Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục tu sĩ Bolivia

Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục tu sĩ Bolivia

ĐTC gặp gở các linh mục ở Bolivia

SANTA CRUZ. ĐTC mời gọi các linh mục, tu sĩ Bolivia hãy trở thành chứng nhân về lòng từ bi thương xót của Chúa, chứ không phải về một ý thức hệ. Lòng thương xót làm cho họ có khả năng gần gũi dân chúng.

Lúc 4 giờ chiều ngày thứ năm 9-7-2015, ĐTC tiếp tục các hoạt động tại thành phố Santa Cruz, Bolivia, với cuộc gặp gỡ hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Hội trường của trường Don Bosco.

Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với phần trình bày chứng từ của 1 LM, 1 nữ tu và một chủng sinh.

Đức Cha Roberto Bordi, GM đặc trách đời sống thánh hiến tại Bolivia, nói rằng những người được kêu gọi loan báo Tin Mừng là những người đầu tiên cần được liên tục “tin mừng hóa”. Chỉ ai để cho mình được Thiên Chúa hoán cải, thì mới làm cho người khác được lây niềm vui của Tin Mừng. Đức Cha cũng liệt kê những thách đố Giáo hội tại Bolivia đang phải đương đầu: trào lưu tục hóa lan tràn, khủng hoảng gia đình, nạn tham nhũng, buôn bán ma túy, nghèo đói, chống đối chính trị và ý thức hệ. Nhưng tất cả đều ý thức rằng điều thiện mạnh hơn sự ác, vì mang lại sự sống đích thực.

Tiếp đến một LM ở Cochabamba thuật lại gốc gác nông dân của mình và cho biết đã nghe tiếng Chúa và từ bỏ mọi sự. Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống cộng oàn để sống đức tin.

Nữ tu Gabriela, trong chứng từ, nói về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống trong kinh nguyện, trong Thánh Thể, trong sự lắng nghe Lời Chúa và trong công tác giáo dục. Chị nói: 'Ngày nay, càng ngày chúng ta càng cần phổ biến niềm hy vọng trong một thế giới ngày càng buồn thảm hơn”.

Sau cùng một chủng sinh, con của một công nhân thợ mỏ, nói về ơn gọi của thầy, nảy sinh nhờ bà mẹ luôn dạy thầy đừng bao giờ quên cầu nguyện.

Sau đó mọi người nghe đọc bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,46-52) thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa một người bị mù.

 Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến Tin Mừng vừa được đọc và ngài giải thích rằng một đàng có tiếng kêu của người hành khất mù, và đàng khác có những phản ứng khác nhau của các môn đệ. Ngài nói:

Có 3 câu trả lời cho tiếng kêu của người mù là: Hãy tránh xa, im đi, và hãy can đảm, đứng lên!

1. Câu trả lời thứ nhất là hãy tránh xa. Có lẽ một vài người không nghe thấy nên tránh xa, đi qua. Đó là tiếng vọng của sự dửng dưng, đi cạnh cách vấn đề và làm sao để những vấn đề đó đừng động đến ta. Chúng ta không nghe thấy, không nhận ra các vấn đề ấy. Đó là cám dỗ coi đau khổ là chuyện bình thường, tự nhiên, và trở nên quen thuộc với bất công. Chúng ta tự nhủ: đó là chuyện bình thường, trước giờ vẫn luôn như vậy. Đó là tiếng vọng nảy sinh từ một con tim khép kín, bị bọc thép, không còn khả năng ngạc nhiên và vì thế không có khả năng thay đổi. Đó là con tim quen đi qua và không để cho mình bị động chạm đến; đó là một cuộc sống tránh sang bên kia đường, không ăn rễ sâu được trong cuộc sống của dân chúng. Đó là những người chạy theo những gì mới nhất, những thứ mới bán chạy nhất, nhưng không có được một tiếp xúc, một quan hệ và không để cho mình được liên hệ. Họ đi qua không nghe tiếng kêu đau đớn của dân chúng, không ăn rễ sâu trong cuộc sống của dân, cũng giống như nghe Lời Chúa mà không để cho Lời ấy bén rễ trong chúng ta và trở nên phong phú. Một cây, một lịch sử không có rễ, đó là một sự sống khô cằn. Cũng như chúng ta lắng nghe Kinh Lạy Cha như thế nào, cũng ta cũng phải lắng nghe dân trung thành của Thiên Chúa như vậy.

Thái độ thứ hai là bảo: Hãy im đi, đừng quấy rầy, đừng làm xáo trộn nữa. Khác với thái độ thứ I, người có thái độ này lắng nghe, nhìn nhận, tiếp xúc tới tiếng kêu của người khác. Họ biết rằng có tiếng kêu ấy, và phản ứng một cách rất đơn giản bằng cách khiển trách. Đó là thảm trạng của một lương tâm bị cô lập, của những ngừơi nghĩ rằng cuộc sống của Chúa Giêsu chỉ dành cho những người nghĩ là mình thích hợp. Chỉ những người cho là được phép, một giai cấp của những người khác, họ dần dần tách biệt, trở nên khác với dân của mình. Họ coi căn tính của họ là vấn đề trổi vượt hơn người khác. Nhu cầu trở nên khác biệt làm cho con tim họ họ bị chặn đứng.

Vui với người vui, khóc với người khác, đó chính là thần phần của mầu nhiệm con tim linh mục.

ĐTC nói tiếp:

Thái độ thứ ba là: Hãy can đảm lên, và đứng dậy! Một tiếng vọng không nảy sinh trực tiếp từ tiếng kêu của người mù Bartimeo, nhưng từ nhận xét về lối cư xử của Chúa Giêsu trước tiếng kêu của người hành khất mù. Đó là tiếng kêu biến thành một Lời, một tiếng mời gọi, thay đổi, một đề nghị về sự mới mẻ đứng trước các cách thức phản ứng của chúng ta trước dân thánh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dừng lại trước tiếng kêu của một người. Ngài ra khỏi tình trạng vô danh của đám đông để nhận ra người mù và dấn thân với anh ta. Và thế là dần dần Ngài trả lại phẩm giá anh đã đánh mất. Ngài làm cho anh được hội nhập. Thế là thay vì nhìn anh mù từ bên ngoài, Ngài có can đảm đồng hóa với những vấn đề của anh và qua đó biểu lộ sức mạnh biến đổi của lòng từ bi thương xót. Đó là hướng đi phát sinh từ thái độ không sợ đến gần đau khổ của dân chúng ta. Cho dù bao nhiêu lần thái độ ấy chỉ là đứng cạnh họ và biến cơ hội ấy thành dịu cầu nguyện. Đó chính là hướng đi của người môn đệ Chúa. Đó là điều mà Chúa Thánh Linh thực hiện với chúng ta và trong chúng ta. Chúng ta không phải là chứng nhân về một ý thức hệ, một công thức, về cách nghiên cứu thần học, nhưng chúng ta là chứng nhân về tình yêu thương chữa lành và từ bi của Chúa Giêsu. Chúng ta làm chứng về hành động của Chúa trong đời sống các cộng đoàn của chúng ta.

Cuộc gặp gỡ kết thúc khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương với bài ca Lạy Nữ Vương và phép lành của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha ngày 10-7-2015

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha ngày 10-7-2015

nhà tù Palmasola

Thứ sáu ngày 10-7-2015, ngài cử hành thánh lễ riêng tại Nhà nguyện tòa TGM giáo phận Santa Cruz, nơi ngài qua đêm, rồi đến thăm nhà tù Palmasola cách đó 15 cây số.

Trung tâm cải huấn này được chia làm nhiều khu vực dành cho các loại tù nhân khác nhau: nam, nữ, người trẻ, các tù nhân tội nhẹ và các tù nhân tội trọng. Khu nhà tù dành cho nam giới, nơi ĐTC đến thăm, được gọi tắt là PS 4, có 2,800 tù nhân và đặc biệt có khu vực dành cho các thân nhân, khoảng 1,500 người mỗi ngày. Họ có thể sống chung giống như trong một làng do chính các tù nhân quản trị.

Tại buổi gặp gỡ vào lúc 9 giờ rưỡi sáng, ĐTC lắng nghe chứng từ của một số tù nhân, trước khi ban huấn dụ và chúc lành cho họ. Sau đó, ngài đến giáo xứ Thánh Giá cách đó 14 cây số để gặp gỡ 37 GM Bolivia chủ chăn của 18 giáo phận toàn quốc, kể cả các vị về hưu. Sau cuộc gặp gỡ này, ĐTC đã ra phi trường quốc tế Viru Viru của thành phố Santa Cruz để đáp máy bay sang Paraguay là chặng cuối cùng trong chuyến viếng thăm của ngài.

Sau 2 giờ bay, vượt qua hơn 1 ngàn cây số, ĐTC đến phi trường thủ đô Asunción vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương. Tại đây, sau nghi thức tiếp đón, ngài về phủ tổng thống để viếng thăm vị quốc trưởng và gặp gỡ chính quyền Paraguay.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tường thuật chuyến ĐTC công du Ecuador, Bolivia và Paraguay

Tường thuật chuyến ĐTC công du Ecuador, Bolivia và Paraguay

ĐTC dâng hoa cho Đức Mẹ El Quinche

Tường thuật chuyến viếng thăm mục vụ ba nước Ecuador, Bolivia và Paraguay

** Trong các sinh hoạt ngày thứ ba viếng thăm Ecuador còn có hai cuộc gặp gỡ khác vào ban chiều: đó là cuộc gặp gỡ giới sinh viên học sinh tại Đại học công giáo Ecuador và với các đại diện giới dân sự.

Sau khi dùng bữa trưa và nghỉ ngơi tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh lúc sau 16 giờ ĐTC đã đi xe papamobil tới Đại học giáo hoàng công giáo Ecuador cách đó 3 cây số. Hai bên đường đã có rất đông tín hữu chào đón ĐTC.

Đại học giáo hoàng công giáo Ecuador được thành lập năm 1946 thuộc tổng giáo phận Quito do các cha Dòng Tên điều khiển. Đại học gồm 14 học viện và phân khoa gồm Kiến trúc, Quản trị, Sư phạm, Khoa học, Triết học, Thần học, Khoa học nhân văn, Truyền thông, Văn chương, Kinh tế, Y tá, Kỹ sư, Luật, Y khoa, Sinh học, Trợ giúp xã hội. Có tất cả 30.000 sinh viên.

Vào thời thực dân Giáo Hội đã thành lập Đại học San Fulgencio do các cha dòng Agostino điều khiển; đại học thánh Gregorio do các cha dòng Tên điều khiển cho tới khi các vị bị trục xuất; và đại học San Tomas do các cha dòng Đa Minh điều khiển.

ĐTC đã được viện trưởng César Fabián Carrasco Castro tiếp đón trong khuôn viên đại học có chỗ cho 5.000 người. Sau lời chào của ĐC Alfredo José Espinoza Mateus, GM Loja và là chủ tịch Ủy ban giáo dục và văn hóa của HĐGM Ecuador, các sinh viên học sinh đã tặng qùa cho ĐTC. Tiếp đến mọi người đã nghe chứng từ của một nữ sinh viên, một giáo sư và viện trưởng đại học.

Ngỏ lời trong dịp này ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống và lệnh Thiên Chúa truyền cho con người phải vun trồng và giữ gìn thụ tạo. ĐTC nói:

Thiên Chúa không chỉ ban cho con người sự sống, nhưng cũng ban cho con người trái đất, thụ tạo. Ngài không chỉ ban cho con người một người bạn đường và các khả thể vô tận. Nhưng Ngài cũng đưa ra một lời mời gọi, và trao ban cho con người một sứ mệnh nữa. Ngài mời gọi họ tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và nói: hãy vun trồng! Ta ban cho con các hạt giống, trái đất, nước, mặt trời, Ta ban cho con đôi bàn tay và tay của anh em con. Nó cũng là của con. Nó là một món quà, một ơn, một sự cống hiến. Nó không phải là cái gì được chiếm hữu, được mua.  Nó đi trước chúng ta và sẽ tiếp nối chúng ta… Thụ tạo là một ơn phải được chia sẻ. Nó là không gian Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng với chúng ta, để xây dựng một “chúng ta”. Thế giới, lịch sử, thời gian là nơi chúng ta đi xây dựng chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với trái đất. Cuộc sống của chúng ta luôn dấu ẩn lời mời gọi này, một lời mời gọi ít nhiều ý thức nhưng tồn tại luôn mãi. Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận một điểm đặc biệt. Trong trình thuật của sách Sáng Thế, cùng với từ “vun trồng” Thiên Chúa nói ngay một lời khác “giữ gìn”, chăm sóc. Từ này được hiểu nhờ từ kia. Một bàn tay giơ ra cho một bàn tay khác. Ai không vun trồng thì không chăm sóc, ai không chăm sóc thì không vun trồng. Chúng ta không chỉ được mời gọi là phần của công trình sáng tạo bằng cách vun trồng nó, làm cho nó lớn lên, phát triển nó, nhưng chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc, che chở, giữ gìn nó nữa. Ngày nay lời mời gọi này càng mạnh mẽ hơn nữa. Không phải chỉ như là một lời nhắn nhủ, nhưng như là một đòi buộc nảy sinh từ “sự dữ mà chúng ta đã gây ra, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dùng các tài nguyên Thiên Chúa đã đặt để trong trái đất. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chúng ta là chủ và là kẻ thống trị, được phép cướp bóc nó, vì thế giữa các người nghèo bị bỏ rơi và đối xử tàn tệ nhất có trái đất của chúng ta bị áp bức và tàn phá” (Laudato sì, 2).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Có một tương quan giữa cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của mẹ đất, giữa sự hiện hữu của chúng ta và ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. “Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên cùng nhau trở nên đồi tệ, và chúng ta không thể đương đầu với sự suy đồi môi sinh một cách thích hợp, nếu không chú ý tới các lý do có tương quan với sự suy đồi nhân bản và xã hội” (ibid., 48). Nhưng chúng cũng nâng đỡ nhau và có thể thay đổi hình dạng. Đó là một tuơng quan giữ gìn một khả thể của sự rộng mở, thay đổi, của sự sống cũng như của tàn phá và chết chóc.

Có một điều chắc chắn: đó là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng lại với thực tại của mình, với các anh em mình, với mẹ đất. Chúng ta không được phép không biết điều đang xảy ra chung quanh chúng ta, làm như thể là các tình trạng xác định không hiện hữu hay không liên quan gì tói thực tại của chúng ta. Một lần nữa câu Thiên Chúa hỏi lại vang lên: “Em ngươi đâu?”. Tôi tự hỏi không biết câu trả lời của chúng ta có tiếp tục là “Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9).

Trong bối cảnh đại học này, sẽ rất đẹp nếu chúng ta tự vấn liên quan tới nền giáo dục của chúng ta trước trái đất đang kêu lên tới trời. Các trường học của chúng ta là một vườn ương cây, một khả thể, là đất phì nhiêu mà chúng ta phải chăm sóc, kích thích, và che chở. Đất phì nhiều khát sự sống.

Cùng anh chị em là các giáo sư tôi tự hỏi: Anh chị em có thức tỉnh trên các sinh viên học sinh bằng cách trợ giúp họ phát triển một óc phê bình, một tinh thần tự do có khả năng chăm sóc thế giới ngày nay hay không? Một tinh thần có khả năng tìm ra các câu trả lời mới cho nhiều thách đố mà xã hội ngày nay đưa ra hay không? Anh chị em có khả năng khích lệ họ đừng không biết tới thực tại bao quanh họ hay không? Làm thế nào để bước vào trong các chương trình khác nhau của đại học hay trong các lãnh vực khác nhau của công việc giáo dục cuộc sống chung quanh chúng ta với các đòi hỏi, các vấn nạn và các cật vấn của nó? Chúng ta làm nảy sinh ra và đồng hành với cuộc thảo luận xây dựng này  việc đối thoại sinh tử cho một thế giới nhân bản hơn như thế nào?

Tiếp đến ĐTC khẳng định như sau:

Có một suy tư lôi cuốn tất cả chúng ta: các gia đình, học đường và nhà giáo, đó là làm thế nào để người trẻ đừng đồng hóa bằng biếu đại học với địa vị cao hơn, với tiền bạc và uy tín xã hội. Chúng ta làm thế  nào để giúp họ nhận diện việc chuẩn bị này như dấu chỉ của một trách nhiệm lớn hơn đối với các vấn đề  ngày nay, tôn trọng và săn sóc người nghèo, tôn trọng việc cứu vãn môi sinh. Và với các  các bạn trẻ thân mến, là hiện tại và tương lại của Ecuador, là hạt giống biến đổi của xã hội này, tôi muốn tự hỏi: các bạn có biết thời gian học hành các bạn có không phải chỉ là một quyền lợi mà cũng là một đặc ân không? Biết bao nhiêu bạn bè, quen và không quen, muốn có một chỗ trong nơi này, mà vì các hoàn cảnh khác nhau đã không có được? Việc học hành của chúng ta giúp liên đới với họ trong mức độ nào?

Các cộng đoàn giáo dục có một vai trò sinh động, nòng cốt trong việc xây dựng xã hội và nền văn hóa. Phân tích, miêu tả thực tại thôi không đủ, cần phải trao ban sự sống cho các môi trường, nơi chốn nghiên cứu đích thật, cho các thảo luận làm nảy sinh ra các giải pháp cho các vấn đề hiện hữu đặc biệt ngày nay.

Trước sự toàn cầu hóa của mô thức kỹ thuật hướng tới chỗ tin rằng mỗi chiếm hữu quyền lực là tiến bộ, gia tăng an ninh, hữu ích, hạnh phúc, sức sống, gia trị tràn đầy, làm như thể thực tại, thiện ích và sự thật phát sinh một cách tự phát từ chính quyền lực của kỹ thuật và kinh tế” (Laudato si’, 105), chúng ta được hỏi một cách cấp thiết mau chóng suy tư, tìm tòi, thảo luận về tình trạng của chúng ta hiện nay. Chúng ta muốn và yêu sách cho con cháu chúng ta loại văn hóa nào đây? Trái đất này mà chúng ta đã nhận như gia tài, như một ơn, một món quà, chúng ta muốn để lại nó như thế nào? Chúng ta muốn in các chỉ dẫn nào trên cuộc sống? “Chúng ta đi qua trái đất này với mục đích nào? Chúng ta đến trên trái đất này với mục tiêu nào? Chúng ta làm việc và chiến đấu cho mục đích nào? (ibid., 160). Các sáng kiến cá nhân luôn luôn tốt và nền tảng, nhưng chúng ta phải nhìn thực tại một cách tổng quát, có trật tự  và không rời rạc, đưa ra các vấn nạn bao gồm tất cả mọi người. Như là đại học, như là các cơ cấu, các giáo sư và sinh viên cuộc sống thách đố các bạn trả lời cho câu hỏi này: tại sao chúng ta cần trái đất này? Người anh em con ở đâu? Ước chi Chúa Thánh Thần linh hứng và đồng hành với các bạn và ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để chu toàn sứ mạng giáo dục này.

Sau khi từ giã giới trí thức lúc 6 giờ chiều ĐTC đã đi xe đến nhà thờ thánh Phanxicô cách đó 4 cây số để gặp gỡ các đại diện giới dân sự trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, doanh thương kỹ nghệ và nông nghiệp, cũng như các tổ chức thiện nguyện và đại diện của các thổ dân Amazzonia.

Nhà thờ thánh Phanxicô là nhà thờ cổ kính nhất trong toàn Châu Mỹ Latinh, được khởi công xây năm 1536, ba năm sau ngày thành lập thủ đô Quito, và hoàn thành năm 1680. Toàn bộ kiến trúc nghệ thuật rất phong phú vì cũng chứa đựng 3.500 tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái Quito và một thư viện vào bậc nhất của các cha Phanxicô.

Sau lời chào của ĐC Luis Cabrera Herrera, TGM Cuenca, Chủ tịch Ủy ban giáo dân của HĐGM Ecuador, đã có phần chia sẻ chứng từ của ba giáo dân: ông Francisco Jarrin, đại diện Hiệp hội các doanh thương kitô, bà Lidia Marlene Arcos Miranda, doanh thương tỉnh Ambato, và bà Imelda Caicedo Vega, giáo lý viên 85 tuổi, dậy giáo lý cho dân quê tỉnh Los Rios từ 60 năm qua. Họ đã nói lên các ưu tư, các khó khăn và thách đố của cuộc sống đức tin trong môi trường xã hội ngày nay. Dàn nhạc Sunamune gồm các người trẻ tàn tật và bị bệnh khờ cũng đã trình tấu chào mừng ĐTC.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khích lệ mọi người dấn thân xây dựng một xã hội bao gồm sự hiện diện và tham gia của mọi thành phần xã hội, chiến thắng ích kỷ và nền văn hóa gạt bỏ. Xã hội hãy học nơi gia đình để không ai bị loại bỏ ra ngoài. Trong gia đình con người nhận được các giá trị nền tảng của tình yêu thương, tình huynh đệ và sự tôn trọng lẫn nhau, được diễn tả ra bằng các giá trị xã hội nòng cốt là sự nhưng không, tình liên đới và sự phụ đới.

Trong tương quan xã hội, hay trong lãnh vực chính trị, nhiều khi người ta dựa trên sự đối đầu, trên việc gạt bỏ. Nhưng xã hội phải là một gia đình, gồm cha mẹ, con cái, anh chị em, trong đó khi gặp khó khăn, người ta tương trợ nhau, trong đó nỗi đau đớn của một người là nỗi đau của tất cả. Trong gia đình tất cả mọi người đều góp phần vào chương trình chung, tất cả đều làm việc cho lọi ích chung, nhưng không hủy bỏ cá nhân. Trái lại, họ nâng đỡ và thăng tiến cá nhân. Và ĐTC cầu mong người ta có thể nhìn đối thủ chính trị, và người hàng xóm với đôi mắt mà chúng ta nhìn người thân của mình trong gia đình.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đưa ra câu hỏi: Chúng ta có yêu thương quê hương đất nước, cộng đoàn mà chúng ta đang tìm xây dựng không? Nếu yêu thương thật, thì phải yêu thương bằng việc làm nhiều hơn là bằng lời nói. Trong lãnh vực xã hội sự nhưng không không phải là một bổ túc, nhưng là một đòi buộc cần thiết của công lý. Cái mà chúng ta là và có đã được ban cho chúng ta để phục vụ tha nhân. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho nó sinh hoa trái trong các công việc lành.

Các tài nguyên được chỉ định cho tất cả mọi người, vì thế khi một người chiếm làm của riêng, là việc hợp pháp, thì một quyền sai áp luôn luôn đè nặng trên chúng. Hướng tới các anh chị em thổ dân đến từ vùng Amazzonia ĐTC nêu bật rằng việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên dư đật tại Ecuador không được tìm lợi nhuận tức khắc. Là người giữ gìn sự phong phú mà chúng ta đã lãnh nhận phải khiến cho chúng ta dấn thân với toàn hội và với các thế hệ tương lai. Có những nơi cần phải được săn sóc đặc biệt vì tầm quan trọng khổng lồ của chúng đối với hệ thống sinh thái thế giới. Liên quan tới tình liên đới ĐTC khẳng định như sau:

Từ tình liên đới sống trong gia đình nảy sinh tình liên đới trong xã hội. Nó không hệ tại việc cho những người cần được giúp đỡ, nhưng là có trách nhiệm đối với nhau. Nếu chúng ta trông thấy nơi tha nhân một người anh em, thì không ai có thể bị loại bỏ, bị tách rời.

Các điều khoản và luật lệ cũng như các dự án của cộng đoàn dân sự phải tìm kiếm sự bao gồm, để tạo thuận tiện cho các không gian đối thoại, gặp gỡ, và như thế để lui vào ký ức đau đớn bất cứ loại đàn áp, kiểm soát vô giới hạn và lấy mất đi sự tự do nào. Hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi cống hiến các khả thể thực thụ  cho các công dân, nhất là cho giới trẻ, bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Tới đây ĐTC đã ứng khẩu và mạnh mẽ tố cáo nền văn hóa gạt bỏ gây thương tích cho người trẻ và người già với các hậu quả kinh khủng dẫn đưa tới các vụ tự tử. Tình trạng này thuận lợi cho các kẻ phục vụ sự ích kỷ, thần tiền bạc ở trung tâm của một hệ thống đè bẹp tất cả chúng ta.

Sau cùng ĐTC đã đề cập tới sự phụ đới và nói : Khi nhận biết những gì là hay đẹp nơi người khác, cả với các hạn hẹp của họ, chúng ta thấy sự phong phú định tính sự khác biệt  và giá trị của việc bổ túc. Các con người, các nhóm có quyền thành toàn lộ trình của mình, cả khi điều này có đưa tới các sai lầm đi nữa. Đối thoại là điều cần thiết để đạt sự thật, không thể bị áp đặt, nhưng được tìm kiếm với lòng chân thành và óc phê bình. Trong việc tôn trọng sự tự do, xã hội dân sự được mời gọi thăng tiến mọi người và mọi tác nhân xã hội để họ nhận lãnh vai trò của họ và góp phần chuyên môn vào công ích. Trong một nền dân chủ được tham gia mọi lực lượng xã hội phải là tác nhân. Cả Giáo Hội cũng muốn cộng tác vào việc tìm kiếm công ích, với các hoạt động xã hội, giáo dục của mình bằng cách thăng tiến các gia trị luân lý đạo đức và tinh thần, vì Giáo Hội là dấu chỉ ngôn sứ đem lại ánh sáng và niềm hy vọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người cần được trợ giúp nhất. Và ĐTC kết luận : Có nhiều người hỏi tại sao tôi hay nói tới các người cần được trợ giúp, những người bị gạt bỏ, bị loại ra bên lề xã hội nhiều như thế. Một cách đơn sơ bởi vì thực tại này và câu trả lời cho thực tại này là trọng tâm của Tin Mừng.

Sau khi từ giã các đại diện thế giới dân sự, ĐTC đã đi xe đến thăm nhà thờ của dòng Tên cách đó một cây số. Nhóm tu sĩ dòng Tên đầu tiên đến Quito năm 1586. Năm 1602 cha Nicolas Duran Mastrilli, giám đốc tiên khởi của Trường dòng Tên đến Quito mang theo sơ đồ nhà thờ. Nhà thờ này được xây bởi kiến trúc sư Domenico Zampilli cũng là kiến trúc sư đã xây nhà thờ Chúa Giêsu của dòng Tên ở Roma. Tiếp đến có hai kiến trúc sư khác tới tiếp tục việc xây cất, và nhà thờ đã hoàn thành năm 1765. Tháp chuông bị sập trong trận động đất năm 1859, đuợc xây lại nhưng lại bị sập trong trận động đất năm 1868 và không bao giờ được tái thiết. Nhà thờ bị hư hại trong trận động đất năm 1987 và việc trùng tu hoàn tất năm 2005.

Trong nhà thờ này có tượng Đức Mẹ Sầu Bi với trái tim bị 7 lưỡi gươm đâm thâu. Vào năm 1906 Ecuador tuyên bố tính cách đời của nhà nước, cấm các biến cố tôn giáo và tịch thu các tài sản của Giáo Hội. Ngày 20 tháng 4 cùng năm xảy ra phép lạ Đức Mẹ Sầu Bi. 35 sinh viên dòng Tên đã trông thấy mắt Đức Mẹ chuyển động trong nhà cơm trường San Gabriel. Phép lạ được thừa nhận ngày 31 tháng 5 năm 1907. Và kể từ đó trường San Gabriel trở thành trung tâm thánh mẫu. Hằng năm tượng Đức Mẹ được rước trong toàn nước.

Sau khi viếng thăm nhà thờ ĐTC đã về Toà Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ 3 viếng thăm Ecuador.

Ngày thứ tư mùng 8 tháng 7 ĐTC đã chỉ có hai sinh hoạt : thăm viện dưỡng lão do các nữ tu Thừa Sai Bác Ái trông coi, và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ chủng sinh tại đền thánh Đức Bà El Quinche. Trung tâm Đức Bà El Quinche đưọc xây năm 1928 và được tuyên bố là trung tâm thánh mẫu quốc gia năm 1985. Tượng Đức Bà el Quinche bằng gỗ trắc bá cao 60 cm, do ông Don Diego de Robles thuộc trường phái Quito tạc năm 1586, theo lời xin của các thổ dân Lumbici. Vì các thổ dân không có tiền trả công, nên nhà điêu khắc nhường tượng lại cho các thổ dân Oyacachi muốn có bức tượng này vì giống hình Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với họ.

Sau khi dâng thánh lễ riêng lúc 7 giờ rưỡi và điểm tâm, ĐTC đã từ giã Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đi xe đến nhà dưỡng lão tại Tumbaco là một vùng phụ cận cách xa Quito 21 cây số.

Ngài đã được nữ tu bề trên và 10 nữ tu tiếp đón. ĐTC đã gặp các cụ già trong sân nhà dưỡng lão, bắt tay và hỏi chuyện từng người.

Sau khi từ biệt các cụ lúc 10 giờ ĐTC đi xe đến đền thánh Đức Bà El Quinche cách đó 27 cây số. Đã có hàng chục ngàn người quy tụ về đây để chào đón ngài. Khi xe vào thành phố tín hữu đứng hai bên đường đã tung hoa chào mừng ĐTC trong một bầu khí lễ hội tươi vui. Mui chiếc xe papamobil đầy cánh hoa hồng. ĐTC đã được linh mục quản đốc đền thánh tiếp đón tại thềm đền thờ và đưa vào trong để ĐTC dâng hoa kính Đức Mẹ. Ngài đã đứng cầu nguyện một lát trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Tiếp đến ĐTC đã vào nhà dòng và viết vào sổ lưu niệm lời cầu sau đây : « Lạy Me là Đức Trinh Nữ đền thánh  Quinche, xin chăm sóc nhân dân Ecuador. Họ là con cái Mẹ, Mẹ ơi » Ký tên Phanxicô Giáo Hoàng.

Tiếp đến ĐTC đã ra khán đài bên ngoài đền thánh để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh. Sau lời chào mừng của ĐC Celmo Lazzari, đặc trách những người sống đời thánh hiến của HĐGM Ecuador, đã có phần chứng từ của cha Silvino Mina, thuộc Toà Giám quản tông toà Esmeraldes và nữ tu Marisol Sandoval dòng Agostino.

ĐTC đã không đọc diễn văn dọn sẵn nhưng ứng khẩu. Ngài cám ơn các linh mục tu sĩ và chủng sinh đã quảng đại đáp lại lời kêu mời của Chúa dấn thân trong các hoạt động khác nhau lo cho dân Chúa. Ngài khích lệ mọi người sống thân tình với Chúa, biết săn sóc sức khoẻ thể lý, nhưng nhất là săn sóc sức khỏe tinh thần và đời sống thiêng liêng, không bị bệnh lão hóa tinh thần, luôn biết tin yêu phó thác, cậy dựa vào ơn thánh Chúa, ý thức mình là người phục vụ, và tận dụng các tài khéo Chúa ban cho công tác rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa lòng trần gian, tránh bệnh lão hóa tinh thần và khuynh hướng tìm chức tước. Vì không phải là người làm thuê ăn lương, nên công tác mục vụ phải nhưng không. Đừng để người ta trả tiền cho ơn thánh.

Trong diễn văn dọn sẵn ĐTC phó thác cho trái tim Mẹ Sầu Bi người già, người bệnh và mọi cuộc gặp gỡ trong chuyến công du của ngài. Ngài cũng để tất cả mọi thành phần dân Chúa trong con tim của những người sống đời thánh hiến. Dựa trên trình thuật Đức Mẹ dang mình vào đền thánh, ĐTC rút tỉa ra vài suy tư và áp dụng vào đời sống thánh hiến. Trước hết ơn gọi thánh hiến là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban. Ngài tuyển chọn và sai chúng ta đi. Sự kiện này giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm lấy mình làm điểm tham chiếu, vì chúng ta không thuộc về mình nữa, và ơn gọi xin chúng ta  từ bỏ mọi ích kỷ, tìm lợi lộc vật chất hay bù trừ tình cảm. Chúng ta là những người phục vụ, chứ không phải là lính đánh thuê, không phải đến để đuợc hầu hạ nhưng để phục vụ, hoàn toàn không dính bén, không gậy, không bị, không chạy theo vinh quang giả tạo và tinh thần thế tục, xa lánh các tham vọng, các lợi lộc thấp hèn ích kỷ, các chú ý tới mình một cách thái quá.

Cũng như quyền bính của các Tông Đồ các ơn chúng ta nhận được là để canh tân và xây dựng Giáo Hội. Không khước từ chia sẻ, cho đi và khép kín trong tiện nghi dễ dãi, biết là suối mát bổ dưỡng, đặc biệt cho những người bị tội lỗi, thất vọng và thù hận đè bẹp.

Điểm thứ hai là sự kiên trì. Cũng như Mẹ Maria đã không quay lại đàng sau, nhưng cương quyết tiến vào đền thánh, người sống đời thánh hiến cũng phải kiên trì trong sứ mệnh, không lang thang tìm nơi dễ dãi tiện nghi hơn, kiên trì cả khi có gặp đêm đen và lạc lối hay nguy hiểm, vì biết rằng dân thánh Chúa đồng hành với chúng ta, những người thân thương và Giáo Hội đồng hành và đỡ nâng chúng ta. Cần tiến buớc trong hiệp nhất, tương trợ lẫn nhau và sống tươi vui vì được sống trong nhà Chúa, tham dự cuộc sống thân tình với Chúa, dấn thân loan báo Tin Mừng và đem ơn cứu độ đến cho mọi ngưòi. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với các dân tộc Mỹ châu la tinh, vun trồng, linh họat và giáo dục lòng đạo đức bình dân, để tín hữu biết biểu lộ đức tin với ngôn ngữ và kiểu cách riêng của họ, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ để Giáo Hội là căn nhà chung cho mọi người, một Giáo Hội ra đi, một Giáo Hội tới gần và thích ứng để không xa cách con người, một Giáo Hội ra khỏi tiện nghi dễ dãi của mình và có can đảm tới với mọi vùng ngoại biên cần đến ánh sáng Tin Mừng.

ĐTC đã ban phép lành và từ giã mọi người để ra phi trường lấy máy bay sang thủ đô La Paz của Bolivia, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm ba nước Eucador, Bolivia và Paraguay.

Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra tại phi trường rất long trọng. Tổng thống và phu nhân đứng hai bên ĐTC trên bục trải thảm đỏ. Ban nhạc và ban vũ thiếu nhi đã cử hành quốc thiều Vaticang và quốc thiều Ecuador. ĐTC đã bắt tay từ biệt các Giám Mục và nhiều bộ trưởng chính phủ. Khi tiến tới chân máy bay ĐTC đã dừng lại bắt tay và ôm hôn các trẻ em cầm cờ toà thánh đứng hai bên. Các em ùa đến vây quanh ngài và vô cùng sung sướng. Trước khi lên máy bay ĐTC đã ôm hôn tổng thống và bắt tay phu nhân rồi cầm lấy chiếc cặp da của ngài. Ngài đã quay lại lần cuối chào từ biệt mọi người trước khi bước vào trong máy bay.

Chiếc boeing 737 của hãng hàng không Bolivia đã cất cánh lúc sau 12 giờ trưa và đến La Paz sau 3 giờ 15 phút bay. Chúng tôi sẽ tường thuật lễ nghi tiếp đón ĐTC tại La Paz và thánh lễ ĐTC chủ sự sáng thứ năm 9-7 để khai mạc Đại Hội Thánh Thể Bolivia tại quảng trường Chúa Kitô Cúu Thế tại Santa Cruz trong các buổi phát ngày mai.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hằng triệu người dự Lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Bolivia

Hằng triệu người dự Lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Bolivia

Hàng triệu người dự thánh lễ tại Bolivia

SANTA CRUZ. Hằng  triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ đầu tiên ĐTC Phanxicô cử hành tại thành phố Santa Cruz, thủ đô kinh tế của Bolivia, sáng ngày 9-7-2015.

ĐTC đã rời tòa nhà ĐHY Terrazas Sandoval, nguyên TGM Santa Cruz từ lúc quá 9 giờ sáng. Ngài đi xe díp mày trắng có mái kiếng che tiến qua các đại lộ rộng rãi dài 1 cây số dười dẫn đến quảng trường Chúa Kitô Cứu Thế để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tụ tập tại đây. Ngoài những người da trắng còn có đông đảo các tín hữu thuộc 36 bộ tộc thổ dân tại Bolivia, nhiều người mặc y phục truyền thống.

Nhiều màn hình khổng lồ đã được bố trí dọc theo đại lộ để những người ở xa lễ đài cũng có thể tham dự thánh lễ ĐTC cử hành bắt đầu lúc 10 giờ sáng.

Thánh lễ này cũng là lễ khai mạc Đại Hội Thánh Thể toàn quốc kỳ 5 của Bolivia và sẽ được tiếp nối tại thành phố Tarija. Ngoài tiếng Tây Ban Nha, còn có những phần của thánh lễ, kinh nguyện, bài đọc bằng các tiếng thổ dân như Guaranì, Quechua và Aimara.

Đồng tế với ĐTC có khoảng 50 GM Bolivia và các GM khách, và hàng trăm Linh Mục trong phẩm mục màu trắng. Phần thánh ca do một ca đoàn hùng hậu 500 ca viên đồng phục màu đen và vàng đảm trách.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đi từ sự kiện các môn đệ đứng trước tình trạng 4 ngàn người nghe Chúa Giêsu giảng và không có gì để ăn. Các môn đệ xin Chúa giải tán họ vì không thể kiếm đủ lương thực cho đám đông ấy. Từ đó ngài nêu bật trách nhiệm của mọi người góp phần làm việc để không ai bị loại trừ trong xã hội. ĐTC nói:

”Đứng trước bao nhiêu tình trạng đói khổ trên thế giới, có thể chúng ta nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta.

”Đường hướng người ta chủ trương áp đặt trong thế giới ngày nay thật dễ chiếm chỗ trong một con tim tuyệt vọng. Đường hướng đó tìm cách biến đổi mọi sự thành đối tượng trao đổi, tiêu thụ, tất cả đều có thể thương lượng được. Đường hướng ấy chủ trương chỉ dành chỗ cho một thiểu số, và gạt bỏ tất cả những người ”không sản xuất”, không được coi là thích hợp và xứng đáng, vì họ có vẻ là không có lợi gì. Một lần nữa Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: ”Không cần phải bảo họ ra đi, chính các con hãy cho họ ăn!”

” Đó là một lời mời gọi ngày nay vẫn còn vang vọng mạnh mẽ đối với chúng ta: ”Không cần một ai phải ra đi; hãy chấm dứt tình trạng bị gạt bỏ, chính các con hãy cho họ ăn”. Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta điều ấy tại quảng trường này. Đúng vậy! Hãy chấm dứt tình trạng gạt bỏ người, chính các con hãy cho họ ăn. Quan niệm của Chúa Giêsu không chấp nhận sự gạt bỏ những người yếu nhất, những người đang túng thiếu hơn cả. Khi chấp nhận sự thách đố ấy, thì chính Chúa nêu gương và chỉ đường cho chúng ta. Chỉ dẫn của Chúa được tóm gọm trong 3 câu: Ngài cầm lấy một chút bánh và vài con cá, chúc tụng, phân chia và giao cho các môn đệ phân phát cho người khác. Đó chính là con đường phép lạ. Chắc chắn đây không phải là ma thuật hay là tôn thờ thần tượng. Qua 3 hành động ấy, Chúa Giêsu biến đổi được chủ trương gạt bỏ thành một đường hướng hiệp thông, cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh vắt tắt 3 hành động ấy.

Người cầm lấy. Điểm khởi hành là: Chúa rất nghiêm túc coi trọng sinh mạng những người của Ngài. Ngài nhìn tận mắt và qua đó ngài hiểu cuộc sống, tâm tình của họ. Ngài thấy trong cái nhìn ấy điều đang đập và điều ngưng đập trong ký ức và con tim của dân Ngài. Ngài cứu xét và đề cao giá trị của điều ấy. Ngài đề cao giá trị của tất cả những gì tốt mà họ có thể cống hiến, tất cả những gì tốt đẹp trên đó có thể xây dựng được. Nhưng Chúa không nói về những đồ vật hoặc tài nguyên văn hóa hay ý tưởng, nhưng là những con người. Sự phong phú đích thực của một xã hội được đo lường trong cuộc sống của dân chúng, được đo lường nơi những người già có khả năng thông truyền sự khôn ngoan và ký ức của dân tộc cho những người bé nhỏ nhất. Chúa Giêsu không lơ là, không coi nhẹ phẩm giá của một ai, không viện cớ là họ không có gì để cho hoặc để chia sẻ.

– Hành động thứ hai là chúc tụng. Chúa cầm lấy và chúc tụng Cha ở trên trời. Ngài biết rằng những món quà đó là một hồng ân của Thiên Chúa, vì thế Ngài không đối xử với những vật ấy như bất kỳ vật nào, vì tất cả sự sống ấy là thành qủa của tình yêu thương xót. Chúa nhìn nhận điều ấy. Ngài đi xa hơn cái vẻ bề ngoài và trong cử chỉ chúc tụng, ngợi khen, Ngài xin Chúa Cha ban hồng ân Thánh Linh. Chúc phúc hay làm phép bao gồm 2 cái nhìn ấy, một đàng là cảm tạ và đàng khác là có thể biến đổi. Có nghĩa là nhìn nhận rằng sự sống luôn luôn là một hồng ân, một món quà khi đặt trong tay Chúa thì đạt được một sức mạnh tăng thêm nhiều. Chúa Cha của chúng ta không tước bỏ điều gì, Ngài làm tăng thêm nhiều.

– Sau cùng là trao ban. Trong Chúa Giêsu không có sự cầm lấy mà đồng thời không có một sự chúc lành, và không có một sự chúc lành mà không có trao ban. Chúc lành luôn luôn là một sứ mạng, có một mục tiêu, chia sẻ, cùng phân chia điều mình đã nhận lãnh, vì chỉ qua sự trao ban, chia sẻ, chúng ta mới tìm được nguồn mạch vui mừng, chúng ta mới cảm nghiệm được ơn cứu độ.

Từ những giải thích trên đây, ĐTC đề cập đến Đại hội Thánh Thể toàn quốc kỳ 5 của Giáo Hội tại Bolivia, được khai mạc hôm nay nhưng sẽ tiến hành tại Tarija. Ngài nói:

”Đó là Bí tích hiệp thông, làm cho chúng ta thoát khỏi cá nhân chủ nghĩa để cùng nhau sống ơn gọi theo Chúa, và làm cho chúng ta xác tín rằng điều chúng ta sở hữu và chính con người của chúng ta, nếu được đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, do quyền năng tình thương của Chúa, có thể trở thành bánh cho tha nhân.

Giáo hội là một cộng đoàn tưởng niệm. Vì thế, trung thành với mệnh lệnh của Chúa, được lập lại mỗi lần ”Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Giáo Hội hiện tại hóa từ đời nay sang đời kia, nơi mọi góc trên trái đất, mầu nhiệm Bánh Sự Sống. Giáo hội làm cho mầu nhiệm ấy hiện diện và trao tặng chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tham gia vào sự sống của Ngài và qua chúng ta, sự sống ấy hóa ra nhiều trong xã hội chúng ta. Chúng ta không phải là những người cô lập, phân cách, nhưng là một dân tộc có ký ức được hiện tại hóa và luôn được dâng hiến”.

Một cuộc sống tưởng niệm cần những người khác, cần những quan hệ, cần gặp gỡ, cần tình liên đới thực sự, có khả năng đi vào con đường đón nhận, chúc phúc và dâng hiến, theo đường hướng của tình yêu.

Cuối thánh lễ, sau lời cám ơn của Đức Cha Sergio Gualberti Calandrina, TGM sở tại, ĐTC đã trao Thánh Giá truyền giáo cho một số thừa sai.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngày thứ ba chuyến ĐTC viếng thăm mục vụ Ecuador

Ngày thứ ba chuyến ĐTC viếng thăm mục vụ Ecuador

ĐTC giảng trong thánh lễ tại Công viên 200 Năm trong thủ đô Quito của Ecuador

** Ngày thứ ba mùng 7 tháng 7 ĐTC đã có 5 sinh hoạt. Lúc 9 giờ sáng giờ địa phương ĐTC đã gặp Hội Đồng Giám Mục tại Công viên 200 năm trong thủ đô Quito. Tiếp đến ngài đã chủ sự thánh lễ đồng tế cho giáo dân với các Giám Mục và Linh Mục. Vào lúc 16 giờ rưỡi chiều ngài đã gặp gỡ thế giới học đường và đại học  và lúc 18 giờ ĐTC đã gặp gỡ thế giới dân sự, rồi viếng thăm nhà thờ dòng Tên. Sau đây là bài tường thuật hai sinh hoạt sáng thứ ba.

Lúc 8 giờ sáng ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để đến Công viên 200 năm cách đó 11 cây số trong thủ đô Quitô. Công viên này đã được khánh thành ngày 27 tháng 4 năm 2013, tại phi trường cũ của thủ đô. Công viên rộng 125 héc ta cây xanh, và đã được gọi là “lá phổi” của thủ đô Quito. Trong số các cơ cấu cũng có một trung tâm, nơi tổ chức các biến cố đặc biệt như các đại nhạc hội và các biến cố tranh tài thể thao ngoài trời.

Cuộc gặp gỡ của ĐTC với 40 Giám Mục đã diễn ra trong một phòng ở tầng trệt của trung tâm. Sau lời chào của ĐC Fausto Gabriel Trávez Trávez, TGM Quito, Chủ tịch HĐGM Ecuador, ĐTC đã nói chuyện với các Giám Mục một cách thân tình, không hình thức và cũng không có diễn văn.

Lúc 10 giờ ĐTC đã lên xe díp đi một vòng dài 4 cây số chào tín hữu. Khu vực phi trường cũ, nơi trực thăng của Thánh Gioan Phaolô II đã đáp hồi năm 1985, có thể chứa tới 1,5 triệu người. Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ 30 và có đề tài là “rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc.”

Khán đài có cây thánh giá cao 25 mét được trang hoàng với 100.000 bông hồng mầu trắng và mầu vàng, trong khi bàn thờ được trang hoàng với hai bức khảm gồm 85.000 hoa hồng nhiều mầu, do các nông dân trồng hoa toàn nước dâng tặng ĐTC. Đảm trách phần thánh ca có một ca đoàn tổng hợp gần 1000 ca viên.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:

** Lời Chúa mời gọi chúng ta sống sự hiệp nhất để thế gian tin. Tôi tưởng tượng ra tiếng nói thì thầm của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly như một tiếng kêu, trong Thánh Lễ mà chúng ta cử hành tại Quảng trường 200 Năm này. Hai trăm năm của tiếng kêu độc lập của Mỹ châu nói tiếng Tây Ban Nha. Đó đã là một tiếng kêu nảy sinh từ ý thức về sự thiếu tự do, bị vắt cạn và cướp bóc, bị thống trị bởi các thích hợp tình cờ của các kẻ mạnh thay phiên nhau cai trị (Niềm Vui Phúc Âm, 213).

Tôi muốn rằng ngày hôm nay hai tiếng kêu đó hoà hợp với nhau trong dấu chỉ của thách đố đẹp của việc loan báo Tin Mừng. Không phải với các lời nói vang cao, hay với các từ phức tạp, nhưng với một sự hoà hợp nảy sinh từ « niềm vui của Tin Mừng », «tràn đầy con tim và cuộc sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho Ngài cứu rỗi được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự buồn sầu, khỏi sự trống rỗng  nội tâm, khỏi sự cô lập » (ibid., 1), khỏi ý thức bị lẻ loi. Chúng ta tụ tập nhau nơi đây, tất cả chung quanh bàn tiệc với Chúa Giêsu, chúng ta trở thành một tiếng kêu, một lời cầu nguyện nảy sinh từ xác tín rằng sự hiện diện của Ngài  thúc đẩy chúng ta tới sự hiệp nhất và « đánh dấu một chân trời xinh đẹp, cống hiến một bữa tiệc đáng ao ước » (ibid., 14)

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói : « Lạy Cha, ước chi chúng nên một để thế gian tin » (Ga 17,21) : như thế, khi nhìn trời Chúa Giêsu biểu lộ ước muốn của Người. Trong tim của Chúa Giêsu dấy lên lời xin này trong một bối cảnh của việc sai đi : « Như Cha đã sai con vào trần gian, con cũng sai họ vào trần gian » (Ga 17,18). Trong lúc này Chúa sống kinh nghiệm trong chính thịt xác Ngài cái tồi tệ nhất của thế giới này, mà Ngài yêu thương đến điên dại : các âm mưu, sự mất tin tưởng, sư phản bội, nhưng Ngài không lẩn trốn, không than van. Cả chúng ta mỗi ngày cũng nhận thấy rằng mình sống trong một thế giới bị xâu xé bởi chiến tranh và bạo lực. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau :

Sẽ là hời hợt, khi cho rằng sự chia rẽ và thù ghét chỉ liên quan tới các căng thẳng giữa các nước hay các nhóm xã hội. Thật ra, chúng là các biểu lộ của « cá nhân chủ nghĩa phổ biến », chia cách chúng ta và đặt để chúng ta trong thế chống đối nhau (x. Niềm vui Tin Mừng, 99), hoa trái vết thương của tôi lỗi trong trái tim con người, mà các hậu quả cũng đổ ập trên xã hội và tất cả thụ tạo. Chúa Giêsu gửi chúng ta tới với chính thế giới này, đang thách đố chúng ta với các ích kỷ của nó, và lời đáp trả của chúng ta không phải là giả bộ như không có gì, hay cho rằng chúng ta không có các phương tiện, hoặc thực tại vượt qúa sức lực của chúng ta. Câu trả lời của chúng ta vang vọng tiếng kêu của Chúa Giêsu và nhận lấy ơn thánh và nhiệm vụ của sự hiệp nhất.

** Không thiếu xác tín, cũng không thiếu sức mạnh cho tiếng kêu của tự do ùa nhập vào hơn 200 năm qua, nhưng lịch sử nói với chúng ta rằng nó chỉ định đoạt, khi nó bỏ ra một bên các khuynh hướng cá nhân, các khát vọng một quyền bính duy nhất, thiếu cảm thông đối với các tiến trình giải thoát khác, với các đặc tính khác nhau, nhưng không vì thế mà kình chống nhau.

Và việc rao truyền Tin Mừng có thể là một phương tiện của sự hiệp nhất các khát vọng, sư nhậy cảm, các giấc mơ và cả vài không tưởng nữa. Chắc chắn nó là điều có thể, và chúng ta tin và kêu lên. Tôi đã nói rằng: « Trong khi trên thế giới, tại một vài nước tái xuất hiện các hình thức chiến tranh và xung đột khác nhau, chúng ta kitô hữu, chúng ta nhấn mạnh trên đề nghị hiểu biết tha nhân, chữa lành các vết thương, xây các cây cầu, thắt chặt các tương quan và trợ giúp nhau vác các gánh nặng của nhau » (ibid., 67). Ước mong hiệp nhất giả thiết niềm vui êm dịu và củng cố của việc rao truyền Tin Mừng, xác tín có một thiện ích mênh mông cần thông truyền, và khi thông truyền nó đâm rễ ; và bất cứ ai đã sống kinh nghiệm này cũng chiếm hữu được một sự nhậy cảm cao hơn đối với các nhu cầu của người khác (x, ibid., 9). Từ đó nảy sinh ra sự cần thiết chiến đấu cho việc quy nạp trên mọi bình diện, chiến đấu cho việc quy nạp trên mọi bình diện, bằng cách tránh các ích kỷ, bằng cách thăng tiến sự hiệp thông và đối thoại, bằng cách thúc đẩy sự cộng tác. « Cần tín thác con tim cho người bạn đồng hành, không nghi ngờ, không tin tưởng… Tin tưởng nơi tha nhân là một cái gì có tính cách thủ công, hòa bình là thủ công » (ibid., 244). Thật không thể nghĩ rằng sự hiệp nhất rạng ngời, nếu tinh thần thế tục khiến chúng ta giao chiến với nhau, tìm kiếm quyền bính khô cằn, tìm kiếm uy tín hay an ninh kinh tế. Và làm điều này trên vai của những người nghèo nhất, bị loại trừ nhất, không đuợc bệnh đỡ nhất, của những người không đánh mất đi phẩm giá của họ, không chú ý tới sự kiện nó bị tấn kích mỗi ngày.

ĐTC nói thêm trong bài giảng : Sự hiệp nhất này đã là một hoạt dộng truyền giáo « để thế gian tin ». Truyền giáo không hệ nơi việc chiêu dụ tín đồ – chiêu dụ tín đồ là chế nhạo truyền giáo – nhưng hệ nơi việc thu hút những người ở xa với chứng tá của chúng ta, trong việc tới gần những người cảm thấy xa Thiên Chúa và Giáo Hội, tới gần những người cảm thấy họ bị phán đoán và kết án một cách tiên thiên bởi những người cảm thấy họ toàn thiện và trong trắng. Đến gần những người sợ hãi hay những người thờ ơ để nói với họ rằng : « Chúa cũng kêu mời bạn là thành phần của dân Ngài, và Ngài làm điều đó với lòng tôn trọng lớn lao và tình yêu thương » (ibid., 113). Bởi vì Thiên Chúa của chúng ta tôn trọng chúng ta cả trong sự thấp hèn và tội lỗi của chúng ta. Lời mời gọi này của Chúa, văn bản sách Khải Huyền miêu tả với biết bao khiêm tốn và tôn trọng : « Con có thấy không ? Ta đứng  ngoài cửa và gọi ; nếu con muốn mở… ; Ngài không dùng sức mạnh, không bẻ khóa, mà chỉ bấm chuông, gõ cửa một cách nhẹ nhàng và chờ đợi. Đó là Thiên Chúa của chúng ta !.

** Sứ mệnh của Giáo Hội, như bí tích cứu độ, là trung thực với căn tính Dân đang bước đi, với ơn gọi sát nhập vào sự phát triển của mình tất cả mọi quốc gia trên trái đất.

Sự hiệp thông giữa chúng ta càng sâu đậm bao nhiêu, thì việc truyền giáo lại càng được thuận tiện bấy nhiêu (x. Gioan Phaolô II, Pastores gregis, 22). Đặt để Giáo Hội trong tình trạng truyền giáo đòi hỏi chúng ta tái tạo sự hiệp thông, như thế, đây không phải chỉ là một hành động hướng tới bên ngoài. Chúng ta cũng là các thừa sai hướng tới bên trong và hướng tới bên ngoài bằng cách biểu lộ mình như biểu lộ « một bà mẹ đi gặp gỡ, một mái nhà tiếp đón, một trường học thường xuyên của sự hiệp thông truyền giáo » (Tài liệu Aparecida, 370).

Giấc mơ đó của Chúa Giêsu có thể, bởi vì Ngài đã thánh hiến chúng ta : « vì họ con xin thánh hiến chính minh con, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật » (Ga 17,19). Cuộc sống tinh thần của người rao giảng Tin Mừng nảy sinh từ sự thật sâu xa ấy, mà không lẫn lộn với vài thời điểm tôn giáo cống hiến một vài nhẹ nhõm – một nền tu đức xem ra phổ biến –  Chúa Giêsu thánh hiến chúng ta để dấy lên một cuộc gặp gỡ với Ngài, giữa người với người, một cuộc gặp gỡ dưỡng nuôi cuộc gặp gỡ với các người khác, dấn thân trong thế giới, đam mê loan báo Tin Mừng (x. Niềm Vui Tin ừng, 78).

Sự thân tình của Thiên Chúa, không thể hiểu được đối với chúng ta, vén mở cho chúng ta thấy với các hình ảnh nói với chúng ta về sự hiệp nhất, hiệp thông, trao tặng, tình yêu. Vì thế sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu xin không phải là sự đồng nhất, mà là « sự hòa hợp da dạng lôi cuốn » (ibid., 117). ĐTC giải thích thêm điểm này như sau :

Cái phong phú mênh mông của sự khác biệt, cái đa dạng đạt sự hiệp nhất mỗi lần chúng ta tưởng niệm Ngày Thứ Năm Thánh, làm cho chúng ta xa rời các cám dỗ của các đề nghị duy toàn vẹn, giống các chế độ độc tài, các ý thức hệ hay các giáo phái. Đề nghị của Chúa Giêsu cụ thể, nó không phải là một ý tưởng,  nó cụ thể : « Hãy ra đi và cũng làm như thế » Ngài nói với người hỏi Ngài : « Ai là người thân cận của tôi ? », sau khi Ngài kể lại dụ ngôn người Samaritano nhân hậu : « Hãy ra đi và làm cùng điều đó ».

** Đề nghị của Chúa Giêsu cũng không phải là một sắp xếp vừa với tầm mức của chúng ta, trong đó chúng ta đặt ra các điều kiện, chúng ta lựa chọn các phe liên hệ, và loại trừ các người khác. Một thứ tôn giáo của những thành phần ưu tú… Chúa Giêsu cầu nguyện để chúng ta là thành phần của một gia đình, trong đó Thiên Chúa là Cha chúng ta và tất cả là anh em. Không có ai bị loại trừ, và điều này không tìm ra nền tảng trong việc có các khẩu vị giống nhau, có cùng các lo lắng, các tài khéo. Chúng ta là anh em với nhau, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta vì tình yêu, và đã định cho chúng ta là con cái Ngài, chỉ do sáng kiến của Ngài mà thôi (x. Ep 1,5). Chúng ta là anh em, bởi vì « Thiên  Chúa đã đổ vào lòng chúng ta Thần Khí của Con Ngài, kêu lên Abba, Cha ơi » (Gl 4.6). Chúng ta là anh em, bởi vì được máu Chúa Giêsu Kitô làm cho nên công chính (x. Rm 5,9), chúng ta đã từ cái chết bước vào sự sống bằng cách trở thành « những người đồng thừa tự » của lời hứa (x. Gl 3,26-29 ; Rm 8,17). Đó là ơn cứu độ mà Thiên Chúa thành toàn và Giáo Hội tươi vui loan báo : là thành phần của một « chúng ta » đưa lên cho tới « chúng ta » thiên linh.

Tiếng kêu của chúng ta, tại nơi này, nhắc lại tiếng kêu của sự tự do, thực hiện tiếng kêu của thánh Phaolô : « Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng » (1 Cr 9,16). Nó cấp bách và thôi thúc biết bao, như tiếng kêu tỏ lộ ước muốn độc lập. Nó có một sự hấp dẫn giống như thế, nó có cùng ngọn lửa lôi cuốn. Hỡi anh em, hãy có các tâm tình của Chúa Giêsu ! Hãy là một chứng tá của sự hiệp thông huynh đệ trở thành nền độc lập !

Và thật đẹp đẽ biết bao, nếu tất cả có thể khâm phục chúng ta vì biết lo lắng cho nhau chừng nào,  an ủi nhau và đồng hành với nhau chừng nào ! Việc trao ban chính mình đó là việc trao ban thiết lập tương quan liên bản vị. Nó không nảy sinh từ việc cho đi « các sự vật », nhưng cho đi chính mình. Trong bất cứ việc trao ban nào người ta cho đi chính mình. « Cho đi chính mình » có nghĩa là  để cho tất cả quyền năng tình yêu thương là Thần Khí của Thiên Chúa hành động trong chính mình và như thế rộng mở cho sức mạnh tạo dựng của Ngài. Và trao ban chính mình trong cả những lúc khó khăn nhất, như ngày Thứ Năm của Chúa Giêsu, trong đó Ngài đã biết các phản bội và các âm mưu được đan dệt thế nào, nhưng Ngài trao ban chính mình, trao ban chính mình cho chúng ta với dự án cứu độ của Ngài. Khi trao ban chính mình, con người lại găp gỡ mình với căn tính thực của mình là con của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa Cha và trong sự hiệp thông với Ngài, Đấng trao ban sự sống, là em của Chúa Giêsu, mà họ làm chứng tá. Đó là rao giảng Tin Mừng, đó là cuộc cách mạng của chúng ta, bởi vì đức tin của chúng ta luôn luôn cách mạng, đó là tiếng kêu sâu xa liên lỉ của chúng ta.

** Bài giảng của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay tán đồng của tín hữu.

Trước khi ĐTC ban phép lành cuối lễ ĐC Fausto Gabriel Trávez Trávez, TGM Quito, Giáo chủ Ecuador, kiêm Chủ tịch HĐGM Ecuador, đã nhiệt liệt cám ơn ĐTC. ĐC bầy tỏ lòng biết ơn và nói lên niềm vui lo lớn của mọi thành phần Giáo Hội và nhân dân nước này vì các lời khích lệ trao ban hy vọng của ĐTC. Nó thôi thúc mọi người dấn thân rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá cuộc sống mỗi ngày, và hiệp nhất với nhau trong nỗ lực thăng tiến xã hội và quê hương Ecuador. Mọi người sẽ nhớ mãi các giáo huấn của ĐTC cũng như đã nhớ mãi các lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

ĐTC đã ứng khẩu và nói : Anh chị em thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì buổi cử hành này, vì việc hiệp nhất chung quanh bàn thờ Chúa, là Đấng xin chúng ta là một, thật sự là anh em với nhau, xin Giáo Hội là một ngôi nhà huynh đệ. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Sau khi từ giã mọi người ĐTC đã đi xe về Tòa Sứ Thần Toà Thánh  để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trước khi gặp giới sinh viên học sinh và giới dân sự vào ban chiều. Chúng tôi sẽ tường thuật hai các sinh hoạt này trong buổi phát ngày mai.

Sáng thứ năm hôm nay ĐTC sẽ viếng thăm nhà dưỡng lão do các nữ tu thừa sai bác ái trong coi tại Tumbaco, ngoại ô thủ đô Quito. Sau đó ngài đến đền thánh Đức Bà Quinche để gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ và chủng sinh lúc 10 giờ 30, rồi ra phi trường lấy máy bay sang La Paz thủ đô Bolivia, chặng thứ hai chuyến công du mục vụ của ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hoạt động của Đức Thánh Cha chiều 6-7-2015 tại Quito

Hoạt động của Đức Thánh Cha chiều 6-7-2015 tại Quito

QUITO. Chiều ngày 6-7-2015, ĐTC đã từ Guayaquil bay về thủ đô Quito để tiếp tục chương trình viếng thăm.

Khác với Guayaquil ẩm thấp và nóng, Quito mưa lạnh và sương mù. Dầu vậy vẫn có hàng trăm ngàn người đứng dọc theo hai bên đường từ Phi trường về trung tâm thành phố để chào đón ĐTC. Thật là một biển người mênh mông.

Thăm Tổng thống

Ngài về trung tâm thủ đô để thăm xã giao Tổng thống Correa của Ecuador tại dinh Carondelet. Một ca đoàn hát mừng vị thượng khách, rồi ĐTC gặp riêng tổng thống với gia đình Ông, gồm phu nhân, bà mẹ, và các con của ông.

Trong dịp này ĐTC tặng tổng thống bức tranh khảm Đức Mẹ đang bồng Chúa Con, bản sao bức ảnh cổ kính được giữ tại Nhà Nguyện Mình Thánh Chúa ở Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma. Trước bức ảnh này, ngày 22-8 năm 1541, thánh Ignaxio cùng với các tu sĩ đầu tiên của dòng Tên đã khấn dòng. Ngài cũng tặng tổng thống hai văn kiện: trước tiên là Tông huấn 'Niềm vui Phúc Âm' và tiếp đến là Thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ môi trường. Tổng thống đã tặng ĐTC một bức tranh rất đẹp diễn tả mặt tiền Nhà thờ dòng Tên ở thủ đô Quito.

Trong khi ĐTC gặp tổng thống, thì ĐHY Quốc vụ khanh Parolin, Đức Sứ Thần và ĐHY Vela hội kiến với một số quan chức chính quyền Ecuador.

Chào thăm các tín hữu

Sau khi gặp gỡ Tổng thống, ĐTC đã tiến ra bao ơn dinh Carondelet để chào thăm hàng ngàn tín hữu tụ tập trước dinh này, rồi ngài đi bộ đến viếng nhà thờ chính tòa Quito chỉ cách đó 50 mét. Sau khi kính viếng Mình Thánh Chúa, ngài tiến ra quảng trường bên ngoài để chào thăm rất đông tín hữu tụ tập tại đây và chúc lành cho họ và nói rằng: ”Tôi chúc lành cho toàn thể nhân dân Ecuador, để họ không còn phân biệt nhau, để không còn ai bị loại trừ, để không ai bị gạt bỏ, để không ai phải ở ngoài lề đại quốc này”.

ĐTC ám chỉ đến tình trạng 2% dân Ecuador là giới đại điền chủ và chủ các xí nghiệp, và 20% dân chúng sống trong nghèo đói. Cách đây 5 năm, tỷ số người nghèo này là 40%. Ngài chúc lành cho những cải tổ xã hội tại nước này.

Trong lời chào đã dọn sẵn cho dịp này, ĐTC viết:

”Tôi đến Quito này như người lữ hành, để chia sẻ với anh chị em niềm vui loan báo Tin Mừng.

Tôi đã cầu nguyện với thánh Marianna Chúa Giêsu người Ecuador có tượng ở phía sau Đền thờ Thánh Phêrô và phó thác cho thánh nữ thành quả chuyến viếng thăm này, và xin cho tất cả chúng ta biết noi gương thánh nữ: sự hy sinh và nhân đức anh hùng của Thánh nữ được tượng trưng bằng một hoa huệ.

”Các thánh mời gọi chúng ta noi gương các vị, theo học tại trường các vị như thánh nữ Narcisa Chúa Giêsu và chân phước Mercedes di Gesù Molina noi gương thánh nữ Marianna. Với những người đang ở đây, chịu đau khổ hoặc đã chịu đau khổ như cô nhi, và những người tuy còn nhỏ, đã phải chăm sóc các em mình, những người dấn thân hằng ngày chăm sóc các bệnh nhân hoặc người già, tôi nói rằng thánh nữ Marianna cũng đã làm như vậy và thánh Narcisa cũng như chân phước Mercedes đã noi gương ấy. Không phải là khó khăn nếu Chúa ở cùng chúng ta. Các ngài không làm những điều ngoại thường, trước mặt thế gian. Các ngài đã yêu mến nhiều và chứng tỏ điều ấy trong cuộc sống hằng ngày đến độ động chạm đến thân mình đau khổ của Chúa Kitô trong dân (Ev. Gaudium 24).

ĐTC nhắc đến công trình xây cất nhà thờ Chính tòa này với bao nhiêu vất vả theo phương pháp và thói quen của các thổ dân: đó là một công việc của tất cả mọi người để giúp cộng đoàn, một công việc vô danh, không có bảng quảng cáo cũng chẳng có vỗ tay. ”Ước gì Chúa làm cho những viên đá của nhà thờ chính tòa này, chúng ta cũng đặt trên vai các nhu cầu của người khác, giúp kiến tạo hoặc tái thiết cuộc sống của bao nhiêu anh chị em không có sức lực để kiến tạo hoặc thấy sức lực bị hao mòn”.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 40 cây số về dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Chương trình hoạt động ngày 7-7-2015

Thứ ba 7-7, lúc 9 giờ sáng, ĐTC đến ”Công viên 200 năm”, rộng 125 hécta, ở thủ đô Quito, cách tòa Sứ Thần 11 cây số để gặp gỡ 40 GM thuộc HĐGM Ecuador, trước khi cử hành thánh lễ cho các tín hữu vào lúc 10 giờ rưỡi cũng tại Công viên này. Công viên này có thể chứa được 1 triệu 500 ngàn người. Thánh lễ có chủ đề là việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ngài đã gặp gỡ giới học đường và đại học tại Đại học Công Giáo Ecuador. Tiếp đến lúc 6 giờ, ĐTC gặp xã hội dân sự ở nhà thờ thánh Phanxicô là thánh đường cổ kính nhất của Mỹ châu la tinh, thuộc khu trung tâm lịch sử của thành Quito. Sau đó, ngài sẽ viếng thăm thánh đường của dòng Tên. Nhà thờ này được xây từ năm 1606 và có bức ảnh baroc nổi tiếng năm ngoái có 150 ngàn người đến viếng.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hơn 1 triệu người dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha tại Guayaquil

Hơn 1 triệu người dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha tại Guayaquil

GUAYAQUIL. Sáng ngày 6-7-2015, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Guyaquil, Ecuador, trước sự tham dự của hơn 1 triệu tín hữu.

Ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Nam Mỹ, ĐTC đã rời thủ đô Quito đáp máy bay từ cao độ 2850 mét xuống Guayaquil cách đó 265 cây số và chỉ cao hơn mặt biển 4 mét. Đây thành phố lớn nhất của Ecuador với hơn 3 triệu 600 ngàn dân cư. Đây cũng là trung tâm thương mại lớn nhất của nước này với hải cảng bên bờ Thái bình dương.

Đến nơi vào lúc gần 10 giờ sáng, ĐTC đi tới Đền thánh quốc gia kính Lòng Thương Xót Chúa, là nơi thờ phượng đứng thứ hai của tổng giáo Guayaquil mới hoàn thành cách đây 2 năm, với thánh đường cao 29 mét, chứa được 2.300 người.

Sau khi kính viếng Mình Thánh Chúa và ảnh Lòng Thương Xót Chúa, ĐTC đã cùng mọi người hiện diện đọc kinh Kính Mừng trước khi ban phép lành cho họ, rồi tới tới công viên Los Samanes rộng 379 hécta, cách đó 25 cây số để cử hành thánh lễ cho hơn một triệu tín hữu tụ tập tại đây, dù trời nóng nực.

Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình. Đồng tế với ĐTC có 40 GM Ecuador cùng với hàng chục GM khách và hàng trăm linh mục. Đặc biệt trong buổi lễ, ĐTC đã dùng chiếc gậy mục tử đơn sơ bằng gỗ Oliu do các tù nhân ở San Remo, bắc Italia, làm tặng cho ngài và ngài đã sử dụng trong lễ lá năm nay ở Roma. Đầu gậy có thánh giá và huy hiệu Giáo Hoàng của ngài.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại tiệc cưới Cana với sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong số các khách mời, và ngài rút ra những bài học từ thái độ của Mẹ Maria. Ngài nói:

”Tiệc cưới Cana được tái diễn trong mọi thế hệ, trong mỗi gia đình, trong mỗi người chúng ta và trong những cố gắng để tâm hồn chúng ta tìm được sự ổn định trong tình yêu lâu bền, phong phú và vui tươi. Chúng ta hãy dành chỗ cho Đức Maria, là Mẹ, như thánh sử Phúc Âm quả quyết. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy thực hiện hành trình Cana.

-- Trước tiên, Mẹ Maria quan tâm để ý: trong tiệc cưới đã bắt đầu, Mẹ chú ý tới những nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ không tự cô lập vào mình, không tập trung vào thế giới riêng, trái lại, tình thương làm cho Mẹ để ý tới người khác. Và vì thế Mẹ thấy họ thiếu rượu. Rượu là dấu chỉ vui mừng, yêu thương, dồi dào. Bao nhiêu thiếu niên và người trẻ nhận thấy rằng trong gia đình họ từ lâu không còn thứ rượu ấy nữa! Bao nhiêu phụ nữ lẻ loi và buồn sầu tự hỏi khi nào tình yêu đã vuột mất khỏi đời sống của họ! Bao nhiêu người già cảm thấy bị bỏ ra ngoài các buổi lễ trong gia đình họ, bỏ vào một xó và từ nay chẳng còn lương thực yêu thương hằng ngày nữa! Sự thiếu rượu cũng có thể là hậu quả của tình trạng thiếu công ăn việc làm, bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn mà các gia đình chúng ta đang trải qua. Mẹ Maria không phải là một bà mẹ ”yêu sách”, không phải là bà mẹ chồng canh chừng để thích thú vì những thiếu kinh nghiệm của chúng ta, những lầm lẫn hoặc vô ý. Mẹ Maria là mẹ! Mẹ hiện diện, quan tâm và ân cần.

-- Thứ hai: Mẹ Maria tín thác ngỏ lời với Chúa Giêsu, Mẹ cầu nguyện. Mẹ không đi gặp người chủ tiệc, nhưng trực tiếp trình bày khó khăn của đôi tân hôn với Con của Mẹ. Câu trả lời mà Mẹ nhận được có vẻ làm nản chí: “Thưa bà, có hệ gì đến con đâu? Giờ của con chưa tới” (v.). Nhưng trong khi đó Mẹ đã đặt vấn đề ở trong tay Chúa. Sự ân cần của Mẹ đối với những nhu cầu của người khác làm cho giờ của Chúa đến sớm hơn. Mẹ Maria là thành phần của giờ ấy, từ hang đá máng cỏ cho đến thập giá. Mẹ đã biết ”biến một hang bò lừa thành nhà của Chúa Giêsu, với một vài chiếc tã nghèo nàn, nhưng với một núi dịu dàng” (Tông Huấn Ev. gaudium, 286) và Mẹ đón nhận chúng ta như con cái khi một lưỡi gươm đâm thâu qua tim Mẹ, Mẹ dạy chúng ta đặt gia đình ở trong thay Thiên Chúa; cầu nguyện, nuôi dưỡng niềm hy vọng chỉ cho chúng ta thấy rằng những lo âu của chúng ta cũng là những lo âu của Thiên Chúa”.

Cầu nguyện luôn làm cho chúng ta ra khỏi vòng đai những lo âu của chúng ta, làm cho chúng ta đi xa hơn những gì làm cho chúng ta đau khổ, giao động hoặc thiếu thốn, và đặt chúng ta ở trong hoàn cảnh của người khác. Gia đình là trường học trong đó cầu nguyện cũng nhắc nhở chúng ta rằng có ”chúng ta”, có một tha nhân ở gần chúng ta: họ đang sống dưới cùng một mái nha, chia sẻ cuộc sống với chúng ta và có những điều cần thiết.

-- Mẹ Maria hành động. Câu nói của Mẹ: ”Các ông hãy làm điều mà Người bảo” (v.5), được gởi tới những người giúp việc, và cũng là một lời mời gọi được gửi đến chúng ta, hãy đặt mình để tùy Chúa Giêsu sử dụng, Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là tiêu chuẩn tình thương chân thực. Và điều này được đặc biệt học ở trong gia đình, nơi chúng ta trở nên người phục vụ vì yêu thương nhau.

ĐTC nói: ”Giữa lòng gia đình, không ai bị loại trừ; tại đó ”ta học cách khiêm tốn xin phép, nói cám ơn như biểu lộ sự quí chuộng vì những gì chúng ta nhận lãnh, làm chủ tính hung hăng hoặc ham hố của mình, và xin lỗi khi chúng ta làm điều gì sai trái. Những cử chỉ lịch sự chân thành bé nhỏ ấy giúp xây dựng một nền văn hóa đời sống chia sẻ và tôn trọng những gì chung quanh chúng ta” (Laudato sì, 213). Gia đình là nhà thương gần nhất, là trường học đầu tiên của các trẻ em, là điểm tham chiếu không thể thiếu được đối với người trẻ, là nhà dưỡng lão tốt nhất cho người già. Gia đình là một sự phong phú lớn cho xã hội mà các tổ chức khác không thể thay thế được, và phải được trợ giúp và tăng cường, để không bao giờ bị mất ý nghĩa đích thực của các dịch vụ mà xã hội cống hiến cho các công dân. Thực vậy, các dịch vụ ấy không phải là một hình thức bố thí, nhưng là một món nợ xã hội thực sự đối với định chế gia đình giúp ích rất nhiều cho công ích.

ĐTC quả quyết rằng:

“Gia đình cũng họp thành một Giáo Hội nhỏ, một Giáo Hội tại gia, ngoài sự sống, gia đình cũng thông truyền sự dịu hiền và lòng thương xót của Chúa. Trong gia đình đức tin được trộn lẫn với sữa me: khi cảm nghiệm tình thương của cha mẹ, người ta cảm thấy gần gũi tìnhthương của Thiên Chúa.

 ”Trong gia đình, các phép lạ được thực hiện với điều có được, với những gì chúng ta có, nhiều khi không phải là lý tưởng, không phải là điều chúng ta mơ ước và cũng chẳng phải là điều lẽ ra phải như vậy. Rượu mới của các tiệc cưới Cana nảy sinh từ vò thanh tẩy, có nghĩa là từ nơi mà tất cả đã từ bỏ tội lỗi của họ: ”Nơi nào nhiều tội thì ơn thánh càng dồi dào hơn” (Rm a5,20). Trong mỗi gia đình chúng ta và trong đình chung mà tất cả chúng ta họp thành, không có gì bị gạt bỏ, không gì là vô ích. Ít lâu trước khi bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, Giáo Hội sẽ cử hành Thượng HĐGM khóa thường lệ về gia đình, để chín mùi phân định đích thực tinh thần và tìm ra những giải pháp cụ thể cho nhiều khó khăn và nhữgn thách đố quan trọng mà gia đình phải đương đầu ngày nay. Tôi mời gọi anh chị em gia tăng cầu nguyện cho ý hướng đó để thậm chí cả những gì chúng ta thấy có vẻ là không tinh tuyền, làm cho chúng ta thấy là gương mù hoặc khiến cho chúng ta kinh hãi, Thiên Chúa, có thể biến nó thành phép lạ, khi đưa nó đi qua giờ của Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tất cả bắt đầu vì họ không còn rượu nữa, và tất cả đã có thể được thực hiện vì một phụ nữ -- là Đức Trinh Nữ -- quan tâm ân cần, biết đặt trong bàn tay Chúa những lo lắng của Mẹ, và đã hành động khôn ngoan và can đảm. Nhưng một điều không kém phần đáng để ý đó là sự kiện chung kết: họ đã nếm rượu ngon hơn. Đó là Tin Vui: rượu ngon là điều sắp được uống, thực tại đáng yêu mến hơn, sâu xa hơn và đẹp hơn cho gia đình phải tới nữa. Sẽ đến thời chúng ta nếm hưởng tình yêu hằng ngày, trong đó con cái chúng ta tái khám phá không gian mà chúng ta chia sẻ và những người già hiện diện trong niềm vui hằng ngày. Rượu ngon sắp đến cho mỗi người có can đảm yêu thương.

Sau thánh lễ ĐTC đã dùng bữa trưa với cộng đoàn dòng Tên gồm 20 linh mục và đoàn tùy tùng. Ngài có liên hệ đặc biệt với 1 LM trong cộng đoàn này là cha Paquito Cortés 91 tuổi và khi còn làm Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina, ngài thường gửi một số tu sĩ trẻ đến học kinh nghiệm tại Học viện Javier của dòng Tên tại Guyaquil này.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ĐTC đã lưu lại cộng đoàn dòng Tên này 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Cuộc gặp gỡ rất vui vẻ và thoải mái. Rồi ĐTC ra phi trường đáp máy bay trở về thủ đô Quito khoảng 6 giờ.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha gặp 30 ngàn thành viên Canh tân Thánh Linh

Đức Thánh Cha gặp 30 ngàn thành viên Canh tân Thánh Linh

ĐTC gặp gở 30 ngàn thành viên canh tân

VATICAN. Chiều thứ sáu 3-7-2015, ĐTC đã gặp gỡ 30 ngàn thành viên Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, nhân dịp khai mạc Đại hội lần thứ 38 của Phong trào này.

Chủ đề cuộc gặp gỡ và đại hội là ”Những con đường hiệp nhất và hòa bình. Những tiếng nói trong kinh nguyện cho những người tử đạo ngày nay, và cho Phong trào đại kết tinh thần”.

Hiện diện tại cuộc gặp gỡ còn có hơn 10 GM và chức sắc và tín hữu Kitô thuộc các hệ phái Kitô khác, như Đức TGM Policarpo Eugenio Aydin, Đại diện Đức Thượng phụ Chính Thống Siriac ở Hòa Lan, Đức TGM David Moxon, Đại diện Đức TGM Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo cạnh Tòa Thánh, và một Mục sư thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther Thụy Điển.

Trong khi chờ đợi ĐTC đến Quảng trường thánh Phêrô, các tham dự viên đã hát thánh ca, cầu nguyện, nghe trình bày chứng từ, xoay quanh chủ đề ”đại kết bằng máu”, tức là các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, đã chịu chết vì niềm tin nơi Chúa Kitô.

Khi ĐTC đến quảng trường, có 2 chứng từ đã được trình bày với ĐTC: trước tiên của Ông Vittorio Aliquò, người thành Palermo trên đảo Sicilia, đã làm Ủy viên công tố trong 48 năm trời và đã điều tra về những hoạt động của các tổ chức bất lương mafia: trong 20 năm trời ông luôn phải sống trong sự hộ tống, kể cả khi đi nghỉ hè, và đi lễ chúa nhật thì luôn phải thay đổi nhà thờ, và ông lấy làm tiếc vì không thể tham dự các buổi cầu nguyện Thánh Linh. Ông đã thấy bao nhiêu đồng nghiệp, nhân viên công lực, chủ xí nghiệp và cả LM chân phước Pino Puglisi bị mafia giết chết. Ông Aliquò nói:

”Con đã thấy bao nhiêu máu vô tội đổ ra trước mắt con. Khi nhìn các vị tử đạo ngày nay và trước đây, và nghĩ đến các thế hệ trẻ, con muốn nói rằng việc nhớ đến máu đổ ra như thế trên các đường phố của chúng ta không thể bị xóa bỏ”.

Chứng từ thứ hai của anh Ugo Esposto, 17 tuổi, sau một thời niên thiếu với bao nhiêu xáo trộn, bị gia đình bỏ rơi khiến anh ta không còn tin tưởng và sống trong cô đơn, sau cùng Ugo đã tìm lại niềm tín thác nhờ được biết đại gia đình Canh tân trong Thánh Linh. Anh nói: ”Với lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh đổ ơn thiêng xuống, cuộc sống của con đã được hoàn toàn biến đổi. Bây giờ con cũng như điều để nói và để đóng góp với thế giới. Lời Chúa đã đốt lên một ngọn lửa mà con không thể cầm giữ. Lời Chúa đã tỏ cho con thấy con được yêu mến và không bị bỏ rơi, con quí giá, và cuộc sống của con có ý nghĩa và có một mục đích. Nếu Chúa Giêsu có thể tái ban hy vọng này cho cuộc sống của con, Ngài cũng có thể ban cho mọi thiếu niên như con”.

 Huấn từ

Trong bài huấn từ, ĐTC Phanxicô đề cao phong trào đại kết bằng máu và ngài khích lệ các thành viên Phong trào canh tân trong Thánh Linh nỗ lực cầu nguyện và hoạt động cho sự hiệp nhất. Ngài ứng khẩu nói:

”Hoạt động cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện với nhau. Hiệp nhất vì máu các vị tử đạo ngày nay làm cho chúng ta hiệp nhất. Có một phong trào đại kết bằng máu. Chúng ta biết rằng khi những người oán ghét Chúa Kitô giết hại một Kitô hữu, trước khi giết họ không hỏi tín hữu: ”Ngươi là tin lành Luther, là tín hữu Chính Thống hay tin Lành, Baptist hay Methodist?” Ngươi là Kitô hữu, và họ chém đầu người ấy.”

ĐTC cũng nhắc đến các vị tử đạo ở Uganda được phong thánh cách đây 50 năm, các vị ấy là tín hữu Công Giáo và Anh giáo.

Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong Thánh Linh, tức là hiệp nhất trong sự khác biệt, chứ không phải sự đồng nhất. Sự hiệp nhất ấy là công trình của Chúa Thánh Linh chứ không phải của chúng ta.

ĐTC nói đến việc phục vụ quan trọng của các vị lãnh đạo, các thủ lãnh giáo dân, là làm tăng trưởng về tinh thần và mục vụ những người sẽ thay thế khi họ mãn nhiệm. Và ngài nói: ”Điều thích hợp là mọi việc phục vụ trong Giáo Hội có một thời hạn, đừng có những thủ lãnh trọn đời trong Giáo Hội. Điều này xảy ra tại vài nước có chế độ độc tài… Người duy nhất không thể thay thế được trong Giáo Hội là Chúa Thánh Linh và Chúa duy nhất chính là Đức Giêsu Kitô”.

Trước khi ban phép lành kết thúc, ĐTC đã ủy thác cho các thành viên Phong trào Thánh Linh sứ vụ: ”Với Kinh Thánh, với Lời Chúa, anh chị hay ra đi, rao giảng sự mới mẻ mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Hãy rao giảng cho người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề, người mù, các bệnh nhân, tù nhân và mọi người nam nữ. Nơi mỗi người có tinh thần bên trong muốn được giúp đỡ để mở toang cánh cửa để làm cho họ được sống”.

Sau cuộc gặp gỡ với ĐTC, Đại hội của Phong trào Canh tân trong Thánh Linh đã tiếp tục vào thứ bẩy 4-7-2015, tại Sân vận động Olimpic ở Roma. (SD 4-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hai văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16

Hai văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16

Nguyên Giáo Hoàng Benedict 16

CASTEL GANDOLFO. Sáng 4-7-2015, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã được trao tặng 2 văn bằng tiến sĩ danh dự từ Ba Lan.

Bằng thứ I của Học Viện thánh nhạc và bằng thứ II của Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, cả hai đều ở thành phố Cracovia bên Ba Lan.

Từ lâu Đức Biển Đức 16 cho biết ngài không nhận các văn bằng danh dự do các đại học trao tặng, nhưng ngài chấp nhận thi hành luật trừ trong trường hợp này vì mối liên hệ đặc biệt với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Hiện diện tại buổi trao tặng văn bằng tại dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo có các chức sắc và giáo sư của Học viện và Đại học liên hệ.

 ĐHY Stanislaw Dziwisz TGM Cracovia, trong tư cách là Đại chưởng ấn của hai cơ sở giáo dục Công Giáo nói trên, đã trao hai Văn bằng tiến sĩ danh dự và nói đề lòng gắn bó đặc biệt của Đức nguyên Giáo Hoàng với Cracovia. ĐHY nói: ”Chúng con không quên những lời ngài đã nói ngày 28-5-2006 khi viếng Cracovia: ”Cracovia của Đức Karol Wojtila và Cracovia của Đức Gioan Phaolô 2, cũng là Cracovia của tôi”.

Trong diễn từ tại buổi nhận Văn bằng, Đức Biển Đức 16 cho biết qua cử chỉ này, liên hệ của ngài với Ba Lan, với Cracovia càng sâu đậm hơn, liên hệ với quê hương của vị đại thánh của chúng ta Gioan Phaolô 2. Vì không có người, thì hành trình linh đạo và thần học của tôi cũng không thể tưởng tượng được. Qua tấm gương sinh động, Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy làm sao có thể đi song song giữa niềm vui của thánh nhạc và nghĩa vụ chung phải tham gia phụng vụ thánh, niềm vui long trọng và sự đơn sơ của sự cử hành đức tin”.

Đức nguyên Giáo Hoàng cũng nói đến sự kiện do sự hiểu sai Công đồng chung Vatican 2, nhiều người đã làm mất kho tàng thánh nhạc long trọng trong phụng vụ. Trong Hiến chế về phụng vụ, đoạn số 114, Công đồng dạy rằng ”cần hết sức bảo tồn và tăng cường gia sản thánh nhạc”. Phong trào phụng vụ sau đó cho rằng các tác phẩm lớn về thánh nhạc chỉ nên dành cho các phòng hòa nhạc chứ không nên dùng trong phụng vụ. Trong phụng vụ chỉ nên có những thánh ca và kinh nguyện thường của giáo dân. Từ đó người ta nhận thấy có sự nghèo nàn văn hóa trong Giáo Hội. (SD 4-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đừng để lỡ cơ hội gặp Chúa

Đừng để lỡ cơ hội gặp Chúa

Đức Giêsu trở về thăm quê nhà. Ngày Sabat, ngày lễ nghỉ hàng tuần, dân làng đến hội đường nghe đọc sách thánh và hát thánh ca từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.

Đức Giêsu và các môn đệ cùng tiến vào hội đường cầu nguyện. Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Đức Giêsu đăng đàn giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức tư tế. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy ? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”.

Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu? Họ tìm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông nói năng, làm được gì hay lạ đâu ? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế ! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Còn Đức Giêsu, ai đã huấn luyện Ngài? Ai đã ban quyền phép làm những việc kỳ diệu như thế ? Thân nhân bảo Ngài “mất trí”. Kinh sư chụp mũ Ngài “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”. Dân chúng chỉ biết ngạc nhiên: chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy. Môn đệ đi theo sát Ngài cũng chỉ biết hỏi: “Ngài là ai mà bão biển phải tuân lệnh”. Chẳng thấy ai huấn luyện Ngài, chẳng thấy Ngài học tập kinh sư nào. Chỉ thấy Ngài vào nơi thanh vắng, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Trong âm thầm Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời. Đó chính là bí quyết làm cho Ngài khôn ngoan và đầy quyền phép để trừ hàng ngàn quỷ dữ, chữa hàng trăm bệnh nhân mà loài người phải bó tay, cho kẻ chết sống lại, bắt cuồng phong lặng yên…

Dân làng biết Ngài khôn ngoan. Kinh sư thấy Ngài trừ quỷ. Môn đệ được Ngài cứu khỏi chết giữa biển cuồng phong. Nhưng họ chẳng biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, chẳng biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa; vì thương yêu loài người, đã xuống thế làm người sống với họ như anh em, như bạn bè, để cứu họ khỏi chết đời đời.

Dân làng Nazarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Mc. Kenzie nói : Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi”.

Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình”. Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận”. Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.

Chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích rất lớn cho con người. Chính những chất màu mỡ nằm ẩn trong đất mới làm cho cây trái, hoa mầu trổ sinh tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, nuôi sống muôn người, muôn vật. Chính những kho tàng nằm sâu trong lòng đất, như mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, đồng, sắt, kim cương, đá quý mới là nguồn tài nguyên phong phú giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng, thiêng liêng trong con người như: tinh thần tự do, trí khôn sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, tình cảm nhân từ mới có sức thăng tiến con người hơn chân tay, mắt mũi. Thế nhưng loài người vẫn thích thờ bò vàng óng ánh hơn thờ Thiên Chúa siêu việt.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì chúng ta tiên thiên cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta tiên thiên cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Đức Giêsu buồn nhưng không cay cú, không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác.Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở con mắt đức tin cho mọi người được thấy những sự khôn ngoan, quyền phép lạ lùng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới và cả trong vũ trụ, mà con mắt phàm trần không thể thấy được, để họ biết ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Sứ điệp Tòa Thánh nhân Ngày Thế giới về du lịch

Sứ điệp Tòa Thánh nhân Ngày Thế giới về du lịch

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động kêu gọi tận dụng rất nhiều cơ hội do ngành du lịch mang lại để thăng tiến cuộc sống con người.

Trên đây là nội dung sứ điệp do Hội đồng công bố ngày 2-7-2015, nhân Ngày Thế giới về du lịch sẽ được cử hành vào ngày 27-9 tới đây với chủ đề ”Một tỷ du khách, một tỷ cơ hội”.

Trong sứ điệp, ĐHY Chủ tịch Antonio Maria Vegliò, và vị Tổng thư ký là Đức Cha Joseph Kalathiparampil người Ấn độ, liệt kê bao nhiêu cơ hội mà ngành du lịch mang lại cho cuộc sống con người và nhận xét rằng: hồi năm 2012, đã có một tỷ du khách quốc tế và con số này tiếp tục gia tăng, dự kiến vào năm 2030 tới đây, sẽ lên tới 2 tỷ người, đó là không kể số du khách trong ngành du lịch ở địa phương.

Ngày thế giới về du lịch là dịp để chúng ta quan tâm đến những cơ hội và thách đố do các con số thống kê ấy gợi lên. Những thách đố ấy có liên hệ đến các du khích, các xí nghiệp, chính quyền, các cộng đồng địa phương và cả Giáo Hội nữa.

Trong số những cơ may mà sự gia tăng ngành du lịch mang lại, Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh nói đến cơ may cho sự tiến bộ, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Gia tăng du lích, đặc biệt là với những hình thức trách nhiệm nhất, sẽ giúp tiến về tương lai, vững mạnh về đặc tích, lịch sử và văn hóa của mình. Sự gia tăng lợi tức và thang tiến gia sản đặc thù giúp thức tỉnh niềm hãnh diện và tự tín củng cố phẩm giá của cộng đoàn tiếp đón..

Đối với Giáo Hội, ngành du lịch gia tăng cũng có nghĩa là gia tăng những cơ hội cho sứ mạng truyền giảng Tin Mừng, và là dịp để giáo dục các tín hữu về cách sống thời gian rảnh rỗi.

Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội và các tổ chức phải luôn cảnh giác để tránh cho một tỷ cơ hội trở thành một tỷ những rủi ro nguy hiểm, bằng cách cộng tác trong việc bảo tồn phẩm giá con người, các quyền của người lao động, căn tính văn hóa, tôn trọng môi trường.. Giữa ngành du lịch và môi trường có một sự lệ thuộc sâu xa với nhau. Lãnh vực du lịch tận dụng những phong phú thiên nhiên và văn hóa, có thể tăng tiến sự bảo trì, hoặc trái lại có thể gây ra sự phá hủy. Trong tương quan ấy, Thông điệp Laudato sì của ĐTC Phanxicô là một người đồng hành tốt” (SD 2-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp

Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp

VATICAN. Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp và ĐTC bày tỏ sự gần gũi với nhân dân nước này.

Hôm 1-7-2015, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Lombardi, ra thông cáo nói rằng: ”Những tin tức đến từ Hy Lạp gây lo âu về tình trạng kinh tế và xã hội của nước này. ĐTC muốn bày tỏ sự gần gũi của ngài với toàn dân Hy Lạp, ngài đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu gia đình bị thử thách nặng về vì cuộc khủng hoảng về nhân sự và xã hội, rất phức tạp và khó khăn.”

“Phẩm giá con người phải được đặt ở vị trí trung tâm của mọi cuộc thảo luận về chính trị và kỹ thuật chuyên môn, cũng như trong việc quyết định những chọn lựa trách nhiệm.”

”ĐTC Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu hiệp với ngài cầu nguyện cho thiện ích của nhân dân Hy Lạp quí mến”.

 Hy Lạp đang ở bên bờ vực thẳm vì phá sản, không còn khả năng trả các món nợ 1 tỷ 500 triệu Euro đã vay mượn của quốc tế và 12 giờ đêm ngày 1-7 là hạn chót phải trả cho Quỹ tiền tệ quốc tế. Sự trợ giúp của Liên hiệp Âu châu dành cho Hy lạp cũng kết thúc, khiến cho nước này không còn được 16 tỷ Euro viện trợ.

Chính phủ Hy Lạp tuyên bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào chúa nhật 5-7 tới đây về việc có chấp nhận kế hoạch do các chủ nợ đề nghị hay không. (SD 1-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiễn Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đi hè

Đức Thánh Cha tiễn Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đi hè

ĐTC Phanxicô tiễn Nguyên Giáo Hoàng Benedict 16 đi nghỉ hè

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng 30-6-2015, ĐTC Phanxicô đã đến cựu Đan viện Mẹ Giáo Hội, nay là nhà của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 ở Nội thành Vatican để chào thăm và cầu chúc Người đi nghỉ hè tốt đẹp tại Castel Gandolfo.

 Hai vị đã nói chuyện với nhau khoảng nửa tiếng đồng hồ và sau đó, Đức Biển Đức 16 đã lên đường đi dinh thự mùa hè ở Castel Gandolfo cách Roma 30 cây số và sẽ lưu lại đây khoảng 2 tuần lễ, cho đến ngày 14-7.

 Thứ bẩy 4-7 tới đây, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 sẽ được trao tặng 2 văn bằng tiến sĩ danh dự từ Ba Lan.

 Bằng thứ I của Học Viện thánh nhạc và bằng thứ II của Đại học Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ở thành phố Cracovia bên Ba Lan. ĐHY Stanislaw Dziwisz TGM Cracovia, trong tư cách là Đại chưởng ấn của hai cơ sở giáo dục Công Giáo nói trên, sẽ trao hai Văn bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Biển Đức 16 trong buổi lễ tại Castel Gandolfo.

 Từ lâu Đức Biển Đức 16 cho biết ngài không nhận các văn bằng danh dự do các đại học trao tặng, nhưng ngài chấp nhận thi hành luật trừ trong trường hợp này vì mối liên hệ đặc biệt với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

 Thông cáo về tiếp kiến của ĐTC

 Mặt khác, Phủ Giáo Hoàng thông báo: các buổi tiếp kiến chung hằng tuần vào ngày thứ 4 của ĐTC bị ngưng lại trong trọn tháng 7 và sẽ được mở lại vào tháng 8 tới đây tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican.

 Ngoài ra, ngoại trừ buổi tiếp kiến chiều ngày 3-7-2015 tới dây tại Quảng trường Thánh Phêrô, dành cho Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, tất cả các buổi tiếp kiến khác của ĐTC đều bị tạm ngưng trong tháng 7. ĐTC vẫn duy trì buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa ngày chúa nhật.

 Thánh lễ riêng ban sáng của ĐTC dành cho các nhóm tín hữu tại nguyện đường Nhà trọ thánh Marta cũng bị ngưng trong tháng 7 và tháng 8. Thánh lễ này chỉ được mở lại vào tháng 9 (SD 30-6-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha làm phép Pallium cho 46 Tổng Giám Mục chính tòa

Đức Thánh Cha làm phép Pallium cho 46 Tổng Giám Mục chính tòa

ĐTC trong buổi lễ phát dây Pallium cho 46 giám mục chính tòa

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2015, lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để làm phép dây Pallium cho 46 vị TGM chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Giây Pallium màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, vị TGM đứng đầu giáo tỉnh đeo ở cổ khi hành lễ, biểu hiệu tình hiệp thông với ĐTC, và phẩm giá của vị TGM chính tòa. Dây làm bằng lông chiên tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai.

Như thông báo ngày 12-1 năm 2015 của Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC, từ nay ngài không choàng dây này cho vị TGM trong thánh lễ, nhưng lễ trao giây Pallium sẽ được cử hành tại giáo phận địa phương do vị đại diện Tòa Thánh chủ sự, và với sự tham dự của các GM trong giáo tỉnh và các tín hữu.

Trong số 46 vị TGM chính tòa thuộc 34 quốc gia nhận dây Pallium có 6 vị từ Á châu, trong số này có 2 vị người Ấn độ, và 4 vị còn lại đến từ Nhật bản, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ Hoa Kỳ có hai vị TGM giáo phận Chicago và Sante Fe bang New Mexico.

 Đầu thánh lễ, 4 thầy Phó tế mang các dây Pallium từ mộ thánh Phêrô lên bàn thờ, rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế Renato Martino xướng danh 46 vị TGM chính tòa, trước khi các vị cùng tuyên xưng đức tin. Rồi ĐTC đọc lời nguyện làm phép các dây Pallium.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong thánh lễ sáng 29-6-2015, đặc biệt có phái đoàn 3 vị thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở vị trí danh dự trước bàn thờ chính do Đức TGM Ioannis Zizioulas Adamakis làm trưởng đoàn.

Đồng tế với ĐTC, ngoài 46 vị TGM Chính tòa, còn có 40 HY, 50 GM và 400 Linh mục. Phần thánh ca, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và Ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” còn có ca đoàn Tân Đại Học Oxford của Anh giáo gồm 30 ca viên đảm trách.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi diễn giải các bài đọc của ngày lễ và rút ra những bài học về lòng can đảm của các Tông đồ và cộng đồng Kitô tiên khởi đương đầu với những bách hại, sự chuyên chăm cầu nguyện, xác tín về sự gần gũi và nâng đỡ của Chúa trước những nghịch cảnh khó khăn, dấn thân làm chứng tá cho đến độ sẵn sàng đổ máu, ĐTC nhắc nhở các vị TGM chính tòa về ý nghĩa dây Pallium mà các vị lãnh nhận: đó là hình ảnh con chiên mà vị mục tử vác trên vai như Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành đã làm, đó là biểu hiệu sự hiệp thông giữa Tòa Thánh Phêrô, và người Kế Nhiệm với các vị TGM chính tòa, và qua các vị với các GM khác trên thế giới. Và ĐTC nói rằng:

”Ngày hôm nay, với dây Pallium, tôi muốn ủy thác cho anh em lời kêu gọi cầu nguyện, tin tưởng và làm chứng tá”:

– ”Giáo Hội muốn anh em là những người cầu nguyện, thầy dậy về sự cầu nguyện; dạy cho dân được Chúa ủy thác cho anh em rằng sự giải thoát khỏi mọi tù ngục chỉ là công trình của Thiên Chúa và là kết quả của việc cầu nguyện, Thiên Chúa trong lúc thuận tiện gửi sứ thần của Ngài đến cứu chúng ta khỏi bao nhiêu sự nô lệ và vô số những xiềng xích trần tục. Cả anh em cũng hãy trở thành những thiên thần và sứ giả bác ái đối với những người túng quẫn nhất”.

– Giáo Hội muốn anh em là những con người của đức tin, thầy dậy đức tin: dạy cho các tín hữu đừng sợ bao thiêu thứ Hêrôđê đang bách hại, với những thập giá đủ loại. Không Hêrôđê nào có thể dập tắt ánh sáng hy vọng, tin yêu của người tin nơi Chúa Kitô”.

– Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các vị TGM chính tòa hãy trở thành những người làm chứng tá. ”Thánh Phanxicô đã nói với các tu sĩ của mình: Hãy luôn giảng Tin Mừng, và nếu cần anh em cũng hãy giảng bằng lời nói nữa! (Xc Fonti Francescane, 43). Không có chứng tá nếu không có cuộc sống hợp với niềm tin và lời dạy! Ngày nay không cần các thầy dạy cho bằng cần những chứng nhân can đảm, xác tín và sống thực điều mình tin và dạy; cần những chứng nhân không hổ thẹn vì danh Chúa Kitô và thập giá của Chúa, hoặc đứng trước những sư tử gầm vang, hay trước những quyền lực của trần thế này”..

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em hãy dạy cầu nguyện bằng cách cầu nguyện; hãy loan báo niềm tin bằng cách tin tưởng; hãy làm chứng tá bằng cách sống thực!”

Sau thánh lễ, ĐTC đã trao các dây Pallium cho các vị TGM chính tòa.

Đến 12 giờ trưa, ngài đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài gợi lại ý nghĩa của ngày lễ và mời gọi các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho thành Roma nhân lễ bổn mạng, để dân thành này được an sinh tinh thần và vật chất, xin ơn thánh Chúa nâng đỡ toàn dân Roma để họ sống trọn vẹn đức tin Kitô, can đảm làm chứng tá với lòng nhiệt thành kiên cường của thánh Phêrô và Phaolô” (SD 29-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Ecuador, Bolivia và Paraguay

Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Ecuador, Bolivia và Paraguay

VATICAN. ĐTC muốn đến giữa nhân dân 3 nước Ecuador, Bolivia và Paraguay, chia sẻ lo âu, biểu lộ lòng quí mến và gần gũi với họ.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video đã được gửi đến nhân dân 3 nước ngài sắp viếng thăm từ ngày 6 đến 12-7 tới đây và được Phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến hôm 27-6-2015 tại Vatican. ĐTC cũng nói rằng:

”Tôi muốn là chứng nhân về niềm vui Phúc Âm và mang sự dịu hiền, tình thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta, nhất là cho các con cái túng thiếu nhất của Chúa, cho những người già, bệnh nhân, tù nhân, người nghèo, và những người là nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ. Tình yêu của Chúa Cha rất từ bi giúp chúng ta khám phá vô biên khuôn mặt của Con Chúa là Đức Giêsu nơi mỗi người anh chị em, nơi tha nhân. Chỉ cần đến gần và trở nên người thân cận của họ, như Chúa Giêsu đã nói với nhà luật sĩ trẻ hỏi Người: ”Ai là người thân cận của tôi? Hãy làm điều mà người Samaritano nhân lành đã làm, hãy đi và làm như thế, hãy tiến lại gần, và đừng đi sang bên kia đường”.

Trong Sứ điệp, ĐTC cũng cầu xin Chúa cho các tín hữu Ecuador, Bolivia và Paraguay được kiên trì trong đức tin, được ngọn lửa tình yêu, lòng bác ái, và kiên vững trong niềm hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng. Và ngài kết luận rằng:

”Tôi xin anh chị em hiệp nguyện với tôi để việc loan báo Tin Mừng đi tới những miền ngoại biên xa xăm nhất và tiếp tục làm cho những giá trị của Nước Thiên Chúa trở thành men của trái đất cả trong những ngày của chúng ta” (SD 27-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Ký kết Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Palestine

Buổi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine

VATICAN. Hiệp định toàn bộ giữa Tòa Thánh và Quốc gia Palestine đã được ký kết hôm 26-6 vừa qua tại Vatican.

Hai vị ngoại trưởng, Đức TGM Paul Richard Gallagher của Tòa Thánh và Ông Riad Al-Malki của Palestine, đã ký kết Hiệp định gồm 1 lời tựa, và 32 điều khoản chia làm 8 chương, liên quan đến những khía cạnh thiết yếu trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Quốc gia Palestine, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ một giải pháp thương thuyết và ôn hòa cho tình trạng trong vùng.

Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực sau khi hai bên thông báo cho nhau trên giấy tờ sự phê chuẩn văn kiện này, đáp ứng những đòi hỏi hiến định hoặc nội bộ của mỗi bên.

Hiệp định Tổng quát này là kết quả các cuộc thương thuyết từ nhiều năm nay qua trung gian Ủy ban song phương, tiếp theo Hiệp định cơ bản được kết giữa Tòa Thánh và tổ chức giải phóng Palestine OLP ngày 15-2 năm 2000.

Trong lời chào mừng tại buổi ký hiệp định, Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher nhắc đến hành trình mà chính quyền Palestine đã trải qua, với cao điểm là Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 29-11 năm 2012 nhìn nhận Palestine là một Quốc gia Quan sát viên không phải là thành viên của LHQ.

Đức TGM cầu mong rằng Hiệp định này có thể là một khích lệ để chấm dứt chung kết cuộc xung đột cam go giữa Israel và Palestine, đang tiếp tục gây ra đau thương cho cả hai bên. Ngài cầu mong giải pháp 2 quốc gia sớm trở thành sự thực.

Như người ta có thể dự đoán, việc ký kết hiệp định giữa Tòa Thánh và Palestine không làm cho Israel hài lòng vì qua hiệp định này Tòa Thánh chính thức nhìn nhận chính quyền Israel như một ”Quốc gia”. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Israel nói rằng ”sự nhìn nhận vội vã này gây hại cho viễn tượng đẩy mạnh một hiệp định hòa bình và làm thương tổn nỗ lực của quốc tế thuyết phục chính quyền Palestine trở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp với Israel”.

Tòa Thánh và Israel đã ký hiệp định cơ bản với nhau hồi năm 1993 và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng cho đến nay 22 năm đã trôi qua, với bao nhiêu đợt thương thuyết, nhưng Israel vẫn chưa chấp nhận ký hiệp định với Tòa Thánh về qui chế pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Israel, chủ quyền trên các nơi thánh, vấn đề thuế khóa, tài chánh, v.v. (SD 26-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng quốc tế nữ hướng đạo Công Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng quốc tế nữ hướng đạo Công Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng quốc tế nữ hướng đạo Công Giáo

VATICAN. ĐTC kêu gọi các nữ hướng đạo Công Giáo góp phần giáo dục các thiếu nữ về môi sinh, giúp cải tiến não trạng và tập quán.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26-6-2015, dành cho hơn 260 nữ hướng đạo tham dự Hội đồng thế giới các nữ hướng đạo Công Giáo, một ngành của hướng đạo sinh, đang tham dự cuộc gặp gỡ về đề tài ”Sống niềm vui Phúc Âm như hướng đạo”.

ĐTC đề cao vai trò của các nữ hướng đạo Công Giáo trong việc giáo dục các thiếu nữ và nhắc đến thông điệp mới công bố Laudato Sì về việc bảo vệ môi trường. Ngài nói: ”Trong thông điệp tôi đã viết rằng việc giáo dục về môi sinh học là điều thiết yếu để biến đổi các não trạng và tập quán, với mục đích vượt thắng những thách đố gây lo âu đang đề ra cho nhân loại về môi trường… Tôi cầu mong các nữ hướng đạo tiếp tục sẵn sàng đón nhận sự hiện diện và lòng từ nhân của Đấng Tạo Hóa trong vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Thái độ chiêm niệm này sẽ giúp họ sống hòa hợp với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Đó là một lối sống mới, phù hợp hơn với Phúc Âm, mà họ có thể thông truyền cho các môi trường họ sống”.

ĐTC cũng khuyến khích các nữ hướng đạo Công Giáo góp phần giáo dục các thiếu nữ trong một xã hội người ta phổ biến những ý thức hệ trái ngược với bản chất và kế hoạch của Thiên Chúa về gia đình và hôn nhân. Vấn đề ở đây là giáo dục các thiếu nữ không những về vẻ đẹp và ơn gọi cao cả của họ như phụ nữ, trong tương quan đúng đắn và khác biệt với người nam, nhưng còn đảm nhận những trách nhiệm quan trọng trong Giáo hội và xã hội nữa” (SD 26-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA

CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA

Hai người hưởng phép lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.

Người đàn bà bị bệnh băng huyết lén lút sờ vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.

Em bé không đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.

Nhưng những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu gọi người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn ràng hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa tâm hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép lạ, chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ quên được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ ấy đã đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở lại sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em cảm nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của Người cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha hiền. Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan tâm ân cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người. Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.

Người phụ nữ và em bé đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng quí.

Phẩm chất thứ nhất mà họ có, đó là đức tin mạnh mẽ. Ông trưởng hội đường tin tưởng mãnh liệt nên đã đến tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội đường này vẫn đến cầu cứu Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Đức Giêsu đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”. Đức tin mãnh liệt như thế đã xứng đáng được Chúa thưởng công.

Phẩm chất thứ hai mà họ có, đó là đức khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm nhường ấy đã được Chúa thương.

Hằng ngày có nhiều lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi. Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong ta. Điển hình là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa. Thế nhưng vì ta đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi. Hôm nay, ta hãy noi gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm nhường, ta sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Có khi nào bạn được đánh động bởi một câu Lời Chúa không? Có câu nào đã gây nên một âm vang lâu dài trong đời bạn?

2) Việc rước lễ có giúp bạn sống vui tươi và can đảm không? Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng vào bạn và bạn đụng vào Chúa?

3) Có lần nào bạn đã cảm nghiệm được Chúa đụng chạm vào bạn chưa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục 14

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục 14

VATICAN. Sáng ngày 23-6-2015, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình đã được công bố.

Thượng HĐGM sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25-10 năm nay với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Chủ tọa cuộc họp báo là ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cùng với ĐHY Peter Erdoe, TGM Erztergom-Budapest, Hungari, Tổng tường trình viên, và Đức Cha Bruno Forte, Tổng thư ký đặc biệt và cũng là TGM giáo phận Chieti Vasto, Italia.

ĐHY Baldisseri đã gợi lại tiến trình soạn thảo tài liệu làm việc, sẽ được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận trong công nghị GM thế giới về gia đình. Tài liệu được soạn dựa trên các bản trả lời 46 câu hỏi gợi ý do Văn phòng gửi đến các nơi liên hệ trên thế giới. Tổng cộng Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đã nhận được 99 bản trả lời của các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và Liên hiệp các Bề trên tổng quyền dòng nam.

Ngoài ra có 359 nhận xét khác do các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội và các tín hữu từ các nơi gửi về. Dựa vào các ý kiến đó, tài liệu làm việc đã được soạn thảo. Và trong phiên họp ngày 25 và 26-5 vừa qua, dưới quyền chủ tọa của ĐTC, dự thảo tài liệu làm việc đã được thông qua.

Văn kiện này gồm phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần: trước tiên là lắng nghe những thách đố về gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay, tiếp đến, phần 2 trình bày sự phân định về ơn gọi của gia đình, sau cùng phần thứ 3 nói về sứ mạng của gia đình ngày nay. Tổng cộng có 147 đoạn.

Tài liệu này không đi từ số không, nhưng lấy lại trọn bộ tài liệu chung kết của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt hồi tháng 10 năm ngoái, và khai triển, bổ túc bằng những góp ý của các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và nhiều thành phần khác trong cộng đồng dân Chúa.

Tài liệu làm việc này bao gồm tất cả các đoạn của bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM năm ngoái, kể cả các đoạn số 52, 53 và 55 gây tranh luận nhiều nhất liên quan đến việc chấp nhận cho các cặp ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, đề nghị cho những cặp đồng tính luyến ái được rước lễ thiêng liêng. Bản tường trình đó tái khẳng định tầm quan trọng của gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, nêu bật những khía cạnh tích cực, nhưng cũng nói đến sự cần thiết phải có thái độ kiên nhẫn và tế nhị đối với những gia đình bị thương tổn. Bản văn cũng nhấn mạnh rằng những cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này. Những điểm kế tiếp nói về mong ước các vụ án xin xác nhận hôn nhân vô hiệu được tiến hành miễn phí, vấn đề nhận con nuôi, lời báo động về nạn dâm ô, sự sử dụng sai trái các mạng internet, sau cùng là quan tâm đến phụ nữ và trẻ em nạn nhân bị khai thác tình dục.

Một số đề nghị trong Tài Liệu làm việc  

Tuy văn kiện này không có giá trị quyết định và chỉ là tài liệu để thảo luận, nhưng người ta cũng thấy được hướng đi được các HĐGM thế giới đề nghị:

– Các cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này.

Tài liệu đưa ra những nhận xét về phẩm giá người già và người tàn tật, đồng thời nói đến nền mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di dân.

Văn kiện nêu bật tầm quan trọng của gia đình như một dụng cụ giúp con người hội nhập vào xã hội, nhất là những thành phần yếu thế như những người góa, người già, người khuyết tật. Họ cần được nâng đỡ chống lại những hình thức coi rẻ, lên án hoặc những thành kiến.

– Tài liệu làm việc đề cập đến vai trò của phụ nữ và đề cao vai trò của họ trong Giáo Hội. Văn kiện nhắc đến những tình cảnh đau thương: phụ nữ bị bóc lột, hãm hiếp, bạo hành, phải phá thai hoặc bị cưỡng bách tuyệt sản, nạn mang thai mướn, thị trường buôn bán trứng và tinh, ước muốn có con với bất kỳ giá nào. Tài liệu làm việc cầu mong vai trò của phụ nữ được Giáo Hội đánh giá cao hơn, để phụ nữ cũng được tham gia vào các tiến trình quyết định trong Giáo Hội, tham gia vào việc cai quản một số tổ chức.

– Tài liệu nhấn mạnh: bí tích hôn phối là bất khả phân ly. Đặc tính này chính là một hồng ân chứ không phải là cái ách áp đặt trên con người.

Văn kiện nhấn mạnh một sự cấp thiết cơ bản là thăng tiến gia đình như một chủ thể loan báo Tin Mừng, để gia đình làm chứng về Tin Mừng.. Từ đó, Văn kiện kêu gọi canh tân chương trình giáo lý về gia đình, để cộng đoàn Kitô không phải là là một cơ quan cung cấp dịch vụ, nhưng là một nơi tăng trưởng trong hành trình đức tin.

–  Giáo Hội phải tháp tùng những giai đoạn khó khăn đau khổ của các đôi vợ chồng, giúp tránh những đối nghịch tai hại, đổ vỡ giữa hai bên, với những hậu quả gây ra cho con cái.

– Đứng trước sự áp đặt những kiểu mẫu trái ngược với lập trường Kitô giáo về gia đình, như đang xảy ra trong lãnh vực tính dục, cần cống hiến những chương trình huấn luyện thích hợp, quyết liệt bênh vực quyền của các nhà giáo dục được phản kháng lương tâm, không bị bó buộc phải dạy những điều trái lương tâm của họ.

– Tài liệu làm việc kêu gọi các tín hữu Kitô dấn thân trong chính trị và xã hội hãy bảo vệ gia đình. Các tín hữu Kitô phải dấn thân trực tiếp trong bối cảnh xã hội chính trị. Cần canh tân việc mục vụ gia đình, kiến tạo một sự hợp lực tốt đẹp hơn với các lãnh vực mục vụ khác như giới trẻ, huấn giáo, các hội đoàn, để chương trình mục vụ bao gồm tất cả các giai đoạn của cuộc sống.

– Về những cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn, Tài liệu làm việc cổ võ sự tháp tùng các cặp ấy để họ tiến đến sự sung mãn về bí tích.

– Tài liệu làm việc nhấn mạnh đến sự tha thứ là kinh nghiệm cơ bản trong gia đình, và nhắc nhớ rằng trong trường hợp có sự phản bội trong hôn nhân, thì cần có một sự sửa chữa, để hôn ước đã bị vi phạm có thể được tái lập.

Về sự thất bại của hôn nhân, Tài liệu làm việc khẳng định rằng cần có sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Có hai thái độ khác nhau: một là khuyến khích những ngừơi sống trong tình trạng không phải là hôn nhân hãy đi theo con đường trở về; hoặc là mời gọi những người ấy hãy nhìn về đằng trước và tái lên đường. Dầu sao sự tháp tùng như thế cần được thực hiện với sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Một số người cũng yêu cầu Giáo Hội tỏ ra có thái độ tương tự đối với những người đã vi phạm giao ước hôn nhân”. Trong viễn tượng này, người ta nhấn mạnh đến sự cần thiết phải huấn luyện các LM thi hành sứ vụ an ủi và săn sóc các gia đình bị thương. Đồng thời Giáo Hội phải quí chuộng và nâng đỡ những người không tái hôn khi bị ly dị, và tiếp tục trung thành với giây hôn phối.

– Liên quan đến các vụ án giải hôn phối: thủ tục miễn phí và bỏ qua qui luật phải có hai án lệnh đồng nhất thì mới được tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tài liệu làm việc ghi nhận có sự đồng ý của nhiều ngừơi về vấn đề này. Không cần phải có 2 án lệnh do hai cấp tòa án tuyên bố, nhưng vị bảo hệ hoặc một trong hai bên liên hệ vẫn có thể kháng án.

 

Có sự đồng ý rộng rãi về việc có thể tiến hành một vụ án hôn phối đơn sơ, trong trừơng hợp thấy có sự vô hiệu tỏ tường. Ngoài ra cần gia tăng và tản các tòa án hôn phối có nhiều nhân sự có khả năng.

– Về những người li dị tái hôn, văn kiện nhấn mạnh rằng cần phải xét lại những hình thức loại trừ hiện nay đối với họ trong lãnh vực phụng vụ và mục vụ, giáo dục và từ thiện, để những tín hữu ấy không ở ngoài Giáo Hội: cần suy nghĩ về việc loại bỏ những sự loại trừ ấy. Nhưng những con đường hội nhập mục vụ phải có sự phân định thích hơp đi trước và được thực hiện theo luật tiệm tiến, tôn trọng sự trưởng thành của lương tâm.

Về việc cho những ngừơi ly dị tái hôn được rước lễ, người ta đồng ý vế giả thuyết thực hiện một con đường thống hối, dưới quyền một GM, dự trên sự thống hối, kiểm điểm xem hôn phối có thành sự hay không, và sự quyết định sống tiết dục. Một số người khác nói đến một tiến trình minh định và định hướng mới, trong đó đương sự được một linh mục tháp tùng.

– Sau cùng, tuy Giáo Hội tiếp tục mạnh mẽ chống lại hôn phối đồng phái, Tài liệu làm việc khẳng định rằng ”mỗi người, bất luận họ có xu hướng tính dục thế nào, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá và được đón nhận, với sự nhạy cảm và tế nhị, trong Giáo Hội và xã hội. Tài liệu cầu mong có những dự án mục vụ đặc biệt cho những người đồng tính luyến ái và gia đình họ”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kết thúc viếng thăm Tổng giáo phận Torino

Đức Thánh Cha kết thúc viếng thăm Tổng giáo phận Torino

Pope finished pilgrim at Turin

ROMA. Chiều ngày 22-6-2015, ĐTC đã về đến Roma bằng an kết thúc 2 ngày viếng thăm tại tổng giáo phận Torino, cách Roma khoảng 600 cây số về hướng tây bắc.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC rất hài lòng về sự đón tiếp nồng nhiệt ngài nhận được tại Torino, sự đón tiếp vượt quá sự mong đợi của ngài.

Viếng thăm Đền thờ Tin Lành Valdese

Sau một ngày chúa nhật với những hoạt động khẩn trương, sáng thứ hai 22-6-2015, ĐTC chỉ có một sinh hoạt công cộng: ngài từ tòa TGM Torino đến viếng thăm Đền thờ của Giáo Hội Tin Lành Valdese cũng tại thành phố này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng đến thăm và gặp gỡ cộng đoàn Tin Lành bé nhỏ này.

 Cộng đoàn Tin Lành Valdese do một thương gia ở thành Lyon bên Pháp, ông Pierre Valdes, sáng lập. Trong thời trung cổ, những tín đồ Valdese bị Công Giáo coi là những kẻ rối đạo và bách hại. Hiện nay tại Italia chỉ có khoảng 30 ngàn tín hữu Tin Lành Valdese, hợp chung với Giáo Hội Tin Lành Methodist. Đền thờ lớn nhất của Cộng đoàn này là ở thành Torino, vì tại đây có đông đảo tín hữu nhất.

Đến nơi vào lúc gần 9 giờ, ĐTC đã được Mục Sư Eugenio Bernardini, Thủ lãnh Hội đồng lãnh đạo của Giáo Hội, cùng với Chủ tịch Hội đồng công tọa và Mục Sư quản đốc đền thờ, nữ phó tế Alessandra Trotta, đại diện cộng đoàn Tin Lành Mathodist tiếp đón, và hướng dẫn vào Đền thờ. Thánh đường đông chật với khoảng 1 ngàn tín hữu, trong đó cũng có nhiều đại diện của các Giáo Hội Tin Lành khác như Luther, Baptist, Cơ đốc Phục Lâm, và Đạo binh cứu độ.

Thánh đường không có bàn thờ, chỉ có bục giảng. ĐTC và các vị Mục Sư ngồi ở gian cung thánh. Trong lời chào mừng ngài, Mục Sư Bernardini đã gọi ĐTC là người anh trong Chúa Kitô và khẳng định rằng ”Khi bước vào Đền thờ thành, Ngài đã bước qua một ngưỡng cửa lịch sử, ngưỡng cửa của một bức tường được dựng lên cách đây hơn 8 thế kỹ khi phong trào Valdese bị cáo là rối đạo và bị tuyệt thông với Giáo Hội Roma. Đâu là tội của người Valdese? Tội của họ là một phong trào loan báo Tin Mừng bình dân, do giáo dân thực hiện, qua việc rao giảng lưu động rút từ Kinh Thánh, được đọc và giải thích trong ngôn ngữ của dân chúng.

Mục sư Bernardini cũng nói đến sự cộng tác giữa Liên hiệp Tin Lành Valdese và Methodist với Giáo Hội Roma đồng thời liệt kê một số vấn đề có thể thực hiện chung hoặc giải quyết. Mục sư cho rằng cần phải vượt qua giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2 phân biệt các ”Giáo Hội” và các Cộng đoàn Giáo Hội. Theo giáo huấn của Công đồng các Giáo hội Tin Lành không phải là Giáo Hội đúng nghĩa vì không có ”tông truyền”, sự kế truyền của các tông đồ, vì thế đó là là các ”Cộng đồng Giáo Hội” (Comunità ecclesiali). Mục sư nói: ”Chúng tôi biết những lý do thúc đẩy Công đồng chấp nhận thành ngữ ấy, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể và phải được vượt thắng. Thật là đẹp nếu điều này xảy ra vào năm 2017 hoặc trước đó, khi chúng tôi kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách Tin Lành.”

Đức Thánh Cha xin lỗi

Về phần ĐTC, ngài nhân danh Giáo Hội Công Giáo xin lỗi vì những thái độ và lối cư xử không đúng tinh thần Kitô, và thậm chí không xứng với con người trong lich sử, đã gây ra cho anh chị em Valdese. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin hãy tha thứ cho chúng tôi!”

 ĐTC cũng nói rằng:

”Vì thế, chúng tôi cũng biết ơn sâu xa đối với Chúa khi nhận thấy rằng quan hệ giữa các tín hữu Công Giáo và Valdese ngày nay ngày càng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và trên tình bác ái huynh đệ. Không thiếu những dịp đã góp phần làm cho những quan hệ ấy thêm vững chắc. Tôi chỉ nêu vài ví dụ như sự cộng tác để ấn hành bản dịch Kinh thánh đại kết, những thỏa thuận mục vụ về việc cử hành hôn phối, và gần đây là lời kêu gọi chung chống nạn bạo hành phụ nữ…

”Được khích lệ vì những bước tiến đó, chúng ta được kêu gọi cùng nhau tiến bước. Một lãnh vực đang được mở ra trong đó có nhiều cơ hội cộng tác giữa người Valdese và Công Giáo, đó là việc loan báo Tin Mừng. Với ý thức rằng Chúa đã và luôn đi trước chúng ta trong tình yêu thương (Xc 1 Ga 4,10), chúng ta hãy cùng nhau đi gặp những người nam nữ ngày nay, nhiều khi rất đãng trí và dửng dưng, để thông truyền cho họ con tim của Phúc Âm, nghĩa là ”vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại” (Ev. g. 36).

Sau diễn văn của ĐTC, Mục sư trưởng của Tin Lành Valdese đã tặng ngài bản sao cuốn Kinh Thánh có từ thế kỷ 16 do Phong trào Tin Lành cải cách ấn hành ở Genève. Còn ngài thì tặng các vị lãnh đạo mề đay Giáo Hoàng của ngài.

Cuộc gặp gỡ kết thúc với Kinh Lạy Cha theo bản dịch đại kết và thánh ca. Sau đó, ĐTC còn gặp gỡ phái đoàn đại diện các Giáo Hội Tin Lành trước khi về Tòa TGM Torino.

Tại đây ngài đã cử hành thánh lễ cho 30 thân nhân họ hàng, tổng cộng là 30 người tại nhà nguyện tòa TGM và dùng bữa trưa với họ.

Chúa nhật 21-6 vừa qua, ĐTC cũng đã đến viếng nhà thờ Thánh Nữ Têrêsa ở Torino, nơi mà vào năm 1907 ông nội của ngài là Giovanni Bergolio thành hôn với bà nội là Rosa Vassallo, cũng tại đây, năm sau đó, thân phụ của ngài là Mario chịu phép rửa tội. Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng, qua cử chỉ này, ĐTC muốn tái khẳng định giá trị của gia đình. Và tại thánh đường đó ngài đặc biệt cầu nguyện cho Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10 năm nay về gia đình.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều, trước khi rời tòa TGM, ĐTC còn gặp gỡ và cám ơn ban tổ chức cuộc trưng bày Khăm Liệm Thánh và cuộc viếng thăm của ngài tại Torino, rồi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio