Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới

VATICAN. Chúa nhật 14-9 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ làm phép cưới cho 20 đôi đính hôn thuộc giáo phận Roma, trong tư cách ngài là GM giáo phận này.

Đây là lễ cưới đầu tiên ngài chủ sự từ khi làm Giáo Hoàng ngày 13-3-2013. Lần cuối một vị Giáo hoàng chủ sự lễ cưới là thánh Gioan Phaolô 2 vào năm 2000: Người làm lễ cưới cho 8 cặp đính hôn thuộc nhiều nước khác nhau, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các gia đình. Trước đó vào tháng 10 năm 1994, nhân cuộc gặp gỡ đầu tiên các gia đình Công Giáo thế giới ở Roma, Người cũng làm phép cưới cho một số cặp.

Hồi tháng 6 năm nay, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ ban sáng tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở Vatican cho một số đôi cử kỷ niệm 25, 50 và 60 năm Hôn Phối.

Ngoài ra, chúa nhật 28-9 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày thế giới các ông bà và những người cao niên. Ngày này có chủ đề là ”Phúc lành trường thọ”, và bắt đầu lúc 8 giờ rưỡi tại Quảng trường, với những suy tư và chứng từ. Tiếp đến khoảng 9 giờ rưỡi, ĐTC đến gặp các tham dự viên và trao đổi với họ, trước khi cử hành thánh lễ vào lúc 10 giờ rưỡi.

ĐTC Phanxicô năm nay 78 tuổi. Ngài đã nhiều lần bày tỏ quan tâm về số phận của người già trong các xã hội tây phương, thường là nạn nhân của nền ”văn hóa loại bỏ”. Ngài khẳng định rằng: ”Một dân tộc không bảo vệ những người già của mình, không săn sóc các trẻ em, là một dân tộc không có tương lai, không có hy vọng.. Sự đối xử với người già cũng như đối với trẻ em là dấu chỉ cho thấy chất lượng của một xã hội.. Khi những người già bị gạt bỏ, bị cô lập, và nhiều khi qua đi trong sự thiếu tình thương, thì đó là một dấu chỉ xấu” (Apic 29-8-2104)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tái lên án bạo lực vô lý

Đức Thánh Cha tái lên án bạo lực vô lý

VATICAN. Trong thư chia buồn với thân nhân ký giả James Wright Folley người Mỹ, bị lực lượng thánh chiến Hồi giáo ISIS chặt đầu, ĐTC Phanxicô tái lên án bạo lực vô nghĩa lý và kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải giữa mọi thành phần của gia đình nhân loại.

Thư chia buồn của ĐTC được ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin chuyển đến cho song thân của ký giả Folley qua trung gian của Đức TGM sở tại và được công bố trong thánh lễ cầu nguyện cho ký giả James Folley 40 tuổi, ở Rochester, New Hampshire hôm 24-8-2014, với sự tham dự của hàng trăm người.

ĐTC cho biết ngài hiệp với nỗi đau buồn của thân nhân, bạn hữu và đồng nghiệp của ký giả Folley, cầu nguyện và bày tỏ sự gần gũi tinh thần với nhau. Ngài ”phó thác anh James cho lòng từ bi yêu thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và hiệp với những người đang khóc thương anh cầu nguyện cho sự chấm dứt bạo lực vô nghĩa lý và khởi đầu sự hóa giải và hòa bình giữa mọi thành phần của gia đình nhân loại”.

Thánh lễ do Đức Cha Peter Libasci chủ sự. Ngài nhấn mạnh tới sức mạnh mà ký giả Folley cũng như gia đình anh luôn kín múc từ đức tin Công Giáo. Ngài cũng cầu nguyện cho một ký giả khác người Mỹ, Steven Sotloff, 31 tuổi, cũng bị giam như con tin với ký giả Folley, cũng như cho các con tin khác đang ở trong tay nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Iraq.

Trước thánh lễ, song thân của anh James Folley, là ông bà John và Diane, đã cầu mong rằng cuộc sống và công việc của người con ông bà là một tấm gương cho tất cả những người bênh vực tự do báo chí và hòa bình trên thế giới. Ông bà cũng kêu gọi trả tự do cho các ký giả bị bắt cóc, đặc biệt là anh Steven Sotloff bị nhóm thánh chiến Hồi giáo đe dọa giết. (SD 25-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Giáo Hội là một dân tộc được xây dựng trên đức tin

Giáo Hội là một dân tộc được xây dựng trên đức tin

Giáo Hội mà Chúa Giêsu có ý khai sinh là một dân tộc không dựa trên huyết thống nữa mà dựa trên đức tin, nghĩa là dựa trên tương quan với chính Người, một tương quan của tình yêu thương và sự tin tưởng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24-8-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu chương 16 kể lại biến cố Chúa Giêsu hỏi các môn đệ cho biết người ta nói Người là ai, và đối với các ông Chúa là ai. Đại diện cho Nhóm Mười Hai ông Phêrô nói: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và Chúa Giêsu gọi ông là ”có phước” vì lòng tin mà Thiên Chúa Cha đã ban cho ông, và Ngài nói với ông: ”Con là Phêrô nghĩa là Đá Tảng, và trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.

Chúng ta hãy dừng lại một chút trên điểm này, trên sư kiện Chúa Giêsu gán cho Simon tên gọi mới này: Phêrô trong tiếng nói của Chúa Giêsu là ”Kêpha”, có nghĩa là ”đá tảng”. Trong Thánh Kinh từ ”đá tảng” được quy chiếu về Thiên Chúa. Chúa Giêsu gán cho Simon tên gọi này không phải vì các đức tính hay công nghiệp loài người của ông, mà vì lòng tin tinh tuyền và vững chắc của ông, lòng tin đến từ trên cao.

Chúa Giêsu cảm nhận trong tim Người một niềm vui lớn lao, bởi vì Người nhận ra nơi ông Simon bàn tay của Thiên Chúa Cha và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người nhận ra rằng Thiên Chúa Cha đã ban cho ông Simon một đức tin ”có thể tin cậy được”, trên đó Chúa Giêsu có thể xây dựng Giáo Hội Người, nghĩa là cộng đoàn của Người. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chúa Giêsu có trong tâm trí ý muốn khai sinh ra Giáo Hội ”của Người”, một dân tộc không xậy dựng trên huyết thống, nhưng trên đức tin, nghĩa là trên tương quan với chính Người, một tương quan của tình yêu thương và sự tin tưởng. Như thế để bắt đầu Giáo Hội của Người Chúa Giêsu đã cần tìm ra nơi các môn đệ một đức tin ”có thể tin cậy đươc”. Và đó là điều Người phải kiểm thực tại thời điểm này của lộ trình.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúa đã có trong trí hình ảnh của vịệc xây dựng, hình ảnh của một cộng đoàn như một ngôi nhà. Chính vì thế khi nghe lời tuyên xưng đức tin thẳng thắn của ông Simon, Người gọi ông là ”đá tảng”, và bầy tỏ ý định xây dựng Giáo Hội của Người trên đức tin ấy.

Anh chị em thân mến, điều đã xảy ra một cách duy nhất nơi thánh Phêrô, cũng xảy ra nơi mọi tín hữu kitô có niềm tin chín chắn và chân thành nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Phúc Âm hôm nay cũng gọi hỏi từng người trong chúng ta. Đức Thánh Cha nói thêm:

Nếu Chúa tìm thấy trong con tim chúng ta một đức tin, tôi không nói là toàn vẹn, nhưng chân thành, tinh tuyền, thì khi đó Người cũng thấy nơi chúng ta các viện đá sống động để xây dựng cộng đoàn của Người. Đá tảng của cộng đoàn này là Chúa Kitô, viên đá góc duy nhất. Về phần mình, thánh Phêrô là đá tảng, vì là nền tảng hữu hình sự hiệp nhất của Giáo Hội. Nhưng mỗi một tín hữu đã được rửa tội đều được mời gọi cống hiến cho Chúa Giêsu niềm tin nghèo nàn, nhưng chân thành của họ, để Người có thể tiếp tục xây dựng Giáo Hội của Người ngày hôm nay trên mọi phần đất của thế giới này.

Cả ngày nay nữa ”người ta” nghĩ rằng Chúa Giêsu là một ngôn sứ lớn, một bậc thầy của sự khôn ngoan, một mẫu gương của sự công chính… Và cả ngày nay Chúa Giêsu cũng hỏi các môn đệ Người: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” Chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Hãy nghĩ tới điều đó. Nhưng nhất là hãy cầu xin Thiên Chúa Cha, để qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta ơn trả lời với con tim chân thành:
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina. Ngài nói: Tôi đặc biệt nghĩ tới vùng đất Ucraina yêu dấu, mà ngày hôm nay là lễ quốc khánh, tới tất cả các con cái và những người khao khát hòa bình và an ninh, bị đe dọa bới một tình trạng căng thắng và xung khắc không lắng dịu, gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho thường dân. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria toàn quốc gia này, và hiệp ý cầu nguyện cho mọi nạn nhân, gia đình họ và cho những người đang đau khổ.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện đến từ Tây Ban Nha, Chile, Pháp. Ngài cũng chào đặc biệt các tân đại chủng sinh trường Bắc Mỹ về Roma để học thần học, trong đó có một thày gốc Việt Nam. Ngài cũng chào 600 bạn trẻ giáo phận Bergamo cùng Đức Giám Mục sở tại hành hương đi bộ từ Roma tới Assisi. Đức Thánh Cha cầu chúc các bạn trẻ trở về nhà sống làm chứng cho vẻ đẹp của đức tin kitô.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon

VATICAN. Qua thư gửi Ông Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo và giúp chấm dứt bạo lực chống các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo thiểu số tại Iraq.

Trong thư gửi đề ngày 9-8-2014 gửi ông Ban Ki Moon và được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố trưa hôm 13-8-2014, ĐTC viết:

”Với tâm hồn nặng chĩu và lo âu, tôi theo dõi các biến cố bi thảm trong những ngày gần đây tại miền bắc Irak, nơi mà các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo thiểu số khác bị bó buộc phải trốn chạy khỏi gia cư của họ và chứng kiến sự tàn phá các nơi thờ phượng cũng như gia sản tôn giáo của họ. Xúc động vì số phận đau thương của họ, tôi đã xin ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, người đã từng làm Đại diện của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của tôi, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16 nơi nhân dân Iraq, đến biểu lộ sự gần gũi tinh thần của tôi và bày tỏ mối quan tâm của tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, đối với sự đau khổ không thể chấp nhận được của những người chỉ muốn được sống trong an bình, hòa hợp và tự do nơi phần đất của cha ông họ”.

Với cùng tinh thần đó, thưa ông Tổng thư ký, tôi viết cho ông, và đặt trước ông nước mắt, sự đau khổ và tiếng kêu thống thiết tuyệt vọng của các tín hữu Kitô và các tín đồ tôn giáo thiểu số khác nơi đất nước Irak yêu quí. Tôi lập lại lời kêu gọi cấp thiết gửi đến cộng đồng quốc tế: xin hãy hành động để chấm dứt thảm trạng nhân đạo đang diễn ra, và tôi khuyến khích tất cả các cơ quan thẩm quyền của LHQ, đặc biệt các cơ quan đặc trách về an ninh, hòa bình và công pháp nhân đạo, cũng như cơ quan trợ giúp những người tị nạn, hãy tiếp tục nỗ lực phù hợp với Lời tựa và các điều khoản quan trọng trong Hiến Chương LHQ”.

”Những cuộc tấn công tàn bạo đang càn quét qua miền bắc Iraq không thể không thức tỉnh lương tâm của mọi người nam nữ thiện chi và thúc đẩy họ có những hành vi liên đới cụ thể để bảo vệ những người bị thương tổn hoặc bị bạo lực đe dọa và đảm bảo sự trợ giúp cần thiết và cấp thời cho bao nhiêu người phải tản cư cũng như giúp họ trở về thành thị và gia cư của họ trong an toàn. Những kinh nghiệm thê thảm trong thế kỷ 20 và sự ý thức cơ bản nhất về phẩm giá con người thúc đẩy cộng đồng quốc tế, đặc biệt qua các qui luật và cơ cấu công pháp quốc tế, làm tất cả những gì có thể để chặn đứng và ngăn ngừa không để xảy ra nữa những bạo lực có thệ thống chống các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Với niềm tín thác lời kêu gọi, mà tôi liên kết với những lời kêu gọi của các vị Thượng Phụ Đông Phương và các vị lãnh đạo tôn giáo khác sẽ được đáp trả tích cực, tôi tái bày tỏ với ông Tổng thư ký lòng quí trọng sâu đậm nhất của tôi”. (SD 13-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Hàn Quốc

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Hàn Quốc

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu Hàn Quốc đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô và biểu lộ trong đời sống thường nhật.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi nhân dân Hàn quốc được đài truyền hình KBS và nhiều cơ quan truyền thông khác ở Hàn Quốc phổ biến. ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến!

”Trong vài ngày nữa, với ơn Chúa giúp, tôi sẽ ở giữa anh chị em ở Hàn Quốc. Ngay từ bây giờ tôi cảm ơn anh chị em vì sự tiếp đón và mời gọi anh chị em cùng cầu nguyện với tôi, để cuộc tông du này mang lại những thành quả tốt đẹp cho Giáo Hội và xã hội Hàn Quốc.

”Hãy trỗi dậy và chiếu sáng!” (Is 60,1): với những lời mà vị Ngôn Sứ nói với thành Jerusalem, tôi cũng ngỏ lời với anh chị em. Chính Chúa mời gọi anh chị em đón nhận ánh sáng của Chúa, đón nhận trong tâm hồn và phản chiếu ánh sáng ấy trong một cuộc sống đầy niềm tin, cậy, mến, đầy niềm vui Phúc Âm”.

”Như anh chị em biết, tôi đến nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ 6. Tôi sẽ đặc biệt mang đến cho các bạn trẻ lời kêu gọi của Chúa: ”Hỡi giới trẻ Á châu, hãy trỗi dậy! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu sáng trên các bạn”. Ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu tỏa như qua một gương soi trong chứng tá của Phaolô Duẫn Trì Trung (Yun Ji-chung) và 123 bạn chịu chết vì đức tin, mà tôi sẽ tôn phong chân phước ngày 16-8 tới đây tại Hán Thành.

”Các bạn trẻ là những ngừơi mang hy vọng và nghị lực cho tương lai; nhưng họ cũng là những nạn nhân của cuộc khủng hoảng luân lý và tinh thần thời nay. Vì thế tôi muốn loan bao cho họ và tất cả mọi người danh duy nhất trong đó chúng ta có thể được cứu thoát: danh Chúa Giêsu.

”Anh chị em Hàn quốc thân mến, niềm tin nơi Chúa Kitô đã ăn rễ sâu nơi đất anh chị em và mang lại hoa trái dồi dào. Những người cao niên là những người giữ gìn gia sản ấy: nếu không có họ thì người trẻ sẽ không có ký ức. Cuộc gặp gỡ giữa người cao niên và người trẻ là bảo đảm hành trình của dân tộc. Và Giáo Hội là đại gia đình trong đó tất cả chúng ta là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Nhân danh Chúa, tôi đến nơi anh chị em, trong niềm vui được chia sẻ với anh chị em Tin Mừng tình thương và hy vọng.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ bảo vệ anh chị em” (SD 11-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP
– Vatican Radio

 

ĐỨC HỒNG Y THÉODORE ADRIEN SARR CA NGỢI VAI TRÒ QUAN TRONG CỦA NỮ GIỚI TRONG GIÁO HỘI

ĐỨC HỒNG Y THÉODORE ADRIEN SARR CA NGỢI VAI TRÒ QUAN TRONG CỦA NỮ GIỚI TRONG GIÁO HỘI

DAKAR: Đức Hồng Y Théodore Adrien Sarr, Tổng Giám Mục Dakar Senegal, đã ca ngợi vai trò quan trọng không thể chối cãi được của nữ giới trong cộng đoàn kitô, như vai trò của bà mẹ trong gia đình.

Đức Hồng Y đã nhấn mạnh như trên trong thánh lễ cử hành tại giáo xứ thánh Maria Madalena. Ngài khích lệ chị em phụ nữ hãy nhận lấy chỗ của họ trong cộng đoàn, và cầu mong Giáo Hội thừa nhận họ trong sự thật và công bằng. Vì cộng đoàn giáo xứ cần sự hăng say, các sáng kiến, và niềm vui của họ làm chứng cho tình yêu Chúa đối với Chúa Giêsu Kitô. Việc xây dựng một Giáo Hội cộng đoàn gia đình của Thiên Chúa sẽ không thành công, nếu thiếu trực giác hiền mẫu và lo lắng của nữ giới. Đức Hồng Y Sarr cũng tố cáo các thái độ kỳ thị xã hội, văn hóa, phái tính đối với nữ giới trong tực tại cuộc sống giáo xứ, dựa trên các suy xét xấu và cằn cỗi. Ngài mời gọi mọi người thừa nhận vai trò của nữ giới trong việc linh hoạt các hội đoàn, các phong trào và các nhóm khác nhau trong giáo xứ, giáo phận, và thăng tiến sư cộng tác và tình liên đới huynh đệ trong việc xây dựng cuộc sống cộng đoàn (SD 7-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC NICARAGUA LÊN ÁN CÁC HÀNH ĐỘNG KHỦNG BỐ

CÁC GIÁM MỤC NICARAGUA LÊN ÁN CÁC HÀNH ĐỘNG KHỦNG BỐ

MANAGUA: Các Giám Mục Nicargua mạnh mẽ lên án mọi hành động khủng bố bất công và yêu cầu chính quyền mau chóng điều tra và đưa các thủ phạm ra trước công lý. Các vị cũng mời gọi toàn dân đừng rơi vào cám dỗ báo thù.

Hội Đồng Giám Mục Nicaragua đã đưa ra các lời kêu gọi trên đây trong thông cáo công bố ngày 31-7-2014 mang chữ ký của Đức Cha Chủ tịch Socrates René Sándigo Jirón. Các Giám Mục ám chỉ vụ khủng bố ngày 19-7-2014 khiến cho 5 người chết và 24 người bị thương, khi các nhóm người vũ trang tấn công một đoàn xe chở các người đấu tranh phò chính quyền trên đường về nhà, sau khi mừng kỷ niệm 35 năm cách mạng Sandinista trong thủ đô Managua.

Các Giám Mục Nicaragua bầy tỏ đau buồn trước các hành động khủng bố không thể biện minh được này. Cảnh sát quân đội cần phải nhanh chóng điều tra và đưa các thủ phạm ra trước công lý. Ngoài ra đứng trước các ”bách hại, giam giữ bất công, các vụ biến mất không thể giải thích được của nhiều người, sự kinh hoàng và cái chết bao vây vài thành phố trong nước, các Giám Mục Nicaragua khích lệ dân chúng đừng rơi vào cám dỗ báo thù, và đừng lẫn lộn hình phạt chính đáng mà thủ phạm phải chịu, với thù ghét và báo oán. Bởi vì nếu người ta hành động như vậy, thì bạo lực sẽ gia tăng và sẽ gây ra nhiều khổ đau và không còn chỗ cho công lý và sự sống chung hòa bình trong xã hội.

Các Giám Mục yêu cầu các lực lượng an ninh quốc gia điều tra tìm ra các thủ phạm, nhưng luôn tôn trọng các quyền con người không dùng áp lực, đe dọa, tra tấn và bạo lực. Muốn tái lập công lý mà lại dùng các phương thức tội phạm là một sai lầm rất lớn. Trong một quốc gia dân chủ mọi người đếu có trách nhiệm đối với công lý và hòa bình. Vì thế các Giám Mục Nicaragua kêu gọi luôn luôn tìm các giải pháp hòa bình qua sự tôn trọng lẫn nhau, qua đối thoại và sự nhân nhượng, dấn thân thăng tiến bảo vệ sự sống và phẩm giá của mọi người, và không rơi vào vòng bạo lực chống lại nhau (SD 1-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LẦN THỨ 30 TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LAVANG

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LẦN THỨ 30 TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LAVANG

LAVANG: Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc lần thứ 30 sẽ diễn ra tại trung tâm thánh mẫu Lavang trong các ngày 13-15 tháng 8 này, với sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu đến từ khắp nơi trong nước.

Đại hội năm nay tập trung vào việc loan báo Tin Mừng cho cuộc sống gia đình. Trong các ngày đại hội ngoài các thánh lễ đại trào, các buổi thuyết trình, canh thức cầu nguyện, chia sẻ chứng tá cuộc sống tin cậy mến, tín hữu có thể lãnh bí tích Hòa Giải với hàng trăm Linh Mục sẵn sàng ngồi tòa giải tội. Cũng có đêm văn nghệ với sự đóng góp tiết mục của nhiều thành phần và hội đoàn dân Chúa khác nhau.

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, cho biết để chuẩn bị cho Đại hội Thánh Mẫu Lavang, mỗi tuần các cha đều tổ chức các buổi đọc Thánh Kinh và canh thức cầu nguyện với sự tham dự của các gia đình. Có nhiều người lớn ít tham dự thánh lễ và không tới với bí tích Giải Tội nữa, nhưng cha hy vọng họ còn có đức tin trong tim và cộng đoàn cầu nguyện cho họ. Theo các cuộc điều tra của Giáo Hội, các gia đình ngay ở Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn. Cảnh thành thị hóa và sự phát triển nhanh chóng buộc mọi người trong gia đình chu toàn các nhiệm vụ khác nhau: làm việc, học hành, dấn thân trong nhiều sinh hoạt đa diện. Con người không còn có thời giờ cho nhau nữa, và người ta quên việc đào tạo giới trẻ. Các phụ huynh phải tái khởi hành từ con cái, là chìa khóa tương lai của cộng đoàn Giáo Hội và xã hội” (SD 1-8-2014).

Linh Tiến Khải -Vatican Radio

GIÁO HỘI MYANMAR KÊU GỌI TOÀN DÂN HIỆP NHẤT

GIÁO HỘI MYANMAR KÊU GỌI TOÀN DÂN HIỆP NHẤT

YANGOON: Trong sứ điệp gửi nhân lễ hai thánh Gioakim và Anna, Đức Cha Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangoon, đã kêu gọi tín hữu và toàn dân hiệp nhất để xây dựng đất nước Myanmar.

Sứ điệp có đoạn viết: ”Chúng ta là một gia đình đa mầu, như bẩy người con chúng ta thuộc bẩy nhóm chủng tộc lớn. Chúng ta tất cả đều là con cái của một quốc gia vĩ đại. Thiên Chúa đã chúc phúc cho chúng ta với các ơn tràn đầy. Trong lịch sử đất nước chúng ta đã được ước muốn vì vẻ đẹp, sự khả ái của dân tộc và các tài nguyên thiên nhiên của nó. Thế nhưng ngày nay quê hương chúng ta đang chảy máu, vì bị dâm chém bởi thù hận. Chúng ta đã chứng kiến các người chết trong các bang Rakhine, Mandalay, Metalia, Kachin và Karem. Đất nước Myanmar đang ở giữa sự sống và cái chết, và số phận của nó nằm trong tay của tất cả chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục Yangoon gọi các kẻ lựa chọn gieo vãi hận thù trong đường phố Myanmar là ”những kẻ không thể khắc phục được”. Nhưng như là tín hữu công giáo chúng ta lên án mọi bạo lực từ bất cứ ai và từ bất cứ tôn giáo nào. Máu và nước mắt đang trở thành thực tại hằng ngày của vài cộng đoàn trong nước. Máu có tôn giáo không? Nước mắt có tôn giáo không? Máu của mỗi người là máu của toàn dân Myanmar. Vì thế những kẻ gieo vãi thù hận chống lại bất cứ cộng đoàn nào là kẻ thù của toàn dân Myanamr. Chỉ có hòa bình là con đường duy nhất cho gia đình dân nước Myanmar mà thôi (SD 1-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIOS III LAHAM KÊU GỌI TÍN HỮU HỒI VÀ TÍN HỮU KITÔ CÙNG NHAU DUY TRÌ GIA TÀI VÀ LỊCH SỬ CHUNG

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIOS III LAHAM KÊU GỌI TÍN HỮU HỒI VÀ TÍN HỮU KITÔ CÙNG NHAU DUY TRÌ GIA TÀI VÀ LỊCH SỬ CHUNG

BAGHDAD: Đức Thượng Phụ Melkít Gregorios III Laham khích lệ các tín hữu kitô và hồi giáo đoàn kết giữ gìn gia tài và lịch sử chung của các dân tộc A rập vùng Trung Đông.

Đức Thượng Phụ đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp gửi tín hữu Hồi các nước A Rập và trên toàn thế giới nhân lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng chay tịnh Ramadan. Đức Thượng Phụ ghi nhận rằng ngày lễ diễn ra trong các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thê thảm trên thế giới, đặc biệt trong các nước A rập, trong khi đất nước Siria thân yêu và Irak khổ đau, đất Palestina và Gaza bị thương tích; đó là chưa nói đến Marốc, Ai Cập, Yemen, và các guốc gia vùng Vịnh Ba Tư. Máu chảy khắp nơi, sự đau buồn gia tăng, các nơi thờ tự, các đền thờ hồi giáo cũng như các nhà thờ kitô bị tàn phá, các quyền thánh thiêng của con người bị vi phạm, phẩm giá, sự tư do và danh dự của nó bị chà đạp, tất cả những gì xảy ra đều đe dọa các chinh phục nhân bản, nghệ thuật và khoa học, luân lý và tôn giáo của nền văn hóa A rập. Tín hữu kitô và tín hữu hồi chúng ta đã cùng nhau làm nên lịch sử, chung sống và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đã thắng vượt được các đám mây khủng hoảng khi chúng xảy ra, và cùng nhau tiếp tục con đường cuộc sống, cùng chung xây đất nước và cùng lớn lên. Đó là một tình bạn tràn đầy và liêm chính. Chúng ta than khóc các nạn nhân vô tội kitô và hồi giáo, phụ nữ và nam giới, người già và giới trẻ chết mỗi ngày với máu thấm đẫm các con đường, nhà cửa và những nơi thờ tự, ôm nhau trong cái chết chung, như đã xảy ra trong lịch sử và nền văn minh, văn hóa của họ.

Chúng ta hãy hiệp nhất để cứu vãn Hồi giáo và các tín hữu hồi khỏi các kẻ thù ngoại tại và nội tại đang bổ xuống trên thế giới A rập, thế giới hồi giáo và các nơi khác. Chúng tôi kitô hữu A rập, chúng tôi là những người bênh vực chân thành nhất của Hồi giáo, bởi vì chúng tôi biết rằng trong số phận tốt cũng như xấu chúng ta cùng nhau duy trì gia tài và lịch sử chung của chúng ta. Chúng tôi kêu gọi lương tâm của thế giới A rập, và âu châu cũng như cộng đồng quốc tế, cùng nhau lên tiếng chống lại các trào lưu takfít đang xâm lấn các nước A rập của chúng ta, làm sai lạc gương mặt của Hồi giáo, thúc đẩy các kitô hữu di cư, đe dọa giết họ, hạ nhục họ, tàn sát họ; và như thế lấy mất đi thế giới A rập khỏi con tim của các tín hữu kitô và làm cho thế giới hồi nghèo nàn đi. Các người Takfit là một trào lưu cuồng tín ngoài lề Hồi giáo Sunnít. Họ trông thấy các người bất trung ở khắp nơi, và cho rằng việc giết các người ấy là hợp pháp. Họ tấn công các người Hồi chung quanh và bắt các người này phải gia nhập giáo phái Takfít. Kitô hữu và tín hữu Hồi chúng ta phải ở với nhau để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai và tương lại chung của chúng ta (SD 1-8-2014).

Linh Tiến Khải -Vatican Radio
 

 

GIÁO HỘI CHILE PHÊ BÌNH DỰ LUẬT CẢI TỔ GIÁO DỤC CỦA CHÍNH QUYỀN

GIÁO HỘI CHILE PHÊ BÌNH DỰ LUẬT CẢI TỔ GIÁO DỤC CỦA CHÍNH QUYỀN

SANTIAGO OF CHILE: Đức Cha Ricardo Ezzati Andrello, Tổng Giám Mục Santiago de Chile, đã mạnh mẽ phê bình dự luật cải tổ giáo dục của chính quyền là thiếu nền tảng vững chắc.

Trong một bài viết đăng trên nhật báo El Mercurio, Đức Cha Andrello nhận định răng các thay đổi mà chính quyền Chile muốn đề ra cho nền giáo dục khiến cho ngài nhận ra nỗ lực khổng lồ trong việc làm các cửa chính và cửa sổ, mà không biết dùng chúng cho ngôi nhà nào cần xây. Có vài khía cạnh được coi là nền tảng và được ưu tiên, nhưng không có sự chú ý đúng đắn tới hệ thống giáo dục cho sự trưởng thành của tất cả mọi người và là phần của một cộng đoàn công bằng, liên đới và huynh đệ. Một trong những mục tiêu chính trong chương trình cải tổ giáo dục của chính quyền Chile là gia tăng phẩm chất và rộng mở cho mọi mức độ. Nhưng các dự án được gửi tới chỉ đáp ứng một phần của mục tiêu này nhằm đưa vào đó ý niệm lợi lộc trong các cơ cấu giáo dục phải trả tiền, và việc tuyển lựa các sinh viên học sinh trong các trường nhận trợ cấp của chính phủ.

Cho tới nay chính quyền không đưa ra các câu hỏi muốn làm gì với việc giáo dục người trẻ Chile, muốn xây dựng loại người và xã hội nào. Các đảng phái đã trình bầy ý kiến, nhưng thiếu liên kết. Đức Tổng Giám Mục còn tỏ ra lo âu đối với những gì không được chính quyền nêu lên như: quan niệm về con người và về xã hội, vai trò của nhà nước, và vai trò không thể khước từ của gia đình trong việc giáo dục con cái họ.

Giáo Hội Chile, cũng như tại đa số các nước châu Mỹ Latinh, rất hiện diện trong lãnh vực giáo dục qua hàng loạt các trường tư cấp tiểu, trung và đại học, do Giáo Hội điều khiển hay do các tổ chức điều hành không có mục đích lợi nhuận. Chính quyền nói việc cải cách sẽ thiết định các nội dung giáo dục cần thông truyền trong các trường học, nhưng không can thiệp vào các chương trình chuyên biệt gợi ý, trong đó có việc đào tạo tôn giáo.

Đức Cha Andrello cảnh cáo hệ thống giáo dục bị tiền bạc điều khiển, và nhà nước có thể rơi vào cám dỗ áp đặt các tiểu chuẩn ý thức hệ hạn chế hay kiểm soát sự độc lập của các chương trình giáo dục. Không thể chấp nhận một nền giáo dục lèo lái bản vị con người và biến nó thành một con số vô danh (SD 30-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC NAM PHI TỎ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI CÁC TÍN HỮU KITÔ TẠI GAZA

CÁC GIÁM MỤC NAM PHI TỎ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI CÁC TÍN HỮU KITÔ TẠI GAZA

THÀNH PHỐ CAPE: Trong các ngày vừa qua Hội Đồng Giám Mục Nam Phi đã viết thư cho Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal, để bầy tỏ tình liên đới với các Kitô hữu Gaza.

Thư mang chữ ký của Đức Cha Stephen Brislin, Tổng Giám Mục giáo phận thành phố Cape, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Phi. Đức Cha đã nhắc tới chuyến viếng thăm Tòa Thượng Phụ Giêrusalem và giáo xứ công giáo tại Gaza hồi tháng giêng năm nay nhân cuộc họp của Ủy ban phối hợp Thánh Địa.

Đức Cha Brislin viết: ”Chúng tôi đã nhớ tới các câu chuyện kể lại nổi khổ đau, sự nhục nhã và áp bức gia tăng mà anh chị em phải gánh chịu, trong khi các đường lối chính trị toàn vùng khiến cho cuộc sống của anh chị em ngày càng không thể chịu đựng nổi. Hằng ngày chứng kiến tình hình bạo lực gia tăng, chúng tôi muốn bầy tỏ tình liên đới sâu xa, các lời cầu nguyện và dấn thân hợp tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực trên các giới hữu trách để giúp đạt tới một nền hòa bình công bằng và lâu bền.

Với kinh nghiệm chấm dứt chính sách kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi chúng tôi biết rằng tình liên đới quốc tế và các cuộc biểu tình lớn là sức mạnh có khả năng thay đổi các tình trạng bất công. Chúng tôi hy vọng rằng sự ủng hộ của chúng tôi trao ban cho anh chị em và toàn Giáo Hội tại Thánh Địa sức mạnh tìm ra niềm hy vọng của sự Phục Sinh trong những lúc khó khăn này. Chúng tôi xin Đức Thượng Phụ chuyển thư này tới tín hữu giáo xứ Thánh Gia tại Gaza, đã tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu trong chuyến viếng thăm hồi tháng giêng năm nay. Chúng tôi xin bảo đảm với anh em lời cầu nguyện của toàn dân Nam Phi, cách riêng của toàn tổng giáo phận thành phố Cape (SD 30-7-2014)

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Thánh Inhaxiô, Tổ Phụ Dòng Tên

 Thánh Inhaxiô, Tổ Phụ Dòng Tên

Từ Lộ Đức (Pháp) đến Burgos (Tây Ban Nha) hơn 400km. Tại Burgos có Đền Thánh Loyola nổi tiếng. Từ xa, nhìn Nhà thờ với dáng vẻ cổ kính và khuôn viên rộng lớn. Bên trong Nhà thờ có nhiều Nhà nguyện ở chung quanh với những cột đá cẩm thạch nhiều màu sắc khác nhau thật lộng lẫy, có nhiều tác phẩm nghệ thuật trên cung thánh, trên trần và trên các bức tường.

 

dongten1
 

Chúng tôi viếng thăm những nơi liên hệ đến cuộc hoán cải của Thánh Inhaxiô. Hướng dẫn chương trình tham quan đã được thu âm bằng nhiều ngôn ngữ. Chọn phần tiếng Việt, chúng tôi lắng nghe về hành trình hoán cải và nên thánh của Inhaxiô, đi đến những căn phòng giới thiệu về cuộc đời của thánh nhân và đến Nhà nguyện “hoán cải” dâng thánh lễ.

1. Đôi dòng tiểu sử Thánh Inhaxiô

Thánh Inhaxiô sinh tại Loyola vào năm 1491, trong một gia đình quí tộc xứ Basque của Tây Ban Nha. Inhaxiô là người em út trong số 13 người con. Thời niên thiếu, Ignatiô được nhà vua chọn làm người hầu cận, tiếp đến là chiến sĩ trong quân đội hoàng gia.
 

http://www.righteousnessislove.org/wp-content/uploads/2013/06/Ignatius_von_Loyola-IHS.jpg
 

Năm 1509, Inhatiô tòng quân Antonio Manrique de Lara, Duke thành Najera và Viceroy thành Navarre với mục đích là được thăng tiến thành một công tước. Dưới sự lãnh đạo của Duke, Inhaxiô đã tham gia nhiều trận đánh mà không bị thương tích gì.

Ý Chúa thật nhiệm mầu. Sức mạnh lại bày tỏ qua sự yếu đuối như lời thánh Phaolô: “…vì quyền năng của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Ngày 20 tháng 5 năm 1521, cột mốc ghi dấu đặc biệt. Quân Pháp đánh chiếm thành Pamplona. Inhaxiô bị một viên đạn đại bác bắn gảy chân và bị thương nặng. Bức tượng bằng đồng phía ngoài hành lang kể lại sự kiện này.Trở về sống dưỡng bệnh trong lâu đài của gia đình, Inhaxiô giết thời giờ bằng cách đọc những sách kể lại những hành động phi thường và lãng mạng của các hiệp sĩ. Các Nữ tu đã đem đến cho ngài cuốn “Cuộc đời Chúa Kitô” và cuốn “Hạnh các thánh”. Dần dần, những quyển sách này đã thu hút ngài. Khi đọc về cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi, thánh Đaminh và nhiều tu sĩ nổi tiếng khác, Inhaxio quyết tâm noi gương các bậc thánh nhân hiến mình để đi chinh phục Đất Thánh cho Giáo Hội.

Sau khi phục hồi, Inhaxio đến thăm tu viện Santa Maria de Montserrat của dòng Biển Đức. Tại đây, ngài treo bộ quân phục của mình trước một bức hình Đức Mẹ Maria. Sau đó, ngài đến thị trấn Manresa, Catalonia và đã dành nhiều tháng sống trong một hang động để thực hành khổ hạnh khắt khe. Tại Manresa, Inhaxio bắt đầu thay đổi lối sống và cảm nghiệm sự thay đổi trong tâm hồn xen lẫn niềm vui và nỗi khổ đau.Lương tâm bị đánh động, từ đó ngài khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô. Có một lời cầu nguyện cho các hối nhân mà Inhaxiô rất tâm đắc: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa".

dongten2
 

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria, thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này, Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt và ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, đó là cuốn “Những Thao Luyện Tâm Linh”.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài, các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng, kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Paris.

Sau khi đi hành hương ở Đất Thánh về, Inhaxiô quyết định trở thành một linh mục. Việc này đòi hỏi ngài phải bắt đầu lại việc học hành. Inhaxiô đã cố gắng học tiếng La tinh và ghi tên vào học ở Đại học Paris.Trong lúc theo học ở Paris, ngài đã thu phục được một nhóm nhỏ sinh viên thành lập một hội đoàn trong đó có Phanxicô Xaviê và Pierre Fabre.

2. Sáng lập Dòng Tên

https://news4themasses.files.wordpress.com/2012/02/ignatios-loyola.jpg
 

Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15-8-1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre (Crypte du Martyrium de Montmartre) để tuyên khấn. Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn. Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô. Trong số bảy người đó, ngoài Thánh Inhaxiô ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê. Khi viếng thăm nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre, chúng tôi đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây. Cha: Thánh Inhaxiô, Mẹ: Paris”.

Sau thời gian sống ở Paris, Inhaxiô và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó. Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.

Khi từng người lần lượt đã đến Roma, họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh và Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục.

Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian, Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này. Đặc biệt trong thời gian này Inhaxiô đã có được một thị kiến tại La Storta: “Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, Inhaxiô nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài. Inhaxiô không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con” (Hồi ký I-nhã số 96). Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp Inhaxiô và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

Trong thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, giúp các các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô đúng theo tinh thần của Linh Thao. Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ. Các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao. Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình. Một trong những điều họ suy nghĩ là: “Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?”. Với tâm tình “là những người bạn trong Chúa Kitô”, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ. Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: “Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu”.

Sau đó, vào mùa Chay năm 1539 tại Rôma, Inhaxiô và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới. Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi “Cộng đoàn Giêsu hữu”. Thánh Inhaxiô được bầu làm bề trên đầu tiên. Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?“ Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên “Dòng Chúa Giêsu” đã được kêu là “Dòng Tên”, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.

Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, Inhaxiô và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ. Cộng đoàn Dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một “chỗ gối đầu” êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố. Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế? Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi. Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn. Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em. Đó chính là tinh thần sống của Inhaxiô, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.

Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem Tin Mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô. Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần “nở hoa” hơn thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó. Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Mattheo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode (cha Đắc Lộ) ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.

Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả. Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay. Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam. Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó. (Lm Nguyễn Ngọc Thế, SJ).

3. Inhaxiô một vị thánh lớn của Giáo hội

Trong khi các bạn đồng hành được Đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Inhaxiô vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Rôma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.
 

dongten3
 

Trong thị kiến ở La Storta, Inhaxiô xin và đã được “Chúa Cha xin Đức Giêsu vác thập giá nhận Inhaxiô làm người phục vụ”, và Đức Giêsu vác thập giá đã nói với Inhaxiô: “Ta muốn con phục vụ chúng ta”.

Thánh Inhaxiô qua đời ngày 31-7-1556, hưởng thọ 90 tuổi. Đức giáo hoàng Phaolô V tuyên Chân phước cho ngài vào ngày 27-7-1609. Đức giáo hoàng Grêgôriô XV tuyên hiển thánh ngày 13-3-1622. Lễ kính thánh Inhaxiô vào ngày 31-7 hàng năm.

Thánh Inhaxiô đích thực là một nhà thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên “ad majorem Dei gloriam” nghĩa là "để Thiên Chúa được vinh danh hơn". Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện. Vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà Đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Các linh mục Dòng Tên gồm những nhà bác học, thần học, giáo dục, khoa học cho đến những nhà truyền giáo danh tiếng và nhiều đấng tử đạo. Những thần học gia vĩ đại, con cái của thánh Inhaxiô như: Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và Henri de Lubac (1896-1991) của Pháp, Karl Rahner (1904-84) của Đức, Bernard Lonergan (1904-84) của Canađa và John Courtney Murray (1904-67) của Hoa Kỳ, Hans Urs von Balthasar (1905-88), người Thụy Sĩ… Đức giáo hoàng Phanxicô cũng là tu sĩ Dòng Tên.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 2012, tổng số tu sĩ Dòng Tên là 17.637 tu sĩ, trong đó có 12.526 linh mục, 1.470 tu huynh, 2.896 học viên và 745 tập sinh, phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong 84 tỉnh dòng, 5 miền độc lập và 10 miền phụ thuộc. Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo…(x. dongten.net).

Khi dâng lễ ở Nhà nguyện “hoán cải”, tôi suy gẫm về ơn trở lại của thánh nhân. Nhờ đọc sách thiêng liêng mà Inhaxiô được biến đổi.Thiên Chúa đã dùng sách thiêng liêng như một khí cụ để hoán cải Inhaxiô. Việc đọc sách thiêng liêng đã tạo nên nhiều vị thánh. Nhờ việc đọc sách thiêng liêng, con người trau dồi tri thức về giáo lý Kitô Giáo, đồng thời tìm được những kiến thức cho cuộc thưa chuyện mỗi ngày với Thiên Chúa. Một cuốn sách thiêng liêng hay có thể được coi như một người bạn tốt.

Thời đại kỹ thuật số hôm nay, các phương tiện truyền thông hằng ngày luôn tấn công con người bằng những âm thanh và hình ảnh thế tục, nó muốn tách lìa từng người ra khỏi Thiên Chúa. Một quyển sách tốt có thể trở thành một người bạn tuyệt vời, một nhà tư vấn khôn ngoan. Một quyển sách tốt là một kho tàng tâm linh. Một vài phút suy niệm về một bài đọc thiêng liêng sẽ giúp chúng ta gần Chúa hơn.

Inhaxiô là một vị đại thánh cho Giáo Hội và một nhân cách lớn cho xã hội. Ngài là một thiên tài trong lịch sử loài người. Nơi ngài, ân sủng và tự nhiên hòa hợp cách mỹ mãn để biến đổi một hiệp sĩ đầy tham vọng thế tục thành một vị thánh lớn để bước theo Chúa Kitô xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa và phục vụ mọi người.Thật khó mà mô tả đầy đủ những đức tính phong phú và có phần đối nghịch của Inhaxiô: hăng hái nhưng biết kềm chế; dũng cảm, quyết tâm, nhưng đơn sơ, cẩn trọng; mạnh mẽ, cương nghị nhưng dịu dàng, yêu thương. Một con người của những khát vọng lớn lao. Cả những tham vọng, đam mê thế tục. Trước khi hoán cải, phục vụ vua chúa trần gian, tìm kiếm danh vọng cho bản thân. Sau khi hoán cải, cũng với khát vọng và hoài bão lớn lao cố hữu, nhưng được thanh luyện, để không còn tìm kiếm chính mình mà tìm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Mừng lễ kính thánh Inhaxiô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta được noi gương ngài luôn sống và làm việc "Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn".

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

GIÁO HỘI PERÙ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH CHỐNG ÍCH KỶ, THÁO THỨ TÍNH DỤC VÀ TƯƠNG ĐỐI HÓA LUÂN LÝ

GIÁO HỘI PERÙ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH CHỐNG ÍCH KỶ, THÁO THỨ TÍNH DỤC VÀ TƯƠNG ĐỐI HÓA LUÂN LÝ

LIMA: Trong những ngày vừa qua Hội Đồng Giám Mục Perù đã phát động trong toàn nước chiến dịch chống lại chủ trương ích kỷ, tháo thứ tính dục và tương đối hóa luân lý.

Trong sứ điệp gửi tín hữu toàn nước Đức Cha Salvador Pigneiro, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù, khẳng định rằng các tệ nạn này giảm thiếu căn tính công dân Perù, phá phá vỡ hình ảnh tự nhiên và kinh thánh của gia đình, là tế bào nòng cốt của xã hội và là hoa trái của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và chúng cũng chống lại sự sống của những người vô tội không được bênh đỡ là các trẻ em còn trong lòng mẹ.

Các vị anh hùng vĩ đại của chúng ta không phải là những người chỉ anh hùng trong một lúc, nhưng anh hùng mỗi ngày bằng cách trung thành đáp trả lại lương tâm của mình, bênh vực các giá trị bất khả nhượng của con người, ủng hộ cơ cấu xã hội, bắt đầu là gia đình, là điều kiện cần thiết, nếu không xã hội sẽ giòn mỏng và nghèo nàn đi.

Nhắc tới nhiều thách đố mà chính quyền và đất nước Perù đang phải đương đầu hiện nay, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù minh xác rằng dân nước Perù có thể thắng vượt được chúng nếu biết đoàn kết, tránh mọi kỳ thị, trân trọng các truyền thống lành mạnh, và cố dấn thân sống liêm chính, trong sáng, thăng tiến công lý và hòa bình. Sau cùng ngài cầu xin Chúa qua lời bầu cử của Đức Bà Mercede, các thánh Perù, thánh Rosa thành Lima và thánh Martino de Porres, chúc lành cho quốc gia và toàn dân Perù sống ở trong cũng như ngoài nước (ACI 27-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y FRANCESCO MARCHISANO QUA ĐỜI

ĐỨC HỒNG Y FRANCESCO MARCHISANO QUA ĐỜI

Cardinal FRANCESCO MARCHISANO

VATICAN: Sáng ngày 27-7-2014 Đức Hồng Y Francesco Marchisano, nguyên Linh Mục trưởng đền thờ thánh Phêrô đã qua đời, thọ 85 tuổi.

Đức Hồng Y Marchisano đã được thăng Hồng Y ngày 21 tháng 10 năm 2003 và đã từng là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách các Gia tài văn hóa của Giáo Hội và Hội Đồng Tòa Thánh Khảo cổ thánh. Ngài cũng từng là Tổng Giám quản Quốc gia thành Vaticăng, chủ tịch Xưởng thánh Phêrô và Chủ tịch Văn phòng lao động của Tòa Thánh.

Thánh lễ an táng Đức Hồng Y Marchisano sẽ diễn ra trong Đền Thờ thánh Phêrô sáng ngày 30-7-2014. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ nghi tiễn biệt. Với sự qua đi của Đức Hồng Y Marchisano Hồng Y Đoàn còn 212 vị, trong đó có 118 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng (SD 27-7-2014)

Trong điện tín gửi Đức Cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám Mục Torino, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với Đức Tổng Giám Mục, linh mục đoàn giáo phận và thân nhân bạn bè của Đức cố Hồng Y. Ngài thân ái nghĩ tới gương mặt của vị chủ chăn đã cộng tác rất nhiều với Tòa Thánh trong Bộ giáo dục và nhiều chức vụ khác nhau, với chứng tá quảng đại trung thành với ơn gọi linh mục và giám mục, và cuộc đời xả thân cho tín hữu, nhậy cảm với nghệ thuật và văn hóa. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa đón nhận người tôi trung vào trong niềm vui và an bình vĩnh cửu và ban phép lành tòa thánh cho những ai đang khóc thương Đức Cố Hồng Y (SD 28-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

TRÊN 280 LUẬT GIA TÂY BAN NHA KÝ TÊN VÀO TUYÊN NGÔN YÊU CẦU BẢO VỆ QUYỀN CỦA THAI NHI

TRÊN 280 LUẬT GIA TÂY BAN NHA KÝ TÊN VÀO TUYÊN NGÔN YÊU CẦU BẢO VỆ QUYỀN CỦA THAI NHI

MADRID: Trong những ngày vừa qua trên 280 luật gia Tây Ban Nha ký tên ủng hộ một tuyên ngôn kêu gọi bảo về quyền căn bản của các thai nhi.

Tuyên ngôn nói trên đã được đề ra trong khuôn khổ các giới hàn lâm tại Madrid và Barcelona và rồi truyền đi qua mạng Internet. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, đã có trên 270 luật gia tên tuổi ký tên ủng hộ. Trong số này, có trên 100 giáo sư thuộc 39 đại học Tây Ban Nha, cùng với nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và nhiều nhân vật nổi bật trong ngành lập pháp và hành pháp. Các luật gia này yêu cầu chú trọng đến việc nhìn nhận và bảo vệ các quyền căn bản của sự sống con người ngay cả trong giai đoạn tiên khởi của nó, khi còn ở trong lòng mẹ. Tuyên ngôn nói trên, theo các luật gia, là cơ hội duy nhất để xã hội có thể tiến triển trên lãnh vực luân lý và xã hội, nhìn nhận toàn bộ quyền pháp nhân của các phôi thai và bảo vệ cho phụ nữ trước khi mang thai.

Các luật gia ký tên ủng hộ tuyên ngôn này minh xác quyền của phôi thai được bảo vệ sự sống, hoàn toàn tách biệt ra khỏi phạm vi quyền của người mẹ. Họ xác tín rằng phá thai không phải là quyền của phụ nữ theo tinh thần hiến chương quốc gia và hiến pháp của tòa án châu Âu về quyền con người. Chính quyền phải đề ra những chính sách bảo vệ thai nghén nhất là đối với những phụ nữ mang thai và khẳng định rằng quy chế cho phép phá thai phải tôn trọng quyền phản kháng vì lương tâm của các nhân viên y tế trong lãnh vực này. (SD 22-7-2014)

Mai Anh – Vatican Radio

BẢNG ĐỨC KẾT CỦA HIỆP HỘI THIỆN NGUYỆN TÂY BAN NHA MANOS UNIDAS, NHỮNG BÀN TAY KẾT HIỆP

BẢNG ĐỨC KẾT CỦA HIỆP HỘI THIỆN NGUYỆN TÂY BAN NHA MANOS UNIDAS, NHỮNG BÀN TAY KẾT HIỆP

MADRID: Ngày 21-7 vừa qua, hiệp hội thiện nguyện công giáo Tây Ban Nha có tên gọi là ”Manos Unidas” ”Những bàn tay hiệp nhất”, đã công bố báo cáo tổng kết những hoạt động trong năm vừa qua và khẳng định rằng nạn nhân chính và đầu tiên của nạn nghèo đói và chậm phát triển bao giờ cũng là giới phụ nữ.

Hiệp hội Những bàn tay hiệp nhất trực thuộc Giáo Hội Công Giáo Tây Ban Nha chuyên về những hoạt động cứu trợ và thăng tiến phát triển các nước nghèo vùng Nam bán cầu. Năm ngoái, hiệp hội đã dành 37 triệu euro để thực hiện các chương trình phát triển ở những nơi nghèo nhất trái đất, trong đó có chương trình ủng hộ chiến dịch ”Không thể có công lý mà không có công bình”.

Bà Soledad Suárez, chủ tịch Những bàn tay hiệp nhất, giải thích: Đây là một chương trình cảnh giác ý thức xã hội về vấn đề bình quyền. Nữ giới là những người bị thiệt hại nhiều nhất vì nạn nghèo đói, thiếu dinh dưỡng và mù chữ. Trong nhiều nền văn hóa, họ không được tự do đi lại, không thể tự quyết định điều gì, và thường là nạn nhân bạo hành tính dục cũng như thể lý hay tâm lý. Chỉ cần nghĩ đến hiện tượng phá thai chọn lựa, các vụ giết trẻ gái và sự kiện 70% tổng số nạn nhân các dịch vụ buôn người là các thiếu nữ hay phụ nữ trẻ. Hiệp hội Những bàn tay hiệp nhất tiếp tục tố giác những tệ nạn này và ủng hộ những chương trình hành động nhằm bảo vệ phẩm giá nữ giới, ngăn ngừa và đồng hành với phụ nữ trong những hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực, thăng tiến sự hiện diện trong xã hội và sự phát triển của nữ giới như bản vị con người.

Giới chức lãnh đạo hiệp hội cũng cho biết thêm là ngân khoản quyên góp của hội trong năm ngoái đã giảm 8.9%, phần lớn là vì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nhờ sự đóng góp và ủng hộ nhiệt thành vô điều kiện của các thành viên, hiệp hội vẫn bảo trợ được hơn 600 chương trình trợ giúp phát triển trong 57 quốc gia tại Phi, Mỹ và Á châu, nhắm thực hiện lời kêu mời của ĐTC Phanxicô là giúp “tất cả các dân tộc tiến tới chỗ trở thành người tự mình gây dựng cơ đồ cho mình”. (SD 21-7-2014)

Mai Anh – Vatican Radio

CUỘC BIỂU TÌNH ỦNG HỘ TÍN HỮU KYTÔ IRAQ

CUỘC BIỂU TÌNH ỦNG HỘ TÍN HỮU KYTÔ IRAQ

BAGHDAD: Tại thủ đô Baghdad của Iraq, khoảng 200 người hồi giáo đã tụ họp trước nhà thờ thánh Giorgio của Giáo hội công giáo Caldê để bày tỏ liên đới với các tín hữu kytô, nạn nhân của bạo lực mù quáng đang chịu bách hại từ phía quân binh thánh chiến hồi giáo Isil.

Hôm chúa nhật 20-7, trong bài giảng thánh lễ, Đức Thượng Phụ maronite Liban Bechara Rai có đề cập đến hạn tối hậu mà lực lượng của lãnh tụ hồi Al- Baghdadi đưa ra cho các tín hữu kytô ở Mossul và ngài đã hỏi là “Những người hồi giáo ôn hòa nói gì về điều này?” Cuộc biểu tình của các tín hữu hồi vừa nói trên đây có thể được xem như là câu trả lời cho vấn nạn Đức Thượng Phụ Bechara Rai đưa ra. Có rất nhiều người mang những biểu ngữ viết hàng chữ Kulluna Masihiyyun”, chúng tôi đều là người kytô, hay là mặc áo có mang chữ N, là dấu hiệu mà bọn khủng bố của Califat hồi giáo ghi lại trên cửa gia cư của tín hữu kytô. Sau khi thánh lễ tại nhà thờ thánh Giorgio kết thúc, các tín hữu kytô ra khỏi nhà thờ và cùng đoàn người hồi giáo biểu tình, hát quốc ca, trước khi kết thúc bằng lời kinh Lạy Cha của công giáo và đoạn sura 1 của kinh Coran. Đức Tổng Giám Mục Louis Sako của Baghdad đã cám ơn ban tổ chức cuộc biểu tình liên đới này. Ngài nói: Cuộc biểu dương liên đới này mang lại hy vọng cho một nước Irak mới. Tôi nghĩ đến người trẻ, là những người có bổn phận và sứ mạng thay đổi cục diện hiện nay. Thật là điều đáng xấu hổ và là một tội ác đánh đuổi những người vô tội ra khỏi nhà cửa và tịch thu gia sản của họ chỉ bởi vì họ là người kytô. Toàn thế giới phải vùng lên chống lại những hành vi kinh khiếp ấy. Đức Cha Sako cũng bày tỏ hy vọng là hai cộng đoàn Kytô và hồi giáo sẽ tiếp tục hiệp nhất với nhau để xây dựng một quốc gia Iraq mới. (ZENIT 22.07.14)


Mai Anh – Vatican Radio

CHIẾN TRANH KHÔNG ĐƯA TỚI ĐÂU HẾT

CHIẾN TRANH KHÔNG ĐƯA TỚI ĐÂU HẾT

GENÈVE: Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, kêu gọi hai phe Israel và Palestin chấm dứt cái vòng luẩn quẩn của bạo lưc, oán thù và chiến tranh. Vì chiến tranh không đưa tới đâu hết, nó chỉ gieo tàn phá, chết chóc thương đau cho nhau thôi.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã đưa ra lời kệu gọi trên đây trong bài phát biểu trong khóa họp đặc biệt của Ủy ban Liên hiệp quốc về các quyền con người tại Genève hôm 23-7 vừa qua. Vị đại diện Tòa Thánh nhấn mạnh rằng các bất công kéo dài và việc vi phạm các quyền con người, đặc biệt là quyền sống và sống trong an ninh hòa bính, chỉ gieo rắc thù ghét và oán hân. Người ta đang củng cố một nền văn hóa của bạo lực, mà hoa trái là tàn phá và chết hóc. Trong thời gian dài sẽ không có kẻ chiến thắng trong thảm cảnh hiện nay, mà chỉ có khổ đau mà thôi. Đa số các nạn nhân là thường dân đáng lý ra phải được che chở theo quyền nhân đạo quốc tế. Liên Hiệp Quốc ước tính có 70% các người Palestin nạn nhân là thường dân vô tội. Đây là điều không thể khoan nhượng được, cũng như các hỏa tiễn bắn trên các thường dân Israel. Các lương tâm đã bị tệ liệt vì bầu khí bạo lực kèo dài, tìm cách áp đặt giải pháp qua việc hủy diệt người khác. Nhưng coi người khác là qủy không loại bỏ được các quyền của họ. Trái lại con đường cho tương lai là nhận biết nhân bản tính chung của chúng ta.

Trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói: ”Vì thiện ích của tất cả mọi người cần gia tăng các nỗ lực và sáng kiến hướng tới chỗ tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình ổn định, dựa trên công lý, việc thừa nhận các quyền của từng người và trên an ninh của nhau. Đã đến lúc mọi người cần phải có can đảm quảng đại có óc sáng tạo phục vụ thiện ích, can đảm hòa bình, dựa trên việc tất cả mọi người đều thừa nhận mọi quyền của hai quốc gia hiện hữu và được hưởng hòa bình và an ninh trong biên giới được quốc tế thừa nhân.

Tiếp tục bài phát biểu Đức Tổng Giám Muc Tomasi nói rằng khát vọng an ninh hợp pháp và các điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người, được có các phương tiện sống bình thường như thuốc men, nước uống và chỗ làm việc phản ánh một quyền nền tảng của con người, mà không có nó sẽ khó mà duy trì được hòa bình. Tình hình tồi tệ tai Gaza là một lời mời gọi liên lỉ cần đi đến một cuộc ngưng bắn tức khắc, và bắt đầu các cuộc thương thuyết cho một nền bình lâu bền. Hòa bình sẽ đem lại các lợi thé cho các dân tộc trong vùng vàcho toàn thế giới. Vì thế cần theo đuổi với sự cương quyết, cả khi mỗi bên có phải chịu vài hy sinh. Trách nhiệm của cộng đoàn quốc tế là dấn thân nghiêm chỉnh để tìm hiếm hòa bình và trợ giúp hai phe lâm chiến trong cuộc xung khắc kinh hoàng này, đạt được sự cảm thông, để chấm dứt bạo lực và tin tưởng lẫn nhau tìm về tương lai.

Sau cùng vị Đại diện Tòa Thánh nói rằng bạo lực không bao giờ đem lại lợi lộc nào. Bạo lực sẽ chỉ đem lại khổ đau, tàn phá và chết chóc mà thôi, và nó đs ngăn cản hàa bình trở thành một thực tại. Chiến thuật của bạo lực có thể lây lan và trở thành không thể kiểm soát nổi.

Để chống lại bạo lực và các hậu qủa tiêu cực của nó chúng ta phải tránh quen thuộc với việc giết chóc. Trong lúc sự xấu xa trở thánh bình thường và càc vụ vi phạm quyền con người hiện diện khắp nơi, chúng ta không được thờ ơ, nhưng phải đáp trả lại một cách tích cực hầu bớt mọi xung khắc liên lụy đến tất cả mọi người. Cac phương tiện truyền thông phải kể lại một cách trung thực, vô tư, thảm cảnh của tất cả mọi người đang đau khổ vì cuộc xung đột, hầu tạo dễ dàng cho một cuộc đối thoại không thiên tư nhưng thừa nhận quyền của tất cả mọi người. Phải ngưng cái vòng luẩn quẩn của báo oán và trả thù. Với bạo lực con người sẽ tiếp tục sống với nhau như thù địch, nhưng với hòa bình họ có thể sống như anh chị em với nhau”. (SD 23-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

SỨ ĐIỆP ĐỨC HỒNG Y FILONI GỬI CÁC GM MIỀM ĐÔNG PHI CHÂU

SỨ ĐIỆP ĐỨC HỒNG Y FILONI GỬI CÁC GM MIỀM ĐÔNG PHI CHÂU

LILONGWE: Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo khích lệ các các Giám Mục miền Đông Phi châu can đảm tiếp tục công tác rao truyền Tin Mừng, cho dù trong vùng có các chiến cuộc, xung khắc và khó khăn.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy, Thư ký của Bộ, đã được Đức Tổng Giám Mục Julio Murat, Sứ Thần Tòa Thánh tại Zambia, tuyên đọc trong buổi khai mạc đại hội khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đông Phi viết tắt là AMECEA, triệu tập tại Lilongwe, thủ đô Malawi, kéo dài cho tới ngày mai 26-7. Trong sứ điệp Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo cũng xin các Giám Mục đừng quên các nạn nhân của chiến tranh, xung khắc, bạo lực, và dấn thân thăng tiến hòa bình, công lý, cảm thông.

Tham dự đại hội về đề tài ”Công tác tái rao truyền Tin Mừng qua sự hoán cải và chứng tá đức tin kitô” có 250 Giám Mục thuộc các nước: Eritrea, Etiopia, Kenya, Sudan, Nam Sudan, Tanzania, Uganda và Zambia. Nhắc đến thảm cảnh của toàn vùng này, nơi các dân tộc phải đau khổ vì chiến tranh, xung khắc ngăn cản các hoạt động truyền giáo và thăng tiến phát triển con người, Đức Hồng Y Filoni xin các Giám Mục gia tăng cầu nguyện để hòa bình, công lý, hiểu biết và hiệp thộng huynh đệ mau ngự trị trong vùng, cũng như học hiểu các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan tới nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ”tại khắp nơi, trong mọi hoàn cảnh, không lưỡng lự, úp mở hay sợ hãi” , bởi vì ”niềm vui Phúc Âm được dành để cho mọi người không loại trừ ai”. Đức Hồng Y Filoni cũng lưu ý các Giám Mục về Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vào tháng 10 tới đây, khích lệ suy tư và tái khám phá ra các giá trị kitô nền tảng của gia đình. Gia đình là Giáo Hội tại gia, trong đó cha mẹ là những người đầu tiên loan truyền đức tin cho con cái qua lời nói và gương sáng của mình. Sau cùng Đức Hồng Y Tổng trưởng cám ơn các Giám Mục, linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ đã hăng say hoạt động để gieo vãi hạt giống đức tin trong toàn vùng. Ngài cầu mong Giáo Hội là dụng cụ thực sự hữu hiệu đem lại ơn cứu rỗi cho con người, là muối đất và ánh sáng cũng như dụng cụ hòa bình cho lục địa Phi châu (SD 23-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio