Chứng từ của người sống sót từ cuộc diệt chủng

Chứng từ của người sống sót từ cuộc diệt chủng

Trại tập trung Auschwitz

Montreal – Leon Celemencki, một người sống sót từ cuộc diệt chủng của Đức quốc xã đã chia sẻ với các bạn trẻ Canada ở Montreal, đang chuẩn bị đến Balan tham dự đại hội giới trẻ quốc tế vào cuối tháng 7.

Trong chương trình của ngày giới trẻ, các bạn trẻ cũng sẽ đến thăm trại tập trung Auschwitz ở Balan, nơi nhiều người Do thái đã bị giết. Nổi bật trong các người bị giam ở đây có thánh Maximilian Kolbe, vị thánh đã tình nguyện chết thay cho một người cha có gia đình và con cái.

Ông Celemencki năm nay 76 tuổi, là một người gốc Do thái. Vào năm 1942, khi ông mới chỉ được 2 tuổi, bà Faiga Tabacznick, mẹ của ông đã bị quân đội Pháp bắt và đưa đến Balan. Vào lúc đó các trẻ em chưa bị bắt và trục xuất. Do đó cha ông đã gửi ông và 2 người chị gái đến trại mồ côi, một nơi an toàn hơn. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1945, một đôi vợ chồng Công giáo đã nuôi 3 chị em ông. Ông bà thương yêu 3 đứa trẻ này và các em gọi họ là “ông”, “bà”. Các người thân yêu của ông: ông bà, 3 người chú bác, 7 cô dì, và nhiều anh em họ đã bị giết tại trại tập trung Auschwitz và Treblinka. Ông thường phối hợp với trung tâm tưởng niệm diệt chủng ở Montreal kể lại chuyện đời của mình cho cử tọa giới trẻ

Ông Celemencki nói ông không bao giờ đến trại tập trung Auschwitz, vì đó là một nơi khủng khiếp. Ông cảnh cáo các bạn trẻ sẽ đến đó: “Ở đó có 1 phòng chứa đầy gò tóc, rồi 1 phòng khác đầy giày dép đàn ông, đàn bà và trẻ em. Các bạn sẽ thấy những điều kinh khiếp…Tại sao người ta có thể thực hiện những hành động khủng khiếp như vậy? Nó đã xảy ra và nó không bao giờ nên tái diễn”.

Norman Levesque, người sẽ đồng hành với các bạn trẻ của phái đoàn giáo phận đi Balan nhận xét rằng cuộc gặp gỡ với các nhân chứng của nạn diệt chủng rất quan trọng cho việc chuẩn bị các thanh thiếu niên tham dự ngày giới trẻ quốc tế. Levesque đã hỏi ông Celemencki nếu ông muốn họ làm một cử chỉ đặc biệt gì ở Auschwitz, ông Celemencki trả lời là ông muốn là khi các người trẻ trở về họ sẽ nói cho mọi người những gì họ thấy ở đó và cam kết không bao giờ chấp nhận bất kỳ loại phân biệt chủng tộc hoặc chống Do Thái nào. Tất cả chúng ta đều bình đẳng, không kể tôn giáo, màu da và tất cả chúng ta mong chờ hạnh phúc. Mặt trời chiếu sáng cho tất cả. (CNS 10/6/2016)

Hồng Thủy Op

Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo giám quản tông tòa tại Guam

Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo giám quản tông tòa tại Guam

Archbishop Hon Tai Fai

VATICAN. Hôm 6-6-2016, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo,  làm Giám quản Tông Tòa ”tòa đầy” (sede plena) của Tổng giáo phận Agaña ở đảo Guam.

Đức TGM Hàn Đại Huy năm nay 66 tuổi (1950), sinh trưởng tại Hong Hong, thuộc dòng Don Bosco và đã từng làm Giám tỉnh tại đây. Ngày 23-12-2010, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm TGM Tổng thư ký Bộ truyền giáo và là người Hoa đầu tiên được bổ vào chức vụ này.

Tổng giáo phận Agaña ở đảo Guam có hơn 140 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 165 ngàn dân cư, và có 24 giáo xứ với 50 linh mục. Từ 30 năm nay, giáo phận này do Đức TGM Anthony Sablan Apuron dòng Capuchino coi sóc. Với quyết định trên đây của ĐTC, ngài vẫn giữ nguyên danh hiệu TGM giáo phận Agaña, nhưng việc cai quản do Đức TGM Hàn Đại Huy đảm trách.

Cha Lombardi cho biết Đức TGM Savio Hàn tiếp tục làm Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

Mạng thông tin cruxnow.com, truyền đi hôm 5-6-2016, đưa tin Đức Anthony Sablan Apuron bị tố giác về một vụ lạm dụng tính dục cách 40 năm: cậu bé Roy Quintanilla, năm nay 52 tuổi và sống tại Hawaii.

Phó tế Martinez, điều hợp viên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục của giáo phận Agaña cho rằng Đức TGM đang bảo vệ chính mình và chính sách của tổng giáo phận chống lạm dụng tính dục không được vững mạnh. Tòa TGM Agaña bác bỏ những lời cáo buộc này và thuê một văn phòng luật sư nổi tiếng của Mỹ cũng như đang cộng tác với một điều tra viên độc lập.

Đức TGM Apuron đã bãi phó tế Martinez khỏi chức vụ điều hợp viên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Giáo hoàng tặng quà đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi

Đức Giáo hoàng tặng quà đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi

Xe điện cho người tàn tật

Sáng nay, 4/6/2016, Đức tổng Giám mục Konrad Krajewski, đặc trách dịch vụ từ thiện của Đức Giáo hoàng đã trao tặng một món qua đặc biệt cho 2 vợ chồng khuyết tật cao tuổi đang được Hiệp hội trợ giúp y tế ở Tor Bella Monaca trợ giúp và chăm sóc.

Đó là một chiếc xe điện dành cho người khuyết tật để giúp họ có thể tự di chuyển. từ lâu 2 ông bà bị bó buộc trong căn hộ của họ vì tiểu đường và cao huyết áp. Người phụ nữ mới bị cắt 1 chân.

Hiệp hội trợ giúp y tế đã mở chiến dịch tương trợ để quyên góp cho đôi vợ chồng này để giúp họ giải quyết vấn đề di chuyển. Đức Giáo hoàng đã đi trước tất cả và thực hiện ước mơ của ông bà. (SD)

Hồng Thủy Op

 

Làn sóng mới chống Công giáo ở Pháp và Bỉ

Làn sóng mới chống Công giáo ở Pháp và Bỉ

martigues-ste-madeleine church

Paris, Pháp – Trong những tuần lễ này, các tín hữu Công giáo ở Bỉ và Pháp đã phải chịu đựng những bạo lực và tấn kích như đốt các nhà thờ, tấn công Linh mục, phạm thánh nhà Tạm, nơi đặt Thánh Thể, và hơn 100 trang mạng internet bị tấn công.

Trong tập san định kỳ “La Provence”, cha Benoît Delabre kể rằng cách đây 2 tuần, bàn thờ của nhà thờ thánh Madeleine-de-l'Île ở Martigue, khoảng 800 cây số về phía nam của Paris, bị đốt cháy. Cũng may là bàn thờ bằng đá cẩm thạch nên ngọn lửa không cháy lan và nhà thờ không bị thiêu hủy. Cha cũng cho biết hôm 15/5, một người lạ đã xúc phạm nhà Tạm trong nhà thờ ở Jonquières, cũng trong vùng Martigue. Còn hôm Chúa nhật vừa qua, chính cha Delabre đã bị một người đàn ông tấn công khi cha bắt giữ ông ta ở cửa nhà thờ vì ông ta dường như đang cố lấy trộm đồ vật.

Gaby Charroux, thị trưởng của Martigues nói là trộm cắp tại các nhà thờ ở Pháp rất thường xuyên và hứa là cảnh sát sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công.

Báo La Croix thuật lại là trong tháng 4, hơn 100 trang mạng internet của các nhà thờ và nhà dòng bị tấn công bởi các tin tặc chiến binh thánh chiến người Tunisi; họ tự gọi mình là nhóm Fallaga.

Ở Bỉ, chiều ngày 24/5, 2 vụ hỏa hoạn làm thiệt hại đáng kể nhà thờ có từ thế kỷ 16 ở Mont-Sainte-Geneviève. Vụ đầu tiên bắt đầu từ phòng thánh trong khi vụ thứ 2 bắt đầu từ mái nhà thờ. Các cảnh sát ở Hainut, 37 dặm về phía đôn gnam thủ đô Brussel đang truy tìm thủ phạm. (CNA 2/6/2016)

Hồng Thủy OP

Giáo hội Mông cổ sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên vào tháng 8 tới đây

Giáo hội Mông cổ sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên vào tháng 8 tới đây

Deacon Joseph Enkh-Baatar

Ulan Bato, Mông cổ – Cha Prosper Mbumba, thuộc dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria, thừa sai người Công gô tại Mông cổ nói với hãng tin Fides: “chúng tôi sẽ có vị Linh mục người Mông cổ đầu tiên, đó là Joseph Enkh, sẽ được Đức cha Wenceslao Padilla, Phủ doãn Tông tòa của Ulan Bato truyền chức vào ngày 28/8/2016. Sự kiện này có một tầm quan trọng đặc biệt cho giáo hội non trẻ được tái lập vào năm 1992 và hiện nay chỉ có hơn 1000 người được rửa tội. Việc phong chức Linh mục của một người bản xứ sẽ khơi dậy nơi người dân Mông cổ lòng nhiệt thành và ý nghĩa thuộc về một Giáo hội vốn từ lâu bị xem như là ngoại bang.”

Thầy Joseph Enkh được nhận chức phó tế vào ngày 11/12/2014 ở Nam Hàn nơi thầy được đào tạo và trở về Mông cổ tháng 1 vừa qua. Từ đó đến nay thầy tiếp tục phát triển kinh nghiệm mục vụ qua việc phục vụ trong các giáo xứ khác nhau của Mông cổ, nơi hiện tại có khoảng 20 nhà truyền giáo và 50 nữ tu của 12 Hội dòng hoạt đông trong 6 giáo xứ.

Cha Prosper cũng cho Fides biết là việc chuẩn bị cho lễ phong chức đang được chuẩn bị về mọi mặt. Các Ki-tô hữu cầu nguyện rất nhiều cho vị Linh mục tương lai của họ và các giáo xứ đang phát động các buổi học hỏi gíao lý để giúp cho dân chúng hiểu hơn về sứ vụ Linh mục. Trong mọi nhà thờ của Mông cổ đều có làm tuần 9 ngày cầu nguyện cho lễ phong chức. Nhiều tín hữu viết thư bày tỏ các suy nghĩ và chờ đợi của họ về vị Linh mục tương lai. Họ cho cha biết họ hãnh diện về ơn gọi của cha và họ tin tưởng về sự hiện diện của cha và công việc của cha. Cha Prosper kết luận: “Chúng tôi cám ơn Chúa về hồng ân này và về sự nhiệt thành này. Chúng tôi cầu nguyện để có một sự tuôn tràn mới của Thần Khí trên đất nước này”. (Agenzia Fides 1/6/2016)

Hồng Thủy OP

 

Giám Mục phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

Giám Mục phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

ĐHY Parolin - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

VATICAN. ĐTC Phanxicô qui định từ nay, GM giáo phận buộc phải xin ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng giáo phận, nếu không sắc lệnh thành lập sẽ vô hiệu.

Theo khoản giáo luật số 579 hiện hành, GM giáo phận có thể lập dòng trong lãnh thổ của mình, miễn là tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước đó. Trong thực tế có nhiều Giám Mục không hỏi ý kiến Tòa Thánh và vẫn lập dòng thành sự. Nay ĐTC xác định rõ hơn tính chất bó buộc của khoản luật này.

Phúc chiếu công bố hôm 20-5-2016, với chữ ký của ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định rằng:

”Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, ý thức rằng mỗi dòng tu mới, dù được khai sinh và phát triển trong một Giáo Hội địa phương, đều là một hồng ân cho toàn thể Giáo Hội, nhưng Bộ thấy cần phải tránh thành lập các dòng mới ở cấp giáo phận mà không có sự phân định đầy đủ, xác định tính chất đặc sắc của đoàn sủng, ấn định những nét đặc thù có đặc tính thánh hiến trong các dòng tu ấy qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm và ấn định các khả thể phát triển thực sự, Bộ thấy nên xác định rõ hơn sự cần thiết phải xin ý kiến của Bộ, theo giáo luật số 579, trước khi tiến hành việc thiết lập một hội dòng giáo phận mới.   Vì thế, theo ý kiến của Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, ĐTC Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ngày 4-4-2016 dành cho Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký tên dưới đây, qui định rằng việc hỏi ý kiến Tòa Thánh phải hiểu là cần thiết để thành lập hữu hiệu (ad validitatem) một dòng tu giáo phận, nếu không thì sắc lệnh thành lập dòng ấy sẽ vô hiệu lực.

Phúc chiếu này sẽ được công bố qua việc đăng trên báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2016, rồi được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Vatican ngày 11 tháng 5 năm 2016.

 Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh

 G. Trần Đức Anh OP

Các nữ tu Đức Mẹ núi Carmel Ấn độ hứa hiến tặng cơ phận khi qua đời

Các nữ tu Đức Mẹ núi Carmel Ấn độ hứa hiến tặng cơ phận khi qua đời

nữ tu dòng Đức Mẹ núi Carmel, Ấn độ

Khoảng 60 nữ tu dòng Đức Mẹ núi Carmel ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn độ, đã hứa hiến tặng các cơ phận của mình khi qua đời. Đối với họ, việc làm này là một đóng góp cho năm Thánh Lòng Thương xót. Chị Jaya Peter nói: “khi sống, chúng tôi phục vụ con người qua sự phục vụ xã hội và bây giờ, sau khi chết các cơ phận của chúng tôi sẽ hữu ích cho những ai cần đến chúng”. Chị cũng cho biết là 110 nữ tu Carmel ở Kerala cũng đã hứa như thế vào tháng trước.

Ở Ấn độ, người ta ngần ngại hiến tặng cơ phận dù cho thực tế là các cơ phận được hiến tặng đang rất thiếu. Theo chị nhiều người không ý thức về việc hiến tặng cơ phận và giáo dục họ về điều này rất là quan trọng. Ở Ấn độ, hàng năm có hơn 3000 việc cấy ghép cơ phận trong khi có hơn 1 triệu người đang chờ đợi chết vì không có cơ phận được hiến tặng để cấy ghép.

Cha Mathew Abraham, giám đốc Hiệp hội Sức khỏe Công giáo của Ấn độ, cho biết là nhu cầu về các cơ phận vượt quá khả năng cung cấp vì một số lý do. Người dân vẫn chưa biết tầm quan trọng của việc hiến tặng cơ phận và việc này có thể giúp họ và người khác thế nào. Họ không biết việc hiến tặng cơ phận được thực hiện thế nào. Ngay cả tôn giáo cũng có vài ảnh hưởng tiêu cực về việc này, ví dụ một số niềm tin vào sự sống sau khi chết. Các thành viên của Hiệp hội sự sống đang truyền bá ý thức về việc hiến tặng trên khắp quốc gia và khuyến khích người dân hiến tặng. (UCAN 16/5/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Cha Đinh Đức Đạo, tân Giám Mục chính tòa Xuân Lộc

Đức Cha Đinh Đức Đạo, tân Giám Mục chính tòa Xuân Lộc

Đức Cha Đinh Đức Đạo, tân Giám Mục chính tòa Xuân Lộc

VATICAN. Hôm 7-5-2016, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo:

”ĐTC đã nhận đơn từ chức GM giáo phận Xuân Lộc của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, theo khoản giáo luật số 401 triệt 1. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó, lên kế nhiệm”.

Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh năm nay 76 tuổi, sinh ngày 20-3 năm 1940 tại Phú Nhai, Bùi Chu, thụ phong linh mục năm 1966 tại Sàigòn. Năm 2000 ngài làm Tổng đại diện Giáo Phận Xuân Lộc và 4 năm sau đó, ngày 30-9 năm 2004, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM chính tòa Xuân Lộc, kế nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo năm nay 71 tuổi, sinh ngày 2-3 năm 1945 tại Thức Hóa, Bùi Chu. Thụ Phong linh mục tại Roma năm 1971, làm Phó Giám Đốc Trung Tâm linh hoạt truyền giáo ở Roma trong 31 năm trời, rồi làm Giám đốc trung tâm này năm 2007. Ngài cũng làm giáo sư rồi làm khoa trưởng phân khoa truyền giáo học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo. Về nước, Cha Đinh Đức Đạo làm Giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc từ năm 2009 đến 2013 là năm ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc.

Ngày 4 tháng 6 năm ngoái, Đức Cha Giuse Đạo được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị của Giáo Phận Xuân Lộc. Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, Giáo phận này có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 940.080 tín hữu, trên tổng số 3 triệu 205 ngàn dân cư, 248 giáo xứ, 545 linh mục triều và dòng, 145 đại chủng sinh, và hơn 1.800 nữ tu (SD 7-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị Dòng Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị Dòng Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi

Đức Thánh Cha tiếp kiến tổng tu nghị Dòng Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi

VATICAN. ĐTC khích lệ các tu sĩ dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi (mercedari) dấn thân trong sứ vụ ngôn sứ, loan báo Lời Chúa trong các môi trường ”ngoại ô” của cuộc sống con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ hai 2-5-2016 dành cho 50 thành viên tổng tu nghị dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, nhân dịp bắt đầu kỷ niệm 800 năm thành lập dòng (1218).

ĐTC nhắc đến chủ đề của Tổng tu nghị là ”ký ức và ngôn sứ trong các khu ngoại ô của tự do” và đề cao bao nhiêu thành tích của dòng trong 8 thế kỷ qua như cứu chuộc những người bị bắt làm nô lệ, dấn thân truyền giáo ở tân thế giới, bao nhiêu phần tử của dòng nổi bật về đời sống thánh thiện và trí thức. Ngài đặc biệt nhấn mạnh sứ vụ ngôn sứ mà dòng đang nhắm phát triển. ĐTC nói:

”Vị ngôn sứ là người được sai đi, được xức dầu, đã nhận lãnh ơn của Chúa Thánh Linh để phục vụ dân thánh của Thiên Chúa. Anh em cũng đã nhận lãnh một hồng ân và được thánh hiến để thi hành một sứ mạng là công trình từ bi thương xót: theo Chúa Kitô, mang Tin Mừng đến cho người nghèo và giải thoát kẻ bị tù đày (Xc Lc 4,18). Anh em thân mến, lời khấn dòng của chúng ta là một hồng ân và là một trách nhiệm lớn, nhưng chúng ta mang nó trong bình sành. Chúng ta không cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng luôn tín thác nơi lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Trong bối cảnh này, ĐTC đề cao tầm quan trọng của sự tỉnh thức, kiên trì trong việc nguyện gẫm, vun trồng đời sống nội tâm. Đó là những cột trụ nâng đỡ chúng ta. Nếu Thiên Chúa hiện diện trong đời sống anh em, thì niềm vui mang Tin Mừng của Chúa sẽ là sức mạnh và là niềm vui của anh em”. Ngài cũng nhắc nhở rằng ”vị ngôn sứ đi tới các khu ngoại ô, vì thế cần phải mang hành lý nhẹ. Chúa Thánh Linh là làn gió nhẹ thúc đẩy chúng ta tiến bước.”

Dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi do cha Pietro Nolasco thành lập năm 1218 tại thành Barcelona, Tây Ban Nha với mục đích nguyên thủy là giải thoát các tín hữu Công Giáo bị bắt làm nô lệ cho người Hồi giáo. Vì thế ngoài ba lời khấn thông thường, các tu sĩ của dòng có lời khấn cứu chuộc, dấn thân sẵn sàng đổi mạng cho các tù nhân có nguy cơ chối bỏ đức tin. Hiện nay dòng có 681 tu sĩ, trong số này có 529 LM, và hoạt động tại 159 nhà trên thế giới, theo niên giám năm nay của Tòa Thánh.

Sau công đồng Trento vào năm 1603, một số tu sĩ của dòng thành lập nhánh cải tổ và sống nhặt phép, nhưng hiện nay nhánh này chỉ còn 34 tu sĩ. (SD 2-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP   

Ki-tô hữu Hồng Kông tuần hành chống phá hủy Thánh giá

Ki-tô hữu Hồng Kông tuần hành chống phá hủy Thánh giá

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân

Hồng Kông – Một nhóm Ki-tô hữu do Đức Hồng Y Trần Nhật Quân dẫn đầu đã yêu cầu chính quyền Trung quốc ngừng việc phá hủy các Thánh giá ở lục địa Trung hoa và thả các lãnh đạo tôn giáo đang bị cầm tù.

Cuộc tuần hành phản đối do Học viện Công giáo Hồng Kông, Ủy ban Công lý Hòa bình của Hội đồng Giám mục  Vùng và các Ki-tô hữu tổ chức đã diễn ra trước Văn phòng đại diện của chính quyền Trung quốc ở Hồng Kông. Những người tham gia đã hô vang “tôn trọng tự do tôn giáo” trong khi đặt hoa để tưởng niệm những người đã chết để khẳng định quyền tự do này ở Trung Hoa.

Nhóm tuần hành đã nhắc cho những người hiện diện là từ cuối năm 2013, khi chiến dịch này bắt đầu bởi lãnh đạo đảng ở Chiết giang chống lại các biểu tượng Ki-tô giáo, đã có 2000 Thánh giá bị tháo bỏ hoặc phá hủy. Bên cạnh đó, đoàn biểu tình cũng yêu cầu chính quyền trung ương Bắc Kinh thả tự do cho các mục sư và các Linh mục bị cầm tù vì đã chống lại việc phá hủy Thánh giá.

Đức Hồng Y nguyên Giám mục Hồng Kông bày tỏ lo lắng là chiến dịch này có thể sẽ lan đến Hồng Kông. Ngài nói: “Sự tự do chúng ta có ở đây ngày càng ít hơn. Chúng ta cần phải nói, phải tố cáo những gì đang xảy ra vì có thể cả chúng ta cũng có thể phải chịu các chiến dịch chống Kitô giáo lây lan từ Trung Hoa đại lục.” Theo ngài, việc tố cáo sự thiếu tự do tôn giáo cũng là một nghĩa vụ luân lý.

Cuộc tuần hành của Hồng Kông xảy ra một ngày sau cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một đại diện của Mặt trận thống nhất (quy tụ tất cả các nhóm xã hội “không Cộng sản” của Trung Quốc hiện đại). Trong cuộc thảo luận, ông Tập nhấn mạnh các nhóm tôn giáo phải vâng theo Đảng: “Họ phải gắn bó với quyền lãnh đạo của Đảng. Đồng thời các đảng viên phải vô thần và theo chủ nghĩa Mác-xít: các đảng viên phải là những người canh giữ chống lại các sự xâm nhập từ nước ngoài, có thể đến qua các con đường tôn giáo, chống lại sự lãnh đạo của đảng.” (Asia News 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Hành trình ơn gọi của nữ tu Clare Crockett

Hành trình ơn gọi của nữ tu Clare Crockett

Sister Clare Crokette

Trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra tại Ecuador hôm thứ 7, 16/4 vừa qua làm cho hơn 400 người chết, khoảng 3000 người bị thương và 1700 người bị mất tích. Trong số những người thiệt mạng có nữ tu Clare Crockett, 33 tuổi và 5 em thỉnh sinh thuộc Hội dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ở Playa Prieta.

Clare Crockett là cư dân của thành phố Derry, Bắc Ái nhĩ lan, gia nhập dòng Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ ngày 11 tháng 8 năm 2001, khi được 18 tuổi và được diễm phúc khấn trọn đời ngày 8 tháng 9 năm 2010. Chị là người đã lồng tiếng cho nhân vật Lucy trong loạt phim thiếu nhi “Hi Lucy” được chiếu trên mạng truyền hình Lời Vĩnh cửu từ nhiều năm nay. Chị được miêu tả như siêu sao, là viên kim cương của gia đình và là người có khả năng làm cho gian phòng sáng lên với những năng khiếu Chúa ban. Chị có khả năng hài hước mang đến nụ cười cho nhiều người. Chị đã sáng tác nhiều bài hát và xem đây là cách giúp đem nhiều người đến với Chúa, giúp cho họ gặp được Chúa. Chị đã dâng hiến đời mình để đến với các trẻ em và những người trẻ. Chị đã chết như cách chị sống: quên mình giúp đỡ người khác. Vào ngày Chúa nhật vừa qua, khi chị đang dạy đàn guitar cho các trẻ em thì trận động đất xảy ra. Chị cố gắng đưa các em đến nơi trú ẩn nhưng tòa nhà đã sập đè trên chị và các em. Sau đây là chứng từ của chị về hành trình ơn gọi của mình.

“Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo. Tôi từ một phần nhỏ của cái thế giơi được gọi là Derry nằm ở Bắc Ái nhĩ lan. Nơi tôi lớn lên, “Công giáo” và “Tin lành” là những từ ngữ chính trị. Lớn lên trong một gia đình Công giáo không nhất thiết là bạn tham dự Thánh lễ hàng ngày hay có những đào tạo về đức tin Công giáo. Những người Công giáo muốn xây dựng một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Tin lành và ngược lại, những người Tin lành không muốn một Ái nhĩ lan thống nhất thì giết những người Công giáo. Công giáo đối với tôi nghĩa là những điều này. Thiên Chúa không có vai trò gì trong cuộc sống của tôi. Trong một xã hội mà sự thù ghét thống trị thì không có chỗ cho Thiên Chúa.

Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã muốn trở thành diễn viên. Khi tôi khoảng 15 tuổi, tôi đã tham gia vào một công ty diễn xuất và có người quản lý. Tôi là người giới thiệu cho một vài chương trình truyền hình, tôi viết kịch bản, diễn xuất trong nhiều vở kịch, đạt các giải thưởng, và khi lên 18 tôi đã có một vai nhỏ trong một cuốn phim. Tôi rất thích hội hè. Các ngày cuối tuần, kể từ khi tôi 16, 17 tuổi, là những ngày say sưa với bạn bè. Tôi tiêu tốn nhiều tiền vào rượu chè và thuốc lá.

Một ngày kia, một người bạn gọi tôi: “Clare, bạn có muốn đi Tây ban nha không?” Tôi nghĩ: một chuyến đi không mất tiền đến Tây ban nha, 10 ngày hội hè dưới ánh mặt trời ở Tây ban nha, dĩ nhiên là tôi muốn đi. Bạn tôi nói với tôi là các người tham dự sẽ gặp nhau vào tuần sau đó. Ngày hẹn găp đến và tôi đã đi đến nơi hẹn. Đi vào phòng, tôi thấy toàn những người khoảng 40 và 50 tuổi, trên tay đang cầm chuỗi Mân côi. Tôi hỏi họ: “Các cô sẽ đi Tây ban nha à?” Tôi hỏi họ và sợ là họ sẽ trả lời điều mà chỉ sau 3 giây tất cả trả lời một cách nhiệt tình: “đúng vậy, chúng tôi sẽ đi hành hương”. Tôi muốn trốn khỏi họ nhưng vì tên tôi đã có trên vé nên tôi phải đi. Bây giờ tôi nhận thấy cách mà Đức Mẹ dùng để mang tôi trở về nhà, về với Mẹ và con của Mẹ.

Sister Clare Crokette serves at Ecuador

Cuộc hành hương rơi vào Tuần Thánh, được tổ chức trong một đan viện thế kỷ 16, không hoàn toàn như những điều tôi nghĩ về Tây ban nha. Chúng tôi đã tham dự cuộc gặp gỡ Tuần Thánh với một nhóm gọi là “Gia đình của Mẹ” và tôi không thích thú lắm. Tuy nhiên, chính trong cuộc hành hương nàỳ mà Thiên Chúa ban cho tôi ơn nhận ra là Người đã chết cho tôi trên Thánh giá. Sau khi nhận ơn này, tôi biết là mình phải thay đổi. Tôi tự hỏi mình: “Nếu Người đã làm điều này cho tôi, tôi phải làm gì cho Người?”

Thật là dễ dàng để nói với Thiên Chúa: “con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn con làm” khi bạn đang tĩnh tâm hay đang cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa, nhưng khi bạn “xuống núi” thì điều này không còn dễ dàng nữa. Các nữ tu đã mời tôi cùng với họ và các bạn nữ khác đi hành hương đến Ý. Tôi đã tham gia và dù cho thái độ hời hợt bên ngoài của tôi, Thiên Chúa đã nói với tôi rõ ràng: Người muốn tôi sống như các nữ tu trong sự khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Tôi đã trả lời Người một cách ngay lập tức: “Con không thể là một nữ tu. Con không thể bỏ uống rượu, hút thuốc, hội hè, nghề nghiệp và gia đình của con”. Một điều không thể nghi ngờ là nếu Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta làm điều gì, Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và ân sủng để thực hiện. Không có sự trợ giúp của Người tôi không thể làm những điều phải làm để đáp lại lời mời gọi của Người và theo Người.

Sau khi tôi nhận ra điều Chúa đang gọi tôi làm, Người đã ban cho tôi một ơn lớn lao khi tôi đang tham gia một cuốn phim ở Anh. Tôi thấy rằng dù dường như tôi có mọi thứ, trong thực tế tôi chẳng cò gì. Tôi cảm thấy một sự trống rỗng to lớn khi tôi ngồi trên giường ngủ của khách sạn. Những điều tôi muôn tôi đã đạt được nhưng tôi vẫn không hạnh phúc. Tôi biết tôi chỉ thực sự hạnh phúc khi làm điều Chúa muốn tôi làm. Tôi biết là tôi phải bỏ mọi sự và theo Người. Tôi biết rõ ràng là Người đang yêu cầu tôi tín thác vào Người, đặt cuộc sống của tôi ở trong tay Người và tin.

Tôi bây giờ rất hạnh phúc được thánh hiến trong dòng các nữ tu Nữ Tỳ Gia đình của Mẹ. Tôi không bao giờ thôi ngạc nhiên về cách Chúa hoạt động trong các linh hồn, cách Người biến đổi cuộc sống của một người và làm chủ trái tim người ấy. Tôi cám ơn Chúa đã kiên nhẫn đối với tôi và vẫn tiếp tục thêm nữa. Tôi không hỏi Người tại sao Người đã chọn tôi, tôi chỉ đón nhận nó. Tôi hoàn toàn tùy thuộc vào Người và Mẹ Rất Thánh của chúng ta và tôi xin Người và Mẹ ban cho tôi được ơn trở thành bất cứ điều gì các Ngài muốn tôi là.” (EWTN, CNA 19/4)

Hồng Thủy OP

Vai trò quan trọng của gia đình trong cuộc chiến chống ma túy

Vai trò quan trọng của gia đình trong cuộc chiến chống ma túy

drugs-in-the-family

NEW YORK: Gia đình nắm giữ một vai trò nền tảng trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng ma tuý.

 

ĐTGM Bernarrdito Auza, Phát ngôn viên Tòa Thánh tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã khẳng định như trên trong bài phát biểu hôm 21 tháng 4 vừa qua trong phiên họp đặc biệt nhóm tại New York trong những ngày này. Mục đích phiên họp là xác định hướng đi tổng quát và các đường lối chính trị ưu tiên trên thế giới liên quan tới vấn đề ma tuý cho các thập niên tới đây. Trong bài phát biểu ĐTGM Auza nêu bật lập trường của Toà Thánh chống lại việc hợp thức hóa sử dụng ma tuý, trái lại cần phải đương đầu với các vấn đề khiến cho người ta rơi vào cám dỗ sử dụng ma tuý. Toà Thánh không bao giờ nhấn mạnh đủ về vai trò nòng cốt của gia đình trong các chiến thuật giúp phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và tái hội nhập người nghiện ma tuý vào cuộc sống xã hội. Các trẻ em được săn sóc thường cũng được giáo dục nói không với ma tuý. Nhưng rất tiếc trong các gia đình hiệp nhất, người ta cũng có thể trở thành nạn nhân của ma tuý.  Cả những người này cũng cần được nâng đỡ và các chữa trị từ phía các gia đình và cộng đoàn.   Trong nghĩa này không được để trên cùng một bình diện các người sử dụng ma tuý, các tay buôn bán ma tuý và các người phân phát ma tuý. Vì không phải mọi hành động liên quan tới mà tuý đều trầm trọng như nhau, và một kiểu trả lời không cân xứng không giúp phục hồi người nghiện ma tuý. Ngày nay ma tuý và các tai hại nó gây ra là một vấn đề   quốc tế, vì thế cần phải có sự cộng tác quốc tế đề ra một chiến thuật toàn vẹn và quân bình chống lại tệ nạn này (SD 22-4-2016)

 

Linh Tiến Khải

Sự hiện diện của các nữ tu Đaminh giữa những người di tản Iraq

Sự hiện diện của các nữ tu Đaminh giữa những người di tản Iraq

Nữ tu dòng Đa Minh tại Iraq

Năm 2014, quân đội Nhà nước Hồi giáo đã tràn vào khắp vùng đồng bằng Ninive của Iraq. Hàng ngàn Ki-tô hữu đã phải đi lánh nạn ở những vùng đất do người Kurd kiểm soát. Các Ki-tô hữu tiếp tục chờ đợi trong các trại tị nạn chật cứng người và đối diện với một tương lai bất định. Điều duy nhất chắc chắn đối với họ là dù cho bất cứ điều gì xảy ra, các nữ tu Đaminh sẽ vẫn luôn ở bên cạnh họ. “Chúng tôi không bao giờ rời bỏ người dân của chúng tôi. Dù cho họ đi bất cứ nơi đâu, chúng tôi sẽ đi với họ.” Chị Luma Khudher, một thành viên của Hội dòng các nữ tu Đaminh thánh Catarina Siena ở Iraq đã nói như thế.

Hội dòng các nữ tu Đaminh thánh Catarina Siena được thành lập ở Mosul, Iraq vào cuối thế kỷ 19. Qua nhiều thập kỷ, các chị điều hành các trường học và các trạm y tế trên khắp lãnh thổ Iraq. Năm 2003 khi quân đội Mỹ tấn công vào Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, các cơ sở của các chị trở thành nơi cư trú cho các gia đình di tản vì chiến tranh. Năm 2014, khi bị Nhà nước Hồi giáo đuổi ra khỏi Mosul, các nữ tu đã đến Qaraqosh, nơi họ được bảo đảm là các chiến binh Kurd sẽ bảo vệ thành phố. Nhưng các chiến binh Kurd này đã bị đánh bật và các chị cũng ở trong số những người chạy nạn.

Hàng ngàn người Iraq chạy nạn đổ vào Irbil và các cùng khác, nhưng chính quyền trung ương của người Kurd không thể giúp họ được nhiều vì nguồn kinh tế thu được từ dầu hỏa bị suy giảm khi công nghệ dầu hỏa đang có nguy cơ bị sụp đổ. Chính quyền trung ương của Iraq thì ở tận Baghdad và họ cũng không quan tâm lắm đến các Ki-tô hữu và các nhóm thiểu số khác. Giáo Hội Công giáo Iraq đã dấn thân kêu gọi sự tài trợ từ khắp thế giới, nhưng cũng không cải thiện được tình hình bao nhiêu. Trong tình cảnh bi thảm này, sự hiện diện của các nữ tu Đaminh đã  mang lại hy vọng cho những người tị nạn.

Chính các nữ tu cũng bị sốc trước tình cảnh hiện tại nhưng các chị đã cố gắng can đảm để an ủi những người khác. Chị Tổng phụ trách Maria đề nghị các chị bắt đầu từ sữa và tả lót. Các chị đi đến các trại khác nhau và phân phát tả lót và sữa; tả lót trở thành chăn và sữa là thực phẩm. Các chị đã trở thành các nhà quản lý đồ viện trợ cho cộng đồng người di tản. Ông Michel Constantin, giám đốc địa phương của Hiệp hội Phúc lợi Công giáo vùng Cận  Đông cho biết: “Các nữ tu có mặt ở mọi nơi. Khi chúng tôi hỏi về nhu cầu của các người di tản, không ai có thể trả lời như người có thẩm quyền, trừ các nữ tu.” Ông cũng cho biết có một lỗ hỗng trong Giáo hội địa phương vì họ không được chuẩn bị để đối phó với tình huống này. Các nữ tu có kinh nghiệm hơn; họ đã tham gia vào công tác xã hội với các trạm y tế, trường học và trại trẻ mồ côi, và họ đã tiếp xúc trực tiếp với dân chúng. Theo ông, cũng có nhũng Hội dòng khác nhưng các nữ tu Đaminh thì thống nhất. Các chị nói: có một nhu cầu và chúng tôi làm việc ngày đêm để giải quyết.

Các nữ tu rất hy sinh, không bao giờ than vãn về điều kiện sống khổ cực của họ. Một số chị lớn tuổi đã chết trong những tháng đầu khó khăn ở Erbil. Các chị không bao giờ nói về nhu cầu của mình nhưng chỉ nói về nhu cầu của dân chúng. Các chị mở rộng hoạt động y tế của mình, thêm vào những trạm y tế lưu động để giúp các người tị nạn đang sống ở những vùng xa. Các chị mở các trường học và các trường mầm non dạy bằng tiếng Ả rập và Aramai cho các người di tản.

Chị Khudher cho biết trung tâm công việc của các chị là lắng nghe người khác và Chúa Thánh Thần. Các chị chia từng 2 người đi đến các trại và lắng nghe dân chúng chia sẻ về những điều họ đối diện hàng ngày. Phần lớn vấn đề của họ là nhà cửa, trường học cho con cái họ. Các chị tìm được sức mạnh trong việc giữ đời sống thiêng liêng. Chị cho biết các chị không bao giờ ngừng việc cầu nguyện hàng ngày. Từ khi các chị đến Erbil, các chị tham dự Thánh lễ và giờ Kinh sáng, lần hạt ban trưa và giờ Kinh chiều.

Khi các chị được trở về lại Qaraqosh và Mosul thì nền tảng thiêng liêng này sẽ giúp cho các chị và những người di tản trong việc giao tiếp với những người Hồi giáo đã cộng tác với Nhà nước Hồi giáo. Chị thú nhận các chị cũng là những con người chứ không phải các thánh. Các chị rất giận dữ khi những người được các chị giúp đỡ, chữa bệnh và giáo dục lại quay lại chống các chị. Nhưng chị nói: “khi chúng tôi trở về, những người này đến bệnh viện của chúng tôi, tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ không điều trị cho họ. Chúng tôi chỉ thực hành những điều Chúa Giê-su dạy: tha thứ cho kẻ thù, yêu kẻ thù.Nó thật khó khi nghĩ về nó nhưng tôi nghĩ dân chúng sẽ thực hành điều này. Chúng tôi không chỉ cầu nguyện rồi không thi hành những điều Chúa Giê-su bảo chúng tôi làm.” (Catholic News Service 20/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Những nữ tu hạnh phúc nhất thế giới?

Những nữ tu hạnh phúc nhất thế giới?

Cali, Colombia --  Cộng đoàn “những truyền thông viên Thánh Thể của Thiên Chúa Cha” là cộng đoàn gồm các nữ tu yêu thích âm nhạc và ao ước rao giảng về Thiên Chúa bằng quà tặng tài năng mà Thiên Chúa ban cho họ. Cộng đoàn được Mẹ Gabriela del Amor Crucificado và cha Antonio Lootens thành lập năm 2004 từ 2 cộng đoàn đan sĩ ẩn tu. Cộng đoàn nằm trong Giáo phận Cali, tây nam Colombia, có 65 nữ tu dấn thân truyền giảng Tin Mừng qua phương tiện truyền thông xã hội.

Nữ tu María Victoria de Jesús cho Catholic News Agency biết: “sứ vụ tông đồ của các chị là loan báo Tin Mừng qua càng nhiều phương tiện truyền thông càng tốt”, và đặc sủng của các nữ tu là “truyền thông tình yêu của Thiên Chúa Cha.”

Nữ tu Maria Nazareth, người thành lập nhóm nhạc trong cộng đoàn nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI là Giáo hội sẽ có tội nếu không sử dụng các phương tiện hiệu quả của truyền hình, và lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II: nên có một nhóm những người thánh hiến hiến thân trong các phương tiện truyền thông. Chị nói: “cộng đoàn chúng tôi đã phát sinh như thế.”

Các chị đã phát hành album tiếng Tây ban nha “Yo le Canto” – Tôi hát – và đăng tải nhiều video ca nhạc khác trên mạng internet. Hiện tại các chị đang tiến hành thực hiện các bài hát mới để phát hành vào năm 2017, và đã phát thường xuyên trên các kênh Công giáo ở Colombia, Peru và Los Angeles.

 

Chị cho biết sứ vụ âm nhạc của các chị đã bắt đàu cách đây 3 năm khi các chị sản xuất CD đầu tiên với sự giúp đỡ của một số giáo dân. Chị nói: “Trong năm ngoài chúng tôi đã bắt đầu phát hành các video clip nhạc để có thể đến được với nhiều người hơn. Chúng tôi họat động trong các hình thức nghệ thuật và nghe nhìn như radio, phim ảnh, âm nhạc, và truyền thông xã hội.” Trong khi cộng đoàn được thành lập chủ yếu để hoạt động trong lãnh vực phương tiện truyền thông thì sức mạnh âm nhạc nổi lên một cách tự nhiên nơi các chị em có năng khiếu âm nhạc.

Chị Maria Nazareth nhận định rằng: “trước khi mang một thông điệp thì cần phải có một chứng nhân sống, trung thành với Thiên Chúa và với lời mời gọi của Người. Thật sự là các lời khấn nghèo khó, vâng phục và khiết tịnh giúp chúng tôi cho đi chính mình. Phương tiện đầu tiên của truyền thông là cuộc sống của chúng ta và đó chính là Tin mừng sống -- điều thế giới cần. Rồi những điều khác sẽ đến.”

Chị cho biết các công việc được các chị tự làm lấy, từ viết lời, đạo diễn hay quay phim. Các chị học cách để tạo nên những sản phẩm tốt, vì những sản phẩm chất lượng tốt là điều tốt nhất dành cho Thiên Chúa.

Chị nhấn mạnh: “mục đích của các chị là trợ giúp tất cả các giáo phận, không chỉ ở Cali, để Giáo hội có một sưc mạnh; có mặt ở mọi nơi mà người ta chưa có đức tin hay chưa biết về Thiên Chúa; tìm kiếm các con chiên lạc và củng cố những con không ở trong đàn.”

Chị kết luận: “Khi người ta nghe chúng tôi họ nói họ cảm thấy bình an, tình yêu của Chúa Cha, và có những người đã khóc. Các nữ tu đã chạm đến trái tim của người khác bằng chính cuộc sống cầu nguyện của các chị… những trái tim cần một tiếng nói khích lệ để cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương. Chúng tôi tìm cách để mang lại hi vọng cho con người.”

Các clip video của các chị có thể tìm thấy trên Youtube với tựa đề : “Yo le canto” (Catholic News Agency 14/04/2016)

Hồng Thủy OP

Chứng tá can đảm của các nữ tu “Tiểu muội người nghèo”

Chứng tá can đảm của các nữ tu “Tiểu muội người nghèo”

Little Sisters of the Poor

Notre Dame, Indiana – Các nữ tu “Tiểu muội người nghèo” (Little Sisters of The Poor) đã được hoan nghênh chào đón nhiêt liệt trong thánh đường Thánh tâm ở Đại học Notre Dame. Các nữ tu đã được nhận giải thưởng Evangelium Vitae” – Tin Mừng Sự Sống – vào ngày 9 tháng 4 vừa qua vì những phục vụ nổi bật của họ cho sự sống con người. Huy chương này được trao hàng năm từ năm 2011 bởi trung tâm đạo đức và văn hóa của đại học Notre Dame. Những người được nhận giải thưởng được loan báo trên báo Chúa nhật “Tôn Trọng Sự Sống” và huy chương được trao vào mùa xuân. Giải thưởng Tin Mừng Sự Sống có kèm theo 10 ngàn Mỹ kim. Trước đây hội Hiệp sĩ Columbus và các “Nữ tu Sự Sống” đã nhận được giải này.

Các nữ tu “Tiểu muội người nghèo” điều hành 30 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trợ giúp an sinh cho hơn 13 ngàn người lớn tuổi có thu nhập thấp.

Giải thưởng năm nay được trao chỉ 2 tuần sau khi Tòa án Tối Cao Hoa kỳ nghe những tranh luận trong vụ kiện của các nữ tu “Tiểu muội người nghèo”, các giáo phận Công giáo và các tổ chức khác, và các nhóm tôn giáo khác chống lại phán quyết liên bang yêu cầu hầu hết các chủ nhân, bao gồm chủ các cơ sở tôn giáo, cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho người lao động bao gồm biện pháp tránh thai, triệt sản và thuốc phá thai – ngay cả khi các bảo hiểm như vậy gây nên những xung đột về mặt đạo đức cho các chủ nhân.

Sự hoan nghênh bất thường dành cho sự kiên các nữ tu được giải thưởng đã bùng nổ trước đó, trong bài giảng của Đức Cha Kevin C. Rhoades ở Fort Wayne-South Bend trong Thánh lễ trước khi giải thưởng được trao. Ngài so sánh chứng tá của các nữ tu như chứng tá của các Tông đồ trong bài sách Tông đồ Công vụ, khi các ngài được gọi ra trước Công nghị, một tòa án tôn giáo, và được yêu cầu ngừng giảng dạy nhân danh Chúa Giê-su. Đức cha nói: “Trong Thánh lễ này, có một cộng đoàn các nữ tu hiện diện với chúng ta, những người đối diện với một phán quyết bất công, đã đứng lên, và hành động của họ đã nói những lời Thánh Phê-rô và các Tông đồ đã nói: ‘Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người.’”. Đức Cha cám ơn về chứng tá can đảm của các nữ tu. Sự hoan hô nhiệt tình bùng nổ trong nhà dòng đông nghẹt các sinh viên của đại học Notre Dame. Đây được xem như là phản ứng lại thông báo của ban lãnh đạo của đại học vào ngày 5 tháng 3, sẽ trao huân chương “Laetare” năm 2016 của đại học cho phó Tổng thống Joe Biden và cựu Chủ tịch Quốc hội John Boehner; cả 2 đều là người Công giáo.

Huân chương Laetare, được trao lần đầu vào năm 1883, là giải thưởng lâu đời và uy tín nhất được trao cho các người Công giáo Mỹ để nhìn nhận những đóng góp xuất sắc cho Giáo hội và xã hội. Trong quá khứ, trong số những người đã được trao giải có cố Tổng thống John F. Kennedy, Dorothy Day và Đức Hồng Y Joseph Bernadin.

Vài thành viên của đại học Notre Dame đã phản đối mạnh mẽ về quyết định trao huân chương cho phó Tổng thống Joe Biden vì ông đã không đồng ý với giáo huấn của Hội thánh về phá thai và hôn nhân. Cha John I. Jenkins, chủ tịch của đại học Notre Dame giải thích là 2 nhân vật trên không được trao giải vì lập trường chính trị của họ, nhưng vì những đóng góp và cống hiến cho văn minh. Tuy vậy, Đức cha Rhoades, Giám mục bản quyền cho biết ngài đã nói với cha Jenkins là việc vinh danh bất cứ viên chức ủng hộ phá thai, dù người đó đã có những đóng góp tích cực trong việc phục vụ công cộng. Trong tuyên bố hôm 14 tháng 3, Đức cha đã viết: “Giáo hội không ngừng kêu gọi các công chức, đặc biệt là các người Công giáo, về nghĩa vụ lớn lao và rõ ràng phải phản đối bất cứ đạo luật nào hỗ trợ và tạo điều kiện phá thai hay làm mất đi ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Tôi không đồng ý với việc trao giải thưởng cho những người vì đóng góp xuất sắc cho Giáo hội và xã hội mà không trung thành với nghĩa vụ này.”

Trong bài giảng hôm 9 tháng 4 Đức cha cũng nói: “Rao giảng bằng cuộc sống của chúng ta, bằng chứng tá của chúng ta là cần thiết và đòi sự can đảm…. Phải có một sự nhất quán giữa điều chúng ta tuyên xưng và cách sống của chúng ta, và điều này không chỉ bao gồm cuộc sống của chúng ta mà cả đời sống của cộng đoàn chúng ta, của giáo phận và giáo xứ, của các trường và đại học Công giáo, các cơ sở y tế và các cơ sở Công giáo khác.”

Sau Thánh lễ, huân chương “Tin Mừng Sự sống” được trao cho nữ tu Loraine Marie Maguire, giám tỉnh tỉnh dòng Hoa kỳ của dòng “Tiểu muội người nghèo”, đại diện cho các nữ tu. Cũng có sự hiện diện của khoảng hơn mươì nữ tu và các người hưu trí trong các cơ sở do các nữ tu phụ trách. Nữ tu Loraine Marie Maguire nói, các nữ tu Tiểu muội được khen ngợi ngoài những lời nói, còn nhận giải thưởng. Chị cám ơn các người cư trú trong các nhà của các nữ tu vì đã tạo nên sứ vụ của các nữ tu và  qua đó các nữ tu được giải thưởng. Chị kể lại là các nữ tu đã đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc chiến pháp luật, nhưng cũng nhận nhiều ân sủng và sự yêu thương trợ giúp, và đã đạt đến một tầm mức mới của đức tin và đức cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo chị, nhờ lời cầu nguyện, các nữ tu vượt qua những tháng khó khăn vừa qua. Lời cầu nguyện là thiết yếu để có thể bày tỏ sự chấp nhận và tôn trọng với những người có niềm tin khác chúng ta trong khi vẫn làm chứng về sự thật. Mẹ kêu gọi những người ủng hộ đang có mặt tại bữa tiệc xem xét “cam kết chung của chúng ta với Tin Mừng sự sống trong ‘Năm Thánh Lòng Thương xót’ bằng cách làm theo sự khuyến khích của Giáo hoàng Phanxicô: chiêm ngắm chăm chú hơn vào lòng thương xót để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ hiệu quả hơn của hoạt động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta.” (Catholic News Service 11/04/2016)

Hồng Thủy OP

Một cộng đoàn Phanxicô mới được thành lập ở Smyrna

Một cộng đoàn Phanxicô mới được thành lập ở Smyrna

Cha M. Perry dòng Phanxicô

Istanbul –  “Làm chứng cho Tin Mừng bằng cách thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn và đối thoại văn hóa theo phương pháp và tấm gương của thánh Phanxicô thành Assisi”, là tinh thần mà các tu sĩ Phanxicô dõi theo khi thành lập một cộng đoàn mới ở Smyrna, thuộc trung đông của Thổ nhĩ kỳ. Ban tổng cố vấn của dòng Anh em Hèn mọn, thường được gọi là Phanxicô, đã cho hãng tin Fides biết là Bề trên Tổng quyền, cha Michael A. Perry và Ban tổng cố vấn đã quyết định thành lập một cộng đoàn mới ở Smyrna để đồng hành với cộng đoàn hiện tại ở Istanbul. Cộng đoàn mới này là một cộng đoàn  quốc tế, bao gồm các tu sĩ đến từ mọi ngõ ngách của thế giới.

Ý tưởng thành lập cộng đoàn quốc tế này của cha Hermann Schalück, cựu Bề trên Tổng quyền của Dòng, đã xuất hiện trong chuyến viếng thăm Đức Bartholomew I. Vài năm sau, một cộng đoàn đầu tiên hoạt động cho đối thoại đại kết và liên tôn được xây dựng ở Istanbul. Nó làm chứng cho một cách sống loan báo Tin mừng, thúc đẩy đối thoại đại kết và liên tôn, hiệp thông với Giáo hội địa phương và cung cấp một hoạt động huấn luyện trường kỳ cho Dòng. 12 năm đã qua và bây giờ một cộng đoàn thứ hai xuất hiện.

Các tu sĩ Phanxicô ở Istanbul giải thích là “chiều kích rao giảng Tin mừng được sống chính yếu trong việc phát triển đối thoại đại kết và liên tôn. Những hoạt động thường niên bao gồm tuần cầu nguyện cho hiệp nhất, trao đổi và viếng thăm các anh em Hồi giáo trong tháng Ramadan, một khóa thường huấn về đối thoại đại kết và liên tôn đã được tổ chức 12 lần, một buổi họp mặt cầu nguyện theo tinh thần Assisi, cũng như các hoạt động khác tại Giáo hội địa phương. (Agenzia Fides 06/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đan viện Xi-tô lớn nhất ở châu Âu

Đan viện Xi-tô lớn nhất ở châu Âu

Đan viện Thánh giá

Một đan viện ở Vienna, thủ đô của nước Áo, nổi tiếng với album bình ca đứng đầu trên bảng xếp hạng, và cũng đạt kỷ lục về ơn gọi. Đâu là bí mật của sự thành công này?

Nằm sâu trong khu rừng ở ngoại ô của thủ đô Viên, đan viện Thánh giá thu hút hơn 100 ngàn du khách mỗi năm. Các du khách đến để tham quan một trong những đan viện thời trung cổ đẹp nhất thế giới. Họ ngắm nhìn ngôi nhà thờ kiểu Roman của đan viện và tu viện thuộc thế kỷ XIII, ăn trưa trong nhà hàng và mua vài chai rượu do đan viện sản xuất bán trong gian hàng nhỏ.

Nhưng đan viện Thánh giá không chỉ là một nơi thu hút dân chúng, mà hơn thế nữa, đan viện này đang lớn lên và đầy sức sống. Dù có lẽ chỉ được biết đến nhiều ở Anh quốc nhờ số kỷ lục hàng triêu CD nhạc bình ca được bán ra, xếp đầu bảng vào năm 2008, nhưng số các Linh mục được thụ phong ở đan viện còn nhiều hơn vài tổng giáo phận. Đan viện Xi-tô cổ kính nhất, được thành lập năm 1133, vẫn đang phát triển. Hiện tại đan viện có hơn 90 đan sĩ, gấp đôi số tu sĩ của 30 năm trước. và độ tuổi trung bình của các đan sĩ dưới 50. Ơn gọi đang bùng nổ. Năm ngoái đan viện nhận 8 tập sinh và ứng sinh đến từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Anh quốc.

14 đan sĩ hiện đang dạy tại phân khoa thần học trong khu đại học mới của đan viện. Với trên 300 sinh viên, đây là trung tâm giáo dục Công giáo rộng nhất trong vùng nói tiếng Đức. Phân khoa này một phần là đại học. một phần là chủng viện; các sinh viên bao gồm tu sĩ của các cộng đoàn, giáo dân nam nữ và 160 chủng sinh các giáo phận và dòng tu đến từ khắp châu Âu và các nước đang phát triển. Đan viện không chỉ hoạt động trong lãnh vực giảng dạy nhưng còn trong các sinh hoạt giáo xứ. Họ phục vụ trong khoảng chục giáo xứ.

Trong những đêm canh thức thường kỳ ở đan viện, có hàng trăm bạn trẻ tham dự các buổi cầu nguyện và thuyết trình, xưng tội và chầu Thánh Thể. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, một ít thường xuyên đến đan viện, số khác mới đến lần đầu do bị thu hút bởi những lời truyền miệng hay các ý kiến trên Facebook.

Đâu là nguồn gốc của sự thành công này? Cha Karl Wallner, viện trưởng của đại học, nói về sự phát triển của đan viện: “không phài nhờ các CD của chúng tôi. Chúng tôi làm các CD vì chúng tôi đã là một cộng đoàn trẻ trung và mạnh mẽ, được khuyến khích bởi Đức nguyên giáo hoàng Benedict XVI.” Cha nói thêm: “chúng tôi làm công việc của Thiên Chúa trong những cách thức bình thường mọi người có thể làm, không bị lôi kéo bởi một xu hướng tạm thời nào.” Cha cũng thuật lại lời của nguyên viện phụ Gerhard Hradil, bây giờ 87 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của cộng đoàn: giữ luật thánh Biển đức và 10 giới răn là đủ cho mỗi người. Vì vậy, cha kết luận: “chúng tôi cũng rất bình thường, chứ không phải những người theo “chủ nghĩa truyền thống” hay bất cứ chủ nghĩa nào khác. Chúng tôi chỉ là Công giáo, sống cho Thiên Chúa, mặc dù tu phục của chúng tôi thì trông buonf cười.”

Viện phụ Karl Braunsdorfer, qua đời năm 1978, án phong thánh đã được Đức Hồng Y Schönborn của Viên khai mở, là một nghị phụ tham dự Công đồng Vatican II. Sau khi từ Công đồng trở về, ngài đã bắt đầu cuộc cải cách đan viện, gieo những hạt mầm cho mùa gặt bội thu trong tương lai. Ngài khôi phục tinh thần đan tu, cải cách phục vụ theo đường hướng của Công đồng Vatican II: một ấn bản kinh phụng vụ mới tiếng Latin được làm riêng cho đan viện Thánh giá, và nhạc bình ca Gregorian có một vị trí nổi bật trong phụng vụ của đan viện; tu phục được giữ lại. Các du khách bị ngạc nhiên bởi nghi thức phụng vụ trang trọng, là tâm điểm cuộc sống của đan viện Thánh giá. Cộng đoàn cũng gây ấn tượng mạnh về sự phức tạp của một tập thể sinh động. Mọi người giữ quy luật nghiêm nhặt, bận rộn nhưng vẫn chiêm niệm. Khi cầu nguyện ở đó thời gian dường như dừng lai, nhưng các đan sĩ trong cuộc sống hàng ngày của họ là những người công nghiệp và hiên đại. Annabel Cole, một cây viết từ London, đã viếng thăm đan viện lần đầu vào cuối những năm 1990 đã nhận định như thế.

Cha Johannes Paul Chavanne, một trong các đan sí nói: “cầu nguyện rất là quan trọng trong đời sống hang ngày của chúng tôi. Chúng tôi, có thể nói, là những chuyên gia cầu nguyện. Chúng tôi cũng là những người của thế kỷ 21, chúng tôi dùng computer, điện thoại di động. Chúng tôi tham gia vào tất cả những gì xảy ra trên thé giới. Trên tất cả, chúng tôi phải biết cầu nguyện cho cái gì.”

 Đan viện đón nhận nhiều hình thức ơn gọi khác nhau, từ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở Trung Âu đến tôn kính các Thánh giá thật. Nghiên cứu học thuật ở mọi cấp bậc là một truyền thống của đan viện, cũng giống như việc đóng sách và mỹ nghệ. Đan viện mới đón nhận nhà điêu khắc hàng đầu từ cựu Đông Đức; những kính màu và bằng đồng của ông trang điểm khu đại học mới. Hai đan sĩ Hoakỳ lập các blogs tiếng Anh: sancrucensis.wordpress.com và cistercium.blogspot.co.uk. Cộng đoàn cũng có một kênh Youtube nổi tiếng, đó là “The Monastic Channel”, có nhiều clip video ngắn bằng tiếng Anh. Cũng có phim tài liệu về dự án bình ca “Top Ten Monks” do hệ thống truyền hình Hoa kỳ HBO thực hiện..

Ở đan viện Thánh giá cũng có những phòng đơn sơ trong khu nhà khách cho những ai muốn tìm sự thinh lặng và gặp gỡ Thiên Chúa, trong khi những người nam có ý định nghiêm túc về đời sống đan tu có thể sống kinh nghiệm đan tu vài ngày tại đây.

Cha Wallner nói: “mọi người nên thấy rằng Giáo hội không đang chết, nhưng đức tin Ki-tô đang sống, Chúng tôi là một điểm nóng cho tâm linh. Đối với nhiều người bên ngoài chúng tôi thật sự là dấu hiệu của hy vọng. Tôi nghĩ chúng tôi phải chấp nhận rằng trong những sa mạc của nền văn minh của chúng ta, đan viện Thánh giá giống như một ốc đảo của sức mạnh.”

Hiện nay, đan viện Thánh giá là đan viện Xi-tô lớn nhất ở châu Âu. (The Catholic Herald (UK) 28-3-2016)

Hồng Thủy OP

Mẹ Angelica qua đời hôm Chúa nhật Phục Sinh tại đan viện ở Hancevill, Alabama

Mẹ Angelica qua đời hôm Chúa nhật Phục Sinh tại đan viện ở Hancevill, Alabama

Mẹ Angelica

Irondale, AL. Mẹ Mary Angelica, nữ tu dòng chiêm niệm thánh Clara, người nổi tiếng thế giới như vị sáng lập mạng lưới Công giáo toàn cầu của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu đã từ trần vào lúc 5 giờ chiều giờ địa phương ngày Chúa nhật Phục sinh 27 tháng 3 vừa qua, hưởng thọ 92 tuổi.

Michael P. Warsaw, chủ tịch và giám đốc điều hành của đài truyền hình Lời vĩnh cửu nói: “Hôm nay là một ngày đầy đau buồn đối với toàn gia đình của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu. Đối diện với thử thách của bệnh tật và đau đớn kéo dài, tấm gương vui tươi và cầu nguyện liên lỉ của mẹ chứng tỏ tinh thần Phanxicô mà mẹ gắn bó chặt chẽ. Chúng tôi cám ơn Chúa về Mẹ Angelica và về đời sống phi thường của mẹ”.

Mẹ Angelica sinh năm 1923 tại Canton, Ohio, với tên gọi là Rita Antoinette Rizzo. Ngày 15 tháng 8 năm 1944, ở tuổi 21, mẹ gia nhập dòng các nữ tu chiêm niệm thánh Clara ở Cleveland. Một năm sau mẹ nhận tên tu sĩ là Mary Angelica Truyền tin. Không lâu sau đó, khi đan viện ở Cleveland thành lập một đan viện mới ở Canton, mẹ đã được chọn đến tu viện mới này. Mẹ khấn lần đầu ngày 2 tháng 1 năm 1947, và khấn trọng vào năm 1953. Năm 1956, trước cuộc phẫu thuật xương sống nguy hiểm, mẹ đã khấn hứa với Chúa, nếu mẹ có thể đi lại được, mẹ sẽ lập một đan viện ở miền Nam. Vào ngày 20 tháng 5 năm 1962, Đức Tổng giám mục Thomas J. Toolen của Mobile đã dâng hiến đan viện Đức Bà các Thiên Thần tại Irondale, Alabama.

Tại Irondale này, những ý tưởng của mẹ đã hình thành và những cách thức đặc biệt giáo dục đức tin Công giáo đã dẫn đến việc thực hiện các cuộc nói chuyện trong các giáo xứ, xuất bản các tờ rơi và sách, rồi các cơ hội trên đài phát thanh và truyền hình. Vào khoảng năm 1980, các nữ tu đã biến gara xe của nình thành phòng thu của đài truyền hình. Dù chỉ có vốn kiến thức của học sinh trung học, không có kinh nghiệm gì về lãnh vực truyền hình, và với số vốn chỉ có 200 đô la trong nhà băng, vào ngày 15 tháng 8 năm 1981, Mẹ đã bắt đầu hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và làm chủ tịch và giám đốc điều hành. Dù vài lần gần bị khánh kiệt tài sản nhưng mẹ đã từ chối kiếm tiền bằng các quảng cáo, chỉ dựa vào sự đóng góp của các khán giả. Sau 34 năm, hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu là hệ thống truyền thông rộng lớn nhất thế giới với 11 kênh truyền hình riêng biệt bằng nhiều thứ tiếng, phát đến với hơn 264 triệu gia đình ở 145 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chương trình “Mother Angelica Live”, trong đó sự hài hước và khả năng thông truyền đức tin Công giáo cho cả người Công giáo và không Công giáo của mẹ được biết, bắt đầu năm 1983. Các chương kế tiếp của chương trình tiếp tục phát sóng đều đặn và được dịch sang các thứ tiếng, bao gồm tiếng Tây ban nha, Đức và Ucraina.

Bên cạnh việc thành lập hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và đan viện Đức bà các Thiên Thần, Mẹ cũng thành lập dòng các nhà truyền giáo Phanxicô của Lời vĩnh cửu, một cộng đoàn nam tu, đặt trụ sở tại Irondale. Năm 1995, mẹ được Thiên Chúa soi sáng thành lập một đan viện mới và một nhà thờ trên khu đất rộng 400 mẫu tây ở vùng nông thôn Hanceville, Alabama. Vào năm 1999, các nữ tu đã di chuyển từ Irondale đến chỗ mới ở Hanceville này. Đan viện Đức bà các Thiên Thần và đền thánh Thánh Thể được dâng hiến vào tháng 12 năm 1999. Đền thánh này trở thành một trong những nơi được các khách du lịch thăm viếng nhiều nhất ở tiểu bang Alabama. Trước khi mẹ thôi giữ chức vụ Chủ tịch và giám đốc ban điều hành, tạp chí Time đã miêu tả mẹ Angelica “được cho là người phụ nữ Công giáo ảnh hưởng nhất Hoa kỳ.”

Trong cuộc đời mình, mẹ đã chiến đấu với bệnh tật và các thử thách thể lý. Vào đêm Giáng sinh năm 2001, mẹ đã bị đột quỵ vì suy nhược và xuất huyết não, dẫn đến hậu quả là mẹ bị liệt một phần và không thể nói được. Những năm cuối mẹ sống âm thầm lặng lẽ bên các chị em nữ tu trong đan viện ở Hanceville.

Vào năm 2009, mẹ được Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI trao huân chương “Pro Ecclesia et Pontifice” – “cho Giáo hội và Đức Giáo hoàng”,  nhìn nhận sự trung thành và việc phục vụ phi thường của mẹ cho Giáo hội Công giáo Roma. Huân chương này là một Thánh giá, là vinh dự cao nhất của Đức Giáo hoàng dàng cho giáo dân cũng như giáo sĩ. Vì tình trạng bệnh tật của mình nên mẹ đã nhận huân chương trong nơi ở cá nhân của mình. Nhưng trong một buổi lễ, Đức giám mục Robert J. Baker của Birmingham đã tuyên dương mẹ, ngài nói: “Những nỗ lực của mẹ Angelica đã đi tiên phong trong việc loan báo Tin mừng và có một ảnh hưởng to lớn trên thế giới chúng ta.” Đức Thánh Cha Phanxicô khi đang ở trên chuyến bay đến Cuba, cũng đã gửi lời chúc lành cho mẹ và xin mẹ cầu nguyện cho ngài.

Thánh lễ an táng của mẹ sẽ được cử hành vào thứ sáu ngày 1 tháng 4 tại đền thánh Thánh Thể ở Hanceville. Sau đó, thi hài mẹ sẽ được chôn cất tại nhà thờ hầm mộ của đền thờ. (EWTN 28/03/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 26-3-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 12 dự tòng gồm 6 người Albani, 2 người Hàn quốc, 1 người Hoa, phần còn lại là người Camerun và Ấn độ.

Trong số các tân tòng có Đại sứ Hàn quốc cạnh chính phủ Italia, Ông Stefano Yong-Joon Lee (Lý Vĩnh Tuấn) 60 tuổi, và Phu nhân Stella Hee Kim (Kim Hỉ) 54 tuổi. Ông bà Đại Sứ Hàn quốc cạnh Tòa Thánh, Francesco Kim Kyung-Surk, làm cha mẹ đỡ đầu cho hai đồng hương của mình.

Người trẻ nhất trong các tân tòng là cô Mary Stella Trương Lý (Li Zhang) người Hoa, 22 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 30 GM và 300 linh mục, trong đó có một số là người Việt, trước sự tham dự của khoảng 9 ngàn tín hữu.

Như thường lễ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC mời gọi các tín hữu sống niềm hy vọng đi từ biến cố Chúa Phục Sinh. Ngài phân tích hai thái độ của thánh Phêrô và các phụ nữ chạy tới mộ Chúa, đặc biệt là lời các thiên thần nói: ”Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những người chết” (Xc v.5).

ĐTC nói: ”Cả chúng ta, như thánh Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể tìm được sự sống nếu cứ buồn sầu và không hy vọng, tự giam mình làm tù nhân nơi chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở rộng những ngôi mộ đóng kín của chúng ta, để Chúa Giêsu đi vào và ban sự sống; chúng ta hãy mang đến cho Chúa những tảng đá cay đắng và những khối đá của quá khứ, những gánh nặng của yếu đuối và sa ngã. Chúa muốn đến và cầm tay chúng ta, để kéo chúng ta ra khỏi lo âu. Tảng đá đầu tiên phải lăn đi khỏi trong đêm nay, đó là sự thiếu hy vọng khép kín chúng ta nơi chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy kinh khủng này, khỏi tình trạng là những Kitô hữu không hy vọng, sống như thể Chúa không sống lại, và thái độ coi những vấn đề của chúng ta là trung tâm cuộc sống”.

ĐTC cũng nhắn nhủ rằng: ”Hôm nay là ngày lễ hy vọng của chúng ta, là ngày cử hành xác tín này: không bao giờ một điều gì và không ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô” (Xc Rm 8.39) (SD 26-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Giáo Hội Công giáo Hoa kỳ có hàng ngàn thành viên mới vào dip lễ Phục Sinh

Giáo Hội Công giáo Hoa kỳ có hàng ngàn thành viên mới vào dip lễ Phục Sinh

Rửa tội Vọng Phục sinh

Các giáo phận trên khắp Hoa Kỳ đã báo cáo về cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ con số các dự tòng và ứng viên gia nhập Giáo hội vào đêm vọng Phục sinh năm nay. Dự tòng là những người chưa bao giờ được rửa tội, họ sẽ nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và rước lễ lần đầu vào đêm vọng Phục sinh. Còn các ứng viên là những người đã được rửa tội trong một truyền thống Ki-tô khác và phép rửa tội này được Giáo hội Công giáo công nhận. Những ứng viên này sẽ gia nhập Giáo hội qua một nghi thức tuyên xưng đức tin, và sau đó sẽ nhận bí tích Thêm sức và rước lễ lần đầu.

Có những giáo phận đón nhận hơn 1000 dự tòng và vài trăm ứng viên vào dịp này như Tổng giáo phận Los Angeles, giáo phận lớn nhất Hoa kỳ, sẽ đón nhận 1638 tín hữu mới; giáo phận Orange có 915 dự tòng và 622 ứng viên; tổng giáo phận New York chào đón 497 dự tòng và 1116 ứng viên, giáo phận Washington thì nhận 1375 tín hữu mới. Cũng có số đông dự tòng và ứng viên ở vùng Texas như giáo phận Forth Worth có 587 ứng viên và 626 dự tòng, trong khi giáo phận Austin có 359 dự tòng và 393 ứng viên.

Có một điều đặc biệt là trong nhiều giáo phận có các gia đình mà toàn bộ thành viên sẽ gia nhập Giáo hội trong đêm vọng Phục sinh này. Từ việc một thành viên trong gia đình mong muốn gia nhập Giáo hội Công giáo, các thành viên khác của gia đình cũng chia sẻ mong muốn tốt đẹp này và cùng đăng ký học hỏi gia nhập Giáo hội. Pamela Morrison, một giáo dân thuộc tổng giáo phận Philadelphia cho biết, cuộc trở lại của bà là một hành trình dài được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Bà và chồng của bà sẽ nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể vào đêm Vọng Phục sinh này. Bà nói: “Tôi đã biết đây là nơi tôi thuộc về, nhưng nó còn thêm một ơn nữa là chồng tôi sẽ gia nhập Giáo hội Công giáo với tôi.” Còn gia đình của Anthony và Kimberly Sim thì lại quyết định cùng gia nhập Giáo hội Công giáo khi con gái của họ, 12 tuổi, học sinh một trường Công giáo, bày tỏ ý định muốn được rửa tội. Một trường hợp khác ở tổng giáo phận Baltimore, một thiếu nữ 14 tuổi đã nhận đức tin Công giáo khi cô chiến đấu với bệnh ung thư. Phục sinh này cô sẽ cùng mẹ và 2 chị em khác lãnh nhận các bí tích khai tâm, trong khi cha của cô cũng sẽ sớm hoàn tất chương trình gia nhập đạo. (Zenit)

Hồng Thủy OP