Kinh nghiệm cầu nguyện trong lúc đau khổ của bà Jennifer Hubbard

Kinh nghiệm cầu nguyện trong lúc đau khổ của bà Jennifer Hubbard

Jennifer Hubbard 1

Đối với nhiều người, cầu nguyện thật là khó khăn trong những giờ phút đau khổ cùng cực tuyệt vọng. Lúc đó người ta thường không nhớ đến Thiên Chúa, hoặc có nhớ đến Ngài thì thường là kêu than oán trách, tại sao Chúa lại để điều này xảy ra với tôi. Nhưng đối với bà Jennifer Hubbard, một cộng tác viên của báo Magnificat, chính việc cầu nguyện đã giúp bà vượt qua được những giây phút khó khăn nhất trong cuộc đời của bà. Bà Hubbard và gia đình đã thật sự sống những giây phút thảm kịch vào tháng 12 năm 2012.  Hai em bé con của bà Hubbard đang học tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown bang Connecticut. Một ngày, dân cư tại Newtown nhận tin báo, có một kẻ cầm súng vào trường tiểu học. Một vụ nổ súng đã xảy ra tại trường. Đã có 20 trẻ em và 6 người lớn bị thiệt mạng trong vụ nổ súng. Catherine Violet, con gái của bà Hubbard, là một trong số các nạn nhân; cô bé khi ấy mới chỉ 8 tuổi.

Khi nghe tin vụ nổ súng xảy ra tại trường học các con của mình đang theo học, bà Hubbard và chồng, giống như thân nhân của các học sinh và nhân viên của trường, vội vàng chạy đến trạm cứu hỏa và chờ đợi để nghe tin tức về các người thân yêu của họ. Trong lúc chờ nhận tin về hai con, bà Hubbard đã cầu nguyện xin Chúa đưa con gái Catherine của bà về nhà; bà cầu xin Chúa mà bà yêu kính gìn giữ con gái bà được bình an. Bà đã cầu nguyện để con gái bà sẽ xuất hiện tại trạm cứu hỏa bà đang chờ, nhưng sự việc không xảy ra như lời cầu xin của bà. Con gái Catherine của bà là một trong số các nạn nhân bị thảm sát. Thời gian dần qua, bà Hubbard nhận thấy là mình đã được Chúa đáp lời. Catherine đã về nhà. Chúa đã nhận lời cầu nguyện của bà và đưa con gái bà trở về nhà. Bà đã có hy vọng được nhìn thấy lại đứa con gái bé bỏng yêu quý của mình.

Bà Hubbard chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều gặp phải những thử thách, tất cả chúng ta đều đối mặt với những thảm kịch. Thảm kịch của tôi là con gái của tôi bị giết. Thảm kịch của người khác có thể là kết luận của bác sĩ là ung thư đã ở giai đoạn cuối và không thể chữa trị. Khi chúng ta thực sự ở trong bóng tối của khó khăn đau khổ đó, việc cầu nguyện hướng sự chú ý của chúng ta về Thiên Chúa và cho phép sự bình an cư ngụ trong tâm hồn chúng ta bất chấp hỗn loạn cỡ nào đang vây quanh chúng ta.”

Theo bà Hubbard, những người đang gặp khó khăn về cầu nguyện thường là vì họ lo lắng là họ không thể làm được điều gì cụ thể, họ cảm thấy cầu nguyện không đủ giúp vượt qua khó khăn. Nhưng bà Hubbard nhận thấy là cầu nguyện chuẩn bị cho chúng ta quy hướng về Thiên Chúa và tình yêu của Người dành cho chúng ta, chống lại thử thách và khó khăn. Bà nói: "Bạn cầu nguyện với lòng tin tưởng rằng lời cầu nguyện của bạn sẽ được đáp lời, nhưng bạn cũng cầu nguyện với sự nhận thức là ý Chúa sẽ là điều tốt nhất”. Lời cầu nguyện không luôn được đáp trả như chúng ta chờ đợi.

Đối với bà Hubbard, lời cầu nguyện chân thành diễn tả một niềm hy vọng rằng một điều gì đó sẽ thay đổi. Đối với người cầu nguyện, có một vẻ đẹp là sự thay đổi diễn ra trong trái tim của người đó. Cầu nguyện và hy vọng đi đôi với nhau. Cầu nguyện là tiếp tục mối liên hệ đâm rễ sâu và cuộc đối thoại với người duy nhất có thể mang lại cho bạn sự hướng dẫn, ý nghĩa và bình an trong cuộc sống. Bà Hubbard cũng cảnh giác về sự nguy hiểm của không cầu nguyện: “Khi chúng ta không lắng nghe Thiên Chúa, khi chúng ta tự giải quyết vấn đề hay tìm câu trả lời mà chúng ta muốn Thiên Chúa đáp trả cho chúng ta, tôi nghĩ nó nguy hiểm. Khi chúng ta không lắng nghe Thiên Chúa, chúng ta chỉ hiếu chiến. Chúng ta đang đặt chúng ta trên Thiên Chúa. Không lắng nghe Thiên Chúa, tự giải quyêt vấn đề, chúng ta cảm thấy như chúng ta tự làm được. Người ta cố gắng và nhúng tay vào giải quyết một tình cảnh nhưng chỉ làm cho nó thành một mớ hỗn độn khủng khiếp. Không cầu nguyện, không lắng nghe Thiên Chúa, hay chỉ đầu hang trước bất cứ điều gì mình gặp phải, nó sẽ nắm giữ bạn lại, ngăn bạn nhìn thấy mục đích và đau khổ đó, bạn sẽ thất bại. Cầu nguyện là một lời đáp trả chứng tỏ bạn biết Thiên Chúa có một điều gì đó sẵn sàng cho bạn. (CNA 21/07/2016)

Hồng Thủy

 

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

VATICAN. Sáng thứ hai 5-9-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân dịp lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta.

Đồng tế với ĐHY có hơn 30 Hồng Y, GM, gần 200 Linh mục, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, trong đó có đông đảo các nữ tu thừa sai bác ái.

Hôm qua, cũng là lễ kính thánh nữ Têrêsa Calcutta và là ngày giỗ lần thứ 19 (1997) của Mẹ.

Bài giảng của Đức Hồng Y

Trong bài giảng thánh lễ, ĐHY Quốc vụ khanh nhấn mạnh bí quyết cuộc sống và hoạt động của Mẹ Têrêsa là lời Chúa Giêsu như được công bố trong bài Tin Mừng của ngày lễ: ”Thật, Thầy bảo các con, tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

”Mẹ Têrêsa đã khám phá nơi những người nghèo, khuôn mặt của Chúa Kitô, 'Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài' (Xc 2 Cr 8,9). Mẹ đã đáp lại tình yêu vô biên của Chúa bằng một tình yêu vô biên đối với người nghèo.. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14).

ĐHY Parolin cũng nhận xét rằng: ”Mẹ Têrêsa đã có thể trở thành một dấu dấu chỉ rất sáng ngời về lòng từ bi thương xót, như ĐTC đã nói trong bài giảng lễ Phong thánh: 'Lòng từ bi thương xót đối với Mẹ là 'muối' mang lại hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ và là 'ánh sáng' chiếu sáng bóng đêm của những người không còn nước mắt để khóc sự nghèo khổ của họ', vì Mẹ đã để cho mình được Chúa Kitô soi sáng, Chúa Kitô được thờ lạy, yêu mến, chúc tụng trong Thánh Thể, như chính Mẹ đã giải thích: ”Cuộc sống của chúng ta phải liên tục được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, vì nếu chúng ta không có khả năng nhìn thấy Chúa Kitô dưới hình bánh, thì chúng ta cũng không có thể khám phá Chúa dưới những vẻ khiêm hạ của những thân thể tiều tụy của người nghèo” (Xc Teresa di Calcutta, L'amore che dissetta, p.16).

Trong bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng nhắc đến một trong những hình thức nghèo khổ đau thương nhất, đó là biết mình không được thương yêu, không được mong muốn và bị khinh rẻ. Đó là một thứ nghèo cũng hiện diện tại các nước và các gia đình không nghèo, và cả nơi những người thuộc giới có những phương tiện và khả năng, nhưng cảm thấy tâm hồn trống rỗng vì đánh mất ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời, hoặc bị thất vọng, sầu muộn vì những liên hệ bị phá vỡ, vì cô đơn trầm trọng, vì cảm tượng bị mọi người quên lãng hoặc không còn ích lợi gì cho ai nữa”.

Mẹ Têrêsa cũng coi các thai nhi chưa sinh ra và bị đe dọa trong cuộc sống như ”những người nghèo nhất trong những người nghèo.. Từ đó mẹ đã can đảm bảo vệ những sự sống đang sinh ra, Mẹ nói thẳng thắn và có những hành động rõ ràng, là dấu chỉ sáng ngời về sự hiện diện của các Ngôn Sứ và Các Thánh, là những người không quì gối trước mặt ai ngoại trừ trước Đấng Toàn Năng”.

Sau cùng, ĐHY Parolin nhắc đến sự kiện khi Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, thành phố Calcutta hoàn toàn bị mất ánh sáng trong vài phút dài. Mẹ Têrêsa trên trái đất này đã là một dấu chỉ minh bạch chỉ Trời Cao. Trong ngày Mẹ qua đời, Trời Cao muốn cống hiến một dấu ấn cho cuộc đời của Mẹ và thông báo cho chúng ta rằng một ánh sáng mới đã được thắp lên trên chúng ta. Giờ đây, sau khi được chính thức nhìn nhận sự thánh thiện, ánh sáng của Mẹ càng chiếu tỏa rạng ngời hơn. Ước gì ánh sáng không tàn lụi của Tin Mừng, tiếp tục chiếu sáng cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta và những con đường của thế giới khó khăn này” (SD 5-9-2016)

G. Tran Đức Anh OP 

Biết Chúa Giêsu, gia nhập Công giáo và trở thành Linh mục nhờ gặp Mẹ Têrêsa

Biết Chúa Giêsu, gia nhập Công giáo và trở thành Linh mục nhờ gặp Mẹ Têrêsa

Mẹ Têrêsa Calcutta 2

Cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và công việc chăm sóc người nghèo và người đang hấp hối của Mẹ đã đưa một thanh niên người Nhật đến với đức tin, gia nhập Giáo hội Công giáo và trở thành Linh mục.

Cha Francisco Akihiro, dòng Thừa sai Bác ái kể với hãng tin Công giáo Hoa kỳ: “Tôi sinh ra trong một gia đình Phật giáo; tôi không biết gì về Chúa Giêsu, về Kitô giáo, Công giáo hay bất cứ điều gì tương tự. Nhưng tôi thấy một cách rất rõ ràng Chúa Giêsu đã hoạt động thế nào qua gương của Mẹ Têrêsa”.

Lần đầu tiên cha Akihiro gặp Mẹ Têrêsa khi đang làm việc tại viện tế bần Nirmal Hriday do Mẹ thành lập tại trung tâm của Calcutta. Cha bị ấn tượng về sự đơn giản và gần gũi với những người giúp Mẹ phục vụ các người đau yếu và hấp hối. Cha nói: “Mẹ bé nhỏ và cảm giác tôi có khi gặp Mẹ giống như gặp một người bà. Thường khi bạn muốn gặp những ngươì nổi tiếng thì rất khó, họ luôn ở đàng trước và khó mà đến gần được họ. Nhưng tôi luôn bị ấn tượng về cách Mẹ đến với chúng tôi”.

Cha cho biết là các bệnh nhân không chỉ có những người đói khát mà cả những người cô đơn. Tuy vậy, trong sự đau yếu và nghèo khó của họ, “chúng tôi đã thấy điều gì đó chiếu sáng: sự nghèo khó của Chúa Kitô. Chúng tôi hiểu điều này và nhận ra rằng chúng tôi cũng đang nhận từ họ”. Cha lưu ý là những người đang mang gánh nặng đau khổ là mục tiêu đặc biệt của tình thương của Mẹ Têrêsa. Việc Mẹ chạy đến với ngừơi nghèo, người tàn tật đã để một ấn tượng cho cha. Nhiều tình nguyện viên đã phát khóc vì điều này.

Cha Akihiro đã gia nhập Công giáo và trở thành một Linh mục; cha rời bỏ gia đình cha ở Nhật bản và hiện giờ đang sống và làm việc ở miền Bắc Ấn độ để phục vụ người nghèo như Mẹ Têrêsa đã làm.

Cũng như nhiều tu sĩ nam nữ dòng Thừa sai Bác ái do Mẹ sáng lập, cha Akihiro cũng đến Roma để tham dự Thánh lễ tôn phong hiển thánh của Mẹ Têrêsa. Cha đã đến xem triển lãm về Mẹ Têrêsa được tổ chức tại đại học Lumsa ở Roma. Những tấm hình của người nữ tu bé nhỏ đang ôm những trẻ em và an ủi người hấp hối đều đã quen thuộc với cha. Việc phong thánh cho Mẹ Têrêsa, người đã truyền cảm hứng cho ơn gọi của cha, đối với cha, “là một cơ hội cho thế giới biết về người nghèo và vượt qua sự thờ ơ dửng dưng”. Cha nhắc lại lời của Mẹ Têrêsa: thế giới muốn thấy những gương mẫu hơn là nghe những lời nói. Theo cha, qua các sự kiện như lễ phong thánh và triển lãm về cuộc đời của Mẹ Têrêsa, “bây giờ người ta có thể hiểu cách dễ dàng hơn chúng ta có thể yêu thương thế nào, đặc biệt yêu thương người nghèo khổ; hiểu về cách thế chúng ta có thể phục vụ họ qua gương mẫu của Mẹ Têrêsa”. (CNS 02/09/2016)

Hồng Thủy Op

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Chân dung Mẹ Têrêsa tại tiền đường đền thờ Thánh Phêrô

Ngày Chúa nhật 4/9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5/9/1997 và đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô phong chân phước vào ngày 19/10/2003.

Trong dịp này, nhiều buổi canh thức và cầu nguyện được tổ chức trong nhiều nhà thờ của Giáo phận Roma. Ngày phong thánh cho Mẹ cũng là ngày cử hành Năm thánh của các tình nguyện viên và các nhân viên của lòng thương xót. Thực ra, Mẹ Têrêsa là một biểu tường của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Trước đó, ngày 2/9 tại đền thờ thánh Anastasia khu vực  Palatino, sẽ có 3 Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ (tiếng Anh), 10 giờ (tiếng Tây ban nha) và 12 giờ (tiếng Ý). Từ 20.30 đến 22 giờ, tại đền thời thánh Gioan Laterano, có buổi canh thức cầu nguyện do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini chủ sự và buổi chầu Thánh Thể trọng thể.

Thứ 7, 3/9, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh. Ban chiều lúc 17 giờ, tại đền thờ Thánh Andrea della Valle có giờ cầu nguyện và suy niệm với nghệ thuật và âm nhạc. Sau đó là tôn kính thánh tích của Mẹ Têrêsa, và Thánh lễ được cử hành lúc 19 giờ.

Thứ 2, 5/9, vào lúc 10 giờ, Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ chủ tế Thánh lễ tạ ơn cũng là Thánh lễ đầu tiên kính nhớ MẹTêrêsa.

Sau Thánh lễ tôn phong hiển thánh, thánh tích của Mẹ Têrêsa sẽ được đưa đến đền thờ Gioan Laterano và được trưng bày cho tín hữu kính viếng các ngày 5-7/9, và ngày 7-8 sẽ được kính viếng tại nhà thờ thánh Gregorio Cả, và cùng ngày này tín hữu có thể viếng căn phòng của Mẹ tại tu viện thánh Gregorio.

Đài truyền hinh TV2000 trong các ngày từ 3-5/9 cũng trình chiếu các cuốn phim trình bày về cuộc đời và hoạt động của Mẹ Têrêsa.

Sáng ngày 2/9 tại đại học Giáo hoàng Urbaniana đã diễn ra cuộc họp báo với sự tham dự của khoảng 200 ký giả. Chủ tọa cuộc họp báo là ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Có sự tham dự của nữ tu Mary Prema, bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, cha Brian Kolodiejchuk, bề trên ngành nam của dòng và cũng là thình nguyện viên án phong thánh cho Mẹ Têrêsa và sự hiện diện của đôi vợ chồng nhận được phép lạ qua việc cầu nguyện với Mẹ Têrêsa.

– Số người tham gia: Con số người tham dự Thánh lễ không thể dự đoán trước đươc, nhưng đã có 100 ngàn vé tham dự Thánh lễ được phân phát cho các tín hữu, 13 quan chức đứng đầu các quốc gia và chính phủ, trong đó có thủ tướng Ấn độ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ cùng với nhiều Hồng y, Giám mục và Linh mục đồng tế.

– Truyền thông: sẽ có 9 telecamera có thể thu chiếu hình ảnh đặc biệt từ trên cao để thu hình các chiều kích của đám đông tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Thánh lễ phong thánh có thể theo dõi trên internet qua các mạng Youtube, Vaticanplayer của Radio Vatican và trang mạng Ctv.Thánh lễ sẽ được truyền đi trên toàn thế giới qua nối kết với 120 toàn thế giới. Đặc biệt các công nghệ tiên tiến sẽ được sử dụng như dự án "Io c'ero" giúp thu toàn cảnh với dung lượng lớn. Có hơn 200 ký giả đăng ký sự kiện quan trọng này.

– Về an ninh: 3000 nhân viên các lực lượng an ninh của Italia được huy động cho một sự kiện quan trọng nhất của Năm Thánh.

Từ chiều hôm qua, 1/9, đã có các cuộc kiểm tra các khu vực cũng như các hố ga. Các biện pháp an ninh cũng được đặt ra cho các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ ở Roma. Sở cảnh sát nghiên cứu để bảo đảm an ninh tuyệt đối. Đồng thời cũng cần sự tham dự trôi chảy và an tĩnh của các tín hữu.

Từ 19 giờ ngày thứ 7, 3/9, khu vực đền thờ Thánh Phaolô sẽ được chia thành 3 phần, mỗi phần sẽ kiểm soát người và hành lý để bảo đảm an ninh tối đa nơi tập trung các tín hữu cũng như sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Từ 8-19 giờ ngày Chúa nhật 4/9, các chuyến bay sẽ bị cấm trong vùng rộng lớn cạnh đền thờ thánh Phêrô và tạo nên một vùng an toàn được kiểm soát bởi hệ thống ''Slow Mover Interceptor', hệ thống phát hiện các máy bay không được quyền bay trong vùng cấm.

Có khoảng 1000 người làm việc 24/24 để tăng cường các kế hoạch phòng ngừa cảnh giác và quy định phòng ngừa cho Năm Thánh ở vùng trung tâm. (Tổng hợp)

Hồng Thủy

Động lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội 2016

Động lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội 2016

Abbey D’Agostino và Nikki Hamblin

Trong khi huy chương vàng Olympic là một thành công mà các vận động viên mơ ước, thì có một giải thưởng khác được trao cho một số nhỏ được chọn lựa. Hai vận động viên điền kinh Nikki Hamblin (người New Zealand) và Abbey D’Agostino (người Mỹ) không đạt huy chương vàng, đồng hay bạc, nhưng đã được trao huy chương Pierre de Coubertin, là huy chương được trao cho các vận động viên và nhân viên tiêu biểu cho tinh thần thể thao tại Thế vận hội mùa hè và mùa đông. Đó là huy chương về “fair play” – tinh thần thượng võ. Đây là huy chương được ví là khó đạt hơn cả huy chương vàng, vì chỉ riêng Michael Phelps, kình ngư của thế giới, đã đạt được tất cả 23 huy chương vàng, thì hai vận động viên này mới là người thứ 18 và 19 nhận huy chương này. Cặp đôi này đã trở thành đề tài trên báo chí tuần qua.

Mọi chuyện diễn ra vào ngày thứ 3, 17 tháng 8 vừa qua, trong cuộc thi chạy  vòng loại 5000 mét. Khi chỉ còn 2000 mét là đến đích thì hai vận động viên Hamblin và D’Agostino va chạm, cùng vấp và ngã xuống đất. D’Agostino đã đứng dậy trước nhưng cô không tiếp tục cuộc chạy ngay; thay vì đó, cô đã quay lại giúp Hamblin. Rồi khi D’Agostino quá đau không thể tiếp tục cuộc thi, đến lượt Hamblin đã đứng lại với D’Agostino một lúc để giúp cô đứng dậy. Cả hai đã kết thúc cuộc đua, nhưng D’Agostino phải đi khập khễnh trong 5 vòng cuối. D’Agostino và Hamblin đã ôm nhau cách thân thiết khi kết thúc vòng đua, và sau đó D’Agostino phải lên xe lăn rời vòng đua. Dù cả 2 thất bại trong vòng loại nhưng Ủy ban Olympic phán quyết là cả 2 được vào thi vòng chung kết do tinh thần thể thao của họ. Nhưng vào phút cuối D’Agostino đã không thể tham dự vòng chung kết vì chân vẫn còn đau.

Câu chuyện đẹp được khán giả trường đua chứng kiến và các khán giả khắp thế giới theo dõi qua các mạng truyền thông ngưỡng mộ, và các hãng tin toàn thế giới cũng đã tốn giấy mực cho cử chỉ đẹp đầy tinh thần thể thao này. Sau đó, D’Agostino đã chia sẻ về việc làm của mình: động lực và sức mạnh của hành động của cô chính là Thiên Chúa. Cô nói: “Dù hành động của tôi lúc đó là bản năng, cách duy nhất tôi có thể và lý luận đó chính là Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi phản ứng theo cách đó. Cả thời gian ở đây Người cho tôi biết rõ là kinh nghiệm của tôi ở Rio sẽ có giá trị hơn là cuộc thi của tôi, và khi Nikki đứng lên tôi đã biết điều đó.”

Abbey D’Agostino 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình Công giáo. Cô đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn dành cho podcast “Running On Om” về việc chạy đua của cô, về những lo lắng chấn thương và về đời sống cầu nguyện. D’Agostino cho biết, cô thường dùng thời gian cầu nguyện của mình để suy gẫm về những điều Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống của cô. Cô lắng nghe thánh ca, đọc Kinh thánh và viết nhật ký. Những điều này đưa cô đến một nơi khiêm nhường, nơi cô nhận ra vị trí của mình trước nhan Chúa. Khi vào cuộc thi chạy, cô nghĩ rằng sự tin cậy vào Chúa và sự hiện diện của Chúa Thánh Thấn sẽ thêm “năng lượng” cho cô, cách ý thức hay vô thức. Cô nói: “Tôi cảm thấy bình an khi nhận biết là mình không đang chạy với sức mạnh của mình”. Cô kết thúc cuộc thi chỉ với việc đón nhận Chúa Giêsu và nhận ra điều có ý nghĩa trong cuộc sống của cô.

Như các vận động viên khác, D’Agostino cũng lo sợ những chấn thương trong các cuộc thi. nhưng chính sự tín thác vào Thiên Chúa giúp cô vơi bớt những lo lắng trước các cuộc thi quan trọng. Cô nói: “Cho dù kết quả cuộc thi thế nào tôi sẽ chấp nhận nó. Tôi rất biết ơn và chỉ rút lấy những điều mà tôi cảm thấy nó bày tỏ rõ ràng việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi.” D’Agostino cho biết những lần chấn thương trước đã thúc đẩy cô cậy dựa vào Thiên Chúa trong cách thế mà cô chưa bao giờ có trước đó. Trên lý thuyết, cô biết tín thác vào Thiên Chúa là cách duy nhất mình có thể cảm thấy bình an, vui mừng và thỏa mãn mà Người ban cho, nhưng kinh nghiệm điều này và rơi vào trong một tình trạng mà đức tin bị thử thách thì lại là một vấn đề khác. Sau những chấn thương, những lần cảm thấy cô đơn và mất tự tin đã làm cô phải xét mình; mình có thực sự tin cậy vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa kiểm soát và làm vinh danh Thiên Chúa qua thể thao hay không. Nếu thời gian có thể quay lại, cô muốn được trò chuyện với Mẹ Têrêsa, một người rất đặc biệt với cô. (CAN 17/8/2016)

Hồng Thủy

Caritas Ghana chống lại nạn mua chiếm đất đai hàng loạt

Caritas Ghana chống lại nạn mua chiếm đất đai hàng loạt

Caritas Ghana

ACCRA: Hơn 60 người tham dự diễn đàn do tổ chức Caritas Ghana triệu tập tại Accra đã kêu gọi chống lại nạn chiếm đoạt đất đai, tái lập các phương tiện trợ cấp và mở đường tiến đến những mục tiêu phát triển vững bền.

Diễn đàn tại Accra đã kết thúc hôm 24.08 vừa qua sau 2 ngày làm việc. Trong số hơn 60 người hiện diện, có nhiều đại diện các tổ chức và cơ cấu chính quyền, thành viên các hội đồng GM Công Lý và hòa bình cũng như của Liên HĐGM Phi châu và Madagascar cùng các phương tiện truyền thông xã hội. Các tham dự viên đã phân tích tình hình chiếm đoạt đất đai hiện nay tại nước này,theo đó, một số ít người bỏ tiền ra thu mua hàng loạt đất đai khiến cho nông dân mất hết ruộng vườn canh tác làm ăn. Nhiều người trẻ phải rời bỏ làng mạc quê hương tha phương cầu thực vì không còn tương lai. Tổ chức Caritas Ghana kêu gọi thay đổi tâm thức và cung cách hành động cụ thể để có thể đạt tới các mục tiêu phát triển có thể thực hiện được, đúng theo tinh thần thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô. (SD 240816)

Mai Anh

Đại Ayatollah Iran ca tụng các tuyên bố của ĐTC Phanxicô về Hồi giáo

Đại Ayatollah Iran ca tụng các tuyên bố của ĐTC Phanxicô về Hồi giáo

Naser Makarem Shirazi

QOM: Đại Yatollah Iran Naser Makarem Shirazi thành Qom đã ca ngợi các lời tuyên bố sáng suốt của ĐTC Phanxicô từ chối đồng hóa Hồi giáo với khủng bố.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Cracovia về Roma ngày 31 tháng 7 vừa qua ĐTC Phanxicô đã khẳng định với các nhà báo rằng không thể đồng hoá Hồi giáo với bạo lực khủng bố, mà chỉ có các nhóm nhỏ tín hữu hồi quá khích bạo lực thôi, cũng như có các nhóm tín hữu công giáo bạo lực. Không phải mọi tín hữu hồi đều bạo lực, cũng không phải mọi tín hữu công giáo đều bạo lực. Tôn giáo nào cũng có các nhóm nhỏ cuồng tín. Đại Yatollah viết trong thư gửi cho ĐTC: “Các lời nói khôn ngoan và các nhận xét có luận lý của ngài tách rời tôn giáo khỏi các hành động vô nhân và các tàn bạo do các giáo phái gian ác như lực lượng DAESH chủ mưu, thật đáng ca ngợi.”

Lá thư đã được dịch ra tiếng Anh và đăng trên trang Web chính thức của  Aytatollah Makarem Shirazi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc hàng lãnh đạo tôn giáo toàn thế giới đưa ra lập trường rõ ràng chống lại bạo lực và sự man rợ, nhất là khi các hành động man rợ này được thi hành nhân danh tôn giáo.

Ayatollah cũng cực lực lên án vụ sát hại cha Jacques Hamel ngày 26 tháng 7 vừa qua, khi cha đang cử hành thánh lễ trong nhà thờ giáo xứ Saint-Étienne-du- Rouvray. Vụ sát hại này cũng đã bị cộng đồng các nhà nghiên cứu Hồi và đại đa số tín hữu hồi lên án. Ayatollah khẳng định rằng các giáo phái như Daesh diễn tả cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của kỷ nguyên tân tiến, và chúng không thuộc Hồi giáo. Ông viết tiếp trong bức thư gửi ĐTC Phanxicô: “Như ngài đã khẳng định một cách rõ ràng, các hành động mọi rợ ấy không dính dáng gì tới các tôn giáo, và các trường học tư tưởng khác nhau chỉ là hoa trái của một diễn tả duy vật của vài cường lực thối nát không tìm gì khác ngoài các giầu sang bất hợp pháp lớn hơn. Tuy nhiên, rất may là ý thức của dư luận công cộng gia tăng đối với các nhóm quá khích và khủng bố này, và chúng ta hy vọng rằng các hành động này một ngày kia sẽ chấm dứt.”

Hôm Chúa Nhật vừa qua trong diễn văn đọc trên đài truyền hình quốc gia nhân ngày lễ cách mạng của Marốc vua Mohammed VI cũng đã mạnh mẽ lên án các nhóm khủng bố hồi này, và gọi họ là những cá nhân lầm lạc bị kết án xuống hoả ngục. Quốc vương kêu gọi các tín hữu Hồi giáo, Kitô giáo và Do thái giáo cùng nhau chống lại khuynh hướng cuồng tín và thù hận này trong mọi hình thái của nó (SD 23-8-2016)

Linh Tiến Khải

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 21 Thường Niên

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 21 Thường Niên

ĐTC  Francis Vẩy tay chào những phái đoàn hành hương trong ngày 21 tháng 8- 2016

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 21.08, với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Giêsu chính là cánh cửa. Cánh cửa ấy tuy hẹp nhưng luôn rộng mở cho tất cả mọi người. Cửa hẹp giúp chúng ta loại bỏ những kiêu căng và tội lội. Cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón chúng ta vào một cuộc sống hạnh phúc viễn mãn trên nước trời.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Bài đọc Tin Mừng ngày hôm nay thôi thúc chúng ta suy tư về chủ đề ơn cứu độ. Thánh sử Luca thuật lại rằng Đức Giêsu đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem và trên con đường ấy có nhiều người tiến lại gần Ngài và hỏi rằng: ‘Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?’ (Lc 12,23). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của người ấy mà hướng sang một mức độ khác, với một thứ ngôn ngữ mang tính mời gọi nhiều hơn là tranh cãi. Và có lẽ ngay cả các môn đệ lúc ban đầu cũng không hiểu điều Đức Giêsu nói: ‘Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.’ (c.24). Với hình ảnh cánh cửa, Đức Giêsu mong muốn những người đang nghe Ngài giảng dạy hiểu rằng đừng có bận tâm về số lượng – bao nhiêu người sẽ được cứu – điều ấy không quan trọng. Nhưng điều quan trọng là người ta nhận biết đâu mới là con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Con đường dẫn đến ơn cứu độ mời gọi người ta bước qua cánh cửa. Nhưng cánh cửa đó ở đâu? Và ai là cửa? Đức Giêsu chính là cánh cửa. Chính Ngài đã nói như thế trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: ‘Tôi là cửa.’ (Ga 10, 9). Đức Giêsu dẫn chúng ta vào sự thông hiệp với Chúa Cha. Chính nơi ấy chúng ta tìm thấy tình yêu, sự thấu hiểu và sự bảo vệ chở che. Nhưng người ta có thể đặt vấn đề: Tại sao cửa lại hẹp? Tại sao Đức Giêsu lại nói cửa hẹp? Cửa hẹp không phải vì cửa ấy nặng nề, khó khăn mà vì Thiên Chúa mời chúng ta thu hẹp và loại bỏ sự kiêu hãnh của chúng ta cũng như nỗi sợ hãi nhát đảm của chúng ta; để từ đó chúng ta mở lòng ra với một con tim khiêm nhường và tín thác vào Thiên Chúa; để từ đó chúng ta nhận biết mình là tội nhân, cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Như vậy, cửa hẹp chính là để chúng ta thu hẹp và loại bỏ lại tính kiêu căng, ngạo mạn của mình. Sự kiêu căng khiến chúng ta nghĩ mình to lớn, quan trọng không cần đến Thiên Chúa. Cánh cửa xót thương của Thiên Chúa thì hẹp nhưng luôn rộng mở cho hết mọi người! Thiên Chúa không phân biệt hay ưu tiên ai nhưng chào đón tất cả. Một cánh cửa hẹp giúp loại bỏ sự kiêu căng và nỗi sợ hãi của chúng ta; một cánh cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón tất cả mọi người không phân biệt một ai. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là một dòng chảy lòng thường xót chứa chan bất tận. Dòng chảy ấy phá tan mọi ngăn cách và mở ra những viễn tượng ngỡ ngàng sung sướng của ánh sáng và bình an. Anh chị em đừng quên điều này: Cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở.

Hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu trao cho chúng ta một lời mời gọi khẩn thiết là hãy tiến đến với Ngài, hãy bước qua cửa của sự sống tròn đầy, của sự hòa giải và hạnh phúc chứa chan. Cho dù chúng ta đã trót phạm bất kỳ tội lỗi nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn đợi chờ mỗi người chúng ta, để ôm chầm lấy chúng ta và để ban cho chúng ta ơn tha thứ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể biến đổi tâm hồn chúng ta. Chỉ Thiên Chúa mới có thể mang lại ý nghĩa tròn đầy cho sự hiện hữu của chúng ta, trao cho chúng ta niềm vui đích thực. Bước vào cánh cửa Giêsu, cánh cửa của đức tin và của Tin Mừng, chúng ta có thể thoát khỏi những thái độ hay cung cách hành xử mang tính thế gian, thoát khỏi những thói quen xấu, thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân và sự đóng kín cô lập. Cuộc sống của chúng ta sẽ được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Thánh Linh. Đó là thứ ánh sáng chẳng hề tắt bao giờ.

Tôi muốn đề nghị với anh chị em một điều. Giờ đây, trong thinh lặng, chúng ta hãy nghĩ đến những gì bên trong con người chúng ta, đang ngăn cản chúng ta bước qua cửa. Phải chăng đó là sự kiêu căng, ngạo mạn hay tính hư danh, xem mình là quan trọng, hay là tội lỗi mà chúng ta đã phạm? Tiếp đến, chúng ta hãy nghĩ đến một cánh cửa khác, một cánh cửa luôn rộng mở của lòng thương xót Chúa. Nơi cánh cửa ấy, Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta và sẵn sàng trao ban cho ta ơn tha thứ của Người.

Thiên Chúa ban rất nhiều cơ hội để chúng ta được cứu chuộc và để cho chúng ta bước vào cánh cửa của sự cứu rỗi. Cánh cửa này là cơ hội mà chúng ta không được bỏ lỡ. Chúng ta phải nắm lấy những cơ hội ấy để được cứu độ, vì sẽ đến một lúc nào đó ‘chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại’ (c.25). Nhưng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và hằng yêu thương chúng ta thì tại sao Ngài đóng cửa lại? Đó là vì cuộc đời chúng ta không phải là một trò chơi video có thể tua đi tua lại hay là một câu chuyện không có hồi kết. Nhưng cuộc đời chúng ta hết sức nghiêm túc và có một đích điểm quan trọng phải đạt tới. Đó là ơn cứu độ đời đời.

Hướng về Mẹ Maria, Cánh Cửa Thiên Quốc, chúng ta hãy nài xin Mẹ giúp chúng ta biết nắm bắt những cơ hội mà Thiên Chúa đã trao ban để chúng ta bước qua cánh cửa của đức tin mà tiến vào một con đường rộng rãi thênh thang. Đó là con đường của ơn cứu rỗi, đón nhận tất cả những ai đã để mình được chìm đắm trong tình yêu mến. Tình yêu có sức cứu vớt. Tình yêu trên mặt đất này là nguồn mạch phúc lành cho tất cả những ai hiền lành, kiên nhẫn và tìm kiếm công lý. Họ biết quên mình đi, sẵn sàng hiến thân cho người khác, đặc biệt là cho những ai yếu đau, nhỏ bé nhất.”

Chào mừng và mời gọi

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: ‘Tôi hết sức đau buồn về cuộc tấn công đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm qua. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy các nạn nhân, cho những người đã qua đời cũng như những người bị thương tích. Chúng ta nguyện xin ơn sủng của sự bình an đến với tất cả mọi người.

Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác. Cách đặc biệt, tôi gởi lời chào đến các tân chủng sinh của Học viện Giáo hoàng ở Bắc Mỹ."

Đức Thánh Cha cũng chào mừng các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể đang tề tựu nơi đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin này.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Hai giáo dân Bangladesh nhận Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice”

Hai giáo dân Bangladesh nhận Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice”

BANGLADESH - Premiazione

Dhaka, Bangladesh – Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Bangladesh, Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice” (vì Giáo hội và Đức Giáo hoàng) đã được trao cho hai giáo dân, những người bằng công việc của họ đã thay đổi quê hương đất nước. Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice” được tặng cho các giáo dân nam nữ cũng như các giáo sĩ nổi bật về trong việc phục vụ Giáo Hội và Đức Giáo hoàng.

Buổi trao tặng Thánh giá cho tiến sĩ Benedict Alo D’Rozario và thẩm phán đã qua đời Promod Mankin diễn ra tại trụ sở Hội đồng Giám muc, với sự hiện diện 2 Tổng Giám mục, 8 Giám mục và 60 đại diện của các cộng đoàn Công giáo. Đức sứ thần Tòa Thánh tại Bangladesh đã trao hai Thánh giá này cho họ.

Tiến sĩ D’Rozario nói với hãng tin Á châu: “Sự nhìn nhận này càng soi sáng cho tôi thêm trong việc phục vụ Giáo hội và đất nước. Tôi sẽ làm tất cả để những tài năng của tôi có thể phục vụ cộng đoàn cho đến ngày cuối của tôi. Ông D’Rozario đã chọn phục vụ trong Ủy ban Công lý và Hòa bình, rồi đến Caritas của Hội đồng Giám mục, thay vì làm trong chính quyền.

Còn thẩm phán Promod Mankin, vừa qua đời vài tháng trước, là chủ tịch của các trường Công giáo và chủ tịch Caritas vùng Mymensingh trong nhiều năm. Sau đó ông được bầu làm đại biểu trong nhiều nhiêm kỳ. Ông luôn dùng vai trò của mình để giúp đỡ các nhóm thiểu số.

Đức Cha Patrick D’Rozario, chủ tịch Hội đồng Giám mục Bangladesh nhận xét: “Hai nhân vật này đã đóng góp to lớn cho Giáo hội và xã hội Bangladesh và họ đã làm cho nó tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta vinh danh họ, kính trọng họ và biết ơn về những đóng góp của họ”. (Asia News 20/8/2016)

BL

Lễ truyền chức Linh mục tại trại tị nạn Erbil

Lễ truyền chức Linh mục tại trại tỵ nạn Erbil

1 trại tị nạn ở Erbil

Erbil, Iraq – Ngày 5/8 vừa qua, tại trại tỵ nạn Erbil đã diễn ra Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 3 thầy người Iraq.

Cha Roni Salim Momika, một trong 3 tân chức chia sẻ là sự kiện này đã biến thái độ sợ hãi của các Kitô hữu phải di tản thành niềm vui và cha hy vọng nó sẽ mang lại cho họ sức mạnh để ở lại quê hương mình.

Trại Aishty 2 ở Erbil là nơi tiếp đón khoảng 5500 người Iraq buộc phải di tản vì Nhà nước Hồi giáo. Ba tân chức được truyền chức cho Giáo Hội Công giáo Syria, trong một nhà thờ rộng, với sức chứa khoảng 800 người, nhưng đã có 1500 người đến tham dự Thánh lễ truyền chức.

Khi chủng viện ở Qaraqosh đóng cửa sau vụ tấn công vào năm 2014, các chủng sinh được gửi đến chủng viện Al-Sharfa ở Harissa, Li băng. Sau khi hoàn thành chương trinh, các chủng sinh trở về Iraq và được truyền chức phó tế ngày 19/3

Ngày 6/8 cũng là ngày kỷ niệm 2 năm quân đội Nhà nước Hồi giáo tấn công vào Qaraqosh, thành phố quê hương của cha Momika; họ đuổi khỏi thành phố những người không chịu cải sang Hồi giáo, phải đóng thuế hoặc đối mặt với cái chết. Kỷ niệm 2 năm là một nhắc nhớ cho sự tăm tối và tình trạng bất ổn ở Iraq, nhưng việc thụ phong Linh mục đã đem lại niềm vui và hy vọng.

Vào năm 2010, cha Momika đã bị thương trong một vụ đánh bom xe buýt chuyên chở các sinh viên Công giáo từ bình nguyên Ninivê đến trường đại học Mosul, nơi họ theo học.

Cho đến nay, cha Mimoka sinh hoạt với giới trẻ và hướng dẫn nhóm phụ nữ ở trại tị nạn Erbil. Cha cho biết cha muốn ở bên những người tỵ nạn dù cho nguy hiểm đến mạng sống. Cha muốn mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh, hy vọng và can đản để tiếp tục cuộc sống của họ và ở lại với người nghèo và người đau khổ; đối với cha, yếu tính của vai trò và ơn gọi của cha là “mang Chúa Kitô đến cho con người”. (CNA 8/8/2016)

Hồng Thủy Op

Điểm báo Ba Lan ngày 30/7

Điểm báo Ba Lan ngày 30/7

Ngắm Đàng Thánh giá tại Ngày Quốc tế Giới trẻ Krakow

Ngày thứ sáu hôm qua (29/7) là một ngày bận rộn với Đức Thánh Cha Phanxicô, với các cuộc viếng thăm các trại tập trung của Đức quốc xã ở Ba Lan – nơi tưởng niệm cuộc diệt  chủng do Đức quốc xã gây nên đối với hàng triệu người Do thái, Ba Lan, và các quốc tịch khác; cuộc viếng thăm bịnh viện nhi và cuộc Ngắm Đàng Thánh giá vào ban chiều với hàng trăm ngàn bạn trẻ. Ngày hôm nay, cũng như những ngày vừa qua, các báo chí Ba Lan đồng loạt đăng các tin tức và hình ảnh về hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày hôm qua. Sau đây là tin tức được đăng trên 3 tờ báo lớn của Ba Lan sáng hôm nay:

Tờ Gazeta Krakowska: ở trang đầu là tấm hình lớn của Đức Thánh Cha tại bịnh viện nhi đồng với tựa đề: “Chúng ta hãy ở bên cạnh từng em trong số các trẻ em bị bịnh này”. Tờ báo này đã dành 11 trang và toàn phần phụ trương cho cuộc viếng thăm và cho Ngày Giới trẻ. Có rất nhiều hình ảnh. Bài đầu tiên nói về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại trại tập trung Auschwitz với tựa đề về “sự im lặng cảm động” của ngài. Tiếp theo là bài viết về cuộc viếng thăm các bịnh nhân nhi đồng tại bịnh viện nhi đồng, có tựa đề về việc dấn thân chống lại “nền văn hóa loại trừ”. Sau đó là bài viết về buổi Ngắm Đàng Thánh giá với nhiều hình ảnh được đăng. Cũng có một trang viết về nữ tu Cristiana, là một nữ tu ca sĩ người Italia và đang tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ. Một số gương chứng nhân được đăng tiếp sau đó. Còn có một bài viết về câu chuyện cửa sổ của Tòa Tổng Giám mục, từ Đức Karol Wojtyla (Giáo hoàng Gioan Phaolô) đến Đức Phanxicô. Các bài khác viết về việc các gia đình Ba Lan đón tiếp các bạn trẻ.

Tờ Dziennik Polski:  Đàng Thánh giá ở Blonia được đăng trên trang đầu với tựa đề: “Đau khổ, sự tàn ác, lòng thương xót”. Báo này dành 6 trang nói về cuộc viếng thăm và Ngày Quốc tế Giới trẻ. Trang 4 viết về cuộc viếng thăm trại tập trung Auschwitz của Đức Giáo hoàng – “Lời kêu gọi (cách) thinh lặng lòng thương xót”, trong khi trang 5 viết về cuộc thăm bịnh viện nhi đồng với lời của Đức Thánh Cha: “Cha muốn gần mỗi người các con” (nói đến các trẻ em). Bài báo nói Đàng Thánh giá là một cảnh tượng rất sâu sắc.

Tờ Gazeta Wyborcza: hình Đức Thánh Cha Phanxicô nổi bật ở trang bìa và các trang. Báo có tựa đề: “Cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ thay đổi Ba Lan?”. Toàn trang 3 viết về cuộc viếng thăm thinh lặng tại trại tập trung Auschwitz, trong khi trang 4 viết về Đàng Thánh giá và cuộc viếng thăm bịnh viện nhi đồng. Từ trang 12-15 tập trung vào cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô. Tựa đề là câu hỏi: “Ba Lan sẽ có sự đổi mới?”. Nhiều đề tài được khảo cứu. Cũng có một phụ trương 8 trang về Ngày Quốc tế Giới trẻ, về Đức Giáo Hoàng và Lòng Thương xót, cuộc viếng thăm Auschwitz, và những khoảnh khắc khác của Ngày Quốc tế Giới trẻ.

P. Gesiak / A. Gisotti phái viên Đài Vatican ở Cracovia

 

Thánh lễ khai mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ

Thánh lễ khai mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ

Thánh lễ khai mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ

KRAKOW. Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ ba, 26-7-2016, Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 31 đã được chính thức khai mạc với thánh lễ trọng thể do ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM Krakow, chủ sự tại cánh đồng Blonia ở thành phố này.

Tư tưởng hướng dẫn thánh lễ là câu nói của thánh Gioan Phaolô 2 hồi năm 2002: ”Cần phải thông truyền cho thế giới ngọn lựa lòng thương xót này. Tôi ủy thác nhiệm vụ này cho Giáo Hội tại Cracovia và Ba Lan, và mọi tín hữu của Lòng Thương Xót Chúa, sẽ từ các nơi ở Ba Lan và toàn thể giới đến đây. Anh chị em hãy trở nên chứng nhân của Lòng Thương Xót”.

Đồng tế với ĐHY Dziwisz có gần 800 Hồng Y và Giám Mục trên lễ đài và hàng ngàn linh mục ngồi bên dưới phía trước lễ đài, trước sự hiện diện của khoảng 400 ngàn bạn trẻ đến từ 187 quốc gia.

Trên lễ đài, đàng sau bàn thờ có hình Lòng Chúa Thương Xót và gần bàn thờ là hai biểu tượng của Ngày Quốc Tế giới trẻ gồm Thánh Giá và Bức Ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma.

Đầu thánh lễ có nghi thức rước ”ngọn lửa Lòng Thương Xót” từ Đền Thánh Lòng Thương Xót ở Lagiewniki lên lễ đài. Lộ trình của cuộc rước tiến qua tất cả các nơi quan trọng trong đời sống của Thánh Gioan Phaolô 2: từ nhà thờ thánh Floriano nơi ngài làm tuyên úy sinh viên, cho đến đồi Wawel nơi có nhà thờ chính tòa của ngài.

Bài giảng của Đức Hồng Y Dziwisz

Trong bài giảng, đi từ bài Tin Mừng (Ga 21,15-17) về cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Simon Phêrô với 3 lần ngài hỏi ông: ”Con có mến Thày không?” ĐHY Dziwisz mời gọi các bạn trẻ cũng ý thức mình cũng có thể gặp gỡ Chúa Giêsu tại Cracovia này. Ngài nói: ”Ngày hôm nay, Chúa Giêsu Kitô đang nói với chúng ta ở Cracovia này, bên bờ sông Vistola, chảy qua toàn Ba Lan, từ núi tới biển. Kinh nghiệm của Thánh Phêrô có thể trở thành kinh nghiệm của chúng ta và giúp chúng ta suy tư”.

ĐHY gợi ý và mời các bạn trẻ tìm cách trả lời 3 câu hỏi: Từ đâu chúng ta đến dự cuộc gặp gỡ này? Ngày hôm nay, chúng ta đang ở đâu, trong lúc này của cuộc sống chúng ta? Từ lúc này, chúng ta có thể quay cuộc sống chúng ta theo hướng đi nào? Chúng ta sẽ mang điều gì về từ nơi này”.

ĐHY Chủ tế nhắc đến nhiều hoàn cảnh khác nhau của các bạn trẻ tham dự Đại hội hiện nay, đặc biệt nhiều người đến từ những quốc gia, những miền đầy đau thương, và nhắc nhở họ rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn những ước vọng sâu xa nhất của tâm hồn chúng ta. Chính Chúa dẫn chúng ta đến đây và Chúa hiện diện giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta như với các môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa, trong những ngày này, những lo sợ và hy vọng của chúng ta”. Sau cùng ĐHY Dziwisz nhắn nhủ các bạn trẻ rằng:

”Khi trở về đất nước của các bạn, gia đình và cộng đoàn, các bạn mãy mang cho họ tia lửa của lòng thương xót, nhắc nhớ cho mọi người rằng ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Hãy mang đến cho tha nhân ngọn lửa đức tin của các bạn và qua đó hãy thắp lên những ngọn lửa khác, để trái tim nhân loại đập cùng một nhịp với Trái Tim Chúa Giêsu, là ”nguồn mạch tình yêu thương nồng nhiệt”. Ước gì ngọn lửa tình thương bao lấy toàn thế giới chúng ta, để trong đó không còn ích kỷ, bạo lực và bất công nữa, nhưng trên trái đất chúng ta nền văn minh sự thiện, hòa giải, tình thương và an bình được củng cố”. (SD 26-7-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chia buồn về vụ thảm sát tại Munich

Đức Thánh Cha chia buồn về vụ thảm sát tại Munich

Đức Thánh Cha chia buồn về vụ thảm sát tại Munich

VATICAN. ĐTC chia buồn về vụ thảm sát tại Munich làm cho 10 người bị thiệt mạng, kể cả thủ phạm.

Trong điện văn gửi đến ĐHY Reinhard Marx, TGM giáo phận Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

”ĐTC Phanxicô kinh ngạc hay tin về sự kiện kinh khủng xảy ra tại Munich, trong đó nhiều người, nhất là người trẻ, bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng. Ngài chia sẻ nỗi đau khổ của những người sống sót và bày tỏ sự gần gũi của ngài trong đau khổ. Trong kinh nguyện, ĐTC phó thác những người qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những người bị thương tổn vì vụ sát hại này và cám ơn các lực lượng cứu trợ và an ninh vì sự dấn thân nhiệt thành và quảng đại của họ. ĐTC Phanxicô cầu xin Chúa Kitô, là Chúa Tể sự sống, ban cho tất cả mọi người ơn an ủi và nâng đỡ, đồng thời ban phép lành Tòa Thánh cho họ như bảo chứng niềm hy vọng”.

Thủ phạm vụ thảm sát tại tiệm ăn McDonald ở Munich hôm thứ sáu 22-7-2016 là Ali Sonboly, 18 tuổi, gốc Iran. Theo các giới chức điều tra, Ali đã chuẩn bị cuộc thảm sát này từ 1 năm nay và đang được chữa trị về bệnh tâm thần.

Trong số 9 người bị Ali sát hại, đa số là người trẻ và có 7 người là người nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovar. Số người bị thương lên tới 35 người. Ali tự sát lúc 20 giờ 30 trong khi một toán cảnh sát tìm cách liên lạc với chàng ta.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi ngày cầu nguyện toàn quốc

Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi ngày cầu nguyện toàn quốc

Đức Cha Joseph E. Kurtz chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ

Trước những sự kiện bạo lực và căng thẳng chủng tộc vừa qua tại các cộng đồng trên toàn nước Mỹ, Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ mời gọi các Giáo phận trên toàn quốc hợp nhất trong Ngày cầu nguyện và cách rộng lớn hơn, cổ vũ hòa bình và chữa lành trong thời gian những căng thẳng nặng nề trong xã hội dân sự.

Phát biểu về những vụ nổ súng liên quan đến sắc tộc ở Baton Rouge, Minneapolis và Dallas, Đức Tổng Giám mục  Joseph E. Kurtz của Giáo phận Louisville, Kentucky, lưu ý đến việc nhìn vào những cách thức Giáo hội Công giáo có thể đồng hành và giúp những cộng đoàn đang đau khổ này. Ngài nói: “Tôi đã nhấn mạnh đến việc cần thiết tìm thêm những cách thức nuôi dưỡng một cuộc đối thoại cởi mở, chân thật và dân sự về những quan hệ sắc tộc, phục hồi công lý, sức khỏe tâm thần, cơ hội kinh tế và giải quyết những vấn đề bạo lực phổ biến gây nên bởi súng. Ngày Cầu nguyện và Ủy ban đặc nhiệm sẽ giúp chúng ta tiến tới trong chiều hướng đó. Bằng cách bước tới để ôm lấy những người đau khổ, qua sự hiệp nhất, hành động cụ thể được sinh động bởi tình yêu Chúa Kitô, chúng ta hy vọng nuôi dưỡng hòa bình và xây dựng những cầu nối thông tin liên lạc và hỗ trợ lẫn nhau trong chính các cộng đồng của chúng ta”.

Ngày Cầu nguyện cho hòa bình tại các cộng đoàn của chúng ta sẽ được cử hành vào ngày lễ thánh Phêrô Claver, ngày 9/9, và sẽ là một điểm đầu cho hoạt động của Ủy ban đặc nhiệm. Mục đích của Ủy ban đặc nhiệm là giúp các Giám mục tham dự vào các vấn đề thử thách cách trực tiếp bằng những cách thức khác nhau: thu tập và phân phát các nguồn hỗ trợ và “những thực hành tốt nhất”; lắng nghe cách tích cực những quan tâm của các thành viên trong các cộng đồng gặp khó khăn và thực thi pháp luật; xây dựng những mối liên hệ vững mạnh để giúp ngăn ngừa và giải quyết các xung đột. Ủy ban đặc nhiệm sẽ kết thúc công việc của họ với một báo cáo về các hoạt động của và những đề nghị cho hoạt động tương lai cho Đại hội đồng vào tháng 11.

Đức Tổng Giám muc Wilton D. Gregory của Atlanta, nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, sẽ là chủ tịch của Ủy ban đặc nhiệm. Ngài vinh hạnh nhận trách nhiệm dẫn dắt Ủy ban này; Ủy ban sẽ giúp các Giám mục đồng hành với các cộng đồng đau khổ trên đường tiến tới hòa bình và hòa giải. Ngài nói: “Chúng ta là một thân thể trong Chúa Kitô, vì vậy chúng ta phải bước đi với các anh chị em chúng ta và lập lại sự dấn thân cổ võ việc chữa lành. Người đau khổ không ở nơi nào khác, hay của ai khác; nó chính là của chúng ta và ở trong Giáo phận của chúng ta”.

Các thành viên khác của Ủy ban đặc nhiệm cũng bao gồm các Giám mục khác, các chủ tịch của các Ủy ban của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, và có nhiều Giám mục và giáo dân cố vấn. (RV 22/7/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández

Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández

Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández, Đồng sáng lập Con đường Tân Dự Tòng

MADRID. ĐTC Phanxicô nhiệt liệt đề cao và cám ơn Bà Carmen Hernández, người đồng sáng lập Con đường Tân Dự Tòng, mới qua đời chiều ngày 19-7-2016 tại Madrid, hưởng thọ 85 tuổi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây qua sứ điệp gửi đến Ông Kiko Arguello, người đã cùng với bà Carmen khởi xướng Con đường Tân dự tòng tại ngoại ô Madrid, Tây Ban Nhà vào cuối thập niên 1960, và nay đã có hơn 30 ngàn Cộng đồng thuộc Con đường này tại 120 nước trên thế giới.

Bà Carmen sinh năm 1930 tại tỉnh Navarra, Tân Ban nha, trong một gia đình thân phụ là người sáng lập công ty Herba, một trong những hãng về gạo quan trọng nhất tại nước này.

Sau khi tốt nghiệp ngành hóa học tại Đại học Madrid và làm việc một thời gian trong hãng của gia đình, Carmen đã quyết định theo đuổi ơn gọi thừa sai đã cảm thấy từ nhỏ và gia nhập Nữ Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô, và chuẩn bị đi truyền giáo. Nhưng rồi dòng tu này bị khủng hoảng trong thời kỳ Công đồng chung Vatican 2, khiến chị Carmen phải tìm con đường khác.

Về sau chị gặp ông Kiko Arguello, một họa sĩ, dấn thân loan báo cho những người nghèo, người du mục, người khuyết tật ở khu vực ngoại ô Madrid và đã cộng tác vào công trình này. Con đường Tân Dự Tòng nảy sinh từ đó và lớn mạnh với thời gian.

Sứ điệp của ĐTC được đọc lên trong lễ an táng Bà Carmen tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Madrid chiều ngày 21-7 vừa qua, do Đức Cha Carlos Osorio Sierra, TGM sở tại chủ sự. ĐTC viết:

Mến gửi ông Francisco Kiko Arguello, Con đường Tân dự tòng, Madrid

Tôi xúc động hay tin bà Carmen Hernández qua đời sau một cuộc đời dài, được ghi đậm bằng tình yêu đối với Chúa Giêsu và lòng hăng say truyền giáo. Trong giờ chia li đau thương này tôi gần gũi trong tinh thần, với lòng quí mến đối với thân nhân và toàn thể Con đường Tân dự tòng mà Bà là người đồng khai sáng, cũng như đối với toàn thể những người quí chuộng nhiệt huyết tông đồ của Bà được cụ thể hóa, nhất là trong việc đề ra một hành trình tái khám phá bí tích Rửa Tội và thường huấn về đức tin. Tôi cảm tạ Chúa vì chứng tá của người phụ nữ này, được linh hoạt bằng tình yêu chân thành đối với Giáo Hội mà Bà đã hiến toàn thân trong việc loan báo Tin Mừng nơi mọi môi trường, cả những môi trường xa lạ nhất, và không quên những người bị gạt ra ngoài lề. Tôi phó thác linh hồn Bà cho lòng từ nhân của Chúa, xin Chúa đón nhận linh hồn Bà trong niềm vui Phục Sinh vĩnh cửu và tôi khích lệ những người đã quen biết Bà và bao nhiêu người tham gia Con đường Tân Dự tòng hãy giữ cho mối quan tâm truyền giáo của Bà được luôn sinh động, hoạt động trong niềm hiệp thông thực sự với các Giám Mục và Linh mục, thực thi lòng kiên nhẫn và từ bi đối với tất cả mọi người. Với những ước nguyện ấy, tôi cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và vui lòng ban pháp lành Tòa Thánh cho tất cả những người hiện diện tại lễ an táng này”. (SD 21-7-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Bộ Phong Thánh công bố các sặc lệnh liên quan tới 9 Tân chân phước và 6 Đấng đáng kính

Bộ Phong Thánh công bố các sặc lệnh liên quan tới 9 Tân chân phước và 6 Đấng đáng kính

congreg-logo

VATICAN: Sáng mùng 8 tháng 7 vừa qua ĐTC đã tiếp ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và cho phép công bố các sắc lệnh liên quan tới 9 tân Chân phước và 6 Đấng đáng kính.

Sắc lệnh thứ nhất nhìn nhận phép lạ nhờ lời bầu cử của Đấng đáng kính Luigi Antonio Rosa Ormières, Linh mục sáng lập dòng các Nữ Tu Thiên Thần Bản Mệnh, sinh năm 1809 qua đời năm 1890.

Sắc lệnh thứ hai nhìn nhận cái chết tử đạo của các vị Tôi tớ Chúa Antonio Arribas Hortiguela và 6 bạn, Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bị giết vì đức tin ngày 29 tháng 9 năm 1936. Sắc lệnh thứ ba nhìn nhận cái chết tử đạo của vị Tôi tớ Chúa Giuseppe Mayr-Nusser, giáo dân bị giết vì đức tin ngày 24 tháng hai năm 1945. Sáu sắc  lệnh khác nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các vị Tôi tớ Chúa: Alfonso Gallegos dòng các tu sĩ Agostino Recolletti, Giám Mục phụ tá giáo phận Sacramento, sinh năm 1931 qua đời năm 1991; Raffaele Sánchez García, Linh mục giáo phận, sinh năm 1911 qua đời năm 1973; Andrea Filomeno García Acosta, giáo dân dòng Anh em hèn mọn, sinh năm 1800 qua đời năm 1853; Giuseppe Marchetti, Linh mục dòng các Thừa Sai thánh Carlo, sinh năm 1869 qua đời năm 1896; Giacomo Viale, Linh mục dòng Anh em hèn mọn, cha sở Bordigherra, sinh năm 1820 qua đời năm 1912; Maria Pia Thánh Giá, sáng lập dòng các Nữ Tu chịu đóng đinh chầu Thánh Thể, sinh năm 1847 qua đời năm 1919.

Trong số các tân chân phước nổi bật nhất là chân phước Giuseppe Mayr-Nusser cha gia đình, chết vì bị bắt buộc gia nhập lực lượng mật vụ Đức quốc xã, nhưng từ chối thề vâng lời Hitler. Vì thế ông bị gửi tới trại tập trung Dachau, bị chết vì mệt và bị hành hạ trong khi di chuyển. Trong khi 7 chân phước thừa sai người Tây Ban Nha bị giết ngày 29 tháng 9 năm 1936 trong thời nội chiến Tây Ban Nha. Còn cha Luigi Antonio Rosa Ormières là nhà giáo dục, đặc biệt của dân nghèo (SD 8-7-2016)

Linh Tiến Khải

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt  Khâm, GM Phụ Tá giáo phận Thượng Hải.

Hôm 12-6-2016, Đức Cha Mã Đạt  Khâm (Ma Daqin) đã viết trên blog tuyên bố rút lại quyết định ra khỏi Hội Công Giáo yêu nước mà ngài đưa ra vào cuối buổi lễ thụ phong Giám Mục. Hành động này đã gây hoang mang và xôn xao lớn nơi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc.

Đức Cha năm nay 48 tuổi (1968), thụ phong GM ngày 7-7-2012. Sau khi tuyên bố rút khỏi Hội Công Giáo yêu nước, ngài bị nhà nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn, gần Thượng Hải và không được thi hành các nhiệm vụ Giám Mục.

Được yêu cầu lên tiếng về vụ này, hôm 23-6-2016, Cha Lombardi SJ ra thông cáo nói rằng:

1. Về những lời tuyên bố gần đây nói là của Đức Cha Taddeo Mã Đạt Khâm, GM Phụ Tá Thượng Hải, Tòa Thánh được biết điều này qua blog của Đức Cha và các hãng tin. Về vấn đề này, hiện nay Tòa Thánh không có tin tức trực tiếp.

2. Mọi giả thuyết về vai trò của Tòa Thánh trong vụ này là điều không đúng chỗ.

3. Sự việc bản thân và giáo hội của Đức Cha Mã Đạt  Khâm, cũng như của tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Quốc, được ĐTC đặc biệt quan tâm và ân cần theo dõi, Ngài cầu nguyện hằng ngày cho họ. (SD 23-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo Hội sắp có thêm 5 vị Hiển Thánh được tôn phong

Giáo Hội sắp có thêm 5 vị Hiển Thánh được tôn phong

Giáo Hội sắp có thêm 5 vị Hiển Thánh được tôn phong

 

Lúc 10 giờ sáng 20-6-2016, ĐTC đã nhóm công nghị Hồng Y để phê chuẩn và ấn định ngày tôn phong 5 vị chân phước lên bậc hiển thánh:

– Đứng đầu là chân phước Salomon Leclerq, người Pháp, thuộc dòng sư huynh các trường Công Giáo, tử đạo năm 47 tuổi trong thời Cách Mạng Pháp. Cũng như nhiều LM, tu sĩ nam nữ không chịu tuyên thệ trung thành với hiến pháp bài Công Giáo. sư huynh bị hành quyết năm 1792.

– Tiếp đến là Chân phước Manuel González García, GM giáo phận Palencia, Tây Ban Nha, nổi bật về lòng tôn sùng Thánh Thể và đã thành lập Liên hiệp đền tạ Thánh Thể và dòng các nữ tu thừa sai Thánh Thể Nazareth. Ngài qua đời tại thủ đô Madrid năm 1940.

– Thứ ba là chân phước LM Lodovico Pavoni, thuộc giáo phận Brescia bắc Italia và là một trong những nhà giáo dục tiên phong: hồi đầu thế kỷ 19 cha đề ra một kiểu mẫu giáo dục và dẫn vào công việc làm, đi trước các trường huấn nghệ chuyên nghiệp tân thời. Cha sáng lập dòng Nam Tử Đức Maria Vô Nhiễm, ngày nay quen gọi là dòng Pavoni. Cha qua đời năm 1849.

– Thứ tư là Chân Phước Alfonso Maria Fusco, thuộc miền Salerno nam Italia, nhiệt thành hoạt động mục vụ nơi các nông dân, huấn luyện giới trẻ, nhất là các trẻ em nghèo và mồ coi. Cha sáng lập dòng các nữ tu thánh Gioan Tẩy Giả và qua đời năm 1910, thọ 71 tuổi.

– Sau cùng là chân phước Elizabeth Chúa Ba Ngôi, Đan sĩ dòng Cát Minh nhặt phép (OCD) ở thành phố Dijon bên Pháp. Tuy chỉ sống 5 năm trong đan viện, nhưng đời sống thiêng liêng của chị lên tới đỉnh cao. Chị can đảm chịu đựng những đau khổ vì suy thận kinh niên quen gọi là bệnh Addison và qua đời năm 1906 lúc mới được 26 tuổi đời.

Công nghị bắt đầu với kinh Giờ Ba, sau đó ĐTC đã hỏi ý kiến và tuyên bố ngày tôn phong hiển thánh cho 5 vị chân phước sẽ là chúa nhật 16-10 năm nay.

Ngoài ra, ĐTC đã quyết định nâng 4 Hồng Y đang ở đẳng phó tế lên đẳng linh mục. Đó là ĐHY Levada, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ĐHY Franc Rodé, nguyên Tổng trưởng Bộ các dòng tu; ĐHY Andre Cordero di Montezemolo, nguyên giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, sau cùng là ĐHY Albert Vanhoye dòng Tên, nhà kinh thánh nổi tiếng (SD 20-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

VATICAN. Sáng thứ bẩy 18-6-2016, ĐTC đã tiếp kiến chung 50 ngàn tín hữu và ngài kêu gọi mọi người hãy đón nhận lời mời của Chúa Giêsu ”hãy hoán cải”.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt mỗi tháng 1 lần vào ngày thứ bẩy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn đề tài ”Lòng thương xót và hoán cải”. Hoán cải và tha thứ tội lỗi là 2 ý niệm tóm gọn lời rao giảng của các tông đồ. Sau khi giải thích ý nghĩa việc hoán cải theo Kinh Thánh, ĐTC khẳng định rằng:

”Khi Chúa Giêsu kêu gọi hoán cải, Ngài không hành động như vị thẩm phán xét xử dân chúng, nhưng Ngài đi từ sự gần gũi, chia sẻ thân phận con người, và vì thế, Ngài đi từ đường phố, từ nhà cửa, bàn ăn.. Lòng thương xót đối với những người đang cần thay đổi cuộc sống được thể hiện qua sự hiện diện dễ mến, để đưa mỗi người can dự vào lịch sử cứu độ. Qua thái độ ấy, Chúa Giêsu đánh động trái tim của con người và họ cảm thấy được tình thương của Thiên Chúa thu hút và được thúc đẩy để thay đổi cuộc sống”.

ĐTC trưng dẫn ví dụ cuộc hoán cải của Mathêu (Xc Mt 9,9-13) và của ông Zakêu (Xc Lc 19,1-10) diễn ra theo thể thức ấy, vì họ cảm thấy được Chúa Giêsu yêu thương, và qua Người, họ thấy được Chúa Cha thương mến. Và ĐTC kết luận rằng:

”Sự hoán cải đích thực diễn ra khi chúng ta đón nhận ơn thánh; và một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự hoán cải chân thành là chúng ta nhận thấy những nhu cầu của anh chị em và sẵn sàng đi gặp gỡ họ.. Vì thế, chúng ta hãy theo lời mời của Chúa và đừng kháng cự, vì chỉ khi nào chúng ta cởi mở đối với lòng thương xót của Chúa, chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui đích thực” (SD 18-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương

Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương

Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương

VATICAN. ĐTC cám ơn và khuyến khích các nỗ lực trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, để các Giáo Hội này có thể chiếu tỏa rạng ngời khuôn mặt của Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-6-2016, dành cho 90 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức Roaco là liên minh các cơ quan bác ái trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Hội nghị này tiến hành dưới quyền chủ tọa của ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và nhiều đại diện của các tổ chức bác ái và các vị sứ thần Tòa Thánh.

ĐTC đi từ sự kiện gần đây trong tiến trình tu bổ ở Bethlehem, trên trần một gian giữa của một đền thờ, người ta khám phá ra bức tranh khảm một thiên thần thứ 7, cùng với 6 thiên thần khác đang đi rước tiến về nơi Chúa sinh ra. Ngài nói:

”Sự kiện này làm cho chúng ta nghĩ rằng khuôn mặt của các cộng đoàn Giáo Hội cũng có thể bị che phủ vì những bụi bặm và những lớp vôi khác do những vấn đề khác nhau và tội lỗi. Trong chiều hướng đó, công việc của anh chị em phải luôn luôn được hướng dẫn do niềm xác tín rằng dưới những lớp bụi bặm và những gì che phủ về vật chất và luân lý, dưới những nước mắt và máu đổ do chiến tranh, bạo lực và bách hại gây ra, dưới những lớp phủ dường như không thể xuyên qua như thế, có một khuôn mặt sáng ngời như khuôn mặt thiên thần trong bức tranh khảm.”

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tất cả anh chị em, qua những dự án và hành động, đang cộng tác vào việc tu bổ ấy, để khuôn mặt của Giáo Hội phản chiếu rõ rệt ánh sáng của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Ngài là niềm an bình của chúng ta, và đang gõ cửa tâm hồn chúng ta ở Trung Đông, cũng như tại Ấn độ và Ucraina, quốc gia mà tôi đã muốn dành số tiền lạc quyên đặc biệt mới đây trong các nhà thờ ở Âu Châu hồi tháng tư vừa qua để cứu trợ.

Sau cùng, ĐTC đặc biệt nhắc đến sự hiện diện của Giáo Hội Siro Malabar và Siro Malankara ở ngoài bang Kerala bên Ấn Độ, một chủ đề được bàn tới trong khóa họp hiện nay của tổ chức Roaco. Ngài tái khẳng định lập trường và các chỉ thị của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm về quyền của các Giáo Hội này và các Giáo Hội Công Giáo la tinh, tránh tinh thần chia rẽ, và phải cổ võ tinh thần hiệp thông trong việc làm chứng tá về Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế duy nhất.

Nhiều tín hữu Công Giáo đông phương thuộc hai Giáo Hội Syro Malabar và Syro Malankara ra ngoài lãnh thổ bang Kerala và sống rải rác tại các giáo phận Công Giáo la tinh. Từ đó thỉnh thoảng xảy ra những ”cọ xát” về thẩm quyền mục vụ giữa các GM la tinh và Đông phương. Các vị Giáo Hoàng trước đây đã đề ra các qui tắc cần thiết để việc mục vụ cho các tín hữu Đông phương được tiến hành hài hòa (SD 16-6-2016)