TIỀN HÔ HẬU ỦNG

 TIỀN HÔ HẬU ỦNG 

Saint John Baptist

Thời phong kiến, mỗi khi vua chúa đi kinh lý viếng thăm dân tình, thì thế nào cũng có cờ xí rợp trời, võng lọng xênh xang, giáo mác đầy đường. Chung quanh kiệu vua là lính tráng sắc phục nghiêm túc, gươm đao chỉnh tề bảo vệ thiên tử. Ngoài ra, để mở đường, một tốp lính thị vệ đi trước cầm loa nói thật lớn (tiền hô) “Thánh thượng giá lâm”, cốt ý cho dân chúng biết mà tránh rạt sang hai bên bờ cỏ ven đường, nằm úp mặt xuống, miệng ngậm cọng rác (“cắn cỏ ngậm vành”) tỏ vẻ nhớ ơn trời bể của ông vua. Quân lính đi phía sau ứng tiếng (hậu ủng) tung hô “vạn tuế, vạn vạn tuế” nhiều lần. Do tích đó mà có thành ngữ “tiền hô hậu ủng”.

Hôm nay (24/6), Giáo hội mừng kỷ niệm sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả (cũng gọi là Gio-an Tiền Hô). Thử tìm hiểu xem tại sao thánh nhân lại có biệt danh ấy? Trước hết, cũng cần phải tìm hiểu xem vì sao thánh nhân lại có tên là Gio-an? Thánh sử Lu-ca trình thuật: “Đang khi Da-ca-ri-a dâng hương trong đền thờ, sứ thần của Chúa hiện ra và bảo: "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an…  Em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa.. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ" (Lc 1, 11-16). Theo tiếng Do-thái, Gio-an có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng thương xót”. Gio-an được sinh ra khi cha mẹ tuổi đã cao mà vẫn chưa có con, đó là một món quà đặc biệt thể hiện rất rõ lòng thương xót của Thiên Chúa. Như thế, Gio-an Tẩy Giả là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước vô cùng, để trở thành ngôn sứ loan báo tình thương xót, ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Gọi là thánh Gio-an Tiền Hô vì thánh nhân là người đi trước để dọn đường cho Đức Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô đi thi hành sứ vụ cứu độ trần gian. Nếu theo như lời Thánh nhân xác nhận: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói” (Ga 1, 23), thì lại nảy sinh vấn nạn: Hoang địa là đất hoang vắng không người ở, vậy thì thánh Gio-an hô cho ai nghe? Bài Tin mừng hôm nay (Lc 1, 57-66.80) đã trả lời cho vấn nạn đó: “… Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en” (Lc 1, 80). Như vậy là phải hiểu thánh Gio-an vào sống trong hoang địa là sống một cuộc đời khổ hạnh, chay tịnh (“ăn châu chấu và mật ong rừng”) để chiêm niệm về vai trò và sứ vụ của mình, nhất là về Đấng "quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần" (Mc 1, 7-8). Sau thời gian sống trong hoang địa, vào khoảng 30 tuổi, thánh nhân mới chính thức thi hành sứ vụ “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mc 1, 4-5). 

Điều đó cho thấy không thể hiểu cụm từ “tiếng hô trong hoang địa” theo nghĩa chiểu tự (nghĩa đen) mà phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng (nghĩa bóng). Chúng ta vẫn từng nghe nói “nhiều lúc thấy tâm hồn trống trải, hoang vắng như sa mạc” hoặc câu nói “tôi đang lang thang trong sa mạc cuộc đời”. Đó là những lúc không thấy một tư tưởng nào, một ấn tượng nào rõ rệt trong đầu óc, cũng chẳng có một điểm tựa nào cho cuộc sống thiếu vắng niềm tin. Và từ chỗ đó có thể suy ra tiếng hoang địa ở đây chính là tâm hồn (tâm địa) con người khi chưa có ánh sáng chân lý soi rọi, hoang vắng như sa mạc vậy. Và thánh Gio-an Tiền Hô là người được sai đến để khai thông hoang mạc tâm hồn con người, hầu đón nhận một tư tưởng chính thống, một niềm tin kiên định về một cứu cánh bất diệt: Hồng ân Cứu Độ từ nơi Thiên Chúa. Nói khác hơn, thánh Gio-an Tiền Hô là người được sai đến để thức tỉnh con người đang chìm đắm trong u mê tăm tối của sa mạc cuộc đời – Thức tỉnh cho loài người biết được thời của Con Một Thiên Chúa Cứu Độ Trần Gian đã điểm, Người đã đến, hãy dọn sẵn tâm hồn mà đón tiếp Người.

Còn vì sao lại gọi thánh Gio-an Tẩy Giả? Tiếng “tẩy giả” chỉ có nghĩa là người gột rửa (Tẩy: gột rửa, làm cho sạch sẽ những gì bị tì ố, dơ bẩn; giả: ông, người). Vậy thì thánh Gio-an Tẩy giả là người được Thiên Chúa sai đến để gột rửa tâm hồn (giục lòng con người biết ăn năn hối cải), mà đón nhận Lời Hằng Sống (“Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” – Lc 3, 3). Đối với con người, nếu muốn làm sạch thân thể hoặc một vật dụng nào đó, thì phải dùng nước – nước là nguyên liệu chính – để rửa sạch mọi vết nhơ. Từ thực tế đó, Thiên Chúa dùng nước làm biểu tượng Ngôi Ba Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới tẩy rửa tâm hồn con người cho nên thiện hảo được mà thôi (“Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” – Mt 3, 11).

Như vậy, thánh Gio-an Tiền Hô (hoặc còn gọi là Gio-an Tẩy Giả) được Thiên Chúa sai xuống trần với sứ vụ là “Hô” lên, là “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1, 4). Và khi mọi người nghe, rồi hưởng ứng tiếng “hô” của ngài, thì chính ngài sẽ thực hiện nghi thức “Tẩy” sạch tâm hồn của họ (“Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mc 1, 4-5), để xứng đáng tiếp đón Đấng Cứu Độ. Từ sự kiện đó, Giáo Hội thiết lập bí tích Thánh Tẩy (Phép Rửa) để tháp nhập những tín hữu vào Nhệm Thể Đức Ki-tô. Khi người tín hữu chịu Phép Rửa, thì cũng là lúc được tham dự vào ba chức vụ của Đức Ki-tô (ngôn sứ, tư tế, vương giả), tiếp nối bước đường của Thánh Gio-an Tẩy Giả “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đó cũng chính là sứ mạng tối hậu và khẩn cấp mà Thiên Chúa đang chờ đợi người Ki-tô hữu hoàn thành trong thời đại hiện nay.

Là Ki-tô hữu, người đã được chính Đức Giê-su “làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa" (Lc 3, 16), chúng ta không thể sống thiếu trách nhiệm về cuộc sống của mình và của tha nhân. Chúng ta càng không thể để cho những khuynh hướng xấu làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá con người “giống hình ảnh Thiên Chúa” nơi chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng phải là những chứng nhân về Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Loan báo Tin mừng không chỉ bằng lời nói mà trên hết phải bằng đời sống chứng nhân. Thật vậy, “Trong thế giới hôm nay người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu họ có nghe thầy dạy thì vì thầy dạy đó cũng là chứng nhân” (Thánh Gio-an Phao-lô II). Chúng ta phải hô to cho cả thế giới thấy rằng: ngoài đời sống vật chất, con người còn có đời sống tâm linh tương giao với Thiên Chúa. Tắt một lời, chỉ sống theo ý định của Thiên Chúa, con người mới tìm được hạnh phúc và an bình đích thực trong cuộc sống hôm nay và đạt được cứu cánh hạnh phúc đời sau.

Tóm lại, mỗi khi chịu Phép Rửa, người tín hữu được ơn gọi làm Ki-tô hữu, tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Giê-su (Hội Thánh) để thi hành sứ vụ “loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” được xây dựng trên nền tảng bất biến: Mến Chúa yêu người. Hãy vui mừng vì được cùng tiếp tay thánh Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ mạng, nhưng đừng quên cầu xin Thần Khi Chúa soi sáng, hướng dẫn, ban dũng khí để chu toàn sứ mạng được trao phó.

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gio-an Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Đức Ki-tô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen” (Lời nguyện nhập lễ lễ mừng Sinh Nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả).

JM. Lam Thy ĐVD. 

Comments are closed.