Đức Thánh Cha kêu gọi linh mục Schoenstatt giúp các gia đình

Đức Thánh Cha kêu gọi linh mục Schoenstatt giúp các gia đình

ĐTC và các linh mục 09-04-2015

VATICAN. ĐTC kêu gọi các LM thuộc Tu hội Schoenstatt chăm sóc các gia đình và dành nhiều thời giờ hơn cho việc giải tội nhân dịp Năm Thánh Lòng thương xót.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-9-2015 dành cho 50 tham dự viên tổng tu nghị của tu hội, dưới sự hướng dẫn của Cha Juan Pblo Catoggio người Argentina, tân bề trên Tổng Quyền.

Trong bài huấn dụ, ĐTC diễn giải ý nghĩa và nhắn nhủ các LM của tu hội Schoenstatt tăng cường việc chiêm niệm và đời sống phụng vụ, phục vụ đồng hành với tha nhân và sống tình huynh đệ linh mục. Rồi ngài chân thành xin các LM Schoenstatt: trước tiên hãy tháp tùng và chăm sóc các gia đình để họ sống một cách thánh thiện giao ước tình yêu và sự sống, nhất là những gia đình đang trải qua những lúc khủng hoảng hoặc khó khăn. Tiếp đến, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến, hãy dành nhiều giờ cho bí tích hòa giải. Ước gì trong các cộng đoàn của tu hội, anh em hãy trở thành những chứng nhân về lòng thương xót và dịu hiền của Thiên Chúa”.

Phong trào Schoenstatt do cha Josef Kentenich (1885-1968) người Đức sáng lập năm 1914 và đến năm 1965 thì tu hội đời các LM Schoenstatt được chính thức thành lập tại giáo phận Fulda bên Đức, rồi được Tòa Thánh công nhận năm 1988. (SD 3-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên

Cha dòng Phanxicô

VATICAN. Chiều 1-9-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự lần đầu tiên Ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên như công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Buổi cầu nguyện diễn ra trong Đền thờ Thánh Phêrô, dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với sự tham dự của 20 Hồng Y, 40 TGM và Giám mục, 100 Giám chức và linh mục, cùng với đại diện Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Kitô khác, và gần một ngàn tín hữu.

Mở đầu là bài ca dẫn nhập trích từ sách ngôn sứ Daniel (3,57-87) mời gọi toàn thể các loài thụ tạo hãy chúc tụng Chúa. Tiếp đến là lời chào phụng vụ của ĐTC và lời nguyện trong đó ngài chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa và cầu xin Chúa ”dạy chúng con biết chiêm ngắm Chúa trong vẻ đẹp của vũ trụ, qua đó tất cả đều nói về Chúa. Xin thức tỉnh sự ngợi khen và lòng biết ơn của chúng con vì mỗi hữu thể Chúa đã dựng nên. Xin ban cho chúng con ơn được cảm thấy liên kết mật thiết với tất cả những gì hiện hữu.. Xin tỏ cho chúng con thấy chỗ của chúng con trong thế giới này như dụng cụ tình thương của Chúa đối với mọi loài trên trái đất, vì không loài nào bị Chúa quên lãng”.

ĐTC cũng nguyện rằng: ”Xin Chúa soi sáng những chủ nhân ông của quyền lực và tiền bạc, để họ không rơi vào tội dửng dưng, nhưng yêu mến công ích, thăng tiến những người yếu, và chăm sóc thế giới chúng con đang ở. Những người nghèo và trái đất đang kêu: 'Lạy Chúa, xin nắm lấy chúng con bằng quyền năng và ánh sáng của Chúa, để bảo vệ mọi sự sống, để chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn, để Nước Chúa hiển trị, Nước công chính, an bình, yêu thương và tươi đẹp”.

3 bài đọc

Buổi cầu nguyện được tiếp tục với 3 bài đọc. Bài thứ I bằng tiếng Anh trích từ sách Sáng Thế kể lại sự sáng tạo của Thiên Chúa và Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm, tất cả đều rất tốt đẹp (St 1,26-2.3.15). Bài thứ hai bằng tiếng Ý trích từ thông điệp ”Laudato sì” của ĐTC (84,86,87), nói về sự phong phú của các loài thụ tạo: ”Toàn thể vũ trụ, với những quan hệ đa dạng, chứng tỏ rõ ràng sự phong phú khôn lường của Thiên Chúa.. Các loài thụ tạo có liên hệ mật thiết với nhau.. Trong thông điệp, ĐTC viết: ”Khi chúng ta nhận thức sự phản ánh của Thiên Chúa trong tất cả những gì hiện hữu, tâm hồn cảm thấy ước muốn tôn thờ Chúa vì tất cả những gì Chúa đã dựng nên, và cùng với các loài thụ tạo, chúng ta chúc tụng Chúa như trong bài ca rất hay của thánh Phanxicô Assisi”.

Sau cùng, trong bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (6,24-34), Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ đừng lo lắng về ngày mai, ”Các con hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, cũng chẳng thu vén vào kho, vậy mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Các con chẳng giá trị hơn chung hay sao?!”

Bài giảng của cha Cantalamessa

Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng từ 35 năm nay, đã giảng sau các bài đọc. Cha nói đến phẩm trật trong các loài thụ tạo để phục vụ sự sống, và phê bình hiện tượng người ta chi tiêu những ngân khoản khổng lồ cho súc vật trong khi họ để cho hàng triệu trẻ em chết trước mắt vị đói và bệnh tật.

Nhắc đến Lời Chúa dạy trong Tin Mừng đừng lo lắng về ngày mai, Cha Cantalamessa khẳng định rằng chúng ta không lo lắng về ngày mai của chúng ta, nhưng chúng ta hãy lo lắng về ngày mai của con cháu chúng ta. ”Tin Mừng muốn chúng ta không dính bén của cải trần thế, nhưng khi có liên hệ tới tha nhân, Tin Mừng không hề muốn nghe nói về sự dửng dưng và sống ngày qua ngày.. Chúa Giêsu nhiều lần lo lắng cho dân chúng được ăn, ngài làm phép lạ bánh và cá hóa ra nhiều và sau đó ngài còn bảo hãy lượm những gì còn dư, để không điều gì bị phí phạm”.

Cha Cantalamessa nhấn mạnh điều Chúa Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng: ”Các con không thể phụng sự Thiên Chúa lẫn tiền tài”. Không ai có thể phục vụ nghiêm túc chính nghĩa bảo tồn công trình tạo dựng nếu không có can đảm chống lại sự tích trữ thái quá giàu sáng trong tay một thiểu số và chống lại việc coi tiền bạc như mẫu mực cuộc sống”.

Lời nguyện giáo dân

Tiếp đến 6 ý nguyện đã lần lượt được xướng lên bằng 6 ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức, Arập và Bồ đào nha. Xin Chúa ban sức mạnh để chúng con chăm sóc bảo vệ sự sống và vẻ đẹp, xin Chúa ban hòa bình để chúng con sống với nhau như anh chị em và không làm hại một ai, xin Chúa giúp chúng con giúp đỡ những người bị bỏ rơi và quên lãng trên trái ấy này, xin chúa lành cuộc sống chúng con để chúng con bảo vệ thế giới chứ không bóc lột nó, xin Chúa đánh đông tâm hồn những người chỉ tìm lợi lộc mà gây hại cho những người nghèo và trái đất. Sau cùng xin Chúa dạy chúng con khám phá giá trị của mọi sự, chiêm ngắm và nhìn nhận rằng chúng con có liên hệ sâu xa với tất cả các loại thụ tạo trên con đường tiến về ánh sáng vĩnh cửu của Cha”.

Buổi cầu nguyện kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành của ĐTC. (SD 1-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha xác định các thể thức lãnh nhận Ân Xá Năm Thánh

Đức Thánh Cha xác định các thể thức lãnh nhận Ân Xá Năm Thánh

VATICAN. Hôm 1-9-2015, ĐTC Phanxicô đã xác định các thể thức lãnh nhận Ân xá Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Có cả các biện pháp dành cho các bệnh nhân, tù nhân và những tín hữu ngay tình tham dự xưng tội với các LM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10.

Trong thư gửi Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và cũng là cơ quan phối hợp các hoạt động Năm Thánh Lòng thương xót, ĐTC khẳng định rằng: ”Tôi mong muốn ân xá Năm Thánh đến với mỗi người như một kinh nghiệm chân thực về lòng từ bi của Chúa, lòng từ bi thương xót này đến với mỗi người với khuôn mặt của Người Cha đón nhận và tha thứ, hoàn toàn quên các tội đã phạm. Để sống và được ơn xá, các tín hữu được kêu gọi thực hiện một cuộc lữ hành ngắn tiến qua Cửa Thánh, được mở tại mỗi nhà thờ chính tòa giáo phận hoặc tại các thánh đường do Đức Giám Mục giáo phận ấn định, và tại 4 Vương cung thánh đường Giáo Hoàng ở Roma, như dấu chỉ ước muốn nồng nhiệt hoán cải đích thực. Cũng vậy, tôi qui định rằng tại các Đền thánh nơi có mở cửa Lòng Thương Xót và trong các thánh đường theo truyền thống được coi là Nhà thờ Năm Thánh thì cũng được hưởng ân xá”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”điều quan trọng là những hoạt động ấy phải được liên kết với bí tích hòa giải và cử hành thánh lễ như suy tư về lòng thương xót. Cùng với các lễ nghi ấy có sự tuyên xưng đức tin và cầu nguyện cho tôi cũng như cho các ý nguyện của tôi”.

Các tín hữu già yếu, bệnh nhân

 

ĐTC cũng xác định các thể thức để các tín hữu yếu đau, già cả hoặc neo đơn, không thể ra khỏi nhà, lãnh nhận ân xá Năm Thánh. Họ sống bệnh tật đau khổ như kinh nghiệm gần Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn, chịu chết và sống lại của Chúa. Sống thời gian thử thách này trong niềm tin và hy vọng vui tươi, rước lễ hoặc tham dự thánh lễ và kinh nguyện cộng đồng, kể cả qua các phương tiện truyền thông. Đối với họ đó cũng là cách thức lãnh nhận ân xá Năm Thánh”.

Với các tù nhân, ngài mong ước Năm Thánh là một cơ hội đại xá dành cho những người, tuy đáng bị hình phạt, nhưng đã ý thức bất công mình đã gây ra và chân thành muốn tái hội nhập vào xã hội, thành tâm đóng góp. ĐTC cũng qui định rằng các tù nhân có thể lãnh nhận ân xá trong các nguyện đường ở nhà tù, và mỗi lần họ bước qua cửa phòng giam của họ, nghĩ đến và cầu nguyện với Chúa Cha, cử chỉ này đối với họ cũng như bước qua Cửa Năm Thánh, vì lòng từ bi thương xót của Chua có thể biến đổi các tâm hồn, cũng có thể biến các hàng rào thành kinh nghiệm tự do”.

Có thể lãnh nhận ân xá để nhường lại cho các linh hồn những tín hữu đã qua đời.

Cho phép tất cả các linh mục giải tội phá thai.

ĐTC qui định rằng: “tôi quyết định ban phép cho tất cả các linh mục, trong Năm Thánh, được giải tội phá thai cho những người đã gây ra và nếu họ thành tâm thống hối xin tha thứ. Các linh mục hãy chuẩn bị thi hành công tác quan trọng này, hãy biết liên kết những lời đón tiếp chân thành với một suy tư giúp hiểu tội đã phạm và chỉ dẫn con đường hoán cải đích thực để đón nhận sự tha thứ chân thực và quảng đại của Chúa Cha, Đấng đổi mới mọi sự bằng sự hiện diện của Ngài.”

Sau cùng, với các tín hữu vì nhiều lý do thường đi lễ tại các thánh đường do các LM thuộc huynh đoàn Thánh Piô 10, ĐTC khẳng định rằng Năm Thánh Thương Xót này không loại trừ ai. ”Một số giám mục ở vài nơi đã nói với tôi về sự ngay tình và việc thực hành bí tích của các tín hữu ấy, nhưng họ sống trong một tình trạng khó khăn về mục vụ… Trong khi tìm một giải pháp tái lập sự hiệp thông trọn vẹn với các LM và các Bề trên của Huynh đoàn.. tôi qui định rằng những tín hữu ấy, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, khi đến lãnh nhận bí tích Hòa Giải nơi các LM thuộc Huynh đoàn thánh Piô X, thì họ lãnh nhận ơn xá giải các tội lỗi của họ một cách hữu hiệu và hợp pháp.

Huynh đoàn thánh Piô 10 gồm các tín hữu Công Giáo thủ cựu, do Đức Cố TGM Marcel Lefebvre người Pháp thành lập, và bị mất sự hiệp thông với Giáo Hội khi vị TGM này truyền chức cho 4 GM hồi cuối tháng 6-1988. Cho đến nay tiến trình tái tạo sự hiệp thông vẫn chưa kết quả, mặc dù ĐGH Biển Đức 16 đã tha vạ tuyệt thông cho 4 GM thụ phong trái phép (SD 1-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Cần hoán cải con tim để thực sự trong sạch

Việc tuân giữ từng chữ các điều luật là một cái gì vô bổ, nếu nó không biến đổi trái tim và không diễn tả ra bằng các thái độ cụ thể: rộng mở cho cuộc gặp gỡ với Thiên  Chúa và Lời Ngài, tìm kiếm công lý và hòa bình, cứu giúp người nghèo, người yếu đuối và bị áp bức.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đọc Kiinh  Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30-8-2015

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và vài người Pharisêu và ký lục, liên quan tới giá trị “truyền thống của người xưa” (Mc 7,3) mà Giêsu, trích lời ngôn sứ Isaia, định nghĩa là “luật của loài người” (c.7) và chúng không đuợc chiếm chỗ “giới răn của Thiên  Chúa” (c. 8). Các điều luật cũ ở đây không chỉ bao gồm các điều luật Thiên  Chúa mạc khải cho ông Môshê, mà cũng là một chuỗi các câu nói minh giải các chỉ dẫn của luật lệ Môshê nữa. Các người đối thoại áp dụng các điều lệ ấy một cách khá chi li, và trình bầy chúng như là các diễn tả lòng đạo dức đích thật. Chính vì thế họ quở trách Chúa Giêsu và các môn đệ Người là vi phạm chúng, đặc biệt là các điều luật liên quan tới việc thanh tẩy bề ngoài của thân xác. Câu trả lời của Chúa Giêsu có sức mạnh của một lời ngôn sứ: “Các ông tuân giữ truyền thống của người phàm mà lại lơ là giới răn của Thiên Chúa” (Mc 7,8). Chúng là các lời khiến cho chúng ta khâm phục vị Thầy của chúng ta: chúng ta cảm thấy rằng nơi Người có chân lý và sự khôn ngoan giải thoát chúng ta khỏi các thành kiến. Nhưng ĐTC cảnh cáo tín hữu như sau:

Nhưng hãy coi chừng! Với các lời này Chúa Giêsu muôn cảnh báo cả chúng ta ngày nay nữa, đừng cho rằng việc tuân giữ luật lệ bề ngoài là đủ để là các kitô hữu tốt. Cũng như xưa kia đối với người Pharisêu, ngày nay đối với chúng ta cũng có nguy cơ cho mình là yên ổn rồi, hay tệ hơn nữa, coi mình là tốt lành hơn những người khác, chỉ vì tuân giữ các luật lệ, các thói quen, cả khi chúng ta không yêu tha nhân, có trái tim cứng cỏi, vênh váo và kiêu căng. Việc tuân giữ từng chữ các điều luật là một cái gì vô bổ, nếu nó không biến đổi trái tim và không diễn tả ra bằng các thái độ cụ thể: rộng mở cho cuộc gặp gỡ với Thiên  Chúa và Lời Ngài trong việc cầu nguyện, tìm kiếm công lý và hòa bình, cứu giúp người nghèo khổ, người yếu đuối và bị áp bức. Chúng ta tất cả đều biết, trong các cộng đoàn, các giáo xứ, các khu phố của chúng ta, họ làm hại biết bao cho Giáo Hội và gây gương mù gương xấu, những người nói rằng họ là tin hữu rất công giáo và thường đi nhà thờ, nhưng sáu đó trong cuộc sống thường ngày họ lơ là với gia đình, nói xấu các người khác vv… Đó là điều Chúa Giêsu lên án, bởi vì nó là một phản chứng kitô.

Tiếp tục lời khích lệ của ngài, Chúa Giêsu tập trung chú ý trên một khiá cạnh sâu xa hơn và khẳng định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được. Nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (c. 15). Trong cách đó Người nhấn mạnh quyền tối thượng của nội tâm, nghĩa là quyền tối thượng của con tim; không phải những gì ở bên ngoài khiến cho chúng ta thánh hay không thánh, nhưng chính con tim diễn tả các ý hướng, các lựa chọn của chúng ta và uớc muốn làm tất cả mọi sự vì tình yêu Chúa. Các thái độ bề ngoài là là hậu quả của những gì chúng ta đã quyết định trong tim, chứ không phải điều ngược lại: với thái độ bề ngoài nếu trái tim không thay đổi, thì chúng ta không phải là các kitô hữu đích thực.  ĐTC quảng diễm thêm điểm này như sau:

Ranh giới của thiện ác không đi qua bên ngoài chúng ta nhưng đúng hơn là đi qua bên trong lương tâm của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: con tim của tôi ở đâu? Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của con ở đâu, thì trái tim của con ở đó” Kho tàng của tôi là gì? Có phải là Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài không? Khi đó con tim tốt. Hay kho tàng là một cái gì khác?

Vì thế chính con tim phải được thanh tẩy và hoán cải. Khi không có một con tim được thanh tẩy, thì cũng không thể có các bàn tay thực sự sạch sẽ và miệng lưỡi nói lên các lời chân thành của tình yêu – mọi sự đều hai mặt, một cuộc sống hai mặt – miệng lưỡi nói lên các lời của lòng thương xót và tha thứ. Điều này chỉ có con tim chân thành và được thanh tẩy mới làm được thôi.

Chúng ta hãy xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Thánh, ban cho chúng ta một con tim trong sạch, tự do khỏi mọi giả hình. Đó là tính từ Chúa Giêsu nói với các người Pharisêu: “giả hình”, bởi vì họ nói một điều nhưng làm một điều khác. Một con tim tự do khỏi sự giả hình, như thế chúng ta có thể sống theo tinh thần của luật lệ và đạt tới mục đích của nó là tình yêu.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu tái kêu gọi cầu nguyện cho các kitô hữu Trung Đông và xin các giới hữu trách quốc tế tìm giải pháp chấm dứt các bách hại chống kitô hữu. Ngài nói: Hôm qua tại Harissa bên Libăng, Giám Mục công giáo siro Flaviano Michele Melki, tử đạo đã được công bố là chân phước. Trong bối cảnh của một cuộc bách hại kinh khủng chống lại các kitô hữu, Đức Cha đã là người không mỏi mệt bảo vệ các quyền của dân tộc người, bằng cách khích lệ tất cả kiên vững trong đức tin. Cả ngày nay nữa, anh chị em thân mến, bên Trung Đông và tại nhiều nơi khác trên thế giới các kitô hữu cũng bị bách hại. Có nhiều người tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Ước chi việc phong chân phước cho vị Giám Mục tử đạo đổ tràn đầy trên họ sự an ủi, lòng can đảm và niềm hy vọng, nhưng cũng là sự khích lệ cho các nhà lập pháp và các người cầm quyền để cho tự do tôn giáo được tôn trọng ở bất cứ đâu. Và tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế làm cái gì đó để chấm dứt các bạo lực và đàn áp.

Rất tiếc trong những ngày qua có nhiều người di cư đã mất mạng sống trong các cuộc du hành kinh khủng. Tôi cầu nguyện cho tất cả các anh chị em đó và tôi mời anh chị em cầu nguyện cho họ. Cách riêng tôi hiệp ý với ĐHY Schoenborn hôm nay hiện diện ở đây và toàn thể Giáo Hội tại Áo, cầu nguyện cho 71 nạn nhân, trong đó có 4 trẻ em, bị chết trong một chiếc xe chở hàng trên xa lộ Budapest Vienne.  Chúng ta hãy phó thác từng nạn nhân một cho lòng thương xót của Thiên Chúa và xin Ngài trợ giúp chúng ta cộng tác hữu hiệu để ngăn cản các tội phạm này xúc phạm đến toàn gia đình nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho tất cả các người di cư và những người đã thiệt mạng.

Tiếp đến ĐTC đã chào nhiều nhóm hành hương khác nhau, đặc biệt là các tín hữu Croazia, các hướng đạo sinh Bồ Đào Nha, giới trẻ giáo phận Vicenza, Rovato và trẻ em hai tỉnh Salzano và Arconate. Ngài chúc tất cả ngày Chúa Nhật an lành và xin mọi người đừng quên ngài trong lời cầu nguyện.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tổng thống Israel gặp Đức Thượng Phụ Fouad Twal

Tổng thống Israel gặp Đức Thượng Phụ Fouad Twal

TABGHA. Hôm 28-8-2015, Tổng thống Israel, Ông Reuven Rivlin, đã gặp Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo la tinh tại Đan viện Tabgha nơi đã bị nhóm Do thái cực đoan đốt phá hồi tháng 6 năm nay.

Trang tin trên mạng của Tòa Thượng Phụ Công Giáo Latinh Jerusalem gọi cuộc viếng thăm của tổng thống Rivlin là một dấu hiệu mạnh nói lên tình liên đới với cộng đoàn Kitô tại Tabgha, là nơi ghi nhớ phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều.

Tổng thống Israel đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công chống lại nơi thánh của Kitô giáo, lần thứ 2 trong vòng 2 năm. Ông nhấn mạnh rằng cử chỉ tấn công ấy không hề phản ánh tâm tình của người Do thái đối với các tín hữu Kitô.

Hiện nay cảnh sát Israel đã bắt giữ 3 người bị tình nghi thuộc nói Do thái quá khích, nhóm này đã gây ra nhiều vụ tấn công chống Kitô giáo và các thường dân Palestine trong những năm gần đây.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thượng Phụ Twal đã bày tỏ với Tổng thống Rivlin sự lo lắng của các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa đứng trước làn sóng tôn giáo cực đoan và sự gia tăng những hành vi phá hoại chống Kitô và khẳng định rằng nhiệm vụ của chính quyền Israel là bảo đảm an ninh cho các thánh đường và các nơi thánh.

Tổng thống Rivlin khẳng định rằng Israel là một nước dân chủ, bảo đảm tự do phụng tự cho tất cả mọi người, kể cả các cộng đồng Kitô. Ông cho biết đã nói với ĐGH Phanxicô về vấn đề này trong cuộc viếng thăm của ông tại Vatican hồi tháng 9 năm ngoái.

Đức Thượng Phụ Twal không quên nêu vấn đề thung lũng Cremisan bị Israel chiếm đất, với phép của tối cao pháp viện Israel, để xây tường an ninh, gây hại cho tu viện Don Bosco và 58 gia đình Công Giáo Palestine ở đây. Sau cùng, Đức Thượng Phụ hy vọng tổng thống có thể gặp các GM Chủ tịch HĐGM Âu Châu nhân dịp các vị nhóm đại hội tại Thánh Địa trong tháng 9 tới đây.

Ngày 3-9-2015, Tổng thống Israel sẽ được ĐTC Phanxicô tiếp kiến tại Vatican. Giới báo chí cho rằng vấn đề thung lũng Cremisan có thể sẽ được đề cập đến trong cuộc hội kiến giữa hai vị. (RG 28-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha hy vọng lễ phong chân phước cho Đức Cha Melki

Đức Thánh Cha hy vọng lễ phong chân phước cho Đức Cha Melki

Melki

VATICAN. ĐTC Phanxicô mong ước lễ phong chân phước cho Đức Cha Flaviano Micae Melki là một sứ điệp hy vọng và khích lệ cho tất cả các tín hữu Kitô đang bị hạ nhục và áp bức.

Trên đây là lời ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tuyên bố với đài Vatican, trước khi lên đường sang Liban chủ sự nghi thức phong chân phước cho Đức Cha Đức Cha Flaviano Micae Melki, thuộc Giáo Hội Công Giáo Siriac, tử đạo 100 năm đúng vào ngày thứ bẩy 29-8-2015, tại Thổ Nhĩ Kỳ, vì quyết liệt không chịu bỏ Kitô giáo theo Hồi giáo.

Lễ phong diễn ra tại Tu viện Đức Mẹ Giải Thoát (Our Lady of Delivrance) ở Harissa, phía bắc Beirut, trước sự hiện diện của các vị Thượng Phụ và thủ lãnh các Giáo Hội Kitô Đông phương đến từ Liban, Siria và Irak, cùng với hàng ngàn tín hữu địa phương.

ĐHY Amato nói: ”Nhiều tín hữu Kitô ngày nay ở Trung Đông, và cả nơikhác, đang chịu đau khổ vị sự suy tàn của một nền văn hóa sống chung hòa bình giữa con người với nhau. Nhưng các anh chị em ấy không muốn đầu hàng trước sự kinh hoàng, và họ đáp lại bạo lực bằng sự can đảm và niềm tin mạnh mẽ”.

ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh cũng nhận định rằng: ”Ngày nay, cũng như cách đây 100 năm, các tín hữu Kitô bị kỳ thị, bách hại, trục xuất, và giết hại. Nhà của họ bị đánh dấu không phải bằng máu con chiên trong lễ Vượt Qua, nhưng bằng chữ N màu đỏ, có nghĩa là Nazareni, Kitô hữu, một dấu chỉ họ sẽ bị kết án. Cũng như 100 năm trước đây, thời Đức Đức Melki tử đạo, ngày nay các tín hữu Kitô cũng bị tước bỏ mọi tự do, bó buộc phải rời bỏ quê hương hoặc bị cưỡng bách theo Hồi giáo nếu không sẽ bị giết. Trong thực tế, chính cái chết đang thống trị trong tâm trí chai đá những kẻ bách hại, họ không chịu nổi nền văn minh Kitô về tự do, tình huynh đệ, tôn trọng tha nhân, công lý và bác ái”.

Đức Cha Melki sinh cách đây 158 năm (1858) ở làng Kalaat Mara, Thổ nhĩ kỳ, trong một gia đình Chính Thống Siriac và thụ phong phó tế trong Giáo Hội này khi được 20 tuổi. Sau đó thầy trở lại Giáo Hội Công Giáo Siriac, và được thụ phong linh mục.

Cuộc bách hại của nhà cầm quyền đế quốc Ottoman chống các Kitô hữu bắt đầu nghiêm trọng với vụ tàn sát những người Arméni từ năm 1894 đến 1897. Nhà thờ và gia cư của cha Melki bị đốt phá năm 1895, nhiều giáo dân của cha bị sát hại, trong đó có cả thân mẫu của cha. Tổng cộng các cuộc tàn sát ấy làm cho từ 80 đến 300 ngàn Kitô hữu Arméni bị thiệt mạng.

Cha Melki thụ phong GM năm 1913 và coi sóc giáo phận Gazireh của Công Giáo Siriac.

 Trong đợt bách hại thứ 2 chống các tín hữu Kitô trong đế quốc Ottoman bắt đầu vào tháng 4-1915, Đức Cha Micae Melki bị bắt và sau khi quyết liệt từ chối theo Hồi giáo để được sống, ngài bị đánh bất tỉnh và bị chặt đầu. Hôm đó là ngày 29-8-1915. (SD 28-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh tránh sáng kiến của Palestine đòi treo cờ tại LHQ

Tòa Thánh tránh sáng kiến của Palestine đòi treo cờ tại LHQ

Cờ Palestine tại LHQ

VATICAN. Tòa Thánh yêu cầu Phái Bộ Palestine tại LHQ đừng ghi tên Tòa Thánh trong một dự thảo nghị quyết yêu cầu cho treo cờ Palestine tại LHQ.

Chính quyền Palestine muốn nhân cơ hội ĐTC sắp viếng thăm LHQ vào ngày 25 tháng 9 tới đây, để đề ra dự thảo một nghị quyết yêu cầu đại hội đồng LHQ cho phép treo lá cờ của hai quốc gia có quy chế Quan sát viên thường trực tại tổ chức quốc tế này: Vatican và Palestine, cũng như lá cờ của 193 quốc gia thành viên LHQ.

Hôm 25-8 vừa qua, Phái bộ Quan sát thường trực của Tòa Thánh tại LHQ đã chuyển tới các nhà ngoại giao tại đây một thông báo cho biết Tòa Thánh không có ý bảo trợ dự thảo nghị quyết vừa nói của Palestine.

Palestine cũng như Tòa Thánh đều có cùng quy chế quan sát viên thường trực tại LHQ. Trong dự thảo, Palestine trích dẫn nhiều về Tòa Thánh để hỗ trợ lý luận của mình về việc cho treo cờ các nước quan sát viên thường trực cạnh các nước thành viên của tổ chức quốc tế này.

Thông báo của Tòa Thánh nói rằng Tòa Thánh không chống lại sự kiện Palestine yêu cầu cho trưng cờ của mình, nhưng không muốn đích thân can dự vào việc này.

Palestine được Đại hội đồng LHQ chấp thuận cho qui chế Quốc gia Quan sát viên thường trực hồi tháng 11 năm 2012, nhưng Hội đồng bảo an LHQ vẫn luôn ngăn chặn việc cho Palestine trở thanh quốc gia thành viên (lần bỏ phiếu cuối cùng diễn ra hồi tháng 12-2014 với đa số chỉ có 1 phiếu).

Tòa Thánh có thể trở thành quốc gia thành viên LHQ nhưng chỉ muốn được qui chế Quan sát viên thường trực, để tránh bị lôi kéo vào phe này và phe kia.

Ngày 13-5 năm nay, Tòa Thánh và Palestine đã ký kết một hiệp định song phương trong đó có nói rõ ràng về ”Quốc gia Palestine”, điều này khiến cho Israel phản đối. Giới báo chí cho rằng sự kiện Tòa Thánh không muốn ủng hộ dự thảo nghị quyết của Palestine là để tránh những tranh luận mới. Đối với Tòa Thánh, tại Thánh Địa những sự kiện và cử chỉ hòa bình thì quan trọng hơn là những lời nói và lá cờ, dù ở phe bên này hay phe bên kia (Vat. Insider 27-8-2015)

Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

ĐGH lo âu trước thảm kịch di dân tỵ nạn

ĐGH lo âu trước thảm kịch di dân tỵ nạn

Tàu thuyền nhân

ĐTC Phanxicô rất lo âu theo dõi thảm kịch của những người đang phải bỏ nhà cửa quê hương trốn chạy đi nơi khác.

 

Đây là một cuộc xuất hành vĩ đại với bao nhiêu gia đình lâm vào cảng mất mát mọi của cải nhà cửa, liều mình  ra đi với hai bàn tay trắng mong thoát khỏi chiến tranh, đói khổ và bạo lực đủ kiểu để tìm kiếm tương lai. Trong một tweet, ĐTC kêu gọi mọi người hãy mở con tim cho những ai đang phải đau khổ. Ngài viết: Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con biết tỏ ra quảng đại hơn và luôn gần gũi hơn những gia  đình nghèo khó.

 

Trong khi đó, con số người di dân thiệt mạng ngày càng lên cao. Vài ngày trước đây, thi hài của 71 người bị chết ngạt chồng chất lên nhau, trong đó có cả 8 phụ nữ và 4 trẻ em, đã được khám phá trong một chiếc xe tải nhỏ đậu ven một xa lộ bên Áo. Hôm sau đó, 200 người khác chết trong hai vụ đắm tàu ngoài khơi Lybia. Trong một phóng sự gửi về đài Vatican, ký giả Benedetta Capelli nói: Xác người lềnh bềnh trong nước, tiếng người còn sống van xin cầu cứu, màn đêm dày đặc khiến cho công cuộc cứu vớt gặp nhiều khó khăn. Đó là cảnh tượng người ta phải chứng kiến ngoài khơi duyên hải Zuwara nước Libia hôm qua, khi hai con tàu đầy chật người di dân tỵ nạn bị đắm. Phải ghi thêm con số những người chết này vào danh sách 2.500 người di dân thiệt mạng trên đường vượt Địa Trung Hải vừa được LHQ công bố hôm nay. 10 tên lái tàu đã bị nhận diện và bắt giữ trên con tàu chở 600 người di dân cặp bến Palermo thủ phủ đảo Sicilia Nam Italia, trong đó có 52 người chết ngạt trong hầm tàu. 3 người khác bị chính quyền Áo bắt giam trong vụ khám phá xe tải đầy xác người. Nhiều vụ đụng độ cũng xảy ra tại biên giới Hy Lạp và Macedonia. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, đặc phái viên Nello Scavo của báo Avvenire Tương Lai, tại vùng Pristina Macedonia cho biết “các cuộc kiểm soát của cảnh sát ngày càng trở nên chặt chẽ hơn và thường xuyên hơn. Người tỵ nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari đến chỉ có được ba ngày để đi qua lãnh thổ Macedonia tìm đường vào Âu châu. Trong những tháng vừa qua đã có trên 100 ngàn người đến đây. Chỉ trong những ngày vừa qua, đã có 4000. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua bức tường mới được chính quyền Orban dựng lên, nhưng không có gì ngăn cản được họ. Sống chết gì thì họ cũng sẽ tìm ra những con đường khác để vào Âu châu.

 

Đặc phái viên báo Tương Lai nhận xét thêm rằng “sự hiện diện của người di dân tỵ nạn đã đẩy mạnh guồng máy của bọn buôn người, vốn đã rất thịnh hành tại đây. Các nhóm tội phạm mafia vùng Kossovo, liên kết với mafia Serbi và macedoni đang tổ chức những lối thoát mới để vượt qua bức tường Hungari, chẳng hạn qua ngõ Rumani hay các nước vùng Balkans vào Sloveni và Croat, rồi từ đó vào Áo hay Italia, tuy với nhiều hiểm nguy hơn, như chúng ta vừa thấy trong vụ chiếc xe tải ở Áo. Nguy hiểm cao hơn, thì giá cả cũng cao hơn và đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho bọn bất lương. Vì thế, tình hình hiện nay rất rắc rối và nhiều khó khăn. Người di dân và tỵ nạn phải chịu bao nhiêu đau khổ vì đường đi và cũng vì thái độ đối xử của các lực lượng cảnh sát, nhất là cảnh sát macedoni. Bù lại, nhiều nơi, họ đã được người dân địa phương tận tình giúp đỡ. Chẳng hạn như tại Veles, gần Skopje, một số dân chúng địa phương, nhất là một phụ nữ, đã tổ chức được một cơ cấu đón tiếp và trợ giúp hơn 50 ngàn người trong vòng 2 năm gần đây mà hoàn toàn không cậy nhờ đến thẩm quyền chức trách địa phương. Và thật là phi thường khi chứng kiến thiện chí và lòng quảng đại của từng cá nhân có thể vượt thắng những chướng ngại mà các chính quyền không muốn đương đầu. (RG 280815)

 

Mai Anh

 

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện

Khi yêu Chúa thật, chúng ta sẽ tìm ra giờ để cầu nguyện. Một con tim có tình yêu thương đối với Thiên Chúa biến thành lời cầu nguyện cả một tư tưởng không lời, hay một lời khẩn cầu trước một ảnh tượng thánh hay một nụ hôn gửi về phía nhà thờ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ Hoa Kỳ và Canada, có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Âu châu như Pháp, Đức, Áo, Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, cũng có các nhóm tín hữu đến từ Trung Quốc, Dubai, Nigeria, hay từ Mỹ Latinh như Brazil.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý thời giờ cầu nguyện trong gia đình. Đề cập đến lời than thông thường nhất liên quan tới việc cầu nguyện ĐTC nói:

Lời than thông thường nhất của các kitô hữu liên quan tới thời giờ là: “Con muốn cầu nguyện nhiều hơn… con muốn làm điều đó, nhưng con thiếu giờ”. Sự khó chịu này chắc chắn là thành thật, bởi vì trái tim con người luôn luôn kiếm tìm lời cầu nguyện, cả khi không biết nó. Và nếu nó không tìm ra lời cầu nguyện, nó không có sự bình an.  Nhưng để gặp nhau, cần phải vun trồng trong con tim một tình yêu “nồng cháy” đối với Thiên  Chúa, một tình yêu trìu mến.

Chúng ta có thể tự đặt cho mình một câu hỏi rất đơn sơ. Tin nơi Thiên Chúa với tất cả con tim, tốt rồi, hy vọng rằng Chúa trợ giúp chúng ta trong các khó khăn, tốt rồi, cảm thấy có bổn phận phải cám ơn Chúa, tốt rồi. Tất cả đều chính đáng. Nhưng chúng ta có yêu Chúa một chút không? Tư tưởng về Thiên Chúa có làm cho chúng ta cảm động không, có khiến chúng ta ngạc nhiên không, có làm cho chúng ta hiền dịu không?

Chúng ta hãy nhớ tới công thức của giới răn lớn nâng đỡ mọi giới răn khác: “Con hãy yêu Chúa Thiên Chúa của con với hết con tim, hết linh hồn và sức lực con” (Đnl 6,5, x. Mt 22,37). Công thức dùng ngôn ngữ mạnh mẽ của tình yêu, bằng cách đổ dồn nó về cho Thiên Chúa. Đó, tất cả tinh thần của lời cầu nguyện trước hết là ở đây. Và nếu nó ở đây, thì nó chiếm hữu tất cả thời gian và không bao giờ ra khói đó nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Chúng ta có thành công nghĩ tới Thiên Chúa như cái vuốt ve giữ gìn chúng ta sống, mà trước đó không có gì không? Một cái vuốt ve mà không gì, kể cả cái chết, có thể tách rời chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nghĩ Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã làm ra mọi sư, là vị Thẩm Phán kiểm soát mọi hành động của chúng ta? Dĩ nhiên tất cả đều đúng. Nhưng chỉ khi Thiên  Chúa là sự trìu mến của tất cả mọi trìu mến của chúng ta, ý nghĩa của các lời này mới tràn đầy. Khi đó chúng ta cảm thấy hạnh phúc và cũng hơi xấu hổ một chút, bởi vì Ngài nghĩ tới chúng ta và nhất là yêu thương chúng ta. Đây lại không phải là điều hay đẹp sao? Ngài đã có thể làm cho mình được nhận biết một cách đơn sơ như Đấng Tối Cao, ban các giới răn và chờ đợi các kết quả thôi. Nhưng Thiên Chúa đã và đang làm hơn điều này, một cách vô tận.

Nếu lòng trìu mến đối với Thiên Chúa không thắp lên ngon lửa, tinh thần cầu nguyện không suởi ấm thời gian. Chúng ta cũng có thể thêm “nhiều lời” như dân ngoại làm, như Chúa Giêsu nói; hay cả đến trình bầy các lễ nghi của chúng ta “như các  người Pharisêu làm” (x. Mt 6,5.7). Rồi ĐTC miêu tả một con tim có Chúa ngự trị như sau:

Một con tim được ở bởi sự trìu mến đối với Thiên Chúa, nó biến thành lời cầu nguyện cả môt tư tưởng không lời, hay một khẩn cầu trước ảnh tuợng thánh, hoặc một nụ hôn gửi tới nhà thờ. Thật đẹp biết bao khi các bà mẹ dậy cho các con nhỏ gửi một cái hôn tới cho Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Trong lúc đó trái tim của các trẻ em biến thành nơi cầu nguyện. Và đây là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên xin ơn này cho từng người trong chúng ta! Thần Khí của Thiên Chúa có kiểu đặc biệt nói trong con tim chúng ta “Abba Cha ơi” như Chúa Giêsu nói, một kiểu mà chúng ta sẽ không bao giờ một mình tìm ra được (x. Gl 4,6). Ơn này của Chúa Thánh Thần  chính trong gia đình mà chúng ta học xin và đánh giá cao. Nếu bạn học nó với cùng sự tự phát, mà bạn học gọi “mẹ “ hay “cha”, bạn đã học được luôn mãi. Khi điều này xảy ra, thòi gian của toàn cuộc sống gia đình bị lôi cuốn vào cung lòng tình yêu của Thiên Chúa và tự động tìm ra giờ cầu nguyện.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta biết thời giờ của gia đình là một thời giờ phức tạp và đầy sinh hoạt, bận rộn và lo lắng. Nó luôn luôn ít, và không bao giờ đủ. Ai có một gia đình thì mau chóng học giải quyết một phương trình mà cả các nhà toán học giỏi  nhất cũng không giải được: trong vòng 24 giờ người ta làm cho nó thành gấp đôi. Có những người cha và người mẹ đáng lãnh giải Nobel về diều này!

Tinh thần cầu nguyện trả lại thời giờ cho Thiên Chúa, nó ra khỏi nỗi ám ảnh của một cuộc sống luôn luôn thiếu thời giờ, tìm lại được niềm an bình của các việc cần thiết, và khám ra niềm vui  của các món quà không chờ đợi. Hai chị em Marta và Maria, mà Phúc Âm nói tới,  là những người hướng dẫn tốt trong việc này. Họ học được từ Thiên Chúa sự hài hòa của các tiết nhịp gia đình: vẻ đẹp của các ngày lễ, sự thanh thản của công việc làm, tinh thần cầu nguyện (x. Lc 10,38-42). Cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu mà họ rất yêu mến đã là ngày lễ của họ. Tuy nhiên, một ngày kia Marta học biết rằng sự hiếu khách, tuy quan trọng, nhưng không là tất cả, nhưng lắng nghe Chúa, như Maria đã làm, đã là điều thực sự nòng cốt, là phần nhất của thời gian. Lời cầu nguyện vọt lên từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Tin Mừng, từ chỗ tin tưởng nơi lời Chúa. Trong gia đình có sự tin tưởng này không? Chúng ta có sách Phúc Âm trong nhà không? Chúng ta có thỉnh thoảng mở ra để đọc chung với nhau không? Chúng ta có suy gẫm trong khi lần hạt Mân Côi không? Tin Mừng được đọc và suy gẫm trong gia đình giống như bánh ngon dưỡng nuôi con tim của mọi người. Vào ban sáng và ban chiều, khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, hãy tập cũng nhau đọc một lời cầu nguyện rất đơn sơ: đó là Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Ngài đã đến nhà của Marta, Maria và Ladarô vậy.

Trong lời cầu nguyện của gia đình, trong những lúc mạnh khỏe cũng như trong những lúc khó khăn, chúng ta hãy tín thác nơi nhau, mỗi người được gìn giữ bởi tình yêu của Thiên Chúa.

ĐTC đã kêu gọi tín hữu Roma và du khách hành hương tham dự “Ngày quốc tế cầu nguyện cho việc săn sóc thụ tạo” mùng 1 tháng 9 tới đây. Ngài nói: Trong niềm hiệp thông với các anh em chính thống và với mọi người thiên chí, chúng ta muốn cống hiến phần đóng góp của chúng ta cho việc thắng vượt cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang sống.

Trên toàn thế giới trong các thực tại khác nhau của các Giáo Hội địa phương người ta đã đề ra các sáng kiến thích hợp cầu nguyện và suy tư  để làm cho Ngày này trở thành một thời điểm mạnh mẽ nhằm có các kiểu sống trung thực.

Với các Giám Mục, linh mục, các người sống đời thánh hiến và tín hữu giáo dân của các cơ quan trung ương Tòa Thánh chúng ta sẽ gặp nhau trong đền thờ thánh Phêrô lúc 17 giờ cho buổi cử hành Lời Chúa, mà ngay từ bầy giơ tôi mời tín hữu Roma cũng như du khách hành hương và những ai muốn, cùng tham dự.

ĐTC đã chào các nhóm hành hương và cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố đức tin và giúp họ đồng cảm với Giáo Hội. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho gia đình.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu dòng Thánh Nhan và các nữ tu Preziosine tỉnh Monza, cả hai dòng đang tham dự tổng tu nghị, cũng như các thành viên Tu hội đời Gia đình Phan sinh nhỏ”.

Ngài nhắc cho mọi người biết hôm nay lễ nhớ thánh nữ Monica, mẹ của thánh Agostino. Chúng ta hãy phó thác các đôi tân hôn và cha mẹ kitô cho lời bầu cử của hai thánh, để họ noi gương các ngài đồng hành với con cái qua gương sống và lời cầu nguyện. Ngài cũng phó thác cho các vị các anh chị em đau yếu và những người cần ủi an và chú ý. Ngài cầu mong các bạn trẻ noi gương thánh Agostino hướng tới Chân Lý và tình Yêu tràn đầy.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hai thánh đường Công Giáo ở Damasco bị pháo kích

Hai thánh đường Công Giáo ở Damasco bị pháo kích

DAMASCO. Một trận mưa đạn pháo từ khu vực phiến quân đã dội xuống thủ đô Damasco của Siria, him 23-8 vừa qua, trúng 2 thánh đường làm cho 9 thường dân bị thiệt mạng và 47 người bị thương.

 Đức Cha Samir Nassar, TGM của Giáo Hội Công Giáo Maronit ở Damasco nói với hãng tin Fides của Bộ truyền giáo rằng có hai quả trọng pháo rơi xuống mái nhà thờ Công Giáo Maronit và thánh đường Công Giáo la tinh gần đó cũng bị trúng đạn.

 Đức TGM Nasser cho biết: ”Một khía cạnh trong chiến tranh Siria là sống dưới những cuộc pháo kích mù quáng, người ta không biết khi nào mình có thể bị trúng bom đạn.. Những người còn sống không thể săn sóc những người bị thương vì thiếu phương tiện và không có khả năng chuyên môn. Họ chìm đắm trong kinh nguyện thinh lặn, trước di cốt của những vị tử đạo là hạt giống đức tin”.

 Theo Đức TGM Nasser, tuy những cuộc pháo kích vào Damasco tương đối hiếm, nhưng các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và phiến quân tại các khu vực ngoại ô là điều thường xuyên. Tình trạng đó cũng khiến cho việc tiếp tế lương thực thuốc men cho vùng thủ đô ở trong tình trạng bấp bênh”.

 Theo thống kê chính thức, tổng giáo phận Damasco của Giáo Hội Công Giáo Maronite có 15 ngàn tín hữu và Giáo Hội Công Giáo Siriac có 14 ngàn tín hữu tại đây, trong khi Giáo Hội Công Giáo Melkite có 3 ngàn tín hữu (RG, Fides 26-8-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giáo hội Brazil chống bạo lực

Giáo hội Brazil chống bạo lực

ROMA:  Giáo hội công giáo Brazil đang tìm cách đối phó với nạn bạo lực kinh niên rất thịnh hành tại nhiều thành phố lớn trong nước như Sao Paulo, Rio, Porto Alegre, Curitiba, Belo Horizonte…

Tại Brazil, các vụ sát nhân là nguyên do hàng đầu gây ra cái chết của những người trẻ dưới 25 tuổi. Trong các khu xóm ổ chuột ở Rio De Janeiro, các băng đảng tội phạm buôn bán ma túy thu dụng những người trẻ thất nghiệp. Các bậc cha mẹ vắng bóng, một phần cũng vì công ăn việc làm, để cho con cái lêu lổng. Các cơ cấu công quyền không còn uy tín và không được công dân tín nhiệm vì tham nhũng hối lộ. Giới chức an ninh cảnh sát Brazil bị tố là những lực lượng thô bạo nhất thế giới. Thêm vào đó, tình hình kinh tế đình trệ sau nhiều năm phát triển mạnh cùng với nạn gia tăng giá cả thực phẩm cũng làm căng thẳng gia tăng. Đó là những bóng đen của Brazil một quốc gia muốn xuất hiện trên trường thế giới như một nền kỹ nghệ đang lên, với khu rừng Amazonie rộng mênh mông, với kỳ lễ hội carneval lừng danh hay với kỳ thế vận hội 2016 tổ chức tại Rio De Janeiro. Trước tình thế này, Giáo hội Brazil đã mời nhiều nhân vật nổi bật trong giáo hội đến Rio De Janeiro tham dự một loạt những cuộc hội thảo về thách đố hòa bình trong các thành phố lớn. Đức TGM Barcelona đã có mặt tại đây. Trong tuần tới đây, ĐHY Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa bình và ĐHY Kurk Koch, chủ tịch hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu ky tô cũng sẽ  đến Rio De Janeiro tham dự các cuộc hội thảo. Trên thực tế, chiều kích đại kết cũng là một khía cạnh đáng chú ý: trong 10 năm gần đây, con số tín hữu công giáo giảm mạnh, song song với hiện tượng con số tín hữu evangeliste gia tăng. Tại Rio, chỉ còn gần 46% dân chúng tại đây tự nhận là tín hữu công giáo. (RG 260815)

Mai Anh

Khác biệt giữa Đức Biển Đức 16 và Phanxicô về đại kết

Khác biệt giữa Đức Biển Đức 16 và Phanxicô về đại kết

Hai ĐTC

BONN. Trong lãnh vực đại kết Kitô, ĐGH Phanxicô ít chú trọng về đối thoại thần học và nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ thân hữu, huynh đệ và sự cộng tác, nhất là trong lãnh vực xã hội.

Trên đây là nhận định của ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng Công Giáo ”katholische.de” truyền đi từ thành phố Bonn hôm 24-8-2015.

ĐHY Koch nói: ”Trong lãnh vực đại kết, ĐGH Phanxicô theo đuổi một lối tiếp cận khác với vị tiền nhiệm. Ngài nhấn mạnh nhiều hơn đến việc cầu nguyện chung, những hoạt động chung và những cuộc gặp gỡ. Qua đó có hàm chứa một nhận định thực tiễn, theo đó trong lãnh vực đại kết, chúng ta không thể chỉ tiến bước với cuộc đối thoại thần học”. Những tương quan huynh đệ là điều kiện phải có trước đó để có thể đi vào những vấn đề thần học khó khăn”.

Đối với ĐGH Phanxicô, điều quan trọng là một Giáo Hội thừa sai, mang Tin Mừng đến cho thế giới. ”Và ĐGH muốn rằng chúng ta làm tất cả những gì có thể làm chung, cả những gì chúng ta đã cộng tác với nhau”.

Các Giáo Hội Kháng Cách

Về các Giáo Hội Kháng Cách (Protestant), ĐHY Koch nhận xét rằng thế giới Tin Lành hiện nay đang có một ”sự phân hóa kinh khủng: càng này càng có những Giáo Hội mới được khai sinh”. Thêm vào đó có sự gia tăng mới mẻ của các phong trào Tin Lành (Evangelical), Phong trào Ngũ Tuần. Hiện nay các Giáo Hội Ngũ Tuần (Pentekostalismus) đứng thứ hai sau Giáo Hội Công Giáo về số tín đồ. Có lẽ người ta phải nói đến một hình thức thứ tư của Giáo Hội: Công Giáo, Chính Thống, Thệ Phản và Pentecostal”. Trong các Phong trào này có những thành kiến kinh khủng chống ĐGH và Giáo Hội Công Giáo. Ở đây ĐGH Phanxicô cũng có những tiếp xúc bản thân.

Trong cuộc đối thoại với các tín hữu Luther, Giáo Hội Công Giáo theo đuổi mục đích đạt tới một lập trường chung về Giáo Hội, về Thánh Thể và chức vụ trong Giáo Hội. ”Tôi hy vọng sẽ có một tuyên ngôn chung, trên bình diện hoàn cầu, giữa Liên hiệp các Giáo Hội Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo”. Đây sẽ là một bước tiến mới và rất lớn, sau tuyên ngôn chung liên quan đến Giáo lý về sự công chính hóa hồi năm 1999”.

Công Giáo và Do thái

ĐHY Koch, 63 tuổi, cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh liên lạc với Do thái giáo. Ngài mô tả quan hệ này ”ổn đỉnh đến độ có thể cùng nhau đáp ứng và giải quyết những đòi hỏi và những vấn đề đang nảy sinh”. Trong số các Rabbi Do thái có một ước muốn mạnh mẽ, không những nói về các vấn đề chính trị và lịch sử, nhưng còn bàn về các vấn đề thần học một cách khẩn trương hơn”.

Quan hệ với Chính Thống giáo

ĐHY Kurt Koch nhận định rằng ”những vấn đề căng thẳng nội bộ của Chính Thống giáo đang chặn đứng cuộc đối thoại đại kết”. ĐHY hy vọng Công đồng Liên Chính Thống giáo dự kiến sẽ bắt đầu họp từ lễ Chúa Thánh Thần 2016 sẽ giúp đào sâu sự hiệp nhất giữa các tín hữu Chính Thống.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha chúc mừng và cầu cho Ukraine được hòa bình

Đức Thánh Cha chúc mừng và cầu cho Ukraine được hòa bình

Giáo dân tại Ukraine

Trên đây là nội dung sứ điệp ĐTC gửi đến tổng thống Petro Poroshenko hôm 24-8-2015, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Ukraine được độc lập khỏi Liên Xô từ năm 1991. Sứ điệp có đoạn viết: ”Tôi cầu nguyện cho đất nước của Tổng Thống trong tình trạng khó khăn này và tôi hỗ trợ những cố gắng giúp đất nước Ukraine tiến bước trong tinh thần hòa bình và thống nhất”.

ĐTC tái bày tỏ sự gần gũi tinh thần với các nạn nhân, gia đình họ và tất cả những người đang chịu đau khổ.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23-8-2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã nói rằng:

”Tôi lo âu theo dõi xung đột ở miền tại Ukraine lại trở nên sôi động trong những tuần lễ gần đây. Tôi lập lại lời kêu gọi hãy tôn trọng các cam kết đã đề ra để đạt tới sự bình định và với sự trợ giúp của các tổ chức và những người thiện chí, người ta đáp ứng được tình trạng cấp thiết mà nhiều người đang phải chịu tại nước này. Xin Chúa ban hòa bình cho Ukraine, đang chuẩn bị mừng quốc khánh vào ngày mai (24-8-2015)”.

Lễ quốc khánh mừng độc lập của Ukraine đã diễn ra tại thủ đô Kiev với cuộc diễn binh. Trong diễn văn, Tổng thống nhắc đến thảm trạng chiến tranh của đất nước: gần 2,100 binh sĩ bị thiệt mạng trong cuộc xung đột tại vùng Donbass ở mạn đông Ukraine chống những thành phần thân Nga, khoảng 7 ngàn binh sĩ bị thương. Tổng cộng từ khi xảy ra cuộc xung đột đến nay có 6,800 người chết, trong đó có nhiều thường dân. Hàng chục ngàn người tản cư, không còn nhà cửa và đất đai. Bao nhiêu người nam, phụ, lão, ấu phải rời bỏ các vùng xung đột.

Tổng thống Poroshenko cũng tố giác chiến lược của Nga ngăn cản không cho Ukraine xích lại gần Âu Châu. Theo ông 50 ngàn quân Nga trú đóng gần biên giới Nga – Ukraine, và 9 ngàn quân Nga khác đang hỗ trợ các ”nhóm phiên quân” ở những vùng ly khai (Tổng hợp 24-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Cha Damphousse phê bình một thứ văn hóa bóp nghẹt ơn gọi

Đức Cha Damphousse phê bình một thứ văn hóa bóp nghẹt ơn gọi

CORNWALL. Đức Cha Marcel Damphousse bên Canada tố giác một nền văn hóa tại đây đang bóp nghẹt nhiều ơn gọi linh mục và tu trì.

Đức Cha Damphousse là GM giáo phận Alexandria-Cornwall, tỉnh Ontario. Tuyên bố với ký giả Philippe Vaillancourt trên đài phát thanh Công Giáo Radio Ville-Marie của tỉnh Québec, Đức Cha nói: ”Trong thứ văn hóa này, người ta cổ võ cá nhân chủ nghĩa, tiêu thụ, tiền bạc, thăng quan tiến chức, và thế giới tình dục: phải chăng người ta không thể hạnh phúc nếu không có những kinh nghiệm về những điều đó?.. Những thứ ấy làm cho đời sống độc thân trở thành một thực tại không có sức thu hút”.

Đức Cha Camphousse, 52 tuổi, cũng nhận xét rằng: ”Thiên Chúa không ngừng kêu gọi. Khi một người trẻ cảm thấy được kêu gọi, họ phải được bao bọc do một nền văn hóa tạo điều kiện cho họ đáp lại tiếng gọi của Chúa. Nếu không có sự nâng đỡ ấy, thì sẽ thiếu thốn rất nhiều. Vì thế cần phải tạo một môi trường thuận lợi để người trẻ được nuôi dưỡng trong ơn gọi, để có thể giúp họ phân định và đi đến cùng câu trả lời của họ”.

Trong giáo phận Alexandria-Cornwall ở miền trung Canada, có hơn 56 ngàn tín hữu Công Giáo, Đức Cha Camphousse chỉ còn 18 linh mục hoạt động, trong khi 8 LM khác về hưu. Trong số các LM đang hoạt động, có 7 người Phi Châu đến từ Nigeria, Camerun, Ruanda, v.v. Đức Cha cởi mở đối với sự đóng góp của các linh mục từ hải ngoại, nhưng nếu một giáo phận có các ơn gọi riêng thì đó là một dấu chỉ nói lên sức khỏe của giáo phận này.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Camphousse cũng đề cập đến tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Phần lớn những lời tố cáo chống giáo sĩ là những lời cáo gian. Có những LM được nhìn nhận là vô tội sau các cuộc điều tra, nhưng các biến cố này cũng làm cho các LM ấy bị tổn thương và rất nhạy cảm. Vì thế có những LM ngại mang dấu hiệu LM khi đi ra ngoài, vì có những người lăng mạ các vị.

Tuy nhiên, Đức Cha xác tín rằng ngài đã thành công trong việc tái lập sự tín nhiệm giữa Giáo Hội và dân chúng, giữa hàng giáo sĩ và giáo dân. (Apic 24-8-2015)

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các tín hữu Kitô hiệp nhất

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các tín hữu Kitô hiệp nhất

ĐTC cầu nguyện cho các tín hữu hiệp nhất

VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu xin Chúa ban cho tất cả các tín hữu Kitô thành tâm tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn và cộng tác phục vụ nhân loại.

Lập trường của ĐTC được bày tỏ trong điện văn của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ngài gửi đến Công nghị của Giáo Hội tin lành Valdese-Methodiste Italia, nhóm họp tại Tore Pellice thuộc thành phố Torino từ 23 đến 28-8-2015.

ĐHY Parolin cho biết ”ĐTC nồng nhiệt chào mừng các tham dự viên Công nghị và, như một dấu chỉ sự gần gũi tinh thần ngài sốt sắng cầu xin Chúa ban cho mọi Kitô hữu thành tâm tiến bước tiến về sự hiệp thông trọn vẹn, để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngừơi, cộng tác phục vụ nhân loại, đặc biệt là bảo vệ phẩm giá con người, thăng tiến công lý và hòa bình, và cùng nhau mang lại những câu trả lời chung đang làm cho dân chúng đau khổ, nhất là những ngừơi nghèo và yếu thế nhất”.

Ngày 21-6 năm nay, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm tại Torino, bắc Italia, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm Đền thờ Tin Lành Valdese cũng tại thành phố này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đến thăm và gặp gỡ cộng đoàn Tin Lành bé nhỏ này, với 30 ngàn tín hữu toàn quốc, hợp chung với Giáo Hội Tin Lành Methodist. (SD 24-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha sẽ sử dụng chiếc xe Jeep Wrangler để làm xe Popemobile trong dịp đến thăm Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha sẽ sử dụng chiếc xe Jeep Wrangler để làm xe Popemobile trong dịp đến thăm Hoa Kỳ

Pope Francis greets crowd from popemobile in Ecuador

Được biết chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ sử dụng một chiếc xe Jeep Wrangler được trang bị thành một chiếc xe Popemobile, tương tự như chiếc xe mà ĐTC sử dụng trong tháng vừa qua  tại Ecuador, đây là tuyên bố của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong tuần này.

Những chiếc xe này sẽ được giao cho cơ quan mật vụ Hoa Kỳ, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã thông báo qua email.

Về các sắp xếp chính xác lộ trình và nhiều chi tiết khác khi ĐTC đi chào đón chung quanh chưa được tiết lộ trong lúc này, cũng như Tòa Thánh chưa cung cấp thông tin cụ thể sẽ sử dụng chiếc xe này khi đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước và Philadelphia.

Các chính xác thiết lập của Popemobile Mỹ – cùng với các chi tiết về nơi chính Đức Giáo Hoàng sẽ sử dụng nó để có được xung quanh – không có sẵn ngay lập tức. Vatican đã không cung cấp thông tin cụ thể hơn về khi Giáo hoàng Francis sẽ sử dụng chiếc xe trong chuyến đi đến Washington, DC, New York và Philadelphia vào tháng tới.

Trong quá khứ, ĐTC thường sử dụng chiếc xe Popemobile không cửa di chuyển qua đám đông để chào đón giáo dân.

Các chiếc xe Popemobile tại Ecuador không có cửa ở hai bên, với một tấm kiếng trong suốt đặt ở phía trước và ở bên trên để che ngay nơi ĐTC đứng.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, Đức Giáo Hoàng cho biết khi sử dụng chiếc Popemobile loại chống đạn để đi chung quanh chào đón giáo dân thì giống như bị ở trong "hộp cá mòi", làm chia cắt với những người khác. ĐTC nói thêm, "Sự thật là bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra",  "nhưng chúng ta hãy đối mặt với nó, ở tuổi của tôi, tôi không có gì để mất cả."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng nhiều hãng xe khác nhau cho chiếc xe Popemobile trong các chuyến đi của mình như của hãng xe  Mercedes, Toyota, Isuzu, Kia, Hyundai, Land Rover và Jeep Wrangler.

Như đã biết chiếc xe Popemobile loại không cửa hai bên rất tiện lợi, Ngài có thể nhận được hoa hay bánh Pizza do các giáo dân ái mộ đứng dọc theo hai bên đường trao tặng. Vì thế trong chuyến thăm này nhằm muốn gần gủi với mọi người đón chào nên chọn loại xe Popemobile không cửa này.

Phỏng dịch: Thái Trọng

Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với con người

Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với con người

Chúa Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với cuộc sống con người

Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là làm cho Chúa trở thành trung tâm và ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Chúa Kitô không phải là yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là lương thực không thể thiếu được.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Hôm nay kết thúc bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan với diễn văn về “Bánh sự sống”, mà Chúa Giêsu đã nói hôm sau ngày làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. ĐTC ghi nhận bầu khí lúc đó như sau:

Vào cuối diễn văn sự hứng khởi của ngày hôm trước đã tắt lịm, bởi vì Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài là bánh từ trời xuống, và sẽ cho thịt Ngài làm của ăn và máu ngài làm của uống, ám chỉ một cách rõ ràng hiến tế mạng sống của chính Ngài.

Các lời này dấy lên nỗi thất vọng nơi dân chúng, họ cho rằng chúng không xứng đáng với Đấng Cứu Thế, “không chiến thắng”. Vài người đã nhìn Chúa Giêsu như vậy: như một Đấng Cứu Thế phải nói và hành động làm sao để sứ mệnh của Người thành công, ngay lập tức. Nhưng họ lầm ở chính điểm này: về cách hiểu sứ mệnh của Đấng Messia! Cả các môn đệ cũng không chấp nhận ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ gây âu lo đó của Thầy mình. Và đoạn Phúc Âm hôm nay kể lại sự khó chịu này của các vị: “Lời này thật là chướng tai! – họ nói – ai mà có thể nghe được” (Ga 6,60).

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Thật ra họ đã hiểu rõ diễn văn của Chúa Giêsu. Họ hiểu rõ đến nỗi không muốn lắng nghe Ngài, bởi vì đó là một diễn văn khiến cho tâm thức của họ gặp khủng hoảng. Các lời của Chúa Giêsu luôn luôn đặt chúng ta vào trong cuộc khủng hoảng: trong khủng hoảng chẳng hạn như trước tinh thần của thế giới, trước tinh thần thế tục. Nhưng Chúa Giêsu cống hiến chìa khoá giúp thắng vượt khó khăn; một chìa khóa gồm ba yếu tố. Thứ nhất, nguồn gốc thiên linh của Chúa Giêsu: Ngài từ trời xuống và “sẽ lại lên nơi Ngài ở trước kia”( c. 62). Thứ hai, các lời Ngài chỉ có thể được hiểu qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “ban sự sống” (c. 63). Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu. Thứ ba, lý do đích thật của việc không hiểu các lời Ngài là sự thiếu lòng tin: Giữa anh em có vài người không tin” (c. 64). Thật vậy, vì từ lúc đó “nhiều môn đệ Người rút lui” (c. 66). Đứng trước các bỏ cuộc này, Chúa Giêsu không tính toán cũng không giảm thiểu các lời nói của Ngài, trái lại Ngài thúc đẩy làm một lựa chọn chính xác: hoặc là ở lại với Ngài hay tách rời Ngài, và Ngài nói với Nhóm Mười Hai: “Các con cũng muốn bỏ đi sao? (c. 67).

Tới đây thánh Phêrô, nhân danh các Tông Đồ, tuyên xưng đức tin rằng: “Lậy Chúa, chúng con đi tới với ai? Thầy có lời của sự sống vĩnh cửu” (c. 68). Thánh nhân không nói: “Chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi đến với ai?”. Vấn đề nền tảng không phải là ra đi và bỏ rơi công trình đã bắt đầu, nhưng đi tới với ai. Từ câu hỏi này của thánh Phêrô chúng ta hiểu rằng sự trung thành với Thiên Chúa là vấn đề trung thành với một người, mà ta cột buộc mình vào để cùng đi trên cùng con đường.  Và người đó là Chúa Giêsu. ĐTC giải thích thêm như sau:

Tất cả những gì chúng ta có trên thế giới không thoả mãn cái đói sự vô tận của chúng ta. Chúng ta cần Chúa Giêsu, ở với Người, nuôi sống mình ở bàn của Người, bằng các lời của sự sống vĩnh cửu của Người! Tin nơi Chúa Giêsu có nghĩa là khiến cho Người trở thành trung tâm điểm, trở thành ý nghĩa của đời ta. Chúa Kitô không phải là một yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là tlương thực không thể thiếu. Cột buộc vào Ngài trong một tương quan đức tin và tình yêu, không có nghĩa là bị xiềng xích, nhưng tự do một cách sâu xa, luôn luôn tiến bước. Giờ đây mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình xem: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Đó là một tên gọi? Một ý tưởng? Hay đó chỉ là một nhân vật lịch sử? Hay đó thật sự là người yêu thương tôi, đã hiến mạng sống cho tôi và đi với tôi?” Đối với bạn, Chúa Giêsu là ai? Bạn có ở với Chúa Giêsu không? Bạn có tìm hiểu biết Ngài trong lời của Ngài hay không? Bạn có đọc Phúc Âm mỗi ngày, một đoạn Phúc Âm để hiểu biết Chúa Giêsu không? Bạn có đem theo sách Phúc Âm trong túi, trong xách tay, để đọc nó ở khắp mọi nơi không? Bởi vì chúng ta càng ở với Ngài bao nhiêu, ước muốn ở lại với Ngài lại càng lớn lên bấy nhiêu. Bây giờ tôi sẽ xin anh chị em, chúng ta hãy thinh lặng một chút và mỗi người trong thinh lặng, trong tim của mình, tự hỏi: “Đối vói tôi Chúa Giêsu là ai?”. Trong thinh lặng, mỗi người hãy tự trả lời trong tim mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” Sau một lúc thinh lặng ĐTC kết thúc bài huấn dụ:

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn luôn đến với Chúa  Giêsu để sống kinh nghiệm sự tự do, mà Ngài cống hiến cho chúng ta và cho phép chúng ta tẩy rửa các lựa chọn của chúng ta khỏi các cáu ghét trần tục và các sợ hãi.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyên Tin rồi ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã tái kêu gọi hòa bình cho Ucraina. Ngài nói: Tôi rất âu lo theo dõi cuộc xung đột tại vùng đông Ukraina lại gia tăng trong các tuần vừa qua. Tôi lập lại  lời kêu gọi để các dấn thân đã có được tôn trọng, hầu đạt đến việc bình định với sự trợ giúp của các người thiện chí và để đáp ứng cấp thiết trợ giúp nhân đạo trong nước này. Xin Chúa ban hoà bình cho Ucraina, đang sửa soạn cử hành quốc lễ ngày mai. Xin Đức Trinh Nữ Maria bầu cử cho chúng con!

Tiếp đến ĐTC đã chào các đoàn hành hương hiện diện, đặc biệt là các đại chủng sinh trường Bắc Mỹ đến Roma theo học thần học, nhóm thể thao San Giorgio su Legnano, các tín hữu tỉnh Luzzana và Chioggia, cũng như các bạn trẻ giáo phận Verona trung bắc Italia. Ngài xin mọi người trong tuần này đừng quên mỗi ngày ngừng lại một lát và tự hỏi: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” Và mỗi người tự trả lời trong tim mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?”. ĐTC đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình và ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Hành trình đức tin

Hành trình đức tin

Đức tin là một con đường: con đường dẫn ta tới Chúa. Đây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết. Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó là những khi niềm tin dâng đầy. Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng đức tin sẽ phải trải qua những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá. Ta gặp khó khăn thử thách. Ta gặp đau khổ thất bại. Ta không tìm đâu ra lối thoát. Ta như chìm trong đêm tối mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối. Đó là khi niềm tin bị thử thách, bị nghiêng ngả chao đảo. Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Ta muốn bỏ cuộc, rẽ sang đường khác. Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, thoải mái hơn.

Đó là trường hợp của những người Do Thái và một số môn đệ hôm nay.

Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái. Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.

Thế mà hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, đám đông đã bỏ Chúa. Một số môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi. Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Đức tin gặp thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách. Họ đã thất vọng bỏ cuộc. Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín. Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Đức tin phải trải qua thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực. Chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.

Giữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phêrô đã đại diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Đức Kitô. Dù chưa hiểu những điều Đức Giêsu nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người. Thế mới gọi là tin. Vì chưa thấy nên mới cần tin. Đã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa. Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý. Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nuớc, các ông hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người. Đó là hai khía cạnh trái ngược của niềm tin. Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong đêm tối. Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin. Nhưng màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại. Chính vì thế mà niềm tin mới có giá trị và cần thiết.

Lời tuyên xưng của thánh Phêrô lại càng có giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa. Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các Tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.

Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo. Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản ta. Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách như thế, ta hãy nhớ đên những lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Niềm tin tuyên xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa. Sự trung tín vượt qua được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.

Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai. Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Đã có khi nào bạn cảm thấy niềm tin chao đảo, lung lay? Bạn đã làm gì để vượt qua những giờ phút khó khăn đó?

2- Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Bạn có xác tín điều đó không?

3- Sau khi những khó khăn qua đi, bạn nhìn thấy tất cả đều là ơn Chúa. Bạn có kinh nghiệm đó không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đức Thánh Cha chọn đề tài Ngày Thế Giới di dân và tị nạn 2016

Đức Thánh Cha chọn đề tài Ngày Thế Giới di dân và tị nạn 2016

Ty nan the gioi

VATICAN. ĐTC đã chọn đề tài cho Ngày Di dân và Tị Nạn sẽ được cử hành ngày 17-1 năm 2016 là ”Những người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng lòng thương xót”.  

Trong thông cáo về đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người tị nạn giải thích rằng đề tài được ĐTC chọn phải được đặt trong bối cảnh Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót được cử hành từ ngày 8-12 năm nay đến 20-11 năm 2016. Có hai khía cạnh được nhấn mạnh trong đề tài:

– Trước tiên, người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta, muốn chúng ta chú ý đến thảm trạng của bao nhiêu người buộc lòng phải bỏ quê hương. Chẳng hạn chúng ta không được quên thảm trạng bao nhiêu người vượt biên trên biển cả.

Đứng trước nguy cơ quên lãng hiện tượng ấy, ĐTC trình bày trình trạng đau thương của người di dân và tị nạn như một thực tại đang đặt câu hỏi cho chúng ta. Trong Tông Sắc ”Misericordiae vultus” (tôn nhan Thương Xót), ngài viết: “Chúng ta đừng rơi vào thái độ dửng dưng gây tủi nhục, thái độ quá quen thuộc làm cho tâm hồn không còn nhạy cảm, ngăn cản việc khám phá điều mới mẻ, đừng rơi vào thái độ sống chết mặc bay tàn hại. Chúng ta hãy mở to đôi mắt để nhìn những lầm than của thế giới, những vết thương của bao nhiêu anh chị em bị tước mất phẩm giá, và chúng ta hãy cảm thấy bị thúc bách lắng nghe tiếng kêu cứu của họ..” (n.15)

– Phần thứ hai của đề tài là: ”Câu trả lời của Tin Mừng thương xót” muốn liên kết rõ ràng hiện tượng di dân và câu trả lời của thế giới, đặc biệt là của Giáo Hội. Trong bối cảnh này, ĐTC mời gọi dân Chúa hãy suy tư trong Năm Thánh về những việc từ thiện bác ái về thể lý và tinh thần, và không nên quên rằng chính Chúa Kitô hiện diện nơi những người bé mọn nhất, và vào cuối đời chúng ta sẽ bị phán xét về câu trả lời tình thương của chúng ta” (Xc Mt 25,31-45).

Trong tư cách là môn đệ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn luôn được mời gọi ”loan báo sự giải thoát cho những người đang là tù nhân của những hình thức nô lệ mới trong xã hội tân thời” (Misericordiae vultus, 16), đồng thời phải đào sâu tương quan giữa công lý và từ bi, là hai khía cạnh của cùng một thực tại duy nhất (Mis. vultus 20).

Sau cùng, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân khuyến khích các giáo phận và các cộng đoàn Kitô đề ra những sáng kiến cử hành Ngày Thế giới di dân và tị nạn cũng như những công việc bác ái trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, không quên gây ý thức trong các cộng đoàn về hiện tượng di dân. Những điều này không phải chỉ thu hẹp trong Ngày Di dân mà thôi nhưng còn kéo dài. (SD 20-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cảm tạ Chúa vì Cộng đoàn Taizé

Đức Thánh Cha cảm tạ Chúa vì Cộng đoàn Taizé

Cong Doan Taize

VATICAN. ĐTC Phanxicô cảm tạ Thiên Chúa vì Cộng đoàn Taizé và biểu lộ lòng quí mến đối với mọi thành viên Cộng đoàn này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thư gửi đến Thầy Alois Tu viện trưởng và Cộng đoàn Taizé nhân dịp kỷ niệm 3 biến cố: 75 năm thành lập, 100 năm sinh nhật của thầy Roger và 10 năm thầy qua đời.

Thư của ĐTC được ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên đọc trong buổi lễ kỷ niệm ở Taizé ngày 16-8-2015 và được công bố tại Vatican hôm 19-8-2015. Lá thư có đoạn viết:

”Như ĐGH Biển Đức 16 đã nói với các bạn trẻ nhân dịp cuộc gặp gỡ Âu Châu do Cộng đoàn Taizé tổ chức tại Roma năm 2012, Thầy Roger là một 'chứng nhân không biết mệt mỏi của Tin Mừng hòa bình và hòa giải, được ngọn lửa đại kết thánh thiện linh hoạt' (Diễn văn 29-12-2012).

”Chính ngọn lửa ấy đã thúc đẩy Thầy thành lập một cộng đoàn có thể coi như một ”dụ ngôn đích thực về tình hiệp thông”, cho đến nay đã giữ một vai trò quan trọng để bắc những cây cầu huynh đệ giữa các tín hữu Kitô.

”Thầy Roger hăng say tìm kiếm sự hiệp nhất của Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô, Thầy cởi mở đối với những kho tàng được gìn giữ trong các truyền thống Kitô khác nhau, nhưng không vì thế mà cắt đứt quan hệ với nguồn gốc Tin Lành của Thầy. Do sự kiên trì đã chứng tỏ trong cuộc sống lâu dài, Thầy đã góp phần thay đổi những quan hệ giữa các tín hữu Kitô còn bị chia rẽ, vạch ra cho nhiều người một con đường hòa giải.

“Được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh, Thầy Roger cũng tham chiếu giáo huấn của các Thánh Giáo Phụ, Thầy kín múc nơi các nguồn mạch Kitô giáo và biết hiện tại hóa các nguồn ấy cho nơi giới trẻ”.

”Thầy Roger yêu mến người nghèo, những người kém may mắn, những người có vẻ không có gì đáng kể. Trong cuộc sống của Thầy và của các tu huynh, Thầy đã chứng tỏ rằng kinh nguyện đi song đối với tình liên đới giữa con người.

”Tôi cảm tạ Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Linh, vì cuộc sống dâng hiến của Thầy Roger, cho đến cái chết vì bạo lực của Thầy. Ước gì Cộng đoàn Taizé luôn duy trì nồng nhiệt chứng tá mà Thầy đã làm cho Chúa Kitô phục sinh và lời kêu gọi Thầy không ngừng lập lại ”hãy chọn lựa yêu thương”

Vatican ngày 16 tháng 8 năm 2015

Phanxicô

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio