Các Giám Mục Pháp và Đức bênh vực người trẻ di dân và tị nạn

Các Giám Mục Pháp và Đức bênh vực người trẻ di dân và tị nạn

PARIS. Các GM Pháp và Đức kêu gọi gia tăng giúp đỡ người di dân và tị nạn, nhất là các trẻ vị thành niên.

Trong thông cáo công bố hôm 12-1-2017, nhân ngày thế giới di dân và tị nạn lần thứ 103 sẽ được cử hành vào chúa nhật 15-1 tới đây, các GM Pháp và Đức nhắc đến sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày này, qua đó ngài lưu ý về số phận các trẻ em và người trẻ là những người không được bảo vệ, gấp 3 lần so với những người lớn. Theo thống kê năm 2015, trong số hơn 65 triệu người tị nạn trên thế giới có quá một nửa là trẻ vị thành niên. Riêng tại Liên hiệp Âu châu, năm 2014 chỉ có 23 ngàn người trẻ di dân và tị nạn, năm 2015 sau đó, con số ấy tăng quá gấp 4 lần tức là 100 ngàn. Năm 2016 chắc chắn con số ấy càng gia tăng thê. Các GM Pháp và Đức viết:

”Đứng trước kỷ lục đau buồn ấy, điều cần thiết hơn bao giờ hết là phải chiến đấu chống lại những nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Đặc biệt con số đông đảo các thiếu niên tị nạn không có người đi kèm ở Âu Châu đang đề ra cho chúng ta những thách đố hết sức lớn lao”.

Các GM Pháp cũng nhắc lại lời ĐTC khẳng định rằng ”Vì chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô nơi những người bé mọn và dễ bị tổn thương nhất, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể theo khả năng để bảo vệ phẩm giá của những người trẻ di dân và tị nạn.. Nhiều trẻ vị thành niên bị bó buộc phải mại dâm hoặc bị đưa vào vòng kỹ nghệ dâm ô, bị cưỡng bách lao động hoặc xung vào quân ngũ, hay trong những hình thức tội phạm khác, các em là những người bị bó buộc phải trốn chạy vì xung đột và bách hại”.

HĐGM Pháp và Đức nhận định rằng ”Giáo hội Công giáo tại hai nước này có nhiều tài nguyên để đồng hành với những người trẻ di dân để giúp các em trên con đường đạt tới sự tự lập. Đứng trước thách đố rộng lớn, cần phải nới rộng các đề nghị hiện có và phát triển hơn nữa. Trọng tâm hoạt động được tiến hành theo nguyên tắc: khích lệ mỗi trẻ em phát huy khả năng của mình, đồng thời cũng không được quên trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong tư cách là những nước đã ký Hiệp ước Genève, Hiệp ước Liên hiệp Quốc về quyền của các trẻ em và các hiệp ước quốc tế khác, nươc Pháp và Đức nhìn nhận các trẻ vị thành niên di dân có những quyền đặc thù. Vì thế chúng tôi kêu gọi các vị hữu trách chính trị tại hai nước liên hệ chu toàn nghĩa vụ bảo đảm những điều kiện pháp lý và hành chánh, giúp các trẻ vị thành niên có được một đời sống xứng đáng nơi chúng ta. Cần phải tôn trọng quyền được sống tuổi thơ trong mọi hoàn cảnh” (SD 12-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư, vì Chúa sống như người phục vụ, vì Chúa gần gũi và thương mến mọi người, vì Chúa nói và làm nhất quán. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Có thẩm quyền là nhờ phục vụ mọi người

Chúa Giêsu phục vụ mọi người. Chúa đến để phục vụ. Và điều ấy người dân hiểu rất rõ. Chúa mang lấy tâm tình và thái độ của người phục vụ, và việc phục vụ ấy cho thấy Người là Đấng có uy quyền. Nhưng đối với các tiến sĩ luật thì lại khác. Dân chúng nghe họ nói, tôn trọng họ, nhưng chẳng cảm thấy chút gì là thẩm quyền, là quyền uy từ những lời các vị tiến sĩ luật cả. Bởi lẽ, các tiến sĩ luật nói: chúng tôi là những bậc thầy, chúng tôi có các quy luật, và chúng tôi sẽ dạy các quy luật ấy cho anh em. Chúng tôi ra lệnh và anh em vâng theo. Như thế, chẳng có gì là phục vụ cả. Chúa Giêsu không bao giờ làm ra vẻ như một hoàng tử, nhưng Chúa luôn luôn là người phục vụ mọi người. Và chính từ việc phục vụ này, Chúa trao ban quyền uy của Chúa.

Có thẩm quyền là nhờ gần gũi người dân

Các luật sĩ xa cách người dân, các luật sĩ chẳng thân thiện gì. Chúa Giêsu rất gần gũi người dân, và từ sự gần gũi đó diễn tả uy quyền của Chúa. Có những luật sĩ sống tách biệt, và họ giảng dạy với thẩm quyền giáo sĩ, với tâm thức họ có quyền của một người giáo sĩ, ngay cả theo kiểu tâm thức giáo sĩ trị.

Tôi rất thích đọc về sự gần gũi mà Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong số 48 của Tông huấn Loan Báo Tin Mừng. Ngài viết: Bạn nhìn thấy sự gần gũi của tâm hồn người chăn chiên: đó chính là uy quyền của vị Giáo Hoàng, sự gần gũi. Trước tiên, cần là người tôi tớ của những tôi tớ trong khiêm tốn: người làm đầu phải là người phục vụ, phục vụ mọi người. Đó là một sự đảo lộn. Thay vì chỉ đạo mọi người thì Chúa Giêsu đã sống như người phục vụ. Thứ nhất chính là phục vụ và thứ hai là sự gần gũi.

Có thẩm quyền là nhờ lời nói đi đôi với việc làm

Có những người không nhất quán, không trước sau như một và tâm tính của họ bị phân mảnh. Họ nói mà chẳng làm, họ nói thế này rồi làm thế khác. Đó là sự mâu thuẫn. Có nhiều lần Chúa Giêsu trách mắng những người như thế là quân đạo đức giả, là kẻ giả hình. Anh em đã hiểu rằng, có những người luôn cảm thấy mình là ông hoàng, luôn mang lấy nơi mình thái độ giáo sĩ trị, và đó chính là thói đạo đức giả, và những điều ấy chẳng có chút gì là thẩm quyền. Còn Chúa Giêsu, Chúa đã phục vụ, đã gần gũi mọi người, không coi thường một ai trong dân, Chúa nói và làm đồng nhất, những điều ấy chính là thẩm quyền là quyền uy của Chúa. Đây chính là thẩm quyền mà dân của Thiên Chúa lắng nghe và cảm thấy.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi

Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi

VATICAN. Nhân lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, 8-1-2017, ĐTC Phanxicô đã ban phép rửa tội cho 28 hài nhi và mời gọi các cha mẹ bảo tồn và làm tăng trưởng đức tin cho con cái.

Thánh lễ rửa tội bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi và kéo dài 2 tiếng đồng hồ tại nhà nguyện Sistina trong dinh Tông Tòa. 28 hài nhi gồm 15 nam và 13 nữ, hầu hết là con của các nhân viên Vatican. Trong số các em nam, có 4 em mang tên thánh là Phanxicô.

Đây là lần thứ 4 ĐTC ban phép rửa tội cho các hài nhi tại Nhà nguyện Sistina, cũng là nơi được dùng làm mật nghị bầu giáo hoàng, và nổi danh với các bức bích họa của Michelangelo, được các du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật tại viện bảo tàng Vatican.

Phụ giúp ĐTC trong thánh lễ này có 3 Tổng Giám Mục, 1 GM và 13 giám chức khác, trước sự hiện diện của khoảng 300 người, trong đó có 56 cha mẹ của các em được rửa tội.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng vắn tắt, ĐTC ứng khẩu nhắc nhở các cha mẹ và những người hiện diện về ý nghĩa bí tích rửa tội và nói:

”Anh chị em đã xin đức tin cho con cái. Đức tin sẽ được ban trong phép rửa tội, nghĩa là cuộc sống đức tin, vì đức tin cần phải được sống, tiến bước trên con đường đức tin và làm chứng về đức tin. Đức tin không phải là đọc kinh Tin Kính những ngày chúa nhật trong thánh lễ mà thôi. Đức tin là tin chân lý: Thiên Chúa là Cha đã sai Con của Ngài và Thánh Linh làm cho chúng ta được sống.. Nhưng đức tin cũng là tín thác nơi Thiên Chúa và điều này anh chị em cần phải dạy cho con cái, bằng gương sáng và bằng cuộc sống của anh chị em. Đức tin là ánh sáng: trong nghi thức làm phép rửa, anh chị em sẽ nhận được cây nến sáng như thời đầu của Giáo Hội. Thời đó, phép rửa được gọi là sự soi sáng, vì đức tin soi sáng tâm hồn, làm cho thấy sự việc với một ánh sáng khác”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”các cha mẹ có nghĩa vụ phải làm cho đức tin tăng trưởng, giữ gìn và làm cho đức tin trở thành chứng tá cho tất cả những người khác. Đó là ý nghĩa của nghi lễ này. Xin anh chị em đừng quên: Anh chị em đã xin đức tin, nghĩa vụ của anh chị em là giữ gìn và làm cho đức tin tăng trưởng, và trở thành chứng tá cho tất cả chúng tôi, cho cả các linh mục, giám mục nữa”.

”Hòa nhạc” của các hài nhi

Trong lúc ĐTC giảng có nhiều tiếng khóc của các hài nhi, ĐTC không hề phật ý hay khó chịu. Ngài gọi tiếng khóc của các em trong lúc ấy giống như một buổi hòa nhạc!.. và nói: cuộc ”hòa nhạc” này là vì các em đang ở trong một nơi không quen thuộc, vì các em phải thức dậy sớm hơn bình thường, và có lẽ em này cất tiếng khóc thì các em khác cũng bắt chước theo.. Chúa Giêsu cũng khóc như thế. Tôi thích nghĩ rằng bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong máng cỏ là tiếng khóc!”

Trong các ý nguyện được xướng lên trong phần Lời nguyện giáo dân, có một ý nguyện cầu cho các trẻ em đang chịu đau khổ, ”xin Chúa luôn khơi dậy những người nam nữ có khả năng cúi mình xuống trên các em với lòng yêu thương không biết mệt mỏi”.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Tagle của Manila sẽ rửa tội cho 400 trẻ em nghèo

Đức Hồng Y Tagle của Manila sẽ rửa tội cho 400 trẻ em nghèo

Manila – Ngày 14/01 tới đây, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, sẽ cùng với cha Matthieu Dauchez, giám đốc điều hành quỹ Tulay Ng Kabataan (TNK) và 10 Linh mục khác rửa tội cho 400 trẻ em từ các khu ổ chuột của thành phố Manila. Đức Hồng Y Tagle thỉnh thoảng cũng dành thời gian cho các trẻ em đang được TNK chăm sóc.

Cha Dauchez nói: “Thật là khó để mang các trẻ em bị thương tổn đến gần với Chúa, nhưng ngược lại, thật dễ dàng mang Thiên Chúa đến với các em qua các bí tích.”

Elise Cruse, người điều hành thông tin liên lạc của quỹ TNK, cho biết, TNK đang giúp các gia đình nghèo có thể tiếp cận không chỉ với những trợ giúp vật chất nhưng cả sự nuôi dưỡng tinh thần nhờ các bí tích. Cruse giải thích: “Các gia đình đang sống trong các khu ổ chuột và trên đường phố của thành phố Manila không chỉ dễ gặp nguy hiểm và đe dọa, nhưng họ còn không được lãnh nhận bí tích suốt thời gian dài. Chúng tôi nhận thấy rằng các gia đình nghèo khổ nghĩ là họ không thể đến lãnh nhận bí tích vì sự nghèo khổ của họ. Họ nghĩ là họ phải trả phí tổn, dù các bí tích được trao ban hoàn toàn nhưng không.” Cô cho biết thêm là những người nghèo còn không biết họ phải làm gì và làm như thế nào. TNK và RCAM nhắm thay đổi điều này bằng cách giúp cho nhiều trẻ em được rửa tội.

TNK giúp các trẻ em đường phố từ năm 1998. Mỗi năm có 1300 trẻ em được tiếp đón trong 24 trung tâm. Trong 18 năm qua, hàng ngàn trẻ em đã rời bỏ cuộc sống đường phố. (CBCP News)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha khuyến khích những người làm mục vụ ơn gọi

Đức Thánh Cha khuyến khích những người làm mục vụ ơn gọi

VATICAN. ĐTC khích lệ những người dấn thân trong việc mục vụ ơn gọi biết lắng nghe, đón nhận những băn khoăn và khao khát của người trẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 5-1, dành cho 800 tham dự viên Hội nghị do Văn phòng toàn quốc Italia về mục vụ ơn gọi tổ chức trong những ngày này với chủ đề: ”Hãy đứng lên, tiến bước, và đàng sợ hãi”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Cha Galantino, Tổng thư ký HĐGM Italia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói đến hai đặc tính của những người mục vụ ơn gọi là lòng hăng say dấn thân và tinh thần nhưng không, phục vụ Giáo Hội và tôn trọng, tìm kiếm thiện ích của những người mà mình đồng hành trên con đường phân định ơn gọi.

Ngài cũng khẳng định rằng: ”Để đáng tín nhiệm và hòa hợp với người trẻ, cần dành ưu tiên cho việc lắng nghe, biết dành thời giờ cho việc đón nhận những câu hỏi và ước muốn của họ. Chứng tá của anh chị em càng có sức thuyết phục, nếu anh chị em, vui mừng và trong sự thật, biết kể lại vẻ đẹp, sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của người đươc Thiên Chúa yêu thương, sống sự chọn lựa con đường sống của mình với lòng biết ơn, để giúp tha nhân để lại một vết tích đặc sắc trong lịch sử”.

ĐTC giải thích rằng ”điều này đòi anh chị em không được mất định hướng vì những quyến rũ bên ngoài, nhưng tín thác nơi lòng thương xót và sự dịu dàng của Chúa, hun nóng lòng trung thành của chúng ta trong việc chọn lựa theo Chúa và sự tươi mát của ”tình đầu” trong việc theo đuổi ơn gọi” (SD 5-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Hưởng nếm ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh

Hưởng nếm ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh

thanh-le-vong-giang-sinh-24-12-2016

VATICAN: ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người hưởng nếm ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh bằng cách chiêm ngắm dấu chỉ sự đơn sơ giòn mỏng, khiêm tốn và yêu thương hiền dịu của một trẻ sơ sinh.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ Giáng Sinh cử hành trong đền thờ thánh Phêrô tối hôm qua. Ân huệ của Thiên Chúa đã xuất hiện cho chúng ta đó là Hài Nhi Giêsu, tình yêu nhập thể của Thiên Chúa. Đêm Giáng Sinh là một đêm vinh quang và an vui, vì từ nay và cho đến luôn mãi Thiên Chúa chúng ta, Đấng Vĩnh Cửu, Đấng Vô Tận, là Thiên Chúa ở với chúng ta: Ngài không xa cách, chúng ta không phải tìm kiếm Ngài trong các quỹ đạo trên bầu trời hay trong một ý tưởng thần bí. Ngài ở gần, ngài đã làm người, và sẽ không bao giờ tách rời khỏi nhân loại nữa, đã trở thành của Ngài. Đó là một đêm ánh sáng chiếu soi những ai đi trong tối tăm, ánh sáng đã hiện ra và bao trùm các mục đồng Bếtlêhem. Các mục đồng khám phá ra rằng “một trẻ em đã sinh ra cho chúng ta”, và họ hiểu rằng tất cả vinh quang, tất cả niềm vui và tất cả ánh sáng đó tập trung vào một dấu chỉ thiên thần đã chỉ cho họ: “Các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ em quấn tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).

Đây luôn luôn là dấu chỉ để tìm thấy Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không sinh ra trong lâu đài vua chúa, trong các hào nhoáng bề ngoài, hay trong quyền bính, nhưng trong sự nghèo nàn của một hang bò lừa, trong cái đơn sơ của cuộc sống, trong cái bé nhỏ gây kinh ngạc. Và để gặp được Ngài cần phải đi tới đó, nơi Ngài ở: cần phải cúi mình xuống, phải trở thành nhỏ bé. Hài Nhi giáng sinh gọi hỏi chúng ta: Ngài kêu mời chúng ta tử bỏ các ảo ảnh phù vân để tiến tới điều nòng cốt, khước từ các yêu sách không thể thoả mãn, vất bỏ đi sự bất mãn đời đời và nỗi buồn vì có cái gì đó sẽ luôn luôn thiếu trong cuộc sống. Thật là tốt bỏ đi các điều ấy để tìm lại hoà bình, niềm vui và ý nghĩa cuộc sống trong sự đơn sơ của Thiên Chúa Hài Nhi.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: chúng ta hãy để cho Hài Nhi nằm trong máng cỏ gọi hỏi , nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em ngày nay không nằm trong một chiếc nôi và được tình yêu thương của một bà mẹ và một người cha vuốt ve, nhưng nằm trong các “máng cỏ phẩm giá tối tăm”: trong hầm trú dưới lòng đất để tránh bom đạn, trên vỉa hè của một thành phố lớn, dưới lòng một con thuyền đầy người di cư. Chúng ta hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em không được sinh ra, bởi các trẻ em khóc vì khống có ai thoả mãn cái đói khát của chúng, bởi các trẻ em trong tay không cầm đồ chơi nhưng cầm khí giới…

Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm của niềm hy vọng và của buồn thương. Nó đem theo mùi vị của sự buồn sầu, vì tình yêu không được đón nhận, sự sống bị gạt bỏ. Mẹ Maria và thánh Giuse đã tìm thấy các cửa nhà  đóng kín, nên  đã phải đặt Chúa Giêsu nằm trong một máng cỏ, “vì không có chỗ trọ cho các ngài” (c. 7). Chúa Giêsu sinh ra đã bị vài người khước từ, và trong sự thờ ơ của nhiều người khác. Cả ngày nay nữa cũng có thể có cùng sự dửng dưng ấy, khi lễ Giáng Sinh trở thành một ngày lễ, trong đó các tác nhân là chúng ta, thay vì là Chúa, khi các ánh sáng của thương mại ném vào trong bóng tối ánh sáng của Thiên Chúa; khi chúng ta mệt nhọc vì quà tặng và vô cảm đối với ai bị gạt bỏ ngoài lề xã hội.

Tuy nhiên, Giáng Sinh có một mùi vị của niềm hy vọng, bởi vì cho dù các bóng tối của chúng ta, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn  rạng ngời. Ánh sáng dễ thương của Ngài không khiến cho sợ hãi: Thiên Chúa si mê chúng ta, lôi kéo chúng ta với sự hiền dịu của Ngài, khi sinh ra nghèo nàn và giòn mỏng giữa chúng ta, như một người trong chúng ta. Ngài sinh ra tại Bếtlekhem, có nghĩa là “nhà của bánh”. Xem ra Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài sinh ra như bánh cho chúng ta; Ngài đến để ban cho chúng ta sự sống của Ngài; ngài đến  trong thế giới chúng ta để đem đến cho chúng ta tình yêu của Ngài. Ngài không đến để ngấu nghiến và chỉ huy, nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Có một sợi dây trực tiếp nối liền máng cỏ và thập giá, nơi Chúa Giêsu sẽ là bánh bị bẻ ra: đó là sợi dây trực tiếp của tình yêu tự trao ban và cứu rỗi chúng ta, ban ánh sáng cho cuộc sống  chúng ta, ban hoà bình cho con tim chúng ta. Các mục đồng là những nguời bị gạt bỏ ngoài lề xã hội đã hiểu điều đó trong đêm Giáng Sinh… Chúng ta hãy cùng họ bước vào trong lễ Giáng  Sinh đích thực; chúng ta hãy đem đến cho Chúa Giêsu điều chúng ta là, các gạt bỏ bên lề, các vết thương không lành của chúng ta. Và như thế trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ nếm hưởng được tinh thần đích thật của Giáng Sinh: vẻ đẹp được Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Mẹ Maria và cha thánh Giuse chúng ta đứng trước màng cỏ, trước Chúa Giêsu sinh ra như bánh cho cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu khiêm tốn vô biên của Ngài, và nói với Ngài tiếng cám ơn: cám ơn vì đã làm tất cả những điều đó vì con (SD 24-12-2016).

Linh Tiến Khải

 

Hội nhi đồng truyền giáo Đức hát thánh giúp trẻ em nghèo khổ

Hội nhi đồng truyền giáo Đức hát thánh giúp trẻ em nghèo khổ

hoi-nhi-dong-truyen-giao-duc-hat-thanh-ca-quyen-gop-giup-tre-em-ngheo-kho

Aachen – “Mang lời chúc lành, là lời chúc lành. Cùng nhau cho thụ tạo. Ở Kenya và khắp thế giới!”, đây là khẩu hiệu năm 2017 của Hội nhi đồng truyền giáo Đức.

Như mọi năm, năm nay là lần thứ 59 các “Ngôi sao ca nhạc” của Hội sẽ hát thánh ca trên các nẻo đường ở Đức. Các em thiếu nhi mặc trang phục truyền thống của Ba Vua, với ngôi sao và các bài hát, các em đi đến các gia đình trong những ngày Giáng sinh và trong dịp đầu Năm Mới. Có khoảng nửa triệu trẻ em thuộc các giáo xứ Công giáo ở Đức sẽ mang chúc lành "C+M+ B", tiếng Đức là "Christus mansionem benedicat”, nghĩa là “Chúa Ki-tô chúc lành cho nhà này”, đến các gia đình, quyên góp các quà tặng cho các thiếu nhi ở tuổi các em đang đau khổ trên thế giới. Việc quyên góp của các “Ngôi sao ca nhạc” này là chương trình tương trợ lớn nhất trên thế giới, cho phép các trẻ em giúp đỡ những người nghèo khổ cùng tuổi các em.

Tham gia vào chương trình năm 2017 này, Hội nhi đồng truyền giáo Đức nhận thức tầm quan trọng của sự dấn thân của các em cho các trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi khí hậu. Các tài liệu giải thích về vùng Turkana, nơi nghèo khổ và xa xôi nhất của Kenya, được chuẩn bị cho việc linh động truyền giáo giữa các em, đưa ra những hậu quả của thay đổi khí hậu cho những người có ít trách nhiệm. Giám đốc quốc gia của các Hội truyền giáo Giáo hoàng và Nhi đồng truyền giáo nhấn mạnh rằng: “Với sự dấn thân của mình, các thiếu nhi Đức xây những nhịp cầu với trẻ em trên khắp thế giới.”

Ngày 14/11, khi tiếp đội tuyển bóng đá quốc gia của Đức, Đức Thánh Cha Phanxico cũng nhắc đến tầm quan trọng của sự dấn thân của em. Ngài nói: “Cha đặc biệt biết ơn sự trợ giúp của chúng con cho các “Ngôi sao ca nhạc”, những thiếu nhi trao tặng sự giúp đỡ cụ thể cho các trẻ em và người trẻ ở các quốc gia nghèo nhất. Chương tình này cho thấy cách thức có thể để cùng nhau vượt qua những rào cản dường như không thể vượt qua đang trừng phạt những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội. Cũng bằng cách này, các con đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.” (Agenzia Fides 22/12/2016)

Hồng Thủy

Sứ điệp Giáng sinh của ĐHY Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ

Sứ điệp Giáng sinh của ĐHY Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ

u-diep-giang-sinh-cua-duc-hong-y-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-hoa-ky

Washington – Hôm 19/12, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Tổng giáo phận Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đã gửi sứ điệp Giáng sinh Video đến người Công giáo Hoa kỳ. Trong sứ điệp, ĐHY DiNardo khuyến khích các tín hữu Công giáo viếng các hang đá và suy tư về cách thế trao tặng chính mình trong Năm Mới.

 “Anh chị em thân mến, như các đạo sĩ và mục đồng trước chúng ta, chúng ta đang làm cuộc hành trình Giáng sinh đến nhìn xem Đấng cứu thế mới sinh. Cách đây hàng thế kỷ, các quà tặng vàng, nhũ hương và mộc dược đã chào kính Hài nhi Giê-su. Những người thiếu thốn tình yêu của Thiên Chúa đã vui mừng về tin Người giáng sinh và dâng tặng các lễ vật của lòng biết ơn. Giáng sinh này chúng ta cũng hãy viếng các hang đã và dâng tặng lễ vật là chính bản thân chúng ta. Lễ vật này xuất phát từ những ao ước và sự tìm kiếm hòa bình luc này và tại nơi này của chúng ta.

Chúng ta khám phá ra sự ngây thơ vô tội mỏng manh của niềm hy vọng trong đôi mắt của hài nhi mới sinh, được bọc trong khan. Mẹ Maria và thánh Giuse chào đón niềm hy vọng trẻ trung này, vì Chúa Giê-su bày tỏ, nơi Ngôi vị của Người, lời hứa “niềm vui vĩ đại cho tất cả mọi dân.” Ngày nay chúng ta có thể nuôi dưỡng cùng niềm hy vọng này. Chúng ta làm điều này bằng cách chào hỏi nhau trong tình yêu và bác ái, ôm ấp sự văn minh và đừng để sự khác biệt của chúng ta che mất phẩm giá và vẻ đẹp Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta là con cái của Ngài.

Cho phép tôi nói một lời đặc biệt với các anh chị em, những người thấy mình là người nhập cư và di dân vào ngày Giáng sinh. Nơi anh chị em, chúng tôi nhìn thấy sự vất vả của gia đình Thánh gia. Từ sứ thần của Thiên Chúa, Giuse đã nghe lời kêu gọi “hãy trỗi dậy và trốn đi” để gìn giứ Mẹ Maria và Chúa Giê-su an toàn khỏi bạo lực ở quê nhà. Giáo hội Công giáo Hoa kỳ đang cầu nguyện cho anh chị em và đang hoạt động để đón tiếp anh chị em như chúng tôi sẽ nên làm với Thánh gia.

Chúng ta vẫn là một dân tộc cần tình yêu của Thiên Chúa trong mùa Giáng sinh này, đặc biệt những đứa trẻ chưa sinh của những người thất nghiệp, người đau khổ và bệnh tật, người cô đơn và đang than khóc. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta như Người đã che phủ Mẹ Maria trong ngày Truyền Tin để khi được tràn đầy tình yêu của Con Mẹ, chúng ta sẽ “công bố sự cao cả của Thiên Chúa.” Chúc mừng Giáng sinh! (CNS 20/12/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Nomadelfia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Nomadelfia

duc-thanh-cha-tiep-kien-cong-doan-nomadelfia

VATICAN. ĐTC ca ngợi và khích lệ cộng đoàn Nomadelfia trong cuộc sống huynh đệ và nêu gương cho xã hội trong việc săn sóc các trẻ em và người già.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy, 17-12-2016, dành cho 300 người thuộc cộng đoàn Nomadelfia. Từ này, trong tiếg Hy Lạp có nghĩa là ”luật huynh đệ”. Cộng đoàn Nomadelfia do cha Zenon Saltini (+1981) sáng lập tại một khu vực thuộc tỉnh Grossetto, cách Roma gần 200 cây số về hướng bắc. Tại đó các gia đình sống trong những căn nhà nhỏ, nhưng sinh hoạt trong căn nhà chung, cùng với 3, 4 gia đình, trong tinh thần huynh đệ, đùm bọc lẫn nhau. Người già trở thành ông bà nội của tất cả các trẻ em trong nhóm. Con cái cũng được các bà mẹ săn sóc chung khi một bà mẹ phải vắng mặt. Công việc ở Nomadelfia được quản trị trong tinh thần huynh đệ, không có người chủ hay nhân viên và loại trừ mọi hình thức đầu tư hay bóc lột. Mỗi người đặt những gì mình làm làm của chung, và nhận được theo công bằng và tiết độ những gì mình cần để sống. Tiền bạc không lưu hành trong cộng đoàn.

Trong bài huấn dụ sau khi nghe chứng từ trình bày về cuộc sống ở cộng đoàn Nomadelfia, ĐTC nhận xét rằng ”Cha Zeno Saltini, vị sáng lập của anh chị em đã theo đuổi đối tượng mang hạt giống tốt của Tin Mừng vào những thửa đất khô cằn nhất. Và cha đã thành công. Cộng đồng Nomadelfia của anh chị em là một bằng chứng. Cha Zeno ngày nay đối với chúng ta như một mẫu gương về người môn đệ trung thành của Chúa Giêsu, noi gương Thày Chí Thánh, cúi mình trên những đau khổ của những người yếu ớt, nghèo nàn nhất, trở thành chứng nhân về lòng bác ái vô tận.

ĐTC nói thêm rằng:

”Ước gì lòng can đảm và sự kiên trì của cha Zenon hướng dẫn sự dấn thân hằng ngày của anh chị em để làm cho những hạt giống sự thiện sinh hoa kết trái dồi dào mà cha đã gieo vãi quảng đại, được lòng hăng say theo tinh thần Tin Mừng và lòng yêu mến Giáo Hội thúc đẩy”.

”Gia đình tinh thần của anh chị em đặc biệt gắn liền với đời sống huynh đệ, được biểu lộ đặc thù qua việc đón tiếp các trẻ em và săn sóc người già. Tôi khuyến khích anh chị em nêu gương cho xã hội về sự ân cần và dịu hiền rất quan trọng như thế. Các trẻ em và người già là tương lai của các dân tộc: các trẻ em là tương lai vì các em sẽ tiếp tục lịch sử, còn người già là tương lai vì họ thông truyền kinh nghiệm và sự khôn ngoan từ cuộc sống của họ. Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc vun trồng và nuôi dưỡng cuộc đối thoại như vậy giữa các thế hệ, biến đức tin của anh chị em thành ngôi sao dẫn đường và biến Lời Chúa thành bài học chính yếu cần hấp thụ và sống cụ thể trong cuộc sống thường nhật” (SD 17-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp Nhà Thương Nhi Đồng của Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp Nhà Thương Nhi Đồng của Tòa Thánh

duc-thanh-cha-tiep-kien-cong-doan-nha-thuong-nhi-dong-cua-toa-thanh

VATICAN. Sáng 15-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến Cộng đoàn Nhà thương Gesù Bambino, Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện duy nhất thuộc quyền sở hữu của Tòa Thánh.

Được ngồi hàng đầu trong Đại thính đường Phaolô 6 só 150 trẻ em bệnh nhân đến từ Italia và 15 nước khác, trong đó có 15 em đến từ Cộng hòa Trung Phi được ĐHY Dieudonné Nzapalainga, TGM giáo phận Bangui thủ đô của nước này hướng dẫn đến đây.

Trong số 7 ngàn người hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các bác sĩ, y tá, các nhân viên khác, những người thiện nguyện, các gia đình và các bệnh nhân.

Lịch sử và hoạt động của Nhà Thương Chúa Hài Đồng Giêsu

Bệnh Viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu được thành lập năm 1869 như bệnh viện nhi đồng đầu tiên ở Italia do sáng kiến của gia đình quận công Salviati, theo kiểu mẫu Bệnh viện Nhi đồng ở Paris. Năm 1924, gia đình Salviati đã tặng nhà thương này cho Tòa Thánh và từ đó trở thành bệnh viện của ĐGH.

Năm 1985, Bệnh viện này được nhìn nhận như một viện điều trị và săn sóc có tính chất khoa học (IRCCS), ngoài việc chữa trị các bệnh nhân, còn có hoạt động nghiên cứu khẩn trương. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp quốc tế (JCI) chứng thực nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện nổi bật về việc tiếp đón, săn sóc và chữa trị các em bệnh nhân.

Năm 2014, Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu khánh thành các phòng thí nghiệm nghiên cứu mới, trải rộng trên diện tích 5 ngàn mét vuông, được trang bị với những kỹ thuật tân tiến nhất để nghiên cứu về di truyền học và các tế bào. Một cuộc đầu tư hạ tầng cơ cấu và kỹ thuật quan trọng, trù định bên trong các cơ sở của Nhà thương một phân bộ dược khoa (Cell Factory) hoàn toàn chuyên về việc cung cấp rộng lớn các phương pháp điều trị tân tiến.

Ngày nay, Bệnh viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu là bệnh viện đa khoa và là trung tâm nghiên cứu bệnh nhi đồng lớn nhất ở Âu Châu với hơn 2500 nhân viên, được liên kết với các trung tâm lớn trên thế giới trong lãnh vực này, là điểm tham chiếu về sức khỏe trẻ em và thiếu niên đến từ toàn Italia và nước ngoài. Đối với Italia, bệnh viện này là trụ sở của Orphanet, là cơ sở dữ liệu (database) lớn nhất thế giới về các bệnh hiếm, có 39 nước tham gia cơ sở này.

Việc săn sóc sức khỏe của Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu được tiến hành tại 4 trung tâm nhập viện và điều trị: trước tiên là trụ sở nguyên thủy trên đồi Gianicolo cạnh Đại chủng viện Bắc Mỹ và không xa đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo; tiếp đến là trụ sở mới gần Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma; thứ ba là trụ sở ở Palidoro cách Roma khoảng 30 cây số, và sau cùng là Santa Marinella, cách Roma 75 cây số về hướng bắc. Cả hai trung tâm này ở gần bờ biển. Tổng cộng trong 4 cơ sở vừa nói có 607 giường trên một diện tích 500 ngàn mét vuông. Mỗi năm bệnh viện Nhi Đồng Chúa Hài Đồng có 27 ngàn vụ nhập viện, 26 ngàn vụ giải phẫu, 70 ngàn vụ chữa trị trong ngày (Day Hospital), 78 ngàn trường hợp cấp cứu, và 1 triệu 600 ngàn vụ chẩn bệnh. Thực là những con số đáng kể trên bình diện Âu Châu. Trong số các bệnh nhân trẻ em được điều trị có 30% đến từ các vùng ngoài Roma và Lazio, và 13% khác đến từ nước ngoài.

Cộng tác quốc tế

Bệnh viện Chúa Hài Đồng hiện diện trên bình diện quốc tế với những căn thiệp cộng tác với những nước đang lên: tại Giordani, Kampuchia, Việt Nam, Ethiopia và Cộng Hòa Trung Phi có những dự án cộng tác với các trung tâm lâm sàng và phẫu thuật ở địa phương về việc huấn luyện, y khoa nhi đong cơ bản, chỉnh hình, thần kinh và phẫu thuật chuyên ngành. Trong khi đó với nước Nga, Macedonia, Ucraina, Venezuela, Liban, Palestine, Kosovo, Camerun và Algérie, Bệnh viện Chúa Hài Đồng có những dự án chuyên ngành cấp cao liên quan đến việc huấn luyện thường trú và trợ giúp lâm sàng phẫu thuật ở Roma cho những trường hợp nặng nhất. Sự dấn thân của Bệnh viện này với các nước xa xăm như thế không có nghĩa là quên thành Roma. Tại đây, Bệnh viện Nhi đồng của T có một đơn vị y tế lưu động dành cho các giáo xứ và các khu phố nghèo nhất.

Bệnh viện Nhi Đồng đảm nhận việc chữa trị trong tất cả các ngành y khoa chuyên biệt. Ghép cơ phận, các bệnh di truyền và chuyển hóa (metaboliche), bệnh tim và phẫu thuật tim mạch, thần kinh học, ung thư và huyết học, phục hồi chức năng. Đó là những lãnhvực điều trị và nghiên cứu rất xuất sắc. Đặc biệt Bệnh viện Chúa Hài Đồng là trung tâm ở Âu Châu có khả năng đáp ứng tất cả những đòi hỏi về ngành ghép cơ phận cho nhi đồng: tim, tủy, giác mạc, kể cả hoạt động ghép gan và thận, nguyên trong năm 2015 có 326 vụ ghép cơ phận. Năm 2010, có cuộc ghép tim nhân tạo trường kỳ đầu tiên trong lồng ngực được thực hiện cho một em bé tại Bệnh viện Nhi Đồng này. Ngoài các hoạt động chữa trị, Bệnh viện còn có dịch vụ tiếp đón các gia đình, đặc biệt những gia đình đến từ ngoài vùng Lazio, và theo đuổi tiến trình trị liệu lâu dài. Với sự trợ giúp của một hệ thống các hiệp hội, tổ chức, các khách sạn, Bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu đã đảm bảo việc trú ngụ miễn phí cho khoảng 3,500 gia đình, với tổng cộng hơn 88 ngàn đêm mỗi năm.

Buổi tiếp kiến

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Bà Mariella Enoc, Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện Chúa Hài Đồng Giêsu, đã chính thức cám ơn ĐTC vì đã cho phép sử dụng bãi đáp trực thăng trong Nội thành Vatican dành cho những trường hợp khẩn cấp. Từ khi khởi động chương trình này, đã có 80 trường hợp chuyên chở khẩn cấp các em bệnh nhân, với sự cộng tác của sở Hiến binh Vatican, Sở y tế Vatican và sở xe cứu thương Ares 118 của Italia.

Tiếp lời bà Enoc, một nữ y tá, Valentina Vanzi, một nhân viên trợ tá Ông Dino Pantaleoni, một sinh viên ngành y tá Luca Adriani, sau cùng là một nữ bệnh nhân Serana Antonucci, lần lượt trình bày hoạt động của mình và nêu vài câu hỏi xin ĐTC giải đáp.

Trong bài nói chuyện, ngài đã trả lời cho các câu hỏi đó, và nói rằng:

”Valentina, câu hỏi của bà về các trẻ em đau khổ thật là một câu hỏi lớn lao và khó khăn, tôi không có một câu trả lời, nhưng tôi nghĩ tốt hơn nên bỏ ngỏ câu hỏi này. Cả Chúa Giêsu cũng không đưa ra câu trả lời bằng lời nói. Đứng trước một vài trường hợp xảy ra bấy giờ, tức là những người vô tội đã chịu đau khổ trong những hoàn cảnh đau thương, Chúa Giêsu không đưa ra một bài giảng, một diễn văn lý thuyết. Chắc chắn là Ngài có thể làm, nhưng Ngài không làm. Khi sống giữa chúng ta, Chúa không giải thích tại sao ta đau khổ. Trái lại Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường để mang lại ý nghĩa cho kinh nghiệm đau khổ của con người: Chúa không giải thích tại sao người ta đau khổ, nhưng khi chịu đựng đau khổ với tình yêu thương, Chúa chỉ cho chúng ta thấy Ngài chịu đau khổ cho ai. Chúa đã hiến mạng sống vì chúng ta và qua món quà đó, món quà rất quí giá đối với Ngài, Chúa đã cứu thoát chúng ta. Và ai theo Chúa Giêsu thì cũng làm như vậy: thay vì tìm hiểu tại sao, thì họ sống mỗi ngày cho người nào đó.

Bà Valentina thật là yêu sách và cũng xin một liều thuốc cho người đang chịu đau khổ. Thật là một yêu cầu đẹp đẽ; tôi chỉ nói một điều nhỏ thôi, đó là chúng ta có thể học nơi các trẻ em: khám phá mỗi ngày giá trị của lòng biết ơn, biết nói ”cám ơn”. Chúng ta dạy điều đó cho các trẻ em nhưng rồi nhiều khi những người lớn chúng ta lại không làm. Nói cám ơn, chỉ vì chúng ta đứng trước một người, đó là một liều thuốc làm cho niềm hy vọng khỏi bị giảm bớt, lạnh lẽo, và đó là một thứ bệnh hay lây. Nói lời cám ơn sẽ nuôi dương hy vọng, niềm hy vọng trong đó chúng ta được cứu rỗi, như thánh Phaolô đã nói (Xc Rm 8,24). Niềm hy vọng chính là nhiên liệu cho đời sống Kitô, làm cho chúng ta tiến bước mỗi ngày. Vì thế, thật là đẹp khi sống như người biết ơn, như con cái Thiên Chúa, đơn sơ và vui mừng, bé nhỏ và vui tươi.

Trả lời anh Luca hỏi đâu là nhãn hiệu của công xưởng là nhà thương ”Chúa Hài Đồng Giêsu” ngoài những khả năng chuyên môn cần thiết. ĐTC đáp: Với những người trẻ Kitô như anh Luca, sau khi học hành bắt đầu đối diện với thế giới công việc, một thế giới phải được mở ra cho người trẻ, chứ không phải cho thị trường, tôi khuyên hai yếu tố này. Trước tiên là giữ cho những giấc mơ của mình được sinh động. Đừng bao giờ làm cho những giấc mơ ấy bị tê liệt! Chúng ta sẽ nghe đọc trong bài Tin Mừng Chúa nhật tới đây, chính Thiên Chúa đôi khi thông báo qua những giấc mơ, nhưng nhất là Chúa mời gọi chúng ta thực hành những giấc mơ lớn, dù khó khăn. Chúa thúc đẩy chúng ta đừng ngừng làm điều thiện, đừng bao giờ dập tắt ước muốn sống những dự án to lớn. Tôi thích nghĩ rằng chính Chúa cũng có những giấc mơ, cả trong lúc này, cho mỗi người chúng ta. Một cuộc sống không có mơ ước thì không xứng đáng với Thiên Chúa, một cuộc sống mệt mỏi và cam chịu, không hài lòng, thì người ta sống vất vưởng, không phấn khởi, sống cho qua ngày vậy thôi.

Tôi nói thêm yếu tố thứ hai này là sau những giấc mơ, còn cần phải có sự trao tặng. Bà Serena đã là làm chứng cho chúng ta về sức mạnh của người trao tặng, cho đi. Xét cho cùng, người ta có thể sống theo hai đối tượng: một là đặt sở hữu lên trên sự cho đi. Ta có thể làm việc và nghĩ trước tiên tới sự kiếm tiền, hoặc là tìm cách cố gắng hết sức để mưu ích cho tha nhân. Khi ấy công việc, tuy có đủ loại khó khăn, nó trở thành một sự đóng góp vào công ích, nhiều khi cho một sứ mạng. Và chúng ta luôn đứng trước hai ngã đường: một là làm cái gì để mưu ích cho tôi, để đạt thành công, để được nổi tiếng; hai là đi theo trực giác phục vụ, trao ban và yêu thương. Nhiều khi hai điều này trộn lẫn với nhau, nhưng luôn luôn phải nhận ra điều nào chiếm chỗ thứ nhất. Mỗi sáng ta có thể nói: bây giờ tôi phải đi đến nơi đó, làm việc này, gặp người kia, đương đầu với các vấn đề, nhưng tôi muốn sống ngày hôm nay như Chúa muốn: không phải như một gánh nặng, nhưng như một hồng ân. Nay đến lượt tôi phải làm một chút điều thiện, để mang Chúa Giêsu, để làm chứng không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Mỗi ngày ta có thể ra khỏi nhà với một tâm hồn khép kín vào mình, hay là với mộp tâm hồn cởi mở, sẵn sàng gặp gỡ và trao ban. Thật là niềm vui lớn khi sống với một con tim cởi mở, hơn là một con tim khép kín. Các con có đồng ý không.

Tôi cầu chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh sống với một con tim cởi mở, giữa tinh thần tươi đẹp như thế của gia đình. Cám ơn Anh chị em thật nhiều.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

duc-thanh-cha-cu-hanh-thanh-le-kinh-duc-me-guadalupe

VATICAN. Lúc 6 giờ chiều ngày 12-12-2016, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng của Mỹ châu.

Đây là lần thứ ba ngài cử hành lễ này tại Roma. Đầu thánh lễ có nghi thức rước cờ của các nước Mỹ châu tiến lên gần bàn thờ. Hiện diện tại buổi lễ và đồng tế với ĐTC có đông đảo các HY, GM và LM. Phần lớn thánh lễ được cử hành bằng tiếng Tây Ban nha, nhưng cũng có tiếng Bồ đào nha và la tinh. Có nhiều thánh ca bằng các thổ ngữ chính ở Nam Mỹ được trình bày trong buổi lễ như tiếng Quechua, Nahuatl và Mapuche.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã đề cao niềm tin phục vụ của Mẹ Maria: ”Mẹ là hình ảnh gương mẫu của người môn đệ, người phụ nữ tin tưởng và cầu nguyện, biết đồng hành và khích lệ niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta trong các giai đoạn khác nhau mà chúng ta trải qua”.

Trong bối cảnh đó, ĐTC mời gọi các tín hữu học nơi Mẹ Maria niềm tin mạnh mẽ và phục vụ. Ngài nhắc đến bối cảnh xã hội đầy vấn đề và nhận xét rằng:

”Xã hội mà chúng ta đang kiến tạo cho con cháu ngày càng bị ghi đậm vì những dấu hiệu chia rẽ và phân tán, gạt ra ngoài lề, nhất là những người gặp khó khăn trong việc đạt tới điều tối thiểu để sống xứng đáng. Đó là một xã hội thích hãnh diện vì những tiến bộ khoa học và kỹ thuật của mình, nhưng lại trở nên mù quáng và thiếu nhạy cảm trước hàng ngàn khuôn mặt bị lùi lại đằng sau trong hành trình, bị loại bỏ vì sự kiêu ngạo mù quáng của một số ít người. Đó là một xã hội rốt cuộc sẽ tạo nên một nền văn hóa ảo tưởng, bất mãn và thất vọng nơi bao nhiêu anh chị em chúng ta..

ĐTC nói thêm rằng: ”Vô tình, dường như chúng ta quen sống trong một xã hội không còn tin tưởng với tất cả những gì đi kèm cho hiện tại và nhất là tương lai chung ta; sự thiếu tin tưởng dần dần sinh ra những trạng thái ươn lười và phân tán.”

ĐTC nhắc đến thảm trạng hàng ngàn trẻ em và người trẻ ở Nam Mỹ ăn xin và ngủ tại các nhà ga xe lửa, trong hầm xe điện ngầm hoặc ngủ tại bất kỳ nơi nào họ tìm được chỗ. Những trẻ em và người trẻ bị bóc lột trong các công việc lậu hoặc bị bó buộc phải xin tiền ở các ngã tư đường phố, lau kiếng xe và các em cảm thấy trên xe hỏa cuộc đời, không có chỗ cho các em. Và bao nhiêu gia đình đau thương vì thấy con cái mình trở thành nạn nhân của các con buôn sự chết.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”đứng trước tất cả những tình cảnh ấy, tất cả chúng ta phải nói như bà Elisabet: ”Phúc cho người đã tin, và học hỏi nơi niềm tin mạnh mẽ với tinh thần phục vụ vốn đã và đang là đặc tính của Mẹ chúng ta.. Nơi nào có người mẹ, thì luôn có sự hiện diện và hương vị gia đình. Nơi nào có người mẹ, thì các anh chị em tuy có thể cãi lộn, tranh luận với nhau, nhưng cảm thức hiệp nhất luôn trổi vượt. (SD 12-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

cac-tre-em-tai-mot-trai-ti-nan-o-mien-bac-thu-do-athens

Vatican – Sau hai ngày nhóm họp về vấn đề khủng hoảng tị nạn, hôm thứ 7, 10/12/2016, các thị trưởng châu Âu đã ra thông cáo kêu gọi thành lập một “Mạng lưới các Thị trưởng” để giúp giải quyết các vấn đề của các thành phố trên châu lục này.

Thông cáo có đoạn viết: “Mạng lưới mới này phải chú trọng đến cuộc gặp gỡ nhân bản và dựa trên một tầm nhìn tiến bộ về liên văn hóa, với sự tham dự tích cực của xã hội dân sự và các truyền thống tôn giáo, nơi mà sự bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm, tự do, công bằng, tích hợp và hòa bình phải thắng vượt các cuộc tranh luận về định kiến của chúng ta.”

Khoảng 80 thị trưởng đã họp nhau tại Vatican, văn phòng chính của Học viện Khoa học và Khoa học xã hội, từ ngày 9-10/12/2016, trong đại hội thượng đỉnh với chủ đề “Châu Âu: những người tị nạn là anh chị em của chúng ta.” (RV 11/12/2016)

Hồng Thủy

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 11.12.2016: Mừng vui lên!

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 11.12.2016: Mừng vui lên!

doc-kinh-truyen-tin-voi-duc-thanh-cha-11-12-2016

Trưa Chúa Nhật III Mùa Vọng ngày 11.12.2016, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài mời gọi mọi người hãy vui lên trong Chúa.

Mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Cha chào tất cả anh chị em! Chúc mọi người một ngày tốt lành!

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Nhật III mùa Vọng, được ghi dấu bằng lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến!” (Pl 4:4-5). Đây không phải là kiểu niềm vui hời hợt, cũng không phải là loại niềm vui nhất thời chỉ mang tính cảm xúc, không phải niềm vui trong việc mua bán tiêu dùng. Không. Đây là niềm vui đích thực, và chúng ta được mời gọi để tái khám phá hương vị của loại niềm vui này, thứ hương vị của niềm vui chân thực. Đó là loại niềm vui chạm đến tâm hồn sâu thẳm của chúng ta. Nơi đó, chúng ta đang đợi chờ Chúa Kitô, Đấng mang lại ơn cứu độ cho thế giới, Đấng mà Thiên Chúa sai đến, Đấng đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bêlem.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu và nghiệm được loại niềm vui này. Ngôn sứ Isaia nói về cảnh hoang mạc khô cằn, bàn tay rời rã, đầu gối mỏi mòn, người bị mù bị điếc bị câm (Is 35:1-6a.10). Bức tranh buồn thảm này nói về một định mệnh vắng bóng Thiên Chúa.

Nhưng cuối cùng, sự cứu rỗi đã được công bố. Ngôn sứ Isaia nói: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa đến… Ngài đến để cứu độ anh em”. Từ đó, ngay lập tức, mọi sự biến đổi: hoa nở trên sa mạc, niềm vui tràn ngập tâm hồn. Những dấu chỉ mà Isaia công bố, đã trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã trả lời cho những người được Gioan Tẩy Giả sai đến. Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại” (Mt 11:5). Những lời ấy, những việc làm ấy minh chứng cho ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử để giải phóng chúng ta khỏi ách tội lỗi. Ngài ở giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta, chữa lành những thương tích của chúng ta, băng bó vết thương và ban cho chúng ta sự sống mới. Niềm vui là kết quả của hành vi cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta được mời gọi để tham dự vào niềm vui này, niềm vui hân hoan này… Nhưng nếu một Kitô hữu mà không vui, thì có gì đó không còn là Kitô hữu nữa! Niềm vui này sâu xa trong tâm hồn và đem lại cho ta sự can đảm tiến về phía trước. Chúa đến, Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc cả trong lẫn ngoài. Ngài đã cho chúng ta thấy con đường của trung tín, kiên nhẫn và bền lòng, vì khi Ngài trở lại, niềm vui của chúng ta sẽ thành toàn.

Giáng Sinh đang đến gần, các dấu chỉ của Giáng Sinh hiển hiện trên các con phố và ngay tại quảng trường này. Những dấu hiệu bên ngoài mời gọi chúng ta mở lòng đón Chúa, Đấng luôn đến và gõ cửa nhà chúng ta, gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúng ta được mời gọi để nhận ra những bước chân của Ngài nơi những anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người yếu đuối và thiếu thốn.

Hôm nay chúng ta được mời gọi để vui mừng vì Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, và chúng ta chia sẻ niềm vui này với tha nhân, trao tặng niềm vui hy vọng cho người nghèo khổ, người ốm đau và những ai bất hạnh. Lạy Đức Nữ Trinh Maria, nữ tỳ của Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trong cầu nguyện, và với đầy lòng cảm thông, biết phục vụ Ngài nơi những chị em chúng con, xin cho con biết sẵn sàng đón mừng Giáng Sinh và chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Giêsu.  

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện

Anh chị em thân mến!

Hằng ngày, Cha đặc biệt gần gũi với người dân thành Aleppo trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng, Aleppo là thành phố với những con người, đó là những gia đình, những trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… Thật đáng tiếc là chúng ta đã trở nên quá quen với chiến tranh, với sự tàn phá, nhưng chúng ta không được quên rằng, Syria là một quốc gia theo đúng nghĩa với lịch sử, văn hóa và đức tin. Chúng ta không thể chấp nhận rằng, chiến tranh tàn phá tất cả những điều ấy. Cha kêu mời sự dấn thân của mọi người, để có thể chọn lựa nói không với hủy diệt, để tiến tới hòa bình cho người dân Aleppo và Syria.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn nhân trong một số vụ tấn công khủng bố tàn bạo vài giờ gần đây tại một số quốc gia. Tại một số nơi, bạo lực gây ra chết chóc phá hủy, và chỉ có một câu trả lời là: đức tin nơi Thiên Chúa và sự hiệp nhất trong các giá trị nhân văn. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với người anh em thân mến là Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội Chính Thống Coptic và cộng đoàn dân Chúa của Ngài, để cầu nguyện cho những người bị chết và bị thương.

Hôm nay, tại Vientiane Lào, có lễ phong chân phước cho cha Mario Borzaga, linh mục truyền giáo dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho người giáo lý viên Paul Thoj Xyooj, và 14 bạn tử đạo. Các ngài đã trung thành với Chúa Kitô một cách anh hùng. Tấm gương của các ngài khích lệ chúng ta trên đường truyền giáo, đặc biệt là những người giáo lý viên với sứ mệnh tông đồ không thể thay thế. Giáo Hội biết ơn tất cả những con người ấy. Chúng ta thấy rằng: các giáo lý viên đã làm rất nhiều, và những việc làm ấy thật đẹp! Là một giáo lý viên, đó là một điều thật đẹp. Cha mời mọi người vỗ tràng pháo tay dành tặng cho các giáo lý viên!

Đức Thánh Cha chào thăm mọi người hiện diện

Cha gửi lời chào thăm với đầy lòng mến, tới tất cả anh chị em, là những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau. Đầu tiên, Cha chào thăm các con là những em bé và người trẻ của Roma. Các con thân mến, khi các con cầu nguyện trước hang đá, hãy cầu xin Hài Nhi Giêsu giúp mọi người có được lòng mến Chúa và yêu người. Hãy nhớ cầu nguyện cho Cha nữa. Cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con.

Cha chào thăm các giáo sư của Đại học Công giáo Sydney, mọi người trong dàn hợp xướng Mosteiro de Grijó ở Bồ Đào Nha, các anh chị em đến từ Barbianello và Campobasso.

Cha cầu chúc mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha. 

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha cám ơn những người cộng tác vào Năm Thánh

Đức Thánh Cha cám ơn những người cộng tác vào Năm Thánh

duc-thanh-cha-cam-on-nhung-nguoi-cong-tac-vao-nam-thanh

VATICAN. Sáng 28-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn 400 người thuộc ban tổ chức và những người thiện nguyện phục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót mới kết thúc.

ĐTC bày tỏ hài lòng vì sự thành công của Năm Thánh. Ngài nói: ”Khi tôi bày tỏ ước muốn một Năm Thánh Lòng Thương Xót, đó chỉ là một trực giác, và không bao giờ tôi nghĩ Chúa sẽ làm cho nó trở thành một thực tại, và nhất là có thể cử hành Năm Thánh ấy với bao nhiêu niềm tin và vui mừng trong các cộng đồng Kitô rải rác trên thế giới. Cửa Lòng Thương Xót được mở ra tại tất cả các nhà thờ chính tòa và các đền thánh, giúp các tín hữu không gặp chướng ngại nào cản trở họ cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa. Một cái gì đó thực sự ngoại thường đã xảy ra và giờ đây đang đòi được hội nhập vào trong đời sống mỗi ngày để biến lòng thương xót trở thành một quyết tâm và một lối sống trường kỳ cho các tín hữu”.

ĐTC lần lượt cám ơn các vị đã cộng tác bằng nhiều cách vào việc tiến hành, giữ an ninh trật tự trong Năm Thánh, bắt đầu là Ông Bộ trưởng nội vụ Italia, vị chỉ huy trưởng cảnh sát Italia, cảnh sát Roma, đoàn hiến binh Vatican, Vệ binh Thụy Sĩ, các vị hữu trách miền Lazio, sau cùng và trên hết là Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và đông đảo những người thiện nguyện đến từ các nơi trên thế giới”.

Và ĐTC kết luận với lời thánh Augustino: ”Nếu con muốn được lòng thương xót, thì chính con phải xót thương” (Discorso 259,3). Những lời này của Thánh Nhân có thể là điều an ủi cho tất cả chúng ta. Qua sự dấn thân, anh chị em đã biểu lộ không những công việc thường nhật, nhưng còn thi hành việc phục vụ thương xót cho hàng triệu tín hữu hành hương đến Roma. Ước gì sự vất vả của anh chị em được bù đắp bằng kinh nghiệm lòng thương xót mà Chúa sẽ không để cho anh chị em bị thiếu”.

Giới báo chí nhận xét ĐTC không cám ơn Bà Thị trưởng và chính quyền thành phố Roma. Trong cuộc họp báo trước đây, Đức TGM Rino Fisichella, trưởng ban tổ chức Năm Thánh, nhận xét rằng chính quyền thành Roma không ”ở mức độ đáp ứng các nhu cầu của Năm Thánh”, chỉ cần đi tới các đường phố quanh khu vực Đền Thờ Thánh Phêrô là có thể thấy rõ!”. (SD 28-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Nền văn minh của thần tiền sẽ sụp đổ

Nền văn minh của thần tiền sẽ sụp đổ

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-24-11-2016

Sự trụy lạc chính là tội phạm thượng, ví như thành Babylon, nơi ấy “không có Thiên Chúa” mà chỉ có “thần tiền bạc, thần của cải, thần lợi dụng”. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng, trong tuần cuối của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh mời gọi chúng ta nghĩ về ngày tận cùng của thế giới và ngày kết thúc của mỗi người chúng ta.

Đức Thánh Cha diễn giải khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền (Kh 18:1-2.21-23, 19:1-3.9a). Trong đó có ba tiếng nói vang lên.

Tiếng hô chiến thắng của thiên thần

Đầu tiên là tiếng hô lớn của thiên thần từ trời: “Sụp đổ rồi, sụp đổ rồi, thành Babilon vĩ đại!” Vì Babilon đã đã trở nên sào huyệt của những thứ ô uế và làm cho bao tâm hồn ra hư hỏng.

Sống trụy lạc là lối sống phạm thượng, sự trụy lạc là tội phạm thượng. Vì trong thế giới trụy lạc, ví như thành Babilon, không có Thiên Chúa mà chỉ có thần tiền, thần giàu sang, thần lợi dụng bóc lột. Và điều ấy đã quyến rũ bao người. Nhưng vào những ngày cuối cùng, nền văn minh kiểu này sẽ sụp đổ, và tiếng hô lớn của thiên thần vang lên: “Sụp đổ rồi!” Nó sụp đổ cùng với những cám dỗ của nó. Đế chế của hư danh, của phù vân, của kiêu căng sụp đổ, giống như ma quỷ suy sụp.

Lời ca khen của dân Chúa

Tiếng nói thứ hai là tiếng tung hô mà đoàn người đông đảo vang lời ngợi khen Chúa: “Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền!” Đó là tiếng hô của dân Chúa, của những người tuy tội lỗi nhưng không trụy lạc, mà đi tìm ơn tha thứ, tìm ơn cứu rỗi nơi Chúa Giêsu Kitô.

Những người này vui mừng khi thấy niềm vui của chiến thắng cuối cùng. Họ vang lời thờ lạy Chúa. Không chỉ có tiếng hô chiến thắng của thiên thần về sự sụp đổ của vương quốc tối tăm, mà còn có lời tung hô ngợi khen của đông đảo dân Chúa. Đối với các Kitô hữu, không dễ để có được lòng tôn thờ này. Thật là tốt mỗi khi chúng ta cầu xin điều gì đó, nhưng không dễ để chúng ta có một lời cầu nguyện ngợi khen Chúa. Bạn cần học lối cầu nguyện này. Học ngay từ bây giờ và không học trong sự vội vàng hấp tấp. Thật là đẹp trong lối cầu nguyện tôn thờ trước Thánh Thể. Một lối cầu nguyện thật đơn sơ: “Lạy Chúa! Ngài là Thiên Chúa. Con chỉ là đứa con nghèo hèn nhưng được Ngài yêu thương.”

Tiếng mời gọi dịu êm của Thiên Chúa

Tiếng nói thứ ba là lời thì thầm. Thiên thần bảo hãy viết: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới của Con Chiên!” Lời mời của Chúa không phải là tiếng nói ồn ào nhưng là tiếng nói dịu êm. Tiếng ấy nhẹ êm giống như khi Thiên Chúa nói với ngôn sứ Êlia. Đó là vẻ đẹp của tiếng nói rót vào cõi lòng trong sự êm dịu. Khi Thiên Chúa nói với các tâm hồn, tiếng của Ngài tựa như chuỗi âm thanh lặng thinh. Lời mời dự tiệc cưới của Con Chiên chính là lời chung cục, là ơn cứu độ của chúng ta.

Những người được vào dự tiệc, theo như dụ ngôn Chúa Giêsu kể, là những người ở ngã tư đường của tốt xấu, đui mù, điếc lác, què quặt, tất cả chúng ta đều là tội nhân nhưng có đủ khiêm tốn mà thưa lên rằng: Con đầy tội lỗi, xin Chúa cứu con! Nếu chúng ta có tâm hồn như thế, Thiên Chúa sẽ mời chúng ta, và chúng ta sẽ nghe thấy tiếng thì thầm của Ngài trong lòng chúng ta, để mời gọi chúng ta đến dự tiệc.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca (21:20-28) kết thúc với câu Chúa Giêsu nói: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, tức là khi hư danh phù vân kiêu căng bị sụp đổ, thì anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Đó là lúc anh em được mời vào dự tiệc cưới của Con Chiên. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết đợi chờ tiếng mời gọi ấy, để chúng ta chuẩn bị tâm hồn mà lắng nghe tiếng mời gọi này: Hãy đến, hãy đến, đến đây, hỡi người đầy tớ trung tín – tuy tội lỗi nhưng tín trung – hãy đến, đến dự tiệc của Chủ anh!

Tứ Quyết SJ

Giáo dục là một hình thức đặc biệt của việc rao truyền Tin Mừng

Giáo dục là một hình thức đặc biệt của việc rao truyền Tin Mừng

mot-nguoi-tan-tat-hon-dtc-trong-buoi-tiep-kien-chung-sang-thu-tu-23-11-2016

Cố vấn cho những người nghi ngờ và dậy dỗ cho người dốt nát là hai công việc của lòng thương xót, mà ai trong chúng ta cũng có thể làm trong cuộc sống thường ngày. Mù chữ và thiếu giáo dục là một bất công tấn kích phẩm gia con người. Chính vì thế dọc dài các thế kỷ Giáo Hội đã cảm thấy đòi buộc dấn thân trong lãnh vực giáo dục, với các trường dậy chữ và dậy nghề, để giúp con người vượt thắng bần cùng và các kỳ thị, và biến đổi xã hội. Vì giáo dục là một hình thức đặc biệt của việc loan báo Tin Mừng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư  trong đại thính đường Phaolô VI.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc, nhưng còn vài suy tư liên quan tới các công việc của lòng thương xót, và vì thế chúng ta tiếp tục đề tài này.

Việc suy tư về các công việc của lòng thương xót tinh thần hôm nay liên quan tới hai hoạt động gắn liền nhau: đó là cố vấn cho những người nghi ngờ và dậy dỗ cho những người dốt nát, những người không biết. Từ dốt nát mạnh quá, nhưng nó có nghĩa là những người không biết điều gì đó và phải dậy cho họ. Chúng là các công việc có thể thực thi trong một chiều kích  đơn sơ, thân tình trong gia đình ở tầm tay của mọi người, đặc biệt là công việc dậy dỗ trên một bình diện có cơ cấu và tổ chức hơn. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới biết bao trẻ em hiện vẫn còn đau khổ vì mù chữ và thiếu đào tạo giáo dục. Đây là điều không thể hiểu được, trong một thế giới tiến bộ kỹ thuật khoa học cao như thế, mà còn có các trẻ em mù chữ. Đây là điều không thể hiểu được. Nó là một bất công. Biết bao nhiêu trẻ em đau khổ vì không được giáo dục dậy dỗ. Đây là một điều kiện bất công lớn tấn kích chính phẩm giá của con người. Không có giáo dục người ta dễ dàng trở thành mồi của sự khai thác bóc lột  và nhiều hình thức tệ nạn xã hội khác. Đề cập tới nỗ lực của Giáo Hội trong việc thăng tiến giáo dục ĐTC nói:

Dọc dài các thế kỷ Giáo Hội đã cảm thấy đòi buộc dấn thân trong lãnh vực giáo dục, bởi vì sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội bao gồm dấn thân trao trả lại phẩm giá cho những người nghèo nàn nhất. Từ thí dụ đầu tiên của một trường học do thánh Giustino thành lập tại Roma này hồi thế kỷ thứ 2, để các kitô hữu hiểu biết Thánh Kinh hơn, cho tới thánh Giuseppe Calanzio, là người dã mở các trường học bình dân miễn phí đầu tiên tại Âu châu, chúng ta có một danh sách dài các thánh nam nữ, trong nhiều thời đại khác nhau, đã đem việc giáo dục tới cho các anh chị em bị thiệt thòi nhất, vì biết rằng qua con đường giáo dục họ có thể vượt thắng sự bần cùng và các kỳ thị. Biết bao kitô hữu, giáo dân, tu huynh, nữ tu thánh hiến, linh mục đã tận hiến cuộc đời cho việc dậy dỗ giáo dục các trẻ em và người trẻ. Đây thật là điều lớn lao! Và tôi xin mời anh chị em vỗ tay hoan hô họ –  Tín hữu trong đại thính đường đã vỗ tay vang dội vinh danh các nhà giáo dục – ĐTC nói tiếp: các người đi tiên phong này của việc giáo dục đã hiểu sâu xa công tác của lòng thương xót,  và đã biến nó trở thành kiểu sống đến độ biến đổi chính xã hội.  Qua một công việc đơn sơ và với một ít cơ cấu các vị đã có thể trao trả lại nhân phẩm cho biết bao nhiêu người! Và việc giáo dục các vị cống hiến cũng thường hướng tới công việc làm. Chúng ta hãy nghĩ tói thánh Don Bosco, thánh Gioan Bosco – Tín hữu vỗ tay hoan hô thánh nhân – ĐTC hỏi: ở đây có các tu sĩ Salesien không vậy? –  Chúng ta hãy nghĩ tới thánh Don Bosco là người đã cùng với các trẻ em bụi đời, với trung tâm cầu nguyện quy tụ chúng, rồi với các trường học, thánh nhân đã chuẩn bị chúng cho công việc làm… Và chính vì thế mà đã có nhiều trường huấn nghệ được thành lập, dậy nghề trong khi cũng giáo dục các giá trị kitô. Vì thế giáo dục thực sự là môt hình thức đặc biệt của việc rao truyền Tin Mừng.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: việc giáo dục càng lớn lên thì con người càng chiếm hữu được các chắc chắn và ý thức, mà tất cả chúng ta đều cần có trong cuộc sống. Một nền giáo dục tốt dậy chúng ta phương pháp phê bình, bao gồm cả một loại nghi ngờ nào đó, hữu ích,  giúp đặt ra các câu hỏi và kiểm thực các kết quả đạt được, hầu có một ý thức tốt hơn. Nhưng công việc của lòng thương xót cố vấn cho những người nghi nan không liên quan tới loại nghi ngờ này. Diễn tả lòng thương xót đối với những người nghi ngờ, trái lại, là làm giảm bớt nỗi khổ đau  đến từ sự sợ hãi và lo âu, là hậu quả của nghi ngờ.  Do đó, thật là một hành động bác ái đích thật, khi chúng ta cố ý nâng đỡ một người trong sự yếu đuối do sự nghi ngờ gây ra.

Tôi nghĩ ai đó có thể hỏi: “Thưa cha, con có biết bao nhiêu nghi vấn liên quan tới đức tin, con phải làm gì đây?”. Con có biết bao biết bao nghi ngờ… Cha không bao giờ có các nghi ngờ sao?” Con có biết bao, biết bao nghi ngờ…  Chắc chắn là trong một vài lúc tất cả chúng ra đều có các nghi ngờ! Các nghi ngờ liên quan tới đức tin, trong nghĩa tích cực, là một dấu chỉ cho thấy chúng ta muốn biết Thiên Chúa, Chúa Giêsu và mầu nhiệm tình yêu của Ngài đối với chúng ta một cách tốt hơn và sâu xa hơn. “Mà tôi có nghi ngờ này… Tôi tìm tòi, học hỏi, tôi thấy và tôi xin lời cố vấn, làm sao… “ Các nghi ngờ này khiến lớn lên. Vì vậy đó là một điều tốt, khi chúng ta đặt ra các  câu hỏi liên quan tới đức tin, vì như thế chúng ta được thúc đẩy đào sâu nó. Tuy nhiên, cũng cần vượt thắng các nghi ngờ. Và ĐTC chỉ cho cách vượt thắng các nghi ngờ lòng tin như sau:

Do đó cần lắng nghe Lời của Thiên Chúa và hiểu những gì nó dậy chúng ta. Có một con đường quan trọng giúp điều này là giáo lý, qua đó việc loan báo niềm tin đến gặp gỡ chúng ta trong cuộc sống cụ thể cá nhân và cuộc sống cộng đoàn. Đồng thời có một con đường khác cũng quan trọng là sống đức tin chừng nào có thể. Chúng ta đừng biến đức tin trở thành một lý thuyết trừu tượng, nơi các nghi ngờ gia tăng. Nhưng hãy biến đức tin thành cuộc sống của mình. Chúng ta hãy tìm thực thi nó trong việc phục vụ các anh chị em khác, đặc biệt là những người cần sự trợ giúp nhất. Và khi ấy biết bao nghi ngờ biến mất, bởi vì chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và sự thật của Tin Mừng trong tình yêu, mà không do công nghiệp của chúng ta, ở trong chúng ta và chúng ta chia sẻ với các người khác.

Anh chị em thân mến, như có thể thấy đó, cả hai công việc này của lòng thương xót cũng không xa cuộc sống chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có thể dấn thân sống chúng để thực thi lời Chúa, khi Ngài nói rằng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đã không được vén mở cho các người khôn ngoan thông thái, nhưng cho các kẻ bé mọn (x. Lc 10,21; Mt 11,25-26). Vì thế việc dậy dỗ sâu xa hơn, mà chúng ta được mời gọi thông truyền, và xác tín chắc chắn nhất để ra khỏi sự nghi ngờ, là tình yêu của Thiên Chúa mà bởi đó chúng ta được yêu thương (x. 1 Ga 4,10). Một tình yêu vĩ đại, nhưng không, và đã được trao ban luôn mãi. Thiên Chúa không bao giờ thối lui với tình yêu của Ngài, không bao giờ! Ngài luôn luôn tiến tới, Ngài ở lại đó… tình yêu này đã được ban cho luôn mãi, mà chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm mạnh mẽ, để làm chứng cho nó, bằng cách cống hiến lòng thương xót cho các anh chị em của chúng ta.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Pháp, đặc biệt là các bệnh nhân và người tàn tật từ Lyon, cũng như Học viện Đức Bà sự sống Philippines. Ngài cũng chào các nhóm hành hương đến từ Anh, Êcốt, Phihlippines, các đảo Salomon và Hoà Kỳ, Đức, Áo, cũng như các đoàn hành hương đến từ Araguarri, Lorena và Manaus bên Brasil. Ngài cám ơn họ về sự hiện diện và lời cầu nguyện họ dành cho ngài, và ĐTC phó thác cho Đức Mẹ các công việc phục vụ của họ làm cho phẩm giá con người lớn lên trong cuộc sống.

Với các nhóm hành hương nói tiếng A rập đến từ Thánh Địa, Ai Cập và vùng Trung Đông ngài nói: chúng ta đừng sợ các nghi vấn, vì chúng là khởi đầu cho con đường hiểu biết và  đào sâu: ai không đặt nghi vấn thì không tiến tới trong sự hiểu biết cũng như trong đức tin. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng lời khuyên tốt nhất và sự giáo dục có thể cống cho người nghi ngờ và không hiểu biết là làm chứng cho họ thấy tình yêu nhưng không của Thiên  Chúa, qua việc sống sâu đậm tình huynh đệ thương xót.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nói để thực hiện dấn thân khuyên bảo người nghi ngờ và đậy dỗ kẻ dốt nát, cần cố gắng lắng nghe Lời Chúa, tham dự vào cuộc sống bí tích và cuộc sống giáo hội, phục vụ người nghèo, và làm chứng nhân cho Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống thường ngày.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương Ý, trong đó có các tham dự viên khoà học cho các thừa sai, do đại học giáo hoàng Salesien tổ chức, các vị hữu trách Liên hiệp tông đồ giáo sĩ, do ĐC Luigi Manssi, Giám Mục Andria hướng dẫn, phái đoàn tỉnh Fanano với ĐC Francesco Cavina GM Carpi. Ngài cám ơn bức tượng Lòng Thương Xót họ tặng ngài.

Chào người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn ĐTC nói Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã kết thúc Năm Thánh ngoại thường, nhưng  con tim thương xót của Thiên Chúa vẫn luôn rộng mở cho người tội lỗi. Chúng ta cũng đừng bao giờ đóng cửa con tim mình, và hãy luôn luôn thi hành các công việc của lòng thương xót đối với thân xác và linh hồn của các anh chị em khác. Ước chi kinh nghiệm đã sống trong Năm Thánh tồn tại như sự linh hứng cho các công tác bác ái đối với tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

hang-da-duc-me-lo-duc

Rita Coruzzi chào đời ngày 2 tháng 6 năm 1986, sớm hơn thời gian bình thường của một thai nhi. Ngay khi vừa chào đời, Rita đã gặp những vấn đề đầu tiên về sức khỏe; em bị trật khớp hông và thiếu ổ xương. Do đó Rita không thể đi được như các em bé khác. Nhưng Rita và mẹ em không chịu đầu hàng với bệnh tật. Rita đã làm vật lý trị liệu, rồi chịu 3 lẫn phẫu thuật, và 1 trong 3 lần phẫu thuật bị thực hiện sai; thế là cho đến nay, không có trị liệu nào mang lại kết quả và Rita phải gắn bó đời mình với chiếc xe lăn.

Rita đã giận Chúa vì Người để cho em phải chịu những bệnh tật này khi mà em tin tưởng phó thác vào Chúa. Em đã phải chịu những chữa trị đau đớn khi chỉ mới 10 tuổi. Em đã đặt mình trong tay Chúa trong cuộc phẫu thuật. Em tin tưởng là Chúa không làm những điều xấu cho em nhưng em lại phải trở lại với chiếc xe lăn, điều mà em không muốn. Thế là trong 4 năm trời, Rita đã giận dữ với Chúa; em kết án Người là bất công và ác độc. Rita không tin vào sự tốt lành và lòng thương xót của Chúa nữa.

Một ngày kia, khi Rita đang đi cùng mẹ trên xe hơi, em tự hỏi tại sao Chúa bỏ rơi tôi? Mẹ của Rita trả lời em: “Chuá không bỏ rơi con. Nếu những điều này xảy ra với con là vì Chúa có chương trình của Người và con hãy phục vụ Chúa như con hiện giờ.” Rita đã có thể chấp nhận sống trên chiếc xe lăn là nhờ một lần hành hương đến Lộ đức, trước hang đá Đức Mẹ em đã tìm thấy câu trả lời.

Vào năm 2001, khi Rita được 15 tuổi, giáo viên dạy môn tôn giáo của Rita đã mời em đi hành hương Lộ đức. Khi ấy Rita vẫn còn giận Chúa. Từ nhiều năm, Rita tránh nhà thờ và giáo xứ, những gì liên quan đến đức tin, nhưng khi được mời đi Lộ đức, em đồng ý vì có gì đó trong lòng thúc đây em đi và cũng vì em cảm thấy mệt mỏi khi giận Chúa. Thực ra Rita cũng không nhớ mình làm hòa với Chúa thế nào. Trong cuộc hành hương, Rita đã hy vọng có một phép lại thể lý đến với em; em hy vọng sau khi tắm trong suối nước Lộ đức em có thể rời bỏ được chiếc xe lăn. Em cũng đã nghĩ trong lòng rằng nếu phép lạ không xảy đến, em sẽ hỏi Đức Mẹ tại sao lại như thế!

Rita thuật lại cuộc gặp Đức Mẹ như sau: “Đức Mẹ đã trả lời tôi cách ngọt ngào như một người mẹ đối với đứa con hư. Mẹ giúp tôi hiểu là Mẹ luôn ở đó và chờ tôi. Tôi nghe một tiếng nói trong lòng tôi. Tôi cảm thấy chính Mẹ đã ôm tôi, đón tôi đến với Mẹ và nói với tôi: ‘Con cần một thời gian dài để quyết định đến, nhưng giờ con đã ở đây. Con muốn biết câu trả lời thì Mẹ nói cho con biết: Chúa có chương trình của Người cho con: làm chứng và hoán cải!’ Trong lòng tôi cũng trả lời Mẹ Maria: ‘Nhưng Mẹ cũng điên! Con không phải là thánh Phêrô, thánh Phaolô, Marco hay Gioan. Con không phải là các tông đồ.’ Đức Mẹ nói với tôi: ‘Con không hiểu. Con phải làm chứng cho Chúa bao nhiêu có thể, làm chứng cho thấy cuộc sống đẹp thế nào ngay cả trong đau khổ nếu được sống với Chúa Kitô bên cạnh. Bởi vì sự sống tuyệt vời, ngay cả trong đau khổ, nếu thật sự được sống mà nhìn thấy Chúa Giêsu.’

“Phép lạ thật sự xảy ra với tôi là tôi đã tin mình đã đánh mất Chúa Giêsu, là tôi thật sự cảm thấy mình bị bỏ rơi và tôi đã hỏi Mẹ Maria: ‘Nhưng Chúa Giêsu mà con đánh mất, Người ở đâu? Làm sao để con trở lại với Người?’ Mẹ trả lời tôi: ‘Con tin là đánh mất Người nhưng không phải là như vậy. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem!’ Tôi nhìn xuống và tôi nhìn thấy chiếc xe lăn của tôi, bởi vì không có gì khác! Và từ đây tôi đã hiểu rằng Chúa Giêsu là chiếc xe lăn của tôi. Chúa Giêsu đã luôn đặt tôi trên đầu gối của Người nhưng tôi không bao giờ nhận ra. Cho nên tôi đã kết án Người đã bỏ rơi tôi bằng những cách thấp hèn xấu xa. Ngược lại, Người đã mang tôi trên cánh tay và đặt tôi trên đầu gối của Người và không bao giờ rời bỏ tôi. Điều này làm cho tôi chấp nhận hoàn cảnh của mình: nhận biết mình được ở trên chân của Chúa Giêsu, điều mang lại bình an trong trái tim tôi, đã làm tôi thỏa mãn và không đòi được chữa lành thể lý.”

Rita muốn chia sẻ với những người cũng đang gặp những bất hạnh và xa lìa đức tin rằng trong những giờ phút đen tối nhất, Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta. Người không bao giờ rời xa chúng ta, nhưng là do chúng ta không cảm thấy Người vì chúng ta bị đau khổ bao phủ. Nhưng nếu trong những phút giây tệ nhất của cuộc đời, chúng ta  phó thác và tin tưởng vào Người, chúng ta sẽ luôn cảm thấy sự hiện diện của Người. Chỉ cần sức mạnh và can đảm để nói rằng: “Tôi đến từ cuộc sống hư vô và tôi muốn duy nhất một điều – hiệp nhất với Chúa.” (Cristiani Today  06/11/2016)

Hồng Thủy

Kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác

Kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác

kien-nhan-voi-nguoi-khac

Gương sống nhẫn nhục của Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác. Nó cũng nhắc nhớ chúng ta hai công việc khác của lòng thương xót là cảnh cáo kẻ có tội và dậy bảo người dốt nát.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp chung sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay cho một công việc của lòng thương xót mà mọi người đều biết rõ, nhưng có lẽ chúng ta không thực thi như đáng lý phải làm: đó là kiên nhẫn chịu đựng những người quấy rầy. Chúng ta tất cả đều rất giỏi trong việc nhận diện ra một người có thể làm phiền chúng ta: xảy ra là khi chúng ta gặp ai đó trên đường, hay khi chúng ta nhận một cú điện thoại… chúng ta nghĩ ngay: “Cho tới bao giờ tôi còn phải nghe các lời than van, các bép xép, các xin xỏ hay các khoe khoang của người này?” Đôi khi cũng xảy ra là những người quấy rầy chúng ta là những người gần chúng ta nhất: giữa các bà con thân thuộc luôn luôn có người nào đó; tại nơi làm việc cũng không thiếu và cả trong lúc tự do cũng không thiếu những người như vậy. Chúng ta phải làm gì với những người quấy rầy  đây? Và cả chúng ta nữa đôi khi chúng ta cũng sách nhiễu người khác. Tại sao trong số các công việc của lòng thương xót lại có cả chuyện này nữa: kiên nhẫn chịu đựng những người quấy rầy?

Trong Thánh Kinh chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa cũng phải dùng lòng thương xót để chịu đựng các than van của dân Ngài. Chẳng hạn trong sách Xuất Hành dân chúng thật là không chịu được: trước đó thì họ khóc lóc vì là nô lệ bên Ai Cập, và Thiên Chúa giải thoát họ; rồi trong sa mạc họ than van vì không có ăn (x.. Xh 16,3) và Thiên Chúa cho họ chim cút và bánh manna (x. 16,13-16); nhưng dù vậy họ không ngừng than van. Ông Môshê làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân, và đôi khi cả ông nữa cũng sẽ quấy rầy Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã kiên nhẫn, và như vậy ngài dậy cho ông và dân chúng biết chiều kích nòng cốt này của đức tin.

Và một câu hỏi tự phát đến trong tâm trí chúng ta: chúng ta có bao giờ xét mình xem đôi khi cả chúng ta nữa cũng có thể quấy rầy người khác hay không? Thật là dễ chỉ tay chống lại các tệ hại và thiếu sót của người khác, nhưng chúng ta phải học biết đặt mình trong địa vị của tha nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu: trong ba năm của cuộc sống công khai Ngài đã phải kiên nhẫn biết bao nhiêu! Có lần khi đi với các môn đệ, Ngài đã bị bà mẹ của Giacôbê và Gioan chặn lại và xin: “Xin Thầy cho hai đứa con con đây ngồi một người bên phải một người bên trái Thầy  trong vương quốc của Thầy” (Mt 20,21). Bà mẹ tạo địa vị thanh thế cho các con trai mình, nhưng đó là bà mẹ… Cả từ trường hợp này nữa Chúa Giêsu cũng lấy đó làm đề tài dậy cho các môn đệ một giáo huấn nền tảng: vương quốc của Ngài không phải là một vương quốc của quyền bính và không phải là một vương quốc của vinh quang như các vương quốc trần gian, nhưng là việc phục vụ và dâng hiến cho người khác. Chúa Giêsu dậy chúng ta luôn luôn đi tới điểm nòng cốt và nhìn xa hơn để lãnh lấy sứ mệnh của mình với tinh thần trách nhiệm. Ở đây chúng ta  có thể trông thấy lời mời gọi thực thi hai công việc khác của lòng thương xót tinh thần: là răn bảo các kẻ có tội và dậy dỗ kẻ dốt nát. Chúng ta hãy nghĩ tới dấn thân lớn lao có thể làm, khi trợ giúp người ta lớn lên trong đức tin và cuộc sống. Chẳng hạn tôi nghĩ tới các giáo lý viên – trong đó có biết bao bà mẹ và biết bao nhiêu nữ tu – tận hiến thời giờ để dậy dỗ người trẻ các yếu tố nền tảng của đức tin. Thật là mệt nhọc biết bao, khi các trẻ em thích chơi giỡn hơn là lắng nghe giáo lý! ĐTC giải thích thêm như sau:

Đồng hành trong việc kiếm tìm điều nòng cốt thật đẹp và quan trọng, bởi vì nó làm cho chúng ta chia sẻ niềm vui hưởng nếm ý nghĩa cuộc sống. Thường xảy ra là chúng ta gặp gỡ những người chỉ dừng lại trên những điều hời hợt, chóng qua và tầm thường; đôi khi vì họ đã không gặp ai khuyến khích họ tìm kiếm điều gì khác, quý chuộng các kho tàng đích thực. Dậy nhìn vào điều nòng cốt là một trợ giúp định đoạt, đặc biệt trong một thời đại như thời đại chúng ta ngày nay, xem ra đã đánh mất hướng đi và chạy theo những thoả mãn ngắn ngủi. Dậy khám phá ra điều Chúa muốn nơi chúng ta và làm sao chúng ta có thể đáp trả lại có nghĩa là bước đi trên con đường lớn lên trong ơn gọi của mình, trong con đường của niềm vui đích thật.

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Như thế các lời Chúa Giêsu nói với bà mẹ của Giacôbê và Gioan, rồi với tất cả nhóm các môn đệ, chỉ cho thấy con đường giúp tránh rơi vào sự ghen tương, tham vọng và nịnh bợ, là các cám dỗ luôn luôn rình rập cả các kitô hữu nữa. Đòi buộc khuyên nhủ, cảnh cáo và dậy dỗ không đuợc khiến cho chúng ta cảm thấy mình cao hơn tha nhân, nhưng truớc hết bắt buộc chúng ta đi vào trong chính mình để kiểm thực xem chúng ta có trung thực  với những gì chúng ta yêu cầu người khác sống hay không. Chúng ta đừng quên các lời Chúa Giêsu nói: “Tại sao bạn nhìn thấy cọng rơm trong mắt người anh em, trong khi không nhận ra cái xà trong mắt mình?” (Lc 6,14). Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết sống kiên nhẫn trong việc kiên nhẫn chịu đựng và khuyên nhủ những người khiêm nhường và đơn sơ.

Trong số các đoàn hành hương hiện diện trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua cũng có nhiều tín hữu Việt Nam đến từ nhiều nước như Hoà Lan, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, đặc biệt phái đoàn 48 tín hữu Houston do cha Giuse Vũ Thành hướng dẫn.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là các thành viên Tổ chức Đông Phương, các linh mục thuộc Liên hiệp tông đồ giáo sĩ giáo phận Agen, do ĐC Herbreteau hướng dẫn, cũng như các tín hữu đến từ Pháp, Bỉ và Cộng hoà dân chủ Congo, ĐTC nói chúng ta sắp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, nhưng tôi xin anh chị em đừng đóng cửa tâm lòng, nhưng trái lại luôn kiên nhẫn, khiêm nhường và đơn sơ tiếp đón tha nhân.

 Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Islen, Malta, Nigeria, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ và cầu chúc các ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại cho họ và gia đình họ nhiều ơn lành, niềm vui và hoà bình của  Chúa.

ĐTC chúc các nhóm nói tiếng Đức những ngày hành hương Roma sốt sắng và bổ ích và noi gương Chúa biết sống thương xót.

Chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt nhóm các linh mục và tín hữu Rio de Janeiro, Vatuporanga và Patos de Minas. ngài khích lệ họ thực thi các công việc của lòng thương xót, đem niềm vui và sự ủi an đến với mọi người để là các chứng nhân tình yêu thương dịu hiền của Thiên Chúa.

Với các nhóm Ba Lan ngài nói cửa Năm Thánh sắp đóng lại, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đóng cửa trái tim thương xót của Ngài và dập tắt sự dịu hiền của Ngài với chúng ta.

Chào mấy ngàn tín hữu Hoà Lan cùng 7 Giám Mục toàn nước về Roma hành hương Năm Thánh, ĐTC chúc họ khám phá ra lòng thương xót của Chúa và thực thi các công việc thương xót phần xác cũng như phần hồn đối với tha nhân.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào Liên hiệp các thầy dậy nghề mừng 60 năm thành lập. Ngài cầu chúc liên hiệp tiếp tục góp phần tạo thuận tiện cho những giai tầng yếu đuối nhất có cơ may gia nhập đời sống xã hội và kinh tế. Ngài cũng chào các hiệp hội Hồng thập tự Spoltore, hiệp hội “Cam Giáng Sinh” tỉnh Camisano Vicentino, các nhóm giáo xứ và sinh viên. ĐTC cầu mong Năm Thánh nhắc nhở mọi người biết sống thương xót như Thiên Chúa Cha, vì tình yêu thương khiến cho con người nhân bản và kitô hơn.

Chào người trẻ các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cuới ngài nhắc tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Chúng ta hãy nhớ tới những người làm ơn cho chúng ta và các linh hồn không được ai nhớ cầu nguyện cho, bằng cách xin lễ và dâng lời cầu nguyện và các hy sinh hãm mình cho họ. Chúng ta hãy đặc biệt nhớ tới linh hồn các nạn nhân động đất miền Trung Italia, cầu nguyện cho họ, cho thân nhân của họ, và tiếp tục liên đới với tất cả những ai đã chịu các thiệt hại do động đất gây ra.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ trẻ em

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ trẻ em

duc-thanh-cha-keu-goi-bao-ve-tre-em

VATICAN. ĐTC kêu gọi luôn luôn bảo vệ trẻ em, chống lại mọi hình thức nô lệ, xung vào quân ngũ và các hình thức ngược đãi.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng 16-11-2016, ĐTC nói:

”Chúa nhật 20-11 tới đây, sẽ cử hành ngày Thế Giới các quyền của trẻ em và thiếu niên. Tôi kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người, các tổ chức và gia đình, để các trẻ em luôn luôn được bảo vệ và an sinh của các em luôn được giữ gìn, để các em không bao giờ bị lâm vào những hình thức nô lệ, tuyển mộ vào các nhóm võ trang và bị ngược đãi. Tôi cầu mong Cộng đồng quốc tế có thể canh chừng cuộc sống của các em, bảo đảm cho mỗi trẻ em nam nữ được quyền cắp sách đến trường và được giáo dục, để các em được tăng trưởng trong thanh thản và nhìn về tương lai trong niềm tín thác” (SD 16-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 2 ngàn tín hữu Hòa Lan

Đức Thánh Cha tiếp kiến 2 ngàn tín hữu Hòa Lan

duc-thanh-cha-tiep-kien-2-ngan-tin-huu-hoa-lan

VATICAN. Sáng 15-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến 2 ngàn tín hữu thuộc đoàn hành hương chung của tất cả 7 giáo phận tại Hòa Lan. Ngài khích lệ các tín hữu xưng tội để đón nhận lòng thương xót của Chúa và trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa.

Đoàn tín hữu Hòa Lan đã tham dự thánh lễ do các GM và LM cử hành lúc 11 giờ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Cuối lễ ĐTC đã đến chào thăm đoàn.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao lòng thương xót của Chúa, ĐTC nói: “Phép giải tội là nơi ta nhận được ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tại đây bắt đầu sự biến đổi mỗi người chúng ta và cải tổ đời sống Giáo Hội. Vì thế, tôi khuyến khích anh chị em hãy cởi mở tâm hồn và để cho lòng thương xót của Chúa uốn nắn. Như thế anh chị em trở thành dụng cụ của lòng thương xót.

ĐTC giải thích rằng: ”Được Chúa Cha từ bi là Đấng luôn ban ơn tha thứ cho chúng ta, ấp ủ, Anh chị em sẽ có khả năng làm chứng về tình thương của Chúa trong đời sống thường nhật. Con người ngày nay đang khao khát Thiên Chúa, lòng từ nhân và tình thương của Ngài. Cả anh chị em, trong tư cách là những máng chuyển lòng thương xót, anh chị em có thể góp phần làm dịu bớt cơn khát này và giúp bao nhiêu người tái khám phá Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ và Cứu Chuộc nhân loại”. (SD 15-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP