Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 90, ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ và các gia đình trong việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật 23 tháng 10 tới đây với chủ đề ”Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”. Trong sứ điệp công bố hôm chúa nhật 15-5-2016 để chuẩn bị cho ngày đó, sau khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, ĐTC khẳng định rằng:

”Khi đón nhận và theo Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Ngài” (Misericordiae Vultus 3).”

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Có bao nhiêu người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội, đã và đang làm chứng về tình yêu thương xót của Chúa, như trong thời kỳ đầu qua kinh nghiệm của Giáo Hội. Dấu chỉ hùng hồn về tình yêu thương từ mẫu của Thiên Chúa là sự hiện diện gia tăng đáng kể của nữ giới trong thế giới truyền giáo, bên cạnh sự hiện diện của nam giới. Các phụ nữ, nữ giáo dân và các người nữ thánh hiến, và ngày nay cũng có nhiều gia đình, đang thực thi ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho đến các dịch vụ bác ái.”

”Bên cạnh hoạt động loan báo Tin Mừng và cử hành các bí tích do các nam thừa sai đảm nhận, cũng có các phụ nữ và các gia đình hiểu biết một cách thích hợp hơn các vấn đề của dân chúng và biết đương đầu với các vấn đề ấy một cách thích hợp, và đôi khi một cách ”chưa từng có”: qua sự chăm sóc cuộc sống, đặc biết chú ý đến con người hơn là các cơ cấu, tận dụng mọi tài nguyên nhân bản và tinh thần để xây dựng sự hòa hợp, các quan hệ, hòa bình, liên đới, cộng tác và tình huynh đệ, trong lãnh vực các tương quan giữa con người với nhau, cũng như trong lãnh vực rộng hơn lớn của đời sống xã hội và văn hóa, nhất là việc chăm sóc người nghèo”.

Trong phần cuối của sứ điệp, ĐTC nhắc lại sự kiện trong Năm Thánh này, có dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Ngày Thế Giới truyền giáo, do Hội Giáo Hoàng truyền bá đức tin, đề xướng và được ĐGH Piô 11 phê chuẩn năm 1926.. ĐTC cho biết ngài tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm, cổ võ cuộc lạc quyên tại các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội để giúp đỡ các cộng đoàn Kitô túng thiếu và để đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất” (SD 15-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Dziwisz kêu gọi: “Các bạn trẻ, hãy đến Cracovia! Đừng sợ”

Đức Hồng Y Dziwisz kêu gọi: “Các bạn trẻ, hãy đến Cracovia! Đừng sợ”

Đức Hồng Y Dziwisz

Cracovia – Chỉ còn 2 tháng nữa là ngày hội Giới trẻ lớn nhất thế giới – ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 31 – sẽ diễn ra tại Cracovia, Ba lan. Để xem xét lại các việc chuẩn bị cho sự kiện này, Ủy ban cố vấn của Hội đồng Giám mục Âu châu đã tổ chức một cuộc họp cho các phóng viên và các chuyên gia truyền thông.

Tại Cracovia các công việc đang tiến triển mau chóng và tất cả chờ đợi sự tham dự của khoảng hơn một triệu bạn trẻ. Đức Hồng Y Dziwisz, từng là thư ký riêng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, qua các phóng viên, kêu gọi các bạn trẻ: “Hãy đến Cracovia! Chúng tôi đang đợi các bạn. Đừng sợ hãi! Tình hình ở châu Âu thì tế nhị nhưng ở Ba lan, đất nước chúng tôi, rất an bình. Không có nguy hiểm. Các cơ quan an ninh đang làm tất cả để bào đảm sẽ không có sự cố xảy ra. Tôi nói rõ với các bạn trẻ là đưng sợ. Đây sẽ là một ngày hội đức tin, chứ không đơn giản là một sự kiện giải trí. Chủ đề luôn luôn là Chúa Kitô, do đó cần đào sâu, cầu nguyện, ở bên nhau và vui niềm vui là Kitô hữu cùng với Đức Thánh Cha”.

Đức Hồng Y Dziwisz lạc quan về ngày Giới trẻ quốc tế năm nay. Ngài giải thích: “Cho đến nay đã có các nhóm từ 182 quốc gia đăng ký tham dự. Nó sẽ là một sự kiện tuyệt vời mà chúng tôi đã cảm thấy bầu khí của nó. Các người trẻ muốn gặp nhau và gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng họ cũng muốn đến Cracovia để biết hơn về Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Các kỷ niệm về ngài vẫn còn đó và các người trẻ muốn biết ngài hơn.”

Đức Hồng Y Dziwisz cũng nhắc là ở Cracovia có một trung tâm dâng kính Lòng Thương xót. Ngài hy vọng là giới trẻ sẽ đến đây và tìm thấy một sự bình an cá nhân và cộng đoàn và mang sứ điệp này cho thế giới. Châu Âu và thế giới cần bình an, qua các sự kiện này chúng ta có thể đóng góp thay đổi bầu khí của thế giới và các đât nước của chúng ta”. (ACI 15/5/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Thánh Cha thăm cộng đoàn Chicco

Vatican – Một lần nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô tạo bất ngờ vì chuyến viếng thăm đột xuất của ngài.

Chiều hôm qua 13/5, “trong chuỗi hoạt động của sáng kiến Năm Thánh ‘các ngày thứ sáu của lòng thương xót’, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm cộng đoàn ‘Il Chicco’ ở Ciampino. “Chicco” là cộng đoàn được thực hiện đầu tiên ở Italia, được thành lập vào năm 1981, đón nhận 18 người bị thiểu năng trí tuệ nặng. Cộng đoàn thứ 2 tương tự như vậy được thành lập ở Bologna và một cộng đoàn thứ 3 sắp được thành lập ở đảo Sardegna.

Đây là một cộng đoàn trong mạng lưới gia đình rộng lớn của Hiệp hội ‘Arche’ – Con Tàu – do Jean Vanier sáng lập vào năm 1964, hiện diện ở 30 quốc gia thuộc 5 châu. Cùng với Hiệp hội Đức tin và Ánh sáng, các cơ sở này giúp đỡ những người yếu đuối và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ý hướng  căn bản của các cộng đoàn này là đón nhận những người khuyết tật nặng nề và làm cho họ cảm thấy được đón nhận và tự lo liệu cho cuộc sống của họ và của những người cùng chia sẻ với họ. Ý tưởng quan trọng của Hiệp Hội ‘Arche’ – Con Tàu là không có ai bị phân biệt kỳ thị bởi bất cứ hình thức khuyết tật nào.

Viếng thăm các cơ sở này giúp chúng ta khám phá ra những người khuyết tật này có một cảm nhận chân thật phát sinh từ tình cảm sâu sắc và tìm kiếm tình bạn. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã muốn thực hiện thêm một cử chỉ chống lại nền văn hóa loại trừ.

Cha Lombardi đã giải thích: người ta không thể bị tước đi tình yêu, niềm vui và phẩm giá chỉ vì mang trong mình sự thiểu năng trí tuệ. Không có ai có thể cho phép mình đối xử phân biệt với họ vì những định kiến là thứ đã gạt họ ra ngoài lề và nhốt họ sống đơn độc trong những gia đình và hiệp hội.

Tại cộng đoàn “Chicco” ở Ciampino có 2 “gia đình” là “Vườn nho” và “Oliu”.  Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngồi ở bàn để dùng bữa snack với các người khuyết tật và các tình nguyện viên, nghe các lời đơn sơ của Nadia, Salvatore, Vittorio, Paolo, Maria Grazia, Danilo…, chia sẻ niềm vui và sự đơn sơ trong giây phút gia đình này. Ngài cũng đã thăm những người bị tâm thần nặng và bày tỏ tình cảm sâu sắc và dịu dàng, đặc biệt với Armando e Fabio, là những người đầu tiên được đón nhận vào cộng đoàn.

Theo ý hướng của vị sáng lập, các người khuyết tật cũng phải tham gia vào cuộc sống với các hoạt động tay chân tùy theo khả năng của họ. Do đó Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến xưởng thủ công, nơi họ hàng ngày làm việc, tạo ra các đồ thủ công nho nhỏ từ sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các thành viên “Chicco”. Cuối cùng, tất cả cùng nắm tay nhau và cầu nguyện với Đức Giáo hoàng trong nhà nguyện nhỏ. Tất cả ôm vị cha chung và chia tay với ngài lúc khoảng 18.30.

Bên cạnh số tiền đóng góp cá nhân, Đức Giáo hoàng còn mang theo pasta, các loại trái cây, được mọi người hân hoan vỗ tay đón nhận.

Đây là “cử chỉ của Lòng thương xót” thứ 5 của Đức Giáo hoàng trong Năm Thánh. Vào tháng 1 ngài đã thăm nhà hưu dưỡng dành cho các người già và các bịnh nhân sống thực vật; vào tháng 2 ngài thăm cộng đoàn người nghiện ở Castelgandolfo; tháng 3 ngài đến trung tâm đón tiếp người tị nạn ở Castelnuovo di Porto; và tháng 4 ngài thăm đảo Lesbo. (ACI 13/5/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức ”Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức ”Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức Năm thứ 100

VATICAN. ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra câu trả lời dài hạn về chính trị, xã hội và kinh tế đặc biệt cho cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn hiện nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-5-2016, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức mang tên thông điệp ”Năm Thứ 100” (Centesimus Annus) của ĐGH Gioan Phaolô 2.

ĐTC nhắc lại cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại đảo Lesbo bên Hy lạp, nghe những chứng từ đau thương của những người tị nạn. Cuộc viếng thăm của ngài muốn lôi kéo sự chú ý của các vị hữu trách và dư luận về thảm cảnh này. ĐTC nói: ”Ngoài khía cạnh giúp đỡ vật chất cho các anh chị em ấy của chúng ta, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đề ra những câu trả lời chính trị, xã hội và kinh tế về lâu về dài cho các vấn đề vượt lên trên ranh giới quốc gia và đại lục, liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại”.

Tại hội nghị của tổ chức ”Năm Thứ 100”, các tham dự viên cứu xét, dưới những những quan điểm khác nhau, những hệ luận thực hành và luân lý đạo đức của nền kinh tế của thế giới hiện nay, đồng thời tìm cách đặt nền móng cho một nền văn hóa kinh tế và công việc kinh doanh, bao gồm mọi người và tôn trọng phẩm giá của con người”.

ĐTC cảnh giác rằng ”một quan niệm kinh tế chỉ nhắm đến lợi lộc và an sinh vật chất thì không có khả năng góp phần tích cực vào một sự hoàn cầu hóa giúp phát triển toàn diện cho các dân tộc trên thế giới, phân phối tài nguyên công bằng, bảo đảm công ăn việc làm xứng đáng, làm tăng trưởgn các sáng kiến tư nhân và các xí nghiệp địa phương. Một nền kinh tế loại trừ và bất chính (EG 53) đã làm gia tăng số người bất hạnh và những người bị gạt bỏ vì bị coi là không sản xuất và vô ích.

ĐTC nhận xét rằng: ”Hậu quả của thứ kinh tế đó chúng ta cũng nhận thấy trong các xã hội tân tiến, trong đó sự gia tăng tỷ lệ nghèo đói và suy đồi xã hội là một đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình, cho giai cấp trung lưu và đặc biệt là cho những người trẻ. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp thực là một gương mù, đòi phải giải quyết trước tiên về mặt kinh tế, nhưng còn phải đối phó như một căn bệnh xã hội, xét vì tuổi trẻ bị tước đoạt mất niềm hy vọng và những tài nguyên lớn lao của họ vệ năng lực, óc sáng tạo và trực giác lớn lao của họ bị tiêu tán” (SD 13-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Jean Vanier, người sáng lập các cộng đoàn “Con Tàu” và các nhóm “Đức tin và Ánh Sáng”

Jean Vanier, người sáng lập các cộng đoàn “Con Tàu” và các nhóm “Đức tin và Ánh Sáng”

Jean Vanier

Jean Vanier sinh năm 1928 tại Geneve, trong một gia đình Công giáo Canada gốc Pháp. Thời niên thiếu Jean được hưởng nền giáo dục Anh Pháp ở Canada, và sau đó ở ngay tại Anh và Pháp. Năm 1945, khi cha của Jean trở thành đại sứ Canada tại Pháp, Jean đã có dịp đến Paris. Tại đây, Jean và mẹ của mình đã giúp đỡ những người sống sót trong các trại tập trung của Đức quốc xã. Nhìn thấy các nạn nhân gầy gò, khuôn mặt co quắp vì sợ hãi và đau khổ, là một cuộc gặp gỡ gây ấn tượng sâu sắc mà Jean không bao giờ quên. Sau đó anh tham gia vào Hải quân Hoàng gia Anh và hải quân Hoàng gia Canada. Nhưng anh cảm thấy có một tiếng gọi nội tâm thúc giục anh làm một việc khác, anh từ giã hải quân, trở lại Paris để học đại học và sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ triết tại học viện Công giáo Paris và trở thành giáo sư dạy triết tại Toronto.

 

Cuối năm 1963, khi ấy còn là một giáo sư trẻ, Jean đã đến thăm một cơ sở nuôi 80 người bệnh tâm thần. Ông chứng kiến những con người này bị đối xử tàn tệ không ra con người. Ông hiểu đây chính là những người dễ bị thương tổn nhất và muốn thay đổi tình trạng tồi tệ này nhưng không biết làm sao. Ông cảm thấy Chúa muốn ông làm gì đó nhưng không biết bắt đầu thế nào và ở đâu. Và rồi Chúa đã chỉ cho ông con đường, ơn gọi của ông. Ông đã gặp 2 người bị thiểu năng trí tuệ là Raphael và Philip và ông đã mời họ bỏ viện tâm thần nơi họ đang sống để đến sống với ông tại Trosly-Breuil, một làng nhỏ ở miền Bắc nước Pháp, nơi ông vẫn sống cho đến bây giờ.Việc làm của ông là một cuộc cách mạng xuất phát từ đức tin ôm trọn cả nhân loại, vì vào thời gian đó, những người bệnh tâm thần bị hắt hủi bỏ rơi, vì bị coi như sự nhục nhã của gia đình và ngăn trở cho xã hội, bởi vì tật nguyền của họ bị xem như là sự trừng phạt của Thiên Chúa.

 

Cộng đoàn “Arche” – Con Tàu – đầu tiên đã ra đời như thế. Hiện nay phong trào này đã có 140 cộng đoàn rải rác khăp 5 châu, là những nơi mà những người bị xã hội bỏ rơi sống chung với những người tiếp nhận họ. Đầu tiên đây là cộng đoàn Công giáo nhưng dần dần cộng đoàn đón tiếp các bệnh nhận thuộc mọi tôn giáo và chủng tộc. Nghi thức rửa chân được xem như biểu tượng của lãnh đạo phục vụ, hiệp thông và hiệp nhất của những điều khác nhau. Công giáo là phổ quát và Chúa Giê-su đã dạy một tình yêu phổ quát. Mọi người dù thuộc tôn giáo hay sắc tộc nào cũng điều quý giá đối với Thiên Chúa. Jean cũng đã thành lập phong trào “Đức tin và Ánh sáng” với cùng ý tưởng như “Con Tàu”, nơi các người bệnh cùng sống trong các buổi gặp gỡ, tĩnh tâm, nghỉ hè với nhau. Ngày nay đã có 1500 nhóm của phong trào trên khắp thế giới. Ông đã đi khắp thế giới, gặp gỡ các Đức giáo hoàng, các lãnh đạo quốc gia, nhận nhiều giải thưởng, vv.

 

Con đường ngoại thường và hạnh phúc của Jean là con đường khiêm nhường, chia sẻ những cử chỉ nhỏ nhặt hàng ngày như đi chợ, dọn nhà cửa gọn gàng, nấu nướng, giữ mối liên hệ  tốt với những người xung quanh, và tất nhiên chữa bệnh. Ông đã tìm ra chân lý trong lời của Chúa Giê-su: khi các con đãi tiệc, đừng mời gia đình, hàng xóm giàu có nhưng mời những người nghèo, người què, đui mù và các con sẽ vui mừng. Niềm vui là dấu hiệu đầu tiên, tài liệu đầu tiên của Lòng Thương xót. Những người có hoàn cảnh khó khăn, bao lực cũng đến với cộng đoàn “Con tàu”. Lịch sử của “Con tàu” không phải là dễ dàng, nhưng Lòng Thương Xót đã đồng hành với ông trong cuộc sống, giúp cho công việc phát triển tốt đẹp.

 

Ông Jean nghĩ đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã bao lần mời gọi đi đến các biên cương của sự hiện hữu, mời gọi đến với những người nghèo để gặp gỡ họ và học từ họ. Theo ông, những người nghèo, khiêm nhường, bên lề xã hội, hay lạc đường, họ có  trái tim thánh thiện và rộng mở. Điều họ cần và khao khát là biết có người yêu thương họ. Chỉ có điều này đủ sức đổi ngược sự nhát sợ, ý nghĩ mình không có giá trị, sự chán ghét chống lại Thiên Chúa và chống lại chính mình. Điều tuyệt vời là không chỉ chúng ta thay đổi những người bệnh nhưng chính họ cũng giúp chúng ta thay đổi. Chúng ta thay đổi người khác là giúp họ trở nên giống người và giống Chúa Giê-su hơn. Ông hy vọng người ta khám phá ra là những người khuyết tật là những người đáng yêu và không phải chỉ là làm những gì cho họ nhưng còn trở thành bạn thật sự của họ.

 

Ngày 15 tháng 3 vừa qua Jean Vanier đã được công bố là người đạt giải thưởng Templeton năm 2015. Đây là giải thưởng được thành lập năm 1972 nhằm vinh danh những người đã có những đóng góp đặc biệt để khẳng định chiều kích thiêng liêng, qua những ý tưởng, những khám phá, hoặc các hoạt động thực tế. Số tiền 1.7 triệu Mỹ kim được ông dành tặng cho mạng lưới cộng đoàn “Con Tàu”, vì theo ông, nhờ các cộng đoàn này ông mới được vinh danh ở giải thưởng này, và để các cộng đoàn có thể tiếp tục công việc thay đổi trái tim con người và đưa nhiều người đến với Chúa Giê-su. (Tracce 03/2016)

 

Hồng Thủy OP

 

Quyết định phân tách nghi lễ hôn phôi dân sự và tôn giáo của Giám mục Na-uy

Quyết định phân tách nghi lễ hôn phôi dân sự và tôn giáo của Giám mục Na-uy

Giám mục Oslo

Vác-sa-va, Ba-lan – Trong một cuộc nói chuyện dành cho hãng Thông tấn Công giáo Hoa kỳ ngày hôm qua, 21/4, Đức Cha Bernt Eidsvig, Giám mục giáo phận Oslo cho biết: hàng giáo sĩ của Na-uy sẽ không chủ sự các lễ cưới dân sự nữa, sau khi Công nghị của các lãnh đạo Giáo hội Tin lành Luther đã bỏ phiếu tiến hành chấp nhận hôn nhân đồng tính ở Na-uy. Quyết định này được chấp nhận với đa số phiếu trong cuộc họp hàng năm của Giáo hội Tin lành Luther. Trước đó vào năm 2014, một đề nghị tương tự đã bị Công nghị từ chối.

Ở một số quốc gia, Hôn phối được cử hành bởi các lãnh đạo Giáo hội theo nghi thức tôn giáo được nhìn nhận có giá trị dân sự.

Đức Cha Bernt Eidsvig cho biết là ngài sẽ phải xin phép Tòa Thánh, và nói thêm: “Rõ ràng là chúng tôi phải phân biệt hôn nhân trong Giáo hội Công giáo khác với các hôn nhân khác…. Đây là một vấn đề phụng vụ, vì vậy nó không phản ánh những thay đổi rộng lớn hơn trong các giá trị luân lý của xã hội chúng ta. Nhưng bây giờ các chính trị gia có thể tấn kích các Giáo hội chống lại các cuộc hôn nhân này. Vì vậy chọn lựa tốt nhất cho chúng tôi là ngưng chủ sự các lễ cưới nhân danh nhà nước.” Các mục sư Tin lành chống lại hôn nhân đồng tính sẽ được phép không tham gia.

Đức cha nói rằng người Công giáo Na-uy hy vọng duy trì mối quan hệ tốt với Giáo hôi Tịn lành Luther, nhưng hi vọng họ sẽ vẫn suy nghĩ lại việc này.

Đức cha cũng cho biết nhiều người Na-uy vẫn phản đối mạnh mẽ hôn nhân đồng tính, đã được nhà nước Na-uy hợp pháp hóa từ năm 2009, còn các Giáo hôi Tịn lành Luther ở Âu châu, Á châu và Mỹ châu La-tinh cũng kết án mạnh mẽ quyết định của Công nghị.

Đức cha bày tỏ: “Phản ứng của tôi là đau buồn và thất vọng, và chúng tôi không thể thấy trước những hậu quả lâu dài cho quan hệ liên giáo hội ở đây.

Đức cha Eidsvig và ba lãnh đạo Tin lành Na-uy đã gửi một tuyên ngôn đến nhật báo Norway’s Vart, tuyên bố rằng: hôn nhân đồng tính không chỉ xúc phạm cách hiểu của Ki-tô giáo về hôn nhân nhưng cả quan niệm lich sử và phổ quát của hôn nhân. Tuyên ngôn nói rằng: việc đề nghị phân tách các nghi thức dân sự và tôn giáo sẽ bảo vệ các Giáo hội khác khỏi những áp lực gia tăng của việc thánh hiến các đôi đồng tính.

Công giáo chỉ là một thiểu số trong số 5,2 triệu dân của Na-uy. (Catholic News Service 21/04/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến Caritas Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Caritas Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Caritas Italia

VATICAN. ĐTC cổ võ các tổ chức Caritas Italia chu toàn công tác giúp mỗi tín hữu trở thành những chủ thể bác ái và gần gũi những anh chị em nghèo khổ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21-4, dành cho 700 tham dự viên Hội nghị toàn quốc lần thứ 38 của Caritas các giáo phận Italia, vừa kết thúc khóa họp tại Sacrofano dưới quyền chủ tọa của ĐHY chủ tịch Francesco Montenegro, TGM giáo phận Agrigento.

Lên tiếng trong dịp này ĐTC nói: ”Đứng trước những thách đố và mâu thuẫn thời nay, Caritas có nhiệm vụ khó khăn nhưng cơ bản, đó là làm sao để dịch vụ bác ái trở thành quyết tâm của mỗi người chúng ta, nghĩa là làm sao để toàn thể cộng đoàn Kitô trở thành những chủ thể thi hành bác ái. Vì thế, đối tượng chính trong cuộc sống và hoạt động của anh chị em là khích lệ và linh hoạt để toàn thể cộng đoàn tăng trưởng trong tình bác ái và luôn tìm ra những con đường mởi mẻ để gần gũi người nghèo hơn, có khả năng đọc và đương đầu với những tình trạng đang đè nặng trên hằng triệu anh chị em chúng ta ở Italia, Âu Châu và thế giới”.

 ĐTC nói thêm rằng: ”Đứng trước những thách đố hoàn cầu đang gieo rắc sợ hãi, bất công, những vụ đầu cơ tài chánh và cả lương thực nữa, sự suy thoái môi trường, và chiến tranh, cùng với công việc hằng ngày tại chỗ, cũng cần thi hành quyết tâm giáo dục về sự gặp gỡ trong tinh thần và huynh đệ giữa các nền văn hóa và văn minh, và chăm sóc thiên nhiên”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng khuyến khích các Caritas giáo phận ở Italia luôn tìm cách đi đến tận các nguyên nhân gây ra nghèo đói và nỗ lực loại trừ chúng: nỗ lực phòng ngừa tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, ảnh hưởng trên những cơ cấu gây ra bất công, hoạt động chống mọi thứ cơ cấu tội lỗi. Để đạt mục tiêu ấy, cần giáo dục mỗi cá nhân và các nhóm về lối sống có ý thức, để tất cả mọi người thực sự cảm thấy có tinh thần trách nhiệm đối với mọi người.. Tiến trình này cần phải bắt đầu ngay từ Caritas giáo xứ.

ĐTC không quên nhắc nhở các Caritas quan tâm đến những ngừơi di dân. Hiện tượng này cần được xử lý bằng những chính sách sáng suốt, nhắm đến sự hội nhập giữa những người nước ngoài và các công dân Italia.

Sau cùng ĐTC khẳng định rằng ”chứng tá bác ái trở nên chân thực và đáng tin cậy khi chúng ta dấn thân trong mọi lúc và cả trong mọi quan hệ của cuộc sống: chiếc nôi và nhà của chứng tá bác ái chính là gia đình, là Giáo Hội tại gia. Gia đình, theo bản chất, chính là ”Caritas” vì chính Thiên Chúa đã thực hiện như vậy: linh hồn của gia đình và sứ mạng của gia đình chính là tình thương… Những câu trả lời đầy đủ nhất cho mọi khó khăn có thể được chính các gia đình cống hiến, những gia đình biết vượt lên trên cám dỗ liên đới ngắn ngủi và nhất thời, để chọn lựa cộng tác với nhau và với mọi dịch vụ khác ở địa phương, sẵn sàng thi hành các công tác phục vụ hằng ngày. (SD 21-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Luật trợ giúp tự tử làm người già sợ hãi bệnh viện

Luật trợ giúp tự tử làm người già sợ hãi bệnh viện

Patient in Canada

Edmonton, Alberta – Bóng ma của sự trợ giúp tự tử làm cho các người già “sợ một tổ chức lẽ ra nếu phải sợ, thì đó là điều cuối cùng họ nên sợ, đó là bệnh viện.” Đức Tổng Giám mục Richard Smith của Edmonton nhận định như thế.

Trong một buổi nói chuyện tại nhà thờ Corpus Christi Đức Tổng Giám mục nói: “Nhưng cảm giác mạnh mẽ là ‘nếu tôi không thể tự nói, nếu tôi chỉ có một mình và không có người thân, họ sẽ giết tôi?’” Đó là câu hỏi xuất phát cách tự nhiên từ quyết định của Tòa án Tối cao hồi tháng 1 cho phép các vụ tự tử được trợ giúp bởi bác sĩ trong một số điều kiện nào đó. Đức Tổng Giám mục nói: “quyết đinh này lật ngược mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ, giữa bệnh nhân và bệnh viện, nó làm xói mòn niềm tin đáng ra phải có trong các mối liên hệ này.” Một loạt các buổi nói chuyện trên khắp Tổng Giáo Phận Edmonton đã thu hút đám đông lớn và đặt ra những câu hỏi sâu sắc về an tử và tự tử được bác sĩ hỗ trợ.

Trước đó, trong một buổi tiếp xúc với người lớn tuổi, Đức Tổng Giám mục Richard Smith đã nghe cảm tưởng của những người già trước áp lực không trở thành gánh nặng cho con cái và xã hội. Đức cha nói: “đó là nơi mà “quyền được chết” biến thành “nghĩa vụ phải chết”. Đức cha cho biết, trong những vùng pháp lý mà vấn đề tự tử với sự hổ trợ của bác sĩ đã trở thành hợp pháp, trong các lý do trả lời cho câu hỏi tại sao lại tìm đến tự tử, lý do để tránh đau đớn chỉ đứng ở cuối danh sách, trong khi lý do để không trở thành gánh nặng đứng hàng đầu.

Alicja Chandra, một tình nguyện viên ở trung tâm khủng hoảng thai nghén Edmonton cho biết là dễ dàng nhận thấy người ta quan tâm đến vấn đề tự tử được trợ giúp. Bà Chandra cũng lo lắng về những người trẻ: cách các gia đình bị phân xé khi áp lực của luật pháp đặt lên người ta ý tưởng “đừng là gánh nặng” cho con cái hay những người trẻ bị cám dỗ với viễn ảnh được thừa hưởng gia tài sớm: “Nó có thể xảy đến. Tôi không cần cha mẹ tôi nữa. Nếu họ chết sớm tôi sẽ được thừa hưởng gia tài.”

Đã đi đến gần cuối đương đời của mình, bà Chandra cho biết bà đã chủ động trong việc chuẩn bị di chúc và bảo đảm chắc chắn là gia đình của bà sẽ không chỉ bảo vệ quan điểm của bà nhưng cả giá trị của việc bảo vệ sự sống của bà. Bà hỏi: “ nếu sức khỏe thể lý của tôi không có hy vọng, tại sao không để Thiên Chúa can thiệp bất cứ khi nào Người muốn đưa tôi đi?” (Catholic News Service 13/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Thánh Cha đưa 12 người tị nạn về Vatican

Đức Thánh Cha đưa 12 người tị nạn về Vatican

Đức Thánh Cha đưa 12 người tị nạn về Vatican

VATICAN. Trong chuyến máy bay từ đảo Lesvos Hy Lạp về Roma chiều ngày 16-4-2016 ĐTC đã đưa 12 người tị nạn về Vatican.

Cha Lombardi cho biết ĐTC đã muốn làm một cử chỉ tiếp đón đối với những người tị nạn bằng cách tháp tùng họ về Roma trong cùng chuyến bay.

Đó là 3 gia đình tị nạn từ Siria, tổng cộng là 12 người trong đó có 6 trẻ vị thành niên. Đó là những người đã hiện diện trong các trại tiếp đón ở Lesvos trước khi có hiệp định giữa Liên hiệp Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sáng kiến của ĐTC được thực hiện qua sự thương lượng giữa Phủ Quốc vụ Khanh Tòa Thánh với chính quyền liên hệ của Hy Lạp và Italia.

Tất cả các thành phần của 3 gia đình trên đây đều là người Hồi giáo. Hai gia đình đến từ Damasco, thủ đô Siria, và một gia đình từ Deir Azzor (trong vùng bị lực lượng IS chiếm đóng). Nhà của họ đã bị dội bom.

Việc tiếp đón và nuôi 3 gia đình này do Vatican đảm trách. Việc cư ngụ ban đầu của họ sẽ được Cộng đồng thánh Egidio bảo đảm (SD 16-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái kêu gọi các vị lãnh đạo chính quyền các quốc gia bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế.

 Trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế do Phong trào Pax Christi Hòa bình của Chúa Kitô và Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình cùng tổ chức ở Roma từ ngày 11 đến 13-4-2016 này, ĐTC viết:

 ”Tôi mời gọi tất cả quí vị hiện diện tại Hội nghị này hãy hỗ trợ 2 lời thỉnh cầu mà tôi đã gửi đến các vị lãnh đạo các nước, trong Năm Thánh này, đó là bãi bỏ án tử hình tại nơi nào vẫn còn, cùng với sự ân xá, và hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại nợ nần quốc tế qua sự quản trị có thể chấp nhận được dành cho các nước nghèo nhất”.

 Hội nghị quốc tế vừa nói có chủ đề là ”Bất bạo lực và Hòa bình công chính: góp phần vào quan niệm của Công Giáo về bất bạo động và sự dấn thân cho bất bạo động”.

 Trong sứ điệp ĐTC nhấn mạnh một điểm thiết yếu, đó là: ”trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chỉ khi nào coi những người đồng loại như anh chị em với nhau, chúng ta mới có thể vượt thắng chiến tranh và xung đột. Giáo Hội không ngừng lập lại rằng điều ấy có giá trị không những trên bình diện cá nhân, nhưng cả trên bình diện các dân nước, đến độ Giáo Hội coi cộng đồng quốc tế như ”gia đình các dân nước”.

 ĐTC viết thêm rằng ”Trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng biết rằng chướng ngại lớn cần loại bỏ để có gia đình các dân nước chính là chướng ngại do bức tường dửng dưng lãnh đạm dựng lên. Tin tức thời sự gần đây cho chúng ta thấy, khi tôi nói về bức thường, thì đó không phải là ngôn ngữ chỉ nghĩa bóng, nhưng đó là một thực tại đau buồn. Thực tại dửng dưng, không những chỉ liên hệ đến con người, nhưng cả môi trường tự nhiên, với những hậu quả nhiều khi đau thương về mặt an ninh và hòa bình xã hội.

 ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Sự dấn thân vượt thắng sự dửng dưng chỉ thành công, nếu chúng ta có khả năng sử dụng lòng từ bi thương xót. Lòng thương xót được biểu lộ qua tình liên đới 'chính trị', vì tình liên đới tạo nên thái độ luân lý và xã hội đáp ứng hữu hiệu sự ý thức về những tai ương thời nay và sự lệ thuộc lẫn nhau giữa đời sống cá nhân, cộng đoàn gia đình, địa phương và hoàn cầu” (SD 11-4-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Nhân viên của cơ quan trợ giúp Công giáo kêu gọi Burundi không đe dọa Giáo hội

Nhân viên của cơ quan trợ giúp Công giáo kêu gọi Burundi không đe dọa Giáo hội

Oxford, Anh quốc – “Giáo hội tham gia vào việc xây dựng hòa bình bằng cách mang các cộng đoàn gần lại với nhau và giải thích cho các chính trị gia tầm quan trọng của đối thoại với người khác. Đồng thời giáo hội cũng đóng góp những trợ giúp quan trọng cho ngành nông nghiệp, giáo dục và các dịch vụ xã hội đa dạng, bao gồm chăm sóc sức khỏe, điều có lẽ sẽ gặp tình trạng bi đát nếu không có 101 bệnh viện và phòng khám của Giáo hội. Dân chúng sẽ đối diện với những khó khăn nếu các hoạt động của Giáo hội bị ngưng lại.” Patrick Nicholson, giám đốc truyền thông của tổ chức bác ái quốc tế nói với Catholic News Service như thế.

Burundi rơi vào tình trạng hỗn loạn vào năm 2015 sau khi tổng thống Pierre Nkurunziza tái cử lần thứ ba, một điều vi phạm hiến pháp trắng trợn. Chính quyền cấm các cuộc biểu tình và hạn chế các phương tiện truyền thông, và hàng ngàn người Burundi, bao gồm phó chánh án tòa án hiến pháp chạy sang các nước láng giềng.

Các Giám mục nói rằng hiến pháp quy định rõ ràng là các tổng thống không thể phục vụ quá hai nhiệm kỳ, nhấn mạnh là các phương tiện truyền thông nên được làm các công việc của họ và kêu gọi các người trẻ không được bạo động. Hội đồng Giám  muc đã nhận định là Burundi đang đứng ở ngã ba đường và tương lai của họ tùy thuộc vào sự đối thoại giữa các chính trị gia với lợi ích của đất nước, những người yêu quốc gia và các công dân hơn là lợi ích riêng tư của họ. Tuyên ngôn của Hội đòng Giám  muc viết: “tiếp tục các cuộc giết người và sự biến mất của những người mà thi thể họ được tìm thấy trong các mồ tập thể chỉ tạo nên những vấn đề với cộng đồng quốc tế và làm cho tình hình xấu đi bởi vì sẽ làm mất đi các viện trợ tài chính,”

Hôm 26 tháng 3, chủ tịch Quốc hôi đã tố cáo các Giám mục giữ một vai trò hoàn toàn chính trị chứ không phải là tinh thần, và ông nói chính quyền sẽ không nói chuyện với những kẻ ủng hộ khủng bố và các người nổi dậy, là những người đã tham gia vào tình trạng bất ổn của các tổ chức được bầu cách dân chủ. Ông kết án Giáo hội Công giáo đã tham gia vào hầu hết các cuộc khủng hoảng trên khắp đất nước từ khi những nhà truyền giáo đặt chân đến Burundi như là những nhà tiên phong của các thực dân Âu châu.” Ông đe dọa là nếu các lãnh đạo Giáo hội còn muốn tiếp tục sứ vụ chính của họ là truyền giảng Tin mừng thì họ phải thay đổi thái độ chống lại các thành viên của đảng phái chính tri.

Nicholson đã thăm Burundi vào ngày 5 tháng 4 và cho biết là cuộc khủng hoảng ở đây  căn bản là về chính trị và Giáo hội Công giáo chưa phài là mục tiêu. Ông nói: “Giáo hôi giữ vai trò phi chính trị để mang các bên lại gần nhau bằng đối thoại. Điều này không thể là lý do để chống lại Giáo hội”.

Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đang xem xét để triển khai các lính Liên hiệp quốc đến Burundi, nơi có hơn 600 người bị giết và 250 ngàn đã chạy trốn ra nước ngoài để thoát khỏi cuộc càn quét của lực lượng bán quân sự ủng hộ chính phủ.

(Catholic News Service 07/04/2016)

Hồng Thủy OP

Ý kiến của các vị lãnh đạo Giáo Hội về Tông huấn “Amoris Laetitia”

Ý kiến của các vị lãnh đạo Giáo Hội về Tông huấn “Amoris Laetitia”

Tông huấn Amoris Laetitia

Thứ sáu hôm qua, ngày 8 tháng 4, trong sự chờ đợi và giữa sự đồn đoán của các vị lãnh đạo Giáo hội, các thần học gia, các chuyên gia xã hội, đặc biệt là giới báo chí, và nhiều thành phần dân Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn hậu thượng hội đồng Giám mục “Amoris Laetitia” – Niềm Vui Yêu Thương – về gia đình. Tông huấn này là những suy tư đúc kết thành quả của hai Thượng Hội đồng Giám mục năm 2014 và 2015 về gia đình. Đức Thánh Cha không đưa ra những quy luật mới nhưng mời gọi xem xét lại cách cẩn thận các vấn đề liên quan đến mục vụ gia đình, đặc biệt, chú ý hơn đến ngôn ngữ và thái độ được dùng để giải thích giáo huấn và sứ vụ của Hội thánh cho những người không sống hoàn toàn theo giáo huấn này.

Nhiều vị lãnh đaọ Giáo hội trên khắp thế giới đã chào mừng và đón nhận Tông huấn này với thái độ tích cực, dù các ngài cũng nhận ra sự thất vọng của một số người. Điểm nổi bật của Tông huấn chính là “giọng văn” của lòng thương xót được thể hiện trong Tông huấn, như Đức Hồng Y Wilfrid Napier of Durban, của Nam Phi nhận định. Ngài nói: “Tông huấn kêu gọi các thừa tác viên hãy dịu dàng thân thiện trong cách các ngài gặp gỡ những người đang ở trong những tình cảnh khó khăn”, và cũng lưu ý là không có một cách thế tiếp cận phù hợp cho tất cả mọi trường hợp, và Giáo hội địa phương được mời gọi thích nghi giáo huấn của Thượng hội đồng cho những hoàn cảnh cụ thể.

Các Giám mục nhìn nhận đây là một văn kiện dài, nhưng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, bạn không thể lướt qua nó, nhưng cần suy tư. Đức Tổng Giám mục Diarmuid Martin của Dublin gọi Tông huấn “Amoris Laetitia” là một bách khoa toàn thư, và giống như các bách khoa toàn thư, nhiều nội dung giá trị của nó bị bỏ qua bởi vì nguời ta chỉ quan tâm đến một hay hai khía cạnh. Ngài cho biết tài liệu này không phải là một sưu tập của những chương riêng rẽ, nhưng có một dây liên kết là: Phúc âm về gia đình đang bị thách đố và đòi hỏi, nhưng với ơn Chúa và lòng thương xót của Người, nó có thể đạt được và hoàn thành, làm phong phú và đáng giá.

Đức Cha Peter Doyle của Northampton, Anh quốc, Chủ tịch Ủy ban Hôn nhân gia đình của Hội đồng Giám mục Anh quốc và xứ Welsh, cũng là tham dự viên của Thượng hội đồng, lập lại ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô: “mỗi tình huống thì khác nhau và cần được tiếp cận với tình yêu, lòng thương xót và trái tim mở rộng”, để trả lời cho những người thất vọng vì tài liệu không đưa ra một giải quyết rõ ràng, phân định trắng đen. Ngài nhận xét: “Thông điệp chú trọng đặc biệt đến sự cần thiết của việc đồng hành với những nguời cảm thấy bị loại trừ và làm cho mọi người biết rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, và đó là một tình yêu dịu dàng , nhưng cũng thách đố chúng ta thay đổi”.

“Tài liệu gói gọn cái nhìn của Đức Thánh Cha về Giáo hội như một bệnh viện dã chiến, điều trị các người bị thương tích và chờ đợi những người có nhu cầu”, là nhận xét của Đức Cha Pedro Maria Laxague, chủ tịch Ủy ban về Giáo dân và gia đình của Hội đồng Giám mục Ác-hen-ti-na. Đức cha nói: “Không có một gia đình tốt hay một gia đình xấu. Tất cả đều cần các quan tâm mục vu.” Ngài nói: Tông huấn đề cập đến các thực tại mà gia đình có thể gặp. Ngài cũng nói: Hôm nay Giáo hội đã tỉnh thức trước các thực tế của gia đình. Chúng tôi có thể đồng hành với các dạng gia đình như một giáo hội, một cộng đoàn trong mọi tình huống. Cũng trong ý tưởng này, cha Hugo Valdemar, phát ngôn của Tổng giáo phận Mexico khen ngợi văn kiện đã bao gồm các quan điểm khác nhau, cả những quan niệm bảo thủ, và cho phép các lãnh đạo Giáo hội công giáo địa phương vài cách biện phân để quyết định cách mở rộng cánh của Giao hội cho những ai bị gạt qua một bên theo truyền thống. Theo cha, “có một sự cởi mở nhưng trong truyền thống.”

Cha David Neuhaus, dòng Tên, đại diện Thượng phụ của cộng đoàn nói tiếng Do thái của tòa Thượng phụ Latin ở Giê-ru-sa-lem nhận đinh: những ai chờ đợi những tiêu đề ngon ngọt sẽ thất vọng. Văn kiện mời gọi mọi người đọc, suy tư và giúp cho các Linh mục và Giám mục nhận ra là không có ai ở bên ngoài sự chăm sóc của Giáo hội. Cha nói: “Không có ai ở bên ngoài Giáo Hội, không có vấn đề dù cho hoàn cảnh thế nào… bạn không thể mang sách luật ra và phán ‘anh phải đi ra ngoài lề’. Mọi người phải được cư xử cách tôn trọng và với tình yêu thương.”

Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge of Brisbane nhận định là tài liệu này cũng là hướng dẫn quý giá cho các người làm công tác mục vụ đồng hành với các cặp hôn nhân. Một đàng văn kiện vẫn theo giáo huấn của Tin mừng và Giáo hội, đàng khác là những thực hành khôn ngoan, là kết quả của kinh nghiệm mục vụ lâu dài cho các đôi bạn và gia đình. Đức Tổng Giám mục Paul-Andre Durocher của Gatineau, Quebec, nói: “phương thức tiếp cận này đã được các nhân viên mục vụ và các Linh mục khuyến khích từ lâu nhung bây giờ nó được cung cấp một nền tảng thần học chắc chắn hơn.” Theo Đức cha, tài liệu mời gọi chúng ta theo các giáo huần của Thánh kinh va Hội thánh cách nghiêm túc đồng thời cũng đón nhân thực tế là các đôi đang gặp khó khăn. (Catholic News Service 8/4/20169

Hồng Thủy OP

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

Họp báo công bố Tông Huấn về gia đình

VATICAN. Tông Huấn của ĐTC Phanxicô ”Amoris laetitia” (Niềm vui Yêu Thương) sẽ được công bố ngày thứ sáu 8-4-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Tông huấn đúc kết thành quả của hai Thượng HĐGM thế giới về gia đình: khóa đặc biệt tháng 10-2014 và khóa thường lệ thứ 14 tháng 10-2015.

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo có:

– ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới,

– ĐHY Christoph Schoenborn, OP, TGM giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo

– Đôi vợ chồng: Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli.

 Trong cuộc họp báo có thông dịch trực tiếp bằng tiếng Ý, Anh và Tây Ban Nha

 Ngoài ra, có thể theo dõi Video trực tiếp từ mạng của Đài Vatican: http://player.rv

 G. Trần Đức Anh OP

Mẹ Angelica qua đời hôm Chúa nhật Phục Sinh tại đan viện ở Hancevill, Alabama

Mẹ Angelica qua đời hôm Chúa nhật Phục Sinh tại đan viện ở Hancevill, Alabama

Mẹ Angelica

Irondale, AL. Mẹ Mary Angelica, nữ tu dòng chiêm niệm thánh Clara, người nổi tiếng thế giới như vị sáng lập mạng lưới Công giáo toàn cầu của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu đã từ trần vào lúc 5 giờ chiều giờ địa phương ngày Chúa nhật Phục sinh 27 tháng 3 vừa qua, hưởng thọ 92 tuổi.

Michael P. Warsaw, chủ tịch và giám đốc điều hành của đài truyền hình Lời vĩnh cửu nói: “Hôm nay là một ngày đầy đau buồn đối với toàn gia đình của hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu. Đối diện với thử thách của bệnh tật và đau đớn kéo dài, tấm gương vui tươi và cầu nguyện liên lỉ của mẹ chứng tỏ tinh thần Phanxicô mà mẹ gắn bó chặt chẽ. Chúng tôi cám ơn Chúa về Mẹ Angelica và về đời sống phi thường của mẹ”.

Mẹ Angelica sinh năm 1923 tại Canton, Ohio, với tên gọi là Rita Antoinette Rizzo. Ngày 15 tháng 8 năm 1944, ở tuổi 21, mẹ gia nhập dòng các nữ tu chiêm niệm thánh Clara ở Cleveland. Một năm sau mẹ nhận tên tu sĩ là Mary Angelica Truyền tin. Không lâu sau đó, khi đan viện ở Cleveland thành lập một đan viện mới ở Canton, mẹ đã được chọn đến tu viện mới này. Mẹ khấn lần đầu ngày 2 tháng 1 năm 1947, và khấn trọng vào năm 1953. Năm 1956, trước cuộc phẫu thuật xương sống nguy hiểm, mẹ đã khấn hứa với Chúa, nếu mẹ có thể đi lại được, mẹ sẽ lập một đan viện ở miền Nam. Vào ngày 20 tháng 5 năm 1962, Đức Tổng giám mục Thomas J. Toolen của Mobile đã dâng hiến đan viện Đức Bà các Thiên Thần tại Irondale, Alabama.

Tại Irondale này, những ý tưởng của mẹ đã hình thành và những cách thức đặc biệt giáo dục đức tin Công giáo đã dẫn đến việc thực hiện các cuộc nói chuyện trong các giáo xứ, xuất bản các tờ rơi và sách, rồi các cơ hội trên đài phát thanh và truyền hình. Vào khoảng năm 1980, các nữ tu đã biến gara xe của nình thành phòng thu của đài truyền hình. Dù chỉ có vốn kiến thức của học sinh trung học, không có kinh nghiệm gì về lãnh vực truyền hình, và với số vốn chỉ có 200 đô la trong nhà băng, vào ngày 15 tháng 8 năm 1981, Mẹ đã bắt đầu hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và làm chủ tịch và giám đốc điều hành. Dù vài lần gần bị khánh kiệt tài sản nhưng mẹ đã từ chối kiếm tiền bằng các quảng cáo, chỉ dựa vào sự đóng góp của các khán giả. Sau 34 năm, hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu là hệ thống truyền thông rộng lớn nhất thế giới với 11 kênh truyền hình riêng biệt bằng nhiều thứ tiếng, phát đến với hơn 264 triệu gia đình ở 145 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chương trình “Mother Angelica Live”, trong đó sự hài hước và khả năng thông truyền đức tin Công giáo cho cả người Công giáo và không Công giáo của mẹ được biết, bắt đầu năm 1983. Các chương kế tiếp của chương trình tiếp tục phát sóng đều đặn và được dịch sang các thứ tiếng, bao gồm tiếng Tây ban nha, Đức và Ucraina.

Bên cạnh việc thành lập hệ thống truyền hình Lời vĩnh cửu và đan viện Đức bà các Thiên Thần, Mẹ cũng thành lập dòng các nhà truyền giáo Phanxicô của Lời vĩnh cửu, một cộng đoàn nam tu, đặt trụ sở tại Irondale. Năm 1995, mẹ được Thiên Chúa soi sáng thành lập một đan viện mới và một nhà thờ trên khu đất rộng 400 mẫu tây ở vùng nông thôn Hanceville, Alabama. Vào năm 1999, các nữ tu đã di chuyển từ Irondale đến chỗ mới ở Hanceville này. Đan viện Đức bà các Thiên Thần và đền thánh Thánh Thể được dâng hiến vào tháng 12 năm 1999. Đền thánh này trở thành một trong những nơi được các khách du lịch thăm viếng nhiều nhất ở tiểu bang Alabama. Trước khi mẹ thôi giữ chức vụ Chủ tịch và giám đốc ban điều hành, tạp chí Time đã miêu tả mẹ Angelica “được cho là người phụ nữ Công giáo ảnh hưởng nhất Hoa kỳ.”

Trong cuộc đời mình, mẹ đã chiến đấu với bệnh tật và các thử thách thể lý. Vào đêm Giáng sinh năm 2001, mẹ đã bị đột quỵ vì suy nhược và xuất huyết não, dẫn đến hậu quả là mẹ bị liệt một phần và không thể nói được. Những năm cuối mẹ sống âm thầm lặng lẽ bên các chị em nữ tu trong đan viện ở Hanceville.

Vào năm 2009, mẹ được Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI trao huân chương “Pro Ecclesia et Pontifice” – “cho Giáo hội và Đức Giáo hoàng”,  nhìn nhận sự trung thành và việc phục vụ phi thường của mẹ cho Giáo hội Công giáo Roma. Huân chương này là một Thánh giá, là vinh dự cao nhất của Đức Giáo hoàng dàng cho giáo dân cũng như giáo sĩ. Vì tình trạng bệnh tật của mình nên mẹ đã nhận huân chương trong nơi ở cá nhân của mình. Nhưng trong một buổi lễ, Đức giám mục Robert J. Baker của Birmingham đã tuyên dương mẹ, ngài nói: “Những nỗ lực của mẹ Angelica đã đi tiên phong trong việc loan báo Tin mừng và có một ảnh hưởng to lớn trên thế giới chúng ta.” Đức Thánh Cha Phanxicô khi đang ở trên chuyến bay đến Cuba, cũng đã gửi lời chúc lành cho mẹ và xin mẹ cầu nguyện cho ngài.

Thánh lễ an táng của mẹ sẽ được cử hành vào thứ sáu ngày 1 tháng 4 tại đền thánh Thánh Thể ở Hanceville. Sau đó, thi hài mẹ sẽ được chôn cất tại nhà thờ hầm mộ của đền thờ. (EWTN 28/03/2016)

Hồng Thủy OP

Giáo Hội Công giáo Hoa kỳ có hàng ngàn thành viên mới vào dip lễ Phục Sinh

Giáo Hội Công giáo Hoa kỳ có hàng ngàn thành viên mới vào dip lễ Phục Sinh

Rửa tội Vọng Phục sinh

Các giáo phận trên khắp Hoa Kỳ đã báo cáo về cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ con số các dự tòng và ứng viên gia nhập Giáo hội vào đêm vọng Phục sinh năm nay. Dự tòng là những người chưa bao giờ được rửa tội, họ sẽ nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và rước lễ lần đầu vào đêm vọng Phục sinh. Còn các ứng viên là những người đã được rửa tội trong một truyền thống Ki-tô khác và phép rửa tội này được Giáo hội Công giáo công nhận. Những ứng viên này sẽ gia nhập Giáo hội qua một nghi thức tuyên xưng đức tin, và sau đó sẽ nhận bí tích Thêm sức và rước lễ lần đầu.

Có những giáo phận đón nhận hơn 1000 dự tòng và vài trăm ứng viên vào dịp này như Tổng giáo phận Los Angeles, giáo phận lớn nhất Hoa kỳ, sẽ đón nhận 1638 tín hữu mới; giáo phận Orange có 915 dự tòng và 622 ứng viên; tổng giáo phận New York chào đón 497 dự tòng và 1116 ứng viên, giáo phận Washington thì nhận 1375 tín hữu mới. Cũng có số đông dự tòng và ứng viên ở vùng Texas như giáo phận Forth Worth có 587 ứng viên và 626 dự tòng, trong khi giáo phận Austin có 359 dự tòng và 393 ứng viên.

Có một điều đặc biệt là trong nhiều giáo phận có các gia đình mà toàn bộ thành viên sẽ gia nhập Giáo hội trong đêm vọng Phục sinh này. Từ việc một thành viên trong gia đình mong muốn gia nhập Giáo hội Công giáo, các thành viên khác của gia đình cũng chia sẻ mong muốn tốt đẹp này và cùng đăng ký học hỏi gia nhập Giáo hội. Pamela Morrison, một giáo dân thuộc tổng giáo phận Philadelphia cho biết, cuộc trở lại của bà là một hành trình dài được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Bà và chồng của bà sẽ nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể vào đêm Vọng Phục sinh này. Bà nói: “Tôi đã biết đây là nơi tôi thuộc về, nhưng nó còn thêm một ơn nữa là chồng tôi sẽ gia nhập Giáo hội Công giáo với tôi.” Còn gia đình của Anthony và Kimberly Sim thì lại quyết định cùng gia nhập Giáo hội Công giáo khi con gái của họ, 12 tuổi, học sinh một trường Công giáo, bày tỏ ý định muốn được rửa tội. Một trường hợp khác ở tổng giáo phận Baltimore, một thiếu nữ 14 tuổi đã nhận đức tin Công giáo khi cô chiến đấu với bệnh ung thư. Phục sinh này cô sẽ cùng mẹ và 2 chị em khác lãnh nhận các bí tích khai tâm, trong khi cha của cô cũng sẽ sớm hoàn tất chương trình gia nhập đạo. (Zenit)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể ở Colosseo

Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể ở Colosseo

Đức Thánh Cha chủ sự Đàng Thánh Giá trọng thể ở Colosseo

ROMA. Lúc gần 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 25-3-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Hàng chục ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này, mặc dù các biện pháp an ninh và kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Các bài suy niệm cho buổi đi đàng thánh giá năm nay do ĐHY Gualtiero Bassetti, 74 tuổi TGM giáo phận Perugia, trung Italia, biên soạn, với chủ đề ”Thiên Chúa là lòng thương xót”. ĐHY nêu bật sự kiện: đứng trước những nỗi lo sợ của con người, trước đau khổ, bách hại và bạo lực, lòng thương xót chính là máng chuyển ân phúc từ Thiên Chúa cho tất cả mọi người.

Trong 14 chặng đàng thánh giá, ĐHY cũng nhắc đến những lời của Cha Mazzolari, cha Turoldo và thánh Gioan Phaolô 2, cũng như những suy tư về các tín hữu Kitô bị bách hại, người Do thái bị giết trong các trại tiêu diệt, các gia đình bị phân hóa, xâu xé, những biểu dương của kẻ cường quyền ngày nay. ĐHY nhấn mạnh rằng hành trình của Chúa Kitô tiến về đồi Golgotha chính là hồng ân thương xót tột cùng của Thiên Chúa đối với loài người. Trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đàng thánh giá, với những suy tư đi kèm, muốn chứng tỏ tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, qua thập giá, đối nghịch với sự nhỏ nhen của con người. Thân thể bị đánh đòn và hạ nhục của Chúa Giêsu cho thấy con đường công lý, công lý của Thiên Chúa biến đổi đau khổ dữ dằn nhất trong ánh sáng phục sinh.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt là một gia đình 4 người con ở Roma (II), một người tàn tật và em gái với một người phụ giúp (III), một gia đình khác gồm 4 người (IV), 4 người thuộc Trung tâm Bonsignori (V), một người Hoa và một người Nga (VI), hai người Paraguay và Bosni (VII), một gia đình Ecuador (VIII), hai người Uganda và Kenya (IX) hai người Mêhicô và Trung Phi (X), hai người Mỹ và Bolivia (XI), hai người Siria (XII), hai tu sĩ Phanxicô từ Thánh Địa (XIII).

Lời nguyện của ĐTC

Trong lời nguyện dài gồm 27 câu, thay bài huấn dụ vào cuối buổi đi đàng Thánh Giá trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người tại hí trường Colosseo ở Roma, ĐTC bắt đầu bằng câu:

Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, biểu tượng tình thương của Chúa và bất công của loài người, hình ảnh hy sinh tột cùng vì yêu thương và của sự ích kỷ tột độ vì điên rồ, dụng cụ chết chóc và con đường phục sinh, dấu chỉ vâng phục và biểu tượng sự phản bội, cột hành quyết và lá cờ chiến thắng.

Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, ngày nay chúng con vẫn còn thấy Thập Giá được dựng lên nơi các anh chị em chúng con bị giết hại, bị thiêu sinh, cắt cổ và chặt đầu bằng những lưỡi gươm man rợ và với sự im lặng hèn nhát.

Rồi ĐTC lần lượt nhắc đến những trẻ em, phụ nữ và nhiều người khác trốn chạy chiến tranh, trong khi bao nhiêu ”Philatô” ngày nay đang ”rửa tay”, chối bỏ trách nhiệm; rồi có những thừa tác viên bất trung, thay vì cởi bỏ những tham vọng hư vô của mình, thì họ lại tước bỏ phẩm giá của cả những người vô tội; những con tim chai đá của những người ung dung xét đoán người khác, những con tim sẵn sàng lên án tha nhân, nhưng không bao giờ thấy tội lỗi của mình; các trào lưu cực đoan và khủng bố của những tín đồ của vài tôn giáo trần tục hóa danh Thiên Chúa; những người muốn tháo gỡ Thập Giá khỏi nơi công và loại trừ khỏi đời sống công cộng; những kẻ cường quyền và buôn bán võ khí, nuôi dưỡng cái lò lửa chiến tranh; những tên trộm và những kẻ tham nhũng; những kẻ điên rồ đang kiến tạo những kho chứa để giữ những kho tàng hư nát, và để cho Lazzaro chết đói ngoài cửa; những người phá hủy ”căn nhà chung”, vì lòng ích kỷ họ làm hỏng tương lai của các thế hệ mai sau.

ĐTC không quên nhắc đến những người tốt lành và công chính làm điều thiện mà không tìm những lời hoan hô hoặc sự ngưỡng mộ của người khác. Ngài nói:

Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, ngày nay chúng con còn thấy Thập Giá Chúa nơi các thừa tác viên trung thành và khiêm tốn đang soi chiếu bóng đen của đời sống chúng con như những ngọn nến tiêu hao một cách nhưng không để soi chiếu cuộc sống của những người rốt cùng.

Ngài nhắc đến các nữ tu và những người thánh hiến – những người Samaritano nhân lành – âm thầm theo tinh thần Tin Mừng, bỏ tất cả để băng bó những vết thương do nghèo đói và bất công gây ra; người đơn sơ vui sống niềm tin của họ thường nhật và trong sự trung thành tuân giữ các giới răn theo tinh thần con thảo; những người thống hối, từ thẳm sâu lầm than tội lỗi của họ, biết kêu lên: Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong Nước Chúa! nơi các chân phước và các thánh biết tiến qua tăm tối của đêm đức tin mà không mất niềm tín thác nơi Chúa và không tự phụ mình hiểu sự im lặng huyền nhiệm của Chúa; các gia đình đang sống ơn gọi hôn nhân của họ trong sự chung thủy và phong phú; những người bị bách hại vì đức tin, trong đau khổ họ tiếp tục nêu chứng tá chân chính về Chúa Giêsu và Tin Mừng. (SD 25-3-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

VATICAN. Sáng 18-3-2016, ĐTC đã tiếp kiến 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng và sai thêm 270 gia đình từ 5 châu ra đi truyền giáo cho dân ngoại tại 56 cứ điểm.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến tại Đại Thính Đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, có vị người sáng lập Con đường này là Ông Kikô Arguello và bà Carmen Hernandez người Tây Ban Nha và cha Mario Pezzi, vị linh hướng. Ngoài ra có gần 20 HY và GM thuộc các giáo phận nơi có các thành viên Con đường Tân Dự Tòng.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đặc biệt mời gọi các thành viên Con đường Tân dự tòng vun trồng tình hiệp nhất trong tinh thần khiêm tốn, tìm kiếm vinh quang đích thực là tình yêu thương xót của Chúa, sau cùng là dấn thân loan báo Tin Mừng cho thế giới, cho các gia đình và tha nhân.

ĐTC đề cao tình hiệp thông trong Giáo Hội và cảnh giác chống lại cám dỗ của ma quỉ luôn tìm cách gieo rắc chia rẽ. Ngài nói: ”Tình hiệp thông là điều thiết yếu. Kẻ thù của Thiên Chúa và của con người là ma quỉ, hắn không thể làm gì chống lại Tin Mừng, chống lại sức mạnh khiêm tốn của lời cầu nguyện và các bí tích, nhưng hắn có thể gây hại rất nhiều cho Giáo Hội bằng cách cám dỗ nhân tính của chúng ta. Hắn khơi lên sự tự phụ, xét đoán người khác, khép kín, chia rẽ. Ma quỉ là kẻ chia rẽ và thường bắt đầu bằng cách làm cho chúng ta tưởng mình là tốt lành, thậm chí tốt lành hơn người khác, và thế là hắn có thửa đất sẵn sàng để gieo cỏ dại vào”.

ĐTC đề cao đoàn sủng mà các thành viên Con đường tân dự tòng nhận lãnh qua việc canh tân cuộc sống theo tinh thần bí tích rửa tội. Nhưng ngài cảnh giác: ”Đoàn sủng này có thể bị hư hỏng khi người ta khép kín, hoặc tự phụ, khi người ta muốn nổi bật hơn người khác. Vì thế cần phải bảo tồn đoàn sủng ấy bằng cách bước theo con đường tuyệt hảo là sự hiệp nhất trong khiêm tốn và vâng phục. Nếu có tinh thần như thế, thì Chúa Thánh Linh tiếp tục hoạt động, như Chúa đã làm nơi Mẹ Maria, cởi mở, khiêm tốn và vâng phục”.

Sau huấn từ, ĐTC đã làm phép các thánh giá truyền giáo các gia đình thừa sai cầm trong tay, và một số khác đặt trên khay. Rồi ngài trao riêng thánh giá cho các LM hướng dẫn 56 nhóm.

Trong số 56 cứ điểm truyền giáo mà ĐTC sai 270 gia đình với hơn 1.500 người con tới đó, có 14 cứ điểm ở Á châu, 30 tại Âu Châu, 4 ở Úc châu và 2 tại Mỹ châu. Mỗi nhóm truyền giáo được sai đi như thế gồm có 4 hoặc 5 gia đình, một LM, tức là khoảng 40 người. Tổng cộng có gần 2 ngàn người được nhận thánh giá truyền giáo. Thường thường các nhóm được gửi đến những vùng trong đó sự hiện diện của Kitô giáo bị sa sút như tại nhiều nước Âu Châu như Pháp, Ai Len, Thụy Điển, Anh quốc, v.v.

Như vậy, với các nhóm mới được sai đi lần này, tổng cộng có 184 cứ điểm truyền giáo của Con đường Tân dự tòng trên thế giới, trong đó có 48 tại Á châu và 106 tại Âu Châu, tất cả là 750 gia đình với gần 4 ngàn người con.

Tại Mỹ châu các gia đình được những nước như Canada, Hoa Kỳ, Peru và Brazil. Có một số nhóm đi Ấn độ và Trung Quốc. Việc gửi các gia đình này được thực hiện theo lời thỉnh cầu của các GM địa phương.

Con đường Tân Dự Tòng được thành lập năm 1964 do Ông Kiko Arguello và Bà Carmen Hernández tại Madrid, Tây Ban Nha. Hiện nay Con đường này hiện diện tại 128 quốc gia năm châu, với hơn 25 ngàn cộng đoàn tại gần 7 ngàn giáo xứ.

Con đường này cũng có hơn 100 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với hơn 2,500 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục. Từ năm 1989 đến nay có hơn 2 ngàn LM đã xuất thân từ các đại chủng viện vừa nói. (SD 18-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất ở Đài Loan

Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất ở Đài Loan

Động đất ở Đài Loan

VATICAN. ĐTC chia buồn với các nạn nhân động đất tại miền nam Đài Loan.

Trận động đất ở mức độ 6,4 theo thước Richer sáng chúa nhật 7-2 vừa qua ở vùng Đài Nam đã làm cho ít nhất 25 người chết và 500 người bị thương.

Trong điện văn, ĐHY Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh cho biết ”ĐTC rất đau buồn khai hay tin trận động đất đã gây ra đau thương chết chóc tại Đài Nam, làm cho nhiều người chết hoặc bị thương nặng. Ngài chia buồn và cầu nguyện cho các gia đình người quá cố và bị thương, cũng như cho các nhân viên cứu trợ và chính quyền dân sự. ĐTC phó thác linh hồn những người tử nạn cho lòng thương xót dịu hiền của Thiên Chúa và khẩn cầu dồi dào phúc lành an ủi và sức mạnh trên những người đang thương khóc cũng như những người bị tổn thương vì thảm trạng này” (SD 7-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Các Giám Mục Maronít Libăng lo ngại vì tình hình chính quyền thiếu quân lính

Các Giám Mục Maronít Libăng lo ngại vì tình hình chính quyền thiếu quân lính

Patriarch-Bechara-El-Rahi-

BEIRUT: Các Giám Mục Maronít bầy tỏ lo ngại vì tình trạng thiếu quân bình trong việc phân chia các chức vụ trong chính quyền, và các kitô hữu vẫn tiếp tục bị kỳ thị.

Trong thông cáo công bố sau phiên họp tại Toà Thượng Phụ Bekerkè, dưới sự chủ tọa của Đức Thượng Phụ Boutros Bechara Rai ngày mùng 3 tháng 2 vừa qua, các Giám Mục Maronít tố cáo tình trạng soi mòn thinh lặng sự hiện diện của các kitô hữu trong các chức vụ chính quyền, trước các thành phần Sciít và Sunnit ngày càng đông hơn, đặc biệt trong Bộ tài chánh. Theo thống kê mới đây chỉ có 27% các dự án do bộ thực hiện liên quan tới các vùng có tín hữu kitô sinh sống. Sự kỳ thị này là một hiện tượng gây hại cho sự chung sống quốc gia. Các vị yêu cầu các chính trị gia và các cơ cấu chính quyền tôn trọng khoản 95 trong Hiến Pháp khẳng định rằng các cộng đoàn tôn giáo phải được đại diện một cách công bằng trong việc quản trị công cộng.

Trong các ngày qua Giáo Hội Hy lạp Melkít cũng đã bầy tỏ các lo ngại tương tự. Trong thông cáo các Giám Mục Maronít cũng đánh giá tích cực việc xích lại gần nhau giữa các lực lượng chính trị maronít cho tới nay chống đối nhau.  Các vị hy vọng Libăng mau chóng ra khỏi tình trạng khủng hoảng chưa bầu được tổng thống từ tháng 5 năm 2014 tới nay (FIDES 5-2-2016).

FIDES NEWS

Sứ điệp ĐTC Phanxicô bế mạc Đại Hội Thánh Thể quốc tế ở Cebu

Sứ điệp ĐTC Phanxicô bế mạc Đại Hội Thánh Thể quốc tế ở Cebu

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô bế mạc Đại Hội Thánh Thể quốc tế ở Cebu

CEBU. ĐTC khích lệ các tín hữu trở thành thừa sai loan báo lòng thương xót của Chúa và ngài loan báo Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 52 sẽ tiến hành tại thành phố Budapest, thủ đô Hungari, vào năm 2020.

Sứ điệp của ĐTC được phổ biến vào cuối thánh lễ chiều ngày 31-1-2016 do ĐHY Đặc Sứ Charles Maung Bo, SDB, TGM Yangoon, Myanmar, chủ sự tại Cebu, để kết thúc Đại hội Thánh Thể thứ 51 tiến hành tại đây từ ngày 24 đến 31-1-2016. ĐTC nói với gần 1 triệu tín hữu hiện diện tại buổi lễ rằng:

 Anh chị em thân mến

Tôi chào tất cả anh chị em đang tụ họp tại Cebu tham dự Đại Hội Thánh Thể quốc tế thứ 51. Tôi cám ơn ĐHY Bo, đặc sứ của tôi nơi anh chị em và tôi đặc biệt chào thăm ĐHY Vidal, Đức TGM Palma và các Giám Mục, Linh Mục và tín hữu tại Cebu. Tôi chào thăm ĐHY Tagle và tất cả các tín hữu Công Giáo tại Philippines. Nhất là tôi vui mừng vì Đại Hội này đã đưa nhiều người từ Á châu rộng và từ nhiều nơi trên thế giới về đây với nhau.

Cách đây một năm, tôi đã viếng thăm Philippines sau cuồng phong Yolanda. Tôi đã có thể chứng kiến tận mắt niềm tin sâu xa và khả năng phục hồi của dân tộc này. Nhờ sự phù hộ của Chúa Hài Đồng, nhân dân Philippines đã nhận lãnh Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cách đây 500 năm. Từ đó, họ đã nêu gương cho thế giới về lòng trung thành và sùng mộ sâu xa đối với Chúa và Giáo Hội của Người. Họ cũng là một dân tộc thừa sai, chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng tại Á châu và cho tới cận cùng trái đất.

Đề tài Đại Hội Thánh Thể lần này – Chúa Kitô ở nơi anh chị em, Niềm Hy vọng vinh quang của chúng ta – thật là đúng lúc: nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu Phục Sinh luôn sinh động và hiện diện trong Giáo Hội của Người, nhất là trong Thánh Thể, bí tích Mình và Máu Chúa. Sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta không phải chỉ là một an ủi, nhưng còn là một lời hứa và là một lời kêu gọi. Đó là một lời hứa theo đó một ngày kia chúng ta sẽ được niềm vui vĩnh cửu và an bình trong vương quốc viên mãn của Người. Nhưng đó cũng là một lời kêu gọi hãy ra đi, như những thừa sai, để mang sứ điệp dịu dàng của Chúa Cha, ơn tha thứ và lòng từ bi thương xót cho mỗi người nam nữ và trẻ em.

Thế giới chúng ta đang cần sứ điệp này dường nào! Khi chúng ta nghĩ đến các cuộc xung đột, những bất công và các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ngày nay, chúng ta nhận thấy thật là điều quan trọng dường nào đối với mỗi Kitô hữu cần phải trở thành môn đệ thừa sai đích thực, mang Tin Mừng tình thương cứu độ của Chúa Kitô cho một thế giới đang rất cần sự hòa giải, công lý và hòa bình.

Vì thế, thật là một điều thích hợp vì Đại Hội Thánh Thể này được cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong đó toàn thể Giáo hội được mời gọi tập trung vào trọng tâm của Tin Mừng, đó là lòng thương xót. Chúng ta được kêu gọi mang thuốc thơm tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho toàn thể gia đình nhân loại, băng bó các vết thương, mang hy vọng tới những nơi mà tuyệt vọng dường như chiếm ưu thế.

Vào cuối Đại Hội Thánh Thể này, trong lúc anh chị em chuẩn bị ”đi ra”, có hai cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly tôi xin anh chị em suy tư. Cả hai đều liên hệ tới chiều kích truyền giáo của Thánh Thể. Đó là sự đồng bàn và rửa chân.

Chúng ta biết đối với Chúa Giêsu, việc chia sẻ bữa ăn với các môn đệ là điều rất quan trọng, và đặc biệt với những người tội lỗi và ở ngoài lề. Khi ngồi vào bàn, Chúa Giêsu có thể nghe những người khác, những chuyện đời của họ, đánh giá cao những hy vọng và ước mong, và nói với họ về tình thương của Chúa Cha. Trong mỗi thánh lễ, bàn tiệc của Chúa, chúng ta cũng phải noi gương Chúa, đi gặp tha nhân, trong tinh thần tôn trọng và cởi mở, để chia sẻ với họ hồng ân chúng ta đã nhận lãnh.

Tại Á châu, nơi mà Giáo Hội đang dấn thân trong cuộc đối thoại trân trọng với những tín đồ các tôn giáo khác, chúng ta biết chứng tá ngôn sứ này rất thường diễn ra qua cuộc đối thoại trong cuộc sống.

Chứng tá qua cuộc sống được tình thương của Chúa biến đổi, đối với chúng ta, đó là cách thức tốt đẹp nhất để công bố lời hứa vương quốc hòa giải, công lý và hiệp nhất cho gia đình nhân loại. Tấm gương của chúng ta có thể mở rộng các tâm hồn cho ơn của Chúa Thánh Linh, Đấng dẫn đưa họ về cùng Chúa Kitô Cứu Thế.

– Một hình ảnh khác Chúa cống hiến cho chúng ta trong bữa Tiệc Ly là việc rửa chân. Buổi tối trước khi ra đi chịu nạn, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ như dấu chỉ phục vụ khiêm tốn, yêu thương vô điều kiện, qua đó Chúa dâng hiến chính mạng sống của Ngài trên thập giá để cứu độ trần thế. Thánh Thể là trường dạy khiêm tốn phục vụ, dạy chúng ta sẵn sàng hiện diện cho tha nhân. Cả điều này cũng ở trung tâm sứ mạng làm môn đệ thừa sai.

Ở đây tôi nghĩ đến những hậu quả của cuồng phong. Nó đã gây ra tàn phá lớn lao ở Philippines, nhưng cũng khơi lên một làn sóng liên đới, quảng đại và lòng từ nhân mãnh liệt. Nhiều người dấn thân tái thiết không những gia cư của mình, nhưng cả cuộc sống nữa. Thánh Thể nói với chúng ta về sức mạnh nảy sinh từ thập giá và liên tục mang lại cho chúng ta sức sống mới. Thánh Thể thay đổi con tim, giúp chúng ta trở nên ân cần, bênh vực người nghèo, người dễ bị tổn thương và nhạy cảm đối với tiếng kêu của các anh chị em chúng ta đang ở trong cảnh túng thiếu. Thánh Thể dạy chúng ta hành động liêm chính và từ chối bất công, tham nhũng, làm ô nhiễm căn cội của xã hội.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Các bạn thân mến, ước gì Đại Hội Thánh Thể này củng cố anh chị em trong tình yêu đối với Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể. Ước gì Đại hội làm cho anh chị em, như những môn đệ thừa sai, có khả năng mang kinh nghiệm sâu xa này về tình hiệp thông của Giáo Hội và dấn thân truyền giáo cho các gia đình, giáo xứ, các cộng đoàn, và các Giáo Hội địa phương của anh chị em. Ước gì Đại Hội này là men hòa giải và an bình cho toàn thế giới.

Giờ đây, vào cuối Đại Hội này, tôi vui mừng loan báo rằng Đại hội Thánh Thể quốc tế lần tới đây sẽ diễn ra tại Budapest, Hungari, vào năm 2020. Tôi xin tất cả anh chị em hiệp với tôi để cầu nguyện cho Đại Hội Thánh Thể tới đây được phong phú về đàng thiêng liêng và xin Chúa Thánh Linh đổ tràn ơn thiêng trên tất cả những người dấn thân trong công cuộc chuẩn bị. Trong khi anh chị em trở về nhà được canh tân trong đức tin, tôi vui lòng ban phép lành Tòa Thánh cho anh chị em và gia đình anh chị em, như bảo chứng niềm vui và an bình lâu bền trong Chúa.

 Xin Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần chúc lành cho anh chị em.

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý