Kỷ niệm 300 năm đội triều thiên ảnh Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan

Kỷ niệm 300 năm đội triều thiên ảnh Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan

CZESTOCHOWA. Hôm 27-8-2017, thánh lễ trọng thể kỷ niệm 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ Jasna Gora, Nữ Vương Ba Lan, đã được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ ở Czestochowa.

Hiện diện tại buổi lễ có tất cả các GM Ba Lan, Tổng Thống và chính quyền dân sự, cùng với hàng trăm ngàn tín hữu hành hương.

Theo lưu truyền ảnh Đức Mẹ được thánh Luca thực hiện tại Jerusalem trên gỗ lấy từ bàn của nhà Thánh Gia ở Nazareth. Ảnh này được giữ tại Vương cung thánh đường cạnh Đan viện do các cha dòng Thánh Phaolô coi sóc. Lễ kính Đức Mẹ hằng năm vào ngày 27-8.

Năm 1717, ảnh Đức Mẹ được đội triều thiên do ĐGH Clemente 11 dâng tặng, nhưng triều thiên này bị lấy trộm hồi năm 1909. Qua dòng thời gian, các triều thiên khác được thay đổi theo nghi thức đặc biệt. Năm nay, bản sao triều thiên Đức Mẹ được giáo phận Crotone ở Italia dâng tặng và được đặt trên ảnh Đức Mẹ trong đêm 27 rạng ngày 28-7 vừa qua, kỷ niệm 1 năm cuộc hành hương của ĐTC Phanxicô tại đây, trong dịp Đại hội Giới trẻ Công giáo thế giới ở Cracovia.

Để kỷ niệm 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ, Năm Thánh được cử hành trên toàn nước Ba Lan và sẽ kết thúc vào ngày 8-9 tới đây với thánh lễ do ĐHY Stanislaw Rylko người Ba Lan, chủ sự. ĐHY hiện là Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma.

Sứ điệp của ĐTC

ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp video cho các tham dự viên, trong đó ngài nhắc nhở rằng ”Bức Ảnh Thánh tỏ cho thấy Mẹ Maria không phải mà một Nữ Vương xa xăm ngự trên ngai, nhưng là người Mẹ ẵm Con, và cùng với Chúa Con, Mẹ ôm lấy tất cả chúng ta là con cái của Mẹ. Người là Mẹ thật, với khuôn mặt bị vết thương, một người Mẹ đau khổ nhận vào lòng những vấn đề của cuộc sống chúng ta. Người là Mẹ gần gũi, không bao giờ quên nhìn chúng ta; Người là một bà Mẹ dịu dàng, cầm tay dẫn dắt chúng ta mỗi ngày”.

ĐTC cũng cầu mong Năm Thánh kỷ niệm Đức Mẹ Jasna Gora là thời điểm thuận tiện để không một ai trong chúng ta cảm thấy mình mồ côi, trong thế giới mồ côi này, không ai trong chúng ta bị mồ côi, vì mỗi người có một Người Mẹ ở cạnh, là Nữ Vương khôn sáng về sự dịu dàng. Mẹ biết và đồng hành với chúng ta như từ mẫu đích thực, dịu dàng, và đồng can đảm, không bao giờ xâm nhập vào cuộc sống và luôn kiên trì trong điều thiện, kiên nhẫn trước sự ác và tích cực trong việc thăng tiến hòa hợp”. (Rei 26-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đại hội giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ 7

Đại hội giới trẻ châu Âu vì hòa bình lần thứ 7

Cuộc gặp gỡ giới trẻ Châu Âu vì hòa bình lần thứ VII đang được tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha, nơi đã xẩy ra thảm kịch khủng bố làm cho hơn 100 người chết và bị thương.

Cuộc gặp gỡ này là sinh hoạt được cộng đồng thánh Egidio tổ chức. Các lần gặp gỡ trước được tổ chức lần lượt tại Assisi, Krakow, Roma, Berlin, Anversa và Paris.

Cuộc gặp gỡ lần VII có chủ để là “Thêm người trẻ, thêm hòa bình”, được kéo dài 3 ngày, bắt đầu chiều thứ sáu, 25/08 và kết thúc vào Chúa Nhật 27/08. Chương trình gồm có các buổi hội họp, suy tư, trao đổi, thăm viếng và kết ban. Phần lớn người tham dự là các học sinh và sinh viên đại học thuộc châu Âu, nhưng cũng có đại diện của phong trào tại châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.

Những người trẻ tin rằng tin rằng sự liên đời là nền tảng để xây dựng hòa bình. Những người trẻ này, trong suốt năm, mỗi ngày dấn thân vào trong những tình cảnh bên lề xã hội để giúp các trẻ em trong những khu phố nghèo khổ, thăm viếng người cao tuổi, giúp đỡ người vô gia cư và đón tiếp người tị nạn. Cuộc gặp gỡ là nơi diễn tả quan niệm này về hòa bình và gửi đến tất cả lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình.

Chiều 25/08, vào lúc 18 giờ, tại Rambla, sau cuộc đi bộ, các tham dự viên đã đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng bố ở Barcelona và Cambrils và đọc tuyên ngôn hòa bình. Ngày thứ Bảy, 26/08, các bạn trẻ tham gia vào cuộc tuần hành của Barcelona, chống lại khủng bố và cổ võ sống chung hòa bình.

Nói có với hòa bình và liên đới, nói không với khủng bố và chia rẽ đang đe dọa sự sống chung và tương lai của thế giới, là lời kêu gọi mạnh mẽ của những người trẻ tại Barcelona trong những ngày này. (RV 25/08/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tuần lễ phụng vụ Italia

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tuần lễ phụng vụ Italia

VATICAN. ĐTC kêu gọi các chuyên gia phụng vụ và Trung Tâm hoạt động phụng vụ ở Italia giúp đỡ các thành phần dân Chúa để phụng vụ trở thành tột đỉnh sinh động của Giáo Hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 24-8-2017, dành cho 800 tham dự viên Tuần lễ Phụng Vụ toàn quốc Italia thứ 68 về chủ đề ”Một phụng vụ sinh động cho một Giáo Hội sinh động”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC mời gọi các tín hữu ý thức yếu tố cơ bản, theo đó Phụng vụ sống động trước tiên nhờ sự hiện diện sinh động của ”Đấng đã phá hủy sự chết và sống lại để ban cho chúng ta sự sống mới” (Kinh tiền tụng Phục Sinh I). Cũng như nếu không có nhịp tim đập thì không có sự sống con người, cũng thế không có hoạt động phụng vụ nếu không có trái tim đập là Chúa Kitô”.

Sau khi nhắc đến công trình cải tổ phụng vụ của Công đồng chung Vatican 2, ĐTC nhắc nhở cho các nhà phụng vụ rằng phụng vụ chính là cuộc sống của toàn dân trong Giáo Hội. Tự bản chất, phụng vụ là ”nhân dân” chứ không phải là giáo sĩ, là một hoạt động cho dân, và cũng là của dân. Giáo Hội cầu nguyện thu thập tất cả những người quan tâm lắng nghe Tin Mừng, và không gạt bỏ một ai: người lớn cũng như người nhỏ, người giàu cũng như người nghèo, trẻ em và người già, người lành mạnh cũng như người đau yếu, người công chính và người tội lỗi.

Phụng vụ là sự sống chứ không phải là một ý tưởng để hiểu. Phụng vụ giúp sống kinh nghiệm khởi đầu, kinh nghiệm biến đổi cách thức tư duy và cư xử, chứ không phải để làm giàu kiến thức về Thiên Chúa”.

Và ĐTC xin các nhà phụng vụ hãy giúp các thừa tác viên thánh chức, cũng như các thừa tác viên khác, các ca viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ, cộng tác để phụng vụ trở thành ”nguồn mạch và tột đỉnh sức sinh động của Giáo Hội” (Xc SC 10) (Rei 24-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y kết thúc cuộc viếng thăm Liên bang Nga

Đức Hồng Y kết thúc cuộc viếng thăm Liên bang Nga

ROMA. Hôm 24-8-2017, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm chính thức 3 ngày tại Liên bang Nga.

Hôm 23-8 trước đó, ĐHY đã gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin tại dinh Tổng thống ở thành phố Sochi, bên Biển Đen, cách Mascơva hơn 1,350 cây số về hướng nam. Đây là lần đầu tiên từ 29 năm nay, một vị Quốc vụ khanh Tòa Thánh viếng thăm và gặp một vị lãnh tụ của Nga, sau cuộc viếng thăm lịch sử của ĐHY Agostino Casaroli, nhân dịp kỷ niệm 1 ngàn năm nước Nga được rửa tội.

Thông báo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết cuộc gặp gỡ kéo dài 1 tiếng đồng hồ và diễn ra trong bầu không khí tích cực, thân mật, tôn trọng và lắng nghe nhau, trao đổi quan điểm một cách cởi mở về nhiều vấn đề quốc tế và những tương quan song phương.

Cuối buổi hội kiến, ĐHY Quốc vụ khanh đã tặng Tổng thống Putin hình cánh lá Oliu bằng đồng, biểu tượng hòa bình, và Tổng thống đã tặng cho ĐHY một loạt các đồng tiền sưu tập về Thế vận Olimpic năm 2014 tại Sochi. (Rei 23-8-2017)

Giới báo chí ghi nhận rằng Tổng thống Putin đã chào mừng cuộc đối thoại tiếp tục giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Chính Thống Nga, và nhận xét rằng những giá trị nhân đạo phổ quát là nền tảng cho quan hệ giữa Nga và tòa Thánh, cũng như tương quan giữa hai Giáo Hội.

Tổng thống Putin cũng cám ơn Tòa Thánh vì đã cho đưa Hài cốt thánh Nicola sang Nga trong mùa hè này để các tín hữu kính viếng. Ông cũng chào mừng việc Bảo tàng viện Vatican triển lãm các bức họa của Nga và cho biết năm tới, đến lượt Nga sẽ đón tiếp một cuộc triển lãm của Vatican.

Trong cuộc trưng bày hài cốt thánh Nicola ở Mascơva và thành phố San Pietroburgo có hơn 2 triệu 300 ngàn tín hữu Nga đến kính viếng, kể cả Tổng Thống Vladimir Putin.

G. Trần Đức Anh OP 

 

72 thành viên Con đường Tân dự tòng Nam Phi đi truyền giáo

72 thành viên Con đường Tân dự tòng Nam Phi đi truyền giáo

Từ 11-21 tháng 8, đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, 72 thành viên thuộc cộng đoàn tân dự tòng của Nam phi được gửi đi truyền giáo, từng hai người một, chỉ với cuốn Kinh thánh trên tau, để loan báo Tin mừng ở Nam phi, Swaziland, Botswana và Lesotho. 

Trước khi bắt đầu sứ vụ, các nhà truyền giáo này được đức cha Brislin, Tổng giám mục của Città del Capo và chủ tịch hội đồng giám mục Nam phi, chúc lành. Đức cha Brislin nói: “Qua bí tích rửa tội của chúng ta, như các tông đồ, chúng ta chia sẻ sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô. Loan báo Tin mừng trong thời hiện đại không chỉ gồm trong việc mang Chúa Kitô đến cho những ngừoi chưa nghe nói về Người, nhưng cũng đến với những người mà Chúa Kitô không quan trọng đối với họ, để thắp lên lại niềm tin đích thực.”

Sứ vụ truyền giáo đang được thực hiện khắp nơi trên thế giới, như được loan báo vào dịp ngày quốc tế giới trẻ tại Cracovia hồi năm ngoái, khi 150 ngàn người trẻ của phong trào Con đường Tân dự tòng tụ họp trong dịp họp mặt ơn gọi. Dino Furgione, người phụ trách phong trào Con đường Tân dự tòng ở Nam phi nói: “Sứ vụ này không chỉ dành cho những người thánh hiến. Có những người đã kết hôn, những người độc thân, người trẻ và người già, linh mục và chủng sinh. Đây là tinh thần của công đồng chung Vatican II, thân thể của Giáo hội là sự hiện diện đích thật của Chúa Kitô. Chúng tôi đã cảm nghiệm rằng Chúa Kitô đồng hành với chúng tôi. Trả lời cho câu hổi đã được nói với các môn đệ trong tin mừng thánh Luca: ‘Khi Thầy sai con đi, không túi, không tiền hay giày dép, con có thiếu gì không?’ Chúng tôi có thể làm chứng rằng chúng tôi không thiếu thốn gì! Một số người thực sự đã phải chịu đựng một số thiếu thốn, nhưng tất cả chúng tôi đều trải nghiệm "niềm vui trọn vẹn" của Thánh Phanxicô, người cũng thường gửi các anh em của mình đi truyền giáo, từng hai người một.” (Agenzia Fides 25/2017)

Hồng Thủy

Thiên Chúa là Cha, Đấng đổi mới mọi sự

Thiên Chúa là Cha, Đấng đổi mới mọi sự

** Niềm hy vọng kitô dựa trên lòng tin nơi Thiên Chúa là Cha, Đấng luôn luôn tạo dựng các sự mới mẻ trong cuộc sống con người, trong lịch sử và trong vũ trụ. Đấng luôn luôn lo lắng cho con người, muốn cho con người đuợc hạnh phúc và khóc các giọt nước mắt của lòng thương xót và hiền dịu vô biên đối với các con cái mà Ngài giang tay chờ đón trong thành Giêrusalem thiên quốc.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa văn bản trích từ chương 21  sách Khải Huyền, viết rằng: “Đấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự." Rồi Người phán: "Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật." Người lại phán với tôi: "Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta” (Kh 21,5-7).

ĐTC nói: Chúng ta vừa mới nghe Lời Chúa trong sách Khải Huyền nói rằng: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Niềm hy vọng kitô dựa trên lòng tin nơi Thiên Chúa là Đấng luôn luôn tạo dựng sự mới mẻ trong cuộc sống con người, tạo dựng sự mới mẻ trong lịch sử và tạo dựng sự mới mẻ trong vũ trụ. Thiên Chúa của chứng ta là Thiên Chúa tạo dựng sự mới mẻ, bởi vì Ngài là Thiên Chúa của các ngạc nhiên. Mới mẻ và ngạc nhiên. ĐTC giải thích thêm:

Thật không phải là kitô bước đi với cái nhìn hướng về phía dưới – như các con heo làm: chúng luôn luôn đi như vậy –  mà không ngẩng mắt nhìn chân trời. Làm như thể tất cả con đường của chúng ta tắt ngấm ở đây, trong vài mét của cuộc du hành, làm như thể trong cuộc sống chúng ta không có mục đích nào và không có bến đậu nào, và chúng ta bị bắt buộc lang thang vô tận, không có lý do nào đối với biết bao mệt nhọc của mình. Điều này không phải là kitô.

** Các trang cuối cùng của Thánh Kinh cho chúng ta thấy chân trời cuối cùng của con đường của tín hữu: đó là thành Giêrusalem trên trời, thành Giêrusalem thiên quốc. Nó được tưởng tượng như là một ngôi lều mênh mông, nơi Thiên Chúa sẽ tiếp đón tất cả mọi người để vĩnh viễn ở với họ (Kh 21,3). Đấy là niềm hy vọng của chúng ta.

Và Thiên Chúa sẽ làm gì, khi sau cùng chúng ta sẽ ở với Ngài? Ngài sẽ dùng sự dịu hiền vô tận đối với chúng ta như một người cha tiếp đón các con của mình đã vất vả khổ đau lâu dài. Thánh Gioan nói tiên tri trong sách Khải Huyền như sau: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại… Thiên Chúa sẽ làm gì? Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất… Này đây Ta đổi mới mọi sự" (Kh 21,3-4). Thiên Chúa của sự mới mẻ.

Anh chị em hãy thử suy gẫm văn bản này của Thánh Kinh không phải một cách trừu tượng, nhưng sau khi đã đọc một tin tức thời sự, sau khi xem tin tức trên đài truyền hình hay trang nhất của các nhật báo, nơi có biết bao thảm cảnh, nơi người ta đưa các tin buồn khiến cho chúng ta có nguy cơ quen thuộc với chúng. Tôi đã chào vài anh chị em đến từ Barcelona: biết bao tin buồn đến từ đó! Tôi đã chào vài người đến từ Congo, và có biết bao tin buốn đến từ đó! Và có biết bao nhiêu là tin buồn khác! Để chỉ nói lên hai tin từ các anh chị em ở đây…Anh chị em hãy thử nghĩ tới gương mặt của các trẻ em sợ hãi vì chiến tranh, tới tiếng khóc của các bà mẹ, tới các giấc mơ bị gẫy vụn của biết bao nhiêu người trẻ, tới các người tỵ nạn phải đương đầu với các cuộc hành trình kinh khủng, và họ bị khai thác bóc lột hai lần… Rất tiếc cuộc sống cũng là như thế. Đôi khi lại muốn nói rằng cuộc sống nhất là như vậy. Có lẽ thế. Nhưng có một Ngưởi Cha khóc với chúng ta: có một Người Cha khóc các giọt nước mắt của lòng thương xót vô biên đối với các con cái Ngài. Chúng ta có một Người Cha biết khóc, khóc với chúng ta.

Một người Cha chờ đợi chúng ta để an ủi chúng ta, bởi vì Ngài hiểu biết  các khổ đau của chúng ta và đã chuẩn bị cho chúng ta một tương lai khác. Đó là quan điểm vĩ đại của niềm hy vọng kitô, nở rộng trên mọi ngày sống của chúng ta và muốn nâng chúng ta dậy.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thiên Chúa đã không muốn các cuộc sống của chúng ta vì sai lầm, bằng cách bắt buộc chính Ngài và chúng ta phải sống các đêm đen của âu lo. Trái lại Ngài đã tạo dựng chúng ta vì Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Ngài là Cha chúng ta, và nếu chúng ta ở đây, bây giờ sống kinh nghiệm một cuộc sống không phải là cuộc sống mà Ngài đã muốn cho chúng ta, thì Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chính Thiên Chúa đang thực thi việc cứu chuộc của Ngài. Ngài làm việc để cứu chuộc chúng ta. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

** Chúng ta tin và biết rằng cái chết và thù hận không phải là các tiếng nói sau cùng được đọc lên trên parabol cuộc sống là người của chúng ta. Là kitô hữu bao gồm một viễn tượng mới mẻ: một cái nhìn tràn đầy hy vọng. Có ai đó tin rằng cuộc sống giữ lại mọi hạnh phúc của nó trong tuổi thanh xuân và trong quá khứ, và sống là một rơi rụng từ từ. Người khác nữa thì cho rằng các niềm vui của chúng ta chỉ là các điều có thời có lúc, mau qua, và trong cuộc sống con người có khắc ghi sự vô nghĩa. Những người mà trước biết bao tai ương nói: “Cuôc sống không có ý nghĩa. Con đường của chúng ta là một vô nghĩa.” Nhưng là kitô hữu chúng ta không tin điều đó. Trái lại chúng ta tin rằng ở chân trời của con người có một mặt trời chiếu sáng luôn mãi. Chúng ta tin rằng các ngày sống tươi đẹp hơn của chúng ta còn phải tới. Chúng ta là người của mùa xuân hơn là của mùa thu.

Bây giờ tôi thích hỏi anh chị em điều này – mỗi người hãy tự trả lời trong con tim của mình, trong thinh lặng, nhưng hãy trả lời: “Tôi là một người nam, một phụ nữ, một thanh niên, một thiếu nữ của mùa xuân hay của mùa thu? Linh hồn tôi đang ở trong mùa xuân hay trong mùa thu? Mỗi người hãy tự trả lời đi.  Chúng ta nhận ra các mầm giống của một thế giới mới hơn là các lá vàng úa trên cành. Chúng ta không ru ngủ mình trong các nhớ nhung, tiếc nuối và than thở: chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn cho chúng ta được thừa hưởng gia nghiệp của một lời hứa, và là những người không mỏi mệt vun trồng các giấc mơ. Xin anh chị em đừng quên câu hỏi này: “Tôi là một người của mùa xuân hay của mùa thu? Của mùa xuân đang chờ đọi hoa, đang chờ đợi quả, đang chờ đợi mặt trời là Chúa Giêsu, hay của mùa thu luôn luôn với gương mặt cúi gầm xuống dưới đất, cay đắng và như nhiều lần tôi đã nói, với gương mặt của các trái ớt ngâm giấm, đúng không? Vậy đó…

Kitô hữu biết rằng Nước Thiên Chúa và quyền bính tình yêu thương của Ngài đang lớn lên như một cánh đồng lúa, cả khi có có lùng ở giữa. Luôn luôn có các vấn đề, có các bép xép, có các chiến tranh, có các bệnh tật… có các vấn đề. Nhưng hạt lúa lớn lên và sau cùng sự dữ sẽ bị loại trừ. Tương lại không tuỳ thuộc chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô là ơn cao cả nhất  của sự sống: là vòng tay ôm của Thiên Chúa, Đấng chờ đợi chúng ta ở cuối đường, nhưng giờ đây Ngài đồng hành với chúng ta và an ủi chúng ta trên đường đời. Ngài dẫn đưa chúng ta tới ngôi lều vĩ đại của Thiên Chúa với con người (x. Kh 21,3), với biết bao nhiêu các anh chị em khác, và chúng ta sẽ đem tới cho Thiên Chúa kỷ niệm của các ngày sống trên trần gian này.

Và sẽ thật là đẹp khám phá ra trong lúc đó rằng đã không có gì bị mất cả, không có gì bị mất, kể cả một giọt nước mắt: không có gì bị mất, không nụ cười nào và không giọt nước mắt nào bị mất cả. Cho dù cuôc đời chúng ta có dài đi nữa, xem ra nó đã chỉ được sống trong một hơi thở.  Và cuộc tạo dựng đã không ngừng lại ở ngày thứ sáu của sách Sáng Thế, việc tạo dựng đã không kết thúc vào ngày thứ sáu, nhưng đã kéo dài không mệt mỏi, bởi vì Thiên Chúa đã luôn luôn lo lắng cho chúng ta. Cho tới ngày trong đó mọi sự sẽ hoàn tất, trong buổi sáng trong đó các giọt nước mắt sẽ ngưng, trong chính khoảnh khắc, trong đó Thiên Chúa sẽ nói lên lời cuối cùng của phúc lành: “Này đây Ta canh tân mọi sự” (c. 5). Phải, Cha của chúng ta là Thiên Chúa của các sự mới mẻ, và Thiên Chúa của các ngạc nhiên. Và ngày đó chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc, và chúng ta sẽ khóc? Phải, nhưng chúng ta sẽ khóc vì vui sướng.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau đến từ các nước nói tiếng Pháp, cũng như từ Anh quốc, Ấn Độ, Việt Nam, đặc biệt đoàn hành hương của cộng đoàn quốc tế Cardjin (Cardein) nhân kỷ niệm 50 năm ngày ĐHY Joseph Cardjin qua đời. Ngài cầu chúc mọi người quảng đại phục vụ Tin Mừng và làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội.

Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói trong các ngày này chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ Maria Nữ Vương trên trời. Chúng ta hãy phó thác cuộc sống cho Mẹ để khi kết thúc con đường trần gian chúng ta cũng đạt đích quê trời như Mẹ.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC nhắc tới lễ kính thánh Rosa thành Lima, và cầu xin Mẹ Maria trợ giúp kitô hữu duy trì được ánh sáng đức tin và niềm hy vọng giữa các khó khăn và bóng tối cuộc đời.

Với các tín hữu đến từ Libăng, Siria và vùng Trung Đông ngài nhắc lại rằng Thiên Chúa không tạo dựng con người để trở thành mồi cho buồn sầu, âu lo, giòn mỏng và cái chết, nhưng cho cuộc sống hạnh phúc trên quê trời, nơi Ngài sẽ lau sạch mọi nước mắt khổ đau của họ, và sẽ không còn cái chết, mệt nhọc và buồn thương nữa, vì Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sự.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nói thứ Bẩy và Chúa Nhật tới đây nhiều tín hữu sẽ đến hành hương đền thánh Đức Bà Jasna Gora để mừng lễ Đức Bà Czéstochowa và 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ. Ước gì dịp lễ gọi là “tiệc cưới Cana Ba Lan” là dịp củng cố việc đào tạo lương tâm và tao trật tự trong cuộc sống cá nhân, gia đình và quốc gia.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu Phan Sinh thánh Chiara đang họp tổng tu nghị, các chủng sinh tham dự khoá huấn luyện mùa hè lần thứ 25 do tổ chức thánh Philiphê Neri cùng bảo trợ với giáo phận Verona. Ngài cầu chúc các chủng sinh tập sống Tin Mừng ngay từ bây giờ với tinh thần truyền giáo và việc phục vụ người nghèo.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắn nhủ mọi người biết hướng mắt về trời chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Chúa, và vun trồng lòng tôn sùng Mẹ với lòng chân thành. ĐTC cũng tỏ tình liên đới với các nạn nhân vụ động đất tại đảo Ischia chiều thứ hai vừa qua. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho những ai đã qua đời, cho các người bị thương, thân nhân và những ai đã bị mất nhà cửa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

LINH TIẾN KHẢI

Tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin trong cuộc viếng thăm Nga

Tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin trong cuộc viếng thăm Nga

MASCOW:  ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hài lòng về quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nga, đồng thời bày tỏ lập trường về một số vấn đề quốc tế.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ làm việc với ngoại trưởng Nga, Ông Sergiey Lavrov, sáng ngày 22-8-2017 tại Mascow, ĐHY Parolin cho biết ngài đến đây để bày tỏ sự quan tâm ân cần của ĐGH Phanxicô đối với tình hình song phương giữa Tòa Thánh và Liên bang Nga, cũng như về một số vấn đề và bận tâm trong lãnh vực quốc tế.

ĐHY Quốc vụ khanh cho biết Nga và Tòa Thánh hài lòng vì những tiến bộ trong tương quan với nhau qua nhiều lãnh vực và những tiếp xúc thường xuyên. Hai bên khẳng định ý hướng tiếp tục phát triển những quan hệ trong các lãnh vực văn hóa, cộng tác khóa học và y khoa. Hai bên cũng ký hiệp định về việc miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu ngoại giao.

ĐHY Parolin cho biết trong cuộc hội kiến với ngoại trưởng Nga, cũng có bàn đến một số vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống Giáo Hội tại nước này, trong đó có vấn đề các nhân viên Công Giáo vẫn không phải là người Nga vẫn còn gặp khó khăn trong việc xin giấy phép cư trú làm việc, và vấn đề trả lại cho Giáo Hội một số nhà thờ cần thiết cho việc săn sóc mục vụ các tín hữu Công Giáo tại Nga.

Về những vấn đề quốc tế mà cả hai bên cùng quan tâm, ĐHY Parolin nói: ”Tôi đã tái cầu mong rằng những giải pháp đúng đắn và lâu bền sẽ được tìm kiếm cho các cuộc xung đột, đặc biệt tại Trung Đông, Ucraina và một số miền khác trên thế giới. Sở dĩ trong những tình cảnh bi thảm ấy, Tòa Thánh dấn thân trực tiếp tích cực hơn, cố gắng cổ võ những sáng kiến nhắm thoa dịu những đau khổ của dân chúng, đồng thời kêu gọi rõ ràng hãy dành ưu tiên cho công ích, và nhất là công lý, sự hợp pháp, sự thật của các sự kiện, tránh lèo lái các sự kiện, sự an toàn và những điều kiện sống xứng đáng của các thường dân, đó là Tòa Thánh không nhắm và không thể đồng hóa với một lập trường chính trị nào, và Tòa Thánh nhắc nhớ nghĩa vụ phải quyết liệt tuân hành các nguyên tắc chính của công pháp quốc tế, sự tôn trọng các nguyên tắc ấy là điều không thể thiếu được, để bảo vệ trật tự và hòa bình thế giới, cũng như để phục hồi một bầu không khí lành mạnh tôn trọng nhau trong các quan hệ quốc tế”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng cho biết trong cuộc hội kiến, Tòa Thánh và Liên bang Nga tìm được những điểm đồng qui, tuy với những phương pháp tiếp cận khác nhau: cả hai bên đều rất lo âu về tình trạng của các tín hữu Kitô ở một số nước Trung Đông và Phi châu cũng như tại một số miền trên thế giới. Về vấn đề này, Tòa Thánh liên lỷ quan tâm bảo vệ tự do tôn giáo tại bất kỳ nước nào và trong bất kỳ tình trạng chính trị nào” (Rei 22-8-2017)

Gặp Đức Thượng Phụ Kiriil I

Chiều ngày 22-8-2017, ĐHY Parolin đã hội kiến trong gần 2 tiếng đồng hồ với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga, tại Đan viện thánh Danilo ở Mascow.

Tham dự cuộc gặp gỡ này về phía Tòa Thánh cũng có Đức TGM Celestino Migliore, Sứ thần Tòa Thánh tại Mascơva, và hai LM thuộc Bộ ngoại giao Tòa Thánh.

Về phía Chính Thống cũng có Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ và 2 LM.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí sau đó, Đức TGM Hilarion cho biết Đức Thượng Phụ Kirill đã nói về vai trò bình định của các Giáo Hội, nhắm hòa giải các dân tộc và sự cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Công Giáo trong việc trợ giúp nhân đạo cho dân chúng đang chịu đau khổ ở Trung Đông, qua những dự án chung. Việc làm này có thể là một nhân tố quan trọng giúp đoàn kết.

ĐHY Parolin đã chuyển lời chào thăm của ĐTC tới Đức Thượng Phụ. Trả lời câu hỏi của giới báo chí, ĐHY cho biết trong cuộc hội kiến, không có bàn về việc ĐTC viếng thăm Nga, nhưng về nhiều vấn đề khác. ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh đến nhiều điểm tương đồng quan điểm giữa Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Về cuộc xung đột hiện nay tại Ucraina, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nhấn mạnh rằng về phương diện này, các Giáo Hội không thể giữ vai trò nào khác ngoài vai trò bình định

Thứ tư 23-8-2017, ĐHY Parolin đã bay đến Sochi, cách Mascow gần 1400 cây số, để gặp tổng thống Nga, Vladimir Putin. (Tổng hợp 23-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Moscow. Hôm 21-8-2017, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gặp gỡ và thảo luận với Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Thông cáo của tòa Thượng Phụ cho biết hai vị đã trao đổi về cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay và tình trạng bi thảm của các tín hữu Kitô tại Trung Đông. Nhận xét về việc có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, hai vị đã đồng ý về sự kiện trước tiên cần loại trừ nạn khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria, và chỉ sau khi đạt được hòa bình tại nước này, người ta mới có thể xác định tương lai chính trị của đất nước.

Một đề tài nóng bỏng khác là vấn đề Ukraine và tự do tôn giáo tại nước này. Quốc hội Ukraine đang chuẩn bị một số đạo luật trong thực tế kỳ thị vị thế của Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Ngoài Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Moscow, còn có Chính Thống Ukraine tự ý tách rời khỏi Chính Thống Nga do Đức Thượng Phụ Filaret cai quản, và không được Chính Thống thế giới công nhận. Sau cùng là một Giáo Hội Chính Thống gốc hải ngoại, trở về Ukraine sau khi nước này tìm lại tự do sau khi nhà nước Liên Xô sụp đổ.

Đức TGM Hilarion bày tỏ sự bất mãn về những lời tuyên bố có tính cách chính trị của các đại diện Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, nhưng đồng thời Đức TGM cũng nhìn nhận sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các tín hữu Chính Thống.

Thông cáo của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cho biết hai vị lãnh đạo Tòa Thánh và Chính Thống Nga đều xác tín rằng chính trị không được xen mình vào đời sống Giáo Hội, và các Giáo Hội Kitô tại Ukraine được kêu gọi giữ một vai trò kiến tạo hòa bình, cộng tác với nhau để tái lập sự hòa hợp dân sự tại Ukraine.

Về vấn đề Syria và tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông có sự đồng ý hoàn toàn với nhau giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, nhưng không có sự đồng ý như vậy về vấn đề Ukraine.

Thứ ba hôm qua, 22-8, ĐHY Parolin gặp gỡ và làm việc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, và ban chiều, ĐHY viếng thăm Đức Thượng Phụ Chính Thống Kirill ở Moscow.

Thứ tư 23-8, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ đến Sochi để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. (Asia News 22-8-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Di Dân và Tỵ Nạn 2018

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Di Dân và Tỵ Nạn 2018

VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tỵ nạn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.

ĐTC mô tả như một ”dấu chỉ thời đại” tình trạng đau buồn của bao nhiêu người di dân trốn chạy chiến tranh và nghèo đói, và nhắc đến lời dạy trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, là một cơ hội để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”, vì thế một trách nhiệm lớn của Giáo hội là biểu lộ sự ân cần đối với những người di dân.

Trong sứ điệp, ĐTC lần lượt bàn đến 4 điểm: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tỵ nạn.

– Về việc đón tiếp người di dân và tỵ nạn, ĐTC nhấn mạnh rằng điều cấp thiết là cống hiến cho họ khả thể rộng lớn hơn để tới các nước một cách chắc chắn và hợp pháp. Ngài kêu gọi đơn giản hóa thủ tục cấp các chiếu khán nhập cảnh nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Đồng thời ĐTC cũng phê bình những vụ trục xuất tập thể người di dân và tỵ nạn, nhất là gửi họ về những nước không bảo đảm các quyền căn bản của con người”.

– Về việc bảo vệ những người di dân và tỵ nạn, ĐTC nhận xét rằng việc bảo vệ này bắt đầu tại quê hương và cần tiếp tục tại nước nhập cư. Ngài mời gọi đề cao giá trị những khả năng và năng khiếu của người di dân, vì thế họ phải được tự do di chuyển trong nước tiếp cư và có thể làm việc.

– Về điểm thứ ba là thăng tiến, ĐTC nói rằng mọi người di dân phải được ở trong tình trạng có thể thể thành đạt thân như những nhân vị. Ngài khuyến khích sự hội nhập người di dân về mặt xã hội và công ăn việc làm, và ca ngợi nhiều nước về phương diện cộng tác quốc tế.

ĐTC cũng kêu gọi rằng trong việc phân phối những viện trợ trong sự cộng tác quốc tế như vậy, cần để ý đến những nhu cầu của các nước đang trên đường phát triển tiếp nhận rất nhiều người di dân và tỵ nạn.

– Sau cùng về vấn đề hội nhập người di dân, ĐTC nhấn mạnh rằng đây không phải là sự đồng hóa người di dân và tỵ nạn, đưa tới sự xóa bỏ căn tính văn hóa của họ, nhưng là một tiến trình kéo dài, có thể được đẩy mạnh qua việc cấp quốc tịch mà không gắn liền với những đòi hỏi kinh tế và ngôn ngữ. ĐTC cho biết Giáo Hội sẵn sàng dấn thân đi hàng đầu trong lãnh vực này.

Ngài không quên kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị hãy phê chuẩn các hiệp ước hoàn cầu được thông qua gần đây tại LHQ, trong đó có một hiệp ước về người di dân và một hiệp ước khác về người tỵ nạn (Rei 21-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hội đồng Giám mục Pêru đã công bố khẩu hiệu và chuyến viếng thăm quốc gia này, từ ngày 18-21/01/2018, của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là lần thứ 3 Pêru được người kế vị thánh Phêrô viếng thăm.

“Unidos por la speranza” – Hiệp nhất bởi hy vọng – là lời mời gọi hoạt động cho sự hiệp nhất dưới sự hướng dẫn của hy vọng, điều Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với người dân Pêru trong sứ điệp video gửi đến họ hồi đầu tháng 8 này.

Các yếu tố được trình bày trong logo là: sự gần gũi, cầu nguyện và hiệp nhất. Đôi bàn tay: màu đỏ và vàng, màu cờ Pêru và Vatican, như hình đôi cánh đang cầu nguyện, ngợi khen và vui mừng với việc Đức Thánh Cha đến Pêru. Bản đồ Pêru thể hiện sự gần gũi của Đức Thánh Cha với Pêru qua sự hiện diện của ngài. Hình ảnh tươi cười của Đức Thánh Cha trong bản đồ nước Pêru diễn tả sự liên kết của các miền đất nước để đón tiếp Đức Thánh Cha.

Theo các Giám mục Pêru, logo muốn diễn tả sự gần gũi của Đức Thánh Cha với nhân dân Pêru và sự đồng hành của ngài trên hành trình đức tin, đồng thời muốn xác định rằng ngày lễ hội trong hy vọng sẽ đoàn kết mọi người. (REI 19/08/2017)

Hồng Thủy

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Mi paz les doy” – tôi ban bình an của tôi cho họ – là khẩu hiệu tiếng Tây ban nha của chuyến viếng thăm Chilê của Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 15-18/01/2018. Khẩu hiệu này lấy ý từ lời Chúa trong Tin mừng thánh Gioan 14,27: “Thầy để lại bình an cho anh em”.

Ủy ban quốc gia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này cho biết, câu này vừa quen thuộc với các tín hữu Công giáo và cả người ngoài Công giáo. Nó diễn tả rằng với cuộc viếng thăm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mang lời của Chúa Giêsu như món quà đến cho Chilê. Trong thông cáo, Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng: “Với chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một nền văn hóa gặp gỡ, thúc đẩy một bầu khí hiệp nhất cho dân tộc Chilê.”

Logo của chuyến viếng thăm rất đơn giản nhưng chứa đựng 3 yếu tố chính của cuộc viếng thăm: Thánh giá và khẩu hiệu là hai điều nhắc đến Chúa Kitô;  chữ ký và lá cờ nói đến Đức Thánh Cha; và bản đồ nước Chilê với hàng chữ “Chilê 2018” được viết bằng màu đỏ và xanh dương, hai màu cờ của Chilê, nói đến quốc gia này.

Được biết logo này không phải là một tác phẩm của một tác giả, nhưng là kết quả làm việc của một nhóm các nhà vẽ mẫu, các nhà truyền thông, các linh mục và giáo dân. (REI 20/08/2017)

Hồng Thủy

 

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo

Vị đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy tôn trọng quyền tự do tôn giáo trước đám đông khách hành hương tại La Vang.

Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, đã chủ tế Thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc lần thứ 31 tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang ở tỉnh Quảng Trị.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng giám mục Girelli nói về tình hình tự do tôn giáo ở quốc gia này.

“Trong một số tỉnh Việt Nam, các nhà chức trách đang quan ngại và trách cứ những người Công giáo và các sinh hoạt của người Công giáo”, ngài nói trong Thánh lễ có Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh của Tổng giáo phận Huế, chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Tổng giáo phận Hà Nội, 13 giám mục khác và 200 linh mục cùng đồng tế.

Đức cha Girelli khuyên khách hành hương nên noi theo lẽ khôn ngoan của Thánh Phêrô là “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” và câu nói của Chúa Giêsu “Của Cesar trả về Cesar, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.

“Tôi muốn ngỏ lời với các Cesar Việt Nam: Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” – ngài nói và cộng đoàn đáp lại bằng những tràng pháo ta vang dội.

Đức Tổng giám mục Girelli nói rằng nhiều người trên thế giới ước mong rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho đất nước.

Ngài mời gọi cộng đoàn hãy dành thời gian để cầu nguyện trong những ngày diễn ra đại hội để họ có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của họ.

“Chỉ khi dõi bước theo Chúa Giêsu và ở lại trong Người, chúng ta mới thực sự hạnh phúc” – ngài nói.

Đức Tổng giám mục Girelli trú ở Singapore thường có các chuyến thăm mục vụ đến các giáo phận ở Việt Nam, mỗi chuyến chỉ kéo dài một tháng. Tất cả các hoạt động của ngài phải được chính phủ Việt Nam thông qua.

Hồi tháng Hai, nhà chức trách đã không cho ngài đến tham dự Thánh lễ Tạ ơn ở tỉnh Hà Tĩnh mừng Chân phước John Baptist Malo (1899-1954), một thừa sai thuộc Hội truyền giáo hải ngoại Paris.

Ước tính có khoảng 100,000 khách hành hương kể cả những người thuộc các tôn giáo khác đến từ khắp cả nước và hải ngoại đã tham dự đại hội ba ngày mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15-8.

Trong những ngày đại hội, khách hành hương tham dự các thánh lễ, xưng tội, lần chuỗi, cầu nguyện Lòng Thương xót Chúa và diễn nguyện.

Đại hội Thánh mẫu lần đầu được tổ chức tại thánh địa này năm 1901.

Sau khi chính quyền trả lại 13 hecta đất quanh thánh địa năm 2008, Giáo hội đang xây dựng các công trình mới trong đó có một vương cung thánh đường có sức chứa 5,000 chỗ ngồi.

Đức Mẹ được tin là đã hiện ra tại La Vang năm 1798 để an ủi những người Công giáo bị bách hại. Năm 1961, các giám mục Việt Nam đã tuyên bố thánh địa là trung tâm hành hương toàn quốc.

UCANEWS

Đức Thánh Cha mời gọi can đảm và kiên trì khi cầu nguyện

Đức Thánh Cha mời gọi can đảm và kiên trì khi cầu nguyện

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Tuyền Tin trưa chúa nhật 20-8-2017, ĐTC đã mời gọi các tín hữu can đảm và kiên trì khi cầu nguyện, như người phụ nữ xứ Canaan trong Phúc Âm.

Hàng ngàn tín hữu đã dự buổi đọc kinh tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau những vụ khủng bố vừa qua tại Tây ban nha và nơi khác, an ninh tại khu vực Quảng trường được tăng cường kín đáo.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (15,21-28) kể lại sự tích người đàn bà xứ Canaan nài nỉ xin Chúa Giêsu chữa lành con bà. Ngài nói:

”Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một gương đặc biệt về đức tin trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một phụ nữ xứ Canaan, một người ngoại đối với dân Do thái. Cảnh tượng diễn ra trong lúc Chúa đi về thành Tiro và Sidone, ở mạn tây bắc Galilea: Phúc Âm nói: chính nơi đây, người đàn bà cầu xin Chúa Giêsu chữa con gái bà ”bị một tên quỉ hành hạ dữ dội” (v.22). Thoạt đầu Chúa dường như không lắng nghe tiếng kêu đau khổ, đến độ các môn đệ phải can thiệp cho bà. Thái độ có vẻ không quan tâm của Chúa Giêsu vẫn không làm nản chí bà mẹ ấy, bà càng nài nỉ xin Ngài.

Sức mạnh nội tâm của phụ nữ ấy giúp vượt lên trên mọi chướng ngại, cần phải tìm trong tình mẫu tử và trong niềm tín thác của bà, bà tin rằng Chúa Giêsu có thể nghe lời xin của bà. Và điều này làm cho tôi nghĩ đến sức mạnh của các phụ nữ. Với sức mạnh của họ, họ có khả năng đạt được những điều lớn lao. Chúng ta biết bao nhiêu phụ nữ như thế! Chúng ta có thể nói rằng chính tình yêu thúc đẩy niềm tin và về phần mình, niềm tin trở thành phần thưởng của tình yêu. Tình yêu mạnh mẽ đối với con gái đã thúc đẩy bà kêu lên ”Lạy Chúa, con Vua Đavít, xin thương xót con” (v.22). Và niềm tin kiên trì nơi Chúa Giêsu làm cho bà không nản chí, kể cả khi đứng trước sự từ khước ban đầu; vì thế người phụ nữ ”phủ phục trước Chúa và nói: Lạy Chúa, xin giúp con!” (v.25).

Sau cùng, đứng trước sự kiên trì mạnh mẽ dường ấy, Chúa Giêsu ngưỡng mộ, như thể ngạc nhiên trước niềm tin của một phụ nữ ngoại đạo. Vì thế, Ngài đồng ý và nói: ”Hỡi bà, niềm tin của bà thật lớn lao! Ước nguyện của bà hãy thành sự”. Và từ lúc đó, con gái bà được lành mạnh” (v.28). Người đàn bà khiêm hạ này được Chúa Giêsu coi là mẫu gương niềm tin không lay chuyển. Sự nài nỉ của bà trong việc khẩn cầu sự can thiệp của Chúa Giêsu là một khích lệ cho chúng ta để đừng nản chí, đừng tuyệt vọng khi chúng ta bị những thử thách trong cuộc sống đè nén. Chúa không ngoảnh mặt đi nơi khác trước những nhu cầu của chúng ta, và sở dĩ đôi khi Ngài có vẻ không nhạy cảm trước những lời cầu cứu, chính là để thử thách và củng cố niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục kêu như người phụ nữ ấy:

“Lạy Chúa, xin giúp con! Lạy Chúa, xin giúp con!”. Như thế, lòng kiên trì và can đảm là điều cần phải có khi cầu nguyện.

Giai thoại này của Phúc Âm giúp chúng ta kiểu rằng tất cả chúng ta đều cần tăng trưởng trong đức tin và củng cố niềm tín thác nơi Chúa Giêsu. Ngài có thể giúp chúng ta tìm lại con đường, khi chúng ta bị lạc mất hướng đi trong hành trình; khi con đường không còn bằng phẳng nhưng gồ ghề và cam go; khi khó trung thành với những cam kết của chúng ta. Điều quan trọng là nuôi dưỡng đức tin của chúng ta hằng ngày, chăm chú lắng nghe Lời Chúa, và cử hành các bí tích, cầu nguyện riêng như tiếng kêu hướng về Chúa 'Lạy Chúa, xin giúp con!”, và với những thái độ bác ái cụ thể đối với tha nhân.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Thánh Linh để Ngài giúp chúng ta kiên trì trong đức tin. Chúa Thánh Linh đổ tràn niềm tín thác trong tâm hồn các tín hữu; Ngài ban cho cuộc sống và chứng tá Kitô của chúng ta sức mạnh thuyết phục và làm cho xác tín; Ngài khích lệ chúng ta chiến thắng thái độ

thiếu tin tưởng đối với Thiên Chúa và thắng sự dửng dưng đối với anh chị em.

Xin Đức Trinh Nữ Maria làm cho chúng ta ngày càng ý thức về sự cần thiết của chúng ta đối với Chúa và Thánh Linh của Ngài; xin Mẹ xin cho chúng ta được một niềm tin mạnh mẽ, đầy yêu thương, và một tình thương biết trở thành một lời khẩn nguyện, can đảm khẩn cầu Thiên Chúa.

Cầu cho các nạn nhân khủng bố

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến những vụ khủng bố gần đây và nói: ”Trong tâm hồn chúng ta có đau buồn vì những vụ khủng bố trong những ngày qua đã gây ra nhiều nạn nhân, tại Burkina Faso, Tây Ban Nha, và Phần Lan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người quá cố, những người bị thương và thân nhân của họ; và chúng ta khẩn xin Chúa, là Thiên Chúa từ bi

và hòa bình, giải thoát thế giới khỏi bạo lực vô nhân đạo này. Cùng nhau trong thinh lặng chúng ta cùng cầu xin Mẹ Maria.

ĐTC đã cùng mọi người đọc một kinh Kính Mừng. Rồi ngài chào thăm tất cả các tín hữu hành hương Italia và từ nhiều nước khác. Ngài đặc biệt nhắc đến các chủng sinh mới của Trường Bắc Mỹ ở Roma, các em giúp lễ ở Rivoltella thuộc giáo phận Brescia, bắc Italia.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân ở Barcelona

VATICAN. ĐTC quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố ở thành Barcelona, Tây Ban Nha.

Vụ khủng bố xảy ra khoảng 5 giờ chiều ngày 17-8-2017 ở khu vực Ramblas dành cho khách bộ hành, nơi có đông đảo dân chúng và du khách ở trung tâm thành Barcelona. Kẻ khủng bố lái xe minibus đâm vào đông đảo dân chúng trên quãng đường 700 mét, làm cho 13 người thiệt mạng và 80 người bị thương theo tin sơ khởi.

Ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết ”ĐTC rất quan tâm vì những gì đang xảy ra tại Barcelona. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố này và muốn bày tỏ sự gần gũi với toàn dân Tây Ban Nha, đặc biệt những người bị thương và gia đình các nạn nhân”.

Nhiều vị lãnh đạo Công Giáo trên thế giới cũng bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân, bắt đầu từ HĐGM Tây Ban Nha. Đức Ông José Gil Tamayo, Tổng thư ký, cho biết các GM lo âu theo dõi và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời bày tỏ sự liên đới hoàn toàn với xã hội đang bị tấn công qua những hành động này, đặc biệt với nhân dân thành Barcelona và các lực lượng an ninh. Các GM Tây Ban Nha lên án mọi hành động khủng bố, một phương pháp tự nó xấu ra, không thể dung hợp với luân lý sự sống, công chinh và hợp lý. Không những nó làm thương tổn trầm trọng đến quyền sống và tự do, nhưng còn biểu lộ thái độ bất bao dung tột độ và độc đoán”.

”Các GM Tây Ban Nha cũng xin tất cả các tín hữu dâng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn an nghỉ đời đời cho những người bị thiệt mạng, cho những người bị thương sớm được bình phục, an ủi các gia đình, ban an bình cho tâm hồn những người thiện chí và để không bao giờ tái diễn những hành động xấu xa đó tái diễn”.

Tại Hoa Kỳ, Đức Cha Oscar Cantú, GM giáo phận Las Cruces, NM, Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về Công lý và Hòa bình, đã ra tuyên ngôn nói rằng:

”Một lần nữa, một hành vi khủng bố đã làm cho hơn 1 tá người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. HĐGM Hoa Kỳ quyết liệt lên án hành vi đáng kinh tởm này về mặt luân lý và liên đới với dân chúng của Tổng giáo phận Barcelona và Tây Ban Nha đang ở trong thời điểm mất mát và đau buồn.”

Đức Cha Cantú cũng nói rằng: ”Những vụ tấn công khủng bố chống các thường dân vô tội không bao giờ có thể biện minh được.. Trực tiếp tấn công những người nam nữ và trẻ em vô tội là điều tuyệt đối đáng trách.. Xin Thiên Chúa an ủi những người sầu muộn và hoán cải tâm hồn những kẻ thì hành những hành vi như thế” (CNS 17-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone

Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone

VATICAN. ĐTC chia buồn và liên đới với các nạn nhân vụ đất lở vì mưa lũ tại Sierra Leone làm cho hơn 400 người bị thiệt mạng ở ngoại ô thủ đô Freetown. Hàng trăm người bị mất tích.

Trong điện văn gửi đến Đức TGM Charles Edward Tamba, TGM Freetown, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh viết:

”Đau buồn sâu xa vì hậu quả tàn hại của vụ đất lở ở ngoại ô Freetown, ĐTC Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với những người bị mất những người thân yêu trong lúc khó khăn này. Ngài cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và cầu xin Chúa ban phúc lành, sức mạnh và ơn an ủi cho các thân nhân và bạn hữu của họ. ĐTC cũng liên đới với những người cứu cấp và tất cả những người tham gia vào việc cứu trợ nâng đỡ các nạn nhân thiên tai này”.

Theo tổ chức Caritas Đức, tình hình ở địa phương rất trầm trọng và có thêm những vụ đất lở. Giám đốc Caritas Sierra Leone, ông Peter Konteh, cho biết các nạn nhân đang được tạm trú và ngăn ngừa sự bộc phát các bệnh truyền nhiễm. Caritas quốc tế đã dành ngay ngân khoảng 50 ngàn Euro để góp phần cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân”.

Caritas Sierra Leone cho biết nước này thuộc vào số những quốc gia bị tai ương đe dọa trầm trọng nhất. Trong thập niên 1990, Sierra Leone bị nội chiến. Cách đây 5 năm, hàng ngàn người tại đây đã chết vì bệnh dịch tả và dịch Ebola (KNA 16-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Một nữ tu nhận giải thưởng về việc xây nhịp cầu thân hữu với Trung quốc

Một nữ tu nhận giải thưởng về việc xây nhịp cầu thân hữu với Trung quốc

New York – Hôm 12/08, trong đại hội toàn quốc lần thứ 27 của phân bộ về Trung hoa được tổ chức tại đại học thánh Gioan, nữ tu Janet Carroll, dòng Maryknoll, đã được trao giải thưởng Matteo Ricci. Đây là giải thưởng mang tên nhà truyền giáo dòng Tên sống vào thế kỷ XVI, là vinh dự dành cho những người thực hiện tốt nhất sứ mệnh xây dựng nhịp cầu hữu nghị và phục vụ giữa Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Sơ Janet Carroll sinh tại New York và gia nhập dòng Maryknoll từ hơn 60 năm. Sơ đã phục vụ tại Trung quốc và Đài loan trong những năm 1950 và 1960. Sơ đã thành lập phân bộ Công giáo Trung hoa ở Hoa kỳ và đã hướng dẫn 11 nhóm nghiên cứu do phân bộ này tài trợ đến Trung quốc. Sơ là cố vấn và hướng dẫn cho chương trình học hỏi của các giáo viên và các nhà huấn luyện Trung quốc, một chương trình giúp huấn luyện các linh mục và nữ tu Trung quốc trong vai trò lãnh đạo.

Ông Tom McGuire, chủ tịch của phân bộ Công giáo Trung hoa đã nhắc đến hoạt động như một tông đồ truyền giáo của sơ Janet và ca ngợi những nỗ lực của sơ trong việc thành lập phân bộ vào năm 1989. Ông nói: “Kiến thức của sơ về tiếng Hoa, về văn hóa và lịch sử, cùng với việc sơ học về quan hệ quốc tế, đã tạo nên một phân bộ Trung quốc năng động trong giáo hội Công giáo Hoa kỳ. Những điều này đã tạo nên các sáng kiến mạnh mẽ cho các chương trình huấn luyện ở Hoa kỳ và xây dựng nhịp cầu tình bạn với nhân dân Trung quốc.”

Sơ Janet cho biết sơ muốn thành lập phân bộ Công giáo Trung hoa để các tín hữu Công giáo ở Hoa kỳ có thể hiểu hơn và tôn trọng dành cho người dân Trung quốc và nền văn hóa của họ. Sơ biết là những cuộc bách hại tôn giáo và tra tấn khủng khiếp ở Trung hoa vào giữa thế kỷ 20 đã đem lại một cái nhìn tiêu cực về người Trung quốc. Sơ nhắc đến đức cha Francis Ford, một tu sĩ truyền giáo Maryknoll đã bị cộng sản Trung quốc tra tấn và chết trong tù năm 1952. Nhưng sơ cũng cho biết, những người ủng hộ sơ mạnh mẽ nhất chính là các nữ tu đã bị đau khổ ở Trung quốc và chính các nữ tu này hiểu rằng tha thứ và quên và tiếp tục tiến bước là điều rất quan trọng đối với họ. Sơ nhấn mạnh: “Tôi đã cố gắng nói với mọi người rằng chúng tôi không liên hệ với đảng cộng sản ở Trung quốc, chúng tôi liên hệ với dân của Chúa, dân của đức tin.” (CNS 15/08/2017)

Hồng Thủy
(Thi Thuy le)

 

Tội phạm chống lại Công giáo Giáo hội Công giáo Scotland gia tăng

Tội phạm chống lại Công giáo Giáo hội Công giáo Scotland gia tăng

Glasgow, Scotland – Các tội phạm do chủ nghĩa chống Công giáo đang trên đà gia tăng tại Scoltand. Peter Kearney, giám đốc cơ quan truyền thông Công giáo Scotland đã lên tiếng kêu gọi  chính quyền hành động cụ thể để chống lại xu hướng này, một vấn đề cụ thể.

Theo ông Kearney, cần phải xác định một vấn đề trước khi giải quyết nó. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là vấn đề bất khoan dung tôn giáo và các tội phạm của nó thì lại không được xác định.

Trong khoảng thời gian từ 2016-2017, ở Scoltand có 719 cáo buộc liên quan đến định kiến tôn giáo, trong khi từ 2015-2016 chỉ có 642 trường hợp.

Giáo hội Công giáo Roma là đối tượng bị tấn công nhiều nhất, chiếm 57%, với 384 vụ so với 299 vụ trong thời gian 2015-2016.

Theo ông Kearney, các con số cho thấy rằng xã hội Scoltland vẫn còn mang các vết sẹo do những hận thù và  xáo trộn trong quá khứ (CNA 15/08/2017)

Hồng Thủy

 

Tình hình tự do tôn giáo VN trong phúc trình mới của Mỹ

Tình hình tự do tôn giáo VN trong phúc trình mới của Mỹ

Ngoại Trưởng Rex Tillerson, trong một cuộc họp báo – Hình courtesy AFP

Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện, phần đề cập đến Việt Nam nói rằng Hà Nội tiếp tục dành quyền kiểm soát, răn đe, trừng phạt, thậm chí triệt hạ những tổ chức tôn giáo không được sự chấp thuận của nhà nước.

Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới 2016 được đương kiêm ngoại trưởng Rex Tillerson công bố sáng thứ Ba ngày 15 tháng Tám năm 2017 ở Wahington DC.

Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới phần nói về Việt Nam nhấn mạnh rằng hiến pháp Việt Nam qui định tự do  tín ngưỡng và tự do thờ phương theo đức tin là quyền mà người dân được hưởng. Thế nhưng luật hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại  cho Nhà Nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc.

Phần mở đầu phúc trình về Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam vẫn là một quốc gia mà tôn giáo nằm dưới sự chi phối của chính phủ, phải được chính phủ công nhận tư cách pháp nhân và pháp lý thì mới được sinh hoạt.

Tháng Mười Một năm 2016, phúc trình dẫn chứng, quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Tôn Giáo, sẽ có hiệu lực áp dụng tháng Giêng 2018, với nhiều điều khoản không thay đổi liên quan đến điều kiện ghi danh của các tổ chức tôn giáo, thời gian chờ được cứu xét,  những hình thức xử phạt hành chính đối với  cá nhân hay tổ chức nào vi phạm luật tôn giáo của chính phủ, làm phương hại trật tự công công cũng như  phá hoại tình đoàn kết dân tộc.

Báo cáo của Bộ Ngoại  Giao Hoa Kỳ, đặc biệt phần nói về Việt Nam, nêu những vụ việc xảy ra cho các nhà truyền đạo và các tín hữu ở Việt Nam những năm qua, từ tỉnh thành đến thôn quê, từ các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các tổ chức nhỏ như  các nhóm Tin Lành ở vùng sâu vùng xa, đang là đối tượng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, cấm đoán.

Những chi tiết điển hình như trường hợp những nhà truyền giáo người H’mong, người Dao, người Thái ở miền Bắc, hoặc ở Tây Nguyên miền Trung như các tín đồ Tin Lành người Ê Đe, Ja Rai, Sedang, M’nong, đã và đang bị nhà cầm quyền đe dọa, buộc phải chối bỏ đức tin của mình.

Hai trường hợp được nêu bật trong phúc trình là mục sư Ksor Xiem thuộc Giáo phái Tin Lành Dega bị cấm ở Việt Nam. Theo tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Cho Người Miền Núi ở Hoa Kỳ, ông Ksor Xiem chết vì bị tra tấn trong tù hồi tháng Mười Hai năm 2015. Người thứ hai, mục sư Nguyễn Công Chính, bị kêu án 11 năm tù vì tôi tuyên truyền và âm mưu lật đổ chính phủ, gia đình vợ con ông ở bên ngoài thường xuyên bị hành hung bị khủng bố.

Sau 6 năm bị cầm tù, mục sư Nguyễn Công Chính cùng gia đình được đưa từ Việt Nam sang Mỹ tháng Bảy vừa qua. Đầu thang Tám, mục sư Nguyễn Công Chính đã có cuộc họp báo để trình bày về trường hợp bị bách hại của  ông và của các đạo giáo trong nước.

Phúc trình về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2016  không quên nhắc đến những tôn giáo nhỏ khác với nét  văn hóa truyền thống và đặc trưng của người Việt, ít nhiều cũng gặp khó khăn và bị giới hạn như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tư An Hiếu Nghĩa, Tổ Tiên Chính Giáo vân vân…

Bên cạnh đó, những đạo du nhập từ bên ngoài cũng được nhắc tới là Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo Ba Ni, đạo Mormons hay còn gọi là  Mặc Môn.

Với tổng dân số hơn 95 triệu tính đến lúc này, một phần hai trong đó  là Phật Giáo, kế đến là Thiên Chúa Giáo, rồi Cao Đài, Hòa Hảo và những tổ chức tôn giáo khác, Việt Nam vẫn là một đất nước mà người dân không được toàn quyền sống trọn vẹn theo đức tin cũng như không được biểu hiện giá trị của lòng tin đó. Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ còn ghi rõ Việt Nam sử dụng Luật Tôn Giáo để gây trở ngại cho cuộc sống cũng như sinh hoạt thờ phượng của những cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa trong nước. .

Sau cùng, phúc trình nói rằng Hoa Kỳ luôn khuyến khính cũng như thúc đẩy Việt Nam cải thiện cũng như thăng tiến tình hình tự do tôn giáo của mình. Tự do tôn giáo và tín ngưỡng là quyền phố quát làm nên giá trị của nước Mỹ, vì thế Hoa Kỳ luôn mong muốn làm việc chặc chẻ với Việt Nam, thúc đẩy Hà Nội tôn trọng cũng như phát triển quyền tự do tôn giáo cho người dân của mình.

Thanh Trúc RFA

ĐTC phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình

ĐTC phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình

VATICAN: ĐTC phó thác cho Mẹ Maria Nữ Vuơng Hoà Bình các  dân tộc trên thế giới đang phải đau khổ vì các tai ương thiên nhiên, các cẳng thẳng xã hội hay các cuộc xung đột và  ngài xin Mẹ an ủi và ban cho tất cả mọi người một tương lai thanh bình và hoà hợp.

ĐTC đã cầu nguyện như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa 15 tháng 8 lễ trọng kính Đức Mẹ hồn xác lên trởi. Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại biến cố Đức Mẹ đi thăm bà Elizabeth ĐTC nói: ơn cao trọng nhất mà Đức Maria mang tới cho bà Elizabeth và cho toàn thế giới là Chúa Giêsu, Đấng đã sống trong Mẹ, và Ngài sống không phải chỉ vì lòng tin và sự chờ đợi, như nơi biết bao phụ nữ thời Thánh Kinh Cựu Ước: nhưng từ Đức Trinh Nữ Ngài đã nhận lấy thịt xác loài người cho sứ mệnh cứu rỗi của Ngài.

Khi Mẹ Maria tới nhà hai ông bà Elizabeth và Dacaria, niềm vui tràn bờ ở nơi trước kia ngự trị sự buồn sầu vì không có con. Giờ đây niềm vui nhảy mừng từ các con tim bởi vì sự hiện diện vô hình nhưng thực sự của Chúa Giêsu khiến cho mọi sự tràn ngập ý nghĩa: cuộc sống, gia đình, ơn cứu độ của dân. Niềm vui tràn đầy ấy được diễn tả ra trong bài thánh thi Magnificat  của Mẹ. Đó là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã làm các việc trọng đại qua những người khiêm hạ, không được thế giới biết đến, như Mẹ Maria, như thánh Giuse và cả nơi các Ngài sống là Nagiarét. Chúa làm những việc trọng đại trong thế giới với những người khiêm hạ, bởi vì sự khiêm tốn như một khoảng trống dành cho Thiên Chúa….

Biến cố Chúa Giêsu đến trong căn nhà ấy qua Mẹ Maria đã không chỉ tạo ra một bầu khí tươi vui và hiệp thông huynh đệ, mà cũng tạo ra một bầu khí của niềm tin dẫn đưa tới niềm hy vọng, lời cầu nguyện và chúc tụng. Khi cử hành lễ Đức Maria Rất Thánh hồn xác lên trời chúng ta muốn xin Mẹ, một lần nữa, đem đến cho chúng ta, cho các gia đình và cộng đoàn của chúng ta món qua vô biên, ơn duy nhất mà chúng ta phải luôn luôn xin trước hết và trên hết là Chúa Giêsu Kitô. Khi đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta là Mẹ cũng mang đến cho chúng ta một niềm vui tràn đầy ý nghĩa, một khả năng mới băng qua những thời điểm đau khổ khó khăn; Mẹ đem tới cho chúng ta khả năng thương xót, để chúng ta tha thứ cho nhau, hiểu biết nhau và nâng đỡ nhau. Khi chiêm ngưỡng Mẹ Maria hồn xác lên trời, đạt điểm thành toàn lộ trình trần gian của Mẹ, chúng ta cảm tạ Mẹ là môn đệ đầu tiên đã đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành của đời sống và niềm tin. Xin Mẹ giữ gìn và nâng đỡ chúng ta nên thánh để một ngày kia chúng ta được gặp Mẹ trên thiên đàng.

Linh Tiến Khải

Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha

Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha

BOGOTÀ. Chúa nhật 13-8-2017, HĐGM Colombia đã tổ chức một cuộc lạc quyên toàn quốc để tài trợ chi phí tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại nước này từ ngày 6 đến 10-9 tới đây.

Trong thông cáo, HĐGM Colombia và ban tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC giải thích rằng: ”Mặc dù chính phủ quốc gia và các chính quyền địa phương trợ giúp việc tổ chức cuộc viếng thăm này, nhưng để đạt tới những chủ đích cơ bản của cuộc viếng thăm, Giáo Hội cần chu toàn trách nhiệm về mặt tinh thần và mục vụ, như tiếp đón ĐTC và phái đoàn tháp tùng, huấn luyện mục vụ cho các tín hữu trên toàn lãnh thổ quốc gia, các buổi cử hành phụng vụ, các cuộc gặp gỡ khác tại 4 thành phố nơi ĐTC dừng lại, thông tin cho dân chúng và truyền thông Giáo Hội.. Tuy phần lớn những ngừơi cộng tác với Giáo Hội trong việc chuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC là những người thiện nguyện, nhưng vẫn có những phí tổn cần trang trải”. (RG 12-8-2017)

Chính phủ trợ giúp

Hồi cuối tháng 7 năm nay, Phó tổng thống Colombia, Ông Oscar Naranjo, thông báo chính phủ nước này dành 28 tỷ đồng Pesos, tương đương với gần 8 triệu Euro, để giúp 4 thành phố đón tiếp ĐGH, tuy nhiên việc phân phối ngân khoản này phải được sự phê chuẩn của các cơ quan kiểm soát.

Một cuộc họp liên ngành được diễn ra vài ngày sau khi có quyết định trên đây của chính quyền trung ương Colombia để quyết định về việc sử dụng ngân khoản tài trợ.

Mặt khác, cũng cuối tháng 7 vừa qua, HĐGM Colombia thông báo Tòa Thánh đã yêu cầu làm sao các phẩm phục phụng vụ ĐTC dùng trong cuộc viếng thăm phản ánh những sắc thái văn hóa bình dân, âm nhạc và màu sắc của các địa phương.

Cha Juan David Muriel Mejia, đặc trách về phụng vụ của Giáo Hội Colombia trong cuộc viếng thăm của ĐGH cho biết các phẩm phục phụng vụ rất đặc sắc để làm nổi bật sự khác biệt và sự phong phú văn hóa của đất nước Colombia.

Các áo lễ đó được nhà vẽ kiểu Pilar và Mercedes Salazar Castano người Colombia sáng tác và được các thợ may địa phương thực hiện. Áo lễ sẽ được thay đổi mỗi ngày, theo các vùng được ĐTC viếng thăm. Ví dụ ngày 9-9, ngài sẽ ở thành phố Medellín, các áo lễ ĐGH mặc phản ánh các nhóm chủng tộc khác nhau trong vùng.

Sau cùng, Muriel Mejia giải thích rằng các mảnh áo lễ cũng nói lên những cơ cực, vui mừng và hy vọng của nhân dân Colombia (Cath.ch).

G. Trần Đức Anh OP