Tệ nạn trẻ em lao động

Tệ nạn trẻ em lao động

Child labor 3 in VN

Ngày 12-6-2014 là Ngày quốc tế chống tệ nạn trẻ em lao động.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 11-6-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ trẻ em chống lại nạn bóc lột lao động và những hình thức nô lệ khác. Ngài nói: ”Ngày mai 12-6 là Ngày quốc tế chống nạn bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên. Hàng chục triệu trẻ em bị bó buộc phải làm việc trong những điều kiện làm suy thoái con người, chịu những hình thức nô lệ và bóc lột, cũng như bị lạm dụng, ngược đãi và kỳ thị. Tôi nhiệt liệt cầu mong cộng đồng quốc tế có thể mở rộng việc bảo vệ xã hội cho các trẻ vị thành niên để loại trừ tai ương này. Tất cả chúng ta hãy tái quyết tâm, đặc biệt là trong các gia đình, để bảo đảm cho mỗi trẻ em nam nữ được bảo tồn phẩm giá và cơ may được tăng trưởng lành mạnh. Tuổi thơ trải qua trong thanh thản sẽ giúp các em tin tưởng hướng nhìn về cuộc sống tương lai”.

Ngày quốc tế chống nạn khai thác lao động trẻ em năm nay 2014 có đề tài sự bảo vệ xã hội. Theo thống kê năm 2012 của tổ chức UNICEF hiện nay trên thế giới có 168 triệu trẻ em lao động, trong đó có 87 triệu em tuổi từ 5 đến 17 phải làm các công việc nguy hiểm có hại cho sức khỏe, sự an ninh và phát triển của các em.

Vùng Á châu Thái Bình Dương có nhiều trẻ em lao động tuổi từ 5 tới 17 nhất, tức 77,7 triệu, so với 59 triệu của vùng nam sa mạc Sahara bên Phi châu, và 12,5 triệu của vùng châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi. Về tai nạn trong khi làm việc vùng nam sa mạc Sahara bên Phi châu dẫn đầu với tỷ lệ một trên năm em. Trong số các trẻ em lao động tuổi từ 5 tới 17 của thống kê năm 2012, có tới 59% trẻ em làm việc trong lãnh vực nông nghiệp, 32% trong các việc phục dịch khác nhau trong đó có 6,9% làm việc trong gia đình và 7,2% trong kỹ nghệ. Số các trẻ em làm các việc nguy hiểm lên tới 55 triệu trong đó có 30,3 triệu là trẻ gái. Số trẻ trai thuộc lứa tuổi cao nhất từ 15 tới 17 tuổi chiếm 55%, tức 47,5 triệu em phải làm các việc nguy hiểm.

Bà Carlotta Bellini thuộc phong trào ”Cứu các trẻ em” cho biết tình hình nghiêm trọng vì 70% tổng số các trẻ em lao động đã bắt đầu làm việc trước khi lên 16 tuổi, 40% đã làm việc trước khi được 14 tuổi, và 11% làm việc trước khi lên 11 tuổi. Nghiêm trọng hơn nữa là sự kiện đa số các trẻ em được phỏng vấn tuyên bố các em đã liên lụy trong các hoạt động bất hợp pháp trong lứa tuổi 12 tới 15.

Liên quan tới việc phòng ngừa nạn trẻ em lao động bà Bellini nói học đường phải là giây thắt lưng an toàn đầu tiên, khi an ninh trong gia đình giảm đi. Nhưng rất tiếc là học đường thường không cống hiến được các giải pháp hữu hiệu. Do đó cần phải canh tân học đường làm sao để đáp ứng được các đòi hỏi của các trẻ em vốn thường phải sống trong các môi trường khó khăn. Học đường phải chuẩn bị cho các trẻ em bước vào thế giới lao động, trao ban cho các em các cơ may, và biết lắng nghe các em.

Hiện tượng trẻ em lao động không chỉ hiện diện tại các nước đang trên đường phát triển bên Á châu, Đại dương châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Colombia và Brasil, nhưng cũng có tại các nước Âu châu, Hoa Kỳ và nhất là Đông Âu. Hiện tượng trẻ em lao động cũng có tại các vùng giầu tài nguyên có một nền kinh tế phồn thịnh, nhưng có thu nhập rất thấp tính theo đầu người, và có một số người phải sống trong cảnh không phát triển.

Thật ra không có các con số chắc chắn liên quan tới các trẻ em lao động trên thế giới, nhưng người ta biết vào thời xa xưa trẻ em đã bị khai thác sức lực cho nhiều công việc khác nhau. Thực tại này gắn liền với nạn nô lệ hay lãnh vực nông nghiệp và chăn nuôi. Khi cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi đầu nạn trẻ em lao động trong các nhà máy lan tràn, nhất là trong các nhà máy dệt, trong đó các em phải làm việc 15 giờ mỗi ngày và nhận được đồng lương thấp tới nỗi không đủ mua lương thực. Kể cả ngày nay nữa nhiều trẻ em, nhất là các trẻ em bên Phi châu, phải làm việc để mưu sinh nhưng cũng không đủ để mua một đĩa cơm.

Vào thập niên 1980 bên Phi châu, Á châu và Nam Mỹ người ta ước đoán có hơn 5 triệu trẻ em lao động. Nhưng hiện nay số trẻ em lao động là 168 triệu, cũng có người cho rằng có tới 250 triệu. Có nhiều lãnh vực lao động khác nhau như lãnh vực sản xuất nông nghiệp, kỹ nghệ, đánh cá và làm việc trong các thành phố. Trong lãnh vực nông nghiệp trẻ em làm việc trong các ruộng vườn của gia đình hay làm việc như công nhân của các hãng đa quốc trong các đồn điền. Trong lãnh vực kỹ nghệ các trẻ em từ 7 tới 15 tuổi làm việc trong các xưởng dệt vải, dệt thảm, may quần áo hay trong các xưởng chế bóng đá hay giầy dép.

 

child labor 4

Lý do gây ra nạn trẻ em lao động là cảnh nghèo túng của gia đình. Các em phải làm việc để mưu sinh và nuôi sống gia đình. Cũng có nhiều trường hợp các em bị cha mẹ bán cho chủ để trả nợ cho gia đình. Đây là trường hợp nhiều trẻ em Ấn Độ làm việc trong các xưởng dệt thảm. Và có nhiều chủ nhân xích chân các em vào máy dệt vì sợ các em bỏ trốn. Vì phải làm việc như thế nên thường khi các em cũng không đựơc học hết bậc tiểu học. Tình trạng mù chữ này khiến cho các em không biết tới các quyền của mình, cả khi các em trở thành công nhân trưởng thành. Thật thế, có rất nhiều công nhân bị giới chủ nhân khai thác bóc lột vì mù chữ, nên không biết chủ bắt ký giấy trong đó nói những gì. Họ bị bó buộc phải tuân lệnh chủ nhân hết năm này sang năm khác, và có khi cả đời cho tới chết.

Câu chuyện em bé Iqbal người Pakistan nổi loạn chống lại các đàn áp và bạo lực của chủ đã trở thành biểu tượng tranh đấu cho phẩm giá và các quyền lợi của trẻ em lao động.

Tại các nước kỹ nghệ tân tiến như Italia cũng có nạn trẻ em lao động. Cứ 20 trẻ em dưới 16 tuổi thì có 1 em phải làm việc. Italia có 5,2% trẻ em trong lứa tuổi từ 7 tới 15 phải làm việc, tức tương đương với 260.000 em. Đó là kết qủa cuộc điều tra có tên gọi là ”Cuộc chơi đã hết” do phong trào ”Cứu các trẻ em” và Hiệp hội Bruno Trentin trình bầy trước bộ trưởng lao động và các giới chức liên hệ. Rất nhiều trẻ em bị khai thác lao động là các trẻ em bi bỏ rơi không có ai và cơ cấu xã hội nào săn sóc lo lắng cho các em.

Nạn trẻ em lao động tại miền bắc và miền trung Italia rất thấp, nhưng cao tại miền nam, và rất cao trên đảo Sicilia, vùng Foggia và Vibo Valentina. Theo thống kê năm 2011 có 16% người trẻ trong lứa tuổi 18-24 đã học xong trung học, nghĩa là rất cao so sánh với các nước Âu châu khác. Và hiện tượng này đi song song với nạn trẻ em lao động. Tìm hiểu chi tiết hơn người ta thấy hầu như 3/4 trẻ em làm việc cho gia đình: 41% trong các hoạt đông nghề nghiệp của cha mẹ, 33% trong gia đình, và trong số 26% làm việc cho thân nhân bạn bè có 12,8% làm việc cho các người bà con, và 13,8% làm việc cho bạn bè.

Có ba công việc thông thường nhất: thứ nhất là trong lãnh vực khách sạn, quán nước, quán ăn, phụ bếp, hầu bàn, làm bánh chiếm 18,7%; thứ hai là buôn bán chiếm 14,7% kể cả nghề bán rong; thứ ba là sinh hoạt tại đồng quê chiếm 13,6%, từ trồng tỉa cho tới chăn nuôi súc vật. Tiếp theo đó là các sinh hoạt thủ công nghệ chiếm 8,9%, giữ trẻ em chiếm 4%, làm việc văn phòng chiếm 2,8%, và trợ giúp trong các xưởng chiếm 1,5%.

 

Child labor

Hầu như 45% cho biết được trả tiền công và tỷ lệ gia tăng trong các sinh hoạt thuộc lãnh vực gia đình.

Liên quan tới việc phối hợp công việc làm và học hành 23% cho biết mệt nhọc nhưng là điều có thể làm được; 11% coi là rất mất sức tới độ phải chọn việc làm khi qúa mệt không chịu nổi nữa. Nhưng 65,4% người trẻ vị thành niên cho rằng không có vấn đề gì khi vừa đi làm vừa đi học.

Đa số các trẻ em được phỏng vấn không biết mình bị khai thác bóc lột và cũng không biết hợp đồng làm việc là gì. Miền Nam Italia là vùng có nhiều nguy cơ cho các trẻ em lao động hơn là miền trung và miền bắc. Cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế khiến cho tệ nạn trẻ em lao động trở thành nghiêm trọng hơn, vì gia đình rơi vào cảnh túng thiếu.

Tuy luật lệ Italia cấm trẻ em lao động và Italia cũng đã phê chuẩn hiệp ước Liện Hiệp Quốc năm 1989 về các quyền của trẻ em, nhưng chính quyền chưa thành công trong cuộc chiến chống lại nạn trẻ em lao động. Đã có một số sáng kiến được đưa ra như thăng tiến nhãn hiệu hàng hóa, để bảo đảm chúng đã không được làm bởi các trẻ em lao động, nhưng thật ra không đem lại các kết qủa mong ước. Vì các em lại bị bó buộc phải làm các việc khác có khi còn nguy hiểm hơn trước. Và số trẻ em nô lệ bị cướp mất tuổi thơ vẫn còn rất nhiều trên thế giới ngày nay.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Thông tin chuyến tông du của Giáo Hoàng đến Hàn Quốc được phát hành

Thông tin chuyến tông du của Giáo Hoàng đến Hàn Quốc được phát hành

Andrea Tornielli cho Vatican Insider/La Stampa

ĐTC-và-tu-sĩ-Hàn-Quốc

ĐTC và tu sĩ người Nam Hàn

Đoàn đại biểu Vatican, được bổ nhiệm để nghiên cứu chi tiết về lịch trình chuyến thăm sắp tới của Đức Phanxicô từ ngày 14-18 tháng 8, đã đến Hàn Quốc vào thứ Hai và đã đúc kết về lịch trình chuyến đi lần hai này. Thông tin này đã được đăng bởi trang web ‘Il Sismografo’ với một bài viết của Alexander Notarnicola đề cập đến những nội dung về các nghi thức cử hành của Đức Giáo Hoàng trích từ báo chí Hàn Quốc.

Đoàn đại biểu Tòa Thánh dẫn đầu bởi vị linh mục chuyên lo về các chuyến thăm quốc tế của Đức Thánh Cha là Alberto Gasbarri. Họ đã có một chuyến thăm vào hồi đầu tháng 2. Đoàn đại biểu của Vatican đã gặp các quan chức chính phủ và các thành viên ủy ban chuẩn bị thuộc Giáo Hội Công giáo địa phương.

Kế hoạch đã lên lịch trong đó có Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành vào ngày 15 tháng 8 tại sân vận động Daejeon, nơi đã diễn ra World Cup 2002. Thánh Lễ này sẽ trùng với Ngày Đại Hội Giới Trẻ Châu Á lần thứ VI từ ngày 13 đến 17 tháng 8, dịp Đức Giáo Hoàng viếng thăm. Ngày 16 tháng 8, tại Gwanghwamun, Đức Phanxicô sẽ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc bị giết trong thế kỷ XVIII: họ bị kết án tử vì theo Công giáo mà bỏ Nho giáo là tôn giáo chính trong triều đại Joseon (1392-1910).

Mặc dù, chính quyền thành phố Seoul ước tính số người Công giáo tham dự sẽ không quá 200 ngàn, nhưng sẽ có khoảng một triệu người hiện diện trong lễ phong chân phước này.

Ngày 16 tháng 8, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm thành phố Hoa ở làng Eumseong, tỉnh Chungcheon của Hàn Quốc, ở đây ngài sẽ gặp gỡ những người khuyết tật và người vô gia cư. Cuối cùng, vào ngày 18 tháng 8 Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ chính tòa Myeongdong ở Seoul. Vương cung thánh đường kính Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm và còn được gọi là nhà thờ chính tòa Myeong-dong, đặt theo tên khu phố nơi nhà thờ tọa lạc. Nhân dịp này có thể có người Công giáo từ Bắc Triều Tiên tham dự.

Nguồn: Vatican Insider/La Stampa

Trích từ UCANEWS VN

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Giáo Chủ Anh giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Giáo Chủ Anh giáo

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái khẳng định mục tiêu tìm về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Công Giáo và Anh giáo, đồng thời cổ võ sự cộng tác chung giữa hai cộng đồng Giáo Hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 16-6-2014, dành cho Đức Justin Welby, TGM giáo phận Canterbury, Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo, cùng với phái đoàn đến thăm ĐTC. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster, Chủ tịch HĐGM Công Giáo Anh quốc.

Pope Francis meets the Archbishop of Cantebury 6-16-2014

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC bày tỏ đau buồn vì tình trạng chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và khẳng định rằng: ”Đứng trước cái nhìn từ bi của Chúa, chúng ta không thể làm ngơ không biết rằng sự chia rẽ giữa chúng ta là một gương xấu, một chướng ngại cản trở việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Cái nhìn của chúng ta nhiều khi bị lu mờ vì gánh nặng gây ra do lịch sử những chia rẽ của chúng ta cũng như do ý chí của chúng ta không luôn luôn được giải thoát khỏi tham vọng phàm nhân, thậm chí tham vọng này nhiều khi đi kèm ước muốn loan báo Tin Mừng theo mệnh lệnh của Chúa” (Xc Mt 28,19).

ĐTC xác quyết rằng ”Mục tiêu hiệp nhất trọn vẹn có thể có vẻ là một mục tiêu xa vời, nhưng nó vẫn luôn mà mục tiêu chúng ta phải qui hướng mọi bước đường trong hành trình đại kết thúc ta đang cùng nhau thực hiện.. Sự tiến bộ hướng về hiệp nhất trọn vẹn không phải chỉ là kết quả hành động nhân trần của chúng ta mà thôi, nhưng là món quà tự do của Thiên Chúa. Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta sức mạnh để không nản chí và mời gọi chúng ta hoàn toàn tín thác nơi hoạt động quyền năng của Chúa”.

ĐTC nhắc lại trong lần gặp gỡ đầu tiên với Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo, hai bên đã nói về những quan tâm chung và những tai ương đang đè nặng trên gia đình nhân loại. Ngài nói:

”Đặc biệt chúng ta đã bày tỏ kinh hoàng trước tệ nạn buôn người và những hình thức nô lệ mới mẻ. Tôi cảm ơn Đức Giáo Chủ vì đã dấn thân chống lại tội ác không thể dung thứ này chốn glại phẩm gia con người. Trong lãnh vực hoạt động rộng lớn này và cấp thiết này, nhiều hoạt động cộng tác quan trọng đã được khởi sự, trong lãnh vực đại kết cũng như với các chính quyền dân sự và các tổ chức dân sự quốc tế. Nhiều sáng kiến bác ái đã nảy sinh từ các cộng đoàn của chúng ta và được thực thi quảng đại và can đảm tại nhiều miền trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến mạng hành động chống lại nạn buôn phụ nữ do nhiều Hội dòng nữ đề xướng. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân kiên trì trong cuộc chiến chống lại những hình thức nô lệ mới mẻ, với niềm tín thác rằng chúng ta có thể góp phần nâng đỡ các nạn nhân và chống lại thảm trạng buôn người thê thảm như vậy' (SD 16-6-2014).


G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đồng thánh Egidio

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đồng thánh Egidio

ROMA. Chiều chúa nhật 15-6-2014, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm Cộng đồng thánh Egidio ở Roma và gặp gỡ dân nghèo cũng như những người di dân.

Khi đến nơi vào lúc quá 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã chào thăm khoảng 10 ngàn người, đa số là những người di dân và dân nghèo, tụ tập tại khu vực San Callisto thuộc lãnh thổ Vatican, cho đến Vương cung thánh đường Santa Maria in Trastevere. Ở tiền đường của thánh đường, ĐTC chào thăm đại diện của Cộng đoàn Do thái, nhiều người sống tại khu vực này, và nhiều Hồng Y và các chức sắc của của Giáo Hội.

Ông Chủ tịch Cộng đoàn đã trao thư chính thức mời ĐTC đến viếng Hội đường của Do thái ở Roma, nơi mà hai vị tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16 đã từng viếng thăm.

Đầu buổi gặp gỡ, Giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên kiêm chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio đã trình bày với ĐTC lai lịch và hoạt động của Cộng đồng này do một nhóm thanh niên học sinh thành lập hồi năm 1968, họ họp nhau chia sẻ Lời Chúa và thực hành các công tác bác ái. Hiện nay Cộng đồng này có hơn 60 ngàn thành viên tại 70 nước trên thế giới.

Tiếp lời giáo sư Andrea, Đức TGM Jean Kawak, của Giáo Hội CT Siriac ở Damasco, trình bày với ĐTC thảm trạng của nhân dân Siria trong chiến tranh từ hơn 3 năm nay với hơn 160 ngàn người chết, nhiều GM và LM bị bắt cóc vẫn chưa được trả tự do. Ngài xin ĐTC nhớ đến Siria và dân chúng nước này trong kinh nguyện.

7 người khác, trong đó có một bà cụ 90 tuổi, và những người di dân lượt kể lại hoàn cảnh đau thương của họ và cho điết tìm được sự nâng đỡ nơi Cộng đồng thánh Egidio.

Về phần ĐTC, lên tiếng tại buổi gặp gỡ ngài ghi nhận sự hiện diện của nhiều người già, trẻ em và người trẻ tại nhà thờ và gọi đó là dấu chỉ chứng tỏ chất lượng của một xã hội. Ngài nói: ”Khi người già bị gạt bỏ, khi người già bị cô lập hóa và nhiều khi tắt lịm đi trong sự thiếu tình thương, thì đó là một dấu hiệu xấu! .. Người già và kinh nguyện của họ là một sự phong phú đối với cộng đồng thánh Egidio. Một dân tộc không gìn giữ người già, không chăm sóc người trẻ, thì đó là một dân tộc không có tương lai, không có hy vọng!”.

ĐTC nhắc đến sự kiện bao nhiêu người trẻ ở Âu Châu không có công ăn việc lạm, 75 triệu người trẻ dưới 25 tuổi ở đại lục này chẳng có việc làm cũng chẳng được học hành. Điều đó đang xảy ra tại Âu Châu này, một Âu Châu mệt mỏi, không già nua, nhưng mệt mỏi”.. Chúng ta phải giúp Âu Châu này được trẻ trung hóa, tìm lại căn cội của mình. Đúng vậy, Âu Châu đã chối chọ căn cội của mình. Chúng ta phải giúp Âu Châu tìm lại cội rễ của mình!”.

Sau buổi cầu nguyện tiếp đó và phép lành cho các tín hữu, ĐTC còn tiến sang trụ sở của Cộng Đồng thánh Egidio gần đó, để gặp gỡ các vị lãnh đạo của Cộng đoàn, trước khi trở về Vatican lúc gần 7 giờ tối (SD 16-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ các cuộc đầu tư giúp dân nghèo

Đức Thánh Cha cổ võ các cuộc đầu tư giúp dân nghèo

VATICAN. Sáng ngày 16-6-2014, ĐTC đã tiếp kiến 100 tham dự viên hội nghị về việc đầu tư trợ giúp người nghèo và ngài nhiệt liệt khích lệ sáng kiến liên đới này.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình, đã giới thiệu với ĐTC các thành phần tham dự cũng như nội dung của Hội nghị.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhìn nhận rằng các cuộc đầu tư như thế nhắm tạo nên một ảnh hưởng tích cực về mặt xã hội trên dân chúng địa phương, như kiến tạo công ăn việc làm, cung cấp năng lượng, việc giáo dục và gia tăng mức sản xuất nông nghiệp. Lợi nhuận do việc đầu tư này ít hơn so với các loại đầu tư khác. Nhưng động lực linh hoạt những hình thức can thiệp mới mẻ này là ”nhìn nhận mối liên hệ đặc biệt giữa lợi nhuận và liên đới, có một tương quan vòng tròn phong phú giữa sự kiếm lợi và trao tặng.. Vì thế, nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là tái khám phá và loan bao cho mọi người sự hiệp nhất quí giá và nguyên thủy giữa lợi nhuận và tình liên đới”.

ĐTC cũng kêu gọi làm sao để luân lý đạo đức tìm lại được chỗ đứng trong tài chánh và các thị trường đặt mình phục vụ lợi ích của các dân tộc và công ích của nhân loại. Ngài nói: ”Chúng ta không còn có thể chấp nhận để cho các thị trường tài chánh cai quản số phận của các dân tộc thay vì phục vụ các nhu cầu của các dân nước, và cũng không thể chấp nhận để cho một thiểu số được thịnh vượng bằng cách sử dụng các biện pháp đầu cơ tài chánh, trong khi đa số phải chịu những hậu quả nặng nề do nạn đầu cơ như thế”. (SD 16-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tổ chức ”Cứu trẻ em” kêu gọi chấm dứt tội bạo lực tình dục đối với các trẻ em

Tổ chức ”Cứu trẻ em” kêu gọi chấm dứt tội bạo lực tình dục đối với các trẻ em

Trong các ngày từ mùng 10 tới 13-6-2014 hội nghị quốc tế về Bạo lực tình dục chống lại các trẻ em đã diễn ra tại London thủ đô Anh quốc. Tham dự hội nghị có 140 ngoại trưởng các nước, cũng như đại diện của nhiều tổ chức dân sự, quân đội, pháp luật và các tổ chức phi chính quyền.

Trong hội nghị Phong trào ”Cứu trẻ em” đã đưa ra lời kêu gọi các chính quyền và tổ chức quốc tế nỗ lực cộng tác để chấm dứt tội phạm này chống lại hàng chục triệu trẻ em.

Phong trào này đã được khởi đầu vào tháng 4 năm 2013 và kết hợp sự cộng tác của tất cả mọi cá nhân và tổ chức muốn thăng tiến các giá trị xã hội và hạnh phúc của trẻ em. Phong trào nhận định rằng môi trường xã hội và hệ thống giáo dục ngày nay khiến cho trẻ em bị qúa nhiều áp lực cướp mất tuổi thơ hồn nhiên của chúng, và gây ra rất nhiều chấn thương thể lý cũng như tâm lý làm tổn hại cho cuộc sống. Trong số các thành viên của Phong trào có nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Phong trào đã tổ chức phiên họp hai ngày có rất nhiều chuyên viên tham dự. Trong số các thuyết trình viên có Anthony Seldom, Tim Gill, Reg Bailey, Susan Greenfield và Sue Palmer. Các thuyết trình viên đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc cấp thiết bảo vệ trẻ em khỏi mọi ảnh hưởng gây thiệt hai cho sức khỏe và hạnh phúc của các em. Trẻ em cần được lớn lên trong một môi trường lành mạnh với các cha mẹ, thầy cô, và những người săn sóc các em lành mạnh. Và chúng ta cần chú ý tới các loại giá trị mà chúng ta muốn thăng tiến trong xã hội.

Việc bảo vệ các trẻ em là một nhu cầu cấp bách vì các thống kê hiện nay cho thấy 1 trên 10 trẻ em bị rối loạn tâm trí; 1 trên 5 em cần được giáo dục một cách đặc biệt; 1 trên 5 em có các dấu chỉ ăn uống lộn xộn; 1 trên 3 em bị bệnh mập phì; 1 trên 12 em tự gây thương tích cho chính mình.

Chiến dịch bảo vệ trẻ em đầu tiên do phong trào phát động hồi tháng 9 năm 2013 có tên gọi là ”Quá nhiều và quá sớm” nhằm tố cáo các cung cách tổ chức của hệ thống giáo dục xã hội đòi hỏi qúa nhiều nơi các trẻ em và tạo ra qúa nhiều áp lực đối với chúng, khiến cho trẻ em thường xuyên phải cố gắng nên lo âu sợ hãi và đánh mất đi tuổi thơ của chúng.

Chiến dịch này đã gây được tiếng vang lớn trong môi trường quốc gia và quốc tế. Mục đích thứ nhất phong trào nhắm tới là quy tụ tất cả những ai nhận ra sự soi mòn tuổi thơ tại Anh quốc và trợ giúp các nước khác trên thế giới chống lại hiện tượng đáng lo ngại này. Thứ hai là nhận diện ra vấn đề và tìm kiếm các giải pháp văn hóa và chính trị. Thứ ba là nêu bật, yểm trợ và thăng tiến các giải pháp sáng tạo trong tương lai nhằm bắt đầu một cuộc thảo luận sâu rộng trên toàn Anh quốc, liên quan tới mục đích giáo dục và định nghĩa thành công. Bảo đảm rằng các tình trạng hạnh phúc của trẻ em cần được chú ý ngang hàng với các kỹ năng của trí tuệ.

Nhận diện và lôi cuốn sự chú ý của quốc gia và quốc tế tới các áp lực không thích đáng trên bình diện phát triển gây thiệt hại cho sự phát triển thể lý, cảm xúc, tâm trí và tinh thần của trẻ em. Bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong các năm đầu tiên của tuổi thơ, khỏi kỹ thuật màn hình và các đường hướng phát triển công nhận các lợi ích của thế giới vi tính. Bảo đảm các lợi ích của trẻ em theo Thỏa hiệp các quyền của trẻ em của Liên Hiệp Quốc và nêu bật các điều khoản về sự phát triển tự nhiên, thường chưa đạt được. Thành lập một Ủy ban liên ngành và chính trị mới cố vấn cho các chính quyền trong việc che chở và bảo vệ quyền được phát triển tự nhiên của trẻ em. Phát triển kiểu tiếp cận mới mẻ và gợi hứng phục vụ các nhu cầu của việc phát triển của trẻ em.

Phong trào ”Cứu các trẻ em” cũng thường xuyên thăng tiến các đóng góp ý kiến, đối thoại, trao đổi và tổ chức các cuộc hội luận giúp nhận ra các thí dụ gợi hứng cho các giải pháp trong tương lai.

Theo ước tính của phong trào ”Cứu các trẻ em” hiện nay trên thế giới có khoảng 30 triệu trẻ em vị thành niên là nạn nhân bạo lực tình dục trong hay sau các cuộc chiến và xung khắc đó đây trên thế giới. Hồi tháng 12 năm 2013 người ta ước tính tại Cộng hòa Trung Phi, nơi đang có các cuộc chiến tiếp diễn, việc hãm hiếp là hình thức phổ biến nhất đối với 40% các trẻ gái vị thánh niên. Cả các bé gái 5 tuổi cũng đã biết các bạo lực thể lý và tâm lý có nghĩa là gì.

Cũng trong năm 2013 bên Siria đã có 38,000 người kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứu trợ sau khi đã chịu các tấn kích thể lý và các hành động bạo lực tình dục. Và người ta chắc chắn đây chỉ là chóp đỉnh của tảng băng bạo lực tính dục khổng lồ xảy ra trong chiến tranh tại Siria từ hơn 3 năm qua với hơn 100.000 người chết. Hãm hiếp là lý do giải thích tại sao nhiều cha mẹ lại bắt buộc các con gái còn bé lập gia đình, bởi vì họ sợ chúng có thể bị hãm hiếp trong cảnh chiến tranh và không muốn gia đình phải bị nhục vì có con gái rơi vào tình cảnh ấy.

Bên Lybia trong thời gian sau chiến tranh có tới 83% các trẻ gái sống sót dưới 17 tuổi đã sống kinh nghiệm bị hãm hiếp. Nhiều khi các trẻ em bị các lực lượng quân đội lạm dụng tình dục ngay tại những nơi, mà đáng lý ra chúng phải được che chở bảo vệ nhất như các trường học.

Em Emma thuộc Cộng hòa Congo kể lại rằng em đã bị một binh sĩ hãm hiếp, khi sống trong trại tị nạn với mẹ và các bạn. Lúc đó là 9 giờ sáng, em ở lại đàng sau vì khi chạy trốn em bị trặc chân. Bất thình lình em trông thấy một binh sĩ đứng trước mặt, tay lăm le một khẩu súng lục và nói: ”Mày chỉ có một lựa chọn thôi hoặc là hiến thân cho tao hay là tao giết mày”. Tôi nói là tôi không muốn chọn điều ấy và tôi bắt đầu chạy. Nhưng ông ta đuổi theo, chộp được tôi và hãm hiếp tôi. Ông ta đã không nói gì khi bạo hành tình dục tôi, nhưng tôi nghĩ ”tôi muốn rằng đừng có chiến tranh cũng đừng có người tỵ nạn, để đừng xảy ra các cảnh này”. Rồi tôi lại chạy trốn, nhưng lần này ông ta không bắt được tôi. Tôi chạy về nhà và thay quần áo. Quần áo tôi bị vấy máu vì tôi đã mất trinh.

Phong trào ”Cứu các trẻ em” hiện diện trong hội nghị quốc tế tại London với các đại diện và trẻ em nạn nhân bạo lực tình dục để mạnh mẽ yêu cầu các chính quyền hiện diện đưa vào chương trình hội nghị việc chống lại các hãm hiếp thể lý và tâm lý đối với các trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, bằng cách chấm dứt tình trạng không trừng phạt các thủ phạm. Tổ chức đã đưa ra lời kêu gọi rất mạnh mẽ để hội nghị có các hành động cụ thể hầu thay đổi số phận của hàng chục triệu trẻ em bị bó buộc sống trong các hoàn cảnh nặng nề của chiến tranh và xung khắc. Cần phải đưa ra các biện pháp chuyên biệt để phòng ngừa mọi loại bạo lực chống lại các trẻ em và việc bảo vệ các em trong các môi trường chiến tranh phải là điều ưu tiên trong các can thiệp nhân đạo.

Để được như vậy phải tài trợ các sinh hoạt bảo vệ trẻ em chống lại các bạo hành tình dục, củng cố và bảo vệ các hệ thống giáo dục, phối hợp yểm trợ làm sao để các cơ quan liên hệ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa quốc có tài nguyên, các khả năng chuyên môn và sự yểm trợ chính trị hầu đối phó với vấn đề một cách hữu hiệu, bằng cách đặc biết chú ý tới các thiếu niên nam nữ bị tuyển mộ hay bổ sung cho các lực lượng hay các nhóm vũ trang. Ngoài ra cũng cần đầu tư nhiều hơn cho các sinh hoạt đưa tin tức và tường trình các tội phạm bạo lực tình dục chống lại các trẻ em. Các biện pháp này đỏi buộc phải gia tăng chi phí đầu tư. Theo tổ chức ”Cứu các trẻ em” trong năm 2013 các chính quyền đã chỉ dành từ 0 đến 2% ngân qũy nhân đạo cho việc bảo vệ và phòng ngừa bạo lực chống lại trẻ em.

Phong trào đã tích cực hoạt động trong các vùng chiến tranh và vì thế biết các phương thế rất hữu hiệu giúp bảo vệ các thiếu niên nam nữ chống lại các tấn công thể lý trong chiến tranh và để cung cấp cho các em sống sót sự trợ giúp chuyên biệt mà các em cần.

Bên Colombia là quốc gia có nội chiến lâu nhất thế giới kéo dài từ 60 năm qua tổ chức ”Cứu các trẻ em” hoạt động với các không gian thích hợp với các trẻ em cho phép các em được hưởng các phục vụ chuyên biệt yểm trợ cảm xúc và tâm lý. Trong các trại tỵ nạn cho người Somali bên Kenya các rẻ em sống sót và gia đình các em nhận được sự trợ giúp chuyên biệt và sự cố vấn từ các chuyên viên trong lãnh vực bảo vệ các trẻ em vị thành niên.

Ngoài ra tổ chức ”Cứu các trẻ em” cũng hoạt động nhằm thay đổi các thói quen và cung cách hành xử nền tảng của bạo lực hay có nguy cơ gây ra bao lực đối với các trẻ em. Chẳng hạn bên Nepal qua các trung tâm riêng của mình tổ chức mạnh mẽ chống lại các thái độ và nền văn hóa bạo lực đối với các thiếu niên nam nữ và phụ nữ. Trong khi tại Myanmar tổ chức hoạt động bên cạnh các cộng đoàn địa phương để gây ý thức cho dân chúng liên quan tới các nguy cơ to lớn vì nạn tuyển mộ trẻ em chiến binh vào trong các lực lượng vũ trang từ phía giới quân nhân. Ngoài ra tổ chức ”Cứu các trẻ em” cũng hoạt động để bảo đảm cho các luật lệ được soạn thảo và củng cố để che chở các trẻ vị thành niên và đưa việc bảo vệ đó vào trong các cơ cấu quốc gia như lực lượng cảnh sát, các binh chủng quân đội và các lực lượng bảo hòa.

Bạo lực tính dục ám chỉ mọi hành động, mưu toan hay đe dọa có tính cách tính dục gây ra hay có thể gây ra đau đớn và khổ đau tâm lý, thể lý hay xúc cảm cho một cá nhân. Và nó bao gồm việc lạm dụng tính dục và khai thác tình dục. Thuộc loại này còn có các vụ hãm hiếp, loạn luân, các sách nhiễu tình dục, cưỡng bách mại dâm, nô lệ tình dục, và buôn bán cơ phận người nhằm mục đích khai thác tình dục.

Theo Bản tường trình của phong trào ”Cứu các trẻ em” tựa đề ”Các tội phạm không tả nổi chống lại các trẻ em. Bạo lực tình dục trong các xung đột”, có 15.95% các trẻ em trai gái trên thế giới là nạn nhân của các vụ lạm dụng tính dục khi sống trong các vùng có chiến tranh xung đột.

(SD 10-6-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ơn gọi của kitô hữu là phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa

Ơn gọi của kitô hữu là phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa

Ơn gọi của kitô hữu là phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa. Một người yêu thương tha nhân vì chính niềm vui yêu thương, phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một gia đình trong đó người ta yêu thương nhau và trợ giúp nhau là phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một giáo xứ, trong đó tín hữu yêu nhau và chia sẻ các của cải tinh thần và vật chất cho nhau là một phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15-6-2014 lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Trong buổi đọc kinh Truyền Đức Thánh Cha cũng đã mời gọi mọi người hiệp ý với ngài cầu nguyện cho dân nước Irak được hưởng an ninh, hòa bình và hòa giải. Ngài cũng loan báo sẽ viếng thăm mục vụ Albania ngày 21 tháng 9 tới đây. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, tôi đang lo lắng theo dõi các biến cố của những ngày vừa qua bên Iraq. Tôi mời gọi tất cả mọi người hiệp ý với tôi cầu nguyện cho dân nước Iraq thân yêu, nhất là cho các nạn nhân và cho những ai phải đau khổ nhiều vì các hậu qủa của bạo lực gia tăng. Cách riêng cho nhiều người, trong đó có biết bao kitô hữu, đã phải bỏ nhà cửa. Tôi cầu chúc cho toàn dân Iraq được an ninh, hòa bình và một tương lai hòa giải, công bằng, trong đó tất cả mọi người dân Iraq, thuộc bất cứ tôn giáo nào có thể cùng nhau xây dựng quê hương của họ, làm cho Iraq trở thành một mô thức của sự sống chung.

Hôm nay tôi muốn báo tin là tôi nhận lời mời của các Giám Mục Albania và chính quyền, và tôi có ý đến thăm Tirana ngày Chúa Nhật 21 tháng 9 tởi đây. Với cuộc viếng thăm ngắn ngủi này tôi muốn củng cố Giáo Hội tại Albania và chứng tỏ sự khích lệ và tình yêu của tôi đối với một đất nước đã khổ đau lâu dài vì các ý thức hệ trong qúa khứ.

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Ngày lễ giới thiệu cho sự chiêm niệm và thờ lạy của chúng ta cuộc sống của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: một cuộc sống của sự hiệp thông sâu xa và của tình yêu hoàn hảo, là nguồn gốc và mục đích của toàn vũ trụ và của mọi thụ tạo. Đức Thánh cha giải thích thêm như sau:

Trong Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta cũng nhận ra mô thức của Giáo Hội, trong đó chúng ta được mời gọi yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Tình yêu là dấu chỉ cụ thể biểu lộ niềm tin nơi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Tình yêu là dấu chỉ phân biệt của kitô hữu, như Chúa Giêsu đã nói: ”Từ dấu này mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy đó là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Thật là một mâu thuẫn nghĩ rằng các kitô hữu thù ghét nhau. Đó là một mâu thuẫn. Và ma qủy luôn luôn tìm điều đó: nó làm cho chúng ta thù ghét nhau, bởi vì nó luôn luôn gieo cỏ lùng của sự thù hận, nó không biết đến tình yêu: tình yêu là Thiên Chúa.

Chúng ta tất cả được mời gọi làm chứng và loan báo sứ điệp ”Thiên Chúa là tình yêu”, Thiên Chúa không xa cách hay vô cảm đối với các biến cố của con người. Ngài ở gần chúng ta, Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta để chia sẻ các vui buồn cũng như các khổ đau, hy vọng và mệt nhọc của chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới độ đã nhập thể, và đến trong thế giới, không phải để xét xử thế giới nhưng để thể giới được cứu thoát nhờ Chúa Giêsu (Ga 3,16-17). Đó là tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Tình yêu này khó hiểu, nhưng chúng ta cảm thấy khi chúng ta tới gần Chúa Giêsu. Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta, Người luôn luôn chờ đợi chúng ta. Người yêu thương chúng ta biết bao! Và tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta cảm thấy là tình yêu của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Chúa Thánh Thần, ơn của Chúa Giêsu phục sinh, thông truyền cho chúng ta cuộc sống thiên linh, và như thế làm cho chúng ta bước vào trong sự năng động của Thiên Chúa Ba Ngôi, là một sự năng động của tình yêu, của sự hiệp thông, của việc phục vụ nhau và chia sẻ. Rồi Đức Thánh Cha cụ thể hóa kiểu sống này như sau:

Một người yêu thương tha nhân vì chính niềm vui yêu thương, phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một gia đình trong đó người ta yêu thương nhau và trợ giúp nhau là phản ánh Thiên Chúa Ba Ngôi. Một giáo xứ, trong đó tín hữu yêu nhau và chia sẻ các của cải tinh thần và vật chất cho nhau là một phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu đích thật không giới hạn, nhưng biết tự giới hạn, để ra đi gặp gỡ người khác, để tôn trong sự tự do của người khác. Chúng ta đi lễ mọi ngày Chúa Nhật và chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể với nhau; và bí tích Thánh Thể giống như ”bụi gai cháy” trong đó Thiên Chúa Ba Ngôi ở và thông truyền chính mình; vì thế Giáo Hội đã để lễ kính Mình Máu Thánh Chúa sau lễ Chúa Ba Ngôi. Ngày thứ năm tới đây, theo truyền thống tại Roma, chúng ta sẽ cử hành thánh lễ tại Đền thờ Gioan Laterano rồi đi rước kiệu Mình Thánh Chúa. Tôi mời gọi tất cả mọi tín hữu Roma và các khách hành hương tham dự để bầy tỏ ước muốn của chúng là một dân ”được quy tụ trong sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Thánh Cipriano). Tôi chờ đợi anh chị em tất cả ngày thứ năm lúc 19 giờ cho Thánh lễ và buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta biến toàn cuộc đời mình, cả trong các cử chỉ bé nhỏ và các lựa chọn quan trọng nhất, trở thành một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Tình Yêu.

Đức Thánh Cha đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho Iraq, và mời gọi người cầu nguyện cho ý chỉ này. Đức Thánh Cha đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho dân nước Iraq. Ngài cũng loan báo chuyên viếng thăm Albania ngày 21 tháng 9 năm nay.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hành hương hiện diện: các giáo xứ, các gia đình và các hiệp hội. Ngài đã đặc biệt chào các quân nhân Colombia, các tín hữu đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Avila và La Rioja Tây Ban Nha, cũng như các tín hữu đến từ Tuerto Argentina, từ Cagliari, Albino, Vignola, Lucca và Battipaglia.

Đức Thánh Cha cũng chào Phong trào tông đồ hoạt động ”Thăng tiến sự Thánh thiện” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị sáng lập là vị tôi tở Chúa Guglielmo Giaquinta. Đức Thánh Cha khích lệ các thành viên tiếp tục tươi vui phổ biến công tác tông đồ của sự thánh thiện.

Ngài cững chào các bạn trẻ Casaleone mới chị phép Thêm Sức và các công nhân của nhóm y tế IDI Roma. Đặc biệt ngài chào nhóm các cộmg sự viên giúp việc trong các gia đình, săn sóc người già và những người không tự lập được trong gia đình, vì công việc phục vụ qúy báu của họ, thường bị lãng quên. Đức Thánh Cha đã cám ơn họ. Sau cùng ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Phoenix – Một linh mục bị sát hại và một linh mục bị thương trầm trọng

Phoenix – Một linh mục bị sát hại và một linh mục bị thương trầm trọng

Nhà thờ Mother of Mercy Mission

Một linh mục vừa bị sát hại và một linh mục khác đang bị thương trầm trọng trong một giáo xứ tại thành phố Phoenix. Cảnh sát cho biết, đã nhận được một cú điện thoại 911 vào khoảng 9:00 tối ngày thứ Tư, 06-11-2014 từ nhà thờ Mother of Mercy, Mission Catholic Church. Cha Kenneth Walker bị bắn trọng thương và đã qua đời sau đó trong bệnh viện, còn phần Cha Terra bị thương rất trầm trọng và đang được chăm sóc tại bệnh viện.

Nguồn tin từ nhà thờ cho biết, không phải chỉ có một tên trộm có trang bị vũ khí đột nhập vào nhà thờ, có thể là có thêm một vài  đồng phạm khác. Cảnh sát tạm thời chưa xác định là mấy người nhưng sẽ tiến hành điều tra. Các điều tra viên đang thu thập các dữ chứng tại hiện trường và đồng thời kêu gọi mọi người đều hợp tác để giúp cảnh sát tìm ra thủ phạm đã thảm sát Cha Walker và làm trọng thương Cha Terra.

Cha Kenneth Walker chỉ mới 29 tuổi, cha là người rất nhiệt huyết, thụ phong linh mục được 2 năm, là thành viên của dòng Hội Huynh Đệ Linh Mục của Thánh Phêrô (Priestly Fraternity of St. Peter), và Cha Terra cũng thuộc dòng Hội này.

Cầu nguyện Cha Walker 2

Cha Walker sanh trưởng trong một gia đình chịu ảnh hưởng theo truyền thống Thánh Lễ La Tinh tại miền thượng New York. Cha Walker tốt nghiệp từ Học viện Đức Bà Tòa Đấng Khôn Ngoan (Our Lady Seat of Wisdom), một chủng viện Công giáo nằm ở tỉnh Ontario, nước Canada, nơi Cha theo  học từ năm 2003-2005. Cha Walker là một trong những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên được thụ phong linh mục. Ngài thụ phong vào năm 2012 ở Nebraska.

Giáo dân của giáo xứ đã dâng lễ cầu nguyện vào sáng ngày thứ Năm, cầu nguyện cho linh hồn Cha Kenneth Walker và Cha Terra được mau sớm bình phục.

Các giáo dân cũng nói rằng, đây là một sự mất mát lớn đối với giáo xứ của họ, và là sự đau buồn cho giáo hội công giáo.

Cầu nguyện Cha Walker

Chiếc xe Mazda Tribune 2003 màu xanh của nhà thờ bị đánh cấp bởi bọn trộm giết người được tìm thấy cách 4 ngã tư đường từ nhà thờ.

Cảnh sát cho biết, nếu ai có thông tin về vấn đề này, xin hãy liên lạc và báo cho cơ quan hữu trách.

 

Thái Trọng

Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi

Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi

“Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta”. Đó là lời mở đầu của thánh lễ mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cả khi mạc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng không dạy tại sao Thiên Chúa duy nhất phải có ba ngôi. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là trong bài diễn văn về việc hiện hình trong bữa tiệc ly vì sự hiện diện và tác động của từng ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp nhất giữa ba ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến chấp nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành: “Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữa giới răn Ta truyền, thì chúng ta sẽ đến ngự trong người đó”. Và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 16,12-15 được dùng trong thánh lễ kính Đức Chúa Trời Ba Ngôi là những lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần.

Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa, mà là sống mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được phần nào về Thiên Chúa, nhưng không thể nào biết trọn được cả. Sự việc đã xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn, làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như một trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các con vào trọn cả trong sự thật.”

Mỗi ngày, chúng ta cần lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa. Đây là một sự khám phá vô cùng và mãi mãi không bao giờ ngừng cả khi chúng ta được đối diện với Thiên Chúa trong cõi đời đời.

Mỗi ngày, chúng ta càng được hướng dẫn hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, càng được thần thiêng hóa và trở nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị em chung quanh như chính Thiên Chúa muốn, càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa, thì chúng ta càng có tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận anh chị em chung quanh và mời gọi họ trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Đây là kinh nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà không sự chứng minh hay giải thích nào của lý trí có thể đủ sức trình bày.

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, mà dấu Thánh Giá chúng ta mang lấy trên thân mình hàng ngày trước mỗi công việc quan trọng ban cho chúng ta được mỗi ngày một tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được ẩn mình trong Thiên Chúa, được biến đổi trong Thiên Chúa để sống trọn cuộc sống con người của mình trên trần gian này và mãi mãi trong cõi vĩnh phúc mai sau.

Veritas Radio

Huyền nhiệm tình yêu

Huyền nhiệm tình yêu

Thiên Chúa là tình yêu. Đó là chân lý, là lời khẳng định của thánh Gioan Tông đồ được ghi lại trong sách Tin Mừng. Thực vậy, sách Tin mừng được xem là lá thư mà Thiên Chúa đã tỏ tình với con người qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu độ. Tình yêu đó được tỏ bày qua từng biến cố của dòng đời để dần dà với thời gian con người mới khám phá ra tình yêu của một vì Thiên Chúa nhưng được thực hiện qua 3 cách thức khác nhau. Ngài đã tỏ mình là một vì Thiên Chúa là Cha qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và Ngài còn tiếp tục thi thố tình thương đó qua sự quan phòng đầy kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa. Ngài đã tỏ tình yêu của mình qua Ngôi Hai Thiên Chúa mang lấy thân phận con người để có thể cùng chia sẻ những thăng trầm nổi trôi của cuộc sống con người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã ghi dấu tình yêu vĩnh cửu của mình qua cái chết thập tự giá để nói lên một tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho con người. Vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu”. Với Ngôi Ba Thiên Chúa, tình yêu của Ngài luôn đầy tràn trong cuộc đời các tín hữu để thánh hoá con người làm con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta “như con ngươi trong mắt Ngài”. Chúa biết rõ từng cuộc đời chúng ta như mục tử biết từng con chiên. Chúa vẫn ngàn đời tín trung với tình yêu ban đầu, vì cho dầu “như người cha người mẹ có bỏ con cái, còn Ta cũng không bao giờ bỏ các ngươi”. Tình thương đó Chúa muốn mời gọi chúng ta đón nhận với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân. Vâng, có lẽ, điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là hãy hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Vì con người là “hoạ ảnh của Chúa”, nên con người phải biết sống yêu thương. Yêu thương sẽ làm chúng ta giống Chúa hơn. Yêu thương sẽ giúp chúng ta sống hoàn thiện con người mình hơn. Chính tình yêu phục vụ tha nhân sẽ là cách chúng ta đáp đền tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Người ta kể rằng: Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:

– “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!”

Vâng, con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Amen.

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.

Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.

Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.

Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thế nào?
2) Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa chưa?
3) Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần

Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần

Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa.

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới. Đây là Một trong những mầu nhiệm cao cả nhất của đức tin chúng ta. Mục đích của Giáo hội muốn rằng, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta phải đi loan báo Thiên Chúa thật cho mọi người, không kể là Do thái hay dân ngoại, cho họ biết Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp nhất trong Tình Yêu và ca lên: “Chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng thương xót chúng ta” ( Ca nhập lễ).

Một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn là mầu nhiệm Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”.

Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm… Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.

Dấu Thánh Giá là dấu kẻ có Đạo.

Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta là những người “kitô hữu”, nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.

Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.

– Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.

– Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.

Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được “vẽ” và “ghi” dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

Hành động Đức Tin

Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.

1- Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.

2- Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.

3- Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Chúng ta khẳng định mầu định Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.

Hành động của Đức Cậy.

Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời.Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời.Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở cửa Trời cho chúng ta.

Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.

Hành động Đức Mến.

Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với “tha nhân”.

Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang: ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được “nâng đỡ” bởi tình yêu Thiên Chúa.

Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái: “yêu tha nhân là yêu chính Chúa”.

Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?

Hai điều cần thiết: là mến Chúa và yêu người”. Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Đức Thánh Cha gặp gỡ 60 ngàn hội viên các Hội Từ Bi

Đức Thánh Cha gặp gỡ 60 ngàn hội viên các Hội Từ Bi

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu dấn thân, cảm thông, liên đới và giúp đỡ các anh chị em đau khổ trong cuộc sống thường nhật.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 14-6-2014, dành cho hơn 60 ngàn thành viên các hội đoàn từ bi bác ái và hội hiến máu ở Italia, cùng với thân nhân của họ.

Từ khoảng 9 giờ rưỡi sáng, các hội viên đã tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô, dù trời nắng gắt, để sinh hoạt, ca hát, cầu nguyện, nghe trình bày chứng từ, trước khi chào đón ĐTC từ lúc 12 giờ trưa.

ĐHY Giuseppe Bertori, TGM Firenze, nơi xuất phát các Hội từ bi, vị chủ tịch liên hội toàn quốc là ông Roberto Trucchi và chủ tịch Hội Fratres hiến máu, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhận xét rằng ”Misericordie” các hội từ bi, là tên cổ kính của các giáo dân Công Giáo, ăn rễ sâu trên toàn lãnh thổ Italia, dấn thân làm chứng tá Tin Mừng bác ái nơi các bệnh nhân, người già, người tàn tật, trẻ em, người di dân và người nghèo. Ngài giải thích nguyên ngữ của từ Misericordia nghĩa là ”trao con tim cho người lầm than” (miseris cor dare). Đó cũng là điều Chúa Giêsu đã làm, Chúa mở toang con tim của Ngài trước cảnh lầm than của con người, và Phúc Âm đầy những giai thoại trình bày lòng từ bi của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ và yếu đuối”.

ĐTC nói: ”Noi gương Thầy Chí Thánh, cả chúng ta cũng được kêu gọi gần gũi, chia sẻ thân phận của những người chúng ta gặp. Cần làm sao để lời nói, cử chỉ, thái độ của chúng ta diễn tả tình liên đới, ý chí không xa lạ đối với đau khổ của người khác, nhiệt tình huynh đệ nhưng không rơi vào bất kỳ hình thức cha chú nào”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Chúng ta có bao nhiêu thông tin và thống kê về nghèo đói và đau khổ của con người, có nguy cơ chúng ta trở thành những khán giả được thông tin rất nhiều về những thực tại ấy nhưng không có hành động đi kèm, hoặc nói thì hay nhưng không có sự dấn thân can dự vào các vấn đề thực tế.. Tất cả chúng ta được kêu gọi để cho mình can dự vào những chao đảo của con người, hằng ngày gọi hỏi chúng ta.. Chúng ta hãy trở nên dấu chỉ sự gần gủi của Thiên Chúa, Đấng là sự thiện hảo, tình thương và sự quan phòng”.

Phong trào các hội từ bi được khai sinh ở thành Firenze Trung Italia năm 1244 và hiện nay có 689 chi hội với hơn 700 trụ sở trên toàn quốc và khoảng 670 ngàn hội viên, trong đó 1 phần 5 hoạt động thiện nguyện, đảm trách 2,500 xe cứu thương và hơn 1 ngàn phương tiện chuyên chở đặc biệt khác.

Tham dự buổi tiếp kiến của ĐTC cũng có 600 nhóm hiến máu với 133 ngàn thành viên. Năm ngoái, họ đã hiến tổng cộng hơn 143 ngàn đơn vị máu (SD 14-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tố giác hệ thống kinh tế ngày nay

Đức Thánh Cha tố giác hệ thống kinh tế ngày nay

BARCELONA. ĐTC Phanxicô tố giác hệ thống kinh tế trên thế giới hiện nay dẫn tới xung đột quân sự như một phương thế làm cho những nước hùng mạnh nhất được giầu thêm.

Ngài đưa ra nhận định trên đây trong cuộc phỏng vấn dài dành cho nhật báo La Vanguardia số ra ngày 12-6-2014 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. ĐTC nói:

”Chúng ta đang ở trong một hệ thống kinh tế thế giới không tốt, một hệ thống để sống còn thì phải tạo ra chiến tranh, như các đế quốc lớn vẫn luôn làm. Nhưng vì chúng ta không thể có thế chiến thứ 3, nên chúng ta có những cuộc chiến tranh miền. Và điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là các võ khí được chế tạo và bán, và theo thể thức ấy, các nền kinh tế tôn thờ ngẫu tượng, các nền kinh tế lớn trên thế giới sát tế con người ở dưới chân thần tượng tiền bạc, để giữ cho ngân sách được quân bình”.

ĐTC tái khẳng định một trong những đề tài thường được ngài nói đến, đó là những thất bại của sự hoàn cầu hóa không những về mặt vật chất nhưng cả về mặt văn hóa, vì nó xóa bỏ những khác biệt. Chính vì thế Ngài kêu gọi bảo tồn đặc tính của mỗi ngưởi, sự phong phú và căn tính của họ”.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC cũng trả lời câu gọi về bạo lực lấy hứng từ tôn giáo và nhận xét rằng trong quá khứ, các tín hữu Kitô cũng gây ra bạo lực theo kiểu đó, chẳng hạn cuộc chiến tranh 30 năm hồi thế kỷ 17. Trong Kitô giáo, Do thái và Hồi giáo đều có những nhóm cực đoan, một thiểu số so với phần còn lại của các tín hữu. Một nhóm cực đoan, dù không đánh ai, thì cũng là bạo lực. Não trạng của trào lưu cực đoan là thi hành bạo lực nhân danh Thiên Chúa”.

Trả lời câu hỏi về việc mở văn khố của Tòa Thánh và vai trò của ĐGH Piô 12 trong thời thế chiến thứ 2, ĐTC Phanxicô khẳng định rằng việc mở văn khố này sẽ mang lại nhiều ánh sáng cho vấn đề đó, đặc biệt về các hoạt động của ĐGH Piô 12. Tuy nhiên, ngài phê bình những người đổ mọi tội cho Đức Cố Giáo Hoàng và nói rằng ”Người ta gán cho Đức Piô 12 đủ thứ, nhưng bạn phải nhớ rằng Đức Piô 12 rất bênh vực người Do thái. Tôi không nói Đức Piô 12 không phạm lỗi lầm – cả tôi cũng phạm nhiều lỗi lầm – nhưng bạn phải giải thích vai trò của Người trong bối cảnh thời ấy. Ví dụ phải tự hỏi: có nên lên không lên tiếng phê bình Đức quốc xã để tránh cho nhiều người Do thái bị giết hay là phải lên tiếng?”

ĐTC Phanxicô mạnh mẽ phê bình thái độ ”hai cân hai lượng” của một số người phê bình ĐGH Piô 12: họ là những ngừơi quên vai trò của các cường quốc, đã không oanh tạc các đường xe lửa chở những người Do thái tới các trại tập trung của Đức Quốc xã. Các cường quốc biết các trại đó và các đường xe lửa ấy, nhưng họ không làm gì!”. (CNS 13-6-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giáo Hội sắp có thêm 6 vị Hiển Thánh mới

Giáo Hội sắp có thêm 6 vị Hiển Thánh mới

VATICAN. Sáng 12-6-2014, ĐTC đã nhóm Công nghị Hồng Y và quyết định sẽ tôn phong hiển thánh cho 6 vị chân phước vào ngày 23-11 năm nay, Lễ Chúa Kitô Vua.

Đứng đầu danh sách là chân phước Giovanni Antonio Farina (1803-1888) GM giáo phận Vicenza, bắc Italia, sáng lập dòng các nữ tu giáo viên thánh Dorotea Nữ Tử Thánh Tâm.

Tiếp đến là chân phước LM Kuriakose Elias Chavara (1805-1871), đồng sáng lập và là Bề trên Tổng quyền đầu tiên dòng Camêlô Đức Mẹ Vô nhiễm, sinh tại bang Kerala nam Ấn độ năm 1805 và qua đời năm 1871 và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 8-2-1986 tại thành phố Kottayam, Ấn độ, trong cuộc viếng thăm của ngài tại nước này.

Thứ ba là Chân phước Ludovico Casoria (1814-1885), LM thuộc dòng Phanxicô, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Elizabeth.

Thứ tư là chân phước Nicola da Longobardi (1649-1709), tu sĩ dòng Hèn Mọn (Minimi).

Thứ năm là nữ chân phước Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm (1877-1952), người Ấn độ, thuộc dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô.

Sau cùng là chân phước Amato Ronconi, thuộc dòng Ba Phanxicô, sáng lập bệnh viện hành hương nghèo ở Saludecio, nay là Dưỡng Đường Hội Chân Phước Amato Ronconi.

Xét về quốc tịch có 4 vị người Italia và 2 vị người Ấn độ, 3 vị đã sáng lập dòng tu, một nữ tu và một giáo dân.

Công nghị Hồng y diễn ra lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba (SD 12-6-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới 2014

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới 2014

VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu mong giải bóng đá thế giới tại Brazil trở thành lễ hội liên đới giữa các dân tộc, cơ hội đối thoại, cảm thông và làm cho con người thêm phong phú.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp Video truyền đi tối ngày 11-6-2014 nhân dịp khai mạc giải bóng đá thế giới tại Brazil.

ĐTC khẳng định rằng: ”Thể thao không phải chỉ là một hình thức tiêu khiển, nhưng đặc biệt nó là một dụng cụ thể thông truyền các giá trị thăng tiến thiện ích của con người và giúp kiến tạo một xã hội an bình và huynh đệ hơn. Chúng ta nghĩ đến sự lương thiện, kiên trì, tình thân hữu, sự chia sẻ, và liên đới. Thực vậy, bóng đá gợi lên nhiều giá trị và thái độ quan trọng không những tại sân bóng, nhưng cả trong mọi khía cạnh của cuộc sống, cụ thể hơn là trong việc xây dựng hòa bình. Thể thao là một trường hòa bình, dạy chúng ta xây dựng hòa bình”.

ĐTC nhấn mạnh 3 bài học về việc thực hành thể thao, ba khía cạnh thiết yếu để bênh vực chính nghĩa hòa bình, đó là cần phải tập luyện, chơi đẹp và tôn trọng đối thủ.

Ngài giải thích rằng: ”trước tiên thể thao dạy chúng ta điều này: để thắng thì cần phải tập luyện. Qua việc thực hành thể thao, chúng có thể thấy đó là hình ảnh cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc đời cần phải chiến đấu, phải tập luyện, dấn thân để đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần thể thao gợi lại cho chúng ta hình ảnh những hy sinh cần thiết để tăng trưởng trong các nhân đức tạo nên cá tính mỗi người. Nếu để cải tiến một người, cần phải tập luyện khẩn trương và liên tục, thì cần phải dấn thân nhiều hơn để đạt tới cuộc gặp gỡ và hòa bình và giữa các dân tộc được ”cải tiến”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Bóng đá có thể và phải là một trường huấn luyện về một nền văn hóa gặp gỡ” mang lại sự hài hòa và an bình giữa các dân tộc. Ở đây bài học thứ hai trong việc thực hành thể thao giúp đỡ chúng ta: chúng ta học cách chơi đẹp trong bóng đá. Để chơi trong đội banh của mình thì trước tiên cần phải ý đến ích lợi của nhóm chứ không phải nghĩ đến mình. Để thắng, cần phải vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ và mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bất bao dung và lợi dụng con người. Thái độ cá nhân chủ nghĩa trong bóng đá là một chướng ngại cản trở chiến thắng của đội bóng; cũng chúng ta theo cá nhân chủ nghĩa trong cuộc sống, cố tính không biết đến những người chung quanh, thì toàn thể xã hội sẽ bị thiệt thòi”.

Bài học sau cùng mà thể thao mang lại để giúp đạt tới hòa bình là phải tôn trọng đối phương. Bí quyết của chiến thắng trên sân banh và cả trong cuộc sống, hệ tại biệt tôn trọng người đồng đội của mình cũng như đối phương. Không ai có thể chiến thắng một mình trên sân banh cũng như trong cuộc đời. Ước gì không ai tự cô lập mình và cảm thấy bị loại ra ngoài! (SD 12-6-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondonbo và Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio

Chiều ngày 28-5-2014 một nhóm người vũ trang, có lẽ là cựu phiến quân hồi giáo Seleka, đã dùng lựu đạn tấn công nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui, khiến cho ít nhất 17 người chết kể cả một linh mục.

Tin địa phương nói số nạn nhân khoảng 40 người. Ngày 30-5-2014 hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bangui để phản đối và lên án vụ khủng bố đã man này, đồng thời để phản đối các lực lượng quốc tế, tuy ở gần đó nhưng đã can thiệp chậm trễ. Vị linh mục bị thiệt mạng là cha Paul Emile Nzale, 76 tuổi. Cha đang thăm người tỵ nạn trong giáo xứ. Người ta cũng cho biết là đã có một số tín hữu bị nhóm phiến quân hồi bắt làm con tin.

Trung Phi rộng gần 623 ngàn cây số vuông, có khoảng 5 triệu dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau, hơn 80% theo Kitô giáo gồm 51,4% Tin Lành 28,9% Công Giáo, 15% hồi giáo và 9.6% theo đạo thờ vật linh. Từ năm 2012 lực lượng Seleka gồm các phiến quân hồi nổi lên tiến chiếm miền bắc và miền trung và từ năm 2013 đánh chiếm thủ đô Bangui và lên nắm quyền. Các lực lượng dân quân kitô quy tụ thành phong trào Chống Balaka đánh nhau với lực lượng Seleka, khiến cho nội chiến kéo dài tại Trung Phi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondobo về tình hình Trung Phi hiện nay.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các binh sĩ lực lượng phiến quân Seleka lại tấn công và gieo chết chóc cho các kitô hữu như thế?

Đáp: Tin khủng bố sát hại này thật là buồn và trầm trọng. Ban đầu chúng tôi đã dấn thân nói rằng cuộc xung khắc này là chính trị, chứ không phải là cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Nhưng sự kiện cố ý tấn công một họ đạo như vậy làm cho chúng tôi lo sợ, bởi vì nó là một dữ kiện mạnh mẽ để nói rằng cuộc xung đột đang ngày càng trở thành tôn giáo nhiều hơn. Và điều này cũng giúp chúng tôi nói rằng các tôn giáo chúng tôi phải tỉnh táo mở mắt, để không bị lèo lái bởi các nhà chính trị, bởi vì chỉ cần lơ là một chút là rơi vào cạm bẫy này. Dân tộc này đã luôn luôn chung sống với nhau với các tôn giáo khác nhau hiện diện tại đây, và vì thế ngày hôm nay chúng tôi không thể bắt đầu gây chiến với nhau được. Tuy nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng và tỉnh thức để tránh tất cả các cạm bẫy này. Tôi xin lập lại, với điều đã xảy ra, chỉ cần một chút thôi là lại nảy sinh ra sự báo thù trong trái tim con người.

Hỏi: Theo cha thì tại sao lại xảy ra cuộc tấn công này?

Đáp: Tôi không có một tư tưởng rõ ràng về các lý do chính xác của vụ tấn công. Nhưng cần nói rằng giáo xứ Đức Bà Fatima này nằm trong một vùng rất gần một khu phố, nơi đã có lời đồn thổi rằng vài phiến quân đã len lỏi vào và tập trung tại đây. Và như thế một giáo xứ rất ngoại ô là một vùng hơi nóng bỏng. Do đó chỉ cần một chút là xảy ra các vụ tấn công loại này.

Hỏi: Giáo Hội nằm giữ vai trò nào trong tình trạng hiện nay tại Trung Phi? Và các giáo xứ trong thủ đô Bangui hiện đang làm gì, một cách đặc biệt để trợ giúp dân chúng?

Đáp: Kể từ khi cuộc xung khắc bắt đầu, Giáo Hội công giáo đã luôn luôn làm rất nhiều để trợ giúp dân chúng. Giáo Hội công giáo ủng hộ hòa bình. Vì thế họ đạo Đức Bà Fatima, cũng như tất cả các họ đạo khác trong thủ đô Bangui, đã trở thành nơi tiếp đón. Tất cả những người không cảm thấy an ninh đã tìm được nơi trú ẩn trong nhà thờ này: đó là sự kiện quan trọng. Mọi họ đạo của chúng tôi đều tiếp đón rất nhiều người. Nhưng các nhà thờ không được bảo vệ. Và tiện đây tôi xin kêu gọi các cơ quan quốc tế để họ mở mắt nhìn một họ đạo yểm trợ hòa bình tiếp đón biết bao nhiêu người tỵ nạn, mà lại không được bảo vệ, thì đây không phải là điều bình thường. Do đó trong số các nạn nhân, ngoài đa số là tín hữu kitô, cũng có những người không kitô. Họ đã bỏ khu phố của họ để đến trú ẩn nơi đây vì không cảm thấy an ninh.

Hỏi: Xem ra tình hình tại Trung Phi lắng dịu hơn một chút có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Các tin tức cuối cùng cho biết như thế. Tại Trung Phi nói chung tình hình không yên ổn. Nhưng tại thủ đô thì đã có nhiều kiểm soát hơn một chút, trong nghĩa các sinh hoạt đã bắt đầu trở lại, nghĩa là cuộc sống bắt đầu trở lại trong thủ đô Bangui. Đó là các tin mới nhất. Tuy nhiên, điều này giúp hiểu rằng còn có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Dân chúng trong thủ đô Bangui đã mất hy vọng rồi hay sao thưa cha?

Đáp: Người dân đã không hoàn toàn mất hy vọng, nhưng họ có một chút nghi ngờ. Nói một cách nhân loại thì họ có mất hy vọng. Dĩ nhiên là sự sợ hãi lại nảy nở trong con tim người ta. Tôi tin rằng ngày nay khó đi lang thang trong các khu phố này của thủ đô hay ra khỏi nhà. Chắc chắn là người ta lo sợ. Vì không có an ninh. Nhưng chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải đi tới hòa bình thôi.

Hỏi: Các nhóm quân bảo hòa liên hiệp quốc đã làm những gì, và có thể làm những gì trong tình trạng này, thưa cha?

Đáp: Nói thật ra, họ đã có thể can thiệp nhanh nhất có thể. Từ các tin tức mà tôi đã nhận được các toán quân đó ở cách xa chỗ xảy ra khủng bố ngót một cây số. Họ đã được liên lạc, nhưng họ đã mất hàng giờ hàng giờ để can thiệp. Nếu ho đã can thiệp trước, thì tôi tin rằng đã có thể tránh được được tình hình tồi tệ này.

Tiếp theo đây là một số nhận định của Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio, và là người quen biết cha Nzale.

Hỏi: Thưa cha Yakanda, cha Paul Emile Nzale là người như thế nào?

Đáp: Cha là một người tốt lành, sống gần gũi dân chúng và là người không sợ hãi ai. Cha đang thăm các gia đình tỵ nạn trong giáo xứ thì bị bắn.

Hỏi: Cha có kỷ niệm nào với cha Nzale hay không?

Đáp: Chính cha Nzale đã dậy tôi giảng. Ngài đã đậy tội sống với dân chúng. Khi tôi còn là chủng sinh tôi đã biết cha tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi và ngài đã hướng dẫn tôi từ từ cho tới khi tôi làm linh mục cách đây 18 năm.

Hỏi: Cha có nhớ vài lời khuyên hay vài lời nói của ngài hay không?

Đáp: Có chứ. Ngài khuyên tôi kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng bao giờ chán nản ngã lòng và luôn luôn hy vọng: ngài lập đi lập lại các lời khuyên này.

Hỏi: Nghĩa là cha Nzale đã luôn luộn sống giữa dân chúng và đã được người dân rất thương mến?

Đáp: Vâng, ngài đã luôn luôn sống giữa người dân và được dân chúng trong thủ đô Bangui rất thương mến.

Hỏi: Vậy bây giờ dân chúng thủ đô ra sao?

Đáp: Người dân sống trong sợ hãi. Trong thành phố không có điện, nhưng có cuộc tổng đình công bãi thị. Dân chúng khua đĩa inh ỏi để phản đối.

Hỏi: Cha có hy vọng gì không?

Đáp: Tôi hy vọng người ta thôi bạo lực. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi làm một cái gì đó để tìm lại được hòa bình, bởi vì Trung Phi đã là một quốc gia luôn luôn sống trong hòa bình. Chỉ từ 15 năm qua ma qủy đã tỉnh thức: ma qủy chia rẽ đã tỉnh thức và gieo tai họa. Chúng tôi khÔng thành công trong việc ngăn chặn hận thù và sự căng thẳng này.

Hỏi: Cũng có các vụ phản đối lực lượng bảo hòa đã không mau chóng can thiệp, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Các binh sĩ ở cách họ đạo không xa và có các phương tiện tạo dựng hòa bình. Nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra tại đó mà họ đã không hành động.

Hỏi: Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Có. Chúng tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nhắm mắt và để cho dân chúng Trung Phi biến mất khỏi bản đồ địa lý thế giới. Ước chi họ hành động và yểm trợ người dân Trung Phi. Dân Trung Phi chỉ muốn có hòa bình, chỉ muốn sống. Xem ra người dân nước này bị bỏ rơi cho số phận của họ. Điều này không đúng! Xin cộng đồng quốc tế hãy can thiệp và làm một cái gì đó để nâng đỡ những người dân vô tội đang phải chết này!

(RG 29.30-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Tài liệu mật tiết lộ cuộc bầu chọn Thánh Piô X

Tài liệu mật tiết lộ cuộc bầu chọn Thánh Piô X

John Bingham cho The Telegraph

pius x

Một cuộc bỏ phiếu bí mật đã thay đổi quá trình bầu chọn giáo hoàng và đặt một con người trên con đường nên thánh.

Nhưng một bộ tài liệu về bầu chọn giáo hoàng hiếm thấy, được mang lén ra khỏi Mật Tuyển viện năm 1903, giải thích rõ Đức Hồng y Giusppe Melchiorre Sarto, hiện nay là Thánh Piô X, gần như chắc chắn không được lên ngôi giáo hoàng nếu không có sự can thiệp chính trị và sự lập lờ trong giáo luật bị quên lãng lâu nay.

Trong tài liệu, đem bán đấu giá tại London vào thứ Năm, có một biên bản ghi lại kết quả từ khi bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu chọn giáo hoàng vào tháng 8-1903 cho thấy Đức Hồng y Mariano Rampolla del Tindaro là ứng viên được ái mộ nhất, hơn xa mọi ứng viên.

Nhưng Đức Hồng y Rampolla, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo hoàng trước là Đức Lêô XIII, bị Hoàng đế Áo-Hungary Franz Joseph phản đối dựa trên quyền Jus exclusivae, vốn cho phép một nhóm vua chúa được chọn thuộc Giáo hội Công giáo La mã có quyền bác bỏ bất kỳ vị giáo hoàng tương lai nào mà họ không chấp thuận.

Quyền này chỉ được dùng một vài lần trong lịch sử, cho phép nhà vua hay hoàng hậu của Tây Ban Nha, Pháp, Thánh chế La mã hay hoàng đế Áo-Hungary chỉ định một hồng y thực hiện quyền phủ quyết của họ kèm theo hướng dẫn can thiệp nếu người mà họ phản đối chuẩn bị được bầu chọn.

Mặc dù Đức Hồng y Sarto hưởng lợi từ động thái này, vì nó giúp ngài lên ngôi giáo hoàng, có sự tổn thương vì sự can thiệp này, và ngài đích thân bãi bỏ quyền Jus exclusivae.

Tài liệu sẽ do Fraser’s Autograph bán tại nhà đấu giá Dreweatts & Bloomsbury ở London, trong đó có một bản kiểm phiếu viết tay từ vòng bỏ phiếu lần hai cho thấy Đức Hồng y Rampolla có được sự ủng hộ của 29 trong số 61 hồng y có mặt trong Nguyện đường Sistine, con số này chưa chiếm được đa số phiếu.

Trong khi đó Đức Hồng y Sarto chỉ có 10 phiếu. Nhưng sau khi Đức Hồng y Rampolla bị bác bỏ, ngài lại được bầu làm giáo hoàng trong vòng bỏ phiếu thứ bảy.

Ngài qua đời tháng 8-1914, ngay sau khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, và được tôn phong thánh 40 năm sau đó.

Không ai biết chính xác lý do tại sao hoàng đế này phản đối Đức Hồng y Rampolla nhưng ngài được xem là một nhà cải cách Vatican và người ta nghĩ rằng ngài được xem là quá tự do đối với Franz Joseph. Trái lại, Đức Piô X là một người theo chủ nghĩa truyền thống được tưởng nhớ vì lên án chủ nghĩa tân thời.

Quy định của Mật Tuyển viện cấm các hồng y tiết lộ chi tiết cuộc bầu cử và theo truyền thống các tài liệu này được đốt trong một cái lò đặc biệt bốc lên khói đen nếu chưa có kết quả bầu cử và khói trắng khi đã bầu được tân giáo hoàng.

Nhưng các tài liệu đem bán đấu giá này được Đức Hồng y Domenico Svampa, Tổng Giám Mục của Bologna lúc đó, cất giữ.

Ngoài bản kiểm phiếu, còn có một lá phiếu kèm theo thông báo được Đức Hồng y Svampa ký tên trên mặt trái khẳng định ngài đã bỏ phiếu cho Đức Hồng y Sarto. Tài liệu này sau đó được một nhà báo người Ý sưu tầm.

“Có thể Đức Hồng y Svampa cất giữ lá phiếu có viết thông báo trên đó để làm bằng chứng ngài bỏ phiếu bầu Đức Hồng y Sarto không phải là vì tuân theo lệnh phủ quyết của hoàng đế nhưng là quyết định ngài tự đưa ra ngay từ đầu mật tuyển viện”, nhà bán đấu giá giải thích.

“Có thể là một động thái chính trị tốt vì Đức Hồng y Sarto đã trở thành Giáo Hoàng”.

Nguồn: The Telegraph

Trích từ UCANEWS VN

Buổi cầu nguyện cho hòa bình do ĐTC Phanxicô triệu tập tại Vatican

Buổi cầu nguyện cho hòa bình do ĐTC Phanxicô triệu tập tại Vatican

Pope host Shimon Peres, Abbas

VATICAN. Chiều chúa nhật 8-6-2014 là một ngày lịch sử trong hơn 60 năm chiến tranh giữa người Israel và Palestine: lần đầu tiên hai vị tổng thống của hai dân tộc này gặp gỡ nhau trong một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông và thế giới.

Cuộc gặp gỡ cầu nguyện hòa bình này diễn ra theo lời mời của ĐTC Phanxicô ngày 25-5 năm nay trong cuộc viếng thăm của ngài tại Bethlehem của Palestine và tại Tel Aviv của Israel.

Hai tổng thống Shimon Peres và Mahmoud Abbas, cũng gọi là Abu Mazen, đã nhận lời mời và ĐTC cũng mời Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantiple bên Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là đứng đầu của các vị Thượng Phụ Chính Thống.

Đức Thượng Phụ Bartolomaios có mặt tại Vatican từ chiều thứ bẩy 7-6, còn hai vị Tổng thống đã đến Vatican chiều chúa nhật và được ĐTC tiếp và hội kiến riêng tại Nhà Trọ thánh Marta nơi ngài cư ngụ. Lúc gần 7 giờ, Đức Thượng Phụ đến chào hai vị Tổng thống và cả 4 vị cùng đi xe minibus ra sân cỏ hình tam giác trong vườn Vatican cạnh Trụ sở Hàn lâm viện khoa học của Tòa Thánh và Bảo tàng viện Vatican. Sân cỏ có hai hàng cây cao ở hai bên.

Tại đây đã có 3 phái đoàn của 2 vị Tổng thống và của ĐTC chờ sẵn, mỗi đoàn gồm từ 15 đến 20 vị. Trong 20 vị thuộc đoàn của ĐTC, ngoài Đức Thượng Phụ Bartolomaios là khách mời, còn có ĐHY quốc vụ khanh Parolin, các vị HY chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đối thoại liên tôn, hiệp nhất các tín hữu Kitô, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công Giáo Đông Phương, cha Pizzaballah, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa và cũng là người phối hợp chính của buổi cầu nguyện này. Ngoài ra, còn có một ban nhạc gồm 5 người, một số là người Do thái, chơi các nhạc khí giúp suy niệm giữa các bài đọc và các lời khẩn cầu hòa bình.

Chương trình cầu nguyện diễn ra lần lượt theo thứ tự: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, với phần âm nhạc, kinh nguyện, suy tư và khẩn cầu hòa bình. Cả ba đều theo cùng một cơ cấu: trước tiên là ca ngợi Thiên Chúa Đấng sáng tạo và ban cho con người công trình tạo dựng của ngài, tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa, tiếp đến là lời khẩn cầu ơn tha thứ vì những tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân, đã không cư xử với nhau như anh chị em con của cùng một cha, và sau cùng là khẩn cầu Thiên Chúa ban bình an cho Thánh Địa, cho Trung Đông và thế giới.

PHÁT BIỂU
Trong phần cuối, hai vị Tổng thống lần lượt lên tiếng và nói lên những lời nguyện cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình. Tổng thống Shimon Peres gọi việc ĐTC Phanxicô mời gọi thực hiện buổi khẩn cầu hòa bình này là một lời mời đặc biệt và ông nói với ĐTC: ”Trong cuộc viếng thăm lịch sử của ngài tại Thánh Địa, ngài đã làm cho chúng tôi cảm động vì tâm hồn nồng nhiệt, các ý hướng chân thành, sự khiêm tốn và nhã nhặn. Ngài đã đánh động tâm hồn dân chúng, không phân biệt tín ngưỡng và quốc tịch. Ngài như một người xây dựng những nhịp cầu huynh đệ và hòa bình. Tất cả chúng tôi đều cần những gợi hứng của ngài”. Và tổng thống nói thêm rằng; ”Khi tôi còn là một thiếu niên 9 tuổi, tôi đã nhớ đến chiến tranh! Không bao giờ nữa, không bao giờ nữa!”

Tổng thống Abu Mazen, trong lời phát biểu cũng cám ơn ĐTC vì lời mời và cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại Thánh Địa, đặc biệt là tại thành thánh Jerusalem và Bethlehem của chúng tôi, và Tổng Thống dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện: xin cho sự thật, hòa bình và công lý được thể hiện tại quê hương Palestine của con, trong vùng và trên toàn thế giới. Lạy Chúa con khẩn cầu, xin Chúa làm cho tương lai dân tộc chúng con được thịnh vượng và đầy hứa hẹn, với tự do của một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Lạy Chúa, xin ban cho vùng chúng con và dân tộc trong vùng này được an ninh, được cứu thoát và được ổn định. Xin Chúa cứu thành thánh Jerusalem được chúc phúc của chúng con”. Tổng thống cũng nhắc lại lời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: ”Nếu hòa bình được thực hiện tại Jerusalem thì hòa bình cũng sẽ được chứng thực trên toàn thế giới”.

PHÁT BIỂU VÀ KINH NGUYỆN CỦA ĐTC

Về phần ĐTC, trong bài phát biểu và kinh nguyện, ngài nói:

Kính thưa hai vị Tổng Thống, Đức Thượng Phụ và anh chị em!

Tôi rất vui mừng chào quí vị và tôi đáp lại quí vị cũng như các phái đoàn tháp tùng quí vị sự tiếp đón nồng nhiệt mà quí vị đã dành cho tôi trong cuộc hành hương mới đây tại Thánh Địa.

”Tôi thành tâm cám ơn quí vị đã nhận lời mời đến đây để cùng nhau khẩn cầu Thiên Chúa hồng ân hòa bình. Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ này là một con đường tìm kiếm những gì nối kết, để vượt thắng những gì gây chia rẽ.

Và tôi cám ơn Đức Thượng Phụ, Bartolomeo, người Anh đáng kính đã đến đây để cùng với tôi đón tiếp các vị khách quí này. Sự tham dự của Đức Thượng Phụ là một món quà lớn, một sự nâng đỡ quí giá và là chứng tá về con đường mà chúng ta đang thực hiện với tư cách là Kitô hữu để tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn.

Thưa nhị vị Tổng Thống, sự hiện diện của quí vị là một dấu chỉ lớn nói lên tình huynh đệ quí vị đang thực thi trong tư cách là con cháu Abraham, và biểu lộ cụ thể lòng tín thác nơi Thiên Chúa, là Chủ Tể của lịch sử, ngày hôm nay Cúa đang nhìn chúng ta như anh em với nhau và ước muốn dẫn đưa chúng trên những con đường của Ngài.

Cuộc gặp gỡ này của chúng ta, khẩn cầu hòa bình cho Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới được tháp tùng bằng lời cầu nguyện của rất nhiều người, thuộc các nền văn hóa, tổ quốc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau: những ngừơi đã cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này và giờ đây họ liên kết với chúng ta trong cùng một lời khẩn cầu. Đây là một cuộc gặp gỡ đáp ứng ước muốn nồng nhiệt của bao nhiêu người đang khao khát hòa bình và mơ ước một thế giới trong đó mọi người nam nữ có thể sống như anh chị em với nhau chứ không phải như đối thủ hoặc kẻ thù.

Thưa nhị vị Tổng Thống, thế giới là một gia sản mà chúng ta đã nhận lãnh từ tiền nhân: đúng vậy, nhưng đó cũng là một của mượn của con cháu chúng ta: những ngừơi con đã mỏi mệt và kiệt lực vì những cuộc xung đột và mong ước đạt tới bình minh hòa bình; những ngừơi con đang yêu cầu chúng ta phá đổ những bức tường thù hận và tiến bước trên con đường đối thoại và hòa bình để tình thương và tình thân hữu chiến thắng.

Nhiều người, rất tiếc là quá nhiều người con ấy đã ngã gục như nạn nhân vô tội của chiến tranh và bạo lực, họ như những cây đầy sức sống bị nhổ bỏ. Nghĩa vụ của chúng ta là làm sao để sự hy sinh của họ không vô ích. Việc tưởng niệm họ đổ tràn trong chúng ta lòng can đảm hòa bình, sức mạnh kiên trì trong đối thoại với bất kỳ giá nào, sự kiên nhẫn kết dệt mỗi ngày những đường chỉ ngày càng vững mạnh để dệt lên một cuộc sống chung hòa bình trong sự tôn trọng nhau và an bình, để làm vinh danh Thiên CHúa và mưu ích cho mọi người.

Lịch sử dạy chúng ta rằng sức riêng của chúng ta vẫn không đủ. Hơn một lần chúng ta đến gần hòa bình, nhưng ma quỉ bằng nhiều phương thế, đã ngăn cản được hòa bình. Vì thế, chúng ta ở đây, là vì chúng ta biết và tin rằng chúng ta cần ơn phù trợ của Thiên Chúa, Chúng ta không từ khước trách nhiệm của mình, nhưng chúng ta cầu khẩn Thiên Chúa như một hành vi trách nhiệm tối cao, đứng trước lương tâm chúng ta và trước dân tộc chúng ta. Chúng ta đã nghe một lời kêu gọi, và chúng ta phải đáp lại: lời kêu gọi phá vỡ cái vòng lẩn quẩn bạo lực và oán thù, phá vỡ nó bằng một lời duy nhất, đó là ”người anh em”. Nhưng để nói lời này, tất cả chúng ta phải hướng cái nhìn lên Trời, nhìn nhận mình là con cái của người Cha duy nhất.

Trong Thánh Linh của Chúa Giêsu Kitô, tôi dâng lên Chúa Cha, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, người con của Thánh Địa và là Mẹ chúng ta.

Và ĐTC dâng lời khẩn nguyện:

”Lạy Thiên Chúa hòa bình, xin lắng nghe lời khẩn nguyện của chúng con!

”Bao nhiêu lần và trong bao nhiêu năm, chúng con đã cố gắng giải quyết các cuộc xung đột bằng sức riêng của chúng con và kể cả bằng võ khí: bao nhiêu thời điểm đố kỵ và tăm tối: bao nhiêu máu đã đổ ra; bao nhiêu sinh mạng bị đốn ngã; bao nhiêu hy vọng bị chôn vùi.. Nhưng những nỗ lực của chúng con vô ích. Giờ đây, lạy Chúa, xin giúp chúng con! Xin ban hòa bình cho chúng con, xin dạy chúng con hòa bình, xin Chúa hướng dẫn chúng con tiến về hòa bình. Xin mở mắt và tâm trí chúng con và ban cho chúng con niềm can đảm nói rằng: ”Không bao giờ chiến tranh nữa!”; với chiến tranh tất cả bị hủy hoại!” Xin đổ tràn trong chúng con lòng can đảm thực thi những cử chỉ cụ thể để kiến tạo hòa bình, lạy Chúa, là Thiên Chúa của Abraham và của các Ngôn Sứ, Thiên Chúa Tình Thương Đấng đã tạo dựng chúng con và kêu gọi chúng con sống với nhau như anh em, xin ban cho chúng con khả năng từ nhân nhìn mọi anh chị em chúng con gặp trên đường. Xin làm cho chúng con sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu của các công dân chúng con, yêu cầu chúng con biết các võ khí của mình thành những dụng cụ hòa bình, biến sự sợ hải thành tín nhiệm và những căng thẳng của chúng con thành tha thứ. Xin giữ cho ngọn lửa hy vọng trong chúng con được luôn cháy sáng để kiên nhẫn bền chí thực hiện những chọn lựa đối thoại và hòa giải để hòa bình sau cùng được chiến thắng. Và từ tâm lòng mỗi người, ước gì những lời này bị khai trừ: chia rẽ, oán thù, chiến tranh! Lạy Chúa, xin giải giáo miệng lưỡi và đôi tay chúng con, xin đổi mới tâm trí chúng con để lời làm cho chúng con gặp gỡ nhau luôn luôn là lời ”anh em” và lối sống của chúng con trở thành: shalom, hòa bình, salam! Amen.

Cuối buổi cử hành dài 1 tiếng rưỡi, ĐTC, 2 Tổng Thống và Đức Thượng Phụ đứng cạnh nhau và các phái đoàn tiến qua để chào các vị.

Bốn vị cũng cùng nhau trồng một cây Olive để lưu niệm, trước khi tiến vào trụ sở Hàn lâm viện khoa học Tòa Thánh cạnh đó, để gặp gỡ riêng.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Pope Francis celebrates Pentacost mass 06-08-2014

VATICAN. ĐTC Phanxicô giải thích cho các tín hữu về 3 hoạt động của Chúa Thánh Linh đối với các tín hữu: dạy dỗ, nhắc nhớ và làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa và tha nhân.

Trên đây là nội dung bài giảng của ĐTC trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, sáng chúa nhật 8-6-2014 tại Đền thờ Thánh Phêrô, cùng với 90 Hồng Y, GM và 200 LM đồng tế, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Bài giảng của ĐTC

”Tất cả được tràn đầy Chúa Thánh Thần” Cv 2,4).

Khi nói với các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói rằng sau khi rời khỏi thế giới này, Ngài sẽ gửi đến họ hồng ân của Chúa Cha, tức là Thánh Linh (Xc Ga 15,26). Lời hứa này được thể hiện mạnh mẽ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Linh ngự xuống trên các môn đệ tụ họp tại Nhà Tiệc Ly. Sự đổ tràn Thánh Linh ấy, tuy là ngoại thường, nhưng không phải là xảy ra một lần duy nhất và giới hạn vào lúc ấy, nhưng là một biến cố đã và vẫn còn được tái diễn. Chúa Kitô vinh hiển ở bên hữu Chúa Cha tiếp tục thực hiện lời hứa, gửi đến Giáo Hội Thánh Linh ban sự sống, Người dạy dỗ, nhắc nhớ và làm cho chúng ta nói.

– Chúa Thánh Linh dạy dỗ chúng ta, Người là Thầy nội tâm. Người hướng dẫn chúng ta trên đường ngay nẻo chính qua những hoàn cảnh của cuộc sống. Người chỉ đường cho chúng ta. Trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, Kitô giáo được gọi là ”con đường”, là ”đạo” (Xc Cv 9,2) và chính Chúa Giêsu là Đường. Chúa Thánh Linh dạy chúng ta bước theo Chúa Giêsu, tiến bước theo vết của Ngài. Thánh Linh là thầy dậy cuộc sống hơn là thầy dậy đạo lý. Và thuộc về cuộc sống chắc chắn cũng có sự hiểu biết, kiến thức, nhưng trong một chân trời rộng lớn và hòa hợp hơn của đời sống Kitô.

Chúa Thánh Linh nhắc nhớ chúng ta, Người nhắc nhở chúng ta về tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói. Đó là ký ức sinh động của Giáo Hội. Và trong khi nhắc nhở chúng ta, Người làm cho chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu.
ĐTC giải thích rằng:

”Việc nhắc nhớ này trong Thánh Linh và nhờ Thánh Linh không thu hẹp vào một sự kiện ký ức, và là một khía cạnh thiết yếu trong sự hiện diện của Chúa Kitô nơi chúng ta và trong Giáo Hội. Thánh Thần chân lý và tình thương nhắc nhớ chúng ta về tất cả những gì Chúa Kitô đã nói, làm cho chúng ta ngày càng đi sâu vào trọn vẹn ý nghĩa những lời của Chúa. Điều này đòi chúng ta phải đáp lại: hễ chúng ta càng quảng đại đáp lại, thì lời Chúa Giêsu càng trở thành sự sống trong chúng ta, trở thành những thái độ, chọn lựa, cử chỉ, chứng tá. Nói tóm lại, Chúa Thánh Linh nhắc nhớ chúng ta về giới răn yêu thương, và kêu gọi chúng ta hãy sống giới răn ấy.
Một Kitô hữu không có ký ức thì không phải là một Kitô hữu chân chính: họ là một người nam nữ tù nhân của thời điểm hiện tại, không biết biến lịch sử của mình thành kho tàng, không biết đọc và sống lịch sử ấy như lịch sử cứu độ. Trái lại, với ơn phù trợ của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể giải thích những soi sáng nội tâm và những biến cố của cuộc sống dưới ánh sáng lời Chúa Giêsu. Và như thế sự khôn ngoan của ký ức, sự khôn ngoan của con tim, sẽ tăng trưởng trong chúng ta và đó là một hồng ân của Thánh Linh. Xin Chúa Thánh Linh hồi sinh trong tất cả chúng ta ký ức Kitô giáo!

”Chúa Thánh Linh dạy dỗ chúng ta, nhắc nhớ cho chúng ta – và một điểm khác nữa, Người làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa và với con người. Kinh nguyện là một hồng ân chúng ta nhận được nhưng không; đó là cuộc đối thoại với Chúa trong Thánh Linh, là Đấng cầu nguyện trong chúng ta và để chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa, gọi Chúa là Cha, là Ba, là Abba (Xc Rm 8,15; Gl 4,4); và điều này không phải chỉ là ”một kiểu nói”, nhưng là thực tại, chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa. ”Thực vậy, tất cả những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, thì họ là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).

Và Thánh Linh làm cho chúng ta nói với con người trong cuộc đối thoại huynh đệ. Người giúp chúng ta nói với tha nhân, nhìn nhận họ là anh chị em; diễn tả với tinh thần thân hữu, dịu dàng, hiểu những lo âu và hy vọng, buồn sầu và vui mừng của tha nhân. Nhưng Chúa Thánh Linh cũng làm cho chúng ta nói với con người như ngôn sứ, nghĩa là biến chúng ta thành những ”máng” khiêm tốn và ngoan ngoãn chuyển Lời Chúa. Lời ngôn sứ được thực hiện trong sự thẳng thắn, để công khai chứng tỏ những mâu thuẫn và bất công nhưng luôn luôn với sự dịu dàng và ý hướng xây dựng. Được Thánh Thần tình thương thấu nhập, chúng ta có thể là dấu hiệu và là dụng cụ của Thiên Chúa, Đấng yêu thương, phục vụ và trao ban sự sống.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Nói tóm lại, Chúa Thánh Linh dạy chúng ta con đường, nhắc nhớ và giải thích cho chúng ta Lời Chúa Giêsu; Người làm cho chúng ta cầu nguyện và gọi Thiên Chúa là Cha, làm cho chúng ta nói với con người trong cuộc đối thoại huynh đệ và như ngôn sứ.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi các môn đệ ”được tràn đầy Thánh Linh”, Giáo Hội được chịu phép rửa, được sinh ra ”để đi ra”, ”khởi hành” để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông Đồ: họ không được rời xa khỏi thành Jerusalem trước khi lãnh nhận từ trên cao Sức Mạnh của Chúa Thánh Linh (Xc Cv 1,4.8). Không có Người thì không có sứ vụ truyền giáo, không có việc loan báo Tin Mừng. Vì thế cùng với Giáo Hội chúng ta hãy kêu cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân, đã có 5 ý nguyện được xướng lên lần lượt bằng tiếng Aramaico là ngôn ngữ Chúa Giêsu đã dùng xưa kia, tiếng Pháp, Ucraina, Anh và Hoa: Cầu cho Giáo Hội: Xin Chúa Thánh Linh làm cho Giáo Hội ngày càng trở thành cộng đoàn từ bi và tha thứ và dẫn đưa mọi người đến niềm hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa; cầu cho ĐTC và tất cả những người rao giảng Tin Mừng: Xin Chúa Thánh Linh giữ gìn cuộc sống của các vị được hoàn toàn giống hy tế mà các vị dâng tiến và với chân lý mà các vị loan báo; cầu cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất và các nhà cầm quyền: Xin Chúa Thánh Linh khơi lên những người có khả năng tiến bướctrên con đường cam go và cao cả đối thoại, công lý và hòa giải; cầu cho những người nghèo khổ và cô đơn: Xin Chúa Thánh Linh mở cửa hy vọng cho những người bị thương tích trong thân thể và tinh thần, khơi dậy nơi mọi người những tâm tình và thái độ bác ái chân chính; cầu cho các thừa sai: Xin Chúa Thánh Linh là nguồn mạch mọi sứ vụ trong Giáo Hội, làm cho những người được kêu gọi loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng về Chúa Phục Sinh được vững mạnh và quảng đại.

Trong phần rước lễ có 70 LM đồng tế thi hành nhiệm vụ phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu hiện diện.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi và nửa tiếng sau đó, vào lúc đúng ngọ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ của căn hộ Giáo Hoàng để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với khoảng 50 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp.

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, ĐTC tiếp tục diễn giải về ý nghĩa biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống:

”Anh chị em thân mến, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tưởng niệm việc Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trên các Tông Đồ tụ họp tại Nhà Tiệc Ly. Cũng như Lễ Phục Sinh là một biến cố xảy ra trong lễ của Do thái giáo và được viên mãn lạ lùng, sách Tông Đồ công vụ mô tả các dấu hiệu và thành quả ngoại thường của việc đổ tràn ơn Thánh Linh: gió thổi mạnh và những hình lưỡi lửa; sợ hãi biến mất và nhường chỗ cho can đảm: ngôn ngữ không còn bị ràng buộc và tất cả mọi người đều hiểu lời loan báo. Nơi nào Thánh Linh của Thiên Chúa đến, thì tất cả được tái sinh và biến đổi. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh dấu sự khai sinh Giáo Hội và Giáo Hội xuất hiện công khai; có hai nét làm cho chúng ta chú ý: đó là một Giáo Hội gây ngạc nhiên và làm lúng túng.

”Một yếu tố cơ bản của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là sự ngạc nhiên. Chẳng ai mong đợi nơi các môn đệ điều gì nữa: sau khi Chúa Giêsu chịu chết, họ là một nhóm nhỏ chẳng có gì đáng kể, họ là những người mồ côi thất bại với Thầy họ. Trái lại xảy ra một biến cố bất ngờ làm cho mọi người ngỡ ngàng: dân chúng bối rối ngạc nhiên vì mỗi người nghe các môn đệ nói trong ngôn ngữ của họ, kể lại những kỳ công của Thiên Chúa (Xc Cv 2,6-7.11). Giáo hội sinh ra trong ngày Lễ Hiện Xuống là một cộng đoàn làm cho người ta kinh ngạc, vì với sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Giáo Hội loan báo một sứ điệp mới – là sự phục sinh của Chúa Kitô – với một ngôn ngữ mới – ngôn ngữ đại đồng của tình thương. Các môn đệ được quyền năng từ trên cao, can đảm và thẳng thắn nói với tự do của Chúa Thánh Linh.

Vì thế Giáo Hội được kêu gọi luôn luôn là Giáo Hội: có khả năng gây ngạc nhiên khi loan báo cho mọi người rằng Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết, vòng tay của Thiên Chúa luôn mở rộng, Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để chữa lành và tha thứ cho chúng ta. Chính vì sứ mạng này, Chúa Giêsu phục sinh đã ban Thần Trí của Ngài cho Giáo Hội.

Ở Jerusalem có những người muốn các môn đệ của Chúa Giêsu bị sợ hãi ngăn chặn và khép kín trong nhà để khỏi gây phiền toái. Trái lại, Chúa phục sinh thúc đẩy họ vào thế giới: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Giáo Hội của lễ Hiện Xuống là một Giáo Hội không cam chịu là một cái gì vô thưởng vô phạt, hoặc là một thứ đồ trang trí. Trái lại đó là một Giáo Hội không do dự đi ra ngoài, gặp gỡ dân chúng, để loan báo sứ điệp đã được Chúa ủy thác cho họ, cho dù sứ điệp ấy làm phiền phức và làm cho các lương tâm bất an. Giáo Hội nảy sinh là duy nhất và phố quát, với căn tính rõ ràng, nhưng cởi mở, một Giáo Hội bao gồm cả thế giới, nhưng không nắm bắt thế giới, như vòng cung của Quảng trường này: hai vòng tay mở rộng để đón nhận, chứ không khép kín để giữ lại.

”Chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, trong buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần trong Nhà Tiệc Ly, cùng với các môn đệ. Nơi Mẹ, sức mạnh của Chúa Thánh Linh đã thực hiện những việc cao cả (Lc 1,49). Xin Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Chuộc và là Mẹ Giáo Hội, chuyển cầu để hồng ân của Chúa Thánh Linh tái đổ tràn trên Giáo Hội và thế giới.

”Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương, từ Roma và các nơi, các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn và từng tín hữu từ Italia và các nước khác.

Ngài cũng thông báo: Như anh chị em đã biết, chiều tối hôm nay, tại Vatican, Tổng thống Israel và Palestine sẽ hiệp với tôi và Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, Bartolomaios, để cầu xin Chúa ban hồng ân hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới. Tôi muốn cám ơn tất cả những người, cá nhân và cộng đoàn, đã va đang cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ này, và sẽ hiệp ý cầu nguyện với chúng tôi. Xin cám anh chị em và cầu chúc một chúa nhật tốt đẹp..

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio