Lòng thương xót Chúa

Lòng thương xót Chúa 

Mercy dinive St Faustina

Ngày 30-04-2000, theo mặc khải của Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn CN thứ 2 sau lễ Phục Sinh làm ngày để kính Lòng Thương Xót Chúa. Lễ này phát xuất từ sứ điệp mà Chúa đã ban cho thánh nữ Faustina, người môn đệ của Lòng Thương Xót, và là người đồng hương của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã được ngài tôn phong hiển thánh vào ngày 30-04-2000. Mừng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa năm nay càng đặc biệt hơn, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn ngày này để tuyên thánh cho hai vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót. Hai vị tân hiển thánh được tuyên phong trong ngày hôm nay cũng chính là thể hiện của Lòng Thương Xót Chúa dành cho nhân loại chúng ta, vì qua đời sống của các Ngài, chúng ta nhận ra được Lòng Thương Xót của Chúa.  

Hòa với niềm vui chung của toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về Lòng Thương Xót Chúa và hãy khám phá ra Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện như thế nào trong cuộc đời của chúng ta. 

I.      LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG KINH THÁNH

1. Cựu ước: 

Khi diễn tả về Lòng Thương Xót Chúa, các sách Cựu ước có 2 cách diễn tả đặc biệt, mỗi cách đều có sắc thái khác nhau: 

Trước hết là thuật ngữ “Hesed”, giống đực, thuộc về lý trí, là thái độ sâu sắc của lòng tốt. Khi “Hesed” được thiết lập giữa hai cá nhân, ngoài việc họ muốn tốt cho nhau, họ còn tin tưởng nhau, và thầm hứa trong lòng sẽ trung thành với nhau. Cựu ước dùng từ “Hesed” để nói về Thiên Chúa trong khi thiết lập giao ước với dân Israel. Điều đáng lưu ý là thuật ngữ này chỉ dành cho Thiên Chúa chứ không dành cho dân. Nói một cách chính xác hơn, dân không thể có được “Hesed”, nghĩa là không có được lòng tốt sâu sắc, không có điều gì đáng tin tưởng và cũng không có sự trung thành; chỉ Thiên Chúa và một mình Thiên Chúa mà thôi. 

Thuật ngữ thứ hai để nói về Lòng Thương Xót trong Cựu ước là “Rehamim” thuộc về giống cái, nó bao hàm tình yêu của người mẹ dành cho đứa con của mình, vì từ “Rehamim” xuất phát từ danh từ “Rehem”, nghĩa là tử cung, nơi người mẹ nuôi nấng đứa con khi nó mới được thành hình. Về phương diện tâm lý, “Rehamim” phát sinh một loạt cảm xúc, kể cả lòng tốt và sự dịu dàng, kiên nhẫn và thông cảm cho đối tượng, nghĩa là sẵn sàng tha thứ. Cựu ước đã quy cho Thiên Chúa tất cả những đặc tính này khi dùng thuật ngữ “Rehamim” để nói về Ngài. Chúng ta đọc thấy trong sách Isaia: “Có người mẹ nào quên được đứa con của mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15). 

Vì vậy Cựu ước diễn tả Thiên Chúa vừa như người cha luôn trung thành, luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho con mình; vừa như người mẹ luôn bảo vệ, chở che, thông cảm, tha thứ cho đứa con. 

2. Tân ước:

Trong Tân ước, Lòng Thương Xót Chúa được diễn tả rõ nét nhất trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”. Đó là mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót. Câu chuyện này thể hiện Tình Cha đối với đứa con hoang đàng. Đứa con đó không chỉ được phục hồi quyền làm con mà còn được tiếp tục thừa kế gia sản của người cha dù đã ăn chơi phung phí hết phần gia sản riêng. Ăn năn và trở về, nhận lỗi và xin lỗi, tất cả lại trở về nguyên trạng của người con. Tình Chúa quá bao la và kỳ diệu! 

Tuy nhiên Lòng Thương Xót Chúa lại được thể hiện rõ nét nhất trong mầu nhiệm Tử nạn- Phục sinh của Đức Kitô. Thiên Chúa yêu con người đến nỗi thí mạng sống mình cho con người. Thiên Chúa yêu con người đến độ không còn giữ lại một chút gì, kể cả những giọt máu và nước cuối cùng. Trong khi kề cận với cái chết, Chúa Giêsu vẫn còn thực hiện Lòng Thương Xót qua việc cho tên trộm biết ăn năn hối cải được vào thiên đàng với Ngài; qua việc Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những người đã hành hình Ngài “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. 

Trong Tân ước, Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện qua chính hành động của Chúa Giêsu. 

II.     KHÁM PHÁ LÒNG THƯƠNG XÓT

Khi đọc lại Thông Điệp về Lòng Thương Xót Chúa tôi thấy được hai điểm chính yếu của Lòng Thương Xót mà chính Chúa đã giải thích từ bức ảnh để phổ biến về Lòng Thương Xót Chúa: “Hai luồng tia sáng chỉ Nước và Máu đã vọt chảy từ lòng Thương Xót của Ta, lúc mà trái tim Ta bị lưỡi đòng đâm thấu trên thập giá. Những tia trắng biểu hiệu nước công chính thánh hóa các linh hồn. Những tia đỏ biểu hiệu máu ban Sự Sống cho các linh hồn, bênh vực, che chở các linh hồn trước sự xét sử công bình của Cha Ta. Phúc cho kẻ được sống dưới sự che chở của sự sống ấy vì họ sẽ phải lo sợ trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (TĐLTXC.299). 

Như vậy Máu và Nước từ trái tim Chúa Giêsu chính là thể hiện của Lòng Thương Xót Chúa. Máu là Sự Sống, Nước là sự Thánh hóa Chúa dành cho các linh hồn. Hai đặc tính này cũng chính là hai thuật ngữ để chỉ về Lòng Thương Xót Chúa trong Cựu ước. Máu là “Hesed”, là sự trung thành của Thiên Chúa, luôn muốn con người được sống. Nước là “Rehamim”, là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua sự dịu dàng, kiên nhẫn, thông cảm và tha thứ cho con người. 

III.   ĐÓN NHẬN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Từ hai hình ảnh Máu và Nước thể hiện Sự Sống và ơn Thánh hóa Chúa dành cho các linh hồn biết tín thác vào Ngài, chúng ta hãy đón nhận Lòng Thương Xót Chúa. 

1. Đón nhận Sự Sống của Chúa

Tia màu đỏ từ trái tim Chúa là hình ảnh Máu ban sự sống. Lòng Thương Xót Chúa như ý chí của người cha luôn luôn mong muốn con mình  được sống. Đó không chỉ là sự mong muốn, mà còn là khả năng ban cho con người chúng ta sự sống và sống dồi dào. Sự sống đó được ẩn tàng trong Bí tích Thánh Thể, Bí tích của tình yêu. Chính vì vậy Bí tích Thánh Thể là thể hiện của Lòng Thương Xót Chúa một cách rõ nét nhất.

Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho thánh nữ Faustina: “Niềm vui lớn lao của Ta là được kết hợp với các linh hồn khi họ rước lễ. Ta đến với tâm hồn họ. Bàn tay Ta đầy những ơn sủng muốn ban cho họ. (TĐLTXC.1385). Vì vậy để đón nhận Lòng Thương Xót Chúa, mỗi người hãy biết đón nhận sự sống Chúa ban nơi Bí tích Thánh Thể. 

2. Đón nhận ơn tha thứ.

Tia màu trắng từ trái tim Chúa là hình ảnh Nước thánh hóa mọi tâm hồn nên trong sạch. Lòng Thương Xót Chúa như tình yêu của người mẹ luôn cảm thông, tha thứ mọi lỗi lầm cho đứa con. Thiên Chúa luôn yêu thương con người dù con người có tốt lành thánh thiện hay khi họ là những tội nhân xấu xa nhất, vì bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Nếu Thiên Chúa không yêu thương, Ngài không còn là Thiên Chúa nữa. Lòng Thương Xót của Chúa là sự hạ mình xuống để nâng con người tội lỗi lên chạm đến sự thánh thiện của Chúa. Tình yêu thương tha thứ đó được thể hiện trong Bí tích Giải tội, là nơi mà Thiên Chúa sẵn sàng trả lại cho chúng ta tất cả vẻ đẹp của một người con Chúa, và còn cho chúng ta quyền được thừa hưởng gia tài của Ngài chính là hạnh phúc Nước Trời. 

Chúa đã nói với chị Faustina: “Khi con đi xưng tội, Nước từ mạch xót thương tuôn ra từ Trái Tim trào xuống linh hồn con (1602). Trong tòa án Xót Thương, những phép lạ xảy ra không ngừng (1448). Hãy mở tâm hồn ra, Ta sẽ chiếu tràn ngập ánh sáng trong lòng con” (1725). Vì vậy để đón nhận Lòng Thương Xót Chúa hãy chạy đến với Bí tích Giải tội. 

IV.      THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT

Ngoài việc chúng ta đón nhận Lòng Thương Xót Chúa qua Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội, vì ở nơi đó, tình yêu của Chúa được thể hiện một cách rõ nét và trọn vẹn nhất; chúng ta còn phải có bổn phận thực thi Lòng Thương Xót Chúa. Nếu chúng ta đón nhận Lòng Thương Xót qua việc đón nhận sự sống và ơn tha thứ, thì chúng ta cũng phải thực thi lòng thương xót qua việc trao ban sự sống và tha thứ cho người khác. 

1.  Trao ban sự sống.

Giống như Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải làm cho những người bên cạnh chúng ta được sống và sống dồi dào. Chính vì vậy được phép giết chết người khác bằng bất cứ hình thức nào, kể cả những việc xúc phạm đến họ trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm. Hơn thế nữa chúng ta còn phải làm cho sự sống của họ được lớn mạnh bằng sự hy sinh, quên mình, chấp nhận thiệt thòi… Lúc đó chúng ta đang trao ban sự sống của mình cho người khác. 

2. Trao ban sự tha thứ:

Kế đến, như Lòng Thương Xót Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho người khác. Trong bất cứ một tập thể nào, dù lớn hay nhỏ đều có thể xảy ra những va chạm. Những va chạm này nếu không có sự tha thứ thì sẽ dễ dẫn đến những đổ vỡ. Sự tha thứ không chỉ là bỏ qua những xúc phạm của người khác, mà còn phải là trả lại cho họ hình ảnh thuở ban đầu, như hình ảnh người cha nhân hậu đối xử với đứa con hoang đàng. 

Trong năm Phúc âm hóa gia đình này, việc trao ban sự sống và tha thứ cho nhau càng phải được thực hiện một cách tích cực hơn trong mỗi gia đình, để Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện rõ nét trong mỗi gia đình.

Khi biết được Lòng Thương Xót Chúa luôn mong muốn chúng ta được sống, luôn chờ đợi để tha thứ cho chúng ta, nghĩa là Lòng Thương Xót không bao giờ muốn chúng ta bị diệt vong, chúng ta hãy mạnh dạn kêu xin Lòng Thương Xót Chúa: “Lạy Đấng toàn Chí thánh toàn năng hằng hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới!”, “Kính lạy Máu và Nước đã trào tuôn từ Trái Tim Chúa Giêsu, xin thương xót gia đình chúng con!”.

LM. Thiện Duy