Đức Thánh Cha chủ sự lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

Đức Thánh Cha chủ sự lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

VATICAN. Sáng ngày 1-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô, kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cũng là Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 48.

Đồng tế với ĐTC có khoảng 30 Hồng Y và hơn 40 GM thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và hàng trăm linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu, trong đó có nhiều vị đại sứ các nước.

Tháp tùng ĐTC trên bàn thờ có ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, và vị Phụ tá là Đức TGM Angelo Becciu, Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh tân chủ tịch Tối cao pháp viện, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý hòa bình, và vị Tổng thư ký là Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC quảng diễn mối liên hệ đặc biệt giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và từ đó nói đến quan hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội cũng là Mẹ chúng ta. Ngài nói:

”Khi cử hành lễ trọng kính Đức Maria cực thánh là Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta rằng Mẹ Maria là người đầu tiên nhận lãnh phúc lành như được nói đến trong bài đọc thứ I trích từ sách Dân Số (Ds 6,24-26). Nơi Mẹ, lời chúc lành được viên mãn: thực vậy, không có thụ tạo nào đã thấy tôn nhan Chúa chiếu tỏa trên mình như Mẹ Maria, Mẹ đã mang khuôn mặt nhân trần cho Ngôi Lời Vĩnh Cửu, để tất cả chúng ta có thể chiêm ngưỡng.

”Ngoài việc chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa, chúng ta cũng có thể chúc tụng và tôn vinh Ngài, giống như những người chăn chiên, từ Bêlem trở về, ca hát cảm tạ sau khi đã được thấy Hài Nhi và người Mẹ trẻ của Ngài (Xc Lc 2,16). Hai Đấng ở cùng nhau, như trên Đồi Canvê sau này, vì Chúa Kitô và Mẹ Ngài không thể tách rời nhau: giữa hai vị có một quan hệ rất mật thiết, cũng như giữa mỗi người con và người mẹ. Thân mình Chúa Kitô – là nguyên lý nền tảng ơn cứu độ chúng ta (Tertulliano) – đã được hình thành trong cung lòng Mẹ Maria (Xc Tv 139,13). Sự bất khả phân ly cũng được biểu lộ qua sự kiện Mẹ Maria được tuyển chọn trước để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã chia sẻ trọn vẹn toàn thể sứ mạng của Chúa, ở cạnh Chúa Con cho đến lúc cuối cùng trên đồi Canvê.

Mẹ Maria được liên kết với Chúa Giêsu đến độ nhận được từ nơi Chúa tri thức tâm hồn, tri thức đức tin, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm hiền mẫu và nhờ mối liên hệ thân mật mới Chúa Con. Đức Thánh Trinh Nữ, là phụ nữ đức tin, đã dành chỗ cho Thiên Chúa trong tâm hồn và trong các dự phóng của Mẹ; Mẹ là người tín hữu có khả năng đón nhận nơi hồng ân Chúa Con biến cố thời gian sung mãn (Gl 4,4), trong đó Thiên Chúa, khi chọn con đường khiêm hạ là cuộc cuộc sống nhân trần, đã đích thân đi vào lịch sử cứu độ. Vì thế ta không thể hiểu được Chúa Giêsu mà không để ý đến Mẹ Ngài.

ĐTC giải thích rằng:
”Chúa Kitô và Giáo Hội cũng không thể tách rời nhau, và ta không thể hiểu ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang lại nếu không để ý đến tình mẫu tử của Giáo Hội. Tách rời Chúa Giêsu ra khỏi Giáo Hội là muốn du nhập một sự chia cách vô lý, như chân phước Phaolô 6 đã viết (Xc Evang. nunt. 16). Không thể yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội, không thể nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, không thể thuộc về Chúa Kitô mà lại ở ngoài Giáo Hội” (Ib.). Thực vậy chính Giáo Hội, là đại gia đình của Thiên Chúa, đưa Chúa Kitô đến cho chúng ta. Đức tin của chúng ta không phải là một đạo lý trừu tượng hay một triết lý, nhưng là quan hệ sinh động và trọn vẹn với một nhân vật là Chúa Giêsu Kitô, Con duy nhất của Thiên Chúa làm người, chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta và sống giữa chúng ta. Vậy chúng ta có thể gặp Ngài ở đâu? Thưa chúng ta gặp ngài trong Giáo Hội. Chính Giáo Hội nói với chúng ta ngày nay: ”Đây là Chiên Thiên Chúa”, Giáo Hội loan báo Chúa, và chính trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện những cử chỉ ơn thánh là các bí tích.

”Hoạt động và sứ mạng này của Giáo Hội biểu lộ tình mẫu tử của Giáo Hội. Thực vậy Giáo Hội như một người mẹ dịu dàng gìn giữ Chúa Giêsu và trao Chúa cho tất cả mọi người trong niềm hân hoan và quảng đại. Không có sự biểu lộ nào của Chúa Giêsu, dù là huyền bí nhất, có thể tách rời khỏi mình và máu của Giáo Hội, khỏi đặc tính cụ thể lịch sử của Mình Chúa Kitô. Không có Giáo Hội, thì Chúa Giêsu Kitô rốt cục bị thu hẹp thành một ý tưởng, một nền luân lý, một tình cảm. Không có Giáo Hội, thì tương quan của chúng ta với Chúa Kitô tùy thuộc sự tưởng tượng, những giải thích và tính khí nhất thời của chúng ta.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô là phúc lành cho mỗi người và toàn thể nhân loại. Giáo Hội, khi ban Chúa Giêsu cho chúng ta, thì cũng trao tặng cho chúng ta phúc lành viên mãn của Chúa. Đây chính là sứ mạng của dân Chúa: sứ mạng chiếu tỏa phúc lành của Thiên Chúa nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô trên mọi dân tộc. Và Mẹ Maria, nữ môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa Giêsu, là mẫu gương cho Giáo Hội lữ hành, chính Mẹ mở con đường tình mẫu tử của Giáo Hội và luôn nâng đỡ sứ mạng làm mẹ của Giáo Hội cho tất cả mọi người. Chứng tá âm thầm và từ mẫu của Mẹ đồng hành với Giáo Hội ngay từ đầu. Người là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, và nhờ Giáo Hội, là Mẹ của tất cả mọi người và mọi dân tộc.

Xin Mẹ dịu dàng và ân cần giúp chúng ta được phúc lành của Chúa cho toàn thể gia đình nhân loại. Đặc biệt ngày hôm nay, Ngày Hòa Bình thế giới, chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa ban hòa bình cho thời đại chúng ta: hòa bình trong các tâm hồn, trong các gia đình, hòa bình giữa các dân nước. Đặc biệt năm nay, Sứ điệp Ngày Hòa bình là ”không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”. Tất cả chúng ta được kêu gọi sống tự do, tất cả được kêu gọi trở thành con cái và mỗi người theo trách nhiệm của mình, chiến đấu chống lại những hình thức mới của nạn nô lệ. Từ mọi dân tộc, văn hóa và tôn giáo, chúng ta hãy hiệp lực. Xin Đấng để làm cho tất cả chúng ta thành anh em, đã trở nên tôi tớ của chúng ta, hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta”.

ĐTC cũng mời gọi chiêm ngắm Mẹ Maria và đề nghị mọi người cùng nhau kính chào Mẹ như dân thành Ephêsô can đảm đã hô lên trước các vị mục tự khi các vị vào nhà thờ: ”Mẹ thánh của Thiên Chúa!”. Thật là một lời chào thật đẹp đối với Mẹ chúng ta…

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân, Cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các GM, xin Chúa nâng đỡ các vị trong sứ vụ tông đồ và để với lòng dịu dàng cương quyết, các vị hướng dẫn mọi anh chị em đến gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Giêsu; cầu cho các nhà lập pháp và chính quyền, xin Chúa làm cho lòng quí chuộng và tôn trọng sự sống cũng như phẩm giá của mỗi người được tái triển nở, và để không một ai phải chịu tủi nhục, áp bức và bạo lực. Cộng đoàn cũng đặc biệt cầu nguyện cho những người bị bách hại vì đức tin, cho hòa bình trong các gia đình, xin Chúa thánh hóa hôn nhân, chúc lành cho các cha mẹ Công Giáo, soi sáng và tháp tùng hành trình của con cái.

Trong phần dâng lễ, 3 em bé người Đức mặc y phục Ba Vua thuộc chiến dịch Lễ Ba Vua, dâng bánh rượu lên ĐTC.

Kinh Truyền Tin
Thánh lễ kéo dài gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ ở lầu 3 của dinh Tông Tòa để chủ sự kinh Truyền Tin với 50 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp nhưng gió lạnh.

Trong số những người hiện diện đặc biệt có hằng trăm người thuộc đoàn tuần hành hòa bình do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức, năm nay có chủ đề là ”Hòa bình trên toàn trái đất”. Đây là lần thứ 13 cuộc tuần hành hòa bình này được tổ chức và năm nay cũng diễn ra tại hơn 800 thành phố tại 82 nước trên thế giới.

Trong cuộc tuần hành từ đầu đường Hòa Giải đến Quảng trường thánh Phêrô, có nhắc đến 27 cuộc xung đột vẫn còn diễn ra tại nhiều miền trên thế giới, như Siria, Trung Phi, Nam Sudan, Trung Đông, Nigeria, Irak, Afganistan, Pakistan..

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC cũng nhắc đến sự liên kết mật thiết giữa Chúa Kitô và Mẹ Ngài. ”Không thể tách rời sự chiêm ngắm Chúa Giêsu, Ngôi Lời Sự Sống trở nên hữu hình và có thể đụng chạm đến được (Xc 1 Ga 1,1), ra khỏi sự chiêm ngắm Mẹ Maria Đấng đã trao ban cho Người tình thương và xác thể nhân trần của Mẹ”.

Nhân ngày đầu năm mới, ĐTC cũng nhắc nhở các tín hữu nhớ đến ngày mình chịu phép rửa tội, tái khám phá món quà nhận được trong bí tích này, tái sinh chúng ta vào đời sống mới, sự sống thần linh. Việc tái sinh này qua Mẹ Giáo Hội, có mẫu gương là Mẹ Maria. Nhờ phép rửa, chúng ta được dẫn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và chúng ta không còn tùy thuộc sự ác và tội lỗi nữa. Trái lại chúng ta nhận được tình thương, sự dịu hiền và lòng từ bi của Chúa Cha trên trời.

Nhắc đến Ngày Hòa bình thế giới, ĐTC nhấn mạnh rằng kinh nguyện là cội rễ của hòa bình và hòa bình luôn luôn là điều có thể. Kinh nguyện làm cho hòa bình nẩy mầm. Ngày Hòa bình năm nay có chủ đề là ”không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh chị em”. Sứ điệp này có liên hệ tới tất cả chúng ta. Tất cả đều được mời gọi bài trừ mọi hình thức nô lệ và xây dựng tình huynh đệ.

Trong phần chào thăm các tín hữu sau phép lành, ĐTC đến sự kiện Buổi đọc kinh Truyền Tin nhân ngày Hòa Bình thế giới 2015 cũng được nối với đồi Miravalle ở Rovereto thuộc tỉnh Trento, bắc Italia, nơi có quả chuông khổng lồ cao 3 mét 36, đường kính 3 mét 21 và nặng 256 tạ, mang tên là Maria Dolens, Đức Mẹ đau thương, đúc cách đây 90 năm và được ĐGH Phaolô 6 làm phép cách đây 50 năm (1965). Chuông thường được đánh lên để tưởng niệm tất cả các những binh sĩ tử trận trong mọi cuộc chiến, đặc biệt là thế chiến thứ I.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I lễ Mẹ Thiên Chúa

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I lễ Mẹ Thiên Chúa

VATICAN. Chiều 31-12-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều I lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp cuối năm dương lịch. Ngài mời gọi dân thành Roma xét mình và loại bỏ mọi sự nô lệ còn đè nặng trong tâm hồn.

Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô trong buổi hát kinh bắt đầu lúc 5 giờ chiều còn có 30 HY, và 30 GM khác, và khoảng 8 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC mời gọi các tín hữu cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì những hồng ân đã nhận lãnh trong năm kết thúc, đồng thời xét mình xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm. Ngài nói:

”Chúng ta chúc tụng Chúa vì hồng ân cao cả chúng ta đã nhận lãnh: Chúa đã làm cho chúng ta được trở nên con cái của Người. Nhưng vì tội nguyên tổ, quan hệ này bị thương tổn sâu đậm. Dầu vậy Chúa Giêsu đã cứu thoát chúng ta khỏi ách nô lệ. Vì thế, hồng ân chúng ta đã lãnh nhận thúc đẩy chúng ta tự hỏi xem mình đang sống như con cái hay như nô lệ. Trong hành trình cuộc sống của chúng ta luôn có xu hướng chống lại sự giải thoát; chúng ta sợ tự do và điều nghịch lý là chúng ta vô tình thích sự nô lệ hơn. Tự do làm cho chúng ta kinh hãi vì nó đặt chúng ta trước thời gian và trước trách nhiệm của chúng ta phải sống thời gian một cách tốt đẹp..

”Nô lệ thu hẹp thời gian thành lúc nhất thời này và làm cho chúng ta tách rời khỏi quá khứ và tương lai, và vì thế nó cũng ngăn cản chúng ta sống trọn vẹn' hiện tại.

ĐTC nhắc đến một đại nghệ sĩ Italia (Roberto Begnini) cách đây vài ngày đã nói rằng đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập thì dễ hơn là đưa Ai cập ra khỏi tâm hồn họ: ”Trong tâm hồn chúng ta có sự nhớ nhung sự nô lệ, vì nó có vẻ trấn an hơn là tự do, tự do là điều có nhiều rủi ro. Chúng ta thích ở trong lồng với bao nhiêu pháo bông, bề ngoài có vẻ đẹp, nhưng trong thực tế chúng chỉ kéo dài trong chốc lát. Đó là thứ vương quốc, là sự quyến rũ của lúc này!”.

ĐTC mời gọi những người sống ở Roma hãy xét mình và nhắc đến những vụ tham ô trầm trọng mới đây, ngài kêu gọi hoán cải tâm hồn và tái sinh tinh thần và luân lý, cũng như tái dấn thân xây dựng một thành thị công bằng và liên đới hơn với những người nghèo, đặt họ ở trung tâm những quan tâm và hành động hằng ngày của chúng ta. Ngài nói:

”Cần có một thái độ thường nhật trong tinh thần tự do Kitô để có can đảm tuyên bố trong thành thị của chúng ta rằng cần bảo vệ người nghèo, chứ không phải tự vệ đối với người nghèo, cần phục vụ người yếu, chứ không lợi dụng người yếu… Khi một xã hội làm ngơ không biết đến người nghèo, bách hại họ, lên án họ, buộc họ phải trở thành những người mafia, thì xã hội đó lầm than, mất tự do, thích củ hành củ tỏi của thời nô lệ, nô lệ sự ích kỷ, nô lệ sự ngát đảm của mình, và lúc đó xã hội ấy không còn tinh thần Kitô nữa”.

Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, ĐTC đã tiến ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện hang đá lớn tại đây. Hang đá máng cỏ với các pho tượng bằng đất nung, với kích thước như người thật, do Hội Arena thành Verona, bắc Italia tặng cho Tòa Thánh.

Sau khi viếng hang đá, ĐTC còn bắt tay chào thăm đông đảo tín hữu đứng chờ ngài tại đó, mặc dù trời giá lạnh.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lớp Sáu – Bài Học 11 – Hiền Lành

Xem Bài Học 11 – Hiền Lành

Người hiền lành là người làm chủ được chính mình, chiến thắng được chính mình, tức là thắng được cái tôi kiêu hãnh, ganh tị, giận hờn, tự ái, nóng nảy, tham lam của mình. Trong mỗi người có hai phần: phần thượng là ơn thánh, lý trí và ý chí. Còn phần hạ là cái dục vọng. Chiến thắng được chính mình là biết dùng ơn Chúa, dùng lý trí và ý chí điều khiển các dục vọng của mình, không để ngoại cảnh hoặc người khác chi phối, không phản ứng theo niềm vui nỗi buồn để đưa mình lên hay hạ người khác xuống.

HienLanh

Cũng thế, người hiền lành thì kiên nhẫn, chịu đựng mọi hoàn cảnh bất trắc hay những điều ngoài ý muốn của mình. Không tự mãn hay phóng đại công việc của mình, khoe mã, cầu danh, tự hào về những chuyện nhỏ nhen, bắt bẻ hay bực tức về chuyện sơ suất của người khác. Chúng ta mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi sở thích, và có những khả năng, tài năng khác nhau, không ai giống ai. Chúng ta sống với nhau, chúng ta phải biết kiên nhẫn, chịu đựng để hòa hợp với nhau, chia sẻ cho nhau. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải biết chịu đựng nhau, chấp nhận nhau. Chịu đựng chấp nhận cái hay cái tốt của người khác thì dễ nhưng chấp nhận chịu đựng cái xấu cái dở của người khác mới khó và đó mới là nhân đức. Có những trường hợp chúng ta phải chịu đựng, chấp nhận không phải một hai lần mà rất nhiều lần. Chấp nhận và chịu đựng được mới thực sự là người hiền lành.

NguoiCongDanTot

Lại nữa, bao lâu còn là người, chúng ta còn lỗi lầm, còn cần được sửa sai, còn cần được tha thứ, và tha thứ mãi. Tha thứ nhiều là dấu chúng ta chịu đựng nhiều. Tha thứ nhiều sẽ chứng tỏ được tấm lòng quảng đại bao dung làm cho thêm bạn bớt thù. Tha thứ không phải là yếu thế hơn người được tha thứ, nhưng chính là tấm lòng rộng lớn hơn họ. Càng tha thứ sẽ làm cho đối phương nhận ra lỗi lầm của họ và họ sẽ thấy cần được tha thứ hơn. Cho nên, người nào muốn tập đức tính hiền lành là phải tập tha thứ.

ViSaoSongHienLanh

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân 11-2-2015

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân 11-2-2015

VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 23, ĐTC mời gọi các tín hữu cởi mở đối với những đau khổ của bệnh nhân, phục vụ, tháp tùng, ra khỏi mình để đến với anh chị em bệnh nhân đau khổ.

Ngày thế giới các bệnh nhân do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng thiết lập và sẽ được cử hành lần thứ 23 vào ngày 11-2-2015, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là một câu trích từ sách Ông Gióp: ”Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15).

Trong sứ điệp công bố hôm 30-12-2014, ĐTC quảng diễn chủ đề này và trình bày những hoa trái của sự khôn ngoan tâm hồn. Đây không phải là một kiến thức lý thuyết trừu tượng, nhưng là ”một thái độ được Thánh Linh phú vào trong tâm trí của người biết cởi mở đối với đau khổ của anh chị em mình và nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ”.

ĐTC lần lượt nói đến:

Sự khôn ngoan của tâm hồn là phục vụ anh chị em. ”Bao nhiêu Kitô hữu ngày nay đang làm chứng tá, – không phải bằng lời nói, nhưng bằng cuộc sống của họ được ăn rễ trong một đức tin chân thành, – là 'đôi mắt cho người mù' và là 'đôi chân của người què!'. Họ là những người gần gũi các bệnh nhân đang cần được giúp đỡ liên tục, giúp đỡ để tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống. Việc phục vụ này, nhất là khi nó kéo dài trong thời gian, có thể trở thành vất vả và nặng nề. Phục vụ vài ngày thì dễ, nhưng thật khó chăm sóc một người kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, cả khi người ấy không còn khả năng cám ơn nữa. Nhưng đó thực là một con đường lớn để thánh hóa! Trong lúc ấy ta có thể cậy trông đặc biệt vào sự gần gũi của Chúa, và là một nâng đỡ đặc biệt cho sứ mạng của Giáo Hội”.
Sự khôn ngoan của tâm hồn là ở với người anh em. Thời gian trải qua cạnh người bệnh là một thời gian thánh. Là chúc tụng Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được đồng hình dạng với Con của Ngài, Đấng đã không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiế mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28)

Chúng ta hãy tin tưởng cầu xin Thánh Linh ban cho chúng ta ơn hiểu được giá trị của sự tháp tùng, nhiều khi trong thinh lặng, khiến chúng ta dành thời giờ cho các anh chị em, nhờ sự gần gũi và phục vụ của chúng ta, họ cảm thấy được yêu thương và an ủi hơn. Trái lại, thật là một sự dối trá lớn lao khi nấp đằng sau những kiểu nói nhấn mạnh rất nhiều về ”chất lượng đời sống”, để làm cho người ta tin rằng những mạng sống bị tổn thương nặng nề vì bệnh tật thì không đáng sống!”

Sự khôn ngoan của tâm hồn là ra khỏi chính mình đ đi ti người anh em. Thế giới chúng ta nhiều khi quên giá trị đặc biệt của thời gian ở bên giường người bệnh, vì người ta bị vây bủa vì sự vội vã, miệt mài làm việc, sản xuất, mà quên đi chiều kích nhưng không, chăm sóc tha nhân.
Sự khôn ngoan của tâm hồn cũng là thái đ liên đới với ngưi anh em mà không xét đoán h. ”Đức bác ái cần thời gian. Thời gian để chăm sóc người bệnh và thời gian để viếng thăm họ… Đức bác ái chân thành là chia sẻ mà không xét đoán, không chủ trương hoán cải người khác; đức bác ái không có sự khiêm nhường giả tạo, ngấm ngầm tình kiếm sự ủng hộ và hài lòng vì điều thiện đã làm.”

ĐTC cũng khẳng định rằng ”cả khi bệnh tật, cô đơn và tật nguyền thắng thế trong đời sống hiến thân của chúng ta, kinh nghiệm về sự đau khổ có thể trở thành nơi ưu tiên để thông truyền ơn thánh và là nguồn mạch để thủ đắc và củng cố sự khôn ngoan của tâm hồn.”

Sau cùng, ĐTC phó thác Ngày Thế giới các bệnh nhân cho sự bảo trợ của Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận Đấng Khôn ngoan nhập thể là Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng Mẹ. Ngài cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria là Tòa Đấng Khôn ngoan cho tất cả các bệnh nhân và những người săn sóc họ (SD 30-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Bầu khí mừng Giáng Sinh đó đây trên thế giới

Bầu khí mừng Giáng Sinh đó đây trên thế giới

** Trong ngày lễ Giáng Sinh xin kính mời qúy vị cùng chúng tôi theo dõi bầu khí mừng lễ tại một vài nơi trên thế giới.

Bắt đầu từ Bếtlêhem bên Thánh Địa là nơi Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa đã giáng sinh cách đây hơn 2,000 năm. Các chương trình lễ Giáng Sinh vẫn được tổ chức như mọi năm, với sự tham dự của nhiều đoàn hành hương quốc tế, trong đó có nhóm các linh mục tu sĩ nam nữ đang tu học tại Roma, do cha Bùi Công Trác Phó giám đốc trường thánh Phaolô hướng dẫn. Tuy nhiên, bầu khí Giáng Sinh kém vui hẳn vì các căng thẳng mới đây giữa các nhóm Do thái qúa khích và người Palestin trên khu vực Đền Thờ xưa kia, nơi đã biến thành đền thờ hồi giáo từ đầu thế kỷ thứ VII, và nhất là các hậu qủa chết chóc tàn phá của cuộc chiến 50 ngày giữa lực lượng Hamas và quân đội Israel trong dải Gaza mùa hè năm nay, khiến cho 2,200 người chết đa số là người Palestin, 3,000 người bị thương và 54,000 người phải tản cư lánh nạn.

Trong sứ điệp giáng sinh Đức Thưọng Phụ Giêrusalem Fouad Twal ghi nhận rằng trong năm 2014 mọi người phải chứng kiến cảnh gia tăng bạo lực và các phản ứng thù nghịch sau đó. Ngài viết “cuộc chiến tàn phá và việc đổ máu đi kèm tại Gaza, được kể là tàn hại hơn hết… Chúng ta lên án cuộc chiến Gaza và kết án các hậu quả thảm hại của nó: giết chóc và tàn phá; nhưng đồng thời, chúng ta cũng lên án bất cứ loại bạo lực và trả đũa nào chống lại người vô tội như các cuộc sát hại những người đang cầu nguyện tại nguyện đường Do Thái và các cuộc tấn công vào đền thờ Hồi Giáo”.

Đức Thượng phụ cũng đề cập tới số phận người tị nạn Syria và Iraq và tỏ ý lo ngại đối với hai cộng đoàn Dòng Salêgiêng và 58 gia đình Kitô hữu có đất đai tại Thung Lũng Cremisan bị trưng thu để mở rộng bức tường phân cách ở Cisgiordania.

Ngài kết luận “Trong mọi khó khăn và đau khổ, chúng ta biết ơn tình liên đới của nhiều người, nhiều tổ chức, định chế và chính phủ, đã tới giúp chúng ta nhiều cách và bằng nhiều phương tiện. Việc cử hành ngày sinh của Chúa Giêsu hứa hẹn từ bi, yêu thương, bình an cho rất nhiều người đang sống trong buồn sầu và đau đớn; nhiều người đang thấy cuộc đời họ bị tan nát, các cố gắng của họ bị chặn đứng trong tranh chấp và hận thù hỗn loạn”.

** Chúa Nhật 21-12 vừa qua Đức Thượng Phụ đã viếng thăm giáo xứ Thánh Gia là giáo xứ latinh duy nhất tại Gaza có 170 tín hữu. Ngài là Chủ chăn của 160,000 tín hữu công giáo latinh tại Israel, Palestina, Giordania và đảo Chypre. Trong vùng Gaza có 1,300 kitô hữu đa số theo chính thống. Trong sứ điệp Giáng Sinh công bố ngày 18-12 Đức Thượng Phụ đã lên án chiến tranh tại Thánh Địa, đặc biệt ở Gaza với các hậu quả gây chết chóc tàn phá bi thảm của nó, và ngài kêu gọi các giới chức chính trị hãy lãnh nhận trách nhiệm của mình. Sáng 20-12 không quân Israel đã lại oanh kích miền Gaza để trả thù nhóm Hamas bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ Israel. Đây là hoạt động quân sự đầu tiên từ hai phía sau tuyên ngôn đình chiến hồi tháng 8 năm nay.

Đức Thượng Phụ cho biết ngài đã tìm thầy một cộng đoàn hiệp nhất sống tình hiệp thông với các anh em chính thống. Tại Gaza người ta không tìm thấy sự vĩ đại của thế giới và quyền lực mau qua của thị trường. Nhưng có một nhóm nhỏ các tín hữu đang phải sống trong những tình trạng khó khăn và đau khổ, nhưng tin tưởng nơi Chúa Giêsu. Đó là hình ảnh thật của lễ Giáng Sinh. Chúng ta đã luôn xúc động khi đọc thấy trong Phúc Âm rằng Mẹ Maria và Thánh Giuse không tỉm ra chỗ trong nhà trọ nên Chúa Giêsu đã phải sinh ra trong một hang đá. Ngày nay trong vùng Trung Đông có hàng triệu người tỵ nạn và biết bao nhiêu trẻ em ước mong có thể ngủ trong một hang đá như hang đá trong đó Chúa Cứu Thế đã giáng sinh, mà không được. Đối với họ sẽ là một sự xa xỉ.

Năm nay chính quyền Israel đã cho phép 700 kitô hữu vùng Gaza được tới Bếtlehem để dự lễ.

Trong sứ điệp gửi tín hữu ngày 19-12 cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa, mời gọi mọi người hãy mở toang cánh cửa lòng cho niềm hy vọng, công lý và hòa bình. Sứ điệp có đoạn viết: Cả năm nay nữa, trong cơn xoáy của các thảm cảnh bao quanh chúng ta, hãy để cho mình kinh ngạc và tìm lại Thiên Chúa ở với chúng ta, Đấng chờ đợi chúng ta nơi ngưỡng của con tim của chúng ta. Đừng để cho mình bị lấy mất phẩm giá. Nhưng chúng ta hãy thực tế. Chúng ta sẽ không thay đổi được các số phận của thế giới. Chúng ta sẽ không giải quyết được các vấn đề của các dân tộc chúng ta bị xâu xé và chia rẽ. Nhưng không có ai có thể ngăn cản chúng ta yêu thương các dân tộc ấy và sống công bằng trong môi trường bé nhỏ của chúng ta. Không ai có thể cướp mất đi phẩm giá đã được ban cho chúng ta. Không ai có thể lấy mất đi tình yêu thương và niềm hy vọng không gây thất vọng đã được đổ đầy tràn tâm lòng chúng ta. Chúa Kitô cũng để cho mình được tìm thấy trong vùng Trung Đông khát khao công lý và phẩm giá, sự thật và tình yêu. Vì thế đừng nhìn các kiếm tìm sai lạc của các vua Hêrốt thời nay, nhưng hãy nhìn sự tìm kiếm phong phú của các Đạo sĩ, và nỗi kinh ngạc có khả năng tiếp nhận của các mục đồng Bếtlêhem. Chúng ta đừng lắng nghe các sợ hãi của thế giới, nhưng hãy lắng nghe ca đoàn các thiên thần loan báo ơn cứu độ, hãy để cho thời gian chờ đợi hoán cải chúng ta, rũ bỏ mọi mệt mỏi, và hy vọng chống lại mọi hy vọng.

** Từ Thánh Địa chúng ta bước sang Libăng. Năm nay kitô hữu Libăng đón mừng Chúa giáng sinh trong tâm tình liên đới với 1,5 triệu người tỵ nạn Siri, thêm vào đó là hàng ngàn người Irak. Đức Cha Michel Kassarji. Giám Mục Canđê Beirut đã ra thông cáo mời gọi tín hữu liên đới trợ giúp 800 gia đình kitô Iraq đã chạy trốn khỏi Mosul và vùng đồng bằng Ninive và hiện đang trú ngụ trong vùng ngoại ô thủ đô Beirut. Họ là nạn nhân của guồng máy bao lực mù quáng của phong trào tôn giáo quá khích đã bắt buộc họ phải bỏ nhà cửa làng mạc trốn chạy thoát thân. Họ không có quy chế tỵ nạn và chờ để được đi định cư tại các nước tây âu. Họ không có công ăn việc làm và bị lạm dụng, vì những ngươi cho thuê nhà lên giá, và cũng không nhận được sự trợ giúp nào của các tổ chức dân sự hay nhân đạo quốc tế. Cha Paul Karam giám đốc Caritas Libăng cho biết toàn hệ thống trợ giúp nhân đạo quốc tế cho người tỵ nạn Syri và Iraq cũng sắp cạn kiệt vì thiếu nguồn tại trợ và không còn khả năng đương đầu với các trường hợp cấp bách ngày càng gia tăng.

Bước sang Irak và Siria, là hai quốc gia đang có chiến tranh khốc liệt khiến cho mấy trăm ngàn người chết, hàng chục ngàn người bị thương, mấy triệu người phải tản cư trốn tránh bom đạn và các vụ tán sát đẫm máu của các lực lượng hồi cuồng tín. Tại hai nước này kitô hữu cử hành lễ Giáng Sinh trong âu lo, thiếu thốn, đói lạnh và hoang mang trước tương lại vô định. Kể từ tháng 8 năm 2014 khi các lực lượng của Nhà nước Hồi đánh chiếm thành phố Mossul cũng như các thành phố và làng mạc trong vùng bình nguyên Ninive bên Irak đã có 120.000 kitô hữu phải bỏ gia tài sản nghiệp chạy thoát thân để khỏi phải theo Hồi giáo hay bị chặt đầu. Họ chạy trốn về thành phố Erbil bên Kurdistan, là vùng đất an toàn, chưa rơi vào tay quân hồi cuồng tín.

Trong khi bên Siria bốn năm nội chiến giữa quân của tổng thống Bashar al Assad và các lực lượng đối lập đã khiến cho đất nước xinh đẹp và phồn thịnh bậc nhất Trung Đông này bị tan hoang, tệ hại hơn Libăng hồi thập niên 1970.

Trong sứ điệp Giáng Sinh Đức Cha Jean-Clement Jeanbart, Tổng Giám Mục Melkít Aleppo đã khích lệ tín hữu cử hành ngày lễ trong hân hoan bất chấp mọi đau khổ.
Ngài viết “các khổ cực lớn lao nhất, cũng như chiến tranh và độc ác của những người không biết Thiên Chúa không thể cản trở lượng nhân từ và thương xót mà Chúa Chúa Giêsu tuôn đổ trên các tín hữu của Người”. Ngài hy vọng lễ Giáng Sinh đem “niềm vui và an ủi tới giữa cuộc chiến đáng xấu hổ này”.

”Nhiều gia đình mất hết mọi sự, đang túng thiếu và chịu đói chịu lạnh, chịu bom đạn tiêu hủy nhà cửa, triệt hạ việc làm ăn buôn bán, khiến họ không có một đồng xu dính túi. Đúng là chúng ta đang chịu đau khổ lớn lao vì những gì đang xẩy ra cho chúng ta, nhưng cùng với những người thấp hèn và nghèo nàn nhất, chúng ta lo lắng nhưng kiên nhẫn và đầy hy vọng mong chờ Chúa đem hòa bình tới cho chúng ta trong năm nay.

Đức Cha cho biết đang có nhiều dấu hiệu hy vọng cho thấy các quốc gia Tây Phương đang cố gắng vận động chấm dứt chiến cuộc tại Syria. Ngài cám ơn sự quảng đại của các Kitô hữu đã hỗ trợ Giáo Hội trong việc làm nhẹ các đau khổ của người tị nạn, nhờ đó Giáo Hội đã có thể hỗ trợ được nhiều gia đình hơn trước và tiếp tục trả học phí cho con cái họ, cũng như cung cấp nhiều giỏ thực phẩm đầy đủ mỗi tháng, chăm sóc các nhu cầu y tế và nơi ăn chốn ở cho họ. Ngài nhắn nhủ tín hữu rằng Giáng Sinh là “ngày lễ của chào đón và hy vọng. Lễ này không thể mừng mà thiếu niềm vui trong tâm hồn, thiếu nụ cười trên môi.”

** Trong khi đó, Thượng Phụ Công Giáo, Canđê Louis Raphael I Sako, lên tiếng kêu gọi “mọi Kitô hữu đừng tổ chức bất cứ thứ cử hành có tính thế gian nào nhân dịp Giáng Sinh hay Năm Mới, vì hoàn cảnh cay đắng hiện nay của quốc gia, để tỏ dấu hiệu liên đới với các anh chị em đang chịu nhiều đau khổ không thể nào diễn tả được”.

Ngài kêu gọi mọi người nên ăn chay vào ngày vọng giáng sinh để cầu xin cho người tỵ nạn trở về Mosul và đồng bằng Ninivê. Nhắc tới các cuộc viếng thăm mới đây tại các trại tỵ nạn ở Ankawa và Alqosh, Thượng Phụ cho biết thánh giá của người tỵ nạn hết sức nặng nề. Các nơi này thuộc vùng Kurdistan, nơi hơn 120,000 Kitô hữu đang tạm trú sau khi trốn thoát khỏi Mosul và bình nguyên Ninivê, để tránh sự săn đuổi của binh sĩ Nhà nước Hồi giáo. Trong thông điệp, ngài chúc lễ Giáng Sinh mọi người, và khuyên họ sống Mùa Vọng “bằng ăn chay, cầu nguyện, suy niệm và làm việc bác ái”. Ngài đề nghị họ ăn chay từ thứ Hai, 22 tháng 12 tới đêm 24 tháng 12, đừng đụng tới thực phẩm hay thức uống cho tới trưa, “như trong những ngày Ba'utha", tức lễ kỷ niệm tiên tri Giôna tới Ninivê rao giảng sứ điệp thống hối.

Ngài cho hay "chúng ta ăn chay cho việc giải phóng Mosul và các làng mạc thuộc bình nguyên Ninivê, để hòa bình và an ninh trở lại các vùng này, và mọi người được trở lại nhà cửa, việc làm và trường học của họ”.

Bước sang Ai Cập, năm nay các kitô hữu cử hành lễ Giáng Sịnh trong âu lo, vì các lực lượng quá khích Hồi Giáo lại đã đăng tải nhiều lời kêu gọi tấn công các nhà thờ Kitô Giáo, nhất là tại các vùng chịu ảnh hưởng Kitô Giáo mạnh nhất. Các lời nhắn trên liên mạng cũng thề sẽ trả thù bất cứ người Hồi Giáo nào giúp các Kitô hữu cử hành Mùa Giáng Sinh.

Tại Ai Cập trong những ngày gần tới Lễ Giáng Sinh, internet thường được sử dụng để đe doạ tấn công các cộng đồng Kitô Giáo địa phương, nhất là tại Minya, Alexandria và Fayyum, nơi các nhóm Hồi liên hệ với hệ phái Salafít và Huynh Đệ Hồi Giáo được coi là mạnh nhất.

Các đe doạ lần này có tính nghiêm trọng đến nỗi các học giả có thế giá phải lên tiếng tố cáo. Amna Nosseir, một giáo sư tôn giáo và triết học và là khoa trưởng Phân Khoa Hồi Giáo Học tại đại học Al-Azhar cho rằng những khẩu hiệu bài Kitô Giáo và những đe dọa chống lại họ nhân dịp Lễ Giáng Sinh là phản bội Hồi Giáo chính tông, và ông kêu gọi “người Kitô Giáo và người Hồi Giáo” bảo vệ các nhà thờ để các Kitô hữu Ai Cập cử hành phụng vụ của họ trong hòa bình. Ngay Fawzi al-Zafzaf, nguyên chủ tịch Ủy Ban Thường Trực Đối Thoại với Tòa Thánh, cũng cho rằng việc khích động hận thù tôn giáo chỉ có thể phát xuất từ “các kẻ thù của Quê Hương” vốn bác bỏ Hồi Giáo chân chính. Ông cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ thích đáng và mở các cuộc điều tra nghiêm chỉnh để tìm ra thủ phạm của những lời đe dọa này.

Những động thái quá khích của các nhóm hồi cực đoan khiến cho Đức TGM Hilarion, đặc tránh đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Matscơva, cho rằng cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập đã dẫn tới việc vi phạm các thế cân bằng liên tôn và liên sắc tộc, từng là đặc điểm của Trung Đông trong nhiều thế kỷ qua.

“Ngày nay, các lực lượng cực đoan và quá khích đã thò đầu ra và, khoác danh nghĩa tôn giáo, họ đã phạm nhiều tội ác trầm trọng: giết người, chặt đầu, xúc phạm đến các nơi thánh, triệt hạ các nhà thờ”.

"Kitô hữu ngày nay là nhóm tôn giáo bị bách hại hơn hết tại Trung Đông, họ bị đặt vào thế bị diệt chủng trên thực tế”.

** Từ vùng Trung Đông chúng ta sang một vài nưóc Á châu. Trước hết là Pakistan. Giáng Sinh năm nay là ngày lễ cầu nguyện và liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố tại trung tâm huấn luyện thiếu sinh quân Peshawar, do các lực lượng cuồng tín hồi Taliban chủ mưu, khiến cho 141 người chết, trong đó có 132 thiếu sinh quân.

Các Giám Mục đã ra thông cáo mời gọi tín hữu cầu nguyện cho quốc thái dân an, đặc biệt cho các nạn nhân vụ khủng bố tại Peshawar, cũng như cho hai vợ chồng kitô Shahzad e Shama Masih, bị thiêu sống bởi một nhóm người hồi tại Punjab. Các Giám Mục khẳng định rằng mọi tín hữu kitô có bổn phận thăng tiến hòa bình, hòa giải, hòa hợp và hiệp nhất với mọi công dân Pakistan thuộc mọi tôn giáo để chiến thắng bạo lực và khủng bố. Các vị cũng kêu gọi tín hữu cử hành lễ Giáng Sinh trong thanh đạm, như dấu chỉ tôn trọng nỗi khổ đau của các gia đình nạn nhân và toàn quốc. Các vị cũng mời gọi chính quyền các đảng phái chính trị và giới lãnh đạo các tôn giáo hiệp nhất với nhau trước tai ương này. Các Giám Mục Pakistan cũng yêu cầu chính quyền bảo vệ an ninh cho mọi trường học trên toàn nước. Các lực lượng an ninh cần phải củng cố việc kiểm soát, vì chúng ta đang đứng trước các kẻ thù hận mù quáng và vô lương tâm. Các Giám Mục Pakistan mạnh mẽ lên án bạo lực xấu xa tàn ác và liên đới với gia đình các nạn nhân. Các vị yêu cầu chính quyền theo đuổi trận chiến này và có các biện pháp trừng phạt thích đáng các người chủ mưu.

Trong nhiều nhà thờ tín hữu trưng bầy hình của các em và thắp nến tưởng niệm. Đức Tổng Giám Mục Joseph Coutts, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pakistan đã mời gọi cộng đoàn kitô phản ánh sứ điệp hy vọng và hòa bình mà lễ Giáng Sinh đem đến cho mọi người. Linh Mục Peter Jacob, chuyên hoạt động bảo vệ các quyền con người, cho biết trong 11 giáo xứ và nhiều nhà thờ tại Lahore tín hữu đã hủy bỏ hay rời một số chương trình sinh hoạt như biểu diễn văn nghệ và thánh ca giáng sinh, hay các cuộc vui chơi cho tới sau ngày mùng 1 tháng giêng. Phó tế Shahid Mehraj thuộc nhà thờ chính tòa Lahore cho biết tín hữu cộng đoàn, rất đau buồn và lo lắng đối với vụ khủng bố chống lại tương lai của dân nước Pakistan. Sẽ có lễ nghi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố. Biến cố Chúa Kitô giáng sinh cũng đã bị ghi dấu bởi cuộc tàn sát các trẻ em vô tội Bếtlêhem do vua Hêrốt. Trong bối cảnh vụ đổ máu này Chúa Kitô đã sinh ra như biểu tượng của niềm hy vọng. Vì thế đây là lúc phổ biến sứ điệp tình yêu thương huynh đệ tại Pakistan. 25 tháng 12 cũng là ngày ông Muhammad Ali Jinnah, người thành lập Pakistan chào đời. Ông đã mơ tưởng một quốc gia hiệp nhất, rộng mở, khoan nhượng, hòa bình, không hận thù và bạo lực.

** Tại Ấn Độ, lễ Giáng Sinh đã được cử hành trong bầu khí nặng nề vì các vụ khủng bố chống lại các nhà thờ Kitô. Các Giám Mục công giáo, chính thống, tin lành và nhiều giới lãnh đạo xã hội dân sự khác đã công bố một thống cáo chung, trong đó có viết: “Đứng trước lễ Giáng Sinh chúng tôi có con tim nặng trĩu vì các vụ bạo lực chống lại các nhà thờ tại nhiều nơi trong nước đặc biệt tại Chattisgarth, Madhya Pradesh, Odisha, Uttar Pradesh và New Dehli. Nhà thờ thánh Sebastiano ở New Dehli bị hư hại cũng như các vụ khủng bố khác vén mở cho thấy sự khinh rẻ đối với các tâm tình tôn giáo của cộng đoàn chúng tôi cũng như đối với các bảo đảm của Hiến pháp Ấn Độ. Các hành động bạo lực đó không phải là các biến cố lẻ loi nhưng liên quan với nhau. Nhiều giới chức chính trị đã yêu cầu đưa ra các luật lệ chống lại việc theo Kitô giáo và Hồi giáo. Ngoài ra chiến dịch do các thành viên cao cấp của Quốc hội và các đảng phái tổ chức liên quan tới căn tính và gia tài của các nhóm tôn giáo thiểu số, nhằm hạ uy tín của họ và khiến cho họ gặp nhiều bạo lực hơn là một đe dọa đối với nền hòa bình và hòa hợp quốc gia. Các luật lệ tôn giáo trong vài tiểu bang hạn chế việc hành đạo của tín hữu các nhóm này và cho phép cảnh sát quyền sách nhiễu, bắt giữ và trừng phạt các linh mục tu sĩ nam nữ và các nhân viên kitô. Các Giám Mục cũng liệt kê một danh sách các vụ bạo lực và kỳ thị chống lại các kitô hữu và tín hữu thiểu số khác, đặc biệt là việc phá hủy các nhà thờ và nơi phụng tự.

Từ Ấn Độ chúng ta sang Sri Lanka. Tại đây trong bầu khí tươi vui của lễ Giáng Sinh tín hữu cũng ráo riết chuẩn bị tinh thần tiếp đón chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô vào trung tuần tháng giêng tới đây. Mọi giáo xứ đều có các chương trình văn nghệ và hát thánh ca giáng sinh và hang đá hiện diện trong mọi nhà thờ.

Tiếp đến là Philippines. Năm nay bầu khí giáng sinh tại Philippines cũng kém vui vì sự tàn phá của bão Hagupit đã khiến cho hàng chục người chết và 1 triệu người phải di tản lánh nạn. Trên đảo Samar, đã có rất nhiều nhà bị tàn phá. Đây cũng là vùng bão Haiyan thổi qua hồi năm ngoái, và người dân chưa hoàn toàn phục hồi các thiệt hại phải chịu. Tuy nhiên đáp lời mòi gọi của các Giám Mục, tín hữu toàn nước đã tham gia các cuộc lạc quyên tiền bạc và vật dụng để liên đới với các nạn nhân.

Trong các thành phố lớn tại các nươc Á châu khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan Singapore, Indonesia bầu khi Giáng Sinh đương nhiên tưng bừng, nhưng vẫn mang ít nhiều tính cách tiêu thụ hưởng thụ và mua sắm quà cáp nhiều hơn là tôn giáo. Chỉ tại các tỉnh lẻ và vùng quê lễ Giáng Sinh vẫn giữ được bầu khí thiêng liêng.

** Bây giờ chúng ta sang Phi châu. Tại các nuớc như Nam Sudan, Somalia, Trung Phi và Nigeria nhiều cộng đoàn kitô đã cử hành lễ Giáng Sinh trong nghèo khó và lo âu. Đặc biệt tại miền bắc Nigeria nơi các phiến quân hồi cuồng tín Boko Haram đã liên tục tấn công, tàn sát tín hữu, đốt phá các nhà thờ và cơ sở kitô, khiến cho dân chúng phải tản cư lánh nạn. Vài nhà thờ tỉnh Maiduguri đầy người tỵ nạn. Và lễ Giáng Sinh đã được cử hành trong bầu khí chạy loạn ấy. Bên Somalia và Trung Phi tình hình cũng đã không lạc quan hơn.

Sau đây là bầu khí Giáng Sinh tại vài nước châu Mỹ Latinh.

Tại Argentina các Giám Mục mời gọi tín hữu canh tân xác tín được Thiên Chúa yêu thương và cử hành việc loan báo hoà bình mà Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại. Giáng Sinh là tiếng “có” Thiên Chúa nói với loài người để đồng hành với con người trong việc xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, để canh tân giớí răn yêu thương và ban cho chúng ta sự tự do là con cái Ngài, để yêu thương hết mọi người không loại trừ ai, nhất là yêu thương những người nghèo túng và cần được trợ giúp nhất. Điều phá hủy hòa bình là trái tim con ngươì bị tội lỗi gây thương tích. Hậu qủa là các mất quân bình xã hội và kinh tế đòi hỏi một trật tự công bằng hơn trên thế giới; hậu qủa là sự khinh rẻ mạng sống và quyên căn bản của con người, là tội phạm buôn bán ma túy, buôn bán người, là các khuynh hướng cuồng tín sử dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho cái chết, thù hận khép kín với con đường hòa giải, gian tham hối lộ và không nêu gương tốt khiến cho luân lý xã hội nghèo nàn đi; hậu qủa là nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa gây thiệt hại cho các tương quan cá nhân và cộng đoàn; nơi kiểu suy tư đề cao thành công và chiếm hữu, thay vì ưa thích sự phong phú của bản vị và các giá trị của nó. Các Giám Mục Argentina khích lệ tín hữu xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan đối thoại và niềm vui của sự hy vọng không gây thất vọng.

Bên Colombia là quốc gia có nội chiến lâu nhất thế giới vì đã kéo dài hơn 50 năm qua, tín hữu cũng nô nức mừng lễ mà không sợ bị khủng bố như mọi năm, vì phiến quân FARC tuyên bố ngưng chiến vô thời hạn. Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, Tổng Giám Mục Tunja, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã công bố thông cáo liệt kê một danh sách dài chứng tá của các nạn nhân để mọi người đừng quên nỗi khổ đau triền miên sâu xa của dân chúng. Trong buổi găp gỡ các nhân viên mục vụ của giáo phận và giới truyền thông, Đức Cha khẳng định rằng tiến trình đối thoại hoà bình tại La Habana giữa chính quyền và lực lượng phiến quân FARC đã chỉ cho biết 10% nỗi khổ đau của các nạn nhân. Nhưng nhờ các chứng từ này người ta đã biết được trách nhiệm của các kẻ tội phạm. Đề cập tới việc ngưng chiến không thời hạn của lực lượng phiến quân, Đức Cha nói nó là một dấu chỉ hòa bình, và sự tiến bộ của các cuộc thương thảo.

** Sang đến Peru, trong sứ điệp Giáng Sinh các Giám Mục nước này đã khích lệ tín hữu chiến thắng ích kỷ, tham lam, và biết nghĩ tới tha nhân.

Sứ điệp có đoạn viết: Giáng Sinh là thời gian đặc ân để chia sẻ với lòng hiền dịu và quảng đại, một thời gian để gieo vãi hoà bình và tha thứ. Để được như vậy cần chiến thắng cái đen tối của ích kỷ và thèm khát để nghĩ tới các nhu cầu của tha nhân và công ích trên các lợi lộc cá nhân.

Trong sứ điệp Đức Cha Salvador Pignero, TGM Ayacucho, Chủ tịch HĐGM Peru cũng đề cập tới cuộc khủng hoảng của gia đình, khiến cho ĐTC Phanxicô và các chủ chăn lo lắng. Bởi vì vấn đề nghiêm trọng nhất là sự thiếu vắng tinh yêu tỏ lộ nơi mọi thành phần gia đình từ người già cho tới trẻ em và người trẻ. Chúng ta phải đau đớn ghi nhận rằng có các trẻ em không thể chào đời vì bị khước từ quyền sống. Cái chết của các trẻ em mình ghim đầy vết đạn bắn của thù hận và báo oán xé rách con tim của chúng ta. Chúng ta buồn sầu vì nỗi khổ đau của các trẻ em sống trong các gia đình bị đốn ngã bởi nạn ly dị. Chúng ta lên tiếng thay cho các trẻ em nạn nhân của việc buôn người, của các hành động bất xứng và vô nhân, các nạn nhân vô tội phản ánh gương mặt của Chúa Giêsu Hài Đồng, mà chúng ta phải trợ giúp, giữ gìn bảo vệ và yêu thương. Các Giám Mục cũng không quên các gia đình Peru sống tại hải ngoại vì kiếm tìm công ăn việc làm để cải tiến cuộc sống của người thân, các công nhân, các sinh viên, giới chức chính trị và mọi người thiện chí. Các vị mời gọi toàn dân chung xây một quốc gia hòa bình, biết chú ý tới nhu cầu của những người yếu đuối nhất, để đừng có ai bị loại bỏ khỏi ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta.

Bên châu Mỹ Latinh có lẽ tín hữu Cuba mừng lễ Giáng Sinh vui nhất trong năm nay. Tin Hoa Kỳ và Cuba tái lập liên lạc ngoại giao được tông thống Barck Obama và Chủ tịch Raul Castro tuyên bố song song hôm 17 tháng 12 đã khiến cho người dân Cuba vui mừng đổ xô ra đường nhảy múa. Mọi người đều hy vọng rằng sau 53 năm cấm vận tình hình Cuba từ nay sẽ sáng sủa và cuộc sống sẽ thịnh vượng hơn. Kết qủa này có được là nhờ các cuộc đàm phán bí mật cấp cao giữa hai nước và sư thúc đẩy khich lệ của Canada và Toà Thánh Vatican.

Người dân Cuba, từ các gia đình, công sở hay trường học, dường như đều dừng mọi công việc, cùng quây quanh chiếc tivi để theo dõi tuyên bố chính thức của Chủ tịch Raul Castro, được truyền hình trực tiếp. Chuông đại học Geronimo trong thủ đô La Habana đã đánh lên rộn rã chào mừng biến cố này.

Việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ có khả năng mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế – xã hội với Cuba, hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đời sống của người dân ở quốc đảo này. Thánh lễ Giáng Sinh trở thành dịp tạ ơn vì các viễn tượng sáng sủa này.

** Quành về âu châu có lẽ Italia,Tây Ban Nha Bồ Đào Nha, Đức và một số nước Đông Âu còn giữ được nhiều truyền thống Giáng Sinh nhất, trong đó có các hang đá được trưng bầy hầu như khắp nơi, ngay tại các quảng trường thành phố, nhà ga xe lửa và dĩ nhiên trong các nhà thờ và tư gia.

Tại Roma ngoài hang đá khổng lồ ỏ quảng trường thánh Phêrô, tại quảng trương Nhân dân có cuộc triển lãm 212 hang đá nghệ thuật Italia và quốc tế.

Tuy nhiên năm nay bầu khí giáng sinh tại thủ đô Roma cũng kém vui vì các vụ gian tham của các giới chức chính trị hành chánh nhận tiền hối lộ của các tổ chức tội phạm mafia đã gây gương mù gương xấu khiến cho ĐHY Giám Quản phải tổ chức buổi canh thức cầu nguyện 22-12 tại đền thờ Đức Bà Cả. Nỗi khổ trong tim của biết bao nhiêu công dân tin vào sự hợp pháp và liêm chính, giờ đây gia tăng bầu khí mất tin tường và bi quan cộng thêm với các hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh vẫn kéo dài. ĐHY xin Đức Mẹ giúp mọi người hoán cải con tim và tái dấn thân chung xây một thành phố có gương mặt nhân bản hơn, nơi phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, công lý và tình liên đới được chia sẻ.

Tại Napoli là thành phố có truyền thống mùng lễ Giáng Sinh tươi vui nhất với hàng ngàn hang đá đủ kiểu đủ loại. Năm nay có cuộc triển lãm hang đá và các buổi hòa nhạc tựa đề “Bartolo Longo Thành Phố Napoli.” Ban nhạc trẻ Bartolo Longo đã khai mào truyền thống mừng lễ tại đền thờ Đức Bà Pompei ngày 20-12 với buổi hòa nhạc Giáng Sinh với các bài hòa tấu và thánh ca cổ truyền. Năm nay ban nhạc cũng mừng 120 năm thành lập. Mục đích các buổi hòa nhạc là thông truyến sứ điệp yêu thương và hòa bình của lễ Giáng Sinh. Để chuẩn bị tinh thần cho tín hữu giáo xứ nhà thờ chính tòa và nhiều giáo xứ đã tổ chức tuần cửu nhật.

Tín hữu Italia vẫn còn có thói quen tham dự thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh rất đông và sốt sắng.

Bên Đức, đặc biệt trong vùng Baviere nam Đức là vùng đông công giáo nhất, lễ Giáng Sinh được cử hành long trọng với các truyền thống phong phú. Năm nay 500.000 trẻ em tham gia chiến dịch hát thánh ca giáng sinh để làm việc thiện quyết định dành số tiền quyên được cho các trẻ em Philippines và trẻ em trên thế giới. Khẩu hiệu của chiến dịch năm nay là “Đem phước lành và là phước lành. Dinh dưỡng lành mạnh cho các trẻ em Philipines và trên thế giới” Các em hát thánh ca trên các đường phố và tại tư gia cho tới lễ Ba Vua.

Hiện nay có 842 triệu người trên thế giới phải đói hay không đủ lương thực, Mỗi năm có 2.6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì thiếu dinh dưỡng. Và có 162 triệu trẻ em qúa nhỏ so với tuổi của các em vì thiếu dinh dưỡng. Bên cạnh đó còn có các trẻ em bị bệnh liệt kháng, hay quá nghèo không thể cắp sách đến trường.

Số tiền quyên được trong chiến dịch hát thánh ca dành để cải tiến cuộc sống của các em.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha chủ sự kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano

Đức Thánh Cha chủ sự kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano tử đạo trưa ngày 26-12-2014, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho tự do tôn giáo được củng cố ở mọi nơi trên thế giới nhờ sự hy sinh của các vị tử đạo ngày nay.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của 20 ngàn người, ĐTC nhận xét rằng qua sự tử đạo, thánh Stephano tôn vinh cuộc giáng lâm của Vua các vua trong trần thế, dâng hiến Chúa chính mạng sống của mình, và chỉ cho chúng ta cách sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng Sinh.

ĐTC nhắc đến sự kiện trong bài Phúc Âm ngày lễ hôm nay có câu Chúa nói: ”Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22). Những lời này của Chúa không làm xáo trộn việc cử hành lễ Giáng Sinh, nhưng thanh tẩy việc cử hành lễ này khỏi những lớp bọc đường giả tạo không thuộc về ngày lễ. Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rằng trong những thử thách chấp nhận vì đức tin, bạo lực bị tình yêu đánh bại, sự sống chiến thắng sự chết.”

ĐTC giải thích rằng ”Để thực sự đón nhận Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình và kéo dài niềm vui đêm Giáng Sinh, con đường phải theo chính là con đường mà Phúc Âm hôm nay chỉ dẫn, đó là làm chứng cho Chúa Giêsu trong sự khiêm tốn, trong việc phục vụ âm thần, không sợ đi ngược dòng và trả giá bằng chính mạng sống mình. Tuy không phải mọi người đều được kêu gọi đổ máu như thánh Stephano, nhưng mỗi Kitô hữu đều được kêu gọi sống phù hợp với đức tin mình tuyên xưng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Theo Tin Mừng chắc chắn là con đường khó khăn, nhưng ai trung thành và can đảm bước theo con đường ấy, thì được hồng ân Chúa đã hứa cho những người nam nữ thiện chí”.

ĐTC mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho những người đang bị kỳ thị, bị bách hại và bị giết vì làm chứng cho Chúa Kitô: ”Tôi muốn nói với mỗi người trong số họ: nếu anh chị em vác thập giá này với lòng yêu mến, thì anh chị em sẽ được bước vào mầu nhiệm Giáng Sinh, anh chị em ở trong con tim của Chúa Kitô và Giáo Hội.. Ngoài ra chúng ta cũng hãy cầu nguyện để nhờ sự hy sinh của các vị tử đạo ngày nay, các vị rất đông đảo, khắp nơi trên thế giới có sự gia tăng nỗ lực nhìn nhận và bảo đảm tự do tôn giáo một cách cụ thể, đây là một quyền bất khả nhượng của mỗi người”.

Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm và cầu chúc an bình cho các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu, các phong trào và hội đoàn. Ngài cũng nói:

”Trong những tuần qua, tôi đã nhận được rầt nhiều thư chúc mừng từ Roma, Italia, va các nơi khác trên thế giới. Vì không thể trả lời cho mỗi người, hôm nay tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành với tất cả, nhất là vì những lời cầu nguyện cho tôi. Tôi thành tâm cám ơn và xin Chúa quảng đại trả công cho anh chị em”. (SD 26-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới

Lúc 12 giờ trưa hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban Phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới. Đã có khoảng 100,000 tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô và quảng trường Pio XII.

Lúc 11 giờ 30 ban quân nhạc và đại diện các binh chủng Italia cũng như đội cận vệ Thụy Sĩ đã tiến vào quảng trường và dàn hàng chào danh dự trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô. Đúng 12 giở trưa Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền Thờ. Ngài giơ tay chào mọi người, trong khi ban quân nhạc cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Italia.

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta. Người đã sinh ra tại Bếtlêhem bởi một trinh nữ, và thực hiện các lời tiên tri xưa kia. Trinh nữ ấy tên là Maria, chồng bà là Giuse.

Các vị là những người khiêm tốn, tràn đầy niềm hy vọng nơi lòng lành của Thiên Chúa, tiếp đón Chúa Giêsu và nhận ra Người. Như thế, Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho các mục đồng làng Bếtlêhem, họ chạy đến hang đá và thờ lậy Con Trẻ. Thế rồi Thần Khí đã hướng dẫn hai cụ già Simeon và Anna trong Đền Thờ Giêrusalem và các vị đã nhận ra nơi Đức Giêsu Đấng Cứu Thế : Ông Simeon kêu lên ; « Mắt con đã trông thấy ơn cứu dộ của Chúa, ơn cứu độ đã được dọn sẵn trước mọi dân tộc » (Lc 2,30). Đức Thánh Cha khẳng định như sau :

Phải, thưa anh chị em, Chúa Giêsu là ơn cứu rỗi cho từng người và từng dân tộc! Với Người là Đấng Cứu Thế, tôi xin Người nhìn các anh chị em Irak và Siria từ quá lâu đang đau khổ vì hậu qủa của cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, và cùng với các thành phần khác và các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác họ phải chịu một cuộc bách hại tàn bạo. Ước gì lễ Giáng Sinh đem lại cho họ niềm hy vọng cũng như cho nhiều người tản cư, tỵ nạn, các trẻ em, người lớn, người già của Vùng này và trên toàn thế giới ; biến đổi sự thờ ơ thành sự gần gũi và sự khước từ thành tiếp đón, để cho những người đang ở trong thử thách có thể nhận được các trợ giúp nhân đạo cần thiết hầu sống qua mùa đông giá lạnh này, trở về quê hương của họ và sống xứng đáng. Ước chi Chúa mở các con tim ra cho sự tin tưởng và trao ban hòa bình của Người cho toàn vùng Trung Đông, bắt đầu từ Vùng Đất được chúc phúc bởi sự sinh ra của Người, bằng cách nâng đỡ các cố gắng của những người thực sự dấn thân cho cuộc đối thoại giữa người Israel và người Palestin.

Lậy Chúa Giêsu Cứu Thế, xin nhìn đến những người dau khổ bên Ucraina và cho vùng đất thân yêu này thắng vượt được các căng thẳng, chiến thắng thù hận, bạo lực và bắt đầu một con đường mới của tình huynh đệ và hòa giải.

Lậy Chúa Kitô Cứu Thế, xin hãy ban hòa bình cho Nigeria, nơi lại có máu khác bị đổ ra và có qúa nhiều người bị giật mất các yêu thương và bị giữ làm con tin hay bị tàn sát.

Tôi cũng khẩn nài hòa bình cho Libia, Nam Sudan, Cộng hòa Trung phi và nhiều vùng khác của Cộng hòa dân chủ Congo. Và tôi cũng xin các giới chức có trách nhiệm chinh trị dấn thân qua dối thoai để thắng vượt các xung khắc và xây dựng một cuộc sống chung huynh đệ lâu bền.

Nghĩ tới các trẻ em Đức Thánh Cha nói:
Xin Chúa Giêsu cứu quá nhiều trẻ em nạn nhân của bạo lực, bị biến thành đối tượng của thương mại và nạn buôn người, hay bị bó buộc trở thành chiến binh. Xin Người an ủi các gia đình các trẻ em bị giết bên Pakistan tuần vừa qua. Xin Người gần gũi những kẻ khổ đau vì bệnh tật, đặc biệt các nạn nhân của nạn dịch Ebola, nhất là bên Liberia, Sierra Leone và Guinea. Trong khi tôi chân thành cám ơn tất cả những ai đang can đảm trợ giúp các bệnh nhân và gia đình họ, tôi xin tái mời gọi bảo đảm sự trợ giúp và các liệu pháp cần thiết.

Chúa Giêsu Hài Đồng. Tôi nghĩ đến tất cả các trẻ em ngày nay bị giết và bị đối xử tàn tệ, các trẻ em trước khi chào đời, bị thiếu vắng tình yêu thương quảng đại của cha mẹ và bị chôn vừi trong ích kỷ của một nền văn hóa không yêu thương sự sống ; cũng như các trẻ em di tản vì chiến tranh và bách hại, bị lam dụng khai thác bóc lột trước mắt chúng ta và sự thinh lặng đồng lõa của chúng ta ; các trẻ em bị tàn sát dưới các trận bỏ bom, cả nơi Con Thiên Chúa đã sinh ra. Cả ngày nay nữa sự thinh lặng bất lực của các em kêu than dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu Hêrốt. Trên máu của các em ngày nay đóng trại bóng dáng của các Hêrốt thời đại. Thật thế, có biết bao nhiều nước mắt trong lễ Giáng Sinh này cùng với nước mắt của Chúa Giêsu Hài Đồng !

Anh chị em thân mến, hôm nay xin Chúa Thánh Thần soi sáng con tim chúng ta, để chúng ta có thể nhận biết nơi Hài Nhi Giêsu, sinh ra tại Bếtlehem bởi Đức Trinh Nữ Maria, ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho từng người trong chúng ta, cho mọi người và tất cả mọi dân tộc trên trái đất. Xin quyền năng của Chúa Kitô, là sự giải thoát và phục vu, được cảm thấy trong các con tim đau khổ vì chiến tranh, bách hại và nô lệ. Ước chi sự hiền dịu của Người, quyền năng thiên linh của Ngưòi lấy đi sự cứng cỏi nơi con tim của biết bao nhiêu người nam nữ đắm chìm trong tinh thần thế tục và sự thờ ơ, trong sự toàn cầu hóa của thờ ơ. Ước chi sức mạnh cứu rrỗi của Người biến đổi khí giới thành cầy quốc, sự tàn phá thành óc sáng tạo, thù hận thành tình yêu và sự dịu hiền. Như vậy chúng ta sẽ có thể vui mừng nói rằng : « Mắt chúng con đã trông thấy ơn cứu độ của Chúa ». Với các tư tưỏng này xin chúc tất cả mọi nguời lễ Giáng Sinh tốt lành.

Hai vị Hồng Y đứng hai bên Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Franc Rodé Nguyên Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Hiệp hội tông đồ, và Đức Hồng Y Ludwig Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Hồng Y Franc Rodé Phó đẳng Phó Tế thay thế Đức Hồng trưởng đẳng Phó Tế Renato Martino vắng mặt, tuyên bố chủ ý Đức Thánh Cha ban Phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô cũng như các anh chị em tín hữu trên toàn thế giới theo dõi qua các đài phát thanh truyền hình, miễn là họ giữ các quy tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

– Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tội dựa vào quyền bính và uy thế cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

– Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

– Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Và tiếp theo là Phép lành của Đức Thánh Cha.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh

VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi tối ngày 24-12-2014, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh. Ngài mời gọi các tín hữu đón nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa và biểu lộ đức tính này trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Đồng tế với ĐTC có các HY, GM và đông đảo các linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều mầu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Nhi. 10 em bé trong y phục cổ truyền đã đặt các bó hoa cạnh ảnh tượng Chúa Hài Đồng. Các em được chọn từ những nước vừa được hoặc sắp được ĐTC viếng thăm như Italia, Âu Châu, Hàn quốc và Philippines.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một giá sách Tin Mừng đã được dùng trong Công Đồng chung Vatican I và Vatican II.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn mầu nhiệm Thiên Chúa giáng sinh như ánh sáng đến phá tan bóng đêm bao phủ trần thế, bóng tối được biểu lộ qua các tội ác, bạo lực chiến tranh, oán thù, đàn áp thống trị. Ngài nói:

”Qua dòng lịch sử, ánh sáng phá tan bóng đen tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha và lòng trung tín kiên nhẫn của Chúa mạnh mẽ hơn đen tối và hư hỏng. Sứ điệp của đêm giáng sinh này là Thiên Chúa không có những cơn thịnh nộ và thiếu kiên nhẫn, trái lại Chúa luôn ở đó như người cha trong dụ ngôn người con trai hoang đàng, chờ đợi được thấy bóng người con hư hỏng từ xa xa trở về”.

Trong bối cảnh trên đây ĐTC mời gọi các tín hữu, khi ngắm nhìn Chúa Hài Đồng sinh ra trong máng cỏ, hãy suy tư, tự xét xem mình đón nhận sự dịu hiền của Thiên Chúa như thế nào? Ta có để cho Chúa ôm lấy hay là ngăn cản Chúa đến gần? Chúng ta có thể vặn lại ”Nhưng tôi đang tìm Chúa đấy chứ”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là tìm kiếm Chúa, đứng hơn, là để cho Chúa tìm ta và âu yếm vuốt ve chúng ta. Đây là câu hỏi mà Hài Nhi đặt ra cho chúng ta nguyên bằng sự hiện diện của Ngài: Tôi có thể cho Thiên Chúa yêu thương tôi hay không?”

Và ”chúng ta có can đảm dịu dàng đón nhận những hoàn cảnh khó khăn và những vấn đề của những người bên cạnh, hay chúng ta thích những giải pháp lạnh lùng, tuy hữu hiệu nhưng thiếu hơi ấm của Tin Mừng? Thế giới ngày nay đang cần sự dịu dàng dường nào!”

Và ĐTC kết luận rằng ”Câu trả lời của Kitô hữu không thể khác câu trả lời của Thiên Chúa dành cho sự bé mọn của chúng ta. Cần đương đầu với cuộc sống với lòng từ nhân và dịu dàng. Khi chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa yêu mến sự bé nhỏ của ta, chính Chúa trở nên bé nhỏ để dễ gặp gỡ chúng ta hơn, thì chúng ta không thể không mở rộng tâm hồn chúng ta và cầu khẩn Người: ”Lạy Chúa, xin giúp con được nên giống Chúa, xin ban cho con ơn dịu dàng trong những hoàn cảnh cam go nhất của cuộc sống, xin ban cho con ơn gần gũi tha nhân trước mọi nhu cầu khó khăn, ơn dịu dàng trong bất kỳ cuộc xung đột nào”.

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng Bồ đào nha, Arập, Pháp, Trung Hoa, và Đức, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội, cho việc truyền bá Tin Mừng, nâng đỡ các thừa sai, những người bị tội lỗi và lo âu đè nén, cho những người đau khổ và mọi dân tộc trên thế giới.

Trong phần dâng lễ vật, để nhắc nhớ đề tài Thượng HĐGM về gia đình và Đại hội các gia đình thế giới vào tháng 9 năm tới tại Philedelphia, Hoa Kỳ, hai gia đình với con cái đã được chọn để dâng bánh rượu lên ĐTC.

Sau khi ban phép lành cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện có giếng rửa tội. (SD 24-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhân viên Tòa Thánh và Vatican

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các nhân viên Tòa Thánh và Vatican

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các nhân viên Tòa Thánh và Vatican chăm sóc đời sống thiêng liêng, gia đình, tương quan với tha nhân, công việc làm và các anh chị em yếu đuối.

Đây là những lời nhắn nhủ ngài đưa ra trong buổi tiếp kiến khoảng 2 ngàn nhân viên cấp thừa hành của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican trưa ngày 22-12-2014, sau buổi tiếp kiến các vị lãnh đạo của các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolo 6 trong buổi cũng có con cái và gia đình của các nhân viên. ĐTC nói: ”Trước tiên anh chị em cần chăm sóc đời sống thiêng liêng, quan hệ với Thiên Chúa, vì ”đây là cột sống của tất cả những gì chúng ta làm, và toàn thể cuộc sống của chúng ta. Một Kitô hữu không nuôi dưỡng mình bằng kinh nguyện, các bí tích và Lời Chúa, thì chắc chắn sẽ suy nhược và khô cằn”.

Tiếp đến cần chăm sóc đời sống gia đình, không phải chỉ dành tiền bạc cho con cái và những người thân yêu, nhưng nhất là dành thời gian, sự quan tâm và tình yêu thương. ĐTC nhấn mạnh rằng ”gia đình là một kho tàng quí giá, con cái là kho tàng. Một câu hỏi mà các cha mẹ trẻ có thể đặt ra cho mình: ”Tôi có thời giờ để chơi với con cái tôi hay không, hay là tôi luôn bận rộn, không có giờ cho con cái của tôi?”.

Thứ ba là chăm sóc quan hệ với người khác, ”biến đức tin trong cuộc sống và lời nói thành những việc lành, nhất là đối với những người túng thiếu nhất”. Cần chăm sóc lời nói, ”thanh tẩy miệng lưỡi mình khỏi những lời xúc phạm, những lời phàm tục, sa đọa”. ”Chữa trị những vết thương tâm hồn bằng dầu tha thứ, tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta và chữa lành những vết thương chúng ta đã gây ra cho người khác”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican hãy chăm sóc công việc làm, chu toàn với tất cả sự hăng say, lòng khiêm và khả năng chuyên môn, với tâm hồn biết ơn Thiên Chúa. Tiếp đến cần chữa trị tính ghen tương, tham lam, ghen ghét, những tâm tình tiêu cực hủy hoại an bình nội tâm khiến chúng ta thành những người bị hủy hoại và tạo nên sự hủy hoại cho người khác”.

ĐTC kêu gọi các nhân viên hãy chữa trị sự oán hận đưa chúng ta đến sự trả thù, sự lười biếng khiến chúng ta làm cho cuộc sống tàn lụi, thái độ chỉ tay chỉ trích đưa chúng ta đến sự kiêu hãnh, thái lộ luôn than phiền đưa chúng ta đến tuyệt vọng. ĐTC nói:

”Tôi biết nhiều khi để bảo vệ công ăn việc làm, người ta nói xấu người khác, để tự vệ. Tôi hiểu những tình trạng ấy, nhưng con đường này không đưa tới điều tốt lành, rốt cuộc tất cả chúng ta đều bị tổn hại”.

ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy chăm sóc những anh chị em yếu đui. Ngài nói: ”Tôi đã thấy bao nhiêu gương tốt lành nơi anh chị em. Tôi khen ngợi và cám ơn anh chị em. Nghĩa là chăm sóc ngừơi già, người bệnh, người đói, những người vô gia cư và những người ngoại kiều, vì vào cuối đời chúng ta sẽ bị xét xử về đức bác ái”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các nhân viên Tòa Thánh chăm sóc l Giáng Sinh, để lễ này không bao giờ trở thành dịp để tiêu thụ thương mại, chỉ có vẻ bề ngoài, hoặc là dịp mua sắm những món quà vô ích, dịp để phung phí, nhưng là lễ an vui, đón nhận Chúa trong máng cỏ và trong tâm hồn” (RG 22-12-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

14 căn bệnh của giáo triều Roma cần chữa trị

14 căn bệnh của giáo triều Roma cần chữa trị

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô liệt kê 14 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại giáo triều Roma.

Khoảng 60 Hồng Y và 50 GM cùng với nhiều giám chức, linh mục và giáo dân lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.

Mở đầu, ĐHY Angelo Sodano, 87 tuổi, niên trưởng Hồng Y đoàn, đại diện mọi người chúc mừng ĐTC và cho biết toàn thể các cộng tác viên thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh hứa hỗ trợ và cộng tác hoàn toàn với ĐTC trong việc phục vụ tình hiệp nhất của Giái Hội và hòa bình giữa các dân tộc. ĐHY cũng nói rằng tại Vatican mọi người, trong các nhiệm vụ khác nhau, hiệp nhất và dấn thân phục vụ ĐTC và Giáo Hội.

Diễn từ của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, sau khi gửi lời chúc mừng và cám ơn sự cộng tác của mọi người trong giáo triều Roma, ĐTC nhấn mạnh sự kiện các cơ quan trung ương Tòa Thánh họp thành một cơ thể duy nhất, và cũng như mọi cơ thể, có thể có những bệnh tật cần được chữa lành. Trong ý hướng chuẩn bị tâm hồn, xưng tội, để đón mừng Chúa Giáng Sinh, ĐTC đã liệt kê một loạt những căn bệnh mà những vị làm việc trong giáo triều Roma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy. Ngài nói:

”Giáo triều được kêu gọi cải tiến, luôn cải tiến và tăng trưởng trong tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng giáo triều, cũng như mỗi thân thể con người, cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt. Và ở đây tôi muốn liệt kê vài căn bệnh có thể, những bệnh của giáo triều. Đó là những bệnh thường xảy ra trong đời sống của giáo triều chúng ta. Đó là những bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa. Tôi nghĩ rằng ”danh sách” các bệnh này sẽ giúp chúng ta, như các Đấng Tu Hành trong sa mạc vẫn thường làm danh sách mà chúng ta nói đến hôm nay: danh sách này giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải, là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng Sinh.

1. Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được, và lơ là những kiểm điểm cần thiết và thông thường. Một giáo triều không tự phê bình, không canh tân, không tìm cách cải tiến, thì đó là một cơ thể đau yếu. Một cuộc viếng thăm bình thường tại các nghĩa trang có thể giúp chúng ta nhìn thấy tên của bao nhiêu người, của vài người mà chúng ta nghĩ họ là bất tử, miễn nhiễm, và không thể thay thế được! Đó là bệnh của người giàu có trong Phúc Âm nghĩ rằng mình sống vĩnh viễn (Xc Lc 12,13-21) và cả những người trở thành chủ nhân ông, cảm thấy mình cao trọng hơn mọi người, chứ không phải là người phục vụ tất cả mọi người. Bệnh này thường xuất phát từ bệnh quyền bính, từ mặc cảm là những người ưu tuyển, từ thái độ tự yêu mình, say mê nhìn hình ảnh của mình mà không nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa in nơi khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng thiếu nhất. Thuốc chữa bệnh dịch này là ơn thánh, ơn cảm thấy mình là người tội lỗi và thành tâm nói rằng: ”Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta đã làm những gì chúng ta phải làm” (Lc 17,10).

2. Một bệnh khác là bệnh Marta, đến từ tên Marta, làm việc thái quá: tức là những người chìm đắm trong công việc, và lơ là với phần tốt hơn, là ngồi bên chân Chúa Giêsu (Xc Lc 10,38). Vì thế Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài ”hãy nghỉ ngơi một chút” (Xc Mc 6,31), vì lơ là việc nghỉ ngơi cần thiết sẽ đi tới tình trạng căng thẳng và giao động. Thời gian nghỉ ngơi, đối với những người đã chấm dứt sứ mạng của mình, là điều cần thiết, cần phải làm, và cần phải sống thanh thản: khi trải qua một chút thời gian với những người thân trong gia đình và tôn trọng các kỳ nghỉ như những lúc bồi dưỡng tính thần và thể lý; cần học điều mà sách Qohelet đã dạy: ”Có thời gian cho mỗi điều” )3,1-15).

3. Cũng có thứ bệnh ”chai cứng” tâm trí và tinh thần: nghĩa là bệnh của những người có tâm hồn chai đá, ”cứng cổ” (Cv 7,51-6); bệnh của những người đang đi trên đường, đánh mất sự thanh thản nội tâm, mất sức sinh động và táo bạo, và ẩn nấp sau các giấy tờ, trở thành ”chiếc máy hồ sơ” chứ không còn là ”những người của Thiên Chúa” nữa (Xc Dt 3,12). Họ có nguy cơ đánh mất sự nhạy cảm nhân bản cần thiết để khóc với những người khóc và vui với những người vui! Đó là bệnh của những người mất ”tâm tình của Chúa Giêsu” (Xc Pl 2,5-11), vì con tim của họ, qua dòng thời gian, đã trở nên chai đá và không có khả năng yêu mến Chúa Cha và tha nhân vô điều kiện (Xc Mt 22,34-40). Thực vậy, là Kitô hữu có nghĩa là ”có cùng những tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5), những tâm tình khiêm tốn, và hiến thân, không dính bén và quảng đại.

4. Bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng. Khi tông đồ kế hoạch mọi sự một cách tỷ mỉ và tưởng rằng khi thực hiện việc kế hoạch hóa hoàn toàn thì mọi sự sẽ thực sự tiến triển, như thế họ trở thành một kế toán viên hay một nhà tư vấn kinh doanh. Chuẩn bị mọi sự là điều tốt và cần thiết, nhưng không bao giờ được rơi vào cám dỗ muốn đóng kín và lèo lái tự do của Chúa Thánh Linh, Đấng luôn luôn lớn hơn, quảng đại hơn mọi kế hoạch của con người (Xc Ga 3,8). Người ta lâm vào căn bệnh này vì ”ở lại thoải mái trong các lập trường tĩnh và bất biến của mình thì vẫn là điều dễ dàng và ung dung hơn. Trong thực tế, Giáo Hội tỏ ra trung thành với Chúa Thánh Linh theo mức độ Giáo Hội không chủ trương điều hành và thuần hóa Thánh Linh. Thánh Linh là sự tươi mát, sáng tạo và mới mẻ!”

5. Bệnh phối hợp kém. Khi các chi thể mất sự hiệp thông với nhau thì thân thể đánh mất hoạt động hài hòa và chừng mực của mình, trở thành một ban nhạc chỉ tạo ra những tiếng ồn ào, vì các thành phần của ban không cộng tác với nhau, không sống tinh thần hiệp thông và đồng đội. Khi chân nói với tay: ”Tôi không cần anh”, hoặc tay nói với đầu: ”Tôi điều khiển”, thì tạo nên sự khó chịu và gương mù.

6. Cũng có thứ bệnh ”suy thoái não bộ tinh thần”, hay là quên đi ”lịch sử cứu độ”, lịch sử quan hệ bản thân với Chúa, quên đi mối tình đầu (Kh 2,4). Đó là sự suy thoái dần dần các khả năng tinh thần trong một khoảng thời gian dài ngắn hơn kém, tạo nên tình trạng tật nguyền trầm trong cho con người, làm cho nó không còn khả năng thi hành một số hoạt động tự lập, sống trong tình trạng hoàn toàn tùy thuộc những quan niệm thường là tưởng tượng. Chúng ta thấy điều đó nơi những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa, nơi những người hoàn toàn tùy thuộc hiện tại của họ, đam mê, tính thay đổi nhất thời, và những thứ kỳ quặc khác; ta thấy nơi những người kiến tạo quanh mình những bức tường và những tập quán, ngày càng trở thành nô lệ cho các thần tượng mà họ tay họ tạo nên.
7. Bệnh cạnh tranh và háo danh. Khi cái vẻ bề ngoài, những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống, quên đi lời thánh Phaolô: ”Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa” (Pl 2,1-4). Đó là căn bệnh đưa chúng ta trở thành những con người giả dối và sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo, Chính thánh Phaolô đã định nghĩa họ là ”những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” vì họ ”kiêu hãnh về những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần thế này” (Pl 3,19)

8. Bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình về sự tầm thường và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ hoặc các bằng cấp khác không thể lấp đầy được. Một thứ bệnh thường xảy ra nơi những người bỏ việc mục vụ, và chỉ giới hạn vào những công việc bàn giấy, đánh mất sự tiếp xúc với thực tại, với những con người cụ thể. Như thế họ tạo cho mình một thế giới song song, trong đó họ gạt sang một bên tất cả những gì họ nghiêm khắc dạy người khác, và bắt đầu sống một cuộc sống kín đáo và thường là tháo thứ. Sự hoán cải là điều rất cần thiết và không thể thiếu được đối với thứ bệnh rất nặng này (Xc Lc 15,11-32).

9. Bệnh 'ngồi lê đôi mách', lẫm bẩm và nói hành. Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ. Đó là một bệnh nặng, thường bắt đầu bằng những cuộc chuyện trò, và nó làm cho con người thành người gieo rắc cỏ lùng cỏ dại như Satan, và trong nhiều trường hợp họ trở thành người ”điềm nhiên giết người”, giết hại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và anh em cùng dòng. Đó là bệnh của những người hèn nhát không có can đảm nói thẳng, mà chỉ nói sau lưng. Thánh Phaolô đã cảnh giác: ”Anh em hãy làm mọi sự mà đừng lẩm bẩm, không do dự, để không có gì đáng trách và tinh tuyền” (Pl 2,14-18). Hỡi anh em, chứng ta hãy giữ mình khỏi những nạn khủng bố nói hành nói xấu!

10. Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên, hy vọng được ân huệ của họ. Họ là nạn nhân của công danh sự nghiệp và của thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa (Xc Mt 23,8-12). Đó là những người khi phục vụ chỉ nghĩ đến điều mà họ phải đạt được chứ không tới điều mà họ phải làm. Những người bủn xỉn nhỏ nhặt, bất hạnh, và chỉ hành động vì ích kỷ (Xc Gl 5,16-25). Bệnh này có thể xảy ra cho cả các cấp trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên để được sự tuân phục, trung thành và tùy thuộc về tâm lý, nhưng kết quả cuối cùng là một sự đồng lõa thực sự.

11. Bệnh dửng dưng đối với người khác. Khi mỗi người chỉ nghĩa đến mình và đánh mất sự thành thực và quan hệ nồng nhiệt với nhau. Khi người giỏi nhất không đặt kiến thức của mình để phục vụ đồng nghiệp yếu kém hơn. Khi người ta biết được điều gì và giữ riêng cho mình thay vì chia sẻ tích cực với những người khác, Khi vì ghen tương và tinh ranh, họ cảm thấy vui mừng khi thấy người khác ngã xuống, thay vì nâng người ấy dậy và khích lệ họ!

12. Bệnh có bộ mặt đưa đám. Tức là những người cộc cằn và hung tợn, cho rằng để tỏ ra là nghiêm minh, cần có bộ mặt âu sầu, nghiêm khắc và đối xử với những người khác, nhất là những người cấp dưới, một cách cứng nhắc, cứng cỏi và kiêu hãnh. Trong thực tế, sự nghiêm khắc đóng kịch và thái độ bi quan vô ích thường là triệu chứng của sự sợ hãi và bất an về mình. Tông đồ phải cố gắng là một người nhã nhặn, thanh thản, nhiệt thành và vui tươi, thông truyền niềm vui tại bất kỳ nơi nào. Một con tim đầy Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui cho tất cả những người quanh mình, người ta nhận thấy ngay điều đó.. Chúng ta đừng đánh mất tinh thần vui tươi, tinh thần hài hước, thậm chí tự cười mình, làm cho chúng ta trở thành những người dễ mến, cả trong những hoàn cảnh khó khăn”. Một chút tinh thần hài hước thật là điều tốt cho chúng ta dường nào. Thật là điều tốt nếu chúng ta thường đọc kinh của Thánh Thomas More: tôi vẫn đọc kinh đó hằng ngày và điều này mang nhiều ích lợi cho tôi.

12. Bệnh tích trữ. Khi tông đồ tìm cách lấp đầy khoảng trống trong con tim của mình bằng cách tích trữ của cải vật chất, không phải vì cần thiết nhưng chỉ vì để cảm thấy an ninh. Trong thực tế không có gì vật chất có thể mang theo mình vì ”khăn liệm không có túi” và mọi kho tàng vật chất của chúng ta, dù có thực đi nữa, không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống, trái lại càng làm cho nó khẩn trương và sâu đậm hơn. Chúa lập lại với những người ấy: ”Ngươi bảo: nay tôi giầu có, đã đầy đủ của cải rồi, tôi chẳng cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết mình là kẻ bất hạnh, khốn nạn, một kẻ nghèo, mù lòa và trần trụi.. Vậy ngươi hãy nhiệt thành và hoán cải” (Kh 3,17-19). Sự tích trữ của cải chỉ làm cho nặng nề và làm cho hành trình trở nên chậm hơn! Và tôi nghĩ đến một giai thoại: trước kia các tu sĩ dòng Tên Tây Ban Nha mô tả dòng như một đoàn ”kỵ binh nhẹ nhàng của Giáo Hội”. Tôi nhớ cuộc dọn nhà của một tu sĩ dòng Tên trẻ, trong khi chất lên xa vận tải bao nhiêu đồ đạc: hành lý, sách vở, vật dụng, quà tặng, thì một tu sĩ dòng Tên cao niên quan sát và mỏỉm cười nói: đây có phải là kỵ binh nhẹ của Giáo Hội không?”. Những cuộc dọn nhà của chúng ta là một dấu hiệu về bệnh ấy.

13. Bệnh những nhóm khép kín, trong đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình và trong một số trường hợp, mạnh hơn thuộc về chính Chúa Kitô. Cả căn bệnh này cũng luôn bắt đầu bằng những ý hướng tốt là tiêu khiển với các bạn bè, nhưng với thời gian nó trở nên xấu, thành bệnh ung thư đe dọa sự hài hòa của thân thể và tạo nên bao nhiêu điều ác, gương mù, nhất cho cho những anh em bé nhỏ hơn của chúng ta. Sự tự hủy diệt, hay là ”những viên đạn của bạn đồng ngũ” chính là nguy hiểm tinh tế nhất. Đó là sự ác đánh từ bên trong, và như Chúa Kitô đã nói, ”nước nào chia rẽ bên trong thì sẽ bị tàn lụi” (Lc 11,17).

14. Sau cùng là bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương. Khi tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm tục và được nhiều quyền thế hơn. Đó là bệnh của những người tìm cách gia tăng vô độ quyền lực và để đạt được mục tiêu đó, họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh danh của người khác, thậm chí trên cả các nhật báo và tạp chí, dĩ nhiên để biểu dương và chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác. Cả thứ bệnh này cũng gây hại rất nhiều cho thân mình, vì nó làm cho con người đi tới độ biện minh việc sử dụng bất kỳ phương thế nào để đạt tới mục tiêu ấy, thường là nhân danh công lý và sự minh bạch. Và ở đây tôi nhớ đến một linh mục đã gọi các ký giả đến để kể cho họ – một điều mà LM này bịa đặt – về những chuyện riêng tư của những linh mục khác và của giáo dân. LM ấy chỉ muốn được xuất hiện trên những trang nhất của báo chí, và như thế cảm thấy mình quyền năng và chiến thắng, nhưng tạo ra bao nhiêu đau khổ cho những người khác và cho Giáo Hội! Thật là kẻ đáng thương!

ĐTC nhận xét rằng những căn bệnh và cám dỗ ấy cũng là nguy cơ của mỗi Kitô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu, các phong trào Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.

Ngài mời gọi tất cả mọi người hãy sống theo chân lý trong sự thật, nhất là trong mùa Giáng Sinh này, hãy chuẩn bị xưng tội và xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, chữa lành mọi vết thương tội lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn, và xin Mẹ nâng đỡ Giáo Hội và giáo triều để tất cả được lành mạnh, thánh thiện và thánh hóa, hầu tôn vinh Con của Mẹ và để cứu độ chúng ta và toàn thế giới.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã đích thân đến bắt tay chúc mừng các Hồng Y đứng thành hình vòng cung ở sảnh đường Clemente trong dinh Tông Tòa, và tiếp đến, các GM cũng như các giám chức, các LM khác và các giáo dân ở vị trí lãnh đạo, đến trước ĐTC để chúc mừng và bắt tay ngài.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7,500 thành viên Cộng đoàn Thánh Gioan 23

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7,500 thành viên Cộng đoàn Thánh Gioan 23

VATICAN. Sáng 20-12-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7,500 người thuộc Cộng đoàn thánh Gioan 23. Ngài khích lệ các thành viên cộng đoàn tiếp tục chăm sóc việc huấn luyện tinh thần và siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Cộng đoàn thánh Gioan 23 do vị Tôi Tớ Chúa Linh mục Oreste Benzi người Italia sáng lập cách đây 46 năm (1968), chuyên giúp cai nghiện ma túy, phục hồi các phụ nữ phải hành nghề mại dâm và trợ giúp những người ở trong hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay cộng đoàn này hiện diện và hoạt động tại 34 quốc gia với các căn nhà gia đình, các hợp tác xã xã hội và giáo dục, các nhà cầu nguyện, các dịch vụ tháp tùng các phụ nữ mang thai gặp vấn đề, và các sáng kiến khác. 6 nước Á châu có các cộng đoàn Gioan 23 là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn độ, Israel Palestine, Népal và Sri Lanka.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến của ĐTC tại thính đường Phaolô 6 sáng 20-12-2014, cũng có 18 Hồng y và GM, 1,800 trẻ vị thành niên từ 10 đến 18 tuổi, 200 trẻ em và người lớn ngồi trên ghế lăn và nhiều người già.

Trước khi ĐTC đến, các tham dự viên đã sinh hoạt, ca hát, văn nghệ và nghe trình bày chứng từ. Khi ngài đến lúc quá 12 giờ trưa, sau lời chào mừng vị của vị tổng phụ trách, một cựu nữ mại dâm người Nigeria được cộng đồng thánh Gioan 23 giải thoát đã kể lại chứng từ. Khi còn là một thiếu nữ 18 tuổi, cô bị thân phụ bán sang Italia cho bọn ma-cô. Trong khi hành nghề mại dâm, cô có thai và sinh con. Sau đó cô được một thành viên cộng đồng Gioan 23 giúp tìm lại được tự do.

Tiếp đến một gia đình người du mục Rom được tiếp đón trong cộng đoàn này đã trình bày chứng từ với ĐTC và mọi người.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhận xét rằng ”những chuyện kể của anh chị em kể lại nói về sự nô lệ và giải thoát, về sự ích kỷ của những người muốn xây dựng cuộc sống của mình bằng cách bóc lột người khác, và về lòng quảng đại của những người giúp đỡ tha nhân trỗi dậy tình trạng lầm than vật chất và luân lý của họ”.

”Những kinh nghiệm đó cho thấy bao nhiêu hình thức nghèo đói làm cho thế giới chúng ta bị thương tổn; chúng cũng tỏ lộ tình trạng lầm than nguy hiểm nhất, nguyên nhân của tất cả những lầm thang khác chính là sự xa lìa Thiên Chúa, tưởng mình có bất cần Thiên Chúa. Thật là một sự lầm than mù quáng khi coi mục đích đời mình là sự giàu sang vật chất, tìm kiếm quyền lực và lạc thù, nô lệ hóa cuộc sống tha nhân để đạt tới mục tiêu của mình”.

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy để cho sự hiện diện của Chúa mở rộng chân trời, chữa lành tư tưởng và cảm xúc của mình. Sự hiện diện ấy mang lại cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt thắng những khó khăn và thử thách. Nơi nào có Chúa Giêsu, thì có sự sống lại, có sự sống, vì chính Chúa là sự phục sinh và là sự sống”. (SD 20-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

ĐTC HÀI LÒNG VÌ HOA KỲ VÀ CUBA TÁI LẬP LIÊN LẠC NGOẠI GIAO

ĐTC HÀI LÒNG VÌ HOA KỲ VÀ CUBA TÁI LẬP LIÊN LẠC NGOẠI GIAO

VATICAN: ĐTC Phanxicô đã rất hài lòng vì Hoa Kỳ và Cuba đã tại lập liên lạc ngoại giao với nhau để thắng vượt các khó khăn đã có trong lịch sử giữa hai nước và vị lợi ích của người dân.

Trong thông cáo công bố ngày 18-12 Phủ Quốc Vụ Khanh cũng cho biết ĐTC đã viết thư cho tổng thống Barack Obama và chủ tịch Raul Castro để mời gọi hai người giải quyết các vấn đề nhân đạo có lợi chung, trong đó có tình trạng của vài tù nhân, hầu bắt đầu một giai đoạn mới trong tương quan giữa hai bên. Hồi tháng 10 năm nay Toà Thánh đã tiếp đón phái đoàn của hai nước và đã cống hiến các văn phòng của mình cho một cuộc đối thoại xây dựng liên quan tới các đề tài tế nhị, từ đó đã nảy sinh các giải pháp thoả đáng cho cả hai bên. Tòa Thánh sẽ tiếp tục bảo đảm sự ủng hộ cho các sáng kiến mà hai nước sẽ đề ra để gia tăng các liên lạc song phương tạo thuận lợi cho hạnh phúc của công dân hai nước (SD 18-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Thăng tiến một sự phát triển kinh tế biết tôn trọng phẩm giá của mọi người và mọi dân tộc

Thăng tiến một sự phát triển kinh tế biết tôn trọng phẩm giá của mọi người và mọi dân tộc

Trong tháng giêng năm 2015 tới đây Đúc Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cầu xin cho việc thăng tiến một sự phát triển kinh tế biết tôn trọng phẩm giá của mọi người và của mọi dân tộc.

Khi duyệt xét nhiều lãnh vực cuộc sống con người trên thế giới, chúng ta phải thừa nhận các tiến bộ kỹ thuật cũng như các cơ cấu xã hội đạt được cho phép con ngưòi có một cuộc sống khỏe mạnh hơn, an ninh hơn và trường thọ hơn.
Nhưng các tin tức đó thường chỉ liên quan tới các nước kỹ nghệ giầu, trong khi tại nhiều quốc gia nghèo khác người dân không có đủ lương thực, an ninh và sức khỏe, vì có rất nhiều người chết vì đói khát và bệnh tật. Đây là lý do tại sao hàng năm trong “Ngày lương thực thế giới” các Giáo Hoàng thường nhắc lại cùng các vấn đề, cùng các tham vọng và lời van xin các chính quyền, các tổ chức trên thế giới coi nhân phẩm của từng người là ưu tiên tuyệt đối trong mọi hoạt động.

Ngày 16 tháng 5 năm 2013 trong buổi tiếp tân đại sứ các nước Kirghizistan, Antigua-et-Barbuda, Luxembourg và Botswana cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận các tiến bộ đáng ca ngọi trong các lãnh vực y tế, giáo dục, và truyền thông. Nhưng ngài cũng nhận xét rằng có biết bao nhiêu người trong thời đại này còn đang phải sống trong cảnh tạm bợ thường ngày với các hậu qủa đáng buồn. Một số bệnh tật gia tăng với các hậu quả tâm thần; sợ hãi và tuyệt vọng xâm chiếm con tim của nhiều người ngay trong các nước giầu; niềm vui sống thuyên giảm; sỗ sàng và bạo lực lan tràn; và nghèo túng càng gia tăng hơn nữa. Phải tranh đấu để sống và sống một cách xứng đáng hơn. Một trong những lý do của tình trạng này là nơi tương quan của chúng ta với tiền bạc và việc chúng ta chấp nhận sự thống trị của nó trên con người và trên các xã hội của chúng ta. Như thế cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua khiến cho chúng ta quên đi nguồn gốc đầu tiên của nó là cuộc khủng hoảng nhân chủng sâu rộng. Là việc khước từ quyền tối thượng của con người. Người ta đã tạo ra các thần tượng mới. Việc tôn thờ con bò vàng xưa kia giờ đây đã tìm ra một gương mặt mới và tàn nhẫn của việc tôn thờ tiền bạc và trong sự độc tài của kinh tế không gương mặt, cũng không có mục đích thật sự nhân bản.

Cuộc khủng hoảng quốc tế trong các lãnh vực tài chánh và kinh tế xem ra đưa ra ánh sáng các méo mó lệch lạc và nhất là sự yếu kém to lớn trong định hướng nhân chủng học của chúng, giản lược con người vào một nhu cầu duy nhất trong các nhu cầu của nó: đó là tiêu thụ. Tệ hơn nữa là chính con người ngày nay lại bị coi như một sản phẩm tiêu thụ, có thể sử dụng, rồi vứt bỏ… Trong một bối cảnh như thế tình liên đới là kho tàng của người nghèo bị coi như chống sản xuất, trái nghịch với tính hợp lý tài chánh và kinh tế. Và khi nguồn thu nhập của một thiểu số gia tăng theo hàm số mũ, thì thu nhập của đại đa số yếu kém đi.

Tiếp tục diễn văn nói với tân đại sứ các nước Kirghizistan, Antigua-et-Barbuda, Luxembourg và Botswana cạnh Tòa Thánh,
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng sự mất quân bình này phát xuất từ các ý thức hệ thăng tiến sự độc lập tuyệt đối của các thị trường và đầu cơ tích trữ tài chánh, khước từ quyền kiểm soát của các chính quyền có nhiệm vụ lo lắng cho công ích. Một chế độ độc tài vô hình, đôi khi tiềm thể, được thiết đặt, và áp đặt các luật lệ và và mực thước của nó, một cách không thể cứu vãn được nữa. Ngoài ra nợ nần và tín dụng khiến cho các nước xa rời nền kinh tế thực sự của mình. Thêm vào đó là nạn gian tham hối lộ len lỏi và nạn trốn thuế ích kỷ với các chiều kích quốc tế. Ý muốn quyền lực và chiếm hữu đã trở thành vô hạn.

Đàng sau thái độ đó ẩn nấp sự khưóc từ luân lý đạo đức, khước từ Thiên Chúa. Cũng như tình liên đới, luân lý đạo đức phá rối. Nó bị coi như chống sản xuất, cũng như qúa nhân bản, vì nó tương đối hóa tiền bạc và quyền bính; nó bị coi như một sự đe dọa, vì nó chối bỏ sự lèo lái và bắt con người phục tùng. Vì luân lý đạo đức dẫn tới Thiên Chúa, là Đấng ở ngoài các phạm trù của thị trường. Vì là Đấng không thể kiểm soát đuợc nên Thiên Chúa bị các nhà tài chánh, kinh tế và chính trị coi là nguy hiểm, vì Ngài kêu gọi con người hiện thực tràn đầy chính mình và độc lập khỏi mọi kiểu nô lệ. Luân lý đạo đức – dĩ nhiên là một thứ luân lý đạo đức không ý thức hệ – cho phép tạo ra một thế quân bình và trật tự xã hội nhân bản hơn. Trong nghĩa đó tôi khích lệ các bậc thầy tài chánh và các chính quyền suy xét các lời này của thánh Gioan Kim Khẩu: “Không cho các người nghèo tham dự vào của cải của họ là ăn cắp và lấy mất đi cuộc sống của họ. Chúng ta không cầm giữ của cải của chúng ta nhưng cầm giữ của cải của họ” (Bài giảng về Ladarô, 1,6; PG 48,992D).

Và Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài diễn văn nhu sau: Quý đại sứ thân mên, thật đáng cầu chúc việc thực hiện một cuộc cải cách tài chánh có luân lý đạo đức kéo theo một cuộc canh cải kinh tế lành mạnh cho tất cả mọi người. Tuy nhiên diều này sẽ đòi hỏi một thay đổi thái độ can đảm của hàng lãnh đạo chính trị… Tiền bạc phải phục vụ chứ không cai trị. Giáo Hoàng yêu thương mọi người: người giầu cũng như người nghèo. Nhưng Giáo Hoàng cũng có bổn phận, nhân danh Chúa Kitô, nhắc nhở người giầu phải giúp người nghèo, tôn trọng họ và thăng tiến họ. Giáo Hoàng mời gọi tình liên đới vô vị lợi và sự trở lại của luân lý đạo đức cho con người trong thực tại tài chánh và kinh tế.

Với các tư tưởng trên đây trong tháng giêng tới này hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu xin cho việc thăng tiến một sự phát triển kinh tế biết tôn trọng phẩm giá của mọi người và của mọi dân tộc.

(Ý chỉ chung tháng 1 năm 2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THƯỢNG PHỤ CHÍNH THỐNG HY LẠP ANTIOCHIA TÁI KÊU GỌI HÒA BÌNH CHO VÙNG CẬN ĐÔNG

ĐỨC THƯỢNG PHỤ CHÍNH THỐNG HY LẠP ANTIOCHIA TÁI KÊU GỌI HÒA BÌNH CHO VÙNG CẬN ĐÔNG

ROMA: Đức Thượng Phụ chính thống Hy Lạp Antiochia Gioan X Yazigi lại vừa lên tiếng kêu gọi hòa bình cho vùng Cận Đông.

Đức Thượng phụ Gioan X hiện đang viếng thăm Hoa Kỳ nhân lễ nhậm chức của đức Giám Mục Joseph, đại diện của giáo hội chính thống Hy Lạp tại Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng Al – Monitor và được nhật báo Quan Sát Viên Roma đăng lại, Đức Thượng phụ Gioan X đã mời gọi tất cả các chính quyền trên thế giới hãy dấn thân đem lại hòa bình qua đối thoại cho vùng Cận đông. Ngài nói: Nếu quý vị muốn giúp đỡ chúng tôi là các tín hữu ky tô, bảo vệ chúng tôi trong tư cách là ky tô hữu, thì quý vị phải tìm một phương thế đem lại hòa bình cho Siria và toàn vùng Cận Đông. Quý vị không thể chỉ bảo vệ riêng tôi mà không chú ý đến người hàng xóm đang gặp khó khăn của tôi được. Chúng tôi tin rằng giải pháp cho vấn đề này không phải là gửi chiến hạm hay tàu bè đến để đánh nhau hay để di chuyển chúng tôi đi nơi khác, nhưng là cắt nguồn tài trợ và ngưng cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi loạn. Đức Thượng phụ giải thích rằng cần phải thực hiện hai điều: tìm ra một giải pháp hòa bình cho Siria và làm sao để các tín hữu ky tô có thể tiếp tục sinh sống tại đây. Ngài nói: Chúng tôi không phải là khách qua đường hay người đến thăm viếng nơi đây. Chúng tôi sinh ra tại đây, đã sống và sẽ tiếp tục sống tại đây, dù là Siria, hay Irak hoặc Liban. Ngài cũng tỏ ra rất lo âu vì không có tin tức gì của người anh em là Đức Giám mục chính thống hy lạp giáo phận Aleppo, bị bắt cóc biệt tích từ tháng tư năm 2013 cùng với Đức cha Gregorios Yohanna Ibrahim, Giám Mục chính thống siro.

Tất cả 270 giáo xứ chính thống Hy Lạp hiện diện trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều tiếp tục gửi tiền bạc và phẩm vật cứu trợ cùng với nỗ lực ủng hộ tinh thần về cho các anh chị em đồng đạo đang phải sống trong lo âu đau khổ. Và Đức Thượng phụ Gioan X cho biết là tòa thượng phụ Antiochia trợ giúp tất cả mọi người, ky tô cũng như hồi giáo không loại trừ ai. Ngài nói: Đó là sứ mệnh của chúng tôi, là bản chất và là điều mà chúng tôi tin tưởng.” (FIDES 171214)

Mai Anh

NẠN CƯỚP ĐẤT CỦA KITÔ HỮU VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO BÊN PAKISTAN

NẠN CƯỚP ĐẤT CỦA KITÔ HỮU VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO BÊN PAKISTAN

KASUR: Trong những ngày vừa qua luật sư công giáo Sardar Mushtaq Gill đã mạnh mẽ tố cáo nạn cướp đất đai của Kitô hữu và của Giáo Hội công giáo tại Pakistan.

Là người chuyên tranh đấu cho nhân quyền, luật sư cho biết hiện tượng này do các đại điền chủ và người quyền thế hồi chủ mưu, bằng cách lạm dụng quyền bính của họ để ăn cướp đất đai, nhà cửa và ruộng vườn của các gia đình kitô và của Giáo Hội một cách có hệ thống. Hiện tượng ăn cướp này nấp sau bình phong che đậy của các vụ đặt điều vu khống kitô hữu nói phạm thượng, khiến kitô hữu sợ hãi bỏ trốn hay bị loại trừ. Điển hình như trường hợp của một người thợ kitô vùng Pattoki phải bỏ nhà đi làm tại một lò gạch xa. Một người hồi đã chiếm nhà ông. Khi biết tin chiếm nhà bất hợp pháp gia đình này đã về đòi lại, nhưng bị đe dọa và đánh đập. Hiện nay họ được Giáo Hội Anh giáo Pakistan che chở và giúp đưa nội vụ ra tòa. Luật sư Gill cũng cho biết có nhiều ruộng đất thuộc các gia đình kitô tại Punjab cũng đã bị cướp đoạt như thế với sự đồng lõa của cánh sát địa phương. Các đại điền chủ và người quyền thế hồi công khai vi phạm các quyền của các nhóm thiểu số, ức hiếp các gia đình kitô yếu thế, vì họ không bị luật pháp trừng phạt. Nhưng chính vì vậy ông cương quyết bênh vực quyền của các Kitô hữu và đưa các vụ này ra trưóc công lý (FIDES 16-12-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

BUỔI HỌP BÁO GIỚI THIỆU BẢN TƯỜNG TRÌNH CHUNG KẾT CUỘC THANH TRA TÔNG TÒA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

BUỔI HỌP BÁO GIỚI THIỆU BẢN TƯỜNG TRÌNH CHUNG KẾT CUỘC THANH TRA TÔNG TÒA CÁC DÒNG NỮ HOA KỲ

VATICAN: Sáng 16-12 ĐHY Jão Bras de Avis, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Tu hội tông đồ, và ĐTGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký, đã chủ sự buổi họp báo giới thiệu bản tường trình chung kết cuộc thanh tra tông tòa các dòng nữ Hoa Kỳ.

Tháng 12 năm 2008 Hiệp hội các Dòng nữ Hoa Kỳ quyết định lựa chọn một Cuộc thanh tra tông tòa các dòng nữ hoạt động trên toàn nước. Lý do là vì các dòng đang phải đối phó với nhiều thách đố và khó khăn nghiêm trọng đe dọa phẩm chất đời tu và chính sự sống còn của các dòng. Cuộc thanh tra đã đươc thực hiện từ năm 2009 tới 2012 bao gồm 4 giai đoạn, liên quan tới 341 dòng tu giáo phận cũng như quyền toà thánh, 405 cơ sở và 50.000 nữ tu. Mẹ Mary Clare Millea, dòng Tông đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được Bộ chỉ định làm Vị Thanh tra tông toà. Mẹ đã chọn một ban nữ tu cộng tác giúp mẹ trong việc này để đi thăm các dòng tu và thu thập các dũ kiện cần thiết. Trong giai đoạn đầu các bề trên tổng quyền đuợc mời gọi nói chuyện hay viết cho Vị thanh tra để chia sẻ các hy vọng và vấn đề liên quan tới dòng của minh. Tiếp đó trong giai đoạn hai một bản câu hỏi được gửi tới các dòng nhằm thu thập mọi dữ kiện phẩm lượng liên quan tới cuộc sống thiêng liêng, cộng đoàn và các công tác của dòng. Sau khi nghiên cứu kỹ các dữ kiện, Vị thanh tra và các cộng sự viên đích thân viếng thăm 90 dòng tu bao gồm phân nửa số nữ tu toàn Hoa Kỳ. Giai đoạn cuối cùng là soạn thảo bản tường trình chung kết và gửi về Bộ.

ĐHY Tổng trưởng chân thành cám ơn Mẹ Mary Clare Millea và bầy tỏ lòng biết ơn sự hiện diện của các nữ tu tại Hoa Kỳ và phần đóng góp rất to lởn và qúy báu của các chị cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội tại Hoa Kỳ các nữ tu đã can đảm xả thân lo lắng cho các nhu cầu tinh thân, luân lý, giáo dục, thể lý của biết bao nhiêu người, đặc biệt là những người nghèo và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Công tác giáo dục của các nữ tu trong các trường công giáo cũng đã thăng tiến phát triển cá nhân và dưõng nuôi đức tin của biết bao thế hệ trẻ, và khiên cho cuộc sống của Giáo Hội Mỹ nở hoa. Đa số các cơ sở của hệ thống y tế công giáo tại Hoa Kỳ phục vụ bao nhiêu triệu người đều đã do các dòng nữ thành lập và điều khiển. Để đáp ứng các nhu cầu thời đại các dòng nữ đã trải rộng hoạt động tông đồ trong nhiều lãnh vực khác và theo đuổi việc đào tạo thần học và nghề nghiệp chuyên môn, hầu có thể phục vụ Giáo Hội và xã hội một cách hữu hiệu hơn.

Bản tường trình cho biết con số các nữ tu tại Hoa Kỳ từ 125.000 trong giữa thập niên 1960 dần dần giảm xuống chỉ còn 50,000 như hiện nay. Tuy nhiên nói chung các nũ tu rất ý thức đuợc đặc sủng và căn tính của dòng, cũng như thách đố thăng tiến ơn gọi và đào tạo trong đời tu, sự cần thiết củng cố đời cầu nguyện, cuộc sống thiêng liêng và sinh hoạt phụng vụ cộng đoàn, tập trung mục đích cuộc sống nơi Chúa Kitô, thực thi quyền bính và quản trị trong tinh thần phục vụ và ý thức trưởng thành, cộng tác nhiều hơn vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, đặc biệt đối với người nghèo, cũng như sống tinh thần đối thoại và tình hiệp thông trong Giáo Hội (SD 16-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI VENEZUELA KÊU GỌI CHỐNG LẠI NẠN BẠO LỰC VÀ ĐỒI BẠI XÃ HỘI

GIÁO HỘI VENEZUELA KÊU GỌI CHỐNG LẠI NẠN BẠO LỰC VÀ ĐỒI BẠI XÃ HỘI

CARACAS: ĐHY Jorge Urosa Savino, TGM Caracas mời gọi tín hữu và nhân dân toàn nước chiến đấu chống lại nạn bạo lực và cảnh đồi bại tâm trí và xã hội.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp Giáng Sinh gửi toàn dân Venezuela. Ngài mời gọi mọi người sống một lễ Giáng Sinh sâu xa ý nghĩa hơn và củng cố niềm tin nơi Thiên Chúa, để chiến đấu chống lại nạn thối nát và bạo lực trong con tim và trong cuộc sống xã hội. Ghi nhận các lo âu của người dân đối với tình hình đất nước, ĐHY khẳng định rằng: cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng là hậu quả của các lợi nhuận khổng lồ vì giá dầu hoả lên cao, khiến cho người ta phạm tội tham lam, cuồng nhiệt đối với việc kiếm tiền dễ dãi, gian tham hối lộ, cướp bóc các tài ngụyên quốc gia, và đầu cơ tích trữ. Trong chiều hướng đó bầu khí luân lý xã hội trở thành lỏng lẻo, người ta ít ý thức về các hành động gian ác của mình và nạn bạo lực trong các hình thái trầm trọng nhất của nó dẫn đưa tới thù hận, tội phạm sát nhân và hủy diệt người khác. Cần phải nhớ rằng tất cả những điều đó là tội chia lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa, khiến cho chúng ta trở thành các tay tội phạm tầm thường và bị Chúa phạt, vì trong các giới răn Người đã nói: chớ giết người, chớ trộm cắp.

Trong sứ điệp Giáng Sinh ĐTGM Caracas cũng đề cập tới các đe dọa đè nặng trên kitô hữu Venezuela. Ngài viết: Đức tin của chúng ta bị đe dọa bởi mê tín dị đoan, bởi ánh đèn chóa sáng của thời mới với một tinh thần Giáng Sinh không hiện hữu và giả tạo, chỉ là việc thờ thần giả tầm thường phải cương quyết từ bỏ. ĐHY cũng cảnh báo nạn pha trộn tôn giáo lan tràn là một thứ tôn giáo khác, trái ngược với Kitô giáo và không hù hợp với niềm tin nơi Chúa Kitô. Nguy cơ lớn nhất là quên đi niềm hạnh phúc yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân hơn chính mình.

ĐHY khich lệ tín hữu đừng quên các anh chị em túng thiếu bệnh tật và cô đơn. Ngài mạnh mẽ kêu gọi giới hữu trách các nhà tù trong nước tìm ra các giải pháp cho các vấn đề trầm trọng liên quan tới các cơ cấu nhà tù, và tôn trọng nhân phẩm của các tù nhân. Chúng ta sẽ có một lễ Giáng Sinh tươi vui, nếu chúng ta đương đầu với thách đố sống như con cái Chúa và anh em với nhau, bằng cách sống tình liên đới, khước từ mọi hình thái sự dữ. hoạt động cho đất nước và tranh đấu cho các quyền con người, cho tự do và công lý (SD 13-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Từ Câu Chuyện “Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua”

Chuyện kể rằng: Một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước vừa rời bến cảng Barcelona, một thành phố ở Tây Ban Nha, để đi đến hải cảng Genoa (thuộc Ý Đại Lợi). Trên tàu có đủ loại hành khách bao gồm người Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Trong đám đó có một cậu bé đơn độc khoảng 11 tuổi, phục sức nghèo nàn. Biết phận mình, cậu bé luôn tách biệt khỏi đám đông. Như một con thú hoang, cậu đăm đăm nhìn mọi người với ánh mắt u sầu. Cậu có lý do chính đáng để biện minh cho lối nhìn mọi người đầy nghiêm khắc đó. Cách đây hai năm, cha mẹ cậu, hai người nông dân ở vùng lân cận thành Padua của nước Ý, vì quá nghèo nên đã vô tình bán cậu cho một bọn người lừa bịp. Sau khi bỏ đói và thực hiện những màn đấm đá dã man, bọn này đã dạy và buộc cậu làm trò để kiếm tiền. Rồi họ mang cậu đi khắp nước Pháp và Tây Ban Nha để biểu diễn. Cậu luôn bị bọn chúng đánh đập và không cho ăn uống đầy đủ. Khi bọn họ đưa cậu đến Barcelona, cậu đã bỏ trốn vì không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa sự hành hạ nhẫn tâm và những cơn đói triền miên đã làm cậu vô cùng khốn khổ.

CauBeYeuNuocThanhPadua

Xem: Từ Câu Chuyện "Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua"

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

VATICAN. Chiều 12-12-2014, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, mừng kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu.

Đặc biệt trong thánh lễ này có những thánh ca thuộc bộ lễ thổ dân, do nhạc sĩ Ariel Ramirez người Argentina sáng tác và con trai của ông là Facundo Ramirez điều khiển ca đoàn.

Đồng tế với ĐTC có 50 Hồng Y và GM, đứng đầu là ĐHY Rivera Carrera, TGM giáo phận thành phố Mexico nơi các Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe. Ngoài ra có khoảng 300 LM.

Trong bài giảng, ĐTC nhấn mạnh đến đường lối hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống các dân tộc Mỹ châu la tinh. Ngài nói: ”Chúng ta có thể tiếp tục ngợi khen Thiên Chúa vì những kỳ công Chúa đã thực hiện trong đời sống các dân tộc Mỹ châu la tinh. Thiên Chúa đã giấu kín những người thông thái và trí thức những điều đó, và cho những người bé mọn khiêm hạ, những tâm hồn đơn sơ được biết (Xc Mt 11,21). Trong những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi Mẹ Maria, Mẹ đã nhìn nhận đường lối và cách hành động của Chúa Con trong lịch sử cứu độ. Chúa đảo lộn những phán đoán trần tục, phá hủy những thần tượng quyền lực, giàu sang, thành công bằng mọi cách, Chúa tố giác sự tự mãn, kiêu căng và chủ thuyết cứu thế tục hóa xa lìa Thiên Chúa, bài ca của Mẹ Maria xưng tụng rằng Thiên Chúa thích lật đổ những ý thức hệ và phẩm trật phàm trần. Chúa nâng cao người khiêm hạ, đến giúp đỡ nhữnư người nghèo và bé nhỏ, làm cho họ được tràn đầy những điều thiện hảo và phúc lành, niềm hy vọng cho những người tín thác nơi lòng từ bi Chúa, từ đời này đến đời kia, và Chúa phá đổ những kẻ giàu sang, quyền lực, và những kẻ thống trị khỏi ngai của chúng”.

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cầu xin cho tương lai Mỹ châu la tinh được hình thành cho những người nghèo và những kẻ đau khổ, cho những người khiêm hạ, đói khát công lý, những người có lòng từ bi, có tâm hồn thanh khiết, những người xây dựng hòa bình, cho những người bị bách hại vì danh Chúa Kitô, vì Nước Trời là của họ (Xc Mt 5,1-11).

Sau cùng ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu nguyện để Mỹ châu la tinh là đại lục hy vọng, vì hy vọng những kiểu mẫu phát triển mới liên kết truyền thống Kitô và sự tiến bộ dân sự, công lý, liêm chính với hòa giải, liên kết sự phát triển khoa học kỹ thuật với sự khôn ngoan của con người” (SD 12-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha ca ngợi hội bác ái Gabriel Rosset

Đức Thánh Cha ca ngợi hội bác ái Gabriel Rosset

VATICAN. ĐTC ca ngợi chứng tá từ bi của các thành viên hội Gabriel Rosset và Tổ Ấm Đức Bà của những người vô gia cư.

Sáng ngày 13-12-2014 ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn 100 thành viên của hai tổ chức trên đây và ngài nói: ”Vị sáng lập tổ chức của anh chị em là Gabriel Rosset đã lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, đã xúc động trước những đau khổ của người khác, và đã quảng đại đáp lại. Tiếng gọi ấy chính là tiếng kêu của Chúa Kitô đau khổ nơi những người mà anh chị em phục vụ, anh chị em chạm đến các vết thương của Chúa và săn sóc, và đồng thời anh chị em cống hiến cho họ một giáo huấn rất sâu xa, vì qua họ, anh chị em gặp gỡ Chúa Kitô. Người nghèo luôn loan báo Tin Mừng cho chúng ta, thông truyền cho chúng ta sự khôn ngoan của Thiên Chúa một cách huyền nhiệm”.

ĐTC nhận xét rằng thế giới ngày nay cũng rất cần những chứng tá về lòng từ bi của Chúa. “Ngày nay, giữa lúc con người thường bị gạt bỏ như là vô dụng, vì không mang lại lợi nhuận nữa, thì Thiên Chúa luộn nhìn nhận nơi con người phẩm giá và sự cao trong của một người con được mến yêu; họ có một chỗ đứng ưu tiên trong trái tim của Chúa”.

ĐTC cám ơn các thành viên Hội bạn của Gabriel Rosset vì chứng tá từ bi ấy, được biểu lộ của bao nhiêu hành động cụ thể, những cử chỉ đơn sơ và nồng nhiệt nhờ đó lầm than của con người được thoa dịu, mang lại hy vọng mới và trả lại phẩm giá cho họ.

ĐTC nói: ”Không có cách thức đẹp hơn để loan báo niềm vui Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Sự chọn lựa ưu tiên dành cho những ngừơi rốt cùng, mà xã hội loại bỏ và gạt ra ngoài lề, chính là một dấu hiệu chúng ta luôn luôn có thể mang lại, một dấu chỉ hữu hiệu hóa chứng tá về Chúa Kitô chịu chết và phục sinh.

Ông Gabriel Rosset nguyên là một giáo sư trung học, sinh năm 1904 tại Champier bên Pháp và qua đời năm 1974 tại Lyon. Ông đặc biệt quan tâm săn sóc người nghèo, nhất là những người vô gia cư, và nhiều học sinh của ông cũng cộng tác trong các hoạt động bác ái này (SD 13-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio