Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của giáo hội

Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của giáo hội

Manila – Hôm thứ hai, 06/03/2017, chính quyền tổng thống Duterte đãthông báo chương trình đánh thuế các trường tôn giáo. Pantaleon Alvarez, chủ tịch Hạ viện, người đã miêu tả các Giám mục như “một đám giả hình”, nói rằng các trường của Giáo hội nên bị đánh thuế để gia tăng thu nhập của chính quyền. Ông đã kêu gọi xem xét lại chính sách thu thuế của chính quyền, vì ông cho rằng một số trường có các học sinh thuộc gia đình thu nhập cao và có học phí cao.

Đáp lại ý kiến của ông Alvarez, đức cha Pablo David của Kalookan nói rằng Giáo hội sẽ không điều hành các trường học nếu chính quyền cung cấp chất lượng giáo dục tương xứng, đặc biệt là ở các trường tiểu học và trung học. Ngài nói: “Thực tế là chính quyền không thể. Ở trong Giáo hội, chúng tôi luôn nghĩ là chúng tôi đang giúp cho chính quyền qua việc đem lại nền giáo dục chất lượng ở bất cứ nơi nào mà nhà nước không thể làm.”

Đức cha lưu ý là sự thất bại này có thể thấy nơi các trường công lập chật chội cũng như trong sự tồn đọng rất nhiều trong việc xây cất lớp học và tình trạng thiếu giáo viên. Theo đức cha, nguồn lực của chính phủ vẫn không đủ để cung cấp một nền giáo dục xứng hợp cho người dân.

Đức cha David chia sẻ: “chúng tôi không dựa vào quỹ chung để điều hành các trường củ chúng tôi. Sao họ không đối xử với chúng tôi như các đối tác và đồng minh của họ thay vì như các đối thủ?

Theo nhiều nhà phân tích chính trị, chính sách đánh thuế là hành động trả thì của chính quyền chống lại các giám mục. Đã nhiều tháng, Giáo hội lên tiếng phê bình chống lại cuộc chiến ma túy và việc giết người không xét xử của tổng thống Duterte và là đối thủ quyết liệt của việc tái lập án tử hình. (Asia News 10/03/2017)

Hồng Thủy 

Bà mẹ góa hướng dẫn ơn gọi cho 3 con trai

Bà mẹ góa hướng dẫn ơn gọi cho 3 con trai

Mumbai – Trong ngày quốc tế phụ nữ 08/03, Đức cha John Rodrigues, Giám mục và giám đốc đền thờ Đức Maria trên núi ở Bandra, đã nhắc về người mẹ của mình với lòng biết ơn. Đức cha nói: “Nhờ gương của mẹ, người luôn nhắc chúng tôi về sự hiện diện của Thiên Chúa, tạo bầu khí cầu nguyện trong gia đình chúng tôi và có các mối liên hệ với các linh mục khác, chúng tôi đã cảm thấy ơn gọi trở thành tu sĩ của mình.”

Bà Corinne Rodrigues là mẹ của cha Savio, cha sở ở Mumbai, cha Luke, phó giám tỉnh tỉnh dòng Tên Mumbai và đức cha John. Chồng của bà qua đời vào năm 1975 và bà đã một mình nuôi 3 con. Các con của bà Rodrigues nhớ đến bà như một phụ nữ phi thường, đức tin mạnh mẽ và ân sủng, cuộc sống dâng hiến để phục vụ cho người khác, đầu tiên là làm giáo viên, rồi làm vợ, làm mẹ và vợ góa.

Cha Savio kể: “Cha mẹ tôi rất yêu nhau và hoạt động trong giáo xứ. Những năm 70 họ gia nhập phong trào Gia đình Kitô giáo. Năm 1973 họ tham gia vào “Cuộc gặp gỡ hôn nhân” – tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng, rồi được chọn làm lãnh đạo nhóm các vợ chồng. Những năm kế tiếp họ bận rộn chọn các đôi tham dự tĩnh tâm.” Dù cho người chồng qua đời, mẹ của các cha tiếp tục cổ võ các ý tưởng và các giá trị mà họ quý chuộng. Không chỉ hy sinh nhiều, bà còn dạy các con cái làm như thế. Bà còn có tình yêu dành cho người nghèo khổ. Bà thăm viếng các bệnh nhân tại nhà thương, mua các nhu yếu phẩm cho những người không thể đi ra ngoài được, chăm sóc trẻ em, tổ chức các chương trình và công việc cho các và góa. Sự quảng đại và nhiệt thành của bà thúc đẩy người khác.

Bà Rodrigues là tấm gương sáng về lòng thương xót của giáo phận Mumbai, bà cổ võ các hoạt động bác ái. Phong trào Hy vọng và Sự sống, một nhóm trợ giúp các bà góa là một trong những hoạt động của bà. Bà cũng là một phụ nữ góa, nhưng nỗi đau mất người chồng yêu quý không ngăn bà trao chuyển các giá trị Tin mừng và tình yêu Chúa.

Năm 2015, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập phong trào, Đức cha John Rodrigues đã nói: đối với mẹ ngài, “Chúa Giêsu là hôn phu tối cao, đá tảng hướng dẫn chúng ta trong việc đối mặt cách an ủi với các thử thách, đau khổ.” Đức cha kết luận: sức mạnh của bà “ở trong lời cầu nguyện. trong gia đình chúng tôi, giây phút cầu nguyện rất là quan trọng. Chúng tôi đọc kinh Mân Côi trong gia đình cũng như trong cộng đoàn. Nhờ sự khuyến khích nâng đỡ của cha mẹ mà tất cả chúng tôi, như gia đình, dâng hiến cho Giáo hội”. (Asia News 08/03/2017)

Hồng Thủy 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thánh nhạc

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thánh nhạc

VATICAN. ĐTC khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc giúp cộng đoàn phụng vụ và dân Chúa tích cực tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 4-3-2017 dành cho 400 tham dự viên Hội nghị quốc tế về chủ đề: ”Âm nhạc và Giáo Hội: việc phụng tự và văn hóa 50 năm từ sau Huấn Thị về Thánh Nhạc”. Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, Bộ giáo dục Công Giáo, Giáo Hoàng Học viện về Thánh Nhạc và Giáo Hoàng Học viện về phụng vụ thuộc trường thánh Anselmo ở Roma cùng tổ chức.

Huấn thị ”Musicam sacram” đề ra những đường hướng cụ thể để áp dụng Hiến chế của Công đồng chung Vatican 2 về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium).

Trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao tính chất thời sự của Huấn Thị này, trong đó có nêu bật tầm quan trọng sự tham gia của toàn thể cộng đoàn tín hữu, một cách tích cực, ý thức và trọn vẹn, vào hoạt động phụng vụ. Trong ý hướng đó, ngài nhiệt liệt khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc, các vị ca trưởng các ca đoàn, ”hãy giúp cộng đoàn phụng vụ và Dân Chúa nhận thức và tham gia, với tất cả giác quan thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Nhạc và thánh ca phụng vụ có nghĩa vụ mang lại cho chúng ta ý nghĩa vinh danh Thiên Chúa, vẻ đẹp, sự thánh thiện bao trùm chúng ta như đám mây sáng ngời” (SD 4-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

“Mẹ Têrêsa của Myanmar” chăm sóc các bệnh nhân bệnh Aids

“Mẹ Têrêsa của Myanmar” chăm sóc các bệnh nhân bệnh Aids

Yangon, Myanmar – Mọi người gọi sơ Marta Mya Thwe, dòng thánh Giuse là “Mẹ Têrêsa của Myanmar”, vì sơ đã dấn thân không mệt mỏi phục vụ các bệnh nhân bị sida hay dương tính với virus Hiv, những người không được chữa trị đúng mức, bị xã hội loại bỏ và gia đình xua đuổi và các cơ sở y tế của Myanmar không quan tâm.

Sơ Marta kể về công việc của minh: “Nhiều người không dám dụng đến những người bị sida. Tôi nhận thấy nhiều người bị đuỏi khỏi nhà vì bệnh này. Nhiều người bịnh giai đoạn cuối nằm trên đường phố cho đến chết. Trong những năm gần đây, có một thảm kịch gia tăng về số người chết vì bịnh này, bị chính phủ và các tổ chức bỏ rơi.”

Năm 2001, được thúc đẩy làm điều gì đó, sơ Marta đã yêu cầu ngay cả một tu sĩ Phật giáo và nhờ sự giúp đỡ của một số ân nhân và sinh viên, sơ đã thành lập trung tâm chữa trị “Tấm Gương Bác Ái”, nơi cung cấp chỗ trú ngụ, thực phẩm, thuốc men và các phương tiện giáo dục cho các trẻ mồ côi và những người bịnh sida.

Trung tâm đầu tiên ở Kyeikkami, một thành phố nhỏ miền quê của bang Mon, và sơ và một đội ngũ 2 nữ tu và 10 giáo dân, đã bắt đầu đón tiếp và điều trị các bịnh nhân sida từ các bang Kachin, Shan và Karen.

Sơ Marta cho biết sơ chứng kiến hàng ngày nhiều người chết, cả vì không thể mua các loại thuốc kháng virus. Đội ngũ của sơ chỉ có thể đồng hành với nhiều bịnh nhân vào giây phút cuối đời.

Sau nhiều nỗ lực, sơ Marta đã có thuốc và bắt đầu điều trị cho 20 bệnh nhân, rồi cho khoảng 103 bịnh nhân người lớn và trẻ em. Trung tâm của sơ, từ một ngôi nhà đơn giản bằng gỗ vào năm 2002, giờ đã được mở rộng với nhiều tòa nhà, nhờ tài trợ của tòa đại sứ Áo, Nhật và Đức. Ngày nay còn có một trạm xá nhỏ cung cấp các trợ giúp y tế, nơi có thể làm các xét nghiệm bịnh sốt rét hay viêm gan.

Năm 2014, một trung tâm mới được xây dựng ở Kawthaungnel, miền nam Myanmar, nơi mà bịnh sida lan tràn. Các trung tâm chăm sóc  và đồng hành khác cũng có ở các thành phố Kyaikkami và Thanbyuzayat, trợ giúp 104 bịnh nhân. Sơ Marta cho biết: “chúng tôi đang tìm cách đối phó với vấn đề các bịnh nhân trẻ em với sự trợ giúp toàn diện cho sự tăng trưởng của các em, điều trị và cả giáo dục” vì thường phụ huynh và gia đình không sẵn sàng chấp nhận rằng các em có thể trở về lại với gia đình của các em. (Agenzia Fides 4/3/2017)

Hồng Thủy

Đức Giáo hoàng trả lời phỏng vấn của tạp chí Sneaker của “người vô gia cư”

Đức Giáo hoàng trả lời phỏng vấn của tạp chí Sneaker của “người vô gia cư”

Tạp chí “Scarp de’ tenis” (Sneaker) số ra ngày 28/02 hôm nay, có đăng cuộc phỏng vấn Đức Giáo hoàng về nhiều vấn đề. “Scarp de’ tenis” là tạp chí tiếng Ý do những người vô gia cư điều hành.

Tạp chí “Scarp de’ tenis” cũng hoạt động như một dự án xã hội, với phần lớn ban điều hành là người vô gia cư, bị đau khổ bởi những hoàn cảnh khó khăn cá nhân hay những hình thức kỳ thị loại trừ của xã hội. Tạp chí cũng là nguồn thu nhập chính của phần lớn cộng tác viên.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích những sáng kiến mới đây để giúp người tị nạn, như là cung cấp nơi trú ngụ trong Vatican. Ngài đã giải thích cho thấy sáng kiến đón tiếp người vô gia cư đã được các giáo xứ ở Roma tham gia nhiệt tình thế nào. Ngài cho biết có hai giáo xứ ở Vatican đều nhận người Syria và nhiều giáo xứ ở roma cũng đã trả tiền nhà cho các gia đình nghèo khổ suốt một năm.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo hoàng thường nói đến ý tưởng đi bằng chiếc giày của người khác. Theo ngài, đi bằng giày người khác là cách để mình thoát ra khỏi sự ích kỷ, vì chúng ta học hiểu biết những tình cảnh khó khăn. Ngài khẳng định rằng lời nói không thì chưa đủ, nhưng sự vĩ đại là đi bằng đôi giày của người khác. Ngài chia sẻ: “Tôi thường gặp một người, sau khi đã tìm sự an ủi nơi các Kitô hữu, có thể là một giáo dân, một Linh mục, một nữ tu hay Giám mục, họ nói với tôi là ‘họ lắng nghe tôi nhưng họ không hiểu tôi.’”

Đức Giáo hoàng cũng nói đùa về thái độ của dân chúng về việc cho tiền những người sống trên đường phố. Ngài kể là nhiều người quyết định không cho tiền, vì họ chỉ dùng nó để uống rượu. Nhưng Đức Giáo hoàng nói đùa: “Ly rượu là điều hạnh phúc duy nhất của họ trong cuộc sống!”

Nói về lòng quảng đại, Đức Giáo hoàng kể một câu chuyện thời ngài còn ở Buenos Aires, về bà mẹ có 5 đứa con. Khi người cha đang đi làm, còn cả nhà đang ăn trưa, thì một người vô gia cư đến xin ăn. Thay vì dạy các con lấy phần ăn để dành cho người cha để cho người hành khất, bà mẹ dạy các con cho một ít phần ăn của chúng. Và Đức Giáo hoàng khẳng định: “Nếu chúng ta muốn cho, chúng ta phải cho những gì là của chúng ta!”

Nói về vấn đề giới hạn số người tị nạn và di cư, đầu tiên Đức Giáo hoàng nhắc các độc giả của ngài rằng nhiều người trong số những người đang đến đất nước chúng ta là những người chạy trốn khỏi chiến tranh và đói kém. Tất cả chúng ta ở trên thế giới này là một phần của tình cảnh này và cần tìm cách giúp những người xung quanh chúng ta.

Ngài nói đến 13 người tị nạn đến từ đảo Lesbos và đã hòa nhập tốt vào xã hội, các trẻ em được đi học và các phụ huynh tìm được việc làm. Theo ngài, đó là gương mẫu cho người nhập cư muốn hòa nhập vào và đóng góp cho quốc gia mới và đạt được ước mơ.

Đức Giáo hoàng nhắc đến Thụy điển, quốc gia có gần 10% dân số là người nhập cư, để minh chứng cho vấn đề nhập cư. Trong những năm dưới chế độ độc tài ở Argentina, ngài đã thường nhìn đến Thụy điển như là ví dụ tích cực cho sự hội nhập. (RV 28/02/2017)

Hồng Thủy

Buổi cử hành đại kết dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh

Buổi cử hành đại kết dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Thánh

Ngày 22/03 tới đây, một buổi phụng vụ đại kết sẽ được cử hành tại nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu Mộ Chúa Giêsu.

Ngay chính giữa nhà thờ Mộ Thánh là Edicule (tiếng Anh và tiếng Pháp gọi giống nhau). Đây là một cấu trúc được xây, bao phủ quanh Mộ Chúa Giêsu.

Sau 9 tháng thực hiện việc trùng tu, các Giáo hội Công giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni Tông truyền – coi sóc  đền thờ thánh Anatasio – đã cùng nhau quyết định rằng các khách hành hương và du khách sẽ có thể thăm viếng Mộ Chúa Giêsu, sau khi các giàn giáo bao quanh được tháo gỡ.

Antonia Mariopoulou, kỹ sư của Học viện bách nghệ của Athen và điều hợp viên khoa học của công trình chia sẻ: “9 tháng trùng tu đã được đánh dấu bởi những thời khắc lịch sử. Đầu tiên là việc mở Mộ Chúa Giêsu vào tháng 10 – lần đầu tiên sau 200 năm – và là lần thứ 3 trong lịch sử.”  Bà nói tiếp: “Chúng tôi đã thấy một lớp đá cẩm thạch và dưới đó, một lớp đá cẩm thạch khác màu xám, bị phủ bởi bị đất. Với sự cho phép của 3 cộng đoàn Kitô giám quản, chúng tôi đã đào lớp đất này lên. Chúng tôi đã tìm thấy, chứ không phải là khám phá ra, một phiến đá được chạm khắc và chúng tôi đã hiểu chính ở đây, một ai đó được chôn cất, ở đây, xác của Chúa Giêsu được đặt ở đây.”

Cấu trúc Edicule bằng đá cẩm thạch, được xây dựng từ năm 1809-1810, là công trình xây dựng cuối cùng sau công trinh thế kỷ thứ IV, trên ngôi mộ chứa xác Chúa Giêsu, sau khi được hạ xuống khỏi thập giá. Kiến trúc nhanh chóng có những dấu hiệu không chắc chắn; sự thay đổi của vữa, thời tiết, khói nến hay hơi thở của số đông du khách và khách hành hương đã làm cho công trình thêm suy yếu.

Trong 9 tháng, các chuyên gia và nhân công đã làm việc hết mình, ngày cũng như đêm, làm một công việc tỉ mỉ và phục hồi tinh tế. Edicule đã bị tháo dỡ hoàn toàn; tẩy sạch, gia cố, được xây dựng lại như ban đầu. Chỉ những mảnh không thể phục hồi mới bị thay thế. (RV 27/02/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp khóa học về hôn nhân và gia đình

Đức Thánh Cha tiếp khóa học về hôn nhân và gia đình

VATICAN. Sáng ngày 25-2-2017, ĐTC đã tiếp kiến 350 cha sở và các LM tham dự khóa học về hôn nhân và gia đình. Ngài kêu gọi các vị giúp chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ và giúp giải hôn phối cho những cặp gặp khó khăn và tin rằng hôn phối của họ kết ước bất thành.

Khóa họp do Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma tổ chức với các vị thẩm phán giảng huấn trong khóa học.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận rằng các cha sở, các LM là những người đầu tiên tiếp xúc với các bạn trẻ muốn cử hành hôn phối và những người đã kết hôn mà gặp khó khăn, hoặc hôn nhân của họ bị tan vỡ và muốn khởi sự tiến trình xin xác nhận hôn nhân vô hiệu. ĐTC kêu gọi các LM hãy đồng hành với họ để làm chứng tá và nâng đỡ các tín hữu ấy, làm chứng về bản chất của bí tích hôn phối như hình ảnh của Thiên Chúa là cộng đoàn hiệp thông trọn vẹn giữa Ba Ngôi.

ĐTC nói rằng: ”Anh em cũng hãy quan tâm nâng đỡ những người nhận thấy cuộc kết hợp của họ không phải là một bí tích hôn phối đích thực và muốn ra khỏi tình trạng ấy. Trong công tác tế nhị và cần thiết này, anh em hãy làm sao để các tín hữu nhận thấy anh em không phải là những chuyên gia bàn giấy hoặc chuyên gia về các qui luật pháp lý, nhưng như những người anh đặt mình trong thái độ lắng nghe và cảm thông. Đồng thời anh em cũng hãy gần gũi với lối sống của Tin Mừng trong việc gặp gỡ và đón tiếp những người trẻ muốn sống chung mà không kết hôn. Trên bình diện tinh thần và luân lý, họ thuộc vào số những người nghèo và bé nhỏ mà Giáo Hội muốn là người Mẹ không bỏ rơi họ, theo gương Thầy và Chúa của chúng ta, nhưng gần gũi và chăm sóc họ (SD 25-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ lạm dụng tính dục

Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ lạm dụng tính dục

MELBOURNE. Các GM Australia quyết tâm bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành viên và không để xảy ra trong Giáo Hội những vụ như thế nữa.

Lập trường trên đây được Đức Cha Denis Hart, TGM Melbourne, Chủ tịch HĐGM Australia bày tỏ hôm 24-2-2017, sau 3 tuần lễ thẩm vấn của Ủy ban hoàng gia về những vụ lạm dụng tính dục.

Ủy ban này đã điều tra trong vòng 4 năm qua và xác nhận rằng trong 30 năm trời, từ 1980 đến 2010, có khoảng 4,400 vụ xảy ra trong cộng đồng Công Giáo ở Australia; khoảng 1.880 LM, tức là 7% các LM tại nước này, có liên lụy đến những vụ lạm dụng như thế. 70 vị lãnh đạo Giáo Hội đã điều trần trong 3 tuần lễ trước Ủy ban hoàng gia điều tra, và nói về những thiếu sót và sai lầm trong việc xử lý các vụ lạm dụng, đồng thời đề ra viễn tượng ngăn người những vụ đó trong tương lai. Trong số các vấn đề được phân tích, có các khía cạnh giáo luật, tòa giải tội, luật độc thân giáo sĩ, thái độ duy giáo sĩ, việc đào tạo linh mục, việc nâng đỡ về nghề nghiệp và sự giám sát.

Trong thông cáo, Đức TGM Denis Hart bày tỏ quyết tâm trên đây và khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo tại Australia sẽ tiếp tục nâng đỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Trong khi chờ đợi phúc trình chung kết của Ủy ban hoàng gia, Giáo Hội bây giờ phải áp dụng các chính sách trong các cộng đoàn của mình để phòng ngừa.

Đức TGM cũng cám ơn các nạn nhân đã tỏ ra can đảm trình bày những gì đã phải chịu.

Theo dự kiến vào cuối năm nay, Chủ tịch Ủy ban hoàng gia điều tra là ông Peter McClellan, sẽ đệ trình chính phủ Australia những đề nghị và phúc trình chung kết về tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục (SD 25-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka

Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka

Vatican – Sáng thứ tư 22/02, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp gia đình của 9 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra ngày 01/07/2016, tại một quán café ở thành phố Dhaka, thủ đô của Bangladesh.

Có 28 người thiệt mạng trong cuộc khủng bố, bao gồm 6 tay súng và 2 sĩ quan cảnh sát. Phần lớn trong số 20 nạn nhân là người Italia và Nhật; có một người Ấn độ và một người Mỹ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp 36 thành viên thân nhân của 9 nạn nhân người Italia. Ngài đã ôm chào và an ủi các gia đình. Ngài nói: “Thật là dễ để đi con đường từ yêu thương dẫn đến thù hận, trong khi thật khó để làm điều ngược lại: từ sự cay đắng hận thù đến yêu thương.”

Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Anh chị em bị để lại trong giận dữ, cay đắng và ước muốn trở lại, nhưng anh chị em đã dấn thân, với nỗi đau trong lòng, trên con đường yêu thương để xây dựng và giúp đỡ người dân Bangladesh, đặc biệt những người trẻ để họ có thể học biết: đây là gieo trồng bình an và tôi cám ơn anh chị em, nó là một gương mẫu cho tôi.”

Đức cha Valentino Di Cerbo của Alife-Caiazzo cũng hiện diện ở buổi gặp gỡ và đã trình bày với Đức Giáo hoàng về cuộc sống của 9 nạn nhân. Trong buổi gặp gỡ này, Đức Giáo hoàng cũng được tặng 9 cây ô liu nhỏ với tên của các nạn nhân được viết trên hình của con chim bồ câu gắn vào cây.

Thân nhân của nạn nhân cũng chia sẻ với Đức Giáo hoàng về những dự án đặc biệt họ đang thực hiện sau cuộc khủng bố như cách thức để tôn vinh những người thân của họ: một người anh của một nạn nhân sẽ đến Dhaka cùng với tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” và một gia đình khác giúp xây một nhà thờ trong một tỉnh nhỏ ở miền nam Bangladesh. Một dự án khác là cung cấp học bổng cho các người trẻ ở Bangladesh.

Sau vụ khủng bố vào hè năm ngoái, Đức Giáo hoàng cũng đã gửi thư chia buồn và lên án hành động dã man như một xúc phạm chống lại Thiên Chúa và nhân loại. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 03/07/2016, ngài kêu gọi cầu nguyện cho những kẻ mù quáng vì hận thù được hoán cải và đã cùng mọi người đọc kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Có thông tin loan truyền rằng Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Bangladesh trong năm 2017 này. Đức Hồng Y Patrick D’Rozario, Hồng y tiên khởi của quốc gia này nói rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một sự kiện vĩ đại đối với toàn Giáo hội tại đay, đặc biệt đối với sự hòa hợp tôn giáo…Đức Hồng y nói: “Đức Thánh Cha là một guru (vị thầy) tinh thần” và dự đoán cuộc viếng thăm của ngài sẽ phát triển đời sống tinh thần và sự hiệp thông của toàn dân.

Tại Bangladesh, Hồi giáo là tôn giáo chính. Thống kê năm 2013 cho thấy có tới 89% dân số là người Hồi, với chỉ 10% dân số theo Ấn giáo và Kitô hữu và Phật tử chiếm chưa tới 1% dân số. (CNA 22/02/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha bênh vực quyền lợi của các thổ dân bản xứ

Đức Thánh Cha bênh vực quyền lợi của các thổ dân bản xứ

VATICAN. ĐTC kêu gọi dung hòa quyền phát triển, xã hội và văn hóa với việc bảo vệ các đặc tính của các thổ dân bản xứ và lãnh thổ của họ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 15-2-2017 dành cho 40 đại diện các nhóm thổ dân quốc tế tham dự khóa họp thứ 40 của Hội đồng các vị quản trị Ngân Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp gọi tắt là IFAD.

ĐTC khẳng định rằng ”Việc dung hòa quyền phát triển và sự bảo vệ các đặc tính và lãnh thổ của các thổ dân là điều càng hiển nhiên phải có khi xác định các cơ cấu hoạt động kinh tế có thể ảnh hưởng đến các nền văn hóa của thổ dân và quan hệ truyền thống ngàn đời của họ với đất đai. Theo nghĩa này cần phải luôn dành ưu tiên cho quyền được đồng thuận và thông tin như điều số 32 của ”Tuyên ngôn về các quyền của thổ dân bản xứ”. Chỉ như thế mới có thể bảo đảm một sự cộng tác hòa bình giữa chính quyền và các thổ dân bản xứ, vượt thắng những đối nghịch và xung đột”.

ĐTC cũng kêu gọi ”các chính quyền nhìn nhận rằng các cộng đồng thổ dân là thành phần của dân tộc và họ cần được đề cao giá trị, được tham khảo ý kiến và được những điều kiện để hoàn toàn tham gia vào đời sống quốc gia trên bình diện địa phương và quốc gia. Không thể chấp nhận gạt họ ra ngoài lề hoặc phân chia thành giai cấp. Cần hội nhập họ với sự tham gia hoàn toàn”.

Sau cùng ĐTC khích lệ các thổ dân bản xứ tiếp tục sống sự phát triển và tiến bộ trong tinh thần chăm sóc đặc biệt đến trái đất. Ngài nói: ”Trong lúc này đây nhân loại đang phạm lỗi nặng vì không chăm sóc thiên nhiên, tôi khuyên anh chị em tiếp tục làm chứng về điều đó và đừng để cho các kỹ thuật mới – vốn là điều hợp pháp và tốt – phá hủy đất đai, môi sinh, sự quân bình sinh thái và rốt cuộc chúng sẽ phá hủy sự khôn ngoan của các dân tộc” (SD 15-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Hồng Y Bo: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ

Đức Hồng Y Bo: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ

Yangon – Tại Myanmar đang bị khuấy động bởi các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đẫm máu, Đức Mẹ là đấng duy nhất hiệp nhất con người của mọi sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Đó là lời khẳng định của Đức Hồng Y Bo, Tổng Giám mục Yangon, với 100 ngàn khách hành hương thuộc các tôn giáo khác nhau, trong cuộc hành hương hàng năm tại đền thánh Đức Maria ở Nyaunglebin, miền Bago, Myanmar.

Đối với Đức Hồng Y, sự liên kết – đặc tính của cuộc hành hương kính Đức Mẹ – là “một sự kiện hiếm hoi” và hòa bình mà “anh chị em đang cảm nghiệm” không phải là một yếu tố chung cho cả nước Myanmar. Đức Hồng y nhấn mạnh đến các cuộc xung đột làm cho hơn 200 ngàn người trở thành tị nạn tại chính đất nước mình. Ngài nói: “Không phải chính phủ hay Liên hiệp quốc có thể là nguồn hiệp nhất như Mẹ Maria làm hôm nay cho tất cả chúng ta.”

Đức Hồng Y mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt với Mẹ Maria, là Nữ vương hòa bình, để xin Mẹ ban bình an cho quốc gia. Ngài nhắc đến các nước láng giềng như Việt nam, Campuchia đang sống hòa bình, trong khi Myanmar, một nước giàu tài nguyên, từ 60 năm sống trong chiến tranh kéo dài, không phải chiến tranh với ngoại bang nhưng giữa anh em với nhau.

Phản ứng lại bầu khí chiến tranh, Giáo hội Công giáo ở Myanmar đã tuyên bố năm 2017 là “Năm hòa bình” và Đức Hồng Ymời gọi các tín hữu bỏ qua những lo âu sợ hãi, đe dọa không chỉ sự yên hàn của gia đình mà cả xã hội. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để Nữ vương hòa bình có thể xóa đi lo âu khỏi tâm trí của các lực lượng quân đội, của chính quyền và các nhóm sắc tộc.”

Cuối cùng Đức Hồng Y liệt kê 6 “chiếc bình” của Myanmar, những chiếc bình có thể chữa lành các vết thương của quốc gia và trả lại bình an và sự sống chung: đó là bình tinh thần, bình công lý, bình dân chủ, bình phát triển, bình hòa giải – nền tảng của việc tái thiết đất nước và bình gia đình – liên kết trong tình yêu theo gương mẫu của Thánh gia. Ngài kết luận: “Hòa bình là con đường duy nhất và hòa bình đến bởi công lý là đều có thể hôm nay. Hãy gõ cánh cửa thiên đàng. Hãy để cho Nữ vương hòa bình, Mẹ của chúng ta, cầu khẩn Chúa Giêsu Con Mẹ, để cho khoảng trống của hy vọng có thể được lấp đầy với rượu của hòa bình.” (Asia News 14/02/2017)

Hồng Thủy

Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ

Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ

New Delhi – Nhu cầu về văn chương Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ và thị trường đang mở rộng. Cha Saju Chackalackal, dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm và là giám đốc về Loan báo Tin mừng và mục vụ của dòng nói với hãng tin Fides như thế.

Cha nói: “Rất nhiều người, cả người học thức cũng như dân làng và dân ờ các thành phố, mong muốn có một bản Thánh kinh, đặc biệt là Tân Ước. Hiện nay có một mong ước giữa dân chúng là có thể có các sách về Kitô giáo để giúp các tin hữu có một ý niệm rõ ràng và đào sâu  nội dung đức tin Kitô giáo và cụ thể là về Giáo hội Công giáo.”

Cha Saju cũng cho biết là các thừa sai dòng Cát minh và các dòng khác yêu cầu cung cấp Thánh kinh để phân phát cho dân chúng, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, những người chân thành tìm kiếm hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô. Nhưng do yêu cầu gia tăng nên các nguồn của ủy ban Loan báo Tin mừng  và mục vụ không đủ.

Dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm được thành lập trong Giáo hội Siro-Malaba và là hội dòng Công giáo đầu tiên ở Ấn độ. Các thừa sai của dòng đang hoạt động tại Á châu, Brazil, Bắc Mỹ, Nam Phi, Kenya và châu Âu. (Agenzia Fides 13/2/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc mục vụ sức khỏe

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc mục vụ sức khỏe

VATICAN. ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc mục vụ y tế, săn sóc cả về mặt tinh thần cho các bệnh nhân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-2-2017, dành cho 300 tham dự viên cuộc gặp gỡ do Ủy ban bác ái và sức khỏe của HĐGM Italia tổ chức, nhân dịp Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25 và 20 năm thành lập Văn phòng tòan quốc Italia về mục vụ sức khỏe.

ĐTC nhắc nhở và kêu gọi thực thi mục tiêu của Ngày Thế giới các bệnh nhân là thăng tiến một nền văn hóa sự sống, và giúp các giáo phận, các cộng đoàn Kitô và các gia đình dòng tu ý thức về tầm quan trọng của việc mục vụ sức khỏe.

Ngài nói: ”Có bao nhiêu bệnh nhân trong các nhà thương, nhưng con số này càng nhiều hơn nữa trong các gia đình, ngày càng cảm thấy lẻ loi. Tôi cầu mong họ được viếng thăm thường xuyên để khỏi cảm thấy bị loại trừ khỏi cộng đoàn, và có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đang đi qua giữa các bệnh nhân trong thân xác và tinh thần, qua sự gần gũi của những người gặp gỡ họ.”

ĐTC nhận xét rằng ”rất tiếc sự kỳ thị nặng nề nhất mà những người nghèo, và các bệnh nhân nghèo về sức khỏe, đang phải chịu chính là sự thiếu quan tâm về tinh thần.. Họ đang cần Thiên Chúa và chúng ta không thể lơ là không cống hiến cho họ tình bạn, phúc lành, Lời Chúa và việc cử hành các bí tích, cùng với đề nghị một hành trình tăng trưởng trong đức tin”.

ĐTC không quên cảnh giác các giới chức hữu trách đừng để cho tiền bạc thành tiêu chuẩn duy nhất hướng dẫn các chọn lựa chính trị và hành chánh trong việc bảo tồn quyền của người dân được sức khỏe (SD 10-2-2017)

Vatican Radio

Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công giáo và Tin lành Đức

Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công giáo và Tin lành Đức

Stuttgart, Đức – 5 thế kỷ sau cuộc Cải cách của Tin lành, các lãnh đạo Công giáo và các Giáo hội Tin lành Luther đã hiệp nhất với nhau trong việc đưa ra các bản dịch Thánh Kinh mới. Các bản dịch Thánh Kinh tiếng Đức được chỉnh sửa đã được đưa ra trong một buổi họp mặt đại kết tại nhà thờ thánh Eberhard của Công giáo, với sự có mặt của các chức sắc tôn giáo của hai bên.

Đức Hồng y Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich và Freising, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã nhấn mạnh Sách Thánh như là sợi dây liên kết chặt chẽ được chia sẻ bởi các tín hữu Công giáo và Tin Lành. Ngài nói: “Thánh Kinh là nguồn nước sống động. Nước kín múc từ nguồn này không suy giảm đi nhưng gia tăng. Chúng ta càng tranh luận về Thánh Kinh thì chúng ta càng cảm nghiệm được mầu nhiệm Chúa Kitô.” Ngài cũng bày tỏ sự vui mừng khi các Giáo hội đặt Lời Chúa ở giữa họ trong năm 2017 có ý nghĩa đại kết này.

Trong năm vừa qua, các bản dịch Thánh Kinh của Công giáo và Tin Lành được xem xét và sửa chữa. Một nhóm 200 người của hai Giáo hội đã tham gia vào tiến trình chỉnh sửa này.

Đức Giám mục Tin Lành Heinrich Bedford-Strohm, chủ tịch Hội đồng Giáo Hội Tin lành tại Đức nhận định: “Với các bản dịch mới, chúng ta ghi nhớ nền tảng được chia sẻ của chúng ta – Sách Thánh – và cùng nhau diễn tả sự tôn trọng đối với bản dịch của nhau,” Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Kinh như nền tảng được chia sẻ của đời sống Kitô hữu khi nói đến Thánh kinh chứa đầy những câu chuyện đức tin của con người.

Các vị lãnh đạo của Công giáo và Tin lành thông báo rằng họ sẽ dùng bản dịch Thánh Kinh mới trong các buổi đại kết trong tương lai.

Cuộc cải cách của nhà thần học Martin Luther xảy ra vào năm 1517 khi ông phát triển 95 luận đề chất vấn các thực hành lâu đời của Giáo hội Công giáo. Cuộc cải cách gây ra một cuộc chiến tranh tôn giáo, để lại sự chia rẽ sâu sắc giữa các tín hữu Tin lành và Công giáo hàng thế kỷ. Trong những năm qua, cả hai Giáo hội đã tiến lại gần nhau hơn. Việc đưa ra bản dịch Thánh Kinh là một trong những hoạt động đại kết được cổ võ bởi cả hay bên trong suốt năm 2016. (CNS 10/02/2017)

Hồng Thủy

Tòa Thánh lên án khủng bố tại Canada

Tòa Thánh lên án khủng bố tại Canada

VATICAN. Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tai một đền thờ Hồi giáo ở Québec City, Canada, làm cho 6 người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Trong điện văn ngày 30-1-2017, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết khi hay tin về vụ khủng bố này, ĐTC Phanxicô Phanxicô phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng và hiệp ý qua kinh nguyện với nối đau khổ của những người thân của họ. Ngài bày tỏ thiện cảm sâu xa với những người bị thương và gia đình họ cũng như với tất cả những người góp phần cứu cấp, xin Chúa ban ơn an ủi và nâng đỡ họ trong thử thách.

ĐTC mạnh mẽ tái lên án bạo lực gây ra bao nhiêu đau khổ và cầu xin Thiên Chúa ơn tôn trọng nhau và an bình. Ngài khẩn cầu phúc lành của Chúa trên các gia đình bị thử thách cũng như tất cả những người bị thương tổn vì thảm trạng này, va toàn thể mọi người dân Québec.

Mặt khác, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cũng bày tỏ đau buồn và lên án vụ khủng bố chống lại các tín hữu Hồi giáo đang cầu nguyện.

Trong thông cáo, Hội đồng Tòa Thánh khẳng định rằng ”Với hành động điên rồ này người ta vi phạm sự thánh thiêng của mạng sống con người, và không tôn trọng một cộng đoàn đang cầu nguyện cũng như nơi thờ phượng.

Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn mạnh mẽ lên án hành vi bạo lực chưa từng có này và muốn bày tỏ tình liên đới trọn vẹn với các tín hữu Hồi giáo ở Canada, đồng thời sốt sắng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ”. (SD 30-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Sứ điệp của ĐHY Turkson nhân ngày Thế giới các bệnh nhân cùi

Sứ điệp của ĐHY Turkson nhân ngày Thế giới các bệnh nhân cùi

VATICAN. ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, kêu gọi tiếp tục bài trừ bệnh phong, và giúp tái hội nhập cựu bệnh nhân vào đời sống xã hội.

ĐHY đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm qua (28-1) nhân Ngày Thế giới chiến đấu chống bệnh phong cùi lần thứ 64, cử hành chúa nhật hôm nay, 29-1.

ĐHY Turkson ghi nhận rằng cách đây 32 năm, tức là hồi năm 1985, trên thế giới có 5 triệu bệnh nhân cùi, nhưng nay chỉ còn 200 ngàn người bị bệnh này, nhờ những phương dược hữu hiệu và sự dấn thân của nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế, trong đó Giáo Hội Công Giáo đi hàng đầu.

”Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục dấn thân trên mọi bình diện để, tại tất cả các nước, các chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp kỳ thị người phong cùi bị hủy bỏ và cần tăng cường nghiên cứu khoa học để tìm ra những thứ thuốc mới, đạt được những dụng cụ tốt hơn để chẩn bệnh phát hiện sớm và chữa trị cho các bệnh nhân phong cùi, vì cho đến nay trong phần lớn các trường hợp, sự lây nhiễm bệnh cùi chỉ được phát hiện khi bệnh đã gây ra những vết thương.

Sau cùng, ĐHY Turkson khẳng định rằng chữa trị mà thôi vẫn chưa đủ, còn cần hội nhập hoàn toàn những người cùi đã được khỏi bệnh vào đời sống xã hội nguyên thủy của họ: trong gia đình, cộng đoàn, trường học, và môi trường làm việc. Tại nhiều nơi, việc thăng tiến và góp phần vào tiến trình đó vẫn là những thực tại hầu như không thể thực hiện được. Cần có sự hỗ trợ của hiệp hội các cựu bệnh nhân cùi”. (SD 28-1-2017) 

G. Trần Đức Anh OP

Phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”

Phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”

New Delhi – Giáo hội Công giáo tại Ấn độ khẳng định rằng các phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”. Nữ tu Julie George thuộc dòng Chúa Thánh Thần đã nói với hãng tin Á châu như thế.

Chị Julie George là giám đốc của hội “Tiếng nói phụ nữ”, một tổ chức đấu tranh để củng cố vị trí của phụ nữ trên thế giới, tham dự vào tranh luận về phá thai ở Ấn độ. Chị Julie cho biết là các vụ phá thai bất hợp pháp “là một trong yếu tố nguy hiểm cho phụ nữ, thường chết ở độ tuổi còn trẻ. Sự thiếu kiến thức và việc sử dụng các cách thức dễ dàng như uống thuốc và các phương thức tại gia dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Chính quyền phải bảo đảm việc được chăm sóc tốt hơn, đăc biệt là đối với các phụ nữ sống ở những vùng nông thôn.”

Nữ tu Talisha Nadukudiyil, thư ký điều hành của Ủy ban Phụ nữ của hội đồng Giám mục Ấn độ nói thêm rằng chúng ta là người Công giáo, chống lại phá thai, làm sao chúng ta có thể không nói về việc phá thai không an toàn. Chị cũng nhấn mạnh lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato sì (số 10): “Nếu chúng ta đáng mất cảm tính cá nhân và xã hội về việc tiếp nhận một sự sống mới, thì ngay cả những hình thức tiếp nhận có ích khác đối với cuộc sống xã hội cũng trở nên cằn cỗi.” Chị đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể phớt lờ tiếng kêu khóc của thai nhi máu thịt của chính mình mà có thể lắng nghe tiếng kêu của người lân cận? Chúng ta có bao giờ có thể mong đợi trong một tình huống tương tự như vậy những tội ác chống lại những người dễ bị tổn thương sẽ giảm bớt?”

Theo thống kê, mỗi ngày có 10 phụ nữ ở Ấn độ bị chết vì phá thai bất hợp pháp và mỗi năm số phá thai lên đến khoảng 7 triệu. Theo các nghiên cứu cũng cho thấy số các bà mẹ chết vì phá thai chiếm 1/3 số các bà mẹ qua đời.

Nữ bác sĩ Astrid Lobo Gajiwala, một thần học gia Công giáo cho biết các cuộc phá thai trong điều kiện không an toàn là một quan tâm bức xúc dù là luật pháp tự do. Ngoài ra xu hướng thiển cận xem việc có thể phá thai an toàn là giải pháp chính cho vấn đề. Bà nói: “Nếu một đàng buộc phải bảo đảm việc phá thai cách an toàn và gia tăng các thông tin về các cơ sở y tế, thì tốt hơn nên nhớ rằng ngay cả những điều kiên tốt hơn cũng có thể có nguy cơ biến chứng và tạo nên vô sinh và thương tổn tâm lý.” (Asia News 26/07/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha kêu gọi chống buôn lậu di dân và buôn người

Đức Thánh Cha kêu gọi chống buôn lậu di dân và buôn người

VATICAN. ĐTC kêu gọi các giới chức an ninh Italia chống nạn buôn người và nạn buôn lậu người di dân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 23-1-2017 dành cơ quan lãnh đạo toàn quốc Italia chống nạn mafia và chống khủng bố.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi công việc quan trọng của cơ quan này và nói rằng: ”Xã hội cần được chữa trị khỏi nạn tham nhũng, tống tiền, buôn bán ma túy và võ khí bất hợp pháp, cũng như khỏi nạn buôn người, trong đó có các trẻ em bị biến thành nô lệ. Đó thực là những tai ương xã hội, đồng thời cũng là những thách đố hoàn cầu mà cộng đồng quốc tế được kêu gọi quyết liệt đương đầu”.

”Tôi khuyên anh chị em đặc biệt dành mọi nỗ lực để chống lại nạn buôn người và buôn lậu di dân: đây là những tội ác rất trầm trọng đánh vào những người yếu thế nhất trong những người yếu. Về vấn đề này, cần gia tăng hoạt động bảo vệ các nạn nhân, dự trù trợ giúp pháp luật và xã hội cho các anh chị em chúng ta đang tìm kiến an bình và tương lai. Bao nhiều người rời bỏ quê hương để trốn chạy chiến tranh, bạo lực và bách hại, họ có quyền tìm được một sự tiếp đón thích hợp và một sự bảo vệ thích đáng nơi những quốc gia tự định nghĩa là văn minh”.

ĐTC không quên đề cao vai trò quan trọng của việc giáo dục các thế hệ trẻ trong nỗ lực chống lại nạn mafia. Để đạt tới mục tiêu này, các tổ chức giáo dục khác nhau, trong đó có các gia đình, học đường, các cộng đoàn Kitô, các tổ chức thể thao và văn hóa, được kêu gọi giúp dân chúng và con người ý thức về luân lý đạo đức và luật pháp, nhắm đến những mẫu gương cuộc sống lương thiện, an bình, liên đới, dần dần giúp chiến thắng sự ác và dọn đường cho sự thiện” (SD 23-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22.01.2017 tại quảng trường thánh Phêrô, sau khi quảng diễn sứ điệp Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã gửi lời chúc mừng Năm Mới đến các gia đình đang chuẩn bị đón Tết âm lịch. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Chúng ta đang trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô. Chủ đề năm nay được lấy từ thư của Thánh Phao-lô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta tiến tới sự hòa giải” (x. 2Cr 5,14). Thứ tư tới đây sẽ kết thúc Tuần cầu nguyện với việc cử hành giờ kinh chiều tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành, với sự tham dự của các anh chị em thuộc các giáo hội khác và cộng đoàn các Kitô hữu tại Roma. Cha mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện, để thực hiện nguyện ước của Chúa Giê-su: “Để tất cả được nên một” (Ga 17,21).

Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân tại miền Trung Italia

Trong những ngày qua, các trận động đất và bão tuyết đã làm thiệt hại cho nhiều anh chị em thuộc miền Trung Italia. Cha bày tỏ sự gần gũi và cầu nguyện cho các gia đình có người bị nạn. Cha khuyến khích mọi người trong nỗ lực cứu trợ và hỗ trợ để giúp giảm bớt những khó khăn và đau khổ. Cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc phục vụ ấy. Cha mời mọi người cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho các nạn nhân và cho những người đang quảng đại dấn thân trong công tác cứu trợ.

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết tới các gia đình trong dịp Tết âm lịch

Tại miền Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người đang chuẩn bị mừng Năm Mới âm lịch. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến mọi gia đình, với hy vọng rằng mỗi gia đình ngày càng trở nên mái trường mà nơi đó mọi người học cách tôn trọng nhau, học cách tương quan và quan tâm chăm sóc nhau một cách vô vị lợi. Cầu chúc niềm vui của tình yêu mến chan hòa trong mỗi gia đình và tỏa lan ra toàn xã hội.

Tứ Quyết SJ

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi tân tổng thống Mỹ

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi tân tổng thống Mỹ

VATICAN. ĐTC chúc mừng và cầu nguyện cho Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Ông Donald Trump, nhân dịp ông tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1 vừa qua.

Trong sứ điệp, ĐTC viết ”Tôi nồng nhiệt cầu chúc Tổng Thống những điều tốt đẹp và cầu xin Thiên Chúa Tối Cao ban cho Tổng Thống sự khôn ngoan và sức mạnh trong khi thi hành chức vụ cao cả. Giữa lúc gia đình nhân loại chúng ta đang chịu những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng đòi phải có những câu trả lời sáng suốt và hiệp nhất về chính trị, tôi cầu nguyện để những quyết định của Tổng Thống được hướng dẫn nhờ những giá trị tinh thần và luân lý đạo đức phong phú đã hình thành lịch sử nhân dân Hoa Kỳ và sự dấn thân của quốc gia Tổng Thống để thăng tiến phẩm giá con người và tự do trên thế giới.

”Ước gì dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống, vị thế của Hoa Kỳ tiếp tục được đo lường trên hết theo mối quan tâm đối với người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề và những người túng thiếu, như Ông Lazarô, đang ở trước cửa nhà chúng ta. Với những tâm tình ấy, tôi cầu xin Chúa ban cho Tổng thống và gia đình cũng như toàn thể nhân dân Hoa kỳ yêu quí, phúc lành bình an, hòa thuận và mọi sự thịnh vượng về vật chất và tinh thần” (SD 20-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP