu ăn thịt, nhưng mẹ đem họ về nhà để họ chết trong an bình, được tắm rửa, thanh thản, được vuốt ve. Mẹ đã cho họ tất cả lời ”tạm biệt”. Và có biết bao nhiêu người nam nữ đã làm điều này như mẹ. Và họ chờ mẹ ở trên trời ở cửa để mở cửa Trời cho họ. Giúp con người chết tốt trong an bình.

Anh chị em thân mến, Giáo Hội là mẹ như thế, bằng cách dậy cho con cái mình các việc của lòng xót thương. Giáo Hội đã học được từ Chúa Giêsu con đường ấy, đã học biết rằng đó là điều nòng cốt cho ơn cứu rỗi. Chỉ yêu thương người yêu thương ta thôi, thì không đủ. Để thay đổi thế giới nên tốt lành hơn, cần phải làm điều thiện cho người không có khả năng đáp trả lại chúng ta, như Thiên Chúa Cha đã làm, bằng cách ban cho chúng ta Đức Giêsu. Chúng ta đã trả bao nhiêu cho ơn cứu rỗi của chúng ta? Không có gì hết, tất cả là nhưng không! Làm điều thiện mà không chờ đợi gì đổi lại. Thiên Chúa Cha đã làm như thế với chúng ta, và chúng ta cũng phải làm như vậy. Hãy làm việc thiện và tiến bước! Thật đẹp biết bao sống trong Giáo Hội, trong đó mẹ Giáo hội của chúng ta dậy chúng ta tất cả các điều này mà Chúa Giêsu đã dậy! Chúng ta hãy cám ơn Chúa là Đấng ban cho chúng ta ơn có Giáo Hội là mẹ, một người mẹ dậy chúng ta con đường thương xót, sự sống của sự sống. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa!

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ Pháp, Thụy Sĩ, và Sénégal, cũng như các tín hữu đến từ Anh quốc, vùng Galles, Êcốt, Phần Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Tiệp, Nam Phi, Philippines, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Colombia, Perù, Chilê, Argentina, Brasil và Bồ Đào Nha. Chào các tín hữu đến từ Syria và vùng Trung Đông, Đức Thánh Cha nói: Mẹ Giáo Hội dậy chúng ta đương đầu với thù hận bằng tình yêu thương, đánh bại bạo lực với sự tha thứ, trả lời cho vũ khí với lời cầu nguyện. Xin Chúa ban thưởng cho lòng trung thành của anh chị em, tuôn đổ trên anh chị em lòng can đảm, và mở mắt những người bị mù lòa bởi sự dữ, để họ thấy ánh sáng của sự thật và sám hối các lỗi lầm đã phạm.

Đức Thánh Cha cũng chào một đoàn hành hương Slovac do Đức Cha Rabeck, tổng tuyên úy quân đội, hướng dẫn. Trong số đông đảo các đoàn hành hương của nhiều giáo phận Italia do các Giám Mục hướng dẫn ngài chào tín hữu giáo phận Treviso về Roma hành hương nhân kỷ niệm 100 năm Đức Piô X qua đời, ngài đã là vị Giáo Hoàng có lòng hăng say mục vụ rất lớn; các tín hữu Modena và Reggio Emilia hành hương Roma để cám ơn lễ phong chân phước cho chủng sinh Rolando Rivi chứng nhân anh hùng của lòng trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng; nhóm hiến máu của Hội đồng các bộ trưởng. Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào và cám ơn các sĩ quan và binh sĩ hải quân thuộc toán cứu vớt người tỵ nạn ”Mare nostrum” vì hoạt động đáng khen của họ đối với các anh chị em đi tìm niềm hy vọng. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm mộ hai Thánh Tông Đồ dưỡng nuôi đức tin của họ được biểu lộ ra trong các công tác bác ái cụ thể.

Chào đông đảo các bạn trẻ, đặc biệt các em mới chịu phép Thêm Sức của giáo phận Chiavari, Đức Thánh Cha nhắc cho biết thứ sáu tới này là lễ nhớ Danh thánh Đức Maria. Ngài khích lệ họ hãy cầu khẩn danh Mẹ để nếm hưởng được sự dịu ngọt tình yêu của Mẹ Thiên Chúa. Ngài xin các anh chị em đau yếu cầu khấn Mẹ trong lúc vác thập giá của bệnh tật và khổ đau. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới nhìn lên Mẹ như mẫu gương con đường hôn nhân tận hiến và trung thành.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Giáo Hội là mẹ sinh chúng ta vào cuộc sống trong Chúa Kitô và dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí Tích

Giáo Hội là mẹ sinh chúng ta vào cuộc sống trong Chúa Kitô và dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí Tích

Giáo Hội là mẹ sinh chúng ta vào cuộc sống trong Chúa Kitô và dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Giáo Hội không phải là các linh mục hay các giám mục, mà là tất cả chúng ta. Chúng ta tất cả là con cái Giáo Hội nhưng chúng ta tất cả cũng là mẹ của các kitô hữu khác. Biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta đã không làm chứng tá cho chức làm mẹ này của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 3-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý chức làm mẹ của Giáo Hội. Ngài nói: chúng ta không tự mình trở thành tín hữu kitô với sức riêng của mình, một cách độc lập, cũng không trở thành kitô hữu trong phòng thí nghiệm, nhưng được sinh ra và làm cho lớn lên trong đức tin bên trong thân mình vĩ đại là Giáo Hội, mẹ chúng ta, một bà mẹ trao ban cho chúng ta sự sống trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta sống với tất cả các anh chị em khác trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Trong chức làm mẹ của mình Giáo Hội có Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương xinh đẹp và cao cả nhất. Đó là điều các cộng đoàn kitô tiên khởi đã đưa ra ánh sáng, và Công Đồng Chung Vaticăng II đã trình bầy một cách đáng ca ngợi (LG 63-64). Chức làm mẹ của Đức Maria chắc chắn là duy nhất, riêng biệt và được thành toàn, khi thời gian tới hồi viên mãn, lúc Đức Trinh Nữ cho chào đời Con Thiên Chúa, được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần. Giáo Hội tiếp nối và kéo dài chức làm mẹ ấy của Đức Maria trong dòng lịch sử. Trong sự phong phú của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục sinh ra các người con mới trong Chúa Kitô, luôn luôn lắng nghe Lời Chúa và ngoan ngoãn với chương trình tình yêu của Người. Thật thế, biến cố Chúa Giêsu sinh ra trong lòng Đức Maria báo trước việc sinh ra của mỗi kitô hữu trong lòng Giáo Hội, từ lúc Chúa Kitô là trưởng tử của đoàn em đông đúc (Rm 8,29), và Chúa Giêsu Người Anh thứ nhất của chúng ta đã sinh ra từ Đức Maria, là mẫu gương, và tất cả chúng ta được sinh ra trong Giáo Hội. Khi đó chúng ta hiểu tương quan kết hiệp Đức Maria và Giáo Hội sâu đậm chừng nào. Khi nhìn Giáo Hội, chúng ta nhận ra các đường nét siêu việt của Đức Maria. Chúng ta không mồ côi, chúng ta có một người mẹ, Giáo Hội là mẹ chúng ta, Đức Maria là Mẹ chúng ta.

Giáo Hội là mẹ chúng ta, bởi vì đã sinh ra chúng ta trong bí tích Rửa Tội. Mỗi lần chúng ta rửa tội cho một em bé, nó trở thành con của Giáo Hội và vào trong Giáo Hội. Và từ ngày đó như là bà mẹ sốt sắng, Giáo Hội làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin và với sức mạnh Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường cứu rỗi, bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Giêsu kho tàng qúy báu của Tin Mừng không phải để giữ nó cho mình, nhưng để quảng đại trao ban nó cho người khác, như một bà mẹ làm. Trong việc phục vụ rao truyền Tin Mừng này tỏ hiện một cách đặc biệt chức làm mẹ của Giáo Hội, như một bà mẹ dấn thân cống hiến cho con cái mình của ăn tinh thần dưỡng nuôi và làm cho cuộc sống kitô sinh hoa trái. Vì thế chúng ta tất cả được mời gọi tiếp nhận với tâm trí rộng mở Lời Chúa, mà hàng ngày Giáo Hội phân phát cho chúng ta, bởi vì Lời này có khả năng biến đổi chúng ta từ bên trong. Chỉ có Lời Chúa có khả năng thay đổi chúng ta từ bên trong, từ các gốc rễ sâu thẳm nhất của chúng ta. Và ai là người ban Lời Chúa cho chúng ta? Mẹ Giáo Hội. Với lời đó Giáo Hội cho chúng ta bú, với lời đó Giáo Hội dưỡng nuôi toàn cuộc sống chúng ta. Đây thật là điều cao cả! Chính Mẹ Giáo Hội thay đổi chúng ta từ bên trong với Lời Chúa. Lời Chúa, mà Giáo Hội ban cho chúng ta, biến đổi chúng ta khiến cho nhân bản tính của chúng ta không đập nhịp theo tính trần gian của xác thịt, nhưng theo Thần Khí.

Trong sự lo lắng hiền mẫu của mình Giáo Hội cố gắng chỉ cho tín hữu con đường phải theo để sống một cuộc đời phong phú niềm vui và hòa bình.

Được soi lối bởi ánh sáng Tin Mừng và trợ giúp bởi ơn thánh của các Bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể hướng các lựa chọn của chúng ta tới sự thiện và trải qua các lúc tối tăm và các con đường ngoằn nghèo trong cuộc sống với lòng can đảm và niềm hy vọng. Con đường cứu rỗi, qua đó Giáo Hội hướng dẫn chúng ta và đồng hành cùng chúng ta với sức mạnh của Tin Mừng và sự trợ lực của các Bí Tích, cho chúng ta khả năng bảo vệ mình khỏi sự dữ.

Giáo Hội có lòng can đảm của một bà mẹ và biết phải bênh vực con cái mình khỏi các hiểm nguy phát xuất từ sự hiện diện của Satan trong thế giới như thế nào, để đem chúng ta tới gặp gỡ Chúa Giêsu. Một bà mẹ luôn luôn bênh vực con cái mình. Sự bênh vực ấy cũng tỏ lộ ra trong việc khích lệ tỉnh thức: tỉnh thức chống lại sự lừa dối và cám dỗ của kẻ dữ. Bởi vì nếu Thiên Chúa đã chiến thắng Satan, thì nó cũng luôn trở lại với các cám dỗ của nó – chúng ta biết điều đó – tất cả chúng ta đều đã bị cám dỗ và đang bị cám dỗ, ”như sư tử rảo quanh tìm mồi để cắn xé” (1 Pr 5,8). Và chính chúng ta phải đừng khờ khạo, Satan đến ”như sư tử gầm gừ”. Tông Đồ Phêrô nói như thế. Chúng ta không được khờ khạo, nhưng phải tỉnh thức và vững vàng kháng cự trong đức tin. Kháng cự với các lời khuyên của mẹ, kháng cự với sự trợ giúp của mẹ Giáo Hội, như một bà mẹ tốt lành luôn luôn đồng hành với các con cái mình trong những lúc khó khăn.

Các bạn thân mến, đó là Giáo Hội, đó là Giáo Hội mà chúng ta yêu mến, đó là Giáo Hội mà tôi yêu mến: một bà mẹ lưu tâm tới hạnh phúc của con cái mình và có khả năng trao ban sự sống cho con cái mình. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng Giáo Hội không phải là các linh mục hay các giám mục, không, Giáo Hội là chúng ta tất cả! Giáo Hội là tất cả chúng ta! Có đồng ý không? Và chúng ta là con nhưng cũng là mẹ của các kitô hữu khác, chúng ta tất cả. Tất cả mọi người đã được rửa tội, nam giới nữ giới, chúng ta cùng là Giáo Hội. Biết bao lần trong cuộc sống chúng ta không làm chứng cho chức làm mẹ của Giáo Hội, cho lòng can đảm hiền mẫu của Giáo Hội? Biết bao lần chúng ta hèn nhát, phải không? Không, không được như vậy!

Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, bởi vì như là mẹ của Người Anh Cả, của Trưởng Tử Giêsu, Mẹ dậy chúng ta có cùng tinh thần hiền mẫu của mẹ đối với các anh chị em khác, với khả năng chân thành tiếp nhận, tha thứ, trao ban sức mạnh và thông chuyền sự tin tưởng và niềm hy vọng. Đó là điều mà một bà mẹ làm.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ Pháp, Đức, Senegal, Mozambic, Nam Phi, Anh quốc, Ailen, Malta, Canada, Hoa Kỳ, Sri Lanka, Tây Ban Nha, Mêhicô, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Colombia và Argentina. Bồ Đào Nha, Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng Arập, đặc biệt các tín hữu Iraq, Đức Thánh Cha nói: Giáo Hội săn sóc con cái mình và bảo vệ các đứa con không được bênh đỡ và bị bách hại. Tôi muốn bảo đảm với các anh chị em bị bách hại sự gần gũi. Anh chị em ở trong tim của Giáo Hội, Giáo Hội đau khổ với anh chị em và hãnh diện vì anh chị em; anh chị em là sức mạnh của Giáo Hội và là chứng tá cụ thể đích thực của sứ điệp cứu độ, tha thứ và tình yêu thương của Giáo Hội. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và che chở anh chị em!

Đức Thánh Cha cũng hợp tiếng với Đức Giám Mục giáo phận Terni-Narni-Amelia bầy tỏ lo âu về tình trạng nghiêm trọng vì các dự án của hãng Thyssenkrupp. Ngài kêu gọi đừng để cho cái luận lý của lợi nhuận chiến thắng, nhưng là tình liên đới và công bằng; con người và nhân phẩm phải là trung tâm của mọi lãnh vực, kể cả việc làm.

Chào các bạn trẻ, đặc biệt là các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức, ngài nhắn nhủ người trẻ sau kỳ hè giờ đây trở lại với sinh hoạt thường ngày biết tiếp tục đối thoại với Chúa và dãi tỏa ánh sáng ra chúng quanh mình.

Ngài mong các anh chị em bệnh nhân tìm được điểm tựa nơi Chúa Giêsu và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Đức Thánh Cha nhắc nhở các cặp vợ chồng mới cưới duy trì sự tiếp cận với Chúa để tình yêu của họ được lâu bền và đích thực.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Theo Thầy Giêsu

Theo Thầy Giêsu

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

 Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

 Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

 Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

 Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

 Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại, nhiều khi phải chịu mất trước, rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự, nếu họ mất vì Thầy Giêsu, thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

 Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải "đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo". Theo Thầy không phải để vinh thân phì gia. Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha. Thầy là sự thật giải thoát muôn dân. Muốn theo Thầy, không những phải "từ bỏ chính mình", tức là "tư tưởng của loài người", mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai. Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá. Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát. Muốn theo Thầy "anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1).

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường từ bỏ.

Từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ, thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó, cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác. (sợi chỉ đỏ).

Làm môn đệ Thầy Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải "từ bỏ mình". Cái phần "mình" được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần "Chúa" được gia tăng bấy nhiêu. "Từ bỏ mình" hoàn toàn thì sẽ trở thành "Kitô khác" hoàn toàn.

Như thế, từ bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường sự sống

 Theo Thầy Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết, mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục, mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ, mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

 Theo Thầy Giêsu, các môn đệ bị người đời chê là khờ dại vì sống từ bỏ và vác thập giá hàng ngày. Thế nhưng họ vui mừng sống một nghịch lý căn bản "mất mạng sống mình vì Thầy". Con người ta cứ tưởng rằng, chiếm hữu càng nhiều thì càng làm cho mình giàu có thêm. Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống. Nhiều người đánh đổi mạng sống để có của cải vật chất. Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian. Nhưng "nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?" (Mt 16,26). Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là "mất mạng sống mình vì Thầy" (Mt 16,25). Như thế, phải chăng Thầy có sức thu hút khiến người ta không thể cưỡng lại được? Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên: "Lạy Ðức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng" (Gr 20,7). Thầy có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để "ngày thứ ba sẽ chỗi dậy" (Mt 16,21) từ cõi chết. Cả thế giới cũng không đem lại sự sống. Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ "tìm được mạng sống ấy" (Mt 16,25), vì Thầy là "sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25). Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ vì Thầy là "con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6).

 Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất, mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại, để được tương lai. Mất đời này, để được đời sau. Mất phàm tục, để được thần thiêng. Mất tạm bợ, để được vĩnh cửu.

 Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

 Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

Cầu nguyện

"Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen." (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Xin cho các Kitô hữu được Lời Chúa linh hứng dấn thân phục vụ người nghèo và những ai đau khổ (Ý chỉ truyền giáo tháng 9)

Xin cho các Kitô hữu được Lời Chúa linh hứng dấn thân phục vụ người nghèo và những ai đau khổ (Ý chỉ truyền giáo tháng 9)

Trong tháng 9 năm 2014 Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới ”Cầu xin cho các Kitô hữu được Lời Chúa linh hứng dấn thân phục vụ người nghèo và những ai đau khổ”.

Khi đọc các Phúc Âm kể lại cuộc đời Đức Giêsu thành Nagiarét, chúng ta nhận ra rất nhiều nét trong gương mặt của Người: Người là hiện thân tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đức Giêsu không chỉ giảng dạy, nhưng Người còn làm rất nhiều phép lạ chữa lành mọi tật bệnh, vực dậy những kẻ còng lưng dưới sức nặng của cuộc sống, tái trao ban ánh sáng cho người mù, mở tai cho kẻ điếc, mở lưỡi cho người câm, cho người què đi được, người phong cùi được lành sạch, cho kẻ chết sống lại, nuôi dưỡng đám đông dân chúng để họ khỏi đói và dậy dỗ mọi người con đường mới đưa đến sự sống thật. Gương sống đó của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa nhập thể làm người, phải luôn luôn linh hứng cho chúng ta ra khỏi chính mình và sự thờ ơ của mình, để lắng nghe tiếng khóc của những anh chị em nghèo túng và khổ đau. Yêu thương phục vụ người nghèo là dụng cụ loan báo Tin Mừng mạnh mẽ và hữu hiệu nhất.

Đó đã là con đường mà nhiều vị thánh đã đi. Điển hình như Mẹ thánh Têrexa thành Calcutta. Mẹ đã từ bỏ nếp sống an lành trong dòng các Nữ tu Loreto, nơi mẹ đã dậy môn lịch sử và địa lý 17 năm, để ra đi trợ giúp những kẻ bần cùng nhất trong xã hội Ấn Độ và thành lập dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái cho công tác yêu thương phục vụ dân nghèo, những người bị bỏ rơi, sống lang thang trên hè phố, bần cùng, khốn khổ, bệnh tật, hấp hối không đươc ai đoái hoài. Sau này dòng có thêm nhánh nam nữa. Và các tu sĩ nam nữ thừa sai bác ái này hằng ngày noi theo gương sống của Chúa Giêsu xưa kia.

Trước đó nữa trong lịch sử Giáo Hội cũng có thánh Phanxicô thành Assisi, thánh Vincent de Paul hay thánh Gioan Bosco. Bên cạnh các nam nữ tu sĩ của hàng ngàn dòng tu, cũng còn có nhiều giáo dân nam nữ đó đây trên thế giới này hy sinh tiền của, thời giờ, sức lực để trợ giúp các anh chị em nghèo khổ, đói khát, đau yếu, tàn tật, mồ côi, các tù nhân, các người nghiện ma túy, nghiện rượu, các người tỵ nạn và những người bị xã hội gạt bỏ ra bên lề, thuộc đủ mọi lứa tuổi, mầu da và tiếng nói.

Đó cũng là mục đích của rất nhiều tổ chức công giáo, trong đó có các tổ chức Caritas giáo phận và Caritas quốc tế, Misereor, Adveniat, Renovabis của Giáo Hội Đức, cũng như hàng ngàn hiệp hội bác ái tông đồ. Chẳng hạn ở Roma có cộng đoàn thánh Egidio thường xuyên trợ giúp người nghèo, người vô gia cư, người tỵ nạn, và dấn thân giảng hòa các quốc gia có chiến tranh.

Ngày 27 tháng 12 năm 2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đến thăm cộng đoàn và dùng bữa với mấy trăm anh chị em nghèo, vô gia cư và người tỵ nạn thuộc mọi quốc tịch. Ngỏ lời trong dịp này Đức Thánh Cha nói: qua các cử chỉ yêu thương của những người theo Chúa Giêsu, sự thật hiển hiện, theo đó ”Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, vì thế chúng ta cũng có thể đáp trả lại bằng tình yêu” (Thiên Chúa là Tình Yêu, s. 17). Chúa Giêsu đã nói: ”Vì Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi han…. Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,35-36.40).

Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những anh chị em bần cùng khốn khổ và bị khinh miệt nhất trong xã hội loài người. Chính Chúa Giêsu đã phải sống trong những hoàn cảnh đó: sinh ra khó nghèo trong chuồng bò vì gia đình đã không được ai trong làng Bếtlêhem tiếp đón, còn bé tí đã phải chạy trốn và sống kiếp tỵ nạn bên Ai Cập, rồi sau này lang thang rao giảng Tin Mừng cho mọi người sống như một kẻ vô gia cư.

Anh chị em biết khó khăn có nghĩa là gì, nhưng nơi đây trong cộng đoàn thánh Egidio này, anh chị em tìm thấy người yêu thương và trợ giúp anh chị em, và anh chị em còn tìm thấy một gia đình cống hiến cho anh chị em dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa nữa… Dấn thân của cộng đồng thánh Egidio trợ giúp những người cô đơn và nghèo túng thật đáng ca ngợi! Các hoạt động ấy nảy sinh từ việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Tôi muốn khuyến khích từng người kiên trì trên con đường lòng tin này. Với các lời của thánh Chrysostomo tôi muốn nhắc lại cho anh chị em rằng: ”Hãy nhớ rằng bạn trở thành linh mục của Chúa Kitô, khi cho đi bánh ăn của bạn, không phải thịt, nhưng là bánh của bạn, không phải máu, nhưng là một ly nước lã” (Các Bài giảng về Phúc Âm thánh Mátthêu, 42, 3). Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ ra trong việc phục vụ cụ thể đối với các anh chị em nghèo túng cống hiến cho cuộc sống sự giầu có biết bao! Vào thời đó khi các quan tòa Roma đe dọa ra lệnh cho phó tế Laurenxô của Giáo Hội Roma phải giao nộp các kho tàng của Giáo Hội, người đã chỉ các người nghèo của thành Roma như là kho tàng đích thật của Giáo Hội. Khi nhắc lại cử chỉ của Phó tế Laurenxô, chúng ta có thể nói: hỡi các anh chị em nghèo, anh chị em cũng là kho tàng qúy báu của Giáo Hội.

Với các tư tưởng trên đây trong tháng 9 tới này hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy ”Cầu xin cho các Kitô hữu được Lời Chúa linh hứng dấn thân phục vụ người nghèo và những ai đau khổ”.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

“Con Thiên Chúa hằng sống”

“Con Thiên Chúa hằng sống”

Trong những giờ chầu Thánh Thể, ta vẫn hát: “Này con là Đá…”, để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Lời hát như vang vọng tiếp nối một truyền thống thật xa lên đến giờ phút ở Xêđarê Philipphê khi Chúa Giêsu lập Giáo Hội với một nhóm nhỏ còn lang thang dong ruổi hành trình rao giảng Nước Trời, chưa hình thành một cơ cấu chặt chẽ và ổn định.

Không biết mỗi lần hát chúng ta có đủ lắng sâu để chiêm ngấm biến cố lạ lùng khi Chúa Giêsu quyết định đặt một con người mỏng manh đến thế để làm đầu Giáo Hội và làm đá tảng để Ngài xây dựng Giáo Hội của Ngài trên đó. Ngay chính khi vào giờ đó Phêrô cũng chưa mường tượng ra được Giáo Hội mà ông được trao phó cho trách nhiệm thánh thiêng và cao quý ngần ấy sẽ như thế nào và sẽ thành hình ra sao?

1. Một quyết định dựa trên mạc khải

Ở một địa điểm xa với những sinh hoạt chính trị và tôn giáo, Đức Giêsu đã muốn cho các môn đệ của mình có dịp đào sâu mối tương quan thân tình và sâu đậm với Ngài để rồi đến một lúc nào đó khi ân sủng đã đầy tràn, đã tác động nơi những con người mỏng dòn và nhỏ bé này thì Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi trở nên căn bản cho mọi thời: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”

Đức Giêsu là ai đối với các môn đệ quả thật là hệ trọng vì nó xác định mối tương quan thật sự giữa họ và Thầy mình. Điều nầy đã trở nên cốt thiết đến nỗi nó sẽ chi phối toàn thể cung cách sống và hoạt động của họ.

Nếu người ta không gặp và biết Đức Giêsu là ai. Thực sự là ai thì mọi nỗ lực xây dựng đều không có nền móng vững chắc. Chỉ cần một khủng hoảng, một biến động nào đó của hoàn cảnh đủ làm sụp đổ toàn bộ những kiến tạo vừa mới được thiết lập. Người ta có thể theo Chúa Giêsu một khoảng thời gian nào dó để rồi sẽ hối tiếc vì mình đã lầm tưởng và không thể đáp trả trước một đòi hỏi cho là quá lớn của một Đấng, mà mình chưa coi là số một của đời mình. Chúng ta thường thấy Chúa Giêsu nói câu này: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” Ngài luôn muốn nối một cây cầu gặp gỡ với những ai lãnh nhận ơn lành của Ngài. Như vậy Ngài không chỉ bằng lòng với việc họ đã nhận được điều nầy điều nọ mà Ngài phải là ai đối với họ.

“Đức Giêsu thực sự là ai? “

Câu trả lời chính xác vẫn không nằm trong tầm tay của ta mà chỉ có ân sủng mới cho ta lời giải đáp trọn vẹn. Lời tuyên tín của Phêrô không phải là thành quả của việc tổng kết các lời nói việc làm của Đức Giêsu dẫn Phêrô đến chỗ khám phá ra chân tính của Đức Giêsu mà là một tác động thần linh đã soi tỏ cho Phêrô biết.

“Anh thật có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy mà là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17)

Bởi vì những gì thuộc về máu thịt, trí tuệ cùng lắm chỉ là một tiên tri hay tệ hơn chỉ là một vĩ nhân dù đó là vĩ nhãn số một của nhân loại. Nhưng hơn thế nữa: “Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Để nghiệm được điều đó, đón nhận được mầu nhiệm ấy, không chỉ cần khiêm tốn của trí tuệ mà cần nhận được mặc khải từ nơi Thiên Chúa.

Lời tuyên tín của Phêrô tỏ cho thấy ông được Chúa Cha mặc khải cho mầu nhiệm cơ bản của Nước Trời và là dấu sự chọn lựa của Thiên Chúa. Đức Giêsu biết rằng đã đến lúc Ngài có thể khởi đầu việc đặt nền móng xây dựng một tòa nhà kiên cố liên quan đến toàn bộ chiều dài của lịch sử? “Trên táng đá nàyThầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” Một quyết định thật bất ngờ nhưng lai dựa trên ý định của Cha nơi mặc khải cua Ngài.

2. Hội thánh trên tảng đá sống

Khi thoáng nhìn một con thuyền nhỏ bé lênh đênh trên biển cả bao la, ta chợt có ý tưởng nghi ngại: một con thuyền như vậy liệu có thể vượt đại dương đầy sóng gió hãi hùng, đầy bão tố hiểm nguy để về đến bến bình yên không.

Cũng như vậy, tự nhiên ta sẽ nghĩ về Phêrô: ông cũng chỉ là một con người với vô vàn khuyết điểm, yếu đuối mà ta đã thấu rõ chất người của ông lúc ông sợ hãi can ngăn Chúa Giêsu lên Giêrusalem, khi ông nhát đảm chối bỏ Thầy trong dinh thượng tế. Thế mà ông lại được chọn để làm nền cho Giáo Hội và mọi quyền lực âm phủ không lay chuyển nổi.

Sự an toàn không ở nơi tảng đá sống đó mà ở nơi lời tác tạo của Đức Giêsu, lời bảo đảm cho công trình của Ngài. Chỉ có lời của Đức Giêsu làm nền tảng thực sự cho Giáo Hội vừa được chính thức thiết lập.

Phêrô – người và những đấng kế vị mãi là những viên đá sống động nên không thiếu những yếu hèn và khuyết điểm. Nhưng Thiên Chúa thì mạnh mẽ và trung tín với lời hứa của Ngài. Nhờ đó chúng ta sẽ không nao núng, hay thất vọng trước những yếu kém nào đó của những con người trong Giáo Hội. Chính Chúa sẽ thi thố quyền năng, giữ gìn và bảo vệ công trình tay Ngài dựng nên.

3. Cộng tác với ân sủng và khiêm tốn đón nhận

Chúa Giêsu đã không khen Phêrô có công trong lời tuyên tín chuẩn mực của ông. Tất cả đều là ơn nhưng không của Thiên Chúa, nhưng Phêrô diễm phúc vì đã để cho mặc khải của Thiên Chúa được tự do hành động trong con người của mình. Mặc khải đã đến trong tâm hồn, trí tuệ và lời nói của Phêrô đã bật ra thành lời tuyên xưng. Ông đã không cản trở tác động của ơn thánh mà cộng tác để làm lộ ra mặc khải Thiên Chúa ông đã nhận được nơi bản thân. Điều nầy có vẻ là một thái độ thụ động, nhưng thật ra đây cũng là một thái độ cần thiết đòi hỏi nỗ lực đón nhận và tự do ưng thuận. Thiên Chúa luôn để cho ta được tự do đáp trả điều Ngài muốn làm nơi ta, vì thế sẵn sàng mở cửa cho ơn thánh cũng là một thái độ cộng tác với ơn của Thiên Chúa. Ngài muốn dùng ta như trung gian ân huệ Thiên Chúa.

4. Câu hỏi dành cho mỗi người: “Đức Giêsu là ai đối với bạn?”

Câu hỏi ấy vẫn mãi vang lên trong Hội Thánh và giữa nhân loại. Không biết Đức Giêsu và không biết Ngài là ai đối với mình thì mọi chức vụ đều vô nghĩa. Người ta không thể phục vụ mà lại không biết rõ người sai gởi mình. Chính trong mối tương quan với đức Giêsu mà sau ngày Phục Sinh Đức Giêsu lại tiếp tục hỏi Phêrô về lòng yêu mến. Có biết đức Giêsu và yêu mến Ngài người ta mới có thể sống tận cùng sự phục vụ và yêu mến tha nhân.

Để biết Đức Giêsu, người ta sẽ phải tìm kiếm Ngài, hiểu biết Ngài và nhất là gặp gỡ Ngài. Nhờ những giờ phút gần gũi, những khoảnh khắc lắng nghe Lời Ngài, những thời gian sống cho Ngài, người ta sẽ có được một kinh nghiệm, một tương quan cá vị, và điều này sẽ giúp tăng tiến mối quan hệ với đức Giêsu.

“Đức Giêsu ai đối với tôi? “

Câu hỏi ấy dành cho chính tôi – Tôi sẽ trả lời thế nào? Không thể lấy lại những gì tôi đã nghe người khác nói về Ngài. Còn bản thân thì chưa biết Ngài như một em bé học giáo lý đã phải khóc thốt nên rằng “Sao ai cũng nói về một người tên là Giêsu, nhưng con chẳng biết ông là ai? Con chưa bao giờ gặp ông ấy!”

Tệ hơn nữa có khi ta vẫn cứ tuyên xưng: Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống mà thực sự ta chẳng hề tin, chẳng hề hiểu và chẳng hề sống lòng tin của mình.

Có lẽ chính chúng ta sẽ phải đi tại hành trình khám phá Đức Giêsu: nhìn lại những sợi dây nối kết chúng ta với đức Giêsu hơn là bằng lòng với những gì người khác nói cho ta về Ngài.

Lời Chúc phúc cho Phêrô hôm nay cũng sẽ là Lời chúc phúc cho tất cả những ai nhận thực Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, để rồi thể hiện rõ nét trong đời sống mình tuyên xưng mà chúng ta vẫn đọc trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa…”

 

Hội Thánh của Chúa

Hội Thánh của Chúa

“Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Với lời này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh. Lời Chúa cho ta thấy những đặc tính của Hội Thánh.

Đó là một Hội Thánh cho con người.

Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phêrô. Phêrô vốn là một người yếu đuối. Đời ông nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Đã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Đã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước. Đã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thầy trước giờ tử nạn. Và tệ hại nhất là đã từng chối Thầy ba lần khi Thầy chịu khổ nạn. Nền tảng tượng trưng cho cả toà nhà. Nền tảng Phêrô là một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn. Những thất bại của Phêrô thường diễn ra trong bóng đêm. Đánh cả suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thầy trong bóng đêm. Đó là hình ảnh Hội Thánh còn phải lần mò đi trong đêm tối thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người. Chúa dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người.

Đó là một Hội Thánh của Thiên Chúa.

Tuy Hội Thánh dành cho con người, gồm những con người yếu đuối, nhưng đó lại là Hội Thánh của Thiên Chúa. Hội Thánh của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa thiết lập. Chúa Giêsu xác định đây là “Hội Thánh của Thầy”. Hội Thánh của Thiên Chúa nên sống bằng sức sống của Thiên Chúa chứ không bằng sức sống của con người. Thật vậy, Hội Thánh rất yếu đuối. Có những yếu đuối khi phải đương đầu với những khó khăn thử thách bên ngoài. Biết bao vua chúa đã muốn triệt hạ Hội Thánh khi Hội Thánh chỉ là một nhóm những người bé nhỏ nghèo hèn. Có những yếu đuối từ trong nội bộ. Biết bao lần chia rẽ, phân ly. Biết bao lỗi lầm tai hại tưởng như khiến Hội Thánh đổ nát tan tành. Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững với thời gian. Vì đó là Hội Thánh của Thiên Chúa.

Hiểu biết như thế, ta phải có thái độ thích hợp.

Vì Hội Thánh là chính chúng ta, những con người mỏng giòn, nên ta cần khiêm nhường. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối. Khiêm nhường nhận biết Hội Thánh còn chưa thánh thiện. Khiêm nhường như thánh Phêrô suốt đời cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khiêm nhường như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công khai lên tiếng xin lỗi về những sai sót của Hội Thánh. Ta không chỉ khiêm nhường khi đấm ngực chuẩn bị dâng thánh lễ, mà còn phải khiêm nhường trong đời sống hằng ngày.

Vì Hội Thánh là cho con người nên ta cần có thái độ cảm thông. Biết mình yếu đuối, tôi sẽ dễ cảm thông với những yếu đuối của anh em. Cảm thông không phải để mặc anh em chìm xuống, những để giúp anh em vượt lên. Như lời Chúa dạy Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32)

Vì Hội Thánh là của Chúa nên ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Biết mình u mê, ta sẽ phó thác cho Chúa hướng dẫn cuộc đời. Biết mình yếu đuối, ta sẽ không còn cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, làm việc bằng sức mạnh của Chúa. Như thánh Phêrô giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà.

Lạy Chúa, xin thánh hoá Hội Thánh Chúa. Amen.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Chúa Kitô không loại bỏ các nền văn hóa nhưng đưa chúng tới chỗ thành toàn

Chúa Kitô không loại bỏ các nền văn hóa nhưng đưa chúng tới chỗ thành toàn

Trong lịch sử đức tin tại Đại Hàn người ta thấy Chúa Kitô không hủy bỏ các nền văn hóa, không xóa bỏ con đường của các dân tộc, qua các thế kỷ và các kỷ nguyên tìm kiếm sự thật và thực thi tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa Kitô không loại bỏ điều tốt lành, nhưng làm cho nó tiến tới và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buoi tiếp kiến sáng thứ tư 20-8-2014 trong đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vaticăng.

Như qúy vị và các bạn biết, Đức Thánh Cha vừa mới công du Nam Hàn về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu kinh nghiệm và một số cảm tưởng của ngài. Đức Thánh Cha nói: Trong những ngày vừa qua tôi đã hoàn thành chuyến tông du bên Đại Hàn, và hôm nay cùng anh chị em tôi cảm tạ Thiên Chúa vì ơn trọng đại này. Tôi đã có thể viếng thăm một Giáo Hội trẻ trung và năng động, được xây dựng trên chứng tá của các vị tử đạo và được linh hoạt bởi tinh thần truyền giáo, trong một đất nước, nơi các nền văn hóa á châu và sự mới mẻ trường tồn của Tin Mừng gặp gỡ nhau.

Tôi muốn một lần nữa bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với các anh em Giám Mục thân mến của Đại Hàn, với bà tổng thống Cộng hòa, các giới chức lãnh đạo và tất cả những ai đã cộng tác vào chuyến viếng thăm này.

Ý nghĩa của chuyến tông du có thể được cô đọng trong ba từ: ký ức, hy vọng và chứng tá. Cộng Hòa Đại Hàn là một quốc gia đã có một sự phát triển kinh tế đáng kể và nhanh chóng. Dân chúng là những người làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, trật tự và phải duy trì sức mạnh đã thừa hưởng của cha ông.

Trong tình trạng này Giáo Hội là người giữ gìn ký ức và niềm hy vọng: đó là một gia đình thiêng liêng trong đó người lớn thông truyền cho giới trẻ ngọn đuốc đức tin đã nhận được từ người già; ký ức của các chứng nhân trong hiện tại và niềm hy vọng trong tương lai. Trong viễn tượng này có thể đọc hai biến cố chính của chuyến viếng thăm: việc phong chân phước cho 124 vị Tử Đạo Đại Hàn, thêm vào số các vị đã được phong hiển Thánh cách đậy 30 năm bởi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; và cuộc gặp gỡ với giới trẻ nhân Ngày giới trẻ công giáo Á châu kỳ 6.

Người trẻ luôn luôn là một con người tìm kiếm cái gì đáng để sống, và vị Tử đạo làm chứng tá cho cái gì đó, còn hơn thế nữa cho Một Ai Đó, đáng để hiến mạng sống mình cho Vị ấy. Thực tại này là Tình Yêu của Thiên Chúa, đã nhập thể nơi Đức Giêsu, Chứng Nhân của Thiên Chúa Cha. Trong hai thời điểm của chuyến viếng thăm dành cho giới trẻ Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã làm cho chúng tôi tràn ngập niềm vui và niềm hy vọng, mà các người trẻ sẽ đem theo về trong các quốc gia khác nhau, và nó sẽ sinh biết bao thiện ích!

Giáo Hội tại Đại Hàn cũng giữ gìn ký ức và vai trò ưu tiên, mà các giáo dân đã có ngay từ thời bắt đầu của đức tin, cũng như trong công tác rao truyền Tin Mừng. Thật thế, trên phần đất này cộng đoàn kitô đã không được thành lập bởi các thừa sai, nhưng bởi một nhóm người trẻ đại hàn thuộc hậu bán thế kỷ 18. Họ bị hấp dẫn bởi vài văn bản kitô, họ học hiểu chúng và chọn chúng làm luật sống. Một người trong nhóm họ đã được gửi sang Bắc Kinh để lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và rồi, tới lượt mình, giáo dân đó đã rửa tội cho các bạn. Từ hạt nhân đầu tiên đó đã phát triển một cộng đoàn lớn, ngay từ ban đầu và trong khoảng một thế kỷ đã chịu các bắt bớ tàn bạo, với hàng ngàn vị tử đạo. Như vậy Giáo Hội tại Đại Hàn đã được xây dựng trên đức tin, trên dấn thân truyền giáo và sự tử đạo của các giáo dân trung thành.

Các kitô hữu đại hàn đầu tiên lấy cộng đoàn kitô tiên khởi Giêrusalem thời các tông đồ làm mô thức, bằng cách thực thi tình yêu thương huynh đệ vượt mọi khác biệt xã hội. Vì thế tôi đã khích lê các kitô hữu ngày nay quảng đại trong việc chia sẻ với các anh chị em nghèo túng và các người bị gạt bỏ, theo Tin Mừng thánh Mátthêu chương 25: ”Tất cả những gì các ngươi đã làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta, là đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Anh chị em thân mến, trong lịch sử đức tin tại Đại Hàn người ta thấy Chúa Kitô không hủy bỏ các nền văn hóa, không xóa bỏ con đường của các dân tộc, qua các thế kỷ và các kỷ nguyên tìm kiếm sự thật và thực thi tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Chúa Kitô không loại bỏ điều tốt lành, nhưng làm cho nó tiến tới và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Trái lại, điều mà Chúa chiến đấu và đánh bại là kẽ dữ, kẻ gieo cỏ lùng giữa con người với nhau, giữa các dân tộc với nhau. Nó gieo thuốc độc của hư vô trong trái tim người trẻ. Điều này thì Chúa Giêsu Kitô đã chiến đấu và đã thắng với Hy tế tình yêu của Người. Và nếu chúng ta ở trong Người, trong tình yêu của Người, thì cả chúng ta nữa, như các vị Tử Đạo, chúng ta có thể sống và làm chứng cho chiến thắng của Người. Với niềm tin này chúng tôi đã cầu nguyện và giờ đây chúng tôi cũng cầu nguyện để mọi con cái của đất nước Đại Hàn, đang chịu đau khổ vì các hậu qủa của chiến tranh và chia rẽ, có thể hoàn thành con đường của tình huynh đệ và sự hòa giải.

Chuyến công du này đã được soi sáng bởi lễ Đức Maria hồn xác lên trời. Từ trên cao, nơi Mẹ hiển trị với Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội đồng hành với lộ trình của dân Chúa, nâng đỡ các bước chân mệt mỏi nhất, an ủi những người đang sống trong thử thách, và giữ gìn cho chân trời của niềm hy vọng được rộng mở. Nhờ lời bầu cử hiền mẫu của Mẹ, xin Chúa luôn chúc lành cho dân tôc Đại Hàn, ban cho họ bòa bình và thịnh vượng, và xin Chúa chúc lành cho Giáo Hôi sống trên vùng đất này, để Giáo Hội luôn luôn phong phú và tràn đầy niềm vui của Phúc Âm.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện. Chào các nhóm nói tiếng Pháp ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho toàn Giáo Hôi và các cộng đoàn Á châu, cũng như cho tất cả các kitô hữu bị bách hại trên thế giới, cách riêng các kitô hữu tại Irak, cũng như cho các nhóm tôn giáo thiểu số không kitô nhưng cũng bi bách hại. Ngài chào một gia đình Pháp về Roma hành hương với 6 người con và hai con lừa.

Đức Thánh Cha cũng chào các trẻ em giúp lễ đảo Malta và cám ơn các em đã giúp lễ tại đền thờ Thánh Phêrô trong tháng vừa qua. Ngỏ lời với các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài chào các anh chị em Đại Hàn sống tại Đức, Áo và Thụy Sĩ về hành hương Roma. Ước chi chúng ta có thể học từ nhau và nâng đỡ nhau trong đức tin. Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Thiên Chúa để nhân dân Đại Hàn khổ đau vì các hậu qủa của chiến tranh và chia rẽ có thể hoàn thành con đường hòa giải trọn vẹn.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nói ngài hướng tới Ngày quốc tế giới trẻ tại Cracovia, và cầu xin cho các chuẩn bị là dịp cho tất cả mọi người đào sâu đức tin, đức cậy và đức mến. Ngài đặc biệt cám ơn các bạn trẻ đã tham dự các buổi tĩnh tâm hay hành hương trong mùa hè để bầy tỏ lòng yêu mến và cầu nguyện theo các ý chỉ của ngài.

Chào các tín hữu Italia Đức Thánh Cha ca ngợi lòng can đảm của các tham dự viên hành hương bằng canô từ Loreto về Roma, cũng như đoàn hành hương Pháp đi lừa về Roma. Bên cạnh đó là các tham dự viên cuộc hành hương Phanxicô cho hóa bình đi bộ từ đảo Siclila về Assisi. Ngài cầu chúc các sáng kiến này thúc đẩy mọi người dấn thân cho hòa bình trên thế giời.

Ngài cũng cám ơn tín hữu về các lời chia buồn vì tai nạn xe hơi xảy ra cho gia đình ngài bên Argentina, khiến cho vợ và hai con của môt người cháu ruột tử nạn. Ngài nói: Đức Giáo Hoàng cũng có một gia đình. Chúng tôi gồm 5 anh em, tôi có 16 đứa cháu, và một trong các người cháu này đã bị tai nạn xe hơi. Vợ và hai con nhỏ một tuổi và mấy tháng bị chết, còn anh ta đang trong tình trạng nguy kịch ở nhà thương. Tôi xin cám ơn anh chị em rất nhiều về các lời chia buồn và cầu nguyện.

Chào các bạn trẻ Đức Thánh Cha mời gọi họ luôn học nhìn lên Mẹ Maria và khẩn cầu Mẹ để đừng bị tội lỗi chiến thắng, và có thể sống các hoa trái của ơn thánh mà Chúa Giêsu Con Mẹ đem đến cho chúng ta.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Tâm hồn khiêm tốn

Tâm hồn khiêm tốn

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Biến cố chúng ta vừa đọc lại trên đây cho thấy Chúa Giêsu đã vượt qua một biên giới, và đến gần vùng đất của dân ngoại. Và tại đây Ngài đã gặp một người đàn bà được hưởng lấy lợi ích từ tác vụ của Chúa Giêsu, tự lãnh nhận những hồng ân Thiên Chúa như những người con Do Thái đồng hương. Vừa bước vào vùng đất mới, Chúa Giêsu nghe được lời kêu van của một người đàn bà đang gặp thử thách: “Lạy Ngài, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi. Đức con gái tôi bị quỉ ám khổ sở lắm”. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Trước lời kêu xin tha thiết như vậy, tại sao Chúa không đáp lại? Chúa là Đấng nhân từ, đầy cảm thông trước cảnh cùng khổ của những ai đến với Chúa và đã dạy các tông đồ: “Hãy cầu nguyện thì sẽ được. Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”. Thế mà tại sao Chúa lại làm thinh, không trả lời cho người đàn bà đang thành tâm kêu xin? Hẳn có lý do.

Các tông đồ không hiểu được thái độ của Chúa và cũng không muốn bị quấy rầy nên đã nói với Chúa như sau: “Xin Thầy bảo bà ấy đi đi, kẻo bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Các tông đồ hiểu lầm thái độ im lặng của Chúa như một sự từ chối và các ngài cũng muốn phủi tay: “Xin Chúa đuổi bà ấy đi cho, đừng để bà ấy quấy rầy nữa”. Chúa Giêsu không chỉ im lặng mà Ngài còn lên tiếng nói lời chối từ như sau: “Ta chỉ được sai đến để cứu những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”.

Chúng ta nên học hỏi thái độ khiêm tốn và kiên trì của người đàn bà: “Lạy Thầy, xin cứu giúp tôi”. Bà không bực tức, không nổi giận, không trách móc Chúa tại sao thế này, tại sao thế nọ. Chúa càng im lặng thì bà càng khiêm tốn hơn nữa. Không những bà chỉ nói mà còn van xin bằng cả con người của mình. Bà sụp lạy Chúa Giêsu và nói: “Xin Ngài thương xót con”. Sự im lặng của Chúa là một thử thách, thử thách trong đức tin, thử thách trong việc cầu nguyện Chúa Giêsu thử thách nhiều hơn nữa: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà đem ném cho chó”. Đây là thử thách ở mức độ cuối cùng, ai có thể vượt qua được. Người đàn bà xa lạ và thuộc dân ngoại khiêm tốn thưa cùng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng mà những con chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ trên bàn chủa rơi xuống”. Có thể nói tâm hồn khiêm tốn đã giúp người đàn bà vượt qua được thử thách và trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu trấn an bà như sau: “Này bà, lòng tin của bà thật mạnh. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy”. Người đàn bà chỉ xin Chúa cho lợi lộc thông thường cho con bà khỏi bị quỉ ám và bà được nhận lời.

Chúng ta có thể tượng tưởng người đàn bà sẽ vui mừng biết bao hơn nữa khi lãnh nhận được ơn Chúa. Cuối đoạn đường gian nan nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rõ những giây phút Chúa xem ra im lặng là những giây phút quí trọng vô cùng vì những im lặng và từ chối này của Chúa giúp đức tin của chúng ta được trưởng thành. Khi đi qua đoạn đường gian nan, chúng ta có thể hiểu được chương trình của Chúa dành cho cuộc đời mình. Thử hỏi, chúng ta còn đủ nghị lực để đi qua đoạn đường nhiều gian nan thử thách hay không. 

Lạy Chúa,

Xin thương ban cho tất cả những ai chọn theo Chúa có được tâm hồn khiêm tốn để lãnh nhận những mầu nhiệm ân sủng của cuộc đời. 

Lạy Chúa, Xin thương nâng đỡ chúng con và củng cố đức tin cho chúng con.

Veritas Radio

Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa

Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa

Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 10-8-2014. Ngài đã tái khẩn thiết kêu gọi hòa bình cho Irak và Thánh Địa. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, các tin tức đến từ Iraq khiến cho chúng ta không thể tin được: hàng ngàn người, trong đó có các tín hữu kitô, bị đuổi khỏi nhà cửa của họ một cách tàn bạo; trẻ em chết đói chết khát trong khi chạy trốn; phụ nữ bị bắt cóc; con người bị tàn sát; đủ mọi thứ bạo lự; tàn phá các gia tài tôn giáo, lịch sử và văn hóa. Tất cả những điều này xúc phạm trầm trọng đến Thiên Chúa và nhân loại. Không thể đem thù hận tới nhân danh Thiên Chúa! Không thể gây chiến nhân danh Thiên Chúa!

Tôi xin cám ơn những người đang can đảm trợ giúp các anh chị em này, và tôi tin tưởng rằng một giải pháp chính trị hữu hiệu trên bình diện quốc tế và địa phương có thể ngăn chặn các tội phạm này và tái lập quyền lợi. Để bảo đảm tốt hơn cho sự gần gũi của tôi, tôi đã gửi Đức Hồng Y Fernando Filoni, như đặc sứ của tôi tại Iraq. Ngày mai Đức Hồng Y sẽ lên đường sang Iraq.

Cả tại dải Gaza sau một cuộc ngưng bắn, chiến tranh đã tái diễn, gây ra các nạn nhân vô tội, và chỉ làm cho xung khắc giữa người Israel và người Palestine trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta hãy cùng nhau xin Thiên Chúa của hòa bình qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria: ”Lạy Chúa, xin ban hòa bình cho những ngày sống của chúng con, và biến chúng con thành những người xây dựng công lý và hòa bình.”

Đức Thánh Cha cũng mời mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của vi khuẩn Ebola và những ai đang chiến đấu để ngăn chặn nó.

Trước đó, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới bài Phúc Âm phụng vụ Chúa Nhật kể lại biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ Galilea (Mt 14,22-33). Sau khi làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng Chúa Giêsu bảo các môn đệ lên thuyền sang bờ hồ bên kia trước, trong khi Người giải tán dân chúng, và lên núi một mình cầu nguyện. Trong khi đó có một cơn bão nổi lên, Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với với các môn đệ. Trông thấy Người các ông tưởng là ma, nhưng Người trấn an họ: ”Can đảm lên, Thầy đây , đừng sợ!” (c. 27). Tông đồ Phêrô, với kiểu hăng hái của ông, làm như thử Người liền xin: ”Lậy Chúa, nếu là Chúa xin truyền cho con đi trên mặt nước đến với Chúa!”, và Chúa Giêsu nói với ông: ”Hãy đến” (cc.28-29). Phêrô xuống khỏi thuyền và bắt đầu đi trên nước; nhưng gió thổi mạnh, và ông bắt đầu chìm. Khi đó ông kêu lên: ”Lậy Thầy, cứu con với”. Chúa Giêsu giơ tay ra và nâng ông dậy.

Câu chuyện này là một hình ảnh đẹp trong đức tin của tông đồ Phêrô. Trong tiếng Chúa Giêsu nói với ông ”Hãy đến”, ông nhận ra tiếng vọng của cuộc gặp gỡ đầu tiên trên cùng bờ hồ này và ngay lập tức một lần nữa ông bỏ thuyền và đi tới với Thầy. Và ông bước đi trên mặt nước! Câu trả lời tin tưởng và sẵn sàng với tiếng gọi của Chúa luôn luôn khiến hoàn thành được các điều kỳ diệu. Mà chính Chúa Giêsu đã nói rằng chúng ta có khả năng làm các phép lạ với niềm tin của chúng ta, tin nơi Người, tin vào lời Người, tin nơi tiếng nói của Người. Trái lại Phêrô bắt đầu chìm trong lúc ông rời cái nhìn khỏi Chúa Giêsu, và để cho mình bị cuốn hút bởi các nghịch cảnh bao quanh. Nhưng Chúa luôn ở đó, và khi Phêrô khẩn cầu Người Chúa Giêsu cứu ông khỏi hiểm nguy. Đức Thánh Cha quảng diễn sư kiện này như sau:

Trong nhân vật Phêrô, với các hăng hái và các yếu đuối của ông, đức tin của chúng ta được miêu tả: luôn luôn giòn mỏng và nghèo nàn, bất an nhưng chiến thắng, đức tin của kitô hữu bước đi gặp Chúa phục sinh, giữa các bão táp và nguy hiểm của thế giới.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Cảnh sau cùng cũng rất quan trọng: ”Họ vừa lên thuyền, thì gió ngừng thổi. Những người ở trên thuyền qùy phục xuống trước mặt Người và nói: ”Thầy thật là Con Thiên Chúa” (cc.32-33). Trên thuyền có tất cả các môn đệ, cùng chung kinh nghiệm sự yếu đuối, nghi ngờ, sơ hãi, ”ít đức tin”. Nhưng khi Chúa Giêsu lên con thuyền đó, thì bầu khí lập tức thay đổi: mọi người cảm thấy hiệp nhất trong niềm tin nơi Người. Tất cả mọi người, bé nhỏ, sợ hãi trở thành lớn lao trong lúc họ qùy gối xuống và nhận ra Thầy mình là Con Thiên Chúa.

Biết bao lần cũng xảy ra cho chúng ta như thế… Không có Chúa Giêsu, xa Chuá Giêsu, chúng ta cảm thấy sợ hãi và không đủ sức đến độ nghĩ rằng chúng ta không làm được: thiếu niềm tin! Nhưng Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, có lẽ dấu ẩn, nhưng hiện diện và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta.

Đây là một hình ảnh hữu hiệu về Giáo Hội: một con thuyền phải đương đầu với bão táp và đôi khi xem ra sắp chìm. Điều cứu Giáo Hội không phải là các đức tính và sự can đảm của các con người của Giáo Hội, nhưng là đức tin, cho phép bước đi cả trong tối tăm, giữa các khó khăn. Đức tin ban cho chúng ta cái chắc chắn về sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh, của bàn tay Người năm lấy chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi các hiểm nguy. Chúng ta tất cả đều ở trên con thuyền này, và ở đây chúng ta cảm thấy an toàn, mặc cho các hạn hẹp và yếu đuối của chúng ta. Chúng ta an toàn, nhất là khi chúng ta biết qùy gối xuống và thờ lậy Chúa Giêsu, là Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta. Đức Mẹ là Mẹ chúng ta luôn nhắc nhớ cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy tin cậy hướng lên Mẹ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha báo cho mọi người biết từ thứ tư 13-8 tới thứ hai 18-8 ngài sẽ đi công du bên Đại Hàn. Đức Thánh Cha xin mọi người đồng hành với ngài trong lời cầu nguyện.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Chúa đi trên biển

Chúa đi trên biển

Đứng bên cạnh con đang chuẩn bị qua cơn giải phẫu nguy hiểm, người cha không ngừng trấn an con mình với những lý luận dựa trên tài năng nổi tiếng của nhóm bác sĩ giải phẫu với những phương tiện tối tân, ông còn trấn an con là sẽ hiện diện bên cạnh để cung ứng mọi nhu cầu cho con.

Nghe xong lời cha khuyên, người con trả lời cho cha:

Xin cha đừng lo lắng nhiều, con không sợ đâu, con tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu, Người hiện diện bên con và giúp con chịu đựng, hy sinh âm thầm trong tâm trí.

Người cha cảm phục lòng tin của con, vừa hổ thẹn vì mình không có được thái độ tin Chúa như con mình.

Chúng ta cũng thường hành xử như vậy khi gặp những thử thách xảy ra cho anh chị em xung quanh, cũng như và nhất là cho chính chúng ta. Phản ứng tự nhiên trước những thử thách, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phương thế, những tài năng riêng của con người mà quên đi phần đóng góp tích cực và quan trọng của Chúa.

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật 19 mùa thường niên năm A, trích từ Phúc Âm Thánh Mátthêu hôm nay trình bày cho chúng ta một toàn cảnh thật ý nghĩa. Ở đây chúng ta thấy hai khía cạnh: trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi, xem ra như Ngài xa cách không còn quan tâm gì đến những nguy hiểm mà các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn trên mặt biển hồ Galilêa. Mặt hồ của toàn cảnh là cảnh tượng các Tông Đồ đang trên thuyền và phải tận lực chiến đấu với những nguy hiểm. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Hai khía cạnh này xem ra như không có gì liên hệ với nhau; Thiên Chúa xem ra như hoàn toàn xa lạ, vắng mặt khỏi hoàn cảnh sống của con người, xa lạ, lạnh lùng với những thử thách của con người đang gặp phải.

Là môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài cũng có thể bị cám dỗ có những suy nghĩ như vậy. Chúa ở đâu mà tôi không nhìn thấy Ngài đâu cả? Nhưng thật sự không phải như vậy. Thiên Chúa không vắng mặt, không rời xa con người. Các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn là vì tuân lệnh Chúa Giêsu mà chèo thuyền vượt biển cực khổ giữa ban đêm để qua bên kia bờ. Ban đêm thường có sóng to gió lớn, các Tông Đồ biết như thế, vì là những ngư phủ trong vùng.

Thông thường các ngài có thể lý luận với Chúa để ở lại với Chúa chờ qua ngày hôm sau đi lại ít nguy hiểm hơn, và cũng để được nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc vì bận rộn lo cho hơn năm ngàn người ăn uống khi nghe Chúa giảng dạy. Thế nhưng lý do gì mà Chúa ra lệnh cho các Tông Đồ lên thuyền chèo qua bên kia bờ biển hồ và giữa đêm khuya như vậy?

Các Tông Đồ gặp thử thách nguy hiểm kia là vì tuân lệnh Chúa, và chúng ta thấy Chúa không để cho những người vâng phục Chúa bị thiệt hại. Phải, bị thử thách và chịu thử thách nhưng không bị đè bẹp, Chúa để cho các Tông Đồ phải chiến đấu với thử thách trong một thời gian mãi đến ba giờ sáng rồi Chúa mới đến với các ngài. Sau biến cố, sau kinh nghiệm và có thể nói được là hai kinh nghiệm, tập thể các Tông Đồ đi trên thuyền và Phêrô muốn đi trên mặt nước đang nổi sóng. Sau kinh nghiệm đó, Chúa Giêsu rút ra bài học cho các ông: "Tại sao các con kém tin thế?", tại sao không tin rằng Chúa hằng hiện diện bên cạnh, Ngài không xa vắng, Ngài không ngủ quên hay bỏ mặc những kẻ Ngài đã chọn.

Đó là bài học cho các Tông Đồ sau này khi lãnh nhận sứ mạng chính thức sau khi Chúa phục sinh: "Thầy đã được mọi quyền năng trên trời dưới đất, chúng con hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Đây không phải là lời hứa suông, mà là một bảo đảm mạnh hơn mọi thứ bảo đảm do con người đặt ra trong xã hội hôm nay. Những bảo hiểm của con người sẽ vô ích nếu như không có sự bảo đảm của Thiên Chúa, dù con người không chấp nhận hay không biết đến sự bảo đảm này, hơn ai hết, sau khi đã trải qua kinh nghiệm trên biển hồ nổi sóng, các Tông Đồ sẽ xác tín hơn sau này cho sứ mạng làm chứng cho Chúa: "Không gì có thể tách rời tôi ra khỏi tình yêu Chúa".

Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại xem mình đã có kinh nghiệm sống như bài học của Phúc Âm hôm nay Chúa đã dạy các Tông Đồ chưa? Cùng với các ngài vâng lệnh Chúa vào thuyền, và sau cơn giông tố chúng ta tuyên xưng: "Thầy là Con Thiên Chúa", Chúa sống với chúng ta thì chúng ta còn lo sợ chi nữa.

Veritas Radio

Con đường của Chúa

Con đường của Chúa

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.

Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.

Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.

Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).

Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.

Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (x. Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.

Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.

Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.

Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?

2) Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?

3) Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Dìu nhau tiến bước

Dìu nhau tiến bước

Khi đối diện với đau khổ chúng ta thường hỏi: Chúa ở đâu? Và khi đứng trước những nghi nan chúng ta thường đặt điều kiện: "Nếu có Thiên Chúa xin hãy cứu con?". Thế nhưng, đau khổ vẫn cứ tiếp diễn trên thế gian. Mỗi ngày trôi qua chúng ta phải chứng kiến biết bao cái chết đau thương, biết bao những bất hạnh rủi ro đến với con người chúng ta. Nhìn vào cuộc đời khiến nhiều người bi quan bảo rằng: "Đời là bể khổ", hay ''Cây xanh thiếu lá nó xanh xanh – Biết mình thế này thà đừng sinh ra". Quả thực, nếu sinh ra trong cuộc đời để rồi chịu cực, chịu khổ, chịu nhiều đắng cay đoạ đầy là một bất hạnh cho kiếp người chúng ta. Nhưng thực ra, trong cuộc sống vẫn có những niềm vui. Niềm vui của tình liên đới, của sự chia sẻ, của lòng bác ái, của tinh thần hy sinh dấn thân phục vụ vì lý tưởng và vì đồng loại…

Trong giáo xứ Bình Lâm có một em bé 6 tuổi tên là K' Thủ Lĩnh. Em vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ đi. Điều tệ hại là chính người vứt em đi đã bẻ gãy đôi chân của em thành tàn phế rồi mới bỏ em bên vệ đường. Em đã được một gia đình người dân tộc Châu Mạ đón về nuôi. Mỗi ngày em đi học phải có người bồng ẵm đi, nếu đi một mình phải đi bằng khuỷ chân thật tội nghiệp! Thấy cảnh thương tâm, giáo xứ đã quyết định đưa em đi bệnh viện để chữa trị đôi chân. Tại trung tâm chấn thương chỉnh hình ơn Chúa đã đến với em và giáo xứ. Vì đã có nhà tài trợ sẵn lòng trả toàn bộ chi phí cho ca mổ và suốt thời gian điều trị cho em. Đây là một món quà quá bất ngờ đối với gia đình mẹ nuôi của em và với giáo xứ. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì trên thế gian này vẫn còn đó những tấm lòng quảng đại được trao ban một cách quảng đại và vô vị lợi.

Thực vậy, nếu không có tấm lòng nhân ái được trao ban thì những bất hạnh rủi ro đến với nhân loại sẽ mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai, nhưng nếu có nhiều tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ cho nhau, thì những đau thương mất mát sẽ sớm được hàn gắn và chữa lành. Vì có ai đó đã nói rằng:

"Có một đường đi, đi chung Đường sẽ vui hơn,

Có một quặn đau, đau cùng sẽ sớm nguôi ngoai".

Trở lại với bài phúc âm của Chúa nhật 18 thường niên, thánh Matthêu đã nhấn mạnh với chúng ta một điều: nếu không có lòng nhân ái của em bé dâng cho Chúa 5 chiếc bánh và hai con cái, có lẽ đã không có phép lạ hoá bánh ra nhiều để chia sẻ với hơn 5 ngàn người đang đói vào buổi chiều hôm đó. Bài phúc âm hôm nay, Chúa còn khẳng định với chúng ta: sự dữ luôn có mặt ở quanh ta. Cuộc đời không thiếu những sóng gió nghi nan. Nhưng, Chúa có thể làm những điều tốt hơn từ trong những bất hạnh này. Em K' Thủ Lĩnh từ trong bất hạnh nhưng hôm nay em đã học được bài học về nhân ái khi đôi chân của em đang được chữa trị. Và Chúa Giêsu Ngài đã làm phép lạ từ lòng tốt của người dâng cho Chúa bánh và cá. Phải chăng, Chúa muốn dạy chúng ta bài học, khi đứng trước khổ đau của anh em mình, chúng ta phải tự hỏi: chúng ta đang ở đâu khi khổ đau ập xuống anh em? Chúng ta đã làm gì cho anh em mình khi chứng kiến những cảnh tang thương và bất hạnh của anh em? Sự dữ vẫn đang hoành hành. Quyền lực của ác thần vẫn làm cho con người sợ hãi, đôi khi đánh mất niềm tin. Nhưng Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta: Anh em đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian. Thầy đã thắng thế gian, đó cũng là tiếng mời gọi các môn đệ của Chúa là chúng ta, hãy cũng với Chúa để chiến thắng sự dữ, để đẩy lùi cái ác ra khỏi thế gian, để xoa dịu những đau thương mất mát trong cuộc đời. Đồng thời Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy đưa tay cho Ngài dìu chúng ta bước qua những khó khăn của dòng đời. Thánh Phê-rô đã có thể đi trên mặt nước, đi qua hiểm nguy khi ông nhận ra Chúa đang đến với ông. Cuộc đời chúng ta cũng chỉ bình an trước gian nan khi chúng ta tin tưởng rằng: Chúa vẫn đang đồng hành với chúng ta. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy trao vào tay Chúa những khó khăn của cuộc đời để Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy.

Và hôm nay với biết bao khổ đau của tha nhân, Chúa cũng muốn chúng ta hãy là chứng nhân cho tình thương và lòng nhân ái của Chúa, khi chúng ta cùng cầm tay nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Khi chúng ta biết chạnh lòng thương xót trước những bất hạnh của tha nhân. Khi chúng ta không phủi tay trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của thời đại. Vâng cuộc đời sẽ ấm áp hơn nếu mỗi người biết liên đới và chia sẻ cho nhau để làm vơi đi những khổ dau, những lắng lo trong cuộc sống.

Chúng ta có thể không có khả năng làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng chúng ta có khả năng trao vào tay Chúa một chút lương thực ít ỏi, để Chúa có thể nhân rộng cho hàng ngàn người hưởng dùng.

Chúng ta có thể không có khả năng đi trên mặt nước, nhưng chúng ta có thể nâng đỡ, dìu dắt anh em qua những khó khăn của cuộc sống.

Chúng ta có thể không khiến cho sóng gió ba đào im lặng, nhưng chúng ta có thể góp phần đầy lùi sự dữ và xoa dịu những đau thương bằng lòng quảng đại và nhân ái của chúng ta.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lòng mến nồng nàn để chúng ta trở nên khí cụ mang tình yêu và lòng nhân ái đến cho anh chị em chung quanh. Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin và đức cậy để chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa và an bình sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền