Con đường hạt lúa

Con đường hạt lúa

Con đường Chúa Giêsu đã đi qua là con đường hạt lúa: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái" (Ga 12,23-24).

Hạt lúa được gieo trên ruộng đồng. Hạt lúa mục nát rồi mới nẩy mầm, đâm bông và kết hạt. Không mục nát, hạt lúa chỉ trơ trọi một mình. Sự mục nát làm trổ sinh sự sống mới, hứa hẹn mùa gặt tương lai.

Nhìn một cánh đồng lúa xanh tươi, uốn lượn theo gió, trải dài trong nắng, căng tròn sức sống, ta nghĩ đến muôn vàn hạt lúa đã mục nát để lên xanh đồng lúa bát ngát.

1. Con đường hạt lúa Giêsu.

Từ khi nhập thể, Chúa Giêsu đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất nhân loại. Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm tự huỷ: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế". Như hạt lúa bị mục nát: "Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". Như hạt lúa nẩy mầm, lớn lên, đơm bông sinh hạt: "Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2,6-11).

Phúc Âm Marcô viết: "Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ rất nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại" (Mc 8,31). Chúa Giêsu nói, Người phải chịu nhiều đau khổ. Phải có nghĩa là bắt buộc. Những kẻ gây đau khổ cho Chúa là những người có địa vị trong tôn giáo và xã hội, những người được coi là thuộc loại trí thức, chức cao, quyền trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong dân.

Con đường Chúa đi, quá nhục nhã ê chề nên các môn đệ không thể chấp nhận. "Phêrô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và bắt đầu can trách Người. Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Chúa, mà là của loài người" (Mc 8,32-33). Chính bản thân Chúa sẽ như hạt lúa chịu nhiều đau thương tơi tả. Mục nát là chặng đường phải đi qua để có mùa gặt trù phú.

Con đường Chúa đi thật quá hãi hùng: "Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem…Người lại kéo riêng nhóm mười hai ra và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình: Này, chúng ta lên Giêrusalem, và ở đó con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại" (Mc 10,32-34). Con đường mở mang Nước Trời sao quá khổ đau, bị nhạo báng, bị khạc nhổ, bị đánh đập. Hạt lúa Giêsu đã đi hết chặng đường đau khổ, mục nát trong cõi chết để đạt tới sự sống vinh quang.

2. Con đường hạt lúa các môn đệ.

Các môn đệ theo Chúa nên cùng đi trên con đường Chúa đã đi "Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta" (Mc 8,34). Thánh Phaolô kể về con đường đi của người môn đệ: "Giờ đây bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin mừng và ân sủng của Thiên Chúa" (CV 20,22-24). Người môn đệ của Chúa coi vinh dự là "đựơc thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết" (Pl 3,10-11). Thánh Phaolô trở thành hạt lúa Tin mừng. Trải qua tiến trình đau khổ mục nát, thánh nhân đã đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió trên cánh đồng truyền giáo mênh mông.

Xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội, biết bao hạt lúa môn đệ đã chịu mục nát để Giáo hội lớn mạnh không ngừng "Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu". Từng thế hệ chứng nhân như những hạt giống tốt, chết đi trong lòng đất các nền văn hoá, và đã trổ sinh rất nhiều hạt lúa mới. Tất cả làm nên cánh đồng lúa thiêng liêng, mùa màng tươi tốt trong cuộc sống đạo và truyền giáo.

3. Con đường hạt lúa chúng ta hôm nay.

Con đường hạt lúa như Chúa Giêsu hay như thánh Phaolô và các tông đồ là những con đường kiễu mẫu cho chúng ta đi theo.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Muốn sống một cách trọn vẹn, trổ sinh hoa trái tốt lành, ta phải chết đi cho bản thân mình. Chết đi mỗi ngày một chút cho tính ích kỷ, giả dối hận thù ghen ghét. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những gì đưa đến sa ngã.

Định luật căn bản của sự sống là: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai bằng lòng mất sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống muôn đời" (Ga 12,25). Chết vì tình thương, vì hạnh phúc đồng loại, vì chính nghĩa, vì công lý, vì hòa bình, vì đức tin là những cái chết làm trổ sinh muôn ngàn nét đẹp cho đời.

4. Hạt lúa âm thầm và hạt lúa mục nát

Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Chúa Giêsu đã nên lời yêu thương con người mọi nơi và mọi thời. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Chúa trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Chúa Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: "Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này" (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: "Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này" (Ga.12,27).

Nếu "Hạt lúa âm thầm mọc lên" (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá, thì "Hạt lúa phải mục nát đi" (x. Ga 12,24) là con đường gian truân vất vả để làm nên một mùa gặt phong nhiêu.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Từ bỏ

Từ bỏ

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tuần thánh. Vì thế, lời Chúa hôm nay hướng chúng ta dần dần tới cái chết đau thương và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Cụ thể, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh: hạt lúa gieo xuống đất để ám chỉ về cái chết của Ngài. Nhưng hạt lúa gieo xuống đất để làm gì và cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa thế nào?

Một hạt lúa gieo xuống đất là nó chấp nhận chết đi để mưu ích cho con người, nghĩa là nó trở thành một cây lúa xanh tươi, để rồi sau này sẽ nhân thừa lên và sinh ra trăm ngàn ức triệu hạt lúa khác, một cách vô định hay bất tận. Cho nên, Chúa Giêsu không nói ngoa khi tuyên bố: “Nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Như vậy, nếu không chấp nhận chết đi, thì hạt lúa sẽ chấm dứt sức sống một cách ích kỷ nơi chính mình. Trái lại, nếu nó chấp nhận từ bỏ sự sống hạt lúa của nó, thì nó sẽ giữ được sự sống ấy bằng cách chuyển sự sống nó sang cây lúa và sang các bông hạt sau này, nghĩa là sự sống từ bỏ kia sẽ không mất đi nhưng nó sẽ tồn tại mãi mãi.

Chúa Giêsu là một hạt lúa đầu tiên như thế. Ngài đã làm chết đi nơi mình những gì “là Chúa” và “của Chúa” để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đích thực. Ngài đã từ bỏ mọi cách thức ưu đãi, giàu sang, danh vọng và quyền uy để chọn một cuộc sống tầm thường, âm thầm, đạm bạc suốt ba mươi năm trời, không ai để ý tới, không có một ưu đãi nào dành cho con nhà giàu, nhà sang. Rồi khi hoạt động công khai, Ngài cũng chọn một đời hoạt động bấp bênh. Ngài đi theo con đường của một người không có thế lực, không có bất cứ phương tiện nào sẵn sàng. Ngài vào đời với hai bàn tay trắng, không một lời giới thiệu, gửi gắm của người có uy quyền. Và suốt ba năm, Ngài đã trải qua mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của một người tay trắng đó: bị công kích, bị khước từ, bị mạ lỵ, bị chụp mũ, bị nếm mùi: “Bụt nhà không thiêng”.

Cuối cùng, cách thế để đi tới chiến thắng vinh quang cũng lại là cách thế đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian. Con người, ai ai cũng vậy, rất sợ đánh đập, rất sợ tòa án, rất sợ và ghê sợ tử hình. Nhưng Chúa đã đi vào, đã gánh chịu, đã đón nhận tất cả để chứng tỏ Ngài hoàn toàn từ bỏ chính mình. Từ bỏ đến cấp độ kinh hoàng nhất. Tất cả chỉ vì Ngài muốn mình phải chết đi như một hạt lúa để trổ sinh vô số bông lúa và hạt lúa khác. Nếu ông Te-tu-li-a-nô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh các tín hữu”, thì máu của Chúa Giêsu còn giá trị hơn biết bao nhiêu.

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu chấp nhận chết đi, chôn vùi trong lòng đất để trở nên nguyên nhân cứu độ, phát sinh nhiều Kitô khác. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta được nhìn lên Ngài và được sống. Ngài có vẻ như thất bại hoàn toàn khi bị treo lên thập giá, nhưng đó lại chính là lúc Ngài ném được thủ lãnh thế gian ra ngoài và trở thành Đấng phán xét cả nhân loại. Thập giá trở thành ngai Chúa ngự để phán xét và ban sự sống. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta.

Hơn nữa, hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc thụ nạn để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá, đồng thời trở nên lương thực nuôi các tín hữu. Tóm lại, Chúa Giêsu đã chết, nhưng không chết luôn mà đã phục sinh để tồn tại mãi và ban sự sống đời đời cho con người.

Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có thể lập công phúc, được cứu rỗi, được sống muôn đời và hữu ích cho người khác… Khi biết từ bỏ sự sống tạm bợ, tức là từ bỏ tất cả những gì mà người đời gọi là “sống”. Có người từ bỏ được tiền của, danh vọng nhưng lại không bỏ được ý riêng mình; có người bỏ được ý riêng của người khác chứ không chịu bỏ ý riêng mình; có người từ bỏ nhiều mà không từ bỏ tất cả; có người bỏ được những cái to lớn nhưng lại không bỏ được những cái nhỏ mọn hay những cái cần phải bỏ; có người bỏ được lúc này nhưng lại không bỏ được lúc khác…

Từ bỏ là một nhân đức của anh hùng. Là một nhân đức được thử luyện mỗi ngày cả ngàn lần, nhưng cũng có cả hơn ngàn lý do để chối bỏ. Vì thế, chúng ta cần đặt lại giá trị của hy sinh từ bỏ mà chúng ta đã bỏ quên hoặc coi thường. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: hiện giờ chúng ta có thấy mình cần từ bỏ gì không: một thói quen không tốt, một tật xấu, một tội lỗi hay bất cứ thứ gì không đúng với Tin Mừng, không hợp với tinh thần Kitô, không đúng với cung cách một người con của Chúa.

Sưu tầm

 

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho 60 ngàn tín hữu Napoli

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho 60 ngàn tín hữu Napoli

VATICAN. Lúc 11 giờ sáng ngày 21-3-2015, ĐTC đã cử hành thánh lễ cho hơn 60 ngàn tín hữu thuộc giáo phận Napoli, trong cuộc viếng thăm của ngài tại đây.

 

Giã từ dân chúng tại khu vực Scampía, mạn cực bắc của thành Napli, ĐTC đã tiến về quảng trường Dân ý (Plesbicito) ở trung tâm thành Napoli, để cử hành thánh lễ lúc 11 giờ. Trong số các tín hữu hiện diện, đặc biệt cũng có gia đình Ông Mario Cuomo, thống đốc bang New York, Hoa Kỳ, là người gốc thành Napoli. Trên vòng cung quanh quảng trường, có treo các bức ảnh lớn các vị thánh và chân phước xuất thân từ tổng giáo phận Napoli.

 

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Sepe, TGM sở tại, đông đảo các GM thuộc 25 giáo phận miền Campania và 300 LM.

 

Bài giảng của ĐTC

 

Trong bài giảng, sau khi nói đến sức mạnh của Lời Chúa và mời gọi các tín hữu đón nhận sức mạnh của Lời Chúa, ĐTC nhắn nhủ rằng:

”Anh chị em Napoli thân mến, anh chị em đừng để người ta cướp mất niềm hy vọng của mình! Đừng chiều theo những lời dụ dỗ kiếm tiền dễ dàng hoặc kiếm những lợi lộc bất chính. Hãy cương quyết phản ứng chống các tổ chức khai thác, bóc lột và làm hư hỏng người trẻ, người nghèo, người yếu, bằng việc buôn bán ma túy và các tội phạm khác. Ước gì nạn tham nhũng và phạm pháp không bóp méo khuôn mặt của thành phố tươi đẹp này! Giáo hội lập lại với những kẻ phạm pháp và tất cả các kẻ đồng loã của họ rằng: Hãy hoán cải, hãy trở về với tình thương và công lý! Hãy để cho mình được lòng tư bi của Thiên Chúa tìm thấy! Với ơn Chúa tha thứ tất cả, có thể trở lại một cuộc sống lương thiện. Với nước mắt của những bà mẹ ở Napoli, hòa lẫn với nước mắt của Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa được cầu khẩn ở Piedigrotta và tại bao nhiêu thánh đường ở Napoli này, tôi xin anh chị em điều đó. Ước gì những giọt nước mắt này sẽ cho những con tim chai cứng trở nên dịu dàng và dẫn đưa tất cả trở về con đường sự thiện”.

 Sau cùng ĐTC cầu mong và nguyện cầu cho thành Napoli được phục hồi, một thành có bao nhiêu tiềm năng tinh thần, văn hóa và nhân bản, nhất là có bao nhiêu khả năng yêu thương. Chính quyền, các tổ chức, các thực tại xã hội khác nhau, cùng với các công dân, tất cả cùng nhau và hòa hợp, có thể kiện tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai của Napoli không phải là com cụm vào mình và cam chịu, nhưng là tín thác cởi mở đối với thế giới.”

 

 Viếng thăm nhà tù Poggioreale

 

Sau thánh lễ, ĐTC đã đến viếng thăm nhà tù Poggioreale vào lúc quá 1 giờ trưa. Nơi đây có khoảng 1.900 tù nhân. Ngài được các vị hữu trách, cha tuyên úy nhà tù tiếp đón rồi dùng bữa với đại diện các tù nhân tại Nhà Nguyện.

 

Ngỏ lời với các tù nhân, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với tất cả mọi người và nói:

”Cuộc gặp gỡ này cho tôi cơ hội biểu lộ sự gần gũi của tôi với anh chị em, và tôi đến đây để mang cho anh chị em lời và tình thương của Chúa Giêsu, Đấng đã đến trần thể để làm cho trái đất chúng ta đầy hy vọng và Chúa đã chết để cứu vớt mỗi người chúng ta.”

ĐTC nhận xét rằng ”nhiều khi anh chị em cảm thấy thất vọng, nản chí, bị mọi người bỏ rơi,. nhưng Thiên Chúa không quên các con cái của Ngài, không bao giờ bỏ rơi họ! Chúa luôn ở cạnh chúng ta, nhất là trong giờ thử thách; Ngài là người Cha giàu lòng xót thương (Ep 2,4) luôn thanh thản nhìn chúng ta với lòng từ nhân, luôn chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở. Niềm chắc chắn này làm cho chúng ta tràn đầy an ủi và hy vọng, nhất là trong những lúc khó khăn và buồn sầu.”

 

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”cả khi chúng ta sai lỗi trong cuộc đời, Chúa không mệt mỏi chỉ cho chúng ta con đường trở về và gặp gỡ Ngài.. Tình thương của Chúa Giêsu đối với mỗi người chúng ta là nguồn an ủi và hy vọng… Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình thương của Thiên Chúa, kể cả những chấn song của nhà tù. Điều duy nhất có thể tách chúng ta ra khỏi Chúa chính là tội lỗi chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận tội lỗi và xưng thú với tâm tình thống hối chân thành, thì chính tội lỗi ấy trở thành nơi gặp gỡ với Chúa, vì Chúa chính là lòng từ bi thương xót”.

 

ĐTC không quên kêu gọi các giới hữu trách cải tiến điều kiện sinh sống của cac tù nhân, nhiều khi họ bị giam giữ trong những tình trạng không xứng đáng với con người và sau đó họ không thể tái hội nhập vào xã hội. Nơi căn bản của xác tín và sự dấn thân ấy, có xác tín: tình thương luôn có thể biến đổi con người”.

 

 Giã từ nhà tù, và sau khi ghé tòa TGM Napoli để nghỉ ngơi chốc lát, ĐTC đã vào Nhà thờ chính tòa kính viếng thánh tích của thánh Gennaro tử đạo. Thánh tích này là một ống đựng máu của thánh Gennaro, một năm 2 lần xảy ra phép lạ máu hóa lỏng.

 

Tại thánh đường, ĐTC đã gặp gỡ hàng giáo sĩ và tu sĩ lúc 3 giờ chiều, trước khi đến nhà tới nhà thờ Chúa Giêsu mới để thăm các bệnh nhân, sau cùng, ngài gặp gỡ các bạn trẻ và các gia đình vào lúc 5 giờ chiều tại khu vực Caracciolo dọc theo bờ biển. ĐTC đã giã từ Napoli lúc quá 6 giờ chiều để đáp trực thăng trở về Roma (SD 21-3-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha viếng thăm Pompei và Scampia, Napoli

Đức Thánh Cha viếng thăm Pompei và Scampia, Napoli

VATICAN. Thứ bẩy 21-3-2015, ĐTC Phanxicô đã dành trọn 10 tiếng đồng đồ để viếng thăm mục vụ tại Đền thánh Đức Mẹ Pompei và tổng giáo phận Napoli, nam Italia.

Chặng dừng đầu tiên là Pompei, Đền thánh Đức Mẹ quan trọng nhất ở miền nam Italia và cũng là một giám hạt do Đức TGM Tommaso Caputo coi sóc, với 25 ngàn tín hữu Công Giáo, thuộc 5 giáo xứ, do 44 LM giáo phận và 6 LM dòng săn sóc và 112 nữ tu. Tiếp đến là Napoli một tổng giáo phận có gần 1 triệu 760 ngàn tín hữu Công Giáo, 287 giáo xứ với hơn 1,500 LM.

Cuộc viếng thăm thu hút sự chú ý nhiều của dư luận, trong số 1 ngàn ký giả đăng ký để theo dõi và tường thuệt có 250 ký giả nước ngoài, đặc biệt là từ Argentina và nhiều nước Âu Châu. Theo ban tổ chức hằng triệu người tham dự các sinh hoạt trong ngày viếng thăm của ĐTC. Cả 68 nữ tu dòng kín cũng được phép ra khỏi đan viện để tham dự thánh lễ và các cuộc gặp gỡ với ngài.

Đến Đền Đức Mẹ Pompei lúc 8 giờ sáng sau 1 giờ bay trực thăng từ Roma, ĐTC kính viếng và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ đang trao chuỗi Mân Côi cho thánh Đa Minh và thánh nữ Catarina. Đây là ảnh Đức Mẹ làm phép lạ do cha giải tội Alberto Radente tặng cho chân phước Bartolo Longo vào năm 1875.

ĐTC cầu nguyện trong thinh lặng và đọc kinh một kinh ngắn trước ảnh Đức Mẹ Mân Côi do chính chân phước Bartolo Longo soạn, xin Mẹ cứu giúp các tín hữu đang sống trong lầm than, đang trải qua bao nhiêu con đường oán thù và máu đổ, bao nhiêu tình trạng nghèo cũ và mới, nhất là tội lỗi.

Sau khi chào thăm một số bệnh nhân, người khuyết tật và người nghèo, cùng với các tín hữu khác, ĐTC đã đáp trực thăng đến sân thể thao Scampía vào lúc quá 9 giờ và được ĐHY Crescenzio Sepe, TGM Napoli cùng với các giới chức chính quyền địa phương tiếp đón, và ngài gặp gỡ dân chúng tại Quảng trường thánh Gioan Phaolô 2 vẫn thuộc khu vực Scampía. Chính tại nơi đây 25 năm về trước, Đức Thánh Giáo Hoàng cũng đã đến viếng thăm.

Gặp gỡ dân chúng tại khu vực Scampía

Scampía là khu phố ở mạn cực bắc thành Napoli, rất đông dân cư và là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất Italia: từ 50 tới 75% dân chúng ở tuổi làm việc, với bao nhiêu tệ nạn xã hội từ đó mà ra, nhất là tệ nạn tổ chức bất lương Camora.

Ngỏ lời với gần 10 ngàn người, cùng với các giới chức chính quyền địa phương, đại diện những người di dân, tụ tập tại Quảng trường, ĐTC nhắc đến những vấn đề khó khăn của người dân, nhưng cũng nhấn mạnh đến niềm hy vọng. Ngài nói:

”Hành trình thường nhật tại thành phố này, với những khó khăn và cơ cực và nhiều khi bị thử thách cam go, tạo nên một nền văn hóa sự sống luôn giúp đỡ trỗi dậy sau mỗi sa ngã và làm sao để sự ác không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Đó chính là hy vọng, anh chị em biết rõ niềm hy vọng này là gia sản quí giá, là ”đòn bẩy của tâm hồn”, nhưng nhiều khi nó cũng phải chịu những cuộc tấn công và cướp bóc. Thực vậy ai tự ý đi theo con đường sự ác, thì cũng là người cướp mất một mảnh hy vọng của mình và của mọi người, của bao nhiêu người lương thiện và cần cù, của danh thơm tiếng tốt và nền kinh tế của thành phố này”.

ĐTC cũng nhắc đến tình trạng bao nhiêu người trẻ ở đây thiếu công ăn việc làm, ”đó là một tiếng kêu mạnh mẽ. Vì thất nghiệp họ bị thiếu mất phẩm giá và có nguy cơ phải chịu mọi thứ bóc lột”. Ngài tố giác toan tính muốn biến khu Scampía này thành vùng đất ”không thuộc một ai”, trong đó mọi giá trị bị gạt bỏ, một vùng đất ở trong tay của cái gọi là ”tiểu tội phạm”. ĐTC mạnh mẽ tố giác nạn bóc lột sức lao động như nô lệ, nạn ”làm đen” làm lậu và nạn tham nhũng tại đây. Tất cả những hành động đó hoàn toàn trái ngược với Kitô giáo. Tín hữu Kitô tham nhũng là người ung thối!

Ngài không quên nhắc nhở giới chính trị hãy dấn thân phục vụ và nói rằng ”chính trị tốt là một việc phục vụ con người, chính trị được thi hành trước tiên nơi bình diện địa phương, nơi là gánh nặng của những gì không được hoàn tất, những chậm trễ và thiếu sót đè nặng trực tiếp trên dân chúng và gây đau khổ nhiều nhất. Chính trị tốt là một trong những biểu hiện cao quí nhất của đức bác ái, của việc phục vụ và tình thương”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha khuyến khích nỗ lực truyền giáo tại Nhật Bản

Đức Thánh Cha khuyến khích nỗ lực truyền giáo tại Nhật Bản

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 16 GM Nhật Bản sáng ngày 20-3-2015, ĐTC nồng nhiệt khuyến khích Giáo Hội tại nước này tăng cường các hoạt động loan báo Tin Mừng.

Các GM thuộc 16 giáo phận tại Nhật về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Đây là đoàn thứ 2 và cũng là đoàn cuối cùng của các GM từ Á châu về Roma thăm Tòa Thánh trong năm nay.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM tại buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi công trình của các thừa sai và các tín hữu Công Giáo ẩn náu mà Giáo Hội Công Giáo tại nước này đang kỷ niệm 150 năm khám phá ra họ. Tấm gương của họ tiếp tục nâng đỡ đời sống Giáo Hội ngày nay và cống hiến một chỉ dẫn để sống đức tin.

ĐTC cho biết ngài cùng với các GM nồng nhiệt cám ơn nhiều thừa sai từ nước ngoài đến hoạt động truyền giáo tại Nhật Bản, cộng tác với các LM, tu sĩ địa phương và các thủ lãnh giáo dân. ĐTC nói:

”Ngoài việc nâng cỡ các cố gắng của các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng, tôi cũng khuyến khích anh em quan tâm đến các nhu cầu thiêng liêng và nhân bản của họ, để họ không nản chí, nhưng kiên trì trong các công tác của họ. Ước gì anh em hướng dẫn họ hiểu các phong tục của nhân dân Nhật Bản, để họ có thể trở thành những người phục vụ Tin Mừng hữu hiệu hơn và cùng nhau tìm kiếm những phương thức mới để mang tinh thần Phúc Âm vào nền văn hóa (Xc Evang. gaudium 69).

ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”công cuộc loan báo Tin Mừng không phải chỉ là trách nhiệm của những người rời bỏ quê hương đến miền đất xa xôi để rao giảng Phúc Âm… Tất cả chúng ta, do bí tích rửa tội, đều được kêu gọi trở thành những nhà truyền giáo và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu, bất kỳ chúng ta ở đâu (Mt 28,19-20). Chúng ta được kêu gọi tiến bước, trở thành cộng đoàn truyền giáo, cho dù điều này chỉ là mở cửa nhà, đi ra ngoài, tiến vào các khu xóm láng giềng. ”Một cộng đồng truyền giáo can dự bằng lời nói và việc làm vào cuộc sống thường nhật của dân chúng; bắc những nhịp cầu trên những xa cách, hạ mình xuống nếu cần, và đón nhận cuộc sống con người, đụng chạm đến thân mình đau khổ của Chúa Kitô nơi người khác. Như thế những người truyền giảng Tin Mừng có ”mùi của chiên” và chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ” (Evang. Gaudium 24).

Nhật bản rộng gần 378 ngàn cây số vuông với 126 triệu 650 ngàn dân cư đa số theo Thần đạo và Phật giáo, và chỉ có 1.7% là tín hữu Kitô, trong đó chỉ có 444 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 0.35% dân số toàn quốc. Nếu kể cả tín hữu Công Giáo nhập cư từ nước ngoài, con số có thể lên đến 1 triệu người. Số tín hữu Công Giáo tại Nhật tăng trưởng rất chậm và hơn một lần các vị Giáo Hoàng khích lệ các hoạt động truyền giáo trực tiếp tại đây cho những người chưa biết Tin Mừng của Chúa Kitô (SD 20-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP –  Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường chống án tử hình

Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường chống án tử hình

VATICAN. Sáng ngày 20-3-2015, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn của Ủy ban quốc tế chống án tử hình và nhân dịp này ngài tái khẳng định lập trường của Giáo Hội Công giáo theo đó ngày nay án tử hình là điều không thể chấp nhận được.

Trong sứ điệp, ĐTC ca ngợi, cám ơn và khích lệ những người thiện chí đang dấn thân để trong thế thế giới không còn án tử hình nữa, đồng thời ngài nhấn mạnh rằng:

”Ngày nay, án tử hình là điều không thể chấp nhận được, cho dù tội của người bị kết án có nặng đến đâu đi nữa. Án này là một sự xúc phạm đến đặc tính bất khả xâm phạm của sự sống và phẩm giá con người, và nó trái ngược với ý định của Thiên Chúa về con người và xã hội, về nền công lý từ bi, và ngăn cản sự chu toàn bất kỳ mục tiêu chính đáng của các án phạt. Án tử hình không thực thi công lý cho các nạn nhân, nhưng chỉ nuôi dưỡng sự trả thù.”

ĐTC cũng viết rằng, ”đối với một nhà nước pháp quyền, án tử hình là một thất bại, vì nó buộc Nhà Nước phải giết người nhân danh công lý… Án tử hình đánh mất mọi sự hợp pháp vì sự tuyển chọn thiếu sót của hệ thống hình luật và đứng trước sự kiện có thể có sai lầm trong việc xử án. Công lý loài người là điều bất toàn, và khi công lý không nhìn nhận mình có thể sai lầm, có thể biến công lý thành nguồn mạch sinh ra bất công. Với việc thi hành án tử hình, người ta chối bỏ cơ may cho người bị kết án được sửa chữa những thiệt hại đã gây ra, cơ may xưng thú biểu lộ sự hoán cải nội tâm, và thống hối là cánh cửa dẫn đến sự hối hận và đền bù, hầu tiến đến cuộc gặp gỡ lòng từ bi yêu thương và chữa lành của Thiên Chúa”.

ĐTC cũng nói đến sự kiện một số chế độ độc tài và những nhóm cực đoan, thường dùng án tử hình để tiêu diệt những người đố lập chính trị, thiểu số và tất cả những thành phần bị họ coi là ”nguy hiểm” hoặc là một đe dọa cho quyền bính của họ.. Sau cùng, án tử hình là điều trái ngược với cảm thức nhân đạo và lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa là đức tính phải là mẫu gương cho nền công lý của con người”.

ĐTC nhận xét rằng ”Ngày nay, không những có các phương thế để đàn áp tội ác một cách hữu hiệu mà không cần tước bỏ vĩnh viễn cơ may chuộc tội của kẻ đã phạm tội ác (Xc Evang. vitae, 27), nhưng người ta còn phát huy một sự nhạy cảm lớn ơn về luân lý đối với giá trị sự sống con người, tạo nên thái độ càng ngày càng có nhiều người chống án tử hình và dư luận quần chúng ủng hộ những biện pháp nhắm bãi bỏ hoặc ngưng áp dụng án tử hình (Toát yếu Đạo lý xã hội của Hội Thánh, n.405) (SD 20-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP –  Vatican Radio

 

Tổng thư ký LHQ chào mừng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Tổng thư ký LHQ chào mừng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

NEW YORK. Tổng thư ký LHQ, Ông Ban Ki Moon, chào mừng cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại trụ sở LHQ ở New York sáng ngày 25-9-2015.

Tuyên bố hôm 18-3-2015, Ông Ban Ki Moon gọi cuộc viếng thăm của ĐTC là một phần quan trọng trong năm lịch sử, LHQ mừng kỷ niệm 70 năm thành lập, và trong đó các quốc gia thành viên sẽ đề ra những quyết định lớn về việc phát triển dài hạn, sự thay đổi khí hậu, tương lai hòa bình và an sinh của nhân loại.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC sẽ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ và sẽ có cuộc gặp gỡ song phương với Tổng thư ký LHQ, Vị Chủ tịch Đại hội đồng, và sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ các nhân viên của LHQ.

Ông Tổng thư ký LHQ tin tưởng rằng cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô sẽ khích lệ cộng đồng quốc tế gia tăng gấp đôi nỗ lực đảm bảo nhân phẩm cho tất cả mọi người, qua sự thăng tiến công bằng xã hội, tinh thần bao dung và sự cảm thông giữa mọi dân tộc trên thế giới”.

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại trụ sở LHQ nằm trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của ngài tại Hoa Kỳ, với những trạm dừng tại Washington, New York và Philadelphia, nơi sẽ diễn ra Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới. Theo dự kiến, ĐTC sẽ gặp các gia đình chiều ngày thứ bẩy 26-9 và chủ sự thánh lễ bế mạc đại hội sáng chúa nhật hôm sau, 27-9-2015.

Hồi tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Hạ nghị viện Hoa Kỳ, ông John Boehner, thuộc đảng cộng hòa bang Ohio, loan báo: ĐTC Phanxicô sẽ phát triển trong phiên họp chung của Quốc hội lưỡng viện Mỹ vào ngày 24-9-2015 và ngài sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên làm như vậy.

Tổng giáo phận Washington cho biết sẽ đón tiếp ĐTC, nhưng chưa loan báo ngày chính xác. Trên chuyến bay từ Philippines về Roma ngày 19-1-2015, ĐTC cho biết ngài sẽ tôn phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra OFM tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington.

ĐGH Phaolô 6 đã viếng thăm và phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hồi năm 1965, tiếp đến là ĐGH Gioan Phaolô 2 vào năm 1979 và 1995. Sau cùng là ĐGH Biển Đức 16 hồi năm 2008 (CNS 18-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y O’Brien từ bỏ quyền lợi và đặc ân

Đức Hồng Y O'Brien từ bỏ quyền lợi và đặc ân

VATICAN. ĐHY Keit O'Brien từ bỏ các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y.

Trong thông cáo công bố hôm 20-3-2015, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn cho biết ”ĐTC đã chấp nhận việc từ bỏ các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y theo các khoản giáo luật 349, 353 và 356 do ĐHY Keith Michael Patrick O'Brien, nguyên TGM giáo phận Saint Andrews và Edinburg, Ecosse, đệ trình, sau thời gian dài cầu nguyện. Với biện pháp này, ĐTC bày tỏ mối quan tâm mục tử với tất cả các tín hữu của Giáo Hội tại Ecosse và khuyến khích họ tiếp tục hành trình canh tân và hòa giải trong niềm tín thác.”

ĐHY O'Brien năm nay 77 tuổi. Ngày 18-2-2013, ĐTC Biển Đức 16 đã nhận đơn từ chức TGM giáo phận Saint Andrews và Edinburg của ĐHY. Sau đó ĐHY cũng loan báo không tham dự mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp đó và đã nhận thực rằng: ”Có những lúc lối cư xử của tôi về tính dục ở dưới mức độ cần phải có trong tư cách là linh mục, TGM và Hồng Y”. Rồi ĐHY xin lỗi những người ngài xúc phạm, Giáo hội Công Giáo và nhân dân Ecosse”.

Ngày 15-5-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, với sự đồng ý của ĐTC Phanxicô, ĐHY rời Ecosse trong vài tháng để canh tân tinh thần, cầu nguyện và thống hối. Mọi quyết định liên quan đến số phận tương lai của ĐHY sẽ được thỏa thuận với Tòa Thánh”.

Với quyết định được thông báo ngày 20-3-2015 trên đây, ĐHY O'Brien tiếp tục là Giám Mục và là Hồng Y, nhưng không còn các quyền lợi và đặc quyền của tước vị Hồng Y, nghĩa là không tham dự các công nghị của Hồng Y đoàn, không tham dự việc bầu Giáo Hoàng, và không còn là cố vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Trong thông cáo được Văn phòng thông tin của Tổng giáo phận Saint Andrews và Edinburg công bố sau khi tin trên đây, ĐHY O'Brien tái xin lỗi và bày tỏ sự đau buồn sâu xa vì hành động của mình trong quá khứ, đồng thời nói thêm rằng: ”Tôi cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì sự săn sóc hiền phụ của Ngài đối với tôi và những người mà tôi đã làm thương tổn bằng bất cứ cách nào. Tôi sẽ tiếp tục không thi hành vai trò nào trong đời sống công khai của Giáo Hội tại Ecosse và dành phần còn lại của đời tôi sống ẩn dật, cầu nguyện đặc biệt cho Tổng giáo phận Saint Andrews và Edinburg, cho Ecosse và những người mà tôi đã làm thương tổn cách nào đó” (SD 20-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

ĐHY Tauran kết thúc chuyến viếng thăm tại Ivory Coast

ĐHY Tauran kết thúc chuyến viếng thăm tại Ivory Coast

ROMA. ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tái lên án những kẻ giết người nhân danh Thiên Chúa và kỳ thị tôn giáo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thánh lễ ngày 16-3-2015 tại Nhà thờ chính tòa Yamoussoukro ở thủ đô nước Ivory Coast bên Phi châu. ĐHY cho biết ngài muốn chia sẻ lập trường này với tất cả các tín hữu, ”đặc biệt là với các bạn Hồi giáo của chúng ta trong lúc này, đang thấy tôn giáo của họ bị những người vô tôn giáo và vô luật lệ xuyên tạc”.

Trong bài giảng, ĐHY nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một cuộc đối thoại chân thành, trước tiên giữa các tín hữu Kitô, tiếp đến giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo: đối thoại về cuộc sống và về linh đạo, giúp chúng ta công bố đức tin và nhìn thấy tất cả những gì tích cực liên kết chúng ta và chúng ta có thể dùng để phục vụ xã hội như một hạt giống nhỏ đang tăng trưởng”. Đối với ĐHY, cần làm việc trước tiên nơi những người trẻ, dạy họ nhìn nhận ”những gì là tốt ở trong các tôn giáo khác và trong xã hội”.

Trong bài giảng, ĐHY Tauran nhấn mạnh rằng ”chiến tranh nảy sinh từ chính nơi tâm hồn con người”, những cũng tại nơi đó ”nảy sinh hòa bình”. Vì thế đây không phải là lúc nản chí thất vọng, nhưng đúng hơn là lúc kiên trì. Hãy để Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi, lo lắng, và những cay đắng”.

ĐHY Jean Louis Tauran đến viếng thăm Côte d'Ivoire từ ngày 13 đến 17-3-2015. Trong ngày cuối cùng, ngài đã gặp tổng thống Alassane Ouattara vào ban sáng, và gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo vào ban chiều tại thành phố Abidjan. LM Miguel Ángel Ayuso Guixot, dòng thánh Comboni, người Tây Ban Nha, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, cũng hiện diện tại cuộc gặp gỡ này.

Lên tiếng trong dịp này, Cha Guixot cho biết Giáo Hội Công Giáo tôn trọng các tín đồ của mọi tôn giáo và ngài mời gọi các tín hữu Kitô cũng như không Kitô hãy học cách thông truyền các giá trị có khả năng uốn nắn con người nội tâm. Điều này chỉ có thể trong một bầu không khí tự do, tạo điều kiện dễ dàng cho những chọn lựa của mỗi người, nhất là tự do tìm kiếm chân lý”.

Cha Guixot cũng ghi nhận rằng ”Nơi trung tâm của mỗi tôn giáo, có một sứ điệp huynh đệ và hòa bình. Các tín hữu có thể trở thành những người kiến tạo hòa bình xã hội” nếu họ có khả năng không coi những khác biệt như những đe dọa, nhưng như những điều phong phú. Vì thế cần đi xa hơn thái độ bao dung mà thôi, nhưng còn phải đi tới một chọn lựa căn bản dựa trên sự tôn trọng, yêu thương và cảm thông (Oss.Rom. 18-3-2015)

 G. Trần Đức Anh, O.P – Vatican Radio

Đức Hồng Y Parolin kết thúc viếng thăm Bạch Nga

Đức Hồng Y Parolin kết thúc viếng thăm Bạch Nga

ROMA. Hôm 16-3-2015, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã trở về Roma, sau 4 ngày viếng thăm tại Cộng hòa Bạch Nga (Belarus). Trước đó, hôm chúa nhật 15-3-2015, ĐHY đã chủ sự thánh lễ cho các tín hữu tại Nhà thờ chính tòa giáo phận thủ đô Minsk.

Trong bài giảng, ĐHY Parolin cho biết ”ĐTC Phanxicô muốn đến đây giữa anh chị em, nhưng hoàn cảnh không cho phép ước muốn này được thực hiện. Vì thế, ngài ủy thác cho tôi nhiệm vụ chuyển đến anh chị em tất cả lòng quí mến của ngài đối với dân tộc Bạch Nga, và đặc biệt là các anh chị em Công Giáo. ĐGH biết rõ anh chị em đã trải qua những thời điểm thực sự khó khăn.”

ĐHY nói: Cả trong thời kỳ gần đây, ”các linh mục đã bị phát lưu, các nhà thờ bị phá hủy, các cộng đoàn bị phân tán, trong khi một chiến dịch tuyên truyền có tổ chức qui mô được phát động nhắm xóa bỏ hình ảnh Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn các tín hữu. Tai ương mà anh chị em phải chịu thật là bao la.. ĐTC cúi mừng trước lịch sử đau thương ấy”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói thêm rằng ”Bao nhiêu tăm tối vây quanh chúng ta, nhưng những ngày này, tôi đã nghe những tường thuật và gặp gỡ những người đã củng cố tôi trong đức tin.. Những người đã phản đối, đã nổi lên phản kháng, đứng trước những lạm dụng và bạo lực.. Ngày nay, cuộc chiến đấu chống lại những thần tượng nhỏ muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa, chống lại những ảo tưởng làm giàu dễ dàng, sự đánh mất ý thức về điều thiện và điều ác, và cả sự dửng dưng.. Anh chị em thân mến, ĐGH ủy cho tôi nói với anh chị em rằng, qua những đau khổ anh chị em đã chịu nhân danh đức tin, anh chị em là những hoa đẹp nhất trong vườn Giáo Hội và chúng tôi đang cần anh chị em. Chúng tôi không thể mất anh chị em và không để anh chị em lẻ loi”.

Trong những ngày viếng thăm Bạch Nga, ĐHY Parolin đã gặp tổng thống Aleksander Lukaschenko hôm 13-3-2015 cũng như các đại diện chính quyền và các GM nước này. Ngoài ra ngài đã đặt viên đá đầu tiên xây tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Minsk, và hội kiến với vị thủ lãnh Giáo Hội Chính Thống tại Bạch Nga là Đức TGM Pawel.

Trong số 10 triệu dân tại Bạch Nga, có khoảng 1 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo và là tôn giáo lớn thứ hai tại nước này sau Giáo Hội Chính Thống. Bạch Nga đang bị Liên hiệp Âu Châu và Hoa kỳ cô lập vì họ không chấp nhận chính sách của tổng thống Lukaschenko và coi ông là ”nhà độc tài cuối cùng ở Âu Châu”.

Hồi năm 2008, tổng thống Lukaschenko đã thỏa thuận với ĐHY Quốc vụ khanh bấy giờ là ĐHY Tarcisio Bertone về các cuộc thương thảo để tiến tới một hiệp định giữa Bạch Nga và Tòa Thánh. Nhưng các cuộc thương thảo bị khựng lại vì sự chống đối của Giáo hội Chính Thống chiếm đa số dân tại nước này. (Apic 15-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh Giuse, người của Thiên Chúa

 Thánh Giuse, người của Thiên Chúa

ST JOSEPH NOVENA

Trong năm phụng vụ, Giáo Hội dành hai ngày lễ mừng kính thánh cả Giuse: ngày 19/3 lễ trọng kính thánh Giuse và 1/5 lễ thánh Giuse Thợ. Ngoài ra, Giáo Hội còn dành cả tháng Ba để tôn kính Ngài. Tại sao? Xin thưa: vì thánh Giuse có một vị trí rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời Ngài là mẫu gương tuyệt hảo cho các tín hữu noi theo.

Hôm nay mừng lễ trọng của thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm và ngưỡng mộ thánh Giuse. Nhưng điều quan trọng hơn đó là chúng ta học được điều gì nơi thánh nhân ? Tôi thấy có ba điểm rất đặc biệt mà chúng ta có thể học từ Ngài, đó là sự công chính, tính nhạy bén và kiên định. Có thể nói đây ba đức tính nổi bật của Thánh Giuse.

1- Thánh Giuse, người công chính

Trong nhà nguyện của học viện thánh Phaolô ở Rôma, có hình thánh Giuse và bên cạnh có chữ: Ecce Homo jutus – đây là người công chính. Người công chính trở thành tước hiệu riêng của thánh Giuse. Phúc Âm của thánh Mátthêu gọi thánh cả Giuse là “người công chính”.

Theo Kinh Thánh, người công chính là người biết kính sợ Thiên Chúa, người luôn trung thành tuân giữ luật Chúa. Người công chính cũng là người trung tín, hài hòa và yêu thương tha nhân, người sống theo lương tâm ngay thẳng của mình, và biết chu toàn bổn phận của mình cách chu đáo khôn ngoan. Thánh Giuse đã sống tất cả những phẩm chất đó trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Tin Mừng hôm nay minh chứng điều đó, khi phải đối diện với một hoàn cảnh rất khó xử, thánh Giuse phát hiện ra Đức Maria đã có thai trước khi hai người về với nhau (x. Mt 1,16-18). Chúng ta thử đặt mình trong hoàn cảnh của thánh Giuse để hiểu được những khó khăn mà Ngài phải đối diện: Giuse phát hiện ra rằng Đức Mẹ có thai, mà tác giả bào thai đó không phải là của mình. Đối với luật Do thái, khi phát hiện một người bạn đời ngoại tình như thế, thì phải ném đá cho đến chết. Vì nó nghịch với đạo lý của Thiên Chúa. Thánh Giuse phải ở trong một tình cảnh rất khó xử. Ngài suy nghĩ, cân nhắc, chọn lựa, và cuối cùng tìm ra giải phải “đào vi thượng sách”, âm thầm rút lui là tốt nhất. Phải là người công chính lắm mới có sự bình tĩnh và khôn ngoan để vừa trung thành luật Chúa vừa không làm tổn hại đến người bạn đời của mình.

Nhưng Tin Mừng kể tiếp, đang khi định bỏ trốn, thì Thiên Thần Chúa hiện đến trong giấc mơ và giải thích cho Giuse biết: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-23). Giuse bỏ ý riêng mà tuân theo ý Thiên Chúa và làm theo lời Thiên Thần truyền. Ngài đón nhận Maria về nhà mình để chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Giuse đúng là người công chính, trung thành với Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Vì thế, Ngài được gọi là người công chính của Thiên Chúa.

2- Thánh Giuse là người nhạy bén

Kinh Thánh kể về việc gia đình Thánh Gia gặp khó khăn, thánh Giuse được thiên thần báo trong giấc mơ: “Hãy chỗi dậy đem Hài nhi và mẹ Ngài mà trốn qua Ai Cập (Mt 2,13). Chúng ta suy nghĩ xem: Thiên Thần không hiện ra các tỏ tường, giữa ban ngày để nói với Giuse, nhưng chỉ báo trong giấc mơ. Nhưng Giuse đã đón nhận được ý của Thiên Chúa và lên đường đưa Hài Nhi và Người trốn sang Ai Cập. Điều này minh chứng rằng thánh Giuse phải là người rất nhạy bén với thánh ý Thiên Chúa mới làm được như thế. Giuse phải là người có cặp mắt đức tin rất sáng mới nhận ra tiếng Chúa. Một khi đã xác định đó là ý Chúa muốn, Giuse thực hiện như lời Thiên Thần báo.

Ngày hôm nay khi sống trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta có nguy cơ bị chìm ngập trong các thông tin của điện thoại, internet, tivi, radio, báo chí v.v… Có quá nhiều thông tin và tiếng ồn ào khác nhau làm cho chúng ta trở nên bận rộn, mất khả năng thinh lặng để phân định thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Chúng ta có nguy cơ đánh mất khả năng nhạy bén với tiếng của Thiên Chúa hay “những dấu chỉ của Thiên Chúa” gửi đến với chúng ta.

Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy học nơi thánh cả Giuse về sự biết nhạy bén để lắng nghe tiếng Chúa giữa bao tiếng ồn ào khác của cuộc sống hôm nay. Chúng ta hãy học nơi thánh Giuse về sự mau mắn nhận biết thánh ý của Thiên Chúa, những hoạt động của Ngài và mau mắn thi hành trong đời sống chúng ta.

3- Thánh Giuse, người rất kiên định

Việc thực thi thánh ý của Thiên Chúa luôn đòi hỏi phải trả giá và phải đối diện với những khó khăn. Thời đó, chưa có ô tô, máy bay, tàu hỏa như hôm nay, phương tiện đi lại rất khó khăn, phải di chuyển bằng lừa, ngựa qua sa mạc, thời tiết rất khắc nhiệt. Nhưng Giuse bất chấp mọi khó khăn, không hề bỏ cuộc, vẫn kiên trì, kiên định và thực hiện cho đến cùng lời Chúa căn dặn theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống mỗi người, khi thi hành một sứ vụ mà Chúa và Giáo Hội giao phó, chúng ta thường hăng hái khi “thuận buồm xuôi gió”, nhưng lại rất dễ thất vọng, nãn chí, bỏ cuộc khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Chúng ta hãy học nơi thánh Giuse đức tính này để chúng ta biết kiễn nhẫn và kiên định trong sứ vụ của mình và cố gắng chu toàn sứ vụ đó theo sự an bài của Thiên Chúa.

Như thế, sự công chính, tính nhạy bén và sự kiên định của thánh Giuse là những nhân đức sáng ngời mà mỗi người kitô hữu chúng ta cần học và rèn luyện để có thể trở thành một người công chính trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Nhờ lời bầu cử đắc lực của Thánh Giuse, xin Chúa chúc lành cho tất cả mỗi người chúng ta!


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Đức Thánh Cha gửi thư cho các Giám Mục Nigeria

Đức Thánh Cha gửi thư cho các Giám Mục Nigeria

VATICAN. ĐTC liên đới với Giáo Hội Công Giáo tại Nigeria và khích lệ toàn thể các tín hữu tại đây tiếp tục dấn thân kiến tạo hòa bình và trợ giúp những người đau khổ.

Trên đây là nội dung thư ĐTC gửi các GM Nigeria được công bố hôm 17-3-2015, trong đó ngài đề cao Nigeria như một đại quốc của Phi châu với hơn 160 triệu dân cư, có thể giữ một vai trò hàng đầu không những ở Phi châu nhưng còn trên toàn thế giới nữa. Trong những năm gần đây, Nigeria đã tăng trưởng mạnh về kinh tế và được coi như một thị trường quan trọng không những về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng còn vì tiềm năng thương mại nữa. Tuy nhiên, ĐTC ghi nhận rằng ”Nigeria đang gặp phải những khó khăn trầm trọng, trong đó có những hình thức cực đoan và thái quá, dựa trên căn bản chủng tộc, xã hội và tôn giáo. Nhiều người Nigeria bị giết, bị thương và tàn tật, bị bắt cóc và mất hết mọi sự, kể cả phẩm giá và các quyền của họ. Các tín hữu Kitô cũng như Hồi giáo đều chịu chung số phận vì tay những kẻ miệng thì tuyên xưng là mộ đạo, nhưng chúng lạm dụng tôn giáo để biến tôn giáo thành một ý thức hệ để phục vụ cho những tư lợi, thống trị và gây chết chóc.

Trong bối cảnh đó, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với các GM và tất cả những người đang chịu đau khổ, hằng ngày ngài cầu nguyện cho họ. Đồng thời ĐTC khuyến khích toàn thể Giáo Hội tại Nigeria trở thành những người xây dựng bình. Ngài viết:

"Hòa bình là một sự dấn thân hằng ngày, can đảm và chân thực, để cổ võ hòa giải, thăng tiến những kinh nghiệm chia sẻ, bắc những nhịp cầu đối thoại, phục vụ những người yếu thế nhất và bị bỏ rơi. Nói tắt một lời, hòa bình hệ tại xây dựng một ”nền văn hóa gặp gỡ”.

ĐTC ca ngợi ”Giáo Hội tại Nigeria không ngừng làm chứng về sự tiếp đón, lòng từ bi và tha thứ. Và làm sao không nhắc đến các LM, tu sĩ nam nữ, các thừa sai và giáo lý viên, giữa bao nhiêu hy sinh khôn tả, vẫn không bỏ rơi đoàn chiên của mình, nhưng ở lại để phục vụ họ, như những người tốt lành trung thành loan báo Tin Mừng.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến trong hàng GM: với lòng kiên trì và không nản chí, anh em hãy tiến bước trên con đường hòa bình (Xc Lc 1,79). Hãy tháp tùng các nạn nhân! Hãy cứu giúp người nghèo! Hãy giáo dục người trẻ! Hãy thăng tiến một xã hội công bằng và liên đới hơn!”

Từ lâu, Nigeria bị tổ chức khủng bố Boko Haram hoành hành. Nhóm này tuyên bố liên đới với cái gọi là Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Iraq và Lybia.

Hôm 16-3-2015, Liên HĐGM miền tây Phi châu, gọi tắt là CEREO, cảnh giác rằng oán thù và nghi kỵ mà nhóm Boko Haram gieo rắc ở miền bắc Nigeria có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm trời kể cả sau khi nhóm này không còn nữa. Theo các GM, nơi căn cội sinh ra nhóm Boko Haram có sự tham ô của giới lãnh đạo Nigeria (SD 17-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bosni Erzegovine

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bosni Erzegovine

VATICAN. ĐTC khuyến khích các GM Cộng hòa Bosni Erzegovine tiếp tục nâng đỡ các tín hữu muốn ở lại quê hương, tăng cường việc mục vụ xã hội.

 Ngài đưa ra những lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-3-2015, dành cho 6 GM Bosni Erzegovine thuộc 4 giáo phận về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Đây cũng là quốc gia sẽ được ĐTC đến viếng thăm vào ngày 6-6 tới đây.

 Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC nhắc đến mối quan tâm của các GM về hiện tượng xuất cư của nhiều tín hữu Công Giáo ở Bosni Erzegovine do hoàn cảnh khó khăn, và cũng có những tín hữu đã tản cư trong thời kỳ chiến tranh, mà không hồi hương được vì thiếu công ăn việc làm. ĐTC bày tỏ tình liên đới của ngài và của Giáo hội đối với các GM và nói rằng: ”Tôi khuyến khích anh em đừng bỏ qua năng lực nào để nâng đỡ những người yếu, giúp đỡ những người có ước muốn hợp pháp và lương thiện ở lại nơi quê cha đất tổ của họ, đáp ứng sự đói khát tinh thần của những người tin nơi các giá trị trường tồn, xuất phát từ Tin Mừng, những giá trị qua bao thế kỷ đã nuôi dưỡng đời sống các cộng đoàn của anh em”.

 ĐTC cũng mời gọi các cộng đoàn Công Giáo ở Bosni Erzegovine hãy cởi mở, phản ảnh ánh sáng Tin Mừng trong thế giới, và đừng đóng khung trong các truyền thống cao thượng của mình. Trái lại hãy ra khỏi vòng đai của mình.. kiên vững trong đức tin và được lời cầu nguyện nâng đỡ, sốing và loan báo sự sống mới của Chúa Kitô, Đấng cứu độ mỗi người”.

 Giáo hội Công Giáo tại Bosni Erzegovine chiếm 15% dân số tức là gần 450 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 5 triệu 340 ngàn dân, trong đó 40% theo Hồi giáo, tiếp đến là Chính Thống Serbi chiếm 31% (SD

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha lên án bách hại Kitô hữu tại Pakistan

Đức Thánh Cha lên án bách hại Kitô hữu tại Pakistan

VATICAN. ĐTC mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tự sát chống hai thánh đường Kitô tại thành phố Lahore, Pakistan, chúa nhật 15-3 vừa qua.

 15 người chết và 78 người bị thương trong vụ khủng bố tự sát chống hai thánh đường Kitô, một Công Giáo và 1 Tin Lành, tại khu phố Youhanabad trong thành Lahore. Thuộc khu phố này có khoảng 200 ngàn tín hữu Kitô và quen được gọi là ”thành thánh Gioan”.

 Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 15-3-2015, ĐTC Phanxicô đã mau lẹ lên tiếng về vụ khủng bố này và kêu gọi chấm dứt các cuộc bách hại các tín hữu Kitô. Ngài nói:

 ”Tôi đau buồn, rất đau buồn khi hay tin những vụ tấn công khủng bố ngày hôm nay (15-3) chống lại hai thánh đường ở thành phố Lahore, Pakistan, làm cho nhiều người chết và bị thương. Đó là các nhà thờ Kitô giáo. Các tín hữu Kitô bị bách hại. Các anh chị em chúng ta bị đổ máu chỉ vì là Kitô hữu. Trong khi cam đoan cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, tôi cầu xin Chúa, khẩn cầu Chúa là nguồn mọi thiện hảo, ban ơn hòa bình và hòa hợp cho đất nước Pakistan. Ước gì cuộc bách hại này chống các tín hữu Kitô, mà thế giới đang tìm cách giấu diếm, được chấm dứt và có được an bình”.

 Nhóm Taleban ở Pakistan tên là Jammat-ul-Ahrar tự nhận là thủ phạm vụ khủng bố này. Theo cảnh sát, có 2 người tình nghi đã bị dân chúng tấn công và giết chết. Ký giả Riaz Ahmed cho biết đã thấy 2 thi hài bị cháy đen tại một ngã tư. Vụ nổ chỉ cách nhau vài phút tại hai thánh đường gần nhau, trong khu phố có đông dân cư là tín hữu Kitô: tại thánh đường thánh Gioan Công Giáo lúc ấy đang diễn ra thánh lễ Chúa nhật với sự tham dự của 800 tín hữu. Tại Nhà thờ Tin Lành có khoảng 1 ngàn tín hữu. Hai tên khủng bố tự sát đã cho bom nổ tung ở lối vào thánh đường. Các thanh niên Công Giáo giữ an ninh ở cổng thánh đường đã hy sinh mạng sống nhờ đó tránh được thảm họa lớn hơn cho các tín hữu.

 Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc HĐGM Pakistan đã tố giác Nhà chức trách nước này thiếu sót trầm trọng và ngày càng xảy ra những vụ các nhân viên cảnh sát Pakistan đồng lõa với những kẻ sát nhân hoặc trở thành cánh tay của những kẻ cực đoan.

 Ủy ban cho biết ”Giáo xứ Công Giáo Youhanabad đã từng xin chính quyền và cảnh sát gia tăng an ninh vì đã nhận được những lời đe dọa gần đây, nhưng các nhân viên an ninh hiện diện rất ít. Thay vì chu toàn nhiệm vụ canh chừng, họ thường xem Tivi các trận đấu banh Cricket. Hậu quả của sự lơ là này là nhiều tín hữu Kitô bị thiệt mạng. Đứng trước những vụ bạo hành chống Kitô hữu thường xảy ra như thế, các GM Pakistan kêu gọi chính quyền hãy có ”ý chí chính trị” chặn đứng các tên khủng bố.

 Tình trạng đó cũng giải thích tại sao dân chúng phẫn nộ, phản đối và hành hung 2 người tình nghi sau vụ khủng bố.

 Trong những ngày trước đây, cảnh sát ở Lahore đã tra tấn và sát hại một thanh niên Kitô vô tội. Đó là anh Zubair Masih, 25 tuổi. Tội duy nhất của anh ta là con của bà góa Aysha Bibi, một góa phụ Kitô bị người chủ là Abdul Jabar, một người Hồi giáo, cáo về tội ăn trộm.

 Bà ta bị đánh đập và lăng mạ, nhưng không thú tội. Toàn gia đình bà bị bắt và dẫn đến trụ sở cảnh sát. Tại đây cảnh sát tiếp tục đánh đập, bà mẹ Aysha bị đánh gẫy cánh tay, rồi tất cả được trả tự do ngoại trừ anh Zubair. Hôm sau, cảnh sát trả lại anh ta ở trong tình trạng sắp chết trước nhà bà mẹ. Khi anh được đưa vào nhà thương, các bác sĩ chỉ còn xác nhận anh Zubair đã chết. (SD, Asia News 15-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Raio

Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu đó là bí tích Thánh Thể.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Phúc Âm hôm nay tái đề nghị với chúng ta các lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Khi nghe các lời này, chúng ta hướng cái nhìn của con tim lên Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh và cảm thấy trong chúng ta  rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta thật sự và yêu thương chúng ta biết bao! ĐTC nói:

Đó là kiểu diễn tả đơn sơ nhất tóm gọn toàn Tin Mừng, toàn đức tin, toàn thần học: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Tình yêu ấy Thiên Chúa chứng minh nó trước hết trong việc tạo dựng, như phụng vụ loan báo trong kinh nguyện Thánh Thể 4: “Cha đã tác thành vũ trụ để đổ tình thương của Cha xuống trên tất cả mọi tạo vật và khiến chúng vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”. Ở nguồn gốc thế giới chỉ có tình yêu tự do và nhưng không của Thiên Chúa Cha. Thánh Ireneo viết rằng: “Thiên Chúa đã không tạo dựng nên Ađam vì Ngài cần đến con người, nhưng để có ai đó mà ban các ơn phúc” (Adversus haereses, IV 14,1). Và Kinh nguyện Thánh Thể 4 viết tiếp: “Và khi, vì bất phục tùng, con người đã mất tình nghĩa với Cha, Cha đã không bỏ mặc con người trong quyền lực sự chết, nhưng trong lòng thương xót Cha đã đến gặp gỡ mọi người”. Như trong việc tạo dựng cả trong các chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ nổi bật lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa: Chúa chọn dân Người không phải vì họ xứng đáng, nhưng chính vì họ là dân bé nhỏ nhất trong tất cả mọi dân tộc. Và khi đến thời viên mãn, mặc dầu con người đã nhiều lần bẻ gẫy giao ước , Thiên Chúa, thay vì bỏ rơi họ, đã ký kết với họ một dây cột buộc mới, trong máu Chúa Giêsu – mối dây của giao ước mới vĩnh cửu – mà không có gì có thể bẻ gẫy được. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người cũng đã cho chúng ta được sống lại với Đức Kitô” (Ep 2, 4). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta cho tới cùng” (Ga 13,1), nghĩa là không phải chỉ cho tới phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, nhưng cho tới mức tột đỉnh của tình yêu. Nếu trong việc tạo dựng Thiên Chúa Cha đã trao ban bằng chứng tình yêu vô biên của Người bằng cách ban cho chúng ta sự sống, thì trong cuộc khổ nạn của Con Ngài Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của các bằng chứng: Người đã đến để đau khổ và chết cho chúng ta. Sau cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu thánh Phaolô nói “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ trên con tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội bảo đảm ký ức sống động của Chúa Kitô và Người hoạt dộng khắp mọi nơi, cả ngoài Giáo Hội nữa, bằng cách làm cho các giá trị nhân bản đích thực lớn lên. Thần Khi của tình yêu làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên  Chúa và các anh chị em khác. Dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu này là bí tích Thánh Thể, tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu: mỗi khi chúng ta cử hành nó, là chúng ta sống lại biến cố Núi Sọ, tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Xin Mẹ gần gũi chúng ta trong những lúc khó khăn và ban cho chúng ta các tâm tình của Con Mẹ, để cho lộ trình mùa chay của chúng ta là kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài với người dân đảo Vanuatu trong Thái Bình Dương bị bão lớn. Ngài nói: Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương và không nhà cửa. Tôi xin cám ơn những ai đã lập tức phát động việc cứu trợ các nạn nhân.

Ngài đã đặc biệt chào các nhóm tín hữu đến từ  Granada Tây Ban Nha, cũng như từ Mannheim Đức, và các đoàn hành hương các giáo phận Perugia, Pordenone, Pavia, giáo xứ thánh Giuse Roma, và từ giáo phận Piacenza Bobbio. ĐTC cũng chào các bạn trẻ Serravalle Scrivia, Rosolina và Verdellino Zingonia đang chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, cũng như các bạn trẻ giáo phận Lodi và người trẻ thuộc hạt Romana Vittoria Milano về Roma cử hành nghi thức hứa theo Chúa Giêsu. Ngài cũng chào các bạn trẻ giúp lễ tỉnh  Besana vùng Brianza và các nhóm thiện nguyện tham dự cuộc biểu tình “Cùng nhau cho công ích”. Ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin tất cả đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tuyên bố Năm Thánh Từ Bi

Đức Thánh Cha tuyên bố Năm Thánh Từ Bi

ĐTC đang xin giải tộiĐTC đang xin giải tội

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều 13-3-2015, ĐTC đã chủ sự nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô, với phần xưng thú và giải tội cá nhân sau đó. Ngài long trong tuyên bố Năm Thánh Từ Bi thương xót từ 8-12-2015 đến 20-11-2016.

Hiện diện tại Đền thờ có một số Hồng Y và Giám Mục, LM và tu sĩ cùng với ngàn ngàn tín hữu.

Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, mọi người đã nghe đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô (2,4-10) trong đó thánh nhân nói về Thiên Chúa giàu lòng từ bi đã làm cho chúng ta từ trong tội lỗi được sống lại với Chúa Kitô: nhờ ơn thánh của Chúa, chúng ta được cứu thoát.. Chúng ta là công trình của Thiên Chúa, chúng ta được tạo dựng trong Đức Giêsu Kitô, để làm việc thiện. Tiếp đến là bài Tin Mừng theo thánh Luca (7,36-50) kể lại sự tích Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà người biệt phái Simon. Một người đàn bà tội lỗi mang dầu thơm đến xức chân Chúa và lấy tóc mà lau. Trước phản ứng của người biệt phái, Chúa cho biết tội lỗi của bà ta tuy nhiều, nhưng đã được tha thứ vì bà đã yêu mến nhiều.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Ngài diễn giải bài Tin Mừng, phân tích thái độ của người đàn bà tội lỗi và của ông Simon người Biệt Phái:

– ”Có tình yêu của người đàn bà tội lỗi hạ mình trước mặt Chúa, nhưng trước đó đã có tình yêu thương xót của Chúa Giêsu đối với bà, thúc đẩy bà đến gần. Giọt lệ thống hối và niềm vui rửa chân cho Thầy, tóc của bà lau khô chân CHúa với lòng biết ơn, những nụ hôn bà biểu lộ lòng quí mến thanh khiết của bà… Mỗi cử chỉ của bà nói lên tình yêu và biểu lộ ước muốn của bà mong được một sự chắc chắn vững vàng trong cuộc sống: chắc chắn mình được tha thứ. Và Chúa Giêsu ban cho bà sự chắc chắn ấy bằng cách đón nhận và tỏ cho bà tình thương của Thiên Chúa đối với bà: Thiên Chúa tha thứ cho bà rất nhiều vì bà đã yêu mến nhiều (Lc 7,47).

– Trái lại, người biệt phải không tìm được con đường tình yêu. Ông ta dừng lại trong hình thức bề ngoài, không có khả năng thực hiện một bước tiến để đến gặp Chúa Giêsu Đấng ban ơn cứu độ cho ông. Simon đã mời Chúa dùng bữa, nhưng không thực sự đón tiếp Ngài.. Phán đoán của ông về người phụ nữ làm cho ông xa lìa sự thật và không để cho ông hiểu ai là người khách của ông. Ông dừng lại ở bề mặt bên ngoài và không có khả năng nhìn con tim.

Từ đó, ĐTC nói: ”Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu thúc đẩy mỗi ngừơi chúng ta đừng bao giờ dừng lại ở bề ngoài của sự việc, nhất là khi chúng ta đứng trước một con người. Chúng ta được kêu gọi nhìn xa hơn, nhắm đến con tim để thấy mỗi người có khả năng quảng đại dường nào. Không ai có thể bị loại khỏi lòng từ bi của Thiên Chúa; tất cả biết con đường để đến với lòng từ bi ấy và Giáo hội là nhà đón tiếp mọi người và không từ khước một ai.

Tuyên bố Năm Thánh Từ Bi

Và ĐTC nói rằng: ”Anh chị em thân mến, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo Hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Từ Bi. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ”Các con hãy có lòng từ bi thương xót như Chúa Cha” (Xc Lc 6,36).

Năm Thánh này sẽ bắt đầu từ lễ Đức Mẹ Vô nhiễm tới đây (8-12-2015) và sẽ kết thúc ngày 20-11-2016, Chúa nhật lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ và là tôn nhan sinh động của lòng từ bi Chúa Cha. Tôi ủy thác việc tổ chức Năm Thánh này cho Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, để có thể linh hoạt năm này như một giai đoạn mới trên hành trình của Giáo Hội trong sứ mạng mang Tin Mừng từ bi cho mỗi người”.

”Tôi xác tín rằng toàn thể Giáo Hội có thể tìm được trong Năm Thánh này niềm vui để tái khám phá và làm cho lòng từ bi Chúa phong phú, qua đó tất cả chúng ta được kêu gọi mang lại an ủi cho mỗi người nam nữ trong thời đại chúng ta. Ngay từ bây giờ tôi phó thác cho Mẹ Từ Bi, xin Mẹ ghé mắt nhìn chúng ta và canh giữ hành trình của chúng ta”.

Cử hành bí tích thống hối

Sau bài giảng của ĐTC, mọi người đã xét mình trong thinh lặng, rồi xưng tội riêng và lãnh nhận bí tích xá giải do 48 linh mục và một số GM ban. Cả ĐTC cũng xưng tội trước khi giải tội cho một số hối nhân. Các vị giải tội hầu hết là các cha dòng thuộc đoàn giải tội ở 4 đại vương cung thánh đường Roma, và tòa Ân giải tối cao.

Buổi cử hành nghi thức thống hối kết thúc với phần tạ ơn và phép lành của ĐTC. Đây là lần thứ 2 ngài chủ sự nghi thức thống hối mùa chay với phép xá giải cá nhân tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Và giống như năm ngoái, buổi lễ thống hối được nối tiếp với chương trình gọi là ”24 giờ cho Chúa” do Hội đồng Tòa Thánh tái Truyền Giảng Tin Mừng, đề xướng và được cử hành tại 3 thánh đường ở trung tâm Roma, trong đó các tín hữu cầu nguyện và lãnh nhận bí tích hòa giải. Có 60 LM tình nguyện giải tội cho các tín hữu, kể cả ĐHY Mauro Piacenza, Chánh tòa Ân giải tối cao, và tất cả các LM nhân viên của Tòa này.

Nhiều giáo phận trên thế giới cũng cử hành các buổi lễ tương tự trong mùa chay.

Thông cáo về Năm Thánh Từ Bi

Trong thông cáo công bố sau lời tuyên bố của ĐTC, Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cho biết việc thông báo chính thức và long trọng Năm Thánh sẽ được cử hành với việc đọc và công bố tại Cửa Năm Thánh Tông Sắc vào Chúa Nhật kính lòng Từ Bi Chúa, tức là Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh tới đây (12-4-2015).

Nghi thức khai mạc Năm Thánh Từ Bi là lễ Mở Cửa Năm Thánh. 4 đại vương cung thánh đường ở Roma đều có Cửa Năm Thánh. Nghi thức này diễn tả tượng trưng ý niệm theo đó trong Năm Thánh, một ”hành trình đặc biệt” tiến về ơn cứu độ được cống hiến cho các tín hữu. Sau lễ nghi mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô, cũng sẽ có lễ nghi tương tự tại 3 Đại vương cung thánh đường khác ở Roma. (SD 12-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi giáo chức Công Giáo Italia

Đức Thánh Cha kêu gọi giáo chức Công Giáo Italia

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 14-3-2015, dành cho 2 ngàn thành viên Hiệp Hội giáo chức Công Giáo Italia, ĐTC mời gọi họ đặc biệt quan tâm đến các học sinh khó khăn.

Hiệp Hội giáo chức Công Giáo Italia, gọi tắt là UCIIM, được giáo sư Gesualdo Nosengo thành lập cách đây 70 năm (1944) nhắm liên kết các giáo chức trung học Công giáo trong lý tưởng giáo dục.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi đề cao vai trò của nhà giáo dục, ĐTC nhắc đến giới răn cao trọng nhất là mến Chúa yêu người, và đối với các giáo chức, những người ”thân cận” chính là các học sinh của mình và ngài nói thêm rằng ”Nghĩa vụ của một giáo chức tốt, nhất là giáo chức Kitô, chính là yêu thương với một cường độ mạnh mẽ hơn các học sinh khó khăn nhất, yếu nhất và bị thiệt thòi nhiều nhất. Chúa Giêsu đã nói: 'Nếu các con chỉ yêu những học sinh chăm học, có giáo dục tốt, thì các con có công trạng gì? Bất kỳ giáo chức nào cũng cảm thấy thoải mới với các học sinh ấy'. Tôi xin anh chị em hãy yêu nhiều hơn các học sinh ”khó khăn”, những em không muốn học, những em ở trong hoàn cảnh khó khăn, những em khuyết tật và người nước ngoài, đó thực là một thách đố lớn đối với trường học ngày nay”.

ĐTC cũng nhắn nhủ Hiệp hội các giáo chức Công Giáo dấn thân trong các ”khu vực ngoại ô của học đường”, không thể bỏ mặc những cảnh vực này cho tình trạng bị gạt ra ngoài lề, sự dốt nát và cuộc sống bất lương. Trong một xã hội khó tìm được những điểm tham chiếu, điều cần thiết là ngừơi trẻ phải tìm được nơi học đường một điểm tham chiếu tích cực” (SD 14-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 500 thành viên Hội ”Hãy Theo Thầy

Đức Thánh Cha tiếp kiến 500 thành viên Hội ”Hãy Theo Thầy

VATICAN. Sáng ngày 14-3-2015, ĐTC đã tiếp kiến 500 thành viên hiệp hội giáo dân ”Hãy theo Thầy” (Seguimi), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, nơi có trụ sở chính của Hội. Trong bài huấn dụ, ĐTC khích lệ các thành viên mỗi ngày sống theo tôn chỉ của hội, đó là ”Chúa Giêsu Kitô hằng sống ở trong tâm Hiệp hội 'Hãy theo Thầy'. Ngài nói:

”Chương trình này thật là đẹp. Tôi khuyến khích chị em ngày qua ngày quyết tâm sống chương trình ấy, nghĩa là trở thành những người không qui trọng tâm vào mình, nhưng đặt trung tâm sinh tử của mình nơi Con Người sinh động của Chúa Giêsu. Đôi khi, cả trong Giáo Hội, chúng ta tưởng mình là Kitô hữu tốt vì chúng ta làm những công tác xã hội và bác ái có tổ chức qui củ. Đó thực là những điều tốt, nhưng chúng ta không được quên rằng nhựa sống mang lại sinh lực và biến đổi con tim chính là Chúa Thánh Thần, Thánh Linh của Chúa Kitô. Chị em hãy để cho Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong tâm hồn và hoạt động của chỉ em. Chính khi kết hiệp mật thiết với Chúa, như cành nho gắn vào gốc nho (Ga 15,1-9), chị em có thể đi tới những khu vực ngoại ô của thế giới”.

ĐTC cũng nhắc đến lòng trung thành mà các thành viên Hiệp hội ”Hãy theo Thầy” cam kết thi hành, đó là lòng trung thành với hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng là tình yêu và tự do, trung thành với giao ước ơn gọi giữa các thành viên của nhóm. Lòng trung thành trong hội 'Hãy theo Thầy' được hiểu như một giá trị luân lý tự nhiên cao cả nhất, các Hội viên tự buộc mình theo lương tâm để đáp lại tiếng gọi của Chúa, mà không cầnnhững ràng buộc pháp lý khác do con người thiết định.” (SD 14-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Nhìn lên ánh sáng

Nhìn lên ánh sáng

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.       Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.

2.       Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?

3.       Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ nhà vua, để chết thay cho vua.

Nhà vua rất đơn sơ nên dễ tin vào những lời nịnh hót của họ và ban phát cho họ ân lộc dư dầy khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung thành. Ông đã nhiều lần can gián vua, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y trình với vua là bệnh vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!

Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm. Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Bấy giờ vua chỗi dậy, tỉnh ngộ rồi cười ra nước mắt cho nhân tình thế thái. Duyên do là quan ngự y và cũng là người trung nghĩa với vua, đã khéo dựng lên kịch bản nầy, đề nghị với vua giả vờ đau nặng, bỏ cơm bỏ cháo, để thử thách lòng người!

«««

Cuộc đời là thế! Ai có đủ yêu thương để dám hy sinh tính mạng, dám chết thay cho người thân thiết của mình, nói chi đến việc chết thay cho kẻ thù nghịch? Vậy mà có một Đấng đã hy sinh tính mạng cho kẻ phản bội mình. Để hiểu Đấng ấy đã hy sinh như thế nào, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện rắn đồng thời Mô-sê.

Thời ấy, trong hành trình bốn mươi năm trong hoang địa, có lần dân Do-Thái phải lâm cảnh đói khát dày vò nên kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Thế rồi dân chúng bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Người ta lại chạy đến kêu cứu Mô-sê. Bấy giờ Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê đúc con rắn đồng, treo lên trụ cờ cao, để làm phương thuốc chữa rắn cắn. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống.

Ngày nay, để cứu nhân loại tội lỗi lâm cảnh điêu linh và phải chết, Thiên Chúa không thể dùng rắn đồng làm phương trị liệu mà phải dùng đến một phương thuốc khác, đó là bằng chính Thân Thể Chúa Giêsu chết treo trên thập giá. "Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời." Thiên Chúa Cha đã lấy mạng đổi mạng. Lấy sinh mạng vô cùng cao quý của Người Con Một yêu quý để đổi lấy sinh mạng khốn hèn của loài người tội lỗi. Thật là điều không thể tưởng tượng được.

Nhưng tình yêu của Thiên Chúa chưa dừng lại ở đó. Tình yêu cứu độ của Ngài còn vươn lên cao hơn. Không những chỉ trao ban Con Một chết thay cho chúng ta mà thôi, không những chỉ ban cho chúng ta được cùng sống lại với Chúa Giêsu mà thôi, Thiên Chúa Cha còn thương cho chúng ta được cùng lên trời, cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời. Bài đọc thứ hai, bài thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô hôm nay nhắc chúng ta điều đó: "Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giêsu trên cõi trời." (Ephêsô 2, 4-6)

Thế là từ thân phận của tên tử tội đáng phải chết đời đời vì tội lỗi của mình, chúng ta được Chúa Giêsu lấy mạng Ngài đổi mạng cho chúng ta, thứ tha cho chúng ta muôn vàn tội lỗi, ban cho chúng ta được sống lại trong đời sống mới, rồi lại được đưa lên trời để "cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời".

Thật là một tình yêu không còn biên giới.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận thật sâu sắc tình yêu cao vời và sâu thẳm của Thiên Chúa, để sống xứng đáng hơn với tình yêu đó và đừng để công trình cứu chuộc của Ngài hoá ra vô hiệu nơi chúng ta.

LM Trần Ngà