Sinh hoạt Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ 14

Sinh hoạt Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ 14

Đại diện của 13 nhóm nghị phụ

VATICAN. Sáng thứ tư hôm nay, 14-10-2015, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 sẽ nhóm phiên khoáng đại thứ 8 để nghe các đại diện của 13 nhóm nghị phụ tường trình kết quả cuộc thảo luận trong 2 ngày trước đó về phần II trong tài liệu làm việc, liên quan đến ”sự phân định ơn gọi của gia đình”.

 Tiếp đến mỗi nhóm sẽ nộp các đề nghị đã được nhóm thông qua nhắm cải tiến văn bản của phần 2 của Tài liệu làm việc.

 Ban chiều cùng ngày 14-10-2015, các nghị phụ sẽ nhóm phiên khoáng đại thứ 9 về tiếp tục phát biểu về phần thứ 3 của Tài liệu làm việc, là phần dài nhất, về sứ mạng của gia đình ngày nay, dưới các khía cạnh như: truyền giáo, sinh sản và giáo dục, việc huấn luyện, tương quan với các tổ chức chính quyền, v.v..

 Họp báo của Cha Lombardi

 Trưa ngày 12-10-2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã mở cuộc họp vào về các sinh hoạt của Thượng HĐGM.

 Cha minh xác một tin đã được phố biến trước đó và nói rằng: Thượng HĐGM sẽ có bản tường trình chung kết được các nghị phụ bỏ phiếu trong phiên họp áp chót sáng ngày 24-10 tới đây để đệ lên ĐTC sau đó. Cho đến nay người ta chưa rõ sau khi nhận được phúc trình chung kết ấy, ĐTC sẽ làm gì với văn bản ấy: hoặc ngài cho công bố trọn văn bản, hoặc ngài sẽ dùng tài liệu ấy để soạn Tông huấn hậu Thượng HĐGM, như các vị Giáo Hoàng trước vẫn làm, hoặc ĐTC sẽ tìm ra một giải pháp khác.

 Thư các Hồng Y gửi ĐTC bị tiết lộ

 Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi cũng đề cập đến tin về lá thư do 13 Hồng Y ký tên gửi ĐTC để bày tỏ sự không hài lòng về phương pháp làm việc của Thượng HĐGM này. Cha không bình luận về nội dung lá thư vì đây không phải là một thư công để phổ biến cho công chúng, trái lại là một tài liệu dành riêng. Cha cảnh giác các ký giả về tên của các Hồng y ký tên vào thư này, vì đã có 4 hồng y cải chính và nói rằng mình không hề ký vào thư đó, trái với điều báo chí nói đến.

 Thư này được ký giả Sandro Magister đăng trên tuần báo Espresso trực tiếp theo đó các Hồng Y ấy cảnh giác chống lại âm mưu lèo lái Thượng HĐGM này. Đặc biệt các vị thắc mắc về thành phần của Ủy ban soạn Văn kiện chung kết. Các HY cũng phê bình tài liệu làm việc. Lá thư đó được gửi cho ĐTC ngày đầu tiên của Công nghị GM nhưng mới được báo chí đăng tải ngày 12-10 vừa qua. ĐTC đã trả lời cho lá thư này và ngài bác bỏ lập trường cho rằng có sự âm mưu ở trong Thượng HĐGM này.

 Trong cuộc họp báo trưa ngày 13-10, Cha Lombardi gọi vụ công bố thư riêng gửi ĐTC là ”một điều nhắm gây xáo trộn” và cha kêu gọi các ký giả đừng bận tâm về vụ này và hãy tiếp tục làm việc!”

 Các bài phát biểu trong phiên khoáng đại chiều 10-10-2015

 Mặt khác, Văn phòng thông tin của Thượng HĐGM cũng phổ biến nội dung tổng quát các phát biểu của các nghị phụ trong phiên khoáng đại thứ 7 chiều thứ bẩy 10-10 với sự hiện diện của ĐTC và 228 nghị phụ.

 Nói chung, những suy tư khác nhau được trình bày về đề tài ”những người ly dị tái hôn dân sự có được rước lễ hay không”. Một đàng có những nghị phụ tái khẳng định sự cần thiết phải bảo tồn đức tin, nhưng có những nghị phụ khác nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải tháp tùng những người bị tổn thương, liên kết công bằng và từ bi. Trong viễn tượng này, các nghị phụ cũng nói về thủ tục cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, theo Tự sắc ”Mitis Iudex, ”Vị thẩm phán hiền từ” ĐTC Phanxicô mới công bố ngày 8-9 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-12 tới đây. Thủ tục mới vẫn luôn cần được áp dụng nghiêm túc và chính xác.

 Có những nghị phụ bàn về điều gọi là ”con đường thống hối” để những tín hữu lỵ dị tái hôn có thể được lãnh nhận các bí tích. Các vị cũng suy tư về việc tìm kiếm một giải pháp đồng nhất, đồng đều cho tất cả mọi người, về việc có thể tháp tùng thích hợp các đôi vợ chồng, trong niềm tôn trọng tính cất bất khả phân ly của hôn phối. Về điều gọi là ”luật tiệm tiến”, mà người ta nêu lên để có thể cho phép các cặp ly dị tái hôn rước lễ, cól một số nghị phụ bày tỏ nghi ngờ về giải pháp này, nhất là về những hệ lụy có thể có liên quan tới đạo lý về ơn thánh của bí tích.

 Ngoài ra, có nghị phụ tái khẳng định mối liên hệ giữa đạo lý và lòng từ bi, và nhắc nhớ rằng vấn đề ở đây không phải là xác định điều gì được phép và điều gì bị cấm. Trái lại, như ta đọc trong thư thánh Phaolô (1 Cr 6,12), tất cả đều được phép, nhưng không phải tất cả đều có tính chất xây dựng. Từ đó có lời kêu gọi lương tâm Kitô hữu hãy ra khỏi phạm vi chật hẹp của các quyền để đi vào môi trường của những gì là hữu ích cho cộng đoàn. Nói tóm lại cần giúp mỗi cá nhân khám phá đâu là dự phóng của Thiên Chúa dành cho họ.

 Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng để tránh sự thất bại trong hôn phối, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chuẩn bị hôn phối thích đáng. Thực vậy ta không thể cho phép kết hôn bằng cách chỉ nhìn xem họ có giấy tờ cần thiết và hợp lệ để cử hành hôn phối, mà không để ý đến sự phân định thực sự và trưởng thành của các đôi vợ chồng tương lai. Cần chuẩn bị hôn phối lâu dài, sâu xa, và có thể chia thành 3 giai đoạn, xa, gần và tức khắc, để chứng tỏ cho người trẻ thấy rằng Tin Mừng về gia đình không phải là một ảo tưởng, và cũng không pải là một sự hạn chế hoặc gánh nặng, nhưng là một dự phóng của Thiên Chúa mà ta cần chấp nhận. Hôn nhân là nguồn mạch sự thánh hóa và sức mạnh, hôn nhân có liên hệ tới toàn thể đời sống Kitô, qua gia đình.

 Một số nghị phụ nói về lãnh vực sinh sản con cái, liên quan tới tính dục. Từ giáo huấn của Thông điệp ”Sự sống con người” của ĐGH Phaolô 6, các vị tái khẳng định tầm quan trọng của sự hiểu biết về việc sinh sản trong tinh thần trách nhiệm và điều hòa sinh sản theo phương pháp tự nhiên, điều này bao hàm sự tôn trọng bản thân và người phối ngẫu của mình, chấp nhận thời kỳ tự nhiên của mỗi người.

 Sau cùng có sự tái khẳng định quan hệ không thể thiếu được giữa gia đình và các tổ chức chính quyền, nhấn mạnh sự cần thiết của Giáo Hội trong việc bổ túc vai trò của mình trong xã hội, cũng như nghĩa vụ của chính quyền phải bênh vực gia đình.

 Có một số rất ít các nghị phụ quyết liệt chống việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ. Cũng vậy số người chủ trương mở rộng hoàn toàn cũng chỉ là thiểu số. Hoặc những vị không có ý kiến. Đa số đề nghị những giải pháp mục vụ hoặc đúng hơn là những con đường mục vụ để tiến tới những giải pháp khả dĩ.

 Ngoài vấn đề đó, các nghị phụ cũng nói về các đề tài khác như mục vụ giới trẻ, hội nhập văn hóa, bạo hành trong gia đình, hôn nhân khác đạo, nhất là tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. (SD 12-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thượng Hội đồng Giám Mục đi được 1 phần 3 chương trình

Thượng Hội đồng Giám Mục đi được 1 phần 3 chương trình

Thượng Hội Đồng Giám Mục đang họp hội nghị

VATICAN. Thứ sáu 9-10-2015, Thượng HĐGM về gia đình tiến hành được 1 phần 3 chương trình. Trong phiên khoáng đại thứ 4 bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng, các nghị phụ sẽ nghe các vị tường trình viên của 13 nhóm nhỏ trình bày kết quả cuộc thảo luận trong 4 phiên nhóm 2 ngày trước đây, thứ tư và thứ năm, về các vấn đề trong phần thứ I của Tài liệu làm việc, tức là những thách đố đang được đề ra cho gia đình ngày nay. Có 4 nhóm tiếng Anh, Pháp và Ý mỗi thứ tiếng có 3 nhóm, tiếp đến là 2 nhóm tiếng Tây Ban Nha và sau cùng là một nhóm tiếng Đức.

 Trong phiên khoáng đại thứ 5 lúc 4 giờ rưỡi chiều 9-10, các nghị phụ sẽ nghe ĐHY Tổng tường trình viên Peter Erdoe người Hungari giới thiệu các vấn đề thuộc phần thứ 2 của Tài liệu làm việc nói về ”sự phân định ơn gọi gia đình”.

 Sau đây chúng tôi xin gởi đến quí vị nội dung tổng quát các bài phát biểu của 72 nghị phụ trong hai phiên khoáng đại thứ 2 và thứ 3 những ngày vừa qua.

 Nội dung phiên khoáng đại thứ 2

 Phiên họp khoáng đại thứ hai, chiều ngày 5-10 vừa qua, đã có những bài phát biểu của các nghị phụ, mỗi vị tối đa 3 phút, qui trọng tâm về những đề tài thuộc phần thứ I của tài liệu làm việc, tức là những thách đố mà gia đình ngày nay đang phải đương đầu. Nói chung, nhiều bài phát biểu nhắc nhớ tầm quan trọng của đạo lý Hội Thánh về bí tích hôn phối, nhưng cũng nói đến khả năng của chính Giáo Hội nhìn thấy các yếu tố tích cực trong xã hội ngày nay: vì thế, như cha Kentenich, vị sáng lập phong trào Tông đồ Schoenstatt đã nói, Giáo Hội phải hiện diện ”với đôi tai trong con tim của Thiên Chúa và bàn tay bắt mạch thời đại”.

Từ đó, có nghị phụ khẳng định rằng lời mời gọi loan báo Tin Mừng cần có hương vị ”thánh mẫu”, tức là liên kết sự dịu dàng với sự cởi mở đón tiếp, để tìm ra những phương thức mới tháp tùng gia đình, nhất là đứng trước những thách đố thời nay do trào lưu duy tương đối và cá nhân chủ nghĩa gây ra. Trong một thế giới tất cả đều mau lẹ và tức khắc, các bài phát biểu nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải dấn thân để tháp tùng các gia trình theo một hành trình dài hơn, và cần tiến về hạnh phúc lớn hơn, đó là hạnh phúc của dự phóng Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội cũng cần nghĩ đến một ngôn ngữ mới, có khả năng chống lại những thuật ngữ chủ ý tấn công gia đình và hôn nhân.

Các nghị phụ tái khẳng định sự cần thiết phải giúp đỡ các đôi vợ chồng tăng trưởng và trưởng thành trong đức tin và trong hôn nhân, và cũng như việc huấn giáo giải thích ý nghĩa sự chung thủy hôn nhân và giúp các đôi vợ chồng hiểu cách thức duy trì lòng chung thủy ấy. Do đó, các đôi vợ chồng cần được tháp tùng trước và sau khi kết hôn, đồng thời cần giúp người trẻ tái khám phá vẻ đẹp của tình yêu và sự liên hệ sâu xa giữa tình yêu và hôn nhân. Vì thế, có nghị phụ nói Giáo Hội phải đảm trách việc giáo dục, để làm cho văn hóa được sống động. Các trường học Công Giáo hãy trở thành những trung tâm hy vọng, những nơi trong đó có thể chuẩn bị các gia đình hạnh phúc.

Một đề tài khác cũng được bàn tới, đó là liên hệ giữa gia đình và sứ mạng: chứng tá các gia đình thừa sai là điều không thể thiếu được đối với đời sống Giáo Hội. Đồng thời, có nghị phụ nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường việc huấn luyện nhiều hơn trong lãnh vực này để các gia đình thực thi sứ mạng một cách đáng tin cậy. Rồi cũng nói đến việc mục vụ gia đình làm sao trở nên vững mạnh hơn để có thể trở thành việc mục vụ sự sống. Điều quan trọng là khuyến khích các gia đình đừng bao giờ đánh mất hy vọng, vì Thiên Chúa luôn ở cùng họ.

Cũng có nghị phụ suy tư về các gia đình sống trong những hoàn cảnh khó khăn: về vấn đề này, có vị nhắc nhở rằng Giáo Hội là người bạn đồng hành, là mẹ và là thầy cứu độ, không phải là vị thẩm phán lên án. Giáo Hội là nhà của mọi người, nhờ đó không ai trên trần thế phải nói mình không có gia đình, Giáo Hội nâng đỡ mọi người, cho dù họ cảm thấy bị thất bại, Giáo Hội kiên nhẫn tháp tùng họ với lòng từ bi và nhất là với sự thật, vì điều cơ bản là luôn có cái nhìn hướng về Thiên Chúa

 Trong số các đề tài được bàn tới cũng có đề tài nghèo đói trong gia đình: một thảm kịch cần được đương đầu chung, thăng tiến phẩm giá con người và công ích, để chính gia đình có thể trở thành những tác nhân biến đổi xã hội. Gia đình là trường đích thực dạy tình liên đới, và không thể bị coi như một đơn vị kinh tế mà thôi, trái lại như một hải đảo sự sống Kitô, một Giáo Hội tại gia.

Một đề tài khác được suy tư, có là nạn bạo hành chống gia đình: những bạo lực này cần đương đầu bằng cách thăng tiến phẩm giá con người và sự phát triển xã hội, tránh để cho luân lý thị trường chiếm chỗ của luân lý đạo đức cuộc sống. Trong lãnh vực này, một tư tưởng đặc biệt được gởi đến bao nhiêu thiếu nữ Kitô, hoặc thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, bị bắt cóc, hãm hiếp, buộc phải mang chấn thương thảm kịch đó suốt đời. Vì thế, các nghị phụ cũng bàn tới tệ nạn trẻ em phải lao động; đó là một hình thức bạo lực ít hiển nhiên, nhưng không kém phần kinh khủng, nó là hậu quả và là nguyên nhân nghèo đói và đưa tới sự băng hoại gia đình. Điều cần thiết phải bài trừ tệ nạn ấy, không những là qui luật thích hợp,nhưngnhất là một nền văn hóa tôn trọng trẻ vị thành niên.

Có các nghị phụ nói về thảm trạng người di dân và tị nạn, thường phải xa gia đình nguyên quán và tới những nước trong đó họ thường không được săn sóc mục vụ thích đáng.

Một vấn đề được bàn tới là những cặp vợ chồng không có con. Giáo Hội cần phải nhắc nhớ có sự cao quí của việc làm cha mẹ tinh thần, khuyến khích việc nhận con nuôi. Rồi có những vị nghĩ đến những người già, sự hiện diện của họ trong gia đình là điều hình thành căn tính gia đình: đặc biệt các ông bà không thể chỉ được coi trong vì ích lợi của h-o, nhưng cần được đề cao người già như những người nắm giữ gia sản tinh thần quan trọng, nhất là trong việc huấn luyện người trẻ về đức tin.

Có những nghị phụ nói về vấn đề những người có xu hướng đồng tính luyến ái: họ thuộc về Giáo Hội, đồng thời khẳng định rằng hôn nhân là sự kết hiệp theo bí tích giữa một người nam và một người nữ, nền tảng của gia đình trong sự toàn vẹn.

Có nghị phụ nhắc đến tầm quan trọng của sự đối thoại liên tôn và cầu mong có sự can dự nhiều hơn của các gia đình trong lãnh vực này, nhất là trong những cặp hôn phối hỗn hợp. Sau cùng, có bao nhiêu linh mục hằng ngày tháp tùng và nâng đỡ các gia đình: Thượng HĐGM bày tỏ lòng biết ơn và quí chuộng các vị.

Nội dung phiên khoáng đại thứ 3

 Phiên họp khoáng đại thứ 3 của Thượng HĐGM sáng thứ ba, 7-10, có 267 nghị phụ hiện diện cùng với ĐTC.

Mở đầu, ngài nhắc nhở các nghị phụ rằng khóa họp hiện nay của Thượng HĐGM nối tiếp công nghị đặc biệt của các GM hồi năm ngoái. Công nghị đó có 3 văn kiện chính thức là 2 bài diễn văn của ngài vào đầu và cuối khóa họp, cùng với Bản tường trình kết thúc. Trong các văn kiện đó có khẳng định rằng đạo lý của Hội Thánh về hôn phối không bị thay đổi. Vì thế, ĐTC mời gọi mọi người đừng hoang mang vì những lời bình luận từ bên ngoài Thượng HĐGM cho rằng vấn đề duy nhất được cứu xét trong công nghị GM hiện nay là vấn đề cho những người ly dị tái hôn dân sự được rước lễ. ĐTC cảnh giác rằng những lời bình luận như thế không giúp ích cho sự hòa hợp và tình huynh đệ của Thượng HĐGM. Sau cùng, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thảo luận nhóm: sự đóng góp của các nhóm sẽ là nguồn hứng cho văn bản chung kết của khóa họp này.

 Tiếp lời ĐTC, các nghị phụ đã tiếp tục phát biểu ý kiến về phần thứ I của tàiliệu làm việc.

Nói một cách tổng quát, nhiều nghị phụ tái khẳng định rằng gia đình là một nguồn tài nguyên cho xã hội, nguồn mạch canh tân và sức sinh động cho Giáo Hội; trong gia đình người ta học được những nhân đức xã hội, để đạt tới một nền môi sinh nhân sự cơ bản. Nếu không có gia đình thì xã hội sẽ sụp đổ. Từ đó các nghị phụ kêu gọi giới chức chính trị hãy nhìn nhận và bảo vệ giá trị của các gia đình, chức năng làm mẹ, hoặc nâng đỡ các gia đình đông con về mặt thuế khóa.

Một đề tài suy tư khác cũng được bàn tới là vấn đề giáo dục giới trẻ và thăng tiến tương quan giữa các thế hệ khác nhau: trong lãnh vực này, có nghị phụ nhấn mạnh cần huấn luyện thích hợp cho người trẻ không những về mặt trí thức và thể lý, nhưng nhất là về tinh thần, để họ được lớn lên mà không xa lìa đức tin. Về phương diện này, người già có thể là một trợ lực lớn. Vì thế Giáo Hội cần thăng tiến những môi trường gặp gỡ giữa các thế hệ già trẻ, để có thể có sự trao đổi kinh nghiệm và chứng tá giữa người trẻ và người già, và có thể khắc phục cá nhân chủ nghĩa đang lan rộng trong xã hội. Gia đình là một mối liên hệ chứ không phải là một cái hang trong đó người ta co cụm trong cô đơn. Gia đình thực hành lòng hiếu khách và phải là một sự hiện diện sinh động trong xã hội.

Từ đó các nghị phụ đề cập đến sự hội nhập trong xã hội: Giáo Hội là Nhà Cha với những cánh cửa luôn rộng mở, không ai bị loại trừ và cần tránh nguy cơ chỉ lo cứu xét vấn đề, mà không ý thức rằng vấn đề ở đây là một người anh chị em đã bị thất bại. Niềm vui của vị mục tử hệ tại tìm bằng mọi cách để giúp đỡ người đã thất bại, để họ bắt đầu lại cuộc sống và tìm ra con đường đúng để tiến về Thiên Chúa. Thách đố chính của Giáo Hội là sáng nghĩ ra những hành trình hội nhập và hòa giải, được một GM hướng dẫn và hướng về những gia đình bị thương. Trong tinh thần từ bi, cần lắng nghe tiếng kêu của các gia đình bị thương và gặp khó khăn, mà không phán xét họ, trái lại cống hiến cho họ tình thương cụ thể của Thiên Chúa.

Có những nghị phụ tái suy tư về thách đố nghèo đói trong gia đình, nhấn mạnh nguyên nhân thảm trạng đó, thường trở nên trầm trọng hơn vì nạn tham nhũng và sự bóc lột ham hố đối với một số dân tộc.

Các nghị phụ cũng đề cập đến lý thuyết về giống, gender, và trào lưu Hồi giáo cực đoan, đây là những đe dọa lớn chống lại gia đình ngày nay, các vị ví nó như chủ thuyết Đức quốc xã và cộng sản, xét vì cả hai trào lưu này đều thù nghịch đối với chân lý Thiên Chúa về hôn nhân và sự sống con người.

 Riêng về lý thuyết gender, giống, các nghị phụ ghi nhận sự kiện những kẻ cổ võ ý thức hệ này được tài trợ kinh tế và sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, đó là một yếu tố không nên coi nhẹ. Trong bối cảnh đó, Giáo Hội có nghĩa vụ thăng tiến và giúp tái khám phá vẻ đẹp của tình yêu Kitô, và nhờ sự đóng góp của các đoàn sủng và các phong trào Giáo Hội.

Ngoài ra, có nghị phụ nhắc lại rằng trong quá khứ, gia đình bảo vệ Giáo Hội, nhất là giúp Giáo Hội thông truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong những hoàn cảnh khó khăn như khi bị bách hại. Nhưng ngày nay, Giáo Hội có nhiệm vụ bảo vệ gia đình dựa trên bí tích hôn phối. Không những Giáo Hội có nhiều điều phải học nơi các gia đình, và cách thức gia đình giải quyết các vấn đề. Các nghị phụ nhận xét rằng những gia đình hạnh phúc không phải là những gia đình không gặp khó khăn, nhưng là những gia đình biết đương đầu với những khó khăn ấy. Cần phải nhìn gia đình với đôi mắt của Thiên Chúa để không những thấy các vấn đề của gia đình, nhưng nhất là thấy ánh sáng từ đó mà ra trong tăm tối của thời đại ngày nay.

Có nghị phụ đề cập đến mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng gia đình và khủng hoảng đức tin. Vì thế các vị kêu gọi tăng cường việc mục vụ gia đình, nhấn mạnh việc chuẩn bị hôn phối, tháp tùng các đôi vợ chồng sau khi kết hôn, để bảo đảm sự phát triển các gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Trong nhãn giới đó, điều quan trọng là nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo của các gia đình trong sự chung thủy, bác ái và chân lý, và cũng để chống lại trào lưu tục hóa đang thịnh hành trong xã hội.

Vấn đề di dân cũng được bàn tới với những hậu quả thê thảm cho cá nhân và gia đình: ngày nay, con số người di dân và tị nạn rất lớn, do chiến tranh và bách hại, cần làm sao để quyền lợi và phẩm giá của họ được bảo vệ. Trong lãnh vực này các cộng đoàn giáo xứ có thể trợ lực hữu hiệu như một nơi đón tiếp.

Về đề nạn bạo hành chống phụ nữ được bàn tới trong bối cảnh chiến tranh và bác ái, trong lãnh vực gia đình. Các nghị phụ tái khẳng định tầm quan trọng của sự thăng tiến bình bình và cơ may giữa người nam và người nữ, và cầu mong có sự nhìn nhận vai trò tích cực của phụ nữ trong Giáo Hội, mở cho họ chức phó tế hoặc bổ nhiệm họ vào những chức vụ trên bình diện các cơ quan trung ương Tòa Thánh và giáo phận.

Sau cùng, các vị cũng nói về những cặp đồng tính luyến ái và khẳng định rằng hôn nhân đồng phái là điều trái ngược với dự phóng của Thiên Chúa và vì thế không thể chấp nhận nó. Nhưng cũng nhấn mạnh cần bài trừ thái độ bài người đồng tính, trái lại cần cầu nguyện cho những anh em ấy đang chịu đau khổ.

Sau phần phát biểu của các nghị phụ, là phần phát biểu của đôi vợ chồing hiện diện trong tư cách là dự thính viên.

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

180 nghị phụ đã phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới

180 nghị phụ đã phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới

VATICAN. Chiều tối ngày 9-10-2014, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết trong 8 phiên họp khoáng đại những ngày qua, đã có tổng cộng 180 nghị phụ phát biểu, thêm vào có có 80 vị phát biểu trong các giờ thảo luận tự do.

Sáng ngày 10-10-2014, trước sự hiện diện của ĐTC, trong vòng 90 phút, các nghị phụ đã nghe các bài phát biểu của các nam nữ dự thính viên chưa lên tiếng trong những ngày trước đây.

Tiếp đến, sau 30 phút giải lao, các nghị phụ đã nhóm họp trong 1 tiếng rưỡi đồng hồ để bầu vị điều hợp và tường trình viên trong 10 nhóm nhỏ: 3 nhóm tiếng Ý, 3 nhóm tiếng Anh, 2 nhóm tiếng Pháp và 2 nhóm tiếng Tây Ban Nha.

Ban chiều, Thượng HĐGM đã nhóm phiên khoáng đại thứ 10, từ lúc 4 giờ rưỡi, với sự hiện diện của ĐTC và các nghị phụ. Các đại biểu của 8 Giáo Hội Kitô anh em đã lên tiếng trong dịp này.

Đứng đầu là Đức TGM Chính Thống Athenagoras, đại diện tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, tiếp đến là Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga. Các vị còn lại là đại diện Tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte Ai Cập, Chính Thống Siri bên Liban, đại diện Liên hiệp Anh giáo, Tin Lành Luther, Tin Lành cải cách và Liên hiệp Tin Lành Baptist thế giới.

Cuối tuần này, 11 và 12-10, các nghị phụ được nghỉ, nhưng ban chuyên gia phải cùng với ĐHY Peter Erdoe, Tổng tường trình viên, đúc kết các bài phát biểu để soạn thành bản tường trình sau phần thảo luận để trình bày trong phiên khoáng đại thứ 11 vào sáng thứ hai, 13-10 tới đây, trước khi các nghị phụ nhóm trong 6 cuộc hội thảo nhóm.

Nội dung phiên nhóm thứ 7 và thứ 8 ngày 9-10-2014

Trong phiên khoáng đại thứ 7 sáng thứ 5, 9-10-2014, trước sự hiện diện của ĐTC và 184 nghị phụ, các nghị phụ dành phần đầu để tiếp tục bàn về những hoàn cảnh hôn nhân khó khăn, và dành phần hai để bàn đề vấn đề cởi mở đối với sự sống, cụ thể là việc sinh sản, làm cha làm mẹ có trách nhiệm, vấn đề ngừa thai.

– Mở đầu, ông bà dự thính viên, Arturo và Hermenlinda As Zamberline, đặc trách ”êkip Đức Bà” ở Brazil, đã được mời lên tiếng.

Phong trào Đức Bà này được cha Henri Caffarel thành lập từ năm 1938 và hiện có mặt tại 70 quốc gia với 137.200 thành viên trên thế giới trong đó có 45.500 người ở Brazil.

Ông bà Zamberline thành hôn từ 41 năm nay, có 3 người con và các cháu. Trong bài trình bày chứng từ, ông bà xin Giáo Hội trình bày rõ ràng đạo lý của mình để tránh sự hoang mang nơi các tín hữu vì các linh mục đưa ra những lời khuyên bảo trái ngược nhau về vấn đề kiểm soát sinh sản. Cần giúp các tín hữu Công Giáo vâng phục giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề ngừa thai.

Ông bà nói: ”Xét vì bầu không khí trầm trọng hiện nay, chúng ta phải nhận rằng có nhiều đôi vợ chồng Công Giáo, cả những người tìm cách sống hôn nhân một cách nghiêm túc, cũng cảm thấy không bị buộc sử dụng các phương pháp điều hòa sinh sản tự nhiên mà thôi. Và họ thường không bị các cha giải tội sửa sai, nếu các đôi vợ chồng ấy cởi mở đối với sự sống và loại bỏ phá thai.” Ông bà Zamberline nhận xét rằng nhịp sống ngày nay khiến cho nhiều đôi vợ chồng khó tìm được thời giờ để học hòi về cách kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên. Các phương pháp này bị ngộ nhận là không chính xác và hiệu nghiệm, chỉ vì không được giải thích đúng đắn và vì thế người ta áp dụng sai.

ông Bà Zamberline cũng lấy làm tiếc vì trong các bài giảng và các dịch vụ đón tiếp của Giáo Hội không nhấn mạnh về đạo lý của Thông điệp Humanae vitae, sự sống con người. Họ nói:

”Kính thưa ĐTC và các nghị phụ, cùng quí vị, nếu các đôi vợ chồng tìm được ánh sáng và nâng đỡ nơi hàng giáo sĩ, thì đó là một khích lệ rất lớn. Sự kiện những lời khuyên của các linh mục dành cho các đôi vợ chồng nhiều khi tương phản nhau càng làm gia tăng sự hoang mang nơi các giáo dân. Chúng con xin các ngài mau lẹ dạy các linh mục và các tín hữu những đường hướng chính của một nền sư phạm mục vụ để giúp họ chấp nhận và tôn trọng những nguyên tắc của thông điệp Humanae vitae. Theo họ cần cấp thiết phổ biến rộng rãi một đường hướng dễ dàng và chắc chắn đáp ứng những đòi hỏi của thế giới ngày nay, không làm thương tổn nòng cốt của luân lý Công Giáo

”Tuyệt đối cần hướng dẫn các đôi vợ chồng hướng về sự hoàn hảo nhân bản và Kitô trong quan hệ tính dục. Quan hệ tính dục là một yếu tố thánh hóa. Tính dục ngày nay đang cần đượ ccứu thoát khỏi thái độ dâm ô bệnh hoạn thu hẹp con người vào một chiều kích duy nhất.

– Trong cùng phiên họp sáng ngày 9-10, ĐHY André Vingt-Trois, Chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM mạnh mẽ chống lại ”não trạng ngừa thai” khiến cho nhiều tín hữu Công Giáo nghĩ rằng dùng các phương tiện ngừa thai nhân tạo không phải là tội. Các đôi vợ chồng Công Giáo thường không tin rằng dùng các phương tiện này là tôi nên họ không xưng chúng khi đi xưng tội và cứ bình tâm rước lễ như thường. ”Vì thế, – ĐHY nói – cần khuyến khích một tâm thức cởi mở đối với sự sống, có sự đánh bại não trạng ngừa thai và sự lan tràn kiểu mẫu nhân loại học cá nhân chủ nghĩa, đưa tới tình trạng suy sụp dân số ở mức độ trầm trọng tại một số nước, với những hậu quả về mặt xã hội và nhân bản mà hiện nay người ta không quan tâm đủ”.

– Trong các bài phát biểu khác, một số nghị phụ tái khẳng định hồng ân sự sống cũng như đức khiết tịnh là những giá trị căn bản của hôn nhân Kitô, đồng thời nhấn mạnh phá thai là tội ác nặng nề. Có nghị phụ nói đến thảm trạng của nhiều gia đình, chẳng hạn ở Á châu, với những vụ giết trẻ em, bạo hành phụ nữ, buôn người. Vì thế cũng cần đề cao ý niệm công lý trong số các nhân đức cấu thành gia đình.

– Về vấn đề trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái, và những giáo huấn đức tin, trách nhiệm này đứng hàng đầu và cần được quan tâm đặc biệt. Ngoài ra, việc mục vụ cho các trẻ em có thể tạo nên môi trường tiếp xúc với những gia đình ở trong hoàn cảnh khó khăn.

– Một số nghị phụ nhấn mạnh tới ảnh hưởng tiêu cực của việc ngừa thai đối với xã hội, làm giảm bớt số trẻ em sinh ra. Đứng trước tình trạng đó, các tín hữu Công Giáo không thể im lặng, trái lại cần mang lại một sứ điệp hy vọng, theo đó các trẻ em có vai trò quan trọng, mang lại sự sống và niềm vui cho cha mẹ và củng cố đức tin cũng như việc thực hành đạo.

Sau cùng, các nghị phụ nói đến vai trò thiết yếu của giáo dân trong công tác tông đồ gia đình, loan báo Tin Mừng cho gia đình. Ví dụ các phong trào giáo dân có thể tháp tùng các gia đình gặp khó khăn.

Phiên họp thứ 8

Trong phiên khoáng đại thứ 8, từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ chiều ngày thứ năm, 9-10-2014, trước sự hiện diện của ĐTC và 181 nghị phụ, Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt đã bàn về đề tài ”Giáo Hội và gia đình đứng trước thách đố giáo dục: thách đố giáo dục nói chung và nền giáo dục Kitô trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn”, như được nhắc đến trong chương 2 thuộc phần thứ 3 của Tài liệu làm việc.

Trước tiên, công nghị tái khẳng định ơn gọi sự sống như một yếu nền tảng của gia đình; và từ đó các nghị phụ kêu gọi các tín hữu hãy đào sâu kiến thức về thông hiệp Humanae vitae (Sự sống con người) do ĐGH Phaolô 6 ban hành năm 1968, và cũng hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc dùng các phương pháp tự nhiên để điều hòa sinh sản và không chấp nhận việc ngừa thai bằng các phương pháp nhân tạo. Kết hiệp và sinh sản là hai điều không tách rời khỏi tác động vợ chồng. Công nghị cũng mạnh mẽ lên án sự lèo lái các hệ di truyền và việc giữ các phôi thai đông lạnh.

– Ngoài ra, nhiều nghị phụ Phi châu tố giác xu hướng của một số nước và tổ chức ở thế giới tây phương trình bày một số ý niệm như phá thai và đồng tính luyến ái như những ”nhân quyền” và đặt điều kiện cho các nước nghèo phải chấp nhận và thi hành những ý niệm ấy thì mới được nhận viện trợ kinh tế. Về vấn đề này, một số nghị phụ nêu rõ sự kiện thành ngữ ”các quyền sức khỏe tính dục và sinh sản” không được định nghĩa rõ ràng trong công pháp quốc tế, nên rốt cuộc chúng hàm chứa những nguyên tắc mâu thuẫn với nhau, như một đàng người ta lên án sự cưỡng bách phá hai, nhưng đàng khác lại cổ võ phá thai an toàn, hoặc một đàng bảo vệ chức phận làm mẹ, nhưng lại thăng tiến sự ngừa thai. Tuy việc cổ võ những thứ gọi là ”nhân quyền” như thế không có giá trị bó buộc, nhưng nó cũng là một nguy cơ, vì nó có thể ảnh hưởgn tới việc giải thích các qui luật khác, đặc biệt là trong cuộc tranh đấu chống lại nạn kỳ thị phụ nữ.

– Rồi công nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn phối, vì việc cử hành đám cưới ngày càng bị thu hẹp vào chiều kích xã hội và pháp lý, thay vì chiều kích tôn giáo và tinh thần. Việc chuẩn bị hôn phối bị những cặp đính hôn coi là một sự áp đặt, một nghĩa vụ phải chu toàn, và họ tham dự một cách miễn cưỡng, không xác tín, và do đó các khóa chuẩn bị ấy rất ngắn. Thực ra, hôn nhân là một ơn gọi cả đời, việc chuẩn bị hôn nhân phải dài và sâu xa, như trong trường hợp đời sống tu trì. Các nghị phụ cũng nhận thấy nơi những cặp chuẩn bị kết hôn thiếu ý thức về giá trị bí tích của mối dây hôn phối, đến độ có thể nói việc cử hành lễ cưới không nhất thiết là cử hành bí tích hôn phối.

– Về vấn đề làm sao để thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu được nhanh chóng hơn: các nghị phụ được nhắc nhớ rằng ĐTC Phanxicô đã thành lập một ủy ban đặc nhiệm ngày 20-9 vừa qua, để nhắm tới một thủ tục đơn sơ và mau lẹ hơn, một thủ tục duy nhất cho toàn thể Giáo Hội.

Cho đến nay giáo luật đòi phải có 2 phán quyết đồng thuận với nhau, thì mới được tuyên bố một hôn nhân là vô hiệu. Vì thế sau phán quyết thứ I về một hôn phối là vô hiệu, thì vị bảo hệ (difensor vincoli) bó buộc phải kháng án lên tòa cấp cao hơn. Trong phiên họp có nghị phụ nêu giả thuyết: có thể để tùy GM phân định và phán quyết về việc có cần phải kháng án hay không. Đồng thời các nghị phụ cầu mong có thêm nhiều thẩm phán giáo dân, đặc biệt là cả các thẩm phán phụ nữ, được chuẩn bị kỹ lưỡng để làm việc trong các tòa án hôn phối.

– Các nghị phụ cũng nhấn mạnh rằng các linh mục cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về việc mục vụ hôn nhân và gia đình, và có thể sử dụng cả những bài giảng như một thời điểm ưu tiên và hữu hiệu để loan báo cho các tín hữu Tin Mừng về gia đình. Cần có sự huấn luyện và thông tin, vì sự thánh thiện tinh thần, óc sáng tạo và quan hệ trực tiếp của các vị với các gia đình rất được các giáo dân đánh giá cao.

– Trong số các bài phát biểu, các nghị phụ cũng nói đến tương quan giữa việc di cư và gia đình, đồng thời tái khẳng định rằng cần phải khẳng định quyền cơ bản của mội người di dân được sống trong gia đình, và kêu gọi các nhà chính trị quốc tế bảo về quyền đoàn tụ gia đình. Đối với người di dân, gia đình là yếu tố thiết yếu để hội nhập vào quốc gia họ định cư.

– Trong giờ thảo luận tự do, từ 6 đến 7 giờ, các nghị phụ trao đổi về 3 đề tài:

Thứ I, đối với những người ly dị tái hôn, cần thiết lập một hành trình thống hối, và cũng để ý đến những người ly dị nhưng không tái hôn. Họ thường chịu đau khổ trong âm thầm và ở ngoài lề cuộc sốgn xã hội.

Thứ II: cần bảo vệ con cái của những cặp ly dị, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý do ly dị gây ra. Trong lãnh vực này, có nghị phụ nhắc nhở rằng một nền mục vụ thích hợp cho các trẻ em thường có thể làm cho cha mẹ các em xích lại gần Giáo Hội hơn.

Thứ III: các nghị phụ nhắc đến tầm quan trọng của tương quan giữa gia đình và việc giáo dục con cái, đặc biệt là quyền của các cha mẹ được chọn lựa dự án giáo dục thích hợp nhất cho con cái, và để con cái có thể được một nền giáo dục có chất lượng.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio