Anh là tảng đá

Anh là tảng đá

Trích trong Mana

Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt, rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.

Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình. Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ. Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào, về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Ngài còn sống.

Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng. Cả hai đều được Đức Giêsu gọi. Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamát. Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng. Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong một phút giây quá tự tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.

Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách nồng nhiệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.

"Này anh Simon, anh có mến Thầy không?

Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21,16)

Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống, vì Ngài là "Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi." (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 35.39)

Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.

Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40). Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28). "Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu" (Gl 6, 1-7)

Cả hai vị đã chết như Thầy. Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18). Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn biết gì về thánh Phêrô và thánh Phaolô? Có nét nào nơi hai vị thánh làm bạn ưa thích?

Bạn nghĩ gì về Đức Thánh Cha? Bạn biết gì về những hoạt động của Ngài cho giới trẻ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

 

CHIA SẺ VÀ CẢM NGHIỆM – CHUNG MỘT TẤM LÒNG

CHIA SẺ VÀ CẢM NGHIỆM – CHUNG MỘT TẤM LÒNG

Ngày 29 tháng 06 hằng năm Giáo Hội long trọng mừng kính chung hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là nền tảng kiên cố của toà nhà Hội Thánh. Các ngài là hai vị thánh lớn đã có nhiều cống hiến cho Giáo Hội thời sơ khai. Vì Chúa biến đổi con người hai ngài cho nên xứng đáng với sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ. Ơn Chúa thật sự hoạt động trong cuộc đời của các ngài. Chính Chúa liên kết hai con người có nhiều điểm khác nhau trong cùng một lòng mến. Cho nên điểm hẹn cuối cùng và cũng là điểm hẹn quan trọng nhất của cả đời các ngài là cái chết làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh.

Thánh Phêrô là người xuất thân từ nghề đánh cá, ít học, tính khí nóng nảy thẳng thắn và năng nổ. Một đặc điểm trong cả cuộc đời của Thánh Phêrô là luôn sống chân thật. Ðiều này thật đáng quý mà con người thời này khó có thể sống được. Chỉ có Thánh Phêrô dám nói thẳng ra những gì ngài suy nghĩ trong lòng mà không “rào trước đón sau”. Chính vì thế trong Tin Mừng chúng ta thấy rải rác những lời phát biểu đơn sơ của ngài. Chỉ có Thánh nhân mới dám nói lên ý định cản ngăn không cho Ðức Giêsu lên Giêrusalem chịu chết. Và lời nói tệ nhất trong cuộc đời thánh nhân là lời phủ nhận mình là môn đệ của Ðức Giêsu. Có thể Thánh Phêrô là người có nhiều sai phạm hơn so với các bạn đồng môn, thậm chí những lỗi lầm đó rất nặng đến độ đáng phải bị trừng phạt. Song Chúa Giêsu vẫn yêu thương ngài. Chúa không từ bỏ ý định đặt thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh.

Ðiều đó cho thấy Thiên Chúa trước sau như một, Ngài không bao giờ thất vọng vì con người, ngay cả với những người tội lỗi, Chúa hằng ngày đợi chờ những người lầm lỗi, sám hối trở về với ngài. Ðối với Chúa, dù có lỗi nặng hay lỗi nhẹ, nhiều hay ít không là gì cả. Chỉ có một tấm lòng sám hối chân thành và biết sửa đổi đời sống mới xoá bỏ mọi lầm lỗi. Vì Thiên Chúa luôn tha thứ cho mọi lầm lỗi của chúng ta. Khi trao cho Thánh Phêrô vị trí đứng đầu Giáo Hội, Chúa đã hết lòng tin tưởng ở ngài. Còn về phía thánh nhân, từ sự khóc lóc sám hối vì mình đã chối Chúa, thánh nhân đã thay đổi hoàn toàn đời sống. Thánh nhân cũng đặt hết tin tưởng ở Thiên Chúa. Như thế suốt cuộc đời ngài như là một lời tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Vì Chúa thánh nhân có thể mạnh dạn bước vào con đường thập giá mà không một chút sợ sệt. Với một lòng yêu mến Chúa, ngài có thể làm tất cả mọi sự mà không sợ bị bách hại và sợ bị giết chết.

Cuộc đời thánh Phaolô cũng được tình thương Chúa chở che. Trước tiên Chúa đã yêu thương kêu gọi thánh Phaolô làm tông đồ dân ngoại. Dựa vào tài năng, trí thông minh, vốn liếng kiến thức được học hành và nhất là tâm huyết ngài có thể đem rất nhiều người trở về với Chúa. Ngài có khả năng giảng dạy giáo lý một cách mạch lạc và dễ hiểu đối với mọi người. Kể từ biến cố “té ngựa” trên đường đi Ða-mát đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời thánh Phêrô. Từ một người bắt bớ các Kitô hữu ngài đã trở thành người rao giảng Tin Mừng cứu độ. Ngài sẵn sàng quên mình để đi đến với những người ngoài Do-thái giáo và tiếp xúc với họ. Dù được biết Chúa muộn hơn nhưng những đóng góp của ngài cho Giáo Hội thì không thua kém ai. Lòng yêu mến Chúa chân thành là động lực thúc đẩy ngài đi đến với dân ngoại. Thánh nhân đã ý thức được sự hoạt động của Chúa khi ngài nói; “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Giáo Hội mà ngài xây dựng là cộng đoàn phổ quát gồm nhiều người thuộc nhiều quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, nhưng chung một niềm tin và lòng mến vào Chúa Kitô.

Mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô chúng ta cảm phục Thiên Chúa đã thực hiện một sự kết hợp kỳ diệu giữa hai con người. Chúa lập nên Giáo Hội từ những sự khác biệt nhưng có thể hợp tác bổ túc cho nhau.

Mỗi người trong Hội Thánh dù khác nhau về trình độ, giai cấp, tính tình nhưng luôn có chung một tấm lòng. Ðó là tấm lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội. Vì khi biết đồng tâm hiệp lực với nhau làm việc người ta sẽ có thể vượt qua được mọi khó khăn gian khổ. Chung một tấm lòng để cùng nhau làm việc người ta sẽ làm được những điều kỳ diệu vượt quá sức tưởng tượng. Tình yêu Chúa đối với chúng ta phải là động lực mạnh mẽ nhất giúp chúng ta phục vụ Hội Thánh.

Ngày nay Chúa đang mời gọi mỗi người Kitô hữu đáp lại tình thương của Chúa bằng việc phục vụ Hội Thánh. Chúng ta có thể phục vụ Giáo Hội khi biết tham gia vào những sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ nơi mình đang sống. Những công việc đó dù bị người ta xem là “việc bao đồng” nhưng thực chất là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu.

Lạy Chúa, khi biểu dương gương sáng đời sống của hai thánh Phêrô và Phaolô Chúa muốn dạy chúng con về tinh thần phục vụ Hội Thánh. Chúng con nhiều khi phải mất thời gian giàn xếp những lộn xộn nội bộ vì không biết cộng tác với nhau để làm việc cho Chúa. Xin cho chúng con tuy nhiều người nhưng chỉ có một tấm lòng chung đó là lòng yêu mến Chúa nồng nàn. Amen.

 

 

Công bố Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới tháng 10-2014

Công bố Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới tháng 10-2014

VATICAN. Sáng 26-6-2014, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM khóa đặc biệt tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến 19-10 năm nay đã được công bố.

ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, đã giới thiệu văn kiện này dài hơn 60 trang đúc kết các câu trả lời theo bản 39 câu hỏi, và sẽ được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại Công nghị GM thế giới tới đây về đề tài ”Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh cũng có ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom – Budapest, Tổng tường trình viên, ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, Chủ tịch thừa Ủy và Đức Cha Bruno Forte, TGM giáo phận Chieti-Vasto, Italia, Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị GM thế giới tới đây.

Bố cục

Tài liệu gồm 3 phần:

– Phần thứ I nói về việc thông truyền Tin Mừng gia đình ngày nay và được chia làm 4 chương lần lượt nói về: ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình (c.I); kiến thức và sự đón nhận Kinh Thánh cũng như các Văn kiện của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình (c.II), Tin Mừng về gia đình và luật tự nhiên (c. III); Gia đình và ơn gọi của con người trong Chúa Kitô (c.IV)

– Phần thứ II nói về Mục vụ gia trình trước các thánh đố và gồm có 3 chương: Trước tiên là các đề nghị liên quan đến việc mục vụ gia đình (c.I), tiếp đến là những thách đố mục vụ về gia đình ngày nay (c.II), thứ ba là những hoàn cảnh khó khăn trong việc mục vụ gia đình (c.III)

– Phần thứ III bàn về sự cởi mở đón nhận sự sống và trách nhiệm giáo dục. Phần này gồm hai chương: trước tiên là những thách đố mục vụ đối với việc cởi mở đón nhận sự sống (c.I) tiếp đến là Giáo Hội và Gia đình đứng trước thách đố giáo dục (c.II).

Tài liệu làm việc trình bày một cái nhìn về thực tại gia đình ngày nay và là khởi đầu của tiến trình suy tư sâu xa, và được khai triển qua hai giai đoạn khác nhau: trước tiên là Thượng HĐGM khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19-10 năm nay có mục đích thu thập các dữ kiện và lập trường, tiếp đến là Thượng HĐGM khóa thường lệ vào tháng 10 năm tới, 2015, nhắm đề ra những đường hướng mục vụ gia đình cần thi hành. Văn kiện chung kết của khóa họp thứ hai này sẽ được đệ trình lên ĐTC để ngài quyết định (SD 26-6-2014)

Nội dung tổng quát của Tài Liệu Làm Việc

Tin Mừng về gia đình, những tình trạng khó khăn của gia đình, giáo dục về cuộc sống và đức tin trong gia đình, đó là 3 lãnh vực được khai triển trong tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt vào tháng 10 tới đây về gia đình. Văn kiện này tóm tắt và tổng hợp những câu trả lời bản câu hỏi liên quan những đề tài hôn nhân và gia đình công bố hồi tháng 11 năm 2013 để chuẩn bị cho Thượng HĐGM.

I. Phần thứ I: ”Thông truyền Tin Mừng gia đình ngày nay”

Trong phần này, Tài Liệu tái khẳng định những dữ kiện Kinh Thánh về gia đình, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa và là những cộng tác viên của Chúa trong việc đón nhận và thông truyền sự sống. Vì thế, sau khi nhắc lại nhiều văn kiện của Giáo Hội về đề tại gia đình, trong đó có Thông điệp ”Humanae vitae” (Sự sống con người) của ĐGH Phaolô 6, Tài liệu làm việc nhấn mạnh sự kiện nhiều tín hữu chỉ có kiến thức ít ỏi về vấn đề này, một phần cũng vì các linh mục ít được chuẩn bị nên không biết đề cập một cách đúng đắn về đề tài hôn nhân và gia đình, đặc biệt là lãnh vực tính dục và sinh sản.

Giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này nói chung chỉ được các tín hữu đón nhận một phần, người ta chấp nhận việc bảo vệ phẩm giá sự sống con người, nhưng lại chống lại đạo lý về việc kiểm soát sinh sản, về ly dị hoặc về những quan hệ tính dục trước khi kết hôn. Tất cả tình trạng đó một phần cũng do bối cảnh xã hội ngày nay, trong đó chủ nghĩa cá nhân, duy vật, nền văn hóa ”gạt bỏ” chiếm ưu thế. Vì thế, cần tìm lại những phương thức mới mẻ, ngôn ngữ mới để thông truyền giáo huấn của Hội Thánh trong lãnh vực này, huấn luyện một cách thích hợp cho các nhân viên mục vụ.

Tiếp đến, Tài liệu làm việc trình bày một suy tư đặc thù về sự khó hiểu ý nghĩa và giá trị của ”luật tự nhiên”, ở căn cội chiều kích phu phụ giữa một người nam và một người nữ. Đối với nhiều người, ”tự nhiên” có nghĩa là ”bộc phát”, và điều này làm cho người ta quan niệm các quyền con người như một sự thực thi những ước muốn riêng của mình. Điều này mở đường cho lý thuyết gender, hay là giới tính, làm băng hoại ý tưởng theo đó sự kết hiệp vợ chồng là ”chung thủy”, là mãi mãi; nó cũng khiến người ta chấp nhận sự đa thê hoặc từ bỏ người phối ngẫu của mình. Vì không nhìn nhận luật tự nhiên, nên nhiều đôi vợ chồng ngày nay ly dị, hoặc sống chung mà không kết hôn, ngừa thai, và cũng vì họ con cái bị coi như một chướng ngại cho cuộc sống thoải mái của mình, đặc biệt là tại Âu Châu và Bắc Mỹ.

Một thách đố lớn khác được Tài liệu Làm việc nêu rõ, đó là sự riêng tư hóa gia đình: gia đình không còn được coi là một yếu tố tích cực của xã hội, một tế bào cơ bản của xã hội nữa.

Vì thế, Nhà Nước được yêu cầu hãy bảo vệ gia đình và phục hồi vai trò của gia đình như chủ thể xã hội trong nhiều bối cảnh như công ăn việc làm, giáo dục, y tế, bảo vệ sự sống.

Rồi khi nhìn mẫu gương Thánh Gia Nazareth, Tài Liệu Làm việc tái khẳng định tầm quan trọng của cha mẹ như những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái về đức tin, và nhấn mạnh sự phân biệt vai trò giữa người cha và người mẹ, hai vai trò ấy bổ túc cho nhau và cha mẹ đều can dự vào sự tăng trưởng của con cái và kinh tế gia đình.

Gia đình, trong tư cách là ”Giáo Hội tại gia”, cần phải được xây dựng mỗi ngày, trong kiên nhẫn, cảm thông và yêu thương, để giúp con người được phát triển toàn diện. Đặc biệt có hai yếu tố được Tài liệu Làm việc cổ võ: trước tiên là liên hệ trường tồn giữa gia đình và giáo xứ là ”gia đình của các gia đình”, và yếu tố thứ hai là cần có việc thường huấn, về thần học, cũng như về nhân bản và hiện sinh, để các gia đình gặp khủng hoảng, nhất là nơi nào có nạn bạo hành trong gia đình. ”Chữa lành các vết thương đã phải chịu và loại bỏ tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra những vết thương ấy”, vì nạn lạm dụng, bạo hành và bỏ rơi sẽ không tạo ra sự tăng trưởng nào trong gia đình.

II. Phần thứ hai: ”Việc mục vụ gia đình đng trước những thách đố mới”

Sau khi nhắc lại tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân, cổ võ lòng đạo đức bình dân nâng đỡ gia đình và linh đạo về gia đình với tinh thần truyền giáo, không quá tự tham chiếu chính mình, Tài liệu Làm Việc đến những thách đố mục vụ ngày nay. Bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn mà gia đình ngày nay đang phải đương đầu như: hình ảnh và vai trò người cha bị suy yếu, gia đình bị phân tán vì ly dị và chia cách, nạn bạo hành và lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em, ”một dữ kiện thực sự đáng lo âu, đặt câu hỏi cho toàn thể xã hội và việc mục vụ của Giáo Hội về gia đình”, nạn buôn bán trẻ vị thành niên, ma túy, nghiện rượu, cờ bạc, nạn nghiện các mạng xã hội cản ngăn việc đối thoại trong gia đình và cướp mất thời giờ rảnh rỗi lẽ ra phải dành cho những quan hệ giữa con người với nhau.

Văn kiện của THĐGM thế giới cũng nêu bật ảnh hưởng của công việc làm trên đời sống gia đình: thời khóa biểu làm việc quá vất vả, công ăn việc làm bấp bênh, chế độ làm việc uyển chuyển đòi nhiều công nhân viên phải di chuyển xa, không được nghỉ việc ngày chúa nhật, những điều đó cản trở việc sống chung với nhau trong gia đình. Vì thế, Giáo Hội cần phải hỗ trợ cụ thể cho những công ăn việc làm xứng đáng, đồng lương đúng đắn, một chính sách thuế khóa bênh vực gia đình.

Những yếu tố khác gây khó khăn cho việc mục vụ gia đình là di cư, về vấn đề này, Văn kiện đề cao sự cần thiết phải tạo điều kiện dễ dàng cho việc đoàn tụ gia đình; tiếp đến là nạn nghèo đói, trào lưu duy tiêu thụ, chiến tranh, sự khác đạo giữa đôi vợ chồng, từ đó có những khó khăn trong việc giáo dục con cái; thái độ đối với bệnh tật, nhất là bệnh Sida. Nhưng Tài Liệu làm việc không quên nhắc đến điều ”phản chứng, gương mù” trong Giáo Hội, như những xì căng đan lạm dụng tính dục, loạn dục trẻ em, những linh mục có lối sống khoa trương, hoặc có thái độ loại trừ đối với những người ly dị hoặc những cha mẹ độc thân. Tất cả những điều đó góp phần làm giảm uy tín tinh thần của Giáo Hội.

Tài liệu làm việc đề cập đến những hoàn cảnh mục vụ khó khăn và nhấn mạnh rằng sự kiện nam nữ sống chung không kết hôn thường vì họ thiếu được huấn luyện về hôn nhân, hoặc vì quan niệm tình yêu chỉ là một điều riêng tư, hoặc cũng vì họ sợ dấn thân trong đời sống vợ chồng, coi đây là một sự mất tự do cá nhân. Cũng không thiếu những lý do xã hội, trong đó có nạn thất nghiệp của người trẻ, thiếu nhà ở, hoặc thiếu những chính sách gia đình thích hợp. Vì thế, việc giáo dục về tình cảm và sự hiện diện yêu thương của Giáo Hội để giúp đỡ những ngừơi trẻ hiểu tình thương như một sự hướng tới một dự phong sống chung với một người bạn đường chứ không phải như một quan niệm thơ mộng về tình cảm.

Vấn đề những người ly dị và tái hôn dân sự

Cũng trong Phần thứ II, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM về gia đình sắp tới dành một phần dài để nói về những tình trạng không hợp giáo luật, lý do vì các câu trả lời gửi về tập trung nhiều vào vấn đề những người ly dị tái hôn. Nói chung người ta nêu bật con số lớn những ngừơi sống bất cần trong tình trạng như thế và không yêu cầu được rước lễ hoặc lãnh nhận bí tích hòa giải.

Trái lại, có nhiều người khác cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, và họ tự hỏi tại sao những tội khác được tha thứ mà tội ly dị tái hôn thì không, và họ cảm thấy việc Giáo Hội cấm lãnh nhận các bí tích như một hình phạt, do đó mở đường cho một não trạng đòi hỏi đối với chính các bí tích. Trong một số trường hợp, một vài HĐGM yêu cầu có những phương thế mới để có thể thực thi lòng từ bi, khoan dung và ân xá đối với những vụ tái hôn như thế. Những giải pháp khác, như mỗi linh mục cho phép những trường hợp cụ thể được lãnh nhận các bí tích, hoặc nhìn sang các Giáo Hội Chính Thống cho tín hữu ly dị tái hôn trong một số trường hợp, tuy nhiên những giải pháp này không làm cho các tín hữu Công Giáo cảm thấy được tái chấp nhận công khai trong đời sống Giáo Hội và không loại trừ sự ly dị.

Về đề nghị đơn giản hóa thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu – ví dụ cứu xét xem có cần phải có hai phán quyết đồng thuận của hai cấp tòa án hay không, khi mà không có yêu cầu kháng án, Tài liệu của Thượng HĐGM mời gọi hãy thận trọng, để tránh những bất công và sai lầm, và để không nuôi dưỡng ý tưởng về một thứ ly dị Công Giáo. Trái lại, Tài liệu đề nghị một sự đào tạo thích hợp những người có khả năng để theo dõi những trường hợp như thế và gia tăng con số các tòa án về lãnh vực này. Dầu sao thì người ta thấy rõ rằng tiến hành mau lẹ hơn thủ tục cứu xét đơn xin tuyên bố hôn nhân bất thành chỉ là điều hữu ích nếu ta thi hành việc mục vụ gia đình một cách toàn diện.

Tóm lại, Tài liệu làm việc nêu rõ rằng đối với những hoàn cảnh khó khăn, Giáo Hội không được có thái độ quan tòa lên án, nhưng là thái độ của một người mẹ luôn đón nhận con cái mình, và nhấn mạnh rằng ”sự kiện không được lãnh nhận các bí tích không có nghĩa là bị loại khỏi đời sống Kitô và quan hệ với Thiên Chúa”. Trong viễn tượng đó, các cha sở cần hết sức đón tiếp và sẵn sàng đối với những người không thực hành đạo và không tin xin làm đám cưới, vì đây có thể là cơ hội thuận tiện để loan báo Tin Mừng cho cặp nam nữ. Ngoài ra, Giáo Hội cần phải tháp tùng các đôi vợ chồng cả sau khi họ cưới nhau, qua những cuộc gặp gỡ chuyên biệt.

Đồng tính luyến ái

Ngoài ra, về sự kết hiệp giữa những người đồng phái, Tài liệu nêu bật điều này là tất cả các HĐGM đều chống lại việc ban hành luật lệ cho phép sự kết hiệp như thế, hoặc sự định nghĩa lại hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, Tài liệu yêu cầu phải có thái độ tôn trọng và không phán đoán đối với những người ấy, đồng thời nêu rõ tình trạng thiếu những chương trình mục vụ cho những ngừơi đồng tính luyến ái, vì đây là hiện tượng mới mẻ gần đây. Các câu trả lời được trình bày trong Tài liệu làm việc tuyên bố chống lại luật lệ cho phép những cặp đồng tính luyến ái nhận con nuôi, vì đây là điều gây nguy hiểm cho thiện ích toàn diện của trẻ vị thành niên, là những người cần một người cha và một người mẹ. Tuy nhiên, nếu những người ấy xin rửa tội cho trẻ em, thì em phải được đón nhận với cùng một sự chăm sóc, dịu dàng và quan tâm như đối với các trẻ em khác.

III. Phần thứ III: ”Cởi mở đối với sự sống và trách nhiệm giáo dục”

Trước tiên văn kiện nhận xét rằng đạo lý của Giáo Hội về sự cởi mở đối với sự sống ít được các đôi vợ chồng biết đến trong chiều kích tích cực và vì thế họ coi đạo lý này như một sự xen mình vào đời sống lứa đôi, và giới hạn quyền tự quyết của lương tâm họ. Từ đó có sự lẫn lộn giữa các thuốc ngừa thai và các phương pháp tự nhiên để điều hòa sinh sản mà họ lầm tưởng là vô hiệu lực. Tuy nhiên các phương pháp này phản ánh sinh thái (ecologia) con người và phẩm giá quan hệ tính dục giữa đôi vợ chồng. Về vấn đề bao cao su chống bệnh Sida, người ta yêu cầu Giáo Hội giải thích rõ hơn lập trường của mình, và cũng để trả lời cho một số lập luận thu hẹp và chế nhạo từ phía các cơ quan truyền thông, cũng như để tránh đóng khung vấn đề trong một khung cảnh hoàn toàn là kỹ thuật, trong khi thực ra đây là ”những thảm kịch ghi đậm trên đời sống của nhiều người”.

Nhiều người yêu cầu Giáo hội có những câu trả lời có nền tảng, đi xa hơn sự lên án chung chung, đối với ý thức hệ gender, giới tính, ngày càng lan tràn. Ngoài ra, họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải thích các phương pháp tự nhiên điều hòa sinh sản với sự cộng tác của các trung tâm đại học chuyên biệt, dành nhiều cho vấn đề này trong việc đào tạo các LM, vì thường các linh mục không được chuẩn bị về vấn đề này. Nói chung, Tài Liệu đề nghị thăng tiến một tâm thức cởi mở đối với sự sống như sự dấn thân của các tín hữu về mặt dân sự, cổ võ những đạo luật và cơ cấu nâng đỡ sự sống đang sinh ra.

Sau cùng về việc thông truyền đức tin trong gia đình, Tài liệu của Thượng HĐGM nhấn mạnh rằng cần phải nâng đỡ các trường Công Giáo, các trường này ngày càng thay thế gia đình và vì thế phải kiến tạo bầu không khí đón tiếp, có khả năng chứng tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

Về việc thông truyền đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn ví dụ cha mẹ ở trong tình trạng bất hợp lệ và xin cho con cái được lãnh nhận các bí tích, Tài Liệu cổ võ thái độ đón tiếp, không nuôi thành kiến, vì nhiều khi con cái loan báo Tin Mừng cho cha mẹ, và để các trẻ em hiểu rằng tình trạng bất hợp lệ chứ không phải con người. Dường như ngày càng cần có một nền mục vụ nhạy cảm, được hướng dẫn tôn trọng những hoàn cảnh bất hợp lệ ấy, có khả năng nâng đỡ thực sự việc giáo dục con cái. Trong viễn tượng ấy, cần tái thẩm định vai trò của cac cha mẹ đỡ đầu trong hành trình đức tin của trẻ em và người trẻ, trong khi một sự tháp tùng mục vụ chuyên biệt cần thực hiện cho các hôn nhân hỗn hợp và hôn nhân khác đạo. Tài liệu làm việc kết thúc với Kinh nguyện do ĐTC Phanxicô soạn và đọc trong buổi đọc Kinh truyền tin chúa nhật 29-12 năm 2013, lễ Thánh Gia.

Cần nhớ rằng Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10 tới đây về những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng sẽ là một Thượng HĐGM ngoại thường, gắn liền với sự cấp thiết của vấn đề cần được bàn tới. Nghĩa vụ đầu tiên của Công nghị Giám mục này là thẩm định và đào sâu các dữ kiện do các Giáo Hội địa phương trình bày. Trái lại những đường hướng mục vụ cần thực thi sẽ ở trung tâm của Thượng HĐGM khóa thường lệ nhóm vào tháng 10 năm tới, cũng về đề tài gia đình.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Cần tôn trọng tự do tôn giáo

Cần tôn trọng tự do tôn giáo

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève

Hồi trung tuần tháng 5 năm 2014, bà Meriam Yahya Ibrabim Ishaq, nữ bác sĩ 27 tuổi người Sudan có thai 8 tháng, đã bị tòa án Hồi giáo kết án tử hình treo cổ vì đã bỏ Hồi giáo để theo Kitô giáo. Bác sĩ Meriam đã bị bắt ngày 17-2-2014 năm nay và bị bỏ tù, sau khi bị một người bà con tố cáo là bỏ Hồi giáo theo Kitô giáo. Trong tù bà bị xích và cùng đứa con trai 20 tháng đợi một đứa con khác chào đời. Ngày 27-5-2014 bà Meriam đã sinh con gái trong phòng phát thuốc của nhà tù và đặt tên con là Maya.

Tin bác sĩ Meriam bị kết án tử hình treo cổ đã khiến cho dư luận thế giới phẫn nộ. Quan tòa Abbas Mohammed Al-Khalifa ở thủ đô Khartum phán quyết rằng bà Ibrahim đã bỏ Hồi giáo vì thân phụ của bà là một tín hữu Hồi. Bà bị phạt đánh đòn 100 roi về tội gọi là ngoại tình, vì đã thành hôn với một tín hữu Kitô trong một hôn phối không được luật Sharia của Hồi giáo coi là hữu hiệu.

Trước đó quan toà đã yêu cầu bà Ibrahim bỏ Kitô giáo để trở về với Hồi giáo. Ông nói: ”Tôi đã cho bà thời hạn ba ngày để bỏ đạo Kitô, nhưng bà vẫn cố tình không muốn trở về với Hồi giáo. Vì thế tôi đã kết án treo cổ bà”. Bà Meriam Ibrahim nói với quan tòa: ”Tôi là tín hữu Kitô và tôi đã không hề phạm tội bỏ đạo Hồi”.

Tổ chức Quốc Tế Tương Trợ Kitô cho biết thân phụ bà Ibrahim là một người hồi giáo, nhưng mẹ bà là một tín hữu chính thống Etiopi. Mẹ bà bị chồng bỏ rơi khi Ibrahim được 6 tuổi, và cô bé lớn lên trong Kitô giáo. Nhưng vì thân phụ là tín hữu hồi nên luật Sudan tự động coi bà là tín hữu hồi, khiến cho hôn phối của bà với một kitô hữu trở nên vô hiệu.

Hiện nay Giáo Hội đia phương, các tổ chức phi chính quyền và các giới chức ngoại giao đang tranh đấu cho bà Meriam được tự do. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tuyên bố rằng: ”Thật là một điều kinh tởm, khi lên án tử hình một người vì tín ngường hoặc đánh đòn họ vì họ kết hôn với một người khác đạo… Chúng ta đang đứng trước các vụ vi phạm trắng trợn Công Pháp Quốc Tế về các quyền con người.” Có lẽ nhờ các tranh đấu mạnh mẽ trên đây tin giờ chót cho biết ngày 24 tháng 6 Toà Thượng Thẩm Khartum đã quyết định hủy bỏ án tử hình của bà Meriam và trả tự do cho bà.

Các đại sứ quán Hoa Kỳ, Anh, Canada, Hòa Lan ở thủ đô Khartum đã yêu cầu chính phủ Sudan tôn trọng quyền tự do tôn giáo, kể cả quyền của mỗi người được tự do thay đổi tín ngưỡng, là một quyền được Công pháp quốc tế và cả Hiến pháp Sudan năm 2005 công nhận.

Việc thi hành án tử được hoãn lại trong vòng hai năm vì bà có con gái mới sinh. Ngoài ra, cũng còn có thể có các vụ xử khác có thể loại trừ án tử. Nhưng trong các ngày qua bà Meriam cũng đã bị các áp lực bắt phải bỏ Kitô giáo đề theo Hồi giáo.

Đây không phải là trường hợp bất công duy nhất xảy ra trong các nước hồi giáo. Vì trên thế giới, đặc biệt là tại Pakistan, đã xảy ra nhiều trường hợp các kitô hữu bị vu khống là nói phạm thượng chống ngôn sứ Mohammed và xúc phạm tới Kinh Coran của Hồi giáo, bị bỏ tù và bị kết án tử hình. Thí dụ như trường hợp của bà Asia Bibi bị tòa án quận Nankana trong tỉnh PunJab bên Pakistan, kết án tử hình vì tội gọi là đã xúc phạm tới ngôn sứ Mohammed. Câu chuyện bắt đầu hồi năm 2009 khi bà Asia Bibi, một nông dân kitô, được yêu cầu đi kín nước. Khi đó một mhóm phụ nữ Hồi từ chối không cho bà đụng vào bình lấy nước, vì bà là tín hữu kitô và họ tố cáo với chính quyền và vu khống bà tội nói phạm thương chống lại ngôn sứ Mahomed. Bà bị nhốt trong một phòng hẹp, bị đánh đập và hãm hiếp. Vài ngày sau đó bà bị bắt tại làng Ittawalai. Bà đã phản bác các lời cáo buộc xúc phạm tới Hồi giáo, và trả lời là bà bị bách hại và kỳ thị chỉ vì là tín hữu kitô. Ngày 18 tháng 11 năm 2010 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã yêu cầu chính quyền Pakisatan trả tự do cho bà Asia Bibi.

Năm 2011 một đoàn đại biểu của tổ chức Masihi phi chính quyền chuyên trợ giúp về pháp luật và vật chất đã thăm bà Asia Bibi trong tù. Bà cho biết bà đã tha thứ cho kẻ vu khống bà là ông Qari Salam. Ông này sau đó đã tỏ ra hối hận vì đã vu khống bà đựa trên các thành kiến cá nhân và các cảm xúc tôn giáo qúa khích của nhóm phụ nữ hồi qúa khích.

Trường hợp của bà Asia Bibi đã khiến cho nhiều tổ chức Kitô và các nhóm bảo vệ nhân quyền trên thế giới phản đối và yêu cầu chính quyền Pakistan duyệt xét lại luật chống phạm thượng. Lý do vì nó thường bị các cá nhân lạm dụng để thanh toán các mối tư thù hay giải quyết các vấn đề ghen tương cá nhân, khiến cho hàng trăm kitô hữu bị bỏ tù và kết án tử hình oan. Trong số những người ủng hộ lập trường hủy bỏ luật chống phạm thượng này có ông Salmann Tasseer, thống đốc bang Punjab. Ông đã đến thăm bà Asia Bibi trong tù. Cũng vì thế ngày mùng 4 tháng Giêng năm 2011 ông đã bị một cận vệ của mình ám sát tại Islamabad. Tiếp đến con trai ông bị các nhóm hồi cuồng tín bắt cóc, trong âm mưu đánh đổi tự do cho người đã giết ông. Hai tháng sau đó ngày ông Shahbaz Bhatti, người công giáo, Bộ trưởng các nhóm thiểu số, cũng đã bị các nhóm hồi cuồng tín sát hại, vì đã tranh đấu trả tự do cho bà Asia Bibi và mạnh mẽ bảo vệ các quyền tự do của các nhóm thiểu số. Cả hai người đều biết các nguy hiểm rình rập họ, vì đã bị đe dọa giết nhiều lần, nhưng họ vẫn can đảm tranh đấu cho công bằng và sự thật.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức quốc tế ở Genève bên Thụy Sĩ, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Tomasi, Đức Tổng nghĩ gì về vụ bác sĩ Meriam Ibrahim bị kết án tử treo cổ tại Sudan?

Đáp: Đây là một trường hợp có ý nghĩa và chúng ta phải đặt để nó vào trong bối cảnh rộng rãi hơn của các trường hợp khác, như trường hợp bà Asia Bibi bên Pakistan hay trường hợp của các người khác bị tố cáo và bị nhốt tù vì tội gọi là phạm thượng hay các loại vi phạm hoặc cho là vi phạm luật hồi giáo Sharia khác. Vấn đề nền tảng đó là làm sao tôn trọng các nhân quyền nền tảng của những người này trước vài truyền thống hay tình hình chính trị, nơi vì các lý do lịch sử và nền văn hóa công cộng, khó có sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong trường hợp cụ thể của nữ bác sĩ Meriam Ibrahim bị kết án tử treo cổ bên Sudan, thì phải có câu trả lời như thế nào?

Đáp: Trước hết, xem ra cần phải tôn trọng nguyên tắc tự do tôn giáo, là một quyền nền tảng của con người: là quyền cho phép không phải chỉ thực hành một tôn giáo, mà cũng còn cho phép thay đổi tôn giáo nữa. Đây là điều cũng được Hiến pháp Sudan năm 2005 thừa nhận. Tuy nó là Hiến Pháp tạm thời, nhưng nó là Hiến pháp có hiệu lực. Điều này nói với chúng ta rằng, trong trường hợp của bà Meriam Ibrahim, hệ thống tư pháp hoạt động dưới áp lực của các tình huống địa phương, hơn là theo đường lối của một nền tư pháp phải tôn trọng Công pháp quốc tế, cũng đã được nước Sudan thừa nhận, liên quan tới quyền tự do phụng tự, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Thế rồi cần phải coi xem phụ nữ được đối xử như thế nào trong xã hội nữa.

Hỏi: Đức Cha nói lên diều này trong nghĩa nào?

Đáp: Thí dụ, một phụ nữ, nếu là tín hữu hồi, có quyền tự do lấy một người hồi khác, nhưng lại không được lấy một người khác đạo, trong khi một người đàn ông hồi lại có quyền lấy một phụ nữ theo đạo khác với đạo Hồi mà không bị phạt theo luật Sharia hay các dụng cụ tư pháp khác. Vì thế chúng ta phải suy nghĩ về tình trạng này một cách tổng quát hơn, xem làm sao có thể trợ giúp và thăng tiến các quyền tự do căn bản này của con người: tự do tôn giáo, tự do lương tâm và quyền tự do thay đổi tôn giáo, một sự khách quan trong hệ thống tư pháp xét xử, việc tôn trọng nữ giới y như nam giới trong các quyền hôn nhân, quyền hưởng gia tài hay tham dự vào cuộc sống công cộng. Khởi hành từ các dữ kiện này để tìm tạo ra một bầu khí đối thoại, cảm thông, giáo dục đào tạo, và nhất là giúp mọi người hiểu rằng con đường tiến về tương lai là con đường của việc tôn trọng phẩm giá của mỗi một người.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Giáo Hội địa phương cũng như các tổ chức phi chính quyền và giới chức ngoai giao trên thế giới đã mạnh mẽ kêu gọi chính quyền Sudan trả tự do cho bà Meriam Ibrahim. Sự huy động quốc tế này có sức nặng nào không?

Đáp: Tạo ra một dư luận quốc tế trình bày với chính quyền Sudam và hệ thống tư pháp nước này các quyền con người chắc chắn là có ích lợi nhiều chứ, bởi vì sự chú ý tới các tình trạng này có thể dẫn đưa tới chỗ đối thoại và suy tư về sự thắng thế của công pháp quốc tế trên quyền địa phương, và nhất là liên quan tới các quyền căn bản của con người cần phải được tất cả mọi người trên toàn thế giới tôn trọng. Đó là con đường cho tương lai sống chung của con người. Chúng ta tất cả phải cùng nhau làm việc trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, nơi các khác biệt gia tăng, nơi chúng ta sống sự đa nguyên tôn giáo, đa nguyên văn hóa và đa nguyên kiểu sống ở khắp mọi nơi. Thực tại này phải dẫn đưa chúng ta tới chỗ tìm ra một kiểu chung sống hòa bình khởi sự từ việc tôn trọng các quyền nền tảng của con người và phẩm giá của nó.

(RG 28-5-2014; Vatican insider 16-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Kitô hữu là thành phần thuộc Giáo Hội là một thân mình và một dân duy nhất

Kitô hữu là thành phần thuộc Giáo Hội là một thân mình và một dân duy nhất

Không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương các anh em khác; không thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không hiệp thông với Giáo Hội và chúng ta không thể là các kitô hữu tốt, nếu không tìm theo Chúa Giêsu cùng với tất cả các anh chị em khác như một dân duy nhất và một thân mình duy nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 25-6-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong số các đoàn hành hương cũng có nhóm 37 người thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn sang Roma dự lễ trao dây Pallium ngày 29-6-2014 cho các Tổng Giám Mục, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sài Gòn kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”tầm quan trọng thuộc về dân Chúa”. Sau khi chào tín hữu ngài nói: hôm nay có một nhóm tín hữu hành hương nối liền với chúng ta trong đại thính đường Phaolô VI. Họ là các tín hữu đau yếu. Bởi vì với thời tiết giữa cái nóng và có thể mưa này họ ở trong đó thì thận trọng hơn. Nhưng họ được nối liền với chúng ta qua màn hình khổng lồ. Và như thế chúng ta hiệp nhất trong cùng một buổi tiếp kiến. Và hôm nay chúng ta tất cả sẽ đặc biệt cầu nguyện cho họ cho bệnh tật của họ. Xin cám ơn anh chị em.

Trong bài giáo lý đầu tiên về Giáo Hội thứ tư tuần trước (18-6-2014), chúng ta đã khởi hành với sáng kiến của Thiên Chúa muốn thành lập một dân đem phước lành của Ngài đến cho mọi dân tộc của trái đất. Ngài bắt đầu với Abraham và với biết bao kiên nhẫn, Thiên Chúa chuẩn bị dân tộc này trong Cựu Ước cho tới khi nơi Đức Giêsu Kitô Ngài đặt để nó như dấu chỉ và dụng cụ sự hiệp nhất của con người với Thiên Chúa và giữa họ với nhau (x. LG, 1). Hôm nay chúng ta tìm hiểu tầm quan trọng thuộc về dân này. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chúng ta không bị cô lập và không là kitô hữu với tư cách cá nhân mỗi người cho chính mình, không: căn tính của chúng ta là việc thuộc về! Chúng ta là kitô hữu bởi vì chúng ta thuộc về Giáo Hội. Nó như là tên họ: nếu tên gọi là ”tôi là tín hữu kitô”, thì tên họ là ”thuộc về Giáo Hội”. Thật là đẹp ghi nhận rằng sự tùy thuộc này cũng được diễn tả trong tên gọi mà Thiên Chúa gán cho chính mình. Khi trả lời ông Môshê trong vụ hiện ra với ông trong ”bụi gai cháy” (x. Xh 3,15) Ngài tự định nghĩa như là Thiên Chúa của các cha ông, Ngài không nói Ta là Đấng Toàn Năng, không, Ta là Thiên Chúa của Abraham, Igiaac và Giacóp. Trong cách thức này Ngài tự biểu lộ ra như vị Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với cha ông chúng ta và luôn trung thành với giao ước đó và mời gọi chúng ta bước vào trong tương quan đi trước chúng ta ấy. Tương quan này của Thiên Chúa với dân Người đi trước chúng ta tất cả, đến từ thời đó.

Trong nghĩa này, với lòng biết ơn tôi nghĩ tới những người đã đi trước chúng ta và đã tiếp đón chúng ta vào trong Giáo Hội. Không có ai tự mình trở thành kitô hữu! Điều này rõ chưa? Không có ai tự mình trở thành kitô hữu. Người ta không chế tạo tín hữu kitô trong phòng thí nghiệm. Kitô hữu là phần của một dân đến từ xa. Kitô hữu thuộc về một dân gọi là Giáo Hội và Giáo Hội này làm họ trở thành tín hữu kitô ngày Rửa Tội dĩ nhiên, rồi trong lộ trình giáo lý và biết bao điều khác. Nhưng không ai, không ai tự mình trở thành kitô hữu. Nếu chúng ta tin, nếu chúng ta biết cầu nguyện, nếu chúng ta biết Chúa và có thể lắng nghe Lời Ngài, nếu chúng ta cảm thấy Ngài ở gần và nhận ra Ngài trong các anh em khác, là bởi vì trước chúng ta họ đã sống đức tin rồi thông truyền đức tin cho chúng ta, đức tin chúng ta đã nhận được từ cha ông chúng ta và các ngài đã dậy cho chúng ta.

Nếu chúng ta nghĩ kỹ điều đó, ai biết đã có bao gương mặt thân yêu hiện ra trước mắt chúng ta trong lúc này: có thể là gương mặt của cha mẹ là những người đã xin Bí tích Rửa Tội cho chúng ta, gương mặt của ông bà hay của một người trong gia đình đã dậy chúng ta làm dấu Thánh Giá và đọc các kinh đầu tiên – tôi luôn luôn nhớ biết bao gương mặt của nữ tu đã dậy giáo lý cho tôi và gương mặt đó luôn đến – chắc chắn chị ở trên Trời vì chị là một phụ nữ thánh thiện – nhưng tôi luôn nhớ và cảm tạ Thiên Chúa vì nữ tu đó – hay gương mặt của cha xứ, của một linh mục hay một nữ tu, của một giáo lý viên đã thông truyền nội dung đức tin cho chúng ta và đã làm cho chúng ta lớn lên như kitô hữu.

Đấy, đây chính là Giáo Hội: là một đại gia đình, trong đó chúng ta được tiếp đón và học sống như tín hữu và môn đệ của Chúa Giêsu.

Con đường này chúng ta có thể sống không chỉ nhờ các người khác, nhưng cùng với các người khác. Trong Giáo Hội không có chuyện ”tự làm”, không có các ”người đập tự do”. Biết bao lần Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã miêu tả Giáo Hội như là một ”chúng tôi” giáo hội! Đôi khi xảy ra là chúng ta nghe một ai đó nói: ”Tôi tin nơi Thiên Chúa, tôi tin nơi Đức Giêsu, nhưng Giáo Hội thì không, không ăn nhập gì với tôi…” Biết bao lần chúng ta đã nghe điều này? Và điều này không được. Có người cho rằng có thể có tương quan cá nhân, trực tiếp, tức thì với Chúa Giêsu Kitô ngoài sự hiệp thông và trung gian của Giáo hội. Đó là các cám dỗ nguy hiểm và tai hại. Như Đức Phaolô VI vĩ đại đã nói, chúng là các phân chia vô lý. Có đúng thật là cùng nhau bước đi đòi hỏi dấn thân và đôi khi có thể gây mệt nhọc: có thể xảy ra là vài anh chị em gây vấn đề cho chúng ta hay làm gương mù gương xấu cho chúng ta… Nhưng Chúa đã tín thác sứ điệp cứu độ cho những con người, cho tất cả chúng ta, cho các nhân chứng và chính trong các anh chị em của chúng ta với các ơn và các hạn hẹp của họ, Chúa đến gặp gỡ chúng ta và làm cho chúng ta nhận biết Người. Và điều này có nghĩa là thuộc về Giáo Hội. Xin anh chị em hãy nhớ kỹ: là kitô hữu có nghĩa là thuộc về Giáo Hội. Tên là ”kitô hữu”, họ là ”thuộc về Giáo Hội”.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, ơn không bao giờ rơi vào cám dỗ nghĩ rằng có thể làm mà không cần các người khác, có thể làm mà không cần Giáo Hội, có thể tự cứu rỗi một mình, là kitô hữu của phòng thí nghiệm. Trái lại, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương các người anh em, không thể yêu Thiên Chúa ngoài Giáo Hội: Không thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không hiệp thông trong Giáo Hội, và chúng ta không thể là các kitô hữu tốt, nếu không cùng với tất cả mọi người tìm theo Chúa Giêsu như một dân tộc duy nhất, một thân mình duy nhất và đó là Giáo Hội.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương, cách riêng phái đoàn đại học Bếtlêhem về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập đã đem lại nhiều thiện ích cho nhân dân Palestine. Ngài cũng chào các nhóm tới từ Australia, Đài Loan, Ấn Độ, quần đảo Antilles, Việt Nam, Honduras, Colombia, Mêhicô, Argentina và cầu chúc tất cả mọi người các ngày hành hương sốt sắng và bổ ích.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan Đức Thánh Cha nói thứ sáu tới là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đây là dịp ca tụng Thánh Tâm đã yêu thương chúng ta biết bao. Trong cuộc sống càng gặp các khó khăn, lo lắng và vấn đề bao nhiêu, chúng ta hãy càng tín thác nơi Chúa Giêsu bấy nhiêu là Đấng đã mời gọi chúng ta: ”Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả các con là những người mệt mỏi và bị áp bức và Thầy sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28).

Chào các nhóm tiếng Ý Đức Thánh Cha khích lệ mọi người luôn cảm thấy cộng đoàn kitô như là nơi ưu tiên của việc rao truyền Tin Mừng, đào tạo tinh thần và giáo dục bác ái.

Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ luôn tìm thấy nơi Thánh Thể của nuôi tinh thần. Đức Thánh Cha xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau và lời cầu lên Chúa để Ngài tiếp tục trải dài tình yêu trong con tim loài người. Ngài xin các cặp vợ chồng mới cưới hãy tiến tới Thánh Thể với đức tin canh tân để trở thành các gia đình được linh hoạt bởi chứng tá kitô cụ thể.

Buỗi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

TIỀN HÔ HẬU ỦNG

 TIỀN HÔ HẬU ỦNG 

Saint John Baptist

Thời phong kiến, mỗi khi vua chúa đi kinh lý viếng thăm dân tình, thì thế nào cũng có cờ xí rợp trời, võng lọng xênh xang, giáo mác đầy đường. Chung quanh kiệu vua là lính tráng sắc phục nghiêm túc, gươm đao chỉnh tề bảo vệ thiên tử. Ngoài ra, để mở đường, một tốp lính thị vệ đi trước cầm loa nói thật lớn (tiền hô) “Thánh thượng giá lâm”, cốt ý cho dân chúng biết mà tránh rạt sang hai bên bờ cỏ ven đường, nằm úp mặt xuống, miệng ngậm cọng rác (“cắn cỏ ngậm vành”) tỏ vẻ nhớ ơn trời bể của ông vua. Quân lính đi phía sau ứng tiếng (hậu ủng) tung hô “vạn tuế, vạn vạn tuế” nhiều lần. Do tích đó mà có thành ngữ “tiền hô hậu ủng”.

Hôm nay (24/6), Giáo hội mừng kỷ niệm sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả (cũng gọi là Gio-an Tiền Hô). Thử tìm hiểu xem tại sao thánh nhân lại có biệt danh ấy? Trước hết, cũng cần phải tìm hiểu xem vì sao thánh nhân lại có tên là Gio-an? Thánh sử Lu-ca trình thuật: “Đang khi Da-ca-ri-a dâng hương trong đền thờ, sứ thần của Chúa hiện ra và bảo: "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an…  Em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa.. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ" (Lc 1, 11-16). Theo tiếng Do-thái, Gio-an có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng thương xót”. Gio-an được sinh ra khi cha mẹ tuổi đã cao mà vẫn chưa có con, đó là một món quà đặc biệt thể hiện rất rõ lòng thương xót của Thiên Chúa. Như thế, Gio-an Tẩy Giả là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước vô cùng, để trở thành ngôn sứ loan báo tình thương xót, ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Gọi là thánh Gio-an Tiền Hô vì thánh nhân là người đi trước để dọn đường cho Đức Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô đi thi hành sứ vụ cứu độ trần gian. Nếu theo như lời Thánh nhân xác nhận: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói” (Ga 1, 23), thì lại nảy sinh vấn nạn: Hoang địa là đất hoang vắng không người ở, vậy thì thánh Gio-an hô cho ai nghe? Bài Tin mừng hôm nay (Lc 1, 57-66.80) đã trả lời cho vấn nạn đó: “… Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (Lc 1, 80). Như vậy là phải hiểu thánh Gio-an vào sống trong hoang địa là sống một cuộc đời khổ hạnh, chay tịnh (“ăn châu chấu và mật ong rừng”) để chiêm niệm về vai trò và sứ vụ của mình, nhất là về Đấng "quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần" (Mc 1, 7-8). Sau thời gian sống trong hoang địa, vào khoảng 30 tuổi, thánh nhân mới chính thức thi hành sứ vụ “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mc 1, 4-5). 

Điều đó cho thấy không thể hiểu cụm từ “tiếng hô trong hoang địa” theo nghĩa chiểu tự (nghĩa đen) mà phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng (nghĩa bóng). Chúng ta vẫn từng nghe nói “nhiều lúc thấy tâm hồn trống trải, hoang vắng như sa mạc” hoặc câu nói “tôi đang lang thang trong sa mạc cuộc đời”. Đó là những lúc không thấy một tư tưởng nào, một ấn tượng nào rõ rệt trong đầu óc, cũng chẳng có một điểm tựa nào cho cuộc sống thiếu vắng niềm tin. Và từ chỗ đó có thể suy ra tiếng hoang địa ở đây chính là tâm hồn (tâm địa) con người khi chưa có ánh sáng chân lý soi rọi, hoang vắng như sa mạc vậy. Và thánh Gio-an Tiền Hô là người được sai đến để khai thông hoang mạc tâm hồn con người, hầu đón nhận một tư tưởng chính thống, một niềm tin kiên định về một cứu cánh bất diệt: Hồng ân Cứu Độ từ nơi Thiên Chúa. Nói khác hơn, thánh Gio-an Tiền Hô là người được sai đến để thức tỉnh con người đang chìm đắm trong u mê tăm tối của sa mạc cuộc đời – Thức tỉnh cho loài người biết được thời của Con Một Thiên Chúa Cứu Độ Trần Gian đã điểm, Người đã đến, hãy dọn sẵn tâm hồn mà đón tiếp Người.

Còn vì sao lại gọi thánh Gio-an Tẩy Giả? Tiếng “tẩy giả” chỉ có nghĩa là người gột rửa (Tẩy: gột rửa, làm cho sạch sẽ những gì bị tì ố, dơ bẩn; giả: ông, người). Vậy thì thánh Gio-an Tẩy giả là người được Thiên Chúa sai đến để gột rửa tâm hồn (giục lòng con người biết ăn năn hối cải), mà đón nhận Lời Hằng Sống (“Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” – Lc 3, 3). Đối với con người, nếu muốn làm sạch thân thể hoặc một vật dụng nào đó, thì phải dùng nước – nước là nguyên liệu chính – để rửa sạch mọi vết nhơ. Từ thực tế đó, Thiên Chúa dùng nước làm biểu tượng Ngôi Ba Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới tẩy rửa tâm hồn con người cho nên thiện hảo được mà thôi (“Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” – Mt 3, 11).

Như vậy, thánh Gio-an Tiền Hô (hoặc còn gọi là Gio-an Tẩy Giả) được Thiên Chúa sai xuống trần với sứ vụ là “Hô” lên, là “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1, 4). Và khi mọi người nghe, rồi hưởng ứng tiếng “hô” của ngài, thì chính ngài sẽ thực hiện nghi thức “Tẩy” sạch tâm hồn của họ (“Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mc 1, 4-5), để xứng đáng tiếp đón Đấng Cứu Độ. Từ sự kiện đó, Giáo Hội thiết lập bí tích Thánh Tẩy (Phép Rửa) để tháp nhập những tín hữu vào Nhệm Thể Đức Ki-tô. Khi người tín hữu chịu Phép Rửa, thì cũng là lúc được tham dự vào ba chức vụ của Đức Ki-tô (ngôn sứ, tư tế, vương giả), tiếp nối bước đường của Thánh Gio-an Tẩy Giả “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đó cũng chính là sứ mạng tối hậu và khẩn cấp mà Thiên Chúa đang chờ đợi người Ki-tô hữu hoàn thành trong thời đại hiện nay.

Là Ki-tô hữu, người đã được chính Đức Giê-su “làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa" (Lc 3, 16), chúng ta không thể sống thiếu trách nhiệm về cuộc sống của mình và của tha nhân. Chúng ta càng không thể để cho những khuynh hướng xấu làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá con người “giống hình ảnh Thiên Chúa” nơi chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng phải là những chứng nhân về Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Loan báo Tin mừng không chỉ bằng lời nói mà trên hết phải bằng đời sống chứng nhân. Thật vậy, “Trong thế giới hôm nay người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu họ có nghe thầy dạy thì vì thầy dạy đó cũng là chứng nhân” (Thánh Gio-an Phao-lô II). Chúng ta phải hô to cho cả thế giới thấy rằng: ngoài đời sống vật chất, con người còn có đời sống tâm linh tương giao với Thiên Chúa. Tắt một lời, chỉ sống theo ý định của Thiên Chúa, con người mới tìm được hạnh phúc và an bình đích thực trong cuộc sống hôm nay và đạt được cứu cánh hạnh phúc đời sau.

Tóm lại, mỗi khi chịu Phép Rửa, người tín hữu được ơn gọi làm Ki-tô hữu, tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Giê-su (Hội Thánh) để thi hành sứ vụ “loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” được xây dựng trên nền tảng bất biến: Mến Chúa yêu người. Hãy vui mừng vì được cùng tiếp tay thánh Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ mạng, nhưng đừng quên cầu xin Thần Khi Chúa soi sáng, hướng dẫn, ban dũng khí để chu toàn sứ mạng được trao phó.

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gio-an Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Đức Ki-tô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen” (Lời nguyện nhập lễ lễ mừng Sinh Nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả).

JM. Lam Thy ĐVD. 

Đức Thánh Cha gặp các linh mục và dâng thánh lễ tại Cassano

Đức Thánh Cha gặp các linh mục và dâng thánh lễ tại Cassano

CASSANO. ĐTC Phanxicô cổ võ các linh mục sống tình huynh đệ và ngài tái lên án những kẻ gian ác trong các tổ chức bất lương.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ các linh mục của giáo phận Cassano all'Jonio và trong bài giảng thánh lễ cho các tín hữu tại vùng này, hôm 21-6-2016.

Giáo phận Cassano cách Roma 400 cây số và có 106 ngàn tín hữu Công giáo, do Đức Cha Nunzio Galantino cai quản. Ngài cũng là Tổng thư ký HĐGM Italia. Vùng này thường bị nạn tổ chức bất lương N'drangheta, giống như mafia, hoành hành. Thậm chí gần đây một em bé 3 tuổi cũng bị bọn bất lương này rưới xăng đốt chết với cha mẹ em.

Huấn dụ cho các linh mục

Trong bài huấn dụ ngắn tại buổi gặp gỡ các LM tại nhà thờ chính tòa Cassano lúc 12 giờ trưa, ĐTC nhắc nhở cho các vị về niềm vui làm linh mục, vẻ đẹp của tình huynh đệ, đồng thời khích lệ các vị làm việc với các gia đình và cho các gia đình. Ngài nói:

Trước tiên tôi muốn chia sẻ với anh em niềm vui được làm LM. Một điều luôn gây ngạc nhiên, đó là được Chúa Giêsu kêu gọi, kêu gọi theo Chúa, ở với Chúa, mang Chúa, Lời Chúa và ơn tha thứ của Chúa cho tha nhân.. Không có gì đẹp hơn đối với một người như thế, có đúng không anh em?. Khi các linh mục chúng ta ở trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, và chúng ta dừng lại một lát nơi đó, trong thinh lặng, lúc ấy chúng ta cảm thấy cái nhìn của Chúa lại đặt nơi chúng ta, cái nhìn ấy đổi mới và tái linh hoạt chúng ta..

Quả thực, nhiều khi không dễ ở lại trước Chúa, không dễ dàng vì chúng ta bị bao nhiêu công việc, bao nhiêu người lôi kéo..; nhưng nhiều khi việc làm ấy không dễ vì chúng ta cảm thấy một sự khó chịu nào đó, cái nhìn của Chúa làm cho chúng ta có phần bất an, có khi đặt chúng ta trong một cơ khủng hoảng.. Nhưng điều có cũng có lợi cho chúng ta! Trong thinh lặng cầu nguyển, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chúng ta là những người thợ tốt, hoặc chỉ là những công nhân, công chức; chúng ta là những máng mở rộng và quảng đại qua đó tình thương và ơn thánh của Chúa tuôn chảy dồi dào, hoặc chúng ta tự đặt mình ở trung tâm, và thay vì là máng chuyển, chúng ta trở thành những hàng rào không giúp gặp gỡ Chúa, với ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng”.

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ với anh em là vẻ đẹp của tình huynh đệ: là linh mục với nhau, không phải một mình theo Chúa, không riêng rẽ nhưng cùng nhau, tuy là trong những năng khiếu và nhân cách khác nhau; đúng ra chính điều ấy là cho linh mục đoàn được phong phú, với nhiều gốc gác, tuổi tác, tài năng khác nhau.. và tất cả những điều đó được sống trong tình hiệp thông, trong tình huynh đệ.

Cả điều này cũng không dễ dàng, không phải là điều đương nhiên xảy ra. Trước tiên vì cả các linh mục chúng ta cũng bị chìm trong nền văn hóa chủ quan ngày nay, thứ văn hóa tuyên dương cái tôi, đến độ tôn thờ nó như thần tượng, và do một thái độ duy cá nhân chủ nghĩa trong mục vụ, đáng tiếc là cũng lan tràn trong các giáo phận chúng ta. Vì thế chúng ta phải phản ứng lại nó bằng một sự chọn lựa tình huynh đệ. Tôi cố ý nói về sự ”chọn lựa”. Không thể chỉ là một điều do tình cờ tạo nên, theo hoàn cảnh thuận tiện. Không phải thế, đó là một sự chọn lựa tương ưng với thực tại của chúng ta, với hồng ân chúng ta đã lãnh nhận, và cần luôn luôn đón nhận và vun trồng: đó là sự hiệp thông trong Chúa Kitô, trong hàng linh mục, quanh Đức GM. Tình hiệp thông này đòi phải được sống bằng cách tìm kiếm những hình thức cụ thể thích hợp với thời đại và thực tại của địa phương, nhưng luôn trong viễn tượng tông đồ, theo cách thức truyền giáo, huynh đệ và đời sống đơn sơ. Khi Chúa Giêsu nói: ”Cứ dấu này mọi người nhận biết các con là môn đệ thầy: nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,35), Chúa nói điều nói điều đó cho mọi người, nhưng trước tiên là cho 12 tông đồ, cho những người mà Ngài kêu gọi theo sát Ngài.

Niềm vui được làm linh mục và vẻ đẹp của tình huynh đệ. Hai điều này tôi nghĩ là quan trọng nhất khi nghĩ đến anh em. Một điều cuối tôi chỉ nhắc sơ, tôi khuyến khích anh em trong công việc với các gia đình và cho các gia đình. Đó là công việc mà Chúa yêu cầu chúng ta làm một cách đặc biệt trong thời kỳ này, là thời kỳ khó khăn, đối với gia đình như một định chế cũng như các gia đình, vì khủng hoảng. Nhưng chính trong thời kỳ khó khăn này mà Thiên Chúa làm cho ta cảm thấy sự gần gũi, ơn thánh, sức mạnh ngôn sứ của Lời Chúa. Và tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành chứng nhân, làm người trung gian về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với các gia đình và về sức mạnh ngôn sứ của Lời Chúa cho các gia đình”.

Thánh lễ

Hoạt động cuối cùng của ĐTC trong cuộc viếng thăm là thánh lễ ngài cử hành lúc 4 giờ chiều ngày 21-6-2014 tại cánh đồng Sibari trước sự tham dự của 250 ngàn tín hữu. Đồng tế với ngài có các GM của 12 giáo phận thuộc miền Calabria và 207 linh mục.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nhắc đến ý nghĩa lễ kính Mình Thánh Chúa, là Bánh Hằng Sống từ trời xuống (Ga 6,51), lương thực thỏa mãn lòng khao hát của chúng ta đối với sự sống đời đời, là sức mạnh cho hành trình của chúng ta. Ngài nói:

”Lễ hôm nay là lễ qua đó Giáo Hội chúc tụng Chúa vì hồng ân Thánh Thể. Trong khi Thứ Năm Tuần Thánh chúng ta tưởng niệm việc Chúa lập phép Thánh Thể trong bữa tiệc ly, thì hôm nay trổi vượt lòng cảm tạ và thờ lạy Chúa. Thực vậy, theo truyền thống trong ngày này có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa.

ĐTC khai triển hai khía cạnh của ngày lễ này, đó là ”Thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể và tiến bước với Chúa”. Ngài nói: ”Đây là hai khía cạnh không thể tách rời nhau trong ngày lễ hôm nay, hai khía cạnh ghi dấu vết trong toàn thể đời sống của dân Kitô giáo: một dân tộc thờ lạy Chúa và một dân tộc tiến bước, không dừng lại, nhưng bước đi.

– Trước tiên chúng ta là một dân tộc thờ lạy Thiên Chúa. Chúng ta thờ lạy Thiên Chúa là tình thương, trong Chúa Giêsu Người ban cho chúng ta chính mình, hiến thân trên thập giá để đền tội cho chúng ta và do quyền năng của tình thương ấy, Chúa sống lại từ cõi chết và đang sống trong Giáo Hội. Chúng ta không thờ lạy Thiên Chúa nào khác ngoài Ngài!

Tố giác tổ chức bất lương

Khi người ta thay thế việc thờ lạy Chúa bằng việc thờ lạy tiền bạc, thì người ta mở đường cho tội lỗi, cho tư lợi và cho lạm dụng; khi người ta không thờ lại Thiên Chúa là Chúa, thì họ trở thành người tôn thờ sự ác, như những kẻ sống bằng những điều gian ác và bạo lực. Phần đất của anh chị em đẹp đẽ dường nào, nhưng đang gặp phải những dấu hiệu và hậu quả của tội lỗi ấy. Tổ chức tội phạm N'drangheta là thờ lạy sự ác và coi rẻ ích chung. Cần phải bài trừ sự ác này, xua đuổi nó đi! Cần phải phủ nhận nó! Giáo Hội mà tôi biết là đang dấn thân trong việc giáo dục lương tâm, phải luôn luôn xả thân hơn nữa để sự thiện có thể trổi vượt. Các bạn trẻ của chúng ta yêu cầu điều ấy. Những người trẻ của chúng ta đang cần hy vọng, yêu cầu chúng ta điều ấy. Để có thể đáp ứng đòi hỏi ấy, đức tin có thể giúp đỡ chúng ta. Những người trong cuộc sống đi theo con đường sự ác như thế, như những tên mafia, họ không ở trong tình hiệp thông với Thiên Chúa: họ bị tuyệt thông!

excommunication

Ngày hôm nay chúng ta tuyên xưng điều ấy, mắt hướng nhìn về Mình Thánh Chúa, Bí Tích Bàn Thánh. Và do niềm tin ấy, chúng ta từ bỏ Satan với tất cả những quyến rũ của nó; chúng ta từ bỏ những thần tượng tiền bạc, háo danh, kiêu ngạo và quyền lực. Các Kitô hữu chúng ta không muốn thờ lạy điều gì và không thờ lạy ai trên trần thế này ngoài Chúa Giêsu Kitô, Đấng hiện diện trong Thánh Thể. Có lẽ chúng ta không luôn luôn ý thức tường tận điều này có ý nghĩa gì, với những hệ luận của việc chúng ta tuyên xưng niềm tin ấy.

Niềm tin của chúng ta nơi sự hiện diện thực của Giêsu Giêsu, Thiên Chúa thật và là Người thật trong bánh rượu đã được thánh hiến, là chân thực nếu chúng ta quyết tâm tiến bước theo Chúa và với Chúa. Thờ lạy và tiến bước: một dân tộc thờ lạy là một dân tộc tiến bước! Tiến bước với Chúa và theo Chúa, tìm cách thực hành giới răn của Chúa, giới răn mà Ngài đã ban cho các môn đệ trong bữa tiệc ly: ”Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13,34). Dân thờ lạy Thiên Chúa trong Thánh Thể là dân tiến bước trong tình bác ái. Thờ lạy Chúa trong Thánh Thể, tiến bước với Chúa trong tình bác ái huynh đệ.

ĐTC nói tiếp:

Ngày hôm nay, trong tư cách là GM Roma, tôi đến đây để củng cố anh chị em không những trong đức tin nhưng cả trong đức bác ái, để tháp tùng và khích lệ anh chị em trong hành trì với Chúa Giêsu Tình Thương. Tôi muốn bày tỏ sự hỗ trợ của tôi với Đức Giám Mục, các LM và phó tế của giáo phận này, cũng như giáo phận Công Giáo đông phương Lungro, vốn có truyền thống Hy lập Bizantine phong phú. Nhưng tôi cũng nới rộng sự khích lệ nâng đỡ ấy cho tất cả các vị Mục Tử và tín hữu của Giáo Hội ở miền Calabria, can dảm dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng và cổ võ lối sống cũng như những sáng kiến đặt những nhu cầu của người nghèo và những người rốt cùng ở trung tâm. Tôi cũng khích lệ chính quyền dân sự đang nỗ lực dấn thân chính trị và hành chính để phục vụ công ích. Tôi khuyến khích tất cả hãy biểu lộ tình liên đới cụ thể với các anh chị em, nhất là những người đang cần nhiều hơn công lý, hy vọng và dịu dàng. Cám ơn Chúa có bao nhiêu dấu chỉ hy vọng trong các gia đình, giáo xứ, hội đoàn và phon gtrào Giáo Hội. Chúa Giêsu không ngừng khơi dậy những cử chỉ bác ái nơi đoàn dân lữ hành của Ngài! Một dấu chỉ cụ thể nói lên niềm hy vọng ấy là dự án Policoro, dành cho những người trẻ muốn dấn thân và kiến tạo những cơ hội làm việc cho bản thân và tha nhân. Hỡi các bạn trẻ quí mến, các bạn đừng để cho người ta cướp mất niềm hy vọng! Khi thờ lạy Chúa trong tâm hồn anh chị em và liên kết với Chúa anh chị em sẽ biết chống lại sự ác, chống lại bất công, bạo lực bằng sức mạnh của chân, thiện, mỹ.

Anh chị em thân mến, Thánh Thể tụ họp chúng ta với nhau, Mình Chúa làm cho chúng ta trở nên một, một gia đình duy nhất, Dân Chúa quây quần quanh Chúa Giêsu, Bánh sự sống. Điều mà tôi đã nói với những người trẻ, tôi cũng nói với tất cả mọi người, đó là nếu anh chị em thờ lạy Chúa Kitô và bước theo Chúa và với Chúa, thì giáo phận, các giáo xứ của anh chị em sẽ tăng trưởng trong đức tin và bác ái, trong niềm vui loan báo Tin Mừng. Anh chị em sẽ là một giáo phận trong đó các cha mẹ,các LM tu sĩ, giáo lý viên, trẻ em, người già, người trẻ tiến bước cạnh nhau, nâng đỡ, tương trợ, yêu thương nhau như anh chị em, nhất là trong những lúc khó khăn.

Sau thánh lễ vào khoảng 6 giờ chiều ĐTC đã đáp trực thăng trở về Vatican bình an.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Angelus với ĐTC: Biến cuộc sống của chúng ta thành tấm bánh bẻ ra cho mọi người

Angelus với ĐTC: Biến cuộc sống của chúng ta thành tấm bánh bẻ ra cho mọi người

VATICAN. Trưa Chúa Nhật 22-6, như thường lệ, hàng chục ngàn tín hữu hành hương đã quy tụ về Quảng Trường Thánh Phêrô, Vatican để nghe chia sẻ của Đức Thánh Cha, đọc kinh truyền tin và nhận phép lành từ ngài. Nhân ngày Chúa Nhật Kính Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với mọi người về giá trí quý báu của Mình Máu Thánh Chúa, và ý nghĩa của việc bẻ bánh đời mình ra cho mọi người.

Khởi đầu bài chia sẻ, ngài nói: “Xin chào anh chị em,

Vào Chúa Nhật hôm nay, Ý và nhiều nước khác mừng lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô, trong tiếng Latinh gọi là Corpus Domini hay Corpus Christi. Cộng đoàn giáo hội quy tụ lại quanh Thánh Thể để thờ phượng gia sản quý báu nhất mà Đức Giêsu đã để lại cho mình.

Tin Mừng Gioan đã trình bày diễn từ của Đức Giêsu về “bánh hằng sống” trong Hội đường Caphacnaum, trong đó, Ngài nói:” Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh ta ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Đức Giêsu đã nhấn mạnh rằng Ngài không đến trái đất này để trao ban điều gì khác, nhưng là trao ban chính Ngài, sự sống của Ngài, như của ăn bồi dưỡng cho những ai có lòng tin vào Ngài. Sự hiệp thông này của chúng ta với Chúa thúc bách chúng ta, những môn đệ của Ngài, hãy noi gương Ngài, biến sự hiện hữu của chúng ta, qua thái độ sống của chúng ta, thành tấm bánh bẻ ra cho người khác, như chính Thầy đã bẻ bánh là chính thịt mình vậy. Về phần chúng ta, chính cách hành xử quảng đại dành cho người thân cận sẽ chiếu tỏa thái độ bẻ đời mình ra cho người khác.”

Ngài nói thêm rằng nhờ rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô mà đời sống của chúng ta được biến đổi. Ta sẽ có khả năng yêu một cách vô hạn như Thiên Chúa, Đấng không có giới hạn trong tình yêu. Ngài nói:

“Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, sự hiện diện của Đức Giêsu và của Thánh Thần hoạt đng trong chúng ta, khuôn đúc con tim chúng ta, thông truyền cho chúng ta những thái độ nội tâm, biến chuyển thành cung cách hành xử theo Tin Mừng. Trên hết, thái độ ngoan ngoãn với Lời Chúa, sau đó là tình huynh đệ giữa chúng ta, sự can đảm của chứng tá Kitô hữu, sự kỳ diệu của đức ái, khả năng trao ban hy vọng cho những ai đang mt đi niềm tin, khả năng đón tiếp những ai bị loại trừ. Theo đó, Thánh Thể làm cho lối sống Kitô hữu đưc trưng thành hơn. Bác ái ca Đức Kitô, nếu đưc đón nhận với con tim rộng mở, sẽ thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta, trao ban cho chúng ta khả năng yêu thương không theo mc đo lường của con người vốn luôn có hạn, nhưng theo thưc đo ca Thiên Chúa. Mà thưc đo của Thiên Chúa thì đến mức nào?

Không có giới hạn! Thước đo của Thiên Chúa là không có giới hạn. Tất cả! Tất cả! Tất cả! Không ai có thể đo lường được tình yêu của Thiên Chúa: vì tình yêu ấy là vô hạn! Chúng ta trở nên có khả năng yêu cả những người không yêu chúng ta: điều này không dễ tí nào, phải không? Yêu người không yêu chúng ta… Chẳng dễ tí nào! Bởi vì nếu chúng ta biết rằng một người không yêu chúng ta, chúng ta cũng sẽ chẳng yêu người ấy! Đúng không! Chúng ta phải yêu cả những ai không yêu chúng ta! Chúng ta hãy chống lại điều xấu bằng điều lành, bằng sự tha thứ, sẻ chia và đón nhận. Nhờ Đức Giêsu và Thánh Thần của Người, đời sống của chúng ta cũng phải trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho anh chị em chúng ta. Sống như thế, chúng ta sẽ khám phá ra niềm vui đích thật! Niềm vui khi biến mình thành món quà để đổi lại món quà to lớn hơn mà chúng ta đã lãnh nhận trước, không phải bởi công trạng của chúng ta. Điều này thật tuyệt vời phải không: đời sống của chúng ta trở thành món quà! Noi gương Đức Giêsu. Tôi muốn nhắc nhớ hai điều này. Thứ nhất, giới hạn của tình yêu Thiên Chúa là yêu không giới hạn. Điều này có rõ không? Cuộc sống của chúng ta, với tình yêu của Giêsu, nhận được từ Thánh Thể, tự biến thành món quà. Giống như cuộc sống của Giêsu vậy. Đừng quên hai điều này: giới hạn tình yêu của Thiên Chúa và yêu không giới hạn. Bước theo Đức Giêsu, chúng ta – với Thánh Thể – biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà.”

Sau cùng, ngài mời gọi mọi người hãy hướng lòng về Mẹ Maria để xin Mẹ giúp mình biết yêu quý Đức Giêsu như Mẹ:

Đức Giêsu, tấm bánh sự sống đi đi đã từ trời hạ giới và đã làm người nhờ đức tin của Đức Maria Cực Thánh. Sau khi đã cưu mang Người trong mình với một tình yêu khôn xiết, Mẹ đã theo Người một cách trung tín đến tận thập giá và sự phục sinh. Chúng ta hãy cầu xin mẹ giúp chúng ta tái khám phá nét đẹp của Thánh Thể, và biến Thánh Thể trở thành trung tâm của đời sống chúng ta, đặc biệt nơi Thánh Lễ Chúa Nhật và Chầu Mình Thánh Chúa.”

Sau buổi đọc kinh truyền tin, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu nhớ đến Ngày Liên Hiệp Quốc Gia chống lại nạn bạo hành vào ngày 26-6 tới. Ngài mạnh mẽ lên án nạn bạo hành dưới mọi hình thức và ngài xin mọi người hãy đấu tranh chống lại nạn này, đồng thời cầu nguyện, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình của họ.

Ngài cũng gửi lời chào đến tất cả các khách hành hương và xin họ cầu nguyện cho mình.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Tấm bánh tình yêu

Tấm bánh tình yêu

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Tấm bánh, tình yêu gần gũi.

Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.

Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Tấm bánh, tình yêu tự hiến.

Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm.

Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.

Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.

Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?

2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?

3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Mình Máu Thánh Chúa

Mình Máu Thánh Chúa

Một Mục sư nọ kể lại câu chuyện sau đây: Hai người lính vào trong một Giáo đường. Họ đứng giữa cộng đoàn đang sốt sắng cầu nguyện, người lính lớn tiếng đe dọa: Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn chết tại chỗ. Ai bỏ đạo thì đứng sang bên phải và được thả về; những người còn lại chuẩn bị để chết vì niềm tin của mình. Nhưng trong bầu khí hoàn toàn tin tưởng, không ai rời khỏi vị trí mình đang cầu nguyện. Trước bầu khí thinh lặng và thánh thiêng ấy, hai người lính kia thả súng xuống và nói: Chúng tôi là những người Kitô, sở dĩ chúng tôi đã hành xử như vừa rồi là vì chúng tôi muốn thử xem có ai là người sẵn sàng chết cho niềm tin của mình không? Và chỉ những người như thế mới đáng được về.

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa tra vấn các người Kitô, mỗi người chúng ta có quyết liệt đến mức sẵn sàng chết vì điều mình tin chăng?

Sách Phúc Âm của Gioan đã thuật lại cho độc giả tới màn khá gay cấn. Sau bài Tin Mừng, tác giả cho biết nhiều môn đệ của Chúa Giêsu không ngần ngại nói trắng ra điều họ nghĩ: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (Ga 6,60). Kết quả là nhiều môn đệ rút lui không còn tin vào Chúa Giêsu nữa, không còn đồng hành chung với Ngài nữa. Đó là lúc chính Chúa Giêsu đã muốn nhóm Mười Hai phải xác định rõ lập trường về niềm tin của mình: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Chúng ta biết, một bên là Phêrô đã tuyên xưng thay cho các Tông Đồ: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai. Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”. Và bên kia là Giuđa Iscariô không những bỏ Thầy mà còn phản Thầy nữa.

Toàn bộ chương VI của Phúc Âm thánh Gioan đặt các môn đệ trước thái độ quyết liệt này, các ông đã được thấy Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều (x. Ga 6,1-10), rồi đi trên mặt nước và trong nháy mắt thuyền đã cập bến không cần chèo chống (x. Ga 6,16-21). Rồi cuối bài giảng tại hội đường Capharnaum, ở đó Chúa Giêsu xưng mình là Bánh Hằng Sống (x. Ga 6,26-59). Bài Phúc Âm hôm nay rút từ bài diễn văn của Chúa tại Hội Đường Capharnaum: “Ta là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta đây để cho thế gian được sống”.

Chúng ta có còn tin tưởng vững vàng vào Lời Chúa phán hay không?

Ngày 3.5.1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh Lễ Mình và Máu Thánh Chúa tại đền thờ thánh Gioan Latêranô ở Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mong ước tất cả mọi người hiệp ý với Ngài dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể lời nguyện cho hòa bình tại Kosovo và cho tất cả mọi người trên thế giới. Sau đây xin được trích lại bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa để chúng ta cùng hiệp ý chia sẻ và mừng kính Lễ Mình Máu Thánh Chúa trong ngày hôm nay.

“Hỡi Sion, hãy dâng lên lời chúc tụng Đấng Cứu Thế”.

Lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa là ngày Lễ Chúc Tụng và Tạ Ơn. Trong lễ này, dân Kitô hiệp nhau quanh bàn thờ để chiêm ngắm và tôn thờ mầu nhiệm Thánh Thể, nhắc nhớ hy tế Chúa Kitô, Đấng đã ban cho tất cả mọi người ơn cứu độ và sự bình an.

Việc cử hành Thánh Lễ trọng thể và cuộc rước kiệu theo truyền thống, cả hai đều hướng đến một mục tiêu đặc biệt là cầu khẩn tha thiết cho “Hòa Bình”. Trong khi chúng ta tôn thờ Mình Thánh của Đấng là Đầu, là Chúa Giêsu. Làm sao chúng ta không liên đới để trở thành những chi thể của Người đang chịu đau khổ vì chiến tranh?

Phải, thưa anh chị em thân mến,

Những tín hữu Rôma và khách hành hương hôm nay, tất cả chúng ta bắt đầu cầu nguyện chung với nhau cho Hòa Bình. Chúng ta hãy cầu nguyện đặc biêt cho hòa bình tại Kosovo. Ước chi Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe soi sáng và hướng dẫn chúng ta.

Trong bài đọc thứ nhất vang lên mệnh lệnh của Chúa: “Con hãy nhớ lại con đường mà Thiên Chúa đã cho con đi qua” (Dnl 8,2). “Con hãy nhớ lại”, đây là mệnh lệnh thứ nhất, không phải lời mời gọi mà là mệnh lệnh Chúa gởi đến dân Ngài trước khi đưa họ vào đất hứa. Thiên Chúa ra lệnh cho họ là đừng quên.

Để có được sự hòa bình của Thiên Chúa hứa ban thì trước hết hãy “đừng quên”, hãy biết sử dụng những kinh nghiệm đã trải qua, kể cả những sai lầm, người ta cũng có thể rút ra một bài học để định hướng tốt hơn cho con đường mình đang đi. Khi nhìn về thế kỷ này và nhìn về ngàn năm sắp kết thúc, làm sao chúng ta không nhớ lại những thử thách khủng khiếp mà nhân loại đã gánh chịu, chúng ta không thể nào quên được, ngược lại chúng ta phải nhớ. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, giúp chúng ta rút ra những bài học đúng từ những thăng trầm chúng ta trải qua cũng như của những ai đã đi trước chúng ta.

Lịch sử muốn nói đến những khát vọng to lớn là muốn có hòa bình, nhưng cũng nói đến thất vọng mà nhân loại đã phải chịu nữa là “nước mắt và máu”. Chính ngày hôm nay 3.6.1963, cách đây hơn ba mươi năm về trước, Đức Gioan XXIII qua đời. Ngài là vị Giáo Hoàng của “Thông Điệp Hòa Bình Trên Mặt Đất”. Thông Điệp này đã được mọi người đồng thanh ca tụng biết chừng nào, trong đó có nói lên những đường nét chính đích thực cho việc xây dựng hòa bình thế giới. Nhưng biết bao lần trong những năm qua, người ta phải chứng kiến biết bao vụ bùng nổ, gây chiến, bạo lực, chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên, người tín hữu không đầu hàng, người tín hữu biết mình có sức cậy dựa vào sự trợ lực của Thiên Chúa. Về điểm này, những lời của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly thật là có ý nghĩa: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy đem lại bình an không như cách thức thế gian đã ban cho” (Ga 14,27).

Ngày hôm nay, chúng ta muốn hiểu thấu những lời này và hiểu cách sâu xa hơn nữa. Trong tinh thần, chúng ta hãy bước vào nhà Tiệc Ly với Chúa Giêsu qua việc Ngài trao ban chính Mình và Máu Ngài dưới hình bánh và rượu mà Ngài đã thực hiện ở Calvariô đang được tái diễn trong nhiệm tích Thánh Thể. Chính trong cách thức này mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta sự bình an. Sau này Thánh Phaolô đã bình luận: “Người là hòa bình của chúng ta”.

Khi trao ban chính Mình, Chúa Giêsu Kitô trao ban cho chúng ta chính sự bình an. Hòa bình của Chúa không phải là hòa bình của thế gian, nhưng hòa bình của Chúa Kitô là kết quả sự Vượt Qua của Ngài, nghĩa là kết quả của hy tế trong cuộc vượt qua của Ngài.

“Bánh mà Ta ban cho là Thịt Ta để cho thế gian được sống”. Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe, những lời này của Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu thế nào là nguồn mạch của hòa bình đích thực. Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta, là Bánh được trao ban cho thế gian để được sống. Đó là Bánh mà Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị, ngõ hầu để nhân loại được sống và sống dồi dào: “Thiên Chúa đã không tha Con Một Ngài, nhưng đã trao ban Con Một Ngài” (Ga 3,16), để cứu rỗi tất cả, như là Bánh nuôi sống tất cả.

Ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng thật rõ ràng. Để được sống thì không chỉ tin Chúa mà thôi, còn cần phải sống như Chúa, sống bằng sự sống của Chúa. Vì vậy mà Ngôi Lời đã Nhập Thể, chết và sống lại. Người đã ban cho ta Thánh Thần của Ngài, nhờ vậy mà chúng ta biết Thánh Thể, ngõ hầu chúng ta có thể sống nhờ Ngài, như Ngài sống nhờ Chúa Cha (Ga 6,5). Bí tích Thánh Thể là bí tích của hồng ân mà chính Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta, là bí tích của tình thương và hòa bình, là sức sống sung mãn “Bánh Hằng Sống, Bánh ban sức sống”.

Ước gì lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa gia tăng đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, vào Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, bước theo Chúa chúng con dấn thân chống lại bạo lực của con người trên con người mà không dùng đến bạo lực. Chúng con cần có sức mạnh của tình thương Chúa, chúng con cần lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống sự sống của Chúa, để được sức mạnh của Chúa, sức mạnh của tình thương chiến thắng trên bạo lực.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, nhờ bí tích Thánh Thể chúng con được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chúng con lãnh nhận sự sống của Chúa trong mình chúng con, xin cho chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.

Veritas Radio

Hy Lễ Cứu Độ

Hy Lễ Cứu Độ

1. Đất, nước, đá

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dùng đất nắn nên hình hài (St 2,7). Từ đó Tổ Tông loài người mang tên Đất (St 4,25;5,1-3). Ađam, tiếng Do thái nghĩa là đất.

Để cứu Dân Ngài thoát khỏi nô lệ Ai cập, vượt qua Biển Đỏ khô chân, lập giao ước Sinai với dân, Thiên Chúa đã dùng Môsê. Môsê, tiếng Do Thái nghĩa là nước (Xh 2,10)

Khi xây dựng Giáo Hội, Thiên Chúa lại dùng một con người đánh cá tầm thường, khi thì hùng hổ tuốt gươm bảo vệ Thầy Giêsu (x.Lc 22,50), khi thì sợ hãi chối quanh trước một đầy tớ gái (x.Lc 22,56-57). Người ấy Chúa Giêsu đặt tên là Đá (x.Mt 16,18). Kêpha, tiếng Do Thái nghĩa là đá.

Như vậy, lịch sử sáng tạo,lịch sử cứu độ quyện đan với những cái tên gọi tầm thường: Đất, Nước, Đá.

2. Bánh và rượu

Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người. Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của con người. Chính Chúa Kitô đã muốn trở nên gần gũi và cần thiết đó. Người muốn bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người để nuôi sống chúng ta hàng ngày.

Tình yêu Chúa Kitô làm nên sáng kiến tuyệt vời. Vì yêu thương hết mọi người, Chúa đã muốn trở nên bé nhỏ tầm thường trong thân phận một người thợ mộc ở Nazareth để có thể ở giữa mọi người, từ kẻ hèn cho đến người sang trọng, từ người thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi, từ người Do thái cũng như dân ngoại. Để trở thành của ăn nuôi mọi người,Chúa đã muốn trở thành tấm bánh ly rượu. Chỉ khiêm tốn và giản dị thế thôi để mọi người có thể ăn, chứ không phải là một bữa ăn đắt giá dành cho bậc quyền quý sang giàu.

Khi sinh ra đời, Chúa đã chọn cái chuồng bò. Khi sống ở Nazareth Chúa đã muốn làm một người thợ giữa những người lao động khác. Khi bắt đầu rao giảng tin mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường trong xã hội làm bạn đồng hành, làm bạn tâm phúc thừa kế sự nghiệp. Trong giờ sau hết, Chúa đã chọn tấm bánh ly rượu, chọn khung cảnh một bàn ăn giữa bạn bè, chọn một tư gia để Tạ Ơn, trong đó người vừa là chủ tế vừa là của lễ. Và Chúa muốn Giáo Hội tiếp tục lễ Tạ Ơn theo cách thức của Người bằng những phương tiện đơn sơ là tấm bánh ly rượu.

Chỉ cần một bông lúa, một chùm nho đủ làm nên tấm bánh ly rượu. Không cần cái gì cao sang đắt giá, to lớn như con bò, con bê, con cừu mà đạo Do thái vẫn tế lễ trong đền thờ. Với tấm bánh ly rượu, Chúa Giêsu còn muốn cho của lễ Tạ Ơn phải chính là sản phẩm hoa màu ruộng đất, lao công con người, của ăn thức uống căn bản và phổ biến nhất của con người.

Chúa Giêsu là bông lúa, là chùm nho mọc lên từ ruộng đất thế gian, nơi Người nhập thể làm người. Người đã biến đổi trong thân thể Người là Con Thiên Chúa và cũng là con loài người tất cả tinh hoa của ruộng đất, trở thành bông lúa chùm nho. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Chối từ cám dỗ của Satan hoá đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã tự ý biến đổi đời mình thánh Tấm Bánh để nuôi dưỡng con người.

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Chắc hẳn không ai hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, trong truyện Tôn Ngộ Không. Yêu tinh quyết tâm bắt cho được Đường Tam Tạng để ăn thịt. Nó tin rằng ăn thịt vị cao tăng này thì sẽ được trường sinh bất tử.Tôi nghĩ rằng giả như có ai giết Chúa Giêsu để ăn thịt Người (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường,và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói “Thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt và Máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất. “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.

3. Hy lễ cứu độ

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh thể để lễ vật bị sát tế ấy trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước, Máu của Đấng Cứu Thế đổ ra trên thập giá. Bởi đó Thánh thể và Thánh giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người hơn 20 thế kỷ qua. Thánh giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.

Thánh thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin. Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời”, người Do thái phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); ”Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta,chúng ta đều biết cả,sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42). Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi,thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?”( Ga 6,60). Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).

Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Người. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.Thần khí mới làm cho sống,chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.

Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh thể. Từ Thánh giá đến Thánh thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh thể. Bí tích Thánh thể là một sáng kiến của tình thương Thiên Chúa.Của ăn vật chất chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bảo tồn sự sống hữu hạn của con người.Để sống đời đời, con người được mời gọi ăn và uống Thịt Máu Chúa, nguồn ơn cứu độ nhân loại.

Đất nước đá cũng như bánh và rượu là những thực tại tầm thường trong cuộc sống, nhưng một khi đã gắn với lịch sử cứu độ là nó trở nên những điều kỳ diệu.

Cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa cũng thế. Sống đời sống thiêng liêng, siêu nhiên một cách tự nhiên. Sống đời sống tự nhiên một cách thiêng liêng, siêu nhiên.

Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng. Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Hiến lễ cuộc đời

Hiến lễ cuộc đời

Theo giáo lý của Hội thánh “Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ” (BT cứu độ).

Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ để qua đó chúng ta sẽ tham dự thánh lễ một cách tích cực và sốt sắng hơn. Vậy, thánh lễ là gì?

Thánh lễ là diễn lại cuộc hy tế của Chúa Giêsu ngày xưa trên thập giá, là bàn tiệc Nước Trời mà chúng ta được mời gọi tham dự; là thông phần khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, vì thế, khi chúng ta tham dự thánh lễ, là chúng ta đóng vai trò của:

– Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ dâng lên Thiên Chúa Cha lời xin vâng trọn vẹn qua sự hiệp thông với Con yêu qúy để cứu độ trần gian. Chính Mẹ đã kết hợp đau khổ từ trái tim của mình với đau khổ máu đổ tuôn rơi của Con để mang lại mùa xuân cứu rỗi cho trần gian.

Cũng vậy, khi chúng ta đi dâng thánh lễ, là chúng ta đem những lao công vất vả trong ngày của mình, những khổ đau trong tâm hồn, đem những tâm tình vui tươi, lạc quan của mình, hợp với của lễ trên bàn thờ là Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha, để nhờ Đức Kitô, xin Ngài ban ơn cho chúng ta, tha tội cho chúng ta và xin ơn cứu độ cho toàn thể thế giới. Một sự hy sinh vất vả của một đời lao nhọc để đem lại nguồn sống và hạnh phúc cho mái ấm gia đình, là một lễ vật tuy không đổ máu nhưng cô quặng trong những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. Đó là một hiến tế mà bổn phận đòi hỏi chúng ta phải chu tòan. Đó là lễ vật mà hằng ngày chúng ta có thể thưa lên với Chúa: “Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay cha để tôn vinh danh Chúa và sinh ơn ích cho toàn thể Hội thánh Người.

– Chúng ta cũng đóng vai trò của thánh Gioan Tông đồ, đã gan dạ đứng kề bên thập giá như một chứng nhân cho cái chết hiến tế của Thầy Chí Thánh Giêsu. Gioan không chạy trốn như bao môn đệ khác. Gioan không bàng quang như bao người khách qua đường, nhưng ông đứng dưới chân thập giá như muốn nói lên tấm lòng sẵn lòng cùng Thầy trải qua cuộc thương khó đau thương.

Cuộc sống của chúng ta luôn có thánh giá, thánh giá trong bổn phận, trong trách nhiệm, trong những lao nhọc của công ăn việc làm, trong những ưu tư lo lắng cho con cái, cho hạnh phúc gia đình. Đó là thánh giá mà Chúa đang cần chúng ta ôm lấy vào cuộc đời mình. Không trốn tránh thập giá, nghĩa là không lẩn trốn đau khổ, lẩn trốn trách nhiệm. Cuộc đời này ai cũng muốn an nhàn nhưng để được hưởng những tháng ngày an nhàn thì cần phải có những ngày tháng lao động cực khổ. Có gieo – có gặt. Có trồng mới có ngày hưởng nếm những thành quả của mình.

– Cuối cùng, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kitô là Đầu của Hội thánh hay không? Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm? Chúa Kitô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người. Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?

Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng. Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha. Phải đóng góp phần chúng ta như Gioan đứng sát cây thập giá để nói lên tình yêu thuỷ chung sắt son với Thầy, cho dù phải cùng Thầy trải qua những cam go của đỉnh đồi Calve.

Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ. Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao? Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?

Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa chấp nhận phân huỷ, mục nát là cuộc đời chúng con. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá đắng cay trong những thất bại, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm,… Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, cho dẫu tâm hồn và thân xác của con có tan nát nhưng xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền hiến dâng cho Thiên Chúa. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo phận Cassano all’Jonio

Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo phận Cassano all'Jonio

ROMA. Thứ bẩy 21-6-2014, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm mục vụ giáo phận Cassano all'Jonio thuộc miền Calabria, nam Italia, gặp gỡ các tù nhân, người khuyết tật, các linh mục, người cao niên và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Giáo phận Cassano cách Roma 400 cây số đường chim bay, có 106 ngàn tín hữu Công Giáo và hiện do Đức Cha Nunzio Galantino cai quản. Ngài cũng là Tổng thư ký HĐGM Italia. Vùng này thường bị nạn tổ chức bất lương N'drangheta, giống như mafia, hoành hành.

Chặng đầu tiên trong cuộc viếng thăm của ĐTC là nhà tù Castrovillari. Khi trực thăng chở ngài đáp xuống đây lúc quá 9 giờ sáng, Đức GM giáo phận cùng với ông thị trưởng và hàng trăm người đã nồng nhiệt đón tiếp, rồi ngài tiến vào nhà tù, Ông giám đốc Fedele Rizzo cùng với một toán cảnh sát chào đón, trước sự hiện diện của 200 người.

Lên tiếng sau khi thăm hỏi một số tù nhân, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm của ngài tại đây là để bày tỏ sự gần gũi của ngài cũng như của Giáo Hội đối với mỗi người nam nữ đang ở trong nhà giam ở các nơi trên thế giới. Ngài cũng nhận xét rằng khi suy tư về các tù nhân, người ta thường nói đến vấn đề tôn trọng các quyền con người và sự cần thiết phải có những điều kiện thi hành án tù tương ứng. Khía cạnh này trong chính sách về các nhà cải huấn tuy là thiết yếu, nhưng vẫn chưa đủ, nếu không được bổ túc bằng sự dấn thân cụ thể của các cơ quan nhắm giúp các cựu tù nhân tái hội nhập vào xã hội.

ĐTC nói: ”Khi mục đích này bị lơ là, thì việc thi hành hình phạt chỉ là một phương thế trừng phạt và là một sự trả đũa của xã hội, nhiều khi có hại cho chính đương sự và cho xã hội”.

ĐTC cũng nhấn mạnh đến chiều kích tinh thần của tiến trình tái hội nhập vào xã hội và nói: ”Trong hành trình này cũng có cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, khả năng để cho Thiên Chúa nhìn đến, Người là Đấng yêu thương chúng ta, cảm thông và tha thứ các lỗi lầm của chúng ta. Chúa là Thầy dạy sự tái hội nhập, Người cầm tay và dẫn chúng ta trở lại cộng đoàn xã hội. Chúa luôn tha thứ, tháo tùng và cảm thông chúng ta”.

ĐTC đã bắt tay chào từng nữ tù nhân và khi chào mọi ngừơi, ngài nói: ”Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi”.

Sau khi viếng thăm nhà tù, ĐTC cùng với Đức GM sở tại đáp trực thăng đến Cassano vào lúc 11 giờ. Tại đây ngài viếng thăm trung tâm thánh Giuseppe Moscato, chuyên chữa trị chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời.

Tiếp đến tại nhà thờ chính tòa Cassano, ĐTC đã gặp gỡ hàng giáo sĩ địa phương lúc 12 giờ trưa.

Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ngài nhắc nhở cho các LM về niềm vui làm linh mục, vẻ đẹp của tình huynh đệ, đồng thời khích lệ các vị làm việc với các gia đình và cho các gia đình. ĐTC nhận xét rằng nhiều khi LM cảm thấy khó chịu khi thinh lặng ở trước Nhà tạm Mình Thánh Chúa. Lúc ấy Chúa Giêsu cho chúng ta thấy mình là những người thợ tốt, hoặc chỉ là những công nhân, công chức; chúng ta là những máng mở rộng, quảng đại qua đó tình thương và ơn thánh của Chúa tuôn chảy dồi dào, hoặc chúng ta tự đặt mình ở trung tâm, và thay vì là máng chuyển, chúng ta trở thành những hàng rào không giúp gặp gỡ Chúa, với ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng”.

ĐTC cảnh giác các linh mục về thái độ cá nhân chủ nghĩa trong mục vụ, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa tuyên dương cái tôi, đến độ tôn thờ nó như thần tượng. Sau cùng, cần phải quan tâm giúp đỡ các gia đình trong thời kỳ khó khăn hiện nay, nhiều gia đình bị khủng hoảng. Ngài nói: ”Chún gta được kêu gọi làm chứng nhân, làm người trung gian về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với các gia đình và về sức mạnh ngôn sứ của Lời Chúa cho các gia đình”.

Sau cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ, ĐTC đã đến chủng viện Gioan Phaolô I của giáo phận để dùng bữa trưa với các bệnh nhân cho những người nghèo do Caritas giáo phận giúp đỡ cũng như các bạn trẻ thuộc cộng đồng cai nghiện ”Saman”.

Ban chiều lúc 2 giờ rưỡi, ĐTC viếng thăm những người già tại nhà dưỡng lão Casa Serana, trước khi đến Sibari để cử hành thánh lễ vào lúc 4 giờ rưỡi chiều với sự tham dự của khoảng 200 ngàn tín hữu. Sau cùng, lúc 6 giờ chiều ngài đáp trực thăng trở về Roma. (SD 21-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP
– Vatican Radio


 

Đức Thánh Cha tái bênh vực tự do tôn giáo

Đức Thánh Cha tái bênh vực tự do tôn giáo

VATICAN. Sáng 20-6-2014, ĐTC tái lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo và tố giác hiện tượng nhiều tín hữu Kitô vẫn còn bị bách hại trên thế giới ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 200 tham dự viên hội nghị quốc tế do Đại học Công Giáo Lumsa ở Roma tổ chức trong hai ngày 20 và 21-6-2014 về đề tài: ”Tự do tôn giáo theo công pháp quốc tế và cuộc xung đột các giá trị trên thế giới”.

ĐTC khẳng định rằng ”Lý trí nhìn nhận trong tự do tôn giáo một quyền cơ bản của con người, phản ánh phẩm giá cao cả nhất, phẩm giá của người có thể tìm kiếm và gắn bó với sự thật, và lý trí nhìn nhận trong tự do ấy một điều kiện không thể thiếu được để phát huy tất cả tiềm năng của mình. Tự do tôn giáo không phải chỉ là tự do tư tưởng hoặc phụng tự riêng tư. Đó là tự do được sống theo các nguyên tắc luân lý đạo đức phù hợp với chân lý đã tìm được, hoặc riêng tư hoặc công khai.”

ĐTC nhìn nhận rằng đây là một thách đố lớn trong thế giới hoàn cầu hóa ngày nay, trong đó tư tưởng yếu cũng hạ thấp trình độ luân lý nói chung và nhân danh quan niệm sai lầm về sự bao dung, người ta đi tới chỗ bách hại những người bảo vệ chân lý về con người và những hệ lụy luân lý đạo đức từ đó mà ra”.

ĐTC nhận xét rằng ”tự do tôn giáo, khi được khẳng định trong các hiến pháp và luật lệ, cũng như được biểu lộ qua những thái độ phù hợp, thì tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các quan hệ tôn trọng nhau giữa các tín ngưỡng và một sự cộng tác lành mạnh với Nhà Nước và xã hội chính trị, không lẫn lộn vai trò và không đối nghịch nhau. Thay vì những xung đột các giá trị trên thế giới, người ta giúp đạt tới sự cộng tác để mưu công ích, đi từ những giá trị được mọi người chấp nhận”.

Cũng trong buổi tiếp kiến, ĐTC mạnh mẽ lên án các cuộc bách hại tôn giáo. ”Sự bách hại này làm thương tổn lý trí, gây thiệt hại cho hòa bình và hạ nhục phẩm giá con người”.

Ngài nói: ”Đối với tôi, thật là một đau khổ lớn lao khi thấy các tín hữu Kitô trên thế giới đang phải chịu rất nhiều các vụ kỳ thị. Sự bách hại các tín hữu Kitô này này lớn lao hơn so với các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, và ngày nay có nhiều Kitô hữu tử đạo hơn cả trước kia. Điều này đang xảy ra 1,700 năm sau chiếu chỉ của Hoàng đế Constantino nhìn nhận tự do của các Kitô hữu được công khai tuyên xưng niềm tin của họ”.

Đại học Lumsa, tức là Đại học tự do Đức Mẹ Mông Triệu (Libera Universit Maria SS Assunta), có trụ sở gần Vatican, được thành lập năm 1939 và hiện gồm các khoa như: nhân văn, truyền thông, huấn luyện, tâm lý, luật khoa. kinh tế, chính trị và ngôn ngữ hiện đại. (SD 20-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chống chủ trương cho sử dụng ”ma túy nhẹ”

Đức Thánh Cha chống chủ trương cho sử dụng ”ma túy nhẹ”

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 20-6-2014 dành cho 450 tham dự viên hội nghị quốc tế chống ma túy, ĐTC mạnh mẽ phê bình việc cho sử dụng các loại ma túy gọi là nhẹ.

Lên tiếng trong dịp này, ngài cầu chúc hội nghị đạt tới mục tiêu là phối hợp các chính sách chống ma túy, chia sẻ những thông tin liên hệ và phát triển một chiến lược hành động chống lại nạn buôn bán ma túy.

ĐTC bày tỏ lo âu và đau buồn vì sự lan tràn nạn ma túy trên thế giới đồng thời khẳng định rằng: ”Tôi muốn nói thật rõ ràng: không thể chống ma túy bằng ma túy! Ma túy là một điều ác và không thể có thái độ nhượng bộ hoặc thỏa hiệp với điều ác. Tưởng rằng có thể giảm bớt thiệt hại của ma túy bằng cách cho những người sử dụng ma túy dùng những thuốc ảnh hưởng tới tâm lý thì không hề giải quyết được vấn đề. Những luật lệ cho sự dụng những thứ gọi là ”ma túy nhẹ”, kể cả bán phần, không những đáng tranh luận về mặt lập pháp, nhưng còn không đạt được những hiệu quả mà người ta đề ra. Đàng khác, ma túy thay thế như thế không phải là một sự trị liệu đầy đủ, nhưng chỉ là một cách thức trá hình đầu hàng hiện tượng ma túy. Tôi muốn lập lại điều mà tôi đã nói trong một dịu khác: không chấp nhận bất kỳ loại ma túy nào! (Tiếp kiến chung 7-5-2014).

ĐTC nói thêm rằng để phủ nhận ma túy, thì cần chấp nhận bênh vực sự sống, chấp nhận tình thương, chấp nhận tha nhân, giáo dục, công việc làm, và chấp nhận nhiều nguồn mạch công việc làm. Nếu có những thái độ như thế thì sẽ không còn chỗ cho ma túy, cho sự lạm dụng rượu, và những thứ nghiện ngập khác”.

ĐTC cũng nói đến sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo, theo gương Chúa Giêsu đối với người đau khổ, và không bỏ rơi những người sa vào vòng ma túy. ”Giáo Hội cầm tay họ, qua hoạt động của bao nhiêu nhân viên và người thiện nguyện giúp họ tái khám phá phẩm giá cảu mình, giúp họ phục hồi các tiềm năng và năng khiếu bản thân mà ma tùy đã chôn vùi, nhưng không thể hủy hoại vì mỗi người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa” (St 1,26) (SD 20-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa

Pope celebrate Holy Body and Blood of Christ

ROMA. Lúc 7 giờ chiều thứ năm 19-6-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano.

Tham dự thánh lễ, có đông đảo các HY và GM, cùng với các vị Giám Chức, LM và hàng chục ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc lại lời ngôn sứ Môisê trách dân Do thái khi được vào Đất Hứa đã Chúa Đấng đã dùng manna để nuôi họ trong sa mạc: ”Chúa là Thiên Chúa của ngươi.. đã nuôi ngươi bằng manna, mà người không nhận biết” (Dnl 8,2). ”Sau khi định cư, dân tuyển đạt được một sự tự lập, được sung túc phần nào, và họ gặp nguy cơ quên những biến cố đau buồn quá khá mà họ đã vượt thắng được nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa và nhờ lòng từ nhân vô biên của Chúa. Bấy giờ Kinh Thánh nhắn nhủ họ hãy nhớ tất cả hành trình đã trải qua trong sa mạc, trong thời thiếu thốn và cơ cực. Lời mời gọi của Môisê là hãy trở lại với những gì thiết yếu, với kinh nghiệm hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, khi sự sinh tồn được ủy thác cho Chúa, để con người hiểu rằng ”mình không sống bởi cơm bánh mà thôi.. nhưng còn nhờ tất cả những gì bởi miệng Thiên Chúa mà ra” (Dnl 8,3).

ĐTC giải thích rằng con người không phải chỉ đói thể lý, nhưng còn có cái đói khác không thể thỏa mãn bằng lương thực, đó là cái đói sự sống, đói tình thương, đói sự vĩnh cửu.. Chúa Giêsu ban cho chúng ta lương thực ấy, đúng hơn, chính Ngài là bánh hằng sống ban sự sống cho thế giới (Xc Ga 6,51). Mình Chúa là lương thực chân thực dưới hình bánh, và Máu ngài là đồ uống thực sự dưới hình rượu..

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa thông truyền cho chúng ta tình thương, một tình thương lớn lao đến độ Chúa nuôi chúng ta bằng chính mình Chúa, một tình yêu nhưng không, luôn được dành cho những người đói khát và cần bồi dưỡng sức lực. Sống kinh nghiệm đức tin có nghĩa là để cho Chúa nuôi dưỡng và kiến tạo cuộc sống của mình không phải trên những của cải vật chất, nhưng trên thực tại không hư nát là những hồng ân của Thiên Chúa, là Lời Chúa và chính Thân Mình Chúa”

ĐTC không quên cảnh giác các tín hữu đừng chạy theo những thứ lương thực khác. Ngài nói: ”Một số người nuôi dưỡng mình bằng tiền bạc, người khác bằng thành công và sự háo danh, kẻ khác nữa bằng quyền lực và kiêu ngạo. Nhưng lương thực nuôi sống chúng ta thực sự chỉ có thể là lương thực Chúa ban!”

Trong phần kết luận, ĐTC mời gọi mỗi người, ngày hôm nay hãy tự hỏi: Tôi ăn ở đâu? Tôi muốn nuôi sống mình ở bàn ăn nào? Nơi bàn ăn của Chúa? Hay là tôi ước mơ ăn những lương thực ngon lành, nhưng trong sự nô lệ? Đâu là ký ức của tôi? Phải chăng tôi nhớ đến Chúa đã cứu thoát tôi, hay nhớ đến củ hành củ tỏi của thời nô lệ? Tôi làm cho linh hồn tôi được no đầy nhờ ký ức nào?”

Sau thánh lễ, ĐHY Giám quản Roma, Agostino Vallini, đã thay ĐTC chủ sự cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa cùng với hàng ngàn tín hữu tiến bước trên quảng đường dài hơn 1 cây số, tới Đền thờ Đức Bà Cả. Còn ngài thì đi xe thẳng tới Đền thờ và đợi đoàn rước đến, rồi ngài chủ sự nghi thức ban phép lành Mình Thánh Chúa cho mọi người.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng, ĐTC không đi bộ rước kiệu trên quãng đường dài như vậy giữa hai Đại Vương cung thánh đường, vì ngài sắp thực hiện cuộc viếng thăm tại giáo phận Cassano miền Calabria vào thứ bẩy ngày mai, 21-6, và đồng thời, ngài cũng muốn sự chú ý của các tín hữu tập trung vào Mình Thánh Chúa trong cuộc rước, hợp với tinh thần của buổi lễ. (SD 19-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Khủng bố Hồi giáo nhắm vào các Kitô hữu trong cuộc tấn công thị trấn ở Kenya

Khủng bố Hồi giáo nhắm vào các Kitô hữu trong cuộc tấn công thị trấn ở Kenya

khung-bo-hoi-giao-nham-vao-cac-kito-huu-trong-cuoc-tan-cong-thi-tran-o-kenya

Theo hãng tin Telegraph cho biết, Al-Shabaab, nhóm khủng bố có liên kết với al-Qaeda của Somalia, đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công bởi hàng chục phần tử cực đoan tại một thị trấn ven biển Kenya vào đêm Chúa nhật, khiến 49 người thiệt mạng.

Nhóm Hồi giáo này cũng cảnh báo với khách du lịch và người nước ngoài nên tránh xa Kenya.
 
Nhóm tuyên bố, “Kenya giờ đây chính thức là một khu vực chiến tranh và bất kỳ khách du lịch nào đến thăm đất nước đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mình. Quí vị nên tránh xaKenya hoặc phải gánh chịu hậu quả cay đắng.”
 
Shebab cũng tuyên bố sẽ thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn nữa.
 
Trước đó, nhóm này đã tuyên bố sẽ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố để trả thù cho sự hiện diện quân sự của Kenya tại Somali. Cùng với các chiến binh từ Somali, nhóm cũng có nhiều tín đồ từ Kenya.
 
Cũng như các tay súng đã tấn công trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi vào năm ngoái, các nhân chứng của vụ tấn công hôm Chúa nhật ở Mpeketoni cho biết, các tay súng đã giết chết bất cứ ai không phải là người Hồi giáo hoặc không biết tiếng Somali.
 
Đức cha Emanuel Barbara, Giám Mục Malindi nói với Fides, “cuộc tấn công bắt đầu lúc 8 giờ 30 tối hôm 15/6, khi khoảng 50 quân du kích tiến vào trung tâm Mpeketoni. Họ lập tức tấn công đồn cảnh sát, cướp phá các kho vũ khí và giết chết một cảnh sát. Sau đó, họ phá hủy một ăng-ten điện thoại di động, nhưng may mắn thay còn có những ăng-ten khác nên tôi vẫn có thể giữ liên lạc với các linh mục và nữ tu. Cuối cùng, quân du kích tấn công hai khách sạn và buộc những người lái xe và người đi bộ dừng lại. Họ hỏi những người này là Hồi giáo hay Kitô hữu. Nếu là Kitô hữu, họ ra tay giết hại”.
 
Anne Gathigi cũng cho biết , “họ [tức nhóm khủng bố] đến nhà chúng tôi khoảng 8 giờ tối và hỏi chúng tôi bằng tiếng Swahili rằng, chúng tôi có phải người Hồi giáo không. Chồng tôi nói với họ chúng tôi là Kitô hữu và sau đó họ bắn ông ấy vào đầu và ngực.”
 
Vị Giám mục nói tiếp, “Tôi đã liên lạc với các mục tử và các nữ tu trong suốt cuộc tấn công giáo xứ và bốn tu viện của các nữ tu tại Mpeketoni. Một tu viện nằm ở trung tâm thị trấn. Cảm ơn Chúa, các nữ tu không bị liên lụy. Tôi đã nói với họ nên tắt điện và đừng di chuyển ra khỏi tu viện.”
 
Đức cha cho biết thêm, “cho đến nay đã có 48 nguời thiệt mạng nhưng đó vẫn chưa là con số cuối cùng.”
 
Đức cha Barbara kết luận, “Chúng tôi quan ngại sâu sắc, bởi cuộc tấn công diễn ra giữa thời điểm căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập. Vì lý do này, tôi xin quí vị hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để người dân Kenya không bị lôi cuốn bởi sự cám dỗ của lòng căm thù”.

 
(Hoàng Anh, VRNs 19.06.2014)

Hai nhà nhà thần học người Ba Lan và Pháp được trao giải thưởng Ratzinger

Hai nhà nhà thần học người Ba Lan và Pháp được trao giải thưởng Ratzinger

hai-nha-nha-than-hoc-nguoi-ba-lan-va-phap-duoc-trao-giai-thuong-ratzinger

Đài phát thanh Vatican cho biết, hai người chiến thắng giải thưởng Ratzinger năm 2014 đã được công bố hôm thứ Ba tại phòng Báo chí Tòa Thánh. Cả hai người chiến thắng đều là những học giả đã hoạt động tích cực trong cuộc đối thoại Công giáo-Do Thái.

Người đoạt giải thưởng thứ nhất là bà Anne-Marie Pelletier người Pháp. Bà là giảng viên khoa Thánh Kinh và Chú giải tại chủng viện Notre Dame ở Paris. Bà cũng từng dạy Thánh Kinh tại Học viện châu Âu về Khoa học Tôn giáo.

Bên cạnh đó, bà đã có thời gian phục vụ với vai trò là Phó Chủ tịch của Dịch vụ Thông tin, Tài liệu của người Do Thái và Kitô giáo ở Paris. Bà đã từng tham gia một số cuộc hội thảo được Tòa Thánh tài trợ, và là người dự thính tại Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2001 về vai trò của Giám Mục như là tôi tớ của Tin Mừng.

Đức Hồng Y Camillo Ruini, Chủ tịch Ủy ban Khoa học của Quỹ Ratzinger nói: “Giáo sư Pelletier là một nhân cách quan trọng trong Công giáo đương đại của Pháp.”

Người đoạt giải thứ hai là Đức ông Waldemar Chrostowski. Ngài hiện là tổng biên tập của tạp chí Ba Lan Collectanea Theologica, và từng là Chủ tịch của Hiệp hội học giả Kinh Thánh Ba Lan từ năm 2005. Ngài tham dự trong vai trò một chuyên gia tại trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa và sứ mạng của Giáo Hội năm 2008.

Ngài đã viết nhiều bài báo khoa học, với các lĩnh vực ưu tiên là Cựu Ước, đặc biệt là các sánh Tiên tri. Ngoài ra, Đức ông còn là một chuyên gia văn chương Do Thái trong thời điểm giao thời giữa hai giao ướ, tức khoảng thời gian giữa Thánh Kinh Do Thái cho đến Tân Ước, và là chuyên gia về giáo lý Do Thái cũng như mối quan hệ giữa Do Thái và Kitô giáo.

Đức ông Chrostowski phục vụ trong Thần Học Khoa Học viện Warsaw từ năm 1987. Ngài cũng là thành viên lâu năm của Ủy ban của Hội đồng Giám mục Ba Lan về Đối thoại với Do Thái giáo và Hội đồng các Kitô hữu và người Do Thái ở Ba Lan. Ngài là người Ba Lan đầu tiên giành giải thưởng Ratzinger.

Đức Hồng Y Ruini nói về Đức ông như sau, “ngài đã kết hợp chặt chẽ sự học hỏi nghiêm túc với niềm đam mê Lời Chúa, trong việc phục vụ Giáo Hội và mối quan tâm tới việc đối thoại liên tôn.”

Buổi họp báo cũng đã đưa ra một bản cập nhật về việc chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ tư của Quỹ Ratzinger, sẽ diễn ra ngày từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 10 năm 2014, tại Đại học Giáo Hoàng Bolivariana trong Medellín, Colombia. Hội nghị có chủ đề “Tôn trọng sự sống, con đường dẫn tới hòa bình.”

Hoàng Anh

Trích từ Báo Công Giáo

Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới

Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới

Giáo Hội là dân chúc tụng và là dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới. Giáo Hội do Chúa Giêsu thành lập, nhưng là một dân tộc có lịch sử dài được chuẩn bị từ rất lâu trước Chúa Kitô, một dân tộc được tình yêu của Thiên Chúa chúc phúc để đem phúc lành ấy đến cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18-6-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Sau khi chào tín hữu Đức Thánh Cha khen họ giỏi, vì với trời hay thay đổi bất thình lình trong những ngày này không ai biết sẽ có mưa hay không, nhưng ngài hy vọng Chúa thương để có thể kết thúc buổi tiếp kién mà không bị ướt.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha bất đầu loạt bai giáo lý mới về Giáo Hội. Ngài nói: nói về Giáo Hội cũng giống như một người con nói về mẹ mình và về gia đình mình. Và ngài định nghĩa Giáo Hội như sau:

Thật thế, Giáo Hội không phải là một cơ cấu có mục đích là chính mình hay một hiệp hội tư, một tổ chức phi chính quyền, lại càng không phải là hướng về hàng giáo sĩ hay về Vaticăng… Giáo Hội là chúng ta tất cả. Bạn nói về ai?” ”Không, về các linh mục..”. A, nhưng mà các linh mục là phần của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta chứ. Đừng thu hẹp Giáo Hôi lại nơi các linh mục, các giám mục, Vatican. Tất cả những điều này là các phần của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta. tất cả là gia đình, là của người mẹ. Và Giáo Hội là một thực thể rộng rãi hơn nhiều, rộng mở cho toàn nhân loại và không nảy sinh từ một phòng thí nghiệm, không nảy sinh một cách bất thình lình, từ số không. Giáo Hội được xây dựng trên Chúa Giêsu, nhưng là một dân tộc có một lịch sử dài sau lưng và một sự chuẩn bị đã bắt đầu từ lâu trước Chúa Kitô.

Lịch sử hay ”tiền sử” đó của Giáo Hội được tìm thấy trong Thánh Kinh Cựu Ước. Theo Sách Sáng Thế mà chúng ta đã nghe, Thiên Chúa đã lựa chọn Abraham là cha của chúng ta trong lòng tin, và đã xin ông ra đi, bỏ quê hương xứ sở để đi tới một miền đất khác, mà Người sẽ chỉ cho (x. St 12,1-9). Và trong ơn gọi này Thiên Chúa không chỉ gọi Abraham như là cá nhân mà thôi, mà cũng lôi cuốn ngay từ đầu gia đình, bà con và tất cả những người phục vụ nhà ông nữa. Rồi một khi đã lên đường – Phải, và Giáo Hội bắt đầu bước đi như thế – Thiên Chúa sẽ còn nới rộng chân trời và sẽ đổ tràn đầy phúc lành của Người trên Abraham, bằng cách hứa cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và như cát dưới biển. Dữ kiện quan trọng đầu tiên bắt đầu từ Abraham Thiên Chúa làm thành một dân để đem phúc lành của Người tới tất cả mọi gia đình của trái đất. Và Đức Giêsu sinh ra trong lòng dân tộc ấy. Chính Thiên Chúa làm nên dân tộc này, lịch sử này, Giáo Hội tiến bước và Đức Giêsu sinh ra trong dân tộc đó.

Yếu tồ thứ hai đó là không phải Abraham quy tụ một dân tộc chung quanh mình, mà là chính Thiên Chúa khai sinh ra dân tộc ấy. Bình thường con người hướng về thần linh, bằng cách tìm lấp đầy khoảng cách, bằng cách khẩn cầu sự yểm trợ và che chở. Người ta khẩn cầu các thần linh… Nhưng trong trường hợp này, trái lại người ta chứng kiến điều chưa từng thấy. Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau

Chính Thiên Chúa đưa ra sáng kiến. Chúng ta hãy nghe nhé! Chính Thiên Chúa gõ cửa nhà Abraham vá nói với ông: Hãy ra đi, hãy rời bỏ đất đai, hãy bắt đầu bước đi và Ta sẽ khiến cho ngươi trở thành một dân tộc lớn. Đó là khởi đầu của Giáo Hội và trong dân tộc này Chúa Giêsu sinh ra. Nhưng Thiên Chúa đưa ra sáng kiến và hướng lời Ngài tới con người bằng cách tạo ra một mối dây, một tương quan mới với ông. ”Nhưng thưa cha, làm sao? Thiên Chúa nói với chúng ta ư? ”Phải”. ”Và chúng ta có thể đàm thoại với Thiên Chúa à?” Phải, và điều này gọi là lời cầu nguyện, nhưng chính Thiên Chúa ban đầu đã làm điều đó. Như vậy Thiên Chúa làm thành một dân với tất cả những ai bước đi và tín thác nơi Ngài. Đây là điều kiện duy nhất: tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nếu bạn tin tưởng nơi Thiên Chúa, lắng nghe Ngài và bước đi đó là làm thành Giáo Hội. Tình yêu của Thiên Chúa đi trước tất cả. Thiên Chúa luôn luôn là đầu tiên, Ngài đến trước chúng ta, Ngài đi trước chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Ngôn sứ Isaia hay Giêrêmia, tôi không nhớ rõ, một trong hai vị đã nói rằng Thiên Chúa như hoa hạnh đào, bởi vì đó là cây đầu tiên nở hoa trong mùa xuân. Để nói rằng Thiên Chúa luôn luôn nở hoa trước chúng ta, lôi chúng ta tới, Ngài chờ đợi chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta, Ngài làm cho chúng ta bước đi. Ngài luôn luôn đi trước chúng ta. Và điều này gọi là tình yêu bởi vì Thiên Chúa luôn luôn chở đợi chúng ta. ”Nhưng mà thưa cha, con không tin điều

này, bởi vì cuộc đời con đã rất là xấu xa, làm sao con có thể nghĩ rằng Thiên Chúa chờ đơi con được?” ”Thiên Chơáu chờ đơi bạn. Và nếu bạn đã là một người tội lỗi lớn, thì Ngài lại càng chờ đợi bạn hơn với biết bao tình yêu, bởi vì Ngài là nhất. Đó là vẻ đẹp của Giáo Hội, đem chúng ta tới với Thiên Chúa, là Đấng chờ đợi chúng ta! Ngài đi trước Abraham. Ngài cũng đi trước cả Ađam nữa!

Tổ phụ Abraham và người nhà ông lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và lên đường, mặc dù họ không biết rõ Thiên Chúa đó là ai và Ngài muốn dẫn họ đi đâu. Đúng thế bởi vì Abraham lên đường và không có sách thần học để nghiên cứu xem vị Thiên Chúa đã nói với ông là ai. Ông tín thác, ông tín thác nơi tình yêu. Thiên Chúa làm cho ông cảm thấy tình yêu và ông tín thác nơi Ngài. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các người đó luôn luôn xác tín và trung thành. Trái lại, ngay từ đầu đã có các kháng cự, khép kín trong chính mình, trên các lợi lộc riêng, và cám dỗ mặc cả với Thiên Chúa và giải quyết các sự việc theo ý riêng. Đó là các phản bội và các tội lỗi ghi dấu con đường của dân dọc dài toàn lich sử cứu độ, là lịch sử sự tín trung cảu Thiên chúa và sự bất trung của dân. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mệt mỏi. Thiên Chúa kiên nhẫn, rất kiên nhẫn và trong thời gian Ngài tiếp tục giáo dục và đào tạo dân Ngài, như một người cha giáo dục và đào tạo con mình. Thiên Chúa bước đi với chúng ta. Ngôn sứ Hosêa nói: ”Ta đã bước đi với con và dậy con bước đi như một người cha dậy cho con mình”. Thật là hình ảnh dẹp về Thiên Chúa! Ngài làm với chúng ta như thế. Ngài dậy chúng ta bước đi. Đó cũng là thái độ Ngài có đối với Giáo Hội. Thật vậy cả chúng ta nữa, tuy có ý hướng theo Chúa Giêsu, nhưng hằng ngày chúng ta sống kinh nghiệm sự ích kỷ và cứng lòng. Nhưng khi chúng ta nhận mình là những kẻ tội lỗi, thì Thiên Chua đổ tràn đầy lòng thương xót và tình yêu của Ngài trên chúng ta. Ngài tha thứ cho chúng ta, ngài luôn tha thứ cho chúng ta. Chính điều đó làm cho chúng ta lớn lên như dân của Thiên Chúa, như Giáo Hội: không phải vì chúng ta giỏi, không phải do công lao của chúng ta, chúng ta ít ỏi chẳng là gì cả. Không phải cái đó mà là kinh nghiệm thường ngày cho chúng ta biết Chúa thương chúng ta và lo lắng cho chúng ta. Chính điều đó khiến cho chúng ta cảm thấy chúng ta là của Ngài, ở trong tay Ngài, và làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông với Ngài và giữa chúng ta với nhau. Là Giáo Hội có nghĩa là cảm thấy mình ở trong tay Thiên Chúa, là Cha và yêu thương chúng ta, vuốt ve chúng ta, chờ đợi chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy sự dịu hiền của Ngài. Và đây là điều rất đẹp!

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến đó là chương trình của Thiên Chúa. Khi Ngài gọi Abraham, Thiên Chúa đã nghĩ tới điều này: làm thành một dân tộc được phúc phúc bởi tình yêu của Ngài để dân tộc đó đem phước lành của Ngài đến với tất cả mọi dân tộc của trái đất. Chương trình ấy không thay đổi nó luôn luôn đang được thực hiên. Nơi Chúa Kitô nó đã có sự thành toàn và cả ngày nay nữa Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện nó trong Giáo Hội. Chúng ta hãy xin ơn trung thành với việc theo Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Ngài, sẵn sàng ra đi mỗi ngày, như tổ phụ Abraham, hướng tới miền đất của Thiên Chúa và của con người, là quê hương thật của chúng ta, và như thế trở thành phước lành, dấu chỉ tình yệu thương của Thiên chúa đối với tất cả các con cái Ngài. Tôi thích nghĩ tới một từ đồng nghĩa, một tên gọi khác má kitô hữu chúng ta có thể có, đó là những người nam nữ, là dân chúc tụng. Với cuộc sống của mình kitô hữu phải luôn luôn chúc tụng Thiên Chúa và chúc tụng cả chúng ta nữa. Kitô hữu chúng ta là dân chúc lành, biết chúc lành. Và đó là mổt ơn gọi đẹp!

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương các nước bắc Mỹ và Tây Âu cũng như các nhòm tín hữu Nigeria, Zimbabwe, Kuweit, Ấn Độ, Nigeria, Australia, Mexico, Puerto Rico, Argentina và Brasil. Ngài chúc họ có những ngày hành hương tươi vui bổ ích. Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết ngày thứ năm 19-6 lá lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngài cầu mong Thánh Thể dưỡng nuôi đức tin của người trẻ. Ngài khích lệ người đau yếu đừng mỏi mệt thờ lậy Chúa trong thử thách, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới học yêu thương, noi gương Chúa Giêsu hiến mình vì yêu thương và để cứu rỗi chúng ta.
Sau cùng ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hàn Quốc

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hàn Quốc

VATICAN. Hôm 18-6-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Hàn quốc, từ ngày 13 đến 18-8 tới đây, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Công Giáo Á châu.

– ĐTC sẽ rời Roma lúc 4 giờ chiều ngày thứ tư, 13-8 và bay tới căn cứ không quân ở thủ đô Hán Thành lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày hôm sau, 14-8. Ngài sẽ cử hành thánh lễ riêng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh vào lúc 12 giờ trưa. Sau đó lúc gần 4 giờ chiều cùng ngày sẽ có nghi thức đón tiếp chính thức tại Tòa Nhà Xanh là dinh tổng thống Hàn Quốc, rồi gặp gỡ chính quyền.

Tiếp đến, vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ngài sẽ gặp các GM Hàn quốc tại Trụ sở của HĐGM.

– Sáng hôm sau, thứ sáu 15-8, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến thành phố Đại Điền (Daejeon) và chủ sự thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời tại Sân bóng đá thế giới tại đây vào lúc 10 giờ rưỡi.

Sau lễ, ngài sẽ dùng bữa trưa với đại diện các bạn trẻ Công Giáo Á châu tại Đại chủng viện giáo phận Đại Điền.

Ban chiều, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Đền Thánh Solmoe để gặp gỡ các bạn trẻ Á châu vào lúc 5 giờ rưỡi chiều rồi trở về thủ đô Hán Thành.

Sáng thứ bẩy, 16-8, ĐTC sẽ kính viếng Đền các Thánh Tử Đạo Hàn quốc Seo So Mon, rồi trở về Quảng trường Khải Hoàn Môn ở thủ đô Hán Thành để chủ sự thánh lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo đứng đầu là vị Tôi Tớ Chúa Phaolô Duẫn Trì Trung (Paul Yun Ji-Chung).

Ban chiều cùng ngày 16-8, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Kkottongnae để viếng thăm Nhà Hy Vọng, lúc 4 giờ chiều. Đây là một trung tâm phục hồi những người khuyết tật.

Sau đó lúc 5 giờ 15 ngài gặp gỡ các cộng đồng dòng tu tại Hàn Quốc tại Trung Tâm Huấn nghệ ”Trường Tình Thương”, gặp các thủ lãnh tông đồ giáo dân ở Trung Tâm Linh Đạo, cũng tại thành phố Kkottongnae.

Sáng chúa nhật 17-8, ĐTC sẽ đáp trực thăng tới Đền thánh Haeni, gặp gỡ các GM Á châu tại đây lúc 11 giờ, và dùng bữa trưa với các vị. Ban chiều, lúc 4 giờ rưỡi, ngài sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội kỳ 6 của giới trẻ Công Giáo Á châu tại Lâu Đài Haeni.

Sáng thứ hai, 18-8, vào lúc 9 giờ, ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Tòa GM cũ của Tổng giáo phận Hán Thành trước khi cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ tại Nhà thờ Chính tòa Minh Đổng ở địa phương để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải.

Sau thánh lễ, ĐTC sẽ đáp trực thắng tới căn cứ quân sự Hán Thành, và sau nghi thức tiễn biệt, ngài đáp máy bay lúc 1 giờ trưa để bay trở lại Roma, dự kiến sẽ về tới phi trường Ciampino vào lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày 18-8. (SD 18-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio