Đền thờ và quảng trường thánh Phêrô

Đền thờ và quảng trường thánh Phêrô

St Peter's Square

Đền Thờ và quảng trường Thánh Phêrô

Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong mục Sinh Hoạt hôm nay và các lần tới chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị các vương cung thánh đường lớn tại Roma, bắt đầu là Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đền thờ Thánh Phêrô được xây trên mộ của thánh nhân, tử đạo dưới thời hoàng đế Neron năm 64. Chương 12 sách Công Vụ kể rằng sau khi ra lệnh chém đầu Giacôbê là anh của Gioan, vua Hêrôđê thấy việc này làm vừa lòng người Do thái nên ra lệnh bắt cả Tông đồ Phêrô là Thủ lãnh Giáo Hội. Nhưng đêm trước ngày bị đem ra xử, thiên thần Chúa đã giải thoát Phêrô. Ông đến nhà bà Maria, mẹ của Marcô, kể lại việc Chúa đã đưa ông ra khỏi tù như thế nào. Thánh nhân xin họ báo tin cho Giacôbê và các Tông Đồ khác biết, rồi đi đến một nơi khác. Rời bỏ đất Palestina thánh Phêrô sang tới Roma rao giảng Tin Mừng cho dân chúng tại đây. Cộng đoàn Kitô Roma đã không do các Tông Đồ thành lập, nhưng chắc chắn do các lính Roma, trong đó có quan bách quản Cornelio, ông Longino là người lính đã cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu,  và những người Roma đã tin theo Chúa Giêsu, cũng như các thương gia hay các nô lệ biết Chúa tin Chúa nên truyền bá Tin Mừng cho những người khác, và hình thành ra cộng đoàn kitô Roma, bao gồm nhiều nô lệ.  Vào thế kỷ thứ Nhất tại Roma có tới 1 triệu nô lệ thuộc đủ mọi quốc tịch và giai tầng xã hội, kể cả người trí thức. Đa số các đền đài thành quách của đế quốc được xây dựng với xương máu của các nô lệ.

Vào năm 64 hoàng đế Nêron muốn xây một thành Roma mới nên ra lệnh cho lính đốt các khu xóm ổ chuột. Vụ hoả hoạn cố ý này đã khiến cho dân chúng Roma nổi loạn. Hoàng đế liền vu khống cho các kitô hữu và bắt đầu bách hại họ. Nhớ lời Chúa Giêsu dặn: khi họ bắt bớ các con ở thành này, hãy trốn qua thành khác, thánh Phêrô bỏ Roma đi ra ngoài thành theo đường Appia Antica, là con lộ nối liền trung tâm đế quốc Roma với các vùng khác: lên phía bắc dọc ven biển qua Tiểu Á và xuống phía nam qua tới Phi châu. Nhưng khi vừa ra khỏi thành khoảng 500 mét, thánh nhân gặp Chúa Giêsu đi vào ngược chiều nên ngài hỏi: “Domine, quo vadis, Lậy Thầy Thầy đi đâu?”. Chúa Giêsu trả lời: “Ta vào thành để chết một lần nữa.” Hiểu ý thánh Phêrô quay vào thành và liền bị hoàng đế Neron bắt, đem ra xử ở quảng trường trong khu phố do thái, hiện có nhà thờ Đức Bà in Trastevere, rồi bị điệu đi đóng đinh tại hí trường Neron trên đồi Vaticăng. Hí trường này hiện ở bên dưới đại thính đường Phaolô VI. Khi bị đóng đinh Thánh Phêrô nói với các lý hình là ngài không xứng đáng chết như Thầy mình nên xin họ giộng ngược đầu thánh giá xuống đất. Tín hữu đã chôn cất thánh nhân ngay trong nghĩa trang cổ của Roma nằm cạnh hí trường. Hiện nay nghĩa trang này ở bên dưới Đền Thờ thánh Phêrô.

Trong các năm 77-88 ĐGH Anacleto đã cho xây một nhà nguyện nhỏ dâng kính thánh Phêrô. Năm 313 hoàng đế Costantino ký sắc lệnh bỏ bắt bớ Kitô giáo và năm 324 khi  cho xây vương cung thánh đường nguy nga đầu tiên kính thánh nhân ngay trên mộ ngài, hoàng đế đã ra lệnh lấp đất toàn bộ nghĩa trang này. Đền thờ được ĐGH Silvestro thánh hiến năm 326, dài bằng hai phần ba đền thờ hiện nay gồm 5 gian dọc, còn dấu tích các bức tường và một số cột ở bên dưới đền thờ hiện nay. Đền thờ đã chỉ hoàn tất năm 349, sau 25 năm kiến trúc dưới thời hoàng để Costanzo, con của hoàng đế Costantino. Trong các thế kỷ sau đó đền thờ đã được tu bổ và trang hoàng với nhiều chất liệu khác nhau như đá cẩm thạch quý lấy từ các đền đài ngoại giáo ở Roma hay từ Đông Phương, kể cả gỗ bá hương của Libăng. Trước bàn thờ chính có một tảng đá vân ban tròn. Chính tại đây năm 800 hoàng đế Carlo Cả đã quỳ để được ĐGH Leo III thánh hiến phong vương. Tảng đá này hiện còn được gắn trên nền đền thờ hiện nay, cách cửa vào hơn chục thước.

Cho tới năm 1308, các ĐGH cư ngụ trong dinh gần Đền Thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính toà của Roma. Nhưng năm 1308 quân Pháp đánh Italia và bắt ĐGH về Avignon. Các Giáo Hoàng sống tại Avignon cho tới năm 1377, khi thánh nữ Catarina thành Siena viết thư cho ĐGH nói rằng chỗ của ĐGH là tại Roma. Trong thời gian này đền thờ thánh Phêrô đã hầu như bị bỏ hoang nên hư hại rất nhiều.

Vào năm 1452 thấy đền thờ muốn sập, ĐGH Nicolo V quyết định xây đền thờ mới và giáo nhiệm vụ cho kiến trức sư Bernardo Rossellino. Nhưng phải đợi cho đến năm 1502 công việc xây cất mới tiến triển với ĐGH Giulio II. Kiến trúc sư Donato Bramante bỏ đồ hình thánh gia latinh của Rossellini để theo đồ hình thánh giá hy lạp 4 cánh bằng nhau, với một mái tròn lớn chính giữa và hai mái nhỏ hai bên. Năm 1515 Raffaello lấy lại đồ hình thánh gia latinh. Petruzzi theo đồ hình thánh gia Hy lạp. Sangallo lấy lại họa đồ thánh gia latinh. Năm 1546 khi ĐGH Phaolo III giao cho Michelangelo việc xây cất ông lại theo đồ hình thánh giá hy lạp. Khi Michelangelo qua đời năm 1564, Vignola hoàn thành hai mái tròn nhỏ, trong khi các kiến trúc sư Pirro Ligorio, Giovanni della Porta và Domenico Fontana hoàn thành mái tròn lớn. ĐGH Palolo V truyền cho Carlo Maderno nối dài gian chính giữa đền thờ thành hình thánh giá latinh với hành lang và mặt tiền như thấy hiện nay. Ngày 18 tháng 11 năm 1626 ĐGH Urbanbo VIII long trọng thánh hiến đền thờ mới nhân kỷ niệm 1,300 năm ngày thánh hiến đền thờ cũ. Kiến trúc sư Bernini xây thêm hai tháp chuông nhỏ, nhưng phải phá đi một cái, vì vết nứt dưới chân móng.

Đền thờ thánh Phêrô có diện tích 15.160 mét vuông, trong khi nhà thờ chính toà Milano chỉ có 11,700 mét vuông, Saint Paul ở Luân Đôn 7,875 mét vuông, thánh nữ Sophia ở Costantinopoli là 6.890 mét vuông Koeln 6.166 mét vuông, Nhà thờ Đức Bà Paris 5,966 mét vuông. Tất cả các nhà thờ khác lọt thẳm trong đền thờ thánh Phêrô.

Đền thờ dài 211 mét 50 kể cả mặt tiền. Gian giữa cao 46 mét 20 , rộng 27 mét 50. Gian ngang bên trong dài 137 mét 50. Mái tròn kể cả thánh giá cao 132 mét 50, chu vi 42 mét, nhỏ hơn mái tròn của Pantheon 1 mét 40.

Mặt tiền đền thờ dài 114 mét 69, cao 45 mét 44, kiểu barốc, có 4 trụ chính và 8 cây cột nâng mái tiền đường, với hàng chữ dâng kính có từ thời ĐGH Phaolo V. Bên trên có 5 cửa và 5 bao lơn. Bao lơn chính giữa là nơi ĐGH ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới trong các dịp lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh và Đầu Năm mới. Cũng từ bao lơn này Hồng Y niên trưởng công bố tên của Đức Tân Giáo Hoàng sau khi được Mật nghị Hồng Y bầu.

Trên cùng là sân thượng trang hoàng với các bức tượng cao 5 mét 70: Chúa Giêsu, thánh Gioan Baotixita và 11 Tông Đồ, không có thánh Phêrô, và hai chiếc đồng hồ do kiến trúc sư Giuseppe Valadier làm năm 1822. Dưới đồng hồ  bên trái là quả chuông có chu vi 7 mét 50 nặng 9 tấn 3.

Tiền đường dẫn vào đền thờ dài 71 mét, rộng 13 mét. Bên trái là tượng hoàng đế Carlo Cả, bên phải là tượng hoàng đế Costantino do Bernini tạc năm 1670. Cửa thứ nhất bên phải là Cửa Thánh chỉ mở trong các Năm Thánh. Đối diện với cửa chính giữa là bức khảm đá mầu nổi tiếng của Giotto tựa là “Con thuyền nhỏ” hay “Dẹp yên bão tố”, tượng trưng cho con thuyền Giáo Hội lênh đênh giữa sóng gió trần gian, nhưng luôn có Chúa hiện diện hộ phù.

Cánh cửa đồng chính giữa thuộc đền thờ cũ do Filarete chạm trổ giữa các năm 1439-1445 diễn tả Chúa Giêsu Đức Mẹ, hai thánh Phêrô Phaolô và cảnh các ngài tử đạo: thánh Phêrô bị đóng đinh ngược và thánh Phaolô bị chặt đầu. Các bức vẽ trên cao diễn tả các cảnh thần thoại và cảnh Roma, thú vật, hoa trái và chân dung các hoàng đế. Cửa thứ hai và thứ 5 là của nhà điêu khắc Giacomo Manzù.

Năm 1950 Đức Giáo Hoàng Pio XII cho đào khảo cổ nghĩa trang bên dưới và người ta đã tìm thấy xương của thánh Phêrô được gói trong một miếng nhung đỏ viền chỉ vàng đặt trong một hộc có bảng viết “Petros Eni” Phêrô ở đây. Xương thánh nhân hiện được đặt trong một hòm ở hầm đền thờ, thẳng bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Quảng trường thánh Phêrô là một trong các quảng trường rộng và đẹp nhất thế giới, dài 340 mét rộng 240 mét. Chính giữa hình bầu dục, hai đầu hình thang. Quảng trường do kiến trúc sư Bernini xây giữa các năm 1656-1667. Nó biểu tượng cho trung tâm Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và gồm hai hàng hiên giống như đôi cánh tay Mẹ hiền Giáo Hội giang rộng đón chào các đoàn con từ khắp nơi trên thế giới tuốn về. Hai hàng hiên có mái che gồm 88 trụ cột lớn và 280 cây cột kiểu đô rích xếp thành 4 hàng, bên trên được trang hoàng với 140 bức tượng các thánh và huy hiệu của ĐGH Alessandro VI. Phần lớn trong số các cây cột này được lấy từ các đền đài ngoại giáo, chẳng hạn như đền Septizionium thời hoàng đế Settimo Severo, cai trị Roma từ năm 193 tới 211.

Chính giữa quảng trường là tháp bút nham thạch đỏ cao 25 mét 50 lấy từ thành phố Heliopolis bên Ai Cập, và được hoàng đế Caligula đặt ở chính giữa hí trường trên đồi Vatican. Ngày 10 tháng 9 năm 1586 ĐGH Sisto V truyền cho kiến trúc sư Domenico Fontana dựng tháp bút giữa quảng trường. Ông đã phải huy động 800 công nhân, 150 con ngựa và rất nhiều máy móc mới dựng nổi. Chung quanh tháp bút là hình hoa hồng gió bốn phương. Giữa tháp bút và hai phông ten có một tảng đá tròn, từ đó có thể trông thấy bốn hàng cột của mái hiên sắp thành hàng thẳng tắp như thể chỉ có một cột.

Hai phông ten hai bên  cao 14 mét, cái bên phải xây hồi thế kỷ XVI dưới thời ĐGH Sisto V, cái bên trái hồi thế kỷ XVIII dưới thời ĐGH Clemente XI. Kể từ thời ĐGH Pio IX tượng thánh Phêrô do De Fabris tạc và tượng thánh Phaolô do Tadolini tạc thay thế hai bức tượng của Paolo Romano. Bên phải quảng trường là Cửa Đồng dẫn lên Dinh Tông Toà. Cửa sổ thứ hai tầng trên cùng là nơi ĐGH thường đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu mỗi trưa Chúa Nhật và trong vài ngày lễ. Phiá nối tiếp có mái xanh là Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Đàng sau là mái cuả nhà nguyện Sistina nơi các Hồng Y bầu Đức Tân Giáo Hoàng. Trên mái có ống khói nhỏ. Khi chưa bầu xong, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói đen. Khi bầu xong rồi, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói trắng, như dấu chỉ đã có Tân Giáo Hoàng. Sau đó từ bao lơn chính giữa mặt tiền đền thờ ĐHY niên trưởng sẽ công bố cho tín hữu đợi dười quảng trường biết “Habemus Papam Chúng ta có Giáo Hoàng” với danh tánh và tên gọi của ngài. Sau đó Đức Tân Giáo Hoàng ra mắt chào và ban phép lành đầu tay cho dân chúng.

Quảng trường thánh Phêrô có thế chứa được hơn 200,000 người. Nếu đứng chật ở cả quảng trường Piô XII và Đại Lộ Hoà Giải thì được hơn 300,000.

Đại lộ Hoà Giải được xây năm 1937 trên các khu xóm thời Trung Cổ và Phục Hưng, sau khi Toà Thánh và nước Italia ký thỏa hiệp Laterano ngày 11 tháng 2 năm 1929 thừa nhận Quốc gia Thành Phố Vatican. Vatican là quốc gia độc lập, trong đó ĐGH là quốc trưởng, có một Hồng Y thống đốc điều hành các việc hành chánh dân sự, có toà án, nhà in, nhà băng, tiền, tem thư, bưu điện, siêu thị, nhà ga xe lửa, viện bảo tàng và đài phát thanh. Nước ĐGH chỉ gồm 44 héc ta là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới, bao gồm Đền Thờ Thánh Phêrô, Điện Vaticăng các đền thờ Đức Bả Cả, Thánh Gioan Laterano, Thánh Phaolô ngoại thành, Dinh Bộ Truyền Giáo, các Giáo hoàng học viện trực thuộc Bộ, và một số dinh thự khác.  Thành phố quốc gia Vatican đã chi là nơi ở của các Giáo Hoàng từ năm 1377, khi ĐGH từ Avignon trở vể Roma. Trưóc đó cho tới năm 1309 các vị sống trong dinh Laterano cạnh đền thờ, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma.

Sát quảng trường Pio XII bên phải là Bộ Phụng Tự và một số bộ khác, bên trái là Bộ Giáo Dục công giáo, Bộ Giáo Sĩ và các dòng tu.  Một số dinh thự hai bên đại lộ cũng là tài sản của Toà Thánh. Nhà thờ Traspontina thuộc thế kỷ XI. Dinh thự cuối cùng bên trái là Đài phát thanh Vatican, đối diện với Lâu đài Thiên Thần. Dinh thụ bên phải là trụ sở của một số tổ chức trong đó có Hội Đồng Toà Thánh bảo vệ sự sống.

Linh Tiến Khải

Truyền thống cám ơn các Linh mục trong Tuần Thánh

Truyền thống cám ơn các Linh mục trong Tuần Thánh

Cám ơn các Linh mục trong Tuần Thánh

“Khi chúng tôi thấy một cuộc biểu tình đòi phong chức Linh mục cho phụ nữ, chúng tôi biết mình phải cho họ một câu trả lời”, đó là lời của Joanna Bogle, một phụ nữ Công giáo nhiều năm tham gia vào phong trào “cám ơn Linh mục”. Bà cho biết nhóm của bà hiện diện trong các lễ Truyền Dầu ở Luân Đôn, hoặc ở Westminster hay Southwark, mang theo biểu ngữ “cám ơn các Linh mục của chúng ta” và các thiệp cám ơn. Các Linh mục đã xem họ như một phần của cuộc rước.

Phong trào này bắt đầu ở Southwark cách đây vài năm do sáng kiến của một nhóm nhỏ, trong đó có bà Joanna Bogle. Họ đã buồn đau khi chứng kiến những gì xảy ra ở nhà thờ chánh tòa thánh George. Đó là nhóm đấu tranh cho việc phong chức Linh mục cho phụ nữ. Bà nói: “Thật là không đúng khi các Linh mục họp lai để lặp lai lời hứa phục vụ Giáo hội và nhận dầu thánh thì họ lại phải chứng kiến những cuộc vận động như thế này.”

Thay vì tổ chức một nhóm đối địch lại cuộc vận động này, họ đã quyết định lợi dụng cơ hội này để nói “thank you” – cám ơn các Linh mục. Tấm biểu ngữ đầu tiên với lời cám ơn được làm bằng tay, với lòng nhiệt tình, nhưng có lẽ trông không đẹp lắm. Bà nói: “chúng tôi giơ cao tấm bảng và xúc động khi nhận thấy những phản ứng của các Linh mục; họ nhận những tấm ảnh nhỏ với lòng biết ơn và dường như thật sự tán dương việc làm này.”

Một vài năm sau, chương trình này được “hiệp hội các phụ nữ Công giáo” đảm nhận. Lần này ở nhà thờ chánh tòa Westminster, khi họ đến quảng trường của nhà thờ chánh tòa thì một nhóm trẻ của giáo xứ thánh Patrick ở Soho cũng nhập chung với họ. Nhóm này cũng mang theo các tấm thiệp do họ tự làm ở nhà để ủng hộ.

Hiện nay nhóm đã có một chuyên viên làm các biểu ngữ, đó là một phụ nữ trẻ vì bận công việc và con nhỏ nên không thể nhập nhóm nhưng muốn giúp phong trào. Mỗi năm, “hiệp hội các phụ nữ Công giáo” thiết kế và in các thẻ “cám ơn” nhỏ, chọn những câu Thánh kinh phù hợp, các lời cầu nguyện hay các hình ảnh tôn giáo. Vào năm 2014, kỷ niệm việc phong thánh của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, những câu trích dẫn các lời giảng dạy về Thánh Thể của ngài được chọn in trên các tấm thiệp. Trong các năm khác thì các tấm thiệp in những lời cầu nguyện trong nghi thức truyền chức, hay lễ Truyền Dầu, còn các hình ảnh thì thay đổi từ hình Đức Mẹ đến các chủ đề về Thánh Thể. Bà Joanna Bogle cho biết, cho đến nay, không có ai từ chối nhận các tấm thiệp này, chỉ có một sự phàn nàn đáng cảm động từ phía các phó tế với câu hỏi “còn chúng tôi thì sao?”, họ tự hỏi họ có thể nhận một tấm thiệp không.

Mỗi năm khi đông đảo giáo dân đến tham dự lễ Truyền Dầu nhóm này cũng nhận được những sự hỗ trợ và khuyến khích của họ. Bà Joanna Bogle kể: “Khi đi ngang qua chúng tôi, họ nói: “tốt cho bạn”, hay “vâng, tôi đồng hành với bạn”.” Bà cũng kể là các bà chỉ vào nhà thờ khi đoàn rước đã đi qua, vui mừng dù chen chúc ở cuối nhà thờ. Bà thú nhận: “Thật sự, cho đến khi ý tưởng “cám ơn” xuất hiện trong đầu, tôi chưa bao giờ tham dự lễ Truyền Dầu, và tôi nhận thấy đó là một mạc khải.”

Theo bà, điều điên khùng duy nhất đó là mang tấm biển trên các xe buýt. Có lần người tài xế cười hỏi các bà: “Họ đã trả cho các bà bao nhiêu?” các bà bảo đảm với ông ta: tất cả là free. Các bá nói: “ Thông điệp là của chúng tôi và chúng tôi muôn nói điêu này”.” (Catholic Herald 22/03/2016)

 

Hồng Thủy OP.

 

Đức Thánh Cha chia buồn và lên án bạo lực mù quáng

Đức Thánh Cha chia buồn và lên án bạo lực mù quáng

Brussel terrorist

VATICAN. ĐTC chia buồn với các nạn nhân và lên án bạo lực mù quáng trong những vụ khủng bố ở Bruxelles sáng ngày 22-3-2016.

Trong điện văn nhân danh ĐTC gửi đến Đức Cha Jozef De Kesel, TGM giáo phận Bruxelles-Malines, thủ đô Bỉ, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

”Khi hay tin những vụ khủng bố xảy ra tại Bruxelles, gây hại cho nhiều người, ĐTC Phanxicô phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng và liên kết trong kinh nguyện với những người thân của họ. Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu xa với những người bị thương và thân quyến của họ, cũng như với tất cả những người đang góp phần cứu trợ, Ngài xin Chúa ban ơn an ủi khích lệ họ trong cơn thử thách. Đức Thánh Cha tái lên án bạo lực mù quáng gây ra bao nhiêu đau khổ và khẩn cầu Thiên Chúa ban ơn hòa bình; Ngài cầu xin Chúa chúc lành cho các gia đình bị thử thách và trên dân tộc Bỉ.”

Theo tin sơ khởi, những vụ khủng bố tại phi trường và hai trạm Metro ở Bruxelles thủ đô Vương Quốc Bỉ đã làm cho 34 người chết và 135 người bị thương. Nhiều thành phố ở Liên hiệp Âu Châu được đặt trong tình trạng báo động và tăng cường các biện pháp an ninh.

G. Trần Đức Anh OP

 

ĐTC cử hành Lễ Lá và đọc Kinh Truyền Tin với hơn 100,000 tín hữu

ĐTC cử hành Lễ Lá và đọc Kinh Truyền Tin với hơn 100,000 tín hữu

ĐTC Phanxicô chào tín hữu sau thánh lễ và Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Lá 20-3-2016

Lựa chọn con đường của Chúa Giêsu, là con đường phục vụ, tha thứ, quên mình

ĐTC Phanxicô đã khích lệ tín hữu và du khách hành hương tham dự thánh lễ cử hành lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm qua Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh, tại quảng trường thánh Phêrô.

Nghi thức làm phép lá đã diễn ra tại chân bút tháp giữa quảng trường. Mở đầu nghi thức ĐTC nói: Anh chị em thân mến, cuộc hội họp phụng vụ này mở đầu lễ Phục Sinh của Chúa, mà chúng ta đang chuẩn bị cử hành với sự sám hối và các việc bác ái ngay từ đầu Mùa Chay. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thành toàn mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Chúng ta hãy đồng hành với Chúa Cứu Thế của chúng ta trong biến cố vào thành thánh với đức tin và lòng đạo hạnh, và xin ơn theo Ngài cho tới thâp giá để tham dự vào sự sống lại của Ngài. Tiếp đến Phó tế công bố Tin Mừng theo thánh Luca kể lại biến cố Chúa vào thành thánh, rồi mọi người đi rước lá. Đi đầu là Thánh Giá nến cao và giới trẻ Roma tay cầm cành lá dừa, tiếp đến là các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đồng tế cầm các cành lá dừa bện thành hoa, trong khi khoảng 60.000 tín hữu tay cầm các cành ô liu. Hàng trăm linh mục đồng tế đứng sẵn bên phải khán đài nơi ĐTC chủ sự thánh lễ.

Bài đọc thứ nhất bằng tiếng Anh, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Ba Lan và Phúc Âm được ba phó tế tuyên đọc bằng tiếng Ý, có ca đoàn phụ họa.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã mời gọi mọi người lựa chọn con đường của Chúa Giêsu, là con đường phục vụ, tha thứ, quên mình. Chúng ta có thể bước đi trên con đường này bằng cách dừng lại ngắm nhìn Đấng Bị Đóng Đinh, “ngai tòa của Thiên  Chúa”, để học biết tình yêu khiêm tốn, cứu rỗi và trao ban sự sống, để từ bỏ ích kỷ, kiếm tìm quyền bính và danh vọng.

Gợi lại biến cố Chúa vào thành thánh ĐTC nói:

Phải, như Ngài đã vào thành Giêrusalem, Chúa ước ao bước vào trong các thành phố và cuộc sống của chúng ta. Như Ngài đã làm trong Phúc Âm, cỡi trên một con lừa, Ngài đến với chúng ta một cách khiêm tốn, nhưng đến “nhân danh Chúa”: với quyền năng tình yêu thiên chúa Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta và giao hoà chúng ta với Thiên Chúa Cha và với chính chúng ta… Không gì có thể ngăn chận sự hứng khởi đối với biến cố Chúa Giêsu vào thành thánh: không gì có thể ngăn cản chúng ta tìm thấy nơi Ngài suối nguồn niềm vui của chúng ta, niềm vui đích thật tồn tại và trao ban an bình; bởi vì chỉ có Chúa Giêsu cứu thoát chúng ta khỏi các ràng buộc của tội lỗi, cái chết, sự sợ hãi và sự buồn sầu.

Tuy nhiên, phụng vụ hôm nay còn dậy cho chúng ta biết rằng Chúa đã không cứu chúng ta với việc chiến thắng vào thành hay với các phép lạ quyền năng. Chúa Giêsu đã “dốc đổ” chính mình: Ngài khước từ vinh quang của Con Thiên Chúa và trở thành Con của loài người, để hoàn toàn liên đới với chúng ta là những người tội lỗi, Ngài là Đấng vô tội. Không chỉ có thế, Ngài đã sống giữa chúng ta trong một “điều kiện của nô lệ”: không phải như là vua, cũng không phải là ông hoàng, nhưng là nô lệ. Vì thế Ngài đã hạ mình, và vực thẳm sự hạ mình của Ngài, mà Tuần Thánh cho chúng ta thấy, xem ra không có đáy.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói cử chỉ khiêm hạ đầu tiên là Chúa Giêsu là Chúa và là Thầy mà lại hạ mình rửa chân cho các môn đệ như chỉ có các đầy tớ mới làm. Chúng ta không thể làm khác , chúng ta không thể yêu thương mà không để cho Ngài yêu thương chúng ta trước, mà không sống kinh nghiệm sự hiền dịu gây kinh ngạc của Ngài, mà không chấp nhận rằng tình yêu thật là ở việc phục vụ cụ thể. Nhưng sự hạ mình Chúa Giêsu chịu trong cuộc Khổ Nạn đi tới chỗ tột độ: bị bán với 30 đồng bạc và bị phản bội bởi một môn đệ Ngài đã chọn và gọi là bạn. Hầu như tất cả các môn đệ khác trốn chạy và bỏ rơi Ngài; Phêrô chối Ngài ba lần. Bị hạ nhục trong tâm hồn với các chế nhạo, xỉ vả, và khạc nhổ, Ngài chịu các bạo lực tàn ác trên thân xác: các đánh đập, đòn vọt và mạo gai khiến cho diện mạo của Ngài không thể được nhận ra được nữa. Ngài chịu sự nhục nhã và kết án gian ác từ phía các quyền bính tôn giáo và chính trị: Ngài đã tự biến thành tội lỗi và bị coi là bất chính. Thế rồi quan Philatô gửi Ngài qua cho vua Hêrôđê và ông này lại gửi Chúa trở lại cho quan tổng trấn Roma: trong khi Ngài bị khước từ mọi công lý, Chúa Giêsu cũng cảm nhận trên da thịt mình sự dửng dưng, bỏi vì không ai muốn lãnh trách nhiệm đối với số phận của Ngài. Dân chúng biến các lời chúc tụng thành tiếng kêu tố cáo, thích cho một kẻ sát nhân được trả tự do cho họ hơn. Và thế là Chúa bị chết trên thập giá, là cái chết đớn đau và hổ nhục nhất dành cho các kẻ phản bội, nô lệ và các kẻ tội phạm tồi tệ nhất. Sự cô đơn, lời vu khống và nỗi đớn đau đạt tột đỉnh với việc lột trần Ngài ra. Để hoàn toàn liên đới với chúng ta,  trên thập giá Ngài cũng còn sống kinh nghiệm bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi. Tuy nhiên, trong sự phó thác Ngài cầu nguyện và tín thác: “Lậy Cha, con phó thần khí con trong tay Cha” (Lc 23,46) Bị treo trên cây giá, ngoài việc bị chế nhạo, Ngài còn đương đầu với cơn cám dỗ: lời thách thức xuống khỏi thập giá, chiến thắng sự dữ với sức mạnh và cho thấy gương mặt của một thiên chúa quyền năng không thể thắng được. Trái lại, chính trên tột đỉnh sự huỷ diệt này Chúa Giêsu vén mở gương mặt thật của Thiên Chúa, là sự thương xót. Ngài tha thứ cho các kẻ đóng đinh mình, mở cửa thiên đàng cho người trộm ăn năn, và chạm tới con tim của viên quan bách quản. Nếu mầu nhiệm sự dữ sâu thẳm, thì thực tại Tình Yêu đi qua ngài vô tận, đi tới mồ và tới âm ty, lãnh nhận tất cả nỗi đớn đau của chúng ta để cứu rỗi nó, đem ánh sáng vào trong bóng tối, đem sự sống vào trong cõi chết, đem tình yêu vào nơi thù hận.

Các lời nguyện giáo dân đã được tuyên đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, Tầu, Pháp, Swahili, và Việt Nam. Lời cầu tiếng Việt xin Chúa nhớ đến những người đang chịu sầu muôn và thử thách, mau cứu giúp họ và cho họ được nếm hưởng niềm an ủi tình bạn của Chúa.

Mấy chục linh mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với mọi người. Lúc này số tín hữu hiện diện tại quảng trường đã lên tới hơn 100,000.

ĐTC nói:

Tôi xin chào tất cả anh chị em đã tham dự buổi cử hành này và tất cả những ai hiệp nhất với chúng ta qua truyền hình, phát thanh và các phương tiện truyền thông khác.

Hôm nay Ngày giới trẻ quốc tế lần thứ 31 được cử hành và sẽ đạt tột đỉnh vào cuối tháng 7 tại Cracovia. Đề tài là “Phúc cho những người thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Tôi đặc biệt chào các bạn trẻ hiện diện tại đây và tôi gửi lời chào các bạn trẻ trên toàn thế giới. Tôi hy vọng các bạn có thể đông đảo đến Craccovia, quê hương của thánh Gioan Phaolô II, là người đã bắt đầu các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Chúng ta hãy tín thác các tháng  cuối cùng chuẩn bị cuả cuộc hành hương này cho lời bầu cử của ngài, cuộc hành hương trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, sẽ là Năm Thánh của giới trẻ trên bình diện của Giáo Hộị đại đồng.

Cùng ở đây với chúng ta có các bạn trẻ Cracovia. Khi về nhà họ sẽ đem cho các vị hữu trách các cành ô liu được hái tại Giêrusalem, Assisi và Montecassino và được làm phép tại quảng trường này, như lời mời gọi vun trồng các ý hướng hòa bình, hòa giải và tình huynh đệ. Xin cám ơn sáng kiến đẹp đẽ này. Các bạn hãy tiến tới với lòng can đảm! Giờ đây chúng ta cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ giúp chúng ta sống Tuần Thánh này với tinh thần sâu đậm.

Tiếp đến ĐTC đã dọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Nhận xét tổng quát về Thánh Giuse trong Kinh Thánh

Nhận xét tổng quát về Thánh Giuse trong Kinh Thánh

Thánh Giuse

Nhập đề

 Có nhiều cách thức trình bày chân dung của thánh Giuse, cũng tương tự như có nhiều cách thức trình bày đức Maria. Những cuốn sách soạn để suy gẫm trong tháng ba dương lịch thường đề cao các nhân đức và phép lạ của thánh cả. Không thiếu tác phẩm được biên soạn dưới hình thức tiểu thuyết nhằm dựng lại cuộc đời gian truân của dưỡng phụ Chúa Giêsu. Về phía thần học, người ta chú trọng đến tương quan giữa thánh Giuse với Đức Mẹ (hôn nhân và khiết tịnh) hoặc so sánh đặc ân (vô nhiễm nguyên tội, hồn xác lên trời).

 Công đồng Vaticanô II đã mở ra một hướng đi mới trong thần học về đức Maria. Một đàng, thần học cần dựa trên các dữ kiện của mặc khải (Thánh Kinh và Thánh Truyền), chứ không thả hồn theo các giả thuyết; đàng khác, cần hướng đến vai trò của đức Maria trong mầu nhiệm của đức Kitô và của Hội thánh. Chương VIII của hiến chế tín lý về Hội thánh đã được soạn theo chiều hướng đó. Từ sau công đồng, khoa Thánh-mẫu-học đã tiến triển rất nhiều, cách riêng do sự thúc đẩy của đức Gioan Phaolô II. Tiếc rằng những sách viết về thánh Giuse theo phương pháp thần học vừa nói vẫn còn ít.

 Trong loạt bài này chúng tôi ước mong bổ túc phần nào sự thiếu sót đó, bằng cách trình bày vai trò của thánh Giuse trong mầu nhiệm của đức Kitô và của Hội thánh, dựa theo tông huấn Redemptoris Custos của đức thánh cha Gioan Phaolô II (ban hành ngày 15/8/1989). Hướng đi này giả thiết hai điều:

 1/ cần chú ý đến các dữ kiện của mặc khải, chứ không phải là các ngụy thư hay các mặc khải tư;

 2/ cần nêu bật vai trò của thánh Giuse trong chương trình cứu độ : ơn gọi của Người là phục vụ Chúa Cứu thế, và vì thế trở nên mẫu gương cho Hội thánh trải qua mọi thời đại tiếp tục sứ mạng thông truyền hồng ân cứu độ.

 I. THÁNH GIUSE TRONG KINH THÁNH

 Khi trình bày một nhân vật nào, người ta thường bắt đầu với một đoạn nói về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp. Chúng ta biết gì về tiểu sử thánh Giuse ?

 Xin trả lời là các nguồn sử liệu về thánh Giuse rất hiếm. Thật ra điều này không có gì lạ, bởi vì vào thế kỷ thứ nhất của Kitô giáo các nguồn sử liệu không được phong phú. Ngay cả khi muốn viết cuộc đời Chúa Giêsu, các sử gia cũng thấy lúng túng khi muốn thu thập dữ liệu liên quan đến giai đoạn ẩn dật của Người, bởi vì các sách Tân ước không cung cấp nhiều chi tiết. Sự khó khăn này càng gia tăng khi bước sang cuộc đời của các môn đệ của Chúa.

 Riêng đối với thánh Giuse, những tài liệu lịch sử chắc chắn là các sách Tin mừng, đặc biệt là những chương đầu của Tin mừng thánh Matthêu và thánh Luca. Dù sao, khi so sánh với những tài liệu về đức Maria, chúng ta nhận thấy rằng đức Maria còn hiện diện trong giai đoạn hoạt động công khai của Chúa Giêsu, và thậm chí sau khi Chúa Phục sinh và Lên trời ; còn thánh Giuse thì không được nhắc tới nữa sau khi tìm lại Chúa Giêsu trong đền thờ lúc lên 12 tuổi.

 Để bù đắp vào những lỗ hổng đó, trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều Tin mừng ngụy thư ra đời, nhằm mô tả chi tiết về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, hoặc về gốc tích và việc tạ thế của Đức Mẹ và thánh Giuse. Trước đây, các tài liệu này được sử dụng khá nhiều trong các bài giảng hoặc lưu truyền dân gian. Nhưng ngày nay, giá trị của chúng đã bị xét lại từ hai khía cạnh: lịch sử và thần học. Xét về khía cạnh lịch sử, các tài liệu đó phát sinh do óc tưởng tượng hơn là dựa theo dữ kiện khách quan. Xét về khía cạnh thần học, các tài liệu ấy ra đời do một quan niệm thiếu sót về chủ đích của các sách Tin mừng. Thật vậy, các sách Tin mừng không có ý định viết một tiểu sử về cuộc đời Chúa Giêsu cho bằng ?loan báo Tin mừng?, nghĩa là công bố cho nhân loại biết hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa ban qua lời giảng, hành động và cuộc tử nạn của đức Giêsu. Vì thế nếu ai muốn truy tầm nơi các sách Tin mừng những tài liệu để viết tiểu sử đức Giêsu thì sẽ thất vọng; tuy nhiên, nếu ai muốn tìm hiểu sứ điệp cứu độ thì sẽ thấy đủ chất liệu.

 Chúng ta cũng có thể nhận xét cách tương tự về thánh Giuse. Tân ước không cung cấp các chi tiết về tiểu sử của Người (ngày và nơi sinh; ngày và nơi qua đời); tuy nhiên những đoạn văn Tin mừng đã phác hoạ vai trò của Người trong việc hoàn tất chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi đức Giêsu Kitô.

 Trong bài này, chúng ta sẽ điểm qua những bản văn Tân ước nói đến thánh Giuse, đặc biệt nơi Tin mừng của thánh Matthêu và thánh Luca, và cố gắng khám phá ý nghĩa thần học của chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ khảo sát những đoạn văn Cựu ước đã được Hội thánh tiên khởi áp dụng cho sứ mạng của thánh Giuse .

 Mục 1. Tin mừng thánh Matthêu

 I. Tổng quát

 Trong bốn sách Tin mừng, thánh Matthêu nói nhiều hơn hết về thánh Giuse: trong hai chương đầu, thánh Giuse giữ vị trí then chốt, và phần nào hoạ laị vai trò của tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Ngoài ra, đức Giêsu được gọi là ”con bác thợ mộc” ở Mt 13,55.

 Thánh Luca cũng nhắc đến thánh Giuse trong hai chương đầu, tuy nhấn mạnh nhiều hơn đến đức Maria. Dù sao, thánh Luca bổ túc thêm cho thánh Matthêu nhiều chi tiết để hiểu rõ hơn vai trò của thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập thể và Giáng sinh của Chúa Giêsu. Thánh Giuse còn được nhắc đến hai lần nữa trong Tin mừng Luca vào lúc khai mạc sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (Lc 3,23 và 4,22).

  Thánh Giuse được nói đến hai lần trong Tin mừng thánh Gioan (1,45; 6,42), nhưng hoàn toàn vắng bóng trong Tin mừng thánh Marcô .

 Trước hết, chúng ta bắt đầu khảo sát Tin mừng thánh Matthêu, đặc biệt là hai chương đầu tiên, quen được đặt tên là “Tin mừng thời niên thiếu” (hoặc ”Tin mừng thơ ấu”), tuy rằng thuật ngữ này không được chính xác lắm.

 Thật vậy, chủ đích của hai chương đầu của Tin mừng thánh Matthêu (48 câu) và Luca (132 câu) không hẳn là thuật lại gia thế của Chúa Giêsu và tuổi thơ ấu của Người (giai đoạn ẩn dật trước khi hoạt động công khai). Ngoài việc kể lại sự thụ thai trinh khiết trong cung lòng đức Maria và sự giáng sinh tại Bêlem, hai thánh sử không nói gì thêm về những sinh hoạt thời thơ ấu của Chúa Giêsu (đừng kể việc thánh gia lánh nạn sang Ai cập và việc ở lại trong đền thờ lúc lên 12 tuổi). Thử hỏi các thánh sử có chủ đíchụ gì ? Tại sao phải thêm hai chương này, trong khi thánh Marcô và thánh Gioan bắt đầu Tin mừng với cuộc đời công khai của đức Giêsu ? Các học giả đã đưa ra nhiều ý kiến, có thể thu vào hai quan điểm.

 1/ Quan điểm thứ nhất cho rằng đây là một thể văn đương thời giới thiệu các vĩ nhân với những điềm lạ xuất hiện trước khi chào đời, tựa như Abraham, Môsê, Isaac, Samuel. Khuynh hướng này còn tăng hơn nữa nơi các ”Tin mừng nguỵ thư”. Tuy nhiên, chủ ý của người viết không chỉ là đề cao thân thế của nhân vật anh hùng, nhưng còn muốn chúc tụng Thiên Chúa đã đoái thương dân tộc ưu tuyển và đã phái đến những vị cứu tinh.

 2/ Quan điểm thứ hai cho rằng hai chương này là một thứ nhập đề cho toàn thể cuốn Tin mừng. Tin mừng cứu độ của đức Kitô được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua nhưng đã được phác hoạ ngay từ khi Người ra đời. Nói khác đi, đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại ngay từ cuộc Nhập thể, tuy hồng ân này đạt đến cao điểm nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh. Nơi thánh Matthêu, cốt yếu Tin mừng có thể tóm lại như thế này: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc muôn dân, là Đấng Mêsia được hứa cho dân tộc Israel. Thế nhưng Người đã bị dân tộc này khước từ (vua Hêrôđê tìm cách thủ tiêu Người; cũng như về sau này các nhà lãnh đạo Do thái sẽ lên án xử tử Người, Mt 27,1-2), đang khi đó Tin mừng lại được dân ngoại đón nhận (các nhà chiêm tinh ở đây, cũng tựa như các dân tộc bên Đông bên Tây sẽ đến tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, Mt 8,11 ; 28,19ụ).

 Thiết tưởng hai quan điểm không trái nghịch nhau, bởi vì cả hai đều nhấn mạnh rằng không nên đọc ”Tin mừng thơ ấu” như là đọc chuyện thần thoại, nhưng cần phải khám phá ý nghĩa sâu xa của các trình thuật. Khuynh hướng thứ nhất cố gắng tìm hiểu ý nghĩa qua việc khảo sát thể văn, đối chiếu với các tác phẩm văn chương cổ điển. Khuynh hướng thứ hai chú trọng đến nội dung thần học, gắn liền với toàn bộ Tin mừng. Theo nhãn giới này, ?Tin mừng niên thiếu?cũng có những nét giống với tự ngôn của Tin mừng theo thánh Gioan, nói về nguồn gốc của đức Giêsu trước thời kỳ hoạt động công khai, nguồn gốc bắt đầu từ khởi nguyên (Ga 1,1). Chúng tôi sẽ áp dụng đường hướng này khi tìm hiểu các bản văn.

 Xét về cấu trúc hai chương đầu theo Tin Mừng thánh Matthêu, đã có nhiều đề nghị phân đoạn.

 1/ Một ý kiến cho rằng toàn bộ sách Tin mừng theo thánh Matthêu được phân thành 5 quyển sách tương tự như bộ Ngũ thư của ông Môsê. Cụ thể là các lời giảng của đức Giêsu được gom thành 5 bài giảng về Nước Trời :

 a) bài giảng trên núi công bố hiến chương Nước Trời, ở các chương 5-7;

 b) bài giảng về sứ vụ rao giảng Nước Trời, chương 10;

 c) bài giảng về các dụ ngôn giải thích bản chất Nước Trời, chương 13;

 d) bài giảng về kỷ luật nội bộ Hội thánh, mầm mống của Nước Trời, chương 18;

 e) bài giảng về sự thiết lập vĩnh viễn Nước Thiên Chúa vào thời cánh chung, chương 24-25.

 Hai chương đầu tiên xem ra đã gói ghém ý tưởng đó, với việc trưng dẫn 5 câu Kinh thánh để kết thúc 5 đoạn văn :

 Nhập đề : Gia phả (1,1-17)

 a) Isaia 7,14 : Ơn gọi của Giuse (1,18-25)

 b) Mikha 5,2 : Vua Hêrôđê, các nhà chiêm tinh, Bêlem (2,1-12).

 c) Hôsê 11,1 : Trốn sang Ai-cập (2,13-15)

 d) Giêrêmia 31,15 : Tàn sát các anh hài (2,16-18)

 e) Isaia 4,3 (Tl 13,5?) : Từ Ai cập trở về Nazareth (2,19- 23).

 Dĩ nhiên các học giả còn đưa ra nhiều giả thuyết khác về cấu trúc của hai chương này, chẳng hạn :

 2/ Dựa theo các giấc mơ của thánh Giuse dẫn tới hành động.

 Trong Tân ước, chỉ có Tin mừng Matthêu đề cập đến giấc mơ như là một phương tiện mặc khải ý Chúa. Thánh sử ghi nhận 6 trường hợp được ghi nhận, trong đó 5 trường hợp nằm ở hai chương đầu, và cách riêng 4 trường hợp được dành cho ông Giuse (lấy bà Maria làm vợ ; đưa thánh gia sang Ai- cập ; trở về quê hương ; định cư ở Nazareth. Trường hợp thứ năm dành cho các nhà chiêm tinh (2,12). Ba lần báo mộng cho ông Giuse được thuật lại theo một mô hình đồng nhất :

 a) nhập đề : mô tả hoàn cảnh

 b) công thức : ”này kìa sứ thần Chúa hiện đến báo  mộng cho ông rằng”

 c) sứ điệp : thiên sứ trao cho ông một công tác ”hãy đem” (hãy mang)

 d) tuân hành: ông Giuse tuân hành

 e) trích dẫn Kinh thánh: để ứng nghiệm lời Chúa về một danh hiệu của đức Giêsu: Emmanuel, Con (Thiên Chúa), người Nazareth.

 3/ Dựa theo bốn câu hỏi xoay quanh căn cước của đức Giêsu:

a) Ai (Quis)? Đức Giêsu Kitô (Mêsia), con vua Đavit, con của cụ Abraham, sinh bởi một phụ nữ (1,1-17).

 b) Bằng cách nào (Quomodo)? Con Thiên Chúa đã trở nên con vua Đavit do ông Giuse thuộc dòng dõi Đavit chấp nhận hài nhi được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần (1,18-25).

 c) Ở đâu (Ubi)? Bêlem, thành phố Đavit, nhưng được các nhà chiêm tinh thuộc dân ngoại đến bái yết (2,1-12)

 d) Từ đâu (Unde)? Từ Bêlem của người Do thái, đi lánh nạn sang Ai-cập giống như ông Môsê, về miền Galilê của dân ngoại, định cư tại Nazareth.

 4/ Dựa theo những cuộc di chuyển địa lý : Bêlem, Ai-cập, Nazareth.

 a) chương 1 diễn ra tại Bêlem, thành phố vua Đavit

 b) chương 2, tường thuật việc di chuyển từ Bêlem sang vùng đất dân ngoại (Ai cập), để rồi kết thúc với việc hồi hương về Israel và định cư tại Nazareth.

 Những cuộc di chuyển này không phải là do ngẫu nhiên, nhưng nằm trong toàn bộ lịch sử cứu độ : ”ngõ hầu lời ngôn sứ được nên trọn? : đức Giêsu sinh tại Bêlem như là Mêsia lãnh tụ Israel dõng dõi vua Đavit (2,6); sang Ai cập và ra khỏi đó như là con Thiên Chúa (2,15) ; về Nazareth, trở thành biệt hiệu ”Giêsu Nazareth” (2,23).

Bài 2 lần tới: khảo sát các bản văn Kinh Thánh về thánh Giuse

G. Phan Tấn Thành OP

Đức Thánh Cha tấn phong hai Giám Mục

Đức Thánh Cha tấn phong hai Giám Mục

Đức Thánh Cha tấn phong hai Giám Mục

VATICAN. Sáng thứ bẩy 19-3-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để tấn phong 2 GM mới:

Đó là Đức Cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, 64 tuổi (1952), người Tây Ban Nha, thuộc dòng thánh Comboni, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn; và Đức Cha Peter Bryan Wells, 53 tuổi (1963), người Mỹ, nguyên là Phó Phụ Tá Quốc vụ khanh (tương đương với thứ trưởng nội vụ của Tòa Thánh), được bổ nhiệm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Nam Phi, Botswana, Lesotho và Namibia.

Hai vị phụ phong với ĐTC trong buổi lễ là ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Đồng tế với ngài có hơn 60 HY, GM và khoảng 150 linh mục, trước sự hiện diện của 5 ngàn tín hữu. Đặc biệt cũng có sự hiện diện của nhiều vị đại diện các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật Giáo..

Trong bài giảng, ĐTC nhắc nhở về sự kế truyền tông đồ liên tục của các GM trong truyền thống sinh động của Giáo Hội, nhờ đó sứ vụ và hoạt động của Chúa Cứu Thế tiếp tục và phát tiển cho đến tận thế. ”Trong GM, được các LM quây quần, có chính Chúa Giêsu vị Thượng Tế đời đời hiện diện giữa anh chị em. .. Trong sự khôn ngoan và thận trọng của Giám Mục, chính Chúa Kitô hướng dẫn Dân Chúa trong cuộc lữ hành trần thế tiến về hạnh phúc vĩnh cửu.”

ĐTC cũng nhắn nhủ các tiến chức rằng ”Chức Giám Mục là danh xưng của một việc phục vụ chứ không phải là một vinh dự. GM có nghĩa vụ phục vụ hơn là thống trị, theo mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: ”Ai lớn nhất trong các con, thì hãy trở thành người bé nhỏ nhất. Và ai cai trị, thì hãy hành động như người phục vụ”. (SD 19-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Khao khát lòng thương xót là dấu chỉ ao ước tình yêu Thiên Chúa

Khao khát lòng thương xót là dấu chỉ ao ước tình yêu Thiên Chúa

Nguyên Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo Hoàng đương nhiệm

Mặc dù đang sống tương đối ẩn dật trong một dinh thự trong vườn Vatican, nhưng Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI vẫn tiếp tục nghiên cứu các vấn đề thần học hiện đại, và thỉnh thoảng ngài còn trình bày ý kiến về các vấn đề này cách công khai trong các buổi phỏng vấn. Trong một cuộc phỏng vấn vào trung tuần tháng 3 năm ngoái dành cho cha Jacques Servais, dòng Tên người Bỉ, học trò và nhà nghiên cứu tư tưởng của thần học gia Hans Urs von Balthasar, ngài nói với cha rằng, sự quan tâm của Đức Giáo hoàng Phanxicô và nhiều tín hữu về đề tài lòng thương xót của Thiên chúa là một dấu hiệu của các thời đại; nó chứng tỏ rằng con người vẫn kinh nghiệm một cách sâu xa rằng họ cần đến Thiên Chúa. Ngài nhận định rằng: “Lòng thương xót đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, còn sự công chính làm cho chúng ta run sợ trước nhan Thiên Chúa.”

Trước đó, vào tháng 10, trong một hội thảo về tín điều sự công chính hóa và kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đức Tổng Giám mục Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức giáo hoàng Biển Đức đã đọc bản văn bằng tiếng Đức của ngài. Tín điêu về sự công chính hóa – con người được trở nên công chính trước mặt Thiên chúa và được cứu bởi Chúa Giê su như thế nào – đã là tâm điểm của cuộc cải cách của Giáo hội Tin lành, sự kiện sẽ được kỷ niệm 500 năm vào năm 2017 tới đây

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức giáo hoàng Biển Đức nói: “Đối với con người ngày nay, không giống như những người thời của Luther hay những người theo quan niệm cổ điển của đức tin Kitô giáo, nhiều điều đã thay đổi ngược lại theo một nghĩa nào đó; hay đúng hơn, con người không còn nghĩ là mình cần được công chính hóa trước nhan Thiên Chúa nhưng trái lại theo họ, Thiên Chúa mới phải bào chữa cho chính mình về những điều kinh khủng hiện diện trên thế giới và trước các đau khổ của con người, tất cả những điều cuối cùng lệ thuộc vào Người”. Sự tổng hợp cực đoan của cảm giác như thế, theo ngài, có thể được trình bày thế này: ‘Chúa Kitô không chịu đau khổ cho tội của con người nhưng là để xóa đi những sai lầm của Thiên Chúa.’” Đức giáo hoàng Biển Đức nói tiếp: “Ngay cả nếu hôm nay, phần lớn Kitô hữu không chấp nhận về sự đảo lộn lớn lao của đức tin của chúng ta, anh chị em cũng có thể nói rằng những điều này trình bày một khuynh hướng căn bản của thời đại chúng ta” Ngài nói về một dấu hiệu khác của sự thay đổi mạnh mẽ nữa là “con người ngày nay có chung ý nghĩ rằng Thiên Chúa không thể dễ dàng chấp nhận sự hư mất của phần lớn nhân loại.”

Theo Đức giáo hoàng Biển Đức, dù vậy, vẫn còn tồn tại, theo một cách khác, ý thức về việc chúng ta cần ân sủng và được tha thứ. Đó là một trong các dấu hiệu của các thời đại về sự thật là ý tưởng về sự thương xót của Thiên Chúa đang dần trở nên trung tâm và thống trị trong tư tưởng Kitô giáo, bắt đầu từ thánh Faustina Kowalska vào đầu những năm 1900. Tư tưởng này thấm sâu trong con người Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, dù không luôn luôn rõ ràng. Nhờ kinh nghiệm của một người trẻ chứng kiến những bạo tàn mà con người có thể thực hiện, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã xác định rằng: ‘lòng thương xót là phản ứng trung thực duy nhất và hiệu quả cuối cùng chống lại quyền lực sự dữ. Đức giáo hoàng Biển Đức cũng nói: “Chỉ những nơi có lòng thương xót thì mới không còn sự độc ác, chỉ nơi đó, sự dữ và bạo lực mới kết thúc’”. Và theo ngài, Đức Giáo hoàng Phanxicô hoàn toàn đi theo đường hướng này; hoạt động mục vụ của ngài được diễn tả cách chính xác qua việc ngài không ngừng nói về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Qua sự kiện nhiều người lắng nghe sứ điệp lòng thương xót, Đức Giáo hoàng Biển Đức nói:  điều này cho thấy là dưới lớp gỗ bóng loáng của sự tự bảo và tin chắc về sự tự công chính, con người ngày nay đang che dấu ý thức rõ ràng của mình về những vết thương và sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa. Họ đang chờ đợi lòng thương xót.” Theo ngài, sự công chính hóa nhờ đức tin được diễn tả theo một cách thức khác trong chủ đề lòng thương xót.

Nói về vai trò của việc tuyên xưng rõ ràng đức tin vào Chúa Giêsu, Đức Giáo hoàng Biển Đức cho biết đã có những thay đổi sâu rộng về vấn đề này. Ngài nói: “Trong hậu bán của thế kỷ cuối cùng, có thể nhận thấy xuất hiện một ý thức về việc Thiên Chúa không thể cho phép sự diệt vong của những người không được rửa tội. Nếu như những vị truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 16 tin rằng người không lãnh bí tich rửa tội không được cứu độ và điều này giải thích cho sự dán thân của họ, thì xác tín này hoàn toàn bị loại bỏ trong Giáo hội Công giáo sau Công đồng Vatican II. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng kép. Một đàng nó đánh mất động lực truyền giáo, vì tại sao phải thuyết phục người ta chấp nhận đức tin Kitô khi mà họ vẫn được cứu độ mà không cần tin. Đàng khác đòi hỏi sống đức tin đối với các Kitô hữu dường như không chắc chắn, vì nếu có những người được cứu độ theo các cách thế khác, tại sao các Kitô hữu bị bó buộc sống bởi đức tin và luân lý Kitô giáo.” Đức Giáo hoàng nhận định về cố gắng của các thần học gia đang cố gắng thực hiện các giải thích đầy đủ và giá trị, xác nhận là niềm tin Kitô giáo về ơn cứu độ đến từ Đức Kitô trong khi không nhấn mạnh về phép rửa, và việc tuyên xưng công khai đức tin vào Chúa Kitô là cần thiết. Đồng thời, Giáo hội – toàn bộ cộng đoàn Kitô hữu – rõ ràng là thân mình của Đức Kitô và thân mình đó phải vươn ra giúp đỡ, chữa lành và mời gọi một mối liên hệ mật thiết hơn với Thiên Chúa.

Như Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức giáo hoàng Biển Đức cũng mời gọi trở lại với bí tích hòa giải: “Chỉ có tình yêu thần linh nhập thể của Đức Giêsu Kitô, tình yêu lớn hơn bất cứ quyền lực khả thể của sự dữ, có thể đối đầu với sự thống trị của sự dữ. Nhưng chúng ta phải gắn mình vào với lời đáp trả mà Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô. Ngay cả nếu một cá nhân trả lời với một mảnh của sự dữ thôi thì cũng trở thành tòng phạm của nó, tuy nhiên, cùng với Đức Kitô, ‘người đó có thể bổ khuyết những điều còn thiếu xót trong cuộc thương khó của Người’ (x. Col 1,24). Bí tích hòa giải chắc chắn có một vai trò quan trọng trong lãnh vực này. Nó có nghĩa là chúng ta để mình được nhào nặn và biến đổi bởi Đức Kitô và không ngừng bước đi từ phía những kẻ bị diệt vong đến nơi của những người được cứu chuộc.” (CNS 16/03/2016)”

Hồng Thủy OP

Linh mục cứu 1500 người Hồi giáo, danh sách rút ngắn giải thưởng Aurora

Linh mục cứu 1500 người Hồi giáo, danh sách rút ngắn giải thưởng Aurora

Vị Linh mục cứu 1500 người Hồi giáo khỏi thảm sát

Vị Linh mục cứu 1500 người Hồi giáo khỏi thảm sát ở cộng hòa Trung Phi lọt vào danh sách rút ngắn của giải thưởng “Hừng đông”

Cha Bernard Kinvi dòng thánh Camillô đã cho các người chạy trốn lực lượng anti-balaka trú ẩn vài tháng trong bệnh viện nơi cha đang làm việc ở Bossemptele. Sau đó cha giúp họ trốn thoát bằng xe tải vượt biên giới sang Camerun. Lực lượng anti-balaka là dân quân Kitô ở Cộng hòa Trung phi, cưỡng bức các người Hồi giáo cải sang Kitô giáo.

Cha Kinvi là 1 trong 4 người lọt vào danh sách rút ngắn của giải thưởng “Hừng đông về thức tỉnh nhân loại”. 3 trong 4 người trong danh sách cuối cùng này là người Công giáo. Đó là bác sĩ Tom Catena, người đã phẩu thuật cho 750 ngàn người ở vùng Nuba Mountains thuộc Sudan, người nói là công việc của ông được soi sáng bởi thánh Phanxicô thành Assisi. Người thứ 2 là cô Marguerite Barankitse; cô đã cứu sống hàng ngàn người và chăm sóc cho các trẻ mồ côi và những người tị nạn trong cuộc nội chiến ở Burunđi. Và cuối cùng là Syeda Ghulam Fatima, người đã hoạt động để chấm dứt lao động cưỡng bách ở Pakistan.

Giải thưởng Aurora được thành lập bởi sáng kiến mang tên “một trăm mạng sống” và nhắm vinh danh những người đã cứu những người Armeni trong cuộc diệt chủng năm 1915. Ngày nay, giải thưởng này được trao cho các cá nhân chịu nguy hiểm tính mạng để bảo vệ mạng sống của nguời khác. Giải thưởng này sẽ được trao bởi George Clooney trong một buổi lễ ở Yerevan, Armenia vào tháng tới. Người thắng giải này sẽ được nhận 100 ngàn đô la và sẽ có thể đề cử một tổ chức bác ái nhận sự trợ giúp một triệu đô la.

Vartan Gregorian, 1 thành viên của giải thưởng “Hừng đông” đã nói: “chúng tôi lập giải thưởng không chỉ để vinh danh, nhưng cũng để trợ giúp các anh hùng không được xưng tụng, những người đấu tranh cho nhân quyền và  phản đối sự đàn áp và bất công. Cách đây hàng trăm năm, những người xa lạ đã nhân danh cha ông chúng tôi chống lại sự bách hại, và ngày nay, chúng tôi cám ơn họ bằng cách nhận ra những người đang hoạt động với cùng tinh thần đó để chống lai những sự độc ác hiện đại”.

Cha Kinvi đang làm việc trong một bệnh viện phục vụ cho một vùng lãnh thổ có diện tích rộng bằng nước Thụy sĩ, đã nói với tờ báo Guardian: “Khi tôi trở thành Linh mục, tôi nhận sứ vụ chăm sóc các bệnh nhân ngay cả nó có nghĩa là nguy hiểm đến mạng sống của tôi. Tôi nói vậy nhưng tôi không thật sự hiểu hết ý nghĩa của nó. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, tôi hiểu thế nào là liều mạng sống. Là Linh mục là một điều mà phải hơn cả việc chúc phúc, đó là sát cánh với những người đã mất tất cả.”

Hội đồng tuyển chọn giải thưởng “Hừng đông” bao gồm những người đã đoạt giải Nobel như Elie Wiesel, Oscar Arias, Shirin Ebadi and Leymah Gbowee; Mary Robinson, nguyên tổng thống Ái nhĩ lan; nhà hoạt động nhân quyền Hina Jilani; Gareth Evans, nguyên Bộ trưởng ngoại giao Úc và chủ tịch danh dự của “nhóm khủng hoảng quốc tế”, là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lâp năm 1995 để giúp ngăn chặn và giải quyết các xung đột và bạo lực chiến; Vartan Gregorian, chủ tịch của tập đoàn Carnegie của New York; và George Clooney, diễn viên đạt giải thưởng Hàn lâm. (Catholic Herald 16/03/2016).

Hồng Thủy OP

 

Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

VATICAN. Sáng 18-3-2016, ĐTC đã tiếp kiến 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng và sai thêm 270 gia đình từ 5 châu ra đi truyền giáo cho dân ngoại tại 56 cứ điểm.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến tại Đại Thính Đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, có vị người sáng lập Con đường này là Ông Kikô Arguello và bà Carmen Hernandez người Tây Ban Nha và cha Mario Pezzi, vị linh hướng. Ngoài ra có gần 20 HY và GM thuộc các giáo phận nơi có các thành viên Con đường Tân Dự Tòng.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đặc biệt mời gọi các thành viên Con đường Tân dự tòng vun trồng tình hiệp nhất trong tinh thần khiêm tốn, tìm kiếm vinh quang đích thực là tình yêu thương xót của Chúa, sau cùng là dấn thân loan báo Tin Mừng cho thế giới, cho các gia đình và tha nhân.

ĐTC đề cao tình hiệp thông trong Giáo Hội và cảnh giác chống lại cám dỗ của ma quỉ luôn tìm cách gieo rắc chia rẽ. Ngài nói: ”Tình hiệp thông là điều thiết yếu. Kẻ thù của Thiên Chúa và của con người là ma quỉ, hắn không thể làm gì chống lại Tin Mừng, chống lại sức mạnh khiêm tốn của lời cầu nguyện và các bí tích, nhưng hắn có thể gây hại rất nhiều cho Giáo Hội bằng cách cám dỗ nhân tính của chúng ta. Hắn khơi lên sự tự phụ, xét đoán người khác, khép kín, chia rẽ. Ma quỉ là kẻ chia rẽ và thường bắt đầu bằng cách làm cho chúng ta tưởng mình là tốt lành, thậm chí tốt lành hơn người khác, và thế là hắn có thửa đất sẵn sàng để gieo cỏ dại vào”.

ĐTC đề cao đoàn sủng mà các thành viên Con đường tân dự tòng nhận lãnh qua việc canh tân cuộc sống theo tinh thần bí tích rửa tội. Nhưng ngài cảnh giác: ”Đoàn sủng này có thể bị hư hỏng khi người ta khép kín, hoặc tự phụ, khi người ta muốn nổi bật hơn người khác. Vì thế cần phải bảo tồn đoàn sủng ấy bằng cách bước theo con đường tuyệt hảo là sự hiệp nhất trong khiêm tốn và vâng phục. Nếu có tinh thần như thế, thì Chúa Thánh Linh tiếp tục hoạt động, như Chúa đã làm nơi Mẹ Maria, cởi mở, khiêm tốn và vâng phục”.

Sau huấn từ, ĐTC đã làm phép các thánh giá truyền giáo các gia đình thừa sai cầm trong tay, và một số khác đặt trên khay. Rồi ngài trao riêng thánh giá cho các LM hướng dẫn 56 nhóm.

Trong số 56 cứ điểm truyền giáo mà ĐTC sai 270 gia đình với hơn 1.500 người con tới đó, có 14 cứ điểm ở Á châu, 30 tại Âu Châu, 4 ở Úc châu và 2 tại Mỹ châu. Mỗi nhóm truyền giáo được sai đi như thế gồm có 4 hoặc 5 gia đình, một LM, tức là khoảng 40 người. Tổng cộng có gần 2 ngàn người được nhận thánh giá truyền giáo. Thường thường các nhóm được gửi đến những vùng trong đó sự hiện diện của Kitô giáo bị sa sút như tại nhiều nước Âu Châu như Pháp, Ai Len, Thụy Điển, Anh quốc, v.v.

Như vậy, với các nhóm mới được sai đi lần này, tổng cộng có 184 cứ điểm truyền giáo của Con đường Tân dự tòng trên thế giới, trong đó có 48 tại Á châu và 106 tại Âu Châu, tất cả là 750 gia đình với gần 4 ngàn người con.

Tại Mỹ châu các gia đình được những nước như Canada, Hoa Kỳ, Peru và Brazil. Có một số nhóm đi Ấn độ và Trung Quốc. Việc gửi các gia đình này được thực hiện theo lời thỉnh cầu của các GM địa phương.

Con đường Tân Dự Tòng được thành lập năm 1964 do Ông Kiko Arguello và Bà Carmen Hernández tại Madrid, Tây Ban Nha. Hiện nay Con đường này hiện diện tại 128 quốc gia năm châu, với hơn 25 ngàn cộng đoàn tại gần 7 ngàn giáo xứ.

Con đường này cũng có hơn 100 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với hơn 2,500 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục. Từ năm 1989 đến nay có hơn 2 ngàn LM đã xuất thân từ các đại chủng viện vừa nói. (SD 18-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế sáng ngày 17-3-2016, ĐTC mời gọi họ đặc biệt quan tâm đến dân nghèo, người tị nạn và những người gặp khó khăn.

Các sinh viên quốc tế này tham dự khóa học thường niên di động trong chương trình gọi là ”Havard World Model United Nations”, do Đại Học Havard ở Mỹ cùng với 1 đại học địa phương ở thành phố đón tiếp các sinh viên tham dự khóa học. Hiện nay có hơn 2 ngàn đại học từ trên 70 quốc gia trên thế giới tham gia các khóa học này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Thành quả lớn nhất trong việc tụ họp nhau ở Roma này không hệ tại việc học về ngoại giao, các hệ thống cơ chế và các tổ chức, tuy rằng những điều này là quan trọng và đáng được các bạn học hỏi. Thành quả lớn hơn chính là thời gian các bạn trải qua với nhau, gặp gỡ những người từ mọi nơi trên thế giới, không những họ tượng trưng cho bao nhiêu thách đố hiện nay, nhưng nhất là họ là biểu tượng các tài năng phong phú khác nhau và tiềm năng của gia đình nhân loại”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Trong những ngày này, các bạn học hỏi rất nhiều với nhau và nhắc nhở nhau rằng đằng sau mỗi khó khăn mà thế giới gặp phải, có những người nam nữ, già trẻ, những người như các bạn. Có những gia đình và cá nhân đang phải vật lộn mỗi ngày để sống, họ cố gắng săn sóc con cái và cung cấp cho chúng không những tương lai, nhưng cả những nhu cầu cơ bản của ngày hôm nay.. Nhiều người trong số họ phải chịu những vấn đề trầm trọng của thế giới ngày nay, nạn bạo lực và bất bao dung, họ trở thành những người tị nạn, buộc lòng phải bỏ gia cư, bị tước đoạt đất đai và tự do”.

ĐTC nói: ”Đó là những người đang cần được các bạn giúp đỡ, họ lớn tiếng xin các bạn lắng nghe họ, hơn bao giờ hết họ đang được những cố gắng của các bạn thực hiện công lý, hòa bình và tình liên đới. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta phải vui với người vui, và khóc với người khóc” (Xc Rm 12,15).

Sau cùng ĐTC bày tỏ hy vọng các sinh viên quốc tế thấy ”sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo trong việc phục vụ người nghèo và người tị nạn, nâng đỡ các gia đình và các cộng đoàn, bảo vệ phẩm giá bất khả nhượng và các quyền của mỗi phần tử trong gia đình nhân loại”. Ngài nói: ”Các tín hữu Kitô chúng ta tin rằng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta phục vụ các anh chị em, săn sóc lẫn nhau, bất luận nguyên quán hoặc hoàn cảnh của họ. Nhưng đây không phải chỉ là đặc điểm của các tín hữu Kitô, nhưng là một lời kêu gọi phổ quát, ăn rễ sâu nơi chính nhân tính chung của chúng ta” (SD 17-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Cả tội lỗi cũng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa

Cả tội lỗi cũng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô hôn trẻ em trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư 16-3-2016

Cả tội lỗi cùng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa

Thiên Chúa không vắng bóng, Ngài ở gần và thực hiện các việc cứu độ lớn lao cho kẻ tín thác nơi Ngài. Vì thế không được nhượng bộ thất vọng, nhưng phải tiếp tục xác tín rằng Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Cả tội lỗi cùng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với con người.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 40,000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hôm qua.

Ngài đã khai triển bài giáo lý dựa trên hai chương 30 và 31 sách ngôn sứ Gêrêmia đưọc goi là “sách ủi an”, vì trong đó lòng thương xót của Thiên Chúa đưọc giới thiệu với tất cả khả năng an ủi và mở trái tim của những người khổ đau ra cho niềm hy vọng .

Ngôn sứ Giêrêmia nói với những người Israel đã bị đi đầy tại nước ngoài và tiên báo cuộc trở về quê hương. Việc hồi hương đó là dấu chỉ tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa Cha, là Đấng không bỏ rơi các con cái Ngài, nhưng lo lắng cho họ và cứu thoát họ. Lưu đầy đã là một kinh nghiệm tàn phá đối với dân Israel. Niềm tin đã chao đảo, vì trên đất khách, không có đền thờ, không có phụng tự, sau khi đã chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá, thật rất khó mà tiếp tục tin tưởng vào lòng lành của Chúa. Tôi nghĩ tới nước Albania, sau bao nhiêu bách hại và tàn phá đã thành công vươn lên trong phẩm giá và niềm tin. Các người Israel cũng đã khổ đau như thế.

Áp dụng vào thực tại cuộc sống của tín hữu ngày nay ĐTC nói:

Cả chúng ta nữa nhiều lần cũng có thể sống một loại lưu đầy, khi sự cô đơn, khổ đau và cái chết khiến cho chúng ta nghĩ rằng mình đã bị Thiên Chúa bỏ rơi. Biết bao lần chúng ta đã nghe lời này: “Thiên Chúa đã quên tôi rồi”: đó là những người khổ đau và cảm thấy bị bỏ rơi. Có biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta trái lại đang sống trong thời đại này một tình trạng thê thảm đích thực của sự lưu đầy, xa quê hương, còn có trong đôi mắt cảnh nhà cửa tan nát, và trong con tim sự sợ hãi và rất tiếc thường khi cả nỗi đau đớn vì mất đi các người thân thương. Trong các trường hợp đó ngưòi ta có thể tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao biết bao khổ đau lại có thể đổ ập trên các người nam nữ và trẻ em vô tội như thế? Và khi họ tìm vào vài ngõ khác, thì người ta đóng cửa lại không cho vào. Và họ ở đó, trên vùng biên giới vì biết bao cửa và biết bao con tim khép kín. Các người di cư ngày nay bị lạnh, không thực phẩm, không thể vào, không cảm thấy sự tiếp đón. Tôi rất thích nghe và trông thấy các quốc gia và các nhà cầm quyền mở rộng con tim và cánh cửa cho các anh chị em di cư này.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: ngôn sứ Gêrêmia cho chúng ta một câu trả lời thứ nhất. Dân bị đi đầy sẽ có thể trở về trông thấy quê hương mình và sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa. Đó là lời loan báo hy vọng lớn lao: Thiên Chúa không vắng bóng, cả ngày nay trong các tình trạng thê thảm này. Ngài ở gần và thực hiện các việc cứu độ lớn lao cho kẻ tín thác nơi Ngài. Vì thế không được nhượng bộ thất vọng, nhưng tiếp tục xác tín rằng Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Vì thế ngôn sứ Giêrêmia cho Thiên Chúa mượn tiếng của mình để nói với dân ngài các lời yêu thương: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Ít-ra-en. Ngươi sẽ lại nên xinh đẹp; với những chiếc trống cơm, ngươi sẽ xuất hiện giữa đám nhảy múa tưng bừng.” (Gr 31.3-4).

Thiên Chúa trung thành, Ngài không bỏ rơi con người trong sự phiền muộn. Thiên Chúa yêu thương với một tình yêu vô tận, mà cả tội lỗi cũng không thể ngăn cản được, và nhờ Ngài trái tim con người được tràn đầy niềm vui và sự an ủi. Giấc mơ hồi hương tiếp tục trong các lời của ngôn sứ, hướng tới những người sẽ trở về Giêrusalem và nói: “Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Xi-on, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Giavê. Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thoả thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon.” (Gr 31,12).

Trong tươi vui và lòng biết ơn các người bị đi đầy sẽ trở về Sion,  lên núi thánh hướng về nhà Chúa và như vậy họ sẽ lại có thể nâng các bài thánh thi và lời cầu nguyện lên Chúa, là Đấng đã giải thoát họ. Việc trở về Giêrusaelm và các của cải của nó được miêu tả với một động từ dịch sát chữ có nghĩa là “chảy về”. Trong một chuyển động mâu thuẫn, dân Israel được coi như một dòng sông tràn bờ chảy lên núi Sion, lên cho tới đỉnh núi. Đây là một hình ảnh táo bạo để nói lên lòng thương xót của Chúa lớn lao chừng nào!

Đất mà dân dã phải bỏ, đã trở thành mồi của thù địch và hoang tàn. Trái lại giờ đây, nó hồi sinh và nở hoa. Và chính các người bị đi đầy sẽ như một ngôi vườn được tưới gội, như một mảnh đất phì nhiêu. Dân Israel được Chúa đem về quê hương, chứng kiến chiến thắng của cuộc sống trên cái chết và của việc chúc lành trên sự chúc dữ. Đây thật là điều an ủi! Và chính như thế mà dân được Thiên Chúa củng cố và ủi an. Các người hồi hương nhận được sự sống từ một nguồn tưới gội họ một cách nhưng không.

 Tới đây ngôn sứ loan báo niềm vui tràn đầy, và luôn luôn nhân danh Thiên Chúa ông công bố: “Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, sẽ cho họ được an ủi vui mừng.” (Gr 31,13). Thánh vịnh nói với chúng ta rằng khi họ trở về quê hương miệng họ tràn đầy tiếng cười; đó là một niềm vui lớn biết bao! Đó là ơn mà Chúa cũng muốn ban cho từng người trong chúng ta, với sự tha thứ khiến hoán cải và hoà giải.

Ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta lời loan báo, bằng cách trình bầy việc hồi hương của những người bị đi đầy như một biểu tượng lớn lao của sự ủi an trao ban cho con tim hoán cải. Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau:

Từ phía Ngài, Chúa Giêsu đã thành toàn sứ điệp này của ngôn sứ. Việc trở về đích thật và triệt để từ nơi lưu đầy và ánh sáng ủi an sau đêm đen của cuộc khủng hoảng đức tin, được hiện thực trong lễ Phục Sinh, trong kinh nghiệm tràn đầy và vĩnh viễn của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu thương xót trao ban niềm vui, hoà bình và sự sống vĩnh cửu.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ nhiều nước khác nhau như Pháp, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ai len, Canada, Hoa Kỳ, cũng như từ các nước Indonesia, Nhật Bản và châu Mỹ Latinh. Vì có rất đông sinh viên học sinh các trường trung học tham dự buổi tiếp kiến ĐTC mời gọi các bạn trẻ tiến tới gần Chúa đặc biệt qua  bí tích Hoà Giải, để sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng cầu mong tín hữu khắp nơi sống Năm Thánh Lòng Thương Xót như thời điểm của ơn thánh và canh tân tinh thần trong gia đình để có được niềm vui và sự an bình của Chúa Giêsu. Ngài cũng cầu mong đừng có gì có thể ngăn cản tín hữu sống tình bạn của Thiên Chúa Cha, nhưng để cho tình yêu của Chúa luôn tái sinh họ như con cái và hoà giải họ với Chúa.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài hiệp ý với các bạn trẻ tụ tập nhau tại sân vận động Tauron để cử hành Năm Thánh với đề tài “Giới trẻ và lòng thương xót”. Ngài cầu chúc họ bước theo Chúa từ nhân, khi bước qua Cửa Thánh, cử hành bí tích hòa giải, chầu Mình Thánh Chúa, suy niệm dụ ngôn người Samaritano nhân hậu và chuẩn bị tiếp đón người trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia.

Chào các đoàn hành hương Italia, trong đó có tín hữu nhiều giáo phận do các Giám Mục hướng dẫn về hành hương Roma, các sinh viên và giáo sư đại học Auxilium Roma, cũng như các thành viên hiệp hội hiến cơ phận vùng Marche trung Italia, các sinh viên dại học Perugia, các thành viên tổ chức chuyên chở bệnh nhân hành hương Lộ Đức vùng Lombardia bắc Italia, ĐTC việc bước qua Cửa Thánh là dịp thuận tiện giúp mọi người trở về trong cánh tay nhân từ của Thiên Chúa Cha.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho biết hôm nay phụng vụ nhớ thánh Patrizio, tông đồ dân nước Ailen. Ước chi cuộc sống tinh thần mạnh mẽ của ngài kích thích người trẻ sống đức tin trung thực, sự tin tưởng của thánh nhân nơi Chúa Kitô Cứu Thế ban sức chịu đựng đau khổ cho các bệnh nhân, và lòng tận tụy truyền giáo của thánh nhân giúp các cặp vợ chồng mới cưới hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong đức tin kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Sơ thảo chương trình viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan

Sơ thảo chương trình viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Ba Lan

Logo chuyến viếng thăm của ĐTC sắp tới

VARSAVA. Sơ thảo chương trình viếng thăm của ĐTC tại Ba Lan từ ngày 27 đến 31-7 năm nay đã được giới thiệu tại thủ đô Varsava hôm 12-3 vừa qua.

ĐTC đến viếng thăm nước này nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 sẽ tiến hành tại Cracovia vào cuối tháng 7 tới đây.

Ngày thứ tư, 27-7, ĐTC sẽ đến phi trường Cracovia-Balice, gặp gỡ Tổng thống và các GM Ba Lan. Ban chiều tối ngài sẽ xuất hiện tại bao lơn tòa TGM Cracovia, nơi Đức Gioan Phaolô 2 thường dùng để nói chuyện với các bạn trẻ.

Thứ năm, 28-7, ĐTC sẽ đến Đền thánh Đức Mẹ Czestochowa, Nữ Vương Ba Lan, cách Cracovia 140 cây số, và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Đen. Tiếp đó ngài sẽ cử hành thánh lễ nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Ba Lan lãnh nhận bí tích rửa tội.

Sáng thứ sáu, 29-7, ĐTC sẽ viếng thăm trại tập trung Auschwitz-Birkenau và ban chiều ngài chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể với các bạn trẻ ở quảng trường Cracovia.

Thứ bẩy, 30-7, ĐTC sẽ hành hương Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót ở Lagiewski, ngoại ô thành Cracovia. Theo dự kiến, ngài sẽ bước qua Cửa Năm Thánh tại đây, và viếng mộ thánh nữ Faustina Kowalska tại nhà nguyện gần Đền Thánh. Tiếp đến, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với các LM, tu sĩ và chủng sinh. Tại Đền Thánh, ngài cũng sẽ ban phép giải tội cho một số bạn trẻ rồi dùng bữa trưa với một số đại diện của họ.

Tối thứ bẩy cùng ngày, ĐTC sẽ chủ sự buổi canh thức với các bạn trẻ và sáng chúa nhật hôm sau, cũng tại cánh đồng này, ngài sẽ cử hành thánh lễ bế mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ với nghi thức sai các bạn trẻ ra đi.

Ban chiều cùng ngày, ĐTC gặp những người thiện nguyện, ban tổ chức và các ân nhân đã cộng tác vào việc tổ chức Ngày Quốc Tế giới trẻ, trước khi ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma.

Tại Roma, Phòng báo chí Tòa Thánh chưa công bố chương trình chính thức cuộc viếng thăm của ĐTC nhưng chỉ mới xác nhận ngài sẽ viếng thăm Ba Lan từ ngày 27 đến 31-7 năm nay (SD 12-3-2016)

Trại tập trung Auschwitz

Mặt khác, ban giám đốc trại tập trung Auschwitz-Birkenau đã quyết định dành riêng những ngày từ 20 đến 28-7 và từ ngày 1 đến 3-8 năm nay cho các bạn trẻ dự ngày Quốc Tế giới trẻ muốn thăm viếng trại tập trung này.

Trại Auschwitz-Birkenau cách Cracovia khoảng 65 cây số và là nơi Đức quốc xã đã tiêu diệt hơn 1 triệu người, trong đó đa số là người Do thái, phần còn lại là người Ba Lan, người du mục, và tù nhân chiến tranh người Nga.

Trong số các tù nhân, có 2 người đã được phong hiển thánh, đó là cha Maximiliano Kolbe, dòng Phanxicô viện tu người Ba Lan, và thánh nữ Edith Stein, một nữ triết gia Do thái ở Đức trở lại Công Giáo và trở thành một nữ Đan sĩ dòng Cát Minh.

Năm 2015 có 1 triệu 720 ngàn người, đa số là người trẻ, đến viếng thăm trại tập trung này, một con số kỷ lục. Trong số người thăm viếng vừa nói có 425 ngàn người từ Ba Lan, 220 ngàn từ Anh quốc và 141 ngàn từ Hoa Kỳ. (CNS 12-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 50 ngàn tín hữu

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 50 ngàn tín hữu

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 50 ngàn tín hữu

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu hãy biểu lộ tình yêu thương qua việc phục vụ lẫn nhau, noi gương Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 12-3-2016, dành cho 50 ngàn tín hữu hành hương. Đây là buổi tiếp kiến đặc biệt mỗi tháng một lần vào thứ bẩy, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn dụ về đề tài ”Lòng thương xót và việc phục vụ”, sau khi diễn giải ý nghĩa việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tình yêu là một việc phục vụ cụ thể chúng ta làm cho nhau. Một việc phục vụ khiêm tốn, làm trong thinh lặng và âm thầm, như Chúa Giêsu đã nói: ”Đừng để tay phải biết việc tay trái làm” (Mt 6,3). Việc phục vụ này cũng bao hàm việc đặt để những hồng ân Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta để cộng đoàn có thể tăng trưởng (Xc 1 Cr 12,4-11).”

ĐTC nói thêm rằng ”việc phục vụ cũng được diễn tả qua sự chia sẻ của cải vật chất, để không ai phải ở trong tình cảnh túng thiếu. Sự chia sẻ và tận tụy dành cho người túng thiếu là một lối sống mà Thiên Chúa cũng gợi ý cho cả những người không Kitô, như con đường tình người đích thực”.

Sau cùng, ĐTC nhắc nhủ rằng Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta xưng thú với nhau những khiếm khuyết và cầu nguyện cho nhau để biết thành tâm tha thứ cho nhau. (SD 12-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha – Chúa Nhật V Mùa Chay

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha – Chúa Nhật V Mùa Chay

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha - Chúa Nhật V Mùa Chay

 

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 13.03, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

“Anh chị em thân mến,

Tin Mừng của ngày Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay rất đẹp (Ga, 8, 1-11). Tôi rất thích đọc và suy gẫm về đoạn Tin Mừng này. Thánh Luca đã trình bày cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình, qua đó làm nổi bật chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Câu chuyện diễn ra trong khuôn viên đền thờ. Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy dân chúng. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Ngài một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa Đức Giêsu và dân chúng (x. câu 3), tức là đứng giữa lòng xót thương của Con Thiên Chúa và sự công kích của những người tố cáo chị. Trong thực tế, họ không đến với Thầy Giêsu để xin ý kiến nhưng là để gài bẫy Ngài. Thật vậy, nếu Đức Giêsu theo sự nghiêm khắc của lề luật, tức là chấp thuận việc ném đá người phụ nữ, thì ngay lập tức Ngài sẽ mất đi uy tín. Những gì Ngài rao giảng về sự hiền lành, lòng thương xót mà dân chúng đang say mê lắng nghe sẽ trở nên giả dối. Nhưng nếu Ngài nói không, tức là muốn tỏ lòng thương xót với người phụ nữ, thì Ngài đang đi ngược lại với lề luật. Như vậy Đức Giêsu cũng tự mẫu thuẫn với chính mình vì trước đây Ngài từng tuyên bố: ‘Tôi đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật’ (x. Mt 5,17). Đức Giêsu đã bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như thế.

Ý định và cạm bẫy nham hiểm của các kinh sư và người Pha-ri-sêu ẩn núp dưới câu hỏi mà họ chất vấn Đức Giêsu: ‘Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’ Đức Giêsu im lặng không trả lời và làm một cử chỉ bí ẩn, rất khó hiểu: ‘Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất’ (c. 7). Dường như Đức Giêsu vẽ cái gì đó. Có người cho rằng Ngài viết tội của người Pha-ri-sêu… Tuy nhiên, việc Đức Giêsu viết cũng giống như những việc khác Ngài đã làm thôi. Nhưng chắc chắn rằng, bằng cách viết trên đất như thế, Đức Giêsu muốn mời gọi mọi người bình tĩnh lại, đừng hành động vì sự nôn nóng bốc đồng nhưng hãy tìm kiếm sự công bình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ lại nhất quyết chờ đợi một câu trả lời từ Đức Giêsu. Dường như họ đang khát máu. Vì họ cứ hỏi mãi nên Đức Giêsu ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.’ (c. 7) Câu trả lời này đã hạ đo ván những người đang lên án tố cáo, tước bỏ tất cả vũ khí của họ trong chính nghĩa đen của từ ngữ: tất cả họ đều hạ ‘vũ khí’ xuống, đó là những viên đá đang sẵn sàng để ném ra. Một cách công khai họ muốn giết chết người phụ nữ, nhưng cách âm thầm và đầy ngụ ý họ muốn chống đối và loại trừ Đức Giêsu. Và trong khi Đức Giêsu tiếp tục viết trên đất, những kẻ tố cáo bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi, đó là những người ý thức hơn về tình trạng không sạch tội của mình. Chính chúng ta cũng phải ý thức rằng chúng ta là kẻ tội lỗi. Khi kết án người khác, chúng ta biết rõ tội lỗi của họ. Nhưng sẽ thật tốt đẹp nếu chúng ta có cam đảm bỏ xuống đất hòn đá nắm trong tay để ném người khác và suy nghĩ về tội lỗi của mình.

Cuối cùng chỉ còn lại người phụ nữ và Đức Giêsu: sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện với nhau. Điều này cũng xảy ra với mỗi người chúng ta. Khi đến trước tòa giải tội, với sự xấu hổ, thẹn thùng, chúng ta nhận thấy tình trạng khốn khổ của mình và nài xin ơn tha thứ. Đức Giêsu cất tiếng hỏi: ‘Này chị, họ đâu cả rồi?’ (c.10). Như vậy, vụ thẩm tra đã kết thúc. Với đôi mắt tràn đầy xót thương và tình yêu mến, Đức Giêsu nhận thấy rằng người phụ nữ vẫn có phẩm giá của mình. Chị không đáng tội chết. Chị vẫn có thể thay đổi đời sống, vẫn có thể thoát ra khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và bước đi trên một con đường mới.

Chị đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Kinh nghiệm của chị cũng tượng trưng cho ý định của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta: Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là ân sủng, cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống.’ Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta. Chúa muốn ở với ta và muốn chúng ta cũng ở lại với Ngài. Chúa mong ước chúng ta đừng sử dụng tự do để làm điều xấu nhưng biết làm điều thiện. Và chúng ta có thể làm được điều ấy với ân sủng Chúa ban.

Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ra biết tín thác cách tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ đó mà chúng ta sẽ được trở nên những thụ tạo mới.”

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ rằng: “Hôm nay, tôi muốn nhắc lại ý nghĩa cử chỉ của việc anh chị em trao tặng các sách Tin Mừng bỏ túi. Đó là sách Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta đọc vào mỗi Chúa Nhật trong năm phụng vụ này. Cuốn sách ấy có nhan đề: ‘Tin Mừng về lòng thương xót Chúa theo Thánh Luca’. Thánh sử Luca đã thuật lại lời của Chúa Giêsu rằng: ‘Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ’ (Lc, 6, 36). Chính những lời ấy đã gợi hứng cho Năm Thánh này. Anh chị em sẽ được phát miễn phí sách Tin Mừng bỏ túi ấy bởi các tình nguyện viên. Tôi mời gọi anh chị em hãy nhận lấy và đọc mỗi ngày, để nhờ đó lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong tâm hồn anh chị em và anh chị em cũng có thể diễn tả lòng thương xót ấy cho những người mà anh chị em gặp gỡ.”

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người ngày Chúa nhật an lành và cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Năm Thánh gia tăng số người xưng tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Năm Thánh gia tăng số người xưng tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Năm Thánh gia tăng số người xưng tội tại Đền Thờ Thánh Phêrô

VATICAN. Năm Thánh đưa nhiều người đến tòa giải tội trong đền thờ Thánh Phê rô hơn, Cha Rocco Rizzo dòng Phanxicô viện tu, trưởng nhóm  các cha giải tội tại đền thờ Thánh Phêrô cho biết như thế.

Cha nói với báo Osservatore Romano rằng: “Số người xưng tội trong đền thờ thánh Phê rô gia tăng thấy rõ trong những tháng đầu của năm Thánh Thương xót, nhưng không phải giữa những người nói tiếng Anh, những người có lẽ vì sợ khủng bố nên tránh xa châu Âu”.

Cha cho biết là ngài đã giải tội cho khoảng 2000 người trong đền thờ Thánh Phêrô, kể từ ngày khai mạc Năm Thánh cho đến hết tháng 2, nhưng phần lớn các hối nhân là người Ý. Cha nghĩ là số người ngoại quốc ít đi là do những cảnh báo về khủng bố sau những vụ tấn công ở Paris vào tháng 11 năm ngoái. Đây là lý do các cha giải tội bằng tiếng Anh có ít người xưng tội hơn trong năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 10 tháng 3, Cha Rizzo cho báo  Osservatore Romano biết, ngoài 14 cha Phanxi cô viện tu giải tội thường trực trong đền thờ, thì cũng có thêm 30 cha được gửi đến ngồi tòa trong Năm Thánh. Các cha sẽ giải tội hàng ngày, ban sáng từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa, và ban chiều, vào mùa đông, từ 3 giờ 30 đến 6 giờ 30 chiều, còn mùa xuân và hè thì các ngài sẽ giải tội cho đến 7 giờ chiều. Ngoài các ngôn ngữ chính như: Ý, Tây ban nha, Anh, Pháp, Đức, Bồ đào nha, và Ba lan, cũng có một số cha có thể ban phép gỉai tội bằng tiếng Hoa, Malta và Cro-át 

Cha Rizzo thường giải tội cho khoảng 20 đến 30 người một ngày bằng tiếng Ý và Tây ban nha, nhưng vào dịp cuối tuần thứ 7 và Chúa nhật, số người đến xưng tội thường tăng lên, và Cha sẽ nghe khoảng 50 người xưng tội.

Cha cũng nói về một hiện tượng đang gia tăng là số người không Công giáo đến xưng tội. Họ muốn xưng tội để xem nó như thế nào. Cha nói: “Các vị giải tội có thể lắng nghe và khuyên nhủ những người không Công giáo, nhưng những trường hợp đó không được coi là  bí tích giải tội.”

Theo Cha, ngay cả các khách du lich hay nhũng người hành hương Công giáo thăm viếng đền thờ thánh Phê rô cũng không quen với việc lãnh nhận bí tích hòa giải. Nhiều người trẻ cho biết họ đã không xưng tội từ khi họ rước lễ lần đầu. Cha kể: “Cha đã giải tội cho những ngườì đã phạm tội trọng cách đây 30 hay 40 năm, bây giờ họ nghe những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô và muốn hòa giải với Chúa. Đặc biệt, có những phụ nữ đã từng phá thai, đến xưng tội với Cha. Họ mang vết thương không bao giờ lành nên dù đã xưng tội đó rồi họ vẫn muốn xưng tội lại.”  

Trong năm Lòng Thương xót, cha Rizzo và các cha giải tội ở đền thờ thánh Phê rô và các đền thờ lớn ở Roma được ban năng quyền đặc biệt, có thể ban phép giải tội cho cả những trường hợp như phá thai, điều mà bình thường cần tham vấn Giám mục địa phương, hay có khi là Vatican.

Cha Rizzo cho biết thêm: “có một điều thay đổi nữa trong năm Lòng Thương xót, đó là trong phần đền tội, nhiều cha giải tội tại đền thờ đã yêu cầu các hối nhân thể hiện sự thống hối của họ bằng một việc làm cụ thể, thay vì đọc kinh. Các việc làm này có thể là thăm viếng người đau yếu, đi chợ cho người già, trả bill cho những người không có tiền, hoặc là giúp ai đó đi đến nhà thờ.” (CNS 10-3-2016)

Hồng Thủy OP

Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe

Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe

Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe

GENÈVE. Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức LHQ ở Genève, Đức Ông Richard Gyhra, kêu gọi đừng đặt những lợi lộc kinh tế lên trên hết đến độ không còn tôn trọng quyền của dân nghèo được săn sóc sức khỏe.

Đức ông Gyhra hiện xử lý thường vụ Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh ở LHQ, Genève. Trong bài tham luận hôm 10-3-2016, ngài kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe của con người như được nhìn nhận trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và đừng chấp nhận một sự kỳ thị nào trong việc cung cấp những dịch vụ sức khỏe, trong đó có việc cung cấp những thuốc men thiết yếu, phân phối công bình các dịch vụ y tế và chấp nhận các chiến lược quốc gia để phòng ngừa và bài trừ bệnh Sida (Aids).

Đức Ông Gyhra nhận xét rằng mặc dù bao nhiêu sáng kiến tích cực đã được thi hành trong 10 năm gần đây để chấm dứt bệnh dịch Sida, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần làm. Trong số các thách đố chính, có thách đố không coi lợi lộc kinh tế do thuốc men và các dụng cụ chẩn bệnh mang lại như một ưu tiên, để tránh tình trạng giá thuốc men quá cao khiến các bệnh nhân không thể mua nổi.

Đức Ông Gyhra nhận xét rằng trong hơn 30 năm, bệnh Sida đã gây ra chết chóc và đau khổ khôn tả cho hàng triệu trẻ em và người lớn, và khiến cho hàng triệu trẻ em mồ côi, đưa các gia đình và cộng đoàn đến tình trạng sụp đổ về mặt xã hội, kinh tế và cảm xúc.

Sau cùng Đức Ông Gyhra kết thúc bài tham luận với lời ĐTC Phanxicô tại Trụ sở LHQ ở Nairobi, Kenya ngày 26-11-2015: ”Sự lệ thuộc lẫn nhau và hội nhập các nền kinh tế không được gây thiệt hại nào cho hệ thống y tế và bảo vệ xã hội hiện nay, trái lại, nó phải tạo điều kiện dễ dàng cho sự thiết lập và điều hành các hệ thống ấy. Một số vấn đề y tế đòi các giới chức chính trị ưu tiên lưu tâm, vượt lên trên bất kỳ lợi lộc thương mại hoặc chính trị nào” (SD 11-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

3 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các con số

3 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các con số

3 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các con số

ROMA. Nhân dịp kỷ niệm 3 năm Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô, mạng internet ”Sismografo” ở Italia đã làm tổng kết hoạt động của ngài qua các con số:

Tổng cộng trong hơn 1 ngàn ngày, ngài đã đọc 628 bài diễn văn và 180 bài giảng, công bố 153 sứ điệp, cử hành 382 thánh lễ tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Martha, trong số này con số thánh lễ trong năm ngoái giảm bớt nhiều so với 2 năm trước đó.

ĐTC đã thực hiện 124 buổi tiếp kiến chung và tiếp kiến dịp Năm Thánh, ngài chủ sự 168 buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tại Roma và các nơi khác, thực hiện 11 chuyến viếng tại Italia và 12 lần viếng thăm tại hải ngoại với gần 2 tháng ở nước ngoài và di chuyển 152 ngàn cây số tức là gần 4 vòng trái đất.

Ngoài Tông Sắc ”Khuôn mặt thương xót” (Misiricordiae Vultus) ấn định Năm Thánh ngoại thường, ĐTC đã công bố hai thông điệp ”Lumen Fidei”, Ánh sáng đức tin, và Laudato sí, Chúc tụng Chúa, một tông huấn Evangelii Gaudium, ”Niềm Vui Phúc Âm”. Ngoài ra, ĐTC công bố 15 Tông Hiến, 101 thư và 29 Tông thư, 9 Tự Sắc và khoảng 20 kinh nguyện

Dùng bữa với người nghèo

Để kỷ niệm 3 năm Giáo Hoàng, chiều chúa nhật 13-3-2016, ĐTC Phanxicô sẽ dùng bữa với những người vô gia cư tại nhà thờ thánh Lorenzo chỉ cách Vatican 50 mét.

Thánh đường này ở cạnh trung tâm giới trẻ quốc tế, là nơi giữ bản gốc Thánh Giá giới trẻ mà ĐGH Gioan Phaolô 2 trao cho giới trẻ nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần đầu tiên cử hành cách đây 33 năm (1983).

Bữa ăn tối của ĐTC với những người vô gia cư ở khu vực Vatican sẽ kết thúc sáng kiến ”cầu nguyện đường trường 24 tiếng đồng hồ” được khởi xướng để cảm tạ Chúa vì 3 năm Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô, đồng thời xin Chúa chúc lành cho bản thân và sứ vụ của Người.

Cuộc cầu nguyện này sẽ được khởi sự lúc 10 giờ tối thứ bẩy, 12-3, với việc Chầu Mình Thánh Chúa và thánh lễ trọng thể lúc 11 giờ đêm. Trưa chúa nhật 13-3, các tín hữu sẽ tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC tại Quảng trường Thánh Phêrô và lúc 2 giờ chiều chúa nhật này, sẽ có buổi đọc kinh Mân Côi của các trẻ em. Nhiều phong trào và hội đoàn đã đăng ký thay phiên nhau tham gia các giờ cầu nguyện với thánh ca và phần linh hoạt phụng vụ (AGI 9-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Bề Trên Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris làm Giám Mục

Bề Trên Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris làm Giám Mục

P. Georges Colomb

VATICAN. Hôm 9-3-2016, ĐTC đã bổ nhiệm cha Georges Colomb, Bề trên tổng quyền Hội thừa sai Paris (MEP), làm tân GM giáo phận La Rochelle bên Pháp.

Cha Georges Colomb năm nay 63 tuổi (1953), đã học về quản trị khách sạn và quản trị kinh tế và xã hội ở Strabourg, rồi đậu tiến sĩ dân luật năm 1978 ở đại học Jean Moulin ở Lyon, sau đó từ năm 1979 làm thanh tra bưu diện, cho đến khi gia nhập chủng viện (des Carmes) thuộc Đại học Công Giáo Paris.

Cha Colomb thụ phong linh mục năm 1987 thuộc hội thừa sai Paris, rồi theo học tại Đại học Công Giáo Paris từ 1987 đến 1988, đậu cử nhân thần học. Sau đó Cha học tiếng Hoa tại Đài Loan, rồi làm giáo sư Pháp ngữ ở Côn Minh và Đại Liên bên Trung Quốc. Từ năm 1998 đến 2004, cha làm phụ tá Bề trên Tổng quyền và sau đó làm tổng đại diện, trước khi làm Bề trên tổng quyền Hội thừa sai Paris từ năm 2010.

Hội Thừa Sai Paris đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam và vẫn trợ giúp Giáo Hội này, đặc biệt trong việc giúp học bổng cho nhiều Linh mục Việt Nam theo học tại Pháp.

 Theo niên giám 2016 của Tòa Thánh, Hội Thừa Sai Paris hiện còn 229 thành viên, trong đó có 204 linh mục, hoạt động tại 14 nhà.

 Giáo phận La Rochelle nơi Đức Cha George Colomb được bổ nhiệm coi sóc có gần 400 ngàn tín hữu Công Giáo (SD 9-3-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma 1

VATICAN. “Dân chúng mong đợi những mảnh sự sống từ các môn đệ Chúa Giêsu, chứ không  phải những mảnh đạo lý”. Đó là lời nhắc nhở của cha Ermes Ronchi, vị giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh.

Cha Ermes Ronchi nói:  “Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “hãy trở nên muối đất” là lời nhắc nhở  các môn đệ của Người, hãy rao giảng niềm hy vọng và sự sống chứ không phải trình bày các vấn nạn tín lý.. Nếu chúng ta không là những người quả quyết, không thoát khỏi sự  giả dối và sợ hãi, chúng ra sẽ là muối đã bị nhạt.”

Cha Ronchi là một Linh mục người Ý, là giáo sư của phân khoa Thần học của Học viện Giáo hoàng Marianum ở Roma. Ngài đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn giảng tĩnh tâm mùa Chay 2016 cho giáo triều Roma. Cha đã chọn đề tài “Những câu hỏi trần trụi của Tin Mừng”. Tuần tĩnh tâm này được tổ chức ở Ariccia, một thành phố cách Roma 30 cây số về hướng đông nam.

Trong bài giảng sáng ngày 7 tháng 3, cha Ronchi đã nói về sự sợ hãi, điều đã đi vào thế giới sau sự bất tuân của Adam và Eva trong vườn địa đàng.  Cha nói, vì lo sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, Adam đã trốn tránh Người. Điều này chứng tỏ hậu quả của tội lỗi  là làm cho ông xa cách lòng thương xót. Đối với các Kitô hữu, sự lo sợ này tạo nên một cộng đoàn Kitô buồn sầu, và một Thiên Chúa không có niềm vui. Như thế, kẻ thù của sợ hãi không phải là sự can đảm nhưng là đức tin.”

Suy niệm đoạn Tin Mừng theo thánh Mát cô 4,35-41 nói về việc Chúa Giê su làm cho biển yên sóng lặng, cha Ronchi nói: “Sợ hãi khiến cho các môn đệ trên thuyền như là ra lệnh cho Chúa hành động và cứu họ khỏi chìm xuống biển sâu. Tuy nhiên, Thiên Chúa không đưa chúng ta ra khỏi cơn bão táp, nhưng Người nâng đỡ chúng ta trong giông bão”.

Cha Ronchi còn nói với các vị dự tuần tĩnh tâm rằng, trong một thời gian dài, Giáo hội đã truyền lại một niềm tin pha trộn với sợ hãi.Cha nhấn mạnh: “Do đó, thay vì giải thoát con người khỏi sợ hãi Thiên Chúa như các thiên thần đã làm trong dòng lịch sử thánh, hãy là những thiên thần giải thoát họ khỏi sợ hãi”.

Vào ban chiều, cha đã tập trung vào đoạn Kinh Thánh nói về Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, trong đó Chúa nói: “Các con là muối cho trần gian. Nếu muối đã bị lạt thì lấy gì ướp lại cho mặn?” Theo Cha Ronchi, hình ảnh của muối, tiêu tan để ướp mặn, phản chiếu sứ mệnh của Giáo hội, là phải trao ban chính mình và tan biến đi. Muối và ánh sáng không phải để tồn tại mãi mãi cho chính mình nhưng là trao ban. Giáo hội cũng  phải như thế. Tiêu hao không có nghĩa là hủy diệt hay mất đi, nhưng là để làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn.

Vào ngày thứ 3 của cuộc tĩnh tâm, cha Ronchi suy niệm về “sứ mạng làm chứng thật cho Chúa Giê su của Giáo hội.” Từ đoạn Tin Mừng nói về cuộc tuyên xưng đức tin của Phê rô, cha Ronchi nói, câu hỏi của Chúa Giêsu cho các môn đệ “Phần các con bảo Thầy là ai?|” là một câu truy vấn cho tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không chờ câu trả lời, nhưng là chính con người, không phải là những định nghĩa nhưng là sự dấn thân. Chúa Giêsu không có đang dạy học, Người không gợi ý câu trả lời, nhưng Người nhẹ nhàng dẫn mọi người nhìn vào nội tâm sâu thẳm của chính minh. Cha nói tiếp, câu hỏi của Chúa Giêsu, được hiểu là không dạy đạo lý cho bất cứ ai, cũng không bắt buộc các môn đệ phải trả lời một cách khuôn mẫu. Câu trả lời của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” là chứng nhân rằng  “Chúa Kitô đang sống trong chúng ta”

Cha Ronchi cũng nói: “Tâm hồn chúng ta có thể là máng cỏ hoặc là nấm mồ của Chúa. Lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ “đừng nói cho ai biết Người là Đấng Mêsia” cũng là lệnh truyền cho Giáo hội, vì thỉnh thoảng Giáo hội đã truyền giảng một kinh nghiệm méo mó về Thiên Chúa. Nay Giáo Hội được kêu gọi rao giảng bằng chính chứng từ cá nhân của minh. Những giáo sĩ chúng ta, nhìn ai cũng như nhau: có cùng cử chỉ, các lời nói và y phục. Nhưng mọi ngươi đang yêu cầu chúng ta cho họ kinh nghiệm về Thiên Chúa. Chúa Giêsu không phải là những điều chúng ta nói về Người nhưng là điều tôi sống về Người. Chúng ta không phải là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, trung gian đích thật chinh là Chúa Giêsu.” (CNS 8-3-2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông Phương

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo ukraine Đông Phương

Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ucraina Đông Phương

VATICAN. ĐTC chân thành cám ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương vì lòng trung thành và ngài tái liên đới với Giáo Hội này giữa những khó khăn hiện nay.

Trong sứ điệp ngày 5-3-2016 gửi đến Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ukraine Đông phương, với trụ sở ở thành Kiev, ĐTC nhắc lại biến cố đau thương cách đây 70 năm Giáo Hội này bị giải tán với một công nghị ngụy tạo và ép xáp nhập vào Chính Thống Nga. Ngài viết:

”Khi nhớ lại những biến cố ấy, chúng ta cúi đầu với lòng biết ơn trước những người, – dù phải trả giá đau thương và thậm chí đến độ tử đạo, – qua dòng thời gian đã làm chứng tá đức tin được sống với lòng tận tụy trong Giáo Hội của mình và trong niềm hiệp thông kiên vững với Người Kế Vị Thánh Phêrô. Đồng thời với đôi mắt được đức tin soi sáng, chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu Kitô, đặt mọi niềm hy vọng nơi Chúa, chứ không phải nơi công lý phàm nhân. Chính Chúa là nguồn mạch đích thực niềm tín thác của chúng ta trong hiện tại và tương lai, với niềm xác tín chúng ta được kêu gọi loan báo Tin Mừng kể cả giữa bất kỳ đau khổ và khó khăn nào”.

ĐTC Phanxicô viết thêm rằng: ”Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm vì lòng trung thành của anh chị em và khích lệ anh chị em trở thành những chứng nhân không biết mệt mỏi về niềm hy vọng làm cho cuộc sống chúng ta và của mọi anh chị em quanh chúng ta trở nên rạng ngời hơn. Tôi cũng tái bày tỏ tình liên đới với các vị mục tử và tín hữu vì những gì họ đang làm trong thời đại khó khăn hiện nay, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do những đau buồn vì chiến tranh, để thoa dịu những đau khổ của dân chúng và để tìm kiếm những con đường hòa bình cho đất nước Ukraine yêu quí”.

Thông cáo của các Giám Mục Ukraine

Các GM Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tái bày tỏ tình hiệp thông với ĐTC và xin ngài cùng với cộng đồng quốc tế giúp chấm dứt chiến tranh tại miền đông Ukraine.

Hồi thượng tuần tháng 3-2016,Hội đồng thường trực của Giáo Hội Công Giáo Ukraine gồm 6 GM đã nhóm họp tại Roma và được ĐTC tiếp kiến sáng ngày 5-3. Trong thông báo công bố sau đó, Hội đồng cho biết khóa họp này diễn ra nhân dịp kỷ niệm 70 năm Nhà nước Liên Xô tổ chức công nghị ngụy tạo từ mùng 8 đến 10-3 năm 1946 để giải tán Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương, sau đó Nhà nước cầm tù tất cả các GM, hàng trăm LM và hàng chục ngàn tín hữu, giao tài sản của Giáo Hội này cho Giáo Hội Chính Thống Moscow sử dụng. Tuyên ngôn của các GM có đoạn viết:

”Chúng tôi tái khẳng định rằng không một chế độ độc tài nào có thể phá vỡ tình hiệp thông của chúng tôi với Tòa Thánh và với Giáo Hội hoàn vũ”.

Các GM cũng tố giác Nga xâm lăng Ukraine và thi hành cuộc chiến tranh tại miền Đông Nga, gây đau khổ cho hàng chục triệu người vô tội. Giáo Hội lên án những hành vi tàn ác, bắt cóc, cầm tù và tra tấn các công dân Ukraine ở miền Donbas và Crimea, nhất là những lạm dụng chống các cộng đoàn tôn giáo, các nhóm chủng tộc, nhất là nhóm Hồi giáo Tartar và vi phạm dân quyền cũng như nhân phẩm của hàng triệu người.

Thông cáo nói thêm rằng ”Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ đông phương không ngừng cầu nguyện và thăng tiến hòa bình, và ngày hôm nay, ban lãnh đạo Giáo Hội này kêu gọi ĐTC và thế giới hãy giúp chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo do sự xâm lăng của Nga ở Ucraina gây ra. Cuộc chiến tranh hỗn hợp (hybrid) hiện nay – không được thế giới chú ý – làm thương tổn trực tiếp 5 triệu người. Nó đã làm cho 10 ngàn người chết, hàng chục ngàn người bịt hương nặng, hơn 2 triệu người không còn gia cư. Những phương thế mưu mô của cuộc chiến hỗn hợp này mang lại những chấn thương cho hàng trăm ngàn người và gây thiệt hại vô biên về kinh tế xã hội. Nhiều cơ cấu hạ tầng công nghiệp của Ucraina bị phá hủy và đồng tiền Ucraina bị mất giá 2 phần 3 khiến cho toàn bộ 45 triệu dân trở nên nghèo hơn. Căn tính của Ukraine không ngừng bị vu khống bằng những chiến dịch tuyên truyền quốc tế được tài trợ hùng hậu”.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương lớn nhất trong số 22 Giáo Hội Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh và hiện có khoảng 5 triệu tín hữu ở Ukraine và nước ngoài (SD 5-3-2016)

 G. Trần Đức Anh OP