Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh

Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh

** Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là một Người, là Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa chương 3 thư thứ nhất của thánh Phêrô, viết rằng: “Tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc. Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3,8-9.14-15).

ĐTC nói: Thư thứ nhất của thánh Phêrô có một động lực ngoại thường. Cần phải đọc nó hai ba lần để hiểu năng lực ngoại thường ấy.  Nó trao ban an ủi và hoà bình lớn, vì khiến cho chúng ta nhận ra Chúa luôn ở bên cạnh và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhất là trong những lúc tế nhị khó khăn nhất trong cuộc sống. Nhưng đâu là bí quyết của bức thư này? Đó là câu hỏi. Tôi biết là ngày hôm nay anh chị em sẽ lấy Tân Ước và tìm thư thánh Phêrô và đọc nó chậm chậm, để hiểu bí mật và sức mạnh của bức thư này. Đâu là bí quyết của bức thư này?   ĐTC trả lời như sau:

Bí quyết ở trong sự kiện bức thư này trực tiếp đâm rễ trong lễ Vượt Qua, nơi trọng tâm của mầu nhiệm mà chúng a đang cử hành, bằng cách làm cho chúng ta nhận ra ánh sáng và niềm vui phát xuất từ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thực sự sống lại, và đây là một lời chào cần trao cho nhau trong các ngày lễ Phục Sinh: “Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô đã sống lại!”, như biết bao nhiêu dân tộc vẫn làm. Chúng ta nhớ rằng Chúa Kitô đã sống lại, Ngài sống giữa chúng ta. Ngài sống và ở trong từng người chúng ta. Chính vì vậy thánh Phêrô mạnh mẽ mời gọi chúng ta thờ lậy Chúa trong tim (c.16). Chúa đã ở trong đó từ khi chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội, và từ đó Ngài tiếp tục canh tân chúng ta và đổi mới cuộc sống chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu và Thần Khí của Ngài.

** Đó chính là lý do tại sao thánh Tông Đồ nhắn nhủ chúng ta giải thích lý do niềm hy vọng nơi chúng ta (c. 16): niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, không phải là một điện thoại di động, không phải là một mớ của cải giầu sang: không! Niềm hy vọng của chúng ta là một Người, là Chúa Giêsu, mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta, bởi vì Chúa Kitô đã phục sinh.

Các dân tộc slave chào nhau, thay vì nói “chào ban ngày” “chào ban chiều”, thì trong các ngày lễ Phục Sinh họ chào nhau với câu “Chúa Kitô đã sống lại”, “Christos voskrese!”. Và họ hạnh phúc nói điều đó! Đó là lời chào ban ngày và chào ban chiều họ trao cho chúng ta: “Chúa Kitô đã sống lại!”

Khi đó chúng ta hiểu rằng không phải trao ban lý do cho niềm hy vọng này trên binh diện lý thuyết, bằng lời nói, nhưng nhất là với chứng tá cuộc sống, và điều này ở bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn kitô. Nếu Chúa Kitô sống và ở trong chúng ta, trong con tim chúng ta, khi đó chúng ta cũng phải để cho Ngài hữu hình, không dấu kín Ngài và để ngài hành động trong chúng ta. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu phải luôn ngày càng  trở thành gương mẫu của chúng ta: gương mẫu cuộc sống và chúng ta phải học hành xử như Chúa đã hành xử. Làm cùng điều Chúa Giêsu đã làm. Niềm hy vọng ở trong chúng ta, như thế, không thể bị dấu kín trong chúng ta, trong con tim chúng ta: nó sẽ là một niềm hy vọng yếu ớt, không có can đảm đi ra ngoài, làm cho mình được thấy; nhưng niềm hy vọng của chúng ta, như lộ rõ trong thánh vịnh 33, mà thánh Phêrô trích lại nói, cần phải biểu lộ ra ngoài qua hình thái tuyệt diệu và không thể nhầm lẫn được của sự dịu dàng, tôn trọng và lòng tốt đối với tha nhân, cho tới chỗ tha thứ cho người làm điều ác cho chúng ta. Một người không có niềm hy vọng, không tha thứ được, không trao ban ủi an của sự tha thứ và không có sự an ủi tha thứ. 

** Phải, bởi vì Chúa Giêsu đã làm như thế và tiếp tục làm qua những kẻ biết nhường chỗ  trong con tim và cuộc sống của họ cho Ngài, với ý thức rằng sự dữ không được chiến thắng bằng sự dữ, nhưng với sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu. Các kẻ tội phạm mafia nghĩ rằng có thể chiến thắng sự dữ với sự dữ, và họ báo thù và làm biết bao điều mà tất cả chúng ta đều biết. Nhưng họ không biết sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu là gì. Tại sao vậy? Bởi những kẻ tội phạm mafia không có niềm hy vọng. Anh chị em hãy nghĩ tới điều ấy. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Đấy là lý do tại sao thánh Phêrô khẳng định rằng “đau khổ vì làm vịêc thiện thì tốt hơn vì làm điều ác” (c. 17): nó không muốn nói rằng đau khổ thì tốt, nhưng muốn nói rằng khi chúng ta khổ đau vì sự thiện, chúng ta hiệp thông với Chúa, là Đấng đã chấp nhận chịu khổ và bị đóng đinh trên thập giá để cứu rỗi chúng ta. Vậy cả chúng ta nữa trong các hoàn cảnh nhỏ bé nhất hay lớn lao nhất của cuộc sống, khi chúng ta  chấp nhận khổ đau vì sự thiện thì cũng như là chúng ta gieo vãi chung quanh mình các hạt giống của sự phục sinh và sự sống, và làm rạng ngời lên  trong bóng tối ánh sáng của lễ Phục Sinh.  Chính vì thế thánh Tông đồ khuyến khích chúng ta luôn luôn trả lời “bằng cách cầu chúc sự lành” (c. 9): phúc lành không phải là một hình thức bề ngoài, không phải chỉ là dấu chỉ của sự lễ phép, nhưng là một ơn cao trọng, mà chúng ta là những người đầu tiên đã nhận lãnh và có khả thể chia sẻ với các anh chị em khác. Nó là lời loan báo tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không đo lường, không cạn kiệt, không bao giờ suy giảm và là nền tảng đích thật niềm hy vọng của chúng ta.

Các bạn thân mến, giờ đây chúng ta cũng hiểu tại sao Tông Đồ Phêrô gọi chúng ta là “có phúc” khi chúng ta phải đau khổ vì công lý (c. 13) Không phải chỉ vì một lý do  luân lý hay khổ hạnh, mà bởi vì mỗi một lần chúng ta nhận lấy phần của nhừng người rốt hết, bị gạt bỏ ngoài lề, hay chúng ta không đáp trả sự dữ bằng sự dữ, nhưng tha thứ, không báo thù, tha thứ và chúc phúc, mỗi lần chúng ta làm điều này, là chúng ta rạng ngời lên như dấu chỉ sống động và toả sáng hy vọng, và như thế trở thành dụng cụ ủi an và hoà bình, theo con tim của Thiên Chúa. Như thế hãy tiến lên với sự dịu dàng, hiền hậu, dễ thương, và làm việc lành cả cho những người không yêu chúng ta.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào sinh viên học sinh và tín hữu đến từ Pháp và Bỉ và cầu mong Chúa Kitô phục sinh sống trong tâm lòng chiếu sáng khiến cho họ trở thành dấu chỉ rạng ngời tình yêu của Chúa. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Hoà Lan, Indonesia, Hồng Kông, Malaysia, Đại Hàn, Việt Nam và Hoà Kỳ, đặc biệt nhóm các linh mục trường Bắc Mỹ đang theo học tại Roma. Ngài cầu chúc lộ trình Mùa Chay dẫn đưa mọi người tới niềm vui phục sinh với con tim được thanh tẩy và canh tân trong ơn thánh của Chúa Thánh Thần.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, đặc biệt học sinh trường ĐHY von Galen Telgte và Maria Ward Neuburg bên sông Donau. Ngài cầu mong các lễ nghi Tuần Thánh giúp canh tân niềm tin phục sinh và giúp đem niềm hy vọng của Chúa Kitô đến với người khác.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC hy vọng Tuần Thánh giúp chiêm ngắm cuộc Khổ nạn, cái chết, sự phục sinh của Chúa, và giúp tín hữu trở thành dụng cụ tình yêu thương của Chúa cho mọi người.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC nói trong các ngày đầu tháng tư chúng ta nhớ tới biến cố Đức Gioan Phaolô II về nhà Cha. Ngài đã là một chứng nhân lớn của Chúa Kitô, là người nhiệt thành bênh vực đức tin,  đã chuyển hai sứ điệp lớn của lòng thương xót và Fatima cho thế giới. Sứ điệp thứ nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, và sứ điệp thứ hai liên quan tới chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên sự dữ, nhắc nhớ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Chúng ta hãy đón nhận các sứ điệp ấy để chúng thấm nhập cuộc sống và mở toang cửa lòng cho Chúa Kitô.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào gia đình các quân nhân đã ngã gục trong các sứ mệnh hoà bình do ĐC Santo Marcianò, Tổng tuyên uý quân đội Italia hướng dẫn, cộng đoàn Rwanda tại Italia, và các tiến sĩ Hiệp hội quốc gia nông nghiệp và rừng cây Italia, cũng như các thành viên tham dự đại hội do Hội đồng toà thánh Văn hóa tổ chức nhằm suy tư về tương lại nhân loại dưới ánh sáng các ngành y khoa và giá trị ngàn đời của luân lý. Ngài cũng chào cộng đoàn Gioan XXIII chuyên cứu giúp các phụ nữ nạn nhân của mại dâm, và mời tín hữu Roma tham dự buổi đi đàng Thánh Giá cho các phụ nữ bị đóng đanh vào ngày thứ sáu mùng 7 tháng tư tại Garbatella.

Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội mừng kính thánh Vinh Sơn Ferrer, dòng Đaminh. Ngài khuyên các bạn trẻ noi gương thánh nhân học nói chuyện với Chúa, tránh nói các lời vô ích và tai hại; người đau yếu học tín thác nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh trong mọi lúc như thánh nhân; và các cặp vợ chồng mới cưới xin thánh nhân bầu cử cho để biết quảng đại dấn thân trong sứ mệnh là cha mẹ gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha lên án khủng bố tại Nga và bom hóa học ở Siria

Đức Thánh Cha lên án khủng bố tại Nga và bom hóa học ở Siria

VATICAN. ĐTC liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nga và vụ dội bom hóa học tại Siria.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm ngày 5-4-2017, ĐTC nói:

”Lúc này đây tôi nghĩ đến vụ khủng bố nặng nề trong những ngày qua tại xe điện ngầm ở thành phố San Pietroburgo, làm cho nhiều người chết và tạo nên sự ngỡ ngàng nơi dân chúng. Trong khi tôi phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng thê thảm, tôi bày tỏ sự gần gũi trong tinh thần với các thân nhân họ và tất cả những người đang chịu đau khổ vì biến cố đau thương này.

”Chúng ta chứng kiến những biến cố kinh khủng mới đây tại Siria. Tôi quyết liệt lên án thảm họa không thể chấp nhận được xảy ra hôm qua, 4-4 tại tỉnh Idlib, nơi mà hàng chục người vô tội, trong đó có nhiều trẻ em bị giết. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm chính trị, trên bình diện địa phương và quốc tế, để thảm trạng này được chấm dứt và mang lại sự thoa dịu cho dân chúng yêu quí đã bị kiệt lực từ quá lâu vì chiến tranh. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích nỗ lực của những người đang cố gắng chuyển sự trợ giúp cho dân chúng tại vùng này, mặc dù có tình trạng bất an và khó khăn.

Vụ khủng bố tại trạm xe điện ngầm ở San Pietroburgo do một tên khủng bố tự sát Akbarzhon Jalilov 22 tuổi gây ra làm cho 14 người chết và hàng chục người bị thương.

Vụ dội bom hóa học ở tỉnh Idlib làm cho 72 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Tây Phương cáo buộc chế độ của tổng thống Assad, trong khi đó Nga phủ nhận lời buộc tội này. (SD 5-4-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Giáo hoàng Phanxicô khích lệ dân chúng Chicago

Đức Giáo hoàng Phanxicô khích lệ dân chúng Chicago

Chicago, Illinois – Trước tình hình bạo lực liên tiếp xảy ra tại thành phố Chicago, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi thư bày tỏ sự khích lệ, liên đới và hy vọng đến nhân dân thành phố này.

Trong thư gửi đến Đức Hồng y Blase J. Cupich, Tổng Giám mục Chicago, Đức Giáo hoàng nói “Sự kiên trì thực hành bất bạo lực phá vỡ những rào chắn, băng bó các vết thương, chữa lành các quốc gia và nó có thể chữa lành Chicago.”

Đức Giáo hoàng cũng xin nói với dân chúng là họ được ngài nhớ đến và cầu nguyện cho họ.

Ngài viết thêm: “Thật là buồn, như Đức Hồng y đã nói với tôi, dân chúng của các sắc tộc khác, các nguồn gốc kinh tế và xã hội khác nhau bị đối xử phân biệt, dửng dưng, bất công và bạo lực. Chúng ta phải loại bỏ sự loại trừ và cô lập này và đừng nghĩ đến bất kỳ nhóm nào như “những người khác”, nhưng tốt hơn như các anh chị em của chính chúng ta.”

Những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi đến Chicago trong bối cảnh số vụ giết người và tội ác ở thành phố này gia tăng trong một ít năm qua. Ngày 30/03 có 7 người bị giết trong vụ bạo lực liên quan đến băng đảng tại 3 nơi khác nhau. Trong số các nạn nhân có một thai phụ.

Trong 15 tháng qua, có khoảng 900 vụ giết người được ghi nhận. Thị trưởng Chicago, ông Rahm Emanuel, đã lên án bạo lực và gọi những vụ giết người mới đây là “sự ác”.

Hôm thứ 3 vừa qua, trong một hội nghị với vị chủ tịch và điều hành Ủy ban bác ái Công giáo, cũng như với vị điều hành Nhà Tình thương cho các trẻ nam nữ, Đức Hồng y Cupich đã loan báo cuộc tuần hành cho hòa bình ở Englewood, Chicago vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Đức Giáo hoàng Phanxicô vui lòng với sự kiện này và sẽ liên kết với những người tham dự trong tinh thần. Ngài nói: “Khi tôi đi đàng Thánh giá ở Roma vào ngày này, tôi sẽ đồng hành với Đức Hồng y trong kinh nguyện, cũng như với những người cùng đi với Đức Hồng y và những người đau khổ vì bạo lực trong thành phố.”

Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh rằng hòa bình sẽ là lời đáp trả duy nhất cho bạo lực, như Martin Luther King đã nói rằng xung đột nhân loại chỉ có thể giải quyết bằng tình yêu.

Ngài cũng mời gọi nhân dân Chicago loại trừ sợ hãi, cởi mở tâm trí và trái tim để tiến đến hòa bình và cần dạy cho con em ở nhà cũng như ở trường thái độ này. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện rằng nhân dân của thành phố tươi đẹp này không bao giờ mất hy vọng và họ cùng nhau hành động để trở thành những người xây dựng hòa bình, tỏ cho thế hệ tương lai sức mạnh thực của tình yêu.” (CNA 04/04/2017)

Hồng Thủy

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

VATICAN. Thêm một bước tiến xích lại gần nhau giữa Huynh Đoàn thánh Piô 10 và Tòa Thánh: ĐTC Phanxicô cho các vị bản quyền địa phương được cho phép các LM giáo phận chủ sự lễ nghi hôn phối cho các tín hữu theo Huynh đoàn này, dù tình trạng giáo luật của Huynh đoàn chưa được giải quyết.

Quyết định trên đây của ĐTC được trình bày trong thư của vị Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin kiêm chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, là ĐHY Gerhard Mueller, gửi các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10, là nhóm đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo từ cuối tháng 6 năm 1988 sau khi vị sáng lập Huynh đoàn là Đức TGM Marcel Lefebvre truyền chức cho 4 GM mà không có phép của ĐGH.

ĐGH Biển Đức 16 đã giải vạ tuyệt thông cho các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10 để tạo điều kiện cho sự thương thuyết tái lập sự hiệp nhất và xác định vị thế giáo luật của Huynh đoàn trong Giáo Hội.

 rong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã cho phép các LM của Huynh đoàn thánh Piô 10 được giải tội thành sự cho các tín hữu. Nay ĐHY Mueller cho biết ĐTC quyết định cho phép các vị Bản quyền địa phương (Giám Mục, Tổng Đại diện, Đại diện Giám Mục) được cho phép cử hành hôn phối cho các tín hữu theo hoạt động mục vụ của Huynh đoàn thánh Piô 10 theo thể thức như sau:

Phép đó có thể ban cho một LM thuộc giáo phận, hoặc một LM hoàn toàn hợp lệ, cử hành hôn phối theo nghi thức bí tích vào đầu thánh lễ, trong phụng vụ cũ, tiếp theo đó, một linh mục của Huynh đoàn cử hành thánh lễ.

Nơi nào không có LM giáo phận có thể chủ sự nghi thức hôn phối cho hai bên, thì vị Bản quyền có thể trực tiếp ban năng quyền cần thiết như thế cho linh muc của Huynh đoàn cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, và yêu cầu vị ấy gửi đến tòa GM sớm hết sức chứng chỉ và tài liệu về viẹc cử hành bí tích hôn phối như thế” (SD 4-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Giám mục của Mocoa kêu gọi cứu giúp dân chúng nạn nhân vụ sạt lở đất

Giám mục của Mocoa kêu gọi cứu giúp dân chúng nạn nhân vụ sạt lở đất

Mocoa, Colombia – Đức cha Luis Albeiro Maldonado Monsalve của Mocoa-Sibundoy đã kêu gọi mọi người tương trợ cứu giúp cho cư dân trong vùng trong thời khắc khó khăn.

Hôm sáng sớm ngày 01/04, đất lở đã cuốn trôi Mocoa khi 3 con sông chảy qua thành phố dâng tràn sau cơn mưa xối xả. Ít nhất 254 người đã thiệt mạng trong thảm họa thiên nhiên, và hàng trăm người khác bị thương.

Đức cha Maldonado mô tả tình cảnh phức tạp và hỗn loạn và kêu gọi cứu trợ nhân đạo cho dân chúng trong thành phố Mocoa.

Trong lời kêu gọi cứu trợ đăng trên trang web của Hội đồng Giám mục Colombia, Đức cha Maldonado lưu ý đến những nhu cầu khẩn thiết như nước, thực phẩm và chăn nệm.

Các Giám mục Colombia cũng kêu gọi cầu nguyện cho những người đã qua đời và những người bị mất nhà cửa vì lũ lụt. Giáo hội đã thành lập một ủy ban để chăm sóc, lắng nghe và đồng hành với các nạn nhân của vụ sạt lở đất.

Cứu trợ được thực hiện bằng trực thăng vì các con đường dẫn đến Mocoa bị hư hại.

Hôm Chúa nhật, trước giờ đọc Kinh Truyền tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bảy tỏ sự đau buồn sâu xa vì thảm họa. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và chắc chắn gần gũi với những người đang than khóc về cái chết của những người thân yêu, và cám ơn những người đang nỗ lực để trợ giúp họ.” (CNA 03/04/2017)

Hồng Thủy

 

Một nữ tu người Syria nhận giải thưởng Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm

Một nữ tu người Syria nhận giải thưởng Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm

Một nữ tu người Syria được vinh danh hôm 29/03 với giải thưởng “Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm” của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.

Đệ nhất phu nhân Hoa kỳ Melania Trump đã trao giải thưởng nhìn nhận những phụ nữ khắp toàn cầu, những người chứng tỏ lòng can đảm phi thường và sự lãnh đạo trong việc vận động cho nữ quyền, quyền hành và công lý, thường gặp nguy hiểm cho bản thân.

Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh, dòng Nữ tử Đức Maria trợ giúp các Kitô hữu, sống ở Aleppo, Syria, được nhìn nhận đã hoạt động không mệt mỏi để trợ giúp nhu cầu của những nhóm dân dễ bị tổn thương nhất của Syria, đặc biệt là những người di cư nội địa và các trẻ em.

Bộ Ngoại giao Hoa kỳ nhìn nhận: “Trong giai đoạn bom đạn dữ dội xung quanh một trường học lân cận, sơ Carolin đã quên mình để bảo đảm rằng các trẻ em được mang trở lại nhà an toàn cho bố mẹ các em. Sơ là ngọn hải đăng hy vọng cho cả người Hồi giáo lẫn Kitô giáo, khi liều mạng sống trước nguy hiểm.”

Trong số các phụ nữ được vinh danh có Natalia Ponce de Leon, một phụ nữ sống sót sau vụ tấn công bằng axít, với gương mặt và thân thể bị cháy bỏng; cô đã chịu 50 cuộc giải phẫu để có thể sống còn.

Fadia Najib Thabet, một nhân viên bảo vệ trẻ em và tường thuật viên về các vụ vi phạm nhân quyền ở nam Yemen, liều mình cứu các trẻ em trong vùng khỏi nhóm khủng bố al-Qaeda và các nhóm vũ trang khủng bố khác.

Veronica Simogun, sáng lập the Family for Change Association và ủng hộ phụ nữ và các thiếu nữ ở Papua New Guinea, đã sống và làm việc tại một đất nước nơi mà 2/3 người nữ là nạn nhân vì giới tính của họ. (Catholic Herald 03/04/2017)

Hồng Thủy

 

Người phụ nữ can đảm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Buổi lễ trao giải thưởng cho 13 phụ nữ can đảm – Ghế trống dành cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

WASHINGTON, DC (NV) – Blogger Mẹ Nấm là một trong 13 phụ nữ được Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump vinh danh anh hùng thế giới hôm Thứ Tư, 29 Tháng Ba, tại một buổi lễ trao giải tổ chức tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, DC, theo danh sách do cơ quan này đưa ra.

Trong chuyến thăm lần đầu tiên đến trụ sở Bộ Ngoại Giao, bà Melania, cùng ông Thomas Shannon, phụ tá ngoại trưởng đặc trách chính trị, trao giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao cho 13 phụ nữ này, theo AP.

Hình ảnh cho thấy, có 12 phụ nữ được giải có mặt, ngoại trừ blogger Mẹ Nấm.

Ban tổ chức vẫn để đủ 13 ghế, trong đó có một ghế trống.

Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sống ở Nha Trang, hiện bị giam trong tù sau khi bị bắt hồi Tháng Mười, 2016, với tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Là thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một blogger có những bài viết liên quan đến thời sự Việt Nam rất sắc sảo, phổ biến trên Blog Mẹ Nấm và Facebook.

Bà có rất nhiều độc giả khắp nơi, và từng được tổ chức Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Civil Rights Defenders) trao giải thưởng Người Bảo Vệ Nhân Quyền năm 2015.

Đệ nhất phu nhân Melania, thay mặt Ngoại Trưởng Rex Tillerson đang công du tại Thổ Nhĩ Kỳ, trao giải này.

Giải thưởng được trao cho các phụ nữ khắp thế giới, những người chứng minh sự can đảm và lãnh đạo trong việc cổ vũ cho hòa bình, công lý, nhân quyền, bình đẳng giới tính, và gia tăng quyền cho nữ giới – trong hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng cá nhân.

Trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chọn blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng 12 phụ nữ khác trên khắp thế giới cho Giải thưởng ‘Những Người Phụ Nữ Quốc Tế Dũng Cảm’, trên trang Mạng Lưới Blogger Việt Nam nhiều người đã bày tỏ tâm tình đối với Mẹ Nấm qua sự kiện này.

Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn) nói rằng ông ‘vui vì những nỗ lực hết mình, bất chấp rủi ro của Mẹ Nấm dành cho quyền tự do ngôn luận, bảo vệ các nhà hoạt động và ngăn chặn tình trạng bị chết trong đồn công an, đã được không chỉ người Việt Nam trong nước và hải ngoại biết đến, mà được cả Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công nhận đó là một giá trị xứng đáng cả thế giới khen ngợi.’

Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn phát biểu: Tin Mẹ Nấm được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trao Giải thưởng Phụ nữ quốc tế dũng cảm thật sự làm tôi xúc động mạnh. Đó là sự nhìn nhận ở tầm mức quốc tế công sức bao năm qua của chị trong công cuộc tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận nói riêng và quyền con người nói chung ở Việt Nam. Giải thưởng này tôn vinh những phụ nữ bị bắt giam, đánh đập và đe dọa giết chết vì đã đứng lên cho công lý, nhân quyền và pháp trị. Mẹ Nấm hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này, và chị đã đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam, mà còn của nhân loại như một chiến sĩ tranh đấu bảo vệ các giá trị tốt đẹp nhất của nền văn minh chúng ta.’

Luật sư Lê Công Định viết tiếp:’ Giải thưởng quốc tế dành cho chị Quỳnh chắc chắn cũng là phần thưởng tinh thần vô giá dành cho thân mẫu của chị trong những ngày tháng khó khăn trước mắt. Bà hiện đang thay thế chị Quỳnh nuôi nấng hai con thơ của chị và người mẹ già ngoài 90 tuổi đang đau yếu. Trong lòng tôi đó mới thực sự là những người phụ nữ, người mẹ Việt Nam anh hùng. Họ xứng đáng với mọi lời ca ngợi, không cần và bất chấp sự tuyên truyền vô nghĩa của nhà cầm quyền.

Blogger Phạm Thanh Nghiên cho hay, ‘hãnh diện khi Quỳnh được trao giải thưởng này. Nó là sự ghi nhận dành cho những nỗ lực không mệt mỏi của Quỳnh suốt gần 10 năm qua. Thế giới sẽ biết nhiều hơn về những gì đang xảy ra ở Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản.’

Và rằng ‘Nó cũng cổ vũ tinh thần cho mọi nỗ lực tranh đấu của người dân Việt Nam trong sứ mạng giải thoát đất nước khỏi sự kìm kẹp. Những giải thưởng như thế này tự thân nó mang thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam không có nhân quyền. Chừng nào những giải thưởng như thế còn trao cho người Việt thì chừng ấy Việt Nam vẫn là một đất nước không tự do.’

Cũng trên trang của Trang Mạng Lưới Blogger Việt Nam các Blogger như Nguyễn Hoàng Vi, Hải Âu, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Anh Tú, Dương Đại Triều Lâm ,Vũ Sỹ Hoàng… đã bày tỏ tình cảm lòng khâm phục, ngưỡng mộ dành cho Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trước sự đóng góp to lớn vào công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. (ĐD-KN)

Trích Báo Người Việt

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho 4 quốc gia

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho 4 quốc gia

CARPI. ĐTC liên đới với các nạn nhân đất lở tại Colombia và kêu gọi giải pháp ôn hòa cho Venezuela và Paraguay, chấm dứt bạo lực tại Congo.

Trong lời kêu gọi vào cuối thánh lễ sáng chúa nhật 2-4-2017 tại thành phố Carpi, bắc Italia, ĐTC nói:

”Tôi rất đau buồn vì thảm họa xảy ra tại Colombia, một làn sóng bùn vĩ đại vì mưa lũ, đã đổ xuống thành phố Mocoa, làm cho nhiều người chết và bị thương. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và bày tỏ sự gần gũi của tôi và của anh chị em tín hữu tại đây với những người đang khóc thương những người thân yêu bị thiệt mạng, và tôi cám ơn tất cả những người đang hoạt động để cứu trợ.

ĐTC nói thêm rằng: ”Những tin tức về các cuộc đụng độ võ trang tại miền Kasai thuộc Cộng hòa dân chủ Congo tiếp tục được gửi về, những cuộc đụng độ ấy đang gây ra nhiều nạn nhân và những vụ tản cư, và đánh vào cả các nhân sự và tài sản của Giáo Hội như nhà thờ, nhà thương, trường học.. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với đất nước này, và khuyên tất cả mọi người hãy cầu nguyện cho hòa bình, để con tim của những người gây ra những tội ác như thế không tiếp tục làm nô lệ cho oán thù và bạo lực, vì oán thù và bạo lực luôn tàn phá.

”Ngoài ra tôi cũng rất quan tâm theo dõi những gì đang xảy ra tại Venezuela và Paraguay. Tôi cầu nguyện cho các dân tộc ấy, mà tôi rất quí mến, và mời gọi tất cả mọi người hãy kiên trì đừng mệt mỏi trong việc tìm kiếm các giải pháp ôn hòa, tránh mọi bạo lực”.

Tình hình Colombia, Venezuela, Paraguay và Congo

1. Đất lở vì mưa lũ ở thành phố Mocoa, Colombia đã làm cho ít nhất 250 người chết và hơn 220 người bị thương theo thống kê sơ khởi.

Còn tại Venezuela, trong tuần qua, Tối cao pháp viện, gồm những thành phần thân chính phủ của tổng thống Maduro, đã bỏ phiếu giải tán quốc hội, trong đó phe đối lập chiếm đa số, đồng thời bãi bỏ quyền miễn tố của các đại biểu quốc hội.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng và HĐGM Venezuela, cũng như dư luận quốc tế và đặc biệt tại Nam Mỹ, Tổng thống Maduro tuyên bố xét lại án lệnh của tòa án tối cao và tái lập quốc hội. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng nhân đạo, thiếu lương thực, thuốc men tại Venezuela tiếp tục ở mức độ rất trầm trọng.

Tại Paraguay, hôm thứ sáu 30-3 vừa qua đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa phe đối lập và cảnh sát, sau khi những người đối lập tấn công và chiếm trụ sở quốc hội ở thủ đô Asunción để phản đối đề nghị của tổng thống cải tổ hiến pháp có từ năm 1992 để ông có thể ra tranh cử nhiệm kỳ 2.

Trong cuộc đụng độ, một thành viên phe đối lập 28 tuổi bị thiệt mạng. Tổng thống Horacio Cartes đã cách chức bộ trưởng nội vụ Tadeo Rojas và chỉ huy trưởng cảnh sát, Ông Crispulo Sotelo cũng bị bãi chức.

Congo Kinshasa

Tại Cộng hòa dân chủ Congo có cuộc nổi loạn ở miền Kasai từ tháng 8 năm ngoái và tình hình ngày càng đồi tệ hơn. Cách đây hơn 1 tuần HĐGM Congo và Đức Sứ thần Tòa Thánh tại đây ra thông cáo chung bày tỏ lo âu về tình trạng an ninh xã hội và số phận của dân chúng. Phiến quân sử dụng cả các binh sĩ trẻ em, và gây ra những vụ tấn công, giết hại thường dân, tạo nên làn sóng tị nạn. Mới đây người ta tìm thấy xác của 2 chuyên gia của LHQ, một người Mỹ và một người Thụy Điển hôm 29-3 vừa qua sau khi họ bị bắt đi mất tích.

Các GM tố giác rằng nhiều xứ đạo bị bỏ hoang hoặc trống rỗng vì các tín hữu phải di tản đi nơi khác.

Ngoài ra, hôm 2-4 vừa qua, Linh mục Charles Mukubayi, một trong các vị đặc trách tổ chức Caritas của giáo phận Luebo thuộc tỉnh Kasai cho biết một nhóm dân quân chưa được các lực lượng an ninh Congo xác định danh tánh đã cướp phá và thiêu hủy các cơ sở của Giáo hội Công Giáo tại Luebo. Cha Mukubayi đã phải rời bỏ thành phố này.

Cha nói với phái viên Radio Okapi: nhóm dân quân đã tấn công, cướp bóc và đốt tòa GM, văn phòng chưởng ấn, các văn phòng phối hợp các trường Công Giáo, các tập viện của các nữ tu và xúc phạm đến nhà thờ chính tòa thánh Gioan và nhà xứ tại đây. Họ phá đại chủng viên Lunkelu. Nhiều linh mục phải chạy vào rừng để lánh nạn.   Ngày 18-2 vừa qua, Đại chủng viện Malole ở Kananga, ở miền trung Kasai cũng bị cướp phá (SD, RG 3-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Xét đoán người khác làm tâm hồn mình ra hư hỏng

Xét đoán người khác làm tâm hồn mình ra hư hỏng

Chúa Giêsu nhìn con người với ánh mắt đầy tình thương mến, và đó là cách Chúa kiện toàn lề luật. Chúa mời gọi chúng ta thay vì xét đoán thì hãy thứ tha. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Thẩm phán làm chứng gian

Bài Tin Mừng kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Nhưng Chúa nói với những kẻ kết án chị rằng: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ ném đá trước đi!” Còn trong bài đọc trích sách ngôn sứ Daniel, chị Susana bị hai vị kỳ lão đểu giả vu khống tội ngoại tình. Nếu không nghe theo hai vị kỳ lão, thì chị sẽ bị họ vu cáo trước lề luật và chị sẽ bị ném đá chết. Trong hoàn cảnh bất công đau đớn ấy, chị Susana can đảm chọn sống đẹp lòng Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết oan, chứ không đời nào chị chịu phạm tội với hai lão ấy.

Ngày nay luôn có những thẩm phán xấu xa và hư hỏng như hai kỳ lão trong câu chuyện về chị Susana. Tại sao tội lỗi lại đi vào con người? Bởi vì tội lỗi là thế, là vì tôi phạm tội, là vì tôi không trung thành với Chúa; nhưng tôi cần cố gắng để không phạm thêm nữa, để không tái phạm nữa, hay ít ra tôi cũng biết rằng những điều đó là không tốt. Thế nhưng, cái tệ hại là ở chỗ, tội lỗi cứ đi vào từng chút từng chút, dần dần đến độ choán hết tâm trí và ngay cả không còn chỗ để thở nữa.

Tâm hồn luật sĩ ra hư hỏng

Trong câu chuyện về chị Susana, chị bị kết án tử vì những kẻ làm chứng gian. Chúa Giêsu cũng bị kết án tử bằng những lời chứng gian dối. Những kẻ làm chứng gian ấy là các luật sĩ các kỳ lão các thượng tế. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, người phụ nữ thực sự đã phạm tội ngoại tình, vậy các luật sĩ phạm tội gì? Đó là họ đã để cho tâm hồn họ ra hư hỏng.

Trước cảnh người phụ nữ ngoại tình bị tố cáo, Chúa Giêsu chỉ nói vài lời. Chúa nói với những kẻ kết án chị rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném chị này trước đi!” Chúa nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu, chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” Đó là cách Chúa kiện toàn lề luật. Đó chính là luật viên mãn. Còn các luật sĩ và người biệt phái trong vụ này, họ đã để cho tâm trí ra hư hỏng. Họ có đầy ắp luật lệ trong tâm trí, đến độ không còn chỗ cho lòng thương xót.

Đừng xét đoán! Hãy có lòng xót thương!

Cả chúng ta nữa, trong tâm hồn mình, chúng ta có xét đoán người khác không? Tâm hồn chúng ta có bị ra hư hỏng không? Có hay không? Hãy dừng lại! Đừng xét đoán! Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu vì Ngài là Đấng luôn có cái nhìn đầy tình thương mến, luôn phán đoán đầy lòng thương xót. Chúa nói: “Ta cũng không lên án con đâu! Hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha viếng thăm giáo phận Carpi, bắc Italia

Đức Thánh Cha viếng thăm giáo phận Carpi, bắc Italia

CARPI. ĐTC viếng thăm giáo phận Carpi từng bị động đất và mời gọi các tín hữu đừng để sầu muộn thất bại đè bẹp, trái lại tín thác và hy vọng nơi Chúa và trỗi dậy, như Ngài đã cho ông Lazzaro sống lại.

Bối cảnh

Một tuần sau chuyến viếng thăm ”lịch sử” tại tổng giáo phận Milano, giáo phận lớn nhất ở Âu Châu, chúa nhật 2-4-2017, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm một giáo phận nhỏ bé chỉ bằng 1 phần 45 so với Milano, đó là giáo phận Carpi, thuộc miền Emilia Romagna. Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của ngài tại Italia kể từ khi làm Giáo Hoàng cách đây 4 năm.

Giáo phận Carpi chỉ có 117 ngàn tín hữu Công Giáo, 39 giáo xứ với 60 LM. Cách đây gần 5 năm, tức là năm 2012, miền này bị động đất nặng làm cho 30 người chết, nhiều nhà cửa, thánh đường bị tàn phá. Hồi đó ĐGH Biển Đức 16 cũng đã viếng thăm giáo phận này và nay ĐTC Phanxicô đến đây để khích lệ niềm hy vọng của các tín hữu và dân chúng.

Đức Cha Francesco Cavina, GM giáo phận Carpi cho biết: ý thức do tầm mức quá bé nhỏ của giáo phận, ngài không hề nghĩ đến việc mời ĐTC đến viếng thăm. Nhưng cách đây ít lâu, chính ĐTC gọi điện và mời ngài về Roma để gặp. Đức Cha kể lại với đài Vatican:

”Trong câu chuyện dài, đến một lúc ĐTC mỉm cười nói: 'Tôi đã quyết định đến thăm giáo phận Carpi của Đức Cha trước lễ Phục sinh!”. May mắn lúc đó tôi ngồi trên ghế, nếu không thì tôi đã té xỉu rồi!. Hết ngạc nhiên, tôi chỉ còn biết cám ơn ĐTC, vì chắc chắn trong cuộc viếng thăm ngài sẽ có dịp thấy tận mắt sự phục hồi nơi lãnh thổ chúng tôi sau trận động đất, đặc biệt là việc mở lại nhà thờ chính tòa hôm 25-3 vừa qua, đúng 1 tuần lễ trước khi ĐTC đến Carpi.

Đức Cha Cavina giải thích thêm rằng: ”Công trình tái thiết trong 5 năm qua rất lớn, và ngày nay tất cả các công ăn việc làm được phục hồi. Trận động đất là làm chúng tôi mất 42 ngàn chỗ làm. Ngày nay, chỉ còn rất ít gia đình còn phải ở nơi tạm thời. Dầu sao việc tái thiết nhà cửa kể như chấm dứt. Điều còn phải làm là một số di tích lịch sử ở phía bắc giáo phận chúng tôi, nơi một số làng. Vì thế chính tôi đã xin ĐTC đến thăm Mirandola, có 24 ngàn dân cư vào ban chiều, để ngài thấy Nhà thờ Đức Mẹ lên trời ở đây còn bị hư hại, chưa sử dụng được.”

 

Thánh Lễ

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Tử Đạo, rồi cuối lễ ngài làm phép 3 viên đá đầu tiên để xây thánh đường mới của giáo xứ thánh Agata, nhà tĩnh tâm thánh Antôn ở Mercadello, và trung tâm bác ái của giáo phận Carpi. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Lúc quá 8 giờ sáng, ĐTC đã dùng trực thăng để bay từ Vatican đến Carpi, cách đó 346 cây số đường chim bay về hướng bắc. Thành phố này chỉ có 71 ngàn dân cư.

Đến nơi lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã được giáo quyền và chính quyền địa phương tiếp đón tại sân thể thao và ngài đi xe mui trần tiến về địa điểm hành lễ là nhà thờ chính tòa giáo phận Carpi mới được tái thánh hiến sau trận động đất.

Quảng trường dài trước Thánh Đường đông chật các tín hữu, khoảng 40 ngàn người. Trời có mây nhưng may mắn không mưa. Cạnh lễ đài được dựng trên thềm nhà thờ, có hàng trăm linh mục đồng tế thuộc giáo phận Carpi và những giáo phận phụ cận. Đồng tế với ĐTC cũng có các giám mục thuộc miền Emilia Romagna.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazzaro đã chết 4 ngày được sống lại và rút ra những bài học hy vọng tin tưởng cho các tín hữu ở trong hoàn cảnh đau thương và tuyệt vọng. Ngài nói:

”Chúng ta nhận xét rằng giữa cảnh thất vọng đau buồn chung vì cái chết của Lazzaro, Chúa Giêsu không để cho mình bị buồn sầu chế ngự. Tuy cũng đau buồn, nhưng Ngài yêu cầu mọi người hãy tin tưởng vững vàng; Chúa không khép mình trong than khóc, nhưng Ngài cảm động và lên đường tiến về ngôi mộ. Ngài không để khung cảnh cảm xúc cam chịu chung quanh thu hút Ngài, nhưng tin tưởng cầu nguyện và thưa rằng: ”Lạy Cha, con cảm tạ Cha” (v.41). Thế là trong mầu nhiệm đau khổ, mà tư tưởng và tiến bộ đụng phải như những con ruồi đụng phải tấm kiếng, Chúa Giêsu nêu gương về cách phải cư xử thế nào: đó là không trốn chạy đau khổ là điều thuộc về cuộc sống này, không để mình bị bi quan cầm tù.

Chung quanh ngôi mộ ấy, xảy ra một cuộc gặp gỡ – đụng độ lớn. Một đàng có một sự thất vọng lớn, sự bấp bênh trong đời sống luân lý của chúng ta, phải trải qua lo lắng vì cái chết, thường cảm thấy thất bại, tăm tối nội tâm dường như không thể vượt qua nổi. Linh hồn chúng ta được dựng nên để sống, chịu đau khổ khi cảm thấy rằng sự khao khát vĩnh cửu của mình bị một sự ác xưa kia và tăm tối đè bẹp. Một đàng có sự thất bại của ngôi mộ. Nhưng đàng khác có hy vọng chiến thắng sự chết và sự ác, và có một danh xưng đó là Chúa Giêsu. Chúa không mang lại một chút an sinh hoặc một liều thuốc nào có làm cho cuộc sống chúng ta được kéo dài, nhưng Ngài tuyên bố: ”Tôi là sự sống lại và là sự sống; ai tin tôi, thì dù có chết cũng sẽ sống” (v.25).

Từ những suy tư trên đây, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, cả chúng ta cũng được mời gọi quyết định xem mình đứng về phía nào. Ta có thể đứng về phía ngôi mộ hoặc đứng về phía Chúa Giêsu. Có người tiếp tục bị kẹt trong những đổ vỡ của cuộc sống, và có những người, như anh chị em, nhờ ơn Chúa giúp, đang gạt qua đổ vỡ và tái thiết trong niềm hy vọng kiên nhẫn".

”Đứng trước những câu hỏi lớn: ”Tại sao” của cuộc sống, chúng ta có hai con đường: hoặc là đứng nhìn những ngôi mộ quá khứ và hiện tại với thái độ tư lự hoài tưởng, hoặc để cho Chúa Giêsu đến gần những ngôi mộ của chúng ta. Đúng vậy, vì mỗi người chúng ta đã có một ngôi mộ nhỏ, một vùng chết chóc trong tâm hồn: một vết thương, một thiệt hại đã chịu hoặc đã làm, một sự oán hận không ngừng, một sự hối hận tái xuất hiện, một tội lỗi không vượt qua được. Ngày hôm nay, chúng ta hãy nhận ra những ngôi mộ của chúng ta và mời Chúa Giêsu tiến vào đó. Thật là điều lạ lùng: chúng ta thường thích ở lại một mình trong những hang động tối tăm của chúng ta, thay vì mời Chúa Giêsu đi vào; chúng ta bị cám dỗ tìm kiếm chính mình, lẩm bẫm và chìm sâu trong lo âu, liếm những vết thương của mình, thay vì đi gặp Chúa, Đấng nói rằng: ”Hãy đến cùng Thầy, hỡi những người mệt mỏi và bị áp bức, và Thầy sẽ bổ dưỡng cho” (Mt 11,28). Chúng ta đừng để mình bị cầm hãm vì cám dỗ muốn ở một mình và không tin tưởng, than khóc vì những gì xảy ra cho chúng ta; chúng ta đừng chiều theo những lý luận sợ hãi vô ích và chẳng dẫn đến đâu, đừng cam chịu lập lại rằng mọi sự bất ổn và không còn như trước đây nữa. Đó là bầu không khí của huyệt mộ; trái lại Chúa muốn mở con đường sự sống, con đường gặp gỡ với ngài, con đường tín thác nơi Ngài, con đường phục sinh tâm hồn”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:

”Lúc ấy chúng ta nghe những lời Chúa Giêsu nói với Lazzaro cũng được gửi đến mỗi người chúng ta: ”Hãy bước ra ngoài!”; hãy đi ngoài những sầu muộn vô vọng; hãy tháo những băng quấn của sợ hãi cản bước; hãy tháo những giây cột của sự yếu đuối và lo lắng ngăn cản bạn, hãy lập lại rằng Thiên Chúa tháo gỡ các nút chặn.

Khi theo Chúa Giêsu, chúng ta học cách không cột chặt cuộc sống chúng ta quanh những vấn đề vây quanh; chúng ta sẽ luôn có những vấn đề, và khi chúng ta giải quyết xong vấn đề này, thì một vấn đề khác lại nảy sinh. Nhưng chúng ta có thể tìm ra một sự ổn định mới và sự ổn định này chính là Chúa Giêsu, Ngài là sự sống lại và là sự sống; với Chúa, niềm vui ở trong con tim, niềm hy vọng tái sinh, đau thương biến thành an bình, lo sợ biến thành tin tưởng, thử thách biến thành sự dâng hiến yêu thương. Và cho dù những gánh nặng không thiếu, sẽ luôn có bàn tay Chúa nâng nên, Lời Chúa khích lệ và nói với bạn: ”Hãy đi ra ngoài, hãy đến cùng tôi!”

Cả chúng ta, ngày nay cũng như hồi đó, Chúa Giêsu nói: ”Hãy đẩy tảng đá đi!”. Dù quá khứ nặng nề đến đâu, dù tội lỗi nặng thế nào, xấu hổ mạnh ra sao, chúng ta đừng bao giờ khóa chặt lối vào đối với Chúa. Chúng ta hãy đẩy xa tảng đá cản lối không cho Chúa vào nơi chúng ta: đây là thời điểm thuận tiện để loại bỏ tội lỗi của chúng ta, sự quyến luyến của chúng ta đối với những thứ trần tục, sự kiêu ngạo ngăn chặn tâm hồn chúng ta.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Được Chúa Giêsu viếng thăm và giải thoát, chúng ta hãy cầu xin ơn được trở thành chứng nhân sự sống trong thế giới này, một thế giới đang khao khát sự sống, trở thành những chứng nhân khơi dậy và phục hồi niềm hy vọng nơi Thiên Chúa trong các tâm hồn mỏi mệt và bị buồn sầu đè nặng. Lời loan báo của chúng ta là niềm vui của Chúa hằng sống, ngày nay Chúa vẫn còn nói như đã nói với ngôn sứ Ezechiel: ”Này đây, ta mở các ngôi mộ của các ngươi, hỡi dân Ta, Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi các ngôi mộ của các ngươi” (Ez 37,12)

 

Lời kêu gọi

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin cuối thánh lễ, ĐTC nhắc đến lòng kính mến Đức Mẹ của các tín hữu và nhắn nhủ mọi người hãy dâng lên Mẹ những vui buồn, đau khổ và hy vọng của chúng ta. Ngài cám ơn các GM thuộc miền Emilia Romagna, các LM, tu sĩ nam nữ, chính quyền và tất cả những người đã cộng tác đặc biệt vào việc tổ chức cuộc viếng thăm và buổi lễ này.

ĐTC cũng kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột võ trang đẫm máu ở vùng Kasai thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo, làm cho nhiều người chết và dân chúng phải di tản, tài sản của Giáo Hội cũng bị phá hoại và cướp bóc. Ngài cũng bày tỏ lo âu về tình hình ở Venezuela, và Paraguay, và kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực, tìm kiếm các giải pháp bằng phương thế hòa bình. ĐTC cũng không quên các nạn nhân vụ đất lở ở tỉnh Mocoa bên Colombia làm cho ít nhất hơn 200 người chết và 220 người bị mất tích.

Sau thánh lễ, khoảng 1 giờ, ĐTC đã đến chủng viện giáo phận để dùng bữa trưa với các GM thuộc 15 giáo phận ở vùng Emilia Romagna, rồi lúc 3 giờ, ngài gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà nguyện chủng viện.

Sau đó lúc gần 4 giờ chiều, ngài đến đến thị trấn Mirandola ở mạn bắc thuộc giáo phận Carpi, viếng thăm nhà thờ chính tòa địa phương còn bị hư hại vì động đất và chưa sử dụng được. Ngài chào thăm dân chúng tại quảng trường trước thánh đường, rồi lúc 5 giờ, ngài đến giáo xứ thánh Giacomo Roncole, đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân động đất, trước khi đáp trực thăng về đến Vatican vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.

Tóm lược phần đầu của Thông điệp Populorum progressio

Tóm lược phần đầu của Thông điệp Populorum progressio

Cách đây 50 năm ngày 26 tháng 3 năm 1967 ĐGH Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Populorum progressio – Tiến bộ các dân tộc”, đề ra các đường hướng mới cho xã hội, trong đó có tình liên đới như dụng cụ cai trị các dân nước. Thông điệp đã ghi dấu một cuộc cách mạng thường được gọi là “cuộc cách mạng Montini”. Ngay từ năm 1963 Đức Phaolô VI đã bắt đầu thu thập các tài liệu rộng rãi liên quan tới “Sự phát triển kinh tế, xã hội, luân lý. Chất liệu nghiên cứu cho một thông điệp về các nguyên tắc luân lý của sự phát triển”. Việc soạn thảo Thông điệp như thế đã kéo dài nhiều năm, và sử dụng tất cả các bản tường trình của các vị Sứ Thần Tòa Thánh, các thư từ và tài liệu của các Giám Mục, phần đóng góp của các thần học gia, kinh tế gia và chính trị gia. Tài liệu  đã được soạn thảo 7 lần liên tiếp, lần đầu tiên vào tháng 9 năm 1964 cho tới văn bản chung kết vào tháng 2 năm 1967, và được công bố ngày 26 tháng 3 cùng năm.

Thông điệp gồm 87 số từ phần dẫn nhập cho tới lời kêu gọi kết thúc. Phần nhập đề khẳng định rằng “vấn đề xã hội là vấn đề luân lý”. Phần I của Thông điệp đề cập tới mục đích thông điệp nhắm tới là thăng tiến một sự phát triển toàn diện cho con người, tại khắp nơi trên thế giới này. Nó duyệt qua một số các dữ kiện giải thích tại sao lại cần phát triển con người toàn diện. Tiếp đến là tương quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công việc cần thực hiện trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Sau đây là một vài nét chính yếu.

Trong phần dẫn nhập Đức Phaolô VI ghi nhận rằng sau Công Đồng Chung Vatican II Giáo Hội ý thức rõ ràng hơn về các đòi buộc của Tin Mừng trong việc phục vụ con người, đặc biệt các dân tộc từ bao lâu nay đang phải sống dưới gánh nặng của nghèo đói, bần cùng, tật bệnh và dốt nát mà không được hưởng các hoa trái của nền văn minh nhân loại. Vấn đề xã hội có chiều kích luân lý sâu rộng, và các dân tộc nghèo đói gọi hỏi các dân tộc sung túc. Đây đã là lý do khiến cho Tòa Thánh thành lập Hội Đồng Công Lý và Hòa bình để thăng tiến sự phát triển của các dân tộc nghèo nhất. Dưới ánh sáng Tin Mừng Giáo Hội đề xướng một sự phát triển toàn diện cho con người, cho mọi người tại khắp nơi trên trái đất này. Thật thế, con người sống tại bất cứ đâu trên trái đất này cũng đều khát khao có được một cuộc sống bảo đảm, có công ăn việc làm ổn định, được giáo dục, được săn sóc sức khỏe, có các quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, được góp phần tràn đầy vào các trách nhiệm lo cho công ích, thoát khỏi mọi hoàn cảnh bần cùng, bị áp bức bất công và có được các điều kiện sống xứng đáng với con người hơn. Một số các tình trạng này đã có thể là hậu quả của các chế độ thực dân, hay của các cơ cấu xã hội thối nát.

** Tuy chúng có các hậu quả xấu xa, nhưng một số các cơ cấu các chế độ thực dân để lại cũng hữu ích cho các dân tộc địa phương, nhất là việc chống lại mù chữ dốt nát, bệnh tật, cũng như trong lãnh vực thông thương và cải tiến các điều kiện sống. Tuy nhiên, thực tại kinh tế tân tiến cũng tạo ra tình trạng mất quân bình, và hố sâu cách biệt giữa người giầu và người nghèo ngày càng gia tăng. Tại các quốc gia nghèo, giới nông dân ngày càng ý thức được các bất công họ phải gánh chịu. Tiến trình độc lập quốc gia khiến cho dân chúng muốn sống kinh nghiệm các quyền từ do cá nhân, chính trị, xã hội, kinh tế.

Ngoài ra còn có sự va chạm giữa các nền văn minh truyền thống và nền văn minh kỹ nghệ tân tiến. Các thế hệ già vẫn bám víu vào các giá trị truyền thống, trong khi các thế hệ trẻ hướng tới các mới mẻ và coi chúng là chướng ngại vô ích cần loại bỏ. Nguy cơ chạy theo các chủ trương cứu thế hứa hẹn ảo tưởng, các phản ứng bạo động và nổi dậy có thể đẩy đưa các dân tộc rơi vào các ý thức hệ độc tài là một vấn đề nghiêm trọng.

Thật ra, ngay từ lúc khởi đầu Giáo Hội  đã luôn luôn lưu tâm tới việc phát triển toàn diện cho con người, noi gương Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đến để phục vụ. Đó cũng là điều được hàng hàng lớp lớp các thế hệ thừa sai thực thi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong lãnh vực phát triển văn hóa. Tuy hai lãnh vực đạo đời khác nhau, nhưng Giáo Hội ước mong trợ giúp con người và mọi dân tộc đáp ứng các khát vọng chính đáng của họ bằng cách cống hiến cho các dân tộc một quan niệm toàn cầu về con người và về nhân loại. Vì thế sự phát triển phải bao gồm mọi chiều kích cuộc sống con người, chứ không phải chỉ trên bình diện kinh tế. Thiên Chúa tạo dựng con người có trí thông minh và sự tự do, vì thế con người có trách nhiệm đối với sự phát triển cũng như ơn cứu rỗi và sự thành công hay thất bại của chính mình. Con người có bổn phận phát triển mọi tài năng và khả thể của mình để là người hơn theo ý định của Đấng Tạo Hoá. Tuy nhiên, toàn cộng đoàn xã hội và nhân loại trong đó con người sống cũng có bổn phận tạo mọi thuận tiện cho sự phát triển này với các cơ cấu cần thiết thích hợp. Tình liên đới đại đồng cũng là một bổn phận. Tuy nhiên, việc chiếm hữu các của cải có thể dẫn đưa con người tới sự ham hố, bị cám dỗ ngày càng muốn có nhiều của cải và quyền lực hơn. Tính hà tiện của các cá nhân và các quốc gia có thể lây sang các người có ít của cải cũng như người giầu, và dấy lên một chủ trương duy vật bóp nghẹt con người. Khi đó tâm trí con người trở thành chai cứng, khép kín và con người không còn gặp nhau trong tình bạn nữa, nhưng chia rẽ và chống đối nhau vì lợi lộc. Hà tiện là hình thái hiển nhiên nhất của tình trạng kém mở mang luân lý.

Việc phát triển đòi buộc phải có thêm nhiều chuyên viên kỹ thuật, nhưng cũng cần có nhiều tư tưởng gia có khả năng suy tư để tìm ra một nền nhân bản mới, cho phép con người tìm lại chính mình và tiếp nhận các gia trị cao hơn của tình yêu thương, tình bạn, của lời cầu nguyện và việc chiêm niệm, là những giá trị giúp con người đạt các điều kiện nhân bản hơn. Do đó cần làm sao để loại bỏ tất cả những gì khiến cho con người ít là người hơn như: sự thiếu thốn các điều kiện vật chất tối thiểu cho cuộc sống, các cơ cấu đàn áp, lạm dụng quyền bính, khai thác bóc lột nhân công, và mọi hình thức bất công xã hội khác. Phải thăng tiến các điều kiện giúp cuộc sống con người được nhân bản hơn như chiến thắng các tai ương xã hội, thăng tiến sự hiểu biết, văn hóa giáo dục và tôn trọng nhân phẩm, cộng tác lo cho công ích, phát huy hoà bình và thừa nhận các giá trị siêu việt, Thiên Chúa và niềm tin.

** Trong số các công tác phải làm để thực hiện việc phát triển toàn diện cho con người có ý thức tài nguyên thiên nhiên được ban cho tất cả mọi người. Cần sử dụng chúng thế nào để cung cấp cho mọi người các phương tiện sinh sống. Mọi nguời và mọi dân tộc đều phải được hưởng các lợi ích của chúng theo các luật lệ công bằng. Tư sản là một quyền, nhưng nó không được gây thiệt hại cho công ích. Công ích đôi khi cũng đòi buộc việc truất hữu, cấm chuyển vốn ra ngoài từ những người có lợi tức cao phát xuất từ các nguồn lợi và sinh hoạt quốc gia, vì chuyển vốn như thế là gây thiệt hại cho đất nước.

Việc kỹ nghệ hoá cần thiết cho sức tăng trưởng kinh tế là dấu chỉ của sự phát triển. Nó thúc đẩy con người khám phá, tìm tòi, sáng chế. Nhưng các điều kiện mới của xã hội làm nảy sinh ra một hệ thống coi lợi nhuận như động lực nòng cốt của việc phát triển kinh tế, dẫn đưa tới chủ thuyết tự do không kìm hãm và chế độ độc tài, mà Đức Piô XI gọi là “đế quốc quốc tế của tiền bạc”, là nguồn gốc của biết bao nhiêu khổ đau và bất công, cũng như các cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên thế giới này.

Công việc làm trong mọi hình thái khác nhau của nó khiến cho con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hiệp nhất các ý chí, và làm cho các tâm hồn xích lại gần nhau. Nhưng nó cũng có thể biến con người thành nô lệ, vì hứa bẹn tiền bạc, thụ hưởng và quyền lực mời gọi ích kỷ hay nổi loạn. Vì thế cần cấp bách trả lại phẩm giá cho người lao động, và tái lập thế quân bình giữa các tầng lớp xã hội với các cuộc cải cách nông nghiệp và kỹ nghệ được chuẩn bị kỹ lưỡng để đừng tạo ra các đau khổ và bần cùng mới.

Trong những trường hợp bất công, trong đó toàn dân phải sống trong các điều kiện tuỳ thuộc không thể thăng tiến văn hoá và tham gia vào đời sống xã hội chính trị, thì cám dỗ dùng bạo lực để thay đổi rất lớn. Ngoại trừ trường hợp của một chế độ độc tài hiển nhiên kéo dài chà đạp các quyền nền tảng của con người và gây thiệt hại cho đất nước, cách mạnh bạo lực là nguồn gốc của các bất công, các mất quân bình và các đổ vỡ  mới. Cần phải can đảm dẹp bỏ và chiến thắng các bất công. Việc  phát triển đòi hỏi các thay đổi bạo dạn, các canh tân sâu rộng và các chương trình khích lệ, kích thích, phối hợp, trợ giúp, và hội nhập hoạt động của các cá nhân và các tổ chức trung gian làm sao để tránh nguy cơ của việc tập thể hoá toàn diện chối bỏ các quyền tự do của con người. Mọi chương trình đều phải nhắm phục vụ con người, giảm bất công, chống lại kỳ thị, giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ, và thăng tiến vật chất, tinh thần, luân lý, tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế và kỹ thuật chỉ có ý nghĩa khi chúng phục vụ và thăng tiến con người toàn diện. Cần phải tránh các sai lầm của chủ thuyết tự do và của các nước kỹ nghệ phát triển trong quá khứ.

** Vì sư tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự phát triển xã hội nên cần phát huy giáo dục, chống nạn mù chữ dốt nát, đào tạo các chuyên viên cho mọi ngành nghề và lãnh vực cuộc sống xã hội. Tiếp đến phải thăng tiến gia đình là môi trường xã hội đầu tiên giúp con người phát triển toàn diện và quân bình. Cần cải tổ các cơ cấu xã hội cũ rích và cứng nhắc tại các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Gia đình tự nhiên một vợ một chồng ổn định theo chương trình của Thiên Chúa và được Kitô giáo thánh hóa phải là nơi gặp gỡ của các thế hệ trợ giúp  nhau có được sự khôn ngoan lớn hơn và hài hoà các quyền của các bản vị với các đòi buộc của cuộc sống xã hội.

Việc dân số gia tăng nhanh chóng tạo ra các khó khăn mới cho sự phát triển, vì thế người ta bị cám dỗ ngăn chặn dân số gia tăng với các biện pháp triệt để. Các giới hữu trách xã hội phải lựa chọn các biện pháp phù hợp với các đòi hỏi luân lý, và các cha mẹ là những người có quyền quyết định số con họ muốn cho chào đời, theo lương tâm của họ.

Bên cạnh cơ cấu gia đình việc phát triển cũng cần tới các tổ chức chuyên môn giúp giáo dục, đào tạo, gia tăng ý thức về công ích và các bổn phận của từng thành phần xã hội. Một đa nguyên tổ chức hoạt động xã hội chuyên nghiệp và nghiệp đoàn có thể chấp nhận được, khi nó bảo vệ tự do và các quyền con người, Kitô hữu không thể chấp nhận triết thuyết duy vật vô thần không tôn trọng tôn giáo, tự do và phẩm giá con người.

Ngoài các tổ chức nghề nghiệp cũng cần có các cơ cấu văn hoá. Tương lai thế giới sẽ gặp nguy hiểm, nếu xã hội không có các người khôn ngoan. Các tổ chức văn hoá bảo đảm cho cuộc sống con người có các biểu lộ  cao hơn trong các lãnh vực nghệ thuật , trí thức và tôn giáo của cuộc sống tinh thần.

Các dân tộc nghèo phải đề phòng kiểu mẫu phát triển mà các nước kỹ nghệ giầu đề nghị chỉ nhằm chiếm hữu sự sung túc vật chất. Cần biết lựa chọn các thiện ích đích thật. Để có thể phát triển đích thực cần thăng tiến một nền nhân bản toàn cầu giúp phát triển con người toàn vẹn và thăng tiến tất cả mọi người, rộng mở cho Đấng Tuyệt Đối. Vì con người chỉ thực hiện chính mình, khi siêu thăng chính mình.

Linh Tiến Khải

TGP San Francisco được thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria

TGP San Francisco được thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria

San Francisco, California – Nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Maria hiện ra tại Fatima, đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco sẽ thánh hiến giáo phận của ngài cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria.

Đức Tổng Giám mục Cordileone nói: “Tôi tin tưởng là tổng giáo phận sẽ nhận được nhiều ơn qua lời cầu bầu của Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria nếu chúng ta được chuẩn bị về tinh thần và sống xứng đáng. Để việc thánh hiến này sinh ơn ích, chúng ta phải chuẩn bị chính mình về đàng thiêng liêng và với giáo lý cho ngày ý nghĩa này.” Ngài cũng cho biết việc thánh hiến này là đáp lại yêu cầu của nhiều tín hữu.

Ngày thánh hiến sẽ vào ngày 07/10, cũng là ngàỳ hội Mân Côi hàng năm của tổng giáo phận.

Trên trang web của tổng giáo phận có một phần nói về ngày thánh hiến này, trong đó có các kinh về Đức Mẹ và giải thích về Đức Mẹ Fatima.

Trang web mô tả Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria như là tên gọi dành cho đời sống nội tâm của Đức Trinh Nữ Maria, bao gồm “niềm vui và nỗi buồn, những nhân đức và sự hoàn hảo ẩn dấu của Mẹ, và trên hết là tình yêu trinh nguyên của Mẹ dành cho Thiên Chúa Cha, tình mẫu tử cho Chúa Giêsu Con của Mẹ, và tình thương cảm thông của Mẹ cho tất cả mọi người.”

Trang web cũng đề ra một số hoạt động và các ý cầu nguyện cho mỗi tháng cho đến ngày thánh hiến. Cũng có cuộc thi nghệ thuật và viết cho các học sinh và ngày tĩnh tâm về Đức Mẹ ngày 06/10.

Đức Mẹ Maria đã hiện ra nhiều lần với 3 trẻ mục đồng là Lucia, Phanxicô và Giaxinta ở Fatima, Bồ đào nha từ tháng 5 đến tháng 10/2017. Mẹ đã trao một sứ điệp cho các em, trong đó Mẹ yêu cầu khắp thế giới cầu nguyện và làm việc đền tội. (CNA 29/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi bỏ thành kiến giữa Công Giáo – Tin Lành

Đức Thánh Cha kêu gọi bỏ thành kiến giữa Công Giáo – Tin Lành

VATICAN. ĐTC chào mừng Hội nghị về đề tài ”Luther 500 năm sau” và gọi đây là một sự kiện không thể có được cách đây ít lâu.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31-3-2017, dành cho 150 học giả quốc tế tham dự Hội nghị do Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học tổ chức từ ngày 29-3-2017 về đề tài ”Luther 500 năm sau. Đọc lại cuộc cải cách của Luther trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội”.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Các tín hữu Tin Lành và Công Giáo cùng nói về Luther do sáng kiến của một cơ quan Tòa Thánh, một Hội nghị như vậy là điều không thể tưởng tượng được cách đây ít lâu: ở đây chúng ta động chạm một cách cụ thể những thành quả hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng vượt lên trên mọi biên giới và biến những xung đột thành cơ hội để tăng trưởng trong tình hiệp thông”.

ĐTC vui mừng vì Hội nghị kỷ niệm này mang lại cơ hội cho các học giả đến từ nhiều tổ chức cùng nhìn các biến cố lịch sử, đào sâu về con người của Luther và sự phê bình của ông chống lại Giáo Hội thời ấy, cũng như chức vụ Giáo Hoàng, những điều ấy chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu không khí nghi kỵ và cạnh tranh nhau, đã kéo dài quá lâu trong tương quan giữa hai bên.   Theo ĐTC, ”sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, không vướng thành kiến và bút chiến ý thức hệ, giúp các Giáo Hội đang đối thoại ngày nay, phân định và đón nhận những gì là tích cực và hợp pháp trong cuộc cải tổ, và xa tránh những sai lầm, phóng đại, thất bại, nhìn nhận những tội lỗi đã đưa tới chia rẽ”.

Và ĐTC cũng khẳng định rằng ”Tất cả chúng ta đều biết là không thể thay đổi quá khứ, nhưng 50 năm sau cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin lành, chúng ta có thể thực hiện một sự thanh tẩy ký ức, để có thể ”kể lại lịch sự một cách khác”, không mang vết tích oán hận vì những vết thương đã phải chịu, làm cho sự nhận xét về nhau bị lệch lạc”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Cha Bernard Ardura, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học, cho biết điều quan trọng nhất của Hội nghị này là xem xét coi khi đọc lại cuộc cải cách người ta có thể khám phá những điều hiểu lầm hay không. Ví dụ đạo lý về ơn công chính hóa mà Công Giáo và Tin Lành Luther đã đạt tới một sự đồng thuận, qua đó người ta hiểu rằng tuy có những ngôn từ khác, chúng ta có cùng một sự hiệp thông trong đức tin. Ngoài ra có những khía cạnh khác như sự cấu thành chính Giáo Hội, vai trò của thừa tác vụ trong Giáo Hội, sự kế truyền tông đồ, chỗ đứng của các bí tích. Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ. (SD 31-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Ý nghĩa của logo của chuyến viếng thăm Ai cập của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Ý nghĩa của logo của chuyến viếng thăm Ai cập của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Cairo – Đức Giáo Hoàng của hòa bình ở Ai cập hòa bình. Đây là dòng chữ xuất hiện trên logo của chuyến viếng thăm Ai cập của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào cuối tháng 4.

Ai cập, hoà bình và Đức Giáo hoàng Phanxicô là 3 yếu tố cấu thành logo của chuyến viếng thăm, có tên gọi ý nghĩa: Đức Giáo hoàng của hòa bình ở quốc gia hòa bình.

Trên hết, Ai cập được biểu tượng với sông Nile vĩnh hằng. Sông Nile là biểu tượng của sự sống, nhưng cũng là sự tiếp đón các tôn giáo độc thần. Ai cập chìm đắm trong lịch sử của nền văn minh và điều này được thể hiện bởi sự hiện diện của các kim tự tháp và sự vững chắc của nhân sư.

Có một thánh giá và một nửa vầng trăng ôm choàng nhau, biểu tượng cho sự chung sống giữa các thành phần dân chúng Ai cập. Cuộc đối thoại Hồi giáo và Kitô giáo – phần quan trọng của chuyến viếng thăm, với cuộc thăm viếng đại học Al Azhar.

Tiếp đến, là hòa bình, được biểu trưng bởi con chim bồ câu đang nhìn đến điều được mô tả như “đất nước của hòa bình.”

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng đến. Chim bồ câu đi trước Đức Giáo hoàng, loan báo “Giáo hoàng của hòa bình” đến “quốc gia của hòa bình.”

Logo nói lên điều người ta mong đợi ở chuyến viếng thăm: niềm hy vọng của một hòa bình được tái lập, được xây dựng cũng nhờ vào chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng được xây dựng trên hết, ngày qua ngày, ngay cả khi mà những ồn ào bởi các phương tiện truyền thông về chuyến thăm chấm dứt. (ACI 30/03/0217)

Hồng Thủy

 

Thư Đức Thánh Cha về Đại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo

Thư Đức Thánh Cha về Đại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo

VATICAN. ĐTC kêu gọi đào sâu suy tư và chia sẻ về nội dung Tông Huấn ”Amoris laetitia” (Niềm vui yêu thương), trong dịp chuẩn bị và tiến hành Đại Hội kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới.

Đại Hội sẽ tiến hành từ ngày 21 đến 26-8 năm 2018, tại Dublin thủ đô Cộng hòa Ailen, về đề tài: ”Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thư gửi các gia đình Công Giáo thế giới được công bố trong cuộc họp báo sáng hôm 30-3-2017, của ĐHY Kevin Joseph Farrell, người Ai Len, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cùng với Đức Cha Diarmuid Martin, TGM giáo phận Dublin.

ĐTC viết: ”Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tin Mừng có tiếp tục là niềm vui cho thế giới hay không? Gia đình có tiếp tục là Tin Mừng cho thế giới ngày nay hay không?”. Ngài xác quyết là có và khẳng định rằng ”Gia đình chính là sự khẳng định của Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ đi từ tình yêu gia đình mới có thể biểu lộ, phổ biến và tái tạo tình thương của Thiên Chúa trong thế giới. Nếu không có tình yêu thì không thể sống như con cái Thiên Chúa, như vợ chồng, như cha mẹ và anh chị em”.

Cụ thể hơn, ĐTC giải thích rằng ”các gia đình cần phải tự hỏi xem mình có thường sống bởi tình yêu, cho tình yêu và trong tình yêu hay không. Điều này có nghĩa là hiến thân, tha thứ, không dạy đời, ân cần săn sóc và tôn trọng người bạn đường của mình. Đời sống gia đình sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi ngày họ sống 3 lời đơn sơ: xin làm ơn, cám ơn, và xin lỗi. Mỗi ngày chúng ta cảm nghiệm sự dòn mỏng và yếu đuối, vì thế tất cả chúng ta, các gia đình và các mục tử, cần có sự tái khiêm tốn để ước muốn học hỏi, và được giáo dục, giúp đỡ và được giúp đỡ, đồng hành, phân định và hội nhập tất cả những người thiện chí”.

ĐTC tái bày tỏ mong ước một ”Giáo Hội đi ra ngoài, không tự tham chiếu, một Giáo Hội không rời xa những vết thương của con người, nhưng là một Giáo hội từ bi thương xót, loan báo trọng tâm mạc khải của Thiên Chúa Tình Thương chính là Lòng Thương Xót. Chính lòng thương xót này đổi mới chúng ta trong tình yêu.. Chúng ta biết có bao nhiêu gia đình Kitô là nơi sống và là chứng nhân về lòng thương xót. Sau năm thánh lòng thương xót họ càng thương xót hơn và cuộc gặp gỡ tại Dublin cò thể cống hiến những dấu chỉ cụ thể về lòng thương xót”.

Sau cùng, ĐTC ủy thác cho ĐHY Farrell và các cộng sự viên nhiệm vụ xác định một cách đặc thù giáo huấn của Tông Huấn Niềm vui Yêu thương qua đó, Giáo Hội muốn rằng các gia đình luôn tiến hành, trong cuộc lữ hành nội tâm là một sự biểu hiện cuộc sống đích thực”.

Họp báo

Trong cuộc họp báo, Đức TGM Diarmuid Martin cho biết chương 8 của Tông Huấn ”Amoris laetitia” bàn về các gia đình mong manh hơn (ly dị, ly thân, tái hôn dân sự, vv..) không thể chiếm vị trí trung tâm trong việc chuẩn bị Đại hội gia đình thế giới ở Dublin. ”Phải nói về các gia đình bị tấn công, chúng ta không thể có một lối tiếp cận ý thức hệ, nhưng ta phải tự hỏi làm sao đương đầu với các thách đố? Làm sao gia đình có thể sống trong xã hội này? Nhất là tại một số vùng nghèo, người ta hãnh diện vì có con cái, là gia đình, điều này xảy ra ở Ai Len, nhưng không phải chỉ ở nước này mà thôi, cả ở Roma nữa, và Giáo Hội phải để ý đến điều đó.. Dầu sao điều đầu tiên không phải là nhiều giáo lý về gia đình, nhưng là tình yêu đối với con cái, như Chúa Giêsu đã nói”.

ĐHY Farrell nhận xét rằng ”nhiều khi người ta chỉ nói về một khía cạnh của Tông huấn ”Amoris laetitia” (ngài ám chỉ đến chương 8), mà ít để ý đến giáo huấn của toàn văn kiện, nhất là chương 2, 3 và 4 cũng rất quan trọng. Trong Giáo Hội, có những gia đình ở nhiều nơi với các não trạng khác nhau, điều quan trọng là giái thích đời sống hôn nhân; chúng ta cần đồng hành với các gia đình trong giai đoạn tiền hôn nhân và rồi trong toàn thể đời sống hôn nhân.. Chúng ta phải luôn đồng hành và hiểu, chúng ta là Giáo Hội. Nhiều gia đình không đi nhà thờ, xa lìa Giáo Hội và việc chuẩn bị cho Đại hội ở Dublin cũng phải để ý đến những điều đó” (SD, Ansa 30-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” mở tài khoản Twitter và Instagram

Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” mở tài khoản Twitter và Instagram

Vatican – Mọi người trên khắp thế giới có thể kết nối trực tiếp với văn phòng “Đồng tiền thánh Phêrô” qua Twitter (@Obolus_EN) và Instagram.

Đây là cơ quan nhận sự đóng góp của các tín hữu như dấu chỉ sự chia sẻ của họ với những quan tâm của Đức Giáo hoàng cho các nhu cầu khác nhau của Giáo hội toàn cầu.

Vào tháng 11/2016, cơ quan bác ái này đã mở một trang web với các ngôn ngữ Anh, Italia và Tây ban nha nhắm thông tin trực tiếp, chính xác và minh bạch cho các tĩn hữu Công giáo khắp thế giới và những ai muốn giúp cho những người nghèo khổ nhất.

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng đã được đăng trên trang web, nay cũng được post trên Twitter và Instagram, với các hình ảnh, suy tư và thông tin về các công việc bác ái của Tòa Thánh.

Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” cam kết hỗ trợ các chương trình lớn nhỏ trên khắp thế giới, như xây dựng bệnh viện nhi ở Bangui, Trung phi, xoa dịu đau khổ của dân Ukraine và hỗ trợ đại học Công giáo đầu tiên ở trên đất Jordan.

Nhờ sáng kiến của Tòa Thánh cùng với sự cộng tác của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Bộ truyền thông và Phủ Thống đốc thành Vatican, các tài khoản Twitter bằng các ngôn ngữ Anh, Italia và Tây ban nha – “Obolo di San Pietro: @obolus_it”; “Obolo de San Pedro: @obolus_es”; “Peter’s Pence:@obolus_en” – và tài khoản Instagram “Obolus: obolus_va” có thể đươch các tín hữu Công giáo khắp thế giới theo dõi. (SD 30/03/2017)

Hồng Thủy

Cuộc sống tin cậy của tổ phụ Abraham loan báo sự phục sinh

Cuộc sống tin cậy của tổ phụ Abraham loan báo sự phục sinh

Cuộc đời của tổ phụ Abraham không chỉ dậy cho chúng ta biết ngài là cha chúng ta trong lòng tin, mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa. Vì các biến cố cuộc đời tổ phụ loan báo sự phục sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 29-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn trích từ chương 4 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma viết rằng: “Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy,17 như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết… Bởi thế, ông được kể là người công chính.”

ĐTC nói: đoạn thư chúng ta vừa nghe là một món quà lớn, vì nó khiến cho chúng ta hiểu rằng tổ phụ Abraham không chỉ là cha chúng ta trong lòng tin mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa; không phải chỉ là cha trong lòng tin nhưng cũng là cha trong niềm hy vọng, vì các biến cố trong cuộc đời tổ phụ cũng loan báo sự Phục Sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết nữa.

** Văn bản nói rằng Abraham tin nơi Thiên Chúa “là Đấng ban sự sống cho người đã chết và gọi vào sự hiện hữu các vật không hiện hữu” (Rm 4,17), và văn bản xác định: “Người không chao đảo trong niềm tin, mặc dù thấy thân xác mình và cung lòng bà Sara đã như chết rồi” (Rm 4,19).  Đó cũng chính là kinh nghiệm chúng ta được mời gọi sống. ĐTC miêu tả Thiên Chúa như sau:

Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải cho Abraham là Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa làm cho ra khỏi sự tuyệt vọng và cái chết, Thiên Chúa kêu gọi vào sự sống. Trong câu chuyện của Abraham tất cả đều trở thành  một thánh thi chúc tụng Thiên Chúa, là Đấng giải thoát và tái sinh, tất cả trở thành ngôn sứ. Và nó trở thành cho chúng ta, giờ đây nhận biết và cử hành việc thành toàn của tất cả mầu nhiệm Phục Sinh. Thật thế, Thiên Chúa “đã cho Đức Giêsu sống lại từ những kẻ đã chết” (Rm 4,24), để cả chúng ta nữa trong Ngài cũng có thể từ cái chết bước qua sự sống. Và khi đó Abraham thực sự có thể nói mình “là cha của nhiều dân tộc”, trong nghĩa ông rạng ngời lên như lời loan báo một nhân loại mới, đã được Chúa Kitô cứu chuộc khỏi tội lỗi và cái chết, và đưa vào trong vòng tay ôm tình yêu của Thiên Chúa, một lần cho luôn mãi.

Tới đây thánh Phaolô  giúp chúng ta minh xác mối dây ràng buộc chặt chẽ giữa lòng tin và niềm hy vọng. Ngài khẳng định rằng tổ phụ Abraham tin, vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng” (Rm 4,18).

 ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên các lý luận, các dự trù và các trấn an của con người; và nó được bầy tỏ ở nơi không còn có hy vọng nữa, ở nơi không còn gì để hy vọng, như xảy ra cho chính tổ phụ Abraham, trước cái chết gần kề của ông và trước việc không sinh sản của vợ là bà Sara. Đối với họ đó đã là kết thúc, họ đã không thể có con và trong tình trạng ấy, Abraham đã tin và đã hy vọng chống lại mọi hy vọng. Điều này thật lớn lao!  Niềm hy vọng lớn lao đâm rễ trong đức tin, và chính vì thế nó có khả năng đi xa hơn mọi hy vọng. Phải, vì nó không dựa trên lời nói của chúng ta, nhưng dựa trên Lời của Thiên Chúa. Cả trong nghĩa này nữa khi đó chúng ta được mời gọi noi gương tổ phụ Abraham, là người trước sự hiển nhiên của một thực tại  xem ra phải chết, ông vẫn tín thác nơi Thiên Chúa, “hoàn toàn xác tín rằng  những gì Ngài dã hứa Chúa cũng có thể đưa tới chỗ thành toàn” (Rm 4,21).

** Tôi muốn hỏi anh chị em một câu: Chúng ta, tất cả chúng ta đây, chúng ta có xác tín về điều này không? Chúng ta có xác tín rằng Thiên Chúa yêu chúng ta, và tất cả những gì Ngài đã hứa với chúng ta thì Ngài sẵn sàng đưa nó tới chỗ thành toàn không? “Nhưng mà thưa cha chúng con phải trả bao nhiêu tiền cho điều đó?” Chúa trả lời: Có một giá: đó là hãy mở rộng con tim. Hãy rộng mở con tim anh chị em, và sức mạnh này của Thiên Chúa sẽ làm cho nó tiến tới, sẽ làm các điều kỳ diệu, và sẽ dậy cho anh chị em biết niềm hy vọng là gì. Đó là giá trả duy nhất: rộng mở con tim cho đức tin và Chúa sẽ làm mọi sự còn lại.

Đó chính là sự mâu thuẫn đồng thời là yếu tố mạnh mẽ nhất, cao cả nhất mà trên bình diện nhân loại xem ra không chắc chắn và không thể dự kiến, nhưng không suy giảm, kể cả trước cái chết, khi Đấng đã hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống. Đây là điều không phải bất cứ ai cũng hứa được đâu, không! Người hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống.

Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ơn được xây dựng, không phải trên các an ninh, các khả năng của chúng ta, nhưng trên niềm hy vọng vọt lên từ lời hứa của Thiên  Chúa, như là các con cái đích thật của tổ phụ Abraham. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đưa tới chỗ thành toàn điều Ngài hứa. Ngài không bao giờ nuốt lời.  Và khi đó cuộc sống chúng ta sẽ có được một ánh sáng mới, trong ý thức rằng Đấng đã cho Con của Ngài sống lại cũng sẽ cho chúng ta phục sinh, và thực sự khiến cho chúng ta trở thành một với Ngài, cùng với tất cả các anh chị em khác trong đức tin. Chúng ta tất cả đều tin. Hôm nay chúng ta tất cả ở quảng trường này, chúng ta chúc tụng Chúa, chúng ta sẽ hát Kinh Lậy Cha, rồi lãnh nhận phép lành… Tuy điều này qua đi, nhưng nó cũng là một lời hứa của hy vọng. Nếu hôm nay chúng ta có con tim rộng mở, tôi bảo đảm với anh chị em là tất cả chúng ta sẽ gặp nhau trong quảng trường trên Trời luôn mãi, không bao giờ tàn. Và đó là lời hứa của Thiên Chúa. Và đó là niềm hy vọng của chúng ta, nếu chúng ta rộng mở tâm lòng mình.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội những người bại liệt và cộng đoàn Suối nguồn và cầu chúc họ vững niềm cậy trông và kiên trì tiến bước trong đời.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương đến từ Êcốt, Phần Lan, Na Uy, Philippines và Hoa Kỳ, đặc biệt là nhóm các dân biểu Anh quốc liên lạc với Toà Thánh. Ngài đánh giá cao công việc của họ và cầu mong mùa Chay thánh là thời gian ân sủng và canh tân tinh thần cho mọi người.

Bên cạnh các nhóm, Đức và Tây Ban Nha ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Bồ Đào Nha, đặc biệt là nhóm “Bạn của các viện bảo tàng Bồ Đào Nha”, các học sinh và giáo sư trường trung học Cedros. Ngài cầu chúc họ biết canh tân tinh thần, sống gắn bó với Chúa Kitô hơn và hăng say làm việc trong vườn nho của Chúa.

Với các nhóm Ba Lan ngài đặc biệt chào đoàn hành hương người mù Wieliszka và cầu chúc tất cả học sống hy vọng mạnh hơn sự dữ và cái chết, vì dựa trên Lời Chúa là Đấng đã cho Đức Kitô sống lại.

Trong số các nhóm Ý ĐTC chào các linh mục của phong trào Tổ Ấm Focolari, hiệp hội bênh vực sự sống Italia, tín hữu vùng Cassino mừng 70 năm thánh hiến nhà thờ kính thánh Antôn thành Padova, cũng như đội bóng rổ Gaeta. Ngài cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố sự hiệp thông của họ với Giáo Hội hoàn vũ và Người kế vị thánh Phêrô.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu chúc muà Chay giúp giới trẻ tái khám phá ra tầm quan trọng của lòng tin trong cuộc sống thường ngày; người đau yếu biết kết hiệp các khổ đau của họ với các khổ đau trên thập giá của Chúa Kitô; và các cặp vợ chồng mới cưới biết tạo thuận tiện cho sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Thêm một linh mục Mexico bị tội phạm giết

Thêm một linh mục Mexico bị tội phạm giết

Thành phố Mêhicô – Cha Felipe Carrillo Altamirano bị giết hôm Chúa nhật 26/03 vừa qua tại El Nayar, giám hạt Jesús María del Nayar, bang Nayarit; cha rõ ràng là nạn nhân của cuộc tấn công cướp của.

 

Trong thông cáo về cái chết của cha Felipe, Hội đồng Giám mục Mêhicô nhấn mạnh rằng một lần nữa, một linh mục Công giáo đã bị tội phạm tấn công. Đồng thời các Giám mục cũng bày tỏ lời chia buồn với gia đình nạn nhân và đức cha José de Jesús González Hernández, giám mục Nayar.

Cha Felipe là linh mục thứ hai bị giết từ đầu năm nay. Trước đo, hồi đầu tháng 1, cha Joaquin Hernandez Sifuentes, giáo phận Saltillo, đã bị giết.

Thông cáo của các Giám mục nói về sự kiện đau buồn này: “Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta sức mạnh để tranh đấu cho việc xây dựng một thế giới hòa giải và hòa bình, công bằng và huynh đệ. Chết không phải là kết thúc của thông điệp tình yêu, mà Đấng Cứu Thế mang lại cho chúng ta, nhưng là sự viên mãn của cuộc sống. Với chức linh mục của mình, Cha Felipe đã thể hiện những điều chắc chắn này, những điều mang lại cho chúng ta đức tin.”

Giám hạt El Nayar thuộc bang Nayarit, là một trong 20 huyện của thuộc  bang này. Tại giám hạt này có 11 linh mục giáo phận đang hoạt động (2 linh mục người thổ dân), 14 linh mục dòng và 10 tu sĩ Phanxicô không phải là linh mục và 30 nữ tu. (Agenzia Fides, 28/03/2017)

Hồng Thủy

 

Bạn có muốn được chữa lành không?

Bạn có muốn được chữa lành không?

Tin vào Chúa Giêsu là đón nhận cuộc sống, là tiến bước trong niềm vui một cách không trễ nải, và không bị tê liệt bởi những tội lỗi và tật xấu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Dễ than phiền

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành cho người bị đau liệt đã 38 năm bên bờ hồ Betdatha. Nhìn thấy anh và biết anh đã đau từ lâu, Chúa liền hỏi: “Anh có muốn được lành bệnh không?”.

Thật là đẹp! Chúa Giêsu luôn hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi ấy: Con có muốn lành bệnh không? Con có muốn vui tươi hạnh phúc không? Con có muốn cải thiện đời sống không? Con có muốn tràn đầy Chúa Thánh Thần không?… Đó là những lời mà Chúa muốn nói. Có lẽ tất cả những người ốm đau, mù lòa, què quặt ở bên bờ hồ sẽ nói: “Vâng, lạy Thầy, chúng con muốn!” Thế nhưng, ở đây, anh bại liệt trả lời một cách lạ lùng. Anh than vãn với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, chẳng có ai đưa tôi xuống hồ khi nước khuấy động”. Có lẽ anh muốn than phiền rằng: Thầy coi, thật là xấu xa, thật là bất công quá, vì người ta có thể đi lại được và được chữa lành, còn tôi đây đã 38 năm, và nay tôi vẫn cố gắng nhưng…

Dễ đổ lỗi

Anh ta tựa như cây trồng bên bờ suối theo như lời Thánh Vịnh. Cây trồng bên suối nhưng rễ lại chết khô vì rễ không chạm được tới nước, vì rễ không thể bắt tới nước.

Thái độ của anh không chỉ là than phiền, mà còn cố gắng đổ lỗi cho người khác. Anh nói: Khi tôi lết tới, thì đã có những người khác xuống trước tôi, và thế là tôi ở đây suốt 38 năm… Việc đổ lỗi như thế là một tật xấu, một sự lười biếng. Anh bị đau liệt, nhưng tệ hại hơn, chính trái tim anh cũng bị tê liệt, vì không còn muốn tiến về phía trước, không còn muốn làm điều gì đó cho cuộc sống, không còn tìm thấy niềm vui. Anh không còn biết đến niềm vui. Điều ấy thật trầm trọng. Điều anh nói tựa như: Coi người ta sung sướng kìa, còn tôi thì thế này đây… Cuộc sống chẳng công bằng với tôi chút nào. Khi ấy, chỉ còn thấy sự oán giận và cay đắng trong tâm hồn.

Hãy đứng dậy!

Chúa Giêsu không trách mắng anh, nhưng nói: Hãy đứng dậy, vác chõng của anh mà đi. Người bại liệt đứng dậy và được chữa lành. Nhưng hôm đó lại là ngày sabat, các luật sĩ cho rằng, ngày sa bát không được phép vác chõng, và họ còn cho rằng: những ai đi ngược với khoản luật này, thì không phải là người của Thiên Chúa. Người bị bại liệt được chữa lành, nhưng không thấy anh nói lời cám ơn Thầy Giêsu, thậm chí anh cũng không hỏi tên Thầy. Thế đó, người ta dễ sống theo kiểu cái gì cũng miễn phí, và người ta quên đi tầm quan trọng của khí thở. Người ta dễ sống chỉ chú tâm rằng người khác hạnh phúc hơn tôi và rồi buồn tủi. Sống như thế là quên đi niềm vui, sống như thế là đánh mất niềm vui. Và thật là xấu hổ khi chúng ta sống trong tê liệt như thế. Tất cả chúng ta đều phạm tội, đều là những tội nhân, nhưng ngay cả ngày nay nữa, Chúa vẫn tiếp tục nhìn mỗi người chúng ta mà nói: Hãy trỗi dậy!

Hôm nay Chúa nói với từng người rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đứng lên, hãy sống một cuộc sống cho dù nó tươi đẹp hoặc u tối, và hãy tiến bước. Đừng sợ, vác chõng của bạn đi. Có thể đó là cái chõng xấu xa, nhưng hãy cứ vững bước. Và đây là cuộc sống của bạn, là niềm vui của bạn. Bạn có muốn được chữa lành không? Đó là câu đầu tiên Chúa hỏi hôm nay. Ước chi chúng ta đáp lại: Vâng, lạy Chúa, con muốn được lành. Xin giúp con thức tỉnh, giúp con đứng lên, giúp con biết thế nào là niềm vui ơn Ngài cứu độ.

Tứ Quyết SJ

Tổ chức Công giáo giúp đỡ tù nhân ở Ấn độ

Tổ chức Công giáo giúp đỡ tù nhân ở Ấn độ

Bangalore, Ấn độ – “Chúng tôi mời các bạn phải sống một năm như một tình nguyện viên hoặc làm việc toàn thời gian trong cộng đồng của chúng tôi.” Đó là lời mời gọi của tổ chức Prison Ministry India (Pmi), một tổ chức Công giáo của Karnataka, từ hơn 30 năm nay, an ủi các tù nhân trong các nhà tù trên toàn Ấn độ.

Cha Sebastian Vadkumpadan, điều hợp viên toàn quốc của tổ chức giải thích: “Gần 400 ngàn người sống mòn mỏi không có tình yêu, hy vọng và sự giúp đỡ trong 1.382 trại tạm giam trên cả nước. Prison Ministry India mang lại cơ hội để các trại này được cải cách từ bên trong và bên ngoài, trong một tiến trình tái nhập cho các tù nhân.”

Sáng kiến này được bắt đầu từ năm ngoái, trong bối cảnh nhiều hoạt động từ bị được thực hiện trong Năm Thánh Lòng thương xót.

Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, trong lễ Tiệc Ly, Đức cha Kuriakose Bharanikulangara, tổng Giám mục của Faridabad đã rửa chân cho 12 tù nhân. Vào cuối buổi phụng vụ, một tù nhân khác đã hỏi ngài: “Thưa đức cha, cha có thể rửa chân cho cả con không?” Thật là một yêu cầu gây ngạc nhiên, nhưng đức cha đã vui lòng thực hiện yêu cầu của tù nhân này, người bị kết án vì những lời cáo gian.

Đức ông Peter Remigius, chủ tịch của Prison Ministry India khẳng định: “Chúng ta cần đi tìm kiếm tù nhân thứ 13, sẵn sàng nhận sự nâng đỡ và trợgiúp của chúng ta. Có thể là họ không sẵn sàng đón tiếp chúng ta, nhưng chúng ta luôn có một không gian yêu thương dành cho họ.”

Nhờ sự trợ giúp của các giáo phận, các dòng tu, các tổ chức giáo hội, hồi năm ngoái, hàng trăm tù nhân đã được trả tự do.

Ghi danh tham dự vào hoạt động của Prison Ministry India bắt đầu từ 21/04 tới. Thời gian huấn luyện từ 8-23/05. trong hai tuần lễ này, những người tham dự sẽ được học hỏi “để tỏ lòng cảm thông thật sự và chăm sóc các anh chị em đang sống đàng sau những song sắt.” Người ta cũng có thể đóng góp những trợ giúp về tài chánh cho hiệp hội. (Asia News 28/03/2017)

Hồng Thủy

Ánh sáng mới – Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, CN IV Mùa Chay

Ánh sáng mới – Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, CN IV Mùa Chay

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay 26.03.2017 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành anh mù từ thủa mới sinh. Anh mù không chỉ được sáng mắt mà còn nhận được ánh sáng mới là ánh sáng đức tin. Đức Thánh Cha cũng cám ơn mọi người thuộc Tổng Giáo Phận Milano vì đã tiếp đón Ngài trong ngày thứ bảy với tất cả tấm lòng.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến!

Trung tâm của Tin Mừng Chúa nhật thứ tư Mùa Chay hôm nay là Chúa Giêsu và anh mù từ thủa mới sinh (Ga 9:1-41). Chúa Kitô đã chữa lành và phục hồi đôi mắt cho anh. Chúa thực hiện phép lạ này với cách thức mang đầy tính biểu tượng: trước hết Chúa trộn nước miếng cùng với đất rồi xoa vào mắt anh, sau đó Chúa bảo anh đến hồ Silôê mà rửa. Anh đã đi, rửa, và được sáng mắt. Anh ấy là người mù từ bẩm sinh. Với phép lạ này, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy, Ngài là ánh sáng thế gian, và mỗi người chúng ta cũng mù từ khi mới sinh, vì cho dù chúng ta được dựng nên để nhận biết Thiên Chúa, nhưng vì tội lỗi nên chúng ta cũng mù lòa, và chúng ta cần một thứ ánh sáng mới, đó là ánh đức tin, là ánh sáng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Thực tế, câu chuyện về người mù trong Tin Mừng, còn mở ra mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúa Giêsu hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh ta đáp lại: “Thưa Thầy, nhưng Người là ai để tôi có thể tin vào Người?”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh đã thấy Người và Người đang nói với anh.” Anh thưa lại: “Lạy Ngài, con tin” và anh sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu.

Những điều ấy làm cho chúng ta phải suy nghĩ về đức tin của chúng ta, đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, nơi Con Thiên Chúa. Và đây cũng là lúc thích hợp để nói về bí tích rửa tội, bí tích đầu tiên của đức tin, bí tích đem lại cho chúng ta ánh sáng nhờ nước và Chúa Thánh Thần. Điều ấy cũng đã xảy ra với anh mù. Anh được mở mắt sau khi anh đi rửa ở hồ Silôê. Anh mù được chữa lành khi anh nhận ra rằng Chúa Giêsu là ánh sáng, ánh sáng thế gian. Người là ánh sáng khi chúng ta dò dẫm trong bóng tối để kiếm tìm. Chúng ta cũng đã được Chúa Kitô soi sáng nhờ bí tích rửa tội, và chúng ta được gọi mời hành xử như con cái của sự sáng. Để sống như con các của sự sáng, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, cần có khả năng nhận định về con người và sự vật theo một thang giá trị khác, một thang giá trị đến từ Thiên Chúa. Thực vậy, bí tích rửa tội đòi hỏi phải lựa chọn sống như con cái ánh sáng và bước đi trong ánh sáng. Bây giờ các bạn có thể hỏi rằng: “Bạn có tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không? Bạn có tin rằng chỉ có Ngài mới có thể thay đổi tâm hồn bạn? Bạn có nghĩ là có thể nhìn nhận thực tại giống như Chúa nhìn không, hay là chúng ta lại không thấy? Bạn có tin rằng Chúa là ánh sáng và Ngài sẽ ban cho chúng ta ánh sáng chân thực không? Bạn sẽ trả lời gì đây?” Trong lòng mỗi người hãy tự trả lời.

Thế nhưng, ánh sáng chân thực nghĩa là gì? Và bước đi trong ánh sáng nghĩa là gì? Trước hết, điều ấy có nghĩa là hãy bỏ đi những ánh sáng giả dối: thứ ánh sáng lạnh lùng gây tổn thương cho người khác, bởi những thành kiến bóp méo thực tế, bởi những hận thù xét đoán người khác cách không thương xót, bởi những kết án không căn cứ. Nó giống như thức ăn hàng ngày! Khi nói về người khác như thế, bạn đã không bước đi trong ánh sáng, mà chỉ bước đi trong những bóng mờ. Có thứ ánh sáng giả dối khác, nó quyến rũ và mơ hồ, nó dựa vào lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta đánh giá sự vật và con người theo tiêu chí lợi nhuận của cá nhân chúng ta, theo sở thích của chúng ta, theo uy tín của chúng ta, thì chúng ta không sống theo sự thật trong các mối tương quan và các bối cảnh cụ thể. Nếu chúng ta đi theo con đường chỉ biết tìm lợi ích cá nhân, thì chúng ta đang đi trong bóng tối.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người đầu tiên đón nhận Chúa Giêsu, ánh sáng trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, để chúng con nhận được ơn sủng, là đón Mùa Chay này với ánh sáng của đức tin, và tìm lại được món quà vô giá của bí tích rửa rội mà chúng con đã lãnh nhận. Xin cho ánh sáng mới này, biến đổi thái độ và hành vi của chúng con, khởi đi từ những gì nghèo hèn bé nhỏ của chúng con, để chúng con có thể mang lấy những tia sáng của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và ban Phép Lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào thăm mọi người

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại Almería (Tây Ban Nha) đã có lễ phong chân phước José Álvarez-Benavides y de la Torre và 114 vị tử đạo. Các ngài là những linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã anh hùng làm chứng cho Chúa Kitô, làm chứng về sứ mạng hòa bình và hòa giải huynh đệ. Nhờ lời chuyển cầu của các ngài, xin cho Giáo Hội luôn hiệp nhất trong việc xây dựng nền văn minh tình thương.

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Roma, Italia và các quốc gia khác, đặc biệt là anh chị em hành hương từ Córdoba (Tây Ban Nha), các bạn trẻ đến từ trường Saint-Jean de Passy di Parigi, các tín hữu từ Loreto, từ Quartu Sant’Elena, Rende, Maiori, Poggiomarino, và các thanh thiếu niên đến từ “Romana-Vittoria” ở Milano.

Về Milano, cha muốn nói lời cám ơn với Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Milano và tất cả mọi người đã đón tiếp cha cách nồng nhiệt ngày hôm qua. Thực sự, cha cảm thấy là như đang ở nhà mình, khi ở giữa mọi người, dù là tín hữu hay chưa là tín hữu. Cám ơn các bạn rất nhiều, xin chào những con người Milano yêu mến, và cha sẽ nói điều này, rằng cha đã biết được câu người ta nói là đúng sự thật, đó là: Người Milano tiếp đón với tất cả tấm lòng!

Chúc anh chị em ngày Chúa nhật tốt lành! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha!

Tứ Quyết SJ