Mở cửa nghĩa trang cổ bên dưới Vatican

Mở cửa nghĩa trang cổ bên dưới Vatican

Eric J Lyman cho Religion News Service từ Vatican

Mở cửa nghĩa trang cổ bên dưới Vatican thumbnail

Bức họa tiết tại nghĩa trang người La Mã cổ Via Triumphalis thế kỷ thứ nhất bên dưới Vatican

Vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, một triền đồi cỏ phía bắc nay là Quảng trường Thánh Phêrô được dùng làm nơi chôn cất những người La Mã địa phương.

Khu mộ địa vẫn được sử dụng dù trải qua nhiều trận lũ bùn và lở tuyết, cho đến đầu thế kỷ thứ tư sau Công Nguyên, khi công việc xây dựng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô bắt đầu và hơn 1,000 ngôi mộ bị chôn vùi. Sau đó, nó bị lãng quên khi công việc xây dựng thành phố Vatican xung quanh phát triển.

Cứ như thế cho đến thập niên 1950, khi kế hoạch xây dựng một bãi đỗ xe trên phần đất chưa phát triển, người ta phát hiện một phần nhỏ nghĩa trang khoảng 10,000 mét vuông. Đó là lúc công việc khai quật bắt đầu.

Đến bây giờ, đã trải qua hai thế hệ và tiêu tốn hàng trăm ngàn đô la, Vatican sẵn sàng mở cửa cho công chúng xem những khám phá bên trong.

Nghĩa trang người La Mã cổ Via Triumphalis minh họa những thay đổi trong truyền thống mai táng và sự tiến hóa từ một thủ đô ngoại giáo thành một thành phố Kitô giáo trong những ngày đầu tiên nhất. Những người giám sát nói một số nhỏ những người chôn ở đây, không quá 50 trong số 1,000 ngôi mộ, có thể thuộc về các Kitô hữu tiên khởi.

“Khu vực này liên tục được tái tạo từ khi thành lập vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên đến khoảng năm 300 hay 320 sau Công Nguyên,” Giandomenico Spinola, nhà khảo cổ chuyên về các thời kỳ Hy Lạp và La Mã và là người phụ trách khu mộ địa Vatican cho biết.

Những trận lũ bùn và lở tuyết đã giúp bảo tồn rất nhiều thứ bên dưới. Nhiều vật dụng trong nghĩa trang được gìn giữ tốt một cách khác thường. Một số bức tượng đá cẩm thạch vẫn còn các dấu sơn; hài cốt một đứa trẻ cho thấy hàm răng còn ngậm siết một đồng xu ở giữa theo truyền thống mai táng thời bấy giờ.

Nguồn: Near St. Peter’s, an ancient burial site opens to the public

UCANEWS VN

Tấn công nhà thờ bằng lựu đạn, sáu người bị thương

Tấn công nhà thờ bằng lựu đạn, sáu người bị thương

Phóng viên ucanews.com từ thành phố Zamboanga, Philippines

Ít nhất sáu người bị thương hôm Chủ Nhật sau khi hai người đàn ông đi xe gắn máy ném lựu đạn vào nhà thờ Công giáo thành phố Zamboanga, miền nam Philippines, nơi được biết có nhiều hoạt động của phiến quân Hồi giáo.

Nhà chức trách cho biết, hai người đàn ông chưa xác định thực hiện vụ tấn công trong khi khoảng 30 cư dân cao tuổi đang nhóm họp vào sáng Chủ Nhật.

Những người đàn ông sau đó chạy trốn vào trung tâm thành phố, báo cáo cảnh sát cho biết. Chưa rõ động cơ cuộc tấn công tại thành phố nơi hơn 70 phần trăm là Kitô giáo và chưa đến một phần tư là Hồi giáo trong khu vực bị tàn phá bởi bạo lực chia rẽ trong những thập kỷ gần đây.

Trung tâm Hành động Nhân quyền Mindanao lên án vụ việc, nói rằng đó “không chỉ vi phạm luật nhân đạo trong nước và quốc tế, mà còn ngăn cản chúng ta trong việc xây dựng một xã hội đa nguyên, đón nhận lẫn nhau và lại châm thêm dầu vào ngọn lửa xung đột”.

Mặc dầu chính phủ đã ký thỏa thuận hòa bình mang tính bước ngoặt với Mặt trận Hồi giáo Mindanao tuần trước, các nhóm phiến quân Hồi giáo vẫn hoạt động tại miền nam Philippines.

Hôm thứ Bảy, một phóng viên truyền hình và một người quay phim trong số 12 người bị thương trong một vụ nổ bên đường tại Datu Saudi Ampatuan, tỉnh Maguindanao. Quân chính phủ đổ lỗi do các chiến binh tự do Hồi giáo Bangsamoro gây ra trận chiến kéo dài cả tuần nay.

UCANEWS VN

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3)

Các bạn trẻ thân mến,

Buổi gặp gỡ mà chúng ta đã có ở Rio de Janeiro nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 vẫn còn ghi dấu đậm trong trí nhớ của tôi: Đó là một buổi lễ lớn của niềm tin và tình huynh đệ! Những người dân Brazil tuyệt vời đã đón tiếp chúng ta với những cánh tay rộng mở, hệt như tượng Chúa Kitô Cứu Chuộc nhìn xuống từ đồi Corcovado, trên dải đất thơ mộng của bãi biển Copacabana. Trên bãi biển, Đức Giêsu đã lặp lại vời mọi gọi của Người muốn từng người chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo, khám phá ra nơi ấy một kho tàng quý báu cho cuộc sống của chúng ta và chia sẻ sự phong phú ấy cho người khác xa gần, kể cả những người ở những vùng ngoại biên xa xôi về địa lý và về tính hiện sinh của thời đại chúng ta.

Điểm dừng tiếp theo trên cuộc hành hương giới trẻ liên lục địa sẽ là ở Krakow vào năm 2016. Như một cách thức đồng hành với nhau trên chuyến hành trình, trong ba năm tiếp, tôi muốn suy tư với các bạn về Các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng theo thánh Matthêu (5:1-12). Năm nay chúng ta sẽ bắt đầu với việc suy tư về Mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Đối với năm 2015, tôi đề nghị là: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8). Và năm 2016, chủ đề của chúng ta là: “Phúc cho ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7)

  1. Sức mạnh mang tính cách mạng của Các Mối Phúc

Chúng ta thường cảm nghiệm thấy một niềm vui khôn tả khi đọc và suy tư về Các Mối Phúc! Đức Giêsu đã công bố những điều này trong bài giảng lớn đầu tiên của mình, tại biển hồ Galilê. Có một đám người đông đảo, vì thế Đức Giêsu phải đứng trên núi để giảng dạy các môn đệ. Đó là lý do tại sao, Các Mối Phục cũng được gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Trong Kinh Thánh, núi được xem như là nơi mà Thiên Chúa mặc khải chính mình. Qua việc rao giảng trên núi, Đức Giêsu mặc khải chính mình như là một bậc thầy thiêng liêng, một Môse mới. Ngài nói với chúng ta điều gì? Ngài nói với chúng ta về con đường dẫn đến sự sống, con đường mà chính Ngài cũng sẽ đi qua. Hơn hết, chính Ngài là con đường, và Ngài giới thiệu con đường này như còn lối đi dẫn tới hạnh phúc đích thực. Xuyên suốt cuộc sống của mình, từ lúc hạ sinh trong chuồng bò ở Bêlem đến cái chết trên thập giá và sự phục sinh, Đức Giêsu luôn là hiện thân của Các Mối Phúc. Tất cả lời hứa của Vương Quốc Thiên Chúa được kiện toàn trong Ngài.

Khi công bố Các Mối Phúc, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy theo Ngài và đi với Ngài trên hành trình tình yêu, hành trình duy nhất dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu. Đây không phải là một hành trình dễ dàng, tuy nhiên Thiên Chúa hứa sẽ ban cho chúng ta ân sủng và Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta đối diện với rất nhiều thử thách trong cuộc sống: nghèo đói, đau buồn, sỉ nhục, chiến đấu cho công bình, bắt bớ, khó khăn hoán cải hàng ngày, nỗ lực giữ lòng trung tín với lời mời gọi nên thánh và nhiều điều khác. Nhưng nếu chúng ta mở cửa cho Đức Giêsu, để cho ngài đi vào trong lịch sử chúng ta, nếu chúng ta chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với Ngài, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự bình an và một niềm vui mà chỉ có Thiên Chúa, Đấng là tình yêu miên viễn, mới có thể trao ban.

Các mối phúc của Đức Giêsu mang chúng ta đến một cuộc cách mạng mới, một kiểu mẫu hạnh phúc ngược lại với những gì thường được các phương tiện truyền thông và lối nghĩ thịnh hành thông truyền. Lối suy nghĩ trần tục sẽ cho là điên rồ khi Thiên Chúa trở nên một trong chúng ta và chết trên thập giá! Theo cái luận lý của thế giới này, những ai mà Đức Giêsu tuyên bố là có phúc được xem, “những người chịu mất mát”, những người yếu thế. Cái được xem là vinh quang phải là thành công bằng mọi giá, sự giàu có, đỉnh cao quyền lực và được người khác nhìn nhận mình.

Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu thách thức chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi hướng đến sự sống của Ngài và quyết định đâu là con đường mà chúng ta muốn đi để có được niềm vui đích thực. Đây là một thách đố to lớn của đức tin. Đức Giêsu thẳng thắn hỏi các môn đệ là liệu họ có thật sự muốn theo Ngài không hay họ thích một con đường khác (x. Ga 6:67). Simon Phêrô đã dũng cảm đáp lại rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Chỉ có Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Nếu các bạn cũng có thể nói “vâng” với Đức Giêsu, cuộc sống của các sẽ trở nên ý nghĩa và sinh nhiều hoa trái.

  1. Can đảm để có hạnh phúc

Nhưng “Phúc thay” có nghĩa là gì (trong tiếng Hy Lạp makarioi)? Được chúc phúc, nghĩa là có được hạnh phúc. Hãy nói cho tôi biết: các bạn có thực sự muốn được hạnh phúc không? Những khi chúng ta bị lôi kéo bởi những ảo tưởng có vẻ là hạnh phúc, chúng ta đang liều mình tự hài lòng với những cái nhỏ bé, với một chút ý tưởng “vụn vặt” của cuộc sống. Hãy mở ra với những cái lớn hơn! Hãy mở con tim mình ra! Như chân phước Piergiorgio Frassati có lần đã nói “sống mà không có niềm tin, không có gia tài để bảo vệ, không có nguồn nâng đỡ trong cuộc chiến trường kỳ bảo vệ chân lý: đó không phải là sống, chỉ là tồn tại cho qua ngày. Chúng ta đừng bao giờ chỉ tồn tại cho qua ngày, nhưng hãy sống” (Thư gửi I.Bonini, 27.2.1925). Trong bài giảng vào ngày lễ phong chân phước cho ngài (20.5.1990), Đức Gioan Phaolo II đã gọi ngài là “con người của các Mối Phúc” (AAS 82 [1990], 1518).

Nếu các bạn thật sự mở ta cho những rung động sâu thẳm nhất của con tim mình, các bạn sẽ nhận ra rằng có một khao khát cháy bỏng về niềm hạnh phúc và điều này cho phép các bạn loại trừ và gạt bỏ tất cả những gì “kém giá trị” chung quanh các bạn. Khi chúng ta tìm kiếm thành công, thỏa mãn và sở hữu theo kiểu ích kỷ, và chúng ta hướng những điều đó đến các thần tượng, có thể chúng ta sẽ có những khoảng khắc phấn chấn, một cảm giác thỏa mãn thăng hoa, nhưng rốt cuộc, chúng ta trở thành nô lệ, bị lôi kéo phải đi tìm để có hơn nữa. Thật là một điều đáng buồn khi thấy một bạn trẻ “có tất cả” nhưng lại yếu ớt.

Khi viết cho những người trẻ, thánh Gioan đã dạy bảo họ rằng: “Anh em là những người ạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần.” (1Ga 2:14). Những bạn trẻ nào chọn lựa Đức Kitô là những con người mạnh mẽ: họ được lời Người nuôi dưỡng và họ không cần phải “nhồi nhét” mình với những điều khác! Hãy có dũng lực để đi ngược dòng! Hãy có dũng lực để có hạnh phúc đích thực! Nói không với nền văn hóa phù du, hời hợt và loại trừ, một nền văn hóa cho rằng bạn không thể mang lấy trách nhiệm và không thể đối mặt với những thử thách lớn lao của cuộc sống.

  1. Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó…

Mối phúc đầu tiên, chủ đề cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới, nói rằng những ai có tinh thần nghèo khó thì được phúc phúc vì Nước Trời là của họ. Khi mà có quá nhiều người đang chịu khổ do hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính, thật là lạ khi nối kết nghèo khổ với hạnh phúc. Làm sao chúng ta có thể xem nghèo đói là một mối phúc?

Trước hết, chúng ta hãy cố hiểu ý nghĩa của từ “tinh thần nghèo khó”. Khi Con Thiên Chúa làm người, Ngài chọn cho mình con đường nghèo khó và tự hủy ra không. Như Thánh Phaolô nói trong thư gửi cho các tín hữu Philipphê: “

Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu. Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (Pl 2:5-7). Đức Giêsu là Thiên chúa trút bỏ hết mọi vinh quang. Ở đây chúng ta thấy chọn lựa trở nên nghèo hèn của Thiên Chúa: ngài giàu sang nhưng đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Người ( x. 1Cor 8:9). Đây là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm nơi hang đá khi chúng ta thấy Con Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, và sau đó là trên thánh giá, nơi sự tự hủy của Người đạt đến đỉnh cao nhất.

Tính từ ptochós (nghèo) của tiếng Hy lạp không chỉ có nghĩa đơn thuần mang tính vật chất. Nó có nghĩa là “một người hành khất”. Cần phải liên kết nó với ý niệm anawim của người Do Thái, nghĩa là “người nghèo của Thiên Chúa”, nói đến sự thấp bé, ý thức những giới hạn và điều kiện mang tính hiện sinh của riêng con người. Một anawin luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và họ biết rằng họ có thể bám vào Người.

Như thánh Teresa Hài Đồng Giêsu đã thấy rõ, qua việc nhập thể, Đức Giêsu đã đến giữa chúng ta như một người hành khất nghèo, cầu xin tình thương của chúng ta. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về con người là một “người hành khất trước mặt thiên Chúa (số 2559) và lời cầu nguyện là sự gặp gỡ giữa khao khát của Thiên Chúa với khao khát của chúng ta (số 2560).

Thánh Phanxicô Assisi cũng đã hiểu rõ bí mật của Mối Phúc dành cho người nghèo trong tinh thần. Thật vậy, khi Đức Giêsu nói với ngài thông qua người cùi và tượng khổ nạn, thánh nhân đã nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa và điều kiện thập bé của mình. Trong lời cầu nguyện của mình, Người Nghèo thành Assisi đã dùng nhiều giờ để hỏi Thiên Chúa: “Ngài là ai? Con là ai?” Ngài đã từ bỏ một cuộc sống giàu có và thảnh thơi để kết hôn với “Bà Chúa Nghèo”, để noi gương Đức Giêsu và theo sát mặt chữ Tin Mừng. Thánh Phanxicô đã sống trong sự noi gương Đức Kitô trong khó nghèo và trong tình yêu dành cho người nghèo – đối với ngài, hai điều này nối kết chặt chẽ với nhau – giống như hai mặt của một đồng tiền.

Các bạn có thể hỏi tôi: Một cách cụ thể chúng ta có thể làm gì để làm cho tinh thần nghèo khó trở thành một lối sống, một cách cụ thể trong cuộc sống của riêng chúng ta? Tôi sẽ trả lời qua ba điều.

Trước hết, hãy cố gắng tự do với những của cải vật chất. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sống một đời sống theo Tin Mừng, được đánh dấu bằng sự giản dị, bằng việc từ bỏ khao khát sống nền văn hóa tiêu thụ. Nghĩa là chỉ tìm kiếm những gì thiết yếu và học cách cởi bỏ khỏi mình những gì không cần thiết vây quanh chúng ta. Chúng ta hãy học cách tách ra khỏi những sở hữu và tôn sùng bạc tiền và những chi tiêu hoang phí. Chúng ta hãy đặt Đức Giêsu lên trên hết. Ngài có thể giải phóng chúng ta khỏi những thứ tôn thờ ngẫu tượng là những cái biến chúng ta thành nô lệ cho nó. Hãy đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa, hỡi các bạn trẻ thân mến! Ngài biết và yêu chúng ta, và Ngài không bao giờ lãng quên chúng ta. Cũng giống như việc Ngài đã chăm lo cho hoa huệ ngoài đồng thế nào (x. Mt 6:28), thì Ngài cũng đảm bảo rằng chúng ta không thiếu cái gì. Cũng như để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, cần phải sẵn sàng thay đổi lối sống và tránh những phung phí quá đáng. Cũng như chúng ta cần sự can đảm để được hạnh phúc, chúng ta cũng cần sự can đảm để sống giản dị.

Thứ hai, nếu chúng ta sống mối phúc này, tất cả chúng ta cần trải nghiệm cuộc hoán cải trong cách thức chúng ta nhìn đến người nghèo. Chúng ta phải quan tâm đến họ và nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của họ. Những bạn trẻ thân mến, tôi trao phó các bạn, một cách đặc biệt, nhiệm vụ phục hồi lại tình liên đới nơi trọng tâm của văn hóa con người. Đối mặt với những hình thức nghèo đói cũ và mới – thất nhiệm, di dân và nghiện ngập dưới nhiều hình thức – chúng ta có nhiệm phục phải cảnh giác và thận trọng, tránh những cám dỗ giữ thái độ lãnh đạm. Chúng ta phải nhớ đến tất cả những người cảm thấy mình không được yêu mến, những ai không có niềm hy vọng cho tương lai và những ai buông xuôi cuộc sống do nhụt chí, thất vọng hay sợ hãi. Chúng ta phải học cách ở bên cạnh người nghèo, chứ không chỉ buông ra những hùng biện về người nghèo! Chúng ta hãy đi ra để nhìn họ, nhìn vào đôi mắt họ và lắng nghe họ. Người nghèo cho chúng ta một cơ hội cụ thể để nhìn thấy chính Đức Giêsu, và đụng chạm đến thân xác đau khổ của Người.

Tuy nhiên – và đây là điểm thứ ba – người nghèo không chỉ là người là chúng ta bố thí cho cái gì đó. Họ có nhiều điều để cho chúng ta và dạy chúng ta. Các bạn đã học được bao nhiêu từ khôn ngoan của người nghèo! Hãy suy nghĩ về điều này: vài trăm năm trước, một vị thánh, thánh Benedict Joseph Labré, người đã sống trên các ngã đường ở Rôma nhờ của bố thí mà ông nhận được, trở thành một người hướng dẫn thiêng liêng cho tất cả mọi loại người, kể cả những người chức cao vọng trọng và các linh mục. Theo một cách thức rất thực, người nghèo là thầy dạy của chúng ta. Họ cho chúng ta thấy rằng giá trị của con người không được đo lường bằng sở hữu của người ấy hay bằng số tiền họ có trong ngân hàng. Một người nghèo, một người thiếu đi của cải vật chất, vẫn luôn có nhân phẩm của mình. Người nghèo có thể dạy chúng ta rất nhiều về sự khiêm nhường và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18:9-14), Đức Giêsu đã đặt người thu thuế như một kiểu mẫu vì sự khiêm nhường và thái độ thừa nhận mình là một tội nhân của ông. Người góa phụ dâng cúng 2 đồng bạc cho đền thờ là một ví dụ về lòng quảng đại cho những ai hầu như không có gì nhưng đã cho đi những gì mình có (Lc 21:1-4)

       4…. Vì nước trời là của họ

Đề tài trọng tâm của Tin Mừng là Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu là Vương Quốc của Thiên Chúa nơi con người; ngài là Emmanuel, Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta. Và chính nơi cõi lòng con người mà Vương quốc, vương quyền của Thiên Chúa bám rễ và lớn lên. Nước Thiên Chúa vừa là món quà, vừa là lời hứa. Nó đã được ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu, nhưng nó chưa đi đến sự kiện toàn. Đó là lý do vì sao chúng ta cầu nguyện Kinh Lạy Cha mỗi ngày: “Nước Cha trị đến”.

Có một sự nối kết rất gần gũi giữa nghèo khó với việc Tin Mừng hóa, giữa đề tài của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần trước –“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy!” (Mt 28:19) – và chủ đề của năm nay: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ” (Mt 5:3). Thiên Chúa muốn một Giáo Hội nghèo khó truyền giảng tin mừng cho người nghèo. Khi Đức Giêsu sai nhóm mười hai đi rao giảng, Ngài nói với họ: “Đừng sắm vàng, bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy, vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:9-10). Sự nghèo khó mang tính tin mừng là một điều kiện cơ bản để lan truyền nước Thiên Chúa. Những diễn tả niềm vui tự nhiên và tuyệt đẹp nhất mà tôi đã thấy trong đời mình chính là với người nghèo, những người chỉ có một chút ít để nắm giữ. Tin Mừng hóa trong thời đại chúng ta sẽ chỉ có thể diễn ra như là hệ quả của việc lan tỏa niềm vui đến cho người khác.

Chúng ta đã thấy rằng Mối Phúc khó nghèo trong tinh thần làm nên tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với của cải vật chất và với người nghèo. Bằng những ví dụ và lời nói của Đức Giêsu trước mắt chúng ta, chúng ta nhận ra là mình cần phải được hoán cải biết bao nhiêu, để luận lý “là hơn nữa” vượt trên luận lý “sở hữu hơn nữa”. Các thánh có thể giúp chúng ta hiểu tốt nhất ý nghĩa sâu sắc của Các Mối Phúc. Lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, sẽ là một sự kiện đánh dấu một niềm vui to lớn. Ngài sẽ là đấng bảo trợ cao cả cho các Ngày Giới Trẻ Thế Giới mà chính ngài đã khởi sự và luôn ủng hộ. Trong sự hiệp thông với các thánh, ngài sẽ luôn là một người cha và người bạn của tất cả các bạn.

Tháng tư này cũng là tháng kỷ niệm 30 năm việc trao Thánh Giá Năm Thánh Cứu Chuộc cho người trẻ. Hành vi biểu tượng này của Đức Gioan Phaolô II là sự bắt đầu cho chuyến hành hương giới trẻ to lớn đi khắp năm châu. Những lời của ngài vào dịp Chúa Nhật Phục Sinh năm 1984, vẫn còn đọng mãi: “Các bạn trẻ thân mến, vào dịp kết thúc Năm Thánh, tôi trao cho các bạn một dấu chỉ của Năm Thánh: thánh giá Đức Kitô! Hãy mang nó đến với thế giới như một biểu tượng của tình yêu Đức Chúa Giêsu dành cho con người, và công bố cho mọi người rằng chỉ trong Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh từ cõi chết, chúng ta mới có thể tìm thấy ơn cứu độ và sự cứu chuộc.

Các bạn thân mến, bài ca Magnificat, bài ca tán dương của mẹ, người có tinh thần nghèo khó, cũng là một bài ca của những ai sống các mối phúc. Niềm vui của Tin Mừng trỗi lên từ một con tim mà, trong sự khó nghèo của nó, đã vui mừng và kinh ngạc trước những công trình của Chúa, như trái tim của Mẹ chúng ta, Đấng là muôn thế hệ sẽ khen là “diễm phúc “(x. Lc 1:48). Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của người nghèo và là vì sao của viện Tân Phúc Âm hóa giúp chúng ta sống Tin Mừng, giúp chúng ta sống các mối phúc và có được sự can đảm để luôn được hạnh phúc.

Từ Vatican, ngày 21.1.2014, lễ thánh Agnese, Trinh Nữ, Tử Đạo

Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Công bố Sứ Điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2014

Công bố Sứ Điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2014

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các bạn trẻ sống tinh thần thanh bần: tự do đối với những của cải vật chất, quan tâm săn sóc người nghèo, và học hỏi sự khôn ngoan nơi họ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 6-2-2014, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành cấp Giáo Hội địa phương vào chúa nhật lễ lá 13-4-2014 tới đây với chủ đề ”Phúc cho ai có tinh thần thanh bần vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Đây là bước đầu trong 3 chặng trên hành trình tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành ở cấp hoàn cầu vào năm 2016 tới đây tại Cracovia, Ba Lan. Đề tài ngày Quốc Tế giới trẻ năm tới, 2015, là ”Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8) và sau cùng năm 2016 sẽ có chủ đề là ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).

Trong sứ điệp, sau khi đề cao sức mạnh cách mạng của các Mối Phúc trong Tin Mừng, ĐTC mời gọi các bạn trẻ hãy can đảm đi ngược dòng, tìm kiếm hạnh phúc chân thực, mở rộng con tim tìm kiếm những sự cao cả, và đừng hài lòng với cuộc sống tầm thường, nhỏ bé. ”Các bạn đừng chấp nhận văn hóa tạm thời, hời hợt và loại bỏ, không làm cho các bạn có khả năng lãnh nhận trách nhiệm và đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống!”.

ĐTC đặc biệt giải thích ý nghĩa mối phúc thanh bần, và nêu rõ 3 điểm giúp các bạn trẻ sống Mối Phúc này một cách cụ thể:

Trước tiên, ”các bạn hãy cố gắng giữ thái độ tự do đối với sự vật. Chúa kêu gọi chúng ta sống cuộc sống Tin Mừng, với tinh thần điều độ, không chiều theo văn hóa tiêu thụ. Cố gắng tìm kiếm những gì thiết yếu, học cách từ bỏ bao nhiêu thứ dư thừa và vô ích, bóp nghẹt chúng ta. Chúng ta hãy từ bỏ sự ham hố sở hữu của cải, con tiền bạc như thần tượng, rồi phung phí!.. Hãy đặt Chúa Giêsu ở chỗ đứng thứ nhất, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi những thứ thần tượng biến chúng ta thành nô lệ. Hỡi các bạn trẻ, hãy tín thác nơi Thiên Chúa! Ngài biết chúng ta, yêu thương và không bao giờ quên chúng ta…”

Thứ hai là hoán cải đối với người nghèo. Chúng ta phải chăm sóc họ, nhạy cảm đối với những nhu cầu tinh thần và vật chất của họ. Các bạn trẻ có nghĩa vụ đặc biệt là đặt tình liên đới ở trung tâm nền văn hóa của con người. Đứng trước những hình thức nghèo đói mới mẻ, như nạn thất nghiệp, xuất cư, bao nhiêu thứ nghiện ngập, chúng ta có nghĩa vụ tỉnh thức và ý thức, khắc phục cám dỗ dửng dưng lãnh đạm. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người không cảm thấy được yêu thương, không có hy vọng tương lai, từ khước dấn dân trong cuộc sống vì nản chí, thất vọng, sợ hãi. Chúng ta phải học ở với người nghèo. Đừng làm đầy miệng chúng ta bằng những lời đẹp đẽ về người nghèo! Hãy gặp gỡ họ, nhìn tận mắt họ và lắng nghe họ. Người nghèo đối với chúng ta là cơ hội cụ thể để gặp chính Chúa Kitô, động chạm đến thân mình đau khổ của Ngài”.

Thứ ba là những người nghèo không phải chỉ là những người chúng ta trao tặng, giúp đõ, nhưng họ cũng có rất nhiều điều trao và dạy cho chúng ta. Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi sự khôn ngoan của người nghèo! Các bạn hãy nghĩ đến một vị thánh ở thế kỷ 18, Benedetto Giuseppe Labre, đã ngủ trên đường phố Roma, sống bằng của bố thí của dân chúng, đã trở thành cố vấn tinh thần của bao nhiêu người, trong đó có cả những nhà quí tộc và giám chức. Theo một nghĩa nào đó, người nghèo giống như thầy của chúng ta. Họ dạy chúng ta rằng một người có giá trị không phải vì những gì họ sở hữu. Một người nghèo, tuy thiếu thốn vật chất, nhưng vẫn giữ nguyên phẩm giá của họ. Người nghèo có thể dạy chúng ta rất nhiều về sự khiêm nhường và lòng tín thác nơi Thiên Chúa” (SD 6-2-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh Thể là bí tích của tình yêu thương, diễn tả tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa

Thánh Thể là bí tích của tình yêu thương, diễn tả tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa

Thánh Thể là bí tích của tình yêu thương làm nảy sinh ra lộ trình của đức tin, sự hiệp thông và chứng tá kitô. Cùng với bí tích Rửa Tội và Thêm Sức nó làm thành suối nguồn cuộc sống của chính Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 5-2-2014.

Tham dự buổi tiếp kiến cũng có 90 Giám Mục Ba Lan đang viếng mộ các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Sáng thứ tư 5-2-2014 trời Roma mưa khá lớn, nhưng nhiều tín hữu vẫn can đảm mặc áo mưa hay che dù kiên nhẫn tham dự buổi tiếp kiến. Nhiều người chạy vào trú dưới hai cánh hành lang của quảng trường và từ đó theo dõi buổi tiếp kiến trên hai màn truyền hình khổng lồ. Nhưng khi thấy xe díp của Đức Giáo Hoàng đi qua các lối chính chào dân chúng, họ lại chạy ra.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha trình bầy giáo lý về Bí tích Thánh Thể, là bí tích trung tâm của ”việc khai tâm kitô”. Đức Thánh Cha nói: điều chúng ta trông thấy khi tụ tập nhau cử hành bí tích Thánh Thể, khiến cho chúng ta trực giác được điều chúng ta sắp sống. Và ngài giải thích ý nghĩa các yếu tố của việc cử hành như sau:

Ở trung tâm không gian dành cho viỆc cử hành có bàn thờ, là một cái bàn phủ khăn, và điều này khiến chúng ta nghĩ tới một bữa tiệc. Trên bàn có thánh giá ám chỉ rằng trên bàn thờ đó được cử hành hiến tế của Chúa Kitô: chính Người là lương thực thiêng liêng mà chúng ta nhận dưới hình bánh và rượu. Bên cạnh bàn thờ có giá sách, nghĩa là nơi công bố Lời Chúa: điều này ám chỉ rằng chúng ta tụ họp nhau ở đây để lắng nghe Chúa nói qua Thánh Kinh, và như thế lương thực mà chúng ta lãnh nhận cũng là Lời Người.

Lời và Bánh trong Thánh Lễ trở thành một, như trong Bữa Tiệc Ly, khi tất cả các lời của Chúa Giêsu, tất cả các dấu chỉ Người đã làm, được cô đọng trong cử chỉ bẻ bánh và dâng chén, diễn tả trước hiến tế thập giá, và trong các lời: ”Các con hãy cầm lấy, hãy ăn, này là Mình Thầy… Hãy cầm lấy, hãy uống, này là Máu Thầy”. Cử chỉ của Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly là lời tạ ơn tột cùng Thiên Chúa Cha vì tình yêu của Người, vì lòng thương xót của Người. ”Tạ ơn” trong tiếng Hy lạp gọi là ”Eucharistia”. Đó, tại sao từ Eucaristia tóm tắt tất cả cử chỉ ấy, là cử chỉ của Thiên Chúa và cũng là của con người, cử chỉ của Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là Người thật.

Như vậy, việc cử hành Thánh Thể hơn là một bữa tiệc thường: đó là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, mầu nhiệm chính của ơn cứu độ. ”Tưởng niệm” không chỉ có nghĩa là nhớ lại, mà muốn nói rằng mỗi khi chúng ta cử hành Bí Tích này là chúng ta tham dự vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha quảng diễn thêm về Bí tích Thánh Thể như sau:

Bí tích Thánh Thể là tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa: thật thế, khi trở thành bánh bẻ ra cho chúng ta, Chúa Giêsu tuôn đổ trên chúng ta tất cả lòng xót thương và tình yêu của Người, đến độ canh tân con tim, cuộc sống, và kiểu tương quan của chúng ta với Người và các anh chị em khác.

Chính vì thế mà bình thường khi chúng ta tới gần Bí tích này, chúng ta nói ”lãnh nhận sự hiệp thông”, “làm sự hiệp thông”. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, sự tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể khiến cho chúng ta đồng hình đạng với Chúa Kitô trong cách thế duy nhất và sâu xa, bằng cách làm cho chúng ta hưởng nếm trước ngay từ bây giờ sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Cha, là đặc tích của bữa tiệc thiên quốc, nơi cùng với tất cả các Thánh chúng ta sẽ có niềm vui không thể tưởng tượng nổi chiêm ngưỡng Thiên Chúa mặt giáp mặt.

Anh chị em rất thân mến, chúng ta sẽ không bao giờ cảm tạ Chúa đủ vì ơn Người ban cho chúng ta với bí tích Thánh Thể. Đó là một ơn thật lớn lao và vì thế thật là quan trọng đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, đi lễ không phải chỉ để cầu nguyện, mà để nhận sự Hiệp Thông, nhận lấy bánh là Mình của Chúa Giêsu Kitô, cứu rỗi chúng ta, tha tội cho chúng ta, kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa Cha. Thật là đẹp, khi làm điều này. Và mỗi Chúa Nhật chúng ta hãy đi Lễ, bởi vì đó chính là ngày sống lại của Chúa. Vì vậy Chúa Nhật quan trọng đối với chúng ta đến thế. Và với bí tích Thánh Thể chúng ta cảm thấy sự tùy thuộc vào Giáo Hội, vào dân Chúa, vào thân mình của Chúa, vào Chúa Giêsu Kitô. Và chúng ta sẽ không bao giờ ngừng tiếp nhận tất cả giá trị và sự phong phú của nó. Như thế, chúng ta hãy xin cho Bí tích này có thể tiếp tục duy trì sống động sự hiện diện của Người trong Giáo Hội và nhào nặn các cộng đoàn của chúng ta trong tình bác ái và sự hiệp thông, theo con tim của Thiên Chúa Cha. Và điều này được thực hiện trong suốt cuộc sống, nhưng nó được bắt đầu với việc rước lễ lần đầu. Thật là quan trọng việc các trẻ em chuẩn bị tốt cho việc Rước Lễ lần đầu, và ước chi đừng có trẻ em nào không làm điều đó, bởi vì đó là bước đầu tiên của việc thuộc về Chúa Giêsu Kitô một cách mạnh mẽ, sau bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu hiện diện tại quảng trường và chúc mọi người những ngày hành hương tươi vui. Chào các tín hữu và các Giám Mục Ba Lan Đức Thánh Cha nói: Anh em thân mến xin hãy chuyển lời chào thăm của tôi tới các linh mục, tu sĩ, giáo dân nam nữ và toàn dân Ba Lan. Tôi bảo đảm với anh em lời cầu nguyện của tôi cho anh em và những người Chúa trao phó cho sự săn sóc của anh em. Xin anh em cũng hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh em và Giáo Hội tại Ba Lan.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng chào một nhóm Giám Muc tham dự một cuộc họp do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức, và các linh mục đang tham dự tuần hội học về việc đào tạo nhân bản các ứng viên linh mục, do Đại học giáo hoàng Thánh Giá tổ chức. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm mộ thánh Phêrô là dịp canh tân dấn thân truyền giáo và loan báo Tin Mừng, cách riêng cho những người rốt hết và những người nghèo.

Ngài cũng chào các sĩ quan và binh sĩ Lữ đoàn Sassari và hiệp hội các khách sạn. Ban quân nhạc của Lữ đoàn đã trình tấu nhiều bài tạo bầu khí tươi vui hùng tráng cho buổi tiếp kiến.

Chào các người đau yếu Đức Thánh Cha nói vì trời mưa nên họ tụ tập trong đại thính đường Phaolô VI và ngài đã gặp họ trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến. Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ nhớ thánh nữ Agata trinh nữ tử đạo. Ngài cầu mong nhân đức anh hùng của thánh nữ giúp các bạn trẻ hiểu tầm quan trọng sự trong sạch của đức khiết tịnh. Ngài xin thánh nữ giúp các anh chị em đau yếu chấp nhân thánh giá trong sự kết hiệp thiêng liêng với Thánh Tâm Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới hiểu biết vai trò của nữ giới trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tòa Thánh phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em

Tòa Thánh phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em

VATICAN. Tòa Thánh ngạc nhiên về những nhận xét kết luận của Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, được công bố hôm 5-2-2014 tại Genève, trong đó Ủy ban mạnh mẽ cáo buộc Tòa Thánh về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Cơ quan này của LHQ quả quyết rằng Tòa Thánh tiếp tục vi phạm Hiệp ước về các quyền trẻ em, đồng thời cũng phê bình Vatican về lập trường liên quan đến đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Trong bản những nhận xét kết thúc Ủy ban về các quyền trẻ em đòi Tòa Thánh phải cách chức ngay các giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em và giao nạp họ cho nhà chức trách dân sự.

Ủy ban gồm 18 chuyên gia cũng yêu cầu Tòa Thánh phải mở văn khố, công bố các văn kiện tài liệu về những giáo sĩ bị cáo đã phạm tội lạm dụng tính dục, và cho rằng cho đến nay Tòa Thánh đã che đậy những tội ác này, khiến cho các thủ phạm tiếp tục phạm tội mà không bị trừng phạt.

Trong buổi điều trần ngày 16-1-2014 tại Genève, Đại diện Tòa Thánh cho biết vấn đề xử lý các giáo sĩ phạm tội về phương diện hình luật thuộc thẩm quyền của nhà chức trách tư pháp của mỗi quốc gia nơi đương sự cư ngụ hoặc là công dân, với sự cộng tác của giáo quyền địa phương.

Đức TGM Silvano Tomasi

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên Sergio Centofanti của Đài Vatican, cùng ngày 5-2-2014, Đức TGM Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève, đã bác bỏ những lời cáo buộc đó và nói rằng:

– Ủy ban Hiệp ước về các quyền của con người đã chính thức công bố hôm nay (5-2-2013) các kết luận và đề nghị với các nước được cứu xét trong khóa họp thứ 65 và gồm có Congo, Đức, Tòa Thánh, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen. Ấn tượng đầu tiên của tôi là: cần phải đợi, đọc kỹ lưỡng và phân tích chi tiết những gì các thành viên (18) Ủy ban này đã viết. Nhưng phản ứng đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, vì khía cạnh tiêu cực của văn kiện mà nó gây ra. Dường như những kết luận trong văn kiện này đã được chuẩn bị trước khi có cuộc gặp gỡ giữa Ủy ban và phái đoàn Tòa Thánh (ngày 16-1-2014 tại Genève). Phái đoàn đã trình bày các câu trả lời chi tiết rõ ràng về nhiều điểm, và tiếc là những câu trả lời đó đã không được ghi lại trong Văn kiện kết thúc này, hoặc ít là dường như các câu trả lời của phái đoàn Tòa Thánh đã không được cứu xét nghiêm túc. Thực tế là văn kiện kết thúc có vẻ như hầu như không được cập nhật gì, không đề ý gì đến những điều đã được thực hiện trong những năm gần đây trên bình diện Tòa Thánh, với những biện pháp được thẩm quyền của Quốc gia thành Vatican trực tiếp đề ra, và tại các nước khác nhau do các HĐGM đưa ra. Vì thế, tài liệu kết luận của Ủy ban LHQ thiếu một viễn tượng đúng đắn và không được cập nhật. Thực tế là đã có một loạt những thay đổi về phía Công Giáo để bảo vệ các trẻ em, mà tôi thấy khó tìm được ở cùng một mức độ dấn thân trong các tổ chức hoặc trong các nước khác. Đây là một sự kiện hiển nhiên không thể xuyên tạc được!

H. Làm sao Tòa Thánh trả lời chính xác cho mỗi lời cáo buộc của Ủy ban LHQ?

Đ. Không thể trả lời trong vòng 2 phút cho tất cả những lời khẳng định được đưa ra một cách rất sai trái trong Văn kiện kết luận của Ủy ban LHQ. Với tư cách là một thành viên, một quốc gia đã ký kết Hiệp ước, Tòa Thánh sẽ trả lời: Tòa Thánh đã phê chuẩn Hiệp ước và muốn tuân giữ Hiệp ước đó trong tinh thần và trong chữ viết, không du nhập thêm những thêm thắt ý thức hệ hoặc những áp đặt đi ra ngoài chính Hiệp ước. Ví dụ: trong lời tựa, Hiệp ước nói về việc bảo vệ sự sống và bênh vực trẻ em trước và sau khi sinh ra; trong khi đó thì Ủy ban lại đề nghị Tòa Thánh hãy thay đổi lập trường về vấn đề phá thai! Dĩ nhiên, khi một trẻ em bị giết rồi thì không còn quyền nữa! Vì thế tôi thấy đó thực là một điều trái ngược với những mục tiêu cơ bản của Hiệp Ước là bảo vệ các trẻ em. Ủy ban này đã không làm điều có lợi cho LHQ, khi tìm cách du nhập và đòi Tòa Thánh phải thay đổi giáo huấn không thể thương lượng được của mình! Vì thế, quả là buồn khi thấy Ủy ban LHQ đã không hiểu rõ bản chất và chức năng của Tòa Thánh, tuy Tòa Thánh đã nói rõ với Ủy ban quyết định của mình thi hành những yêu cầu của Hiệp ước về các quyền của trẻ em, nhưng còn xác định rõ và bảo vệ trước tiên các giá trị căn bản làm cho việc bảo vệ trẻ em trở nên thực sự và hữu hiệu.

H. Thoạt đầu LHQ nói rằng Vatican đã đáp ứng tốt đp hơn các nước khác về việc bảo vệ các trẻ vị thành niên. Vậy nay điều gì đã xảy ra?

Đ. Trong phần dẫn nhập của Phúc trình kết thúc có nhìn nhận sự rõ ràng trong các câu trả lời của Tòa Thánh được gửi về Ủy ban; Tòa Thánh không tìm cách tránh né một yêu cầu nào của Ủy ban, theo sự hiển nhiên hiện có, và khi không có thông tin ngay, thì chúng tôi hứa sẽ cung cấp các tin tức đó trong tương lai, theo các chỉ thị của Tòa Thánh, như tất cả các chính phủ khác đã làm. Vì thế, chúng tôi thấy cuộc gặp gỡ ngày 16-1-2014 có vẻ là một cuộc đối thoại xây dựng và tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục như vậy. Vì thế, giữa cảm tưởng về cuộc đối thoại trực tiếp của phái đoàn Tòa Thánh với Ủy ban, và văn bản kết luận cùng những đề nghị mà Ủy ban công bố, chúng tôi muốn nói rằng có lẽ văn bản những kết luận này đã được viết từ trước và không phản ảnh phần đóng góp và sự rõ ràng, ngoại trừ một vài điều được thêm vào một cách vội vã. Vì thế, chúng tôi phải tiếp tục trình bày giải thích về các lập trường của Tòa Thánh, trả lời cho những câu hỏi còn tồn đọng, làm sao để mục tiêu cơ bản mà người ta muốn đạt tới là sự bảo vệ trẻ em có thể đạt được. Người ta nói là có 40 triệu vụ lạm dụng trẻ em trên thế giới. Rất tiếc là một số trường hợp ấy, – tuy là với tỷ lệ rất nhỏ, so với những gì xảy ra trên thế giới, – cũng liên hệ tới những người của Giáo Hội. Và Giáo Hội đã trả lời và đã phản ứng, và tiếp tục làm như thế! Chúng ta phải nhấn mạnh về chính sách minh bạch này, không dung thứ sự lạm dụng, vì dù chỉ có một vụ lạm dụng trẻ em mà thôi thì cũng là một điều quá nhiều rồi!

H. Vậy điều gì có thể xảy ra?

Đ. Có lẽ các tổ chức phi chính phủ quan tâm với việc bảo vệ đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái và những vấn đề khác, chắc chắn là họ có những nhận xét cần trình bày và một cách nào đó đã củng cố một đường hướng ý thức hệ.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh

Trong thông cáo công bố sáng ngày 5-2-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh cũng lấy làm tiếc vì Ủy ban LHQ về các quyền của trẻ em toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thi hành tự do tôn giáo:

”Vào cuối khóa họp thứ 65, Ủy ban về các quyền trẻ em đã công bố những nhận xét kết thúc về việc cứu xét các phúc trình của Tòa Thánh và 5 quốc gia đã ký kết Hiệp ước về các quyền trẻ em là Congo, Đức, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen.

Theo những thủ tục dự kiến dành cho các nước ký Hiệp Ước, Tòa Thánh ghi nhận những nhận xét kết luận về các bản phúc trình của mình, các nhận xét đó sẽ được cứu xét và nghiên cứu kỹ lưỡng trong sự tôn trọng hoàn toàn Hiệp Ước trong các lãnh vực khác nhau được Ủy ban trình bày, chiếu theo công pháp và thực hành quốc tế cũng như để ý đến cuộc thảo luận trao đổi với Ủy ban ngày 16-1 vừa qua.

Tuy nhiên, Tòa Thánh lấy làm tiếc vì thấy trong một số điểm của những quan sát kết thúc có một toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thực thi tự do tôn giáo. Bản nhận xét của Ủy ban đã phê bình giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Tòa Thánh tái khẳng định quyết tâm bênh vực và bảo vệ các quyền của trẻ em, phù hợp với các nguyên tắc được Hiệp ước về các quyền trẻ em thăng tiến, và theo các giá trị luân lý và tôn giáo được đạo lý Công Giáo.”

G. Trần Đức Anh O.P chuyển ý

Haiti bốn năm sau ngày động đất

Haiti bốn năm sau ngày động đất

Phỏng vấn bà Maria Vittoria Rava, chủ tịch tổ chức phi chính quyền Rava, về công tác cứu trợ nhân dân Haiti

Bốn năm đã trôi qua kể từ khi Haiti bị động đất, khiến cho 230 ngàn người chết và hơn một triệu người mất hết nhà cửa phải sống cảnh màn trời chiếu đất.

Người dân Haiti lại càng phải khốn khổ hơn vì hai trận bão lớn xảy ra sau đó. Các tai ương này đã đánh gục nền kinh tế vốn đã èo ọt của người dân hòn đảo này và đã gây ra nhiều trận dịch kiết lỵ, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người khác, đặc biệt là các trẻ em.

Thảm cảnh của người dân Haiti xem ra đã bị thế giới lãng quên, nhưng cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp tục cật vấn lương tâm mọi người.

Như đã biết, lúc 16 giờ 53 phút ngày 12 tháng Giêng năm 2010, một trận động đất mạnh 7 chấm theo thước Richter đã tàn phá đảo Haiti, khiến cho 230 ngàn người thiệt mạng và hơn một triệu người trở thành dân tị nạn với hai bàn tay trắng, vì đã mất mất hết nhà cửa và gia tài sản nghiệp. Thủ đô Port-au-Prince biến thành một đống gạch vụn đổ nát, kể cả dinh tổng tổng thống và các dinh thự của chính quyền cũng sụp đổ. Hàng trăm ngàn xác chết bị kẹt dưới các tòa nhà đổ nát, hay nằm nhiều ngày sau đó trên các đường phố, mà không được ai chôn cất.

Tình hình của các thành phố và làng mạc xa xôi còn thê thảm hơn nữa, vì các toán cứu trợ đã chỉ có thể tới giúp dân chúng nhiều tuần sau đó. Trận động đất đã khiến cho các cầu, đường lộ và hầm bị sập, đất bị lở, khiến cho việc lưu thông hoàn toàn bị gián đoạn. Hai trận bão càn quét Haiti sau đó đã khiến cho tình trạng sống của dân chúng càng thê thảm hơn. Ngoài cảnh nhà cửa bị tàn phá đổ nát, hàng chục ngàn xác chết rải rác khắp nơi, còn có hàng ngàn trẻ em mồ côi lang thang thất thểu vô định trên các đường phố, và hàng ngàn người bị chết vì dịch tả.

Nhân dân Haiti, một quốc gia nghèo nhất thế giới, đã phải đương đầu với một thảm cảnh to lớn vượt qúa mọi sức lực của họ. Một phong trào liên đới quốc tế đã được phát động nhưng đã không thành công trong việc vực dậy một đất nước hoàn toàn kiệt quệ. Và ngày nay, bốn năm đã trôi qua kể từ sau cuộc động đất kinh hoàng ấy, Haiti vẫn là một đống đổ nát hoang tàn và cảnh hỏa ngục vẫn còn đó.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Maria Vittoria Rava, chủ tịch tổ chức phi chính qyuyền Rava, về công tác cứu trợ Haiti. Tổ chức Rava đã hiện diện tại Haiti từ 27 năm nay và điều khiển một loạt các dự án trợ giúp phát triển tại đây.

Hỏi: Thưa bà Rava, tình hình tại Hati hiện nay ra sao, có còn khó khăn hay không?

Đáp: Tình hình vẫn luôn luôn rất khó khăn. Cũng rất khó diễn tả bằng lời nói, bởi vì chỉ khi tới Haiti thì người ta mới nhận thức được tình hình của quốc gia xó xỉnh này của trái đất, nơi chỉ có các đống rác, các đổ vỡ và tuyệt vọng.

Không có gì thay đổi, trong nghĩa những người đã mất nhà cửa hiện nay vẫn không có nhà ở: họ sống dưới lều bạt, hay trong các nhà vá víu tạm bợ bằng đủ mọi vật liệu mà họ tìm được… Đã không có việc tái thiết đất nước.

Hỏi: Chúng ta nhớ cuộc tranh đua liên đới quốc tế được phát động ngay sau khi trận động đất xảy ra tại Haiti: Nó có đem lại vài kết qủa nào không thưa bà, hay đã chỉ là các lời hứa suông không được thực hiện?

Đáp: Điều mà tôi có thể nói đó là thí dụ như trong trường hợp của chúng tôi, tất cả những gì lạc quyên được đều đã được sử dụng cho các công tác cứu trợ ngay lập tức, chứ không cần phải đợi nhiều năm. Nó đã mang lại kết qủa, mà mỗi lần qua Haiti đều khiến cho tôi ngạc nhiên. Đã có hàng ngàn trẻ em được giúp đỡ mỗi ngày. Chúng là các trẻ em mồ côi sau trận động đất đã sống lang trang trên các đường phố và không nơi nương tựa, vì cha mẹ và người thân đã chết hết. Nói chung chắc chắn đã có vài cơ quan không hoạt động tốt. Tôi không phải là người có bổn phận nói lên điều này, bởi vì chúng tôi chỉ là một cái ”bàn đạp nhỏ”, nhưng với tất cả số tiền mà người ta đã quyên góp được, chia ra cho mỗi đầu người trong số hàng triệu dân Haiti, thì có thể làm một cài gì nhiều hơn nữa, rất nhiều hơn nữa.

Nhân dân Haiti đáng được hưởng điều đó, vì họ rất muốn vươn lên và làm lại cuộc sống. Khi bạn cho họ một cơ may, một dịp tốt, một công việc, họ biết tận lực và phục hồi. Tôi trông thấy điều này nơi các bạn trẻ, mà tôi biết và chúng tôi theo dõi với các học bổng cấp cho họ. Thật là không thể tin được, và rất cảm động: mỗi khi trở về nhà tôi đều nghĩ: chúng tôi đã làm được quá ít.

Hỏi: Các việc cấp thiết nhất hiện nay rất tiếc liên quan tới các trẻ em. Tổ chức của bà đã can thiệp một cách cụ thể như thế nào trong lãnh vực này?

Đáp: Các dự án của chúng tôi tập trung vào việc trợ giúp các trẻ em. Lý do cũng là vì các em rất thiếu dinh dưỡng, và đây cũng là lý do khiến cho nhiều em phải chết. Thiếu nước, thiếu vệ sinh, thiếu cả nước trong lành để uống. Chúng tôi có một trung tâm chống bệnh kiết lỵ. Trung tâm này được thành lập sau trận dịch kiết lỵ đầu tiên, mỗi năm tiếp đón 20,000 bệnh nhân và dĩ nhiên là luôn luôn đầy các trẻ em, là những người giòn mỏng yếu đuối nhất và các em là những người đầu tiên phải chết, nếu không được chuyền nước. Và mỗi khi có mưa là bệnh dịch tả lại gia tăng. Thế rồi chúng tôi cũng có nhà thương nhi đồng Thánh Damiano, là nhà thương nhi đồng duy nhất tại Haiti, hằng năm đã săn sóc cho 80,000 trẻ em: có các em được săn sóc trong một ngày, có các em phải nhập viện vì các trường hợp khẩn cấp, có các em khác nữa nhập viện để được giải phẫu, có các em được săn sóc vì bị ung thư. Chúng tôi cũng có một khu vực sản khoa dành cho các bà mẹ và các trẻ em sinh sau khi xảy ra trận động đất, bởi vì vài nhà thương ít ỏi đều đã sụp đổ hết. Vì thế nhà thương thánh Damiano là điểm quy chiếu của toàn nước Haiti. Nhà thương của chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các bác sĩ nhà thương Buzzi ở Milano, Nhà thương Chúa Hài Đồng Roma và nhà thương Di Ponte tỉnh Varese. Các chuyên viên của các nhà thương nói trên đã cộng tác với chúng tôi bằng cách cống hiến cho chúng tôi các khả năng chuyên môn của họ. Đây là một kích thích để thành lập nhiều nhà thương thánh Damiano khác. Thế rồi chúng tôi cũng có các nhà mồ côi tại Kenscoff gần nhà thương thánh Damiano và nhà Trẻ thơ thánh Anna ở Saint Louis, là nơi chúng tôi tiếp đón 2.000 trẻ em vô gia đình, nơi các em được yêu thương săn sóc và giáo dục trong tình yêu và niềm vui. Chúng tôi đã có thể tiếp đón các em nhờ hệ thống nhận nuôi trẻ em mồ côi từ xa, với sự đóng góp tài chánh của rất nhiều các cha mẹ nuôi. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 2013 nhiều cha mẹ nuôi đã chọn tới nghỉ tại nhà này.

Hỏi: Tổ chức Rava không chỉ trợ giúp người dân Haiti, nhưng cũng tạo công ăn việc làm cho 1.600 người nữa, có đúng thế không thưa bà?

Đáp: Vâng đúng thế. Đây là điều đẹp nhất và lần nào cũng khiến cho tôi cảm động. Đây là điều chúng tôi đã thực hiện tại Francisville với ”Thành phố nghề nghiệp”, nơi chúng tôi dậy nghề cho các thanh thiếu niên và là nơi chúng tôi trú ngụ mỗi khi tới Haiti. Nó là một khách sạn nhỏ gọi là ”Biệt thự Francesca”, nơi chúng tôi ngủ nghỉ bằng cách trả mỗi ngày 25 mỹ kim. Tại khách sạn này có các trẻ em bụi đời làm việc như là những nhân viên giúp việc và các em được trả lương. Có rất nhiều kiểu tạo cho các em một công việc làm. Giáng Sinh vừa qua tôi đã ăn trưa với một vài em được một số vị hảo tâm Italia cho học bổng để các em theo học tại đại học. Biết bao nhiêu lần người ta cảm động, vì các trẻ em chiếm đa số tại Haiti, và các em bị chết vì tật bệnh và thiếu dinh dưỡng.

Số trẻ em tử vong rất cao. Và khi bạn được một trẻ em bé bỏng như vậy ôm chặt lấy mình, thì bạn bị chinh phục ngay. Nhưng cả khi bạn có trước mặt một thanh niên 20 tuổi đi nữa, nhìn đôi mắt của họ chất chứa dấu ẩn các câu chuyện không thể tin được. Có khi họ đã mất tất cả gia đình trong trận động đất cách đây bốn năm, nhưng họ vẫn còn có ý chí phấn đấu vươn lên và dấn thân xây dựng. Họ đã ghi danh theo học đại học và thi đậu qua kỳ sát hạch, mà bên Italia các người trẻ có đủ mọi điều kiện thuân lợi trong cuộc sống cũng còn than là khó. Bên Haiti này các kỳ thi sát hạch đó lại còn khó hơn biết bao nhiêu, bởi vì có rất ít chỗ trong ngành Y khoa của đại học Haiti. Nhưng các bạn trẻ này đã muốn thắng vượt các chướng ngại đó và chọn con đường khó. Khi tôi hỏi họ: “Sao? các kỳ thi như thế nào, có khó không? Có vất vả không?” Và bạn có thể tưởng tượng ra hoàn cảnh sống thiếu thốn khó khăn trăm bề của họ. Họ đâu có nhà cửa và ghế salong để ngồi thoải mái nghỉ mệt vào buổi chiều đâu. Thế nhưng họ trả lời: ”Không, không khó, không mệt, không vất vả. Tôi đang theo đuổi giấc mơ của tôi. Từ khi tôi gia nhập đại học, tất cả chỉ là một con đường xuống dốc dễ dàng!”

(RG 12-1-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến

Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến

Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến. Các người thánh hiến là dấu chỉ của Thiên Chúa trong các môi trường cuộc sống khác nhau, họ là men giúp một xã hội lớn lên công bằng và huynh đệ hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung tới tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 2-2-2014, lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ và cũng là Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến.

Trước đó lúc 10 giờ sáng ngài đã chủ sự thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến đã do Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập và cử hành lần đầu tiên năm 1997 nhằm mục dích cảm tạ Chúa vì ơn gọi đời thánh hiến, đánh giá ngày càng cao hơn chứng tá của các tu sĩ nam nữ chọn sống ba lời khấn phúc âm, và là dịp để mọi người sống đời thánh hiến canh tân quyết tâm dâng mình cho Chúa. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y João Bras de Aviz, Tổng trưởng bộ các dòng tu và hiệp hội tông đồ, Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo Tổng thư ký, vài nhân viên của Bộ, cha Nicholas Pachón, Chủ tịch Hiệp hội các Bề trên tổng quyền, cha Luigi Gaetano Chủ tịch hiệp hội các Bề trên cả Italia.

Thánh lễ mở đầu với cuộc rước với sự tham dự của 25 nam tu sĩ và 25 nữ tu, đại diện cho mọi lứa tuổi của đời thánh hiến, cũng như các tu sĩ và bề trên đại diện cho mọi chức vụ của dòng tu và tu hội. Mỗi người trên tay cầm một cây nến biểu tượng cho Chúa Kitô là ánh sáng thế gian và cho ơn gọi của đời thánh hiến là ánh sáng chiếu soi trần gian.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ cũng được gọi là lễ của sự gặp gỡ: gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Khi Đức Maria và thánh Giuse đem con vào Đền Thờ Giêrusalem, thì xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân người được đại diện bởi hai cụ già Simeong và Anna. Đây cũng là cuộc gặp gỡ bên trong lịch sử của dân Chúa, một cuộc gặp gỡ giữa các người trẻ là Đức Marria và ông Giuse và các người già là ông Simeong và ban Anna. Trình thuật Phúc âm cho thấy cha mẹ Chúa Giêsu tươi vui tuân giữ và đi theo các luật lệ của Thiên Chúa. Thánh sử Luca nhấn mạnh sự kiện hai người già được Thánh Thần Chúa hướng dẫn. Và Thánh Gia gặp gỡ hai người dại diện này của dân thánh Chúa trong Đền Thờ. Chúa Giêsu ở trung tâm. Chính Người chuyển động tật cả, lôi kéo các người này và người kia đến Đền Thờ, là nhà của Cha Người. Đó là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ luật lệ được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật Lệ vạch ra. Ai tràn đầy Thần Khí bằng Mẹ Maria? Ai ngoan ngoãn với hoạt động của Thần Khí bằng Mẹ?

Đời thánh hiến cũng là một cuộc găp gỡ với Chúa Giêsu: chính Người được Mẹ Maria và thánh Giuse đem đến cho chúng ta, và chúng ta được Thánh Thần hướng dẫn bước tới với Người. Người ở trung tâm và di chuyển tất cả, Người lôi kéo chúng ta đến Đền Thánh, nơi chúng ta có thể gặp gỡ, nhận biết, tiếp đón và ôm lấy Người. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta trong Giáo Hội, qua đặc sủng xây nền của một dòng tu. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô đã thành hình trong Giáo Hội qua đặc đủng của một chứng nhân nam nữ của Người. Sự kiện này khiến cho chúng ta kinh ngạc và làm cho chúng ta tạ ơn Chúa. Cả trong đời thánh hiến người ta cũng sống cuộc gặp gỡ giữa người trẻ và người già, giữa sự tuân giữ và lời tiên tri. Chúng ta đừng coi hai thực tai này chống đối nhau. Hãy để Chúa Thánh Thần linh hoạt cả hai, và dấu chỉ của cuộc găp gỡ đó là niềm vui: niềm vui của sự tuân giữ, bước đi trong một luật sống và niềm vui được Thần Khí hướng dẫn, không bao giờ cứng nhắc, không bao giờ khép kín, nhưng luôn luôn rộng mở cho tiếng Chúa, nói, mở ra và hướng dẫn.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Tòa để dọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cao tần quan trọng của đời sống thánh hiến đối với Giáo Hội. Ngài nói trình thuật Phúc Âm kể lại biến cố dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh theo luật lệ Do thái là một hình ảnh ý nghĩa diễn tả việc hiến dâng cuộc sống mình cho Thiên Chúa của những người noi gương Chúa Giêsu đồng trinh, khó nghèo và vâng lời, Đấng được thánh hiến của Thiên Chúa Cha. Áp dụng cho mọi kitô hữu Đức Thánh Cha nói:

Sự dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa liên quan tới mọi kitô hữu, bởi vì tất cả chúng ta đươc thánh hiến cho Người qua bí tích Rửa Tội. Tất cả chúng ta được mời gọi dâng mình cho Thiên Chúa Cha với Chúa Giêsu và như Chúa Giêsu, biến cuộc đời chúng ta trở thành một món qùa quảng đại, trong gia đình, trong công việc làm, trong việc phụng sự Giáo Hội, trong các công tác bác ái thương xót. Nhưng việc thánh hiến đó được sống một cách đặc biệt bởi các tu sĩ, đan sĩ và giáo dân tận hiến giữa đời, mà với việc tuyên xưng các lời khấn họ thuộc vè Thiên Chúa một cách trọn vẹn và triệt để. Việc tùy thuộc Chúa cho phép những người sống một một cách đích thực cống hiến một chứng tá đặc biệt cho Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hoàn toàn được thánh hiến cho Thiên Chúa, họ hoàn toàn được trao phó cho các anh em khác để đem ánh sáng Chúa Kitô tới nơi đâu có bóng tối dầy đặc, và phổ biến niềm hy vọng trong các con tim mất tin tưởng. Đức Thánh Cha giải thích thêm về đời thánh hiến như sau:

Các người thánh hiến là dấu chỉ của Thiên Chúa trong các môi trường cuộc sống khác nhau, họ là men giúp một xã hội lớn lên công bằng và huynh đệ hơn, lời tiên tri chia sẻ với các người bé nhỏ nghèo hèn… Mỗi một người thánh hiến là một ơn của Thiên Chúa trên đường đi. Cần có các sự hiện diện này biết bao nhiêu, cho việc củng cố và canh tân dấn thân phổ biến Tin Mừng, cho việc giáo dục kitô, cho việc bác ái đối với các người cần được trợ giúp, cho việc cầu nguyện chiên niệm, cho dấn thân đào tạo nhân bản và tinh thần cho người trẻ và các gia đình, và cho dấn thân cho công lý và hòa bình trong gia đình nhân loại. Giáo Hội và thế giới cần đến chứng tá này của tình yêu và lòng thương xót Chúa. Vì thế cần đánh gía cao với lòng biết ơn các kinh nghiệm của đời sống thánh hiến và đào sâu việc hiểu biết các đặc sủng và nền tu đức khác nhau. Cần phải cầu nguyện để người trẻ trả lời ”có” với Chúa là Đấng gọi họ tân hiến cho Người để phục vụ các anh em chị em khác một cách vô vị lợi. Chình vì các lý do đó nên năm 2015 sẽ là Năm của đời thánh hiến. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy phó thác sáng kiến này cho sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria và Cha Thánh Giuse, như là cha mẹ Chúa Giêsu đã là những người đầu tiên được thánh hiến bởi Chúa và thánh hiến cuộc sống các Ngài cho Người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày cho sự sống được Hội Đồng Giám Mục Italia phát động cử hành Chúa Nhật hôm qua về đề tài ”Sinh ra tương lai”. Ngài khích lệ các hiệp hội, các phong trào và trung tâm văn hóa dấn thân bảo vệ và thăng tiến sự sống. Cùng với các Giám Mục ngài tái nhấn mạnh rằng: ”Mọi con cái là gương mặt của Chúa là Đấng yêu thương sự sống, là ơn cho gia đình và cho xã hội” (Sứ điệp cho Ngày sự sống lần thứ 36). Mỗi người đều được mời gọi yêu thương và thăng tiến sự sống, đặc hiệt sự sống của những người yếu đuối cần được chú ý săn sóc, từ lòng mẹ cho tới khi kết thúc trên traí đất này. Đức Thánh Cha cũng chào Đức Hồng Y Giám quản và những người dấn thân linh hoạt Ngày sự sống trong giáo phận Roma, cũng như các giáo sư đại học đã tổ chức các cuộc hội thảo về các vấn đề sinh sản nhân dịp này.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi 414 gia đình thuộc Con đường Tân Dự Tòng đi truyền giáo tại nhiều nước trên thế giới.

Nghi thức trao Thánh Giá truyền giáo đã diễn ra trong buổi tiếp kiến của ĐTC sáng ngày 1-2-2014 tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng.

Con đường này là một phương pháp do Ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernander người Tây Ban Nha, đề xướng hồi năm 1967 tại khu ngoại ô thủ đô Madrid, nhắm giúp các tín hữu tái khám phá ơn gọi của bí tích rửa tội qua hành trình tân dự tòng.

Tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC có 11 Hồng Y và hơn 50 GM các nước, những người khởi xướng và các vị trách nhiệm Con đường Tân Dự Tòng, các vị giám đốc của 100 đại chủng viện thừa sai ”Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Mater) thuộc Con đường này ở các nơi trên thế giới, các LM đã được đào tạo trong các chủng viện thuộc Con đường Tân dự Tòng ở Âu Châu cũng như các chủng sinh đang được huấn luyện, các toán giáo lý viên lưu động quốc tế và các vị trách nhiệm các cộng đoàn đầu tiên ở Tây Ban Nha và Italia.

Đặc biệt có 414 gia đình được ĐTC sai đi truyền giáo, trong đó có 174 gia đình sẽ thuộc 40 cứ điểm mới truyền giáo cho dân ngoại, như ở Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam, Mông Cổ, Đông Âu và Bắc Âu, thêm vào số 52 cứ điểm đã hiện hữu. Trong buổi tiếp kiến còn có 900 người con của tất cả các gia đình hiện diện. Ngoài ra cũng có hơn 100 gia đình đã đi truyền giáo ở nhiều nơi trên thế giới.

Phần lớn các gia đình được ĐTC sai đi hôm 1-2-2014 là người Tây Ban Nha và Italia. Mỗi cứ điểm truyền giáo gồm 4 gia đình, một LM và 1 phụ tá tháp tùng, thường là một giáo dân hoặc một chủng sinh, một nữ tu cao niên và 3 chị trẻ cộng tác vào sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhiệt liệt cám ơn niềm vui đức tin cũng như lòng nhiệt thành làm chứng tá Kitô của các thành viên Con đường Tân Dự Tòng, đồng thời ngài nhắn nhủ họ 3 điều:

– Thứ I là hết sức quan tâm kiến tạo và bảo tồn tình hiệp thông trong các Giáo Hội địa phương nơi họ đến hoạt động. Con đường có đoàn sủng và sức năng động riêng. Điều này có nghĩa là đặt mình lắng nghe đời sống của các Giáo Hội nơi anh chị em được các vị phụ trách gửi tới, đề cao giá trị những điều phong phú của địa phương, nếu cần thì chịu đau khổ vì những yếu đuối của họ, đồng hành như một đoàn chiên duy nhất dưới sự lãnh đạo của các vị Mục Tử của Giáo Hội địa phương.

– Thứ hai là đặc biệt chú ý đến bối cảnh văn hóa nơi các gia đình anh chị em đi tới hoạt động. Đây là những môi trường nhiều khi rất khác biệt với môi trường xuất xứ của anh chị em.. Điều rất quan trọng là cố gắng học các nền văn hóa anh chị em gặp, biết nhận ra nhu cầu Tin Mừng hiện diện ở mọi nơi, và cả hoạt động mà Chúa Thánh Linh đã thực hiện trong đời sống và lịch sử của mỗi dân tộc.

– Thứ ba là hãy chăm sóc nhau với tình yêu thương, đặc biệt là những người yếu thế nhất. Con đường Tân Dự Tòng, trong tư cách là một hành trình khám phá bí tích rửa tội của mình, là một con đường nhiều đòi hỏi, trên đó một anh chị em có thể gặp những khó khăn bất ngờ. Trong những trường hợp ấy, sự thực thi lòng kiên nhẫn và lòng từ bi từ phía cộng đoàn chính là dấu chỉ sự trưởng thành trong đức tin. Không thể cưỡng bách tự do của mỗi người, và phải tôn trọng các sự chọn lựa của người quyết định tìm kiếm bên ngoài Con đường Tân Dự Tòng, những hình thức khác của đời sống Kitô giúp họ tăng trưởng trong việc đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Con đường Tân Dự Tòng hiện nay có mặt ở 124 quốc gia 5 châu, thuộc 1,479 giáo phận với 20,432 cộng đoàn hiện diện trong 6,272 giáo xứ. Con đường này cũng có 100 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với 2.300 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục; 1.880 linh mục giáo phận đã xuất thân từ các đại chủng viện đó, hơn 1 ngàn gia đình đang thi hành sứ vụ truyền giáo tại 93 quốc gia và 92 cứ điểm truyền giáo cho dân ngoại (SD 1-2-2014)

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh

Lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh

presentation_of_the_lord

Kể từ cuối thế kỷ IV, Giáo hội Gierusalem đã mừng kính lễ này, hướng tới việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và việc thanh tẩy Đức Trinh Nữ. Giáo hội Hy Lạp và Milanô kể lễ này vào một số lễ trọng kính Chúa, một nghi lễ chính trong năm. Giáo hội Roma lại thường kể lễ này vào số các lễ Đức Trinh Nữ.

Trong thông điệp về lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, Đức Phaolô VI viết : "Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ "dâng Chúa vào đền thánh", cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy" (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thánh tẩy Đức Trinh Nữ đã được thánh sử Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môisê, phụ nữ sau khi sanh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái. Trong những ngày ấy họ không được vào đền thờ và không được chạm đến vật dụng nào đã thánh hiến cho Thiên Chúa.

Hết những ngày kiêng cữ trên, họ đến đền thờ để được thanh tẩy. Họ phải mang theo một con chiên nếu là nhà giàu hay hai con chim gáy hoặc bồ câu non làm của lễ. Ngoài ra để ghi nhớ dịp vượt qua đất Ai cập. Lúc các con đầu lòng của loài người hay là của loài vật đều phải dâng cho Thiên Chúa (Xh 13,2). Vậy, trung tín với lề luật, Đức Maria và thánh Giuse "khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ tẩy uế cho các đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa" và các Ngài "dâng làm lễ tế một cặp chim gáy hay hai con bồ câu" (Lc 2,22-24).

Như vậy sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh diễn ra một cách bình thường dưới mắt người đời. Nhưng trong lịch sử cứu độ, đây là việc thực hiện lời tiên báo của tiên tri Malaki: "Thình lình sẽ đến nơi đền thờ của Người, vị Chúa tể mà các ngươi đòi hỏi, và thần sứ giao ước mà các ngươi ước nguyện, này vị ấy đến" (Ml 3,1). Chúa đã đến trong đền thờ Người. Bao nhiêu người đã ngóng chờ biến cố cứu độ này. Nhưng như chính tiên tri Malaki trước tự hỏi: "Ai chịu đựng nổi ngày Người đến ? Ai đứng vững được khi Người hiện ra ?" (Ml 3,2).

Dĩ nhiên khó ai nhận biết được Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã mặc lấy vóc dáng con người như chúng ta. Phải có sự soi sáng của Thánh Thần mới biết được. Siméon và Anna là những người công chính và mộ đạo đã được hường đặc ân này. Được linh cảm, Siméon "đến đền thờ, khi cha mẹ bồng hài nhi Giêsu đến để làm theo điều lề luật dạy về Người" (Lc 2,27).

Ẵm lấy Hài nhi trên tay, Siméon đã chúc tụng Chúa và nói:

"Mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ,

Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân,

Anh sáng mạc khải cho dân ngoại

và vinh quang của Israel dân Người" (Lc 2,30-32)

Còn nữ tiên tri Anna, "không rời khỏi đền thánh, thờ Chúa đêm ngày trong chay kiêng và cầu nguyện. Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Gierusalem" (Lc 37-38).

Ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Hôm nay Giáo hội làm phép những cây nến và phân phát cho giáo dân. Cầm nến sáng trong tay và tiến vào thánh đường, mọi người lặp lại Thánh Ca mà tiên tri Siméon đã hát khi Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Chúa Giêsu quả là ánh sáng muôn dân, dẫn lối chúng ta vào trong cung điện Người. Những "cây nến phép" này sẽ được cất giữ trong các gia đình để dùng vào dịp lãnh các bí tích sau hết hay để thắp bên thi hài người quá cố trong gia đình.

Văn hóa Việt bị giấu kín và không được biết đến

Văn hóa Việt bị giấu kín và không được biết đến

Lời giới thiệu

Sắp đến Tết Cổ Truyền Việt Nam (The Vietnamese Traditional Tet), người cùng quê, Trần Lý Dương Sơn Thôn Nữ, gởi tặng tôi bài viết của tác giả Viễn Xứ về nguồn gốc của Tết Việt là nét Văn Hóa của người mình từ đời Hùng Vương.
(Phan Dương Sơn)

I- BÀI VIẾT

Tết Nguyên Đán có từ đâu?
Tác giả: Viễn Xứ

Tết Nguyên Đán là của người Việt!

Sắp đến Tết Ta là Viễn Xứ cảm thấy buồn buồn, tủi tủi vì nghe nhiều người nói là New Year of China!!! (Người ngoại quốc không biết đã đành, nhưng nhiều người Việt cũng nói như vậy….thật là buồn!)

Thật ra, Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên của năm, bị người Trung Quốc (chôm) của dân Việt ta….

Tết: Do chữ Tiết (thời tiết) mà ra.
Nguyên: Bắt đầu.
Đán: Buổi sáng sớm.

Vậy, Tết Nguyên Đán tức là Tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới.

Một câu hỏi đôi khi được đặt ra: ”Tại sao tiền nhân chúng ta không chọn tháng 3 để tổ chức Tết Nguyên Đán, như các dân tộc Miên, Thái hoặc Lào, hoặc một tháng nào đó trong năm, mà lại chọn đúng vào ngày đầu tháng Giêng Âm Lịch?” Người Trung Hoa sau này cũng chọn cùng ngày này làm ngày Tết của họ. Vì sự trùng hợp ngẫu nhiên (hay chôm văn hóa của ta) này thêm vào sự liên hệ giữa hai dân tộc Hoa – Việt vốn đã có hàng nghìn năm trước khi Trung Hoa đô hộ nước ta, nên nhiều người VỘI CHO RẰNG dân tộc ta bắt chước người Trung Hoa về thời gian mừng Tết Nguyên Đán.

Thật ra, đây chỉ là sự ngộ nhận.

Dựa vào lịch sử Trung Hoa, trải qua nhiều triều đại, chúng ta được biết người Trung Hoa có tục lệ mừng Tết Nguyên Đán không phải vào đầu tháng Giêng Âm Lịch như hiện nay mà thật ra thời gian được chọn để tổ chức mừng Xuân được thay đi đổi lại rất nhiều lần. Chẳng hạn, vào đời Tam Vương nhà Hạ, người Trung Hoa chọn tháng Dần đầu năm để mừng Xuân. Đến đời nhà Thương, người ta đổi lại tháng Sửu tức tháng Chạp. Qua đời nhà Chu, người ta lại chọn tháng Tý, tức tháng Một. Ba vị vua trên đây không phải vô cớ, tùy hứng mà chọn những tháng đó, mà là họ đã dựa vào ý nghĩa tốt xấu, căn cứ theo ngày giờ lúc mới tạo thiên lập địa. Họ tin tưởng giờ Tý là giờ thành, giờ Sửu đất nở và giờ Dần sinh ra người. Đến đời nhà Đông Chu, Khổng Tử một lần nữa noi theo nhà Hạ, đổi lại ngày Tết vào tháng Dần. Qua đời nhà Tần người ta lại thay ngày Tết vào tháng Hợi tức tháng Mười. Cuối cùng, khi nhà Hán lên ngôi, bấy giờ người Trung Hoa lại noi theo gương Khổng Tử chọn ngày đầu tháng Dần, tức tháng Giêng để mừng Tết.

Mừng xuân vào dịp đầu năm âm lịch nói là của người Trung Hoa thì hoàn toàn không chấp nhận được.

Tiền nhân chúng ta khôn ngoan, lại xuất thân từ giới nông dân. Sở dĩ các ngài chọn ngày đầu năm âm lịch để tổ chức Tết Nguyên Đán vì thời gian này nhằm vào đúng mùa xuân, một mùa đẹp nhất trong năm với thời tiết mát mẻ, dịu dàng, cây cối đâm chồi nẩy lộc, khoe thắm sắc hương và mang một màu sắc xinh tươi, mới mẻ rất thích hợp trong việc thăm viếng bà con, thân thuộc, bạn bè.

Đây cũng là khoảng thời gian mà mọi công việc đồng áng đã hoàn tất, lúa gặt xong và được đem chứa vào những lẫm lúa. Người nông dân chân lắm tay bùn, sau một năm vất vả với công việc đồng áng, giờ đây được thảnh thơi hoàn toàn có thể cùng nhau hội hợp, liên hoan, ăn uống vui vẻ với nhau để tỏ lòng biết ơn đối với Trời Đất và tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân yêu ruột thịt đã qua đời!

Tết Nguyên Đán trước đây ta gọi là Tết Nhàn là Tết cổ truyền có từ thời Hùng Vương, sử cũ vốn ta có 12 tháng, nhưng cách tính khác ngày nay, 1 năm bắt đầu từ tháng chạp tức tháng 12, vì khi ấy dân ta bắt đầu hoạch lúa, tới tháng giêng thì xong, ngày đầu tháng giêng người Âu Lạc có tục cúng lễ tạ ơn Tổ Tiên, Trời, đất sau 1 mùa lúa nước, ngày Tết diễn ra từ ngày 1/1 cho tới hết 30/3 và kết thúc là lễ hội ngày mùa để bắt đầu 1 vụ cấy mới, ngày Tết này ta sẽ thấy đến đời Hán Vũ đế bên Trung Hoa mới có, còn ta thì ai xem tích Bánh Trưng Bánh Dày thì đều thấy cả, mà tích này là từ thời Hùng Vương thứ 6 tức là trước đời Tần Thủy Hoàng rất là lâu chừng khoảng hơn 1000 năm, Vậy mà ngày nay nó lại mang tên New Year of China.

Viễn Xứ hy vọng chúng ta cùng nhau chia sẻ để cho người Ngoại Quốc cũng như con cháu chúng ta hiểu biết nhiều hơn về Lịch Sử và Văn Hóa dân tộc Việt.

P.S. Vẫn còn nhiều thứ mà người Trung Hoa đã chôm (văn hóa) của người Việt ta, rồi nhận là của họ.

(Người chuyển bài: Trần Lý Dương Sơn Thôn Nữ)

II- Ý kiến của Phan Dương Sơn

Đồng ý với tác giả Viễn Xứ: Tàu cũng giấu kín công lao của người xây Tử Cấm Thành là Ông Nguyễn An, kiến trúc sư thiên tài xây dựng Ðại Bắc Kinh! Chính Đài Truyền Hình Đức đã ca ngợi ông Nguyễn An và giải thích cách ông ta có thể cho di chuyển từng khối đá cẩm thạch nặng từ 200-300 tấn để xây Đại Bắc Kinh nổi tiếng nhất thế giới: Truyền Hình Đức đã ”làm” cuốn phim về ”Tử Cấm Thành” để vinh danh ông Nguyễn An thay cho người Việt hầu như không biết sự thật bị che đậy! (Bằng chứng ở đây: SGGP Online- Quanh việc Nguyễn An xây Tử Cấm Thành, Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Một giai đoạn lịch sử xuất hiện nhiều nhân tài

Xin lưu ý thêm: Tất cả sáu (6) tập về ”Tử Cấm Thành”, phim của Đức, nói tiếng Đức, phụ đề tiếng Việt do Phương Thùy (Phần-lan), Xuân Trường và Cẩm Vân (Đức) thực hiện và hoàn tất vào giữa tháng 9, 2009.

Nhưng đáng buồn thay, hiện nay, một số trang mạng của người Việt vẫn còn ca ngợi ”đại công trình đó” là của người Tàu!

Xin mời đọc đoạn dưới đây được trích từ bài viết ở Link: Trung Quoc 9

”Cách đây hơn 40 năm, có một nhà sử học Trung Quốc tên là Trương Tú Dân liên tiếp phát biểu một số bài vở ghi nhớ công lao của Nguyễn An trên các báo chí đương thời với những đầu đề như “Dân chúng Bắc Bình nên kỷ niệm Nguyễn An, vị Thái giám nhà Minh, người An Nam”, “Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài xây dựng Ðại Bắc Kinh” , “Sự đóng góp của người Giao Chỉ cho Trung Quốc đời Minh”. Sau năm 1953, các nhà sử học Việt Nam như Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Ðào Duy Anh và Ðặng Thái Mai lần lượt sang thăm Trung Quốc, đến thư viện Bắc Kinh thu thập sử liệu Việt Nam. Phía Trung Quốc nhiều lần giới thiệu với khách Việt Nam về những cống hiến của Nguyễn An đối với công cuộc xây dựng Bắc Kinh và coi đó là giai thoại về mối tình hữu nghị Việt-Trung lâu đời. Nhưng những năm gần đây, nhiều tài liệu Trung Quốc khi nói tới các công trình xây dựng Bắc Kinh đời Minh, chẳng hạn như quyển “Niên Biểu Ðại Sự Lịch Sử Trung Quốc” và quyển “Giới Thiệu Sơ Lược Về Cố Cung” của Thẩm Khởi Vĩ khi nhắc tới chuyện Minh Thành Tổ và Minh Anh Tôn xây dựng Bắc Kinh, đều không có tên của Nguyễn An. Quyển “Danh lam cổ tích Bắc Kinh” liệt kê danh sách những người tham dự công cuộc xây dựng cung điện Bắc Kinh, có Ngô Trung, Thái Tài, thợ mộc Khoái Tường, thợ nề Dương Thanh và thợ đá Lục Tường, nói “Lục Tường có đóng góp rất to trong công cuộc xây dựng cung điện Bắc Kinh”. Tuy quyển này có thừa nhận sự đóng góp về quy hoạch thiết kế và thi công của Nguyễn An cũng không nhỏ, nhưng đặt tên của Nguyễn An ở chỗ cuối cùng, đứng sau cả thợ nề, thợ đá. Ðiều đó hiển nhiên là một sự bất công”.

Tác giả: Viễn Xứ

Trích từ Lam Hồng

Hãy ký thác đường đời cho Chúa (thánh lễ Mồng Một Tết)

Hãy ký thác đường đời cho Chúa (thánh lễ Mồng Một Tết)

SUY NIỆM THÁNH LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM GIÁP NGỌ
Mt 6, 25-34

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”

Chúng ta vừa bước sang Năm Mới, năm Giáp Ngọ. Quý Tỵ qua đi, Giáp Ngọ đã đến. Rắn Quý Tỵ  đã bàn giao cho Ngựa Giáp Ngọ.

Ngựa là loài động vật được con người quan tâm đến nhiều nhất vì những đóng góp to lớn trong việc mưu sinh và sự phát triển của con người. Trong thời bình ngựa giúp chúng ta cày bừa, chuyên chở hàng hóa, kéo xe, chở người, chuyển nhanh những thư tín, công văn đến nơi cần đến, vì ngựa là phương tiện di chuyển nhanh nhất thời bấy giờ và tạo những niềm vui cho công chúng như đua ngựa, đi săn, cưỡi ngựa thi bắn tên, làm xiếc thú. Ngựa còn cho ta thịt để ăn và cúng tế, xương nấu cao ngựa làm thuốc, giúp các nhà y học chế ra các loại huyết thanh trị bệnh, huyết thanh chống nọc rắn đã cứu sống vô vàn người bệnh. Ngựa là vật thường được dùng nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh, càng được nổi tiếng nhiều hơn vì những công lao của ngựa gắn liền với những chiến công hiển hách của con người. Ngựa được sử dụng trong các đội kỵ binh, khinh binh, thám mã, truyền tin, tải lương, tải đạn, tải thương, kéo pháo. Ngựa thì có ngựa thồ, ngựa kéo xe và ngựa dùng để cưỡi, loại ngựa cưỡi có con đi mỗi ngày vài trăm km nên được gọi là thiên lý mã.  Ngựa có ngựa bạch, ngựa ô, ngựa hồng, ngựa tía, ngựa vằn, ngựa xám, ngựa đỏ (Xích Thố mã)…

Việt Nam ta trong ca dao, tục ngữ và thành ngữ, người ta nói nhiều đến Ngựa, dùng Ngựa để ví von. Chẳng hạn như khi bàn về sự thẳng thắn thì nói : “Thẳng như ruột Ngựa”; về sự bất lương: “Đầu Trâu, mặt Ngựa”; về tình đoàn kết: “Một con Ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”; về sự phú quý: “Lên Voi, xuống Ngựa”; về sự không trung thành: “Thay Ngựa, đổi chủ”; về sự tham lam: “Được đầu Voi, đòi đầu Ngựa”; khi nói về sự bền chí Ngạn ngữ Pháp có câu : “Muốn đi xa phải giữ sức Ngựa” ; về sự lãnh đạo: “Cầm cương, nảy mực”; về sự cẩn trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn Ngựa đuổi không kịp)…

Cho dù Năm Ngựa hay trâu thì cả tháng nay, mọi người đã sửa soạn ăn Tết, ngày Tết, ai cũng có cái cảm tưởng là có cái gì mới vì ai cũng dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.

Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, thường người dướt tết người trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng. Kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, lại có những lời chúc thật tốt đẹp cho Năm Mới. 

Ngày Tết, người ta chúc mừng nhau:                           

. Phúc, lộc, thọ.
. Phú, qúi, thọ, khang, ninh.
. Đa tử, đa tôn, đa phú qúi.
. Thăng quan tiến chức
. Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.

Đối với các cha chúng ta thường chúc:

. Thánh thiện,
. Khôn ngoan,
. Khỏe mạnh.
 

Thi sĩ Trần tế Xương lại chúc :

Bắt chước ai ta chúc mấy lời :
Chúc ai sống ra cái con người.

Người Việt Nam còn có tục xông nhà, xông đất các gia chủ mong có người hiền, nhanh nhẹn, tử tế đến xông nhà đầu tiên để gia đình có người tốt đặt chân trước nhất sẽ gặp những điều mới, điều tốt lành trong năm mới. Tựu chung lại là mong có được mọi sự may mắn tốt lành.

Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Xem ra, tất cả đều hướng về những của cải chóng qua đời này và những thành quả chỉ dừng lại ở trần thế. Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.

“Các con chớ áy náy về ngày mai”. Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai..tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”.Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa.Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại

Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng ngày đầu năm cho Thiên Chúa. Dâng những giây phút đầu của một năm, người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Ngay ca nhập lễ thánh lễ minh niên đã viết:” Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài”( Tv 66, 2-3 ).

Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của những ngày mới, chúng ta quả đã muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ tân niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.

Ngựa được đưa vào 12 con giáp : Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Cọp), Mẹo (Mèo), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Heo). Nếu ghép vào can – chi thì sẽ có các năm Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ và Nhâm Ngọ. Ngọ thuộc cực dương vì 12 giờ trưa là giờ Ngọ, tháng 6 là tháng Ngọ cây cối phát  triển nhanh.

Người tuổi Ngọ rất tự tin, khá thông minh, tính phóng khoáng, sôi nối, nhiệt tình, tự do ứng biến tốt, thích những công việc có tính thay đổi, tự do; ít chịu gò bó… Vì thông minh nên thành công cũng nhiều nhưng vì thích tự do nên công việc thường bấp bênh và thất bại cũng lắm.

Tết con Ngựa đã đến. Hy vọng Năm Mới Giáp Ngọ sẽ có nhiều đổi mới để con người, tổ quốc và Giáo hội Việt Nam được phát triển nhanh hơn.

Cầu chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo lý đức tin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo lý đức tin

VATICAN. ĐTC Phanxicô cảnh giác chống lại cám dỗ lợi dụng đạo lý của Giáo Hội và ngài khích lệ giải quyết những vấn đề giáo lý đức tin trong tinh thần đoàn thể của hàng GM.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31-1-2014, dành cho 24 HY, GM thành viên, cùng nhiều chuyên gia cố vấn, vừa kết thúc khóa họp toàn thể của Bộ giáo lý đức tin, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Tổng trưởng Gerhard Mueller. Khóa họp bàn về tương quan giữa đức tin và bí tích hôn phối.

ĐTC nhắc đến vai trò của Bộ Giáo lý đức tin là ”thăng tiến và bảo vệ đạo lý đức tin và phong hóa trên toàn thế giới Công Giáo” (Pastor bonus, 48). Đó là một việc phục vụ dành cho Huấn quyền của ĐGH và toàn thể Giáo Hội. Vì thế Bộ dấn thân để các tiêu chuẩn đức tin luôn được trổi vượt trong lời nói và hành động của Giáo Hội.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội đã có cám dỗ muốn hiểu đạo lý theo nghĩa ý thức hệ hoặc thu hẹp đạo lý vào những lý thuyết trừu tượng và khô cằn (Tông huấn Evangelii gaudium, 39-42). Trong thực tế, đạo lý có mục đích duy nhất là để phục vụ đời sống của Dân Chúa và nhắm bảo đảm cho đức tin chúng ta một nền tảng chắc chắn. Thực tế có một cám dỗ lớn muốn chiếm hữu các hồng ân cứu độ đến từ Thiên Chúa, để thuần hóa các hồng ân ấy theo quan điểm và tinh thần thế tục, kể cả với một thiện ý”.

ĐTC nhìn nhận rằng ”việc quan tâm bảo vệ đức tin toàn vẹn là một nghĩa vụ rất khó khăn, được ủy thác cho Bộ giáo lý đức tin, luôn luôn cộng tác với các vị Chủ Chăn địa phương và với các Ủy ban giáo lý đức tin của các HĐGM.

Ngài nói: ”Tôi biết rằng Bộ giáo lý đức tin nổi bật về việc thực hành tinh thần đoàn thể của hàng GM và đối thoại. Thực vậy, Giáo Hội là nơi hiệp thông, và ở mọi cấp độ, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng và thăng tiến tình hiệp thông, mỗi người trong trách nhiệm mà Chúa đã ủy thác. Tôi chắc chắn rằng hễ đoàn thể tính càng là một đặc điểm đích thực trong hoạt động của chúng ta, thì ánh sáng đức tin của chúng ta càng rạng người trước mặt thế giới”.

Sau cùng, ĐTC cám ơn Bộ giáo lý đức tin vì đã dấn thân xử lý những vấn đề tế nhị liên quan đến những tội ác nặng nhất, đặc biệt là tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài nói: ”Anh em hãy nghĩ đến thiện ích của trẻ em và người trẻ, các em luôn luôn phải được bảo vệ và nâng đỡ trong cộng đồng Kitô trong tiến trình trạng trưởng của các em về mặt nhân bản và tinh thần. Theo chiều hướng ấy, hiện có nghiên cứu xem có thể liên kết với Bộ giáo lý đức tin Ủy ban đặc biệt bảo vệ trẻ em mà tôi đã thành lập và muốn Ủy ban này là gương mẫu cho tất cả những người muốn thăng tiến thiện ích của trẻ em” (SD 31-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Mục tiêu và chương trình cử hành Năm về Đời Sống thánh hiến

Mục tiêu và chương trình cử hành Năm về Đời Sống thánh hiến

VATICAN. Năm về Đời sống thánh hiến, do ĐTC Phanxicô đề xướng, sẽ bắt đầu từ tháng 10 năm nay, 2014, và kết thúc vào tháng 11 năm tới, 2015.

Thông báo này được phổ biến trong cuộc họp báo sáng ngày 31-1-2014, tại Phòng báo chí Tòa Thánh, do ĐHY Tổng trưởng Bộ các dòng tu, João Braz de Aviz, và vị Tổng thư ký là Đức TGM José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô, chủ tọa.

ĐHY Braz de Aviz, người Brazil, cho biết Năm Đời sống Thánh Hiển tiến hành trong bối cảnh 50 năm sau Công đồng chung Vatican 2, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm công bố sắc lệnh ”Đức mến trọn lành” (Perfectae caritatis) của Công đồng về việc canh tân đời sống thánh hiến.

Năm này nhắm 3 mục tiêu là:

– Thứ I, nhìn lại quá khứ gần đây trong tâm tình biết ơn và đồng thời thống hối vì những yếu đuối và thiếu sót;

– Thứ II là hướng nhìn về tương lai trong hy vọng. ĐHY nói: ”Tuy đời sống thánh hiến đang trải qua khủng hoảng và hành trình khó khăn, nhưng chúng ta không muốn coi cuộc khủng hoảng này như phòng chờ chết, trái lại như một thời điểm thuận tiện để tăng trưởng trong chiều sâu và hy vọng, với xác tín rằng đời sống thánh hiến không bao giờ có thể biến mất khỏi Giáo Hội, vì được chính Chúa Giêsu mong muốn như thành phần không thể bị loại bỏ khỏi Giáo Hội” (Biển Đức 16, Diễn văn dành cho các GM Brazil viếng thăm Tòa Thánh ngày 5-11-2010).

– Mục tiêu thứ III là sống hiện tại trong sự hăng say. Năm đời sống thánh hiến là thời điểm quan trọng để tu sĩ ”phúc âm hóa” ơn gọi của mình và làm chứng về vẻ đẹp của việc bước theo Chúa Kitô trong nhiều hình thức khác nhau của đời tu trì.

Trong cuộc họp báo, Đức TGM Carballo, người Tây Ban Nha, nguyên là Bề trên tổng quyền dòng Phanxicô, đã trình bày những điểm nổi bật trong lịch trình cử hành Năm đời sống thánh hiến:

– Năm này sẽ được ĐTC Phanxicô chính thức khai mạc với thánh lễ đồng tế trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô. Có thể là ngày 21-11 năm nay, cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho các ”đan sĩ chiêm niệm”. – Tiếp đến có Đại hội của Bộ các dòng tu vào tháng 11 năm nay về đề tài ”Điều mới mẻ trong đời thánh hiến từ Công đồng chung Vatican 2”.

– Sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ quốc tế được tổ chức tại Roma: chẳng hạn cuộc gặp gỡ các tu sĩ nam nữ trẻ, các tập sinh, người khấn tạm và khấn trọn đời từ 10 năm trở xuống; cuộc gặp gỡ các nhà đào tạo, nam và nữ.

– Hội nghị quốc tề về thần học đời sống thánh hiến do Bộ các dòng tu, cùng với Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam và nữ, cũng như các Đại học Giáo Hoàng tổ chức, về đề tài: ”Canh tân đời sống thánh hiến dưới ánh sáng Công đồng và những viễn tượng tương lai”.

– Một cuộc triển lãm quốc tế về ”Đời sống thánh hiến Tin Mừng trong lịch sử con người”, với nhiều quầy triển lãm theo các đoàn sủng khác nhau.

– Năm đời sống thánh hiến sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế trọng thể do ĐTC cử hành, có thể là vào ngày 21-11 năm 2015, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh ”Đức Mến trọn lành”.

Để chuẩn bị, Bộ các dòng tu sẽ xuất bản 4 tháng 1 lần thư luân lưu về các đề tài liên quan đến đời sống thánh hiến. Thư đầu tiên sẽ được ấn hành ngày 2 tháng 2 tới đây, nhân dịp Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến, với tựa đề ”Anh chị em hãy vui lên!”, bàn về Giáo huấn của ĐGH Phanxicô về đời sống thánh hiến.

Ngoài ra, Bộ các dòng tu sẽ tổ chức một hội nghị về việc quản lý tài sản từ phía các tu sĩ dành cho các Bề trên Tổng quyền và tổng quản lý dòng, quản lý tỉnh dòng từ 8 đến 9-3 năm nay. Bộ sẽ tu chính và cập nhật Văn kiện ”Mutuae relationes” (Những quan hệ hỗ tương) về tương quan giữa các GM và các tu sĩ trong Giáo Hội, cập nhật hóa Huấn thị ”Verbi Sponsa” (Hôn thê của Ngôi Lời), về quyền tự trị và khu nội vi của các nữ tu hoàn toàn chiêm niệm, hoàn thành văn kiện về đời sống và sứ mạng của các tu huynh (SD 31-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngày mồng 03 Tết – Có làm mới có ăn

Ngày mồng 03 Tết – Có làm mới có ăn

Ngày đầu năm mới, chúng ta hướng về Đấng tạo thành để tạ ơn về một năm “mưa trời ân phúc” đã ban xuống cho trần gian. Chúng ta cũng phó dâng một năm mới cho lòng thương xót của Chúa.

Cuộc sống luôn đòi chúng ta chọn lựa. Chọn lựa để vươn lên. Chọn lựa để vượt ra khỏi những gì bình thường mà chọn cách sống khác hơn. Có chọn lựa nên có đổi thay. Chính những cái đổi thay khiến người ta ngại chọn lựa bởi phải sống khác hơn. Người ta vẫn cứ “an phận thủ thường” là chắc ăn.

Chuyện kể rằng: có hai con vật lừa và ngựa sống với nhau. Một ngày kia, có một tay cao bồi xuất hiện và hỏi hai con vật: “Trong hai ngươi, ai là kẻ muốn theo ta đi thám hiểm thế giới. Ta không hứa hẹn một cuộc sống no đủ như ở cái chuồng bé tẹo này. Nhưng ta hứa hẹn một cuộc sống đầy thú vị vì được làm chủ chính mình. Và nếu cố gắng đủ, thì có thể sẽ có được một cuộc sống dư giả gấp nhiều lần cuộc sống này.”

Con lừa – một trong hai con vật – liền kêu lên: “Ôi, tôi không đi đâu. Dại gì mà đánh đổi cuộc sống an toàn và ổn định này, để lấy một tương lai không biết trước chứ. Hay là ông muốn dụ tôi đi để có người cho ông cưỡi, có người để chết chung với ông? Tôi không có ngu đâu nhé”.

Con ngựa – con vật còn lại – thì rất háo hức trả lời: “Tôi! Tôi! Tôi muốn đi và muốn khám phá. Tôi chán cuộc sống gò bó và tẻ nhạt này lắm rồi.” Nói xong, nó theo người cao bồi bước ra khỏi cái chuồng nhỏ và đi mãi, đi mãi về phái chân trời.

Một ngày nọ, khi đã già, con lừa gặp lại con ngựa khi nó quay trở về cái chuồng nhỏ. Mừng rỡ, con lừa reo lên:

        – A, anh ngựa, anh đã về đấy ư. Lâu quá rồi nhỉ, chúng ta đã già cả rồi.

        – Đúng vậy, chúng ta già hết cả rồi. Tôi cũng đã mệt mỏi nên không muốn phiêu lưu nữa nên quyết định về thăm anh. Cuộc sống anh thế nào rồi? – Ngựa hỏi

        – Cũng vẫn vậy thôi. Làm việc chăm chỉ và được no đủ. Nhưng tôi đã già rồi, nên cũng không còn làm được nhiều nữa. Cũng may ông chủ thương tình nên vẫn cho tôi ăn. – Lừa nói – Vậy còn những chuyến phiêu lưu của anh thì sao?

        – Ồ, nó thật thú vị. Tôi đã được đi đến những miền đất lạ, nơi nắng cháy và khô cằn. Tôi đã băng qua những vùng chiến sự và những miền thiên tai hoành hành, có lúc tưởng chết đi được. Nhưng sau những cố gắng, tôi cũng được nếm trải sự hạnh phúc khi được tự do chạy trên cánh đồng đầy cỏ ngọt và được học hỏi những điều kì lạ. – Ngựa kể với một niềm tự hào.

Thực ra, con ngựa và con lừa đều phải đi. Con ngựa thì đi quanh thế giới. Con lừa thì chỉ quanh quẩn cái cối xay. Con ngựa thì tự do và có trách nhiệm về bản thân mình. Con lừa thì bị cột chặt vào cối xay và cũng chẳng có trách nhiệm gì về mình vì thiếu tự do. Con lừa an phận nên sống vật vờ, sống nhờ lương thực người khác ban cho. Con ngựa luôn sống cho chính mình để được hưởng thành quả do chính mình làm nên.

Cha ông ta vẫn nói “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ mang phần cho ta”. Con lừa vì không dám thay đổi, không cầu tiến, an phận nên chỉ sống nhờ lòng thương xót hay bố thí của người khác. Còn con ngựa biết vươn lên, biết sống có trách nhiệm với chính mình nên nó được hưởng niềm vui do chính công sức lao động của nó làm ra.

Cuộc đời con người cũng chỉ có của ăn của để khi biết vượt ra khỏi sự lười biếng để dấn thân vào cuộc sống kiếm tìm miếng cơm manh áo. Không có cuộc kiếm tìm nào mà không đòi phải hy sinh, phải nỗ lực. Một cuộc kiếm tìm càng khó, càng đòi nhiều công sức thì thành quả càng to lớn và giá trị. Và giá trị của một con người cũng hệ tại ở việc mình đã làm, đã cống hiến gì cho gia đình, cho xã hội. Con người càng cống hiến nhiều càng có giá trị trong gia đình và xã hội.

Bên cạnh sự nỗ lực bản thân, niềm tin ky-tô giáo còn mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa. Thiên Chúa luôn hoạch định cho cuộc đời chúng ta, nhưng liệu chúng ta có dám mạo hiểm bước theo Chúa hay không? Sự thành công của chúng ta còn tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha ông ta cũng bảo “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên”. Lời Chúa cũng từng nhắc nhở chúng ta: “Nếu Chúa chẳng xây nhà , thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.

Thế nên, ngày đầu năm mới chúng ta hướng về Đấng tạo thành để tạ ơn về một năm “mưa trời ân phúc” đã ban xuống cho trần gian. Chúng ta cũng phó dâng một năm mới cho lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa là Đấng đầy quyền năng và đầy lòng thương xót chúc lành cho một năm mới với bao dự định, công việc được toàn vẹn như ý. Xin Chúa Xuân ở lại nơi từng gia đình để niềm vui được kéo dài vô tận trong suốt ngày sống. Amen

LM Jos Tạ Duy Truyền

Ngày Mồng hai Tết: Sống Chữ Hiếu

Ngày Mồng hai Tết: Sống Chữ Hiếu

Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương.

Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: “Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba”. Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: “Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi”. Một cậu con trai khác cau cau lông mày: “Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao?”. Cô con dâu trưởng phán một câu: “Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện”.

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người, nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.

Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?… Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: “Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền?”.

Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…

Đúng là “một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con lại không nuôi được một mẹ”. Cho dù câu ca dao xưa dạy rằng:

Đói lòng ăn hột chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

Thế nhưng, lời dạy ấy dường như chỉ dừng lại nơi môi miệng mà rất khó mang ra thực hành. Dẫu biết rằng đi khắp thế gian cũng không có tình nghĩa nào cao sâu cho bằng tình cha tình mẹ yêu con. Dẫu biết rằng không ở đâu có tình yêu chân thành cao cả như tình cha mẹ yêu con.

Con đi khắp vạn nẻo đường

Giờ con mới hiểu tình thương mẹ hiền

Người con yêu quý nhất trên đời

Chính là mẹ đó tuyệt vời tình sâu

Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu. Ngày xuân là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành. Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:

Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy

Núi rất cao và biển rất tuyệt vời

Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở

Và trái tim nhân ái làm người

Đây là dịp con cái biểu lộ chữ hiếu qua những hành vi không chỉ dâng hương kính bậc tổ tiên mà còn khiêm cung cúi mình kính lạy các bậc sinh thành.

Lạy thứ nhất con kính mừng tuổi mẹ

Phong sắc hồng hào tâm thể khang an

Những lo toan cơm áo chẳng dễ dàng

Nên quá ít thời gian hầu cận mẹ

Lạy thứ hai xin tạ lòng trời bể

Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao khuây

Mỗi lần xuân con cháu tụ về đây

Mừng tuổi mẹ kính dâng thêm một tay

Như thế, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Mùa xuân không chỉ có không gian rạng ngời mà lòng người cũng tràn ngập niềm vui vì có nghĩa tình đằm thắm của tình cha mẹ, ông bà, anh em một nhà sum vầy bên nhau. Ước chi mùa xuân mãi ở lại đây để tình nghĩa gia đình mãi hòa hợp  yêu thương, để con cháu mãi sum vầy bên cha mẹ và anh em hòa hợp bên nhau.

Xin Chúa làm chủ thời gian ban cho nhân gian một mùa xuân hạnh phúc sum vầy bên nhau. Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương. Amen

LM Jos. Tạ Duy Truyền

Ngày Mồng Một Tết: Xuân Xưa và nay

Ngày Mồng Một Tết: Xuân Xưa và nay

Ngày đầu xuân, chúng ta cám ơn Thiên Chúa đã ban cho một Mùa Xuân với bao hương tình nồng ấm.

Mùa xuân, là mùa của hội hè, của đoàn tụ, của vui chơi. Mùa xuân với không gian rộng mở để đón ánh nắng xuân, để hòa nhịp với gió xuân. Mùa xuân ai cũng muốn trải lòng mình với không gian. Ai cũng muốn hòa chung nhịp với vạn vật để trẩy hội mùa xuân. Thế nên, Mùa xuân ở đâu cũng có đám có hội. Nơi nơi đều có những hội hè, ca hát như câu thơ xưa đã diễn tả:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay”

Mùa xuân còn gợi cho chúng ta những phong tục tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt. Xuân về những phong tục tập quán của phong bao giấy đỏ, của chợ tết, của hội hè mừng xuân dường như luôn được hiện tại hóa trong mỗi dịp xuân về.  Bầu khí ngày xuân thật ấm cúng linh thiêng như bài thơ “Tết của mẹ tôi” đã diễn tả:

“… Mẹ tôi gọi cả các em tôi

đến bên mà dặn :” sáng ngày mai

các con phải dạy cho thật sớm

đầu năm năm mới phải lanh trai

mặc quần mặc áo lên trên nhà

thắp hương thắp nến lễ ông bà

chớ có cãi nhau chớ có quấy đánh đổ,

đánh vỡ như người ta

Sáng ngày mồng một sáng tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

Ngày xuân người ta cũng dũ mọi lo toan thường ngày để sống  thật hoan hỉ, thật vui tươi trong ngày xuân như Nguyễn Bính đã từng nói:

Năm mới vừa sang, năm cũ qua

Tuy nghèo, ta vẫn mến nhà ta.

Chín sào tư thổ là nơi ở,

Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.

Trước cửa khói dày non khuất bóng,

Bên tường, mưa ít, cúc thưa hoa.

Các con nối chí cha nên biết:

Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà.

Mùa xuân không chỉ hướng lòng con người đến với nhau trong hội hè, đoàn tụ gia đình hay dòng tộc. Mùa Xuân còn hướng chúng ta đến Đấng tạo thành. Chính Ngài đã làm cho con tạo xoay vần có Xuân – Hạ – Thu – Đông. Chính Ngài đã tô điểm cho mùa xuân thêm rạng ngời với ánh nắng lunh linh, với gió nhè nhẹ lượn quanh người. Ngài là chủ mùa Xuân. Ngài đã ban mùa xuân đến cho nhân trần. Ngài đã chúc phúc cho mùa xuân với biết bao niềm vui của hội hè đình đám. Chính Ngài đã tạo dựng mùa xuân đầu tiên nơi vườn địa đàng để Adam – Eva ngập tràn hạnh phúc yêu thương. Đó là một mùa xuân bất tận. Một mùa xuân trường sinh. Mùa xuân ấy đã kết thúc khi Adam – Eva quay lưng lại với Đấng tạo thành. Vườn xuân cũng khép lại. Cỏ dại và sự dữ đã đi vào trần gian.

Thế nên, hướng về mùa xuân con người được mời gọi giữ mãi mùa xuân trong lòng mình. Một mùa xuân ngập tràn niềm vui hạnh phúc khi con người sống trong ân nghĩa với Đấng tạo thành. Một mùa xuân ngập tràn yêu thương khi con người sống hòa thuận với nhau, tránh xa những đố kỵ ghen tương và cùng nhau xây dựng hòa bình. Đó chính là cách chúng ta gìn giữ mùa xuân trong cuộc đời chúng ta. Đừng như Adam đã đánh mất mùa xuân khi phạm tội quay lưng lại với Đấng tạo thành.

Hôm nay ngày đầu xuân chúng ta cũng cám ơn Ngài đã ban cho một Mùa Xuân với bao hương tình nồng ấm. Cám ơn Ngài đã dẵn dắt cuộc đời chúng ta đi qua những thăng trầm của giòng đời. Một giòng đời có xen lẫn buồn vui sướng khổ. Có nước mắt và nụ cười nhưng bàn tay quan phòng của Đấng tạo hóa luôn làm chủ mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Đồng thời cũng phó dâng lên Ngài một năm mới vừa mới bắt đầu. Xin Ngài lì xì cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý. Một năm mới “mã đáo thành công” với bao hạnh phúc trong cuộc đời. Xin Ngài làm chủ cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi.

Ước gì mùa xuân mãi ở lại đây trong tâm hồn chúng ta khi có Chúa đồng hành, khi trung thành với giáo huấn của Chúa. Ước gì cuộc đời chúng ta luôn tươi trẻ vì có Chúa Xuân hiện diện chúc phúc cho cuộc đời chúng ta. Amen

LM Joseph Tạ Duy Truyền

Mồng Một Tết – Hiếu thảo với Cha trên trời (Mt 6, 25-34)

Mồng Một Tết – Hiếu thảo với Cha trên trời (Mt 6, 25-34)

Qua năm mới nầy, xin Cha khai tâm mở trí để chúng con hiểu biết Cha hơn, yêu mến Cha hơn.

Bài Tin Mừng thánh Mát-thêu được trích đọc trong Thánh Lễ Mồng Một tết nầy gửi đến chúng ta hai sứ điệp rất quan trọng.

Thứ nhất: Thiên Chúa là Cha rất tốt lành của chúng ta,

Thứ hai: Ngài hằng yêu thương chăm sóc chúng ta.

Đây là hai sứ điệp liên quan đến hạnh phúc mọi người, nhưng tiếc thay, chỉ có rất ít người tin tưởng và đón nhận.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu sứ điệp thứ nhất:

Thiên Chúa là Cha thật của chúng ta.

Nhiều người không chấp nhận Thiên Chúa là Cha sinh ra mình vì họ nghĩ rằng cha mẹ trong gia đình mới thực sự sinh ra họ.

Tuy nhiên, tự sức riêng, người cha người mẹ không thể sinh được một con ruồi, một con muỗi thì làm gì sinh được một đứa con là một kiệt tác tuyệt vời gấp trăm lần ruồi muỗi.

Ngay cả khi người mẹ bị hư một con mắt, người mẹ không thể “đẻ” ra một con mắt khác để thay cho con mắt bị hư.

Khi người mẹ bị hỏng một móng tay, người mẹ cũng không thể “sinh” ra một móng tay khác để thay thế cho móng tay hư.

Một con mắt, một ngón tay mà người mẹ không sinh được, không tạo ra được, thì làm sao mà bà có thể sinh nguyên cả một con người!

Người mẹ sinh được một đứa con chủ yếu là do Chúa.

Như người thợ làm bánh mì trộn men vào bột, nhồi bột cho dậy men, nắn nên từng chiếc bánh, đút bánh vào lò và cho bánh ra lò như thế nào thì Thiên Chúa cũng nhào nặn nên từng người chúng ta trong lòng mẹ rồi sau 9 tháng 10 ngày cho chúng ta ra đời như thế.

Chiếc bánh từ lò nướng xuất ra nhưng không phải lò nướng tạo nên chiếc bánh mà là do người thợ bánh. Cũng thế, đứa con từ lòng mẹ xuất ra nhưng không phải do người mẹ tự sức mình sinh được đứa con mà là do Chúa tác thành.

Không có Chúa tác tạo thì không có người cha người mẹ nào có thể sinh con được.

Chúa sinh chúng ta ra đời nên Chúa thực sự là Cha của chúng ta.

Sứ điệp thứ hai: Thiên Chúa yêu thương chăm lo cho chúng ta.

Không chỉ sinh ra chúng ta mà thôi, Thiên Chúa  còn nuôi chúng ta nữa.

Có người bảo: Tôi tự kiếm ăn hằng ngày chứ Chúa có cho tôi bữa nào đâu ?

Ta cần biết rằng dù không dọn cho ta từng bữa cơm, nhưng Chúa vẫn nuôi chúng ta no đủ hằng ngày.

Một người cha khôn ngoan sẽ không cứ đến bữa thì trao cá cho con ăn, bởi vì nếu ngày nào ông cũng làm như thế thì đứa con sẽ cậy dựa vào cha mẹ và sẽ không chịu học tập, lao động, sản xuất nữa. Tội gì phải học hành, phải lao động đang khi ngày nào cũng có sẵn những bữa ăn. Thế là đứa con sẽ trở thành lười biếng, hư hỏng.

Người cha khôn ngoan thì thay vì trao cá cho con ăn từng bữa, ông sẽ trao cho nó một chiếc cần câu. Nhờ sử dụng cần câu nầy, người con có thể kiếm được rất nhiều cá mà không phải ngửa tay xin.

Thiên Chúa là Người Cha khôn ngoan, nên thay vì trao cá cho ta ăn từng bữa, Chúa cho ta chiếc cần câu để kiếm được nhiều lương thực cho mình.

Cần câu ở đây có nghĩa là gì ? Đó là trí tuệ, là tay chân là sức vóc Chúa ban cho chúng ta.

Nhờ trí tuệ Chúa ban, nhờ tay chân và sức lực Chúa ban, người ta có thể tạo nên nhiều lương thực, nhiều của cải, nhiều tiện nghi để nuôi mình và nuôi người khác.

Nhìn xem dân Singapore. Đất nước họ rất nhỏ bé, tài nguyên thì khan hiếm, không có ruộng vườn, không có đất màu, nước cũng không đủ uống, phải nhập khẩu nước uống từ các nước láng giềng. Thế mà nhờ biết sử dụng cách khôn khéo đầu óc và đôi tay Chúa ban, (tức là chiếc cần câu Chúa ban) họ đã tạo ra rất nhiều của cải, trở thành nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới.

Hơn nữa, khi chúng ta đáng phải chết vì tội lỗi của mình, Thiên Chúa  còn cho Con một Ngài xuống thế nộp mình đền tội thay cho chúng ta.

Chúa sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, yêu thương bao bọc chúng ta, chết thay cho chúng ta, lẽ nào chúng ta không nhận Ngài là Cha chúng ta, lẽ nào chúng ta không yêu mến tôn thờ Ngài.

Để giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha và sống thân mật với Cha trên trời, Chúa Giê-su dạy chúng ta gọi Thiên Chúa bằng tiếng Áp-ba. Áp-ba là tiếng của trẻ thơ Do-thái âu yếm gọi cha của mình, dịch ra tiếng Việt là Bố ơi,  Ba ơi !

Khi dạy ta gọi Thiên Chúa bằng Ba, Bố… Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn nhận Ngài là Người Cha yêu quý trong gia đình và Ngài nhìn nhận chúng ta là đứa con bé bỏng rất đáng yêu trong nhà.

Thế mà dường như lâu nay chúng ta không nhìn nhận Chúa là Cha thật của mình. Chúng ta xem người cha, người mẹ trong gia đình mới thật là mẹ, là cha mẹ; còn Thiên Chúa Cha thì chúng ta không xác tín là Cha, là Mẹ thật của mình, nên chúng ta sống xa cách với Ngài, thậm chí còn gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời ta.

Đừng bội bạc với Cha trên trời

Đêm nọ, Thiên Chúa hiện ra (dĩ nhiên là trong giấc mơ) với một người bỏ Chúa lâu năm và Ngài trách anh ta cách nhẹ nhàng:

– Ta là Cha của con, đã sinh ra con, sao con không tưởng gì đến Ta?

Người đó cáu kỉnh đáp :

– Ông sinh ra tôi mặc ông, tôi không cần biết đến ông!

Chúa tiếp:

– Ta ban cho con từng hơi thở, nếu không có không khí Ta ban, làm sao con sống được?

Người đó vẫn bất cần:

– Mặc ông, tôi không cần biết đến ông!

Chúa vẫn kiên nhẫn dìu dắt:

– Ta ban cho con từng hớp nước, không có nước ta ban, làm sao con sống nổi?

Người đó ngoảnh mặt không nhìn vào Chúa và đáp cộc lốc:

– Mặc ông, tôi không cần đếm xỉa đến ông.

Chúa vẫn nhẫn nhục:

– Ta cho con có trí tuệ, có sức khoẻ… như chiếc cần câu để con kiếm sống hằng ngày…

Người đó vội ngắt lời Chúa:

– Mặc ông, tôi bất cần ông !

Chúa tỏ ra vẻ buồn phiền và tiếp:

– Ta cho Con Một của Ta xuống thế chịu khổ nạn, chịu chết thay cho con, đền tội cho con, cứu con khỏi chết muôn đời, chẳng lẽ con không biết điều đó sao ?

Người đó đáp:

– Mặc ông, tôi không thương mến gì ông. Tôi gạt bỏ ông ra khỏi đời tôi. Tôi không thèm đếm xỉa gì đến ông!

Cuối cùng, Chúa hỏi :

– Vậy thì đến khi con từ giã cõi đời nầy, con có cần Ta đón con vào thiên đàng không ?

Bấy giờ người đó đáp :

– Ồ, chuyện đó tính sau. Bao giờ tôi sắp chết thì tôi sẽ quay lại với ông !

Câu chuyện trên đây minh hoạ và phản ánh phần nào tính bội bạc đáng trách của con người đối với Thiên Chúa là Cha đã yêu thương và tạo dựng nên mình.

Có người cả năm trời không đến nhà thờ được một lần để gặp gỡ thân mật Cha trên trời của mình, không mấy khi nhớ đến Cha của mình qua những lời kinh nguyện.

Lạy Cha nhân từ,

Rất nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định rằng Cha là Cha nhân lành, là Bố rất thân thương của chúng con, thế mà chúng con vẫn chưa nhìn nhận sự thật nầy nên chúng con sống rất thờ ơ lạnh nhạt với Cha!

Qua năm mới nầy, xin Cha khai tâm mở trí để chúng con hiểu biết Cha hơn, yêu mến Cha hơn, nhờ đó, không còn bội bạc với Cha nữa, nhưng luôn sống đẹp lòng Cha và giữ tròn đạo hiếu với Cha.

Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Giao thừa Giáp Ngọ 2014 – Từ ngũ phúc đến Bát Phúc

Giao thừa Giáp Ngọ 2014 – Từ ngũ phúc đến Bát Phúc

Thấu hiểu và thấm nhuần Hiến Chương Nước Trời với Bát Phúc, để mau mắn sám hổi, cải thiện, đổi mới đời sống ngay từ những giờ phút đầu tiên Năm Mới sắp đến.

Giao thừa

Trong giờ phút linh thiêng của năm cũ sắp qua, đón mừng Năm Mới Giáp Ngọ sắp đến, tống cựu nghinh tân, mỗi người dân Việt đều có những cảm nhận nao nức, phấp phỏng, bồi hồi, thật đặc biệt, thật kỳ diệu, thật thăng hoa, mà không có giờ phút nào trong năm lại có những dao động tương tự.

Năm cũ sắp qua với biết bao niềm vui, nỗi buồn, biết bao thành công cũng như thất bại, biết bao điều mãn nguyện và thất vọng. Nhưng ai nấy đều tràn trề hy vọng vào Năm Mới. Ít ra thì cầu sung dzừa đủ xài, như ý nghĩa mâm ngũ quả truyền thống.

Con số năm được dân ta thường ưa chuộng nhắc đến, như ngũ cung, ngũ giới, ngũ hành, ngũ kim, ngũ kinh, ngũ khúc, ngũ luân, ngũ ngôn, ngũ sắc, ngũ tạng, ngũ phúc. Số năm tượng trưng cho sự hài hòa âm dương đề huề, gồm số chẵn 2 cộng với số lẻ 3. Cũng tương tự như con số bảy được dân Do Thái mến chuộng, gồm số lẻ 3 và số chẵn 4 công lại.

Nhân ngày Tết, người ta hay cầu chúc nhau, hay cầu khấn Trời được tràn đầy ơn phúc, hồng ân Thượng Đế, Ông Trời, theo quan niệm dân gian. Ngũ phúc lâm môn là được năm điều phúc đến nhà.

Chữ Ngũ Phúc là một từ nguyên ở trong thiên “Hồng Phạm” của Kinh Thư, do Khổng tử và các đệ tử san định, sưu tập và dẫn giải 305 bài, gồm phong dao bình dân, cũng như những ca từ của giới quý tộc của các nước nhỏ từ 2500 năm trước ở Trung Quốc.

Ngũ phúc gồm năm điều sau: 1.Trường thọ là không bị chết yểu, chết non. 2. Phú quý là tiền của rất nhiều, địa vị cao quý. 3. Khang ninh là thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn. 4. Hiền đức là tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh. 5. Thiện chung là có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình. Khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ôn hoà tự tại rời khỏi nhân gian.

Ngẫm lại, cả năm điều đại phúc đó đều đẹp như mơ. Tuy nhiên nguyên trong ngũ phúc đã hàm chứa mâu thuẫn khó dung hòa, nên rất khó thành hiện thực cho một người. Chẳng hạn như phú quý thì khó mà khang ninh, phú quý thì chẳng dễ dàng hiền đức, phú quý thì cũng chẳng dễ thiện chung. Bới chưng tam độc tham sân si sẽ theo phú quý mà khuấy động lòng dạ, sẽ chẳng thể bình an, ổn thỏa thể xác lẫn tinh thân, sẽ chẳng thể nhường nhịn, lương thiện với đời, cũng hiếm họa thanh thỏa lìa trần. Phúc thành ra họa lúc nào chẳng hay.

Như thế, họa phúc khôn lường, tưởng là phúc hóa ra họa, hay ngược lại, như chuyện tái ông thất mã. Chung quy, ngũ phúc chỉ nhằm phục vụ cái bản ngã, cái tôi vị kỷ hẹp hòi, sở đắc sự ưu ái của Trời ban cho. Ngũ phúc chỉ toàn điều lợi lộc dành riêng cho cá nhân, chứ không hề dính dáng, có tương quan chi với tha nhân, người khác.

Trong khi đó Bát Phúc của Đức Giêsu công bố nhân lúc Giao thừa đêm nay, lại gần như trái ngược gần như hoàn toàn và chẳng mấy phù hợp với ước nguyện thế gian. Chỉ duy nhất có một điều Hiền Đức là trùng hợp với Phúc cho ai hiền lành. Nhưng nhìn chung, toàn là những điều thua thiệt, đau khổ, hy sinh dấn thân, xả kỷ vị tha, sống cho, sống vì và sống với tha nhân.

Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Phúc cho ai sầu khổ. Phúc cho ai hiền lành. Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch. Phúc cho ai đói khát sự công chính.

Tất cả năm Phúc trên đều đối nội, nhắm đến sự đơn sơ, khiêm tốn, nhẫn nhục, sám hối, nhân hậu, thanh cao, chính trực, mà mỗi người phải tích cực rèn luyện, chịu đựng, khao khát ước vọng. Chứ không phải tự nhiên sở hữu hay dễ dàng sở đắc được. Một cuộc chiến đấu thật khốc liệt với chính bản thân. Một cuộc sống tích cực, quyết tâm, can đảm, dứt khoát không chịu làm tôi mọi cho thân xác, làm nô lệ cho thất tình, lục dục, hay làm đầy tớ cho danh  danh lợi, xu nịnh thế gian.

Hơn nữa, còn thêm ba Phúc đối ngoại tích cực. Phúc cho ai xót thương. Phúc cho ai xây dựng hoà bình. Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính. Yêu thương tha nhân, vun đắp mối thân tình, nhân ái, yên ổn, êm thắm, hòa nhã, cũng như sẵn sàng dấn thân, bảo vệ, xả thân làm chứng cho sự thật, công lý, và Đạo Chúa. Vậy sống tinh thần Bát Phúc là khiêm nhượng, hiền hòa, vị tha, nhân ái, kiến tạo hòa bình và đặt niềm hy vọng cậy trông vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Trong khi Ngũ Phúc chỉ là tận hưởng cuộc sống phù du hữu hạn trong cái thung lũng đầy nước mắt, thì phần thưởng cho Bát Phúc thật vô song, chính là đời sống hạnh phúc vĩnh cửu, được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa. Đại phúc viên mãn, tuyệt vời và vô cùng cao quý, không còn gì có thể sánh nổi.

“Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng anh em ở trên trời thật lớn lao. Các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 11-12).

“Con chỉ có một tuyên ngôn: “Phúc thật Tám Mối.” Chúa Giêsu đã tuyên bố trên núi “Bát Phúc.” Hãy sống như vậy, con sẽ nếm được hạnh phúc, rồi rao truyền cho mọi người con gặp” (Đường Hy Vọng, số 998).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấu hiểu và thấm nhuần Hiến Chương Nước Trời với Bát Phúc, để chúng con mau mắn sám hổi, cải thiện, đổi mới đời sống ngay từ những giờ phút đầu tiên Năm Mới sắp đến, hầu chúng con xứng đáng trở nên công dân Nước Trời.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thức tỉnh chúng con, mau mắn hoán cải đời sống, dứt bỏ đi những thói hư tật xấu, những tội lỗi đã vấp phạm trong năm cũ vừa qua, để sang Năm Mới nhờ Mẹ giúp đỡ, chúng con sống trọn vẹn mãi trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Amen.

AM Trần Bình An

Đức Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội

Thánh Cha phê bình những tín hữu tách rời khỏi Giáo Hội

VATICAN. ĐTC Phanxicô phê bình lập trường của những tín hữu nói mình tin Chúa Kitô nhưng phải phủ nhận Giáo Hội.

Trong bài giảng thánh lễ sáng 30-1-2014 tại Nguyện đường nhà trọ thánh Martha ở nội thành Vatican, ĐTC đã diễn giải bài đọc thứ I nói về vua David, người thân thưa với Chúa như con nói chuyện với cha, một người có cảm thức mạnh mẽ mình thuộc về Dân Chúa. Từ đó, ĐTC giải thích ý nghĩa việc thuộc về Giáo Hội, sự đồng cảm của chúng ta với Giáo Hội và trong Giáo Hội. Ngài nói:

”Kitô hữu không phải là người đã chịu phép rửa tội rồi đi theo con đường riêng của mình. Thành quả đầu tiên của bí tích rửa tội là làm cho chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về Dân Chúa. Không thể hiểu được một Kitô hữu mà không thuộc về Giáo Hội. Vì thế, Đức Phaolô 6 vị Đại Giáo Hoàng Phaolô 6 đã nói rằng có một sự tách biệt vô lý, đó là yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo Hội; nghe Chúa Kitô mà không nghe Giáo Hội, ở với Chúa Kitô mà lại ở ngoài lề Giáo Hội. Đó là điều không thể có được. Chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng trong Giáo Hội và chúng ta thực thi sự thánh thiện trong Giáo Hội, con đường của chúng ta ở trong Giáo Hội, chẳng vậy thì đó chỉ là một sự tưởng tượng, một sự phân cách vô nghĩa lý”.

ĐTC nhấn mạnh tới 3 cột trụ của sự thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội, đó là: khiêm nhường, trung thành và cầu nguyện cho Giáo Hội. Ngài giải thích rằng:

”Một người không khiêm nhường, thì không thể đồng cảm với Giáo Hội. Đó là điều chúng ta thấy nơi vua David. Người nói: ”Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con là ai, nhà con là gì đâu?” Với ý thức rằng lịch sử cứu độ không bắt đầu với tôi và sẽ không chấm dứt khi tôi chết đi.. Cũng vậy, lịch sử Giáo Hội bắt đầu trước chúng ta, và sẽ tiếp tục sau chúng ta. Khiêm nhường là ý thức rằng chúng ta là một phần nhỏ của một đại dân tộc, đang tiến bước trên con đường của Chúa”.

Cột trụ thứ hai là trung thành, gắn liền với lòng vâng phục. ”Trung thành với Giáo Hội, với giáo huấn của Giáo Hội, trung thành với đạo lý của Hội Thánh và bảo tồn giáo lý ấy. Đức Phaolô 6 nhắc nhở rằng chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng như một hồng ân và chúng ta phải thông truyền sứ điệp ấy như một hồng ân, một món quà, chứ không phải như một cái gì của chúng ta. Trung thành trong sự thông truyền đạo lý của Hội Thánh. Tin Mừng không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa Giêsu, và chúng ta không được trở thành chủ nhân ông của Tin Mừng, chủ nhân của đạo lý đã nhận lãnh để sử dụng theo ý riêng của chúng ta”.

Sau cùng, cột trụ thứ ba là cầu nguyện cho Giáo Hội. ĐTC nói: ”Trong thánh lễ hằng ngày, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Hội Thánh ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một việc phục vụ đặc biệt”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này, để đào sâu cảm thức chúng ta thuộc về Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội”. (SD 30-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio