Đức Thánh Cha rửa tội cho 13 hài nhi từ các vùng bị động đất

Đức Thánh Cha rửa tội cho 13 hài nhi từ các vùng bị động đất

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 14-1-2017, tại nhà nguyện nhà trọ thánh Marta nơi ngài cư ngụ, ĐTC đã ban phép rửa tội cho 13 hài nhi sinh sau các trện động đất ở miền trung Italia hồi tháng 8 và tháng 10 năm ngoái.

Qua việc cử hành này, ĐTC giữ lời đã hứa. Đức Cha Dominico Pompilli, GM giáo phận Rieti, giải thích rằng ngày 4-10 năm 2016, khi viếng thăm làng Amatrice, nơi bị động đất nặng nhất, một bà mẹ giới thiệu hài nhi con của bà với ĐTC và hỏi xem ngài có thể rửa tội cho cháu không. Ngài đã nhận lời và quyết định nới rộng cho cả các hài nhi sinh tại các vùng bị động đất.

Cuối thánh lễ, một số trẻ em và cha mẹ đã tặng cho ĐTC một tập với những bức họa gợi lại cuộc viếng thăm của ngài ở hai nơi bị động đất nặng là Amatrice và Accumoli. (RG 15-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

ĐTC kêu gọi che chở và bảo vệ người trẻ di cư vị thành niên

ĐTC kêu gọi che chở và bảo vệ người trẻ di cư vị thành niên

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua, ĐTC đã kêu gọi đưa ra mọi biện pháp có thể giúp che chở, bảo vệ và hội nhập các trẻ em di cư. Ngài nói:

Hôm nay cử hành “gày quốc tế người di cư và tỵ nạn” với đề tài “Các người di cư vị thành niên, dễ bị thương tổn và không có tiếng nói.” Các anh em bé nhỏ này của chúng ta, đặc biệt nếu không được tháp tùng, bị phơi bầy cho biết bao nguy hiểm. Họ đông lắm! Cần đưa ra mọi biện pháp có thể để bảo đảm cho các trẻ em vị thành niên di cư sự che chở, bào vệ và cả việc hội nhập các em nữa. ĐTC cũng cám ơn Văn phòng di cư của giáo phận Roma và các nhân viên trong dấn thân tiếp đón và trợ giúp người tỵ nạn. Ngài nhắc đến gương của thánh Francesca Saverio Cabrini bổn mạng người di cư, một nữ tu can đảm tận hiến cuộc đời đem Chúa Giêsu Kitô tới cho những cho người sống xa quê hương và gia đình họ, nêu gương săn sóc người anh em kiều cư là hình ảnh của Chúa Giêsu khổ đau bị khước từ và hạ nhục. Biết bao lần trong Thánh Kinh Chúa đã xin chúng ta tiếp đón các người di cư và ngoại quốc, bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta cũng là người kiều cư.

Trước đó trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn trình thuật Phúc Âm Chúa Nhật kể lại biến cố Chúa Giêsu đến xếp hàng như các tội nhân để lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả. Ở trung tâm bài Tin Mừng (Ga 1,29-34) có lời của thánh nhân: “Đây là Chiên  Con Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (c. 29). Một lời nói được đi kèm bởi cái nhìn và cử chỉ của bàn tay chỉ Ngài, Đức Giêsu.

Chúng ta hãy tưởng tượng ra quang cảnh này. Chúng ta đang đứng trên bờ sông Giordan. Thánh Gioan đang làm phép rửa, có biết bao nhiêu người đàn ông đàn bà thuộc đủ mọi lứa tuổi đến sông để nhận phép rửa từ tay người, mà theo nhiều người nhắc nhớ ngôn sứ Elia, vị đại ngôn sứ 9 thế kỷ trước đó đã thanh tẩy dân Israel khỏi việc tôn thờ ngẫu tượng và dẫn đưa họ trở về với niềm tin thật nơi Thiên Chúa của giao ước, Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Igiaac và Giacóp. ĐTC nói:

Gioan rao giảng rằng nước trời đã gần, rằng Đấng Messia đang tự tỏ hiện và cần chuẩn bị , hoán cải và sống công chính; và ông bắt đầu ban phép rửa trên sông Giordan để cho dân chúng một phương thế sám hối cụ thể (x. Mt 3,1-6) Những người này đến để sám hối tội lỗi của họ, để đền tội, để bắt đầu trở lại cuộc sống.

Ông biết, Gioan biết rằng Đấng Messia, Đấng được thánh hiến của Chúa đã đến gần, và dấu chỉ để nhận biết Người sẽ là Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người; thật ra Người sẽ đem đến phép rửa thật, phép rửa trong Thánh Thần (x. Ga 1,33).

Và đây, lúc ấy đến: Đức Giêsu trình diện trên bờ sông, giữa dân chúng, giữa những người tội lỗi – như tất cả chúng ta – Đó là cử chỉ công khai đầu tiên của Ngài, điều đầu tiên Ngài làm khi rời nhà ở Nadarét năm 30 tuổi: Ngài đi xuống Giuđêa tới sông Giordan và để cho Gioan làm phép rửa. Chúng ta biết điều gì xảy ra – chúng ta đã cử hành Chúa Nhật vừa qua – Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu trong hình bồ câu và tiếng Thiên Chúa Cha công bố Người là Con yêu dấu (x. Mt 3,16-17). Đó là dấu chỉ Gioan chờ đợi. Chính Ngài! Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Gioan bối rối vì Ngài đã tự biểu lộ một cách không thể nghĩ được: giữa các tội nhân, được rửa như họ, còn hơn thế nữa đuợc rửa vì họ. Nhưng Thần Khí soi sáng cho Gioan và khiến cho ông hiểu rằng như thế được hoàn thành công lý của Thiên Chúa, dấu chỉ ơn cứu độ thành toàn như vậy: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Vua Israel, không phải với quyền năng của thế gian này, nhưng như là Chiên Con Thiên Chúa, Đấng mang trên mình và cất tội của trần gian.

Và như thế Gioan chỉ Người cho dân chúng và các môn đệ của ông. Vì Gioan có một vòng tròn nhiều môn đệ, đã chọn ông như vị hướng dẫn tinh thần. và chính vài người trong số họ sẽ trở thành các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu. Chúng ta biết rõ tên của họ: Simon sẽ được gọi là Phêrô, Anrê em ông, Giacôbê và em ông là Gioan. Tất cả đều là dân chài; tất cả đều là người Galilê, như Đức Giêsu.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, tại sao chúng ta lại dừng lâu trên cảnh này? Bởi vì nó định đoạt! Nó không phải là một giai thoại. Nó là một sự kiện lịch sử định đoạt! Cảnh này định đoạt đối với đức tin của chúng ta; nó định đoạt đối với cả sứ mệnh của Giáo Hội nữa. Và ĐTC giải thích như sau:

Trong mọi thời đại, Giáo Hội được mời gọi làm điều mà Gioan Tảy Giả đã làm, chỉ Chúa Giêsu cho dân chúng và nói: “Đây là Chiên Con Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất! Ngài là Chúa, khiêm tốn, giữa các tội nhân, nhưng đó là Ngài, là Ngài: không phải một người khác, quyền thế đang đến: không, không, đó là Ngài!

Và đó là các lời mà chúng tôi linh mục lập lại hằng ngày trong Thánh Lễ, khi chúng tôi giới thiệu với dân chúng bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Cử chỉ phụng vụ này diễn tả toàn sứ mệnh của Giáo Hội, không loan báo chính mình. Khốn, khốn khi Giáo Hội loan báo chính mình; thì Giáo Hội mất đi dịa bàn, không biết mình đi đâu.  Giáo Hội loan báo Chúa Kitô; không đem chính mình, nhưng đem Chúa Kitô.  Vì chính Ngài và chỉ có Ngài cứu rỗi dân Ngài khỏi tội lỗi, giải thoát nó và hướng dẫn nó tới đất của sự tự do đích thật.

Xin Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chiên Con Thiên Chúa, giúp chúng ta tin nơi Chúa và theo Người.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải

Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine tái đối thoại

Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine tái đối thoại

VATICAN. Tòa Thánh hy vọng Israel và Palestine có thể mở lại các cuộc thương thuyết trực tiếp giữa các phe để đạt tới sự chấm dứt bạo lực, đang gây đau khổ không thể chấp nhận được cho các thường dân và tiến tới một giải pháp chính đáng và lâu bền.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết như trên trong thông cáo công bố sau cuộc tiếp kiến của ĐTC dành cho Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine sáng ngày 14-1-2016. Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Abbas đã hội kiến với ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và ngoại trưởng Paul Gallagher.

Thông cáo cũng viết: ”Để đạt mục tiêu vừa nói, Tòa Thánh cầu mong rằng, với sự hỗ trợ của Cộng đồng quốc tế, có những biện pháp được đề ra để tạo điều kiện cho sự tín nhiệm nhau và góp phần kiến tạo một bầu không khí giúp đưa ra những quyết định can đảm để đạt tới hòa bình. Các vị cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc bảo tồn tính chất thánh thiêng của các Nơi Thánh cho các tín hữu thuộc tất cả 3 tôn giáo có chung tổ phụ Abraham. Đặc biệt chú ý đến các cuộc xung đột đang đè nặng trên vùng Trung Đông.”

Trong phần đầu của thông cáo, Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ”qua các cuộc trao đổi thân mật, có đề cao những quan hệ tốt giữa Tòa Thánh và Palestine, quan hệ này được thắt chặt bằng Hiệp Định tổng quát năm 2015, liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội trong xã hội Palestine. Trong bối cảnh đó, hai bên đã nhắc đến đóng góp quan trọng của các tín hữu Công Giáo cho sự thăng tiến phẩm giá con người và giúp đỡ những người túng thiếu nhất, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, y tế và từ thiện”

Tổng thống Abbas đến Roma nhân dịp khánh thành đại sứ quán của Palestine cạnh Tòa Thánh (SD 14-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: 8-1-2017

Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: 8-1-2017

VATICAN. Mặc dù trời giá lạnh, 20 ngàn tín hữu hành hương đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha trưa ngày 8-1-2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giordan. Ngài nói:

”Hôm nay lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Tin Mừng (3,13-17) trình bày cho chúng ta cảnh tượng nơi sông Giordan: giữa đám đông hối nhân đến cùng thánh Gioan Tẩy Giả để nhận phép rửa cũng có cả Chúa Giêsu. Ngài cũng xếp hàng. Gioan muốn ngăn cản Ngài đừng làm như thế và nói: ”Chính tôi mới là người cần được Ngài rửa cho' (Mt 3.,14). Thực vậy Thánh Gioan Tẩy Giá ý thức khoảng cách lớn giữa thánh nhân và Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đến chính là để lấp đầy khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa: nếu Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa, thì hoàn toàn là con người, và Ngài kết hợp những gì đã bị phân rẽ. Vì thế, Chúa Giêsu xin Gioan làm phép rửa cho, để hoàn tất mọi công lý (Xc v.15), nghĩa là thực hiện kế hoạch của Chúa Cha, tiến qua con đường vâng phục và liên đới với con người yếu đuối và tội lỗi, con đường khiêm hạ và hoàn toàn gần gũi của Thiên Chúa vơi các con cái Ngài. Vì Thiên Chúa rất gần gũi chúng ta!

”Sau khi được Gioan làm phép rửa, Chúa Giêsu từ sông Giorđan bước lên, có tiếng Chúa Cha phán từ trên cao: ”Đây là con yêu dấu của Ta: đẹp lòng Ta mọi đàng” (v.17). Đồng Thời Thánh Linh, dưới hình chim bồ câu, đậu xuống trên Chúa Giêsu, và công khai khởi sự sứ mạng cứu độ của Người; Sứ mạng theo kiểu một người đầy tớ khiêm nhường và hiền lành, chỉ có sức mạnh của chân lý, như ngôn sứ Isaia đã tiên báo: ”Người sẽ không kêu to, không lên giọng,..[…] không bẻ gẫy cây sậy đã bị dập, không dập tắt tim đèn còn ngún; Người sẽ công bố công chính với sự thật” (42,2-3).

ĐTC nhận xét rằng: Đầy tớ khiêm hạ và hiền lành. Đó là đường lối của Chúa Giêsu và cách thức truyền giáo của các môn đệ Chúa Kitô: Loan báo Tin Mừng trong sự hiền lành và cương quyết, không kiêu hãnh hoặc áp đặt. Truyền giáo đích thực không bao giờ là chiêu dụ tín đồ nhưng là thu hút về cùng Chúa Kitô. Nhưng làm cách nào? thưa bằng chứng tá của chúng ta, đi từ sự kết hiệp mật thiết với Chúa trong kinh nguyện, trong sự thờ lạy và qua bác ái cụ thể, phục vụ Chúa Giêsu hiện diện nơi người bé nhỏ nhất trong số các anh em. Noi gương Chúa Giêsu, mục tử nhân lành và thương xót, được ơn thánh của Chúa linh hoạt, chúng ta được kêu gọi biến cuộc sống của mình thành một chứng tá vui mừng soi sáng con đường mang hy vọng và yêu thương”

Lễ này làm cho chúng ta tái khám phá hồng ân và vẻ đẹp là một dân được rửa tội, nghĩa là chúng ta là những tội nhân, nhưng đã được ơn thánh của Chúa Kitô cứu vớt, được thực sự tháp thập vào quan hệ con thảo của Chúa Giêsu với Chúa Cha, nhờ Thánh Linh, được đón nhận vào lòng Mẹ Giáo Hội, có khả năng được một tình huynh đệ vô tận và không có hàng rào nào.

Và ĐTC kết luận rằng: Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp tất cả các tín hữu Kitô giữ cho ý thức luôn sinh động và biết ơn về phép rửa và trung thành tiến bước trên con đường mà bí tích tái sinh chúng ta đã mở ra, và luôn luôn khiêm tốn, hiền lành và cương quyết”.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC cho biết ngài đã rửa tội ban sáng trước đó cho 28 trẻ em, và hôm thứ bảy vừa qua (7-1-2017), ngài đã rửa tội cho một dự tòng. Ngài nói: ”Tôi muốn cầu nguyện cho tất cả các cha mẹ trong mùa này đang chuẩn bị cho một người con mình chịu phép rửa hoặc mới được rửa tội. Tôi khẩn cầu Thánh Linh xuống trên họ và các con cái để bí tích này, đơn sơ và đồng thời rất quan trọng, được sống với niềm tin tưởng và vui mừng.

ĐGC cũng mời mọi người hiệp với ”Mạng kinh nguyện của Giáo Hoàng trên hoàn cầu”, phổ biến qua các mạng xã hội, những ý chỉ cầu nguyện mà ngài đề nghị mỗi tháng cho toàn Giáo Hội. Như thế việc tông đồ cầu nguyện được tiến hành và làm gia tăng niềm hiệp thông.

Sau cùng, ĐTC mời gọi mọi người ”nghĩ đến tất cả những người sống trên đường phố, đang bị lạnh, và nhiều khi chịu sự dửng dưng lãnh đạm. Tiếc là có phải người chết vì lạnh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và xin Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng ta để có thể giúp đỡ họ.”

Thời tiết giá lạnh ở Italia đã làm cho 8 người chết (so với 53 người chết tại Ba Lan). Đức TGM Krajewski, Chánh sở từ thiện của ĐTC đã mở các nhà ngủ 24 tiếng đồng hồ để đón những người vô gia cư đến trú ngụ. Ai không muốn đến những nơi đó, thì có 2 chiếc xe minibus của sở này cho họ ngủ đêm. Ngoài ra, họ cũng được phát các túi ngủ ấm.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi

Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi

VATICAN. Nhân lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, 8-1-2017, ĐTC Phanxicô đã ban phép rửa tội cho 28 hài nhi và mời gọi các cha mẹ bảo tồn và làm tăng trưởng đức tin cho con cái.

Thánh lễ rửa tội bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi và kéo dài 2 tiếng đồng hồ tại nhà nguyện Sistina trong dinh Tông Tòa. 28 hài nhi gồm 15 nam và 13 nữ, hầu hết là con của các nhân viên Vatican. Trong số các em nam, có 4 em mang tên thánh là Phanxicô.

Đây là lần thứ 4 ĐTC ban phép rửa tội cho các hài nhi tại Nhà nguyện Sistina, cũng là nơi được dùng làm mật nghị bầu giáo hoàng, và nổi danh với các bức bích họa của Michelangelo, được các du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật tại viện bảo tàng Vatican.

Phụ giúp ĐTC trong thánh lễ này có 3 Tổng Giám Mục, 1 GM và 13 giám chức khác, trước sự hiện diện của khoảng 300 người, trong đó có 56 cha mẹ của các em được rửa tội.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng vắn tắt, ĐTC ứng khẩu nhắc nhở các cha mẹ và những người hiện diện về ý nghĩa bí tích rửa tội và nói:

”Anh chị em đã xin đức tin cho con cái. Đức tin sẽ được ban trong phép rửa tội, nghĩa là cuộc sống đức tin, vì đức tin cần phải được sống, tiến bước trên con đường đức tin và làm chứng về đức tin. Đức tin không phải là đọc kinh Tin Kính những ngày chúa nhật trong thánh lễ mà thôi. Đức tin là tin chân lý: Thiên Chúa là Cha đã sai Con của Ngài và Thánh Linh làm cho chúng ta được sống.. Nhưng đức tin cũng là tín thác nơi Thiên Chúa và điều này anh chị em cần phải dạy cho con cái, bằng gương sáng và bằng cuộc sống của anh chị em. Đức tin là ánh sáng: trong nghi thức làm phép rửa, anh chị em sẽ nhận được cây nến sáng như thời đầu của Giáo Hội. Thời đó, phép rửa được gọi là sự soi sáng, vì đức tin soi sáng tâm hồn, làm cho thấy sự việc với một ánh sáng khác”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”các cha mẹ có nghĩa vụ phải làm cho đức tin tăng trưởng, giữ gìn và làm cho đức tin trở thành chứng tá cho tất cả những người khác. Đó là ý nghĩa của nghi lễ này. Xin anh chị em đừng quên: Anh chị em đã xin đức tin, nghĩa vụ của anh chị em là giữ gìn và làm cho đức tin tăng trưởng, và trở thành chứng tá cho tất cả chúng tôi, cho cả các linh mục, giám mục nữa”.

”Hòa nhạc” của các hài nhi

Trong lúc ĐTC giảng có nhiều tiếng khóc của các hài nhi, ĐTC không hề phật ý hay khó chịu. Ngài gọi tiếng khóc của các em trong lúc ấy giống như một buổi hòa nhạc!.. và nói: cuộc ”hòa nhạc” này là vì các em đang ở trong một nơi không quen thuộc, vì các em phải thức dậy sớm hơn bình thường, và có lẽ em này cất tiếng khóc thì các em khác cũng bắt chước theo.. Chúa Giêsu cũng khóc như thế. Tôi thích nghĩ rằng bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong máng cỏ là tiếng khóc!”

Trong các ý nguyện được xướng lên trong phần Lời nguyện giáo dân, có một ý nguyện cầu cho các trẻ em đang chịu đau khổ, ”xin Chúa luôn khơi dậy những người nam nữ có khả năng cúi mình xuống trên các em với lòng yêu thương không biết mệt mỏi”.

G. Trần Đức Anh OP

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

VATICAN. Sở từ thiện của ĐTC đã phân phát 50 ngàn cuốn sách bỏ túi với tựa đề ”Hình ảnh lòng thương xót” (Icone di Misericordia) cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày 6-1-2017 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Cuốn sách này như quà tặng của ĐTC đã được 300 người vô gia cư, nhiều người thiện nguyện và các tu sĩ phân phát vào cuối buổi đọc kinh, như một thành quả nhỏ của Năm Thánh Lòng Thương Xót, và chứa đựng một số suy tư và kinh nguyện về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu Thương Xót được trình bày qua 6 giai thoại Tin Mừng kể lại kinh nguyện của 6 người đã được tình yêu thương xót của Chúa biến đổi, đó là Ông Zakêu, Mathêu người thu thuế, người phụ nữ xứ Samaria, người trộm lành, sau cùng là Tông Đồ Phêrô.

Sau buổi đọc kinh, hơn 300 người vô gia cư đã được ĐTC tặng các hộp thực phẩm và nước uống (SD 6-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Hiển Linh

Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Hiển Linh

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu khám phá ra trong cái nhìn của Thiên Chúa có chỗ cho những người bị thương, người cơ cực, bị ngược đãi, người bị bỏ rơi!

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ cử hành sáng ngày 6-1-2017, tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân lễ Chúa Hiển Linh, trước sự hiện diện của khoảng 8 ngàn tín hữu. Đồng tế với ĐTC có gần 30 Hồng Y, hơn 30 GM và gần 200 linh mục.

Trong bài giảng, sau khi phân tích tâm trạng của 3 vị Đạo Sĩ lên đường tìm kiếm và thờ lạy Chúa dưới sự hướng dẫn của ngôi sao, ĐTC nhận xét rằng: ”Họ được niềm hoài tưởng Chúa hướng dẫn… Niềm hoài tưởng ấy phát xuất từ tâm hồn tin tưởng, biết rằng Tin Mừng không phải là một biến cố của quá khứ nhưng của hiện tại.. Niềm hoài tưởng Thiên Chúa là thái độ phá vỡ sự xu thời nhàm chán và thúc đẩy chúng ta dấn thân đạt được sự thay đổi mà chúng ta ao ước và đang cần đến”.

ĐTC nói: ”Người tín hữu hoài tưởng, được niềm tin thúc đẩy, đi tìm kiếm Thiên Chúa, như các đạo sĩ, tại những nơi xa lạ nhất của lịch sử, vì trong tâm hồn họ biết rằng Chúa đang đợi họ tại đó. Họ đi tới khu ngoại ô, nơi biên cương, đến những nơi không được loan báo Tin Mừng, để có thể gặp gỡ Chúa tại đó; họ không thực hiện điều ấy với thái độ tự tôn, nhưng như một người hành khất không thể làm ngơ không biết đến đôi mắt của người mà Tin Mừng vẫn còn là thửa đất cần khám phá”. (SD 6-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha lễ Hiển Linh

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha lễ Hiển Linh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu trưa ngày 6-1-2016, lễ Chúa Hiển Linh, ĐTC mời gọi mọi người hãy bước theo ánh sáng của Chúa Giêsu và mặc lấy ánh sáng của Người.

Lúc 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại một cửa sổ ở dinh Tông Tòa và ngỏ lời với các tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô qua bài huấn dụ ngắn. Ngài giải thích ý nghĩa lễ Chúa Hiển Linh, nhất là sự kiện 3 Đạo sĩ được ngôi sao dẫn đường đến Bêlem thờ lạy Chúa Hài Đồng. Ngài nói:

”Trong đời sống chúng ta cũng có nhiều ngôi sao khác nhau, những ánh sáng chiếu sáng và hướng dẫn, chúng ta có nhiệm vụ chọn lựa và đi theo. Có những ánh sáng nhấp nháy, đến rồi đi, như những thỏa mãn nhỏ trong cuộc sống: chúng không đủ, vì chỉ kéo dài trong chốc lát và không để lại an bình mà chúng ta tìm kiếm. Rồi có những ánh sáng chóa mắt như đèn chiếu, của tiền bạc và thành công, hứa tất cả và tức khắc: những ánh sáng ấy thu hút, nhưng với sức mạnh của chúng, chúng chỉ làm mù và đưa những giấc mơ vinh quang tiến vào tối tăm dầy đặc. Trái lại, các Đạo Sĩ mời gọi chúng ta bước theo ánh sáng bền vững và dịu dàng, không tàn lụi vì không thuộc về thế gian này: nhưng đến từ trời và chiếu sáng trong tâm hồn. Ánh sáng chân thật này là ánh sáng của Chúa, hay đúng hơn, là chính Chúa Giêsu. Ngài là ánh sáng của chúng ta, ánh sáng không làm chóa mắt, nhưng đồng hành và mang lại niềm vui có một không hai. Ánh sáng này dành cho tất cả mọi người và kêu gọi mỗi người. Như thế chúng ta có thể nghe lời mời gọi của ngôn sứ Isaia gửi đến chúng ta hôm nay: Hãy trỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng” (60,1). Vào mỗi đầu ngày, chúng ta có thể đón nhận lời mời gọi này: Hãy trỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng”, hãy bước theo ngôi sao sáng của Chúa Giêsu, giữa bao nhiêu sao băng của trần thế!

ĐTC cũng giải thích rằng ”Ai muốn ánh sáng thì đi ra khỏi mình và tìm kiếm: không ở lại trong tình trạng khép kín, nhưng dấn thân.. Đời sống Kitô là một hành trình liên lỷ, gồm ánh sáng và tìm kiếm; một hành trình giống như hành trình của các Đạo Sĩ, tiếp tục tiến bước cả khi ngôi sao nhất thời biến mất. Trong hành trình ấy cũng có những cạm bẫy cần phải tránh, những chuyện tầm phào hời hợt, và theo tinh thần thế tục, cản bước tiến: những tính khí thay đổi ích kỷ làm tê liệt, những ổ gà bi quan, bóp nghẹt hy vọng. Những chướng ngại ngăn chặn những thầy thông luật như Phúc Âm hôm nay nói đến. Họ biết ánh sáng ở đâu, nhưng không lên đường. Kiến thức của họ là vô ích; biết rằng Thiên Chúa đã sinh ra thì vẫn chưa đủ, nếu không cùng với Ngài thực hiện Giáng Sinh trong tâm hồn”.

Trong phần chào thăm các tín hữu, ĐTC đặc biệt chúc mừng các cộng đoàn Giáo Hội Đông phương, mừng lễ Giáng Sinh ngày 7-1 theo lịch Giuliano. Ngài cũng nhắc đến đoàn tuần hành mặc y phục như Ba Đạo Sĩ và những người tháp tùng. Năm nay, đoàn tuần hành này được dành cho miền nam Umbria và nhắm phổ biến các giá trị liên đới và huynh đệ”. (SD 6-1-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khuyến khích những người làm mục vụ ơn gọi

Đức Thánh Cha khuyến khích những người làm mục vụ ơn gọi

VATICAN. ĐTC khích lệ những người dấn thân trong việc mục vụ ơn gọi biết lắng nghe, đón nhận những băn khoăn và khao khát của người trẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 5-1, dành cho 800 tham dự viên Hội nghị do Văn phòng toàn quốc Italia về mục vụ ơn gọi tổ chức trong những ngày này với chủ đề: ”Hãy đứng lên, tiến bước, và đàng sợ hãi”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Cha Galantino, Tổng thư ký HĐGM Italia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói đến hai đặc tính của những người mục vụ ơn gọi là lòng hăng say dấn thân và tinh thần nhưng không, phục vụ Giáo Hội và tôn trọng, tìm kiếm thiện ích của những người mà mình đồng hành trên con đường phân định ơn gọi.

Ngài cũng khẳng định rằng: ”Để đáng tín nhiệm và hòa hợp với người trẻ, cần dành ưu tiên cho việc lắng nghe, biết dành thời giờ cho việc đón nhận những câu hỏi và ước muốn của họ. Chứng tá của anh chị em càng có sức thuyết phục, nếu anh chị em, vui mừng và trong sự thật, biết kể lại vẻ đẹp, sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của người đươc Thiên Chúa yêu thương, sống sự chọn lựa con đường sống của mình với lòng biết ơn, để giúp tha nhân để lại một vết tích đặc sắc trong lịch sử”.

ĐTC giải thích rằng ”điều này đòi anh chị em không được mất định hướng vì những quyến rũ bên ngoài, nhưng tín thác nơi lòng thương xót và sự dịu dàng của Chúa, hun nóng lòng trung thành của chúng ta trong việc chọn lựa theo Chúa và sự tươi mát của ”tình đầu” trong việc theo đuổi ơn gọi” (SD 5-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp dân chúng các vùng bị động đất ở Italia

Đức Thánh Cha tiếp dân chúng các vùng bị động đất ở Italia

VATICAN. Sáng 5-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến các giới chức chính quyền, giáo quyến và hàng ngàn người bị động đất ở miền Trung Italia hồi năm ngoái.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 có 800 người thuộc tổng giáo phận Spoleto-Norcia, 500 người từ giáo phân Rieti, và 500 người khác bị động đất đang tạm trú ở Roma. Ngoài ra có các vị thị trưởng, xã trưởng và chính quyền 4 miền Marche, Umbria, Lazio và Abruzzo cùng với các GM giáo phận liên hệ.

Trước buổi tiếp kiến, lúc 11 giờ có nghi thức rước Thánh Giá Ngày Quốc Tế giới trẻ vào đại thính đường. Thánh giá này từ ngày thứ tư lễ tro, 1 tháng 3 tới đây, sẽ được rước tới các giáo phận bị động đất, và kết thúc ngày 25-3-2017 tại Đền thánh Đức Mẹ Loreto, nơi sẽ diễn ra buổi canh thức miền để cầu cho ơn gọi.

ĐTC đã tiến vào Đại thính đường lúc 11 giờ rưỡi để bắt đầu buổi tiếp kiến. Ngỏ lời với mọi người sau chứng từ của một gia trưởng bị động đất, và một cha sở ở địa phương, ngài đã ứng khẩu chia sẻ đau khổ và tái bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân và cùng cầu nguyện với các tín hữu cho những người đã bị thiệt mạng, cũng như những người bị thương còn được điều trị. Ngài nhấn mạnh đến sự ”tái thiết tâm hồn trước khi tái tạo nhà cửa”: ”Tái thiết là nhu cầu cấp thiết và để tái thiết chúng ta cần có con tim và đôi tay, tay của chúng ta và của tất cả mọi người..” ĐTC cũng nhận xét rằng ”không có chỗ cho lạc quan ở đây, nhưng có chỗ cho hy vọng. Lạc quan là một thái độ hữu ích nhất thời, nhưng không có thực chất. Ngày nay cần có hy vọng để tái thiết và điều này chúng ta thực hiện bằng đôi tay”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Các vết thương sẽ lành, nhưng các vết sẹo vẫn còn suốt đời và sẽ là một kỷ niệm về lúc đau thương này”.

Các cuộc động đất ngày 24-8-2016, 26 và 30-10-2016 ở miền trung Italia đã làm cho 300 người chết, 40 ngàn người không còn gia cư. Nhiều thánh đường bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn, trong đó có Vương cung thánh đường thánh Biển Đức ở Norcia, nơi sinh của thánh nhân.

Thứ bẩy, 14-1 tới đây, tại nguyện đường nhà trọ thánh Martha nơi ngài cư ngụ, ĐTC sẽ rửa tội cho 8 hài nhi con cái của các nạn nhân bị động đất. (SD 5-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa

duc-thanh-cha-chu-su-kinh-chieu-le-me-thien-chua

VATICAN. Chiều ngày 31-12-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều I lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp cuối năm dương lịch. Ngài đặc biệt kêu gọi giải quyết nạn thất nghiệp của giới trẻ.

Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô trong buổi hát kinh bắt đầu lúc 5 giờ chiều còn có 36 HY, đặc biệt là ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản Roma, 7 GM phụ tá và 40 GM khác, 150 LM và khoảng 8 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC đã diễn giải mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống trần chia sẻ thân phận phàm nhân, gần gũi với tất cả những người phải chịu đau khổ, bị loại trừ. Ngài mời gọi các tín hữu dừng lại trước hang đá máng cỏ để khám phá Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta tham dự vào công trình của Người, ”mời gọi chúng ta can đảm và quyết liệt đón nhận tương lai đang ở trước mặt chúng ta”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Khi nhìn máng cỏ, chúng ta gặp khuôn mặt của thánh Giuse và Mẹ Maria đầy hy vọng và ước mong, đầy câu hỏi. Những khuôn mặt trẻ đang nhìn về đàng trước với nghĩa vụ không dễ dàng là giúp Chúa Hài Đồng tăng trưởng. Không thể nói về tương lai mà không chiêm ngưỡng những khuôn mặt trẻ trung ấy và đảm nhận trách nhiệm của chúng ta đối với những người trẻ”.

ĐTC phê bình sự mâu thuẫn này: ”Một đàng chúng kiến tạo một nền văn hóa ca tụng sự trẻ trung, làm cho nó vĩnh cửu, nhưng đồng thời lại kết án những người trẻ của chúng ta không cho họ có một không gian để thực sự hội nhập vào, và dần dần chúng ta gạt họ ra ngoài đời sống công cộng, buộc họ phải xuất cư hoặc phải ăn xin những công việc mà họ không có được, hoặc không để cho họ được đề ra những dự phóng cho ngày mai.. Chúng ta dành ưu tiên cho sự đầu cơ thay vì những công việc xứng đáng và chân thực, giúp người trẻ trở thành những người tích cực nắm vai chính trong đời sống xã hội chúng ta. Chúng ta mong đợi nơi người trẻ và đòi họ phải trở thành men tương lai, nhưng chúng ta lại kỳ thị họ, ”buộc họ phải gõ những cánh cửa tiếp tục khép kín”.

”Chúng ta được mời gọi đừng như người chủ quán trọ ở Bethlehem, đứng trước một đôi vợ chồng trẻ, nói rằng: ở đây không có chỗ. Không có chỗ cho cuộc sống, cho tương lai”.

Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, ĐTC đã tiến ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện hang đá lớn tại đây. (SD 31-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha

Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha

gan-4-trieu-tin-huu-tham-du-cac-sinh-hoat-cua-duc-thanh-cha

VATICAN. Trong năm 2016, có gần 4 triệu tín hữu đã tham gia các buổi tiếp kiến, các buổi lễ và các buổi đọc kinh với ĐTC tại Vatican.

Trong thông cáo công bố hôm 29-12-2016, Phủ Giáo Hoàng cho biết con số 3 triệu 952 ngàn tín hữu tham dự các sinh hoạt của ĐTC tại Vatican không kể hàng triệu người khác gặp gỡ ngài trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại Italia và nước ngoài như ở Mexico, đảo Lesvos bên Hy Lạp, Armeni, Ba Lan, Georgia, Azerbaigian và Thụy Điển.

Trong số những người gặp ĐTC tại Vatican, đông nhất là 1 triệu 650 ngàn người dự các buổi đọc kinh Truyền Tin và Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại Quảng trường Thánh Phêrô, 924 ngàn người dự các buổi cử hành phụng vụ, 762 ngàn người dự các buổi tiếp kiến chung thứ tư hằng tuần, và 446 ngàn người dự các buổi tiếp kiến đặc biệt trong năm thánh, thường là vào sáng thứ bẩy, mỗi tháng 1 lần. Ngoài ra có gần 170 ngàn người dự các buổi tiếp kiến đặc biệt của ĐTC (SD 29-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động

Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động

bo-phuc-vu-phat-trien-nhan-ban-toan-dien-bat-dau-hoat-dong

VATICAN. Từ chúa nhật 1-1-2017, Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động, chiếu theo quyết định của ĐTC, trong tự sắc công bố ngày 31-8-2016.

ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Peter Turkson, người Ghana, làm Bộ trưởng của cơ quan mới này. Ngài năm nay 68 tuổi, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM thành phố Cape Coast hồi năm 1992 và được thăng Hồng y hồi năm 2003. Năm 2009, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình.

Bộ Phục Vụ phát triển nhân bản có thẩm quyền đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến di dân, những người nghèo túng, các bệnh nhân và những người bị loại trừ, bị gạt là ngoài lề và các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, các tù nhân, người thất nghiệp cũng như các nạn nhân của bất kỳ hình thực nô lệ và tra tấn.

Qui chế của Bộ mới được phê chuẩn thử nghiệm, theo đó, từ ngày 1-1-2017, thẩm quyền của 4 Hội đồng Tòa Thánh hiện nay sẽ tập trung vào Bộ Phục Vụ phát triển nhân bản toàn diện, đó là Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Cor Unum Đồng Tâm, mục vụ di dân và người lưu động, sau cùng là Hội đồng Tòa Thánh mục vụ các nhân viên y tế.

Kể từ ngày đó, 4 Hội đồng vừa nói sẽ ngưng hoạt động và bị bãi bỏ, cùng với các điều khoản từ số 142 đến số 153 của Tông Hiến Mục Tử Nhân Lành (Pastor Bonus).

Theo qui chế mới, trong Bộ tân lập có một Phân Bộ đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của ĐTC đối với những người tị nạn và di dân. Thực vậy, ngày nay không thể có một dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện mà không đặc biệt quan tâm đến hiện tượng di dân. Vì thế, phân bộ này được tạm thời ở dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ĐTC (Qui chế, art, 1,4).

Trong thời gian qua, ĐTC đã bổ nhiệm hai vị phó tổng thư ký giúp ngài điều hành Phân Bộ di dân trong Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, để giúp ngài trong các vấn đề di dân và tị nạn.

Đó là Cha Michael Czerny, dòng Tên 70 tuổi, người Canada gốc Tiệp, chuyên gia về các vấn đề nhân quyền, và Cha Fabio Baggio, 51 tuổi, người Argentina, thuộc dòng Scarabrini, đã từng giúp ĐTC về mục vụ di dân, khi ngài còn làm TGM giáo phận Buenos Aires. (SD 29-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

ĐHY Stanislaw Rylko, tân Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả

ĐHY Stanislaw Rylko, tân Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả

dhy-stanislaw-rylko-tan-giam-quan-den-tho-duc-ba-ca

VATICAN. Hôm 28-12-2016, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Stanislaw Rylko người Ba Lan, làm tân Giám quản đền thờ Đức Bà Cả ở Roma.

Trước đó, ngài đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Santos Abril y Castelló, 81 tuổi (1935), người Tây Ban Nha.

ĐHY Stanislaw Rylko năm nay 71 tuổi (1945), nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, trong 13 năm qua (2003).

ĐTC đã gộp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, Hội đồng gia đình và sự sống thành một cơ quan mới là Bộ giáo dân, gia đình và sự sống. Ngài trao cho Đức tân Hồng Y Kevin Farrell, người Mỹ gốc Ai Len, làm tân Bộ trưởng của Bộ này. (SD 28-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nhớ các vị tử đạo và chia buồn với dân tộc Nga

Đức Thánh Cha nhớ các vị tử đạo và chia buồn với dân tộc Nga

duc-thanh-cha-nhac-nho-cac-vi-tu-dao-va-chia-buon-voi-dan-toc-nga

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 26-12-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương thánh Stephano tử đạo, trung thành tới Tin Mừng của Chúa Kitô và chống lại não trạng trần tục, Chia buồn với dân nước Nga.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của hàng chục ngàn người, ĐTC nhắc đến lời Chúa Giêsu báo trước về sự bách hại mà các môn đệ sẽ gặp: ”Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy” (v.22). Thế gian ghét các Kitô hữu vì cùng lý do họ đã ghét bỏ Chúa Giêsu, vì Ngài mang ánh sáng của Thiên Chúa và thế gian thích bóng tối để che đậy những công việc gian ác của họ. Vì thế có sự đối nghịch giữa tâm thức Tin Mừng và não trạng thế gian. Theo Chúa Giêsu có nghĩa là theo ánh sáng của Chúa, được chiếu sáng trong đêm Bethlehem, và từ bỏ những bóng tối của trần thế”.

ĐTC nhận xét rằng ”Vị tử đạo đầu tiên, Stephano, đầy Thánh Linh, đã bị ném đá vì tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Con Duy Nhất của Thiên Chúa đến trần thế để mời gọi mỗi tín hữu chọn lựa con đường ánh sáng và sự sống. Đó là ý nghĩa sâu xa của việc Chúa đến giữa chúng ta. Khi yêu mến Chúa và vâng theo tiếng Chúa, thày Phó tế Stephano đã chọn Chúa Kitô là Sự Sống và Ánh sáng cho mỗi người…

** ĐTC nói thêm rằng: ”Ngày hôm nay cũng vậy, để làm chứng cho ánh sáng và chân lý, Giáo Hội đang chịu bách hại cam go tại nhiều nơi trên thế giới, đến độ tử đạo. Bao nhiêu anh chị em chúng ta đang chịu đàn áp, bạo lực, bị ghét bỏ vì danh Chúa Giêsu! Tôi nói với anh chị em một điều: các vị tử đạo ngày nay đông đảo hơn so với các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu tiên. Khi chúng ta đọc lịch sử các thế kỷ đầu, ở Roma này, chúng ta thấy bao nhiêu sự tàn các chống các tín hữu Kitô; ngày nay cũng có sự tàn ác như thế chống các Kitô hữu. Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến và gần gũi họ với lòng quí mến, cầu nguyện và cả khóc thương nữa. Hôm qua (25-12), các tín hữu Kitô bị bách hại ở Irak đã mừng lễ Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa của họ bị phá hủy: đó là một tấm gương trung thành với Tin Mừng. Mặc dù bị thử thách và nguy hiểm, họ đang can đảm làm chứng mình thuộc về Chúa Kitô và sống Tin Mừng, dấn thân giúp đỡ những người rốt cùng, và bị bỏ rơi nhất, làm điều thiện cho tất cả mọi người, không phân biệt ai, làm chứng về đức bác ái trong chân lý”.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy vui mừng và can đản canh tân ý chí trung thành theo Chúa Kitô như vị hướng đạo duy nhất, kiên trì sống theo tinh thần Tin Mừng, và từ khước não trạng của những kẻ thống trị trần thế này”.

Chia buồn với dân nước Nga

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chia buồn với nhân dân Nga về vụ máy bay TU-154 chở 93 người đi Siria bị rớt. Ngài nói:

”Tôi chân thành chia buồn về tin máy bay Nga bị rớt ở Hắc Hải. Xin CHúa an ủi nhân dân Nga yêu quí và gia đình các hành khách trên máy bay: các ký giả, phi hành đoàn, ca đoàn nổi tiếng và ban nhạc của Quân Đội. Xin Mẹ Maria hỗ trợ công cuộc tìm kiếm hiện nay. Năm 2004, ca đoàn của Quân đội Nga đã trình diễn tại Vatican nhân dịp 26 năm Giáo Hoàng của thánh Gioan Phaolo 2: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ”.

ĐTC cũng chào thăm các tín hữu hành hương và cầu chúc họ những ngày vui mừng và huynh đệ. Ngài không quên cám ơn tất cả những người đã gửi thiệp chúc mừng ngài trong dịp lễ này, nhất là món quà là những lời cầu nguyện cho ngài. (SD 26-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo triều Roma

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo triều Roma

duc-thanh-cha-tiep-kien-giao-trieu-roma

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến giáo triều Roma sáng ngày 22-12-2016, ĐTC đã trình bày về việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Hiện diện tại sảnh đường Clementina trong dinh tông tòa lúc 10 giờ rưỡi, có hơn 100 Hồng Y và Giám Mục, cùng với một số chức sắc khác.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, ĐTC mở đầu diễn văn với phần nói về ý nghĩa lễ Giáng Sinh là lễ mừng sự khiêm tốn yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã đảo lộn trật tự được coi là hợp lý của loài người. Từ đó, ĐTC nói đến ý nghĩa việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh là để làm cho nó phù hợp hơn với Tin Mừng, với những dấu chỉ thời đại, hướng tới điều thiện hảo và phục vụ của GM Roma. Giáo triều Roma không phải là một bộ máy bất động, và cải tổ là dấu hiệu sinh động của Giáo Hội đang lữ hành. Vì thế Giáo triều luôn luôn cần được cải tổ.

Ngài nhấn mạnh rằng: ”Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không thể chỉ hài lòng với việc thay đổi nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa Thánh canh tân về tinh thần, về nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, sự thường huấn không đủ, còn cần phải có sự hoán cải và thanh tẩy trường kỳ. Nếu không có sự thay đổi não trạng thì nỗ lực cải tổ sẽ vô hiệu.

ĐTC ám chỉ tới những chống đối, kháng cự cuộc cải tổ ngài đang thực hiện: có những kháng cự công khai, thường nảy sinh từ thiện chí và sự đối thoại chân thành, có những kháng cự thầm kín, nảy sinh từ những tâm hồn sợ hãi hoặc chai đá, được nuôi dưỡng bằng những lời trống rỗng, miệng nói là sẵn sàng thay đổi nhưng thực tế lại muốn mọi sự như trước; và cũng có những kháng cự ác ý, nảy sinh từ nhưng tâm trí méo mó và ý hướng xấu, được biện minh với những lời cáo buộc, nấp sau những truyền thống, những vẻ bề ngoài, những hình thức.

Trong diễn văn, ĐTC đã trình bày 12 tiêu chuẩn hướng dẫn việc cải tổ Giáo Triều Roma đó là: cá nhân tính tức là sự hoán cải bản thân, mục vụ tính (hoán cải mục vụ), thừa sai tính, hợp lý, hoạt động tốt, tân tiến, điều độ, nguyên tắc phụ đới, công nghị tính, công giáo tính (các chức sắc và nhân viên được chọn từ các nơi trên thế giới và thuộc nhiều giai tầng của Giáo Hội, kể cả giáo dân và phụ nữ), khả năng chuyên môn và tính chất tiệm tiến.

Ngài cũng nói rằng ”Điều tối cần thiết là các cơ quan phải có chính sách thường huấn cho các nhân viên, để tránh tình trạng ”rỉ xét” và rơi vào thái độ 'công chức'. Đàng khác, cần tuyệt đối loại bỏ thói quen ”thăng chức để huyền chức” (promoveatur ut amoveatur)”.

Trong phần cuối của diễn văn, ĐTC lần lượt liệt kê những điều đã thực hiện qua những tự sắc, bắt đầu là việc thành lập hội đồng 8 Hồng y cố vấn ngày 13-4 năm 2014 và ngày 1-7 năm sau đó, Hội đồng này trở thành 9 vị, có thêm ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Các tự sắc về việc cải tổ lãnh vực kinh tế, và tổ chức, ngân hàng Vatican hoặc là viện Giáo Vụ, thành lập Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, thành lập Bộ truyền thông, cải tổ thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, tự sắc trừng phạt các GM và Bề trên dòng thiếu sót trong việc xử lý những vụ giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và người dễ bị tổn thương, thành lập Bộ giáo dân, Bộ Dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện, cải tổ qui chế Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống.

Sau bài diễn văn và những lời chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, ĐTC đã tặng cho mỗi Hồng Y và Giám Mục cuốn sách tựa đề ”Nhận định để chữa trị các bệnh tật của tâm hồn”, tác giả là cha Claudio Acquavivia, Bề trên Tổng quyền thứ 3 của Dòng Tên. (SD 22-12-2106)

 G. Trần Đức Anh OP 

Chúa Giêsu giáng sinh đem niềm hy vọng vào lòng thế giới

Chúa Giêsu giáng sinh đem niềm hy vọng vào lòng thế giới

dtc-phanxico-chao-tin-huu-tham-du-buoi-tiep-kien-chung-trong-dai-thinh-duong-phaolo-vi-sang-thu-tu-21-12-2016

Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa niềm hy vọng đã bước vào trong thế giới. Qua tiếng “xin vâng” Đức Maria đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy chuẩn bị lễ Giáng Sinh của Chúa. Sẽ là một lễ đích thực, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào lòng đất của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ ĐTC đã suy tư về đề tài lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu là suối nguồn của niềm hy vọng. Với biến cố Con Thiên Chúa nhập thể niềm hy vọng đã bước vào thế giới. Chính ngôn sứ Isaia đã báo trước biến cố Đức Messia giáng sinh trong vài đoạn kinh thánh: “Này đây Trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14), và “Một nhánh nhỏ sẽ nảy sinh từ gốc Giêssê, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11.1). Trong các văn bản này tỏ lộ ý nghĩa của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa thành toàn lời hứa bằng cách trở thành người; Ngài không bỏ rơi dân Ngài, Ngài đến gần họ đến độ lột bỏ thiên tính của mình. Trong cách thế đó Thiên Chúa chứng minh cho thấy sự trung thành của Ngài và khai mào một Vương Quốc mới, trao ban một niềm hy vọng mới cho nhân loại. Niềm hy vọng này là niềm hy vọng nào? : đó là sự sống vĩnh cửu. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Khi nói tới hy vọng, người ta  thường quy chiếu điều không nằm trong quyền bính của con người và không trông thấy được. Thật ra, điều chúng ta hy vọng vượt ngoài các sức lưc và cái nhìn của chúng ta. Nhưng lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô khai mào việc cứu độ nói với chúng ta về một niềm hy vọng khác, một niềm hy vọng có thể tin cậy được, trông thấy được và hiểu được, bởi vì nó được xây dựng trên Thiên Chúa. Thiên Chúa bước đi với chúng ta trong Đức Giêsu, và việc bước đi cùng Ngài hướng về cuộc sống tràn đầy trao ban cho chúng ta sức mạnh hiện hữu một cách mới mẻ trong hiện tại, mặc dù mệt nhọc. Như thế, đối với kitô hữu hy vọng có nghĩa là chắc chắn bước đi với Chúa Kitô để tiến về với Thiên Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta. Niềm hy vọng không bao giờ dừng lại, niềm hy vọng luôn luôn tiến bước và làm cho chúng ta tiến bước.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Niềm hy vọng này mà Hài Nhi Bếtlêhem ban cho chúng ta, cống hiến một đích điểm, một số phận tốt lành trong hiên tại, ơn cứu rỗi cho nhân loại, diễm phúc cho ai tín thác nơi Thiên Chúa từ nhân. Thánh Phaolô tóm tắt tất cả những điều này với một kiểu nói “Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu thoát” (Rm 8,24). Nghĩa là khi bước đi trong thế giới này với niềm hy vọng chúng ta được cứu độ. Và ở đây chúng ta, mỗi người, có thể nêu lên câu hỏi: tôi có bước đi với niềm hy vọng, hay cuộc sống nội tâm của tôi dừng lại, đóng kín? Trái tim tôi là một hộc bàn đóng kín hay là một hộc bàn rộng mở cho niềm hy vọng khiến cho tôi bưóc đi, không một mình, nhưng với Chúa Giêsu?

Trong nhà của các kitô hữu trong mùa Vọng người ta chuẩn bị hang đá máng cỏ theo truyền thống có từ thời thánh Phanxicô thành Assisi. Trong sự đơn sơ của nó hang đá máng cỏ chuyển đạt niềm hy vọng; mọi nhân vật đều chìm đắm trong bầu khí hy vọng.

Trước hết chúng ta ghi nhận nơi Chúa Giêsu sinh ra là Bếtlêhem. Một thôn xóm nhỏ vùng Giuđêa nơi đã sinh ra một nghìn năm trước đó Đavít, mục đồng nhỏ đã được Thiên Chúa tuyển chọn như vua của dân Israel. Bếtlêhem đã không phải là một thủ đô, và vì thế nó đã được Thiên Chúa ưa thích; Ngài là Đấng thích hành động qua những người bé nhỏ và khiêm tốn. Tại đó sinh ra “con của vua Đavít”, được chờ đợi biết bao, là Đức Giêsu, nơi Người niềm hy vọng của Thiên Chúa và niềm hy vọng của loài ngưòi gặp gỡ nhau.

Thế rồi chúng ta hãy nhìn Đức Maria Mẹ của niềm hy vọng. ĐTC nói về Mẹ như sau:

Với tiếng “vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa: con tim thiếu nữ của Mẹ tràn đầy niềm hy vọng và hoàn toàn được linh hoạt bởi đức tin, và như thế Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ trước, và Mẹ đã tin vào lời Ngài. Đấng trong suốt chín tháng đã là hòm bia của Giáo Ước mới và vĩnh cửu, trong hang đá chiêm ngắm Hài Nhi và trông thấy nơi Ngài tình yêu thương của Thiên Chúa, là Đấng đến cứu rỗi dân Ngài và toàn nhân loại. Bên cạnh Mẹ Maria là thánh Giuse, xuất thân từ dòng tộc Giesse và Đavít, cả người nữa cũng đã tin vào các lời của thiên thần, và khi nhìn Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ, người suy gẫm rằng Hài Nhi ấy đến từ Chúa Thánh Thần, và chính Thiên Chúa đã truyền gọi Ngài là Giêsu. Trong tên gọi này có niềm hy vọng cho mọi người, bởi vì qua người con của phụ nữ Thiên Chúa sẽ cứu nhân loại khỏi cái chết và tội lỗi. Vì thế ngắm nhìn hang đá máng cỏ thật quan trọng!

** ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Và trong máng cỏ cũng có các mục đồng nữa, đại diên cho những người khiêm tốn và nghèo nàn chờ đợi Đấng Messia, “niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25), và “sự cứu rỗi của Giêrusalem” (Lc 2,38). Trong Hài Nhi đó chúng ta trông thấy việc thực hiện các lời hứa và hy vọng rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa sau cùng đến với từng người trong họ. Ai tin tưởng nơi các an ninh của mình, nhất là các an ninh vật chất, thì không chờ đợi sự cứu rỗi từ Thiên  Chúa. Chúng ta hãy nhớ kỹ điều này: các an ninh của chúng ta sẽ không cứu được chúng ta; an ninh duy nhất cứu chúng ta là an ninh của niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Nó cứu thoát chúng ta, bởi vì nó mạnh mẽ và làm cho chúng ta tiến bước trong đời với niềm vui, với ý muốn làm việc thiện, với ý muốn được hạnh phúc đời đời. Các người bé nhỏ, các mục đồng, trái lại, tín thác nơi Thiên Chúa, hy vọng nơi Ngài, và vui mừng khi nhận ra nơi Hài Nhi dấu hiệu mà các thiên thần đã chỉ cho họ (Lc 2,12).

Và chính ca đoàn các thiên thần loan báo từ trên cao chương trình vĩ đại mà Hài Nhi thực hiện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Niềm hy vọng kitô được diễn tả ra trong lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, là Đấng đã khai mào Vương Quốc tình yêu, công lý và hoà bình của Ngài.

Anh chị em thân mến, trong các ngày này, khi chiêm ngắm hang đá, chúng ta hãy chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Sẽ là một ngày lễ đích thật, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống của niềm hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào các luống của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta. Mỗi một tiếng “vâng” với Chúa Giêsu đến là một chồi lộc của niềm hy vọng. Chúng ta hãy tin tưởng nơi chồi lộc này của niềm hy vọng, trong tiếng “vâng”: Vâng, lậy Chúa Giêsu Chúa có thể cứu con, Chúa có thể cứu con”. Xin chúc tất cả anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành.

ĐTC đã chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ đến từ Paris, Saint Cloud và Reims. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như các nhóm hành hương đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ngài khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria thánh Giuse và các mục đồng mở rộng cửa tâm lòng cho Chúa Giêsu và tiếp đón nơi Ngài tất cả tình yêu Thiên Chúa Cha có đối với từng người.

** ĐTC cũng đưa ra lời kêu gọi cho Cộng hoà dân chủ Congo. Ngài nói: Dưới ánh sáng của một cuộc gặp gỡ mới đây với ĐC chủ tịch và phó chủ tịch HĐGM nước này tôi xin tái lên tiếng kêu mời tất cả mọi người dân Congo trong thời điểm tế nhị của lịch sử đất nước, hãy là các tác nhân của hoà giải và hoà bình. Ước chi những người có trách nhiệm chính trị lắng nghe tiếng nói của lương tâm, biết trông thấy các khổ đau tàn khốc của các người đồng hương và lưu tâm tới thiện ích chung. Tôi xin bảo đảm sự ủng hộ và tình thương mến của tôi đối với nhân dân thân yêu của quốc gia này, và mời gọi mọi người hãy để cho ánh sáng của Đấng Cứu Độ thế giới hướng dẫn, và tôi cầu nguyện cho lễ Giáng Sinh của Chúa mở ra cho họ các con đường của niềm hy vọng.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hượng Italia đặc biệt Hiệp hội phụ huynh ngôi sao do ĐC Pietro Santoro GM Avezzano hướng dẫn; phái đoàn tỉnh Bolsena và các thành viên Hiệp hội các người làm bánh mì Roma, đoàn rước đuốc lấy lửa từ hang đá Bếtlêhem, cộng đoàn Ốc đảo Mẹ Maria Betania Alvito và các sinh viên học sinh.

Chào các bạn trẻ ĐTC khích lệ họ chuẩn bị đón mừng Chúa đến với thái độ vâng phục và khiêm tốn của đức tin như Mẹ Maria. Ngài chúc các anh chị em bệnh nhân biết kín múc nơi Mẹ sức mạnh và lòng sốt mến đối với Chúa Giêsu. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn chiêm ngưỡng gương sống và thực thi các nhân đức của Thánh Gia trong cuộc sống thường ngày.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lây Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

duc-hong-y-turkson-rat-can-thong-diep-moi-ve-hoa-binh

VATICAN. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho rằng một thông điệp mới của ĐTC về hòa bình là điều rất cần thiết ngày nay.

ĐHY Turkson người Ghana, đã được ĐTC bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Phát triển nhân bản toàn diện, một cơ quan sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2017 và bao gồm 4 Hội đồng Tòa Thánh là: Công lý và Hòa bình, mục vụ di dân, mục vụ các nhân viên y tế, và Cor Unum (Đồng Tâm).

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Áo, Kathpress, hôm 19-12-2016, ĐHY Turkson nhắc lại rằng Thông điệp về Hòa Bình liền trước đây đã được ban hành cách đây 53 năm, tức là Thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris) do Thánh Gioan 23 Giáo Hoàng công bố năm 1963, trong bối cảnh thế giới bị chiến tranh hạt nhân đe dọa. Ngày nay, ĐGH Phanxicô nói về một ”thế chiến từng mảnh”. ĐHY nói rằng ”Cơ quan của ngài chỉ có thể chuẩn bị một thông điệp theo lệnh của ĐTC”.

Theo ĐHY Turkson, một đối tượng khác của thông điệp có thể là vấn đề di dân. Đây cũng là một đề tài lớn mà ĐGH Phanxicô quan tâm và ngài đã đích thân đảm nhận phân bộ di dân trong Bộ tân lập về việc phát triển nhân bản toàn diện.

Trả lời câu hỏi: liệu trong năm 2017 tới đây ĐGH sẽ công bố thông điệp mới về một trong hai đề tài vừa nói hay không, ĐHY Turkson đáp: ĐGH có thể ban hành thông điệp bất kỳ khi nào, nhưng điều nên đề nghị là cần giữ một khoảng cách giữa các văn kiện của ĐGH: các văn kiện này cần thời gian để được đón nhận và hấp thụ. ĐGH không viết các văn kiện để đặt trên các kệ sách. Ngài muốn thông truyền và thi hành một sứ điệp.

Cho đến nay, ĐTC Phanxicô đã công bố thông điệp Lumen fidei (Ánh sáng đức tin) vào năm 2013, Văn kiện này được vị tiền nhiệm Biển Đức 16 chuẩn bị trước đó để kết thúc Năm Đức Tin. Tiếp đến là thông điệp ”Laudato sì” năm 2015 về việc bảo vệ thiên nhiên là căn nhà chung của nhân loại. Năm 2013, ngài công bố Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm) về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, và hồi tháng 4 năm nay (2016) ngài công bố Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương) về gia đình. (KP 19-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha chia buồn và lên án vụ khủng bố tại Berlin

Đức Thánh Cha chia buồn và lên án vụ khủng bố tại Berlin

duc-thanh-cha-chia-buon-va-len-an-vu-khung-bo-tai-berlin

VATICAN. ĐTC xúc động, chia buồn với các nạn nhân và lên án vụ khủng bố tại Berlin, thủ đô Cộng hòa Liên bang Đức, tối ngày 19-12-2016.

Những kẻ khủng bố đã dùng xe vận tải đâm vào dân chúng tại chợ Giáng Sinh ở thủ đô Berlin làm cho 12 người chết và 48 người bị thương.

Trong điện văn nhân danh ĐTC gửi đến Đức Cha Heiner Koch, TGM giáo phận Berlin, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

“ĐTC xúc động sâu xa khi được biết về hành vi bạo lực kinh khủng xảy ra ở Berlin, trong đó, ngoài một số đông người bị thương, có nhiều người bị thiệt mạng. ĐTC chia buồn với thân nhân của các nạn nhân, bày tỏ sự cảm thông và gần gũi họ trong đau khổ. Trong kinh nguyện Ngài phó thác những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng xin Chúa cho những người bị thương sớm được chữa lành. Ngoài ra Ngài cám ơn các nhân viên cứu cấp và an ninh vì sự dấn thân tích cực. ĐGH Phanxicô hiệp với tất cả những người thiện chí đang dấn thân để vụ giết người điên rồ của trào lưu khủng bố này không còn tìm được chỗ đứng trong thế giới chúng ta nữa. Theo ý hướng đó, ĐTC khẩn cầu Thiên Chúa là Cha Thương Xót ban ơn an ủi, bảo vệ và chúc phúc chữa lành.

Hồng Y Pietro Paroli, Quốc vụ khanh Tòa Thánh

(Trần Đức Anh OP dịch)

Đức Thánh Cha tiếp các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia

Đức Thánh Cha tiếp các thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia

duc-thanh-cha-tiep-cac-thieu-nhi-cong-giao-tien-hanh-italia

VATICAN. Sáng ngày 19-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến 70 thiếu nhi Công Giáo tiến hành Italia và ngài trao cho các em nhiệm vụ 'nói và nghe các ông bà nội ngoại của các em'.

70 thiếu nhi đại diện cho phong trào Công Giáo tiến hành Italia thuộc các giáo phận toàn quốc, đến chúc mừng ĐTC nhân dịp lễ giáng sinh, theo một thông lệ hằng năm.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến niềm vui mà mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh mang lại cho nhân loại. Ngài nói: ”Đó thực là một điều tuyệt diệu! Khi chúng ta cảm thấy buồn, có cảm tưởng mọi sự đều không ổn, khi một người bạn làm chúng ta thấy vọng, hay đúng hơn, khi chúng ta thất vọng về chính mình, chúng ta hãy nghĩ: ”Thiên Chúa yêu thương tôi, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi!”. Đúng vậy, Chúa là Cha chúng ta luôn luôn trung tín với chúng ta và không có giây phút nào mà Ngài không yêu thương chúng ta, theo các bước chân và Ngài còn chạy đuổi theo khi chúng ta xa lìa Ngài”.

ĐTC cũng nhận xét rằng niềm vui gia tăng khi ta chia sẻ niềm vui ấy. Và ngài ”ra bài tập” cho các em khi trở về nhà: ”Niềm vui hay lây này cần phải được chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với các ông bà nội ngoại. Các con hãy thường xuyên nói chuyện với các ông bà, các ngài cũng có niềm vui hay lây ấy. Các con hãy hỏi các ông bà nhiều điều và lắng nghe các ngài. Các ông bà có ký ức về lịch sử, có kinh nghiệm về cuộc sống, và đó là một món quà lớn giúp các con trên đường đời. Cả các ông bà cũng cần nghe các con, hiểu những khát mong và hy vọng của các con”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Cả sự dấn thân của các con cho hòa bình cũng hay lây. Năm nay các con đã muốn liên kết từ ”hòa bình” với từ liên đới, qua một sáng kiến trợ giúp các bạn trẻ đồng lứa ở một khu phố nghèo tại thành Napoli. Đó là một cử chỉ tốt đẹp, cho thấy đường lối các con muốn dùng để loan báo tôn nhan của Thiên Chúa là tình thương. Xin Chúa chúc lành cho dự án làm điều thiện ấy của các con”.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có các vị thuộc ban giáo dục, linh hướng và các vị lãnh đạo toàn quốc của Phong trào Công Giáo tiến hành Italia. ĐTC cám ơn họ vì sự dấn thân tận tụy giáo dục các em theo tinh thần Kitô”.

Công giáo tiến hành Italia là hội đoàn giáo dân kỳ cựu và rộng lớn nhất tại nước này, được thành lập năm 1867 và hiện có hơn 400 ngàn thành viên, thuộc các ngành khác nhau. Và mỗi năm có hơn 1 triệu người tín hữu Công Giáo tham gia các hoạt động của hiệp hội này (SD 19-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP