Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Colombia.

Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Colombia.

CARTAGENA. Chiều chúa nhật 10-9-2017, trong thánh lễ trước 500 ngàn tín hữu tại Cartagena, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người dân Colombia ”hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình.

Thánh lễ được cử hành lúc 4 giờ chiều tại Contecar, một trong những khu vực chính của thành Cartagena, hải cảng quan trọng thứ 4 của toàn Mỹ châu la tinh. Cảng này là một vịnh thiên nhiên rộng hơn 8 ngàn hécta, và sâu 21 mét, chỉ cách kênh đào Panama 265 hải lý. Cảng có hạ tầng cơ cấu và các kỹ thuật tối tân, điều động hơn 40 triệu tấn hàng mỗi năm và tiếp nhận trên 3 ngàn tàu, kể cả những tàu lớn nhất thế giới.

Khu vực Contecar nơi ĐTC chủ sự thánh lễ có thể chứa được 800 ngàn người và cũng thường được dùng cho các biến cố lớn, các sinh hoạt thể thao, công nghệ, âm nhạc và văn hóa.

Đến nơi vào lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu và khi đến gần bàn thờ, ngài được một phái đoàn các công nhân hải cảng địa phương đặc biệt chào đón.

Trên lễ đài, có đặt thánh tích của Thánh Phêrô Claver và thánh nữ Maria Bernarda Buetler, gốc Thụy Sĩ, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Capuxin Phan Sinh Đức Mẹ Phù Hộ, được ĐTC Biển Đức 16 tôn phong hiển thánh hồi năm 2008.

Đồng tế với ĐTC có đông đảo các GM Colombia và hàng trăm linh mục. Thánh lễ có chủ đề là ”Phẩm giá và các quyền con người”.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, dựa vào bài Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu dạy về cách thức sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn, ĐTC mời gọi mọi người dân Colombia ”hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình. Nếu Colombia muốn có một nền hòa bình ổn định và lâu bền, thì cần cấp thiết tiến theo chiều hướng tìm kiếm công ích, thực thi công chính, công lý và tôn trọng bản tính con người với những đòi hỏi đi kèm, chứ không phải chỉ ký kết các hiệp định hòa bình mà thôi. Ngài nói:

 ”Trong những ngày nay tôi nghe bao nhiêu chứng từ của những người đã đi gặp những kẻ đã gây ra đau khổ tai ương cho họ. Những vết thương kinh khủng mà tôi đã có thể nhìn thấy nơi chính thân thể của họ; những mất mát không thể chữa lành vẫn còn làm cho họ khóc lóc, nhưng những người ấy đã đi, đã thực hiện bước đầu trên con đường khác với những con đường đã đi qua. Vì từ mấy thập niên rồi Colombia đang tìm kiếm hòa bình, và như Chúa Giêsu dạy, – nếu hai bên chỉ đến gần nhau, đối thoại mà thôi thì vẫn không đủ, còn cần có sự can dự của nhiều tác nhân khác trong tiến trình đối thoại chữa lành các tội lỗi nữa. ”Nếu họ không nghe, thì hãy dẫn một hai người nữa đi với con” (Mt 18,16), như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm.

Chúng ta đã học biết rằng những con đường bình định, dành ưu tiên cho lý trí trên sự trả thù, sự hòa hợp tế nhị giữa chính trị và luật pháp, không thể loại bỏ những hoạt động của dân chúng. Đề ra những khuôn khổ qui tắc và hiệp định giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện chí, thì vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu tìm ra giải pháp cho sự ác trong cuộc gặp gỡ đích thân giữa các phe với nhau. Ngoài ra, một điều luôn luôn hữu ích, đó là đưa vào trong các tiến trình hòa bình kinh nghiệm của các tầng lớp dân chúng. Những kinh nghiệm này, trong nhiều trường hợp, đã không được để ý tới; cần làm sao để chính các cộng đoàn mang lại những sắc thái cho các hoạt động tập thể tưởng nhớ những gì đã xảy ra. Tác nhân chính, chủ thể lịch sử của tiến trình này là dân chúng và văn hóa của họ, chứ không phải một giai cấp, một phe phái, một nhóm hoặc một lực lượng ưu tú. Chúng ta không cần một dự phóng của một nhóm ít người nhắm tới một thiểu số, hoặc một nhóm ít người thông thạo chiếm hữu tâm tình của tập thể. Đây là một thỏa thuận để sống chung, một khế ước xã hội và văn hóa” (E.G. 239)

ĐTC khẳng định rằng: chúng ta có thể đóng góp nhiều cho bước đường mới mà Colombia muốn thực hiện. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường tái hội nhập vào cộng đoàn nhờ một cuộc đối thoại hai người. Không gì có thể thay thế cuộc gặp gỡ chữa lành như thế; không có tiến trình tập thể nào chuẩn chước cho chúng ta thách đố gặp gỡ nhau, giải thích cho nhau, tha thứ. Những vết thương sâu đậm của lịch sử nhất thiết đòi những thẩm quyền qua đó người ta thi hành công lý, trong đó các nạn nhân có thể nhận ra chân lý, thiệt hại được đền bù thích đáng, và hành động minh bạch để tránh tái diễn những tội ác đã xảy ra. Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ để cho chúng ta ở ngưỡng cửa những đòi hỏi của Kitô giáo mà thôi. Chúng ta còn được yêu cầu tạo nên một sự thay đổi từ hạ tầng: đối lại với văn hóa chết chóc, bạo lực, chúng ta đáp lại bằng văn hóa sự sống, văn hóa gặp gỡ.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Chúng ta đã hành động thế nào để bênh vực việc gặp gỡ, hòa bình? Chúng ta đã thiếu bỏ sót những gì, khiến cho những hành vi man rợ xảy ra trong đời sống của dân chúng ta? Chúa Giêsu truyền chúng ta phải đối chiếu những cách cư xử, những lối sống gây thiệt hại cho xã hội, phá hủy cộng đoàn. Bao nhiều lần xảy ra những bạo lực, sự loại trừ khỏi xã hội được bình thường hóa, mà chúng ta không lên tiếng, không giơ tay lên tố giác theo tinh thần ngôn sứ.

Cạnh thánh Phêrô Claver, có hàng ngàn Kitô hữu thời ấy, nhưng chỉ có một nhóm rất ít người bắt đầu một nền văn hóa gặp gỡ đi ngược lại. Thánh Phêrô Claver đã biết tái lập phẩm giá và hy vọng cho hàng trăm ngàn người da đen và người nô lệ, họ bị đưa đến đây trong tình trạng vô nhân đạo hoàn toàn, đầy kinh hoàng, mất mát mọi hy vọng. Thánh nhân không có bằng cấp nổi tiếng, thậm chí còn bị coi là người ”tài cán tầm thường”, nhưng ngài có một thiên tài sống trọn vẹn Tin Mừng, gặp gỡ những người bị người khác coi là đồ bỏ.

Nhiều thế kỷ sau đó, ảnh hưởng của vị thừa sai và tông đồ này của Dòng Tên đã được thánh nữ Maria Bernarda Buetler noi theo, thánh nữ đã hiến cuộc đời, tận tụy phục vụ những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề tại chính thành phố Cartagena này”.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cuối cùng tại Colombia chiều chúa nhật 10-9, ĐTC cũng nhận xét rằng cả Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy có thể là người khác khép kín, từ chối thay đổi, ở lỳ trong sự ác của họ. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những người tiếp tục phạm tội làm thương tổn cuộc sống chung và cộng đoàn:

”Tôi nghĩ đến thảm trạng đau thương ma túy, dựa vào đó người ta làm giàu bất chấp các luật lệ luân lý và dân sự; tôi nghĩ đến sự tàn phá các tài nguyên thiên nhiên và làm ô nhiễm hiện nay; thảm trạng bóc lột lao công; tôi nghĩ đến sự buôn bán tiền bạc bất hợp pháp, như đầu cơ tài chánh, thường có tính chất như những ác thú gây thiệt hại cho toàn thể hệ thống kinh tế và xã hội khiến cho hàng triệu người phải chịu nghèo đói; tôi nghĩ đến nạn mại dâm hàng ngày gây thiệt hại cho bao nạn nhân vô tội, nhất là nơi những người trẻ nhất, tước đoạt tương lai của họ; tôi nghĩ đến điều kinh tởm là nạn buôn người, đến các tội ác và lạm dụng chống các trẻ vị thành niên, nạn nô lệ vẫn còn làm lan tràn sự kinh khủng của nó tại bao nhiêu nơi trên thế giới, thảm trạng của bao nhiêu người di dân không được lắng nghe và người ta làm giàu bất hợp pháp trên họ và thậm chí cả một thứ tê liệt luật pháp chủ hòa không để ý đến thân mình của người anh em, thân mình của Chúa Kitô. Và trước những điều này, chúng ta cần phải được chuẩn bị và có lập trường vững chắc về các nguyên tắc công lý, không tước đoạt điều gì của đức bác ái. Không thể sống chung trong hòa bình mà không làm gì đối với những gì làm hư hỏng cuộc sống và thống lại chính sự sống. Về điểm này, chúng ta nhớ đến tất cả những ngừơi can đảm, không biết mệt mọi, đã làm việc và thậm chí bị mất mạng sống trong việc bảo vệ và bênh đỡ các quyền và phẩm già của con người. Lịch sử cũng đòi chúng ta giống như họ, dấn thân quyết liệt bảo vệ các quyền con người tại thành Cartagena này, nơi mà anh chị em đã chọn làm trụ sở toàn quốc bảo vệ các quyền con người.

Từ biệt

Thánh lễ kết thúc lúc quá 6 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Liền đó, ĐTC đáp trực thăng tới Phi trường quốc tế Rafael Nunez của thành Cartagena. Tại đây ngài được Tổng thống Manuel Santos và Phu nhân, cùng với các quan chức chính quyền và các vị lãnh đạo giáo quyền tiễn biệt.

Sau gần 11 giờ bay, vượt qua 9,100 cây số, chiếc Boeing B787 của hãng Avianca Colombia chở ĐTC, đoàn tháp tùng và hơn 70 ký giả quốc tế đã về đến phi trường Ciampino của Roma lúc gần 13 giờ trưa hôm thứ hai 11-9-2017. Trên đường về Vatican, ĐTC đã ghé lại Đền thờ Đức Bà Cả để cám ơn Đức Mẹ.

Trong vòng 10 tuần lễ nữa, ĐTC lại lên đường thực hiện chuyến viếng Tông du thứ 21 tại nước ngoài, với 2 quốc gia được thăm viếng là Myanmar và Bangladesh.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha gặp các trẻ em Nhà Thánh Giuse ở Medellín

Đức Thánh Cha gặp các trẻ em Nhà Thánh Giuse ở Medellín

MEDELLÍN. Chiều ngày 9-9-2017, ĐTC gặp gỡ 300 trẻ em nạn nhân bạo hành và khuyết tật tại Nhà Thánh Giuse ở thành phố Medellín.

Medellín là thành phố lớn thứ hai của Colombia với hơn 2 triệu 800 ngàn dân cư.

Sau khi cử hành thánh lễ cho 1 triệu tín hữu sáng thứ bẩy, 9-9, cạnh phi trường Enrique Olaya Herrera của thành Medellín, ĐTC đã về Đại chủng viện Conciliar để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

Liền đó, ngài đến thăm Nhà thánh Giuse (Hogar de San José), cách đó 8 cây số. Đây là một nhà gia đình do Tổng giáo phận Medellín đảm trách dành cho các trẻ em gặp khó khăn, bị bạo hành và bị bỏ rơi. Các em được săn sóc, yêu thương, trợ giúp về y khoa và tâm lý, cũng như được học hành, với mục đích giúp các em khắc phục những khó khăn và chấn thương đã phải chịu. Hiện nay tại Trung tâm thánh Giuse cũng có nhiều trẻ em, nạn nhân của cuộc xung đột võ trang tàn hại trong tỉnh Antioquia với thủ phủ là thành Medellín.

Trung tâm thánh Giuse được thành lập cách đây 75 năm (1942) và thuộc tổ chức ”Nhà Thánh Giuse” do Dòng Tên thành lập tại Tây Ban Nha năm 1941, với mục đích giúp đỡ các trẻ mồ côi sau chiến tranh, và các trẻ em không có gia đình. Từ Tây Ban Nha, Tổ chức này dần dần lan sang nhiều nước Mỹ châu la tinh.

 Đến Trung tâm thánh Giuse lúc 3 giờ chiều, ĐTC đã được linh mục giám đốc Nhà Thánh Giuse và những người phụ tá đón tiếp. 2 em bé đã dâng hoa cho ĐTC và cùng đi với ngài đến trước tượng thánh Giuse để ngài đặt hoa trước tượng thánh nhân trước khi tiến ra khuôn viên của Trung Tâm để gặp gỡ khoảng 300 trẻ em.

Trong cuộc gặp gỡ tại đây, Cha giám đốc Armando Santamaría đã trình bày với ĐTC tình trạng các em bé tại đây. Các thiếu như và người trẻ tại đây đến từ các nơi ở Colombia, với tâm hồn bị tổn thương vì cảnh mồ côi, đói khổ, bị bỏ rơi, bị lạm dụng tính dục, không được học hành và thiếu tình thương. Tại đây có 5 LM, 20 nữ tu và 90 giáo dân săn sóc các em. Cha nói: ”Chúng con đón nhận các em như một món quà của Chúa”. Tổng cộng tổ chức của các con có 8 nhà và có hai nhà dành cho các bệnh nhân.

Chứng từ của bé gái

Tiếp lời cha Armando, một em bé gái, Claudia Yesenia Garcías, 13 tuổi, đã kể lại thân phận đau thương của em. Mới 2 tuổi em đã bị mất cha mẹ, vì bị du kích quân thảm sát ở San Carlos, tỉnh Antioquia. Em nói:

 ”10 anh chị em chúng con sống sót, cùng với dì con. Con bị đạn ở bụng dưới và một mảnh đạn làm con bị vỡ đầu và ở nhà thương lâu dài. Dì con khép kín với mọi người và không biết làm gì với 10 đứa cháu từ 2 đến 8 tuổi. Nhưng Chúa thật là cao cả và tài tình. Ngài đã thực hiện những Nhà thánh Giuse thế này qua Tổng giáo phận Medellín. Tất cả chúng con được đón nhận vào Trung tâm này như gia đình thứ hai của chúng con”.

Năm nay con 13 tuổi và vui tươi, con có thể nói rằng con là một bé gái hạnh phúc, vì sự đón tiếp và giúp đỡ của ban giám đốc Trung Tâm đã chữa lành những đau khổ và sầu muộn của con..

Nhắn nhủ của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cám ơn mọi người về sự tiếp đón, và ngài đặc biệt cám ơn em Claudia Yesenia vì chứng tá can đảm. Ngài nói: ”Khi nghe những khó khăn con đã trải qua, Cha nhớ đến đau khổ bất công của bao nhiêu trẻ em nam nữ trên thế giới, rất đông đảo và các em vẫn còn là nạn nhân vô tội do sự xấu xa của một số người gây nên.”

”Cả Chúa Giêsu cũng từng là nạn nhân của oán ghét và bách hại; Chúa cũng đã phải trốn chạy với gia đình Ngài, bỏ đất đai nhà cửa để tránh cái chết. Khi thấy các trẻ em chịu đau khổ như thế thật là đau lòng, vì các trẻ em là những người được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Chúng ta không thể chấp nhận để các em bị ngược đãi, bị tước đoạt mất quyền sống tuổi thơ trong thanh thản và vui tươi, không thể để cho tương lai hy vọng của các em bị chối bỏ.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Nhưng Chúa Giêsu không bỏ rơi người nào đang chịu đau khổ, nhất là các trẻ em nam nữ là những người Chúa yêu thương đặc biệt. Claudia Yesenia, bên cạnh bao nhiêu kinh khủng xảy ra, Chúa đã ban cho con một bà dì chăm sóc con, một nhà thương để giúp đỡ con và sau cùng một cộng đoàn đón nhận con. Nhà này là bằng chứng tình thương của Chúa Giêsu đối với các con và ước muốn của Chúa gần gũi các con. Chúa thi hành điều đó qua sự chăm sóc yêu thương của tất cả những người tốt đang đồng hành với các con, yêu thương và giáo dục các con.”

ĐTC cũng nói với các nhân viên phục vụ tại Nhà Thánh Giuse rằng:

”Với anh chị em, tu sĩ và giáo dân tại nhà này và những nhà khác, đang đón nhận và săn sóc các trẻ em trong tình yêu thương, những em nhỏ đã trải qua kinh nghiệm đau thương, tôi muốn nhắc nhở hai điều không thể thiếu được vì nó thuộc về căn tính Kitô: trước hết là tình yêu biết nhìn thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bé nhỏ, yếu thế nhất, và nghĩa vụ phải đưa các trẻ em đến cùng Chúa Giêsu. Trong công tác này, với những vui buồn và cơ cực, tôi cũng phó thác anh chị em cho sự bảo trợ của thánh Giuse. Anh chị em hãy học cùng Người; ước gì gương thánh Giuse soi sáng và giúp đỡ anh chị em trong việc chăm sóc yêu thương các trẻ em là tương lai của xã hội Colombia, của thế giới và của Giáo Hội..”

Trước khi rời Nhà thánh Giuse, ĐTC đã tặng cho Trung tâm này bức điêu khắc bằng gỗ diễn tả Thánh Gia có đôi bàn tay bao bọc và nâng đỡ, đôi tay của Chúa Cha, như đang hình thành Thánh Gia để cứu độ trần thế.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Colombia

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Colombia

BOGOTA. Sáng ngày 7-9-2017, ĐTC Phanxico đã viếng nhà thờ chính tòa thủ đô Bogotà và chào thăm 22 ngàn bạn trẻ Colombia.  

Khi gần đến nhà thờ chính tòa, ĐTC đã được ông đô trưởng thành Bogotà trao tặng chìa khóa của thành phố, rồi ngài đi bộ vào thăm nhà thờ.

Thánh đường hùng vĩ này được xây ngay tại nơi trước kia là một nhà thờ bằng rơm. Nhà thờ hiện nay được khởi công xây cất cách đây 217 năm (1807) và hoàn tất 16 năm sau đó. Tại đây có di hài của ông Jonzalo Jiménez de Quesada, người đã sáng lập thành Bogotà.

Trước ngưỡng cửa nhà thờ chính tòa dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, ĐTC đã được ĐHY TGM sở tại, Rubén Salazar Gómez, cùng với kinh sĩ đoàn đón tiếp. ĐHY là Chủ chăn của gần 3 triệu 900 ngàn tín hữu Công Giáo, thuộc 280 giáo xứ.

Sau khi hôn kính hài cốt thánh nữ Elisabet Hoàng hậu Hungari, ĐTC tiến đến bàn thờ trên đó có đặt ảnh Đức Mẹ Chiquinquirà, Bổn mạng Colombia, được đưa về đây từ Đền Thánh do các cha dòng Đa Minh coi sóc, nhân cuộc viếng thăm của ĐTC.

Hiện diện trong Nhà thờ chính tòa lúc ấy có tới 3 ngàn tín hữu. ĐTC đã quì cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Đức Mẹ, rồi cộng đoàn đọc kinh cầu Đức Mẹ, và ngài dâng kính ảnh Đức Mẹ một bông hoa hồng.

 

Sau nghi thức trên đây, ĐTC tiến vào nhà nguyện bên cạnh để chào thăm từng người trong ban tổ chức cuộc viếng thăm của ngài ở địa phương, rồi sang tòa TGM ở bên cạnh, quen gọi là dinh Hồng Y, để lên bao lơn chào thăm và ban phép lành cho khoảng 22 ngàn bạn trẻ từ nhiều nơi tụ tập tại quảng trường Bolivar bên dưới.

Huấn dụ của ĐTC

ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ hãy giữ cho niềm vui của mình được sinh động, đó là dấu chỉ một tâm hồn trẻ trung, đã gặp Chúa. Không ai có thể tước mất niềm vui đó của các con (Xc Ga 16,22).

”Các con đừng để cho mình bị cướp mất niềm vui đó, hãy chăm sóc niềm vui ấy, niềm vui liên kết mọi sự, vì biết rằng mình được Chúa yêu thương. Ngọn lửa tình thương làm cho niềm vui này được trào dâng và đủ để đốt cháy cả thế giới.. Các con đừng sợ tương lai! Hãy dám mơ ước những điều cao cả. Ngày hôm nay cha muốn mời gọi các con hãy có giấc mơ lớn lao như vậy”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Những người trẻ các con có một sự nhạy cảm đặc biệt trong việc nhận ra sự đau khổ của người khác; các công việc thiện nguyện trên toàn thế giới được nuôi dưỡng nhờ hàng ngàn những người trẻ như các con, có khả năng dành thời gian, từ bỏ cuộc sống tiện nghi thoải mái, những dự phóng qui hướng về mình, để cho mình được xúc động trước những nhu cầu của những người mong manh yếu đuối nhất và tận tụy săn sóc họ. Nhưng cũng có thể là các con sinh ra trong những môi trường trong đó chết chóc, đau khổ, chia rẽ đã thấu nhập xâu đến độ làm cho các con cảm thấy buồn nôn, và như bị tê liệt không còn nhạy cảm nữa: các con hãy để cho mình bị đau khổ của các đồng bào Colombia đánh động và động viên. Và các con hãy giúp đỡ những người lớn tuổi đừng quen với đau khổ và sự bỏ rơi.

Và hỡi các con là những người trẻ nam nữ, đang sống trong những môi trường phức tạop, với những thực tại khác nhau và tình trạng gia đình khác biệt nhất, các con quen nhìn thấy rằng không phải mọi sự là trắng hay đen, cuộc sống thường nhật được giải quyết trong một loạt những sắc thái xám khác nhau, và điều này làm cho các con có nguy cơ rơi vào bầu không khí duy tương đối, gạt sang một bên tiềm năng của người trẻ trong việc hiểu đau khổ của những người đã đau khổ. Các con không những có khả năng phán đoán, nêu rõ những sai lầm, nhưng còn có khả năng đẹp đẽ và xây dựng, đó là khả năng thông cảm. Hiểu rằng đằng sau một sai lầm, có vô số các lý do, làm giảm trách nhiệm. Colombia rất cần các con để đặt mình trong hoàn cảnh của nhiều thế hệ không có thể hoặc không biết làm như vậy, và không tìm được phương thức đúng để cảm thông!

Sau cùng ĐTC khích lệ các bạn trẻ hãy dấn thân trong việc canh tân xã hội, để xã hội trở nên công chính, vững bền và phong phú.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp Ban chấp hành Liên HĐGM Mỹ la tinh

Đức Thánh Cha gặp Ban chấp hành Liên HĐGM Mỹ la tinh

BOGOTÀ. Lúc 3 giờ chiều ngày thứ năm 7-9-2017, tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Bogotà, ĐTC đã gặp gỡ Liên HĐGM Mỹ châu la tinh gọi tắt là Celam, gồm 62 GM thành viên của tổ chức này, trong đó có 5 vị thuộc đoàn chủ tịch, 35 GM chủ tịch các Ủy ban và 22 vị Tổng thư ký của 22 HĐGM ở Nam Mỹ.

Trong cuộc gặp gỡ, sau lời chào mừng của ĐHY Rubén Salazar, ĐTC nói:

”Tôi cám vì nỗ lực biến Hội đồng GM đại lục này thành một ngôi nhà phục vụ sự hiệp thông và sứ mệnh của Giáo Hội taị Châu Mỹ Latinh, một trung tâm đẩy mạnh ý thức là môn đệ thừa sai và một điểm tham chiếu sinh động cho sự hiểu biết và đào sâu ”tính công giáo của Mỹ châu Latinh”.

Tiếp đến ĐTC đặc biệt đề cập tới tính cách cụ thể của việc rao truyền Tin Mừng và khẳng định rằng:

”Đi ra, khởi hành với Chúa Giêsu là điều kiện của thực tại cụ thể này. Phúc Âm nói tới Chúa Giêsu từ Thiên Chúa Cha đi ra, cùng các môn đệ rong ruổi trên các cánh đồng và làng mạc vùng Galilea. Đây không phải là một lộ trình vô ích của Chúa. Trong khi Ngài đi, Chúa gặp gỡ, trong khi gặp gỡ Ngài đến gần, trong khi đến gần Ngài nói, trong khi nói Ngài đụng vào với quyền năng của Ngài, khi đụng vào, Ngài chữa lành và cứu thoát. Dẫn về với Thiên Chúa Cha những người Ngài gặp gỡ là mục đích việc đi ra thường hằng của Ngài. Giáo Hội cần phải chiếm lại được các động từ mà Ngôi Lời của Thiên Chúa chia trong sứ mệnh của Ngài. Đi ra để gặp gỡ, chứ không đi qua, cúi xuống không lơ là, sờ mó không sợ hãi.. Cần phải hướng tới con người trong hoàn cảnh cụ thể của nó. Chúng ta không thể cất đi cái nhìn khỏi họ. Sứ mệnh được hiện thực trong kiểu thân thể sát nhau.

Trong hiện tình châu Mỹ Latinh Giáo Hội phải là bí tích của sự hiệp nhất. Giáo Hội tôn trọng gương mặt đa diện của đại lục này là sự phong phú. Giáo Hội cần tiếp tục phục vụ thiện ích đích thật của con người mỹ latinh. Phải không mệt mỏi làm việc để xây các cây cầu, đạp đổ các bức tường phân cách, hội nhập sự khác biệt, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ và dối thoại, giáo dục tha thứ và hoà giải, ý thức công bằng, khước từ bạo lực và can đảm xây dựng hoà bình. Gương mặt đích thật của châu Mỹ Latinh là gương mặt lai giống, gương mặt my latinh. Tôn giáo bình dân là phần đặc thái nhân chủng và là ơn Thiên Chúa muốn cho dân chúng biết Ngài. Các trang lịch sử sáng ngời nhất của Giáo Hội chúng ta đã được viết ra khi chúng ta biết nuôi dưỡng sự phong phú này, nói với con tim kín ẩn đập nhịp giữ gìn như một ngọn lửa sáng dưới tro, ý thức về Thiên Chúa và sự siêu việt của Ngài, tính cách thánh thiêng của sự sống, việc tôn trọng thụ tạo, các mối dây liên đới, niềm vui sống, khả năng hạnh phúc vô điều kiện.

Giáo Hội Mỹ Latinh cũng có khả năng là bí tích của niềm hy vọng, không than van. Dân tộc của chúng ta đã học biết rằng không có thất vọng nào có thể bẻ gẫy nó. Giáo Hội cần canh thức và cụ thể hoá niềm hy vọng ấy.

Niềm hy vọng tại Mỹ Latinh có gương mặt trẻ trung. Anh em đừng để mình bị lôi kéo bởi các hình hý họa coi giới trẻ chỉ chỉ là nạn nhân của ma tuý và bạo lực. Họ không sẵn sàng lập lại quá khứ đâu. Hãy rộng mở các khoảng không cho họ trong các giáo đoàn đuợc giao phó cho anh em, hãy đầu tư thời giờ và tài nguyên cho việc đào tạo họ và xin họ tận dụng các tiềm năng của họ để thành người.

Niềm hy vọng của Mỹ Latinh cũng có gương mặt của nữ giới. Nữ giới có một vai trò quan trọng trong đại lục mỹ latinh. Chính từ môi miệng của họ mà chúng ta đã học đức tin, chính từ sữa lòng họ mà linh hồn chúng ta có các nét lai giống. Tôi nghĩ tới các bà mẹ thổ dân, các bà mẹ của các thành thị với ba vòng làm việc, tôi nghĩ tới các bà nội bà ngoại giáo lý viên, tôi nghĩ tới các nữ tu và các phụ nữ kín ẩn tạo dựng thiện ích. Không có nữ giới Giáo Họi của lục địa sẽ mất đi sức mạnh liên tục tái sinh. Chính các phụ nữ với lòng kiên nhẫn tỉ mỉ thắp sáng lên và tái thắp sáng lên ngọn lửa đức tin. Thật là một bổn phận nghiêm chỉnh hiểu biết, tôn trọng, đánh giá cao thăng tiến sức mạnh giáo hội và xã hội của những gì nữ giới thực hiện trong xã hội và trong Giáo Hội.

Sau cùng niềm hy vọng của châu Mỹ Latinh đi ngang qua con tim, trí khôn và các cánh tay xây dựng của các anh chị em giáo dân.

Cần phải vượt thắng tâm thức duy giáo sĩ. Tuy đã có vài bước tiến nhưng các thách đố lớn của châu Mỹ Latinh vẫn còn ở trên bàn và tiếp tục chờ đợi việc thực thi thanh thản, có trách nhiệm, chuyên môn, nhìn xa thấy rộng, khúc chiết rõ ràng và ý thức đối với giáo dân Kitô, ý thức góp phần vào các tiến trình phát triển nhân bản đích thực, củng cố nền dân chủ chính trị và xã hội, vượt thắng cấu trúc nghèo đói triền miên, xây dựng sự thịnh vượng dựa trên các cải tổ lâu dài có khả năng bảo vệ thiện ích xã hội, thắng vượt các bất bình đẳng và cứu vãn sự ổn định, đề ra các mô thức phát triển kinh tế có thể thực hiện được tôn trọng thiên nhiên và tương lại đích thật của con người. Ý thức về niềm hy vọng này phải luôn luôn biết nhìn thực tại với đôi mắt của dân nghèo và bắt đầu từ tình trạng sống của người nghèo. Nếu chúng ta muốn phục vụ châu Mỹ Ltinh như tổ chức CELAM, thì cần phải làm nó với sự đam mê. Ngày nay cần có đam mê hơn bao giờ hết.

Linh Tiến Khải + Trần Đức Anh OP

 

Phỏng vấn nhà văn Dominique Wolton về tư tưỏng của ĐTC Phanxicô

Phỏng vấn nhà văn Dominique Wolton về tư tưỏng của ĐTC Phanxicô

Ngày mùng 6 tháng 9  vủa qua nhà văn Dominique Wolton, người Pháp cho ra mắt cuốn sách tựa đề “Chinh trị và xã hội” liên quan tới tư tưởng của ĐTC Phanxicô. Cuốn sách là kết quả 12 lần gặp gỡ giữa nhà văn Wolton và Đức Phanxicô từ tháng 2 năm 2016 tới tháng hai năm 2017, cộng thêm 2 lần cùng ngồi lại để duyệt lại bản thảo cuốn sách với sự trợ giúp của ông Louis de Romanet thông dịch viên chuyên nghiệp. Cuốn sách đã được giới thiệu với ĐGH ngày 28 tháng 8 năm ngoái. Sách gồm 8 chương đề cập tới các vấn đề: chiến tranh và hoà bình; tôn giáo và chính trị; Âu châu và sự khác biệt văn hoá; văn hóa và truyền thông; sự khác biệt, thời gian và niềm vui; lòng thương xót; truyền thống; một số phận, và sách kết thúc với gương mặt của Đức Phanxicô. Các đề tài chú ý tới các vấn đề chính trị và xã hội của thời đại chúng ta. Sách do nhà xuất bản Đài quan sát do ông Muriel Beyer làm giám đốc phát hành, đã được nhật báo Le Figaro giới thiệu trong số ra ngày mùng 1 tháng 9.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn tác giả Dominique Wolton về cuốn sách này.

Hỏi: Thưa nhà văn Wolton, ý tưởng cho ra cuốn sách này đã đến từ đâu?

Đáp: Tôi là một người tìm tòi thông tin chính trị. Vì thế nên ảnh hưởng việc truyền thông của ĐTC Phanxicô đã khiến cho tôi ngạc nhiên ngay từ khi ngài xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng. Ngài đã lập tức dấy lên sự thiện cảm tổng quát; với một thứ từ vựng đơn sơ đồng thời dấn thân ngài đã gợi hứng cho việc chấp nhận tức khắc. Tôi đã trông thấy một người không đuợc biết đến, đi ra từ chỗ không, nhưng tìm ra các lời đúng đắn, và như vậy đã chứng minh cho thấy một khả năng truyền thông không thể tin được. Trên thế giới này có rất ít người  có thể làm được điều đó. Nếu Đức Gioan Phaolô II đã là một vị Giáo Hoàng của thế giới, thì Đức Phanxicô đã trở thành, trong ít giây, vị Giáo Hoàng của việc toàn cầu hoá. Điều hấp dẫn tôi còn là niềm vui và sự đơn sơ của ngài nữa: ngài không có gì là “duy truyền thống” của một Giáo Hội công giáo  đã luôn luôn được cảm nhận như là chính thức, nghiêm nghị, thê thảm hay không thể nào tới gần được. Ngài đã gần gũi với dân chúng. Trông thấy một vị lãnh đạo thế giới như thế, có khả năng nói ít lời với toàn thế giới, và nhất là làm cho người ta hiểu mình, đã khiến cho tôi có ý tưởng đề nghị với ngài một cuốn sách phỏng vấn để hiểu biết hơn con người của ngài.

Hỏi: Ông đã làm thế nào để thuyết phục ĐTC Phanxicô?

Đáp: Tôi không phải là một chuyên viên về tôn giáo. Tôi đã chỉ có kinh nghiệm về cuốn sách phỏng vấn ĐHY Lustiger. Tôi đã quyết định vượt hàng rào bằng cách gửi cho ĐTC một điện thư với dự định của một cuốn sách gồm ba trang, phần mục lục và tiểu sử cuộc đời tôi. Nó đã giống như là vứt một cái chai có chứa đựng một sứ điệp vào lòng đại dương… Thế mà 3 tháng sau tôi đã nhận được một điện thư của Hội đồng nghiên cứu khoa học cho biết rằng ĐTC sẵn sàng tiếp tôi. Cho tới bây giờ tôi vẫn không tin được!

Hỏi: Cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra khi nào thưa ông?

Đáp: Khi ĐTC bước vào căn phòng vô danh của nhà trọ Thánh Marta nhanh như một ánh  chớp chụp ảnh. Trước hết tôi bị đánh động bởi trông thấy chiếc áo trắng ngài mặc, rồi bởi sự dễ thương và lòng tốt trong cái nhìn của ngài. Tôi đã giữ khoảng cách của người nghiên cứu, nhưng tôi đã rúng động vì tính nhân bản của ĐTC. Tôi đã không biết các luật lệ tiếp kiến của Toà Thánh, và tôi cũng không biết sự kiện tiếp tôi có nghĩa là chấp nhận ý tưởng về cuốn sách hay không. Tôi đã tưởng tượng là chúng tôi sẽ nói chuyện về khả thể của dự tính. Vì thế tôi tự giới thiệu ngay, và nghĩ rằng ĐTC sẽ khảo xét tôi. Một chút sau thì thông dịch viên nói nhỏ vào tai tôi: “Tôi tin là ĐTC muốn chúng ta bắt đầu ngay…” Tôi đã không có gì với mình lúc đó, máy thu thanh và giấy bút, cũng như các câu hỏi. Các trường hợp của cuộc sống thật là vượt lên trên mọi phương pháp của chúng  ta. Tôi đã kéo chiếc smartphone của tôi từ trong túi ra để thu, và chúng tôi đã bắt đầu. Thiện cảm đã làm những gì còn lại…

Hỏi: Điều gì nơi ĐTC đã đánh động ông nhất?

Đáp: Chúng tôi không sống trong cùng không gian và thời gian. Một nhà khoa học có 4-5 thế kỷ của sự sâu sắc, còn ĐTC thì vượt biển thoải mái trên ba ngàn năm lịch sử. Tôi đã bị đánh động ngay lập tức bởi đức tin, niềm vui, lòng tốt, sự khiêm nhường và sáng suốt của ngài.  Nhưng liên quan tới bản tính nhân loại ngài không để cho mình bị lừa dối. Lại càng không để cho mình bị lừa dối liên quan tới các guồng máy quyền lực và thống trị… Ngài không phải là người ngô nghê, nhưng thường nói “Giáo Hội đã trông thấy biết bao chuyện như thế rồi”, nó không phải là một vấn đề. Trái lại Ngài ít khi quy chiếu Thiên Chúa. Ngài rất tiết kiệm trong việc dùng từ vựng tôn giáo. Trong sự kiện này thì ĐTC Phanxicô là một người “đời”. Có rất nhiều Giám Mục khi nói chuyện thích thú trong một loại “mứt thần học ý niệm”, điều này đặt để giáo dân đời như chúng tôi trong một tình trạng thấp kém hay phản loạn. ĐTC là một người bình thường, và thiên tài của ngài là ở chỗ đó. Có nhiều người nghĩ rằng càng tối tăm khó hiểu bao nhiêu, thì họ lại càng thông minh bấy nhiêu. Nhưng thật ra đâu có phải thế, không có tư tưởng mà không có sự trình bầy rõ ràng. Người ta càng thông minh bao nhiêu, thì lại càng rõ ràng bấy nhiêu. Và ĐTC Phanxicô thường rất trong sáng.

Hỏi: Ông bị ngài thu hút, có đúng thế không?

Đáp: Chúng tôi khác nhau biết bao, nhưng đồng thời lại gần gũi nhau. Tôi là một giáo dân, một giáo dân Pháp, học đại học, nghiên cứu công cộng… Tôi có nền văn hoá kitô, công giáo, nhưng tôi là người thờ ơ với tôn giáo. ĐTC Phanxicô có một chiều kích tinh thần có thể trông thấy nơi niềm vui và đức tin của ngài, nhưng cũng hoàn toàn là giáo dân trong kiểu hoạt động của ngài. Ngài có thể đối thoại một cách thanh thản với bất cứ ai. Ngài là một chính trị gia. Nhưng sự giao thoa thường hằng này giữa con người của đức tin và giáo dân đời đã hấp dẫn tôi.

Hỏi: Đức Phanxicô là một Giáo Hoàng đời?

Đáp: Ngài là một người phân biệt một cách tự phát giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Rõ ràng là có các ảnh hưởng đối với nhau, nhưng đối với ngài không có nối kết nào giữa quyền bính chính trị và quyền bính tôn giáo. Quyền bính chính trị không được dựa trên quyền bính tôn giáo. Quyền bính tôn giáo phải ở trong chỗ của mình. Và đây không chỉ liên quan tới luật tách biệt đạo đời ban hành năm 1905, già một thế kỷ rồi, mà là vấn đề chính của thế kỷ tới, nhất là đối  với Hồi giáo. Từ sự tách biệt các quyền bính này tuỳ thuộc nền hoà bình hay chiến tranh của ngày mai.

Hỏi: Thế giới đời không chờ đợi gì nơi Giáo Hội công giáo, cả khi nó ở tại chỗ của mình… có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Không có tính cách đời 100%. Có một sự không thông truyền giữa một người theo khuynh hướng đời và một người có tôn giáo. Và chúng tôi đã sống kinh nghiệm trong các cuộc phỏng vấn này. Người chủ truơng đời cũng như người có tôn giáo cả hai đều có lý. ĐTC Phanxicô ủng hộ một tính cách đời rộng mở cho các vấn đề tinh thần. Và người chủ trương đời chỉ có thể hiện hữu, vì có tôn giáo. Họ lấy hứng từ đó, cả khi họ không luôn luôn thừa nhận nó. Người ta có thể vô thần, nhưng thật là ngô nghê nghĩ rằng có thể huỷ bỏ các đề tài của tôn giáo. Bởi vì đề tài tôn giáo là đề tài siêu hình. Không con người nào có thể tránh thoát khỏi nó. Không ai có thể nói rằng mình không đặt vấn nạn liên quan tới mình là ai, đi đâu, và liên quan tới sự kiện một ngày kia mình sẽ chết.  Một vài người vô thần có thể nói rằng tôn giáo vô lý, nhưng sẽ không có ai tránh thoát được các câu hỏi nó đặt ra. Giải pháp là ở chỗ sống chung, trong đó mỗi người tôn trọng người khác.

Hỏi: Trong lãnh vực tư tưởng còn có điều gì đánh động ông nhất?

Đáp: Quan niệm quốc tế  của ngài về sự nghèo túng là một ám ảnh bởi các bất bình đẳng giữa miền bắc và miền nam bán cầu. Tôi còn nói rằng ngài tức giận, cả khi ngài tự kiềm chế.

Hỏi: Nhiều người nói rằng vị Giáo Hoàng này thiên tả…Ông nghĩ sao?

Đáp: Tiêu chuẩn phải trái không áp dụng cho vấn đề tôn giáo. Hay ít nhất chỉ một phần thôi. Dầu sao đi nữa, nó không đủ. Thiên tả, thiên hữu, có thật, có người thống trị, có kẻ bị trị, nhưng sức mạnh của tinh thần và của tôn giáo đó là chỉ cho thấy có các chiều kích khác. Giản lược các tôn giáo vào một tiếp cận khuynh tả khuynh hữu là một việc làm cho nghèo nàn đi, nguy hiểm đối với thế giới.

Hỏi: Tất cả những gì ông nói trong sách trên bình diện xã hội và chính trị có tương xứng với một lịch trình làm việc xã hội và dân chủ không?

Đáp:  Tôi sẽ nói rằng ngài khuynh hữu, vì nền đào tạo gần các tu sĩ dòng Tên Argentina. Ngài không có một nền đào tạo khuynh tả, nhưng đã mau chóng hiểu xã hội châu mỹ latinh. Sống gần gũi dân nghèo như vậy ngài đã nhìn về bên trái. Từ đó nỗi ám ảnh của ngài đối với người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Nhưng ngài không phải là người mác xít. Và rơi vào đó theo ngài là một sai lầm đối với Giáo Hội. Từ đó phát xuất ra cuộc tranh luận giữa nền thần học giải phóng và nền thần học của nhân dân. ĐTC không thích kiểu nói “thần học nhân dân”, nhưng ngài tìm một câu chú ý tới sự nổi loạn không thể tránh được của nhân dân châu Mỹ Latinh, mà không rơi vào chủ thuyết mác xít.

Hỏi: Nói cho cùng ông tin rằng đó là lập trường của ĐTC Phanxicô?

Đáp: Tôi nghĩ rằng ngài là người “vô kỷ luật!” Không thể khép kín ngài trong một phòng. Vị Giáo Hoàng này sống thoải mái giữa những người nghèo, những người bị khắc phục, những người bị loại trừ. Ngài yêu dân chúng. Ngài chỉ sống thoải mái giữa dân chúng. Ngài chỉ hạnh phúc khi tiếp xúc với các con người. Bài học lớn nhất mà tôi rút tiả được từ các cuộc gặp gỡ này đó là vị Giáo Hoàng này sống theo Tin Mừng. Ngài chỉ nói những gì tìm thấy trong Tin Mừng. Điều trao ban ý nghĩa cho cuộc sống của con người là những người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Những người giầu trong một cách thế nào đó luôn luôn thoát được hoàn cảnh này, nhưng họ sẽ không bao giờ hạnh phúc. Và ngài có một sức mạnh không thể tin được…

Hỏi: Tại Âu châu các lập trường của ĐTC liên quan tới sự rộng mở cho di cư bị người ta nhìn với đôi mắt xấu, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Trong 30 năm nữa người ta sẽ nói, thật may là Đức Phanxicô đã nói điều đó, nếu không các nền dân chủ của chúng ta sẽ phải chịu chiến tranh. Chúng ta ở trong một thế giới trong sáng. Các nước nghèo trông thấy những người chết trong biển Địa Trung Hải và sự thờ ơ của người giầu. Nếu không nói gì cả, nếu không làm gì cả, bạo lực sẽ kinh khủng. Vì thế ĐTC có lý hàng ngàn lần. Quý vị hãy nghĩ rằng đây là một trong các gương mù gương xấu lớn nhất của sự toàn cầu hoá. Các nước giầu đã tạo ra tình trạng này với các cuộc chiến, và chế độ tư bản rừng rú đã gia tốc tất cả điều đó trong 30 năm cuối cùng này. Ngày nay các nạn nhân kinh tế và chính trị của sự kiện này tìm tới các nước giầu dân chủ, và các nước này bảo họ đi đi. Sự giận dữ và tức bực mà ĐTC Phanxicô dấy lên có nghĩa là ngài đã đánh trúng trong dấu chỉ. Có sư thù ghét đối với điều ĐTC đã nói về người di cư. Nhưng sẽ không thể  ra khỏi đó với chính trị của con đà điểu dấu đầu trong cát để không trông thấy nguy hiểm. Vì thế ĐTC đã đóng góp một phục vụ vô biên cho nhân loại, khi nói với nhân loại điều mà không ai muốn nghe nói.

Hỏi: ĐTC Phanxicô có ý thức được  là cũng đã có một sự chống đối bên trong Giáo Hội công giáo hay không?

Đáp: Tôi đã không muốn đẩy mình đi xa hơn, bởi vì mục đích cuốn sách đã không phải là rơi vào trong các tranh luận của Giáo Hội công giáo. Đức Phanxicô, trái lại, bị ám ảnh bởi sự hiệp thông giữa tất cả mọi người trong Giáo Hội. Ngài rất lưu tâm tới dân kitô để không có các đổ bể. Ngài không phải là một con người của sự xung đột, một con người của sự đổ vỡ. Ngài muốn hiệp nhất, liên tục hiệp nhất. Liên quan tới các thù nghịch, các cuộc tính sổ, các tương quan sức mạnh bên trong Giáo Hội, tôi đã ngạc nhiên trông thấy rằng ngài không cho rằng cuộc sống của ngài tuỳ thuộc các vấn đề ấy. Ngài nhìn các sự việc một cách xa rộng, ngài tín thác nơi thời gian, với sự kiên nhẫn vô cùng, không nổi nóng, với một loại tin tưởng gây ấn tượng. Tôi đã không bao giờ thấy ngài hiếu chiến hay nổi cáu. Trái lại, như là người thơ ơ với tôn giáo tôi kinh ngạc khi trông thấy mức độ tin tưởng của ngài. Và như là người thờ ơ tôi có thể nói rằng, phải,  đức tin hiện hữu. Và điều này tiếp tục khiến cho tôi kinh ngạc. Tôi tôn trọng các cơ quan trung ương của Toà  Thánh, chẳng hạn có sự khôi hài, nhưng không có sự giận dữ. Thật là hiếm có, bởi vì vừa có được quyền bính là có bạo lực ngay.  Và khi người ta ở Roma thì đó là quyền bính quốc tế.

Hỏi: ĐTC đã có thi hành một việc kiểm duyệt hay không?

Đáp: Không có sự kiểm duyệt nào. Chắc chắn là có các điều ngài đã không nói trong cuộc nói chuyện, nhưng liên quan tới bản thảo thì đã không có gì bị lấy đi, cả các chuyện mà đối với tôi xem ra quá cá nhân đi nữa. Ngài đã chỉ lo lắng làm sao để không ai có thể nhận ra mình trong các thí dụ ngài đã đưa ra.

Hỏi: Không có đề tài cấm kỵ nào hay sao?

Đáp: Không có đề tài cấm kỵ nào! Khi tôi nói với ngài là tôi đã quên hỏi ngài về các phụ nữ, ngài đã cười, và chúng tôi đã bắt đầu nói về nữ giới.

(Oss.Rom. 2-9-2017)

Linh Tiến Khải

Lòng can đảm và đức tin mạnh mẽ của bà Cristiana Giordana

Lòng can đảm và đức tin mạnh mẽ của bà Cristiana Giordana

Ngày mùng 8 tháng 7 vừa qua (2017), khi Luca Borgoni, một chàng trai 22 tuổi, sống tại Cuneo, miền bắc nước Ý, đang leo lên đỉnh Cervino, đã bị rơi xuống vực sâu và qua đời. Cha mẹ của Luca, bà Cristina Giordana và ông Vittorio Borgoni, đã trực tiếp chứng kiến thảm kịch xảy ra với con trai của mình. Luca tham gia vào một leo núi ở Cervinia. Bà mẹ Cristiana đã đứng ở vạch xuất phát để chào và cổ vũ cho Luca, trong khi ông bố Vittorio thì đợi chàng ở đích đến. Luca muốn lợi dụng cơ hội này, một mình leo lên cao hơn nữa. Bố mẹ của Luca đã chờ đợi chàng. Mẹ chàng nhớ lại: “Khi tôi đang chụp hình, tôi chợt nhìn lên và thấy trực thăng 118, tôi bắt đầu khóc như điên. Chồng của tôi hỏi tại sao tôi khóc và tôi nói với ông: ‘Luca đang ở đó.’ Tin Luca bị tai nạn qua đời đến với tôi từ trên trời cao. Sau đó tôi đi xuống trạm dừng Duca và tôi tìm cây thánh giá mà khi đi lên tôi đã nhìn thấy. Tôi đã quỳ bò ở đó, đọc những lời kinh nguyện căng thẳng nhất trong cuộc đời của mình. Dưới chân cây Thánh giá đó, tôi đã chết.” Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, đội cứu cấp của vùng núi đã khẳng định tin Luca qua đời. Một làn sóng đau buồn vùi dập cả gia đình Borgoni. Nhưng với đức tin, nỗi đau được nguôi ngoai.

Bà Cristiana đã kể về con trai của mình. Luca là một chàng trai thái quá nhưng luôn trong những điều tích cực. Luca đam mê nhiều điều và sống cuộc đời dường như không có màu xám ảm đạm bi quan. Nhiều lần Luca đặt ra cho mình những mục tiêu khó khăn và cậu đã đạt được. Luca đang chuẩn bị tốt nghiệp khoa học sinh học tại đại học Torino. Chính bà Cristiana đã thay thế Luca bảo vệ luận án. Bà là một giáo viên và bà cũng biết về luận án của Luca, bởi vì bà đã sống cùng với con trai của mình. Đối với bà, việc bảo vệ luận án thay cho con trai là một điều tự nhiện và bình thường. Sức mạnh và ánh nhìn của người mẹ này, ngươi với sự thanh thản và quyết tân, đã phát biểu trong hội trường đại học đông chật các bạn học của con trai, trong khi màn ảnh chiếu những hình ảnh của Luca, lan truyền như một cơn gió mạnh mẽ, mang đến sức mạnh, không khí và tự do.

Vài tuần sau khi Luca qua đời, bà Cristiana cảm thấy thanh thản và bình an. Rồi những khoảnh khắc đau buồn đến, khi bà nhìn những tấm hình của Luca, khi bà nhận thức những gì đã xảy ra, bà cầu nguyện. Đối với bà, cầu nguyện nghĩa là hít thở. Vừa khi thức dậy bà cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về ngày mới. Xin ban cho con sức mạnh.” Bà Cristiana chia sẻ những điều mang lại cho bà sức mạnh để vượt qua thảm kịch. Bà luôn ở bên cạnh chồng và con gái, họ luôn luôn ở bên nhau, không rời nhau. Rồi rất nhiều tin nhắn được gửi đến từ những người không quen biết nhưng qua các mạng xã hội, họ đã liên lạc với bà. Họ chia sẻ cùng những kinh nghiệm. Các người bạn cũ nghe về tin buồn cũng đã đến với gia đình bà Cristina. Tình âu yếm của những người làm trái tim họ ấm lại bằng những cử chỉ nhỏ, sự đồng hành của những người biết đến gần, cảm thông.

Từ khi Luca qua đời, bà Cristiana cũng có một cách cầu nguyện đặc biệt với Mẹ Maria. Bà thưa với Đức Mẹ: “Giờ đây Mẹ hiểu con, bởi vì con đã mất một người con như mẹ, 11 năm trước Mẹ (vì Luca qua đời khi mới 22 tuổi).” Bà Cristiana nói thêm: “Và còn hơn thế nữa, Mẹ Maria không mất thánh Anna, người mẹ của mình, 6 tháng trước đó”, vì sự thật là trước đó vài tháng, bà Cristiana đã mất đi người mẹ mà bà vô cùng gắn bó. Bà Cristiana cũng chia sẻ về chồng bà, người không tin. Vào cuối lễ an táng của Luca, ông Vittorio đã cầm micro, ngồi ở bực thềm bàn thờ, quay về quan tài của Luca và nói với con trai mình nhiều điều anh đã làm cho ông hiều về đức tin mà ông đã không bao giờ đón nhận, nói về cách thế anh làm cho ông cảm nhận được các dấu chỉ của sự hiện diện và cách anh đã giúp ông được gặp những người mở mắt cho ông nhìn thấy đức tin. Đối với bà Cristiana, đó là phép lạ. Giờ đây, gia đình ông bà Vittorio và Cristiana để cho cuộc sống tiếp diễn. Con gái Giulia của bà phải lớn lên và bà sẽ phải trờ lại trường học vì bà là một giáo viên. Bà nói: “Rất may là tôi rất yêu mến công việc.” (Famiglia Cristiana 27/08/2017)

Hồng Thủy

 

Sứ điệp của ĐTC dịp kết thúc Năm thánh 400 năm ngày thánh Rosa Lima qua đời

Sứ điệp của ĐTC dịp kết thúc Năm thánh 400 năm ngày thánh Rosa Lima qua đời

Hôm 30/08, Thánh lễ trọng thể kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của thánh Rosa thành Lima đã được cử hành tại nhà thờ chánh tòa Lima, thủ đô Pêru.

Trong thánh lễ, Đức Hồng y Eduardo Vela Chiriboga, nguyên tổng Giám mục Quito, đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp kết thúc Năm Thánh. Trong sứ điệp , Đức Thánh Cha mời gọi sùng kính thánh Rosa mạnh mẽ để toàn tổng giáo phận Lima, cả nước Pêru và toàn thế giới được nhận lãnh nhiều ơn phúc của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha dùng một đoạn trong sách Diễm ca để định nghĩa thánh Rosa là người phụ nữ “sinh trưởng như hoa huệ giữa bụi gai”. Ngài nhấn mạnh đến sự hy sinh hãm mình đền tội nghiêm nhặt bừng cháy lòng say mê yêu mến để cho tất cả mọi người được hưởng sự sống vĩnh cửu trong Chúa Kitô. Đức Thánh Cha viết: “Thánh nữ đã trở thành người bạn của Chúa ngay từ khi còn thơ bé” khi ngài thánh hiến mình như một trinh nữ và thực hành nhân đức khi còn thơ bé. “Từ đó, được thiêu đốt bởi tấm gương và lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và của thánh Catarina thành Siêna, thánh Rosa đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa”, mặc áo dòng Ba Đaminh. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình yêu thánh Rosa dành cho mọi loài thụ tạo của, đặc biệt khi thánh nữ mời gọi mỗi sinh vật sống ca ngợi Đấng Tạo hóa.

Thánh Rosa sinh tại Lima ngày 20/04/1586, là con thứ 10 trong gia đình quý tộc gốc Tây ban nha có 13 người con. Từ thơ bé, Rosa đã nhận ra ơn gọi và sống theo tinh thần thánh Catarina. Rosa luôn giúp đỡ người nghèo khổ, các trẻ em và người già bị bỏ rơi, đặc biệt những người thổ dân. Từ năm 1609, Rosa đóng mình trong một căn phòng nhỏ được xây trong vườn nhà và chỉ ra khỏi phòng để tham dự Thánh lễ. Rosa qua đời ngày 24/08/1617 vì kiệt sức.

Năm 1671, Đức Giáo hoàng Clemente X đã phong Rosa lên hàng hiển thánh. Ngài là vị thánh đầu tiên của châu Mỹ, và cũng là bổn mạng của Peru, của tân thế giới và của Philippines. (REI 31/08/2017)

Hồng Thủy

72 thành viên Con đường Tân dự tòng Nam Phi đi truyền giáo

72 thành viên Con đường Tân dự tòng Nam Phi đi truyền giáo

Từ 11-21 tháng 8, đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, 72 thành viên thuộc cộng đoàn tân dự tòng của Nam phi được gửi đi truyền giáo, từng hai người một, chỉ với cuốn Kinh thánh trên tau, để loan báo Tin mừng ở Nam phi, Swaziland, Botswana và Lesotho. 

Trước khi bắt đầu sứ vụ, các nhà truyền giáo này được đức cha Brislin, Tổng giám mục của Città del Capo và chủ tịch hội đồng giám mục Nam phi, chúc lành. Đức cha Brislin nói: “Qua bí tích rửa tội của chúng ta, như các tông đồ, chúng ta chia sẻ sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô. Loan báo Tin mừng trong thời hiện đại không chỉ gồm trong việc mang Chúa Kitô đến cho những ngừoi chưa nghe nói về Người, nhưng cũng đến với những người mà Chúa Kitô không quan trọng đối với họ, để thắp lên lại niềm tin đích thực.”

Sứ vụ truyền giáo đang được thực hiện khắp nơi trên thế giới, như được loan báo vào dịp ngày quốc tế giới trẻ tại Cracovia hồi năm ngoái, khi 150 ngàn người trẻ của phong trào Con đường Tân dự tòng tụ họp trong dịp họp mặt ơn gọi. Dino Furgione, người phụ trách phong trào Con đường Tân dự tòng ở Nam phi nói: “Sứ vụ này không chỉ dành cho những người thánh hiến. Có những người đã kết hôn, những người độc thân, người trẻ và người già, linh mục và chủng sinh. Đây là tinh thần của công đồng chung Vatican II, thân thể của Giáo hội là sự hiện diện đích thật của Chúa Kitô. Chúng tôi đã cảm nghiệm rằng Chúa Kitô đồng hành với chúng tôi. Trả lời cho câu hổi đã được nói với các môn đệ trong tin mừng thánh Luca: ‘Khi Thầy sai con đi, không túi, không tiền hay giày dép, con có thiếu gì không?’ Chúng tôi có thể làm chứng rằng chúng tôi không thiếu thốn gì! Một số người thực sự đã phải chịu đựng một số thiếu thốn, nhưng tất cả chúng tôi đều trải nghiệm "niềm vui trọn vẹn" của Thánh Phanxicô, người cũng thường gửi các anh em của mình đi truyền giáo, từng hai người một.” (Agenzia Fides 25/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha mời gọi can đảm và kiên trì khi cầu nguyện

Đức Thánh Cha mời gọi can đảm và kiên trì khi cầu nguyện

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Tuyền Tin trưa chúa nhật 20-8-2017, ĐTC đã mời gọi các tín hữu can đảm và kiên trì khi cầu nguyện, như người phụ nữ xứ Canaan trong Phúc Âm.

Hàng ngàn tín hữu đã dự buổi đọc kinh tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau những vụ khủng bố vừa qua tại Tây ban nha và nơi khác, an ninh tại khu vực Quảng trường được tăng cường kín đáo.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (15,21-28) kể lại sự tích người đàn bà xứ Canaan nài nỉ xin Chúa Giêsu chữa lành con bà. Ngài nói:

”Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một gương đặc biệt về đức tin trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một phụ nữ xứ Canaan, một người ngoại đối với dân Do thái. Cảnh tượng diễn ra trong lúc Chúa đi về thành Tiro và Sidone, ở mạn tây bắc Galilea: Phúc Âm nói: chính nơi đây, người đàn bà cầu xin Chúa Giêsu chữa con gái bà ”bị một tên quỉ hành hạ dữ dội” (v.22). Thoạt đầu Chúa dường như không lắng nghe tiếng kêu đau khổ, đến độ các môn đệ phải can thiệp cho bà. Thái độ có vẻ không quan tâm của Chúa Giêsu vẫn không làm nản chí bà mẹ ấy, bà càng nài nỉ xin Ngài.

Sức mạnh nội tâm của phụ nữ ấy giúp vượt lên trên mọi chướng ngại, cần phải tìm trong tình mẫu tử và trong niềm tín thác của bà, bà tin rằng Chúa Giêsu có thể nghe lời xin của bà. Và điều này làm cho tôi nghĩ đến sức mạnh của các phụ nữ. Với sức mạnh của họ, họ có khả năng đạt được những điều lớn lao. Chúng ta biết bao nhiêu phụ nữ như thế! Chúng ta có thể nói rằng chính tình yêu thúc đẩy niềm tin và về phần mình, niềm tin trở thành phần thưởng của tình yêu. Tình yêu mạnh mẽ đối với con gái đã thúc đẩy bà kêu lên ”Lạy Chúa, con Vua Đavít, xin thương xót con” (v.22). Và niềm tin kiên trì nơi Chúa Giêsu làm cho bà không nản chí, kể cả khi đứng trước sự từ khước ban đầu; vì thế người phụ nữ ”phủ phục trước Chúa và nói: Lạy Chúa, xin giúp con!” (v.25).

Sau cùng, đứng trước sự kiên trì mạnh mẽ dường ấy, Chúa Giêsu ngưỡng mộ, như thể ngạc nhiên trước niềm tin của một phụ nữ ngoại đạo. Vì thế, Ngài đồng ý và nói: ”Hỡi bà, niềm tin của bà thật lớn lao! Ước nguyện của bà hãy thành sự”. Và từ lúc đó, con gái bà được lành mạnh” (v.28). Người đàn bà khiêm hạ này được Chúa Giêsu coi là mẫu gương niềm tin không lay chuyển. Sự nài nỉ của bà trong việc khẩn cầu sự can thiệp của Chúa Giêsu là một khích lệ cho chúng ta để đừng nản chí, đừng tuyệt vọng khi chúng ta bị những thử thách trong cuộc sống đè nén. Chúa không ngoảnh mặt đi nơi khác trước những nhu cầu của chúng ta, và sở dĩ đôi khi Ngài có vẻ không nhạy cảm trước những lời cầu cứu, chính là để thử thách và củng cố niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục kêu như người phụ nữ ấy:

“Lạy Chúa, xin giúp con! Lạy Chúa, xin giúp con!”. Như thế, lòng kiên trì và can đảm là điều cần phải có khi cầu nguyện.

Giai thoại này của Phúc Âm giúp chúng ta kiểu rằng tất cả chúng ta đều cần tăng trưởng trong đức tin và củng cố niềm tín thác nơi Chúa Giêsu. Ngài có thể giúp chúng ta tìm lại con đường, khi chúng ta bị lạc mất hướng đi trong hành trình; khi con đường không còn bằng phẳng nhưng gồ ghề và cam go; khi khó trung thành với những cam kết của chúng ta. Điều quan trọng là nuôi dưỡng đức tin của chúng ta hằng ngày, chăm chú lắng nghe Lời Chúa, và cử hành các bí tích, cầu nguyện riêng như tiếng kêu hướng về Chúa 'Lạy Chúa, xin giúp con!”, và với những thái độ bác ái cụ thể đối với tha nhân.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Thánh Linh để Ngài giúp chúng ta kiên trì trong đức tin. Chúa Thánh Linh đổ tràn niềm tín thác trong tâm hồn các tín hữu; Ngài ban cho cuộc sống và chứng tá Kitô của chúng ta sức mạnh thuyết phục và làm cho xác tín; Ngài khích lệ chúng ta chiến thắng thái độ

thiếu tin tưởng đối với Thiên Chúa và thắng sự dửng dưng đối với anh chị em.

Xin Đức Trinh Nữ Maria làm cho chúng ta ngày càng ý thức về sự cần thiết của chúng ta đối với Chúa và Thánh Linh của Ngài; xin Mẹ xin cho chúng ta được một niềm tin mạnh mẽ, đầy yêu thương, và một tình thương biết trở thành một lời khẩn nguyện, can đảm khẩn cầu Thiên Chúa.

Cầu cho các nạn nhân khủng bố

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến những vụ khủng bố gần đây và nói: ”Trong tâm hồn chúng ta có đau buồn vì những vụ khủng bố trong những ngày qua đã gây ra nhiều nạn nhân, tại Burkina Faso, Tây Ban Nha, và Phần Lan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người quá cố, những người bị thương và thân nhân của họ; và chúng ta khẩn xin Chúa, là Thiên Chúa từ bi

và hòa bình, giải thoát thế giới khỏi bạo lực vô nhân đạo này. Cùng nhau trong thinh lặng chúng ta cùng cầu xin Mẹ Maria.

ĐTC đã cùng mọi người đọc một kinh Kính Mừng. Rồi ngài chào thăm tất cả các tín hữu hành hương Italia và từ nhiều nước khác. Ngài đặc biệt nhắc đến các chủng sinh mới của Trường Bắc Mỹ ở Roma, các em giúp lễ ở Rivoltella thuộc giáo phận Brescia, bắc Italia.

G. Trần Đức Anh OP

Tội phạm chống lại Công giáo Giáo hội Công giáo Scotland gia tăng

Tội phạm chống lại Công giáo Giáo hội Công giáo Scotland gia tăng

Glasgow, Scotland – Các tội phạm do chủ nghĩa chống Công giáo đang trên đà gia tăng tại Scoltand. Peter Kearney, giám đốc cơ quan truyền thông Công giáo Scotland đã lên tiếng kêu gọi  chính quyền hành động cụ thể để chống lại xu hướng này, một vấn đề cụ thể.

Theo ông Kearney, cần phải xác định một vấn đề trước khi giải quyết nó. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là vấn đề bất khoan dung tôn giáo và các tội phạm của nó thì lại không được xác định.

Trong khoảng thời gian từ 2016-2017, ở Scoltand có 719 cáo buộc liên quan đến định kiến tôn giáo, trong khi từ 2015-2016 chỉ có 642 trường hợp.

Giáo hội Công giáo Roma là đối tượng bị tấn công nhiều nhất, chiếm 57%, với 384 vụ so với 299 vụ trong thời gian 2015-2016.

Theo ông Kearney, các con số cho thấy rằng xã hội Scoltland vẫn còn mang các vết sẹo do những hận thù và  xáo trộn trong quá khứ (CNA 15/08/2017)

Hồng Thủy

 

Bà mẹ trẻ Corbella từ chối chữa trị ung thư để con được chào đời lành mạnh

Bà mẹ trẻ Corbella từ chối chữa trị ung thư để con được chào đời lành mạnh

Cách đây 5 năm, ngày 13 tháng 6 năm 2012, bà mẹ trẻ Chiara Corbella đã qua đời ở tuổi 28 vì bệnh ung thư, sau khi quyết định trì hoãn việc điều trị ung thư để đứa con ra đời được mạnh khỏe. 5 năm sau ngày Chiara qua đời, cô vẫn sống trong sự cảm mến của nhiều người và họ cầu khấn với cô như với một thánh “Gianna Beretta Molla mới” – một thánh nữ người Ý đã từ chối phá thai và giải phẫu, muốn cứu sống con của mình dù phải hy sinh mạng sống. Chiara Corbella được xem như một gương mẫu của “sự thánh thiện trong đời sống thường ngày” trong thời đại chúng ta.

Cuộc đời của Chiara cũng giống như cuộc đời của nhiều cô gái khác, tìm định hướng cho cuộc đời của mình. Cô là một thiếu nữ tràn đầy sức sống, vui tưởi cởi mở và đạo đức. Từ bà Maria Anselma mẹ của mình, một thành viên của phong trào “Canh tân trong Thánh linh”, Chiara học biết “ngợi khen Thiên Chúa trong mọi sự”. Cô gái Chiara đã khám phá ra các giá trị của tinh thần Phanxicô như yếu tính của nền tu đức này, niềm vui, tình yêu vô điều kiện đối với mọi người. Chiara thực hiện năm tình nguyện phục vụ dân sự trong Hiệp hội Acli di Roma, một hiệp hội công nhân Kitô giáo của Ý.

Một cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời của Chiara. Cô kể: “Năm tôi 18 tuổi, trong một chuyến hành hương, tôi đã gặp Enrico. Trong thời gian quen biết, hứa hôn kéo dài 6 năm, Chúa đã thử thách đức tin của tôi thật nhiều. Sau 4 năm, tôi và Enrico đã chia tay. Đó là những giây phút đau khổ và nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Trong một khóa học về ơn gọi ở Assisi, tôi đã tìm lại được sức mạnh để tin vào Chúa: tôi đã cố gặp lại Enricô và chúng tôi cùng nhau theo sự hướng dẫn của một cha linh hướng.

Mối quan hệ của Chiara và Enrico đã tiến triển tốt đẹp và năm 2008, họ đã kết hôn với nhau tại Assisi. Hành trình đức tin của họ tiếp tục được nuôi dưỡng tại giáo xứ thánh Francesca Romana ở Adreatino, thuộc thủ đô Roma, có buồn có vui, có mệt nhọc than van, nhưng tất cả được chuyển thành những điệu nhảy múa. Năm 2009, một năm sau đám cưới, họ nhận được tin vui: họ sắp có con đầu lòng. Tuy nhiên, siêu âm cho thấy thai nhi bị dị tật nghiêm trọng ở đầu. Chiara quyết định vẫn tiếp tục mang thai. Một bé gái được sinh ra, mà theo các bác sĩ, em  không thích hợp với cuộc sống. 30 phút sau khi chào đời, đủ để em được nhận lãnh bí tích rửa tội, bé Letizia nhẹ nhàng từ giã trần gian đi về trời cao. Vài tháng sau đó, Chiara mang thai lần thứ hai, nhưng rồi thai nhi lại có vấn đề, không có chi dưới. Hai vợ chồng Enrico và Chiara sẵn sàng đón nhận đứa con khuyết tật David. Nhưng rồi cậu bé này cũng nhanh chóng theo bé chị về trời chỉ sau nửa giờ chào đời. Dù đau đớn vô cùng trước cái chết của hai đứa con bé nhỏ, hai vợ chồng vẫn cảm thấy bình an.

Rồi niềm vui lại đến khi Chiara mang thai lần thứ ba; cả gia đình vui mừng. Thai nhi khỏe mạnh nhưng người mẹ lại phát bệnh. Một vết lạ xuất hiện trên lưỡi của Chiara. Sau đó không lâu, cô biết đó là ung thư biểu mô. Chiara không muốn được trị liệu ngay, nhưng đợi sau khi sinh bé Francesco mới bắt đầu các liệu pháp hóa trị và xạ trị để chống lại chứng ung thư quái ác. Cô chiến đấu cách mạnh mẽ trong đau đớn và hy vọng. Cô muốn được sống với tất cả sức lực của mình. Nhưng chứng ung thư đã di căn, lây lan sang não, mắt, lưỡi, ngực, thận, phổi và gan. Bác sĩ cho biết Chiara chỉ còn sống vài tháng. Gia đình đã tổ chức một chuyến hành hương đến Mễ du để xin Đức Mẹ chữa lành cho Chiara, nhưng cũng là để mẹ giúp cho tất cả đón nhận ơn Chúa đã ban cho họ.

Chiara đang bệnh nặng ở giai đoạn cuối nhưng luôn mỉm cười. Một khách hành hương trong nhóm nhớ lại: “Nơi Chiara, bạn nhìn thấy sự chắc chắn của vĩnh cửu. Chiara không sợ hãi: đôi mắt cô tràn đầy ánh sáng, tràn đầy niềm vui, tràn đầy lòng biết ơn đối với Chúa. Cô ta đã sống lại. Cô sống từng giây phút hiện tại, lúc này đây và ở đây, không gì khác hơn nữa.” Trong thời gian cuối, Chiara đã xin chồng của mình đừng nói cho mình biết là sẽ còn sống bao lâu nữa. Ở Mễ du, Chiara nói với các bạn: “Tôi luôn xem việc được biết trước giờ chết là một đặc ân, bởi vì tôi có thể nói với tất cả rằng “tôi yêu thích bạn”. Chiara đã nói với mẹ của mình: “Nếu Thiên Chúa đã chọn điều này cho con, có nghĩa là như thế thì tốt hơn cho con và cho những người ở quanh con. Bởi vậy con cảm thấy hạnh phúc.” (Famiglia Cristiana 13/06/2017)

Hồng Thủy

Các nghệ sĩ cử hành Ngày nghệ thuật thánh Phanxicô

Các nghệ sĩ cử hành Ngày nghệ thuật thánh Phanxicô

ASSISI: Mùng 2 tháng 8 hôm nay là Ngày toàn xá Porziuncola, hàng trăm nghệ sĩ vùng Umbria, Lazio, Emilia Romagna và Nga tụ họp nhau tại Assisi để cử hành ngày nghệ thuật kính thánh Phanxicô.

Sáng kiến này đã do nhiều hiệp hội khác nhau tổ chức theo gợi ý của ĐTC Phanxicô nhân dịp mừng kỷ niệm 800 năm Ngày toàn xá ĐGH Onorio III ban theo lời xin của thánh Phanxicô năm 1217. Chuyên kể rằng một đêm năm 1216 trong khi thánh Phanxicô chìm đắm trong lời cầu nguyện thì thánh nhân thấy có một ánh sáng rất mạnh lọt vào nhà nguyện Porziuncola và thánh nhân trông thấy hiện ra trên bàn thờ Chúa  Kitô có Đức Mẹ đứng bên phải và các thiên thần. Các vị hỏi thánh nhân mong ước gi cho sự cứu rỗi các linh hồn thánh Phanxicô trả lời ngay: “Lậy Cha chí thánh mặc dù con là kẻ tội lỗi, con xin Cha ban ơn tha thứ rộng rãi và quảng đại”. Chúa nhận lời xin của thánh nhân. Và sau khi được ĐGH Onorio III cho phép lễ Toàn Xá Porziuncola bắt đầu được cử hành vào ngày mùng 2 tháng 8 năm 1217. Từ trưa ngày mùng 1 cho tới 12 giờ đêm ngày mùng 2 tháng 8 hàng năm những ai viếng nhà thờ Đức Maria của các Thiên Thần bên trong có nhà nguyện Poziuncola, hay tất cả các nhà thờ giáo xứ do các cha dòng Phanxicô trông coi trên toàn thế giới đều được ơn toàn xá, nghĩa là được tha mọi tội lỗi, miễn là họ xưng tội rước lễ, và đọc một Kinh Tin Kính một Kinh Lạy Cha cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Trong các sinh hoạt của Ngày nghệ thuật có video ý chỉ tháng 8 của ĐTC cầu nguyện cho các nghệ sĩ trên toàn thế giới, để họ ý thức được sứ mệnh cao quý của họ là diễn tả vẻ đẹp qua các tác phẩm nghệ thuật hầu giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ.

Số tiền bán các tác phẩm do các nghệ sĩ trưng bầy và trình diễn sẽ được dùng để làm việc từ thiện. Đó là trường hợp của nữ họa sĩ Natalia Tsarkova với tác phẩm “Mục Tử Thương Xót” của Năm Thánh Lòng Thương Xót, và cuốn sách ngụ ngôn tựa đề “Mầu nhiệm của cái ao nhỏ”, lấy hứng từ buổi lần hạt Mân Côi của ĐTC Biển Đức trước tượng Đức Mẹ đặt giữa một ao cá trong vườn dinh thự nghỉ hè Castel Gandolfo. Tiền bán cuốn sách này sẽ được dùng để giúp các trẻ em mù.

Nữ họa sĩ Francesca Capitini sẽ trình bầy bức tranh “Thánh Phanxicô giảng cho chim”.

Ngoài ra cũng sẽ được giới thiệu cuốn sách tựa đề “Đức Biển Đức XVI. Nghệ thuật là một cánh cửa hướng về Vô Tận. Thần học nghệ thuật cho một Phục Hưng mới” (REI 1-8-2017)

Linh Tiến Khải

 

Sự quan tâm của Toà Thánh đối với Đông Âu và Đông Phương

Sự quan tâm của Toà Thánh đối với Đông Âu và Đông Phương

Nội dung bài phỏng vấn ĐHY Pietrro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, về sự quan tâm của Toà Thánh đối với Đông Âu và Đông Phương  

Sau hai chuyến viếng thăm Bielorussia năm 2015 và Ucraina năm 2016, vào cuối tháng 8 tới đây ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh sẽ viếng thăm Nga. Qua các chuyến viếng thăm này Toà Thánh khẳng định sự chú ý của mình đối với Đông Âu và các thế quân bình mới nảy sinh sau khi đế quốc Liên Xô sụp đổ và đặc biệt là nước Nga. Đó là điều chúng ta đã nhận ra trong các sứ điệp mà ĐTC Phanxicô đã gửi cho tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều dịp khác nhau, và trên một bình diện khác không kém ảnh hưởng, là bình diện đối thoại đại kết kể từ cuộc gặp gỡ giữa Giám Mục Roma với Đức Thượng Phụ Mátscơva Kirill I tại thủ đô La Habana của Cuba hồi năm ngoái 2016.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đã dành cho nhật báo “Mặt trời 24 giờ” về vấn đề này.

Hỏi: Thưa ĐHY chuyến viếng thăm của ĐHY được tháp vào lộ trình này như thế nào?

Đáp: Sự chú ý của Toà Thánh đối với Đông Âu không phải mới có ngày nay, nhưng đã có từ lâu đời rồi và đã không thuyên giảm, kể cả trong những năm đen tối nhất. Toà Thánh đã luôn luôn coi là quan trọng các tương quan với  Đông Âu và với nước Nga trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Có hai biến cố ý nghĩa thật đáng nhớ nhưng ít người biết tới. Trong chuyến viếng thăm Roma hồi năm 1845 Nga hoàng Nicola I đã hội kiến với ĐGH Gregorio XVI hai lần.

Hai năm sau Nga hoàng đã ký một thỏa hiệp với Đức Pio XI. Các Giáo Hội địa phương đã sát cánh với các dân tộc của mình cả trong những lúc thê thảm nhất  của các cuộc bách hại. Không phải chỉ có sự kiện nó gần biên giới Âu châu khiến cho Đông Phương quan trọng, mà cả địa vị lịch sử của nó trong bối cảnh của nền văn minh , của nền văn hoá và niềm tin kitô của nó nữa. Có người nhận xét rẳng khi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tưởng tượng một Âu châu trải dài từ Đại Tây Dương tới vùng Ural, ngài đã không nghĩ tới một “chủ trương bành trướng tây âu, nhưng nghĩ tới một sự gần gũi hiệp nhất hơn của toàn đại lục.

Hỏi: Sau các năm khó khăn tiếp nối sự sụp đổ của Liên Xô, ngày nay chúng ta đang chứng kiến việc Matscơva trở lại chính trường quốc tế. Đây là một việc trở lại hiếu chiến. Chỉ cần nghĩ tới Ucraina và Siria thì đủ biết. ĐHY nghĩ thế nào?

Đáp: Đương nhiên là đã có một giai đoạn không chắc chắn liên quan tới lập trường của nước Nga đối với nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tôi không nghĩ rằng có thể nói là quốc gia này cả trong những lúc khó khăn nhất, đã ra khỏi sân khấu quốc tế. Ngày nay người ta thường nhấn mạnh trên các khác biệt giữa các nước tây âu và Nga, làm như thể chúng là hai thế giới khác biệt, mỗi bên với các giá trị riêng, lợi lộc, sự kiêu hãnh quốc gia hay liên quốc gia của mình, và cả đến một quan niệm về quyền quốc tế chống lại các nước khác nữa. Trong một bối cảnh như thế thách đố là việc góp phần hiểu biết nhau hơn giữa các nước có nguy cơ trình diện mình như hai cực đối kháng nhau.

Cố gắng tìm hiểu nhau không có nghĩa là bên này nhượng bộ lập trường của bên kia, nhưng có nghĩa là một cuộc đối thoại kiên nhẫn, xây dựng và tôn trọng. Cuộc đối thoại này càng quan trọng hơn liên quan tới nguồn gốc của các cuộc xung đột thường xuyên xảy ra và liên quan tới các vấn đề có nguy cơ gây ra việc gia tăng căng thẳng. Trong nghĩa đó vấn đề hoà bình và tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng  khác nhau đang xảy ra phải được đặt lên trên bất cứ lợi lộc quốc gia hay thiên vị nào. Ở đây không thể có các kẻ thắng người thua. Nhân nhượng trên các lợi lộc riêng rẽ là một trong các đặc tính trong thời trở lại của các khuynh hướng quốc gia này khiến cho người ta không nhìn thấy khả thể của một tai ương có thể xảy ra. Tôi xác tín rằng nhấn mạnh trên điểm này thuộc sứ mệnh của Toà Thánh.

Hỏi: Liên quan tới các xung đột đang xảy ra ĐTC Phanxicô đã mạnh mẽ nhắc tới việc sử dụng đồi bại tôn giáo, khi Ngài phát biểu trước Quốc Hội Hoa Kỳ, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Vâng, đúng thế. ĐTC đã nói rằng thế giới chúng ta luôn ngày càng là một nơi của các xung khắc bạo lực, thù hận và bạo lực tàn ác, bị vi phạm nhân danh cả Thiên Chúa và tôn giáo nữa và ngài nói tiếp: Chúng ta biết rằng không có tôn giáo nào được miễn khỏi các hình thức lừa dối cá nhân hay quá khích ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặc biệt chú ý tới mọi hình thức cuồng tín tôn giáo cũng như mọi thứ khác. Cần có một thế quân bình tế nhị để chống lại bạo lực nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ, hay một hệ thống kinh tế, trong khi đồng thời phải cứu vãn tự do tôn giáo, tự do trí thức và các quyền tự do cá nhân. Nó là một sự quân bình khó khăn trong đó cũng có việc bảo vệ các cộng đoàn kitô và mọi cộng đoàn có nguy cơ bị thù hận đảo lộn.

Hỏi: Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ĐTC Phanxicô và các lời ngài phát biểu trước Quốc Hội giờ đây được đọc lại, với chính quyền mới, ĐHY có thấy rằng xem ra chúng xa vời không?

Đáp: Cần có thời gian để phán đoán. Không thể vội vã được. Một chính quyền mới, khác và đặc biệt như vậy, và không phải chỉ vì các lý do chính trị, các biến cố xảy ra lần đầu tiên, sẽ cần thời gian để tìm ra thế quân bình của nó. Mọi phán đoán vội vã, cả khi có thể gây kinh ngạc việc phơi bầy của sự không chắc chắn. Chúng tôi cầu mong Hoa Kỳ và các tác nhân khác của sân khấu quốc tế không xa rời trách nhiệm quốc tế của họ liên quan tới các đề tài khác nhau mà họ đã thực thi cho tới nay trong lịch sử. Chúng tôi đặc biệt nghĩ tới các thách đố mới của khí hậu: giảm việc hâm nóng trái đất có nghĩa là cứu vãn căn nhà chung trong đó chúng ta sống, và giảm thiểu ngay lập tức các bất bình đẳng và cảnh nghèo túng mà việc hâm nóng trái đất tiếp tục gây ra. Chúng tôi cũng nghĩ tới các cuộc xung đột đang xảy ra nữa.

Hỏi: ĐHY không sợ rằng sự lo lắng của Giáo Hội đối với nền hoà bình duới con mắt và trong lỗ tai của nhiều người trở thành giảm thiểu hay cả hùng biện trước vấn đề sự hữu hiệu của nó hay sao?

Đáp: Ngoại giao của Giáo Hội  công giáo là một ngoại giao của hoà bình. Nó không có các lợi lộc quyền bính: chính trị, kinh tế hay ý thức hệ. Chính vì vậy nên nó có thể trình bầy với sự tự do lớn hơn cho các người này biết các lý do của các người khác, và tố cáo cho từng bên biết các nguy hiểm mà một quan niệm tự quy chiếu có thể có đối với tất cả mọi người.

Chuyến viếng thăm Bielorussia đã được làm vào thời các nước tây âu cấm vận, và chuyến viếng thăm Ucraina đã được thực hiện khi đang có chiến tranh.  Chuyến viếng thăm này đã là dịp để đem tình liên đới của Giáo Hội và của ĐTC đến cho toàn dân Ucraina bị lôi cuốn vào cuộc xung đột. Và để cho mọi người đều thấy, chúng tôi đã tới gần vùng Donbass, có đầy người tỵ nạn, bằng cách sử dụng tình liên đới với các nạn nhân của bạo lực mà không hỏi căn tính địa lý hay chính trị của họ.

ĐTC Phanxicô đã mở ra con đường với việc thăng tiến một cuộc thu nhận các trợ giúp của các Giáo Hội Âu châu và với phần đóng góp nhiều của riêng ngài. Nếu người ta bênh vực nhân phẩm của tất cả mọi người, chứ không phải chống lại ai đó, thì khi ấy một con đường khác là điều có thể.

Toà Thánh không tìm kiếm gì cho chính mình cả. Toà Thánh không hiện diện khi nơi này khi nơi khác để không mất đi phần nào hết. Cố gắng của Toà Thánh là một cố gắng khó khăn nói một cách nhân loại, nhưng lại không thể khước từ trên bình diện tin mừng, để cho các thế giới gần nhau trở lại,  đối thoại với nhau và ngừng xâu xé nhau vì thù hận trước khi xâu xé nhau vì bom đạn.

Hỏi: Thưa ĐHY Quốc Vụ Khanh, trong điều này ĐTC Phanxicô tiếp tục một truyền thống đã nổi lên trong thế kỷ XX và được củng cố từ thời ĐTC Gioan XXIII: sự ngoại giao của các cử chỉ, các dấu hiệu gần gũi chú ý trước hết tới phẩm giá của người đối thoại, có phải vậy không?

Đáp: Chúng tôi không chỉ là các lời nói, nhưng cũng là các cử chỉ nữa. Các hành động của chúng tôi cụ thể, nhất là khi các lời nói xem ra không có hiệu quả, bởi vì chúng đã bị soi mòn hay không thể nghe được nữa. Có một ngôn ngữ đại đồng bao gồm trong các cử chỉ: Giáo Hội học nó mỗi ngày từ việc loan báo Tin Mừng có thể trợ giúp ngừng lại, và thay đổi một hướng đi sai lầm, trong những lúc khó khăn. Viễn tượng của chúng tôi chỉ có thể là viễn tượng đã được ngôn sứ Isaia nhắc tới và được Phúc Âm lấy lại: “Trong việc trả tự do cho người bị áp bức”, và “bẻ gẫy mọi gông cùm”, “chia sẻ bánh ăn với người đói, rước vào nhà những người bần cùng không nhà cửa.. không lơ là với những người cùng nhà” (Is 58,6-7). Điều quan trọng là việc chữa lành, giải thoát, luôn luôn tái xây dựng con người từ các tình trạng cụ thể của họ. Vì thế chúng ta phải có các cử chỉ cụ thể, các dấu chỉ rằng chúng ở ngọn nguồn của khả thể chung sống cùng nhau. Có các cử chỉ và xin các cử chỉ.

Hỏi: Nếu chúng ta nhìn vào các biểu tượng, thì khi đó cả từ một quan điểm chính trị, cũng nổi lên vài biểu tượng có ý nghĩa tới độ rộng mở cho niềm hy vọng, tới độ bắt đầu từ các biến cố buồn thương. Chẳng hạn ĐHY không thấy rằng đám táng của ông Kohl có thể được coi như các đám táng âu châu đầu tiên của một vị lãnh đạo âu châu hay sao?

Đáp: Ông Kohl đã có công lịch sử tin vào lý tưởng âu châu như lý tưởng chính trị cụ thể. Biến cố bức tường Berlini sụp đổ và việc tái hiệp nhất nước Đức đối với ông đã không chỉ là một vấn đề nội bộ của nước Đức và lịch sử thảm khốc của nó, nhưng là dấu chỉ của sự phát triển  của Âu châu trong đó một nước lớn như nước Đức đã có thể hoạt động một cách hợp pháp và phong phú. Không phải là một Âu châu bị đức hoá, nhưng là một nước Đức được âu châu hoá. Ông Kohl đã hiểu  rằng cả việc sát nhập âu châu trong một mức độ nào đó cũng đã là con đẻ của nền chính trị hai khối Đông Tây. Và khi hai khối được vượt thắng Âu châu phải hiện hữu như là chủ thể chính trị chứ không phải chỉ như chủ thể kinh tế mà thôi. Ngày nay người ta thường có cảm tưởng rằng ý tưởng Âu châu xem ra trở lại sau một thời gian dài của phản ứng chống âu châu trong dư luận công cộng và chiến thắng của ý tưởng này của các vị lãnh đạo trong các quốc gia khác nhau đã ngưng khá sớm. Nó đã có một sự hăng hái ngắn, như dụng cụ hơn là lý tưởng.

Nguy cơ đó là ngưòi ta dừng lại nơi việc sử dụng Âu châu trong chià khoá quốc gia. Như thể là nhiều người nói rằng sau thí dụ Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu thì tốt hơn là nên ở trong căn nhà chung âu châu, mỗi người tuỳ theo ý của mình. Khuynh hướng duy quốc gia, kể cả việc trở lại  như việc khởi đầu có các gốc rễ riêng trong cuộc khủng hoảng văn hoá và tôn giáo của Âu châu và rốt cuộc nó khiến cho Âu châu trống rỗng các giá trị và các lý lẽ của mình. Âu châu có một trách nhiệm không thể thay thế được. Và khi nó tỏ ra thờ ơ, như trong trường hợp đối với hiện tượng di cư, thì nó khước từ thiện ích có thể có.

Hỏi: Chúng ta hãy hướng sang Đông Phương: từ Việt Nam cho tới Trung Quốc. Viễn Đông có một con đường đối thoại của nó với Giáo Hội hay không?

Đáp: Viễn Đông là một vùng của thế giới khá rộng, phức tạp và khác nhau. Từ bao thế kỷ qua phần đất rộng rãi đó của nhân loại đã tiếp xúc với Kitô giáo và hậu quả với Giáo Hội công giáo, nhờ các con đường và các hình thức riêng biệt khác nhau từ nước này sang nước khác. Các tiếp xúc văn hoá và tôn giáo cổ xưa với thế giới á châu ngày nay cũng cống hiến nhiều điểm quan trọng cho cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hoá. Chỉ cần nghĩ tới các tiếp xúc đã xảy ra bên Ấn Độ nơi các kitô hữu đầu tiên, hay với đế quốc trung gian qua con đường tơ lụa hay các tiếp xúc với các khám phá địa lý của các thế kỷ XV và XVI cho tới các tiếp xúc với Nhật Bản và Philippines. Chắc chắn so sánh với quá khứ ngày nay có các thách đố mới đang chờ các câu trả lời chưa từng có và sáng tạo, nhưng nói cho cùng mục đích của Giáo Hội vẫn luôn luôn như thế và nó thuộc bản chất mục vụ: đem Thiên Chúa đến cho con người và đem con người đến với Thiên  Chúa. Trong cụ thể Giáo Hội công giáo xin được bảo đảm quyền tự do tuyên xưng đức tin lợi ích cho tất cả mọi người và cho sự hoà hợp của xã hội. Các tín hữu công giáo ước mong sống đức tin trong thanh bình tại các quốc gia của họ như là các công dân tốt, dấn thân cho việc phát triển tích cực cộng đoàn quốc gia.

Trong khung cảnh đó tôi nghĩ cần tiếp nhận con đường đối thoại đã bắt đầu từ lâu với các chính quyền của các nước trong vùng, trong đó có Cộng hoà nhân dân Trung Quốc. Cuộc đối thoại tự nó đã là một sự kiện tích cực rồi, mở ra cho cuộc gặp gỡ  và làm cho sự tin tưởng lớn lên. Chúng tôi đương đầu với nó với tinh thần của một khuynh hướng thực tiễn lành mạnh, vì biết rằng các số phận của nhân loại truớc hết nằm trong tay Thiên Chúa.

Linh Tiến Khải

Toà Thánh và Giáo Hội luôn bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo

Toà Thánh và Giáo Hội luôn bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo

ROVERETO: Toà Thánh và Giáo Hội sẽ luôn luôn dấn thân bênh vực và thăng tiến các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, sự thánh thiêng của sự sống và gia đình xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.

Đức Ông Paolo Rudelli, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Hội Đồng Âu châu Strasbourg, đã khẳng định như trên trong bài tham luận về đề tài “Việc thăng tiến các quyền con người  trong hoạt dộng quốc tế của Toà Thánh”, trong khuôn khổ các buổi diễn thuyết tại Rovereto, tỉnh Trento chiều 28 tháng 7 vừa qua. Buổi diễn thuyết do Hiệp hội “Campana dei Caduti Maria dolens “Chuông tử sĩ Đức Maria khổ đau”, tổ chức. Đây là hiệp hội cổ võ giáo dục các thế hệ trẻ yêu chuộng hoà bình và tôn trọng nhân quyền qua các hoạt động văn hoá và ngoại giao.

Quả chuông tưởng niệm các binh sĩ tử trận trong Đệ Nhất Thế Chiến, cũng như mọi người đã chết vì bất cứ lý do gì. Quả chuông được đúc bằng đồng lấy từ các khẩu súng đại bác của 19 quốc gia tham dự đệ nhất thế chiến. Nó được đúc năm 1924 và đưa về đặt tại Rovereto năm 1925.  Sau đó nó được đúc lại ba lần nữa: lần cuối cùng năm 1964 và đã được ĐGH Phaolo VI làm phép ngày 31 tháng 10 năm 1965 tại quảng trường thánh Phêrô rồi được đưa về đặt trên đồi Miravalle. Quả chuông nặng 22 tấn 639 ký cao 3 thuớc 36, đường kính 3 mét 21 và có nốt Si Bemol. Đây là quả chuông lớn hàng thứ tư trên thế giới sau quả chuông của công viên Gotemba bên Nhật Bản nặng 36 tấn, quả chuông Millenium Newport bên Hoa Kỳ nặng 33 tấn, và quả chuông Petersglocke của nhà thờ chính toà Koeln bên Đức nặng 24 tấn.

Trong bài thuyết trình  Đức Ông Rudelli đã tóm tắt các hoạt động nổi bật của Toà Thánh và các Giáo Hoàng trong hai thế kỷ XIX-XX, đặc biệt các nỗ lực của các Giáo Hoàng trong việc bảo vệ các quyền con người đặc biệt là quyền tự do tôn giáo. Vị đại diện Toà Thánh đã nhấn mạnh phần đóng góp của các Giáo Hoàng từ Leo XIII đến Gioan XXIII và của Công Đồng Chung Vaticăng II. Cách riêng các đóng góp của Đức Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Biển Đức XVI và Đức Phanxicô qua các giáo huấn, các thông điệp, sứ điệp và các diễn văn của các vị truớc các tổ chức quốc tế. Dữ kiện mạc khải con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên  Chúa là điểm khởi hành và là nền tảng của phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của con người, mà Toà Thánh và Giáo Hội luôn luôn mạnh mẽ giảng dậy, bảo vệ và bênh vực (REI 28-7-2017)

Linh Tiến Khải

 

ĐHY Lenonardo Sandri thăm viếng Ukraine

ĐHY Lenonardo Sandri thăm viếng Ukraine

Trong các ngày từ 11 đến 17 tháng 7 vừa qua ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội đông phương, đã viếng thăm Ukraine, theo lời mời của ĐTGM Trưởng Giáo Hội công giáo Hy lạp Sviatoslav Shevchuk, và nhân cuộc hành hương toàn quốc tới Đền thánh Đức Bà Zarvanytsia. ĐHY được ĐTGM Claudio Gugerotti, Sứ Thần Toà Thánh tại Ukraine, và Đức ĐTGM Trưởng Shevchuk tháp tùng đã bắt đầu viếng thăm thủ dô Kyiv, đặt vòng hoa và cầu nguyện trước Thánh Giá tại quảng trường Maidan. Tiếp đến ĐHY thăm Viện bảo tàng Holomodor và tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng Ucraina, do Stalin gây ra giữa các năm 1929-1933 khiến cho 6 triệu người bị chết đói.

Sáng ngày 12 tháng 7, lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô theo lịch Giuliano, ĐHY Sandri đã đồng tế thánh lễ do ĐTGM Trưởng Shevchuk chủ sự trong nhà thờ Phục Sinh và chia sẻ Lời Chúa. ĐHY nói trong bài giảng: “Anh chị em không lẻ loi. Anh chị em có một chỗ đặc biệt trong con tim của ĐTC Phanxicô”. Ngài mời gọi tín hữu Ucraina “đừng nhượng bộ trước các khó khăn hay trước quyền bình nhân loại muốn lấy mất đi niềm hy vọng của một cuộc sống công bằng và liêm chính của một đất nước được tôn trọng trong sự toàn vẹn của nó và được hoà giải giữa các tâm hồn khác nhau”.

ĐHY đã chuyển đến tín hữu công giáo Latinh và Hy Lạp cũng như mọi người thiện chí lời chào thăm và phép lành toà thánh của ĐTC, với tất cả lòng trìu mến, và sự gần gũi liên đới của ngài với dân tộc bị thử thách bởi khổ đau và các thiếu thốn do các xung khắc và chiến tranh gây ra. ĐTC khích lệ mọi người dấn thân đẩy mạnh sự hoà giải và hoà bình, tôn trọng quyền lợi, và sống bác ái liên đới với biết bao nhiêu người di cư tỵ nạn.

Vào cuối thánh lễ ĐHY đã chuyển phép lành Toà Thánh của ĐTC tới Giáo Hội địa phương và nhân danh ĐTC trao tặng ĐTGM trưởng mề đai kỷ niệm năm thứ tư triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Sau thánh lễ mọi người đã xuống viếng mộ ĐHY Lubomyr Husar, qua đời mấy tuần trước đó.

Sáng ngày 13 tháng 7 ĐHY Sandri tham dự thánh lễ tại nhà thờ chính toà của chuẩn giáo phận Kharkiv, với nghi thức làm phép nhà nguyện dưới hầm nhà thờ và làm phép các thánh giá trên mái tròn nhà thờ. Vào ban chiều ĐHY và phái đoàn đã đi Kramatorsk và Sloviansk, cách đó 200 cây số, là những vùng đã được quân đội Ucraina tái chiếm sau khi bị chiếm đóng hồi năm 2014 và là các “vùng xám” giáp giới với vùng Donbass hiện nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng theo Nga.

** Ngày 14 tháng 7 đã bắt đầu với thánh lễ đồng tế cử hành trong nhà nguyện thánh Elia bằng gỗ với sụ tham dự của ĐC Stephan Menick, Giám Mục giáo quận Donetsk, và nhiều linh mục giáo quận, các tín hữu công giáo hy lạp và latinh. Giảng trong thánh lễ ĐTGM Trưởng Shevchuk đã quảng diễn ý nghĩa bải Phúc Âm nói về viên ngọc quý. Ngài đã nhắc lại kỷ niệm các chuyến viếng thăm đầu tiên trong vùng sau các trận đánh và cuộc tái chiếm. Ngài đã trông thấy và nghe được biết bao trang sử đau thương. Chính nhà nguyện thánh Elia cũng còn mang dấu vết đạn bắn khiến hư hại một phần. Tuy nhiên, việc tìm lại nhau ngày hôm nay cho dù đã có các xung khắc lớn, niềm tin vào Chúa đã là một viên ngọc quý đối với từng người, đáng để tiếp tục sống, mặc dù chúng ta bị bắt buộc mất đi tất cả vì các hy sinh khổ đau của các trang lịch sử này. ĐTGM Trưởng đã cám ơn các linh mục vì chứng tá lòng tận tuỵ anh hùng của các vị trong các năm qua. Ngỏ lời trong dịp này ĐHY Sandri hiệp ý với lòng biết ơn đó và coi các linh mục là các mục tử tốt không chạy trốn khi thấy sói đến, nhưng ở lại để bảo vệ đoàn chiên đã được giao phó cho mình.

Trong buổi điểm tâm sau đó ĐHY đã nghe các linh mục chia sẻ vài chứng từ. Vài vị đã có tên trong danh sách bị xử bắn bởi các lực lượng chủ trương theo Nga tách rời khỏi Ucraina; các vị khác đã bỏ công việc mục vụ tại vùng Tây Ucraina  để bắt đầu làm tuyên uý quân đội sống bên cạnh các tín hữu của mình phải nhập ngũ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Vị linh mục trẻ tuổi nhất cho biết chính trong các đợt bỏ bom đầu tiên, thì hiền thê của cha đang chờ sinh đứa con đầu lòng, gắn liền trang sử khổ đau của dân chúng với trang sử của một sự sống sinh ra. Một linh mục trẻ theo lễ nghi Latinh cũng chia sẻ kinh nghiệm 6 tháng bị tù. Trong thời gian này cha dấn thân bảo đảm sự trợ giúp tinh thần cho các tù nhân không phân biệt niềm tin kitô. Hiện nay cha là tuyên uý một nhà thương quân đội, và làm việc mục vụ giữa các tín hữu công giáo la tinh cũng như công giáo hy lap. ĐHY và Đức Sứ Thần Toà Thánh rất vui mừng vì tinh thần cộng tác huynh đệ này giữa các linh mục thuộc các nghi lễ khác nhau, nhưng ý thức cùng nhau đại diện cho Giáo Hội công giáo duy nhất.

ĐHY Sandri đã cám ơn sự tận tuỵ và chứng tá tin mừng của các linh mục. Phát biểu dịp này Đức Sứ Thần Toà Thánh đã nêu bật tầm quan trọng chuyến viếng thăm và sự hiện diện của ĐHY Tổng trưởng. Lập trường của Giáo Hội công giáo là tìm gặp gỡ tất cả mọi người để xây các cây cầu hiệp thông, và không quên các con cái của mình đã đau khổ  vì trung thành với Người Kế vị thánh Phêrô. Cần phải giáo dục tín hữu sông tinh thần đại đồng và chứng tá bác ái, mà ĐHY nhìn thấy và sờ mó được trong các ngày viếng thăm. Nó xác nhận tầm quan trọng và quyền hiện hữu của các cộng đoàn công giáo hy lạp trong vùng đất này. Cùng với việc ngoại giao sức mạnh của tín hữu trong thời buổi khổ đau này giúp hy vọng vào một tương lai hoà giải và hoà bình tái thiết một cuộc sống mới.

** Tiếp đến ĐHY Sandri đã ghé thăm trung tâm Caritas Kramatorsk. Cha giám đốc và các nhân viên đã tiếp đón ĐHY và trình bầy các sinh hoạt khác nhau: đóng các gói thực phẩm, trợ giúp dân chúng tỵ nạn tìm công ăn việc làm, trợ giúp tinh thần và tâm lý cho các trẻ em và những người bị chấn thương tinh thần do các cuộc dội bom và các tấn công trong các năm qua gây ra. Các công tác trợ giúp bác ái này không phân biệt ai, và không có biên giới. Trong ba năm qua trung tâm đã trợ giúp 40,000 người bị chấn thương tinh thần. Ngoài ra Caritas Ucraina cũng bảo đảm sự trợ giúp phòng ngừa nạn buôn người, khai thác lao động và khai thác mại dâm.

Các nhân viên Caritas cũng thường xuyên qua các vùng xám của vùng Donbass nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng theo Nga muốn độc lập khỏi Ukraine. Họ phải mang áo chắn đạn và mũ để mỗi tuần vài ngày đi thăm các anh chị em vùng này. Linh mục giám đốc Caritas đặc biệt nêu bật vài trò quan trọng hữu hiệu của các phụ nữ trong công tác này. Không có họ sẽ không thể làm được biết bao sinh hoạt trợ giúp đó.

Ngỏ lời với mọi người trong dịp này ĐHY Sandri nhắc tới lời Chúa Giêsu nói trong cảnh phán xét ngày sau hết: “Ta đói các con đã cho ăn, Ta khát các con đã cho uống…Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Thầy là các con làm cho Thầy”. Ngài cũng nhắc tới một thực tại ít được nói đến là nạn mang thai mướn, nhưng Ucraina lại nằm trong số các quốc gia đầu tiên hợp thức hoá việc buôn bán sự sống con người này. Truớc biết bao khổ đau và thách đố đó ĐHY đã nhân danh ĐTC cám ơn mọi hoạt động của các nhân viên Caritas và định nghĩa họ là các “thừa tác viên của tình yêu thương xót và phục vụ”. Công việc thường ngày của họ nhập thể Tin Mừng phục vụ của Chúa. ĐHY hứa sẽ kể cho ĐTC nghe tất cả những gì ngài đã chứng kiến trong chuyến viếng thăm này. Quan trọng hơn mọi khốn khó mà họ đang phải trải qua là việc phục vụ hoà bình qua sinh hoạt bác ái.

Vào ban chiều trên đường trở về Kharkiv phái đoàn đã viếng thăm Caritas Sloviansk, là một vùng khác nữa đã bị chiếm và được quân đội Ucraina tái chiếm. Cùng với các nhân viên Caritas cũng có ông phó thị trưởng tiếp đón phái đoàn. Sau khi chầu Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện của trung tâm phái đoàn đã lắng nghe chứng từ của dân chúng. Một phụ nữ đã giãi bầy mọi khổ đau của bà và nói bà không hy vọng tình hình có thể thay đổi. Ngỏ lời với mọi người ĐHY nói ngài hiểu nỗi thất vọng của bà, nhưng không được chờ đợi hoà bình từ trời rơi xuống, mà phải đón nhận nó như ơn mỗi ngày, bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, và dĩ nhiên là không ngừng kêu lên để những người nắm giữ vận mệnh của các dân tộc có thể thay đổi đường lối và kiếm tìm hoà bình, cả khi rất tiếc như ĐTC Phanxicô hay lập đi lập lại, họ thiếu can đảm hoà bình. Cần phải bênh vực các lập trường của mình, nhưng cũng phải tìm ra một con đường cho phép thực hiện một nền hoà bính công chính cho tất cả mọi người dân trong vùng. Nhưng để được như vậy cần làm việc nhiều, khổ đau, chịu đựng và yểm trợ tất cả các sáng kiến giúp xây dựng hoà giải và hoà bình, như các sinh hoạt mà Caritas Sloviansk đang tiếp tục làm. Đây là trung tâm duy nhất trợ giúp các trẻ em và những người bị chấn thương tâm thần vì chiến tranh.

** Sau khi trở về Kharkiv ĐHY Tổng trưởng đã dùng bữa tối tại toà Giáo quận, nơi có vài nữ tu dòng thánh Giuse tạm trú. Dòng này đã được thành lập hồi thế kỷ 19 và hiện nay các nữ tu cũng hoạt động tại Brasil, Ba Lan và Canada trong việc dậy giáo lý cho trẻ em và đào  tạo giới trẻ. Khi nào việc trung tu nhà thờ chính toà và trung tâm mục vụ hoàn tất các nữ tu sẽ có nơi sinh hoạt thuận tiện hơn. ĐHY đã cám ơn các chị và nói lên các cảm tưởng khâm phục của ngài đối với sức sống đạo và sự hiện diện đông đảo của người trẻ trong các lễ nghi phụng vụ, trong khi tại các nước tây âu, giới trẻ hầu như vắng bóng trong các thánh lễ. ĐHY đã khích lệ mọi người duy trì kho tàng đức tin quý báu này mà Chúa đã đặt để trong Giáo Hội công giao hy lạp Ukraine.

Ngày 15 tháng 7 ĐHY đến Ivano Frankivsk gặp gỡ ĐTGM Volodymyr Viytyshyn  và nhập đoàn hành hương tới đền thánh Đức Bà Zarvanytsia trong tổng giáo phận Ternopil-Zhoriv do DTGM Vaylij Seminiuk cai quản. Giảng trong thánh lễ cử hành tại đền thánh Đức Mẹ, ĐHY nói cuộc hành hương là một tuyên xưng niềm tin nơi Chúa và là một cử chí tín thác cho sự bầu của của Mẹ Thiên Chúa. Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu chữa lành người bất toại vì thấy niềm tin của những kẻ khiêng anh ta đến với Ngài, ĐHY xin Chúa gia tăng niềm tin nơi tất cả mọi người để hiểu rằng những gì chúng ta làm trong cuộc hành hương này đòi buộc chúng ta dành con tim và cuộc sống cho Chúa Kitô trong các hình thức khác nhau tuỳ theo cuộc sống của từng người.

Truyền thống đông phương định nghĩa con đường cuộc sống  con người được ơn thánh cứu chuộc giống như một lộ trình thần linh hoá từ từ, trong đó Mẹ Maria chói sáng như một ngọn đèn đặc biệt. Ai tin nơi Chúa và được rửa tội trong máu thánh Chúa cũng được mời gọi tham dự vào quyền năng tha thứ và chữa lành của Ngài. Hình thái bí tích được dành cho các linh mục, nhưng hình thái thường ngày đối với tha nhân được dành cho tất cả mọi người. Hôm nay chúng ta có sẵn sàng từ bỏ mọi tâm tình thù hận trói buộc con tim chúng ta để dấn thân thực thi quyền bính tha thứ như chúng ta đọc trong Kinh Lạy Cha không? Biết bao dòng sông ơn thánh có thể chảy ra, khi mỗi người có thể thực thi một cử chỉ hoà giải và hoà bình, bắt đầu từ trong gia đình mình! Cuộc hành hương đền thánh Đức Mẹ nhắm mục đích cầu nguyện cho hoà bình hoà giải của dân tộc Ukraine, nhưng cũng để kỷ niệm 150 năm thánh Giosaphát được tôn phong, và 150 năm đội triều thiên cho Đức Bà Zarvanytsia, cũng như kỷ niệm 125 năm ngày ĐHY Josyf Slipij sinh ra.

Lấy lại lời của Đức Gioan Phaolô II nói ngày 12 tháng 11 năm 1979 trong thánh lễ tấn phong Giám Mục cho ĐC Myroslav Lubachivsky, TGM Philadelphia cùng với ĐHY Josyf Slipij, ĐHY Sandri nói: “Tôi xin lợi dụng dịp này để bầy tỏ sự tôn kính mà Toà Thánh và toàn thể Giáo Hội Công Giáo dưỡng nuôi đối với Giáo Hội của anh chị em. Chứng tá trung thành với Phêrô và các Nguời kế vị Ngài bắt buộc chúng tôi phải có một lòng biết ơn đặc biệt và một sự trung thành đối với những người đã duy trì nó với biết bao kiên vững và tâm hồn cao quý như thế. Chúng tôi ước mong cống hiến cho họ một đóng góp của sự thật và tình yêu thương. Với tất cả sức lực chúng tôi ước mong làm vơi nhe các thử thách của những người khổ đau vì lòng trung thành của họ. Với hết tâm lòng chúng tôi ước mong bảo đảm sự hiệp nhất nội tại của Giáo Hội anh em và sự hiệp nhất với Ngai Toà Thánh Phêrô”. ĐHY Sandri đã kết thúc bài giảng bằng cách phó thác cho sự chở che hiền mẫu của Đức Bà Zarvanytsia giới trẻ Ukraine.

Vào ban chiều đã có cuộc rước nến kính Đức Mẹ. Đêm hành hương tại đền thánh Đức Bà sáng như ban ngày: tín hữu hành hương, kể cả người già và trẻ em không ngớt canh thức, cầu nguyện, xưng tội và hát thánh ca suốt đêm cho tới sáng.

ĐHY Sandri cũng đã viếng thăm nhà thờ chính toà công giáo hy lạp thánh Giorgio và cầu nguyện trên mộ ĐTGM Andrey Sheptytsky và ĐHY Josef Slipij, trước khi từ giã Ukraine để trở về Roma ngày 17 tháng 7.

Linh Tiến Khải

Các Giám Mục Mỹ thỉnh cầu chính phủ nhận thêm người tị nạn

Các Giám Mục Mỹ thỉnh cầu chính phủ nhận thêm người tị nạn

WASHINGTON. Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về di dân, Đức Cha Joe Vásquez, thỉnh cầu chính phủ Mỹ nâng con số tối đa người tị nạn được nhận vào Mỹ lên 75 ngàn người.

 Theo mức được tổng thống Mỹ ấn định hồi tháng 3 năm nay, con số tối đa người tị nạn được nhận vào trong năm 2017 là 50 ngàn người, và mức tối đa này đã đạt được trong tuần lễ trước đây.

 Nhân danh HĐGM Mỹ, hôm Đức Cha Vásquez, cũng là GM giáo phận Austin, Texas, đã gửi thư hôm 15-7-2017 cho tổng thống Mỹ để bày tỏ quan tâm về những hậu quả thảm hại vì sự giới hạn số người tị nạn và những ảnh hưởng tiêu cực trên những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất, như các trẻ không có người đi kèm, người già và người bệnh, cũng như những người thuộc tôn giáo thiểu số.

 Các GM Mỹ cũng nhận xét rằng con số tối đa 50 ngàn người tị nạn được nhận vào Mỹ không tương ứng với những nhu cầu thực sự của việc tiếp đón, xét vì trên thế giới có khoảng 22 triệu người tị nạn, và đồng thời cũng không phản ánh lòng thương xót và khả năng của đất nước chúng ta. Chúng tôi xác tín rằng Hoa Kỳ có thiện chí, có khả năng đi hàng đầu và tài nguyên để giúp đỡ nhiều hơn những người dễ bị tổn thương nhất và đang tìm kiếm sự bảo vệ. Về phần mình, Giáo Hội sẽ tiếp tục đồng hành và đón tiếp những người tị nạn đến Mỹ và bảo đảm cho họ những dịch vụ cần thiết”. (REI 17-7-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 16-7-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 16-7-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 16-7-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu thanh tẩy tâm hồn, đón nhận Lời Chúa và để Lời Chúa sinh hoa kết trái.

Đây là lần thứ 3 ngài xuất hiện trước các tín hữu trong tháng 7 này, vì đang là tháng nghỉ hè, các cuộc tiếp kiến của ngài bị ngưng lại.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu chúa nhật thứ 15 thường niên năm A trong đó Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn người ra đi gieo hạt giống bên vệ đường, và từ đó ngài rút ra những bài học áp dụng cho tâm hồn các tín hữu về việc đón nhận và thực hành Lời Chúa.

Bài huấn dụ của ĐTC

Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn nổi tiếng về người gieo hạt giống (Xc Mt 13,1-23). Người gieo hạt giống là Chúa Giêsu. Chúng ta nhận xét rằng, với hình ảnh này, Chúa xuất hiện như một vị không áp đặt, nhưng đề nghị; không lôi kéo chúng ta bằng cách chinh phục, nhưng tự hiến cho chúng ta. Ngài kiên nhẫn và quảng đại gieo vãi Lời Ngài, Lời này không phải là một cái lồng hay cái bẫy, nhưng là hạt giống có thể sinh hoa kết trái. Bằng cách nào? Nếu chúng ta đón nhận hạt giống ấy.

Vì thế, dụ ngôn có liên hệ trước tiên tới chúng ta: thực vậy, dụ ngôn nói về mảnh đất hơn là về người gieo hạt giống. Có thể nói, Chúa Giêsu thực hiện một ”cuộc chụp quang tuyến tinh thần” tâm hồn chung ta, là thửa đất trên đó hạt giống Lời Chúa rơi xuống. Tâm hồn chúng ta như thửa đất, có thể là tốt, và như thế Lời Chúa mang lại hoa trái, nhưng đất ấy cũng có thể là khô cằn, không thấm nước. Điều này xảy ra khi chúng ta nghe Lời Chúa, nhưng Lời ấy bật lên, như khi rơi xuống trên một con đường.

Giữa thửa đất tốt và con đường có hai mảnh đất ở cấp độ giữa, mà chúng ta có thể có qua nhiều mức khác nhau. Thứ nhất là đất sỏi đá. Chúng ta cố tưởng tượng xem: một thửa đất sỏi đá là mảnh đất không có nhiều đất (Xc v.5), vì thế khi hạt giống nảy mầm, nó không ăn rễ sâu được. Đó là tâm hồn hời hợt, đón nhận Chúa, muốn cầu nguyện, yêu mến và làm chứng, nhưng không kiên trì, mệt mỏi và không lên cao được. Đó là một tâm hồn không có bề dầy, nơi mà những sỏi đá lười biếng trổi vượt, nơi mà tình yêu không bền bỉ và chóng qua. Nhưng người nào chỉ đón nhận Chúa khi mình thích, thì không mang lại hoa trái.

Rồi có thửa đất sau cùng, đất gai góc, đầy những bụi gai bóp nghẹt những cây tốt. Những bụi gai ấy tượng trưng cái gì? ”Thưa là những lo lắng trần tục và sự quyến rũ của giàu sang” (c.22), như Chúa Giêsu đã nói. Những gai góc chính là những tật xấu chống lại Thiên Chúa, chúng làm cho sự hiện diện của Ngài bị ngộp; nhất là những thần tượng giàu sang thế gian, sống ham hố, cho bản thân, để có của cải và quyền lực. Nếu chúng ta vun trồng những bụi gai ấy, thì chúng ta sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng của Thiên Chúa nơi chúng ta. Mỗi người có thể nhận ra những bụi gai lớn nhỏ của mình, những tật xấu trong con tim mình, những cây gai ăn rễ sâu hơn kém, không làm hài lòng Thiên Chúa và ngăn cản ta không có một con tim thanh sạch. Cần nhổ chúng đi, nếu không Lời Chúa sẽ không mang lại hoa trái.

ĐTC nói tiếp: ”Anh chi em thân mến, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn vào nội tâm của mình: cảm tạ Chúa vì thửa đất tốt của chúng ta và làm việc trên những thửa đất chưa tốt. Chúng ta hãy tự hỏi xem con tim chúng ta có mở rộng để đón nhận hạt giống Lời Chúa trong đức tin hay không. Chúng ta hãy tự hỏi xem những sỏi đá lười biếng nơi chúng ta có còn nhiều và lớn hay không? Chúng ta hãy nhận diện và gọi đích danh những bụi gai tật xấu. Chúng ta hãy có can đảm làm sạch thửa đất, mang đến cho Chúa trong sự xưng tội và kinh nguyện những sỏi đá và những bụi gai của chúng ta. Làm như thế, Chúa Giêsu, người gieo hạt giống, sẽ vui mừng thực hiện một công việc bổ túc: đó là thanh tẩy tâm hồn chúng ta, cất đi những sỏi đá và gai góc bóp nghẹt Lời Chúa.

Mẹ Thiên Chúa mà hôm nay chúng ta kính nhớ dưới tước hiệu Đức Trinh Nữ Núi Camêlô, là người khôn sánh trong việc đón nhận Lời Chúa, và mang ra thực hành (Xc Lc 8,21) xin Mẹ giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn và giữ gìn sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC chào thăm các tín hữu Roma và những người hành hương đến từ các nơi trên thế giới: các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn.

Ngài đặc biệt chào các nữ tu dòng ”nữ tử Đức Mẹ Sầu Bi” kỷ niệm 50 năm được Tòa Thánh phê chuẩn dòng, các nữ tu Phan Sinh Thánh Giuse kỷ niệm 150 năm thành lập, ban giám đốc và các khách trọ của Nhà Croát, Domus Croata, kỷ niệm 30 năm thành lập ở Roma.

Ngài cũng gởi lời đặc biệt chào thăm cộng đoàn Công Giáo người Venezuela ở Roma, và lập lại lời cầu nguyện cho đất nước yêu quí của họ.

Sau cùng, ĐTC cầu chúc mọi người một chúa nhật tốt đẹp, và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

G. Trần Đức Anh OP

Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề

Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề

VATICAN. Lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 09.07.2017, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật:

Anh chị em thân mến!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồ dưỡng” (Mt 11:28). Chúa không chỉ nói những lời này dành cho những người bạn của Chúa, không, Chúa nói những lời ấy là dành cho tất cả mọi người, dành cho tất cả những ai đang mệt mỏi với gánh nặng cuộc sống. Và ai có thể cảm thấy mình bị loại ra khỏi lời mời gọi của Chúa? Chúa thấu biết cuộc sống này nặng tới mức độ nào. Chúa thấu biết bao điều mệt mỏi trong tâm hồn: đó là những thất vọng, những vết thương trong quá khứ, những gánh nặng phải mang lấy, những lầm lỗi trong hiện tại, những bất định và lo âu về tương lai.

Hãy đến!

Đối diện với tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu đã cất lên lời mời gọi, mời gọi chúng ta biết phản ứng và di chuyển. Chúa nói: “Hãy đến!” Khi gây ra những sai lỗi, chúng ta dễ bị lỳ lại tại đó. Hiển nhiên là rất khó để chúng ta có thể biết cách phản ứng và biết mở ra. Khi ấy, để mở ra thì thật không dễ chút nào. Trong những thời khắc đen tối, phản ứng tự nhiên của chúng ta là dừng lại nơi bản thân mình và nghĩ về những điều bất công của cuộc sống, nghĩ về những điều vô ơn, những điều tệ hại của cuộc đời này, và còn nhiều điều khác nữa. Chúng ta biết tất cả những điều ấy.

Có những lần chúng ta từng trải qua kinh nghiệm tồi tệ ấy. Thế nhưng, khi chỉ khép lại nơi bản thân mình, thì chúng ta thấy mọi sự là đêm đen. Sau đó, thậm chí chúng ta đem nỗi buồn ấy về nhà và để cho nỗi buồn ấy thôi thúc chúng ta. Buồn như thế thì thật là tệ. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ra khỏi cái hố cát lún ấy, và Chúa nói với từng người chúng ta: “Hãy đến!” – nhưng mà ai đến? – “là bạn, chính bạn…” Lối thoát của cuộc sống chính là ở trong mối tương quan này, ở trong việc đưa tay ra và ngước mắt lên, nhìn về Đấng thực sự yêu thương chúng ta.

Hãy đến với Ta!

Thực tế, nếu chỉ biết ở lại nơi bản thân mình thì không đủ, bạn phải biết được điểm đến là nơi đâu. Có nhiều điểm đến chỉ là ảo tưởng. Chúng giống như pháo hoa. Chúng hứa hẹn nhiều điều và làm bạn lạc hướng. Chúng đảm bảo cho bạn sự bình an, đem đến cho bạn chút vui vẻ, nhưng sau đó sẽ để mặc bạn trong nỗi cô đơn. Vì thế, Chúa Giêsu nói cho bạn biết, bạn cần đi đến đâu. Chúa nói: “Hãy đến với Ta!” Nhiều lần, khi phải đối diện với gánh nặng cuộc sống, hoặc khi có chuyện buồn, chúng ta cố gắng nói chuyện với ai đó biết lắng nghe chúng ta, chúng ta nói với một người bạn, nói với một chuyên gia… Làm điều ấy thì thật là tốt, nhưng đừng quên Chúa Giêsu! Đừng quên mở cuộc sống của bạn cho Chúa Giêsu, đừng quên nói với Chúa về cuộc sống của bạn, đừng quên phó dâng chính bạn và phó thác cuộc đời của bạn cho Chúa.

Có lẽ vẫn còn những ngõ ngách cuộc đời mà chúng ta chưa bao giờ mở cửa cho Chúa bước vào, những nơi ấy vẫn còn tăm tối, những nơi ấy vẫn chưa có ánh sáng của Chúa. Từng người đều có câu chuyện của riêng mình. Và nếu ai đó có những khoảng trống tăm tối, thì hãy đến với Chúa Giêsu, hãy đi đến với lòng thương xót, đến với vị linh mục, hãy đến… Hãy đến với Chúa Giêsu, hãy kể cho Chúa nghe câu chuyện của bạn. Hôm nay Chúa nói với từng người chúng ta rằng: “Can đảm lên, đứng trước sức nặng của cuộc sống, đừng bỏ cuộc, đừng khép kín nơi bản thân với những sợ hãi và tội lỗi, nhưng hãy đến với Ta”.

Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng

Chúa đang đợi chờ chúng ta, Chúa luôn mong đợi chúng ta. Chúa không giải quyết các vấn đề của chúng ta một cách thần kỳ, nhưng Chúa giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ để có sức đương đầu với các vấn đề ấy. Chúa Giêsu không gạt đi gánh nặng cuộc đời, nhưng trái tim Người mang lấy nỗi đau; Chúa không lấy thập giá khỏi chúng ta, nhưng Người vác thập giá cùng chúng ta. Và cùng với Chúa, gánh nặng ấy trở nên nhẹ nhàng, bởi vì chính Chúa là chốn nghỉ ngơi mà chúng ta kiếm tìm. Khi Chúa Giêsu bước vào cuộc đời, thì bình an đến với cuộc đời ấy, ngay cả giữa những thử thách và khổ đau. Hãy đến với Chúa và dâng cho Chúa thời gian của chúng ta, trong cầu nguyện hằng ngày, trong sự tin tưởng, trong cuộc đối thoại thân tình. Chúng ta hãy thân quen với Lời Chúa, để tái khám phá ra ơn tha thứ của Chúa mà không còn sợ hãi, để chúng ta được thanh tẩy bởi Bánh Sự Sống. Khi ấy chúng ta sẽ cảm thấy mình được yêu mến, chúng ta sẽ cảm thấy điều ấy và được chính Chúa ủi an.

Chính Chúa đã nhiều lần hỏi điều ấy, khẳng định điều ấy. Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần trong phần cuối bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy học cùng Ta… và anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Như thế, chúng ta học với Chúa, đi cùng Chúa. Trong những tháng hè này, chúng ta nghỉ ngơi một chút, nhưng đừng quên đi tìm sự nghỉ ngơi đích thật nơi Chúa. Lạy Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, xin nâng đỡ chúng con, vì Mẹ luôn chăm sóc chúng con khi chúng con mệt mỏi mang gánh nặng nề. Xin Mẹ dẫn chúng con về với Chúa Giêsu.

Tứ Quyết SJ

Kitô hữu là những người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời

Kitô hữu là những người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời

Kitô hữu là những người theo Chúa Giêsu đi ngược dòng đời bị ghi dấu bởi tội lỗi biểu lộ dưới nhiều hình thức của ích kỷ và bất công. Họ trung thành với Chúa và làm chứng cho Ngài cho tới chỗ anh hùng, từ bỏ và hy sinh chính mình cho tới chết vì Tin Mừng. Nhưng tử đạo không phải là lý tưởng cao nhất của cuộc sống kitô. Bởi vì trên nó còn có lòng bác ái, là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sức mạnh đó là dấu chỉ niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị tử đạo, một niềm hy vọng chắc chắn rằng không có gì và không ai có thể chia lìa họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

ĐTC đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 28.06.2017. Trong bài huấn dụ ĐTC khai triển đề tài “Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo”, bằng cách giải thích ý nghĩa vài câu trong chương 10 Phúc Âm thánh Mátthêu viết rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ…  "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 19,16-17.21-22). ĐTC nói: Trong Phúc Âm khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài không lừa dối các ông với các ảo ảnh của thành công dễ dãi, trái lại, Ngài báo trước một cách rõ ràng rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa luôn luôn bao gồm một sự chống đối. Và Chúa cũng dùng một kiểu nói lạ lùng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mt 10,22). Các kitô hữu yêu thương, nhưng họ không luôn luôn được yêu thương. Chúa Giêsu đã lập tức đặt để chúng ta trước thực tại này: trong một mức độ nào đó ít nhiều mạnh mẽ việc tuyên xưng đức tin xảy ra trong một bầu khí thù nghịch. ĐTC định nghĩa các kitô hữu như sau:

** Như thế các kitô hữu là những người nam nữ đi “ngược dòng đời”: Đó là điều bình thường, bởi vì thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, được biểu lộ ra trong nhiều hình thức khác nhau của ích kỷ và bất công, ai theo Chúa Kitô thì bước đi trên hướng ngược lại. Không phải vì tinh thần tranh luận nhưng vì trung thành với cái luận lý của Nước Thiên Chúa, là một luận lý của niềm hy vọng và được diễn tả ra trong kiểu sống dựa trên các chỉ dẫn của Chúa Giêsu.

Chỉ dẫn thứ nhất là sự nghèo khó. Khi Chúa Giêsu gửi các môn đệ đi truyền giáo, xem ra Ngài chú ý đến sự “lột bỏ các vị” nhiều hơn là “mặc cho các vị”. Thật thế, một kitô hữu không khiêm tốn và nghèo khó, tách rời khỏi các giầu sang và quyền bính và nhất là tách rời khỏi chính mình, thì không giống Chúa Giêsu. Kitô hữu đi trên con đường của mình trong thế giới với cái nòng cốt cho lộ trình, nhưng với con tim tràn đầy tình yêu thương. Sự thất bại đích thật của họ là rơi vào trong cám dỗ của báo thù và bạo lực, bằng cách lấy sự dữ đáp trả lại sự dữ. Chúa Giêsu nói: “Thầy sai anh em như chiên vào giữa sói” (Mt 10,10). Như vậy, không mõm, không móng vuốt, không vũ khí. Kitô hữu trái lại phải thận trọng, đôi khi cũng phải mưu mẹo: đây là các nhân đức được luận lý tin mừng chấp nhận. Nhưng  không bao giờ bạo lực. Để đánh bại sự dữ không thể chia sẻ các phương pháp của sự dữ.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Sức mạnh duy nhất của kitô hữu là Tin Mừng. Trong các thời điểm khó khăn phải tin rằng Chúa Giêsu ở trước mặt chúng ta, và không ngừng đồng hành với các môn đệ Ngài. Bách hại không phải là một mâu thuẫn đối với Tin Mừng, nhưng là phần của nó: nếu họ đã bách hại Thầy của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta được miễn phải chiến đấu? Tuy nhiên, giữa cơn lốc xoáy, kitô hữu không được mất đi niềm hy vọng, nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng: “Cả đến tóc trên đầu các con cũng đã được đếm rồi” (Mt 10,30). Như thể nói rằng không có khổ đau nào của con người, kể cả các khổ đau nhỏ nhặt và kín ẩn nhất, là vô hình đối với con mắt của Thiên Chúa. Thiên Chúa trông thấy, chắc chắn che chở và giải thoát. Thật ra giữa chúng ta có Ai đó mạnh mẽ hơn sự dữ, mạnh mẽ hơn các tổ chức tội phạm, các mưu mô đen tối, mạnh mẽ hơn kẻ kiếm lời trên da thịt của những người tuyệt vọng, của ai nghiền nát kẻ khác với sự đàn áp… Có Ai đó luôn lắng nghe tiếng máu của Abel kêu lên từ đất.

** Như vậy các kitô hữu phải luôn luôn ở phiá bên kia của thế giới, phía được Thiên Chúa lựa chọn: chứ không phải là các người bách hại, không ngạo mạn nhưng khiêm tốn; không phải là những kẻ bán khói, nhưng là những người phục tùng sự thật, không phải là những người lừa đảo nhưng liêm chính. ĐTC định nghĩa kiểu sống này của Kitô hữu như sau:

Sự trung thành với kiểu sống của Chúa Giêsu – là kiểu sống của niềm hy vọng – cho tới chết, sẽ được các kitô hữu tiên khởi gọi với một tên rất đẹp “martirio” có nghĩa là “chứng tá”. Có biết bao nhiêu khả thể khác do từ này cống hiến: ta có thể gọi nó là sự anh hùng, sự từ bỏ, hy sinh chính mình. Trái lại, các kitô hữu tiên khởi đã gọi nó với một tên có hương vị của việc làm môn đệ. Các vị tử đạo không sống cho chính mình, không chiến đấu để khẳng định các tư tưởng riêng, và chấp nhận phải chết chỉ vì trung thành với Tin Mừng. Tử đạo cũng không phải lý tưởng tối cao của cuộc sống kitô, bởi vì trên nó còn có tình bác ái, được hiểu như là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phaolô đã nói rất rõ trong bài thánh thi bác ái,: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,3). Các kitô hữu ghê tởm tư tưởng các người tự tử mưu sát được gọi là “tử đạo”: không có gì trong mục đích của nó có thể được để gần với thái độ của các con cái của Thiên Chúa.

Đôi khi đọc lịch sử của biết bao vị tử đạo hôm qua và ngày nay – nhiều hơn các thời kỳ ban đầu – chúng ra kinh ngạc trước sức mạnh của các vị khi đương đầu với thử thách. Sức mạnh đó là dấu chỉ của niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị: niềm hy vọng rằng không có gì và không có ai có thể tách rời các vị khỏi tình yêu của Thiên Chúa  đã được ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 8,38-39)

Xin Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta sức mạnh là các chứng nhân của Ngài. Xin Chúa ban cho chúng ta sống niềm hy vọng kitô, nhất là trong sự tử đạo kín ẩn chu toàn tốt và với tình yêu thương các bổn phận thường ngày của chúng ta.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào ban nhạc La Rosablanche, và mời gọi các tín hữu Pháp và Thụy Sĩ đọc cuộc đời các vị tử đạo để khám phá ra các vị đã đương đầu với các thử thách với sức mạnh nào.

Chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, vùng Galles, Thuỵ Điển, Australia, Hồng Kông, Indonesia, Philippines và Hoa Kỳ, nhất là các thành viên tham dự đại hội về lý do nền tảng của chức Linh mục, ngài cầu chúc họ được nhiều niềm vui và sự bình an của Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ngài đặc biệt chào người trẻ vùng Oldenburger Muensterland và cầu mong mọi người biết sống chứng tá cho Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC nhắc hôm nay là lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô Phaolo là các vị đã hiến dâng mạng sống vì tình yêu Chúa Kitô, xin các thánh cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta tất cả sức mạnh để làm chứng cho niềm hy vọng kitô bằng cách chu toàn bổn phận hằng ngày. Với các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC cám ơn các lời cầu nguyện của họ cho sứ vụ Phêrô của ngài.

Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào các tín hữu về Roma hành hương tháp tùng các TGM sẽ nhận dây Pallium ngày mai. Ngài khích lệ mọi người xin hai thánh Phêrô Phaolô bầu cử với Chúa cho họ là các chứng nhân trung thành của Chúa trong cuộc sống mọi ngày.

Trong các nhóm Italia ĐTC chào các nữ tu Thăm viếng Ốc đảo Tabor và các nữ tử Chúa Quan Phòng đang tham dự tổng tu nghị tại Roma, các tham dự viên hội nghi của Hiệp hội thân nhân của giáo sĩ Italia. Ngài nhắn nhủ họ vun trồng tình bạn với các linh mục, cách riêng với các vị cô đơn nhất bằng cách yểm trợ ơn gọi và sứ vụ của các vị. Ngài cũng chào các tham dự viên cuộc hành hương đền thánh Santiago di Compostella theo Con lộ Francigena, các quân nhân lữ đoàn 17 Acqui Capua, tín hữu Altamura và đoàn múa cờ tỉnh Grumo Appula.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn. Ngài nhắc cho mọi người biết hôm nay lễ kính hai thánh tông đồ Phêro Phaolo, Bổn Mạng Giáo Hội Roma. Ngài chúc các bạn trẻ noi gương hai thánh tông đổ tử đạo can đảm làm chứng cho các giá trị Tin Mừng; người đau yếu được các vị trao ban hy vọng trong thử thách khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết dậy dỗ con cái sống đạo hạnh, tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 25-6-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 25-6-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 25-6-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu tín thác nơi Chúa trong mọi thử thách và can đảm làm chứng tá đức tin.

Trong bài huấn dụ ngắn trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu ở Quảng trường, mặc dù trời nóng khác thường từ nhiều ngày nay ở Italia, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (10, 26-33) chúa nhật thứ 12 thường niên năm A.

Bài huấn dụ của ĐTC

”Trong Tin Mừng hôm nay (Xc Mt 10,26-33), Chúa Giêsu sau gọi và sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài dặn dò và chuẩn bị họ đương đầu với những thử thách và bách hại họ sẽ gặp. Chúa khuyên các môn đệ: ”Các con đừng sợ người đời, vì không có gì che đậy mà sẽ không bị tỏ lộ […]. Điều Thầy nói với các con trong bóng tối các con hãy nói ra trong ánh sáng […]. Và các con đừng sợ những người giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn” (vv.26-28). Việc Chúa Giêsu sai đi thi hành sứ mạng không đảm bảo cho các môn đệ được thành công, và cũng không làm cho họ tránh được những thất bại và đau khổ. Các môn đệ phải sẵn sàng đối phó với sự kiện họ có thể bị phủ nhận, hoặc bị bách hại.

Người môn đệ được kêu gọi làm cho cuộc sống của mình phù hợp với Chúa Kitô là Đấng đã bị loài người bách hại, đã từng bị phủ nhận, bỏ rơi và chịu chết trên thập giá. Không có sứ mạng Kitô nào dưới ngọn cờ yên hàn; những khó khăn và sầu muộn là điều thuộc về công việc loan báo Tin Mừng và chúng ta được kêu gọi tìm thấy trong đó cơ hội để kiểm chứng xem đức tin và tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu có chân thực hay không. Chúng ta phải xét những khó khăn ấy như một cơ hội để có thể có tinh thần thừa sai hơn nữa và để tăng trưởng trong sự tín thác nơi Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng không bỏ rơi con cái Ngài trong giờ bão tố.

Trong những khó khăn khi làm chứng tá Kitô trên thế giới, chúng ta không bao giờ bị lãng quên, nhưng luôn luôn được sự ân cần của Chúa Cha nâng đỡ. Vì thế, trong Tin Mừng hôm nay, 3 lần Chúa Giêsu trấn an các môn đệ và nói rằng: ”Các con đừng sợ!”.

Ngày nay cũng có bách hại chống các tín hữu Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện cho cách anh chị em chúng ta đang bị bách hại và chúc tụng Thiên Chúa vì, dù có tình trạng như thế, họ vẫn tiếp tục can đảm và trung thành làm chứng về đức tin. Tấm gương của họ giúp chúng ta đừng do dự có lập trường đứng về Chúa Kitô, can đảm làm chứng cho Chúa trong những hoàn cảnh mỗi ngày, cử trong những môi trường không yên hàn. thưc vậy, một hình thức thử thách cũng có thể là không có đố kỵ và sầu muộn. Ngoài việc sai đi như ”chiên giữa sói”, cả thời nay, Chúa cũng gửi chúng ta đi như những ngươi canh phu giữa những người không muốn được thức tỉnh để ra khỏi tình trạng mơ mơ màng màng trần tục, cố tình không biết đến những lời Chân Lý của Tin Mừng, kiến tạo cho mình những chân lý phù du.

Nhưng trong tất cả những điều ấy, Chúa tiếp tục nói với chúng ta như Ngài đã nói với các môn đệ thời đại của Ngài: ”Các con đừng sợ!”. Đứng sợ những người chế nhạo và ngược đãi các con, đừng sợ những người cố tình không biết đến các con, trước mặt thì tôn kính nhưng đằng sau thì bài trừ Tin Mừng. Chúa Giêsu không để chúng ta lẻ loi vì chúng ta quí giá đối với Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Xin Đức Trinh Nữ Maria, mầu gương khiêm nhường và can đảm gắn bó với Lời Chúa, giúp chúng ta hiểu rằng trong việc làm chứng cho đức tin, thành công không đáng kể, nhưng là lòng trung thành với Chúa Kitô, nhìn nhận trong mọi hoàn cảnh, cả những hoàn cảnh khó khăn nhất, hồng ân không lường là được làm môn đệ thừa sai của Chúa”.

 Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với dân chúng tại làng Tân Ma (Xinmo), tỉnh Tứ Xuyên, bên Trung Quốc bị đất lở sáng ngày 24-6 vừa qua vì mưa lũ. Ngài nói: 'Tôi cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và bị thương, cũng như cho tất cả những người bị mất nhà cửa. Xin Chúa an ủi các gia đình và nâng đỡ những người cứu cấp.”

Tin sơ khởi cho biết có 15 người chết và 120 người mất tích.

ĐTC nói thêm rằng: “Hôm nay, tại Vilnius, Lituani, có lễ phong chân phước cho Đức GM Teofilo Matulionis, tử đạo năm 1962, khi đã gần 80 tuổi. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì chứng tá của vị can trường bênh vực Giáo Hội và phẩm giá con người.

Tôi chào thăm tất cả anh chị em, các tín hữu Roma và các tín hữu hành hương! Đặc biệt tôi chào Đức TGM Trưởng, các GM, các linh mục và tín hữu thuộc Giáo Hội Công giáo Đông Phương Ucraina, cũng như các tín hữu hành hương từ Bạch Nga, kỷ niệm 150 năm phong thánh Giosaphat. Tôi hiệp ý với thánh lễ anh chị em sắp cử hành tại Đền thờ thánh Phêrô, và cầu xin Chúa cho mỗi người được ơn can đảm làm chứng tá Kitô và ơn hòa bình cho đất nước Ucraina yêu quí của anh chị em.

Sau cùng, ĐTC chào thăm các trẻ giúp lễ từ Komorow và các tín hữu khác người Ba Lan, và nghĩ đến cách tín hữu hành hương tại Đền thánh Mẹ Thiên Chúa ở Gietrzwal, các tín hữu Chile từ vùng thủ đô nước này và các đoàn tín hữu từ các nơi khác.

G. Trần Đức Anh OP