Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Chính Thống Ethiopie

Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Chính Thống Ethiopie

VATICAN. ĐTC bày tỏ kinh hoàng và đau buồn sâu đậm vì vụ 28 tín hữu Chính Thống Ethiopie bị nhóm Hồi giáo cực đoan ở Libia giết hại hôm 19-4-2015.

Trong điện văn ngày 20-4-2015 gửi đến Đức Thượng Phụ Abuna Matthias, Giáo Chủ Chính Thống Ethiopie viết:

”Tôi rất kinh hoàng và đau buồn khi hay tin bạo lực lại xảy ra cho các tín hữu Kitô vô tội tại Libia. Tôi biết Đức Thượng Phụ rất đau khổ vì những hành vi tàn bạo mà nạn nhân là các tín hữu yêu quí của Đức Thượng Phụ, họ bị giết chỉ vì là môn đệ của Chúa Giêsu Cứu Thế của chúng ta. Tôi bày tỏ tình liên đới rất sâu đậm với Đức Thượng Phụ và sự gần gũi của tôi trong kinh nguyện đứng trước cuộc tử đạo liên tục giáng xuống một cách tàn bạo trên các tín hữu Kitô tại Phi châu, Trung Đông và một số miền ở Á châu”.

”Không có sự khác biệt nào giữa các tín hữu Kitô, Copte, Chính Thống hay Tin Lành. Máu của họ đều giống nhau trong sự tuyên xưng Chúa Kitô! Máu của các anh chị em Kitô chúng ta là một chứng tá kêu gào để được sự lắng nghe của tất cả những người chưa biết phân biệt giữa thiện và ác. Và tiếng kêu này phải được lắng nghe, nhất là những người nắm vận mạng của các dân tộc”.

Và ĐTC nhận định rằng: ”Trong thời kỳ này, chúng ta đầy tràn niềm vui Phục Sinh của các môn đệ mà các phụ nữ đã loan báo cho họ ”Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết”. Năm nay, niềm vui của chúng ta không giảm bớt, nhưng bị lu mờ vì đau khổ. Tuy nhiên chúng ta biết rằng cuộc sống chúng đang sống trong tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa mạnh hơn sự đau khổ mà tất cả các tín hữu Kitô đang phải chịu, một sự đau khổ liên kết những người nam nữ thiện chí thuộc mọi truyền thống tôn giáo.”

”Với tâm tình chia buồn sâu đậm, tôi trao đổi với Đức Thượng Phụ vòng tay ôm hòa bình trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”.

Theo Đài phát thanh Đức (Deutsche Welle) và báo trực tuyến ”Phóng viên” (Reporter) của Ethiopie, cái gọi là ”Nhà nước hồi giáo” IS đã truyền đi trên mạng một băng Video dài khoảng 20 phút trình bày vụ chặt đầu 12 tín hữu Kitô trên một bãi biển, và 16 người khác bị bắn vào đầu tại một vùng sa mạc. Các nạn nhân ấy bị những tên lý hình trình bày là ”Đồ đệ của thập giá thuộc Giáo Hội Ethiopie thù địch”. Nhóm thứ I bị nhóm Hồi giáo bắt tại một tỉnh phía đông và nhóm thứ hai ở miền nam Libia.

Một người võ trang bịt mặt trong băng Video tuyên bố rằng ”Các tín hữu Kitô phải trở lại Hồi giáo hoặc phải trả thuế đặc biệt, theo qui luật của sách Coran”.

Người ta chưa biết danh tánh 28 tín hữu Ethiopie bị giết. Theo bộ trưởng truyền thông của Ethiopie, Ông Redwan Hussein, các tín hữu ấy có là là những người di dân Ethiopie bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS bắt cóc tại Libia. Có nhiều người Ethiopie đến nước này để tìm công ăn việc làm hoặc hy vọng sẽ vượt biên bằng đường biển để vào Âu Châu (Apic, SD 20-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lễ an táng ĐHY Tucci, cựu Giám đốc Radio Vatican

Lễ an táng ĐHY Tucci, cựu Giám đốc Radio Vatican

Cardinal Tucci

Thánh lễ cầu nguyện cho ĐHY Roberto Tucci diễn ra hôm thứ sáu tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Ngài là Giám Đốc Đài Phát Thanh Vatican từ 1973 đến 1985, đã mất hôm 15/4 thọ 93 tuổi. Chúa nhật 19/4 sẽ là ngày tròn 94 tuổi nếu ngài còn sống.

Sinh tại Napoli (nước Ý), HY Tucci đã gia nhập Dòng Tên lúc còn rất trẻ, thụ phong linh mục năm 1950 và được biết đến nhiều nhất trong vai trò là người tổ chức các chuyến viếng thăm vượt đại dương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Chủ tế thánh lễ án táng ngài là ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn. Trong bài giảng lễ, Đức Hồng Y Sodano lấy cảm hứng từ Sách Khải Huyền, tường thuật cảnh thánh Gioan Tông đồ đã nghe tiếng từ trời nói rằng “Phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa”. Ngài nói những lời Kinh Thánh này diễn tả kết quả của những ai đã sống trong Chúa, Đấng là đường, là sụ thật và sự sống của chúng ta.

Trích dẫn những lời chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Sodano nói cố Hồng y Tucci “lưu lại nơi chúng ta hình ảnh một cuộc sống bận rộn và năng động , trung tín và nhiệt thành với ơn gọi tu sĩ và linh mục của mình, luôn quan tâm tới nhu cầu của người khác và trung thành với Tin Mừng. ” Đây là di sản ngài để lại cho chúng ta.

Sau thánh lễ, ĐTC Phanxicô chủ sự nghi thức tiễn biệt.

Vatican News

Đức Thánh Cha lên án trào lưu bài Do thái tăng tại Âu Châu

Đức Thánh Cha lên án trào lưu bài Do thái tăng tại Âu Châu

VATICAN. Sáng ngày 20-4-2015, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn của Hội đồng các Rabbi Do thái Âu Châu lần đầu tiên và ngài lên án trào lưu bài Do thái đang gia tăng tại đại lục này.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC chia buồn về việc Rabbi Elio Toaff (1915-2015), nguyên Rabbi trưởng của Cộng đoàn Do thái ở Roma mới qua đời tối ngày 19-4-2015, và với lòng biết ơn, ngài nhắc đến Cố Rabbi như một người hòa bình và đối thoại, đã đón tiếp ĐGH Gioan Phaolô 2 tại Đền thờ lớn của Do thái giáo ở Roma.

ĐTC cũng kêu gọi các tín hữu Do thái và Kitô cộng tác với nhau để duy trì cảm thức tôn giáo nơi con người ngày này. Ngài nói: ”Ngày nay tại Âu Châu, một điều rất quan trọng là làm nổi bật chiều kích tinh thần và tôn giáo của đời sống con người. Trong một xã hội ngày càng bị tục hóa và bị trào lưu vô thần đe dọa, người ta có nguy cơ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Con người thường bị cám dỗ đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, coi mình là tiêu chuẩn của mọi sự, nghĩa mình có thể kiểm soát mọi điều, cảm thấy mình được phép sử dụng tất cả những gì xung quanh theo phán đoán của mình. Điều rất quan trọng là nhớ rằng sự sống của chúng ta là một ân huệ của Thiên Chúa và chúng ta phải tín thác vào Chúa.. Các tín hữu Do thái và Kitô có hồng ân và trách nhiệm góp phần duy trì sinh động cảm thức tôn giáo của con người ngày nay và của xã hội chúng ta, làm chứng về sự thánh thiện của Thiên Chúa và của đời sống con người. Thiên Chúa là Đấng thánh và sự sống con người mà Chúa ban cũng là thánh thiêng và bất khả xâm phạm”.

ĐTC cũng bày tỏ lo âu vì xu hướng bài Do thái và một số hành vi oán thù và bạo lực ở Âu Châu. Ngài nói: ”Mỗi tín hữu Kitô phải quyết liệt lên án mọi hình thức bài Do thái, biểu lộ tình liên đới của mình với dân tộc Do thái” (Xc N.A 4). Mới đây chúng ta đã kỷ niệm 70 năm cuộc giải phóng trại tập trung Auschwitz, nơi đã diễn ra đại thảm hạa Shoah, diệt chủng Do thái. Ký ức về những gì đã xảy ra giữa lòng Âu Châu phải là lời cảnh giác cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Cũng cần lên án ở mọi nơi những biểu hiện oán thù và bạo lực cHóng các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo khác”.

Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Rabbi Pinchas Goldschmidt, Rabbi trưởng ở Mascơva và là Chủ tịch Hội đồng Rabbi Âu Châu, nói đến sự kiện nhiều người Do thái ở Âu Châu cũng đang cảm thấy mình giống như các tín hữu Kitô ở Trung Đông hiện nay mặc dù nhiều chính phủ Âu Châu đã đề ra các biện pháp bảo vệ người Do thái. Người Do thái và các cơ sở Do thái bị những thành phần nhập cư cực đoan từ Trung Đông tấn công, và đàng khác người Do thái Âu Châu cũng phải chịu những công hiệu phụ do các chiến dịch bài người Hồi giáo ở Âu Châu gây ra. (SD 20-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago, qua đời

Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago, qua đời

George-Cardinal-Formal-Portrait-cropped

CHICAGO. ĐHY Francis George, nguyên TGM giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, đã qua đời ngày 17-4-2015, hưởng thọ 78 tuổi, sau gần 10 năm chiến đấu với bệnh ung thư.

ĐHY George là người đầu tiên sinh trưởng tại Chicago được bổ nhiệm làm TGM giáo phận này. Ngài thuộc dòng Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), làm giáo sư triết học, rồi làm giám tỉnh trước khi làm Tổng đại diện của dòng ở Roma trong 12 năm trời. Năm 1990, ngài được bổ nhiệm làm GM giáo phận Yakima, bang Washington, sau đó thăng TGM giáo phận Portland, Oregon, nhưng chỉ 1 năm sau đó người được thuyên chuyển về Chicago, thăng Hồng Y năm 1998, rồi về hưu hồi năm 2014. ĐHY từng làm Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ.

Đức Cha Blase Cupich, đương kim TGM Chicago, nói rằng trong cuộc đời ĐHY George đã vượt thắng nhiều trở ngại để trở thành LM, không để cho những giới hạn thể lý làm giảm bớt lòng nhiệt thành tông đồ. Ngài bị bệnh sốt tê liệt (polio) hồi còn nhỏ nên đi khập khiễng. Trong gần 10 năm cuối đời, ngài chiến đấu với bệnh ung thư.

ĐTC đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Chicago: Đức TGM Cupich, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận. Ngài viết; ”Với lòng biết ơn vì chứng tá của ĐHY George về đời sống thánh hiên như một Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm. sự phục vụ của Đức Cố Hồng Y trong việc tông đồ giáo dục của Giáo Hội và những năm Người phục vụ như Giám Mục trong các giáo phận Yakima, Portland và Chicago, tôi cùng với Đức Cha phó thác linh hồn vị mục tử khôn ngoan và nhân hậu này cho lòng thương xót của Chúa, là Cha chúng ta trên trời. Tôi chân thành ban phép lành Tòa Thánh như bảo chứng ơn an ủi và niềm an bình trong Chúa, cho tất cả những ai đang khóc thương Đức Cố Hồng Y trong niềm hy vọng chắc chắn về sự phục sinh.”

Với sự qua đi của ĐHY George, Hồng y đoàn còn 223 vị, trong đó có 121 Hồng y cử tri, và chúa nhật 19-4-2015 này, số Hồng y trở lại con mức độ bình thường theo luật định tối đa là 120 vị, khi ĐHY Justin Rigali, nguyên TGM Philadelphia Hoa Kỳ, tròn 80 tuổi. (CNS 17, SD 18-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Trở nên nhân chứng Phục Sinh bằng đời sống

Trở nên nhân chứng Phục Sinh bằng đời sống

VATICAN. Trưa ngày Chúa nhật 19.04.2015, ĐTC đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy trở nên nhân chứng cho Đấng Phục Sinh bằng đời sống Kitô hữu của chính mình.

Sau đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC, Ngài nói:

"Trong các bài đọc Kinh Thánh của phụng vụ hôm nay, ngôn từ “chứng nhân” được nhắc đi nhắc lại những hai lần. Lần đầu tiên, ngôn từ ấy phát xuất từ môi miệng của Phêrô: sau khi đã chữa lành người què tại cửa Đền thờ, ông đã lớn tiếng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Ngôn từ ấy xuất hiện lần thứ hai từ môi miệng của Đức Giêsu Phục Sinh: chiều tối ngày lễ Vượt Qua, Ngài đã mở lòng mở trí cho các môn đệ về mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của mình và Ngài nói với họ: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48).

Các tông đồ, những người đã tận mắt nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh, chẳng thể nào câm nín về kinh nghiệm dị thường của họ. Đức Giêsu đã tự tỏ mình ra cho các tông đồ để rồi chân lý về sự sống lại của Ngài được tất cả mọi người lãnh hội thông qua chứng từ của các tông đồ."

Nhắc đến sứ mạng của Giáo Hội phải làm chứng cho Đấng Phục Sinh, ĐTC nói:

Và Giáo Hội có nghĩa vụ phải tiếp tục sứ mạng này: những ai đã chịu phép rửa đều được kêu gọi để làm chứng, bằng lời nói và đời sống, rằng Đức Giêsu đã sống lại, Ngài hằng sống và hiện diện giữa chúng ta. 

Chúng ta có thể tự chất vấn mình: nhưng nhân chứng là ai? Nhân chứng là người đã chứng kiến nên đã hồi tưởng và thuật lại. Nhìn thấy, hồi tưởng và thuật lại là ba động từ diễn tả căn tính và sứ mạng của nhân chứng. Nhân chứng là người đã nhìn thấy bằng con mắt khách quan một thực tại, nhưng không phải với con mắt dửng dưng; nhân chứng đã nhìn thấy và dính líu đến biến cố. Vì thế, hồi tưởng lại, không phải chỉ bởi vì người ta tái thiết lại biến cố đã diễn ra một cách chính xác, nhưng bởi vì những biến cố này đã ngỏ lời với nhân chứng và người này lãnh hội biến cố ấy một cách sâu xa. Và rồi nhân chứng thuật lại, không phải với một cách thức lạnh lùng và xa cách, nhưng như thể một người để cho mình dính líu đến sự việc và từ ngày đó nhân chứng đã thay đổi  cuộc sống mình. Chứng nhân là người đã làm cho đời sống mình biến đổi.

Nội dung của chứng tá Kitô giáo không phải là một lý thuyết, một ý thức hệ hay một hệ thống phức tạp của giáo huấn và cấm đoán hay là chủ nghĩa duy đạo đức, nhưng như một sứ điệp của cứu độ, một sự kiện cụ thể, đúng hơn là một Con Người: là Đấng Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu chuộc hằng sống và duy nhất của tất cả mọi người. Ngài có thể được minh chứng bởi những ai đã có kinh nghiệm cá nhân với Ngài, trong cầu nguyện và qua Giáo Hội, ngang qua cuộc lữ hành được đặt nền nơi Bí tích Thánh Tẩy, từ sự nuôi dưỡng của Bí tích Thánh Thể, từ dấu ấn của Bí tích Thêm Sức, và sự hoán cải liên lỉ của họ nơi Bí tích Hòa giải. Để biết ơn cuộc lữ hành này, vốn luôn được Lời Chúa hướng dẫn, mỗi Kitô hữu có thể trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh."

Nhắc đến chứng từ cần thiết của Kitô hữu cho Đấng Phục Sinh, ĐTC nói:

Và chứng từ của họ sẽ càng khả tín hơn nếu nơi họ toát lên sắc nét lối sống của tin mừng là hoan hỷ, can đảm, ôn hòa, bình an, biết thương xót. Ngược lại nếu Kitô hữu để cho mình rơi vào sự tiện nghi, sự kiêu ngạo, hay tính vị kỷ và nếu họ trở nên câm điếc và mù lòa trước đòi buộc phải làm cho  biết bao nhiêu anh chị em khác được “sống lại”, thì làm sao Kitô hữu có thể loan truyền rằng Đức Giêsu hằng sống, Ngài có uy quyền giải thoát và sự âu yếm của Ngài đến vô ngần vô hạn được ?

Đức Maria từ mẫu, phù trợ chúng ta cùng với sự chuyển cầu của Mẹ, để rồi chúng ta có thể trở nên những nhân chứng cho Đấng Phục Sinh, cùng với những giới hạn của mình, và cả với ân huệ của đức tin, hầu mang lại cho mọi người chúng ta gặp gỡ những tặng phẩm của Phục Sinh là niềm vui và bình an."

Sau kinh lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã gửi lời chào đến tất cả khách hành hương đến từ nước Ý và khắp mọi nơi trên thế giới. Ngài nhắc đến những tin tức liên quan đến thảm kịch mới xảy ra trước đó ở vùng biển Địa Trung Hải. Một xà lan chở đầy người di dân đã bị lật úp đêm hôm qua cách bở biển Libia khoảng 60 hải ký và người ta lo lắng rằng có hàng trăm nạn nhân nơi đó. ĐTC đã diễn tả nỗi đau buồn của ngài khi đối diện với thảm kịch này và ngài đoan chắc sẽ tưởng nhớ đến những người thiệt mạng và gia đình của họ trong lời cầu nguyện của mình. ĐTC đưa ra lời kêu gọi cách phiền não để cộng đồng quốc tế hành động với tính quả quyết và sự khẩn trương, hầu tránh cho những thảm kịch tương tự khỏi lặp lại.          

ĐTC  nhắn nhủ rằng Chúa nhật hôm nay ở Torino cũng bắt đầu cuộc trưng bày trọng thể tấm khăn liệm thành Turin. Ngài cũng nói rằng nếu Chúa muốn, Ngài sẽ đến viếng khăn liệm vào ngày 21 tháng 06 tới. Ngài nguyện chúc cho hành vi tôn kính này có thể giúp mọi người tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa, và nhận ra Ngài nơi khuôn mặt của anh chị em mình, đặc biệt nơi những người đau khổ nhất. Trước khi chào tạm biệt mọi người, ĐTC không quên nhắn nhủ mọi người cầu nguyện cách đặc biệt cho Ngài.

Jos. Nguyễn Huy Mai – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi gây ý thức về tệ nạn buôn người

Đức Thánh Cha kêu gọi gây ý thức về tệ nạn buôn người

VATICAN. ĐTC kêu gọi Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội nỗ lực gây ý thức nơi dư luận quần chúng về tệ nạn buôn người và những hình thức nô lệ mới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-4-2015, dành cho 45 thành viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội.

ĐTC nhận xét rằng ”trong chế độ kinh tế hoàn cầu hiện nay chịu sự thống trị của lợi lộc, có những hình thức nô lệ mới nảy sinh, một cách nào đó chúng tệ hại và vô nhân đạo hơn cả những thứ nô lệ trong quá khứ. Vì thế, theo sứ điệp cứu độ của Chúa, chúng ta được kêu gọi tố giác và bài trừ những hình thức ấy. Nhất là chúng ta phải làm cho mọi người ý thức về tai ương mới này trên thế giới mà nhiều khi người ta muốn che giấu.”

ĐTC tái lên án nạn buôn người, cưỡng bách lao động, mại dâm, buôn bán cơ phận người là ”những tội ác rất nặng nề, một vết thương trong thân thể nhân loại ngày nay. Ngoài ra cần tìm những phương thế thích hợp để trừng phạt những người đồng lõa với thị trường vô nhân đạo này, cải tiến cách thức giải thoát và giúp các nạn nhân tái hội nhập vào xã hội, canh tân những qui luật về quyền tị nạn. Cần giúp các nhà cầm quyền dân sự ý thức về tính chất trầm trọng của thạm trạng này, nó là một sự thoái hóa của nhân loại”. (SD 18-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến và cám ơn Quỹ Giáo Hoàng

Đức Thánh Cha tiếp kiến và cám ơn Quỹ Giáo Hoàng

VATICAN. Sáng ngày 17-4-2015, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến và cám ơn các thành viên Ngân Quỹ Giáo Hoàng (Papal Foundation) ở Mỹ về Roma hành hương thường niên và trao cho ĐTC ngân khoản của Quỹ này để trợ giúp các hoạt động từ thiện và tông đồ.

Phái đoàn do ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận thủ đô Washington, hướng dẫn. Ngài cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Giáo Hoàng. Cùng đi với ngài có 225 người gồm ban quản trị, các thành viên và cộng tác viên.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhận định rằng ”Các dự án thuộc nhiều loại khác nhau được Ngân Quỹ Giáo Hoàng tài trợ chứng tỏ những cố gắng không ngừng của Giáo Hội thăng tiến sự phát triển toàn diện của gia đình nhân loại, ý thức về những nhu cầu rất lớn và thường nhật của nhiều anh chị em chúng ta. Quỹ Giáo Hoàng cũng dành một phần lớn tài nguyên của mình cho việc giáo dục và huấn luyện các LM trẻ, tu sĩ nam nữ và giáo dân, giúp đỡ để sớm đến ngày các Giáo Hội địa phương của họ có thể tự lập và trong truyền những thành quả của lòng quảng đại ấy cho tha nhân”.

ĐTC cũng nhắc đến Năm Thánh đặc biệt sắp bắt đầu về lòng thương xót của Chúa và cầu mong mỗi thành viên Quỹ Giáo Hoàng được Chúa củng cố tình thương của Chúa nơi bản thân, cảm nghiệm sự chữa lành và tự do đến từ cuộc gặp gỡ với sự tha thứ và tình yêu nhưng không được cống hiến trong bí tích Hòa giải và Thánh Thể.

Ngân Quỹ Giáo Hoàng do Đức cố Hồng Y John Kroll TGM giáo phận Philadelphia thành lập cách đây 25 năm và có trụ sở tại thành phố này. Hàng năm tổ chức này vẫn cấp học bổng cho nhiều linh mục, tu sĩ và nữ tu, trong đó cũng có một số người Việt Nam. Tổng cộng quĩ này đã tài trợ 111 triệu mỹ kim cho việc xây cất nhà thờ, chủng viện, trường học, nhà thương hoặc các dự án săn sóc người nghèo trên thế giới.

Theo phúc trình, trong năm 2014, Quỹ Giáo Hoàng cấp học bổng cho 84 LM, tu sĩ nam nữ, trong số này có một số LM, tu sĩ người Việt học tại các Đại học và Học viện Giáo Hoàng ở Roma (SD 17-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh

Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh

Niên giám Tòa Tháng 2015

VATICAN. Sáng ngày 16-4-2015, Niên giám mới của Tòa Thánh, 2015, đã được đệ trình ĐTC.

Hiện diện trong buổi đệ trình có các chức sắc thuộc Văn phòng thống kê trung ương của Tòa Thánh, và 3 vị lãnh đạo thuộc dòng Don Bosco đặc trách nhà in Vatican, trong đó có thầy Đaminh Nguyễn Đức Nam, giám đốc kỹ thuật của cơ sở ấn loát này.

Thông cáo của Văn phòng thống kê của Tòa Thánh cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 22-2 năm 2014 đến 14-2 năm 2015, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm 3 tổng giáo phận 4 giáo phận và 2 đơn vị hành chánh khác.

Số tín hữu Công Giáo trong Giáo Hội từ năm 2005 đến 2013 tăng 12% tức là từ 1 tỷ 115 triệu lên 1 tỷ 254 triệu, tức thêm có thêm 139 triệu tín hữu, và hiện nay chiếm 17.7% trên tổng số 7 tỷ 94 triệu người trên thế giới. Sự tăng trưởng số tín hữu Công Giáo mạnh nhất là tại Phi châu, tăng 34%, tức là tù 153 triệu hồi năm 2005 lên 206 triệu trong năm 2013. Dân Công Giáo tại Mỹ châu tăng 10.5% và tại Á châu tăng 17.4% trong cùng thời gian vừa nói.

Tổng số nhân viên mục vụ của Giáo Hội gồm các GM, LM, Phó tế, tu sĩ nam nữ và thừa sai giáo dân tính đến cuối năm 2013 là 4 triệu 762 ngàn 458 người, tức là tăng thêm gần 300 ngàn người so với năm 2005. Trong số các nhân viên này có 5,173 giám mục (tăng thêm 40 vị so với năm 2012. Số linh mục là 415.348 vị. (SD 16-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khích lệ nỗ lực hòa giải của các Giám Mục Kenya

Đức Thánh Cha khích lệ nỗ lực hòa giải của các Giám Mục Kenya

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các GM Kenya trong nỗ lực hòa giải các phe phái và sắc tộc tại nước này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài huấn dụ trao cho 25 GM Kenya tại buổi tiếp kiến sáng ngày 16-4-2015 nhân dịp các vị bắt đầu tuần lễ hành hương Roma, viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngài viết:

”Giáo Hội tại Kenya phải luôn trung thực với sứ mạng của mình như một dụng cụ hòa giải, công lý và hòa bình. Trung thành với toàn thể gia sản đức tin và giáo huấn luân lý của Giáo Hội, anh em có thể củng cố quyết tâm cộng tác với các vị lãnh đạo Kitô và không Kitô, trong việc thăng tiến hòa bình và công lý tại đất nước anh em, qua đối thoại, tình huynh đệ và thân hữu. Như thế, anh em có thể đồng thanh và can đảm hơn trong việc tố giác mọi bạo lực, nhất là những bạo lực người ta phạm nhân danh Thiên Chúa”.

ĐTC cũng khẳng định rằng ”cùng với anh em, tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị giết vì những hành vi khủng bố hoặc xung đột chủng tộc, bộ tộc tại Kenya cũng như tại các vùng khác ở Phi châu. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người bị giết tại Đại học Garissa hôm thứ sáu Tuần Thánh vừa qua”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhắc nhở các GM đặc biệt gần gũi và dành thời giờ cho các LM thuộc quyền. Ngài khích lệ các vị trong việc mục vụ gia đình, củng cố những gia đình đang phải chiến đấu vì hôn nhân tan vỡ, thiếu chung thủy, nghiệm ngập hoặc bạo lực, tăng cường việc mục vụ giới trẻ, huấn luyện họ trở thành những môn đệ có khả năng dấn thân trường kỳ và hiến thân, dù trong hôn nhân hay trong đời sống LM và tu trì”.

”Tuy không xen mình vào những việc trần thế, nhưng Giáo Hội cũng phải nhấn mạnh với những người ở vị thế lãnh đạo và cầm quyền về các nguyên tắc luân lý thăng tiên công xích và xây dựng xã hội như một tập thể”.

Kenya rộng 610 ngàn cây số vuông, với khoảng 42 triệu dân cư, thuộc hơn 40 nhóm chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau, và tại đây thường có những chia rẽ và xung đột bộ tộc, ảnh hưởng trên chính trị và kinh tế.

Các tín hữu Công Giáo chiến 31,2% dân số và thuộc 4 tổng giáo phận, 20 giáo phận (SD 16-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tình hình hỗn loạn tại Lybia. Mùa thu của các mùa xuân Á rập

Tình hình hỗn loạn tại Lybia. Mùa thu của các mùa xuân Á rập

Tình hình hỗn loạn tại Lybia, “Mùa thu của các mùa xuân Á rập”.

Phỏng vấn ông Roberto Tottoli, giáo sư Đại học Đông Phương Napoli, nam Italia 

Sáng ngày mùng 8 tháng 4 vừa qua tướng Khalifa Haftar, tổng chỉ huy các lực lượng quân đội Lybia của chính quyền Tobruk đã bị thương trong một vụ mưu sát. Người ta chưa được  biết các chi tiết vụ và nơi chốn vụ mưu sát, nhưng có vài nguồn tin cho rằng các kẻ chủ mưu thuộc thành phần quân đội, nhất là đại tá Faraj Barasi, có nhiều quan điểm khác biệt với tướng Haftar. Tin trên đây khiến cho nhiều người âu lo, vì trong tình hình hỗn loạn hiện nay tại Libia tướng Haftar là người dại diện cho chính quyền được cộng đồng quốc tế thừa nhận và chính quyền Ai Cập ủng hộ.  Sự biến mất của ông sẽ tạo ra một sự bất ổn và hỗn loạn chính trị trầm trọng hơn nữa đối với tương lai của Lybia, vì Libia đang tìm thành lập một chính quyền hợp nhất quốc gia, trong khi đó lại có nhiều lực lượng chống lại nỗ lực này.

Tin tức trong những ngày qua cũng cho biết rằng lực lượng Ansar al-Sharia, là nhóm thánh chiến hồi mạnh nhất kiểm soát tỉnh Bengasi, đã thề trung thành với Nhà Nước Hồi. Hôm Chúa Nhật mùng 5 tháng 4 lãnh tụ tinh thần và quân sự của nhóm này là Abu Abdullah al-Libi, đã phổ biến một video quảng bá sứ điệp, theo đó ông đã lý thuyết hóa giá trị pháp lý của Nhà Nước Hồi giáo bên Iraq và Siria gọi tắt là ISIS.

Trong khi đó ba nước Italia, Ai Cập và Algeria đã đồng ý trao đổi tin tức và củng cố các nỗ lực chung nhằm chống lại các lực lượng khủng bố gia tăng tại Libia, và ủng hộ đề nghị của Liên Hiệp Quốc thành lập một chính quyền hiệp nhất quốc gia. Tại Roma đã có cuộc hội kiến của ngoại trưởng  Italia ông Gentiloni với ngoại trưởng Sameh Shoukri của Ai Cập và ông Abdelkader Messahel, bộ truởng của Algeria về các vấn đề ngoại giao với các nước Phi châu vùng Magreb.

Ngoại trưởng Gentiloni cũng đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Lybia là ông Ageela Saleh Gwaider, đại diện cho chính quyền Tobruk hay các cơ cấu được cộng đồng quốc tế thừa nhận, mặc dù thủ đô Tripoli nằm trong tay liên minh Alba Libica, gồm nhiều nhóm hồi không thừa nhận quốc hội đang lánh nạn tại Tobruk cũng như chính quyền có trụ sở tại Beida.

Tin ngày mùng 8 tháng 4 cũng cho biết vài lãnh tụ quan trọng của liên minh Alba Libica  là Adbel Hakim Belhaj và Wissam bin Hamid đã bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ trước tin các binh sĩ quân đội quốc gia của tướng Khalifa Haftar đang tiến về thủ đô Tripoli, sau khi bắt đầu cuộc tổng tấn công hồi tháng 3 vừa qua. Ngoài ra cũng có tin là 1500 chiến binh hồi giáo người Tunisi đã được huấn luyện trong các trại binh của lực lượng Anwar al Sharia bên Libia sẵn sàng tham chiến. Libia bị chia thành ba vùng khác nhau: các nhóm hồi thuộc liên minh Alba Libica chiếm cứ thủ dô Tripoli từ tháng 8 năm ngoái, quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận tại Tobruk và các lực lượng hồi quá khích muốn tự trị tại Bengasi.

Sau đây chúng tôi xin giử tới quý vị một số nhận định của ông Roberto Tottoli, giáo sư Đại học Đông Phương Napoli, nam Italia, tác giả cuốn sách tựa đề “Mùa thu của các mũa xuân A Rập”, về hiện tình của Libia.

Hỏi: Thưa giáo sư Tottoli, tình hình tại Libia hiện nay ra sao?

Đáp:  Theo tôi, Lybia đang ở trong một điều kiện quyền bính quốc gia bị giải tán hoàn toàn giống như bên Siria và Iraq. Từ khi ông Gheddaffi bị lật đổ tới nay thì Lybia trên thực tế đã hướng tới chỗ bộ tộc hóa và chia rẽ nội bộ trầm trọng. Do đó không thể không trông thấy một cuộc khủng hoảng từ từ và một tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Hỏi: Tuy nhiên, người ta đang soạn thảo một Hiến pháp mới và đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ông Bernarrdino Léon, đang tìm cách thành lập một chính quyền hiệp nhất quốc gia. Dấn thân của Liên Hiệp Âu châu cũng rất là mạnh trong hướng này. Đó chỉ là các lời nói hay có các hy vọng thực sự, thưa giáo sư?

Đáp: Nói thực ra thì trong tình hình hiện nay của Lybia không có một khung cảnh rõ ràng. Chúng tôi tập trung sự chú ý vào vấn đề đã do luật Sharia tạo ra liên quan tới các nhóm ngày càng phát xuất từ các lực lượng hồi thánh chiến được nhận ra trong các thực thể khác. Chúng ta không được quên rằng tình hình Lybia ghi đậm dấu vết của sự chia rẽ giữa các bộ lạc và vùng miền khác nhau một cách rất sâu đậm, mà có lẽ chỉ có Yemen là có thể so sánh được mà thôi. Thêm vào đó là các phân tán mỏng khác nữa. Tôi tin là có thể nhìn Lybia vào khả thể dẫn đến một sự hiệp nhất của nước Libia với niềm hy vọng, nhưng ngày nay với một sự bi quan nào đó, bởi vì tình hình xem ra bùng nổ và tiếp tục trở thành tồi tệ hơn.

Hỏi: Như vậy, theo giáo sư trong tình trạng hiện nay thật rất khó mà có thể ghép lại với nhau các mảnh phân rẽ đó giữa ba vùng Cirenaica, Tripolitania và Fez?

Đáp: Vâng, đúng thế. Nhưng điều này không chỉ có giá trị đối với Lybia, nhưng còn có giá trị đối với tất cả mọi quốc gia Á rập nữa, là những nước đã trông thấy thực thể quốc gia sụp đổ. Cùng với Lybia, Yemen, Syria, Iraq tất cả đều là các thực thể rất là phân tán, được cầm giữ lại với nhau bởi các chế độ độc tài với bàn tay sắt. Vì thế sau hàng chục năm trời quang cảnh chính trị lại đã mở ra và có một khoảng trống tự do, không còn bị kiểm soát nữa, không còn bị bạo lực từ phía các thực thể quốc gia nữa: và thế là tất cả những điều đó đã chỉ có thể làm nảy sinh ra một tình trạng vô cũng hỗn loạn, như chúng ta hiện đang chứng kiến.

Hỏi: Trong tình trạng như thế, các lực lượng dân vệ của cái gọi là Nhà nước Hồi đã tiến tới vùng Misurata: khi nào thì Nhà nước Hồi có thể chiếm trọn Libia thưa giáo sư?

Đáp: Ngoài các khẩu hiệu truyên truyền ra, tôi không tin rằng hiện nay có các nguy cơ đích thực. Bởi vì các lực lượng đang kiểm soát vùng này hiện nay còn nhỏ bé, chưa mạnh lắm. Dĩ nhiên, trong một thực tại rất là khó khăn và bất ổn toàn diện như tại Libia hiện nay, chúng ta sẽ không được lấy làm lạ khi có vài nhóm khác phát xuất từ lực lượng hồi thánh chiến, cũng tự nhận rằng họ ở chung dưới một lá cờ với các nhóm này. Một ít nào đó cũng giống như phong trào Al Qaeda đã là một nhãn hiệu lớn được dùng bởi nhiều nhóm hồi thánh chiến đó đây trên khắp thế giới, các nhóm này không thuộc Nhà nước Hồi một cách có cơ cấu, nhưng nhiều khi họ tuyên bố một sự trung thành nào đó với Nhà nước Hồi  và dùng nhãn hiệu này của Nhà nước Hồi. Và về lâu về dài với sự tồn tại của Nhà nước Hồi chắc chắn nó sẽ là một vấn đề cho Libia.

Hỏi: Vậy theo giáo sư, có thể tái hiệp nhất sự phân tán tại Lybia như thế nào?

Đáp: Trong một cách thức nào đó cần phải buông khí giới, và mời tất cả mọi nhóm ngồi vào bàn hội nghị thảo luận hòa bình. Ngoài các lực lượng tôn giáo như là các sức mạnh đích thực, cũng không được quên các lực lượng bộ lạc hiện hữu trong nước Libia. Chìa khóa cho vấn đề là ở đó, cũng như cũng chià khóa này liên quan tới vài vùng của Iraq vv… Cái xem ra là sự phân tán của các lực lượng hồi thánh chiến dấu ẩn một loạt các vấn đề khác nhau, như sự cạnh tranh giữa chúng, các vấn đề mà với chế độ độc tài ông Gheddafi đã thành công trong việc dìm chúng xuống, nhưng bây giờ chúng lại tái nổi lên trong một tình hình hỗn loạn. Vì thế cần phải thành công trong việc nhận diện ra các tác nhân mạnh hơn một tí, và thành công trong một cách thức nào đó khiến cho chúng lý luận trong các phạm trù của sự hiệp nhất quốc gia.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn trong xã hội và Giáo Hội

Biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn trong xã hội và Giáo Hội

Học biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn và để cho nó ảnh hưởng trên cuộc sống xã hội và giáo hội

Cần phải biết tái khám phá ra thiên tài nữ giới, biết lắng nghe tiếng nói của họ nhiều hơn, thừa nhận uy tín của tiếng nói đó, và để cho nó thực sự có ảnh hưởng trên cuộc sống của xã hội và của Giáo Hội.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với khoảng 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chúng sáng thứ tư hàng tuần hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói ngài sẽ dành mấy bài giáo lý để trình bầy khiá cạnh chính của đề tài gia đình đó là ơn Thiên Chúa Ban cho nhân loại với việc tạo dựng người nam và người nữ và với bí tích hôn phối. Có hai bài giáo lý nói về sự khác biệt và bổ túc giũa người nam và người nữ, và hai bài giáo lý trình bầy về Hôn Nhân.

Trước hết là một bình luận về trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế. Trong trình thuật này chúng ta đọc thấy rằng sau khi tạo dựng vũ  trụ và mọi sinh vật, Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài là tuyệt đỉnh công trình sáng tạo của Ngài: “giống hình ảnh Ngài, nam nữ Thiên Chúa tạo dựng họ” (St 1,27): người nam và người nữ là hình ảnh và giống Thiên Chúa.

Như chúng ta tất cả đều biết, sự khác biệt phái tính hiện diện trong tất cả mọi hình thức của sự sống, trong chiếc thang dài của các sinh vật. Nhưng chỉ nơi người nam và người nữ nó mang theo trong mình hình ảnh và việc giống Thiên Chúa: văn bản kinh thánh lập lại điều này 3 lần trong trong hai câu 26-27. ĐTC giải thích sự kiện này như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng không chỉ con người được xét trong chính nó là hình ảnh của Thiên Chúa, mà cả người nam và người nữ như là cặp đôi cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa nam nữ không phải là sự đối chọi hay phục tùng, nhưng để hiệp thông và truyền sinh, luôn luôn như hình ảnh và giống Thiên  Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: kinh nghiệm dậy cho chúng ta biết  điều đó: để hiểu biết một các tốt đẹp và lớn lên một cách hài hòa con người cần có sự hỗ tương giữa nam nữ. Chúng ta được dựng nên để lắng nghe nhau và trợ giúp nhau. Chúng ta có thể nói rằng không có việc làm giầu cho nhau trong tương giao này, trong tư tưởng và trong hành dộng, trong các tâm tình và trong công việc làm cũng như trong đức tin – thì cả hai cũng không thể hiểu thấu đáo là nam nữ có nghĩa là gì.

Nền văn hóa tân tiến hiện đại đã mở ra các khoảng không mới, các tự do mới và các sâu thẳm mới cho việc hiểu biết sự khác biệt phong phú này. Nhưng nó cũng đã đem theo nhiều nghi hoặc. Chẳng hạn, tôi tự hỏi cái gọi là lý thuyết giống lại cũng không phải là một biểu lộ của một sự tước đoạt và chịu trận nhằm xóa bỏ sự khác biệt phái tính, bởi vì nó không còn biết đối diện với chính mình nữa hay sao. Phải, chúng ta có nguy cơ đi thụt lùi một bước. Việc lấy mất đi sự khác biệt phái tính thật ra là vấn đề, chứ không phải là giải pháp. Trái lại, để giải đáp các vấn đề tương quan, người nam và người nữ phải nói chuyện với nhau nhiều hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn,  và cộng tác với nhau với tình bạn. Với các nền tảng nhân bản đó, được nâng đỡ bởi ơn thánh Chúa, có thể dư phóng sự hiệp nhất hôn nhân và gia đình cho suốt cuộc đời. Mối dây hôn nhân và gia đình là một chuyện nghiêm chỉnh, và nó nghiêm chỉnh đối với tất cả mọi người chứ không chỉ đối với các tín hữu mà thôi. Tôi muốn khuyến khích các nhà trí thức đừng chạy trốn đề tài này, như thể nó đã trở thành phụ thuôc đối với dấn thân cho một xã hội  tự do và công bằng hơn.

Thiên Chúa đã phó thác trái đất cho giao ước của người nam và người nữ: sự thất bại của nó khiến cho thế giới tình yêu thương cằn cỗi đi, và làm cho bầu trời của niềm hy vọng trở thành đen tối. Có các dấu hiệu khiến cho chúng ta âu lo, và chúng ta trông thấy chúng. Trong nhiều điểm tôi muốn chỉ cho thấy hai điều mà tôi tin rằng cần phải dấn thân với nhiều cấp bách hơn. ĐTC nêu lên điểm thứ nhất như sau:

Thật không nghi ngờ rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để tạo thuận tiện cho nữ giới, nếu chúng ta muốn tái trao ban sức mạnh lớn hơn cho sự tương giao giữa nam nữ. Thật thế, nữ giới cần phải được lắng nghe nhiều hơn, nhưng tiếng nói của họ cũng phải có sức nặng thực sự hơn, và có một uy tín được thừa nhận nhiều hơn trong xã hội và trong Giáo Hội. Cách thức mà chính Chúa Giêsu đã nhìn nữ giới – nhưng chúng ra nói rằng Phúc Âm là như thế –  trong một bối cảnh ít thuận tiện hơn bối cảnh của chúng ta ngày nay, bởi vì vào thời đó phụ nữ chiếm chỗ hạng hai, và Chúa Giêsu đã coi nữ giới trong một cách thức trao ban một ánh sáng mạnh mẽ chiếu soi con đường dẫn đi rất xa, mà chúng ta mới chỉ đi được một đoạn ngắn.

Chúng ta chưa hiểu trong chiều sâu đâu là những điều mà thiên tài nữ giới có thể trao ban, những điều mà phụ nũ có thể cống hiến cho xã hội và cho cả chúng ta nữa, những điều mà họ biết trông thấy với đôi mắt khác, bổ túc cho các tư tưởng của nam giới. Nó là một con đường cần phải đi với nhiều óc sáng tạo và sự táo bạo hơn.

Một suy tư thứ hai liên quan  tới đề tài người nam và người nữ được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi tự hỏi không biết cuộc khủng hoảng của lòng tin tưởng tập thể nơi Thiên Chúa, gây ra biết bao sự dữ, khiến cho chúng ta bị bệnh chịu trận trước thái độ không tin và trơ trẽn, cũng không phải gắn liền với cuộc khủng hoảng của giao ước giữa người nam và người nữ hay sao. Thật ra trình thuật kinh thánh, với bức tranh lớn biểu tượng liên quan tới thiên đàng dưới thế và tội tổ tông, nói với chúng  ta rằng chính sự hiệp thông với Thiên Chúa được phản ánh trong sự hiệp thông của cặp con người nam nữ, và việc đánh mất đi sự tin tưởng nơi Cha trên trời sinh ra chia rẽ và xung khắc giữa người nam và người nữ.

Từ đó phát xuất ra trách nhiệm lớn của Giáo Hội, của tất cả mọi tín hữu và trước hết của các gia đình tín hữu, đó là phải tái khám phá ra vẻ đẹp trong chương trình tạo dựng mà Đấng Tạo Hóa đã in nơi hình ảnh của Thiên Chúa, cả trong giao ước giữa người nam và người nữ nữa. Trái đất tràn đầy sự hài hòa và tin cậy, khi giao ước giữa người nam và người nữ được sống một cách tốt đẹp. Và nếu người nam và người nữ cùng tìm vẻ đẹp đó giữa nhau và với Thiên Chúa, thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy nó. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta công khai làm chứng cho vẻ đẹp đó, là hình ảnh của Thiên Chúa.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước bắc Mỹ và Âu châu. Cũng có các đoàn hành hương đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Indonesia, Nigeria, Mêhicô, Argentina và Ecuador.  ĐTC cầu chúc mọi người có những ngày hành hương bổ ích và ngài xin tín hữu cầu nguyện cho các gia đình.

Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào các cặp vợ chồng và cùng họ cảm tạ Chúa về sự an bình và niềm vui của các cặp hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình và các cặp vợ chồng bị các thử thách của cuộc khủng hoảng và các chia rẽ. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho các gia đình ấy.

Ngài cũng đặc biệt chào một nhóm đại chủng sinh giáo phận Grodno bên Bạch Nga, hành hương Roma nhân mừng ngân khánh đại chủng viện.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các sinh viên đại học Claretianum nhân Năm Đời Thánh Hiến, các nữ tu dòng Thánh Thể nhân mừng kỷ niệm 300 năm thành lập, cũng như các linh mục Lòng Chúa Thương Xót.

Chào các bạn trẻ, hàng trăm người đau yếu ngồi trên xe lăn, và các đôi tân hôn ĐTC khuyến khích mọi người can đảm làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh trong gia đình, môi trường sống và làm việc mỗi ngày. Ngài xin mọi người đừng quên rằng Lòng Thương Xót Chúa là ơn đẹp nhất Chúa ban nhân loại.

ĐTC xin Thiên Chúa Cha an ủi các anh chị em đau yếu, và ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết noi gương lòng thương xót Chúa trong cuộc đời tình yêu hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi

VATICAN. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy xuất hành, ra khỏi bản thân và con người cũ, để tiến bước theo tiếng gọi của Chúa.

Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 52 sẽ được cử hành vào chúa nhật thứ 4 sau lễ Phục sinh, 26-4 tới đây, với chủ đề ”Xuất hành, kinh nghiệm cơ bản về ơn gọi”.

Trong sứ điệp công bố hôm 14-4-2015, ĐTC gợi lại kinh nghiệm xuất hành của Dân Chúa, của các Tổ Phụ trong Cựu Ước, và ngài khẳng định rằng:

”Nơi căn cội của mỗi ơn gọi Kitô có một chuyển động cơ bản của kinh nghiệm đức tin: tin có nghĩa là rời bỏ chính mình, ra khỏi tiện nghi thoải mái và sự cứng nhắc của cái tôi để tập trung cuộc sống của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô; giống như Tổ Phụ Abraham rời bỏ quê hương, lên đường trong niềm tín thác, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ chỉ đường cho để tiến về đất mới. Sự ”ra đi” này không phải là sự coi rẻ cuộc sống, tâm tình và nhân tính của mình, trái lại, ai lên đường theo Chúa Kitô thì sẽ tìm được cuộc sống sung mãn, đặt trọn bản thân phụng sự Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: ”Ai từ bỏ gia cư, hoặc anh em, chị em, cha mẹ, hay con cái, đồng ruộng, vì danh Thầy, thì sẽ nhận được gấp trăm và sẽ được sự sống đời đời làm gia sản” (Mt 19,29).

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Kinh nghiệm xuất hành chính là mô hình của đời sống Kitô, nhất là những người đón nhận ơn gọi đặc biệt tận hiến phục vụ Tin Mừng. Kinh nghiệm ấy hệ tại thái độ luôn tái hoán cải và biến đổi, luôn luôn tiến bước, đi từ sự chết đến sự sống.. Ơn gọi luôn luôn là một hoạt động của Thiên Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ban đầu của mình, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ, kéo chúng ta ra khỏi tập quán và sự dửng dưng, phóng chúng ta hướng về niềm vui hiệp thông với Thiên chúa và anh chị em. Vì thế, đáp lại tiếng gọi của Chúa chính là để cho Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ổn định giả tạo của mình để lên đường tiến về Chúa Giêsu Kitô là đích điểm đầu tiên và cuối cùng của đời ta, và là hạnh phúc của chúng ta”.

ĐTC nhận xét rằng ”tiến trình xuất hành hướng về Thiên Chúa và tha nhân như thế làm cho đời sống chúng ta đầy vui mừng và ý nghĩa”. Ngài đặc biệt nhắc nhở điều đó cho các bạn trẻ và nhắn nhủ rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ ra khỏi chính mình và lên đường! Tin Mừng là Lời giải thoát chúng ta, biến đổi và làm cho đời sống chúng ta trở nên tươi đẹp hơn.. Thật là đẹp dường nào khi để cho tiếng gọi của Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, đón nhận Lời Chúa và bước theo vết của Chúa Giêsu” (SD 14-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Giáo Hội phải ”nói thẳng nói thật”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Giáo Hội phải ”nói thẳng nói thật”

VATICAN. Giáo hội phải có can đảm nói thẳng trong tự do.

Đó là lời ĐTC Phanxicô khẳng định trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 13-4-2015, tại Nguyện đường Nhà trọ thánh Marta ở Roma. Ngài chú giải bài đọc thứ nhất trong phụng vụ ngày lễ về lời quả quyết của thánh Phêrô và Gioan sau khi bị cầm tù và bị những thượng tế đe dọa, cấm cản không cho các vị nói nhân dân Chúa Giêsu. ĐTC nói:

”Ngày nay sứ điệp của Giáo hội cũng là sứ điệp của hành trình thảng thắn, con đường can đảm theo tinh thần Kitô. Như Kinh Thánh đã nói: hai môn đệ đơn sơ, ít học, đã có can đảm. Lời để dịch từ can đảm, chính là thẳng thắn, nói tự do, không sợ nói sự thật.”

ĐTC cũng giải thích rằng ”chính sự can đảm loan báo như thế là điều phân biệt chúng ta với những kẻ chiêu dụ tín đồ. Chúng ta không quảng cáo, để thu thập thêm những người gia nhập hội tinh thần của chúng ta. Điều mà Kitô hữu làm, chính là loan báo một cách can đảm, loan báo Chúa Giêsu Kitô nhờ Thánh Linh.. Chính Thánh Linh ban sức mạnh cho những người đơn sơ, ít học, như Phêrô và Gioan, sức mạnh can đảm loan báo Chúa Kitô cho đến chứng tá cuối cùng, là cuộc tử đạo” (SD 13-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thổ nhĩ kỳ phản đối Tòa Thánh

Thổ nhĩ kỳ phản đối Tòa Thánh

ANKARA. Chiều ngày 12-4-2015, chính phủ Thổ nhĩ kỳ đã triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh để ”tham khảo ý kiến” cũng là để phản đối việc ĐTC dùng từ ”diệt chủng” để gọi cuộc tàn sát gần 1 triệu rưỡi người Arméni do Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ kỳ gây ra cách đây 100 năm.

 

Đầu thánh lễ sáng chúa nhật 12-4-2015 tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm 100 năm cuộc tàn sát người Arméni, ĐTC Phanxicô đã lấy lại thành ngữ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong tuyên ngôn chung năm 2001 với Đức Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Arméni Tông Truyền, gọi vụ sát hại mà dân tộc Arméni phải chịu cách đây 100 năm là ”cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20”, tiếp đến là các dân tộc khác: Do thái, Kampuchia, Ruanda, Burundi, Bosnia và nhiều nước khác.”

 

Sau việc này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Ankara, là Đức TGM Antonio Lucibello, đến để phản đối và bày tỏ sự phẫn nộ của chính phủ Thổ. Tiếp đến vào ban chiều, chính phủ nước này đã triệu hồi đại sứ Thổ cạnh Tòa Thánh là ông Kenan Gursoy.

 

Thủ tướng Ahmed Davutoglu của Thổ cho rằng với những lời tuyên bố về diệt chủng, ĐGH ”củng cố trào lưu kỳ thị chủng tộc ở Âu châu”, khích động sự oán thù nơi người Arméni”.

 

Từ lâu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng mọi phương thức ngoại giao để ngăn cản các nước khác gọi cuộc thảm sát người Arméni là một ”cuộc diệt chủng”.

 

Hồi năm ngoái, chính phủ Thổ cũng đã triệu hồi đại sứ tại Paris sau khi Pháp tuyên bố nhìn nhận cuộc diệt chủng Arméni. Nhưng ít lâu sau đó vụ này lại êm đi và Đại sứ Thổ trở lại nhiệm sở ở Paris.

 

Nguồn tin từ Tòa Thánh cho biết sự việc đã rõ ràng và không có thông cáo chính thức nào của Tòa Thánh về vấn đề này và hy vọng tình hình sẽ lắng dịu đi. Hồi năm 2001, chính phủ Thổ cũng đã mạnh mẽ phản đối tuyên ngôn chung của ĐGH Gioan Phaolô 2 và Đức Thượng Phụ Karekin II nói đến cuộc diệt chủng (Tổng hợp 12-4-2015)

 

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

60000 người dự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

60000 người dự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa chúa nhật 12-4-2015, lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa, 60 ngàn người từ các nơi đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với ĐTC.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ và Ngài bảo thánh Tôma hãy xỏ tay vào các vết thương của Ngài và đừng cứng lòng tin nữa.

ĐTC nhận xét rằng ”Chúa đã đáp ứng sự cứng lòng tin của Tôma, để qua những dấu hiệu khổ nạn của Ngài, ông có thể đạt tới niềm tin sung mãn về sự phục sinh, niềm tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu”.. Khi tiếp xúc với các vết thương của Đấng Phục Sinh, Tôma biểu lộ các vết thương của mình, tình trạng bị xâu xé, sự tủi nhục của mình; trong các dấu đanh, ông tìm được bằng chứng vững chắc mình được yêu thương, được chờ đợi, được cảm thông. Ông đứng trước một Đức Messia đầy dịu dàng, thương xót, từ ái. Đó chính là Chúa mà ông tìm kiếm trong thẳm sâu con người của ông, vì ông đã luôn biết trước là như thế. Và bao nhiêu người trong chúng ta tìm cách gặp Chúa Giêsu trong thẳm sâu tâm hồn, Chúa Giêsu dịu dàng, thương xót, từ ái! Vì trong thẳm sâu của tâm hồn chúng ta biết Người là như thế. Sau khi tìm được tiếp xúc bản thân với sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn thương xót của Chúa Kitô, Tôma hiểu ý nghĩa sâu xa của sự sống lại, và được biến đổi trong nội tâm, ông tuyên xưng niềm tin trọn vẹn nơi Chúa và thốt lên: ”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (v.28). Câu nói này của Tôma thật là đẹp!

Thánh nhân đã biết ”động chạm đến” mầu nhiệm vượt qua biểu lộ trọn vẹn tình thương cứu độ của Thiên Chúa, giàu lòng xót thương (Xc Ep 2,4). Và như thánh Tôma, tất cả chúng ta cũng vậy: trong chúa nhật thứ hai sau Phục Sinh này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong các vết thương của Đấng Phục Sinh lòng thương xót của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi giới hạn của nhân trần và chiếu tỏa rạng ngời trong đêm tối của sự ác và tội lỗi. Một thời điểm khẩn trương và kéo dài để đón nhận những phong phú vô biên của tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Năm Thánh Đặc Biệt về lòng thương xót, tôi đã công bố Tông Sắc ấn định Năm này tối hôm qua (11-4) tại Đền thờ thánh Phêrô này. Tông sắc ấy bắt đầu bằng câu ”Misericordiae vultus”, khuôn mặt thương xót, chính là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy luôn nhìn ngắm Ngài, Đấng luôn luôn tìm kiếm, chờ đợi, tha thứ cho chúng ta; Chúa rất từ bi, Ngài không sợ những lầm than khốn nạn của chúng ta. Trong các vết thương của Ngài, Ngài chữa lành chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi chúng ta. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta cũng hãy có lòng từ bi thương xót đối với tha nhân như Chúa Giêsu thương xót chúng ta”.

Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm nhiều nhóm hành hương, đặc biệt là ngài chào cộng đoàn Tân Dự Tòng ở Roma, bắt đầu sứ vụ đặc biệt trong các quảng trường thành phố này để cầu nguyện và làm chứng về đức tin.

ĐTC cũng không quên chào thăm và chúc mừng các tín hữu Kitô đông phương mừng lễ Phục Sinh vào ngày 12-4 này theo niên lịch Giuliano.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

VATICAN. Chúa nhật 12-4-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp tưởng niệm biến cố đau thương: 100 năm cuộc tiêu diệt gần 1 triệu 500 ngàn người Arméni do đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thánh lễ ngài cũng tôn phong thánh Gregorio Nazek người Armeni làm Tiến Sĩ Hội Thánh

Cuộc diệt chủng này xảy ra vào cuối triều đại của Vua Hồi giáo Abdul Hamid II của Đế quốc Ottoman, rồi dưới thời gọi là ”Những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ”. Năm 1915, sau khi đóng cửa các trường học, thánh đường và bãi bỏ các tổ chức Arméni, chính quyền Thổ hồi đó đã mở cuộc truy lùng và tàn sát người Arméni, với những vụ bạo hành, hãm hiếp, hạ nhục, rồi các cuộc phát lưu vào sa mạc, với vô số người Arméni thiệt mạng. Chỉ những người nào chạy sang Nga, Siria và Liban mới thoát nạn.

Năm 1920, Hội nghị Paris đã nhìn nhận cuộc diệt chủng Arméni và nhiều nước khác cũng nhìn nhận biến cố này. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn phủ nhận sự kiện này, tuy rằng hồi năm 2014, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, nay là Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ, đã chia buồn với con cháu những người Arméni bị thảm sát.

Giáo Hội Arméni Tông Truyền được thánh Gregorio vị Soi Sáng thành lập cách đây hơn 17 thế kỷ, tức là vào năm 301, và hiện có tòa Tổng Thượng phụ ở Echmiadzin ở Cộng hòa Arméni, với các tín hữu ở Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Liban, Siria, Canada và nhiều nước khác. Ngoài ra có tòa Thượng Phụ ở Cilicia ở Liban.

Một ngành của Giáo Hội này đã trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi năm 1742 và hiện có khoảng 540 ngàn tín hữu. Công Giáo Arméni cũng chịu thảm trạng diệt chủng với 156 nhà thờ, 32 tu viện, 148 trường học, 6 chủng viện bị tàn phá, 270 nữ tu và 300 LM bị giết.

Thánh lễ

Hiện diện trong thánh lễ từ 9 giờ sáng tại Đền thờ thánh Phêrô, có 9 ngàn tín hữu đa số là người Armeni đến từ các nơi trên thế giới, và đặc biệt có Tổng thống Cộng hòa Arméni, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II ở Arméni và Thượng Phụ Aram I của Giáo hội Arméni Tông truyền ở Liban, Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công Giáo Arméni và hơn 20 GM của Giáo Hội này.

Đầu thánh lễ, trong lời chào mừng các vị lãnh đạo chính quyền và Giáo hội Arméni, Giáo Hội Tông truyền và Công Giáo, ĐTC tố giác thảm trạng diệt chủng mà dân tộc Arméni phải chịu cách đây 100 năm, cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20, tiếp đến là các dân tộc khác, Do thái, Kampuchia, Ruanda, Burundi, Bosnia và nhiều nước khác. Ngài nhận định rằng dường như nhân loại không thành công trong việc chấm dứt đổ máu người vô tội.. ”chúng ta chưa học được điều này: ”chiến tranh là một điều điên rồ, một cuộc thảm sát vô ích”.

Trước đó, ĐTC nhắc lại điều ngài đã nói khi định nghĩa ”thời nay, là một thời kỳ thế chiến tranh thứ 3 từng mảnh, trong đó chúng ta chứng kiến hằng ngày những tội ác, những cuộc tàn sát đẫm máu và sự tàn phá điên rồ. Rất tiếc ngày nay chúng ta còn nghe tiếng kêu bị bóp nghẹt và lãng quên của bao nhiêu anh chị em chúng ta vô phương thế tự vệ, vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô hoặc vì thuộc về một chủng tộc, họ bị giết công khai và tàn bạo – bị chém đầu, bị đóng đinh, bị thiêu sống – hoặc bị bó buộc phải rời bỏ quê hương của họ”.

”Cả ngày nay, chúng ta đang phải sống một thứ diệt chủng do sự dửng dưng phổ quát và tập thể gây ra, do sự im lặng đồng lõa của Cain, người ta tuyên bố ”Có hệ gì đến tôi đâu?”, ”tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu!” (St 4,9).

Đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Arméni.

Tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh

Sau phần thống hối, là nghi thức tôn phong tiến sĩ Hội Thánh cho thánh Gregorio Narek.

Mở đầu, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, có vị thỉnh nguyện viên tháp tùng, tiến lên xin ĐTC phong thánh Gregorio Narek là tiến sĩ của Giáo Hội hoàn vũ. Rồi vị thỉnh nguyện viên gợi lại vài nét nổi bật trong cuộc sống của thánh nhân.

Thánh Gregorio sinh khoảng năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Ngài là cháu của tu huynh Anania Narekatsi, người sáng lập Đan viện Narek và là một trong những tiến sĩ nổi tiếng nhất thời ấy, với biệt danh là ”triết gia”.

Khi còn trẻ, Gregorio gia nhập Đan viện Narek nơi có một trường nổi tiếng về Kinh Thánh và Giáo Phụ học. Ngài sống tại đây suốt đời, thụ phong LM, đạt tới tột đỉnh sự thánh thiên và kinh nghiệm thần bí, chứng tỏ sự khôn ngoan qua nhiều tác phẩm thần học.

Người ta kể rằng thánh Gregorio đã được thị kiến về Đức Mẹ là Đấng mà cha đặc biệt sùng kính. Đặc tính này trong linh đạo của thánh nhân xuất hiện rõ ràng trong kinh nguyện thứ 80 và trong bài tụng ca kính Đức Mẹ là hai tác phẩm qua đó người ta có thể khám phá được một nền thần học Thánh Mẫu của thánh nhân.

Lúc sinh thời, thánh Gregorio đã nổi bật về sự thánh thiện và một số phép lạ. Năm 1003, ngài viết tác phẩm nổi tiếng nhất với tựa đề ”Sách ai ca”, cũng gọi là sách Narek. Đây là tác phẩm độc nhất thuộc loại này, gồm những lời cầu khẩn, những lời tự nhủ, đối thoại với Thiên Chúa.. Cuốn Narek gồm 95 chương, dài ngắn rất khác nhau. Thánh Gregorio qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni. Đan viện cũng như mộ thánh nhân bị phá hủy.

Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm.

Sau khi ĐHY Amato và vị thỉnh nguyện viên dứt lời, ĐTC đọc công thức như sau:

”Chúng tôi đón nhận ước muốn của nhiều anh em trong hàng Giám Mục và của nhiều tín hữu trên toàn thế giới, sau khi được ý kiến của Bộ Phong Thánh, sau khi suy nghĩ lâu dài và đạt tới sự xác tín trọn vẹn và chắc chắn, với trọn quyền tông đồ, chúng tôi tuyên bố thánh Gregorio Narek, linh mục và đan sĩ, là Tiến Sĩ của Giáo Hội hoàn vũ. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Thánh Gregorio Narek trở thành vị Tiến Sĩ thứ 36 của Hội Thánh, sau thánh nữ Hildegart von Bingen người Đức, và 3 thánh nữ: Têrêxa Chúa Giêsu, Catarina Siena, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và thánh Linh Mục Gioan Avila người Tây Ban Nha.

Bài giảng của ĐTC

Thánh lễ được tiếp tục và sau bài Tin Mừng được công bố bằng tiếng Arméni, ĐTC đã đi từ bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ các vết thương của Người cho thánh Tôma, mà ĐTC gọi là ”những vết thương thương xót”. Ngài nói:

”Chúa Giêsu mời chúng ta hãy nhìn các vết thương ấy, Chúa mời chúng ta hãy động chạm đến các vết thương đó như đã làm với thánh Tôma, để chữa lãnh sự cứng lòng tin của chúng ta. Nhất là Chúa mời gọi chúng ta hãy đi vào mầu nhiệm các vết thương ấy, là mầu nhiệm lòng yêu thương từ bi của Người.

”Qua các vết thương đó, như một lỗ hổng sáng ngời, chúng ta có thể thấy trọn mầu nhiệm Chúa Kitô và Thiên Chúa: cuộc khổ nạn của Người, đời sống trần thế của Người – đầy tình cảm thương đối với những người bé mọn và bệnh tật – sự nhập thể của Chúa nơi cung lòng Mẹ Maria…”

ĐTC cũng đặt câu hỏi: ”Đứng trước những biến cố bi thảm của lịch sử loài người, nhiều khi chúng ta như bị đè bẹp và chúng ta tự hỏi: ”Tại sao?”. Sự tàn ác của con người có thể mở ra trên thế giới những vực thẳm, những hố trống lớn lao: trống rỗng tình thương, trống rỗng điều thiện, trống rỗng sự sống. Lúc ấy chúng ta tự hỏi: làm sao chúng ta có thể lấp đầy những vực thẳm ấy? Đối với chúng ta, đó là điều không thể làm được; chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những hố trống rỗng mà sự ác mở ra trong tâm hồn và trong lịch sử chúng ta. Chính Chúa Giêsu, nhập thể làm người và chịu chết trên thập giá, là Đấng lấp đầy vực thẳm tội lỗi bằng vực thẳm lòng thương xót của Người”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Anh chị em thân mến, đó là con đường mà Thiên Chúa đã mở ra để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và cái chết, để bước vào miền đất sự sống và an bình. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh và sống lại, và nhất là các vết thương đầy lòng thương xót của Người.”

”Các thánh dạy chúng ta rằng thế giới thay đổi từ sự hoán cải tâm hồn của mình, và điều này xảy ra nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, ”đứng trước những tội lỗi của tôi cũng như những thảm trạng lớn lao của thế giới, ”lương tâm bị nao núng, nhưng sẽ không bị rúng động vì tôi nhớ đến những vết thương của Chúa. Thực vậy, Chúa đã bị đâm thâu qua vì tội lỗi chúng ta” (Is 53,5).

Cuối thánh lễ, Đức Tổng Thượng phụ Karekin II và Đức Thượng Phụ Aram I của Giáo Hội tông truyền ở Arméni và Cilicia bên Liban đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và đồng thời cũng mạnh mẽ lên án cuộc diệt chủng mà dân tộc Arméni đã phải chịu. Đức Tổng thượng phụ cho biết ngày 23-4 tới đây, Giáo Hội Arméni Tông truyền sẽ tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng và ngài sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân Arméni bị tiêu diệt như thế. Còn Đức Aram I gọi đó thảm trạng diệt chủng này là một tội ác chống lại nhân loại.

Về phần Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công giáo Armeni, ngài đã cám ơn ĐTC vì đã tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội thánh, vị thánh được dân tộc Armeni sùng kính bậc nhất và ảnh hưởng sâu rộng đến lòng đạo đức của các tín hữu. Ngài nói: ”Trong dịp tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng sát hại gần 1 triệu rưỡi ngài Armeni vì họ là tín hữu Kitô, con tin tưởng rằng việc tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội Thánh, sẽ là một biến cố làm gia tăng lòng sùng mộ đối với thánh nhân, và điều này sẽ giúp dân tộc Arméni khắc phục những bất hạnh và tai ương đã đổ ập trên họ cách đây một thế kỷ, và tất cả các dân tộc Kitô giáo, nhất là tại Trung Đông hiện nay đang chịu thảm trạng tương tự”.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ rưỡi và đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hơn 60 ngàn tín hữu ở Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha bênh vực người nghèo tại Thượng đỉnh Mỹ Châu

Đức Thánh Cha bênh vực người nghèo tại Thượng đỉnh Mỹ Châu

VATICAN. Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu đừng nghĩ rằng để cho người nghèo được hưởng những mảnh bánh vụn rơi từ bàn ăn của mình là đủ rồi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Châu kỳ 7, nhóm tại Thành Phố Panama trong hai ngày 10 và 11-4-2015 với sự tham dự của 37 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó lần đầu tiên có chủ tịch Raul Castro của Cuba và ông đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ.

Sứ điệp của ĐTC đã được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc tại Hội nghị, qua đó ngài cầu xin Thiên Chúa cho Hội nghị, ”nhờ sự chia sẻ các giá trị chung, đạt tới những quyết tâm cộng tác trong lãnh vực quốc gia hoặc miền, đương đầu thực tế với các vấn đề và truyền đạt niềm hy vọng”.  ĐTC cho biết ngài hoàn toàn đồng ý với chủ đề Hội nghị thượng đỉnh là ”Thịnh vương trong công bằng: thách đố cộng tác tại Mỹ châu”. Ngài viết: ”Tôi xác tín rằng sự sự chênh lệch, phân phối bất công sự giàu sang và tài nguyên, chính là nguồn mạch gây ra những xung đột và bạo lực nơi các dân tộc, vì nó giả thiết rằng sự tiến bộ của một số người được kiến tạo bằng sự nhất thiết hy sinh của những người khác, và để có thể sống xứng đáng, thì phải chiến đấu chống lại người khác. Sự sung túc đạt được như thế là điều bất công từ cội rễ và xúc phạm đến phẩm giá con người”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”thách đố lớn trên thế giới ngày nay là hoàn cầu hóa tình liên đới và tình huynh đệ thay vì thứ hoàn cầu hóa sự kỳ thị và dửng dưng, và bao lâu người ta chưa đạt được một sự phân phối đồng đầu các tài nguyên phong phú, thì sẽ không giải quyết được những tai ương trong xã hội chúng ta” (Xc Evangelii Gaudium 202).

ĐTC ghi nhận trong nhưng năm gần đây nhiều nước đạt được sự tiến bộ kinh tế mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều nước khác ở trong tình trạng nghèo đói. Hơn nữa trong các nước đang lên, đa số dân không được hưởng sự tiến bộ kinh tế chung, và thường thường hố chia cách giữa người giàu và người nghèo trở nên sâu rộng hơn. Ngài phê bình lý thuyết sai lầm gọi là ”những giọt nước rơi” và sự ”tràn ra thuận lợi” (Xc Evangelii Gaudium 54): hy vọng những người nghèo nhặt được những mẩu bánh vụn rơi từ bàn ăn của người giàu, đó là điều sai lầm. Cần có những hoạt động trực tiếp bênh vực những người kém may mắn nhất, quan tâm tới những người bé bỏng nhất trong một gia đình, phải là ưu tiên của các chính quyền. Giáo Hội luôn bảo vệ sự thăng tiến con người cụ thể (Centesimus annus 46), chăm sóc các nhu cầu của họ và giúp họ cơ hội phát triển”.

Trong sứ điệp, ĐTC đặc biệt lưu ý vấn đề di cư. Sự chênh lệch quá lớn về cơ hội giữa một số nước khiến cho nhiều người buộc lòng phải rời bỏ quê hương, gia đình của mình, và họ dễ trở thành con mồi cho nạn buôn người và lao động như nô lệ, không được quyền lợi cũng chẳng được công lý… Đó là những tình trạng trong đó nếu chỉ duy trì luật lệ để bảo vệ các quyền căn bản của con người thì không đủ.. Trong những tình trạng ấy, luật lệ mà không có lòng từ bi thương xót, thì không đáp ứng công lý”. (SD 11-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị đào tạo thuộc các dòng tu

Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị đào tạo thuộc các dòng tu

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các vị đào tạo trong các dòng tu trước tiên hãy trở thành những chứng nhân về sự theo Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-4-2015, dành cho 1300 vị đặc trách đào tạo trong các dòng tu và tu đoàn từ các nơi về Roma tham dự Hội nghị quốc tế từ ngày 7 đến 11-4 do Bộ các dòng tu tổ chức về chủ đế ”Sống trong Chúa Kitô theo hình thức cuộc sống Tin Mừng”. Tham dự Hội nghị có một số chị giáo người Việt thuộc các dòng như dòng thánh Phaolô thành Chartres, dòng Con Đức Bà Phù Hộ, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm, v.v..

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến cuộc khủng hoảng thiếu ơn gọi ở nhiều nơi, và ngài nói: ”Tôi xác tín rằng không có khủng hoảng ơn gọi tại những nơi có những tu sĩ có khả năng thông truyền vẻ đẹp của đời thánh hiến bằng chính chứng tá của mình… Anh chị em được kêu gọi thi hành sứ vụ đó.. Anh chị em không phải chỉ là thày dạy, nhưng nhất là anh chị em là những chứng nhân về sự theo Chúa Kitô trong đoàn sủng của anh chị em.. Từ đó, anh chị em cũng phải quan tâm đến sự huấn luyện chính bản thân mình, đi từ tình bạn mật thiết với Thầy duy nhất của chúng ta”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các vị đào tạo trong các dòng tu hãy có một trong các phẩm tính, đó là một trái tim quảng đại đối với người trẻ, để hình thành nơi họ những trái tim quảng đại, có khả năng đón nhận mọi người, những trái tim đầy lòng từ bi thương xót, đầy dịu dàng. “Anh chị em không những là bạn hữu và là người đồng hành trong đời sống thánh hiến với những người được ủy thác cho anh chịem, nhưng còn là người cha, người mẹ đích thực của họ, có khả năng yêu cầu và trao ban cho họ những điều lớn lao nhất. Điều này chỉ có thể nhờ tình yêu, tình yêu của người cha ngừơi mẹ”.

ĐTC cũng xác quyết rằng ”Là nhà đào tạo, thật là điều tốt lành vì đó là một đặc ân được tham dự vào hoạt động của Chúa Cha, Đấng hình thành trái tim của Chúa Con nơi những người mà Chúa Thánh Linh kêu gọi. Đôi khi người ta cảm thấy việc phục vụ này như một gánh nặng, như thể người ta lấy mất của chúng ta một cái gì quan trọng hơn. Nhưng cảm tưởng như thế là một sự đánh lừa, một cám dỗ. Sứ vụ là điều quan trọng, nhưng huấn luyện để thi hành sứ vụ, để hăng say loan báo, ra đi khắp nơi, nơi mỗi môi trường ngoại biên, để nói với mọi người về tình thương của Chúa Giêsu Kitô, nhất là với những người ở xa, nói về tình thương của Chúa với những người bé mọn và nghèo hèn, và để được họ loan báo Tin Mừng cho, đó cũng là điều quan trọng”. (SD 11-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Công Giáo Arméni

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Công Giáo Arméni

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu Arméni tưởng niệm quá khứ để kín múc nhựa sống mới cho hiện tại, vui tươi loan báo Tin Mừng và làm chứng tá bác ái.

Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-4-2015, dành cho 20 GM thuộc Thượng Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Arméni, dưới sự hướng dẫn của Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX Tarmouni ở Liban, về Roma để đồng tế thánh lễ với ĐTC vào chúa nhật 12-4 tới đây tại Đền thờ Thánh Phêrô, tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng Arméni, và tôn phong thánh Gregorio Nazek người Arméni làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Tại buổi tiếp kiến, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người con của dân tộc Arméni bị tàn sát cách đây 1 thế kỷ, và xin Chúa chữa lành các vết thương cũng như làm cho sớm có những cử chỉ cụ thể hòa giải và hòa bình giữa các dân nước. Ngài cũng khẳng định rằng ”việc tưởng niệm các nạn nhân cách đây 100 năm đặt chúng ta trước bóng đêm của mầu nhiệm sự ác.. Từ thâm tâm con người có thể bùng lên những sức mạnh đen tối, có khả năng đi tới độ đề ra những kế hoạch nhất loạt tiêu diệt người anh em, coi họ là kẻ thù, thậm chí như là người không có cùng nhân phẩm. Nhưng đối với các tín hữu, câu hỏi về sự ác do con người gây ra cũng đưa tới mầu nhiệm tham phần vào cuộc khổ nạn cứu độ.”

ĐTC nói với các giám mục: ”Những trang đau thương trong lịch sử dân tộc anh em, theo một nghĩa nào đó, kéo dài cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng trong mỗi trang đó có một mầm mống sự sống lại của Chúa”. Ngài mời gọi ”mỗi mục tử dấn thân giáo dục các giáo hữu biết đọc thực tại với cái nhìn mới, để mỗi ngày có thể nói rằng: dân tộc của tôi không phải chỉ là dân tộc chịu đau khổ vì Chúa Kitô, nhưng nhất là một dân gồm những người đã sống lại trong Chúa. Vì thế, điều quan trọng là tưởng niệm quá khứ, nhưng là để kín múc từ đó nhựa sống mới để nuôi dưỡng hiện tại bằng lời hân hoan loan báo Tin Mừng và bằng chứng tá bác ái”.

Cuộc diệt chủng làm cho 1 triệu 500 ngàn người Arméni thiệt mạng đã xảy ra vào cuối triều đại của Vua Hồi giáo Abdul Hamid II của Đế quốc Ottoman, rồi dưới thời gọi là ”Những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ”. Năm 1915, sau khi đóng cửa các trường học, thánh đường và bãi bỏ các tổ chức Arméni, một cuộc truy lùng và tàn sát người Arméni đã diễn ra, với những vụ bạo hành, hãm hiếp, hạ nhục, rồi các cuộc phát lưu vào sa mạc, với vô số người Arméni thiệt mạng. Chỉ những người nào chạy sang Nga, Siria và Liban mới thoát nạn.

Đức Tổng Thượng Phụ Karekine, Giáo chủ Giáo Hội Arméni Tông Truyền, – là Giáo Hội có từ năm 301 – sẽ chủ sự lễ tưởng niệm diệt chủng vào ngày 23-4-2015 tới đây, và sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân cuộc diệt chủng, bị giết vì đức tin và vì đất nước, đồng thời sẽ tuyên bố ngày 24-1 hằng năm sẽ là lễ ”kính các thánh tử đạo cuộc diệt chủng”.

Một ngành của Giáo Hội Arméni Tông Truyền đã trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi năm 1742 và hiện có khoảng 540 ngàn tín hữu. Công Giáo Arméni cũng chịu thảm trạng diệt chủng chung với dân tộc của mình và đã bị mất đi 156 nhà thờ, 32 tu viện, 148 trường học, 6 chủng viện bị tàn phá, 270 nữ tu và 300 LM bị giết. (SD 9-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ

Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ

VATICAN: Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ đã khai diễn tại Roma ngày mùng 7 và kéo dài tới ngày 11 tháng 4 này.

ĐTGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ tu sĩ và các hiệp hội tông đồ, cho biết trong các đề tài được trình bầy có thách đố của thế giới vi tính, công lý, hòa bình, việc bảo vệ thụ tạo là các biên giới mới của việc đào tạo cho cuộc sống thánh hiến trong lòng Giáo Hội và giữa lòng thế giới”. Đào tạo là một trong các ưu tiên của đời thánh hiến. Không thể có lòng trung thành sáng tạo, và khả thể sống hiện tại với lòng say mê và giang tay ôm tương lai vào lòng nếu không có một việc đào tạo có phẩm chất và thích hợp với các nhu cầu ngày nay. Vì thế việc thường huấn rất là quan trọng. Bên cạnh đó là việc dào tạo các nhà đào tạo.

Trong thế giới vi tính ngày nay việc sử dụng thành thạo các kỹ thuật truyền thông mới là một đòi buộc trong công tác rao giảng Tin Mừng, nhưng chúng cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trên cuộc sống của các tu sĩ. Cần phải biết tạo ra thế quân bình trong cuộc đời thánh hiến giữa việc cầu nguyện, suy niệm, học hành và các công việc khác trong ngày sống. Các người sống đời thánh hiến phải có ý thức trách nhiệm cao để duy trì căn tính đời thánh hiến của mình.

Tham dự đại hội có 1,500 linh mục tu sĩ và các chuyên viên đến từ nhiều nước trên thế giới (SD 4-4-2015).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio