Triển lãm online về Mẹ Têrêsa của tòa Đại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh

Triển lãm online về Mẹ Têrêsa của tòa Đại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh

Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel

Rome – Vào cuối tháng 8 này, Tòa Đại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh sẽ có cuộc triển lãm trực tuyến các tài liệu về những mối dây liên hệ chặt chẽ của chân phước Têrêsa Calcutta với Hoa kỳ.

Đại sứ Hoa kỳ, ông Ken Hackett nói: “Mẹ Têrêsa đã có ảnh hưởng đối với người dân Mỹ, một ảnh hưởng rất sâu sắc”. Ông Ken biết Mẹ Têrêsa và đã làm việc với Mẹ và các Thừa sai Bác ái khi ông là chủ tịch của Catholic Relief Services, một cơ quan cứu trợ và phát triển ở nước ngoài của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Cuộc triển lãm được bắt đầu từ ngày 26/8 nhằm đánh dấu ngày Chân phước Têrêsa Calcutta, hay thường được gọi là Mẹ Têrêsa, sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh vào ngày 4/9 tới đây. Triển lãm có thể được truy cập tại trang web: https://va.usembassy.gov hoặc tại trang Facebook. Ông Hackett cho biết là trang mạng bao gồm những chi tiết liên quan đến các chuyến viếng thăm Hoa kỳ, với lần đầu tiên là buổi nói chuyện tại Hội đồng Quốc gia các Phụ nữ Công giáo vào năm 1960 ở Las Vegas. Mẹ Têrêsa cũng là khách thường xuyên của Nhà Trắng và đã gặp các Tổng thống Ronald Reagan, George Bush and Bill Clinton. Năm 1985, Tổng thống Ronald Reagan đã trao cho Mẹ huân chương tổng thống về tự do. Năm 1996 Mẹ được tuyên bố là công dân danh dự của Hoa kỳ. Ông đại sứ cũng cho biết, ông thực hiện cuộc triển lãm “bởi vì ông đã biết nơi kho tàng được chôn cất” và có thể giúp hướng dẫn vì cuộc triển lãm được thực hiện với sự đóng góp của Catholic Relief Services, Viện Smithsonian, Hội đồng Quốc gia các Phụ nữ Công giáo và những tổ chức khác.

Ông Hackett nhận xét: “Mẹ là một con người rất đặc biệt, là người mà người Mỹ chúng tôi rất yêu mến”.

Vatican Radio

Chính thức thành lập ”Bộ” Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Chính thức thành lập ”Bộ” Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Đức Cha Kevin Joseph Farrell

VATICAN. Hôm 17-8-2016, ĐTC đã công bố Tông Thư Tự Sắc chính thức thành lập "Bộ" (Dicastero) giáo dân, gia đình và sự sống, đồng thời bổ nhiệm Đức Cha Kevin Joseph Farrell, cho đến nay là GM giáo phận Dallas, Hoa Kỳ, làm tân Tổng trưởng của "Bộ" mới.

Đức Cha Kevin Joseph Farrell sinh năm 1947 tại Dublin, Ailen, em ruột của Đức Cha Brian Farrell (sinh năm 1944) đang là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô. Cả hai anh em đều tu dòng Đạo Binh Chúa Kitô (Legionari di Cristo). Cha Kevin Joseph theo học tại đại học Salamanca, Tây Ban Nha, rồi Gregoriana và Angelicum ở Roma, và từng đặc trách các chủng viện và trường của dòng Đạo Binh tại Italia, Tây Ban Nha và Ireland.

Năm 1984, cha rời khỏi dòng Đạo Binh và nhập tịch tổng giáo phận Washington DC, rồi làm tổng đại diện giáo phận này vào năm 2001. Cùng năm đó, ngài thăng GM Phụ tá Washington DC, phụ giúp ĐHY Theodore McCarrick. Năm 2007, ngài thăng chức làm GM chính tòa giáo phận Dallas, Texas.

Đức Cha Kevin Farrell trở thành người Mỹ duy nhất đứng đầu một cơ quan trung tương Tòa Thánh hiện nay.

Ngày 4-6 năm nay, ĐTC đã phê chuẩn qui chế của Bộ Giáo Dân, Gia Đình và sự sống, bao gồm thẩm quyền cho đến nay thuộc Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân, Gia đình. Qui chế này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 tới đây.

Ngoài ra, cũng ngày 17-8-2016, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Vincenzo Paglia, cho đến nay là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, làm tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, đồng thời làm chưởng ấn Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình.

Đồng thời ĐTC bổ nhiệm Đức Ông Pierangelo Sequeri, cho đến nay là khoa trưởng phân khoa thần học bắc Italia ở Milano, làm tân Viện trưởng Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về Hôn nhân và gia đình. (SD 17-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

ĐTC mời gọi cầu nguyện cho các phụ nữ nạn nhân của các tình trạng sống khổ đau

ĐTC mời gọi cầu nguyện cho các phụ nữ nạn nhân của các tình trạng sống khổ đau

ĐTC Phanxicô ban phép lành cho tín hữu tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa thứ hai 15-8-2016 lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời

VATICAN: ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người nghĩ tới các phụ nữ nạn nhân của bạo lực, nô lệ của các người quyền thế, các bé gái phải làm việc vô nhân, các phụ nữ nạn nhân của tình dục, và cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi các tình trạng nô lệ đó.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh Truyên Tin trưa thứ hai hôm qua lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời. Quảng diễn trình thuật Tin Mừng kể lại biến cố Đức Maria vội vã băng núi đồi đi thăm bà Elisabét  ĐTC nói: trong cuộc đời Mẹ đã biết bao lần Mẹ băng qua các miền vung núi non cho tới chặng cuối cùng là núi Sọ, kết hiệp với mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Hôm nay chúng ta thấy Mẹ đạt tới núi của Thiên Chúa, “mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Chúng ta thấy Mẹ bước qua ngưỡng cửa quê hương thiên quốc.

Mẹ đã là người đầu tiên tin nơi Con Thiên  Chúa à là người đầu tiên được lên trời cả hồn lẫn xác. Mẹ đã là người đầu tiên tiếp nhận Chúa Giêsu trên tay khi Chúa còn bé và Mẹ cũng là người đầu tiên được Chúa Giêsu tiếp đón trong vòng tay và đưọc đưa vào Vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha.

Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là một mầu nhiệm cao cả liên quan tới từng người trong chúng ta và tuơng lai của chúng ta.

Kinh Magnificat của Đức Mẹ khiến cho chúng ta nghĩ tới biết bao nhiêu tình trạng sống đớn đau hiện nay, đặc biệt là các phụ nữ bị đè bẹp bởi gánh nặng cuộc sống, bởi thảm cảnh bạo lực, các phụ nữ nô lệ các người quyền thế, các be gái phải làm các công việc vô nhân, các phụ nữ bị bắt buộc đâu hàng trong thân xác và trong tinh thần trước lòng ham muốn của đàn ông. Ước chi họ mau chóng có được một cuộc sống an bình, công bằng và yêu thương và được các bàn tay không hạ nhục nhưng nâng họ dậy với lòng hiền dịu và dẫn họ đi trên con đường cho tới Trời. Mẹ Maria một bé gái, một phụ nữ đã khổ đau biết bao trong cuộc sống khiến cho chúng ta nghĩ tới các phụ nữ đau khổ này. Chúng ta hãy xin  Chúa giải thoát họ khỏi các tình trạng nô lệ qáy cầm tay dẫn họ và đem họ đi trên con đường sự sống.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC cũng kêu gọi hoà bình cho dân chúng miền bắc Kivu bên Cộng hoà dân chủ Congo mới bị các vụ tàn sát mới, trong sự thinh lặng đáng xấu hổ và không lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Các nạn nhân này là một phần của biết bao nhiêu người vô tội không có sức nặng trên dư luận thế giới.  Xin Mẹ Maria giúp chúng ta có được các tâm tình cảm thương, hiểu biết, ước mong và hoà hợp. ĐTC chúc mừng lễ mọi người hiện diện cũng như những người đang nghỉ hè và những người không đi nghỉ hè, cách riêng các bệnh nhân, các người trợ giúp họ (SD 15-8-2016)

Linh Tiến Khải

 

Giáo Hội cần các thừa sai đam mê nhiệt thành

Giáo Hội cần các thừa sai đam mê nhiệt thành

ĐTC Phanxicô chào tín hữu và du khách hanh hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14-8-2016

Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ sau khi chào mọi người, ĐTC nói: Tin Mừng Chúa Nhật này (Lc 12,49-53) thuộc phần giáo huấn Chúa Giêsu nói vói các môn đệ trên đường lên Giêrusalem, nơi cái chết thập giá chờ đợi Ngài. Để chỉ cho thấy mục đích sứ mệnh của Ngài Chúa dùng ba hình ảnh: lửa, phép rửa và sự chia rẽ. Hôm nay tôi muốn đề cập tới hình ảnh thứ nhất là hình ảnh của lửa.

Chúa Giêsu diễn tả nó với các lời này: “Thầy đã tới ném lửa trên trái đất, và Thầy ước ao nó bùng cháy lên chừng nào!” (c. 49). ĐTC giải thích ý nghĩa lửa như sau:

Lửa mà Chúa Giêsu nói tới là lửa của Chúa Thánh Thần, là sự hiện diện sinh động và hoạt động trong chúng ta từ ngày chúng ta được rửa tội. Nó là một sức mạnh sáng tạo thanh tẩy và canh tân thiêu đốt mọi bần cùng của con người, mọi ích kỷ, moi tội lỗi, biến đổi chúng ta từ bên trong, tái sinh chúng ta, và khiến cho chúng ta có khả năng yêu mến. Chúa Giêsu ước mong rằng Chúa Thánh Thần thiêu đốt như lửa trong con tim chúng ta, bởi vì chỉ khi khởi hành từ con tim việc đốt cháy của tình yêu Thiên Chúa mới có thể phát triển và khiến cho Nước Thiên Chúa tiến triển. Nó không khởi hành từ cái đầu, nhưng khởi hành từ con tim. Chính vì thế Chúa Giêsu muốn rằng lửa đi vào trong tim chúng ta.

Nếu chúng ta hoàn toàn rộng mở cho hoạt động của lửa này là Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự liều lĩnh và lòng hăng say loan báo cho tất cả mọi người Chúa Giêsu và sứ điệp ủi an của lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài, bằng cách hải hành giữa biển rộng, không sợ hãi. Nhưng lửa bắt đầu trong trái tim.

Trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình trong thế giới Giáo Hội – nghiã là tất cả chúng ta Giáo Hội –  cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để không để cho mình bị kìm hãm lại vì sợ hãi hay tính toán, để đừng quen với việc bước đi trong các biên giới an ninh. Hai thái độ này đem Giáo Hội tới chỗ là một Giáo Hội hoạt động hữu hiệu, không bao giờ liều lĩnh. Trái lại,  lòng can đảm tông đồ là Chúa Thánh Thần thắp lên trong chúng ta như một ngọn lửa giúp chúng ta thắng vượt các bức tường và các hàng rào, khiến  cho chúng ta có óc sáng tạo và thúc giục chúng ta bước đi, cả trên những con đường đã không được khám phá và không thoải mái, bằng cách cống hiến hy vọng cho những người chúng ta gặp gỡ. Với lửa này của Chúa Thánh thần, chúng ta được mời gọi ngày càng luôn trở thành cộng đoàn của những người được hướng dẫn và biến đổi, tràn đầy sự cảm thông, những con người có con tim nở rộng và gương mặt tuơi vui. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Hơn bao giờ hết ngày nay cần có các linh mục, những người thánh hiến và tín hữu giáo dân, với cái nhỉn chú ý của người tông đồ, để cảm thương và dừng lại trước các khó khăn và nghèo nàn vật chất và tinh thần, và như thế trao ban tính cách cho con đường loan báo Tin Mừng và sứ mệnh với tiết nhịp chữa lành của sự gần gũi.

Có lửa của Chúa Thánh Thần đưa chúng ta tới chỗ sống gần gũi các người khác: những người đau khổ, những người cần được giúp đỡ, biết bao nhiêu bần cùng nhân loại, biết bao nhiêu vấn đề, những người tỵ nạn, di cư, những người đau khổ. Lửa đến từ trái tim. Lửa.

Trong lúc này đây với sự cảm phục tôi cũng nghĩ tới nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân trên toàn thế giới tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng với tình yêu thương và lòng trung thành lớn lao, và đôi khi với cả mạng sống nữa. Chứng tá gương mẫu của các vị nhắc cho chúng ta biết rằng Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài. Đó là lửa của Chúa Thánh Thần. Nếu Giáo Hội không nhận được lửa này hay không để cho nó vào trong chính mình, thì trở thành một Giáo Hội lạnh lẽo hay chỉ hâm hẩm, không có khả năng trao ban sự sống. Hôm nay thật là tốt nếu chúng ta để ra năm phút để tự hỏi: “Trái tim tôi ra sao? Nó lạnh lẽo? Nó hâm hẩm? Nó có khả năng nhận lửa này không?” Chúng ta hãy dành ra năm phút cho việc này. Nó sẽ tốt cho chúng ta tất cả.

Và chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria cầu xin Thiên  Chúa Cha trên trời với chúng ta và cho chúng ta, để Ngài đổ đầy trên tất cả mọi tín hữu Chúa Thánh Thần, là lửa của Thiên Chúa, là Đấng suởi ấm con tim và giúp chúng ta liên đới với các niềm vui và khổ đau của các anh chị em của chúng ta. Xin thánh Massimiliano Kolbe, tử đạo vì yêu thương, mà chúng ta mừng lễ hôm nay, nâng đỡ chúng ta trên con đường cuộc sống: xin ngài dậy cho chúng ta sống bằng ngọn lửa tình yêu đối với Thiên  Chúa và đối với người thân cận.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu và du khách hành hương, đặc biệt các hướng đạo sinh đến từ Paris, các bạn trẻ hành hương đi bộ hay đi xe đạp về Roma từ các tỉnh Bisucchio, Treviso, Solarolo, Macherio, Sovico, Val Alta de Bergamo và các chủng sinh Tiểu chủng viện Bergamo. ĐTC đã lập lại đề tài của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Cracovia “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì sẽ được xót thương” và nói: Các bạn hãy cố gắng luôn luôn tha thứ, và hãy có một con tim biết cảm thương. ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha viếng thăm các phụ nữ mại dâm được giải thoát

Đức Thánh Cha viếng thăm các phụ nữ mại dâm được giải thoát

Đức Thánh Cha viếng thăm các phụ nữ mại dâm được giải thoát

ROMA. Chiều thứ sáu 12-8-2016, ĐTC Phanxicô đã đến thăm 20 phụ nữ được giải thoát khỏi nạn mại dâm.

Các phụ nữ này trú ngụ tại một nhà ở Roma thuộc ”Cộng Đoàn ĐGH Gioan 23” do cha Oreste Benzi sáng lập, chuyên giải thoát và giúp đỡ các phụ nữ ra khỏi nạn mại dâm.

20 phụ nữ gặp ĐTC ở lứa tuổi trung bình là 30 và đã từng bị bạo hành nặng nề về thể lý. Trong số họ có 6 người từ Rumani, 4 từ Albani, 7 từ Nigeria, 3 người Tunisi, còn lại từ Italia và Ucraina.

Đây là lần thứ 7 ĐTC thực hiện những cuộc viếng thăm thuộc loại này trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng cuộc viếng thăm của ĐTC một lời kêu gọi các lương tâm chiến đấu bài trừ nạn buôn người, một tệ nạn nhiều lần được định nghĩa là ”tội ác chống lại nhân loại” và là ”một vết thương trong thân mình nhân loại ngày nay”, ”một vết thương trong thân mình Chúa Kitô”.

Trong số những người hiện diện tại cuộc viếng thăm của ĐTC có vị Tổng phụ trách Cộng đoàn ĐGH Gioan 23 là Ông Giovanni Paolo Ramonda, 2 nhân viên đường phố, bà phụ trách căn hộ và cha Aldo Bonaiuto, tuyên úy của Cộng đoàn.

Các phụ nữ rất ngạc nhiên và xúc động vì được ĐTC đến thăm, gặp gỡ và nghe họ kể lại tình cảnh đau thương họ đã trải qua: những lường gạt, đấm đá, và những vấn đề tâm lý trầm trọng. Vài người trong họ đã cho ngài thấy những vết thương trên thân thể họ đã chịu; có người đã bị xẻo tai.

 ĐTC đã an ủi, khích lệ và đã nhân danh tất cả các tín hữu Kitô để xin lỗi vì tất cả những bạo hành và sự ác mà các phụ nữ ấy đã phải chịu (RG 12-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Sở từ thiện của Đức Thánh Cha giúp người vô gia cư

Sở từ thiện của Đức Thánh Cha giúp người vô gia cư

Sở từ thiện của Đức Thánh Cha giúp người vô gia cư

ROMA. Trong tháng 8 này, đã có khoảng 100 người vô gia cư ở khu vực quanh Vatican đã được sở từ thiện của ĐTC chở đi tắm biển và ăn tối.

Tháng 8 ở Roma, nhiều quán phát chẩn đóng cửa và người thiện nguyện đi nghỉ hè. Đức TGM Konrad Krajewski, đã đích thân giúp đỡ những người vô gia cư. Ngài lái xe minibus chở họ ra bãi biển, cách trung tâm Roma khoảng 30 cây số, cung cấp quần áo, khăn tắm, và lều tránh nắng, để tắm biển. Ban tối khi về họ được mời ăn ở tiệm Pizza do ĐTC đãi.

Ngoài ra, hai buổi chiều mỗi tuần, Đức TGM Krajewski người Ba Lan, với sự cộng tác của vệ binh Thụy Sĩ và hiến binh Vatican, đích thân các nhà ga xe lửa ở Roma để phân phát thực phẩm và nước uống cho những người vô gia cư. (Vat. Insider 12-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Giải thưởng “Phụ nữ Công giáo của năm” ở Anh

Giải thưởng “Phụ nữ Công giáo của năm” ở Anh

Giải thưởng thường niên vinh danh các phụ nữ có đóng góp nổi bật cho Giáo Hội Anh quốc sẽ được trao cho một nữ tu, một bà mẹ, một giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên, một giảng viên đào tạo các Giáo lý viên, vào buổi tiệc trưa ngày thứ sáu, 28 tháng 10 tới đây, tại Luân đôn.

Olive Dudy

Người trẻ nhất trong các người được giải thưởng là Catherine MacMillan, một nhà văn, phát ngôn viên và nhạc sĩ; cô là con của nhà soạn nhạc Sir James MacMillan. Cô bất ngờ mang thai lúc 18 tuổi và đã chống lại áp lực phá thai từ các bác sĩ. Con gái Sara của cô sinh ra bị khuyết tật nặng và qua đời lúc lên 5. Catherine đã thuyết trình và viết về Sara, nói về nỗi đau mất con là “đáng giá khi đã có gần sáu năm của niềm vui, tình yêu, nỗi đau khổ và niềm tự hào vô cùng… Những gì chúng ta có là sự thay thế cho tội lỗi và nỗi đau bị gây áp lực để kết thúc một cái gì đó không phải là sự lựa chọn của chúng ta”.

3 người còn lại là tiến sĩ Olive Duddy, Giám đốc của Hiệp hội giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên; Caroline Farey, một giảng viên đào tạo các Giáo lý viên, hiện đang tổ chức tại trường Đức Mẹ lên trời ở đan viện Buckfast; và nữ tu Jane Louis, nguyên một nữ tu Anh giáo, hiện đang phụ trách cộng đoàn các nữ tu Đức bà Hòa giải ở Walsingham.

sr-jane-louise-catholic-woman-of-the-year-2016

Nữ tu Jane chia sẻ với báo Catholic Herald: “Tôi phải nói là tôi rất ngạc nhiên về điều này; có nhiều phụ nữ xứng đáng nhận giải thưởng này. Tuy nhiên tôi nhân giải thưởng nhân danh 2 nữ tu khác, những người đã đi cùng hành trình như tôi, đó là nữ tu Wendy Renate – đã qua đời ngày 23/3/2016 – và nữ tu Carolyne Preston. Tôi vui mừng vì hành trình của chúng tôi đã được nhận biết và nó tiếp tục trong những cách thế mà chúng tôi không thể đoán trước, nhưng đó chính là con đường mà có Chúa. Người gìn giữ chúng tôi trên những ngón chân của chúng tôi, hay tôi nên nói trên đầu gối chúng tôi. Cám ơn rât nhiều những ai đã quan tâm”.

Hiệp hội giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên do tiến sĩ Duddy làm chủ tịch đi tiên phong trong phương pháp Symptothermal, giúp cho các cặp vợ chồng có thể thụ thai 30% và tránh thai 99,96%, tốt hơn bất kỳ phương pháp điều tiết khác. Tiến sĩ Duddy cũng dạy phương pháp này ở Kyrgyzstan, nơi nó đã được phát triển thành một chương trình học được sử dụng rộng rãi và phát triển một chương trình học trực tuyến 12. Từ khi nghỉ hưu bà phụ trách những lớp chuẩn bị hôn nhân.

Còn tiến sĩ Farey, hiện là Giám học của trường Đức Mẹ lên trời ở đan viện Buckfast và phụ trách huấn luyện giảng viên. Bà đã viết và dạy nhiều năm, đặc biệt về thánh Tôma, nghệ thuật thánh và giáo lý. Bà cũng là một trong ba nữ giáo dân chuyên viên tại Thượng hội đồng Giám mục về Loan báo Tin Mừng năm 2012.

Buổi tiệc trưa “Phụ nữ Công giáo của năm” được bắt đầu từ năm 1969 để vinh danh các phụ nữ đã phục vụ Giáo hội và tạo một diễn đàn thào luận. Dịp này cũng quyên góp tiền cho việc bác ái. Các vị tổ chức chia sẻ: “Dịp này là cơ hội để vinh danh các phụ nữ đã đóng góp nôti bật cho Giáo Hội Công giáo ở Anh. Trong các Giáo phận của chúng tôi, nhiều phụ nữ đang hoạt động đàng sau để dạy giáo lý, loan bào Tin Mừng và nuôi dưỡng đức tin của những người trong giáo xứ của họ. Cũng có những phụ nữ ở địa vị cao, họ hoạt động như các đại diện của Giáo hội trong một môi trường thế tục hơn bao giờ hết”. (Catholic Herald 12/8/2016)

Hồng Thủy Op

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa ngày 11-8-2016, 21 người tỵ nạn Syria đã được mời dùng bữa với ĐTC Phanxicô tại nhà trọ Thánh Marta ở Vatican.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết những người Syria tỵ nạn này hiện sống tại Roma và được Cộng đồng thánh Egidio giúp đỡ. Đây là những gia đình được đến Italia sau cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại trại tỵ nạn ở đảo Lesvos thuộc Hy Lạp. Nhóm đầu tiên đi chung chuyến máy bay với ĐTC về Roma ngày 16-4-2016; nhóm thứ hai đến đây vào trung tuần tháng 6-2016.

Những người lớn cũng như trẻ em tỵ nạn đã có dịp nói với ĐTC về khởi đầu cuộc sống của họ ở Italia. Các trẻ em đã tặng ngài những bức họa do các em vẽ và ngài tặng các em các đồ chơi và những món quà khác.

Hiện diện cùng với ĐTC trong buổi tiếp những người tị nạn Siria có Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, giáo sư Andrea Riccardi, Sáng lập Cộng đồng thánh Egidio, và Ông Domenico Giani, chỉ huy trưởng đoàn Hiến binh Vatican và 2 hiến binh đã cộng tác vào việc đưa các gia đình Syria tỵ nạn từ đảo Lesvos về Italia (SD 11-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa

Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô chào một nhóm tĩn hữu Phi châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 9-8-2016

Trên Cửa Năm Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận của lòng thương xót Chúa đối với từng người. Đó là Cửa cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại với sự cảm thương của Thiên Chúa. Khi bước qua ngưỡng cửa ấy là chúng ta thực hiện cuộc hành hương trong lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng nói với chúng ta tất cả: “Ta nói với con, hãy chỗi dậy”, như đã nói với chàng thanh niên con bà goá thành Nain.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần trong đại thính đường Phaolô VI. Vì số chỗ có hạn nên hàng ngàn người khác đã phải đứng ngoài quảng trường thánh Phêrô theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ vĩ đại Chúa Giêsu làm khi cho chàng thanh niên con một bà goá thành Nain sống lại, như thánh sử Luca kể trong chương 7. Ngài nói:

Tuy nhiên, trọng tâm của trình thuật này không phải là phép lạ, mà là sự hiền dịu của Chúa Giêsu đối với bà mẹ của chàng thanh niên ấy. Lòng thương xót ở đây có tên gọi là sự cảm thương lớn đối với một phụ nữ đã mất chồng giờ đây đang tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang. Chính nỗi khổ đau lớn lao này của một bà mẹ khiến cho Chúa Giêsu cảm thương và khiêu khích Ngài làm phép lạ cho anh ta sống lại.

Trong phần dẫn nhập vào câu chuyện thánh sử Luca dừng lại trên nhiều chi tiết. Ở cửa thành Nain có hai nhóm đông người đến từ hai hướng đối nghịch nhau, không có gì chung với nhau. Chúa Giêsu có các môn đệ và đám đông đi theo đang đi vào,  trong khi đoàn đám táng đi theo một người chết với bà mẹ và đông người đi ra. Gần cửa thành hai nhóm chỉ phớt ngang qua nhau, mỗi nhóm theo con đường của mình, nhưng chính lúc đó thánh Luca ghi nhận tâm tình của Chúa Giêsu: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! " Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại.” Sự cảm thương lớn lao hướng dẫn các hành động của Chúa Giêsu: chính Ngài dừng đám táng lại, bằng cách sờ vào quan tài và bị thúc đẩy bởi lòng thương xót sâu xa đối với bà mẹ, Ngài quyết định đối đầu với cái chết, mặt giáp mặt. Và Ngài sẽ đương dầu với nó, mặt giáp mặt trên thập giá.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong Năm Thánh này thật là điều tốt, khi bước qua Cửa Thánh, Cửa của Lòng Thương Xót, các tín hữu hành hương nhớ tới giai thoại này của Phúc Âm, đã xảy ra tại cửa thành Nain. Khi Chúa Giêsu trông thấy bà mẹ đang khóc ấy, bà đã đi vào con tim của Ngài! Ở Cửa Thánh mỗi người trong chúng ta đến đem theo cuộc sống của mình với các niềm vui và khổ đau, các đự định  và thất bại, các nghi ngờ và sợ hãi để dâng lên lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chắc chằn rằng bên cạnh Cửa Thánh Chúa đến gần gặp gỡ từng người trong  chúng ta để đem tới và cống hiến cho chúng ta lời an ủi quyền năng của Ngài: “Đừng khóc nữa!” (c. 13). Đó là Cửa của cuộc gặp gỡ giữa nổi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới điều này: một cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa.

Khi bước qua ngưỡng Cửa Thánh chúng ta thực thi cuộc hành hương bên trong lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng lập lại với tất cả mọi người, như Ngài đã nói với chàng thanh niên đã chết: “Ta bảo con, hãy chỗi dậy!” (c. 14). Với từng người trong chúng ta Chúa nói: “Hãy chỗi dậy!” Thiên Chúa muốn chúng ta đứng lên. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta đứng: vì thế sự cảm thương của Chúa Giêsu đưa tới cử chì chữa lành này, chữa lành chúng ta. Và từ chìa khóa là “Hãy chỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa đã tạo dựng con!” Đứng lên. “Nhưng mà thưa cha chúng con ngã biết bao lần” “Tiến lên, đứng dậy!” Đó luôn luôn là lời của Chúa Giêsu. Khi bước qua ngưỡng Cửa Năm Thánh chúng tay hãy tìm cảm thấy trong tim chúng ta lời này: “Hãy chỗi dậy!”

ĐTC khẳng định như sau:

Lời quyền năng của Chúa Giêsu có thể làm cho chúng ta đứng dậy và cũng thực hiện nơi chúng ta sự vượt qua từ cái chết sang sự sống. Lời của Ngài làm cho chúng ta sống lại, trao ban hy vọng, giải khát con tim mệt mỏi của chúng ta, mở ra một quan điểm về thế giới và cuộc sống, vượt xa hơn khổ đau và cái chết. Trên Cửa Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với từng người.

Được lời Chúa đụng tới “người chết chỗi dậy và bắt đầu nói. Và Ngài trả chàng lại cho bà mẹ” (v. 15). Câu này thật là đẹp: nó chỉ cho thấy sự dịu hiền của Chúa Giêsu: “Ngài trao trả anh cho bà mẹ”. Bà mẹ tìm lại được đứa con. Khi nhận anh ta lại từ tay Chúa Giêsu, bà trở thành mẹ lần thứ hai. Nhưng người con mà giờ đây được trao trả lại cho bà đã  không nhận được sự sống từ bà. Mẹ và con như thế nhận được căn tính riêng nhờ lời quyền năng của Chúa Giêsu và cử chỉ yêu thương của Ngài. Như thế, đặc biệt trong Năm Thánh, Mẹ Giáo Hội tiếp nhận các con cái mình, bằng cách nhận ra nơi chúng sự sống đã được ơn thánh Chúa trao ban. Chính trong sức mạnh của ơn thánh đó, ơn thành của bí tích Rửa Tội mà Giáo Hội trở thành mẹ, và từng người trong chúng ta trở thành con của Giáo Hội.

Trước chàng thanh niên đã sống lại và được trao trả cho bà me, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa và nói rằng: “Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” và “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Điều Chúa Giêsu đã làm không chỉ là một hành động cứu độ dành cho bà goá và con của bà, hay một cử chỉ của lòng tốt hạn chế trong thành đó. Trong sự trợ giúp xót thuơng của Chúa Giêsu Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài. Nơi Ngài tất cả ơn thánh của Thiên Chúa xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện cho nhân loại. Khi cử hành Năm Thánh này tôi đã muốn nó được sống trong tất cả các Giáo Hội địa phương,  nghĩa là trong toàn Giáo Hội trên thế giới, chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi. Nó như là toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới hiệp nhất trong tiếng ca duy nhât chúc tụng Chúa.  Cả ngày nay nữa Giáo Hội thừa nhận đã được Thiên Chúa viếng thăm. Vì vậy, khi chúng ta tiến tới gần Cửa Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người biết mình tiến tới cửa con tim thương xót của Chúa Giêsu: thật thế, chính Ngài là Cửa thật dẫn tới ơn cứu độ và trao trả lại cho chúng ta sự sống mới. Lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi chúng ta, là một lộ trình khởi hành tử con tim để đi tới đôi tay… Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu nhìn bạn, chữa lành bạn với lòng thương xót của Ngài, Ngài nói với bạn: “Hãy chỗi dậy!” và con tim của bạn được nên mới mẻ. Nhưng điều này của lộ trình từ con tim tới đôi tay… Vâng, và tôi làm gì bây giờ? Với con tim mới, với con tim được Chúa Giêsu chữa lành, tôi làm các việc của lòng thương xót với đôi tay, và tìm trợ giúp, săn sóc biết bao người cần được trợ giúp và săn sóc. Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim để tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót.  

 ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Bằng tiếng Pháp ngài đặc biệt chào đoàn hành hương đến tử đảo Maurice. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước  Anh, đảo Malta, Indonesia và Hoa Kỳ. Khi đến gần Cửa Thánh là chúng ta đến gần lòng thương xót của Chúa Giêsu với lòng trông cậy. Ngài cảm thương từng người trong chúng ta, và canh tân con tim của chúng ta.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC nói lòng thương xót nơi mỗi người phải khởi hành từ con tim để tới đôi tay và trở thành các công việc của lòng thương xót.

Trong số các nhóm hành hương Italia ngài chào các thành viên hiệp hội Thánh Tâm, các nữ tu Vô nhiễm và các nữ tỳ Thánh Tâm đang họp tổng tu nghị. Ngài khuyên các chị luôn trung thành với đặc sủng của các vị sáng lập và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. ĐTC cũng chào giới trẻ thành viên của tổ chức Giorgio La Pira Firenze, đến từ nhiều nước trên thế giới và khích lệ họ thăng tiến nền văn hoá gặp gỡ, nhìn nhận sự hiện diện của Chúa đặc biệt nơi người nghèo và những người cần được trợ giúp.

Chào giới trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Đa Minh, sáng lập dòng Anh em Thuyết giáo,  mà Giáo Hội kính nhớ hôm thứ hai vừa qua, nhân kỷ niệm 800 năm thành lập. Ngài mong lời soi sáng của thánh nhân thúc đầy giới trẻ biết lắng nghe và sống các giáo huấn của Chúa Giêsu; sức mạnh nội tâm của thánh nhân nâng đỡ các người đau yếu trong những lúc khổ đau; và sự tận tụy tông đồ của ngài nhắc nhở các đôi tân hôn chú ý tới tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ thăm hai tu viện nữ ở Rieti và Aquila

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ thăm hai tu viện nữ ở Rieti và Aquila

ĐGH trong một cuộc viếng thăm

Hôm 9 tháng 8, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bất ngờ dành vài giờ của thời gian hè đến thăm hai dòng nữ thuộc miền Lazio và Abruzzo.

Đức Giáo hoàng được Đức cha Domenico Pompili, Gíam mục Rieti, và nữ tu Angela Severino, nguyên là phát ngôn viên và phó thư ký của Hội đồng Giám mục Italia, và hiện đang là thư ký của Đức Cha Rieti tháp tùng.

Đầu tiên Đức Thánh Cha đến thăm tu viện Biển đức của các nữ tu Đền tạ Thánh nhan ở Carsoli thuộc tỉnh Aquila. Dòng này được cha Ildebrando Gregori  sáng lập và hiện có mặt tai các nước Italia, Ba Lan và Ấn độ. Sau đó ngài cũng ghé lại đan viện thánh Filippa Mareri tại Borgo San Pietro, cạnh nhà thờ giáo xứ, thuộc tỉnh Rieti, và thăm các nữ tu dòng thánh Phanxicô.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thăm Giáo phận Rieti vào tháng 1 vừa qua trong ngày Hội Giới trẻ ở Greccio. (ACI 9/8/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

LAHORE. ĐTC mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tự sát dã man tại nhà thương Quetta làm cho ít nhất 70 người chết và hơn 120 người bị thương.

Hôm 8-8-2016, vụ khủng bố tự sát xảy ra tại cổng vào khu cấp cứu của nhà thương khi thi hài ông Bilal Anwar Kasi, Chủ tịch luật sư đoàn tỉnh Balochistan được đưa tới đây sau khi ông bị 2 người lạ mặt võ trang bắn trên đường tới tòa án. Trong số các nạn nhân vụ khủng bố có nhiều luật gia và ký giả.

Trong sứ điệp công bố hôm 9-8-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ĐTC rất đau buồn khi hay tin bao nhiêu người bị thiệt mạng sau vụ tấn công tại một nhà thương ở Quetta. Ngài chân thành gửi lời chia buồn với thân nhân những người quá cố, với chính quyền và toàn thể quốc gia, đồng thời ngài cầu nguyện cho nhiều bị thương nạn nhân của hành vi bạo lực vô nghĩa và tàn ác này. ĐTC cầu xin Chúa ban ơn an ủi và can đảm cho những người đang khóc thương và những người bị tổn thương vì thảm trạng này”.

Mặt khác Giáo Hội Công Giáo tại Pakistan lên án vụ khủng bố đẫm máu này. Ủy ban Công lý và hòa bình thuộc HĐGM Pakistan ra thông cáo nói rằng: ”Giết người vô tội là một hành vi vô nhân đạo và hoàn toàn không thể chấp nhận được.. Ủy ban và Giáo Hội Công Giáo cương quyết đứng cạnh nhân dân tỉnh Balochistan trong giờ này, đồng thời kêu gọi chính phủ đưa những kẻ phạm tội ác đáng kinh tởm này ra trước công lý”.

Thông cáo trên đây mang chữ ký của Đức Cha Joseph Arshad, GM giáo phận Faisalabad, Chủ tịch Ủy ban Công lý và hòa bình Pakistan. Ủy ban hiệp ý cầu nguyẠen cho hòa bình và chia buồn với các gia đình nạn nhân.

Tỉnh Balochistan đã phải chịu hơn 1,400 hành vi bạo lực và giết người trong hơn 15 năm qua, và kêu gọi chính quyền cải tiến các biện pháp an ninh.

Trong khi thủ tướng Nawaz Sharif bày tỏ đau buồn và lo âu về vụ khủng bố này, các luật sư và ký giả đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tại nhiều thành phố ở Pakistan. (CNS 8, SD 9-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Lễ truyền chức Linh mục tại trại tị nạn Erbil

Lễ truyền chức Linh mục tại trại tỵ nạn Erbil

1 trại tị nạn ở Erbil

Erbil, Iraq – Ngày 5/8 vừa qua, tại trại tỵ nạn Erbil đã diễn ra Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 3 thầy người Iraq.

Cha Roni Salim Momika, một trong 3 tân chức chia sẻ là sự kiện này đã biến thái độ sợ hãi của các Kitô hữu phải di tản thành niềm vui và cha hy vọng nó sẽ mang lại cho họ sức mạnh để ở lại quê hương mình.

Trại Aishty 2 ở Erbil là nơi tiếp đón khoảng 5500 người Iraq buộc phải di tản vì Nhà nước Hồi giáo. Ba tân chức được truyền chức cho Giáo Hội Công giáo Syria, trong một nhà thờ rộng, với sức chứa khoảng 800 người, nhưng đã có 1500 người đến tham dự Thánh lễ truyền chức.

Khi chủng viện ở Qaraqosh đóng cửa sau vụ tấn công vào năm 2014, các chủng sinh được gửi đến chủng viện Al-Sharfa ở Harissa, Li băng. Sau khi hoàn thành chương trinh, các chủng sinh trở về Iraq và được truyền chức phó tế ngày 19/3

Ngày 6/8 cũng là ngày kỷ niệm 2 năm quân đội Nhà nước Hồi giáo tấn công vào Qaraqosh, thành phố quê hương của cha Momika; họ đuổi khỏi thành phố những người không chịu cải sang Hồi giáo, phải đóng thuế hoặc đối mặt với cái chết. Kỷ niệm 2 năm là một nhắc nhớ cho sự tăm tối và tình trạng bất ổn ở Iraq, nhưng việc thụ phong Linh mục đã đem lại niềm vui và hy vọng.

Vào năm 2010, cha Momika đã bị thương trong một vụ đánh bom xe buýt chuyên chở các sinh viên Công giáo từ bình nguyên Ninivê đến trường đại học Mosul, nơi họ theo học.

Cho đến nay, cha Mimoka sinh hoạt với giới trẻ và hướng dẫn nhóm phụ nữ ở trại tị nạn Erbil. Cha cho biết cha muốn ở bên những người tỵ nạn dù cho nguy hiểm đến mạng sống. Cha muốn mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh, hy vọng và can đản để tiếp tục cuộc sống của họ và ở lại với người nghèo và người đau khổ; đối với cha, yếu tính của vai trò và ơn gọi của cha là “mang Chúa Kitô đến cho con người”. (CNA 8/8/2016)

Hồng Thủy Op

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

ROMA. Các Nữ tu thừa sai bác ái ở Roma đã công bố chương trình mừng lễ và tôn kính thánh tích Mẹ Têrêxa Calcutta sẽ được ĐTC tôn phong hiển thánh vào chúa nhật 4-9 tới đây.

Lễ Phong Thánh sẽ được ĐTC cử hành lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công Giáo, những công việc lòng thương xót.

– Thứ năm, 1-9-2016, sẽ có lễ hội dành cho người người và gia đình thừa sai bác ái, trong đó cũng có phần âm nhạc dựa trên đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.

– Thứ sáu, 2-9, sẽ có các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ tại Vương cung thánh đường thánh Anastasia ở khu Palatino, và tôn kính thánh tích. Ban chiều có buổi canh thức và chầu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Đền thờ thánh Gioan Laterano do ĐHY Giám quản Roma, Agostino Vallini, chủ sự.

– Sáng thứ Bẩy, 3-9, có buổi tiếp kiến với bài huấn giáo của ĐTC Phanxicô nhân dịp Ngày Năm Thánh của những người hoạt động trong lãnh vực bác ái và từ thiện. Ban chiều cùng ngày có buổi suy niệm và canh thức tại Đền thờ thánh André della Valle, sau đó là nghi thức tôn kính thánh tích Mẹ Têrêsa và thánh lễ.

– Sáng Chúa nhật 4-9, ĐTC sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.

– Ngày thứ Hai, 5-9, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là lễ kính lần đầu tiên Thánh Têrêsa Calcutta. Các tín hữu có thể tôn kính thánh tích của thánh nữ vào ban chiều cũng tại Đền thờ thánh Gioan Laterano. Việc tôn kính này sẽ được tiếp tục ngày hôm sau cũng tại Đền thờ này.

Sau cùng, trong hai ngày từ mùng 7 đến 8-8-2016, thánh tích thánh nữ Têrêsa sẽ được tôn kính tại Nhà thờ thánh Gregorio Cả, và có thể viếng phòng của thánh nữ tại tu viện cạnh thánh đường này (CNS 5-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Tài khoản Instagram của ĐGH đạt 3 triệu người theo dõi

Tài khoản Instagram của ĐGH đạt 3 triệu người theo dõi

Tài khoản Instagram của ĐGH trên một điện thoại di động

Sau 20 tuần sử dụng với 143 “post”, bao gồm các video, tài khoản Instagram của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đạt đến con số hơn 3 triệu người theo dõi (followers).

Trong khi tài khoản Twitter của Đức Giáo hoàng được đăng bằng 9 ngôn ngữ khác nhau, tài khoản Instagram chỉ có một, nhưng mỗi “post” có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Các followers của tài khoản @franciscus có thể theo dõi các hoạt động của Đức Thánh Cha nhờ các hình chụp các sự kiện chính thức do các thợ chụp hình của báo Osservatore Romano thực hiện.

Vào đầu năm nay, khi tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha bắt đầu hoạt động, Đức ông Dario Viganò, Bộ trưởng bộ Truyền thông cho biết: quyết định mở một tài khoản Instagram xuất phát từ việc Đức Giáo hoàng chắc chắn là các hình chụp có thể bày tỏ nhiều điều mà ngôn ngữ không thể làm được. Mục đích của tài khoản Instagram của Đức Giáo hoàng là kể về lịch sử triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các hình ảnh. (RV 8/8/2016)

Hồng Thủy Op

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 7-8-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 7-8-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Chúa nhật 7-8-2016

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu sống tỉnh thức, hướng về đời sống vĩnh cửu trong sự chuyên cần làm việc thiện. Ngài cũng báo động và liên đới với thảm cảnh của bao nhiêu thường dân nạn nhân chiến tranh ở thành Aleppo bên Syria.

Đó là nội dung bài huấn dụ ngắn của Ngài trong buổi đọc kinh Tuyền Tin trưa chúa nhật 7-8-2016 với hàng chục ngàn tín hữu tu tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng chúa nhật thứ 18 thường niên năm C.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong trang Tin Mừng hôm nay (Lc 12,32-48), Chúa Giêsu nói với các môn đệ về thái độ phải có trước cuộc gặp gỡ chung kết với Chúa, và Người giải thích về việc chờ đợi cuộc gặp gỡ ấy phải thúc đẩy chúng ta có một cuộc sống đầy những công việc lành. Có đoạn Chúa nói: ”Các con hãy bán những gì các con sở hữu và làm phúc; hãy sắm những bao bị tiền không bị cũ rách, một kho tàng chắc chắn trên trời, nơi mà kẻ trộm không tới được và mối mọt không làm hư hỏng” (v.33). Đó là một lời mời gọi mang lại giá trị cho việc làm phúc như một việc làm từ bi thương xót, đừng tín thác nơi những của cải chóng qua, nhưng hãy dùng sự vật mà không quyến luyến và ích kỷ, trái lại hãy theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, quan tâm đến tha nhân và yêu thương.

 Giáo huấn của Chúa Giêsu được tiếp tục với 3 dụ ngôn ngắn về đề tài tỉnh thức.

Trước tiên là dụ ngôn những người đầy tớ chờ đợi chủ về ban đêm. ”Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà thấy họ còn tỉnh thức” (V. 37): đó là hạnh phúc chờ đợi Chúa với niềm tin, sẵn sàng, trong thái độ phục vụ. Chúa xuất hiện mỗi ngày, gõ cửa tâm hồn chúng ta. Và thật là phúc cho người mở cửa cho Chúa, vì họ sẽ được phần thưởng lớn: thực vậy chính Chúa sẽ trở nên người phục vụ các tôi tớ của Người; tại bữa tiệc trong Nước của Chúa, chính Người sẽ phục vụ họ. Với dụ ngôn này, trong khung cảnh ban đêm, Chúa Giêsu trình bày cuộc sống như một cuộc canh thức chờ đợi, và hoạt động, đi trước ngày rạng ngời vĩnh cửu. Để có thể đi đến đó, cần sẵn sàng, tỉnh thức và dấn thân phục vụ tha nhân; trong viễn tượng đầy an ủi, ”ở đời sau” không phải chúng ta phục vụ Thiên Chúa, nhưng chính Chúa sẽ đón nhận chúng ta vào bàn tiệc của Ngài. Nghĩ cho kỹ, điều này đã xảy ra mỗi lần chúng ta gặp gỡ Chúa trong kinh nguyện, hoặc trong khi phục vụ người nghèo, nhất là trong Thánh Thể, nơi Chúa dọn một bữa tiệc để nuôi sống chúng ta bằng Lời và Mình Ngài.

ĐTC nói tiếp:

Dụ ngôn thứ hai có hình ảnh một kẻ trộm đến bất ngờ. Sự kiện này đòi chúng ta phải cảnh giác; thực vậy, Chúa Giêsu nhắn nhủ: ”Các con hãy sẵn sàng, vì vào giờ các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (v. 40). Môn đệ là người chờ đợi Chúa và Nước của Ngài.

Tin Mừng làm sáng tỏ viễn tượng này bằng dụ ngôn thứ ba: người quản gia coi sóc nhà cửa sau khi chủ ra đi. Trong khung cảnh thứ nhất, người quản gia trung thành thi hành nghĩa vụ và được thưởng. Trong cảnh thứ hai, người quản gia lạm dụng quyền bính và đánh đập những người phục vụ, vì thế khi chủ về bất ngờ, người ấy sẽ bị trừng phạt. Cảnh tượng này trình bày một tình trạng cũng thường xảy ra ngày nay: bao nhiêu bất công, bạo lực và những điều xấu xa hằng ngày nảy sinh từ ý tưởng cư xử như chủ nhân ông trên cuộc sống của người khác.

Ngày hôm nay Chúa Giêu nhắc nhở chúng ta rằng sự chờ đợi hạnh phúc vĩnh cửu không chuẩn chước cho chúng ta khỏi nghĩa vụ dấn thân làm cho thế giới này trở nên công chính hơn và đáng được cư ngụ hơn. Đúng ra, chính niềm hy vọng đạt được Nước Vĩnh Cửu thúc đẩy chúng ta hoạt động để cải tiến cuộc sống trần thế, nhất là cuộc sống của những anh chị em yếu thế hơn. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những người và cộng đoàn không bám vào hiện tại, hoặc tệ hơn nữa, hoài tưởng quá khứ, trái lại hướng về tương lai của Thiên Chúa, hướng về cuộc gặp gỡ Chúa, là sự sống và hy vọng của chúng ta.

Kêu gọi cho Aleppo, Siria

Sau phép lành, ĐTC nhắc đến tình trạng đau thương ở Syria và nói rằng: Đáng tiếc là từ Siria tiếp tục có những tin tức về các thường dân trở thành nạn nhân chiến tranh, đặc biệt tại thành Aleppo. Không thể chấp nhận được sự kiện bao nhiêu người vô phương thế tự vệ, kể cả các trẻ em, phải trả giá cho cuộc xung đột. Chúng ta hãy gần gũi trong kinh nguyện và tình liên đới với anh chị em Siria, và phó thác họ cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

ĐTC không quên chào thăm các tín hữu hành hương ở Roma và những người đến từ các nước. Ngài nêu danh một số nhóm, đặc biệt là các bạn trẻ đến từ thành Verona, bắc Italia, những thiếu niên đến Roma làm việc thiện nguyện trong các trung tâm tiếp đón.

Aleppo mà ĐTC nói đến trong lời kêu gọi là thành phố lớn thứ hai tại Syria và là nơi vốn có đông đảo tín hữu Kitô nhất nước. Một số khu vực của thành này bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS chiếm đóng, nhưng nay quân đội chính phủ Syria với sự hỗ trợ của không lực Nga đang liên tục oanh kích để đánh đuổi phiến quân. Trong các cuộc giao tranh và pháo kích đó, nhiều bom đạn đã rơi trúng các nhà thường dân, và cả bệnh viện nhi đồng nữa.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olimpic tỵ nạn

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào mừng và khích lệ đoàn vận động viên tị nạn tham dự thế vận Olimpic ở Rio de Janeiro.

Đoàn này gồm 2 tay bơi lội người Siria, 2 võ sĩ Judo từ Cộng hòa dân chủ Congo, và 6 người chạy đua từ Etiopiaa và Nam Sudan. Tất cả đều là những người tị nạn trốn chạy bạo lực và bách hại tại quê hương của họ và đã tìm nơi nương náu ở các nơi như Bỉ, Đức, Luxembourg, Kenua và Brazil.

Sáng kiến gửi một đoàn tị nạn tham dự thế vận hội Olimpic là điều chưa từng có trước đây và gửi một sứ điệp nâng đỡ và hy vọng cho những người tị nạn trên thế giới.

Trong sứ điệp, ĐTC chào đích danh 10 vận động viên tỵ nạn và ngài cầu mong rằng: ”Ước vì lòng can đảm và sức mạnh mà anh chị em mang trong người có thể biểu lộ qua các bộ môn thế vận tiếng kêu huynh đệ và hòa bình. Ước gì qua anh chị em, nhân loại hiểu rằng hòa bình là điều có thể, và với hòa bình, người ta có thể đạt được tất cả, trái lại với chiến tranh tất cả đều có thể bị mất”.

”Tôi mong ước rằng chứng tá của anh chị em mang lại thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

Ông Alto Grandi, Cao ủy tỵ nạn LHQ, tuyên bố rằng: ”Chúng tôi rất được khích lệ vì đoàn vận động viên tỵ nạn tham dự thế vận Olimpic. Họ là những vận động viên có trình độ cao, nhưng đã phải ngưng sự nghiệp thể thao để ra đi tỵ nạn. Nay họ có cơ hội theo đuổi giấc mơ của họ. Sự tham gia của họ vào các cuộc tranh tài thế vẫn là một sự ca ngợi lòng can đảm và kiên trì của tất cả những người tỵ nạn trong sự vượt thắng nghịch cảnh và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ. Cao Ủy tỵ nạn LHQ đứng về phía họ và mọi người tỵ nạn”. (SD 6-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

 

Vatican chuẩn bị phát hành tem Mẹ Têrêsa Calcutta

Vatican chuẩn bị phát hành tem Mẹ Têrêsa Calcutta

MOTHER TERESA STAMP

Vatican – Hôm qua, ngày 5/8/2016 , văn phòng phát hành tem thư và tiền cắc của Vatican đã thông báo về việc phát hành một loại tem bưu chính đặc biệt vào ngày 2/9, hai ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành lễ phong thánh cho Mẹ,  ngày 4/9. Con tem có giá 0,95 Euro, có hình Mẹ Têrêsa với gương mặt nhăn nheo nhưng rạng ngời, mỉm cười, trong bộ trang phục sari trắng viền xanh. Trên con tem còn có hình Mẹ đang nắm tay một em bé.

Thông cáo viết: “Yếu đuối nhưng kiên định trong ơn gọi, Mẹ Têrêsa đã yêu Chúa và Giáo hội với một sức mạnh tuyệt vời, với sự đơn sơ và khiêm hạ phi thường; bằng cuộc sống của mình, Mẹ đã vinh danh phẩm giá của sự phục vụ khiêm hạ nhất. Mẹ là một sứ giả khiêm nhường của Tin Mừng và tình yêu của Chúa Kitô, được biết như một cây bút chì bé nhỏ trong bàn tay của Thiên Chúa, thi hành công việc của mình cách im lặng và luôn luôn với lòng mến dạt dào. Mẹ đã giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và bị bỏ rơi với sự cống hiến không mệt mỏi, trao ban những nụ cười và những cử chỉ đơn sơ, tìm ra sức mạnh để kiên trì trong ơn gọi trong cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa”.

Văn phòng tem cho biết sẽ in và bán tối đa 150 ngàn bản với 10 con tem mỗi bản. (CNS 5/8/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha viếng thăm Porziuncola của dòng Phanxicô

Đức Thánh Cha viếng thăm Porziuncola của dòng Phanxicô

Đức Thánh Cha viếng thăm Porziuncola của dòng Phanxicô

ASSISI. Chiều ngày 4-8-2016, ĐTC Phanxicô đã đến hành hương tại Porziuncola, ngôi thánh đường nhỏ ở bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các thiên thần của các cha dòng Phanxicô gần Assisi.

Cuộc hành hương diễn ra nhân dịp kỷ niệm 800 năm ơn Toàn Xá, Năm 1216, trong một thị kiến, thánh Phanxicô được chính Chúa Giêsu ban ơn toàn xá, hay cũng gọi là ơn Tha Thứ ở Assisi, việc ban ơn này được ĐGH Onorio III phê chuẩn.

Sau khi dùng trực thăng để bay từ Roma lúc 3 giờ để đến gần Assisi, ĐTC đã vào cầu nguyện một mình 10 phút trong thinh lặng tại nhà thờ nhỏ Porziuncola. Bên ngoài có hàng chục Giàm Mục thuộc miền Umbria và đông đảo các tín hữu. 

Lúc quá 4 giờ chiều, ĐTC đã trình bày một bài suy niệm cho các tu sĩ và giáo dân hiện diện trong Vương cung Thánh Đường về việc tha thứ.

Ngài quảng diễn dụ ngôn người chủ nợ tha thứ cho một con nợ mắc nợ số tiền rất lớn, nhưng sau khi được tha, người này lại không muốn tha thứ cho một người chỉ mắc nợ ông một số tiền nhỏ.

ĐTC nói: ”Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, đi tới bất kỳ ai, trong thẳm sâu tâm hồn người nhìn nhận mình sai lỗi và muốn trở về cùng Chúa. Thiên Chúa nhìn con tim của người xin được tha thứ”

”Nhưng rất tiếc là vấn đề nảy sinh khi chúng ta phải đương đầu với một người anh em đã gây thiệt hại nhỏ cho chúng ta. Phản ứng mà chúng ta nghe trong dự ngôn thật là 'hùng hồn': Hắn tóm cổ ngầy ấy và bóp nghẹt mà nói: ”Hãy trả điều mà ngươi mắc nợ!” (Mt 18,28). Trong cảnh tượng này, chúng ta thấy tất cả thảm trạng trong tương quan của chúng ta đối với tha nhân. Khi chúng ta mắc nợ người khác, thì chúng ta đòi lòng thương xót; trái lại khi chúng ta là chủ nợ, thì chúng ta đòi công lý! Đó không phải là phản ứng của môn đệ Chúa Kitô và không thể là lối sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu dạy chúng ta tha thứ và thư vô giới hạn, tới bẩy mươi bẩy lần bẩy! (v. 22).

ĐTC nhận xét rằng ”Trong Năm Thánh Lòng thương xót này, con đường tha thứ càng trở nên hiển nhiên như con đường có thể đổi mới Giáo Hội và thế giới. Cống hiến chứng tá về lòng từ bi thương xót trong thế giới ngày nay chính là một nghĩa vụ mà không một ai trong chúng ta có thể tránh né. Thế giới đang cần tha thứ; quá nhiều người sống khép kín trong oán hận và nuôi dưỡng lòng ghen ghét, vì không có khả năng tha thứ, làm hại đời mình và cuộc sốlng của người khác, thay vì tìm được niềm vui và thanh thản”.

Sau bài suy niệm huấn giáo, ĐTC đã chào thăm các GM và các Bề trên Phanxicô hiện diện, rồi đến bệnh xá nơi có 15 tu sĩ Phanxicô và 1 LM giáo phận đang được điều trị săn sóc. Ngài cũng chào thăm các nhân viên phục vụ tại đây.

Sau cùng, ĐTC tiến ra thềm Đền thờ để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây, trước khi giã từ vào khoảng 6 giờ chiều để trở về Roma, cách đó khoảng 200 cây số (SD 4-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

VATICAN. ĐTC mời gọi các tu sĩ dòng Đa Minh trở thành những chứng nhân về sự âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa và sống kết hợp với Chúa để lời giảng có hiệu năng.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây sáng ngày 4-8-2016 trong buổi tiếp kiến dành cho cha Bề trên Tổng quyền Bruno Cadoré, và 70 thành viên Tổng tu nghị của dòng, kết thúc ban chiều cùng ngày, sau 3 tuần nhóm tại Bologna, cạnh mộ của Thánh Đa Minh (cách Roma 400 cây số). Trong số các tham dự viên có 3 vị người Việt Nam: Cha Vinh Sơn Hà Viễn Lự, Tổng phụ tá Bề trên Cả đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương, Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Đức Hòa và Cha Phêrô Phạm Văn Hương, Bề trên Phụ Tỉnh Đa Minh Việt Nam ở Bắc Mỹ.

Năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình dòng anh chị em: kỷ niệm 800 năm từ khi ĐGH Honorio III châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Nhân dịp Năm Vui Mừng này, tôi hiệp với anh chị em cảm tạ Chúa vì những hồng ân dồi dào đã nhận lãnh trong thời gian ấy. Ngoài ra tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Dòng vì sự đóng góp quan trọng dành cho Giáo Hội và vì sự cộng tác với Tòa Thánh, trong tinh thần trung thành phục vụ, mà Dòng đã duy trì từ khởi đầu cho đến ngày nay.

Trong bài huấn dụ bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC cám ơn sự đóng góp của dòng Đa Minh cho Giáo Hội trong 800 năm qua và ngài nhắn nhủ các tu sĩ của dòng sống kết hiệp với Chúa, nghiên cứu học hỏi nghiêm túc, rao giảng Lời Chúa và làm chứng nhân về tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi chào anh chị em và cám ơn lời chào mừng mà Cha Bruno Cadoré, Bề trên Tổng Quyền của dòng, gửi đến tôi nhân danh bản thân và tất cả những người hiện diện nơi đây, nhân dịp Tổng tu nghị của Dòng tại Bologna sắp kết thúc, qua đó anh chị em muốn làm cho căn cội của dòng tái sinh động bên cạnh mộ Thánh Sáng Lập.

Năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình dòng anh chị em: kỷ niệm 800 năm từ khi ĐGH Honorio III châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Nhân dịp Năm Vui Mừng này, tôi hiệp với anh chị em cảm tạ Chúa vì những hồng ân dồi dào đã nhận lãnh trong thời gian ấy. Ngoài ra tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Dòng vì sự đóng góp quan trọng dành cho Giáo Hội và vì sự cộng tác với Tòa Thánh, trong tinh thần trung thành phục vụ, mà Dòng đã duy trì từ khởi đầu cho đến ngày nay.

Dịp kỷ niệm 800 năm làm chúng ta nhớ đến những người nam nữ đức tin và học giả, chiêm niệm và thừa sai, tử đạo và tông đồ bác ái, đã mang sự âu yếm và dịu dàng của Thiên Chúa đến mọi nơi, làm cho Giáo Hội được phong phú và chứng tỏ có những cơ may mới để thể hiện Tin Mừng qua sự giảng thuyết, làm chứng tá và bác ái: đó là ba cột trụ nâng đỡ tương lai của Dòng, giữ cho đoàn sủng của Đấng Sáng Lập được tươi mát.

Thiên Chúa đã thúc đẩy thánh Đa Minh lập một ”Dòng Anh Em Giảng Thuyết”, vì giảng thuyết là sứ mạng mà Chúa Giêsu ủy thác cho các Tông Đồ. Chính Lời Chúa nung nấu từ bên trong và thúc đẩy đi ra ngoài để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho mọi dân tộc (Xc Mt 28, 19-20). Cha Sáng Lập đã nói: ”Trước tiên là chiêm niệm, rồi sau đó giảng dạy”. Được Thiên Chúa giảng dạy Tin Mừng, để loan báo Tin Mừng. Nếu không có sự kết hiệp nồng nhiệt với Chúa, thì việc giảng thuyết có thể là rất hoàn hảo và hợp lý, và đáng ngưỡng mộ, nhưng sẽ không đánh động tâm hồn là điều phải thay đổi. Một điều thiết yếu nữa, đó là việc nghiên cứu nghiêm túc và chăm chỉ về các vấn đề thần học, cũng như tất cả những gì giúp chúng ta đến gần thực tại và lắng nghe Dân Chúa. Nhà giảng thuyết là một người chiêm niệm Lời Chúa và cũng có thái độ như vậy đối với Dân Chúa, đang mong đợi được hiểu (Xc Evangelii Gaudium, 154).

Việc thông truyền hữu hiệu Lời Chúa đòi phải có cuộc sống chứng tá: phải là những thầy dạy trung thành với chân lý và là những chứng nhân can đảm của Tin Mừng. Chứng nhân thể hiện giáo huấn, làm cho nó trở nên cụ thể, thu hút, và không dửng dưng đối với một ai; mang lại cho chân lý niềm vui của Tin Mừng, niềm vui được biết Chúa yêu thương chúng ta và có lòng thương xót vô biên đối với chúng ta.

Thánh Đa Minh nói với các môn đệ Ngài: ”Với đôi chân không, chúng ta ra đi rao giảng”. Điều này gợi lại cho chúng ta đoạn nói về bụi gai cháy đỏ, khi Chúa bảo Ông Môisê: ”Hãy cởi dép khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3,5). Nhà giảng thuyết tốt ý thức rằng mình đang đi trên đất thánh, vì Lời Chúa mà nhà giảng thuyết mang theo là thánh, và những người nghe giảng cũng là thánh. Các tín hữu không những cần đón nhận Lời Chúa trọn vẹn, nhưng còn cần cảm nghiệm chứng tá cuộc sống của người rao giảng (Xc Evangelii gaudium, 171). Các thánh đã đạt được thành quả dồi dào, vì qua cuộc sống và sứ mạng, các vị nói bằng ngôn ngữ con tim, thứ ngôn ngữ không bị các hàng rào cản trở, và mọi người có thể hiểu được.

Sau cùng, nhà giảng thuyết và chứng nhân cũng phải hành động trong đức bác ái. Nếu không có bác ái, thì họ sẽ là những người đáng bị tranh luận và khả nghi. Thánh Đa Minh đã đứng trước một tình trạng khó xử vào lúc ban đầu, và ảnh hưởng tới trọn cuộc sống của Ngài: ”Làm sao tôi có thể học với những mảnh da chết, khi mà thân mình của Chúa Kitô đang chịu đau khổ”. Chính thân mình của Chúa Kitô sống động và chịu đau khổ, đang kêu vị giảng thuyết và không để vị ấy yên hàn. Tiếng kêu của những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề, và làm cho nhà giảng thuyết hiểu sự cảm thông của Chúa Giêsu đối với dân chúng (Mt 15,32).

Khi nhìn chung quanh chúng ta, chúng ta cảm thấy rằng con người nam nữ ngày nay đang khao khát Thiên Chúa. Họ là thân mình sống động của Chúa Kitô, đang kêu lên ”Tôi khát” bằng một tiếng kêu chân thực và có sức giải thoát, họ đang khao khát một cử chỉ huynh đệ và dịu dàng. Tiếng kêu này đang gọi hỏi chúng ta và phải là cột sống của sứ mạng và mang lại sức sống cho các cơ cấu và chương trình mục vụ.

Anh chị em hãy nghĩ đến điều này khi suy tư về sự cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Dòng để phân định về câu trả lời cần mang lại cho tiếng kêu ấy của Thiên Chúa. Hễ ta càng ra đi để thỏa mãn cái khát của tha nhân, thì chúng ta càng trở thành những nhà rao giảng chân lý, chân lý được loan báo bằng tình yêu và lòng thương xót, mà thánh nữ Catarina Siena đã nói (Xc Libro della Divina Dottrina, 35). Trong cuộc gặp gỡ với thân mình sinh động của Chúa Kitô chúng ta được loan báo Tin Mừng và tìm được lòng hăng say để trở thành nhà giảng thuyết và chứng nhân về tình yêu của Chúa.

Anh chị em thân mến! Với tâm tình biết ơn vì những thiện ích Chúa đã ban cho dòng của anh chị em và cho Giáo Hội, tôi khích lệ anh chị em hãy vui mừng theo đuổi đoàn sủng của Thánh Đa Minh và đã được bao nhiêu vị thánh nam nữ của gia đình dòng Đa Minh sống với nhiều sắc thái khác nhau. Tấm gương của Thánh Nhân là động lực để đương đầu với tương lai trong niềm hy vọng, vì biết rằng Thiên Chúa luôn đổi mới mọi sự .. và không làm chúng ta thất vọng. Xin Đức Trinh Nữ Mân Côi, Mẹ của chung ta, chuyển cầu và bảo vệ anh chị em, để anh chị em là những nhà rao giảng và chứng nhân can đảm về tình yêu Thiên Chúa.”

G. Trần Đức Anh OP

Thế giới ngày nay cần tình huynh đệ, sự gần gũi và tình bạn

Thế giới ngày nay cần tình huynh đệ, sự gần gũi và tình bạn

Một bé gái ôm hôn chào ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 3-8-2016 tại Đại thính đường Phaolô VI

Thế giới ngày nay được mời gọi trả lời cho thách đố của một cuộc chiến “từng mảnh” đang đe dọa nó. Bởi vì chính trong thế giới đang có chiến tranh này, cần có tình huynh đệ, cần có sự gần gũi, cần có đối thoại, cần có tình bằng hữu. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là dấu chỉ của niềm hy vọng vì nó là kinh nghiệm sống của tình huynh đệ vô biên giới.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua. Buổi tiếp kiến đã được tổ chức tại đại thính đường vì trời hè Roma quá nóng. Tuy nhiên đã có ngàn tín hữu khác theo dõi buổi gặp gỡ trên màn truyền hình ở quảng trường thánh Phêrô.

Như quý vị đã biết, ĐTC vừa kết thúc chuyến công du Ba Lan chiều Chúa Nhật vừa qua, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tin hữu và du khách hành hương một số cảm tưởng của mình. ĐTC nói:

Dịp của chuyến công du đã là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, 25 năm sau ngày Quốc Tế Giới Trẻ được  cử hành tại Chestochova ít lâu sau khi “bức màn sắt” sụp đổ. Trong 25 năm qua Ba Lan đã thay đổi, Âu châu đã thay đổi và thế giới đã thay đổi, và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này đã trở thành một dấu chỉ tiên tri cho Ba Lan, cho Âu châu và cho thế giới. Thế hệ trẻ mới, những người thừa kế và tiếp nối cuộc hành hương đã được thánh Gioan Phaolô II khởi đầu, đã trao ban câu trả lời cho thách đố của ngày hôm nay, họ đã trao ban dấu chỉ hy vọng, và dấu chỉ đó có tên gọi là tình huynh đệ. Bởi vì chính trong thế giới đang có chiến tranh này, cần có tình huynh đệ, cần có sự gần gũi, cần có đối thoại, cần có tình bằng hữu. Và điều này là dấu chỉ của niềm hy vọng: đó là khi có tình huynh đệ.

Chúng ta hãy bắt đầu với giới trẻ, là lý do đầu tiên của chuyến viếng thăm này. Một lần nữa họ đã đáp trả lại lời kêu mời: họ đã đến từ khắp nơi trên thế giới, vài người còn đang ở đây – một lễ hội của mầu sắc, của các gương mặt, tiếng nói và lịch sử khác nhau. Tôi không biết họ làm thế nào: họ nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng lại hiểu nhau! Bởi vì họ có ý chí cùng đi với nhau, làm các chiếc cầu, của tình huynh đệ. Họ cũng đã đến với các vết thương, các thắc mắc của họ, và nhất là với niềm vui gặp gỡ; và một lần nữa họ đã làm thành một bức khảm đá mầu của tình huynh đệ. Có thể nói tới một bức khảm đá mầu của tình huynh đệ.

Một hình ảnh biểu tượng của các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là rừng cờ muôn mầu mà người trẻ phất lên: thật thế, trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ các quốc kỳ trở thành xinh đẹp hơn, chúng như “được thanh tẩy”, và các các lá cờ của các quốc gia đang xung khắc cũng phất phới bên nhau. Và điều này thật là đẹp. Ở đây cũng có nhiều cờ. Xin anh chị em hãy cho mọi người trông thấy chúng.

Như thế, trong cuộc gặp gỡ năm thánh vĩ đại này của họ người trẻ thế giới đã tiếp nhận sứ điệp của Lòng Thương Xót, để mang nó tới khắp nơi với các việc làm tinh thần và thể xác. Tôi xin cám ơn tất cả mọi bạn trẻ đã tới Cracovia! Và tôi xin cám ơn các bạn trẻ từ khắp mọi miền trên trái đất đã hiệp nhất với chúng tôi. Bởi vì tại biết bao nhiêu quốc gia đã có các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ nối liền với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia. Ước chi món quà mà các bạn đã nhận lãnh trở thành câu trả lời thường ngày cho tiếng gọi của Thiên Chúa. Tôi xin gửi một kỷ niệm tràn đầy thương mến tới chị Susanna, một thiếu nữ thuộc giáo phận Roma đã qua đời tại Vienne sau khi tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Xin Thiên Chúa, là Đấng chắc chắn đã đón nhận chị vào quê Trời, an ủi các thân nhân và bạn bè chị.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đã nhắc tới hai sinh hoạt của ngài trong những ngày viếng thăm Ba Lan: trước hết là chuyến kính viếng đền thánh Đức Bà Chestocova, sau đó là chuyến viếng thăm trại tập trung  Auschwitz.Birkenau. ĐTC nói: Trong chuyến công du này tôi cũng đã kính viếng Đền thánh Chestocova. Trước ảnh Đức Mẹ, tôi đã nhận được món quà là cái nhìn của Mẹ, một cách đặc biệt là Mẹ của dân tộc Ba Lan, của quốc gia cao quý này là quốc gia đã đau khổ biết bao, nhưng đã luôn luôn đứng dậy với sức mạnh của đức tin và bàn tay hiền mẫu của Mẹ. Tôi đã chào vài tín hữu Ba Lan ở đây. Anh chị em giỏi lắm. Anh chị em thật giỏi!

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ : Ở đó dưới cái nhìn của Mẹ người ta hiểu được ý nghĩa tinh thần lộ trình của dân tộc này, mà lịch sử gắn liền với với Thập Giá một cách bất khả phân ly. Ở đó người ta sờ mó được với đôi bàn tay đức tin của dân tộc thánh thiện trung thành với Thiên Chúa, và duy trì niềm hy vọng qua các thử thách và cũng giữ gìn được sự khôn ngoan là thế quân bình giữa truyền thống và việc canh tân, giữa ký ức và tương lai. Và Ba Lan ngày nay nhắc nhớ cho toàn Âu châu biết rằng không thể có tương lai cho lục địa này, nếu không có các giá trị xây nền của nó, là các giá trị có trọng tâm là quan niệm kitô về con người. Trong số các giá trị đó có lòng thương xót, mà có hai người con của đất nước Ba Lan là các tông đồ đặc biệt: đó là thánh nữ Faustina Kowalska và thánh Gioan Phaolô II.

Đề cập tới chuyến viếng thăm trại tập trung đức quốc xã Auschwitz Birkenau và tình hình chiến tranh loạn lạc trên thế giới  hiện nay ĐTC nói:

Và sau cùng chuyến Viếng  thăm này cũng đã có chân trời thế giới, một thế giới được mời gọi trả lời cho thách đố của một cuộc chiến “từng mảnh” đe dọa nó. Và ở đây sự thinh lặng lớn lao của cuộc viếng thăm tại Auschwitz-Birkenau đã hùng hồn hơn mọi lời nói. Trong sự thinh lặng đó tôi đã lắng nghe, tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của tất cả các linh hồn đã đi qua đây; tôi đã cảm nhận được sự cảm thương và lòng từ bi của Thiên Chúa, mà vài linh hồn thánh thiện đã biết đem vào cả trong vực thẳm chết chóc ấy. Trong sự thinh lặng lớn lao ấy tôi đã cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân của bạo lực và chiến tranh. Và tại đó trong nơi này, tôi đã hiểu hơn bao giờ hết giá trị của ký ức, không phải chỉ như là kỷ niệm các biến cố quá khứ, nhưng còn như là lời cảnh cáo và trách nhiệm cho ngày nay và ngày mai nữa, để cho hạt giống của thù hận và bạo lực không đâm rễ trong các luống cầy của lịch sử. Trong ký ức này của các cuộc chiến và biết bao nhiêu vết thương, biết bao nhiêu khổ đau đã sống, cũng có biết bao nhiêu người nam nữ ngày nay, đau khổ vì chiến tranh, biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta. Khi nhìn vào sự tàn ác ấy, trong trại tập trung này tôi đã lập tức nghĩ tới sự tàn ác của ngày nay, chúng giống nhau: không tập trung vào một chỗ như thế, nhưng tại khắp nơi trên thế giới: thế giới này bị bệnh tàn ác, khổ đau, chiến tranh, thù hận, buồn sầu. Và chính vì vậy mà tôi luôn luôn xin anh chị em cầu nguyện: Xin Chúa ban hoà bình cho chúng ta!

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Tôi xin cảm tạ Chúa và Đức Trinh Nữ Maria về tất cả những điều đó. Và một lần nữa tôi xin bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Tổng thống và các giới chức chính quyền khác, với ĐHY TGM Cracovia và toàn thể HĐGM Ba Lan, cũng như đối với tất cả những ai trong hàng nghìn cách thế, đã khiến cho biến cố này có thể xảy ra và đã cống hiến một dấu chỉ của tình huynh đệ và hoà bình cho Ba Lan, cho Âu châu và cho toàn thế giới. Tôi cũng xin cám ơn các bạn trẻ thiện nguyện, trong vòng hơn một năm trời đã làm việc cho biến cố này; cũng như giới truyền thông, những người làm việc trong ngành truyền thông: Xin hết lòng cám ơn anh chị em đã khiến cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được trông thấy trên toàn thế giới. Và ở đây tôi không thể quên chị Anna Maria Jacobini, một nhà bào Ý đã bất thình lình qua đời bên đó. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho chị: chị đã qua đời trong khi phục vụ.

ĐTC  đã chào các đoàn hành hương hiện diện. Với các nhóm nói tiếng Pháp ĐTC xin mọi người cầu nguyện kiên trì để xã hội được sống trong tình liên đới và hoà bình.

Chào các nhóm hành hương đến từ Ai len, Thuỵ Điển, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Aruba, Hoa Kỳ và Canada, ĐTC cầu mong Năm Thánh Lòng Thương Xót giúp canh tân gia đình và xã hội.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài khích lệ mọi người đừng quên đối thoại với Chúa trong lời cầu nguyện và thực thi vài việc lành phúc đức trong mùa hè.

Chào các đoàn hành hương Ý ĐTC nhắc cho mọi nguời biết hôm nay lễ thánh Gioan Vianney cha sở họ Ars. Ngài cầu mong lòng khiêm nhường của thánh nhân nêu gương cho các bạn trẻ biết sống cuộc đời mình như món quà của Thiên Chúa, xin cho sự tín thác của thánh nhân giúp các bệnh nhân và nguời đau yếu trong những lúc khổ đau, và giúp các đôi tân hôn can đảm tuyên xưng đức tin mà không xấu hổ.

ĐTC cũng cho mọi nguời biết  thứ năm hôm nay ngài sẽ đi hành hương Vương cung thánh đường Đức Mẹ các Thiên Thần ở Assisi nhân kỷ niệm 800 năm Ơn toàn xá mà Thánh Phanxicô đã xin được cho tìn hữu kính viếng nhà thờ Porziuncoli. ĐTC xin mọi nguời đồng hành với ngài qua lời cầu nguyện và khẩn nài ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự bầu cử của thánh Phanxicô.

Buổi tiêp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải