Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 01-11-2015

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 01-11-2015

ĐTC đọc kinh Truyền tin 11-01-2015

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 01-11-2015, lễ các thánh nam nữ, với vài chục ngàn khách hành hương; ĐTC kêu gọi mọi người chú ý cách đặc biệt đến các vị thánh ‘gần ngay bên cửa’. Họ là những người sống sát bên chúng ta và là những gương mẫu sống động để ta noi gương bắt chước. ĐTC cũng kêu gọi sự hòa bình ở Trung Phi khi một làn sóng bạo lực mới lại xảy ra giữa các sắc tộc và giữa các tôn giáo tại đây.

Sau đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em và mừng lễ với anh chị em!

Trong phụng vụ ngày hôm nay, lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta cảm thấy cách đặc biệt sống động về thực tại mầu nhiệm các thánh thông công, một gia đình rộng lớn, được kết dệt nên từ tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội, bao gồm cả những người người đang còn lữ thứ hành hương trên thế trần và cả những ai – số này đông hơn – đã qua đời và đang tiến bước về Thiên Quốc. Tất cả chúng ta, tất cả, tất cả. Điều này được gọi là “mầu nhiệm các thánh thông công”, một cộng đoàn của tất cả những ai đã được rửa tội.

Bài trích sách Khải huyền gợi nhắc cho chúng ta một đặc tính thiết yếu của các thánh như sau: Họ là những người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Họ được mô tả là một đoàn người đông đảo đã được ‘tuyển chọn’, mình mặc áo trắng và trên trán được đóng ‘ấn của Thiên Chúa’ (Kh 7, 2-4.9-14). Ngang qua những chi tiết đặc biệt này và với ngôn ngữ loại suy, tác giả sách Khải huyền muốn nhấn mạnh rằng các thánh là những người thuộc về Thiên Chúa cách hoàn toàn và độc nhất. Họ thuộc quyền sở hữu và là gia sản của Thiên Chúa. Vậy dấu ấn của Thiên Chúa trên cuộc đời của một người hay trên chính người đó có nghĩa là gì? Thánh Gioan Tông đồ của giải thích: Điều ấy có ý nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta thực sự được trở nên con cái của Thiên Chúa (1 Ga 3, 1-3).

Nhưng chúng ta có ý thức về hồng ân lớn lao là được làm con cái của Thiên Chúa không? Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có nhớ là đã được ‘đóng ấn’ của Cha trên trời và chúng ta trở thành con của Ngài không? Nói cách đơn giản, chúng ta được mang họ của Thiên Chúa. Tên họ của chúng ta là Thiên Chúa, vì chúng ta là con của Ngài. Chính điều này cho thấy gốc rễ của ơn gọi nên thánh. Các thánh chúng ta kính nhớ ngày hôm nay chính là những người đã sống trong ân sủng của Bí Tích Thánh Tẩy, đã gìn giữ hoàn toàn nguyên vẹn ‘dấu ấn’ khi biết hành xử và sống như con cái của Thiên Chúa, đồng thời cố gắng noi gương bắt chước Đức Giêsu; và bây giờ các ngài đã đi đến đích, vì cuối cùng ‘Thiên Chúa như thế nào, các ngài đã được chiêm ngưỡng Người như vậy.’

Đặc tính thứ hai, các thánh là những gương mẫu để chúng ta noi theo. Hãy cẩn thận, không chỉ những vị đã được phong thánh; nhưng các thánh còn là tất cả những người, với ơn Chúa giúp, đã cố gắng thực hành Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Trong số đó, có những người chẳng hề được phong thánh. Nhưng họ là những vị thánh ‘gần ngay bên cửa nhà’ chúng ta. Và trong số đó, có những người chúng ra đã gặp gỡ, có những người còn là thành viên trong gia đình của chúng ta, là bạn bè hoặc là những người ta quen biết. Chúng ta phải biết ơn họ, và trên hết chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã ban họ cho chúng ta, đã cho chúng ta có cơ hội được ở gần, được gặp gỡ như là những mẫu gương sống động, và chúng ta đã được thấm nhiễm bởi cách sống và cái chết của họ trong niềm tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô và vào Tin Mừng. Có bao nhiêu người tốt lành chúng ta biết trong cuộc đời mà khi gặp gỡ hay trò truyện, chúng ta đã thốt lên: ‘Ôi, người này quả thật là thánh.’Vâng! Chúng ta thốt ra điều ấy hết sức tự nhiên và bộc phát, vì quả thật, có những vị thánh sát bên chúng ta, sống gần gũi với chúng ta mà không nhất thiết phải được tuyên thánh.

Việc noi gương bắt chước những cử chỉ yêu thương và nhân ái của các vị thánh cũng giống như là để  kéo dài mãi sự hiện diện của họ trên thế giới này. Và thật sự, những cử chỉ Tin Mừng ấy là thứ duy nhất để chống lại sự hủy diệt của cái chết: một hành động dễ thương, một sự giúp đỡ quảng đại, bỏ thời gian để ân cần lắng nghe, đi thăm viếng, một lời nói tốt lành, một nụ cười dễ mến…v.v. Trong mắt của chúng ta, những cử chỉ này dường như chẳng có gì quan trọng; nhưng trong mắt Thiên Chúa, chúng lại trường tồn, vĩnh cửu, vì tình yêu và lòng thương xót mạnh hơn sự chết.

Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các thánh, giúp chúng ta tin tưởng hơn vào ân sủng của Thiên Chúa để chúng ta bước đi với lòng nhiệt huyết trên con đường nên thánh. Chúng ta hãy phó thác nơi Mẹ những cố gắng dấn thân hằng ngày của chúng ta. Với Mẹ, chúng ta cũng cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, trong niềm hy vọng một ngày kia tất cả chúng ta được gặp lại nhau trong sự  hiệp thông vinh quang vĩnh cửu trên thiên quốc."

Kết thúc bài giảng, ĐTC nói: “Anh chị em thân mến, những biến cố đau thương trong những ngày gần đây làm cho tình hình ở nước cộng hòa trung phi trở nên căng thẳng hơn và làm dấy lên trong tôi một sự quan tâm lớn. Tôi tha thiết kêu gọi các bên liên quan chấm dứt tình trạng bạo lực đang diễn ra tại đây. Tôi đặc biệt hiệp thông cách thiêng liêng với các cha Dòng Thánh Comboni thuộc giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Bangui, đã chấp nhận một số lượng lớn những người tị nạn. Tôi muốn diễn tả tình hữu nghị đoàn kết của tôi đối với Giáo Hội, với các tôn giáo khác và tất cả moi người ở Trung Phi. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để vượt qua sự chia cắt và quay trở về con đường hòa bình. Và để diễn tả sự liên đới thân mật của toàn thể Giáo Hội với Cộng hòa Trung phi, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong đất nước ấy, tuy đang chịu những đau đớn, khổ cực của chiến tranh bao lực; nhưng luôn cố gắng trở nên chứng tá của lòng thương xót và sự hòa giải. Chúa Nhật ngày 29 tháng 11, tôi dự định sẽ mở Cửa Thánh của thánh đường ở Bangui, và tôi hy vọng sẽ thực hiện được điều đó trong cuộc viếng thăm mục vụ sắp tới ở Trung Phi."

Sau kinh Truyền Tin, ĐTC gợi nhắc: “Ngày hôm qua ở Frascati, Giáo Hội đã phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Casini, vị sáng lập Dòng Nữ Tu Tận Hiến Thánh Tâm Chúa Giêsu. Mẹ là người của chiêm niệm và truyền giáo, đã dành cả cuộc đời và những việc hy sinh bác để cầu nguyện cho các linh mục. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những chứng tá tốt đẹp của Mẹ." Sau đó, ĐTC chào thăm nồng nhiệt các phái đoàn hành hương, đến từ Italia và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là từ Malaysia và Valencia (Tây Ban Nha). ĐTC cũng chào mừng những người tham gia cuộc chay đua marathon trong ngày lễ các thánh được tài trợ bởi tổ chức “Don Bosco thế giới” và hiệp hội ‘Giáo Hội gia đình nhỏ’. Cuối cùng, ĐTC thông báo rằng chiều nay ngài sẽ đến nghĩa trang Verano và dâng thánh lễ tại đó để cầu nguyện cho những người đã qua đời.

Vũ Đức Anh Phương – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp 7 ngàn người Công Giáo chủ xí nghiệp

Đức Thánh Cha tiếp 7 ngàn người Công Giáo chủ xí nghiệp

Đức Thánh Cha tiếp 7 ngàn người Công Giáo chủ xí nghiệp

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các tín hữu Công Giáo chủ nhân xí nghiệp và doanh nhân trở thành các thừa sai giáo dân trong môi trường hoạt động của mình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 31-10-2015, dành cho 7 ngàn người thuộc Liên hiệp Kitô các chủ xí nghiệp và doanh nhân. Tổ chức này được thành lập với mục đích thăng tiến công ích. Trong ý hướng này Hiệp hội đề cao tầm quan trọng của việc huấn luyện theo tinh thần Kitô và đào sâu Giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Trong tư cách là một hiệp hội thuộc Giáo Hội, được các GM nhìn nhận, anh chị em được kêu gọi sống lòng trung thành với các giáo huấn Tin Mừng và đạo lý xã hội Công Giáo trong gia đình, nơi làm việc và trong xã hội. Chứng tá này rất quan trọng. Vì thế tôi khuyến khích anh chị em sống ơn gọi làm chủ xí nghiệp trong tinh thần thừa sai giáo dân”.

ĐTC cũng kêu gọi ”các chủ xí nghiệp Công Giáo nỗ lực kiến tạo những quan hệ huynh đệ giữa những người điều khiển và các công nhân, tạo điều kiện cho tinh thần đồng trách nhiệm và sự cộng tác để mưu ích chung. Điều có giá trị quyết định là đặc biệt quan tâm đến chất lượng đời sống lao động của những nhân viên thuco quyền, họ là nguồn tài nguyên quí giá nhất của một xí nghiệp, đặc biệt là thăng tiến sự hòa hợp giữa công việc và gia đình. Tôi nghĩ đến các nữ nhân công: thách đố ở đây là bảo vệ đồng thời quyền có một công việc hoàn toàn được công nhận và chức phận làm mẹ và sự hiện diện của họ trong gia đình.. Quá nhiều khi phụ nữ bị sa thải vì mang thai, trong khi lẽ ra phải giữ ho lại"".

ĐTC nói thêm rằng: ”Ơn gọi trở thành những thừa sai về chiều kích xã hội của Tin Mừng trong một thế giới khó khăn và phức tạp của công việc, kinh tế và xí nghiệp, cũng bao gồm sự cởi mở và gần gũi theo tinh thần Tin Mừng với những tình cảnh nghèo đói và mong manh. Cả trong lãnh vực này, vấn đề là có một thái độ, một lối sống để tiến hành những chương trình thăng tiến và trợ giúp, gia tăng những công việc cụ thể để chia sẻ và liên đới mà anh chị em đang hỗ trợ ở nhiều nơi tại Italia. Đây sẽ là cách thức anh chị em thi hành ơn sủng của Năm Thánh Lòng Thương Xót”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Nếu chỉ giúp đỡ, làm một chút điều từ thiện mà thôi thì vẫn chưa đủ. Điều cần thiết là hướng hoạt động kinh tế theo chiều hướng Tin Mừng, nghĩa là phục vụ con người và công ích. Trong viễn tượng này, anh chị em được kêu gọi cộng tác để làm tăng trưởng tinh thần xí nghiệp phụ đới, để đương đầu với các thách đố về luân lý đạo đức và thị trường, trước tiên là thách đố kiến tạo công ăn việc làm” (SD 31-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha liên đới với các nạn nhân động đất Pakistan

Đức Thánh Cha liên đới với các nạn nhân động đất Pakistan

ĐTC liên đới  việc động đất tại Pakistan

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 28-10-2015, ĐTC đã bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân động đất ở Pakistan và Afghanistan và nói:

 

”Chúng ta gần gũi với nhân dân Pakistan và Afghanistan bị động đất nặng nề, làm cho nhiều trở thành nạn nhân và thiệt hại lớn lao. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người quá cố và thân nhân cảu họ, cho tất cả những người bị thương và không còn nhà cửa, khẩn cầu Thiên Chúa ơn an ủi cho những người đang chịu đau khổ và ban ơn can đảm trong nghịch cảnh. Ước gì không thiếu tình liên đới cụ thể của chúng ta với các anh chị em ấy.”

 

Hôm trước đó, 27-10-2015, trong điện văn nhân danh ĐTC gửi đến Đức TGM Ghaleb Bader, Sứ thần Tòa Thánh tại Pakistan, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ĐTC Phanxicô bày tỏ tình liên đới sâu xa với tất cả những người bị thương tổn vì thiên tai này và ngài cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng, bị thương và những người mất tích. ĐTC cũng chúc lành cho thân nhân các nạn nhân, chính quyền dân sự và những người tham gia việc cứu cấp.

 

Trận động đất xảy ra hôm thứ hai, 26-10-2015, thống kê sơ khởi cho biết có hơn 300 người chết. Tổ chức Caritas Italia tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động cứu trợ của Caritas Pakistan và Ấn độ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất. Tại Afghanistan, Caritas Italia liên kết với các tổ chức quốc tế và dân sự đã cộng tác từ lâu, để tiến hành công tác cứu trợ.

 

Tình trạng trầm trọng. Động đất xảy ra ở độ 7.5 theo thước Richter. Đó là vùng núi và rất khó lưu tới, khí hậu lạnh và và có nguy cơ đất lở. Dầu vậy các vị hữu trách của Caritas Pakistan và các nhóm địa phương khác đã liên kết với nhau trong công tác cứu trợ.

 

Cách đây 10 năm, vào tháng 10 năm 2005, miền bắc Pakistan cũng bị động đất dữ dội, thiên tai này trải dài qua miền Trung Á, từ Kabul cho đến Ấn độ, làm cho 73 nbgàn người chết và cả một vùng bị tàn phá khiến cho 3 triệu người không còn gia cư (SD 28-10-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: kỷ niệm 50 năm Nostra aetate

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: kỷ niệm 50 năm Nostra aetate

ĐTC kỷ niệm 50 năm Nostra aetate

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 28-10-2015, ĐTC đã cùng với 40 ngàn tín hữu và đại diện các tôn giáo kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn ”Nostra aetate” (Thời đại chúng ta) của Công đồng chung Vatican 2 về quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo ngoài Kitô.

Bầu trời u ám, và trước đó có mưa, nên ĐTC đã chào thăm trước các anh chị em bệnh nhân và những người tháp tùng họ, tụ tập tại Đại thính đường Phaolô 6, rồi ngài tiến ra quảng trường, tiến qua các lối đi để chào thăm đông đảo các tín hữu khác.

Lên tới bục cao ở thềm Đền thờ, ĐTC đặc biệt dừng lại chào thăm ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh liên lạc với Do thái giáo. Hai vị đã lần lượt giới thiệu lên ĐTC các tham dự viên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, đang tham dự Hội nghị quốc tế tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra aetare của Công đồng chung Vatican 2. Trong số các tham dự viên có phái đoàn của tổ chức 'Hội đồng Do thái thế giới' (World Jewish Congress).

Tiếp đến, mọi người đã nghe đọc một đoạn trong tuyên ngôn Nostra aetare bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã tạm gác loạt bài giáo lý về gia đình, để nói về Tuyên ngôn Nostra aetate, Thời đại chúng ta, của Công đồng chung Vatican 2 về tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo không Kitô, nhân dịp kỷ niệm đúng 50 năm công bố tuyên ngôn này. ĐTC nói:

”Trong các buổi tiếp kiến chung thường có những người hoặc nhóm thuộc các tôn giáo khác; nhưng hôm nay, sự hiện diện này thật là đặc biệt để cùng nhau kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra aetate của Công đồng chung Vatican 2 về quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo ngoài Kitô. Đề tài này rất được Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 quan tâm: ngay từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào năm trước khi bế mạc Công Đồng, ngài đã thành lập Văn phòng về những người không Kitô, nay là Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Vì thế tôi bày tỏ lòng biết ơn và nồng nhiệt chào đón những người và các nhóm thuộc các tôn giáo khác, hôm nay đã muốn có mặt tại đây, đặc biệt là những người đến từ xa.

Công đồng chung Vatican 2 là một thời kỳ đặc biệt suy tư, đối thoại và cầu nguyện để đổi mới cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo về chính mình và thế giới. Đó là một sự đọc các dấu chỉ thời đại để nhắm đến một sự canh tân, theo hai chiều hướng trung thành: trung thành với truyền thống Giáo Hội và trung thành với lịch sử con người nam nữ thời nay. Thực vậy, Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong sự sáng tạo và trong lịch sử, Chúa đã nói qua các ngôn sứ và sau cùng trong Con của Ngài nhập thể làm người (Xc Dt 1,1), Chúa ngỏ lời với tâm trí mỗi người đang tìm kiếm chân lý và những con đường để thực thi chân lý.

Sứ điệp của Tuyên ngôn Nostra aetate vẫn luôn có tính chất thời sự. Chúng ta gợi lại đây vắn tắt vài điểm:

– Sự gia tăng lệ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc (Xc n.1);

– sự tìm kiếm của con người một ý nghĩa cuộc sống, đau khổ, sự chết, những vấn nạn này luôn tháp tùng hành trình của chúng ta (Xc. n.1);

– nguồn gốc chung và vận mạng chung của nhân loại (Xc. n.1);

– đặc tính có một không hai của gia đình nhân loại (Xc n.1);

– các tôn giáo như một sự tìm kiếm Thiên Chúa hoặc Đấng Tuyệt Đối, giữa lòng các chủng tộc và văn hóa khác nhau (Xc n.1);

– Cái nhìn từ ái và quan tâm của Giáo Hội về các tôn giáo: Giáo Hội không loại bỏ những gì là tốt đẹp và chân thực trong các tôn giáo ấy (Xc n.2);

– Với lòng quí mến, Giáo Hội nhìn tín đồ của mọi tôn giáo, đánh giá cao sự dấn thân tinh thần và luân lý của họ (Xc. n.3)

– Giáo Hội cởi mở đối thoại với tất cả mọi người, đồng thời trung thành với các chân lý mà Giáo Hội tin, bắt đầu từ chân lý theo đó ơn cứu độ được cống hiến cho tất cả mọi người có nguồn gốc nơi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, và Chúa Thánh Linh đang hoạt động, như nguồn mạch an bình và yêu thương.

Tiếp tục bài huấn giáo, ĐTC nhận xét rằng:

”Có bao nhiêu biến cố, sáng kiến và các quan hệ chính thức hoặc cá nhân với các tôn giáo không Kitô trong 50 năm qua, và khó lòng nhắc đến tất cả nơi đây. Một biến cố đặc biệt ý nghĩa là cuộc gặp gỡ tại Assisi ngày 27-10 năm 1986. Cuộc gặp gỡ này do Thánh Gioan Phaolô 2 mong muốn và cổ võ, một năm trước ngày đó, tức là cách đây 30 năm, Người đã ngỏ lời với các bạn trẻ Hồi giáo ở thành phố Casablanca (Maroc) và cầu mong rằng tất cả những người tin nơi Thiên Chúa thăng tiến tình thân hữu và sự hiệp nhất giữa con người và các dân tộc (19-8-1985). Ngọn lửa được đốt lên ở Assisi, đã lan tỏa ra toàn thế giới và tạo thành một dấu chỉ hy vọng trường kỳ.

Chúng ta đặc biệt cảm tạ Thiên Chúa vì sự biến đổi thực sự trong 50 năm qua trong quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Do thái. Sự dửng dưng và chống đối đã biến thành sự cộng tác và thiện cảm. Từ kẻ thù và xa lạ, chúng ta đã trở thành bạn hữu và anh chị em với nhau. Công đồng, qua tuyên ngôn Nostra aetate, đã vạch ra con đường: đồng ý tái khám phá các căn cội Do thái của Kitô giáo; chống lại mọi hình thức bài Do thái và lên án mọi thứ lăng mạ, kỳ thị và bách hại từ đó mà ra. Sự hiểu biết, tôn trọng và quí chuộng nhau trở thành con đường, nếu có giá trị đối với quan hệ với người Do thái, thì cũng có giá trị cho quan hệ đối với các tôn giáo khác. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người Hồi giáo, như Công Đồng nhắc nhớ, họ là ”những người thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và lập hữu, từ bi và toàn năng, sáng tạo trời đất, và là Đấng nói với con người” (Nostra aetare, 5). Họ là con cháu tổ phụ Abraham, tôn kính Đức Giêsu như vị ngôn sứ, tôn kính Đức Mẹ Maria, chờ đợi ngày phán xét, và thực hành kinh nguyện, làm phúc và chay tịnh (Xc ibid.).

”Cuộc đối thoại mà chúng ta đang cần chỉ có thể là cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng, và như thế mới mang lại thành quả. Sự tôn trọng lẫn nhau là điều kiện, và đồng thời là mục đích của cuộc đối thoại liên tôn: tôn trọng quyền sống của người khác, quyền được toàn vẹn về thể lý, các quyền tự do cơ bản, nghĩa là tự do lương tâm, tự do tư tưởng, ngôn luận và tôn giáo.

Thế giới nhìn các tín hữu chúng ta, khuyên nhủ chúng ta cộng tác với nhau và những người nam nữ thiện chí, không tuyên xưng một tôn giáo nào, họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời hữu hiệu về nhiều vấn đề: hòa bình, nghèo đói, lầm than đang đè nặng trên hằng triệu người, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm nhân danh tôn giáo, nạn tham ô, sa đọa luân lý, những cuộc khủng gia đình, kinh tế, tài chánh, nhất là khủng hoảng hy vọng. Các tín hữu chúng ta không có công thức cho những vấn đề đó, nhưng chúng ta có một nguồn lực rất lớn, đó là kinh nguyện, Kinh nguyện là kho tàng của chúng ta, từ đó chúng ta kín múc theo các truyền thống liên hệ, để xin những hồng ân mà nhân loại khao khát.

Vì bạo lực và khủng bố, có sự lan tràn một thái độ nghi kỵ hoặc thậm chí lên án cả các tôn giáo. Trong thực tế, mặc dù không có tôn giáo nào được miễn nhiễm khỏi nguy cơ có những sai trái duy căn hoặc cực đoan hoặc nơi các cá nhân và nhóm (Xc Diễn văn tại Quốc hội Mỹ 24-9-2015), nhưng cần nhìn các giá trị tích cực mà các tôn giáo đang sống và đề nghị, và các giá trị ấy là nguồn mạch hy vọng. Vấn đề ở đây là hướng cái nhìn lên cao để đi xa hơn. Cuộc đối thoại dựa trên sự tôn trọng tín thác có thể gieo những hạt giống sự thiện, nó sẽ nảy mầm thân hữu và cộng tác trong bao nhiêu lãnh vực, và nhất là trong việc phục vụ người nghèo, người bé mọn, người già, trong việc tiếp đón người di dân, trong sự quan tâm đến những người bị gạt bỏ. Chúng ta có thể đồng hành, chăm sóc nhau và thiên nhiên. Cùng nhau chúng ta có thể chúc tụng Đấng Tạo Hóa vì đã ban cho chúng ta mảnh vườn thế giới để vun trồng và giữ gìn như một công ích, và chúng ta có thể thực hiện những dự án chung để bài trừ nghèo đói và đảm bảo cho mỗi người nam nữ những điều kiện sống xứng đáng.

Năm Thánh Đặc biệt về lòng thương xót đang đến gần, đó là cơ hội thuận tiện để cùng nhau làm việc trong lãnh vực bác ái. Và trong lãnh vực này, điều đáng kể nhất chính là sự cảm thương, chúng ta có thể liên kết với bao nhiêu người không cảm thấy mình là tín hữu hoặc những người đang tìm kiếm Thiên Chúa và chân lý, những người đặt ở trung tâm khuôn mặt của người khác, đặc biệt khuôn mặt của người anh chị em túng thiếu. Nhưng lòng từ bi thương xót mà chúng ta được kêu gọi thi hành bao gồm toàn thể công trình sáng tạo, mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta canh giữ, và không phải để bóc lột khai thác, và càng không phải để phá hủy. Chúng ta phải luôn luôn quyết tam để lại một thế giới tốt đẹp như chúng ta đã thấy (Xc Thông điệp Laudato sì, 194). khởi hành từ môi trường chúng ta đang sống, từ những cử chỉ bé nhỏ trong đời sống thường nhật của chúng ta.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh chị em thân mến, về tương lai cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là cầu nguyện. Nếu không có Chúa, không gì có thể; với Chúa, tất cả đều trở nên có thể! Ước gì kinh nguyện của chúng ta hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa, Đấng mong muốn rằng tất cả mọi người nhìn nhận nhau là anh chị em với nhau và sống với nhau như vậy, họp thành một đại gia đình nhân loại trong sự hòa hợp những khác biệt”.

Sau khi ĐTC hết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các LM đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.

Cuối buổi tiếp kiến, vì có nhiều không Kitô hiện diện tại buổi tiếp kiến, ĐTC mời gọi mọi người, cầu nguyện trong thinh lặng, mỗi người theo truyền thống tôn giáo của mình, để chúng ta được trở nên anh chị em với nhau hơn và sẵn sàng phục vụ các anh chị em túng thiếu. Và ngài kết luận: ”Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người du mục

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người du mục

ĐTC tiếp kiến 7 ngàn người dân du mục

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi loại trừ mọi thành kiến và nghị kỵ đối với những người dân du mục.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26-10-2015 dành cho 7 ngàn người du mục, từ các nước về Roma tham dự cuộc hành hương quốc tế từ ngày 23 đến 26 tháng 10 nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chuyến viếng thăm của Đức Phaolo 6 tại một trại tạm trú dành cho người du mục ở Pomezia, mạn nam Roma ngày 26.10.1965. Cuộc hành hương này do Hội đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ người di dân và lưu động tổ chức.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận ơn gọi linh mục và tu sĩ gia tăng nơi các cộng đồng người du mục trên thế giới, và hiện diện trong dịp này có Đức Cha Devprasa Ganava bên Ấn độ, và nhiều linh mục, nữ tu cũng là dân du mục. Ngài nói:

”Tôi cầu mong cho dân tộc anh chị em bắt đầu một trang sử mới. Nay đã đến lúc nhổ bỏ mọi thành kiến ngàn đời, những thiên kiến và sự nghi kỵ lẫn nhau, thường đưa tới sự đối xử phân biệt, kỳ thị chủng tộc và bài người nước ngoài. Không ai phải cảm thấy mình bị cô lập và không ai được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của người khác.. Chúng ta hãy để cho Tin Mừng từ bi đánh động lương tâm chúng ta và cởi mở tâm hồn và đôi tay của chúng ta cho những người túng thiếu nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bắt đầu từ những người ở cạnh chúng ta”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các bạn thân mến, các bạn đừng tạo dịp cho các cơ quan truyền thông và dư luận nói xấu về các bạn. Chính các bạn hữu giữ vai chính trong hiện tại và tương lai của các bạn. Giống như mọi công dân, các bạn hãy góp phần vào an sinh và sự tiến bộ của xã hội bằng cách tôn trọng luật pháp, chu toàn các nghĩa vụ của các bạn và hội nhập qua sự dấn thân của các thế hệ trẻ”.

ĐTC không quên cổ võ anh chị em du mục quan tâm và đẩy mạnh việc giáo dục và phát triển người trẻ. Ngài nói: ”Việc học vấn chắc chắn là nền tảng để có một sự phát triển lành mạnh cho con người. Ai cũng biết trình độ học vấn thấp nơi nhiều người trẻ của anh chị em ngày nay là một trở ngại chính cản trở sự gia nhập thế giới công ăn việc làm. Điều quan trọng là gia đình, các cha mẹ và ông bà thúc đẩy con cháu đạt tới một nền học vấn cao hơn”.

Đầu buổi tiếp kiến, ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ người di dân và lưu động đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và cho biết hiện có 1 GM và hàng trăm LM, tu sĩ nam nữ đang góp phần làm việc mục vụ cho các cộng đoàn người du mục ở các nước trên thế giới (SD 26-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội của các nước

Đức Thánh Cha tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội của các nước

ĐTC tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội của các nước

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ các vị tuyên úy quân đội tìm ra những phương thế thích hợp để săn sóc các vết thương tinh thần do chiến tranh và xung đột gây ra cho các binh sĩ và gia đình họ.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây sáng 26-10-2015, khi tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội đến từ các nước tham dự khóa huấn luyện về công pháp quốc tế nhân đạo do Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Bộ Giám Mục và hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn tổ chức.

ĐTC ghi nhận rằng trong khóa huấn luyện này, các vị tuyên úy suy tư và trao đổi kinh nghiệm về sứ mạng tháp tùng các quân nhân và gia đình họ, góp phần phòng ngừa những vi phạm công pháp về nhân đạo và với mục đích giảm bớt những đau khổ mà chiến tranh gây ra, nơi các nạn nhân, và cả nơi những người chống lại chiến tranh nữa. Thực vậy, nhiều quân nhân, sau các cuộc hành quân trở về, kể cả các sứ vụ hòa bình, họ thường mang những vết thương trong tâm hồn mà chiến tranh để lại nơi họ”.

ĐTC nói: ”Anh em có thể đổ trên các vết thương tinh thần của những người ấy dầu thơm của Lời Chúá, thoa dịu những đau khổ và đổ tràn niềm hy vọng; Anh em có thể cống hiến cho họ ơn Thánh Thể và Hòa giải, nuôi dưỡng và hồi sinh tâm hồn bị thương tổn”.

Sau cùng, ĐTC nói với các vị tuyên úy quân đội rằng ”Trong thời kỳ hiện nay, chúng ta đang sống một thứ ”thế chiến thứ ba từng mảnh”, anh em được kêu gọi nuôi dưỡng nơi các quân nhân và gia đình họ chiều kích tinh thần và luân lý đạo đức, giúp họ đương đầu với những khó khăn và những vấn nạn tiềm ẩn trong việc phục vụ đặc biệt đối với tổ quốc và nhân loại.. Ngay cả giữa những tình cảnh xâu xé vì chiến tranh, chúng ta không bao giờ được quên rằng ”mỗi người có đặc tính thánh thiêng vô cùng” (SD 26-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục 10-25-2015

VATICAN. Trong thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thế giới về gia đình, ĐTC mời gọi toàn Giáo Hội tiếp tục tiến bước noi gương lòng cảm thương của Thiên Chúa.

Sau 3 tuần làm việc khẩn trương, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về ”ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay” đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng chúa nhật 25-10-2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Có 314 vị đồng tế với ĐTC, gồm các nghị phụ và các linh mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 71 Hồng Y, 7 vị Thượng Phụ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, và 174 Giám Mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu. Có nhiều người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình lớn đặt tại quảng trường thánh Phêrô.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nói:

”Tất cả 3 bài đọc của Chúa nhật này đều trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Thiên Chúa, tình phụ tử của Chúa, được biểu lộ chung kết trong Đức Giêsu.

Ngôn sứ Gêrêmia, giữa thảm họa của đất nước, loan báo Chúa đã cứu dân Ngài, phần còn lại của dân Israel (31,7).. Đoạn thư gửi tín hữu Do thái cũng trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Chúa Giêsu. Chúa mặc lấy những yếu đuối của chúng ta để cảm thương những người ở trong sự u mê, lầm lạc..

ĐTC diễn giải nhiều về bài Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu chữa lành người mù Bartimeo. Ngài nói:

”Có một chi tiết đặc biệt hay. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài đi gọi Bartimeo. Các môn đệ nói với người mù bằng hai kiểu nói mà Chúa Giêsu sử dụng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Trước hết các môn đệ nói với người mù: ”Hãy can đảm lên!”, một từ có nghĩa đen là ”hãy tin tưởng, hãy phấn khởi!”. Thực vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người sức mạnh để đương đầu với những tình cảnh trầm trọng nhất. Thành ngữ thứ hai là: ”Hãy đứng lên!” giống như Chúa Giêsu nói với bao nhiêu bệnh nhân, cầm tay họ và chữa lành họ. Các môn đệ của Ngài không làm gì khác hơn là lập lại những lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn người mù đến thẳng với Chúa, mà không giảng giải gì. Cả các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng được kêu gọi làm như vậy, nhất là ngày nay: nghĩa là đặt con người tiếp xúc với lòng Thương Xót cảm thương cứu độ. Khi tiếng kêu của nhân loại trở nên mạnh mẽ hơn, như nơi ông Bartimeo, không có câu trả lời nào khác ngoài những lời nói của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận làm của mình và nhất là noi theo tâm hồn của Chúa. Những tình trạng lầm than và xung đột, đối với Thiên Chúa, là những dịp thực hành lòng thương xót. Ngày nay là thời kỳ của lòng thương xót!

Nhưng có một số cám dỗ đối với những người theo Chúa Giêsu. Tin Mừng làm nổi bật ít là 2 cám dỗ. Không có môn đệ nào dừng lại như Chúa Giêsu đã làm. Họ tiếp tục tiến bước, tiến hành như thể không có gì xảy ra. Nếu ông Bartimeo là người mù, thì họ là những người điếc: vấn đề của ông không phải là vấn đề của họ. Tình trạng này cũng có thể là nguy cơ của chúng ta; đứng trước những vấn đề liên lỉ, tốt hơn nên tiếp tục tiến bước, không để cho mình bị phiền toái. Theo cách thức ấy, giống như các môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu, nhưng không suy nghĩ như Chúa. Ta ở trong nhóm của Ngài, nhưng nếu ta không cởi mở tâm hồn, thì sẽ mất đi lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn và lòng nhiệt thành, và có nguy cơ trở thành những người quen thuộc với ơn thánh. Chúng ta có thể nói về Chúa, làm việc với Chúa, nhưng sống xa tâm hồn của Chúa, một tâm hồn hướng về ngừơi bị thương. Đó là một cám dỗ: một thứ linh đạo ảo ảnh: chúng ta có thể tiến qua sa mạc của nhân loại mà không thấy điều thực sự hiện hữu, nhưng chỉ thấy điều chúng ta muốn thấy; chúng ta có khả năng kiến tạo những quan niệm về thế giới, nhưng chúng ta không chấp nhận điều mà Chúa đặt trước mắt chúng ta. Một niềm tin không biết ăn rễ trong đời sống của dân chúng thì nó khô cằn, và thay vì là một ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo nên những sa mạc khác.

ĐTC nói tiếp:

”Có một cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một đức tin đã hoạch định. Chúng ta có thể tiến bước với dân Chúa, nhưng chúng ta đã có lịch trình tiến hành, qui định trước tất cả: chúng ta biết đi đâu và cần bao nhiêu thời gian; tất cả đều phải tôn trọng nhịp độ của chúng ta, và mọi điều bất tiện đều làm phiền chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở thành những người trong Tin Mừng mất kiên nhẫn và khiển trách ông Bartimeo. Trước đó họ đã khiển trách các trẻ em (Xc 10,13), nay họ trách người hành khất mù: ai gây phiền toái hoặc không thích hợp thì bị loại bỏ. Trái lại Chúa Giêsu muốn bao gồm, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề và kêu lên Ngài. Những người, như Bartimeo, có đức tin, vì biết mình cần ơn cứu độ là cách thức tốt nhất để gặp Chúa Kitô.

Và sau cùng, Bartimeo lên đường theo Chúa Giêsu (Xc v.52). Không những ông ta phục hồi được thị giác, nhưng còn hiệp với cộng đoàn những người đồng hành với Chúa Giêsu.

Anh chị em tham dự Thượng Hội đồng thân mến, chúng ta đã đồng hành với nhau. Tôi cám ơn anh chị em vì con đường chúng ta đã đi chung với cái nhìn hướng về Chúa và anh chị em, trong sự tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng chỉ cho thời đại chúng ta ngày nay để loan báo mầu nhiệm tình yêu gia đình. Chúng ta hãy tiếp tục con đường mà Chúa muốn. Chúng ta hãy xin Chúa một cái nhìn được chữa lành và cứu độ, biết loan truyền ánh sáng, vì nhắc nhớ vẻ huy hoàng đã soi chiếu. Không bị lu mờ vì sự bi quan và tội lỗi, chúng ta hãy tìm kiếm và thấy vinh quang của Thiến Chúa, chiếu tỏa trong con người đang sống”.

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng: Hoa, Pháp, Ba Lan, Anh và Hindi, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các GM, cho các gia đình Kitô, các vị lãnh đạo chính quyền, kinh tế và công nghệ, những người nghèo, người đau khổ và cô đơn, sau cùng là cho các thừa sai.

Sau thánh lễ, ĐTC đã lên lầu 3 của dinh Giáo Hoàng để đọc kinh truyền Tin lúc 12 giờ trưa với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Thượng HĐGM thế giới về gia đình vừa kết thúc và cũng gợi lại bài Tin Mừng, nói lên sự quan tâm và lòng thương xót của Chúa đối với dân của Người.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tiến tới Văn kiện chung kết Thượng Hội đồng Giám Mục

Tiến tới Văn kiện chung kết Thượng Hội đồng Giám Mục

Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 24 tháng 10 2015

VATICAN. Chiều thứ bẩy 24-10 này, các nghị phụ sẽ bỏ phiếu thông qua bản tường trình chung kết Thượng HĐGM về gia đình để đệ lên ĐTC.

Văn kiện này nhắm góp ý với ĐTC và không trực tiếp gửi đến dân chúng.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 23-10-2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã cho biết công việc ”chạy nước rút” của Ủy ban soạn dự thảo bản Tường trình chung kết, dầy khoảng 100 trang.

Dự thảo này được ĐHY Peter Erdoe, người Hungari, Tổng tường trình viên, trình bày tổng quát trong phiên khoáng đại thứ 15 trước sự hiện diện của ĐTC từ lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 22-10-2015. Đã có nhiều nghị phụ lên tiếng phát biểu vắn tắt sau đó. Tiếp đến các nghị phụ đã mang dự thảo về nhà để nghiên cứu suy tư thêm.

Trong phiên họp khoáng đại thứ 16 sáng thứ sáu, 23-10-2015, các nghị phụ đã lên tiếng góp ý sửa chữa dự thảo Phúc trình chung kết, tổng cộng có 51 nghị phụ phát biểu, về nhiều khía cạnh khác nhau, từ các trích dẫn Kinh Thánh, cho tới các khía cạnh khác, đặc biệt là vấn đề tương quan giữa lương tâm và luật pháp. Các nghị phụ cũng có thể góp ý trên giấy tờ, để Ủy ban soạn dự thảo cứu xét chiều ngày thứ sáu 23-10-2015.

Ủy ban đã làm việc rất khẩn trương. ĐTC đã đến viếng thăm và ủy lạo các nghị phụ trong lúc làm việc. Tổng cộng các vị đã cứu xét 1.355 đề nghị sửa chữa về 3 phần của Văn kiện. Mọi người đều nhận thấy bản dự thảo Phúc trình chung kết mạch lạc và tốt hơn nhiều so với Tài liệu làm việc.

Trong phiên khoáng đại thứ 17 vào sáng thứ bẩy 24-10 này, các nghị phụ sẽ nghe đọc Phúc trình chung kết rồi sẽ bỏ phiếu trong phiên họp cuối cùng ban chiều cùng ngày. Phúc trình này sẽ được đệ lên ĐTC để ngài quyết định, vì Thượng HĐGM chỉ có chức năng tư vấn.

Sáng chúa nhật 25-10, ĐTC sẽ cùng với các nghị phụ cử hành thánh lễ bế mạc 3 tuần Thượng HĐGM. (SD 23-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

ĐTC on Popemobile

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm 3 nước Phi châu; Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi từ ngày 25 đến 30-11 tới đây.

Chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 17-10-2015:

Sáng thứ tư, 25-11, ĐTC sẽ rời Roma lúc 7 giờ 45 và bay đến phi trường thủ đô Nairobi của Kenya lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Nghi thức tiếp đón chính thức diễn ra tại tòa nhà chính phủ rồi ngài hội kiến với tổng thống tại đây, trước khi gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn vào lúc 6 giờ rưỡi chiều.

Sáng thứ năm, 26-11, ĐTC sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết lúc 8 giờ 15 tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Nairobi, trước khi cử hành thánh lễ tại khuôn viên Đại học thủ đô vào lúc 10 giờ.

Ban chiều lúc 3 giờ 45, ngài sẽ gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh tại Sân thể thao của trường Đức Bà, trước khi thăm trụ sở Liên hiệp quốc tại đây.

Sáng thứ sáu, 27-11, ĐTC sẽ thăm khu khố nghèo Kangemi ở thủ đô Nairobi vào lúc 8 giờ rưỡi, rồi gặp gỡ giới trẻ tại sân vận động Karasani. Ban trưa vào lúc 11 giờ 15, ngài gặp gỡ các GM Kenya tại phòng khánh tiết của sân vận động này.

 Lúc 3 giờ rưỡi chiều cùng ngày, ĐTC sẽ rời Kenya bay tới phi trường Entebe của Uganda vào lúc gần 5 giờ chiều.

Sáng thứ bẩy, 28-11, ĐTC sẽ viếng thăm Đền thánh tử đạo của Anh giáo rồi của Công Giáo ở Namugongo từ lúc 8 giờ rưỡi, rồi cử hành thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi ở khu vực Đền Thánh tử đạo Uganda của Công Giáo. Ban chiều lúc 3 giờ 15, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại sân bay Kololo ở thủ đô Kampala, trước khi viếng thăm Nhà bác ái ở Nalukolongo vào lúc 5 giờ chiều, rồi lần lượt gặp gỡ các GM Uganda ở tòa TGM thủ đô, gặp các LM, tu si nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa địa phương vào lúc 7 giờ chiều.

Chúa nhật 29-11, ĐTC sẽ rời Uganda vào lúc 9 giờ 15 phút sáng để bay sang phi trường M'Poko của thủ đô Bangui, thuộc Cộng hòa Trung Phi.

Đến nơi vào lúc 10 giờ, ngài sẽ về phủ tổng thống để viếng thăm bà tổng thống lâm thời rồi gặp các vị lãnh đạo đất nước cùng ngoại giao đoàn. Sau đó lúc quá 12 giờ trưa, ĐTC sẽ viếng thăm trại tị nạn, rồi gặp các GM Trung Phi.

Ban chiều cùng ngày 29-11, vào lúc 4 giờ, ngài sẽ gặp cộng đồng Tin Lành tại trụ sở Phân khoa thần học Tin Lành ở thủ đô Bangui trước khi cử hành thánh lễ với các LM, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và người trẻ tại Nhà thờ chính tòa Bangui. Sau đó ngài còn giải tội cho một số người trẻ trước khi khai mạc buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường trước Nhà Thờ chính tòa.

Sáng thứ hai 30-11, lúc 8 giờ 15, ĐTC sẽ gặp cộng đoàn Hồi giáo tại đền thờ trung ương ở Koudoukou cũng thuộc Bangui. Sau đó lúc 9 giờ rưỡi, ngài cử hành thánh lễ tại Sân vận động Barthélémy Boganda, trước khi từ giã nước này để bay trở về Roma, dự kiến vào lúc gần 7 giờ tối tại phi trường Ciampino (SD 17-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giáo Hội có thêm 4 vị Hiển Thánh mới

Giáo Hội có thêm 4 vị Hiển Thánh mới

Lễ phong 4 tân hiễn thánh ngày 18 tháng 10 2015 tại Rome

VATICAN. Chúa nhật 18-10-2015, Giáo hội đã có thêm 4 vị hiển thánh mới, được ĐTC Phanxicô tôn phong đầu thánh lễ trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô, trong khuôn khổ Thượng HĐGM thế giới về gia đình.

Đứng đầu danh sách là cha Vincenzo Grossi, người Italia, vị sáng lập dòng các nữ tử Oratorio, tiếp đến là Thánh Nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Tây Ban Nha, mẫu gương bác ái; sau cùng là Ông Bà Louis Martin và Zélie Guérin, song thân của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Cha Vincenzo Grossi (1845-1917) sinh trưởng trong một gia đình có 10 người con tại tỉnh Cremona. Năm 1864, 19 tuổi, Vincenzo đậu bằng tú tài rồi ngày 04.11 cùng năm ấy, được nhận vào chủng viện Cremona, và thụ phong linh mục năm 1869. Năm 1885, cha thành lập dòng các nữ tử Oratorio cùng với Maria Caccialanza, chuyên chăm sóc các thiếu nữ nghèo khổ về tinh thần lẫn vật chất. Cha qua đời năm 1917 tại Vicobellignano. Năm Thánh 1975, cha được Đức Giáo hoàng Phaolo 6 tôn phong lên bậc chân phước.

Vị thánh thứ hai là Nữ tu Maria Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Bề trên tổng quyền dòng các nữ tu Thánh Giá (1926-1998) ở Sevilla, Tây Ban Nha. Nữ tu qua đời năm 1998, thọ 72 tuổi, và được phong chân phước tại Sevilla ngày 18-9 năm 2010 trong buổi lễ do ĐHY Angelo Amato, SDB, đại diện ĐTC Biển Đức 16 chủ sự, trước sự tham dự của 45 ngàn người tại sân vận động thế vận thuộc thành phố Sevilla. Chỉ 5 năm sau, Mẹ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm được phong hiển thánh.

Louis Martin và Zéli Guérin, song thân thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Đây là lần đầu tiên một đôi vợ chồng được phong thánh trong cùng một buổi lễ.

Lúc 10 giờ 15 phút, đã có hơn 50 ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu. Đồng tế với ĐTC có các HY và GM thuộc ban lãnh đạo cũng như các nghị phụ Thượng HĐGM, cùng với các HY, GM và LM liên hệ với 4 vị thánh được tôn phong, trong số này có 80 LM cùng với 100 cha thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô đảm nhận việc cho các tín hữu rước lễ. Tổng cộng có 90 Hồny y hiện diện trong thánh lễ.

Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của ĐTC, cộng đoàn đã hát kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, và nghi thức phong hiển thánh bắt đầu: ĐHY Angelo Amato, dòng Don Bosco, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên 4 chân phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Louis Martin và Marie Azélie Guérin, đôi vợ chồng, vào sổ bộ các thánh. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 4 vị, trước khi ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin ơn phù trợ của các thánh qua kinh cầu:

Tiếp đến, ĐTC đã long trọng tuyên đọc công thức phong thánh:

”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Vincenzo Grossi, Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, Louis Martin và Marie Zélie Guérin là hiển thánh và chúng tôi truyền ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

 Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, ĐTC đã quảng diễn các bài đọc, nhất là bài Tin Mừng nói về quyền bính như một sự phục vụ. Ngài cũng nhấn mạnh tấm gương khiêm tốn phục vụ của 4 vị thánh mới.

”Chúa Giêsu là Tôi Tớ của Chúa: cuộc sống và cái chết của Người hoàn toàn diễn ra dưới hình thức phục vụ (Xv Pl 2,7), là nguyên nhân mang lại ơn cứu độ và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng trong cái chết và sự sống lại của Người những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa được viên mãn. Trình thuật của thánh Marco mô tả cảnh tượng Chúa Giêsu ”đụng độ” lần đầu tiên các môn đệ Giacôbê và Gioan: hai ông được bà mẹ hỗ trợ, và muốn ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (Xc Mc 10,37), đòi những chỗ danh dự, theo cái nhìn của họ về phẩm trật Nước Chúa. Viễn tượng theo đó họ hành động càng bị ô nhiễm vì ước mơ những thành đạt trần thế. Bấy giờ Chúa Giêsu ”giáng” cú đầu tiên vào những xác tín ấy của các môn đệ, Người nhắc lại con đường của Người trên trần thế này: ”Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người được chỉ định (vv.39-40). Với hình ảnh chén ấy, Chúa cam đoan với hai môn đệ là họ có thể tham gia số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mong muốn. Câu trả lời của Chúa là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, loại trừ cám dỗ trần tục muốn ngồi chỗ nhất và điều khiển người khác.

Đứng trước những người xoay sở ”mánh mung” để đạt được quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Vì thế, Chúa cảnh giác họ: Các con biết rằng những kẻ được coi là người cai trị các dân nước thống trị trên dân và các thủ lãnh ấy áp bức dân. Nhưng nơi các con không được như vậy; ai muốn trở nên kẻ lớn trong các con thì hãy trở thành người phục vụ các con” (vv.42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ việc phục vụ như cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không nuôi ảo tưởng, là người thực sự thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi não trạng và đi từ sự ham hố quyền hành đến niềm vui được ẩn mình và phục vụ; loại trừ bản năng thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm tốn.

Và sau khi trình bày một kiểu cách không nên bắt chước, Chúa Giêsu cống hiến bản thân như lý tưởng cần tham chiếu. Trong thái độ của Thầy, cộng đoàn tìm được động lực cho viễn tượng mới trong cuộc sống của mình: ”thực vậy cả Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (v. 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là vị lãnh nhận từ Thiên Chúa ”quyền bính, vinh quang và vương quốc” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới và xác định rằng Người có quyền bính trong tư cách là người tôi tớ, được vinh quang trong tư cách là người có thể hạ mình xuống, và được vương quyền vì sẵn sàng hoàn toàn hiến mạng sống mình. Thực vậy, với cuộc khổ nạn và cái chết, Người chiếm được chỗ cuối cùng, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và trao tặng cho Giáo Hội của Ngừơi.

ĐTC nói thêm rằng: ”có một sự không thể dung hợp giữa cách thức quan niệm quyền bính theo các tiêu chuẩn trần thế và sự khiêm tốn phục vụ phải là đặc tính của quyền hành theo giáo huấn và tấm gương của Chúa Giêsu. Không thể dung hợp giữa những tham vọng, ước muốn thành đạt với sự theo Chúa Kitô; không thể dung hợp giữa những vinh dự, thành công, danh tiếng, những chiến thắng trần tục, với tiêu chuẩn của Chúa Kitô chịu đóng đanh. Trái lại có sự dung hợp giữa Chúa Giêsu ”chuyên chịu đau khổ và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhớ cho chúng ta điều đó, thư này trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: ”Chúng ta không có một vị thượng tế không biết tham phần vào những yếu đuối của chúng ta: chính Ngài đã bị thử thách trong mọi sự như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (4,5). Chúa Giêsu chủ yếu thi hành một chức linh mục thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không cảm nghiệm tội lỗi không ngăn cản Người hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phải là là thứ vinh quang tham vọng hoặc khao khát thống trị, nhưng là vinh quang được yêu mến con người, đảm nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng hành trình sầu muộn của họ với lòng dịu dàng vô biên.

Mỗi người chúng ta, trong tư cách đã được chịu phép rửa, đều tham phần vào chức linh mục của Chúa Kitô; các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các LM tham gia chức LM thừa tác,. Vì thế tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Chúa, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông, đặc biệt là đối với những người đang đau khổ, lo âu, thất vọng và cô đơn.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC đề cập đến 4 vị thánh mới:

”Những vị được tôn phong hiển thánh hôm nay, đã liên tục khiêm tốn phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái đặc biệt, qua đó các vị noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân, nhất là tình trạng dòn mỏng của giới trẻ. Thánh nhân nhiệt thành bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.

Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã đích thân sống sự phục vụ những người rốt hết với lòng khiêm tốn sâu xa, với sự quan tâm đặc biệt đến những con cái của những người nghèo và người bệnh.

Hai vị thánh phối ngẫu Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã sống việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đầy tin yêu, và trong bầu không khí đó đã này mầm những ơn gọi của cac con, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này thúc đẩy chúng ta kiên trì trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em chúng ta, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài canh giữ và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu quyền năng của các ngài.

Trong phần lời nguyện giáo dân, bằng các thứ tiếng Anh, Bồ đào nha, Ý, Hoa, và Tây Ban Nha, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Giáo Hội, cho Thượng Hội đồng GM, các quốc hội lập pháp, cho các tín hữu Kitô bị bách hại và cho những người trẻ đang tìm kiếm ơn gọi.

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC tái lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Thánh Địa. Ngài nói: Tôi rất lo âu theo dõi tình hình rất căng thẳng và bạo lực đang xảy ra tại Thánh Địa. Trong lúc này cần có can đảm rất nhiều và nhiều sức mạnh tâm hồn để từ chối oán thù và thực thi những cử chỉ hòa bình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nơi mọi người, chính quyền và công dân lòng can cảm chống lại bạo lực và thực hiện những bước cụ thể để tạo sự lắng dịu.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu hành hương: 14-10-2015

Đức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu hành hương: 14-10-2015

ĐTC tiếp những tín hữu hành hương

VATICAN. ĐTC xin lỗi vì những gương mù gần đây ở Roma và Vatican, và mời gọi các bậc cha mẹ luôn thi hành những lời hứa với trẻ em.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 14-10-2015 tại Quảng trường thánh Phêrô dành cho khoảng hơn 40 ngàn tín hữu.

Trước khi tiến ra Quảng trường, ngài đã vào Đại thính đường Phaolô 6 để chào thăm các bệnh nhân tại đây và nói đùa: ”Hôm nay trời có thể mưa, anh chị em ở Hội trường này và có thể theo dõi tất cả từ đây. Tôi hy vọng anh chị em thoải mái, và nếu ai muốn uống cà phê thì có thể xin, nhưng tôi không cam đoan là họ sẽ mang đến cho anh chị em!”

Rồi ĐTC dùng xe màu trắng đi ra quảng trường, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Khi ngài lên đến bục cao, mọi người đã cùng nhau tôn vinh Lời Chúa qua bài Tin Mừng trích từ Phúc Âm theo thánh Mathêu, đoạn 18, ghi lại lời Chúa Giêsu lên án những gương mù gương xấu, và Chúa kêu gọi khinh rẻ và gây gương mù cho các trẻ em.

Bài huấn giáo của ĐTC

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã nói về đề tài: ”Lời hứa với các trẻ em.” Đây là bài thứ 29 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.

Sau lời chào thăm, ĐTC cho biết vì hôm nay thời tiết bất ổn, dự báo thời tiết nói là sẽ mưa, nên buổi tiếp kiến hôm nay diễn ra đồng thời tại 2: ở quảng trường này với tại Đại thính đường Phaolô 6 có 700 bệnh nhân theo dõi qua màn hình. Ngài yêu cầu mọi người hiện diện vỗ tay chào các tín hữu bệnh nhân ấy.

ĐTC cũng nói rằng:

”Trước khi bắt đầu bài giáo lý, nhân danh Giáo Hội, tôi muốn xin lỗi anh chị em vì những gương mù đã xảy ra gần đây tại Roma và Vatican. Tôi xin lỗi anh chị em”.

”Hôm nay chúng ta suy tư về một đề tài rất quan trọng: những lời chúng ta hứa với các trẻ em. Tôi không nói về những lời hứa mà thỉnh thoảng trong ngày chúng ta nói với các trẻ em, để làm cho các em hài lòng hoặc làm cho các em ở yên – có khi với vài mưu kế vô tội-, để các em dấn thân chăm chỉ học hành hoặc để ngăn cản các em đừng làm điều gì đó. Tôi nói về những lời hứa quan trọng hơn, có tính chất quyết định đối với những mong đợi của các em đối với cuộc sống, niềm tín nhiệm của các em đối với con người, đối với khả năng của các em ý thức về danh Thiên Chúa như một phúc lành.

”Người lớn chúng ta sẵn sàng nói về các em như một lời hứa, một triển vọng của cuộc sống. Và chúng ta cũng dễ cảm động, khi bảo các trẻ em là tương lai của chúng ta. Nhưng tôi tự hỏi, nhiều khi chúng ta có nghiêm túc như vậy đối với tương lai các em hay không! Một cầu hỏi mà chúng ta thường phải đặt ra cho mình là: ”chúng ta thành thực thế nào đối với những lời chúng ta hứa với các trẻ em, làm cho các em đi vào thế giới của chúng ta.”

”Tiếp đón và săn sóc, gần gũi và quan tâm, tin tưởng và hy vọng, đó là những lời hứa căn bản, có thể được tóm trong một lời hứa duy nhất, đó là thương yêu. Đây là cách thức tốt nhất để đón nhận một con người sinh ra trong trần thế và tất cả chúng ta đều học điều đó, trước khi ý thức về điều ấy. Đó là một lời hứa mà người nam và người nữ hứa với mỗi người con: ngay từ khi người con được thụ thai trong tư tướng. Các trẻ em đến trần thế và mong đợi có sự khẳng định lời hứa này: các em mong đợi điều ấy một cách hoàn toàn, tín thác và tin tưởng trọn vẹn. Chỉ cần nhìn các em: trong mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống! Khi xảy ra điều trái ngược, thì các em bị thương tổn vì một ”gương mù” không thể chịu đựng được; tình trạng ấy càng trầm trọng hơn, xét vì các em không có phương tiện để hiểu rõ gương mù ấy. Thiên Chúa giám sát lời hứa ấy ngay từ lúc đầu tiên. Anh chị em có nhớ Chúa Giêsu nói gì không? Các thiên thần của các em phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bao giờ quên nhìn các em (Xc Mt 18,10). Khốn cho những kẻ phản bội lòng tín nhiệm của các em, khốn cho những kẻ ấy! Lòng tín thác tin tưởng của các em nơi lời hứa của chúng ta, đòi chúng ta phải dấn thân ngay từ lúc đầu tiên, niềm tín thác ấy xét xử chúng ta.

”Tôi muốn thêm một điều khác nữa, với lòng tôn trọng tất cả mọi người, nhưng cũng rất thẳng thắn. Không bao giờ được làm thương tổn lòng tín thác tự nhiên của các em nơi Thiên Chúa, nhất là khi điều ấy xảy ra vì một sự tự mãn nào đó, hơn kém ý thức, muốn thay thế Chúa. Tương quan dịu dàng và huyền nhiệm của Thiên Chúa với tâm hồn các trẻ em không bao giờ được vi phạm. Trẻ em sẵn sàng ngay từ lúc mới sinh để cảm thấy được Thiên Chúa yêu mến. Vừa khi có khả năng cảm thấy mình được yêu thương vì chính mình, thì một người con cũng cảm thấy rằng có một Thiên Chúa yêu thương các trẻ em.

Tiếp tục bài huấn giáo, ĐTC nói:

”Vừa mới sinh ra, các trẻ em đã bắt đầu nhận được như hồng ân, cùng với sự nuôi dưỡng chăm sóc, sự xác nhận chất lượng tinh thần của tình thương. Những cử chỉ yêu thương diễn ra qua sự đặt tên, chia sẻ ngôn ngữ, những ý hướng qua cái nhìn, những nụ cười rạng ngời. Qua đó, các em học thấy vẻ đẹp của tình người chiếu vào tâm hồn chúng ta, tìm tự do, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng tha nhân như người đối thoại. Một phép lạ thứ hai một lời hứa thứ hai: ba má là cha mẹ, hiến thân cho con, để ban con cho chính con! Và đó là tình yêu, đưa lại một tia sáng tình thương của Thiên Chúa!

“Chỉ khi nào chúng ta nhìn các trẻ em với đôi mắt của Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự hiểu rằng khi bảo vệ gia đình, tức là chúng ta bảo vệ nhân loại! Quan điểm của các trẻ em là quan điểm của Con Thiên Chúa. Chính Giáo Hội, trong phép rửa tội, dành cho các em những lời hứa long trọng, qua đó Giáo Hội yêu cầu sự dấn thân của cha mẹ và cộng đoàn Kitô. Xin Mẹ thánh thiện của Chúa Giêsu – qua đó Con Thiên Chúa đến với chúng ta, được yêu thương và sinh ra như một hài nhi, – làm cho Giáo Hội có khả năng tiến bước trên con đường mẫu tử và đức tin của Mẹ. Và xin Thánh Giuse – là một người công chính, đã đón nhận và bảo vệ Chúa, cản đảm tôn trọng phúc lành và lời hứa của Thiên Chúa – làm cho chúng ta đáng được đón nhận Chúa Giêsu nơi mỗi hài như mà Thiên Chúa gửi tới trái đất này.

Chào thăm

Sau khi ĐTC hết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các LM đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Cộng hòa dân chủ Congo và Pháp cũng như các tu huynh Thánh Tâm. Ngài nói: ”Trong khi Thượng HĐGM đang tiến hành về đề tài gia đình, tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình của anh chị em, đặc biệt cho các trẻ em, để chúng ta quan tâm khơi lên nơi các em tình thương của Thiên Chúa và các anh chị em của chúng!

Khi chào bằng tiếng Anh, ĐTC nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Anh, Ecosse, Ai Len, Na Uy, Hòa Lan, Australia, Papua tân Guinea, Ấn độ, Nhật bản, Thái Lan, Canada và Hoa Kỳ. Ngài nói: ”Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Thượng HĐGM về gia đình, và hãy trở thành những chứng nhân về sự hiện diện liên lỷ của Thiên Chúa trong thế giới, qua cuộc sống gia đình của anh chị em.”

Trong lời chào thăm các tín hữu Arập, ĐTC đặc biệt nhắc đến nhóm người tị nạn Irak và Siria hiện diện tại buổi tiếp kiến.

Và với các tín hữu Ba Lan, ngài nhắc đến lễ kính chân phước Honorat Kozminski, một vị rất có lòng kính mến Đức Mẹ, đã dùng máu mình để viết lên lời kinh phó thác cho Đức Mẹ: Totus tuus, toàn thân con thuộc về Mẹ. Chân phước đã thành lập nhiều dòng tu, nhất là có đời sống ẩn dật. Hài cốt của chân phước Kozminski sẽ được trưng bày từ thứ bẩy tới đây tại Nguyện Đường các vĩ nhân Ba Lan ở bên trong Đền thờ Chúa Quan Phòng ở thủ đô Varsava. Trong năm Đời sống thánh hiến và tuần cửu nhật thứ 8 chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm chân phước qua đời, nhờ lời chuyển cầu của Người, chúng ta hãy cầu xin tinh thần trung tín cho tất cả những người thánh hiến và hồng ân được nhiều ơn gọi thánh thiện.

Sau cùng, ĐTC nói bằng tiếng Ý:

”Thứ bẩy tới đây, 17-10, là ngày Thế giới chống lầm than. Ngày này được đề xướng để gia tăng nỗ lực loại trừ nghèo đói cùng cực và sự kỳ thị, để đảm bảo cho mỗi người cơ hội thực thi trọn vẹn các quyền căn bản của mình. Tất cả chúng ta đều được mời gọi đón nhận ý nguyện đó, để lòng bác ái của Chúa Kitô đi tới và an ủi nâng đỡ các anh chị em nghèo túng nhất và bị bỏ rơi.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sinh hoạt Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ 14

Sinh hoạt Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ 14

Đại diện của 13 nhóm nghị phụ

VATICAN. Sáng thứ tư hôm nay, 14-10-2015, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 sẽ nhóm phiên khoáng đại thứ 8 để nghe các đại diện của 13 nhóm nghị phụ tường trình kết quả cuộc thảo luận trong 2 ngày trước đó về phần II trong tài liệu làm việc, liên quan đến ”sự phân định ơn gọi của gia đình”.

 Tiếp đến mỗi nhóm sẽ nộp các đề nghị đã được nhóm thông qua nhắm cải tiến văn bản của phần 2 của Tài liệu làm việc.

 Ban chiều cùng ngày 14-10-2015, các nghị phụ sẽ nhóm phiên khoáng đại thứ 9 về tiếp tục phát biểu về phần thứ 3 của Tài liệu làm việc, là phần dài nhất, về sứ mạng của gia đình ngày nay, dưới các khía cạnh như: truyền giáo, sinh sản và giáo dục, việc huấn luyện, tương quan với các tổ chức chính quyền, v.v..

 Họp báo của Cha Lombardi

 Trưa ngày 12-10-2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã mở cuộc họp vào về các sinh hoạt của Thượng HĐGM.

 Cha minh xác một tin đã được phố biến trước đó và nói rằng: Thượng HĐGM sẽ có bản tường trình chung kết được các nghị phụ bỏ phiếu trong phiên họp áp chót sáng ngày 24-10 tới đây để đệ lên ĐTC sau đó. Cho đến nay người ta chưa rõ sau khi nhận được phúc trình chung kết ấy, ĐTC sẽ làm gì với văn bản ấy: hoặc ngài cho công bố trọn văn bản, hoặc ngài sẽ dùng tài liệu ấy để soạn Tông huấn hậu Thượng HĐGM, như các vị Giáo Hoàng trước vẫn làm, hoặc ĐTC sẽ tìm ra một giải pháp khác.

 Thư các Hồng Y gửi ĐTC bị tiết lộ

 Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi cũng đề cập đến tin về lá thư do 13 Hồng Y ký tên gửi ĐTC để bày tỏ sự không hài lòng về phương pháp làm việc của Thượng HĐGM này. Cha không bình luận về nội dung lá thư vì đây không phải là một thư công để phổ biến cho công chúng, trái lại là một tài liệu dành riêng. Cha cảnh giác các ký giả về tên của các Hồng y ký tên vào thư này, vì đã có 4 hồng y cải chính và nói rằng mình không hề ký vào thư đó, trái với điều báo chí nói đến.

 Thư này được ký giả Sandro Magister đăng trên tuần báo Espresso trực tiếp theo đó các Hồng Y ấy cảnh giác chống lại âm mưu lèo lái Thượng HĐGM này. Đặc biệt các vị thắc mắc về thành phần của Ủy ban soạn Văn kiện chung kết. Các HY cũng phê bình tài liệu làm việc. Lá thư đó được gửi cho ĐTC ngày đầu tiên của Công nghị GM nhưng mới được báo chí đăng tải ngày 12-10 vừa qua. ĐTC đã trả lời cho lá thư này và ngài bác bỏ lập trường cho rằng có sự âm mưu ở trong Thượng HĐGM này.

 Trong cuộc họp báo trưa ngày 13-10, Cha Lombardi gọi vụ công bố thư riêng gửi ĐTC là ”một điều nhắm gây xáo trộn” và cha kêu gọi các ký giả đừng bận tâm về vụ này và hãy tiếp tục làm việc!”

 Các bài phát biểu trong phiên khoáng đại chiều 10-10-2015

 Mặt khác, Văn phòng thông tin của Thượng HĐGM cũng phổ biến nội dung tổng quát các phát biểu của các nghị phụ trong phiên khoáng đại thứ 7 chiều thứ bẩy 10-10 với sự hiện diện của ĐTC và 228 nghị phụ.

 Nói chung, những suy tư khác nhau được trình bày về đề tài ”những người ly dị tái hôn dân sự có được rước lễ hay không”. Một đàng có những nghị phụ tái khẳng định sự cần thiết phải bảo tồn đức tin, nhưng có những nghị phụ khác nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải tháp tùng những người bị tổn thương, liên kết công bằng và từ bi. Trong viễn tượng này, các nghị phụ cũng nói về thủ tục cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, theo Tự sắc ”Mitis Iudex, ”Vị thẩm phán hiền từ” ĐTC Phanxicô mới công bố ngày 8-9 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-12 tới đây. Thủ tục mới vẫn luôn cần được áp dụng nghiêm túc và chính xác.

 Có những nghị phụ bàn về điều gọi là ”con đường thống hối” để những tín hữu lỵ dị tái hôn có thể được lãnh nhận các bí tích. Các vị cũng suy tư về việc tìm kiếm một giải pháp đồng nhất, đồng đều cho tất cả mọi người, về việc có thể tháp tùng thích hợp các đôi vợ chồng, trong niềm tôn trọng tính cất bất khả phân ly của hôn phối. Về điều gọi là ”luật tiệm tiến”, mà người ta nêu lên để có thể cho phép các cặp ly dị tái hôn rước lễ, cól một số nghị phụ bày tỏ nghi ngờ về giải pháp này, nhất là về những hệ lụy có thể có liên quan tới đạo lý về ơn thánh của bí tích.

 Ngoài ra, có nghị phụ tái khẳng định mối liên hệ giữa đạo lý và lòng từ bi, và nhắc nhớ rằng vấn đề ở đây không phải là xác định điều gì được phép và điều gì bị cấm. Trái lại, như ta đọc trong thư thánh Phaolô (1 Cr 6,12), tất cả đều được phép, nhưng không phải tất cả đều có tính chất xây dựng. Từ đó có lời kêu gọi lương tâm Kitô hữu hãy ra khỏi phạm vi chật hẹp của các quyền để đi vào môi trường của những gì là hữu ích cho cộng đoàn. Nói tóm lại cần giúp mỗi cá nhân khám phá đâu là dự phóng của Thiên Chúa dành cho họ.

 Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng để tránh sự thất bại trong hôn phối, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chuẩn bị hôn phối thích đáng. Thực vậy ta không thể cho phép kết hôn bằng cách chỉ nhìn xem họ có giấy tờ cần thiết và hợp lệ để cử hành hôn phối, mà không để ý đến sự phân định thực sự và trưởng thành của các đôi vợ chồng tương lai. Cần chuẩn bị hôn phối lâu dài, sâu xa, và có thể chia thành 3 giai đoạn, xa, gần và tức khắc, để chứng tỏ cho người trẻ thấy rằng Tin Mừng về gia đình không phải là một ảo tưởng, và cũng không pải là một sự hạn chế hoặc gánh nặng, nhưng là một dự phóng của Thiên Chúa mà ta cần chấp nhận. Hôn nhân là nguồn mạch sự thánh hóa và sức mạnh, hôn nhân có liên hệ tới toàn thể đời sống Kitô, qua gia đình.

 Một số nghị phụ nói về lãnh vực sinh sản con cái, liên quan tới tính dục. Từ giáo huấn của Thông điệp ”Sự sống con người” của ĐGH Phaolô 6, các vị tái khẳng định tầm quan trọng của sự hiểu biết về việc sinh sản trong tinh thần trách nhiệm và điều hòa sinh sản theo phương pháp tự nhiên, điều này bao hàm sự tôn trọng bản thân và người phối ngẫu của mình, chấp nhận thời kỳ tự nhiên của mỗi người.

 Sau cùng có sự tái khẳng định quan hệ không thể thiếu được giữa gia đình và các tổ chức chính quyền, nhấn mạnh sự cần thiết của Giáo Hội trong việc bổ túc vai trò của mình trong xã hội, cũng như nghĩa vụ của chính quyền phải bênh vực gia đình.

 Có một số rất ít các nghị phụ quyết liệt chống việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ. Cũng vậy số người chủ trương mở rộng hoàn toàn cũng chỉ là thiểu số. Hoặc những vị không có ý kiến. Đa số đề nghị những giải pháp mục vụ hoặc đúng hơn là những con đường mục vụ để tiến tới những giải pháp khả dĩ.

 Ngoài vấn đề đó, các nghị phụ cũng nói về các đề tài khác như mục vụ giới trẻ, hội nhập văn hóa, bạo hành trong gia đình, hôn nhân khác đạo, nhất là tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. (SD 12-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 11-10-2015

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 11-10-2015

Tiếp kiến chung 11 tháng 10 2015

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 11-10-2015 với 30 ngàn tín hữu, ĐTC kêu gọi từ bỏ lòng quyến luyến của cải. Ngài cổ võ việc bảo vệ thiên nhiên, và liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố hôm 10-10-2015 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 28 thường niên thuật lại giai thoại Chúa Giêsu gặp chàng thanh niên giàu có muốn theo Ngài:

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Tin Mừng hôm nay, trích từ chương thứ 10 của Phúc âm theo thánh Marco, gồm 3 cảnh tượng, với 3 cái nhìn của Chúa Giêsu.

Cảnh thứ I trình bày cuộc gặp gỡ giữa Thầy Chí Thánh và một người kia – mà theo đoạn song song trong Phúc âm theo thánh Mathêu, thì đó là một ”thanh niên”. Người này chạy đến gặp Chúa Giêsu, quì gối xuống và gọi Ngài là ”Thầy nhân lành”. Rồi ông hỏi Ngài: ”Con phải làm gì để được sự sống đời đời?” (v. 17). ”Sự sống đời đời” không phải chỉ là cuộc sống đời sau, nhưng là cuộc sống sung mãn, trọn vẹn, không giới hạn. Chúng ta phải làm gì để đạt tới sự sống ấy? Câu trả lời của Chúa Giêsu tóm tắt các giới răn nói về lòng yêu người. Về điểm này chàng thanh niên không có gì đáng trách; nhưng hiển nhiên là sự tuân giữ các giới răn không đủ đối với anh, không làm cho ước muốn sự sung mãn của anh được mãn nguyện. Và Chúa Giêsu trực giác thấy ước muốn mà chàng thanh niên mang trong tâm hồn; vì thế câu trả lời của Ngài được biểu lộ qua cái nhìn nồng nhiệt, đầy dịu dàng và yêu thương: ”Chúa chăm chú nhìn anh ta, Ngài yêu mến anh” (v.21). Nhưng Chúa cũng hiểu đâu là nhược điểm của người đối thoại, và Ngài đưa ra một đề nghị cụ thể với anh: hãy cho người nghèo tất cả tài sản của anh và đến đây theo Ngài. Nhưng người thanh niên ấy có con tim bị chia sẻ giữa hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc, và anh ra buồn sầu ra đi. Điều này chứng tỏ rằng đức tin và sự gắn bó với giàu sang không thể sống chung với nhau. Vì thế, sau cùng, lòng nhiệt thành ban đầu của chàng thanh niên bị xẹp đi trong sự bất hạnh của một sự theo Chúa bị tắt lịm.

Trong cảnh thứ hai, thánh sử Phúc Âm trình bày đôi mắt của Chúa Giêsu và lần này, đó là cái nhìn suy tư, và cảnh giác: ”Chúa nhìn chung quanh và Ngài nói với các môn đệ: Vào nước Thiên Chúa, thật là điều khó dường nào đối với những người sở hữu của cải giàu sang!” (v.23). Trước sự kinh ngạc của các môn đệ tự hỏi ”Vậy thì ai có thể được cứu rỗi?” (v.26), Chúa Giêsu trả lời bằng cái nhìn khích lệ – đó là cái nhìn thứ ba, và Ngài nói: ”Đúng vậy, sự cứu rỗi là điều không thể đối với con người, nhưng đó là điều có thể đối với Thiên Chúa!” (v.27) Nếu tín thác nơi Chúa, chúng ta có thể vượt thắng tất cả những chướng ngại ngăn cản chúng ta theo Chúa trên con đường đức tin.

Và thế là chúng ta tiến đến cảnh thứ ba: cảnh Chúa Giêsu long trọng tuyên bố: ”Thật, Thầy bảo các con: ai bỏ mọi sự để theo Thầy, thì sẽ được sự sống đời đời trong tương lai và được gấp trăm lần trong hiện tại” (Xc vv.29-30). ”Sự gấp trăm” này gồm những sự trước đây đã sở hữu, rồi bỏ đi, nhưng nay chúng trở lại được gia bội vô biên. Ai từ bỏ của cải và giải thoát mình khỏi sự nô lệ của cải thì đạt được tự do phụng sự vì yêu thương, ai từ bỏ sở hữu thì được niềm vui của sự trao ban.

Người thanh niên không để cho mình được cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu chinh phục, vì thế anh ta không thể thay đổi. Chỉ khi nào khiêm tốn và biết ơn đón nhận tình thương của Chúa, chúng ta mới giải thoát mình khỏi sự cám dỗ của các thần tượng và sự mù quáng của những ảo tưởng chúng ta. Tiền bạc, khoái lạc, thành công làm chóa mắt, nhưng rồi chúng làm thất vọng, chúng hứa mang lại sự sống, nhưng rồi gây ra sự chết. Chúa yêu cầu chúng ta đừng gắn bó với những thứ giàu sang giả dối ấy để bước vào cuộc sống đích thực, đời sống sung mãn, chân chính, sáng ngời.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta mở rộng con tim cho tình yêu Chúa Giêsu, là Đấng duy nhất có thể làm mãn nguyện khát vọng hạnh phúc của chúng ta.

Lời kêu gọi

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc nhở các tín hữu rằng:

Anh chị em thân mến, thứ ba tới đây, 13-10, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai. Nhưng đáng tiếc ta phải nhận thực những hậu qủa của các thiên tai thường trở nên trầm trọng hơn vì sự thiếu chăm sóc của con người dành cho môi trường. Tôi hiệp với tất cả những người, do sự sáng suốt, đang dấn thân trong việc bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, để thăng tiến một nền văn hóa hoàn cầu và địa phương, giảm bớt các thiên tai và hậu quả lớn của các thảm họa ấy, bằng cách hòa hợp những kiến thức mới với những kiến thức truyền thống, và đặc biệt quan tâm đến các dân tộc dễ bị tổn thương nhất.

Sau khi chào thăm các phái đoàn hành hương, đến từ Italia và nhiều nước trên thế giới, ĐTC còn đưa ra lời kêu gọi sau cuộc khủng bố tại Thổ nhĩ kỳ hôm 10-10 vừa qua chống một đoàn người biểu tình ôn hòa, làm cho gần 90 người chết và hàng trăm người bị thương. Ngài nói:

”Hôm qua, chúng ta đã đau lòng được tin về cuộc thảm sát kinh khủng xảy ra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Đau lòng vì nhiều người bị thiệt mạng. Đau lòng vì những người bị thương. Đau lòng vì những kẻ khủng bố đập những người biểu tình ủng hộ hòa bình. Trong khi tôi cầu nguyện cho Quốc gia yêu quí, tôi cầu xin Chúa đón nhận linh hồn những người qua đời và an ủi những người đang chịu đau khổ và thân nhân của họ”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM 14

Đức Thánh Cha chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thượng HĐGM 14

ĐTC trong buổi họp đầu tiên Thượng HĐGM tại Vatican

VATICAN. Sáng thứ hai, 5-10, ĐTC Phanxicô đã khai mạc phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM thế giới 14 về ”ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”.

Phiên họp bắt đầu với kinh giờ ba trước sự hiện diện của 258 nghị phụ. Trên bàn chủ tọa, ngồi quanh ĐTC còn có 4 vị HY Chủ tịch thừa ủy, ĐHY Tổng thư ký, ĐHY Tổng tường trình viên, và Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt.

Thay mặt ĐTC điều hành phiên họp là ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris bên Pháp.

Huấn dụ của ĐTC

Trong lời khai mạc phiên họp, ĐTC nói: ”Như chúng ta biết, Thượng HĐGM là một sự đồng hành trong tinh thần đoàn thể và công nghị, can đảm chấp nhận sự biểu lộ chân lý trong tự do (parresía), lòng nhiệt mục vụ và đạo lý, sự khôn ngoan, thẳng thắn, luôn nghĩ đến thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình, và qui luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn.”

”Tôi muốn nhắc nhở rằng Thượng HĐGM không phải là một hội nghị, một phòng để nói, hay là một quốc hội, một nghị viện, nơi mà người ta thỏa thuận với nhau. Trái lại, Thượng HĐGM là một sự biểu hiện Giáo Hội, nghĩa là Giáo Hội đồng hành để đọc thực tại với con mắt đức tin, và với con tim của Thiên Chúa; Thượng HĐGM là Giáo Hội tự hỏi mình về sự trung thành với kho tàng đức tin, kho tàng này, đối với Giáo Hội, không phải là một bảo tàng viện để xem và càng không phải là một bảo tàng viện cần bảo tồn, nhưng là một nguồn mạch sinh động nơi mà Giáo Hội giải khát, và soi sáng kho tàng sự sống.”

”Thượng HĐGM nhất thiết phải tiến hành trong lòng Giáo Hội và trong dân thánh của Thiên Chúa, mà chúng ta là thành phần, trong tư cách là mục tử, tức là người phục vụ. Ngoài ra Thượng HĐGM là một không gian được bảo vệ, trong đó Giáo Hội cảm nghiệm hoạt động của Chúa Thánh Linh. Trong Thượng HĐGM, Chúa Thánh Linh nói qua ngôn ngữ của tất cả những người để cho Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng luôn gây ngạc nhiên, vị Thiên Chúa tỏ mình ra cho những người bé mọn những điều mà Ngài giấu kín đối với những kẻ khôn ngoan và trí thức; vị Thiên Chúa đã lập nên luật lệ và ngày thứ bẩy vì con người chứ không ngược lại; Người bỏ 99 con chiên để tìm con chiên lạc; Ngời luôn luôn lớn hơn những tiêu chuẩn luận lý và những tính toán của chúng ta”.

ĐTC nói tiếp: ”Nhưng chúng ta cũng hãy nhớ rằng Thượng HĐGM chỉ có thể là một không gian hoạt động của Chúa Thánh Linh nếu chúng ta những than dự viên có lòng can đảm tông đồ, lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng và cầu nguyện tín thác: lòng can đảm tông đồ không để cho mình sợ hãi đứng trước những cám dỗ của thế giới, không dập tắt nơi tâm hồn con người ánh sáng chân lý, thay thế nó bằng những tia sáng bé nhỏ và nhất thời, và cáng không sợ hãi đứng trước con tim chai đá của một số người, tuy có thiện ý, nhưng làm cho người người xa lìa Thiên Chúa; lòng can đảm tông đồ mang sự sống và không biết cuộc sống Kitô của chúng ta thành một bảo tàng viện những kỷ niệm; lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng biết từ bỏ những hiệp ước riêng và những thành kiến, để lắng nghe các anh em giám mục và làm cho mình được đầy tràn Thiên Chúa, lòng khiêm tốn đưa tới sự chỉ tay không phải chống người khác, để xét đoán họ, nhưng để giơ ta ra với họ, nâng họ trỗi dây và không bao giờ cảm thấy mình ở trên họ”.

”Sự cầu nguyện tín thác là hoạt động của tâm hồn khi ta cởi mở đối với Thiên Chúa, khi ta làm cho tất cả những tiếng đồn của chúng ta im bặt để lắng nghe tiếng nói dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng nói trong thinh lặng. Nếu không lắng nghe Thiên Chúa, thì những lời của chúng ta chỉ là những lời không làm mãn nguyện và vô ích. Nếu không để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn, thì tất cả những quyết định của chúng ta chỉ là những đồ trang trí thay vì tuyên dương Tin Mừng thì lại che đậy và giấu kín Tin Mừng.”

ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, như tôi đã nói, Thượng HĐGM không phải là một nghị viện nơi mà để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương thuyết, kết ước với nhau hoặc nhượng bộ nhau, nhưng phương pháp duy nhất của Thượng HĐGM là cởi mở đối với Chúa Thánh Linh với lòng can đảm tông đồ, với lòng khiêm tốn theo tinh thần Phúc Âm, và với lời cầu nguyện tín thác, để chính Chúa hướng dẫn chúng ta, soi sáng và đặt trước mắt chúng ta, không phải những ý kiến cá nhân, nhưng là niềm tin nơi Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn quyền Hội Thánh, thiện ích của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn.”

ĐTC không quên cám ơn ĐHY Tổng thư ký và tất cả các chức sắc, các cộng tác viên của Thượng HĐGM,các nghị phụ, các đại biểu anh em, và mọi thành phần khác. Sau cùng ngài đặc biệt cám ơn các ký giả hiện diện cũng như các ký giả theo dõi từ xa vì sự tham gia và quan tâm.

Phát biểu của ĐHY Tổng thư ký

Tiếp đến ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, lên tiếng. Ngài cám ơn ĐTC vì đã muốn ủy thác cho Thượng HĐGM một đề tài quan trọng, là gia đình, không những có liên quan tới các tín hữu Công Giáo mà thôi, nhưng tất cả các tín hữu Kitô và toàn thể nhân loại, chính vì thế gia đình ở trung tâm sứ mạng mục vụ của Giáo Hội.

ĐHY chào thăm tất cả các tham dự viên và cho biết tổng cộng Thượng HĐGM lần này có 270 nghị phụ chia làm 3 thành phần gồm 42 nghị phụ tham dự do chức vụ, 183 vị được bầu lên 45 vị do ĐTC bổ nhiệm. Các nghị phụ do chức vụ gồm 15 vị thủ lãnh các công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 25 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tiếp đến là vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Thượng HĐGM. Ngoài ra có 14 đại biểu của các Giáo hội Kitô Anh em, như Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo.

Xét về chức vụ của các nghị phụ có 74 Hồng Y, 6 Thượng Phụ, 1 TGM trưởng, 72 TGM, 102 GM, 2 cha sở và 13 cha dòng.

Thêm vào đó có 24 chuyên gia và 51 dự thính viên. Có 18 đôi vợ chồng tham dự công nghị này.

Tổng số những người có quyền lên tiếng trong Thượng HĐGM lần này là 318 người gồm các nghị phụ, các Đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em và các dự thính viên.

ĐHY Baldisseri cũng nhắc lại rằng: Vì Thượng HĐGM hành động ”với Phêrô và dưới Phêrô” (cum Petro et sub Petro), là thủ lãnh và là người canh giữ đoàn chiên duy nhất của Chúa Kitô, nên công nghị GM này cũng là một sự biểu lộ đặc thù sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo được xây dựng trên nền tảng của các tông đồ, trong đó Simon Phêrô là đá tảng (Xc Mt 16,18), môn đệ được Thầy tuyển chọn để ”củng cố các anh em trong đức tin duy nhất” (Xc Lc 22,32).

ĐHY Tổng thư ký cũng nói đến hành trình dài của Thượng HĐGM về gia đình từ khóa họp đặc biệt hồi năm ngoái đến khóa họp thường lệ hiện nay. Mục đích chúng ta theo đuổi là ”Loan báo với niềm vui và lòng xác tín 'tin mừng” về gia đình'.

ĐHY Baldisseri gợi lại các giai đoạn mà Thượng HĐGM về gia đình đã trải qua, từ việc quyết định đề tài, đến việc soạn tài liệu đề cương để chuẩn bị, tham khảo ý kiến và soạn tài liệu làm việc. Trước đó là việc bổ nhiệm các chức sắc cho công nghị GM thế giới này. ĐTC đã quyết định bổ nhiệm thêm một vị Chủ tịch thừa ủy thứ tư là ĐHY Wilfried Napier, dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban ở Nam Phi.

Về phương pháp tiến hành khóa họp hiện nay, ĐHY Baldisseri cho biết Thượng HĐGM tiến hành theo 3 giai đoạn dựa theo 3 phần của tài liệu làm việc. Việc phát biểu của các nghị phụ cũng diễn ra theo sự phân chia như thế và tổng cộng có 18 phiên họp khoáng đại, 13 phiên họp nhóm được phân chia theo các ngôn ngữ, Ngoài ra, khi không có phiên họp nhóm. mỗi ngày từ 6 đến 7 giờ chiều có phần phát biểu tự do.

Sở dĩ có thay đổi trên đây vì các nghị phụ đã yêu cầu đề cao giá trị của các cuộc thảo luận nhóm, trong có có sự tham dự tích cực hơn vào cuộc trao đổi, sự đối chiếu trực tiếp và tức thời giữa các nghị phụ cùng một ngôn ngữ, và trong các phiên họp nhóm, các dự thính viên và đại biểu các Giáo Hội Kitô Anh em có thể lên tiếng.

Về Ủy ban soạn bản tường trình chung kết, ĐHY Baldisseri cho biết ĐTC đã bổ nhiệm một Ủy ban soạn Bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM, đứng đầu là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest bên Hungari, Tổng tường trình viên của Công nghị GM này và có 9 thành viên, đứng đầu là Đức Cha Bruno Forte, TGM Chieti-Vasto (Italia), Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM thứ 14.

Ủy ban theo dõi và đúc kết mỗi phần của khóa họp. Bản tường trình chung kết sẽ được bỏ phiếu vào sáng thứ bẩy 24-10 rồi đệ lên ĐTC để tùy ngài quyết định.

Bản tường trình các cuộc hội thảo nhóm về 3 phần của công nghị sẽ được công bố và trong 3 tuần lễ nhóm họp, sẽ có những cuộc họp báo ngắn để tường trình cho giới báo chí về Thượng HĐGM. Có một số nghị phụ sẽ tham dự các cuộc họp báo này. Các nghị phụ được tự do thông tin cho giới báo chí theo sự suy xét và trách nhiệm của mình.

ĐHY Baldisseri nhắc lại điều ĐTC nhiều lần nhấn mạnh, theo đó Thượng HĐGM phải là một ”không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể hoạt động trong đó, và để các nghị phụ được tự do bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và tự do”.

Phát biểu của ĐHY Tổng tường trình viên

Bài tường trình của ĐHY Baldisseri kết thúc lúc 10 giờ rưỡi. ĐTC và các nghị phụ được 30 phút giải lao và tái nhóm lúc 11 giờ, để nghe ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom- Budapest, Hungari, Tổng tường trình viên, đã đọc một bản tường trình dẫn nhập, dựa trên 3 phần của tài liệu làm việc, cũng là 3 đề tài cho 3 giai đoạn thảo luận trong Thượng HĐGM lần này là:

Thứ 1. Lắng nghe những thách đố về gia đình (Tài liệu làm việc, nn.6-36)

Thứ 2. Phân định ơn gọi gia đình (Tài liệu làm việc, nn.37-38)

và sau cùng là Sứ mạng của gia đình ngày nay (Tài liệu làm việc, nn.69-147).

ĐHY lần lượt quảng diễn nội chung của ba phần trên đây, dựa theo đó, các nghị phụ và các dự thính viên, các đại biểu anh em sẽ trình bày ý kiến, trong các phiên khoáng đại cũng như trong các cuộc thảo luận nhóm được phân chia tùy theo ngôn ngữ.

Sau bài của ĐHY Erdoe, các nghị phụ đã nghe một dự thính viên phát biểu, trước khi đến lượt các nghị phụ lên tiếng cho đến khi phiên họp thứ I kết thúc lúc 12 giờ rưỡi.

Các nghị phụ tiếp tục phát biểu cả trong phiên khoáng đại thứ hai vào ban chiều từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ. Trong phiên này, có phần phát biểu tự do từ lúc 6 đến 7 giờ tối.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục

Canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục

Buổi canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục 10-03-2015

VATICAN. Chiều tối thứ bẩy, 3-10-2015, ĐTC đã chủ sự buổi canh thực cầu nguyện cho Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình.

Buổi canh thức do HĐGM Italia đề xướng và tổ chức với sự cộng tác của các phong trào và hội đoàn, trước sự hiện diện của khoảng 40 ngàn tín hữu, cùng với đông đảo các nghị phụ Thượng HĐGM.

Từ 6 giờ chiều, hàng chục ngàn người đã tụ họp và sinh hoạt, cầu nguyện và nghe chứng từ tại Quảng trường thánh Phêrô, trong khi chờ đợi ĐTC đến vào lúc 7 giờ.

Sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia, ĐTC đã chính thức khai mạc buổi cầu nguyện với thánh ca cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Trong bài giảng sau bài sách thánh, ĐTC đề cao vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội, và ngài mời gọi các tín hữu sốt sắng cầu nguyện để từ kho tàng truyền thống sinh động, các nghị phụ Thượng HĐGM, biết kín múc những lời an ủi và đường hướng hy vọng cho các gia đình, ngày nay đang được kêu gọi xây dựng tương lai cộng đoàn Giáo Hội và xã hội loài người”.

ĐTC cũng đề cao linh đạo Thánh Gia Nazaret, và nhắc đến tấm gương của chân phước Charles de Foucauld: ”Có lẽ ít người như Cha Foucauld đã trực giác được tầm mức linh đạo xuất phát từ Nazareth. Nhà đại thám hiểm này đã mau lẹ từ bỏ binh nghiệp, bị thu hút vì mầu nhiệm Thánh Gia, về quan hệ thường nhật của Chúa Giêsu với cha mẹ và những người láng giềng, công việc âm thầm, kinh nguyện khiêm tốn. Khi nhìn Thánh Gia Nazareth, cha Chartres ý thức sự vô ích của lòng ham muốn giàu sang và quyền hành; qua việc tông đồ bằng lòng từ nhân, cha trở nên mọi sự cho tất cả mọi người; cha là người bị thu hút vì đời sống ẩn dật, cha hiểu rằng ta không tăng trưởng trong tình yêu Chúa bằng cách tránh sự nô lệ của các quan hệ giữa con người với nhau. Vì chính khi yêu thương tha nhân, chúng ta học cách yêu mến Chúa; chính khi cúi mình trên tha nhân, ta nâng mình lên cùng Thiên Chúa. Qua sự gần gũi huynh đệ và liên đới với những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi, cha hiểu rằng rốt cuộc chính là loan báo Tin Mừng cho chúng ta, giúp chúng ta tăng trưởng trong tình người”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Ngày nay để hiểu gia đình, chúng ta cũng hãy làm như cha Charles de Foucauld, đi vào mầu nhiệm Thánh Gia, trong đời sống ẩn dật, thường nhật, với những cơ cực và vui mừng đơn sơ; cuộc sống được dệt bằng sự kiên nhẫn thanh thản trong những nghịch cảnh, với sự tôn trọng hoàn cảnh của mỗi người, trong sự khiêm tốn có sức giải thoát và triển nở trong việc phục vụ.. Gia đình là nơi diễn ra sự thánh thiện theo tinh thần Tin Mừng, được thực thi trong những hoàn cảnh bình thường nhất”.

”Chúng ta hãy tái khởi hành từ Nazareth cho một Thượng HĐGM, thay vì chỉ nói về gia đình, thì biết đặt mình vào trường học của Thánh Gia, trong sự sẵn sàng luôn nhìn nhận phẩm giá, tầm quan trọng và giá trị của gia đình, mặc dù có bao nhiêu cơ cực và mâu thuẫn có thể xảy ra”.

ĐTC đặc biệt nhấn mạnh rằng: ”Nếu chúng ta không biết liên kết sự cảm thương với công lý, thì rốt cuộc chúng ta sẽ nghiêm khắc một cách vô ích và bất công một cách sâu đậm”.

Buổi cầu nguyện kết thúc lúc gần 8 giờ tối với phép lành của ĐTC và thánh ca Magnificat. (SD 3-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha khích lệ ”Ngân hàng lương thực” cho người nghèo

Đức Thánh Cha khích lệ ”Ngân hàng lương thực” cho người nghèo

ĐTC tiếp kiến 7 ngàn người thiện nguyện Ngân Hàng Lương Thực

VATICAN. ĐTC Phanxicô cám ơn và khích lệ tổ chức ”Ngân Hàng lương thực” tiếp tục trợ giúp các gia đình túng thiếu, mang lại hy vọng cho nhiều người.

 

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 3-10-2015, dành cho 7 ngàn người thiện nguyện thuộc tổ chức ”Ngân hàng lương thực”, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức này.

 

ĐTC nhắc lại sự kiện Ông Danilo Fossati, một chủ xí nghiệp trong lãnh vực lương thực, bày tỏ băn khoăn của ông với cha Giussani, người sáng lập Phong trào Hiệp thông và giải phóng, về tình trạng bao nhiêu lương thực còn ăn được, nhưng bị phá hủy, trong khi bao người nghèo khác ở Italia bị đói. Nhờ sự khuyến khích của Cha Giussani, ông Fossati đã thành lập 'Ngân hàng lương thực' cách đây 25 năm, với những người thiện nguyện hằng ngày âm thầm thu thập các thực phẩm còn dùng được để trợ giúp người nghèo.

 

ĐTC nhận xét rằng: ”Ngày nay nạn đói đang lên tới mức độ xì căng đan, đe dọa cuộc sống và phẩm giá của bao nhiêu người. Hàng ngày chúng ta phải đương đầu với sự bất công này: trong một thế giới phong phú tài nguyên lương thực, nhờ những tiến bộ rất lớn về kỹ thuật, nhưng quá nhiều người không có những điều tối thiểu để sinh tồn, và tình trạng này không những ở các nước nghèo, nhưng ngày càng xảy ra tại các nước phát triển và giàu có”.

 

ĐTC nói thêm rằng: ”Hiện tượng ấy càng trầm trọng hơn do sự gia tăng các làn sóng di dân, mang tới Âu Châu hàng ngàn người tị nạn, rời bỏ quê hương và thiếu thốn mọi sự. Đứng trước một vấn đề lớn lao như thế, lời Chúa Giêsu vang vọng: ”Ta đói và các con đã cho Ta ăn” (Mt 25,35).

 

Và ĐTC nói với những người thiện nguyện rằng: ”Anh chị em hãy tiếp tục hỗ trợ và cộng tác với ”Ngân quĩ lương thực” này trong niềm tín thác, thực thi nền văn hóa gặp gỡ và chia sẻ. Tuy sự đóng góp của anh chị em dường như chỉ là một giọt nước trong biển cả các nhu cầu, nhưng trong thực tế nó rất quí giá! Cùng với anh chị em những người khác cũng cố gắng, và sự kiện này làm cho dòng sông nuôi dưỡng hy vọng của hàng triệu người được lớn mạnh hơn”.

 

ĐTC cũng nhắn nhủ rằng: ”Hằng ngày khi gặp gỡ hàng trăm người nghèo, anh chị em đừng quên họ là những con người chứ không phải là những con số, mỗi người có gánh nặng đau khổ riêng mà nhiều khi dường như không thể vác nổi. Anh chị em luôn để ý đến điều đó, và biết nhìn thẳng vào họ, bắt tay, nhận ra nơi họ thân mình của Chúa Kitô và giúp họ phục hồi phẩm giá và giúp họ đứng dậy” (SD 3-10-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma

ĐTC trả lời cuộc phỏng vấn của các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô trên chuyến bay tử Philadelphia về Roma

Cũng như trong mọi chuyến công du khác, trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma chiều ngày 27 tháng 9 vừa qua ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một bài phỏng vấn dài về nhiều vấn đề khác nhau liên quan tới chuyến viếng thăm mục vụ cũng như tình hình thế giới và các vấn đề của Giáo Hội.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài phỏng vấn này. Cha Federico Lombardi Giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh, đã ngỏ lời chào ĐTC như sau: “Thưa ĐTC, xin chào mừng ĐTC đến giữa chúng con và dành thời giờ cho chúng con sau chuyến viếng thăm rất mệt nhọc đòi hỏi nhiều dấn thân. Chúng con xin bắt đầu ngay với các câu hỏi. Người đầu tiên là một chị ở đây đã viết một bài về ĐTC trên báo Times nên chị đã được chuẩn bị rất kỹ về chuyến công du của ĐTC. Chị sẽ hỏi bằng tiếng Anh và anh Matteo sẽ dịch ra tiếng Ý cho ĐTC. “

ĐTC chào các nhà báo và nói: “Xin cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Anh chị em phải chạy từ chỗ này tới chỗ nọ. Còn tôi thì ngồi ở trong xe… Xin cám ơn  anh chị em nhiều lắm.

Xin cám ơn ĐTC rất nhiều., Con là Elisabetta Dias của báo Time Magazine, Chúng con rất tò mò muốn biết: đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC tại Hoa Kỳ. Cái gì tại Hoa Kỳ đã khiến cho ĐTC ngạc nhiên nhất, và có cái gì khác với các chờ mong của ĐTC hay không?

Đáp: Vâng, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi: tôi chưa bao giờ đến Hoa Kỳ. Điều khiến tôi ngạc nhiên đó là sự nồng ấm của dân chúng, họ thật là dễ thương: đây là một điều đẹp và cũng khác nữa. Tại Washington có một sự tiếp đón nồng nhiệt nhưng hơi hình thức một chút; tại New York thì một chút qúa mức, và tại Philadelphia thì rất rõ ràng. Ba cách thức khác nhau, nhưng cùng một sự tiếp đón. Tôi rất bị đánh động bởi lòng tốt, sự tiếp đón, và trong các lễ nghi tôn giáo bởi lòng đạo đức và sùng đạo. Người ta thấy là dân chúng cầu nguyện, và điều này đã đánh động tôi rất nhiều, nhiều lắm. Thật là đẹp!

ĐTC có nhận thấy một thách đố từ phía Hoà Kỳ mà ĐTC đã không chờ đợi không? Có vài khiêu khích nào không?

Đáp: Không. Cám ơn Chúa, không. Không. Không. Mọi sự đểu tốt đẹp. Không có khiêu khích nào. Mọi người đều rất có giáo dục, không có lời nguyền rủa nào, không có điều gì xấu xa. Không, Không. Nhưng chúng ta phải tiếp tục làm việc với dân tộc có đức tin này, như họ đã làm việc cho tới nay, đúng không? Bằng cách đồng hành với dân tộc trong tươi vui và trong những lúc khó khăn, khi không có việc làm, khi bị ốm đau… Thách đố của Giáo Hội – bây giờ thì tôi hiểu đúng – thách đố của Giáo Hội ngày nay là sống như Giáo Hội vẫn luôn luôn sống: gần gũi dân chúng, gần gũi nhân dân Hoa Kỳ. Chứ không phải một Giáo Hội cách biệt dân chúng. Không. Gần gũi, gần gũi. Và đây là một thách đố mà Giáo Hội Hoa Kỳ đã hiểu rõ, đã hiểu rõ và muốn làm.

Cha Lombardi giới thiệu nhà báo thứ hai là anh David O’Reilly của báo “Philadelphia Inquirer” là một trong các nhật báo lớn của Philadelphia. Anh hỏi

– Thưa ĐTC, Philadelphia như ĐTC biết – đã trải qua một giai đoạn xấu với các vụ lạm dụng tính dục: nó còn là một vết thương mở. Con biết có nhiều người tại Philadelphia ngạc nhiên vì trong bài nói chuyện với các Giám Mục tại Washington ĐTC đã cống hiến cho các vị sự an ủi và củng cố. Con tin rằng tại Philadelphia người ta muốn hỏi: “Tại sao ĐTC lại đã cảm thấy cần phải củng cố và an ủi các Giám Mục như vậy?

 Đáp: Tại Washington tôi đã nói chuyện với tất cả các Giám Mục Hoa Kỳ. Đã có tất cả các Giám Mục toàn nước. Tôi đã cảm thấy cần bầy tỏ sự cảm thương, bởi vì đã xảy ra một điều hết sức xấu xa, và biết bao Giám Mục đã đau khổ, bởi vì các vị đã không biết điều này, và khi chuyện bùng nổ ra, các vị đã rất là đau khổ: là các người của Giáo Hội, của cầu nguyện và chủ chăn đích thực.. Và tôi đã nói bằng cách trích sách Khải Huyền rằng tôi biết các vị “đang đến từ một nỗi khổ tâm lớn lao”. Nhưng không phải chỉ là nỗi khổ đau tình cảm: đó là điều hôm nay tôi đã nói với các người đã bị lạm dụng. Nó đã là .. tôi không nói là “một việc chối đạo”, nhưng hầu như là một việc phạm thánh! Khi… nhưng chúng ta biết là các lạm dụng tính dục xảy ra khắp nơi: trong môi trường gia đình, trong môi trường hàng xóm, trong các trường học, trong các nơi tập thể thao thể dục, khắp nơi… Nhưng khi một linh mục phạm một lạm dụng như thế, thì là điều rất nặng, bởi vì ơn gọi linh mục là làm cho đứa bé trai bé gái đó lớn lên, hướng về Thiên  Chúa, hướng tới sự trưởng thành tình cảm, hướng tới sự thiện. Thay vì làm điều đó, thì vị linh mục lại đè bẹp nó, lại làm điều dữ. Chính vì vậy mà nó như là một sự phạm thánh. Và vị linh mục đó đã phản bội ơn gọi của mình, phản bội tiếng gọi của Chúa. Vì thế Giáo Hội mạnh tay trong lúc này: không được bao che, cả những người bao che cũng có lỗi trong các chuyện này. Cả vài Giám Mục đã che dấu điều này cũng có lỗi! Đây là một điều vô cùng xấu xa. Và các lời an ủi không phải để nói rằng: “Thôi, cư yên trí, không là gì đâu!”: không, không, không! Đã là điều đó, nhưng thật là một điều xấu xa biết bao nhiêu, và tôi tưởng tượng được  anh em đã khóc biết chừng nào”: các lời nói của tôi đã ở trong nghĩa đó. Và hôm nay tôi đã nói rất mạnh.

Câu hỏi tiếp theo là của chị Maria Antonietta Collins

– Thưa ĐTC, ĐTC đã nói tới sự tha thứ, rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và chúng ta thường là những người xin tha thứ. Con muốn hỏi ĐTC khi trông thấy ĐTC ở trong đại chủng viện, có rất nhiều linh mục đã phạm tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và đã không xin lỗi các nạn nhân của mình. ĐTC có tha thứ cho các vị ấy không? Và ĐTC hiểu, từ phiá bên kia, các nạn nhân và gia đình họ không tha thứ được hay không muốn tha thứ thì sao?

Đáp: Nếu một người đã hành động xấu, ý thức được điều mình đã làm và không xin lỗi, thì tôi xin Thiên Chúa giữ người đó trong sổ. Tôi tha thứ, nhưng người đó không nhận được sự tha thứ, họ bị đóng kín với ơn tha thứ rồi. Trao ban tha thứ là một chuyện, nhưng nhận được ơn tha thứ lại là chuyện khác. Và nếu vị linh mục đó đóng kín với ơn tha thứ, thì không nhận được sự tha thứ, bởi vì đã dùng khóa đóng cửa từ bên trong, và điều còn lại chỉ là cầu nguyện để Chúa mở cánh cửa đó ra. Cần phải sẵn sàng tha thứ, nhưng không phải tất cả mọi người đều nhận được nó, biết nhận nó, hay sẵn sàng nhận nó. Thật là nặng nề điều tôi đang nói.  Và điều này giải thích tại sao có người kết thúc cuộc sống mình một cách nặng nề, xấu xa, không nhận được một sự vuốt ve của Thiên  Chúa. Câu hỏi thứ hai đã là?

Đó là ĐTC có hiểu các nạn nhân và gia đình họ không thể tha thứ hay không muốn tha thứ cho tội lạm dụng đó hay không?

Đáp: Có, tôi hiểu họ, tôi cầu nguyện cho họ, và tôi không xét đoán họ. Tôi không xét đoán họ, tôi cầu nguyện cho họ. Có một lần trong các buổi họp này tôi đã gặp nhiều người khác nhau và có một bà đã hỏi tôi: “Khi mẹ chồng con, không đó đã bà…,  khi mẹ con biết là họ đã lạm dụng tính dục con, bà đã nguyền rủa Thiên Chúa, bà đã mất đức tin và đã chết như người vô thần”. Tôi hiểu người đàn bà ấy. Tôi hiểu bà ta. Và Thiên  Chúa còn tốt hơn tôi hiểu bà ấy. Tôi chắc chắn như vậy. Thiên  Chúa đã chấp nhận bà ấy. Bời vì cái đã bị rờ tới, cái đã bị tàn phá đã là chính thịt xác của bà, thịt xác của con gái bà. Tôi hiểu bà ấy. Tôi không xét đoán người nào đó không thể tha thứ. Tôi cầu nguyện và xin Thiên  Chúa, bởi vì Thiên Chúa là một người vô địch trong việc tìm một con đường hưóng tới giải pháp – tôi xin Ngài sửa nó. Xin lỗi tôi đang nói tiếng Tây Ban Nha…

Anh Andres Beltramo của hãng tin Notimex hỏi:

– Thưa ĐTC, tất cả chúng con đã nghe ĐTC nói nhiều về tiến trình hoà bình tại Colombia, giữa lực lượng FARC và chính quyền. Giờ đây đã có một thoả hiệp lịch sử. ĐTC có cảm thấy mình có một chút phần trong thỏa hiệp này không? Và ĐTC đã nói là sẽ đi Colombia, khi có được một thoả hiệp: bây giờ có nhiều người dân Colombia đang chờ đợi ĐTC… Và con có một câu hỏi nhỏ nữa: ĐTC cảm thấy gì sau một chuyến viếng thăm dầy đặc như vậy và giờ đây máy bay ra đi?

Đáp: Xin trả lời câu hỏi thứ nhất: khi tôi nhận được tin hồi tháng 3 là thỏa hiệp sẽ được ký kết, tôi đã thưa với Chúa: “Chúa ơi, xin cho chúng con tới tháng 3, và cho họ tới với ý hướng tốt đẹp này”, bởi vì còn thiếu các điều nhỏ nhặt, nhưng mà có ý chí. Từ cả hai phía. Có ý chí. Kể cả từ phía nhóm nhỏ có ý chí: cả ba lực lượng đều đồng ý. Chúng ta phải tới tháng ba, tới thoả hiệp vĩnh viễn. Đó đã là đích điểm của công lý quốc tế – như anh biết – Tôi đã vô cùng hài lòng. Và tôi đã cảm thấy mình là thành phần, trong nghĩa tôi đã luôn luôn muốn điều này, và tôi đã nói chuyện với tổng thống Santos về vấn đề này, và Tòa Thánh – chứ không phải chỉ có mình tôi – Toà Thánh rất cởi mở và trợ giúp như Toà Thánh có thể.

Câu hỏi thứ hai, nhưng điều này hơi cá nhân một chút, nhưng tôi phải thành thật. Khi máy bay rời phi trường sau chuyến viếng thăm của tôi, nhiều cái nhìn của biết bao người đến với tôi và tôi muốn cầu nguyện cho họ và thưa với Chúa: Con đã đến đây để làm một cái gì đó, đề làm điều lành. Có lẽ con đã làm điều dữ, xin tha lỗi cho con. Nhưng xin Chúa giữ gìn tất cả dân chúng đã nhìn con, dã nghĩ những điều con đã nói, đã nghe cả những lời chỉ trích con, tất cả mọi người… Tôi cảm nhận được điều đó . Tôi không biết. Nó đến như vậy. Nhưng xin lỗi nó hơi cá nhân một chút. Điều này không thể nói trên báo…

Tiếp đến là anh Thomas Jansen của hãng tin công giáo Đức

– Thưa ĐTC, con muốn hỏi một điều liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư vào Âu châu: nhiều nước đang xây dựng các hàng rào ngăn cách mới với kẽm gai. ĐTC nói gì về tiến triển này?

Đáp: Anh đã dùng từ “cuộc khủng hoảng”. Nó trở thành một tình trạng khủng hoảng sau một tiến trình dài. Điều này đã bùng nổ từ nhiều năm nay rồi, bởi vì các chiến cuộc khiến cho dân chúng phải ra đi, phải trốn chạy, là các cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm trời. Đói: cái đói đã là cái đói từ nhiều năm rồi… Nhưng khi tôi nghĩ tới Phi Châu – điều này hơi đơn sơ quá, nhưng tôi xin nói như thí dụ – tôi nghĩ Phi châu là lục địa bị khai thác bóc lột. Và giờ đây thay vì khai thác một lục địa hay một quốc gia hoặc một vùng đất, thì đầu tư để người dân có công ăn việc làm hầu tránh được cuộc khủng hoảng này. Đúng thế, có một cuộc khủng hoảng người tỵ nạn, như tôi đã nói tại Quốc Hội Mỹ, chưa từng thấy kể từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay. Nó là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Liên quan tới các hàng rào, anh biết các bức tường kết thúc như thế nào. Mọi bức tường, mọi bức tường đều sụp đổ, hôm nay, ngày mai, trong 100 năm nữa. Nhưng chúng sẽ sụp đổ. Đó không phải là một giải pháp. Bức tường không phải là một giải pháp. Trong lúc này đây Âu châu gặp khó khăn: đúng thật như thế. Chúng ta phải thông minh, bởi vì có cả làn sóng di cư tràn tới và không dễ tìm ta các giái pháp. Nhưng với sự đối thoại giữa các quốc gia, cần phải tỉm ra giải pháp. Các bức tường không bao giờ là các giải pháp. Trái lại, các cây cầu thì luôn luôn là giải pháp. Luôn luôn. Tôi không biết, điều mà tôi nghĩ về các bức tường, các hàng rào … chúng kéo dài ít lâu, không lâu, nhưng chúng không phải là một giải pháp. Vấn đề còn đó, còn đó với nhiều thù hận hơn. Đó là điều tôi nghĩ.

Anh Jean Marie Guénois, phóng viên của nhật báo Le Figaro, đại diện cho nhóm nhà báo nói tiếng Pháp hỏi ĐTC

Thưa ĐTC, chắc chắn là ĐTC không thể nói trước các cuộc thảo luận của các nghị Phụ tham dự Thượng Hộị Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình khai mạc vào đầu tháng 10 tới này. Nhưng chúng con muốn biết, trước khi Thượng Hội Đồng nhóm họp, trong con tim mục tử của mình, ĐTC có thực sự muốn có một giải pháp cho các tín hữu đã ly dị tái hôn hay không? Chúng con cũng muốn biết Tự Sắc liên quan tới việc hủy bỏ hôn nhân được dễ dàng hơn có khép lại việc thảo luận này hay không. Và sau cùng ĐTC trả lời những người sợ rằng với việc cải cách này, có việc tạo thực thụ ra một cái gọi là “ly dị công giáo” hay không?

Đáp: Tôi xin bắt đầu với câu hỏi cuối cùng. Trong việc cải tổ các vụ án hôn phối và của mô thức, tôi đã đóng cửa con đường hành chánh, qua đó việc ly dị có thể bước vào. Và có thể nói rằng những người nghĩ tới ly dị công giáo sai lầm, bởi vì tài liệu cuối cùng này đã đóng cửa cho việc ly dị đã có thể vào – nó đã dễ hơn – đối với con đường hành chánh. Sẽ luôn luôn có con đường phán xử. Liên quan tới tài liệu, tôi không nhớ nó có phải là tàì liệu thứ ba hay không. Nếu tôi sai thì xin anh sửa …

– Vâng thưa ĐTC, câu hỏi liên quan tới ý niệm “ly dị công giáo” và Tự Sắc có đóng cửa đối với việc thảo luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về gia đình hay không?

Đáp: Đây là điều đa số các nghị Phụ đã yêu cầu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi năm ngoái: đó là làm cho các vụ án được nhẹ nhàng hơn, mau chóng hơn, bởi vì có các vụ xét xử đã kéo dài cả 10-15 năm trời. Một phán quyết, rồi lại một phán quyết khác, sau đó còn có khiếu nại, và khiếu nại, rồi có một khiếu nại khác nữa, và không bao giờ chấm dứt… Hai phán quyết khi nó có giá trị và không có khiếu nại, đã do ĐGH Lambertini Biển Đúc XVI đưa ra, bởi vì tại miền Trung Âu châu – tôi không nói tên nước – đã có vài lạm dụng, và để ngăn chặn các lạm dụng này, ĐGH Biển Đức XV đã đưa ra luật ấy.  Nhưng đó không là điểu nòng cốt đối với vụ án. Các vụ án thay đổi, luật thay đổi và trở nên tốt hơn: người ta luôn luôn cải tiến tốt hơn. Trong lúc này thì cần cấp thiết làm việc ấy. Thế rồi ĐGH Pio X cũng đã khiến cho nó trở thành nhẹ nhàng hơn, và ngài đã muốn làm cái gì đó, nhưng đã không có thời giờ và khả năng thực hiện.

Các Nghị Phụ đã yêu cầu điều khiến cho các vụ án huỷ bỏ hôn nhân không thành sự được nhẹ nhàng mau chóng hơn. Và tôi dừng trên điều này. Tài liệu này, Tự Sắc này khiến cho các vụ án trong thời gian được dễ dàng hơn, nhưng nó không phải là một cuộc ly dị, bởi vì hôn nhân không thể lìa tan, khi nó là bí tích, và điều này Giáo Hội không thể thay đổi. Nó là một tín lý. Nó là một bí tích bất khả đoạn tiêu. Tiến trình luật pháp là để chứng minh rằng cái xem ra là bí tích ấy đã không phải là một bí tích: chẳng hạn vì thiếu tự do, hay thiếu trưởng thành hoặc vì tâm bệnh … có biết bao nhiêu lý do khiến cho việc nghiên cứu điều tra đi tới chỗ nói rằng: “Không, đã không có bí tích tích, chẳng hạn, bởi vì người đó đã không tự do. Xin đơn cử một thí dụ, bây giờ thì không như vậy nữa, nhưng trong một vài lãnh vực của xã hội thường xảy ra – ít nhất là tại Buenos Aires đã xảy ra – có các cuộc hôn nhân khi thiếu nữ có thai. “Quý vị phải lấy nhau”. Tại Buenos Aires, tôi đã khuyên các linh mục của tôi – rất mạnh mẽ hầu như tôi cấm các vị làm đám cưới trong các điều kiện này. Chúng tôi gọi các đám cưới đó là “các hôn nhân vội vã”, để che lấp, để cứu vãn mọi vẻ bề ngoài. Và đứa trẻ sinh ra và có vài hôn nhân xuôi chảy, nhưng không có sự tự do. Rồi nếu nó không xuôi chảy, họ chia tay… và “tôi đã bị bó buộc làm đám cưới, bởi vì tôi phải che đậy cho tình trạng này”: và đây là một trường hợp của việc hủy bỏ hôn nhân không thành. Có biết bao nhiêu lý do để huỷ bỏ hôn nhân – anh chị em có thể tìm hiểu trong Internet, có tất cả các lý do trong đó. Thế rồi có vấn đề của các hôn nhân thứ hai, của nhũng ngưòi đã ly dị nhưng lại tái lập gia đình. Anh chị em có Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục, điều mà người ta thảo luận, theo tôi nó hơi quá đơn sơ một chút, khi nói rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục … rằng giải pháp cho các người này là họ có thể rước lễ. Đây không phải là giải pháp,  không phải là giải pháp duy nhất. Không. Điều mà Tài Liệu Làm Việc của THĐGM đề nghị thì nhiều biết bao! Nhưng cả vấn đề hôn nhân của các người đã ly dị  cũng không phải là vấn đề duy nhất. Trong Tài Liệu Làm Việc có biết bao vấn đề khác nữa. Chẳng hạn người trẻ không lấy nhau, không muốn lấy nhau. Đó là một vấn đề mục vụ đối với Giáo Hội. Có vấn đề khác là sự trưởng thành tình cảm cho hôn nhân. Có một vấn đề khác là đức tin. Tôi có tin rằng điều này là “cho luôn mãi” không?. “Vâng, vâng, vâng, tôi tin điều đó.” Nhưng tôi có tin vào điều đó không? Việc chuẩn bị hôn nhân – tôi, tôi đã nghĩ tới điều này biết bao nhiêu lần: để trở thành linh mục có việc chuẩn bị 8 năm; thế rồi nó không là điều vĩnh viễn, vì Giáo Hội có thể lấy đi tình trạng linh mục của tôi. Đối với những người lập gia đình, cho suốt cuộc đời, người ta làm bốn buổi dậy, bốn lần…? Có điều gì đó không ổn. Điều ấy Thượng Hội Đồng Giám Mục phải suy nghĩ chín chắn chuẩn bị hôn nhân như thế nào: nó là một trong những điều khó khăn nhất. Và có biết bao nhiêu vấn đề… Nhưng tất cả chúng được liệt kê trong Tài Liệu Làm Việc. Nhưng tôi thích câu anh hỏi liên quan tới “ly dị công giáo”: không, không có ly dị công giáo đâu. Hoặc nó đã không phải là hôn nhân – và điều này là tiêu hôn, hôn nhân đã không hiện hữu – mà nếu nó đã hiện hữu, thì nó không thể tan lià. Điều đó rõ ràng nhé. Xin cám ơn anh.

Tới lượt anh Terry Moran của đài ABD News, một trong các mạng lưới thông tin lớn nhất Hoa Kỳ. Anh hỏi:

Thưa ĐTC, ĐTC đã viếng thăm các Tiểu Muội người nghèo, và người ta nói với chúng con rằng ĐTC đã bầy tỏ sự ủng hộ của ĐTC đối với các chị, cả trên bình diện tư pháp nữa. Thưa ĐTC, ĐTC ủng hộ cả những người – bao gồm cả các nhân viên chính quyền – vì   lương tâm tốt lành của họ, vì lương tâm cá nhân của họ, họ nói rằng họ không tuân giữ các luật lệ xác định hay chu toàn các bổn phận của nhân viên chính phủ, chẳng hạn như ký giấy cho phép hôn nhân của các cặp đồng phái? ĐTC có ủng hộ các đòi hỏi này của quyền tự do tôn giáo không?

Đáp: Tôi không thể có trong trí tất cả các trường hợp có thể có liên quan tới sự phản kháng của lương tâm. Nhưng có, tôi có thể nói rằng sự phản kháng của lương tâm là một quyền, và nó nằm trong mọi quyền con người. Nó là một quyền, và nếu một người không cho phép thực thi việc phản kháng của lương tâm, là khước từ một quyền. Trong mọi cơ cấu tư pháp phải có quyền phản kháng của lương tâm, bởi vì nó là một quyền, một quyền con người. Ngược lại là chúng ta đi tới chỗ lựa lọc các quyền: đây là một quyền có phẩm chất, đây là một quyền không có phẩm chất, điều này…  Nó là một quyền con người. Đối với tôi xem ra luôn luôn – điều này chống lại tôi nhé – luôn luôn đã khiến tôi xúc động khi tôi còn bé – tôi đã đọc nó nhiều lần, khi tôi đọc tác phẩm “Bài ca của Roland”, khi tất cả mọi người hồi giáo xếp hàng, và trước họ có cây cột Rửa Tội, giếng Rửa Tội hay là thanh gươm, và họ phải lựa chọn. Họ dã không có quyền phản kháng lương tâm… Không, đây là một quyền, và chúng ta, nếu chúng ta muốn xây dựng hòa bình, thì phải tôn trọng tất cả mọi quyền con người!

Điều này bao gồm cả các nhân viên chính quyền có phải không ạ?

Nó là một nhân quyền. Nếu nhân viên chính quyền là một bản vị con người, thì họ có quyền đó. Nó là một nhân quyền mà.

Bây giờ tới lượt anh Stefano Maria Paci, thuộc nhóm tiếng Ý của đài Sky News

Thưa ĐTC, tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ĐTC đã dùng các lời lẽ rất mạnh mẽ tố cáo sự thinh lặng của thế giới truớc cuộc bách hại các kitô hữu bị mất nhà cửa, bị đuổi đi, mất tài sản, bị bắt làm nô lệ và bị sát hại cách tàn bạo. Giờ đây tổng thống Hollande đã loan báo Pháp bắt đầu bỏ bom các căn cứ của Nhà nước Hồi ISIS bên Siria. ĐTC nghĩ gì về hành động quân sự này ? Thế rồi con cũng có một tò mò nữa : ông thị trưởng Marino của thành phố Roma, thành phố của Năm Thánh, đã tuyên bố rằng ông đến tham dự Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình, Thánh Lễ, vì đã được ĐTC mời. Xin ĐTC cho biết câu chuyện ra sao ?

 

Đáp : Tôi xin bắt đầu với câu hỏi cuối : Tôi đã không mời ông thị trưởng Marino. Rõ chưa ? Tôi đã không làm điều đó, và tôi đã hỏi những người tổ chức, họ cũng đã không mời ông ấy. Ông ta đã tới và tuyên xưng mình là công giáo, và đã tới một cách tự phát. Đã là như vậy. Nhưng mà rõ ràng rồi chứ ?

 

Còn câu hỏi kia, à nó liên quan tới việc bỏ bom. Đúng thật là tôi đã nhận được tin này hôm kia và tôi đã không đọc. Thật sự là tôi không biết rõ tình hình sẽ ra sao. Tôi đã nghe nói là Nga đã ở trong một vị thế, Hoa Kỳ thì chưa rõ ràng… tôi không biết phải nói với anh cái gì, thật vậy, bởi vì tôi đã không hiểu rõ câu chuyện. Nhưng khi tôi nghe từ « bỏ bom », chết, máu… mà, tôi xin lập lại điều tôi đã nói trước Quốc Hội Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc : xin tránh các điều đó, nhưng… tôi không biết, tôi không phán đoán tình hình chính trị, bởi vì tôi không hiểu biết.

 

Cha Lombardi nói : Bây giờ tới phiên chị Miriam Schmidt của Hãng thông tấn Đức. Chị hỏi :

 

Thưa ĐTC, con muốn hỏi một câu về các tương quan của Toà Thánh với Trung Quốc và về tình hình tại nước này khá khó khăn đối với Giáo Hội Công Giáo. ĐTC nghĩ gì về điều này ?

 

Đáp : Trung Quốc là một quốc gia lớn đem lại cho thế giới một nền văn hóa lớn và biết bao điều tốt đẹp. Tôi đã nói một lần trên máy bay, khi từ Đại Hàn về rằng tôi thích đi Trung Quốc : tôi yêu mến nhân dân Trung Quốc, tôi cầu chúc có thể có các khả thể liên lạc tốt… Các liên lạc tốt ! Chúng tôi đã đếm các khả thể liên lạc đó, chúng tôi đã nói về chúng… Tiến tới. Nhưng đối với tôi có một quốc gia bạn như Trung  Quốc là nước có biết bao văn hóa và biết bao khả thể làm tốt, sẽ là  một niềm vui.

 

Tiếp theo là anh Sagrario Ruiz de Apodaca Anh hỏi :

 

Thưa ĐTC, lần đầu tiên ĐTC viếng thăm Hoa Kỳ, ĐTC đã nói trước Quốc Hội, đã nói trước Hội Đồng Liên Hiệp  Quốc, đã có các buổi tắm đám đông… ĐTC có cảm thấy mạnh mẽ hơn không ? Và con cũng muốn hỏi ĐTC, bởi vì chúng con đã nghe ĐTC nói tới việc minh nhiên vai trò của các nữ tu và của chị em phụ nữ trong Giáo Hội Mỹ : chúng ta sẽ có bao giờ trông thấy phụ nữ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo không, như vài nhóm tại Hoa kỳ yêu cầu và như xảy ra trong các Giáo Hội Kitô khác ?

 

Đáp : Vâng. Các nữ tu Hoa Kỳ đã làm các điều kỳ diệu trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh vực sức khỏe. Nhân dân Hoa Kỳ yêu mến các nữ tu : tôi không biết họ yêu mến các linh mục cỡ nào, nhưng họ yêu mến các nữ tu, họ yêu mến các chị biết bao. Và các nữ tu rất giỏi, các chị là các phụ nữ giỏi, giỏi, giỏi.  Mỗi chị theo dòng của mình, theo các luật lệ của dòng, có các khác biệt, nhưng các chị giỏi, và vì thế tôi đã cảm thấy bó buộc phải cám ơn các nữ tu về những gì các chị đã làm. Trong các ngày này có một nhân vật quan trọng tại Hoa Kỳ đã nói với tôi rằng : « Những gì mà tôi có về văn hóa trưóc hết chính là nhờ các nữ tu. » Các nữ tu có các trường trong mọi khu phố, giầu, nghèo, các chị làm việc với người nghèo và trong các nhà thương… Còn câu hỏi thứ hai ?

 

ĐTC có cảm thấy mạnh mẽ hơn sau khi ở Hoa Kỳ, với chương trình dầy đặc và sau khi đã có sự thành công này… ?

 

Đáp : Tôi không biết là mình có thành công hay không. Nhưng tôi sợ chính mình, bởi vì nếu tôi sợ chính tôi, tôi luôn luôn cảm thấy – tôi không biết – mình yếu đuối, trong nghĩa không có quyền bính, quyền bính cũng mau qua : hôm nay có, ngày mai không có … Thật quan trọng nếu với quyền bính bạn có thể làm tốt. Và Chúa Giêsu đã định nghĩa quyền bính : quyền bính thực sự là phục vụ, làm các việc phục vụ, làm các việc khiêm tốn nhất. Tôi phải tiếp tục tiến tới trên con đường phục vụ, bởi vì tôi cảm thấy rằng tôi không làm tất cả những điều tôi phải làm. Đó là ý nghĩa mà tôi có về quyền bính.

 

Thứ ba : vấn đề các phụ nữ làm linh mục : điều đó không thể làm được. Thánh Gioan Phaolô II trong các thời gian thảo luận, sau khi đã suy nghĩ lâu dài, đã nói rõ ràng là không, không phải bởi vì các phụ nữ không có khả năng. Nhưng hãy nhìn vào Giáo Hội thì thấy  phụ nữ quan trọng hơn nam giới, bởi vì Giáo Hội là phụ nữ. « La » Chiesa chứ không phải « Il » Chiesa : Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô, và Đức Mẹ quan trọng hơn các Giáo Hoàng, hơn các giám mục, hơn các linh mục. Đó là một điều mà tôi phải thừa nhận : chúng ta hơi chậm trễ trong việc soạn thảo một nền thần học về phụ nữ. Chúng ta phải tiến tới nền thần học này. Điều đó thì có, nó thật như vậy.

 

Câu hỏi sau cùng của chị Matilde Imberti, phóng viên Radio France. Chị là người cuối cùng trong danh sách các nhà báo quốc tế xin phỏng vấn ĐTC. Chị hỏi.

 

– Thưa ĐTC, tại Hoa Kỳ ĐTC đã trở thành một ngôi sao. Giáo Hoàng là một ngôi sao  có tốt cho Giáo Hội không ạ ?

 

Đáp : Giáo Hoàng phải… Chị có biết tước hiệu mà các Giáo Hoàng đã và phải sử dụng  không ? « Tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa ». Nó hơi khác với ngôi sao một chút. Các vì sao đẹp để ngằm nhìn, tôi thích nhìn các vì sao khi trời mùa hè thanh quang… Nhưng Giáo Hoàng phải là phải là « tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa. » Đúng, trong các phương tiện truyền thông người ta dùng kiểu nói này, nhưng có một sự thật khác : có biết bao nhiêu ngôi sao mà chúng ta đã thấy, nhưng rồi chúng tắt lịm và rơi rụng… Nó là một điều mau qua. Trái lại là « tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa », điều này đẹp » Nó không qua đi ! Tôi không biết… Tôi nghĩ nó như thế.

 

Kết luận bài phỏng vấn cha Lombardi đã cám ơn ĐTC về sự sẵn sàng ngài dành cho các nhà báo trong bài phỏng vấn dài 50 phút. Ngài ca ngợi sự dẻo dai của ĐTC trong chuyến viếng thăm và cả trong cuộc nói chuyện vừa qua. Và chúng ta tiếp tục theo ngài : chưa hết với chuyến công du này. Chuyến công du này kết thúc, nhưng còn Thượng Hội Đồng Giám Mục, và có biết bao nhiêu chuyện khác nữa. Và chúng ta muốn theo ĐTC với nhiều yêu thương trìu mến, qúy trọng, hy vọng trợ giúp ngài trong việc phục vụ các tôi tớ Thiên Chúa của ĐTC.

 

ĐTC nói : « Cám ơn rất nhiều công việc của  anh chị em, lòng kiên nhẫn, lòng tốt của anh chị em. Xin cám ơn. Tôi sẵn sàng… Tôi cầu nguyện cho anh chị em. Xin cám ơn sự trợ giúp của anh chị em. »

 

SD 28-9-2015

 

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới di dân và tị nạn 2016

Sứ điệp Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới di dân và tị nạn 2016

 

VATICAN. ĐTC Phanxicô cảnh giác rằng ”dửng dưng và im lặng đối với thảm cảnh người di dân và tị nạn là mở đường cho sự đồng lõa, khi chúng ta chứng kiến như khán giả cái chết vì ngộp thở, vì kiệt lực, bạo lực và đắm tàu”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố sáng ngày 1-10-2015, nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 17-1 năm tới, 2016, với chủ đề ”Người di dân và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng Lòng Thương Xót”. Sứ điệp được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Vatican do ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động, cùng với vị Tổng thư ký là Đức Cha Joseph Kalathiparampil.

Trong sứ điệp, ĐTC nói đến ”làn sóng di dân liên tục gia tăng ở mọi miền trên thế giới.. Càng ngày càng có những nạn nhân của bạo lực và nghèo đói rời bỏ nguyên quán, chịu sự hành hạ của những kẻ buôn người trong hành trình tiến về giấc mơ một tương lai tốt đẹp hơn. Và rồi, giả sử họ sống còn sau những lạm dụng và nghịch cảnh, họ lại phải đương đầu với những thực tại trong đó có tiềm ẩn những nghi ngờ và sợ hãi. Sau cùng nhiều khi họ gặp tình trạng thiếu những qui luật rõ ràng và khả thi, điều hành việc đón tiếp.. Hơn mọi thời đại trước đây, ngày nay Tin Mừng về lòng thương xót đánh động lương tâm, ngăn cản chúng ta đừng trở nên quen thuộc với những đau khổ của người khác, và chỉ dẫn những con đường đáp ứng, ăn rễ sâu trong các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, và được diễn tả qua các hoạt động từ bi bác ái về tinh thần cũng như thể lý”.

ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu rằng ”những người di dân là anh chị em chúng ta đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, tránh được nạn nghèo đói, nạn bóc lột và bất công trong việc phân phối tài nguyên thế giới..

Ngài cũng khẳng định rằng ”sự hiện diện của những người di dân và tị nạn đang đặt những câu hỏi nghiêm trọng cho các xã hội đón tiếp họ… Làm thế nào để sự hội nhập người di dân và tị nạn ấy làm cho nhau được phong phú, mở ra những con đường tích cực cho cộng đoàn, và vượt thắng những nguy cơ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc, quốc gia chủ nghĩa thái quá và nạn bài người ngoại quốc”.

ĐTC lấy làm tiếc vì trong dư luận tại nhiều nước ngày nay chỉ nổi bật những cuộc thảo luận về những điều kiện và những giới hạn cần đề ra cho việc đón tiếp người di dân và tị nạn, không những trong các chính sách của Nhà Nước, nhưng cả trong một số cộng đoàn giáo xứ, cho rằng sự yên hàn theo truyền thống của mình bị đe dọa”.

Sau cùng, ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội hãy hành động theo gương lời nói và hành động của Chúa Giêsu Kitô đối với người di dân và tị nạn. Câu trả lời của Tin Mừng chính là lòng từ bi thương xót… Không thể thu hẹp các vấn đề di dân vào chiều kích chính trị và qui luật, vào những khía cạnh kinh tế hoặc sự đồng hiện diện của các nền văn hóa khác nhau trên cùng một lãnh thổ. Các khía cạnh này chỉ có tính chất bổ túc cho sự bảo vệ và thăng tiến con người, cho nền văn hóa gặp gỡ của các dân độc và hiệp nhất, trong đó Tin Mừng về lòng từ bi thương xót soi sáng và khích lệ những hành trình đổi mới và biến đổi toàn thể nhân loại” (SD 1-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Gia đình là câu trả lời cho các thách đố của thế giới ngày nay

Gia đình là câu trả lời cho các thách đố của thế giới ngày nay

ĐTC thăm hỏi đôi tân hôn

Gia đình là câu trả lời cho các thách đố lớn của thế giới

Gia đình, nghĩa là giao ưóc giữa một ngưòi nam và một người nữ, là câu trả lời cho thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hóa, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ.

Kính thưa quý vị ĐTC đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 40.000 tín hữu và du khánh hành hương năm châu sáng thứ tư hôm qua. Sau khi chào tín hữu ĐTC cho biết cùng tham dự buổi tiếp kiến trên màn truyền hình có nhiều anh chị em tàn tật và già yếu trong đại thính đường Phaolô VI. Vì thế ngài mời mọi người chào nhau bằng một tràng pháo tay.

Như quý vị đã biết, ĐTC vửa công du mục vụ Cuba và Hoà Kỳ về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm của chuyến viếng thăm này.

ĐTC đã cám ơn Chủ tịch Raul Castro, tổng thống Barack Obama, ông Ban Ki Moon Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhân dân hai nước, cách riêng các Giám Mục và các cộng sự viên đã làm việc vì tình yêu thương đối với Giáo Hội linh hoạt các vị, và mọi người đã dành cho ngài một sự tiếp đón rất nồng hậu. ĐTC nói ngài đã tự giới thiệu như là “thừa sai của Lòng Thương Xót” tại Cuba,  là một vùng đất giầu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và đức tin. Lòng xót thương của Thiên Chúa lớn lao hơn mọi vết thương, mọi xung khắc, mọi ý thức hệ. Và với cái nhìn của lòng thương xót tôi đã có thể ôm vào lòng toàn dân Cuba, tại quê hương cũng như bên ngoài, vượt qua mọi chia rẽ. Biểu tượng của sự hiệp nhất này của tâm hồn cuba là Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng, cách đây 100 năm đã được công bố là Bổn Mạng của Cuba. Tôi đã đến đền thánh  Mẹ của niềm hy vọng, Đấng hướng dẫn trên con đường công lý, hòa bình, tự do và hòa giải. ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Tôi đã có thể chia sẻ với nhân dân Cuba niềm hy vọng việc thành toàn lời tiên tri của thánh Gioan Phaolô II: Ước chi Cuba rộng mở cho thế giới, và thế giới rộng mở cho Cuba, Không còn đóng kín nữa, không còn khai thác nghèo túng nữa, nhưng tự do trong phẩm giá. Đây là con đường làm rung động con tim của biết bao nhiêu người trẻ cuba: không phải là một con đường của trốn tránh, của kiếm lời dễ dàng, nhưng là con đường của tinh thần trách nhiệm, phục vụ tha nhân, săn sóc những ai giòn mỏng. Một con đường rút tiả ra sức mạnh từ các gốc rễ kitô của dân tộc ấy, đã đau khổ rất nhiều. Một con đường trong đó tôi đã khích lệ một cách đặc biệt các linh mục và tất cả những người sống đời thánh hiến, các sinh viên và các gia đình. Xin Chúa Thánh Thần, qua lời bầu cử của Mẹ Maria Rất Thánh, làm cho các hạt giống mà chúng ta đã gieo vãi lớn lên.

Từ Cuba sang Hoa Kỳ: đây đã là một chuyển tiếp biểu tượng, một cây cầu đang được xây, tạ ơn Chúa. Thiên Chúa luôn luôn xây các cây

cầu nối kết; chính chúng ta là những người xây các bức tường ngăn cách.

Tại Hoa Kỳ tôi đã có ba chặng viếng thăm: Washington, New York và Philadelphia. Tại Washington tôi đã gặp gỡ các vị lãnh đạo chính trị, dân thường, các Giám Mục, linh mục, người sống đời thánh hiến, và những người nghèo và bị gạt bỏ ngoài lề nhất. Tôi đã nhắc nhớ rằng kho tàng lớn nhất của đất nước và của nhân dân Hoa Kỳ là gia tài tinh thần và luân lý đạo đức. Và như thế tôi đã muốn khích lệ tiếp tục xây dựng xã hội trong sự trung thành với nguyên tắc nền tảng, nghĩa là tất cả mọi người đều được dựng nên bình đẳng và có các quyền bất khả nhượng, như quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc. Các giá trị này được mọi người chia sẻ, tìm thấy trong Phúc Âm việc thành toàn tràn đầy của chúng, như được minh nhiên bởi việc phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra, một tu sĩ Phanxicô, vị truyền giáo lớn của vùng California. Thánh Junipero cho thấy con đường  của niềm vui: ra đi và chia sẻ tình yêu của Chúa Kitô với những người khác. Đó là con đường của kitô hữu, nhưng cũng là con đường của mọi người đã biết tới tình yêu: không giữ nó cho chính mình nhưng chia sẻ nó với những người khác. Trên nền tảng tôn giáo và luân lý đạo đức này Hoa Kỳ đã sinh ra và lớn lên, và trên nền tảng này họ có thể tiếp tục là vùng đất của tự do và tiếp đón,  và cộng tác để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.

Tiếp tục bài  huấn dụ ĐTC nói: Tại New York tôi đã có thể viếng thăm Trụ sở của Liên Hiệp Quốc  và chào các nhân viên  làm việc tại đây. Tôi đã có các cuộc thảo luận với ông Tổng thư ký và các vị chủ tịch của các Hội đồng khoáng đại cuối cùng cũng như của Hội Đồng Bảo An. Khi nói chuyện với  các vị đại diện các Quốc gia, theo gót các vị Tiền Nhiệm, tôi đã canh tân lời khích lệ của Giáo Hội Công Giáo đối với Tổ chức này và vai trò của nó trong việc thăng tiến sự phát triển và hòa bình, bằng cách đặc biệt nhắc lại sự cần  thiết cùng nhau dấn thân cụ thể săn sóc thụ tạo. Tôi cũng lập lại lời kêu gọi chặn đứng và phòng ngừa các bạo lực chống lại các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số cũng như chống lại các thường dân.

Chúng tôi đã cầu nguyện cho hòa bình và tinh huynh đệ gần Đài tưởng niệm Ground Zero, cùng với các đại diện các tôn giáo, thân nhân những người đã chết, biết bao người đã ngã gục và nhân dân New York, giầu sự khác biệt văn hóa. Tôi cũng đã cử hành thánh lễ cho hòa bình và công lý tại Madison Square Garden.

Tại Washington cũng như tại New York tôi đã có thể gặp gỡ vài thực tại bác ái giáo dục, biểu tượng cho việc phục vụ khổng lồ  mà các cộng đoàn công giáo, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cống hiến trong các lãnh vực này.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Tột đỉnh chuyến công du đã là cuộc găp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia, nơi chân trời đã rộng mở cho toàn thế giới, qua “lăng kính” của gia đình. ĐTC tái định nghĩa gia đình như sau:

Gia đình, nghĩa là giao ưóc giữa một ngưòi nam và một người nữ, là câu trả lời cho thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hóa, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ. Gia đình là câu trả lời, vì nó là tế bào của một xã hội quân bình chiều kích cá nhân và chiều kích cộng đoàn, và đồng thời nó có thể là mô thức cho việc điều hành các của cải và

tài nguyên của thụ tạo một cách có thể chịu đựng nổi. Gia đình là chủ thể tác nhân của một môi sinh toàn vẹn, bởi vì nó là chủ thể xã hội đầu tiên, chứa đựng bên trong hai nguyên lý nền tảng của nền văn minh nhân loại trên trái đất: nguyên lý của sự hiệp thông và nguyên lý của sự phong phú. Nền nhân bản kinh thánh giới thiệu với chúng ta hình ảnh này: cặp vợ chồng con người hiệp nhất và phong phú, được Thiên Chúa đặt trong ngôi vườn của thế giới, để vun trồng và giữ gìn nó.

Tôi muốn gửi lời chào huynh đệ và cám ơn nồng nhiệt tới ĐC Chaput, TGM Philadelphia vì sự dấn thân, lòng đạo đức, sự hăng say và tình yêu lớn lao của ngài đối với gia đình trong việc tổ chức biến cố này. Nhìn cho kỹ thì không phải là tình cờ nhưng là quan phòng sứ điệp và hơn nữa chứng tá của Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình diễn ra trong lúc này từ Hoa Kỳ, nghĩa là từ đất nước trong thế kỷ qua đã đạt tới sự phát triển tột bực về kinh tế và kỹ thuật mà không chối bỏ các gốc rễ tôn giáo của mình. Giờ đây các gốc rễ này đòi được tái khởi hành từ gia đình dể suy tư trở lại và thay đổi mô thức phát triển, cho thiện ích của toàn gia đình nhân loại.

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt phái đoàn hành hương quốc gia Guinea do ĐC Coulibaly, TGM Conakry hướng dẫn, cũng như các đoàn hành hương nước Côte d’ Ivoire. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài và cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ bắt đầu trong vài ngày nữa. Ngài cũng chào các nhóm hành hương đến từ các nước như Kenya, Nigeria,  Nam Phi,  Ân Độ, Sri Lanka, Nhật Bản, Philippines, cũng như các đoàn hành hương các nước Bắc Mỹ và châu Âu và từ châu Mỹ Latinh như các nhóm Brasil; hay từ vùng Trung Đông như Libăng và Thánh Địa. Ngài xin Chúa che chở mọi gia đình khỏi rơi vào cám dỗ lơ là hay chối bỏ ơn gọi của mình và xin Chúa che chở họ khỏi Kẻ Dữ.

ĐTC cũng chào một nhóm nữ tu và Nữ tu Tổng phụ trách dòng Nữ tử Thánh Tâm Chúa Giêsu, về Roma tạ ơn vì lễ phong chân phước cho chị Klara Ludwika Szezesna, đồng sáng lập dòng. Nữ chân phước đã có cuộc sống tận hiến cho Chúa, khiêm tốn phục vụ tha nhân, sống theo tinh thần Tin Mừng, giúp đỡ người nghèo và lạc hướng, Khẩu hiệu sống của chân phước là “Tât cả cho Trái Tim Chúa Giêsu”. Xin chị bầu cử cho chúng ta biết sống theo thánh ý Chúa.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các tín hữu sùng mộ thánh Rita thành Cascia, do ĐC Renato Boccoardo TGM Spoleto-Norcia hưóng đẫn. Đoàn đã đem theo một bức tượng thánh nữ rất lớn để ĐTC làm phép. ĐTC nói khi làm phép bức tượng thánh nữ, tôi mời gọi mọi người trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, đọc lại kinh nghiệm nhân bản và thiêng liêng ngoại thường của thánh nữ như dấu chỉ quyền năng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngài cũng chào các linh mục sinh viên trường Thánh Phaolô, trong đó có một số linh mục Việt Nam sính viên mới của trường.

Chào người trẻ, rất đông người đau yếu theo  dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình trong đại thính đường Phaolô VI cũng như các đôi tân hôn, ĐTC nói hôm nay chúng ta kính nhớ thánh Gierolamo. Ước chi lòng đam mê Thánh Kinh của ngài giúp giới trẻ say mê cuốn Sách Sự Sống, cuộc sống khổ hạnh của thánh nhân khiến cho các khổ đau của các người ốm yếu tràn đầy ý nghĩa, và sức mạnh tinh thần của ngài giúp củng cố đức tin của các cặp vợ chồng mới cưới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Công bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2016

Công bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2016

Đại hội giới trẻ tại Krakow 2016

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các bạn trẻ mang ngọn lửa từ bi thương xót của Chúa Kitô vào đời sống thường nhật và thực thi mỗi tháng một công việc bác ái.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng ngày 28-9-2015 nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 sẽ được cử hành cấp hoàn vũ vào cuối tháng 7 năm tới tại Cracovia, Ba Lan. Sứ điệp mang tựa đề ”Niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ. Lòng thương xót không phải là ”hiền như cục bột!”, cũng chẳng phải là duy tình cảm.

Ngày quốc tế giới trẻ năm tới tại Cracovia thật là đặc biệt vì đây là Ngày Giới trẻ đầu tiên được cử hành trên bình diện hoàn cầu sau lễ phong hiển thánh cho ĐGH Gioan Phaolô 2, vị đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ, và đồng thời cũng diễn ra trong Năm Thánh Lòng thương xót.

Trong sứ điệp ĐTC Phanxicô diễn giải mối phúc ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ hãy hiểu rằng tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài như tình thương của một bà mẹ, một người cha đối với con mình: một tình thương có khả năng dành chỗ cho người khác trong tâm hồn mình, cảm thương, chịu đau khổ, vui mừng với tha nhân”, một tình yêu ”trung tín, luôn tha thứ”. Vì thế, ”trong lòng thương xót luôn bao hàm sự tha thứ”, vì đây không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể”. Trong Chúa Giêsu, ”tất cả đều nói về lòng thương xót”, đúng hơn ”Chính Chúa là lòng thương xót” và tổng hợp toàn thể Tin Mừng ở tại câu này: ”Niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC nhắc lại kỷ niệm năm lên 17 tuổi, ngài đã gặp một linh mục trong tòa giải tội, và biến cố ấy đã thay đổi cuộc sống của ngài. Từ đó ĐTC mời gọi các bạn trẻ hãy lãnh nhận bí tích hòa giải, vì ”khi chúng ta khiêm tốn cởi mở tâm hồn chân thành, chúng ta có thể chiêm ngắm rất cụ thể lòng thương xót của Chúa”. ”Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta: Chúa luôn tìm kiếm chúng ta và tìm ta trước”, vì thế thật là đẹp “khi gặp gỡ vòng tay từ bi của Chúa”, khám phá tòa giải tội như một địa điểm của lòng thương xót, vì Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, và đặt trên chúng ta một cái nhìn yêu thương vô biên, vượt lên trên mọi tội lỗi, giới hạn và thất bại của chúng ta, Chúa tiếp tục tín nhiệm chúng ta và nhìn cuộc sống của chúng ta với niềm hy vọng”.

ĐTC cũng nhắc đến dấu hiệu hùng hồn nhất nói lên lòng thương xót của Chúa, đó là thánh giá, như thánh giá mà ĐGH Wojtila đã trao cho các bạn trẻ hồi năm 1984: thánh giá chứng tỏ rằng tình thương của Thiên Chúa thật là vô biên, vì trong Chúa chúng ta luôn tìm được tình thương vô điều kiện, nhìn nhận cuộc sống chúng ta như một thiện ích và luôn ban cho chúng ta cơ hội bắt đầu lại”.

Sau cùng, ĐTC đề nghị các bạn trẻ trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 7 năm tới, 2016, mỗi tháng hãy thực hành một công việc bác ái về vật chất và tinh thần, để sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót trở thành một chương trình sống rất cụ thể và yêu sách, bao hàm những công việc trong đó, điều khó khăn nhất là tha thứ cho người đã xúc phạm đến chúng ta, cho người đã gây sự ác cho chúng ta, là kẻ thù của chúng ta” (RG 28-9-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio